Ngày 11-12-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Chúng Tôi Phải Làm Gì?”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:47 11/12/2018
Chúa Nhật 3 Vọng C

“Chúng tôi phải làm gì?”. Đây là câu hỏi các nhà sản xuất chế tạo thường xuyên đặt ra với sản phẩm của mình: Tôi phải làm gì... để cải tiến công nghệ... để nâng cao chất lượng hàng hoá? Kết quả là họ đã thực hiện được vô vàn cải tiến trong rất nhiều lãnh vực, từ máy bay siêu thanh khổng lồ cho đến những con chíp nhỏ xíu, tất cả đều được cải tiến nhanh chóng phi thường. Không chỉ trong lãnh vực công nghệ lớn lao mà ngay cả trong các mặt hàng tiêu dùng nhỏ mọn hằng ngày như cái chổi lau nhà, cái thùng rác nằm trong xó bếp, cũng luôn được cải tiến. Nói chung, tất cả mọi sản phẩm do con người làm ra, từ những sản phẩm lớn lao đồ sộ cho đến những thứ ti tiểu như cái chổi quét nhà... cũng đều được cải tiến từng giờ từng phút!
Một đất nước phát triển là nhờ kết quả của những việc làm cụ thể.

Tôi vừa đọc trên fb Đỗ Ngọc Thống có bài viết “Thưa Thủ Tướng”.

Hôm qua 8/12, Thủ tướng làm việc với tỉnh Đắk Lắk (vtc.vn/thu-tuong-dak-lak-thieu-qua-dam-thep), tại đây ông phát hiện tỉnh này còn thiếu “quả đấm thép”. Tôi đọc thấy băn khoăn, bạn tôi bảo: Có thể Thủ tướng quen nói kiểu ấy rồi và hình như không ai góp ý với ông về cách phát biểu như thế.

Rồi cậu ấy dẫn ra hàng loạt câu nói tương tự của Thủ tướng khi đến các tỉnh như: “Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ”, “Phú Yên là cô gái đẹp đang ngủ quên”, “Khánh Hoà phải là hình mẫu của một chính quyền đối thoại”, “Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới”, “Bình Phước phải là thủ phủ của nông-công nghiệp cao”, “Ninh Bình phải thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế”, “Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch”, “Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo”, “Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, “Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới”, “Sóc Trăng phải là kho chứa bạc của các nhà đầu tư”, “Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ”,…

Ví von nhiều quá nên dễ lặp, có đến mấy tỉnh: Hải Phòng, Long An, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Dương… đều “phải trở thành đầu tàu kinh tế”. Rồi Thủ tướng lại nói: “Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài”, thế chẳng lẽ các tỉnh khác không phải thế?…

Kính thưa Thủ tướng!

Xưa nay các đấng quân vương, các vị đứng đầu quốc gia đều trị vì, lãnh đạo, điều hành đất nước bằng luật pháp và chính sách, bằng những chủ trương và các giải pháp rất cụ thể. Không ai chỉ nói hay, nói giỏi mà đất nước đi lên cả. Cũng có tuyên ngôn, nhưng rất ít và chỉ nói trong những dịp “quốc gia đại sự” để giữ được sự trang trọng, thiêng liêng. Cái chính là phải hành động.

Đức Thánh Trần từng răn: “cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh;…tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”. Ông Mác cũng đã cảnh báo: “Vũ khí phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”. Vì thế chính phủ kiến tạo và hành động của Thủ tướng chủ yếu là phải làm, phải thực thi quyết sách một cách quyết liệt; không chỉ tuyên bố; không nên tuyên ngôn nhiều. Bằng việc làm, bằng những minh chứng thật sự về thành quả phát triển của đất nước trên mọi phương diện, làm cho mong ước của Ức Trai xưa: “khắp nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng oán hận, sầu than” trở thành hiện thực mới là gốc của mọi niềm tin.

Tôi chỉ là một lương dân, xin thành thực góp ý với Thủ tướng. Tôi nếu có nói sai chỉ ảnh hưởng đến mình tôi, còn Thủ tướng nếu nói dở sẽ ảnh hưởng tới cả đất nước, buồn cười cho cả đất nước. Báo chí cũng đừng vì nịnh nọt mà giật những tít bài màu mè, thớ lợ; tưởng đề cao hóa ra lại hạ thấp Thủ tướng.

Cũng biết “trung ngôn nghịch nhĩ”, nhưng vì trân trọng Thủ tướng mà đành phải nói đôi lời. (Hà Nội 9-12, Đỗ Ngọc Thống).

***

Tác giả nói thật đúng: Bằng việc làm, bằng những minh chứng thật sự về thành quả phát triển của đất nước.

Chúa Giêsu đã từng dạy rằng: “Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,19). Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng việc làm, để biết ý nào là ý khôn ngoan, cần phải nhìn vào kết quả cụ thể.

Sứ điệp Chúa Nhật II, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng sám hối dọn con đường tâm hồn. Chúa Nhật III, Tin Mừng kể chuyện, lời của Gioan đạt kết quả cụ thể là có nhiều người phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống cũ. Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: "Chúng tôi phải làm gì đây?". Họ xin ngài chỉ dẫn cách phải sống và việc phải làm.Tùy từng người mà Gioan khuyên bảo cụ thể:

- Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
- Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
- Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Các lời khuyên của Gioan khuyến khích mọi người thực hiện công bằng và bác ái. Công bằng là sống đúng luật pháp: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”; “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.

Thánh Gioan rất thực tế và có những giải pháp thích ứng với từng hoàn cảnh, từng hạng người. Gioan không bảo mọi người hãy sống như ngài hoặc gia nhập nhóm của ngài. Gioan không yêu cầu ai phải làm gì khác thường, cũng không đòi hỏi họ phải đổi nghề nghiệp hay đổi chỗ ở, nhưng ngài khuyên : dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình, đó là cách sám hối tốt nhất. Gioan khuyên họ phải bằng việc làm cụ thể mới trở thành người biết yêu thương và đáng mến.

“Chúng tôi phải làm gì?”. Dân chúng hỏi Gioan Tẩy Giả ở bờ sông Giođan. Sau lễ Hiện Xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy với thánh Phêrô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng, đức tin phải thực tiễn và sống động. Chúa Giêsu dạy: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta” (Mt 7,21). Ngài luôn đòi hỏi bằng việc làm cụ thể: “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? …Đức Giêsu đáp: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (x.Mc 10, 17-27). Người nghe mà không làm thì giống như người xây nhà không nền móng (Lc 6,49).Trong cuộc đối thoại với một luật sĩ, Ðức Giêsu đã bảo ông: “Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10,28). Sau dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Ngài còn dặn ông: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).

“Lạy Chúa, con phải làm gì?”. Đây là câu nói đầu tiên của thánh Phaolô sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (x.Cv 9,1-19). Phaolô được biến đổi và trở thành vị Tông đồ chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Từ đây cuộc đời của thánh nhân đã viết nên thiên anh hùng ca, sống và chết cho Đức Kitô.

Đối với chúng ta ngày nay, lời khuyên của thánh Gioan rất thiết thực trong những ngày chờ đón Chúa giáng sinh. Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: “Còn tôi, tôi phải làm gì ?”. Cách trả lời của Gioan còn nguyên giá trị: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người. Gioan không đòi những điều kì diệu, nhưng rất đơn giản và thực tế. Người dấn thân phục vụ thì sống đời tận hiến.Người có gia đình được mời gọi sống yêu thương, trung thành. Người thương gia ngay thẳng, người quản lý tín trung.Người làm công chu toàn bổn phận, người chủ quảng đại khoan dung.Người có hai áo thì chia cho người không có áo mặc.Người có quyền thì yêu thương đùm bọc kẻ dưới. Ai nấy sống đúng chức phận của mình trong công lý và tình yêu.

Có một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người Tân tòng và một người chưa có niềm tin như sau:

- Anh đã theo đạo Công Giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng hơn là tôi theo Đức Kitô.
- Vậy xin hỏi anh, Ông Giêsu sinh ra ở quốc gia nào?- Rất tiếc là tôi quên mất chi tiết này.
- Thế khi chết ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi cũng nhớ không rõ nên chẳng dám nói.
- Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài?-
Tôi không biết.
- Quả thật anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã theo đạo.
Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước tôi là một người nghiện rượu sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ, gia đình tôi xuống dốc trầm trọng, bao nhiêu của cải tôi đều nướng vào các cuộc men say tuý luý. Mỗi tối, khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận, buồn tủi và xấu hổ.Thế mà bây giờ tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Vợ tôi, các con tôi ngóng trông và vui mừng đón đợi tôi sau khi tôi đi làm về. Những điều này, không ai khác hơn chính là Đức Kitô đã làm cho tôi và đó là tất cả những gì tôi biết về Người.

"Chúng tôi phải làm gì?". Mùa Vọng này, mong sao những thao thức sẽ biến thành việc làm cụ thể.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hỏi, để được nghe câu trả lời: “Hãy chia cơm sẻ áo,đừng hà hiếp anh em,vui lòng sống hiện tại, tôn trọng lẽ công bằng”.

Lạy Chúa, chúng con đang tiến gần đến niềm vui mừng ngày Con Chúa giáng trần. Như xưa dân chúng đã khiêm tốn và thành tâm đón nhận lời mời gọi sám sối của Gioan Tẩy Giả, xin cho chúng con giờ đây cũng biết tích cực cải thiện đời sống bằng việc làm cụ thể và cùng giúp nhau chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến trong công bình và yêu thương. Amen.



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đích thân nghe bài giáo lý kết thúc loạt bài Mười Điều Răn của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
00:36 11/12/2018
Do lỗi của Emirates Airlines không nối được chuyến bay cùng ngày 26-11 đi Rôma, việc đầu tiên đến Rôma chiều ngày 27-11 của chúng tôi là vội vàng tới Visitor’s Office tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ để lấy vé tham dự buổi yết kiến chung vào ngày hôm sau.

Vé yết kiến mầu vàng

Từ Khách Sạn ở cạnh Piazza di Spagna (quảng trường Tây Ban Nha), chúng tôi cuốc bộ tới gặp các dì dòng Mercy of Alma, có nhà mẹ ở Michigan, một dòng tu được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ trao cho việc quản lý Visitor’s Office để giúp đỡ các khách hành hương Hoa Kỳ tới viếng Rôma. Chúng tôi phát xuất từ Sydney, nhưng các dì vẫn sẵn lòng giúp giữ vé hộ. Mà không phải vé thường mầu nâu mà là vé đặc biệt mầu vàng với hàng chữ Reparto Speciale viết đậm và khổ chữ lớn hơn các hàng chữ khác. Đọc thêm thì thấy ghi: Il bigleto del tutto gratuito (vé không tốn tiền!). Hỏi lý do, thì thầy phát vé (có hai thầy đại chủng sinh giúp các dì) cho hay: Chúa lo liệu. Âu cũng bù lại cái xui của hôm trước, phải vô duyên ngủ lại đêm ở Dubai.

