Ngày 04-06-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:03 04/06/2024

26. Thời gian suy niệm như là tấm gương (kính) của linh hồn, có nó thì dễ dàng nhận ra được tật xấu của chính mình, và sửa chữa con đường tu đức của mình; và các loại tình trạng trong linh hồn đều được chiếu ra để chúng ta thấy nó như thế nào.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:07 04/06/2024
73. CÓ BÚT NHƯ ĐAO

Ở Trường Châu có người thợ điêu khắc tên là Mã Như Long, và ở Tiền Đường có người thợ viết thuê tên là Quách Thiên Dân, hai người ngẫu nhiên mà gặp nhau.

Mã Như Long tuổi lớn hơn Quách Thiên Dân, nhưng họ Quách không muốn có sự nhún nhường, nên cùng với họ Mã tranh chấp ngồi chỗ trên. Họ Mã nói:

- “Mày là đứa con nít chưa hết hôi mùi sữa, lại dám tranh chấp chỗ với ta sao, ta hỏi mày “đao bút sứ” thì đao ở phía trước, hay bút ở phía trước?”

Họ Quách hỏi lại:

- “Ông bạn già ơi là ông bạn già ơi, tôi “có bút như đao”, là bút ở trước hay đao ở trước?”

Họ Mã chỉ còn cách là nhường chỗ ngồi trên cho họ Quách vậy !

(Nhã Ngược)

Suy tư 73:

Thời xưa cũng như thời nay có những người dùng bút thay đao để giết người, nghĩa là họ lợi dụng chức vụ để làm hại người khác bằng những chữ ký, những văn tự của mình, cách giết người kiểu này thì đáng sợ vô cùng, bởi vì họ hợp thức hóa kiểu giết người của mình...

Bút là dùng để viết lời ca tụng Thiên Chúa, ca tụng cái đẹp của vũ trụ thiên nhiên, ca tụng người tốt việc tốt; bút cũng còn là viết những lời yêu thương cho người thân yêu, và cũng viết lên những thống khổ của tha nhân, nó cũng là tiếng kêu của những người yêu chuộng công lý và hòa bình.

Đao là biểu hiện cho sự chết chóc, chiến tranh và thù hận, cho nên, trước khi dùng đao thì nên dùng bút để hòa giải và kết tình hữu nghị.

Đao thì chỉ có thể giết một vài người, nhưng lợi dụng chức quyền, độc đoán, tham lam, kiêu căng của mình để đặt bút ký thì giết cả triệu người, cả tổ quốc...

Tội này chỉ có nước nơi giếng Rửa Tội và lòng sám hối sâu xa nơi bí tích Hòa Giải mới có thể rửa sạch được...

Bút trước đao là chuyện hợp lý và có tình nghĩa, đó cũng là tinh thần hòa bình của Phúc Âm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
VietCatholic TV
Sai lầm thảm khốc, đoàn xe trúng HIMARS ngay trên đất Nga. Bradley lợi hại. ATACMS cắt đường tiếp tế
VietCatholic Media
03:12 04/06/2024


1. Các blogger ủng hộ Putin nổi giận sau khi đoàn xe thiết giáp bị tấn công bởi 'những cú đánh chính xác' của Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Pro-Putin Bloggers Fume After Armor Column Hit by Ukraine's 'Precise Blows'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các blogger quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh đã chỉ trích việc Nga tiếp tục hành quân thành các đoàn xe dài theo kiểu phô trương thanh thế sau các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào các đoàn xe. Khi bắt đầu cuộc xâm lược, Nga đã tổ chức một đoàn xe dài đến 64km tấn công Ukraine, làm mồi cho các cuộc pháo kích và phục kích của quân Ukraine.

Tuy nhiên, cũng có các blogger quân sự Nga bênh vực cho việc di chuyển thành các đoàn xe dài. Họ cho rằng đó không phải là phô trương thanh thế. Thực tế, là nếu hành quân riêng lẻ, nhiều binh sĩ Nga bỏ xe giữa đường, đào ngũ khi biết mình đang lái xe ra tiền tuyến.

Các blogger người Nga cho biết Ukraine đã tấn công một đoàn xe hôm thứ Bảy ở thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk, gần biên giới Nga. Họ cáo buộc các chỉ huy Mạc Tư Khoa đã không rút ra bài học sau hơn hai năm tham chiến.

Special Kherson Cat, một tài khoản trên X, trích dẫn tuyên bố của các nguồn tin Ukraine rằng đoàn xe Nga bị tấn công bao gồm 18 phương tiện, mà các blogger quân sự Nga cho biết đã bị bắn trúng ở phía trước, ở giữa và ở phía sau.

Tài khoản Telegram Two Majors, nơi cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về các động thái của Nga trong cuộc chiến, đã đăng trên Telegram về việc bộ chỉ huy quân sự Mạc Tư Khoa đang điều một số lượng lực lượng không xác định đến khu vực Kursk.

Tuy nhiên, tài khoản này đăng tải rằng sau “ba năm tham chiến”, Nga đã phải hứng chịu “những đòn chính xác vào đầu và đuôi đoàn xe”. Sau các cuộc tấn công vào khoảng giữa, các phương tiện ở đó “đã tìm cách giải tán tốt nhất có thể”.

Một kênh Telegram khác, có tên “Ghi chú của một cựu chiến binh”, đăng: “Mới tuần trước tôi đã viết về việc di chuyển của các đoàn quân cách biên giới tám km. Không có gì thay đổi kể từ đó ngoại trừ việc đoàn xe đã trở nên dài hơn.”

Kênh LPR1 cũng chỉ trích quyết định cho phép các đoàn xe của chỉ huy, trong khi Roman Alekhin đăng trên Telegram cách đối mặt với máy bay điều khiển từ xa và pháo binh Ukraine. “Chúng ta phải tìm kiếm các tuyến đường hậu cần khác nhau và chia nhóm, đặc biệt khi có các tuyến đường an toàn, cho dù khoảng cách có xa hơn đi chăng nữa”

Trong khi đó, các quan chức và blogger của Mạc Tư Khoa hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công MLRS vào Shebekino, ở Belgorod của Nga, cách biên giới khoảng 3 dặm.

Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết cuộc tấn công đã giết chết phó quận trưởng Korochansky, Igor Nechiporenko và làm bị thương các quan chức địa phương khác, khi những người này đến kiểm tra các quả bom.

Tuần trước, Mỹ được cho là đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga, sau lời cầu xin của Kyiv.

2. Quân đội Nga cố gắng tấn công hòn đảo quan yếu sau khi để mất nó vào tay Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, cho biết quân đội Nga đã thất bại trong cố gắng tái chiếm một hòn đảo quan trọng sau khi để mất hòn đảo này vào tay Ukraine chỉ vài tuần trước.

Các lực lượng của Mạc Tư Khoa gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công liên tục để chiếm lại đảo Nestryha có tầm quan trọng về mặt chiến thuật, Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Tác chiến phía Nam của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nói

Đảo Nestryha nằm cách thành phố Kherson của Ukraine khoảng 19km về phía tây nam, nơi Ukraine đã giải phóng cùng với bờ tây của sông Dnipro vào cuối năm 2022. Lực lượng của Kyiv đã giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này từ tay quân đội Nga vào cuối tháng 4 vừa qua.

Kể từ đó, Ukraine đã tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên dọc sông Dnipro và tiến đến khu vực bị tạm chiếm bên bờ Đông của dòng sông vào giữa tháng 10 năm 2023 sau các hoạt động xuyên sông trên quy mô lớn.

Hôm thứ Năm 30 Tháng Năm, Trung Tá Pletenchuk cho biết đảo Nestryha có ý nghĩa chiến thuật vì nó ngăn cản quân đội Nga tiếp cận các vị trí của Ukraine.

Ông nói, sau một thời gian dài tạm dừng, Mạc Tư Khoa đã bắt đầu tích lũy lực lượng nhằm tấn công hòn đảo này.

“Đối phương đã tích lũy một số lực lượng nhất định trong một thời gian để thực hiện hành động leo thang như vậy một lần nữa. Chỉ ngày thứ Tư, 29 Tháng Năm, chúng tôi đã đánh trả 19 vụ tấn công, con số này khá nhiều”.

Trung Tá Pletenchuk cho biết Nga hiện đang sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để gây ra nhiều thiệt hại nhất có thể.

“Ngoài ra, các cuộc tấn công còn được thực hiện bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn đạn đạo. May mắn thay, không có nạn nhân. Nhưng tình hình khá căng thẳng và phức tạp”, ông nói.

Bất kể những cố gắng của Nga, cho đến nay quân xâm lược đã thất bại và rút lui khỏi địa bàn để tránh tổn thất.

Nói chuyện với Đài phát thanh Hromadske khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát hòn đảo vào ngày 28 Tháng Tư, Trung Tá Pletenchuk nói: “Xét rằng đối phương thường sử dụng các địa điểm tương tự - thực tế có nhiều hòn đảo như vậy trên sông Dnipro - để tiếp cận gần hơn và lắp đặt súng cối, thì việc chúng ta chiếm được hòn đảo này có tầm quan trọng chủ yếu đối với phẩm chất của các biện pháp chống phá hoại”. “Đúng vậy, vị trí này đã được giải phóng khỏi sự hiện diện tiềm ẩn của đối phương.”

Vào tháng 4, tờ Kyiv Post cho biết đảo Nestryha “là chìa khóa cho các hoạt động trên bộ của Ukraine trong tương lai nhằm giải phóng Crimea bị tạm chiếm”.

Crimea đã bị Putin sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại bán đảo Hắc Hải.

“Vì quân đội Ukraine và Nga phải dựa vào thuyền để tiếp tế trong khu vực, địa lý địa phương đã giúp cả hai bên có được một số tuyến đường hạn chế - việc chiếm được hòn đảo sẽ giúp Ukraine có phạm vi bao phủ khu vực tốt hơn và hạn chế số lượng tuyến đường có sẵn để tiếp tế cho quân đội Mạc Tư Khoa”, tờ Post cho biết và nói thêm rằng hòn đảo “cũng sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều lựa chọn tiếp tế hơn”.

