1. Đánh túi bụi một linh mục 10 tiếng đồng hồ trước lễ tấn phong Giám Mục

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, trong bản tin hôm 28 tháng 7, cho biết Trung Quốc đồng ý cho tấn phong một Giám Mục nhưng trước đó một linh mục bị đánh đập trong suốt 10 giờ đồng hồ để buộc phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Cha Lý Huy (Li Hui, 李辉) vừa được tấn phong Giám Mục Phó của giáo phận Bình Lương (Pingliang, 平凉),tỉnh Cam Túc (Gansu,甘肃). Lễ tấn phong được cử hành hôm 28 tháng7 tại nhà thờ chính tòa của giáo phận địa phương. Buổi lễ được chủ trì bởi Mã Anh Lâm (Ma Yinglin, 馬英林) giám mục Côn Minh (Kunmin, 昆明) tỉnh Vân Nam (Yunnan, 云南), chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc và phó chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Hai tổ chức này, được gọi chung là “liang hui”, phiên âm ra tiếng Việt là Lương Huy, (tiếng Tầu là 梁辉), thuộc “Giáo hội Quốc Doanh” do Đảng Cộng sản Trung Quốc thao túng, và đến nay Tòa Thánh vẫn không nhìn nhận hai cơ quan này.

Các giám chức khác tham gia trong buổi lễ gồm có Đức Cha Nicôla Hàn Ki Đức (Han Jide, 韩纪德)là giám mục chính tòa Bình Lương, ông Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai - 郭金才), giám mục giáo phận Thừa Đức (Chengde,承德) tỉnh Hà Bắc (Hebei,河北) và ông Giuse Hàn Chí hải (Han Zhihai,韩志海), tổng giám mục Lan Châu (Lanzhou,兰州) tỉnh Cam Túc (Gansu,甘肃). Đức Cha Nicôla Hàn Ki Đức sinh năm 1940, được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Thầm Lặng ngày 3 tháng Tư 1985. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Bình Lương vào ngày 19 tháng 9 năm 1996 và chính thức làm Giám Mục Bình Lương ngày 16 tháng Tư, 1999 sau khi chấp nhận gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Theo đúng các thủ tục chỉ có trong nghi lễ tấn phong Giám Mục ở Hoa Lục, linh mục Dương Vũ (Yang Yu, 杨宇) Phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Trung Quốc, đọc thư chấp thuận của Hội Công Giáo Yêu Nước, sau đó linh mục Lý Huy tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính sách Trung Hoa Hóa Giáo Hội tại đây. Hơn 30 linh mục và 20 nữ tu hiện diện trong thánh đường, cũng như đại diện các Hội Ái hữu và tín hữu trong giáo phận.

Việc tấn phong Giám Mục cho Cha Lý Huy phù hợp với thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc. Đây là lần tấn phong thứ ba sau khi thỏa thuận này được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái. Lần tấn phong đầu tiên liên quan đến linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), Sơn Đông (Shandong, 山东) vào ngày 23 tháng 11 năm ngoái, 2020. Lần tấn phong thứ hai liên quan đến linh mục Phêrô Lưu Căn Châu (Liu Genzhu, 刘根珠) được tấn phong làm giám mục giáo phận Hồng Đông – Lâm Phần (Hongdong-Linfen, 洪东-临汾) thuộc tỉnh Sơn Tây hôm thứ Ba 22 tháng 12 năm ngoái, 2020.

Tân Giám mục Lý Huy sinh năm 1972 tại Mai Huyện (Meixian, 梅县) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi, 陕西). Ngài vào chủng viện dự bị của giáo phận Bình Lương năm 1990 và tốt nghiệp Học viện Triết học và Thần học Công Giáo Trung Quốc năm 1996. Cùng năm, ngài được thụ phong linh mục và sau đó theo học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc thường được gọi tắt là Renmin, ở quận Hải Điện (Haidian, 海淀) của Bắc Kinh. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phó của Bình Lương vào ngày 24 tháng 7.

