Ngày 30-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ghi nhớ và suy niệm trong lòng
Lm. Thái Nguyên
02:21 30/12/2022

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN LỄ MẸ THIÊN CHÚA
https://www.youtube.com/watch?v=edCtylwsorw



GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG
Ngày 01 tháng 01: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa: Lc 2, 16-21

Suy niệm

Sau khi chiêm ngắm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, thì hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Tín điều Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) là tín điều đầu tiên về Đức Mẹ, được tuyên tín vào ngày 22/6/431 bởi Công đồng chung Êphêsô. Khi Công đồng tuyên tín Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, thì mục tiêu chính không phải là đề cao một tước hiệu của Đức Maria, song là để bảo vệ chân lý về Thiên Chúa nhập thể. Thiên Chúa muốn trở thành người như chúng ta, làm con của một người phụ nữ (Gl 4,4). Thiên Chúa muốn đến với nhân loại qua một gia đình, chấp nhận điều kiện của con người, từ thai nhi yếu ớt và lớn dần, chứ Ngài không hóa thân từ trên trời mà xuống cách ngẫu nhiên giống như những câu chuyện thần thoại.

Từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể, nên Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa với hai bản tính. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Bản tính Thiên Chúa và loài người của Ngài không thể tách rời nhau được. Vì Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người (Cl 2,9), nếu Ðức Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, thì Ðức Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa. Chắc chắn Đức Maria không thể hiểu thấu ngay mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, nên khi các mục đồng kể lại việc sứ thần báo tin Đấng Cứu Thế giáng sinh ở Belem, thì Mẹ đã “ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng”. Mẹ không vội vàng nắm bắt sự việc bằng trí hiểu, nhưng bằng sự cảm nếm trong lòng. Đó là điều rất đặc biệt nơi Mẹ mà chúng ta cần học hỏi và đào sâu trong cuộc đời mình.

Để khám phá ra phần nào mầu nhiệm, cần ơn soi sáng của Chúa, nhưng cũng cần một thái độ lắng nghe, khiêm nhường, suy tư và nghiền ngẫm trong thinh lặng. Giữa một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động bên ngoài của bon chen, tranh chấp, những tai ác và chết chóc hàng ngày; tiếng động bên trong của những lo lắng, toan tính, yêu-ghét và ham muốn không ngừng. Chúng ta cần bắt chước Đức Mẹ, khắc ghi mọi biến cố trong tâm hồn bằng sự chiêm niệm, để dần dần ngộ ra chân lý, nhận ra quyền năng và tình thương sâu thẳm của Thiên Chúa, thấy Ngài vẫn đang hành động lạ lùng trong cuộc sống. Chỉ trong thinh lặng, Chúa mới có thể ngỏ lời một cách nào đó. Nhờ đó, tâm trí ta mới được sáng lên và sống khác đi, không còn nằm lì trong lối sống thường tình, mà bước ra khỏi mình để dấn thân phục vụ vì tình yêu.

Chính nhờ chiêm niệm mà Mẹ Maria nhìn mọi sự ở đời này bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ thế mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống của Mẹ đều có ý nghĩa cứu độ. Chẳng có gì ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Tất cả đều nằm trong tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Đời ta vui buồn, sướng khổ, hay dù ra sao đi nữa thì hãy nhìn tất cả những điều đó với con mắt đức tin, với con mắt của Thiên Chúa, Đấng hằng che chở ta bằng tình thương và ân sủng, Đấng vì yêu thương mà có thể biến điều dữ thành sự lành cho những ai tin tưởng nơi Ngài.
Hôm nay, ngày khởi đầu năm dương lịch, cũng là ngày cầu nguyện cho Hòa Bình Thế Giới. Sáng kiến này do Đức Phaolô VI khởi xướng năm 1968, để kêu gọi, cổ vũ và hành động để cho mọi dân nước được sống trong hòa bình. Điều này giúp ta ý thức lại đời sống mình, điều chỉnh những gì còn đang gây trở ngại và bất ổn cho đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội, Giáo hội. Đời sống ngay chính, công bình và bác ái là phương thế tốt nhất để chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu, Vua Hòa Bình, và mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng là Nữ Vương Hòa Bình, vì Mẹ đã trao hiến chính con yêu của mình cho nhân loại.

Hoà bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, hay không còn những xô sát bên ngoài, nhưng trước tiên phải là sự an bình trong tâm hồn của mỗi người. Sự bình an này được ban cho tất cả những người thiện tâm, như các thiên thần đã hát vang trong đêm Chúa giáng sinh. Hòa bình chính là hoa trái của tình yêu phục vụ, của sự hy sinh hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân, như Đức Giêsu và Mẹ Maria.

Đức Maria đã sinh Chúa Giêsu nơi hang đá, nhưng Mẹ cũng đã sinh ra chúng ta dưới chân thập giá. Qua thánh Gioan, Chúa Giêsu đã ủy thác Đức Maria cho chúng ta, và trao gửi cuộc đời chúng ta cho Đức Maria. Yêu mến và tôn sùng Mẫu Tâm, mời gọi chúng ta trở nên giống Mẹ mình, là góp phần làm nên một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa, nơi chỉ có yêu thương, bình an và hạnh phúc viên mãn.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Dù thiên sứ đã tận tình giải thích,
trước khi Mẹ thụ thai Chúa Ngôi Hai,
nhưng rồi mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm.
Bao biến cố trong đời còn nối tiếp,
Mẹ cũng chẳng hiểu được bao nhiêu,
nhưng quan trọng là Mẹ đã yêu nhiều,
nên ghi nhớ mọi điều và suy đi nghĩ lại.
Có những điều trong đời Mẹ rất thiếu,
nhưng ân sủng nơi Mẹ lại đầy dư,
vì Mẹ hằng lắng nghe và tuân giữ
những Lời Thiên Chúa đã phán truyền,
tin vào Lời Chúa, Mẹ không xao xuyến,
sẵn sàng sống một cuộc đời tận hiến,
Con có người Mẹ thật thánh thiện,
nhưng bản thân con lại yếu hèn,
sa đi ngã lại đã bao phen,
tuổi trẻ lại đam mê chè chén,
háo danh ham lợi đã thành quen,
cuốn theo vật chất sống ươn hèn.
Con có người Mẹ quá sáng trong,
nhưng bản thân con còn hư hỏng,
tâm trí suy tư thường trống rỗng,
nên đời con sống cũng mông lung.
Cho con biết hằng suy đi nghĩ lại,
khám phá ra ân sủng Chúa tràn đầy,
qua những lúc vui vầy hay đau khổ,
để mỗi ngày thấy mình nên giống Mẹ,
luôn cất lời ca ngợi Chúa khắp nơi,
đem an vui và ân phúc cho đời. Amen.



 
Ngày 31/12: Niềm xác tín vào Thiên tính Đức Giêsu – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:29 30/12/2022

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi,
nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
 
Mẹ Maria như là pháo hoa
Lm Nguyễn Xuân Trường
05:45 30/12/2022

MẸ MARIA NHƯ LÀ PHÁO HOA

Chúc mừng Năm Mới phơi phới niềm vui. Vui hơn nữa, khi ngày đầu Năm Mới, chúng ta mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa. Khắp thế giới bắn pháo hoa vui mừng chào đón Năm Mới. Có thể sánh ví Mẹ Maria như cây pháo hoa rực rỡ chiếu sáng cả bầu trời nhân loại khi sinh ra Chúa Giêsu cứu thế.

1. Mẹ bắn pháo hoa. Đêm Giao Thừa, người ta hay bắn pháo hoa chào đón Năm Mới. Giữa bầu trời đêm đen bỗng sáng lên những màn pháo hoa rực rỡ màu sắc làm phấn khởi lòng người. Cũng vậy, giữa đêm đen của tội lỗi và sự dữ, Mẹ Maria đã sinh hạ Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế - Ngài như màn pháo hoa khổng lồ đem ánh sáng huy hoàng rực rỡ, bừng lên chiếu rọi muôn dân. Nhân loại từ nay không còn chìm trong bóng tối tử thần, mà vui hưởng ánh sáng cứu độ, ánh sáng của tình thương và sự sống. Điều cần thiết là hãy hướng mắt chiêm ngắm pháo hoa.

2. Mẹ như cây pháo. Cây pháo hoa một mặt chứa giữ các chất tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, mặt khác, nó lại luôn có khả năng bung ra và bay lên cao để tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời. Mẹ Maria cũng vậy, một mặt lòng Mẹ đón nhận, chứa đựng Lời Chúa, Con Chúa, mặt khác, Mẹ cũng hết lòng mở ra để trao ban Chúa cho nhân loại. Lòng người cũng cần như thế: mở ra để đón nhận Chúa, ơn thánh Chúa, và cũng dốc lòng mở ra để chia sẻ, để trao ban Chúa và ơn thánh Chúa cho người xung quanh.

Năm Mới tới, chúng ta chúc nhau có nhiều niềm vui. Mẹ Maria đã hớn hở vui mừng. Vui vì cưu mang Chúa trong lòng và đem niềm vui của Chúa cho người khác. Thực tế cuộc sống cho thấy: vui vẻ làm cho người ta đẹp đẽ, tươi trẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc. Thế nên, xin nguyện chúc cho nhau vui giống Mẹ Maria như là pháo hoa rực rỡ ánh sáng, đem niềm vui cho muôn người. Hãy nhớ: niềm vui của pháo hoa luôn là niềm vui từ Trời cao, chứ không phải nơi đất thấp. Amen.
 
Sứ điệp của Máng cỏ
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:37 30/12/2022

SỨ ĐIỆP CỦA MÁNG CỎ...
LỄ Đức Mẹ LÀ MẸ THIÊN CHÚA 2023

Nội dung Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cho biết, sau khi các mục đồng nhận được tin từ các thiên thần, họ đến viếng hang Bêlem và gặp thấy "Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ" (Lc 2, 16).

Chúa Trời làm người không ngự trong đền đài, lại nằm trong máng cỏ. Hình ảnh thực tế của sự nghèo hèn đó lại có thể là câu trả lời hùng hồn xác nhận lời của thiên thần.

Máng cỏ. Tưởng chỉ là hèn hạ, lại có thể cho các mục đồng, cũng là những con người bị xem là hèn hạ của thế giới loài người, tìm thấy, gặp gỡ, tôn thờ Đấng Cứu Thế, đồng thời dâng niềm tin của mình cho Ngài.

Máng cỏ. Vật dụng thường ngày của các mục đồng. Họ không lạ gì với chúng. Không có chúng, họ thiếu phương tiện chăm sóc đàn vật. Không có chúng, có thể sẽ khiến đàn vật ốm đói.

Máng cỏ. Với các mục đồng, xưa nay đã khá quan trọng cho việc chăn nuôi. Nhưng chắc chắn, dù có nằm mơ, có giỏi tưởng tượng, các mục đồng nói riêng, cả loài người nói chung, không ai có thể nghĩ ra nổi, sẽ có một ngày, Đức Chúa Trời đặt mình vào đó như một trẻ thơ!
Máng cỏ. Nơi mà Đấng là Chúa Trời, Đấng mà dù vũ trụ hay thiên đàng không chứa nổi, lại chỉ cần một máng cỏ giữa chốn nghèo nàn, không còn có thể có chốn nào nghèo hơn, lại có thể chất chứa.

Máng cỏ. Tưởng chừng chỉ là vật dụng chứa thức ăn nuôi gia cầm, bỗng dưng lại mang sứ mạng cao cả khó có thể hình dung: NÓ KHÔNG CHỈ DIỄN TẢ TÌNH YÊU VƯỢT TRÊN CHÍNH NÓ MÀ CÒN DIỄN TẢ TÌNH YÊU KHÔNG GIỚI HẠN CỦA CHÍNH ĐẤNG LÀ TÌNH YÊU.

Máng cỏ. Nơi có mùi nước miếng của loài gia cầm, nơi có mùi thơm ngai ngái của cỏ đồng hoa nội, nơi có chứa chút tình của người chăn và đoàn vật nuôi dành cho nhau, giờ đây lại CHỨA ĐỰNG SỰ DIỄN TẢ MẠNH MẼ TÌNH YÊU CỦA TRỜI CAO DÀNH CHO TRẦN THẾ.

Máng cỏ. Sao nhiệm mầu quá đỗi. Tưởng chỉ là thứ tầm thường. Tưởng chỉ là thứ có thể quăng lăn lóc đâu đó trong góc chuồng vật, trong tận cùng của sân sau khu nhà, trong chốn âm u của một mảnh vườn nào đó..., bỗng dưng trở nên vỹ đại đến vậy: NÓ LÀ NGAI, HAY ÍT NỮA THÌ CŨNG LÀ GIƯỜNG CỦA CHÚA TRỜI BUỔI ĐẦU LÀM NGƯỜI.

Chính nơi hình hài một trẻ thơ nằm trong máng cỏ, Chúa trở nên gần gũi đến vô cùng với kiếp sống và sự sống của mỗi chúng ta. Chúa chạm đến trái tim chúng ta bằng sự cảm thông đến mức trở nên nhỏ bé, đến mức trở nên yếu đuối, đến mức trở nên tầm thường, để chúng ta nắm lấy một bầu yêu của trái tim Chúa mà rót vào tim mình, mang tim đã chứa tình yêu của Chúa nơi mình đi ra và làm tuôn chảy trên mọi ngã của đời sống.

Đó là niềm vui, là tin mừng cho chúng ta, cho những ai thấy mình thấp kém; những ai đói khổ, bệnh tật, lầm than, đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn.

Đó là những ai bị loại trừ, bị bỏ rơi; những ai đang bị quên lãng trong cô đơn, mồ côi, túng bấn, lam lũ, tù đày.

Đó là những ai đang mất quê hương, mất tự do sống, hoặc phải đối diện với những cái chết tấn công bất cứ giây phút nào khi phải dập dền trên sóng nước đang tìm đường vượt khỏi hải phận của quốc gia mình để vươn tới tự do, vươn tới con đường sống khác...

Đó là những ai đang bị cướp mất không chỉ vai trò chánh trị, tiếng nói công lý, quyền bênh vực cho lẽ sống, cho nhân quyền, mà còn bị cướp mất chủ quyền, cướp mất quyền làm người, cướp mất quyền được sống như mọi người, cướp mất vai trò của đức tin, thậm chí bị xóa luôn cả nền văn hóa...

Tuy nhiên, nội dung Tin Mừng của ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ngoài hình ảnh các mục đồng nhận biết Hài Nhi trong máng cỏ, còn có hình ảnh Mẹ Thiên Chúa âm thầm cầu nguyện, âm thầm sống nội tâm: "Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2, 19).

Đang khi chứng kiến cảnh đau lòng nhất: Con mình sinh ra trong nơi nghèo khó không còn có chỗ nào nghèo khó hơn, Đức Mẹ chọn một lối hành xử trưởng thành nhất. Đức Mẹ âm thầm cầu nguyện, âm thầm suy gẫm, âm thầm kết hợp với Thiên Chúa, âm thầm lần tìm thánh ý Thiên Chúa giữa hoàn cảnh mà nhiều người, nếu rơi vào, có thể phàn nàn, trách móc Thiên Chúa.

Vì thế, trong ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Đấng là chính sự Bình An, và ngày Quốc tế Hòa bình, đọc lại sứ điệp từ máng cỏ để chúng ta học lấy bài học của Đức Mẹ mà cầu nguyện không ngừng cho quốc gia mình, cho mọi anh chị em xung quanh và trên khắp thế giới. Chúng ta cũng cầu xin cho mình luôn biết nội tâm hóa mọi chiều kích của đời sống như Đức Mẹ.

Hãy làm như Mẹ Thiên Chúa đã làm, đó là tìm thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những khi bế tắc nhất, đen tối nhất, thảm bại nhất.

Ngày đầu Năm Mới, chúng ta chạy đến đặt mình dưới sự che chở của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta.

Xin Đức Mẹ dạy chúng ta biết tìm thánh ý Chúa suốt đời mình.

Xin Đức Mẹ củng cố nơi chúng ta đức tin mạnh vào Chúa như chính Đức Mẹ, để chúng ta có thể vượt qua mọi thác lũ của đời sống.

Nhất là những lúc chúng ta không còn biết giải quyết những khó khăn ập đến bằng cách nào, thì hãy dựa vào thái độ vững vàng trong đức tin của Đức Mẹ mà tín thác cho Chúa những hoàn cảnh, những con người, những đường lối, những cách thức quyết định và giải quyết của mình hay của tập thể, hay của cả một chủ trương mà mình phải hoặc anh chị em của mình phải đón nhận và bị chi phối bởi những chủ trương ấy...
 
Chọn chỗ rốt hèn
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
09:13 30/12/2022


Những người chăn chiên đêm hôm ấy tại Bê-lem hết sức kinh hoàng khi chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng như thể trong mơ. Có một vầng sáng lớn đột nhiên xuất hiện giữa đêm đen bao trùm lấy họ và có tiếng vang vọng từ thinh không rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu nầy mà nhận ra Người: anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ…” (Lc 2,11-12).

Bấy giờ các người chăn chiên bàng hoàng tự hỏi: Thật lạ lùng! Một Đấng cứu độ mà lại là trẻ thơ bọc tã, nằm trong máng cỏ hay sao?

Thế rồi họ bảo nhau phải đến tận nơi để nhìn xem cho tường tận.

Một nghịch lý trong cuộc đời

Bất cứ ai sống trên đời đều muốn tỏ ra mình là người quan trọng, trỗi vượt người khác, tốt đẹp hơn người, không thua kém ai. Nếu bị thua kém người khác, ai cũng cảm thấy buồn phiền.

Các bậc vua chúa chức trọng quyền cao luôn tỏ ra mình là người uy dũng, oai phong lẫm liệt, giàu sang phú quý.

Trong khi đó, thật là điều nghịch lý khi Thiên Chúa Ngôi Hai là vua trời cao cả quyền năng phép tắc đến với nhân loại trong hình hài một trẻ sơ sinh.

Giờ đây, ngược dòng thời gian, chúng ta cùng với các người chăn chiên ở Bê-lem năm xưa, đến nhìn ngắm Đấng Cứu độ nhân loại tại nơi Ngài giáng sinh.

Không ai trên đời bần cùng như Ngài: không nhà cửa, không lều trại, đến độ phải náu thân trong chuồng súc vật giữa đồng hoang.

Không ai hèn kém như Ngài: Không giường không nệm, không được nằm nôi tươm tất, ấm áp như bao trẻ thơ khác, Ngài nằm trong máng ăn của súc vật, được lót một lớp mỏng cỏ khô do trâu bò ăn còn sót lại. Không có chăn ấm phủ người, Ngài chỉ được bọc trong chiếc tã mong manh, nằm run rẩy giữa trời đêm lạnh giá.

Thay vì cung điện kiêu sa, Ngài ngự trong một chuồng bò xiêu vẹo, bốn bề trống trải, chơ vơ giữa đồng.

Thay vì quan quân hầu hạ, chỉ có mấy con bò nằm cạnh, tròn mắt ngơ ngác ngắm nhìn.

Cũng không ai trên đời yếu ớt như bé Giê-su: khi chưa đủ ngày đầy tháng, đã phải cậy nhờ Cha nuôi Giu-se và Mẹ Maria bồng ẵm, vội vã trốn lánh ra nước ngoài, tận Ai-cập xa lắc xa lơ, để thoát khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của bạo chúa Hê-rô-đê.

Và thế rồi, suốt 33 năm hoạt động trên dương gian, Chúa Giê-su luôn sống khiêm tốn đến tận cùng và kết thúc bằng cái chết khổ nhục, treo thân trần trụi trên thập giá.

Thế là khi đến trần gian, Ngài đã sống trong cảnh rốt hèn, kể từ lúc sinh ra cho đến chết.

Sứ điệp của Chúa Giê-su

Đời sống khiêm hạ tột bậc Chúa Giê-su gửi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp quan trọng, là phải sống đời khiêm tốn.

Sự cao cả của con người không tùy vào chức quyền, công danh, địa vị, cũng không tùy vào tài sản kếch sù hay tiền bạc đầy dư.

Sự thánh thiện của con người không tùy vào dáng vẻ bên ngoài, nhưng là nội tâm khiêm nhu hiền hậu. Ngài thường mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.”

Và người đời cũng thường nhắc bảo ta: “Lúa chín thì cúi đầu.” Những người thật sự vĩ đại thì luôn khiêm tốn “cúi mình xuống” như bông lúa chắc; còn người rỗng tuếch thì vươn cao đầu như bông lúa lép.

Lạy Chúa Giê-su,

Người đời thích khoe mẽ, phô trương, mặc dù họ chẳng đáng là gì. Còn Chúa là Đấng vinh hiển, quyền năng nhưng luôn tỏ ra là người bé mọn, chọn chỗ rốt hèn và hết sức khiêm tốn.

Xin cho chúng con biết học khiêm nhường với Chúa để ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
 
Từ Trời mà xuống
Lm Minh Anh
14:46 30/12/2022

TỪ TRỜI MÀ XUỐNG
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.

John Hannah nói, “Không ai từng ở địa ngục lại có thể nói, “Chúa đặt tôi ở đó!”; cũng không ai ở trên thiên đàng lại có thể bảo, “Tôi đặt mình ở đây!”. Tôi có gì dưới thế, được gì trên trời, cũng là do Con Một Thiên Chúa, Đấng ‘từ trời mà xuống’, tặng ban!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến một điều gì đó, một ‘Ai đó’ ‘từ trời mà xuống’. Đang khi Luca mô tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại qua việc trẻ Giêsu ra đời tại Bêlem; thì với Gioan, biến cố này chỉ tóm kết gãy gọn trong một câu, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.

Trên thực tế, câu chuyện Giáng Sinh của Luca và Lời Tựa Phúc Âm Gioan bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau; cả hai cùng gióng một thông điệp, “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một!”. Phân đoạn lời tựa Tin Mừng tuyệt vời có một không hai này của Tân Ước cung cấp một mở đầu mạnh mẽ cho các chủ đề của Gioan: Sự Sống, Sự Sáng, Sự Thật, Thế Gian, Chứng Từ và tiền Hiện Hữu của Ngôi Lời, Đấng mặc khải Thiên Chúa là Cha cho con người. Lời Tựa của Gioan khác nào những lời đầu tiên của sách Sáng Thế, “Lúc khởi đầu…”; nhưng đang khi Sáng Thế nói về khởi nguyên của vũ trụ thì ‘phượng hoàng’ Gioan lại đi xa hơn, vỗ cánh bay vút lên tận khởi đầu vô cực của Thiên Chúa. Và trong những khởi đầu đó, Ngôi Lời vốn kết hiệp mật thiết với Cha đã tồn tại, đồng bản tính với Ngài; và Ngôi Lời đã ‘từ trời mà xuống’, “cư ngụ giữa chúng ta!”.

Trong đêm Giáng Sinh, nếu Luca cho biết, “Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”, thì Gioan lại tiếc xót, “Ngài đã đến nhà các gia nhân Ngài, và các gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài”. Và nếu vinh quang Chúa chiếu toả khung trời Bêlem, khiến các mục đồng khiếp hãi; để sau đó, sứ thần bảo, “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, là tin mừng cho toàn dân; hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em!”, thì trong Lời Tựa, Gioan lại xác tín, “Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang Ngài nhận được bởi Chúa Cha!”.

“Ngài cư ngụ giữa chúng ta!”. Đến với nhân loại từ nguồn sung mãn của Chúa Cha, Con Thiên Chúa ban cho chúng ta những gì vĩ đại và vô biên nhất từ Thiên Chúa. Không đến từ đất, Giêsu, Lời Thiên Chúa không tặng chúng ta những gì thuộc về đất, vốn rất hạn hẹp, ít ỏi; trái lại, Ngài ‘từ trời mà xuống’, “Từ nguồn sung mãn của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”. Đó là tất cả những gì chúng ta nhận được; nhờ Ngài, chúng ta ngụp lặn trong ân sủng vô biên của một Đấng Vô Cùng. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Gioan viết, “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết”.

Anh Chị em,

“Ngài cư ngụ giữa chúng ta!”. Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và không bao giờ quay trở lại. Ngài không mặc lấy nhân tính của chúng ta như một chiếc áo có thể mặc vào, cởi ra. Không, Ngài không bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta; và sẽ không bao giờ tách khỏi nó. Bây giờ và mãi mãi, Ngài ở trên thiên đàng với thân xác bằng xương bằng thịt của con người. Ngài đã liên kết mãi mãi với nhân loại của chúng ta; đã ‘kết hôn’ vĩnh viễn với nó. Khi cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, Chúa Giêsu không chỉ nói suông, nhưng chỉ cho Chúa Cha những vết thương xác thịt đã chịu vì chúng ta. Đây là một Giêsu bằng xác thịt mình, với tất cả những dấu chỉ khổ đau chuyển cầu cho chúng ta. Đúng thế! Ngài đã đến cư ngụ giữa chúng ta; Ngài không đến thăm chúng ta rồi lại đi; nhưng đến cư ngụ với chúng ta, ở lại với chúng ta. Vậy bạn và tôi hãy đến với Ngài, trong Lời, trong Thánh Thể và trong Hội Thánh, để múc lấy mạch sống vô biên; đồng thời, đem chia sẻ cho anh chị em mình quà tặng Giêsu, ân sủng ‘từ trời mà xuống’ này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước chi mỗi ngày, mọi lời nói việc làm, và cả suy tưởng của con đều khởi đi từ Chúa, Đấng ‘từ trời mà xuống’. Được như thế, con sẽ bớt la đà lệt đệt và sẽ sớm nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:56 30/12/2022

35. Chúng ta có đức ái thì chúng ta có Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.

(Thánh James with Marian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:58 30/12/2022
27. MẤT TIÊU THỂ DIỆN

Thời Tam quốc, người trong đô thành Hàm Đan nước Triệu có tư thế rất đẹp khi đi bộ.

Có một thiếu niên ở Thọ Lăng nước Yên nghe nói thế, bèn không ngại đường xa vạn dặm đến Hàm Đan để học cách đi bộ.

