Như một cơ duyên bất ngờ, chúng tôi vừa có một chuyến đi cứu trợ bão lụt miền Trung, đến năm giáo xứ, giáo phận Vinh, nằm rải rác quanh khu vực vùng sâu đồi núi thuộc huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Hình ảnh thăm 5 giáo xứ ở Quảng Bình

Quả là một chuyến đi nhiều cảm xúc thật khi chạm tay vào nỗi đau của người miền Trung, thường bị thiên tai hằng năm. Với tư cách cá nhân, tám chị em bạn gái chúng tôi - ở rải rác trong Sài Gòn – đã chung tay theo dạng “ba cây chụm lại” để thực hiện chuyến đi này. Riêng tôi, đã mang tấm lòng của quí ân nhân nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh mà góp chung trong dịp này.

Chúng tôi đi bằng máy bay giá khuyến mãi, tính ra với 1240 cây số từ Sài Gòn ra vùng đất này thì cũng bằng với giá tiền xe đi giúp vùng sâu ở miền Nam. Lúc đầu, cứ tưởng chúng tôi đến trễ so với nhu cầu của đồng bào giáo dân sau cơn bão số 10, tuy nhiên, chẳng có gì là trễ khi cơn bão Haiyan vẫn đang đe dọa.

Ngày đầu tiên, chuyến bay ra Quảng Bình có khá đông khách. Người dẫn đường cho chúng tôi là một linh mục ở Bố Trạch. Chúng tôi cũng gặp hai linh mục dòng Đồng Công cũng ra cứu trợ. Đến sân bay Đồng Hới, ba cha đi hướng khác, chúng tôi đi hướng khác theo công việc của mình. Qua 50 km đường nhựa, chúng tôi đến giáo xứ Đồng Troóc, thuộc giáo hạt Nguồn Son. Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy người được cứu trợ chờ rải rác ở khuôn viên rộng của nhà thờ, nên chúng tôi bắt tay vào việc ngay; trước khi mang hành lý vào các phòng mà cha Phaolô Trần Ngọc Du, chánh xứ kiêm quản hạt cho trú ngụ suốt thời gian ở đây. Gọi là giáo xứ Đồng Troóc vì cách đây khoảng 100 năm, nhiều người dân tộc ở đây, họ gọi nơi này là Troóc.

Theo dự định, khi đến năm giáo xứ, chúng tôi trợ giúp theo một “công thức chung” như sau: cho tiền vào phong bì, mỗi chị được cầm một xấp, giáo dân xếp hàng đưa phiếu ra (hoặc quí ông trùm đọc tên) để nhận phong bì. Ngoài việc trao tặng gần 700 phần quà cho đồng bào và giáo dân, chúng tôi còn hỗ trợ cho mỗi giáo xứ một số tiền kha khá mà quí cha chánh xứ có thể làm được việc gì đó cho cộng đoàn giáo xứ của mình.

Tôi hỏi anh tuổi khoảng dưới 40: “Quà của đoàn trao tặng, anh có thấy vui không?” Nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ: “Thích lắm cô ạ! Hôm đầu vừa lũ xong, chưa có đoàn nào đến, cha xứ cho mỗi hộ 5 kg gạo “cả lương lẫn giáo” để ăn tạm, rồi mới có đoàn đến cứu trợ.” Thật sự 5 kg gạo cha xứ phát cho mỗi hộ chỉ bằng một tô phở ở Sài Gòn, nhưng người ta hồ hởi đón nhận, cha đã phát đến 12 tấn. Chắc chắn hình ảnh Chúa Kitô thấp thoáng trong lòng người lương dân lúc đó.

Nhận phòng và dùng cơm trưa xong, chúng tôi lại tất bật lên xe đi thăm giáo xứ Tam Trang ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là giáo xứ vùng quê nghèo và khí hậu khắc nghiệt nhất tại Việt Nam; là một giáo xứ tái truyền giáo tại miền núi, đã lâu không có linh mục, nay Đức Giám Mục mới cho linh mục trẻ Micae Trần Trung Năng về làm quản xứ. Bà con giáo dân vui mừng vì có linh mục ở cùng. Nhưng giáo dân vẫn lo âu thấp thỏm vì cha quản xứ vẫn ở trong ngôi nhà vách tạm bợ, mưa gió khổ sở và nguy hiểm khi có bão. Giáo xứ Tam Trang còn có một nhà thờ chúng tôi nhìn mấy cái ghế mà lòng cứ buồn buồn.