Một ngày trước lễ tấn phong Giám Mục cho Cha Lý Huy, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết Cha Giuse Lưu ở giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建) đã bị cảnh sát tạm giữ vì từ chối gia nhập Giáo hội Quốc Doanh. Theo nguồn tin của AsiaNews, vì thái độ bất khuất của mình, vị linh mục đã phải chịu bạo lực khủng khiếp: “Sau 10 giờ tra tấn, sáu tên công an đã nắm tay ngài và buộc ngài phải ký giấy gia nhập. Việc đàn áp Giáo Hội Công Giáo vẫn chưa dừng lại”.

Việc Cha Lưu bị bắt cho thấy thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục không hề cải thiện tình hình của Giáo Hội tại Hoa Lục, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các nhân sự tôn giáo.

Hôm 15 tháng 7, Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã lên tiếng báo động về tình trạng của Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱). Ngài bị bắt hồi cuối tháng 5 vừa qua. Đến nay, vẫn chưa biết ngài bị giam cầm tại đâu.
Source:Asia News

2. John Allen: Ngày thứ nhất của phiên tòa lớn nhất trong lịch sử Vatican cận đại đặt ra nhiều câu hỏi

John Allen, nhà báo kỳ cựu về các vấn đề liên quan đến Vatican, vừa có bài nhận định đăng trên tờ Crux nhan đề “Day 1 of Vatican mega-trial begs question: Are prosecutors, judges out of their depth?”, nghĩa là “Ngày thứ nhất của phiên tòa rất lớn của Vatican đặt ra câu hỏi: Phải chăng các công tố viên, và các thẩm phán không đủ chuyên môn?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Có thể dự đoán được và là điều không thể tránh khỏi là “phiên tòa thế kỷ” của Vatican nhằm xét xử cáo buộc gian lận và tham nhũng chống lại Đức Hồng Y Angelo Becciu và chín cá nhân khác cộng với ba công ty, và với sự tham gia của luật sư đại diện cho các bên liên quan khác như Phủ Quốc Vụ Khanh, bắt đầu vào hôm thứ Ba với một sự lề mề hơn là một tiếng nổ đinh tai.

Hôm thứ Ba, 30 luật sư đã chen chúc nhau trong một phòng xử án tạm được đặt bên trong Viện bảo tàng Vatican, 27 người trong số họ là luật sư bào chữa, và không ai trong số họ được trả tiền để ngồi ung dung không làm gì cả. Họ sẽ đệ trình các kiến nghị, đưa ra các phản đối, thách thức các yêu cầu của các công tố viên v.v. và kết quả sẽ là một loạt các quyết định mà hội đồng ba vị thẩm phán sẽ phải đưa ra, tất cả đều sẽ mất thời gian.

Than ôi, đây không phải là “Luật Lệ và Trật tự” Vatican mong đợi. Sẽ không có thông báo nhanh chóng nào trong vòng một giờ - phiên tòa này, đã được hoãn lại cho đến ngày 5 tháng 10, có thể sẽ kéo dài trong phần lớn mùa thu và có thể xa hơn nữa.

Đây là một tiến trình lịch sử, không chỉ vì đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị truy tố và xét xử theo luật của Quốc gia Thành phố Vatican, mà còn vì đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị phán xét bởi các thẩm phán giáo dân chứ không phải bởi các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn. Đó là kết quả của một cuộc cải cách do Đức Thánh Cha Phanxicô ra quyết định vào cuối tháng Tư, một cuộc cải cách mà hầu hết các nhà quan sát cảm thấy là nhằm tạo tiền đề cho việc truy tố Hồng Y Becciu.

