Ngày 18-12-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Có lẽ nào đời ta vắng Chúa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:55 18/12/2016
CÓ LẼ NÀO ĐỜI TA VẮNG CHÚA !

Chúa Nhật IV Mùa Vọng (A 2016)

Những ngày cuối của Mùa Vọng năm nay, Miền Trung chúng ta, đặc biệt, các tỉnh thuộc giáo phận Qui Nhơn : Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, nhiều vùng bị nhấn chìm trong cơn lũ lụt liên tiếp 3,4 cây mang theo những tàn phá, tai nạn và cả những cái chết thảm thương.

Nhắc đến những cái chết trong con nước dữ, tự nhiên nhớ lại hai tiếng kêu “Trời ơi” của đôi vợ chồng nghèo bên bờ đê Yên Phụ, khi chiếc ghe vớt củi của anh chị bị nước lũ nhấn chìm giữa dòng sông nơi câu chuyện đầu tiên “Anh phải sống” trong tập truyện ngắn cùng tên được viết chung của hai nhà văn Tự Lực Văn Đoàn cự phách: Nhất Linh và Khái Hưng .

Vâng, “Trời ơi” : đó là hai tiếng kêu thảng thốt, vang lên trong nổi đau và thất vọng khốn cùng của kiếp phận bọt bèo, bấp bênh, bất lực của con người, đứng trước một hiện tại khốn cùng và một tương lai đen tối ! Trời ơi ! Nếu có Trời thì sao lại như thế nầy ! Trời ơi ! Ngoài Trời ra ai có thể cứu giúp được đây ?...

Trong cái tiếng than xót xa của kẻ đang đối diện với bi đát, ngặt nghèo đó, quả thật đang chất chứa một chân lý rất hiện thực và cơ bản, thâm thúy và cần thiết : Nếu đời nầy, thế giới nầy, cuộc sống nầy… mà thiếu vắng Ông Trời, không còn Thiên Chúa, vắng bóng Đấng Toàn Năng, hay có một “Ông Trời” nhưng đang ngự trị xa lắc cách biệt ngàn trùng với thế nhân...thì tất cả chỉ còn lại u minh và bóng tôi, chỉ còn lại đau thương và tội lỗi, chỉ còn lại chiến tranh với hận thù, chỉ còn lại buông trôi và thất vọng…

Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng hôm nay cũng khẳng định một chân lý trả lời cho tiếng kêu não nề “Trời ơi” của đôi vợ chồng nghèo trong “Anh phải sống” và là chân lý nền tảng của đức tin Kitô : Có một Thượng đế trong đời nầy, có một Đấng Toàn Năng đang hiện hữu, có một Ông Trời đang “có mặt trong đời nầy. Có một Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một Vị Thiên Chúa mà trải qua suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Kinh Thánh đã không ngừng mô tả sống động qua những cách hiện diện và can thiệp vừa lạ lugf vừa dung dị :

- “Thiên Chúa đã là Đấng Emmanuel “ khi Ngài thả bộ trong vườn và ngỏ lời cách thân mật để loan báo một “Tin mừng đầu tiên” về chương trình cứu rỗi. “A-đam, A-đam, ngươi ở đâu ?”(St 3, 9-12)

-“Thiên Chúa đã là Đấng Emmanuel” khi tuyên bố với Môsê rằng : “Ta đã thấy nổi khổ của Dân Ta và Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3,5)

- Thiên Chúa là Đấng Emmanuel khi hóa thành cột lửa, cột mây huy hoàng đi trước, đi sau, hay lựa chọn sự hiện hữu khiêm tốn của “Hòm Bia Giao Ước” để đồng hành suốt ngàn dặm hành trình của Dân Ít-ra-en cho tới khi đạp chân lên Đất Hứa.

- Thiên Chúa là “Đấng Emmanuel” qua ngôn sứ Isaia : “Nầy đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Bđ 1).

- Và hơn 600 năm sau lời tiên báo đó, “Thiên Chúa Đấng Emmanuel” chính thức vào đời khi nhập thể trong lòng người Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Thánh Thần, như tin mừng Matthêô hôm nay thuật lại : “Nầy ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì Người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần....”. Tất cả việc nầy xảy ra đẻ ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ : Nầy đây, Trinh nữ sẽ thụ thai...”

Và rồi, Vị Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta” đó, Đấng Emmanuel đó không chỉ “cắm lều ở giữa nhân loại” nội trong một ngày, một tháng, một năm...mà là 33 năm tròn, từ hang Bê lem, đến mái nhà Na-da-rét, từ dòng sông Gio-đa-nô đến núi Tabo, từ hội trường Capharnaum đến bờ giếng Gia-cóp, từ lòng thuyền chao đảo của Phêrô giữa biển hồ Tibêriat đến đền thờ hoa lệ Giêrusalem và từ đêm đen cô đơn nơi vườn Giết-sê-ma-ni đến lúc hấp hối trên Đồi Sọ...

Ngài đã “ở giữa loài người” quá sát, quá gần đến độ những người bị xã hội ruồng rẫy xa lánh, kết án như Matthêô, Gia Kêu, Maria Mađalêna...vẫn cứ đồng bàn thân mật chén thù chén tạc hay có thể “sờ đụng”, tiếp cận mà không một chút hỗ ngươi mặc cảm…

Và suốt hai ngàn năm nay, Đức Giêsu-Kitô vẫn mãi mãi là “Emmanuel” qua Thân Mình mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh, và qua những con người, những thân phận bị bỏ rơi, cùng khốn như khi Ngài phán dạy qua dụ ngôn “ngày Tận thế” : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi cho đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40); nhất là qua Nhiệm tích Thánh Thể, khi Ngài hiện diện trong Tấm Bánh và Ly Rượu được chính các bàn tay linh mục hiến thánh : “Nầy là Mình Ta, nầy là Máu Ta…”.

Những ngày cuối cùng của Mùa Vọng tiến sát lễ Giáng Sinh, Phụng vụ như muốn giục giả chúng ta lên đường đi gặp gỡ Đấng Emmanuel mà Phụng vụ sắp sửa một lần nữa làm cho cuộc “Nhập thể-Giáng Sinh” của Ngài lại trở thành hiện thực.

Quả vậy, từ lời “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria khi đón nhận lời sứ thần Gabrien truyền tin, đến việc Thánh Giuse “đón nhận Maria về nhà mình” phải chăng Phụng vụ muốn nêu lên những mẫu gương đức tin cho nhân loại noi theo để luôn biết mở lòng ra đón nhận chính Đấng Emmanuel vào cuộc sống. Chính nhờ hành vi Lịch sử nầy, mà nói theo ngôn ngữ bóng đá, Giuse đã có “cú chuyền banh thật đẹp để Thiên Chúa đưa Con Một Ngài vào lưới nhân gian”, để thế gian từ nay sáng lên hồng ân cứu rỗi.

Quả thật Đấng Em-ma-nu-en trong cung lòng Trinh Nữ Maria đã làm cho tất cả những ước mơ, hy vọng cua con người từ đây được đáp ứng : Sự hiện diện của Ngôi Lời Thiên Chúa đã chuyển từ không tới có, từ mất lại được : Có ơn cứu độ, có sự tha thứ, có hồng ân tái tạo, có ánh sáng và chân lý dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh hằng, có hy vọng tin yêu để ta hiểu thế nào là diễm phúc được làm người và làm con Thiên Chúa.

Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engels đã xô đẩy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc !

Và cách riêng, với chúng ta những người Kitô hữu, những người mang tước phẩm cao cả là “con cái Thiên Chúa”, thì liệu trong những ngày đặc biệt nầy, Chúa có thật là một “Emmanuel” không, hay như những câu hỏi của một bài thơ mang tên “Có lẽ nào”, xin trích :

Có lẽ nào ta đang vắng Chúa ?

Nên thấy hồn hiu quạnh hoang liêu.

Thấy chung quanh trống vắng tiêu điều,

Và trong lòng “bổng dưng muốn khóc”…!

Chúa không về hay ta bội bạc ?

Khép kín lòng trong góc tối riêng.

Ta xuyến xao trăn trở triền miên,

Và buông mất bàn tay của Chúa…!

Có lẽ nào lòng ta tắt lửa ?

Chút tro tàn lạnh ngắt tình thân.

Còn đâu tình Chúa lẫn tha nhân,

Hồn câm nín và trái tim cô độc…!

Chúa không còn hay ta khô khốc ?

Mảnh đất hồn gai góc rong rêu.

Sợi chỉ đời ngang dọc sân si,

Che phủ hết mọi đường ánh sáng…!

Chúa ra đi hay mình hết bạn ?

Lạt tâm tình cạn nghĩa tâm giao.

Cõi linh thiêng nay ngập ồn ào,

Tiếng dục vọng thay lời kinh nguyện…!

Có lẽ nào Chúa thôi lưu luyến ?

Chẳng chờ mong, dứt nghĩa bội tình.

Bỏ mình ta trong nỗi điêu linh,

Giữa sóng thét, gió gào, bão lửa ?..

Như thế, sống mầu nhiệm “Emmanuel” để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới chính là sống “sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa”, đón nhận sự hiện diện của Đấng Emmanuel vào tâm hồn và cuộc sống, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Thiên Chúa” nơi chính cuộc sống và cách ứng xử của đời mình :

- như người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.

- như con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.

- như bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ...

- như mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha…hầu biến Lễ Giáng Sinh không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…

Và đó cũng là những xác quyết của chính bài thơ “Có lẽ nào” qua những dòng cuối, và cũng là những lời kết của bài chia sẻ hôm nay :

Không !

Em-ma-nu-el chính là Cứu Chúa !

Giữa đời ta mọi cảnh truân chuyên,

Đi cùng ta vạn nẻo chông chênh,

Vẫn đợi chờ yêu thương tha thứ…!

Rồi sẽ thấy trong ta đầy ứ,

Lửa tình yêu, phấn khởi hân hoan.

Đường ta nay dọn sạch đa đoan,

Bừng sáng lại tiệc vui ngày ấy !

Em-ma-nu-el, Em-ma-nu-el, xin Ngài hãy đến !

Trương Đình Hiền
 
Suy niệm lễ đêm Giáng Sinh
Lm. Anthony Trung Thành
21:03 18/12/2016
Suy Niệm LỄ ĐÊM GIÁNG SINH A

Triết gia Soren Kierkegaard sống tại Đan Mạch cách đây khoảng 150 năm đã kể câu chuyện như sau: Có một vị vua nọ, đắm say một cô thôn nữ. Nhưng vua không thể cưới nàng làm vợ. Bởi vì, theo truyền thống từ bao đời nay, vua chúa không bao giờ được cưới người nông dân. Sau khi vị vua đó đã lật đi lật lại nhiều giải pháp. Cuối cùng, vua đã đi đến quyết định từ bỏ ngôi báu để trở nên một nông dân hèn hạ và dâng hiến tình yêu mình cho người thôn nữ kia và hai người đã có một tình yêu đích thực.

Câu chuyện trên, làm cho chúng ta liên tưởng đến tinh thần tự hạ của Đức Giêsu vì yêu thương nhân loại chúng ta. Thật vậy, Đức Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng cao sang, quyền phép vô cùng. Nhưng vì yêu thương nhân loại, nên Ngài đã tự hạ mình xuống làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

Thật vậy, sau khi nguyên tổ phạm tội, nhân loạn lần đi trong u tối (x. Is 9,1a), khát khao sự giải thoát. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế (x. St 3,15). Nhưng nhân loại phải chờ đợi. Thời gian chờ đợi đó được diễn lại trong bốn Chúa Nhật Mùa Vọng vừa qua. Và sau một thời gian dài chờ đợi, nay dân đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã bừng lên chiếu rọi (x. Is 9,1b). Ánh sáng huy hoàng đó được bắt đầu từ việc Thiên Chúa sai sứ thần đến với Trinh nữ Maria và mời gọi sự cộng tác. Sau tiếng thưa “Xin Vâng” của Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa chính thức xuống thế làm người. Sau chín tháng cưu mang, hôm nay, Đấng Cứu thế đã chào đời. Không gian và thời gian mà Hài Nhi chào đời đã được Thánh Luca tường thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay. Trên đường trở về quê kê khai nhân khẩu, Đức Maria đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Hai ông bà không thuê được quán trọ. Hài Nhi phải sinh ra trong hang đá nghèo hèn lạnh lẽo, nơi chuồng bò hôi hám. Đó là chuỗi ngày sống tinh thần tự hạ của Con Thiên Chúa xuống thế làm người.

Tiếp tục tinh thần tự hạ của Ngài qua đời sống ẩn dật với Thánh Giuse và Mẹ Maria nơi làng quê Nazareth trong suốt thời gian ba mươi năm. Lúc còn thơ ấu, Ngài đã bị vua Hêrôđê lùng bắt, Thánh Giuse và Maria phải đưa Ngài trốn sang Ai-cập. Lớn lên, Ngài làm nghề thợ mộc cùng với Thánh Giuse. Mặc dầu là Thiên Chúa, nhưng Ngài khiêm nhường chu toàn bổn phận người con trong gia đình Thánh Gia. Thánh Luca cho biết: “Ngài hằng vâng phục hai ông bà.” (x. Lc 2,51).

Sau thời gian sống ẩn dật, Ngài bắt đầu cuộc sống công khai, Ngài ra đi loan báo Tin mừng để chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha đã ấn định. Ngài tuyển lựa một số các môn sinh để huấn luyện và trao cho họ quyền làm tông đồ. Bài học mà Ngài chú trọng hơn cả để dạy cho các tông đồ đó chính là tinh thần tự hạ. Ngài dạy với các môn sinh của mình rằng: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (x. Mt 20,25-28). Ngài còn nói: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (x. Lc 14, 11). Cũng liên quan đến tinh thần tự hạ, Ngài kể dụ ngôn người pharisiêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18, 9-14) và Ngài khuyên mọi người khi được mời đi dự tiệc thì nên chọn ngồi chỗ cuối (x. Lc 14, 7-11).

