Ngày 19-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 20/12: Hợp Tác Với Thiên Chúa Để Cứu Độ Chúng Ta - Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:01 19/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa
 
Xin Vâng & Đoạn Trường
Nguyễn Trung Tây
05:23 19/12/2022
Nguyễn Trung Tây
Xin Vâng & Đoạn Trường (Luke 1:26-38)


Cả hai, Do Thái và Việt Nam, con gái hứa hôn, chưa đám cưới, người trong thôn làng chưa ai được ăn miếng trầu, uống chung rượu mà tự nhiên bụng to ra thì thật là vất vả với người trong thôn xóm. Nhưng rất tiếc, theo như Tin Mừng Luke 1, câu chuyện truyền tin chỉ xảy ra giữa sứ thần trời cao và người thôn nữ. Bởi thế trong cái thôn xóm nhỏ bé Nazareth, khi nhận ra bụng cô gái càng ngày càng to ra, người ta sẽ không nói với nhau,

— Mi biết chuyện gì không?

— Chuyện chi?

— Con gái bà Anna được sứ thần hiện ra báo tin cô sẽ cưu mang con Thiên Chúa. Hài nhi trong bụng Maria chính là Ðấng Thiên Sai chúng ta đang chờ đón.

Không! Không có ai trong cái thị trấn nhỏ bé Nazareth sẽ thầm thỉ to nhỏ với nhau những câu chuyện có nội dung tương tự như vậy. Nhưng người ta sẽ thì thào to nhỏ với nhau như thế này,

— Chết rồi! Loạn! Loạn lớn rồi!

— Chuyện chi? Chuyện chi vậy?

— Chuyện động trời như thế mà mi không hay không biết gì sao? Maria…

— Maria… Maria nào?

— Còn Maria nào khác ngoài con Maria, hôn thê thằng Giuse thợ mộc?

— Thì Maria. Mà nó, nó làm sao?

— Nó, nó…nó có bầu.

— Mi nói giỡn chơi phải không?

Cứ vậy, câu chuyện nóng sốt đồn đi khắp trong thôn làng nhỏ bé miền Bắc Do Thái. Trên từng nẻo đường Nazareth, tại giếng nước đầu làng, người ta tụ họp thì thào to nhỏ kháo nhau về câu chuyện thằng hôn phu cù lần bị con nhỏ hôn thê cắm sừng. Người ta hồi hộp chờ đợi giây phút người thanh niên động thủ, bởi vì chiếu theo bộ luật Môisen, người con gái sẽ bị lôi ra đầu làng. Sau đó, mọi người trong thôn làng sẽ ưu ái tặng cho hư thân mất nết những cục đá to, sắc, và nhọn. Máu đỏ lênh láng mặt đất đá sỏi. Danh dự thôn làng sẽ được cứu vãn.

Biết thế, biết trước tương lai vận xám chờ đợi. Nhưng Maria vẫn cúi đầu, dâng lời kinh Xin Vâng. Và bởi lời kinh Xin Vâng, Ngôi Lời nhập vào cung lòng người trinh nữ. Để rồi, đêm đó, đêm thanh bình, Ngôi Lời hạ sinh trong hình dạng một trẻ thơ, khởi một chương sách mới Ơn Cứu Độ.

Suy Niệm
Những lúc khó khăn bủa vây, tương lai mịt mù, Mẹ Maria là một mẫu hình, và lời kinh Xin Vâng là lời kinh của người tín hữu.
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, NXB Đồng Nai, 2022)
 
Lỡ tàu
Lm Minh Anh
06:49 19/12/2022

LỠ TÀU
“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các bài đọc hôm nay kể chuyện hiếm muộn của hai cặp vợ chồng già. Sách Thủ Lãnh nói đến cuộc truyền tin cho Manuel, một người mẹ son sẻ, rồi đây sẽ sinh hạ cho Israel một thủ lãnh; Tin Mừng kể lại cuộc truyền tin cho Zacharia, một người cha hiếm muộn, báo trước việc Gioan chào đời, tiền hô của Đấng Cứu Thế. Vậy mà, thật thú vị, một đôi ‘kịp tàu’; và đôi kia, ‘lỡ tàu!’.

Trong Thánh Kinh, một số trường hợp của những phụ nữ lớn tuổi, chưa từng sinh con, nhờ sự can thiệp của Chúa, họ đã được ban cho một đứa trẻ, thường là một cậu trai. Bài đọc Cựu Ước tường thuật việc chào đời của Samson; cách nào đó, đứa trẻ này là con của Trời, nó có một sứ mệnh đặc biệt. Vợ chồng Manuel là những người ‘kịp tàu’, vì cả hai mau mắn tin lời sứ thần, “Bà sinh được một con trai và đặt tên là Samson. Đứa bé lớn lên, và Chúa chúc lành cho nó”.

Với Zacharia, câu chuyện khác hẳn! Ông dâng hương trong cung thánh đền thờ, cơ hội ngàn năm có một. Đó là một khoảnh khắc đặc quyền, một không gian thiêng thánh; thậm chí cả một Tổng Lãnh Thiên Thần hiện ra! Vậy mà, không thể tin được, ông lại nghi ngờ và không tin. Và nếu đã từng có một người nào đó cần được chuẩn bị cho một thông điệp quan trọng, thì đó chính là Zacharia. Tin Mừng nói, “Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng mọi điều răn và mệnh lệnh Ngài, không ai chê trách được điều gì”; vậy mà, lòng trung thành của ông đã không biến thành một đức tin sống động vào chính một thời điểm quan trọng như thế. Vì vậy, ông đã ‘lỡ tàu!’.

Zacharia nghĩ rằng, tuổi tác của ông hẳn sẽ cản trở kế hoạch của Thiên Chúa. Ông đánh giá thấp quyền năng của Ngài. Thật vậy, không phải Thiên Chúa bị giới hạn; đúng hơn, con người giới hạn quyền năng vô hạn của Ngài. Đang khi xuyên suốt lịch sử, Thiên Chúa thường kêu gọi những người hèn yếu: một Môisen nói lắp, một Giêrêmia “còn quá trẻ”; một Phêrô ít học; một Saolô bắt bớ đạo thánh… Tất cả không phải là tiên tri hay tông đồ - nhưng họ là những con người phó mình cho Chúa; nhờ đó, đã trở thành những tiên tri và tông đồ; họ không để mình ‘lỡ tàu!’.

Trước một con người thiếu niềm tin như Zacharia, kế hoạch của Thiên Chúa sẽ ra sao? Không sao cả! Thiên Chúa vẫn tiếp tục kế hoạch của Ngài dù con người muốn hay không muốn! Và bấy giờ, điều Ngài cần là con người đừng động đạc; một hãy lặng yên! Điều này đã xảy ra với Zacharia; Ngài buộc ông lặng yên và lặng yên thực sự. Đúng thế, Thiên Chúa muốn chúng ta lặng yên trước hoạt động và trước sự hiện diện vô hình của Ngài; nhờ đó, có thể lắng nghe tiếng Ngài rõ hơn khi Ngài nói với lòng chúng ta và bày tỏ ý định của Ngài cho chúng ta, mà thông thường rất lặng lẽ. Nếu chúng ta biết cộng tác phần ít ỏi của mình, chí ít như Zacharia, nghĩa là không nổi loạn và chỉ biết lặng thinh đợi chờ thì điều may mắn về phía chúng ta ắt sẽ xảy ra. Tại sao? Vì Thiên Chúa là Đấng xót thương, Ngài không hề muốn ai ‘lỡ tàu!’.

Anh Chị em,

“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”. Như Zacharia, tất cả chúng ta đều yếu đuối và tội lỗi. Chúng ta thiếu đức tin, một đức tin hoàn hảo mà Maria, Giuse hay các vị thánh đã có. Và nếu có thể khiêm tốn thừa nhận điều này, thì bạn đang ở một vị trí tuyệt vời để vượt qua sự yếu kém về đức tin mà bạn đang chiến đấu. Zacharia đã chịu nhiều đau khổ vì thiếu đức tin, nhưng sự đau khổ trong những ngày tháng lặng yên đó đã dẫn đến một sự đổi mới đức tin khi ông đặt tên con trai mình là Gioan để vâng lời Tổng Lãnh Thiên Thần. Cũng thế, một khi biết mình thiếu đức tin, bạn và tôi cố lặng yên và để Thiên Chúa toàn quyền hoạt động; trước sau gì Ngài cũng xót thương và không để chúng ta phải ‘lỡ tàu!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con cúi mình trước Chúa và thú nhận sự yếu kém đức tin của con, xin thêm sức cho con, để mỗi ngày đáp ứng đầy đủ hơn mọi điều Chúa phán và con không phải ‘lỡ tàu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Rất thánh thiện nhưng cũng rất người
Lm. Minh Anh
23:54 19/12/2022

RẤT THÁNH THIỆN NHƯNG CŨNG RẤT NGƯỜI
“Này tôi là tôi tớ Chúa!”.

William Wilberforce, một chính khách, nói, “Tôi đã sống quá nhiều cho uy tín chính trị; vì thế, linh hồn tôi chết đói, nó còm cõi và gầy gò!”. Sau một thất bại trên chính trường, ông nhìn nhận, “Tôi đã quá tằn tiện thời gian với Chúa”. Và ông kết luận, “Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”, đó là một trải nghiệm xót xa, ‘rất thánh thiện nhưng cũng rất người!’; bởi lẽ không có gì nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, kể cả thất bại. Và thật thú vị, các chi tiết của biến cố Truyền Tin qua Lời Chúa hôm nay cũng ‘rất thánh thiện nhưng cũng rất người’.

Rõ ràng, Thiên Chúa không kêu gọi hàng loạt, nhưng gọi riêng từng người, bởi Ngài yêu mỗi người như con trai, con gái duy nhất của Ngài! Biến cố Truyền Tin đã xảy ra ở một nơi cụ thể, với Maria, một thiếu nữ cụ thể; cũng như lời hứa về ‘ái nữ tinh tuyền’ này cũng đã xảy ra cụ thể, với một vị vua cụ thể. Bài đọc Isaia hôm nay cho biết, chính Thiên Chúa đích thân hứa ban Đấng Cứu Độ với vua Achaz, vào một thời điểm cụ thể, “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel”. Sống đức tin là sống mối quan hệ cá nhân của tôi với Chúa. Với Ngài, không ai là một con số! Đó không phải là cách Thiên Chúa dự liệu cho tôi. Ơn gọi của tôi là cá nhân! Và quan trọng hơn, tôi có đáp lại Ngài theo cách cá nhân như vậy không?

Đã từ lâu, dân Chúa ngóng đợi một vị Thiên Sai, Maria cũng mong chờ Ngài; tuy nhiên, sẽ không bao giờ Maria nghĩ rằng, mình có thể là mẹ của Đấng ấy! Và sẽ rất lý thú, nếu chúng ta đặt một câu hỏi tương tự, ‘Vậy khi nào Thiên Chúa mới phái một ai đó đến để cứu thế giới?’. Kìa, Ngài phái rồi! Trên thực tế, Ngài đã cố làm điều đó qua bạn và tôi! Mỗi chúng ta đều có thể là một vị thánh, một chứng nhân; và với sức mạnh của ân sủng Chúa, bạn và tôi đều có thể cứu lấy thế giới. Tại sao không? Tương tự như thế, mỗi chúng ta được mời gọi thực hiện một ơn gọi cao cả và duy nhất, dù tôi có chức thánh, sống đời thánh hiến, hay tôi là giáo dân sống bậc gia đình! Thiên Chúa đã gọi riêng tôi, trao cho tôi một sứ mệnh. Vấn đề là tôi có nhận ra cuộc sống của tôi có thể tuyệt vời, nếu nó được sống với một tình yêu tuyệt vời và tràn đầy không!

“Này tôi là tôi tớ Chúa!”. Ôi! Một thiếu nữ, tuổi 14, 15… nhờ cởi mở với kế hoạch của Chúa, tạo nên một sự khác biệt cho nhân loại, mở ra kỷ nguyên cứu độ! Cũng thế, chúng ta được mời thưa “Vâng” với Chúa để cũng có thể tạo nên một sự khác biệt khi xây dựng một nền văn minh tình thương dù khá nhỏ bé; ai cũng đều có thể góp phần xây dựng Vương Quốc. Bên cạnh đó, bạn và tôi hãy nhận ra bao tiềm năng nơi những người trẻ trong đời mình, tôn trọng họ như những người được gọi đến với những điều cao cả. Và bạn bè của chúng ta nữa; hãy nhìn họ theo cách tương tự! Tất cả đều được Chúa gọi riêng từng cá nhân, ‘rất thánh thiện nhưng cũng rất người!’.

Anh Chị em,

“Này tôi là tôi tớ Chúa!”. Ước gì mỗi chúng ta có thể thưa lên như thế. Chúng ta được sinh ra trong một gia đình cụ thể, một hoàn cảnh cụ thể cho một kế hoạch vĩ đại cụ thể của Thiên Chúa. Ngài gọi riêng từng người, ban hơi thở, sự sống và tính cách; để với những đặc tính riêng biệt ấy, chúng ta hoàn tất kế hoạch của Ngài. Với ân sủng Chúa hằng ban, chúng ta chu toàn sứ mệnh. Thế nhưng, đừng quên kinh nghiệm của Wilberforce, “Chúa cho phép tôi được vấp ngã!”. Phải, ngang qua những vấp ngã, đớn đau… Ngài đang uốn nắn chúng ta. Như vậy, vấn đề là mỗi người cần biết uốn mình theo ý muốn của Ngài; Adler nói, “Bản chất của mỗi người là kiến trúc sư xây dựng chính cuộc đời họ!”. Không ai khác có thể thay tôi để thực thi sứ mạng đó. Như Maria, mỗi người phải hoàn tất ơn gọi đó trong khiêm tốn, một ơn gọi ‘rất thánh thiện nhưng cũng rất người!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, xin dạy con cởi mở như Mẹ, cho con biết thưa “Vâng” một cách thánh thiện với những gì Chúa muốn; và như thế, con cũng đang cứu thế giới, cứu một cách rất người!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng đã viết thư từ chức trong trường hợp sức khỏe xấu
Đặng Tự Do
05:17 19/12/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn mới được công bố vào hôm Chúa Nhật rằng sau khi được bầu vào năm 2013, ngài đã ký một lá thư từ chức để sử dụng nếu một ngày nào đó các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn khiến ngài không thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đã bước sang tuổi 86 vào hôm thứ Bảy và dường như có sức khỏe tốt ngoại trừ căn bệnh đầu gối, đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC của Tây Ban Nha.

Đức Phanxicô cho biết ngài đã trao bức thư cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh lúc bấy giờ, là người đã được giữ chức vụ này từ trước đó dưới thời Đức Bênêđictô XVI. Đức Hồng Y Bertone được lưu nhiệm trong khoảng sáu tháng sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngày 13 tháng 3 năm 2013.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói rằng ngài sẽ từ chức nếu sức khỏe không cho phép ngài điều hành Giáo Hội Công Giáo Rôma với 1.3 tỷ thành viên.

Đức Phanxicô được hỏi liệu ngài có tin rằng nên thiết lập một quy tắc chính thức cho các trường hợp khi các vấn đề sức khỏe hoặc tai nạn cản trở việc thi hành chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh hay không.

“Tôi đã ký đơn từ chức rồi. Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tôi đã ký vào đó và nói với ngài ấy: 'Trong trường hợp có trở ngại vì lý do y tế hay bất cứ điều gì, đây là đơn từ chức của tôi',” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi không biết Đức Hồng Y Bertone có thể đã đưa nó cho ai, nhưng tôi đã đưa nó cho ngài ấy khi ngài còn là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh,” Đức Phanxicô nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là lần đầu tiên ông tiết lộ điều này trước công chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 7, Đức Phanxicô đã bác bỏ những tin đồn phỏng đoán rằng ngài sắp từ chức và lặp lại lập trường thường được tuyên bố rằng ngài có thể từ chức vào một ngày nào đó nếu sức khỏe yếu kém khiến ngài không thể điều hành Giáo hội - điều gần như không thể tưởng tượng được trước khi Đức Bênêđictô XVI, hiện 95 tuổi, thoái vị vào năm 2013. Đây là lần từ chức đầu tiên của một vị Giáo Hoàng trong sáu thế kỷ.