Kết quả, không những học không thành, mà ngay cả tướng đi trước kia của mình cũng quên mất tiêu, cuối cùng chỉ có cách là bò mà trở về nhà.

(Trang tử)

Suy tư 27:

Tôi có một người quen vượt biên qua Mỹ khi tuổi đã hơn ba mươi, qua Mỹ khoảng 5 năm thì về thăm quê hương Việt Nam, chuyện như thế là chuyện thường tình, nhưng cái đáng nói ở đây là khi trở về Việt Nam, thì “quên” mất tiếng Việt, ai hỏi gì cũng làm như không biết gì, sau đó người nhà nói là quên mất tiếng Việt rồi ! Bà con ai cũng cười!

Thể diện là cái bề ngoài, cái vỏ bên ngoài của một con người có thế giá hoặc không thế giá; sĩ diện cũng được gọi là tự ái, ai cũng có tự ái và ai cũng có sĩ diện. Nhưng sĩ diện đúng chỗ và tự ái đúng lúc thì làm cho bản thân được mọi người nể trọng, bằng không thì chỉ làm trò cười cho mọi người.

Có người có bộ mặt bên ngoài (thể diện) nhưng lại không có cái thực chất bên trong, nên trở thành giả dối, lừa bịp người khác; có người có bên trong mà không có bên ngoài nên dễ gây hiểu lầm cho người khác.

Cứ sống cách thành thật, không vì sĩ diện mà tự lừa dối mình và người khác; phá vỡ đi cái đạo mạo và trịch thượng bên ngoài để thực chất bên trong được tự do mĩm cười, thân thiện với anh chị em, đó chính là bộ mặt thật của một tâm hồn biết yêu mến thật vậy.

Đức Chúa Giê-su đã từng quở trách những người Pha-ri-siêu là “thứ giả hình”, là “cái mả tô vôi”, tức là những người sống vì thể diện và vì sỉ diện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Ma-ri-a - Mẹ Thiên Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:00 30/12/2022
Ngày 1 tháng 1

LỄ ĐỨC MA-RI-A MẸ THIÊN CHÚA

Tin Mừng: Lc 2, 16-21.

“Các người chăn chiên gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su”.


Anh chị em thân mến,

Công đồng Ê-phê-sô (năm 431) đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã chọn Đức Mẹ làm mẹ của Đấng cứu thế là Đức Chúa Giê-su, và đồng thời đề cao vai trò của Mẹ trong trong việc đồng công cứu chuộc loài người với con mình là Đức Chúa Giê-su.

1. Đức Chúa Giê-su- Thiên Chúa làm người.

Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi cung lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, do đó Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người như chúng ta, chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo là Đấng sẽ đến để cứu nhân loại khỏi bóng đêm tội. Chính Ngài trong bản tính Thiên Chúa thì là Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Đức Cha và Đức Chúa Thánh Thần, trong bản tính nhân loại thì Ngài là con của Đức Trinh nữ Ma-ri-a mà công đồng Ni-xê-a (325) đã long trọng tuyên bố và xác tín, và mỗi ngày chúa nhật hay lễ trọng, chúng ta đều tuyên xưng trong thánh lễ.

Đức Chúa Giê-su là Đấng mà thánh Gioan Tiền Hô đã nói: “Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi” (Ga 1, 30b), cũng có nghĩa là với bản tính loài người Đức Chúa Giê-su sinh sau thánh Gioan Tiền Hô, nhưng với bản tính Thiên Chúa thì Ngài đã có trước thánh Gioan Tiền Hô. Và như thánh Gioan tông đồ đã xác quyết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”.(Ga 1, 1) ngài đã xác tín Đức Chúa Giê-su là Ngôi Lời tức là Thiên Chúa.

Như vậy, với các chứng cớ xác thực trên thì Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, Ngài thật sự là con duy nhất của Đức Trinh nữ Ma-ri-a, do đó Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ của Ngài và cũng là Mẹ Thiên Chúa.

2. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa

Không ai thấy được Thiên Chúa bao giờ, nhưng việc giáng sinh của Đức Chúa Giê-su là một hồng phúc cho nhân loại, vì qua Ngài mà nhân loại thấy được Thiên Chúa vốn không một ai có thể thấy, qua Ngài chúng ta thấy được tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta.

Đức Mẹ Ma-ri-a là mẹ thật của Đức Chúa Giê-su, cho nên Mẹ cũng là Mẹ Thiên Chúa, như lời tiên tri I-sai-a đã loan báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Is 7, 14) Đấng Em-ma-nu-en ấy chính là Đức Chúa Giê-su, được Đức Mẹ Ma-ri-a sinh hạ trong hang lừa máng cỏ tại Bê-lem. Chỉ có làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a mới ghi nhớ trong lòng những mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực trên con người của Mẹ, và nhất là nơi những lời nói và việc làm của Đức Chúa Giê-su như lời thánh Lu-ca đã viết: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2, 19)

3. Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ của chúng ta


Thánh Gioan tông đồ, người đã tận mắt chứng kiến cái chết của Đức Chúa Giê-su đã tường thuật lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con cùa Bà”, rồi Người nói với môn đệ (thánh Gioan tông đồ): “Đây là mẹ của anh”, kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 26-27)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một người mẹ sinh ra mình, nhưng chúng ta lại càng diễm phúc hơn khi có một người mẹ trên trời hằng yêu thương chăm sóc chúng ta, đó là Đức Mẹ Ma-ri-a. Mẹ không những là mẹ mà còn là Đấng cầu bàu cho chúng ta rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy luôn tin tưởng và phó thác cuộc sống của mình cho Mẹ, bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, huống hồ là Đức Mẹ Ma-ri-a, với tấm lòng người mẹ, nhất định Mẹ sẽ không bao giờ để con cái mình phải bơ vơ đau khổ ở đời này.

Anh chị em thân mến,

Mừng kính lễ Đức Mẹ Ma-ri-a – Mẹ Thiên Chúa, là chúng ta trân trọng công việc cộng tác với Đức Chúa Giê-su để cứu chuộc loài người nơi Mẹ, là chúng ta tôn vinh Mẹ là nữ tỳ khiêm hạ được Thiên Chúa tôn lên làm Mẹ của Ngài, và là kho tàng mọi ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải luôn học hỏi các gương lành của Mẹ, nhất là nhân đức khiêm tốn và vâng phục, chính hai nhân đức này mà Thiên Chúa đã nhắc Mẹ lên tận trời cao trên các thiên thần, và ưu ái đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông Thư Totum amoris est của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vũ Văn An
04:28 30/12/2022

Như các nguồn Công Giáo đã loan tin, ngày 28 tháng 12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của Thánh Phanxicô đệ Salê, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành tông thư Totum amoris est (Tất cả liên quan đến Tình yêu). Sau đây là nguyên văn Tông thư dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến



“Tất cả liên quan đến tình yêu”[1]. Những lời này tóm tắt di sản thiêng liêng của Thánh Phanxicô đệ Salê để lại cho chúng ta, người đã qua đời cách đây bốn thế kỷ, vào ngày 28 tháng 12 năm 1622, tại Lyon. Vừa ngoài năm mươi tuổi, ngài đã là Giám mục và Hoàng tử Geneva “lưu vong” trong khoảng hai thập niên, và đã đến Lyon trong sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của mình. Công tước xứ Savoy đã yêu cầu ngài tháp tùng Đức Hồng Y Maurice của Savoy đến Avignon, nơi họ bày tỏ lòng kính trọng với vị vua trẻ Louis XIII, sau đó trở về Paris qua thung lũng Rhône sau một chiến dịch quân sự thắng lợi ở miền nam nước Pháp. Kiệt sức và sức khỏe kém, Thánh Phanxicô đã thực hiện cuộc hành trình với tinh thần phục vụ thuần túy. “Nếu tôi thực hiện chuyến đi này không hữu ích nhất cho họ, thì chắc chắn tôi sẽ có nhiều lý do chính đáng để thoái thác. Tuy nhiên, nếu tôi có thể giúp được gì, dù sống hay chết, tôi sẽ không từ chối, nhưng sẽ đi hoặc để mình bị kéo đến đó”[2]. Đó là tính cách của ngài. Khi đến Lyon, ngài ở tại tu viện của các Nữ tu Thăm Viếng, trong chỗ ở của người làm vườn, để không trở thành gánh nặng và được tự do gặp gỡ bất cứ ai muốn.

Từ lâu đã chán nản với “vinh quang phù du của triều đình”,[3] ngài đã dành những ngày cuối cùng đó để thi hành thừa tác vụ mục tử của mình giữa rất nhiều bổn phận: giải tội, trò chuyện, hội nghị, bài giảng, và tất nhiên, cả những lá thư bày tỏ tình bạn thiêng liêng. Lý do sâu xa nhất cho một lối sống như vậy, hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, đã trở nên rõ ràng hơn với ngài theo thời gian. Ngài giải thích điều đó một cách đơn giản và chính xác trong Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa nổi tiếng của ngài: “Ngay khi nghĩ đến Thiên Chúa, người ta lập tức cảm thấy một cảm xúc vui sướng nào đó trong lòng, điều này chứng tỏ Thiên Chúa là Thiên Chúa của tâm hồn con người”[4]. Những lời này là sự tổng hợp hoàn hảo tư tưởng của ngài. Kinh nghiệm về Thiên Chúa nội tại đối với trái tim con người. Khác xa với một cấu trúc tinh thần, nó là một sự thừa nhận, một cách đầy kính sợ và biết ơn, sự mac khải của Thiên Chúa. Trong trái tim và qua trái tim, diễn ra một quá trình tinh tế, mãnh liệt và thống nhất, trong đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa, đồng thời biết chính chúng ta, nguồn gốc và chiều sâu của chính chúng ta, và sự hoàn thành của chúng ta trong ơn gọi yêu thương. Chúng ta khám phá ra niềm tin không phải là một cảm xúc mù quáng, mà chủ yếu là một thái độ của trái tim, theo đó chúng ta tin tưởng vào một sự thật lôi cuốn ý thức chúng ta như một “cảm xúc ngọt ngào” và như ngài thường nói, đánh thức trong ta một lòng nhân từ lâu dài đối với tất cả các tạo vật.

Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu tại sao Thánh Phanxicô đệ Salê cảm thấy không có nơi nào tốt hơn để tìm thấy Thiên Chúa và giúp người khác tìm thấy Người, hơn là trong trái tim của những người nam nữ vào thời của ngài. Ngài học được điều này, từ những năm đầu tiên của ngài, bằng cách phát triển một cái nhìn sâu sắc vào chính bản thân ngài và trái tim con người.

Ý thức sâu sắc của Thánh Phanxicô về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các biến cố của cuộc sống hàng ngày được biểu lộ rõ ràng trong những ngày cuối cùng ở Lyon. Ngài chia sẻ với các Nữ tu Dòng Thăm Viếng về việc ngài mong muốn được họ nhớ đến như thế nào: “Cha đã nói mọi điều chỉ trong hai chữ, khi cha bảo các con đừng từ chối điều gì và đừng mong muốn điều gì; cha không còn gì để nói với các con nữa” [5]. Đây không phải là chủ nghĩa duy ý chí đơn thuần, “một ý chí thiếu khiêm nhường” [6], một cám dỗ tinh vi trên con đường nên thánh khiến nhầm lẫn nó với sự tự biện minh, tôn thờ ý chí con người và quyền lực của nó, và dẫn đến “việc coi mình là trung tâm” và sự tự mãn duy ưu tú, mất hết tình yêu đích thực” [7]. Càng không phải là vấn đề của chủ nghĩa tĩnh tịch (quietism)thuần túy, một sự từ bỏ thụ động và vô cảm đối với một học thuyết bị lột hết thịt xương và lịch sử [8]. Thay vào đó, nó là kết quả của việc ngài chiêm ngưỡng cuộc đời của Chúa Con nhập thể. Vào ngày 26 tháng 12, thánh nhân đã nói với các nữ tu từ trung tâm của mầu nhiệm Giáng Sinh: “Các con có thấy hài nhi Giêsu trong máng cỏ không? Người chấp nhận tất cả những khó chịu của mùa đó, cái lạnh buốt giá và mọi điều được Chúa Cha cho phép xảy ra với Người. Người không từ chối những lời an ủi nhỏ mà Mẹ Người dành cho Người; chúng ta không được nói cho biết Người từng với người lên để bú mẹ, nhưng đã để mọi sự cho mẹ chăm sóc và quan tâm. Cũng vậy, bản thân chúng ta không nên ước muốn hay từ chối bất cứ điều gì, nhưng hãy chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, cái lạnh khắc nghiệt và những khó chịu của mùa màng” [9]. Chúng ta rất có ấn tượng trước việc Thánh Phanxicô nhận ra tầm quan trọng của việc quan tâm đến chiều kích con người. Tại ngôi trường nhập thể, ngài đã học cách giải thích lịch sử và tiếp cận cuộc sống với sự tự tin và tín thác.

Tiêu chuẩn của tình yêu

Bằng kinh nghiệm, Thánh Phanxicô đã nhận ra rằng ước muốn là gốc rễ của mọi đời sống thiêng liêng đích thực, nhưng cũng là nguyên nhân làm suy đồi đời sống này. Rút ra một cách phong phú từ truyền thống tâm linh có trước mình, ngài nhận ra tầm quan trọng của việc không ngừng thử thách ham muốn thông qua việc thực hiện sự biện phân. Ngài đã tìm ra tiêu chuẩn cuối cùng cho việc đánh giá này trong tình yêu. Trong hội nghị cuối cùng ở Lyon, vào ngày lễ Thánh Stêphanô, hai ngày trước khi qua đời, ngài nói: “Chính tình yêu đã mang lại sự hoàn hảo cho các việc làm của chúng ta. Cha sẽ nói với các con nhiều hơn nữa. Lấy thí dụ một người chịu tử đạo vì Chúa với một lạng tình yêu; người đó rất xứng đáng, vì họ không thể cho gì lớn hơn mạng sống của mình. Tuy nhiên, một người khác chỉ bị trầy xước với hai lạng tình yêu sẽ có nhiều công đức hơn, bởi vì chính đức ái và tình yêu mang lại giá trị cho công việc của chúng ta” [10].

Với chủ nghĩa hiện thực đáng lưu ý, Thánh Phanxicô tiếp tục nói về mối liên hệ phức tạp giữa chiêm niệm và hành động: “Các con biết, hoặc các con nên biết, chiêm niệm tự nó tốt hơn hoạt động và cuộc sống năng động; tuy nhiên, nếu một người tìm thấy sự kết hợp nhiều hơn [với Thiên Chúa] trong cuộc sống năng động, thì điều đó tốt hơn. Nếu một Chị trong bếp cầm chảo trên lửa có tình yêu và lòng bác ái lớn hơn một Chị khác, ngọn lửa vật chất đó sẽ không kìm hãm chị mà ngược lại giúp chị trở nên đẹp lòng Chúa hơn. Điều thường xảy ra là con người được kết hiệp với Thiên Chúa trong hoạt động cũng như trong cô tịch; cuối cùng, nó luôn quay trở lại câu hỏi tình yêu vĩ đại nhất được tìm thấy ở đâu” [11]. Do đó, đây mới là điều thực sự quan trọng, quan trọng hơn bất cứ loại cứng ngắc vô ích hay chỉ loay hoay với bản thân mình: tiếp tục hỏi xem trong mọi lúc, trong mọi quyết định, trong mọi tình huống của cuộc sống, ta tìm thấy tình yêu lớn nhất ở đâu. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Gioan Phaolô II gọi Thánh Phanxicô đệ Salê là “Tiến sĩ của Tình yêu Thần linh” [12], không những chỉ vì ngài đã viết một Luận thuyết nặng ký về chủ đề đó, nhưng trước hết và trên hết vì ngài là chứng nhân xuất sắc cho tình yêu đó. Các trước tác của ngài không phải là lý thuyết được pha chế sau bàn giấy, khác xa với mối quan tâm của những người bình thường. Những lời dạy của ngài là kết quả của sự nhạy cảm tuyệt vời đối với kinh nghiệm. Ngài chỉ chuyển dịch thành giáo lý những gì, được Thánh Thần soi sáng, mà ngài đã kinh nghiệm và học được trong quá trình hoạt động mục vụ có tính đáng lưu ý của ngài. Chúng ta tìm thấy điều đó được tóm tắt trong Lời nói đầu của Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa: “Trong Giáo hội Thánh thiện, mọi sự đều liên quan đến tình yêu, sống trong tình yêu, được thực hiện vì tình yêu và xuất phát từ tình yêu” [13].

Giáo dục sớm: cuộc phiêu lưu để nhận biết chính mình trong Thiên Chúa

Thánh Phanxicô sinh ngày 21 tháng 8 năm 1567 tại Lâu đài Salê, gần Thorens, con trai của François de Nouvelles, Lãnh chúa của Boisy, và Françoise de Sionnaz. “Cuộc đời của ngài kéo dài qua hai thế kỷ, mười sáu và mười bảy, và ngài hiện thân các giáo huấn và thành tựu văn hóa tốt nhất của thế kỷ lúc đó sắp kết thúc, dung hòa sự kế thừa của chủ nghĩa nhân bản với sự phấn đấu cho Thể Tuyệt đối phù hợp với các trào lưu của chủ nghĩa huyền bí” [14].

Sau nền giáo dục sớm, đầu tiên tại Trung học La Roche-sur-Foron và sau đó tại trung học Annecy, Thánh Phanxicô đã đến Paris, tại Đại học Dòng Tên mới thành lập ở Clermont. Tại thủ đô của Vương quốc Pháp, bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh tôn giáo, ngài đã trải qua hai cuộc khủng hoảng nội tâm liên tiếp sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong cuộc đời ngài. Một lời cầu nguyện tha thiết được dâng lên trong Nhà thờ Saint-Étienne-des-Grès, trước Đức Mẹ Đen của Paris, sẽ thắp lên, giữa bóng tối của trái tim ngài, một ngọn lửa sẽ tiếp tục cháy trong ngài và cung cấp chìa khóa để hiểu chính kinh nghiệm của ngài và của người khác. “Lạy Chúa, bất cứ điều gì có thể xảy ra, Ngài là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay Ngài và đường lối của Ngài đều là công lý và sự thật, … Lạy Chúa, con sẽ yêu mến Ngài, … Con sẽ yêu mến Ngài ở đây, ôi Thiên Chúa của con; Con sẽ luôn hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và luôn lặp lại lời ca tụng Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn là niềm hy vọng và là ơn cứu độ của con trên đất người sống” [15].

Đạt được bình an, Thánh Phanxicô đã ghi lại những lời đó trong nhật ký của mình. Kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng này, với sự lo lắng và bất ổn của nó, sẽ tiếp tục soi sáng cho ngài, và cung cấp cho ngài một cách tiếp cận độc đáo mầu nhiệm về mối liên hệ của Thiên Chúa với nhân loại. Nó giúp ngài có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của người khác và nhận ra, với một tinh thần biện phân tinh tế, thái độ nội tâm kết hợp suy nghĩ và cảm xúc, lý trí và tình cảm, mà ngài gọi là “Chúa của trái tim con người”. Kết quả là, Thánh Phanxicô không bao giờ có nguy cơ gán tầm quan trọng về mặt lý thuyết cho kinh nghiệm bản thân của chính mình và tuyệt đối hóa nó. Thay vào đó, ngài đã học được một điều đáng lưu ý, hoa trái của ân sủng: khả năng biện phân, nơi Thiên Chúa, kinh nghiệm sống của chính ngài và của những người khác.

Mặc dù ngài chưa bao giờ tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống thần học như vậy, nhưng suy tư của ngài về đời sống tâm linh đã chứng tỏ có tầm quan trọng thần học nổi bật, vì nó hiện thân hai chiều kích thiết yếu của bất cứ nền thần học chân chính nào. Đầu tiên là chính đời sống thiêng liêng, vì chính trong lời cầu nguyện khiêm tốn và kiên trì, mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần, mà chúng ta cố gắng hiểu và truyền đạt lời Thiên Chúa; các nhà thần học phát xuất từ lò luyện cầu nguyện. Thứ hai là đời sống của Giáo hội, khả năng suy nghĩ trong Giáo hội và với Giáo hội. Bản thân thần học cảm nhận được những tác động của nền văn hóa duy cá nhân của chúng ta, thế nhưng các nhà thần học Kitô giáo được kêu gọi thực hiện công việc của mình trong khi dìm mình trong đời sống cộng đoàn, bẻ tấm bánh lời Chúa trong đó[16]. Tư tưởng của Thánh Phanxicô đệ Salê, mặc dù ở bên lề các cuộc tranh luận học thuật ở thời đại ngài và tôn trọng chúng, được đặc trưng bởi hai chiều kích thiết yếu này.

Sự khám phá ra một thế giới mới

Sau khi hoàn thành khóa học về các môn nhân văn, Thánh Phanxicô tiếp tục học luật tại Đại học Padua. Khi trở về Annecy, ngài đã quyết định hướng đi của đời ngài, bất chấp sự phản đối từ phía cha ngài. Thụ phong linh mục ngày 18-12-1593, đến đầu tháng 9 năm sau, theo yêu cầu của Đức cha Claude de Granier, ngài được gọi thi hành sứ vụ khó khăn tại Le Chablais, một lãnh địa thuộc giáo phận Annecy. Mặc dù theo giáo phái Calvin, do một mạng lưới chiến tranh và hiệp ước hòa bình phức tạp, Le Chablais một lần nữa lại nằm dưới sự kiểm soát của Công quốc Savoy. Đây là những năm căng thẳng và thú vị, khi Thánh Phanxicô khám phá ra năng khiếu của mình như một người hòa giải và một người đối thoại, cũng như một sự không khoan nhượng nào đó mà sau này ngài sẽ thừa nhận. Ngài cũng sáng nghĩ ra một số thực hành mục vụ táo bạo và độc đáo, chẳng hạn như các tờ yết thị (affiches) nổi tiếng được dán ở khắp mọi nơi và thậm chí luồn qua cửa nhà.

Năm 1602, Thánh Phanxicô trở lại Paris, được giao nhiệm vụ theo đuổi một sứ mệnh ngoại giao nhạy cảm thay mặt Giám mục de Granier theo chỉ đạo đặc biệt của Tòa thánh, tiếp theo sau một sự thay đổi khác trong bối cảnh chính trị và tôn giáo của lãnh thổ Giáo phận Geneva. Bất chấp ý định tốt của Vua Pháp, sứ mệnh đã thất bại. Ngài viết cho Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, “Sau chín tháng, con buộc phải tính toán lại các bước của mình, hầu như chẳng đạt được gì cả” [17]. Thế nhưng, sứ vụ đó đã làm phong phú một cách bất ngờ cho ngài và cho Giáo hội xét về khía cạnh nhân bản, văn hóa và tôn giáo. Trong bất cứ thời gian rảnh rỗi nào mà các cuộc đàm phán ngoại giao của ngài cho phép, Thánh Phanxicô đã thuyết giảng trước sự chứng kiến của Vua Pháp và triều đình của ông. Ngài đã tạo được những tình bạn quan trọng và trên hết, ngài hoàn toàn đắm mình trong sự nở rộ về văn hóa và tinh thần phi thường của thủ đô hiện đại của Vương quốc.

Ở đó mọi sự đều lên men liên tục. Thánh Phanxicô có ấn tượng và suy nghĩ trước các vấn đề lớn đang nổi lên trên thế giới, bởi những cách mới lạ chúng được đề cập, bởi mối quan tâm mới và đáng lưu ý về tâm linh và những câu hỏi chưa từng có do nó đặt ra. Nói một cách dễ hiểu, ngài cảm nhận được một “sự thay đổi mang tính thời đại” đích thực đòi hỏi một phản ứng ẩn dưới ngôn ngữ cả cũ lẫn mới. Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên ngài gặp các cá nhân Kitô hữu nhiệt thành, nhưng bây giờ mọi sự đã ra khác. Paris không còn là thành phố bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh tôn giáo mà ngài từng biết trong những năm đi học, hay bởi những xung đột gay gắt mà ngài đã thấy ở Chablais. Thay vào đó, ngài gặp một điều bất ngờ: một cơn lũ “các thánh, các thánh đích thực, rất đông và ở khắp mọi nơi” [18]. Có những người đàn ông và đàn bà thuộc lãnh vực văn hóa, các giáo sư của Sorbonne, các thẩm quyền dân sự, các hoàng tử và công chúa, người hầu và người giúp việc, nam và nữ tu sĩ. Cả một thế giới đang khao khát Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau.

Gặp gỡ những người đó và những câu hỏi của họ là một trong những sự kiện quan trọng và may mắn nhất trong cuộc đời ngài. Những ngày dường như vô ích và không hiệu quả đã trở thành một trường học vô song để giải thích tinh thần của thời đại mà không cần chạy theo nó. Thánh Phanxicô, một nhà tranh luận khéo léo và không biết mệt mỏi, đã được ân sủng biến đổi thành một người quan sát sâu sắc về thời đại của mình và một vị linh hướng phi thường của các linh hồn. Hoạt động mục vụ của ngài, những tác phẩm vĩ đại của ngài – Dẫn nhập vào Đời sống Đạo dức Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa– và hàng ngàn bức thư về tình bạn thiêng liêng mà ngài đã viết cho các tu viện và đan viện, cho các tu sĩ và nữ tu, cho các triều thần và dân thường, không kể cuộc gặp gỡ của ngài với Jane Frances de Chantal và việc thành lập Dòng Thăm Viếng vào năm 1610: không điều gì trong số này có thể hình dung được nếu không có bước ngoặt nội tâm đó. Do đó, Tin Mừng và văn hóa đã tìm thấy nơi ngài một sự tổng hợp hữu hiệu, dẫn đến sự phát triển một phương pháp mà một khi nó đã hình thành, sẽ gặt hái được một vụ mùa bội thu và lâu dài.