3. Bỉ, Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu, kêu gọi các chính phủ hướng tới việc bịt miệng Hung Gia Lợi

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Belgian EU presidency urges governments to move toward muzzling Hungary”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bỉ, hiện là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu, đang thực hiện một bước đi đặc biệt, đó là thúc giục các chính phủ Liên Hiệp Âu Châu xem xét tiến hành các thủ tục tước bỏ quyền bầu cử của Hung Gia Lợi - quốc gia sẽ đảm nhận chức chủ tịch vào tháng tới.

Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib nói với POLITICO trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng ta có một Âu Châu đang gặp khó khăn trong việc phát triển, không may là một số quốc gia - đặc biệt là một quốc gia - ngày càng áp dụng thái độ ngang tàng, ngăn chặn và phủ quyết”.

Cô ủng hộ việc thúc đẩy thủ tục kiểm duyệt Điều 7 của Liên Hiệp Âu Châu đối với Budapest - một động thái cực đoan có thể khiến một quốc gia bị đình chỉ quyền bầu cử.

Cô nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải có can đảm để đưa ra các quyết định: đi thẳng đến hết Điều 7, kích hoạt đến hết Điều 7, điều này quy định việc chấm dứt quyền phủ quyết”.

Nghị viện Âu Châu đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của thủ tục Điều 7 chống lại Hung Gia Lợi vào năm 2018, nhưng quá trình này đã bị đình trệ. Bước tiếp theo của thủ tục đó, được sử dụng khi một quốc gia được coi là có nguy cơ vi phạm các giá trị cốt lõi của khối, thường được gọi là “lựa chọn hạt nhân” vì nó đưa ra các biện pháp trừng phạt chính trị nghiêm trọng nhất mà khối có thể áp đặt đối với một quốc gia thành viên - cụ thể là đình chỉ quyền bỏ phiếu về các quyết định của Liên Hiệp Âu Châu.

Hung Gia Lợi chuẩn bị đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 7, trao cho Budapest nhiều quyền lực hơn để thiết lập chương trình nghị sự và các ưu tiên của Liên Hiệp Âu Châu trong sáu tháng, trong khi Thủ tướng Hung Gia Lợi Victor Orbán tiếp tục cản trở việc ra quyết định của Liên Hiệp Âu Châu về các vấn đề quan trọng từ viện trợ quân sự cho Ukraine, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, thực hiện bước tiếp theo để chào đón Kyiv gia nhập khối.

Lahbib nói: “Đây là khoảnh khắc của sự thật. Hoặc chúng ta phải đối mặt với trách nhiệm của mình, điều này đòi hỏi lòng dũng cảm chính trị và ý chí. Hoặc chúng ta đưa ra những cơ chế không hoạt động. Và vì vậy chúng ta phải lựa chọn.”

“Nếu chúng ta đi đến cùng với cơ chế này thì nó phải hoạt động. Nếu không được thì chúng ta phải cải cách lại. Đó là tương lai của Liên minh Âu Châu”, Lahbib nói.

Thất vọng trước các động thái ngăn chặn của Budapest, các nước Âu Châu khác đang xem xét những cách sáng tạo để đi vòng qua Budapest trước các quyết định quan trọng của Liên Hiệp Âu Châu, chẳng hạn như tấn công vào hàng xuất khẩu của Nga mà không đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu cũng đề nghị giao cho Hung Gia Lợi một danh mục đầu tư yếu kém trong Ủy ban Âu Châu tiếp theo, bất chấp mong muốn của Budapest được giữ các công việc trọng đại có uy tín hơn.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây hai thập niên, chính phủ Orbán đã trao cho đảng Fidesz cầm quyền nhiều ảnh hưởng hơn đối với hệ thống tư pháp và truyền thông nhà nước. Kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, Budapest đã liên tục giảm tốc độ viện trợ cho Ukraine hoặc ngăn cản hoàn toàn.

Nghị viện Âu Châu và nước Đức nặng ký của Liên Hiệp Âu Châu đã đặt câu hỏi về khả năng của Budapest trong việc lãnh đạo Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 - nhưng Lahbib cho biết Bỉ nhấn mạnh rằng Hung Gia Lợi nên thực hiện nhiệm kỳ đã định.

“Đó cũng là một lời nhắc nhở rằng trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu có nghĩa là tôn trọng các giá trị, có quyền tiếp cận nguồn vốn, là một phần của thị trường chung, tôn trọng các giá trị tự do, tự do ngôn luận và sự độc lập của cơ quan tư pháp,” cô nói.

Cô nhấn mạnh rằng: “Đó là lý do tại sao Hung Gia Lợi hiện đang phải đối diện với các thủ tục của Điều 7 và ngày càng bị cô lập”.

Sau khi Brussels hủy bỏ vụ kiện tương tự chống lại Ba Lan vào tháng trước, Hung Gia Lợi là quốc gia Liên Hiệp Âu Châu duy nhất phải đối mặt với loại hình trừng phạt này.

Phát ngôn nhân của Đại diện thường trực của Hung Gia Lợi tại Liên Hiệp Âu Châu cho biết: “Mối quan tâm chính của Hung Gia Lợi hiện nay là giữ cho Liên Hiệp Âu Châu thoát khỏi cuộc chiến ở khu vực lân cận của chúng ta. Nếu chiến tranh lan tới Liên Hiệp Âu Châu, thì Điều 7 sẽ là vấn đề nhỏ nhất của chúng tôi.”

4. Hỏa tiễn ATACMS của Ukraine đang cắt đứt đường cung cấp của Nga tới Crimea. Nhưng Tuyến Cuối Cùng Là Khó Nhất.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine’s ATACMS Rockets Are Severing Russian Supply Lines Into Crimea. But The Last Line Is The Toughest.”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chỉ có một số cách để vận chuyển số lượng lớn hàng hóa từ Nga vào Crimea bị Nga tạm chiếm: thứ nhất là bằng đường biển, thứ hai là đường bộ và hỏa xa qua Cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch, thứ ba là bằng phà qua cùng eo biển; và cuối cùng là bằng hỏa xa qua miền nam Ukraine.

Lần lượt Ukraine đã tấn công vào từng đường tiếp tế này. Vụ gần đây nhất là cuộc tấn công các chuyến phà ở eo biển Kerch. Vào sáng sớm thứ Năm 30 Tháng Năm, hỏa tiễn dẫn đường chính xác của Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội Ukraine do Mỹ sản xuất đã tấn công bến phà ở Crimea, làm hư hại nếu không muốn nói là phá hủy hoàn toàn hai chiếc phà: một chiếc chở xe hơi và xe tải, một chiếc khác chở tàu hỏa.

Hình ảnh vệ tinh đã xác nhận thiệt hại. Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết, việc vượt phà “đã được đối phương tích cực sử dụng để hỗ trợ nhóm quân của chúng ở Crimea đang tạm thời bị tạm chiếm”.

Nhưng không rõ quân Nga ở miền Nam trông cậy vào phà đến mức nào. Các tàu đáy phẳng luôn là phương án dự phòng cho các phương thức vận chuyển đồ sộ và an toàn hơn. Và tuyến hỏa xa phía nam an toàn và rộng lớn nhất vẫn còn nguyên vẹn và cực kỳ khó phá hủy.

Có thể nói, việc cho nổ tung một vài chiếc phà của Nga có thể làm hài lòng những người bạn của một Ukraine tự do. Nhưng nó sẽ không thực sự gây tổn hại nhiều đến các trung đoàn và lữ đoàn Nga ở miền nam Ukraine bị tạm chiếm.

Mick Ryan, một tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu, viết trong bản tin của mình rằng các cuộc tấn công vào bến phà Kerch “mang tính chất chính trị hơn là quân sự và nhằm mục đích gây áp lực lên Putin trước mặt người dân Nga”.

Chiến dịch của Ukraine nhắm vào hậu cần của Nga ở miền nam Ukraine đã phát triển về quy mô và mức độ tinh vi kể từ những tuần đầu của cuộc chiến kéo dài 27 tháng của Nga với Ukraine.

Đầu tiên, người Ukraine bắt đầu tấn công – bằng hỏa tiễn, đặc biệt là hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP cùng thuyền điều khiển từ xa có chất nổ – vào các tàu đổ bộ chở hàng của Hạm đội Hắc Hải của Nga, cuối cùng đánh chìm hoặc làm hư hại hầu hết trong số khoảng chục tàu.

Mùa hè năm ngoái, lực lượng Ukraine đã ném bom và làm hư hại cầu Crimea. Các kỹ sư Nga phải mất sáu tháng để khôi phục hoàn toàn các nhịp cầu. Và tuần này, người Ukraine cuối cùng đã tấn công vào bến phà.

Khoảng cách từ tiền tuyến đến bến phà, khoảng 240km, ám chỉ mạnh mẽ rằng quân đội Ukraine đã bắn một số loại đạn M48 hoặc M57 ATACMS mới, có phạm vi tương ứng 275km và 300 km dặm với đầu đạn nặng 215kg.

Ukraine đã nhận được M48 hoặc M57 như một phần của lô lớn thứ hai gồm một trăm ATACMS trở lên vào tháng Tư. Một đợt trước đó gồm vài chục ATACMS, vào năm ngoái, chỉ bao gồm các mẫu M39 với đầu đạn chùm — chứa một ngàn quả đạn con cỡ lựu đạn — và tầm bắn 160 km.

ATACMS bay xa hơn đã tàn phá các phi trường, hệ thống phòng không của Nga và các tàu chiến neo đậu trên Crimea. Việc chúng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các chuyến phà không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng không rõ nó thực sự quan trọng đến mức nào nữa. Có lẽ cảm nhận được chiến dịch tấn công sâu sắp tới của Ukraine, mùa hè năm ngoái, Điện Cẩm Linh đã xúc tiến xây dựng một tuyến hỏa xa mới dài 80km nối các tuyến hỏa xa hiện có ở miền đông và miền nam Ukraine bị Nga tạm chiếm.