Kể từ tháng Bảy, Đức Phanxicô đã thực hiện ba chuyến công du quốc tế - đến Canada, Kazakhstan và Bahrain - và dự định thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 5 tháng Hai.

Lẽ ra Đức Thánh Cha đã thực hiện chuyến đi đó vào tháng 7 năm ngoái nhưng vấn đề về đầu gối của ngài đã buộc chuyến đi phải hoãn lại. Bây giờ ngài sử dụng một cây gậy để đi bộ ngắn và ngồi xe lăn để đi những quãng đường dài hơn trong nhà.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC, Đức Phanxicô cho biết ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cai quản Giáo Hội từ 1963 đến 1978, và Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 cai quản Giáo Hoàng từ 1939 đến 1958 đã ký những lá thư từ chức tương tự. Tuy nhiên, cả hai vị giáo hoàng đều qua đời khi đang tại vị.
Source:Reuters
 
Đức Giáo Hoàng và Putin nói qua điện thoại... nhưng một năm trước. Sau đó không có gì hơn. Im lặng
Đặng Tự Do
05:18 19/12/2022


Một năm trước, ngày 17 tháng 12, 2021, là sinh nhật lần thứ 85 của Đức Thánh Cha, và cũng là lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện qua điện thoại. Người đứng đầu Điện Cẩm Linh muốn chúc mừng Đức Thánh Cha. Một năm đã trôi qua và Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ nhận được phản hồi từ Putin đối với yêu cầu ngài đưa ra trong cuộc nói chuyện này.

Luôn có những câu trả lời lảng tránh thông qua các kênh ngoại giao. Bây giờ, ngoại trừ có một bất ngờ nào đó có vẻ như Putin sẽ giữ im lặng. Cách đây nhiều tháng, Tổng thống đã nhận được một lá thư từ Đức Giáo Hoàng được gởi thông qua Sergey Lavrov, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Putin.

Chính Đức Giáo Hoàng đã nói với tạp chí 'America': “Chắc chắn kẻ xâm lược là nhà nước Nga. Điều này rất rõ ràng. Đôi khi tôi cố gắng không nói rõ để không xúc phạm và thay vào đó lên án chung chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải đặt tên riêng và tên họ.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đến đại sứ quán Nga [bên cạnh Tòa thánh], một cử chỉ bất thường vì giáo hoàng không bao giờ đến một đại sứ quán. Và ở đó, tôi đã nói với đại sứ hãy nói với Vladimir Putin rằng tôi sẵn sàng đi công du với điều kiện ông ấy cho tôi một cửa sổ nhỏ để đàm phán. Sergey Lavrov, bộ trưởng ngoại giao cấp cao, đã trả lời bằng một lá thư rất hay mà tôi hiểu rằng vào thời điểm hiện tại thì điều đó không cần thiết.”
Source:Sismografo
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng
Đặng Tự Do
05:19 19/12/2022


Chúa Nhật 18 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Sau đây là gốc tích Đức Giê su Ki tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu se, con cháu Đa vít, đừng ngại đón bà Ma ri a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em ma nu en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật thứ Tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ trình bày cho chúng ta hình ảnh của Thánh Giuse (x. Mt 1:18-24). Ngài là một người đàn ông chính trực sắp kết hôn. Chúng ta có thể tưởng tượng những ước mơ của ngài cho tương lai là gì – một gia đình hạnh phúc, với một người vợ yêu thương và nhiều đứa con kháu khỉnh, và một công việc đàng hoàng – những ước mơ đơn giản và tốt đẹp, ước mơ của những người bình dị và tốt bụng. Nhưng đột nhiên, những giấc mơ này phải đối diện với một khám phá đáng kinh ngạc. Đức Maria, vị hôn thê của ngài, đang mong đợi một đứa trẻ, và đứa trẻ ấy không phải là của ngài! Thánh Giuse cảm thấy gì? Sốc, đau đớn, bối rối, thậm chí có thể bực bội và thất vọng…. Ngài đã trải nghiệm rằng thế giới của ngài đang sụp đổ xung quanh mình! Và thánh nhân phải làm gì?

Luật cho ngài hai lựa chọn. Đầu tiên là buộc tội Đức Maria và khiến Đức Mẹ phải trả giá cho sự không chung thủy của mình. Thứ hai là bí mật hủy bỏ hôn ước của họ mà không để Đức Maria phải chịu tai tiếng và những hậu quả khắc nghiệt, tuy nhiên, phải chịu gánh nặng của sự xấu hổ. Vì vậy, Giuse chọn phương án thứ hai, đó là con đường của lòng thương xót. Và kìa, ở đỉnh điểm của cơn khủng hoảng, ngay khi ngài đang suy nghĩ và đánh giá tất cả những điều này, thì Thiên Chúa đã ban cho ngài một luồng ánh sáng mới trong trái tim – Người tuyên bố với thánh nhân trong một giấc mơ rằng thiên chức làm mẹ của Đức Maria đến không phải vì một sự phản bội, nhưng là công việc của Chúa Thánh Thần, và hài nhi được sinh ra sẽ là Đấng Cứu Thế (xem các câu 20-21), và Đức Maria sẽ là Mẹ của Đấng Mêsia, và thánh nhân sẽ là người bảo vệ cho Đấng Cứu Thế. Khi tỉnh dậy, Thánh Giuse hiểu rằng giấc mơ lớn nhất của mọi người Do Thái sùng đạo – là trở thành cha của Đấng Cứu Thế - đã được dành cho ngài một cách hoàn toàn bất ngờ.

Thực vậy, để thực hiện được điều này, thuộc dòng dõi Đavít và trung thành tuân giữ lề luật thôi chưa đủ, mà còn phải phó thác trên hết mọi sự cho Thiên Chúa, chào đón Mẹ Maria và Con của Mẹ trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác với cách thức được mong đợi, khác với những gì đã từng được thực hiện. Nói cách khác, Thánh Giuse sẽ phải từ bỏ tất cả những điều chắc chắn làm yên lòng ngài, những kế hoạch hoàn hảo, những kỳ vọng chính đáng của ngài và mở lòng đón nhận một tương lai hoàn toàn mới sẽ được khám phá. Và trước Chúa, Đấng đã phá vỡ kế hoạch của ngài và yêu cầu ngài tin tưởng, Thánh Giuse đã nói “xin vâng”. Lòng can đảm của Thánh Giuse là anh hùng và được thi hành trong thinh lặng – lòng can đảm của ngài là tin tưởng, đón nhận, sẵn sàng, không đòi hỏi gì thêm.

Anh chị em thân mến, hôm nay thánh Giuse nói gì với chúng ta? Chúng ta cũng có những ước mơ của mình, và có lẽ chúng ta nghĩ về những giấc mơ ấy nhiều hơn, chúng ta cùng nhau nói về những mong ước của mình vào dịp Giáng Sinh. Có lẽ chúng ta than thở về một số giấc mơ đã bị tan vỡ và chúng ta thấy rằng những kỳ vọng tốt nhất của chúng ta thường cần được đặt bên cạnh những tình huống bất ngờ, bối rối. Và khi điều này xảy ra, Thánh Giuse chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta không cần đầu hàng những cảm xúc tiêu cực, như tức giận hoặc cô lập – đây là cách sai lầm! Thay vào đó, chúng ta cần chăm chú đón nhận những điều bất ngờ, những bất định trong cuộc sống, thậm chí cả những khủng hoảng. Khi thấy mình gặp khủng hoảng, chúng ta không nên quyết định một cách vội vàng hoặc theo bản năng, mà hãy đón nhận, giống như Thánh Giuse đã làm, người đã “cân nhắc mọi sự” (xem câu 20), và dựa trên xác tín về lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi một người nào đó trải qua một cơn khủng hoảng mà không đầu hàng trước sự cô lập, tức giận và sợ hãi, nhưng vẫn mở rộng cửa cho Chúa, thì Ngài có thể can thiệp. Ngài là một chuyên gia trong việc biến những khủng hoảng thành những giấc mơ – vâng, Chúa đưa những khủng hoảng vào những chân trời mới mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng trước đây, có lẽ không như chúng ta mong đợi, nhưng theo cách mà Ngài biết. Và, thưa anh chị em, đây là những chân trời của Thiên Chúa – thật đáng ngạc nhiên – nhưng vô cùng vĩ đại và đẹp đẽ hơn chân trời của chúng ta! Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống cởi mở trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi lo ngại về tình hình được tạo ra trong Hành lang Lachin ở Nam Kavkaz. Tôi đặc biệt quan tâm đến các điều kiện nhân đạo bấp bênh của người dân có nguy cơ xấu đi hơn nữa trong suốt mùa đông. Tôi yêu cầu tất cả những người liên quan cam kết tìm kiếm các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Và ngoài ra, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Peru, để bạo lực ở đất nước đó có thể chấm dứt và con đường đối thoại có thể được bắt đầu để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đang làm khổ người dân.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người anh chị em đến từ Rôma, từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt chào các thành viên tín hữu từ California, và những người từ Madrid, cũng như các nhóm từ Praia A Mare, Catania, Caraglio, và từ giáo xứ Santi Protomartiri ở Rôma.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người mà phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng này, đánh động trái tim của những người có thể ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta đừng quên những đau khổ của những người đó, đặc biệt là của những em bé, người già, người bệnh. Hãy cùng cầu nguyện. Hãy cùng cầu nguyện.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa nhật tốt lành và hành trình của anh chị em trong giai đoạn cuối cùng của Mùa Vọng này sẽ diễn ra tốt đẹp. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Máy ảnh ghi lại nghi phạm phá hoại nhà thờ Công Giáo Pennsylvania
Đặng Tự Do
17:03 19/12/2022


Bốn bức tượng tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Downingtown, Pennsylvania, đã bị phá hoại trong đêm từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 12, và cảnh sát đang yêu cầu trợ giúp xác định một nghi phạm bị camera ghi hình.

Cha Stephen Leva, cha sở của nhà thờ, cho biết trong một bài đăng trực tuyến vào ngày 11 tháng 12 rằng bốn bức tượng bị ảnh hưởng là của Thánh Antôn, Thánh Giuse, Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Gia.

Cha Leva nói với CNA trong một email hôm thứ Tư rằng các bức tượng của Thánh Antôn và Thánh Giuse “đã bị phá hủy hoàn toàn.” Ngài cho biết thêm, bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức bị lật đổ nhưng đã đáp xuống bãi cỏ an toàn mà không bị hư hại.

Ngài cho biết bức tượng của Thánh Gia bị uốn cong sang một bên nhưng đang được giữ cố định bằng một thanh kim loại. Không có hình vẽ bậy hoặc thông điệp nào khác được để lại tại hiện trường. Ngài nói, không rõ chi phí thiệt hại sẽ là bao nhiêu.

Sở cảnh sát Downingtown đã yêu cầu công chúng hỗ trợ trong việc xác định thủ phạm đã bị camera ghi lại.

Cảnh sát cho biết, thủ phạm cũng đã phá hoại trường trung học Downingtown West. Nhà Trường cách giáo xứ khoảng hai phút lái xe.

“Xin hãy giữ những người chịu trách nhiệm về vụ phá hoại này trong lời cầu nguyện của anh chị em. Chúng ta cầu xin Chúa chạm đến trái tim của họ,” Cha Leva viết trong bài đăng.

“Chúng ta hãy dành một chút thời gian để tạ ơn Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội để thực hành sự tha thứ. Lòng thương xót của Ngài là vô tận và là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi tha thứ như Ngài đã tha thứ,”

Ngài cho biết một cảnh Giáng Sinh vẫn không hề hấn gì.

“Ngay cả trong thế giới hoài nghi của chúng ta, phép lạ của Chúa Giáng Sinh vẫn không bị ảnh hưởng,” Cha Leva nói.

Nhà thờ Thánh Giuse là giáo xứ lớn thứ hai trong Tổng giáo phận Philadelphia với hơn 5,000 gia đình, theo trang web của giáo xứ.

John Bossong, một giáo dân lâu năm tại nhà thờ, nói với CNA hôm thứ Tư rằng ông hy vọng thủ phạm bị bắt và rất buồn vì hành vi phá hoại.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Giáo Hoàng đưa ra một tiên đoán bi đát
Đặng Tự Do
17:07 19/12/2022


Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Invasion of Ukraine Is a 'World War' With No 'End' in Sight: Pope”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng nói cuộc xâm lược Ukraine của Putin là một 'Chiến tranh thế giới' không có 'điểm kết thúc' trước mắt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một dự đoán nghiệt ngã vào cuối tuần qua về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, phân loại cuộc xung đột này là một “cuộc chiến tranh thế giới” mà không thấy “hồi kết thúc” trong một thời gian sắp tới.

Nhà lãnh đạo tôn giáo, bước sang tuổi 86 vào thứ Bảy, tiết lộ suy nghĩ của mình về cuộc chiến trong một cuộc phỏng vấn mới với tờ báo tiếng Tây Ban Nha, ABC, được công bố vào hôm Chúa Nhật.

“Tôi làm những gì tôi có thể. Họ không lắng nghe,” Đức Thánh Cha nói. “Những gì đang xảy ra ở Ukraine thật đáng sợ. Có sự tàn ác rất lớn. Nó rất nghiêm trọng. Và đây là điều tôi chê trách liên tục.”

Đức Giáo Hoàng, người đã nhiều lần lên tiếng phản đối cuộc xung đột đang diễn ra, cũng nói rằng ngài không thấy “một kết thúc trong ngắn hạn cho cuộc chiến ở Ukraine vì đây là một cuộc chiến tranh thế giới.”

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là ngày càng lo lắng về khả năng kiểm soát các tường thuật xung quanh cuộc chiến của quốc gia mình. Mạc Tư Khoa gần đây đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và đã chứng kiến những tổn thất lớn trên tiền tuyến trước các lực lượng Ukraine.

Đức Thánh Cha tiết lộ thêm trong cuộc phỏng vấn rằng ngài đã liên lạc với một trong những cố vấn tôn giáo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ngoài ra, ngài nói về việc đã viết một lá thư từ chức vào năm 2013, ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng, trong trường hợp ngài bị ốm nặng hoặc gặp tai nạn. Ngài hiện đang bị đau thần kinh tọa, đã trải qua cuộc phẫu thuật ruột kết vào năm 2021 và phải ngồi xe lăn vì những cơn đau đầu gối liên tục.

Khi được hỏi về món quà mà Ngài mong muốn vào dịp Giáng Sinh, ngài nói với nhật báo tiếng Tây Ban Nha: “Hòa bình cho thế giới. Có biết bao cuộc chiến trên thế giới! Cuộc chiến ở Ukraine khiến chúng ta gần gũi với đất nước này hơn, nhưng chúng ta cũng nghĩ đến Miến Điện, Yemen, Syria, nơi chiến sự đã tiếp diễn trong 13 năm qua”.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo tôn giáo thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa các quốc gia tham chiến. Vào tháng 8, ngài cho biết toàn cầu hiện đang trải qua “Chiến tranh thế giới thứ ba”, một cuộc chiến mà ngài phân loại là chiến tranh cục bộ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây cũng đã khuyến khích những nỗ lực cầu nguyện cho người dân Ukraine.

Newsweek đưa tin hôm thứ Năm rằng Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã nhận được lời xin lỗi từ Vatican về một số nhận xét gần đây của Đức Giáo Hoàng. Vào tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã gọi hai nhóm dân tộc thiểu số của Nga là những người lính “tàn ác nhất” đang chiến đấu ở Ukraine.

“Nói chung, những kẻ độc ác nhất có lẽ là những người Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryat, v.v.,” Đức Thánh Cha nói với nguyệt san Công Giáo America.

Newsweek đã liên hệ với Vatican để có thêm bình luận.
Source:Newsweek
 
2022: Năm Đức Giáo Hoàng khóc
Đặng Tự Do
17:08 19/12/2022


Ngày 17 tháng 12 năm 2022 Đức Giáo Hoàng, tròn 86 tuổi, và đã sống những tháng cuối cùng của triều đại giáo hoàng của mình trong bối cảnh được đánh dấu bằng điều mà ngài mô tả là “chiến tranh thế giới thứ ba”, với mối quan tâm đặc biệt đối với Ukraine.

