Ngày 23-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/04: Đức Tin đi trước hành động – Lm. Giuse Vũ Ngọc Tuyển, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:07 23/04/2024

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Bấy giờ, lời Thiên Chúa lan tràn và phát triển. Ông Ba-na-ba và ông Sao-lô, sau khi đã chu toàn công việc phục vụ tại Giê-ru-sa-lem thì trở về, đem theo ông Gio-an, cũng gọi là Mác-cô.

Trong Hội Thánh tại An-ti-ô-khi-a, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.

Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp. Đến Xa-la-min, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do-thái.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:56 23/04/2024

25. Tình cảm con người nhìn bên ngoài, nhưng ân sủng của Thiên Chúa thì chú ý đến nội tâm.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:58 23/04/2024
37. CỨNG THÌ BỚT NỬA GIÁ

Có một khách quen muốn mua hàng hóa của Tô châu, có người chỉ cho và nói:

- “Người Tô châu mua đồ luôn bớt nửa giá, ông coi họ kêu giá bao nhiêu thì ông trả giá một nửa, như thế mới không bị thiệt thòi.”

Ông khách nghe xong thì gật đầu liên tục.

Quả nhiên, ông ta đến hàng tơ lụa để mua lụa, hể kêu giá hai lượng bạc thì ông ta trả giá một lượng; kêu giá một lượng thì ông ta trả giá bảy tiền năm phân.

Chủ quán rất giận, cười nhạt nói:

- “Nếu vậy thì ngài không cần phải mua, tiểu quán sẽ tặng cho ngài hai khổ vải !”

Ông khách ấy chấp tay thi lễ nói:

- “Không dám không dám, tôi chỉ cần một khổ là đủ rồi ạ.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 37:

Đi mua hàng thì dĩ nhiên là phải có trả giá, nhưng trả giá không có nghĩa là coi hàng hoá của người ta không ra gì. Khi mua hàng thì có người trả phân nửa; có người trả hai phần ba giá, lại có người không trả gì cả vì thấy hàng hoá đúng là có giá trị với đồng tiền, nhưng dù trả giá hay không thì tất cả người mua và người bán đều thích cái lợi về mình.

Trong đời sống linh thiêng của người Ki-tô hữu cũng thế, có những lúc chúng ta đem linh hồn cao quý của mình rao bán cho ma quỷ với giá rất hời, nhưng ma quỷ là kẻ phỉnh phờ xảo quyệt đã trả giá bằng một ly rượu, có linh hồn thì nó trả giá bằng một vài trăm ngàn đồng, có linh hồn thì nó trả giá bằng một lời yêu thương giả dối.v.v... thế là chúng ta mất cả vốn lẫn lời và cảm thấy sung sướng sống trong tội lỗi của mình.

Người Ki-tô hữu không bao giờ đem rao bán linh hồn của mình để mua những thứ nay còn mai mất là tiền tài, danh vọng và xác thịt. Nhưng sẽ dùng ơn của Thiên Chúa ban cho qua tiền tài, danh vọng và sức khoẻ để làm sáng danh Ngài và mưu ích cho phần rỗi linh hồn của mình cũng như của tha nhân, đó là cái lợi lớn nhất mà chúng ta cần phải đạt cho được trong đời sống tâm linh của mình.

Linh hồn của chúng ta đã được cứu chuộc bằng máu vô giá của Đức Chúa Giê-su, cho nên chúng ta không dại gì đem bán nó với giá rẽ ba mươi đồng bạc như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản thầy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Nghe trong ánh sáng
Lm. Minh Anh
14:39 23/04/2024
NGHE TRONG ÁNH SÁNG
“Tôi là ánh sáng!”.

