Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 19-March-2021 theo giờ Việt Nam


Tại Giêrusalem nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối cùng của Ngài trong cuộc sống dương thế, trong suốt Mùa Chay và đặc biệt là trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu cùng đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Tiếc thay vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng này, điều này không thể thực hiện. Chính vì thế các hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ đã làm video này để các tín hữu gần xa có thể hiệp ý với các ngài.

Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem.

Tương truyền, sinh thời Đức Mẹ có thói quen hàng ngày đi viếng lại tất cả những nơi Chúa Con đã đi qua trong cuộc tử nạn. Sau khi hoàng đế Constantine công nhận Kitô giáo vào năm 313, địa điểm của một số chặng quan trọng trong đàng thánh giá này đã được xác định cụ thể. Trong một tác phẩm của mình Thánh Giêrônimô sinh năm 342 và qua đời năm 420 tại Bê-lem cho biết có nhiều đám đông hành hương từ nhiều nước khác nhau đến thăm các nơi thánh và đi đàng thánh giá tại Thánh Địa.

Năm 1342, các tu sĩ Phanxicô được chỉ định làm người canh giữ các di tích Thánh Địa. Các tín hữu sẽ nhận được ân xá khi cầu nguyện ở những chặng sau: Tại dinh tổng trấn Philatô, tại nơi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu, tại nơi Chúa ngỏ lời với các người phụ nữ thành Giêrusalem, tại nơi Chúa gặp ông Simôn thành Kirênê, tại nơi lính tráng lột áo Chúa, tại nơi Chúa chịu đóng đinh, và tại hang đá nơi an táng Chúa.

Khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường sang Thánh Địa, việc cho tái dựng các chặng đàng thánh giá được thực hiện tại các trung tâm hành hương lớn trên thế giới,

Vào cuối thế kỷ thứ 17, việc cho dựng các chặng đàng thánh giá trong các nhà thờ ngày trở nên phổ biến. Năm 1686, Đức Innocent 11 nhận thấy hiếm người có thể tới được Thánh Địa vì sự cấm cản của Hồi giáo, ngài ban cho các tu sĩ dòng thánh Phanxicô đặc quyền được dựng chặng đàng thánh giá nơi tất cả các nhà thờ của mình. Năm 1731 Đức Clementê 12 mở rộng đặc quyền này hơn nữa và cho phép tất cả mọi nhà thờ được đặt các chặng đàng thánh giá.

Giờ đây xin quý vị và anh chị em hiệp ý với chúng tôi đi đàng thánh giá trên chính con đường Chúa đã đi qua.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Chặng thứ Nhất

Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu

Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”

Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.”

Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.

Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”

(Lc. 22:39-46)

Suy Niệm:

Khi màn đêm buông xuống thành Giêrusalem, những cây ôliu trong vườn Giệtsimani với tiếng lá xào xạc cả ngày nay cũng như muốn đưa chúng ta trở về cái đêm đau khổ và cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ngài nổi bật, cô đơn, giữa quang cảnh đó, qùy gối trên đất của khu vườn. Như mọi người đang phải đối diện với cái chết, Chúa Kitô cũng đầy những đau khổ. Thực ra chữ nguyên thủy mà Thánh Gioan dùng là “agonia”, chiến đấu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật thống thiết, căng thẳng như trong một trận chiến, và mồ hôi Ngài pha lẫn với máu chảy trên khuôn mặt Ngài là bằng chứng của một trạng thái bị hành hạ cam go, dữ dội.

Ngài kêu thấu lên trời cao, lên Chúa Cha Đấng dường như đang im lặng một cách bí ẩn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con”, chén đau khổ và chết chóc. Trong một đêm tối, Giacóp, một trong các tổ phụ của dân Do Thái, bên bờ một nhánh sông Giođan, cũng đã từng gặp gỡ Thiên Chúa như một nhân vật huyền nhiệm, và “đã chiến đấu với ông cho đến tảng sáng”[2]. Cầu nguyện trong lúc bị thử thách là một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác, và Chúa Giêsu cũng vậy, trong tăm tối của đêm ấy “với tiếng kêu lớn và nước mắt đã dâng lời van xin khẩn nguyện lên Thiên Chúa là Đấng có thể cứu Người khỏi chết”[3]

Trong Chúa Kitô nơi vườn Giệtsimani, đang chiến đấu và đầy lo âu, chúng ta cũng tìm thấy chính mình khi chúng ta trải qua đêm đau khổ xé lòng, đêm cô đơn vì xa cách người thân, vì sự yên lặng của Thiên Chúa. Theo nghĩa này, như đã từng có người nói, “Chúa Giêsu sẽ còn đau khổ cho đến tận thế, Ngài không thể nghỉ yên vì Ngài tìm kiếm sự đồng hành và sự cảm thông”[4] như bao nhiêu người đau khổ khác trên trái đất này. Trong Ngài, chúng ta cũng thấy khuôn mặt chúng ta, đẫm lệ và hằn lên nỗi sầu khổ.

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu không dẫn đến cám dỗ tuyệt vọng và đầu hàng, nhưng dẫn đến lời tuyên xưng sự tín thác nơi Chúa Cha và ý định mầu nhiệm của Ngài. Đó chính là những lời kinh Lạy Cha mà Ngài đưa ra cho chúng ta trong giờ phút cay đắng ấy: “Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ… không phải theo ý con nhưng xin vâng theo ý Cha!”. Và này đây thiên thần an ủi, củng cố, và cảm thông hiện ra để giúp Chúa Giêsu, và giúp chúng ta bền đỗ cho đến cùng của cuộc hành trình.

[2] x. Sáng Thế 32:23-32.

[3] x. Do Thái 5:7.

[4] Blaise Pascal, Pensées, số. 555, ed. Brunswieg.

Chặng thứ Hai

Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt

Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? “

Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không? “. Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng: “Thôi, ngừng lại.” Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành.

Sau đó Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”

(Lc 22:47-53)

Suy Niệm:

Giữa những cây ôliu trong vườn Giệtsimani đang chìm trong bóng đêm, một nhóm nhỏ đang tiến ra: dẫn đầu nhóm này là Giuđa, “một trong nhóm Mười Hai”, một môn đệ của Chúa Giêsu. Trong trình thuật của Thánh Luca, Giuđa không nói một lời nào, ông ta chỉ hiện diện, một sự hiện diện lạnh lùng. Dường như ông ta đã không thể hôn mặt Chúa Giêsu vì bị chặn lại bởi những lời đang vang lên, là lời của chính Chúa Giêsu: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao? “. Đó là những lời đau lòng nhưng cương quyết; những lời này vạch trần gút mắc của tội lỗi đang cư trú trong con tim xáo trộn và chai cứng của người môn đệ, một người có lẽ đã bị lừa gạt, thất vọng và đang trên bờ tuyệt vọng.

