Ngày 21-12-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Giáng Sinh - Tin Mừng cứu độ cho mọi người
Lm. Đan Vinh
00:01 21/12/2021

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH A.B.C
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
GIÁNG SINH -TIN MỪNG CỨU ĐỘ CHO MỌI NGƯỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,1-14
(c 1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (c 2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (c 3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (c 4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (c 5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (c 6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. (c 7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (c 8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đoàn vật. (c 9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (c 10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: (c 11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (c 12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.(c 13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (c 14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng Lu-ca mô tả hoàn cảnh và thời gian của Con Thiên Chúa giáng trần: Tuy được sinh ra trong cảnh nghèo hèn... nhưng Người lại là Thiên Chúa quyền năng. Khi người đời từ chối và xua đuổi Đấng Cứu Thế thì các thiên thần lại vui mừng hát ca. Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót đã đến trong thân phận nghèo hèn để đồng cảm với người nghèo và mời gọi mọi người yêu thương nhau, thể hiện qua việc quảng đại chia sẻ cơm áo và niềm vui cho nhau.

3. CHÚ THÍCH:
- C 1 : + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rô-ma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN.
- C 2 : + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bê-lem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
- C 5 : + “Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
- C 7 : + Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Lu-ca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Mô-sê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ: Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì thấy dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
- C 11 : + Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
- C 14 : + Bình an dưới thế”: Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6; Mk 5,4).\

4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?
ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của hai từ là “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào? :
+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình để phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-an và “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Người cho môn đệ Gio-an rước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết nếu Đức Ma-ri-a còn có nhiều người con khác ngoài Người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa (Lc 2,11).

2. CÂU CHUYỆN: MÓN QUÀ GIÁNG SINH QUÍ NHẤT
Người ta tìm thấy trên bàn làm việc của một ông giám đốc xí nghiệp vừa từ trần một bức thư nội dung như sau: “Thưa ông giám đốc, chiều nay tôi và cả gia đình tôi mới nhận được một tin vui là ông giám đốc đã nhận tôi vào làm công nhân trong nhà máy của ông. Tôi coi tin này là một món quà to lớn trong mùa Giáng Sinh năm nay. Vì từ hôm nay, vợ con tôi lại có cơm ăn áo mặc hàng ngày và có tiền để trang trải các khoản chi phí mà chúng tôi đang thiếu hụt. Tôi xin chân thành cám ơn ông giám đốc”. Bên dưới bức thư này có mấy dòng chữ của ông giám đốc mới qua đời phê như sau: “Bức thư này quả là một món quà tinh thần quí giá nhất mà tôi đã nhận được trong lễ Giáng Sinh năm nay. Tôi chắc sẽ không bao giờ quên được niềm vui lớn lao mà món quà này đã mang lại cho tôi”.

3. THẢO LUẬN:
Đấng Cứu Thế đến thiết lập một Nước Trời bình an, hy vọng, vui tươi và hạnh phúc. Trong Mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta cần làm gì cụ thể để Nước Trời ấy mau đến ngay tại gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng ta?

4. SUY NIỆM:
1) Giáng Sinh là lễ của tình thương: Thiên Chúa là Tình yêu đã sai Con Một xuống thế làm người là Đức Giê-su. Người là Lời sáng tạo quyền năng nhưng đã hóa nên một trẻ thơ yếu đuối, sinh bởi một trinh nữ, nên giống như chúng ta mọi đàng ngọai trừ không có tội. Khi giáng sinh, Người đã hóa nên một trẻ thơ để mời gọi mọi người hãy yêu thương trẻ nhỏ, nâng đỡ những kẻ nghèo hèn. Đến ngày tận thế, Đức Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ tái lâm để phán xét chung mọi người: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm… Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).

2) Giáng Sinh là Tin Mừng trọng đại cho tòan dân: Trong bài Tin Mừng hôm nay sứ thần đã báo tin vui cho các mục đồng ở ngọai ô Bê-lem: "Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” ( Lc 2, 10-12). Trong Mùa Giáng Sinh này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để chia sẻ Tin Mừng cho tha nhân?

3) Giáng Sinh với việc thực hiện bài ca thiên thần: Lời ca hát của các sứ thần trong đêm Chúa giáng sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” vẫn luôn vang lên trong mùa Giáng Sinh và cần phải được tiếp tục vang lên trong tâm hồn của các tín hữu, biến thành lời ca chúc bình an với ước mong cho mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đều đem bình an hạnh phúc cho tha nhân. Chúng ta hãy noi gương các mục đồng ở Bê-lem cùng nhau đến thăm viếng giúp đỡ những trẻ Giê-su khó nghèo tại các trại mồ côi, an ủi những ai đang bị giam cầm và những người đang chịu đau khổ và bị đối xử cách bất công giữa lòng xã hội. Đêm nay, dưới gầm cầu, bên hàng hiên của những ngôi nhà cũng vẫn còn đó những trẻ Giê-su đang nằm co ro vì lạnh, vì đói và vì không nhà để về...

4) Giáng Sinh cũng là lễ của chia sẻ niềm vui: Vào dịp lễ Giáng Sinh, người ta thường thể hiện tình cảm quí mến đối với bạn bè và những người thân quen, bằng việc gửi đi những cánh thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Theo phong tục của những nước phương tây, buổi sáng ngày lễ Giáng Sinh, cha mẹ thường thay ông già No-en tặng quà cho con cái của mình, người lãnh đạo tặng quà cho các nhân viên thuộc cấp, chủ nhà tặng quà cho các người giúp việc... còn chúng ta thì sao? Trong mùa Giáng Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ tặng gì cho những người thân quen, những người đã giúp đỡ chúng ta suốt năm qua, nhất là những người đáng thương như các cụ già neo đơn, các bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang, các người mù lòa khuyết tật và những người đang lang thang ngoài đường xó chợ...?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Giáng Sinh lại về. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người quên ngủ, vui vẻ liên hoan... Kìa, hai người lữ hành Be-lem đã từng lỡ bước đêm xưa vẫn đang còn lỡ bước đêm nay, vì các chủ quán trọ năm xưa vẫn đang còn đó! Giàu: chủ đón rước vào nghỉ trong khách sạn. Nghèo: hãy theo gót Giu-se Ma-ri-a ra vỉa hè công viên hoặc tại những nơi đầu đường xó chợ! Xin Chúa giúp chúng con biết nhìn thấy hài nhi Cứu Thế đang hiện thân nơi những kẻ nghèo hèn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị, những trẻ em đang sống lang thang hè phố, những cụ già cô độc không con cháu chăm sóc... để chúng con thể hiện tình thương với họ bằng những việc làm cụ thể như: thăm viếng và chia sẻ tình người, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó, chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ đích thực của Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.




 
Mẹ Chúa của tôi
Lm. Minh Anh
02:05 21/12/2021

“MẸ CHÚA CỦA TÔI”
“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.

Trong “Growing Strong”, tạm dịch, “Lớn Lên Mạnh Mẽ”, C. Swindoll viết, “Một số món quà bạn có thể tặng trong dịp Giáng Sinh này vượt quá giá trị tiền tệ! Đó là chữa lành một cuộc hờn dỗi, gạt bỏ một nghi ngờ; nói với ai đó, “Tôi yêu bạn”; âm thầm cho đi một thứ gì đó; tha thứ cho ai đó… và nhất là, đến thăm một người đang cần ‘một Ai đó’ nhất, mang theo “Chúa Giêsu” để làm quà!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Mang theo “Chúa Giêsu” để làm quà”, đó cũng là những gì Maria đã đem đến cho gia đình Zacharia! Và với trình thuật thăm viếng hôm nay, Tin Mừng bất ngờ tiết lộ một danh hiệu khác của Đức Mẹ, “Mẹ Chúa của tôi”; một danh hiệu thốt lên từ miệng Elizabeth, một người ‘được lây’ Thánh Thần khi bà chào người em họ của mình, “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”.

“Mẹ Chúa của tôi” là một danh hiệu đáng yêu dành cho Đức Mẹ, và dẫu không mấy khi chúng ta nghe tới; ấy vậy, danh hiệu đó thật sâu sắc và giàu ý nghĩa. Maria là biểu tượng của thiếu nữ Sion, nhi nữ Israel, nữ tử Giêrusalem; một ‘ái nữ’ hạnh phúc được Thiên Chúa của Israel ở cùng. Ngôn sứ Sôphônia hôm nay nói, “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan”; vì “Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi!”.

Mỗi người chúng ta có thể nói về Mẹ Maria rằng, Mẹ là “Mẹ Chúa của tôi”. Khi nói về Đức Maria với tư cách là ‘Mẹ của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta’, chúng ta không thể không nghĩ đến việc ngài là ‘Mẹ Thiên Chúa’. Cả hai danh hiệu ‘Chúa chúng ta’ và ‘Thiên Chúa’ này đều áp dụng cho Chúa Giêsu, cùng nói lên phẩm vị thần linh cực trọng của ngài. Thật ý nghĩa, việc nói về Chúa Giêsu là ‘Chúa của tôi’ làm nổi bật chiều kích cá nhân của mối quan hệ của từng người trong chúng ta với Con Thiên Chúa. Nó làm vang vọng cách thức Tôma, và các tông đồ, tuyên xưng Chúa Giêsu Phục Sinh ở cuối Tin Mừng thứ tư, “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”. Đó là lời thú nhận rất riêng của Tôma sau khoảng thời gian mà ông vô cùng ngờ vực; nhưng với lòng thương xót, Đấng Phục Sinh đã phải hiện ra củng cố đức tin yếu kém của ông. Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa của Tôma; nhưng với mỗi người chúng ta, Ngài vẫn là ‘Chúa của tôi và là Thiên Chúa của tôi’, Đấng xót thương, chữa lành và củng cố lòng tin của mỗi người.

Khi xưng hô với Chúa Giêsu là ‘Chúa của tôi’, chúng ta cho phép Ngài làm Chúa đời mình; làm chủ cuộc sống độc nhất và không thể lặp lại của mình. Mùa Giáng Sinh, nhìn lên hang đá, chúng ta tôn kính Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ; và dẫu Giêsu đó thật mỏng manh hèn yếu, nhưng đứa trẻ đó thật sự là ‘Chúa của tôi’. Như Elizabeth tôn kính Maria là “Mẹ Chúa của tôi”, chúng ta cũng tôn vinh Mẹ, vì nhờ Mẹ mà Chúa Giêsu đã đến với chúng ta; nhờ Mẹ mà mỗi người chúng ta có thể nhận biết Chúa Giêsu là ‘Chúa của tôi và Thiên Chúa của tôi!’.

Anh Chị em,

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa của tôi đến viếng thăm?”. Ước gì tất cả những anh chị em đến với chúng ta, hoặc những người chúng ta đến với họ trong lễ Giáng Sinh này cũng có thể nói như Elizabeth, khi chúng ta trở nên những “Mẹ Chúa của tôi” cho họ! “Mẹ Chúa của tôi”, đầy Thánh Thần, đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên mang Tin Mừng vốn sẽ thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại; thì cả chúng ta, cũng hãy là một nhà truyền giáo ra đi trong Thánh Thần như Mẹ. Mẹ đã làm cho gia đình Zacharia hạnh phúc và chính Mẹ cũng tràn đầy hạnh phúc; cũng thế, khi mang Giêsu cho người khác chúng ta cũng ssẽ hạnh phúc như Mẹ, sẽ cùng Mẹ cất lên Magnificat. Chúa Giêsu là món quà tuyệt vời nhất chúng ta có thể trao tặng; tất cả vật chất trần gian đều trở nên thứ yếu so với quà tặng đó. Nếu không chia sẻ Chúa Giêsu, chúng ta không cho những người thân yêu bất cứ điều gì thực sự lâu dài. Mang theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đã mang theo tất cả!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, kiểu mẫu của con, xin giúp con ngày càng trở nên “Mẹ Chúa của tôi” cho những ai đang cần lòng thương xót của Chúa, nhất là trong những ngày hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Là Ánh Sáng chiếu soi cho nhân loại
Lm. Đan Vinh
02:11 21/12/2021

LỄ GIÁNG SINH ABC
BAN NGÀY (Ga 1,1-18)
LÀ ÁNH SÁNG CHIẾU SOI CHO NHÂN LOẠI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1, 1-18

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian,và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng lễ Ban Ngày mừng Chúa Giáng Sinh chính là Lời tựa của sách Tin Mừng theo thánh Gio-an (1,1-18). Nội dung bài Tin Mừng gồm hai điều như sau:

Một là trình bày Đức Giê-su chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Sự Sống và là Ánh Sáng chiếu soi cho trần gian (1,1-13).
Hai là Người đến để ban ân sủng cứu độ và mặc khải sự thật về Thiên Chúa cho nhân loại (1,14.16-18).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”. (Ga 1,14).

2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:

1) GIÁNG SINH MANG LẠI NIỀM VUI CHO MỌI NGƯỜI:
- Hai em học sinh nói chuyện với nhau, một em hỏi bạn: “Bạn có biết lễ gì mà hầu hết mọi người trên thế giới đều biết và chia sẻ niềm vui cho nhau không?”
Người bạn kia ấp úng trả lời: “Đó là lễ mừng Chúa Giáng Sinh của đạo Công giáo đấy”.
- Niềm tự hào của em bé đó cũng có thể là niềm tự hào của mọi tín hữu chúng ta. Lễ Giáng Sinh là một lễ hội chung của mọi người trên trái đất nầy. Nhưng bên cạnh những vẻ hào nhoáng vui mừng của ngày lễ, điều mà chúng ta phải tự hỏi, nhất là đối với các tín hữu chúng ta, là có mấy ai trong chúng ta đã hiểu và sống đúng ý nghĩa của mầu nhiệm lễ Giáng Sinh hay không?

2) GIÁNG SINH MỜI GỌI QUẢNG ĐẠI CHIA SẺ TÌNH NGƯỜI:
- Hôm ấy, vào đêm vọng Giáng Sinh, trong một trường giáo dục trẻ em tàn tật ở Mỹ, người ta cho các trẻ em diễn một hoạt cảnh Giáng Sinh, trước sự hiện diện của phụ huynh và ân nhân.

Vở kịch có ba màn. Màn đầu diễn ra ở Nagiaret, với sắc lệnh của Hoàng đế Xê-sa-rê Au-gút-tô. Màn hai diễn lại cảnh Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a vào quán trọ, bị chủ quán xua đuổi. Màn ba là cảnh Chúa Giáng Sinh trong hang lừa máng cỏ.

Ban giám đốc và các phụ huynh khá lo âu, sợ các em diễn xuất vụng về. Nhưng màn đầu diễn ra tốt đẹp. Qua màn hai, người ta thấy Giu-se và Ma-ri-a đến gõ cửa các quán trọ. Nhìn thấy ông Giu-se áo quần nghèo khó, còn Ma-ri-a lại đang bụng mang dạ chửa, các chủ quán đã giơ tay xua đuổi lia lịa với lời từ chối: “Không có chỗ, không có chỗ ! “ Hai vợ chồng lên tiếng năn nỉ vì trời đêm giá lạnh. Chủ quán tỏ vẻ lưỡng lự, những rồi sau đó chỉ vào hàng chữ trên quán: “Không còn chỗ”. Cảnh van xin và từ chối lại diễn ra. Nhưng khi thay vì nói: “quán đã hết chỗ” theo kịch bản, thì em đóng vai chủ quán đã nghẹn ngào không nói nên lời. Em đưa tay ra giật tấm bảng có ghi hàng chữ “Không còn chỗ” xuống, và nói trong nước mắt: “Con xin nhường phòng con cho hai người !”.

Trước cảnh xảy ra bất ngờ đó, giáo viên đạo diễn tỏ vẻ lúng túng và cho ngưng vở diễn vì đã ra ngoài kịch bản. Nhưng hầu như toàn thể khán giả hiện diện đều cảm xúc ra mặt, trước vẻ hồn nhiên trong sáng của em bé diễn viên tốt bụng. Cử chỉ, ngôn ngữ và cung cách của em nói cho mọi người hay về ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của tình thương chia sẻ.

- Có lẽ nhiều người chúng ta, cách nầy hay cách khác, cũng đã có lần đóng vai chủ quán năm xưa khi chúng ta xua đuổi những kẻ nghèo hèn đến nhà ăn xin. Có lẽ nhiều lần chúng ta cũng đã treo tấm bảng: “Không còn chỗ” của chủ quán năm xưa qua thái độ giả điếc làm ngơ, trước những nhu cầu của tha nhân. Ước gì khi nghe câu Lời Chúa: “Bà Ma-ri-a đã bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, chúng ta quyết tâm sẽ không bao giờ xua đuổi Chúa ra khỏi lòng chúng ta, ra khỏi gia đình chúng ta.

3) CHIA SẺ CỤ THỂ LÀ “VUI VỚI NGƯỜI VUI, KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC”:

- Trong một gian hàng bán quà Giáng Sinh, một cậu bé 5 tuổi đang cầm trên tay một con búp bê rất xinh. Người bán hàng nói với cậu rằng: “Chắc cháu không đủ tiền mua con búp bê đắt tiền này đâu?”. Nhưng cậu bé vẫn tiếp tục cầm con búp bê xinh đẹp trên tay.

Bấy giờ một người đàn ông bước đến gần hỏi xem cậu bé mua con búp bê làm gì? Cậu đáp: “Đây là con búp bê mà em gái cháu rất thích. Nó luôn tin rằng năm nay thế nào ông già No-en cũng sẽ mang đến tặng nó một búp bê xinh đẹp trong đêm Giáng Sinh”. Khi được hỏi em gái đang ở đâu, cậu bé trả lời: “Em cháu mới được về với Chúa rồi và mẹ cháu cũng sắp sửa đi theo em gái cháu”. Cháu yêu mẹ nhiều lắm và ước mong mẹ đừng đi, nhưng bố cháu bảo rằng mẹ cháu bệnh nặng sắp phải theo em cháu rồi”.

Lựa lúc cậu bé không để ý, người đàn ông cho tay vào túi quần lôi ra một ít tiền lẻ. Ông nói với cậu: “Cháu đã có bao nhiêu tiền rồi? Để ta giúp cháu đếm lại lần nữa xem sao nhé”. Sau khi đếm xong số tiền trong đó có thêm số tiền người đàn ông kín đáo cho vào, cậu bé vui vẻ nói: “Cảm ơn Chúa đã cho cháu có đủ tiền mua búp bê rồi. Cháu đã cầu xin Chúa cho cháu để dành đủ tiền mua búp bê tặng em gái dịp lễ Giáng Sinh và Chúa đã nhậm lời”.

Người đàn ông chợt nhớ lại bản tin ông đã đọc trên tờ báo vào chiều hôm trước: “Một chiếc xe tải đi quá tốc độ đâm vào xe hơi cùng chiều, làm một bé gái thiệt mạng và mẹ em cũng bị chấn thương sọ não khó lòng qua khỏi”. Hôm sau, báo lại đưa tin, người phụ nữ trẻ trong tai nạn hôm trước đã chết. Chiều hôm đó, người đàn ông theo địa chỉ trên báo đã đến nhà thăm. Ông ta thấy hai quan tài với di ảnh của hai mẹ con mới qua đời. Đứa con trai đứng gần quan tài chính là cậu bé ông mới gặp chiều hôm trước. Ông cũng thấy một con búp bê xinh xắn nằm trên quan tài của cô bé gái.

- Khi biết đón nhận Hài Nhi Giê-su vào lòng, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông với tha nhân để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ, giống như người đàn ông trong câu chuyện trên. Chúng ta sẽ sẵn sàng trao tặng người khác một nụ cười, một cái bắt tay thân ái, một cử chỉ thân thiện,… chúng ta sẽ dễ dàng giúp đỡ người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn với hết khả năng Chúa ban. Trong mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta sẽ làm gì để thi hành sứ điệp của Chúa là viếng thăm chia sẻ tình người như lời thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

4) CHÚA ĐẾN MANG HOÀ BÌNH CHO NHÂN LOẠI:

- Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích: “Anh em hãy lắng nghe đi!”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.

Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính hai bên vui vẻ đi dạo chung quanh khu vực đang có chiến tranh, nhưng người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện gia tăng thêm, thì người ta tổ chức một trận bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin hai bên hòa hoãn này đã lan tới tai các vị tướng trên cao, và họ đã ban những mệnh lệnh gay gắt phải cấp thời chấm dứt mọi chuyện. Các sĩ quan đã dồn binh lính trở lại xuống hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến giữa hai bên lại tiếp tục như trước.

Chúa đến đem bình an cho nhân loại như lời các thiên thần đã ca hát trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

- Mỗi người chúng ta tuy không thể làm được những việc xây dựng hòa bình trên bình diện quốc tế, nhưng chúng ta vẫn có thể ăn ở thuận hòa với những người chung quanh như kinh Tám Mối Phúc: “Phúc cho ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Vậy trong Mùa Giáng Sinh năm nay mỗi chúng ta có thể làm gì để làm hòa với những người đang có ác cảm với chúng ta thể hiện qua hành động nói hành nói xấu và gây thiệt hại cho chúng ta?

3. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA. xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng cho đi một nụ cười thân ái, một lời động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến vói những người bất bạnh để chia sẻ tình thương cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh không dừng lại ở việc trao tặng của cải vật chất bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối kết trở thành vòng tay lớn, xây dựng thế giới chúng con đang sống ngày một an bình thịnh vượng và đầy tràn niềm vui của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Chia sẻ Niềm Vui Cứu Độ
Lm. Đan Vinh
02:15 21/12/2021

LỄ GIÁNG SINH ABC – LỄ RẠNG ĐÔNG
Is 62,11-12; Tt 2,4-7; Lc 2,15-20.
CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,15-20

(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. (18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Giáng Sinh cho thấy thái độ của các mục đồng sau khi được sứ thần báo tin sự ra đời của Đấng Cứu Thế, đã vội vã lên đường đến Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra. Họ đã sớm tìm thấy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và có hai ông bà Giu-se Ma-ri-a ở bên. Rồi họ thuật lại mọi sự đúng theo những điều đã biết. Cuối cùng họ vui vẻ trở về nhà, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa, đã ban Đấng Cứu Thế cho loài người.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GIÁNG SINH: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA :
Vào thời trung cổ, ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) hoàng tử có một tình thương rất đặc biệt dành cho những người nghèo khổ. Hầu như ngày nào hoàng tử cũng dành ra buổi chiều để đi đến các xóm nghèo và ân cần thăm hỏi giúp đỡ những ai gặp cảnh khó khăn cơ cực. Tuy vậy, hoàng tử rất ngạc nhiên khi thấy dân chúng tỏ vẻ thờ ơ khi thấy chàng xuất hiện. Một hôm hoàng tử đến gặp một vị ẩn sĩ nổi tiếng khôn ngoan để xin chỉ giáo phương cách chinh phục tình cảm của dân chúng.
Một thời gian khá lâu sau đó người ta không thấy hoàng tử xuất hiện đi thăm người nghèo. Nhưng rồi một ngày kia, dân chúng lại thấy một người tuổi trung niên đến thăm khu xóm nghèo. Khác với hoàng tử trước kia ăn mặc sang trọng, còn người này mặc áo quần màu trắng đơn sơ giống như một thầy thuốc. Ông ta thuê một căn nhà bình thường để ở. Rồi hàng ngày từ sáng sớm đã ra khỏi nhà, tay xách một chiếc cặp đựng các dụng cụ y tế và thuốc men. Ông ta đến thăm các gia đình có người đau nặng để khám bệnh và phát thuốc miễn phí chữa bệnh. Ông thầy thuốc này có tài chữa bệnh, nên rất nhiều bệnh nhân bị những chứng nan y nhưng chỉ được ông chữa vài lần là khỏi hẳn. Không bao lâu, ông ta đã chinh phục được cảm tình quí mến của mọi người từ già đến trẻ trong vùng, điều mà trước đó hoàng tử A-lếch-xít không sao đạt được. Mỗi khi thấy ông đến là mọi người đều bu lại chung quanh để nhờ cậy sự trợ giúp. Hôm thì ông giàn hòa được hai người đang tranh cãi ẩu đả nhau. Hôm khác ông lại hòa giải được đôi vợ chồng ghét bỏ muốn chia tay nhau. Ông cũng hòa mình chơi chung và khuyên dạy các trẻ em ngỗ nghịch và chúng đã dần dần trở nên ngoan ngoãn dễ dạy và học hành tấn tới hơn.

Thật ra người thầy thuốc đó không ai khác hơn là chính hoàng tử A-lếch-xít. Sau khi gặp vị ẩn sĩ, và nghe lời khuyên của vị này, hoàng tử đã dành thời giờ đi học nghề thầy thuốc mười năm. Sau khi thành tài, hoàng tử đã đến sống giữa xóm lao động nghèo khó, trở thành một người như họ và yêu thương phục vụ họ cách tận tình. Chính tình thương kèm theo sự khiêm hạ và hy sinh bản thân của hoàng tử đã đem lại kết quả tốt đẹp: Hoàng tử đã chinh phục được tình cảm yêu mến kính trọng của thần dân, đặc biệt là những người nghèo khổ bệnh tật và bất hạnh.

2) “LỄ NO-EN THỜI THƠ ẤU”:
Trong quyển tự thuật “Đứa Trẻ Duy Nhất”, một nhà văn Ai-len tên là PHĂNG Ô CON-NO (Frank O’ Connor) đã tự thuật câu chuyện về lễ No-en trong cuộc đời ông như sau:
Khi còn bé, vào một ngày trước lễ Giáng Sinh, Ô CON-NO được ông già No-en tặng cho một món đồ chơi chạy bằng giây cót. Thế rồi vào chiều ngày lễ hôm ấy, cậu bé Con-no theo mẹ đi đến một tu viện ở gần nhà. Cậu bé mang theo món quà duy nhất mới nhận được để khoe với mấy nữ tu thân thiết với gia đình cậu.
Một nữ tu dẫn cậu đến viếng máng cỏ dựng trong nhà nguyện của tu viện. Nhì vào hang đá, cậu bé suy nghĩ khi thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà không có món quà nào bên cạnh cả. Cậu nghĩ có lẽ bé Giê-su đang buồn vì không được ai tặng quà. Thế là cậu quay lại hỏi vị nữ tu tại sao Chúa Hài Đồng lại không có món quà nào cả. Bấy giờ nữ tu kia trả lời là: “Vì quá nghèo, nên Mẹ Ma-ri-a không có tiền mua quà cho con trẻ mới sinh”.
Câu trả lời ấy tuy giải tỏa được phần nào thắc mắc của cậu, nhưng cậu lại nghĩ: “Mẹ của mình cũng nghèo mà tại sao dịp Giáng Sinh nào cũng dành được tiền mua quà tặng mình?” Món quà có khi là một hộp bút chì màu, một chiếc cặp da… Rồi lòng quảng đại chợt dâng lên trong lòng, cậu bé liền cầm lấy món đồ chơi mang theo, leo rào vào trong hang đá đặt món quà kia vào giữa đôi tay đang mở rộng của trẻ Giê-su. Cậu còn ân cần hướng dẫn cách lên giây cót, sợ rằng trẻ Giê-su do quá nhỏ sẽ không biết cách sử dụng thành thạo món quà cậu mới trao tặng.

3. SUY NIỆM:

Câu chuyện trên cho thấy lễ Giáng Sinh là một cơ hội để mỗi người chúng ta bày tỏ sự quan tâm đối với tha nhân. Chính Thiên Chúa đã nêu gương bằng cách ban Con Một cho nhân loại. Con Thiên Chúa không đến trong quyền lực và giàu sang, nhưng trong sự yếu đuối nghèo khó cùng cực. Người đến trong dáng vẻ yếu đuối để giúp chúng ta thêm tự tin vào tài năng Chúa ban và sử dụng chúng theo ý Chúa muốn. Người đến trong nghèo khó để an ủi và mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ cho những kẻ nghèo đang sống chung quanh chúng ta.
Giáng Sinh là một ngày đại lễ, giúp chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và hành động noi gương người. Người khuyến khích chúng ta mở rộng con tim và vòng tay trước những người đau khổ, nghèo đói và bất hạnh… Nhờ đó, chúng ta sẽ có bình an, niềm vui và sẽ quảng đại chia sẻ niềm vui ấy cho những người chung quanh noi gương các mục đồng ở Bê-lem xưa.

1) Về tục lệ làm hang đá Be-lem: Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang đá có Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đang quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh. Việc dựng các hang đá như trên đã có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô Năm Dấu, lúc đó đang là bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây ở gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân cận kéo nhau đến đứng quanh hang đá. Bên cạnh có đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành cách trang nghiêm. Từ đó, việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia ngày càng phổ biến và đến nay đã trở thành tập tục chung cho cả thế giới.

2) Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Hài Nhi Cứu Thế Giê-su vì yêu thương nhân loại nên đã từ trời cao xuống thế làm một phàm nhân. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời thợ mộc vất vả tại làng Na-da-rét. Người đã trở thành Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Quả thật: “Con Thiên Chúa đã trở nên con loài người, để con loài người được trở nên Con Thiên Chúa”.

3) Giáng Sinh là tình yêu nhập thể và nhập thế: Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một nhập thể làm người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng, và biểu lộ tình yêu bằng việc nhập thế để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ, lập các bí tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và sống lại để ban sự sống đời đời cho chúng ta. Người còn trao sứ vụ loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian và tuôn đổ ơn Thánh Thần giúp các Tông đồ và Hội Thánh chu toàn sứ mạng góp phần cứu độ loài người.

4) Con đường cứu độ của Đức Giê-su: Đức Giê-su đã mở ra một con đường cứu độ là đường hẹp leo dốc, là con đường yêu thương, hy sinh quên mình và khiêm tốn phục vụ mọi người. Đó là sống đức Tin bằng việc chấp nhận “trải qua đau khổ cuộc tử nạn để vào trong vinh quang phục sinh” (x. Lc 9,22-23). Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta phải bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Người (x. Mt 16,21). Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống lại với Người (x. 2 Tm 2,11b-13a) và sau này sẽ được hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Người (x. Lc 23,43).

4. THẢO LUẬN:

Sau khi được sứ thần loan báo tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường đi Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế. Rồi sau đó họ đã thuật lại những gì mắt thấy tai nghe về Hài Nhi này. Trong Mùa Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa

5. LỜI CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúa đến để ban ơn cứu độ cho loài người chúng con. Tuy nhiên, để được hưởng ơn cứu độ, tâm hồn chúng con phải có Chúa. Rồi sau khi đã gặp gỡ Chúa, chúng con còn phải biết chia sẻ niềm vui và hạnh phúc ấy cho tha nhân. Xin cho chúng con biết noi gương các mục đồng xưa: biết chia sẻ Chúa cho cha mẹ anh em và bạn bè của chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức sứ vụ làm chứng cho Chúa bằng việc mời gọi nhiều người nhận biết tin thờ yêu mến Chúa với chúng con.

- LẠY CHÚA. Hôm nay lễ Giáng Sinh lại về, trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, các bài thánh ca vang lên đó đây, người người chia sẻ niềm vui bên nhau. Nhưng còn biết bao người vẫn đang cô đơn lạc lõng, đang âm thầm đau khổ và không có niềm hy vọng. Xin Chúa cho chúng con biết nghĩ đến họ và giúp đỡ họ với hết khả năng của chúng con. Xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười tươi, một lời động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến thăm những người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ. Ước gì niềm vui lễ Giáng Sinh không chỉ dừng lại ở những của cải vật chất bên ngoài, nhưng còn ở chỗ tình người được nhân lên mãi, được nối lại thành vòng tay lớn, hầu mọi người chung tay xây dựng một thế giới mới vui tươi, bình an và hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Mẫu gương Gia đình hòa hợp Hạnh phúc
Lm. Đan Vinh
02:21 21/12/2021

LỄ THÁNH GIA C
1 Sm 1,20-22.24-28; 1 Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH HÒA HỢP HẠNH PHÚC

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 2,41-52

(41) Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. (42) Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên Đền, theo tập tục ngày lễ. (43) Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (44) Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành. Nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. (45) Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. (46) Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. (47) Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. (48) Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con!”. (49) Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (50) Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (51) Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các Ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (52) Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.

2. Ý CHÍNH: HAI ÔNG BÀ TÌM THẤY CON TRONG ĐỀN THỜ:

Câu chuyện Thánh Gia hành hương lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua đã được thánh Lu-ca ghi lại trong đọan Tin mừng hôm nay với 3 phần như sau:
- Trẻ Giê-su bị thất lạc và được cha mẹ lo lắng tìm kiếm (c.41-45).
- Cha mẹ vui mừng khi tìm thấy con trẻ trong Đền thờ. (c.46-50).
- Trẻ Giê-su nêu gương hiếu thảo vâng phục cha mẹ (c.51-52).

3. CHÚ THÍCH:

- C 41-42: + Lễ Vượt qua: Hay lễ Bánh Không Men kéo dài 7 ngày (x Xh 12,15-16). + Khi Người được mười hai tuổi: Tại Ít-ra-en, sau khi học giáo lý, đứa trẻ 13 tuổi sẽ làm lễ tuyên tín để trở thành người lớn, thành “con của Lề Luật”. Ngày đó người ta yêu cầu đứa trẻ bước lên bục giữa hội đường để đọc sách To-rah.
- C 43-45: + Xong kỳ Lễ: Luật chỉ buộc ở lại Đền thờ 3 ngày đầu. Còn Thánh gia đã ở lại cho đến hết kỳ Đại Lễ. Điều này cho thấy lòng đạo đức trổi vượt của các ngài. + Hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết: Trong dịp lễ này, những người ở xa Đền thờ thường tổ chức đi chung thành đoàn lữ hành. Sau khi tan lễ, họ lại nhập thành đoàn ra về. Họ có thể không đi chung mà đi riêng thành từng nhóm theo lứa tuổi, miễn là cùng dừng chân ở các quán trọ để nghỉ đêm. Vì thế khi ra về, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a vẫn yên tâm khi không thấy trẻ Giê-su đi trong cùng một nhóm với mình.
- C 46-47: + Đang ngồi giữa các thầy dạy: Các bậc thầy (Rápbi) thường ngồi khi dạy Kinh thánh ở tiền đình bên trong khuôn viên Đền thờ (x. Lc 19,47). Việc giảng dạy theo hình thức hỏi và đáp. + Ai nghe cậu nói cũng đều ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu: Sự thông minh và câu trả lời khôn ngoan của trẻ Giê-su khiến mọi người ngạc nhiên.
- C 48-50: + “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”: Đức Giê-su muốn cho cha mẹ biết ngòai gia đình tự nhiên ở trần gian, Người còn có một người Cha ngự trên trời là Thiên Chúa nữa.
- C 51-52: + Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài: Sau khi nói về sứ mệnh của mình phải vâng theo thánh ý Chúa Cha trên trời, trẻ Giê-su đã theo cha mẹ trần gian trở về làng Na-da-rét và vâng phục hai ông bà.

4. CÂU HỎI:

1) Lễ Vượt Qua hay lễ Bánh Không Men kéo dài bao lâu?
2) Tại sao mãi đến ngày thứ ba, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a mới phát hiện ra con trẻ Giê-su bị thất lạc?
3) Điều gì cho thấy sự khôn ngoan vượt trổi của trẻ Giê-su khi ở lại trong Đền thờ?
4) Trẻ Giê-su muốn nói gì qua câu thưa với cha mẹ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”
5) Lòng hiếu thảo của trẻ Giê-su với cha mẹ được biểu lộ thế nào?

II SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái... Người làm vợ hãy phục tùng chồng. Như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3,14.18).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GẦN MỰC THÌ ĐEN GẦN ĐÈN THÌ SÁNG:

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở”
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết heo, về nhà hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?” Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối hận: “Ta nói lỡ rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt heo, đem về cho con ăn thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ ngày đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ Công Giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?

2) KHÔNG AI LÀ NGƯỜI HOÀN HẢO:

Theo chuyện cổ Hồi Giáo thì NA-TRÚT-ĐIN là hiện thân của những chàng trai độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi bạn bè chất vấn tại sao đến tuổi bốn mươi rồi mà anh vẫn chưa lấy vợ, Na-trút-đin đã tâm sự về tình trạng độc thân bất đắc dĩ của anh như sau:
“Tôi đâu phải là không muốn lấy vợ như các bạn nghĩ: Suốt cả tuổi thanh xuân, tôi đã đi khắp nơi để tìm cho mình một người vợ hoàn hảo như ý muốn. Tại Cai-rô, thủ đô Ai Cập, tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ vừa đẹp người lại vừa thông minh. Nàng có đôi mắt bồ câu với con ngươi đen nhánh giống như hai hạt Ô-liu. Tôi ưng ý ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi đã khám phá ra rằng: Nàng ta không phải là một cô gái hiền thục như tôi mong muốn. Thế là tôi liền rời bỏ Cai-rô để đến thành Bát-đa Thủ đô nước I-rắc, để tìm kiếm một người vợ lý tưởng, nghĩa là phải vừa đẹp người lại vừa phải thông minh dịu hiền nữa! Tại đây, nhờ Đức Thánh Al-lah phù hộ nên tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ hoàn hảo, đúng như lòng hằng mong ước. Nhưng có điều chúng tôi lại bị khắc khẩu mỗi khi nói chuyện: Ít khi chúng tôi cùng chung quan điểm về bất cứ lãnh vực nào. Thế là tôi đành phải âm thầm chia tay với nàng.
Từ đó, tôi liên tiếp trải qua nhiều mối tình với nhiều phụ nữ khác nhau. Nhưng người được mặt này thì lại mất mặt kia, được tính tốt này thì lại vướng phải tật xấu nọ. Đến lúc tôi sắp hoàn toàn thất vọng, tưởng như sẽ không thể tìm đâu ra được một người đàn bà hoàn hảo, thì một hôm Đức Thánh Al-lah đã sắp xếp cho tôi gặp được một thiếu nữ siêu tuyệt vời. Có thể nói: Nàng là sự kết hợp rất nhiều đức tính của một người vợ lý tưởng mà tôi hằng mong ước: Nàng vừa đẹp người, thông minh, lại vừa hiền dịu và ân cần tử tế trong giao tiếp... Ngoài ra nàng lại còn hát hay múa giỏi, nấu ăn ngon, cắm hoa đẹp, thêu thùa cắt may thành thạo... Thế nhưng các bạn có biết vì sao cho đến giờ này tôi vẫn là một chàng trai độc thân khó tính không???
Vì khi tôi mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn với nàng, thì lập tức tôi đã bị nàng thẳng thừng từ chối, vì nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng để lấy làm chồng. Mà theo đánh giá của nàng thì tôi chỉ là một gã đàn ông tầm thường, có quá nhiều thói hư tật xấu, không xứng đáng làm chồng của nàng!”.

3) CHA NÀO CON NẤY:

Có câu chuyện kể rằng trong gia đình nọ, ngày kia đứa con thấy bố nó gọt cái gáo dừa mới hỏi cha nó gọt làm chi. Lặng nhìn đứa con hồi lâu ông ta trả lời: "Để cho ông nội mày ăn cơm. Vì lúc này ông nội mày làm bể chén hoài, phí quá!". Đứa con suy nghĩ và không nói gì. Vài ngày sau đó, nó cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Tưởng là con cũng đồng tình với mình, người cha hí hởn hỏi: "Bộ con tính giúp bố lo cho ông nội hả?". Đứa con trả lời: "Đâu có, cái này con để dành cho bố. Khi nào bố già yếu như ông nội con sẽ cho bố dùng". Nghe xong câu trả lời ông bố tái mặt...

3. THẢO LUẬN:

Gia đình hôm nay thường gặp nhiều khó khăn như: Con cái dễ bị hư hỏng vì mắc các thói hư tật xấu, vợ chồng khó giữ trọn được lời thề hứa yêu thương, tôn trọng và trọn đời chung thủy với nhau... Theo bạn đâu là nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và cần phải khắc phục thế nào?