Mặc dù bản cáo trạng dài 500 trang do Chưởng Lý, nghĩa là công tố viên của Vatican, viện dẫn nhiều tội danh, nhưng hầu hết tập trung vào một thương vụ bất động sản phức tạp trị giá 400 triệu đô la ở London của Phủ Quốc Vụ Khanh bắt đầu vào năm 2014. Theo các công tố viên, có sự mờ ám. Các nhà tài phiệt người Ý đã thông đồng với Hồng Y Becciu và những người khác trong hệ thống để bòn rút của Vatican những khoản phí cắt cổ, là một phần của những gì họ cho là “hệ thống săn mồi và sinh lợi thối nát” do Hồng Y Becciu điều hành với tư cách là cựu chánh văn phòng của Đức Giáo Hoàng.

Ngay cả vụ xử Vatileaks II đầy sóng gió vào năm 2016 cũng nhạt nhòa so với mức độ phức tạp của vụ này. Lúc đó, chỉ có 5 bị cáo, chứ không phải 13 người như lần này, và mặc dù một số người trong số họ giữ vị trí cao trong ngành báo chí (hai người thực sự là nhà báo), không ai có sức nặng như một vị Hồng Y đang tại vị, hoặc thậm chí như luật sư Thụy Sĩ René Brülhart, cựu lãnh đạo Cơ quan Thông tin Tài chính của Vatican và là một nhân vật nổi tiếng toàn cầu trong giới quản lý tài chính.

Một cái nhìn thoáng qua về những vấn đề đau đầu liên quan đến thủ tục - và, có lẽ, là những cố gắng rất lớn trong hệ thống Vatican có thể thấy được - từ một kiến nghị được đệ trình hôm thứ Ba bởi luật sư Luigi Panella, một luật sư hình sự nổi tiếng ở Rôma đại diện cho Enrico Crasso, một cựu quan chức tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh và là một trong các bị cáo trong vụ án. Đề nghị của Panella đã được các luật sư bào chữa khác ủng hộ.

Panella lập luận rằng các cáo trạng chống lại Crasso và những người khác nên được hủy bỏ vì những thất bại trong tiến trình trao đổi thông tin [từ luật học gọi là failures of discovery], có nghĩa là các công tố viên phải có nghĩa vụ pháp lý là giao tất cả các tài liệu liên quan và danh sách các nhân chứng cho luật sư bào chữa một cách kịp thời.

Panella cung cấp các thông tin tiêu biểu sau đây:

Ngày thứ Bảy 3 tháng 7: Các luật sư bào chữa được thông báo về các cáo trạng và rằng họ có thể xem xét tất cả các tài liệu và sao chép chúng tại văn phòng của tòa án Vatican. Hạn chót được đặt ra để xem tất cả các tài liệu mà họ muốn sử dụng trong vụ kiện là vào lúc 12:30 trưa ngày 23 tháng 7.

Ngày 5 tháng 7: Các luật sư bào chữa có mặt tại văn phòng tòa án vào thứ Hai tuần sau đó, chỉ để được thông báo rằng các tài liệu vẫn chưa sẵn sàng.

Ngày 7 tháng 7: Hai ngày sau, tất cả các luật sư bào chữa nộp đơn đề nghị có thêm thời gian để chuẩn bị tài liệu bào chữa vì thực tế là họ chưa được tiếp cận với các cáo trạng, đồng thời yêu cầu hoãn phiên điều trần hôm thứ Ba 27 tháng 7.

Ngày 9 tháng 7: Sáu ngày sau, các luật sư bào chữa nhận được các tài liệu hỗ trợ cho bản cáo trạng, khoảng 29,000 trang gồm các bản ghi nhớ, bản sao báo cáo của các ngân hàng, hồ sơ các cuộc phỏng vấn truy tố, v.v. Tuy nhiên, hóa ra là một số hồ sơ điện toán bị thiếu hoặc không thể mở được.

Ngày 14 tháng 7: Các luật sư bào chữa nhận được một bản sao mới của các tài liệu hỗ trợ để giải quyết các vấn đề của đợt đầu tiên, nhưng một số hồ sơ điện toán bị thiếu vẫn còn thiếu. Panella đã trích dẫn tài liệu thu được từ chính phủ Thụy Sĩ như một phần của cuộc điều tra để cho thấy hồ sơ cho biết có chín ổ USB chứa đầy tài liệu như vậy, nhưng nó không có trong các tài liệu được đưa ra cho các luật sư bào chữa.