Ngày thứ hai ở Quảng bình, chúng tôi đi thăm ba giáo xứ. Đường đến các nhà thờ trong huyện Bố Trạch có vẻ đẹp thiên nhiên rất thơ mộng: cả không gian rộng được bao trùm một màu xanh của cây lá, con đường nhựa sạch sẽ uốn quanh, đứng ở chỗ nào cũng thấy núi Trường Sơn. Đường vào xứ Chày có con suối đẹp. Hai bên bờ sông Son có quang cảnh thơ mộng, nước chảy ra sông Gianh dưới chân núi Kẻ bàng rất đẹp.

Giáo xứ Chày ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Giáo xứ Chày có gần 4.000 giáo dân, trên địa bàn rộng gồm giáo họ Bàu Sen có 437 gia đình, giáo họ Chày có xóm Mé, xóm Trằm và xóm Chày là 370 hộ gia đình. Khi bão số 10 đến, có đến gần 100 hộ gia đình bị tốc mái, sập nhà, c ha chánh xứ trẻ Gioan B. Nguyễn Minh Dương đã tích cực phát tấm lợp biarô xi - măng và ngói cho bà con không kể lương, giáo. (Mời xem phần đi thăm xóm Trằm với cha chánh xứ Chày ở phần cuối bài).

Dù quang cảnh đẹp nhưng ở vùng này mùa mưa có khi rét chỉ còn 8 độ C còn mùa nắng thì có khi nóng đến 40 độ C vì có gió Lào.

Giáo xứ Yên Giang thuộc xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, thuộc miền tây tỉnh Quảng Bình, cách quốc lộ 1 A 50 km, nằm bên bờ thượng nguồn sông Gianh. Giáo xứ có 1.600 giáo dân chia làm 3 giáo họ, sống rải rác trên các triền núi Trường Sơn, xen lẫn với lương dân. Dân ở đây ruộng vườn ít ỏi, sống bằng nghề nông và làm thuê. Người dân quá nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển về giáo lý đức tin lẫn trình độ dân trí; tuy nhiên giáo dân rất siêng năng đi lễ và lãnh nhận các bí tích làm cho cha chánh xứ trẻ vừa được đổi về đây cảm thấy có động lực mạnh mẽ vui sống và phục vụ. Cha xứ Vincente Điểm Cao Dương Đông tâm sự: “Sau 70 năm không có linh mục quản xứ, nên giáo dân rất vui khi em về đây. Giáo xứ có 1.700 giáo dân nhưng không có thiếu nhi và giới trẻ vì cứ học đến lớp 9 là đi vào Sài Gòn làm ăn hoặc lên Gia Lai hay sang Trung Quốc làm việc, thật đáng buồn!”.

Buổi chiều gần cuối ngày, chúng tôi phải xuống ghe, đi qua lòng sông Gianh để đến giáo xứ Liên Hòa. Đây là khu vực bị ngập nặng nhất vì đây là một cồn, gọi là Cồn Quan, cồn Niệt, chung quanh là mênh mông nước. Cha chánh xứ tuổi đã trên bảy mươi, chỉ cho chúng tôi nhà xứ bị tốc mái, mực nước ngập ngang ngôi nhà thờ cũ và cha cùng giáo dân đang cố gắng xây một nhà thờ mới, chỗ cao ráo hơn vừa làm nơi thờ phượng vừa làm nơi cho bà con trú bão sau này.

Khi chờ đoàn đến, giáo dân vào nhà thờ cũ chầu Thánh Thể, sau đó tập trung cuối nhà thờ. Cha xứ nói vài câu rồi quí ông trùm đọc tên, bà con lần lượt nhận phần rồi ra về. Tất cả nhịp nhàng như một bài ca yêu thương.

