Ghi Chú về Kinh Lạy Cha
Raissa Maritain

Nguyên Bản Tiếng Pháp “Notes sur le Pater”
do Nhà Desclée de Brouwer, Paris, France, ấn hành năm 1962


Lời Nói Đầu Của Jacques Maritain

Trong một buổi hội ngộ ở Kolbsheim, cách nay 10 năm, chúng tôi có thảo luận với một nhóm bạn bè các tựa sách để cho vào một bộ sưu tập mới. Lúc đó, Raissa tình cờ nói ở một lúc nào đó trong câu chuyện đàm đạo: “Há chúng ta không nên có một cuốn sách về cầu nguyện, đại khái như Chiêm Niệm Trên Khắp Nẻo Đường Thế Giới ư?” Nghe thấy thế, Louis Gardet phát biểu đây chính là điều đang cần và Raissa nên viết cuốn đó. Sau đó, nàng luôn nghĩ đến dự án này, một dự án nàng không thể thực hiện vì thử thách bệnh tật, với những đau đớn không ngừng, luôn tàn phá con người nhỏ bé của chúng ta. Nhưng mỗi lần có thể, nàng đều ghi xuống các ý nghĩ chuẩn bị cho cuốn Chiêm Niệm Trên Khắp Nẻo Đường Thế Giới, những ý nghĩ xuất hiện với nàng trong lúc cầu nguyện và một số đã gây dấu ấn đặc biệt sâu sắc lên tâm trí nàng.



Những ghi chú trên, những ghi chú mà đôi khi nàng viết đi viết lại dưới dạng bản thảo và là các ghi chú nàng có ý định làm việc tới lui để hoàn tất, nhưng than ôi, chúng đã rơi vào tay tôi để chép lại và xếp đặt cho có thứ tự. Các ý tưởng tạo thành phần thứ nhất của cuốn sách đã được gom lại với nhau dưới tựa đề Các Ghi Chú Về Kinh Lạy Cha. Tôi tin việc công bố chúng riêng ra là điều thích đáng vì chúng quả đủ để tạo thành một toàn bộ. Tôi xác tín rằng chúng sẽ giúp những ai thích suy niệm bước sâu hơn vào kho tàng bất tận của lời cầu nguyện hết sức hoàn hảo mà chính Chúa Kitô đã dạy chúng ta và là lời cầu nguyện trên hết mọi lời cầu nguyện khác.

Để phù hợp với ý nguyện minh nhiên của Raissa -- về việc này, chúng tôi luôn trình cho nhau những điều chúng tôi viết – tôi đã lãnh trách nhiệm bổ túc công trình của nàng ở những chỗ cần thiết. Có khi là vấn đề sự việc rõ ràng đã được hàm ngụ trong các thể tài nàng có ý định bàn tới và chỉ còn thiếu khai triển mà thôi – nhất là những sự việc nàng nói với tôi trong nhiều dịp và là những sự việc tôi nhớ rất chính xác: trong những trường hợp như thế, tôi chỉ đơn giản hoà nhập chúng vào bản văn (1), vì chắc mẩm là mình phát biểu đúng ý nghĩ của nàng.

Có khi là vấn đề sự việc dường như do các suy tư của nàng gây ra nhưng không được chúng tôi thảo luận bằng lời một cách minh nhiên, hoặc chúng không được hàm ngụ rõ ràng trong kế hoạch của nàng như tôi được biết: trong những trường hợp như thế, tôi sử dụng một dấu hiệu in ấn đặc biệt để ghi chú rằng các thêm thắt này không có phần đóng góp của nàng, dù tôi chỉ đưa vào với ý nghĩ có lẽ nàng chấp thuận.

Ước mong, tôi hy vọng thế, không lúc nào trong diễn trình của công trình này, tôi đi ra ngoài sự giúp đỡ và gợi hứng của nàng.

JACQUES MARITAIN
Fraternité, Toulouse, 1961

(1) Cũng thế, đối với tôi, xem ra vô ích khi phải phân biệt các trích dẫn trong các ghi chú của nàng và các ghi chú tôi thêm vào (mặc dù các trích dẫn của nàng, khác với các trích dẫn khác, quả có đóng một vai trò trong việc chuyển dịch các suy tư của nàng).

Kỳ sau: Chương I: Kinh Lạy Cha