“Rất nhiều người chỉ thay đổi khi họ cảm nhận sức nóng; nhưng một số khác sẽ thay đổi khi họ biết nghe trong ánh sáng!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một số khác sẽ thay đổi khi họ biết nghe trong ánh sáng!”. Câu nói trên trùng hợp với những gì mà Lời Chúa hôm nay tiết lộ. Hội Thánh Antiôkia ‘nghe trong ánh sáng’; Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài ‘nghe trong ánh sáng’, chính Ngài! “Tôi là ánh sáng!”.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, tuy Barnaba và Saolô là hai trụ cột của Hội Thánh Antiôkia; nhưng các tín hữu ở đây - nhờ sức nóng của Thánh Thần - đã vui lòng để hai ông ra đi. Sở dĩ họ có thể làm được một nghĩa cử hào hiệp đến thế là vì họ đã có khả năng ‘nghe trong ánh sáng’ Chúa Phục Sinh! Từ đó, họ dám buông bỏ ‘hai tài sản’ lớn nhất của mình hầu Tin Mừng có thể vươn tận những chân trời xa xôi, mới mẻ. Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đã ‘đốt cháy’ trái tim những con người này; cho họ ‘cảm nhận’ sức nóng của Ngài; nhờ đó, họ đủ khả năng tự làm rỗng mình, trở nên nghèo, để nhiều người thuộc các miền dân ngoại được nên giàu có thiêng liêng.

Phaolô sẽ tiếp tục quảng diễn đề tài này trong thư Côrintô, “Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong chúng ta theo một kiểu thức tương tự! Ngài luôn dịch chuyển bạn và tôi về phía trước, dạy chúng ta hiến thân và làm rỗng chính mình hầu những người khác nhận biết Giêsu - chân lý và ánh sáng -hầu Thiên Chúa được ngợi khen. Thánh Vịnh đáp ca là một lời ước, một lời cầu sâu sắc, “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!”.

“Tôi là ánh sáng!”. Chúa Giêsu muốn người đương thời, các môn đệ và cả chúng ta nhận biết Ngài là ánh sáng của Chúa Cha. Nhận thức này sẽ thay đổi hướng đi của một đời người; lối nhìn này sẽ thay đổi cảm nhận bên trong của một trái tim. Đó là nhìn và ‘nghe trong ánh sáng’ Kitô, “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Trong Ngài, bạn có niềm vui, tự do và sự toàn vẹn thể xác, tâm trí, trái tim và linh hồn!

Anh Chị em,

“Tôi là ánh sáng!”. Vào trần gian trong ánh sáng của Thánh Thần và tiến về phía trước nhờ sự dun dủi của Ngài, Chúa Giêsu rọi chiếu Ánh Sáng Chúa Cha. Ngài nói, “Tôi đến không phải để xét xử, nhưng để cứu thế gian”. Đức Phanxicô viết, “Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi bóng tối bên trong, bóng tối của đời sống hằng ngày, bóng tối của đời sống xã hội, bóng tối của đời sống chính trị, bóng tối của đời sống quốc gia, quốc tế… Có quá nhiều bóng tối bên trong. Ngài cứu chúng ta, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta nhìn thấy chúng trước tiên! Có can đảm nhìn thấy bóng tối của mình, chúng ta mới có thể để ánh sáng Chúa Kitô rọi vào và cứu thoát”. Được như thế, Thánh Thần sẽ dễ dàng dịch chuyển chúng ta về phía trước; và nương theo Ánh Sáng Ngài, chúng ta sẽ có một tầm nhìn rộng lớn hơn để thấy rõ chương trình, kế hoạch xót thương của Thiên Chúa; và - bằng một đời sống chứng tá - giúp người khác có khả năng ‘nghe trong ánh sáng’ Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy rọi vào những vùng tối chết chóc trong con và giải thoát con! Nhờ đó, con không chỉ cảm nhận sức nóng nhưng còn được biến đổi bởi nó!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng kêu gọi các nhà sử học: Tôn trọng sự thật, tránh xa ý thức hệ
Vũ Văn An
15:11 23/04/2024

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp các thành viên của Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử vào ngày 20 tháng 4, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập dưới thời Đấng Đáng kính Piô XII.



