Trong dịp về Rôma dự ad limina, các Giám Mục Việt Nam đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh mừng 30 Năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, và đã được chấp thuận.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế, và là chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam đã cho biết như trên và công bố Năm Thánh mừng 30 Năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo sẽ được khai mạc ngày 19 tháng 6 tới đây và kết thúc vào ngày 24 tháng 11, 2018 nhân lễ các thánh tử đạo Việt Nam.

Các thánh lễ khai mạc sẽ diễn ra tại ba địa điểm lịch sử tại ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sàigòn.

Tiểu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Sở Kiện, tỉnh Hà Nam, được xây dựng cách đây 135 năm và là quê hương của hai vị tử đạo – Cha Phêrô Trương Văn Thi và Thầy Phêrô Trương Văn Đường – sẽ tổ chức lễ cho Tổng Giáo phận Hà Nội và 9 giáo phận miền bắc.

Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang ở tỉnh Quảng Trị, nơi Đức Mẹ hiện ra an ủi các tín hữu chạy trốn vào rừng vì bị bách hại cách đây 220 năm, là địa điểm dành cho Tổng Giáo phận Huế và 5 giáo phận miền trung.

Trung tâm hành hương Ba Giồng ở tỉnh Tiền Giang, nơi có hàng ngàn tín hữu chịu tử đạo trong các thế kỷ 18-19, dành cho Tổng Giáo phận Sàigòn và 10 giáo phận miền nam.

Trong thông báo, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh mời gọi các tín hữu “sống tinh thần tử đạo” trong môi trường hiện nay để làm chứng cho Chúa và Tin mừng.

Ngài khích lệ họ thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật như là cách hành hương về với Đức Kitô.

Ngài nói mọi người nên “giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam gồm 96 người Việt Nam, 11 người Tây Ban Nha và 10 người Pháp tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 19-6-1988.

Đây là lễ tuyên thánh có số vị thánh tử đạo đông nhất tại thời điểm đó, vượt qua con số 103 vị tử đạo Hàn Quốc được tuyên thánh ở Hàn Quốc năm 1984. Kỷ lục này chỉ được vượt qua khi vị Thánh Giáo Hoàng người Ba Lan, tuyên thánh cho 120 vị tử đạo Trung Hoa vào năm 2000.

Trong các thế kỷ 18-19, triều đình nhà Nguyễn đã đàn áp người Công Giáo và các thừa sai phương Tây, cáo buộc họ hợp tác với người Pháp trong mưu toan thôn tính Việt Nam.

Các thời kỳ bắt đạo xảy ra sau khi Kitô giáo được truyền vào Việt Nam giữa thế kỷ 16, nhưng các cuộc bắt bớ đã gia tăng mạnh từ năm 1798 khi Nhà Nguyễn cấm đạo Công Giáo. Trên 300,000 tín hữu Việt Nam đã đổ máu đào trong các cuộc bách hại này trước khi thực dân Pháp chiếm toàn bộ nước ta năm 1886. Một đợt bách hại còn kinh hoàng hơn đã xảy ra dưới thời cộng sản nhưng đến nay Giáo Hội tại Việt Nam vẫn chưa có điều kiện thu thập đủ các con số chính xác số người bị giết, và số người bị tù đày vì niềm tin. Đó là chưa kể con số đông đảo không đếm nổi những người Công Giáo bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội vì niềm tin Kitô của họ.