Ngày 15-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thông phần thần tính
Lm Minh Anh
00:03 15/12/2022

THÔNG PHẦN THẦN TÍNH
“Trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, không ai cao trọng hơn Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông”.

Trong cuốn “Your Father Loves You”, “Chúa Cha Yêu Bạn”, James Packer viết, “Mang hình ảnh Thiên Chúa, con người đáng được tôn trọng vô hạn. Không đơn giản như một bánh răng của một cỗ máy, con người có tự do. Tự do là điều khiến các sinh vật ‘luân lý’ có lý trí của Cha Trên Trời khác biệt với loài chim và loài ong; bởi lẽ, nó được ‘thông phần thần tính’ của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nó được ‘thông phần thần tính’ của Ngài!”; ý tưởng của James Packer được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nức tiếng khen Gioan Tẩy Giả; tuy nhiên, Ngài còn khẳng định, “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan”. Tại sao? Bởi lẽ, mọi thành viên trong Vương Quốc Nước Trời được tặng ban một đặc ân mà Gioan không có cơ duyên hưởng nhận; trong sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, họ được ‘thông phần thần tính’ Thiên Chúa!

Đặc ân này đã được tiên báo qua các ngôn sứ mọi thời; chẳng hạn, những gì Isaia nói đến trong bài đọc hôm nay, “Quả thế, Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel”. Và như thế, mọi thành viên của Vương Quốc về sau, là những con người được cứu chuộc. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả tâm tình biết ơn này, “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt!”.

Trở lại bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không tiếc lời khen lao Gioan. Trong sứ mệnh tiền hô Đấng Cứu Thế, nhân cách sống của Gioan thật cao cả; trong vai trò chứng nhân, Gioan hoàn tất một cách tuyệt vời. Thế nhưng, như Chúa Giêsu tiết lộ, bạn và tôi còn “cao trọng” hơn Gioan. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, ‘thông phần thần tính’ của Ngài. Phần Gioan, cho đến chết, Gioan không được hưởng hồng ân đặc tuyển này. Hãy tưởng tượng bạn là Gioan, không chỉ họ hàng với Chúa Giêsu, bạn còn là “người nhà”, “môn đệ” của Ngài; Ngài là “trưởng tử” giữa một đoàn em đông đúc. Nhờ ân sủng Chúa Giêsu, bạn được biến đổi tâm hồn, trở nên một tạo vật mới. Thật là một hồng ân không tưởng! Và như thế, cách mặc nhiên, bạn được kêu gọi rao giảng Chúa Giêsu và món quà cứu rỗi của Ngài. Như Gioan và hơn cả Gioan, bạn ra đi, dọn đường cho ân sủng Chúa Kitô đến trong cuộc sống của người khác.

Vậy mà, đôi khi, món quà cứu rỗi này lại được coi là một điều hiển nhiên; chúng ta có thể dễ dàng không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của món quà lạ thường này. Kết quả là, chúng ta không biết ơn, cũng không kinh ngạc về những gì mình trở thành. Vì thế, một trong những thông điệp chính của Mùa Vọng là Thiên Chúa đã trở thành người để con người có thể ‘thông phần thần tính’ của Chúa. Thực tại này được trình bày một cách gãy gọn trong Thánh Lễ khi vị chủ tế pha nước vào rượu, ngài đọc, “Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này, xin cho chúng con được thông phần thiên tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con!”.

Anh Chị em,

“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan”. Như thế, rõ ràng, địa vị của chúng ta thật cao trọng. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống chính sự sống thần linh của Ngài; hơn thế nữa, chúng ta được chính Chúa Kitô cứu chuộc. Hôm nay, hãy suy gẫm về món quà không tưởng bạn nhận được qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Nếu là người rơi vào chiếc bẫy thiếu lòng biết ơn trước quà tặng này, bạn hãy sử dụng những ngày còn lại của Mùa Vọng để khơi dậy nhận thức và lòng biết ơn đối với tất cả những gì Chúa đã ban cho bạn, nhất là đặc ân ‘thông phần thần tính’ của Ngài; đồng thời, sử dụng tự do của mình một cách đúng đắn để chỉ chọn làm theo ý muốn của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con lạm dụng tự do Chúa ban; cho con biết sử dụng nó để làm những gì xứng với phẩm tính cao cả của con; bởi lẽ, con được ‘thông phần thần tính’ của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:13 15/12/2022

22. Hoàn toàn và mãn nguyện của cuộc sống, chính là hoàn toàn và mãn nguyện của tình yêu.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:16 15/12/2022
14. HỌC ĂN TRỘM

Một người nghèo khổ ở nước Tống đến nhà của một người giàu có ở nước Tề để học cách làm giàu.

Người giàu có nói:

- “Trước đây tôi rất nghèo khó, bây giờ thì sống qua những ngày no đủ, bởi vì mỗi ngày, tôi chịu khó đi ăn trộm, ăn cướp. Năm đầu liền có thể duy trì được cuộc sống, năm thứ hai đã không lo chuyện ăn mặc, năm thứ ba thì nhà tôi đã có kê đầy vựa, gạo đầy kho rồi.”

Người nghèo nghe xong, cũng không hoỉ lại cho rõ ràng là ông ta ăn trộm như thế nào, liền trở về quê nhà ra tay hành động. Mỗi buổi tối, anh ta trèo tường khoét hang, mặc sức ăn trộm, trong nhà rõ ràng đầy đủ hẳn lên.

Không ngờ quan phủ nắm được tang vật và khép tội anh ta, ngay cả những đồ vật cũ trước kia trong nhà cũng tịch thu tuốt luốt.

Tên trộm này sau khi mãn hạn tù và được phóng thích, liền chạy đến nước Tề tìm người giàu có nhưng thật thà ấy oán trách một hồi.

Người giàu có cười nói:

- “Ai dà! Anh hiểu lầm ý của tôi rồi. Tôi ăn trộm thời vụ của trời, ăn cắp nguồn của cải của đất, trồng trọt hoa màu, xây dựng nhà cửa, bắt thú hoang, bắt tôm cá, tôi ăn trộm chúng từ trong thiên nhiên, đó là việc làm quang minh chính đại! Mấy tài vật của tư nhân là do con người lao lực mà có được, nó thuộc về của riêng họ. Anh đi ăn trộm ăn cướp, đương nhiên là phạm tội, anh còn oán hờn ai chứ?”

(Liệt tử )

Suy tư 14:

Cái tai hại nhất chính là nghe không rõ mà lập tức đi hành động, không những làm sai mà con gây tai họa không thể lường được.

Lời Chúa đương nhiên là một sức mạnh vô song, đủ sức làm cho con người yếu đuối trở thành mạnh mẽ, làm cho người bệnh hoạn trở nên cường tráng, vì sức mạnh vô địch của nó mà chúng ta phải cẩn thận khi ứng dụng nó trong cuộc sống, nếu không lời Chúa sẽ trở thành quan tòa xét xử chúng ta, sẽ trở thanh con dao săc bén để tru diệt linh hồn chúng ta.

Có người đem lời Chúa để giải thích theo ý mình, nên cuộc sống của họ “chọi” lại với Tin Mừng.

Có người học giáo lý “ba chớp ba nhoáng” nên không ai biết họ là người Ki-tô hữu chân chính, bởi vì họ sống Phúc Âm nửa mùa.

Tôi có diễm phúc được học giáo lý căn bản, được tham dự thánh lễ mỗi ngày, hoặc ít nữa là mỗi ngày Chúa nhật đều có tham dự thánh lễ, nhưng tôi đã thật sự sống tin mừng cho ra hồn chưa? Hay nửa nạc nửa mỡ, nửa nóng nửa lạnh, để rồi bị Thiên Chúa mửa ra khỏi miệng? (Kh 3, 15-17)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 16/12: Ngọn Đèn Chiếu Sáng – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
02:31 15/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”

Đó là lời Chúa
 
Giuse, người cha nuôi vĩ đại
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:11 15/12/2022
Giuse, người cha nuôi vĩ đại

(Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng)

Chúng ta tin tưởng vào một Thiên Chúa có nguồn gốc chứ không phải vào một Thiên Chúa trừu tượng. Thiên Chúa của chúng ta yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ ở cùng nhân loại ngang qua một gia đình. Có người mẹ là Đức Maria và có người cha nuôi là Giuse. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã có sự sắp xếp và chọn lựa từ muôn đời ngang qua sự cộng tác của con người. Nơi hình ảnh hai ông bà Maria và Giuse, hai người đã đính hôn với nhau, tuy chưa hề chung sống với nhau, nhưng vì Thiên Chúa muốn chọn Maria làm mẹ của Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu nên Mẹ đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Một sự không thể đối với con người nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Giuse, người bạn đời của Đức Maria cũng nghe tin bà có thai. Điều này làm cho Giuse buồn lòng vì hai người chưa đến với nhau trong bậc vợ chồng. Một sự việc thật đau lòng cho Giuse! Tại sao chưa chồng mà lại có thai? Phải chăng Đức Maria phải chịu chết bởi những “làn đá” từ tay người dân Do Thái? Nhưng Giuse không thể nỡ lòng nào làm như vậy được, dù sao đây cũng là người yêu của mình thật, dù sao đã đính hôn. Hơn nữa, Giuse là người công chính và không muốn tố giác, nên đã muốn định tâm bỏ bà cách kín đáo. Hai điều đáng ca ngợi của thánh Giuse. Thứ nhất, ngài rất bình tĩnh trước một sự kiện lớn lao là người mình yêu có thai. Đây là tin động trời. Thế nhưng, thánh Giuse đã âm thầm tự giải quyết mọi sự, không rêu rao, không làm om sòm, không tố cáo, không lên án, không chỉ trích; thứ hai, rất mực âm thầm tự giải quyết mọi sự không làm lớn chuyện rồi ảnh hưởng đến cả hai, nhất là đối với người phụ nữ yếu ớt bạn của mình. Cứ tưởng tượng một trận mưa đá trên thân hình gầy guộc này là đủ biết đau khổ thế nào rồi!

Quả thật, con người tính không bằng Chúa tính. Đang khi Giuse toan tính mọi sự theo ý riêng của mình thì thiên sứ của Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20). Một sự thật phũ phàng – phũ phàng là không phải kết quả của chính mình, nhưng đây là sự thật mà ông Giuse phải đón nhận. Một sự đón nhận đầy can đảm, đầy yêu thương và mạnh mẽ. Vì biết rằng, nhờ sự đón nhận đầy dũng cảm này mà mọi sự sẽ sinh ích lớn lao cho cả nhân loại. Một đàng, nhờ đón nhận này mà Đức Maria đã yên tiếng và đỡ bị ném đá đến chết vì đã mang thai khi chưa cưới. Mặt khác, từ lời “xin vâng” của ông Giuse, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã thực sự có người cha theo nghĩa trần gian theo nghĩa pháp lý. Nghĩa là Đức Giêsu làm người cũng có một gia đình – có mẹ là Đức Maria – có cha nuôi là thánh Giuse. Như vậy, Giuse được xứng đáng là người cha nuôi vĩ đại. Vĩ đại ở đây là làm cha nuôi của Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể; vĩ đại ở đây là được thông hiệp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi chấp nhận làm chồng của Đức Maria và làm cha của Chúa Giêsu. Vĩ đại ở đây là trở nên mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và khiêm nhường của một người làm chồng, làm cha trong gia đình Nazareth. Vĩ đại ở đây là âm thầm phục vụ và trở nên mẫu gương hiền lành cho vợ con trong gia đình. Vĩ đại ở đây nói ít làm nhiều,....

Chúng ta đang tiến gần mừng đại lễ Chúa Giáng sinh. Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm các gương mặt thật gần gũi trong gia đình Nazareth, để qua đó mỗi người trở nên giống các ngài trong bậc sống của mình. Là người chồng, người cha, chúng ta hãy học lấy nơi thánh Giuse nhân đức khiêm nhường, hy sinh, chịu lụy; là biết sống hết mực với vợ và với con, không kêu ca hay phản kháng, không phàn nàn hay trách móc nhưng luôn yêu thương mà tha thứ, nhất là luôn biết vâng nghe tiếng Chúa hơn là ý riêng của mình. Là những người vợ, người mẹ, chúng ta hãy dõi theo Đức Maria để noi gương bắt chước ngài là biết sống tinh thần tin yêu và phó thác, là biết sống phục vụ trong mọi biến cố, là yêu thương chăm sóc chồng con hết mình mà không ngại khổ và ngại khó, nhất là luôn biết xin vâng đối với Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời. Là con cái trong gia đình, Đức Giê-su phải là tấm gương sáng láng cho mọi người noi gương: hiền lành, khiêm nhường, vâng lời, chịu lụy, ham học hỏi, chuyên chăm cầu nguyện và chu toàn tốt bổn phận được trao phó. Dầu là Con Thiên Chúa nhưng Ngài đã vâng phục cha mẹ và phục vụ các ngài: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40). Nhất là Đức Giê-su luôn lấy đức vâng phục làm kim chỉ nam cho cuộc đời. “Lương thực của Thầy là thực hành ý muốn của Cha Thầy”(Ga 4, 34).

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cám ơn các Đấng trung gian vì Chúa không thể thi thố Lòng thương xót và kế hoạch cứu độ cho con người nếu không có sự cộng tác của con người. Nhờ lời “xin vâng” của Mẹ Maria và lời xin vâng của thánh Giuse, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã nhập thể và cư ngụ nơi trần gian để cứu độ nhân loại.

Tôi phải làm gì để sống lòng biết ơn đó? Phải chăng, Chúa cũng mời gọi tôi tiếp tục sống tốt lành, thánh thiện để cộng tác vào ơn Chúa để tôi được sống và sống dồi dào. Hơn nữa, Chúa cũng mời gọi tôi hãy cộng tác hết khả năng của bản thân để với ơn Chúa trợ giúp mỗi người ở khắp mọi nơi cũng sẽ đón nhận được ơn cứu độ.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Ngời ánh thánh thiện
Lm Minh Anh
15:36 15/12/2022

NGỜI ÁNH THÁNH THIỆN
“Gioan là ngọn đèn cháy sáng”.

Triết gia Platon nói, “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối, nhưng bi kịch thực sự của cuộc đời là khi con người sợ ánh sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bi kịch thực sự của cuộc đời là khi con người sợ ánh sáng”. Thật chí lý câu nói của Platon! Thế nhưng, Kitô hữu không sợ ánh sáng! Kitô hữu tiến về ánh sáng, bước đi trong ánh sáng; hơn nữa, còn phải trở thành ánh sáng và ‘ngời ánh thánh thiện’ của Đức Kitô Ánh Sáng! Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khen Gioan là “ngọn đèn cháy sáng”. Chính sự kết hiệp sâu sắc với Thiên Chúa khiến trái tim và linh hồn Gioan rực sáng và ‘ngời ánh thánh thiện’ của Ngài.

Như trật tự của vũ trụ cho thấy sự khôn ngoan của Tạo Hoá, các thánh phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đó là trường hợp của Gioan; mặc dù ánh sáng của Gioan không phải của riêng Gioan! Tại tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, hàng chục vạn người đến để tỏ lòng kính trọng đối với vị Giáo Hoàng mà họ coi là “người của Thiên Chúa”; cũng vậy, đám đông đến với Gioan để nghe sứ điệp của ông, một sứ điệp đã vang vọng trong lòng họ. Gương sống của Gioan đã khuấy động các tâm hồn đến nỗi họ hy vọng rằng, Gioan là vị Thiên Sai từ lâu được chờ mong. Thế nhưng, các thánh không bao giờ cố lôi kéo ai về phía mình; nhưng như những bảng chỉ đường sống động, họ hướng mọi người đến một thực tại vĩ đại hơn, “Giêsu!”. Các linh hồn không bao giờ đến để chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của những quà tặng phi thường từ một con người, họ đến để nhận hơi ấm và tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa Toàn Thánh nơi một nhân cách ‘ngời ánh thánh thiện!’. Vì lẽ, vẻ đẹp của tạo vật tôn vinh vẻ đẹp của Tạo Thành.

Thật trùng hợp, bài đọc Isaia hôm nay cho thấy sự thánh thiện của Thiên Chúa còn tỏ ra cho các dân ngoại; Thiên Chúa vẫn hứa đưa dẫn họ lên Núi Thánh của Ngài. Ngài nói, “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”. Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ niềm ao ước của dân thánh, “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài”.

