Sau đây là Phần Dẫn Nhập của Phúc Trình Tòa Thánh về Cựu Hồng Y Theodore McCarrick, trích từ chính Phúc Trình. Trong Dẫn Nhập này, có phần gọi là “Executive Summary”, một thuật ngữ chỉ bảng tóm tắt để những vị đứng đầu một cơ quan, vì bận bịu, không thể đọc hết một phúc trình, có thể nắm được những điểm mấu chốt của nó:

DẪN NHẬP

A.Phạm vi và Bản chất Phúc trình liên quan tới Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick

Vào ngày 6 tháng 10 năm 2018, Đức Thánh Cha đã ra lệnh nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu hiện có trong Văn khố của các Bộ và Văn phòng của Tòa Thánh liên quan đến McCarrick, để xác định tất cả các sự kiện liên quan, đặt chúng vào bối cảnh lịch sử của chúng và để đánh giá chúng một cách khách quan.

Việc khảo sát các tài liệu đã được thực hiện theo chỉ thị của Đức Thánh Cha và dưới sự bảo trợ của Phủ Quốc Vụ Khanh. Không có giới hạn nào được đặt ra đối với việc khảo sát tài liệu, thẩm vấn các cá nhân hoặc chi tiêu các nguồn lực cần thiết để thực hiện cuộc điều tra. Nay Phủ Quốc Vụ Khanh, sau khi kết thúc việc khảo sát của mình, trình bày các kết quả vào Phúc trình này về Nhận thức thể chế và Việc ra Quyết định của Tòa thánh Liên quan đến Cựu Hồng Y Theodore Edgar McCarrick (1930 đến 2017) (“Phúc trình”). Phúc trình được công bố cho công chúng theo chỉ thị của Đức Thánh Cha trong trường hợp ngoại lệ này vì lợi ích của Giáo hội Hoàn vũ.

Phúc trình này dựa trên việc duyệt lại mọi tài liệu liên quan đã được định vị sau một quá trình tìm kiếm cẩn thận. Trong Giáo triều Rôma, thông tin chủ yếu nhận được từ Phủ Quốc Vụ Khanh, Bộ Giám mục, Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Giáo sĩ và Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Tất cả các tài liệu có liên quan của Tòa Sứ Thần tại Hoa Kỳ cũng đã được khảo sát. Mặc dù việc giải thích các vai trò và chức năng khác nhau của các bộ sở và viên chức được nêu tên nằm ngoài phạm vi của Phúc trình, nhưng sự hiểu biết các vấn đề đó, kể cả các phân biệt giữa năng quyền của các bộ sở, là điều chủ chốt để thấu hiểu diễn trình ra quyết định được mô tả dưới đây.

Mặc dù cuộc khảo sát của Tòa Thánh khởi đầu chỉ tập trung vào các tài liệu, thông tin cũng đã được thu thập qua hơn chín mươi cuộc phỏng vấn các nhân chứng, mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài từ một đến ba mươi giờ. Những người được phỏng vấn bao gồm các viên chức hiện tại và các cựu viên chức của Tòa Thánh; các Hồng Y và giám mục tại Hoa Kỳ; các viên chức của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ; các cựu chủng sinh và linh mục từ nhiều giáo phận khác nhau; một số thư ký của McCarrick từ Metuchen, Newark và Washington; và các giáo dân ở Hoa Kỳ, Ý và các nơi khác. Trừ khi được chỉ định cách khác, các cuộc phỏng vấn được đề cập trong Phúc trình đã diễn ra từ tháng 5 năm 2019 đến tháng 10 năm 2020.

