Chương IV: Kinh Nguyện của Chúa Giêsu

Nếu không run rẩy và không khẩn cầu ơn trên, ai dám nâng mắt nhìn lên điều hẳn phải là những giờ phút của lời cầu nguyện nội tâm không thể nào tưởng tượng được khi Ngôi Lời Nhập Thể bắt mọi sự ở trong Người phải im lặng để linh hồn Người có thể tự do cảm nghiệm một cách đầy yêu thương, dưới ánh sáng thị kiến, vinh quang của Cha Người, của Thần Tính của chính Người, và của Chúa Thánh Thần? Các nhà thần học nói với chúng ta rằng nơi các thánh, ngoài thị kiến vinh phúc (vision béatifique), trong đó yếu tính thần linh tự làm cho mình được trí khôn thụ tạo nắm bắt, còn có sự tham gia của kinh nghiệm yêu thương nhờ ơn phúc của Chúa Thánh Thần {1}; chính nhờ cách này, người ta có thể nghĩ rằng khi Người bước vào lời cầu nguyện vượt trội hơn bất cứ khái niệm nào, Chúa Kitô đã chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và khẩn cầu lòng Chúa thương xót xuống trên con người.

Và chắc chắn, trong những giọt nước mắt của hồng phúc Nhận Thức, sự chiêm ngưỡng của Người cũng hướng về nhân loại đáng thương mà sự bạc nhược vốn được sứ vụ của Người cưu mang.

Lạy Thiên Chúa của con, xin soi sáng cho con một chút về bí ẩn này, những lọn gai trên đầu của Chúa Kitô và, bên trong, những suy nghĩ rất cay đắng của Người. Sự suy niệm mà những kẻ tội lỗi đã vẽ điểm trên cơ thể của Đấng Diễm Phúc, bằng cách đánh đòn và những tàn ác khác và việc đeo vương miện làm trò hề, trong khi chờ đợi Thập Giá và Cái Chết.

Trên Núi Cây Dầu, Chúa Giêsu để trước mắt Người chủ đề lời cầu nguyện của Người, mọi tội lỗi phải gánh và sự bỏ rơi của con người và của Thiên Chúa. Rồi, bắt đầu cơn hấp hối của Người trong run rẩy và sợ hãi và mồ hôi máu. Và giờ đây, dưới mão gai, Người thị kiến trong nhân tính của Người mọi điều ác đã có, đang có, và sẽ có.

Bóng tối của việc chiêm ngưỡng tội lỗi, đêm tối thực sự khôn nguôi, đêm huyền nhiệm và khôn dò, kinh nghiệm xây dựng trong đức ái và trong sự hiệp nhất yêu thương của Chúa Kitô với những kẻ tội lỗi. Chính vì họ mà Người đã đến, mang họ trên vai qua cơn lũ mọi thời đại để tới lãnh thổ đời đời vững chắc.

Giường của Vua bằng gỗ Libăng, vương miện của Người bằng gai. Chúng con đã đặt Người nằm trên thập giá, mọi khốn cùng đều trần truồng trước mặt Người, và đầu đẫm máu của Người ngả nhẹ trên vai Người. Người nếm trải sự cay đắng vô tận của tội lỗi chúng con, như các thánh nếm hưởng hương vị ngọt ngào của yếu tính Thiên Chúa trong đêm tối của sự chiêm nghiệm thần thiêng. {2}



Khi Chúa Giêsu rút vào cô tịch để cầu nguyện, thì điều chắc là trước tiên và chủ yếu, Người đã cầu nguyện im lặng.
Nhưng Chúa Giêsu cũng cầu nguyện bằng đôi môi cũng như bằng trái tim của Người. Người đã cầu nguyện lớn tiếng vào ngày Lễ Lá (3); Người đã cầu nguyện lớn tiếng trong lời kinh nguyện linh mục của Người, tại Bữa Tiệc Ly, Người đã cầu nguyện lớn tiếng trong Vườn Cây Dầu, Người đã cầu nguyện lớn tiếng trên Thập giá. Và lời cầu nguyện lớn tiếng hàng ngày của Người há không phải là chính lời cầu nguyện Người dạy ta cùng đọc với Người, theo Người đó sao? Kinh Lạy Cha không phải chỉ là Kinh Chúa Giêsu dạy chúng ta, nó còn là kinh của chính Chúa Giêsu.