Ngài không chỉ dạy cho các tông đồ, mà Ngài còn làm gương cho các ông về tinh thần hy sinh phục vụ trong khiêm hạ. Trong bữa tiệc ly, “Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”(x. Ga 13,4-5). Cuối cùng, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã bước vào cuộc khổ nạn để chấp nhận cái chết nhục nhã trên Thập giá. Đó là tình yêu thẳm sâu, tình yêu tột cùng, tình yêu cao cả và “không có tình yêu nào cao cả hơn thế nữa.” (x. Ga 15,13). Thánh Phaolô đã nói rất chí lý rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (x. Pl 2,6-8). Trong thư Côrintô, Thánh Phaolô còn nói: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (x. 2 Cr 8,9).

Tinh thần tự hạ của Đức Giêsu là vì yêu thương chúng ta. Đó cũng là bài học cho mỗi người chúng ta hôm nay. Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài nói: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (x. Ga 13,14-15). Rồi Ngài còn mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường.”(x.Mt 11, 29). Chúng ta cần phải học Đức Giêsu để sống tinh thần tự hạ trước mặt Chúa, trước mặt mọi người và để phục vụ mọi người.

Trước hết, chúng ta cần phải sống tinh thần tự hạ trước mặt Thiên Chúa. Để đến với Chúa, cần phải có tinh thần tự hạ, để có tinh thần tự hạ cần phải dẹp bỏ tính kiêu ngạo. Thiên Chúa ghét tính kiêu ngạo, vì kiêu ngạo là tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Nguyên tổ sa ngã cũng vì tội kiêu ngạo. Sách châm ngôn cho biết: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.”(x. Cn 16,18). Thánh vịnh cũng cho biết: “Chúa ngăm đe bọn người ngạo mạn.” (x. Tv 119,21). Đức Giêsu còn cho biết kẻ kiêu ngạo thì cầu nguyện không được Thiên Chúa nhậm lời (x. Lc 18, 9-14). Vì vậy, để đến với Chúa cần phải dẹp bỏ tính kiêu ngạo và phải sống tinh thần tự hạ, khiêm nhường.

Thứ đến, chúng ta cần phải sống tinh thần tự hạ với mọi người và để phục vụ mọi người. Có thể chúng ta là linh mục, tu sỹ, ban hành giáo, giáo lý viên, người cha người mẹ, vợ chồng, con cái, một thành viên trong gia đình. Có thể chúng ta làm chủ trong cộng đoàn, làm chủ một nhóm hay trong gia đình. Nhưng Chúng ta luôn được mời gọi sống tinh thần tự hạ để phục vụ lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải nhớ Lời Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (x. Mt 20, 26-27). Sách Huấn Ca cũng dạy chúng ta: “Được đặt làm chủ tọa ư? Con đừng có lên mặt: giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn; lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người, rồi lãnh triều thiên thưởng tài tổ chức.” (Hc 14,1-2).

Để sống tinh thần tự hạ trước mặt Chúa và anh chị em mình:

Hãy nhìn vào Hài Nhi yếu ớt, bọc tạ nằm trong máng cỏ để chúng ta sẵn sàng đến với những em bé nghèo hèn, bệnh tật, suy dinh dưỡng, những em bé bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, những thai nhi không chút tự vệ đang bị những người lớn cướp đi mạng sống của mình.

Hãy nhìn vào hang đá Bêlem nghèo hèn, để chúng ta đến với những ngôi nhà tranh vách đất, những nạn nhân của thiên tai, nhân tai, những người đang trong cảnh màn trời chiếu đất, không chốn nương thân.

Hãy nhìn vào Đức Mẹ, Thánh Giuse, các mục đồng để mỗi chúng ta luôn sống tinh thần phó thác, chấp nhận theo thánh ý Chúa để hòa mình vào những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Để kết thúc, chúng ta nghe câu chuyện sau đây về Mẹ Têrêsa Calcutta, một người nổi tiếng vì những công việc bác ái mà chính Mẹ và các chị em trong dòng do Mẹ sáng lập đang giúp đỡ những dân túng quẫn ở khu ổ chuột tại Calcutta và nhiều nơi trên thế giới. Mẹ đã được giải Nobel Hòa Bình, nhưng điều làm cho nhiều người cảm động nhất chính là câu trả lời của Mẹ với báo chí khi được hỏi: "Mẹ đang điều khiển một nhà dòng có ảnh hưởng khắp thế giới, vậy có bao giờ Mẹ nghĩ Mẹ sẽ về hưu không? Khi về hưu Mẹ sẽ làm gì?" Mẹ đã thẳng thắn trả lời: "Tôi sẵn sàng về hưu lắm chứ. Việc của Chúa đã có Chúa lo. Còn tôi sẽ làm gì ấy à? Tôi có thể ở với các chị em của tôi tại Washington này để dọn dẹp nhà vệ sinh cho các chị, để các chị có thời giờ đi giúp đỡ những người nghèo ở thủ đô của một nước giàu nhất thế giới..." (Trích từ những câu chuyện Mẹ Têrêsa Calcutta kể).

Ước gì, mong muốn của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là mong muốn của mỗi người chúng ta. Nguyện xin Đức Giêsu cho mỗi chúng ta có được tâm tình khiêm hạ như Ngài để chúng ta có thể đến với Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Indenosia rơi vào tình trạng quá khích, cấm mọi trang phục Giáng Sinh
Xavier Nguyễn Đông
09:05 18/12/2016
Theo AsiaNews ngày 16/12/2016 thì ngày hôm qua Hội đồng Chuyên gia Hổi Giáo (Indonesian Ulema Council, MUI) đã ban hành một giáo lệnh (fatwa) cấm mọi trang phục giáng sinh, cho đó là phi Hồi giáo.

Giáo lếnh số 56/2016 nói rằng, là một haram (điều cấm kỵ) khi sử dụng các mặt hàng phi-Hồi giáo. Mặc quần áo như Santa Claus hoặc đeo các dấu hiệu chủ đề Giáng sinh là hoàn toàn bị cấm.

"Cấm mọi hình ảnh tôn giáo và các trang sức có ý hiển thị danh tính của một tôn giáo nào đó, hoặc đại diện cho truyền thống và những nghi lễ cuả tôn giáo đó," theo lời Hasanuddin, người đứng đầu ủy ban soạn thảo fatwa. "Vì lý do này , sử dụng các trang phục không Hồi giáo là chống lại pháp luật, ngay cả việc yêu cầu một người Hồi giáo ăn mặc như thế cũng là phạm luật. "

Nhà lãnh đạo Hồi giáo nói thêm rằng Fatwa đã được ban hành để đáp ứng với những quang cảnh NOEL đang lan rộng trên khắp Indonesia.

Đề̀ cập đến những quảng cáo và nhân viên trong quán bar và siêu thị mặc quần áo như Santa, trang phục được coi là cuả Kitô hữu, đối với Hasanuddin, "Truyền thống này làm tổn hại đến lòng đạo của người dân"

Không chỉ có thế, MUI còn đi xa hơn, kêu gọi người Hồi giáo không "pha trộn" Hồi giáo với các truyền thống không phải là của nó. Do đó, người Hồi giáo không thể bán hoặc mua các mặt hàng Giáng sinh, và chủ nhân cũng không thể ép buộc một người Hồi giáo ăn vận trang phục Giáng sinh.

Fatwa đã trở thành một mồi lửa cho những phần tử quá khích, ngay làp tức, một số thành viên của Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) đã xông vào một đại lý xe hơi ở Bekasi (Tây Java) và đe dọa người chủ đã cho nhân viên mặc trang phục cuả Ông Già Noel.
 
Thượng Phụ nghi lễ Chaldea kêu gọi đoàn kết Kitô hữu để tranh đẩu cho quyền được đối xử như những người khác
Xavier Nguyễn Đông
11:03 18/12/2016
Trước thực trạng đa-giáo-phái vẫn tồn tại từ nhiều thế kỷ và tình huống khẩn trương cuả Iraq, Thượng Phụ Raphael Louis Sako I cuả nghi lễ Chaldea đã lên tiếng kêu gọi các giáo phái Kitô hữu không hành động riêng rẽ, ngẫu nhiên, chỉ lo lắng cho bản sắc riêng của cộng đồng mình, nhưng thay vào đó nên thể hiện một vị trí thống nhất về mọi mặt, chính trị và xã hội, như là một "thành viên Kitô giáo".

Thông điệp cuà Đức Thượng Phụ được gửi đến tất cả các Kitô hữu ở Iraq, kêu gọi họ "không làm khán giả bàng quan trước tình cảnh cuà đất nước Iraq " và " hãy tìm ra một viễn kiến chung và một lộ trình chung để bảo vệ cho nhau cái "quyền được đối xử như những người khác".

Sử dụng khái niệm "Kitô hữu" là để thể hiện một vị trí thống nhất cuả mọi Kitô hữu ở Iraq trước những vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội và với các cơ sở chính quyền, theo vị thượng phụ, "nó không tương phản với việc bảo vệ danh tính đã có từ ngàn năm nay", và cho phép "không lãng phí thời gian vì việc tranh cãi danh tính." Theo Thượng Phụ thì "Giáo Hội Chaldea sẵn sàng phục vụ tất cả các Kitô hữu và tất cả mọi người dân Iraq trong quá trình hòa giải", đó là điều cần thiết để có một bối cảnh chung sống hoà bình.

Vị niên trưởng hiện tại của Giáo phái Chaldean đã lên án những nguy hiểm cuả chủ nghĩa bè phái đang chi phối các Kitô hữu ở Trung Đông hiện nay: "Bây giờ, thật không may, người ta vẫn nghe người khác nói: tôi có gốc Armenia hơn là Kitô hữu, có gốc Assyrian hơn là Kitô hữu, có gốc Chaldean hơn là Kitô hữu. Thái độ bộ lạc vẫn tồn tại, và như vậy thì mỗi làng đều muốn có 'Đức Giám Mục' cuả mình, hoặc 'đức Thjượng Phụ' cuả mình. Như thế, Kitô giáo sẽ dần dần bị mai một đi. Chúng tôi, là Giám Mục, phải cảnh giác chống lại hình thức bệnh hoạn là sống riêng cho bản sắc của mình".
 
Một quốc gia đang bị Trung Hoa đồng hoá: nước Kyrgyzstan
Xavier Nguyễn Đông
11:21 18/12/2016
Hiện nay thì 77 phần trăm của tất cả các di dân từ nước ngoài đến Kyrgyzstan là người Trung Quốc, theo báo cáo cuà Nhà Nước Kyrgyzstan ngày 8 tháng 12.

Số lượng người Trung Quốc nhập cư đã bùng nổ kể từ tháng Sáu năm nay, khi Trung Quốc và chính quyền Kyrgyzstan thoả thuận cho 40 nhà máy có nguy cơ bị phá sản ở Kyrgyzstan sẽ được điều hành bởi Trung Quốc để công nghiệp hoá đất nước.

Theo thỏa thuận, 80 phần trăm người lao động trong các nhà máy phải là người Kyrgyzstan và tối đa số người nhập cư từ nước ngoài sẽ là 13.500 mỗi năm.

Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek cho biết đang có khoảng 20.000 người Trung Quốc di cư làm việc ở các công việc khác nhau, nhưng theo một cựu nhân viên về di cư, và Bộ trưởng Thanh niên, thì con số thực tế là cao hơn nhiều - khoảng 50.000 người.

Một nhóm dân tộc chủ nghĩa, Erkin El, tuyên bố rằng có tới 300.000 người Trung Quốc đang sống ở Kyrgyzstan.

Trong những tháng gần đây Trung Quốc đã mua lại một số lượng lớn các nguồn lực ở Kyrgyzstan như dầu, than đá, khí đốt và kim loại quý.

Người Kyrgyzstan đang có một cảm nhận rất tiêu cực là những thỏa thuận song phương chỉ là để hợp thức hóa chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Kyrgyzstan đang phải đối phó với tình trạng thất nghiệp cao. Ước tính có khoảng 500.000 người mỗi năm phải đi tìm công việc theo mùa tại Nga và Kazakhstan.

Tổng số dân của Kyrgyzstan là 5,5 triệu người.
 
Một con chiên hiền lành đứng giữa đám hổ̉ lang: Báo Mỹ xếp hạng ĐGH vào danh sách 5 người quyền lực nhất.
Kateri Diễm Châu
14:35 18/12/2016

Tạp chí Forbes cuả Mỹ vừa đưa ra bảng xếp hạng 2016 với năm nhà lãnh đạo quan trọng nhất của thế giới. Người thứ nhất là Putin, "đã lan rộng ảnh hưởng của nước mình ra gần như mọi nơi trên thế giới", tạp chí cho biết.

Ông Vladimir Putin, 64 tuổi, là người có quyền lực nhất thế giới, với Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ở vị trí thứ hai.

Nói về Putin, tạp chí Forbes nhận xét: "Từ quê Mẹ cho đến Syria, thậm chí cả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Putin tiếp tục đạt được những gì ông muốn."

Còn ông Donald Trump, từng được liệt kê đứng thứ 72 vào năm 2015 trong bảng xếp hạng quyền lực của Forbes, bây giờ lên hàng số hai. Vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử "có vẻ như được miễn dịch bởi các Xì Căng Đan, đang 'bắt chẹt' được cả hai viện Quốc hội, và tổng giá trị tài sản lên đến nhiều tỷ bạc."