Ngày hôm sau dậy thật sớm, lấy metro từ trạm Spagna, qua hai trạm nữa thì tới trạm Ottaviano, đi bộ đuối người mới tới hàng cột Bernini. Nhưng lòng phơi phới y hệt đoàn người lũ lượt theo đường Ottaviano tiến về Vatican. Đến lúc xếp hàng qua trạm an ninh ở hàng cột Bernini mới thấy Giáo Hoàng có nhiều “sư đoàn” hơn tay tổ Stalin hỏi ngài: thiển nghĩ, các “sư đoàn” này dám liều mạng để cứu “thống tướng” của họ lắm. Bởi họ vượt trùng khơi đến đây chỉ để thoáng trông thấy ngài cũng đủ hả lòng. Ai nấy hân hoan ra mặt, chẳng cần dấu giếm, kể cả các linh mục và nữ tu, bất phân tuổi tác. Và họ thật kiên nhẫn, tuân theo mọi thủ tục cần thiết.



Trái với lời của dì dòng tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ, qua trạm an ninh, chúng tôi được chỉ thị quẹo trái, thay vì quẹo phải để vào Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Thì ra, hôm nay, Đức Phanxicô đãi mấy tín hữu Sydney bị lỡ chuyến bay nối kết giữa Dubai và Vatican, nên đã “tiếp” họ tại Đại Sảnh Phaolô VI, thân mật và ấm áp hơn nhiều.

Bản thân người viết mắc chứng bệnh Tôma, nên vẫn nghĩ: vé vàng thì vé, chắc tới nơi, “cá mè một lứa” chứ khác gì, ai mà lưu ý. Nhưng không, đưa vé ra, người hướng dẫn bảo lên cửa trước nghĩa là vào “bloc” ngay sau “bloc” của những người hoặc là khuyết tật hoặc là có chút “vị vọng” nào đó sẽ được bắt tay và chuyện trò “qua loa” với Đức Thánh Cha. Lọt vào bên trong thì quả thật là như thế.

Tuy nhiên, mấy anh chị em đồng hương đi từ Canberra còn được hân hạnh hơn nhiều: không những vé vàng mà còn được xướng danh trên loa phóng thanh. Chúng tôi có dịp vẫy tay chào một số anh chị em từ xa, vì họ ngồi ở “bloc” bên trái khán đài, trong khi chúng tôi ngồi ở bên phải. Nhưng họ chỉ nghe xong bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng rồi rời khỏi vì lịch trình chuyến đi không cho phép ngồi thêm. Chúng tôi đi riêng, nên đã ngồi cho tới lúc Đức Phanxicô rời khỏi phòng yết kiến.

Đại Sảnh Phaolô VI hôm đó chật ních người, chuyện trò rỉ rả. Nhưng khi thấy màn ảnh chiếu hình Đức Phanxicô xuất hiện, mọi người nhốn nháo cả lên, ai nấy dạt qua hàng rào cản hai bên lối Đức Giáo Hoàng tiến vào. Người viết khổ người không cao, nên chỉ thấy ngài lúc ngài gần tiến lên khán đài. Ngài ngồi đó, thật gần mà cũng thật xa.

Sau đó là các màn giới thiệu bằng đủ thứ tiếng. Các vị chức sắc của Vatican vị nào cũng ân cần làm việc, phải chăng vì “careerism” (thăng tiến nghề nghiệp) như có lần Đức Phanxicô than phiền?

Tóm lược bài giáo lý

Rồi đến bài đọc, và bài Tin Mừng và sau đó là bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Phanxicô. Cụ muốn nói gì thì nói, con có hiểu gì đâu. Rất may, trước bài giáo lý có phần giới thiệu bằng tiếng Anh và sau bài giáo lý có phần tóm lược bằng tiếng Anh, nên cũng nắm được phần nào nội dung.



Hôm nay, ngài kết thúc loạt bài giáo lý về Mười Điều Răn. Và bản tóm tắt chính thức bằng tiếng Anh viết như sau:

“Anh chị em thân mến: trong bài giáo lý này, bài sau cùng của chúng ta về Mười Điều Răn, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, chúng ta suy niệm về việc không nên coi Mười Điều Răn như một loạt các qui luật, mà đúng hơn như một hướng dẫn để đạt tới sự sống chân chính của con người, một sự sống sẽ đạt tới thành toàn trong yêu thương, hân hoan và bằng an phát sinh từ việc vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chúa chúng ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật nhưng để làm trọn lề luật ấy. Chúa Thánh Thần, bằng cách giúp chúng ta sống cuộc sống mới trong Chúa Kitô, đã lấy đi trái tim bằng thịt của chúng ta và dẫn trái tim này tới các ước muốn thánh thiện từ bỏ tội lỗi và nên đồng hình đồng dạng với trái tim của chính Chúa Giêsu, tình yêu và các ước muốn của Người. Mười Điều Răn mời gọi chúng ta, trước nhất, đi vào mối tương quan tín trung và đầy yêu thương với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, bác bỏ mọi ngẫu thần giả tạo vốn nô dịch chúng ta, và tìm được sự nghỉ ngơi chân chính trong sự tự do của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Sau đó, chúng dạy ta phải sống ra sao đời sống đã được cứu chuộc; đời sống này có đặc điểm là trung thành, chính trực và trung thực đối với người lân cận ta. Các giới răn cho ta thấy khuôn mặt của Chúa Kitô và mở cửa dẫn vào sự sống mới của ơn thánh; bằng cách chấp nhận tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, chúng ta tìm được chính mình và nguồn vui bất tận”.

Đọc các tường trình bằng tiếng Anh sau đó, mới thấy: trong bài giáo lý, Đức Phanxicô năng dùng các thuật ngữ y khoa. Ngài ví Mười Giới Răn như “quang tuyến X” của Chúa Kitô; chúng được mô tả như bản âm nhiếp ảnh của khuôn mặt Người.

Sau đó, ngài bảo: để có thể sống “trong vẻ đẹp của tín trung, đại lượng và chân chính, chúng ta cần một trái tim mới, có Chúa Thánh Thần ngụ cư”. Và ngài hỏi làm thế nào người Kitô hữu nhận được việc ráp tim (heart implant) như thế? Và ngài trả lời: bằng cách chiêm niệm Chúa Kitô và các điều răn của Người.

Tổng hợp hai ví von trên, ngài bảo: “nơi Chúa Kitô, tính tiêu cực biểu kiến trong các điều răn (đừng, chớ...) trở thành các lệnh truyền tích cực yêu thương, dành chỗ cho người khác trong trái tim ta”.

“Đó chính là sự viên mãn của lề luật mà Chúa Giêsu đã đến để đem tới cho chúng ta”. Bởi thế mới có câu: Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ lề luật mà để làm nó nên viên mãn.

Sau bài giáo lý của Đức Thánh Cha là những bản tóm lược của cả khoảng hơn 10 thứ tiếng, lần lượt được các giáo sĩ của các ngôn ngữ khác nhau tuyên đọc. Vị nào cũng cung kính cúi đầu chào Đức Thánh Cha, sau đó ngỏ với ngài đôi điều, trước khi quay về phía công chúng tuyên đọc bản tóm lược.

Cậu bé tự kỷ chiếm khán đài



Cử tọa ít lưu ý tới những nội dung ấy, họ nóng lòng chờ đợi lúc Đức Thánh Cha rời khán đài xuống gặp gỡ họ. Nhưng có người chờ không được. Đó là cậu bé mắc bệnh tự kỷ. Cậu tự nhiên rời hàng cử tọa tiến lên khán đài, hết tới gần Đức Phanxicô, lại chạy qua người vệ binh Thụy Sĩ, tung tăng khắp khán đài. Cử tọa hoan hô vang dậy. Cậu vẫn tiếp tục tung tăng. Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Ganswein cười đùa với cậu. Người mẹ thấy thế vội chạy lên, nhưng thay vì đem cậu xuống, lại đưa cậu lại phía Đức Thánh Cha để cả mẹ lẫn con có dịp chào kính ngài. Không hiểu có phải Đức Thánh Cha bảo chị cứ để cậu bé ở lại khán đài hay không, nhưng đó là việc người mẹ đã làm. Khiến cử tọa hết lưu ý tới cậu bé, dù cậu tiếp tục làm các hành vi cũ... Có điều, lúc Đức Phanxicô xuống gặp cậu tại hàng các người khuyết tật, cậu tỏ vẻ không lưu ý tới ngài.

Hai hàng khuyết tật ở phía trái khán đài là những người được Đức Phanxicô xuống bắt tay hỏi han từng người trước nhất. Phần lớn là bắt tay, một số được ngài ôm hôn. Hết hàng khuyết tật đầu tiên, ngài trở lui để gặp một nhóm di dân Châu Phi, được một chức sắc Tòa Thánh hướng dẫn từ phía “bloc” chúng tôi ngồi, lên cánh trái của khán đài đứng chờ, khiến hàng khuyết tật thứ hai nôn nóng. Tuy nhiên, sau đó, ngài đã đến với họ. Hết hàng này, ngài lại trở lui để gặp một nhóm hỗn hợp khác, do một chức sắc Tòa Thánh hướng dẫn, mà lúc trở về chỗ cũ, chúng tôi mường tượng như là Tổng Giám Mục Scicluna, nên đoán đây là các nạn nhân của các giáo sĩ lạm dụng tình dục. Hàng những nàng dâu và chàng rể mới cưới, trong hôn phục, được Đức Phanxicô tới bắt tay hỏi thăm sau đó. Có những cặp tặng quà ngài, phần đông xin chữ ký. Rời hàng những người mới cưới, ngài trở lui gặp một nhóm rất đông các giáo sĩ dầy đến 4 lớp đứng đợi ngay chân khán đài. Ngài nói chuyện với họ khá lâu. Và sau đó tiến về “bloc” bên phải, gần sát khán đài, gồm hai hàng người, để chào thăm từng người, không rõ thuộc dạng nào, dường như thuộc ngoại giao đoàn, hoặc ít nhất thuộc loại vị vọng nào đó. Và họ là những người sau cùng được Đức Giáo Hoàng đích thân bắt tay thăm hỏi. Những người khác dù ca hát, hô “papa”, dù để con nít la lớn “papa” thay cho mình, cũng không được ngài tới bắt tay. Có hai nhóm đáng lưu ý nhưng không được ngài đến bắt tay là nhóm Neocatechumenal Way và nhóm linh mục kỷ niệm 25 năm thụ phong. Nhóm Neocatecumenal Way, dù náo nhiệt nhất, thường xuyên tự ý ca hát và hô “papa”, còn bị xếp ngồi ở hàng vé nâu! Dù mới đây, Tòa Thánh công bố đã thành lập một cơ quan đặc biệt gọi là CHARIS (“Catholic Charismatic Renewal International Service”) để lo cho các nhóm đặc sủng. Dù sao, khuyết tật, di dân và những người mới cưới đã được Đức Phanxicô chú ý nhiều hơn.