Bạo lực ở Đông Âu đánh dấu hàng chục lần can thiệp của Đức Phanxicô, kể từ ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược nước Nga bắt đầu, thậm chí khiến ngài bật khóc trước công chúng, khi tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc chiến, trong một buổi lễ kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ở trung tâm của Rôma.

Đức Giáo Hoàng, người đã cân nhắc chuyến thăm Kyiv và Mạc Tư Khoa, là những chuyến viếng thăm đã bị hoãn lại cho đến nay, đã viết một lá thư cho người dân Ukraine, và đã mở cửa Vatican cho các cuộc đàm phán có thể xảy ra.

Đối mặt với kịch bản có thể xảy ra về một thảm kịch hạt nhân, Đức Phanxicô đã thực hiện một sự can thiệp chưa từng có, vào ngày 2 tháng 10, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 10, trong đó ngài bỏ qua bài huấn dụ giải thích bài Tin Mừng trong ngày để dành riêng cho cuộc xung đột này, với lời kêu gọi trực tiếp tới các tổng thống Nga và Ukraine.

Vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha đã hợp nhất Fatima và Vatican vào một ngày lịch sử, được đánh dấu bằng việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Buổi cầu nguyện cho hòa bình được chủ tọa tại Cova da Iria bởi một đại diện giáo hoàng, Đức Hồng Y Konrad Krajewski và, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, bởi chính Đức Phanxicô.

Sau một ngày ăn chay vì hòa bình, vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, chiến tranh lại một lần nữa hiện diện tại buổi cử hành Chặng Đàng Thánh Giá ở Đấu trường Rôma: thánh giá được vác theo kế hoạch bởi Irina và Albina, là những người bạn và người di cư ở Ý, một người là người Nga và một người là người Ukraine.

Vào ngày lễ Phục sinh, Đức Phanxicô đã tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc xung đột, đặc biệt là trẻ em, trong thông điệp 'Urbi et Orbi' của ngài.

Vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì một công nghị tấn phong Hồng Y, trong đó ngài đã phong làm Hồng Y đầu tiên của Timor-Leste và thúc đẩy một cuộc họp chung của Hồng Y đoàn, để thảo luận về việc cải cách Giáo triều Rôma.

Trong 9 năm kể từ ngày bắt đầu long trọng triều đại giáo hoàng của mình, vào ngày 13 tháng 3 năm 2022, Đức Giáo Hoàng đã ban hành tông hiến mới được chờ đợi từ lâu 'Praedicate evangelium' (Rao giảng Tin Mừng), đề xuất một Giáo triều quan tâm hơn đến đời sống của giáo dân, và với xã hội, cũng như vai trò chủ đạo lớn hơn của giáo dân nam nữ.

Trong số các nhà lãnh đạo mới, nổi bật là việc chọn Hồng Y người Bồ Đào Nha D. José Tolentino Mendonça làm bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Ngoài hai lễ phong thánh, Đức Phanxicô đã phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I.

Cuối năm nay, Đức Thánh Cha đã công bố quyết định kéo dài Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục cho đến năm 2024, và bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh 2025.

Vào tháng Giêng, Chúa nhật Lời Chúa đã đi vào lịch sử: lần đầu tiên, Đức Thánh Cha đã thiết lập thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho giáo dân Công Giáo, từ bốn châu lục.

Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP 27, cũng nằm trong chương trình nghị sự trong những tháng gần đây, với việc Đức Phanxicô yêu cầu đưa ra các quyết định cụ thể.

Đức Giáo Hoàng đã trả lời một số cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến, trong số các chủ đề khác, cuộc khủng hoảng do lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây ra trong Giáo hội, tái khẳng định chính sách không khoan nhượng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên ghi danh tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023, và năm nay, ngài đã công bố thông điệp hướng dẫn cuộc họp ở Lisbon.
Source:agencia.ecclesia.pt
 
Lý thuyết chiến thắng mới của Nga
Vu Van An
18:35 19/12/2022


Mick Ryan là một thiếu tướng đã nghỉ hưu trong Quân đội Úc. Tốt nghiệp Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins và Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu thuộc Đại học Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và Trường Chiến đấu Cao cấp, ông là một người nhiệt tình ủng hộ giáo dục chuyên nghiệp và học tập suốt đời. Ông đã chỉ huy cấp trung đội, hải đội, trung đoàn, chiến đoàn, lữ đoàn. Vào tháng 1 năm 2018, ông nắm quyền chỉ huy Trường Cao đẳng Quốc phòng Úc ở Canberra, Úc. Năm 2021, ông là học giả phụ trợ tại Viện Chiến tranh Hiện đại. Mick đã trở thành thành viên của Order of Australia (AM) vì đã lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm tái thiết đầu tiên của Úc ở Afghanistan. Ông đã hoàn thành sự nghiệp kéo dài 35 năm của mình với Quân đội Úc và chuyển sang Lực lượng Dự bị với quân hàm thiếu tướng vào ngày 27 tháng 2 năm 2022. Cuốn sách của ông, War Transformed, được xuất bản vào ngày 15 tháng 2 năm 2022 bởi U.S. Naval Institute Books. Trong bài Russia’s New Theory of Victory, đăng trên tạp chí mạng Foreign Affairs ngày 14 tháng 12, 2022, ông cho rằng Ukraine có thể thắng lý thuyết chiến thắng mới của Nga nếu họ tiếp tục duy trì được sự yểm trợ của đồng minh.



Ngày Giáng sinh sẽ là một cột mốc nghiệt ngã đối với người dân Ukraine. Nó sẽ đánh dấu gần đúng mười tháng kể từ khi các lực lượng Nga tiến vào đất nước của họ, gây ra sự tàn phá ở quy mô chưa từng thấy ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Hàng chục nghìn người Ukraine đã thiệt mạng. Hàng triệu người đã rời bỏ nhà cửa của họ. Hầu hết đất nước bị mất điện, khiến Kyiv lo lắng rằng—khi mùa đông bắt đầu—nhiều công dân của họ sẽ bị chết cóng.

Nhưng Giáng sinh cũng sẽ là một cột mốc nghiệt ngã đối với nước Nga. Mạc Tư Khoa từng lên kế hoạch cho một chiến dịch thắng lợi ngắn hạn. Thay vào đó, Ukraine đã cho nó một bài học cay đắng về chiến tranh hiện đại và khả năng co dãn của quốc gia. Người Ukraine đã dần dần làm suy giảm năng lực quân sự của Nga bằng cách gây thiệt hại cho các lực lượng của họ trên chiến trường và tại các khu vực yểm trợ. Họ đã làm xói mòn danh tiếng của Nga trên hoàn cầu và trong tâm trí của những người lính, chỉ huy và công dân của chính nước Nga. Người Ukraine tránh các trận chiến có phương pháp với mức độ tiêu hao cao nếu có thể, nhưng họ tham gia cận chiến khi có cơ hội giành được địa bàn. Nó đã có hiệu quả tuyệt vời. Ukraine đã đẩy Nga ra khỏi Kyiv, giành lại tỉnh Kharkiv ở phía đông bắc và giải phóng các phần của Donbas. Gần đây nhất, nó đã giải phóng Kherson, thủ phủ cấp tỉnh duy nhất mà Nga đã thành công chiếm được.

Tuy nhiên, còn quá sớm để loại trừ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ định một chỉ huy quân sự mới, Tướng Sergei Surovikin, lãnh đạo cuộc xâm lược, và Surovikin tỏ ra tàn bạo và có năng lực hơn những người tiền nhiệm. Trong một trong những hành động đầu tiên của mình, ông đã phát động chiến dịch trên không mạnh mẽ và khủng khiếp đã phá hủy phần lớn cơ sở năng lượng hạ tầng của Ukraine - một chiến thuật lấy dân sự làm trung tâm mà ông đã mài giũa khi lãnh đạo lực lượng Nga ở Syria. Surovikin chịu trách nhiệm về việc Nga rút lui khỏi Kherson, nhưng không giống như khi Nga rút khỏi gần Kyiv hoặc Kharkiv, Surovikin đảm bảo rằng cuộc rút lui này được tổ chức và tiến hành tốt.

Sự xuất hiện của Surovikin báo trước một sự điều chỉnh khác trong chiến lược của Nga ở Ukraine. Mặc dù Putin có thể nhận ra rằng ông ta sẽ không thể chiếm được Kyiv, nhưng tổng thống Nga vẫn có thể tin rằng ông ta có thể chiếm được tất cả bốn tỉnh mà ông ta mới sáp nhập (bất hợp pháp) — Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia. Surovikin là người quan trọng thực hiện các kế hoạch này. Putin hy vọng rằng, khi chiến tranh kéo dài và mùa đông đến, châu Âu sẽ ngừng cung cấp cho Ukraine những khoản yểm trợ lớn để lục địa này có thể cố gắng khôi phục việc nhập khẩu khí đốt của Nga. Ông tin rằng khả năng giảm yểm trợ này sẽ mở đường cho một cuộc tấn công mới, thành công của Nga. Để thực hiện một cuộc tấn công như vậy, ông ta trông cậy vào việc Surovikin tổ chức lại quân đội để quân đội hoạt động trơn tru hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn.

Sẽ rất khó để Surovikin thành công do quân đội Nga còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như trang thiết bị xuống cấp và tinh thần xuống thấp. Nhưng Surovikin đang làm việc để thống nhất quân đội dưới quyền chỉ huy của mình. Gần như chắc chắn, ông ta sẽ vạch ra các kế hoạch chiến đấu tập trung rõ ràng, không giống như các cuộc tấn công trong quá khứ khiến quân đội Nga bị dàn mỏng. Nếu Kyiv muốn giữ thế thượng phong, họ cần phải lường trước chiến lược của Surovikin trong khi duy trì sự ủng hộ của phương Tây—và điều đó có nghĩa là tiếp tục đổi mới trên chiến trường.

Xuống dốc nhưng không bại

Đối với những người theo dõi cuộc chiến, phần lớn những gì Nga dự kiến cho năm 2023 nghe có vẻ quen thuộc. Thí dụ, Mạc Tư Khoa sẽ tiếp tục sử dụng tuyên truyền về sự gây hấn của NATO để cố gắng ngăn Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia hiện trung lập khác tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nó cũng sẽ sử dụng thông tin sai lầm và sai lệch để đảm bảo việc người dân Nga tiếp tục ủng hộ cuộc xung đột. Giữ người Nga trong khuôn khổ sẽ đặc biệt quan trọng khi Mạc Tư Khoa chắc chắn tiến hành các đợt quân sự bổ sung. Ngay cả những kẻ độc tài cũng phải quan tâm đến chính trị trong nước.

Tương tự như vậy, Putin sẽ duy trì cuộc chiến năng lượng của mình. Ông ta sẽ tiếp tục tước khí đốt của châu Âu với hy vọng lục địa này sẽ buộc Kyiv phải đồng ý ngừng bắn khi nhiệt độ giảm xuống. Ông cũng sẽ khuyến khích nhiều cuộc tấn công vào nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine. Theo tính toán của Putin, các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện của Ukraine sẽ không chỉ làm tê cóng người dân nước này mà còn khiến Ukraine phải trả giá bằng sự trợ giúp từ bên ngoài; các nhà đầu tư nước ngoài, xét cho cùng, khó có thể quay trở lại đất nước khi điện lực không đáng tin cậy. Ngay cả khi các cuộc tấn công không ngăn cản các nhà đầu tư, chúng vẫn sẽ gây tốn kém về kinh tế cho Kyiv bằng cách ngừng xuất khẩu điện của Ukraine bắt đầu vào tháng 7 năm 2022.

Tuy nhiên, các yếu tố khác trong chiến lược của Nga sẽ mới - và Surovikin đang đóng một vai trò quan trọng trong những thay đổi. Vị tướng này dường như là nhà lãnh đạo quân sự đầu tiên mà Putin rõ ràng ủng hộ, và — theo bài phát biểu gần đây của Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines — tổng thống Nga hiện được thông báo rõ hơn về các hoạt động hàng ngày của lực lượng vũ trang. Nếu Putin tự tin rằng mình được cung cấp thông tin tốt hơn so với trước tháng 10, thì nhiều khả năng ông ta sẽ hướng chú ý đến nhiều thách thức khác mà Nga hiện đang phải đối đầu, trao cho Surovikin quyền tự chủ lớn hơn trong việc sử dụng lực lượng rộng lớn của Nga ở Ukraine. Surovikin có thể sử dụng quyền tự do hành động tương đối này để đặt các nhóm quân sự và lính đánh thuê bị rạn nứt của Nga dưới sự kiểm soát thống nhất hơn. Chắc chắn, ông ta sẽ sử dụng nó để tích hợp tốt hơn các hoạt động trên không và trên bộ của Nga và bảo đảm có sự liên kết tốt hơn giữa các hoạt động chiến trường và hoạt động thông tin của đất nước mình.

Chính việc củng cố, tự nó, sẽ không làm cho quân đội Nga thực sự sẵn sàng chiến đấu. Surovikin chỉ huy một đội quân đang xuống tinh thần và liên tục mất người và trang bị tốt nhất. Cho đến nay, bằng chứng cho thấy quân đội Nga được huy động để thay thế những người thiệt mạng và bị thương không được đào tạo bài bản mà họ cần để thành công. Ít nhất là trong suốt mùa đông, Surovikin sẽ ở thế phòng thủ, làm bất cứ điều gì có thể để bảo toàn lực lượng của mình trước các cuộc tấn công đang diễn ra của Ukraine.

Nhưng ông ta sẽ bắt đầu chuẩn bị quân đội Nga cho các hoạt động mới. Chẳng hạn, Surovikin sẽ làm việc để tái thiết các đơn vị bị tàn phá bằng cách triển khai hàng chục nghìn binh sĩ mới được huy động tới Ukraine. Nếu (và, gần như chắc chắn, khi nào) những đội quân này có chất lượng kém, ông ta có thể làm việc để cải thiện việc huấn luyện khi trở lại Nga. Ông ta sẽ cố gắng tận dụng sự huy động công nghiệp đang diễn ra của Nga để có được nhiều vũ khí tốt hơn. Ông cũng sẽ thiết lập các hệ thống để bảo vệ các tuyến đường tiếp tế quan trọng, xây dựng một mạng lưới hậu cần linh hoạt hơn, dự trữ đạn dược và vật tư cho các hoạt động tấn công trong tương lai.



Surovikin có thể sẽ tỉ mỉ hơn trong việc lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công. Ông sẽ tìm cách đảm bảo rằng các lực lượng của Nga được liên kết trên chiến trường và cải thiện các chiến thuật của đất nước mình, với mục tiêu tránh các cách tiếp cận thường là từng phần và thiếu phối hợp của những người tiền nhiệm. Và vị tướng này sẽ tiếp tục làm việc để khiến Ukraine khó thăng tiến hơn. Chẳng hạn, Surovikin sẽ duy trì chiến dịch của mình chống lại cơ sở hạ tầng của Ukraine, một chiến thuật làm chuyển hướng cả nguồn lực của Ukraine và phương Tây khỏi các hoạt động tấn công của Kyiv. (Các cuộc tấn công cũng cung cấp thông tin tuyên truyền cho khán giả trong nước của Nga, mặc dù điều đó có vẻ ghê tởm). Những cuộc tấn công như vậy có ít nhược điểm đối với Nga; chúng là một lợi thế bất đối xứng. Như nhà sử học Lawrence Freedman gần đây đã lưu ý, Ukraine không có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng tương tự ở Nga – không kể các cuộc tấn công của Ukraine vào các căn cứ không quân của Nga. Ông viết: “Người Ukraine đang chiến thắng trên chiến trường, nhưng họ không thể đánh trả người Nga ở cấp độ chiến lược đó”.

Surovikin có thể sẽ tìm cách thực hiện nhiều nhiệm vụ “tiết kiệm lực lượng” hơn: các hoạt động quân sự trong đó một bên cố gắng đánh lừa kẻ thù của mình theo cách buộc họ phải sử dụng một số lượng lớn binh lính cho các nhiệm vụ không hiệu quả. Thí dụ, Nga đã bố trí các đội quân nhỏ ở Belarus để buộc Ukraine phải giữ các đội quân lớn hơn xung quanh Kyiv, tước khỏi quân đội Ukraine số quân họ có thể sử dụng ở nơi khác. Surovikin có thể sẽ tiến hành nhiều hoạt động như vậy hơn để quân đội của ông có cơ hội thành công cao hơn khi ông lên kế hoạch cho các bước tiếp theo của mình. Trừ khi Nga bị đánh tan tành, Surovikin sẽ muốn bắt đầu các hoạt động tấn công trên bộ, nếu hoàn thành, sẽ mang lại cho Nga tất cả hoặc hầu hết các tỉnh mà Putin đã sáp nhập.

