Chương I



Kinh Lạy Cha

Tình yêu của Chúa Kitô đã cung cấp cho ta lời kinh chủ yếu. Đó là Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện chân thật và cần thiết phổ quát. Oratio Dominica perfectissima est (1)(Kinh nguyện của Chúa hoàn hảo nhất). Nó là sự soi sáng và mạc khải ngay trong nó. Nhờ các lời lẽ của Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta biết một cách hết sức chắc chắn, từ nay trở đi được tỏ lộ và sáng láng trong tâm hồn chúng ta, rằng chúng ta có một người Cha ở trên trời -- Pater noster qui es in coelis (Cha chúng con ở trên trời) – một Thiên Chúa yêu bằng tình âu yếm phụ thân, chứ không phải chỉ là Đấng Tạo Dựng. Thiên Chúa khoái trá trong mọi điều Người đã dựng nên (“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã dựng nên, và chúng đều rất tốt” (2), nhưng Người chỉ yêu con người và các thiên thần như con cái của Người.

Đối với cả các hiền triết ngoại giáo, nhất là những Nhà Khắc Kỷ, tên Cha hiển nhiên thích hợp với Thiên Chúa nhưng theo nghĩa hoàn toàn khác, chỉ ám chỉ Nguyên Lý của vũ trụ trong tư cách Nguyên Nhân Đệ Nhất phổ quát: Thiên Chúa là Cha chúng ta vì Người đã sinh ra chúng ta, và vì tia lửa của Người trong chúng ta khiến chúng ta có đặc điểm giống như Người. Ngay trong Cựu Ước, ý nghĩa đích thực của Tình Cha thần thánh vẫn đã mặc nhiên rồi tuy chưa được tỏ lộ. “Tình Cha là phẩm tính của Thiên Chúa Tạo Dựng và Thiên Chúa Quan Phòng” (3). Chính Con Một, Đấng luôn ngụ cư trong lòng Chúa Cha, đã “nói” với chúng ta về vị Thiên Chúa này, vị Thiên Chúa “không người nào đã thấy bất cứ lúc nào” (4). “Mọi sự đã được Cha Thầy trao cho Thầy; và không ai biết Con trừ Cha ra, và cũng không ai biết Cha trừ Con ra, và kẻ được Con chọn để mạc khải về Người” (5). Cha trong ý nghĩa tuyệt đối độc đáo đối với Chúa Giêsu, Đấng mà Ngôi Vị đồng bản thể và đống nhất về bản tính với Ngôi Thứ Nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha đối với các đứa con nuôi của Người theo nghĩa mà chỉ có Chúa Giêsu mới mạc khải được: Người mời gọi ta, nhờ hồng phúc ơn thánh siêu nhiên, tham dự vào sự sống thân mật của Người, vào sở hữu của Người, vào hạnh phúc của Người, vào gia tài Thiên Tính không thể nào hiểu thấu và vô cùng siêu việt của Người, và trở nên “hoàn thiện thậm chí như Cha các con ở trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (6).

“Bởi chính danh Cha, chúng ta tuyên xưng việc tha tội, việc thánh hóa, việc cứu chuộc, việc nhận làm con, việc hưởng gia tài, mối dây huynh đệ của chúng ta với Con Một, và các ơn Chúa Thánh Thần” (7).

Tertullianô nói rằng Kinh Lạy Cha là bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng (8).

Giống Tin Mừng, Kinh Lạy Cha có gốc rễ sâu xa trong Do Thái Giáo và đem tôn giáo của Israel tới đỉnh điểm hoàn thiện và trổ bông của nó, nhưng nhờ việc đổ ơn cao hơn và một yếu tố tuyệt đối siêu việt.