Suốt dòng lịch sử, sự phản bội và cái hôn Giuđa đã trở thành biểu tượng của cơ man những bất trung, bội giáo, và lường gạt. Và vì thế Chúa Kitô đang phải đối diện với một thử thách khác: sự phản bội và hệ quả của nó là cảm giác bị bỏ rơi và cô đơn. Đó không phải là trạng thái cô tịch Ngài yêu thích khi lui vào trong chốn hoang vắng để cầu nguyện, đó không phải là trạng thái cô tịch là nguồn mạch của bình an và yên hàn mà nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được mầu nhiệm của tâm hồn và của Thiên Chúa. Trái lại, đó là một kinh nghiệm cay đắng của tất cả những ai, chính trong giây phút chúng ta đang tụ họp nơi đây, cũng như tại những thời khắc khác trong ngày, đang thấy họ cô đơn trong một căn phòng, đối diện với một bức tường trơ trụi hay trước một chiếc điện thoại im bặt, bị mọi người bỏ rơi vì họ là người già yếu, là ngoại kiều hay khách lạ. Cùng với họ, Chúa Giêsu đang phải uống từ trong chén chứa đựng nọc độc của sự bỏ rơi, cô đơn và thù nghịch.

Cảnh tượng của vườn Giệtsimani khi đó đột nhiên trở nên náo nhiệt: ngược lại với hình ảnh trước đó của cầu nguyện, trang trọng, thân tình và yên tĩnh giờ đây, dưới những cây ôliu, là hình ảnh của đối nghịch, huyên náo, và cả bạo lực. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đứng ở vị thế trung tâm, không lay chuyển. Ngài biết rõ rằng sự dữ bao trùm lịch sử con người bằng chiếc khăn liệm của bắt nạt, gây hấn và tàn bạo: “Đây là giờ của các ngươi, là thời của quyền lực tối tăm”.

Chúa Kitô không muốn các môn đệ của Ngài, đang sẵn sàng tuốt gươm, phản ứng lại sự ác bằng một sự ác khác, bạo lực bằng bạo lực hơn nữa. Ngài chắc chắn rằng quyền lực của tăm tối – bề ngoài có vẻ là bất khả chiến bại và thỏa mãn với những chiến thắng – nhưng cuối cùng nó sẽ bị đánh bại. Đêm tối sẽ phải nhường bước cho rạng đông, bóng tối phải lui đi trước ánh sáng, sự phản bội sẽ bị khuất phục trước ăn năn. Như chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta trên núi Tám Mối Phúc Thật, chúng ta cần phải “thương yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta”[5] nếu chúng ta muốn thấy một thế giới mới mẻ và khác biệt.

[5] Mt 5:44

Chặng thứ Ba

Đức Giêsu bị Thượng Hội Đồng Do Thái kết án

Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: “Ông có phải là Đấng Mêsia thì nói cho chúng tôi biết! “

Người đáp: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời. Nhưng từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng.”

Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? “

Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.”

Họ liền nói: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói! “

(Lc 22:66-71)

Suy Niệm:

Bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vươn lên từ Núi Cây Dầu, sau khi chiếu sáng các thung lũng sa mạc miền Giuđa. Bẩy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa, cơ chế cao nhất của Do Thái, đã tập trung thành một vòng bán cung chung quanh Chúa Giêsu. Phiên xử khai mạc với thủ tục thông thường của tòa án: kiểm tra lý lịch của bị cáo, đưa ra những lý do để buộc tội, và nghe các nhân chứng. Việc xét xử một vấn đề tôn giáo thuộc về thẩm quyền của tòa án này. Điều này được biểu lộ từ hai câu hỏi chủ yếu: “Ông có phải là Đấng Kitô? Ông có phải là con Thiên Chúa không?”

Câu trả lời của Chúa Giêsu khởi đầu từ một căn bản hầu như thất vọng: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời”. Ngài biết rằng nghi ngại, ngờ vực và hiểu lầm đang vây quanh Ngài. Ngài có thể thấy mình đang bị vây quanh bởi bức tường của nghi kỵ và thù địch, và cảm thấy nặng nề hơn bởi bức tường đó được dựng lên bởi chính cộng đồng tôn giáo và quốc gia của Ngài. Vịnh gia đi trước Ngài đã có một kinh nghiệm chán chường như thế: “Nếu sự lăng mạ cho ta đến từ một kẻ thù, ta có thể chịu được; nếu kẻ cạnh tranh với ta nổi lên chống lại ta, ta có thể tránh né. Nhưng chính là ngươi, bạn đồng hành của ta, bạn thiết của ta! Tình nghĩa chúng ta thân thiết là dường nào. Chúng ta đã không từng tiến bước thuận thảo trong nhà Thiên Chúa đó sao?”[6].

Thế nhưng, mặc dù có sự nghi kỵ ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại công bố mầu nhiệm nơi Ngài, mầu nhiệm mà từ giờ phút đó sẽ được tỏ lộ như một sự hiển linh. Sử dụng ngôn từ của Thánh Kinh, Ngài tuyên xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Vinh quang của Đấng Cứu Thế được Israel trông đợi giờ đây hiển thị nơi người tù này. Thật vậy, đó chính là con Thiên Chúa, Đấng mà giờ đây, oái oăm thay lại xuất hiện dưới hình dạng của một người bị kết án. Câu trả lời của Chúa Giêsu – “Tôi là” – thoạt đầu nghe có vẻ là lời tự thú của một bị cáo, nhưng thực tế là một lời tuyên xưng trang trọng về thần tính của Ngài. Trong Thánh Kinh, hai chữ “Tôi là” chính là tên gọi và là danh xưng của chính Thiên Chúa[7].

Lời cáo buộc, mà tối hậu dẫn đến một án tử, vì vậy trở nên một mạc khải, và cũng là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị cáo ấy, bị hạ nhục bởi một nhóm kiêu căng, một phiên tòa kiêu hãnh, bởi một bản án đã được đóng dấu sẵn, nhắc nhở chúng ta nghĩa vụ chứng tá cho sự thật. Một chứng tá phải được mạnh mẽ đưa ra vang dội ngay cả khi ta bị cám dỗ mạnh mẽ muốn che đậy, cam chịu, hay chiều theo ý kiến đang thịnh hành. Nói theo một phụ nữ trẻ Do Thái bị kết án phải chết trong một trại tập trung[8]: “ đối lại với mỗi trò kinh tởm hay một tội ác mới, chúng ta phải đưa ra một mảnh mới của sự thật và điều thiện chất chứa trong chúng ta. Chúng ta có thể phải đau khổ nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.

