Thông điệp Sự Sống Con Người dĩ nhiên nói đến vấn đề đạo đức truyền sinh. Nhưng bối cảnh của nó bao quát hơn nhiều khi nó vạch trần thứ văn hóa “tự tạo”, điều được một ký giả đề cập đến trong tạp chí America số tháng Bẩy, 2018.

Theo ký giả này, kỷ niệm 50 năm thông điệp Humanae Vitae là dịp để ta xem xét đoạn đường chúng ta, trong tư cách giáo hội và xã hội, đã băng qua kể từ ngày công bố nó. Tháng 7 năm 1968, con người chưa đặt chân lên mặt trăng, nhưng “cuộc chạy đua không gian” đã khá rầm rộ. Việc chẩn đoán ung thư chỉ mới được rỉ tai với những cung giọng đầy sợ sệt, nhưng các thuốc chích mới và cải tiến đã xuất hiện đối với các chứng bại liệt (polio), bệnh đậu mùa (measles) và bệnh sởi (rubella), và người ta có lý do để lạc quan tin rằng thuốc chữa ung thư, và mọi căn bệnh của con người, cuối cùng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.



Ở California, Walt Disney đã xây xong công viên giải trí mới năm 1955 và chính thức mở cửa địa điểm thứ hai tại miền trung Florida vào năm 1965. Cả hai công viên cuối cùng tập chú vào đặc tính Tomorrowland (Lãnh Thổ Ngày Mai), dựa vào sự tài trợ tập đoàn của đại công ty hóa nông (agrochemical) Monsanto khổng lồ. Phản ảnh tinh thần lạc quan của thời đại, Disney hứa hẹn “một triển vọng đi vào thế giới các ý niệm kỳ diệu, biểu tượng cho các thành tựu của Con Người... Ngày Mai cung ứng những chân trời mới trong khoa học, thám hiểm và lý tưởng. Thời Nguyên Tử, thách thức Ngoại Tầng Không Gian và niềm hy vọng về một thế giới hoà bình, thống nhất”. Khi bước vào “Căn Nhà Tương Lai” của Tomorrowland, “du khách sẽ dễ dàng hơn trong việc tưởng tượng mình đang cư ngụ trong một thế giới như thế”.

“Humanae Vitae”, dĩ nhiên, tập chú đặc biệt vào việc “truyền sinh”. Tựa đề phụ của nó là “Về Việc Điều Hòa Sinh Sản”, thông điệp này tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc ngừa thai nhân tạo. Gây tranh cãi nhiều hơn là sự kiện, khi công bố thông điệp này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã không chấp nhận các kết luận của đa số thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kiểm Soát Sinh Đẻ, một cơ chế bao gồm không những các Hồng Y và giám mục mà cả các nhà thần học và các giáo dân nữa, được thành lập chuyên để xem xét vấn đề này.

Thành viên của ủy ban trên không phải là những người duy nhất nhận thấy giáo huấn của “Humanae Vitae” là đáng phản đối. Trong hàng ngũ giáo dân và cả hàng giáo sĩ nữa, giáo huấn chống ngừa thai nhân tạo bị coi là đáng tra vấn và bác bỏ. Sự chia rẽ đã bùng nổ và cho đến nay vẫn chưa được hàn gắn. Sự bất đồng của các nhà thần học, do Cha Charles Curran lãnh đạo, đã tạo ra nhiều đường phân rẽ, đến nay vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Nhân dịp kỷ niệm năm thứ 40 ngày ban hành thông điệp, Đức Hồng Y James Francis Stafford, người lúc đó là một linh mục của Tổng Giáo Phận Baltimore, đã viết như sau: “trong hàng ngũ linh mục đang thi hành thừa tác vụ, các chia rẽ phát triển khắp nơi, giữa bạn bè với nhau, vô phương hàn gắn. Và các vết thương này tiếp tục ảnh hưởng tới toàn bộ Giáo Hội”.



