Ngày 20-12-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tại sao Thiên Chúa xuống thế làm người ?
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
16:57 20/12/2018
Thánh Phanxicô Assissi quỳ bên hang đá, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh, ngài tự hỏi: tại sao Thiên Chúa quyền năng lại trở nên một em bé thấp hèn? Tại sao Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong hang lừa nghèo khó? Từ đó, ngài cảm thấy tâm hồn tràn ngập lòng yêu mến và không thể kiềm chế cảm xúc, ngài chạy ra các đường phố Assisi và kêu lên: “Anh chị em hãy yêu mến Chúa Hài Đồng, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thốt lên lời thán phục: “Thiên Chúa quá cao cả đến nỗi Người có thể trở nên bé nhỏ, quá toàn năng đến nỗi có thể trở nên yếu kém và để gặp gỡ ta như một đứa trẻ không có bảo vệ để ta có thể yêu mến Người”.

Tất cả ý nghĩa của lễ Giáng Sinh đều xoay quanh một đứa trẻ. Hài Nhi ấy là Thiên Chúa đã thật sự làm người, đã thật sự sinh ra trong hình hài một đứa trẻ, với cha mẹ là Giuse và Maria.Và đó là Tin Mừng mà thiên sứ đã trao cho những người chăn chiên: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11). Tin Mừng sứ thần loan báo cho các mục đồng tại làng Bêlem năm xưa thực sự là Tin Mừng cho nhân loại mọi nơi và mọi thời.

Thiên Chúa siêu việt đã trở thành một con người.Thiên Chúa vĩ đại, quyền uy đã hiện thân nơi một đứa trẻ bé bỏng mong manh, bọc tã, nằm trong máng cỏ.

Tại sao Thiên Chúa xuống thế làm người ?

Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa (năm 325) đã trả lời: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã đưa ra 4 lý do : là để cứu độ chúng ta, là để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, là để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta và là để chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLCG số 457-460).

1. Thiên Chúa sinh xuống làm người là để cứu độ loài người.

Các thiên thần báo tin cho các mục đồng tại Bêlem : “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, cũng là tin mừng cho cả toàn dân : hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Thánh Gioan tông đồ viết : “Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu Độ thế gian” (1Ga 4,14).

Từ nay,Thiên Chúa không còn đến với con người qua trung gian mà là Con Một được tặng ban cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không chỉ là lời hứa mà bằng chính nghĩa cử cao đẹp Ngôi Lời nhập thể. Từ nay, lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi Một Hài Nhi đã sinh ra. Lời hứa ngọt ngào từ thưở địa đàng khi Nguyên Tổ sa ngã đánh rơi khỏi tầm tay trái táo hạnh phúc (St 3,15). Rồi trải qua hàng ngàn năm bằng sự loan báo của các Ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn mãi lời hứa tình yêu cứu độ.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.

Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.

2. Thiên Chúa sinh xuống làm người để giúp con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa.

Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được và do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan viết tiếp : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9).

Nếu tội tổ tông gây tác hại là làm mất tình trạng ơn phúc và để cho tội lỗi lẻn vào thế giới, từ đó đau khổ và sự chết mặc sức hoành hành. Hài Nhi Giêsu sinh đến trong xác phàm lại là khởi đầu một mùa giải thoát. Hết rồi đêm tối vì Hài Nhi là ánh sáng. Hết rồi lỗi tội vì Hài Nhi là thánh ân. Hết rồi chết chóc vì Hài Nhi là nguồn sống. Hết rồi sầu muộn vì Hài Nhi là thiên đàng. Như vậy, khi xuống thế, Thiên Chúa đã đem thiên đàng vào cõi trần gian, để mối tình trời đất bị cắt đứt bao đời lại được kết nối một cách mầu nhiệm cho vinh danh trời cao và cho an bình dưới thế.

Tình yêu Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14,10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.

Trong ba năm rao giảng công khai, Ngài đã luôn gần gũi với những người nghèo hèn trong xã hội, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ và ưu tiên rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho những người bé nhỏ, những người bị bỏ rơi.Điều kỳ diệu và tuyệt vời là chính Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã có thể trở thành tương đối, thấp hèn, bạn với quân thu thuế với phường tội lỗi, cuối cùng phải chết khổ hình. Nơi Đức Giêsu, sự uy nghi của Thiên Chúa tỏ hiện trong khiêm tốn và yếu đuối cách nghịch thường. Điều đó, sự khôn ngoan của bậc hiền triết không lý giải được, nhưng nói như Pascal, trái tim lại hiểu được vì nó có lý lẽ riêng của nó. Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người ta sấp mình thờ lạy mà không dám nhìn đến tôn nhan, không dám gọi tên mà chỉ dám cầu xin với niềm sợ hải. Thiên Chúa của Đức Giêsu dễ gần, dễ thấy, dễ quen. Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ. Chính Ngôi Lời làm người đã chọn máng cỏ làm tổ ấm lúc chào đời, đã chọn xóm làng Nadarét làm nơi sinh sống, đã chọn những kẻ thấp hèn trong xã hội làm bầu bạn, đã quỳ gối rửa chân cho các môn đệ, rồi chọn cây thập giá làm giường khi chết cùng với hai kẻ cướp làm bạn đồng hành đi vào thế giới bên kia. Thiên Chúa làm người đã chọn nhà Giakêu để tạm trú, chọn người thiếu phụ Samari để gặp gỡ đối thoại, đã chấp nhận cử chỉ biết ơn của người phụ nữ tội lỗi Mađalêna, đã chọn kẻ trộm lành làm ứng viên đầu tiên vào Thiên Đàng, đã chọn Phaolô kẻ bắt bớ Giáo hội làm Tông Đồ Dân Ngoại...Ngài chính là Thiên Chúa yêu thương.

3. Thiên Chúa sinh xuống làm người để trở thành mẫu mực thánh thiện cho con người.

"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha nhân hậu giàu lòng xót thương.

Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Chúa Giêsu đã dạy con người phải sống thánh thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Chúa Giêsu, một con người thánh thiện không có một dấu vết tội lỗi nào. Chính Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống đã làm người, giống chúng ta mọi phần, chỉ trừ tội lỗi. (Dt 4,15). Ngài dạy cho nhân loại con đường thánh thiện, và nêu gương thánh thiện. Vì thế, Ngài đã có thể nói : “Hãy học cùng tôi” (Mt 11,29). Khuôn mẫu thánh thiện mà Ngài để lại cho chúng ta được biểu lộ một cách rõ ràng qua tình yêu của Ngài đối với chúng ta, vì tình yêu là cốt lõi của lề luật. Vì thế Ngài dạy rằng : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Nơi Thiên Chúa, tình yêu và sự thánh thiện là một, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và đồng thời cũng là Đấng Thánh.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: "Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người" (GH 11,3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu.