Anh Chị em,

“Gioan là ngọn đèn cháy sáng”. Các thánh là những ngọn đèn, những tấm gương ‘ngời ánh thánh thiện’ của Thiên Chúa; thế nhưng, chính Chúa Giêsu mới là nguồn gốc và khuôn mẫu của mọi sự thánh thiện. Khi thiết lập Nước Thiên Chúa trong lòng mỗi người, Chúa Giêsu biết, ngay cả sự thánh khiết của những vị thánh vĩ đại nhất cũng chỉ là sự phản ánh mờ nhạt về sự thánh thiện vĩ đại của Thiên Chúa Cha. Các thánh là mặt trăng; chính Ngài, Chúa Kitô mới là mặt trời. Đối với nhiều người, vốn đang sống trong một thế giới “sợ ánh sáng” và đó là “bi kịch”, thì chính nhờ ánh sáng phản chiếu từ những ai dõi bước theo Chúa Kitô, mà mọi người được dẫn đến kinh nghiệm về Ngài, “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng; Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật!”. Và đây là bổn phận của bạn và tôi, chúng ta trước hết, biết ‘sợ bóng tối’, và sẽ sống làm sao cho thế giới không còn “sợ ánh sáng”; đồng thời, làm sao cho mọi người biết yêu chuộng ánh sáng, bước đi trong ánh sáng, một ánh sáng có tên “Ánh Sáng Kitô”. Để được vậy, nhất thiết bạn và tôi phải trở nên ánh sáng của Ngài, nhất thiết phải ‘ngời ánh thánh thiện’ của Cha Trên Trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “xin đừng làm rạng rỡ chúng con, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ!”. Cho con một chỉ ước ao nên thánh; và với ân sủng Chúa, cho con luôn ‘ngời ánh thánh thiện’ của Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thiên Chúa gắn bó với con người
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
19:29 15/12/2022


Bài Tin mừng Chúa nhật nầy đề cập đến tước hiệu của Chúa cứu thế là Em-ma-nu-en. Tước hiệu nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ ngàn xưa: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 18,23).

Tước hiệu nầy gói ghém ước vọng của Thiên Chúa là ở mãi với loài người, gắn bó với con người như mẹ hiền và con thơ.

Không hề có vị vua nào trên dương gian từng lìa bỏ hoàng cung cao sang diễm lệ, tìm đến với người cùng đinh, dựng chòi ở với họ, sống kiếp lam lũ, bần cùng để chia vui xẻ buồn với họ.

Thế mà Vua Trời cao cả vô song, đầy quyền năng phép tắc, là Ngôi hai Thiên Chúa uy hùng, đã hạ mình xuống cõi trần ai thấp hèn khốn khổ, trở nên người phàm bé mọn như chúng ta, cắm lều cư ngụ giữa loài và chia sẻ thân phận làm người với họ. Như thế, Ngài đúng là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Thiên Chúa gắn bó với con người

Người mẹ hiền không hề muốn xa lìa con thơ, dù chỉ trong giây lát. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng muốn có con bên cạnh để vỗ về chăm sóc. Chúa Giê-su cũng mang tâm trạng đó, Ngài muốn chúng ta với Ngài luôn ở với nhau. Ngài bày tỏ với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con…” (Ga 17,24).

- Khi sắp từ giã các môn đệ để nộp mình chịu tử nạn, Chúa Giê-su cũng trấn an các môn đệ rằng Ngài chẳng hề lìa xa các ông. Ngài nói: “Anh em đừng xao xuyến! … Thầy đi dọn chỗ cho anh em…. Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga 14,1-3). Y như mẹ hiền gắn bó mật thiết với con thơ.

- Rồi khi tạm biệt các môn đệ để về Trời, Chúa Giê-su cũng quả quyết với các ông: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Hôm nay, mặc dù Chúa Giê-su đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội thánh.

Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta qua Lời của Ngài. Chính Ngài ngỏ lời với ta khi Giáo hội công bố Lời Chúa.

Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Ngài. Ngài nói: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó” (Mt 18,20).

Ngoài ra, Chúa Giê-su cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng chúng ta như trong cung điện của Ngài. Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14, 23).

Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giê-su còn lập nên bí tích Thánh Thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta, cả hai hoàn toàn nên một.

Lạy Chúa Giê-su,

Nguyện vọng tha thiết nhất của Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều khiến Chúa đau lòng nhất là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin mừng thứ tư : “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài !” (Gioan 1, 10-11).

Xin cho chúng con đừng bao giờ khước từ hay xa cách Chúa, nhưng luôn gắn bó mật thiết với Chúa như con thơ ở với mẹ hiền. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa thượng phụ Georgia: Hạn chế lễ kỷ niệm vào ngày đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ vì tình hình Ukraine
Đặng Tự Do
05:15 15/12/2022


Tòa thượng phụ Georgia đã công bố một tuyên bố, thông báo cho các tín hữu rằng các lễ kỷ niệm đánh dấu lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Georgia sẽ bị hạn chế.

Thông báo viết: “Các lễ hội kỷ niệm ngày lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Toàn Georgia sẽ được tổ chức với quy mô hạn chế do tình hình nghiêm trọng ở Ukraine và trên toàn thế giới.”

“Hơn nữa, không có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo Giáo Hội, đại diện hoặc các cá nhân thế tục”

Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị đã quyết định như trên để bày tỏ tình liên đới với người dân Ukraine đang rét căm căm vì các cơ sở hạ tầng năng lượng của họ bị quân Nga đánh sập.
Source:Orthodox Times
 
Các cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng nhân mùa Giáng Sinh
Đặng Tự Do
05:16 15/12/2022


Tòa Thánh vừa công bố lịch cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng cho mùa Giáng Sinh và tháng Giêng năm 2023 đã được phát hành.

Dù Ý đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm vào 10 giờ tối được đưa ra trong thời gian cao điểm của đại dịch coronavirus, Đêm Giáng Sinh, ngày 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự tại thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối giờ địa phương.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc thông điệp Urbi et Orbi nghĩa là cho dân thành Rôma và thế giới và ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 12:00 trưa.

Ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ chủ sự Kinh Chiều Thứ Nhất và kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum để tạ ơn cho một năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5:00 chiều.

Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Trọng Thể kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Tương tự như vậy, vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Trọng Chúa Hiển Linh, Thánh Lễ sẽ được cử hành lại tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Cuối cùng, vào ngày 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cử hành Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào lúc 9:30 sáng tại Nhà nguyện Sistina. Ngài cũng sẽ rửa tội cho một số trẻ em trong Thánh lễ đó.
Source:Vatican News
 
Nữ phát ngôn viên của Nga quyết liệt bác bỏ lời đề nghị của ĐHY Parolin, giọng điệu đầy mỉa mai
Đặng Tự Do
05:17 15/12/2022



Điện Cẩm Linh đã bác bỏ đề xuất của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về việc tổ chức một cuộc đối thoại giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv trên lãnh thổ trung lập của Thành phố Vatican.

“Chúng tôi sẵn sàng,” Đức Hồng Y Parolin cho biết vào chiều thứ Hai, bên lề một sự kiện về Tôi tớ Chúa Giorgio La Pira sinh năm 1904 và qua đời năm 1977, là một chính trị gia và người bảo vệ hòa bình.

“Tôi tin rằng Vatican có vị thế rất thích hợp. Chúng tôi đã cố gắng đưa ra những khả năng gặp gỡ với mọi người và duy trì trạng thái cân bằng. Chúng tôi đang cung cấp một không gian để các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại. Nội dung và phương pháp làm việc là do họ quyết định.”

Đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Tôi sợ rằng những người anh em Chechnya và Buryats, cũng như bản thân tôi, sẽ không đánh giá cao điều đó”. “Theo những gì tôi có thể nhớ, không có lời xin lỗi nào từ Vatican.”

Zakharova đang đề cập đến một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tạp chí America của Dòng Tên vào ngày 28 tháng 11, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng quân Chechenya và Buryats, là các dân tộc thiểu số ở Nga, phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác tồi tệ nhất đối với người Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. Những bình luận của ngài được đưa ra trong bối cảnh cố gắng bằng cách nào đó bảo vệ Nga khỏi những cáo buộc về sự tàn ác.

Bất chấp phản ứng mỉa mai của nữ phát ngôn viên Nga, ngày hôm sau, 13 tháng 12, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng Tòa Thánh muốn giúp tạo điều kiện cho hòa bình.

Tại một Hội nghị do Đại sứ quán Ý tại Tòa thánh tổ chức ở Rôma về sự cần thiết phải tìm ra những cách thức ngoại giao mới để chấm dứt chiến tranh, và lấy cảm hứng từ hiệp định Helsinki, Đức Hồng Y bảo đảm rằng Tòa thánh “sẵn sàng làm mọi thứ có thể để khuyến khích quá trình này.”

Đức Hồng Y Parolin nói rằng những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong khi ngài cầu nguyện cho Ukraine giúp chúng ta không trở nên thờ ơ khi giờ đây có lẽ chúng ta đã quen nghe về chiến tranh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào giữa tháng 11 rằng Vatican sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để hòa giải và chấm dứt chiến tranh. Cuối tháng đó, Điện Cẩm Linh cho biết họ hoan nghênh đề nghị của Vatican cung cấp một nền tảng đàm phán để giải quyết xung đột nhưng Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng lập trường của Ukraine khiến điều này là không thể.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh ý chí chính trị như vậy, nhưng với tình hình thực tế và pháp lý mà chúng tôi hiện có ở phía Ukraine, những nền tảng như vậy là không thể”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhấn mạnh rằng việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các khu vực của Ukraine, bao gồm cả Crimea, mà Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ vào năm 2014, phải được thực hiện trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể diễn ra.

Theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly, quan điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là có thể hiểu được. Ông cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine để che đậy việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

“Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần phải thực tế, chúng cần phải có ý nghĩa, chúng không thể chỉ là lá vả để Nga tái vũ trang và tuyển thêm binh sĩ”, Ngoại trưởng Anh cho biết như trên.

Ngoại trưởng Cleverly nói rằng, trong khi Anh muốn thấy các cuộc đàm phán hòa bình “sớm hơn là muộn”, Vương quốc Anh nhắc lại rằng Ukraine nên đặt ra các thông số cho bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức.

“Tôi thực sự không thấy bất cứ điều gì đến từ phía Nga khiến tôi tin tưởng rằng Vladimir Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán này một cách thiện chí. Những lời hoa mỹ được tung ra rất nhiều nhưng vẫn còn rất đối đầu,” ông nói.

Hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Parolin nói, “Thật khó để biết, nhưng tôi nghĩ rằng ý nguyện của chúng tôi là cung cấp một không gian trong đó các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng “ngày nay, không có nhiều điều kiện để đối thoại”.

Ngài nói thêm, “Một nền hòa bình đến từ chiến thắng sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi không muốn thấy những gì người Rôma cổ đại đã nói: Ubi Desertum faciunt, ibi pace appellant”, nghĩa là họ tạo ra một sa mạc và gọi nó là hòa bình.

Nhưng ngài khẳng định rằng Tòa thánh muốn thấy một “nền hòa bình trong đó các quyền và công lý được thể hiện”.

Dù Vatican muốn giúp đỡ đến mức nào, rõ ràng là cần phải có một phép lạ để một cuộc hòa đàm có thể xảy ra. Khó khăn trong quan hệ của Vatican với Nga đã có từ lâu.
Source:Aleteia
 
Trò đùa khốn nạn liên quan đến lễ Giáng Sinh của người Nga
Đặng Tự Do
05:32 15/12/2022


Trước hết kính mời quý vị và anh chị em xem đoạn video này thu được trong một sự kiện từ thiện của Duma quốc gia Nga, hay Hạ Viện Nga.

Người đàn ông này là ai? Và ông ta nói cái gì? Ông ta là Dân biểu Oleg Nilov. Ông ta lấy một tấm thiệp những lời mơ ước trên một cây thông Giáng Sinh và đọc như thế này:

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”.

Hãy để ý phản ứng của một Dân biểu khác, một người có lẽ còn chút lương tâm nên lấy tay che mặt đi trước một trò giễu cợt mà nhiều người đã chỉ trích. Nhẹ nhàng thì người ta cho rằng đây là trò giễu dở. Nặng nề hơn thì người ta viết: “сволочь”, là tiếng Nga, dịch ra tiếng Việt là “Thằng khốn nạn”.

Tờ Newsweek có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Russian Politician Jokes Kyiv Children Will 'Get Rockets' at Holiday Event”, nghĩa là “Trong một sự kiện liên quan đến ngày lễ Chính trị gia Nga giễu cợt rằng trẻ em ở Kyiv sẽ nhận được hỏa tiễn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chính trị gia Nga gần đây đã được nghe thấy trên đoạn video được quay trong một sự kiện liên quan đến thời gian nghỉ lễ sắp tới nói rằng trẻ em ở thủ đô Kyiv của Ukraine sẽ “nhận được hỏa tiễn”.

Trong một video được hãng tin Nexta TV của Belarus đăng lên Twitter, chính trị gia Nga Oleg Nilov được nhìn thấy đang lấy một tấm thiệp trang trí trên cây thông Giáng Sinh và đọc nó.

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”, Nilov nói trong video, theo bản dịch từ Nexta TV. Phương tiện truyền thông này báo cáo rằng những lời bình luận này đã được đưa ra trong một sự kiện bác ái tại Duma Quốc gia Nga.

Bình luận của Nilov được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra giữa Ukraine và Nga, bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hoạt động quân sự đặc biệt vào tháng Hai.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng thủ đô của quốc gia gần đây đã bị tấn công bởi máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất do Nga gửi đến.

“Những kẻ khủng bố bắt đầu sáng nay với 13 Shahed. Theo thông tin sơ bộ, tất cả 13 máy bay không người lái đã bị hệ thống phòng không của chúng ta bắn hạ. Tốt lắm. Tôi tự hào,” Zelenskiy nói trong một video. “Các công dân thân mến, chúng ta hãy cảm ơn lực lượng phòng không và đừng quên còi báo động.”

Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết 13 máy bay không người lái Shahed-136 đã bị bắn hạ trong thành phố.

Ngoài các cuộc tấn công vào Kyiv, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine gần đây cho biết các cuộc tấn công quân sự của Nga đã xảy ra ở khu vực Kherson.

“Ngoài ra, những kẻ xâm lược đã thực hiện hơn 10 vụ pháo kích… bao gồm cả thành phố Kherson,” Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook.

“Ở hướng Zaporizhzhia và Kherson, những người Nga xâm lược tiếp tục… nã pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự của các khu định cư dọc theo hữu ngạn sông Dnipro. Các khu vực của 28 khu định cư bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.”

Các video đăng trên mạng xã hội cũng xuất hiện cho thấy các cuộc tấn công của Nga ở Kherson.

“Hỏa tiễn của Nga đã đánh trúng toà nhà chính quyền khu vực Kherson. Đây cũng chính là tòa nhà mà một tháng trước, người Ukraine đã rất vui mừng giương cao lá cờ của chúng ta. Nó không có giá trị quân sự. Đó chỉ là hành động khủng bố và báo thù thuần túy. Điều đó chỉ cho thấy Nga yếu thế nào,” Maria Avdeeva, giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Chuyên gia Âu Châu tại Ukraine, đã viết trong một tweet chia sẻ video về các cuộc tấn công.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Ngoại giao Ukraine, cũng chia sẻ video tương tự trên Twitter.

“Người Nga đã nã pháo vào tòa nhà của chính quyền khu vực Kherson. Rất may, không có ai bị thương”, Gerashchenko viết. “Nga là một quốc gia khủng bố.”

Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao ở cả Nga và Ukraine để bình luận.
Source:NewsWeek
 
Phép lạ có thể liên quan đến lời cầu bầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II
Đặng Tự Do
17:03 15/12/2022


Một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II hiện đang được điều tra.

Vào năm 2020, Tổng giáo phận Krakow đã mở án tuyên thánh cho Karol Wojtyła, Sr., và Emilia nhủ danh Kaczorowska, song thân của Thánh Gioan Phaolô II. Trong giai đoạn đầu điều tra nguyên nhân của các ngài, một phép lạ có thể xảy ra đã được liên kết với sự cầu bầu của các vị.

Ký giả Luke Coppen của tờ The Pillar đã báo cáo rằng “Đức Ông Sławomir Oder, người cũng từng là cáo thỉnh viên cho án phong thánh của Đức Giáo Hoàng Ba Lan, nói với hãng thông tấn Công Giáo KAI rằng ngài đã nhận được nhiều báo cáo về các phép lạ liên quan đến song thân Đức Gioan Phaolô II.”

Đức Ông Oder giải thích rằng, “Tôi hiện đang chờ thu thập hồ sơ bệnh án để lấy ý kiến của các chuyên gia.”

Tuy nhiên, trước khi có thể xem xét bất kỳ phép lạ nào được báo cáo, Vatican sẽ cần khẳng định rằng hai vị đã sống một cuộc đời “đức hạnh anh hùng”. Một khi điều đó được xác nhận, hai vị sẽ được trao danh hiệu “Bậc Đáng Kính”.

Sau khi giai đoạn ban đầu này hoàn tất, các phép lạ sẽ được Vatican phân tích và chỉ cần xác minh một phép lạ để cha mẹ của Đức Gioan Phaolô II được tuyên chân phước.

Trong khi vụ án phong thánh cho các ngài vẫn còn khá sớm, các báo cáo về phép lạ là một dấu hiệu tích cực và có thể giúp vụ án tiến triển nhanh chóng.
Source:Aleteia
 
Iran tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình, tấn công tàn khốc vào các phụ nữ
Đặng Tự Do
17:04 15/12/2022


Iran đã hành quyết người biểu tình thứ hai, chỉ vài tuần sau vụ hành quyết đầu tiên dù bị quốc tế lên án.

Iran cho biết họ đã tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng khắp đất nước.