Tuy nhiên, trong nền văn hóa rộng lớn hơn, tại Hoa Kỳ cũng như ở khắp Âu Châu, một cuộc cách mạng đã được khởi động. Đến năm 1968, “thuốc viên ngừa thai” được thừa nhận làm phương thế ngừa thai chưa được 10 năm, nhưng được hàng triệu phụ nữ sử dụng hàng ngày. Và xét trong nhiều phương diện, thuốc viên ngừa thai chỉ là buổi khởi đầu của “các tân biên cương” kiểm soát sinh sản.

Khi thuật ngữ, nay nghe lạ tai, “các bé thơ của nhà thiết kế” (designer babies giống như quần Jean của nhà thiết kế- designer jeans) xuất hiện lần đầu, nhiều người tưởng tượng kỹ thuật sẽ giúp ta mặc tình chọn được các đặc điểm “đáng ước mong” tương đối phù phiếm. Thí dụ như ai cũng có thể có được những bé thơ mắt xanh mũi lõ, hàm răng thẳng băng đều đặn. Nhưng ngày nay, ý niệm tạo ra các bé thơ hàng hiệu như thế thậm chí còn đi xa hơn nhiều. Những người sắp sửa làm cha làm mẹ đôi khi còn đi tìm những người hiến tặng trứng hay tinh trùng nơi dòng dõi “Ivy League” (Tháp Ngà, nghĩa là những người xuất thân từ các đại học danh tiếng miền Đông Hoa Kỳ). Hiện người ta đang bàn luận viễn tượng có thể tận diệt các khuyết tật như hội chứng Down và điếc đặc. Với việc hoàn tất dự án hệ gen người (human genome) và việc gia tăng tính tinh vi và giảm thiểu chi phí của các kỹ thuật xử lý gen (gene-editing), thì khả năng không những có được những vụ thử nghiệm gen chính xác hơn mà còn sửa đổi sâu rộng được hệ gen người xem ra sẽ là điều không tránh khỏi.

Thực thế, các khả thể khó có thể tưởng tượng được vào năm 1968 nay đang là thực tại đối với chúng ta. Một số người gợi ý rằng với những chọn lựa mới trong việc loại bỏ các nét di truyền không ưa thích, các cha mẹ đang phải đương đầu với áp lực xã hội buộc phải thực hiện các sửa đổi này. (Một bậc cha mẹ có trách nhiệm có thể để cho một đứa con sinh ra với viễn ảnh bệnh tim hay ung thư chăng? Còn bệnh điếc đặc? Hoặc hói đầu?)

Không ngạc nhiên chi khi rất nhiều người đang tìm cách để có được những nét mình muốn.

Huyền thoại Con Người Tự Tạo (Self-Made Man)

Điều đáng lưu ý là “Humanae Vitae” đặt vấn đề truyền sinh vào một bối cảnh lớn hơn chính nó. Ngay từ đầu (số 2), nó đã nhấn mạnh tới điều nó gọi là sự “phát triển đáng kể”:

“Sự tiến bộ lạ lùng của con người trong việc thống trị tổ chức hợp lý các sức mạnh của thiên nhiên đến độ họ mưu toan mở rộng việc kiểm soát này ra mọi khía cạnh của chính cuộc sống của họ, thân xác họ, tâm trí và xúc cảm họ, đời sống xã hội họ, và thậm chí cả các định luật điều hòa việc truyền sinh”.

Nói cách khác, không phải chúng ta tìm cách thiết kế con cái mà thiết kế cả chính bản thân chúng ta nữa.



Luận điểm của “Humanae Vitae” gợi ý rằng: không phải là chuyện tình cờ khi chúng ta ngày càng tưởng mình không phải “sinh ra” con cái mà là “tạo ra” chúng, nên chúng ta cũng ngày càng tiến đến chỗ coi việc tự tạo ra mình (self-making) như là điều kiện không thể không có (sine qua non) của đời người. Bản ngã đích thực của tôi là bản ngã do tôi, và chỉ do tôi mà thôi, đã tạo ra. Chính cái tôi này sống một cuộc sống đáng sống và sở hữu phẩm giá. Đối với một nhà triết học, họ dám gọi đây là homo se faciens (con người tự tạo ra mình).