Trong một lá thư đầu tiên về linh hướng và tình bạn, gửi cho một cộng đoàn tu trì mà ngài đã viếng thăm ở Paris, Thánh Phanxicô đã nói một cách khá khiêm tốn về “phương pháp của ngài”, một phương pháp khác với những phương pháp khác và nhằm mục đích cải cách thực sự. Đó là một phương pháp từ bỏ mọi sự khắc nghiệt và tôn trọng hoàn toàn phẩm giá và hồng phúc của một linh hồn đạo đức, bất kể những điểm yếu của nó. Ngài viết: “Tôi tự hỏi liệu có thể có một khó khăn khác liên quan đến cải cách của các bạn hay không: có lẽ những người áp đặt nó lên các bạn đã chữa vết thương một cách quá khắc nghiệt... Tôi đánh giá cao phương pháp của họ, mặc dù đó không phải là điều mà tôi có thói quen sử dụng, đặc biệt là đối với những linh hồn cao quý và được tu luyện như linh hồn của các bạn. Tôi tin rằng tốt hơn hết là chỉ ra căn bệnh và đặt con dao mổ vào tay họ, để họ tự thực hiện việc mổ cần thiết. Tuy nhiên, đừng vì lý do này mà bỏ qua việc cải cách mà các bạn đang cần”[19]. Những lời này cho thấy cái nhìn sâu sắc đã làm cho chủ nghĩa lạc quan Phanxicô trở nên nổi tiếng và để lại dấu ấn lâu dài trong lịch sử linh đạo qua sự nở rộ sau này, chẳng hạn như trường hợp của Thánh Gioan Bosco khoảng hai thế kỷ sau.

Khi trở về Annecy, Thánh Phanxicô được tấn phong giám mục vào ngày 8 tháng 12 cùng năm 1602. Ảnh hưởng của thừa tác vụ giám mục của ngài đối với châu Âu vào thời của ngài và trong nhiều thế kỷ sau đó vô cùng lớn lao. “Ngài là một tông đồ, nhà thuyết giáo, nhà văn, một người hành động và cầu nguyện, tận tụy thực hiện những lý tưởng của Công đồng Trent. Tham gia vào các cuộc tranh cãi và đối thoại với những người Thệ phản, ngài ngày càng nhận ra, cùng với nhu cầu thảo luận thần học, tính hiệu năng của các mối liên hệ bản thân và đức ái. Ngài được giao nhiệm vụ ngoại giao ở châu Âu và với các nhiệm vụ trung gian và hòa giải trong xã hội” [20]. Trên hết, Thánh Phanxicô là người giải thích những thay đổi mang tính thời đại và là người hướng dẫn tinh thần trong thời đại khát khao Thiên Chúa một cách mới mẻ.

Còn tiếp
 
Sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI: Vatican cung cấp thông tin cập nhật
Đặng Tự Do
05:08 30/12/2022



Vào lúc 2:30 chiều giờ Rôma ngày thứ Năm, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni đã đưa ra tuyên bố sau đây để trả lời câu hỏi của các phóng viên về sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI:

“Đêm qua Giáo hoàng danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt. Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo, và hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn còn nghiêm trọng, nhưng tình hình lúc này đã ổn định. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này.”

Các nguồn tin thân cận với Tu viện Mater Ecclesiae nơi Đức Bênêđictô XVI sống nói với tờ National Catholic Register hôm thứ Năm rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng Danh dự rất nghiêm trọng vào tối hôm thứ Tư và mọi người nhất trí rằng ngài có thể không sống được quá vài ngày, nhưng sức khỏe của ngài đã ổn định qua đêm như tuyên bố của Vatican xác nhận..

Tuyên bố gần đây được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ về tình trạng của mình trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô, người đang âm thầm hỗ trợ Giáo hội. Hãy nhớ đến ngài -ngài đang ốm nặng - xin Chúa an ủi ngài, và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội, cho đến cùng.”

Vatican cho biết sau buổi tiếp kiến, Đức Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô tại nơi cư trú của ngài trong Tu viện Mẹ Giáo Hoàng ở Vatican.

Tờ National Catholic Register đã liên lạc với thư ký riêng của Đức Bênêđictô, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, để xin bình luận nhưng ngài chưa trả lời.

Trong những năm gần đây, Đức Bênêđictô XVI trở nên rất yếu ớt, bất động và không thể nói rõ ràng, nhưng Đức Tổng Giám Mục Gänswein và nhiều vị khách đã làm chứng cho sự tỉnh táo và sức khỏe tương đối tốt của ngài.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng Danh dự khi nói rằng “tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng của ngài, sự đồng hành của ngài trong lời cầu nguyện cho toàn thể Giáo hội và cái nhìn chiêm niệm liên lỉ của ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao giải thưởng Ratzinger cho nhà thần học Dòng Tên người Pháp Michel Fédou và giáo sư luật Do Thái Joseph Weiler. Đức Bênêđíctô không có mặt tại buổi lễ nhưng đã tiếp những người đoạt giải tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội.
Source:National Catholic Register
 
Đức Giám Mục Stanislav Shyrokoradiuk: Hai quả hỏa tiễn trúng nhà thờ nhưng không nổ
Đặng Tự Do
05:09 30/12/2022


Ngày 23 tháng 12, quân Nga pháo kích vào trung tâm Kherson. Hai quả hỏa tiễn bay vào nhà thờ Công Giáo lúc đó có rất nhiều người và trẻ em nhưng không phát nổ. Một chiếc rơi xuống và gãy làm đôi, chiếc còn lại mắc kẹt vào tường.

Đức Cha Stanislav Szyrokoradiuk, giám mục Công Giáo Latinh của Odessa-Simferopol, cho biết như trên trong Thánh lễ canh thức Giáng Sinh.

Trang thông tin của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Ukraine cho biết như sau: Trong bài giảng thánh lễ ngày 24 tháng 12, Đức Cha nhắc đến vụ ném bom Kherson xảy ra ngày hôm trước, 23 tháng 12, và nói rằng ngài đã ghi nhận nhiều trường hợp kỳ diệu đang xảy ra trên địa phận của mình bao gồm các thành phố Kherson và Mykolaiv. “Chúa truyền lệnh. Kẻ bắn cứ bắn nhưng Chúa điều khiển hỏa tiễn đó,” Đức Cha nói. “Có nhiều người Công Giáo ăn bánh mì và nước vào thứ Sáu hàng tuần để chay tịnh, cầu nguyện cho chiến thắng, cho những người lính của họ. Kherson đã bị ném bom nặng nề vào hôm thứ Sáu. Sau đó, một linh mục gọi cho tôi và nói, '2 quả hỏa tiễn đã bắn trúng nhà thờ. Mọi người đều đang ở bên trong. Mọi người đang dọn dẹp: trẻ em, phụ nữ, hai linh mục. Họ đang chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và… không quả hỏa tiễn nào trong số này phát nổ, chỉ để lại những lỗ hổng trên mái nhà. Một chiếc rơi xuống và gãy làm đôi, chiếc còn lại mắc kẹt vào tường. Không phát nổ. Đây không phải là ân sủng của Chúa sao?' Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa, thì Chúa sẽ điều khiển hỏa tiễn”, Đức Cha Szyrokoradiuk nhấn mạnh.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nhắc lại rằng vào ngày 24 tháng 12, 16 người chết và 68 người bị thương ở Kherson do vụ tấn công tàn bạo bằng hỏa tiễn của Nga.
Source:RISU
 
Khắp thế giới kêu gọi cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI
Đặng Tự Do
05:10 30/12/2022


Khi sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI đã xấu đi nghiêm trọng trong 24 giờ qua, nhiều nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo đã chuyển tiếp lời kêu gọi cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đàn chiên của mình.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đưa ra vào ngày 28 tháng 12 trong buổi tiếp kiến chung, kêu gọi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đang “ốm nặng”, đã được chuyển tiếp trên toàn thế giới. Từ các phương tiện truyền thông của Tòa thánh đến các hội đồng giám mục và nhiều Hồng Y, làn sóng kêu gọi cầu nguyện cho cho vị giáo hoàng thứ 265 đang lan rộng khắp thế giới Công Giáo.

Ngay sau buổi tiếp kiến chung, Văn phòng Báo chí của Tòa thánh đã xác nhận tình trạng sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự ngày càng xấu đi. Phiên bản tiếng Anh của Vatican News đã phản ứng ngay lập tức bằng cách phát sóng một lời cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI trên mạng xã hội, trong đó cầu xin Chúa với “lòng thương xót dịu dàng” nâng đỡ “người tôi tớ đau yếu của Người là Bênêđictô”.

Thông điệp từ những người thân cận với Đức Bênêđictô XVI

Hai vị Hồng Y thân cận với Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, là Đức Hồng Y Robert Sarah và Đức Hồng Y Christoph Schönborn, đã lên tiếng trên Twitter. Vị cựu Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã khuyến khích chúng ta hiệp nhất trong lời cầu nguyện “trong những thời điểm khó khăn và nghiêm trọng này”. Đức Tổng Giám Mục Vienna đã chia sẻ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người Áo và nhắc lại mối liên kết mạnh mẽ đã liên kết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô với đất nước của ngài.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, cũng gửi thông điệp cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng: “Lạy Chúa, người Công Giáo Pháp, hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo hội, cầu nguyện cho tôi tớ Chúa là Bênêđictô XVI. Xin Chúa nâng đỡ người và những người đang chăm sóc cho ngài.”

Đức Cha Rudold Voderholzer, giám mục Regensburg – là giáo phận mà bào huynh của Đức Giáo Hoàng Danh Dự, là Đức Ông Georg Ratzinger làm việc – đã bày tỏ “sự quan tâm lớn lao” của mình và kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho vị giáo hoàng thứ 265.

Đức Giám Mục Stefan Oster, Giám mục Passau ở Bavaria, nơi sinh của Đức Joseph Ratzinger, cho biết ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Danh Dự vào tháng 11 vừa qua. Ngài giải thích rằng ngài thấy Đức Bênêđíctô “vẫn còn rất tỉnh táo” nhưng thể chất đã yếu đi. “Nếu bây giờ ngài còn yếu hơn nữa, thật dễ tưởng tượng rằng ngài đang ở giai đoạn cuối của cuộc hành trình dương thế”

Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - nơi mà Đức Giáo Hoàng Danh Dự từng là giáo chủ và giám mục của Rôma từ năm 2005 đến 2013, trong một tuyên bố, đã mời người Ý mang những suy nghĩ và lời cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI đến nhà thờ của họ.

Các Hồng Y khác đã chuyển tiếp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đáng chú ý là Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục Hiệu Tòa của Hương Cảng và Đức Hồng Y Seán O' Malley, Tổng Giám mục Boston. Đức Hồng Y Reinhard Marx, được Đức Bênêđictô XVI phong làm Hồng Y và được ngài bổ nhiệm làm người đứng đầu tổng giáo phận cũ của ngài ở Münich-Freising, cũng đã mời người Bavaria, vùng xuất xứ của giáo hoàng, cầu nguyện.


Source:famillechretienne.fr
 
Tình trạng của Đức Bênêđictô vào sáng thứ Bẩy 31/12
Đặng Tự Do
17:11 30/12/2022


Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã trong tình trạng ổn định vào trưa ngày thứ Sáu sau khi trải qua một thời gian suy giảm sức khỏe. Ngài đã có thể tham dự Thánh lễ riêng trong phòng của mình, khi các tín hữu ở Rôma chuẩn bị để tôn vinh “đoạn hành hương cuối cùng này của ngài”.

Vatican đã cung cấp một bản tin y tế mới vào chiều tối thứ Sáu theo giờ địa phương, ở Việt Nam đã bước sang ngày thứ Bẩy, nói rằng Đức Bênêđíctô đã có thể nghỉ ngơi tốt trong hai đêm liên tiếp.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cũng tham gia Thánh lễ được cử hành trong phòng của của ngài vào chiều hôm qua. Hiện tại tình trạng của ngài vẫn ổn định.”

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng vị tiền nhiệm 95 tuổi của ngài “ốm nặng” và ngài đã đến thăm Đức Bênêđíctô tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội trong vườn Vatican. Đức Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho Đức Bênêđictô, và điều này đã dẫn đến một loạt các thông điệp hiệp nhất trong lời cầu nguyện từ những người Công Giáo bình thường đến các Hồng Y.

Năm 2013, Đức Bênêđictô XVI trở thành vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 600 năm. Ngài nói rằng ngài không còn đủ sức mạnh thể chất và tinh thần để lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo với 1,2 tỷ tín hữu. Việc thoái vị của ngài đã mở đường cho cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Bênêđictô chọn sống ẩn dật trong một tu viện đã được cải tạo ở Vatican, nơi ngài được chăm sóc bởi một nhóm bác sĩ và gia đình giáo hoàng lâu năm của ngài: bao gồm thư ký của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, và một số phụ nữ tận hiến chăm sóc cho hộ gia đình.

Hôm Thứ Sáu, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt để vinh danh Đức Bênêđictô tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, về mặt kỹ thuật là nhà thờ chính tòa một thời của Đức Bênêđictô trong cương vị giám mục Rôma.

Theo tập sách phụng vụ do văn phòng của Đức Hồng Y De Donatis phát hành, Thánh lễ mở đầu và kết thúc với những lời cầu nguyện đặc biệt cho vị giáo hoàng danh dự.

Một trong những lời cầu nguyện mở đầu có đoạn: “Xin Chúa nâng đỡ và an ủi ngài bằng sự hiện diện từ ái của Chúa trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình này, để ngài có thể trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng chiến thắng ngay cả trong đau khổ, và tiếp tục hiến thân vì thiện ích của Giáo hội.”

Đức Bênêđíctô đã chỉ ra rằng khi ngài qua đời, ngài muốn được chôn cất trong khu hầm mộ bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô, ở ngôi mộ từng là ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II. Ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II đã được chuyển lên tầng trên của Đền Thờ Thánh Phêrô trong những năm gần đây. Ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II ban đầu nằm ở phía Bắc của khu hầm mộ, cách mộ Thánh Phêrô chưa đến 30m. Ngày 1 tháng Năm, 2011, ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II được dời lên bên dưới bàn thờ Thánh Sêbastinô.
 
Tu viện nơi Đức Bênêđictô XVI sống
Đặng Tự Do
17:13 30/12/2022


Trong khi sức khỏe của ngài trở nên xấu đi trong những giờ gần đây, Đức Bênêđictô XVI đã không được chuyển đến một trong nhiều bệnh viện Công Giáo ở Rôma - chẳng hạn như Bệnh viện đa khoa Gemelli - mà vẫn ở lại Tu Viện Mẹ Giáo Hội, nơi cư trú của ngài kể từ năm 2013. Tại đây, ngài được tiếp nhận chăm sóc y tế cần thiết.

Tòa nhà ít được biết đến của Vatican này hiện là nơi ở của Đức Giáo Hoàng Danh dự - trong gần 10 năm qua - lâu hơn thời gian ngài ở Dinh Tông Tòa, khi đang cai quản Hội Thánh.

Tu viện Mẹ Giáo Hội tọa lạc ở đâu?

Tu viện Mẹ Giáo Hội – tiếng Latinh là Mater Ecclesiae - là một tòa nhà nằm gần như trên đỉnh đồi Vatican, ở trung tâm vườn Vatican. Không thể tiếp cận trừ khi được mời, được bao quanh bởi hàng rào cao và được bảo vệ bởi hiến binh, nó nằm cách tháp Đài phát thanh Vatican vài mét và ngay phía trên Casina Pio IV, trụ sở của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Tự Nhiên và Khoa học Xã hội.

Ở phía nam của dinh thự rộng gần 300 mét vuông này, những người làm vườn làm việc trong vườn rau của Vatican, trong khi ở phía bắc là đài phun nước Đại bàng bằng đá có từ thế kỷ 17. Tu viện chỉ cách Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Thánh Cha Phanxicô có 350 m.

Nguồn gốc của tu viện là gì?

Tu viện Mẹ Giáo Hội được xây dựng từ năm 1992 đến 1994 theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II, sử dụng một văn phòng cũ của Lực lượng Hiến binh Vatican, để chứa các cộng đồng nhỏ gồm các nữ tu dòng kín. Đức Giáo Hoàng người Ba Lan muốn các cộng đồng này trong Vatican có thể cầu nguyện từ trái tim của Giáo hội cho Người kế vị Thánh Phêrô và sứ vụ của ngài. Từ năm 1994 đến năm 1999, tu viện do các nữ tu dòng thánh Clara Khó Nghèo coi sóc; từ 1999 đến 2004 bởi các nữ tu dòng Camêlô Nhặt Phép; từ 2004 đến 2009 do 10 nữ tu Biển Đức; từ năm 2009 đến cuối năm 2012 do các nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng.

Tại sao nơi này được chọn làm nhà của Đức Giáo Hoàng Danh Dự?

Vào cuối năm 2012, các nữ tu Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng đã được mời bí mật trở lại tu viện của họ, để cho phép bắt đầu công việc tân trang lại, nhà báo người Ý Massimo Franco tường thuật trong cuốn sách của ông, Il Monastero (Solferino, 2022). Mãi đến vài tháng sau, chúng tôi mới biết rằng Đức Bênêđictô XVI, sau khi từ chức vào tháng 2 năm 2013, đã lên kế hoạch chuyển đến đó.

Công việc tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội tiếp tục cho đến ngày 2 tháng 5 năm 2013, ngày mà Đức Giáo Hoàng danh dự hiện nay trở về sau thời gian ở Castel Gandolfo. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng hầu như không bao giờ rời khỏi tu viện, ngoại trừ những lần đi dạo thường xuyên trong vườn, một vài lần xuất hiện chính thức hiếm hoi và chuyến đi đến Đức vào năm 2020 để thăm anh trai Georg, ngay trước khi Đức Ông Georg qua đời.

Có ai khác sống ở đó không?

Ngoài Đức Giáo Hoàng danh dự, tu viện còn là nhà của thư ký và bạn của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đã hỗ trợ Đức Giáo Hoàng từ năm 1996, khi ngài bắt đầu làm việc cho Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ trong Bộ Giáo lý Đức tin.

Ở Mẹ Giáo Hội, ngoài hai vị, còn có với bốn nữ giáo dân tận hiến của Memores Domini, là chi nhánh tận hiến của phong trào Hiệp thông và Giải phóng Ý, mà Đức Giáo Hoàng luôn rất thân thiết, đặc biệt vì ngài là một trong những người ủng hộ chính của phong trào này. Ngài là một trong những cộng tác viên lỗi lạc nhất của tạp chí thần học Communio.

Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, là Birgit Wansin, một nữ giáo dân tận hiến và là thành viên của phong trào Schoenstatt, hàng đêm trở về Rôma để ngủ tại nơi ở cộng đồng của bà. Anh trai của Đức Bênêđíctô XVI, Georg Ratzinger, qua đời vào năm 2020, cũng từng là cư dân của tu viện.

Cuộc sống hàng ngày của ngài như thế nào?

Người ta biết rất ít về cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Danh dự kể từ khi ngài từ chức, ngoài những gì được thư ký của ngài, Đức Tổng Giám Mục Gänswein, và một số nhân vật đặc biệt được mời đến dinh thự, cho hay. Trong những năm gần đây, Đức Giáo Hoàng đã phân chia cuộc sống của mình giữa việc đọc và cầu nguyện, và cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ mỗi ngày với các cư dân khác.

Với thư viện rộng lớn và môi trường xung quanh yên bình, nơi này đã cho phép nhà thần học tiếp tục làm việc trong những năm này. Là một người yêu âm nhạc, ngài cũng quen nghe nhạc, đôi khi ngài chơi trên cây đàn piano của dinh thự.

Ngài cũng đã tiếp nhiều khách, gần sáu lần một tuần trong những năm đầu. Sau mỗi công nghị, các tân Hồng Y đã đến thăm ngài cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Lần cuối cùng là vào ngày 27 tháng 8 vừa qua.

Những vị khách cuối cùng được biết đến là những người đã nhận giải thưởng mang tên ngài, Giải thưởng Ratzinger, nhận được tại tu viện vào đầu tháng 12.

Đức Giáo Hoàng danh dự từ lâu cũng có thói quen rời khỏi dinh thự của mình vào buổi chiều muộn để đi dạo, trong thời gian đó, đôi khi ngài đến hang đá Lộ Đức trong các khu vườn của Vatican để lần chuỗi Mân côi.
 
Người Công Giáo Á Châu cầu nguyện cho Đức Bênêđictô
Đặng Tự Do
17:14 30/12/2022


Nhiều cộng đồng Công Giáo trên khắp Á Châu đã đón nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô dâng một “lời cầu nguyện đặc biệt” cho Đức Bênêđictô XVI. Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự đã có vấn đề trong dịp Giáng Sinh.

Từ Miến Điện, Đức Hồng Y Charles Bo, tổng giám mục Yangon và là chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, kêu gọi các tín hữu “cầu nguyện cho vị thánh này, người mà chứng tá của ngài cho đến tận ngày nay vẫn tiếp tục chúc lành cho Giáo hội.”

“Sự đóng góp của ngài cho Công đồng Vatican II, sự ủng hộ mạnh mẽ của ngài đối với sứ mệnh của Thánh Gioan Phaolô II và sự nhạy bén về trí tuệ của ngài là những đóng góp đáng ghi nhớ cho Giáo hội ngày nay. Ngài hết mực trung thành với truyền thống và giáo huấn của Giáo hội.”

“Cầu mong sự bảo vệ của Mẹ Maria tiếp tục chữa lành vết thương cho ngài và ban cho ngài nhiều sức khỏe hơn.”

Tại Trung Quốc, các cộng đồng Công Giáo cũng đang cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI, với lòng biết ơn Bức thư năm 2007 của ngài gửi cho người Công Giáo Trung Quốc.

Trong số những người đầu tiên chú ý đến lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân trên tài khoản twitter của ngài, nhưng nhiều tín hữu cũng làm như vậy trên mạng Vi Bác, một nền tảng giống như Twiiter của Trung Quốc.

Một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô xuất hiện trên xinde.org cùng với lời cầu nguyện do Vatican News công bố ngày hôm qua. Trang web này là một điểm tham khảo quan trọng cho các cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc đại lục.

Tại Ấn Độ, Đức Tổng Giám Mục Anthony Poola của Hyderabad đã gửi một thông điệp đến các tín hữu mời họ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh dự.

“Tôi ngưỡng mộ ngài vì ba điều,” Đức Hồng Y y viết. Đầu tiên, ngài là “sự pha trộn tuyệt đẹp giữa một học giả và một mục tử. Với tư cách là một nhà thần học, tác phẩm của ngài về Chúa Giêsu thành Nazareth thật tuyệt vời” và ngài “có một trái tim mục vụ”. Thứ hai, “Tình yêu dành cho Giáo hội” của ngài đi xa đến mức “không bao giờ thỏa hiệp với các giá trị mà ngài tin tưởng”, và thứ ba, ngài đã thể hiện “lòng can đảm, khiêm nhường và lòng yêu mến Giáo Hội khi thoái vị giáo hoàng” vì thấy mình không đủ sức khoẻ về thể chất và tinh thần.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô có can đảm, quyết tâm và lòng khiêm nhường để nói 'không' khi nhiệm vụ quá nặng nề để gánh vác. Trong tất cả sự khiêm tốn, ngài nói rằng ngài không thể tiến xa hơn.”

“Trong buổi cử hành Thánh Thể của tôi hôm qua và hôm nay, tôi vô cùng nhớ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự và dâng lời cầu nguyện cho ngài để Chúa an ủi và nâng đỡ ngài.”
Source:Asia News
 
Những lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI
Đặng Tự Do
17:17 30/12/2022


Những lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đang đổ về từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo hôm thứ Tư rằng người tiền nhiệm 95 tuổi của ngài gần đây đang bị bệnh.

“Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô, người đang âm thầm hỗ trợ Giáo hội. Hãy nhớ đến ngài -ngài đang ốm nặng - xin Chúa an ủi ngài, và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội, cho đến cùng.”

Hôm thứ Năm, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, cho biết Đức Giáo Hoàng Danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt qua đêm.

“Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo. Hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn nghiêm trọng, nhưng tình hình vẫn ổn định vào lúc này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này.”

Cầu nguyện thầm lặng cho một nhân chứng thầm lặng

Các Kitô hữu, cũng như những người không phải là Kitô hữu, đã đáp ứng yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Đức Hồng Y Blase, Tổng Giám mục Chicago, đã tweet về sự hỗ trợ tinh thần của mình và kêu gọi mọi người cầu xin “ân sủng của Chúa giúp nâng đỡ Đức Thánh Cha Bênêđictô vì ngài đã nâng đỡ Giáo hội qua chứng tá thầm lặng của mình.”

Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, đã đưa ra một tuyên bố và lời mời tương tự, bày tỏ “niềm tin lớn lao vào lòng nhân từ của Chúa.”

Đức Tổng Giám Mục Westminster, Đức Hồng Y Vincent Nichols, đã thêm tiếng nói của mình, cầu nguyện rằng Chúa có thể “nâng đỡ và an ủi ngài vào lúc này.”

Sự gần gũi của Ukraine

Người Công Giáo ở Ukraine cũng tham gia vào bản đồng ca thiêng liêng dành cho Đức Giáo Hoàng Danh dự, sau khi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk kêu gọi Thượng hội đồng và tất cả các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cầu nguyện.

“Toàn thể Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hiệp nhất trong lời cầu nguyện xung quanh nhân chứng vĩ đại này của thời đại chúng ta, cảm ơn ngài vì chứng tá thầm lặng của ngài với tư cách là Giáo hoàng danh dự, đồng thời ghi nhớ và tìm cách thực hành công việc của ngài vì sự hiệp nhất của Giáo hội. Đó là một nét đặc biệt trong triều đại giáo hoàng của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk gần đây đã gặp Đức Bênêđíctô tại nơi ở của ngài trong Tu viện Mẹ Giáo Hội của Vatican vào ngày 10 tháng 11. Sau đó, ngài kể lại rằng Đức Giáo Hoàng danh dự “cực kỳ sáng suốt, được thông báo và quan tâm về tình hình ở Ukraine, và đã bảo đảm những lời cầu nguyện của ngài cho người dân Ukraine.”

Sự can thiệp cho một người đàn ông cầu nguyện

Giáo sĩ trưởng của Cộng đồng Do Thái ở Rome, Riccardo Di Segni, cũng đã tweet sự ủng hộ cầu nguyện của mình cho Benedict.