Vị trí thứ ba là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người nắm quyền cường quốc kinh tế đứng đầu châu Âu trong 11 năm và đã công bố kế hoạch tái tranh cử vào năm tới.

Vị trí thứ bốn thuộc về ông Tập Cận Bình cuả Trung Quốc.

Ở vị trí thứ năm là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vừa tròn 80 tuổi, là nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người Công Giáo.

Nhìn vào bối cảnh đầy dẫy những xung đột trên thế giới mà chính những người được xem như là có quyền lực nhất lại là những thủ phạm đang tìm lợi lộc trong cho cái mớ bòng bong ấy, thì người ta tự hỏi là quyền lực 'đạo đức' mà Đức Giáo Hoàng đại diện liệu có thể tháo gỡ được cái thế kẹt nan giải ấy chăng?

Một Đức Giáo Hoàng đứng giữa những tay ngáo ngổ nhất trên Địa Cầu này ư? Thật là không thể không nghĩ tới lời Chuá đã dạy : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.” (Mt 10,16)
 
Linh Mục người Ý không muốn trưng bày cảnh Giáng Sinh để tránh làm phiền người khác.
Giuse Thẩm Nguyễn
17:29 18/12/2016
Linh Mục người Ý không muốn trưng bày cảnh Giáng Sinh để tránh làm phiền người khác.

(EWTN News/CAN) - Một linh mục người Ý đang bị dân chúng địa phương phản đối vì việc quyết định không trưng bày cảnh Giáng sinh truyền thống trong năm nay tại nghĩa trang thành phố của ngài. Bản tin tiếng Ý là Corriere Della Sera đã cho biết như vậy.

Cha Sante Braggie cho rằng việc trưng bày như thế sẽ làm phiền người Hồi Giáo cũng như những người vô thần và những người có niềm tin khác.

Braggie là cha tuyên úy phục vụ tại nghĩa trang thành phố Cremona và là phó xứ của một giáo xứ địa phương thuộc miền bắc nước Ý. Mọi năm tại nghĩa trang này đều có trưng bày cảnh Giáng Sinh và có thể nhìn thấy từ phần nghĩa trang dành cho người Hồi Giáo.

“Một cái nôi được đặt trong tầm nhìn của những người có niềm tin khác sẽ là sự thiếu tôn trọng họ, làm tổn thương những người Hồi Giáo nhạy cảm cũng như người Ấn Độ và ngay cả những người vô thần.” Braggie đã nói như vậy. “Tóm lại, nó làm xáo trộn mọi thứ.”

Cha Oreste Mori đã từng phục vụ tại nghĩa trang này cho rằng việc này là không thể tin được.

Ngài nói thêm,“Chúng ta không thể từ bỏ truyền thống văn hóa và truyền thống của chúng ta. Đó là cái yếu kém không thể tha thứ được. Ít nhất là tôi đang ở Ý, chứ không phải ở Saudi Arabia.”

Một số nghị viên thành phố đang cố gắng để khôi phục lại cảnh Giáng Sinh sau khi nguồn tin này được truyền đi. Nghị viên Cristina Cappellini nói rằng cảnh Giáng Sinh là biểu tượng về “văn hóa, truyền thống và căn tính Kitô giáo của chúng ta”.

Hiện nay có vào khoảng 1.6 triệu người Hồi Giáo ở Ý và hơn một nửa dân số này sống ở miền bắc. Theo hồ sơ của bộ nội vụ thì nhóm người Hồi Giáo đông nhất, khoảng 120,000 người sống ở Milan, một thành phố cách Cremona khoảng 60 dặm về phía bắc.

Tương tự như phần còn lại của Châu Âu, số người nhập cư đã tăng rất nhanh trong hai năm qua gồm người Hồi Giáo và người tỵ nạn từ Trung Đông.

Hồi giáo không phải là một tôn giáo được chính thức công nhận ở Ý.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha nhận được những lời chúc mừng sinh nhật nồng nhiệt của các tù nhân
Đặng Tự Do
19:39 18/12/2016
Hôm Chúa Nhật 18 tháng 12, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được những lời chúc sinh nhật rất đặc biệt từ các tù nhân bị giam giữ tại nhà tù Due Palazzi ở Padua, Ý.

Linh mục tuyên úy nhà tù, là cha Mario Pozza, đã dàn xếp một cuộc gọi qua Skype với Đức Thánh Cha Phanxicô với tham gia của sáu mươi tù nhân, nhiều lính canh, các cai ngục và các tình nguyện viên, vào lúc 5 giờ chiều giờ Roma ngày Thứ Bẩy 17 tháng 12 – tức là buổi chiều ngày sinh nhật lần thứ 80 của Đức Thánh Cha.

Marzio, đại diện cho các tù nhân đã đọc một bức thư gởi cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong đó anh hứa cầu nguyện cho ngài, và nói, “Xin cảm ơn từ tận đáy lòng của chúng con về chứng tá hàng ngày của Đức Thánh Cha. Những chứng tá ấy nuôi dưỡng niềm hy vọng và mơ ước của chúng con, và dõi chiếu liên tục một luồng sáng trên chúng con.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đón nhận những lời chúc mừng và nói rằng “Cha cảm ơn tất cả các con rất nhiều vì sự dịu dàng, và sự gần gũi của các con - và cha xin Chúa chúc lành cho các con - xin Chúa chúc lành cho mỗi người trong các con: cho gia đình, cha mẹ, anh chị em và con cái của các con. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các con. Cha cầu nguyện cho các con, và xin Chúa ban phép lành cho các con”.

Source: Radio Vatican - Pope Francis receives birthday greetings from prisoners
 
Chương trình mừng lễ Giáng Sinh tại Vatican
Đặng Tự Do
19:34 18/12/2016
Chương trình mừng lễ Giáng Sinh tại Vatican bắt đầu với buổi gặp gỡ chúc mừng Giáng Sinh giữa Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma tại điện Clêmentê vào lúc 10h30 sáng thứ Năm 22 tháng 12 và diễn ra trong khoảng một giờ.

Cũng trong ngày 22 tháng 12, vào buổi trưa, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nhân viên làm việc tại Vatican trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục.

Lúc 9h sáng ngày 23 tháng 12, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma sẽ nghe bài chia sẻ Mùa Vọng cuối cùng của cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng.

Lúc 9h30 tối thứ Bẩy 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ Vọng Giáng Sinh. Đây là năm thứ ba ngài cử hành thánh lễ này trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Trưa Chúa Nhật 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi cho dân thành Rôma và trên toàn thế giới.

Ngay sau khi đọc thông điệp Giáng Sinh, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lm. Phêrô Dương Thanh Liêm nhậm chức Chính xứ Giáo xứ Thánh Tâm Cabramatta TGP Sydney
Giáo Xứ Thánh Tâm Cabramatta.
09:17 18/12/2016
Lm. Phêrô Dương Thanh Liêm nhậm chức Chính xứ Giáo xứ Thánh Tâm Cabramatta TGP Sydney

Sáng Chúa Nhật 18/12/2016 Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher Tổng Giám Mục Giáo Phận Sydney đã đến nhà thờ Thánh Tâm Cabramatta Chủ tế Thánh lễ và chính thức bổ nhiệm Cha Phêrô Dương Thanh Liêm Chính xứ Giáo xứ Cabramatta thuộc Tổng Giáo Phận Sydney.

Xem Hình

Sơ lược tiểu sử Cha Phêrô Dương Thanh Liêm

Sinh vào ngày 6 tháng 6 năm 1976 tại Vĩnh Long Việt Nam.

Đến Úc và định cư tại Sydney cùng với gia đình vào tháng 5 năm 1992.

Năm 2000 Cha được ĐHY Edward Clancy nhận vào Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành - Homebush.

Đức Cha Julian Porteous (nay là TGM Giáo Phận Hobart tiểu bang Tasmania) phong chức Phó Tế vào ngày 24 tháng 9 năm Sau đó Cha đã đươc ĐHY George Pell bổ nhiệm về làm việc tại nhà Thờ Chánh Tòa Sydney.

Ngày 19 tháng 8 năm 2006 ĐHY George Pell đã phong chức Linh Mục cho Cha và bổ nhiệm Cha làm Cha Phó nhà thờ Chánh Tòa Sydney.

Tốt nghiệp Cử Nhân và Cao Học tại Đại Học Viện Công Giáo Sydney.

Tháng 1 năm 2009, ĐHY George Pell bổ nhiệm Cha làm Phó Giáo Xứ Thánh Tâm Cabramatta cũng như trong ban Tuyên Úy đặc trách Thanh Niên Công Giáo, Sinh Viên Việt Nam. Và đầu tháng 2 năm 2014 ĐHY đã bổ nhiệm Cha Dương Thanh Liêm là Tuyên Úy Trưởng CĐCGVN TGP Sydney.

Đến ngày 15 tháng 01 năm 2016 Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher đã bổ nhiệm Cha làm Quản nhiệm Giáo xứ Thánh Tâm Cabrmatta.

Ngày 18 tháng 12 Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher Chủ tế dâng Thánh Lễ bỗ nhiệm Chính xứ Thánh Tâm Cabramatta - Sydney

Ngoài ra Cha Dương Thanh Liêm được Đức Tổng Giám Mục bổ nhiệm các trách nhiệm quan trọng khác trong TGP như:

Thành Viên Hội Đồng Tư Vấn TGP,

Thành viên ban Trustee of the Archdiocese of Sydney

Thành Viên/ Thư Ký Hội Đồng Linh Mục TGP; Council of Priests.

Thành Viên Ủy Ban giám định quỹ bác ái TGP; Charitable Work Funds Appeal Tribunal.

Thành Viên Ủy Ban Quỹ Tương Trợ Linh Mục TGP; Member of the Clergy Fund Committee.

Trong sứ vụ Chánh Xứ Cabramatta, Cha Dương Thanh Liêm tiếp tục chọn cho mình một châm ngôn sống đó là "Yêu Thương và Hiệp Nhất.

Giáo Xứ Thánh Tâm Cabramatta.
 
Cursillo Giáo phận Phú Cường tổ chức Ultreya hạt Củ Chi tại Giáo xứ Sơn Lộc
Tôma Đỗ Lộc Sơn
23:05 18/12/2016
Ultreya bừng tươi sức sống mới, những cảm nghiệm và chia sẻ trong bầu khí tuyệt vời của mùa Giáng sinh, Cursillo Giáo phận Phú Cường tổ chức Ultreya hạt Củ Chi tại Giáo xứ Sơn Lộc. Lúc 7g00 ngày 09/12/2016, anh chị em Cursilitas (thành viên phong trào Cursillo) hạt Củ Chi đã có mặt tại nhà mục vụ của giáo xứ, để chuẩn bị đón chào các Cursillitas của các giáo hạt và quý khách mời là các Cursillias đại diện phong trào Cursillo Giáo phận Saigon, Xuân Lộc.

xem Hình

Vì điều kiện địa lý, nên mãi đến 8g30, các anh chị em ở các nơi xa như: Tây Ninh, Bình Long, Bến Cát, Phước Thành và Phú Cường mới có mặt, vì thế đại hội diễn ra trễ hơn so với dự định.

Hội Ultreya hôm nay, vinh dự được cha Simon Nguyễn văn Thu - Tổng Đại diện Giaó phận Phú Cường và cũng là cha sở Giáo xứ Sơn Lộc, đã niềm nở đón tiếp cha Antôn Hà Văn Minh - Linh hướng phong trào Cursillo Việt Nam, cùng quý cha linh hướng Cursillo Giáo phận Phú Cường: cha Giuse Trần Tấn Lực, cha Titô Trần Nguyên Lãm, cha Gioan Nguyễn Thanh Tịnh, cha Đaminh Đồng Anh Vương, cha Tađêô Lý Nguyễn Anh Thy và 100 anh chị em Cursillistas đại diện các giáo hạt về tham dự Ultreya lần này.

Sau lời nguyện khai mạc và lời giới thiệu, bài hát “Cursillitas hành khúc” cất lên hùng tráng. Hội nhóm chia sẻ qua 3 bước: học đạo, sùng đạo, hành đạo và về đời sống ngày thứ tư của mình thật sôi nổi. Bài hát "Ultreya” dẫn mọi người tới phần chia sẻ chứng nhân sống động, quá trình cảm nghiệm và hoán cải sau khóa Ba ngày, xuống núi cùng Thầy Chí Thánh Giêsu. Một chứng nhân 19 tuổi, nói lên những thao thức, mong được đồng hành, được mọi người quan tâm nhắc nhở và tinh thần trợ tá như một ngọn lửa hâm nóng, chống trả những cám dỗ theo những đam mê khi xã hội phát triển, làm mọi người xúc động mãnh liệt - một tình yêu bừng cháy lên trong lòng các anh chị Cursillistas trong hội Ultreya tại hạt Củ Chi.

Cha linh hướng Antôn đúc kết và bày tỏ sự vui mừng trước Ban Linh hướng, cùng chia sẻ với cha trong các công tác Phong trào Cursillo những ngày sắp tới.

Tiếp theo ý kiến của cha Đaminh, quý đại diện Cursillo Giáo phận Saigon, Giáo phận Xuân Lộc, có đôi lời với hội Ultreya. Anh Phanxicô X. Nguyễn Văn Sức - Chủ tịch Cursillo Phú Cường, lên thông báo chương trình hoạt động năm 2017 trong sự phấn khởi.

Sau phần giải lao, mọi người chụp hình lưu niệm và Thánh lễ tạ ơn với tâm tình sốt sáng, đỉnh cao của hội Ultreya, cho mọi người cảm nhận một Thiên Chúa đang sống, đang hiện hữu; Ngài còn gần hơn khi mỗi người Cursillitas trở thành hạt muối, hạt men trong môi trường đầy giá lạnh.