Tất nhiên, vị tướng này biết rằng Ukraine có thể cố gắng chiếm lại lãnh thổ đã mất một lần nữa. Do đó, ông đã ra lệnh cho quân đội xây dựng thêm các vị trí phòng thủ trên khắp lãnh thổ hiện Nga đang kiểm soát. Surovikin cũng có khả năng tiến hành các hoạt động chính trị để "Nga hóa" các phần của Ukraine mà Nga chiếm đóng. Quá trình này sẽ giống với những gì Nga đã làm ở Kherson: chuyển nền kinh tế địa phương ra khỏi đồng hryvnia của Ukraine và chuyển sang sử dụng đồng rúp, thay đổi chương trình giảng dạy ở trường học và thực hành đáng ghê tởm là bắt cóc trẻ em Ukraine và gửi chúng đến Nga để làm con nuôi. Liệu những điều này có hiệu quả hơn trong tương lai so với ở Kherson hay không vẫn còn phải chờ xem.

Tiến và phản tiến

Ngay bây giờ, quân đội Ukraine vẫn có lợi thế. Không giống như khi bắt đầu chiến tranh, các nhà lãnh đạo Ukraine là người quyết định địa điểm và thời điểm diễn ra các trận chiến. Họ có thể xác định cách các chiến dịch chiến trường được thực hiện. Họ có động lực và họ không muốn từ bỏ nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ukraine sẽ có thế chủ động vô thời hạn. Để hoàn toàn ở thế kiểm soát, người Ukraine cần hiểu và sau đó làm suy yếu các kế hoạch của Putin và Surovikin.

Thứ nhất, điều đó có nghĩa là Kyiv phải tiếp tục chống lại cuộc chiến thông tin của Nga. Mạc Tư Khoa đang nỗ lực thuyết phục người châu Âu rằng các hóa đơn sưởi ấm tăng cao của họ là do sự yểm trợ của các nước đối với Ukraine, hy vọng rằng họ có thể thuyết phục các quốc gia này rằng chi phí đó là không đáng. Nó cũng đang cố gắng làm suy yếu sự yểm trợ của Washington bằng cách thúc đẩy sự chia rẽ đảng phái của Hoa Kỳ. Nếu Điện Kremlin thành công trong việc đẩy các quốc gia NATO khỏi ủng hộ Kyiv, thì điều đó có thể gây ra hậu quả tàn khốc: đối với Ukraine, sự yểm trợ kinh tế và quân sự từ Hoa Kỳ và Châu Âu là điều cần thiết để thành công trên chiến trường.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đội ngũ thông minh của ông đang nghiên cứu các thông điệp nhằm duy trì thiện cảm của cộng đồng quốc tế. Nhưng họ cũng cần đưa cuộc chiến lên trang nhất của các tờ báo phương Tây và đi đầu trong suy nghĩ của phương Tây. Và cách tốt nhất để đạt được điều đó là làm điều Ukraine đã làm trong sáu tháng qua: chiến thắng. Kyiv càng giành được nhiều chiến thắng thì càng có khả năng nhận được nhiều tài trợ và vũ khí hơn từ phương Tây (thay vì kêu gọi đàm phán).

Nhưng để tiếp tục thành công, chiến lược quân sự của Ukraine sẽ cần phải tiến triển. Nó sẽ phải lường trước và đánh bại các hành động chiến trường của Surovikin. Để làm như vậy, nước này chắc chắn phải tăng cường việc giám sát tiền tuyến, trung tâm hậu cần và trung tâm chỉ huy của Nga, điều này có thể giúp xác định những điểm yếu mà nước này có thể khai thác. Ukraine cũng phải mở rộng chương trình gửi binh lính và các chỉ huy quân sự cấp thấp tới châu Âu để được huấn luyện chuyên sâu hơn, giúp cho quân đội vốn đã vượt trội của họ thậm chí còn tốt hơn so với lực lượng được huy động của Nga. Và Ukraine sẽ cần phải tiếp tục tìm cách làm suy giảm năng lực của Nga giúp tạo điều kiện cho cuộc xâm lược, bao gồm các trung tâm hậu cần, vận tải và chỉ huy của Nga. Ukraine gần đây đã tấn công hai căn cứ không quân của Nga cách Ukraine hơn 400 dặm—những cuộc tấn công chắc chắn họ muốn lặp lại. Những cuộc tấn công sâu như vậy ảnh hưởng đến tâm lý người Nga, ảnh hưởng đến vị thế chính trị trong nước của Putin và buộc Nga rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược về việc cân nhắc nỗ lực quân sự của mình ở Ukraine với việc bảo vệ các căn cứ trong nước.

Khi thực hiện các bước này, các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định Ukraine có thể giúp ngăn chặn một quân đội Nga mạnh mẽ hơn, hội nhập hơn và giàu trí tưởng tượng hơn khỏi xuất hiện. Và nếu Ukraine có thể tiếp tục giành chiến thắng trên chiến trường, Kyiv có thể cố gắng cô lập và thậm chí có thể chiếm toàn bộ Donbas và Crimea. Chiếm lại cả hai khu vực này là mục tiêu đã nêu của chính phủ Ukraine. Nhưng thành công tiến vào các lãnh thổ này sẽ chứng minh rất nhiều thách thức. Việc chiếm Crimea sẽ đặc biệt khó khăn, đòi hỏi Ukraine phải thực hiện các loại hoạt động hải quân mới để ngăn Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga tấn công quân đội Ukraine khi họ tiến vào bán đảo. Người Ukraine sẽ phải phối hợp đồng thời các hoạt động đổ bộ, trên không, trên bộ và các hoạt động khác. Nhiệm vụ này, mặc dù không phải là không thể vượt qua, nhưng là khó khăn. Và một số chính phủ phương Tây có thể coi chiến dịch giành Crimea nằm ngoài phạm vi những gì họ đã hứa sẽ yểm trợ — mặc dù bán đảo này về mặt pháp lý vẫn là một phần của Ukraine và Zelensky đã liên tục ra hiệu về ý định lấy lại nó.

Nhưng còn một chặng đường dài trước khi Ukraine đạt đến điểm có thể xâm chiếm Crimea. Ngay bây giờ, nó có nhiều khủng hoảng và thách thức trước mắt hơn. Thí dụ, quốc gia này cần tìm cách nhanh chóng tái thiết và củng cố mạng lưới điện và sưởi ấm của mình trước các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga, bao gồm cả việc nhận thêm yểm trợ của phương Tây. (Lời hứa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi hơn 53 triệu đô la thiết bị năng lượng sẽ hữu ích). Kyiv cũng sẽ cần xem xét cẩn thận cách họ nên sắp xếp và ưu tiên các hoạt động trên bộ, trên không và thông tin vào năm 2023, tương tự như cách họ tổ chức các cuộc phản công của mình trong vài tháng qua để buộc Nga phải chiến đấu đồng thời ở phía bắc, phía đông và phía nam.

Rất may, có rất nhiều lý do để tin rằng Kyiv có thể đánh bại ngay cả một quân đội Nga đang hồi sinh. Các chiến dịch gây ảnh hưởng quốc tế của Ukraine đã là hình mẫu cho các nền dân chủ khác học tập và thi đua. Người Ukraine đã tỏ ra vượt trội so với người Nga trong việc thích nghi và cập nhật các chiến thuật cũng như định chế quân sự của họ. Và họ có tinh thần tốt hơn nhiều. Chiến tranh không có gì chắc chắn, bất kể những chiến thắng trước đó. Nhưng nếu Ukraine có thể duy trì sự ủng hộ của phương Tây, điều đó có thể chứng minh rằng lý thuyết chiến thắng mới của Putin cũng sai lầm như lý thuyết trước đây của ông.
 
Chuyện lạ, Hai chị em song sinh bị chia cắt ngay từ lúc mới sinh, xa cách nhau nhiều năm, nhưng cuối cùng, cùng chung sống trong một tu viện.
Thanh Quảng sdb
22:54 19/12/2022
Chuyện lạ, Hai chị em song sinh bị chia cắt ngay từ lúc mới sinh, xa cách nhau nhiều năm, nhưng cuối cùng, cùng chung sống trong một tu viện!

Aleteia - Dominika Cicha - Marzena Devoud

Sơ Elizabeth và Gabriela gặp nhau tại tu viện Thánh Elizabeth, cảm động nói: "Chúng tôi xác tín rằng mẹ của chúng tôi đã cầu nguyện cho ơn gọi của chúng tôi."

Ngày 23 tháng 2 năm 1962, bà Cecilia sinh đôi hai bé gái, nhưng bà không có cơ hội thấy các bé; bà đã chết khi sinh hai con, vì bị biến chứng khi mổ. Trước tình huống bi thương này, gia đình buộc phải chia cắt cặp song sinh. Một bé sẽ được cha nuôi, trong khi bé khác sẽ được bà bác của mẹ nhận nuôi.

Trên giấy khai sinh hai chị em được đăng ký là chị em họ. May mắn thay Elizabeth và Gabriela sống ở các thị trấn lân cận, nên hai cô đi học cùng trường. Họ thường ngồi cạnh nhau, ở hàng đầu, vì cả hai đều bị cận. Họ rất thân với nhau, thích chơi với nhau và họ thường chọn những hoạt động giống nhau. Sở thích chung của họ giống nhau cả cách ăn mặc: giày và váy giống nhau.

“Họ là chị em họ, nhưng họ có vẻ giống chị em sinh đôi!”

Hai chị em rất thích các giờ về tôn giáo và các khóa tâm linh hơn là du ngoạn với bạn bè. Vào Ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn, họ giữ các truyền thống như thăm viếng nghĩa trang. Và hàng năm, cả hai cùng với gia đình đến cầu nguyện tại mộ của “bà Cecilia”, mà không biết đây chính là ngôi mộ của người mẹ đã khuất.

Trong suốt thời thơ ấu của họ, Elizabeth và Gabriela thường nghe người ta nói: “Họ là chị em họ, nhưng họ có vẻ giống chị em ruột song sinh!” Một ngày nọ, lúc 10 tuổi, Gabriela tình cờ nghe được câu chuyện của gia đình và khám phá ra bí mật về cuộc chào đời của mình. Một thời gian sau, Elizabeth cũng biết được bí mật này… vào ngày cô được rước lễ lần đầu. Hai chị em đã diễn tả: “Cuộc sống ở miền quê thật đơn giản, quá dễ dãi… Đây là một cú sốc cho cả hai chúng tôi, khi chúng tôi nghe biết chuyện chia cắt chúng tôi cho người này nuôi, mặc dù chúng tôi biết rằng tình thương của ba mẹ luôn dạt dào cho cả hai chúng tôi! ”

Ơn gọi dâng hiến

Khi còn trẻ, cặp song sinh thường xuyên tham gia các nhóm cầu nguyện do các sơ dòng Thánh Elizabeth hướng dẫn. Cả hai đều yêu quí ơn gọi tu trì. Cả hai đã trao đổi rất nhiều với nhau. Bị cuốn hút bởi đời sống tu trì, cả hai quyết định cùng nhau gia nhập Dòng Nữ Thánh Elizabeth. Vấn đề là thông báo và xin phép gia đình…

Đối với Elizabeth, mọi thứ diễn tiến rất tốt đẹp. Cha cô (cha ruột của cặp song sinh) đã chúc phúc cho cô. Nhưng đối với Gabriela, thì ngược lại, cha nuôi của cô vô cùng tức giận, đã giữ giấy tờ của cô và cấm cô không được ra khỏi nhà.

Chờ đợi cả năm rưỡi, Gabriela nảy sinh ra một kế hoạch đoàn tụ với em gái tại tu viện. Cô vịn cớ đi thăm Elizabeth vào dịp sinh nhật của em, và cô chuẩn bị mọi sự để đi luôn… Elizabeth vui mừng lắm, nhưng cái giá Gabriela phải trả là bị cắt đứt mọi quan hệ với cha mẹ nuôi của cô...

Niềm vui đoàn tụ

Cuộc sống tu trì là thời gian ân sủng cho hai chị em, thời gian mà cuối cùng họ được ở bên nhau và cùng tiến bước với Chúa Kitô. Năm năm sau, cả hai sẵn sàng để tuyên khấn trọn đời... Cha mẹ nuôi của Gabriela đã thay đổi quan điểm, ông bà đã cùng với cha xứ đến tham dự lễ khấn và chúc mừng cho cô. Mọi người đều rất xúc động.

Gabriela và Elizabeth xác tín rằng cuộc sống dâng hiến của hai sơ được thành tựu là nhờ lời cầu bầu chở che hướng dẫn của người mẹ hằng chuyển cầu cho hai sơ trước tòa Chúa trên nước trời.
 
VietCatholic TV
Đáng tiếc: FIFA từ chối chiếu thông điệp hòa bình của TT Zelenskiy trong trận chung kết World Cup
VietCatholic Media
00:58 19/12/2022


Ukraine đang chỉ trích FIFA vì từ chối chiếu thông điệp video từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Sân vận động Lusail của Qatar trước trận chung kết World Cup vào hôm Chúa Nhật.

Đoạn video, được quay bằng tiếng Anh, có mục đích là một “lời kêu gọi hòa bình”, theo một tuyên bố bằng văn bản do văn phòng tổng thống Ukraine cung cấp cho CNN hôm thứ Bảy.

“Qatar ủng hộ sáng kiến của Tổng thống, nhưng FIFA đã ngăn chặn sáng kiến này và đã không cho phép chiếu video phát biểu của tổng thống trước trận đấu cuối cùng,” tuyên bố cho biết.

CNN đã liên hệ với FIFA nhưng chưa nhận được bình luận. Qatar chưa bình luận công khai về yêu cầu từ Ukraine.

CNN lần đầu tiên đưa tin về câu chuyện khi một nguồn tin trong văn phòng của Zelenskiy cho biết yêu cầu phát video đã bị từ chối.

CNN đã nhận được một bản sao video bài phát biểu được ghi âm trước của Tổng thống Zelenskiy vào thứ Bảy.

Trong đoạn video dài 1 phút 43 giây, Zelenskiy nói rằng túc cầu là để gắn kết thế giới lại với nhau và kêu gọi “World Cup, chứ không phải là World War, hay chiến tranh thế giới.”

“World Cup này một lần nữa chứng minh rằng các quốc gia và các dân tộc khác nhau có thể quyết định ai là người mạnh nhất trong lối chơi công bằng, nhưng không phải trong trò chơi với lửa – trên sân chơi xanh chứ không phải trên chiến trường đỏ,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu.

Văn phòng tổng thống Ukraine nói với CNN rằng họ được thông báo rằng FIFA coi thông điệp này quá chính trị và cho biết họ đã gửi một bản sao của video tới trụ sở FIFA ở Thụy Sĩ vào hôm thứ Sáu.

“Không có gì mang tính chính trị trong lời kêu gọi của tổng thống đối với sự kiện thể thao này, cụ thể là không có đánh giá chủ quan, tín hiệu chính trị và càng không có lời buộc tội nào,” tuyên bố cho biết.

Văn phòng tổng thống Ukraine nói thêm rằng “vẫn còn thời gian để FIFA sửa lỗi của họ.”

“FIFA không nên lo sợ rằng những lời hòa bình sẽ được lắng nghe tại lễ kỷ niệm bóng đá toàn cầu đại diện cho hòa bình”.

Văn phòng tổng thống Ukraine cũng cho biết họ sẽ phân phối video một cách độc lập nếu FIFA không phát sóng. Nó cho biết quyết định chặn đoạn clip của tổ chức sẽ cho thấy “FIFA đã đánh mất sự hiểu biết có giá trị về túc cầu - như một trò chơi đoàn kết mọi người, thay vì hỗ trợ cho các chia rẽ hiện có.”

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ thông điệp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Lời chúc nồng nhiệt từ Ukraine tới tất cả những người hâm mộ túc cầu, cuộc sống và hòa bình. Tôi xin chúc mừng cả hành tinh về trận chung kết World Cup.

Hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến một chiến thắng chung. Đó là lễ kỷ niệm tình nhân loại. World Cup này đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng các quốc gia và dân tộc khác nhau có thể quyết định ai là người mạnh nhất trong lối chơi công bằng nhưng không phải chơi với lửa, chơi trên sân chơi xanh mướt chứ phải trên chiến trường đỏ rực.

Đây là ước mơ của biết bao người khi các cầu thủ tranh tài khi ai cũng được hưởng thái bình. Mọi người cha đều muốn đưa con trai mình đến xem một trận đấu túc cầu trên khắp thế giới và mọi người mẹ đều muốn con trai mình trở về sau chiến tranh.

Ở mọi thời, Ukraine luôn cố gắng đạt được hòa bình hơn bất cứ điều gì khác. Chúng tôi chính thức đề nghị hòa bình cho thế giới, chúng tôi đề nghị điều đó bởi vì không có nhà vô địch trong chiến tranh, cũng không thể có chuyện không thắng không bại.

Tôi công bố sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chính thức về hòa bình toàn cầu vào mùa đông này. Hội nghị thượng đỉnh này là nhằm đoàn kết tất cả các quốc gia trên thế giới xung quanh sự nghiệp hòa bình toàn cầu.

Các sân vận động và khán đài trở nên trống rỗng sau trận đấu; và sau chiến tranh các thành phố chỉ còn lại sự trống rỗng. Đó là lý do tại sao chiến tranh phải thất bại và hòa bình sẽ trở thành nhà vô địch như hiện nay ở Qatar. World Cup chứ không phải World War (chiến tranh thế giới). Điều đó là có thể.

Xin hãy ủng hộ Ukraine trong nỗ lực khôi phục hòa bình của chúng tôi. Hãy tham gia hội nghị thượng đỉnh chính thức về hòa bình toàn cầu và trở thành nhà vô địch vì hòa bình. Hãy cùng nhau chứng kiến trận chung kết và kết thúc chiến tranh. Slava Ukraini (vinh quang cho Ukraine) và chúc Ngày Qatar vui vẻ.
 
Tổng kho xăng dầu Putin trúng HIMARS, nổ tung. Nga bỏ chạy để tránh bị bao vây ở phía Đông Dnipro
VietCatholic Media
03:11 19/12/2022


1. Tổng kho xăng dầu của Putin nổ tung. Quân Nga di tản để tránh bị bao vây tại phía Đông sông Dnipro, 590 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng 7 chiến xa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 19 tháng 12, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân Nga đang di tản hầu hết các lực lượng từ Kakhovka và Nova Kakhovka đến gần biên giới với vùng Zaporizhzhia.

Sau khi rút lui khỏi phía Tây sông Dnipro, các lực lượng này được giao nhiệm vụ trấn giữ Kakhovka và Nova Kakhovka để ngăn không cho quân Ukraine vượt sông truy kích quân Nga. Đầu tháng 12, quân Ukraine đã nỗ lực tấn công Nova Kakhovka nhưng khi mùa Đông đến đường xá lầy lội, cuộc tấn công đã phải chậm lại. Tuy nhiên, ngày nào các đơn vị này của Nga cũng bị tấn công bằng hỏa tiễn và các loại pháo hạng nặng của quân Ukraine.

Serhii Khlan, một thành viên của Hội đồng khu vực Kherson, cho biết như sau:

“Một số lượng lớn quân xâm lược đã chuyển từ Kakhovka và Nova Kakhovka đến Nyzhni Sirohozy, nằm trên đường Kherson-Melitopol, giáp biên giới với vùng Zaporizhzhia. Quân xâm lược Nga đã xây dựng các công sự ở đó dọc theo các tuyến đường chính này. Và bây giờ họ muốn củng cố hướng Zaporizhzhia vì lo ngại một cuộc tấn công có thể xảy ra của các lực lượng vũ trang của chúng ta từ Zaporizhzhia. Do đó, quân xâm lược Nga đang di tản các lực lượng chính của họ, củng cố các trạm kiểm soát nằm trên các con đường từ Melitopol và từ Zaporizhzhia. Số lượng quân đội Nga ở Nova Kakhovka và Kakhovka đã giảm đi đáng kể. Nhưng thật không may, không thể nói rằng họ đã hoàn toàn rời khỏi thành phố,” Khlan nói.

Ông nói thêm rằng việc tái bố trí đang được tiến hành, quân xâm lược đành phải bỏ các trạm quan sát của chúng. Tuy nhiên, người Nga sẽ không thể rút hoàn toàn khỏi Kakhovka và Nova Kakhovka. Sự hiện diện của quân Nga ở đó vẫn còn khá quan trọng.

Ông cho biết thêm, quân Nga đang khôi phục cơ sở hạ tầng đường sắt theo hướng Zaporizhzhia để cải thiện hỗ trợ hậu cần.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 19 tháng 12, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai cho biết tổng kho xăng dầu tại thành phố Alchevsk bị tạm chiếm ở vùng Luhansk đã bùng cháy và phát nổ vào trưa ngày Chúa Nhật và đến nay vẫn chưa thể dập tắt. Đây là đòn mạnh giáng vào hậu cần của quân xâm lược Nga.

Alchevsk là một thành phố quan trọng ở tỉnh Luhansk của Ukraina. Nó nằm cách thủ phủ Luhansk của tỉnh này khoảng 45 kilômét. Alchevsk là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất ở Donbas, chiếm 1/4 sản lượng của toàn vùng. Bắt đầu từ giữa tháng 4 năm 2014, phe ly khai thân Nga đã chiếm được một số thị trấn ở tỉnh Luhansk, bao gồm cả Alchevsk. Người Nga tin tưởng vào khả năng bảo vệ thành phố này vì nó ngoài tầm bắn thông thường của pháo binh Ukraine. Chính vì thế, tại thành phố này, Putin đã xây dựng một tổng kho xăng dầu phục vụ cho cuộc chiến Donbas và bây giờ là cuộc xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, HIMARS đã thay đổi cuộc chơi. Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine, gọi tắt là StratCom, khả năng chiến tranh của Nga ở mùa Đông Ukraine đã giảm đáng kể sau vụ nổ khủng khiếp.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm thứ Bẩy 10 tháng 12, quân Ukraine cũng đã tấn công bằng HIMARS vào đại bản doanh của nhóm lính đánh thuê Wagner tại thành phố Kadiivka ở vùng Luhansk.

Đêm 17 tháng 12, các vụ nổ cũng đã vang lên ở Crimea, cũng như ở các thành phố Belgorod và Kursk của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk cho biết trong ngày qua, quân Nga vẫn điên cuồng tấn công vào thành phố Bakhmut và thành phố Avdiivka.

Ở các hướng khác, quân xâm lược lui vào phòng thủ và cố gắng kiềm chế các hành động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.

Trong ngày qua, quân đội Nga đã thực hiện 4 đợt tấn công hỏa tiễn và khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt khoảng 20 lần chủ yếu vào các cơ sở hạ tầng dân sự và thường dân.

Quân xâm lược Nga tiếp tục sử dụng các cơ sở giáo dục trong các khu vực bị xâm lược tạm thời để che chắn cho các đơn vị của họ. Tại một số khu định cư ở quận Vasylivka của vùng Zaporizhzhia, quân Nga được bố trí tại các trường học địa phương. Trong khi đó, người Nga buộc các trường phải tiếp tục hoạt động và trẻ em phải đến trường.

Trong ngày qua, lực lượng không quân Ukraine đã tiến hành sáu cuộc tấn công vào binh sĩ, kho đạn dược và thiết bị quân sự của đối phương, và ba cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống phòng không.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đánh trúng hai kho đạn của địch.

Trong 24 giờ qua, Nga đã mất hơn 590 binh sĩ, cùng với 2 xe tăng, 5 xe thiết giáp, và một hệ thống pháo, bên cạnh một khối lượng to lớn xăng dầu đang bốc cháy dữ dội tại thành phố Alchevsk.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 18 tháng 12 năm 2022, tổng thiệt hại chiến đấu của quân Nga là 98,280 binh sĩ, 2,987 xe tăng, 5,963 xe thiết giáp, 1,948 hệ thống pháo, 410 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống tác chiến phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,649 máy bay không người lái, 653 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,579 xe chuyển quân và nhiên liệu, 174 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Thống đốc Nga cáo buộc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào hôm Chúa Nhật

Theo Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov, Ukraine đã pháo kích qua biên giới, khiến một người thiệt mạng và 8 người bị thương ở vùng Belgorod của Nga vào hôm Chúa Nhật.

Vyacheslav Gladkov nói: “Một người đã chết. Được biết, người đàn ông đó đến với chúng tôi từ Tambov và làm việc với tư cách là nhà thầu xây dựng trang trại gia cầm. Tôi bày tỏ lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của những người đã khuất.”

“Tám người bị thương, bảy người hiện đang ở bệnh viện, một trong số họ đang được chăm sóc đặc biệt. Tất cả các hỗ trợ y tế cần thiết được cung cấp. Một nạn nhân khác từ chối nhập viện và được gửi đi điều trị ngoại trú,” Gladkov cho biết vào chiều Chúa Nhật.

CNN đã không thể xác minh độc lập báo cáo của Gladkov.

3. Hà Lan đã cung cấp gần 1 tỷ EUR viện trợ quân sự cho Ukraine

Tổng số tiền viện trợ quân sự mà Hà Lan cung cấp cho Ukraine đã lên tới gần 1 tỷ euro.

“Hà Lan đã cung cấp gần 1 tỷ EUR viện trợ quân sự cho Ukraine,” Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết như trên.

Tổng số tiền viện trợ quân sự được cung cấp cho đến nay là 987 triệu EUR.

Hà Lan sẽ cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự hạng nặng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ là 120 triệu EUR, trong đó 45 triệu EUR dành cho việc cung cấp xe tăng T-72.

Cùng với Hoa Kỳ và Cộng hòa Tiệp, Hà Lan sẽ chuyển giao 90 xe tăng hiện đại hóa và đại tu từ Cộng hòa Tiệp.

4. Podolyak nói: Sẽ không có thỏa hiệp hay một thỏa thuận ngưng bắn 'Minsks' mới nào có lợi cho những kẻ sát nhân người Nga

Cách duy nhất để trả lại an ninh, ổn định và khả năng dự đoán cho thế giới là phải làm cho Nga thua cuộc, ra khỏi lãnh thổ Ukraine và trả các hóa đơn.

Tuyên bố liên quan được Cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak.

“Loại chiến tranh này chỉ liên quan đến một người chiến thắng. Sẽ không có thỏa hiệp hay một thỏa thuận ngưng bắn 'Minsks' mới nào có lợi cho những kẻ giết người của Putin. Nga phải thua, rút khỏi Ukraine và trả các hóa đơn... Đây là cách duy nhất để trả lại an ninh, ổn định và khả năng dự đoán cho thế giới,” Podolyak nói.

Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, Cảnh sát Quốc gia Ukraine đã mở 49,592 vụ tố tụng hình sự đối với các tội ác của Nga ở Ukraine.

5. Thủ tướng Shmyhal: Ukraine cần vũ khí để ngăn nạn diệt chủng người dân Ukraine

Ukraine cần vũ khí để bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng và các cơ sở quan trọng cũng như để ngăn chặn nạn diệt chủng đối với người dân Ukraine.

“Tuần này, Nga đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn lần thứ 9 vào hệ thống năng lượng và các cơ sở cung cấp nhiệt của Ukraine. Nhờ hành động anh dũng của lực lượng phòng không, 60 hỏa tiễn của địch đã bị tiêu diệt. Nhưng đã có sự tàn phá và thương vong dân sự,” Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đăng trên Facebook, tóm tắt kết quả trong tuần.

Thủ tướng kêu gọi các đối tác của Ukraine hành động để ngăn chặn tội ác diệt chủng đối với người dân Ukraine. “Chúng tôi cần vũ khí để bảo vệ con người, cơ sở hạ tầng và các cơ sở quan trọng. Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và đầy đủ nên được áp dụng cho mỗi cuộc tấn công. Đây là vấn đề sống còn của Ukraine”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Shmyhal cũng lưu ý rằng Ukraine đã nhận được các nguồn lực để tái thiết với số tiền khoảng 1.5 tỷ EUR sau Hội nghị Đoàn kết, Diễn đàn Ổn định Kinh tế và một loạt các cuộc họp ở Paris.

Ngoài ra, Ukraine nhận được sự hỗ trợ dưới hình thức tài chính và thiết bị từ các đối tác, bao gồm một khoản khác trị giá 500 triệu euro từ Liên minh Âu Châu trong khuôn khổ một chương trình lớn trị giá 5 tỷ euro. Đây là những nguồn lực cho các khoản thanh toán xã hội và hỗ trợ cho sự ổn định tài chính.

Ngoài ra, Ukraine đã nhận được khoản vay 100 triệu EUR với điều kiện ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp để tài trợ cho các chi tiêu ưu tiên của chính phủ.

Ukraine cũng đã nhận được khoản tài trợ 200 triệu euro từ ngân hàng nhà nước Đức KfW trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cho những người tản cư trong nước.

Theo Thủ tướng, Đức đã thông báo đóng góp 30 triệu euro cho Quỹ hỗ trợ năng lượng Ukraine. Na Uy công bố cung cấp 1 tỷ tiền Na Uy để sửa chữa cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ông Shmyhal cũng cho biết thêm rằng Pháp đã bàn giao gần 73 tấn thiết bị năng lượng cho các công ty Ukraine, trong đó trị giá 13 triệu USD đến từ Mỹ.

Trong tuần này, ngoài quyết định cung cấp cho Ukraine 30 triệu bóng đèn LED, Liên minh Âu Châu đã nhất trí thêm hai quyết định quan trọng.

Thứ nhất, cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô 18 tỷ euro cho năm 2023. Điều này sẽ giúp Ukraine có thể bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm tới và tài trợ thành công cho các khoản chi phi quốc phòng.

Thứ hai, Liên Hiệp Âu Châu nhất trí về gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga. Nó liên quan đến tài chính, công nghệ và phương tiện truyền thông. Gần 200 cá nhân và tổ chức liên quan đến hành động gây hấn của Nga phải chịu lệnh trừng phạt.

Shmyhal cảm ơn các đối tác Âu Châu đã hỗ trợ toàn diện cho Ukraine.

6. Ukraine chỉ trích FIFA vì từ chối chiếu thông điệp hòa bình của Zelenskiy trong trận chung kết World Cup

Ukraine đang chỉ trích FIFA vì từ chối chiếu thông điệp video từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Sân vận động Lusail của Qatar trước trận chung kết World Cup vào hôm Chúa Nhật.

Đoạn video, được quay bằng tiếng Anh, có mục đích là một “lời kêu gọi hòa bình”, theo một tuyên bố bằng văn bản do văn phòng tổng thống Ukraine cung cấp cho CNN hôm thứ Bảy.

“Qatar ủng hộ sáng kiến của Tổng thống, nhưng FIFA đã ngăn chặn sáng kiến này và đã không cho phép chiếu video phát biểu của tổng thống trước trận đấu cuối cùng,” tuyên bố cho biết.

CNN đã liên hệ với FIFA nhưng chưa nhận được bình luận. Qatar chưa bình luận công khai về yêu cầu từ Ukraine.

CNN lần đầu tiên đưa tin về câu chuyện khi một nguồn tin trong văn phòng của Zelenskiy cho biết yêu cầu phát video đã bị từ chối.

CNN đã nhận được một bản sao video bài phát biểu được ghi âm trước của Tổng thống Zelenskiy vào thứ Bảy.

Trong đoạn video dài 1 phút 43 giây, Zelenskiy nói rằng túc cầu là để gắn kết thế giới lại với nhau và kêu gọi “World Cup, chứ không phải là World War, hay chiến tranh thế giới.”

“World Cup này một lần nữa chứng minh rằng các quốc gia và các dân tộc khác nhau có thể quyết định ai là người mạnh nhất trong lối chơi công bằng, nhưng không phải trong trò chơi với lửa – trên sân chơi xanh chứ không phải trên chiến trường đỏ,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu.

Văn phòng tổng thống Ukraine nói với CNN rằng họ được thông báo rằng FIFA coi thông điệp này quá chính trị và cho biết họ đã gửi một bản sao của video tới trụ sở FIFA ở Thụy Sĩ vào hôm thứ Sáu.