“Lo lắng về những tin tức về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô, tôi cùng cầu nguyện để ngài có thể vượt qua thử thách và sớm bình phục,” ngài nói.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, kêu gọi người dân Ý “quy tụ quanh Đức Giáo Hoàng Danh dự” để cầu nguyện vào thời điểm khó khăn này, nhắc lại lời mô tả của chính Đức Bênêđictô về sứ mệnh của ngài sau khi ngài thoái vị.

“Việc ngài ở lại 'theo một cách mới với Chúa chịu đóng đinh', tiếp tục 'đồng hành với con đường của Giáo hội bằng lời cầu nguyện và suy tư' tạo thành một thông điệp mạnh mẽ cho cộng đồng giáo hội và toàn xã hội.”
Source:Vatican News
 
Giáo phận Rôma dâng thánh lễ cho Đức Bênêđictô XVI
Đặng Tự Do
17:18 30/12/2022


Giáo Phận Rôma sẽ dâng Thánh Lễ đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào chiều Thứ Sáu.

Thánh lễ được Hồng Y Angelo De Donatis công bố vào ngày 29 tháng 12, sau khi sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự 95 tuổi có chuyển biến đột ngột.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào cuối buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 12, đã xin mọi người cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI “đang ốm nặng”, người “đang thầm lặng nâng đỡ Giáo hội”.

Vatican xác nhận sau đó cùng ngày rằng Đức Bênêđíctô đang được chăm sóc y tế sau khi sức khỏe của ngài suy giảm.

Hôm thứ Năm, Vatican đã cập nhật thêm về sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI.

“Đêm qua Giáo hoàng danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt. Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo, và hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn còn nghiêm trọng, nhưng tình hình lúc này đã ổn định. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này,” phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni cho biết hôm 29/12.

Trong một tuyên bố vào sáng thứ Năm, Đức Hồng Y De Donatis, Giám Quản Tông Tòa Rôma, đã mời gọi các cộng đồng giáo hội ở Rôma “tham gia cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI” theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Trong việc cử hành các Thánh lễ hôm nay và trong những ngày tới, chúng ta hãy đồng hành với vị giám mục danh dự thân yêu của chúng ta trong thời khắc đau khổ và thử thách của ngài,” Đức Hồng Y nói.

Thánh lễ ngày 30 tháng 12 được cử hành lúc 5:30 chiều bởi Đức Giám Mục Guerino Di Tora, cha sở của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ lớn của Rôma và là nơi nhà thờ chính tòa của giám mục Rôma, là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Source:Catholic News Agency
 
Tông Thư Totum amoris est của Đức Thánh Cha Phanxicô, tiếp
Vũ Văn An
23:00 30/12/2022

Bác ái làm tất cả vì con cái mình

Giữa năm 1620 và 1621, khi sắp qua đời, Thánh Phanxicô đã viết cho một trong những linh mục của ngài một lá thư làm sáng tỏ quan điểm của ngài về thời đại mà ngài đã sống. Ngài khuyến khích ý của vị này muốn sáng tác những tác phẩm mới để đáp ứng các vấn đề mới, và cho thấy ngài nhận ra sự cần thiết của những tác phẩm như vậy. “Tôi phải nói với cha rằng khi tôi nhận thức rõ hơn mỗi ngày về những điều hài hước của thế giới, tôi càng khao khát tha thiết rằng Thiên Chúa, vì lòng nhân từ của Người, sẽ truyền cảm hứng cho một trong những tôi tớ của Người viết theo cách phù hợp với sở thích của thế giới nghèo khổ này” [21]. Ngài đưa ra quan điểm của riêng mình về thời đại làm lý do: “Thế giới đang trở nên mong manh đến mức, trong một thời gian ngắn nữa, sẽ không còn ai dám đụng tới nó ngoại trừ với đôi găng tay nhung, hoặc băng bó vết thương cho nó ngoại trừ bằng băng tẩm nước hoa; tuy nhiên, điều đó có quan trọng gì nếu không phải chỉ là những người đàn ông và đàn bà được chữa lành và cuối cùng được cứu vớt? Đức ái, nữ hoàng của chúng ta, làm mọi điều cho con cái của mình” [22]. Đây không phải là lời nói nhàm chán ngoan đạo hay biểu thức cam chịu khi đối diện với thất bại. Thay vào đó, đây là một việc nhận ra rằng thế giới đang thay đổi và là dấu hiệu của một ý thức hoàn toàn mang tính tin mừng về nhu cầu đáp ứng những thay đổi đó.



Thánh Phanxicô đã sớm nhận ra điều đó và ngài đã bày tỏ điều đó trong Lời nói đầu cuốn Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa: “Tôi đã xem xét lối suy nghĩ của con người thời đại này, và tôi không thể làm khác được: điều rất quan trọng là phải ghi nhớ thời đại khi người ta viết” [23]. Rồi, trong khi xin độc giả lượng thứ, ngài tiếp tục viết: “Nếu bạn thấy văn phong hơi khác so với văn phong mà tôi đã sử dụng trong Phần giới thiệu, và cả hai văn phong này đều khác với văn phong của cuốn Bảo vệ Thập giá, thì bạn nên biết rằng nhiều điều đã học được và bị lãng quên trong mười chín năm. Ngôn ngữ chiến tranh khác với ngôn ngữ hòa bình, và chúng ta nói cách này với các tập viên trẻ và nói cách khác với các anh em lớn tuổi hơn” [24]. Thế nhưng, để đáp ứng với thời gian thay đổi, người ta nên bắt đầu từ đâu, nếu không phải từ lịch sử đối xử của Thiên Chúa với nhân loại? Đây là mục đích cuối cùng của cuốn Khảo luận: “Ý định của tôi chỉ là trình bày, một cách đơn giản và thẳng thắn, không giả tạo và chắc chắn không có màu sắc giả tạo, lịch sử ra đời, tiến triển, suy tàn, vận hành, tính chất, ưu điểm và phẩm chất siêu phàm của tình yêu Thiên Chúa” [25].

Các yêu cầu của một sự thay đổi mang tính thời đại

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày mất của ngài, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về di sản của Thánh Phanxicô đệ Salê để lại cho thời đại chúng ta. Tôi thấy sự linh hoạt và tầm nhìn xa trông rộng của ngài có nhiều điều để nói với chúng ta. Một phần nhờ ơn Thiên Chúa và một phần nhờ tính cách của chính ngài, nhưng cũng nhờ sự trau dồi kinh nghiệm sống bền bỉ của ngài, Thánh Phanxicô nhận thức rõ ràng thời thế đang thay đổi. Tự sức riêng của ngài, có lẽ ngài không bao giờ tưởng tượng được rằng những thay đổi đó lại là một cơ hội tuyệt vời cho việc rao giảng Tin Mừng. Lời Chúa mà ngài yêu mến từ thuở còn trẻ giờ đây đã mở ra trước mắt ngài nhiều chân trời mới và bất ngờ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Nhiệm vụ tương tự đang chờ đợi chúng ta trong thời đại thay đổi mang tính thời đại này của chính chúng ta. Chúng ta được thách thức trở thành một Giáo hội hướng ngoại và thoát khỏi mọi tính chất thế tục, ngay cả khi chúng ta sống trong thế giới này, chia sẻ cuộc sống của mọi người và hành trình với họ trong sự lắng nghe và chấp nhận một cách chăm chú [26]. Đó là điều mà Thánh Phanxicô đệ Salê đã làm khi nhận ra các biến cố trong thời đại của ngài với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa. Ngày nay, ngài kêu gọi chúng ta hãy gạt sang một bên mối quan tâm thái quá cho bản thân, cho các cơ cấu của chúng ta và cho những gì xã hội nghĩ về chúng ta, và thay vào đó hãy quan tâm đến những nhu cầu và mong đợi thiêng liêng thực sự của người dân chúng ta [27]. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, thật hữu ích khi xem xét lại một số quyết định quan trọng mà ngài đã đưa ra, để về phần chúng ta, chúng ta có thể đáp ứng những thay đổi của ngày hôm nay bằng sự khôn ngoan do Tin Mừng mang lại.

Gió và đôi cánh

Quyết định đầu tiên trong số đó là giải thích lại và đề xuất một lần nữa cho mỗi người nam và nữ, trong hoàn cảnh chuyên biệt của họ, vẻ đẹp của mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Lý do cuối cùng và mục đích thực tế của Khảo luận của ngài là để minh họa cho những người cùng thời với ngài sức hấp dẫn của tình yêu Thiên Chúa. Ngài hỏi: “Đâu là ‘sợi dây’ mà sự quan phòng của Thiên Chúa sử dụng để kéo trái tim chúng ta về với tình yêu của Người?” (28) Lặp lại lời lẽ của Tiên tri Hôxêa (11:4), ngài định nghĩa các phương tiện thông thường này là “các sợi dây nhân tính, bác ái và hữu nghị”. Ngài viết: “Rõ ràng, chúng ta không bị lôi cuốn tới Thiên Chúa bằng xiềng xích sắt, như bò mộng hay bò đực, nhưng bằng những lời mời gọi, lôi kéo và linh hứng thánh thiện; đó là những sợi dây của Ađam và của lòng tốt con người, phù hợp với trái tim con người, vốn tự do một cách tự nhiên” (30). Cũng bằng những sợi dây đó, Thiên Chúa đã giải thoát dân Người khỏi ách nô lệ, dạy họ biết đi và nắm tay họ như cha mẹ với con cái. Cách của ngài không phải là cách áp đặt bên ngoài, chuyên quyền và độc đoán, hay bạo lực, mà là cách thuyết phục tôn trọng quyền tự do của con người chúng ta. Thánh Phanxicô viết tiếp, chắc chắn nghĩ đến nhiều câu chuyện sống mà ngài đã gặp, “Sức mạnh của ân sủng không kìm hãm con tim, nhưng thu hút nó. Ân sủng sở hữu một sức mạnh thần thánh, không vi phạm quyền tự do của chúng ta nhưng hướng dẫn nó đến tình yêu. Ân sủng hành động mạnh mẽ, nhưng một cách dễ chịu đến nỗi ý chí của chúng ta không bị áp đảo bởi một sức mạnh quá mạnh mẽ; trong khi thúc đẩy chúng ta, nó không áp bức quyền tự do của chúng ta. Thành thử, trước mọi sức mạnh của nó, chúng ta có thể đồng ý hoặc chống lại những thúc đẩy của nó theo ý muốn của chúng ta” [31].

Trước đó, Thánh Phanxicô đã nói về mối quan hệ này bằng cách sử dụng một thí dụ gây tò mò rút ra từ khoa nói về chim: “Theotimos, có một số loài chim mà Aristốt gọi là ‘apodans’, bởi vì chúng có đôi chân ngắn và yếu đến mức chẳng có tác dụng gì đối với chúng; như thể thậm chí chúng không có chúng. Nếu rơi xuống đất, chúng vẫn ở đó, không thể bay vì nếu không sử dụng chân hoặc bàn chân, chúng không thể bay lên và cất cánh được. Do đó, chúng vẫn ở trên mặt đất và chết ở đó, trừ khi một cơn gió mạnh, bù đắp cho sự bất lực của chúng, nâng chúng lên, như thường xảy ra với những thứ khác. Trong trường hợp đó, nếu chúng đập cánh để đáp lại sức đẩy của gió, thì chính gió sẽ tiếp tục giúp chúng bằng cách đẩy chúng bay cao hơn nữa, để giúp chúng bay ngày càng cao hơn” [32]. Điều này cũng đúng với chúng ta: chúng ta được Chúa tạo ra để bay, để dang rộng đôi cánh đáp lại tiếng gọi của tình yêu, nhưng một khi chúng ta rơi xuống trái đất, trừ khi chúng ta chọn mở rộng đôi cánh đó trước làn gió của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ gặp nguy cơ không bao giờ có thể bay được nữa.

Như thế, đây là cách được ân sủng của Thiên Chúa dùng để đến với chúng ta: qua “dây Adam”, những mối liên kết nhân tính và tình yêu. Quyền năng của Đức Chúa Trời luôn có thể nâng chúng ta lên để cất cánh, tuy nhiên, sự dịu dàng, lòng nhân từ yêu thương của Người khiến Người tôn trọng sự tự do của chúng ta. Việc cất cánh hay ở lại trên mặt đất là tùy thuộc chúng ta. Ngay cả khi ban ân sủng của Người, Thiên Chúa sẽ không để chúng ta bay cao nếu không có sự đồng ý của chúng ta. Do đó, Thánh Phanxicô có thể kết luận: “Theotimos, những linh hứng của Thiên Chúa dự ứng chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy trước khi chúng ta nhận thức được chúng, nhưng một khi chúng ta nhận thức được chúng, thì chúng ta phải đồng ý và làm theo sự hướng dẫn của chúng, hoặc từ chối và bác bỏ chúng. Chúng làm chúng được cảm nhận bởi chúng ta mà không cần chúng ta; tuy nhiên, không có chúng ta, chúng không tạo ra sự đồng ý của chúng ta” [33]. Trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta luôn cảm nghiệm được một sự nhưng không chứng tỏ tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha dành cho chúng ta.

Đồng thời, ân sủng này không bao giờ làm cho chúng ta trở nên thụ động. Nó dẫn chúng ta đến chỗ nhận ra rằng tình yêu của Thiên Chúa hoàn toàn đi trước chúng ta, và hồng ân đầu tiên của Người chính là ở việc chúng ta chấp nhận tình yêu đó. Do đó, mỗi người có trách nhiệm hợp tác với sự viên mãn của chính mình, với việc dang rộng đôi cánh của mình một cách tín thác đầy tin tưởng vững chắc trước cơn gió mạnh của Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy một khía cạnh quan trọng của ơn gọi làm người của chúng ta. “Trong câu chuyện Sáng thế, Thiên Chúa ra lệnh cho Ađam và Evà phải sinh sôi nảy nở. Nhân loại có sứ mệnh thay đổi, xây dựng, làm chủ sáng thế theo nghĩa tích cực là sáng tạo từ nó và cùng với nó. Vì vậy, những gì sắp tới không phụ thuộc vào một cơ chế vô hình nào đó, một tương lai mà nhân loại là khán giả thụ động. Không: chúng ta là những nhân vật chủ đạo, chúng ta là các người đồng sáng tạo, nếu tôi có thể kéo dài hạn từ này” [34]. Đó là điều mà Thánh Phanxicô đệ Salê đã nhận ra và tìm cách truyền lại qua chức vụ hướng dẫn tinh thần của mình.

Lòng sùng kính đích thực

Một quyết định quan trọng thứ hai của Thánh Phanxicô là tiếp cận vấn đề sùng kính. Ở đây cũng như trong thời đại của chúng ta, buổi bình minh của một thời đại mới đã đặt ra một số vấn đề. Hai khía cạnh của vấn đề cần được hiểu và đánh giá lại hiện nay. Thứ nhất liên quan đến chính ý tưởng về lòng sùng kính, thứ hai là tính chất phổ quát và phổ biến của nó.

Mở đầu cuốn Nhập Môn Đời Sống Sùng Kính, Thánh Phanxicô làm sáng tỏ ý nghĩa của lòng sùng kính: “Trước hết cần phải biết nhân đức sùng kính bao gồm những gì. Chỉ có một lòng sùng kính đích thực, và nhiều lòng sùng kính giả dối và hão huyền. Nếu không phân biệt được lòng sùng kính đích thực, bạn có thể rơi vào lầm lạc và lãng phí thời gian để chạy theo một số lòng sùng kính vô bổ và mê tín” [35].

Sự mô tả của Thánh Phanxiô về lòng sùng kính sai lầm thật thú vị và luôn hợp thời. Mọi người đều có thể liên hệ với nó, vì ngài thêm mắm thêm muối nó một cách hài hước. “Người nào gắn bó với việc ăn chay sẽ cho mình là mộ đạo vì không ăn, mặc dù lòng đầy cay đắng; và trong khi, do yêu thích sự tỉnh táo, họ sẽ không để một giọt rượu, hay thậm chí một giọt nước, đụng tới lưỡi của họ, nhưng họ lại không ngần ngại nhúng nó vào máu của người hàng xóm bằng những lời đàm tiếu và vu khống. Một người khác sẽ tự coi mình là người mộ đạo vì suốt ngày họ lầm bầm một chuỗi những lời cầu nguyện, nhưng vẫn không để ý đến những lời độc ác, cao ngạo và gây tổn thương mà lưỡi họ tung vào những người hầu và hàng xóm của họ. Lại có những người sẵn sàng mở hầu bao bố thí cho người nghèo, nhưng lại không thể moi ra một chút lòng thương xót nào để tha thứ cho kẻ thù của mình. Kẻ khác sẽ tha thứ cho kẻ thù của mình, nhưng thậm chí không bao giờ nghĩ đến việc trả nợ; phải cần một vụ kiện mới khiến họ làm như vậy”[36]. Tất nhiên, tất cả những điều này đều là những tật xấu và những cuộc đấu tranh muôn thuở, và chúng khiến thánh nhân kết luận rằng “tất cả những người tốt này, thường được coi là sùng đạo, nhưng chắc chắn là không phải vậy” [37].

Nguồn gốc của sự sùng kính đích thực được tìm thấy ở nơi khác; gốc rễ sâu xa nhất của nó là ở trong sự sống của Thiên Chúa ngự nơi lòng chúng ta. “Lòng sùng kính đích thực và sống động đòi hỏi phải có tình yêu đối với Thiên Chúa; thực vậy, đó không là gì khác hơn là một tình yêu Thiên Chúa đích thực, chứ không chung chung” [38]. Theo ngôn ngữ sống động của Thánh Phanxicô, lòng sùng kính là “một loại năng lực và sự tỉnh táo tâm linh, nhờ đó đức ái hành động trong chúng ta hoặc, chúng ta hành động nhờ nó, một cách nhanh chóng và đầy tình cảm” [39]. Vì lý do này, lòng sùng kính không tồn tại bên cạnh đức ái, mà là một trong những biểu hiện của đức ái, đồng thời dẫn trở lại đức ái. Lòng sùng kính giống như ngọn lửa đối với lửa: nó gia tăng cường độ của đức ái mà không làm thay đổi phẩm chất của nó. “Cuối cùng, đức ái và lòng sùng kính có thể nói là khác nhau như lửa với ngọn lửa. Đức ái là ngọn lửa tinh thần, khi được thổi bùng thành ngọn lửa được gọi là lòng sùng kính. Như vậy, lòng sùng kính không thêm gì vào ngọn lửa đức ái mà là ngọn lửa làm cho đức ái mau mắn, tích cực và siêng năng, không những trong việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa mà còn trong việc thực thi các lời khuyên và linh hứng của Thiên Chúa” [40]. Hiểu theo cách này, lòng sùng kính không phải là một điều gì trừu tượng. Thay vào đó, nó trở thành một phong cách sống, một cách sống hòa mình vào cuộc sống cụ thể hàng ngày của chúng ta. Nó bao trùm và khám phá ý nghĩa trong những điều nhỏ nhặt: thức ăn và quần áo, công việc và thư giãn, tình yêu và thiên chức làm cha mẹ, sự ý thức trong việc chu toàn bổn phận của chúng ta. Tóm lại, nó làm sáng tỏ ơn gọi của mỗi cá nhân.

Ở đây chúng ta bắt đầu thấy chiều kích bình dân của lòng sùng kính, vốn hiện diện ngay từ những lời đầu tiên của cuốn Dẫn nhập vào Đời sống Sùng kính: “Hầu như tất cả những ai từng đối xử với lòng sùng kính đều tìm cách hướng dẫn những người sống tách biệt với thế giới, hoặc ít nhất là họ đã dạy một loại sùng kính dẫn đến sự cô lập như vậy. Tôi có ý định đưa ra những lời dạy của mình cho những người sống ở các thành phố, trong các gia đình, tại tòa án và những người, do hoàn cảnh sống của họ, buộc phải sống giữa những người khác”[41]. Những người nghĩ rằng lòng sùng kính chỉ giới hạn trong một khung cảnh yên tĩnh và hẻo lánh nào đó là hết sức nhầm lẫn. Lòng sùng kính dành cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh và mỗi người chúng ta có thể thực hành nó theo ơn gọi của mình. Như Thánh Phaolô VI đã viết vào dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô đệ Salê, “Sự thánh thiện không phải là đặc quyền của bất cứ nhóm nào, nhưng là lời kêu gọi khẩn cấp gửi đến mọi Kitô hữu: ‘Bạn ơi, hãy lên cao hơn’ (Lc 14:10). Tất cả chúng ta đều được mời gọi lên núi Thiên Chúa, mặc dù không cùng một con đường. ‘Lòng sùng kính phải được thực hành khác nhau bởi những người sang trọng, thợ thủ công, thị thần, hoàng tử, góa phụ, thiếu nữ, các bà vợ. Hơn nữa, việc thực hành lòng sùng kính phải thích ứng với khả năng, công việc và bổn phận của mỗi người’” [42]. Sống giữa thành phố thế tục trong khi nuôi dưỡng đời sống nội tâm, kết hợp ước muốn hoàn thiện với mọi trạng thái của cuộc sống, và khám phá một sự bình an nội tâm không tách rời chúng ta ra khỏi thế giới nhưng dạy chúng ta cách sống trong đó và để đánh giá cao nó, nhưng cũng để duy trì một sự tách biệt thích hợp khỏi nó. Đó là mục tiêu của Thánh Phanxicô đệ Salê, và nó vẫn là một bài học quý giá cho những người đàn ông và đàn bà trong thời đại của chúng ta.

Đây cũng là giáo huấn của Công đồng Vatican II về ơn gọi nên thánh phổ quát: “Được củng cố bởi rất nhiều và những phương tiện cứu rỗi vĩ đại như vậy, tất cả các tín hữu, bất kể hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa mời gọi – mỗi người trong con đường riêng của họ – đến sự thánh thiện hoàn hảo nhờ đó chính Chúa Cha trở nên hoàn thiện” [43]. Mỗi người theo cách riêng của mình… “Chúng ta đừng nản lòng trước những mẫu gương thánh thiện dường như không thể đạt được” [44]. Mẹ Giáo hội đề xuất chúng với chúng ta không phải để sao chép chúng, nhưng để chúng ta có thể được thúc đẩy theo đuổi con đường chuyên biệt mà Chúa đã chọn cho mỗi người chúng ta. “Điều quan trọng nhất là mỗi tín hữu biện phân được con đường riêng của họ, để họ phát huy hết những gì tốt nhất của họ, những hồng ân riêng tư nhất mà Thiên Chúa đã đặt để trong lòng họ (x. 1 Cr 12:7)” [45].

Sự ngây ngất của cuộc sống

Như thế, Thánh Phanxicô xem toàn bộ đời sống Kitô hữu như “sự ngây ngất của công việc và cuộc sống” [46]. Đối với ngài, không nên nhầm lẫn Kitô giáo với chủ nghĩa thoát ly thực tế dễ dãi hoặc chỉ loay hoay với bản thân, càng không thể nhầm lẫn với việc vâng lời buồn tẻ ảm đạm. Chúng ta biết rằng mối nguy hiểm này luôn có thể hiện diện trong đời sống đức tin. Thật vậy, “có những Kitô hữu mà cuộc sống của họ dường như là Mùa Chay mà không có Lễ Phục Sinh”, và trong khi chúng ta có thể hiểu được nỗi đau buồn của những người phải chịu nhiều đau khổ, thì “tất cả chúng ta phải từ từ nhưng chắc chắn để cho niềm vui đức tin bắt đầu hồi sinh như một niềm tín thác âm thầm nhưng vững chắc, ngay trong lúc khốn cùng nhất” [47].

Cho phép niềm vui nở hoa trong trái tim chúng ta là điều mà Thánh Phanxicô đệ Salê muốn nói qua câu “sự ngây ngất của công việc và cuộc sống”. Bằng cách này, “chúng ta không chỉ sống một cuộc sống dân sự, trung thực và Kitô giáo, mà còn là một cuộc sống siêu phàm, thiêng liêng, sùng kính và xuất thần, một cuộc sống mà trong bất cứ trường hợp nào cũng vượt xa và trên cả tình trạng tự nhiên của chúng ta” [48]. Ở đây chúng ta đi tới những trang trung tâm, soi sáng của Khảo luận, trong đó "sự ngây ngất" được trình bày như một niềm vui phấn khởi của một đời sống Kitô hữu vượt lên trên sự tầm thường của việc tuân thủ đơn thuần. “Không được trộm cắp, nói dối, thề thốt vô ích; yêu thương và kính trọng cha mình; không sát sinh: đây là sống thuận theo lẽ tự nhiên. Nhưng từ bỏ tất cả của cải, yêu sự nghèo khó, gọi nó và coi nó như tình nhân tuyệt vời nhất, coi sự sỉ nhục, bắt bớ và tử đạo như hạnh phúc và phước lành, giữ gìn sự thanh tịnh tuyệt đối, sống trong đời trái ngược với mọi sự khôn ngoan của thế gian và chống lại thăng trầm của cuộc sống này bằng thói quen cam chịu, từ bỏ và các hành vi tự từ bỏ: đó không phải là sống trong chính chúng ta, mà ở trên và vượt ra ngoài chính chúng ta. Và bởi vì không ai có thể vượt lên trên chính mình theo cách này trừ khi Chúa Cha hằng hữu lôi kéo người ấy, nên loại cuộc sống này là một sự sung sướng vĩnh viễn và một trạng thái ngây ngất liên tục của hành động và hoạt động” [49].

Nói cách khác, một cuộc sống khám phá lại những nguồn vui và tránh được cám dỗ của việc tự cho mình là trung tâm. Vì “mối nguy hiểm lớn trong thế giới ngày nay, chủ nghĩa tiêu thụ lan tràn khắp nơi, là sự buồn phiền và thống khổ sinh ra từ một tấm lòng tự mãn nhưng tham lam, cuồng nhiệt theo đuổi những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Bất cứ khi nào đời sống nội tâm của chúng ta bị cuốn vào những lợi ích và mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được lắng nghe, niềm vui thầm lặng của tình yêu của Người không còn được cảm nhận, và mong muốn làm điều tốt cũng phai nhạt. Đây cũng là một mối nguy hiểm thực sự cho các tín hữu. Nhiều người trở thành con mồi của nó, và cuối cùng trở nên oán thù, giận dữ và bơ phờ” [50].