Một số người trong chúng ta có khuynh hướng ca ngợi dịch bản kinh tế của viễn kiến này. Trong nền kinh tế tư bản của ta, mọi người đều hiểu ngay ý nghĩa là gì khi nói một ai đó là người tự tạo (self-made man): đó là người mà thành công về kinh doanh không do điều gì khác hơn chính quyết tâm và chịu khó làm việc của họ. Gần đây, cựu Tổng Thống Obama có thách thức cách nói này trong bài diễn văn tranh cử năm 2012 của ông: “nếu bạn thành công, bạn không tới đó do một mình bạn. Một ai đó đã đầu tư vào cầu vào đường; nếu bạn có được một doanh thương, bạn không xây lên nó”. Phản ứng chống lại câu nói đó khá gay gắt, khi các đối thủ chính trị nắm lấy nó, coi nó như một cuộc tấn công vào sáng kiến của các chủ nhân tiểu thương. Hai tháng sau, Đại Hội Toàn Quốc của Đảng Cộng Hòa tập trung các biến cố của ngày thứ hai vào chủ đề “chúng ta xây lên nó”.

Những người khác, ít lưu ý tới kinh doanh hay tài chánh, sẽ hướng cái nhìn của họ vào việc xây dựng chính cái tôi của họ một cách siêu việt hơn. Ở đây, các tiểu sử cá nhân thường đặt định ra các tiêu chuẩn. Cuộc đời nào đầy những cuộc du hành, đầy những thử nghiệm táo bạo, thám hiểm phi thường, bất kể là quanh co hay tuyệt diệu, là cuộc đời đáng ca ngợi. Ai trong chúng ta ít giầu có hơn hoặc bị giới hạn hơn trong cuộc sống chỉ có thể khát mong được sống “một cách đại biểu” theo gương những người đàn ông và đàn bà vĩ đại của thời đại.

Nhưng dù là trong kinh doanh hay trong tự thuật, quan điểm chủ yếu vẫn như nhau: bất cứ tôi là điều gì đáng kể đều do tôi tạo ra. Và tôi càng tự tạo ra mình cách trọn vẹn từ số không, đời tôi càng chân thực và có ý nghĩa hơn. Câu truyện thành công về kinh tế sẽ hấp dẫn nhất khi nó chỉ bắt đầu với một đồng xu trong túi. Nói rộng hơn, người nào tiến tới cuối đời người mà tự chọn được đường đời, người nào đi du lịch khắp chốn và tiến xa nhất từ bất cứ khởi đầu nào đều đã làm cho đời họ thành thú vị nhất và đáng sống hơn cả.

Làm thế nào “Humanae Vitae” giúp chúng ta xem xét các quan niệm trên một cách có phê phán? Trước hết, ta nên ghi nhận rằng “Humanae Vitae” cảnh cáo chúng ta về mưu toan của con người hiện đại muốn “mở rộng việc kiểm soát này ra mọi khía cạnh của chính cuộc sống của họ”, nên chắc chắn nó không lên án hành động và sáng kiến đúng nghĩa (per se) của con người. Chữ La Tinh moderandis (sửa đổi, thay đổi) dùng ở đoạn hai của văn kiện (đã trích dẫn trên đây) không mang âm hưởng tiêu cực như chữ thống trị trong tiếng Việt hay domination trong tiếng Anh. Nhóm chữ tiếp theo “tổ chức hợp lý” hay hơn, phản ảnh một cung giọng trung lập hơn. Ở đây, “Humanae Vitae” chỉ có ý ghi nhận hiện tượng chứ không phê phán.

Ngoài ra, một phản ứng tương đương và trái ngược hiếm khi nào có thể giải quyết được một vấn đề trong lãnh vực nhân sinh. Tra vấn nền văn hóa homo se faciens và các hệ lụy gây bối rối của việc “tự tạo” sẽ không giải quyết được gì nếu nghiêng về cực kia và quá chú ý tới sự bất lực hay việc tuân phục nói chung.