Các báo cáo từ Iran cho thấy Majidreza Rahnavard đã bị treo cổ trước công chúng vào đầu ngày thứ Hai, 12/12.

Theo cơ quan tư pháp, vụ hành quyết diễn ra tại thành phố Mashhad. Majidreza bị buộc tội đâm chết hai thành viên của Lực lượng kháng chiến bán quân sự Basij. Anh bị treo cổ chưa đầy một tháng sau khi bị bắt.

Tuần trước, Iran đã xử tử một tù nhân bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra. Đây là bản án tử hình đầu tiên được biết đến liên quan đến tình trạng bất ổn đang xảy ra tại Iran.

Người bị xử tử đầu tiên được xác định là Mohsen Shekari, anh bị buộc tội dùng dao rựa làm bị thương một binh sĩ bảo vệ và chặn một con phố ở Tehran. Các nhóm nhân quyền cho rằng Shekari đã bị tra tấn và buộc phải thú nhận tội ác của mình.

Được biết, chính quyền Iran đang theo đuổi án tử hình đối với ít nhất 21 người. Ba tháng sau cuộc nổi dậy trên toàn quốc, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào giữa tháng 9 sau cái chết của Mahsa Amini khi cô bị cảnh sát giam giữ vì bị cho là đã vi phạm luật trùm đầu của đất nước.

Cảnh sát tiếp tục lập luận rằng cô chết vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng gia đình cô tin rằng cô đã bị đánh đập và tra tấn.

Trong khi đó, tờ The Guatdian tố cáo các lực lượng an ninh Iran đang nhắm vào phụ nữ trong các cuộc biểu tình chống chế độ bằng súng ngắn bắn đạn cao su vào mặt, ngực và bộ phận sinh dục của họ, theo các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ trên khắp đất nước.

Các bác sĩ và y tá - bí mật điều trị cho những người biểu tình để tránh bị bắt - cho biết họ lần đầu tiên quan sát thấy thực hành này sau khi nhận thấy phụ nữ thường đến với những vết thương khác với nam giới, là những người thường bị bắn vào chân, mông và lưng.

Trong khi biến cố mất internet đã che giấu phần lớn cuộc đàn áp đẫm máu đối với người biểu tình, những bức ảnh do các binh sĩ y tế cung cấp cho tờ Guardian cho thấy những vết thương tàn khốc trên khắp cơ thể họ do cái gọi là đạn chim, mà lực lượng an ninh đã bắn vào người dân ở cự ly gần. Một số bức ảnh cho thấy những người có hàng chục viên bi “bắn” nhỏ nằm sâu trong da thịt của họ.

The Guardian đã nói chuyện với 10 chuyên gia y tế, những người đã cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của các vết thương có thể khiến hàng trăm thanh niên Iran bị tổn thương vĩnh viễn. Các vụ bắn vào mắt phụ nữ, nam giới và trẻ em đặc biệt phổ biến, họ nói.

Một bác sĩ từ tỉnh Isfahan miền trung cho biết ông tin rằng chính quyền đang tấn công vào đàn ông và phụ nữ theo những cách khác nhau “vì họ muốn hủy hoại vẻ đẹp của những người phụ nữ này”.

“Tôi đã điều trị cho một phụ nữ ngoài 20 tuổi, cô ấy bị hai viên đạn bắn vào bộ phận sinh dục. Mười viên khác găm vào đùi của cô ấy. 10 viên này được lấy ra dễ dàng, nhưng 2 viên bắn vào bộ phận sinh dục là một thách thức, vì chúng nằm giữa niệu đạo và lỗ âm đạo của cô ấy”, bác sĩ cho biết. “Có nguy cơ nhiễm trùng âm đạo nghiêm trọng, vì vậy tôi đã bảo cô ấy đến một bác sĩ phụ khoa đáng tin cậy. Cô ấy nói rằng cô ấy đang phản đối thì một nhóm khoảng 10 binh sĩ an ninh đi vòng quanh và bắn vào bộ phận sinh dục và đùi của cô ấy.”

Bị tổn thương bởi trải nghiệm của mình, vị bác sĩ – người giống như tất cả các chuyên gia y tế được trích dẫn trong bài báo này đã nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù – cho biết ông đã gặp khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng và nỗi đau mà ông đã chứng kiến.

“Cô ấy vào tuổi con gái của tôi.”

Một số chuyên gia y tế khác cáo buộc lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng dân quân Basij ủng hộ chế độ đáng sợ này, đã phớt lờ các biện pháp kiểm soát bạo loạn, chẳng hạn như các biện pháp chỉ cho bắn vũ khí vào chân và cẳng chân để tránh làm tổn thương các cơ quan quan trọng.

Bộ ngoại giao đã được tiếp cận để bình luận về những cáo buộc của các binh sĩ y tế nhưng vẫn chưa phản hồi.
Source:The Guardian
 
Đức Hồng Y Ouellet người Canada kiện người cáo gian ngài
Đặng Tự Do
17:05 15/12/2022


Hôm thứ Ba, 13 tháng 12, Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ cho biết ngài chính thức nộp đơn kiện một phụ nữ đã cáo buộc ngài tấn công tình dục hơn một thập kỷ trước khi ngài còn là tổng giám mục của Quebec.

Đức Hồng Y Ouellet, hiện là một quan chức nổi tiếng của Vatican, đã bị nêu tên vào tháng 8 trong một vụ kiện tập thể chống lại tổng giáo phận Công Giáo Quebec trong đó cáo buộc các vụ tấn công tình dục của khoảng 88 giáo sĩ và nhân viên làm việc ở đó bắt đầu từ năm 1940.

Ngài đã phủ nhận các cáo buộc vào thời điểm đó và một lần nữa trong một tuyên bố công bố vụ kiện hôm thứ Ba.

Trong hồ sơ gửi lên Tòa án Tối cao Quebec vào tháng 8, một người khiếu nại ẩn danh cáo buộc rằng Ouellet đã chạm vào cô ấy một cách không thích hợp và đưa ra những bình luận khiến cô ấy cảm thấy khó chịu trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, khi cô ấy còn là một thực tập sinh ở độ tuổi 20 trong tổng giáo phận.

Một bản sao của vụ kiện, mà Reuters được xem, nói rằng vị Hồng Y đang đòi bồi thường 100,000 đô la từ một người phụ nữ chỉ được xác định là “Cô F” và rằng ngài sẽ quyên góp bất kỳ số tiền nào giành được cho “cuộc chiến chống lạm dụng tình dục người bản địa Canada.”

Vatican cho biết vào tháng 8 rằng sau khi xem xét sơ bộ các cáo buộc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không có đủ bằng chứng để mở một cuộc điều tra giáo luật về các cáo buộc.

Đức Hồng Y Ouellet cho biết trong tuyên bố hôm thứ Ba: “Tôi chưa bao giờ phạm tội vì những hành vi đáng trách này, càng không phải vì những hành vi bị cáo buộc chống lại các thành viên khác của hàng giáo phẩm được trích dẫn trong vụ kiện tập thể. Sự liên kết không phù hợp này, được xây dựng có chủ ý và lan truyền rộng rãi với mục đích xấu, phải bị tố cáo.”

Đức Hồng Y Ouellet cho biết ngài đang thực hiện hành động pháp lý về tội phỉ báng trước tòa án Quebec “để chứng minh sự sai trái của những cáo buộc chống lại tôi và để khôi phục danh tiếng và danh dự của tôi.”
Source:Reuters
 
TRUNG QUỐC YÊU NHỮNG NGƯỜI BẢO THỦ PHƯƠNG TÂY
Vu Van An
17:47 15/12/2022

Eric Hendriks-Kim là nhà xã hội học Hòa Lan và là một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Cao đẳng Mathias Corvinus ở Budapest. Trên tạp chí The First Thing, bản in tháng Giêng năm 2023, trong bài Why China Loves Conservatives (https://www.firstthings.com/article/2023/01/why-china-loves-conservatives), ông cho rằng Trung Hoa có nhiều điểm giống các nhà bảo thủ Tây Phương.



Những người bảo thủ ở phương Tây thấy nơi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một nữ thần báo oán đáng sợ: một lạc tưởng (dystopia) công nghệ áp bức do một đảng theo chủ nghĩa Lênin cai trị, phủ nhận sự gắn bó của chủ nghĩa bảo thủ với xã hội dân sự, Kitô giáo và các quyền tự do cá nhân. Ngược lại, bạn có thể mong đợi giới trí thức chủ đạo ở Trung Quốc đại lục sẽ lên án chủ nghĩa bảo thủ của phương Tây. Về mặt hình thức, Trung Quốc vẫn là cộng sản, và các truyền thống tư tưởng chính trị hàng đầu của nước này—Tân Nho giáo, chủ nghĩa Mác, và chủ nghĩa cải cách của Đặng Tiểu Bình—không trùng lắp với các quan điểm bảo thủ của phương Tây. Mối đồng cảm nào có thể có giữa chủ nghĩa bảo thủ phương Tây và dòng trí thức chủ đạo ở Trung Quốc?

Một cái nhìn kỹ hơn cho thấy một câu trả lời đáng ngạc nhiên. Ở Trung Quốc, người ta rất yêu thích các tác giả bảo thủ phương Tây: Chẳng hạn, các tác phẩm của Samuel Huntington và Leo Strauss được giới trí thức và học giả Trung Quốc nghiên cứu và ngưỡng mộ. Và cách giải thích của Trung Quốc về chính trị Hoa Kỳ thường song song với cách giải thích của Cánh hữu Hoa Kỳ. Chắc chắn những đồng cảm này có nhiều nguyên nhân, nhưng có một niềm tin chung nổi bật: ý thức sâu sắc rằng bất cứ xã hội nào, nhất là một xã hội lành mạnh, đều được gắn kết với nhau bởi một nền văn hóa tổng thể, toàn diện.

Các nhà tư tưởng Trung Quốc “không chính xác về mặt chính trị” khi so sánh với các tiêu chuẩn tự do tiến bộ đang chiếm ưu thế trong các trường đại học Bắc Mỹ. Thuật ngữ Trung Quốc dùng cho nền chính trị bản sắc của Bắc Mỹ là baizuo (“bọn bạch tả”) nghe rất xúc phạm. Nó ngụ ý điều gì đó giống như “những chuyện ngông cuồng được bọn da trắng cánh tả nói ngày nay”. Ngay cả các học giả thuộc phe tự do nhất của Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sử học trí thức Xu Jilin, đánh giá baizuo của Bắc Mỹ là quá mức và gây chia rẽ. Trong một diễn đàn về Black Lives Matter (sự sống người Da Đen quan trọng), Xu đã chỉ trích “các chiến thuật cưỡng chế mà phong trào sử dụng”, điều này dẫn đến việc “thanh trừng lịch sử” và chỉ kích động “xung đột sắc tộc và chủng tộc sâu xa hơn”.

Đối với nhiều người ở độ tuổi nào đó, chẳng hạn như nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ai Weiwei, baizuo gợi lại cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao (1966–76). Ký ức khủng bố của nó đối với “kẻ thù giai cấp”, vi phạm nhân danh bình đẳng văn hóa, khiến những nhà tư tưởng này dị ứng với chủ nghĩa siêu duy tâm cấp tiến – loại chủ nghĩa duy tâm tin rằng không tưởng bình đẳng sẽ thành hiện thực nếu những người chỉ trích và ôn hòa không cản trở tiến bộ lịch sử. Họ nhận ra khung suy nghĩ đó ở bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và họ biết rằng đầu óc hẹp hòi, cưỡng chế và những điều tồi tệ hơn sẽ xuất hiện theo sau nó. Làm ơn đừng làm thế nữa.

Việc cảnh giác đó mở rộng đến lý thuyết xã hội và chính trị. Các nhà tư tưởng phương Tây bị những người theo chủ nghĩa tự do tiến bộ ngày nay ở phương Tây xa lánh lại thu hút sự quan tâm nhiều nhất ở Trung Quốc. Khi tôi làm việc tại Đại học Bắc Kinh vài năm trước, tôi nhận thấy Samuel Huntington thường xuyên được trích dẫn và coi trọng. Như David Ownby của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Montreal đã nhận xét: “Huntington, một người bảo thủ về văn hóa, được nhiều trí thức Trung Quốc, thậm chí cả những người Trung Quốc theo chủ nghĩa tự do, yêu quý một cách kỳ lạ”. Nhưng “kỳ lạ” là một chữ không đúng, vì nhiều nhân tố rõ ràng ủng hộ sự nổi tiếng của Huntington ở Trung Quốc.

Huntington bác bỏ cái hiểu duy phổ quát về chính mình của phương Tây, dự đoán sự gia tăng niềm tự tin của châu Á, và tháo gỡ việc hiện đại hóa ra khỏi nền dân chủ tự do. Cuốn Political Order in Changing Societies [Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi] (1968) của ông lập luận rằng trật tự chính trị và khả năng nhà nước là những biến số quan trọng hơn nền dân chủ tự do khi nói đến việc hiện đại hóa. Khi điều đó xảy ra, Trung Quốc đương thời tự hào về việc đã bác bỏ luận điểm vốn được các nhà lý thuyết tự do ca ngợi rộng rãi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, rằng hiện đại hóa đòi hỏi mô hình dân chủ-tự do của phương Tây. Jiang Shigong, một nhà lý luận chính trị và trí thức nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục, bày tỏ lý do chính cho lời kêu gọi của nhà khoa học chính trị Harvard: “Huntington chỉ trích lý thuyết chính trị phương Tây vì niềm tin giáo điều có tính ý thức hệ cho rằng các chính phủ dân chủ tự do đại diện cho lý tưởng chính trị cao nhất”.

Tác phẩm Clash of Civilizations (1996) của Huntington đưa ra một điểm tiếp xúc khác. Mặc dù khởi đầu không bị thuyết phục bởi dự báo bi quan của nó về xung đột không thể tránh khỏi, các trí thức Trung Quốc đã đánh giá luận điểm của cuốn sách về tầm quan trọng địa chính trị của các nền văn minh và văn hóa là đúng. Góc độ “duy văn hóa” mạnh mẽ của Huntington, vốn coi tôn giáo và các giá trị văn hóa đóng vai trò ưu việt, củng cố việc tự hiểu biết chính thức của Trung Quốc. Tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn chơi con bài văn hóa, lập luận rằng Trung Quốc không nên trở thành một nền dân chủ tự do kiểu phương Tây, bởi vì làm như vậy sẽ đi ngược lại các giá trị văn hóa của Trung Quốc. Huntington lập luận rằng các nền văn hóa nên tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và quản lý sự khác biệt hơn là cố gắng xóa bỏ chúng. Lời kêu gọi “đối thoại giữa các nền văn minh trong sự khác biệt” của Chủ tịch Tập Cận Bình gần với đường lối này đến mức, như giáo sư văn học Huimin Jin của Đại học Tứ Xuyên nhận xét, cứ như thể Tập đang “cố ý đáp ứng những kỳ vọng và mối quan tâm của Huntington”.

Một sự tương phản tương tự, tức ca ngợi ở Trung Quốc, ghê tởm trong giới học thuật Hoa Kỳ, cũng áp dụng vào Leo Strauss. Strauss, người từng giảng dạy tại Đại học Chicago trong những năm 1950 và 1960, thường được trích dẫn tại các cuộc tụ họp của những trí thức bảo thủ, những người không có chức vụ học thuật. Trong các ngành khoa học chính trị và triết học, ý tưởng của ông bị giới hạn ở một vài giới lập dị. Tình hình ở Trung Quốc rất khác. Ở đó, Strauss đã có được một “sự theo dõi sùng bái”, như Matthew Dean đã nhận xét. Các dịch giả tiếng Trung hoa và người biên tập tác phẩm của ông nhiệt tình và siêng năng đến mức, hiện nay, “nhiều bản in của Strauss bằng tiếng Trung hoa hơn là bằng tiếng Anh”.

Hai người tiên phong của chủ nghĩa Strauss ở Trung Quốc, Liu Xiaofeng và Gan Yang, đã nghiên cứu dưới sự dìu dắt của Allan Bloom. Họ viết lời mở đầu mỗi tập trong loạt nghiên cứu do họ đồng biên tập, Sources of Western Scholarship [Nguồn gốc Nền Học giả phương Tây], với lời tiên báo cho rằng Strauss và các sinh viên của ông sẽ đánh giá cao: “Các học giả Trung Quốc, những người chấp nhận cách đọc phương Tây một cách lành mạnh, biết duy trì thái độ hoài nghi đối với các hệ thống tư tưởng phương Tây, và thậm chí còn cảnh giác hơn khi đối diện với nhiều lý thuyết kỳ lạ một cách hợp thời thượng tìm thấy trong khuôn viên các trường đại học phương Tây”.

Điều gì thu hút các học giả Trung Quốc đến với các tác phẩm của Strauss? Theo Mark Lilla, người đã viết một tiểu luận về vấn đề này sau khi dành thời gian ở Trung Quốc vào năm 2010, sự bất mãn lan rộng đối với các quan niệm tự do về đời sống chính trị đã làm Strauss trở nên hấp dẫn, vì Strauss cũng hoài nghi tính thỏa đáng của chủ nghĩa tự do hiện đại. Lilla cũng nhận diện “ý tưởng về một tầng lớp ưu tú được giáo dục để phục vụ lợi ích chung” của Strauss rất giống với truyền thống Nho giáo của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng độc giả Trung Quốc đánh giá cao việc Strauss đưa họ vào một chuyến du ngoạn vĩ đại về triết học chính trị phương Tây.