Thánh lễ kết thúc lúc 12g00, mọi người nắm tay nhau, chúc bình an trong sự vui tươi, thân thiện qua bài hát: "Bình an của Chúa hằng ở với mọi người, mỗi người. Cầm tay thân ái mến chúc nhau bình an. Chúa thương con người, Chúa kết liên con người với người. Bình an của Chúa mãi mãi trong tâm hồn".

Cursillo Phú Cường bừng tươi sức sống với Ban Linh hướng trẻ tuổi, nhiệt huyết, cùng hướng về khóa Hội thảo cấp 1 sẽ được Cursillo Phú Cường tổ chức vào tháng 7- 2017, và Đại hội Ultreya Toàn quốc tại Thánh địa La Vang nhân dịp mừng 50 năm phong trào Cursillo triển nở trên quê hương Việt Nam vào tháng 10-2017. Xin Thầy Chí Thánh đồng hành trên bước đường tương lai của chúng con, để danh Chúa được cả sáng.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Lễ nhận chức chính xứ tại giáo xứ Lòng Bình, hạt Tây Ninh
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
23:14 18/12/2016
THÁNH LỄ NHẬN XỨ CỦA CHA ĐA MIMH HÀ HOẢ TIỂN TẠI GIÁO XỨ LONG BÌNH, HẠT TÂY NINH.

Ngày 18.12.2016, Giáo xứ Long Bình vinh dự hân hoan chào đón Đức Cha Giuse - giám mục Giáo phận Phú Cường - về Giáo xứ Long Bình chủ tế Thánh lễ tạ ơn, với nghi thức Nhận Xứ của cha Đa minh Hà Hoả Tiển. Đồng tế với Đức Cha Giuse có Quý Cha trong Hạt Tây Ninh.

Xem Hình

Sau những ngày mưa dông và mây mù, hôm nay bầu trời đã không còn dấu hiệu của những ngày mưa gió vừa qua, từ sáng sớm ánh bình minh đã ló rạng như tiên báo một ngày mới may lành, vui tươi.

Và quả thật như thế, từ hơn 08 giờ 00’dọc theo Quốc lộ 22B hướng từ Tp Tây Ninh về Tp Hồ chí minh ngang qua khu vực xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, người ta đã thấy những dãy cờ đỏ trắng; xanh trắng và vàng trắng tung bay phấy phới, những đoàn người trong trang phục đủ màu sắc, tươi cười đứng thành hàng lối ngăn nắp, ban trật tự làm việc liên tục mời gọi mọi người ổn định vị trí và hướng dẫn những vị khách đi vào đúng địa điểm để đón tiếp vị chủ chăn của Giáo phận.

Đúng 09 giờ 45’, khi Đức Cha Giuse, giám mục giáo phận vừa xuất hiện cộng đoàn dân Chúa có mặt như vỡ òa trong niềm vui sướng sau bao nhiêu năm sống trong đức tin vào Thiên Chúa. Vì giáo xứ Long Bình nằm trong vùng trung tâm của các anh em Cao đài.

Họ đạo Long Bình (trước đây được gọi là họ đạo Bến Kéo), là 01 họ lẻ của Giáo xứ Tây Ninh, được thành lập từ năm 1955, nằm dọc theo quốc lộ 22B cách Tây Ninh 10km. Đối diện với nhà thờ là trường quân đội. Mỗi tuần, cha tuyên úy Phaolo Nguyễn Đình Chế đến dâng thánh lễ ngày Chúa Nhật, số người tham dự thánh lễ chiếm đa số là các anh em binh sĩ, giáo dân rải rác ít người ở xa nhà thờ, vì thế nhà thờ này có tên là nhà thờ quân đội.

Sau biến cố 30/04/1975, nhà thờ được nhà nước thu hồi và bồi thường một số tiền. Sau thời gian gần hai năm, ngày 20/07/1977, được sự chấp thuận của chính quyền và giáo quyền, Cha cố Philipphe Trần Tấn Binh khởi công xây dựng nhà thờ mới, cách nhà thờ quân đội khoảng 500m, hoàn tất và khánh thành vào ngày 05/02/1978. Đó chính là nhà thờ Long Bình hiện nay. Tuy nhà thờ không lớn lắm, nhưng đối với họ Long Bình là một niềm vui lớn lao vì có nơi thờ phượng Chúa nghiêm trang, mỗi tuần lại được cha cố Philipphe Binh đến dâng lễ vào các ngày Chúa Nhật, Thứ năm cùng với thầy Giuse Vũ Hùng Sơn (nay là Cha chánh xứ Giáo xứ Bắc Đoàn) dạy giáo lý, sinh hoạt…….

Giáo xứ Long Bình hiện nay bao gồm các Xã thuộc huyện Hoà Thành như: Long Thành Nam; Long Thàng Trung; Trường Đông; Trường Tây; Trường Lưu; cùng ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân trước đây thuộc giáo xứ Tây Ninh và ấp Bàu Tràm ( huyện Bến Cầu).

Thánh lễ nhận xứ diễn ra trong bầu khí đạo đức và hân hoan, với sự có mặt của đông đảo bà con giáo dân Giáo xứ Long Bình, Giáo xứ Tây Ninh cùng các đoàn thể với đồng phục của hội đoàn mình, các Ban Mục Vụ với trang phục trang trọng để chào đón Đức Cha, quý cha, quý khách và nhất là để đón nhận Cha Sở mới của giáo xứ. Trong Thánh lễ này, Giáo xứ Long Bình cũng rất vui mừng chào đón Cha Gioan Võ Hoàn Sinh, quản hạt Tây Ninh cũng là Cha Kiêm Chánh xứ Tiên khởi Giáo xứ Long Bình, kể từ khi mới thành lập Giáo xứ vào ngày 07-09-2015.

Mở đầu Nghi thức nhận xứ, Cha Quản Hạt Tây Ninh Gioan Võ Hoàn Sinh cũng là Cha Nguyên Chánh xứ Long Bình, công bố Văn Thư Bổ Nhiệm của Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phú Cường. Cộng đoàn hân hoan chào cha sở mới với tiếng vỗ tay giòn giã, sau khi Đức Cha giới thiệu cha Đa Minh với cộng đoàn. Tiếp đến, Đức Cha trao dây Stola cho Cha tân quản xứ để nói lên ý nghĩa trao quyền quản xứ, trao chìa khóa nhà thờ cho cha Đa Minh, lại một tràng vỗ tay nữa vang lên. Kế đến, Cha tân quản xứ Đa Minh quỳ trước bàn thờ đọc bản tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse chia sẽ với cộng đoàn về Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria để qua đó Thiên Chúa bắt đầu hành trình ơn cứu chuộc của Ngài qua Đức Maria là hiền thê của Thánh cả Giuse. Và Đức Cha Giuse cũng nhấn mạnh qua mầu nhiệm này Thánh cả Giuse cũng đã đón nhận được thánh ý Chúa mà chấp nhận Thai nhi trong lòng Đức Mẹ Maria. Và cũng qua đó, Đức Cha Giuse đã cho chúng ta thấy được Hồng ân mà Thiên Chúa đã ban xuống cho Cha Tân chánh xứ Đa minh ngày hôm nay là một niềm vui nhưng cũng là một thử thách. Đức Cha cũng mời gọi Cộng đoàn Giáo xứ Long Bình cũng vui mừng đón nhận Cha tân Chánh xứ trong tâm tình hiệp thông, đoàn kết như xưa kia Thánh cả Giuse đã đón nhận Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria.

Ngay sau phần hiệp lễ, ông chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã thay mặt cộng đoàn có lời chúc mừng và cám ơn đến Đức Cha Giuse, quý cha quản hạt, quý cha đồng tế, quý tu sĩ, ông bà cố, thân nhân và gia đình cha Đa minh và cộng đoàn các Giáo xứ có mặt trong thánh lễ ngày hôm nay đã hiệp thông và cầu nguyện cho giáo xứ, cách riêng cho Cha Đa minh trong sứ vụ mới.

Với lòng cảm mến tri ân, Cha tân chánh xứ cũng đã biểu lộ tâm tình tri ân đến Đức Cha, quý cha, ông bà cố và cộng đoàn. Và nhất là Đại diện chính quyền địa phương từ Tỉnh đến xã, cũng như đại diện các Tôn giáo bạn.

Như lời Đức Cha giáo phận đã từng nói nói: Việc thuyên chuyển các cha xứ là một ơn của Chúa Thánh Thần; là cơ hội để canh tân giáo xứ, giáo phận; là hồng ân để các cha thực thi đời sống dấn thân và làm đẹp hình ảnh người mục tử của Chúa. Nguyện xin cho Cha tân quản xứ luôn một lòng tin yêu phó thác, thanh thoát bước trên con đường dấn thân phục vụ theo gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tối Cao.

Thánh lễ kết thúc với lời tạ ơn của Cha Tân chánh xứ cùng lời chia sẽ của Đức Cha giáo phận cùng quý cha đồng tế, cùng hoa chúc mừng của các Vị lãnh đạo đại diện chính quyền địa phương và các Tôn giáo bạn.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc – Ban Truyền thông giáo phận Phú cường.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nobel và Noel
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
11:11 18/12/2016
NOBEL và NOEL

1. Nobel - giải thưởng quốc tế cao quý

Ngày 27 tháng 11 năm 1895, tại Paris, ông Alfred Nobel đã ký di chúc, dành toàn bộ tài sản - tiền thưởng tích cóp cả cuộc đời làm việc, nghiên cứu sáng tạo của ông... để lập ra giải thưởng Nobel (mang tên ông). Đến nay, giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất mà một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao giải.

Giải thưởng quốc tế Nobel được tổ chức thường niên kể từ năm 1901, trao cho những nhóm và hoặc cá nhân có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực: vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Trong đó, giải Nobel hoà bình được trao cho tổ chức hoặc cho cá nhân. Năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển (nơi quỹ Nobel đang uỷ thác) đã quyết định trao thêm giải thưởng lĩnh vực "khoa học kinh tế".

Tính đến nay, sau 115 năm lịch sử kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, thế giới đã có 870 cá nhân và 26 tổ chức vinh dự được nhận giải thưởng danh giá vì những thành tích nghiên cứu - cống hiến xuất sắc cho nhân loại. Mỗi giải thưởng bao gồm: tiền thưởng trị giá 1,1 triệu USD; một huy chương bằng vàng nguyên khối chạm hình Sir Alfred Nobel và một giấy chứng nhận về giải thưởng.

Theo thông lệ, giải Nobel Hòa bình được trao thưởng ở Oslo, Na Uy; các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển. Trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao giải Nobel Vật lý, Hóa học và Kinh tế; Hội Nobel ở Karolinska Institutet trao giải Nobel Sinh học và Y học; Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học. Đặc biệt, giải thưởng Nobel Hòa bình được Ủy ban Nobel Na-Uy (gồm 5 thành viên do quốc hội Na-Uy bầu ra) trao tặng thay vì một tổ chức của Thụy Điển.

- Kể từ năm 1901 khi giải Nobel đầu tiên được trao, đến nay đã có 820 nam giới và 50 phụ nữ được vinh danh. (Các nhà hoạt động Nữ quyền chắc không thích lắm điều này

- Độ tuổi trung bình của những người đoạt giải Nobel trên tấc cả các lĩnh vực là 59 tuổi.

- Người giành giải Nobel cao tuổi nhất là nhà khoa học Mỹ (gốc Nga), Leonid Hurwicz. Ông được trao giải Nobel Kinh tế vào tháng 10 năm 2007, khi đã 90 tuổi. 08 tháng sau ông qua đời.

- Năm 2007, nữ tác giả người Anh, Doris Lessing, trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất giành giải Nobel Văn học, khi bà 87 tuổi. Bà cũng là một tác giả đặc biệt với tuổi thơ bất hạnh ở xứ độc tài Persia (Iran bây giờ); lớn lên ở xứ sở nghèo khổ và con người bị chà đạp - Southern Rhodesia (hiện nay là Zimbabwe); sau 30 tuổi mới chuyển đến Anh sinh sống.

- Người trẻ nhất vinh dự nhận giải Nobel là nữ sinh Malala Yousafzai (17 tuổi, quốc tịch Pakistan), giành giải Nobel Hòa bình vào năm 2014 vì những nỗ lực hoạt động bảo vệ Nữ quyền và Quyền trẻ em.

- Nhà khoa học Marie Curie là người phụ nữ duy nhất được trao 2 giải Nobel: Nobel Vật lý (1903) và Nobel Hóa học (1911).

- Có 06 cặp cha và con trai; 01 cặp cha và con gái; cùng 01 cặp mẹ và con gái... cùng đoạt giải thưởng Nobel. Bên cạnh đó, có 05 cặp vợ chồng cùng đoạt giải Nobel.

- Danh hiệu “Gia đình Nobel” giành giải Nobel Hóa học thuộc về nhà bà Curie, gồm: vợ chồng Pierre-Marie Curie và con gái Irène Joliot Curie cùng con rể của họ là Frédéric Joliot. (Gia đình giành được nhiều giải Nobel nhất hành tinh.

- Giải Nobel Hòa bình năm 2014, trước khi trao cho nữ sinh 17 tuổi người Pakistan, đã nhận được con số đề cử kỷ lục: 278 đề cử. (sưu tầm).

2. Noel, Tin Mừng cho nhân loại

Noel là một cuộc kết hôn giữa Thiên Chúa sáng tạo và con người là thụ tạo. Chúa Kitô là Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, có trái tim để yêu thương, đã mặc khải về Thiên Chúa là tình yêu, và thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa muốn cứu rỗi con người. Đây là cuộc kết hôn vượt trên sức tưởng tượng của con người, cuộc kết hôn không “môn đăng hộ đối” giữa đôi bên.