Lúc Đức Phanxicô rời Đại Sảnh Phaolô VI, lại một lần nữa, chúng tôi, dù đứng lên ghế ngồi, vẫn không trông thấy ngài. Người ta còn thi nhau đứng lên ghế ngồi trước chúng tôi. Kể cũng hơi tham vì lúc ngài ngồi trên khán đài, chúng tôi tha hồ ngắm nhìn ngài, nhất là lúc ngài tới thăm hai hàng khuyết tật và hàng dâu rể mới, ngài chỉ cách chúng tôi mấy thước, được thấy ngài “nguyên con”. Còn lúc ngài tới “bloc” vị vọng liền sát “bloc” của chúng tôi, thì người vây lấy ngài kín mít, không để lọt để chúng tôi chụp hình thấy cả ngài lẫn chúng tôi.

Từ giã Đại Sảnh Phaolô VI, chúng tôi đi thăm Viện Bảo Tàng Vatican và Nhà Nguyện Sistina. Không như năm 2005, lúc cùng đi với Cha Văn Chi, lần này chúng tôi không phải xếp hàng hằng giờ dọc theo bờ tường Vatican, mà vào ngay cửa vào Viện Bảo Tàng. Khung cảnh Viện Bảo Tàng vẫn như cũ. Vẫn những bức điêu khắc cổ Rôma, hàng thảm thêu sặc sỡ, hàng bản đồ các nước theo lối họa xưa... Người viết không quên nhìn qua cửa sổ để thấy cột ăngten của Đài Phát Thánh Vatican. Cột ấy vẫn cao như ngày nào, nhưng tầm quan trọng của Đài thì hình như không còn như năm 2005! Đúng là vật đổi sao rời. Lối tiếp dẫn vào Nhà Nguyện Sistina có thay đổi so với năm 2005, thay vì vào thẳng, chúng tôi phải qua một hành lang dài rồi đi ngược lại, qua nhiều bậc thang đi xuống để viếng thăm một số nghệ phẩm hiện đại, sau đó leo các bậc thang đi lên để vào chính điện Nhà Nguyện Sistina. Khung cảnh và bầu khí vẫn như xưa, cấm chụp hình, và các nhân viên ở đó sẵn sàng can thiệp để bạn không táy máy. Có điều lần này không ai chen lấn bạn cả, bạn được thư thả ngắm nhìn thỏa thích các bức danh họa trên trần, trên tường, khắp phía. Có những người còn ngồi lại trên các ghế dài để thưởng ngoạn chúng. Các tranh vẽ trần nhà nguyện của Michelangelo vốn được coi là một trong các nghệ phẩm gây ảnh hưởng hơn hết ở mọi thời và là công trình xây nền cho Nghệ Thuật Phục Hưng. Trần nhà nguyện dài 40 mét, rộng 13 mét và Michelangelo vẽ hơn 5,000 feet vuông hình thù (300 nhân vật) gồm đủ câu truyện trong Sách Sáng Thế từ lúc “tạo thiên lập địa” cho tới sau Hồng Thủy một chút. Bức Phán Xét Sau Cùng của ông trên khắp bức tường bàn thờ, vẽ sau tranh trần nhà 25 năm, cũng thu hút sự thưởng ngoạn của mọi người. Điều đáng lưu ý: Michelangelo vốn là một điêu khắc gia đại tài, hai bức tranh trần nhà và tường Nhà Nguyện Sistine là những bức tranh đầu tiên ông nhận vẽ, có người cho là để chứng tỏ cho những người mưu hại ông là họ đánh giá sai lầm về ông.

Nói về Michelangelo, người ta không thể quên các bức điêu khắc nổi danh mọi thời của ông là bức Pietà ở nhà thờ Thánh Phêrô và bức David ở Galleria Dell’Accademia ở Florence. Chúng tôi được chiêm ngưỡng bức trước khi viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô, sau khi leo Cupola trong ngày, và bức sau khi thăm Galleria Dell’Accademia ngày 1 tháng 12, 2018 o83 Florence. David cao sừng sững với đủ gân guốc và bộ phận nam giới quả là một tuyệt tác chỉ có thể gợi lên lòng sùng mộ nghệ thuật. Nhìn ở góc cạnh nào, bức tượng cũng nói lên cái tinh tế tuyệt diệu của nhà siêu nghệ sĩ.



Lần viếng Bảo Tàng Viện Vatican và Nhà Nguyện Sistina lần này kéo dài hơn lần viếng năm 2005. Chúng tôi lần lượt được thăm hầu hết các khu, kể cả khu đồ đồng, với những kỷ vật nhỏ như đồng tiền Khải Định, lên cả sân thượng để ngắm cảnh Rôma, và kết thúc bằng cầu thang xoáy trôn ốc.

Rời Bảo Tàng Viện Vatican, chúng tôi tìm đường leo Cupola của Nhà Thờ Thánh Phêrô. Năm 2005, người viết chỉ theo thang máy lên tới giữa “dome” Nhà Thờ, có đường vòng bọc lưới sắt, nhìn xuống hàng chữ TU ES PETRUS ET SUPER HANC PETRAM AEDIFICABO ECCLESIAM MEAM (Con là Đá và trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy) và bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Lần này, người viết nhất định leo tới Cupola. Nên từ Sydney đã sắm sẵn hai cây gậy chống. Leo được chừng 20 bậc đầu tiên là bắt đầu thở dốc, nhưng sau khi dừng lại chút đỉnh, lại tiếp tục leo; mệt lại dừng lại nghỉ, những người leo sau, phần vì nể, phần cũng cần nghỉ lấy sức, nên không ai kêu ca gì. Hóa ra, không ai không mệt lử khi leo lên tới đỉnh, cao đến 136.57 mét, là “dome” cao nhất thế giới, không riêng gì mình. Tuy nhiên, hiền nội vẫn phát ra một câu không biết để khen hay để chê: điên khùng, 13 năm trước không leo, 13 năm sau ở tuổi 80, mới leo. Khùng thiệt, nhưng tạ ơn Chúa! Con đã xuống được tới dưới để xuống tầng hầm Nhà Thờ Thánh Phêrô viếng mộ Thánh Phaolô VI vừa được hiển phong.
 
Một phụ nữ Công Giáo được bầu làm lãnh tụ đảng CDU, có triển vọng làm Thủ Tướng Đức
Nguyễn Long Thao
13:33 11/12/2018
Munich, Đức.- Vào ngày 7 tháng 12 vừa qua, tại một hội nghị đặc biệt của đảng Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức gọi tắt là CDU, bà Annegret Kramp-Karrenbauer đã được bầu làm Chủ Tịch đảng.

Bà thường được báo chí Đức goi tắt là AKK, được bà Angela Merkel, đương kim Thủ Tướng sắp mãn nhiệm ủng hộ trong vai trò lãnh đạo đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức.

Bà Kramp-Karrenbauer là một tín hữu Công Giáo, có 3 con. Trước đây bà là tổng thư ký của đảng tại vùng Tây nước Đức. Trong cuộc bầu cử Chủ Tịch đảng bà đánh bại đối thủ là ông Friedrich Merz, cựu nghị viên của Quốc Hội Âu Châu

Đương kim Thủ Tước Angela Merkel sẽ từ chức vào cuối nhiệm kỳ vào năm 2021. Do vậy, là người đứng đầu CDU, bà Kramp-Karrenbauer có nhiều triển vọng trở thành Thủ Tướng Đức.

Về quan điểm chính trị, Bà Kramp-Karrenbauer được coi là người chủ trương tự do kinh tế. Nhiều nhà bình luận coi bà là hình bóng bà Thủ Tướng, tiếp nối đường lối của bà Merkel

Bà Kramp-Karrenbauer có một quan điểm xã hội truyền thống và bảo thủ. Trước đây bà lôi kéo được sự chú ý của xã hội qua việc bà phản đối hôn nhân đồng tính, và vấn đề nhận con nuôi của cặp đồng tính. Bà cảnh giác rằng hôn nhân đồng tính có thể dẫn đến một tiến lệ pháp ly là công nhận hôn nhân đa thê.

Mặc dù thường đượccoi là một người Công Giáo thuần thành nhưng bà Kramp-Karrenbauer hỗ trợ cho việc phong chức cho nữ giới trong Giáo hội. Đầu năm nay, bà nói với tờ tuần báo Die Zeit rằng, rõ ràng: phụ nữ phải đảm nhận vị trí lãnh đạo trong Giáo hội, gồm cả nữ linh mục nhưng ban đầu nên có Phó Tế

Là nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu, chính trị Đức đóng một vai trò quan trọng trong lục địa Âu Châu. Thời bà Merkel, chính sách mở cửa cho người di cư không phù hợp với các nước láng giềng, gây ra sự bất đồng giữa các nước Âu Châu

Nguyễn Long Thao
 
Brazil: Mang súng vào nhà thờ khi có thánh lễ giết chết 5 người, 4 người bị thương.
Nguyễn Long Thao
19:24 11/12/2018
Brazil: Mang súng vào nhà thờ khi có thánh lễ giết chết 5 người, 4 người bị thương.

Campinas, Brazil.- Vào trưa ngày thứ Ba 11 tháng 12 năm 2018, một tay súng đã vào nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Campinas Brazil giết chết ít nhất năm người, bốn người bị thương. Sau khi nổ súng, tay súng đã tự kết liễu đời mình.

Người đàn ông bước vào thánh đường khi thánh lễ gần kết thúc. Cảnh sát Campinas nói ngoài 5 người thiệt mạng, còn ít nhất bốn người bị thương.

Theo giới chức sở cứu hỏa địa phương, người đàn ông này mang hai khẩu súng vào nhà thờ. Anh đã bắn 20 phát súng và sau đó đã tự sát ngay trước bàn thờ.

Cha Amauri Thomazzi, cử hành thánh lễ trong lúc có vụ bắn xảy ra, đã đưa một video lên trang Facebook . Ngài xin mọi người cầu nguyện cho mọi người quá cố, kể cả cho kẻ sát nhân.

Cảnh sát chưa công bố động cơ vụ sát nhân, tên hung thủ cũng như tên của các nạn nhân chưa được công bố.