[6] Tv 55(54): 12-15.

[7] x. Xh 3:14.

[8] Etty Hillesum, Nhật Ký 1941-1943 (3/7/1943).

Chặng thứ Tư

Ông Phêrô chối Chúa Giêsu

Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phêrô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”

Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị! “

Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng! “ Nhưng ông Phêrô đáp lại: “Này anh, không phải đâu! “

Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.”

Nhưng ông Phêrô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì! “

Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”

Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

(Lc 22:54-62)

Suy Niệm:

Chúng ta hãy quay lại đêm chúng ta đã bỏ lại đằng sau khi tiến vào phòng Chúa Giêsu bị xử án lần thứ nhất. Bóng đêm và cái lạnh đã bị xuyên thủng bởi những ánh lửa bập bùng trong sân của dinh Hội Đồng Công Tọa. Các người đầy tớ và lính tráng đang hơ tay cho ấm; ánh lửa soi rõ mặt họ. Và ba giọng nói, lần lượt tiếp nối nhau, vang lên, và ba cánh tay chĩa thẳng vào khuôn mặt mà họ nhận ra, khuôn mặt ông Phêrô.

Đầu tiên là một giọng đàn bà. Chị ta là người tớ gái trong dinh; nhìn thẳng vào mắt người môn đệ, chị ta thốt lên: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!”. Rồi một giọng đàn ông vang lên: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!”. Một người đàn ông khác sau đó cũng đã đưa ra một cáo buộc tương tự sau khi nghe giọng miền Bắc của ông Phêrô: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.”.

Đối diện với những tuyên bố này, vị Tông Đồ, trong một phản ứng tự vệ hốt hoảng đã không ngại nói dối “Tôi không biết ông Giêsu! Tôi không phải là môn đệ ông ấy! Tôi không biết ông đang nói gì!”. Ánh lửa bập bùng trong sân xuyên thấu qua khuôn mặt của ông Phêrô và phơi bày tâm hồn tan nát của ông, sự yếu đuối, tính ích kỷ và nỗi khiếp nhược của ông. Chỉ vài giờ trước đó, ông đã tuyên bố ““Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” [9]

Tuy nhiên, tấm màn đã không buông xuống trên sự phản bội này như trường hợp của Giuđa. Trong đêm đó một tiếng nói chọc thủng sự yên tĩnh của Giêrusalem, đặc biệt là lương tâm của chính ông Phêrô, đó là tiếng gà gáy. Chính ngay lúc này, Chúa Giêsu tiến ra từ trong phiên tòa đã kết án Ngài. Thánh Luca mô tả ánh mắt trao đổi giữa Chúa Kitô và ông Phêrô bằng một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là nhìn chằm chặp vào mặt một người nào. Nhưng như vị Thánh Sử ghi nhận, đó không phải là ánh mắt một người nhìn một người, đó là “Chúa”, với ánh mắt nhìn thấu thẳm sâu tâm hồn, nơi tận cùng của những bí ẩn trong lòng người.

Từ đôi mắt vị Tông Đồ nhỏ ra những giọt lệ ăn năn. Trong câu chuyện của ngài cô đọng biết bao những câu chuyện về bất trung và hoán cải, về yếu đuối và tự do. “Tôi khóc và tôi tin!” trong hai chữ đơn giản này, hàng trăm năm sau, một người hoán cải [10] đã so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của ông Phêrô, qua đó nói thay cho chúng ta, những người trong cuộc sống hàng ngày đã có những phản bội nho nhỏ, trong khi tự biện hộ cho mình với những lời biện minh hèn nhát, và để cho chính mình bị khuất phục bởi sợ hãi. Nhưng, như vị Tông Đồ, chúng ta cũng có thể chọn con đường đem chúng ta đến với ánh mắt Chúa Kitô và chúng ta có thể nghe Ngài ủy thác cho chúng ta với cùng một sứ vụ: cả anh nữa “một khi anh đã trở lại, hãy củng cố anh em mình”[11].

[9] Mc 14:29, 31.

[10] FRANÇOIS-RENÉ DE CHATEAUBRIAND, Sự chân thật của Kitô Giáo (1802).

[11] Lc 22:32.

Chặng Thứ Năm

Chúa Giêsu chịu quan Philatô xét xử

Bấy giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”

Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù. Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi! “Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.

Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! “

Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.

Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.

(Lc 23:13-25)

Suy Niệm:

Chúa Giêsu giờ đây bị bủa vây với những dấu hiệu của đế quốc, những cờ xí, những con ó và những tiêu chuẩn của thẩm quyền đế quốc, và còn thêm nữa, một thành trì của quyền lực là dinh tổng trấn Philatô, một con người khó hiểu mà tên tuổi không ai biết đến trong lịch sử Đế Quốc La Mã. Nhưng đó lại chính là tên chúng ta nghe mỗi ngày Chúa Nhật trên khắp thế giới, chính phiên tòa đã diễn ra nơi đây nên trong Kinh Tin Kính các tín hữu Kitô tuyên xưng Chúa Kitô “chịu đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô”. Đàng khác, con người này dường như là hóa thân của một sự áp chế tàn bạo, cỡ như Thánh Luca đã mô tả trong một trang khác trong Phúc Âm của ngài khi đề cập đến một ngày bên trong đền thờ ông này đã trộn máu của người Do Thái với máu súc vật bị sát tế [12]. Về phía ông này, chúng ta chứng kiến một quyền lực tối tăm và lạ lẫm khác: quyền lực tàn bạo của đám đông bị lèo lái bởi những lực lượng bí mật đang giăng bẫy trong hậu trường. Kết quả là quyết định phóng thích một tên nổi loạn và giết người là Barabas.

Mặt khác, chúng ta lại thấy ló dạng một hình ảnh khác của Philatô: ông ta dường như tiêu biểu cho một sự bình đẳng pháp luật truyền thống và cho tính khách quan của luật La Mã. Thật vậy, đã ba lần Philatô có ý muốn thả Chúa Giêsu vì không có đủ bằng chứng, trong khi đề ra phán quyết cùng lắm là đánh đòn mà thôi. Các cáo buộc chống lại Chúa Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp nghiêm chỉnh. Như những gì mà các Thánh Sử đã trình bày, Philatô biểu thị một sự cởi mở nhất định, một thái độ đón nhận mà cuối cùng đã dần dà phai nhạt và biến mất.