4. SUY NIỆM:

1) Nguyên nhân gây bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân gia đình:
Khi còn sống, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa Diana của Anh quốc đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường, thì quả thực cặp vợ chồng này có mọi sự để được hạnh phúc, như danh vọng, tiền tài, địa vị. Thế nhưng tại sao họ không tìm được hạnh phúc trong gia đình? Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này? Có lẽ họ còn thiếu một cái gì đó mà sự giàu sang phú quý không thể mua được cũng như khiến họ không thể vượt qua được khó khăn thử thách.

2) Vợ chồng phải yêu thương: hy sinh, tha thứ và chịu đựng lẫn nhau:
Có lẽ chưa bao giờ gia đình lại khủng hoảng trầm trọng như thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình trong xã hội là những gia đình què quặt, tan nát, nạn ly thân, ly dị và phá thai, và những gia đình chia ly vì chiến tranh, bạo lực, áp bức của các chế độ vô nhân. Những gia đình bất hòa vì nạn thất nghiệp, vì nạn kinh tế khó khăn, eo hẹp hay vì nạn cờ bạc rượu chè, ma túy và ham mê lạc thú bất chính. Vì thế, những người phải trả giá mắc mỏ nhất cho hậu quả của các cuộc khủng hoảng này là con cái, là trẻ em và giới trẻ.

3) Thánh Gia Na-da-rét là mẫu gương của một gia đình hoàn hảo:
Gia đình là nền tảng của xã hội và là tế bào của Hội thánh! Gia đình có bền vững hạnh phúc thì xã hội mới an vui và Hội thánh mới phát triển. Hôm nay Hội thánh giới thiệu Thánh Gia cho các gia đình tín hữu học tập noi gương: Trong gia đình này có thánh cả Giu-se là một người chồng lý tưởng: hết lòng yêu thương và chu tòan trách nhiệm lo cho vợ con. Còn Đức Ma-ri-a thì nêu gương cho các người làm vợ làm mẹ về tình yêu thương hết mình phục vụ chồng con. Trong gia đình này, trẻ Giê-su chính là người con hiếu thảo, luôn tôn kính vâng lời và làm vui lòng cha mẹ trong gia đình.

4) Xây dựng hạnh phúc gia đình noi gương Thánh Gia:
- Trên thuận dưới hòa: Về phạm vi nhân lọai thì thánh Giu-se là người gia trưởng có tinh thần trách nhiệm cao, rồi đến Đức Ma-ri-a là hiền mẫu luôn biết quan tâm chăm sóc cho chồng con và cuối cùng là trẻ Giê-su luôn hiếu thảo thể hiện qua sự vâng lời và luôn làm vui lòng cha mẹ, như Tin Mừng Lu-ca viết: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51a).
- Vợ chồng bổ túc cho nhau: Thiên Chúa đã dựng nên hai người nam nữ tuy khác nhau, nhưng không đối kháng mà còn bổ túc cho nhau. Hai vợ chồng mỗi người đều được Chúa ban những ưu điểm phù hợp với vai trò trong gia đình như sau:
+ Nếu người chồng có sức mạnh ví như là cây cột nhà chống đỡ cho gia đình bền vững, thì người vợ là sợi dây yêu thương liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
+ Nếu người chồng có khả năng kiếm tiền nuôi sống gia đình, thì người vợ là nhà quản lý tài ba biết sắp xếp mọi việc và bảo vệ mái ấm gia đình.
+ Nếu người chồng được ví như vị thuyền trưởng lãnh đạo gia đình, thì người vợ phải là tài công trực tiếp điều khiển bánh lái, phối hợp chặt chẽ với thuyền trưởng để đưa con tàu gia đình đến bến bờ hạnh phúc.
+ Nếu người chồng cần tính nghiêm khắc, thì người vợ lại cần sự dịu dàng, để con cái tuy phải tuân giữ kỷ luật nhưng vẫn cảm thấy dễ chịu trong bầu khí yêu thương gia đình.
+ Nếu người chồng có vai trò giám đốc tổng quát xí nghiệp thì người vợ là giám đốc điều hành lo quản lý mọi việc nhà, chứ không chỉ là người giúp việc nhà, như lời cầu của chủ tế trong thánh lễ hôn phối: ”Lạy Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam khiến họ không phải là hai nhưng chỉ là một xương một thịt … Xin cho chú rể biết trọn niềm tin tưởng ở vợ mình, nhìn nhận vợ là người bạn bình đẳng và cùng thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Xin cho anh biết luôn yêu thương kính trọng yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh Người”.
- Những yếu tố quan trọng bảo vệ hạnh phúc gia đình: Muốn có hạnh phúc thì trên hết mọi sự: gia đình phải có Tình Yêu ngự trị. Tình yêu chính là sợi dây bền chặt liên kết các thành viên lại với nhau. Thứ đến phải có Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, rồi còn phải có ơn Thánh Thần là sức mạnh giúp hai vợ chồng cùng nhau gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhờ đó vợ chồng sẽ dễ dàng đồng tâm hiệp lực để cùng vượt qua các phong ba thử thách cuộc đời (x Cl 3,12-17), như người đời thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin nhìn đến những gia đình đang thiếu vắng tình yêu, hay đang thiếu những phương tiện vật chất tối thiểu, những gia đình đang buồn sầu vì vắng tiếng cười trẻ thơ, hay trái lại đang vất vả lo toan vì đàn con nheo nhóc đói khát của ăn vật chất cũng như tinh thần. Xin nâng đỡ những gia đình đã biến thành hỏa ngục vì dối trá, ích kỷ, kiêu căng, giận hờn khi luôn hành hạ và làm khổ lẫn nhau.
- LẠY CHÚA. Xin nhìn đến những trẻ em đang cần được chăm sóc và yêu thương, những trẻ em đang bị lạm dụng tình dục, đang bị bóc lột tiền bạc và trở thành những món hàng để con buôn trao đổi kiếm lời; Những trẻ em đang lạc lõng bơ vơ và không được đến trường; Những trẻ em bị cuộc đời vùi dập và đang biến dạng trở thành hư hỏng… Xin hãy biến đổi các gia đình tín hữu chúng con. Xin sai Thánh Thần đốt lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi thành viên. Xin cho mỗi người chúng con biết luôn chu toàn nhiệm vụ xây dựng gia đình cả về tinh thần cũng như vật chất, hầu gia đình chúng con ngày thêm hòa hợp hạnh phúc, là dấu chỉ giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Ngày 22/12: Lời Kinh của Linh Hồn. Linh mục Phaolô Nguyễn Trọng Thiên
Giáo Hội Năm Châu
04:00 21/12/2021

PHÚC ÂM: Lc 1, 46-56

“Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!” Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Ðó là lời Chúa.
 
Cây Và Trái
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:56 21/12/2021
Cây Và Trái

(Thứ Năm sau Chúa Nhật IV Mùa Vọng – 23/12 –Ml 3,1-4; 23-24; Lc 1,57-66)

“Con trẻ này rồi sẽ nên như thế nào, vì bàn tay của Thiên Chúa ở trên nó”. Bà con thân thuộc gia đình Giacaria – Isave ngạc nhiên về những sự lạ xảy ra trong biến cố lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ. Chắc hẳn điều họ ngạc nhiên nhiều, đó là ông bố Giacaria đang bị câm bỗng dưng lại nói được. Tuy nhiên có một điều đáng ngạc nhiên hơn mà có thể họ xem nhẹ đó là cả hai ông bà đều một lòng một ý đặt tên cho trẻ là Gioan, cái tên không theo truyền thống đặt tên của dòng tộc.

Trong Thánh Kinh, việc đặt tên cho ai đó, cho con vật nào đó thường có ý nghĩa. Xét phần phía người đặt tên thì vừa có ý nghĩa làm chủ vừa hàm ý bổn phận giáo dục, huấn luyện của mình. Thiên Chúa đã truyền cho Ađam đặt tên cho các loài vật (x.St 2,19-20). Phần phía được đặt tên thì cái tên nói vừa lên ý nghĩa cuộc đời, căn tính của mình vừa hàm ý sứ mạng mình được trao phó.

Cái tên Gioan có nghĩa là Thiên Chúa đoái thương, ban ơn. Sự chào đời của trẻ bé không chỉ là dấu chỉ Thiên Chúa đoái thương nhà Gacaria – Isave khi cất khỏi họ nỗi tủi nhục trước mắt người đời mà còn là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người nói riêng, cho nhân loại nói chung. Vì chính Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai. “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1). Và Gioan cũng là người trực tiếp giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân Chúa thời bấy giờ (x.Ga 1,29).

“Cây tốt thì sinh trái tốt.” (Mt 7,17) Để có thể có được một ai đó làm nhân tố cho tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ thì chắc hẳn cần có những cái cây tốt lành, cụ thể là bố mẹ. Giacaria – Isave được Tin Mừng gọi là công chính vì tín trung với nhau trong nghĩa tình phu thê và trung tín với Thiên Chúa trong nghĩa vụ hàng tư tế. Hai cái cây Giacaria – Isave lại còn chung vai sát cánh trong việc tuân giữ lời Thiên Chúa phán dạy qua lời sứ thần. Việc hai ông bà đã can đảm vượt qua truyền thống đặt tên cho con trẻ để đặt tên đúng như lời sứ thần truyền cách nào đó làm chúng ta tin rằng hai ông bà sẽ giáo dục con trẻ theo thánh ý Thiên Chúa. Sau khi được mở miệng ông Giacaria đã cất lời: “…Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người….” (Lc 1,26 tt).

Thiên Chúa vẫn mãi cần nhiều con trẻ sẽ trở thành nhân tố để tình yêu của Người tỏa lan cho nhân trần. “Không ai hái được trái nho nơi bui gai”. Gia đình với những người bố người mẹ thủy chung, một lòng một ý dưỡng dục con cái theo thánh ý Chúa chính là “tế bào” đầy sinh lực và đủ sức đề kháng với các loại dịch bệnh. Xin hai thánh Giacaria và Isave cầu bàu cho chúng ta, nhất là cho những người cha và người mẹ trong các gia đình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Làm Người
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:57 21/12/2021
Làm Người

(Noel 2021)

Hỏi Con Thiên Chúa giáng trần để làm gì? Kitô hữu chúng ta dễ dàng trả lời đó là để cứu độ nhân loại. Tuy nhiên để hiểu nội hàm của hạn từ cứu độ thì quả là không dễ. Hơn nữa khái niệm cứu độ xem ra có nhiều dị biệt theo góc nhìn của các tôn giáo khác nhau cũng như tín ngưỡng của con người. Nói nhân loại cần phải được cứu độ là vừa mặc nhiên vừa minh nhiên khẳng định rằng con người đang bị giam cầm bởi thế lực xấu xa nào đó, đang phải lâm vào cảnh khốn cùng, bất hạnh nào đó mà không thể tự mình giải thoát. Và thế là sự khác biệt lại càng gia tăng.

Thánh Công đồng Vaticanô II dạy Kitô hữu Công Giáo chúng ta tôn trọng niềm tin của bà con lương dân và anh chị em khác tôn giáo. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của mình. Dưới ánh sáng của lời mạc khải xin trình bày một kiểu nhìn về điểm tới của mầu nhiệm Giáng Sinh. Chúa giáng sinh là để làm người. Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Con Thiên Chúa giáng sinh vào trần gian này là để làm người. Người vào trần gian là để soi sáng chúng ta, cùng chúng ta và giúp chúng ta biết cách thế làm người đúng đẹp thánh ý Đấng Toàn Năng như thuở ban đầu được tạo dựng. Khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường nói về mình với danh xưng là Con Người. Con người được hiện hữu tức là có mặt ở đời này cách siêu nhiên. Nhưng để tồn tại, để phát triển và được hạnh phúc viên mãn, ngoài các ân sủng Chúa ban thì luôn có đó nhiều điều kiện cần đáp ứng.

Lời sứ thần truyền tin cho Mẹ Maria rằng bà sẽ thụ thai do bởi phép Chúa Thánh Thần nói lên tính siêu nhiên của việc Con Thiên Chúa nhập thể. Để tồn tại và phát triển, Con Thiên Chúa làm người phải bị điều kiện hóa bởi các quy luật tự nhiên cũng như xã hội. Thai nhi Giêsu hẳn chịu tác động bởi tâm sinh lý của Mẹ Maria suốt 9 tháng cưu mang Người. Hoàn cảnh chào đời của Người bị điều kiện hóa bởi sắc chỉ kiểm tra dân số của hoàng đế Âugustô và của nhiều chủ quán trọ ở thành Bêlem. Hang đá ngoài thành Bêlem, một vài người chăn nuôi chiên lừa và đoàn vật của họ cũng có góp phần nào đó trọng việc Chúa giáng sinh. Và cần phải kể đến vai trò không thể thiếu của người mẹ người cha nuôi là Maria và Giuse.

Những yếu tố trên có thể xếp vào hai loại tiêu cực và tích cực. Trong cuộc giáng sinh của Đấng Cứu Thế, những yếu tố xem ra tiêu cực là tiết trời giá lạnh mùa đông, lòng vị kỷ, hám lợi của các chủ quán trọ và sắc chỉ kiểm tra dân số của hoàng đế Âugustô. Các yếu tố tích cực đó là tình yêu và tinh thần trách nhiệm của mẹ cha hài nhi, tấm lòng của những mục đồng và cả hơi ấm của máng cỏ và của các con vật hiện diện. Mầu nhiệm Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ gửi đến chúng ta sứ điệp làm người như sau:

Phút giây hiện hữu ban đầu của mọi người là thánh thiêng, siêu nhiên. Trong đức tin Kitô giáo chúng ta tin nhận rằng chính Thiên Chúa sáng tạo và phú ban cho mỗi người một tấm linh hồn ngay phút giây hoài thai trong dạ mẹ. Chính khi Thiên Chúa cho linh hồn kết hợp làm một với phần thể xác của bố mẹ thì một con người mới hiện hữu thật diệu kỳ không lệ thuộc ý chí của đương sự.

Tuy nhiên để chào đời, tồn tạị, phát triển và dĩ nhiên để có hạnh phúc, hạnh phúc đích thật thì con người bị chi phối bởi rất nhiều điều kiện. Tổng hòa các điều kiện theo chiều kích tích cực được gọi là công ích. Giáo Hội Công Giáo xem công ích là môi sinh tích cực gồm các điều kiện xã hội thuận lợi để con người, nhất là những người nghèo, người kém phận được sống, được tồn tại, phát triển và hạnh phúc (Học Thuyết Xã Hội GHCG số 164-165).

Chúa giáng sinh làm người là để soi sáng cho chúng ta biết thế nào là làm người đúng theo thánh ý Đấng Tạo Thành. Mừng mầu nhiệm Chúa làm người đúng đẹp ý Đấng Giáng Sinh nhất là hãy giúp nhau làm người xứng phẩm vị của mình. Cần chung tay làm sạch môi sinh tự nhiên tiêu cực như nạn ô nhiễm môi trường hay tình trạng dịch bệnh đang hoành hành. Tuy nhiên cái môi sinh xã hội là các cơ chế luật lệ cần phải được công bình, dân chủ và văn minh hóa ngày mỗi hơn. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi sự chung tay và dấn thân của rất nhiều người bất phân niềm tin hay tôn giáo.

Kính chúc tất cả một mùa Giáng Sinh an bình. Cùng với Đấng đã giáng sinh hãy sống và giúp nhau sống như là những con người với đủ đầy phẩm giá của tạo vật cao quý nhất trong các loài hữu hình được Thiên Chúa dựng nên và chọn làm hình ảnh và là họa ảnh của Người (x.St 1,26-27).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Hãy cứu lấy trẻ thơ
Lm. Antôn Nguyên Văn Độ
09:58 21/12/2021
Hãy cứu lấy trẻ thơ

Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia

(Mt 2, 13-15. 19.23)

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính Thánh Gia Thất trong cảnh đại dịch gây ra bao nhiêu mất mát và đau thương cho gia đình nhân loại nói chung và mỗi gia đình nói riêng. Theo The Conversation đăng tải cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến gần 2 triệu trẻ em trên thế giới mất đi người chăm sóc chính (có thể là cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ). Riêng tại Việt nam, theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch. Còn số sẽ còn hơn theo thời gian.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, cùng với sự tăng lên của các gia đình ly hôn, nhất là nơi đô thị, số lượng trẻ em trong các gia đình ly hôn cũng tăng lên và rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trong số tỷ lệ 65%-70% gia đình ly hôn, có tới hàng nghìn trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành đã sống trong hoàn cảnh không có cha, hoặc không có mẹ, hoặc không có cả cha lẫn mẹ, phải sống với ông, bà, chú, bác nội ngoại, dì ghẻ hoặc bố dượng. Nhiều em rơi vào hoàn cảnh lang thang đường phố để kiếm sống, lao động sớm, hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục, mất mát những quan hệ thiêng liêng như mẹ con, quan hệ huyết thống trong một gia đình truyền thống.

Một vài dẫn chứng trên cho thấy tiếng chuông báo động đã kêu vang, nay kêu to hơn : Hãy cứu lấy gia đình và hãy cứu lấy trẻ em.

Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập, để cứu các gia đình, nhất là bảo vệ và tôn trọng trẻ thơ. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là mừng Thánh Gia Thất, nơi Người sinh sống.

Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ

Nhưng rồi con người tự tách mình ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị, khiến cho nhiều trẻ thơ dù sống với mẹ hay với cha vẫn thiếu tình thương, hơi ấm của cha hoặc mẹ cho dù cha hoặc mẹ có quyền thăm nom chúng. Chung qui lại là chúng sống thiếu tình thương. Các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau… là điều chúng dễ đến. Gia đình tan nát, xã hội không có tương lai.

Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, muốn tôn trọng trẻ thơ, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt!

Hãy cứu lấy trẻ thơ

Sống trong xã hội hiện đại không phải gia đình nào cũng sẽ êm đềm hạnh phúc. Sẽ có những cãi vã, mâu thuẫn mà không phải ai cũng có thể hi sinh, nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trẻ thơ rất dễ tổn thương khi chông chênh đứng giữa những chọn lựa ở với mẹ hoặc bố, hay sống với ông bà, người thân. Vậy nên, để có được tương lai an toàn, hạnh phúc cho những đứa trẻ, rất cần sự cố gắng, nỗ lực của những bậc làm cha, làm mẹ.

Có nhiều vết thương lớn hằn sâu nơi các gia đình và con cái, do thiếu thốn nhu cầu cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều để lại những vết thương. Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương. Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương. Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa yêu thương, thì chúng ta phải thương yêu nhau.

Những trẻ em sống cảnh cha mẹ ly hôn thường cảm thấy sợ hãi, vì không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Chúng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý – xã hội như: khó khăn trong học tập, sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường. Những đứa trẻ phải sống cùng mẹ kế hay bố dượng thì vấn đề “con anh con tôi”, khả năng được đảm bảo về giáo dục và khả năng an toàn cho bản thân là thấp.

Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa đã trở nên bé thơ, sinh ra trong gia đình để cứu các gia đình, xin dạy chúng con tôn trọng trẻ em. Amen.

Lm. Antôn Nguyên Văn Độ

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 cử hành ngày 1/1/2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
15:42 21/12/2021

Hôm 21 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 của Đức Thánh Cha Phanxicô, được cử hành vào ngày đầu Năm Mới, 1 tháng Giêng năm 2022. Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


1. “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người công bố bình an” (Is 52: 7).

Những lời của tiên tri Isaia đề cập đến niềm an ủi; những lời ấy nói lên tiếng thở phào nhẹ nhõm của một dân tộc lưu vong, mệt mỏi vì bạo lực và áp bức, phải chịu đựng sự căm phẫn và chết chóc. Tiên tri Barúc đã thắc mắc: “Israel hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù, phải hao mòn nơi xứ lạ quê người? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ?” (3: 10-11). Đối với người dân Israel, sự xuất hiện của sứ giả hòa bình mang ý nghĩa hứa hẹn về sự tái sinh từ đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu cho một tương lai tươi sáng.