Nguyễn Long Thao
 
Lịch trình mừng Lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
23:50 11/12/2018
Lịch trình mừng Lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha

Văn phòng Phụng tự của Vatican vừa loan tin lịch trình hành lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha như sau:
° Tối 24 tháng 12 năm 2018, lúc 9:30 tối: ĐTC sẽ dâng lễ Thánh lễ đêm Giáng sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô.
° 25 tháng 12 năm 2018, lúc 12:00 đêm: Đức Thánh Cha sẽ gửi Thông điệp Giáng sinh và chúc lành Toàn xá cho thế giới từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô
° 31 tháng 12 năm 2018, lúc 17 chiều ĐTC sẽ chủ sự Giờ Kinh Chiều kính lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, tiếp theo là cử hành Thánh lễ lễ tạ ơn kết thúc năm 2018 với bài Thánh Ca Tạ ơn Te Deum và ban phép lành trọng thể.
° 01 tháng 1 năm 2019, lúc 10 giờ sáng: Thánh lễ Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa tại Đền thờ Thánh Phêrô, cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa bình thế giới.
° Ngày 06 tháng 1 năm 2019, lúc 10 giờ sáng: Thánh lễ Hiển linh trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Mùa Giáng sinh sẽ kết thúc với ngày lễ Chúa chịu phép Rửa ngày 13 tháng 1 năm 2019. Đức Thánh Cha đánh dấu dịp này bằng rửa tội cho một số trẻ em trong Thánh lễ tại Nhà nguyện Sistina Vatican.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tâm Tình Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Cho Linh Mục
Lm. Anthony Trung Thành
20:11 11/12/2018
Tâm Tình Tạ Ơn Và Cầu Nguyện Cho Linh Mục

Trong bài chia sẻ hôm nay, tôi xin được gợi ý suy niệm ba vấn đề sau đây: (1) Tâm tình tạ ơn vì hồng ân linh mục; (2) Trách nhiệm đối với ơn gọi linh mục; (3) Cầu nguyện và nâng đỡ các linh mục.

1.Tâm tình Tạ Ơn, đặc biệt là tạ ơn vì hồng ân Linh mục

Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột hết tất cả và đánh cho một trận nhừ tử. Đêm hôm đó, khi trở về nhà, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của mình như sau: “Hãy để cho lòng ta tạ ơn Thiên Chúa. Bởi vì, thứ nhất, sống mấy chục năm cuộc đời, cho đến bây giờ ta mới bị cướp; điều mà trước đây ta chưa bao giờ gặp phải. Thứ hai, mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền của ta, nhưng chúng không cướp mất mạng sống của ta. Thứ ba, mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao. Và lý do cuối cùng khiến ta phải tạ ơn Thiên Chúa là bởi vì: ta là người bị cướp, chứ ta không phải là kẻ đi ăn cướp.”

Có lẽ ít ai trong chúng ta có thể bình tâm để nói lên những lời tạ ơn như vị học giả Kinh Thánh trên đây. Vậy, nếu vị học giả Kinh Thánh trên đây biết tạ ơn Thiên Chúa vì bị ăn cướp thì có lẽ mỗi người chúng ta còn có biết bao nhiêu điều khác để tạ ơn Thiên Chúa. Ngoài ơn được làm người, ơn được làm con cái Thiên Chúa, ơn được cứu chuộc...thì hằng ngày chúng ta còn nhận được biết bao ơn lành hồn xác như: có khí để thở, có sức khỏe, có thức ăn thức uống, được học hành, được sống trong môi trường gia đình, giáo xứ, làng xã...và muôn vàn ơn lành khác. Sách Aica diễn tả thật sâu sắc rằng: “Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Ac 3, 23). Vì thế, chúng ta luôn phải sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, hay nói như Thánh Phaolô: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,18). Đặc biệt hôm nay, chúng ta quy tụ về đây để cùng với Tân chức tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục mà Người đã thương ban.

Trước hết, Tân chức vui mừng tạ ơn vì hồng ân linh mục Chúa đã ban cho ngài. Bao nhiêu năm trời phấn đấu học hành tu luyện nay đã đạt được ý nguyện. Chúa kêu gọi và tuyển chọn ngài giữa bao nhiêu người khác có thể xứng đáng hơn. Thư gửi Tín hữu Do thái khẳng định rằng: ơn gọi linh mục là hồng ân nhưng không Chúa ban cho một con người từ giữa những con người…không ai tự dành cho mình được vinh dự ấy…(x. Dt 5, 1-4).

Tiếp đến, ông bà cố và gia tộc tạ ơn Thiên Chúa vì từ nay trong gia đình, gia tộc có một người làm linh mục. Cha Gioan trở thành linh mục hôm nay là nhờ có ông bà cố. Có thể nói, không có ông bà cố thì Giáo Hội, Giáo Phận, Giáo xứ và dòng họ không có đuợc linh mục Gioan Tú hôm nay. Những hy sinh to lớn của ông bà cố đã chung đúc nên con người linh mục Gioan hôm nay. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ông bà cố không những có công ơn sinh thành dưỡng dục, mà còn có công đồng hành với Tân chức trong hành trình đời tu, với những lời cầu nguyện, những lo toan, những lao nhọc vất vả, những thao thức, những hy sinh đủ mặt. Những gia đình có con đi tu thì mới hiểu được điều này. Một ông bố có con đi tu tâm sự với tôi: “Con đi tu, bố mẹ cũng phải đi tu. Nhiều lúc phải cố gắng, phải chịu đựng, phải nhịn nhục, phải hy sinh nhiều lắm”. Đúng như vậy, vì con đi tu mà cha mẹ phải hy sinh rất nhiều. Mới đây trên mạng xã hội có đăng tải tâm sự của một người con đi tu nói về sự vất vả của cha mẹ với nội dung được tóm lược như sau: “Cha mẹ lo lắng để con cái tu cho trọn. Lo lắng làm ăn vất cả để có tiền cho con ăn học. Lo lắng xoay xở để con cái có tiền đi về mỗi dịp hè, dịp tết...nhất là đối với cha mẹ có con cái đi tu dòng, thì phải lo suốt cả cuộc đời.” Xin cám ơn ông bà cố rất nhiều. Xin cùng với ông bà cố Tạ ơn Thiên Chúa vì những công khó và lời cầu nguyện của ông bà cố nay đã được Chúa nhận lời.

Bên cạnh ông bà cố và gia tộc phải kể đến công ơn của giáo xứ quê hương, các ân nhân, đặc biệt là cha nghĩa phụ của Tân chức. Bởi vậy, thánh lễ hôm nay cũng là dịp để giáo họ, giáo xứ, các ân nhân và cha nghĩa phụ của Tân chức vui mừng tạ ơn Thiên Chúa vì những đóng góp của mình về tinh thần cũng như vật chất cho Tân chức nay đã gặt hái thành quả.

Nhưng khi Chúa chọn ai làm linh mục thì không phải để vinh dự cho người đó, hay cho gia đình, dòng tộc, giáo xứ mà vì lợi ích chung của mọi người. Thật vậy, ai cũng cần đến linh mục. Hành trình của một cuộc đời kitô hữu luôn ghi dấu ấn của linh mục:

“Khi mới chào đời, linh mục đã giúp ta gia nhập Giáo hội và trở thành con cái Thiên Chúa qua Bí tích Rửa tội. Khi đến tuổi khôn, linh mục giúp ta thanh tẩy tâm hồn và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa qua bí tích Giao hòa và Thánh Thể. Từ đó, mỗi khi ta yếu đuối lỗi lầm, nhất là khi ta phạm tội trọng, linh mục giúp ta lấy lại ơn thánh hóa đã mất để tiếp tục kết hợp với Chúa và hiệp nhất với cộng đoàn, nhờ đó được sống đẹp lòng Chúa hơn. Khi đến tuổi trưởng thành, linh mục giúp ta đón nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức để ta trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô ra đi làm chứng cho Tin mừng khắp nơi. Khi ta đủ lớn đứng trước ngã ba đường đời, linh mục ân cần hướng dẫn ta hoặc chọn lựa đời sống hôn nhân, hoặc chọn lựa đời sống thánh hiến...

Khi ta già cả yếu đau bệnh tật hay gặp rủi ro tai nạn, linh mục liền vội chạy đến ban Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để tăng thêm sức mạnh thiêng liêng cho ta đủ khả năng chiến đấu vượt lên mọi khó khăn nguy hiểm hầu luôn trung thành với Chúa.

Và khi đến giờ Chúa gọi ta ra khỏi đời này về với Chúa, chính linh mục nghiêng mình xuống chúc lành cho ta trong giờ hấp hối, dâng thánh lễ An táng cầu nguyện và đưa tiễn ta đến mộ phần an nghỉ trong lòng đất mẹ, chờ ngày được phục sinh với Chúa.

Rồi khi mọi người hầu như quên ta trong cõi chết, có khi cả những người thân yêu của ta nữa, thì cũng chính linh mục hằng nhớ cầu nguyện cho ta trong thánh lễ cầu hồn, cũng như trong các thánh lễ mỗi ngày.” (Xem bài “Linh mục thực thi lòng thương xót cho đoàn chiên giao phó” của Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss)

Như thế đó, linh mục luôn có mặt ở những biến cố quan trọng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Cho nên, với thiên chức linh mục hôm nay, không chỉ bản thân Tân chức, gia đình, dòng họ, giáo xứ quê hương tạ ơn Thiên Chúa mà tất cả mọi người chúng ta đều phải tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân linh mục mà Chúa đã thương ban.

2.Trách nhiệm đối với ơn gọi linh mục

Nhưng chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui tạ ơn hôm nay mà còn phải lưu tâm đến trách nhiệm của mỗi người trong việc vun trồng ơn gọi linh mục cho Giáo hội nữa. Theo niên giám của Tòa Thánh năm 2016, số giáo dân trên toàn thế giới năm 2014 là 1,272,000,000 người. Trong số đó, số lượng linh mục chỉ có: 415.792 vị, chiếm tỷ lệ 0,032%. Như vậy, quân bình một linh mục coi sóc 3.060 tín hữu. Nhưng trên thế giới, số linh mục phân bố không đồng đều: ở Châu Mỹ và Châu Phi một linh mục phải coi sóc trên 5.000 tín hữu. Đó là chưa kể có 136.572 điểm truyền giáo không có linh mục. Chính vì thế, để có thêm linh mục mỗi người chúng ta cần phải có trách nhiệm vun trồng ơn gọi linh mục, đặc biệt là trước khi các ứng sinh vào chủng viện.

Trước hết, vai trò của các gia đình: Gia đình là chủng viện đầu tiên. Thực tế cho chúng ta thấy, hầu hết ơn gọi của các linh mục được chớm nở từ các gia đình: Có thể nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ; có thể nhờ đời sống đạo đức và gương sáng của các thành viên trong gia đình; có thể nhờ lòng yêu mến và quý trọng các linh mục của các bậc cha mẹ đã làm cho ơn gọi nơi con cái mình được hình thành và phát triển. Chính vì thế, “cha mẹ hãy vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi linh mục nơi tâm hồn con cái, trong môi trường giáo dục gia đình theo luân lí Kitô giáo” (PC 2). Thư gửi các gia đình Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016 mời gọi các gia đình Công Giáo hãy trở thành hội thánh tại gia: “Bởi vì, gia đình là ngôi nhà thờ phượng; gia đình là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót; gia đình là nơi đón nhận và trân trọng sự sống; gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản về mọi phương diện nhân bản, đạo đức, tri thức và đức tin.”