Đối với mô tả của mình về “sự ngây ngất của công việc và cuộc sống”, Thánh Phanxicô bổ sung thêm hai lời giải thích quan trọng vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày nay. Điều đầu tiên đưa ra một tiêu chuẩn thực tế để biện phân tính chân thực của lối sống này, trong khi điều thứ hai liên quan đến nguồn gốc sâu xa nhất của nó. Là tiêu chuẩn của việc biện phân, ngài tuyên bố rằng trong khi, một mặt, trạng thái ngây ngất này đòi hỏi sự từ bỏ bản thân thực sự, thì mặt khác, nó không có nghĩa là chạy trốn khỏi cuộc sống. Chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở bản thân về điều này, kẻo chúng ta có nguy cơ đi lạc khỏi con đường đúng đắn. Nói tóm lại, những ai nghĩ rằng họ đang tiến đến gần Thiên Chúa, nhưng lại không yêu thương người lân cận của mình, thì họ đang lừa dối cả chính họ và những người khác.

Ở đây chúng ta tìm thấy cùng một tiêu chuẩn được Thánh Phanxicô dùng để đo lường lòng sùng kính đích thực. “Nếu bạn thấy một người trong lúc cầu nguyện có những cơn ngây ngất nâng họ lên trên Thiên Chúa, nhưng lại không có sự ngây ngất đối với cuộc sống, nghĩa là người ấy không sống một cuộc sống được nâng cao và kết hợp với Thiên Chúa, nhất là nhờ đức ái liên lỉ, Theotimus, hãy tin tôi đi, tất cả những cơn ngây ngất của họ đều hết sức đáng ngờ và nguy hiểm”. Kết luận của ngài rất sắc bén: “Vượt lên trên chính chúng ta khi cầu nguyện, nhưng lại ở dưới chính chúng ta trong cuộc sống và hành động, như một thiên thần trong suy niệm, nhưng thô bạo trong cuộc trò chuyện, là một dấu hiệu thực sự cho thấy những trạng thái ngây ngất và xuất thần như vậy không là gì khác mà chỉ là những trò tiêu khiển và lừa dối của thần xấu” [51]. Trong yếu tính, đây là điều mà Thánh Phaolô đã chỉ ra cho người Côrintô trong “bài thánh ca về đức ái” của ngài: “Nếu tôi có quyền năng tiên tri, và hiểu biết mọi điều mầu nhiệm và mọi kiến thức, và nếu tôi có tất cả đức tin, dời núi mà không có tình yêu, tôi chẳng là gì cả. Nếu tôi cho đi tất cả những gì tôi có, và nếu tôi phó thân thể mình để bị thiêu đốt, mà không có tình yêu thương, thì tôi cũng chẳng được gì” (1Cr 13:2-3).

Như thế, đối với Thánh Phanxicô đệ Salê, dù đời sống Kitô hữu không bao giờ không có sự ngây ngất, thì sự ngây ngất không chân thực nếu tách rời khỏi một đời sống Kitô hữu thực sự. Thật vậy, cuộc sống không có sự ngây ngất có nguy cơ bị giảm xuống thành sự vâng lời mù quáng, một việc lấy hết niềm vui của Tin Mừng. Mặt khác, sự ngây ngất mà không có sự sống dễ trở thành mồi ngon cho những ảo tưởng và lừa dối của Thần ác. Các phân cực lớn lao của đời sống Kitô hữu không thể được giải quyết và loại bỏ. Có thể nói, cái này bảo tồn tính chân xác của cái kia. Do đó, sự thật không tồn tại nếu không có công lý, niềm vui không tồn tại nếu không có trách nhiệm, tính tự phát không tồi tại nếu không có luật pháp và ngược lại.

Về nguồn gốc sâu xa nhất của sự ngây ngất này, Thánh Phanxicô đã khéo léo truy nguyên nó đến tình yêu được biểu lộ bởi Chúa Con nhập thể. Nếu thực sự “tình yêu là hành động và nguyên tắc đầu tiên của đời sống tôn giáo hoặc tinh thần của chúng ta, qua đó chúng ta sống, cảm nhận và xúc động” và “đời sống tinh thần giống như các hoạt động tình cảm của chúng ta”, thì rõ ràng là “một trái tim không có tình cảm thì không có tình yêu”, và “một trái tim có tình yêu không phải là không có tình cảm” [52]. Nguồn gốc của tình yêu thu hút trái tim này là cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô. “Không có gì lay động trái tim con người bằng tình yêu”, và điều này thể hiện rõ nhất qua sự kiện “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta; Người đã cho chúng ta sự sống thông qua cái chết của Người. Chúng ta sống chỉ vì Người đã chết, và chết cho chúng ta, như là cái chết của chúng ta và trong chúng ta” [53].

Những lời này rất cảm động; chúng không chỉ bộc lộ sự hiểu biết rõ ràng và sâu sắc về mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, mà còn cho thấy mối tương quan yêu mến sâu sắc giữa Thánh Phanxicô đệ Salê và Chúa Giêsu. Sự ngây ngất của cuộc sống và hành động không phải là một thực tại trừu tượng, nhưng tỏa sáng trong đức ái của Chúa Kitô mà tột đỉnh là thập giá. Tình yêu đó, không hề làm mất đi sự hiện hữu của chúng ta, mà làm cho nó tỏa sáng một cách sáng láng phi thường.

Vì lý do này, Thánh Phanxicô đệ Salê có thể diễn tả một cách hùng hồn đồi Canvê như “ngọn núi của những người yêu nhau” [54]. Vì ở đó và chỉ ở đó, chúng ta mới nhận ra rằng “không thể có cuộc sống nếu không có tình yêu, hoặc không có tình yêu nếu không có cái chết của Đấng Cứu Chuộc. Ngoại trừ ở đó, mọi sự hoặc là cái chết vĩnh cửu hoặc là tình yêu vĩnh cửu, và toàn bộ sự khôn ngoan của Kitô hữu hệ ở việc biết cách lựa chọn khéo giữa chúng với nhau” (55). Như thế, Thánh Phanxicô đã có thể kết luận Khảo luận của ngài bằng cách nại đến một bài giảng của Thánh Augustinô, “Còn gì kiên định hơn đức ái, không phải trong việc đền bù những tổn thương, mà là không tính đến chúng? Không quan tâm đến những thứ mau qua, mà quan tâm đến vĩnh cửu? Vì nó có niềm tín thác không lay chuyển vào những lời hứa hẹn ở sự sống tương lai, nên đức ái có thể bao dung mọi sự ở đời này. Nó có thể chịu đựng bất cứ điều gì nó phải chịu đựng ở đây dưới thế này, bởi vì nó hy vọng vào những lời hứa của thế giới sắp tới. Quả thật, đức ái không bao giờ thất bại. Như thế, hãy trau dồi nó, và suy nghĩ những tư tưởng thánh thiện, mang lại thành quả của công lý. Và nếu bạn khám phá ra điều gì khác để ca ngợi đức ái ngoài những gì tôi đã nói ở đây, hãy để điều đó trở nên rõ ràng trong cuộc sống của bạn” [56].

Tất cả những điều này đã được thể hiện cực kỳ rõ ràng trong cuộc đời của vị Giám mục thánh thiện của miền Annecy, và giờ đây, một lần nữa, nó được ủy thác cho mỗi người chúng ta. Ước gì lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của ngài giúp chúng ta tôn kính Thánh Phanxicô đệ Salê, và nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin Chúa ban nhiều ơn Chúa Thánh Thần trên hành trình của Dân thánh thiện và trung thành của Người.

Rôma, tại Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 28 tháng 12 năm 2022

Phanxicô

[1] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, Preface: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 336.

[2]ID., Lett.2103:À Monsieur Sylvestre de Saluces de la Mente, Abbé d’Hautecombe (3 Tháng 11, 1622), trong Œuvres de Saint François de Sales, XXVI, Annecy, 1932, 490-491.

[3]ID., Lett. 1961:À une Dame (19 Tháng 12, 1622), trong Œuvres de Saint François de Sales, XX (Lettres,X:1621-1622), Annecy, 1918, 395.

[4]ID.,Traité de l’amour de Dieu, I, 15: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 395.

[5]ID.,Entretiens spirituels, Dernier entretien [21]: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 1319.

[6]Tông huấn Gaudete et Exsultate(19 Tháng Ba, 2018), 49:AAS110 (2018), 1124.

[7]Ibid., 57: AAS 110 (2018), 1127.

[8]Cf. ibid., các số. 37-39:AAS110 (2018), 1121-1122.

[9] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Entretiens spirituels, Dernier entretien [21]: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 1319.

[10]Ibid., 1308.

[11]Ibid.

[12] Letter to the Right Reverend Yves Boivineau, Bishop of Annecy, on the Fourth Centenary of the Episcopal Ordination of Saint Francis de Sales, 23 November 2002, 3:Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XXV/2 (2002), 767.

[13] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, Préface, ed.RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 336.

[14] ĐỨC BENEDICTÔ XVI, Catechesis, 2 Tháng ba, 2011:Insegnamenti VII/1 (2011), 270.

[15] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Fragments d’écrits intimes, 3:Acte d’abandon heroïque, trong Œuvres de Saint François de Sales, XXII (Opuscules, I), Annecy, 1925, 41.

[16]Cf.Address to the International Theological Commission(29 November 2019): L’Osservatore Romano, 30 Tháng 11, 2019, p. 8.

[17] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Lett. 165:À Sa Sainteté Clément VIII(end of October, 1602), trong Œuvres de Saint François de Sales, XII (Lettres, II:1599-1604), Annecy, 1902, 128.

[18]H. BREMOND,L’humanisme dévôt: 1580-1660, inHistoire littéraire du sentiment religieux en France: depuis la fin des guerres de religion jusqu’à nos jours, I, Jérôme Millon, Grenoble, 2006, 131.

[19]SAINT THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Lett. 168:Aux religieuses du monastère des ‹‹Filles-Dieu››(22 November 1602), trong Œuvres de Saint François de Sales, XII (Lettres, II:1599-1604), Annecy, 1902, 105.

[20]] ĐỨC BENEDICTÔ XVI,Catechesis, 2 March 2011:Insegnamenti, VII/1 (2011), 272.

[21] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Lett. 1869:À M. Pierre Jay(1620 or 1621), trong Œuvres de Saint François de Sales, XX (Lettres, X:1621-1622) Annecy, 1918, 219.

[22]Ibid.

[23]ID.,Traité de l’amour de Dieu, Préface: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 339.

[24]Ibid., 347.

[25]Ibid., 338-339.

[26]Cf.Address to Bishops, Priests, Religious, Seminarians and Catechists, Bratislava, 13 September 2021, L’Osservatore Romano, 13 Tháng 9, 2021, pp. 11-12.

[27]Cf. ibid.

[28] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, II, 12: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 444.

[29]“I led them with cords of human kindness [Vulgate:in funiculis Adam], with bands of love; I was to them like those who lift infants to their cheeks. I bent down to them and fed them”.

[30] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, II, 12: ed.RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 444.

[31]Ibid., II, 12: 444-445.

[32]Ibid., II, 9: 434.

[33]Ibid., II, 12: 446.

[34]Let Us Dream. The Path to a Better Future.In conversation with Austen Ivereigh, New York, 2020, 4.

[35]THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Introduction à la vie dévote, I, 1: ed.RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 31.

[36]Ibid.: 31-32.

[37]Ibid.: 32.

[38]Ibid.

[39]Ibid.

[40]Ibid.: 33.

[41]Ibid., Preface: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 23.

[42]Tông thư Sabaudiae Gemma về Thế kỷ thứ tư Ngày sinh của Thánh Phanxicô đệ Salê, Tiến sĩ Hội thánh (29 Tháng Giêng, 1967):AAS59 (1967), 119.

[43] Công đồng Vaticna II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11.

[44] Tông huấn Gaudete et Exsultate, 11:AAS110 (2018), 1114.

[45]Ibid.

[46] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ, Traité de l’amour de Dieu, VII, 6: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 682.

[47] Tông huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013),6:AAS105 (2013), 1021-1022

[48] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, VII, 6: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 682-683.

[49]Ibid.: 683.

[50] Tông huấn Evangelii Gaudium,2:AAS105 (2013), 1019-1020.

[51] THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ,Traité de l’amour de Dieu, VII, 7: ed. RAVIER-DEVOS, Paris, 1969, 685.

[52]Ibid.: 684.

[53]Ibid., VII, 8: 687, 688.

[54]Ibid., XII, 13: 971.

[55]Ibid.

[56] Các Bài giảng, 350, 3: PL 39, 1535.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney Mừng Bổn Mạng.
Diệp Hải Dung
11:02 30/12/2022
Sau hơn 2 năm bị gián đoạn sinh hoạt vì đại dịch Corona Virus, nay đại dịch cũng đã tạm đưởc ổn định, và chiều Chúa Nhật 30/12/2022 rất đông đủ các anh chị em Song Nguyền và Quan Khách đã đến nhà thờ Sacred Heart, Giáo đoàn Cabramatta tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất là Quan Thầy của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình thuộc TGP Sydney.

Xem Hình

Cha Tuyên uý Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Linh Nguyền ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney đồng thời Cha giới thiệu quý Cha FX Nguyễn Văn Tuyết, Cha Phêrô Trần Văn Trợ và Cha khách Gioan Thái Thanh Việt Tu Đoàn Thiên Phúc Việt Nam cùng hiệp dâng Thánh lễ,

Sau bài giảng Phúc Âm mọi người đã kết hôn từ 20 năm, 25 năm, 35 năm, 45 năm và 50 năm lên trước bàn thờ tuyên thệ lại “Lập Lại Hôn Ước” nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và chứng giám.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Anh Chị Chủ Nguyền Xuân – Yến lên ngỏ lờI cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và mọi ngưòi đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất là Quan Thầy của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình TGP Sydney. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta đã trợ giúp phương tiện tổ chức Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc khoảng 6 giờ chiều các anh chị em Song Nguyền đến nhà hàng Crystal Palace Canley Heights tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng với những tiết mục văn nghệ rất đặc săc do các anh chị em Song Nguyền phối hợp trình diễn qua những mà ca vũ nhạc cảnh, Đặc biệt có 2 Cha Phêrô Trần Văn Trợ và Cha Gioan Thái Thanh Việt cũng đóng góp trong phần trình diễn Văn nghệ, riêng Cha Gioan Thái Thanh Việt thì được biết gia đình của Cha là gia đình Phật Giáo, Cha là con Trưởng trong gia đình, nhưng được Chúa kêu gọi nên Cha đi theo Chúa trên bước đường Tu trì ở Tu đoàn Thiên Phúc Việt Nam. Cha đã trình bày nhạc phẩm Dấu Chân của tác giả Thông Vi Vu tức là Đức Giám Mục Vũ Duy Thống rất hay và tuyệt vời.

Sau cùng anh chị Chủ Nguyền Xuân – Yến thay mặt cho anh chị em trong Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình ngỏ lời cám ơn quý Cha quý quan khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ và buổi tiệc vui lien hoan mừng Bổn Mạng hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người.



Diệp Hải Dung
 
Nghi thức tuyên xưng Đức Tin của ĐGM Đaminh Đặng Văn Cầu, Giám Mục GP Thái Bình
Gp Thái Bình
11:20 30/12/2022
 
Phỏng vấn Lm. Giuse Cao Gia An, SJ - Tân Tiến sĩ chú giải Thánh Kinh tại Biblicum
Vatican News
21:37 30/12/2022
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh Lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 30-12-2022
Văn Minh
22:03 30/12/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh Lễ kỷ niệm Hôn phối ngày 30-12-2022

“Để có một gia đình an vui hạnh phúc, thì chúng ta cần phải sống thinh lặng và biết lắng nghe lời của Thiên Chúa, đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình cũng phải tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau”.

Xem Hình

Đó là tâm tình của linh mục (Lm) Gioan Nguyễn Minh Hiếu, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn – khi ngài chủ sự dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Gia Thất, và cũng là ngày kỷ niệm cho 10 đôi Hôn phối trong giáo xứ Vĩnh Hòa. Trong đó, có 01 đôi được 10 năm, 04 đôi 25 năm, 01 đôi 30 năm, 01 đôi 35 năm, 01 đôi 40 năm, 01 đôi 45 năm và 01 đôi 60 năm.

Thánh lễ trọng thể được Lm Gioan Nguyễn Minh Hiếu, Phó xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm cử hành vào lúc 17g30 thứ Sáu ngày 30.12.2022.

Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài những đôi hôn phối còn có các con cháu trong gia đình, cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ Vĩnh Hòa.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Lm Gioan Nguyễn Minh Hiếu đã diễn tả nét cao đẹp nơi Thánh Gia Thất. Và đó cũng là mẫu gương cho các gia đình của người tín hữu chúng ta bắt chước noi theo. “Để có một gia đình an vui hạnh phúc, thì chúng ta cần phải sống thinh lặng và biết lắng nghe lời của Thiên Chúa, đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình cũng phải tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau”. Được như vậy, thì gia đình mới có được niềm vui hạnh phúc ngay ở đời này và vinh phúc nơi quê hương Nước Trời mai sau.

Hiện nay, giữa cuộc sống thật ồn ào và náo nhiệt cùng với các thông tin thật giả lẫn lộn qua các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo...đã làm cho người ta dễ bị ảo tưởng với chính mình và gia đình của mình. Do đó, sự thinh lặng là rất cần thiết để cho mỗi người chúng ta cùng nhau suy ngẫm về mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình, biết yêu thương, tôn trọng, và luôn có Chúa ở cùng. Như lời bài đọc 2 của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côlôxê nói: Người làm vợ thì hãy phục tùng chồng, như phục tùng Thiên Chúa, người làm chồng thì yêu thương vợ chứ đừng cay nghiệt với vợ, và kẻ làm con thì hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Đó chính là một “Giáo hội tại gia hôm nay”.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ và kết thúc lúc 18g30 cùng ngày.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, các đôi Hôn phối có tên trong danh sách tiến lên Cung thánh lần lượt lãnh nhận “Phép lành Tòa thánh” nhân ngày kỷ niệm Hôn phối, từ tay Lm Gioan Nguyễn Minh Hiếu và lưu lại tấm hình kỷ niệm trước khi ra về.

 
Giáo xứ Tân Việt – Thánh lễ kỷ niệm Hôn Phối
Vinh Sơn Trần Văn Đẩu
22:05 30/12/2022
Giáo xứ Tân Việt – Thánh lễ kỷ niệm Hôn Phối

Hòa trong niềm vui tươi của mùa Giáng Sinh, Giáo hội mừng kính Thánh Gia Thất. Trong dịp này, giáo xứ Tân Việt đã tổ chức Thánh lễ trọng thể mừng kỷ niệm Ngọc khánh, Kim khánh, Ngân khánh cũng như 10, 20, 30, 40 năm hôn phối cho các đôi vợ chồng trong giáo xứ diễn ra lúc 17g30 thứ sáu 30/12/2022 tại giáo xứ Tân Việt.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đại diện HĐMV nói rõ lý do của buổi cử hành này để các gia đình cùng tạ ơn Chúa, chúc mừng và khích lệ nhau trong dịp kỷ niệm thành hôn này. Qua đó, mời gọi cá Kitô hữu nhìn lại để canh tân đời sống hôn nhân gia đình.

Với tâm tình đó, các đôi hôn phối hôm nay cùng đón Lm Chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng, Lm chủ tế chia sẻ: Các bài đọc và bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta như những người được Thiên Chúa tuyển chọn, chúng ta sống thế nào? Chúng ta hãy sống tính ôn hòa, nhẫn nại, biết tha thứ cho nhau như Chúa tha thứ cho chúng ta và trên hết mọi sự chúng ta hãy lấy đức yêu thương, đức bác ái làm dây ràng buộc mọi người trong gia đình chúng ta. Đặc biệt là các bậc Ông bà, cha mẹ phải biết chăm lo giáo dục đức tin cho con cháu, giúp các em luôn biết mến Chúa, luôn ngoan ngoãn đạo đức như gia đình Thánh gia xưa.

Sau bài giảng Lm chủ tế mời các gia đình kỷ niệm hôn phối cùng đứng lên lập lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Hôn Phối.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, đại diện các đôi hôn phối cám ơn quý cha và HĐMV đã tổ chức Thánh lễ thật sốt sáng và ý nghĩa này.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30 trong niềm vui của toàn giáo xứ.

Vinh sơn Trần Văn Đẩu
 
VietCatholic TV
Putin sững sờ: 3 tuần, căn cứ Không Quân lớn nhất Nga bị tấn công 3 lần. Nga tấn công hỏa tiễn Kyiv
VietCatholic Media
00:00 30/12/2022


1. Căn cứ không quân Engels bị tấn công lần thứ ba

Một thống đốc khu vực của Nga hôm thứ Năm cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ một máy bay không người lái gần căn cứ không quân Engels, nơi có các máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Nga cho biết Ukraine đã cố gắng tấn công căn cứ này hai lần trong tháng này, lần này là lần thứ ba trong tháng này. Theo Reuters, tổn thất của người Nga bao gồm ít nhất 6 quân nhân Nga, và hai máy bay bị hư hại nhẹ.

Căn cứ không quân này nằm gần Saratov, 730 km về phía đông nam Mạc Tư Khoa và cách biên giới Ukraine đến 600 km.

Thống đốc Saratov Roman Busargin đã lặp lại thông điệp ““Các hệ thống phòng không đã bắn hạ một phương tiện bay không người lái ở khu vực Engels”.

Tuy nhiên, người dân địa phương đã báo cáo một vụ nổ và rất lớn và nghe thấy tiếng còi báo động không kích.

Roman Busargin cho biết các mảnh vỡ rơi xuống làm hư hỏng tài sản dân cư nhưng không ai bị thương. Các báo cáo đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội của Nga cho rằng đã có những thiệt hại về quân sự đối với căn cứ không quân Engels

Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức các báo cáo.

Căn cứ Engels là một trong hai căn cứ tổ chức các lực lượng hạt nhân tấn công đường không của Nga.

Các cuộc không kích đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt khi chiến tuyến ở quá xa.

Không có bình luận ngay lập tức từ Ukraine, quốc gia chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga nhưng gọi chúng là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga.

Hãng tin Baza của Nga phàn nàn về khả năng của các lực lượng phòng không và nhấn mạnh rằng “Đây không phải là lần đầu tiên sân bay quân sự địa phương bị tấn công”.

Căn cứ không quân Engels đã bị tấn công vào các ngày 5, 26 và 29 tháng 12. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 đều đóng ở đây.

Các nhà phân tích cho biết các cuộc tấn công đã làm tổn hại danh tiếng của Mạc Tư Khoa và đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của nước này.

Ukraine chưa bao giờ công khai nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga, nhưng cho biết các vụ việc là “quả báo” cho cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm nay.

Trong các bình luận hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Lực lượng Không quân Ukraine Yurii Ihnat không nhận trách nhiệm trực tiếp đối với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng cho rằng cuộc tấn công là “hậu quả của những gì Nga đang làm”.

“Nếu người Nga nghĩ rằng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở hậu phương sâu xa của Nga hay bất kỳ nơi nào khác, thì họ đã nhầm to. Do đó, như chúng ta thấy, những điều như vậy đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và chúng ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ chỉ có lợi cho Ukraine”, Đại Tá Ihnat nói.

Hôm thứ Tư, Đại Tá Ihnat cho biết Nga đang có kế hoạch dời các máy bay vào sâu hơn bên trong lãnh thổ Nga và phân tán ở các căn cứ không quân khác nhau. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, người Nga sẽ gặp khó khăn vì căn cứ không quân Engels dường như là căn cứ duy nhất của Nga có các phương tiện bảo trì cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160.

2. Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ 54 trong số 69 hỏa tiễn do Nga bắn

Quân đội Nga đã sử dụng 69 quả hỏa tiễn trong cuộc tấn công Ukraine vào hôm thứ Năm. 54 hỏa tiễn trong số này đã bị lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết rạng sáng ngày thứ Năm 29 tháng 12, quân đội Nga đã tấn công Ukraine từ nhiều hướng bằng hỏa tiễn hành trình được bắn từ máy bay và tàu chiến lược.

Theo Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko, lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 16 hỏa tiễn trên bầu trời Kyiv.

21 hỏa tiễn của địch đã bị bắn hạ ở Odesa. Tuy nhiên, mất điện khẩn cấp đã được đưa ra ở Odesa

Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 30 tháng 12.

“Kẻ thù đã phóng hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển, hỏa tiễn dẫn đường phòng không và hỏa tiễn của hệ thống S-300 và S-400 nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng và năng lượng ở các khu vực phía đông, trung, tây và nam. Hơn 69 hỏa tiễn đã được sử dụng. 54 hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt”, ông nói

3. Cựu tướng Mỹ cho rằng Henry Kissinger đã sai khi hô hào duy trì một nước Nga như hiện nay sau chiến tranh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Henry Kissinger is Wrong About Preserving Russia Post War: Ex-U.S. General”, nghĩa là “Cựu tướng Mỹ cho rằng Henry Kissinger đã sai khi hô hào duy trì một nước Nga như hiện nay sau chiến tranh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Bài viết gần đây bày tỏ sự lo lắng về một nước Nga “bất lực” trên phạm vi toàn cầu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, đang tiếp tục bị lên án.

Bài tiểu luận có tựa đề “Làm thế nào để tránh một cuộc chiến tranh thế giới khác”, đã được xuất bản vào đầu tháng này trên tờ The Spectator, với nội dung chính là so sánh cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện tại với Thế chiến thứ nhất. Kissinger lập luận rằng “không nên hạ thấp vai trò lịch sử của Nga” cho dù nước này có “xu hướng” bạo lực; và nói thêm rằng hòa bình nên đạt được thông qua đàm phán.