Ngày nay, con đường hòa bình, mà Thánh Phaolô Đệ Lục gọi bằng danh xưng mới là phát triển toàn diện, [1] vẫn còn xa xôi một cách đáng buồn với cuộc sống thực của nhiều người nam nữ, nghĩa là với gia đình nhân loại của chúng ta, hiện đã hoàn toàn gắn kết với nhau. Bất chấp cơ man các nỗ lực hướng đến tiến trình đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng. Trong khi các căn bệnh theo tỷ lệ đại dịch đang lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm cảnh đói khát ngày càng gia tăng, và mô hình kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân thay vì liên đới chia sẻ tiếp tục thịnh hành. Như trong thời của các vị tiên tri xa xưa thế nào, thì trong thời đại của chúng ta cũng vậy, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất [2] không ngừng vang lên, cầu xin công lý và hòa bình.

Trong mọi thời đại, hòa bình vừa là ân sủng từ trên cao vừa là hoa trái của dấn thân chia sẻ. Thật vậy, chúng ta có thể nói về một “kiến trúc” của hòa bình, trong đó các thể chế khác nhau của xã hội đóng góp vào, và về một “nghệ thuật” của hòa bình liên quan trực tiếp đến mỗi người chúng ta. [3] Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ trái tim của các cá nhân và các mối quan hệ trong gia đình, sau đó là trong xã hội và với môi trường, và tiến tới mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia.

Ở đây, tôi muốn đề xuất ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài. Thứ nhất, đối thoại giữa các thế hệ làm cơ sở cho việc hiện thực hóa các dự án chia sẻ. Thứ hai, giáo dục như một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, công ăn việc làm như một phương tiện để hiện thức hóa đầy đủ phẩm giá của con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để “có thể tạo ra một giao ước xã hội”, [4] nếu không có giao ước ấy thì mọi dự án hòa bình đều trở nên vô ích.

2. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị bao trùm bởi một trận đại dịch đã tạo ra những vấn đề chưa kể xiết, “một số người cố gắng trốn chạy khỏi thực tế, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng lại bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ”. [5]

Tất cả các cuộc đối thoại trung thực, ngoài sự trao đổi quan điểm đúng đắn và tích cực, còn đòi hỏi sự tin tưởng cơ bản giữa những người tham gia. Chúng ta cần học cách lấy lại sự tin tưởng lẫn nhau này. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã làm gia tăng cảm giác bị cô lập và xu hướng tự hấp thụ của chúng ta. Đối ứng với sự cô đơn nơi người già, là cảm giác bơ vơ và thiếu tầm nhìn chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng thực sự rất đau đớn, nhưng nó cũng giúp mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người. Thật vậy, trong trận đại dịch này, chúng ta đã bắt gặp những tấm gương nhân ái, chia sẻ và đoàn kết một cách quảng đại ở mọi nơi trên thế giới.

Đối thoại đòi hỏi sự lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến thống nhất và cùng nhau bước đi. Thúc đẩy cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ bao gồm việc phá bỏ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự thờ ơ ngõ hầu có thể gieo hạt giống của một nền hòa bình lâu dài và chia sẻ.

Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng các cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta cho thấy nhu cầu cấp thiết về mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Người trẻ cần trí tuệ và kinh nghiệm của người già, còn những người cao tuổi lại cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ.

Những thách thức xã hội lớn và các tiến trình hòa bình nhất thiết đòi hỏi sự đối thoại giữa những người lưu giữ ký ức - là những người già - và những người đưa lịch sử tiến lên – là những người trẻ. Mỗi người phải sẵn sàng nhường chỗ cho người khác và không khăng khăng muốn độc chiếm toàn bộ khung cảnh bằng cách theo đuổi tư lợi trước mắt của riêng mình, như thể không hề có quá khứ và cũng chẳng hề có tương lai. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang trải qua cho thấy rõ ràng rằng cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ phải là động lực thúc đẩy một nền chính trị lành mạnh, điều đó không phải là hài lòng trong việc quản lý hiện tại “bằng các giải pháp từng phần hoặc các sửa chữa tạm bợ”, [6] mà xem bản thân chính trị như một hình thức nổi bật của tình yêu đối với người khác, [7] trong việc tìm kiếm các dự án được chia sẻ và bền vững cho tương lai.

Nếu giữa những khó khăn, chúng ta có thể thực hành kiểu đối thoại giữa các thế hệ này, “chúng ta có thể bám rễ vững chắc vào hiện tại, và từ đây, nhìn lại quá khứ và nhìn về tương lai. Nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm và chữa lành những vết thương cũ mà đôi khi chúng ta vẫn còn trăn trở. Nhìn về tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của chúng ta, khiến ước mơ xuất hiện, đánh thức những lời tiên tri và giúp hy vọng nở rộ. Cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”. [8] Vì không có rễ, làm sao cây cối sinh trưởng và kết trái?

Chỉ cần nghĩ đến việc chăm sóc cho ngôi nhà chung, chúng ta cũng đã có thể nhận ra vấn đề. Trên thực tế, môi trường “cho từng thế hệ vay mượn, rồi thế hệ này phải chuyển giao nó cho thế hệ sau”. [9] Chúng ta nên đánh giá cao và khuyến khích tất cả những người trẻ tuổi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, một thế giới cẩn thận trong việc bảo vệ thiên nhiên được giao phó cho sự quản lý của chúng ta. Họ làm việc này với sự bồn chồn, nhiệt tình và hơn hết là tinh thần trách nhiệm trước sự thay đổi phương hướng khẩn cấp [10] trước những thách thức nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường xã hội hiện nay. [11]

Mặt khác, cơ hội để cùng nhau xây dựng những nẻo đường hòa bình không thể bỏ qua giáo dục và lao động, vốn là những điều kiện và bối cảnh đặc quyền cho đối thoại giữa các thế hệ. Giáo dục cung cấp ngữ pháp để đối thoại giữa các thế hệ, và trong kinh nghiệm lao động, những người nam nữ thuộc các thế hệ khác nhau thấy mình có thể hợp tác và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng vì lợi ích chung.

3. Giảng dạy và giáo dục như những động lực của hòa bình

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo đã giảm đáng kể trên toàn thế giới; người ta xem chúng là những chi tiêu hơn là các khoản đầu tư. Tuy nhiên, chúng là phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người; chúng làm cho các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm hơn, và chúng rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Nói một cách dễ hiểu, giảng dạy và giáo dục là nền tảng của một xã hội dân sự gắn kết có khả năng tạo ra hy vọng, thịnh vượng và tiến bộ.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự đã tăng vượt quá mức vào cuối Chiến tranh Lạnh và chúng dường như chắc chắn sẽ tăng lên một cách quá đáng. [12]

Do đó, đã đến lúc các chính phủ phải đề ra các chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ ngân quỹ công dành cho giáo dục và vũ khí. Việc theo đuổi một quá trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự sẽ chứng tỏ có lợi cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia, giải phóng các nguồn tài chính, để có thể được sử dụng tốt hơn cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chăm sóc đất đai, v.v.

Tôi hy vọng rằng đầu tư vào giáo dục cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy văn hóa chăm sóc [13], mà trước những chia rẽ xã hội và các thể chế thờ ơ, có thể trở thành một ngôn ngữ chung để phá bỏ các rào cản và xây dựng cầu nối. “Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi đối thoại mang tính xây dựng diễn ra giữa nhiều thành phần văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa thanh niên, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”. [14] Do đó, điều cần thiết là phải xây dựng một mô hình văn hóa mới thông qua “một hiệp ước toàn cầu về giáo dục cho và với các thế hệ tương lai, một hiệp ước hướng đến các gia đình, cộng đồng, trường học, trường đại học, tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại, và hướng đến sự đào tạo của những người nam nữ trưởng thành”. [15] Chúng ta cần một chương trình tổng hợp có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường. [16]

Bằng cách đầu tư vào việc giáo dục và đào tạo các thế hệ trẻ, chúng ta có thể giúp họ - thông qua một chương trình đào tạo tập trung - có vị trí xứng đáng trên thị trường lao động. [17]

4. Tạo ra và bảo đảm công ăn việc làm kiến tạo hòa bình

Lao động là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và giữ gìn hòa bình. Đó là sự thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc vì ai đó. Nhìn ở góc độ xã hội rõ ràng này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp của mình cho một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; những người lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người trong số những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu lại thiếu các hồ sơ xã hội và chính trị [để có thể kiếm được công ăn việc làm]; và trong nhiều trường hợp, việc dạy học từ xa đã dẫn đến tình trạng khiếm khuyết trong học tập và chậm hoàn thành chương trình học. Hơn nữa, những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp gần đây hiện đang đối mặt với các triển vọng ảm đạm.

Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế phi chính thức, vốn thường liên quan đến lao động nhập cư, đã rất nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ thậm chí không được pháp luật quốc gia công nhận; như thể họ không tồn tại. Họ và gia đình phải sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh, là con mồi cho nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào bảo vệ họ. Hiện chỉ có một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội, hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống này theo những cách thức hạn chế. Bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và cản trở sự phát triển của công ích. Câu trả lời duy nhất cho điều này là sự mở rộng của các cơ hội việc làm phù hợp với phẩm giá.

Trên thực tế, lao động là nền tảng để xây dựng công bằng và tình đoàn kết trong mọi cộng đồng. Vì lý do này, mục tiêu của chúng ta không nên là “tiến bộ công nghệ ngày càng thay thế công việc của con người, vì điều này sẽ gây bất lợi cho nhân loại. Công việc là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân”. [18] Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực của mình để tạo ra các giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội, thông qua công việc của họ, đóng góp cho cuộc sống của gia đình họ và của toàn xã hội.

Điều cấp bách hơn bao giờ hết là thúc đẩy, trên khắp thế giới của chúng ta, các điều kiện làm việc đàng hoàng và xứng đáng với phẩm giá, hướng đến lợi ích chung và bảo vệ thiên nhiên. Quyền tự do của các sáng kiến kinh doanh cần được bảo đảm và hỗ trợ; đồng thời, phải nỗ lực khuyến khích ý thức trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất.

Vì vậy, cần phải thúc đẩy, hoan nghênh và hỗ trợ các sáng kiến, ở tất cả các cấp, kêu gọi các công ty tôn trọng các nhân quyền cơ bản của người lao động, nâng cao nhận thức không chỉ của các tổ chức, mà còn của người tiêu dùng, xã hội dân sự và các thực thể doanh nhân. Khi các doanh nhân càng ý thức được vai trò của mình trong xã hội, họ sẽ càng trở thành những người tôn trọng phẩm giá con người. Bằng cách này, họ sẽ góp phần xây dựng hòa bình. Ở đây, chính trị được kêu gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy sự cân bằng thích đáng giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, bắt đầu từ những công nhân và doanh nhân Công Giáo, đều có thể tìm thấy những hướng dẫn chắc chắn trong học thuyết xã hội của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta tìm cách kết hợp những nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi xin lặp lại lời cảm ơn tới tất cả những người tiếp tục làm việc với lòng hảo tâm và trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục, an toàn và bảo vệ quyền lợi, trong việc cung cấp dịch vụ y tế, tạo điều kiện gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình và bệnh nhân, và hỗ trợ kinh tế cho những người khó khăn và những người bị mất việc làm. Tôi tiếp tục nhớ đến các nạn nhân và gia đình của họ trong những lời cầu nguyện của tôi.

Đối với các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị và xã hội, các linh mục và nhân viên mục vụ, cũng như đối với tất cả những người nam nữ có thiện chí, tôi đưa ra lời kêu gọi này: chúng ta hãy đồng hành cùng nhau với lòng can đảm và trí sáng tạo trên con đường đối thoại giữa các thế hệ, cung ứng giáo dục và công ăn việc làm. Cầu mong cho ngày càng nhiều những người nam nữ phấn đấu hàng ngày, với sự khiêm tốn thầm lặng và lòng dũng cảm, trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Và cầu mong họ luôn được soi dẫn và được đồng hành với các phước lành của Thiên Chúa bình an!

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2021

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] Xem Thông điệp Populorum Progressio – Phát triển các dân nước (ngày 26 tháng 3 năm 1967), 76ff.
[2] Xem Thông điệp Laudato Si '(24 tháng 5, 2015), 49.
[3] Xem Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 231.
[4] Thượng dẫn, 218.
[5] Thượng dẫn, 199.
[6] Thượng dẫn, 179.
[7] Thượng dẫn, 180.
[8] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit (25 tháng 3 năm 2019), 199.
[9] Thông điệp Laudato Si ', 159.
[10] Thượng dẫn, 163; 202.
[11] Thượng dẫn, 139.
[12] Xem Thông điệp gửi tới các bên tham gia Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 4, ngày 11-13 / 11/2021.
[13] Xem Thông điệp Laudato Si '(24 tháng 5, 2015), 231; Thông điệp cho Ngày hòa bình thế giới năm 2021: Văn hóa coi trọng như một con đường dẫn đến hòa bình (8 tháng 12 năm 2020).
[14] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 199.
[15] Xem Thông điệp video cho Hiệp ước toàn cầu về giáo dục: Cùng nhau nhìn xa hơn (15 tháng 10 năm 2020).
[16] Xem Thông điệp video cho Hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu ảo cấp cao (ngày 13 tháng 12 năm 2020).
[17] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens – Lao động của con người (14 tháng 9 năm 1981), 18.
[18] Thông điệp Laudato Si '(ngày 24 tháng 5 năm 2015), 128.

Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Dorothy Day có ý nghĩa ra sao đối với những người được chữa lành khỏi thương tích phá thai trong quá khứ
Vũ Văn An
22:17 21/12/2021

Sự hoán cải và niềm tín thác của bà vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã vạch ra con đường chữa lành và tha thứ cho những ai biết ăn năn.



Khi việc phong thánh cho Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công nhân Công Giáo bước vào giai đoạn kế tiếp, nó sẽ mang lại hy vọng lớn lao cho những người đang phải chịu đau khổ vì việc phá thai trong quá khứ.

Sau khi tự mình phá thai bất hợp pháp vào năm 1919, những đau khổ sau đó của bà cũng giống như những đau khổ mà hàng triệu phụ nữ và nam giới đang phải trải qua ngày nay. Sự hoán cải và niềm tín thác của bà vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vạch ra con đường chữa lành và tha thứ cho những ai biết ăn năn.

Mặc dù Dorothy không công khai nói về việc phá thai của mình, nhưng bà đã viết về nó trong cuốn tự truyện của mình, The Eleventh Virgin (Trinh nữ Thứ Mười Một). Bà cảm thấy có vẻ như đạo đức giả khi lên tiếng phản đối việc phá thai, điều mà nhiều phụ nữ đã từng phá thai ngày nay vẫn cảm thấy. Bà cũng lo ngại rằng một số người sẽ sử dụng nó để biện minh cho việc phá thai, điều mà bà hết sức phản đối.

Năm 1974, bất chấp sự im lặng của mình, bà là người ký đơn phản đối việc phá thai đã được hợp pháp hóa, chưa đầy một tháng sau phán quyết Roe kiện Wade.

Một vị thánh từng phá thai

Câu chuyện phá thai của Dorothy sẽ còn vang dội với nhiều người. Giống như vô số phụ nữ trẻ, bà nói về việc sợ hãi về nhà và đối diện với sự phản đối của mẹ khi biết tin mình mang thai. Bà đã trì hoãn, tôi chắc chắn với hy vọng tìm được cách để giữ lại đứa con của bà và đang ở tháng thứ tư của thai kỳ khi bà nói với cha của đứa bé.

Theo lời của bà, “Tôi đã có thai. Anh ấy (bạn trai của bà tên là Lionel) nói rằng nếu tôi có con, anh ấy sẽ bỏ tôi. Tôi muốn có em bé, nhưng tôi muốn Lionel nhiều hơn thế. Vì vậy, tôi đã phá thai và tôi đã mất cả hai”. Sau này, bà nói “Tôi luôn hối hận về việc phá thai của mình”.

Sau khi phá thai, Dorothy rơi vào trạng thái trầm cảm và bà toan tự tử, bà cũng sợ rằng mình sẽ không bao giờ có thể sinh thêm được một đứa con nữa.

Mỗi biểu hiện của việc phá thai, sự ép buộc, sự sợ hãi, sự trầm cảm và sự hối hận và tuyệt vọng sâu xa là điều rất phổ biến đối với phụ nữ đã phá thai, nhưng việc xã hội tiếp tục phủ nhận tác động của việc phá thai để lại nhiều cảm giác như họ là người duy nhất chịu đau khổ.

Khi bạn đang đau khổ, thì khó mà tin rằng có sự tha thứ, hoặc bất cứ niềm hy vọng nào cho tội lỗi nghiêm trọng này. Đối với những người bị khóa kín trong nỗi đau, dường như phá thai là “việc không thể tha thứ được”, nhưng không có tội lỗi nào là không thể tha thứ đối với Thiên Chúa.

Cuộc đời của Dorothy là bằng chứng cho điều này. Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm chúng ta và kêu gọi chúng ta trở lại với Người. Người luôn mong muốn sự chữa lành và sự hòa giải của chúng ta. Người luôn chờ đợi chúng ta; chúng ta chỉ cần sẵn lòng đến với Người.

Một thông điệp của hy vọng và tha thứ

Có lẽ Thiên Chúa đã mang lại án phong thánh cho Dorothy Day, một phần, để hàng triệu linh hồn đánh mất Chúa vì tội phá thai nhờ gương đức tin của bà, biết rằng có hy vọng, có lòng thương xót, và không những có sự chữa lành nhưng nhờ ân sủng của Người còn có sự thánh thiện nữa.

Khi nói về Dorothy Day lúc mở án phong thánh cho bà, Đức Hồng Y John O’Connor, đã nói thế này: “Chắc chắn, cuộc đời của bà là khuôn mẫu cho tất cả mọi người trong thiên niên kỷ thứ ba, nhưng đặc biệt là đối với những phụ nữ đã hoặc đang cân nhắc việc phá thai. Một sự thật nổi tiếng là Dorothy Day đã thực hiện việc phá thai trước khi bà trở về với Đức tin. Bà hối tiếc về điều đó mỗi ngày trong đời. Sau khi hoán cải từ một cuộc sống tương tự như cuộc sống trước khi hoán cải của Thánh Augustinô thành Hippo, bà đã chứng tỏ là một người bảo vệ sự sống con người cách kiên cường. Sự hoán cải của khối óc và con tim mà bà đã nêu gương có ý nghĩa to lớn đối với tất cả phụ nữ ngày nay trên hai mặt trận. Đầu tiên, nó thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót ở chỗ một người phụ nữ phạm tội nặng vẫn có thể tìm thấy sự hiệp nhất mạnh mẽ với Thiên Chúa khi hoán cải. Thứ hai, nó chứng tỏ rằng người ta có thể chuyển từ hành động bạo lực tận cùng chống lại sự sống vô tội trong bụng mẹ sang một vị trí hoàn toàn thánh thiện và cổ vũ hòa bình. Nói tóm lại, tôi cho rằng việc bà phá thai không nên loại trừ án phong thánh mà còn làm tăng cường nó”.

Ngày Dorothy được rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo là Ngày lễ các Thánh Anh Hài, ngày 28 tháng 12 năm 1927. Tôi thấy điều này rất có ý nghĩa. Một phần của quá trình hàn gắn sau phá thai là phát triển mối quan hệ thiêng liêng với đứa con bị phá thai của bạn. Để đặt tên cho nó và cầu nguyện cho nó. Để lấy lại bằng ân sủng đã mất bởi tội trọng.

Trong “Tin Mừng Sự Sống”, Thánh Gioan Phaolô II, khi ngỏ lời với các phụ nữ phá thai đã nói: “Bây giờ tôi muốn nói một lời đặc biệt với những phụ nữ đã phá thai. Giáo hội nhận thức được nhiều nhân tố có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của chị em, và Giáo Hội không nghi ngờ rằng trong nhiều trường hợp, đó là một quyết định đau đớn và thậm chí tan nát cõi lòng. Vết thương trong tim chị em có thể vẫn chưa lành. Chắc chắn, những gì đã xảy ra là và vẫn còn là sai lầm khủng khiếp. Nhưng chị em đừng nản lòng và đừng đánh mất hy vọng. Thay vào đó, chị em hãy cố gắng hiểu những gì đã xảy ra và đối đầu với nó một cách trung thực. Nếu chị em chưa làm như vậy, hãy khiêm tốn vượt qua và tin tưởng để ăn năn. Cha của lòng thương xót đã sẵn sàng ban cho chị em sự tha thứ của Người và sự bình an của Người trong Bí tích Hòa giải. Chị em có thể hết sức tin cậy giao phó con mình cho cùng một vị Cha này và lòng thương xót của Người".