4. Thiên Chúa sinh xuống làm người để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.

Thánh Irénée đã nói về Đức Kitô rằng : "Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người". Đó không phải là một sự thần hóa thật sự và trọn vẹn trong Con Thiên Chúa nhập thể sao? Về sau, Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) đã làm biến đổi suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết : "Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa". Nhà thần học Karl Rahner viết :"Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa", để con người trở thành con Thiên Chúa, với món quà tuyệt vời: “Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa..." ( 2Pr 1,4).

Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện. Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại.Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người được thông phần bản tính Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngôi Lời làm người mang lấy bản tính nhân loại và làm cho bản tính ấy được thông phần bản tính Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, Ngài đã tự nguyện sinh ra làm con loài người để loài người trở thành con Thiên Chúa nhờ kết hợp với Ngài. Từ khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã tự đồng hóa mình với mỗi người trong nhân loại. Từ đây, phẩm giá của con người được nhìn nhận không chỉ vì họ là con người vượt trên mọi loài, nhưng còn vì họ là con Thiên Chúa.

Tin Mừng Giáng Sinh nâng cao phẩm giá con người ngay từ khi được cưu mang trong dạ mẹ và vừa mới sinh ra. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta sẽ học được nhiều bài học về Sự Thật, Tự Do, Công Lý, Hoà Bình và Tình Thương. Hài Nhi Giêsu đã mở ra triều đại của Công Lý Tình Thương trên “nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5-6). Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại.

Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang… Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi Nhà Thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’

Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kỳ Tích Về Kiến Trúc Và Mỹ Thuật Độc Đáo Của Thế Giới Tạo Dựng Bởi Lòng Biết Ơn Và Sùng Kính Đức Mẹ Của Một Linh Mục Di Dân
Anthony Nguyễn
12:46 20/12/2018
Lại thêm một mùa Giáng Sinh đang về trên khắp thế giới. Bộ mặt phố phường khắp các châu lục đang khoác lên vẻ rực rỡ lấp lánh của các vật dụng trang trí mừng ngày sinh của một hài nhi nghèo ở Bethlem đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, trờ thành một lễ hội phổ thông nhất trong năm. Các cửa hàng mua sắm lại tấp nập người mua sắm quà tặng cho người thân, bè bạn. Trên những phương tiện truyền thông lại rộn rã vang lên những khúc hát đầy ý nghĩa của ngày Đấng Cứu Thế ra đời. Một trong những bài hát được mọi người yêu chuộng nhất là bài Chú Bé Đánh Trống (Little Drummer Boy) được nữ nhạc sĩ Katherine K. Davis sáng tác vào năm 1941, nổi tiếng không những vì giai điệu du dương trầm bổng mà còn vì ý nghĩa thâm sâu, thấm đẫm trong từng lời nhạc. Bài hát nói về truyền thuyết một chú bé nghèo, người đến viếng thăm hài đồng Giê Su nơi máng cỏ Bê Lem. Chú bé bối rối vì không có gì đem đến tặng cho hài nhi như các cư dân trong vùng thường làm. Nhưng chú có chút tài mọn là đáng trống. Và được sự hưởng ứng của Đức Mẹ Maria, chú đã trổ hết tài nghệ của mình ra để làm quà cho người mà chú quý mến, và chú cho rằng hài nhi trong máng cỏ đã "mỉm cười với tôi".

Truyền thuyết về chú bé nghèo, chỉ biết đánh trống để thể hiện lòng yêu mến và cung kính với Đấng Cứu Thế đã gây hứng khởi cho Katherine K. Davis viết thành một tuyệt tác âm nhạc thuộc hạng "để đời". Bài Chú Bé Đánh Trống đã trở thành "top hit" qua bao nhiêu năm, kể từ khi nó được cho chào đời cho đến nay.

Có một câu chuyện khác cũng về lòng yêu mến và biết ơn của một cha xứ nghèo ở tiểu bang Iowa thuộc vùng trung Mỹ dành cho Đức Mẹ và cũng đã tạo nên một kỳ công bất tử. Đó là cha Paul Matthias Dobberstein, một di dân người gốc Đức. Cha Dobberstein đến Mỹ năm 1892 lúc ngài 20 tuổi và gia nhập chủng viện thánh Phan xi cô tại thành phố Milwaukee, tiểu bang Wisconsin. Trong thời gian theo học ở chủng viện, một biến cố đã xảy ra cho cha Dobberstein và chính biến cố này đã tạo hứng khởi cho ngài suốt đời theo đuổi một mục đích đã đặt ra cho mình để bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ và những ơn lành Mẹ đã ban cho ngài: cha bị chứng sưng phổi nặng tưởng chết. Cha hết lòng cầu nguyện, và hứa sẽ dành trọn cuộc đời còn lại của ngài để xây dựng một đền thờ vinh danh Đức Mẹ như một cử chỉ biết ơn ngài dành cho Mẹ Thiên Chúa nếu ngài sống còn. Và thực tế đã chứng minh là ngài đã thực hiện lời hứa ấy một cách trọn vẹn sau khi hồi phục từ cơn bệnh hiểu nghèo, hoàn tất các môn học, thụ phong linh mục ngày 30 tháng Sáu năm 1897 và về nhận xứ tại một miền quê chuyên nghề canh nông ở West Bend, tiểu bang Iowa.

Theo dữ liệu của Sở Thống Kê Hoa Kỳ, West Bend là một thành phố nhỏ nằm trải dài từ huyện Kossuth sang Palo Alto của tiểu bang Iowa. Với diện tích 0.9 dặm vuông (2.3 km²) và dân số chỉ vào khoảng 1000 người, Westbend thật sự chỉ là một vùng quê hẻo lánh ít ai biết đến hơn nhiều so với những thành phố lớn khác quanh khu vực như Des Moines nằm cách đó khoảng 2 giờ đồng hồ lái xe (140 dặm) về hướng Nam hoặc Minneapolis, 3 giờ lái xe (200 dặm) về hướng Bắc. Nhưng tại West Bend lại là nơi một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai trên thế giới mà không nơi nào có được, đó là Shrine of the Grotto of the Redemption, tạm dịch là Đền Thờ Hang Đá Cứu Chuộc.