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tạo bầu khí gia đình đạo đức bằng cách: Siêng năng đọc kinh tối sáng trong gia đình, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể. Trong đời sống thường ngày: Các thành viên trong gia đình phải yêu thương gắn bó với nhau, quan tâm giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, khích lệ nhau làm việc thiện và biết sống tình liên đới với hết mọi người. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến ơn gọi nơi con cái, giúp con cái hiểu rõ ơn gọi dâng hiến. Nếu con cái có ước mong được làm linh mục, cha mẹ cần động viên, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi để các em đạt được ý nguyện của mình. Nếu các ứng sinh linh mục phát xuất từ các gia đình đạo đức, được sự giáo dục đầy đủ của cha mẹ...sẽ giúp ích nhiều cho ban đào tạo trong các chủng viện sau này. Và chắc chắn, các ứng sinh đó sẽ trở thành những linh mục tốt, có ích cho Giáo hội.

Thứ hai, vai trò của các linh mục nhất là các linh mục quản xứ: Các linh mục cần có trách nhiệm khơi dậy, nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi linh mục nơi các giáo xứ mà mình coi sóc. Sắc lệnh đào tạo linh mục nhắc nhở rằng: “Tất cả các linh mục phải nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để vun trồng thật nhiều ơn gọi và lôi cuốn tâm hồn người trẻ đến với chức linh mục, bằng chính đời sống khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục” (OP, 2);

Vì thế, các linh mục cần nhắc nhở các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo lý viên và các thành phần trong giáo xứ quan tâm đến ơn gọi linh mục, bằng việc đào tạo con em phát triển con người toàn diện về mọi mặt trong đời sống đức tin, tri thức, đạo đức và nhân bản.

Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, hướng dẫn cho các em có ý hướng làm linh mục; hướng dẫn các em phát triển về đời sống tâm linh; giúp các em tránh xa phim ảnh, sách báo xấu và những gì ảnh hưởng đến ơn gọi linh mục; giúp các em nâng cao về đạo đức, nhân bản, tri thức, mục vụ, tông đồ...Điều này sẽ làm nền tảng thuận lợi cho việc đào tạo, và cho đời sống đời linh mục sau này. Trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này - họ cũng đang khao khát những giá trị tuyệt đối - và trở thành một lời chứng hấp dẫn.” Làm được như vậy, các linh mục góp phần rất lớn trong việc đào tạo ơn gọi linh mục cho Giáo hội. Tại Giáo phận Vinh chúng ta có nhiều ơn gọi linh mục, chắc chắn nhờ một phần đóng góp rất lớn nơi các linh mục quản xứ. Từ xưa tới nay hầu hết, các nhà xứ giống như những chủng viện thu nhỏ, vì nơi đây các cha xứ thường nuôi dạy các ứng sinh linh mục tương lai. Có lẽ các cha có mặt hôm nay đây cũng đã từng sống ở nhà xứ, từng nhờ sự giúp đỡ của cha nghĩa phụ. Cha Thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo, cũng để lại cho các linh mục quản xứ một khuôn mẫu về vấn đề này: ở bất cứ nhiệm sở nào, bất cứ lúc nào, nhà cha cũng là một tiểu chủng viện thu hẹp. Cha nuôi một số thiếu niên nam, dạy giáo lý, hướng dẫn và gợi lên trong các em nhiệt tâm tông đồ. Với tình yêu của người cha, với sự thận trọng tinh tế của một nghệ sĩ, cha chú tâm vào việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai cho Giáo hội. Bên cạnh những bài học và lời giáo huấn, chính đời sống cha là một gương sống động cho họ. Khi cha dâng lễ, mọi người như gặp gỡ được Thiên Chúa. Khi cha giảng, mọi người đều thấy sốt sắng thêm lên…Trong một giai đoạn lịch sử khó khăn, việc đào tạo phải thực hiện cách lén lút và riêng tư từng người một thì con số 40 chủng sinh, tám linh mục, quả là con số đáng kể với 22 năm linh mục của cha, quả là bó lúa vàng nặng trĩu hạt mà cha đóng góp được cho Giáo hội Việt Nam.

Thứ ba, vai trò của các thành phần khác trong Giáo hội: Mỗi tín hữu đều có trách nhiệm với ơn gọi linh mục tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình: Có thể cầu nguyện cho ơn gọi như lời Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thờ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”(x. Mt 9,37-38). Cũng có thể nâng đỡ ơn gọi bằng cách giúp các ứng sinh linh mục, giúp các thầy, giúp các chủng viện hay tham gia vào các hội bảo trợ ơn thiên triệu. Giáo phận Vinh chúng ta mới thành lập “quỹ tương trợ chủng sinh” để mời gọi mọi thành phần dân Chúa đóng góp phần mình giúp các chủng sinh yên tâm tu học. Nhiều thành viên đã tham gia chương trình này. Trong đó, Giáo xứ Thuận Nghĩa cũng có gần 200 thành viên tham gia, mỗi năm đóng góp vào quỹ này trên dưới 100 triệu. Đó là cách góp phần mình trong việc nuôi trồng ơn gọi linh mục. Tạp chí “Truyền bá đức tin” có thuật lại câu chuyện một cụ già Ấn Độ như sau: Lúc còn là thanh niên, anh đã say sưa nghiện ngập đủ mọi thứ: cà phê, thuốc lá, rựơu mạnh có tiếng. Nhưng rồi một hôm, chàng đọc thấy trên mặt báo lời kêu gọi giúp nuôi chủng sinh ở các giáo phận nghèo. Đọc xong chàng rất đổi phân vân, một đàng chàng muốn mình phải làm một cái gì đó, đàng khác, chàng thấy những thứ đó quá hấp dẫn, chả có vẻ tội lỗi gì cả!

Thế rồi, chàng đã quyết định: bỏ tất cả… ăn uống tiết kiệm, dần dần với thời gian, chàng đóng góp số tiền tiêu xài ấy vào quĩ truyền bá đức tin để giúp nuôi ít chủng sinh nghèo. Cứ thế liên tiếp trong mấy mươi năm, nhiều thế hệ chủng sinh, linh mục đã được chàng giúp đỡ. Họ liên lạc thư tín với chàng mỗi lúc một nhiều…Thời gian trôi qua, đến ngày chàng thanh niên nghiện ngập thành ông cụ già 85 tuổi. Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của cụ, cụ tuyên bố trước mặt họ hàng: “Với những hy sinh suốt mấy mươi năm qua, tôi đã đài thọ cho việc huấn luyện các chủng sinh, và đến nay, con số các linh mục rải rác khắp nơi được tôi giúp đỡ đã lên đến 30 mươi người. Tôi rất hạnh phúc. Tôi đã đầu tư thành công, và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư như thế cho đến giờ Chúa gọi”.

Trên đây là những cách thế chúng ta có thể làm để vun trồng ơn gọi linh mục cho Giáo hội.

3.Cầu nguyện và nâng đỡ các linh mục

Không chỉ cầu nguyện và nâng đỡ các ứng sinh linh mục mà mỗi người kitô hữu còn cần phải cầu nguyện, nâng đỡ các linh mục để các Ngài trở thành những linh mục như lòng Chúa mong muốn. Tại sao phải cầu nguyện cho các linh mục? Bởi vì, chức Linh mục cao cả, sứ mạng linh mục thì nặng nề nhưng con người linh mục lại yếu đuối. Đọc lại Cựu Ước, chúng ta thấy các ngôn sứ lớn như Môi-sê, Isaia, Giêrêmia đã cảm nhận rõ ràng được mình yếu đuối, thấp hèn trước sứ mạng cao cả Thiên Chúa trao. Không những các ngôn sứ thời Cựu Ước mà tất cả các linh mục thời Tân ước cũng cảm thấy run sợ trước chức vụ Chúa trao. Cho nên, khi suy niệm về Thiên Chức linh mục cao quý, sứ mạng linh mục cao cả nặng nề, không linh mục nào mà không cảm thấy bất xứng, và lắm lúc còn cảm thấy sợ hãi. Trong bút ký “đôi dòng tâm sự đời linh mục”, Đức Cha Bùi Tuần đã cảm nhận:“Hôm dâng lễ mở tay, tôi cùng với giáo dân bước vào Nhà Thờ. Mặc ai hát: “Con hân hoan bước lên Bàn Thánh,” riêng tôi, tôi cảm thấy lòng mình e thẹn, sợ hãi. Trong bài giảng hôm đó, một linh mục hùng biện đã lớn tiếng đề cao chức linh mục. Càng nghe, tôi càng cảm thấy mình như bị hành hạ tra tấn. Bởi vì tôi thấy mình quá bất xứng.”

Trong thực tế, không phải tất cả các linh mục đều xuất chúng hay lỗi lạc, thánh thiện, hiền hòa, dễ thương hơn người khác. Trái lại, vẫn có những linh mục cũng bồng bột như Phêrô, nỏng nảy như Gioan và Giacôbê, cuồng nhiệt như Phaolô và nếu không cẩn thận thì cũng dễ sa ngã như Giuđa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi nghe nói nơi này hay nơi khác vẫn có những vụ Scandal liên quan đến các linh mục. Gần đây, còn có những linh mục đã tìm đến cái chết vì áp lực của dư luận và của cộng việc...Vì vậy, để các linh mục trở thành những linh mục như lòng Chúa mong muốn, để các linh mục chu toàn bổn phận Chúa và Giáo hội trao phó, ngoài ơn Chúa, đòi hòi các linh mục phải luôn cố gắng hết mình. Đồng thời, cần có sự cộng tác, nâng đỡ và cầu nguyện của mọi người.

Trên thế giới, có rất nhiều hội cầu nguyện cho các linh mục. Riêng ở Pháp, có tới 20 hội. Chẳng hạn: Hội Tình mẫu thử thiêng liêng; hội Truyền giáo Đức Bà chức Thánh; hội Thánh Gioan Vianney...Điểm chung của các hội này là hỗi trợ cho các linh mục qua việc ăn chay, cầu nguyện...(x. 8 đề nghị cầu nguyện cho các linh mục, nguồn: phanxico.vn). Vì vậy, chúng ta hãy bắt chước các hội này để hy sinh, hãm mình, ăn chay, cầu nguyện cho các linh mục. Đặc biệt, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho Tân chức. Câu Lời Chúa mà Tân chức chọn làm châm ngôn sống cho đời linh mục của mình là: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (x. Ga 15,9-11). Câu Lời Chúa này nằm trong chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đó là hình ảnh cành nho liên kết với cây nho và sinh hoa kết trái. Cầu mong cho Tân chức trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời linh mục luôn biết liên kết mật thiết với Đức Giêsu như cành nho với cây nho: không chỉ liên kết khi dâng lễ, đọc kinh thần vụ, cử hành các Bí tích mà còn liên kết cả trong mọi hoạt động mục vụ và vui chơi giải trí. Nhờ đó, Tân chức thực sự trở thành linh mục như lòng Chúa mong muốn.

