Ngày 19-09-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:21 19/09/2024

39. Nếu ai không cầu nguyện thì không thể đạt tới đỉnh cao của tu đức.

(Thánh Aloysius Gonzaga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:28 19/09/2024
64. QUAN ÂM NGÀN MẮT

Nam Tống là Hiếu Tôn có lần dùng tay chơi banh, vô tình đánh trúng con ngựa bị thương một con mắt.

Nhà Kim sai sứ đến để chúc mừng sinh nhật của ông ta, lễ vật là một tượng phật quan âm ngàn mắt bằng ngọc trắng, bên trong có hàm ý đùa giỡn.

Hoàng đế Hiếu Tôn ra lệnh cho mời sứ giả của nước Kim vào nhà khách chùa Kinh Sơn của triều đình để nghỉ ngơi, khi đến trước cổng chùa, hòa thượng chủ trì nói:

- “Khi một tay động thì ngàn tay động, khi một mắt nhìn thì ngàn mắt nhìn; may mắn được thái bình vô sự, cần gì phải làm nhiều như thế” (1).

Sứ giả nước Kim bất giác thẹn đỏ mặt.

(Chử Ký Thất)

Suy tư 64:

Tượng Phật ngàn tay ngàn mắt là chỉ sự thần thông biến hóa thông suốt trời đất của đức Phật mà những thiện nam tín nữ đã tin, niềm tin này đã làm cho người phật giáo ăn ngay ở lành, nếu không thì sẽ bị trầm luân trong bể khổ đầu thai làm kiếp súc sinh thì càng khổ hơn.

Người Ki-tô hữu không có tượng Thiên Chúa ngàn mắt ngàn tay, nhưng có một Thiên Chúa duy nhất thông suốt mọi sự vì Ngài là Đấng tạo dựng trời đất, vì Ngài là Đấng yêu thương, là Đấng mà nhân loại phải tôn thờ...

Tượng phật ngàn mắt ngàn tay thì có thật, nhưng Phật ngàn tay ngàn mắt thì không có vì đó là sản phẩm tưởng tượng của những người tin Phật, nhưng Thiên Chúa của người Ki-tô hữu là Đấng vô hình không phải là sản phẩm do con người tưởng tượng, nhưng là do Đức Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết và dạy chúng ta phải gọi Ngài là “Cha chúng con ở trên trời”, đó là một hạnh phúc lớn lao cho chúng ta –những người Ki-tô hữu.

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình...” (2) , do đó mà tôi phải ăn ở như thế nào để mọi người nhận ra Thiên Chúa của tôi là có thật, khi mà trào lưu loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và vạn vật, nơi những người tự cho mình là không cần Thiên Chúa mà vẫn cứ tồn tại !!

(1) Ý nghĩa của câu này là: “Cần gì phải làm nhiều tay nhiều mắt thế !”

(2) Kinh Tin Kính của người công giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tương Lai
Lm Vũđình Tường
01:52 19/09/2024
Lần đầu Đức Kitô nói với môn đệ là Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, bị hành hạ, xỉ vả, bị giết treo trên thập tự. Sau ba ngày an táng trong mộ, Ngài sống lại vinh quang. Nghe vậy, Phêrô đại diện anh em nói với Đức Kitô, chúng con hy vọng điều đó không xảy ra cho Thầy. Đức Kitô nói với Phêrô. Í của anh đến do ma qủi xúi dục. Phêrô yêu mến Đức Kitô và không muốn điều xấu xảy ra cho Ngài. Ý tưởng của Phêrô bên ngoài xem ra có vẻ tốt lành, nhưng ẩn dấu đằng sau ý tưởng đó hàm chứa đừng vâng lời Chúa Cha. Không vâng lời Chúa Cha là í tưởng của ma qủi. Ma quỉ thành công xúi dục ông bà Adong- Evà trái lệnh Chúa, ăn trái cây trong vườn địa đàng. Không có gì sai trong việc ăn trái. Mục đích ăn chống lệnh Chúa dẫn đến sự chết. Bản cũ soạn lại, ma qủi dùng Phêrô khuyên Đức Kitô đừng vâng phục Chúa Cha. Đức Kitô cảnh tỉnh, Phêrô thoát hiểm. Hãy thận trọng với câu nói ngọt ngào; í tưởng bề ngoài xem ra vô hại, bóng bảy nhưng ẩn nấp sau là cám dỗ kêu phản bội Thiên Chúa.

Lần này Đức Kitô nhắc lại cuộc tử nạn sẽ xảy ra cho Ngài. Môn đệ tôn trọng sứ mạng Đức Kitô. Dù không hiểu rõ sứ mạng đó, nhưng các ông chấp nhận một sự thật. Một thực tại vượt quá khả năng hiểu biết của các ông. Đức Kitô chịu tử nạn là một thực tại sẽ xảy ra trong tương lai rất gần. Nhận biết sự thật này, các ông nghĩ đến tương lai của cả nhóm. Chọn lựa của các ông gồm một trong hai cách. Thứ nhất; giải tán nhóm, ai về quê hương người ấy. Chọn lựa thứ hai là nhóm tiếp tục sinh hoạt, quyết tâm cùng hợp tác, hỗ trợ, che chở, bảo bọc nhau sau khi Thầy ra đi. Các ông chọn lựa cách thứ hai, vì thế mới có tranh luận, bàn thảo, chỉ định người lãnh đạo tương lai của nhóm.
Bàn đến tương lai xác định một sự thật là sau khi Thầy ra đi; nhóm có thể bị tan tác, nhưng không tan rã. Các ông dù phải trốn tránh nhưng cùng một lòng âm thầm, kín đáo hỗ trợ nhau. Điều này thể hiện qua việc các ông trên đường đi bàn thảo ai sẽ làm trưởng nhóm. Ta biết rõ quyết tâm này bởi chính Đức Kitô nêu câu với các ông

'Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy?. Các ông làm thinh vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Mc 9:34
Tương lai ngày mai ra sao là câu hỏi môn đệ Đức Kitô bàn thảo với nhau trên đường đi. Dường như cả nhóm chấp nhận một sự thật đau lòng là ngày gần đây Thầy không còn hướng dẫn, lãnh đạo, sống chung cùng nhóm nữa. Trường hợp không có Thầy hiện diện, nhóm muốn tồn tại thì phải có người lãnh đạo. Đây là vấn đề các ông tranh luận.

Môn đệ Đức Kitô lớn lên dưới chế độ bảo hộ Roma. Ngoài cách lãnh đạo cai trị khắt khe, hà khắc của quân bảo hộ; họ không biết cách lãnh đạo nào khác. Roma dùng quyền, hình phạt ác độc gây hoang mang, tạo sợ hãi trong cách cai trị. Dùng cộng tác viên địa phương hành hạ người bản xứ. Cai trị dưới hình thức làm ngơ, giả bộ mù quáng để cho người bản xứ lộng hành, lạm quyền đòi thêm thuế, bắt dân dồn hết sức vào công việc, kiếm tiền đóng thuế, một phần cho chính quyền bảo hộ, phần khác cho lòng tham của đồng loã cộng tác viên. Do cơ cực, vất vả đầu tắt, mặt tối nguyên ngày, người ta không còn thời giờ, sức lực để nghĩ đến việc chống lại, lật đổ nhà nước bảo hộ.
Đức Kitô nói với môn đệ cách lãnh đạo mới. Cách mới hoàn toàn trái với cách vua chúa trần gian thực hành. Môn đệ chưa từng nghe biết cách lãnh đạo mới, và cũng chưa từng được ai thực hiện trên thế giới. Đức Kitô đặt tình yêu làm căn bản trong lãnh đạo. Phục vụ công ích là mục đích chính người lãnh đạo cần nhắm đến. Vua quan trần thế nhắm đến lợi lộc của họ trước; cộng đoàn hưởng phần dư còn lại. Đức Kitô nhắm đến quyền lợi cộng đoàn trước. Người lãnh đạo tìm vui trong phục vụ.

'Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người'... Ai đón tiếp một em nhỏ vì Danh Thầy, là đón chính Thầy. Ai đón tiếp Thầy... là đón tiếp Đấng đã sai Thầy' Marcô 9:37.

Phục vụ công ích chung là chính, nhưng chưa phải cùng đích. Cùng đích của phục vụ là giúp tha nhân nhận biết Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Giúp họ nhận ra tình yêu Chúa thể hiện qua bàn tay nhân ái của người anh em. Nhận thức này giúp tha nhân nhận biết Thiên Chúa, để họ làm cho vinh hiển Thánh Danh Chúa. Đem lại an vui cho cộng đoàn là cách lãnh đạo thường. Giúp người khác yêu mến và tin theo Đức Kitô mới đạt được mục đích của lãnh đạo.

TiengChuong.org
 
Ngày 20/09: Cộng tác với Chúa – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
02:08 19/09/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Đó là lời Chúa

 
Phụ nữ
Lm. Minh Anh
14:24 19/09/2024
PHỤ NỮ

“Cùng đi với Ngài, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ đã được Ngài trừ quỷ và chữa lành”.

“Trái ngược với phong tục Do Thái đương thời, theo đó, phụ nữ được coi là có địa vị thứ yếu. Chúa Kitô đã đạt được một điều gì đó mà chúng ta có thể gọi là ‘giải phóng phụ nữ!’” - Bênêđictô 16.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu không lên đường thi hành sứ vụ một mình; đi theo Ngài, còn có Nhóm Mười Hai và mấy ‘phụ nữ’ đã được Ngài chữa lành - và nói như Đức Bênêđictô 16 - ‘được giải phóng!’.

Với Đức Phanxicô, “Không thể phủ nhận, các ‘phụ nữ’ đã đóng góp vào lợi ích chung theo cách riêng của họ. Chúng ta thấy điều này trong Thánh Kinh, nơi ‘phụ nữ’ thường đóng một vai trò quan trọng vào những thời khắc quyết định trong lịch sử cứu độ. Hãy nghĩ đến Sarah, Rêbêcca, Judith, Susanna và Ruth, lên đến đỉnh điểm với Maria và những ‘phụ nữ’ đã đi theo Chúa Giêsu thậm chí đến tận thập giá, nơi - chúng ta đừng quên - người đàn ông duy nhất còn lại là Gioan, đang khi những người khác đều đã bỏ trốn. Chỉ những người can đảm mới dám ở lại, và họ là ‘phụ nữ!’. Sau đó, trong lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể nghĩ đến những ‘phụ nữ’ như Catarina Siêna, Joséphine Bakhita, Edith Stein, Têrêxa Calcutta!”.

“Và chúng ta cũng có thể nghĩ đến “những người phụ nữ hàng xóm”, những liệt nữ anh hùng chịu đựng những cuộc hôn nhân khó khăn, những đứa con có vấn đề... đó là những con người mạnh mẽ sống chủ nghĩa anh hùng của phụ nữ. Ngoài những khuôn mẫu của một thể loại tiểu sử của một số thánh nữ, tất cả ‘phụ nữ’ này đều có quyết tâm, lòng dũng cảm, lòng chung thủy ấn tượng, đáng chú ý vì khả năng kiên trì, cả trong đau khổ, để truyền đạt niềm vui, sự chính trực, sự khiêm nhường và quyết tâm vững chắc!”.

“Lịch sử của chúng ta đầy dẫy những ‘phụ nữ’ như thế, dù nổi tiếng hay vô danh - mặc dù không phải với Chúa! - họ đã truyền cảm hứng và duy trì hành trình của các gia đình, xã hội và Giáo Hội. Đó là lý do tại sao các Nghị phụ Công Đồng Vaticanô II đã viết, “Vào thời điểm này, khi nhân loại đang trải qua những thay đổi sâu sắc như vậy, ‘phụ nữ’ có thể giúp nhân loại thoát khỏi sự thoái hoá rất nhiều!”.

Anh Chị em,

“Cùng đi với Chúa Giêsu, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ”. Đây là nhận xét của chỉ một mình Luca. Ước muốn đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một cảm xúc; đúng hơn, đó là một cảm nhận biết ơn đáng kinh ngạc và kết quả là, một ‘tương quan mới’ được tạo ra bởi quà tặng ân sủng và cứu rỗi. Ân sủng đã biến đổi cuộc sống họ; và họ sẵn sàng và sẵn lòng biến Chúa Giêsu thành trung tâm đời mình. Họ hỗ trợ sứ vụ của Ngài bằng cách cung cấp vật chất cho công cuộc truyền giáo. Họ sẽ còn được Luca nhắc đến khi từ đồi Canvê, theo dõi tất cả những gì diễn ra chung quanh cái chết của Thầy. Họ thấy ngôi mộ và cách thi hài Ngài được đặt; sau đó, đến mồ ngày thứ nhất trong tuần, họ đã gặp Chúa Phục Sinh. Họ trở nên mẫu mực về sự cởi mở trước ân sủng, về sự sẵn sàng cho đi một cách hào phóng và về lòng yêu mến Đấng họ đã đi theo!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin trả công bội hậu cho những liệt nữ quảng đại - được biết đến hay vô danh - đã cống hiến cho xã hội và Giáo Hội; cách riêng cho sứ vụ của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tiêu chí thực thi quyền lực
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
14:26 19/09/2024
TIÊU CHÍ THỰC THI QUYỀN LỰC
(Chúa Nhật XXV TN B)

“Bạn đừng vất vả mất công đòi hỏi người nắm quyền thay đổi cơ chế hay luật lệ. Hãy cố sức chiếm lấy quyền lực thì bạn muốn đổi thay gì thì cứ đổi”. Câu nói này vốn được gán cho ông Karl Marx, người đề xướng chủ nghĩa cộng sản. Karl Marx cũng như Frederick Engel đã có nhận xét về thế lực nắm quyền như sau: “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác, điều đó trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy” (x.C. Mác – Ph. Ăng-ghen: Tuyển tập, tập I, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1970, trang 584). Từ nhận định trên hai ông đã cổ suý việc đấu tranh giai cấp, sử dụng bạo lực cách mạng để cướp lấy “quyền lực”.

Ba năm cùng đi với Thầy chí thánh Giêsu một chủ đề thường xuyên gây tranh cãi giữa tập thể 12 tông đồ đó là quyền lực. “Sau đó Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphacnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.”(Mc 9,33-34). Xưa lẫn nay, chữ quyền thường phát sinh chữ lợi. Các lợi lộc vật chất và một đôi khi là lợi lộc tinh thần đã trở thành mồi nhử khiến con người tìm mọi cách thế để chiếm hữu quyền lực. Và thế là sự đấu đá, tranh chấp diễn ra dưới nhiều hình thức, hợp pháp có, phi pháp cũng có, công khai có, bí mật cũng có... Thánh Giacôbê nói rằng: “Ở đâu có ganh tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16).

Con người vốn có tính xã hội, chính vì thế các tập thể lớn bé hình thành trên các tiêu chí nền tảng như ngôn ngữ, màu da, sắc tộc, quốc tich, tôn giáo... Đã là tập thể thì cần có người đứng đầu, người lãnh đạo và kéo theo là quyền lực, cơ chế, luật lệ... Sự thường những người đứng đầu, trong vai vị lãnh đạo làm ra luật lệ cơ chế để điều hành, cai quản tập thể. Nguyên tắc chung người lãnh đạo được trao quyền lực là nhằm để phục vụ tập thể. Ngay trong thời quân chủ chuyên chế thì lý tưởng luôn là “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Thế mà khi đã có quyền lực trong tay thì người ta dễ bị cám dỗ hành quyền thiên về lợi ích của mình. Và để bảo vệ quyền lực của mình thì người ta sẵn sàng sử dụng nhiều hình thức bạo lực để trấn áp hoặc tuyên truyền, gieo rắc sự thần phục mang dáng dấp đạo đức như “quân xử thần tử, thấn bất tử, thần bất trung” hoặc những lời cam kết, những lời thề hứa tuân phục cách vô điều kiện hoặc có một vài điều kiện nào đó. Và dĩ nhiên là có hình thức, biện pháp chế tài nếu đã tuyên thệ mà bất tuân phục.

Tin mừng tường thuật tiếp như sau: Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc, 9,35). Theo quan niệm của nhiều nền văn hoá xưa và theo cách diễn ta của Thánh Kinh thì tư thế ngồi xuống là tư thế của vị tôn sư chính danh chính phận. Cụm từ “phải làm người rốt hết” đòi hỏi người đứng đầu, người lãnh đạo, người nắm quyền lực phải có thái độ khiêm nhu chân thành. Khi hành quyền, người lãnh đạo phải đặt vị thế của mình vào hàng những người nghèo hèn, thấp cổ, bé phận. Quyền lực có ra không chỉ bảo vệ sự công bình, duy trì sự ổn định và làm phát triển xã hội...mà còn để che chở kẻ bất hạnh, người cô thế, cô thân. Và phạm vi mà người nắm quyền lực phải phục vụ được Chúa Giêsu nói rõ là “mọi người”, chứ không phải một nhóm người hay là một tập thể thiểu số hay đa số nào đó.

“Làm người rốt hết và phục vụ mọi người” chính là hai tiêu chí nền tảng để những ai đang trong vai vị lãnh đạo, đang nắm quyền lực không chỉ dựa vào đó để thực thi quyền bính cách đúng nghĩa và tốt đẹp mà còn là cơ sở để người lãnh đạo thường xuyên kiểm điểm bản thân. Thiết nghĩ rằng nếu hai tiêu chí này được đón nhận và tuân giữ thì việc cạnh tranh quyền lực và vai trò lãnh đạo cách thiếu ngay chính sẽ giảm thiểu rất nhiều. Và hiệu quả là đám đông dân chúng sẽ được hưởng nhờ sự phục vụ tận tuỵ của những người làm đầu.

Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dị giáo? Những lời nói của một ông già? Hay Đức Giáo Hoàng có lý?
Vũ Văn An
00:45 19/09/2024

Alexander Norman, trên tờ Catholic Herald ngày 18 tháng 9 năm 2024, đặt câu hỏi: Đức Thánh Cha đã gây ra sự phẫn nộ có thể đoán trước được khi gợi ý, trong chuyến thăm Singapore gần đây của mình, rằng "tất cả các tôn giáo đều là con đường dẫn đến Thiên Chúa". Nhưng liệu ngài có hoàn toàn sai không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô được chào đón khi đến tham dự cuộc đối thoại liên tôn với một nhóm thanh thiếu niên tại Cao đẳng Công Giáo ở Singapore, Đảo Singapore, ngày 13 tháng 9 năm 2024. (Ảnh của Ezra Acayan/Getty Images


Phát biểu trước khán giả gồm khoảng 600 người trẻ, Đức Giáo Hoàng đã hỏi rằng điều đó sẽ dẫn đến đâu nếu mọi người tấn công lẫn nhau bằng cách tuyên bố "tôn giáo của tôi quan trọng hơn tôn giáo của bạn, tôn giáo của tôi là đúng và tôn giáo của bạn thì không". Rốt cuộc, ngài nói tiếp, "chỉ có một Thiên Chúa và mỗi người chúng ta đều có một ngôn ngữ để tiếp cận Thiên Chúa".

Người ta cho rằng ngài giới hạn suy nghĩ của ngài vào các tôn giáo lớn trên thế giới, đặc biệt là các tôn giáo Áp-ra-ham, và không bao gồm, ví dụ, truyền thống đức tin của người Inca và Aztec, những người có tôn giáo đòi hỏi phải hy sinh một số lượng lớn con người vô tội.

Chắc chắn ngài tự giới hạn vào việc xem xét các tôn giáo lớn được theo ở Singapore. Những tôn giáo này chủ yếu bao gồm các truyền thống Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Sikh và Ki-tô giáo, cùng với nhóm đông đảo nhất trong số tất cả, những người “không tin gì”.

Tuy nhiên, trong khi, xét cho cùng, các tôn giáo hữu thần có thể đồng ý rằng, xét cho cùng, chỉ có thể có một Thiên Chúa, thì vẫn còn nghi ngờ liệu nhóm thiểu số lớn nhất, bao gồm những người theo đạo Phật (gần một phần ba dân số Singapore, gần gấp đôi quy mô cộng đồng Ki-tô giáo), có thấy tuyên bố này là hợp lý hay không.

Xét cho cùng, Phật giáo rõ ràng trong việc phủ nhận cả Đấng sáng tạo và sự tồn tại của một linh hồn cần được cứu chuộc. Do đó, hoàn toàn không rõ ràng, theo nghĩa nào thì có thể nói rằng Phật giáo dẫn đến Thiên Chúa. Có vẻ như Đức Thánh Cha đã quên giáo điều Phật giáo về anatman, có nghĩa là vô ngã hoặc theo nghĩa đen là không phải bản ngã, hoặc Đức Giáo Hoàng nghĩ về Thiên Chúa theo nghĩa Chân lý.

Điều này có vẻ có khả năng xảy ra hơn. Nếu bạn thay thế từ Chân lý bằng từ Thiên Chúa, thì tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rằng tất cả các tôn giáo đều có "ngôn ngữ dẫn đến" Chân lý có vẻ hợp lý và dễ chấp nhận hơn đối với cả các Ki-tô hữu chính thống (viết thường) và những người theo các truyền thống đức tin chính khác.

Chúng ta, những người Công Giáo, được cho biết rằng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đường, là Chân lý và là Sự sống. Người Hồi giáo được cho biết rằng chỉ có một Chúa và Muhammad là nhà tiên tri của Người. Có những tuyên bố chân lý nền tảng tương tự trong mỗi tôn giáo khác.

Nhưng ngay cả việc thay thế từ Thiên Chúa bằng từ Chân lý cũng rất khó khăn đối với những người muốn duy trì giáo lý truyền thống của mỗi truyền thống đức tin. "Đạo Shik, Hồi giáo, Ấn Độ giáo" và Phật tử mà Đức Thánh Cha đang nói đến chắc chắn sẽ cho rằng đức tin của chính họ đã dạy họ Chân lý không hơn không kém và sẽ bác bỏ Chân lý như được dạy bởi Giáo Hội Công Giáo.

Thoạt nhìn, có vẻ như Đức Thánh Cha không có ý như ngài đã nói.

Do đó, chúng ta có nên cho rằng Đức Thánh Cha đã sai không? Chắc chắn không. Nếu thế, rõ ràng là chúng ta, những người Công Giáo, phải hòa giải những gì, xét ở bề mặt, có vẻ nguy hiểm gần với tà giáo, với sự kiện thẳng thừng là nó đang ở bờ vực điều không thể tưởng tượng được là Giáo hoàng dạy sai sự thật.

Chúng ta có thể thực hiện điều này như thế nào? Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thừa nhận sự thật của tuyên bố rằng chỉ có một Thiên Chúa - hoặc một Chân lý. Chúng ta có thể xem xét thêm tuyên bố của Đức Thánh Cha rằng có nhiều con đường khác nhau dẫn đến Chân lý duy nhất đó.

Rồi, chúng ta sẽ phải đối chiếu điều này với lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng Người, ngôi thứ hai của Chúa Ba Ngôi, là Chân lý thực sự. Khi làm như vậy, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, mặc dù các tôn giáo khác có thể chỉ đúng hướng, nhưng chúng không chứa đựng toàn bộ Chân lý đó. Hơn nữa, bất cứ ai muốn sở hữu Chân lý một cách trọn vẹn đều phải, bắt buộc, chấp nhận lời dạy của Giáo Hội Công Giáo.

Hơn nữa, nếu chúng ta theo đuổi luận lý của các tôn giáo khác và đánh giá các kết luận mà họ đưa ra cho chúng ta dưới ánh sáng Chân lý được tiết lộ bởi sự mặc khải, chúng ta sẽ thấy rằng Chân lý tối thượng này không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Giả sử đây là ý của Đức Giáo Hoàng, thì ngài không sai khi nói rằng mỗi tôn giáo lớn đều nói về một Chúa duy nhất bằng ngôn ngữ của riêng họ.

Vậy thì, đây chắc chắn là cách chúng ta phải hiểu lời dạy của Đức Thánh Cha tại Singapore. Chúng ta không được bằng lòng với sự hiểu biết hời hợt về những gì ngài nói. Nếu hiểu theo cách này, chúng ta phải coi những gì ngài nói là lời nói của một ông già hoặc là lời nói dối cố ý, cả hai đều không có vẻ hợp lý.

Tuy nhiên, chúng ta có thể ước ao rằng Đức Giáo Hoàng nói rõ hơn một chút rằng những lời của ngài không có ý định được hiểu theo nghĩa đen - nhưng ít nhất ngài đã luôn rõ ràng về những vấn đề quan trọng khác, chẳng hạn như phá thai đồng nghĩa với việc tước đi mạng sống của những người vô tội.

 
Vatican thận trọng bật đèn xanh cho lòng sùng kính Mễ Du
Vũ Văn An
15:04 19/09/2024

Elise Ann Allen của Crux, ngày 19 tháng 9 năm 2024, cho hay trong khi đưa ra đánh giá tích cực chung về các cuộc hiện ra và lòng sùng kính của Đức Mẹ liên quan đến hiện tượng Mễ Du ở Bosnia-Herzegovina, Vatican vẫn cho biết trong một tài liệu mới được công bố vào thứ năm rằng một số vấn đề vẫn cần được làm rõ.



Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã trình bày tài liệu có tựa đề "Nữ hoàng Hòa bình" trong một cuộc họp báo.

Trong lời tựa cho tài liệu dài gần 20 trang, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê duyệt vào ngày 28 tháng 8, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết, "Đã đến lúc kết thúc một lịch sử lâu dài và phức tạp bao quanh các hiện tượng tâm linh của Mễ Du."

Một bản tổng hợp quả quyết rằng việc chấp thuận lòng sùng kính Mễ Du được đưa ra là do "những hoa trái thiêng liêng dồi dào nhận được tại đền thờ Nữ Vương Hòa Bình, mà không đưa ra tuyên bố về bản chất siêu nhiên được cho là của các lần hiện ra của Đức Mẹ".

Bản tổng hợp cho biết "Nhiều hoa trái tích cực đã được ghi nhận trong bối cảnh của một trải nghiệm tâm linh, trong khi những tác động tiêu cực và nguy hiểm không lan rộng trong dân Chúa".

Tuy nhiên, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng việc chấp thuận lòng sùng kính không cấu thành "phán đoán về đời sống đạo đức của những người được cho là có thị kiến" và rằng bất cứ ân huệ thiêng liêng nào mà một người nhận được "không nhất thiết đòi hỏi những người liên quan phải có sự hoàn thiện về mặt đạo đức".

Bộ Giáo lý Đức tin cũng thúc giục một sự thận trọng nhất định, nói rằng, "Mặc dù chúng ta tìm thấy nhiều yếu tố tích cực giúp lắng nghe tiếng gọi của Tin Mừng, nhưng khi chúng ta xem xét toàn bộ các thông điệp gắn liền với trải nghiệm tâm linh này, một số người tin rằng một số thông điệp nhất định chứa đựng mâu thuẫn hoặc có liên quan đến mong muốn hoặc lợi ích của những người được cho là có thị kiến hoặc những người khác".

“Không thể loại trừ khả năng điều này có thể đã xảy ra trong trường hợp của một vài thông điệp”, tài liệu cho biết, nói rằng có thể có “một số lỗi về trật tự tự nhiên”, “không phải do ý định xấu, mà là do nhận thức chủ quan về hiện tượng này”.

Tài liệu cho biết, phán quyết cuối cùng của Vatican chủ yếu dựa trên “sự hiện hữu của những thành quả đã được xác minh rõ ràng, cùng với việc phân tích các thông điệp được cho là của Đức Mẹ”.

Tài liệu cho biết, những thành quả tích cực liên quan đến “hiện tượng Mễ Du” có thể được nhìn thấy rõ ràng nhất trong “một thực hành lành mạnh của đời sống đức tin, phù hợp với truyền thống của Giáo hội”.

Những thành quả khác bao gồm “nhiều cuộc trở lại”, cũng như sự hòa giải giữa các cặp vợ chồng và “sự đổi mới của hôn nhân và cuộc sống gia đình”, cũng như các báo cáo về nhiều lần chữa lành.

Bộ Giáo lý Đức tin cũng thừa nhận thông điệp hòa bình liên quan đến Mễ Du, nói rằng đó là thành quả của lòng bác ái, ngụ ý “một tình yêu dành cho những người không theo Công Giáo”, mà Bộ Giáo lý Đức tin cho biết là một thông điệp quan trọng xét đến những chia rẽ lịch sử ở Bosnia và Herzegovina.

Tài liệu cho biết lời kêu gọi hoán cải và lời mời thường xuyên đặt Chúa vào trung tâm của đời sống tâm linh cũng là những dấu hiệu tích cực.

Về các vấn đề cần làm rõ, tài liệu cho biết một số thông điệp đi chệch khỏi nội dung tích cực chung.

Tài liệu cho biết "Để ngăn chặn kho báu Mễ Du này bị xâm phạm, cần phải làm rõ những điểm có thể gây nhầm lẫn khiến một số nhóm nhỏ bóp méo đề xuất có giá trị của trải nghiệm tâm linh này".

Tài liệu cho biết nếu chỉ đọc một phần một số thông điệp, thông điệp tâm linh có thể bị liên kết sai với "những trải nghiệm của con người bị nhầm lẫn, những cách diễn đạt không chính xác về mặt thần học hoặc những mối quan tâm không hoàn toàn hợp pháp".

Tài liệu cho biết, những thông điệp có vẻ chứa đựng hướng dẫn cho các mục tử địa phương, tạo ấn tượng cho rằng Đức Maria "muốn thay thế ngài cho các cấu trúc giáo xứ thông thường dành cho sự tham gia", cần phải được xem xét một cách thận trọng.

Tài liệu cũng cảnh cáo về những đoạn văn trong đó Đức Maria nhấn mạnh rằng mọi người phải lắng nghe và chấp nhận thông điệp của ngài, cũng như những thông điệp rõ ràng mà trong đó Đức Maria "ra lệnh về ngày tháng, địa điểm và tính thực tế cũng như thời điểm ngài đưa ra quyết định về những vấn đề thông thường".

Một số thông điệp có vấn đề do sử dụng các thuật ngữ như "kế hoạch của tôi" và "dự án của tôi" của Đức Maria, tài liệu cho biết, nói rằng những cụm từ này có thể "gây ra một số nhầm lẫn" về vai trò của Chúa Kitô.

Về mặt thờ phượng công cộng, Bộ Giáo lý Đức tin trong tài liệu của mình đã nêu rằng mặc dù không có yêu cầu nào để tin vào hiện tượng Thánh Mẫu tại Mễ Du, phán quyết Nihil obstat [không có trở ngại] chỉ ra rằng "các tín đồ có thể nhận được sự khích lệ tích cực cho đời sống Kitô hữu của họ thông qua đề xuất tâm linh này và nó cho phép các hành động sùng kính công khai".

Bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại rằng "đánh giá tích cực cho rằng hầu hết các thông điệp của Mễ Du đều mang tính xây dựng không ngụ ý tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc siêu nhiên trực tiếp", một chỉ danh mà nó không còn đưa ra nữa.

Về các câu hỏi liên quan đến tính chân chính của một số sự kiện hoặc khía cạnh nhất định của trải nghiệm tâm linh liên quan đến Mễ Du, Bộ Giáo lý Đức tin cho biết các nhà chức trách giáo hội địa phương được mời "đánh giá cao giá trị mục vụ của đề xuất tâm linh này, và thậm chí thúc đẩy sự lan truyền của nó".

Tài liệu cho biết, mỗi giám mục giáo phận có quyền tự do đưa ra quyết định thận trọng của riêng mình liên quan đến các nhóm hoặc cá nhân "những người, bằng cách sử dụng sai hiện tượng tâm linh này, đã hành động theo cách sai lầm".

Bộ Giáo lý Đức tin cũng kêu gọi những người hành hương đến thăm Mễ Du "được khuyến cáo mạnh mẽ rằng các cuộc hành hương không phải để gặp gỡ những người được cho là có thị kiến mà là để gặp gỡ Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa bình".

Phán quyết Mễ Du được xác định theo một bộ chuẩn mực mới do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành vào tháng 5 để đánh giá tính chân chính của các lần hiện ra của Đức Mẹ Maria và các hiện tượng tâm linh khác. Thông báo chính thức của Vatican về việc chấp thuận các lần hiện ra ở Mễ Du vào thứ năm đã khép lại một trong những cuộc tranh luận lâu đời nhất gần đây của Giáo Hội Công Giáo. Những lần Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du được cho là bắt đầu vào tháng 6 năm 1981, và chúng thường được chia thành hai loại: "những lần đầu tiên", diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm đó, khi Đức Mẹ được cho là đã hiện ra hàng ngày với sáu thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 17 vào thời điểm đó, và những lần hiện ra sau đó mà một số người thị kiến ban đầu tuyên bố đã có, đôi khi là hàng ngày, kể từ năm 1989.

Mặc dù tất cả những lần được cho là hiện ra ban đầu đều diễn ra ở cùng một địa điểm, những người thị kiến tuyên bố vẫn nhận được thông điệp từ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria nói rằng họ nhìn thấy Đức Mẹ vào những thời điểm và địa điểm ngẫu nhiên.

Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã thành lập một ủy ban do Hồng Y Camillo Ruini, người khi đó đã nghỉ hưu, đứng đầu với tư cách là Đại diện của Giáo hoàng tại Rome để nghiên cứu những lần được cho là hiện ra. Đức Hồng Y cũng từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Ý đầy quyền lực. Ủy ban đã đệ trình báo cáo của mình, được gọi là "báo cáo Ruini", lên Đức Phanxicô vào năm 2014. Trước đó, Đức Phanxicô đã bày tỏ sự hoài nghi cá nhân của mình về những lần hiện ra được cho là đang diễn ra, nói với các nhà báo trên đường trở về Rome vào ngày 13 tháng 5 năm 2017, sau chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Fatima, Bồ Đào Nha, rằng những lần hiện ra ban đầu cần phải được phân biệt với những lần hiện ra đang diễn ra. Năm 2017, Đức Phanxicô đã chỉ định Tổng giám mục người Ba Lan Henryk Hoser nghiên cứu về việc chăm sóc mục vụ dành cho cư dân thị trấn và những người hành hương đến thăm, với Vatican nhấn mạnh rằng vai trò của ngài không liên quan gì đến việc xác định tính chân chính của những lần hiện ra. Vào tháng 5 năm 2018, Hoser được cử làm "Vị kinh lý tông tòa" trong một thời gian không xác định đến giáo xứ Saint James ở Mễ Du, Bosnia-Herzegovina, do các tu sĩ Phanxicô điều hành. Một năm sau, vào tháng 5 năm 2019, Vatican đã cho phép hành hương đến địa điểm này, nhưng không bày tỏ ý kiến về tính xác thực của những lần được cho là hiện ra.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh phục vụ trong tình yêu.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:18 19/09/2024
Hình ảnh phục vụ trong tình yêu.