Những lời của Kissinger đã vấp phải phản ứng từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người nói rằng cựu thành viên Nội các trong chính quyền Richard Nixon và Gerald Ford đang đọc sai lịch và không xem xét đúng đắn các lợi ích của Ukraine.

Hôm thứ Tư, cố vấn, tác giả và giáo sư khoa học chính trị Julian Lindley-French đã đưa ra lời chỉ trích đối với bài tiểu luận của Kissinger, đặc biệt là quan điểm đáng chú ý nhất của Kissinger cho rằng nước Nga hiện tại phải được duy trì bằng mọi giá để đạt được “sự cân bằng toàn cầu”.

“Điều tôi không hiểu là hàm ý của Kissinger cho rằng chúng ta cần duy trì bằng mọi giá cái nước Nga cực đoan, xét lại, và phá hoại này bởi vì nếu không, tình trạng mất cân bằng ngày càng trầm trọng trong hệ thống quốc tế sẽ trở nên tồi tệ hơn,” Lindley-French nói. “Điều đó đặt ra một câu hỏi mà Kissinger không trả lời được: làm thế nào để có thể tin được rằng một quốc gia thất bại, được vũ trang quá mức mà chính chiến lược của nó là khai thác và phá hoại hệ thống dựa trên luật lệ lại có thể trở thành trụ cột của hệ thống đó?”

Trong khi Kissinger liên hệ cuộc chiến hiện tại với Âu Châu trước năm 1917, thì Lindley-French gọi sự so sánh của ông là một “nghịch lý”, và lập luận rằng đó “là lần cuối Nga giả vờ trở thành hình mẫu của một trật tự dựa trên luật lệ”.

Kissinger gọi cuộc chiến đó là “sự tự sát văn hóa” trong bài luận của mình. Lindley-French cho biết hậu quả của cuộc chiến nói trên “mang tính chiến lược và chính trị hơn là văn hóa.”

Và trong khi Kissinger nói rằng cựu Tổng thống Woodrow Wilson đã trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình khiến quá trình này tiêu tốn hàng triệu sinh mạng, thì Lindley-French nói rằng chẳng có quá trình nào như thế cả vì Wilson và các phụ tá của ông chưa bao giờ có một nỗ lực thực sự nào – đồng thời lên án những cành ô liu mà Kissinger dành cho Vladimir Putin và Sergey Lavrov, được tác giả gọi là “sự hoài nghi của mưu đồ.” Túy Vân xin mở ngoặc để giải thích như sau: Bất kể Nga là kẻ gây ra cuộc xâm lược, trong bài tiểu luận của mình, Kissinger mô tả Vladimir Putin và Sergey Lavrov là những người yêu chuộng hòa bình và so sánh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với Tổng thống Woodrow Wilson, mà ông ta cho rằng vì chậm trễ thương thuyết nên tiêu tốn hàng triệu sinh mạng.

“Các cuộc đàm phán nghiêm túc về Ukraine chỉ có thể bắt đầu khi Nga thừa nhận sai lầm và thất bại của mình, đồng thời Mạc Tư Khoa phải tin vào cả sự đoàn kết và sức mạnh của phương Tây,” Lindley-French nói.

Bài đăng của Lindley-French đã được khen ngợi bởi Tướng Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Ben Hodges, là người nói rằng đánh giá của Kissinger “hầu hết là sai.”

Hodges viết trên Twitter: “Chúng ta phải xem nước Nga của Putin là gì... và chúng ta phải bảo vệ ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ mà Nga muốn phá hủy”.

Kissinger đã đúng khi tin rằng Nga cuối cùng sẽ tỉnh táo trở lại và không ai nên tìm cách “chia cắt” quốc gia này, Lindley-French nói thêm, nhưng nhấn mạnh rằng thời điểm đó chưa đến.

“Kissinger đơn giản là sai lầm khi tin rằng nước Nga của Putin hay bất kỳ nước Nga nào tương tự có thể là đối tác trong việc duy trì trạng thái cân bằng toàn cầu khi nước này quyết tâm phá hủy trạng thái cân bằng ấy,” Lindley-French nói.

Cũng cần nói thêm rằng, hồi tháng 5, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Kissinger nói rằng Ukraine nên nhường cho Nga những lãnh thổ mà Putin muốn.
 
Háo thắng, Putin giao T-90 cho Wagner, gây ra đại họa, hàng trăm quân Nga tử trận. Belarus khiếu nại
VietCatholic Media
03:13 30/12/2022


1. Háo thắng Putin giao xe tăng cho lính đánh thuê Wagner lái, hàng trăm quân Nga tử trận

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 30 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết con số thương vong của Nga trong 24 giờ qua là con số cao nhất trong tháng 12, và là con số cao thứ nhì trong cuộc xâm lược Ukraine: 790 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết nhìn chung các lực lượng Nga đã chuyển hướng các tài nguyên sang trận chiến giành thành phố trọng điểm Bakhmut ở khu vực phía đông Donetsk nhưng bất kể việc tập trung đông đảo nhân lực và khí tài chiến tranh, quân Nga đã không đạt được tiến bộ nào. Hôm thứ Sáu 23 tháng 12, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết quân Nga tập trung đến 50,000 quân đánh Bakhmut trong đó có 40,000 tù nhân hình sự của Nga được Wagner tuyển dụng từ các nhà tù.

Trong cố gắng chọc thủng phòng tuyến ở phía Nam thành phố Bakhmut, quân Wagner đã lái xe tăng tiên tiến nhất của Nga T-90M tấn công vào làng Opytne từ hướng Ivanhrad.

Việc giao xe tăng T-90M cho quân Wagner thể hiện khao khát chiến thắng của Putin. Tuy nhiên, dù quân Wagner có gan dạ đến đâu, khi chiếc xe tăng đầu tiên bị bắn cháy cùng với 10 chiếc thiết giáp, những xe còn lại quay đầu bỏ chạy. Bộ binh hốt hoảng chạy theo. Tình hình hỗn loạn khiến hàng trăm binh lính Wagner bị loại khỏi vòng chiến ở phía Tây làng Opytne.

Như chúng tôi đã tường trình, những chiếc xe tăng T-90 tiên tiến này của Nga có một bộ phận nạp đạn tự động, cho phép nó bắn rất nhanh so với trường hợp xạ thủ phải tự nạp đạn. Đồng thời, tiết kiệm được nhân lực đi trên xe. Tuy nhiên, vì có bộ phận nạp đạn tự động, chiếc xe tăng đời mới của Nga có một kho đạn trong chiếc xe tăng. Bắn trúng kho đạn đó, chiếc xe tăng nổ tung, siêu xe tăng trở nên hết siêu. Đồng thời, nỗi kinh hoàng nhất của lính thiết giáp trên những chiếc xe tăng tiên tiến này là chết mất xác khi vụ nổ xảy ra.

Theo tờ Matters India dõi sát các diễn biến trong cuộc chiến tại Ukraine, Ấn Độ đã quyết định không tiến tới một hợp đồng mua hàng trăm chiếc T-90 và T-90M của Nga.

Chính Nga cũng biết các loại xe tăng này có vấn đề cho nên Bộ Quốc Phòng Nga đã quyết định theo đuổi việc sản xuất một loại xe tăng tiên tiến hơn gọi là T-14 Armata. Đây là loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của Nga dựa trên cái gọi là “Nền tảng chiến đấu toàn cầu Armata”.

Quân đội Nga ban đầu lên kế hoạch sản xuất 2,300 chiếc T-14 từ năm 2015 đến năm 2020. Đến năm 2018, tình trạng thiếu hụt sản xuất và tài chính đã khiến kế hoạch này bị trì hoãn đến năm 2025, trước khi Nga chính thức tuyên bố hủy bỏ quá trình sản xuất này vào ngày 30 tháng 7 năm 2018.

Năm ngoái 2021, cơ quan truyền thông TASS thuộc sở hữu nhà nước của Nga bất ngờ tuyên bố chương trình Armata dự kiến sẽ được tái tục và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2022, với việc chuyển giao lô thử nghiệm gồm 100 chiếc cho Sư đoàn súng trường cơ giới cận vệ Tamanskaya số 2 dự kiến bắt đầu vào năm 2022. Các xe tăng này dự kiến sẽ chỉ được sản xuất chính thức và chuyển giao sau khi hoàn thành tất cả các kiểm tra cấp nhà nước.

Vào tháng 12 năm 2021, tập đoàn nhà nước Nga Rostec tuyên bố rằng quá trình sản xuất hàng loạt đã bắt đầu, với “hơn 40” xe tăng Armata dự kiến sẽ được chuyển giao cho quân đội Nga sau năm 2023.

May mắn thay, vào tháng 11 vừa qua, tờ Moscow Times và Newsweek đưa tin rằng chương trình T-14 Armata đang được phát triển đã bị tạm dừng vì các lệnh trừng phạt khiến Nga không có đủ linh kiện.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov, phó tổng cục trưởng chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, nói rằng Nga đang tấn công trên một số mặt trận, bao gồm Bakhmut, Avdiivka và đang hướng tới Kupyansk, nơi đã được giải phóng vào tháng 9.

“Những nỗ lực chính của kẻ thù tập trung vào hướng Bakhmut,” Hromov nói. “Xung quanh Bakhmut, quân phòng vệ Ukraine đang phải chống lại tới 20 cuộc tấn công của kẻ thù hàng ngày, kẻ thù đang liên tục tấn công các vị trí của quân đội chúng tôi dưới sự yểm trợ của hỏa lực pháo binh.”

“Để tập trung hỏa lực pháo binh xung quanh Bakhmut, kẻ thù đã cố tình giảm số lượng các cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội chúng tôi ở các hướng Kherson và Zaporizhzhia trong những tuần gần đây, với đạn dược được chuyển đến các hướng Bakhmut và Lyman,” Hromov nói.

Lyman là một khu định cư khác ở Donetsk được lực lượng Ukraine giải phóng vào cuối tháng 9.

Hromov cho biết: “Hơn 40% các cuộc tấn công bằng pháo binh của kẻ thù dọc theo giới tuyến từ Kupyansk đến Mariinka là đang nhắm vào Bakhmut.”

Những tiến bộ khác: Hromov nói rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được tiến bộ dần dần về phía thành phố Kreminna ở khu vực phía đông Luhansk. Thành phố này đã rơi vào tay người Nga vào mùa xuân.

Hromov cho biết các đơn vị Ukraine đã tiến được 2,5 km về hướng Kreminna trong tuần này. Theo các quan chức Ukraine, khu vực này đã được người Nga gài mìn rất nhiều.

Hromov cũng tuyên bố rằng Nga đang bắt đầu chuẩn bị các tuyến phòng thủ xung quanh thành phố Luhansk “trong trường hợp Lực lượng Phòng vệ Ukraine vượt qua biên giới phòng thủ của lực lượng xâm lược Nga trên tuyến Svatove-Kreminna và từ đó, tiến gần hơn” tới thủ phủ Luhansk.

Hromov nói rằng sau khi Nga huy động một phần, các đơn vị được đào tạo tiếp tục được chuyển đến các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Ukraine. Ông nói rằng ở khu vực phía nam của Zaporizhzhia, các tân binh Nga đã được triển khai.

“Chúng tôi đang theo dõi chuyển động của các đơn vị địch. Hiện tại, không có mối đe dọa đáng kể nào trong khu vực Zaporizhzhia”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết thêm:

“Máy bay Ukraine đã tiến hành 12 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân xâm lược và đánh trúng vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của kẻ thù. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của chúng ta trong ngày hôm nay đã đánh trúng 4 sở chỉ huy và 3 khu vực tập trung quân của Nga”

Trong 24 giờ qua, 790 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với một xe tăng, và 10 xe thiết giáp. Trong cuộc tấn công cường tập bằng hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine, ít nhất 54 hỏa tiễn hành trình đã bị bắn rơi.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 29 tháng 12, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 104,560 quân xâm lược Nga, cùng với 3,018 xe tăng, 6,047 xe thiết giáp, 2.004 hệ thống pháo, 423 hệ thống hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 212 hệ thống phòng không, 283 máy bay chiến đấu, 268 máy bay trực thăng, 1,717 máy bay không người lái cấp tác chiến-chiến thuật, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,675 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 179 đơn vị thiết bị chuyên dùng.

2. Vì sao lính đánh thuê lái xe tăng T-90 tốt nhất của Nga?

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Why Are Mercenaries Driving Russia’s Best T-90 Tanks?”, nghĩa là “Vì sao lính đánh thuê lái xe tăng T-90 tốt nhất của Nga?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Có vẻ như công ty lính đánh thuê The Wagner Group của Nga đang vận hành loại xe tăng tốt nhất của Nga, T-90M.

Đó sẽ là một nếp nhăn khác trong câu chuyện ngày càng khó hiểu của Tập đoàn Wagner, một thực thể thậm chí không tồn tại về mặt pháp lý, nhưng trong sáu tháng đã chiến đấu với một trong những trận chiến tàn khốc nhất trong cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine.

Tập đoàn Wagner, lần đầu tiên xuất hiện tại vùng chiến sự ở miền đông Ukraine vào năm 2014, là một công cụ hữu ích trong chính sách đối ngoại của Nga. Trên thực tế, đó là một mạng lưới các công ty có liên quan chặt chẽ với nhau chứ không phải là một công ty duy nhất, Tập đoàn Wagner đã đứng ra bảo vệ sự can thiệp của Nga vào các cuộc nội chiến ở Libya và Syria, đồng thời, dưới chiêu bài “gìn giữ hòa bình”, cũng đại diện cho các lợi ích khai thác của Nga ở Cộng hòa Trung Phi đang bị quân nổi dậy tàn phá.

Wagner đem lại cho Điện Cẩm Linh khả năng phủ nhận một cách hợp lý các tội ác của họ – cả ở phạm vi rộng và ở trong nước. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo: “Việc làm mờ ranh giới giữa các hoạt động dân sự, quân sự và gìn giữ hòa bình trong thời gian chiến sự tạo ra sự nhầm lẫn về các mục tiêu hợp pháp và làm tăng nguy cơ vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo trên diện rộng”.

Ở Ukraine, Wagner chiến đấu như một lực lượng quân đội chính quy. Các chiến binh tốt nhất của nó—khoảng 10,000 cựu quân nhân—dẫn đầu các tiểu đoàn bao gồm hầu hết các cựu tù nhân được đào tạo ở mức tối thiểu được Wagner tuyển dụng từ các nhà tù của Nga. Có tới 40,000 cựu tù nhân trong biên chế của Wagner. Đó là 1 phần 5 lực lượng Nga ở Ukraine.

Wagner kể từ đầu mùa hè đã tập trung nỗ lực ở Ukraine vào một thị trấn duy nhất ở vùng Donbas phía đông Ukraine. Bakhmut là một thị trấn ma đổ nát. Nó thiếu cơ sở hạ tầng công nghiệp hoặc giao thông vận tải lớn. Nó dường như không có giá trị gì nhiều về mặt quân sự.

Nhưng điều đó không ngăn được Wagner cống hiến gần như toàn bộ lực lượng của mình ở Ukraine cho khu vực Bakhmut—và để mất rất nhiều người trong số họ trong các cuộc tấn công biển người thất bại, lặp đi lặp lại vào quân trú phòng Ukraine cố thủ trong thị trấn.

Các nhà phân tích đã phỏng đoán rằng Yevgeny Prigozhin, một người từng bán xúc xích và là cộng sự thân cận của tổng thống Nga Vladimir Putin, hiện là nhà tài chính chủ yếu của Wagner, coi trận chiến Bakhmut là cơ hội để chứng minh khí phách chiến đấu của Wagner và định vị công ty như một giải pháp thay thế cho các lực lượng chính quy của Nga trong tư duy quân sự của Cẩm Linh.

Rõ ràng là Prigozhin và các tướng lĩnh Nga là những đối thủ gay gắt. Khi các khẩu đội pháo Wagner xung quanh Bakhmut hết đạn, họ đổ lỗi cho tướng Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng Nga.

Điều kỳ lạ là quân đội Nga và Tập đoàn Wagner lại rõ ràng có mối quan hệ chặt chẽ. Các phi công Wagner lái các máy bay cường kích Sukhoi như Su-24 và Su-25 mà về mặt kỹ thuật thuộc về lực lượng không quân Nga và rõ ràng họ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ hậu cần của lực lượng không quân.

Sự hiện diện của xe tăng T-90M trong kho vũ khí Wagner quanh Bakhmut, lần đầu tiên được báo cáo bởi phóng viên chiến trường thân Nga Alexander Simonov, càng làm sâu sắc thêm sự kỳ lạ.

T-90 nặng 45 tấn, chở được 3 người với súng 125 ly và lớp giáp thép tổng hợp là loại xe tăng mới nhất và tốt nhất của Nga. Trước cuộc chiến hiện tại, người Nga trên giấy tờ có hơn 600 chiếc T-90. Nhưng 200 chiếc đang được cất giữ - và ở nước Nga lạnh giá, ẩm ướt, những chiếc xe tăng hiện đại với hệ thống quang học và thiết bị điện tử mỏng manh của chúng có xu hướng xuống cấp nhanh chóng khi không được sử dụng thường xuyên.

Vì vậy, trên thực tế, quân đội Nga chỉ có 400 chiếc T-90 trước khi tấn công Ukraine vào cuối tháng Hai. Và sau tháng 2, Nga đã mất ít nhất 36 xe tăng trong trận chiến với lực lượng Ukraine. Điều đó đưa tổng số T-90 tồn kho xuống còn khoảng 360 chiếc, trong đó ít nhất 50 chiếc thuộc các tiểu đoàn quân đội Nga bảo vệ một con đường quan trọng xung quanh Svatove, cách Bakhmut 80 km về phía bắc.

Những chiếc T-90 rất có giá trị và khan hiếm. Vậy tại sao Điện Cẩm Linh lại đưa chúng cho Wagner trong khi Wagner trực tiếp cạnh tranh với quân đội Nga để giành ảnh hưởng ở Mạc Tư Khoa?

Không ai bên ngoài Điện Cẩm Linh và trụ sở chính của Tập đoàn Wagner ở Saint Petersburg có thể giải thích mối quan hệ kỳ quặc và dường như nghịch lý giữa công ty lính đánh thuê và quân đội Nga. Còn những ai hiểu chuyện thì lại câm nín.

3. Lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ 54 trong số 69 hỏa tiễn do Nga bắn

Quân đội Nga đã sử dụng 69 quả hỏa tiễn trong cuộc tấn công Ukraine vào hôm thứ Năm. 54 hỏa tiễn trong số này đã bị lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết rạng sáng ngày thứ Năm 29 tháng 12, quân đội Nga đã tấn công Ukraine từ nhiều hướng bằng hỏa tiễn hành trình được bắn từ máy bay và tàu chiến lược.

Theo Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko, lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 16 hỏa tiễn trên bầu trời Kyiv.

21 hỏa tiễn của địch đã bị bắn hạ ở Odesa. Tuy nhiên, mất điện khẩn cấp đã được đưa ra ở Odesa

Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 30 tháng 12.

“Kẻ thù đã phóng hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển, hỏa tiễn dẫn đường phòng không và hỏa tiễn của hệ thống S-300 và S-400 nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng và năng lượng ở các khu vực phía đông, trung, tây và nam. Hơn 69 hỏa tiễn đã được sử dụng. 54 hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt”, ông nói

4. Belarus triệu đại sứ Ukraine chính thức phản đối vụ hỏa tiễn rơi vào lãnh thổ nước này

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Belarus, Anatoly Glaz, cho biết: Đại sứ Ukraine đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao ở Minsk để nhận phản đối chính thức.

Phía Belarus coi vụ việc này là cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu phía Ukraine tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng,... buộc những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm và thực hiện các biện pháp toàn diện để ngăn chặn sự tái diễn của những vụ việc như vậy trong tương lai.

Phát ngôn nhân của quân đội Ukraine đã thừa nhận rằng hỏa tiễn này là do Ukraine đi lạc, nói rằng vụ việc “không có gì lạ, là kết quả của lực lượng phòng không” và điều gì đó “đã xảy ra nhiều lần”.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ một hỏa tiễn S-300 của Ukraine trên cánh đồng vào sáng thứ Năm, khi đang diễn ra một trong những cuộc tấn công hỏa tiễn lớn nhất của Nga nhằm vào Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Bộ Quốc Phòng Belarus đã xem nhẹ vụ việc trong một video được hãng thông tấn BelTA của nhà nước đăng tải trên mạng xã hội, nói rằng cư dân địa phương “hoàn toàn không có gì phải lo lắng. Thật không may, những điều này xảy ra”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Belarus so sánh vụ việc với một trường hợp tương tự hồi tháng 11, khi một chiếc S-300 được cho là đã đi lạc vào Ba Lan sau khi được lực lượng phòng không Ukraine khai hỏa.

Bộ Quốc Phòng Belarus cho biết hôm thứ Năm họ đã bắn hạ hỏa tiễn gần làng Harbacha ở vùng Brest, cách biên giới với Ukraine khoảng 15 km, vào khoảng 10 giờ sáng theo giờ địa phương.

Phát ngôn nhân nói: “Các mảnh vỡ được tìm thấy trên một cánh đồng nông nghiệp... Trong quá trình xác minh, người ta xác định rằng mảnh vỡ thuộc về hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300 được bắn từ lãnh thổ Ukraine.”

Vụ việc xảy ra cùng thời điểm Nga tiến hành đợt tấn công hỏa tiễn mới nhất vào các thành phố trên khắp Ukraine.

BelTA đã công bố các bức ảnh và video về những gì họ nói là các bộ phận của hỏa tiễn S-300 nằm trên một cánh đồng nông nghiệp trống trải.

Bộ Quốc phòng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về thương vong và cho biết sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn trong thời gian tới.

5. Zelenskiy: Mọi hỏa tiễn của Nga chỉ xác nhận rằng tất cả điều này phải kết thúc bằng một tòa án

Với mỗi cuộc tấn công hỏa tiễn, Nga chỉ tự đẩy mình vào ngõ cụt. Và tình trạng của kẻ khủng bố lớn nhất thế giới sẽ gây ra hậu quả cho Nga và công dân của nó.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu qua video trước quốc dân đồng bào.

Ông nói:

Đồng bào Ukraine, Chúc các bạn sức khỏe!

Trước hết, tôi muốn cảm ơn các quân nhân Lực lượng phòng không Ukraine của chúng ta đã đẩy lùi thành công một cuộc tấn công khác của Nga ngày hôm nay.

54 hỏa tiễn và 11 máy bay không người lái tấn công đã bị bắn hạ.

Các chiến binh của chúng tôi trên khắp Ukraine đã nổi bật và tôi cảm ơn tất cả các Bộ chỉ huy Không quân của chúng tôi: Trung tâm, Nam, Đông và Tây.

Và đặc biệt chúng ta biết ơn các chiến sĩ thuộc các lữ đoàn hỏa tiễn phòng không 96 Kyiv, 160 Odesa, 208 Kherson, những người có kết quả tốt nhất hiện nay.

Thật không may, đã có một số hỏa tiễn đánh trúng. Các kỹ sư năng lượng và đội sửa chữa của chúng ta đang làm mọi cách để người dân Ukraine chịu đựng hậu quả cuộc tấn công của những kẻ khủng bố càng ít càng tốt. Và tôi cảm ơn tất cả những người đang làm việc để khôi phục nguồn cung cấp năng lượng.

Tính đến tối nay, hầu hết các khu vực của Ukraine đều bị mất điện. Điều đó đặc biệt khó khăn ở vùng Kyiv và thủ đô, vùng Lviv, Odesa và vùng, Kherson và vùng, vùng Vinnytsia và Zakarpattia.

Nhưng điều này chẳng là gì so với những gì có thể xảy ra, nếu không có lực lượng phòng không anh hùng của chúng ta.

Với mỗi cuộc tấn công hỏa tiễn như vậy, Nga chỉ tự đẩy mình vào ngõ cụt. Họ ngày càng có ít hỏa tiễn hơn. Thay vào đó, vị thế của kẻ khủng bố lớn nhất thế giới sẽ để lại hậu quả lâu dài cho Nga và người dân nước này. Và mỗi hỏa tiễn chỉ xác nhận rằng tất cả những điều này phải kết thúc bằng một tòa án. Và đó chính xác là những gì sẽ xảy ra.

Và bất chấp tất cả các cuộc tấn công, nhà nước vẫn làm việc hàng ngày. Phủ tổng thống, Hội đồng Nội các - mọi người đang làm việc.

Đặc biệt, hôm nay tôi có hai cuộc họp lớn là kinh tế và quốc phòng. Chúng tôi đang làm việc để bảo đảm rằng những người bảo vệ chúng tôi có nhiều cơ hội hơn, nhiều vũ khí hơn, nhiều máy bay không người lái hơn.

Tình hình trên tiền tuyến vẫn không có thay đổi đáng kể trong ngày qua.

Tình hình nghiêm trọng nhất là ở Bakhmut, Soledar, trên toàn tuyến ở khu vực Donetsk. Kẻ thù vẫn chưa từ bỏ ý định điên rồ là đánh chiếm vùng Donetsk... Bây giờ họ tự đặt cho mình một nhiệm vụ - cho Năm mới.

Tôi biết ơn tất cả những người của chúng ta, những người đã chứng minh cho quân xâm lược Nga trong nhiều tháng rằng chính chúng ta sẽ đặt ra và đạt được các mục tiêu trên đất của mình.

Tôi biết ơn tất cả những người bảo vệ Donbas Ukraine! Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người bảo vệ khu vực Kharkiv của chúng ta! Cho tất cả những người giữ phía nam của chúng ta! Những người bảo vệ biên giới của chúng ta...

Và nhân đây, tôi xin cảm ơn những người lính biên phòng đã cùng với toàn thể lực lượng dân phòng đánh giặc nơi tiền tuyến. Tôi cảm ơn các chiến binh của đội biên phòng Bilhorod-Dnistrovskyi và Mukachevo.

Người Ukraine thân mến!