Tôi xin bổ sung thêm một nhân tố khác: quan điểm của Strauss về xã hội phù hợp với sở thích của người Trung Quốc đối với cái có thể gọi là “chủ nghĩa toàn diện văn hóa” [cultural holism]. Dựa trên truyền thống Hy Lạp, Strauss coi các xã hội như là các tổng thể chính trị-văn hóa, mỗi tổng thể có một đặc điểm tổng thể đặc thù, politeia của nó, hoặc, theo cách dịch thuật ngữ tiếng Hy Lạp của ông, là chế độ của nó. Như ông đã viết trong “Triết học chính trị là gì?” (1957): “Chế độ có nghĩa là cái tổng thể, cái mà ngày nay chúng ta có thói quen xem chủ yếu ở dạng phân mảnh; chế độ đồng thời có nghĩa là hình thức sống của một xã hội, phong cách sống, hương vị đạo đức, hình thức xã hội, hình thức nhà nước, hình thức chính quyền, tinh thần luật pháp”.



Các nhà tư tưởng Trung Quốc cũng lý luận như vậy về mặt chế độ. Trong cuốn hồi ký du lịch America Against America [Nước Mỹ chống lại nước Mỹ] xuất bản năm 1991, Vương Hỗ Ninh đã tiếp cận xã hội Mỹ như một chế độ văn hóa-chính trị toàn diện. Vương - khi đó là giáo sư chính trị quốc tế và hiện là một trong những nhân vật chính trị hàng đầu của Trung Quốc - đã cố gắng nắm bắt tinh thần chung của đời sống Mỹ. Ông lưu ý rằng người Mỹ có trí tưởng tượng xã hội phân mảnh hơn nhiều so với người Trung Quốc. Việc thiếu cảm thức toàn diện về việc họ là ai khiến người Mỹ không thể nắm bắt được bản chất tương liên của các căn bệnh của đất nước họ. Người Mỹ đánh giá cao chủ nghĩa cá nhân. Niềm tin vào nó là nền tảng của chế độ Mỹ. Nhưng Vương coi tâm lý này là nguyên nhân của sự đổ vỡ xã hội, hay tệ hơn nữa là tan vỡ.

Có một khuôn mẫu trong việc Trung Quốc thu hút các nhà tư tưởng bảo thủ. Strauss và Huntington quan niệm chính trị gắn liền với “các dạng sống” khác biệt của quốc gia và khu vực, nghĩa là, trong điều chúng ta thường gọi là các nền văn hóa. Trí thức Trung Quốc nhìn thế giới theo cách tương tự. Đời sống xã hội và thực tại chính trị được hình thành bên trong (và ngược lại hình thành ra) các tổng thể văn hóa. “Văn hóa,” Huimin Jin viết trong Telos, “không bao giờ có thể chỉ là một điều tách rời khỏi những điều khác, vì văn hóa xuất hiện như một tổng thể.” Các giá trị văn hóa giữ cho một xã hội ở lại với nhau. Như Xu Jilin giải thích, “Trật tự công lý nội bộ của một quốc gia đòi hỏi những giá trị chung mạnh mẽ có nội dung thực chất.” Ông chỉ trích chủ nghĩa tự do của Mỹ đã bỏ qua sự kiện này. Xu lập luận rằng chủ nghĩa tự do như thế, một chủ nghĩa dựa trên các quyền hợp pháp và quy tắc thủ tục, đòi hỏi quá ít từ công dân của mình—trong khi trớ trêu thay lại mong chờ quá nhiều sự hội tụ quy chuẩn quốc tế. Chủ nghĩa tự do hiện đại thúc đẩy “các tiêu chuẩn nhân quyền của phương Tây” mà không nhận ra rằng chúng chỉ phương Tây một cách hẹp hòi và không phù hợp với “nhiều nền văn minh chính”.

Hệ tư tưởng tự do cấp tiến tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của các tổng thể văn hóa. Nó hình dung thế giới theo những thuật ngữ phổ quát, duy hoàn cầu, đồng thời giản lược các xã hội quốc gia thành những tập hợp các cá nhân tán nhỏ. Ở dạng tiên tiến như là các nền chính trị bản sắc, phiên bản chủ nghĩa tự do này coi các cá nhân là thành viên của các phạm trù bản sắc giao thoa—các phạm trù không phải là cộng đồng và văn hóa chân thực, mà là những khái niệm trừu tượng về nhân khẩu học, chẳng hạn như “Người Mỹ gốc Á” và “LGBTQIA+”. Chữ “cộng đồng” có thể được thêm vào những khái niệm trừu tượng như vậy—chẳng hạn như trong “Cộng đồng LGBTQIA+”—nhưng nó trống rỗng, vì không có phạm trù chính trị-bản sắc nào là cộng đồng cụ thể với đời sống văn hóa chung. Thật vậy, tính liên đới giả tạo của chính trị bản sắc tiếp tục tán nhỏ cá nhân bằng cách làm xói mòn tính hợp pháp của các nền văn hóa kế thừa. Kết quả này không phải là ngẫu nhiên. Những người theo chủ nghĩa tự do tiến bộ tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của các tập thể văn hóa lớn hơn bằng cách xóa chúng khỏi giải trình của mình về thế giới xã hội, những giải trình mà họ phổ biến bằng cách sử dụng sự thống trị của họ trong các khoa khoa học xã hội và nhân văn của phương Tây. Nhiều người bảo thủ ở phương Tây chỉ trích dự án này, và giới trí thức Trung Quốc thấy mình đồng ý.

Đời sống trí thức phương Tây không phải lúc nào cũng thù địch với cái hiểu tổng thể về mặt văn hóa. Các nhân vật sáng lập của xã hội học phương Tây quan niệm xã hội là những tổng thể hữu cơ hoặc là những đấu trường riêng biệt và chặt chẽ của xung đột và phân bổ nguồn lực. Đúng là nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim (1858–1917) và nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864–1920) đã nêu bật cách thức trong đó các xã hội hiện đại đã trở nên dị biệt hóa về mặt nội tại ở bình diện nghề nghiệp và lĩnh vực giá trị. Nhưng theo Durkheim, các xã hội hiện đại vẫn tiếp tục được thống nhất bởi một trí tưởng tượng xã hội chung. Và mặc dù Weber coi trọng các xung đột trong các nền văn hóa hơn Durkheim, các nghiên cứu của ông về các di sản kinh tế xã hội của các tôn giáo khác nhau trên thế giới đã so sánh các nền văn minh khác nhau. Đối với Weber, mỗi trật tự văn minh của Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Trung Quốc đều hệ ở một động lực duy nhất của các giá trị và truyền thống, tạo ra các hình thức khác biệt của đời sống xã hội.

Trong giới học thuật phương Tây, lý thuyết so sánh văn minh thuộc loại mà Weber thực hiện lần cuối cùng hoàn toàn đáng tôn trọng vào năm 1963, khi nhà xã hội học người Do Thái Shmuel Eisenstadt, trong cuốn The Political System of Empires [Hệ thống chính trị của các Đế quốc], giải thích việc Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồi giáo đã tạo ra những phiên bản khác nhau của tính hiện đại ra sao. Kể từ đó, các tầm nhìn phân mảnh đã ngự trị. Qui ước mặc nhiên trong giới học thuật phương Tây đòi chúng ta không được “vật thể hóa” hoặc “yếu tính hóa” các nền văn hóa và chúng ta nên tránh các thuật ngữ “văn minh” và “thế giới phương Tây”, bị coi là kích thích chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến và bảo trợ cho sự áp bức các dân tộc không phải phương Tây. Các đơn vị văn hóa lớn bị nghi ngờ. Có thể chấp nhận gắn tính từ “văn hóa” vào các nhóm nhỏ; văn hóa nhóm nhỏ là điều tốt. Nhưng định đề một điều gì đó như “văn hóa Mỹ” sẽ có vẻ quá rập khuôn, không đủ hòa hợp với tính đa dạng, thậm chí còn phản động nữa.

Những suy tư về điều thống nhất một xã hội—chủ nghĩa tổng thể văn hóa mà các học giả Trung Quốc coi là đương nhiên—được cho là có lợi cho các chương trình chính trị dân tộc chủ nghĩa, điều mà các giáo sư và sinh viên phải công khai ghê tởm. Chống lại khả năng này, các học giả phương Tây nêu bật các nền tiểu văn hóa và các nhóm bản sắc mỏng manh, bên cạnh việc nghiên cứu các định chế và hoàn cầu hóa chính thức. Bất cứ điều gì cũng tốt, thực sự như thế, miễn là nó phá vỡ được sự chắp vá bị coi là ngột ngạt của các ràng buộc quốc gia và các khối văn minh.

Kết quả là, các học giả phương Tây bác bỏ thẳng thừng các so sánh văn hóa dựa trên các truyền thống chung, và họ đánh giá thấp phạm vi trong đó đời sống văn hóa của nhân loại được tổ chức thành các khối khác biệt và được củng cố tốt, như Huntington mô tả. Tất nhiên, các nền văn hóa không hoàn toàn khác biệt. Luôn luôn có các khu vực biên giới lỗ chỗ, các cộng đồng di dân, các nhóm nhỏ, các biến thể địa phương và các cá nhân chuyển vùng tự do với các tập hợp bản sắc độc đáo. Nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào những khía cạnh này, chúng ta sẽ đánh giá thấp việc phần lớn đời sống văn hóa giống như khối trên trái đất tồn tại ra sao.

Một nghiên cứu gần đây, “Về ʻQuốc gia học,ʼ” của Plamen Akaliyski và những người khác, so sánh khả năng giải thích của các đơn vị quốc gia trong Khảo sát Giá trị Thế giới với khả năng giải thích của các đơn vị gây nhóm thay thế như tôn giáo và dân tộc. Kết cục là “các quốc gia nắm bắt phần lớn” sự dị biệt có thể giải thích được trong các giá trị văn hóa của một cá nhân. “Trái ngược với trực giác của nhiều học giả, các tập hợp xã hội thay thế, chẳng hạn như các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, cũng như các phạm trù xã hội-nhân khẩu học đa dạng, bổ sung thêm sự biến trạng được giải thích không đáng kể vào sự khác biệt đã được các quốc gia nắm bắt”. Do đó, quan điểm phổ biến của các học giả Trung Quốc và của nhiều nhà bảo thủ phương Tây, một quan điểm cho rằng các quốc gia không chỉ là những đơn vị văn hóa rất chân thực, mà trong hầu hết các trường hợp, còn quan trọng hơn những sự khác biệt khác – kết cục đã rất đúng.



Trong một nghiên cứu trước đó, các nhà xã hội học Ronald Inglehart và Christian Welzel đã trình bày bản đồ văn hóa thế giới nổi tiếng của họ (xem biểu đồ). Nó cho thấy những người trả lời Khảo sát Giá trị Thế giới và Nghiên cứu Giá trị Châu Âu, nếu được nhóm theo quốc tịch, sẽ tập hợp thành các khu vực hoặc nền văn minh thế giới lớn hơn. Inglehart và Welzel đã tương phản các giá trị truyền thống và thế tục, cũng như các giá trị sinh tồn và tự phát biểu. Trục y (truyền thống–thế tục) cho thấy tầm quan trọng được người trả lời dành cho tôn giáo, các giá trị gia đình và thẩm quyền hợp pháp. Trục x (biểu hiện sự sống còn) chạy từ mối quan tâm về an ninh kinh tế và thể lý đến phúc lợi chủ quan và phẩm chất cuộc sống. Các mô hình khu vực-thế giới có thể thấy rõ nếu các mức trung bình quốc gia được đặt trong một biểu đồ phân tán. Thí dụ, các quốc gia châu Âu có truyền thống Thệ phản mạnh mẽ đạt điểm cao về chủ nghĩa thế tục và tự phát biểu bản thân, trong khi các quốc gia nói tiếng Anh cũng tự phát biểu bản thân không kém nhưng một cách truyền thống hơn.

Kết hợp hai kết quả nghiên cứu – tức việc thuộc về quốc gia bao hàm phần lớn các biến trạng và việc các quốc gia tập hợp thành các vùng văn hóa lớn hơn - có vẻ như thế giới văn hóa của chúng ta, ở một mức độ lớn, là một trong những “con người trong các quốc gia và các quốc gia trong các nền văn minh”. Như thế, xu hướng của những người bảo thủ phương Tây và của các học giả Trung Quốc trong việc tưởng tượng ra một thế giới gồm các chiếc hộp văn hóa không phải là quá xa vời. Quan điểm coi các quốc gia và nền văn minh như các thực tại trung tâm của đời sống chính trị có cơ sở thực nghiệm vững chắc hơn nhiều so với những nỗ lực tự do-tiến bộ nhằm suy nghĩ bên ngoài chiếc hộp văn hóa.

Xã hội có bản thể đạo đức; các khác biệt về văn hóa là điều hệ trọng; và các nền văn minh có thực chất. Các nhà tư tưởng Trung Quốc và những người bảo thủ phương Tây đồng ý về những điểm căn bản này. Cả hai nhóm đều coi xã hội như một tổng thể có văn hóa dày đặc được gắn kết với nhau bằng các giá trị chung. Nhưng, tất nhiên, sự hội tụ có giới hạn. Các chủ nghĩa tổng thể văn hóa mà các nhà tư tưởng Trung Quốc và những người bảo thủ phương Tây nhận thức trong xã hội và chấp nhận về mặt chính trị khác nhau về bản thể. Chủ nghĩa tổng thể nào đứng chung hàng với sự nhấn mạnh của chủ nghĩa bảo thủ phương Tây về nền văn hóa quốc gia và bản sắc văn minh sẽ khác với chủ nghĩa tổng thể của tư tưởng chính trị Trung Quốc, vì chủ nghĩa tổng thể này dựa trên các quan điểm về bản chất con người, sự gắn kết xã hội và thẩm quyền chính trị mà những người bảo thủ phương Tây bác bỏ.



Các nhà tư tưởng Trung Quốc thường giữ niềm tin không tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo và xã hội có thể trở nên hoàn hảo về mặt đạo đức. Sự lạc quan này cho phép các nhà triết học Trung Quốc hiện đại kỳ vọng rằng, với sự lãnh đạo tốt và những nỗ lực giáo dục đạo đức bền vững, một ngày nào đó tính ích kỷ và thiên vị sẽ biến mất khỏi trái tim con người. Khi lần đầu tiên tôi bắt gặp niềm tin này lúc đọc triết học Trung Quốc, tôi đã không thể bắt mình xem xét nó một cách nghiêm túc. Nhưng vào năm 2017, tôi dạy kèm cho một học sinh trung học ở Bắc Kinh. Trong nhiều trường hợp, học sinh này cho rằng các cuộc thảo luận với người ta là vô nghĩa, vì “những cuộc thảo luận sẽ sớm kết thúc”. Anh giải thích rằng một sự thật luân lý có tính thống nhất hóa sẽ sớm xuất hiện, sau đó mọi người sẽ không còn gì để tranh luận. Tại sao phải cãi nhau khi chính sự bất đồng đã trở nên lỗi thời?

Thiếu niên thông minh, chân thành này đã lặp lại một luồng tư tưởng rộng lớn trong tư tưởng chính trị Trung Quốc, một luồng tư tưởng mà nhà Trung Quốc học và lý luận chính trị Thomas A. Metzger gọi là “chủ nghĩa không tưởng của Trung Quốc”. Trong A Cloud Across the Pacific, Metzger mô tả chủ nghĩa không tưởng của Trung Quốc là “niềm tin rằng cái cụ thể ở đây và bây giờ không chỉ nên mà còn có thể trở nên hoàn hảo về mặt đạo đức”. Niềm tin này bắt nguồn từ việc phục hồi chủ nghĩa duy tâm Nho giáo thời hiện đại. Đối với những người Tân Nho giáo tiền hiện đại, thời hoàng kim của nhân loại nằm trong một quá khứ xa xôi, khi sự cai trị hoàn hảo của Chu Công (1042–1035 TCN) đã quy tụ thiên hạ vào một gia đình hòa thuận. Kể từ đó, loài người đã suy tàn, với xu hướng đi xuống dần dần chỉ bị gián đoạn một cách rời rạc bởi sự phục hồi một phần. Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xã hội và quan niệm hiện đại của phương Tây về tiến bộ lịch sử, cách trình bày lịch sử này đã thay đổi hoàn toàn vào buổi bình minh của thế kỷ 20, khi những người theo chủ nghĩa hiện đại hóa như Kang Youwei (1858–1927) chuyển trạng thái cứu rỗi sang tương lai gần. Cuốn Book of Great Unity [Đại đoàn kết] nổi tiếng của Kang đã dự đoán một thế giới hòa bình, hài hòa, trong đó tất cả sẽ bình đẳng về mọi mặt, kể cả kinh tế, và sự cạnh tranh sẽ bị vượt qua khi mọi người cố gắng trở nên nhân đạo và tự tu dưỡng.