Cuộc Khảo sát của Tòa Thánh bao gồm việc duyệt xét các tuyên bố và các tài liệu khác nhận được từ các cá nhân tham gia trong diễn trình phỏng vấn, cũng như duyệt xét lời khai thu thập được trong thủ tục hình sự hành chính do Bộ Giáo lý Đức tin tiến hành vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Tòa thánh cũng nhận được các tư liệu từ các tổ chức Công Giáo ở Hoa Kỳ, bao gồm Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Giáo phận Metuchen, Tổng giáo phận Newark, Tổng giáo phận New York, Tổng giáo phận Washington và Đại học Seton Hall (1). Các tư liệu được thu thập cho mục đích duy nhất là đóng góp vào Phúc trình này và không được phép dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Phù hợp với các chỉ thị, Phúc trình mô tả nhận thức thể chế và việc ra quyết định của Tòa thánh liên quan đến McCarrick, như được đặt trong bối cảnh lịch sử. Như đã xuất hiện trong tiến trình khảo sát, bối cảnh có liên quan bao gồm các hoạt động, thành tích và chuyến đi của McCarrick, tất cả đều liên quan đến việc ra quyết định của Tòa Thánh. Nhận thức và hành động của các cá nhân và tổ chức ở Hoa Kỳ cũng được thảo luận theo mức chúng liên quan tới các quyết định của Tòa Thánh.

Phúc trình này không khảo sát vấn đề khả thể qui tội (culpability) của McCarrick theo giáo luật, vì vấn đề này đã được Bộ Giáo lý Đức tin phân xử. Dù cuộc khảo sát của Phủ Quốc Vụ Khanh không tập chú vào việc khám phá ra bản chất chính xác của tác phong sai trái nơi McCarrick, nhiều cá nhân từng tiếp xúc trực tiếp với McCarrick đã được phỏng vấn liên quan đến Phúc trình (2). Trong các cuộc phỏng vấn kéo dài, thường đầy xúc động, người ta đã mô tả hàng loạt tác phong, bao gồm việc lạm dụng hoặc tấn công tình dục, hoạt động tình dục không mong muốn, tiếp xúc thân mật và ngủ chung giường mà không có động chạm thân thể. Các cuộc phỏng vấn cũng bao gồm các trình thuật chi tiết liên quan đến việc McCarrick lạm dụng thẩm quyền và quyền lực. Các trình thuật đầy đủ của các cá nhân, được chứng minh là vô cùng hữu ích cho việc khảo sát, đã được duyệt xét cẩn thận, được cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và được bảo quản trong văn khố của Tòa thánh.

Bởi vì Phúc trình này tập chú vào nhận thức thể chế và ra quyết định liên quan đến McCarrick, chỉ những trình thuật nào đã được các viên chức Tòa thánh hoặc các thành viên của các phẩm trật giáo hội ở Hoa Kỳ trước cuối năm 2017 biết đến mới được nêu trong Phúc trình, với sự đồng ý và chấp thuận của các nạn nhân. Tất nhiên, bất cứ người nào từng là nạn nhân của McCarrick vẫn được tự do chia sẻ kinh nghiệm của mình một cách công khai, như một số người từng làm. Đối với các độc giả đã từng bị lạm dụng hoặc quấy rối tình dục, các phần của Phúc trình kể lại các biến cố liên quan đến McCarrick, bao gồm các Phần VI, IX, X.C, XIX.D, XX và XXVIII, có thể gây chấn thương và cần được tiếp cận một cách thận trọng. Một số phần của Phúc trình này cũng không phù hợp với các vị thành niên.

Đối với các hoạt động quốc tế của ông, McCarrick đã làm việc thay mặt cho nhiều tổ chức tôn giáo và thế tục khác nhau trong suốt 5 thập niên. McCarrick đã đi nước ngoài cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Cơ Quan Cứu trợ Công Giáo, Tòa thánh, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Qũy Kháng cáo Lương tâm, và một loạt các tổ chức tư nhân và chính phủ khác. McCarrick cũng tham gia vào các sáng kiến và du hành theo thỏa thuận riêng của mình.

Về công tác quốc tế phối hợp với Tòa thánh, các hoạt động của McCarrick thường tạo nên hình thức “ngoại giao mềm”, dựa trên công việc mục vụ và đối thoại văn hóa, giáo dục, khoa học và liên tôn giáo. McCarrick chưa bao giờ là một tác nhân ngoại giao của Tòa thánh. Mặc dù các mối liên hệ quốc tế của Tòa thánh đôi khi cung cấp bối cảnh quan trọng cho các hoạt động của McCarrick, nhưng Phúc trình này tránh đưa ra thông tin chi tiết liên quan đến các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các vấn đề đang tiếp diễn hoặc tế nhị.