Ngày 15 tháng 7: Các luật sư bào chữa lại đệ trình một kiến nghị yêu cầu lùi thời hạn và phiên điều trần ngày 27 tháng 7.

Ngày 15 tháng 7: Tòa án thông báo với các luật sư rằng phiên điều trần ngày 27 tháng 7 sẽ diễn ra theo kế hoạch, để giải quyết các vấn đề thủ tục đã đưa ra.

Ngày 23 tháng 7: Panella nói trong bản tóm tắt rằng tính đến ngày hôm qua, nhiều tài liệu thu được trong quá trình điều tra vẫn chưa được cung cấp cho các luật sư bào chữa.

Về phương diện khả năng làm cho các chuyến tàu chạy đúng giờ, đây không phải là một khởi đầu tốt.

Sau phiên điều trần hôm thứ Ba, tòa án đã ra lệnh cho các công tố viên xuất trình tất cả các tài liệu còn thiếu trước ngày 10 tháng 8, bao gồm cả các tài liệu được trích dẫn bởi các luật sư bào chữa. Cũng trước ngày 10 tháng 8, các công tố viên phải nộp bản ghi âm nghe nhìn của tất cả các cuộc phỏng vấn được tiến hành như một phần của cuộc điều tra, bao gồm cả lời khai của Đức ông Alberto Perlasca, một cựu quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh, người từng là nghi phạm nhưng sau đó đã trở thành người cung cấp thông tin.

Tòa án cũng đã cho các luật sư bào chữa một hạn chót là ngày 10 tháng 8 để có thể yêu cầu bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào khác và cho biết các công tố viên sẽ phải đáp ứng các yêu cầu này hạn chót là ngày 21 tháng 9. Trong khi đó, các luật sư bào chữa có thể nộp các tài liệu riêng của họ cho tòa án chậm nhất là vào ngày 4 tháng 8.

Thời gian sẽ trả lời liệu một nhóm nhỏ các công tố viên và thẩm phán ở Vatican có thực sự đủ khả năng quản lý sự phức tạp của một phiên tòa ở quy mô này, với nhiều phần đang chao đảo hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hy vọng rằng họ đủ khả năng, bởi vì sự thật là giống như bản thân Hồng Y Becciu, ngài trông đợi vào kết quả phiên xử này. Hồng Y Becciu sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền nếu vị Hồng Y này bị kết tội, nhưng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, điều quan trọng là sự liêm chính trong cải cách tài chính của ngài.

Nếu quá trình này được coi là công bằng và minh bạch, và nếu nó kết thúc trong sự kết tội, thì khả năng cao là những cải cách của Đức Phanxicô có hiệu quả. Mặt khác, nếu toàn bộ sự việc này có vẻ là một trò hề - bởi vì Hồng Y Becciu và các bị cáo khác được chứng minh là vô tội, hoặc đơn giản là vì các công tố viên và thẩm phán không đủ khả năng chuyên môn - thì di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô với tư cách là một nhà cải cách có thể gặp rủi ro.

Nếu không có gì khác, điều này có nghĩa là mặc dù thực tế phiên tòa đã bị hoãn lại cho đến tháng 10, nhưng khoảng thời gian từ bây giờ đến sau đó có thể có thể là yếu tố quyết định về phương diện tính hợp pháp được cảm nhận của phiên tòa. Hy vọng là nhóm các nhân viên nhỏ của văn phòng công tố và tòa án không có các kế hoạch quá cầu kỳ cho kỳ nghỉ ferragosto truyền thống vào giữa tháng 8, bởi vì người ta cảm thấy cần một số thời gian làm thêm trong tương lai của họ.
Source:Crux