Nhóm phân tích Ukraine Frontelligence Insight đưa tin: “Tuyến đường này cũng giảm đáng kể thời gian di chuyển từ Nga đến Mariupol ở miền nam Ukraine, rút ngắn vài ngày và đôi khi vài tuần, giúp cho việc di chuyển quân đội và hậu cần hiệu quả hơn”. “Nhóm của chúng tôi đánh giá rằng tuyến hỏa xa mới này sẽ đủ cung cấp cho khu vực ngay cả khi Cầu Crimea bị phá hủy.”

Nó cũng sẽ bù đắp nhiều hơn cho việc giảm lưu lượng phà qua eo biển Kerch.

Việc ngăn chặn một tuyến hỏa xa không phải là không thể, nhưng rất khó. Frontellect Insight giải thích: “Trước đây, khi Ukraine cố gắng tấn công vào cây cầu hỏa xa nối Crimea với phần còn lại của Ukraine, các hỏa tiễn như SCALP và Storm Shadow đã gây ra thiệt hại tương đối nhỏ và không làm gián đoạn đáng kể hoạt động hỏa xa trong thời gian dài”.

Theo Frontellect Insight, việc tấn công vào các đoàn tàu cũng khó không kém. “Có khả năng người Nga giảm thiểu việc di chuyển của tàu hỏa vào ban ngày, tập trung nhiều hơn vào các hoạt động vào ban đêm và sáng sớm để che giấu các hoạt động hậu cần”.

Nhưng khi đạn dược của Ukraine cắt đứt các tuyến cung cấp thay thế và người Nga củng cố hậu cần của họ trên tuyến hỏa xa phía nam, người Ukraine có thể phải tập trung vào việc gây ra thiệt hại lâu dài cho đường ray và xe lửa.

Họ có thể bắt đầu bằng cách tấn công vào điểm kết nối đông-nam mới, đặc biệt là nơi nó đi qua các cây cầu. Frontellect Insight đưa tin: “Ukraine hiện sở hữu các phương tiện để gây thiệt hại nghiêm trọng cho đường liên kết này, có khả năng khiến nó không thể sử dụng được trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng”. “Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như số lượng hệ thống phòng không mà Nga sẵn sàng phân bổ để bảo vệ các điểm dễ bị tổn thương, đặc biệt là các cây cầu”.

Nếu có bất kỳ lý do nào để hy vọng vào chiến dịch chống hỏa xa có thể xảy ra của Ukraine, thì đó là do hệ thống phòng không của Nga hiện đang rất mỏng khi Điện Cẩm Linh phải vật lộn để bảo vệ lãnh thổ bị tạm chiếm khỏi máy bay điều khiển từ xa, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn của Ukraine đồng thời bảo vệ các khu công nghiệp, radar và các phi trường ở Nga một cách thích hợp.

5. Video Ukraine cho thấy hai xe thiết giáp Nga 'bị tiêu diệt' bởi Bradley Mỹ

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Two Russian Armored Vehicles 'Destroyed' by US Bradley: Ukraine Video”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ tài trợ đã “tiêu diệt” hai xe thiết giáp chở quân của Nga ở miền đông Ukraine, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy điều đó, sau khi Kyiv báo cáo về giao tranh dữ dội ở tiền tuyến phía đông.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, cho biết chiếc Bradley, do Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine điều hành, đã hạ gục hai xe chở quân bánh lốp của Nga đồng thời chia sẻ đoạn phim cho thấy hai phương tiện này bị tấn công khi chúng di chuyển qua một bãi đất trống.

Một số binh sĩ lao ra khỏi xe sau vụ nổ, ngã xuống đất khi bị trúng đạn. Một đoạn clip sau đó, dường như được quay từ một máy bay điều khiển từ xa, cho thấy một trong những chiếc APC đang bốc cháy.

Theo Bộ Quốc phòng, Ngũ Giác Đài đã cung cấp cho lực lượng Ukraine hơn 300 chiếc Bradley. Xe Bradley có hỏa lực được cung cấp bởi pháo 25 ly, súng máy đồng trục 7,62 ly và bệ phóng hỏa tiễn chống tăng TOW, dùng để nhắm vào các đoàn xe thiết giáp của Nga.

Trong một bài đăng riêng trên mạng xã hội, Lữ đoàn cơ giới 47 cho biết các trinh sát của họ đã phát hiện quân Nga và đợi binh sĩ di chuyển vào khu vực trống trước khi bắn súng xích của Bradley.

Một chỉ huy của Lữ đoàn cơ giới 47 nói với Newsweek vào Tháng Giêng rằng các lực lượng Nga “sợ” tiến hành các chiến dịch “khi họ biết rằng một chiếc Bradley sẽ chống lại họ”. Các chuyên gia phương Tây đã mô tả những chiếc xe này là một công cụ có giá trị, tham gia vào một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất dọc chiến tuyến.

Đơn vị 47, cũng vận hành xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp, từ lâu đã được triển khai trong vùng giao tranh dày đặc ở Donetsk. Bất chấp việc lực lượng Nga phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine vào tháng trước, quân đội Kyiv vẫn báo cáo một số cuộc đụng độ ác liệt nhất ở Donetsk.

Hôm Chúa Nhật, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết lực lượng của họ đã chiếm được Umanske, một thị trấn ở phía tây Avdiivka và phía đông nam Povkrovsk. Điều này đã bị phía Ukraine bác bỏ.

Quân đội Ukraine mô tả giao tranh ở phía tây bắc thành phố Avdiivka do Nga kiểm soát - gần thủ phủ khu vực, Thành phố Donetsk - là “dữ dội” vào Chúa Nhật, đồng thời cho biết các chiến binh của họ đang cố gắng “ổn định tình hình”.

Lực lượng vũ trang Kyiv cho biết, Nga đã cố gắng tiến quân xung quanh hai thị trấn ở phía đông Pokrovsk, một thành trì phòng thủ của Ukraine. Một trong những khu định cư được xác định là Sokil, ngay phía bắc Umanske.

Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết họ đang “đẩy lùi” các cuộc tấn công của Nga gần Umanske.

6. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 2 Tháng Sáu

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến trường hợp của viên Tướng Nga bị bắt gần đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Vào ngày 21 tháng 5 năm 2024, truyền thông Nga đưa tin Thiếu tướng Ivan Popov, cựu chỉ huy Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 58 của Nga, đã bị bắt vì tội gian lận và tham nhũng liên quan đến việc bán vật liệu xây dựng quân sự. Popov bị cách chức chỉ huy Quân Đoàn Tổng Hợp 58, được triển khai đến khu vực Zaporizhzhia ở Ukraine vào tháng 7 năm 2023 sau khi công bố những lời chỉ trích của chính ông về thẩm quyền trong các quyết định của lãnh đạo quốc phòng Nga liên quan đến việc tiến hành chiến tranh Popov sau đó đã chỉ trích quyết định cách chức ông một cách công khai, mô tả đó là “chỉ huy cấp cao của chúng tôi đánh chúng tôi từ phía sau, chặt đầu quân đội một cách xảo trá và hèn hạ vào thời điểm khó khăn và căng thẳng nhất.”

Trong một hệ thống mà bản thân tham nhũng đã lan tràn, hình phạt dành cho nó thường là một công cụ chính trị hơn là một nỗ lực nhằm thực thi quản trị tốt. Có một lịch sử lâu dài về việc chế độ Nga sử dụng các cáo buộc tham nhũng, dù là thật hay bịa đặt, để loại bỏ hoặc trừng phạt những người chỉ trích nội bộ hoặc những người đã chọc giận những nhân vật ưu tú quyền lực hơn. Có khả năng việc bắt giữ Popov là một hình phạt minh chứng cho sự không trung thành với cấp trên của anh ta.

Với tư cách là một chỉ huy quân đội, Popov thường được coi là người có năng lực cao và theo các nhà bình luận quân sự Nga, Popov rất được quân đội Nga yêu mến. Việc bắt giữ ông có thể sẽ khiến các quân nhân Nga mất tinh thần hơn nữa và củng cố cho các đồng nghiệp của ông ở các vị trí chỉ huy cấp cao rằng lòng trung thành và sự phục tùng chế độ cũng như cấp trên của mình được đánh giá cao hơn năng lực và uy tín.

7. Ukraine tuyên bố '9 máy bay phản lực Nga' bị bắn rơi trong một tháng

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Says 'Nine Russian Jets' Downed in a Month”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, các lực lượng Nga hoạt động ở Ukraine đã mất 9 máy bay phản lực trong tháng 5, theo Kyiv, khi Ukraine báo cáo quân đội Mạc Tư Khoa có tổn thất thiết bị và thương vong kỷ lục.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết 9 máy bay phản lực của Nga đã bị “phá hủy” trong tháng 5 năm 2024.

Kyiv, giống như Mạc Tư Khoa, đã tấn công vào các tài sản có giá trị cao như máy bay trong cuộc chiến tổng lực ở đất nước hiện đã bước sang năm thứ ba.

Các báo cáo của quân đội và truyền thông Ukraine cũng như các nguồn tin của Nga hồi giữa tháng 5 cho rằng Nga đã mất một số máy bay trên bầu trời Ukraine.

Lữ đoàn cơ giới số 110 của Ukraine, hoạt động ở phía đông đất nước, được các quan chức Ukraine ghi nhận đã bắn hạ một số máy bay phản lực Su-25 của Nga trong suốt tháng 5 ở khu vực Donetsk, nơi giao tranh vẫn bùng nổ bất chấp nỗ lực mới của Nga ở khu vực đông bắc Kharkiv.

Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết tính đến sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương, Nga đã mất tổng cộng 357 máy bay kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực.

Vào giữa tháng 4, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu của Washington và chỉ huy đồng minh tối cao của NATO ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết Nga đã mất khoảng 1 phần 10 số máy bay tồn kho ở Ukraine.

Đầu năm nay, Ukraine báo cáo tổn thất máy bay Nga tăng đột biến, cho biết lực lượng Kyiv đã bắn rơi tổng cộng 13 máy bay, bao gồm cả một máy bay do thám A-50 tiên tiến.

Ngay sau tuyên bố của Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Mỹ, đã đánh giá rằng hàng loạt tổn thất hàng không đã buộc Nga phải dừng hoạt động trên không ở miền đông Ukraine.

