Ngày 16-12-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hành trình đức tin của Gióp
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:29 16/12/2010
* Dẫn nhập

Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đem lại sự cải thiện nhiều mặt cho đời sống nhân loại, đáng kể nhất là những thành tựu có giá trị thúc đẩy việc thăng tiến sự sống và phẩm giá con người. Tuy nhiên, do những hạn chế cố hữu, công nghệ hiện đại đã không thể đáp ứng và giải quyết triệt để vấn nạn liên quan đến hạnh phúc tối hậu của con người. Đây là mối ưu tư thường tại của nhân loại dù ở bất cứ thời đại nào. Nền văn chương Khôn ngoan thời Cựu ước mà tiêu biểu là sách Gióp đã hé lộ cho chúng ta những tia sáng khả quan nhằm giải đáp cách tích cực cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt. Hành trình đức tin của Gióp như một bước quyết định giúp ta tiếp cận cách hệ thống, sâu sắc hơn chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn nơi Mặc khải Thập giá. Từ kinh nghiệm sống đức tin của Gióp, chúng ta được gợi mở để có thể đáp trả cách xứng hợp truớc tình thương vô biên của Thiên Chúa.

1. Vấn nạn về sự thưởng phạt

Đọc sách Gióp, chúng ta nhận thấy một vấn đề nổi bật được đặt ra xuyên suốt hành trình đức tin của ông Gióp, đó là vấn nạn về sự thưởng phạt. Là những người đã được Thiên Chúa cứu độ nhờ cái chết và phục sinh của Đức Kitô, đối với chúng ta, vấn đề đau khổ và thưởng phạt đã được giải quyết cách triệt để. Tuy nhiên, vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra trong sách Gióp vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay. Nó không chỉ là câu hỏi lớn của một con người (Gióp) mà còn là nỗi ưu tư của hết thảy những ai đang trên hành trình đi tìm ý nghĩa tối hậu của đời người.

Để có thể cảm nghiệm sâu sắc, khách quan bài học tôn giáo từ hành trình đức tin của Gióp, chúng ta phải “trở về” với hoàn cảnh lịch sử và quan điểm của người Do Thái cùng thời với Gióp về sự đau khổ - thưởng phạt. Từ đó, ta có thể tiếp nhận những giá trị tích cực của tác phẩm thuộc nền văn chương Khôn ngoan này.

Khi tìm hiểu về thời gian biên soạn, ta biết sách Gióp ra đời vào khoảng thế kỷ thứ V trước CN. Đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm khi sách Gióp đụng phải nan giải trong quan niệm về sự thưởng phạt của người đương thời, lúc mà niềm tin về đau khổ và cuộc sống sau cái chết chưa được mạc khải cách minh nhiên. Người Do Thái lúc bây giờ cho rằng con người khi chết không hoàn toàn tan biến, hư hoại, nhưng phải rơi vào Shéol, nghĩa trạng thái tăm tối (âm ty), “hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế” và đời đời phải cách lìa dung nhan Thiên Chúa. Do đó, chúng ta bắt gặp phần lớn quan niệm chủ đạo trong các sách Cựu ước được nhìn trong viễn ảnh hoàn toàn trần thế. Cho đến thế kỷ II trước CN, quan niệm về sự thưởng phạt sau khi chết mới xuất hiện (Đn 12, 2); trước đó, người ta cũng đã tự vấn và đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này (Ed 18, 2; Gr 31, 29…). Vấn nạn về sự thưởng phạt tiếp tục được khai triển và đã đánh dấu giai đoạn quyết định tìm kiếm câu trả lời cho quan niệm phiến diện đang đặt ra.

Đây là điều mà chúng ta nhận thấy rất rõ trong cuộc tranh luận giữa Gióp và những người bạn (Ê-li-phát, Bin-đát, Xô-pha) cũng như chất vấn của Gióp trước Thiên Chúa xung quanh định đề đau khổ - thưởng phạt. Những người bạn của Gióp biểu tượng cho các hiền nhân Ít-ra-en bảo vệ đạo lý cổ truyền Do Thái về sự thưởng phạt ngay ở đời này. Theo họ, sở dĩ Gióp bị đau khổ là vì ông đã phạm tội nên bị Chúa phạt. Người Do Thái gọi quan niệm này là “báo oán tại thế” (Thiên Chúa thưởng phạt ngay ở đời này). Chính vì vậy, bạn Gióp đã khuyên ông nên kịp thời sám hối để được chữa lành. Đối lại, Gióp đã phân trần mình vô tội, chẳng làm gì sai trái trước mặt Thiên Chúa; và ông đã viện dẫn kinh nghiệm đau thương của mình và những bất công đầy dẫy trước mắt để phản bác. Ông chỉ cho họ thấy rằng “đèn của ác nhân vẫn sáng”, thế gian này kẻ ác vẫn sống nhởn nhơ, sung túc (21, 7 – 3). Nếu kẻ không tìm kiếm Chúa, không theo đường lối của Ngài mà vẫn hạnh phúc thì tội gì con người phải bỏ đường gian ác ? (21, 14 – 16); tại sao con người công chính phải đau khổ ? Đâu là căn nguyên của sự thưởng phạt ? Lời giải đáp nào cho những vấn nạn đang đặt ra ?

2. Hành trình đức tin của Gióp.

Vấn nạn về sự đau khổ và thưởng phạt được đặt ra ở trên là cốt lõi xuyên suốt hành trình đức tin của Gióp. Hành trình ấy không chỉ nói lên tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con dân Người nhưng còn cho thấy thái độ đáp trả của một con người, đó là Gióp. Ngày hôm nay khi nghĩ về “đêm tối tâm hồn” mà Gióp đã nghiệm sống, chúng ta có cơ hội thấu đạt hơn mầu nhiệm đau khổ, và hơn thế nữa, nhận ra chương trình tình thương của Thiên Chúa đang thực hiện trên đời ta đã được biểu chứng qua dòng lịch sử.

a- Khi màn đêm ập xuống.

Hình tượng Gióp trở nên kỳ vĩ, hấp dẫn và giàu tính phổ quát khi ông bước vào giữa màn đêm của cuộc sống, của đời người. Những bóng đêm ấy tựa thảm nền cho bức tranh phẩm cách của Gióp như một thứ xạ quang vô hình ngời sáng rực rõ hơn. Trong phần đầu sách Gióp, chúng ta được giới thiệu một nhân vật Gióp đạo hạnh, giàu sang nhưng Chúa đã cho phép Sa-tan thử thách lòng trung thành của ông. Gióp bị mất hết cơ nghiệp, con cái và bản thân lại mắc phải chứng ung nhọt ác tính. Thoáng chốc, từ một con người có cuộc sống đầy đủ, phong lưu, Gióp đã bị đặt vào một thực tại với những đau khổ, bất hạnh tột cùng. Tuy nhiên, đây cũng là khởi điểm cho hành trình đức tin của Gióp – hành trình đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ. Bao nhiêu bất hạnh xảy đến cho Gióp chỉ là dịp để thử thách niềm tin, lòng trung thành của ông đối với Thiên Chúa.

b- Trước câu hỏi lớn

Đứng trước những mất mát và đau khổ bất ngờ ập xuống trên gia đình và bản thân, lúc đầu Gióp chấp nhận tất cả những gì đã xảy đến. Ông không dám tranh luận, tố cáo hay nguyền rủa Thiên Chúa, nhưng ông đã chúc tụng Ngài: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Đức Chúa” (1, 21b). Gióp không mất niềm tin vào Chúa và đặc biệt “không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (2, 10c). Tuy nhiên, sau đó vấn nạn về sự thưởng phạt được đặt ra và Gióp đã cố tìm lời giải đáp. Từ chỗ phó thác, chấp nhận, Gióp đã nổi loạn, hung hăng, cay đắng, bi quan đặt ra những câu hỏi “tại sao” với Chúa, coi Chúa là là người giam hãm, chặn đường đi của mình (3, 23)… Nhưng thái độ này của Gióp chưa phải là tiếng nói cuối cùng. Ông đã tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho tình trạng hiện tại của mình. Nhận ra những hạn chế, bất ổn trong quan điểm về sự thưởng phạt của người đương thời, Gióp muốn tìm ra câu trả lời triệt để hơn cho phẩm giá của kiếp nhân sinh. Đối với Gióp, sự chữa lành thể xác chỉ có thể là hệ quả của một sự giải thoát có tính cách nền tảng hơn, một sự giải thoát toàn diện con người của ông. Gióp mong ước một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài chỉ cho ông biết cách để sống và giải thích cho ông biết lý do để ông có thể hy vọng 1: “…xin cho con biết tại sao Ngài tố cáo con. Phải chăng Ngài thích thú khi đàn áp, khi coi rẻ công trình sáng tạo và ủng hộ mưu đồ bọn ác nhân ?” (10, 2b – 3). Để tìm ra lời giải đáp thuyết phục cho câu hỏi lớn, Gióp bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của tư duy con người, mà tự sức mình ông không thể trả lời. Những lý giải và khuyên bảo từ những người bạn không thể vấn an và làm Gióp thỏa nguyện. Gióp nhận thấy bóng đêm của những bất hạnh vẫn phủ kín trên đời ông khi “Đấng Ẩn Mình” vẫn chìm khuất, không đến gặp gỡ con người cùng khổ như ông. Công lý ở đâu và tình thương ở đâu khi “đèn ác nhân vẫn sáng” và họ “được long trọng tiễn đưa, những hòn đất dưới khe đối với nó thật êm dịu” (21, 27 – 34). Gióp cảm tưởng quanh mình chỉ là bóng tối dày đặc, là sa mạc vắng lặng không ai đáp lời (19, 7 – 8). Dường như ông bị rơi vào ngõ cụt, ở đó, ông đụng phải vấn nạn lớn liên quan đến mầu nhiệm đau khổ và sự thưởng phạt: Thiên Chúa yêu thương và công bình sao nỡ đánh phạt những người vô tội như ông ? Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận của những người công chính ? Càng suy xét và tự vấn, Gióp lại bị rơi vào hố sâu của những định đề liên quan đến thuyết định mệnh: Thiên Chúa không nghe bao giờ và cũng không cho phép đối chất (9, 15 – 19), đồng hóa quyền lợi và sức mạnh (9, 24) và cuộc đối thoại với Thiên Chúa là không thể (9, 33). Gióp cảm tưởng giữa ông và Đấng Thánh Vô Hình có một khoảng cách quá thẳm xa làm cho tiếng kêu của ông tan biến giữa đêm trường (23, 3). Cuộc kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn được đặt ra của Gióp càng thêm kịch tính. Gióp không thể xóa đi sự xa cách với Thiên Chúa nên ông tiếp tục lần mò trong đêm tối để kiếm tìm “Đấng Ẩn Mình”.

c- Gian nan là vàng thử lửa

Hành trình kiếm tìm hạnh phúc nào cũng có gian nan thử thách đặt ra. Trước Gióp nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã thử thách lòng trung thành của Áp-ra-ham và niềm tin sắt đá của ông đã được chứng nghiệm qua thử thách. Đến Gióp, ông là hình tượng tiêu biểu của một chứng nhân đức tin kế thừa truyền thống tốt đẹp của các Tổ phụ trong thái độ trung kiên với Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp chỉ thực sự có ý nghĩa giáo dục khi đặt Gióp đối diện với những thử thách trở ngại để gặp Chúa. Qua những chất vấn mà Gióp đặt ra khi phải đứng trước đau khổ thì thử thách lớn nhất đối với ông là câu hỏi cho chính “Đấng Ẩn Mình”: đúng hay sai một người đau khổ vẫn có thể quả quyết về sự công chính của Thiên Chúa cứu độ, về sự thường hằng trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài ? 2: “…mặc dầu Ngài biết: con không tội lỗi gì và không ai thoát khỏi tay Ngài được. Chính Ngài đã tạo tác nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà hủy diệt ?” (10, 7 – 8).

Lời giải đáp thuyết phục nhất chỉ có thể đến với Gióp sau cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nhưng để tiếp bước trên hành trình đức tin, biết bao nhiêu trở ngại đã đặt ra làm cản trở bản lĩnh vốn giàu niềm tin của Gióp. Những trở ngại ấy có khi làm cho độc giả tưởng chừng đã xô đẩy Gióp ngã quỵ giữa vũng lầy của khổ đau bất hạnh. Nó không chỉ đến từ gia đình, bạn bè, những rối loạn tinh thần của Gióp mà hàm ẩn trong cả những điều hão tưởng, sai lầm dằn vặt Gióp triền miên. Nếu không có những trợ lực đến từ “Đấng Ẩn Mình” thì Gióp đã chịu thảm bại trước mưu đồ đen tối của Sa-tan.

Hành trình đức tin của Gióp là cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trong huyền nhiệm đau khổ. Những thử thách và trở ngại càng làm sáng rõ hơn đích điểm mà Gióp muốn vươn tới. Thiên Chúa vẫn chờ đợi Gióp để trao cho ông chìa khóa thiêng mở ra tối hậu cuộc đời. Điều quan trọng là Gióp có đủ niềm tin và sự khôn ngoan vượt qua những thử thách và trở ngại ấy hay không.

d- Những trợ lực cho hành trình đức tin của Gióp

Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa luôn thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn trở ngại của con người trong hành trình họ kiếm tìm Người. Cách riêng đối với Gióp, Thiên Chúa đã không ngừng tác động, trợ giúp ông trước thực tại bi nan mà ông đang gặp phải. Gióp đã không cô đơn trong đêm tối cuộc đời. Những trợ lực vô hình đến với ông có sức mạnh giải cứu những vô vọng, cho dù Gióp không hiểu nổi và không nhận ra điều đó.

Yếu tố phải kể đến trước hết đó là thời gian. Trước những tác động của nghịch cảnh, thời gian đã giúp Gióp lượng định, tham chiếu để nhận ra những bất toàn và hướng đi tích cực cho đời mình, bảo đảm cho lòng trung tín của ông được liên tục ngay cả khi sự tìm kiếm Thiên Chúa hàm ẩn những thử thách tưởng chừng khó vượt qua.

Cùng với thời gian, sự hồi tưởng hạnh phúc đã qua (ch. 29) và những hoài niệm về đời sống luân lý tinh tuyền (ch.31), Gióp có thể thân thưa với Chúa những gì cản trở lòng tin của ông. Đó không phải là thái độ mơ mộng, nhưng nó như cái phao để Gióp có thể đối diện tốt hơn với hiện tại, với “Đấng Ẩn Mình” và với những kẻ đại diện cho truyền thống. Trong thâm tâm, Gióp muốn nối lại cuộc đối thoại với Thiên Chúa là vì tự sâu thẳm của lòng tin và qua sự hồi tưởng, ông không thể chấp nhận một Thiên Chúa không “trước sau như một” 3

Trong hành trình đức tin của Gióp, sự im lặng của Thiên Chúa cũng là yếu tố trợ lực cần thiết giúp ông có thể hướng tới những tia sáng hy vọng đang đợi chờ. Đối với người không có đức tin thì điều này vừa vô nghĩa lại vừa ảo tưởng. Nhưng đối với Gióp, nó lại là tác nhân tích cực và đầy hữu hiệu, vượt xa những trợ lực vật chất trong việc tác động nâng cao phẩm giá con người, dành cho ông một sự tự do tìm kiếm lời giải đáp đến từ Thiên Chúa. Nếu Gióp phải hao tâm, tổn lực trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, thì sự im lặng của “Đấng Ẩn Mình” là khoảng trống tự do để Gióp có thể đón nhận và tôn phục sự đúng đắn và táo bạo trong chương trình giáo dục của Thiên Chúa. Trong đêm tối cuộc đời, Gióp không đơn độc vì Bàn Tay Vô Hình không ngừng dẫn dắt ông tiến về hy vọng.

e- Hành trình hy vọng

Cuộc mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa trên cuộc đời Gióp được đặt trong màn cảnh của những bóng đêm khổ đau, thống cực. Tuy nhiên, giá trị tối hậu sẽ được vén mở trong sự nỗ lực, kiên nhẫn tìm kiếm của Gióp. Ánh sáng của niềm tin đã lộ dần trong diễn trình biến đổi toàn diện con người Gióp. Đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn thực tại đã dẫn ông tới chỗ tiếp nhận dồi dào ân sủng trong cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Trong cuộc đối thoại gần gũi này, chính Thiên Chúa đã đi bước trước và dẫn đưa Gióp trên nẻo đường huyền nhiệm mà con người không thể ngờ tới. Con đường ấy hằn sâu những vết chân khổ lụy nhưng nó báo hiệu cho cuộc gặp gỡ toàn vẹn với “Đấng Ẩn Mình” đầy yêu thương và công thẳng. Tuy các tia sáng hy vọng nhiều khi bị lắng chìm trong những lời oán than của Gióp, nhưng có những lúc nó cũng vụt cao hơn cả những chán chường để cho Gióp thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Cuộc gặp với Thiên Chúa đã dạy cho Gióp bài học khiêm nhường (40, 2 – 4), biết chấp nhận các hành động của Thiên Chúa vượt quá sức hiểu biết của con người. Gióp phải biết đón nhận tất cả như quà tặng kỳ diệu mà Thiên Chúa trao ban kể cả những khổ đau bất hạnh, nghi nan trong đời.