Còn hai ngày nữa trong năm nay. Có lẽ, kẻ thù sẽ cố gắng một lần nữa để làm cho chúng ta ăn mừng năm mới trong bóng tối. Có lẽ, quân xâm lược Nga đang có kế hoạch làm cho chúng ta đau khổ với các cuộc tấn công tiếp theo vào các thành phố của chúng ta.

Nhưng bất kể kế hoạch của họ là gì, chúng ta biết một điều về bản thân mình: chúng ta sẽ chịu đựng. Chắc chắn. Chúng ta sẽ đuổi chúng ra ngoài. Không nghi ngờ gì về điều đó. Và chúng sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt cho cuộc chiến khủng khiếp này. Hình phạt tối đa.

Tôi cảm ơn tất cả những người bảo vệ nhà nước của chúng ta! Tôi cảm ơn tất cả những người đấu tranh cho nền độc lập của chúng ta!

Niềm tự hào cho Ukraine!

6. Không quân cho biết Nga đã tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn bắn từ khu vực Volgodonsk, Caspian và Hắc Hải

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Sáu 30 tháng 12, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết:

“Kẻ thù hôm thứ Năm đã tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn bắn từ khu vực Volgodonsk, Vùng Rostov, phần phía bắc của Biển Caspi và Hắc Hải.”

“Mười một quả đạn Shahed-131 và 136 lảng vảng trên không đã bị lực lượng phòng không phá hủy vào ban đêm ở hướng đông. Khoảng 7 giờ sáng, địch tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn hành trình đối không Kh-101 và Kh-555 được bắn từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS từ khu vực Volgodonsk, vùng Rostov và phần phía bắc của biển Caspian, cũng như với các hỏa tiễn hành trình Kalibr được bắn từ các tàu ở Hắc Hải. Ngoài ra, có tới 6 hỏa tiễn hành trình Kh-22 và Kh-32 được phóng từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và 2 hỏa tiễn chống radar Kh-31P đã được phóng “, báo cáo cho biết.

Những kẻ xâm lược cũng sử dụng hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300 để tấn công cơ sở hạ tầng ở các thị trấn tiền tuyến.”

Các báo cáo trước đó cho biết, quân đội Nga đã sử dụng 69 quả hỏa tiễn trong cuộc tấn công vào Ukraine ngày 29 tháng 12. 54 chiếc trong số đó đã bị lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt.
 
Tình trạng của ĐGH Bênêđíctô. Kỳ tích: Nga phóng 2 hỏa tiễn vào nhà thờ Công Giáo, cả hai không nổ
VietCatholic Media
05:07 30/12/2022


1. Sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI: Vatican cung cấp thông tin cập nhật

Vào lúc 2:30 chiều giờ Rôma ngày thứ Năm, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni đã đưa ra tuyên bố sau đây để trả lời câu hỏi của các phóng viên về sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI:

“Đêm qua Giáo hoàng danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt. Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo, và hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn còn nghiêm trọng, nhưng tình hình lúc này đã ổn định. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này.”

Các nguồn tin thân cận với Tu viện Mater Ecclesiae nơi Đức Bênêđictô XVI sống nói với tờ National Catholic Register hôm thứ Năm rằng tình trạng của Đức Giáo Hoàng Danh dự rất nghiêm trọng vào tối hôm thứ Tư và mọi người nhất trí rằng ngài có thể không sống được quá vài ngày, nhưng sức khỏe của ngài đã ổn định qua đêm như tuyên bố của Vatican xác nhận..

Tuyên bố gần đây được đưa ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ về tình trạng của mình trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô, người đang âm thầm hỗ trợ Giáo hội. Hãy nhớ đến ngài -ngài đang ốm nặng - xin Chúa an ủi ngài, và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội, cho đến cùng.”

Vatican cho biết sau buổi tiếp kiến, Đức Phanxicô đã đến thăm Đức Bênêđictô tại nơi cư trú của ngài trong Tu viện Mẹ Giáo Hoàng ở Vatican.

Tờ National Catholic Register đã liên lạc với thư ký riêng của Đức Bênêđictô, là Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, để xin bình luận nhưng ngài chưa trả lời.

Trong những năm gần đây, Đức Bênêđictô XVI trở nên rất yếu ớt, bất động và không thể nói rõ ràng, nhưng Đức Tổng Giám Mục Gänswein và nhiều vị khách đã làm chứng cho sự tỉnh táo và sức khỏe tương đối tốt của ngài.

Đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi Đức Giáo Hoàng Danh dự khi nói rằng “tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng của ngài, sự đồng hành của ngài trong lời cầu nguyện cho toàn thể Giáo hội và cái nhìn chiêm niệm liên lỉ của ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao giải thưởng Ratzinger cho nhà thần học Dòng Tên người Pháp Michel Fédou và giáo sư luật Do Thái Joseph Weiler. Đức Bênêđíctô không có mặt tại buổi lễ nhưng đã tiếp những người đoạt giải tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội.
Source:National Catholic Register

2. Đức Giám Mục Stanislav Shyrokoradiuk: “Hai quả hỏa tiễn trúng nhà thờ nhưng không nổ”

Ngày 23 tháng 12, quân Nga pháo kích vào trung tâm Kherson. Hai quả hỏa tiễn bay vào nhà thờ Công Giáo lúc đó có rất nhiều người và trẻ em nhưng không phát nổ. Một chiếc rơi xuống và gãy làm đôi, chiếc còn lại mắc kẹt vào tường.

Đức Cha Stanislav Szyrokoradiuk, giám mục Công Giáo Latinh của Odessa-Simferopol, cho biết như trên trong Thánh lễ canh thức Giáng Sinh.

Trang thông tin của Giáo Hội Công Giáo Latinh ở Ukraine cho biết như sau: Trong bài giảng thánh lễ ngày 24 tháng 12, Đức Cha nhắc đến vụ ném bom Kherson xảy ra ngày hôm trước, 23 tháng 12, và nói rằng ngài đã ghi nhận nhiều trường hợp kỳ diệu đang xảy ra trên địa phận của mình bao gồm các thành phố Kherson và Mykolaiv. “Chúa truyền lệnh. Kẻ bắn cứ bắn nhưng Chúa điều khiển hỏa tiễn đó,” Đức Cha nói. “Có nhiều người Công Giáo ăn bánh mì và nước vào thứ Sáu hàng tuần để chay tịnh, cầu nguyện cho chiến thắng, cho những người lính của họ. Kherson đã bị ném bom nặng nề vào hôm thứ Sáu. Sau đó, một linh mục gọi cho tôi và nói, '2 quả hỏa tiễn đã bắn trúng nhà thờ. Mọi người đều đang ở bên trong. Mọi người đang dọn dẹp: trẻ em, phụ nữ, hai linh mục. Họ đang chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và… không quả hỏa tiễn nào trong số này phát nổ, chỉ để lại những lỗ hổng trên mái nhà. Một chiếc rơi xuống và gãy làm đôi, chiếc còn lại mắc kẹt vào tường. Không phát nổ. Đây không phải là ân sủng của Chúa sao?' Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa, thì Chúa sẽ điều khiển hỏa tiễn”, Đức Cha Szyrokoradiuk nhấn mạnh.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nhắc lại rằng vào ngày 24 tháng 12, 16 người chết và 68 người bị thương ở Kherson do vụ tấn công tàn bạo bằng hỏa tiễn của Nga.
Source:RISU

3. Khắp thế giới kêu gọi cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI

Khi sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI đã xấu đi nghiêm trọng trong 24 giờ qua, nhiều nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo đã chuyển tiếp lời kêu gọi cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô đến đàn chiên của mình.

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, được đưa ra vào ngày 28 tháng 12 trong buổi tiếp kiến chung, kêu gọi cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, đang “ốm nặng”, đã được chuyển tiếp trên toàn thế giới. Từ các phương tiện truyền thông của Tòa thánh đến các hội đồng giám mục và nhiều Hồng Y, làn sóng kêu gọi cầu nguyện cho cho vị giáo hoàng thứ 265 đang lan rộng khắp thế giới Công Giáo.

Ngay sau buổi tiếp kiến chung, Văn phòng Báo chí của Tòa thánh đã xác nhận tình trạng sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự ngày càng xấu đi. Phiên bản tiếng Anh của Vatican News đã phản ứng ngay lập tức bằng cách phát sóng một lời cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI trên mạng xã hội, trong đó cầu xin Chúa với “lòng thương xót dịu dàng” nâng đỡ “người tôi tớ đau yếu của Người là Bênêđictô”.

Thông điệp từ những người thân cận với Đức Bênêđictô XVI

Hai vị Hồng Y thân cận với Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI, là Đức Hồng Y Robert Sarah và Đức Hồng Y Christoph Schönborn, đã lên tiếng trên Twitter. Vị cựu Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã khuyến khích chúng ta hiệp nhất trong lời cầu nguyện “trong những thời điểm khó khăn và nghiêm trọng này”. Đức Tổng Giám Mục Vienna đã chia sẻ lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người Áo và nhắc lại mối liên kết mạnh mẽ đã liên kết Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô với đất nước của ngài.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, cũng gửi thông điệp cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng: “Lạy Chúa, người Công Giáo Pháp, hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể Giáo hội, cầu nguyện cho tôi tớ Chúa là Bênêđictô XVI. Xin Chúa nâng đỡ người và những người đang chăm sóc cho ngài.”

Đức Cha Rudold Voderholzer, giám mục Regensburg – là giáo phận mà bào huynh của Đức Giáo Hoàng Danh Dự, là Đức Ông Georg Ratzinger làm việc – đã bày tỏ “sự quan tâm lớn lao” của mình và kêu gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho vị giáo hoàng thứ 265.

Đức Giám Mục Stefan Oster, Giám mục Passau ở Bavaria, nơi sinh của Đức Joseph Ratzinger, cho biết ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Danh Dự vào tháng 11 vừa qua. Ngài giải thích rằng ngài thấy Đức Bênêđíctô “vẫn còn rất tỉnh táo” nhưng thể chất đã yếu đi. “Nếu bây giờ ngài còn yếu hơn nữa, thật dễ tưởng tượng rằng ngài đang ở giai đoạn cuối của cuộc hành trình dương thế”

Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý - nơi mà Đức Giáo Hoàng Danh Dự từng là giáo chủ và giám mục của Rôma từ năm 2005 đến 2013, trong một tuyên bố, đã mời người Ý mang những suy nghĩ và lời cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI đến nhà thờ của họ.

Các Hồng Y khác đã chuyển tiếp lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đáng chú ý là Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục Hiệu Tòa của Hương Cảng và Đức Hồng Y Seán O' Malley, Tổng Giám mục Boston. Đức Hồng Y Reinhard Marx, được Đức Bênêđictô XVI phong làm Hồng Y và được ngài bổ nhiệm làm người đứng đầu tổng giáo phận cũ của ngài ở Münich-Freising, cũng đã mời người Bavaria, vùng xuất xứ của giáo hoàng, cầu nguyện.


Source:famillechretienne.fr
 
Kỷ niệm của các ký giả VietCatholic với Đức Bênêđíctô XVI và Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
VietCatholic Media
13:49 30/12/2022
 
Tấn công xuyên biên giới: Công xưởng trên đất Nga bị thiêu rụi. London viện trợ Kyiv 2,3 tỷ bảng Anh
VietCatholic Media
17:00 30/12/2022


1. Thống đốc Nga cho rằng Ukraine tấn công xuyên biên giới gây ra hỏa hoạn dữ dội

Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod của Nga, cáo buộc quân Ukraine đã mở một cuộc pháo kích vào Khu đô thị Shebekinsky vào sáng sớm hôm thứ Sáu 30 tháng 12.

Trong một chương trình truyền hình, ông nói:

“Có một quả đạn pháo trúng lãnh thổ của một doanh nghiệp công nghiệp, sức nổ đã làm các cửa sổ bị vỡ, hàng rào bị hư hại. Quả hỏa tiễn đã gây cháy. Tất cả các dịch vụ khẩn cấp đều có mặt.”

Belgorod nằm ở phía đông Ukraine, giáp với các tỉnh Sumy và Kharkiv, đồng thời giáp với Luhansk, một trong những khu vực mà Nga tuyên bố đã sáp nhập.

Tối thứ Bẩy 17 tháng 12, cũng đã có các vụ nổ trong vùng Belgorod của Nga. Vyacheslav Gladkov cho biết đã có các vụ nổ xảy ra tại một số thành phố trong khu vực Belgorod. Lần đầu tiên, người ta không thấy ông nói một điệp khúc đã quá quen thuộc là “hệ thống phòng không đang hoạt động”. Lần này, ông cũng không nói câu đó, khiến hãng tin Baza của Nga đặt vấn đề. Phải chăng thực sự các hệ thống phòng không của Nga trong khu vực đã không hoạt động hiệu quả? Hay cuộc tấn công là do biệt kích gây ra chứ không phải do pháo binh phóng hỏa tiễn vào khu vực này.

2. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo ngày 30 tháng 12, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Trung tướng Yevgeniy Nikiforov có khả năng đang trong quá trình nắm quyền chỉ huy Cụm Lực lượng Phía Tây của Nga tại Ukraine.

Ông sẽ là tư lệnh thứ tư, ít nhất là như thế, của nhóm này kể từ cuộc xâm lược, và thay thế Đại tướng Sergei Kuzovlev, người mới được bổ nhiệm chỉ ba tháng trước.

Với tư cách là Tham mưu trưởng Cụm Lực lượng phía Đông của Nga trong những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược, Nikiforov có lẽ đã tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch cho nỗ lực tai hại của cụm này và lực lượng đổ bộ đường không nhằm tiến vào Kyiv từ phía tây bắc, thông qua khu vực Chernobyl.

Cụm phiá Tây gần như chắc chắn hiện đang được giao nhiệm vụ trấn giữ cánh phải của Nga, bao gồm khu vực tỉnh Luhansk xung quanh Kremina và Svatove. Vì một trong hai bên có thể thực hiện một cuộc tấn công hợp lý trong khu vực này, Nikiforov đảm nhận một vai trò điều hành quan trọng trong cuộc xung đột.

Việc các sĩ quan cấp cao của Nga liên tục bị thay thế có lẽ phản ánh sự chia rẽ nội bộ liên quan đến việc tiến hành chiến tranh trong tương lai của Bộ Quốc phòng Nga.

3. Putin tuyên bố Nga 'tăng cường hợp tác với các lực lượng vũ trang Trung Quốc'

Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua liên kết video tại Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa. Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc chiến của tổng thống Nga ở Ukraine.

Khi hai bên tổ chức hội đàm song phương qua hội nghị truyền hình, Putin đã mời Tập đến thăm Mạc Tư Khoa vào mùa xuân. Putin mô tả đó là một minh chứng công khai về “sức mạnh của quan hệ Nga-Trung trong các vấn đề chính”.

Tuyên bố của Putin, kéo dài khoảng 8 phút, nhấn mạnh tầm quan trọng của “quan hệ đối tác chiến lược” Nga-Trung “trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng”.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng hợp tác quân sự có một “vị trí đặc biệt” trong mối quan hệ giữa hai nước. Ông cho biết Điện Cẩm Linh muốn “tăng cường hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập đã nói với ông Putin rằng con đường dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine sẽ không suôn sẻ và Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì “lập trường khách quan và công bằng” về vấn đề này.

Tập Cận Bình đã gọi Putin là “người bạn thân yêu” của mình trong bài phát biểu giới thiệu của mình, nói rằng:

Phía Trung Quốc lưu ý rằng phía Nga cho biết họ chưa bao giờ từ chối giải quyết xung đột thông qua đàm phán ngoại giao và bày tỏ sự đánh giá cao về điều này.

Chủ tịch Trung Quốc cho biết, thông qua một phiên dịch, rằng “trước tình hình quốc tế khó khăn và không đơn giản”, Bắc Kinh sẵn sàng “tăng cường hợp tác chiến lược với Nga, tạo cơ hội phát triển cho nhau, trở thành đối tác toàn cầu vì lợi ích của nhau, vì nhân dân các nước chúng ta và vì lợi ích ổn định trên toàn thế giới”.

4. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết làn sóng tấn công của Nga là một trong những “quy mô lớn nhất” kể từ khi chiến tranh bắt đầu

Các vụ nổ làm rung chuyển các ngôi làng và thành phố trên khắp Ukraine hôm thứ Năm đã được Bộ Quốc Phòng Ukraine mô tả là một trong những cuộc tấn công hỏa tiễn lớn nhất của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Vào những ngày cuối năm, những kẻ khủng bố Nga đã tung ra một trong những cuộc tấn công hỏa tiễn lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện,” Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết như trên trong một tuyên bố hôm thứ Sáu 30 tháng 12. “Họ mơ rằng người Ukraine sẽ đón năm mới trong bóng tối và giá lạnh. Nhưng họ không thể đánh bại người dân Ukraine.”

Theo dữ liệu sơ bộ, Không quân Ukraine cho biết lực lượng Nga đã phóng 69 hỏa tiễn hành trình và họ đã bắn hạ 54 quả trong số đó, cùng với Lực lượng Phòng vệ Ukraine. Lực lượng Không quân cho biết họ cũng đã đẩy lùi các cuộc tấn công từ máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất, được thiết kế để phát nổ khi tiếp xúc với mục tiêu.

5. Giám đốc tình báo Ukraine tuyên bố chiến tranh đang đi vào bế tắc

Giám đốc tình báo Ukraine Kyrylo Budanov cho biết cuộc chiến đã đi vào bế tắc, cả Ukraine và Nga đều không thể đạt được bất kỳ lợi ích đáng kể nào, khi Kyiv đang chờ đợi thêm vũ khí từ Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác.

Kyrylo Budanov nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn: “Tình hình đang bế tắc”.

Kể từ khi các lực lượng Ukraine giành lại thành phố Kherson ở miền nam vào tháng 11, phần lớn các cuộc giao tranh ác liệt nhất đã diễn ra xung quanh Bakhmut, ở khu vực phía đông Donetsk, nơi Budanov đã đến thăm các vị trí tiền tuyến trong mấy ngày qua. Cả hai bên đã lâm vào trận chiến tàn khốc ở đó kể từ khi các lực lượng Nga phát động cuộc bao vây thành phố một cách tàn bạo vào tháng Năm.

Budanov cho biết điều kiện mùa đông lạnh giá đã làm chậm bước tiến và các lực lượng Nga “hiện hoàn toàn đi vào ngõ cụt” sau những tổn thất nặng nề. Nhưng ông nói thêm rằng quân đội Ukraine cũng không thể tiến bộ nếu không có thêm nguồn lực, đặc biệt là nguồn cung cấp vũ khí.

“Chúng tôi không thể đánh bại người Nga trên mọi hướng một cách toàn diện. Budanov nói. “Chúng tôi rất mong đợi nguồn cung cấp vũ khí mới và sự xuất hiện của các loại vũ khí tiên tiến hơn.”

Budanov cũng dội một gáo nước lạnh vào ý kiến cho rằng các lực lượng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công khác từ Belarus, nơi Mạc Tư Khoa đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Minsk. Ông nói: “Tính đến thời điểm hiện tại, tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu chuẩn bị nào cho một cuộc xâm lược vào Kyiv hoặc các khu vực phía bắc từ Belarus.

6. Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace cho biết Vương quốc Anh sẽ cam kết viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh cho Ukraine vào năm 2023

Trong cuộc gặp gỡ với các phóng viên báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết:

“Một khoản hỗ trợ trị giá 2,3 tỷ bảng Anh khác vào năm tới, trong đó chúng ta bảo đảm rằng Ukraine có hệ thống vũ khí họ cần và hiện tại Vương quốc Anh sẽ giúp họ mua nó từ những nơi khác trên thế giới.

Chúng tôi sẽ cung cấp các hệ thống vũ khí phù hợp với thời Xô Viết của họ, gần đây chúng tôi đã tặng hàng nghìn hỏa tiễn phòng không để người Ukraine có thể hạ gục những máy bay không người lái này.

Đồng thời, chúng tôi đang cung cấp kiến thức và chuyên môn cho họ về cách chúng ta bảo đảm việc phối hợp giữa các lực lượng phòng không trên mặt đất.

Nhưng song song, chúng ta cũng muốn bảo đảm rằng Ukraine có thể giành chiến thắng trên thực địa, rằng họ có thể đẩy lùi các lực lượng của Nga.

Tôi nhận thấy những bình luận của Gordon Brown ngày hôm qua, rất quan trọng, chúng ta nên chỉ ra và nhắc nhở thế giới rằng những gì chúng ta đang thấy là Nga vi phạm luật pháp quốc tế, tham gia một cách có hệ thống vào các tội ác chiến tranh và thế giới không thể phớt lờ nhưng chúng ta tất cả phải đứng lên chống lại những tội ác đó và bảo đảm rằng Nga hiểu rằng trừ khi họ ngừng những gì họ đang làm hiện nay, họ sẽ chỉ gặt hái những hậu quả lâu dài”.

7. Đại Sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Markarova nói: Người Nga một ngày nào đó sẽ hết hỏa tiễn, trong khi người Ukraine sẽ không bao giờ hết can đảm

Đến một lúc nào đó, những kẻ khủng bố Nga sẽ hết hỏa tiễn, nhưng người Ukraine sẽ không bao giờ hết can đảm.

Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ Oksana Markarova, đã đưa ra lập trường trên khi bình luận về các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào các thành phố của Ukraine, hôm thứ Năm 29 tháng 12.

Bà nói: “Đến một lúc nào đó, quân khủng bố Nga sẽ hết hỏa tiễn, nhưng người Ukraine sẽ không bao giờ hết can đảm, hết khát vọng tự do, dân chủ và tình yêu đối với Tổ quốc của chúng ta”.

Lực lượng Nga đã phóng 69 hỏa tiễn trong cuộc tấn công hôm thứ Năm 29 tháng 12. Trong số đó, 54 chiếc đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt.

Đồng thời, do hậu quả của cuộc tấn công, thiệt hại đã gây ra cho lưới điện và các cơ sở sản xuất.

8. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine nói các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga là “sự man rợ vô nghĩa”

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã mô tả làn sóng tấn công hỏa tiễn mới nhất của Nga hôm thứ Năm là “sự man rợ vô nghĩa”.

“Sự man rợ vô nghĩa. Đây là những từ duy nhất xuất hiện trong đầu khi chứng kiến Nga phóng một loạt hỏa tiễn khác vào các thành phố yên bình của Ukraine trước thềm Năm mới”, Kuleba nói, đồng thời cho biết thêm rằng “không thể có sự trung lập” khi đối mặt với các cuộc tấn công như vậy.

Loạt hỏa tiễn của Nga, một trong những làn sóng tấn công lớn nhất, đã tấn công một số thành phố của Ukraine hôm thứ Năm, làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự và làm mất điện.

9. Odesa của Ukraine dỡ bỏ tượng đài của hoàng hậu Nga

Một bức tượng của Hoàng hậu Nga Catherine II đã bị dỡ bỏ hôm thứ Tư khỏi một quảng trường ở Odesa. Các nhà chức trách ở thành phố cảng Ukraine cho biết đó là “một sự kiện lịch sử thực sự”.

“Tôi rất biết ơn những cư dân của Odesa đã bày tỏ quan điểm của họ rằng di sản đế quốc Nga không có chỗ đứng ở một Ukraine hiện đại dân chủ và tuân thủ luật pháp,” chính quyền khu vực Odesa cho biết trên Telegram.

Catherine II, thường được gọi là Catherine Đại đế, trị vì từ năm 1762 đến 1796 và vẫn là một nhân vật gây tranh cãi ở Ukraine vì quan điểm đế quốc của bà.

Bức tượng Odesa được dựng lên vào những năm 1900 dưới thời đế chế Nga nhưng đã bị tháo dỡ vào năm 1920 dưới sự cai trị của Liên Xô. Nó đã được phục hồi vào năm 2007 bởi các thành viên thân Nga trong hội đồng thành phố Odesa.

Tháng trước, hội đồng đã bỏ phiếu loại bỏ bức tượng. Theo hội đồng, tượng đài sẽ chuyển đến Bảo tàng Nghệ thuật Odesa.

10. Máy bay Ukraine tiến hành 12 cuộc tấn công vào quân xâm lược

Máy bay Ukraine vào ngày 29 tháng 12 đã thực hiện 12 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân xâm lược Nga và một cuộc tấn công vào vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của kẻ thù.

Theo Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết điều này trong một bài đăng trên Facebook.

Sáng nay, những kẻ xâm lược Nga đã phát động một cuộc tấn công hỏa tiễn lớn vào Ukraine.

Kẻ thù đã phóng hỏa tiễn hành trình trên không và trên biển, cũng như hỏa tiễn dẫn đường phòng không S-300, nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự ở các khu vực phía đông, trung, tây và nam Ukraine.

Theo dữ liệu được chỉ định, 69 hỏa tiễn hành trình đã được sử dụng. Lực lượng phòng vệ Ukraine đã hạ gục 54 chiếc trong số đó.

Trong suốt cả ngày, kẻ thù đã tiến hành 10 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 23 cuộc không kích và thực hiện 14 cuộc tấn công bằng nhiều hệ thống phóng hỏa tiễn vào các vị trí của quân đội Ukraine và các khu định cư dọc theo giới tuyến.

Bộ Tổng tham mưu cho biết kẻ thù tiếp tục sử dụng mạng lưới các cơ sở y tế dân sự trong lãnh thổ bị xâm lược tạm thời để điều trị cho quân nhân Nga bị thương và lính đánh thuê của các công ty quân sự tư nhân.

Tại Bilovodsk, quận Starobilsk, vùng Luhansk, hơn 100 đại diện bị thương của công ty quân sự tư nhân Wagner đang tiếp tục được điều trị. Ngoài ra, tại thành phố Tokmak, khoảng 120 kẻ xâm lược bị thương đang được điều trị trên lãnh thổ của cái gọi là “bệnh viện quân đội”.

Tại Donetsk, những kẻ xâm lược đã tổ chức chuyển các thiết bị y tế và binh sĩ y tế từ Bệnh viện lâm sàng khu vực Kalinin Donetsk đến Mariupol.