Mặc dù việc gây quỹ và tặng quà của McCarrick được thảo luận dưới đây, nhưng Phúc trình không cung cấp việc thuật lại các hoạt động như vậy, đã diễn ra trong ít nhất bốn thập niên. Nhìn chung, hồ sơ dường như cho thấy mặc dù kỹ năng gây quỹ của McCarrick được cân nhắc rất nhiều, nhưng chúng không mang tính quyết định đối với các quyết định quan trọng đưa ra liên quan đến McCarrick, kể cả việc ông được bổ nhiệm đến Washington vào năm 2000. Ngoài ra, cuộc khảo sát không tiết lộ bằng chứng nào cho thấy thói quen tặng quà và tặng dữ của McCarrick đã ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của Tòa thánh liên quan đến McCarrick trong bất cứ thời kỳ nào.

Các trích dẫn được trình bày trong phần chú thích bên dưới đề cập đến Công Báo được duy trì trong các văn khố của Tòa Thánh cùng với bản gốc của Phúc trình. Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các cá nhân và các tổ chức công và tư có liên quan, Công Báo không được công bố cùng với Phúc trình này. Tuy nhiên, Phúc trình trích dẫn đầy đủ các tài liệu quan trọng. Đối với các tài liệu được mô tả hoặc trích dẫn một phần, các mô tả và trích dẫn đó phản ảnh chính xác nội dung của tài liệu được đề cập. Sự nhấn mạnh trong các tài liệu được trích dẫn xuất hiện trong bản gốc trừ khi được chỉ định cách khác.

Việc chuẩn bị Phúc trình đòi phải phiên dịch nhiều tài liệu, chủ yếu từ tiếng Anh sang tiếng Ý và ngược lại. Ngoại trừ khá nhiều thư từ được gửi trực tiếp cho McCarrick, phần lớn các tài liệu chủ chốt của Giáo triều La Mã và Tòa Sứ thần Tòa thánh đều được viết bằng tiếng Ý, trong khi hầu hết các tài liệu của Hoa Kỳ được viết bằng tiếng Anh. Các tài liệu tiếng Ý được biểu thị bằng dấu hoa thị khi được trích dẫn lần đầu. Ngôn ngữ nguồn của bất cứ tài liệu nào đều có thế giá về ý nghĩa của nó.

Mặc dù thời gian trôi qua và mức độ phức tạp của vấn đề khiến không thể bao gồm mọi thông tin, nhưng Phúc trình này hẳn đóng góp đáng kể vào hồ sơ. Như Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, đã viết trong một bức thư ngỏ vào ngày 7 tháng 10 năm 2018, “Tôi hy vọng giống như nhiều người khác, vì sự tôn trọng đối với các nạn nhân và nhu cầu công lý, cuộc điều tra... ở Hoa Kỳ và ở Giáo triều Rôma cuối cùng sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn có phê phán, toàn diện, về các thủ tục và hoàn cảnh của vụ án đau lòng này, để những sự kiện như vậy không lặp lại trong tương lai” (3).

B. Bản tóm tắt chấp hành (Executive Summary)

Phần này tóm tắt các sự kiện chủ chốt và việc ra quyết định liên quan đến cựu Hồng Y McCarrick, từ khi ông được nâng lên làm giám mục năm 1977 qua cáo buộc vào năm 2017 rằng ông đã lạm dụng tình dục một vị thành niên vào đầu những năm 1970. Để hỗ trợ người đọc, bản tóm tắt này nhắc đến các phần có liên quan của Phúc trình đối với từng chủ đề.

1. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Phaolô VI

Sau khi khảo sát sâu rộng lý lịch của McCarrick, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm Đức Ông Theodore McCarrick làm Giám Mục Phụ Tá tại New York vào năm 1977. Hầu hết những người cung cấp thông tin được hỏi ý kiến trong diễn trình đề cử đều mạnh mẽ đề nghị McCarrick được nâng lên hàng giám mục. Không ai báo cáo đã chứng kiến hoặc nghe nói về việc McCarrick can dự vào bất cứ hành vi không đứng đắn nào, kể cả với người lớn hay vị thành niên (4).

2. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II

a. Các vụ bổ nhiệm tới Metuchen và Newark

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm McCarrick làm Giám mục Metuchen (1981) và Tổng Giám mục Newark (1986). Các quyết định bổ nhiệm McCarrick dựa trên lý lịch, kỹ năng và thành tích của ông ta. Trong diễn trình bổ nhiệm, McCarrick được nhiều người ca ngợi là một giám mục mục vụ, thông minh và nhiệt thành, và không có thông tin đáng tin cậy nào xuất hiện cho thấy ông đã can dự vào bất cứ hành vi sai trái nào.

Ở Metuchen và Newark, McCarrick được công nhận là một nhân viên chăm chỉ, tích cực trong Hội đồng Giám mục và trên trường quốc nội và quốc tế. Ông cũng được biết đến và được đánh giá cao như một nhà gây quỹ hữu hiệu, cả ở bình diện giáo phận lẫn Tòa thánh (6).

b. Việc bổ nhiệm đến Washington

Tổng giám mục McCarrick được bổ nhiệm đến Washington vào cuối năm 2000 và phong tước Hồng Y vào đầu năm 2001. Bằng chứng cho thấy đích thân Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra quyết định bổ nhiệm McCarrick và đã làm như vậy sau khi nhận được sự cố vấn của một số cố vấn đáng tin cậy ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Vào thời điểm được bổ nhiệm đến Washington, các cáo buộc chống lại McCarrick thường thuộc bốn loại:

Linh mục 1, trước đây thuộc Giáo phận Metuchen, cho rằng ngài đã quan sát hành vi tình dục của McCarrick với một linh mục khác vào tháng 6 năm 1987 và McCarrick đã mưu toan thực hiện hành vi tình dục với Linh mục 1 vào cuối mùa hè đó (7);

một loạt các bức thư nặc danh, gửi tới Hội đồng Giám mục Công Giáo Quốc gia, Sứ thần Tòa thánh và nhiều vị Hồng Y khác nhau tại Hoa Kỳ vào năm 1992 và 1993, cáo buộc McCarrick tội ấu dâm với “các cháu trai” của ông ta (8);

McCarrick được người ta biết đã ngủ chung giường với những người đàn ông trẻ tuổi trưởng thành trong tòa Giám Mục ở Metuchen và Newark (9); và

McCarrick được biết đã ngủ chung giường với các chủng sinh trưởng thành tại một ngôi nhà ở bãi biển New Jersey (10).

Những cáo buộc trên thường được tóm tắt trong một lá thư đề ngày 28 tháng 10 năm 1999 của Đức Hồng Y O’Connor, Tổng Giám mục New York, gửi cho Sứ thần Tòa thánh, và ngay sau đó được chia sẻ với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (11).

Thông tin liên quan đến tác phong của McCarrick dẫn đến kết luận rằng sẽ không khôn ngoan nếu chuyển ông ta từ Newark đến một Tòa khác trong ba lần, đó là Chicago (năm 1997) (12), New York (1999/2000) (13) và, thọat đầu, Washington (tháng 7 năm 2000) (14). Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dường như đã thay đổi ý nghĩ vào tháng 8 / tháng 9 năm 2000, nên cuối cùng đã dẫn đến quyết định của ngài bổ nhiệm McCarrick đến Washington vào tháng 11 năm 2000 (15). Những lý do chính dẫn đến sự thay đổi suy nghĩ của Đức Gioan Phaolô II dường như là như sau :

• Theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vào tháng 5 đến tháng 6 năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Montalvo, Sứ thần tại Hoa Kỳ, đã tiến hành một cuộc điều tra bằng văn bản với bốn giám mục New Jersey để xác định xem những cáo buộc chống lại McCarrick có đúng hay không. Các câu trả lời của các giám mục cho cuộc điều tra xác nhận rằng McCarrick quả có ngủ chung giường với những người đàn ông trẻ tuổi nhưng không cho thấy một cách chắc chắn rằng McCarrick đã thực hiện bất cứ hành vi tình dục sai trái nào (16). Điều hiện nay được biết, qua cuộc điều tra được thực hiện để chuẩn bị Phúc trình này, là ba trong số bốn giám mục Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin không chính xác và không đầy đủ cho Tòa Thánh liên quan đến hành vi tình dục của McCarrick với các thanh niên (17). Thông tin không chính xác này dường như đã tác động đến kết luận của các cố vấn của Đức Gioan Phaolô II và do đó, của chính Đức Gioan Phaolô II (18).