Trong các lãnh vực của đời sống khía cạnh phục vụ quan trọng cần thiết. Nhưng khía cạnh thi đua đưa đến kết qủa tốt chiếm hạng nhất, nổi tiếng, trổi vượt, có công dụng hữu ích tốt cũng là động lực cần thiết.

Trong thể thao thành tích trổi vượt chiếm giải không chỉ phục vụ cho lợi nhuận của ngành, nhưng còn là cuộc thi đua thúc đẩy cá nhân vận động viên nỗ lực cố gắng sao chơi thi đấu cho giỏi thiện nghệ sáng gía nổi tiếng.

Trong lãnh vực thương mại cũng vậy, sản phẩm sáng chế tốt giúp phục vụ ngành, cửa hàng thịnh vượng cùng khách hàng tiêu dùng được hài lòng, đồng thời cũng là đà thúc đẩy thi đua phát triển, trình bày sản phẩm tinh xảo hấp dẫn thêm.

Năm 2020 lúc dịch vi trùng Covid 19 lây lan gây dịch bệnh nguy bệnh hiểm tử vong, chỉ trong vòng 10 tháng các nhà khoa học, ngành y khoa ráo riết tìm chế tạo thuốc chủng ngừa chống lại vi trùng, nhầm phục vụ đời sống sức khoẻ con người. Các hãng xưởng phòng thí nghiệm khoa học thi đua nghiên cứu tìm sáng chế sản phẩm thuốc chủng ngừa nhanh tốt cùng sớm nhất như có thể, để phục vụ cứu nhân độ thế đang trong cơn bệnh dịch hiểm nghèo.

Lợi nhuận, sáng gía nổi danh thúc đẩy tranh đua phát triển, tựa như kim chỉ nam trong thi đấu thể thao của được tóm tắt lại trong khẩu hiệu: Citius – Altius – Fortius – Nhanh hơn – Cao hơn và khoẻ mạnh dẻo dai hơn!

Thua cuộc thi đua lẽ tất nhiên buồn. Nhưng đâu phải chỉ có thế. Không đạt hạng nhất nổi danh sáng gía, được tưởng thưởng trên bục cao… Con người xưa nay hay đi tìm kiếm gía trị được kính nể công nhận nữa. Dân gian có ngạn ngữ: Khôn rái dạ. Lạ rái áo! Rồi chức tước địa vị, của cải tiền bạc…thuộc vào lãnh vực đó.

Hình ảnh cuộc sống trong xã hội con người thì như thế, và con người như kể trên, còn đi tìm sự được sáng giá cách khác nữa.. Còn hình ảnh nếp sống phục vụ trong lãnh vực tinh thần đạo giáo thì sao?

Đức Giáo Hoàng Gregor 1. ( 590/ 604) được bầu chọn là người kế vị Thánh Phero tông đồ, đứng đầu Giáo hội, để phục vụ Giáo Hội Chúa ở trần gian phục, đã tự nhận danh xưng servus servorum Dei -người đầy tớ phục vụ của những người đầy tớ phục vụ Thiên Chúa! Danh xưng này căn cứ vào lời Kinh Thánh nơi thư 2. Phero 1,1 và Thư của Thánh Phalo gửi giáo đoàn Roma 1,1.

Một danh xưng diễn tả sự khiêm hạ của người đứng đầu trở thành người làm công việc phục vụ cho mọi người. Và khảu hiệu cung cách đó ăn khớp hợp với lời Chúa Giêsu khi xưa đòi hỏi các Tông đồ và cả Giáo hội nữa: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".

Đòi này của Chúa Giêsu không loại bỏ những tranh đua, thi đấu trong cuợc sống xã hội. Nhưng với Ngài cung cách sự phục vụ con người là thước đo, là yếu tố quyết định. Cung cách phục vụ diễn tả lên chiều kích sự to lớn cùng địa vị.

Hình ảnh người cha hay người mẹ ngồi hay cúi sát mình xuống đứa con nhỏ của mình, để bồng ẵm thương yêu nó, mặc quần áo, đưa đút thức ăn cho con mình…không làm cho họ bé nhỏ đi. Trái lại, với người con, cha mẹ mìmh là người to lớn, là tất cả với nó. Và với người khác bên ngoài người cha mẹ qua cử chỉ chan chứa tình yêu thương đó đã phát đi tín hiệu của người có vòng tay trái tim rộng mở, quan tâm nuôi săn sóc con mình thật chu đáo. Và đó là gương mẫu của đời sống con người.

Hình ảnh những người từ bỏ địa vị chức tước cùng tiền bạc của cải…dấn thân ra đi sống giúp đỡ những người xấu số yếu kém, bệnh tật nghèo khổ, xưa nay trong xã hội, không làm giảm bớt kém gía trị của họ, hay họ thành người rốt chót. Trái lại họ trở thành người được qúy mến kính trọng, người có lòng bác ái sống quảng đại to lớn. Vì cung cách sống quảng đại dấn thân phục vụ của họ nơi con người.

Thánh giáo phụ Augustino ( 354 -430) đã viết luật cho đời sống Dòng Tu:” Người đứng đầu, bề trên Dòng, không được cho mình là hạnh phúc, vì mình có chức quyền, nhưng vì có thể sống phục vụ trong tình yêu. Trong cộng đoàn tu viện là người bề trên đứng đầu anh chị em Dòng. Nhưng trong sự kính sợ Thiên Chúa, là người ở dưới chân của anh chị em trong Dòng.

Trong mọi hoàn cảnh vị đó phải thế hiện như tấm gương sáng qua cung cách của việc làm tốt lành thánh đức, trong thời lúc bất an giữ vững tinh thần cư xử đúng cách kịp thời đúng lúc, an ủi người gặp bước đường thất bại, chấp nhận sở đoản, sự yếu kém của mình, kiên nhẫn với tất cả mọi người.

Tuân giữ kỷ luật với tình yêu thương và lòng kính sợ. Dẫu rằng hai điều đó cần thiết, nhưng vị đó nên sống làm sao được các thành viên yêu mến và kính trọng.

Vị đó nên nhớ rằng, ngày nào đó phải tính sổ trước mặt Thiên Chúa. Không phải chỉ với các thành viên Dòng, nhưng cả với Thiên Chúa lòng thương xót và lòng vâng phục Ngài. Càng có địa vị chức quyền cao trong Cộng đoàn tu viện, sự nguy hiểm cũng lớn hơn, nơi đó vị bề trên trong tư thế như bay bổng.”.

Chính vì thế, mỗi người nên cảnh tỉnh nhận thức ra, nhất là khi không đạt được vị trí nhất hàng đầu trong cuộc thi đua tranh giải.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long











 
Văn Hóa
Xì Xèo To Nhỏ
Lm Vũđình Tường
01:50 19/09/2024
Nhìn chung ai cũng nhận biết xã hội Úc là xã hội tục hoá. Tôn giáo đóng vai trò khiêm nhượng trong mọi chính sách của chính phủ. Nhà lãnh đạo quan tâm nhiều đến an sinh xã hội. Có thể nói Úc theo chủ nghĩa xã hội nhân bản; lấy an sinh xã hội là chính nên luật pháp chú trọng đến an toàn, sức khoẻ cộng đồng. Úc coi trọng mọi tôn giáo, tín ngưỡng; coi đó là tự do tinh thần. Kitô giáo đóng vai thiểu số; con số này càng ngày càng teo, thu nhỏ, hẹp dần. Thể dục, thể thao được đề cao như loại tôn giáo. Cuối tuần và dịp lễ nghỉ sân vận động đầy ắp người. Thứ đến là bãi biển.

Tháng chín năm nay 2024, quốc hội Úc họp bàn tìm phương pháp giảm bớt số cựu chiến binh trẻ chọn tự kết liễu cuộc đời, nhất là cựu chiến binh trở về từ Trung Đông. Cuộc bàn thảo chú trọng đến việc giảm đi tối đa số cựu chiến binh tự vẫn cùng với vấn đề an táng cho nạn nhân. Phần hai nhấn mạnh đến hậu sự, lo lắng, bảo trợ, an ủi, giúp đỡ thân nhân gia đình nạn nhân. Trong vòng hai thập niên qua trung bình cứ hai tuần có ba người tự kết liễu đời mình. Chính phủ và quân đội quan tâm đặc biệt về vấn đề này, hy vọng thay đổi tình thế. Cũng trong dịp này, truyền thông Úc châu nhắc đến đại họa chính quyền đang phải đối phó. Số người trẻ tự kết liễu đời mình trở nên phổ biến hơn, lan rộng. Biện pháp hiện tại là cung cấp thêm tài chánh và các phương tiện cần thiết hỗ trợ hội đoàn, đoàn thể thiện nguyện cố vấn, hỗ trợ thanh niên trẻ khi biết họ gặp khó khăn trong đời sống.

Có nhiều hội đoàn, tổ chức xã hội; trong đó bao gồm tổ chức tôn giáo và không tôn giáo tham gia hỗ trợ nạn nhân. Một số khác gồm toàn thành viên gia đình nạn nhân. Họ mong giúp các gia đình khác mau vượt qua kinh nghiệm đau thương, kinh hoàng mà chính họ đã trải qua. Dân số toàn Úc châu chưa tới hai mươi năm triệu mà hàng năm có ba ngàn người trẻ chọn đi ra khỏi thế giới này. Đó là chưa kể đến chết gây nên tai nạn giao thông, hoặc dùng xìke, ma tuý quá liều. Đây là một con số kinh hoàng cho người có trách nhiệm. Giáo Hội Công Giáo từ lâu vẫn đóng vai trò tích cực trong việc mục vụ dành riêng cho người tự vẫn, và dẫn đầu trong việc hỗ trợ nạn nhân và thân nhân họ. Linh mục giáo xứ dành mọi ưu tiên, dễ dãi và sẵn sàng dành nhiều thời gian, ưu tiên trong việc nâng đỡ tinh thần thân nhân gia đình nạn nhân.

Khi nhận tin một thanh thiếu niên tự kết liễu đời mình. Giáo xứ gởi người tới nâng đỡ gia đình. Nhân viên lo thủ tục an táng đến nhà an ủi, chia sẻ, hướng dẫn, giúp hoàn thành mọi thủ tục cho việc an táng. Hoàn toàn không có đối xử khác biệt trong nghi thức an táng giữa người tự tử và người chết tự nhiên do bệnh tật. Tất cả được thông cảm, an táng, đối xử như nhau. Trường hợp thanh thiếu niên chết trẻ. Nếu là học sinh Công Giáo, trường học thường tổ chức cầu nguyện cho em và học sinh toàn trường được cố vấn tâm lí đến giúp nếu em đó cần.
Tùy theo gia đình quyết định mà tin buồn được loan đi hay hạn chế hay giữ kín. Khi gia đình cho phép, tin đó được loan tải đến thân nhân, thân hữu. Gia đình chọn không muốn loan tin ngay mà muốn giữ im lặng trong một thời gian; tất cả đều tôn trọng í kiến của gia đình. Gia đình được ưu tiên trong việc chọn ngày giờ, nghi thức, cách tổ chức lễ an táng theo đúng ước nguyện của người quá cố, hay yêu cầu của gia đình. Trường hợp Kitô hữu đó ít đến nhà thờ, cha xứ cũng không đối xử khác biệt nếu gia đình quyết định tổ chức lễ an táng trong xứ đạo. Cha xứ sẽ gặp gia đình để bàn thảo ngày giờ, nghi thức, chọn bài đọc, thánh ca cùng mọi nghi thức cần thiết cho thánh lễ an táng. Gia đình đồng í thì toàn thể xứ đạo được thông báo để cùng tham dự. Nếu gia đình muốn giới hạn thì cha xứ tôn trọng í kiến đó.

Dân Úc rất tôn trọng gia đình gặp khó khăn, gặp nạn. Họ đón nhận tin sầu khổ cách trân trọng; đón nhận với tâm tình bác ái Kitô hữu, thông cảm, đồng thời tôn trọng í kiến gia đình nạn nhân. Mọi người đều tôn trọng ước muốn riêng của gia đình. Đây là một trong những ưu điểm trong xã hội. Người ta cũng nhận biết ém tin có tệ hại riêng của nó. Thứ nhất người buôn tin không biết rõ nên thường thêu dệt quá sự thật. Thứ hai, ém tin gây thiệt hại cho cả người sống lẫn người chết. Người sống một mình, âm thầm đau khổ, không nhận được an ủi, nâng đỡ của thân nhân, thân hữu khi cần. Người chết không được người khác cầu cho. Cần tránh xa lối suy nghĩ ém tin do xấu hổ. Buồn sầu, đau khổ thì đúng. Xấu hổ là sai. Gia đình là nạn nhân, vô tội. Tại sao phải xấu hổ điều vô tội, không làm. Buôn tin do thiếu í thức, thiếu yêu thương. Giúp được gia đình nạn nhân bớt u sầu thì tốt; tránh gây thêm u sầu cho họ. Đức Kitô dậy an ủi kẻ sầu khổ. Còn gì đau khổ hơn gian truân khi phải đối phó với người thân tự vẫn. Thánh Giacôbê dậy cần.

'Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa, là thăm viếng cô nhi, quả phụ lâm cảnh gian truân' Gc 1:27.

Gia đình nạn nhân cần hỗ trợ tinh thần. Vị lãnh đạo tinh thần đóng vai trò quan trọng giúp xoa dịu, chia sẻ, an ủi nạn nhân. Hình ảnh chủ chăn vác chiên thương tật về băng bó, chữa trị, chăm lo, an ủi, chia sẻ, hỗ trợ, Đức Kitô muốn người chủ chiên tích cực làm sống động hình ảnh chủ chiên vác chiên trên vai. Yêu thương bằng cách đến tận nhà chia sẻ, an ủi, nâng đỡ, hỗ trợ khi con chiên bị thương tật. Chính hành động yêu thương này giúp tha nhân nhận biết tình yêu Thiên Chúa sống động qua bàn tay của người tin vào Chúa. Nhờ hành động yêu thương hoán cải con tim sỏi đá thành con tim biết yêu thương, sưởi ấm con tim nguội lạnh và chữa lành con tim tật nguyền. Thánh Giacôbê quả quyết đức tin không thực hành đức ái là đức tin chết. Đức tin không có hành động là vô dụng. Hành động đây ám chỉ đức ái.

'Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi...... Thân xác không hơi thở là thân xác chết, đức tin không hành động là đức tin chết'. Gc 2: 24-26.

Người bình thường không thể tự hủy diệt. Khi mắc loại tâm bệnh, nó từ từ loại bỏ, giết chết hy vọng; cuối cùng là giết ngay cả hy vọng sống. Như thế họ chết vì tâm bệnh. Hiện nay i khoa đang đi dần đến việc xác định tâm bệnh tự hủy diệt. Hiểu biết cho rằng cá nhân đó phạm tội rõ ràng nên từ chối giúp là hiểu biết sai. Dụ ngôn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đức Kitô nói với nhóm tố cáo bà là ai không có tội hãy ném viên đá đầu tiên đi. Mọi người im lặng, âm thầm bỏ đi. Sau khi mọi người bỏ đi, Đức Kitô nói với chị,

'Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa'. Gioan 8:11

Chết giúp ta nhận ra cái giới hạn của con người, và nhận biết khả năng mình. Chúa ban cho ta khả năng nâng đỡ, hỗ trợ, an ủi nhau khi cần. Hãy sốt sắng thực hành điều đó. Người chết đã chết, thân nhân họ là nạn nhân. Từ chối nâng đỡ, hỗ trợ, an ủi lúc người đau khổ, u sần cần đến không phải là cách của Kitô hữu. Làm như thế là biến họ thành nạn nhân. Người còn sống bị vạ lây, bị phạt về tội họ không hề phạm.

Đức Kitô khiển trách Giuđa hành động phản bội bán Thầy, coi vật chất nặng hơn tình người. Đức Kitô không nhắc đến hay kết án Giuđa tự tử. Biết Đức Kitô bị bắt, Giuđa thống hối mang tiền trả thủ lãnh Đền Thờ rồi thắt cổ chết. Giuđa chết trước Đức Kitô. Lịch sử tự tử xảy ra từ lúc nào ta không rõ, nhưng có lẽ nó khá phổ biến thời Đức Kitô. Khi nghe Đức Kitô nói ngài sẽ ra đi đến nơi họ không thể đến. Người Do Thái nghĩ ngay đến việc tự tử. Họ thắc mắc hỏi nhau,

'Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói': 'Nơi tôi đi, các ông không thể đến được' Gioan 8:22

Ngoài Chúa ra, không ai biết người ta thống hối thế nào trước khi chết. Điều chắc chắn là họ thiếu tự do, do tâm bệnh gây ra, khi quyết định làm công việc đó. Một khi tâm bệnh hành hạ, rất khó phán đoán chính xác.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Ukraine tuyên bố: Sợ bị vây, Nga rút, cuộc phản công Kursk của Putin đã dừng lại. NATO cho thêm F-16
VietCatholic Media
03:54 19/09/2024


1. Kyiv tuyên bố: Cuộc phản công Kursk của Nga đã dừng lại

Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, phát ngôn nhân của chính quyền quân sự Ukraine tại khu vực này cho AFP biết cuộc phản công của Nga tại tỉnh Kursk nhằm chiếm lại lãnh thổ do Ukraine kiểm soát đã bị chặn lại.