Lực lượng không quân của Nga vẫn là một thách thức ghê gớm đối với Kyiv, vốn phải đối mặt với số lượng máy bay Nga nhiều hơn và ưu việt hơn trong khi chờ đợi các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất như đã hứa rất lâu từ các đồng minh.

Trong một tuyên bố khác vào cuối tuần qua, Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa đã hứng chịu “con số thương vong hàng tháng cao nhất” kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Lực lượng Nga ở Ukraine đã mất 38.940 chiến binh vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

Kyiv cũng cho biết Nga đã mất “kỷ lục” 1.160 hệ thống pháo trong suốt tháng 5, đồng thời cho biết thêm: “Đây là số lượng trọng pháo bị tổn thất lớn nhất hàng tháng, trong hai năm chiến tranh”.

Theo quân đội Ukraine, vào tháng 5, Ukraine đã “phá hủy” 860 xe chiến đấu bọc thép của Nga. Kyiv cho biết đây là con số tổn thất APV hàng tháng cao thứ hai được ghi nhận, chỉ vượt qua tổn thất trong tháng đầu tiên Mạc Tư Khoa xâm lược.

8. Ả Rập Saudi không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine

Ả Rập Saudi không có kế hoạch có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu để hỗ trợ Ukraine vì Nga sẽ không có mặt, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin hôm 2 Tháng Sáu, dẫn nguồn tin ngoại giao.

Các nguồn tin ngoại giao cũng nói với hãng này rằng chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tới Ả Rập Saudi vào ngày 1 Tháng Sáu để vận động ủng hộ đã bị hoãn lại cho đến sau hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ được tổ chức vào ngày 15-16 Tháng Sáu tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Thụy Sĩ.

Ả Rập Saudi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về công thức hòa bình vào tháng 8 năm 2023. Nước này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán trao đổi tù nhân với Nga, giúp Ukraine đạt được cuộc trao đổi lớn với gần 300 người vào tháng 9 năm 2022.

Đồng thời, Ả Rập Saudi vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga, mối quan hệ này đã được củng cố sau khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và sự cô lập kinh tế sau đó của Nga với phương Tây.

Ukraine hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ giải quyết một số lĩnh vực chính như an ninh năng lượng, trao đổi tù nhân, trao trả trẻ em bị trục xuất, an ninh lương thực toàn cầu và các chủ đề khác.

Trước đó vào ngày 2 Tháng Sáu, ông Zelenskiy cho biết hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế chuẩn bị tham dự, tuy nhiên ông cũng cáo buộc Trung Quốc “làm việc cật lực” để ngăn cản các nước tham dự.

9. Hải quân Ukraine phủ nhận tuyên bố của Nga về việc thuyền điều khiển từ xa bị phá hủy

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, Thuyền trưởng Trung Tá Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân Hải Quân, đã bác bỏ tuyên bố của Nga về việc phá hủy thuyền điều khiển từ xa của Ukraine trong một cuộc tấn công gần đây vào các khu vực phía nam của đất nước.

Tuyên bố ngày 2 Tháng Sáu được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy 4 thuyền điều khiển từ xa của Ukraine ở phía tây bắc Hắc Hải vào ngày 30 Tháng Năm.

“Dưới chiêu bài cố gắng tấn công các tàu của Hải quân Ukraine, Liên bang Nga một lần nữa tấn công các mục tiêu dân sự, làm hư hại cơ sở hạ tầng cảng”, Trung Tá Pletenchuk nói.

“Nga tiếp tục làm mọi thứ có thể để chặn các tuyến đường biển tới các cảng Ukraine.”

Trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga, chính quyền Nga tuyên bố đã tấn công vào các cơ sở quân sự mỗi khi họ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Ukraine.

Hắc Hải là mặt trận chính của cuộc chiến toàn diện, nơi Ukraine đã phải cắt giảm đáng kể xuất khẩu thông qua tuyến đường thương mại chính trước chiến tranh do các mối đe dọa và cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng cảng dân sự.

10. Zelenskiy gặp tổng thống Singapore để thảo luận về quan hệ song phương

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp người Tổng thống Singapore, Tharman Shanmugaratnam, bên lề hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 2 Tháng Sáu.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống cho biết ông Zelenskiy cảm ơn lập trường rõ ràng của Singapore về cuộc chiến ở Ukraine và thảo luận về triển vọng quan hệ song phương với Shanmugaratnam.

Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh sự quan tâm của Kyiv trong việc đẩy mạnh quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, “lên một tầm cao mới”.

Cuộc gặp Zelenskiy-Shanmugaratnam diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu, sẽ được tổ chức vào ngày 15-16 Tháng Sáu tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Thụy Sĩ, nơi Ukraine đang chuẩn bị trình bày các đề xuất về cách đạt được hòa bình công bằng và lâu dài với Nga. Zelenskiy cho biết 106 quốc gia đã xác nhận tham gia sự kiện này. Trung Quốc được cho là đã từ chối lời mời.

Zelenskiy cũng đã thông báo cho Shanmugaratnam về việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, theo tuyên bố đưa ra hôm 2 Tháng Sáu.

Phát biểu vào ngày cuối cùng của hội nghị Đối thoại Shangri-La, diễn đàn quốc phòng lớn nhất trong khu vực, ông Zelenskiy kêu gọi các nhà lãnh đạo Á Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu sắp tới ở Thụy Sĩ.

“Tôi thực sự muốn nhà lãnh đạo Singapore hỗ trợ Ukraine với sự tham gia cá nhân của ông ấy vào hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, ông Zelenskiy nói, được Nikkei Asia trích dẫn.

Ukraine có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh để giải quyết một số lĩnh vực chính, như an ninh năng lượng, trao đổi tù nhân, trao trả trẻ em bị trục xuất, an ninh lương thực toàn cầu và các chủ đề khác.

Theo Văn phòng Tổng thống, ông Zelenskiy cũng đã gặp Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty đầu tư Singapore. Các doanh nhân đại diện cho các công ty, bao gồm quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore, quỹ đầu tư Temasek Holdings, Wilmar International, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore và công ty xây dựng Meinhardt Group.

Zelenskiy nhấn mạnh nền kinh tế Ukraine đang thích ứng với thực tế mới và vẫn tăng trưởng bất chấp chiến tranh. Ông nói với các doanh nhân rằng lĩnh vực công nghệ và đổi mới có thể có tiềm năng lớn trong việc phát triển thương mại Ukraine-Singapo.

Singapore đã hỗ trợ Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mạc Tư Khoa. Giống như nhiều nước Á Châu, cho đến nay nước này chỉ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
 
Giữa chiến tranh kinh hoàng, hàng triệu người Âu Châu rước kiệu Mình Thánh Chúa lễ Corpus Christi
VietCatholic Media
05:05 04/06/2024


1. Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô tại Rôma lần đầu tiên sau nhiều năm

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành trọng thể với Bí tích Thánh Thể từ các bậc thềm của Đền Thờ Đức Bà Cả vào hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, vào lúc cao điểm của cuộc rước Thánh Thể qua các đường phố ở Rôma.

Đám đông xếp hàng trên đường phố khi Bí tích Thánh Thể được rước dưới lọng che từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả dọc theo Via Merulana, theo tuyến đường lịch sử mà Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 13 đã tạo ra cho các cuộc rước giữa hai đền thờ trong thời gian Năm Thánh 1575

Các Hồng Y, giám mục, linh mục, nữ tu và các gia đình cùng nhau bước đi trong cuộc rước kéo dài một giờ đồng hồ, hát thánh ca và đọc kinh. Những khách du lịch tò mò dừng lại để hỏi chuyện gì đang xảy ra và những người xem nghiêng người ra ngoài cửa sổ để quan sát sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô đi ngang qua.

“Bắt đầu từ bàn thờ, chúng ta sẽ mang Mình Thánh Chúa đi giữa các ngôi nhà trong thành phố của chúng ta,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói với cộng đoàn trong bài giảng Thánh lễ Mình Thánh Chúa Kitô trước cuộc rước.

Ngài nói: “Chúng ta làm điều này không phải để phô trương hay khoe khoang đức tin của mình mà là mời gọi mọi người tham gia vào Bánh Thánh Thể, vào cuộc sống mới mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta”.

Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô ở Rôma trong nhiều năm.

Các vấn đề sức khỏe đã ngăn cản Đức Giáo Hoàng tham gia Thánh lễ Mình Máu Thánh công khai ở Rôma vào năm 2023 và 2022, đồng thời các hạn chế về Covid-19 đã hạn chế việc cử hành của ngài ở Thành phố Vatican vào năm 2021 và 2020.

Năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô không đi trong cuộc rước Thánh Thể, nhưng cuối cùng đã tham gia để chầu Mình Thánh Chúa và ban phép lành Thánh Thể cho đám đông.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã chủ tế Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô. Đức Giám Mục Baldassare Reina, phó giáo phận Rôma, đã rước Mình Thánh Chúa trong cuộc rước.

Lần cuối cùng Đức Thánh Cha dẫn đầu cuộc rước Mình Thánh Chúa Kitô dọc theo tuyến đường truyền thống của Rôma từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả là bảy năm trước vào năm 2017.

“Bánh Thánh Thể là sự hiện diện thực sự,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng. “Điều này nói với chúng ta về một Thiên Chúa không xa cách và ghen tị, nhưng gần gũi và liên đới với nhân loại; một Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta nhưng luôn tìm kiếm, chờ đợi và đồng hành với chúng ta, đến mức đặt mình vào tay chúng ta, bất lực, khuất phục trước sự chấp nhận hay từ chối của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Anh chị em thân mến, thế giới của chúng ta cần biết bao về tấm bánh này”.

“Điều cấp bách là mang lại cho thế giới hương thơm tươi mát của bánh tình yêu, tiếp tục hy vọng và xây dựng lại mà không bao giờ mệt mỏi trước những gì hận thù phá hủy.”