Bị áp lực bởi ý kiến công chúng, Philatô chọn một thái độ thường thấy trong thời đại chúng ta: thờ ơ, thiếu quan tâm, lo cho mình trên hết. Để tránh rắc rối và có thể vươn lên nữa, chúng ta sẵn sàng giày đạp sự thật và công lý. Sự vô luân minh nhiên tối thiểu còn gây ra được một cú sốc hay một phản ứng nào đó, chứ cách hành xử thuần tuý phi luân này không gây ra chút băn khoăn nào; nó làm tê liệt lương tâm, đè nén sự hối hận, và làm chai lỳ tâm trí. Cho nên, sự thờ ơ là cái chết chậm của nhân loại đích thật.

Hậu quả có thể thấy được trong lựa chọn cuối cùng của Philatô. Như những người La Mã xưa thường nói, một thứ công lý sai lầm và lãnh đạm giống như một mạng nhện trong đó những con ruồi kẹt lại và chết đi nhưng những con chim có thể xé toạc đi bằng sức mạnh lực bay của mình. Chúa Giêsu, một trong những con người thấp cổ bé họng trên trần gian này, không có quyền bật lên một lời, bị chết nghẹt trong mạng lưới này. Và như chúng ta thường làm, Philatô đứng nhìn từ xa xa, rửa tay, và như một người vô can, quay đi – qua đó Thánh Sử Gioan chỉ ra cho chúng ta [13] – câu hỏi muôn đời tiêu biểu cho mọi hình thái của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa luân lý tương đối: “Sự thật là gì?”.

[12] x. Lc 13:1.

[13] Ga 18:38

Chặng thứ Sáu

Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mão gai

Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? “

Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.

(Lc 22:63-65)

Suy Niệm:

Một ngày kia, khi đang tiến bước trong thung lũng Giođan, không xa Giêricô bao nhiêu, Chúa Giêsu đã dừng lại và nói với nhóm Mười Hai những lời bốc lửa, những lời họ thấy khó hiểu: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người” [14]. Giờ đây, cuối cùng ý nghĩa đầy đủ của những lời lạ lùng này được tỏ lộ: trong sân quan tổng trấn, địa sở của vị toàn quyền Rôma tại Giêrusalem, nghi thức tra tấn dã man bắt đầu, trong khi bên ngoài dinh, những lời bàn tán của đám đông mỗi lúc một rộ lên, trong niềm trông đợi được thấy cảnh tử tội bị điệu ra pháp trường.

Trong căn phòng đóng kín với công chúng, những gì xảy ra sẽ tiếp tục được lặp lại hết đời này sang đời khác trong hàng ngàn những cách thế tàn bạo và gian ác, trong tăm tối của cơ man những nhà tù trên thế giới. Chúa Giêsu không chỉ bị đánh đập thể lý nhưng còn bị chế nhạo. Thật vậy, để tường thuật những sỉ nhục này, Thánh Sử Luca đã dùng từ “xúc phạm” như muốn đưa ra ý nghĩa sâu xa của thứ bạo lực mà các binh sĩ này gây ra trên nạn nhân của chúng. Những tra tấn gây thương tổn cho thân xác Chúa Kitô đã được kèm theo với những lời nhạo báng chà đạp lên nhân phẩm của Ngài.

Thánh sử Gioan tường thuật về màn sỉ nhục này, được quân lính bắt chước theo trò chế nhạo thường thấy. Một vương miện làm bằng gai nhọn; tấm khăn choàng tím vương giả được thế đỡ bằng chiếc áo khoác đỏ; và lời kính chào dành cho một vị vua “Chào Caesar!”. Tuy nhiên, đằng sau tất cả trò chế nhạo này chúng ta có thể thấy một dấu chỉ vinh quang: đúng thế, Chúa Giêsu bị nhạo cười như một vị vua giả nhưng thực tế Ngài là Chủ Tể thực sự của lịch sử.

Cuối cùng, khi vương quyền của Ngài được hiển trị - như một Thánh Sử khác, Thánh Matthêu đã nói với chúng ta [15] Ngài sẽ lên án những kẻ tra tấn và những kẻ độc tài, và sẽ triệu vời vào vinh quang của Ngài không chỉ những nạn nhân của chúng, nhưng còn tất cả những ai đã từng thăm viếng các nhà tù, chữa lành các vết thương và các sầu khổ, giúp đỡ những ai đói khát và bị bách hại. Tuy nhiên, trong giờ này đây, khuôn mặt đã từng được biến hình sáng láng trên núi Tabor[16] đang bị biến dạng; Đấng là “phản ánh của vinh quang Thiên Chúa”[17] đang bị đánh đập và tơi tả; như tiên tri Isaiah đã công bố, Đấng Mêsia Tôi Tớ Thiên Chúa đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ [18].Trong Ngài, Thiên Chúa của vinh quang, sự đau khổ của nhân loại được tỏ lộ; trong Ngài, Chúa của lịch sử, sự yếu đuối của mọi loài thọ tạo được phơi bày; trong Ngài Đấng Dựng Lên trời đất, tiếng kêu đau thương của mọi loài thọ tạo tìm thấy tiếng vang.

[14] Lc 18:31-32

[15] x. Mt 25:31-46.

[16] x. Lc 9:29.

[17] x. Dt 1:3.

[18] x. Is 50:6

Chặng Thứ Bẩy

Chúa Giêsu vác thánh giá

Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

(Mc 15:20)

Suy Niệm:

Trong sân của quan tổng trấn, trò chế giễu tàn bạo đã chấm dứt, chiếc áo điều giễu cợt được lấy đi, các cánh cửa được mở ra. Và Chúa Giêsu tiến ra, mặc y phục của Người, áo dài “không có đường chỉ khâu, được dệt liền từ trên xuống dưới” [19]. Hai vai Người cong oằn dưới đòn ngang của thập giá nơi sẽ đón nhận tay Người và ghim lại bằng đinh sắt. Ngài chỉ còn là một sự hiện diện câm nín, dấu chân Ngài đầy máu và đau đớn đến nỗi ngày nay nẻo đường Ngài vác thập giá đi qua còn mang tên “Via Dolorosa” (Con đường Đau Đớn).