“Không có gì mang tính chính trị trong lời kêu gọi của tổng thống đối với sự kiện thể thao này, cụ thể là không có đánh giá chủ quan, tín hiệu chính trị và càng không có lời buộc tội nào,” tuyên bố cho biết.

Văn phòng tổng thống Ukraine nói thêm rằng “vẫn còn thời gian để FIFA sửa lỗi của họ.”

“FIFA không nên lo sợ rằng những lời hòa bình sẽ được lắng nghe tại lễ kỷ niệm bóng đá toàn cầu đại diện cho hòa bình”.

Văn phòng tổng thống Ukraine cũng cho biết họ sẽ phân phối video một cách độc lập nếu FIFA không phát sóng. Nó cho biết quyết định chặn đoạn clip của tổ chức sẽ cho thấy “FIFA đã đánh mất sự hiểu biết có giá trị về túc cầu - như một trò chơi đoàn kết mọi người, thay vì hỗ trợ cho các chia rẽ hiện có.”

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ thông điệp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Lời chúc nồng nhiệt từ Ukraine tới tất cả những người hâm mộ túc cầu, cuộc sống và hòa bình. Tôi xin chúc mừng cả hành tinh về trận chung kết World Cup.

Hôm nay, chúng ta sẽ chứng kiến một chiến thắng chung. Đó là lễ kỷ niệm tình nhân loại. World Cup này đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng các quốc gia và dân tộc khác nhau có thể quyết định ai là người mạnh nhất trong lối chơi công bằng nhưng không phải chơi với lửa, chơi trên sân chơi xanh mướt chứ phải trên chiến trường đỏ rực.

Đây là ước mơ của biết bao người khi các cầu thủ tranh tài khi ai cũng được hưởng thái bình. Mọi người cha đều muốn đưa con trai mình đến xem một trận đấu túc cầu trên khắp thế giới và mọi người mẹ đều muốn con trai mình trở về sau chiến tranh.

Ở mọi thời, Ukraine luôn cố gắng đạt được hòa bình hơn bất cứ điều gì khác. Chúng tôi chính thức đề nghị hòa bình cho thế giới, chúng tôi đề nghị điều đó bởi vì không có nhà vô địch trong chiến tranh, cũng không thể có chuyện không thắng không bại.

Tôi công bố sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chính thức về hòa bình toàn cầu vào mùa đông này. Hội nghị thượng đỉnh này là nhằm đoàn kết tất cả các quốc gia trên thế giới xung quanh sự nghiệp hòa bình toàn cầu.

Các sân vận động và khán đài trở nên trống rỗng sau trận đấu; và sau chiến tranh các thành phố chỉ còn lại sự trống rỗng. Đó là lý do tại sao chiến tranh phải thất bại và hòa bình sẽ trở thành nhà vô địch như hiện nay ở Qatar. World Cup chứ không phải World War (chiến tranh thế giới). Điều đó là có thể.

Xin hãy ủng hộ Ukraine trong nỗ lực khôi phục hòa bình của chúng tôi. Hãy tham gia hội nghị thượng đỉnh chính thức về hòa bình toàn cầu và trở thành nhà vô địch vì hòa bình. Hãy cùng nhau chứng kiến trận chung kết và kết thúc chiến tranh. Slava Ukraini (vinh quang cho Ukraine) và chúc Ngày Qatar vui vẻ.

7. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định: Tinh thần của các lực lượng Nga xuống thấp đáng kể

Trong bản cập nhật tình báo quốc phòng mới nhất về tình hình ở Ukraine, Bộ Quốc Phòng Anh ghi nhận tinh thần của binh sĩ Nga rất mong manh, và điều đó gần như chắc chắn tiếp tục là một lỗ hổng đáng kể đối với phần lớn lực lượng Nga.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết mối quan tâm của các binh sĩ chủ yếu tập trung vào tỷ lệ thương vong rất cao, khả năng lãnh đạo kém, vấn đề lương bổng, thiếu thiết bị và đạn dược cũng như thiếu rõ ràng về mục tiêu của cuộc chiến.

Bộ Quốc Phòng cho biết việc thành lập hai “lữ đoàn nghệ sĩ” ở tiền tuyến nhằm nâng cao tinh thần của quân đội thông qua việc cung cấp giải trí và các nhạc cụ và những thứ khác “không có khả năng làm giảm đáng kể những lo ngại này”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào ngày 14 tháng 12 năm 2022, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố thành lập hai 'lữ đoàn nghệ sĩ tiền tuyến' có nhiệm vụ nâng cao tinh thần của các binh sĩ được triển khai trong 'chiến dịch quân sự đặc biệt'.

Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng lực lượng này sẽ bao gồm các ca sĩ opera, diễn viên và người biểu diễn xiếc. Điều này diễn ra sau một chiến dịch gần đây của Bộ Quốc Phòng Nga nhằm khuyến khích công chúng tặng nhạc cụ cho những người lính được triển khai.

Âm nhạc quân sự và hoạt động giải trí có tổ chức cho các binh sĩ triển khai có lịch sử lâu đời trong nhiều quân đội nhưng ở Nga, chúng gắn bó chặt chẽ với khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng thời Liên Xô.

Tinh thần mong manh gần như chắc chắn tiếp tục là một lỗ hổng đáng kể đối với phần lớn lực lượng Nga. Tuy nhiên, mối quan tâm của binh lính chủ yếu tập trung vào tỷ lệ thương vong rất cao, khả năng lãnh đạo kém, các vấn đề về lương bổng, thiếu thiết bị và đạn dược, và sự thiếu rõ ràng về mục tiêu của cuộc chiến. Những nỗ lực của các lữ đoàn nghệ sĩ không có khả năng làm giảm đáng kể những lo ngại này.
 
ĐTC Phanxicô đã viết một lá thư thoái vị. Putin gọi điện cho ĐGH một năm trước, hứa hẹn rồi im luôn
VietCatholic Media
05:14 19/12/2022


1. Đức Giáo Hoàng đã ký đơn từ chức trong trường hợp sức khỏe xấu

Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn mới được công bố vào hôm Chúa Nhật rằng sau khi được bầu vào năm 2013, ngài đã ký một lá thư từ chức để sử dụng nếu một ngày nào đó các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn khiến ngài không thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô, đã bước sang tuổi 86 vào hôm thứ Bảy và dường như có sức khỏe tốt ngoại trừ căn bệnh đầu gối, đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với tờ ABC của Tây Ban Nha.

Đức Phanxicô cho biết ngài đã trao bức thư cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh lúc bấy giờ, là người đã được giữ chức vụ này từ trước đó dưới thời Đức Bênêđictô XVI. Đức Hồng Y Bertone được lưu nhiệm trong khoảng sáu tháng sau khi Đức Phanxicô được bầu vào ngày 13 tháng 3 năm 2013.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói rằng ngài sẽ từ chức nếu sức khỏe không cho phép ngài điều hành Giáo Hội Công Giáo Rôma với 1.3 tỷ thành viên.

Đức Phanxicô được hỏi liệu ngài có tin rằng nên thiết lập một quy tắc chính thức cho các trường hợp khi các vấn đề sức khỏe hoặc tai nạn cản trở việc thi hành chức vụ mục tử toàn thể Hội Thánh hay không.

“Tôi đã ký đơn từ chức rồi. Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tôi đã ký vào đó và nói với ngài ấy: 'Trong trường hợp có trở ngại vì lý do y tế hay bất cứ điều gì, đây là đơn từ chức của tôi',” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Tôi không biết Đức Hồng Y Bertone có thể đã đưa nó cho ai, nhưng tôi đã đưa nó cho ngài ấy khi ngài còn là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh,” Đức Phanxicô nói, đồng thời cho biết thêm rằng đây là lần đầu tiên ông tiết lộ điều này trước công chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 7, Đức Phanxicô đã bác bỏ những tin đồn phỏng đoán rằng ngài sắp từ chức và lặp lại lập trường thường được tuyên bố rằng ngài có thể từ chức vào một ngày nào đó nếu sức khỏe yếu kém khiến ngài không thể điều hành Giáo hội - điều gần như không thể tưởng tượng được trước khi Đức Bênêđictô XVI, hiện 95 tuổi, thoái vị vào năm 2013. Đây là lần từ chức đầu tiên của một vị Giáo Hoàng trong sáu thế kỷ.

Kể từ tháng Bảy, Đức Phanxicô đã thực hiện ba chuyến công du quốc tế - đến Canada, Kazakhstan và Bahrain - và dự định thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 5 tháng Hai.

Lẽ ra Đức Thánh Cha đã thực hiện chuyến đi đó vào tháng 7 năm ngoái nhưng vấn đề về đầu gối của ngài đã buộc chuyến đi phải hoãn lại. Bây giờ ngài sử dụng một cây gậy để đi bộ ngắn và ngồi xe lăn để đi những quãng đường dài hơn trong nhà.

Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC, Đức Phanxicô cho biết ngài tin rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cai quản Giáo Hội từ 1963 đến 1978, và Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 cai quản Giáo Hoàng từ 1939 đến 1958 đã ký những lá thư từ chức tương tự. Tuy nhiên, cả hai vị giáo hoàng đều qua đời khi đang tại vị.
Source:Reuters

2. Đức Giáo Hoàng và Putin nói qua điện thoại... nhưng một năm trước. Sau đó không có gì hơn. Im lặng

Một năm trước, ngày 17 tháng 12, 2021, là sinh nhật lần thứ 85 của Đức Thánh Cha, và cũng là lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Vladimir Putin nói chuyện qua điện thoại. Người đứng đầu Điện Cẩm Linh muốn chúc mừng Đức Thánh Cha. Một năm đã trôi qua và Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ nhận được phản hồi từ Putin đối với yêu cầu ngài đưa ra trong cuộc nói chuyện này.

Luôn có những câu trả lời lảng tránh thông qua các kênh ngoại giao. Bây giờ, ngoại trừ có một bất ngờ nào đó có vẻ như Putin sẽ giữ im lặng. Cách đây nhiều tháng, Tổng thống đã nhận được một lá thư từ Đức Giáo Hoàng được gởi thông qua Sergey Lavrov, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Putin.

Chính Đức Giáo Hoàng đã nói với tạp chí 'America': “Chắc chắn kẻ xâm lược là nhà nước Nga. Điều này rất rõ ràng. Đôi khi tôi cố gắng không nói rõ để không xúc phạm và thay vào đó lên án chung chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải đặt tên riêng và tên họ.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đến đại sứ quán Nga [bên cạnh Tòa thánh], một cử chỉ bất thường vì giáo hoàng không bao giờ đến một đại sứ quán. Và ở đó, tôi đã nói với đại sứ hãy nói với Vladimir Putin rằng tôi sẵn sàng đi công du với điều kiện ông ấy cho tôi một cửa sổ nhỏ để đàm phán. Sergey Lavrov, bộ trưởng ngoại giao cấp cao, đã trả lời bằng một lá thư rất hay mà tôi hiểu rằng vào thời điểm hiện tại thì điều đó không cần thiết.”
Source:Sismografo

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúa Nhật 18 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Sau đây là gốc tích Đức Giê su Ki tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu se, con cháu Đa vít, đừng ngại đón bà Ma ri a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em ma nu en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật thứ Tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, phụng vụ trình bày cho chúng ta hình ảnh của Thánh Giuse (x. Mt 1:18-24). Ngài là một người đàn ông chính trực sắp kết hôn. Chúng ta có thể tưởng tượng những ước mơ của ngài cho tương lai là gì – một gia đình hạnh phúc, với một người vợ yêu thương và nhiều đứa con kháu khỉnh, và một công việc đàng hoàng – những ước mơ đơn giản và tốt đẹp, ước mơ của những người bình dị và tốt bụng. Nhưng đột nhiên, những giấc mơ này phải đối diện với một khám phá đáng kinh ngạc. Đức Maria, vị hôn thê của ngài, đang mong đợi một đứa trẻ, và đứa trẻ ấy không phải là của ngài! Thánh Giuse cảm thấy gì? Sốc, đau đớn, bối rối, thậm chí có thể bực bội và thất vọng…. Ngài đã trải nghiệm rằng thế giới của ngài đang sụp đổ xung quanh mình! Và thánh nhân phải làm gì?

Luật cho ngài hai lựa chọn. Đầu tiên là buộc tội Đức Maria và khiến Đức Mẹ phải trả giá cho sự không chung thủy của mình. Thứ hai là bí mật hủy bỏ hôn ước của họ mà không để Đức Maria phải chịu tai tiếng và những hậu quả khắc nghiệt, tuy nhiên, phải chịu gánh nặng của sự xấu hổ. Vì vậy, Giuse chọn phương án thứ hai, đó là con đường của lòng thương xót. Và kìa, ở đỉnh điểm của cơn khủng hoảng, ngay khi ngài đang suy nghĩ và đánh giá tất cả những điều này, thì Thiên Chúa đã ban cho ngài một luồng ánh sáng mới trong trái tim – Người tuyên bố với thánh nhân trong một giấc mơ rằng thiên chức làm mẹ của Đức Maria đến không phải vì một sự phản bội, nhưng là công việc của Chúa Thánh Thần, và hài nhi được sinh ra sẽ là Đấng Cứu Thế (xem các câu 20-21), và Đức Maria sẽ là Mẹ của Đấng Mêsia, và thánh nhân sẽ là người bảo vệ cho Đấng Cứu Thế. Khi tỉnh dậy, Thánh Giuse hiểu rằng giấc mơ lớn nhất của mọi người Do Thái sùng đạo – là trở thành cha của Đấng Cứu Thế - đã được dành cho ngài một cách hoàn toàn bất ngờ.

Thực vậy, để thực hiện được điều này, thuộc dòng dõi Đavít và trung thành tuân giữ lề luật thôi chưa đủ, mà còn phải phó thác trên hết mọi sự cho Thiên Chúa, chào đón Mẹ Maria và Con của Mẹ trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác với cách thức được mong đợi, khác với những gì đã từng được thực hiện. Nói cách khác, Thánh Giuse sẽ phải từ bỏ tất cả những điều chắc chắn làm yên lòng ngài, những kế hoạch hoàn hảo, những kỳ vọng chính đáng của ngài và mở lòng đón nhận một tương lai hoàn toàn mới sẽ được khám phá. Và trước Chúa, Đấng đã phá vỡ kế hoạch của ngài và yêu cầu ngài tin tưởng, Thánh Giuse đã nói “xin vâng”. Lòng can đảm của Thánh Giuse là anh hùng và được thi hành trong thinh lặng – lòng can đảm của ngài là tin tưởng, đón nhận, sẵn sàng, không đòi hỏi gì thêm.