2. Nhật Ký Trừ Tà số 294: Đừng bỏ cuộc!

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #294: Don't Give Up!”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 294: Đừng bỏ cuộc!”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ma quỷ đã nhắm vào niềm hy vọng của chúng ta trên mọi mặt trận! Ba trong số các đội trừ tà của chúng tôi đã nhận được những văn bản ma quỷ buộc chúng tôi phải từ bỏ. Một phó tế và tôi, đang giải quyết một trường hợp khó khăn, gần đây đã nhận được tin nhắn này: “Hãy từ bỏ…mọi chuyện có thể đã kết thúc” và sau đó lại một tin nhắn khác “Tao đang đợi. Tích tắc.”

Một trong những linh mục trừ quỷ khác của chúng tôi đã nhận được một tin nhắn tương tự từ ma quỷ về một trường hợp khó khăn khác: “Mày sẽ không thành công. Thậm chí đừng thử nhé.” Giữa vụ án lớn thứ ba, một thành viên nhóm giáo dân có năng khiếu cũng nhận được một tin nhắn ma quỷ: “Cô ấy là của chúng tao. Cô ấy sẽ không bao giờ rời xa chúng tao. Mày không thể làm được gì cả.” Trong cả ba trường hợp, lũ quỷ đều thúc ép các thành viên trong nhóm bỏ cuộc.

Chúng tôi tin rằng Chúa đã đáp lại bằng một dấu hiệu trên trời: “cầu vồng lửa” xuất hiện (có phải thiên thần ở bên cạnh nó không?). Những dấu hiệu nhỏ này khích lệ chúng ta và củng cố niềm hy vọng của chúng ta.

Niềm hy vọng, trong ba nhân đức đối thần, thường bị lãng quên. Nhưng trong một cuộc trừ tà, điều đó rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Lũ quỷ chế nhạo và cám dỗ, nói với anh chị em rằng sẽ không có tác dụng, chúng nói rằng chúng sẽ không bao giờ rời đi và chúng tấn công không thương tiếc người bị ám và Đội trừ tà. Mặc dù đã thực hiện nhiều giờ trừ tà, nhưng ban đầu có rất ít hoặc không có tiến bộ rõ rệt nào và người bị ảnh hưởng thường cảm thấy tồi tệ hơn.

Tôi nghi ngờ rằng nhiều người đang đọc bài viết này đã hoặc đang trải qua sự cám dỗ muốn bỏ cuộc. Một giọng nói trong đầu anh chị em nói với anh chị em rằng Chúa đã quên anh chị em; rằng anh chị em không thể thành công; anh chị em nên từ bỏ. Đây là giọng nói của Satan và đó là lời nói dối. Lũ quỷ đang muốn chúng ta bỏ cuộc vì đây là cách DUY NHẤT chúng có thể giành chiến thắng. Đừng từ bỏ cuộc chiến!

Chính trong những lúc như vậy chúng ta phải tin cậy nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chiến thắng. Chúa Giêsu sẽ chiến thắng. Satan đã thua cuộc. Satan sẽ thua một lần nữa. Trong một lễ trừ tà, chúng ta nắm giữ những sự thật vĩnh cửu này và tiến về phía trước. Hãy tham gia cùng chúng tôi trong niềm hy vọng!

3. Corpus Christi: Bí tích Thánh Thể không phải là một phép ẩn dụ

Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Nhân dịp lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, thường được gọi là “Corpus Christi”, ngài có bài viết nhan đề “Corpus Christi: The Eucharist Is Not a Metaphor”, nghĩa là “Corpus Christi: Bí tích Thánh Thể không phải là một phép ẩn dụ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong ngày lễ trọng thể này, trước hết chúng ta được kêu gọi tin vào sự thật (như chính Chúa đã mạc khải) rằng Bí tích Thánh Thể, việc Rước lễ mà chúng ta tham dự, thực sự là việc rước Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô, trọn vẹn và trong trạng thái vinh hiển của Người.

Bí tích Thánh Thể không phải là một ẩn dụ; đó thực sự là Chúa - Chúa Kitô, trọn vẹn.

“Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.’ Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho nhiều người.’ (Mc 14: 22-24)

Kinh thánh chứng thực điều này ở nhiều nơi:

“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: ‘Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em’”. (Lc 22:19-20).

“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người đó sao?”(1 Cô-rinh-tô 10:16).

“Họ nhận ra Người lúc bẻ bánh” (Lc 24:35).

“Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.”(1 Cô-rinh-tô 11:29).

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban tặng, chính là thịt Ta đây, để cho thế gian được sống.”(Ga 6:51).

Câu trích dẫn cuối cùng này là một thần học sâu sắc về Bí tích Thánh Thể từ chính Chúa Giêsu qua Phúc Âm của Thánh Gioan.

“Khi Chúa Giêsu nói bánh là thịt của Người thì người Do Thái lẩm bẩm phản đối” (Ga 6,60-61).

Nhưng Chúa Giêsu không tìm cách trấn an họ hay nói rằng Người chỉ nói một cách tượng trưng; đúng hơn, Chúa Giêsu thậm chí còn trở nên cứng rắn hơn, chuyển từ hình thức ăn uống lịch sự, φάγητε (phagete, có nghĩa đơn giản là “ăn”), sang hình thức bất lịch sự, τρώγων (trogon, có nghĩa là “ngậm, gặm hoặc nhai”).

Ngài khăng khăng đến nỗi khiến hầu hết mọi người bỏ đi (Ga 6:66).

Hôm nay, Chúa Kitô hỏi anh chị em và tôi: “Các con cũng muốn lìa bỏ Thầy phải không?” (Ga 6:67). Chúng ta phải đưa ra câu trả lời mỗi khi đến gần bàn thờ và nghe những lời: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Chính vào lúc này chúng ta thưa với Chúa: “Amen”, khẳng định như Phêrô: “Lạy Chúa, chúng con biết đi theo ai? Chúa có những lời hằng sống!” (Ga 6:68).

Ước gì mọi người đều hiểu rằng Chúa thực sự hiện diện trong các nhà thờ của chúng ta và đổ xô đến thăm Người ở đó! Tuy nhiên, thực tế chỉ có 17% người Công Giáo tham dự Thánh lễ thường xuyên.

Cầu mong chúng ta làm Chúa vui lòng vào mỗi Chúa nhật bằng tiếng “Amen” của chúng ta.

Giữa cuộc Phục hưng và Hành hương Thánh Thể Quốc gia, hãy làm chứng cho sự Hiện diện của Ngài và điều này có ý nghĩa gì đối với anh chị em!
 
Khủng bố kiểu rùng rợn: Nga đặt 5 quan tài lính Pháp tử trận ở Ukraine dưới chân tháp Eiffel hù dọa
VietCatholic Media
01:18 04/06/2024


1. Năm chiếc quan tài rùng rợn đặt ở chân tháp Eiffel là do Nga mang đến để hù dọa người Pháp

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Eiffel Tower Coffin Mystery Linked to Cẩm Linh”, nghĩa là “Bí ẩn quan tài tháp Eiffel liên quan đến điện Cẩm Linh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Năm chiếc quan tài được phát hiện gần chân tháp Eiffel cuối tuần qua có thể là tác phẩm của các diễn viên Nga hoặc được Nga hậu thuẫn, BBC đưa tin hôm thứ Hai trích dẫn tình báo Pháp.

Các quan tài được lấp đầy bằng thạch cao và phủ một lá cờ Pháp cùng dòng chữ “Lính Pháp chết trận ở Ukraine”.

Chính quyền Pháp tin rằng những chiếc quan tài được chở bằng xe tải vào khoảng 9 giờ sáng thứ Bảy là một phần của chiến dịch can thiệp nước ngoài rộng lớn hơn do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn nhằm làm suy yếu dư luận ở Pháp trước Thế vận hội Mùa hè, sẽ khai mạc vào tháng tới vào lúc các địa điểm xung quanh Paris.

Theo một tài liệu từ ban giám đốc an ninh địa phương mà Le Monde có được, ba người đàn ông đã bị bắt vì liên quan đến những chiếc quan tài được ký gửi cho họ.

Một trong những người đàn ông lái chiếc xe tải dùng để vận chuyển quan tài khai với cảnh sát rằng anh ta được trả 40 euro (khoảng 44 Mỹ Kim) để chuyên chở hai người đàn ông còn lại và hàng hóa đến chân tháp Eiffel.

Hai người đàn ông còn lại đến từ Nga và Đức đã bị bắt khi họ chuẩn bị lên xe buýt tới Berlin. Họ thừa nhận đã được trả 400 euro, tương đương khoảng 435 Mỹ Kim, để đưa quan tài xuống.

Ba người đàn ông đã bị đưa ra trước tòa vào hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu. Theo BBC, một cuộc điều tra tư pháp dự kiến sẽ diễn ra đối với hành vi “bạo lực có chủ ý trước”.

Vụ việc ở tháp Eiffel xảy ra sau khi các quan chức Ukraine xác nhận các cuộc thảo luận đang được tiến hành để cử các huấn luyện viên quân sự Pháp tới tuyến đầu của cuộc chiến với Nga.

Chính quyền Pháp nghi ngờ Nga đứng đằng sau các trò nguy hiểm khác trong vài tháng qua.

Dữ liệu từ một trong những chiếc điện thoại của một nghi phạm trong vụ quan tài rùng rợn này đã liên kết ba người đàn ông với một người khác mà cảnh sát đã nghi ngờ đã vẽ bậy lên Bức tường Chính nghĩa tại Đài tưởng niệm Shoah ở Paris vào tháng Năm.

Theo Le Monde, nghi phạm người Bulgaria, được xác định là Georgi F., đã liên lạc với một nghi phạm đang bị tạm giam. Người Bulgaria này bị cáo buộc đã vẽ bàn tay đỏ lên đài tưởng niệm Holocaust.

Chính quyền Pháp cũng tin rằng Nga đứng đằng sau việc dán hàng chục Ngôi sao David lên các tòa nhà trên khắp Paris ngay sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của phiến quân Hamas vào Israel.

Mạc Tư Khoa đã phủ nhận có liên quan đến vụ việc đó.

Vụ quan tài tháp Eiffel được cho là ám chỉ ý tưởng Pháp triển khai binh lính tới Ukraine để giúp Kyiv trong cuộc chiến với Mạc Tư Khoa.

Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng trước cho biết việc gửi quân phương Tây tới Ukraine sẽ diễn ra “hợp pháp” nếu Nga xuyên thủng chiến tuyến của Ukraine hay nếu Ukraine chính thức yêu cầu.

Điện Cẩm Linh đã gọi nhận xét của Macron là “nguy hiểm”.

Putin tuần trước cho biết rằng các quân nhân nước ngoài đã có mặt ở Ukraine và “đã ở đó trong một thời gian dài”, nhưng việc một thành viên NATO đặt chân đến Ukraine sẽ là “một bước nữa hướng tới một cuộc xung đột nghiêm trọng ở Âu Châu và xung đột toàn cầu.”

2. Báo cáo cho biết huấn luyện viên quân sự Pháp có thể được gửi đến Ukraine trong vài ngày tới

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “French Military Trainers Could Be Sent to Ukraine in Days: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo, Pháp có thể cử các huấn luyện viên tới Ukraine để huấn luyện quân đội nước này trong vài ngày tới.

Sự phát triển này đã được báo Pháp Le Monde đưa tin hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm, trích dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề này. Điều này xảy ra vài ngày sau khi chỉ huy hàng đầu của Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết ông đã ký giấy cho phép Pháp cử các huấn luyện viên quân sự đến đất nước của ông để huấn luyện lực lượng Ukraine “và làm quen với cơ sở hạ tầng và nhân sự của họ”.

Pháp, cùng với các đồng minh NATO khác của Ukraine, đã huấn luyện hơn 100.000 quân kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, trong khuôn khổ Liên minh Âu Châu. Ngay sau thông báo của Syrskyi, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đưa ra “làm rõ” rằng Kyiv “vẫn đang thảo luận với Pháp và các nước khác về vấn đề này”.

Theo nguồn tin của Le Monde, Ukraine buộc phải hạ giọng bình luận về khả năng triển khai các huấn luyện viên người Pháp tới quốc gia bị chiến tranh tàn phá này vì lý do an ninh cho các huấn luyện viên. Họ cho biết, các cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ được đẩy nhanh trong những ngày tới và thông báo có thể được đưa ra trong chuyến thăm Pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tuần tới.

Các nguồn tin cho biết ban đầu Pháp sẽ cử vài chục nhân sự “để xác định nhu cầu đào tạo” trước khi triển khai thêm hàng trăm người nữa.

Reuters cũng đưa tin hôm thứ Năm rằng Pháp có thể sớm gửi các huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, trích dẫn ba nguồn tin ngoại giao cho biết, các khóa huấn luyện sẽ tập trung vào rà phá bom mìn, bảo đảm rằng thiết bị vẫn hoạt động và chuyên môn kỹ thuật cho các chiến đấu cơ do các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp.

Một nguồn tin cho biết: “Các thỏa thuận đang tiến triển rất tốt và chúng tôi có thể mong đợi điều gì đó vào tuần tới”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 3 đã tăng gấp đôi khả năng đưa bộ binh vào Ukraine. Vào cuối tháng 2, ông gợi ý rằng các thành viên NATO có thể gửi những đội quân như vậy và nói rằng “Chúng tôi không thể loại trừ các lựa chọn” vì “an ninh của Âu Châu và an ninh của người dân Pháp đang bị đe dọa ở đây”.

Ông Macron từng nói rằng “không có giới hạn” đối với sự hỗ trợ của Pháp dành cho Kyiv.

Các thành viên NATO khác, bao gồm cả Mỹ và Đức, đã loại trừ khả năng gửi quân bộ binh tới Ukraine. Vào tháng 3, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Tổng thống Joe Biden đã “nói rõ rằng chúng tôi sẽ không đưa quân Mỹ đến Ukraine”.

Putin hồi tháng 2 đã cảnh báo rằng “Nga sẽ không để bất kỳ ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình” và rằng “các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước ông đang ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên hôm 8 Tháng Năm rằng quân đội Pháp sẽ trở thành mục tiêu của lực lượng Nga nếu họ “xuất hiện trong khu vực xung đột ở Ukraine”.

3. Nhà máy lọc dầu của Nga ở Cộng hòa Komi bốc cháy, có báo cáo thương vong

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian oil refinery in Komi Republic catches fire, casualties reported”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ủy ban điều tra Cộng hòa Komi cho biết một nhà máy lọc dầu của Nga ở phía tây bắc Cộng hòa Komi đã bốc cháy hôm Chúa Nhật 2 Tháng Sáu, dẫn đến thương vong.

Ủy ban cho biết có cả người bị thương và thiệt mạng trong vụ việc nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Vụ việc này chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ cháy xảy ra tại cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga trong những tháng qua. Chúng được đưa tin trong bối cảnh chiến dịch tấn công bằng các phương tiện điều khiển từ xa của Ukraine nhắm vào các cơ sở dầu mỏ trên khắp nước Nga nhằm làm suy yếu nguồn tài trợ chính cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Nhà máy lọc dầu này thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, Lukoil. Theo nhà lãnh đạo Cộng hòa Komi, Vladimir Uiba, nó nằm cách thành phố Ukhta bốn km.

Ủy ban điều tra Cộng hòa Komi cho biết họ đã mở một vụ án hình sự về vụ việc.

Chi nhánh khu vực của Bộ Tình trạng khẩn cấp cho biết 74 người và 22 thiết bị đã tham gia dập tắt đám cháy.

4. Đồng minh NATO xác nhận F-16 của Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's F-16s Can Strike Inside Russia, NATO Ally Confirms”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren cho biết Ukraine sẽ có thể sử dụng chiến đấu cơ F-16 do Hòa Lan tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga, trong khi Kyiv đang chờ đợi 24 máy bay do Mỹ sản xuất từ đồng minh NATO này đến.

Ollongren nói với Politico bên lề Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu Á Châu, tại Singapore: “Không có hạn chế kiểu Bỉ trong việc tấn công các mục tiêu trong biên giới Nga”. Cô nói: “Chúng tôi đang áp dụng cùng một nguyên tắc mà chúng tôi đã áp dụng cho mọi hoạt động cung cấp năng lực khác, đó là một khi chúng tôi bàn giao nó cho Ukraine thì nó sẽ là của họ để họ sử dụng tùy ý”.

“Chúng tôi chỉ yêu cầu họ tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền tự vệ như đã nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nghĩa là họ sử dụng nó để nhắm vào các mục tiêu quân sự mà họ cần nhắm tới để tự vệ”.

Kyiv đã vận động các đối tác phương Tây nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng công nghệ quân sự của họ trong biên giới Nga. Họ nói rằng việc lực lượng Ukraine không thể tấn công vượt ra ngoài biên giới của họ đã cho phép Mạc Tư Khoa huy động lực lượng đông đảo để thực hiện các cuộc tấn công mới trên khắp mặt trận.

“Chúng tôi có vũ khí, nhưng chúng tôi không thể sử dụng chúng để chống lại Nga cho đến khi họ vượt qua biên giới”, Yehor Cherniev – một thành viên của Quốc hội Ukraine và là phó chủ tịch ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia – nói với Newsweek vào tuần trước. “Chuyện này thật vớ vẩn.”

Một loạt quốc gia - hiện bao gồm cả Mỹ - đã nói rằng Kyiv có thể sử dụng vũ khí của họ để chống lại các mục tiêu trên đất Nga, mặc dù có sự khác biệt về mức độ hỗ trợ cho các hoạt động như vậy.

Nhiều quốc gia mạnh mẽ hơn như Ba Lan và các nước vùng Baltic đã nói rằng Kyiv nên được phép tấn công bất kỳ mục tiêu nào họ chọn; Mỹ chỉ cho phép tấn công các mục tiêu xuyên biên giới gần Kharkiv, nơi Mạc Tư Khoa đang tiến hành cuộc tấn công gần đây nhất. Ngay cả khi đó, Tòa Bạch Ốc vẫn cho biết họ chưa cho phép sử dụng một số loại vũ khí nhất định, chẳng hạn như ATACMS tầm xa.

Việc Ukraine sử dụng F-16 của NATO trong tương lai là một trường hợp đặc biệt nhạy cảm, do giá trị chiến lược và khả năng tiếp cận sâu bên trong lãnh thổ Nga của chúng. Kyiv dự kiến sẽ nhận được ít nhất 85 chiếc máy bay từ một số quốc gia NATO và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè này.

Không phải tất cả các nhà cung cấp đều tỏ ra lạc quan về việc sử dụng vũ khí của họ. Ký thỏa thuận an ninh song phương với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào tuần trước, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: “Thỏa thuận an ninh quy định rằng thiết bị quân sự sẽ được sử dụng bởi lực lượng vũ trang Ukraine và trên lãnh thổ Ukraine”.

Trong khi đó, Điện Cẩm Linh đang tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự can dự sâu hơn của NATO vào Ukraine. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng các đối thủ phương Tây đã “bước vào một vòng căng thẳng leo thang mới và họ đang cố tình làm điều này bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga”. Ông Peskov nói thêm: “Họ đang bằng mọi cách có thể để kích động Ukraine tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa này”.

5. Zelenskiy nói về cuộc gặp 'rất tốt' với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở Singapore

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã có cuộc gặp “rất tốt đẹp” với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2 Tháng Sáu.

Theo một bài đăng của Zelenskiy trên mạng xã hội, hai vị đã thảo luận về “nhu cầu quốc phòng của Ukraine, củng cố hệ thống phòng không của Ukraine, liên minh F-16 và soạn thảo một thỏa thuận an ninh song phương”.

Cuộc họp diễn ra sau khi Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng họ đã dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ chống lại lãnh thổ Nga gần các tỉnh Kharkiv và Sumy.

Ukraine vẫn bị cấm sử dụng hỏa tiễn ATACMS tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Zelenskiy đến Singapore vào ngày 1 tháng 6 để tham dự hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La và các cuộc gặp với các quan chức cao cấp nước ngoài, chỉ một ngày sau chuyến thăm Stockholm của ông để dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu-Ukraine lần thứ ba.

Hỗ trợ an ninh cho Ukraine là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại hội nghị năm nay, được tổ chức hàng năm bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, gọi tắt là IISS, một tổ chức tư vấn độc lập.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cũng tham gia sự kiện này.