Với 9 hang đá, mỗi hang đều được tạo dựng lên với kiến trúc và hình dáng riêng biệt, cộng thêm 14 đàng thánh giá rất trang trọng,uy nghi, quần thể tại West Bend, Iowa đã được bình chọn là "kỳ quan thứ 8 trên thế giới" vì lối kiến trúc độc đáo, một công trình làm hoàn toàn bằng sức người trải qua một khoảng thời gian rất dài gần một thế kỷ, là một bộ sưu tập đá thiên nhiên, gỗ hoá thạch, đá thiên nhiên, bán quý và quý kim. Các kim loại như vàng ròng, đá bán quý như hồng ngọc (ruby), lam ngọc (turquoise), lục ngọc (emerald), bích ngọc(sapphire) cho đến các loại đá bán quý như thạch anh hồng, tím, vàng, cho đến các loại đá mã não nguyên khối mà cha nhặt về tuy không có giá trị cao như những món hàng được bày bán ở các cửa hàng, nhưng đều là đá thật không được chế biến bởi hoá chất cho thêm phần nhuận sắc. Nói chung, đá thiên nhiên thời đó đều có thể tìm gặp trên các hang động, vách núi. Người ta chỉ việc nhặt về mà không tốn khoản tiền nào. Có những khối đá tảng, thạch nhũ mà cha đem về, so với giá thị trường bây giờ có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn, chục ngàn đồng là thường. Những thứ này hiện nay đã trở thành hàng "quốc cấm", tuyệt đối không được thu lượm hay đem ra khỏi các khu công viên quốc gia .Với mớ kiến thức thu thập được từ thời đi học về địa chất và kiến trúc, cha Dobbertein đã một mình một ngựa hoặc bắt xe lửa đi tìm kiếm, nhặt nhạnh , các loại đá quý, bán quý, thạch nhũ, gỗ hoá thạch từ khắp miền trung Mỹ sang dến khu vực Tây Bắc như South Dakota, Wyoming ...về làm chất liệu xây dựng.

Cha Dobberstein bắt tay vào công trình này ngay lập tức kể từ khi về nhận xứ, nhưng chỉ chủ yếu là đào móng và vẽ kế hoạch trong vòng 3 năm đầu. Sau đó, ngài lại vừa làm mục vụ, vừa lặng lẽ tích luỹ đá thiên nhiên và khoáng chất về chất đầy sân. Ngài làm việc liên lục như thế suốt 10 năm không nghỉ. Giáo dân thấy thế chạnh lòng thương, rủ nhau tiếp tay cho ngài làm việc. Một trong những người này là Matt Szerence, người đã tình nguyện trở thành "cánh tay phải" của cha Dobberstein từ sau khi ông tốt nghiệp trung học vào năm 1912. Từ đó hai cha con cứ hì hục làm việc từ sáng đến chiều với những tảng đá từ nhỏ đến lớn. Tảng nào không vừa thì lại đục, đẽo. Khi ghép xong một hoạ tiết thì phải trét loại xi măng đặc biệt vào để không bị trôi đi bởi mưa gió. Mùa đông đến, họ lại rút vào trong nhà để gắn những viên đá nhỏ vào thành những chùm hoa đá nhỏ khoảng 2 bàn tay người chụm lại, gọi là những "rosette", khi hết lạnh lại đem ra gắn lên trần hang. Từng bước, từng bước, họ đã xây dựng lên 9 hang động bằng đá như thế, mỗi hang đá là một đền thờ Đức Mẹ, các thánh cả, hoặc những diễn biến trong công cuộc cứu chuộc nhân loại của chúa Giê Su. Tất cả đều được làm với sự thận trọng, say mê, từng hoạ tiết được nắn nót bằng tay, cho đến năm 1947 mới sắm được một chiếc cần trục bằng điện. Nhưng có lẽ chính nhờ vào sự cần cù, kiên nhẫn và cẩn trọng này, đến nay công trình vẫn đứng vững với thời gian, dường như mưa gió, tuyết, sương, thậm chí kẻ trộm cũng khó làm cho kiến trúc này dễ dàng bị hao mòn hay thất thoát.

Cũng cần phải nói thêm là công trình độc đáo có một không hai trên thế giới của cha Dobberstein trong thời gian radio còn chưa trở nên thông dụng nhưng đã tạo một tiếng vang không nhỏ khắp nơi. Rất nhiều người, kẻ góp của, người góp sức cho cha có thêm động lực mà tiếp tục công việc. Năm 1946, khi ngài đã 74 tuổi, sức đã yếu, đức cha địa phận (Sioux City, Iowa) đã gởi cha Greving về xứ West Bend làm mục vụ thay cho ngài, và cũng để thêm người giúp ngài tiếp tục công trình xây hang đá vào năm 1946.

Cha Greving dường như cũng bị cuốn hút bởi những công việc hết sức ý nghĩa của vị tiền nhiệm, ngài đã bỏ hết công sức vừa phục vụ cộng đoàn lẫn gánh vác trọng trách hoàn tất hang đá sau khi cha Dobberstein qua đời vào ngày 24 tháng 7 năm 1954 (chỉ 3 ngày sau khi hiệp định Geneve tại Việt Nam được ký kết) và được chôn tại nghĩa trang giáo xứ cách hang đá khoảng nửa dặm về phía tây.

Trong suốt 50 sau khi cha Dobberstein từ trần, Cha Greving và Matt Szerensce - lúc này cũng đã thành một ông cụ- kiên trì làm việc cho đến ngày công trình hoàn tất. Tính cho đến khi ngài về hưu vào năm 1996, cha Greving đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ có tên là Nhà thờ Thánh Phê-rô và Phao-lô, một bảo tàng viện làm nơi trưng bày di vật của cha và cộng sự, cũng như những khối đá thiên nhiên đẹp và độc đáo đến nỗi nhiều du khách đến thưởng ngoạn sau này đều trầm trồ rằng đó là những báu vật vô giá không thể kiếm được ở đâu ra dù với rất nhiều tiền. Rất nhiều tặng vật như thế vẫn đang tiếp tục tìm về bảo tàng viện của Đền thờ West Bend này sau khi các nhân vật tạo ra nó đã qua đời như một cách để tiếp nối di sản của các bậc tiên phong khả kính đã một đời cống hiến tài năng và sức lực của mình cho việc vinh danh Chúa và Đức Mẹ. Các ngài hẳn sẽ rất vui mừng nếu chúng ta cùng tiếp tay với các ngài đến viếng thăm, góp sức duy trì và quảng bá đền thánh này cho mọi người được biết đến "danh Cha cả sáng". Cha Greving đã về với Chúa trong sự tiếc thương của bao người vào ngày 14 tháng Hai năm 2002. Ngài cũng được chôn tại cùng một nghĩa trang với cha Dobberstein để ngày ngày được chứng kiến các đoàn du khách lũ lượt kéo về thăm viếng công trình vĩ đại chất chứa đầy tình yêu thương và lòng biết ơn sâu xa dành cho Đức Mẹ Maria, Chúa Giê su và các vị thánh cả.