Người ta vốn nhận xét rằng nhiều nét trong các công thức của Kinh Lạy Cha giống một số công thức cầu nguyện của Do Thái Giáo và dường như đã được dẫn khởi từ chúng. Nhưng khi rút tỉa kho tàng truyền thống của dân tộc Người, Chúa Giêsu đã hiển dung điều Người rút tỉa. Dù có sự giống nhau về chất liệu, khoảng cách vẫn là vô tận giữa Kinh Lạy Cha và kinh nguyện Do Thái. Thần Khí đã canh tân mọi sự và nâng chúng lên hàng siêu việt.

Không những toàn bộ Kinh Lạy Cha thoát khỏi bất cứ thêm thắt (accrescence) hay dư thừa vô ích nhân bản dù nhỏ nhặt nào và đã được Thiên Chúa rút gọn vào những điều cốt yếu, như một thỏi vàng đã được tinh luyện một cách lạ lùng, không những sự ngắn ngủi của nó tương phản với những đoạn dài dòng của các lời ngợi khen trong kinh nguyện Do Thái Giáo (dù đẹp đẽ ra sao, các trân châu bảo ngọc trong các lời lẽ của ta vẫn tạo nên nét nặng nề thái quá), mà, và trên hết, tính phổ quát của vương quốc thiêng liêng và tư cách Cha của Thiên Chúa còn loại khỏi nó bất cứ yếu tố nào của chủ nghĩa duy đặc thù quốc gia”. Lời khẩn cầu tha thiết và gây xúc động thái quá mà người Do Thái Giáo thực hiện nhân danh Israel đã bị bãi bỏ. Đức ái phải ôm lấy mọi người thế nào, thì lời cầu nguyện cũng giả thiết phải được nói ra như thế bởi mọi tín hữu lên tiếng như một người với Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng là Cha mọi người” (9).

Kinh Lạy Cha được thuật lại dưới một hình thức ngắn hơn bởi Thánh Luca (11:2-4), và dưới hình thức đầy đủ bởi Thánh Mátthêu (6:9-13). Cha Lagrange nói với chúng ta rằng nó gồm 6 lời cầu xin chia thành hai phần, “3 lời cầu xin đầu là các ước nguyện liên quan đến sự vinh quang của Thiên Chúa; 3 lời cầu xin sau là nhân danh con người” (10). Chúng tôi tin rằng với nhiều lý lẽ hơn, Thánh Tôma vẫn duy trì con số truyền thống là 7 lời cầu xin (11) (như thế, sed libera nos a malo [nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ] được coi như không lồng trong lời cầu xin thứ sáu: et ne nos inducas in tentationem [Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ], mà lập thành một lời cầu xin riêng biệt).

Kinh này bắt đầu bằng cách hướng về Thiên Chúa và sự tốt lành của Người. Trong ba lời cầu xin đầu, Chúa Kitô kết hợp chúng ta với Người trong những lời khẩn cầu long trọng và tuyệt diệu, các ước muốn của Người và các ước muốn của chúng ta, ngỏ với Cha chung: Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Chúa Kitô cho phép chúng ta tham gia với Người trong việc ngỏ các lời cầu khẩn mầu nhiệm trên lên Cha của chúng ta và là Cha của Người, như thể ý muốn của chúng ta và sự thánh thiện, hay cố gắng hướng tới sự thánh thiện của các tạo vật nhân bản của Người là một trợ cụ dâng lên chính Thiên Chúa trong cuộc chiến đấu của Người chống lại sự dữ, chống lại thần dữ. Há Thiên Chúa đã không ra sắc chỉ để, vì sự cứu rỗi của con người, Ngôi Lời phải Nhập Thể vào nhân tính yếu đuối và Con Một Người phải chịu cuộc Khổ Nạn cứu chuộc “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên Thánh Giá” đó ư? Mỗi người được mời gọi dự phần vào cuộc chiến vĩ đại do Chúa Con lãnh đạo để chiến đấu cho vinh quang cao cả nhất của Chúa Cha, vì mỗi người, bằng cách này hay cách khác, dù bất toàn và nhỏ nhoi nhất, và chỉ vì đã sinh ra ở trên đời, đều là chi thể của Chúa Kitô, vốn là đầu của Nhân Loại (12), và đầu của Nhiệm Thể có sức thu hút và lôi kéo Nhân Loại về với Người.