Tờ Financial Times ngày 30 Tháng Năm đưa tin Mỹ sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7 (G7). Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hòa Lan, Phần Lan, Latvia, Bỉ và Bồ Đào Nha đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết hồi đầu tháng 5 rằng “tiến bộ rõ ràng” đã đạt được trong một thỏa thuận tương tự với Mỹ.

Trong hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La, Tổng thống Zelenskiy đã gây kinh ngạc khi ông có một diễn từ nảy lửa tố cáo Trung Quốc chơi trò ném đá dấu tay.

“Chúng tôi không mong đợi sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc cho Ukraine. Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ điều đó. Nhưng chúng tôi không mong đợi Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Nga”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Đó là điều chúng tôi đã thảo luận với nhà lãnh đạo Trung Quốc qua điện thoại. Ông Tập Cận Bình hứa với tôi rằng Trung Quốc sẽ đứng sang một bên, sẽ không hỗ trợ vũ khí cho Nga. Ngày nay, có thông tin tình báo rằng bằng cách nào đó, bằng một số con đường nào đó, một số thứ đến được thị trường Nga thông qua Trung Quốc… các thành phần vũ khí của Nga đến từ Trung Quốc.”

Ông cũng cáo buộc Trung Quốc giúp Nga ngăn cản các quốc gia không được tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ.

6. Zelenskiy kêu gọi Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng hỏa tiễn ATACMS

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hôm 2 Tháng Sáu cho biết Mỹ nên cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng hỏa tiễn phóng từ hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, tầm xa để bảo vệ tính mạng quân phòng thủ Ukraine.

Tuyên bố của Zelenskiy được đưa ra ngay sau khi Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng họ đã dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng một số vũ khí của Mỹ trên lãnh thổ Nga gần các tỉnh Kharkiv và Sumy.

Các quan chức Mỹ cho biết, Washington vẫn cấm Ukraine sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Zelenskiy cảm ơn sự cho phép của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng nhấn mạnh rằng các hạn chế - bao gồm lệnh cấm sử dụng ATACMS - cần được dỡ bỏ.

“Như vậy đã đủ chưa? Chưa. Tại sao? Bởi vì tôi đã cho các bạn ví dụ về các phi trường mà Nga thường xuyên bắn phá, trong sự bình tĩnh hoàn toàn, biết rằng Ukraine sẽ không bắn trả vì họ không có hệ thống tương ứng hay không có giấy phép”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Zelenskiy cho biết Kyiv đang chờ phê duyệt để tấn công các phi trường quân sự của Nga, nơi tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine. Ông nói thêm rằng Nga có khoảng 300 hệ thống vũ khí – chứa hàng chục ngàn hỏa tiễn – được triển khai ở phía biên giới để tấn công Ukraine.

“Họ có những vũ khí này ở đó và họ không di dời chúng vì họ biết rằng Ukraine không thể tấn công vào chúng bằng vũ khí phương Tây ngay cả khi họ bắn vào chúng tôi”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Chủ đề về việc các đồng minh phương Tây cấm Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí của họ đã thu hút được sự chú ý rộng rãi sau khi Mạc Tư Khoa mở một mặt trận mới ở phía đông bắc tỉnh Kharkiv vào tháng 5, nơi họ có thể sẵn sàng cho một chiến dịch mà không có mối đe dọa tấn công xuyên biên giới đáng kể từ Ukraine.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, đã có báo cáo trong những ngày gần đây rằng Mỹ đã thay đổi chính sách.

Wall Street Journal ngày 31 Tháng Năm đưa tin Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng bệ phóng hỏa tiễn đa nòng HIMARS, rocket GMLRS và trọng pháo nhằm vào lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ám chỉ rằng Washington có thể cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu vượt quá giới hạn hiện tại trong tương lai”. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đã và đang làm, tức là thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết,” ông nói trong cuộc họp báo ở Praha vào ngày 31 tháng 5.

7. Tình nguyện viên gây quỹ cho Ukraine bị người nói tiếng Nga tấn công ở Praha

Các tình nguyện viên gây quỹ cho Ukraine đã bị người nước ngoài nói tiếng Nga tấn công ở trung tâm Praha, hãng tin Novinky.cz của Tiệp đưa tin hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu.

Hàng triệu người Ukraine đã tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga, chạy trốn khỏi các thị trấn bị tạm chiếm và bị bắn phá. Đã có một số trường hợp người Ukraine trở thành mục tiêu của những người nói tiếng Nga ở Âu Châu.

Theo báo cáo phương tiện truyền thông, cuộc đụng độ giữa hai nhóm người nước ngoài diễn ra gần một khán đài trên Quảng trường Phố cổ vào ngày 1 Tháng Sáu. Các video xuất hiện trên mạng cho thấy những người nói tiếng Ukraine và những người nói tiếng Nga tranh cãi và tham gia vào một số cuộc đụng độ.

Cảnh sát xác nhận với hãng tin rằng họ đã đến Quảng trường Phố cổ để điều tra vụ xung đột ngày hôm đó.

“Các nhà điều tra hình sự đang điều tra tất cả các tình tiết của vụ việc này. Họ đang điều tra những gì đã xảy ra tại hiện trường. Không ai bị hạn chế quyền tự do cá nhân hoặc bị giam giữ”, một phát ngôn viên cảnh sát nói với Novinky.cz.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người liên quan đến vụ việc cũng như nạn nhân và thủ phạm là ai.

Praha là một trong những thành phố ở Âu Châu chào đón người Ukraine chạy trốn chiến tranh kể từ tháng 2 năm 2022. Hơn 300.000 người tị nạn Ukraine được cho là đang sống ở Tiệp, trong đó ước tính có khoảng 80.000 người sống ở Praha.

Đầu tháng 4, hai binh sĩ Ukraine đã bị đâm ở thị trấn Murnau am Staffelsee ở Đức vào ngày 27 Tháng Tư, trong đó một người đàn ông Nga là nghi phạm chính, cảnh sát địa phương Đức và Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết. Các chi tiết và động cơ của vụ giết người đang được điều tra.

Ngoài ra còn có một vụ án âm mưu giết người vào tháng 8 năm 2023 đối với một đứa trẻ Ukraine 10 tuổi ở Đức.

8. Quan chức địa phương cho biết phó quận trưởng Nga thiệt mạng khi đang kiểm tra quả bom chưa nổ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian deputy district head killed while inspecting unexploded bomb, local official says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Một phó quận trưởng người Nga đã thiệt mạng và ba quan chức khác bị thương sau khi một quả bom mà họ đang kiểm tra ở tỉnh Belgorod của Nga phát nổ, thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết như trên trong tuyên bố hôm 2 Tháng Sáu.

Theo Gladkov, phó giám đốc chính quyền quận Korochan, Igor Viktorovych Nechiporenko, đã chết “do đạn phát nổ”.

Ông xếp của Nechiporenko, quận trưởng Nikolay Vasilyevich Nesterov bị thương cùng với hai nhà lãnh đạo khu định cư nông thôn.

Gladkov không nêu rõ loại thiết bị nổ nào họ đang kiểm tra vào thời điểm đó nhưng Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã bị bắn hạ trong đêm ở Belgorod và Kursk, và bốn chiếc khác bị bắn hạ ở Belgorod vào sáng ngày 2 tháng Sáu.

Ukraine thường không bình luận về các cuộc tấn công được báo cáo nhằm vào Belgorod. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh những tuyên bố của các quan chức Nga.

Tỉnh Belgorod giáp các tỉnh Sumy, Kharkiv và Luhansk của Ukraine. Tuyên bố về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hoặc máy bay điều khiển từ xa nhằm vào khu vực đã trở nên phổ biến trong những tháng gần đây.

Nga được tường trình là thường sử dụng Belgorod làm nơi phát động các cuộc tấn công hỏa tiễn xuyên biên giới nhằm vào Ukraine.

9. Khí phách anh hùng: Zelenskiy vạch mặt Trung Quốc ở Singapore

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Accuses China of Undermining Security Summit”, nghĩa là “Zelensky cáo buộc Trung Quốc phá hoại thượng đỉnh hòa bình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Từ trước cho đến gần đây, Ukraine đã theo đuổi một chính sách ngoại giao mềm dẻo với Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn Tập Cận Bình tham gia với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine hiện nay. Tuy nhiên, trong hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tổng thống Zelenskiy đã từ bỏ chính sách đó và công khai tố cáo trước thế giới rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang chơi trò ném đá dấu tay khi bí mật cung cấp cho Nga các nguyên liệu và thiết bị để sản xuất khí tài chiến tranh; và đang nỗ lực giúp Nga phá hoại thượng đỉnh hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ.

Chuyện gì đã xảy ra?

Hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga gây áp lực lên các nước không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới do Kyiv thúc đẩy.

“Nga đang cố gắng phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu tại hội nghị quốc phòng Đối thoại Shangri-La ở Singapore, và mô tả Bắc Kinh là “công cụ” cho Putin.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào giữa tháng 6 tại Thụy Sĩ. Zelenskiy cho biết hơn 100 quốc gia và tổ chức toàn cầu sẽ tham dự sự kiện này, trong đó tập trung vào an ninh hạt nhân và lương thực, thả tù nhân chiến tranh và trao trả trẻ em Ukraine đã bị bắt cóc đưa sang Nga.

“Nga, sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi cách để phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình”, ông Zelenskiy nói trong lần xuất hiện nhằm tăng cường sự tham dự của các quốc gia Á Châu tại Thụy Sĩ.

Trung Quốc cho biết họ không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga, một đồng minh chủ chốt. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ninh, nói với các phóng viên hôm Thứ Bẩy, 1 Tháng Sáu, rằng Bắc Kinh có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh vì Mạc Tư Khoa không được mời tham gia.

Zelenskiy cho biết Ukraine đã mời Trung Quốc tới hội nghị thượng đỉnh. Tờ Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren cho biết: “Tôi rất tiếc vì Trung Quốc đã không sử dụng vị thế là một trong những quốc gia có thể đối thoại thẳng thắn với Putin”.