Du khách hoặc đoàn thể nào muốn đến thăm viếng hay cắm trại, tĩnh tâm tại đây xin liên lạc:

Hang Đá:

208 1st Avenue NW, West Bend, Iowa 50597

515-887-2371

515-887-5591 (Gift Shop)

515-887-2372

Hang đá mở cửa 24/7

Văn phòng làm việc 9am-5pm, từ thứ Hai- thứ Sáu.

Nhà thờ thánh Phê-rô và Phao-lô

206 1st Avenue NW, West Bend, Iowa 50597

515-887-3333

515-887-3334

sspp@ncn.net

http://www.westbendgrotto.com/history/
 
Giám Mục Phụ Tá TGP Los Angeles từ chức vì tai tiếng xâm phạm tình dục
Nguyễn Long Thao
12:58 20/12/2018
Vào ngày thứ Tư 20 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Giám Alexander Salazar, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles và Đức Tổng Giám Mục Los Angeles là Jose Gomez đã công bố một lá thư nêu chi tiết việc Giám Mục Phụ Tá bị cáo buộc lạm dụng tình dục vị thành niên

Đức TGM Gomez viết: Tôi rất tiếc phải thông báo với quý vị rằng vào năm 2005, một năm sau khi Đức Giám Mục Alexander Salazar được tấn phong giám mục, Tổng giáo phận đã được thông báo về về hành vi sai trái của Đức cha Salazar với trẻ vị thành niên. Mặc dù cáo buộc này không bao giờ được báo cáo trực tiếp với Tổng giáo phận, nhưng vấn đề đã được điều tra bởi cơ quan thi hành pháp luật vào năm 2002 nhưng Công Tố Viên quận hạt đã không truy tố.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói thêm: lời buộc tội bắt nguồn từ những hành vi sai trái cho là đã xảy ra vào những năm 1990 đang là linh mục giáo xứ, trước khi thụ phong Giám Mục.

Đức Tổng Giám Mục nói Tổng giáo phận đã trình báo cho Bộ Giáo Lý và Đức Tin của Tòa Thánh Vatican để Bộ điều tra và đưa ra biện pháp phòng ngừa đối với mục vụ của Đức cha Salazar.

Đức Tổng Giám Mục Gomez cũng đã đệ trình cáo buộc lên Hội đồng Giám Sát Độc Lập về Hành vi sai trái giáo sĩ của tổng giáo phận. Hội Đồng đã nhận thấy các cáo buộc là đáng tin cậy.

Đức TGM Gomez đã phúc trình về Tòa Thánh những kết luận của Hội Đồng và những khuyến nghị của riêng ngài về tình trạng của Giám mục Salazar

Nguyễn Long Thao
 
Ủy Ban của Vatican: tính khả tín của Giáo Hội bị đe dọa bởi việc lạm dụng tình dục
Vũ Văn An
19:40 20/12/2018
Bản tin của A.P. ngày 18 tháng 12 cho hay Vatican, hôm thứ Ba, đã cho công bố các chi tiết đầu tiên về cuộc họp thượng đỉnh ngăn ngừa lạm dụng tình dục được nhiều người mong chờ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thúc giục các vị giám mục tham dự cuộc họp phải gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng trước khi đi phó hội và mọi người phải chịu trách nhiệm trước đại nạn này.

Các chi tiết trên được đề cập trong một lá thư của Ủy Ban Tổ Chức Cuộc Họp Thượng Đỉnh. Lá thư này cảnh cáo các vị tham dự cuộc họp rằng không giải quyết cuộc khủng hoảng này, tính khả tín của Giáo Hội sẽ bị đe dọa khắp thế giới.



Như một bước đầu tiên, Ủy Ban thúc giục 130 chủ tịch các hội đồng giám mục quốc gia, tức các vị sẽ tham dự Cuộc Họp Thượng Đỉnh, gặp gỡ các nạn nhân tại chính đất nước họ “để tận mắt học biết sự đau khổ họ từng chịu đựng”.

Đức Phanxicô mời các nhà lãnh đạo Giáo Hội dự cuộc họp để khai triển một đáp ứng toàn diện cho điều đã trở thành mối đe dọa trầm trọng nhất đối với triều giáo hoàng của ngài, khi việc lạm dụng và tai tiếng che đậy mới xuất hiện lại tại Hoa Kỳ, Chile và nhiều nơi khác trong năm nay.

Các nạn nhân vốn hoài nghi không biết cuộc họp có thể đạt được những gì, vì thời gian có hạn, các kinh nghiệm và nhu cầu của các giáo hội lại khác nhau và sự kiện này nữa là vấn nạn đã được biết đến trong nhiều năm qua.

Barbara Dorris, một nạn nhân bị lạm dụng, người lâu nay vốn lớn tiếng bênh vực các nạn nhân, đặt câu hỏi “Phải chăng họ chỉ chạy vòng quanh đối với vấn nạn này? Trời đất, qúy vị từng ở đâu vậy?”

Ghi nhận rằng tai tiếng ở Hoa Kỳ đã xuất hiện từ năm 2001, cô bảo: “Đã 17 năm rồi. Nếu qúy vị chưa gặp các nạn nhân trong 17 năm, thì tôi nghĩ nguyên chuyện đó đã nói lên nhiều điều rồi”.

Khi tiết lộ các chi tiết đầu tiên của cuộc họp, Ủy Ban của Vatican nói cuộc họp sẽ tập chú vào ba lãnh vực: trách nhiệm, qui lỗi và minh bạch. Việc nhắc đến qui lỗi cho thấy các nhà lãnh đạo Giáo Hội sẽ đương đầu không những với các tội ác của các linh mục hiếp dâm và mò mẫm các vị thành niên, mà cả việc các bề trên của họ che đậy nữa.