Vào thứ Tư, ngày 28 tháng 12, hơn 50 kẻ xâm lược đã bị tiêu diệt sau khi lực lượng Ukraine pháo kích vào các vị trí của kẻ thù ở quận Berdiansk của vùng Zaporizhzhia.

11. Lính Nga mới nhập ngũ đánh chỉ huy đơn vị đến mức thiệt mạng

Tại vùng Chelyabinsk của Liên bang Nga, một trung sĩ nhất mới được điều động đã bị bắt sau một vụ tấn công làm chết người chỉ huyđơn vị của anh ta.

Đài phát thanh Tự do đưa tin rằng người lính Nga đã đấm chết chỉ huy của mình trên một chuyến tàu. Viên trung sĩ nhất này đã uống rượu, và đã xảy ra xô xát với chỉ huy của anh ta, là một đại úy, mới bị điều động. Một cuộc giao tranh đã nổ ra, trong đó viên Đại Úy đã bị thương nặng và qua đời sau đó.

Một vụ án hình sự đã được khởi xướng chống lại trung sĩ nhất này. Đài phát thanh Tự do cho biết, vào ngày 24 tháng 9, Putin đã tuyên bố “huy động một phần” ở Nga, vài ngày sau, Bộ Quốc Phòng Nga đã đưa ra một quy định mới về các hình phạt khắc nghiệt hơn nếu tội phạm trong quân đội được thực hiện trong thời gian huy động hoặc trong thời chiến. Có tính đến những sửa đổi mới nhất, trung sĩ này có thể phải đối mặt với án tù từ 5 đến 15 năm.

Các phương tiện truyền thông đã nhiều lần viết về các vụ bạo lực liên quan đến những người lính say xỉn trong các đơn vị quân đội nơi lính nghĩa vụ Nga được gửi đến.

Trong một diễn biến khác, một tòa án ở Ukraine đã kết án 12 năm tù cho một chiến binh “DPR” đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của “Motorola”.

Theo điều tra, anh ta là một cư dân của quận Zhashkiv thuộc vùng Cherkasy đã gia nhập tổ chức khủng bố “DPR” vào năm 2014. Anh ta phục vụ trong đơn vị do tên khủng bố khét tiếng “Motorola” cầm đầu và tham gia vào các hoạt động chiến sự ở khu vực Miusynsk, Malinivka, và Mykolaivka của vùng Donetsk.

12. Các quan chức Ukraine cho biết nguồn cung cấp điện vẫn bị hạn chế ở các khu vực quan trọng sau các cuộc tấn công của Nga

Các cuộc tấn công mới nhất của Nga vào Ukraine đã làm hư hại các cơ sở điện và khiến các khu vực quan trọng bị hạn chế nguồn cung cấp điện vào tối thứ Năm, một quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết trong một bản cập nhật.

Kyrylo Tymoshenko, phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết mặc dù lực lượng phòng không của đất nước đã bắn hạ nhiều hỏa tiễn từ cuộc tấn công của Nga, nhưng “một số hỏa tiễn đã đánh trúng một số cơ sở năng lượng”.

Ông cho biết các kỹ sư đang làm việc để khôi phục điện trên khắp Ukraine, với những hạn chế về công suất vẫn còn ở Lviv, Kyiv, Kharkiv và Odesa.

Tymoshenko cho biết ông hy vọng rằng tình hình ở Kyiv sẽ cải thiện vào thứ Sáu.

Ông ca ngợi nỗ lực của các kỹ sư đã làm việc suốt tuần qua để ổn định nguồn cung ở thủ đô, nói rằng công việc khó khăn của họ đã được thực hiện vào cuối tuần lễ Giáng Sinh, “khi thực tế tất cả các hộ gia đình ở Kyiv đều có điện”.

Tymoshenko nói: “Tôi tin rằng bây giờ các kỹ sư năng lượng của chúng tôi sẽ làm việc thêm vài giờ nữa ở chế độ như vậy và sẽ có nguồn cung cấp điện bình thường cho thành phố Kyiv.

Volodymyr Kudrytskyi, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Ukraine Ukrenergo, cũng báo cáo rằng sự gián đoạn cung cấp năng lượng vẫn tiếp diễn vào tối thứ Năm.

“Hiện tại, một phần đáng kể công suất phát điện trong hệ thống đã được khôi phục, nhưng mạng lưới và một số nhà máy điện đã bị thiệt hại đáng kể. Điều đó liên quan đến thực tế rằng đó không phải là một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, mà thực tế là một loạt cuộc tấn công,” ông nói.

Việc sửa chữa đang diễn ra, nhưng do mạng lưới bị hư hại nghiêm trọng, “rất khó để chúng tôi cung cấp điện ở các khu vực Kharkiv, Kyiv, Odesa, Mykolaiv, Kherson và Lviv,” ông nói.

13. Bulgaria gọi việc đưa nhà báo vào danh sách “truy nã” của Nga là một cuộc tấn công vào tự do ngôn luận

Việc đưa nhà báo điều tra người Bulgaria Christo Grozev vào danh sách “truy nã” của Nga là một “cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận” không thể chấp nhận được, quyền Thủ tướng Bulgaria Galab Donev cho biết hôm thứ Năm.

“Tôi muốn lưu ý rằng phía Nga đã không thông báo cho Bulgaria thông qua các kênh đã thiết lập về các cáo buộc chống lại ông Grozev,” Donev nói khi khai mạc một cuộc họp của chính phủ. “Đối với chúng tôi, hành động này là không thể chấp nhận được, nó thể hiện sự tấn công vào quyền tự do ngôn luận và âm mưu đe dọa một công dân Bulgaria.”

Hôm thứ Hai, Bộ Nội Vụ Nga đã đưa Grozev, nhà điều tra hàng đầu về Nga tại tập đoàn báo chí Bellingcat, vào danh sách “truy nã”. Thông tin được công bố trên trang web của Bộ cho biết ông “bị truy nã theo một điều khoản của Bộ luật Hình sự,” mà không nêu cụ thể điều khoản chính xác.

Donev cho biết, Đại sứ Nga Eleonora Mitrofanova đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Bulgaria “để giải thích về vụ việc,” đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ Bulgaria sẽ “bày tỏ sự phản đối chính thức” đối với lệnh truy nã và nhất quyết yêu cầu nhận thêm thông tin.

Sau khi gặp các quan chức Bulgaria hôm thứ Năm, Mitrofanova nói với các nhà báo rằng cô không biết lý do tại sao Grozev bị truy nã. Cô ấy nói rằng anh ta chỉ bị truy nã ở Nga chứ không phải các quốc gia khác, theo đài truyền hình nhà nước BNT của Bulgaria.

Sau những bình luận của Mitrofanova với các phóng viên, Đại sứ quán Nga tại thủ đô Sofia của Bulgaria đã đưa ra một tuyên bố.

Tuyên bố nói rằng Mạc Tư Khoa đã “làm rõ tình hình với Grozev, nhấn mạnh rằng hành vi vi phạm luật pháp Nga sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý tương ứng, không phụ thuộc vào loại hoạt động của bị cáo hay người bị tình nghi hoặc quốc tịch của anh ta”.

Đại sứ quán Nga thanh minh rằng lệnh truy nã “không phải là nhằm đe dọa nhà báo hay bất kỳ mối đe dọa nào đối với tính mạng của anh ta”.

“Đó là một chiêu thức thông tin sai lệch,” Grozev nói. “Họ không đe dọa tôi thì họ truy nã tôi làm gì?”
 
Cập nhật tình trạng của Đức Bênêđictô XVI sáng 31/12. Thăm Tu viện Mẹ Giáo Hội nơi ngài ẩn dật
VietCatholic Media
17:10 30/12/2022


1. Tình trạng của Đức Bênêđictô vào sáng thứ Bẩy 31/12

Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI đã trong tình trạng ổn định vào trưa ngày thứ Sáu sau khi trải qua một thời gian suy giảm sức khỏe. Ngài đã có thể tham dự Thánh lễ riêng trong phòng của mình, khi các tín hữu ở Rôma chuẩn bị để tôn vinh “đoạn hành hương cuối cùng này của ngài”.

Vatican đã cung cấp một bản tin y tế mới vào chiều tối thứ Sáu theo giờ địa phương, ở Việt Nam đã bước sang ngày thứ Bẩy, nói rằng Đức Bênêđíctô đã có thể nghỉ ngơi tốt trong hai đêm liên tiếp.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong một tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cũng tham gia Thánh lễ được cử hành trong phòng của của ngài vào chiều hôm qua. Hiện tại tình trạng của ngài vẫn ổn định.”

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ rằng vị tiền nhiệm 95 tuổi của ngài “ốm nặng” và ngài đã đến thăm Đức Bênêđíctô tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội trong vườn Vatican. Đức Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho Đức Bênêđictô, và điều này đã dẫn đến một loạt các thông điệp hiệp nhất trong lời cầu nguyện từ những người Công Giáo bình thường đến các Hồng Y.

Năm 2013, Đức Bênêđictô XVI trở thành vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau 600 năm. Ngài nói rằng ngài không còn đủ sức mạnh thể chất và tinh thần để lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo với 1,2 tỷ tín hữu. Việc thoái vị của ngài đã mở đường cho cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Bênêđictô chọn sống ẩn dật trong một tu viện đã được cải tạo ở Vatican, nơi ngài được chăm sóc bởi một nhóm bác sĩ và gia đình giáo hoàng lâu năm của ngài: bao gồm thư ký của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, và một số phụ nữ tận hiến chăm sóc cho hộ gia đình.

Hôm Thứ Sáu, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã cử hành một Thánh lễ đặc biệt để vinh danh Đức Bênêđictô tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, về mặt kỹ thuật là nhà thờ chính tòa một thời của Đức Bênêđictô trong cương vị giám mục Rôma.

Theo tập sách phụng vụ do văn phòng của Đức Hồng Y De Donatis phát hành, Thánh lễ mở đầu và kết thúc với những lời cầu nguyện đặc biệt cho vị giáo hoàng danh dự.

Một trong những lời cầu nguyện mở đầu có đoạn: “Xin Chúa nâng đỡ và an ủi ngài bằng sự hiện diện từ ái của Chúa trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình này, để ngài có thể trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng chiến thắng ngay cả trong đau khổ, và tiếp tục hiến thân vì thiện ích của Giáo hội.”

Đức Bênêđíctô đã chỉ ra rằng khi ngài qua đời, ngài muốn được chôn cất trong khu hầm mộ bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô, ở ngôi mộ từng là ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II. Ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II đã được chuyển lên tầng trên của Đền Thờ Thánh Phêrô trong những năm gần đây. Ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II ban đầu nằm ở phía Bắc của khu hầm mộ, cách mộ Thánh Phêrô chưa đến 30m. Ngày 1 tháng Năm, 2011, ngôi mộ của Thánh Gioan Phaolô II được dời lên bên dưới bàn thờ Thánh Sêbastinô.

2. Tu viện nơi Đức Bênêđictô XVI sống

Trong khi sức khỏe của ngài trở nên xấu đi trong những giờ gần đây, Đức Bênêđictô XVI đã không được chuyển đến một trong nhiều bệnh viện Công Giáo ở Rôma - chẳng hạn như Bệnh viện đa khoa Gemelli - mà vẫn ở lại Tu Viện Mẹ Giáo Hội, nơi cư trú của ngài kể từ năm 2013. Tại đây, ngài được tiếp nhận chăm sóc y tế cần thiết.

Tòa nhà ít được biết đến của Vatican này hiện là nơi ở của Đức Giáo Hoàng Danh dự - trong gần 10 năm qua - lâu hơn thời gian ngài ở Dinh Tông Tòa, khi đang cai quản Hội Thánh.

Tu viện Mẹ Giáo Hội tọa lạc ở đâu?

Tu viện Mẹ Giáo Hội – tiếng Latinh là Mater Ecclesiae - là một tòa nhà nằm gần như trên đỉnh đồi Vatican, ở trung tâm vườn Vatican. Không thể tiếp cận trừ khi được mời, được bao quanh bởi hàng rào cao và được bảo vệ bởi hiến binh, nó nằm cách tháp Đài phát thanh Vatican vài mét và ngay phía trên Casina Pio IV, trụ sở của Học viện Giáo hoàng về Khoa học Tự Nhiên và Khoa học Xã hội.

Ở phía nam của dinh thự rộng gần 300 mét vuông này, những người làm vườn làm việc trong vườn rau của Vatican, trong khi ở phía bắc là đài phun nước Đại bàng bằng đá có từ thế kỷ 17. Tu viện chỉ cách Casa Santa Marta, nơi ở của Đức Thánh Cha Phanxicô có 350 m.

Nguồn gốc của tu viện là gì?

Tu viện Mẹ Giáo Hội được xây dựng từ năm 1992 đến 1994 theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II, sử dụng một văn phòng cũ của Lực lượng Hiến binh Vatican, để chứa các cộng đồng nhỏ gồm các nữ tu dòng kín. Đức Giáo Hoàng người Ba Lan muốn các cộng đồng này trong Vatican có thể cầu nguyện từ trái tim của Giáo hội cho Người kế vị Thánh Phêrô và sứ vụ của ngài. Từ năm 1994 đến năm 1999, tu viện do các nữ tu dòng thánh Clara Khó Nghèo coi sóc; từ 1999 đến 2004 bởi các nữ tu dòng Camêlô Nhặt Phép; từ 2004 đến 2009 do 10 nữ tu Biển Đức; từ năm 2009 đến cuối năm 2012 do các nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng.

Tại sao nơi này được chọn làm nhà của Đức Giáo Hoàng Danh Dự?

Vào cuối năm 2012, các nữ tu Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng đã được mời bí mật trở lại tu viện của họ, để cho phép bắt đầu công việc tân trang lại, nhà báo người Ý Massimo Franco tường thuật trong cuốn sách của ông, Il Monastero (Solferino, 2022). Mãi đến vài tháng sau, chúng tôi mới biết rằng Đức Bênêđictô XVI, sau khi từ chức vào tháng 2 năm 2013, đã lên kế hoạch chuyển đến đó.

Công việc tại Tu Viện Mẹ Giáo Hội tiếp tục cho đến ngày 2 tháng 5 năm 2013, ngày mà Đức Giáo Hoàng danh dự hiện nay trở về sau thời gian ở Castel Gandolfo. Kể từ đó, Đức Giáo Hoàng hầu như không bao giờ rời khỏi tu viện, ngoại trừ những lần đi dạo thường xuyên trong vườn, một vài lần xuất hiện chính thức hiếm hoi và chuyến đi đến Đức vào năm 2020 để thăm anh trai Georg, ngay trước khi Đức Ông Georg qua đời.

Có ai khác sống ở đó không?

Ngoài Đức Giáo Hoàng danh dự, tu viện còn là nhà của thư ký và bạn của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đã hỗ trợ Đức Giáo Hoàng từ năm 1996, khi ngài bắt đầu làm việc cho Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ trong Bộ Giáo lý Đức tin.

Ở Mẹ Giáo Hội, ngoài hai vị, còn có với bốn nữ giáo dân tận hiến của Memores Domini, là chi nhánh tận hiến của phong trào Hiệp thông và Giải phóng Ý, mà Đức Giáo Hoàng luôn rất thân thiết, đặc biệt vì ngài là một trong những người ủng hộ chính của phong trào này. Ngài là một trong những cộng tác viên lỗi lạc nhất của tạp chí thần học Communio.

Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng, là Birgit Wansin, một nữ giáo dân tận hiến và là thành viên của phong trào Schoenstatt, hàng đêm trở về Rôma để ngủ tại nơi ở cộng đồng của bà. Anh trai của Đức Bênêđíctô XVI, Georg Ratzinger, qua đời vào năm 2020, cũng từng là cư dân của tu viện.

Cuộc sống hàng ngày của ngài như thế nào?

Người ta biết rất ít về cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Danh dự kể từ khi ngài từ chức, ngoài những gì được thư ký của ngài, Đức Tổng Giám Mục Gänswein, và một số nhân vật đặc biệt được mời đến dinh thự, cho hay. Trong những năm gần đây, Đức Giáo Hoàng đã phân chia cuộc sống của mình giữa việc đọc và cầu nguyện, và cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ mỗi ngày với các cư dân khác.

Với thư viện rộng lớn và môi trường xung quanh yên bình, nơi này đã cho phép nhà thần học tiếp tục làm việc trong những năm này. Là một người yêu âm nhạc, ngài cũng quen nghe nhạc, đôi khi ngài chơi trên cây đàn piano của dinh thự.

Ngài cũng đã tiếp nhiều khách, gần sáu lần một tuần trong những năm đầu. Sau mỗi công nghị, các tân Hồng Y đã đến thăm ngài cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Lần cuối cùng là vào ngày 27 tháng 8 vừa qua.

Những vị khách cuối cùng được biết đến là những người đã nhận giải thưởng mang tên ngài, Giải thưởng Ratzinger, nhận được tại tu viện vào đầu tháng 12.

Đức Giáo Hoàng danh dự từ lâu cũng có thói quen rời khỏi dinh thự của mình vào buổi chiều muộn để đi dạo, trong thời gian đó, đôi khi ngài đến hang đá Lộ Đức trong các khu vườn của Vatican để lần chuỗi Mân côi.

3. Người Công Giáo Á Châu cầu nguyện cho Đức Bênêđictô

Nhiều cộng đồng Công Giáo trên khắp Á Châu đã đón nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô dâng một “lời cầu nguyện đặc biệt” cho Đức Bênêđictô XVI. Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự đã có vấn đề trong dịp Giáng Sinh.

Từ Miến Điện, Đức Hồng Y Charles Bo, tổng giám mục Yangon và là chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, kêu gọi các tín hữu “cầu nguyện cho vị thánh này, người mà chứng tá của ngài cho đến tận ngày nay vẫn tiếp tục chúc lành cho Giáo hội.”

“Sự đóng góp của ngài cho Công đồng Vatican II, sự ủng hộ mạnh mẽ của ngài đối với sứ mệnh của Thánh Gioan Phaolô II và sự nhạy bén về trí tuệ của ngài là những đóng góp đáng ghi nhớ cho Giáo hội ngày nay. Ngài hết mực trung thành với truyền thống và giáo huấn của Giáo hội.”

“Cầu mong sự bảo vệ của Mẹ Maria tiếp tục chữa lành vết thương cho ngài và ban cho ngài nhiều sức khỏe hơn.”

Tại Trung Quốc, các cộng đồng Công Giáo cũng đang cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI, với lòng biết ơn Bức thư năm 2007 của ngài gửi cho người Công Giáo Trung Quốc.

Trong số những người đầu tiên chú ý đến lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân trên tài khoản twitter của ngài, nhưng nhiều tín hữu cũng làm như vậy trên mạng Vi Bác, một nền tảng giống như Twiiter của Trung Quốc.

Một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô xuất hiện trên xinde.org cùng với lời cầu nguyện do Vatican News công bố ngày hôm qua. Trang web này là một điểm tham khảo quan trọng cho các cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc đại lục.

Tại Ấn Độ, Đức Tổng Giám Mục Anthony Poola của Hyderabad đã gửi một thông điệp đến các tín hữu mời họ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh dự.

“Tôi ngưỡng mộ ngài vì ba điều,” Đức Hồng Y y viết. Đầu tiên, ngài là “sự pha trộn tuyệt đẹp giữa một học giả và một mục tử. Với tư cách là một nhà thần học, tác phẩm của ngài về Chúa Giêsu thành Nazareth thật tuyệt vời” và ngài “có một trái tim mục vụ”. Thứ hai, “Tình yêu dành cho Giáo hội” của ngài đi xa đến mức “không bao giờ thỏa hiệp với các giá trị mà ngài tin tưởng”, và thứ ba, ngài đã thể hiện “lòng can đảm, khiêm nhường và lòng yêu mến Giáo Hội khi thoái vị giáo hoàng” vì thấy mình không đủ sức khoẻ về thể chất và tinh thần.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô có can đảm, quyết tâm và lòng khiêm nhường để nói 'không' khi nhiệm vụ quá nặng nề để gánh vác. Trong tất cả sự khiêm tốn, ngài nói rằng ngài không thể tiến xa hơn.”

“Trong buổi cử hành Thánh Thể của tôi hôm qua và hôm nay, tôi vô cùng nhớ đến Đức Giáo Hoàng Danh dự và dâng lời cầu nguyện cho ngài để Chúa an ủi và nâng đỡ ngài.”
Source:Asia News

4. Những lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI

Những lời cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI đang đổ về từ khắp nơi trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo hôm thứ Tư rằng người tiền nhiệm 95 tuổi của ngài gần đây đang bị bệnh.

“Tôi muốn xin tất cả anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô, người đang âm thầm hỗ trợ Giáo hội. Hãy nhớ đến ngài -ngài đang ốm nặng - xin Chúa an ủi ngài, và nâng đỡ ngài trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội, cho đến cùng.”

Hôm thứ Năm, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, cho biết Đức Giáo Hoàng Danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt qua đêm.

“Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo. Hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn nghiêm trọng, nhưng tình hình vẫn ổn định vào lúc này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này.”

Cầu nguyện thầm lặng cho một nhân chứng thầm lặng

Các Kitô hữu, cũng như những người không phải là Kitô hữu, đã đáp ứng yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng danh dự.

Đức Hồng Y Blase, Tổng Giám mục Chicago, đã tweet về sự hỗ trợ tinh thần của mình và kêu gọi mọi người cầu xin “ân sủng của Chúa giúp nâng đỡ Đức Thánh Cha Bênêđictô vì ngài đã nâng đỡ Giáo hội qua chứng tá thầm lặng của mình.”

Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York, đã đưa ra một tuyên bố và lời mời tương tự, bày tỏ “niềm tin lớn lao vào lòng nhân từ của Chúa.”

Đức Tổng Giám Mục Westminster, Đức Hồng Y Vincent Nichols, đã thêm tiếng nói của mình, cầu nguyện rằng Chúa có thể “nâng đỡ và an ủi ngài vào lúc này.”

Sự gần gũi của Ukraine

Người Công Giáo ở Ukraine cũng tham gia vào bản đồng ca thiêng liêng dành cho Đức Giáo Hoàng Danh dự, sau khi Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk kêu gọi Thượng hội đồng và tất cả các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cầu nguyện.

“Toàn thể Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hiệp nhất trong lời cầu nguyện xung quanh nhân chứng vĩ đại này của thời đại chúng ta, cảm ơn ngài vì chứng tá thầm lặng của ngài với tư cách là Giáo hoàng danh dự, đồng thời ghi nhớ và tìm cách thực hành công việc của ngài vì sự hiệp nhất của Giáo hội. Đó là một nét đặc biệt trong triều đại giáo hoàng của ngài.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk gần đây đã gặp Đức Bênêđíctô tại nơi ở của ngài trong Tu viện Mẹ Giáo Hội của Vatican vào ngày 10 tháng 11. Sau đó, ngài kể lại rằng Đức Giáo Hoàng danh dự “cực kỳ sáng suốt, được thông báo và quan tâm về tình hình ở Ukraine, và đã bảo đảm những lời cầu nguyện của ngài cho người dân Ukraine.”

Sự can thiệp cho một người đàn ông cầu nguyện

Giáo sĩ trưởng của Cộng đồng Do Thái ở Rome, Riccardo Di Segni, cũng đã tweet sự ủng hộ cầu nguyện của mình cho Benedict.

“Lo lắng về những tin tức về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô, tôi cùng cầu nguyện để ngài có thể vượt qua thử thách và sớm bình phục,” ngài nói.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, kêu gọi người dân Ý “quy tụ quanh Đức Giáo Hoàng Danh dự” để cầu nguyện vào thời điểm khó khăn này, nhắc lại lời mô tả của chính Đức Bênêđictô về sứ mệnh của ngài sau khi ngài thoái vị.

“Việc ngài ở lại 'theo một cách mới với Chúa chịu đóng đinh', tiếp tục 'đồng hành với con đường của Giáo hội bằng lời cầu nguyện và suy tư' tạo thành một thông điệp mạnh mẽ cho cộng đồng giáo hội và toàn xã hội.”
Source:Vatican News

5. Giáo phận Rôma dâng thánh lễ cho Đức Bênêđictô XVI

Giáo Phận Rôma sẽ dâng Thánh Lễ đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vào chiều Thứ Sáu.

Thánh lễ được Hồng Y Angelo De Donatis công bố vào ngày 29 tháng 12, sau khi sức khỏe của vị giáo hoàng danh dự 95 tuổi có chuyển biến đột ngột.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào cuối buổi tiếp kiến chung vào ngày 28 tháng 12, đã xin mọi người cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI “đang ốm nặng”, người “đang thầm lặng nâng đỡ Giáo hội”.

Vatican xác nhận sau đó cùng ngày rằng Đức Bênêđíctô đang được chăm sóc y tế sau khi sức khỏe của ngài suy giảm.

Hôm thứ Năm, Vatican đã cập nhật thêm về sức khỏe của Đức Bênêđictô XVI.

“Đêm qua Giáo hoàng danh dự đã có thể nghỉ ngơi tốt. Ngài hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo, và hôm nay, mặc dù tình trạng của ngài vẫn còn nghiêm trọng, nhưng tình hình lúc này đã ổn định. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời mời cầu nguyện cho ngài và đồng hành với ngài trong những giờ phút khó khăn này,” phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni cho biết hôm 29/12.

Trong một tuyên bố vào sáng thứ Năm, Đức Hồng Y De Donatis, Giám Quản Tông Tòa Rôma, đã mời gọi các cộng đồng giáo hội ở Rôma “tham gia cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI” theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Trong việc cử hành các Thánh lễ hôm nay và trong những ngày tới, chúng ta hãy đồng hành với vị giám mục danh dự thân yêu của chúng ta trong thời khắc đau khổ và thử thách của ngài,” Đức Hồng Y nói.

Thánh lễ ngày 30 tháng 12 được cử hành lúc 5:30 chiều bởi Đức Giám Mục Guerino Di Tora, cha sở của Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ lớn của Rôma và là nơi nhà thờ chính tòa của giám mục Rôma, là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Source:Catholic News Agency