Những ước nguyện lớn lao chứa đựng trong ba lời cầu xin đầu tiên đã được Người đọc lên với niềm âu yếm và tha thiết xiết bao! Chúng là những ước nguyện của chính Người được Người dâng lên Cha của Người, vì Danh Cha của Người, vì Nước của Cha Người, vì thánh ý của Cha Người; chúng là những ước nguyện của chính Người trước khi là ước nguyện được Người dâng lên nhân danh anh em của Người trong tư cách người đứng đầu nhân loại.

Các lời cầu xin khác của Kinh Lạy Cha, Người đọc nhân danh những người tội lỗi mà Người đã đến để cứu vớt, và do đó, trong tư cách Đấng Trung Gian và Chiên Con được hứa dâng làm của lễ, Người là một với những kẻ Người đã gánh lấy tội lỗi.

Điều trên đúng đến nỗi từ trong yếu tính, Kinh Lạy Cha quả là lời cầu nguyện chung {4}, lời cầu nguyện trong đó mỗi người chúng ta tự ý ngỏ cùng Thiên Chúa nhân danh anh chị em mình cũng như nhân danh chính mình, lời cầu nguyện trong đó Con Thiên Chúa đọc không những lời cầu xin mà ý nghĩa được chỉ về chính bản thân Người, mà cả những lời cầu xin mà ý nghĩa được chỉ về những người tội lỗi mà Người đã đồng hóa với vì tình yêu. Rõ ràng là ba lời cầu xin cuối cùng không hề liên quan đến Chúa Giêsu. Người không có tội để được tha thứ; Người không có nguy cơ rơi vào sự cám dỗ; Người không cần được cứu khỏi sự dữ - Vì Người chính là Đấng chinh phục sự dữ, Đấng Cứu Rỗi của thế giới.

Tuy nhiên, lời cầu xin thứ tư, Người đã đọc như chúng ta phải đọc, cùng một lúc xin cho có bánh ăn mà Người và anh em của Người cần hàng ngày khi còn lữ thứ trên trần gian, và cho có bánh ăn mà người nghèo trên thế giới cần có hàng ngày.

Và theo một nghĩa nào đó, Người cũng đọc lời cầu xin thứ sáu cho chính bản thân Người, không vì sợ phạm tội mà vì sợ phải chịu đựng điều chống lại tự nhiên; và Người thậm chí còn có thể đọc lời cầu xin thứ bảy, theo như nó liên quan đến sự dữ đau khổ. (Pater, si possibile est, transeat a me calix iste [Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này khỏi Con]).

Suy niệm mỗi lời cầu xin của Kinh Lạy Cha, bằng cách cố gắng đi sâu vào tình cảm của Chúa Giêsu khi Người đọc nó, chắc chắn sẽ là cách cầu nguyện tốt đẹp.



Chúng ta không có sự hướng dẫn nào khác về sự sống đời đời, về sự sống thần thiêng, về mối phúc, hơn là Cuộc Sống của Chúa Kitô, Giáo Huấn của Chúa Kitô, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, và Lời Cầu Nguyện của Chúa Kitô. Việc noi gương Chúa Kitô là con đường của tình yêu và sự thánh thiện.

Như thế, Kinh Lạy Cha, do Chúa Kitô dạy chúng ta{5}, là lời cầu nguyện chân thực nhất, chân thực một cách hoàn toàn và hoàn hảo nhất, chính đáng và đẹp lòng Chúa, lời cầu nguyện mà ngọn lửa phải luôn luôn bừng cháy trong chúng ta.