Giờ đây khi khởi hành Đường Thánh Giá, con đường chúng ta lặp lại hôm nay, con đường dẫn tới pháp trường, bên ngoài các bức tường của thành thánh, Chúa Giêsu lê bước chậm chạp tới trước, thân thể tan nát, yếu đuối của Ngài oằn đi dưới sức nặng của thập giá. Truyền thống đã đánh dấu một cách biểu tượng con đường này với ba cái té ngã. Ba cái ngã quỵ này phản ánh câu chuyện không bao giờ dứt của tất cả những người nam nữ đang oằn xuống dưới sức nặng của nghèo đói: những trẻ em yếu ớt, những người già yếu, những người nghèo và yếu thế, những người đang bị hút hết sức lực.

Ba cái té ngã này cũng nói lên câu chuyện của tất cả những ai cô đơn và bất hạnh, bị bỏ quên bởi đám đông bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời. Trong Chúa Kitô, Đấng đang oằn lưng dưới sức nặng của thập giá, chúng ta thấy cái nhân loại yếu ớt và bệnh hoạn mà tiên tri Isaia đã nói [20] “từ lòng đất, ngươi sẽ cất tiếng lên; từ cát bụi, lời ngươi sẽ thều thào yếu ớt; từ lòng đất, tiếng ngươi sẽ vọng lên tựa như tiếng vong hồn: lời ngươi sẽ thì thào từ cát bụi”.

Ngày nay cũng như vào thời đó, chung quanh Chúa Giêsu khi Ngài gắng gượng đứng lên và lê bước về phía trước dưới cây thập giá, là cuộc sống hàng ngày của phố phường, tấp nập với những giao dịch ngược xuôi, những hàng quán sáng trưng, và những truy hoan thâu đêm suốt sáng. Chung quanh Ngài, tuy vậy, không chỉ có thù địch và dửng dưng. Ngày nay cũng vẫn còn có những con người chọn lựa theo Ngài, dấn bước theo bước chân Ngài. Họ đã nghe những lời hiệu triệu Ngài đã đưa ra ngày nào khi rảo bước qua những cánh đồng miền Galilê: “Ai muốn theo ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” [21]. “Vậy ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu.”[22] Cuối con đường Via Dolorosa không chỉ có Đồi Sọ hay tăm tối của nấm mồ, nhưng cũng có đồi Thăng Thiên, đồi của ánh sáng.

[19] Ga 19:23.

[20] Is 29:4.

[21] Lc 9:23

[22] Dt 13:13

Chặng Thứ Tám

Ông Simon xứ Kyrênê vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu

Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simon, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.

(Lc 23:26)

Suy Niệm:

Ông ta từ ngoài đồng trở về có lẽ sau một vài giờ làm việc đồng áng. Đợi chờ ông ở nhà là những công việc chuẩn bị cho ngày đại lễ: thật vậy, chiều xuống sẽ đánh dấu sự khởi đầu của ngày Sabbath khi những ánh sao đầu tiên lấp lánh trên bầu trời hoàng hôn. Ông ta tên là Simon; một người Do Thái; gốc Kyrênê, một thành phố nằm trên bờ biển Libya nơi có một cộng đoàn đông đảo những người Do Thái Hải Ngoại [23]. Đội lính Rôma áp giải Chúa Giêsu chặn ông lại và một lệnh cộc lốc được ban ra buộc ông đổi lộ trình để vác đỡ thánh giá cho người tử tội dở sống dở chết.

Ông Simon là người bộ hành tình cờ; ông không hề biết cuộc gặp gỡ ngoại thường ấy là thế nào. Như một người đã từng viết [24], “có biết bao nhiêu người dọc dài các thế kỷ đã muốn có mặt tại đó, vào chỗ của ông, để tình cờ đi ngang qua đúng vào thời điểm ấy. Nhưng đã quá trễ, chính ông đã có mặt vào lúc đó và qua dòng thời gian đã không nhường chỗ cho ai khác”. Ở đây chúng ta thấy mầu nhiệm gặp gỡ tình cờ với Thiên Chúa đã xảy ra cho biết bao cuộc đời. Thánh Tông Đồ Phaolô, đã bị Chúa Kitô chặn lại, nắm bắt và “chinh phục” [25] trên con đường Đamátcô. Và điều này dẫn đưa ngài đến một suy tư mới mẻ về những lời đầy kinh ngạc này của Thiên Chúa: “Những kẻ không tìm Ta, lại được gặp Ta; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy”[26]

Thiên Chúa rình chờ chúng ta trên các nẻo đường đời. Đôi khi Ngài gõ cửa nhà và đòi ngồi cùng bàn ăn với chúng ta[27]. Ngay cả một cuộc gặp gỡ tình cờ như cuộc gặp gỡ với ông Simon xứ Kyrênê cũng có thể dẫn đến hồng ân hoán cải. Quả thật, Thánh Sử Máccô đã nêu danh tính hai người con ông Simon là Alexander và Rufus, đã trở thành những Kitô hữu [28]. Như thế, ông Simon trở thành biểu tượng cho mầu nhiệm gặp gỡ giữa ơn thánh Chúa và nỗ lực của con người. Thật thế, cuối cùng Thánh Sử đã mô tả ông như người môn đệ “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu” và tiến bước theo chân Chúa [29].

Từ việc bị cưỡng bách, cử chỉ của ông Simon đã biến thành biểu tượng của mọi hành vi liên đới với những người đau khổ, những người bị áp bức, những người mệt nhọc. Như thế con người xứ Kyrênê này tiêu biểu cho đoàn lũ đông đảo những người quảng đại, những thừa sai, những người Samaritanô nhân lành “không tránh qua lối khác mà đi” [30] nhưng cúi mình xuống giúp những người đau khổ, vác họ lên, và nâng đỡ họ. Trên đầu và trên vai ông Simon, đang oằn xuống dưới sức nặng của thánh giá, vang vọng lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” [31].

[23] x, Cv 2:10; 6:9; 13:1.

[24] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).

[25] Philip 3:12.

[26] Rm 10:20.

[27] x. Kh 3:20.

[28] x. Mc 15:21.

[29] x. Lc 9:23.

[30] x. Lc 10:30-37.

[31] Gl 6:2.

Chặng thứ Chín

Chúa Giêsu an ủi những người phụ nữ thành Giêrusalem đi theo Người

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người son sẻ, kẻ không cho bú mớm!”

Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”

(Lc 23:27-31)

Suy Niệm:

Trong ngày thứ Sáu mùa xuân hôm đó, con đường dẫn tới đồi Golgotha có hàng dài người trong đó không chỉ có những người ăn không ngồi rồi, những kẻ tò mò và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu. Còn có cả một nhóm những người phụ nữ, có lẽ là các thành viên của một hội đoàn chuyên an ủi và than khóc cho những người hấp hối và những tử tội. Trong cuộc đời trần thế của mình, Chúa Giêsu đã vượt qua những ước lệ và thành kiến và thường có những người phụ nữ vây quanh Người. Người hoán cải họ, lắng nghe những khó khăn lớn nhỏ của họ; từ cơn sốt của bà nhạc ông Phêrô tới thảm kịch của bà góa thành Nain, từ người phụ nữ mãi dâm mắt đẫm lệ cho tới những đau khổ nội tâm của bà Maria Mađalêna, từ sự thương mến của Mátta và Maria cho đến những khổ đau của người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, từ con gái ông Giairô cho tới bà cụ lưng còng, từ người phụ nữ thượng lưu Giôanna, vợ ông Chuza, tới người đàn bà góa nghèo và những gương mặt những người phụ nữ trong đám đông đi theo Người.

Như thế, Chúa Giêsu trong giờ sau hết của Ngài đã được vây bọc bởi một thế giới những bà mẹ, những con gái và những chị em. Bên cạnh Người giờ đây chúng ta có thể tưởng tượng ra hết tất cả những phụ nữ bị bạo hành và hạ nhục, những người bị loại ra ngoài lề và những người phải cúi đầu tuân phục các hủ tục xấu xa của bộ tộc, những phụ nữ đang hoang mang trước nghĩa vụ nuôi dạy con một mình, những bà mẹ Do Thái và Palestine, và tất cả những phụ nữ từ các quốc gia đang chìm trong khói lửa chiến tranh, những phụ nữ góa bụa và những người già bị con cái lãng quên.. Trước một thế giới khô khan và vô cảm vẫn có một đoàn lũ những phụ nữ mang chứng tá của lòng dịu hiền và thương xót, như những gì họ đã làm cho Người Con bà Maria trong buổi gần trưa hôm đó tại Giêrusalem. Họ dạy cho chúng ta biết vẻ đẹp của con tim xúc cảm: rằng chúng ta không nên xấu hổ khi con tim mình run lên vì lòng thương cảm, khi lệ trào trên khoé mắt, khi chúng ta đứng trước nhu cầu cần có những cử chỉ vỗ về và những lời ủi an.

Chúa Giêsu không phải không biết đến quan tâm bác ái của những người phụ nữ ấy như có lần Ngài đã tiếp nhận những cử chỉ tế nhị khác. Nhưng thật nghịch lý là giờ đây chính Ngài là người quan tâm đến những đau khổ sắp đổ xuống đầu “những nữ tử thành Giêrusalem”: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Thật thế, chập chờn ở phía chân trời là một trận hỏa hoạn đang sắp chụp xuống trên dân và trên thành thánh, một “cây khô” đang sẵn sàng bắt lửa.

Cái nhìn của Chúa Giêsu hướng đến sự phán xử của Thiên Chúa trong tương lai đối với tội lỗi, bất công và thù hận đang dưỡng nuôi ngọn lửa đó. Chúa Giêsu xót thương cho những đau khổ đang rình chờ đổ xuống trên các bà mẹ ấy một khi sự can thiệp chính đáng của Thiên Chúa vào trong lịch sử nổ ra. Nhưng những lời run rẩy của Ngài không phải là dấu ấn đóng trên một định mệnh tuyệt vọng, vì Ngài nói với tiếng nói của các ngôn sứ, một tiếng nói không gây ra khổ đau và cái chết, nhưng nẩy sinh ra hoán cải và sự sống: “Hãy tìm kiếm Thiên Chúa thì các ngươi sẽ được sống! Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng. Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, họ sẽ được an ủi vui mừng.”[32]

[32] Am 5:6; Gr 31:13.

Chặng Thứ Mười

Chúa Giêsu chịu đóng đinh

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! “

Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ngươi là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi! “

Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua dân Do Thái.”

(Lc 23:33-38)

Suy Niệm:

Đó chỉ là một tảng núi đá tiếng Aramaic gọi là Gôngôtha và tiếng La Tinh gọi là Canvê, “đồi Sọ”, có lẽ vì hình thù của nó giống một cái sọ người. Trên đỉnh đồi có ba cây thập giá của những người bị kết án tử hình, hai tên “tội phạm”, có lẽ đã làm cách mạng chống lại người Rôma, và Chúa Giêsu. Những giờ sau cùng của cuộc đời trần thế của Chúa Kitô bắt đầu, các giờ khắc được đánh dấu bởi xương thịt Ngài bị xé nát, xương bị dời chỗ, ngộp thở dần, và nỗi cô đơn trong lòng. Đây là những giờ phút minh chứng sự liên đới hoàn toàn của Con Thiên Chúa với con người đau khổ và hấp hối.

Một thi nhân [33] có lần ngâm rằng: “Người trộm bên phải và người trộm bên trái / chỉ cảm thấy dấu đinh ghim trong lòng bàn tay / Nhưng Chúa Kitô cảm thấy đau đớn vì ơn cứu chuộc / cạnh sườn xé ra, con tim bị đâm thâu / Chính con tim bừng cháy / Con tim bị thiêu đốt vì tình yêu”. Thật vậy, tất cả chung quanh thập giá dường như vang vọng tiếng của tiên tri Isaia: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu đánh phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Người đã hiến thân làm lễ vật đền tội” [34] Đôi tay giang rộng của thân mình bầm dập ấy muốn ôm vào lòng toàn thể chân trời nhân loại, “như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh” [35]. Vì đó chính là sứ mệnh của Người “Khi ta được treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” [36].

Bên dưới thân thể đang hấp hối ấy là đám đông háo hức “nhìn xem” một cảnh tượng kinh hoàng. Đó là bức tranh của sự hời hợt, của tính tò mò tầm thường, của sự săn lùng cảm giác mạnh. Một bức tranh nơi đó chúng ta có thể thấy hình bóng của xã hội chúng ta ngày nay, một xã hội lựa chọn sự kích thích và quá đáng như thể chúng là liều thuốc có thể vực dậy một tâm hồn lờ đờ, một con tim chai cứng, và một trí tuệ tăm tối.

Bên dưới thập giá ấy cũng có sự tàn ác lạnh lùng và cứng nhắc của những nhà lãnh đạo và quân lính, những kẻ mà sự thô bạo của chúng có khả năng buông ra những lời chế nhạo người đang đau khổ và hấp hối bởi lời nhạo cười: “Nếu ngươi là Vua Dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi!” Họ không ý thức được những lời cười nhạo cay cú của họ và tấm bảng chính thức trên thánh giá “Đây là Vua Dân Do Thái” – hoàn toàn là sự thật. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá với một thay đổi thình lình: Ngài không muốn sự vâng phục nô lệ dựa trên phép lạ, nhưng muốn một đức tin tự do, một tình yêu đích thật. Chính qua sự khổ nhục và cái chết hoàn toàn bất lực ấy, Ngài mở ra cánh cửa quang vinh và sự sống, và mạc khải chính Ngài là Chúa thật và là Vua của lịch sử và thế giới.