Cho nên, chúng ta phải cầu cùng Thiên Chúa cho chính Thiên Chúa.

Quả rất đúng là 3 lời cầu xin đầu của Kinh Lạy Cha liên quan tới một cách ứng xử nào đó của con người: như xin cho Danh khôn tả được hiển vinh nơi chúng ta, xin cho Nước Thiên Chúa ngự đến trong nhân loại, và thánh ý Người được thể hiện bởi chúng ta và trong chúng ta. Khi bạn xin cho Danh Cha được cả sáng, thì Thánh Augustinô viết rằng “nhìn vấn đề cẩn thận hơn, bạn quả đang xin điều này cho chính bạn” (13). Vâng, đúng thế, không còn hoài nghi chi, nhưng bạn xin điều gì trước nhất và trên hết nếu không phải là vinh quang của Đấng là Cùng Đích tuyệt đối tối cao của bạn vì Người quả là cùng đích ấy của mọi tạo vật; nếu không phải là hoàn thành các kế sách cực tốt đẹp của Đấng bạn yêu mến hơn chính bạn và hơn mọi tạo vật; và nếu không phải là thỏa mãn tình âu yếm và đại lượng mà Người vốn dùng để yêu thương bạn một cách nhưng không bằng một tình yêu không là gì khác hơn là tình yêu nhất thiết Người yêu chính Người? Thành thử, nếu nhìn kỹ hơn chút nữa, thì quả với 3 lời cầu xin đầu, bạn đã cầu xin cho Thiên Chúa và Sự Thiện của Người trước nhất và trên hết mọi điều khác (14). Ở đây, sự thiện của bạn chỉ được hàm ngụ như một quan tâm phụ mà thôi.

Quan tâm lớn của Thánh Augustinô là đề phòng để chúng ta đừng rơi vào ý nghĩ cho rằng Thiên Chúa có thể lãnh nhận bất cứ điều gì từ tạo vật, hay các cố gắng của tạo vật có thể thêm bất cứ điều gì vào Sự Thiện Tự Hữu. Tuy nhiên, chúng ta không nên, vì sợ một ý nghĩ hiển nhiên vô lý, mà quay mắt khỏi mầu nhiệm cao cả của sự thật được nhắc tới trong ba lời cầu xin đầu của Kinh Lạy Cha, một sự thật được Thánh Phaolô phát biểu khi nói rằng chúng ta là các cộng sự viên (*) của Thiên Chúa, Dei enim sumus adjutores (15). Trong niềm vui Thiên Chúa nhận được từ các thánh của Người, trong việc trở về của người con trai hoang đàng, trong tình yêu của con người và của các thiên thần, và trên hết, trong tình yêu và vâng lời hoàn toàn của Chúa Giêsu Kitô, không có gì, tuyệt đối không có gì nhờ đó, tạo vật có thể thêm vào cho Hữu Thể thần linh. Trái lại, như chính Thiên Chúa đã khiến cho tạo vật, và sự tự do của tạo vật do Người tác động, tham dự vào công trình mà chính Người hoàn thành phù hợp với các kế sách đời đời thế nào, thì Thiên Chúa, do tính tràn trề tình yêu của Người, đã khiến việc đáp trả một cách yêu thương của các tạo vật, việc dâng lễ và hiến tế mà chính ơn thánh của Người đã thôi thúc bước vào chính niềm vui và hân hoan của tình yêu hoàn toàn đồng nhất với yếu tính bất di bất dịch của Người, và qua đó, Người vui thích đời đời trong chính Người như thế (16). Việc biểu lộ vinh quang của Người ra bên ngoài (ad extra) không thêm bất cứ điều gì vào vinh quang này, một vinh quang vốn là của Người theo tính tất yếu của bản tính, nhưng, từ thuở đời đời, Người đã tự ý muốn rằng khi tự mặc khải trong thời gian, vinh qaung này sẽ được sở hữu trọn vẹn ở trên cao bởi sự vinh quang đời đời trong đó nó chia sẻ, và nhận được từ vinh quang này mọi nét sáng láng của nó.