• Vào ngày 6 tháng 8 năm 2000, McCarrick đã viết một lá thư cho Đức Giám Mục Dziwisz, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, mục đích bác bỏ những cáo buộc của Đức Hồng Y O’Connor. Trong bức thư được cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, McCarrick khẳng định: “Trong bảy mươi năm của cuộc đời, con chưa bao giờ có quan hệ tình dục với bất cứ người nào, nam hay nữ, già hay trẻ, giáo sĩ hay giáo dân, con cũng không khi nào lạm dụng bất cứ người nào khác hoặc đối xử thiếu tôn trọng với họ”. Sự phủ nhận của McCarrick đã được tin tưởng và quan điểm được cho rằng, nếu những cáo buộc chống lại McCarrick được công khai hóa, McCarrick sẽ có khả năng bác bỏ chúng một cách dễ dàng (19).

• Vào thời điểm McCarrick được bổ nhiệm, và một phần do bản chất hạn chế trong các cuộc điều tra riêng trước đó của Tòa thánh, Tòa thánh chưa bao giờ nhận được một đơn khiếu nại trực tiếp nào từ một nạn nhân, dù là người lớn hay vị thành niên, về hành vi sai trái của McCarrick (20). Vì lý do này, những người ủng hộ McCarrick có thể mô tả một cách chính đáng những cáo buộc chống lại ông là “tán gẫu” hoặc “tin đồn” (21).

• Linh mục 1, cá nhân duy nhất vào thời điểm đó cho rằng hành vi tình dục sai trái của McCarrick, bị coi là người cung cấp thông tin không đáng tin cậy, một phần vì bản thân ngài trước đó đã lạm dụng hai thiếu niên (22). Ngoài ra, Tòa thánh không nhận được bất cứ tuyên bố có chữ ký nào từ Linh mục 1 liên quan đến những cáo buộc của ngài chống lại McCarrick (23).

• Mặc dù McCarrick thừa nhận rằng việc ông ngủ chung giường với các chủng sinh tại ngôi nhà ở bãi biển là "thiếu khôn ngoan", ông vẫn nhấn mạnh rằng ông chưa bao giờ thực hiện hành vi tình dục và việc khẳng định ngược lại, bao gồm cả những bức thư nặc danh, đã cấu thành lời tán gẫu có động cơ nói hành và / hoặc chính trị (24). Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp, nhưng căn cứ vào thông tin thu nhận được, có thể kinh nghiệm quá khứ của Đức Gioan Phaolô II ở Ba Lan liên quan đến việc sử dụng các cáo buộc giả mạo chống lại các giám mục để làm suy giảm vị thế của Giáo hội đã đóng một vai trò trong việc ngài sẵn lòng tin vào lời của McCarrick (25).

• Hơn hai thập niên đảm nhiệm chức vụ giám mục, McCarrick được công nhận là một giám mục đặc biệt chăm chỉ và hữu hiệu, có khả năng đảm đương những nhiệm vụ tế nhị và khó khăn cả ở Hoa Kỳ lẫn ở một số khu vực nhạy cảm nhất trên thế giới - bao gồm cả ở Khối Đông Âu cũ và đặc biệt là Yugoslavia (26).

• Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã biết McCarrick trong nhiều năm, lần đầu tiên gặp ông vào giữa những năm 1970 (27). McCarrick thường xuyên tương tác với Đức Giáo Hoàng, cả ở Rôma lẫn trong các chuyến công du nước ngoài, kể cả thời điểm Đức Giáo Hoàng đến thăm Newark vào năm 1995 và trong các chuyến đi hàng năm đến Rôma vì Qũy Giáo hoàng (28). Mối quan hệ trực tiếp của McCarrick với Đức Gioan Phaolô II cũng có thể có tác động đến việc ra quyết định của Đức Giáo Hoàng.

3. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI

Vào đầu triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, thông tin mà Tòa thánh nhận được liên quan đến tác phong sai trái của McCarrick nói chung tương tự như thông tin có sẵn đối với Đức Gioan Phaolô II vào thời điểm được bổ nhiệm đến Washington (29). Không lâu sau khi được bầu vào Tháng 4 năm 2005, theo đề nghị của Sứ thần và Bộ Giám mục, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã gia hạn nhiệm kỳ của McCarrick tại Washington, được coi là thành công, thêm hai năm (30).

Dựa trên các chi tiết mới liên quan đến các cáo buộc của Linh mục 1, Tòa thánh đã đảo ngược hướng đi vào cuối năm 2005 và khẩn trương tìm kiếm người kế vị cho Tổng giám mục Washington, trong khi yêu cầu McCarrick “tự động” rút lui khỏi cương vị Tổng giám mục sau Lễ Phục sinh 2006 (31).

Trong hai năm tiếp theo, các viên chức Tòa Thánh đã vật lộn với cách giải quyết các vấn đề liên quan đến Hồng Y McCarrick. Khi còn phục vụ ở Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã viết hai giác thư (memoranda), một bản vào năm 2006 và bản còn lại vào năm 2008, với mục đích kéo sự chú ý của Bề trên tới các câu hỏi liên quan đến McCarrick (32). Các giác thư này đề cập đến các cáo buộc và tin đồn về tác phong sai trái của McCarrick trong những năm 1980 và nêu lên các lo ngại cho rằng một vụ tai tiếng có thể xẩy đến vì thông tin này đã được lưu hành rộng rãi. Lưu ý rằng các cáo buộc vẫn chưa được chứng minh (“Si vera et probata sunt exposita”) và thừa nhận rằng chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể phán xét một vị Hồng Y theo giáo luật, Viganò đề nghị mở một diễn trình giáo luật để xác định sự thật và nếu được bảo đảm, nên áp đặt một "biện pháp làm gương".

Cấp trên của Viganò, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Bertone và Đức Tổng Giám Mục phó Quốc Vụ Khanh Sandri, đã chia sẻ mối quan tâm của Viganò và Đức Hồng Y Bertone đã trình bày vấn đề trực tiếp lên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Cuối cùng, con đường diễn trình giáo luật để giải quyết các vấn đề thực tế và có thể ra các hình phạt giáo luật đã không được thực hiện (33). Thay vào đó, quyết định được đưa ra là kêu gọi lương tâm và tinh thần giáo hội của McCarrick bằng cách cho ông ta thấy ông ta nên duy trì một khuôn mặt ít nổi bật hơn và giảm thiểu việc đi lại vì lợi ích của Giáo hội. Năm 2006, Đức Hồng Y Re, Bộ trưởng Bộ Giám mục, đã chỉ thị Sứ thần Sambi truyền đạt những chỉ dẫn đó bằng miệng cho McCarrick (34). Năm 2008, Bộ trưởng Re truyền những chỉ dẫn đó cho McCarrick bằng văn bản (35). Dù phương thức của Đức Hồng Y Re được Đức Bênêđictô XVI chấp thuận, nhưng các chỉ dẫn không mang dấu ấn chuẩn nhận minh nhiên của Đức Giáo Hoàng, không dựa trên các phát hiện thực tại rằng McCarrick đã thực sự có hành vi sai trái, và không bao gồm lệnh cấm đối với thừa tác vụ công cộng (36).

Một số nhân tố dường như đã đóng một vai trò trong việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI không quyết định khởi diễn thủ tục giáo luật chính thức: không có bất cứ cáo buộc đáng tin cậy nào về việc lạm dụng trẻ em; McCarrick đã tuyên thệ trên “lời thề trong tư cách giám mục” của mình rằng các cáo buộc là sai sự thật (37); các cáo buộc về tác phong sai trái với người lớn liên quan đến các biến cố trong những năm 1980; và không có dấu chỉ nào cho thấy bất cứ tác phong sai trái nào gần đây (38).