Điều trên đặc biệt đúng khi kinh nghiệm hiện đại của việc tự tạo đã được các nhóm người khác nhau sống cách khác nhau. Khi ta xem xét gánh nặng lịch sử đặt để lên những con người thuộc một phái tính hay nòi giống đặc thù hay một tính năng động xã hội nào khác, ta đều thấy rằng hình ảnh mạnh mẽ của một cá nhân tự tạo, đối với nhiều người, là điều đơn giản không hề có. Đại danh từ giống đực dùng trong bài này là việc cố tình; vì chúng ta thường dùng chữ “man” (đàn ông) khi nói đến người tự tạo.

Do đó, chỉ thơ mộng hóa kinh nghiệm bị hành động lên mình hay tự hành động cho mình sẽ có những hệ luận rất khác nhau đối với các cá nhân và các nhóm khác nhau. Đối với một số, hệ quả có thể có hại. Dù sao, một số người biết rõ hơn người khác rằng ngay trong thời đại vinh danh việc tự tạo, vẫn có thể có việc các quyết định của bạn bị dẹp bỏ hay đánh phủ đầu đến chết yểu. Ngay ở Hoa Kỳ, “đất của cơ hội”, một đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo sẽ thấy các khả thể được giáo dục và có việc làm bị giới hạn một cách đáng kể. Một thiếu nữ sẽ nhận thấy bị giới hạn nhiều trong các quyết định của mình, như các hàng tít khắp nước gần đây về sự thịnh hành của xách nhiễu tình dục nơi chỗ làm đã chứng tỏ. Một thanh niên da đen sẽ sớm học được rằng cách anh bị người ta nhìn trong xã hội Hoa Kỳ tạo nên nhiều thách thức đáng kể mà các đồng bạn da trắng của anh không gặp phải.

Tạo dựng và thờ phượng

Vậy thì, đâu là đáp ứng được ta tìm kiếm? Xem ra đường tiến lên phía trước không nằm ở chỗ ngoan ngoãn tuân theo nhưng đúng hơn ở một điều phức tạp hơn. Trong thế giới “Lãnh Thổ Ngày Mai” (Tomorrowland), nghĩa là thế giới chúng ta hiện đang sống, chúng ta được kêu gọi thực hiện công việc khó khăn, đôi khi nặng nề khó nhọc nhưng hết sức phong phú của điều được J. R. R. Tolkien gọi là “sub-creation” (phụ tạo).



Chính Tolkien cho rằng thể loại của ông là một trong những hình thức hư cấu tinh ròng nhất vì nó bao gồm không phải chỉ tạo ra các nhân vật và cốt truyện mà thiết kế cả ngôn ngữ và địa dư nữa, nghĩa là “một thế giới”. Dù thế, Tolkien không coi công trình của mình là sáng tạo nhưng đúng hơn là một hình thức thờ phượng Đấng vốn sáng tạo và vẫn tiếp tục làm như thế. Theo ý hướng này, viễn kiến của Tolkien tương hợp với viễn kiến của văn sĩ bạn và đồng nghiệp là Charles Williams, người nói đến việc “ưa thích dữ kiện [given] hơn”. Qua thuật ngữ này, Williams muốn hiểu thấu mọi sự sống nhân bản: không những các lúc hân hoan tưởng tượng ra các tân thế giới mà cả các lúc khác nữa. Tuy có thiên tài về văn chương được những người như T. S. Eliot và W. H. Auden ca ngợi, ông từng đã phải thôi học đại học vì thiếu ngân khoản.

Trong những khoảnh khắc như thế, trong đó các kế hoạch bị đảo lộn và nỗi thất vọng thật não nề đắng đót, thuật ngữ của Williams cho ta thấy phía bên kia của “phụ tạo”. “Ưa thích dữ kiện hơn” nghĩa là chấp nhận sự kiện này: việc phụ tạo của ta luôn xẩy ra trong cái nôi của sự sáng tạo đã có trước và còn đang tiếp diễn. Công trình của ta không phải là việc thống trị hay làm bạo chúa, không phải là chuyện tạo ra ex nihilo (từ hư vô), nhưng là chuyện yêu thương điều đã được ban cho và tìm cách tạo khuôn cho nó một cách đẹp đẽ.