Tôi sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng đứa con của Dorothy, kẻ đang “sống trong Chúa” là công cụ để bà, nhờ lời cầu nguyện, trở lại với đức tin và tình yêu sâu xa của bà đối với Thiên Chúa và niềm tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Người.

Nếu bà còn sống đến hôm nay, tôi tin rằng Dorothy Day có thể sẽ cùng chúng tôi tham gia các buổi canh thức cầu nguyện hàng tháng “Nhân chứng cho sự sống” của chúng tôi tại Planned Parenthood, (chính thức là bệnh xá Margaret Sanger) trên Phố Mott ở Thành phố New York, một nơi mà bà biết rất rõ. Tôi tin rằng cùng với việc làm của bà cho những người đói khát, bị bỏ rơi và vô gia cư, bà sẽ phục vụ những người đã phá thai. Bà sẽ tuyên bố rằng "chúng ta được yêu thương". Bà sẽ là nhân chứng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho từng người đã phá thai.

Tôi không nghi ngờ gì rằng chính Dorothy đã phải chịu rất nhiều “đau khổ thầm lặng” do việc bà phá thai. Tôi chắc chắn rằng bà đang cầu nguyện và chuyển cầu trước ngai Thiên Chúa, đưa nhiều linh hồn trở về với trái tim nhân từ của Người!

Chúng ta được diễm phúc trở thành nhân chứng cho sự hoán cải cõi lòng của bà, thấy những khả thể và ước muốn của Thiên Chúa qua ân sủng của Người, mang lại sự chữa lành và sự thánh thiện cho mỗi người chúng ta bất kể tội lỗi gì, kể cả tội phá thai.

Nguồn: https://aleteia.org/2021/12/15/what-dorothy-day-means-to-those-healing-from-a-past-abortion/#
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn Ngân Khánh Linh Mục của cha Giuse Nguyễn Văn Thư
Thái Phạm
14:24 21/12/2021
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Hai Danh Nhân Theo Chúa - Trà Lũ
Trà Lũ
10:12 21/12/2021
Lá thư Canada : Hai Danh Nhân Theo Chúa

Trời đã vào đông và một trận tuyết lớn đã mở màn. Ai cũng cho trận tuyết này đến sớm quá. Các cụ có biết dân Canada thường ao ước có tuyết vào ngày nào không? Thưa, vào đêm lễ Giáng Sinh. Năm nào đi lễ nửa đêm ở nhà thờ, khi ra về mà có tuyết bay bay thì dân ở đây sung sướng lắm vì cho là điềm hên cho cả năm. Năm nay làng tôi không ai đi lể nửa đêm, vì sợ gặp cô Omicron bạn của Cô Vít đang dọa nạt mọi người. Nhưng làng tôi vẫn họp mặt ban ngày vì ai cũng đã chích đủ 3 mũi đề phòng.

Nơi họp làng là nhà cụ Chánh tiên chỉ. Các tin tức trao đổi lúc đầu vẫn là tin dịch mới đang bành trướng, tin Ông Mỹ ông Tàu và ông Nga đe dọa lẫn nhau, tin Dài Loan sẵn sàng nghênh chiến, tin thế giới đang bảo nhau tẩy chay Thế vận Hội Bắc Kinh 2022…Ông Từ Hòe bảo tin chiến tranh thì nghe mãi nhàm rồi, có một loại tin mà ông hằng chờ nghe mà không hề có báo nào đài nào nói tới, đó là tin sản xuất và bán vũ khí. Không một nước nào công bố mình làm ra bao nhiêu súng đạn, bán cho bao nhiêu nước, và thu nhập bao nhiêu tiền. Các cụ để ý mà coi, không hề có nước nào nói về việc này cả, dù họ kiếm được rất rất nhiều tiền. Lý do : ai cũng hô hào hòa bình, mình cũng hô hào hòa bình, mà chả lẽ miệng hô hào mà tay thì lại sản xuất rồi bán vũ khí sao ! Nước Mỹ nước Nga nước Tàu và nhiều cường quốc khác luôn im lặng và không cho giới truyền thông đụng tới việc này bao giờ.

Thấy làng yên ắng thì ông Từ Hòe biết ngay mọi người ngấy các thứ này nên ông xin không nói về các Cô Dịch và việc bán vũ khí nữa. Ông bảo chúng ta hãy nói những chuyện khác, chuyện ở ngay trước mặt, như chuyện ly trà này. Phe các bà xưa nay vẫn mê bồ chữ Từ Hòe nên xin ông nói ngay về trà. Ông cười hà hà : Chuyện này dễ mà, vì là chuyện lịch sử nước Mỹ mà.

Thấy phe các bà tỏ ra rất muốn nghe, ông kể ngay : Ban đầu, đế quốc Anh khống chế cả miền bắc Mỹ Châu này, bắt mọi người uống trà và trà phải từ mẫu quốc Anh đem tới. Dân không chịu. Cơn giận của dân đã lên tới đỉnh vào năm 1773 khi 3 tàu chở 342 thùng trà từ bên Anh tới cảng Boston, dân chúng đã xông lên tàu và ném hết mọi thùng trà này xuống biển rồi tuyên bố : Từ nay chúng ta không thèm uống trà nữa, chúng ta sẽ uống cà phê. Và dân chúng đều hoan nghênh ý này vì cà phê đã có sẵn từ nam Mỹ. Rồi cà phê được nhiều danh nhân cổ võ. Tổng thống Jefferson thúc dục thêm nữa : ‘Cà phê là thức uống của thế giới văn minh ! Tẩy chay trà là yêu nước !’ Từ đó cà phê đã thay thế trà. Trà chỉ còn phát triển mạnh ở Á Châu như bên Tàu và VN chẳng hạn. Tổ tiên ta đã chỉ biết uống trà, có công thức pha trà và cách thức uống trà. Về sau cà phê có mặt ở VN là do người Pháp đem tới.

Ở Mỹ này, cà phê đã xuất hiện khắp nơi. Có những câu quảng cáo về cà phê mà ai cũng nhớ, như câu của hãng cà phê Folgers : ‘ Đây chính là phần tốt đẹp nhất khi vừa thức dậy’ ( The best part of waking up ). Hay như câu của hãng Maxwell House dùng lời khen của TT Roosevelt 1907 : ‘Ngon tới giọt cuối cùng !’ ( Good to the last drop ). Rồi cà phê Expresso kiểu Ý. Rồi cà phê cái nồi ngồi trên cái cốc kiểu Pháp. Rồi cà phê Starbucks hiện nay.

Cả làng vỗ tay ca ngợi sự thông thái của bác Từ Hòe. Đợi cả làng vỗ tay xong thì anh John xin góp ý: Nhưng khi học tiếng Anh, chúng ta cũng nên để ý tới mấy chữ này :

- Cafeteria tuy có chữ café nhưng không phải là nơi bán cà phê mà là nơi ăn uống,

- coffee break là thời gian giải lao chứ không phải thời gian mọi người sẽ uống cà phê.

- ‘ Đi uống cà phê’ trong tiếng VN, không có nghĩa là đi uống cà phê thật mà là rủ nhau ra quán nước để bàn về một chuyện nào đó, uống chỉ là cái cớ…

Anh John vừa dứt lời thì Chị Ba Biên Hòa nhắc : Anh hãy kể chuyện tôn vinh phái nữ của Dì Tám trêu anh hôm qua mà anh không đối đáp được, anh nói cho làng nghe rồi xin làng giúp đi. Anh John được vợ gợi ý thì thích quá liền kể ngay : Hôm qua tôi gặp một bà Dì của vợ tôi tên là Dì Tám. Bà xưa là nhà giáo nay đã về hưu, mỗi lần chúng tôi ghé thăm thì bà thích lắm và hay trêu cái vốn tiếng Việt của tôi. Sở dĩ bà hay trêu là vì bà cứ nhớ câu chuyện năm xưa khi bà gặp tôi lần đầu. Bữa đó bà tới thăm, tôi muốn tỏ ra mình biết tiếng Việt nên đã kéo ghế rồi nói : Mời Dì chơi ngồi ! Vợ tôi mắc cở qúa, liền sửa ngay : Mời Dì ngồi chơi ! Xin lỗi Dì, nhà cháu mới học tiếng Việt nên đã nói sai nói bậy Tôi nhớ hoài chuyện mời Dì tám ‘chơi ngồi’ này.

Mới đây Dì Tám có gọi điện thoại chúc mừng Giáng Sinh.Vì Dì biết tôi chăm học tiếng Việt nên đã đố tôi tìm được bài thơ nào ca tụng đàn ông tương đương với bài thơ ca tụng đàn bà của Cụ Nguyễn Gia Thiều trong sách Cung Oán Ngâm Khúc:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn

Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa

Hương trời đắm nguyệt say hoa

Tây thi mất vía, Hằng Nga giật mình

Nghe xong bài thơ thì tôi chắp tay chịu thua ngay vì xưa nay tôi chưa hề nghe có bài thơ nào tán dương đàn ông đẹp cả. Bà Dì thấy tôi chịu thua thì thích lắm rồi hỏi tôi trong các bài tôi đang đọc tôi thích bài nào nhất. Cái này thì dễ,tôi đáp liền : Cháu đang dọc một bài mà cháu rất thích, đó là bài bàn về cái tương đối của cuộc đời có ngay trong chữ viết. Rồi tôi đọc :

- Chữ NHẸ vẫn có dấu nặng

- Chữ VỮNG vẫn có dấu ngã

- Chữ HIỂU vẫn có dấu hỏi

- Chữ NGẮN viết dài hơn chữ ‘dài’

- Chữ TA 2 chữ thì chữ NÓ cũng 2 chữ

- Chữ YÊU 3 chữ thì chữ HẬN cũng 3 chữ

- Chữ CƯỜI 4 chữ thì chữ KHÓC cũng 4 chữ

- Chữ BẠN BÈ 5 chữ thì chữ KẺ THÙ cũng 5 chữ

- Chữ HẠNH PHÚC 8 chữ thì BI THƯƠNG cũng 8 chữ…

Rồi tôi bàn luôn sang tiếng Anh : Trong Anh ngữ cũng giống tiếng Việt Nam về mặt này, như :

- BELIEVE là tin nhưng ở giữa vẫn có chữ LIE là nói dối

- FRIEND là bạn nhưng ở phần sau vẫn có chữ END là chấm hết

- LOVER là người yêu nhưng chỉ sau chữ L có ngay chữ OVER là hết

- WIFE là người vợ nhưng ngay ở giữa là chữ IF nghĩa là có điều kiện

Dì Tám nghe tôi nói đến đây thì vỗ tay khen hay. Tôi bảo bài tôi đọc chưa xong. Bài có câu kết này : chữ viết tuy tiềm tàng nhiều nghĩa, nhưng hai chữ DAD và MOM, dù quay ngược đảo xuôi thì cha và mẹ luôn luôn là một, cha mẹ không hề thay đổi.

Dì Tám khen tôi đã được đọc một bài qúa hay.

Ông Từ Hòe thấy ngưng chuyện Dì Tám thì ông nhắc : Còn chuyện tôn sùng phái nữ anh nói ở đầu chuyện thì sao? Ngoài 4 câu thơ tôn vinh phái đẹp của Cụ Nguyễn Gia Thiều ra, còn ai tôn vinh nữa không? Cả làng im lặng.

Ông ODP liền nói : Không tôn vinh thì có nhiều : Người Do Thái không hề tôn vinh, người Ấn Dộ không hề.Người Tàu chẳng những không hề mà còn mỉa mai : Thập nữ viết vô, nhất nam viết hữu…

Để cho không khí lễ Giáng sinh vui, ông Từ Hòe nổi máu tếu, ông xin bàn về câu nói của người Tàu này. Ông bảo câu nói 8 chữ Hán trên đây thì ai cũng hiểu là 10 cô gái không có giá bằng 1 cậu con trai. Ông bà VN mình dư hiểu câu ấy nhưng diễn nghĩa câu ấy sống động và hay hơn nhiều. Tôi đố cả làng ông bà VN đã diễn nghĩa câu 8 chữ ấy như thế nào. Các bà đáp : Thì các cụ mình diễn nghĩa như ông vừa nói đó. Ông Từ Hòe cười hà hà rồi bảo : Ông bà mình nói còn hay hơn nhiều, còn mạnh mẽ hơn nhiều :

- 100 con gái không bằng một hòn..ái con trai !

Lời dịch này hay quá chứ, phải không các cụ? Nó làm phe các bà nín khe. Lời dịch của ông bà ta làm tôi nhớ ngay tới chuyện lời dịch câu nói của ông già dê trong chuyện Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Rằng đêm đó ông già dê chủ nhà mò xuống chỗ cô tớ gái nằm. Cô tớ sợ hãi nói mình đã có chồng và là phận tôi tớ, ông già dê gạt đi, ông bảo : Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh. Cái câu nói danh tiếng này đã trở thành danh ngôn và được nhiều người dịch sang Anh văn, như :

-When candles are out, all cats are grey

-All cats are grey in the dark

Nhưng câu sau đây của một em bán bar dịch cho lính Mỹ ở trong quán rượu đã được chấm giải nhất vì vừa đúng vừa bình dân sống động :

- No light, number one same same number ten

Cả làng tôi nghe xong liền phá ra cười rũ rượi..

Rồi ông Từ Hòe hỏi anh John : Anh có thấy mấy lời dịch này hay kinh khủng chưa? Thấy anh John vừa gật đầu vừa vỗ tay, ông Từ Hòe xin anh nói tiếp về những cái hay của tiếng VN mà xưa nay anh vẫn ca tụng. Ông Từ Hòe đã gõ trúng cửa. Anh John cười hả hê rồi nói ngay :

Tôi thấy tiếng VN hay từ lâu rồi, càng ngày tôi càng thấy rõ hơn, nhiều hơn. Nó bắt đầu từ ngày tôi nói sai với Dì Tám câu chơi ngồi với ngồi chơi ở trên. Tiếng Việt có nhiều điều làm tôi mê vì trong mấy tiếng nước khác mà tôi học thì không hề có như vậy. Nhiều lắm. Ví dụ nha :

- Nhiều chữ đôi thì một nửa là tiếng Việt một nửa là tiếng Hán như, : rối loạn, sợ hãi, đơn chiếc, thâm sâu, binh lính, in ấn…

-Nhiều chữ đôi đảo ngược mà vẫn giữ nguyên nghĩa : nhỏ bé=bé nhỏ, thương yêu= yêu thương, gió mưa=mưa gió, yêu dấu=dấu yêu…

- Nhiều chữ đôi mà đảo ngược thì có nghĩa khác ngay : chánh quy/quy chánh, quê nhà/nhà quê, khó chịu/chịu khó, người vợ/vợ người…

- Lại còn kiểu nói lái nữa mới hay thần kỳ : Yêu nhiều thì ốm/ôm nhiều thì yếu, Nguyễn Y Vân/ vẫn y nguyên, Chung Vô Diệm/ chim vô dụng, lộng kiếng/liệng cống…

Nói đến đây xong thì anh John ngưng rồi anh quay vào ông Từ Hòe : Xưa nay tôi toàn bị bác bắt kể chuyện về cá nhân tôi, chưa hề nghe bác kể chuyện cười nào về cá nhân bác, vậy hôm nay xin bác cho nghe một chuyện vui về bác đi, chuyện nào mà bác còn nhớ.

Ông Từ Hòe bị anh John gây chuyện bất ngờ. Nhưng không sao, ông luôn có sẵn mà. Ông liền kể : Rằng khi ông mới từ trại tỵ nạn sang Canada do nhà thờ Cha Paolo bảo trợ, ông đã đi làm ngay. Ở Canada muốn xin được việc dễ dàng thì phải có kinh nghiệm, ông thì chỉ có kinh nghiệm đánh nhau với VC, sang đây là đất nước hòa bình nên lúc đầu ông chới với. Mãi rồi ông cũng kiếm được việc vì ông có sức khỏe và vốn tiếng Anh. Các cụ có đoán được cái việc đầu tiên của ông Từ Hòe là gì không cơ? Thưa, lạ lắm, ở VN ông chưa hề làm. Đó là cái việc lau cửa sổ phía ngoài các nhà chọc trời, người lau sẽ phải đu giây từ nóc nhà xuống từng tầng. Hôm đầu ông được một chàng da đen tổ trưởng huấn luyện. Tòa nhà cao 90 tầng. Ông kể : từ nóc nhà cao chót vót này nhìn xuống dưới thì ông thấy xe cộ và dân qua lại bé tí. Lau cửa được hai giờ thì ông xin lên đi đái. Chàng tổ trưởng da đen cười hì hì rồi nói nhỏ: Việc gì phải đi lên, anh cứ vạch quần tè thoải mái vào không trung, nước đái bay qua 90 tầng, chưa xuống tới đất thì nó đã tan vào không khí hết rồi. Hà hà. Nó nói đúng nhưng nghe kinh quá. Ngay hôm sau ông bỏ cái job này. Ai lại tè lên đầu thiên hạ bao giờ. Rồi sau đó ông xin được việc rửa chén ở nhà hàng.

Anh John và cả làng vỗ tay khen câu chuyện này. Cụ chánh lên tiếng xin ngưng chuyện ‘lau cửa kiếng’. Cụ bảo đó là những chuyện có thực của cuộc đời. Ai tỵ nạn đến đây đều cũng trải qua, cách này hay cách khác. Mong con cháu sau này biết được những cam khổ của cha ông để chúng tiến lên, lên nữa. Canada là đất vàng, không ai là không có vàng. Nói gì đâu xa, làng ta đây này, ai muốn gì thì đều có hết.

Đến đây, cụ Chánh ngưng, cụ nhấp ngụm trà rồi bàn tiếp: Có lẽ lão vừa nói quá đà về tiền bạc vì thấy dân làng ta ai cũng hạnh phúc đầy tràn. Lão lại chợt nhớ tới trang sách mới đọc, nhân dịp năm mới, lão xin chia sẻ với cả làng : bài viết về 10 thứ mà tiền bạc không mua được : Sức khỏe, Tình thương, Niềm vui, Sự chính trực, Lòng tôn trọng, Nội tâm thanh tĩnh, Đạo đức, Kiến thức, Trí tuệ, Giác ngộ tâm linh.

Cả làng ai cũng gật gù : Đúng, đúng quá.

Ông bồ chữ già ODP góp ý : Sống ở đời ai cũng đi tìm hạnh phúc. Ai cũng biết có Phật có Chúa là hạnh phúc. Tôi thấy nhiều bà con của tôi cứ nghĩ rằng chỉ đi chùa thì mới tìm ra Phật, tôi đã kể cho họ chuyện ngài Dương Phủ trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Rằng một hôm ông Dương Phủ nghe bên đất Thục có ngài Võ Tế là đại sư nên đã bỏ cha mẹ già mà lên đường học đạo. Nửa đường ông gặp một lão tăng. Lão tăng mới bảo ông rằng gặp được Võ Tế chẳng bằng gặp được Phật. Ông hỏi Phật ở đâu thì lão tăng trả lời : Ngươi hãy quay trở về, gặp được ai mặc cái áo sắc thế này, đi đôi dép kiểu thế này thì chính là Phật đấy. Dương Phủ nghe lời liền trở về, nhưng trên đường về thì ông không gặp một ai như thế cả. Tới nhà, đêm đã khuya, ông gõ cửa. Mẹ ông nghe tiếng ông thì mừng quá vội khoác chiếc mền và xỏ vội đôi dép ra mở cửa. Ông thấy mẹ lúc đó đúng y lời lão tăng đã tả, tức thì ông ngộ ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật, ta chẳng phải đi tìm đâu xa.

