1. Lời cầu nguyện ngắn của Đức Thánh Cha Phanxicô mỗi đêm
Đức Giáo Hoàng đã lấy một trong những lời cầu xin chân thành nhất của Phúc âm làm lời khẩn cầu cá nhân của mình với Chúa Giêsu mỗi đêm.
Trong Tuần Cửu Nhật Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm với Đức Thánh Cha Phanxicô về lòng sùng kính đối với Năm vết thương của Chúa Kitô.
Đối với Đức Giáo Hoàng, việc chiêm ngưỡng các vết thương của Chúa Giêsu là chiêm ngưỡng lòng thương xót của Ngài, sự an ủi của Ngài, và sự bảo vệ cứu rỗi của Ngài.
Lời cầu nguyện mà Đức Thánh Cha cầu nguyện mỗi đêm phản ánh lòng sùng kính này.
Trong một buổi tiếp kiến chung vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã tiết lộ thói quen cầu nguyện vào ban đêm của mình như sau:
“Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch” (Lc 5:12) Đó là lời thỉnh cầu mà chúng ta đã nghe một người phong cùi thưa với Chúa Giêsu. Người đàn ông này không chỉ yêu cầu được chữa lành, nhưng được ‘làm cho trong sạch’, nghĩa là được phục hồi hoàn toàn về thể xác và tâm hồn. Thật vậy, bệnh phong được coi là một hình thức nguyền rủa cho một sự ô uế sâu sắc. Một người bị phung cùi phải tránh xa mọi người; anh ta không thể vào đền thờ cũng như không được tham gia bất cứ cử hành linh thánh nào. Xa Chúa và xa con người. Những người này đã sống một cuộc đời đáng buồn!”
“Tất cả những gì được làm và nói bởi người đàn ông này, người được coi là ô uế, là biểu hiện của đức tin của anh ta! Anh ta nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu: anh ta chắc chắn rằng Chúa Giêsu có quyền năng để chữa lành anh ta và tất cả tùy thuộc vào ý muốn của Người. Đức tin này là sức mạnh cho phép anh ta phá bỏ mọi quy ước và tìm kiếm cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, và quỳ gối trước Ngài, anh ta gọi Ngài là ‘Chúa’.
Việc nài xin của người phong cùi này chứng tỏ rằng khi chúng ta trình diện với Chúa Giêsu thì không cần phải nói dài dòng. Một vài từ là đủ, với điều kiện là những lời cầu nguyện ấy đi kèm với sự tin tưởng hoàn toàn vào sự toàn năng và lòng nhân lành của Chúa. Thực ra, phó thác cho thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là phó mình cho lòng thương xót vô hạn của Ngài.
Tôi thậm chí sẽ chia sẻ với bạn một sự tín thác cá nhân của tôi. Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi nói lời cầu nguyện ngắn này: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!” Và tôi cầu nguyện 5 kinh ‘Lạy Cha’ kính nhớ 5 vết thương của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã làm sạch chúng ta với những vết thương của Người. Nếu tôi làm được điều này, thì anh chị em cũng có thể làm được ngay tại nhà mình, và nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con được sạch!” Hãy nghĩ về những vết thương của Chúa Giêsu và đọc 5 kinh Lạy Cha, mỗi kinh cho một vết thương của Chúa. Chúa Giêsu sẽ luôn luôn lắng nghe chúng ta”.
Source:Aleteia
2. Đức Hồng Y Marx ngạc nhiên trước quyết định không chấp nhận đơn từ chức của Đức Giáo Hoàng
Đức Hồng Y Reinhard Marx nói rằng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô từ chối chấp nhận đơn từ chức của ngài, ngài sẽ “không đơn giản là quay trở lại công việc như bình thường vì đó không phải là con đường đúng đắn cho cá nhân ngài hoặc cho tổng giáo phận”.
“Câu trả lời của Đức Thánh Cha đã làm tôi ngạc nhiên”, Hồng Y Marx nói hôm 11 tháng 6. “Tôi không ngờ ngài phản ứng nhanh như vậy, và tôi cũng không ngờ quyết định của ngài là tôi nên tiếp tục làm Tổng Giám Mục của Munich và Freising”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ chối chấp nhận đơn từ chức của Hồng Y Marx vào ngày 10 tháng 6, và nói trong một bức thư rằng ngài đồng ý với Đức Hồng Y rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo không thể áp dụng “chính sách nhắm mắt làm ngơ” khi đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
Hôm 4 tháng Sáu, vị Hồng Y người Đức, mới 67 tuổi, thông báo rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngài tin rằng các giám mục phải bắt đầu nhận trách nhiệm về những thất bại về phương diện thể chế trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
Hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA đưa tin rằng Hồng Y Marx cũng nói rằng ngài ấy cảm động trước sự thông cảm và “giọng điệu rất huynh đệ trong bức thư của Đức Thánh Cha, và tôi cảm thấy ngài rất hiểu và chấp nhận yêu cầu của tôi. Với sự vâng lời mà tôi chấp nhận quyết định của Đức Thánh Cha, như tôi đã hứa với ngài”.
Hồng Y Marx nhắc lại rằng ngài phải chịu trách nhiệm cá nhân cũng như “trách nhiệm thể chế” đối với việc Giáo Hội xử lý các hành vi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Ngài nói rằng điều đó “đặc biệt đúng đối với các nạn nhân, những người mà quan điểm của họ phải được xem xét một cách mạnh mẽ hơn”.
Hồng Y Marx chưa từng bị buộc tội lạm dụng hay bao che lạm dụng.
Sau đó, trên đường đến dâng lễ ở một nhà thờ, vị Hồng Y nói với các nhà báo rằng ngài phải “giải quyết tất cả những điều này trước tiên”.
Đức Cha Georg Baetzing của Limburg, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, bày tỏ sự nhẹ nhõm về quyết định của Đức Giáo Hoàng. Thông qua một phát ngôn viên, Giám Mục Baetzing cho biết ngài rất vui khi có thể tiếp tục hợp tác với một người cộng sự lâu năm với mình.
Giám Mục Baetzing và Hồng Y Marx đã cộng tác trong công việc mục vụ trong nhiều năm, khi vị Hồng Y đứng đầu Giáo phận Trier và vị giám mục lúc ấy là linh mục hiệu trưởng chủng viện ở đó.
Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, đã nói về một “bức thư mạnh mẽ” của Đức Giáo Hoàng cho thấy “một lập trường rõ ràng”. “Đức Giáo Hoàng không thể nói rõ hơn rằng ngài khẩn cấp cần những người anh em có tư tưởng cải cách và thân thiện với cải cách”, Sternberg nói.
Nhưng Matthias Katsch, phát ngôn viên của hiệp hội nạn nhân “Eckiger Tisch” bày tỏ lo ngại về quyết định của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Đức Phanxicô đã giảm bớt tác động của việc Hồng Y Marx từ chức.
Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu, đã mô tả quyết định của Đức Giáo Hoàng là “tuyệt vời” trong một cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng 6 với KNA. Ngài giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang nói với “giáo hội phải đối phó với tội lỗi lạm dụng như thế nào: Không che đậy, không dung thứ, nhưng đối đầu với bản chất bẩn thỉu của tội lỗi này, và khiêm tốn tiếp tục trên con đường dẫn đến tương lai”.
Source:Crux
3. Đức Hồng Y Herranz phản bác ý kiến của Đức Hồng Y Marx
Đức Hồng Y Julian Herranz, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo luật, bác bỏ lập luận của Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich, trong đơn từ chức đệ lên Đức Thánh Cha, cho rằng Giáo hội đang ở “ngõ kẹt, đang ở đường cùng” về nạn lạm dụng giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thư, công bố hôm 5 tháng 6 vừa qua, Đức Hồng Y Marx, 68 tuổi, nhìn nhận “những thất bại về phương diện cá nhân” và những “sai lầm về hành chánh”, và cả sự thất bại của cơ chế và hệ thống liên quan đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục tại Đức.
Phản bác lại lập trường trên đây, Đức Hồng Y Herranz, 91 tuổi, người Tây Ban Nha, thuộc Giám hạt tòng nhân Opus Dei, khẳng định rằng một giáo sĩ lạm dụng tính dục một trẻ em, và một giám mục hay một bề trên dòng che đậy những lạm dụng ấy, thì đích thân có lỗi về luân lý, nhưng Giáo Hội Công Giáo, như một định chế, không có lỗi về điều này. Những sai lầm, tội lỗi và đôi khi cả những tội ác của các phần tử Giáo hội, kể cả các thành phần thuộc hàng giáo phẩm, không thể cho phép nghi ngờ sự đáng tin cậy của Giáo hội và giá trị cứu độ cũng như giáo huấn của Hội thánh”.
Đức Hồng Y Herranz cũng viết rằng: “Vấn đề ở đây không phải là bảo vệ hình ảnh tự yêu quyền lực và uy tín trần tục của một Giáo hội tự bảo vệ mà quên lòng khiêm tốn, nhưng là tái khẳng định đặc tính thần linh của Giáo hội, sự thánh thiêng của các bí tích mà Giáo hội cống hiến nhưng như giá trị và uy tín ngàn đời của sứ điệp Kitô cứu độ. Vì thế, lẫn lộn trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm cơ chế đối với những tội ác lạm dụng tính dục sẽ có nguy cơ làm thương tổn dư luận quần chúng, và có lẽ làm hại cả lương tâm của các tín hữu, cũng như uy tín của Hội thánh và sứ điệp Tin mừng”.
Đức Hồng Y Herranz khẳng định rằng khi một giám mục xử lý sai trái về những lời tố cáo lạm dụng hoặc lầm lỗi nào đó, thi gây xấu hổ cho tín hữu và đôi khi tạo nên những trách nhiệm kinh tế cho toàn thể như một thực tại Giáo hội, nhưng điều đó không thể đi tới chỗ phủ nhận hoặc nghi ngờ về sự hợp pháp và sự tốt lành luân lý của các mục tiêu cơ chế của giáo phận”.
Source:Crux