Các nạn nhân bị lạm dụng và các người bênh vực họ từ lâu vốn chỉ trích Vatican đã không áp dụng kỷ luật và sa thải các giám mục không chịu bảo vệ đoàn chiên của họ, và cho tới gần đây, Đức Phanxicô dường như không sẵn lòng thay đổi đường hướng một cách có ý nghĩa.

Ngài bổ nhiệm 4 giáo sĩ chủ chốt để chuẩn bị cuộc họp: Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, một người được Đức Phanxicô bổ nhiệm và hết lòng ủng hộ ngài, Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai, một thành viên của nội các phi chính thức của ngài, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta và Cha Hans Zollner.

Lá thư của Ủy Ban Chuẩn Bị trên, gửi cho hàng giáo phẩm hoàn cầu, viết rằng:

“Thiếu một đáp ứng toàn diện và có tính cộng đồng, không những chúng ta thất bại, không đem chữa lành lại cho các nạn nhân, mà chính tính khả tín của Giáo Hội trong việc thi hành sứ mệnh của Chúa Kitô sẽ bị đe dọa khắp thế giới”.

Lá thư viết tiếp: “Mỗi người chúng ta cần nhận làm của riêng thách thức này, đến với nhau trong tình liên đới, khiêm nhường và thống hối để sửa chữa sự thiệt hại đã làm, chia sẻ cam kết chung về tính minh bạch và bắt mọi người trong Giáo Hội phải nhận lỗi”.

Lời kêu gọi của họ để các giám mục gặp gỡ các nạn nhân cho thấy nhiều vị trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội tiếp tục bác bỏ qui mô của vấn nạn và chưa hề gặp gỡ một nạn nhân. Một số hội đồng giám mục ở Châu Phi, chẳng hạn, chưa trả lời yêu cầu năm 2011 của Vatican trong việc khai triển các tập hướng dẫn để giải quyết vấn nạn này.

Phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, nói rằng việc gặp gỡ các nạn nhân “là cách cụ thể để đặt các nạn nhân lên trước nhất và nhìn nhận sự khiếp đảm của những gì đã xẩy ra”.

Hồi tháng Chín, Đức Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh, cho thấy ở chóp bu giới lãnh đạo Giáo Hội, đã có sự ý thức rằng việc lạm dụng của giáo sĩ là một nan đề hoàn cầu chứ không riêng của một nơi nào trên thế giới hay của các nước Tây Phương mà thôi.

Ngài làm thế khi cố gắng phục hồi việc xử lý vụng về tai tiếng ở Chile đầu năm nay khi ngài liên tiếp bác bỏ lời tố cáo của các nạn nhân đối với một linh mục ấu dâm khét tiếng ở đó và bênh vực vị giám mục che chở cho linh mục này.

Cuối cùng, Đức Phanxicô đã nhìn nhận là ngài sai lầm; ngài xin lỗi các nạn nhân và nhận đơn từ chức của mọi giám mục bị tố cáo ở nước này. Đức Phanxicô đưa ra hành động sau khi A.P. thách thức ngài trong vụ này và trưng bằng chứng cho thấy ngài có nhận được thư khiếu nại của các nạn nhân.

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô sau đó còn bị một cựu sứ thần Tòa Thánh tố cáo là chính Đức Giáo Hoàng đã phục hồi cựu Hồng Y người Mỹ nay đã thất sủng là Theodore McCarrick, người đã bị tố cáo là mò mẫm và xách nhiễu các chủng sinh đã trưởng thành. Đức Phanxicô chưa trả lời các tố cáo này, dù ngài đã ra lệnh mở cuộc điều tra giới hạn về chúng.

Kỳ vọng đối với cuộc họp thượng đỉnh tháng Hai, vốn đã cao sau một năm khủng hoảng, càng cao hơn nữa sau khi Vatican ngăn cản các giám mục Hoa Kỳ không đưa ra hành động nhằm áp đặt các biện pháp qui lỗi mới lên chính các ngài.

Vatican chưa bao giờ giải thích đầy đủ tại sao họ đã ngăn chặn các biện pháp của Hoa Kỳ, một phần do thiếu thông đạt thỉnh thoảng vẫn diễn ra ở Vatican.

Các chi tiết của cuộc họp thượng đỉnh được công bố cùng ngày với việc Vatican công bố việc cải tổ hoạt động truyền thông.

Đức Phanxicô bổ nhiệm ký giả kỳ cựu về Vatican là Andrea Tornielli làm giám đốc biên tập với nhiệm vụ phối trí các phương tiện truyền thông của Vatican.

Và ngài cũng mời nhà văn và giáo sư người Ý, Ông Andrea Monda, đứng đầu nhật báo của Vatican, tức tờ L’Osservatore Romano. Ông Monda thay thế Ông Giovanni Maria Vian, một sử gia giáo hội và là một nhà báo từng lãnh đạo nhật báo này từ năm 2007 và nay là chủ bút về hưu của nó.
 
Tòa Thánh và Việt Nam thỏa thuận về một đại diện thường trú tại Hà Nội ''trong một tương lai gần''
Vũ Văn An
22:04 20/12/2018
Tuyên bố tiếp sau phiên họp lần thứ bẩy của Nhóm Làm Việc Hỗn Hợp nhắc đến "các phát triển tích cực" trong các mối liên hệ. Về Giáo Hội Công Giáo địa phương, bản tuyên bố trích dẫn quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng "một người Công Giáo tốt cũng là một người công dân tốt".

Thành Vatican (AsiaNews) – Phiên họp lần thứ bẩy của Nhóm Làm Việc Hỗn Hợp của Việt Nam và Tòa Thánh đã diễn ra hôm qua tại Hà Nội "trong bầu không khí thân hữu và tôn trọng nhau". Điểm chính của bản tuyên bố dưới đây nhận định rằng sẽ có một sứ thần thường trú tại Hà Nội "trong một tương lai gần".

"Hai bên nghi nhận rằng các mối liên hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh mới đây đã chứng kiến nhiều phát triển tích cực, đặc biệt là việc duy trì các tiếp xúc và tham khảo thường xuyên ở mọi bình diện, kể cả các cuộc gặp gỡ cũng như trao đổi cao cấp như là thành phần các cuộc gặp gỡ của Nhóm Làm Việc Chung Việt Nam - Tòa Thánh và các cuộc thăm viếng Việt Nam của Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại Diện Không Thường Trú của Đức Giáo Hoàng".