Xong chuyện thấy Phật, ông kể sang chuyện thấy Chúa. Rằng có một cụ già đêm kia mơ được đi dạo với Chúa trên bờ biển. Mọi cảnh huống trong đời đều hiện ra trước mắt cụ. Cảnh nào cụ cũng thấy có 4 dấu bàn chân ghi trên cát, 2 của cụ 2 của Chúa. Đến cảnh cuối cùng đau khổ nhất khi ông nhìn bãi cát thì ông chỉ thấy dấu hai bàn chân, ông buồn bã hỏi Chúa : Chúa hằng bảo con rằng Chúa luôn đi với con cả cuộc đời, thế mà khi nhìn lại những quá khứ đau khổ, con thấy trên bãi cát chỉ có 2 dấu chân của con, không có bàn chân của Chúa. Vậy những lúc ấy Chúa ở đâu? Chúa liền trả lời : Những lúc bi đát nhất trong đời con thì không những Cha đi bên con mà còn cõng con trên vai, hai vết chân con thấy là vết chân của cha, hoặc cha đang bế con trong lòng, hoặc đang cõng con trên vai...

Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ tới văn hào Anh Quốc Malcolm Mugeridge khi nhập đạo Chúa năm 1982. Ông viết trên tờ The Times of London những lời chân thành và cảm động này : Khi tôi gia nhập đạo Chúa, tôi có cảm tưởng như đã về tới quê cũ, nối lại sợi dây đã đứt, đáp lại tiếng chuông đã được dóng lên, tìm thấy được cái ghế trống đã dành cho tôi từ lâu tại bàn ăn của đại gia đình…

Những lời này làm tôi nghĩ tới GS Vũ Quốc Thúc, một nhà văn hóa lớn của VN cuối đời sống ở Paris. Cụ đã nhập đạo Chúa khi tròn 100 tuổi vàng. Cụ vừa qua đời ở Paris ngày 26/11/2021 vừa qua. Bạn bè đều nói GS Thúc cũng có một tấm lòng giống y như văn hào Mugeridge trên đây.

Năm mới, kính chúc các cụ và gia đình luôn nhìn thấy Phật trong nhà và nhìn thấy Chúa luôn luôn ở trong lòng.

TRÀ LŨ
 
Lại một muà Giáng Sinh với Covid, nên coi bộ phim nào trong cảnh gia đình cô lập đây?
Trần Mạnh Trác
13:16 21/12/2021
Chúng ta lại phải sống qua một muà Giáng Sinh trong hoàn cảnh kiềm chế xã hội vì đại dịch Covid, một câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên chọn bộ phim nào để cùng nhau giải trí trong khuôn khổ gia đình nhỏ bé và cô lập cuả chúng ta?

Những bộ phim nổi tiếng 'coi đi coi lại nhiều lần mà vẫn không nhàm' thì nhiều lắm, chúng ta có thể tìm qua một hàng tít như "Best Christmas Movies of All Time" và sẽ tìm thấy ba bốn tá tựa đề, nội dung có 'đạo và đời', và có cả những việc phỉ báng chống giáo hội nữa...

Ban biên tập cuả cơ quan truyền thông Công Giáo CNA mới đây đã chọn ra 9 bộ phim mà họ yêu thích, có nội dung lành mạnh và bổ ích. Chúng tôi xin được giới thiệu 9 bộ phim ấy sau đây, đồng thời cũng chỉ dẫn quí vị có thể truy cập những bộ phim ấy ở đâu:

1- The Muppet Christmas Carol

Đây là câu chuyện Giáng sinh vượt thời gian phỏng theo cuốn sách Christmas Stories cuả nhà văn Charles Dickens và từng được so sánh là có cùng 'tầm cỡ' với các tuyệt tác điện ảnh như “Casablanca” và “Citizen Kane.”

Những người yêu thích âm nhạc và khiêu vũ cũng sẽ hài lòng với các bản nhạc và điệu nhảy trong phim, có một chút ma quái nhưng cũng rất nhiều vui nhộn.

Có trên Amazon Prime, Disney +. (Xếp hạng G)

(Giới thiệu bởi Shannon Mullen, Tổng biên tập)

2- Merry Christmas (tựa chính là Joyeux Noël)

Đây là câu chuyện kể về "Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh" năm 1914. Câu chuyện cảm động lấy phong cảnh giữa các chiến hào Pháp-Đức rùng rợn nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất. Bộ phim làm ở Pháp được phát hành vào năm 2005, và là một câu chuyện đầy nước mắt. Khi xem, bạn hãy nhớ giữ sẵn nhiều khăn 'mùi xoa' để thấm nước mắt.

Phiên bản nói tiếng Anh có trên Apple TV và Google Play.

(Giới thiệu bởi Alejandro Bermudez, Giám đốc điều hành)

3- Elf (Thằng chằng tinh)

Là bộ phim hài hước bảo đảm bạn phải bật cười. Tuy bộ phim không nhằm việc giới thiệu niềm tin tôn giáo, nhưng nhân vật chính cuả câu chuyện là một người tin vào một thế giới không thể tin được, và phải chịu đựng những thử thách của một người bị coi là dở hơi ngược đời.

Tột điểm cuả câu chuyện là một cuộc thử thách về đức tin: Khi chiếc xe trượt tuyết của ông già Noel bị mắc kẹt ở Công viên, ông cho biết rằng cái kim đồng hồ "Clausometer" của ông đã chỉ xuống mức nguy hiểm và ông cần một nguồn cung cấp 'tinh thần Giáng sinh' để có thể bay trở lại. Ông nói: “Tinh thần Giáng sinh là sự tin tưởng, chứ không phải là cái gì có thể thấy được,” (phải chăng đây là một thứ tinh thần giống như định nghĩa của Thánh Phao-lô về đức tin trong bài thánh thư Hê-bơ-rơ 11: 1..?)

Và ngay khi đó thì 'thằng chằng tinh' không giống ai, với đôi vớ màu vàng và cái nón chóp nhọn, nhưng sẵn có rất nhiều đức tin, đã bước tới…

Có trên Amazon Prime Video, Google Play, YouTube và Vudu. (Xếp hạng PG)

(Giới thiệu bởi Coppen, Biên tập viên Châu Âu)

4- The Small One (Con lừa nhỏ )

Một cậu bé nghèo phải mang bán một con lừa già nhưng đáng yêu, tên là Small One, để nuôi sống gia đình. Liệu em có tìm ra được một chủ nhân tốt cho người bạn bốn chân qua những con đường gồ ghề ở Nazareth hay không? Hay con lừa già Small One sẽ kết thúc trong một lò thịt?

Phim chỉ dài có 26 phút, chủ yếu là một bộ phim cho trẻ nhỏ nhưng lại có đủ mọi thứ hoạt động, hài hước và tình cảm để thỏa mãn mọi lứa tuổi. Đạo diễn Don Bluth sau này đã giành được danh tiếng nhờ các bộ phim hoạt hình dài hơn như “Bí mật của NIMH”, “An American Tail” và “All Dogs Go to Heaven”.

Câu chuyện được rút ra từ cuốn sách 'The Small One' của tác giả thiếu nhi Charles Tazewell. Ông này cũng là một tác giả nổi tiếng qua bộ sách “The Littlest Angel” đầy tình cảm dành cho thiếu nhi, có phảng phất chút ít hương vị 'thần học' trong đó.

Hãy xem đến cuối câu chuyện để có một món quà bất ngờ cuả muà Giáng Sinh.

Có sẵn trên Disney +. (Xếp hạng G)

(Giới thiệu bởi Kevin J. Jones, Biên tập viên)

5- A Muppet Family Christmas

Có nhiều show cuả các con thú nhồi bông muá rối (muppet) với tựa đề 'Muppet Christmas special' nổi tiếng, riêng 'A Muppet Family Christmas' thì tập hợp rất nhiều con thú như đoàn thú Muppets; đoàn thú Sesame Street; Fraggles, và thậm chí có cả Maureen the Mink.

Bộ phim kể câu chuyện về một nỗ lực có mục đích tốt (nhưng không có kế hoạch) của Fozzie để gây bất ngờ cho mẹ mình vào dịp lễ Giáng sinh - nhưng đã bị những con hijinks quỉ quái phá phách bằng cách mang đến một trận bão tuyết tồi tệ nhất cuả thế kỷ.

Được phát hành vào năm 1987, “A Muppet Family Christmas” là một bộ phim già, nhưng là cái già cuả một loại rượu vang hảo hạng, vẫn khiến người ta phải cười khúc khích.

Chỉ dài có 48 phút, đây là bộ phim có độ dài hoàn hảo khi bạn cần có một chút hương vị Giáng sinh nhưng không muốn mất nhiều thì giờ - chẳng hạn như bạn đang cần làm một cái gì đó trong khi chờ đợi bánh nướng ở trong lò.

Có sẵn trên YouTube. (Xếp hạng TV-PG)

(Giới thiệu bởi Christine Rousselle, Phóng viên Washington, DC)

6- It's a Wonderful Life

Không được đánh giá cao khi ra mắt lần đầu tiên vào những năm 1940, nhưng đã đạt được vị thế là một trong những bộ phim Giáng sinh được xem lại nhiều nhất từ trước đến nay.

Đây là câu chuyện ở một thị trấn nhỏ cuả một chàng trai thông minh và đầy tham vọng, George Bailey. Vì nhiều lý do anh đã không bao giờ có thể thoát khỏi cuộc sống tỉnh lẻ của mình để đi du lịch thế giới như lòng anh mong muốn. Khi một thảm họa tưởng như không thể vượt qua ập đến vào đêm Giáng sinh, anh đã ước mình chưa từng được sinh ra và điều ước đó đã trở thành hiện thực do một thiên thần thân thiện tên là Clarence dàn dựng...

Nhớ đừng có rơi lệ khi cuốn phim kết thúc, nhớ nhé !

Có sẵn trên Amazon Prime và YouTube. (Xếp hạng PG)

(Giới thiệu bởi Jonah McKeown, Biên tập viên)

7- A Charlie Brown Christmas

"Khi tôi lớn lên, (theo lời cô Autumn Jones) chúng tôi xem bộ phim đã trở thành kinh điển cuả các nhân vật 'đậu phọng' (Peanuts) hàng năm để mở màn cho mùa Giáng sinh. Bây giờ, khi đã trưởng thành, nó vẫn là một phần của truyền thống Giáng sinh của riêng tôi. Bộ phim là một lời nhắc nhở tuyệt vời về ý nghĩa thực sự của Giáng sinh, với câu chuyện Chúa giáng sinh được lồng vào kịch bản. Tôi thấy rằng mỗi lần tôi xem nó, tôi được mời nhận thức sâu sắc hơn rằng Giáng sinh thực sự là về sự xuất hiện của Chúa Kitô, chứ không phải là những thứ vật chất hay thương mại mà chúng ta gói gọn trong thời gian này trong năm."

Có sẵn trên Apple TV + cho người đăng ký.

(Giới thiệu bởi Autumn Jones, Biên tập viên)

8- The Polar Express

Bộ phim hoạt hình năm 2004 này kể về một nhóm trẻ nhỏ đi chuyến tàu thần bí đến Bắc Cực vào đêm Giáng sinh. Bộ phim tập trung vào cuộc đấu tranh của hai cậu bé về việc tin vào ông già Noel, vì họ chưa bao giờ nhìn thấy ông. Nhưng một khi đến Bắc Cực, họ bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu chưa từng có, đỉnh điểm là những kẻ phá hoại đã gặp chính ông già Noel. Bộ phim có lồng tiếng của Tom Hanks và được đề cử ba giải Oscar.

Có sẵn trên HBO, Amazon Prime Video, Hulu và Netflix. (Xếp hạng G)

(Giới thiệu bởi Joe Bukuras, Biên tập viên)

9- Home Alone

Tác phẩm kinh điển năm 1990 này kể chuyện Giáng sinh cuả một gia đình đi du lịch phương xa: Điều xảy ra là thằng con út 8 tuổi bị bỏ quên ở nhà và phải chế tạo ra các thiết bị của riêng mình để bảo vệ ngôi nhà chống lại một cặp bài trùng ăn trộm! Thằng bé Kevin (do Macaulay Culkin thủ vai) đã trang bị cho ngôi nhà cuả mình bằng đủ mọi thứ cạm bẫy mà em có thể nghĩ ra được.

Vào đêm Giáng sinh, em Kevin đã đi trên tuyết và dừng lại trước cảnh Chúa giáng sinh ngoài trời và nghe văng vẳng bài hát “O Holy Night” vọng tới từ ngôi nhà thờ gần đó. Em đã bước vào và gặp hai vị cứu tinh: Chúa Giêsu, và một ông già 'trông rất ngầu' mà sau này em đã phám phá ra là không nên phán xét ai bằng vẻ bề ngoài.

Home Alone là một câu chuyện về gia đình, tình bạn và sự khác biệt mà một người - dù chỉ làm một việc nhỏ - có thể tạo ra.

Có sẵn trên Amazon Prime, Disney +, Google Play, iTunes, Vudu và YouTube. (Xếp hạng PG)

(Giới thiệu bởi Katie Yoder, Phóng viên Washington, DC)
 
VietCatholic TV
Đức ái trong sự thật: Đức Hồng Y George Pell yêu cầu làm sáng tỏ: HY Becciu chuyển 2.3 triệu qua Úc làm gì?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:32 21/12/2021


Đức Hồng Y Pell chính thức yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích lý do gởi hàng triệu đô la sang Úc Đại Lợi

Nhân dịp qua California, Đức Hồng Y George Pell đã dành cho nữ ký giả Joan Frawley Desmond của tờ National Catholic Register một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng Y Pell chính thức yêu cầu Đức Hồng Y Becciu giải thích nơi đến của ngân khoản hơn 2 triệu Úc kim được ngài chuyển qua Úc mà hiện nay, chưa được thanh lý rõ ràng.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch tóm lược sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Tuý Vân

Theo Desmond, Đức Hồng Y Pell nói: “tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: liệu ngài có chịu nói với chúng ta số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?”

Được hỏi về nhận định của Đức Hồng Y đối với thời gian ngồi tù, mà ngài coi nó như một thời gian “tĩnh tâm”, Đức Hồng Y Pell cho hay ngồi tù, bạn có rất nhiều thì giờ và ngài lại có đủ cả sách nguyện, tràng hạt, sách thiêng liêng, nên ngài đã lên chương trình cầu nguyện hàng ngày, cứ thế mà theo.

Ngài cũng cho rằng bối cảnh đào tạo của ngài giúp ích rất nhiều cho chương trình trên. Ngài nói: “chủng viện trước Vatican II của tôi là một chuẩn bị tốt cho việc bị giam một mình”.

Vả lại, theo ngài, Thiên Chúa luôn ở với bạn, bất luận bạn cảm thấy điều đó hay không, ngài ý thức rõ điều đó. Ngài thú thực trong phần lớn đời ngài, ngài không phải là người phấn khích về tôn giáo hay tìm an ủi trong tôn giáo. Nhưng kỳ lạ thay, suốt thời gian ở trong tù, lúc nào ngài cũng cảm thấy bình an về phương diện tôn giáo có lẽ vì không còn phải bận bịu và lo ra với các nhiệm vụ của một Hồng Y.

Mặt khác, ngài đánh giá cao điều ngài gọi là “cổ vũ tâm lý” (psychological boost) đó là “con số thư từ lớn lao: trong hơn 400 ngày, tôi nhận được khoảng 4,000 lá thư, trung bình 10 lá 1 ngày”. Đến nỗi, một cai tù khi đến đưa thư cho ngài, đã vui đùa nhận xét “tuần này, ngài nhận được thư từ nhiều hơn tôi nhận cả đời”.

Nhiều thư rất cảm động. Khởi đầu, có người gửi cho ngài bản văn của Thánh Antôn Ai Cập, vị ẩn tu đã thiết lập ra lối sống đơn tu, một bản văn ngài khó khăn mới đọc hết. Thánh nhân vốn là loại người khá bảo thủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ. Nhiều người khác gửi cho ngài các sách và bài báo đạo, rồi từ từ đủ loại tài liệu trí thức vừa khuây khỏa vừa kích thích.

Trước lối ví von của Desmond cho rằng lúc ấy ngài được giáo dân thừa tác, ngược với việc ngài chăn dắt họ, Đức Hồng Y Pell đồng ý. Ngài nói: “khi bạn ở trong tù, ở tận đáy vực thẳm, bạn được nâng đỡ bởi rất nhiều người. Hiện nay, tôi biết đánh giá cao hơn trước đây những cử chỉ nhã nhặn căn bản, như một lời nói tốt bụng chẳng hạn”.

Được hỏi về việc ngài tha thứ cho kẻ tố cáo ngài, Đức Hồng Y Pell cho hay ngài cảm thấy không khó khăn gì cả. “Bạn quyết định tha thứ và thường là các tâm tư của bạn sẽ bước theo. Vả lại, tôi hiểu ra rằng bất cứ động cơ của người tố cáo là gì, nhưng anh ta sẽ đau khổ trong đời. Khi anh ta đưa chứng cớ, tôi nghĩ anh ta không hề nhất quán. Tôi muốn nói, anh ta thay đổi câu chuyện đến 24 lần. Kitô hữu phải quyết định tha thứ hay không tha thứ nhiều lần trong suốt cuộc đời mình. Nên đâu phải như thể tôi chưa bao giờ phải đối đầu với một quyết định như thế cho tới khi mình 76 hay 77 tuổi và phải ngồi tù. Và nếu bạn từng cố gắng tha thứ những việc nhỏ, có thể bạn sẽ dễ dàng tha thứ khi thách thức lớn diễn ra”.

Được hỏi do đâu ngài đi đến nhận định cho rằng chịu đau khổ vì đức tin có hiệu quả cứu chuộc, trong khi ở trong tù ngài mới hiểu ra rằng trước đó, ngài đã sống “một đời sống được che chở nên có xu hướng đánh giá thấp cái ác trong xã hội và sự tai hại gây ra cho nhiều người, cho nhiều nạn nhân”, Đức Hồng Y Pell cho rằng trong tư cách Giám Mục, ngài phải đương đầu với rất nhiều vụ tố cáo lạm dụng tình dục trẻ em, nên ngài hiểu rõ “có một số lượng mênh mông đau khổ và sầu buồn. Tôi trao các vụ ấy cho các cuộc điều tra và tôi phải thực thi các quyết định. Tất cả những điều này đưa tôi đi vào thế giới đau khổ rất nhiều. Các xác tín của tôi được thâm hậu hóa bởi kinh nghiệm bị giam ở khu biệt giam, nơi tôi trải nghiệm sự tai hại gây ra cho các bạn đồng tù của tôi. Nhiều người trong số họ bị ma túy phá hủy. Tôi nghe thấy sự giận dữ của họ, cả sự xao xuyến lẫn những tiếng đập cửa phòng giam của họ. Tôi bất lực trong việc giúp đỡ họ.”

Với câu hỏi ngài có coi mình như một thứ con dê tế thần, chịu đau khổ vì tội lỗi của các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác hay không, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không bao giờ nghĩ thế. “Nhưng tôi biết rất rõ các thất bại của các nhà lãnh đạo Giáo Hội... và tôi chắc chắn cầu nguyện cho một số Giám Mục tôi quen biết xem ra đã làm rắc rối sự việc một cách quá thể bằng phương thức của các ngài”.

Ngài nhận định thêm rằng các vị trên đôi lúc nói láo. Nhưng khó mà biết điều gì đã thúc đẩy một cá nhân cụ thể. Phần lớn các ngài không hiểu rõ các tai hại khủng khiếp đối với các nạn nhân và nhất là không hiểu rõ tính dai dẳng của loại tội ác này.

Được hỏi liệu các vụ chuyển tiền qua Úc có được nêu ra tại các phiên toà hiện nay tại Vatican hay không, Đức Hồng Y Pell nhận định, “tôi không tin tưởng bất cứ điều gì với các phiên xử ở Vatican. Tôi không biết chuyện gì đang diễn ra. Thậm chí tôi còn không hoàn toàn chắc chắn rằng nó sẽ được tiến hành. Nó rất có thể thất bại vì lý do pháp lý”.