Nhân dịp này, ngài nói với các nhà sử học: “Thật tốt khi anh chị em cộng tác với những người khác, mở rộng các mối quan hệ khoa học và con người, đồng thời tránh các hình thức cô lập về mặt tinh thần và định chế. Tôi khuyến khích anh chị em duy trì cách tiếp cận phong phú này, dựa trên sự lắng nghe liên tục và chăm chú, thoát khỏi bất cứ ý thức hệ nào—các ý thức hệ giết chết—và tôn trọng sự thật.”

Đối chiếu “nền văn minh gặp gỡ” với “những cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và sự khẳng định mang tính ý thức hệ về quan điểm riêng của một người [điều đó] thúc đẩy sự bất lịch thiệp của việc đối đầu”, Đức Giáo hòng nói với các thành viên của ủy ban rằng “thật tốt khi anh chị em, 70 năm sau khi thành lập, làm chứng cho việc có thể chống lại những cám dỗ như vậy, sống với niềm đam mê, bằng nghiên cứu, kinh nghiệm phục hồi của việc phục vụ sự hiệp nhất.”

Sau đây là nguyên văn diễn từ của Đức Phanxicô với các thành viên của ủy ban giáo trình về khoa học lịch sử, tại Hội trường mật nghị, thứ Bảy, 20 tháng 4 năm 2024

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em buổi sáng và chào mừng!

Tôi vui mừng được chào đón anh chị em nhân dịp cuộc họp toàn thể của anh chị em, trong đó anh chị em đang kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Giáo hoàng.

Tôi chào linh mục chủ tịch, Cha Marek Inglot, và tôi xin chào từng người trong số anh chị em, cám ơn vì cuộc gặp gỡ và sự phục vụ của anh chị em. Anh chị em đến từ nhiều quốc gia khác nhau và từ ba châu lục, mỗi anh chị em đều có chuyên môn quý giá của riêng mình. Bằng cách này, anh chị em đảm bảo tầm vóc quốc tế và tính chất đa ngành của Ủy ban, nơi các hoạt động nghiên cứu, hội nghị và xuất bản của Ủy ban là một phần của động lực đa văn hóa hữu hiệu và có mục đích. Bộ sách tuyệt đẹp “Các Công báo và Tài liệu”, do Văn phòng Thư ký của Ủy ban Giáo hoàng chỉ đạo, cũng kỷ niệm việc xuất bản tập thứ 70 trong năm nay.

Điều này chứng tỏ cam kết tìm kiếm sự thật lịch sử trên phạm vi hoàn cầu, trên tinh thần đối thoại với những mẫn cảm lịch sử khác nhau và những truyền thống nghiên cứu đa dạng. Thật tốt khi anh chị em cộng tác với những người khác, mở rộng các mối quan hệ khoa học và con người, đồng thời tránh các hình thức cô lập về tinh thần và định chế. Tôi khuyến khích anh chị em duy trì cách tiếp cận phong phú này, dựa trên sự lắng nghe liên tục và chăm chú, thoát khỏi bất cứ ý thức hệ nào – các ý thức hệ hệ giết người – và tôn trọng sự thật. Tôi nhắc lại những gì tôi đã nói với anh chị em nhân dịp kỷ niệm 60 năm của anh chị em: “Khi gặp gỡ và làm việc cùng với các nhà nghiên cứu thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo, anh chị em có thể đưa ra một đóng góp cụ thể cho cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới hiện đại” (Diễn văn, ngày 12 tháng 4, 2014).

Phong cách này góp phần phát triển điều tôi gọi là “ngoại giao văn hóa”: nó rất hợp thời. Ngày nay, cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh xung đột hoàn cầu từng phần nguy hiểm đang diễn ra mà chúng ta không thể thụ động theo dõi. Do đó, tôi mời gọi anh chị em tiếp tục công việc nghiên cứu lịch sử của mình bằng cách mở ra những chân trời đối thoại, nơi anh chị em có thể mang ánh sáng hy vọng của Tin Mừng, niềm hy vọng đó không làm thất vọng (x. Rm 5:5).

Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa Giáo hội và các sử gia theo nghĩa gần gũi. Quả thực, có một mối liên hệ sống động giữa Giáo Hội và lịch sử. Thánh Phaolô VI đã phát triển một suy tư sâu sắc về khía cạnh này, khi nhìn thấy điểm gặp gỡ đặc biệt giữa Giáo hội và các sử gia trong việc cùng nhau tìm kiếm sự thật và cùng phục vụ sự thật. Nghiên cứu và phục vụ. Đây là những lời ngài nói với các sử gia vào năm 1967: “Có thể ở đây điểm gặp gỡ chính giữa anh chị em và chúng tôi được tìm thấy […], giữa chân lý tôn giáo mà Giáo hội là nơi lưu trữ và sự thật lịch sử”, sự thật, mà anh chị em là những người phục vụ tốt lành và tận tụy: toàn bộ dinh thự của Cơ đốc giáo, học thuyết, đạo đức và sự thờ phượng của nó, cuối cùng tất cả đều dựa trên việc làm chứng. Các Tông Đồ của Chúa Kytô làm chứng về điều họ đã thấy và đã nghe. […] Điều này cho thấy một thực thể có tính chất tâm linh và tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo quan tâm đến việc tìm kiếm và khẳng định sự thật lịch sử đến mức nào […] Giáo hội cũng có một lịch sử, và tính cách lịch sử trong nguồn gốc của Giáo hội có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với Giáo hội” (Bài phát biểu ngỏ với những người tham gia tại Phiên họp Toàn thể của Ủy ban Quốc tế về Khoa học Lịch sử, ngày 3 tháng 6 năm 1967).

Giáo hội hành trình xuyên qua lịch sử, bên cạnh những người nữ cũng như nam ở mọi thời đại, và không thuộc về bất cứ nền văn hóa cụ thể nào, nhưng mong muốn làm sinh động, bằng chứng từ hiền lành và can đảm của Tin Mừng, trung tâm của mọi nền văn hóa, để cùng nhau xây dựng nền văn minh gặp gỡ. Thay vào đó, sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và sự khẳng định mang tính ý thức hệ về quan điểm riêng của mình đã thúc đẩy hành vi bất lịch thiệp của việc đối đầu. Thật tốt khi bảy mươi năm sau khi thành lập, anh chị em đã làm chứng về khả năng chống lại những cám dỗ như vậy, sống với niềm đam mê, bằng nghiên cứu, kinh nghiệm phục hồi của việc phục vụ sự hiệp nhất, sự hiệp nhất tổng hợp và hài hòa mà Chúa Thánh Thần bày tỏ cho chúng ta vào Lễ Ngũ Tuần.

Bảy mươi năm trước, trong biến cố được Chúa Thánh Thần chúc phúc là Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI đã thốt ra những lời gây tiếng vang như một lời cảnh cáo chống lại bất cứ lời xu nịnh nào về tính tự qui chiếuu về mình của giáo hội, mà việc phục vụ của anh chị em phải xa tránh, và nói: “Hãy không để ai […] nghĩ rằng Giáo hội […] chỉ sống cho chính mình để tự mãn, và quên cả Chúa Kitô, Đấng mà Giáo hội nhận được mọi sự, Đấng mà Giáo hội mắc nợ mọi thứ, và cả nhân loại, mà Giáo hội vốn được sinh ra để phục vụ. Giáo Hội đứng giữa Chúa Kitô và cộng đồng nhân loại, không thu mình vào mình, không như một tấm màn mờ đục che khuất tầm nhìn, không có mục đích trong chính mình, nhưng trái lại không ngừng nỗ lực để trở thành tất cả của Chúa Kitô, trong Chúa Kitô, cho Chúa Kitô, trở thành tất cả mọi người, giữa mọi người, vì mọi người, một người trung gian thực sự khiêm tốn và xuất sắc giữa Đấng Cứu Thế và nhân loại” (Diễn văn khai mạc Khóa họp thứ ba của Công đồng Vatican II, 14 tháng 9 năm 1964, 17).