"Hai bên thảo luận và đã đạt được một thỏa thuận về các vấn đề liên hệ hướng tới việc nâng cấp các mối liên hệ trong tương lai gần giữa Việt Nam và Tòa Thánh từ Đại Diện Không Thường Trú lên Đại Diện Thường Trú của Đức Giáo Hoàng. Họ có cùng niềm tin rằng bước đi này sẽ giúp cho các liên hệ giữa hai bên lớn mạnh và phát triển hơn nữa".

Về Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, mà hiện nay đại diện cho khoảng 7 phần trăm dân số, "hai bên nhắc lại sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gửi cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam phải 'sống Tin Mừng giữa lòng Dân Tộc' và 'một người Công Giáo tốt cũng là một người công dân tốt' như các nguyên tắc quan trọng cho đời sống của cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam".

"Toà Thánh tỏ ý đánh giá cao và biết ơn phía Việt Nam về sự lưu tâm mà các nhà cầm quyền Việt Nam đã dành cho Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam trong các năm gần đây. Tòa Thánh rất lưu ý tới đời sống Công Giáo phong phú và tích cực trong nước và khuyến khích Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam đóng góp vào ích chung và sự thịnh vượng của Việt Nam.

"Phiá Việt Nam nhắc lại rằng Đảng và Nhà Nước Việt Nam nhất quán thực thi và không mệt mỏi cải thiện khuôn khổ chính sách nhằm tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng Công Giáo hợp tác phù hợp với luật lệ Việt Nam, và tham gia tích cực vào việc phát triển và xây dựng kinh tế và xã hội".

Không thấy chính thức nhắc đến các vấn đề mà Giáo Hội Việt Nam đang đương đầu khi cố gắng bảo vệ các tài sản của mình trước sự tấn công liên tiếp của các nhà cầm quyền. Cũng không nhắc gì tới các biến cố vũ lực chống lại các cơ sở của Giáo Hội và người Công Giáo.

"Hai bên cũng thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phân chia các giáo phận và cử nhiệm các giám mục ở Việt Nam. [...] Hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức Phiên Họp Thứ Tám của Nhóm Làm Việc Hỗn Hợp Việt Nam - Tòa Thánh tại Vatican. Ngày giờ phiên họp sẽ được sắp xếp qua các ngả ngoại giao.

"Nhân dịp này, phái đoàn Tòa Thánh cũng thăm xã giao Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Ủy Ban VChính Phủ về Tôn Giáo Sự Vụ Vũ Chiến Thắng. Phái Đoàn cũng tham dự lễ nhậm chức của TỔng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đêm Thánh Ca Giáng Sinh tại Giáo xứ Thánh Philipphê Minh – Orlando Florida
Nguyễn Ngọc Sáng
11:46 20/12/2018
Đêm Thánh Ca Giáng Sinh tại Giáo xứ Thánh Philipphê Minh – Orlando Florida

Ngày Chúa Nhật 18 tháng 12 năm 2016, một sinh hoạt cuối cùng của năm được diễn ra tại giáo xứ Thánh Minh, Orlando. Trong bầu trời u xám và không khí lành lạnh của những ngày cuối năm, buổi sinh hoạt đã diễn ra tưng bừng với tiếng nhạc, trong không khí ấm cúng của đông người tham dự, trong nét mặt hân hoan của ban tổ chức và nhất là của các ca viên góp mặt.

Xem Hình

Ánh sáng được điều hòa một cách khéo léo bởi các chuyên viên kỷ thuật, tiếng nói được điều chỉnh hợp lý bởi các chuyên viên âm thanh, người dự đã rất hài lòng để nhìn và nghe khi tham dự “Đêm Thánh Ca Giáng Sinh 2016” của giáo xứ.

Dưới ánh sáng khi sáng tỏ, lúc mờ dịu, bà con lần lượt thưởng thức các bài hát:

- O Come Emmanuel, Kinh Cầu Giáng Sinh, Từ Lúc Mẹ Nói lời xin vâng, Ngợi khen Thiên Chúa, Có một Hài Nhi, Một Em nhỏ, Viếng Bê Lem, Tiếng Hát Thiên Thần, Noel mùa hồng ân, Màn đêm lung linh, Ánh sáng lung linh, Ánh sáng Bê Lem, Lễ vật đêm nay, Joy to the world.

qua sự trình bày của các ca đoàn trong giáo xứ:

- Ca đoàn Thiên n, ca đoàn Thánh Gia, ca đoàn Thánh Linh, ca đoàn Hiển Linh, ca đoàn Emmnanuel, ca đoàn Thiếu Nhi.

Tiếng hát được phụ họa bởi tiếng đàn, tiếng kèn của các nhạc công trong giáo xứ, và sau cùng, đêm “Thánh Ca Giáng Sinh” được kết thúc bởi màn hoạt cảnh “Chúa sinh ra đời”, đã cầm chân người dự đến những giây cuối cùng của buổi đại hội.

Một đêm “sinh hoạt” thành công đã làm cho mọi người vui thích, ra về trong hân hoan.

Nguyễn Ngọc Sáng
 
Giáo xứ Lộc Lâm, GP Xuân Lộc mừng kính thánh tử đạo Daminh Bùi Văn Úy
Giuse Nguyễn Trường Kỳ
21:13 20/12/2018
Trong niềm hân hoan mừng kính Thánh tử đạo Đaminh Bùi Văn Úy, Cùng với toàn thể Giáo Hội, chiều ngày 19 tháng 12 năm 2018, Giáo xứ Lộc Lâm, Hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức thánh lễ trọng thể mừng kính Thánh Nhân.

Như hàng năm, cứ đến ngày 11 tháng 12, toàn thể dân xứ Lộc Lâm đều cảm thấy nao nức, hân hoan mừng vui như một ngày hội lớn của giáo xứ, nhưng năm nay, đặc biệt hơn mọi năm Thánh Úy được tròn 30 năm Giáo hội tuyên phong lên bậc Hiển Thánh, thật là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho Giáo xứ Lộc Lâm thân yêu này.