Hành trình đức tin của Gióp đã khai mở một lối nhìn tích cực hơn nhiều so với quan niệm đương thời về vấn đề thưởng phạt. Nó mang ý nghĩa mới mẻ khi tiếp cận với mầu nhiệm đau khổ, tất nhiên vẫn hàm chứa những hạn chế nhất định chưa thể thỏa đáng hoàn toàn vấn nạn đặt ra. Nhưng đó là bước đặc biệt quan trọng trong diễn trình vươn tới đỉnh cao của mặc khải. Vấn đề là người Kitô hữu hôm nay cần có thái độ đáp trả xứng hợp với tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hành trình đức tin của Gióp đã để lại cho chúng ta bài học quý cho việc đáp trả này.

3. Bài học từ hành trình đức tin của Gióp

Thái độ của Gióp trước vấn nạn đau khổ giúp ta nghiệm suy về hành trình dấn bước theo Đức Kitô của chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Kinh nghiệm đức tin của Gióp để lại cho chúng ta những bài học quý trong việc kiện toàn nhân sinh quan, thế giới quan, và hơn thế nữa, kinh nghiệm sống tương giao với Thiên Chúa và tha nhân.

Chúng ta được mời gọi đến trong thế giới này để sống kiếp con người với những khổ đau và hạnh phúc, nhất là đang được Đấng Cứu Độ dẫn đưa về vĩnh cửu. Chúng ta may mắn hơn Gióp thật nhiều. Chúng ta phải đáp trả thế nào trước hồng ân kỳ diệu ấy của Thiên Chúa ?

a- Tất cả là quà tặng đến từ Thiên Chúa

Như Gióp xưa, Thiên Chúa vẫn không ngừng săn sóc thăm nom đời tôi, đời bạn và gửi đến cho chúng ta thật nhiều quà tặng vô giá. Đó là tất cả hồng ân dồi dào dành cho chúng ta trong mọi biến cố thường ngày. Có thứ quà tặng ngọt ngào gắn với hạnh phúc trào vui; có thứ quà tặng nhuốm màu đắng cay, chua xót nhưng quý giá vì chất chứa những đánh đổi cho hạnh phúc vĩnh hằng; có thứ quà tặng câm lặng, vô hình đòi hỏi ta phải kiên trì, sáng suốt để nhận ra… Nhiều khi ta đã đã cố tình trách Chúa vì những thứ “quà” không vừa ý riêng. Nhiều khi ta đã đổ lỗi cho Chúa trước những đổ vỡ, đau thương quá lớn, và có khi ta đã đẩy xua, nguyền rủa những nghịch cảnh… Nhận ra chương trình của Chúa trên đời mình, chúng ta hãy đón nhận tất cả như quà tặng dư đầy, phong phú mà Thiên Chúa ưu ái gửi đến cho mỗi người trên hành trình đi tìm Sự Thật – Công Lý – Tình Thương.

b- Cảm tạ - cậy trông – tín thác

Nhận ra tất cả là hồng ân, chúng ta hãy dâng lời cám tạ Chúa. Con đường tâm linh nhiều khi không bằng phẳng và tăm tối ngập tràn, làm cho đức tin của chúng ta lung lay, ngờ hoặc. Học gương Gióp, chúng ta hãy luôn bám chặt vào Chúa, hãy cậy trông Người là Chủ Tể vạn vật, có khả năng biến đau thương thành hạnh phúc, biến dòng lệ thành niềm vui sung mãn. Dù biết hành trình đức tin của chúng ta hôm nay có biết bao thử thách, trở ngại đang đặt ra. Đó có thể là những tác động nghịch chiều từ phía khách quan và cũng có thể là niềm tin giòn mỏng khiến ta trở nên vô vọng và ngã quỵ bất cứ lúc nào. Nhưng Thập giá Đức Kitô là điểm tựa vững chắc nhất cho đời ta trong khổ ải đau thương. Lời Hằng Sống không ngừng lên tiếng ủi an, khích lệ ta tín thác hoàn toàn nơi Chân Lý vĩnh hằng.

c- Nhận ra Chúa qua các dấu chỉ

Điều quan trọng là ta có nhận ra Chúa qua những dấu chỉ xảy đến trong đời ta hay không ? Xưa Thiên Chúa đã xuất hiện giữa cơn bão táp và trả lời Gióp trước những vấn nạn của đời ông. Gióp đã mau mắn đáp lời Thiên Chúa trong cuộc gặp gỡ thần bí này. Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang hiện hữu giữa chúng ta và nói với ta qua chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô, qua mỗi biến cố buồn vui, sướng khổ, vinh nhục của đời ta. Kinh nghiệm của Gióp mách bảo ta hãy kiếm tìm Chúa và thánh ý Người qua những thực tại ấy. Lời Chúa mở ra cho ta chương trình huyền nhiệm mà Đấng Tạo Hóa đang thực thi trong thiên nhiên và ngay giữa dòng lịch sử nhân loại. Phải chăng, chúng ta đang quay mặt và cố khước từ Bàn Tay Chí Ái vẫn từng ngày, từng giờ chỉ dẫn cho ta giữa những bấp bênh hành trình. Cho dù là những trận động đất kinh hoàng, những trận « hồng thủy » khủng khiếp, cho dù là nguy cơ chiến tranh đang đe dọa sự sống nhân loại, cho dù là bất công, áp bức, bạo lực đầy dẫy chà đạp trên phẩm giá con người... Nhưng quyền lực của sự dữ không thể thắng nổi Đấng toàn năng và yêu thương tuyệt đối. Chính Đấng ấy đã ra tay bênh vực Gióp xưa và Ngài cũng đang đoái nhìn chúng ta trong sự quan phòng chở che không ngừng.

d- Chịu đau khổ trong yêu thương

Hành trình đức tin của chúng ta chỉ thực sự đem lại hạnh phúc đích thực khi ta biết chấp nhận đau khổ trong Đức ái Kitô giáo. Những khổ đau, quẫn bách đầy dẫy mà nhân loại hôm nay đang phải hứng chịu cần đến trách nhiệm liên đới của mỗi người chúng ta. Kinh nghiệm của Gióp giúp ta chấp nhận những nghịch cảnh và đồng thời mời gọi ta cảm thông, sẻ chia với ngàn nỗi thống khổ của bao kiếp đời. Đức Kitô đã mặc khải cho ta về nghịch lý và cùng đích của ơn cứu độ cũng như con đường hạnh phúc viên mãn. Để có thể thành tựu trên con đường này, đòi hỏi chúng ta sự hy sinh tận hiến trọn hảo cho Thiên Chúa và tha nhân. Lời giải đáp cho chúng ta hôm nay trước vấn nạn đau khổ - thưởng phạt hệ tại ở thái độ sống tình yêu Thập giá, như lời Đức Kitô đã phán bảo: « Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo » (Mt 16, 24)

e- Vui sống trong hy vọng

Hy vọng là động lực để Gióp tiến đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, để được nhận lãnh hạnh phúc đích thực:

«Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa» (19, 25 – 26)

Đó cũng là hy vọng tối hậu của chúng ta vào vinh quang Thập giá Đức Kitô giữa những đau thương của kiếp người.

*Kết luận

Suy nghĩ về hành trình đức tin của Gióp, chúng ta thêm trân trọng và nâng niu những gì Thiên Chúa đã trao ban. Hành trình của chúng ta hôm nay không chỉ đơn giản là kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn đau khổ - thưởng phạt, mà cần thiết hơn, phải trở nên « người tôi trung đau khổ », dám chấp nhận nghịch cảnh để sống cho Thiên Chúa và cho những người xung quanh.

* Chú thích:

1 Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010, tr. 64

2 Sđd, tra. 65

3 Sđd, tr. 66

* Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu ước & Tân ước, Lời Chúa cho mọi người, nxb Tôn giáo – Hà nội, 2006.

2. Lm. Giuse Vũ Thanh Long, Các sách Khôn ngoan, Lưu hành nội bộ, ĐCV Vinh Thanh 2010.

3. I. Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách Giáo huấn, 2007
.

ĐCV Vinh Thanh Mùa Vọng 2010
 
Thiên Chúa đã và đang ở giữa chúng ta
Lm Jude Siciliano, OP
05:52 16/12/2010
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG (A)

Isaia 7: 10-14; Thánh vịnh: 24; Roma 1: 1-7; Matthêu 1: 18-24

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy vua A-Khát được giới thiệu như một người tuyên xưng đức tin? Chúng ta được dạy rằng không nên làm phiền lòng Chúa khi chúng ta muốn Ngài cho chúng ta những dấu chỉ lạ để tin. Nhưng khi có được những dấu chỉ thì chúng ta không còn tin Chúa nữa! Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa bảo A-Khát cứ xin Chúa một dấu chỉ, bất kỳ đâu: "Từ dưới đáy âm phủ, hoặc trên chốn cao xanh". Nhưng A-Khát vẫn từ chối và muốn chứng tỏ là có lòng tin vào Chúa nên nói: “Tôi sẽ không xin, không dám thử thách Đức Chúa".

Tại sao Thiên Chúa gay gắt với A-Khát? Hay A-Khát đã làm điều gì không đúng? Chẳng phải vậy đâu. A-Khát đang muốn che dấu sự thiếu đức tin của mình. Ông sợ hai nước phương bắc là Syria và Israel sẽ đem quân đánh Giu-Đa là nước của ông ở phía nam. Ông ta muốn kêu cứu nhờ giúp đỡ nơi vua Assyria. Nhưng Ngôn sứ Isaia lại muốn A-Khát tin tưởng vào sự che chở của Thiên Chúa nên mới bảo ông xin nơi Thiên Chúa một dấu chỉ là Thiên Chúa sẽ giúp ông. Nhưng A-Khát do sợ quá nên không dám xin, ông ta không dám thử thách Đức Chúa và cũng không muốn Ngài giúp đỡ. Nhưng Đức Chúa vẫn ban cho một dấu chỉ:"Này đây người trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ con trai,và đặt tên là Em-ma-nu-en".

Đây thật là một điều bất ngờ! Một vị vua đang sợ nước khác tấn công nước mình, thế rồi xuất hiện một ngôn sứ của Thiên Chúa bảo vua hãy đặt niềm tin vào sự che chở của Đức Chúa. Và việc giúp đở của Đức Chúa chỉ là những dấu chỉ nào đó. Chứ không phải Ngài hứa sẽ cấp cho một đội quân hùng mạnh với những khí giới tối tân để bảo vệ bờ cỏi, Nhưng dấu chỉ nói đến việc ra đời của một bé trai trong dòng tộc David được sinh ra để chứng minh cho lời hứa bảo vệ dân tộc của Đức Chúa.

Nếu anh chị em ở trong địa vị của vua A-Khát sẽ nghỉ sao?: Liên kết với nước Assyria hùng mạnh hay đặt niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa?

Phúc âm thánh Matthêu nói lên sự trông đợi của Israel về một đấng Mesia; đấng đã được thành toàn trong đức Giêsu. Thiên Chúa đã giữ lời hứa của Ngài qua ngôn sứ Isaia và các ngôn sứ khác. Sự bất ngờ ở đây là Thiên Chúa không thực hiện lời hứa như ý loài người nghĩ suy.

Các Phúc âm khác không nói nhiều về thánh Giuse. Chỉ có phúc âm của thánh Matthêu mà thôi. Theo đó, thánh Giuse được nói đến trong chương 1 thôi. Còn trong chương 2 chúng ta cũng không nghe thánh Giuse nói gì cả. Trong đó trình thuật về thánh Giuse hơi lạ lùng: Ông đã đính hôn với Ma-ri-a và sẽ xây dựng với cô ta nên một cuộc sống gia đình tốt đẹp. Và với tay nghề mộc vững chắc ông sẽ có kế hoạch bình ổn gia đình theo ý mình, Nhưng Thiên Chúa đã có kế hoạch khác dành cho ông và Ma-ri-a.

Kể từ khi Giuse và Ma-ri-a đính hôn; mang một ý nghĩa là họ đã chính thức lập gia đình, trước mặt xã hội và giòng tộc; họ là vợ chồng. Và một sự kiện đột xuất xảy ra. Sự mang thai khó giải thích của Ma-ri-a. Và yếu tố mà Matthêu đưa ra: Giuse là người "công chính", nghĩa là người ngoan đạo và giữ luật Mô-sê. Thời đó, một người ngoan đạo theo đúng luật Mô-sê có hai cách xử sự: Ly dị để cho người phụ nữ xấu hổ, hay bị xử ném đá cho đến chết. Đó là luật pháp và ông lựa chọn cách nào cũng đúng theo luật Mô-sê cả.

Nhưng có sứ thần của Thiên Chúa đến báo mộng nói với Giuse là: Không nên theo luật Mô-sê hãy làm một cách nhân đạo: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về". Giuse sẽ nhận đứa con của Ma-ri-a là con nuôi và đặt tên là Giêsu. Vì thế Giêsu, con nuôi của Giuse, sẽ thuộc dòng dõi Đa-vít, và như lời Thiên Chúa đã hứa với A-Khát. Để nhấn mạnh điều này, Matthêu đã chép lại lời hứa của ngôn sứ Isaia: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Trong phúc âm, thánh Giuse không nói một lời nào, nhưng ông luôn là mẫu gương cho các môn đệ. Giuse không giống A-Khát, ông đã đặt tất cả niềm tin vào lời Thiên Chúa, và thực hiện theo ý Chúa. Hôm nay chúng ta tôn vinh thánh Giuse là người biết luật, Nhưng còn hơn thế nữa là biết sống trọn vẹn trong lòng thương xót của Chúa là đấng nhân lành. Ngài đã che chở cho Đức Maria, và hài nhi Giêsu để trở nên công cụ cho chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Giuse có thể đã nghe lời Chúa trong mộng. Nhưng ông ta không phải là người chỉ tin vào mộng. Ông đã hành động theo đúng đức tin của mình. Đó cũng chính là điều các môn đệ có nghĩa vụ phải làm: lắng nghe Lời Chúa, tin và làm theo lời Chúa mặc dù có thể gặp khó khăn khi thực hiện lời Chúa trái ngược với phong cách sống đời thường.

Trong Kinh Thánh có những lời văn khuyên "Đừng sợ?". Khi những lời này được gửi cho một người nào đó chúng cũng chỉ là một lời động viên: "Vui lên, đừng sợ làm gì".Trái lại, khi có lời nói "đừng sợ" Được nói bởi một người có sực mạnh, nên điều sợ này được bảo đảm rằng Thiên Chúa luôn ở với họ.

Một người bạn bị ung thư đã nghe những lời này trong đêm khi nguyện gẫm lời Chúa qua kinh thánh "đừng sợ". Bệnh ung thư đang ở thời kỳ cuối. Người đó cũng như A-Khát trong bài đọc 1 đang bị đe doạ bởi những đội quân hùng mạnh. Lời nói “đừng sợ” làm anh ta có một cảm giác như Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của mình như Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Đối với người bị ung thư, ý nghĩ Thiên Chúa ở cùng người đó không thế nào mất được.

Trong sự khắc khoải của sự nghi ngờ và sợ hãi - như là nỗi đau lớn mạnh khi các phim chụp cắt lớp cho thấy tiến độ của bệnh ung thư và bác sĩ chuyên khoa của ông chia sẻ kết quả xét nghiệm đáng buồn với anh ta; anh vẫn tiếp tục bám víu vào những lời anh nghe đêm hôm đó. Ông tin tưởng rằng, mặc dù có bằng chứng của của một kết quả tồi tệ; ông nói, "Tôi tin rằng những gì tôi nghe - Thiên Chúa nói “đừng sợ” và “Thiên Chúa ở cùng tôi". Căn bệnh ung thư đã làm ông ta chết. Nhưng trong tình yêu Thiên Chúa người đó sẽ nói: "Ung thư không thắng, Chính Thiên Chúa đã thắng".