[33] CHARLES PÉGUY, Mầu Nhiệm Lòng Bác Ái Thánh Joan thành Arc (1910).

[34] Is 53:5, 10.

[35] Lc 13:34.

[36] Ga 12:32.

Chặng thứ Mười Một

Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm lành

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! “ Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! “

Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

“Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

(Lc 23:39-43)

Suy Niệm:

Những giây phút còn lại đang dần qua khi Chúa Giêsu tiến gần đến cái chết; sức sống và sức mạnh của Ngài đang kiệt dần. Tuy thế, Ngài vẫn còn chút sức lực để thực hiện cử chỉ yêu thương cuối cùng cho một trong hai người bị kết án tử hình là những người đang bên cạnh Ngài trong giờ phút bi thảm này, khi mặt trời công chính còn cao vời vợi trên thiên quốc. Giữa Chúa Kitô và con người đó, một cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã diễn ra, với hai câu thiết yếu.

Đầu tiên là lời thỉnh cầu của người tội phạm mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Hầu như anh ta đang xướng lên một phiên bản “Kinh Lạy Cha” của cá nhân anh với lời cầu “Nước Chúa trị đến!”. Nhưng anh ta đọc kinh ấy trực tiếp với Chúa Giêsu, kêu tên Người, một danh xưng có ý nghĩa ngoại thường trong giờ phút đó: “Thiên Chúa cứu chuộc”. Sau đó là một lời thỉnh cầu “Xin nhớ đến tôi!”. Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh động từ này có một lực đặc biệt chuyển tải nhiều hơn từ “nhớ” không có chút sắc mầu nào của chúng ta. Đó là từ thở ra sự xác tín như thể nói: “Xin giữ gìn tôi, xin đừng bỏ tôi, như bằng hữu nâng đỡ và bảo vệ tôi!”.

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”. Từ “Thiên Đàng” này rất hiếm thấy trong Thánh Kinh. Thật vậy, từ này chỉ xuất hiện hai lần nữa trong Tân Ước [37]. Trong nghĩa nguyên thủy từ này gợi ra một khu vườn huy hoàng và đầy hoa trái. Đó là hình ảnh đẹp của Vương Quốc ánh sáng và hòa bình mà Chúa Giêsu đã công bố trong những lời rao giảng, và đã hé mở với những phép lạ của Ngài, cũng như sẽ nhanh chóng xuất hiện trong vinh quang Phục Sinh. Đó là mục tiêu của cuộc hành trình khó nhọc của chúng ta xuyên suốt lịch sử, đó là sự viên mãn của cuộc sống, đó là sự thân mật trong vòng tay Thiên Chúa. Đó là hồng ân chung cuộc Chúa Kitô trao cho chúng ta, trong sự hy sinh đến chết trên thập giá của Ngài để mở ra vinh quang phục sinh.

Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.

[37] x. 2 Cr 12:4; Kh 2:7.

Chặng thứ Mười Hai

Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ và người môn đệ

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”

Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.”

Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Ga 19:25-27)

Suy Niệm:

Mẹ đã bắt đầu phải đứng cách xa Con từ lúc Chúa Giêsu lên Mười Hai khi Ngài nói rằng Ngài có một nhà khác và một sứ vụ khác phải chu toàn, nhân danh Thiên Chúa Cha trên trời. Nhưng giờ đây Mẹ Maria đứng trước khoảng khắc phải xa con hoàn toàn. Vào giờ phút đó, có nỗi đau xé lòng của những bà mẹ phải chứng kiến điều trái với tự nhiên là người tóc bạc đưa người tóc xanh. Nhưng Thánh Sử Gioan xóa bỏ mọi giọt lệ trên khuôn mặt khổ đau, làm câm nín mọi tiếng kêu bi thương từ môi Mẹ, và cũng không để Mẹ buông mình ngã nhào xuống đất trong tuyệt vọng.

Trái lại, sự im lặng thình lình bị đánh tan bởi một tiếng nói từ trên thánh giá và từ đôi môi Con Mẹ đang hấp hối. Hơn là một di chúc thông thường: đây là một mạc khải đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Mẹ Ngài. Sự phân ly tột cùng do cái chết đó không phải là một chung cuộc cằn cỗi nhưng đem lại hoa trái không ngờ như việc sinh con của một bà mẹ. Như chính Chúa Giêsu đã nói vài giờ trước đó, trong buổi chiều cuối cùng của cuộc đời tại thế của Ngài: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”[38].

Mẹ Maria trở lại làm một bà mẹ: không phải tình cờ mà trong một vài hàng của trình thuật Phúc Âm từ “mẹ” này đã xuất hiện đúng năm lần. Mẹ Maria trở lại làm một người mẹ và con Mẹ sẽ là tất cả những ai giống như “người môn đệ được yêu”, nghĩa là, tất cả những ai đặt mình dưới áo choàng ơn cứu độ của Chúa và theo Chúa Giêsu trong lòng tin và tình yêu mến.

Từ khoảng khắc đó, Mẹ Maria không còn đơn côi nữa. Mẹ trở thành hiền mẫu của Giáo Hội, một cộng đoàn đông đúc thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia, những người theo dòng thời gian sẽ cùng với mẹ quây quần bên thánh giá Chúa Kitô, người Con đầu lòng của Mẹ. Từ khoảng khắc đó, chúng ta bước cùng Mẹ trên những nẽo đường của hành trình đức tin, chúng ta ngụ cùng với Mẹ trong ngôi nhà Thánh Thần đã thổi trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta ngồi vào bàn nơi bẻ bánh Thánh Thể, và chúng ta trông đợi ngày Con Mẹ lại đến đưa chúng ta vào vinh quang muôn đời.

[38] Ga 16:21.

Chặng thứ Mười Ba

Chúa Giêsu chết trên thánh giá

Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”.

Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này thực là người công chính! “

(Lc 23:44-47)

Suy Niệm:

Lúc bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, màn đêm đã buông xuống trên thành Giêrusalem; giờ đây bóng tối của nhật thực trải dài như chiếc khăn liệm trên đồi Gôngôtha. “Quyền năng của tối tăm” [39] dường như che kín mảnh đất nơi Thiên Chúa đang hấp hối. Vâng, Con Thiên Chúa, để biến thành phàm nhân và huynh đệ thực sự với chúng ta, cũng phải uống chén sự chết, cái chết đã thực sự ghi dấu trên mỗi một hậu duệ của Ađam. Và vì thế Chúa Kitô “đã trở nên giống anh em của Người trong mọi phương diện” [40]; Ngài trở nên hoàn toàn như một người trong chúng ta, đứng bên phía chúng ta ngay cả trong cuộc vật lộn cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Một cuộc vật lộn có lẽ ngay lúc này đây đang xảy đến cho một người nam hay nữ nào đó trong thành phố Rôma này, và trong vô số những thành phố và làng mạc khắp nơi trên thế giới.

Đây không còn là một Thiên Chúa Hy Lạp và La Mã, vô cảm và xa cách, như một hoàng đế biệt cư trong những khung trời mạ vàng trong Thành Đô của mình. Trong Chúa Kitô đang hấp hối, Thiên Chúa giờ đây được tỏ lộ như một Đấng yêu thương tha thiết tạo vật của mình, ngay cả đến độ tự giam cầm mình trong biên giới tranh tối tranh sáng của khổ đau và cái chết. Thập giá vì thế trở thành một dấu chỉ nhân loại phổ quát nói lên sự cô đơn của cái chết, sự bất công và sự dữ. Nhưng đó cũng chính là một dấu chỉ thiên linh phổ quát cho hy vọng được thỏa mãn các trông đợi của mỗi một viên đại đội trưởng, nghĩa là của mỗi một người không nghỉ yên và đang kiếm tìm.

Trên thập giá ngút cao, lúc đang hấp hối trên giá treo ấy, Chúa Giêsu, trong lúc đang thở hắt ra những hơi thở cuối cùng, vẫn không ngừng là Con Thiên Chúa. Như vậy, vào giờ phút đó, mọi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được Thiên Chúa đón nhận lấy. Mỗi kinh nghiệm khổ đau và cái chết của nhân loại được phủ bằng hào quang của sự bất tử, một mầm mống của sự sống đời đời được cấy vào trong nó, rạng ngời một ánh sáng thiên linh.

Như thế, dù không mất đi tính chất bi thảm của nó, cái chết giờ đây hé mở một khuôn mặt mới đầy bất ngờ: nó có chính đôi mắt của Thiên Chúa Cha trên trời. Chính vì thế trong giờ sau hết Chúa Giêsu đã bật lên một lời cầu đánh động con tim: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Chúng ta cũng hãy khẩn nài lời thỉnh cầu này cho chính mình như trong một bài thơ đầy tính nguyện cầu của một nữ thi sĩ: [41] “Lạy Cha, xin những ngón tay Cha cũng khép những bờ mi con lại/ Cha là một người Cha của con, hãy nhìn con như một người Mẹ hiền / bên giường của đứa con hiền đang say ngủ / Lạy Cha, xin hãy đến cùng con và ẳm con trong cánh tay Cha”.

[39] Lc 22:53.

[40] Dt 2:17.

[41] MARIE NOËL, Bài Ca và Thời Khắc (1930).

Chặng thứ Mười Bốn

Táng xác Chúa Giêsu trong mồ

Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathêa, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabát bắt đầu ló rạng.

(Lc 23:50-54).

Suy Niệm:

Được bọc trong “khăn liệm”, thân xác bị đóng đanh bầm dập của Chúa Giêsu từ từ tuột khỏi đôi bàn tay yêu thương và nhân ái của ông Giuse thành Arimathêa để được đặt trong mồ đục sẵn trong núi đá. Trong các giờ thinh lặng sau đó, Chúa Giêsu sẽ thực sự giống như mọi người nam nữ đang đi vào bóng tối của cõi chết, của sự cứng đờ tứ chi, của chung cục. Tuy nhiên trong buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đó đã có cái gì đó trên không trung. Thánh Sử Luca ghi nhận rằng “ngày Sabát bắt đầu ló rạng”; đèn đã nhấp nháy bên trong cửa sổ nhiều ngôi nhà trong thành Giêrusalem.

Đêm vọng, được người Do Thái tuân giữ trong ngôi nhà của họ, đã thực sự là một biểu tượng của hy vọng cho những người phụ nữ, cho người môn đệ bí mật của Chúa Giêsu là ông Giuse thành Arimathêa, và các môn đệ khác. Một trông đợi giờ đây dâng lên làm ấm cúng trong lòng mỗi tín hữu, những người đang đứng trước một ngôi mộ hay đang cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của bệnh tật hay cái chết sờ vào mình. Đó là một trông đợi cho một rạng đông mới mẻ và khác hẳn mà chỉ trong một vài giờ nữa, khi ngày Sabát đã đi qua, sẽ hiện ra trước mắt chúng ta, những đôi mắt của những người theo Chúa.

Khi ngày đó mở ra, trên con đường trước nấm mồ chúng ta sẽ gặp gỡ một thiên thần, người sẽ nói với chúng ta: “Tại sao các ngươi tìm người sống giữa kẻ chết? Ngài không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” [42]! Và khi chúng ta trở về nhà, Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ đến gần và cùng đi với chúng ta, sẽ lưu ngụ cùng nhà với chúng ta và bẻ bánh tại bàn với chúng ta[43]. Rồi chúng ta cũng sẽ cầu nguyện với những lời đầy lòng tin trong bài cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu do một trong những nhạc sĩ tài danh nhất nhân loại sáng tác: [44]

“Dù tim con ứa lệ vì Chúa Giêsu nói lời ly biệt, nhưng di chúc của Người ban cho con niềm vui. Người để lại trong tay con một kho tàng vô giá, Mình và Máu Người. Ôi Chúa Cứu Thế của con, con muốn dâng lên Người tim con để Người ngự xuống đó! Con muốn chìm sâu trong Ngài! Nếu thế giới quá nhỏ với Chúa thì với con, chỉ Chúa thôi đã quá nhiều hơn cả thế giới và trời cao”.

[42] Lc 24:5-6.

[43] Lc 24:13-32.

[44] JOHANN SEBASTIAN BACH, Cuộc Thương Khó theo Thánh Matthêu, BWV 244, Nos. 18-19.

Lời nguyện kết thúc.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, cuộc thương khó và cái chết của Chúa là hy tế kết hợp trời và đất và hòa giải tất cả mọi người với Chúa.

Xin cho chúng con là những người đã thành tâm suy tư về những mầu nhiệm này, biết dõi theo các bước chân Chúa, để chúng con có thể chia sẻ vinh quang Chúa trên thiên đàng nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.