Còn về số tiền 2,300,000 úc kim được Vatican chuyển qua Úc, Đức Hồng Y Pell cho hay, “Đức Hồng Y Becciu thừa nhận việc này. Chúng tôi vừa nhận được các bản ghi chép phiên tòa ở Vatican và xem ra Đức Ông Alberto Perlasca khi bị chất vấn, đã nói rằng số tiền này được gửi cho Hội Đồng Giám Mục Úc để bênh vực pháp lý cho tôi. Điều này chắc chắn không đúng. Chúng tôi đã hỏi Hội Đồng Giám Mục, các ngài không nhận được gì. Chúng tôi chắc chắn không nhận được gì.”

“Do đó, tôi có một câu hỏi với Đức Hồng Y Becciu: ‘liệu ngài có chịu nói với chúng tôi số tiền đó được gửi vì mục đích gì không?’ Và nếu không có gì dính dáng đến tôi hoặc vì các mục đích hoàn toàn vô tội, thì tốt thôi, tôi sẽ hoàn toàn hài lòng, và an ổn sống với cuộc sống mình”.

Nói về vụ đầu tư địa ốc ở London, Đức Hồng Y Pell cho biết ngài không biết nhiều về việc đó, lúc ngài rời bỏ chức vụ đứng đầu văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh. Nhưng “chúng tôi biết Phủ Quốc Vụ Khanh không cho chúng tôi đụng đến sổ sách của họ, và không chịu để các thanh lý viên tra xét. Chúng tôi cũng biết họ phạm nhiều sai lầm về kế toán trong vụ tài sản ở London, mang lại hậu quả là che đậy việc này. Chúng tôi khám phá ra chuyện đó. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết gì về vụ thất bại đang phát triển ấy”.

Ngài nhận định thêm, “nếu các thanh lý viên đã được phép vào, nếu chúng tôi đã được phép vào, thì đây là một trong những điều họ đã báo động rồi. Tòa Thánh đâu có chịu mất mát quá nhiều tiền như thế”.

Theo Đức Hồng Y Pell, “Chúng ta không bao giờ nên đồng ý với vụ thương lượng, được minh nhiên viết rõ trong hợp đồng, qua đó, họ trả hàng triệu để có được 30,000 cổ phiếu cho điều họ nghĩ sẽ đem lại cho họ quyền sở hữu tòa nhà ở London. Trên thực tế, có 1,000 cổ phiếu còn lại là có quyền bỏ phiếu, và tôi hiểu họ phải trả thêm 15 triệu euro để lấy các cổ phiếu này”.

Nói về cung cách làm việc của ngài tại Văn phòng Kinh tế, Đức Hồng Y Pell cho hay không những ngài cố gắng chuyên nghiệp hóa việc giám sát tài chánh của Tòa Thánh, “chúng tôi còn thay đổi phương pháp luận để đồng bộ với các thủ tục làm ăn buôn bán của Phương Tây. Điều này có nghĩa là người am hiểu việc truy cập thông tin có thể đoán định Vatican hiện ra sao về tài chánh. Trước chúng tôi, bạn không thể làm điều này. Chỉ một hay hai người mới có thể nắm vững tài chánh của Tòa Thánh. Thí dụ, có cả 1.3 tỉ euro không có sổ sách. Nó nằm khơi khơi ở nhiều trương mục khác nhau dành cho những ngày mưa gió. Có thể đó là mục đích vô tội, nhưng không được công bố”.

Đối với các biện pháp pháp lý gần đây của Đức Phanxicô nhằm ngăn chặn những việc tương tự như vụ thất bại ở London không xẩy ra nữa, Đức Hồng Y Pell cho rằng, “bạn có thể có những cơ cấu tốt nhất trên thế giới, nhưng tính hữu hiệu của chúng tùy thuộc sự liêm chính và khả năng của những người lãnh đạo chúng. Thành thử tôi không biết liệu chúng ta có ở vị thế tốt hơn trước hay không”.

Ngài nhận định thêm, “hiện có sự thâm thụt hàng năm về cơ cấu khoảng từ 20 tới 25 triệu euro; và với COVID sẽ lên tới ít nhất 50 hoặc 70 triệu euro mỗi năm”.

“Chúng ta cũng biết có áp lực đáng kể đang lên cao ở qũy hưu bổng, hàng trăm triệu, với việc thâm hụt đang lấp ló đâu đó. Hiện có nhiều hạn chế tài chánh rất có thực. Nạn tham nhũng chắc chắn đã giảm thiểu, trong một số trường hợp đã bị loại hẳn, và có thể bị loại hẳn đáng kể ở khắp nơi. Nhưng thách thức hiện nay là áp lực tài chánh lên Vatican. Một là phải giảm chi hai là phải làm ra nhiều tiền hơn”.

Về dự tính sau khi về hưu, Đức Hồng Y Pell cho hay, “tôi chia thì giờ của tôi giữa Sydney và Rôma. Tôi cần phải đứng ngoài đường lối của các người kế nhiệm tôi ở Úc và để họ làm công việc của họ. Tôi cố gắng cầu nguyện và đọc sách. Tôi cũng thực hiện đôi chút việc diễn thuyết công cộng và viết lách, đề cập tới sinh hoạt công và Giáo Hội trong thế giới Tây phương, nơi con số tín hữu Kitô giáo đang bị xói mòn và hiện có sự xuống dốc trong thực hành đối với những người còn tiếp tục tin”.

“Nghiên cứu xã hội học xác nhận rằng các niềm tin và thực hành của cộng đồng Kitô hữu càng cấp tiến một cách triệt để, thì người ta càng nhanh chóng rơi vào sự bất tín. Các phong trào bảo thủ về tôn giáo bền vững hơn. Các giáo huấn nền tảng của chúng ta rõ ràng và không thể thương lượng. Chúng ta buộc phải duy trì chúng cho dù có vì thế mà xâm hại tới con số và việc thực hành. Nhưng trái với kỳ vọng, chính các cộng đồng Công Giáo cấp tiến như Bỉ, Quebec, cũng như các nhóm Thệ Phản chuyên thỏa hiệp với thế gian đang mất dần tín hữu”.

Vấn đề cuối cùng được đề cập là việc duy trì hay nới lỏng kỷ luật về rước lễ, Đức Hồng Y Pell nhận định như sau: “Chúng ta không cung ứng tính hiếu khách trong Thánh lễ, bằng việc Rước lễ. Nếu bạn đến nhà tôi, tôi sẽ mời bạn một chiếc bánh quy và trà hoặc cà phê, không quan trọng bạn là ai. Nhưng đó không phải là điều chúng ta tin về Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng đó thực sự là mình và máu của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

“Bạn phải là một người độc thần. Bạn phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, và vào Sự Hiện Diện Thực Sự. Thánh Phaolô đã viết về những tư thế chuẩn bị cần thiết để rước lễ một cách tốt đẹp và hiệu quả”.

“Tôi có một câu chuyện tuyệt vời về một tội phạm chuyên nghiệp đang ở trong tù. Vị tuyên úy được hỏi liệu tù nhân này có thường xuyên đến dự Thánh lễ trong nhà tù hay không. Ngài nói có. Và rồi vị tuyên úy được hỏi liệu người đàn ông có lên rước lễ hay không, và ngài trả lời: “Không, ông ta là người có đức tin. Ông hiểu mình không thể rước lễ”.
 
Vi rút độc địa: Tổn thất của Giáo Hội vì đại dịch. Vị Giáo Hoàng sau Đức Phanxicô là ai?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:08 21/12/2021


1. Thiệt hại của Giáo Hội vì coronavirus

Cho đến nay, đã có 24 vị Hồng Y nhiễm coronavirus, trong đó có 3 vị đã qua đời.

Các Đức Hồng Y qua đời vì coronavirus là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của São Sebastião do Rio de Janeiro, Ba Tây sinh năm 1932, qua đời vào ngày 13 tháng Giêng.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino - Tổng Giám mục hiệu tòa Caracas, Venezuela, sinh năm 1942 qua đời vào ngày 23 tháng 9.

Đức Hồng Y José Freire Falcão - Tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia, Brazil, sinh năm 1925, qua đời vào ngày 26 tháng 9.

Trường hợp của Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám mục hiệu tòa của Mexico City đã gây ra các tranh cãi và chia rẽ trong tổng giáo phận Mexico City.

Sau khi nhiễm coronavirus, Đức Hồng Y Rivera được đưa vào một bệnh viện công vào ngày 12 tháng Giêng năm 2021. Cha Hugo Valdemar Romero, nguyên là phát ngôn nhân của Đức Hồng Y nói rằng tình trạng của Đức Hồng Y rất tệ, nhưng chỉ được chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện công, nơi thiếu thốn các thiết bị và đang trong tình trạng quá tải. Lý do là vì Đức Hồng Y quá nghèo và tổng giáo phận đã từ chối thanh toán các chi phí cho ngài. Đức Hồng Y Rivera đã nhận bí tích xức dầu bệnh nhân vào ngày 19 tháng Giêng. Đức Hồng Y Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes nói rằng Tổng Giáo phận chỉ có thể trả cho việc chăm sóc Đức Hồng Y như tất cả các giáo sĩ khác trong một bệnh viện công “vì tình hình kinh tế của Giáo hội trên khắp đất nước và các giáo sĩ, bất kể là ai, cần phải hiệp thông và đoàn kết với những gì hàng ngàn người Mễ Tây Cơ đã sống trong đại dịch này”.

Một số người quen đã giúp đưa Đức Hồng Y Rivera từ bệnh viện công Ángeles Mocel sang một bệnh viện tư vì e ngài không qua khỏi. Vào đầu tháng 3, Đức Hồng Y đã rời bệnh viện.

Trong một diễn biến mới nhất, Hội Đồng Giám Mục Venezuela vừa công bố số liệu thống kê cho thấy kể từ đầu đại dịch đến nay, giáo hội Venezuella đã có 45 linh mục, 4 giám mục chết vì COVID-19.

Thống kê cho biết từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 12/ 2021, đã có 439 linh mục bị nhiễm COVID-19, tức chiếm 20,77% tổng số giáo sĩ trong cả nước, trong đó có 45 linh mục chết, chiếm 10,25% tổng số linh mục bị nhiễm virus và nếu tính tổng số giáo sĩ Venezuela thì số Linh Mục chết chiếm 2.13%

Trong số hàng giáo sĩ bị nhiễm bệnh có 26 là Giám Mục, trong đó 22 Giám Mục đã bình phục; 4 vị còn lại chết vào năm 2021.

Bốn giám mục qua đời là Đức Tổng Giám Mục Cástor Oswaldo Azuaje, Giám mục César Ortega, Đức Tổng Giám Mục Tulio Chirivella, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino

Hội Đồng Giám Mục cho biết Giáo Hội ở Venezuela hiện có 2,068 Linh Mục, 60 Giám Mục.

2. Vị Giáo Hoàng sau Đức Phanxicô là ai?

Thời kỳ tiền Cơ Mật Viện, tức là trước khi xảy ra Mật Nghị bầu Giáo Hoàng, tại Ý, thông thường một số Hồng Y sẽ được tiên đoán là ứng viên sáng giá cho sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh.

Ngày 18 tháng 11 vừa qua, tại Rôma, nhà xuất bản Edizioni Terrasanta đã cho ra mắt một cuốn sách mới với tựa đề “Cosa resta del papato”, nghĩa là “Những gì còn sót lại của Ngôi Giáo hoàng”, do chuyên gia người Ý về Vatican Francesco Antonio Grana viết, cuốn sách hướng đến mật nghị tiếp theo, xem xét “tương lai của Giáo hội sau Đức Bergoglio”.

Một trong những nội dung chính trong cuốn sách là giới thiệu Đức Hồng Y Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna với tư cách là một papabili, tức là ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng.

Sự nổi lên như vũ bão của Đức Hồng Y Zuppi, 66 tuổi, để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu đã được nhấn mạnh thêm sau các báo cáo cho rằng ngài được tin là sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của Hội Đồng Giám Mục Ý vào năm tới. Tưởng cũng nên nhắc lại là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình trước khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Được biết đến như một “Hồng Y đường phố” vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý - đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng “tuyên úy” của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.

Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn “Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm”, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.

Trong một chuyên mục ngày 12 tháng 10 có tiêu đề “Conclave in Sight, Operation Sant'Egidio”, nghĩa là “Mật Nghị Trước Mắt, Chiến dịch của Cộng đồng Thánh Egidio” ký giả thạo tin về Vatican Sandro Magister cho rằng Cộng đồng Thánh Egidio là nhân tố chính trong cuộc vận động cho Đức Hồng Y Zuppi - trong những tháng gần đây; đặc biệt họ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đấu trường La Mã với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất tham gia sự kiện này, phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.

Magister nhớ lại rằng trong các mật nghị năm 1978, 2005 và 2013, “các thành viên của Cộng đồng Thánh Egidio đã cố gắng kèo lái kết quả” nhưng “lần nào cũng không thành công”, có lẽ vì khi nâng cao thế giá của một ứng cử viên được ưu ái, họ đã đẩy ngài mạnh quá và nhanh quá và các Hồng Y cử tri trở nên nghi ngờ. Người Rôma có câu nói nổi tiếng này “Ai bước vào mật nghị với tư cách là giáo hoàng, sẽ trở ra với tư cách là một Hồng Y”

3. Nhìn lại năm 2021: Căng thẳng trong thế giới Chính Thống Giáo

Căng thẳng giữa Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga Kirill đã tăng lên một mức độ mới ngay từ những ngày đầu năm mới 2021, thậm chí là ngày trong ngày lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại trước ngày 15/12/2018, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Trong phiên họp ngày 15/12/2018, hai nhóm sau, cùng với hai vị Giám Mục của nhóm thứ nhất đã quyết định nhập lại thành một Giáo Hội duy nhất gọi là Chính Thống Giáo Ukraine dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko, nguyên là Tổng Giám Mục Pereyaslavsky và Bila Tserkva của Chính Thống Giáo Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Kiev.

Đức Thượng Phụ Serhii Petrovych Dumenko sinh ngày 3 tháng Hai, 1979 mới 39 tuổi đã được Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao cho Tomos, hay quyền tự trị, vào tháng Giêng 2019.

Đáp lại diễn biến này, Đức Tổng Giám Mục Alfeev Hilarion phụ trách Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ thành lập các giáo phận và giáo xứ Chính Thống Giáo Nga tại tất cả các lãnh thổ theo giáo luật là thuộc tòa Constantinople; và cuộc tranh chấp giữa hai tòa Mạc Tư Khoa và Constantinople sẽ mở rộng ra trên toàn thế giới và như thế Chính Thống Giáo không bao giờ trở lại như trước đây. Ngài cũng ra lệnh chấm dứt tất cả mọi hình thức hiệp thông Thánh Thể giữa các linh mục Chính Thống Giáo Nga và các linh mục thuộc tòa Constantinople. Đức Thượng Phụ Kirill cũng ra lệnh ngưng không cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trong các nghi thức Phụng Vụ.

Tình hình đã leo thang thêm một bước nữa sau khi Đức Thượng Phụ Kirill nói việc đền thờ Hagia Sofia bị mất vào tay người Hồi Giáo là bằng cớ cho thấy “Chúa phạt” Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô.

Trong lịch sử 1,500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul vốn là một đền thờ Công Giáo trước khi trở thành đền thờ Chính Thống Giáo sau cuộc đại ly giáo năm 1054. Sau đó, đền thờ này bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên tháng 7 năm ngoái 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai vào ngày 24/7/2020.

Bình luận về diễn biến này trong cuộc phỏng vấn với Rossia TV của Nga cuối tuần qua, Đức Thượng Phụ Kirill nói:

“Tôi không muốn thốt ra những lời chỉ trích đối với anh trai tôi ở Constantinople, nhưng chắc chắn rằng những gì vừa xảy ra ở Constantinople, ở Istanbul, là bằng chứng cho thấy ngài bị Chúa phạt. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa những kẻ ly giáo vào Nhà thờ linh thánh Sophia ở Kiev và rồi để mất Nhà thờ Sophia ở Constantinople vì giờ đây nó đã trở thành một đền thờ Hồi giáo. Tôi muốn mọi người suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Ngài đã lấy Nhà thờ Sophia ở Kiev từ tay những người Chính thống giáo, từ tay Giáo Hội Chính thống, ngài đã đến đó và mang theo những người ly giáo, và rồi ngài đánh mất Nhà thờ Sophia của chính mình… Tôi tin rằng thật khó có thể tưởng tượng bất kỳ hậu quả nào có tính cách rõ ràng, xảy ra nhanh chóng hơn vì tội lỗi này quá lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải cùng nhau thoát ra khỏi điều này. Chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, ít nhất là trong những lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta, nếu điều này bây giờ hầu như không thể xảy ra trong việc thờ phượng công cộng vì chúng ta không còn cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Constantinople trong Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, hãy cầu nguyện cho nhau, chúng ta phải và làm tất cả những gì trong khả năng của chúng ta để cuộc khủng hoảng này trong thế giới Chính thống giáo kết thúc càng nhanh càng tốt. Giáo hội Nga đã sẵn sàng chuẩn bị bước đi trên con đường này để đạt được mục tiêu này.”


Source:Moscow Patriarch
 
Cùng cầu cho thế giới, cho nhân loại hòa bình: Giáo Hội giữa những bách hại khắp nơi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:32 21/12/2021


1. Giáo Hội tại Hoa Lục tiếp tục bị bách hại thẳng tay

Việc ký kết Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018 và được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, đã không ngăn chặn được cuộc đàn áp người Công Giáo Trung Quốc, đặc biệt là anh chị em giáo dân thầm lặng.

Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” và “uống trà”, từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát bắt vị giám mục. Bị ngược đãi như Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎), giám mục tiên khởi của Ôn Châu, Đức Cha Phêrô Thiệu thường bị bắt đi tẩy não để thúc đẩy ngài gia nhập Giáo Hội “quốc doanh”, do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国) là một ví dụ khác. Ngài thường xuyên bị quản thúc tại gia. Cũng có những giám mục khác phải chịu nhiều sự quấy rối khác nhau, chẳng hạn như Đức Cha Quách Hy Cẩm (Guo Xijin, 郭锡进); và các giám mục buộc phải tham gia các phiên họp chính trị như Đức Cha Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Nghiêm trọng nhất là trường hợp Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦). Cuối tháng 10 vừa qua, ngài vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.

2. 112 vụ phá hoại nhắm vào các giáo xứ Công Giáo trên đất Mỹ

Từ tháng 5 năm 2020, sau khi xảy ra vụ George Floyd, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bắt đầu theo dõi các vụ tấn công, đốt phá, và vẽ bậy tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 10 đánh dấu sự cố thứ 100: satan và những hình vẽ bậy bạ đầy thù hận khác được vẽ nguệch ngoạc trên tường trước Thánh lễ Chúa Nhật tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver, Colorado.

Trong một diễn biến mới nhất, cảnh sát đang yêu cầu công chúng giúp đỡ trong việc xác định một kẻ phá hoại bị ghi hình trên camera giám sát làm hư hại bức tượng Đức Mẹ Fatima bên ngoài đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào ngày 5 tháng 12.

Cảnh sát đã công bố đoạn phim giám sát đen trắng về vụ việc cho thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đến gần tượng Đức Mẹ lúc 10:58 tối. Người đàn ông bước lên tượng, rút một cây búa hay một công cụ tương tự, và dường như tấn công vào tay của Đức Mẹ. Hắn ta leo xuống rồi sau đó bước lên một lần nữa và liên tục đánh mạnh vào mặt tượng Đức Mẹ, làm bay những mảnh đá cẩm thạch. Hắn định bỏ đi, nhưng không thấy ai thì quay lại để nhặt và mang đi đôi bàn tay bị chặt của bức tượng.

Bức tượng, được làm từ đá cẩm thạch Carrara và trị giá 250,000 đô la, nằm trong Khu vườn Đi bộ Đọc Kinh Mân Côi của đền thánh Đức Mẹ Quốc Gia. Nhân viên an ninh đã phát hiện ra thiệt hại khi mở cửa đền thánh Đức Mẹ vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng Mười Hai.