Ta thấy nghĩa nào đúng khi nói rằng chúng ta nên cầu xin Thiên Chúa cho Thiên Chúa. Đầu tiên và trên hết, ta hãy ước ao, tìm cách, và theo đuổi sự thiện của vị Thiên Chúa này, Đấng mà chúng ta yêu thương thân thiết và xin với Người rằng sự bày tỏ vinh quang và sự tốt lành của Người cuối cùng được hoàn tất. Nhờ công phúc cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô – kết hợp chúng ta với cuộc khổ nạn này và sống trong ơn thánh và tình yêu Thiên Chúa – chúng ta nên trước nhất và trên hết ước mong bằng cõi lòng và hành động rằng chính chúng ta và mọi linh hồn bất tử nên làm chứng cho sự thánh thiện của Cha trên trời và làm cho danh Người được chúc tụng trên mặt đất; chúng ta nên làm nhanh hơn việc phát triển Nước của Người và việc xuất hiện cuối cùng của Nước này, chiến thắng mọi quyền lực khác; chúng ta nên chu toàn ở đời này thánh ý đáng thờ lạy của Người, để nhờ tình yêu, nó có thể được thiết lập cả trên đất như đã được thiết lập ở trên trời. Chúng ta nên cầu xin để đức ái, cuối cùng, sẽ hiển dung thế giới này và mặc cho nó đặc điểm thần linh, cuối cùng giải thoát nó khỏi mọi thứ quyền lợi, có thể nói được như thế, mà Ông Hoàng của thế gian này vốn đòi hỏi nó. Và để cho đức ái ấy thống trị trong chúng ta, chúng ta nên cầu xin cho chính chúng ta theo cách Chúa Giêsu đã dạy ở những lời tiếp theo của Kinh Lạy Cha.

Panem nostrum quotidianum da nobis hodie (xin cho chúng con lương thực hàng ngày). Ở đây, bắt đầu lời cầu xin của những kẻ tội lỗi cho chính họ. Chúng ta cầu xin bánh ăn hàng ngày cho thân xác và linh hồn chúng ta; tha thứ tội lỗi ta, đáp lại lòng thương xót chúng ta tỏ cùng những người xúc phạm đến ta; chúng ta cầu xin Cha trên trời gin giữ chúng ta khỏi các nguy hiểm cám dỗ và xin Người giảo thoát chúng ta khỏi sự dữ.