Metzger giải thích, sự kết hợp giữa Nho giáo và hiện đại này đã chuẩn bị đường cho việc du nhập chủ nghĩa không tưởng Mác-Lênin vào giữa thế kỷ 20, và nó vẫn còn ảnh hưởng trong tư tưởng Trung Quốc. Triết gia Zhao Tingyang của Đại học Bắc Kinh đã gây sóng gió trong những năm gần đây khi phác thảo tầm nhìn về cuộc cách mạng đạo đức hoàn cầu, theo đó sự thiên vị sẽ bị xóa bỏ khỏi trái tim của tất cả mọi người, căng thẳng ngoại giao sẽ trở nên lỗi thời và các nền văn hóa trên thế giới sẽ tôn trọng lẫn nhau. Chuyên khảo mới nhất của ông, All Under Heaven [tất cả dưới bầu trời], nhắc lại lời kêu gọi thay thế xung đột chính trị bằng tình hữu nghị trên toàn thế giới: “Chính trị phải trở thành một nghệ thuật biến thù hận thành tình bạn hơn là một công nghệ để đối phó với xung đột cạnh tranh”.

Chủ nghĩa đạo đức không tưởng này mâu thuẫn với cốt lõi của chủ nghĩa bảo thủ phương Tây. Cho dù theo thuyết của Burke, hay thuyết của Hayek hoặc dùng thần học để thuyết phục, chủ nghĩa bảo thủ mạnh mẽ nào cũng dựa trên quan niệm của Kitô giáo về sự sa ngã của con người. Nó chấp nhận rằng tội lỗi, bao gồm cả tính ích kỷ hàng ngày, là một đặc điểm không thể xóa bỏ của hiện sinh nhân bản, và do đó nó tìm cách áp đặt các biện pháp bảo vệ chống lại sự lạm dụng quyền lực tồi tệ nhất. Kiểm tra và cân bằng, thượng tôn pháp luật và tranh luận cởi mở là không thể thiếu, vì các nhà lãnh đạo không bao giờ có thể được tin tưởng hoàn toàn. Và những bất đồng chính trị sẽ luôn tồn tại. Ngay cả những nhà lãnh đạo và công dân giỏi nhất cũng có những hạn chế về quan điểm và quyền lợi ảnh hưởng đến phán đoán của họ.

Quan điểm bi quan về bản chất con người khiến những người bảo thủ coi một xã hội có trật tự là một hành động cân bằng. Trật tự có thể xảy ra khi các định chế và truyền thống văn hóa khác nhau kiểm soát lẫn nhau và bù đắp cho khả năng sai lầm của con người. Ngược lại, theo quan điểm lạc quan của Trung Quốc, tập thể được tổng hợp hài hòa; tất cả các bộ phận của xã hội, bao gồm tất cả các cá nhân, có thể cùng nhau vươn lên các cấp độ đạo đức cao hơn. Nhân khẩu học Trung Quốc có khái niệm về “phẩm chất dân số” (renkou suzhi). Theo định nghĩa của Baidu Baike, bách khoa toàn thư trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, thuật ngữ này biểu thị “phẩm chất tư tưởng, văn hóa và thể lý” của một dân số. Người ta tin rằng, tất cả các phẩm chất như vậy đều có thể được cải thiện. Mọi điều trong xã hội, kể cả tư cách đạo đức của các cá nhân, đều có thể—và phải—cùng nhau phát triển khi tập thể văn hóa vươn lên và cải thiện, cuối cùng tạo ra một xã hội hoàn hảo về mặt đạo đức với những nhà lãnh đạo hoàn hảo.

Niềm tin vào khả thể cải thiện tập thể nền tảng phẩm chất đạo đức của con người khiến các nhà tư tưởng Trung Quốc thừa nhận một chủ nghĩa tổng thể về văn hóa có tính duy tập thể hơn cả những tầm nhìn tổng thể nhất của những người bảo thủ phương Tây. Theo nghĩa đó, chính dòng Trung Quốc có thể được gọi là “cánh hữu” nhiều hơn là chính chủ nghĩa bảo thủ phương Tây. Nhưng tại thời điểm này, các so sánh đang thay đổi. Chủ nghĩa không tưởng Trung Quốc, một nhánh nổi bật trong tư tưởng chính trị Trung Quốc, có đối tác phương Tây gần gũi nhất là chủ nghĩa xã hội cấp tiến và ước mơ về một xã hội đa văn hóa hòa nhập hoàn hảo. Theo nghĩa này, chủ nghĩa không tưởng của Trung Quốc có thể được mô tả là cánh tả.

Việc xoay trục trí tưởng tượng xã hội Trung Quốc từ phải sang trái cho thấy sự điên rồ khi đặt một điều gì đó quá phức tạp và khác biệt một cách phức tạp vào phổ tả-hữu của phương Tây. Đời sống trí thức Trung Quốc là một thế giới khác—mặc dù là một thế giới có mối liên hệ gần gũi và thể hiện sự quan tâm lớn đối với chủ nghĩa bảo thủ phương Tây. Có lẽ chúng ta có thể đáp lại sự quan tâm và thậm chí thu hút sự thiện cảm, bởi vì, chừng nào sự hòa hợp hoàn cầu hoàn hảo vẫn chưa thành hiện thực, phương Tây và Trung Quốc sẽ cần phải cùng tồn tại trong khi bất đồng về nhiều điều.
 
Văn Hóa
Trái Đất Nóng Dần!
Nguyễn Trung Tây
15:46 15/12/2022
□ Nguyễn Trung Tây
Trái Đất Nóng Dần!


Rất có thể con người rồi sẽ bước theo vết xe đổ của khủng long! Nếu con người sống thờ ơ và vô trách nhiệm với môi trường sinh thái...

Cuối tháng Mười Một, Úc Châu vào hè. Đầu tháng Mười Hai Melbourne tiếp tục vừa nắng lại vừa mưa. Trời hôm nay nắng gắt đổ lửa cháy khô mặt đường nhựa. Chỉ qua một đêm, nhiệt độ 37 độ C rớt xuống 18 độ. Gió lạnh ngắt, mưa kéo tới. Nắng mưa bất chợt khiến một vài băn khoăn thoáng hằn trên vầng trán! Thiên hạ bàn tán xôn xao, khí hậu thay đổi, trái đất nóng dần!

Nhiệt độ thay đổi! Trái đất nóng dần bởi thán khí dư thừa trên bầu khí quyển. Trái đất ấm đầu, băng tuyết Bắc và Nam Cực tan, hồng thủy kéo tới, nhân loại bồng bế dẫn nhau lên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn tái định cư!?

Thật thà mà nói có lẽ nhiều người vẫn quên đi rằng trái đất vẫn đang tiếp tục chuyển mình tiến hóa. Bây giờ là năm châu: Châu Úc, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Âu. Nhưng trước đó Nam Mỹ và Châu Phi nhập một, Úc Châu từ dưới Nam Cực trôi lên, Ấn Độ đâm sầm vào Nam Á. Cú đụng lịch sử sáng thế của Ấn Độ và Nam Á Châu tạo nên rặng núi Hy Mã Lạp Sơn cao ngất trời. Theo dòng thời gian, Phi Châu không còn đất xanh tươi sông ngòi rậm rạp rừng cây, nhưng trở nên nắng cháy, đất nứt khô môi. Môi trường sinh thái thay đổi, con người châu Phi bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi tìm đất mới. Nhóm đi lên Âu Châu, nhóm băng qua Á Châu. Để rồi, ngày hôm nay trái đất trở nên đẹp rực rỡ với bao nhiêu sắc tộc và văn hóa.

Hồi xưa là hỗn độn, rồi là năm châu. Vào trong tương lai sẽ là mấy châu? Có ai biết!

Hồi xưa là người từ Châu Phi dẫn ra đa sắc tộc đa văn hóa. Bước tới tương lai, có ai mà biết sắc tộc nào sẽ biến mất, văn hóa nào lại trổi vượt lên? Trái đất vẫn đang tiếp tục những vòng quay tiến hóa.

Hơn 65 triệu năm về trước là khủng long rộn ràng những bước chân khổng lồ móng sắc, rượt đuổi cắn xé con mồi. 65 triệu năm sau, khủng long biến mất.

Bây giờ là con người đầu mình tay chân mua vé máy bay Qantas bay từ Melbourne qua Los Angeles du lịch.

Bây giờ là con người trí tuệ xây cao tòa nhà con sò Opera soi bóng bên cạnh cầu Harbour trứ danh của nước Úc.

Nhưng sau con người sẽ là ai? Không ai biết, nhưng trái đất vẫn cứ tuần tự tiếp tục vòng quay tiến hóa.

Tuy nhiên, bởi thán khí dầy đặc bầu khí quyển, khoa học gia đồng loạt khẳng định rằng con người hiện đại phải gọi là khá thành công trong những “nỗ lực” tiếp tay, đẩy mạnh, và giúp sức cho địa cầu quay nhanh hơn vòng quay tiến hóa bình thường. Đến ngày hôm nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được nguyên nhân nào đã khiến khủng long biến mất trên mặt đất. Nhiều giả thiết được đặt ra, được tranh luận, nhưng được nhiều khoa học gia ưa chuộng nhất vẫn là giả thiết khoảng 65 triệu năm về trước có một vẫn thạch khổng lồ từ ngoài không gian lạc đường đâm sầm vào trái đất khiến bầu khí quyển địa cầu xáo trộn, lấy đi sinh mạng khủng long. Nếu khoa học chính xác về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyệt chủng của khủng long, người ta có thể nói rằng bởi thiên tai, khủng long diệt vong. Vật làm thì may ra còn né, nhưng trời làm thì chịu. Nhưng ngày hôm nay, không còn bởi thiên tai nữa, nhưng bởi sự vô trách nhiệm của cư dân địa cầu, thán khí tiếp tục bốc hơi bám dầy che kín bầu khí quyển khiến trái đất chuyển mình nóng sốt ho khan.

Rất có thể con người rồi sẽ bước theo vết xe đổ của khủng long! Nếu con người tiếp tục chọn lựa sống thờ ơ và vô trách nhiệm với môi trường sinh thái.

Mùa Giáng Sinh là mùa của hy vọng, hy vọng rất nhiều, nhân loại tỉnh thức nhận ra hiểm họa cận kề. Hơn thế nữa, hy vọng Thiên Chúa ghé mắt thương nhìn, trời cao đổ xuống trần gian bạc vàng ân sủng, khiến phép lạ xảy ra, trái đất thôi nóng, nhưng nguội dần, để đời sống nhân loại tiếp tục sinh sôi, nẩy nở đúng như lời chúc năm xưa của Thiên Chúa tới muôn loài thụ tạo trong tuần lễ đầu tiên của Sáng Thế Ký (Genesis 1:1-2:4a).□

Lời Nguyện
Lạy Chúa! Xin thương xót con người đã được cứu chuộc bởi chính máu đào của Đức Giêsu.

(Trích Suy Niệm Người Ra Nương Đồng xuất bản 2023)
 
VietCatholic TV
Putin gài bẫy Lukashenko. Thảm bại, thương vong tăng nhanh, chỉ huy Nga hô hào dùng vũ khí hạt nhân
VietCatholic Media
03:14 15/12/2022


1. Hai sở chỉ huy và tám cụm tập trung quân Nga trúng HIMARS

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 15 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong ngày qua, quân Nga đã tiến hành 23 cuộc không kích và 7 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.

Cuộc không kích thứ nhất nhắm vào thủ đô Kyiv. Quân Nga đã phóng các máy bay không người lái chiến đấu Shahed-136 và 131 do Iran sản xuất từ hướng bờ biển phía đông của Biển Azov để tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng ở thủ đô. Tất cả 13 máy bay không người lái của Nga đều bị bắn hạ.

Lúc 11 giờ sáng, quân Nga phóng hỏa tiễn bằng các bệ phóng hàng loạt vào thành phố Kherson. Hỏa tiễn Nga đã rơi vào tòa nhà hành chính nơi tổng thống Ukraine đã đến thăm đúng một tháng trước đó, hôm thứ Hai 14 tháng 11, khi thành phố Kherson vừa được giải phóng. Hai tầng của tòa nhà đã bị hư hại.

Theo thông tin sơ bộ, không có thương vong. Một đám cháy đã bùng phát trong một nhà kho do hậu quả của cuộc pháo kích vào Kherson vào buổi sáng.

Quân Nga cũng phá hủy cơ sở hạ tầng của các thị trấn Kurakhove và Kostiantynivka, trong vùng Donetsk.

Trong ngày, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện bảy cuộc tấn công vào các cụm binh sĩ, vũ khí và thiết bị quân sự của đối phương và ba cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân xâm lược. Lực lượng hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đánh trúng 2 sở chỉ huy và 8 cụm quân địch.

Thành phố Bakhmut tiếp tục là điểm nóng nhất hiện nay. Hôm 13 tháng 12, các bloggers quân sự Nga cho rằng quân Putin đã chiếm được 90% làng Opytne bên ngoài thành phố Bakhmut. Tuy nhiên, trong bản báo cáo sáng 15 tháng 12, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ Đoàn Dù số 71 của Ukraine đã tràn ngập các phòng tuyến của đối phương tại Opytne sau khi các công sự của quân xâm lược bị pháo kích dữ dội trong nhiều giờ.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ trước đó, ít nhất 740 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến nâng tổng số tử sĩ của quân Nga lên khoảng 96,000 người tính từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 14 tháng 12 năm 2022.

2. Ukraine nhận lại 64 quân nhân bị Nga bắt làm tù binh

Như một phần của cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác vào thứ Tư, ngày 14 tháng 12, Ukraine đã nhận lại 64 quân nhân bị Nga bắt làm tù binh. Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak đã cho biết như trên.

“64 quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, những người đã chiến đấu ở các hướng Donetsk và Luhansk, đặc biệt là tham gia bảo vệ thành phố Bakhmut, đã về nhà. Đây là những sĩ quan, binh nhì và trung sĩ, những anh hùng của chúng ta,” Yermak nói.

Ông lưu ý rằng trong số các quân nhân vừa được trả tự do có một công dân Hoa Kỳ “đã giúp đỡ người dân Ukraine – là anh Suedi Murekezi”.

“Anh ấy đã bị quân xâm lược Nga bắt giữ vào tháng 6 tại thành phố Kherson với cáo buộc là đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine”.

Trụ sở điều phối đối xử với tù nhân chiến tranh ở Ukraine cho biết 59 quân nhân là thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi 5 người khác thuộc lực lượng bảo vệ lãnh thổ.

Bốn người là sĩ quan, người lớn tuổi nhất trong cuộc hoán đổi là 57 và người trẻ nhất là 19.

Phần lớn những người bị bắt là từ các khu vực tiền tuyến như Bakhmut, Soledar, Zaitseve và những nơi khác ở Donetsk và Luhansk.

Ông Yermak cho biết Ukraine cũng đã nhận lại thi thể của 4 binh sĩ thiệt mạng.

Trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù nhân chiến tranh khác vào ngày 6 tháng 12, Ukraine đã nhận được 60 chiến binh do Nga trao trả, trong đó có 34 người bảo vệ Mariupol.

3. Việc Belarus tham gia chiến tranh Ukraine có thể 'tàn phá' quân đội của Lukashenko

Các nhà đối lập Belarus cảnh báo rằng qua cái chết đột ngột của Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei, Nga đang ép nhà độc tài nước này phải can dự trực tiếp vào cuộc chiến tại Ukraine. Thâm ý của Putin là nếu Belarus có thể giúp ông ta chiếm được Ukraine thì là tốt nhất. Nếu không, lợi dụng lúc quân Belarus đã suy yếu, Putin sẽ chiếm Belarus và xem đó là chiến thắng thay cho chiến thắng tại Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Belarus Joining Ukraine War Could Be 'Devastating' to Lukashenko's Army”, nghĩa là “Việc Belarus tham gia chiến tranh Ukraine có thể 'tàn phá' quân đội của Lukashenko.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Belarus đã tăng cường hành động quân sự trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể gia nhập lực lượng Nga ở Ukraine. Nhưng làm như vậy có thể “tàn phá” quân đội của họ, một chuyên gia nói với Newsweek.

Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Belarus đã nổi lên như một trong những đồng minh chiến lược thân cận nhất khi Putin phải đối mặt với sự chỉ trích từ phương Tây. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã công khai ủng hộ Putin, thậm chí cho phép quân đội Nga tiến vào Ukraine từ biên giới Belarus-Ukraine, tạo điều kiện tiếp cận gần hơn với thủ đô Kyiv.

Belarus hôm thứ Ba đã công bố kế hoạch kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đây là hành động mới nhất trong một số hành động của quân đội trong những tuần gần đây, theo Reuters. Nó diễn ra sau một cuộc tập trận chống khủng bố trong tháng này, một cuộc kiểm tra các thành viên dịch vụ đủ điều kiện và một cuộc tập trận quân đội vào tháng Mười.

Javed Ali, giáo sư Đại học Michigan chuyên về chính sách quốc tế và ngoại giao, nói với Newsweek hôm thứ Ba rằng Belarus tham chiến ở Ukraine có thể có những bất lợi.

“Nó đi kèm với những rủi ro đáng kể cho người Belarus. Hãy nhìn vào sức mạnh mà quân đội Nga đã gây ra ở Ukraine,” Ali nói. “Belarus là một quốc gia nhỏ. Nó có nguồn lực quân sự hạn chế. Mất vài trăm quân hoặc vài nghìn quân sẽ rất tàn khốc đối với họ.”

Mặc dù Ali không “nhìn thấy chiều hướng” Belarus tham chiến, vì nó có thể gây ra những hậu quả khốc liệt về chính trị và điều hành cho chính phủ, nhưng ông cho biết Belarus vẫn có thể tham chiến nếu Putin “mạnh mẽ thúc bách” Lukashenko làm như vậy.

Ông Ali cho biết Nga, đối mặt với những tổn thất ngày càng gia tăng, có thể sẽ cố vơ vét bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể, nhưng Belarus cũng có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế vì tham chiến nếu quân đội của họ bị coi là hỗ trợ kẻ xâm lược hoặc tấn công các mục tiêu dân sự. Nước này có thể phải đối mặt với áp lực ngoại giao hoặc các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã sử dụng để chống lại Nga.

“Tôi nghĩ rằng, trừ khi tổng thống Belarus có cùng quan điểm về việc đẩy đất nước của mình xuống mương và không có khả năng lùi xe lại thì tôi không thấy Belarus có chút lợi lộc nào,” Ali nói.

Ali cho biết Belarus cũng có thể tăng cường các cuộc tập trận quân sự để thể hiện tình đoàn kết với Nga hoặc phô trương lực lượng đối với Ukraine, nhưng ông nghi ngờ rằng điều đó sẽ “thay đổi cơ bản” kết quả của cuộc chiến, chỉ ra quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế của Belarus. Tuy nhiên, ông nói, sẽ không có nhiều bất lợi đối với Nga, nước được cho là đã chịu tổn thất quân số đáng kể trong suốt cuộc chiến.

Một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho thấy các lực lượng Belarus “rất khó có khả năng” tham chiến, ngay cả khi Điện Cẩm Linh tìm cách gây áp lực buộc Lukashenko gửi quân vào Ukraine.

Lukashenko bác bỏ suy đoán rằng quân đội của ông sẽ tham chiến vào tháng trước, mô tả nó là “hoàn toàn vô nghĩa.”

Ông nói với các phóng viên: “Nếu chúng tôi sử dụng binh sĩ của Lực lượng Vũ trang để tham gia vào cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ không thêm bất cứ điều gì vào đó. Ngược lại, chúng ta sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Đó không phải là vai trò của Belarus trong cuộc xung đột này.”

Tháng 10 vừa qua, Ukraine đã cảnh báo Lukashenko không được gửi quân của mình vào cuộc xung đột. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang đã viết trong một bài đăng trên Facebook: “Nếu quân đội Belarus ủng hộ sự xâm lược của Nga, chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ đáp trả gay gắt như chúng tôi đáp trả với tất cả những kẻ xâm lược trên lãnh thổ Ukraine.”

4. Một tư lệnh quân Nga đề xuất vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng

Chứng kiến sự thất bại thê thảm tại thành phố Bakhmut, một chỉ huy Nga đề xuất rằng vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Commander Suggests Nukes as 'Only' Option to Win War”, nghĩa là “Chỉ huy Nga đề xuất vũ khí hạt nhân là lựa chọn 'duy nhất' để giành chiến thắng.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một chỉ huy Nga cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là cách duy nhất để Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Nhận xét này được đưa ra hơn 9 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2, với hy vọng giành chiến thắng nhanh chóng trước nước láng giềng Đông Âu.

Tuy nhiên, những nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ của Ukraine, được hỗ trợ bởi viện trợ nhân đạo và quân sự của phương Tây, đã ngăn chặn thành Chúa Giáng Sinh lợi ích quân sự của Mạc Tư Khoa. Quân đội của Putin tiếp tục phải vất vả để đạt được những thành công ít ỏi ở các mục tiêu quan trọng.

Trong suốt cuộc xung đột căng thẳng, đã xuất hiện những lo ngại về việc liệu Putin có ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân hay không nếu cảm thấy không còn cách nào khác để chiến thắng trong cuộc chiến hoặc nếu cuộc chiến phát triển thành một cuộc xung đột lớn hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

Alexander Khodakovsky, tư lệnh lực lượng dân quân Donetsk của Nga, đã chỉ ra vũ khí hạt nhân là một cách để Nga có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến trong một lần xuất hiện trên truyền hình nhà nước. Đoạn video về sự xuất hiện của ông ta đã được dịch và đăng lên Twitter bởi phóng viên BBC Francis Scarr.

Ông cho biết giới chức quân sự Nga nhận ra nguồn lực của họ “có giới hạn”, và nhất trí rằng họ có thể phải chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh bại Ukraine.

Khodakovsky nói: “Mọi người đều nhận ra rằng vòng xoáy leo thang tiếp theo chỉ có thể là giai đoạn chiến tranh hạt nhân.”

Khodakovsky cho biết Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân nếu NATO vượt qua “những ranh giới nhất định” và “tham gia trực tiếp” vào cuộc xung đột quân sự. Cho đến nay, phương Tây đã hạn chế sự tham gia của mình vào cuộc chiến trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine, vì việc gửi quân có thể sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.

Ông thừa nhận rằng Nga thiếu khả năng chiến đấu chống lại toàn bộ NATO bằng vũ khí thông thường.

Ông nói: “Chúng ta không có khả năng – chúng ta là một quốc gia hiện đang chiến đấu với toàn bộ thế giới phương Tây và chúng ta không có đủ nguồn lực để đánh bại khối NATO bằng các biện pháp thông thường. Nhưng chúng ta có vũ khí hạt nhân cho việc đó. Chúng ta đã xây dựng chúng đặc biệt cho những tình huống như vậy. Đó là lý do tại sao chỉ có một lựa chọn.”

Bất chấp nhận xét của Khodakovsky, NATO đã không chỉ ra bất kỳ kế hoạch nào để bắt đầu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine.

Nga đã nói gì về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Ukraine

Nga đã đưa ra những tín hiệu lẫn lộn về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong suốt cuộc xung đột. Các nhà chức trách đã chính thức bác bỏ ý tưởng triển khai các loại vũ khí này, nhưng truyền hình nhà nước, liên kết chặt chẽ với Điện Cẩm Linh, đã liên tục cảnh cáo phương Tây về khả năng tấn công hạt nhân.

Vào tháng 9, Putin đã đưa ra lời đe dọa chống lại các quốc gia mà ông tin rằng đang cố gắng “tống tiền” ông bằng vũ khí hạt nhân của họ, một hành động rõ ràng nhằm vào các nước phương Tây, khi ông ra lệnh huy động một phần quân đội để leo thang chiến tranh.

Cả Nga và phương Tây đều trình bày bộ sưu tập vũ khí hạt nhân tương ứng của họ như những biện pháp răn đe nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công có thể gây ra đau khổ trên diện rộng.

Ông Putin nói: “Những kẻ đang cố tống tiền chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể đổi chiều”.

Tuy nhiên, vào tháng 10, Putin đã hạ thấp khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, nói rằng “việc đó chẳng ích lợi gì, cả về chính trị lẫn quân sự,” theo Associated Press.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuần trước đã cảnh báo rằng Putin đang phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận.

5. Trò đùa khốn nạn liên quan đến lễ Giáng Sinh của người Nga

Trước hết Kim Thúy kính mời quý vị và anh chị em xem đoạn video này thu được trong một sự kiện từ thiện của Duma quốc gia Nga, hay Hạ Viện Nga.

Người đàn ông này là ai? Và ông ta nói cái gì? Ông ta là Dân biểu Oleg Nilov. Ông ta lấy một tấm thiệp những lời mơ ước trên một cây thông Giáng Sinh và đọc như thế này:

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”.

Hãy để ý phản ứng của một Dân biểu khác, một người có lẽ còn chút lương tâm nên lấy tay che mặt đi trước một trò giễu cợt mà nhiều người đã chỉ trích. Nhẹ nhàng thì người ta cho rằng đây là trò giễu dở. Nặng nề hơn thì người ta viết: “сволочь”, là tiếng Nga, dịch ra tiếng Việt là “Thằng khốn nạn”.

Tờ Newsweek có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Russian Politician Jokes Kyiv Children Will 'Get Rockets' at Holiday Event”, nghĩa là “Trong một sự kiện liên quan đến ngày lễ Chính trị gia Nga giễu cợt rằng trẻ em ở Kyiv sẽ nhận được hỏa tiễn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một chính trị gia Nga gần đây đã được nghe thấy trên đoạn video được quay trong một sự kiện liên quan đến thời gian nghỉ lễ sắp tới nói rằng trẻ em ở thủ đô Kyiv của Ukraine sẽ “nhận được hỏa tiễn”.

Trong một video được hãng tin Nexta TV của Belarus đăng lên Twitter, chính trị gia Nga Oleg Nilov được nhìn thấy đang lấy một tấm thiệp trang trí trên cây thông Giáng Sinh và đọc nó.

“Cậu bé Vova đến từ Kyiv mơ được nhận hỏa tiễn. Vova, cháu sẽ nhận được hỏa tiễn, hãy đợi nhé”, Nilov nói trong video, theo bản dịch từ Nexta TV. Phương tiện truyền thông này báo cáo rằng những lời bình luận này đã được đưa ra trong một sự kiện bác ái tại Duma Quốc gia Nga.

Bình luận của Nilov được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến đang tiếp tục diễn ra giữa Ukraine và Nga, bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hoạt động quân sự đặc biệt vào tháng Hai.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng thủ đô của quốc gia gần đây đã bị tấn công bởi máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất do Nga gửi đến.

“Những kẻ khủng bố bắt đầu sáng nay với 13 Shahed. Theo thông tin sơ bộ, tất cả 13 máy bay không người lái đã bị hệ thống phòng không của chúng ta bắn hạ. Tốt lắm. Tôi tự hào,” Zelenskiy nói trong một video. “Các công dân thân mến, chúng ta hãy cảm ơn lực lượng phòng không và đừng quên còi báo động.”

Trong một bài đăng trên Telegram hôm thứ Ba, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết 13 máy bay không người lái Shahed-136 đã bị bắn hạ trong thành phố.

Ngoài các cuộc tấn công vào Kyiv, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine gần đây cho biết các cuộc tấn công quân sự của Nga đã xảy ra ở khu vực Kherson.

“Ngoài ra, những kẻ xâm lược đã thực hiện hơn 10 vụ pháo kích… bao gồm cả thành phố Kherson,” Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook.

“Ở hướng Zaporizhzhia và Kherson, những người Nga xâm lược tiếp tục… nã pháo vào cơ sở hạ tầng dân sự của các khu định cư dọc theo hữu ngạn sông Dnipro. Các khu vực của 28 khu định cư bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn.”

Các video đăng trên mạng xã hội cũng xuất hiện cho thấy các cuộc tấn công của Nga ở Kherson.

“Hỏa tiễn của Nga đã đánh trúng toà nhà chính quyền khu vực Kherson. Đây cũng chính là tòa nhà mà một tháng trước, người Ukraine đã rất vui mừng giương cao lá cờ của chúng ta. Nó không có giá trị quân sự. Đó chỉ là hành động khủng bố và báo thù thuần túy. Điều đó chỉ cho thấy Nga yếu thế nào,” Maria Avdeeva, giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Chuyên gia Âu Châu tại Ukraine, đã viết trong một tweet chia sẻ video về các cuộc tấn công.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Ngoại giao Ukraine, cũng chia sẻ video tương tự trên Twitter.

“Người Nga đã nã pháo vào tòa nhà của chính quyền khu vực Kherson. Rất may, không có ai bị thương”, Gerashchenko viết. “Nga là một quốc gia khủng bố.”

Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao ở cả Nga và Ukraine để bình luận.
 
Tòa Thánh muốn làm trung gian hòa giải, Nga lấy oán trả ơn. Các cử hành Giáng Sinh tại Vatican
VietCatholic Media
05:13 15/12/2022


1. Giáo Hội Chính thống của Ukraine sẽ cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như người Công Giáo

Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong một động thái tách biệt với truyền thống Chính Thống Giáo theo đó Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 7 tháng 1, cùng thời điểm với Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, nơi đã xuất phát ra cuộc chiến của Putin.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, là người ủng hộ nổi bật của Vladimir Putin và đã nói rằng những người lính Nga thiệt mạng sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius cũng lên tiếng cáo buộc quân Nga cướp bóc Nhà thờ Thánh Catherine lịch sử của Kherson.

2. Tòa thượng phụ Georgia: Hạn chế lễ kỷ niệm vào ngày đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ vì tình hình Ukraine

Tòa thượng phụ Georgia đã công bố một tuyên bố, thông báo cho các tín hữu rằng các lễ kỷ niệm đánh dấu lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Georgia sẽ bị hạn chế.

Thông báo viết: “Các lễ hội kỷ niệm ngày lễ đăng quang và ngày sinh của Đức Thượng Phụ Toàn Georgia sẽ được tổ chức với quy mô hạn chế do tình hình nghiêm trọng ở Ukraine và trên toàn thế giới.”

“Hơn nữa, không có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo Giáo Hội, đại diện hoặc các cá nhân thế tục”

Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị đã quyết định như trên để bày tỏ tình liên đới với người dân Ukraine đang rét căm căm vì các cơ sở hạ tầng năng lượng của họ bị quân Nga đánh sập.
Source:Orthodox Times

3. Các cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng nhân mùa Giáng Sinh

Tòa Thánh vừa công bố lịch cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng cho mùa Giáng Sinh và tháng Giêng năm 2023 đã được phát hành.

Dù Ý đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm vào 10 giờ tối được đưa ra trong thời gian cao điểm của đại dịch coronavirus, Đêm Giáng Sinh, ngày 24 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự tại thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 7:30 tối giờ địa phương.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc thông điệp Urbi et Orbi nghĩa là cho dân thành Rôma và thế giới và ban phép lành từ ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 12:00 trưa.

Ngày 31 tháng 12, Đức Thánh Cha dự kiến sẽ chủ sự Kinh Chiều Thứ Nhất và kinh Chiều Tạ Ơn Te Deum để tạ ơn cho một năm qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5:00 chiều.

Vào ngày 1 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Trọng Thể kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Tương tự như vậy, vào ngày 6 tháng Giêng, Lễ Trọng Chúa Hiển Linh, Thánh Lễ sẽ được cử hành lại tại Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10:00 sáng.

Cuối cùng, vào ngày 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cử hành Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào lúc 9:30 sáng tại Nhà nguyện Sistina. Ngài cũng sẽ rửa tội cho một số trẻ em trong Thánh lễ đó.


Source:Vatican News

4. Nữ phát ngôn viên của Nga quyết liệt bác bỏ lời đề nghị của Đức Hồng Y Parolin, giọng điệu đầy mỉa mai

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ đề xuất của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về việc tổ chức một cuộc đối thoại giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv trên lãnh thổ trung lập của Thành phố Vatican.

“Chúng tôi sẵn sàng,” Đức Hồng Y Parolin cho biết vào chiều thứ Hai, bên lề một sự kiện về Tôi tớ Chúa Giorgio La Pira sinh năm 1904 và qua đời năm 1977, là một chính trị gia và người bảo vệ hòa bình.

“Tôi tin rằng Vatican có vị thế rất thích hợp. Chúng tôi đã cố gắng đưa ra những khả năng gặp gỡ với mọi người và duy trì trạng thái cân bằng. Chúng tôi đang cung cấp một không gian để các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại. Nội dung và phương pháp làm việc là do họ quyết định.”

Đáp lại, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Tôi sợ rằng những người anh em Chechnya và Buryats, cũng như bản thân tôi, sẽ không đánh giá cao điều đó”. “Theo những gì tôi có thể nhớ, không có lời xin lỗi nào từ Vatican.”

Zakharova đang đề cập đến một cuộc phỏng vấn được xuất bản bởi tạp chí America của Dòng Tên vào ngày 28 tháng 11, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng quân Chechenya và Buryats, là các dân tộc thiểu số ở Nga, phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác tồi tệ nhất đối với người Ukraine trong cuộc chiến hiện nay. Những bình luận của ngài được đưa ra trong bối cảnh cố gắng bằng cách nào đó bảo vệ Nga khỏi những cáo buộc về sự tàn ác.

Bất chấp phản ứng mỉa mai của nữ phát ngôn viên Nga, ngày hôm sau, 13 tháng 12, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng Tòa Thánh muốn giúp tạo điều kiện cho hòa bình.

Tại một Hội nghị do Đại sứ quán Ý tại Tòa thánh tổ chức ở Rôma về sự cần thiết phải tìm ra những cách thức ngoại giao mới để chấm dứt chiến tranh, và lấy cảm hứng từ hiệp định Helsinki, Đức Hồng Y bảo đảm rằng Tòa thánh “sẵn sàng làm mọi thứ có thể để khuyến khích quá trình này.”