Tuyên bố này được đưa ra một tuần sau khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc phản công vào sườn phía tây của quân đội Ukraine tại khu vực của Nga.

“Họ đã cố gắng tấn công từ hai bên sườn, nhưng đã bị chặn lại ở đó”, phát ngôn nhân Oleksii Dmytrashkivskyi nói với AFP.

“Tình hình đã ổn định và hiện nay mọi thứ đều trong tầm kiểm soát, họ đã không thành công.”

Nga tuyên bố đã chiếm lại được 10 thị trấn chỉ trong ngày đầu tiên của cuộc phản công, và thông báo về những bước tiến xa hơn kể từ đó. Tuy nhiên, phát ngôn nhân chỉ thừa nhận “một thành công nhỏ duy nhất” của Nga.

“Quân Nga đã tiến vào một trong những thị trấn mà chúng tôi đã chiếm trước đó. Họ bắt đầu chiến đấu để giành một thị trấn khác, nhưng thế là hết,” ông nói.

Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào Tỉnh Kursk vào đầu ngày 6 tháng 8, được cho là đã chiếm giữ khoảng 102 thị trấn và hơn 1.300 km2.

Tuần trước, quân đội Mạc Tư Khoa đã tiến hành phản công nhằm đánh bật quân đội Ukraine khỏi các vị trí của họ trên đất Nga.

Nga vẫn chưa bình luận về tuyên bố của Dmytrashkivskyi nhưng không đề cập đến bất kỳ thị trấn mới nào được giành lại trong bản cập nhật thường kỳ vào ngày 17 tháng 9.

Cùng ngày, Mạc Tư Khoa tuyên bố đã đẩy lùi một số nỗ lực mới của Ukraine nhằm vượt biên giới tại Tỉnh Kursk, phía tây vùng tạm chiếm của Ukraine.

[Kyiv Independent: Russia's Kursk counteroffensive halted, Kyiv claims]

2. Nga tuyên bố Ukraine đã có những nỗ lực mới để đột phá vào Kursk

Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi những nỗ lực mới của Ukraine nhằm xâm nhập vào Tỉnh Kursk của Nga ở phía tây các vùng lãnh thổ hiện quân Ukraine đang kiểm soát.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào ngày 6 tháng 8, và đã chiếm giữ 102 thị trấn và 1.300 kilômét vuông lãnh thổ Nga. Các vị trí của Ukraine trong khu vực được bao bọc về phía Đông bởi sông Seym mà Nga không thể vượt qua vì quân Ukraine đã đánh sập tất cả các cây cầu. Chính vì thế, quân Nga đang tấn công các vị trí của quân Ukraine về phía Tây. Ngày 13 Tháng Chín, Ukraine đã có những nỗ lực mới để đột phá vào Kursk từ ngay phía nam thị trấn Novyi Put của Nga, cách mũi tấn công chính của quân Ukraine 32km về phía Tây. Mục đích của cuộc tấn công xuyên biên giới mới nhất này là để đánh bọc hậu lực lượng phản công của Nga.

Bình luận về cuộc phản công của Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết “mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch của chúng tôi” và cuộc tấn công “vội vàng” của Nga vẫn chưa đạt được thành công “đáng kể” trong khu vực.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã cố gắng tấn công theo hướng các làng Veseloye và Medvezhye, cách khoảng 32 km về phía tây các vùng lãnh thổ hiện đang do quân đội kiểm soát ở Tỉnh Kursk.

Một trong những mục tiêu của cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk là buộc Nga phải tái triển khai lực lượng của mình từ mặt trận ở Ukraine. Trước chiến dịch Kursk, các cuộc tấn công dữ dội nhất của Nga đã được quan sát thấy ở Donetsk, chủ yếu là gần Pokrovsk. Trong khi cuộc tấn công của Nga vào Pokrovsk đã chậm lại sau khi phát động cuộc tấn công Kursk, giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở các khu vực khác của mặt trận ở Donetsk, bao gồm gần Vuhledar.

Nga cũng tăng cường các cuộc tấn công vào tỉnh Sumy giáp ranh, mà quân đội coi là hành động đáp trả lại thành công của Kyiv trong chiến dịch Kursk.

Ngoài việc đẩy quân đội Nga ra khỏi biên giới, Ukraine được cho là đã bắt giữ hơn 600 tù nhân Nga và gây ra 6.000 thương vong tại khu vực của Nga tính đến đầu tháng 9.

[Kyiv Independent: Russia claims Ukraine made new attempts to break into Kursk Oblast]

3. Phi đội F-16 của Ukraine được tăng cường khi đồng minh NATO chuẩn bị lô máy bay phản lực mới

Đan Mạch cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine một lô chiến đấu cơ F-16 nữa trước cuối năm nay với hy vọng rằng nhiều máy bay thế hệ thứ tư hơn có thể giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã rút lại sự phản đối của Washington đối với các quốc gia khác cung cấp máy bay phản lực do Mỹ sản xuất cho Ukraine vào tháng 5 năm 2023 và thành lập một liên minh chiến đấu cơ bao gồm Đan Mạch, Hòa Lan và các đối tác khác.

Ukraine đã nhận được lô máy bay đầu tiên vào cuối tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poelsen cho biết hôm thứ Hai rằng Ukraine đã nhận được máy bay đầu tiên của Đan Mạch và mặc dù ông không tiết lộ số lượng cụ thể, Copenhagen đã cam kết sẽ giao tổng cộng 19 máy bay.

“Vào nửa cuối năm 2024, Đan Mạch sẽ cung cấp thêm máy bay F-16”, Bộ trưởng nói với hãng thông tấn Đan Mạch Ritzau, nhưng không nêu rõ số lượng hoặc thời điểm cụ thể. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để xin bình luận.

Máy bay F-16 được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng đánh chặn máy bay điều khiển từ xa và trực thăng của Nga hỗ trợ cho cuộc tấn công trên bộ của Mạc Tư Khoa, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu chúng có đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến hay không.

Peter Rutland, chuyên gia về Nga và là giáo sư về chính phủ tại Đại học Wesleyan, nói với Newsweek rằng: “Sẽ mất vài năm nữa thì Ukraine mới đào tạo đủ phi công và đội bảo trì cho 80 máy bay dự kiến”.

Vào ngày 26 tháng 8, chiếc F-16 đầu tiên do một phi công Ukraine lái đã bị rơi khiến Trung tá Oleksiy Mes, còn được gọi bằng mật danh “Moonfish”, tử nạn. Cái chết của ông đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực chiến tranh của Ukraine vì ông là người có địa vị cao trong công chúng và tích cực vận động hành lang với Washington để cho phép Kyiv có được chiến đấu cơ.

Ông là một trong số nửa tá phi công Ukraine được đào tạo tại Đan Mạch để lái máy bay mặc dù ông nói với giới truyền thông Ukraine rằng khóa đào tạo đã được “rút gọn”.

Vụ tai nạn đang được điều tra trong bối cảnh có những báo cáo chưa được xác nhận rằng máy bay của Mes đã bị bắn hạ bởi hỏa lực của phe mình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã sa thải nhà lãnh đạo lực lượng không quân Ukraine, Mykola Oleshchuk, và bổ nhiệm Trung tướng Anatoly Kryvonozhko làm Quyền Tư lệnh Không quân.

Hơn một chục phi công Ukraine sẽ bắt đầu khóa huấn luyện F-16 tại Căn cứ Không quân Fetesti ở Rumani, nơi 14 trong số 18 máy bay F-16 mà Hòa Lan cam kết cũng đã có mặt, Airforce Technology đưa tin hôm thứ Hai.

“Các phi công đang được đào tạo tại Căn cứ Không quân Fetesti, một cơ sở được thành lập theo liên minh do Hòa Lan, Đan Mạch và Hoa Kỳ đứng đầu nhằm tăng cường năng lực phòng không của Ukraine”, Airforce Technology đưa tin. Bộ Quốc phòng Hòa Lan cho biết khóa đào tạo sẽ bắt đầu trước cuối năm.

4. Người đàn ông Nga bị bỏ tù năm năm vì trả lời phỏng vấn trên đường phố

Một người đàn ông Nga bị kết tội chỉ trích cuộc xung đột Ukraine trong một cuộc phỏng vấn trên phố đã bị tăng án tù từ 5 năm lao động khổ sai lên 5 năm biệt giam vào hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, theo thông tấn xã TASS của nhà nước Nga.

Yuri Kokhovets, 38 tuổi, đã cáo buộc binh lính Nga bắn thường dân ở vùng ngoại ô Bucha của Kyiv “hoàn toàn không có lý do” trong một cuộc phỏng vấn tự phát mà anh ta đã trả lời cho hãng tin Radio Liberty do Hoa Kỳ tài trợ vào tháng 7 năm 2022.

Sau nhiều lần phải ra trước tòa, anh ta đã bị kết án 5 năm lao động cải tạo vào tháng 4 vừa qua vì phát tán “thông tin sai lệch về quân đội Nga” nhưng các công tố viên đã kháng cáo, yêu cầu mức án nặng hơn.

“Tòa án đã quyết định thay đổi bản án của Yuri Kokhovets và tuyên án anh ta 5 năm tù biệt giam tại một trại tù hình sự được canh gác nghiêm nhặt”, một thẩm phán của Tòa án thành phố Mạc Tư Khoa được hãng thông tấn nhà nước TASS trích dẫn hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín.

Nga đã bắt giữ, phạt tiền hoặc bỏ tù hàng nghìn người vì phản đối cuộc tấn công Ukraine của mình, trong những gì các nhóm nhân quyền cho là một cuộc đàn áp lớn gợi nhớ đến thời Liên Xô.

Hầu như tất cả các nhân vật đối lập trong nước đã rời khỏi đất nước, trong khi chính quyền đã cấm việc đưa tin độc lập về cuộc xung đột.

[Kyiv Post: Russian Man Jailed for Five Years Over Street Interview]

5. Nổ súng tại văn phòng Mạc Tư Khoa của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nga, 2 người chết, 7 người bị thương

Hôm Thứ Năm, 19 Tháng Chín, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết một cuộc ẩu đả đã nổ ra tại trụ sở chính của Wildberries, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga, khiến ít nhất hai người thiệt mạng và bảy người khác bị thương.

Số thương vong tăng lên sau khi các báo cáo trước đó cho biết một người đã thiệt mạng và hai người bị thương.

Các video xuất hiện trên Telegram vào chiều ngày 18 tháng 9 cho thấy tiếng súng vang lên khi một nhóm đàn ông xô xát ở lối vào một tòa nhà văn phòng, được cho là một phần của trụ sở Wildberries ở trung tâm Mạc Tư Khoa.

Dịch vụ báo chí của Wildberries cho biết vụ ẩu đả nổ ra khi Vladislav Bakalchuk, người chồng ly dị của người sáng lập công ty, cố gắng xâm nhập “bất hợp pháp”vào tòa nhà cùng với đội bảo vệ của mình.

Người đại diện của Vladislav Bakalchuk chia sẻ với hãng tin RBK của Nga rằng doanh nhân này đã trở thành nạn nhân của một “hành động khiêu khích quy mô lớn” sau khi đến đàm phán về việc xây dựng kho hàng cho nhà bán lẻ thay mặt cho công ty của mình, VB Development.

Người sáng lập công ty, Tatyana Bakalchuk, cho biết Bakalchuk đã cố gắng chiếm giữ các văn phòng cùng với một người đồng sáng lập khác là Sergey Anufriev và cựu chủ tịch hội đồng quản trị là Vladimir Bakin.

Tetyana Bakalchuk cho biết: “Tuyên bố về các cuộc đàm phán được cho là có sự tham gia của một nhóm vũ trang nghe có vẻ vô lý, vì không ai đồng ý về bất kỳ cuộc đàm phán nào”.

“Đây là một vụ thâu tóm thù địch. Hay đúng hơn là một nỗ lực không thành công”, bà nói.

Tetyana được tường trình đã đệ đơn ly hôn chồng vào tháng 7.

Ủy ban điều tra Nga sau đó cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ việc và kênh Telegram chính thức của Vladislav Bakalchuk xác nhận rằng ông đã bị triệu tập để thẩm vấn.

Hãng truyền thông độc lập của Nga Agentstvo đưa tin rằng ba trong số những tay súng được cho là đã đi cùng Vladislav Bakalchuk vào trụ sở Wildberries và sau đó bị thương là những võ sĩ MMA nổi tiếng đến từ Bắc Kavkaz. Một trong những người đàn ông này được tường trình đã được đào tạo tại câu lạc bộ võ thuật Akhmat của người Chechnya Ramzan Kadyrov.

[Kyiv Independent: Shots fired at Moscow office of Russia's largest online retailer, killing 2, injuring 7]

6. Ý sẽ bàn giao hệ thống phòng không SAMP/T đã hứa vào cuối tháng 9

Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết Ý sẽ cung cấp hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai cho Ukraine vào cuối tháng 9.

Vào tháng 6, Ý đã hứa sẽ gửi cho Kyiv một hệ thống SAMP/T khác. SAMP/T là hệ thống phòng không duy nhất do Âu Châu sản xuất có khả năng đánh chặn hỏa tiễn đạn đạo.

Theo hãng truyền thông RAI của Ý, Crosetto cho biết tại một hội nghị về sản xuất phòng không ở Âu Châu rằng: “Vào cuối tháng này, hệ thống Samp/T mới sẽ được chuyển giao cho Ukraine và chúng tôi biết mỗi phút chậm trễ sẽ gây thiệt hại như thế nào”.

Thông báo này được đưa ra hơn một tuần sau chuyến thăm Ý của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào ngày 6 tháng 9. Trong chuyến thăm, Zelenskiy cho biết Ukraine biết ơn các hệ thống phòng không do các đồng minh phương Tây cung cấp, nhưng chúng vẫn “chưa đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của chúng tôi và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Nga”.

Ukraine đã vận động các đối tác quốc tế tăng cường năng lực phòng không sau khi Nga tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

Trước đó, Pháp và Ý đã cùng cung cấp cho Ukraine hệ thống SAMP/T vào năm 2023.

Nhu cầu về hệ thống phòng không tiên tiến của Ukraine trở nên cấp thiết hơn sau khi Iran gần đây chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo cho Nga.

Truyền thông Ý cũng đưa tin rằng gói viện trợ quân sự tiếp theo của Ý sẽ bao gồm một lô hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow cùng với hệ thống SAMP/T, nhưng các quan chức vẫn chưa xác nhận những báo cáo này.

[Kyiv Independent: Italy to deliver promised SAMP/T air defense system by end of September]

7. Các chuyên gia quốc phòng cho biết Putin hướng tới chiến thắng ở Ukraine vào năm 2026

Theo các chuyên gia và quan chức tại Kyiv, Vladimir Putin đang phải đối mặt với tối hậu thư trong cuộc xâm lược Ukraine, vì cuộc chiến tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga cũng như làm mất lòng tin trong nước vào chiến dịch này.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, “Nga được cho là đặt mục tiêu giành chiến thắng quyết định tại Ukraine vào năm 2026 trước khi những hạn chế về kinh tế và sức mạnh trong trung và dài hạn có thể bắt đầu làm suy giảm đáng kể khả năng duy trì nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine”.

ISW đã trích dẫn những bình luận được đưa ra bởi Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo Ukraine, tại một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Kyiv.

Tướng Budanov cho biết năm 2025 sẽ là năm quan trọng đối với Nga trong cuộc xung đột này, khi nước này phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự và khó khăn trong việc tuyển quân.

Theo phân tích gần đây của Tập đoàn Rand, “chiến thuật biển người gây ra thương vong cao” của Nga ở Ukraine, cũng như cách đối xử tệ bạc với quân nhân, đã làm giảm cả ý chí chiến đấu của binh lính và niềm tin của công chúng vào hoạt động quân sự.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Ba rằng Nga đã mất tổng cộng 635.880 quân kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Mặc dù những con số này có thể bị thổi phồng, nhưng số thương vong đáng kể mà quân đội Nga phải gánh chịu đã buộc Mạc Tư Khoa phải thực hiện các biện pháp tuyển dụng quyết liệt hơn để bảo đảm quân đội của mình vẫn đủ quân số.

Vào cuối tháng 7, Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin đã công bố khoản thanh toán một lần là 1,9 triệu Rúp, hay 20.793 đô la, cho những người lính ghi danh, ngoài tiền lương hàng tháng của họ. Tại khu vực Chelyabinsk, các khoản thanh toán một lần này đã tăng gấp đôi lên 705.000 Rúp vào giữa tháng 7.

ISW coi những biện pháp này là bằng chứng cho thấy “chi phí và khó khăn ngày càng tăng đối với khả năng tiếp tục tuyển dụng nhân sự của quân đội Nga”.

Tướng Budanov nói thêm rằng cuộc xâm nhập liên tục của Ukraine vào vùng Kursk của Nga, cùng với các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn vào lãnh thổ Nga, đã làm xói mòn sự ủng hộ đối với cuộc chiến trong nước Nga và phá vỡ “huyền thoại” về sự bất khả chiến bại của đất nước này.

“Với những vụ nổ đầu tiên ở Mạc Tư Khoa, huyền thoại này đã bị phá hủy trên lãnh thổ Liên bang Nga,” Tướng Budanov cho biết vào Chúa Nhật. “Đây là thành tựu chính của tất cả các cuộc tấn công tầm xa này.”