Đạo chúng ta không phải là đạo sợ hãi. Những người có đức tin không nên để lòng mình bị sự sợ hãi xâm chiếm. Vì lời kinh thánh đã cho chúng ta biết Thiên Chúa đã gởi Đức Giêsu đến với chúng ta. Ngài là Em-ma-nu-en dấu chỉ của sự hiện diện trung thành của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP
 
Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta
Jos. Tú Nạc, NMS
09:42 16/12/2010
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay, Năm A - (Isaiah 7: 10-14; Psalm 24; Romans 1: 1-7; Matthew 1: 18-24)

Loại dấu hiệu nào mà chúng ta mong muốn từ Thiên Chúa để trấn an chúng ta mỗi khi chúng ta gặp những điều nghiệt ngã? Hoàng Đế Ahaz muốn một điều nhưng lại e ngại hỏi. Vào khoảng 730 năm trước Công Nguyên, Jerusalem bị bao vây bởi một liên minh của người Syria và Israel từ Vương quốc Phương Bắc. Họ cố gắng dùng áp lực buộc Ahaz phải tham gia vào cuộc nổi loạn chống lại Assyria. Ông đã phải đối diện với một tình thái tiến thoái lưỡng nan cay đắng: hoặc tham gia cuộc nổi dậy của họ và nguy cơ hủy diệt hoặc phục tùng Assyria với tư cách là một nước chư hầu. Chắc chắn không còn sự lựa chọn nào khác!

Nhưng Isaiah cho ông một quyền lựa chọn thứ ba: là môn đệ chắc chắn và tin tưởng vào Thiên Chúa – không đi theo phe nào. Và để đem lại niềm tin trước lời hứa ấy, ông đã đưa ra một dấu hiệu, bất kỳ dấu hiệu nào. Nhưng Ahaz ngại hỏi nên Isaiah đa tạo ra một sự lựa chọn cho ông: một thiếu nữ sẽ sinh con, một con trẻ tên là Emmanuel. Hiển nhiên rằng trước bối cảnh ban đầu của nó đây không phải là lời tiên tri liên quan đến Chúa Giê-su. Nó có ý rõ ràng như một dấu hiệu của sự cổ vũ, động viên Ahaz và một sự kiện 700 năm trong tương lai là vô nghĩa. Sau đó trong truyện kể của Isaiah ngụ ý rằng sự khai sinh này sẽ diễn ra trong một tương lai lai rất gần. Nhưng đứa trẻ trong câu hỏi thậm chí không vươn tới thời đại của lý trí trước khi sự đáp ứng của lời tiên tri liên quan đấn sự sụp đổ của kẻ thù của Jerusalem.

Người mẹ và người con đã được biết rõ đối với Isaiah và Ahaz, và thậm chí đã có chứng cứ rằng đó có thể là con của Isaiah từ khi câu chuyện mô tả về vài người con của ông, những người mà được ông đặt tên mang ý nghĩa thần học. Nhưng cái tên này nói lên mọi ý nghĩa: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là thông điệp mà Isaiah muốn Ahaz nghe, và nó là thông điệp mà chúng ta cần phải lắng nghe. Những tình huống mà con người phải đối mặt thường tạo ra sự tuyệt vọng và đôi khi là những quyết định ngu xuẩn. Sự sợ hãi thống trị và Thiên Chúa nhanh chóng trở thành thừa số ngoài phương trình.

Những bài thuộc thần học của Thánh Phao-lô thường khó có thể giải mã và những dòng gợi mở của Romans là một điển hình tuyệt vời. Ý nghĩa chình xác về lời công bố uy thế của Chúa Giê-su “Con Thiên Chúa với quyền lực” không trong sáng. Vậy Người không có trước lúc Phục Sinh hay sao? Con Thiên Chúa vốn là Người, nhưng với sự Phục Sinh Người đã trở nên nguồn sống trao ban và thánh hóa quyền lực cho tất cả. Điều này là chứng cứ hiển nhiên khi Thánh Phao lô tiếp tục lời giới thiệu của ông với một tín hiệu về những gì mà toàn bộ thư từ ông đề cập đến – bao gồm tất cả những dân ngoại bằng phương tiện của quyền lực đó. Sự kiện Chúa Ki-tô là phổ quát và anh hưởng đến tất cả nhân loại và mọi loài thụ tạo.

Đôi khi quyền lực tương đồng phải thúc đẩy những giới hạn của những qui tắc văn hóa và những truyền thống tôn giáo. Điều này thể hiện rõ ràng trong sự tường thuật và việc khai sinh của Chúa Giê-su – những qui tắc và truyền thống này đã được tuân theo, câu chuyện về Chúa Giê-su có thể đã được diễn đạt một tiến trình khác nhau. Duy nhất sự bảo đảm thiên sứ đoan chắc rằng kế hoạch thiêng liêng vẫn là mạch nguồn bất di bất dịch. Những công cụ của Thiên Chúa thỉnh thoảng phải đứng tại đôi bờ chia cắt. Mục đích thần học của Thánh Mat-thêu là phải neo chặt Chúa Giê-su cố định trong lịch sử cứu độ của Israel và do đó ông đã mô tả chân dung Chúa Giê-su như việc thực hiện lời tiên tri của Cựu Ước. Đây là một sử dụng thứ hai hoặc tái nhận định đoạn tiên tri này khi đọc chúng qua ánh mắt để rồi tin rằng Chúa Giê-su là Messhia. Những thông dịch viên Do Thái đã hoàn toàn chính xác trong Isaiah 7: 14 như một lời tiên tri ban cho Ahaz và đã thực hiện trong thời gian của chính ông. Và những Ki-tô hữu cũng đúng trong sự tin tưởng rằng đoạn trích là hồi quang cuộc đời của Chúa Giê-su. Có thể có nhiều người đọc chính xác hơn và họ không cần phản kháng. Những đoạn tiên tri có thể có “cuộc đời” thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư trong lịch sử của sự giải thích – Thánh Kinh là một cái giếng không đáy.

Nếu việc khai sinh của Chúa Giê-su là một sự hoàn thành của đoạn trích từ Isaiah, thì tại sao Người lại không được đặt tên là Emmanuel? Người được đặt tên là Yeshua – Thiên Chúa cứu độ - và đó là vai trò và sứ mệnh của Người. Nhưng Người cũng là dấu chỉ của hy vọng và là sự hiện diện tiếp tục của Thiên Chúa. Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su đã tái khẳng định với những môn đệ của Người rằng Người sẽ luôn ở cùng họ cho đến khi kết thúc mọi thời đại. Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Tại sao Người đến
Hoàng Thị Thùy Trang
13:37 16/12/2010
Phố phường Sài Thành đã rộn rã những ánh điện nhấp nháy, không khí giáng sinh theo gió đông ùa về khắp phố phường, như quấn quyện đất với trời. Giáng sinh bắt đầu trở lại, không khí hanh lạnh nhưng ấm áp, yêu thương, rịn réo người với người và với vạn vật.

Lễ hội giáng sinh, không biết từ bao giờ đã trở thành lễ hội lớn của nhân loại. Người ta trao nhau những lời chúc chân thành, gửi đến những tấm thiệp với lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc. Cảm ơn giáng sinh, mà thế giới biết quan tâm đến nhau. Những quyên góp, chia sẻ quà giáng sinh ngày càng được lưu tâm, chăm chút. Nếu cứ biết sống sẻ chia, trao cho nhau niềm vui, tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc thì có lẽ cuộc đời đã vơi nhiều giọt nước mắt nhọc nhằn, đắng cay, đau khổ.

Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn Hài nhi Giêsu bé nhỏ. Sự cho đi, tận hiến và sẻ chia của Ngài cao lớn quá. Nhân loại đến với nhau, nhưng không ai cho đi tất cả, hình như đó là bản năng tự nhiên của nhân loại, cái bản năng thiên phú - bảo tồn sự sống. Vì vậy, hiếm ai dám cho đi đến tận diệt, cho vô điều kiện. Trong cái cho của nhân loại luôn luôn bao hàm cái muốn được nhận lại. Cho dù việc nhận lại phụ thuộc vào ý muốn mỗi cá vị nhưng chúng đều có một điểm chung, là mong muốn có được một cái gì. Người làm phúc thì muốn được trời chúc lành, kẻ làm phúc thì muốn được ghi ơn... chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có khả năng yêu kẻ không hề yêu mình.

Càng nghĩ, càng thấy Thiên Chúa đáng thương, vì có ai thiệt thòi đến tận cùng như Ngài? Sự thật, Thiên Chúa không bao giờ đáng thương mà chỉ có con người mới đáng thương. Nhân loại đáng thương vì họ không có khả năng yêu thương vô tận, và càng thiếu thốn, họ càng cuống cuồng níu kéo đi tìm cho kỳ được tình yêu thương đó. Thực tế, trong nhân loại, ai có khả năng yêu vô tận bằng Thiên Chúa, có chăng họ đang cùng nhau tập sống yêu thương để trở nên giống Thiên Chúa.

Tạo dựng con người, hài lòng, hạnh phúc trong tác phẩm của mình bao nhiêu thì Thiên Chúa càng “đau khổ” bấy nhiêu khi phải chứng kiến con người lầm than, khốn khổ. Động lòng trước cái đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã hy sinh ước mơ, cuộc sống của mình để sống cuộc sống nhân loại. Ngài đón nhận mọi bất trắc đến với mình, mang lấy cả tội lỗi, bệnh tật của họ, không phải để họ không còn đau khổ mà đúng hơn là để dạy cho họ tập biết sống đón nhận và yêu thương. Ngài dư khả năng để xóa bỏ, giải cứu mọi nỗi thống khổ bất công, tiếng kêu gào thống thiết của nhân loại, nhưng Ngài không làm điều ấy, mà muốn nhân loại cùng với Ngài bước vào con đường thập giá, con đường tận diệt hầu tìm ra chân lý hạnh phúc.

Nếu chỉ thắp lên một ngọn nến để mà ước, có lẽ ai trên thế giới này cũng có thể làm được. Nhưng nếu chỉ ước là có ngay điều muốn ước, thì ước muốn ấy cũng tẻ nhạt và chóng tàn. Nhưng nếu tự mình biết thắp lên ước mơ, cái ước mơ ấy mới đáng trân trọng. Cùng với Thiên Chúa bước đi trên con đường thập giá, cùng trải nghiệm đớn đau, mất mát, khổ cực sẽ khiến cho con người dày dạn, trưởng thành và biết trân trọng những điều bình dị nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

Thật ra, không có gì là không quan trọng, từ những bước đi, cử chỉ đơn thường nhất trong cuộc sống, ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui, buồn… trong cái nhìn thần học, tất cả đều mang giá trị tích cực. Chỉ vì con người chạy theo xu hướng thực dụng, xem thường những điều nhỏ nhặt, đề cao những cái cốt yếu, quan trọng theo quan niệm bản thân để rồi bỏ qua biết bao cơ hội. Không vì vậy mà dân gian vẫn thường dạy bảo nhau: “Hạnh phúc ngay trong tầm tay, vụt mất rồi mới hay, để mà hối hận thì đã muộn”. Cơ hội chỉ có thể đến một lần, không chờ đợi con người bao giờ. Nó luôn đi qua và không bao giờ dừng lại, chỉ những ai biết nắm bắt cơ hội mới vẽ nên ước mơ thật sự của đời mình.

Thiên Chúa trọn vẹn hạnh phúc, không phải chỉ vì Ngài được nhân loại yêu thương, nhưng chính là Ngài biết sống yêu thương cho hạnh phúc của nhân loại. Hạnh phúc đích thực, hạnh phúc cao cả nhất, hạnh phúc đúng nghĩa chính là dám sống cho người mình yêu thương mà không cần đáp trả, vô điều kiện!

Khác với nhân loại, con người trao cho nhau hạnh phúc, nhưng sự trao đi luôn luôn đính kèm điều kiện. Ngài có thể yêu và tha thứ cho người không hề yêu mình, thậm chí còn phản bội, quay lưng lại với Ngài nữa. Tại sao vậy, tại vì Ngài luôn có, luôn dư dật và luôn muốn trao đi, ban phát. Nhân loại vì sao trong cái cho luôn tiềm ẩn cái muốn nhận lại, chính vì bản thân họ là kẻ giới hạn, biết cho sẽ mất và sẽ hết, cho nên cái khao khát, thèm muốn được nhận lại luôn giằng xéo tâm hồn họ. Nhìn sự thiếu thốn, bất toàn đáng thương của nhân loại, Thiên Chúa đã đến để cho họ được sung mãn.

Thiên Chúa giàu có và hạnh phúc quá, con luôn là kẻ bất hạnh vì bao giờ con cũng thiếu thốn. Thiếu tình yêu, thiếu niềm tin. Dẫu biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng Ngài đã đặt con vào trong thế giới luôn luôn biến động, bất ổn khiến niềm tin con chao đảo, bất an. Ở tận đáy lòng, con luôn cảm ơn Thiên Chúa, ghi ơn tình thương cao cả của Ngài, chỉ vì con quá yếu đuối mỏng dòn, không có khả năng nắm giữ ân huệ Thiên Chúa, hết lần này đến lần khác, con đã buông bỏ biết bao đặc ân của Ngài. Xin tha thứ cho con, lạy Thiên Chúa. Cúi xin Ngài tha thứ cho con, cho con được sống trong lòng thương xót và ơn cứu độ. Chỉ cần con biết phụng thờ và tôn kính Ngài. Yêu thương, phục vụ tha nhân, cùng với tha nhân đi hết con đường Thiên Chúa muốn, với con là hạnh phúc. Chính tình yêu thương đã cho nhân loại những con đường để họ đến với nhau. Trên chính con đường này, Ngài đã đến với nhân loại, thì con không thể đi trên đường khác mà về với Thiên Chúa được. Ngài muốn con đến thế gian, hiện diện với nhân loại vì muốn con hạnh phúc. Con bất toàn không thể tận diệt cho Thiên Chúa, nhưng có thể tận diệt cho người mình yêu thương trong Thiên Chúa. Xin giúp con tin vững như vậy, để từ nay không còn mãi gạn hỏi: tại sao Người đến?
 
Mầu nhiệm của lời đoan hứa
Gioan Lê Quang Vinh
13:39 16/12/2010
Nhà thơ Trần Hoà Bình có một bài thơ dễ thương “Thêm một”. Sau khi đồng ý với cổ nhân “Thêm một chiếc lá rụng, thế là thành mùa thu” (Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu), ông viết những dòng thơ đẹp nhưng rất bi quan: “Thêm một lời đoan hứa, lại một lần khả nghi”.

Có lẽ nhà thơ đã quá thất vọng với những lời hứa giả dối của thế gian, những lời nói hoa mỹ nhưng rỗng tuếch của các thế lực đương thời, nhưng ông lại chưa có hồng phúc tiếp xúc với “Đấng trung tín trong mọi lời Ngài phán” cho nên lời thơ cứ như khắc khoải, bồn chồn.

“Đấng Trung Tín” đã hứa ban hồng phúc cho nhân loại ngay từ ngày sáng tạo, và Mầu Nhiệm Giáng Sinh chính là sự thực hiện và hoàn tất Lời Hứa của thuở ban đầu, để chương trình cứu độ được khai thông, và ân sủng tuôn đổ dồi dào trên nhân loại này qua muôn thế hệ. Thiên Chúa chúng ta là Đấng trung tín cho nên Ngài giữ trọn vẹn mọi lời phán hứa, và con người qua muôn thế hệ có thể gửi trọn niềm tin vào Ngài mà không sợ nản lòng.

Thiên Chúa trung tín với lời hứa vì Ngài quyền năng. Đấng đã dùng Lời của mình mà tạo dựng muôn loài thì chắc chắn Lời ấy, dù là Lời tạo dựng hay Lời đoan hứa, đều có thể thành toàn trong mọi tình huống mà không phải lo bất cứ trở ngại nào trên con đường mà Lời đi tới.

Những thế lực trần gian cũng hứa hẹn, và dường như khi người ta càng ý thức cái yếu đuối và hèn kém của mình bao nhiêu thì họ càng hứa liều lĩnh bấy nhiêu. Và lời hứa liều lĩnh thì chỉ có hai mục đích: hoặc là lừa lọc hoặc là trốn trách nhiệm. Những lời hứa ấy, đáng buồn thay, lại có thể làm cho một số người nhẹ dạ tin tưởng hơn là tin vào Thiên Chúa là Đấng mà thiên thần Gabriel đã làm chứng là “đối với Ngài thì không có điều gì là không thể”. Lòng chúng ta cháy lên niềm tin yêu, và vô cùng cảm phục sự lựa chọn sáng suốt tuyệt đối của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ chỉ là một thiếu nữ nhà nghèo, vậy mà Mẹ hiểu hơn ai hết rằng Lời Hứa của Đấng Quyền Năng là lời hứa tuyệt đối.

Thiên Chúa trung tín với lời hứa vì Ngài là Tình Yêu. Người ta có quyền lực bao nhiêu mà không có tình yêu thương thì mọi lời hứa chỉ là hão huyền. Mối dây liên kết vững bền nhất cho mọi tương quan là tình yêu, bởi vì chỉ có nơi tình yêu, mọi giá trị mới qui về Thiên Chúa, và chỉ có nơi tình yêu mà người ta sẵn sàng làm mọi thứ cho nhau. Thiên Chúa không những biểu lộ tình yêu của Ngài nơi mầu nhiệm sáng tạo, mà còn nơi những mầu nhiệm nhằm đưa con người đi vào phẩm giá siêu việt của họ.

Những quyền lực nhìn con dân mình như người thù nghịch thì có gì bảo đảm sẽ giữ lời cam kết? Những oai phong của chủ nhân ông coi thuộc hạ là tội nhân thì oai phong ấy không cần chữ tín. Những người yêu nhau thật sự thì không cần công thức của giao ước. Khi họ đến trước bàn thờ Thiên Chúa để nói lời giao ước thì họ biết chắc chắn rằng Thiên Chúa Tình Yêu sẽ giữ gìn họ trong tín trung cho đến trọn đời. Còn những người chỉ tìm lợi dụng nhau, tình cảm đặt trên vẻ bề ngoài hay đặt trong túi tiền của nhau, thì dù có đoan hứa ngàn lời thì lời hứa cũng chẳng bao giờ được thực hiện vì một lẽ đơn giản là lòng họ không hề đoan hứa.

Một xã hội được kiến tạo nên bằng một loạt những lời hứa nhăng nhít, cũng giống như một mối tương quan được xây dựng bằng lời thề nguyền giả tạo, là những ngôi nhà xây trên cát, xây bằng cát và xây bởi cát bụi mà thôi. Thiên Chúa là Tình Yêu, thánh Gioan Tông đồ, người môn đệ Chúa yêu, đã quả quyết như thế với tất cả kinh nghiệm trong mối tương quan sâu xa với Đức Giêsu, là Tình Yêu và là Con Người đến để thực hiện giao ước, bắt đầu từ ngôi làng Nagiaret nhỏ bé và nơi Bêlem nghèo hèn. Vị Tông đồ của Tình Yêu luôn mời gọi yêu thương, vì ngài sống trong tình yêu. Chữ Tín phải bắt đầu bằng chữ Ái mà thôi.

Thiên Chúa trung tín với lời hứa vì Ngài chân thật. Một xã hội giả dối thì chẳng ai trong xã hội ấy dám tin vào lời hứa. “Thưa thầy em tự viết tiểu luận này”. Người thầy có tin anh sinh viên ấy được không khi mà anh vẫn hay gian bài trong lớp?

Ở trường Đại Học Mở Sàigòn có một cô sinh viên đi học trễ, vội vàng quăng xấp tài liệu công ty cho tiệm photocopy trước cổng trường và nói: “Photo giúp em để em ra lấy sớm, em cần lắm”. Khi cô ra lấy tài liệu thì tất cả đã được thu lại nhỏ xíu. Cô kêu lên: “Ủa, chết em rồi, sao tài liệu công ty mà chị lại thu nhỏ thế này?”. Chị chủ tiệm ngạc nhiên: “Mọi lần em đến photo đều dặn thu nhỏ hết mà! Chị tưởng đây là tài liệu em đi thi!”. Cái gian đã sinh ra cái phiền.

Khi một gã con trai nói với cô gái: “Anh sẽ thương em suốt đời”, thì liệu nàng có tin được lời hoa mỹ ấy không khi mà anh là kẻ gian dối, tham nhũng và đã từng lừa lọc bao người? “Tôi sẽ trả cho chị món nợ này sớm. Chị về nhà chờ tôi nhé”. Chị có tin được kẻ vay muợn ấy không khi hắn ta đã nhiều lần trốn chị, thậm chí sửa giấy nợ bao lần?

Thiên Chúa là Đấng “est est non non”, có thì nói có, và nơi Ngài tất cả là chân lý và ánh sáng, không có chỗ cho tối tăm len vào. Và nơi Ngài, tất cả những gian tà phải được biểu lộ rõ ràng và sẽ bị đốt cháy thành tro bụi. Một Hài Nhi sinh ra nơi máng cỏ nghèo hèn. Tội nghiệp thật. Buồn tẻ thật. Đáng thương thật. Hài Nhi ấy và cha mẹ mình còn phải rong ruổi đường xa để trốn tránh kẻ gian xảo nữa. Nhưng vì Ngài là Chân Lý, là Lời của Đấng vô cùng trung thực, nên rồi Ngài đã trở về vị trí của ĐứcVua công minh xét xử kẻ bất lương.

Mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh là mừng một Tình Yêu vô lượng vô biên, và đồng thời cũng là mừng sự thành toàn viên mãn của Lời Hứa tự ngàn xưa: “Này đây một Người Nữ sẽ đạp nát đầu mi (là con rắn của hoả ngục)”, “Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con Trai, và Người sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, “Người sẽ nên cao trọng… triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”. Là những người tin vào Lời Chúa hứa và mong muốn kiến tạo một xã hội lương thiện trong Đấng Cứu độ, chúng ta hiểu rằng giờ của Chúa đang đến, cùng với không khí rộn ràng, dù vẫn đượm buồn. Có người tóm gọn Học Thuyết Xã Hội Công Giáo vào mấy chữ CCTY, là Chân Lý, Công Lý, Tự Do và Yêu Thương. Xin Mẹ Maria, người Phụ Nữ cùng đi với Con Mình là Lời quyền năng, luôn giữ chúng ta trong Chân Lý, trong Sự Thật và trong Tự do đích thực, để làm cho thế giới này biết yêu thương nhau hơn.
 
Tâm tình của Giuse với biến cố nhập thể
Anmai, CSsR
19:49 16/12/2010
Con người, dù quyền cao chức trọng đến mức nào đi chăng nữa vẫn mang trong mình những giới hạn của phận người. Cảm thức trước giới hạn đó con người thường tìm đến vị thần linh, vị cứu tinh của đời mình để kêu cứu.

Thiên Chúa là Chúa, là vị cứu tinh của dân tộc Do Thái để rồi Ngài luôn dõi mắt theo nhìn hành trình đời người của đám dân Ngài chọn. Lúc ẩn, lúc hiện, lúc đồng hành, lúc khuất bóng nhưng mà hình như lúc nào Thiên Chúa cũng ở bên cạnh dân riêng của mình. Thiên Chúa luôn can thiệp trong hành trình cứu độ, hành trình đi trong sa mạc của dân Do Thái để cứu họ thoát khỏi sự dữ, sự chết.

Hôm nay, chúng ta được nghe Isaia thuật lại câu chuyện hết sức hấp dẫn. Thời ấy, người ta báo cho nhà Đavít rằng quân Aram đã đóng quân ở Épraim. Với cái tin rùng rợn ấy, Akhát rúng động như cây rừng rung rinh trước gió như sách ngôn sứ Isaia diễn tả. Akhát rúng động và không hề biết rằng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu ông cũng như cứu dân. Qua Isaia, Thiên Chúa hứa rằng sẽ làm cho dân Giuđa phải khiếp sợ. Khi nghe Isaia nói như vậy, nhà vua cảm thấy bình an vì có Thiên Chúa ở bên ông, ở bên dân của ông.

Thiên Chúa thương dân Do Thái, Thiên Chúa thương Akhát đến độ còn hỏi vua: "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Đứng trước tình yêu bao la, sự chở che, sự quan phòng của Thiên Chúa Vua Akhát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa."

Nếu tiếp tục theo dõi những trang sách Isaia tiếp theo, chúng ta sẽ thấy một cách hết sức thiết thực về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho vua Akhát cũng như cho dân. Thiên Chúa đã cho dân chiến thắng và qua miệng của Isaia còn hứa ban Đấng Cứu Độ như chúng ta vừa nghe: Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.

Tâm tình của vua Akhát quả là một tâm tình dễ thương. Được Thiên Chúa yêu thương, được Thiên Chúa cho đòi hỏi nhưng ông lặng lẽ trước ân huệ, trước ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban cho dân Người. Giữa dòng người ồn ào và náo nhiệt, rúng động trước những biến cố của cuộc đời thì lại có những người bình tâm để nghe tiếng Chúa nói, nghe lời Chúa hứa trên cuộc đời của mình.

Giữa mùa Vọng này, hình ảnh hết sức đẹp của một người trông chờ Chúa đã hiện lên một cách hết sức dễ thương. Hình ảnh ấy đó chính là hình ảnh của Thánh Cả Giuse. Nhà nhà náo động, người người náo động thì Giuse hoàn toàn lặng lẽ. Thái độ lặng lẽ trước ơn cứu độ của Thiên Chúa của Thánh Cả Giuse chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại. Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta “gốc tích” của Đấng Cứu Độ trần gian.

“Đây là gốc tích của Đức Giêsu...”. Sau quyển sách gốc tích của Đức Giêsu Kitô, thì đây là một nguồn gốc khác được trình bày cho chúng ta. Chúa Giêsu, bám rễ sâu vào một lịch sử, trong một dân tộc, cũng là Đấng đến từ nơi khác. Giacob sinh Giuse, chồng của Maria, từ nơi bà, Chúa Giêsu sinh ra... Giuse đã đưa đứa trẻ sắp sinh nhập vào trong dòng dõi tổ tiên mình một cách hợp pháp một cách xác tín, một cách âm thầm và lặng lẽ. Từ ngày báo mộng, Thánh Giuse bước vào, nhập cuộc vào chương trình cứu độ mà Thiên Chúa mời gọi Ngài.

Để Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria, nhưng cũng cần tiếng Xin Vâng khiêm tốn của Giuse. Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha: những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Chúng ta không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu như Giuse cứ cương quyết bỏ Đức Maria.

Nhờ Giuse, Chúa Giêsu đã là người thuộc nhà Đavít. Những lời hứa của Thiên Chúa đã ứng nghiệm (x. 2Sm 7,13).

Thánh Giuse có thể tố cáo Maria dựa trên luật Israel lúc đó, nhưng Ngài không làm như vậy. Giuse muốn trốn đi vì việc này có thể được mọi người xung quanh hiểu như là một hành động bỏ trốn trách nhiệm làm cha và trên bình diện siêu nhiên thì có thể được hiểu như là việc chối từ cộng tác với chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã muốn cho Giuse một cơ hội, nên đã sai sứ thần đến xác nhận cho Giuse biết là: “Đừng ngại nhận Maria về làm Bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần”, và thiên thần mạc khải thêm về thân thế của Đấng Cứu Thế đang được cưu mang trong cung lòng Mẹ Maria và mời gọi Giuse cộng tác và Ngài sẽ đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Việc đặt tên cho con là quyền của người cha, như vậy khi mời gọi Giuse đặt tên cho Con Trẻ không do chính máu huyết của mình, có nghĩa là mời gọi Giuse chấp nhận quyền hay đúng hơn sứ mạng làm cha của Con Trẻ trên bình diện pháp lý.

Thánh Giuse có thể từ chối, nhưng Ngài đã không từ chối mà vâng phục lời thiên thần truyền, Ngài chu toàn vai trò Thiên Chúa muốn trong việc cứu rỗi. Khi Mẹ Maria sinh Con Trẻ thì Giuse đặt tên Con Trẻ là Giêsu. Ngoài mẫu gương hành động của Giuse, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nơi bài đọc II nhắc chúng ta nhớ đến một mẫu gương hành động trước mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, đó là mẫu gương của thánh Phaolô tông đồ, một khi chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì con người không thể nào có thái độ dửng dưng được nữa, nhưng phải để cho Con Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô chiếm lấy, biến mình trở thành môn đệ, thành người cộng tác với Chúa để mang ơn cứu độ đến cho mọi người, mọi dân tộc.

Thực tế, Hài Nhi Giêsu đến từ một Đấng khác: đứa con bà sinh ra là bởi Chúa Thánh Thần. Vai trò là cha nuôi của Chúa Giêsu với Thánh Cả Giuse không phải là chuyện đơn giản. Phải hết sức trầm lắng mới có thể hiểu được ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời của Ngài. Giuse, người công chính, sẽ đặt tên cho Hài Nhi: bà sẽ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu. Tên gọi có ý nghĩa, cho biết Hài Nhi không phải là hậu duệ như những người khác, đóng kín trong những giới hạn của khả năng loài người: bởi chính Ngài sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi. Ai có thể giải thoát khỏi tội lỗi, nếu không phải là Thiên Chúa? Lời ngôn sứ nhận lấy đầy đủ tất cả ý nghĩa: người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Chúa Giêsu ghi tên vào một gia phả, nhưng Ngài làm nổ tung gia phả đó. Chính Thiên Chúa bước vào trong thế giới loài người chúng ta.

Khi đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian rồi, Giuse vẫn giữ một thái độ sống hết sức mẫu mực và lặng lẽ để làm gương sáng cho đứa con yêu của Ngài bởi lẽ Ngài hiểu được tầm quan trọng của hình ảnh người cha đối với việc tạo thành nhân cách của Hài Nhi. Chính nhờ gần gũi với Giuse mà Chúa Giêsu sẽ học biết người cha là gì. Chính nơi Giuse, Chúa Giêsu nhìn thấy phản ánh nhân loại tình phụ tử của Thiên Chúa. Biết nói với chúng ta rõ ràng về Cha của Ngài, phải chăng khi đã nhìn thấy Giuse mà Ngài đã có kinh nghiệm về sự âu yếm của cha: “Ai trong các anh, nếu đứa con xin bánh mà lại cho một hòn đá ư? Hay, nếu nó xin một con cá, mà lại cho nó một con rắn?” (7,9-10). Ngài đã học biết rằng, các người cha dưới đất biết cho con cái mình những sự tốt lành. Ngài đã học biết điều đó nơi thánh Giuse. Qua bài học lặng thầm của Thánh Giuse để lại, Chúa Chúa Giêsu như được củng cố thêm tình thương của Cha để Ngài bước vào cuộc khổ hình thập giá một cách hiên ngang hơn, một cách quyết liệt hơn.

Đối diện với những thử thách cam go của cuộc đời, thánh Giuse vẫn luôn giữ thái độ im lặng. Một thái độ thầm lặng để vâng theo ý Chúa. Người không lên tiếng, ăn to nói lớn, Người không bào chữa cho những hành động của Người, nhưng tất cả đều theo ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã im lặng, chấp nhận dù rằng người cũng rất trăn trở, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng. Mọi biến cố xẩy đến trong cuộc đời của thánh Giuse đều được Người chấp nhận với lòng tin thâm sâu: Người hy sinh lợi ích riêng cho kế hoạch, cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Sự thinh lặng thánh, sự ngụp lặn âm thầm theo Thánh ý Chúa của thánh Giuse gợi lên cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta bài học hết sức ý nghĩa. Vì chỉ có sự phó thác thẩm sâu nơi bàn tay nhân từ của Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu xa, con người mới nhận ra đôi mắt nhân hiền, trái tim quảng đại và tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với từng người. Thánh Giuse đã có mặt trong mọi lúc nguy biến mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cần đến, nhưng tới thời Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì cuộc đời của thánh Giuse cũng bắt đầu chấm dứt nơi trần gian này. Sự thinh lặng kéo dài suốt cuộc đời của thánh Giuse từ lúc Người được sinh ra cho đến ngày Người nhắm mắt xuôi tay. Sự thinh lặng thánh của thánh Giuse diễn tả cuộc đời của một con người hoàn toàn thuộc về Chúa, cho Chúa và vì Chúa và như thế, thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người noi theo.

Những ngày chờ đón Đấng Cứu Độ đến trần gian ắt hẳn mở ra nhiều tâm tình, nhiều thái độ, nhiều tình cảm nhưng chắc có lẽ tâm tình âm thầm và trầm lắng của Thánh Giuse là tâm tình, là thái độ hết sức dễ thương mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Chỉ trong âm thầm, chỉ trong chịu đựng những đau khổ chúng ta mới có thể hiểu được Thánh ý tuyệt vời mà Thiên Chúa tô vẽ trên cuộc đời mỗi người chúng ta.
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Chúa Ở Cùng Tôi...
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
21:42 16/12/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA/CN4MV/A

Cùng gởi các Gia đình-Nhóm-Qúychức-Hội đoàn-Phong trào

“ CHÚA Ở CÙNG TÔI – NGÀI Ở NGAY BÊN TÔI”

I- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc sau: (Reflections&Share)

Bài đọc 1: I-sai-a 7: 10-14= Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, và sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. (câu 14)

Thiên Chúa vì thương yêu tôi, Ngài đã sinh ra bởi Đức Maria trong một hang đá rất nghèo nàn, lạnh lẽo giữa đêm đông, và còn tiếp tục đến ở bên tôi qua những người nhỏ bé, tầm thường, cô đơn, bệnh tật, nghèo nàn, nóng nẩy, khó tính, dễ thương, hiền lành, xinh đẹp đang sống chung quanh, mà tôi đang gặp hàng ngày.

• Cho một vài hình ảnh bạn cảm nhận Chúa đang ở bên bạn?

Bài đọc 2: Rôma 1: 1-7= Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavit. (câu 3)

Theo con người như tôi thì Đức Kitô trở nên con người từ dòng dõi vua Đavit, để làm người giống như tôi, chịu thương khó, chịu chết; nhưng theo Thần Khí thì Đức Giêsu được phục sinh từ cõi chết, nhờ quyền năng của Thiên Chúa đang hiện diện trong tôi…

• Những nhân đức bạn đang tập luyện để nên giống Chúa?

Tin Mừng: Mat-thêu 1-:18-24= Bà sẽ sinh son trai và đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người…(câu 21)

Thiên thần đã báo tin cho ông Giuse biết sự thật trong mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria, Đức Giêsu sinh ra làm người bởi Thiên Chúa mà đến, ông Giuse có trách nhiệm đặt tên cho con trẻ là Giêsu và săn sóc Mẹ Maria và gia đình cho chu toàn.

• Bạn chia sẻ trách nhiệm người cha trong gia đình hiện nay ?

* Câu chuyện Mùa Đông: Tôi thích sống nơi có bốn mùa; nhưng dù có thích ngồi bên cuốn sách hay bếp lửa tí tách giữa mùa tuyết rơi, tôi cũng phải công nhận rằng: lòng yêu thích các mùa trong tôi sẽ bị lu mờ khi những ngày dài u ám kéo dài mãi tới tháng ba.

Thế nhưng dù thời tiết như vậy, vẫn luôn luôn có điều đặc biệt trong mùa đông: Mùa Chúa Giáng Sinh ! Dù sau có dẹp hết đồ trang trí, thực tại Giáng sinh đã nâng cao trong tâm hồn tôi, vì sự sự ra đời của Chúa Cứu Thế, thì mùa đông sẽ không còn u ám, tối tăm; nhưng có hy vọng được Thiên Chúa làm người đồng hành, hiện diện và ở cùng tôi mọi lúc khó khăn cuộc đời.

Vì thế, giữa cuộc đời rối ren này, tôi đã kêu lên: “ Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng mong mỏi đưọc tìm Ngài, lạy Chúa (Tv. 42, 2)

Trong chuyện về Narnia của Lewis, ông Tumnus than phiền rằng ở Narnia: “Luôn luôn chỉ có mùa đông mà không hề có Giáng Sinh.” Nhưng đối với tôi là người biết Thiên Chúa là Đấng làm ra các mùa, thì luôn luôn có Chúa Giáng Sinh trong lòng tôi.

!! -- Joe Stowell

II- Câu Kinh Thánh đánh động bạn và tôi chọn sống tuần này:

Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.(câu 24)

III- Bạn và tôi cùng Cầu nguyện và Sống với Lời Chúa:

Lạy Cha, ông Giuse đã đã vâng lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Xin giúp con biết chu toàn trách nhiệm hôm nay trong gia đình và cộng đoàn, mà Cha đã giao phó trong mọi địa vị và hoàn cảnh với tấm lòng luôn khiêm tốn và lắng nghe để làm sáng danh Chúa. Con noi gương Mẹ Maria lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Amen.

Lời hay ý đẹp: HÃY ĐỂ CHO THỰC TẠI GIÁNG SINH XUA ĐUỔI NHỮNG NHẢM NHÍ TRONG MÙA ĐÔNG.

(Let the reality of Chistmas chase away the blashs of winter)

Chúa phải được nổi bật lên, còn tôi thì lu mờ đi. (Ga 3, 30)

Phó tế: JB. Maria Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kết hiệp với Chúa Giêsu chịu đóng đanh cho ơn cứu rỗi của mọi người tội lỗi
Linh Tiến Khải
09:44 16/12/2010
Trưởng thành trong cuộc sống đức tin, hiệp nhất với Giáo Hội, Hiền thê của Chúa Kitô và tham dự vào tình yêu đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đanh cho ơn cứu rỗi của mọi người tội lỗi.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lới mời gọi trên đậy trong buổi tiếp kiến chung hơn 7.000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 15-12-2010.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt phụ nữ thần bí khác sống vào thế kỷ XVII: đó là thánh nữ Veronica Giuliani mà ngày 27 tháng 12 này là lễ kỷ niệm 350 năm sinh ra. Tín hữu thành phố Castello nơi thánh nữ sống lâu năm và qua đời, cũng như tín hữu Mercatello là quê sinh của thánh nữ, đang vui mừng chuẩn bị cho ngày kỷ niệm này. Đức Thánh Cha nói về tiểu sử thánh nữ như sau:

Veronica sinh ngày 27 tháng 12 năm 1660 tại Mercatello trong thung lũng Metauro, từ ông Francesco Giuliani và bà Benedetta Mancini. Là con gái út trong gia đình có 7 chị em, trong đó có 3 người khác cũng đi tu dòng kín, cô bé được đặt tên là Orsola. Mồ côi mẹ năm lên 7 tuổi cha cộ dọn về tỉnh Piacenza sinh sống như là giám đốc thuế vụ vùng đất của quận công Parma. Chính tại đây Orsola cảm nhận ước muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa Kitô, ngày càng mãnh liệt tới độ năm lên 17 tuổi cô gia nhập đan viện nhặt phép các Nữ Tu Clarét Capucino tỉnh Castello và sống tại đây cho tới chết. Tại đây chị nhận tên mới là Veronica, có nghĩa là “hình ảnh thật”, và qủa vậy, chị sẽ trở thành một hình ảnh thật của Chúa Kitô Chịu Đóng Đanh. Một năm sau chị khấn trọn và bắt đầu con đường trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô qua nhiều việc hãm mình, chịu đau khổ lớn lao và vài kinh nghiệm thần bí gắn liền với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu: đội mũ gai, đính hôn thần bí, bị thương tích nơi trái tim và mang các dấu thánh. Năm 1716 khi được 56 tuổi chị trở thành viện mẫu của đan viện và sẽ được tái nhiệm cho tới khi qua đời năm 1727 sau một cuộc hấp hối đau đớn kéo dài 33 ngày, đạt tột đỉnh với niềm vui sâu thẳm tới độ các lời cuối cùng của chị là: ”Tôi đã tìm thầy Tình Yêu, Tình Yêu đã để cho mình được xem thấy! Đây là lý do nỗi khổ đau của tôi. Hãy nói điều này cho mọi chị em, hãy nói điều này cho mọi chị em!” (Summarium Beatificationis, 115-120). Ngày mùng 9 tháng 7 chị rời căn nhà trần thế để về gặp gỡ Thiên Chúa, thọ 67 tuổi, sau 50 năm sống trong đan viện thành phố Castello. Chị được Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI tôn phong hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha cho biết chị Veronica Giuliani đã viết rất nhiều: thư tín, tự thuật, và làm thơ. Nhưng nguồn tài liệu chính giúp hiểu biết cuộc đời chị là cuốn ”Nhật ký” chị bắt đầu viết năm 1693 gồm 23.000 trang viết tay, bao gồm 34 năm sống đời đan tu, tự nhiên, trôi chảy không có một nét xóa hay sửa chữa nào cũng không ngắt quãng hay chia thành chương thành phần theo một dư án đã định sẵn. Chị Veronica không muốn viết một tác phẩm văn chương, nhưng chị bị cha Girolamo Bastianelli, tu sĩ dòng Philipini, bắt viết lại các kinh nghiệm thiêng liêng của chị với sự đồng ý của Đức Cha Antonio Eustachio Giám Mục sở tại.

Đề cập tới nền tu đức của thánh Veronica Giuliani Đức Thánh Cha nói: Thánh nữ Veronica có một nền tu đức mang đậm tính cách kitô học và hôn nhân: đó là kinh nghiệm được yêu thương bởi Chúa Kitô, Phu Quân trung tín và chân thành, và muốn đáp trả lại với một tình yêu luôn ngày càng lôi cuốn và đam mê hơn. Nơi chị mọi sự đều được giải thích trong chìa khóa của tình yêu, và điều này trao ban cho chị một niềm an bình thanh thản sâu xa.

Chúa Kitô mà Veronica kết hiệp sậu đậm, là Chúa Kitô đau đớn của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh. Đó là Chúa Giêsu trong cử chỉ dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa Cha để cứu rỗi chúng ta. Từ kinh nghiệm đó cũng phát xuất ra tình yêu mạnh mẽ khổ đau đối với Giáo Hội trong hình thái hai mặt của lời cầu nguyện và hiến dâng. Thánh nữ sống trong nhãn quan này: cầu nguyện, đau khổ và tìm kiếm ”sự nghèo nàn thánh thiện”, như ”đánh mất đi chính mình” để nên giống Chúa Kitô, Đấng đã hoàn toàn tự hiến. Trong mỗi trang viết Veronica đều phó thác một ai đó cho Chúa, bằng cách dâng lời cầu nguyện và mọi khổ đau của chị để cầu bầu cho họ. Con tim của chị nở lớn cho tất cả mọi nhu cầu của Hội Thánh, và lo lắng cho ơn cứu rỗi của thế giới và toàn vũ trụ. Chị kêu lên: ”Ôi, các kẽ tội lỗi nam nữ hãy đến cùng trái tim Chúa Giêsu, hãy đến tắm rửa trong máu châu báu của Người... Người chờ đợi anh chị em với cánh tay rộng mở để ôm lấy anh chị em”(Ibid, II,16-17).

Đức Thánh Cha nói tiếp về cung cách sống của thánh nữ Veronica như sau: được linh hoạt bởi tình yêu, chị chú ý, thông cảm và tha thứ cho mọi chi em trong đan viện; chị đâng lời cầu ngyện cho Đức Giáo Hoàng, cho Giám Mục sở tại, cho các linh mục và mọi người túng thiếu, kể cả các linh hồn trong luyện ngục. Chị tóm tắt sứ mệnh chiêm niệm của chị trong các lời sau đây:”Chúng ta không thể đi rao giảng trên thế giới để hoán cải các linh hồn, nhưng chúng ta có bổn phận phải liên tục cầu nguyện cho tất cả các linh hồn xúc phạm đến Thiên Chúa... đặc biệt với các khổ đau của chúng ta, nghĩa là với một nguyên tắc sống bị đóng đanh” (Ibid, IV, 877). Và chị coi sứ mệnh đó như là ”ở giữa” loài người và Thiên Chúa, giữa kẻ tội lỗi và Chúa Kitô Chịu Đóng Danh.

Chị tham dự sâu xa vào tình yêu khổ đau của Cúa Giêsu vì xác tín rằng ”đau khổ trong tươi vui” là ”chìa khóa của tình yêu”. Chị minh nhiên rằng Chúa Giêsu đau khổ vì các tội lỗi của loài người, nhưng cũng vi các khổ đau mà các tôi tớ trung thành phải chịu dọc dài lịch sử Giáo Hội vì đức tin vững chãi và trung thực của họ nữa... Chị xin Chúa cho chị được đóng đánh với Chúa. Chị viết: ”Trong môt thoáng, tôi thấy từ Năm vết thương rất thánh của Chúa năm luồng sáng rạng ngời; và tất cả hướng về phía tôi. Và tôi thấy các luồng sáng đó trở thành các ngọn lửa nhỏ. Bốn ngọn có các đanh và một ngọn có lưỡi đòng như bằng vàng, hoàn toàn bốc lửa: và nó đâm thấu tim tôi từ bên này sang bên kia và các đinh xuyên qua các tay và chân, tôi cảm thấy rất đau đớn, nhưng trong nỗi đau đớn tôi thấy mình, tôi nghe mình được hoàn toàn biến đổi trong Thiên Chúa” (Diario, I, 897).

Thánh nữ Veronica cũng xác tín đã được tham dự vào Nước của Thiên Chúa, đồng thời chị cũng khẩn cầu các Thánh trên Quê hương vĩnh phúc để họ trợ giúp chị tiến bước trên con đường tậm hiến, chờ ngay được hưởng hạnh phúc bất diệt. Trong bối cảnh thời đó hay giảng về việc cứu rỗi các linh hồn, chị mạnh mẽ liên đới và hiệp thông với mọi anh chi em khác, cầu nguyện và chịu đau khổ cho tất cả mọi người... Chị minh xác sự tận hiến cho giáo hội và cho thấy tương quan giữa Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội thiên quốc... Trong các bút tích của chị có rất nhiều câu trích kinh thánh. Nó chứng minh cho thấy chị quen thuộc với Thánh Kinh và dưỡng nuôi mình bằng lời Chúa, cũng như sống dâu đậm các lễ nghi phụng vụ trong năm... Chị hay dùng kiểu nói của thánh Phaolô để diễn tả sự tin cậy lớn lao nơi Thiên Chúa ”Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta” (Rm 8,31), và chị xác tín rằng cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Đức Thánh Cha kể thêm một đặc tính khác trong cuộc sống của thánh nữ Veronica như sau:

Chị Veronica đặc biệt vén mở cho thấy chị là một chứng nhân can đảm của vẻ đẹp và quyền năng của Tình Yêu thiên chúa, lôi kéo, thấm nhập và đốt cháy chị. Đó là Tình Yêu chịu đóng đanh in trên thân xác của chị, như trên thân xác của thánh Phanxicô thành Assisi, với các dấu thánh của Chúa Giêsu. Chúa thì thầm với chị: ”Hỡi hiền Thê của Anh, Anh yêu thích các hy sinh hãm mình em làm cho những kẻ xúc phạm tới Anh... Rồi rời một cánh tay khỏi thập giá, Người ra dấu cho tôi tới tới gần cạnh sườn Người... Và tôi ở trong vòng tay ôm của Đấng bị đóng đanh. Điều mà tôi cảm nhận được lúc đó tôi không thể kể lại được: tôi đã muốn ở luôn mãi trong cạnh sườn cực thánh của Người” (ibid. I, 37).

Chị Veronica cũng sống tương quan rất thân tình với Đức Trinh Nữ Maria. Một ngày Đức Mẹ nói với chị: ”Mẹ làm cho con nghỉ yên trong lòng mẹ, con sẽ hiệp nhất với linh hồn mẹ, và từ đó con như được bay tới trước Thiên Chúa” (IV, 90).

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: thánh nữ Veronica mời gọi chúng ta lớn lên trong cuộc sống kitô, kết hiệp với Chúa trong việc sống cho tha nhân, phó thác cho thánh ý Người với lòng tin tưởng hoàn toàn và trọn vẹn và hiệp nất với Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô. Chị mời gọi chúng ta tham dự vào tình yêu đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đanh cho ơn cứu rỗi của mọi người tội lỗi. Chị mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Thiên Đàng, là đích điểm con đường dương thế của chúng ta, nơi chúng ta sẽ cùng với biết bao nhiêu anh chị em khác sống niềm vui của sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Chị mời gọi chúng ta dưỡng nuôi mình bàng Lời Chúa mỗi ngày để hâm nóng con tim và định hướng cuộc đời chúng ta.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã chúc mọi người lễ Giáng Sinh tươi vui và tràn đầy ơn thánh Chúa. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Đức Thánh Cha ngợi khen nữ tu thần nghiệm người Ý đã đồng hóa với Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
10:43 16/12/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI ngợi khen một nữ tu người Ý thuộc thế kỷ thứ 17 mà việc đồng hóa hoàn toàn với Chúa Giêsu Kitô có kết quả là bà đã có năm dấu thánh và những dấu chỉ hiển nhiên khác về sự hiệp thông bí nhiệm với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói đến Thánh Veronica trong buổi triều kiến chung hàng tuần trong Sảnh Đường Phaolô VI ngày 15 tháng 12: “Thánh Veronica Giuliani, sanh tại Miền Umbria nước Ý năm 1660, vào tu viện kín của Dòng Capuchin Khó Nghèo Clares ở thành Citta di Castello năm 16 tuổi, nơi bà đã sống cho đến khi qua đời năm 1727.”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta biết nhiều về Thánh Veronica, vì bà đã viết rất nhiều lá thư, các bài suy niệm, và các bài thơ. Nhưng đa số các tư tưởng của bà nằm trong nhật ký của bà, trong đó bà ghi chép 34 năm trời của đời sống khổ tu trong 22.000 trang viết tay.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Thánh Veronica cảm nhận một sự đồng hóa sâu xa với Chúa Kitô bị đóng đinh. Trong nhật ký của bà, bà viết là bà xin Người cho bà được cùng đóng đinh với Người.”