Xem Hình

Cộng đoàn giáo dân rước kiệu Thánh và Xương Thánh chung quanh đài Đức Mẹ và năm nay, thánh lễ được cử hành ngay tại trung tâm đài làm cho bầu khí thật trang nghiêm và sốt sáng. Thánh lễ trọng thể do Cha chánh xứ Giuse Phạm Văn Hoàng chủ tế, đồng tế với Ngài có cha phó xứ Giuse Nguyễn Cao Trí, cha chánh xứ Thọ Lộc Phêrô Phạm Quốc Thuần, cha chánh xứ Tân Xuân Gioan B. Vũ Minh Tân và cha đồng hương Gioan B Khổng Hữu Hiền nhân dịp về thăm quê hương cùng thầy Gioan đồng hương.

Xin Thánh Nhân cầu thay nguyện giúp cho Giáo xứ chúng con luôn được trung kiên với Chúa đến cùng, xin cho mỗi gia đình trong giáo xứ trở thành các gia đình thánh, biết nêu gương sống chứng nhân giữa lòng thế giới này, và xin cho mỗi người chúng con được sống an nhiên, sống bác ái, hy sinh gắn bó với nhau trong tình yêu thương làm cho giáo xứ được thánh thiện hơn và cách riêng xin cho những người giáo dân thuộc làng Đông Tiến, những người còn sống cũng như đã qua đời đã góp công gìn giữ Xương Thánh đến ngày nay luôn được nhiều niềm vui trong cuộc sống và hưởng nhờ những ân phúc của Thánh Nhân.

Đôi dòng tiểu sử Thánh Đaminh Bùi Văn Úy

Ðaminh Bùi Văn Úy, Dòng Ba Ða Minh, thầy giảng; sinh năm1813 tại Tiên Môn, Thái Bình; được phúc tử đạo ngày 19 tháng 12 năm 1839 tại Cổ Mễ dưới đời vua Minh Mạng.

Ngài bị bắt vì có đạo cùng với Tôma Ðệ và bị xử giảo (thắt cổ) chết vì không chịu bỏ đạo. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn năm vị anh hùng tử đạo: Phanxicô Xavie Hà trọng Mậu, Đaminh Bùi văn Úy, Augustinô Nguyễn văn Mới, Tôma Nguyễn văn Đệ và Stêphanô Nguyễn văn Vinh lên bậc Chân Phước. Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các vị lên bậc hiển thánh cùng với 116 vị anh hùng tử đạo Việt Nam. Ngày Lễ kínhNgài vào ngày 19 tháng 12 hàng năm.

MVTT GIÁO XỨ LỘC LÂM

Giuse Nguyễn Trường Kỳ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018 về Giới Trẻ
Vũ Văn An
01:55 20/12/2018
Giới Thiệu

Thượng Hội Đồng Giám Mục phiên thường lệ thứ 15, về giới trẻ, đã kết thúc cuối tháng Mười, 2018. Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng đã được thông qua với đa số phiếu thuận khá cao. Bản văn tiếng Ý của nó là bản văn duy nhất được dùng để các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bỏ phiếu và cũng là bản văn duy nhất được công bố chính thức cùng ngày trên website chính thức của Tòa Thánh. Mãi gần hai tháng sau, bản tiếng Bồ Đào Nha và sau đó, bản tiếng Pháp mới được công bố. Bản tiếng Anh, cho đến hôm nay, vẫn chưa được công bố.



Chúng tôi xin mạn phép dựa vào bản tiếng Pháp để chuyển sang Việt Ngữ
.

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
PHIÊN TOÀN THỂ THƯỜNG LỆ THỨ 15

NGƯỜI TRẺ, ĐỨC TIN, VÀ BIỆN PHÂN ƠN GỌI


Tài Liệu Sau Cùng



27 Tháng 10, 2018
Thành Vatican


1. DẪN NHẬP

Biến cố Thượng Hội Đồng chúng ta đã sống

1. «Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng” (Cv 2:17 ; xem Ge 3:1). Đó chính là kinh nghiệm chúng ta đã trải qua suốt trong Thượng Hội Đồng này, bằng cách cùng nhau tiến bước và tự đặt mình ở thế lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Người làm chúng ta ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước sự phong phú các ơn phúc của Người, Người đổ đầy chúng ta lòng can đảm và sức mạnh của Người để chúng ta mang hy vọng lại cho thế giới.

Chúng ta đã cùng nhau tiến bước, với vị Kế Nhiệm Thánh Phêrô, đấng đã củng cố chúng ta trong đức tin và đã tái lên sinh lực cho chúng ta trong sự phấn khởi của sứ mệnh. Dù xuất phát từ nhiều bối cảnh rất khác nhau về quan điểm văn hóa và giáo hội, nhưng ngay từ đầu, chúng ta đã cảm nhận một sự hòa hợp thiêng liêng, một ước nguyện đối thoại và một lòng tương cảm (empathie) thực sự. Chúng ta đã làm việc với nhau, bằng cách đặt thành của chung những điều chúng ta coi là thân thiết, bằng cách biến chúng thành thành phần trong các ưu tư của chúng ta, trong khi không dấu diếm các khó khăn của mình. Nhiều can thiệp đã khơi dậy trong ta mối xúc cảm và lòng cảm thương theo tinh thần Tin Mừng: chúng ta cảm thấy chúng ta đã tạo nên một cơ thể duy nhất biết đau khổ và hân hoan. Chúng ta muốn chia sẻ với mọi người kinh nghiệm ơn thánh mà chúng ta đã sống và truyền lại cho các giáo hội của chúng ta và cho toàn thế giới niềm vui Tin Mừng.

Sự hiện diện của người trẻ đã tạo nên một điều mới mẻ: qua họ, tiếng nói của cả một thế hệ đã vang lên tại Thượng Hội Đồng. Cùng bước đi với họ, là những người hành hương viếng mộ Thánh Phêrô, chúng ta đã cảm nghiệm được sự gần gũi tạo điều kiện biến Giáo Hội thành một không gian đối thoại và chứng nhân tạo hứng thú của tình huynh đệ. Sức mạnh của cảm nghiệm này vượt quá mọi mệt mỏi và yếu đuối. Chúa tiếp tục nhắc nhở “Các con đừng sợ, Thầy ở với các con”.