Anh chị em thân mến, hôm nay thánh Giuse nói gì với chúng ta? Chúng ta cũng có những ước mơ của mình, và có lẽ chúng ta nghĩ về những giấc mơ ấy nhiều hơn, chúng ta cùng nhau nói về những mong ước của mình vào dịp Giáng Sinh. Có lẽ chúng ta than thở về một số giấc mơ đã bị tan vỡ và chúng ta thấy rằng những kỳ vọng tốt nhất của chúng ta thường cần được đặt bên cạnh những tình huống bất ngờ, bối rối. Và khi điều này xảy ra, Thánh Giuse chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta không cần đầu hàng những cảm xúc tiêu cực, như tức giận hoặc cô lập – đây là cách sai lầm! Thay vào đó, chúng ta cần chăm chú đón nhận những điều bất ngờ, những bất định trong cuộc sống, thậm chí cả những khủng hoảng. Khi thấy mình gặp khủng hoảng, chúng ta không nên quyết định một cách vội vàng hoặc theo bản năng, mà hãy đón nhận, giống như Thánh Giuse đã làm, người đã “cân nhắc mọi sự” (xem câu 20), và dựa trên xác tín về lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi một người nào đó trải qua một cơn khủng hoảng mà không đầu hàng trước sự cô lập, tức giận và sợ hãi, nhưng vẫn mở rộng cửa cho Chúa, thì Ngài có thể can thiệp. Ngài là một chuyên gia trong việc biến những khủng hoảng thành những giấc mơ – vâng, Chúa đưa những khủng hoảng vào những chân trời mới mà chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng trước đây, có lẽ không như chúng ta mong đợi, nhưng theo cách mà Ngài biết. Và, thưa anh chị em, đây là những chân trời của Thiên Chúa – thật đáng ngạc nhiên – nhưng vô cùng vĩ đại và đẹp đẽ hơn chân trời của chúng ta! Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống cởi mở trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi lo ngại về tình hình được tạo ra trong Hành lang Lachin ở Nam Kavkaz. Tôi đặc biệt quan tâm đến các điều kiện nhân đạo bấp bênh của người dân có nguy cơ xấu đi hơn nữa trong suốt mùa đông. Tôi yêu cầu tất cả những người liên quan cam kết tìm kiếm các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Và ngoài ra, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Peru, để bạo lực ở đất nước đó có thể chấm dứt và con đường đối thoại có thể được bắt đầu để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội đang làm khổ người dân.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người anh chị em đến từ Rôma, từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt chào các thành viên tín hữu từ California, và những người từ Madrid, cũng như các nhóm từ Praia A Mare, Catania, Caraglio, và từ giáo xứ Santi Protomartiri ở Rôma.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người mà phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm vào Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng này, đánh động trái tim của những người có thể ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine. Chúng ta đừng quên những đau khổ của những người đó, đặc biệt là của những em bé, người già, người bệnh. Hãy cùng cầu nguyện. Hãy cùng cầu nguyện.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa nhật tốt lành và hành trình của anh chị em trong giai đoạn cuối cùng của Mùa Vọng này sẽ diễn ra tốt đẹp. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ít nhất 14 Tướng Nga tử trận. Mỹ cản Ukraine đừng hạ thủ một Đại Tướng. Ukraine trả lời: Muộn rồi!
VietCatholic Media
16:57 19/12/2022


1. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, được cho là đã đến Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, đã thị sát các binh sĩ nước này tham gia vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Mạc Tư Khoa ở You krein, Bộ Quốc phòng cho biết hôm Chúa Nhật.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết:

Người đứng đầu quân đội Nga đã bay quanh các khu vực triển khai quân và kiểm tra các vị trí tiền tuyến của các đơn vị Nga trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.

Reuters cũng đưa tin Bộ Quốc Phòng Nga cho biết Shoigu đã nói chuyện với quân đội “ở tiền tuyến” và tại một “sở chỉ huy”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ chuyến thăm diễn ra khi nào hoặc liệu ông Shoigu có đến thăm ở You krein hay không.

Một đoạn video ngắn được đăng cùng với tuyên bố cho thấy Shoigu ngồi trên một chiếc trực thăng quân sự và một vài cảnh quay từ trên không về những dải đất trống.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tổ chức một cuộc họp với các quan chức hàng đầu của đất nước, bao gồm cả Bộ trưởng Shoigu, để tìm kiếm các đề xuất về cách họ nghĩ nên tiến hành chiến dịch quân sự của Nga ở You krein như thế nào.

2. Ukraine đã cố gắng 'hạ sát vị tướng hàng đầu của Putin trong trận chiến lớn trong chuyến thăm bí mật mặc dù Mỹ khuyên đừng làm thế'

Ký giả Imogen Braddick của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “MARKED MAN Ukraine tried to ‘kill Putin’s top general in massive blitz during secret visit despite being told not to by US’”, nghĩa là “Người nổi bật: Ukraine đã cố gắng 'hạ sát vị tướng hàng đầu của Putin trong trận chiến lớn trong chuyến thăm bí mật mặc dù Mỹ khuyên đừng làm thế'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Ánh Tuyết.

UKRAINE được tường trình đã cố ý giết vị tướng hàng đầu của Vladimir Putin trong một chuyến thăm bí mật tới tiền tuyến - mặc dù đã được Hoa Kỳ cảnh báo là đừng làm như thế.

Ít nhất 14 tướng lĩnh Nga đã thiệt mạng trong cuộc xâm lược hỗn loạn của Putin vào Ukraine.

Theo các quan chức Mỹ, Nga bắt đầu điều động các tướng lĩnh hàng đầu của mình đến tiền tuyến trong cuộc chiến của Putin để củng cố khả năng phòng thủ - và nâng cao tinh thần của các binh sĩ đang gặp khó khăn.

Nhưng Mỹ cho biết các tướng lĩnh đã tự làm cho mình dễ dàng bị nhận ra.

Và vào tháng Tư, Tổng tham mưu trưởng Nga, Tướng Valery Gerasimo, 66 tuổi, được cho là đã lên kế hoạch bí mật để ra tiền tuyến.

Theo New York Times, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Ukraine rằng việc giết tướng Gerasimov có thể làm leo thang xung đột.

Các quan chức cho biết, trong khi người Mỹ nói rõ rằng họ cam kết giúp đỡ Ukraine, họ không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến giữa Mỹ và Nga.

Sau khi kiểm tra với Tòa Bạch Ốc, các quan chức cấp cao của Mỹ đã yêu cầu người Ukraine ngừng tấn công.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với New York Times: “Chúng tôi đã nói với họ rằng đừng làm điều đó.

“Chúng tôi giống như đã bảo họ ‘Làm thế nguy lắm’.”

Nhưng các quan chức quân đội Ukraine nói với Mỹ rằng họ đã tiến hành cuộc tấn công vào vị tướng này.

Hàng chục người Nga đã chết trong cuộc tấn công - nhưng Tướng Gerasimov không nằm trong số đó.

Vào thời điểm đó, một nguồn tin không chính thức của Nga cho biết ông ta bị thương trong cuộc tấn công, được cho là diễn ra ở Izyum.

Và quan chức chính phủ Ukraine Anton Gerashchenko tuyên bố “một số lượng lớn” các sĩ quan cấp cao của Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này.

Sau cuộc tấn công, các nhà lãnh đạo quân đội Nga được cho là đã giảm bớt các chuyến thăm của họ tới tiền tuyến.

Câu chuyện này được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ cho biết các tướng Nga đã thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Trong những diễn biến đáng báo động, các quan chức của Putin được cho là đã nói về thời điểm và cách thức Mạc Tư Khoa có thể sử dụng một vũ khí hạt nhân như vậy, sau một loạt thất bại của Nga trên chiến trường.

Ông Putin được cho là không tham gia các cuộc đối thoại tại Điện Cẩm Linh, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng về hạt nhân ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây.

John F Kirby, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia, từ chối bình luận về “các chi tiết cụ thể” trong ngôn ngữ mà những người trong cuộc của Putin đã sử dụng nhưng nói thêm: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã rõ ràng rằng những bình luận của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là rất đáng lo ngại, và chúng tôi xem xét chúng một cách nghiêm túc”.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi điều này một cách tốt nhất có thể và chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho việc sử dụng như vậy”.

Kho vũ khí hạt nhân đáng sợ của Nga được cho là chứa tới 6,000 đầu đạn, đủ sức tàn phá thế giới và gây thương vong từ 200 đến 300 triệu người.

Điều đó bao gồm khoảng 2,000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường nhằm áp đảo các lực lượng thông thường.

Những vũ khí như vậy chưa bao giờ được sử dụng trong chiến đấu trước đây nhưng có thể được triển khai theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như bằng đạn pháo hoặc hỏa tiễn.

Ngay cả việc sử dụng một vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn cũng có thể giết chết hàng nghìn người và khiến nhiều vùng của Ukraine không thể ở được trong nhiều năm tới.

3. Tại sao nhóm lính đánh thuê Wagner tử trận rất nhiều trong trận Bakhmut?

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh vừa đưa ra một bản nhận định sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga tiếp tục đóng vai chính trong cuộc chiến tiêu hao xung quanh thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk. Trong những tháng gần đây, tổ chức này đã phát triển các chiến thuật tấn công để tận dụng số lượng lớn tù nhân được đào tạo kém mà họ đã tuyển dụng được.

Từng cá nhân các chiến binh này thường được cấp một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hiển thị trục tiến công và mục tiêu tấn công được chỉ định cho mỗi cá nhân và được đặt chồng lên hình ảnh vệ tinh thương mại.

Ở cấp trung đội trở lên, các chỉ huy có thể vẫn ẩn nấp và ra lệnh qua radio, khi họ nhận được nguồn cấp dữ liệu video từ các phương tiện bay không người lái nhỏ.

Các cá nhân và bộ phận được lệnh tiến theo lộ trình đã vạch sẵn, thường có hỏa lực hỗ trợ, nhưng ít khi được xe thiết giáp yểm trợ. Các đặc vụ của Wagner đi chệch khỏi lộ trình tấn công của họ mà không được phép có khả năng bị đe dọa hành quyết ngay lập tức.

Những chiến thuật tàn bạo này nhằm mục đích bảo tồn tài sản quý hiếm của Wagner bao gồm các chỉ huy giàu kinh nghiệm và các xe bọc thép, với cái giá phải trả là những tân binh dễ tìm hơn từ những kẻ bị kết án, mà tổ chức đánh giá là có thể tiêu xài thả cửa.

4. Tướng bốn sao nói: Putin đã chiến bại trong cuộc chiến với Ukraine về mặt chiến lược

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Already Lost' War With Ukraine Strategically: Four-Star General”, nghĩa là “Tướng bốn sao nói: Putin đã chiến bại trong cuộc chiến với Ukraine về mặt chiến lược.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vị tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực sự thua cuộc chiến ở Ukraine, ít nhất là từ góc độ chiến lược.

Barry R. McCaffrey là cựu tướng bốn sao, phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ từ năm 1964 đến năm 1996. Sau khi mãn hạn quân ngũ, ông đảm nhận một vị trí trong Nội các của cựu Tổng thống Bill Clinton và hiện thường xuyên xuất hiện với tư cách là nhà phân tích cho MSNBC và Tin tức NBC.

McCaffrey đã xuất hiện trên MSNBC vào hôm thứ Sáu để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, trong đó người dẫn chương trình Nicolle Wallace lưu ý khán thính giả rằng những dự đoán trong quá khứ của ông về những thành công và thất bại của Nga phần lớn là chính xác. Khi được hỏi về quan điểm của mình trước những thông tin cho rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào đầu năm tới, vị cựu tướng nói rằng điều đó có ý nghĩa đối với một nước Nga ngày càng “tuyệt vọng”, nhưng cũng cho thấy rằng họ đã thua cuộc chiến ở cấp độ chiến lược”.

“Tôi nghĩ đó sẽ là điều họ thử. Họ đang tuyệt vọng. Về mặt chiến lược, tôi nghĩ họ đã thua cuộc chiến,” McCaffrey nói. “Về mặt tác chiến, về cơ bản họ không thể đối phó với một lực lượng quân sự Ukraine rất tích cực và có tinh thần chiến đấu. Vì vậy, bây giờ họ đã chuyển sang một vị thế, là họ sẽ phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, nhưng tôi không thể thấy họ giành lại thế chủ động để chiếm Odesa hoặc cố gắng chiếm Kharkiv. Tôi không nghĩ nó sẽ xảy ra.”

Ông nói tiếp: “Putin đã mất quá nhiều thiết bị, quá nhiều người và người Nga đã không học được từ những sai lầm của mình. Hậu cần của họ là một mớ hỗn độn. Cơ sở sản xuất của họ không thể theo kịp cuộc chiến mà họ đang chiến đấu. Miễn là phương Tây ở lại với Ukraine, là điều mà tôi nghĩ sẽ xảy ra.”

Câu hỏi đặt ra cho McCaffrey hôm thứ Sáu dựa trên một cuộc họp báo gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, trong đó ông cảnh báo rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự mới trong vài tháng đầu năm 2023. Kuleba cũng nhấn mạnh rằng linh cảm này có thể không phải là sự thật, không phải là một điều chắc chắn, tuy nhiên, đất nước bị chiến tranh tàn phá này phải chuẩn bị để chống lại một kịch bản như vậy.”

Kuleba nói: “Tôi nghĩ rằng khả năng phát động một cuộc tấn công lớn của Nga có thể sẽ được phục hồi vào khoảng cuối tháng Giêng hoặc tháng 2. Nhưng đó là những gì họ đang cố gắng làm và những gì chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn. Tôi không nói rằng nó chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng trong trường hợp tốt nhất, có tính đến lệnh động viên, nghĩa vụ quân sự mà họ đã thông báo, việc huấn luyện lính nghĩa vụ mới và việc di chuyển vũ khí hạng nặng của họ trên khắp đất nước—rõ ràng họ nuôi hy vọng rằng họ sẽ có thể chọc thủng lưới của chúng ta, phòng thủ và tiến sâu hơn vào Ukraine”.

Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào cuối tháng 2, với hy vọng giành được chiến thắng nhanh chóng, nhưng đã bị cản trở bởi tinh thần kháng cự kiên cường của Kyiv và được hỗ trợ bởi viện trợ của phương Tây. Quân đội của nhà lãnh đạo Nga đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu quan trọng ở Ukraine, và cuối cùng chuyển sang các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine trước mùa đông.

“Các vấn đề của quân đội Nga mà Tướng McCaffrey đề cập đến nay đã được nhiều người biết đến, nhưng đáng chú ý là những thất bại về hậu cần và hỏng hóc thiết bị đã rõ ràng ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến khi Nga tiến vào Kyiv từ phía bắc,” Rajan Menon, một nhà khoa học chính trị của tổ chức tư vấn Ưu tiên Quốc phòng, nói với Newsweek về nhận xét của McCaffrey.

Menon tiếp tục: “Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy những vấn đề này đã được giảm thiểu đáng kể, chứ chưa nói đến việc giải quyết. Đó là bởi vì chúng không thể được sửa chữa bằng cách thay thế những người chỉ huy kém hiệu quả bằng những người mới. Chúng mang tính hệ thống. Nga có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào mùa đông này, Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra; nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể duy trì và chiếm lại các lãnh thổ đã mất từ đầu tháng 9 trước cuộc phản công của người Ukraine hay không”.

5. Nga có nhiều pháo hơn Ukraine nhưng các xạ thủ Nga có thói quen bắn pháo bậy bạ vào hư không.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russia Has More Artillery Than Ukraine. But Russian Gunners Have A Bad Habit Of Shelling... Nothing”, nghĩa là “Nga có nhiều pháo hơn Ukraine nhưng các xạ thủ nga có thói quen bắn pháo bậy bạ vào hư không”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mặc dù Ukraine nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của phương Tây trong 10 tháng chiến tranh rộng khắp với Nga, quân đội Putin vẫn có nhiều pháo và bệ phóng hỏa tiễn hơn quân đội Ukraine.

Nhưng các xạ thủ Nga có một tật xấu là pháo kích... chẳng ra gì. Hoặc tệ hơn, bắn phá vào chính quân bạn.

Trên lý thuyết, quân đội Nga sở hữu một trong những hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh tốt nhất thế giới. Nhưng, trên thực tế, các xạ thủ Nga được đào tạo kém và vô kỷ luật theo một học thuyết cứng nhắc, lỗi thời đang làm lãng phí lợi thế pháo binh của Nga. Bắn rất nhiều đạn pháo và hỏa tiễn mà không nhất thiết phải bắn trúng bất cứ thứ gì.

Một cuộc điện thoại đầy hoảng loạn vào tháng 12 từ một lính quân dịch Nga, đang chiến đấu ở đâu đó ở miền đông Ukraine, kể câu chuyện về sự thất bại của hệ thống hỗ trợ hỏa lực của Nga.

Sau khi mô tả các tiểu đoàn Nga vận chuyển về nhà hàng ngày “các bao hàng” gồm 17 lính nghĩa vụ quân sự đã chết, người lính không vui đã đổ lỗi cho các xạ thủ Nga về thương vong của Nga. Anh nói với vợ trong cuộc gọi bị chặn của mình “Pháo binh của chúng ta đã khiến tụi anh phát điên lên. Họ đã nhập dữ liệu điều chỉnh không chính xác. Làm hỏng mọi thứ, giết nhiều người của chính chúng ta”.

Ngay cả sau khi chương trình mở rộng pháo binh sụp đổ, quân đội Ukraine bắt đầu năm 2022 với số lượng súng lớn và bệ phóng chỉ bằng một nửa so với quân đội Nga.

Để bổ sung thêm súng và bệ phóng, quân đội Ukraine bắt đầu từ năm 2014 đã mở các nhà kho cũ chứa đầy khí tài của Liên Xô. Quân đội đã thành lập các lữ đoàn và trung đoàn pháo binh mới, bổ sung các tiểu đoàn pháo binh và hỏa tiễn cho các lữ đoàn bộ binh, xe tăng và lính dù, đồng thời giúp hải quân thành lập các tiểu đoàn pháo binh cho các lữ đoàn thủy quân lục chiến.