Sau khi thăm các giáo xứ, xin nói qua “tin hót” về mưa bão ở thời điểm chúng tôi đến đây. Đến ngày thứ ba, có tin bão sẽ ghé vào vùng Quảng Ngãi chạy dài lên Hà Tĩnh, nhóm chúng tôi mất bình tĩnh, một nửa đòi về gấp, một nửa cứ ở lại nhưng rồi tất cả đành ở lại vì không thể đổi vé máy bay khuyến mãi. Thế là sáng hôm sau, chúng tôi đi tham quan động Thiên Đường cách đó mấy ki-lô-mét, sau đó về nhà nghỉ ngơi. Chiều thứ bảy, 09/11 chợ ở gần nhà thờ Đồng Troóc đóng cửa, nhiều nhà dân mang bao cát, bao gạch đem xếp lên mái nhà. Quang cảnh mang một màu buồn. Gần tối, chúng tôi tham dự thánh lễ ở Đồng Troóc, cha xứ nói với chúng tôi: “Chuyện của trời, kệ Chúa!”, còn trong bài giảng lễ, cha khuyên giáo dân cứ nép vào lòng yêu thương của Chúa chứ còn không tránh đi “mô” được. Các chị đọc kinh đến gần nửa đêm vì sợ và cầu xin Đức Mẹ cho cơn bão tan đi.

Thăm xóm Trằm, giáo xứ Chày

hình ảnh giáo xứ Chày

Sáng Chúa Nhật, ngày 10/11/2013, trời mưa và gió nhiều, các chị ở lại nhà cha còn tôi vẫn quyết định theo chân cha chánh xứ Chày đi thăm một số gia đình bị tốc mái hoặc sập nhà. Những gia đình này được cha xứ hỗ trợ số tiền tùy theo mức độ thiệt hại. Một số nhà bị sập hẳn phải đi ở nhờ nhà khác.

Đến 14 giờ 00 tôi lại theo chân cha xứ trẻ xuống đò, đi khoảng 20 phút để đến một nhà nguyện dâng lễ. Trời mưa lất phất, gió lạnh, có thể hiểu rằng mưa này do bão. Vừa bước lên bờ đi vào ngõ, đã có một ông trùm đón cha. Tôi cũng nghe thấy tiếng đọc kinh vang ra từ nhà nguyện. Ai đến đây cũng có thể xúc động khi thấy giáo dân dâng lễ trong quang cảnh đơn sơ như vậy, nhưng nếu cùng tham dự thánh lễ mới thấy lòng nhiệt thành giữ đạo của giáo dân. Thanh niên thì ngồi chen chúc nhau trên ghế dài, phụ nữ thì tay bồng tay bế, sốt sắng trong không gian nhỏ hẹp ấy.

Trong thánh lễ, nơi vùng sâu khó nghèo này, cha lấy câu chuyện về nàng công chúa ngủ trong rừng để minh họa bài Tin Mừng: giáo dân là công chúa, phù thủy là ma quỉ, Chúa Kitô là hoàng tử..... sao thấy thơ mộng làm sao! Ở giáo phận Vinh, cha và giáo dân đối đáp trong thánh lễ bằng giọng Quảng Bình, nhưng hát thánh ca bằng giọng Bắc, tôi thấy là lạ.

Sau thánh lễ, cha giới thiệu tôi với cộng đoàn một cách bất ngờ. Tôi gởi đến công đoàn lời chia sẻ về những cảm xúc chân thành khi thăm miền trung và hứa khi về đến Sài Gòn sẽ xin cho cộng đoàn ở đây 50 chiếc ghế nhựa có tựa lưng. Một tràng pháo tay nổ dòn, nhiều nụ cười nở trên môi. Khi giáo dân ra về tôi quay một đoạn clip, nhiều cụ ông cụ bà cầm tay tôi cảm ơn. Có anh thanh niên cầm ghế về nhà, cười giải thích: “Cháu mang ghế của nhà đến đây để ngồi thoải mái ạ, hà hà...!.”. Tôi bật cười. Tôi, hai ông trùm và cha xứ lên ghe về khi trời còn sáng. Lòng tôi dạt dào tình yêu thương vì lời hứa 50 cái ghế cho nơi này.

Sáng thứ hai, 11/11/2013, chúng tôi bay về Sài Gòn trong nắng đẹp. Bầu khí ngột ngạt của xe cộ và người tấp nập làm tôi lại ngán, nhưng là người sinh ra tại Sài Gòn thì tôi mãi phải chấp nhận, như người dân miền trung năm nào cũng phải chấp nhận bão lũ vậy! Xin chia sẻ với quí độc giả một số cảm xúc về chuyến công tác từ thiện ở miền Trung vừa qua.