Sẽ không có lời cầu nguyện, không có sự suy ngẫm nào, nếu không có Chúa Kitô ở trong linh hồn, và nếu sự bắt chước Chúa Kitô, việc tham dự vào các trạng thái, cuộc sống và lời cầu nguyện của Người, điều mà Thánh Phaolô gọi là tái tạo hình ảnh của Người{6}, không hiện diện trong thẳm sâu linh hồn. Chính Người cũng hiện diện ở đó, vì mọi ơn thánh linh hồn nhận được đạt tới việc tái tạo này nhờ "khí cụ kết hợp" với Thiên Chúa, tức nhân tính của Đấng Cứu Rỗi.

Nếu nói về những điều tốt lành đặc thù, ngay cả những điều đáng ao ước một cách chính đáng nhất ngay trong chúng, mà trong các dịp vô số trong đời người, chúng ta đã cầu xin Chúa cho có được, nhưng về những sự tốt lành đó chúng ta không biết vai trò ở mặt trái của sự vật và của nhiệm cục thần thiêng, nên chúng ta phải tin Thánh Phaolô: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả{7}. Và Thần Khí làm gì? Người làm cho chúng ta kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "{8} Điều này nói gì nếu không phải là Thần Khí, khi làm cho chúng ta cầu nguyện như chúng ta phải cầu nguyện, nhắc nhở chúng ta trong nội tâm nhớ tấm gương của Chúa Giêsu và dạy chúng ta cầu nguyện, như “những con nuôi", căn cứ vào Kinh Lạy Cha? Mọi lời cầu nguyện trong tinh thần và trong sự thật, đặc biệt là lời cầu nguyện thiên truyền (infuse) trong mọi mức độ của nó, đều tiến hành căn cứ vào Kinh Lạy Cha.

Lối cầu nguyện không dùng lời tự nó cũng dựa vào Ngôi Lời, tức Chúa Kitô. Nó được xây dựng trên Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Linh hồn được Kinh Lạy Cha đào tạo sẽ cầu nguyện – bằng lời hoặc không bằng lời, trong những lời thì thầm cũng như trong thẳm sâu im lặng của chiêm niệm thuần túy - trong sự chính trực thiêng liêng của Kinh Lạy Cha, theo gương Chúa Giêsu.

Trong chiêm niệm không lời, Kinh Tin Kính luôn có mặt, trong thẳm sâu linh hồn. Và người ta có thể nói rằng chính trong ánh sáng và sức mạnh của nó mà linh hồn bước vào một nhận thức hay kinh nghiệm phát xuất từ đức tin và từ sự kết hợp của tình yêu, và trong đó mọi khái niệm đều phải im lặng (lúc đó, ánh sáng đức tin đi qua họ mà không đánh thức họ, hoặc hiếm khi khuấy động họ, để đi về phía Thực Tại vốn là đối tượng của nó, và làm cho linh hồn phải khổ vì yêu, dưới sự linh hứng của các ơn Chúa Thánh Thần).

Cũng vậy, người ta có thể nói rằng chính ở trong cái đà và sức mạnh của Kinh Lạy Cha mà phát sinh sự ước muốn, ước nguyện, và lời cầu xin, bất kể không được nói ra như thế nào, vẫn nội tại trong chiêm niệm không lời, trong đó không có tiếng nói nào khác ngoài hơi thở của tình yêu. Bảy lời cầu xin luôn có đó, trong thẳm sâu linh hồn, nhưng không còn cần phải nói rõ chúng bằng lời; chính tinh thần của chúng được Chúa Thánh Thần làm cho bay lên tới Thiên Chúa.

Nếu từ trải nghiệm huyền nhiệm mà ta có thể trở lại với lời nói, mà không làm gián đoạn trải nghiệm này, thì, ở dưới đáy, ta thấy chính lời lẽ của Kinh Lạy Cha, vì, nói cho đúng, chính nhờ bắt đầu từ những lời lẽ này, theo mức chúng được khắc ghi trong linh hồn, linh hồn đã được nâng lên, hướng tới sự kết hợp không lời.