Do đó, Tướng Budanov cảnh báo rằng Putin hiện đang phải đối mặt với thời gian eo hẹp để có thể tiến hành một nỗ lực huy động khác, như nhà độc tài đã làm với lực lượng dự bị quân sự của đất nước vào tháng 9 năm 2022, hoặc giảm cường độ các hoạt động bên trong Ukraine.

Ông nói thêm rằng việc không giành được chiến thắng ở Ukraine cũng sẽ làm tiêu tan hy vọng của Mạc Tư Khoa về việc duy trì vị thế siêu cường toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

“Đây là những tính toán của họ. Nếu họ không trở thành người chiến thắng có điều kiện vào thời điểm này, thì trong tương lai gần, khoảng 30 năm, họ sẽ mất cơ hội trở thành siêu cường,” Tướng Budanov nói. “Khi đó chỉ còn lại hai quốc gia: Trung Quốc và Hoa Kỳ. Và điều tối đa mà Nga có thể trông cậy là sự lãnh đạo khu vực, điều này không phù hợp với họ.”

[Newsweek: Putin Aiming for Victory in Ukraine by 2026: Defense Experts]

8. Podolyak cho biết không có kế hoạch nào của Ukraine nhằm chấm dứt chiến tranh bao gồm ngừng bắn, và nhượng lại lãnh thổ

Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, Mykhailo Podolyak, cố vấn Văn phòng Tổng thống, trả lời với Current Time rằng không có kế hoạch nào mà Ukraine đang triển khai để chấm dứt chiến tranh với Nga lại dự liệu việc ngừng bắn hoặc nhượng lãnh thổ cho Mạc Tư Khoa.

Tuyên bố của Podolyak nhắc lại bình luận gần đây của Dmytro Lytvyn, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, là người đã bác bỏ bài báo của Bild nói rằng Kyiv được cho là đã sẵn sàng đóng băng xung đột như một phần của “Kế hoạch Chiến thắng” là “giả mạo”.

“Việc đóng băng xung đột sẽ không dẫn đến kết thúc chiến tranh mà chỉ khiến Nga có cơ hội tích lũy thêm nguồn lực và tiến tới giai đoạn thứ ba của cuộc chiến với nhiều vụ thảm sát dân thường hơn ở Ukraine”, Podolyak nói.

“Không có khái niệm nhượng bộ lãnh thổ, không có khái niệm đóng băng xung đột”, ông nói thêm.

Kyiv đã nhiều lần bác bỏ mọi lệnh ngừng bắn hoặc tạm ngừng giao tranh, nói rằng điều đó chỉ tạo cơ hội cho Nga tập hợp lại lực lượng.

Tháng trước, Zelenskiy cho biết các hoạt động của Ukraine tại Tỉnh Kursk của Nga là một phần trong “Kế hoạch Chiến thắng” của ông.

Zelenskiy cho biết các khía cạnh khác của kế hoạch bao gồm sự tham gia của Ukraine vào cơ sở hạ tầng an ninh toàn cầu, gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến tranh thông qua các biện pháp ngoại giao và khía cạnh kinh tế mà không tiết lộ thêm chi tiết.

Theo Zelenskiy, kế hoạch đã hoàn thành hơn 90% và Kyiv đang chuẩn bị trình bày với các đồng minh vào tuần tới.

Ukraine đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai, sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu đầu tiên tại Thụy Sĩ vào tháng 6, nơi Nga không được mời. Kyiv cho biết họ có mục tiêu mời một đại diện của Nga đến hội nghị thứ hai.

[Kyiv Independent: None of Ukraine's plans to end the war envisages ceasefire, ceding territory, Podolyak says]

9. Rumani kêu gọi NATO phản ứng 'mạnh mẽ' trước hành vi vi phạm không phận của Nga

Hôm Thứ Năm, 19 Tháng Chín, Rumani đã kêu gọi NATO có phản ứng “mạnh mẽ và phối hợp” đối với máy bay điều khiển từ xa của Nga vi phạm không phận các quốc gia đồng minh trong các cuộc tấn công vào Ukraine.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn bên lề cuộc họp Bucharest Nine, Bộ trưởng Quốc phòng Rumani Angel Tilvar đã kêu gọi “thực thi mô hình phòng không luân phiên và mô hình chống hỏa tiễn tích hợp càng sớm càng tốt”.

Trong một số trường hợp, chính quyền Rumani đã phát hiện ra xác máy bay điều khiển từ xa gần biên giới của họ với Ukraine ở khu vực Sông Danube. Các vụ vi phạm không phận của máy bay điều khiển từ xa hoặc hỏa tiễn của Nga cũng đã được Moldova, Latvia và Ba Lan báo cáo.

Theo thông tin hiện có, không có quốc gia nào trong số các quốc gia nói trên cố gắng đánh chặn hỏa tiễn của Nga.

Tilvar cho biết: “Các quốc gia B9 vô cùng quan ngại về các cuộc xâm nhập liên tục của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga vào không phận NATO tại Ba Lan, Rumani và Latvia, cũng như tình hình căng thẳng leo thang dọc biên giới NATO”.

“Đó là lý do tại sao cần có phản ứng mạnh mẽ và phối hợp ở cấp độ đồng minh, cũng như thực thi mô hình phòng không luân phiên và chống hỏa tiễn tích hợp càng sớm càng tốt.”

Định dạng B9 bao gồm chín thành viên Trung và Đông Âu của NATO và Liên Hiệp Âu Châu: Rumani, Bulgaria, Hung Gia Lợi, Slovakia, Tiệp, Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia.

Tilvar cũng lưu ý về tình hình “đáng lo ngại” ở khu vực Hắc Hải và “một loạt các mối đe dọa liên tục phát triển” chủ yếu liên quan đến chiến tranh hỗn hợp, thông tin sai lệch và tấn công mạng của Nga.

Cuộc họp B9 đã thảo luận về sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine để “Quân đội Ukraine có đủ nguồn lực cần thiết ở tiền tuyến”, Bộ trưởng nói thêm.

Rumani đã hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện, cung cấp pháo binh, xe thiết giáp, đạn dược và các hỗ trợ khác. Bucharest cũng có một cơ sở đào tạo phi công Ukraine trên chiến đấu cơ F-16 và cam kết cung cấp hệ thống phòng không Patriot để tăng cường lá chắn trên không của Ukraine.

Trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha đã đến thăm Rumani vào đầu ngày 18 tháng 9 như chặng đầu tiên của chuyến công du Âu Châu.

Sybiha cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ kiên định của Rumani ngay từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu”.

[Kyiv Independent: Romania urges 'robust' NATO response to airspace violations by Russia]

10. Đồng minh NATO sử dụng tài sản tịch thu của Nga để tài trợ cho pháo binh Ukraine

Một đồng minh của Hoa Kỳ và là người ủng hộ trung thành của Ukraine đang sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho hoạt động sản xuất vũ khí trong nước của Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết khoản đầu tư của nước này vào ngành sản xuất của Ukraine đã giúp nước này tăng gấp ba sản lượng tăng pháo tự hành 2S22 Bohdana hàng tháng.

Pháo tự hành Bohdana là loại pháo tự hành bánh lốp do Ukraine sản xuất, dùng để hỗ trợ pháo binh tầm xa. Nó được Ukraine phát triển sau cuộc xâm lược của Nga năm 2014 như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội và giảm sự phụ thuộc vào thiết bị nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng tuyên bố rằng 1,3 tỷ Krone Đan Mạch hay 194 triệu đô la sẽ được dành để hỗ trợ các nỗ lực mua sắm quân sự của Ukraine và Đan Mạch và sẽ dùng quỹ Liên Hiệp Âu Châu trị giá 394,6 triệu euro để tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Bộ này cho biết số tiền sau sẽ được huy động từ “tài sản bị đóng băng của Nga”.

Vào mùa xuân, thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã quyết định sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga - bị đóng băng ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 - để tài trợ cho Quân đội Ukraine và giúp nước này chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa.

Tổng giá trị tài sản khoảng 300 tỷ đô la, chủ yếu được nắm giữ tại các ngân hàng ở Âu Châu, trong đó khoảng 190 tỷ euro do Euroclear, trung tâm lưu ký chứng khoán của Bỉ, nắm giữ.

Quyết định này bị Nga coi là hành vi trộm cắp và đe dọa sẽ tịch thu tài sản tài chính của phương Tây trên lãnh thổ nước này để đáp trả.

Khoản đầu tư vào Bohdana của Ukraine là một phần trong sáng kiến rộng lớn hơn do Đan Mạch dẫn đầu nhằm đầu tư vào nỗ lực mua sắm trong nước của Ukraine, thay vì sản xuất vũ khí ở nước ngoài trước khi gửi đến Kyiv.

Poulsen cho biết: “Điều này vẫn quan trọng, nhưng không còn đủ nữa, chỉ cần gửi tiền quyên góp quân sự cho Ukraine. Chúng ta cần đầu tư trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine cùng lúc”.

Kyiv muốn thuyết phục các quốc gia đồng minh cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine bằng cách mua trực tiếp từ các công ty Ukraine, vì ngân sách quốc phòng của nước này không đủ để hỗ trợ toàn bộ tiềm năng sản xuất vũ khí trong nước.

“Vào tháng 7, chúng tôi đã đặt hàng hoàn tiền, và cuối tuần này, mười tám hệ thống Bohdana đã được chuyển giao cho lực lượng Ukraine,” ông nói thêm. “Đó là một tốc độ thời gian đáng kinh ngạc.”

Đan Mạch, thành viên sáng lập NATO, là một trong những đồng minh trung thành nhất của Kyiv kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Vào cuối tháng 7, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp máy bay F-16 để Ukraine sử dụng trong không chiến và hôm thứ Hai đã hứa sẽ gửi thêm một lô chiến đấu cơ nữa tới Kyiv vào cuối năm 2024.

Đan Mạch có khả năng dẫn đầu các nỗ lực thuyết phục các đồng minh khác của Ukraine chuyển trọng tâm sang việc cung cấp cho Ukraine khả năng sản xuất vũ khí của riêng mình, thay vì chỉ cung cấp vũ khí.

Trong lần xuất hiện tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 về Chiến lược Âu Châu tại Yalta ở Kyiv vào thứ Bảy, Poulsen cho biết khoản đầu tư vào lựu pháo của Ukraine “là tấm gương cho nhiều quốc gia” và ông hy vọng các quốc gia Âu Châu khác sẽ noi gương Đan Mạch về vấn đề này.

[Newsweek: NATO Ally Uses Seized Russian Assets To Fund Artillery for Ukraine]

11. 'Làn sóng vô luật pháp' – trở về từ chiến tranh ở Ukraine, tù nhân Nga phạm tội ở quê nhà

Vài tháng sau khi Sergei Kozlov, một chiến binh tấn công người Nga của Nhóm Wagner khét tiếng, trở về nhà sau cuộc chiến ở Ukraine, anh ta đã giết chết bạn gái 18 tuổi của mình là Daria, người đang mang thai đứa con của anh ta.

Cô ấy đã bị đánh đến chết, bị chấn thương sọ não, gãy mũi, vỡ gan và chấn thương bụng kín - mô tả về tất cả 138 vết thương chiếm tới vài trang trong hồ sơ vụ án, hãng truyền thông nhà nước Nga Kommersant đưa tin vào ngày 4 tháng 9.

Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, Tòa án tỉnh Omsk của Nga đã kết án Kozlov về tội giết người và tuyên án 19 năm tù giam. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên anh ta vào tù.

Năm 2021, Kozlov bị kết tội gây thương tích nghiêm trọng và phải chịu mức án 6,5 năm tù. Nhưng anh ta đã sớm được nhóm lính đánh thuê Wagner tuyển dụng để tham gia cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Vì những thành tích chiến đấu của mình, Kozlov thậm chí còn được trao tặng huy chương “Vì lòng dũng cảm”, Kommersant viết.

Mạc Tư Khoa đã tuyển dụng tù nhân cho cuộc chiến của mình kể từ mùa hè năm 2022, đầu tiên là dưới sự bảo trợ của Wagner Group và sau đó là dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng Nga. Tính đến tháng 10 năm 2023, Nga được cho là đã tuyển dụng khoảng 100.000 tù nhân.

Ban đầu, tù nhân, ngay cả những người bị kết án vì tội bạo lực, được hứa ân xá sau khi hoàn thành hợp đồng quân sự kéo dài sáu tháng. Kể từ tháng Giêng, quân đội Nga tuyển dụng từ các nhà tù không còn được ân xá nữa mà bị buộc phải chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Nhưng vì nhiều tù nhân đã trở về nhà theo những điều kiện trước đó nên các báo cáo về tội ác mới của họ dường như đang gia tăng ở Nga.

Theo hãng truyền thông Verstka của Nga đưa tin, trích dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Nga, kể từ đầu năm, Nga đã chứng kiến số vụ phạm tội nghiêm trọng kỷ lục trong 13 năm qua - hơn 403.000 vụ.

“Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng tội phạm, Bộ Nội vụ chỉ ra cuộc chiến ở Ukraine và sự trở về của những cựu tù nhân từ tiền tuyến”, tờ báo viết.

Trong cuộc điều tra được công bố vào tháng 4, Verstka cho biết trong hai năm qua, ít nhất 107 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương nặng do các cựu chiến binh Nga trở về từ tiền tuyến ở Ukraine.

Phần lớn nạn nhân bị giết bởi những cựu tù nhân, tờ báo đưa tin.

Mikhail Savva, một chuyên gia pháp lý từ Trung tâm Tự do Dân sự, tin rằng tình hình hiện tại ở Nga có thể được mô tả là “làn sóng vô luật pháp” và “sự suy thoái của văn hóa pháp lý”.

Nhưng Savva cho biết sự trở về của những người từng bị kết án không phải là lý do duy nhất.

“Hành vi xâm lược một quốc gia độc lập bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm. Rất nhiều người dân Nga hiểu rằng chính phủ của họ vi phạm mọi thứ có thể vi phạm”, ông nói với tờ Kyiv Independent. “Bởi vì chính thông qua việc coi thường luật pháp mà mọi người có ý tưởng rằng mọi thứ đều có thể xảy ra”.

Theo Savva, số lượng tội phạm cao do những người bị kết án trở về từ tiền tuyến chủ yếu là do Nga tuyển dụng những tù nhân bị kết án về hầu hết mọi loại tội phạm.

Savva cho biết chỉ những người bị kết tội khủng bố, cực đoan và tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên mới bị cấm tuyển dụng. Tuy nhiên, hầu hết các bản án về tội cực đoan hoặc khủng bố ở Nga chỉ đơn giản là bị làm sai lệch, vì Điện Cẩm Linh sử dụng chúng để giam giữ những người phản đối chế độ của mình.

“Do đó, những kẻ giết người, kẻ giết người hàng loạt và những kẻ khác có thể tham gia và đứng dưới lá cờ quân đội Nga.” Vào tháng 5, tờ Moscow Times đưa tin rằng tên ăn thịt người Dmitry Malyshev, người đã bị kết án 25 năm tù vì tội giết người và một số tội nghiêm trọng khác, đã gia nhập một trong những đơn vị quân đội hình sự Storm V của Nga.

Malyshev được cho là đã được tuyển vào quân đội cùng với kẻ giết người hàng loạt Aleksandr Maslennikov, bị kết án 23 năm tù vì tội “giết người và chặt xác phụ nữ”.

Vào cuối tháng 8, nhiều cơ quan truyền thông Nga đưa tin rằng một cựu lính đánh thuê của Wagner, Ivan Rossomakhin, bị kết án về một số tội danh, đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga và quay trở lại cuộc chiến ở Ukraine.

Rossomakhin được Wagner Group tuyển dụng vào tháng 9 năm 2022 khi đang thụ án 14 năm tù vì tội giết người và trộm cắp. Theo Current Time, một dự án của Radio Free Europe/Radio Liberty, vào cuối thời gian phục vụ trong quân đội, ông đã được Putin ân xá.

Sau đó, vào năm 2023, khi trở về từ cuộc chiến tranh ở Ukraine, hắn đã hãm hiếp và giết chết một phụ nữ 85 tuổi.

Trong khi chấp hành bản án 23 năm tù, Rossomakhin được cho là đã gia nhập quân đội Nga một lần nữa.

Các báo cáo về việc binh lính Nga phạm tội ác chống lại tù nhân chiến tranh Ukraine gần đây cũng tăng lên, với một số trường hợp bị Ukraine cáo buộc hành quyết đã được các tổ chức quốc tế chú ý.

Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets cho biết vào ngày 17 tháng 9 rằng ông đã kháng cáo lên Hội Hồng Thập Tự quốc tế và Liên Hiệp Quốc để phản hồi lại một bức ảnh được cho là cảnh hành quyết một tù nhân chiến tranh Ukraine bằng kiếm.

Tuy nhiên, theo Savva, sự gia tăng bạo lực và hành vi tàn bạo của quân đội Nga đối với người Ukraine, bao gồm cả tù nhân chiến tranh, là vì “quân đội Nga đang chiến đấu trong điều kiện mà tội ác chiến tranh là chuẩn mực. Trong quân đội Nga, tội ác chiến tranh không phải chịu hình phạt. Họ không cấm điều đó”, Savva nói.