Diễn trình chuẩn bị

2. Sự đóng góp của các giám mục và sự cống hiến của các mục tử, tu sĩ, giáo dân, chuyên gia, nhà giáo dục và nhiều người khác đã mang lại lợi ích lớn cho chúng ta. Ngay từ đầu, người trẻ đã tham gia vào diễn trình Thượng Hội Đồng: bảng câu hỏi trực tuyến, nhiều đóng góp cá nhân và nhất là Cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng là dấu chỉ hùng hồn. Sự cống hiến của họ rất chủ yếu, như trong tình tiết mấy con cá và ổ bánh: Chúa Giêsu đã có thể thực hiện được phép lạ này nhờ vào sự sẵn sàng phục vụ của một cậu bé đã hào phóng cống hiến những gì cậu có (xem Ga 6: 8-11).

Tất cả các đóng góp ấy đã được tóm tắt trong Tài Liệu Làm Việc, một tài liệu đã tạo cơ sở vững chắc cho các cuộc tranh luận trong nhiều tuần lễ của Cuộc Họp. Giờ đây, Tài Liệu Sau Cùng tập hợp kết quả của diễn trình này và sự dấn thân hướng tới tương lai: nó diễn tả những gì đã được các Nghị phụ Thượng hội đồng nhận ra, giải thích và lựa chọn dưới ánh sáng Lời Chúa.

Tài Liệu Sau Cùng của Cuộc Họp Thượng hội đồng

3. Điều quan trọng là phải làm rõ mối tương quan giữa Tài Liệu Làm Việc và Tài Liệu Sau Cùng. Tài liệu đầu đại diện cho khung tham chiếu của tính thống nhất và tổng hợp xuất hiện trong suốt hai năm lắng nghe; tài liệu sau là thành quả của sự biện phân đã thực hiện được và tập hợp các chủ đề được các Nghị phụ Thượng Hội Đồng tập chú một cách sâu sắc và đam mê đặc biệt. Nhờ đó, chúng ta nhận ra sự đa dạng và tính bổ túc của hai bản văn này.

Tài liệu hiện tại được trình lên Đức Thánh Cha (xin xem Đức Phanxicô, Episcopalis Communio, số 18; Chỉ thị, Điều 35 § 5) và cho toàn thể Giáo hội như là thành quả của Thượng hội đồng này. Vì cuộc hành trình Thượng Hội Đồng chưa kết thúc và đã dự kiến một giai đoạn đem vào thực hành (xem Episcopalis Communio, số 19-21), Tài Liệu Sau Cùng là một kế hoạch hướng dẫn các bước tiếp theo mà Giáo hội vốn được kêu gọi thực hiện.

* Trong tài liệu này, thuật ngữ "Thượng Hội Đồng" dùng để chỉ toàn bộ diễn trình Thượng Hội Đồng đang diễn ra hoặc Cuộc Họp Toàn Thể, diễn ra từ ngày 3 đến ngày 28 tháng 10 năm 2018.

LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giêsu cùng đi với các môn đệ Emmau

4. Trong tình tiết các môn đệ Emmau (x. Lc 24, 13-35), chúng ta đã nhận ra một bản văn điển hình để hiểu sứ mệnh của giáo hội liên quan đến các thế hệ trẻ. Trang sách này mô tả rất hay những gì chúng ta đã trải nghiệm tại Thượng hội đồng và những gì chúng ta muốn các Giáo hội đặc thù của chúng ta sống trong mối tương quan với giới trẻ. Chúa Giêsu cùng bước đi với hai môn đệ chưa hiểu ý nghĩa của những gì đã xảy ra và họ đang rời khỏi Giêrusalem và cộng đồng của họ. Muốn gần gũi với họ, Người đã cùng sánh bước với họ. Người hỏi han họ và kiên nhẫn lắng nghe lối tường thuật sự kiện của họ, giúp họ nhận ra những gì họ đang sống qua. Rồi, một cách trìu mến và tràn đầy năng lực, Người công bố Lời Chúa cho họ, bằng cách dẫn dắt để họ giải thích các biến cố đã sống dưới ánh sáng Sách Thánh. Người chấp nhận lời mời ở lại với họ khi màn đêm buông xuống: Người bước vào đêm tối của họ. Khi nghe Người, trái tim họ ấm lên và tinh thần họ sáng lên; lúc bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn việc mau mắn lên đường trở lại theo hướng ngược lại, trở lại với cộng đồng và chia sẻ với họ kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh.

Liên tục với Tài Liệu Làm Việc, Tài Liệu Sau Cùng cũng được chia thành ba phần cân xứng với tình tiết trên. Phần đầu có tựa đề "Ngài cùng đi với họ" (Lc 24:15) và tìm cách soi sáng những điều đã được các Nghị phụ Thượng Hội Đồng nhận ra từ bối cảnh giới trẻ được lồng vào, bằng các nêu bật những điểm mạnh và các thách thức. Phần hai, "Mắt họ mở ra" (Lc 24:31), có tính giải thích và cung cấp một số chìa khóa căn bản để đọc chủ đề của Thượng Hội Đồng. Phần ba, tựa là "Họ lên đường không chậm trễ" (Lc 24:33), trình bầy các lựa chọn cho một sự hoán cải thiêng liêng, mục vụ và truyền giáo.

Kỳ sau: Phần I: Người cùng đi với họ
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 20/12/2018: điều bất ngờ lớn nhất xảy đến trong đêm Giáng sinh là Đấng Tối Cao trở thành một hài nhi bé nhỏ
VietCatholic Network
03:58 20/12/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư ngày 19 tháng 12, 2018.

2- Thánh Giuse, con người của những giấc mơ và sự đồng hành trong thinh lặng.

3- Chúc mừng Đức Thánh Cha Phanxicô tròn 82 tuổi.

4- Đức Thánh Cha tái kêu gọi ngưng thi hành và bãi bỏ án tử hình.

5- Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các thiếu nhi của Phòng Khám bệnh thánh Marta.

6- Tuần Gặp gỡ Giới trẻ châu Âu Taizé lần thứ 41 tại Madrid, Tây Ban Nha.

7- Giáo Hội Chính Thống Ukraina được hình thành và công nhận.

8- Phái đoàn Tòa Thánh Vatican họp với chính quyền Việt Nam vào ngày 19 tháng 12 năm 2018.

9- Hai Kitô hữu Pakistan bị kết án tử hình vì bị buộc tội báng bổ chống Hồi giáo.

10- Diễn nguyện Giáng Sinh Mùa Vọng 2018 của tu sĩ Việt Nam đang du học Hoa Kỳ tại Brockton, tiểu bang Massachusetts.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Lời Con Xin Chúa.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết