Ngày 12-12-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/12: Họ sẽ vào nước Thiên Chúa trước các Ông – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:10 12/12/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn!’ nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Đó là lời Chúa
 
Không thể tin được
Lm Minh Anh
16:02 12/12/2022

KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC
“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

Charles Spurgeon nói, “Khi Chúa muốn thực hiện một nhiệm vụ bất khả thi, Ngài chọn một người bất khả thi và làm cho người ấy vỡ vụn. Tôi bị hấp dẫn bởi từ ‘vỡ vụn!’. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là ‘tan nát’. Điều Chúa muốn tôi dâng lên Ngài là một tinh thần tan nát và một trái tim bầm dập. Mãi cho đến khi lòng kiêu hãnh tan vỡ, chúng ta mới bắt đầu hiểu được những sâu nhiệm của Ngài. Bởi lẽ, Thiên Chúa chỉ làm được những điều vĩ đại ngang qua những con người đã từng để Ngài vùi dập cho đến tan nát. Thật ‘không thể tin được!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nghịch lý ‘không thể tin được’ của Charles Spurgeon, một lần nữa, được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Cựu Ước cho biết, Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường; bài đọc Tân Ước ghi lại câu nói rất khó tin Chúa Giêsu dành cho giới lãnh đạo tôn giáo đương thời, “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”.

Qua ngôn sứ Sôphônia, Thiên Chúa hứa một điều lạ lùng: kẻ bần cùng được Ngài đoái thương; hạng quyền thế Ngài dìm xuống bùn đen, “Ta sẽ cất xa khỏi ngươi những kẻ chiến thắng kiêu căng; sẽ để lại giữa ngươi một dân tộc nghèo hèn”. Thánh Vịnh đáp ca cũng một tâm tình, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhậm lời!”. Với bài Tin Mừng, việc Chúa Giêsu so sánh giới lãnh đạo và các cô gái điếm thật gây sốc. Ngài có thực sự nói như thế? Phải chăng sự thánh thiện của những cô gái điếm và những người thu thuế vượt trội bội phần so với giới lãnh đạo tôn giáo? Đúng, Ngài đã nói thế! Thật là một “cái tát vào mặt” các chức sắc, một cái tát đến ‘vỡ vụn’ ‘không thể tin được!’. Nhưng “thuốc đắng ‘đã’ tật”; đó là một cái tát đến tan nát vì lợi ích của linh hồn.

Chính sự kiêu ngạo đã khiến các thượng tế và kỳ lão không bao giờ chấp nhận những lời này. Bởi lẽ, họ đánh giá bản thân quá cao và mong người khác đánh giá cao về họ; họ bị thuyết phục về việc tự cho mình là công chính và đó là một sai lầm nghiêm trọng! Thế nhưng, Chúa Giêsu đã làm mọi thứ ‘công chính’ này vỡ vụn, bằng cách nâng những cô gái điếm và những người thu thuế lên tận Nước Trời. Họ là những đứa con thưa “Không” với cha, nhưng sau đó ân hận và đi làm vườn nho; đang khi các lãnh đạo tôn giáo vị vọng là những đứa con thưa “Vâng”, lại chối từ việc làm.

Vậy trong hai nhóm này, bạn thuộc nhóm nào? Nhóm các chức sắc tôn giáo hay các cô gái điếm và hạng thu thuế? Có lẽ thật khó để chúng ta thừa nhận dứt khoát mình thuộc nhóm nào! Chúng ta có xu hướng nhận mình thuộc nhóm công chính; nhưng cũng thừa nhận đôi chút khiếm khuyết hoặc một tội cá nhân nào đó. Vậy mà, ở đây, Chúa Giêsu không nói đến một ‘nhóm lưng chừng’. Sự thật là chúng ta cần thấy mình thuộc hẳn về nhóm thu thuế và các cô gái xấu số. Tại sao? Bởi bạn và tôi đều là tội nhân! Có thể không mắc tội của họ, nhưng chúng ta có tội và phải thừa nhận điều này. Và trên thực tế, nếu không thừa nhận yếu đuối và tội lỗi mình, chúng ta khác nào các thượng tế và kỳ lão mắc kẹt trong niềm kiêu hãnh khi tự cho mình là công chính!