Đức Thánh Cha trích dẫn đoạn bà mô tả một thị kiến trong đó bà thấy: “năm tia sáng huy hoàng chiếu tỏa từ các vết thương của Người vào tôi. Bốn tia sáng biến thành những cái đinh, và một tia sáng biến thành một ngọn lửa như một chiếc dáo mầu vàng đâm thấu tim tôi. Những cái đinh thì đâm qua tay và chân tôi.”

Đức Thánh Cha nói: Bà viết là vào lúc đó bà cảm thấy mình “hoàn toàn bị biến đổi trong Chúa. Ngài nói rằng các vết thương của năm dấu và mão gai đã đánh dấu Thánh Veronica.

Ngài tiếp: “Sự gần gũi của bà đối với Thiên Chúa và Chúa Kitô ban cho bà ý niệm về mục đích đời sống của bà.”
 
Đức Thánh Cha kêu gọi quốc tế thực thi tình huynh đệ
LM Trần Đức Anh OP
11:53 16/12/2010
VATICAN. Sáng 16-12-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến các vị đại sứ 5 nước là Nepal, Zambia, Andorra, Seychelles và Mali đến trình quốc thư. Ngài cổ võ cộng đồng thế giới sống thực tình huynh đệ.

Trong diễn văn chào mừng các vị tân đại sứ, ĐTC ghi nhận lý tưởng đẹp đẽ về tình huynh đệ hiện diện trong khẩu hiệu của nhiều quốc gia, nhưng phần lớn nguyên tắc này chỉ là những dòng chữ chết trong các xã hội chính trị cận đại và hiện nay, nhất là vì ảnh hưởng của các ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa hoặc duy tập thể.

ĐTC đề cao tầm quan trọng của tình huynh đệ và nhấn mạnh rằng ”Để sống xứng đáng, mỗi người đều cần được tôn trọng, cần được công lý và các quyền của họ cần được nhìn nhận một cách cụ thể. Nhưng điều này vẫn chưa đủ để sống một cuộc sống hoàn toàn xứng với con người, vì con người còn cần tình huynh đệ nữa. Đây là sự thực không những trên bình diện các quan hệ thân cận, nhưng cả trên bình diện hoàn cầu nữa.. Đức Phaolô 6 đã từng khẳng định rằng ”Chậm tiến có một nguyên do sâu xa, đó là thiếu tình huynh đệ” (Populorum progessio, 20).

ĐTC cũng nói về sự đóng góp của Giáo Hội trong việc cổ võ và thực thi tình huynh đệ, theo giáo huấn của Chúa Kitô cũng như sứ mạng Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội. (SD 16-12-2010)
 
Công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Hòa bình thế giới 2011
LM Trần Đức Anh OP
11:55 16/12/2010
VATICAN. Sáng 16-12-2010, Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày hòa bình thế giới 1-1-2011 sắp tới đã được công bố với chủ đề ”Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình”.

Sứ điệp được ĐHY Peter Turkson, người Ghana, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh, cùng với vị Tổng thư ký là Đức Cha Mario Toso SDB, giới thiệu với giới báo chí trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Sứ điệp của ĐTC gồm 15 đoạn, trong đó ngài nói đến tầm quan trọng, ý nghĩa và nguồn gốc của tự do tôn giáo, tương quan giữa quyền tự do này với hòa bình, chiều kích công cộng của tôn giáo và những nguy cơ lạm dụng tự do tôn giáo.

ĐTC đặc biệt tố giác trào lưu cực đoan và sự thù nghịch chống các tín hữu Kitô do quan niệm duy đời cực đoan (laicisme). Ngài viết: ”Xã hội nào muốn áp đặt, hoặc trái lại, muốn dùng bạo lực để chối bỏ tôn giáo, là một xã hội bất công đối với con người và Thiên Chúa, và đối với cả chính mình nữa”.

ĐTC lên án các cuộc bách hại và kỳ thị tôn giáo nhất là những hành động bạo lực và bất bao dung chống tôn giáo dựa trên tôn giáo. Ngài khẳng định rằng: ”Đặc biệt tại Á, Phi, nạn nhân chính của những vụ này là thành phần các nhóm tôn giáo thiểu số: họ bị cấm không được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc thay đổi tôn giáo, bằng những hành động dọa nạt hoặc vi phạm các quyền và tự do căn bản, cũng như những thiện ích của cải cơ bản của họ, thậm chí đến độ cầm tù hoặc tước đoạt sự sống của họ”.

ĐTC không quên lên án những hình thức thù nghịch một cách tinh vi hơn, chống lại tôn giáo, như ta thấy tại nhiều nước tây phương. Những hình thức đó được diễn tả qua sự chối bỏ lịch sử và các biểu tượng tôn giáo trong đó có phản ánh căn tính và văn hóa của đại đa số công dân. Những hình thức ấy thường nuôi dưỡng sự oán ghét và thành kiến, và không phù hợp với quan niệm thanh thản và quân bình về sự đa nguyên và đặc tính đời của các tổ chức, không kể sự kiện chúng có thể ngăn cản các thế hệ trẻ tiếp xúc với gia sản tinh thần quí giá của đất nước họ”.

Bài giới thiệu của ĐHY Turkson

1. Dẫn nhập

Sứ điệp gồm có lời ĐTC chúc mừng Năm Mới, và nhắc đến cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô tại Irak. Trong phần chính của sứ điệp, ĐTC trình bày ý nghĩa tự do tôn giáo và những thể thức khác nhau qua đó tự do này dẫn đến hòa bình và những kinh nghiệm về hòa bình, và sau cùng là kết luận suy tư về hòa bình như một hồng ân của Thiên Chúa và đồng thời cũng là công trình của những người nam nữ thiện chí, và trước tiên là của các tín hữu.

ĐHY Turkson nhận xét rằng Tự do tôn giáo là đề tài sứ điệp của ĐTC cho ngày Hòa Bình thế giới sắp tới, không những vì đề tài này ở trọng tâm đạo lý xã hội Công Giáo, nhưng còn vì cuộc sống tự do tôn giáo - như một ơn gọi cơ bản của con người, một nhân quyền bất khả nhượng và phổ quát, và là một chìa khóa hòa bình - tự do ấy tiếp tục bị đe dọa:

- trước tiên từ phía trào lưu tục hóa quá khích, tỏ ra bất bao dung đối với Thiên Chúa và mọi hình thức biểu lộ tôn giáo

- tiếp đến là từ phía trào lưu cực đoan về tôn giáo, chính trị hóa tôn giáo và áp đặt các đạo của nhà nước;

- ngoài ra, tự do tôn giáo cũng bị đe dọa vì sự nảy sinh trào lưu duy tương đối về văn hóa và tôn giáo ngày càng lan tràn và mạnh mẽ ngày nay.

Chính sự hoàn cầu hóa - vốn làm gia tăng sự lệ thuộc nhau và những hình thức quan hệ mới, sự đi lại dễ dàng hơn của con người, sự đối chiếu giữa các nền văn hóa và tôn giáo, - cũng bị lợi dụng, nhất là trong lãnh vực tôn giáo, để đạt tới hậu quả đối ngược là làm cho nền văn hóa của nhân loại trở nên nghèo nàn hơn và xúi giục thái độ bất bao dung, phủ nhận và chối bỏ quyền tự do tôn giáo.

Trong Sứ điệp, ĐTC coi việc bảo vệ tự do tôn giáo trong thế giới đa văn hóa, đa tôn giáo và bị tục hóa ngày nay như một trong những cách thức để bảo vệ hòa bình thế giới.

2. Bối cảnh

Sang đến bối cảnh Sứ điệp của ĐTC, ĐHY Turkson nhắc lại rằng một trong những nghĩa vụ quan trọng được đề ra cho thế giới chúng ta sau thế chiến thứ hai là việc soạn thảo, chấp nhận và công bố Tuyên ngôn Quốc Tế nhân quyền năm 1948. Bối cảnh khiến LHQ đề ra tuyên ngôn này chính là các ý thức hệ độc tài, những bất công và kinh hoàng do chiến tranh. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là một đại hiến chương về sự bao dung, tôn trọng lẫn nhau, công lý, hòa bình, công ích của nhân loại. Điều số 18 của Tuyên ngôn khẳng định tự do tôn giáo như sau: ”Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, quyền này bao gồm tự do thay đổi tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và tự do biểu lộ một cách biệt lập hoặc chung, công khai hoặc riêng tư, tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình qua việc phụng tự, giảng dạy, thực hành và tuân giữ các lễ nghi”.!

ĐGH Biển Đức 16 đã ca ngợi Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền vì đã ”cho phép các nền văn hóa khác nhau, các hệ thống pháp lý và kiễu mẫu định chế đồng quy chung quanh một nòng cốt cơ bản của các gia trị, và các quyền, nhưng ĐTC cũng tỏ ra lo âu vì càng ngày càng có những tổ chức phủ nhận tính chất phổ quát của các quyền ấy nhân danh những quan điểm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí cả tôn giáo nữa.

Sứ điệp của ĐTC nhắc đến vụ Lautsi được đưa ra trước tòa án nhân quyền Âu Châu nhắm chống treo thánh giá tại các trường công lập ở Italia, vụ bà Asia Bibi ở Pakistan bị kết án tử hình về tội gọi là phạm thượng chống Hồi giáo, hoặc trường hợp các tín hữu Kitô bị kỳ thị ở miền nam Sudan, tại Trung Đông, hoặc có những bác sĩ không được giấy phép hành nghề vì không muốn phá thai, hoặc trường hợp những nước đang trên đường phát triển từ chối không những viện trợ có kèm theo những điều kiện đi ngược với xác tín tôn giáo và luân lý của họ, v.v..

Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa bình thế giới 2011 được gửi đến những người thiện chí. Văn kiện này nằm trong bối cảnh vừa nói và ngài nhắc đến những vụ phủ nhận quyền phổ quát về tự do tôn giáo dựa trên một sự lèo lái về văn hóa, chính trị và tôn giáo, kể cả từ phía những quốc gia đã phê chuẩn Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Sự phủ nhận này làm lu mờ sự thật về con người, coi rẻ phẩm giá con người, làm thương tổn sự tôn trọng các quyền của người khác, và xét cho cùng, thái độ ấy đe dọa hòa bình thế giới.

3. Các đề tài

Tiếp tục bài giới thiệu Sứ điệp hòa bình của ĐTC, ĐHY Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình nói đến các đề tài chính của Sứ điệp.

- trước tiên là bản chất tự do tôn giáo. Tự do này là một con đường dẫn tới hòa bình vì nó ăn rễ sâu nơi nơi phẩm giá con người, vốn có một ơn gọi siêu việt. Tự do tôn giáo diễn tả khả năng và ước muốn của mỗi người tìm cách thể hiện hoàn toàn bản thân trong tương quan cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tự do tôn giáo diễn tả sự tìm kiếm một ý nghĩa trong cuộc sống và khám phá các giá trị cũng như các nguyên tắc làm cho cuộc sống được tràn đầy ý nghĩa, hoặc một mình hoặc chung với cộng đoàn. Xét cho cùng, tự do tôn giáo diễn tả khả năng của con người trong việc tìm kiếm chân lý về Thiên Chúa và về chính mình, xét vì con người kiến tạo một xã hội trần thế báo trước xã hội quốc, xã hội công bằng, hòa bình và hạnh phúc.

- đề tài thứ hai là quyền tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo được coi như một quyền con người không phải vì Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ đã khẳng định. Tự do tôn giáo không phải là một quyền do Nhà nước ban phát. Nền tảng của nó không phải do sự thiết định của con người. Cùng với các quyền khác, tự do tôn giáo xuất phát từ luật luân lý tự nhiên và từ phẩm giá còn người, vốn là thành phần công trình sáng tạo của Thiên Chúa, như Đức Gioan 23 và đạo lý kế tiếp của Giáo Hội đã dạy. Và như ĐTC Biển Đức 16 đã nhắc đến trong sứ điệp Hòa bình năm 2011, Nhà nước và các tổ chức công cộng khác cần phải nhìn nhận quyền tự do tôn giáo như một điều nội tại đối với con người, như một yếu tố không thể thiếu được để bảo vệ sự toàn vẹn của con người và hòa bình.

- Một đề tài khác cũng được ĐTC đề cập đến trong sứ điệp là: tự do tôn giáo và nghĩa vụ của chính quyền. Mặc dù tự do tôn giáo không cần nhà nước để được thiết lập, và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền cũng qui định điều này là: quyền tự do tôn giáo không phải là một quyền vô giới hạn. Để bảo đảm cho tự do tôn giáo phục vụ hòa bình và không bị lạm dụng như trong vụ mục sư Jim Jones và nhóm của ông ở Guyanna, Sứ điệp của ĐTC viết ”giới hạn đúng đắn trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo phải được xác định trong mọi hoàn cảnh xã hội một cách khôn ngoan về chính trị, theo những đòi hỏi của công ích” (n.10).

- Một vấn đề khác được bàn tới trong sứ điệp là tự do tôn giáo và sự tìm kiếm chân lý. Tự do tôn giáo là tự do không bị cưỡng bách và tự do đối với sự thật, như ĐTC đã nhắc trong số 3 của Sứ điệp: chân lý tôn giáo được hướng về sự tìm kiếm Thiên Chúa đấng Tạo Hóa. Chính sự thật tuyệt đối về Thiên Chúa, ước muốn của tâm hồn con người, khơi dậy nơi họ lời đáp trả bằng cách tự do gắn bó với chân lý ấy. Tự do tôn giáo nói về quyền của con người được diễn tả khả năng đón nhận Thiên Chúa: tự do của con người đáp lại chân lý về bản chất của mình trong tư cách đã được Thiên Chúa dựng nên và được tạo thành để sốngvới thiên Chúa, không bị cưỡng bách hay cản trở. Chính nhờ đó con người tìm được niềm an bình của mình và trở thành một dụng cụ thòa bình.

- Tự do tôn giáo và căn tính. Trong đoạn số 11 của Sứ điệp ĐTC nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo không có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều như nhau. Tự do ấy cũng không phải là động lực đưa tới thái độ duy tương đối về tôn giáo hoặc dửng dưng. Tự do tôn giáo có thể dung hợp với sự bảo vệ căn tính tôn giáo của mình chống lại sự duy tương đối, tôn giáo hỗn hợp và thái độ tôn giáo cực đoan: đó là những hình thức lạm dụng tự do tôn giáo.

ĐTC cũng nêu bật chiều kích cộng đoàn của tự do tôn giáo. Tự do này diễn tả tính chất cá nhân đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn (n.6). Tự do tôn giáo không chỉ thu hẹp vào việc tự do phụng tự. Nó cũng có một chiều kích công cộng, điều này cho phép các tín hữu được góp phần xây dựng trật tự xã hội. Ở đây chúng ta nhắc đến 4 người đã kiến thiết Liên hiệp Âu Châu đó là Adenauer người Đức, De Gasperi người Ý, Schuman và Monet người Pháp,, các trung tâm huấn luyện và văn hóa của Giáo Hội, rất nhiều dự án phát triển, trợ giúp y tế, giáo dục của Giáo Hội tại các xứ truyền giáo, v.v.

Như ĐTC Biển Đức 16 đã khẳng định, đạo lý xã hội của Công Giáo được đề ra là để đòi quyền công dân cho Giáo Hội Công Giáo. Phủ nhận quyền được tuyên xưng tôn giáo của mình nơi công cộng và quyền đưa chân lý đức tin để nâng đỡ đời sống xã hội sẽ đưa tới những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển đích thực. Đồng thời, việc không nhìn nhận sự đóng góp cho xã hội, dựa trên chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt đối chắc chắn sẽ dành ưu tiên cho lối tiếp cận cá nhân chủ nghĩa và làm băng hoại sự thống nhất của nhân vị.

Việc thực thi quyền tự do tôn giáo như con đường dẫn đến hòa bình bao hàm việc nhìn nhận sự hòa hợp cần phải có giữa hai lãnh vực và hình thức cuộc sống: riêng tư và công cộng, cá nhân và cộng đoàn. Một tín hữu Công Giáo không phải chỉ là một chủ thể có quyền tự do tôn giáo, nhưng còn là thành phần của một tập thể. Vì thế, khi tùng phục tập thể ấy không phải là mất tự do. Nó trở thành biểu hiệu sự trung thành với tập thể và sự trung thành chính là sự phát triển tự do.