Trong việc tìm kiếm Đấng nó yêu thương, mà không có hướng dẫn hay ánh sáng soi đường, chỉ có ngọn lửa bừng cháy trong tim {9},

Khi linh hồn trải nghiệm các phúc lành của đêm thâu,

Ôi Đêm vốn là hướng dẫn của tôi!
Ôi Đêm sáng đẹp hơn bình minh
Ôi Đêm hạnh phúc kết hợp Đấng yêu thương với nàng dâu của Người
{10},

thì lúc đó, như thể, các lời cầu xin của Kinh Lạy Cha, hay một trong số các lời cầu xin này, hay thậm chí đôi khi cả một sự hé mở của một khứng nhận nào đó, đã để cho sự nặng nề của các công thức nhân bản rớt xuống để không còn lại gì ngoại trừ nhịp đập của tình yêu.

Do đó, người ta thấy từ người bận bịu chỉ có thể đọc Kinh Lạy Cha (nhưng có lẽ họ đã qua chế độ Ơn Phúc, có lẽ họ đã tiến xa hơn người ta tưởng trong đời sống thiêng liêng) đến người chiêm niệm bị lôi cuốn một cách thầm lặng vào sự kết hợp với Thiên Chúa được biết đến như là Đấng Vô Minh, và là người, trong những khoảnh khắc như thế, chỉ còn tiếng thở dài của con tim để thốt lên những lời khẩn cầu đã được Thầy Chí Thánh của mình giảng dậy, chính nhờ cùng một nẻo đường duy nhất mà tất cả những ai đến với Thiên Chúa, bất cứ họ là người như thế nào, bất kể từ ngõ ngách nào của thế giới, thẩy đều nghe lời kêu gọi của tình yêu và làm hết sức mình để bắt chước Chúa Giêsu.

Thánh Tôma nhắc lại (nhưng dường như không chấp nhận trách nhiệm về nó) {11} rằng theo Thánh Augustinô {12} có một sự tương ứng nào đó giữa các lời cầu xin của Kinh Lạy Cha và các ơn phúc của Chúa Thánh Thần. Tương ứng với lời cầu xin đầu tiên là ơn Kính Sợ Chúa, tương ứng với lời cầu xin thứ hai là ơn Đạo Đức, tương ứng với lời cầu xin thứ ba là ơn Suy Biết; tương ứng với lời cầu xin thứ tư là ơn Mạnh Mẽ; tương ứng với lời cầu xin thứ năm là ơn Lo Liệu; tương ứng với lời cầu xin thứ sáu là ơn Thông Hiểu; tương ứng với lời cầu xin thứ bảy là ơn Khôn Ngoan.

Trong một vấn đề mà dù sao vẫn chỉ là một vấn đề ý kiến, bất kể nó không quan trọng như thế nào, liệu có được phép áp dụng nó cách khác so với cách Thánh Tiến Sĩ tuyệt vời của Hippo đã áp dụng, trong khi vẫn tôn trọng nguyên tắc?
Đối với chúng ta, dường như sự tương ứng này thỏa đáng hơn cho tâm trí nếu ta thiết lập nó theo cách sau: {13}

Đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện danh Cha cả sáng” điều này đặc biệt thích hợp với ơn Khôn Ngoan - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của người Yêu Chuộng Hòa Bình, người vốn được hứa sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.

Xin cho Nước Người ngự đến, điều này đặc biệt thích hợp với ơn Thông Hiểu - và nó là lời cầu nguyện tuyệt vời của Người Có Lòng Trong Sạch, người vốn được hứa sẽ được thấy Thiên Chúa.

Xin cho ý Người được thể hiện trên trái đất cũng như trên thiên đàng, điều này đặc biệt thích hợp với ơn Suy Biết - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của người Khóc Lóc, người vốn được hứa sẽ được an ủi.

Xin Người ban cho chúng ta hôm nay bánh ăn hàng ngày, điều này đặc biệt thích hợp với ơn Mạnh Mẽ - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của người Đói Khát Công Lý, người vốn được hứa sẽ được no đầy.

Xin Người tha nợ cho chúng ta như chúng ta cũng tha cho những người mắc nợ chúng ta, điều này đặc biệt thích hợp với ơn Lo Liệu - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của người Có Lòng Thương Xót, người vốn được hứa sẽ được thương xót.

Xin Người chớ để chúng ta sa chước cám dỗ đặc biệt thích hợp với ơn Đạo Đức - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của người Hiền Lành, người vốn được hứa sẽ chiếm hữu trái đất.