Đức Hồng Y Parolin nói rằng những giọt nước mắt của Đức Thánh Cha trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong khi ngài cầu nguyện cho Ukraine giúp chúng ta không trở nên thờ ơ khi giờ đây có lẽ chúng ta đã quen nghe về chiến tranh.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vào giữa tháng 11 rằng Vatican sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để hòa giải và chấm dứt chiến tranh. Cuối tháng đó, Điện Cẩm Linh cho biết họ hoan nghênh đề nghị của Vatican cung cấp một nền tảng đàm phán để giải quyết xung đột nhưng Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng lập trường của Ukraine khiến điều này là không thể.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh ý chí chính trị như vậy, nhưng với tình hình thực tế và pháp lý mà chúng tôi hiện có ở phía Ukraine, những nền tảng như vậy là không thể”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhấn mạnh rằng việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi tất cả các khu vực của Ukraine, bao gồm cả Crimea, mà Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ vào năm 2014, phải được thực hiện trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể diễn ra.

Theo Ngoại trưởng Anh James Cleverly, quan điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là có thể hiểu được. Ông cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine để che đậy việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

“Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần phải thực tế, chúng cần phải có ý nghĩa, chúng không thể chỉ là lá vả để Nga tái vũ trang và tuyển thêm binh sĩ”, Ngoại trưởng Anh cho biết như trên.

Ngoại trưởng Cleverly nói rằng, trong khi Anh muốn thấy các cuộc đàm phán hòa bình “sớm hơn là muộn”, Vương quốc Anh nhắc lại rằng Ukraine nên đặt ra các thông số cho bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức.

“Tôi thực sự không thấy bất cứ điều gì đến từ phía Nga khiến tôi tin tưởng rằng Vladimir Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán này một cách thiện chí. Những lời hoa mỹ được tung ra rất nhiều nhưng vẫn còn rất đối đầu,” ông nói.

Hôm thứ Hai, Đức Hồng Y Parolin nói, “Thật khó để biết, nhưng tôi nghĩ rằng ý nguyện của chúng tôi là cung cấp một không gian trong đó các bên có thể gặp gỡ và bắt đầu đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng “ngày nay, không có nhiều điều kiện để đối thoại”.

Ngài nói thêm, “Một nền hòa bình đến từ chiến thắng sẽ phải trả giá rất đắt. Tôi không muốn thấy những gì người Rôma cổ đại đã nói: Ubi Desertum faciunt, ibi pace appellant”, nghĩa là họ tạo ra một sa mạc và gọi nó là hòa bình.

Nhưng ngài khẳng định rằng Tòa thánh muốn thấy một “nền hòa bình trong đó các quyền và công lý được thể hiện”.

Dù Vatican muốn giúp đỡ đến mức nào, rõ ràng là cần phải có một phép lạ để một cuộc hòa đàm có thể xảy ra. Khó khăn trong quan hệ của Vatican với Nga đã có từ lâu.
Source:Aleteia
 
Putin tái mặt: Thêm một căn cứ không quân trên đất Nga nổ long trời. Ukraine chuẩn bị tổng phản công
VietCatholic Media
16:25 15/12/2022


1. Căn cứ không quân Nga ở Kursk bị tấn công bằng máy bay không người lái, nổ long trời

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết một căn cứ không quân của Nga ở khu vực Kursk đã bị tấn công vào đêm thứ Tư theo giờ địa phương, tức là vào sáng thứ Năm theo giờ Việt Nam.

Anton Gerashchenko, cố vấn cấp cao của tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã đăng một loạt cập nhật trên Telegram, nói rằng một “máy bay không người lái không xác định” đã tấn công căn cứ không quân Nga.

Trích dẫn các báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga, ông cho biết đã có “hai vụ nổ ở sân bay Kursk” trong một bài đăng lúc 10:30 tối giờ địa phương. Sau đó, ông nói thêm: “Máy bay không người lái không xác định đã tấn công một căn cứ quân sự ở Kursk”.

Đoạn phim lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy một loạt vụ nổ làm rung chuyển thành phố ở miền tây nước Nga vào khoảng 10 giờ tối giờ địa phương.

Nói chuyện trên kênh truyền hình Nga, Thống đốc khu vực Roman Starovoy cho biết: “Có những tiếng nổ rất lớn. Lực lượng phòng không đã hoạt động trên khu vực Kursk vào buổi tối, chưa có báo cáo thương vong và thiệt hại nào”.

Các video được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy những vụ nổ lớn thắp sáng bầu trời đêm, sau đó là một đám cháy lớn tại sân bay cách biên giới Ukraine 175 dặm hay 280 km. Vào rạng sáng ngày thứ Năm, một cột khói đen lớn vẫn có thể nhìn thấy phía trên địa điểm.

Tuần trước, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã đốt cháy một kho xăng dầu tại một sân bay khác trong cùng khu vực Kursk.

Các quan chức Nga đổ lỗi cho các cuộc tấn công là do máy bay không người lái Strizh đã được sửa đổi. Loại máy bay không người lái này được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1970 dưới thời Liên Xô và nhằm mục đích sử dụng trong huấn luyện tấn công mục tiêu.

2. Tổng Tư Lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine dự đoán Nga sẽ tấn công Kyiv vào đầu năm tới

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine tin rằng Nga sẽ có một nỗ lực mới nhằm chiếm thủ đô Kyiv, sau khi cuộc tấn công trước đó của họ đã bị đẩy lùi vào đầu năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economist, Tướng Valeriy Zaluzhny, cho biết ông đang cố gắng chuẩn bị đối phó với lực lượng Nga khi họ chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công khác nhằm chiếm thành phố, có thể vào tháng Hai hoặc tháng Ba năm tới.

Trả lời câu hỏi ông nghĩ gì về việc Nga huy động 300.000 quân dự bị và cựu quân nhân, ông nói rằng nó đã có những hiệu quả nhất định. “Họ có thể không được trang bị tốt như mong muốn, nhưng họ vẫn là một vấn đề đối với chúng tôi. Chúng tôi ước tính rằng họ có lực lượng dự bị từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu người… Người Nga đang chuẩn bị khoảng 200,000 quân mới. Tôi không nghi ngờ gì họ đang hoạch định một cuộc tấn công khác vào Kyiv.”

Zaluzhny nói rằng các tướng lĩnh đã tính toán xem họ cần bao nhiêu xe tăng, pháo binh và binh lính để đẩy lùi một nỗ lực phối hợp khác của quân đội Nga. Ông nói rằng các chỉ huy Nga đã rút binh sĩ ra ngoài tầm bắn của hệ thống phóng hỏa tiễn HIMARS do Mỹ sản xuất và Ukraine không có hệ thống nào có tầm bắn xa hơn.

Vị tướng 49 tuổi này so sánh cuộc xâm lược của Nga với cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và nói rằng “ở đâu đó bên ngoài dãy núi Urals, họ đang chuẩn bị các nguồn lực mới”.

“Theo tính toán của tôi, phải mất ba năm rưỡi hoặc bốn năm tích lũy một cách ồ ạt họ mới có thể có đủ các tài nguyên cần thiết như nhân lực, thiết bị, đạn dược. Tôi nghĩ rằng tài nguyên họ có trong tay khi mở cuộc xâm lược Ukraine chỉ đủ trong ba tháng để đạt được mục tiêu. Việc họ đã sử dụng cạn kiệt các nguồn tài nguyên này và lãng phí tiềm năng của mình mà không đạt được bất kỳ kết quả thực tế nào, cho thấy rằng quan điểm họ đã chọn là không chính xác. Bây giờ họ phải suy nghĩ lại về cách thoát khỏi tình trạng này.”

“Vì vậy, rất có thể họ đang tìm cách ngăn chặn giao tranh và tạm dừng bằng mọi cách: như nã pháo vào thường dân, để vợ con chúng tôi chết cóng. Họ cần điều đó vì một mục đích đơn giản: họ cần thời gian để thu thập các tài nguyên và tạo ra tiềm năng mới ngõ hầu có thể tiếp tục hoàn thành các mục tiêu của mình.”

“Theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi không phải là một chuyên gia về năng lượng nhưng đối với tôi, có vẻ như chúng ta đang ở bên bờ vực. Chúng tôi đang ở một thế cân bằng mong manh. Và nếu lưới điện bị phá hủy… đó là lúc vợ con của những người lính bắt đầu chết cóng. Và một kịch bản như vậy là có thể. Bạn có thể tưởng tượng tâm trạng của các chiến binh sẽ như thế nào không? Không có nước, ánh sáng và nhiệt, chúng ta còn có thể nói về việc chuẩn bị dự trữ để tiếp tục chiến đấu nữa không?”

3. Nga công khai lắp đặt hỏa tiễn liên lục địa trước “Ngày lực lượng chiến lược”

Trong một dấu hiệu nữa cho thấy sự leo thang đáng kể của các nỗ lực răn đe hạt nhân chiến lược, quân đội Nga đã nạp một hỏa tiễn đạn đạo “Yars” vào một bệ phóng silo ở vùng Kaluga.

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video để đánh dấu sự kiện này, ngay trước “Ngày Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược” của Nga.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói rằng “một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của tổ hợp Yars đã được nạp vào một bệ phóng silo tại đội hình hỏa tiễn Kozelsky ở vùng Kaluga.”

“Tầm quan trọng của hoạt động này nằm ở chỗ hỏa tiễn sẽ thực hiện nhiệm vụ chiến đấu theo kế hoạch. Tổ quốc sẽ nhận được một mẫu vũ khí hỏa tiễn hạt nhân khác, cho phép chúng ta giải quyết mọi nhiệm vụ ở cấp chiến lược”.

Thông báo về việc lắp đặt hỏa tiễn liên lục địa của Nga được đưa ra sau khi có báo cáo rằng chính quyền Biden đang hoàn thiện kế hoạch gửi một hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến tới Ukraine để giúp chống lại các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa.

4. Điện Cẩm Linh cho biết mọi hỏa tiễn Patriot của Mỹ được gửi đến Ukraine đều “chắc chắn” là mục tiêu của lực lượng Nga

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng nếu hỏa tiễn Patriot của Mỹ được gửi tới Ukraine, chúng sẽ là mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga.

Ông Peskov đã được CNN hỏi liệu ông có cùng quan điểm với cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hay không, người đã nói rằng các hỏa tiễn “ngay lập tức sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang của chúng tôi”.

“Chắc chắn rồi,” Peskov trả lời, trong nhận xét sau đó được hãng thông tấn chính thức của Nga TASS đưa tin. Nhưng ông ta nói thêm, “Tuy nhiên, tôi sẽ không bình luận vào lúc này, vì đây chỉ là những báo cáo của giới truyền thông.”

CNN đưa tin độc quyền hôm thứ Ba rằng chính quyền Biden đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Ukraine, với quyết định có thể được công bố ngay trong tuần này, theo hai quan chức Mỹ và một quan chức cấp cao của chính quyền.

Kế hoạch của Ngũ Giác Đài vẫn cần được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phê chuẩn trước khi được gửi tới Tổng thống Joe Biden để xin phê chuẩn. Ba quan chức nói với CNN rằng sự chấp thuận là chắc chắn.

Không rõ có bao nhiêu bệ phóng hỏa tiễn sẽ được gửi đến, nhưng một khẩu đội Patriot điển hình bao gồm một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trạm điều khiển giao chiến và tối đa tám bệ phóng, mỗi bệ chứa bốn bệ phóng sẵn sàng phóng hỏa tiễn.

Một khi các kế hoạch được hoàn tất, Patriots dự kiến sẽ nhanh chóng được vận chuyển trong những ngày tới và người Ukraine sẽ được đào tạo để sử dụng chúng tại một căn cứ của Quân đội Hoa Kỳ ở Grafenwoehr, Đức, các quan chức nói với CNN.

Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng tất cả các hệ thống phương Tây gửi đến Ukraine - bao gồm cả hệ thống phòng không HIMARS - sẽ bị tấn công. Nhưng có tấn công được hay không là một chuyện khác.

Chính quyền Ukraine đã tìm kiếm hệ thống Patriot trong nhiều tháng nhưng chưa xác nhận rằng Mỹ đã đồng ý chuyển giao chúng để tránh cảnh cầm đèn chạy trước ô tô. Hôm thứ Tư, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy chỉ nói rằng một cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu quân đội đã nói về “việc bảo vệ bầu trời”.

“Chúng tôi không ngừng tăng cường khả năng phòng không và chống máy bay không người lái. Và chúng tôi đang làm mọi thứ để có được những hệ thống hiện đại hơn và mạnh mẽ hơn cho Ukraine”, ông nói.

5. Quan chức Tòa Bạch Ốc nói: Các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh nên được giao cho Tổng thống Ukraine Zelenskiy quyết định

Điều phối viên đặc biệt về truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby nói với CNN hôm thứ Tư rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc liệu đã đến lúc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine hay chưa thì nên để “cho Tổng thống Zelenskiy quyết định, chứ không phải Hoa Kỳ”. Tướng Kirby cũng thừa nhận rằng những đánh giá ban đầu rằng chiến tranh có thể kết thúc vào cuối năm dường như không thể xảy ra.

“Chúng tôi chắc chắn rất muốn thấy nó kết thúc, nếu không phải hôm nay, thì trước cuối năm nay, là thời điểm sắp đến rất nhanh. Tôi nghĩ rằng với những gì chúng ta đang thấy trên không và trên mặt đất ở Ukraine, thật khó để kết luận rằng cuộc chiến này sẽ kết thúc vào cuối năm nay,” Kirby nói

Ông nói tiếp rằng: “Cả hai bên vẫn đang giao tranh dữ dội ở Donbas, đặc biệt là trong và xung quanh Bakhmut – một khu vực nhỏ tương đối giống với một số trận chiến khác của Ukraine trong chín tháng qua, nhưng giao tranh rất dữ dội-- và người Nga đang ở các vị trí phòng thủ trên khắp miền Nam, trong khi người Ukraine tiếp tục cố gắng gây sức ép. Vì vậy, hiện đang có giao tranh tích cực, chúng tôi cho rằng điều đó sẽ tiếp tục trong một thời gian tới.”

Kirby nói rằng trong khi các nhà phân tích quân sự cho rằng tình trạng đóng băng trong mùa đông có thể khiến các cuộc giao tranh tạm lắng do điều kiện trở nên kém lý tưởng hơn cho các cuộc giao tranh trên không và trên bộ ở Ukraine, “chúng tôi không kỳ vọng rằng giao tranh sẽ dừng lại trong những tháng mùa đông sắp tới.”

“Vì vậy, không có dấu hiệu nào, chắc chắn không có kỳ vọng nào rằng, vào cuối năm nay, chiến tranh sẽ kết thúc — tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không muốn thấy điều đó, đó là chỉ là vì không có dấu chỉ nào tiên báo một khả năng như thế,” ông nói thêm.

6. Quân đội Ukraine có lẽ đang tập trung cho cuộc phản công lần thứ tư. Pháo binh Nga đang cố gắng ngăn chặn họ.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Troops May Be Massing For Their Fourth Counteroffensive. Russian Artillery Is Already Trying To Stop Them”, nghĩa là “Quân đội Ukraine có thể tập trung cho cuộc phản công lần thứ tư. Pháo binh Nga đang cố gắng ngăn chặn họ” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng Nga và Ukraine gần đây đã trao đổi hoả lực pháo binh xung quanh Hulyaipole và Polohy ở miền nam khu vực Zaporizhzhia, 65 dặm về phía đông bắc Melitopol vẫn còn do Nga xâm lược.

Các trận “pháo” và “phản pháo” không phải là hiếm khi cuộc chiến rộng của Nga với Ukraine đang bước vào tháng thứ 10.

Điều đặc biệt về cuộc đọ súng ngày 9 tháng 12 là nguyên nhân được cho là đã gây ra cuộc đọ pháo này. Theo các nguồn tin của Nga, quân đội Ukraine đang tập trung lực lượng cơ giới xung quanh Hulyaipole.

Nếu đó là sự thật, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy cuộc phản công thứ tư của Ukraine có thể sắp xảy ra, bất chấp sự khởi đầu của mùa đông. Cuộc tấn công được dự đoán rộng rãi này— thường được gọi là cú móc trái Zaporizhzhia—sẽ nhằm mục đích giải phóng phần lớn miền nam Ukraine và đẩy quân đội Nga đến tận dải đất hẹp nối đất liền Ukraine với Bán đảo Crimea, nơi lực lượng Nga đã chiếm giữ vào năm 2014.

Quân đội Nga hiện đang rất mỏng ở Zaporizhzhia. Nhưng, quân đội Ukraine cũng vậy. Khu vực dọc theo trục Hulyaipole-Polohy kể từ mùa xuân năm nay đã trở thành nơi trú ngụ của các đơn vị cấp lữ đoàn riêng biệt của Nga và Ukraine.

Về phía Nga: Trung đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 291, trên lý thuyết có khoảng vài nghìn binh sĩ và nhiều xe bọc thép.

Về phía Ukraine: Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ 106, một đội hình được trang bị nhẹ với vài nghìn tình nguyện viên từ địa phương. Tiểu đoàn súng trường biệt lập thứ 19, một đơn vị quân đội tích cực gồm 400 người, đã tăng cường cho lữ đoàn lãnh thổ.