Trong trường hợp không có các biện pháp trừng phạt theo giáo luật hoặc chỉ thị rõ ràng từ Đức Thánh Cha, McCarrick tiếp tục các hoạt động của mình ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài. McCarrick vẫn hoạt động trong thừa tác vụ công khai, tiếp tục công việc của mình với các Cơ quan Cứu trợ Công Giáo (bao gồm cả việc du lịch nước ngoài), đi đến Rôma dự các cuộc họp hoặc biến cố khác nhau, vẫn là thành viên của các bộ sở của Tòa thánh (Cơ quan Quản lý Gia Sản Tòa thánh và các Hội đồng Giáo hoàng), tiếp tục công việc của mình ở Trung Đông với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và phục vụ trong các ủy ban Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. McCarrick cũng đảm nhiệm các cam kết khác với sự chấp thuận của các viên chức của Giáo triều Rôma hoặc Sứ thần Tòa thánh (39). Sau giữa năm 2009, Sứ thần Sambi trở thành điểm tiếp xúc chính của McCarrick và cùng với việc Sambi hữu hiệu phụ trách tình hình, cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI lẫn Bộ Giám Mục dường như đã không được báo cáo về các hoạt động của McCarrick ở Hoa Kỳ hoặc ở nước ngoài (40). Một khi Đức Tổng Giám Mục Viganò được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2011, McCarrick thường xuyên thông tri cho Viganò biết các chuyến đi và hoạt động của ông (41).

Khoảng cuối triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Linh mục 3, một linh mục khác của Metuchen, đã thông báo cho Sứ thần Viganò về vụ kiện của Linh mục 3 với cáo buộc cho rằng tác phong tình dục rõ rệt giữa ông và McCarrick đã diễn ra vào năm 1991 (42). Viganò đã viết thư cho Đức Hồng Y Ouellet, Bộ trưởng mới của Bộ Giám mục, về việc này vào năm 2012 và Ouellet đã chỉ thị cho Viganò đưa ra một số biện pháp, kể cả một cuộc điều tra với các viên chức giáo phận chuyên biệt và Linh mục 3, để xác định xem những cáo buộc có đáng tin cậy hay không. Viganò đã không thực hiện các biện pháp này và do đó không bao giờ đặt mình vào vị trí xác định tính đáng tin của Linh mục 3. McCarrick tiếp tục hoạt động, đi khắp nơi trong nước và quốc tế (43).

4. Nhận thức và việc ra quyết định liên quan đến McCarrick trong triều Giáo hoàng Phanxicô

Do McCarrick nghỉ hưu và tuổi cao, các viên chức Tòa thánh trong thời gian từ năm 2013 đến đầu năm 2017 hiếm khi đề cập đến các chỉ dẫn ban đầu được ban hành cho McCarrick vào các năm 2006 và 2008, được sửa đổi trong đơn yêu cầu của họ dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI (44).

Cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin, lẫn Đức Hồng Y Ouellet đều không gỡ bỏ hoặc sửa đổi các “chỉ dẫn” trước đây liên quan đến các hoạt động hoặc nơi ở của McCarrick. McCarrick thường tiếp tục công việc tôn giáo, nhân đạo và bác ái của mình trong thời kỳ này, đôi khi với sự tập trung và năng lượng đổi mới, nhưng cũng với khó khăn ngày càng tăng do tuổi cao. Trong giai đoạn 2013 đến 2017, McCarrick không hoạt động như một tác nhân ngoại giao cho Tòa thánh, hoặc với bất cứ ủy quyền chính thức nào từ Phủ Quốc Vụ Khanh (45).