Đức Hồng Y Timothy M. Dolan của New York, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, và Đức Tổng Giám Mục Paul S. Coakley của Thành phố Oklahoma, chủ tịch Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn của USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Những vụ phá hoại này giao động từ bi thảm đến tục tĩu, từ minh bạch đến không thể giải thích được. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về hiện tượng này, nhưng ít nhất, chúng nhấn mạnh rằng xã hội của chúng ta đang rất cần ân sủng của Thiên Chúa”.

“Trong mọi trường hợp, chúng ta phải tiếp cận với thủ phạm bằng lời cầu nguyện và sự tha thứ. Đúng là trong một số trường hợp động cơ là sự đáp trả cho một số lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải hòa giải. Cũng có các trường hợp trong đó có sự hiểu lầm về giáo lý của chúng ta, gây ra sự tức giận đối với chúng ta, trong những trường hợp như thế, chúng ta phải cung cấp sự giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, những trò phá hủy này phải dừng lại. Đây không phải là cách.”

“Chúng tôi kêu gọi các quan chức được bầu của chúng tôi bước ra và lên án những vụ tấn công này. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan thực thi pháp luật của chúng ta đã điều tra những vụ này và thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn tổn hại thêm. Chúng tôi cũng kêu gọi các thành viên cộng đồng giúp đỡ. Đây không phải là tội phạm tài sản đơn thuần - đây là sự tấn công nhằm hạ giảm những biểu hiện hữu hình đức tin Công Giáo của chúng ta. Đây là những hành động gây thù hận”.

Ủy ban Tự do Tôn giáo của USCCB và Ủy ban Công lý quốc nội và Phát triển Nhân văn trước đây đã ban hành một tuyên bố về hành vi phá hoại các ngôi thánh đường vào ngày 22 tháng 7 năm 2020.

Dự án “Chữa lành vẻ đẹp” của Ủy ban Tự do Tôn giáo, được khởi động để phản ứng với việc phá hủy các bức tượng Công Giáo, có các videos từ các giáo phận khác nhau thảo luận về tầm quan trọng của nghệ thuật thánh.

Các ủy ban đang vận động để tăng cường tài trợ cho Chương trình Tài trợ An ninh Phi lợi nhuận của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

3. Nhìn lại năm 2021: Rắc rối rất lớn tại Canada về các trường nội trú dành cho người bản địa

Các nhà lãnh đạo Công Giáo, dân sự và bộ tộc trên khắp Canada đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ có chuyến tông du tới Canada trong tương lai.

“Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một chuyến tông du đến Canada, trong bối cảnh của tiến trình mục vụ lâu dài là hòa giải với các dân tộc bản địa,” một tuyên bố từ Vatican ngày 27 tháng 10 cho biết “Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm đất nước vào một ngày nào đó để các vấn đề được giải quyết thỏa đáng”.

Một thông cáo báo chí từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, sau thông báo này cho biết các giám mục “biết ơn” khi biết rằng lời mời của các ngài đã được chấp nhận.

Chủ tịch CCCB là Đức Cha Raymond Poisson, Giám Mục của Saint-Jérôme và Mont- Laurier nói:

“Chúng tôi cầu nguyện để chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hòa giải và hàn gắn.”

Ngoài lời xin lỗi, các nhà lãnh đạo Bản địa có kế hoạch yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ tất cả các hồ sơ liên quan đến các trường học dân cư và trả lại bất kỳ vật phẩm bản địa nào từ Canada mà Vatican có thể sở hữu trong kho lưu trữ của mình.

“Chúng tôi sẽ mời phái đoàn gồm những người bản địa sống sót, những người cao tuổi, những người gìn giữ tri thức và thanh niên gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô để mở lòng với Đức Thánh Cha và chia sẻ cả những đau khổ cũng như hy vọng và mong muốn của họ về chuyến thăm của ngài tới Canada”, Đức Cha Poisson nói thêm.

Ý tưởng về một chuyến thăm mục vụ đến Canada đã được thảo luận trong nhiều tháng, và CCCB gần đây đã cam kết “làm việc với Tòa thánh và các đối tác Bản địa về khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm mục vụ tới Canada.”

“Sau khi cam kết này được thông báo sau ba năm đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Canada, Tòa thánh và Người bản địa, Chủ tịch và cựu Chủ tịch CCCB đã gặp Ngoại trưởng Tòa thánh tại Rôma để thảo luận về các bước tiếp theo trên hành trình hòa giải vào đầu tháng này và để chuẩn bị cho phái đoàn”, các giám mục nói.

Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Canada là vào năm 2002.

Bộ trưởng Bộ Quan Hệ Giữa Chính Quyền Và Người Bản Địa mới được bổ nhiệm Marc Miller bày tỏ hy vọng hôm thứ Tư rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự chữa lành cho những người bị tổn thương.

Miller, người tự mô tả mình “không phải là một người Công Giáo,” nói rằng “trong kế hoạch lớn về cái mà chúng ta gọi là hòa giải, tôi nghĩ, đối với những người bản địa, việc nhận thức đầy đủ về những tổn hại gây ra là điều đã được chờ đợi từ lâu.”

Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người Công Giáo, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội đối với hệ thống trường dành cho người bản địa của Canada. Giáo hoàng từ chối đưa ra lời xin lỗi, nhưng đã nhiều lần bày tỏ “nỗi buồn” trước những hành động tàn bạo khác nhau xảy ra tại các trường học do Giáo hội quản lý.

Từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:

Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.

Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.

Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.

Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.

Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.
 
Sứ điệp ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2022 của ĐTC Phanxicô. Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2022
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:58 21/12/2021

Hôm 21 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 của Đức Thánh Cha Phanxicô, được cử hành vào ngày đầu Năm Mới, 1 tháng Giêng năm 2022. Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

Bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


1. “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người công bố bình an” (Is 52: 7).

Những lời của tiên tri Isaia đề cập đến niềm an ủi; những lời ấy nói lên tiếng thở phào nhẹ nhõm của một dân tộc lưu vong, mệt mỏi vì bạo lực và áp bức, phải chịu đựng sự căm phẫn và chết chóc. Tiên tri Barúc đã thắc mắc: “Israel hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù, phải hao mòn nơi xứ lạ quê người? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ?” (3: 10-11). Đối với người dân Israel, sự xuất hiện của sứ giả hòa bình mang ý nghĩa hứa hẹn về sự tái sinh từ đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu cho một tương lai tươi sáng.

Ngày nay, con đường hòa bình, mà Thánh Phaolô Đệ Lục gọi bằng danh xưng mới là phát triển toàn diện, [1] vẫn còn xa xôi một cách đáng buồn với cuộc sống thực của nhiều người nam nữ, nghĩa là với gia đình nhân loại của chúng ta, hiện đã hoàn toàn gắn kết với nhau. Bất chấp cơ man các nỗ lực hướng đến tiến trình đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng. Trong khi các căn bệnh theo tỷ lệ đại dịch đang lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm cảnh đói khát ngày càng gia tăng, và mô hình kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân thay vì liên đới chia sẻ tiếp tục thịnh hành. Như trong thời của các vị tiên tri xa xưa thế nào, thì trong thời đại của chúng ta cũng vậy, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất [2] không ngừng vang lên, cầu xin công lý và hòa bình.

Trong mọi thời đại, hòa bình vừa là ân sủng từ trên cao vừa là hoa trái của dấn thân chia sẻ. Thật vậy, chúng ta có thể nói về một “kiến trúc” của hòa bình, trong đó các thể chế khác nhau của xã hội đóng góp vào, và về một “nghệ thuật” của hòa bình liên quan trực tiếp đến mỗi người chúng ta. [3] Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ trái tim của các cá nhân và các mối quan hệ trong gia đình, sau đó là trong xã hội và với môi trường, và tiến tới mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia.

Ở đây, tôi muốn đề xuất ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài. Thứ nhất, đối thoại giữa các thế hệ làm cơ sở cho việc hiện thực hóa các dự án chia sẻ. Thứ hai, giáo dục như một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, công ăn việc làm như một phương tiện để hiện thức hóa đầy đủ phẩm giá của con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để “có thể tạo ra một giao ước xã hội”, [4] nếu không có giao ước ấy thì mọi dự án hòa bình đều trở nên vô ích.

2. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị bao trùm bởi một trận đại dịch đã tạo ra những vấn đề chưa kể xiết, “một số người cố gắng trốn chạy khỏi thực tế, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng lại bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ”. [5]

Tất cả các cuộc đối thoại trung thực, ngoài sự trao đổi quan điểm đúng đắn và tích cực, còn đòi hỏi sự tin tưởng cơ bản giữa những người tham gia. Chúng ta cần học cách lấy lại sự tin tưởng lẫn nhau này. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã làm gia tăng cảm giác bị cô lập và xu hướng tự hấp thụ của chúng ta. Đối ứng với sự cô đơn nơi người già, là cảm giác bơ vơ và thiếu tầm nhìn chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng thực sự rất đau đớn, nhưng nó cũng giúp mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người. Thật vậy, trong trận đại dịch này, chúng ta đã bắt gặp những tấm gương nhân ái, chia sẻ và đoàn kết một cách quảng đại ở mọi nơi trên thế giới.

Đối thoại đòi hỏi sự lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến thống nhất và cùng nhau bước đi. Thúc đẩy cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ bao gồm việc phá bỏ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự thờ ơ ngõ hầu có thể gieo hạt giống của một nền hòa bình lâu dài và chia sẻ.

Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng các cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta cho thấy nhu cầu cấp thiết về mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Người trẻ cần trí tuệ và kinh nghiệm của người già, còn những người cao tuổi lại cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ.

Những thách thức xã hội lớn và các tiến trình hòa bình nhất thiết đòi hỏi sự đối thoại giữa những người lưu giữ ký ức - là những người già - và những người đưa lịch sử tiến lên – là những người trẻ. Mỗi người phải sẵn sàng nhường chỗ cho người khác và không khăng khăng muốn độc chiếm toàn bộ khung cảnh bằng cách theo đuổi tư lợi trước mắt của riêng mình, như thể không hề có quá khứ và cũng chẳng hề có tương lai. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang trải qua cho thấy rõ ràng rằng cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ phải là động lực thúc đẩy một nền chính trị lành mạnh, điều đó không phải là hài lòng trong việc quản lý hiện tại “bằng các giải pháp từng phần hoặc các sửa chữa tạm bợ”, [6] mà xem bản thân chính trị như một hình thức nổi bật của tình yêu đối với người khác, [7] trong việc tìm kiếm các dự án được chia sẻ và bền vững cho tương lai.

Nếu giữa những khó khăn, chúng ta có thể thực hành kiểu đối thoại giữa các thế hệ này, “chúng ta có thể bám rễ vững chắc vào hiện tại, và từ đây, nhìn lại quá khứ và nhìn về tương lai. Nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm và chữa lành những vết thương cũ mà đôi khi chúng ta vẫn còn trăn trở. Nhìn về tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của chúng ta, khiến ước mơ xuất hiện, đánh thức những lời tiên tri và giúp hy vọng nở rộ. Cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”. [8] Vì không có rễ, làm sao cây cối sinh trưởng và kết trái?

Chỉ cần nghĩ đến việc chăm sóc cho ngôi nhà chung, chúng ta cũng đã có thể nhận ra vấn đề. Trên thực tế, môi trường “cho từng thế hệ vay mượn, rồi thế hệ này phải chuyển giao nó cho thế hệ sau”. [9] Chúng ta nên đánh giá cao và khuyến khích tất cả những người trẻ tuổi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, một thế giới cẩn thận trong việc bảo vệ thiên nhiên được giao phó cho sự quản lý của chúng ta. Họ làm việc này với sự bồn chồn, nhiệt tình và hơn hết là tinh thần trách nhiệm trước sự thay đổi phương hướng khẩn cấp [10] trước những thách thức nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường xã hội hiện nay. [11]

Mặt khác, cơ hội để cùng nhau xây dựng những nẻo đường hòa bình không thể bỏ qua giáo dục và lao động, vốn là những điều kiện và bối cảnh đặc quyền cho đối thoại giữa các thế hệ. Giáo dục cung cấp ngữ pháp để đối thoại giữa các thế hệ, và trong kinh nghiệm lao động, những người nam nữ thuộc các thế hệ khác nhau thấy mình có thể hợp tác và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng vì lợi ích chung.

3. Giảng dạy và giáo dục như những động lực của hòa bình

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo đã giảm đáng kể trên toàn thế giới; người ta xem chúng là những chi tiêu hơn là các khoản đầu tư. Tuy nhiên, chúng là phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người; chúng làm cho các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm hơn, và chúng rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Nói một cách dễ hiểu, giảng dạy và giáo dục là nền tảng của một xã hội dân sự gắn kết có khả năng tạo ra hy vọng, thịnh vượng và tiến bộ.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự đã tăng vượt quá mức vào cuối Chiến tranh Lạnh và chúng dường như chắc chắn sẽ tăng lên một cách quá đáng. [12]

Do đó, đã đến lúc các chính phủ phải đề ra các chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ ngân quỹ công dành cho giáo dục và vũ khí. Việc theo đuổi một quá trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự sẽ chứng tỏ có lợi cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia, giải phóng các nguồn tài chính, để có thể được sử dụng tốt hơn cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chăm sóc đất đai, v.v.

Tôi hy vọng rằng đầu tư vào giáo dục cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy văn hóa chăm sóc [13], mà trước những chia rẽ xã hội và các thể chế thờ ơ, có thể trở thành một ngôn ngữ chung để phá bỏ các rào cản và xây dựng cầu nối. “Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi đối thoại mang tính xây dựng diễn ra giữa nhiều thành phần văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa thanh niên, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”. [14] Do đó, điều cần thiết là phải xây dựng một mô hình văn hóa mới thông qua “một hiệp ước toàn cầu về giáo dục cho và với các thế hệ tương lai, một hiệp ước hướng đến các gia đình, cộng đồng, trường học, trường đại học, tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại, và hướng đến sự đào tạo của những người nam nữ trưởng thành”. [15] Chúng ta cần một chương trình tổng hợp có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường. [16]

Bằng cách đầu tư vào việc giáo dục và đào tạo các thế hệ trẻ, chúng ta có thể giúp họ - thông qua một chương trình đào tạo tập trung - có vị trí xứng đáng trên thị trường lao động. [17]

4. Tạo ra và bảo đảm công ăn việc làm kiến tạo hòa bình

Lao động là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và giữ gìn hòa bình. Đó là sự thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc vì ai đó. Nhìn ở góc độ xã hội rõ ràng này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp của mình cho một thế giới tươi đẹp và đáng sống hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; những người lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người trong số những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu lại thiếu các hồ sơ xã hội và chính trị [để có thể kiếm được công ăn việc làm]; và trong nhiều trường hợp, việc dạy học từ xa đã dẫn đến tình trạng khiếm khuyết trong học tập và chậm hoàn thành chương trình học. Hơn nữa, những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp gần đây hiện đang đối mặt với các triển vọng ảm đạm.

Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế phi chính thức, vốn thường liên quan đến lao động nhập cư, đã rất nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ thậm chí không được pháp luật quốc gia công nhận; như thể họ không tồn tại. Họ và gia đình phải sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh, là con mồi cho nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào bảo vệ họ. Hiện chỉ có một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội, hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống này theo những cách thức hạn chế. Bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và cản trở sự phát triển của công ích. Câu trả lời duy nhất cho điều này là sự mở rộng của các cơ hội việc làm phù hợp với phẩm giá.

Trên thực tế, lao động là nền tảng để xây dựng công bằng và tình đoàn kết trong mọi cộng đồng. Vì lý do này, mục tiêu của chúng ta không nên là “tiến bộ công nghệ ngày càng thay thế công việc của con người, vì điều này sẽ gây bất lợi cho nhân loại. Công việc là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân”. [18] Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực của mình để tạo ra các giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội, thông qua công việc của họ, đóng góp cho cuộc sống của gia đình họ và của toàn xã hội.

Điều cấp bách hơn bao giờ hết là thúc đẩy, trên khắp thế giới của chúng ta, các điều kiện làm việc đàng hoàng và xứng đáng với phẩm giá, hướng đến lợi ích chung và bảo vệ thiên nhiên. Quyền tự do của các sáng kiến kinh doanh cần được bảo đảm và hỗ trợ; đồng thời, phải nỗ lực khuyến khích ý thức trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất.

Vì vậy, cần phải thúc đẩy, hoan nghênh và hỗ trợ các sáng kiến, ở tất cả các cấp, kêu gọi các công ty tôn trọng các nhân quyền cơ bản của người lao động, nâng cao nhận thức không chỉ của các tổ chức, mà còn của người tiêu dùng, xã hội dân sự và các thực thể doanh nhân. Khi các doanh nhân càng ý thức được vai trò của mình trong xã hội, họ sẽ càng trở thành những người tôn trọng phẩm giá con người. Bằng cách này, họ sẽ góp phần xây dựng hòa bình. Ở đây, chính trị được kêu gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy sự cân bằng thích đáng giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, bắt đầu từ những công nhân và doanh nhân Công Giáo, đều có thể tìm thấy những hướng dẫn chắc chắn trong học thuyết xã hội của Giáo hội.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta tìm cách kết hợp những nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi xin lặp lại lời cảm ơn tới tất cả những người tiếp tục làm việc với lòng hảo tâm và trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục, an toàn và bảo vệ quyền lợi, trong việc cung cấp dịch vụ y tế, tạo điều kiện gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình và bệnh nhân, và hỗ trợ kinh tế cho những người khó khăn và những người bị mất việc làm. Tôi tiếp tục nhớ đến các nạn nhân và gia đình của họ trong những lời cầu nguyện của tôi.

Đối với các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị và xã hội, các linh mục và nhân viên mục vụ, cũng như đối với tất cả những người nam nữ có thiện chí, tôi đưa ra lời kêu gọi này: chúng ta hãy đồng hành cùng nhau với lòng can đảm và trí sáng tạo trên con đường đối thoại giữa các thế hệ, cung ứng giáo dục và công ăn việc làm. Cầu mong cho ngày càng nhiều những người nam nữ phấn đấu hàng ngày, với sự khiêm tốn thầm lặng và lòng dũng cảm, trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Và cầu mong họ luôn được soi dẫn và được đồng hành với các phước lành của Thiên Chúa bình an!

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2021

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] Xem Thông điệp Populorum Progressio – Phát triển các dân nước (ngày 26 tháng 3 năm 1967), 76ff.
[2] Xem Thông điệp Laudato Si '(24 tháng 5, 2015), 49.
[3] Xem Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 231.
[4] Thượng dẫn, 218.
[5] Thượng dẫn, 199.
[6] Thượng dẫn, 179.
[7] Thượng dẫn, 180.
[8] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit (25 tháng 3 năm 2019), 199.
[9] Thông điệp Laudato Si ', 159.
[10] Thượng dẫn, 163; 202.
[11] Thượng dẫn, 139.
[12] Xem Thông điệp gửi tới các bên tham gia Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 4, ngày 11-13 / 11/2021.
[13] Xem Thông điệp Laudato Si '(24 tháng 5, 2015), 231; Thông điệp cho Ngày hòa bình thế giới năm 2021: Văn hóa coi trọng như một con đường dẫn đến hòa bình (8 tháng 12 năm 2020).
[14] Thông điệp Fratelli Tutti (ngày 3 tháng 10 năm 2020), 199.
[15] Xem Thông điệp video cho Hiệp ước toàn cầu về giáo dục: Cùng nhau nhìn xa hơn (15 tháng 10 năm 2020).
[16] Xem Thông điệp video cho Hội nghị thượng đỉnh về tham vọng khí hậu ảo cấp cao (ngày 13 tháng 12 năm 2020).
[17] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens – Lao động của con người (14 tháng 9 năm 1981), 18.
[18] Thông điệp Laudato Si '(ngày 24 tháng 5 năm 2015), 128.

Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana