Khi còn ngồi ở ghế trường đại học, chúng tôi được các thầy cô (nhất là các thầy cô dạy lịch sử đảng ta, Nhà nước ta) dạy: Chỉ có sử học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mới có cái nhìn khách quan trung thực mà thôi. Sử học phong kiến, tư bản chỉ phục vụ lợi ích cho giai cấp cầm quyền của họ cho nên không khách quan.

Nói đến sử học là nói đến khách quan, trung thực. Vậy sử học dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay có khách quan và trung thực không?

Dịp ngày 30/4/2021 vừa qua, công chúng được xem bộ phim tài liệu điều tra “Chuyện trưa 30/4/1975” với thời lượng 1 giờ 12 phút do một nhóm văn nghệ sĩ của “ta” (Phạm Việt Tùng- Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú; Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Thu Hằng- Cựu Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô; Minh Đức- Cựu Phóng viên VOV; Nguyễn Thu Hà- Chuyên viên Bảo tàng HCM; Chu Thùy Trang- Phóng viên VTC)thực hiện[1]. Sau khi bộ phim tài liệu được công chiếu, Trần Văn có bài viết “Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm!” đăng trên trang web Báo Tiếng Dân có đoạn viết: “Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục ngậm tăm cho dù đồng chí, đồng bào tiếp tục hối thúc chính thức trả lại sự thật cho lịch sử đối với hai sự kiện: xe tăng mang số hiệu 390 chứ không phải xe tăng mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; Ông Bùi Văn Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh- Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa- đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975”[2].

Ông Nguyễn Đình Cống đã nêu quan điểm của ông về vấn đề tranh cãi này: “Không biết vì kém trí tuệ hay vì một âm mưu nào khác mà người ta để cho cuộc tranh cãi kéo dài, nếu việc đó vào tay tôi chỉ cần khoảng một giờ, tôi giải quyết xong, êm thấm trả sự thật về cho lịch sử”[3].

Lý do tại sao gần nửa thế kỷ trôi qua với những chứng cứ lịch sử rõ ràng mà đảng ta, Nhà nước ta chưa “trả sự thật về cho lịch sử”?

Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định về lịch sử của ta: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” và “Các nhà sử học chúng ta thường coi là mác xít, nhưng bệnh thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua.[4]

Ông Dương Trung Quốc nhận xét về Sử học ở Việt Nam: “Cái thách đố là tính hấp dẫn của nó. Tính hấp dẫn theo tôi là phải gắn với hai thuộc tính quan trọng của lịch sử đó là tính trung thực và sự công bằng. Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai nhưng nó đã xơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ”[5]

Nhà văn Nguyên Ngọc có cái nhìn: “Học chính trị là quá cần thiết chứ và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải làm “thống soái” để cho tất cả những cái khác phải châu đầu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.

“Nói trắng ra, hiện nay người ta chán ghét học văn, học sử là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu, mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác”[6]

Không được chính trị hóa sử học. PGS.TS. Phạm Quốc Sử nhận định: “Lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật”

PGS.TS. Phạm Quốc Sử gọi sử học Việt Nam hiện nay là “sử học quốc doanh”, “sử học nhà nước’: “Sử học vinh quang thật nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay sử học nước ta đã không tránh được một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị”

PGS.TS.Phạm Quốc Sử cho rằng sử học và dạy học lịch sử ở Việt Nam đã bị tiêm chủng “vắc xin”: “Có người bảo ngành sử học các ông hoàn toàn chạy theo chính trị. Chủ yếu ca ngợi và lặp đi lặp lại nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ sách vở nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không?”và “Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí”[7].

Nhà giáo Hà Văn Thịnh trả lời với bà Mạc Việt Hồng: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp, Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được”[8]

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khẳng định việc dạy và học lịch sử hiện nay bị bóp méo: “Người ta đã biến một bộ môn khoa học trở thành một bộ môn chính trị để tuyên truyền, để minh họa cho đường lối chính sách của nhà nước chứ không phải cho một ngành khoa học. Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng khoa học. Chính vì vậy nên thầy không muốn dạy mà trò thì không muốn học”[9].

Nhiều nhà giáo dạy môn lịch sử khi về hưu đã nói: Chúng tôi dạy theo sách! (sách ghi sao dạy y như vậy không cần biết đúng sai).

Trên đây là những phát ngôn nhận định về thực trạng nền sử học Việt Nam hiện nay của những người được giáo dục đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, chứ không phải của những người được các thế lực thù địch nuôi dưỡng và đào tạo!

Bên dưới bài viết “ Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm” đăng trên facebook.com/tiengdanbao có bình luận của độc giả Duy Hung Tran: “Không tôn trọng lịch sử từ những việc bình thường đến những sự kiện trọng đại thì hậu quả là lòng tin bị mất. Từ sự kiện Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé rồi sự kiện xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 30-4-1975 và viết bài cho Dương Văn Minh đầu hàng đọc trên đài Sài Gòn…đã gieo vào lòng người sự khó tin khác. Gorbachev nói đúng”.

Bình luận của độc giả Nguyễn Khuông đăng bên dưới bài viết “Nếu vào tay tôi” trên facebook.com/tiengdanbao: “Sự thật thì chỉ có một, nói dối, giả dối thì vô cùng. Kể cũng lạ, sự thật sờ sờ như thế mà hàng chục năm nay cùng hàng lố, hàng lốc cơ quan thanh tra nhà nước, quân đội…mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng?! Không lẽ Phạm Xuân Thệ mang hàm Trung tướng cùng danh hiệu AHLLVT nên không dám làm ‘mất thể diện’???”

Kinh Thánh viết: “Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ, sẽ gian dối trong việc lớn”.

Ông bà ta nói: “Một sự thất tín vạn sự không tin”.

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1]- https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw

[2] – https://baotiengdan.com/.../su-that-la-xa-xi-pham-ma-ta.../

[3] – https://baotiengdan.com/2021/05/05/neu-vao-tay-toi/

[4] – Gs. Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học(đăng trên Tạp chí Tổ quốc vào tháng giêng năm 1988. Được in lại trong tác phẩm: Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007)

[5] – Bài viết : Học sinh Việt Nam quá kém môn sử. Vì đâu? Của T/g Mặc Lâm

www.rfa.org/vietnamese/in_depth/75/percent-history-test-scores-below-2-tenths-why-08032011132201.html

[6] – Bài viết: Điểm sử thấp có phải là thảm họa của T/g Hà Hiển đăng BBC Tiếng Việt 9:43 GMT Thứ hai 8/8/2011

www.bbc.com/vietnamese/forum/2011/08/110808_history_students_comment.shtml

[7] – xuandienhannom.blogspots.com/2015/11/mot-tieng-noi-trung-thuc-chinh-xac-manh.html

[8] – www.danchimviet.info/archives/8990/nha-su-hoc-ha-van-thinh-noi-ve-hcm/2010/05

[9] – https://luongtamconggiao.worpress.com/2011/08/25/ho-chi-minh-khoc-vi-mon-su-hien-nay/