Mao Ninh nói thêm: “Trung Quốc luôn cho rằng hội nghị hòa bình quốc tế cần đáp ứng ba yếu tố quan trọng được cả Nga và Ukraine công nhận, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình”.

BBC đưa tin Mạc Tư Khoa không được mời chính thức vì Điện Cẩm Linh đã thông báo với Thụy Sĩ rằng nước này sẽ không tham dự.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Với sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga, cuộc chiến sẽ kéo dài hơn”.

Bắc Kinh cho biết họ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hàng hóa có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để khơi dậy ngọn lửa”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Những gì chúng tôi thấy từ Trung Quốc không phải là việc cung cấp vũ khí cho Nga mà là việc cung cấp các đầu vào quan trọng, đặc biệt là các thiết bị và nguyên liệu, đã cho phép Nga đẩy nhanh quá trình sản xuất xe tăng, hỏa tiễn và đạn pháo của riêng mình”. Ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở thủ đô Praha của Tiệp vào thứ Sáu 31 Tháng Năm.

Ông nói thêm, khoảng 70% máy công cụ mà Nga nhập khẩu là từ Trung Quốc, cũng như khoảng 90% thiết bị vi điện tử.

“Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với giới truyền thông hôm thứ Sáu 31 Tháng Năm. “Nga sẽ không thể tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc”.

Trong một diễn biến mới nhất, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh nói hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, rằng Trung Quốc thất vọng trước các tuyên bố của Zelenskiy mà cô ta nói là vô căn cứ, và dành quyền có các phản ứng thích hợp.

10. Nhà phân tích người Anh cho biết các cuộc tấn công thành công của Kyiv vào hệ thống phòng không Crimea có thể báo hiệu rằng các nhiệm vụ tiếp theo của F-16 sẽ diễn ra

Trong một bài báo đăng hôm Chúa Nhật, 02 Tháng Sáu, có tựa đề “In Crimea, Ukraine Is Beating Russia”, nghĩa là “Ở Crimea, Ukraine đang đánh bại Nga”, tờ The Economist viết rằng bán đảo bị Nga sáp nhập vào năm 2014 đã trở thành “một cái bẫy chết chóc đối với lực lượng của Điện Cẩm Linh”.

“Ukraine đã chứng tỏ khả năng của hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và Scalp do Anh và Pháp cung cấp cũng như các thuyền điều khiển từ xa tự chế được thiết kế thông minh của mình để tấn công các tàu chiến Nga, đặc biệt là các tàu đổ bộ Ropucha lớn được sử dụng làm tàu vận tải quân sự, hầu hết đều đã bị phá hủy. Các máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Ukraine có thể đã khiến tới một nửa Hạm đội Hắc Hải đáng sợ trước đây phải ngừng hoạt động”, tuần báo Anh ước tính.

“Nhưng hiện tại, Ukraine đang sử dụng sự kết hợp chết người giữa ATACMS và máy bay điều khiển từ xa ngày càng tinh vi để làm suy yếu một cách có hệ thống các hệ thống phòng không của Nga ở Crimea, tấn công các căn cứ không quân nơi các máy bay đánh chặn của Nga bay đến và tấn công các mục tiêu kinh tế và hậu cần quan trọng. Chiến lược gia người Anh Sir Lawrence Freedman nói rằng việc tập trung vào việc làm tê liệt mạng lưới phòng không của Nga cũng có thể là một phần trong quá trình chuẩn bị cho lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên từ Âu Châu sắp xuất hiện.

Các tướng lĩnh được tạp chí này trích dẫn nói rằng các lực lượng và tài sản của Nga trên bán đảo “không có nơi nào để ẩn náu” khi lực lượng giám sát theo dõi mọi hành động của họ, và cầu Kerch sẽ “diệt vong” vì lực lượng Ukraine sẽ phá hủy nó khi đến một thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, tạp chí trực tuyến Business Insider của Mỹ đã đăng một câu chuyện video vào cuối tuần qua mô tả các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào Hạm đội Hắc Hải đã “làm thay đổi chiến tranh hiện đại” như thế nào.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 01 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết các máy bay điều khiển từ xa do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, vận hành đã phá hủy hệ thống radar tầm xa Nebo-SVU của Nga ở Crimea trong đêm ngày 30 Tháng Năm.

Ông cho biết hệ thống này trị giá khoảng 100 triệu Mỹ Kim, được đặt gần Armiansk, một thị trấn ở phía bắc bán đảo Crimea bị tạm chiếm.

Radar này đang giám sát một khu vực dài 380 km của mặt trận và giúp bảo vệ các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea.

Nguồn tin cho biết sau vụ tấn công, tình báo vệ tinh ghi nhận rằng radar đã ngừng hoạt động và không được đưa trở lại hoạt động kể từ đó.

Đại Úy Yusov cho biết: “Hoạt động này đã 'làm mù' hệ thống phòng không của Nga trên một phần lớn mặt trận.

Tuần trước, một máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công radar cảnh báo sớm Voronezh M ở thành phố Orsk của Nga, thuộc tỉnh Orenburg, một nguồn tin từ cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói với Kyiv Independent.

11. Đảng đối lập Georgia nói những người đeo mặt nạ đã tấn công văn phòng của họ ở Tbilisi

Trong một tuyên bố, đảng này cho biết một văn phòng ở Tbilisi của Phong trào Quốc gia Thống nhất, gọi tắt là UNM, một đảng đối lập ở Georgia, đã bị tới 100 người đàn ông đeo mặt nạ tấn công trong đêm 1 Tháng Sáu.

UNM, do cựu Tổng thống đang bị cầm tù Mikheil Saakashvili thành lập, hiện là đảng đối lập mạnh nhất trong quốc hội và sẽ tìm cách thách thức đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia trong cuộc bầu cử tháng 10.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Georgia sau khi Giấc mơ Georgia thông qua luật “đặc vụ nước ngoài” gây tranh cãi, gợi nhớ đến một đạo luật tương tự được Điện Cẩm Linh sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến.

“Cuộc tấn công kéo dài hơn nửa giờ. Có tới hàng trăm kẻ tấn công đã tham gia vào nó”, đảng này cho biết trên mạng xã hội.

“Mặt tiền văn phòng bị hư hỏng, kính bị vỡ, thiết bị hư hỏng.”

Chủ tịch UNM, Levan Khabeishvili, nói rằng những kẻ tấn công được trang bị gậy, đá và giáo gỗ.

Khabeishvili khai rằng những kẻ tấn công đã cố gắng vào bên trong tòa nhà, nhưng sau khi những người bên trong chống cự, những kẻ tấn công đã bỏ chạy. Không có thương tích nào được báo cáo.

UNM cáo buộc “chế độ Ivanishvili” về vụ tấn công, đề cập đến Bidzina Ivanishvili, một nhà tài phiệt người Georgia, người được coi là lãnh đạo trên thực tế của đảng Giấc mơ Georgia.

Đảng đối lập gọi những kẻ tấn công là “titushky”, thuật ngữ chỉ những tên côn đồ được thuê lần đầu tiên được sử dụng cho các băng nhóm bạo lực được chính quyền Viktor Yanukovych sử dụng trong Cách mạng EuroMaidan ở Ukraine năm 2013-2014.

Các nhà hoạt động và chính trị gia Georgia phản đối đảng cầm quyền và luật “đặc vụ nước ngoài” của đảng này phàn nàn về ngày càng nhiều mối đe dọa và các vụ bạo lực nhắm vào họ.

Ban lãnh đạo Giấc mơ Georgia đã nhiều lần phủ nhận mối liên hệ với những vụ việc này và thay vào đó cáo buộc những người đối lập của họ thực hiện một “chiến dịch thù hận” chống lại những người ủng hộ chính phủ. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp của đảng và các nhân vật ủng hộ chính phủ đã công khai ủng hộ các cuộc tấn công chống lại phe đối lập.

Các vụ bạo lực cũng được cho là đã lan rộng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gây ra bởi việc đưa luật này vào quốc hội, với việc cảnh sát bị cáo buộc sử dụng đạn cao su và vòi rồng chống lại người biểu tình.

12. Bloomberg đưa tin G7, Liên Hiệp Âu Châu muốn nhắm vào các ngân hàng giúp Nga trốn tránh lệnh trừng phạt

Bloomberg đưa tin hôm 1 Tháng Sáu, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, cho biết Liên Hiệp Âu Châu và Nhóm bảy nước, gọi tắt là G7, đang xem xét các biện pháp nhắm vào những người cho vay bên thứ ba giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Đặc biệt, các đồng minh đang xem xét các bước đi chống lại các ngân hàng sử dụng SPFS, giải pháp thay thế hệ thống nhắn tin SWIFT của Nga, để lách các hạn chế thương mại, cơ quan này cho biết.

Ủy ban Âu Châu đã đề xuất trước đó vào tháng 5 bao gồm các bước chống lại các ngân hàng sử dụng SPFS trong gói trừng phạt thứ 14 sắp tới. G7 và Brussels hiện đang nghiên cứu các bước khả thi trước hội nghị thượng đỉnh ở Ý sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Sáu.

Trong hội nghị G7 ở Apulia của Ý, các chính phủ đồng thanh về các biện pháp tăng cường thực thi các lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga.

Các nước phương Tây và các đối tác của họ đã áp đặt các hạn chế kinh tế sâu rộng đối với Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, tìm cách hạn chế doanh thu nhà nước và ngăn cản nước này có được các công nghệ quan trọng cần thiết cho nỗ lực chiến tranh.

Nga đã tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt này thông qua nhiều bên thứ ba khác nhau ở Trung Quốc, Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hệ thống SPFS của ngân hàng trung ương Nga, được thành lập vào năm 2014, đã trở thành một công cụ quan trọng cho các giao dịch này sau khi Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT vào năm 2022.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, các đối tác của Kyiv gần đây đã tập trung nỗ lực vào các ngân hàng bị nghi ngờ tạo điều kiện cho các giao dịch này, dẫn đến việc một số người cho vay phải thắt chặt các biện pháp hạn chế và sau đó làm giảm nhập khẩu từ Nga.

Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gần đây đã đến thăm Kyiv để hội đàm với các quan chức hàng đầu Ukraine về kế hoạch sắp tới nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.