Trong một ít trường hợp, các hoạt động tiếp tục của McCarrick, và sự hiện hữu của các chỉ dẫn trước đây, đã được nêu ra với Đức Giáo Hoàng Đức Phanxicô bởi Phó Quốc Vụ Khanh Becciu và Quốc Vụ Khanh Parolin. Sứ thần Viganò, vào năm 2018, trước nhất cho rằng trong các cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha vào tháng 6 và tháng 10 năm 2013, ngài đã đề cập đến McCarrick nhưng không có hồ sơ nào chứng minh câu truyện của Viganò và bằng chứng về những gì ngài nói đang bị tranh chấp gay gắt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại cuộc trò chuyện ngắn về McCarrick với Phó Quốc Vụ Khanh Becciu và không loại trừ khả thể có cuộc trao đổi cũng ngắn với Đức Hồng Y Parolin. Trước năm 2018, Đức Thánh Cha chưa bao giờ thảo luận về McCarrick với Đức Hồng Y Ouellet, người là bộ trưởng bộ có thẩm quyền chính về vấn đề này, hoặc với Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI (46).

Cho đến năm 2017, không ai - kể cả Đức Hồng Y Parolin, Đức Hồng Y Ouellet, Đức Tổng Giám Mục Becciu hay Đức Tổng Giám Mục Viganò - cung cấp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô bất cứ tài liệu nào liên quan đến những cáo buộc chống McCarrick, kể cả những bức thư nặc danh có từ đầu những năm 1990 hoặc những tài liệu liên quan đến Linh mục 1 hoặc Linh mục 3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ nghe nói rằng đã có những cáo buộc và tin đồn liên quan đến tác phong vô luân với người lớn xảy ra trước khi McCarrick được bổ nhiệm đến Washington. Tin rằng những cáo buộc đã được Đức Gioan-Phaolô II xem xét và bác bỏ, đồng thời nhận thức rõ rằng McCarrick đã hoạt động tích cực dưới thời Đức Bênêđictô XVI, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không thấy cần phải thay đổi phương thức đã được chấp nhận trong những năm trước đó (47).

Vào tháng 6 năm 2017, Tổng giáo phận New York biết được cáo buộc đầu tiên là McCarrick lạm dụng tình dục đối với một nạn nhân dưới 18 tuổi, xảy ra vào đầu những năm 1970 (48). Ngay sau khi cáo buộc được coi là đáng tin cậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu McCarrick từ chức khỏi Hồng Y đoàn. Sau một diễn trình hình sự hành chính của Bộ Giáo lý Đức tin, McCarrick bị kết tội có hành vi trái với Điều răn thứ sáu của Thập Điều liên quan đến cả vị thành niên lẫn người lớn, và trên cơ sở đó đã bị loại khỏi bậc giáo sĩ (49).

Ghi Chú

1 Section XXIX.
2 Section XXVIII.
3 17 ACTA 14815.
4 Sections II và III.
5 Sections IV và VII; cũng nên xem Section VI.
6 Sections V và VIII.
7 Sections X.C, XII and XIII. Liên quan đến những người được nhận diện trong Phúc trình này bằng tên giả có đánh số để bảo vệ sự tư riêng của họ, Phủ Quốc Vụ Khanh biết căn tính đích thực của họ.
8 Sections X.A, XII và XIII.
9 Sections XII và XIII.
10 Sections XII và XIII.
11 Section XII.
12 Section XI.
13 Section XII.
14 Sections XIII, XIV và XV.
15 Section XVI.
16 Section XIII.
17 Section IX.
18 Sections XII, XIII, XV và XVI.
19 Section XVI.
20 Sections XII và XIII.
21 Sections XII, XIII và XV.
22 Sections XII và XIII.
23 Sections X.C, XII, và XIII.
24 Section XVI.
25 Section XVI.
26 Sections V và VIII.
27 Sections II và III.
28 Sections V và VIII.
29 Sections XIX.A, XIX.B và XIX.C.
30 Sections XVIII và XIX.D.
31 Section XIX.D.
32 Sections XX và XXII.A.
33 Sections XX và XXII.
34 Section XX.
35 Section XXII.B.
36 Section XXII.
37 Section XIX.D.
38 Sections XIX, XX và XXII.
39 Sections XXI và XXIII.
40 Sections XXII và XXIII.
41 Section XXIV.A.
42 Section XXIV.B; cũng nên xem Section IX.C.
43 Section XXIV.
44 Section XXV; cũng nên xem Sections XXI, XXII, XXIII và XXIV.
45 Section XXV.
46 Section XXV.
47 Section XXV.
48 Section XXVI.
49 Sections XXVI và XXVII.