Dĩ nhiên, điều trên không có nghĩa phải chấp nhận mọi sự như chúng ta thấy. Là những người phụ tạo, thờ phượng trong khi làm việc, chúng ta thường được kêu gọi cộng tác trong việc thúc đẩy để hoàn cảnh hướng tới những gì tốt và đẹp. Nhưng chúng ta được kêu gọi làm việc đó chứ không làm việc khác. Các giới hạn, các thực tại khó khăn, cũng có thể là một phần của chính việc tạo ra công trình phụ tạo đặc thù của riêng ta.

Nếu ta có thể kết hợp cách nào đó giữa ý niệm “phụ tạo” của Tolkien với ý niệm “ưa thích dữ kiện hơn” của Williams, ta sẽ có được một giải thích sâu sắc và đem lại sự sống về nghệ thuật, nghệ thuật nhân sinh. Một văn sĩ nổi tiếng khác cho chúng ta một bức tranh đầy ý nghĩa về điều này: Thánh Augustinô.

Các sự thật cũ và mới

Thánh Augustinô thành Hippo có thiên tài về chữ nghĩa. Chắc chắn ngài biết cách cung hiến cho các độc giả của ngài cả một thế giới được xây dựng bởi kỹ năng tu từ. Tác giả bài này cho rằng trong cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô, khoảnh khắc quan trọng nhất không hẳn là cuộc trở lại Kitô giáo thời danh của ngài mà là câu truyện thị kiến mà mãi sau này ngài chia sẻ với mẹ là Nữ Thánh Monica. Bà là một biểu tượng và hiện thân của một cảm thức sâu xa cho thấy Augustinô không tự tạo ra mình. Ngài minh xác: các lời cầu nguyện của bà cho ngài đi trước việc ngài trở lại từ rất lâu. Trước khi bà qua đời không lâu, mẹ và con trai, nay hợp nhất trong đức tin, cùng nhau trải nghiệm khoảnh khắc kỳ lạ và tuyệt vời ấy.



Hai mẹ con say sưa thảo luận về mọi sự tốt lành, bắt đầu là những khoan khoái của năm giác quan và “trèo qua chúng”, từng bước từng bước, cho tới lúc tới được việc chiêm ngưỡng sự sống đời đời. Thánh Augustinô nói “và trong khi chúng tôi nói chuyện và thở hổn hển vì nó, chúng tôi đụng đến nó một chút bằng một khoảnh khắc hoàn toàn tập trung của tâm hồn”.

Nhưng điều gì đã xẩy ra trong khoảnh khắc ấy? Thánh Augustinô và Thánh Monica thấy gì? Ngay sau đó, ngài cho các độc giả của ngài hay:

“Ước chi ai cũng nên im lặng trước sự ồn ào của xác thịt. Ước chi các hình ảnh của trái đất, biển khơi và không trung đều im lặng. Ước chi các tầng trời đều im lặng, Ước chi linh hồn cũng trở nên im lặng và thắng vượt nó bằng cách không nghĩ đến mình, Ước chi mọi giấc mơ và thị kiến hình ảnh đều im lặng, mọi miệng lưỡi mọi dấu chỉ, và bất cứ điều gì chịu thay đổi, Ước chi tất cả những điều này trở nên im lặng đối với một ai đó, vì nếu ai nghe thấy chúng, chúng thẩy đều nói những điều này: “chúng tôi không tự tạo ra mình nhưng Đấng đang hiện hữu đời đời đã tạo ra chúng tôi – tất cả những điều đã nói nay thẩy đều nên im lặng”.

Đối với Thánh Augustinô, có một sự thật sâu sắc mà chỉ có những người chịu khó lắng nghe mới nghe thấy. Từ năm 1968 đến nay, và trong khi chúng ta vào sâu hơn Lãnh Thổ Ngày Mai, bất kể ta xem xét con cái ta hay chính ta, điều tốt đẹp nhất đối với chúng ta là khi cả chúng ta nữa sẽ tìm ra giọng nói của mình và học cách nói thật bạo dạn. Và chúng ta nói bạo dạn nhất khi, dưới lời lẽ của chúng ta, là lời quả quyết: “chúng ta không tự tạo ra mình”.

Nguồn: Holly Taylor Coolman, “‘Humanae Vitae’ at 50”, America, July 23, 2018