Người sẽ làm điều trên vì Người yêu chúng ta và vì Người là nguồn mọi sự thiện. Và không có việc này, ta có thể dâng cho Người được điều chi? Các món quà mà con cái hoan hỉ tặng cha họ, đều phần nào được lấy từ kho nẫm của người cha.
____________________________________________________________________________
(*) Bản của Tin Lành Việt Nam (Phan Khôi?) dịch rất hay là : bạn làm việc (của Thiên Chúa).
{1} Thánh Tôma Aquinô, Sum. theol., II-II, 83, 9.
{2} St 1:31.
{3} M. J. Lagrange, Evangile selon saint Luc, p. 321, n. 2.
{4} Ga 1:18.
{5} Mt. 11:27.
{6} Mt.5:48.
{7} Thánh Gioan Kim Khẩu, Hom. 19, in Matt. 6, n. 4., Patrologia Graeca, 57, 278.
{8} De Orat., cap. 1, Patrologia Latina, 1, 1153.
{9} M. J. Lagrange, L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ p. 321
{10} M. J. Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 126. -"Con số sáu lời cầu xin cộng với lời khẩn cầu là con số hoàn hảo” -- M. J. Lagrange, L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, p. 321, n.1.
{11} Sum. theol., II-II, 83, 9. – Truyền thống chúng tôi nói ở đây có Thánh Augustinô là thế giá cao nhất. Origen và Thánh Gioan Kim Khẩu coi Kinh Lạy Cha gồm 6 lời cầu xin. Xem Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 131, n. 12.
{12} Sum. theol., III, 8, 3. "Christus est caput omnium hominum Membra corporis mystici non solum accipiuntur secundum quod sunt in actu, sed etiam secundum quod sunt in potentia." ("Chúa Kitô là đầu mọi người... các chi thể của nhiệm thể không những chỉ là chi thể trong hành động, mà còn là chi thể trong tiềm năng nữa”)
{13} Cum rogas ut sanctificetur nomen ipsius, nonne quasi pro illo illum rogas, et non pro te? Intellige, et pro te rogas (Khi bạn xin cho Danh Người cả sáng, há chẳng phải như bạn xin điều đó cho Người, chứ không phải cho bạn đó ư? Bạn hãy hiểu, và xin cho chính bạn). Serm. 56, cap. 4, n. 5. P.L., 38, 379. Xem. ibid., cap. 5, n. 7, P.L., 38, 380, liên quan đến lời cầu xin thứ hai, fiat voluntas tua (ý Cha thể hiện): "Ut ergo fiat a te, non sine causa oras, nisi ut bene sit tibi" (do đó, để nó được thực hiện bởi Cha, chứ không phải không có nguyên nhân, nhưng tốt hơn nên với Cha).

Thánh Augustinô nhận rõ: ba lời cầu xin đầu tiên tạo nên một nhóm khác với 4 lời cầu xin khác, nhưng theo ngài, chỉ theo nghĩa này là sự nên trọn của nó, nghĩa là trọn vẹn, chỉ có ở cõi đời đời, trong khi 4 lời cầu xin kia chỉ liên quan đến cuộc sống ta trong thời gian mà thôi. De Serm. Domini in monte, lib. II, cap. 10, P.L., 34, 1285-1286. Tuy thế, chúng ta hãy lưu ý: trong De Serm. Domini in monte (Bài giảng trên núi của Chúa), người ta không thấy dấu vết nào về ý tưởng được duy trì trong Serm. 56 và trong thư ad Probam khiến trong ba lời cầu xin đầu, chúng ta chỉ cầu cho chúng ta mà thôi.

{14} Đây là điều Thánh Tôma dạy liên quan đến lời cầu xin thứ nhất của Kinh Lạy Cha (II-II, 83, 9). Với Cha Lagrange, chúng tôi tin rằng điều này cũng đúng cho hai lời cầu xin kia vốn liên kết với nó. Xem Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 126, n. 8 (đã dẫn ở trên, p. 17, n. 2). Và một lần nữa, ibid, p. 127, n. 9: "Nhưng người ta cũng có thể coi vinh danh là điều quan trọng hàng đầu và một cách nào đó cả điều thiện của Thiên Chúa nữa. Linh hồn con người có thể tự cất mình lên không cao hơn tình yêu nhân hậu này, tình bằng hữu đích thực này, một tấm tình làm khơi dậy trong chính nó các ước muốn nhân danh sự thiện tối cao mà nó yêu mến” -- P. 128, n. 9: "Người ta có thể ước muốn cho sự thánh thiện của Thiên Chúa được lan tỏa vì chính nó mà không nghĩ chi tới ơn ích thiêng liêng chúng ta có thể rút tỉa được từ nó” -- P. 129, n. 10: "Ba nấc này được Thiên Chúa ban xuống một cách tuyệt diệu cho con người, Đấng sẽ xuất hiện trực tiếp hơn trong 3 lời cầu xin cuối cùng”.

{15} 1Cr. 3:9.

{16} Xem Jean de St-Thomas, Cursus theol., t. III, disp. 4 a. 4 and 5 (về sự tự do của thánh ý Thiên Chúa, và các hành vị nội tại, liên quan tới các tạo vật)

Kỳ sau: Chương II: Ba Lời Cầu Xin Đầu