Sau 8 năm mở rộng, lực lượng pháo binh Ukraine đã có 2,900 khẩu pháo lớn và bệ phóng. Nhưng quân đoàn pháo binh Nga trong thời gian đó đã mở rộng để bao gồm khoảng 6,000 hệ thống pháo và hỏa tiễn. Các khoản quyên góp kể từ tháng 2 đã bổ sung thêm vài trăm khẩu súng lớn và bệ phóng cho tổng số của Ukraine.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói với các phóng viên vào tháng 6: “Tôi có thể nói rằng những con số rõ ràng có lợi cho người Nga. Về mặt pháo binh, họ đông hơn, họ có nhiều súng hơn và tầm bắn xa hơn.”

Nhưng những con số không nói lên toàn bộ câu chuyện, Milley nhấn mạnh. “Người Nga đã gặp phải rất nhiều vấn đề. Họ có vấn đề về chỉ huy và kiểm soát, vấn đề về hậu cần. Họ có vấn đề về tinh thần, vấn đề về lãnh đạo và nhiều vấn đề khác.”

Thất bại trong chỉ huy dẫn đến rất nhiều đạn pháo và hỏa tiễn bị lãng phí và các trường hợp hỏa lực thân thiện, nghĩa là pháo binh Nga bắn chết lính Nga, xảy ra quá thường xuyên. Ngay cả khi pháo binh không bắn trúng cái gì hoặc tệ hơn là bắn trúng các vị trí của quân Nga, các xạ thủ vẫn tiếp tục pháo tới tấp.

Các nhà phân tích Mykhaylo Zabrodskyi, Jack Watling, Oleksandr Danylyuk và Nick Reynolds giải thích trong một nghiên cứu của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London rằng “gần như không có các hành động điều chỉnh tình hình này” trong hệ thống kiểm soát hỏa lực của Nga.

Điều đó có nghĩa là, trong học thuyết của Nga, các lữ đoàn, tiểu đoàn và khẩu đội có xu hướng đóng băng nếu không có chỉ thị chi tiết từ cấp trên. Trong khi chờ đợi những mệnh lệnh mới, các đơn vị thấp hơn cứ tiếp tục làm những gì họ đang làm. Ngay cả khi nó không có ý nghĩa gì cả. Ngay cả khi quá trình hành động hiện tại đang giết chết quân bạn.

Zabrodskyi, Watling, Danylyuk và Reynolds viết: “Đường lối này có lẽ đã có tác động lớn nhất trong việc tạo ra khoảng cách giữa tiềm năng và khả năng thực tế liên quan đến hỏa lực của Nga”.

Các xạ thủ Nga đơn giản là không tự suy nghĩ. “Tất cả các liên hệ được báo cáo đều được coi là đúng sự thật. Tất cả các nhiệm vụ tấn công dường như được ưu tiên như nhau và được thực hiện theo thứ tự nhận được trừ khi có lệnh ưu tiên một nhiệm vụ cụ thể đến từ cơ quan cấp trên.”

Các nhà phân tích nói thêm: “Có vẻ như những người chỉ đạo các nhiệm vụ tác xạ không có quyền truy cập vào thông tin theo ngữ cảnh hoặc thờ ơ với điều đó”.

Có một đường lối khác đối với việc chỉ huy chiến trường—một đường lối trọng tâm trong cách thức chiến tranh của phương Tây và cũng ngày càng được ủng hộ trong giới quân sự Ukraine. Nó được gọi là “mệnh lệnh nhiệm vụ.”

Trong mệnh lệnh nhiệm vụ, các đơn vị cấp dưới được tự do đưa ra quyết định của riêng mình—miễn là những quyết định đó phù hợp với mục tiêu chung của chiến dịch. Họ có quyền tự chủ và linh hoạt.

Các lực lượng Ukraine đã học cách chỉ huy nhiệm vụ từ các đồng minh của họ ở Hoa Kỳ và NATO. “Ukraine đã được Hoa Kỳ đào tạo từ năm 2014,” Milley cho biết vào tháng Tư. “Họ đã phản hồi trực tiếp cho tôi, nói rằng việc đào tạo đã khá hiệu quả về khái niệm chỉ huy nhiệm vụ, phân công lãnh đạo cấp cơ sở. Điều đó không có trong quân đội Nga. Điều đó hiện đang hiện hữu trong quân đội Ukraine.”

Vì vậy, các xạ thủ Ukraine bắn, chỉnh mục tiêu, bắn lại—và thay đổi hoàn toàn kế hoạch khai hỏa khi những kế hoạch đó không hiệu quả. Trái lại, các xạ thủ Nga có xu hướng bắn sai tọa độ trong khi chờ lệnh mới từ sư đoàn. Lệnh mới có thể không bao giờ đến.

Đối với người lính quân dịch tội nghiệp của Nga trên mặt đất ở miền đông Ukraine, điều đó có nghĩa là hứng chịu đạn pháo từ cả hai phía. Người lính Nga bị gọi nhập ngũ phản ứng với lời nhõng nhẽo của người vợ trong cuộc gọi bị chặn của mình “Em nghĩ ở đây vui lắm à?”. “Chiến tranh đó, em à.”
 
2022: Năm ĐGH khóc. 2023: Những tiên đoán ảm đạm đầy âu lo của ĐGH về thế chiến thứ ba
VietCatholic Media
17:02 19/12/2022


1. Máy ảnh ghi lại nghi phạm phá hoại nhà thờ Công Giáo Pennsylvania

Bốn bức tượng tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Downingtown, Pennsylvania, đã bị phá hoại trong đêm từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 12, và cảnh sát đang yêu cầu trợ giúp xác định một nghi phạm bị camera ghi hình.

Cha Stephen Leva, cha sở của nhà thờ, cho biết trong một bài đăng trực tuyến vào ngày 11 tháng 12 rằng bốn bức tượng bị ảnh hưởng là của Thánh Antôn, Thánh Giuse, Đức Mẹ Lộ Đức và Thánh Gia.

Cha Leva nói với CNA trong một email hôm thứ Tư rằng các bức tượng của Thánh Antôn và Thánh Giuse “đã bị phá hủy hoàn toàn.” Ngài cho biết thêm, bức tượng Đức Mẹ Lộ Đức bị lật đổ nhưng đã đáp xuống bãi cỏ an toàn mà không bị hư hại.

Ngài cho biết bức tượng của Thánh Gia bị uốn cong sang một bên nhưng đang được giữ cố định bằng một thanh kim loại. Không có hình vẽ bậy hoặc thông điệp nào khác được để lại tại hiện trường. Ngài nói, không rõ chi phí thiệt hại sẽ là bao nhiêu.

Sở cảnh sát Downingtown đã yêu cầu công chúng hỗ trợ trong việc xác định thủ phạm đã bị camera ghi lại.

Cảnh sát cho biết, thủ phạm cũng đã phá hoại trường trung học Downingtown West. Nhà Trường cách giáo xứ khoảng hai phút lái xe.

“Xin hãy giữ những người chịu trách nhiệm về vụ phá hoại này trong lời cầu nguyện của anh chị em. Chúng ta cầu xin Chúa chạm đến trái tim của họ,” Cha Leva viết trong bài đăng.

“Chúng ta hãy dành một chút thời gian để tạ ơn Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội để thực hành sự tha thứ. Lòng thương xót của Ngài là vô tận và là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi tha thứ như Ngài đã tha thứ,”

Ngài cho biết một cảnh Giáng Sinh vẫn không hề hấn gì.

“Ngay cả trong thế giới hoài nghi của chúng ta, phép lạ của Chúa Giáng Sinh vẫn không bị ảnh hưởng,” Cha Leva nói.

Nhà thờ Thánh Giuse là giáo xứ lớn thứ hai trong Tổng giáo phận Philadelphia với hơn 5,000 gia đình, theo trang web của giáo xứ.

John Bossong, một giáo dân lâu năm tại nhà thờ, nói với CNA hôm thứ Tư rằng ông hy vọng thủ phạm bị bắt và rất buồn vì hành vi phá hoại.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Giáo Hoàng đưa ra một tiên đoán bi đát: Cuộc xâm lược Ukraine của Putin là một 'Chiến tranh thế giới' không có 'điểm kết thúc' trước mắt. Ngài cho biết đã ký vào một lá thư từ chức.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Invasion of Ukraine Is a 'World War' With No 'End' in Sight: Pope”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng nói cuộc xâm lược Ukraine của Putin là một 'Chiến tranh thế giới' không có 'điểm kết thúc' trước mắt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một dự đoán nghiệt ngã vào cuối tuần qua về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, phân loại cuộc xung đột này là một “cuộc chiến tranh thế giới” mà không thấy “hồi kết thúc” trong một thời gian sắp tới.

Nhà lãnh đạo tôn giáo, bước sang tuổi 86 vào thứ Bảy, tiết lộ suy nghĩ của mình về cuộc chiến trong một cuộc phỏng vấn mới với tờ báo tiếng Tây Ban Nha, ABC, được công bố vào hôm Chúa Nhật.

“Tôi làm những gì tôi có thể. Họ không lắng nghe,” Đức Thánh Cha nói. “Những gì đang xảy ra ở Ukraine thật đáng sợ. Có sự tàn ác rất lớn. Nó rất nghiêm trọng. Và đây là điều tôi chê trách liên tục.”

Đức Giáo Hoàng, người đã nhiều lần lên tiếng phản đối cuộc xung đột đang diễn ra, cũng nói rằng ngài không thấy “một kết thúc trong ngắn hạn cho cuộc chiến ở Ukraine vì đây là một cuộc chiến tranh thế giới.”

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là ngày càng lo lắng về khả năng kiểm soát các tường thuật xung quanh cuộc chiến của quốc gia mình. Mạc Tư Khoa gần đây đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế và đã chứng kiến những tổn thất lớn trên tiền tuyến trước các lực lượng Ukraine.

Đức Thánh Cha tiết lộ thêm trong cuộc phỏng vấn rằng ngài đã liên lạc với một trong những cố vấn tôn giáo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ngoài ra, ngài nói về việc đã viết một lá thư từ chức vào năm 2013, ngay sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng, trong trường hợp ngài bị ốm nặng hoặc gặp tai nạn. Ngài hiện đang bị đau thần kinh tọa, đã trải qua cuộc phẫu thuật ruột kết vào năm 2021 và phải ngồi xe lăn vì những cơn đau đầu gối liên tục.

Khi được hỏi về món quà mà Ngài mong muốn vào dịp Giáng Sinh, ngài nói với nhật báo tiếng Tây Ban Nha: “Hòa bình cho thế giới. Có biết bao cuộc chiến trên thế giới! Cuộc chiến ở Ukraine khiến chúng ta gần gũi với đất nước này hơn, nhưng chúng ta cũng nghĩ đến Miến Điện, Yemen, Syria, nơi chiến sự đã tiếp diễn trong 13 năm qua”.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo tôn giáo thúc đẩy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa các quốc gia tham chiến. Vào tháng 8, ngài cho biết toàn cầu hiện đang trải qua “Chiến tranh thế giới thứ ba”, một cuộc chiến mà ngài phân loại là chiến tranh cục bộ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây cũng đã khuyến khích những nỗ lực cầu nguyện cho người dân Ukraine.

Newsweek đưa tin hôm thứ Năm rằng Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã nhận được lời xin lỗi từ Vatican về một số nhận xét gần đây của Đức Giáo Hoàng. Vào tháng 11, Đức Giáo Hoàng đã gọi hai nhóm dân tộc thiểu số của Nga là những người lính “tàn ác nhất” đang chiến đấu ở Ukraine.

“Nói chung, những kẻ độc ác nhất có lẽ là những người Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryat, v.v.,” Đức Thánh Cha nói với nguyệt san Công Giáo America.

Newsweek đã liên hệ với Vatican để có thêm bình luận.
Source:Newsweek

3. 2022: Năm Đức Giáo Hoàng khóc

Ngày 17 tháng 12 năm 2022 Đức Giáo Hoàng, tròn 86 tuổi, và đã sống những tháng cuối cùng của triều đại giáo hoàng của mình trong bối cảnh được đánh dấu bằng điều mà ngài mô tả là “chiến tranh thế giới thứ ba”, với mối quan tâm đặc biệt đối với Ukraine.

Bạo lực ở Đông Âu đánh dấu hàng chục lần can thiệp của Đức Phanxicô, kể từ ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược nước Nga bắt đầu, thậm chí khiến ngài bật khóc trước công chúng, khi tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc chiến, trong một buổi lễ kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ở trung tâm của Rôma.

Đức Giáo Hoàng, người đã cân nhắc chuyến thăm Kyiv và Mạc Tư Khoa, là những chuyến viếng thăm đã bị hoãn lại cho đến nay, đã viết một lá thư cho người dân Ukraine, và đã mở cửa Vatican cho các cuộc đàm phán có thể xảy ra.

Đối mặt với kịch bản có thể xảy ra về một thảm kịch hạt nhân, Đức Phanxicô đã thực hiện một sự can thiệp chưa từng có, vào ngày 2 tháng 10, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2 tháng 10, trong đó ngài bỏ qua bài huấn dụ giải thích bài Tin Mừng trong ngày để dành riêng cho cuộc xung đột này, với lời kêu gọi trực tiếp tới các tổng thống Nga và Ukraine.

Vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha đã hợp nhất Fatima và Vatican vào một ngày lịch sử, được đánh dấu bằng việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Buổi cầu nguyện cho hòa bình được chủ tọa tại Cova da Iria bởi một đại diện giáo hoàng, Đức Hồng Y Konrad Krajewski và, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, bởi chính Đức Phanxicô.

Sau một ngày ăn chay vì hòa bình, vào ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, chiến tranh lại một lần nữa hiện diện tại buổi cử hành Chặng Đàng Thánh Giá ở Đấu trường Rôma: thánh giá được vác theo kế hoạch bởi Irina và Albina, là những người bạn và người di cư ở Ý, một người là người Nga và một người là người Ukraine.

Vào ngày lễ Phục sinh, Đức Phanxicô đã tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc xung đột, đặc biệt là trẻ em, trong thông điệp 'Urbi et Orbi' của ngài.

Vào năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì một công nghị tấn phong Hồng Y, trong đó ngài đã phong làm Hồng Y đầu tiên của Timor-Leste và thúc đẩy một cuộc họp chung của Hồng Y đoàn, để thảo luận về việc cải cách Giáo triều Rôma.

Trong 9 năm kể từ ngày bắt đầu long trọng triều đại giáo hoàng của mình, vào ngày 13 tháng 3 năm 2022, Đức Giáo Hoàng đã ban hành tông hiến mới được chờ đợi từ lâu 'Praedicate evangelium' (Rao giảng Tin Mừng), đề xuất một Giáo triều quan tâm hơn đến đời sống của giáo dân, và với xã hội, cũng như vai trò chủ đạo lớn hơn của giáo dân nam nữ.

Trong số các nhà lãnh đạo mới, nổi bật là việc chọn Hồng Y người Bồ Đào Nha D. José Tolentino Mendonça làm bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Ngoài hai lễ phong thánh, Đức Phanxicô đã phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô I.

Cuối năm nay, Đức Thánh Cha đã công bố quyết định kéo dài Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục cho đến năm 2024, và bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh 2025.

Vào tháng Giêng, Chúa nhật Lời Chúa đã đi vào lịch sử: lần đầu tiên, Đức Thánh Cha đã thiết lập thừa tác vụ đọc sách và giáo lý viên cho giáo dân Công Giáo, từ bốn châu lục.

Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP 27, cũng nằm trong chương trình nghị sự trong những tháng gần đây, với việc Đức Phanxicô yêu cầu đưa ra các quyết định cụ thể.

Đức Giáo Hoàng đã trả lời một số cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến, trong số các chủ đề khác, cuộc khủng hoảng do lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên gây ra trong Giáo hội, tái khẳng định chính sách không khoan nhượng.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên ghi danh tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới, từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 năm 2023, và năm nay, ngài đã công bố thông điệp hướng dẫn cuộc họp ở Lisbon.
Source:agencia.ecclesia.pt
 
Thánh Ca
Thánh Ca Giáng Sinh: Tình Khúc Đêm Đông - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic Media
02:50 19/12/2022