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm của anh chị em, tôi mong muốn anh chị em sắp xếp công việc của mình phù hợp với những lời này: mong rằng việc nghiên cứu lịch sử của anh chị em sẽ giúp anh chị em trở thành những bậc thầy trong nhân loại và là tôi tớ của nhân loại. Tôi chân thành ban phép lành của tôi cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anhh chị em.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Biển
Đinh văn Tiến Hùng
14:52 23/04/2024
*** Biển * * *

Ngài ở đàng lái, dựa trên ván mà ngủ. Họ đánh thức Ngài và nói với Ngài : Thưa Thày! Thày chẳng lo chúng tôi chết mất? Tỉnh dậy, Ngài quát bảo gió và biển : Nín đi ! Êm đi ! Và gió tắt, biển lặng như tờ…” (Mc.4:38-39)

‘Chúa cao cả sai Thánh Thần sáng tạo,
Đến bay là trên mặt nước mênh mông,
Gieo mần sinh nảy nở mãi vô cùng,
Bao hải vật nơi đại dương vùng vẫy. (*)

Biển trải mênh mông ngút chân trời,
Mênh mang mây nước tỏa ngàn khơi,
Kim ô rực rỡ lung linh chiếu,
Những cánh hải âu lượn chơi vơi.

Biển có gì lôi cuốn xa xôi,
Có gì huyền bí đã chôn vùi,
Con tàu viễn xứ năm xưa ấy,
Không biết bây giờ đã tới nơi?

Biển nằm say mộng ngủ bình yên,
Thuyền lướt ra khơi vẫn êm đềm,
Bỗng cuồng phong nổi sóng gào thét,
Mây đen trùm phủ bức màn đêm.

Biển thét kình ngư bị cuốn trôi,
Đang ngạo nghễ thách thức biển khơi,
Chiếc roi tử thần từ thượng giới,
Quất Ti-ta-nic bể làm đôi ! (#)

Biển Cựu ước ghi dấu năm xưa,
Sa mã Ai Cập tung bụi mù,
Đuổi theo dân Chúa phản lời hứa,
Nước tuôn ập xuống bị chôn vùi !

Biển nổi sóng gió rít ào ào,
Các tông đồ hoảng hốt xôn xao,
Giật mình chỗi dậy Chúa truyền bảo.
Phút chốc biển lặng đẹp biết bao !

Biển cả quyến rũ biết bao người,
Mênh mang sóng gió nổi ngàn khơi,
Những người tị nạn ôm hy vọng,
Một miền đất hứa ở chân trời.

Biển trời Đất Việt đẹp biết bao,
Cung cấp đời sống thật dồi dào,
Bây giờ biển chết dân vô vọng,
Ra khởi trôi dạt tận phương nào !

Biển mang tàu Giáo Hội muôn đời,
Dù bao giông bão muốn cuốn trôi,
Vững tay chèo chống tin vào Chúa,
Bởi Vị Thuyền Trưởng chính là Người.

Biển trần thuyền nhỏ cuộc đời con,
Trôi nổi mong manh sóng dập dồn,
Cuốn hút trôi theo bao dục vọng,
Có Chúa bên con hết mỏi mòn.

‘Đừng mê ngủ đứng lên hồn ta hỡi,
Dẫu thấy mình còn hôi hám bùn nhơ,
Vầng hào quang chói lọi của Kim ô,
Làm tiêu tan hết những gì nguy hại.’ (*)


(*) Ghi chú: Trích Thánh vịnh Phụng vụ
(#) Con tàu Titanic bị tảng băng nhấn chìm giữa biển North Atlantic 14/4/1942.