[Kyiv Independent: ‘A wave of lawlessness’ – returning from war in Ukraine, Russian convicts commit crimes at home]
 
Kho hỏa tiễn lớn nhất Nga nổ như động đất. Pháp cho Mirage đặc biệt. Boris Johnson: Thắng lợi gần kề
VietCatholic Media
15:02 19/09/2024


1. Vụ nổ kho đạn dược 1,8 kiloton của Nga có thể là 'Sự kiện đơn lẻ lớn nhất' trong chiến tranh

Một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nghi là của Ukraine vào một kho đạn dược ở vùng Tver của Nga đã được mô tả trên mạng xã hội có thể là sự kiện lớn nhất trong cuộc chiến do Vladimir Putin phát động.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ sau cuộc tấn công vào kho vũ khí của Cục Hỏa tiễn và Pháo binh, gọi tắt là GRAU, ở Toropets, cách Mạc Tư Khoa khoảng 386 km về phía tây, vào khoảng 3:30 sáng Thứ Tư, 18 Tháng Chín. Cảnh quay cho thấy nhiều vụ nổ tiếp theo.

Thống đốc tỉnh Tver Igor Rudenya đã bị nhà độc tài Vladimir Putin triệu tập trong một cố gắng nhằm trút mọi trách nhiệm lên ông ta sau khi có các báo cáo về thương vong dân sự vì lệnh di tản chậm trễ của ông ta.

Rudenya tuyên bố trên Telegram lúc 3:30 sáng giờ địa phương rằng: “Một đám cháy bùng phát do mảnh vỡ máy bay điều khiển từ xa rơi xuống khi lực lượng phòng không đang đẩy lùi một cuộc tấn công”, đồng thời trấn an dân chúng rằng tình hình đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương, Rudenya tuyên bố ra lệnh “di tản dân chúng khỏi khu vực phòng không đang hoạt động và đám cháy đang được khoanh vùng” khi phòng không tiếp tục “đẩy lùi một cuộc tấn công lớn bằng máy bay điều khiển từ xa trên bầu trời thành phố”.

Rõ ràng là ban đầu ông ta chỉ cố gắng trấn an dân chúng và hạ thấp tầm mức thiệt hại trong vụ tấn công của Ukraine. Sự chậm trễ quyết định di tản đã làm nhiều người dân mất mạng.

Cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đăng trên X rằng có báo cáo cho biết vụ nổ tương đương với 1,3 đến 1,8 kiloton thuốc nổ TNT, với sóng nổ lan rộng tới 322 km.

Một ước tính khác của George William Herbert thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey ở California là vụ nổ này có sức công phá tương đương với 200-240 tấn thuốc nổ mạnh phát nổ đồng thời, Reuters đưa tin.

Theo các báo cáo, tính đến chiều thứ Tư, khoảng 30.000 tấn đạn pháo đã phát nổ hoặc vẫn đang phát nổ và đám cháy vẫn đang tiếp diễn.

Một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, nói với tờ Kyiv Independent rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã “xóa sổ hoàn toàn một nhà kho lớn của bộ phận hỏa tiễn và pháo binh chính” được cỗ máy chiến tranh của Mạc Tư Khoa sử dụng.

Nguồn tin này cho biết thêm rằng các cuộc tấn công tương tự vào các cơ sở quân sự khác của Nga cũng đang được lên kế hoạch khi Ukraine “tiếp tục giảm thiểu tiềm năng hỏa tiễn của đối phương một cách có phương pháp”.

Không trực tiếp nhận trách nhiệm, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhắm vào các cơ sở quân sự quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa. Trong một tuyên bố với Newsweek, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết “chúng tôi không bình luận về những gì đang xảy ra ở Nga”.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Năm, 19 Tháng Chín, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết kho vũ khí ở Tver chứa hỏa tiễn đạn đạo KN23 của Bắc Hàn, hỏa tiễn cho hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng Grad và hệ thống phòng không S-300, cũng như hỏa tiễn đạn đạo Iskander.

Đại Úy Yusov cho biết tính đến sáng Thứ Năm, 19 Tháng Chín, vụ nổ kinh hoàng vẫn đang tiếp diễn.

Người dùng mạng xã hội đăng tải thông tin về quy mô của vụ nổ.

“Kho đạn dược ở Toropets, vùng Tver, Nga đã biến thành vùng núi lửa. Nó vẫn đang nổ tung,” người dùng X (((Tendar))) đăng, “cảnh tượng thực sự ngoạn mục và có thể là sự kiện đơn lẻ lớn nhất trong cuộc chiến này.”

“Vụ nổ chính trông giống như một quả bom hạt nhân đã phát nổ”, KremlinTrolls, người dùng X ủng hộ Ukraine, đăng, “một thành tựu phi thường và có thể là một trong những vụ nổ lớn nhất trong cuộc chiến cho đến nay”.

Theo Reuters, vệ tinh của NASA đã phát hiện các nguồn nhiệt mạnh trên diện tích khoảng năm dặm vuông tại địa điểm này và các trạm giám sát đã phát hiện một trận động đất nhỏ trong khu vực.

Tờ báo của chính phủ Nga Rossiskaya Gazeta đưa tin rằng kho vũ khí này được xây dựng vào năm 2015 với chi phí 3,6 tỷ rúp hay 39 triệu đô la như một phần của chương trình cải thiện hệ thống lưu trữ hỏa tiễn, đạn dược và thuốc nổ.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Dmitry Bulgakov đã nói vào năm 2018 rằng cơ sở này có thể chịu được hỏa tiễn và thậm chí là một cuộc tấn công hạt nhân nhỏ. Bulgakov đã bị bắt vào đầu năm nay vì cáo buộc tham nhũng mà ông ta phủ nhận.

[Newsweek: Russian Ammo Depot 1.8 Kiloton Blast May Be 'Biggest Single Event' in War]

2. Máy bay phản lực Mirage của Pháp tại Ukraine sẽ có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất

Hãng truyền thông Pháp Sud-Ouest đưa tin vào ngày 18 tháng 9 rằng chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Pháp dành cho Ukraine sẽ được cải tiến để có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Trong bài viết nêu chi tiết về công việc đang được tiến hành tại căn cứ không quân Cazaux, tờ báo cho biết việc cải tiến máy bay sẽ được thực hiện tại cơ sở này.

Mirage 2000 là máy bay đa chức năng được thiết kế vào cuối những năm 1970 và ra mắt vào năm 1984.

Phiên bản 2000-5 có hệ thống radar được nâng cấp và có thể mang theo thùng nhiên liệu phụ, giúp tăng đáng kể tầm bay.

Đây là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, có nghĩa là nó cùng hạng với máy bay F-16 do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố vào ngày 6 tháng 6 rằng một số lượng không xác định sẽ được chuyển đến Ukraine, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Phát biểu với truyền hình Pháp sau khi kết thúc lễ kỷ niệm 80 năm ngày D-Day ở Normandy, Macron cũng cho biết nước ông sẽ đào tạo phi công Ukraine.

“Ngày mai, chúng tôi sẽ khởi động một sự hợp tác mới và công bố việc chuyển giao chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Ukraine, do nhà sản xuất Dassault của Pháp sản xuất, và đào tạo phi công Ukraine tại Pháp”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp.

[Kyiv Independent: Ukraine's French Mirage jets will be able to hit ground targets, media reports]

3. Tổng thống Phần Lan muốn Nga bị loại khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ủng hộ việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bãi bỏ quyền phủ quyết của một thành viên và trục xuất Nga, ông nói với Reuters vào hôm Thứ Năm, 19 Tháng Chín.

Tổng thống Phần Lan cho biết ông sẵn sàng kêu gọi những cải cách này tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới ở New York.

Theo Stubb, bất kỳ thành viên hội đồng nào tham gia vào cuộc chiến tranh phi pháp “như Nga đang tiến hành ở Ukraine hiện nay” đều phải bị đình chỉ.

Nga là một trong năm thành viên thường trực của hội đồng, cùng với Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Mười thành viên khác được lựa chọn theo cơ chế luân phiên.

Những lời kêu gọi cải cách thể chế, cụ thể là một số nguyên tắc được thiết lập như một phần của trật tự sau Thế chiến II, đã gia tăng sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Kyiv cáo buộc Mạc Tư Khoa lạm dụng quyền phủ quyết để làm tê liệt hội đồng và ngăn cản mọi hành động thống nhất liên quan đến chiến tranh.

Stubb tin rằng số lượng thành viên thường trực nên được mở rộng lên 10, bao gồm một quốc gia Mỹ Latinh, hai quốc gia Phi Châu và hai quốc gia Á Châu.

Tổng thống Phần Lan cũng nêu ra kế hoạch chiến thắng của Ukraine, mà Tổng thống Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ trình bày trong chuyến thăm Liên Hiệp Quốc

Stubb cho biết: “Ông ấy đã thông báo với chúng tôi rằng 90% đã có rồi và 10% mà ông ấy sẽ trình bày là những gì cần thiết để ông ấy giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Chính trị gia Bắc Âu này kêu gọi các đối tác phương Tây của Kyiv dỡ bỏ lệnh hạn chế tấn công tầm xa.

Thủ tướng Anh Keir Starmer, quốc gia cung cấp hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tuần trước, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được công bố.

Starmer cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết tại hội đồng Liên Hiệp Quốc “với sự tham gia của nhiều cá nhân hơn”.

[Kyiv Independent: Finnish president wants Russia excluded from UN Security Council]

4. Máy bay điều khiển từ xa FPV của Ukraine đạt tốc độ 325 km/h, có thể đuổi theo trực thăng

Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ chuyển đổi số của Kyiv, nhà lãnh đạo các nỗ lực phát triển máy bay điều khiển từ xa chống lại Nga của Ukraine, cho biết công ty “Wild Hornets” hay “Ong bắp cày hoang dã”, một nhóm tình nguyện chế tạo máy bay điều khiển từ xa tấn công kamikaze góc nhìn thứ nhất cho Quân đội Ukraine, đã chế tạo thành công một máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất đạt tốc độ hơn 300 km/giờ.

“Máy bay điều khiển từ xa FPV tốc độ cao của Wild Hornets đã tăng tốc lên 325 km/giờ, phá vỡ kỷ lục tốc độ trước đó của chúng tôi”, Bộ Trưởng Fedorov nói.

Công ty “Wild Hornets” thông báo rằng lô máy bay điều khiển từ xa tốc độ cao đầu tiên này sẽ sớm được triển khai ra tiền tuyến để hỗ trợ các nhiệm vụ quan trọng.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ Trưởng Fedorov cho rằng những máy bay điều khiển từ xa này có thể sớm được sử dụng để bắn hạ các mục tiêu trên không, chẳng hạn như các trực thăng chiến đấu mà Nga dùng để phóng hỏa tiễn không điều khiển vào lực lượng Ukraine trên chiến trường.

“Chúng thậm chí có thể bắn hạ các mục tiêu chậm hơn như máy bay điều khiển từ xa Shahed hoặc đánh chặn bom dẫn đường do Nga bắn vào khu dân cư”.

Bộ Trưởng Fedorov cho rằng tốc độ cao của máy bay điều khiển từ xa có thể cho phép nó đuổi theo một chiếc trực thăng và hạ gục nó bằng cách làm hỏng cánh quạt chính.

“Nếu máy bay điều khiển từ xa đủ lớn, nó có thể dễ dàng làm hỏng cánh quạt khi lao vào ở tốc độ cao, gây ra thiệt hại thảm khốc cho trực thăng”, ông nói.

Trong quá trình huấn luyện sử dụng, một nhóm trinh sát đã đạt tốc độ lên tới 260 km/giờ với một máy bay điều khiển từ xa thử nghiệm, nhưng trong các nhiệm vụ chiến đấu, tốc độ thường thấp hơn nhiều. Đối với máy bay điều khiển từ xa mang theo thiết bị nổ tự chế, tốc độ thường dao động trong khoảng 60-80 km/giờ, tối đa là 120 km/giờ.

Để tấn công vào máy bay trực thăng, có lẽ nó không cần mang theo chất nổ, chỉ cần lao vào cánh quạt theo hướng ngược chiều với chiếc trực thăng, vì khi đó vận tốc lao của nó bằng với vận tốc của chính nó cộng với vận tốc của chiếc trực thăng, gây ra một lực tác động rất lớn.

Ông cho biết: “Có thể bay nhanh hơn nữa, nhưng vấn đề là máy bay điều khiển từ xa có thể bay nhanh đến mức nào khi mang theo tải trọng, chẳng hạn như bom, và có thể duy trì tốc độ đó trong bao lâu mà không làm động cơ quá nóng”.

“Hiệu suất pin cũng là một mối quan tâm. Ở tốc độ cao, pin cạn nhanh, khiến các chuyến bay đường dài trở nên không thực tế. Tuy nhiên, bạn có thể lơ lửng ở một vị trí chiến lược và chờ thời điểm thích hợp để tấn công”.

Cơ quan truyền thông Defense Express lưu ý rằng mọi hệ thống máy bay điều khiển từ xa đều có giới hạn của nó. Tại thời điểm viết bài, máy bay điều khiển từ xa nhanh nhất thế giới là Peregrine 2, đạt tốc độ 480,23 km/giờ - kỷ lục được Luke và Mike Bellamy lập tại Nam Phi vào tháng 4 năm 2024.

Tuy nhiên, phương tiện truyền thông này cũng chỉ ra rằng máy bay điều khiển từ xa được chế tạo để lập kỷ lục về tốc độ khác biệt đáng kể so với máy bay điều khiển từ xa chiến đấu, đặc biệt là vì chúng không mang đầu đạn hoặc các loại tải trọng khác. Máy bay điều khiển từ xa chiến đấu cần duy trì tốc độ cao trong thời gian dài hơn để đánh chặn mục tiêu, đòi hỏi phải có pin mạnh hơn và nặng hơn.

Một đoạn video trước đó từ công ty “Wild Hornets” cho thấy một máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất của Ukraine được trang bị súng trường tấn công AK-74 đang bắn vào các vị trí của Nga ở Donetsk.

“Quân đội của chúng ta tiếp tục phát triển Hornet Queen được trang bị vũ khí tự động. Lần này, đợt triển khai chiến đấu đầu tiên đã được thực hiện - nhắm vào một vị trí có lực lượng Nga”

Một trinh sát trên không Ukraine đã tiết lộ những thách thức như khả năng tấn công chính xác, đạn dược hạn chế và tốc độ nạp đạn, nhưng tin rằng máy bay điều khiển từ xa có thể sớm đột nhập vào chiến hào và hàng cây.

Vào giữa tháng 7, “Wild Hornets” đã giới thiệu máy bay điều khiển từ xa FPV lớn nhất của Ukraine, được chế tạo với 65% phụ tùng nội địa. Nặng 9,5 kg, nó hoạt động như một máy bay ném bom với phạm vi liên lạc lên tới 25 km.

[Kyiv Post: ‘Can Chase a Helicopter’ – Ukrainian FPV Drone Reaches 325 km/h]

5. Armenia phát hiện âm mưu đảo chính có dấu vết của Nga

Ngày 18 tháng 9, Yerevan cáo buộc năm công dân Armenia và hai cựu cư dân Nagorno-Karabakh đã tham gia huấn luyện quân sự tại Nga để tiến hành đảo chính vũ trang ở Armenia.

Ủy ban điều tra Armenia cho biết ba nghi phạm đã bị bắt giữ, trong khi bốn nghi phạm vẫn đang lẩn trốn. Danh tính của các nghi phạm không được tiết lộ.

Mặc dù ủy ban không cáo buộc chính quyền Nga có liên quan đến âm mưu bị cáo buộc này, nhưng tin tức này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Mạc Tư Khoa-Yerevan vốn đã căng thẳng.

Các nghi phạm được cung cấp khóa huấn luyện quân sự ba tháng trên lãnh thổ Nga với mức lương hàng tháng là 220.000 rúp hay 2.400 đô la. Các kế hoạch được thực hiện với sự hợp tác “với những người khác mà danh tính vẫn chưa được xác định”.

Ủy ban cho biết những kẻ chủ mưu bị cáo buộc sẽ phải làm quen với “vũ khí hạng nặng mới và học các kỹ năng sử dụng chúng” như một phần trong chương trình đào tạo của họ.

Theo tuyên bố, những nghi phạm này sau đó đã chiêu mộ những người khác - những người Armenia khác và cựu cư dân Nagorno-Karabakh - để tham gia vào âm mưu bị cáo buộc và cũng trải qua quá trình đào tạo tại Nga.

Ủy ban cho biết thêm rằng mục đích của động thái này là để chuẩn bị cho những người được tuyển dụng “trở về Armenia và lật đổ chính phủ hiện tại”.

Ủy ban cho biết một số tân binh được cho là đã từ chối tham gia khóa huấn luyện và quay trở lại Armenia, đồng thời nói thêm rằng sự can thiệp của các cơ quan thực thi pháp luật Armenia đã ngăn chặn được âm mưu này.

Ủy ban không nêu rõ bất kỳ liên kết chính trị hoặc liên kết nào khác của những kẻ chủ mưu bị cáo buộc, nói rằng cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Hiện tại, các nhà chức trách đang tìm cách xác định những kẻ đồng lõa còn lại.

Chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashiynan trước đó đã cáo buộc quân đội nước này âm mưu đảo chính vào năm 2021, vài tháng sau cuộc chiến không thành công với Azerbaijan vào năm 2020.

Thủ tướng đã thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng thân phương Tây khi mối quan hệ với Mạc Tư Khoa, đồng minh truyền thống của nước này, trở nên tồi tệ khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh không ngăn chặn được cuộc tấn công của Azerbaijan vào năm ngoái.

Hơn 100.000 người dân tộc Armenia đã chạy trốn khỏi Nagorno-Karabakh trong một cuộc di cư hàng loạt sau khi Azerbaijan chiếm khu vực này trong một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng vào tháng 9 năm 2023.

Cuộc chiến đã gây ra các cuộc biểu tình lớn chống lại Pashiynan. Yerevan đã ủng hộ nước cộng hòa không được công nhận này kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1990, mặc dù Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ có chủ quyền của Azerbaijan.

[Kyiv Independent: Armenia uncovers alleged coup plot with Russian traces]

6. Người đàn ông Nga bị bắt ở Florida vì buôn lậu phụ tùng của Hoa Kỳ cho máy bay điều khiển từ xa của Putin

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết một người đàn ông Nga đã bị bắt giữ tại Florida vì nghi ngờ buôn lậu các bộ phận của Hoa Kỳ để sản xuất máy bay điều khiển từ xa của nhà độc tài Vladimir Putin, loại máy bay đang được sử dụng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Công dân Nga Denis Postovoy, 44 tuổi, đã bị bắt vào sáng thứ Hai tại Sarasota với cáo buộc vi phạm các hạn chế xuất khẩu, rửa tiền, lừa đảo và cung cấp bất hợp pháp cho Nga các thiết bị vi điện tử quân sự và sử dụng kép từ các nhà phân phối có trụ sở tại Hoa Kỳ và nước ngoài

Theo các tài liệu của tòa án, ít nhất là kể từ tháng 2 năm 2022 - khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine - Postovoy đã mua và xuất khẩu bất hợp pháp các phụ tùng vi điện tử có ứng dụng quân sự có thể được sử dụng trong máy bay điều khiển từ xa từ Hoa Kỳ sang Nga.

Máy bay điều khiển từ xa đã được cả Nga và Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến đang diễn ra, hiện đã bước sang năm thứ ba.

Postovoy và những cá nhân khác trong mạng lưới của ông ta bị cáo buộc đã mua hàng thông qua một mạng lưới các công ty mà ông ta sở hữu hoặc điều hành ở Nga, Hương Cảng và những nơi khác, và xuất khẩu các thiết bị vi điện tử sang Nga mà không xin hoặc không có được giấy phép cần thiết từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Bộ này cho biết: “Postovoy đã nhiều lần che giấu và khai báo sai thông tin về người dùng cuối thực sự và điểm đến cuối cùng của các sản phẩm vi điện tử bằng cách nộp thông tin sai lệch trên các tài liệu liên quan đến xuất khẩu”.

Các bộ phận của Hoa Kỳ được cho là đã được chuyển đến Nga thông qua các điểm đến trung gian, bao gồm Hương Cảng, Thụy Sĩ, Estonia và những nơi khác, và Postovoy đã nhận được khoản thanh toán bằng đô la Mỹ từ các tài khoản ngân hàng nước ngoài.

Vụ việc đang được Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa điều tra.

Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù “biết về việc giam giữ Postovoy tại Florida, nhưng chưa có thông báo chính thức nào từ chính quyền địa phương được gửi đi”, hãng thông tấn nhà nước Nga và dịch vụ phát thanh Sputnik đưa tin hôm thứ Ba.

“Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về nơi ở của Postovoy”, đại sứ quán cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nhà ngoại giao Nga có ý định liên lạc với Postovoy để bảo đảm ông có được sự hỗ trợ lãnh sự và pháp lý cần thiết.

Phiên điều trần đầu tiên của Postovoy đã được lên lịch vào ngày 19 tháng 9 tại Tampa, Florida, Sputnik cho biết.

Trong một diễn biến khác, hôm Thứ Ba, 17 Tháng Chín, văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại Boston cho biết hai người đàn ông—Sam Bhambhani, 55 tuổi, ở North Attleboro, Massachusetts, và Maxim Teslenko, 35 tuổi, ở Mạc Tư Khoa, Nga—bị buộc tội bán thiết bị laser cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Nga. Cả hai đều bị buộc tội buôn lậu bất hợp pháp và âm mưu vi phạm và trốn tránh kiểm soát xuất khẩu.

Jodi Cohen, Đặc vụ phụ trách Cục Điều tra Liên bang, Khu vực Boston, cho biết trong một tuyên bố: “Hai người đàn ông này bị cáo buộc giúp Nga mua bất hợp pháp các máy hàn laser tiên tiến do Mỹ sản xuất để hỗ trợ chương trình hạt nhân của quốc gia thù địch này”.

“Đây là một ví dụ rõ ràng nữa về việc Nga sử dụng các mạng lưới mua sắm bất hợp pháp để đạt được mục tiêu của họ, gây tổn hại đến an ninh quốc gia của đất nước chúng ta.”

[Newsweek: Russian Man Arrested in Florida Over Smuggling US Parts for Putin's Drones]

7. Chúng ta phải cung cấp cho Ukraine vũ khí để phản công – phải giao cho họ và nhanh chóng

Cựu Thủ tướng Vương Quốc Anh Boris Johnson đã đưa ra nhận định sau tại Hội nghị Chiến lược Âu Châu Yalta (YES) ở Kyiv. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Vài tháng tới sẽ là thời điểm then chốt. Vương quốc Anh có quyền lực tác động đến các quyết định quan trọng. Chúng ta không thể lãng phí thời điểm này.

Tại Hội nghị Chiến lược Âu Châu Yalta ở Kyiv này, thông điệp từ các nhà lãnh đạo Ukraine và các nhà chiến lược phương Tây đã rất rõ ràng: phương Tây cuối cùng phải tập hợp lòng dũng cảm để đứng vững trước chế độ chuyên chế. Trong thời gian quá dài, Ukraine đã buộc phải chiến đấu để sinh tồn với một tay bị trói sau lưng – bị kìm hãm, thật bi thảm, bởi chính những đối tác tuyên bố ủng hộ mục tiêu của mình.

Ví dụ rõ ràng nhất về sự kiềm chế này đến từ Hoa Kỳ, một quốc gia tự gọi mình là “quê hương của những người dũng cảm”. Tuy nhiên, Washington liên tục do dự khi cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ quá lo sợ về việc leo thang xung đột đến mức họ đã hạn chế khả năng tự vệ của Ukraine. Chế độ của Putin có thể phóng hỏa tiễn, ném bom các thành phố và khủng bố thường dân Ukraine, nhưng khi Ukraine tìm cách trả đũa những kẻ chịu trách nhiệm, họ được yêu cầu phải kiềm chế. Đây không phải là cách giành chiến thắng trong chiến tranh và thành thật mà nói, điều đó thật đáng xấu hổ.

Trong khi Ukraine tiếp tục chiến đấu dũng cảm, họ không chiến đấu trên cơ sở bình đẳng. Họ có ý chí, binh lính và sự khéo léo về mặt chiến lược – điều họ thiếu là sự ủng hộ để giải phóng hoàn toàn tiềm năng đó. Là một quốc gia đang trong chiến tranh, Ukraine nên có quyền phản công kẻ xâm lược. Thay vào đó, họ đang bị chính quyền Hoa Kỳ kìm hãm.

Thật không may, chính giới lãnh đạo của chúng tôi cũng chẳng khá hơn là bao. Quyết định cho phép Ukraine sử dụng Storm Shadows của Pháp-Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga cần phải được đưa ra ngay lập tức. Thủ tướng Sir Keir Starmer, mặc dù là người ủng hộ chân thành Ukraine, nhưng cũng không gây sức ép hiệu quả lên người Mỹ như các chính phủ Bảo thủ trước đây. Chính đảng Bảo thủ đã thành công trong việc thay đổi cục diện khi nói đến việc cung cấp xe tăng và máy bay phản lực cho Ukraine – những thiết bị quan trọng cho phép Ukraine đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga và giành lại lãnh thổ. Nhưng động lực đó hiện ở đâu? Nỗ lực thúc đẩy quyết liệt ATACMS, hệ thống hỏa tiễn tầm xa có thể giúp Ukraine đảo ngược tình thế, ở đâu?

Anh, với tư cách là đồng minh mạnh nhất của Ukraine, không thể tự mãn. Chúng tôi luôn tự hào về việc dẫn đầu trong việc bảo vệ tự do. Nếu chúng tôi nghiêm chỉnh về di sản đó, bước quan trọng tiếp theo phải là bảo đảm việc chuyển giao ATACMS cho Kyiv. Thời gian là cốt lõi và mỗi khoảnh khắc lãng phí là một mạng sống bị mất.

Tuy nhiên, ngay cả Đảng Bảo thủ cũng không thể đáp ứng được thách thức. Tôi đã rất nản lòng khi biết rằng trong số tám thành viên quốc hội Anh tham dự hội nghị YES tại Kyiv, không một ai là đảng viên Đảng Bảo thủ. Tin rằng việc ở phe đối lập sẽ giải thoát bạn khỏi trách nhiệm là một sự hiểu lầm cơ bản về những gì đang xảy ra. Đây không phải là vấn đề chính trị đảng phái. Đây là vấn đề về vai trò của Anh trong việc bảo vệ tự do và dân chủ. Đảng Bảo thủ phải tìm lại ý thức về nghĩa vụ và vai trò lãnh đạo của mình trong chính sách đối ngoại. Tôi thực sự hy vọng rằng với một nhà lãnh đạo mới, Đảng Bảo thủ sẽ tái cam kết với mục tiêu này.

Thông điệp từ Ukraine không thể rõ ràng hơn: hãy cung cấp cho họ các công cụ để phản công. Họ cần khả năng tầm xa, phòng không, đạn dược và công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến để duy trì lợi thế trước quân đội đang phát triển nhanh chóng của Nga. Trong khi Ukraine đã trở thành nước đi đầu trong chiến tranh máy bay điều khiển từ xa và công nghệ chiến đấu hiện đại, nước này vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây để duy trì lợi thế của mình. Phương Tây phải tiếp tục cung cấp các nguồn lực quan trọng này.

Vai trò của Anh trong việc ủng hộ Ukraine trên trường thế giới vẫn là công cụ. Đối với chính phủ Lao động mới, không thể có sai sót nào trong vấn đề này. Thủ tướng Starmer vẫn chưa đến thăm Kyiv kể từ khi nhậm chức cách đây gần ba tháng – một thực tế ngày càng khó bỏ qua. Một chuyến thăm chính thức nên là ưu tiên hàng đầu, không chỉ như một dấu hiệu của sự đoàn kết mà còn là một tuyên bố về cam kết không lay chuyển của Anh đối với tương lai của Ukraine.

Và còn Thỏa thuận Đối tác 100 năm giữa Anh và Ukraine mà chính phủ Bảo thủ trước đây đã chuẩn bị thì sao? Thỏa thuận này có thể củng cố mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai quốc gia và bảo đảm tương lai của Ukraine trong liên minh phương Tây. Việc ký kết thỏa thuận này sẽ là một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với Starmer – một di sản sẽ được ghi nhớ qua nhiều thế hệ.

Vài tháng tới sẽ là thời điểm then chốt đối với Ukraine. Cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ có thể quyết định liệu Ukraine có được phép chiến đấu và giành chiến thắng hay phải đối mặt với một thực tế đen tối hơn nhiều. Vương quốc Anh có quyền lực tác động đến những quyết định này – không chỉ vì lợi ích của Ukraine mà còn vì an ninh tương lai của chính Âu Châu. Hãy bảo đảm rằng chúng ta không lãng phí thời điểm này.

Nếu Anh muốn bảo vệ các giá trị của mình, thì chúng ta phải tập hợp lòng can đảm để lãnh đạo, để ủng hộ và hành động. Cái giá của sự không hành động là quá cao, và Ukraine không thể chờ đợi.

[Kyiv Post: We Must Give Ukraine the Weapons to Strike Back – and Fast]

8. Bản đồ Kursk cho thấy lực lượng Ukraine 'tấn công mặt đất' giữa cuộc phản công của Nga

Các báo cáo cho biết cuộc phản công của lực lượng Nga nhằm đẩy lùi quân đội Ukraine ở Kursk đã bị khựng lại, sáu tuần kể từ khi Kyiv bất ngờ tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga.

Mạc Tư Khoa đã phản ứng chậm chạp trước việc Ukraine tiến vào lãnh thổ Nga, bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 khi Kyiv tuyên bố đã chiếm được 1300 km vuông và hàng trăm thị trấn.

Trong tuần qua, quân đội Nga đã phản công và đạt được một số thành công ban đầu, nhưng không có thêm thành quả đáng kể nào khác trong những ngày gần đây.

Các blogger quân sự ủng hộ Nga cho biết hôm thứ Ba rằng quân đội Ukraine đang cố gắng bao vây cánh quân Nga gần Veseloye bằng cách tấn công dọc theo sườn phía tây và phía đông của nó. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của Kyiv ở phía tây nam và đông nam của thị trấn.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết hôm Thứ Tư, 18 Tháng Chín, rằng quân đội Ukraine đã “tiếp tục các cuộc tấn công trên bộ” bên ngoài quận Glushkovsky ở phía tây vùng Kursk.

Hoa Kỳ đã nói rằng Nga sẽ cần ít nhất 50.000 quân để chiếm lại lãnh thổ đã mất vào tay Kyiv. Ukraine đã cảnh báo về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga, với một quan chức tình báo Ukraine nói với tờ Financial Times rằng Mạc Tư Khoa đã điều 38.000 quân đến khu vực Kursk, bao gồm cả các lữ đoàn tấn công được tái triển khai từ miền nam Ukraine.

John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga của Quỹ Bảo vệ Dân chủ cho biết các báo cáo về số lượng quân nhân Nga cho thấy Mạc Tư Khoa có “lực lượng đáng kể” so với khoảng 10.000 đến 15.000 quân của Ukraine ở khu vực Kursk. “ Người Nga sẽ có lợi thế về nhân lực nếu tất cả các lực lượng đó của Nga tập trung xung quanh các lãnh thổ Ukraine chiếm được”, ông nói với Newsweek.

“Vào thời điểm này, người Nga hiện đang có đường lối kiên nhẫn hơn. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu cuộc tấn công quy mô nhỏ ban đầu này có dẫn đến một cuộc tấn công quy mô lớn hơn hay không. Có khả năng là lực lượng Nga không thể chỉ huy và kiểm soát đủ lực lượng ở quy mô lớn để tiến hành một chiến dịch lớn trên toàn bộ vùng bị quân Ukraine tạm chiếm”, ông nói thêm.

[Newsweek: Kursk Map Shows Ukrainian Forces 'Ground Attacks' Amid Russian Counter]

9. Zelenskiy cho biết kế hoạch chiến thắng của Ukraine đã hoàn toàn sẵn sàng

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối ngày 18 tháng 9 rằng tất cả các điểm trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine mà Kyiv muốn trình bày với Washington đều đã được hoàn thiện.

Zelenskiy có kế hoạch thảo luận kế hoạch này với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này.

Mặc dù không tiết lộ tất cả các chi tiết, trước đó tổng thống đã nói rằng kế hoạch bao gồm bốn điểm chính và điểm thứ năm liên quan đến tình hình hậu chiến. Nó tập trung vào an ninh và vị thế địa chính trị của Ukraine, viện trợ quân sự nước ngoài với quyền tự do sử dụng mà không bị hạn chế và hỗ trợ kinh tế.

Ông Zelenskiy cho biết cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào Tỉnh Kursk của Nga, khiến một phần lãnh thổ của Nga nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv, cũng là một phần của chiến lược này.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là quyết tâm thực hiện nó”, tổng thống phát biểu trong bài phát biểu của mình.

“Không có và không thể có bất kỳ giải pháp thay thế nào cho hòa bình, không có việc đóng băng chiến tranh hay bất kỳ sự thao túng nào khác có thể đơn giản trì hoãn hành động xâm lược của Nga sang giai đoạn sau.”

Ông nói thêm rằng Ukraine sẵn sàng tiếp thu các đề xuất từ Hoa Kỳ để củng cố kế hoạch. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ đã nắm được các yếu tố trong chiến lược của Zelenskiy và bày tỏ niềm tin “rằng (nó) có thể hiệu quả”.

Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak cho biết vào ngày 17 tháng 9 rằng kế hoạch này không hề bao gồm việc nhượng lại lãnh thổ cho Nga.

“Việc đóng băng xung đột sẽ không dẫn đến kết thúc chiến tranh mà chỉ khiến Nga có cơ hội tích lũy thêm nguồn lực và tiến tới giai đoạn thứ ba của cuộc chiến với nhiều vụ thảm sát dân thường hơn ở Ukraine”, Podolyak nói.

Trong bài phát biểu buổi tối, Zelenskiy cũng cảm ơn những người lính “đã bảo đảm năng lực tác chiến tầm xa của Ukraine... vì đã đạt được kết quả quan trọng vào đêm qua trên lãnh thổ Nga”. Tổng thống ca ngợi Cơ quan An ninh Ukraine, cơ quan tình báo quân sự Ukraine và Lực lượng Tác chiến Đặc biệt vì “mang lại sự chính xác đáng kinh ngạc”.

Một nguồn tin của SBU nói với tờ Kyiv Independent rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một trong những kho vũ khí lớn nhất ở Nga vào đêm ngày 18 tháng 9, gây ra một vụ nổ lớn tại thị trấn Toropets ở Tver của Nga.