Noel là Tin Mừng cho nhân loại. Noel đã trở thành Festival, lễ hội, một đại lễ của loài người. Noel một lễ hội không biên giới.Dù tin hay không tin vào Chúa Giêsu, mọi người đều hân hoan đón đợi, đều vui tươi mừng lễ.

Noel có lẽ là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang….Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ miền quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn màu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ. Khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’ (Lc 2,14)

Đặc biệt, Giáng Sinh là Tin Mừng lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh Chí Tôn đã “trở nên người phàm và ở cùng chúng ta”. Đấng Hằng Hữu đã trở nên “người phàm” (Ga 1,14), làm “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,13), tại xứ Palestin, thời Augustô làm hoàng đế Rôma, Quirinô làm tổng trấn xứ Xyri (Lc 2,1-2).

Sứ điệp Tin Mừng Sứ thần loan báo cho những mục đồng trong Đêm Thánh, được Giáo Hội công bố thành Tin Mừng trong Lễ Đêm Giáng Sinh. Đó là Tin Mừng Giáng Sinh thật đơn sơ nhưng lại là Tin Mừng Cứu độ và mãi mãi là Tin Mừng hiện sinh cho nhân loại.

a. Tin mừng đơn sơ.

Trong đêm hồng phúc, Hài Nhi Giêsu sinh ra trong hang đá, Sứ thần loan báo cho các mục đồng : "Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa " (Lc 2, 11). Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" (Lc 2,12).

Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu, các quán trọ khinh người nghèo hất hủi. Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh. Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.

Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng. Tất cả những gì họ thấy chỉ là một hài nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một hài nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó. Chỉ bằng con tim những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9,5).

Dấu chỉ của Thiên Chúa là sự đơn sơ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là hài nhi. Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta.

b. Tin Mừng Cứu Độ

Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai. Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.

Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao. Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn. Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác. Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt. Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.

Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới. Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo. Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới. Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Belem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.

c. Tin Mừng hiện sinh

Một Hài Nhi đã sinh ra mang một ý nghĩa hiện sinh sâu sắc: Thiên Chúa làm người và làm một trẻ thơ.Thiên Chúa làm trẻ thơ vì trong thế giới loài người vẫn còn biết bao trẻ thơ không có tuổi thơ. Chiến tranh, thiên tai, nhân tai, đói nghèo khiến bao trẻ thơ không có niềm vui trẻ thơ.

Ngắm nhìn trẻ thơ Giêsu trong máng cỏ nghèo hèn, chúng ta nghĩ tới bao trẻ thơ sinh ra hôm nay đang chịu cảnh đói nghèo thiếu thốn. Thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tình thương. Thiếu thốn nhà cửa, thiếu thốn một mái gia đình. Giá lạnh của rét mướt và giá lạnh bởi thiếu vòng tay ôm ấp vỗ về. Hài Nhi Giêsu ấm áp trong tình thương của cha mẹ. Bàn tay nâng niu của Mẹ Maria, ánh mắt âu yếm của cha Giuse. Đó là bầu khí gia đình đầm ấm. Gia đình là chiếc nôi êm ái vỗ về giấc ngũ trẻ thơ. Gia đình là lương thực bồi bổ, là thành trì bảo vệ tuổi thơ. Không có cảnh nghèo nào khốn cùng hơn cảnh trẻ thơ thiếu tình thương. Không có mái nhà nào rách nát hơn cảnh gia đình tan vỡ. Không có mùa đông nào lạnh giá hơn mùa đông của trái tim.

Hài Nhi nằm trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa. Một sự yếu đuối mà Người đã tự ý chọn lựa. Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ. Một Thiên Chúa yếu đuối. Trí khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi. Mọi lý luận đều bất lực trước nghịch lý thần linh này. Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được.Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các Ngôn Sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nằm trong Máng Cỏ.Tin Mừng Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của ơn cứu độ.Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại tình thương của Người bằng việc yêu mến Người và yêu thương nhau.

3. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ hoà bình

Tiếp nối sứ vụ hòa bình của Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội Công Giáo miệt mài tìm kiếm nền hòa bình đích thực cho nhân loại. Năm 1920, Đức Bênêđitô XV ban hành thông điệp “Hòa Bình của Thiên Chúa”. Từ năm 1939 đến 1957, qua các sứ điệp giáng sinh, Đức Piô XII luôn kêu mời các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hãy kiến tạo một nền hòa bình đích thực trên hành tinh này và cùng nhau xây dựng một thế giới liên đới công bằng. Năm 1963, Đức Gioan XXIII ra thông điệp “Hòa bình trên thế giới” gửi đến tất cả những người thành tâm thiện chí trên thế giới để kêu gọi các quốc gia xây dựng một nền hòa bình chống lại chiến tranh. Năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo Hoàng “Công lý và Hòa bình”, và từ năm 1968, lập ra ngày “Hòa bình thế giới” cử hành vào ngày 1/1 hằng năm. Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức những buổi “Cầu nguyện liên tôn” cho hòa bình tại Assisi và đưa ra sáng kiến “Ăn chay vì hòa bình”. Năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Năm 1993 và 1994, ăn chay cho hòa bình tại Bosnia. Năm 2001, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới sau biến cố 11/09 tại Hoa Kỳ…

Muốn có được một nền hòa bình đích thực, con người không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ quân bị, thực thi công lý, nhưng còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình yêu thương. Hòa bình đích thực là kết quả của tiến trình thanh tẩy và nâng cao về văn hóa, đạo đức, tinh thần, một tiến trình trong đó phẩm giá con người được tôn trọng trọn vẹn.

Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 50 có chủ đề: “Vượt thắng thói vô cảm để có hoà bình”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến nhiều hình thức khác nhau của thói vô cảm trong xã hội. Trước hết là vô cảm với Thiên Chúa, do đó dẫn đến vô cảm với người lân cận và sau đó vô cảm với môi trường.

Chúng ta được kêu gọi tỏ lòng “cảm thông, yêu thương, thương xót và liên đới” trong các mối tương quan của chúng ta với nhau. Đức Thánh Cha nói thêm rằng chúng ta cần phải “hoán cải tâm hồn” để “mở ra với người khác trong tình liên đới đích thực”. Đức Thánh Cha kêu gọi xây dựng một nền văn hóa của tình liên đới và lòng thương xót để vượt thắng thói vô cảm.

Điều này bắt đầu nơi gia đình, là “nơi đầu tiên mà các giá trị của tình yêu, tình huynh đệ, quy tụ và chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác được sống và được chuyển giao”. Đức Thánh Cha cũng nói về vai trò của các nhà giáo và những người làm công tác truyền thông. Ngài nói rằng đặc biệt những người làm công tác truyền thông phải quan tâm đến cách thức thu thập và phổ biến thông tin, họ phải luôn dùng những phương pháp “hợp pháp và hợp đạo đức”.

Hoà bình là kết quả của một nền văn hóa của tình liên đới, thương xót và cảm thông. Phải bắt đầu từ nơi gia đình, nơi láng giềng, và nơi làm việc của chúng ta. Và mở rộng đến việc xã hội dân sự chăm sóc những người yếu thế, như các tù nhân, di dân, người thất nghiệp và người khuyết tật.

Tin Mừng Giáng Sinh nâng cao phẩm giá con người ngay từ khi được cưu mang trong dạ mẹ và vừa mới sinh ra. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta sẽ học được nhiều bài học về Sự Thật, Tự Do, Công Lý, Hoà Bình và Tình Thương. Hài Nhi Giêsu đã mở ra triều đại của Công Lý Tình Thương trên “nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,5–6).

Hãy nắm tay nhau, hạnh phúc cùng hát vang lời ca Giáng Sinh chung quanh máng cỏ có Chúa Giêsu Hài Đồng: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta. Một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.

Lạy Chúa Giêsu: “Xin thương ban, xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Văn Hóa
Có lẽ nào !
Sơn Ca Linh
09:07 18/12/2016
CÓ LẼ NÀO !
(Một chút cảm nhận về mầu nhiệm Emmanuel- CN IV Mùa Vọng)

Có lẽ nào ta đang vắng Chúa ?
Nên thấy hồn hiu quạnh hoang liêu.
Thấy chung quanh trống vắng tiêu điều,
Và trong lòng “bổng dưng muốn khóc”…!

Chúa không về hay ta bội bạc ?
Khép kín lòng trong góc tối riêng.
Ta xuyến xao trăn trở triền miên,
Và buông mất bàn tay của Chúa…!

Có lẽ nào lòng ta tắt lửa ?
Chút tro tàn lạnh ngắt tình thân.
Còn đâu tình Chúa lẫn tha nhân,
Hồn câm nín và trái tim cô độc…!

Chúa không còn hay ta khô khốc ?
Mảnh đất hồn gai góc rong rêu.
Sợi chỉ đời ngang dọc sân si,
Che phủ hết mọi đường ánh sáng…!

Chúa ra đi hay mình hết bạn ?
Lạt tâm tình cạn nghĩa tâm giao.
Cõi linh thiêng nay ngập ồn ào,
Tiếng dục vọng thay lời kinh nguyện…!

Có lẽ nào Chúa thôi lưu luyến ?
Chẳng chờ mong, dứt nghĩa bội tình.
Bỏ mình ta trong nỗi điêu linh,
Giữa sóng thét, gió gào, bão lửa ?

Không !
Em-ma-nu-el chính là Cứu Chúa !
Giữa đời ta mọi cảnh truân chuyên,
Đi cùng ta vạn nẻo chông chênh,
Vẫn đợi chờ yêu thương tha thứ…!

Rồi sẽ thấy trong ta đầy ứ,
Lửa tình yêu, phấn khởi hân hoan.
Đường ta nay dọn sạch đa đoan,
Bừng sáng lại tiệc vui ngày ấy !

Sơn Ca Linh
 
Mừng lễ Giáng Sinh với chị thánh Têrêxa
LM. Trăng Thập Tự
14:50 18/12/2016
MỪNG LỄ GIÁNG SINH VỚI CHỊ THÁNH TÊRÊXA

Giáng sinh lại về, kính chúc anh chị em và gia đình một lễ Giáng sinh vui tươi thánh thiện và một Năm mới an bình hạnh phúc trong Chúa.

Giáng sinh lại về trong câu ca réo rắt của các thiên thần:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Chúa thương tất cả mọi người và ban bình an cho tất cả, chỉ cần ta biết mở lòng đón nhận lấy bình an của Chúa. Nếu bình an còn thiếu vắng nơi lòng ta, nơi gia đình, nơi xã hội, thì đều là do bản thân ta chưa biết mở lòng đón nhận. Nhưng mở lòng thế nào đây? Tôi xin được giới thiệu với anh chị em kinh nghiệm của một nữ tu trẻ, qua đời lúc chỉ mới 24 tuổi, đã say mê mầu nhiệm Giáng sinh và mầu nhiệm Chúa chịu Khổ nạn, là Chị Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu Hài Đồng và của Nhan Thánh Chúa. Năm 2017 này cũng là kỷ niệm 120 ngày Chị qua đời. Tấm gương đời Chị cho ta một kinh nghiệm dễ hiểu: Chỉ cần ta nhớ Chúa đang ở đây, ngay trong lòng ta, là được bình an và chỉ cần ta làm theo ý Chúa là được bình an.

Tôi xin được tóm tắt nơi một bài vè theo 24 chữ cái để anh chị em dễ nhớ:

A- A Chúa đây

B- Buông bỏ hết

C- Chúa là nhất

D- Dâng Chúa ngay.

Đ- Đẹp từng chút

E- Êm từng giây

G- Gia đình tốt

H- Hiếu đễ luôn

I- Im nghe nào!

Từ chữ A tới chữ I, chị Thánh Têrêxa nhắc ta nhớ Chúa đang ở với ta ngay đây, nơi bản thân ta, nơi gia đình, nơi cộng đoàn giáo xứ và nơi xã hội. Nhớ có Chúa đang ở với ta, đang âu yếm nhìn ta, đang chăm sóc ta, lòng ta sẽ bình an vô cùng từ trong sâu thẳm.

Phần tiếp theo, từ chữ K tới chữ Y, chị Thánh Têrêxa nhắc ta khao khát yêu mến Chúa Giêsu, nên giống như Ngài, luôn làm theo ý Chúa Cha, luôn yêu mến Chúa Cha và yêu mến mọi người, và như thế lòng ta sẽ được bình an. Tuy nhiên, bình an này nhiều khi đòi ta phải đi qua thử thách, đau thương. Mới hơn 4 tuổi, Têrêxa bị mất mẹ, cô bé rất buồn thấy mình trở nên dễ mủi lòng và sống khép kín. Cô cố gắng hết sức nhưng không sao thoát ra khỏi chính mình. Mãi cho đến đêm lễ Giáng sinh năm 15 tuổi, không lâu trước khi cô vào dòng kín, Têrêxa đã được Chúa Giêsu cứu giúp. Hôm ấy Têrêxa vẫn để đôi giày trước lò sưởi để đợi quà Giáng sinh. Ông bố rất dịu hiền nhân ái, nhìn thấy thế bỗng thở dài, thốt ra một lời ngao ngán. Têrêxa vô tình nghe được, thấy mình bị hụt hẫng, bàng hoàng, chạy lên gác ôm mặt khóc. Người chị thấy vậy chạy lên an ủi, nhưng bỗng Têrêxa tươi cười chạy xuống ôm lấy cha và mừng lễ cha. Về sau Têrêxa ghi lại: “Chỉ trong giây lát, Chúa Giêsu đã làm giúp em điều cả mười năm qua em hết sức cố gắng mà không sao làm được”.