Từ những chia sẻ trên đây cho chúng ta thấy, ngày lễ hôm nay không phải chỉ riêng Tân chức, gia đình, dòng tộc, giáo xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta cũng cần phải dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì chức linh mục luôn cần thiết và liên hệ tới hết mọi người. Từ đó, ngày lễ hôm nay cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với việc vun trồng ơn gọi linh mục cho Giáo hội, đặc biệt biết nâng đỡ và cầu nguyện cho các linh mục mỗi ngày. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Comitium Lào Cai – Yên Bái : Gặp mặt ngày Tổng Hội Thường Niên
Lm. Nguyễn Văn Thành
21:48 11/12/2018
WGPHH – “Tổng Hội Thường Niên tập hợp các hội viên hoạt động dâng Thánh Lễ hay Chầu Mình Thánh. Sau đó tổ chức dạ hội để kể cho nhau nghe những mẫu chuyện về đời sống Legio hay những màn văn nghệ để mọi người có dịp làm quen, thắt chặt tình đoàn kết yêu thương và hiệp nhất trong gia đình Legio” (Thủ bản chương 30 – Lễ Hội chính thức).

Xem Hình

Chính vì vậy, Comitium Lào Cai – Yên Bái đã tổ chức Tổng Hội Thường Niên ngày 10.12.2018 tại nhà thờ Cam Đường, giáo xứ Lào Cai. Tham dự ngày gặp mặt này có cha Linh giám Giuse Nguyễn Văn Thành, cha Đaminh Phạm Văn Trường – phó xứ Lào Cai và gần 300 hội viên Legio Mariae trong hai giáo hạt Lào Cai và Yên Bái.

Đúng 8g30, buổi họp được bắt đầu bằng kinh khai mạc, tiếp theo, đọc kinh Mân Côi Năm sự Sáng. Trong buổi họp này, ngoài bản báo cáo của chị Trưởng Comitium còn hai bản báo cáo của Praesidium Đức Mẹ là Cửa Thiên Đàng Phong Niên và Nữ Vương Ban Sự Bình An Bến Đền. Đây là hai Praesidia mới được thành lập.

Chị Trưởng Comitium Anna Nguyễn Thị Liên cho biết: “Comitium Lào Cai – Yên Bái phục vụ trong hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Địa bàn rộng mà chỉ có 24 giáo xứ và số giáo dân chỉ khoảng 63 ngàn, chiếm tỷ lệ quá thấp so với dân số đang sinh sống tại hai tỉnh này. Đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, đường đi lại xa xôi, hẻo lánh và nguy hiểm ”. Tổng số hội viên là 1.506, trong đó, hội viên hoạt động là 813, hội viên tán trợ là 526 và số hội viên Junior là 167. Nhận thức được thực tế như vậy, nhờ ơn Chúa giúp, kết hợp với Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, anh chị em Legio đã nhiệt thành công tác và đã đạt được kết quả nhất định. Trong 60 tuần, các hội viên hoạt động Senior đã đi công tác được 22.822 giờ và Junior đi công tác là 4.138 giờ. Qua đó, đời sống thiêng liêng của các hội viên cũng được nâng cao và làm cho công cuộc truyền giáo được tiến triển, nhiều người khô khan và lương dân trở về với Chúa.

Cha Linh giám huấn đức về ý nghĩa của buổi họp: “Tổng Hội Thường Niên được tổ chức dịp Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm hằng năm. Đây là ngày lễ hội chính thức mà thủ bản khuyên tổ chức, dâng Thánh lễ và chia sẻ với nhau. Đây cũng là cơ hội tốt để các hội viên làm quen với nhau, cách riêng với Comitium Lào Cai – Yên Bái. Legio Mariae là một trong những hội đoàn Công Giáo tiến hành có nội quy rất chặt chẽ thông qua cuốn thủ bản. Có hai điều làm nên Legio là họp và công tác hàng tuần. Praesidium nào giữ được hai điều đó sẽ phát triển và làm việc rất hiệu quả”.

Thánh lễ được cử hành lúc 11g15 trong niềm hân hoan tạ ơn Chúa vì trong suốt 60 tuần qua. Cũng trong tinh thần này, cha Linh giám chia sẻ về công việc âm thầm mà anh chị em Legio đã làm như là men trong đấu bột. Nhưng nếu đấu bột đó dậy men thì không phải công của chúng ta mà là do Chúa. Khi đó, chúng ta chỉ thưa với Chúa rằng: “Chúng con là những đầy tớ vô dụng. Chúng con chỉ làm những việc phải làm mà thôi”.

Buổi Tổng Thường Niên được kết thúc bằng bữa cơm thân mật tại khuôn viên nhà thờ trong tinh thần huynh đệ. Xin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đồng hành cùng với Comitium Lào Cai – Yên Bái để chúng con hăng say nhiệt thành đem Chúa cho muôn người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Không Biết Hổ Thẹn Không Phải Là Con Người
Nguyễn Văn Nghệ
19:22 11/12/2018
Không Biết Hổ Thẹn Không Phải Là Con Người

Con người ta (ngoại trừ những người bệnh tâm thần) khi bắt đầu có trí khôn thì cũng bắt đầu biết hổ thẹn. Tính hổ thẹn đã xuất hiện từ rất xa xưa trên mặt đất này.Theo Kinh thánh Cựu ước thì từ thuở hồng hoang, Thượng đế tạo dựng nên Adam và Eva, rồi để hai ông bà sống trong vườn Địa Đàng.Hai ông bà được hưởng mọi thứ hoa trái trong vườn, chỉ trừ cây “biết lành, biết dữ” ở giữa vườn.Hai ông bà sống trần truồng mà không hề hổ thẹn.Một hôm Satan dụ dỗ bà Eva hái trái cây giữa vườn mà ăn. Eva từ chối, nhưng Satan bảo: “ Ngày nào các ngươi ăn vào, mắt các ngươi sẽ được mở ra, các ngươi cũng trở nên thần minh, biết điều thiện ác”. Nghe êm tai, bà Eva liền hái và trao cho Adam cùng ăn. Sau khi ăn, tức khắc hai ông bà nhận thấy mình trần truồng, liền lấy lá cây kết lại mà che thân.

Con người ta, nếu làm việc gì trái với lương tâm, trái với những tập tục, những quy định của xã hội, tôn giáo thì cảm thấy hổ thẹn.

Trongcách phát âm từ Hán Việt, hổ thẹn được phát âm là : Tu, Tàm, Sỉ, Ố, Quý, Tu Ố, Tu Sỉ, Tu Tàm, Tu Quý. Nhưng thông dụng thường dùng từ Tu Ố, Tu Sỉ(1). Ví dụ : Bất tri tu sỉ là không biết hổ thẹn. Tiếng Việt gọi là “Trơ tráo”(2) hoặc Tu Ố là một trong thuyết “Tứ đoan” (Trắc ẩn, Tu ố, Từ nhượng, Thị phi) của Mạnh tử.

Sách Quản tử ghi: “ Lễ , Nghĩa, Liêm, Sỉ thị vi tứ duy” ( Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là 4 giềng mối chính). Liêm- Sỉ là cặp phạm trù đạo đức.So sánh giữa Liêm và Sỉ thì sỉ cần hơn liêm.Người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra. Cán bộ viên chức trong bộ máy Nhà nước mà vô liêm sỉ thì đất nước suy bại. Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, nghe tin một số đảng viên có chức có quyền tham nhũng, Lénine cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt Đảng Cộng sản Nga. Chỉ có những đảng viên của đảng mới có thể làm việc đó”.

Tử Cống hỏi Khổng tử: Phải làm thế nào mới đáng là kẻ sĩ? Khổng tử đáp: “ Hành kỷ hữu sỉ”(Biết xấu hổ trong mọi cử chỉ và hành động- Luận ngữ: 13,20).Muốn xây dựng một quốc gia cường thịnh cần phải có những cán bộ, viên chức có kiến thức, có năng lực, có đạo đức. Theo quy định của ngành giáo dục là muốn học lớp 6 thì phải có bằng Tốt nghiệp Tiểu học, muốn vào Đại học phải có bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Ấy vậy mà ở Việt Nam trong thời gian qua có nhiều cán bộ viên chức chưa học lớp 9, lớp 10… mà đã có hai, ba bằng cử nhân (Lãnh đạo cho phép “nợ bằng”, tức là sau đó phải học Bổ túc lớp 9, 10, 11, 12). Học hành kiểu “sinh con rồi mới sinh cha” thì làm sao mà nắm vững kiến thức! Loại cán bộ viên chức mang học vị, học hàm “tiến sĩ giấy”, “giáo sư ma” là loại “chỉ biết chăm chăm xu thời hay nịnh đời” cho nên đất nước phải chịu thảm cảnh : “Đất nước mình thương quá phải không anh/ Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại/Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải”(3).Biết mình không có kiến thức, không có năng lực thì khi được giao nhiệm vụ quá năng lực thì lo mà thoái thác, đằng này vẫn “hiên ngang, dũng cảm” nhận chức vụ để rồi khi thất bại lại thốt lên: “ …tôi không xin với đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà đảng và nhà nước giao phó cho tôi”(4).

Trong các nước tự do và dân chủ, người lãnh đạo hết lòng với quốc gia luôn trăn trở: “Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hạnh” ( Hứa nhiều làm ít, người quân tử lấy làm hổ thẹn- Luận ngữ : 14,29). Do đó, khi thấy làm không được việc thì tự động xin từ chức chứ không có cái gọi là “văn hóa từ chức”mới xuất hiện ở Việt Nam cách nay vài ba năm. Tự nhận biết lỗi lầm và tự xin từ chức, đó là người biết liêm sỉ.

“Riêng liêm sỉ là đức tính rất hay.Vì người không có liêm đụng cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm.Hạng người như vậy là người bỏ đi không khác gì giống vật”. Bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phơi bày bộ mặt vô liêm sỉ của cán bộ viên chức Nhà nước cho bàn dân thiên hạ thấy: “… Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ đồng vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vac xin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một thứ gì”(5).

Vào những ngày cuối năm Mậu Tý, chính phủ đã hỗ trợ cho người nghèo tiền ăn Tết Kỷ Sửu (2009), vậy mà có rất…rất nhiều tỉnh bị mấy ông cán bộ vô liêm sỉ “chấm mút”. Sự việc này được tác giả Đồ Bì viết trong bài “ Kỹ thuật chấm mút” đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười số 374 trang 3 :“ …Điển hình là các ông trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng ấp hoặc cũng có thể là các ông trưởng của các trưởng này chấm mút tiền chính phủ hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết. Tổng số tiền được Chính phủ chi ra giúp người nghèo ăn Tết Kỷ Sửu là 3800 tỷ đồng. Theo quy định mỗi hộ được 1 triệu đồng; mỗi nhân khẩu trong hộ được 200.000 đồng. Thế nhưng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Cà Mau… đã có hiện tượng trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng ấp hoặc trưởng của các ông trưởng trên chấm mút tiền ăn Tết của người nghèo”.