- Vấn đề Tự do tôn giáo và Nhà Nước. Sứ điệp của ĐTC khẳng định rằng mặc dù tự do tôn giáo không do nhà nước tạo nên, nhưng Nhà nước phải nhìn nhận tự do tôn giáo như là điều nội tại đối với con người cũng như nhìn nhận những hình thức diễn tả tự do tôn giáo ấy một cách công cộng và cộng đoàn. Sự nhìn nhận tự do tôn giáo và tôn trọng phẩm giá nội tại của mỗi người cũng bao hàm nguyên tắc Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cộng đoàn, xã hội và quốc gia. ”Mỗi nhà nước có nghĩa vụ đầu tiên phải bảo vệ dân chúng của mình chốn glại những vi phạm trầm trọng và liên tục đối với các quyền con người... Nếu Nhà nước không có khả năng bảo vệ như thế, thì cộng đồng quốc tế phải can thiệp bằng những phương tiện pháp luật đã được Hiến chương LHQ trù liệu và qua các văn kiện quốc tế khác”.

- Tự do tôn giáo được thúc đẩy do tình liên đới chứ không phải do sự hỗ tương (réprocité). Những lời kêu gọi của Giáo Hội cho tự do tôn giáo không nhắm đòi hỏi đặc tính hỗ tương của một cộng đoàn tín hữu. Đúng ra, những lời kêu gọi tự do tôn giáo dựa trên phẩm giá của con người, Chúng ta tôn trọng các quyền của người khác vì đó là điều đúng đắn phải làm, chứ không phải để được một sự tương đương hay để vì một ân huệ nhận được. Đồng thời khi những người khác chịu bị bách hại tín ngưỡng và bị cấm cản không được thực hành tôn giáo, chúng ta cảm thông và liên đới với họ.

4. Trong phần kết luận, ĐTC nói đến tự do tôn giáo và nghĩa vụ truyền giáo. Nghĩa vụ Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ của ngài ra đi rao giảng tin Mừng cho thế giới đưa chúng ta đến chỗ cứu xét quan hệ giữa tự do và chân lý tron gviệc thực thi tự do tôn giáo. Như thánh Augustino đã nhận xét, không có gì mà linh hồn mong ước mạnh mẽ hơn là chân lý. Và tự do đích thực mong muốn chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa. Toàn thể việc loan báo Tin Mừng, là một cố gắng khơi dậy tự do, tự do tôn giáo của con người, để họ mong ước và đón nhận chân lý Tin Mừng. Chân lý Phúc Âm có đặc tính duy nhất vì là chân lý cứu độ (Mt 16,15-16). Chân lý này khác với các chân lý khác vốn là thành quả hoạt động tri thức của con người.

Vì thế, nghĩa vụ truyền giảng Tin Mừng không trái ngược và không chống lại ý nghĩa của tự do tôn giáo. Đúng hơn việc rao giảng Tin Mừng khơi dậy tự do tôn giáo của mỗi người và hướng dẫn tới chân lý cứu độ, với hy vọng rằng con người, trong tự do tôn giáo của họ, mong ước và đón nhận chân lý cứu độ. Khi đón nhận như thế, mọi tự do tôn giáo được hưởng an nình được ban cho mọi người Chúa thương!
 
Trung Đông: một di tích tu viện Kitô giáo cổ xưa mở cửa cho công chúng tham quan
Tiền Hô
13:40 16/12/2010
Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), 16 Tháng Mười Hai 2010 (CNA) - Di tích một tu viện và nhà thờ Kitô giáo thuộc nhánh dòng Nestorian cổ xưa trên đảo Sri Bani Yas ở UAE đã được mở cửa cho công chúng tham quan, sự kiện này cung cấp một cái nhìn quan trọng về giai đoạn lịch sử trước khi có Hồi giáo tại khu vực Trung Đông.

Khu vực này được khai quật trong thập niên 1990 và được cho là một phát hiện chưa từng có trên đảo này, cách thủ đô Abu Dhabi 160 dặm về phía tây nam. Với một tổ hợp nhiều công trình xây dựng nằm ở phía đông của đảo, đây khu vực Kitô giáo (giai đoạn trước Hồi giáo) được duy nhất biết đến ở UAE. Theo tờ Nhật Báo Khảo Cổ (Archaeology Daily), tổ hợp trên bao gồm các căn phòng, nhà bếp, chuồng trại nằm xung quanh một sân nhà thờ. Có ít nhất tám căn nhà đã được khai quật. Tu viện này được cho là một điểm đến quan trọng của khách hành hương trên tuyến đường thương mại sang Ấn Độ.

"Hai mươi năm trước, chúng tôi không dám nghĩ là Kitô giáo đã đi xa về phía nam và phía đông ở Vùng Vịnh Ả Rập như vậy", Tiến sĩ Joseph Elders - giám đốc dự án khai quật này nhận xét. "Điều này cho thấy Kitô giáo đã được truyền bá xa hơn chúng ta từng nghĩ trước đây... Chúng ta không có nhiều tu viện trong thời kỳ này".

Khách hành hương đã cầu nguyện hoặc để lại đồ dâng cúng trong một phòng khách riêng biệt ở khu tổ hợp tu viện. Tại đây còn có một nhà thờ và ngôi mộ của một người nào đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi mộ này có thể là của vị thánh sáng lập tu viện.

Peter Hellyer - quản lý dự án khai quật cho biết, khu vực này "thực sự hấp dẫn và quan trọng".

"Nó sẽ làm rõ hơn về di sản của quốc gia này. Hầu hết mọi người đều không hề biết rằng, trong lịch sử, Kitô giáo đã có mặt tại đây trước khi có Hồi giáo", ông Peter nói thêm.

Kitô giáo lan rộng khắp vùng Vịnh Ba Tư từ năm 50 đến 350 sau Công Nguyên. Cư dân có mặt tại đây là một phần của Giáo Hội dòng Nestorian, còn được gọi là Giáo Hội Đông Phương. Tín hữu Nestorian từ chối danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa" ("Theotokos") của Đức Maria và bị Giáo Hội Chính Thống Giáo coi là lạc giáo bởi vì chỉ tin về nhân tính của Chúa Giêsu Kitô chứ không tin thần tính của ngài.

Các cộng đoàn tại đảo Sir Bani Yas được thiết lập từ sự pha trộn cư dân dọc theo Vùng Vịnh và dân địa phương nói tiếng Syria và tiếng Ả Rập. Khu vực trên còn cho thấy các tu sĩ có mối liên hệ với các vùng khác như Iraq ngày nay, Ấn Độ và Bahrain.

Sự định cư của Kitô giáo tại đây dường như đã bị chấm dứt vào khoảng năm 750, khi Hồi giáo ảnh hưởng và lan rộng. Điều này đã làm các tu sỉ khó có khả năng tìm thêm đệ tử mới, Nhật Báo Khảo Cổ nhận xét.

Sheikh Sultan bin Tahnoun Al Nahyan, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch của UAE thì cho biết, họ "hài lòng" khi khu vực này mở cửa cho công chúng.

"Chúng tôi rất tự hào về di sản của chúng tôi, và do đó đang tập trung vào việc tạo ra một điểm đến du lịch có nhiều trải nghiệm, nơi mà du khách có thể thưởng thức nhiều hoạt động. Đồng thời bảo vệ và bảo tồn lịch sử và văn hóa của nước chúng tôi, cũng như môi trường tự nhiên của đảo này".

Tiến sĩ Elders cũng là chủ tịch nhà khảo cổ học của Giáo hội Anh, ông lưu ý rằng, sự có mặt của Kitô giáo vẫn tiếp tục duy trì ngay cả sau khi Hồi giáo đã lan rộng.

"Tu viện ấy vẫn tiếp tục ít nhất là một thế kỷ sau khi Hồi giáo xuất hiện, nó cho thấy sự khoan dung của người Hồi giáo gần với khu thánh địa trung tâm của họ". Ông nói. "Chúng ta biết rằng có những câu chuyện nói về mọi người sống hòa hợp cùng nhau".
 
Tự do tôn giáo và làn sóng cấm cách chống lại các Kitô hữu làm Đức Thánh Cha quan ngại sâu xa
Đặng Tự Do
16:22 16/12/2010
Tự do tôn giáo và hiện trạng là ngày nay các Kitô hữu trên thế giới giữ đạo càng ngày càng vất vả khó khăn hơn là điều Đức Thánh Cha đặc biệt quan ngại trong Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011.

Điều này đã được Đức Thánh Cha nêu lên với các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh trong cuộc gặp gỡ gần đây. Đó cũng là điều Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cảnh cáo tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Âu Châu: “Các Kitô hữu đã trở thành nhóm tôn giáo bị kỳ thị và bách hại nặng nề nhất trên thế giới”.

Trong Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011 công bố hôm 16/12, Đức Thánh Cha lặp lại điều đó: “Hiện nay, người Kitô hữu là nhóm tôn giáo chịu bách hại trầm trọng nhất vì đức tin”.

“Nhiều Kitô hữu phải gánh chịu những đau thương hàng ngày và thường xuyên phải sống trong sợ hãi vì theo đuổi chân lý, vì đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô và sự thành tâm ao ước tự do tôn giáo của họ. Tình trạng này là không thể chấp nhận được vì nó tiêu biểu cho một sự sỉ nhục Thiên Chúa và phẩm giá con người. Hơn thế nữa, đó là một mối đe dọa cho an ninh và hòa bình, và là một trở ngại cho việc đạt đến một sự phát triển nhân bản thật sự và toàn bộ”.

Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2011 của Đức Thánh Cha đến nay là một bản phân tích chi tiết nhất về tầm quan trọng của tự do tôn giáo như một nhân quyền căn bản và là một nền tảng cho hòa bình thế giới. Sứ điệp này cũng bao gồm những chỉ trích sắc bén nhất của ngài đối với các bọn cầm quyền và các nhóm phủ nhận quyền này.

“Thật đáng buồn là năm đang kết thúc này lại một lần nữa được đánh dấu bởi bách hại, kỳ thị và các hành vị bạo lực tàn bạo cũng như sự bất khoan dung tôn giáo”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã bắt đầu với việc nhắc đến cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô tại Iraq hôm 31/10 khi họ đang cử hành phụng vụ tại một nhà thờ tại thủ đô Baghdad.

“Tự do tôn giáo là một con đường dẫn tới hòa bình vì nó ăn rễ sâu nơi nơi phẩm giá con người, vốn có một ơn gọi siêu việt. Tự do tôn giáo diễn tả khả năng và ước muốn của mỗi người tìm cách thể hiện hoàn toàn bản thân trong tương quan cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tự do tôn giáo diễn tả sự tìm kiếm một ý nghĩa trong cuộc sống và khám phá các giá trị cũng như các nguyên tắc làm cho cuộc sống được tràn đầy ý nghĩa, hoặc một mình hoặc chung với cộng đoàn.” Chính vì thế các nhà cầm quyền và các nhóm trong xã hội không thể phủ nhận quyền mưu tìm chân lý và sống theo những chân lý mà họ khám phá ra.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo phải nhiều hơn là quyền được giữ đức tin và cầu nguyện cách riêng tư nhưng còn phải bao gồm cả việc bày tỏ đức tin ấy công khai và thiết lập các cơ sở phản ánh niềm tin của họ.

Ngày nay, các tín hữu phải gánh chịu sự bách hại từ các chế độ vô thần và cả các chế độ điều hành bởi các nhóm tôn giáo quá khích.

Đức Thánh Cha lên án bạo lực nhân danh tôn giáo và sự hèn nhát của các chính quyền không dám lên tiếng bênh vực những nhóm tôn giáo thiểu số khỏi những bạo lực này.

“Mặc dù tự do tôn giáo không do nhà nước tạo nên, nhưng nhà nước phải nhìn nhận tự do tôn giáo như là điều nội tại đối với con người cũng như nhìn nhận những hình thức diễn tả tự do tôn giáo ấy một cách công cộng và cộng đoàn. Sự nhìn nhận tự do tôn giáo và tôn trọng phẩm giá nội tại của mỗi người cũng bao hàm nguyên tắc nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cộng đoàn, xã hội và quốc gia. Mỗi nhà nước có nghĩa vụ đầu tiên phải bảo vệ dân chúng của mình chống lại những vi phạm trầm trọng và liên tục đối với các quyền con người”

Hơn thế nữa, “nếu Nhà nước không có khả năng bảo vệ như thế, thì cộng đồng quốc tế phải can thiệp bằng những phương tiện pháp luật đã được hiến chương LHQ trù liệu và qua các văn kiện quốc tế khác”.

Đức Thánh Cha cảnh cáo mạnh mẽ tình trạng tự do tôn giáo tại các nước Á, Phi:

”Đặc biệt tại Á, Phi, nạn nhân chính của những vụ này là thành phần các nhóm tôn giáo thiểu số: họ bị cấm không được tự do tuyên xưng tôn giáo hoặc thay đổi tôn giáo, bằng những hành động dọa nạt hoặc vi phạm các quyền và tự do căn bản, cũng như những thiện ích của cải cơ bản của họ, thậm chí đến độ cầm tù hoặc tước đoạt sự sống của họ”.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đã nói đến tự do tôn giáo và nghĩa vụ truyền giáo. Nghĩa vụ truyền giảng Tin Mừng không trái ngược và không chống lại ý nghĩa của tự do tôn giáo. Thực ra, việc rao giảng Tin Mừng khơi dậy tự do tôn giáo của mỗi người và hướng dẫn tới chân lý cứu độ, với hy vọng rằng con người, trong tự do tôn giáo của họ, mong ước và đón nhận chân lý cứu độ. Khi đón nhận như thế, mọi tự do tôn giáo được hưởng an nình được ban cho mọi người Chúa thương.
 
Top Stories
Pope: Christians are the group which suffers most from persecution
EarthTimes
09:37 16/12/2010
Vatican City - Pope Benedict XVI in a message published Thursday, urged greater freedom of faith around the world, and said Christians are the group which suffers most due to religious persecution.

Benedict's compiled the message for the Catholic church's 44th World Day of Peace which falls on January 1, 2011. The theme is: Religious Freedom, the Path to Peace.

"Sadly, the year now ending (2010) has again been marked by persecution, discrimination, terrible acts of violence and religious intolerance," Benedict said.

"At present, Christians are the religious group which suffers most from persecution on account of its faith," he added

Benedict cited the "beloved country of Iraq" as an example of a "theatre of violence and strife as it makes its way towards a future of stability and reconciliation."

In particular the pontiff referred to "reprehensible" October 31 terrorist attack against a Syro-Catholic cathedral in Baghdad during a holy mass celebration. Over 50 people, including two priests, were killed in the attack.

Benedict also referred to state repression and legal systems that failed to guarantee religious rights.

"It is painful to think that in some areas of the world it is impossible to profess one's religion freely except at the risk of life and personal liberty," the pontiff said.

In some areas "we see more subtle and sophisticated forms of prejudice and hostility towards believers and religious symbols," Benedict said.

Commenting on the pontiff's remarks, the Vatican's top official on social justice issues, Cardinal Peter Turkson of Ghana, cited examples that he said were a "denial" of the article contained in the 1948 Universal Declaration of Human Rights that enshrines religious freedom.

Turkson referred to a European Union Court of Human Rights decision in favour of a woman who had asked for the removal of a crucifix from a classroom wall.

The Vatican has criticised the court's ruling that crucifixes in Italian public schools are contrary to parents' right to educate their children in line with their convictions.

Turkson also mentioned cases of doctors who oppose abortion in line with Catholic church teachings, and are thus "denied a license because the will not terminate pregnancies."

The cardinal also referred to the "denial of aid packages to developing countries who object to aid conditions on religious-moral grounds."

(Source: http://www.earthtimes.org/articles/news/358499,christians-group-suffers-persecution.html)
 
Vietnam: A Saigon, les autorités reprochent aux rédemptoristes de s’engager dans le domaine politique
Eglises d'Asie
11:51 16/12/2010
Le 10 décembre dernier, le supérieur provincial des rédemptoristes vietnamiens a été convoqué par les autorités du troisième arrondissement de Saigon. Voilà déjà longtemps que ses confrères sont dans le collimateur du gouvernement. Depuis le début de l’année 2008, ils s’étaient ouvertement engagés...

... dans la lutte pour la justice, en particulier dans leur paroisse de Thai Ha, à Hanoi. Les réunions de prière organisées par eux, aussi bien à Hanoi qu’à Saigon, ont laissé s’exprimer la solidarité de toute l’Eglise avec les communautés catholiques frappées par l’injustice. Tout cela était explicitement mentionné dans le réquisitoire prononcé contre eux par les responsables administratifs et politiques du troisième arrondissement de Saigon et a servi à étayer l’accusation principale portée contre eux: « Les rédemptoristes sont sortis du cadre religieux qui est le leur, pour entrer dans le domaine politique. »

Le supérieur provincial des rédemptoristes du Vietnam, le P. Vincent Pham Trung Thanh, savait à l’avance que son entretien avec les autorités porterait sur diverses questions. La convocation reçue des autorités le 7 décembre indiquait en effet clairement le thème de la « séance de travail » prévue pour le 10 décembre au siège du Comité populaire du troisième arrondissement de Saigon. La séance porterait sur les infractions commises par un certain nombre de religieux rédemptoristes du 38 de la rue Ky Dong, à Hô Chi Minh-Ville. C’est à cette adresse qu’est située la maison-mère de la congrégation. Les célébrations et les réunions de prières qui y sont organisées attirent régulièrement une foule nombreuse de fidèles catholiques.