Têrêxa khao khát tận hiến để cầu nguyện cho Giáo Hội nhưng khi vào dòng lại rơi vào tình trang cầu nguyện hết sức khô khan. Têrêxa khao khát làm tông đồ truyền giáo nhưng ở trong dòng kín làm sao mà đi rao giảng. Têrêxa khao khát nên thánh nhưng lại thấy mình quá bé nhỏ yếu đuối. Têrêxa khao khát yêu mến Chúa nồng nàn nhưng làm sao để có thể yêu mến Chúa cho xứng đáng và yêu mến từng phút từng giây. Trước những khao khát cháy bỏng ấy, chị đã cố gắng hết sức để đạt tới, không chỉ với sức lực bên ngoài mà cả với lòng mến bên trong. Thế nhưng chẳng những chị bất lực không làm được, mà còn bị thử thách tột độ, hầu như bị thất bại ê chề, bị nhận chìm trong đêm đen dày đặc của tâm hồn. Chính trong nỗi bất lực ấy, Têrêxa đã hoàn toàn phó thác, dâng lên Chúa Cha đôi bàn tay trống rỗng, chỉ mong chờ công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Thế rồi chính lúc đó, Chúa Thánh Thần đã can thiệp, đã mở ra cho chị một chân trời bao la rực sáng.

Hầu như mỗi chặng đường đời, mỗi bước tiến trên đường tâm linh của Têrêxa, ta đều thấy lặp lại đúng cái qui trình ấy: Khao khát mãnh liệt, cố gắng tối đa, bế tắc vì bất lực, phó thác cậy trông vào Chúa, và rồi bình an đã đổ xuống chan hòa.

Theo chân Têrêxa, ta hãy tiếp tục bản 24 chữ cái, khởi đầu bằng sự khao khát Chúa:

K- Khao khát sao

L- Làm hết sức

M- Mến thật lòng

N- Nhưng chẳng được.

O- Oan nghiệt chưa

P- Phó thác đi

Q- Quay về Chúa

R- Rồi lo chi.

S- Sẽ sáng sủa

T- Thanh thản ngay

U- Ung dung thật

V- Vui vẻ thay

X- Xuyên suốt hết

Y- Yêu vô vàn.

Thưa anh chị em, vâng, cả nơi người, nơi mình, cả ngoài đời, trong đạo, đâu đâu cũng không thiếu những đêm đen hầu như hoàn toàn bế tắc trong cuộc sống. Ta chẳng có một công trạng nào để đáng hưởng lòng thương xót Chúa. Cũng như Têrêxa, ra trước mặt Chúa, ta chỉ có đôi bàn tay trắng. Giữa cảnh bất lực, không thể tự cứu mình, ta hãy phó thác tất cả cho Chúa, quay về với Ngài, bình an sẽ tràn ngập tâm hồn.

Ngay những ngày liền trước lễ Giáng sinh này, mưa lũ bất ngờ ập xuống. Người ta bảo không phải thiên tai mà là nhân tai. Chính vì lòng tham, loài người đã khai thác thiên nhiên một cách tàn tệ, khiến khí hậu bị biến đổi. Hai mươi ba tháng mười đã qua từ lâu mà mưa lũ vẫn đến. Sự thiếu trách nhiệm đã gây nên những công trình chứa nước không an toàn, nhằm lúc mưa to lại xả lũ vô tội vạ, gây nên ngàn nỗi oan khiên. Chỉ xem qua phóng sự hình ảnh đã thấy não lòng. Như anh chị em đọc được nơi lá thư của Đức Cha Matthêô trên trang mạng Giáo phận Qui Nhơn (http://gpquinhon.org/qn/), nhiều gia đình lương và giáo trên địa bàn giáo phận này, bị trắng tay với cơn lũ năm 2013, chưa gầy dựng lại được chút gì, năm nay lại trắng tay một lần nữa. Chúng ta vừa góp phần chia cơm sẻ áo, vừa rướm lệ, vì sự giúp đỡ của chúng ta liệu có ý nghĩa gì trước những mất mát lớn lao như thế.

Rồi còn đau thương không kém, những bệnh nan y, những mảnh đời tan vỡ, sự xuống cấp trầm trọng về lương tâm, và đạo đức luân thường nhiều nơi trên thế giới đang đẩy con người chìm xuống tận đáy vực, vv... Liệu ta có thể làm gì giữa tình huống của người rơi vào chỗ sình lầy, càng vùng vẫy, càng lún sâu...

Khao khát sao

Làm hết sức

Mến thật lòng

Nhưng chẳng được.

Oan nghiệt chưa

Thông điệp Giáng sinh từ hơn hai ngàn năm vẫn còn đó, nơi lời loan báo của các thiên thần: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Ngài là Đấng Kitô, là Chúa”.

Đấng Cứu Thế giáng sinh đã bị nhiều thế hệ loài người xua đuổi. Nhiều thế hệ loài người đã hắt đổ nguồn bình an Ngài trao tặng. Riêng thế hệ chúng ta, trước những thử thách vô cùng lớn mà loài người đang hoàn toàn bất lực, ta sẽ làm gì. Ta hãy phản ứng như Têrêxa, sau khi đã làm hết sức mà chẳng được gì chỉ thấy oan khiên chồng chất oan khiên, ta hãy mở rộng cửa lòng đón tiếp Chúa. Lắm lúc những tai ương hoạn nạn trong đời dường như không hiểu nổi. Thế nhưng, nếu ta cậy trông phó thác nơi Chúa, thì Thiên Chúa đầy yêu thương và quyền năng lại có thể rút sự lành ra từ sự dữ ta đã gây nên,

. Vâng, hãy

Phó thác đi

Quay về Chúa

Rồi lo chi.

Sẽ sáng sủa

Thanh thản ngay

Ung dung thật

Vui vẻ thay

Xuyên suốt hết

Yêu vô vàn. 

Thưa anh chị em,

Mẹ Maria đang chiêm ngắm Chúa Hài Đồng với niềm yêu mến vô vàn. Mẹ đồng cảm với mỗi người chúng ta và đang mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa Giêsu như Mẹ đã rộng mở. Năm phụng vụ 2017 cũng là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, ta hãy nghe lời Mẹ, mở lòng ra cho Chúa Cứu Thế Giêsu và ơn cứu độ sẽ ngập tràn lòng ta, ngập tràn trên quê hương và hoàn vũ.

Lm Trăng Thập Tự (Giáo phận Qui Nhơn)

PHẦN GIẢI THÍCH BẢN HỌC VẦN

Những câu vè Học vần gần Giêsu, tóm tắt kinh nghiệm tâm linh của Chị thánh Têrêxa, được cha Conrad de Meester trình bày trong quyển Những Bàn Tay Trống Rỗng. Tên dòng đầy đủ của vị thánh này là Têrêxa của Hài Đồng Giêsu và của Nhan Thánh, nói rõ ra là của Nhan Thánh Chúa bị che khuất trong cuộc Thương khó. Bài vè có hai phần: từ chữ A tới chữ I giúp ta sống mầu nhiệm Nhập thể; từ chữ K tới chữ Y giúp ta sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa.

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Mầu nhiệm này nhắc ta nhớ rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta.

A - A CHÚA ĐÂY!

Bắt đầu cầu nguyện, ta cần nhớ Chúa đang ở với ta. Chưa ý thức Chúa đang hiện diện, chưa phải là cầu nguyện. Ngay giữa đời thường, ta đang làm công kia việc nọ mà nhớ có Chúa đang ở với, và sống như thấy Chúa đang âu yếm nhìn, thì cả cuộc sống đã bắt đầu trở thành lời nguyện. Chúa dựng nên ta để ta sống với Ngài, ta cần nhớ Chúa Ba Ngôi đang ở với ta: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

B - BUÔNG BỎ HẾT

Cầu nguyện mà chia trí là vì đang bận tâm tới những chuyện khác. Muốn buông bỏ hết, hãy ngồi thẳng lưng, hít sâu, thở chậm, không nhớ gì khác ngoài Chúa, cho tất cả rơi rụng xuống hết. Buông bỏ những quyến luyến lệch lạc, những điều tốt không cần thiết, quên hết, chỉ còn tập trung vào sự hiện diện của Chúa.

C - CHÚA LÀ NHẤT

Ta tập trung vào Chúa vì Chúa là kho tàng duy nhất của ta (Mt 13,44-46). Ta đón nhận mọi sự chỉ như phương tiện giúp ta nhớ Chúa, không thiết gì những thứ thế gian kiếm tìm. Chỉ những gì giúp ta ở với Chúa, ta mới chọn. Chúa là Tất cả; mọi thứ khác, dù có vẻ giá trị tới đâu, ta đều gạt bỏ. Dần dần, nếu thấy phải xa Chúa, thì dù được lợi cả thế gian ta cũng không màng.

D - DÂNG CHÚA NGAY

Tin Chúa tức là chọn Chúa, chứ không chọn thứ gì khác. Mỗi ngày, mỗi giờ, khi thấy Chúa muốn ta từ bỏ điều gì, ta hãy mau mắn từ bỏ ngay. Ta gọi đó là dâng cho Chúa. Nhờ ơn Chúa, từ ngày lên ba, Têrêxa đã không từ chối Chúa một điều gì.

Đ - ĐẸP TỪNG CHÚT

Chúa không đòi ta làm những việc lớn lao. Ngài chỉ mong ta làm từng việc nhỏ nơi bổn phận đời thường với một tình yêu phi thường. Không coi thường lỗi nhỏ. Tươm tất từ chuyện nhỏ.

E - ÊM TỪNG GIÂY

Chúa chờ đợi ta đáp lại tình yêu Chúa từng giây phút, nơi từng hơi thở, nơi từng nhịp tim. Êm thuận theo ý Chúa trong từng giây phút hiện tại.

G - GIA ĐÌNH TỐT

Nhờ ảnh hưởng giáo dục Kitô giáo lâu đời, nơi gia đình chị thánh Têrêxa, cả cha mẹ và những người con đều tốt. Các gia đình chúng ta ngày nay không được may mắn như thế, tuy nhiên, Chúa dạy: “Nước Trời như men trong bột”. Mỗi người đều có thể bắt đầu sống tốt từ chính mình, quên mình và phục vụ người khác, rồi nhờ ơn Chúa, gia đình sẽ ngày càng tốt hơn.

H - HIẾU ĐỄ LUÔN

Hiếu tức là biết ơn, yêu mến và vâng lời cha mẹ. Đễ có nghĩa là anh chị em biết kính trên nhường dưới, sống hòa thuận với nhau, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.

I - IM NGHE NÀO!

Trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội, để nhận rõ tiếng Chúa, để cảm thông với người bên cạnh, ta cần biết thinh lặng lắng nghe. Càng thinh lặng nội tâm, càng yêu người mến Chúa.

*

Trước nay nhiều người, trong đó có cả bản thân tôi, đã tưởng con đường nhỏ của chị thánh Têrêxa chỉ quanh quẩn với những ý niệm trên đây. Thế nhưng đó chỉ mới là phần mở đầu. Dưới ánh sáng mầu nhiệm Nhan Thánh bị che khuất, cha Conrad de Meester đã dựa trên các giai đoạn đời đầy thử thách của Chị Thánh để giúp ta hiểu chiều sâu thăm thẳm của đường thơ ấu tâm linh.

MẦU NHIỆM TỬ NẠN - PHỤC SINH CỦA ĐẤNG CỨU THẾ

Mỗi giai đoạn kinh nghiệm ấy đều đi qua những bước sau đây của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh:

K - KHAO KHÁT SAO

Trước hết, cần có lòng khao khát mãnh liệt. Têrêxa đã khao khát thoát khỏi sự khép kín dễ mủi lòng, khao khát cầu nguyện, khao khát làm việc tông đồ, khao khát nên thánh, khao khát yêu mến Chúa nồng nàn.

L - LÀM HẾT SỨC

Mỗi khao khát ấy nổi rõ nơi một giai đoạn đời và chị đã cố gắng hết sức để đạt tới.

M - MẾN THẬT LÒNG

Không chỉ với sức lực bên ngoài mà cả với lòng mến bên trong.

N - NHƯNG CHẲNG ĐƯỢC

Thế nhưng chẳng những chị bất lực không làm được,

O - OAN NGHIỆT CHƯA

Hơn nữa, còn bị thử thách tột độ, hầu như bị thất bại ê chề, bị nhận chìm trong đêm đen dày đặc. Cả nơi người, nơi mình, cả ngoài đời, trong đạo, đâu đâu cũng không thiếu những đêm đen như hoàn toàn bế tắc.

P - PHÓ THÁC ĐI

Chính trong nỗi bất lực ấy, Têrêxa đã hoàn toàn phó thác, dâng Chúa Cha đôi bàn tay trống rỗng, chỉ mong chờ công ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

Q - QUAY VỀ CHÚA

Và cậy trông vào lòng thương xót Chúa.

R - RỒI LO CHI

Rồi thật bất ngờ.

S - SẼ SÁNG SỦA

Ánh sáng đã đến: “Chỉ trong giây lát, Chúa Giêsu đã làm giúp em điều cả mười năm qua em hết sức cố gắng mà không sao làm được” (Lễ Giáng sinh năm 15 tuổi). Những khủng hoảng về sau cũng thế.

T - THANH THẢN NGAY

Cả bạn và tôi cũng đã lắm lần chẳng biết làm sao hơn là phó thác cho lòng Chúa thương xót, và đã được bình an thanh thản.

U - UNG DUNG THẬT

Trong lòng tin, cậy, mến, ta trở thành ung dung tự tại.

V - VUI VẺ THAY

Niềm vui chan hòa ngay giữa cảnh đời vẫn còn truân chuyên thử thách, ngay giữa đêm đen.