Ai đã tham nhũng?Các thế lực thù địch của đảng chăng? Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. HCM đã giải đáp: “ Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên”(6). Ông Lê Minh Trí, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng xác nhận: “ Chỉ có cán bộ đảng viên tham nhũng chứ dân thường không tham nhũng”(7). Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành căn bệnh trầm kha khó có thuốc chữa. Ấy vậy mà ông Đinh Thế Huynh, Cựu Thường trực Ban Bí thư đã đề xuất ý kiến: “ Phải xây dựng văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng”(8). Tham nhũng thì có pháp luật trừng trị, đằng này đề xuất của ông Đinh Thế Huynh giống như chữa bệnh ngoại khoa: “Đau Nam chữa Bắc”. Người dân tộc thiểu số sống ở rừng sâu, núi thẳm nào có “xây dựng văn hóa khinh bỉ” mà vẫn sống công bằng với nhau. Đề xuất của ông Đinh Thế Huynh đã được Giáo sư Tương Lai phản bác: “Khi nó đã vô liêm sỉ rồi, dây thần kinh xấu hổ đã đứt rồi thì nó màng gì tới chuyện văn hóa khinh bỉ? Đây chẳng qua là một lời nói mị dân”(9).

Đề xuất “xây tượng đài nghìn tỷ” có đúng thật là nguyện vọng tha thiết của nhân dân không? Giáo sư Ngô Bảo Châu có ý kiến: “ Số tiền này đủ để xây dựng toàn bộ trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi. Trẻ con ăn không no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây dựng tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”(10).

“ Than ôi! Người đời bây giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ” không?Nếu quả vậy thì người ta ngậm ngùi than thở rất là phải.Vì “liêm, sỉ” là nền tảng của đạo làm người.Ở đời còn có sỉ, thì hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được, chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì kiêng nể mà không dám làm”

Mạnh tử nói: “ Vô tu ố chi tâm phi nhân dã” ( Người không có lòng hổ thẹn không phải là con người vậy).

“ Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ, không kể chi người thường, thậm chí đến bọn cán bộ cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước cũng không phải là nói ngoa”(11).

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích:

1- Tu đi với sỉ là một từ đồng nghĩa để tạo nên cấu trúc ghép đẳng lập “tu sỉ”. Trước ngày 30/4/1975 dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa có tội “Công xúc tu sỉ”, có nghĩa là tội công khai làm mất liêm sỉ, làm cho kẻ khác thẹn thùng, phạm thuần phong mỹ tục. Ví dụ: trần truồng đi ngoài đường là ghép vào tội “Công xúc tu sỉ”.

2- Ban Tu thư Khai Trí, Tự Điển Việt Nam, Nhà sách Khai Trí 62, Lê Lợi, Sài Gòn, tr.888

3 – Trích từ bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của tác giả Trần Thị Lam

4- https://new.zing.vn/10-phat-ngon-an-tuong-cua-thu-tuong-nguyen-tan-dung-post639078.html

5 - baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/cai-nhin-thang-cua-pho-chu-tich-nuoc-nguyen-thi-doan-3290000/

6 - https://dantri.com.vn/blog/su-that-qua-phat-ngon-cua-mot-vi-tuong-cong-an-20160311051237514.htm

7 - https://thanhnien.vn/tri-viet/giai-ma-vi-sao-chong-tham-nhung-qua-kho-677232.html

8 – vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/phai-xay-dung-van-hoa-khinh-bi-ke-tham-nhung-326239.html

9 - https://www.rfa.org/vietnamese/news/progams/LiteratureAndsArts/whats-scornful-culture-ml-09172016110211.html.

10- https://tintucvietnam.vn/giao-su-ngo-bao-chau-noi-gi-ve-chuyen-xay-tuong-dai-1400-ti-tai-son-la-4181

11- Trích từ bài “Liêm, Sỉ” trong tác phẩm “Cổ học tinh hoa”
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Lễ Thánh Bổn mạng ở các Miền truyền giáo. Nói thêm về “Thánh lễ Chữa lành”
Nguyễn Trọng Đa
10:05 11/12/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã là một linh mục truyền giáo ở Nigeria kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1960. Gần đây, chúng con đã cử hành lễ thánh bổn mạng, thánh Phanxicô Xavier. Một nhà truyền giáo trẻ hỏi con là tại sao lịch phụng vụ chỉ định rằng tất cả lễ sáu vị thánh bổn mạng của châu Âu phải được cử hành như là lễ kính ở châu Âu, và các nơi khác cử hành như là lễ nhớ; nhưng lễ hai vị thánh bổn mạng của các Miền truyền giáo (thánh Phanxicô Xavier và thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux) chỉ được cử hành như là lễ nhớ ở các Miền thuộc Thánh Bộ Phúc Âm hóa. Con không thể trả lời cho cha ấy được. Xin cha giúp chúng con hiểu. - R. H., Jos, Nigeria.


Đáp: Do có nguy cơ của sự khiếm nhã, tôi nghĩ rằng câu trả lời đầu tiên là rằng không ai đã bận tâm để hỏi câu ấy.

Câu trả lời khả dĩ thứ hai có thể là rằng các thánh bổn mạng châu Âu là ngưởi châu Âu, trong khi các thánh bổn mạng các Miền truyền giáo là có hoạt động hoặc làm việc tông đồ của Giáo hội. Theo nghĩa đó, các ngài là bổn mạng chủ yếu của các người dấn thân trong công cuộc truyền giáo, chứ không trước tiên là của các Miền dưới sự bảo trợ của Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân tộc.

Tuy nhiên, lý do thứ hai này sẽ không nhất thiết loại trừ khả năng của lý do thứ nhất, và có lẽ chúng ta có thể đạt được sự tỏ tường nào đó, bằng cách xem xét các tiêu chí cho các thánh bổn mạng lãnh thổ.

Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 394:

“Mỗi giáo phận nên có lịch của mình và phần riêng các Lễ. Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục nên làm một lịch riêng, hay cùng với những Hội Ðồng Giám Mục khác, đưa ra một lịch có thẩm quyền lớn hơn, sau khi được Toà Thánh chấp thuận.

“Khi làm việc này, phải duy trì hết sức ngày Chúa Nhật sao cho các lễ kính, và các cử hành khác không được lấn át ngày Chúa Nhật, trừ phi thật sự là rất quan trọng. Cũng lo sao đừng để năm phụng vụ được công nhận bởi sắc lệnh của Công Ðồng Vatican II bị che khuất bởi các yếu tố thứ yếu.

“Khi làm lịch quốc gia, phải ghi các ngày Cầu Khẩn và Bốn Mùa (xem số 373), và có trước mắt hình thức và bản văn để cử hành những ngày này và những đặc điễm riêng khác.

“Khi phát hành Sách Lễ, nên đưa những cử hành riêng cho toàn thể quốc gia hay lãnh thổ lớn hơn vào chỗ những cử hành của lịch chung, còn những cử hành riêng cho vùng hay giáo phận thì để vào phần Phụ Lục đặc biệt” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Các quy chế trên được dựa trước hết vào “Quy luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch”, các số 48-51, do Thánh Bộ Phượng tự ban hành trong Huấn thị Calendaria Particularia (Lịch riêng), ngày 24-6-1970, một sắc lệnh tiếp theo về các thánh bổn mạng, “De Patronis Constituendis” ban hành ngày 19-3-1973, và một thông báo cập nhật một số quy định được công bố năm 1997. Lịch Riêng nói:

“48. Việc sắp xếp cử hành năm phụng vụ được chi phối bởi lịch: Lịch Chung, được sử dụng trong toàn bộ Nghi Lễ Rôma, hoặc một lịch riêng, để sử dụng trong một Giáo hội địa phương hoặc trong các Dòng tu.

“49. Trong Lịch Chung, toàn bộ chu kỳ của cử hành đi vào: các cử hành của mầu nhiệm cứu độ, như được thấy trong Phần Riêng Các Mùa, hoặc của các thánh có ý nghĩa phổ quát, do đó, phải được mọi người mừng kính, hoặc các vị thánh chứng tỏ tính phổ quát và sự liên tục của sự thánh thiện trong dân Chúa.

“Lịch riêng có các lễ cử hành đặc biệt hơn, được sắp xếp để hài hòa với chu kỳ chung. [15] Các Giáo hội địa phương hoặc các Dòng tu nên thể hiện một vinh dự đặc biệt cho các vị thánh thuộc về họ.

“Lịch riêng, được soạn thảo bởi giáo quyền có thẩm quyền, phải được sự chấp thuận bởi Tòa Thánh.

“50. Việc soạn thảo một lịch riêng phải được hướng dẫn bởi các điều sau đây:

“a. Phần Riêng Các Mùa (nghĩa là chu kỳ các mùa, lễ trọng và lễ kính, vốn diễn ra và tôn vinh mầu nhiệm cứu chuộc trong năm phụng vụ) phải được giữ nguyên và giữ nguyên tính ưu tiên của nó trên các cử hành riêng.

“b. Các lễ cử hành riêng phải được phối hợp hài hòa với các cử hành chung, với sự quan tâm cho các Ngày Phụng vụ. Để lịch riêng được mở rộng không tương xứng, các thánh riêng lẻ chỉ có một lễ kính trong năm phụng vụ. Vì lý do mục vụ thuyết phục, có thể có một lễ cử hành khác dưới hình thức một lễ nhớ tùy chọn, kỷ niệm việc chuyển thi hài hoặc phát hiện thi hài của các thánh bổn mạng hoặc thánh lập ra Giáo Hội địa phương hoặc Dòng tu.

“c. Các lễ kính được ban bởi phép riêng của Tòa Thánh không thể trùng lặp các lễ khác đã có trong chu kỳ của mầu nhiệm cứu độ, cũng không thể được nhân lên mức cao hơn.

“51. Mặc dù thật hợp cho mỗi giáo phận có lịch riêng và phần riêng cho Thánh Lễ và thần vụ, không có lý do tại sao toàn bộ các giáo tỉnh, miền, quốc gia, hoặc thậm chí các khu vực lớn hơn không có lịch chung và phần riêng chung, được soạn thảo với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan. Nguyên tắc này cũng có thể được tuân giữ, trong trường hợp lịch cho nhiều Tỉnh Dòng trong cùng lãnh thổ dân sự”.

Từ các điều trên đây, chúng ta có thể thấy rằng sáng kiến cho sự thay đổi trong lịch xuất hiện trước tiên từ các cộng đồng địa phương và quốc gia, và sau đó được Tòa Thánh phê chuẩn. Nó không phải là một thủ tục tự động, và đây là cơ sở của câu trả lời đầu tiên của tôi ở trên.