Lorsque le père provincial, au jour et à la date fixés, se présenta au siège du Comité populaire, accompagné de son secrétaire et d’un autre religieux, il y trouva la présidente du comité, Mme Nguyên Thi Lê. Avec elle, se trouvaient deux autres membres du Comité populaire ainsi qu’un représentant du Bureau des Affaires religieuses local.

Une fois les préliminaires et les présentations achevées, la présidente entra directement dans le vif du sujet en déclarant que le père provincial portait la responsabilité d’un certain nombre d’activités de ses confrères en infraction avec la loi. Les religieux rédemptoristes, a-t-elle affirmé, se sont servis à des fins politiques de différentes affaires, comme les conflits entre la communauté catholique et les autorités municipales de Hanoi à propos de la délégation apostolique et de la paroisse de Thai Ha. Elle a cité encore le conflit à propos de l’église de Tam Toa, l’affaire de l’exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux du centre Vietnam, les procès intentés par le pouvoir aux dissidents politiques, etc. Le site Internet des rédemptoristes met quotidiennement en ligne des articles rédigés par des prêtres et religieux de la congrégation ainsi que par des membres de l’opposition au gouvernement et au parti dirigeant. La présidente a même précisé que, selon un sondage récemment effectué par la municipalité, sur dix-huit articles examinés, huit avaient une teneur non strictement religieuse.

Tous ces éléments, a ajouté la présidente de l’arrondissement, ont servi de prétexte à l’organisation, sans autorisation du gouvernement, de réunions de prière auxquelles ont été invités un très grand nombre de religieux, prêtres et fidèles de Saigon et d’ailleurs. Le contenu des sujets traités dans ces assemblées outrepassait les limites définies par la loi pour l’expression religieuse.

Les autres membres du Comité populaire qui ont pris la parole après la présidente ont repris les mêmes accusations. Pour eux, les réunions de prière organisées par les rédemptoristes de Saigon sont sorties du cadre de la religion pour s’engager dans celui de la politique.

Dans sa réponse, le P. Thanh a informé le Comité populaire qu’il rapporterait l’ensemble de ces reproches à ses confrères et qu’ensemble, ils rédigeraient une réponse. Il a fait remarquer que ses confrères n’étaient pas les seuls à dénoncer les injustices de la société vietnamienne actuelle. De hautes personnalités du Parti, des députés de l’Assemblée nationale avaient également élevé la voix à ce sujet. L’intention des religieux rédemptoristes est de transformer et d’améliorer la société et non pas de s’opposer à l’Etat et au Parti. Les religieux accompagnant le père provincial à cet entretien ont, chacun leur tour, pris la parole pour soutenir le même point de vue (1).

(1) Voir le compte rendu de la rencontre rédigé le 13 décembre par le secrétaire du père provincial, le P. Joseph Dinh Huu Thoai, mis en ligne sur le site des rédemptoristes du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 16 décembre 2010)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khóa bồi dưỡng Thừa tác Viên Ngoại Lệ tại giáo phận Bắc Ninh
Xương Giang
12:48 16/12/2010
BẮC NINH: Từ ngày 12-15/12/2010, cho dù thời tiết giá rét và mưa phùn, nhưng 72 học viên từ nhiều giáo xứ trong giáo phận Bắc ninh vẫn tề tựu về Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Bắc ninh để tham gia khóa bồi dưỡng Thừa Tác Viên Ngoại Lệ.

Để giúp các học viên hiểu, sống và công bố Lời Chúa trong khi cử hành phụng vụ, cha giáo Cosma Hoàng Thành Quốc, OP đã trao cho các học viên những kiến thức cơ bản về Lời Chúa cũng như công bố Lời Chúa trong Thánh lễ.

Trong khóa học này, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt giám mục giáo phận Bắc ninh cũng đến chia sẻ với các học viên về ý nghĩa của Lời Chúa trong đời sống người Kitô hữu. Đồng thời, ngài cho các học viên thấy tầm quan trọng của Thừa Tác Viên trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội nói chung và của giáo phận nói riêng, đặc biệt là khi được công bố Lời Chúa và mang Mình Thánh Chúa đến cho những người đang đau ốm. Trong bài nói chuyện, đức cha cũng giới thiệu “Tông Huấn Lời Chúa” (Verbum Domini) của Đức Thánh Cha Benedict XVI cho các học viên.

Sau những ngày học tập tại Trung Tâm Mục Vụ, các học viên đã được học cả lý thuyết lẫn thực hành những kiến thức cơ bản nhất về Lời Chúa và công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Ước mong sao, qua khóa học này các học viên sẽ đóng góp được phần nhỏ bé của mình qua việc “Sống và công bố Lời Chúa” trong các xứ họ.
 
Giáo họ Kinh Trừng: Khánh thành nhà thờ sau hàng thập kỷ đợi chờ
Lữ Khách
13:13 16/12/2010
VINH - Lọt thẳm giữa cánh đồng phù sa màu mỡ và núi đá cheo leo, ngọn tháp chuông vươn cao thanh thoát như muốn sánh cùng vẻ đẹp của tự nhiên. Từng nhịp chuông gióng giả vang lên như lời kinh liên lỉ của bao thế hệ giáo dân nơi họ đạo ven bờ nguồn Nậy sông Gianh này. Đó là hình ảnh dễ nhận thấy trong buổi lễ khánh thành nhà thờ giáo họ Kinh Trừng sáng 15.12.2010 vừa qua.

Xem hình ảnh

Ai về giáo họ những ngày này đều không khỏi khấp khởi mừng trước cảnh đổi thay của giáo họ nhân dịp đón Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đến cắt băng chính thức đưa công trình vào sử dụng.

Thành lập năm 1903, Kinh Trừng là giáo họ em út thuộc xứ mẹ Minh Cầm. Số nhân danh họ đạo chỉ có 21 người trong 7 gia đình. Nhỏ bé là vậy song nhìn lại quãng đường gian khó mà người dân nơi đây trải qua khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc trước sức sống bền bỉ của tôn giáo nơi vùng xa xôi hẻo lánh này.

Gian nan, thử thách là bạn đồng hành cùng bà con Kinh Trừng. Trong ký ức xưa cũ của các bậc lão thành khi cư ngụ tại mảnh đất đầu tiên thì những trận lũ quét đã thành thông lệ mỗi khi mùa mưa bão về. Đỉnh điểm là những năm 1944, 1946; hai trận lụt đã làm Kinh Trừng không kịp trở tay. Quê hương điêu linh, người dân kiệt quệ bỏ làng di cư lên vùng đất cao ráo nay là đồi Kim Lan, giáo họ Phong Lan thuộc xã láng giềng Phong Hóa, cùng chung huyện miền núi Tuyên Hóa thuộc Tây Bắc Quảng Bình.

Trên bước đường mưu sinh giành giật sự sống cũng là lúc lòng người Kinh Trừng đau đáu, khắc khoải nhìn về quê hương. Khi nỗi đau do trận lụt gây ra dần nguôi ngoai theo năm tháng thì nỗi nhớ nơi “chôn nhau, cắt rốn” lại trào dâng vô hạn trong tâm hồn con cái Kinh Trừng. Đau khổ nhất là ngôi nhà thờ kính Chúa bằng gỗ tre đơn sơ nơi quê cũ đã bị lũ cuốn trôi, hiện tại chưa xây dựng lại được. Tiếng gọi thiêng liêng của quê hương đã thúc đẩy giáo dân Kinh Trừng trở về, sẵn sàng chống chọi gian lao, đón nhận khổ đau và làm lại cuộc đời.

Trở về chốn xưa, với ý chí theo Chúa đến cùng nên giáo dân lại cùng nhau đoàn tụ, hiệp thông cầu nguyện mỗi khi màn đêm buông xuống hay lúc ánh sương mai vừa gieo để giữ cho hạt giống Tin mừng không bị mai một.

Thật khó tưởng tượng ra rằng trong suốt sáu thập kỷ liền, Lời Chúa đến với hàng chục, hàng trăm con người trong những ngôi nhà mượn tạm của giáo dân nghèo nàn, chật chội. Chiến tranh kéo dài đằng đẵng cày xới mảnh đất dưới mưa bom bão đạn, sự thiếu vắng các linh mục trên mảnh đất Bình Chính càng làm mảnh đất này thêm điêu linh. Nhiều buổi cử hành phụng vụ diễn ra dưới những tấm bạt che tạm bợ bên gốc cây già nhưng không làm những giáo dân ngã lòng; họ luôn xác tín dù khó khăn tới đâu cũng phải sống tốt và nhiệt tình với Tin mừng để thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa.

Tuy nhiên, đất trời hung dữ, giáo dân Kinh Trừng không thể bám trụ cố hương lại một lần nữa ngậm ngùi ra đi như dân Itxraen tìm về miền đất hứa; người dân Kinh Trừng đã được di dời sang chốn quê hương mới này, ngày nay thuộc địa bàn xã Đức Hóa. Cuộc sống đã tạm ổn định nhưng nỗi khắc khoải nội tâm vẫn còn đó vì đến nơi mới cũng chưa có nơi thờ tự Thiên Chúa cho xứng đáng.

Năm 2002, Thiên Chúa đã thúc đẩy ý muốn xây Thánh đường của họ Kinh Trừng qua bàn tay linh mục cựu quản xứ Giuse Hoàng Thái Lân. Cha Giuse đã phát động và làm thủ tục xây dựng nhà thờ, phát động công trình nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải chờ 6 năm sau dưới thời linh mục Gioan Lê Trọng Châu ý định đó mới được thực hiện.

Ngày 2.7.2008, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã cùng lúc đặt viên đá đầu tiên để xây dựng hai nhà thờ giáo họ Phong Phú và Kinh Trừng, đều thuộc xứ Minh Cầm. Nhà thờ giáo họ Phong Phú đi trước một bước và đã khánh thành vào ngày 20.7.2010.

Kinh Trừng cũng không chịu thua anh kém chị, với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần và nhất là sự cố gắng vượt bậc của bà con Kinh Trừng, công trình đã hoàn thành vài tháng sau khi Minh Cầm đón cha xứ mới – linh mục hạt trưởng Phêrô Nguyễn Bình Yên.

Vẻ đẹp của ngôi nhà thờ mới khánh thành rực rỡ giữa ánh nắng hiếm hoi của mùa đông nhưng người tham dự cảm nhận một vẻ đẹp lớn hơn là tinh thần và lòng đạo của giáo dân Kinh Trừng.

Nhìn lại chặng đường gian lao, khốn khó đã qua để thấy được sự vui mừng phấn khởi của những người dân xóm đạo. Trên đất Kinh Trừng hôm nay, con cháu của 21 giáo dân xưa đã phát triển lên 282 người với 57 hộ gia đình. Chặng đường phía trước để Đức Tin nơi đây phát triển theo chiều kích mới với nhiệm vụ loan truyền Tin mừng đến với mọi người vẫn đang mời gọi người dân Kinh Trừng tiếp tục ra đi đến với đồng bào trên “quê hương bọ mạ”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Điều bạn không biết
Trầm Thiên Thu
09:46 16/12/2010
Hãy yêu thương nhau và bạn sẽ hạnh phúc. Điều đó vừa dễ vừa khó (Michael Leunig).

Khi bạn còn trẻ, chưa được biết về tấn trò đời (the game of life) và chọn bạn đời – các lý do để kết hôn có thể không gì khác hơn là bạn “đang yêu” và mức hormone trong bạn đang “nổi loạn”. Một năm có vẻ lâu để chung sống với nhau, cả chục năm có vẻ khá mơ hồ, và cuộc đời không thể thăm dò. Bạn không biết rằng những năm đó sẽ trôi qua trong nháy mắt.

Khi bạn mặc chiếc áo đầm trắng và thề hứa “yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời, cả khi vui lẫn khi buồn”, bạn không biết rằng điều tệ hại có thể tệ hại hơn. Bạn không biết khổ sở thế nào khi phải chịu đựng ba năm mà chưa có thai, hãy bảo vệ quyết định của mình để ủng hộ những người nghĩ bạn nên đi chạy chữa, hoặc ba năm trầm cảm hậu sản khi bạn có con sẽ khổ thế nào, đến nỗi có thể khiến vợ chồng ly thân hoặc ly hôn. Bạn không biết khi thề hứa “dù giàu hay nghèo” để rồi nghèo thực sự thế nào. Bạn không biết rằng tiền chi tiêu hàng tháng sẽ như vận may bất ngờ sau nhiều tháng không có thu nhập mà phải nuôi con nhỏ.

Khi bạn tình nguyện về sống chung với chồng ở một gia đình mới, bạn không biết rằng quần áo bạn có rơi trên nền nhà thì chúng vẫn cứ ở đó, chén đĩa bạn ăn xong bỏ đó thì chúng cứ nằm đó. Thậm chí bạn không có ý định gì cao xa, bạn không biết rằng bạn sẽ đồng ý để chén đĩa không bị bỏ đó, và quần áo cũng không bị bỏ đó nếu bạn có ý mặc lại.

Bạn không biết rằng các thỏa thuận trong tuần lễ đầu tiên, khi hưởng tuần trăng mật, sẽ không được giữ và dù bạn có ghét thế nào, dù bạn đã nhắc nhở nhiều lần, chén đĩa và quần áo vẫn bừa bộn (trừ phi mẹ chồng ghé thăm).

Bạn không biết rằng anh ấy sẽ vẫn muốn bạn có con dù da bụng nhão, vú xệ. Bạn không biết rằng sẽ quan trọng thế nào để nhìn vào mắt chồng. Bạn không biết rằng khi bạn nhìn vào mặt con trai bạn, bạn cũng sẽ thấy chồng. Bạn không biết rằng khi bạn có thai, chồng bạn sẽ cho bạn biết rằng khi đứa con ra đời, anh ấy không biết lừa dối dù con không giống cha.

Bạn không biết rằng khi bạn có ý nghĩ muốn trở thành nhà văn hoặc mở công ty thì chồng bạn sẽ là người khuyến khích nhiều nhất. Bạn không biết rằng thậm chí khi gia đình nghĩ chồng bạn điên rồ, bạn vẫn không muốn xa chồng. Bạn không biết rằng điều tốt đẹp sẽ đến.

Hãy đối mặt với sự thật, khi bạn còn trẻ và ngớ ngẩn, bạn không biết bạn đang như thế nào. Bạn không biết nhưng rồi bạn sẽ hiểu!

(Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
 
Thông Báo
Mùa Giáng Sinh: Hãy tặng cho chính mình và bạn bè trọn bộ Nhạc Giáng Sinh gồm 1 DVD và 3 CD
VietCatholic
11:34 16/12/2010
Mùa Giáng Sinh: Hãy tặng cho chính mình và bạn bè
DVD và CD Nhạc Giáng Sinh - Trọn bộ gồm 1 DVD và 2 CD

Quà tặng gửi tại Hoa Kỳ chỉ có $US27.00 gồm cả tiền bưu phí (75% Off)
Quà tặng gửi ngoài Hoa Kỳ $US37.00 gồm cả tiền bưu phí (75% Off)

Những bài thánh ca Giáng Sinh nêu trên được các ca sĩ Công giáo thời danh trình bầy
và do VietCatholic phát hành trong những năm qua.


VietCatholic
P.O. Box 735
Avalon, CA 90704
Quý vị có thể dùng Paypal hay Credit Cards để gởi cho VietCatholic (rất an toàn).

Sau khi nhấn vào nút Donate qúi vị sẽ thấy một giao diện khác cũng có chữ Donate.
Xin nhấn vào đó một lần nữa, và giao diện như dưới đây hiện ra để điền vào những chi tiết cần thiết:
Xin qúi vị điền vào Box Item price = 27 (ở Hoa Kỳ) 37 (ngoài Hoa Kỳ).
Trong Box Quantity, không cần thay đổi gì cả, cứ để nguyên =1
Sau đó sang phía bên phải, vui lòng điền vào ô trống Paypal email account và password của qúi vị.
Nhấn nút Log in. Rồi theo chỉ dẫn tiếp...




Tiếng Muôn Thiên Thần - Joy to the World
Nhạc: Georg Handel, Lời: Hoàng Kim
Trình bầy: Thanh Lan, Kim Thúy, Hoàng Lãm
trích từ CD Nhạc Niềm Vui Giáng Sinh
do VietCatholic phát hành