X - XUYÊN SUỐT HẾT

Hãy đọc quyển sách của cha Conrad de Meester và bước theo nẻo đường thơ ấu tâm linh Thiên Chúa đang mở ra cho thời đại này. Bạn sẽ nhận ra chính lòng Chúa thương xót có sức làm cho lịch sử đời bạn, lịch sử gia đình, lịch sử mỗi dân tộc và lịch sử nhân loại trở thành xuyên suốt như lịch sử thánh được ghi trong Thánh Kinh.

Y - YÊU VÔ VÀN

Và rồi như Têrêxa bé nhỏ, bạn sẽ yêu Chúa vô vàn. Rồi bạn sẽ cảm thấy dâng lên niềm khát khao “khát khao được yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến” ngay giữa xã hội tiêu thụ ngày nay. Ôi Chúa Giêsu, chỉ mới khao khát yêu mến Chúa mà lòng đã thấy dịu ngọt dường ấy, huống nữa là khi con được thật sự yêu mến Ngài! Ôi Chúa Giêsu của lòng con!

Linh mục Trăng Thập Tự
 
HIệp ước Waitangi, nơi khai sinh quốc gia New Zealand năm 1840
VietCatholic
15:46 18/12/2016
Waitangi là một địa danh nằm gần cực Bắc trên đảo Bắc của New Zealand. Waitangi được biết đến là vì tính cách lịch sử của nó, chính tại đây Hiệp ước Waitangi giữa các tộc trưởng người Maori và người châu Âu lần đầu tiên được ký kết vào ngày 6 tháng Hai, năm 1840. Đây cũng là nơi mà bản Tuyên ngôn Độc lập của New Zealand đã được ký kết 5 năm trước, vào ngày 28 tháng 10, 1835.

Hình ảnh

Hiệp ước Waitangi được ký kết trong khuôn viên nhà ông James Busby tại Waitangi bởi đại diện của Hoàng gia Anh, tộc trưởng của Liên đoàn các bộ lạc của New Zealand, và các nhà lãnh đạo bộ tộc Maori khác, và sau đó qua các trưởng Māori khác tại địa điểm khác tại New Zealand.

Phó Thống đốc Hobson đọc một tài liệu đề xuất cho 300 người châu Âu và người Māori đã đến tham dự và sau đó các tộc trưởng Māori có cơ hội thảo luận.

Ban đầu, một số lượng lớn các tộc trưởng (bao gồm Te Kemara, Rewa và Moka Te Kainga-mataa) chống lại Hiệp ước này. Nhưng sau đó trong quá trình giải thích thêm thì một vài tộc trưởng đã bắt đầu quan tâm và đồng ý. Các tộc trưởng hỗ trợ Hiệp ước là Te Wharerahi, Pumuka, và hai tộc trưởng Hokianga, Tamati Waka Nene và anh trai Eruera Maihi Patuone.

Không phải tất cả các trưởng đã chọn để ký tài liệu này, với một số lãnh đạo, hoặc trì hoãn hoặc từ chối đặt bút lên giấy.

Sự ra đời của Hiệp ước có hiệu quả thu hồi lại Tuyên ngôn độc lập 5 năm trước, làm cho New Zealand không còn là một thuộc địa của Anh, và Hiệp ước Waitangi nói chung được coi là tài liệu sáng lập của New Zealand là một quốc gia. Ngày Waitangi là lễ Quốc Khánh kỷ niệm hàng năm của việc ký kết, và là ngày lễ quốc gia của New Zealand.

Ngày nay khi đến xem di tích nơi ký Hiệp ước là cơ hội để tìm hiểu về nền văn hóa Maori và các sự kiện lịch sử gắn liền với việc ký kết các hiệp ước.

Du khách được xem khu ký kết Hiệp ước, nhà của James Busby, nhà họp Maori và một trong những ca nô chiến đấu của người Maori lớn nhất trong cả nước.

Đi tới làng Paihia bên cạnh đó, du khách được dịp viếng thăm một trong những nhà thờ đầu tiên trên đất New Zealand, nhà thờ St Paul Anglican Church, nơi đây cũng có mồ chôn vị mục sư truyền giáo đầu tiên sống với dân trong vùng.
 
Đêm Noel cuối cùng trước khi rời bỏ Quê Hương : Đêm Noel với ông Hai Cầu Kinh
Đinh Văn Tiến Hùng
19:04 18/12/2016
Đêm NOEL với Ông Hai Cầu Kinh

( Ghi nhớ Đêm Noel cuối cùng trước khi rời bỏ Quê Hương )

Tôi còn nhớ mãi đêm Noel trước ngày rời Quê hương đến định cư xứ người –vui buồn lẫn lộn – vui vì sẽ thoát cảnh sống cơ cực với những lo âu phập phồng của bản thân và gia đình, buồn vì sắp phải xa rời nơi mình sinh trưởng cùng bao người thân và những kỷ niệm vui buồn. Tôi đạp xe quanh thành phố cố ôm ấp những hình ảnh cuối cùng. Chỉ còn ít tiệm ăn và nhà hàng sang trọng mở cửa khuya.Vòng xe qua nhà thờ Đức Bà, vài ngôi sao bằng giấy màu không đủ soi ánh đèn mờ ảo. Tôi nhớ lại những đêm Noel trước năm 75, khu nhà thờ Đức Bà tràn ngập ánh sáng muôn màu của đủ loại đèn sao giăng từ đỉnh tháp xuống tới sân, người và xe qua lại tấp nập làm tắc nghẽn cả công trường Hoà bình.

Đạp xe ra phía bờ sông Sài gòn, ngồi nghỉ trên chiếc ghế xi-măng. Bên kia sông xóm làng đã ngủ yên, vài con đò nhỏ lặng lờ trôi theo dòng nước làm lay động ánh đèn đêm. Bên này sông, nhà hàng nổi giăng đèn màu rực rỡ với cây thông Giáng sinh lấp lánh muôn màu và ông già Noel đang niềm nở đón khách xuống giải trí mua vui. Tôi chợt nhớ những tấm thiệp Giáng sinh –ông già Noel đánh chiếc xe chở đầy quà kéo bởi những chú hươu Bắc cực, băng qua cánh đồng băng tuyết đem quà đến cho trẻ em tận những xóm làng xa xôi nghèo khổ. Nhưng tại sao giờ này ông lại đứng đây đón khách sang trọng nước ngoài và các cán bộ cao cấp mới tập tễnh ăn chơi, vung vãi tiền bạc..Sao ông không đến với trẻ em nơi xóm lao động nghèo khổ hay những vùng kinh tế mới thiếu ăn ? Tôi không trách ông già Noel mà trách kẻ dẫn đường để ông lạc lối tới đây.

Tôi vội đứng lên vì nhớ đã hẹn ông Hai Cầu Kinh đêm nay xuống thăm và gửi ông ít quần áo không còn dùng đến trước ngày ra đi.Theo đường bờ sông, dọc khu Hải quân công xưởng về phía Sở thú,Thị Nghè, Hàng Xanh để lên Cầu Kinh là con đường quen thuộc với tôi trong cuộc mưu sinh hàng ngày kể từ khi tôi ra khỏi tù Cộng sản.

Lúc tới nơi ông Hai đang ngồi trước lều bên sông chờ tôi. Gọi nơi ở của ông là chiếc lều chưa đúng vì nó được ghép bằng đủ loại phế thải: tôn rách, thùng bể, ny-lông, vải vụn…Chiếc chòi của ông giống như nhiều chiếc chòi tôi thấy dưới chân những nhà cao tầng nghễu nghện hay dưới hầm cầu đầy rác rưởi, Khi ra vào phải lết bằng mông hay bò vào mới lọt. Vì vậy ông Hai không thể tiếp tôi trong căn chòi, ông trải tấm ny-lông trước lều với chiếc đèn dầu leo lét, một ấm nước chè bốc khói và ống điếu thuốc lào.


Tháo gói đồ phía sau xe, tôi vội lên tiếng:
- Ông Hai chờ tôi có lâu không ?
Miệng cười xuề xoà nhưng không che dấu nổi ánh mắt u buồn xa xăm.
- Ngày nào cũng vậy, có ai đâu mà chờ. Hôm nay cậu đến cũng như mọi ngày thôi.
- Hôm nay đặc biệt ông Hai ạ. Tôi tới thăm ông lần cuối và gửi ông ít quần áo sẽ không dùng đến nữa.
- Cậu định đi đâu ? Tới nơi khác sinh sống hay…..
Ông dừng nói, liếc nhìn quanh xem có ai không. Tôi cười:
- Không phải vượt biên mà đi chính thức. Chính phủ Hoa kỳ đã can thiệp với chính quyền VN cho Tù nhân chính trị chúng tôi qua Mỹ định cư.
- Vậy cậu đi một mình ?
- Không ông Hai, may mắn là cả vợ con tôi cùng đi.
- Mừng cho cậu! Cậu buồn hay vui ?
- Vui buồn lẫn lộn, nhưng cuộc ra đi nào cũng hy vọng tươi sáng hơn.

Ông rót trà vào hai ly nhựa,nâng lên trao cho tôi một ly:
- Chúc cậu và gia đình thượng lộ bình an!
- Cám ơn ông và xin chúc ông ở lại mạnh khoẻ.
Ông yên lặng uống từng ngụm trà nóng như cố nuốt theo những cay đắng cuộc đời.

Tôi quen ông Hai sau gần 10 năm ngục tù CS trở về, phụ gíúp anh chị trong công việc làm ăn để sống qua ngày và tôi thường gặp ông Hai lui tới bổ củi hay vét ao cá sau nhà. Tôi được biết ông là một Hạ sĩ quan trong binh chủng chiến đấu và đã từng tham dự nhiều trận chiến ác liệt… Ông có một gia đình đầm ấm vợ và hai con. Nhưng sau khi miền Nam bị Cộng sản xâm chiếm ông trở về quê ngoài Quảng trị thì làng mạc nhà cửa đã bị thiêu rụi, vợ con không biết phiêu bạt phương nào, sống chết ra sao! Ông đã dò hỏi và tìm kiếm khắp nơi nhưng người thân vẫn biệt vô âm tín. Ông trở vào Sài gòn và theo đoàn người nghèo đói trôi dạt tới bờ sông Cầu Kinh này. Từ đó mọi người cũng chẳng cần biết tên thật ông nên cứ gọi là ông Hai Cầu Kinh cho dễ nhớ.

- Cậu đang suy nghĩ gì vậy ? Uống ngụm nước cho ấm bụng. Gió đêm nay lạnh hơn.
- Tôi đang suy nghĩ về tôi và về ông.
- Cậu suy nghĩ thế nào ?
- Tôi ra đi nơi xứ lạ quê người không biết rồi sẽ ra sao ? Còn ông ở lại ở lại quê nhà cuộc sống sẽ thế nào ?
- Hơi đâu mà lo xa. Chị cậu cho biết trước kia cậu là một đứa bé cha mẹ mất sớm cố lập thân rồi cũng nên người.
- Nên người như hôm nay phải không ?
- Do thời thế chứ đâu bởi cậu. Trước kia cậu cũng là một nhà giáo nhiều người yêu kính, rồi vào quân đội chọn một binh chủng thứ thiệt. Cậu đúng là một nghệ sĩ chịu chơi hết mình.
- Cám ơn ông đã an ủi và khích lệ. Tôi nghĩ mỗi người lính chiến chúng ta đều là một nghệ sĩ, dâng cả tuổi trẻ và thân mình cho Quê hương nhưng vẫn chan hoà thi vị trong cuộc sống gian nguy. Ông cũng là nghệ sĩ hiên ngang đó…

Tiếng chuông giáo đường Thanh Đa vang dội từng hồi báo hiệu Thánh lễ nửa đêm sắp đến. Ông Hai hỏi:
- Cậu có đi lễ đêm nay không ?
- Có, còn ông ?
- Tôi được mấy gia đình Công Giáo mời mừng lễ trong đó có chị cậu. Tôi sẽ chung vui cùng mọi người cho qua đêm.

Tôi đứng lên cáo biệt ông vì phải về cùng gia đình dự lễ Nửa đêm. Gió lạnh ngoài sông thổi vào mang theo mùi hôi tanh của dòng sông đầy cặn bã thành phố thải ra. Có phải những con người như ông Hai đang sống chen chúc bên bờ sông này cũng là những cặn bã của một xã hội thối nát hay sao ?
Tôi định để lại chiếc xe đạp cho ông, nhưng nhớ đó là món quà kỷ niệm tôi lỡ hứa cho người anh vùng kinh tế mới. Tôi xiết tay ông với lời chúc chân thành:
- Chúc ông một lễ Giáng sinh vui vẻ và ở lại khoẻ mạnh.

Ngồi lên xe tôi còn quay lại, giơ tay vẫy chào. Bóng ông đứng in hình bên bờ sông lộng gió, chiếc áo mong manh bay phất phơ trong đêm tối….
Tôi đã sống ¾ những mùa Noel cuộc đời trên Quê hương mình.
Những đêm Noel tuổi thơ bừng tỉnh khi chuông nhà thờ quê đổ hồi giục giã, bước vội vàng theo mẹ và chị đi dự Lễ Đêm.
Những Noel nơi tiền đồn biên giới, nóng lòng chờ đợi Linh mục Tuyên úy theo chuyến trực thăng từ tỉnh lên làm lễ trong lúc tiếng súng xa xa vọng về.
Những Noel trong trại tù CS tại miền Bắc, âm thầm, xót xa, thương nhớ, thì thầm lời kinh nguyện bên nhau để sưởi ấm lòng nơi núi rừng giá buốt.

Còn ¼ những mùa Noel cuộc đời đang nối tiếp nơi đất khách quê người. Tôi không choáng ngợp trước nền văn minh đệ nhất hoàn cầu, không mơ mộng dưới ánh đèn muôn màu rực rỡ như truyện cổ tích thần tiên của Noel tuổi thơ.

Giờ đây thấm thoát đã hơn 20 mùa Giáng sinh trôi qua trên đất Mỹ, tôi chạnh nghĩ tới ông Hai và người thân về kỷ niệm một đêm Noel cuối cùng tại Quê nhà.-Noel đang tràn ngập nơi đây với muôn sắc của cây cỏ lá hoa, đèn màu, quà tặng, thiệp chúc….Giáo đường thì
sơ sài như sợ tốn phí, còn những điểm giải trí vui chơi quá lộng lẫy sa hoa để moi tiền thiên hạ. Những lời chúc khuôn rập được sắp sẵn, mọi người gặp nhau cứ việc bật ra như nút bấm khỏi cần suy nghĩ: ’Merry Christmas ! Happy New Year ! “ Không còn câu nào khác hay sao ? Người Mỹ đâu có tâm hồn phong phú nghệ sĩ như Dân tộc Việt nam phải không ? Cứ nghĩ mà xem ngày Tết VN biết bao nhiêu câu cầu chúc mang đầy ý nghĩa tùy theo hoàn cảnh, địa vị, tuổi tác…..Cuộc sống cứ đuổi theo lợi nhuận và con người phải vội vàng chạy theo guồng máy cuốn trôi, nếu không sẽ bị văng ra ngoài quĩ đạo, nên con người hà tiện cả lời nói với nhau!

Tôi mong ước một ngày về thăm lại Quê hương vào mùa Giáng sinh, để cùng ông Hai ngồi bên sông Cầu Kinh, nhấp từng ngụm trà nóng, đón gió sông lồng lộng thổi vào không còn vương mùi hôi tanh của một xã hội bần cùng…Tiếng chuông giáo đường Thanh Đa vang vọng từng hồi. Tôi được trở về cội nguồn Dân tộc với dĩ vãng êm đềm, tâm hồn thanh thản an vui trong một Đất nước an bình, ấm no và hạnh phúc.
Nhưng than ôi ! Tôi và ông có còn để được hưởng những niềm vui nhỏ bé đó không ?

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Giáng Sinh
Thérésa Nguyễn
19:03 18/12/2016
CÂY GIANG SINH
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Cây Giáng Sinh biểu hiệu
cho đức tin và đời sống đạo của
những tín hữu qua bao nhiêu thế kỷ
đã gìn giữ một kho báu
thiêng liêng quan trọng,
được trình bầy trong các nền văn hóa,
trong nghệ thuật, và trong các
truyền thống địa phương.”
(Lời ĐTC Bênêđictô XVI)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 13-19/12/2016: Boko Haram là nỗi âu lo trong mùa Giáng Sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:18 18/12/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáo phận Maiduguri, Phi Châu: ''Chúng tôi lo sợ các cuộc tấn công mới trong thời gian Giáng sinh sắp tới''

Theo hãng Thông tấn Fides phát đi từ Abuja, Cha Gideon Obasogie đã cho biết như trên. Cha là Giám đốc Truyền thông Xã hội của Giáo phận Maiduguri, thủ phủ của tiểu bang Nigeria Borno, nơi mà ngày Chúa Nhật 11/12 đã xảy ra một cuộc nổ bom làm cho một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một cuộc tấn công tự sát được thực hiện bởi hai cô gái.

Cha Gideon cho hay: “Có nhiều lo ngại cho rằng cuộc tấn công mới đây có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt các cuộc tấn công của người Boko Haram trong thời gian Giáng sinh sắp tới”.

“Các cuộc tấn công tương tự như thế là một sự trả thù của người Boko Haram chống lại cuộc tái chiếm do quân đội Nigeria thực hiện trong khu vực bắc Nigeria nơi nhóm Hồi giáo quá khích đã chiếm đóng. Đó cũng là cách để khuyến khích các thành viên của họ và dân chúng biết rằng họ vẫn hiện diện tại các thành phố lớn của chúng ta”.

“Người dân Maiduguri rất cẩn trọng và luôn xa lánh các phố xá, siêu thị lớn cũng như các nơi có nhiều người đông đúc tụ họp vì đó là mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công của những người Boko Haram.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc tới các vị tử đạo của Lào quốc trong lúc đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Theo Đài Vatican, trưa Chúa Nhật 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về việc phong chân phước cho một số các vị tử đạo đã diễn ra ngày hôm trước tại Thủ đô Vientiane, Lào quốc.

Cha Mario Borzaga, OMI, một nhà truyền giáo người Ý 27 tuổi và vị giáo lý viên của Ngài là Paul Thoj Xyooj đã bị nhóm phiến quân Cộng sản sát hại vào năm 1960. Lễ phong chân phước cũng bao gồm 14 vị khác bị giết “vì hận thù của đức tin.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại sự hy sinh của các Ngài sau đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói:

“Gương Trung thành anh dũng của các Ngài với Chúa Kitô có thể là một sự khích lệ và mẫu gương cho các công cuộc truyền giáo, đặc biệt cho các giáo lý viên, những người nắm giữ một vai trò tông đồ có giá trị và không thể thay thế, mà Giáo Hội rất mang ơn.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta xác tín rằng các giáo lý viên làm rất nhiều việc, những việc tuyệt vời! Là một giáo lý viên bạn mang thông điệp của Chúa và làm cho thông điệp ấy phát triển trong nội tâm của người đón nhận. Vậy chúng ta hãy vỗ một tràng pháo tay lớn cho tất cả các giáo lý viên.”

3. Đức Thánh Cha kêu gọi tổng thống Assad tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad tìm kiếm một giải pháp nhằm “chấm dứt bạo lực và giải quyết một cách hòa bình cuộc chiến tại Syria”.

Thông điệp cá nhân của Đức Thánh Cha đã được Đức Hồng Y Mario Zenari, sứ thần Tòa Thánh tại Syria, trao tận tay cho tổng thống Assad. Đức Hồng Y Mario Zenari vừa trở về Damas sau khi sang Rôma để được vinh thăng Hồng Y.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Giáo Hoàng đã dành một sự ưu ái đặc biệt cho Đức Hồng Y Zenari, qua đó “Đức Thánh Cha muốn bày tỏ một dấu chỉ đặc biệt tình cảm của mình dành cho người dân Syria thân yêu, vì những đau khổ tột cùng trong những năm gần đây.”

Trong thông điệp gởi tổng thống Assad, Đức Thánh Cha nhắc lại lời lên án thường xuyên của ngài về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan “đến từ bất cứ ngõ ngách nào”. Tuy nhiên, ngài cũng lên tiếng thúc giục tổng thống Assad tuân theo luật pháp quốc tế liên quan đến việc bảo vệ thường dân, và tạo cơ hội cho các viện trợ nhân đạo đến được với các nạn nhân chiến cuộc.

4. Hàng ngàn di vật Kitô Giáo có niên đại hàng ngàn năm bị quân khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy tại Mosul

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát thành phố Mosul vào ngày 10 tháng 6 năm 2014 đến nay, quân khủng bố Hồi Giáo IS đã phá hủy hàng ngàn bức tượng, những trụ gạch, bản thảo và các di vật khác có niên đại hàng nghìn năm. Các nhà khảo cổ và dân chúng địa phương đã cho biết như trên.

Khi lực lượng Iraq càng ngày càng tiến gần hơn đến việc tái chiếm hoàn tón thành phố Mosul, các nhà khảo cổ và các cư dân lưu vong không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những tàn phá kinh hoàng một quá khứ lừng lẫy, đã một thời tiêu biểu cho bản sắc của thành phố.

“Mosul mà không có các di tích đặc thù của nó thì chỉ đơn thuần là một thành phố lớn, không có gì đặc biệt, không có linh hồn trong các khu phố của mình,” Mohammed Younis, một thanh niên 21 tuổi, là người lớn lên trong khu phố al-Muhandisin nói.

Mosul như ta thấy hiện nay được xây dựng trên di tích thành Nineveh cổ, có niên đại cả 4,000 năm, trước đây từng là vinh quang của vua Sennacherib người Assyrô. Ở thời hoàng kim, Nineveh là thành phố lớn nhất trên thế giới. Nó thậm chí còn tỏa sáng hơn cả Athens của Hy Lạp.

Younis sống trên bờ phía đông của sông Tigris, chỉ cách một vài căn phố là đến khu di tích đổ nát của thành Nineveh, nơi được đề cập đến nhiều trong Kinh Thánh.

Quân khủng bố Hồi Giáo IS cũng đã phá hủy các bức tượng và các cấu trúc nổi tiếng thế giới tại thành phố cổ Palmyra, bên Syria, nơi vừa được tái chiếm vào cuối tuần qua.

5. Trong lễ kính Đức Mẹ Guadalupe, Đức Giáo Hoàng nói chúng ta không mồ côi

Khi cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Hai 12 tháng 12, lễ Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng nước Mễ Tây Cơ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng “chúng ta không và sẽ không bao giờ là một đứa trẻ mồ côi; vì chúng ta có một người mẹ!”

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội phải luôn luôn nhìn lên Mẹ Maria như một mẫu gương và “học hỏi từ đức tin của Mẹ để biết làm thế nào để đi vào lịch sử như là muối và ánh sáng trong cuộc sống của chúng ta và trong xã hội chúng ta.”

Đức Thánh Cha cũng đối chiếu sự chăm sóc yêu thương của Đức Mẹ với thái độ đang thịnh hành trong cuộc sống hiện đại: “một xã hội thích tự hào về những tiến bộ khoa học và công nghệ nhưng lại làm ngơ và vô cảm trước vô vàn những khuôn mặt ngơ ngác trên đường đời, và bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi sự kiêu hãnh mù quáng của một thiểu số.”

6. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân nhận xét rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng

Sự tham gia của một giám mục bị rút phép thông trong lễ tấn phong tân giám mục trong tuần qua cho thấy Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục về hưu của Hương Cảng, nhận xét như trên với thông tấn xã Reuters.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã nhắc đến buổi lễ hôm 30 tháng 11 để tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Giuse Đường Viễn Các (Tang Yuange) làm Giám Mục Thành Đô. Lễ tấn phong đã diễn ra với sự chấp thuận của cả Vatican và Tòa Thánh. Nhưng trái với những mong muốn của các tín hữu tại Thành Đô, ngụy giám mục Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin) ở Lạc Sơn, người đã bị dứt phép thông công sau khi được Hội Công Giáo Yêu Nước bổ nhiệm mà không có sự ủy nhiệm của Vatican, đã tham gia vào buổi lễ.

Việc các quan chức chính phủ ủng hộ và nằng nặc phải có sự hiện diện của các giám mục bị vạ tuyệt thông cho thấy rằng chế độ Bắc Kinh chưa sẵn sàng chấp nhận thẩm quyền của Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm giám mục.

Đức Hồng Y nói. “Sau một cuộc đối thoại dài như vậy, họ vẫn chưa cho thấy sự nhượng bộ nào đối với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.”

Đức Hồng Y Quaân đã liên tục lập luận rằng Vatican không thể nhường quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các tân giám mục cho Bắc Kinh.

7. 80 Thị Trưởng Âu Châu họp tại Vatican bàn vấn đề người tỵ nạn

Khoảng 80 Thị Trưởng của các thành phố tại Âu Châu đã nhóm họp trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy mồng 9 và 10 tháng 12 năm 2016 tại Tòa Thánh Vatican để bàn về cuộc khủng hoảng người tỵ nạn với chủ đề “ Âu Châu: Người Tỵ Nạn Là Anh Chị Em Của Chúng Ta”.

Cuối cuộc họp, các Thị Trưởng đã ra một tuyên cáo và quyết định thiết lập một”Mạng lưới các Thị trưởng tại Âu Châu” để đối phó với vấn đề người tỵ nạn.

Theo bản tuyên cáo thì mạng lưới các Thị Trưởng phải tập trung vào vấn đề giữa con người với nhau, có tầm nhìn tiến bộ về đa văn hóa, có sự tham dự tích cực của xã hội dân sự, bao gồm cả những truyền thống tôn giáo, trong đó phải bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công lý. Trong các cuộc tranh luận, phải để hội nhập và hoà bình vượt thắng những thiên kiến của chúng ta.

8. Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn và kêu gọi thực thi tinh thần liên đới để giải quyết các vấn đề của giới nhà nông.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10 tháng 12, dành cho 60 tham dự viên khóa họp của Hiệp hội Công Giáo quốc tế của giới nông thôn, gọi tắt là ICRA.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến những vấn đề của giới nông thôn là thiếu các cơ cấu công quyền, sự thủ đắc bất công đất đai và tước đoạt sự sản xuất của những sở hữu chủ hợp pháp, những phương pháp đầu cơ bất chính và sự thiếu chính sách chuyên biệt trên bình diện quốc gia và quốc tế. Đức Thánh Cha cũng tố giác rằng khi nhìn thế giới nông thôn ngày nay, người ta thấy chiều kích thị trường chiếm quyền tối thượng và hướng dẫn mọi hành động và quyết định! Vì thế người ta hy sinh nhịp sống canh nông với những lúc làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần và sự chăm sóc gia đình. Đời sống canh nông bị coi như chỉ có một giá trị thấp.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha kêu gọi nhìn nhận ý nghĩa con người, chiều kích gia đình và xã hội, cảm thức liên đới, như những giá trị thiết yếu, kể cả trong những tình trạng chậm tiến và nghèo đói. Cần phải gia tăng tinh thần nhân đạo, nhất là đề ra những chọn lựa can đảm và luôn cập nhật khả năng chuyên môn, để cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trong việc đề nghị các kỹ năng và giải quyết các vấn đề, luôn luôn theo tiêu chuẩn nhân đạo.