[Kyiv Independent: Ukraine's victory plan fully ready, Zelensky says]
 
Medjugorje: Những điều người Công Giáo cần biết về những lần được tường trình Đức Mẹ hiện ra
VietCatholic Media
18:05 19/09/2024


1. Medjugorje: Những điều người Công Giáo cần biết về những lần được cho là Đức Mẹ hiện ra

Tòa thánh đã thông báo tổ chức một cuộc họp báo về Medjugorje vào Thứ Năm, 19 Tháng Chín, lúc 11:30 sáng, giờ Rôma.

Thông báo của Vatican cho biết cuộc họp báo sẽ thảo luận về “những trải nghiệm tâm linh của những người hành hương tại thánh địa Medjugorje.” Không có thông tin nào khác được cung cấp, ngoài danh sách những người tham gia sẽ phát biểu:

Đức Hồng Y Victor Fernandez, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin,

Đức Cha Armando Matteo, thư ký của ban giáo lý của Bộ Giáo Lý Đức Tin, và

Andrea Tornielli, giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông.

Trong khi chờ đợi kết quả của cuộc họp báo, tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Medjugorje: What Catholics Should Know About the Alleged Marian Apparitions” nghĩa là “Medjugorje: Những điều người Công Giáo cần biết về những lần được cho là Đức Mẹ hiện ra”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Kể từ ngày 24-25 tháng 6 năm 1981, đêm trước lễ Sinh Nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả, khi sáu đứa trẻ ở một thị trấn nhỏ ở Bosnia-Herzegovina lần đầu tiên báo cáo rằng chúng nhìn thấy và nhận được thông điệp từ Đức Trinh Nữ Maria, hơn 40 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về thị trấn nhỏ mang tên Medjugorje.

Những người hành hương tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Giacôbê Tông Đồ của Medjugorje vào ban ngày và Thánh lễ buổi tối được cử hành ngoài trời để phục vụ đám đông lớn. Họ leo lên Podbrdo đầy đá — được gọi là Đồi Hiện ra — mang theo một bức tượng Đức Mẹ, đánh dấu nơi Đức Mẹ được cho là đã hiện ra. Những người hành hương cũng leo lên Núi Križevac, cầu nguyện Chặng Đàng Thánh Giá, đi đến cây thánh giá khổng lồ cao gần 12 m do dân làng xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Họ xếp hàng dài tại tất cả các tòa giải tội, vì bí tích sám hối được cử hành hàng ngày.

Các linh mục dòng Phanxicô đã chăm lo cho nhu cầu tâm linh của người dân Croatia tại giáo xứ và khu vực có khí hậu Địa Trung Hải và đồng bằng màu mỡ thích hợp cho nông dân trồng nho từ thế kỷ 13, và các ngài đã liên hệ chặt chẽ với những người có thị kiến và khách hành hương ngay từ khi các lần hiện ra bắt đầu.

Sáu người có thị kiến là Marija Pavlovic-Lunetti, Ivan Dragicevic, Vicka Ivankovic-Mijatovic, Jakov Colo, Mirjana Dragicevic-Soldo và Ivanka Ivankovic-Elez. Luôn được gọi là “những người có thị kiến”, giờ họ đã là người lớn. Trong khi Vicka, Ivan và Marija vẫn được cho là nhận được một cuộc hiện ra hàng ngày vào thời điểm cụ thể là 6:40 chiều, những người khác hiện chỉ nhận được vào những ngày cụ thể. Mirjana được cho là nhận được các cuộc hiện ra một lần một tháng, cộng với một lần một năm vào ngày 18 tháng 3, ngày sinh nhật của cô; Ivanka báo cáo một lần một năm vào ngày 25 tháng 6, ngày kỷ niệm lần hiện ra đầu tiên, và Jakov một lần một năm vào Ngày Giáng Sinh.

Theo các thị nhân, Đức Mẹ đã đến Medjugorje để chỉ cho các tín hữu con đường đến với hòa bình và giúp hoán cải cuộc sống để trở về với Chúa, bao gồm cả việc đưa mọi người đến với Chúa Con của Mẹ, Chúa Giêsu. Vào đầu các lần hiện ra, Mẹ được cho là đã tự nhận mình là “Nữ Vương Hòa Bình”.

“Các con thân mến, đây là lý do tại sao Mẹ hiện diện giữa các con trong một thời gian dài như vậy: để dẫn dắt các con trên con đường của Chúa Giêsu. Mẹ muốn cứu các con và, qua các con, cứu cả thế giới. Nhiều người hiện đang sống mà không có đức tin; một số thậm chí không muốn nghe về Chúa Giêsu, nhưng họ vẫn muốn có sự bình an trong lòng! Các con ơi, đây là lý do tại sao Mẹ cần lời cầu nguyện của các con: Cầu nguyện là cách duy nhất để cứu nhân loại” ( thông điệp 30 tháng 7 năm 1987).

Năm 'Hòn Đá'

Giống như David có năm viên đá để đánh bại Goliath (1 Samuel 17:40), các linh mục ở Medjugorje giải thích các thông điệp và chỉ dẫn của Đức Mẹ như năm viên đá để đánh bại Satan và cứu rỗi các linh hồn. Đó là:

1. Cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt là lần hạt Mân Côi hằng ngày.

2. Ăn chay — vào thứ Tư và thứ Sáu vì thông qua việc ăn chay, chiến tranh có thể chấm dứt và các quy luật tự nhiên bị đình chỉ.

3. Đọc Kinh Thánh hằng ngày và đặt ở nơi dễ thấy trong nhà.

4. Xưng tội. Theo những người có thị kiến, Đức Mẹ Maria đã yêu cầu xưng tội hàng tháng đều đặn: “Xưng tội hàng tháng sẽ là phương thuốc cho Giáo hội ở phương Tây. Người ta phải truyền đạt thông điệp này đến phương Tây.” Ngay cả Thánh Gioan Phaolô II và Mẹ Teresa cũng đã tận dụng bí tích này hàng tuần. Đức Mẹ Maria cũng được cho là đã nói, “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện! Cần phải tin tưởng vững chắc, đi xưng tội thường xuyên, và cũng phải rước lễ. Đó là sự cứu rỗi duy nhất.”

5. Thánh lễ và Bí tích Thánh Thể: Đức Mẹ được cho là nhấn mạnh đến Thánh lễ Chúa Nhật và việc rước Mình Thánh Chúa trong trạng thái ân sủng, lưu ý rằng Chúa Giêsu ban cho chúng ta ân sủng của Người trong Thánh lễ, và Đức Mẹ cũng được cho là đã nói thêm về tầm quan trọng của việc tham dự Thánh lễ hàng ngày khi có thể.

Ủy ban chính thức

Năm 1986, với tư cách là nhà lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã thành lập một ủy ban bao gồm các giám mục Nam Tư để điều tra. Năm 1991, tuyên bố chính thức từ Hội đồng Giám mục Nam Tư nêu rõ rằng vẫn chưa xác định được liệu các cuộc hiện ra có nguồn gốc siêu nhiên hay không; những người hành hương được phép đến Medjugorje; và các linh mục cũng được phép chăm sóc các nhu cầu tâm linh của những người hành hương.

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI khi đó đã bổ nhiệm Hồng Y người Ý Camillo Ruini làm nhà lãnh đạo một ủy ban gồm các Hồng Y, nhà thần học, nhà tâm lý học và những người khác để điều tra Medjugorje. Vào năm 2016, ủy ban đã hoàn thành báo cáo của mình và một năm sau, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã chuyển báo cáo này cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vào thời điểm đó, ủy ban đã chia cuộc điều tra thành hai giai đoạn: bảy lần xuất hiện đầu tiên từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1981 và tất cả những lần xảy ra sau đó và vẫn tiếp tục. Báo cáo thừa nhận bản chất siêu nhiên của bảy lần xuất hiện đầu tiên.

Bản báo cáo đưa ra bốn khuyến nghị: Đặt Medjugorje dưới sự kiểm soát của Vatican; cho phép các cuộc hành hương do Giáo Hội tổ chức; tuyên bố Medjugorje là đền thờ của giáo hoàng; và tuyên bố những lần hiện ra đầu tiên là xác thực và siêu nhiên. Sau đó, trong một cuộc họp báo trên chuyến bay năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, “Liên quan đến những lần hiện ra được cho là vẫn tiếp diễn, báo cáo bày tỏ sự nghi ngờ.” Một năm sau khi Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự nghi ngờ cá nhân về các sự kiện, vào tháng 5 năm 2018, Đức Phanxicô đã chỉ định Tổng giám mục người Ba Lan Henryk Hoser giúp giám sát mọi khía cạnh của các mục vụ tại Medjugorje, do đó đặt Medjugorje dưới sự kiểm soát của Vatican. Do đó, Đức Tổng Giám Mục Hoser, được chính thức bổ nhiệm là thanh tra tông tòa, đã cho phép các cuộc hành hương chính thức do giáo phận và giáo xứ tổ chức để thúc đẩy những thành quả tốt đẹp trong khi không xác thực mọi thứ. Năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức cho phép các cuộc hành hương có tổ chức đến Medjugorje. Vào tháng 11 năm 2021, sau khi Đức Tổng Giám Mục Hoser qua đời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục người Ý Aldo Cavalli tiếp tục sứ mệnh tại Medjugorje.

10 'Bí mật'

Mỗi thị nhân được cho là đã được ban cho 10 “bí mật” liên quan đến các sự kiện trên thế giới trong tương lai gần. Không có bí mật nào có thể được tiết lộ, ngoại trừ cái gọi là “Bí mật thứ ba”. Đức Mẹ hứa sẽ để lại một dấu hiệu siêu nhiên, không thể phá hủy trên ngọn núi nơi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên. Đức Mẹ được cho là đã nói rằng đó sẽ là một dấu hiệu cho những người vô thần, và nói thêm rằng:

“Các tín hữu không nên chờ đợi dấu hiệu trước khi hoán cải; hãy hoán cải ngay. Đây là thời gian ân sủng dành cho các con. Các con không bao giờ có thể cảm tạ Chúa đủ về ân sủng của Người. Đây là thời gian để đào sâu đức tin và hoán cải của các con. Khi dấu hiệu xuất hiện, sẽ quá muộn đối với nhiều người.”

Ngay sau khi Đức Mẹ kết thúc các lần hiện ra, người ta đã đưa tin, ba lời cảnh báo sẽ được ban cho thế giới. Mirjana sẽ tiết lộ chúng cho Cha Petar Ljubicic 10 ngày trước khi chúng xảy ra và ngài sẽ công bố chúng. Sau lần đầu tiên, dường như sẽ có một thời gian ân sủng và sự hoán cải lớn lao.

Hoa trái dồi dào

Những thành quả tâm linh là rõ ràng. Theo các báo cáo, vô số trong số hơn 40 triệu người đã đến Medjugorje từ đầu, dù là với ý định tâm linh thực sự hay vì tò mò, đã trở về nhà với đức tin mạnh mẽ hơn và quyết tâm thực hành những chỉ thị của Đức Mẹ. Có nhiều báo cáo về sự hoán cải và quay trở lại với đức tin. Các loại chữa lành khác nhau, từ thể xác đến tâm hồn, dường như cũng đã xảy ra. Nhiều ơn gọi đã được báo cáo xuất phát từ Medjugorje. Kể từ năm 1989, khi hai linh mục dòng Phanxicô ở đó tổ chức Lễ hội Thanh niên Quốc tế Medjugorje, được gọi là Mladifest, như một lễ hội thường niên của thanh niên Công Giáo, 50.000 người trẻ đã đến tham dự hàng năm từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8.

Vào năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp đến những người tham dự Mladifest, nói rằng, “Tôi vui mừng gửi lời đến những người đang tham gia Lễ hội Thanh niên tại Medjugorje, một dịp để kỷ niệm và đổi mới đức tin của các bạn. Tôi hy vọng các bạn sẽ sống những ngày này như một cuộc hành hương tâm linh dẫn các bạn đến gặp Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, trong việc Thờ phượng, trong việc Xưng tội, trong giáo lý Kinh thánh, trong lời cầu nguyện thầm lặng và Kinh Mân Côi, và cũng qua các chứng từ.”

Nhiều người đến Medjugorje đã ghi nhớ những gì Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình, được cho là đã nói: “Mẹ đến để nói với thế giới rằng Thiên Chúa hiện hữu. Ngài là sự viên mãn của cuộc sống, và để tận hưởng sự viên mãn và bình an này, bạn phải trở về với Thiên Chúa.”

Hiện tại, các tín hữu đang chờ đợi cuộc họp báo do Vatican tổ chức vào thứ năm về “trải nghiệm tâm linh” tại thị trấn nhỏ tự hào có lòng sùng kính Đức Mẹ lớn lao.


Source:National Catholic Register

2. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Lithuania cảnh giác chống chủ nghĩa bành trướng của Nga

Đức Cha Gintaras Grušas, Tổng giám mục Giáo phận Vilnius, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Lithuania, kiêm Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, cảnh giác trước chủ nghĩa bành trướng của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài phát thanh Domradio của Tổng giáo phận Koeln, bên Đức, truyền đi ngày 13 tháng Chín vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Grušas nói rằng: “Bạn phải luôn dùng đường lối ngoại giao và thương thuyết, nhưng bao lâu các cuộc xâm lăng không bị ngăn chặn, thì dân chúng còn tiếp tục chết... Cuộc chiến tranh hiện nay của Nga chống Ukraine là hành động bành trướng của Nga. Điều này đã xảy ra trong thời Thế chiến thứ II, với Armeni, Georgia và nay đến lượt Ukraine. Những hành động đó không tự nhiên mà chấm dứt được.”

Đức Tổng Giám Mục Giáo phận thủ đô Vilnius nhìn nhận rằng Lithuania cũng lo sợ vì Nga. Tình trạng hiện nay là các nước vùng Baltique đang chuẩn bị các cuộc di tản toàn quốc, nhưng không có gì đáng báo động. Đức Cha nói: “Chúng tôi đã biết nước láng giềng này của chúng tôi qua bao thế kỷ và chúng tôi biết rằng tương quan của chúng tôi có thể trở nên khó khăn. Bảo vệ các thường dân trong những tình trạng khẩn cấp là điều Lithuania vẫn làm.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám Mục Grušas phê bình quan điểm của một số nước Tây phương và nói rằng: “Ukraine bị dội bom, và nhiều khi dường như người ta không rõ ai là nước thủ phạm... Cách đây 30 năm, Ukraine đã đồng ý với Nga để từ bỏ các võ khí hạt nhân. Hồi đó, Mỹ và Anh quốc đã hứa bảo vệ chủ quyền của Ukraine.

3. Cuộc họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha: 'Mỗi ngày tôi đều gọi điện đến Gaza'

Cuộc họp báo trong chuyến bay khứ hồi kéo dài 12 giờ của Đức Giáo Hoàng đến Rôma là cuộc họp báo đầu tiên của ngài kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu gần một năm trước. Trả lời câu hỏi về cuộc không kích gần đây của Israel vào một trường học ở Gaza khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời bảo đảm rằng “Tòa thánh đang hoạt động”.

“Mỗi ngày tôi gọi điện đến Gaza, giáo xứ ở Gaza”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ. “Trong giáo xứ, trong trường cao đẳng, có 600 người, gồm cả Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Họ sống như anh em. Họ kể cho tôi nghe những điều tồi tệ, những điều khó khăn”.

Than thở về “xác chết của những đứa trẻ bị giết” ở Gaza, Đức Giáo Hoàng lặp lại câu nói thường được nhắc lại của ngài rằng “chiến tranh luôn là thất bại” ngay cả đối với người chiến thắng. Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng ngài biết ơn Quốc vương Jordan Abdullah II bin Al-Hussein, ca ngợi ông vì đã “cố gắng tạo ra hòa bình”.

Mong muốn đến thăm Quần đảo Canary

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người sẽ bước sang tuổi 88 vào tháng 12 và thường xuyên sử dụng xe lăn, tỏ ra tràn đầy năng lực và thường xuyên mỉm cười khi trả lời các câu hỏi của các nhà báo trên máy bay. Vào ngày cuối cùng của chuyến đi dài nhất và là một trong những chuyến công du quốc tế gian khổ nhất trong triều giáo hoàng của ngài, vị giáo hoàng 87 tuổi vẫn sẵn sàng thảo luận về các chuyến công du trong tương lai.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ rằng ngài đang nghĩ đến việc đến thăm Quần đảo Canary, một quần đảo tự trị của Tây Ban Nha ngoài khơi bờ biển Tây Bắc Phi Châu, đặc biệt là vì dân số di cư ở đây. Đức Giáo Hoàng đã được Tổng thống Quần đảo Canary Fernando Clavijo yêu cầu đến thăm Quần đảo trong một buổi tiếp kiến tại Vatican vào tháng Giêng.

Đức Giáo Hoàng đã loại trừ khả năng đến thăm Pháp để mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà vào ngày 8 tháng 12. Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại vào ngày lễ trọng thể Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, một ngày lễ mà theo truyền thống, Đức Giáo Hoàng luôn cử hành cùng thành phố Rôma tại quảng trường dưới chân Cầu thang Tây Ban Nha.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô không quyết đoán về khả năng thực hiện chuyến đi được mong đợi từ lâu đến quê hương Á Căn Đình của mình. Ngài nói với nhà báo người Á Căn Đình Elisabetta Pique rằng ngài muốn đến Á Căn Đình nhưng “vẫn chưa quyết định” vì “có một số việc cần giải quyết trước”.