Xin Người cứu chúng ta khỏi sự dữ, điều này đặc biệt thích hợp với ơn Kính Sợ Chúa - và là lời cầu nguyện tuyệt vời của Người Nghèo Trong Tinh Thần, người vốn được hứa nước trời là của họ.
_____________________________________________________________________________________
{1} Xem Thánh Tôma Aquinô , Sum. theol., I-II, 68, 6. – Trong khảo luận của ông về Các Ơn Chúa Thánh Thần (Cursus theol., t. VI, disp. 18, a. 3, par. 77-79) bản dịch của Raissa Maritain in lần hai, Paris, Téqui 1950) Jean de St Thomas viết rằng: “nhận thức về Thiên Chúa trong quê thật có hai phương diện... Thị kiến vinh phúc (vision béatifique) phát xuất từ ánh sáng vinh quang kích thích và điều khiển tình yêu, trong khi nhận thức do ơn thông hiểu và khôn ngoan cung cấp thì xây dựng trên tình yêu vinh phúc (amour béatifique); nó là một sự nếm trải (goût) ta có về Thiên Chúa được yêu thương và nên một với linh hồn” (tr. 88); “từ thị kiến phát sinh tình yêu Thiên Chúa đầy thân mật và sinh hoa trái, và từ việc sinh hoa trái này mà có sự nhận thức nào đó có tính cảm giới và cảm nghiệm không những đối với Thiên Chúa tự tại (en soi, điều làm nên thị kiến), mà còn đối với Thiên Chúa như được nếm trải, cảm nghiệm và có quan hệ mật thiết trong ta” (tr.89).
{2} Raïssa Maritain, "La Couronne d'épines," rải rác (trong Lettre de Nuit, La Vie Donnée (Paris: Desclée de Brouwer, 1950).
{3} Xem Ga 12:27-28.
{4} Xem Thánh Cyprianô, De Orat. Domin., n. 8, P.L., 4, 524.
{5} "Nobis formam orandi tradens, per quam maxime spes nostra in Deum erigitur, dum ab ipso Deo edocemur quid ad ipso petendum sit" ("cho chúng ta một hình thức cầu nguyện nâng các niềm hy vọng cao nhất của chúng ta lên Thiên Chúa, chính Thiên Chúa dạy ta điều ta nên xin nơi Người”). Thánh Tôma Aquinô, Compendium Theologiae, II, cap. 3 (Marietti), n. 549.
{6} Rm. 8:29.
{7} Ibid. 8:26
{8} Ibid., 8:15.
{9} Thánh Gioan Thánh Giá, Cantiques de l’Ame (La Nuit Obscure), str. 3, bản dịch của Cha Cyprien de la Nativité, trong Oeuvres Spirituelles, Paris, Desclée de Brouwer, 1949, p. 1210.
{10} Thánh Gioan Thánh Giá, Cantiques de l’Ame ("La Nuit Obscure"), str. 5, p. 1211.
{11} Sum. theol., II-II, 83, 9, ad. 3. "Ad tertium dicendum quod Augustinus, in libro De serm. Dom. in monte, adaptat septem petitiones donis et beatitudinibus, dicens . . ." ("Thánh Augustinô [ De serm. Dom. in monte ] thích ứng 7 lời cầu xin vào các ơn và mối phúc. Ngài nói...”)
{12} De Serm. Domini in monte, lib. II, cap. 11, P.L., 34, 1286.
{13} Trong bản liệt kê này, chúng tôi đi ra ngoài Thánh Augustinô (loc. supra cit.) phần nào trong những điều liên quan đến sự tương ứng giữa các Lời Cầu Xin của Kinh Lạy Cha và các Ơn của Chúa Thánh Thần. Nhưng chúng tối nhất trí với ngài trong những điều liên quan đến sự tương ứng giữa các Ơn của Chúa Thánh Thần và các Mối Phúc (Xem Sum. theol., I-II, 69, 3, ad. 3; II-II, 8, 7; 9, 4; 45, 6; 52, 4; 121, 2; 139, 2).