Cả hai bên đều có pháo binh yểm trợ. Cả hai bên đều quấy rối bên kia. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, DC vào ngày 7 tháng 12 đã ghi nhận “các cuộc tấn công bằng pháo và hỏa tiễn diễn ra thường xuyên ở phía tây Hulyaipole”.

Chính những khẩu súng lớn và hỏa tiễn này đã khai hỏa vào ngày 9 tháng 12. Igor Girkin, một cựu lãnh đạo quân sự của phe ly khai thân Nga, đã viết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng cuộc giao tranh bắt đầu khi “sự di chuyển của các lực lượng cơ giới lớn thuộc lực lượng vũ trang Ukraine gần mặt trận bị tình báo Nga khám phá”

Thông tin tình báo đã thúc đẩy “các cuộc tấn công bằng pháo lớn vào các vị trí của kẻ thù và gần các khu vực hậu phương ở khu vực Hulyaipole...,” Girkin nói thêm. Đổi lại, pháo binh Ukrainein tấn công Polohy.

Không rõ các lực lượng cơ giới của Ukraine có thể đã di chuyển vào Hulyaipole để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Melitopol hay chưa. Lữ đoàn cơ giới 65 cũng như Lữ đoàn xe tăng 1 của Ukraine đang ở gần đó.

Một cuộc tấn công vào Melitopol có thể cần nhiều hơn là chỉ một vài lữ đoàn hạng nặng. Các cuộc phản công trước đây của Ukraine—ở khu vực ngoại ô Kyiv vào tháng 3 và sau đó vào khu vực Kharkiv và Kherson sáu tháng sau—mỗi cuộc có sự tham gia của ít nhất nửa tá lữ đoàn hạng nặng.

Để giải phóng Melitopol sau đó rẽ phải và giải phóng miền nam Kherson ở tả ngạn sông Dnipro, lực lượng Ukraine sẽ phải tiến 200 dặm và đánh bại hàng chục lữ đoàn và trung đoàn Nga trở lên.

Người Ukraine đã nỗ lực đánh tan một số đơn vị Nga đó - đầu tiên bằng cách đẩy họ sang hữu ngạn của Dnipro và sau đó bằng cách đổ bộ các lực lượng hoạt động đặc biệt lên Bán đảo Kinburn ở phía nam của đồng bằng sông nơi Dnipro đổ vào Hắc Hải.

Các lực lượng Nga này không thể mạo hiểm hành động để phản ứng trước một cuộc tấn công có thể xảy ra của Ukraine ở phía đông bắc Melitopol. Dù thế, họ vẫn sẽ nằm trong lộ trình của cuộc tấn công của Ukraine khi quân Kyiv hướng về cửa sông Dnipro và cây cầu trên đất liền nối với Crimea.

Nói như vậy để thấy rằng, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ cần phải tập trung nhiều lực lượng mạnh để cú móc trái Zaporizhzhia thành công. Rất có thể người Nga sẽ thấy họ tập hợp lại với nhau—và cố gắng phá rối cuộc tập hợp của họ bằng pháo binh.

Thật vậy, các cuộc oanh tạc có thể đã bắt đầu.

7. Sĩ quan bảo vệ yếu nhân của Putin trốn khỏi Nga để tránh chiến tranh Ukraine đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ về nước

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Elite Putin Officer Who Fled Russia to Avoid Ukraine War Faces Extradition”, nghĩa là “Sĩ quan ưu tú của Putin trốn khỏi Nga để tránh chiến tranh Ukraine đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ về nước”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương Astana, một thành viên của lực lượng bảo vệ yếu nhân liên bang, gọi tắt là FSO, đã trốn khỏi Nga để tránh lệnh huy động một phần của Điện Cẩm Linh, đã bị giam giữ ở Kazakhstan và đối mặt với việc dẫn độ

Mikhail Zhilin, 36 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 6 tháng 12 ở Astana, thủ đô của Kazakhstan, khi anh ta định lên một chuyến bay để đến Armenia.

Anh ta làm việc với tư cách là giám sát viên tại bộ phận thông tin và liên lạc đặc biệt của lực lượng bảo vệ yếu nhân liên bang ở Siberia, và chịu trách nhiệm liên lạc giữa chính phủ của Putin và các khu vực khác của Nga.

Zhilin có quyền truy cập vào các bí mật nhà nước, điều này đã ngăn cản anh ta và các binh sĩ liên bang khác rời khỏi đất nước.

Nhưng vào ngày 26 tháng 9, năm ngày sau khi Putin tuyên bố lệnh động viên bán phần, Zhilin đã trốn sang Kazakhstan và xin tị nạn chính trị, nhưng đã bị từ chối vào cuối tháng 11.

Vào ngày 2 tháng 12, Zhilin bị tòa án ở đông bắc Kazakhstan kết tội vượt biên trái phép và bị kết án 6 tháng quản chế.

Anh ta đã cố gắng bay đến Armenia vào ngày 6 tháng 12, nhưng đã bị giữ lại tại sân bay ở Astana.

Vợ của Zhilin, Ekaterina Zhilina, cho biết cô tin rằng anh ta bị giam giữ vì Nga đã đưa anh ta vào danh sách truy nã quốc tế vì tội đào ngũ và vượt biên trái phép.

Cô cho biết cô tin rằng nếu chồng cô bị dẫn độ sang Nga, anh ấy sẽ phải đối mặt với sự ngược đãi và tra tấn.

“Một người đàn ông biết cầm vũ khí hiện đang rất được Nga quan tâm. Đó là, họ sẽ buộc anh ta tham chiến bằng mọi cách có thể,” cô nói.

“Chúng tôi sợ rằng tra tấn cũng sẽ được sử dụng cho việc này. Bởi vì rất khó để thuyết phục một người nếu anh ta có quan điểm chắc chắn về cuộc chiến”, Zhilina nói thêm.

Zhilina cho biết người thân và luật sư của chồng cô đang kháng cáo quyết định từ chối yêu cầu tị nạn chính trị của chính quyền Kazakhstan.

Nếu bị dẫn độ và bị kết án, Zhilin phải đối mặt với án tù tối đa là 15 năm.

Nhà báo người Siberia Yevgenia Baltatarova, hiện đang làm việc tại Kazakhstan, cho biết trên kênh Telegram của cô ấy vào ngày 8 tháng 12 rằng người đàn ông 36 tuổi này phải đối mặt với án tù dài hạn ở Nga hoặc phục vụ trong “các tiểu đoàn tử thần”, ám chỉ đơn vị lính đánh thuê khét tiếng là Tập đoàn Wagner, đã tuyển dụng những người bị kết án cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

Sau khi Putin tuyên bố huy động quân sự “một phần” vào ngày 21 tháng 9, hàng trăm nghìn người Nga đã chạy sang các quốc gia láng giềng, bao gồm Georgia, Phần Lan, Kazakhstan và Mông Cổ.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ nhắm tới 300,000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”. Tuy nhiên, con số trong sắc lệnh của Putin chưa được tiết lộ cho công chúng.

Bộ trưởng Nội vụ Kazakhstan Marat Akhmetzhanov cho biết, quốc gia Trung Á này sẽ chỉ dẫn độ những công dân Nga nằm trong danh sách truy nã của Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để bình luận.
 
Phép lạ do cha mẹ ĐGH Gioan Phaolô II cầu bầu. Iran tàn bạo với phụ nữ. HY Ouellet kiện kẻ cáo gian
VietCatholic Media
17:02 15/12/2022


1. Phép lạ có thể liên quan đến lời cầu bầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II

Một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha mẹ Thánh Gioan Phaolô II hiện đang được điều tra.

Vào năm 2020, Tổng giáo phận Krakow đã mở án tuyên thánh cho Karol Wojtyła, Sr., và Emilia nhủ danh Kaczorowska, song thân của Thánh Gioan Phaolô II. Trong giai đoạn đầu điều tra nguyên nhân của các ngài, một phép lạ có thể xảy ra đã được liên kết với sự cầu bầu của các vị.

Ký giả Luke Coppen của tờ The Pillar đã báo cáo rằng “Đức Ông Sławomir Oder, người cũng từng là cáo thỉnh viên cho án phong thánh của Đức Giáo Hoàng Ba Lan, nói với hãng thông tấn Công Giáo KAI rằng ngài đã nhận được nhiều báo cáo về các phép lạ liên quan đến song thân Đức Gioan Phaolô II.”

Đức Ông Oder giải thích rằng, “Tôi hiện đang chờ thu thập hồ sơ bệnh án để lấy ý kiến của các chuyên gia.”

Tuy nhiên, trước khi có thể xem xét bất kỳ phép lạ nào được báo cáo, Vatican sẽ cần khẳng định rằng hai vị đã sống một cuộc đời “đức hạnh anh hùng”. Một khi điều đó được xác nhận, hai vị sẽ được trao danh hiệu “Bậc Đáng Kính”.

Sau khi giai đoạn ban đầu này hoàn tất, các phép lạ sẽ được Vatican phân tích và chỉ cần xác minh một phép lạ để cha mẹ của Đức Gioan Phaolô II được tuyên chân phước.

Trong khi vụ án phong thánh cho các ngài vẫn còn khá sớm, các báo cáo về phép lạ là một dấu hiệu tích cực và có thể giúp vụ án tiến triển nhanh chóng.
Source:Aleteia

2. Iran tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình, tấn công tàn khốc vào các phụ nữ

Iran đã hành quyết người biểu tình thứ hai, chỉ vài tuần sau vụ hành quyết đầu tiên dù bị quốc tế lên án.

Iran cho biết họ đã tiến hành vụ hành quyết thứ hai liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng khắp đất nước.

Các báo cáo từ Iran cho thấy Majidreza Rahnavard đã bị treo cổ trước công chúng vào đầu ngày thứ Hai, 12/12.

Theo cơ quan tư pháp, vụ hành quyết diễn ra tại thành phố Mashhad. Majidreza bị buộc tội đâm chết hai thành viên của Lực lượng kháng chiến bán quân sự Basij. Anh bị treo cổ chưa đầy một tháng sau khi bị bắt.

Tuần trước, Iran đã xử tử một tù nhân bị bắt trong các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra. Đây là bản án tử hình đầu tiên được biết đến liên quan đến tình trạng bất ổn đang xảy ra tại Iran.

Người bị xử tử đầu tiên được xác định là Mohsen Shekari, anh bị buộc tội dùng dao rựa làm bị thương một binh sĩ bảo vệ và chặn một con phố ở Tehran. Các nhóm nhân quyền cho rằng Shekari đã bị tra tấn và buộc phải thú nhận tội ác của mình.

Được biết, chính quyền Iran đang theo đuổi án tử hình đối với ít nhất 21 người. Ba tháng sau cuộc nổi dậy trên toàn quốc, tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Các cuộc biểu tình nổ ra vào giữa tháng 9 sau cái chết của Mahsa Amini khi cô bị cảnh sát giam giữ vì bị cho là đã vi phạm luật trùm đầu của đất nước.

Cảnh sát tiếp tục lập luận rằng cô chết vì nguyên nhân tự nhiên, nhưng gia đình cô tin rằng cô đã bị đánh đập và tra tấn.

Trong khi đó, tờ The Guatdian tố cáo các lực lượng an ninh Iran đang nhắm vào phụ nữ trong các cuộc biểu tình chống chế độ bằng súng ngắn bắn đạn cao su vào mặt, ngực và bộ phận sinh dục của họ, theo các cuộc phỏng vấn với các bác sĩ trên khắp đất nước.

Các bác sĩ và y tá - bí mật điều trị cho những người biểu tình để tránh bị bắt - cho biết họ lần đầu tiên quan sát thấy thực hành này sau khi nhận thấy phụ nữ thường đến với những vết thương khác với nam giới, là những người thường bị bắn vào chân, mông và lưng.

Trong khi biến cố mất internet đã che giấu phần lớn cuộc đàn áp đẫm máu đối với người biểu tình, những bức ảnh do các binh sĩ y tế cung cấp cho tờ Guardian cho thấy những vết thương tàn khốc trên khắp cơ thể họ do cái gọi là đạn chim, mà lực lượng an ninh đã bắn vào người dân ở cự ly gần. Một số bức ảnh cho thấy những người có hàng chục viên bi “bắn” nhỏ nằm sâu trong da thịt của họ.

The Guardian đã nói chuyện với 10 chuyên gia y tế, những người đã cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của các vết thương có thể khiến hàng trăm thanh niên Iran bị tổn thương vĩnh viễn. Các vụ bắn vào mắt phụ nữ, nam giới và trẻ em đặc biệt phổ biến, họ nói.

Một bác sĩ từ tỉnh Isfahan miền trung cho biết ông tin rằng chính quyền đang tấn công vào đàn ông và phụ nữ theo những cách khác nhau “vì họ muốn hủy hoại vẻ đẹp của những người phụ nữ này”.

“Tôi đã điều trị cho một phụ nữ ngoài 20 tuổi, cô ấy bị hai viên đạn bắn vào bộ phận sinh dục. Mười viên khác găm vào đùi của cô ấy. 10 viên này được lấy ra dễ dàng, nhưng 2 viên bắn vào bộ phận sinh dục là một thách thức, vì chúng nằm giữa niệu đạo và lỗ âm đạo của cô ấy”, bác sĩ cho biết. “Có nguy cơ nhiễm trùng âm đạo nghiêm trọng, vì vậy tôi đã bảo cô ấy đến một bác sĩ phụ khoa đáng tin cậy. Cô ấy nói rằng cô ấy đang phản đối thì một nhóm khoảng 10 binh sĩ an ninh đi vòng quanh và bắn vào bộ phận sinh dục và đùi của cô ấy.”

Bị tổn thương bởi trải nghiệm của mình, vị bác sĩ – người giống như tất cả các chuyên gia y tế được trích dẫn trong bài báo này đã nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù – cho biết ông đã gặp khó khăn trong việc đối phó với căng thẳng và nỗi đau mà ông đã chứng kiến.

“Cô ấy vào tuổi con gái của tôi.”

Một số chuyên gia y tế khác cáo buộc lực lượng an ninh, bao gồm cả lực lượng dân quân Basij ủng hộ chế độ đáng sợ này, đã phớt lờ các biện pháp kiểm soát bạo loạn, chẳng hạn như các biện pháp chỉ cho bắn vũ khí vào chân và cẳng chân để tránh làm tổn thương các cơ quan quan trọng.

Bộ ngoại giao đã được tiếp cận để bình luận về những cáo buộc của các binh sĩ y tế nhưng vẫn chưa phản hồi.
Source:The Guardian

3. Đức Hồng Y Ouellet người Canada kiện người cáo gian ngài

Hôm thứ Ba, 13 tháng 12, Đức Hồng Y người Canada Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ cho biết ngài chính thức nộp đơn kiện một phụ nữ đã cáo buộc ngài tấn công tình dục hơn một thập kỷ trước khi ngài còn là tổng giám mục của Quebec.

Đức Hồng Y Ouellet, hiện là một quan chức nổi tiếng của Vatican, đã bị nêu tên vào tháng 8 trong một vụ kiện tập thể chống lại tổng giáo phận Công Giáo Quebec trong đó cáo buộc các vụ tấn công tình dục của khoảng 88 giáo sĩ và nhân viên làm việc ở đó bắt đầu từ năm 1940.

Ngài đã phủ nhận các cáo buộc vào thời điểm đó và một lần nữa trong một tuyên bố công bố vụ kiện hôm thứ Ba.

Trong hồ sơ gửi lên Tòa án Tối cao Quebec vào tháng 8, một người khiếu nại ẩn danh cáo buộc rằng Ouellet đã chạm vào cô ấy một cách không thích hợp và đưa ra những bình luận khiến cô ấy cảm thấy khó chịu trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, khi cô ấy còn là một thực tập sinh ở độ tuổi 20 trong tổng giáo phận.

Một bản sao của vụ kiện, mà Reuters được xem, nói rằng vị Hồng Y đang đòi bồi thường 100,000 đô la từ một người phụ nữ chỉ được xác định là “Cô F” và rằng ngài sẽ quyên góp bất kỳ số tiền nào giành được cho “cuộc chiến chống lạm dụng tình dục người bản địa Canada.”

Vatican cho biết vào tháng 8 rằng sau khi xem xét sơ bộ các cáo buộc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định không có đủ bằng chứng để mở một cuộc điều tra giáo luật về các cáo buộc.

Đức Hồng Y Ouellet cho biết trong tuyên bố hôm thứ Ba: “Tôi chưa bao giờ phạm tội vì những hành vi đáng trách này, càng không phải vì những hành vi bị cáo buộc chống lại các thành viên khác của hàng giáo phẩm được trích dẫn trong vụ kiện tập thể. Sự liên kết không phù hợp này, được xây dựng có chủ ý và lan truyền rộng rãi với mục đích xấu, phải bị tố cáo.”

Đức Hồng Y Ouellet cho biết ngài đang thực hiện hành động pháp lý về tội phỉ báng trước tòa án Quebec “để chứng minh sự sai trái của những cáo buộc chống lại tôi và để khôi phục danh tiếng và danh dự của tôi.”
Source:Reuters