Thủ tục này có thể được tìm thấy trong tuyên bố chọn Thánh Biển Đức làm thánh bổn mạng thứ nhất của châu Âu. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong tuyên bố của Ngài năm 1964 như sau:

“Thật là tư nhiên khi chúng tôi dành sự đồng ý hoàn toàn cho phong trào này, vốn có xu hướng đạt được sự thống nhất châu Âu. Vì lý do này, chúng tôi vui mừng hoan nghênh lời thỉnh cầu của nhiều Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, các bề trên Dòng tu, hiệu trưởng các trường đại học và các đại diện nổi bật khác của giáo dân từ các quốc gia châu Âu khác nhau, để tuyên bố Thánh Biễn Đức là Thánh bổn mạng của châu Âu. Và dưới ánh sáng của lời tuyên bố long trọng này, ngày hôm nay dường như là đặc biệt thích hợp cho chúng tôi, bởi vì vào ngày này, chúng tơi dâng hiến cho Thiên Chúa, trong sự tôn vinh Đức Trinh Nữ và Thánh Biển Đức, đền thờ Montecassino, vốn đã bị phá hủy vào năm 1944 trong chiến tranh thế giới, và được xây dựng lại nhờ sự kiên cường của lòng đạo đức Kitô giáo.

“Điều này chúng tôi làm với lòng mong muốn nhất, lặp lại các hành động của nhiều Đấng Tiền Nhiệm của chúng tôi, những vị đã đích thân thực hiện các bước trong suốt nhiều thế kỷ để hướng tới sự cung hiến trung tâm này của linh đạo đan tu, vốn trở nên nổi tiếng nhờ là nơi có phần mộ của thánh Biển Đức. Xin thánh rất yêu mến đón nhận lời nguyện ước của chúng ta và, khi một khi Ngài đã xua tan bóng tối bằng ánh sáng của nền văn minh Kitô giáo, và tỏa sáng quà tặng hòa bình, nay xin Ngài chủ trì tất cả cuộc sống châu Âu, và nhờ lởi bầu cử của Ngài phát triển và gia tăng nó thêm nữa.

“Vì vậy, theo đề xuất của Thánh Bộ Lễ Nghi, và sau khi xem xét, nhờ quyền Tông tòa của chúng tôi, với Đoản sắc này, chúng tôi mãi mãi thiết dịnh và tuyên bố thánh Biển Đức, Đan viện phụ, là thánh bổn mạng chính yếu của toàn châu Âu, trao ban mọi danh dự và đặc quyền phụng vụ theo luật cho các Vị Bổn mạng chính. Bất chấp mọi điều khoản trái ngược.

“Điều này chúng tôi làm cho mọi người biết và thiết định, quyết định rằng Tông Thư hiện tại vẫn còn hiệu lực và có hiệu quả, rằng nó có hiệu lực đầy đủ và toàn vẹn, và được kính trọng bởi tất cả những người mà nó liên quan hoặc sẽ liên quan trong tương lai; cũng vậy, chớ gì mọi phán đoán hay định nghĩa nào phải phù hợp với nó; và từ đó, bất kỳ hành động trái ngược nào, bởi bất kỳ thẩm quyền nào, có ý thức hoặc thiếu hiểu biết, đều được coi là không hợp lệ.

“Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 24-10-1964, năm thứ hai Triều Đại Giáo Hoàng của chúng tôi“.

Tuy nhiên, việc bổ sung các thánh bổn mạng mới cho châu Âu, là một sáng kiến cá nhân của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trước tiên, Ngài thêm thánh Cyril và thánh Methodius làm đồng bổn mạng vào ngày 31-12-1980. Sau đó, vào năm 1999, Ngài đã thêm ba thánh nữ đều có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu:

“Qua sự Hiệp thông các Thánh, vốn hiệp nhất một cách mầu nhiệm Hội Thánh dưới thế trần với Hội Thánh trên thiên đàng, các thánh chăm sóc chúng ta trong sự cấu bầu liên lỉ của các Ngài cho chúng ta trước tòa Chúa. Đồng thời, một lời cầu xin với các Thánh này, và sự quan tâm cẩn thận hơn đến lời nói và gương sáng của các Ngài sẽ không làm cho chúng ta ngừng nhận thức rõ hơn về ơn gọi chung của mình đến sự thánh thiện, và truyền cảm hứng cho chúng ta hơn nữa để chúng ta hào phóng trong cam kết của mình.

“Vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhờ quyền Tông tòa của tôi, tội thiết định và tuyên bố thánh Bridget của Thụy Điển, thánh Catarina thành Xiêna và thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá là các thánh đồng bổn mạng của tất cả châu Âu trước mặt Chúa, và tôi xin trao ban mọi danh dự và đặc quyền phụng vụ theo luật cho các Vị Bổn mạng chính.

“Vinh quang cho Chúa Ba Ngôi, mà sự huy hoàng rực rỡ chiếu soi cách độc đáo trong đời sống các thánh này và trong đời sống của tất cả các Thánh. Xin hòa bình cho mọi người nam nữ có thiện tâm, ở châu Âu và trên toàn thế giới.

“Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 1-10-1999, năm thứ hai mươi mốt Triều Đại Giáo Hoàng của tôi“.

Trong một tiến trình tương tự, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố Đức Mẹ Guadalupe là thánh bổn mạng của châu Mỹ vào ngày 22-1-1999, đáp ứng lại một lời thỉnh cầu của Thượng hội đồng đặc biệt của các Giám mục châu Mỹ vào năm 1997. Tuyên bố này được chính thức hóa bởi một sắc lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự vào ngày 25-3-1999, vốn bao gồm lễ mừng Đức Mẹ Guadalupe trong lịch chung như một lễ nhớ tùy chọn, và như một lễ kính trong toàn các quốc gia châu Mỹ, trừ nơi nào lễ có bậc cao hơn như ở Mexico.

Do đó, nếu các Giám mục của các quốc gia thuộc thẩm quyền của Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc xem xét rằng lễ mừng Thánh Phanxicô Xavier và Thánh Têrêsa thành Lisieux cần được nâng lên thành lễ kính ở các Miền này, thì các ngài thỉnh cầu Thánh Bộ đưa vấn đề lên Đức Thánh Cha.

Điều này là không phải là không thể được, nhưng điều đó sẽ không xảy ra, trừ khi chính các Giám mục chủ động lấy sáng kiến.

Sau khi tôi trả lời ngày 27-11 về cái gọi là “Thánh lễ chữa lành”, một bạn đọc linh mục từ Waterford, Ireland, đã hỏi: “Vào ngày Thứ Sáu đầu tháng, chúng tôi có một 'Thánh lễ chữa lành', mà trong đó chúng tôi cử hành Bí tích Xức dầu Bệnh nhân. Tôi không hỏi điều này, nhưng câu trả lời của cha trong trang mạng Zenit liên quan đến các “Thánh lễ chữa lành” gây sốc cho tôi, khiến tôi nghĩ rằng chúng tôi không nên có bí tích này trong Thánh lễ. Xin cha vui lòng xác nhận liệu đó một sự lạm dụng chăng?”.

Đáp: Do không biết trường hợp cụ thể, và Giám mục có cho phép hay chăng, tôi phải kiềm chế để nói liệu việc ấy là sự lạm dụng hay không.

Tuy nhiên, tôi có thể đưa ra một số tiêu chuẩn chung, vốn có thể cho phép bạn đọc này đưa ra phán đoán cho phương thức hành động cụ thể trong giáo xứ.

Trước hết, được phép cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân trong Thánh lễ. Sách Nghi thức “Chăm sóc Mục vụ Bệnh nhân” có quy trình thực hiện việc này.

Tuy nhiên, các điều kiện bình thường để lãnh bí tích phải được đáp ứng đủ. Những người lãnh bí tích phải là người già yếu, mắc một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng hoặc ít nhất là cần sự điều trị, vốn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như cần gây mê toàn thân. Một số dạng bệnh tâm thần, đặc biệt là nếu bị gây ra bởi các trục trặc cơ thể, cũng có thể đủ điều kiện.

Bí tích xức dầu bệnh nhân không dành cho những người khỏe mạnh, những người có thể phải chịu các khó khăn luân lý, sự ức chế, nghiện ngập… Đối với những người như vậy, sự đau khổ đích thực của họ được giúp đỡ tốt nhất bởi các Bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể, sự cầu nguyện và hướng dẫn thiêng liêng, và, nếu cần thiết, sự trị liệu chuyên môn.

Phần Giới thiệu cho Nghi thức chăm sóc mục vụ bệnh nhân, số 108, tuyên bố:

“Nếu Giám mục giáo phận quyết định rằng nhiều người sẽ được xức dầu trong cùng một lễ, thì ngài hoặc đại diện của ngài phải đảm bảo rằng tất cả các quy tắc kỷ luật liên quan đến Xức dầu phải được tuân giữ, cũng như các quy tắc chuẩn bị mục vụ và cử hành phụng vụ. Đặc biệt, việc Xức dầu bừa bãi trong những dịp này, chỉ đơn giản vì họ bị bệnh hoặc cao tuổi là cần tránh. Chỉ những người có sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng do bệnh tật hoặc tuổi già mới là các đối tượng thích hợp cho Bí tích”.

Do đó, ngay cả khi được cử hành trong Thánh lễ, Bí tích không được ban cho mọi người và ban lặt vặt, mà chỉ dành cho những người đủ điều kiện để nhận lãnh. Hầu hết các giáo xứ cử hành Bí tích xức dâu bệnh nhân trong Thánh lễ, có lẽ một hoặc hai lần một năm. Việc này thường được thực hiện vào hoặc gần lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Việc này có thể là thường xuyên hơn, nếu cần thiết, thí dụ, nếu một giáo xứ có một số nhà hưu dưỡng trong lãnh thổ của mình.

Tương tự như vậy, mặc dù bí tích có thể được lặp lại nhiều lần trong khi bị bệnh; chỉ trong các bệnh nghiêm trọng, bí tích được lặp lại trong vòng một tháng. Mặc dù tôi không biết tình hình cụ thể của giáo xứ này, tôi nghi ngờ rằng các điều kiện đe dọa tính mạng không phải là dịch bệnh, để đảm bảo cử hành công khai hàng tháng Bí tích xức dâu bệnh nhân.

Cuối cùng, chúng tôi nhắc lại Điều 7 của các quy định đã nêu trong bài trước:

"Điều 7- §1. Ngoài những gì đã qui định ở điều 3 nói trên và những việc cử hành cho người bệnh được sách phụng vụ qui định, các việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ không được đưa vào, hoặc ghép vào việc cử hành Thánh Thể, các Bí tích hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Do đó, mặc dù việc cử hành Bí tích xức dầu bệnh nhân có thể được đưa vào Thánh lễ, nhưng nó không được xem như là một phần của “Thánh lễ chữa lành” chung chung, cùng với các hình thức cầu nguyện khác cho việc chữa lành. (Zenit.org 11-12-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Cao Cung Lên – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Network
03:24 11/12/2018