Anh Chị em,

“Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang ngỏ những lời này với chúng ta, những người đang sống trong một nền “văn hoá son phấn”, theo cách nói của Đức Phanxicô. Trong nền văn hoá son phấn đó, chúng ta khó nhận ra con người thật của mình. Mùa Vọng, mùa nhìn lên hang đá và trầm tĩnh để nhận ra ‘tôi đang thuộc nhóm nào?’. Nhìn lên hang đá, kìa, sự chật hẹp của lòng người và sự hào hiệp vô song của Chúa Trời! Nhìn lên thánh giá, kìa, sự khủng khiếp của tội lỗi và sự vĩ đại của tình yêu! Mùa Vọng, mùa xin Chúa đánh vỡ vụn tâm hồn cho đến khi bạn và tôi thấy được tội lỗi mình; mùa để thấy sự khao khát của linh hồn đối với Chúa; và Mùa Vọng, cũng là mùa trải nghiệm niềm vui, tự do từ sự chữa lành của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con, cho dù phải vỡ vụn khi con nghe những lời ‘không thể tin được’ Chúa dành cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican lên án sự gây hấn của Nga chống Ukraine và kêu gọi tổ chức hội thảo vì hòa bình
Đặng Tự Do
17:20 12/12/2022


Sau mười tháng xung đột, Tòa thánh công bố tên và họ của kẻ xâm lược bằng cách công khai một sáng kiến nhằm thúc đẩy bầu không khí thương thỏa cùng với Chính phủ Ý

“Cuộc chiến nổ ra ở trung tâm Âu Châu với sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm với những hậu quả rất nghiêm trọng đối với người dân của quốc gia bị tấn công phải đối mặt với mùa đông dưới bom đạn, mà không thể tính đến quá nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy”

Sự kiện mang tên “Âu Châu và chiến tranh. Từ tinh thần Helsinki đến triển vọng hòa bình”, sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh phát trực tuyến của Vatican

Trong lời kêu gọi tổ chức một cuộc hội thảo về hòa bình vào ngày thứ Ba 13 tháng 12 mà một lần nữa sẽ tìm cách thúc đẩy một sự hòa giải có thể xảy ra, Vatican hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc xung đột, đã sử dụng công thức “sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine” để chỉ cuộc chiến, có lẽ đó là là một bước ngoặt trong chiến lược ngoại giao của Tòa Thánh.
Source:religiondigital.org
 
Nghệ sĩ Ukraine biến khí cụ tử thần thành biểu tượng mang lại sự sống
Đặng Tự Do
17:21 12/12/2022


Các họa sĩ biểu tượng hy vọng rằng món quà gần đây dành cho Vua Charles III sẽ dẫn đến việc nhận ra nhiều hơn những đau khổ ở Ukraine.

Vua Charles III của Anh gần đây đã nhận được một món quà đặc biệt từ Ukraine. Khi đến thăm Nhà thờ Công Giáo Ukraine ở London, nhà vua đã được tặng một biểu tượng được vẽ trên một miếng ván từ một hộp đạn bằng gỗ.

Trong một buổi lễ mà nhà vua chính thức khai trương một trung tâm ở London dành cho những người tị nạn sau chiến tranh ở Ukraine, Đức Cha Kenneth Nowakowski của giáo phận Thánh Gia ở London đã tặng cho ngài một bức tranh Mẹ Thiên Chúa Dịu dàng. Bức tranh từ phòng vẽ của Oleksandr Klymenko và Sofiia Atlantova, một cặp vợ chồng đều là nghệ sĩ và là người sáng lập dự án “Bức tranh trên hộp đạn”, còn được gọi là “Mua bức tranh – Cứu mạng người”.

“ Đó là một vinh dự lớn đối với chúng tôi và giờ chúng tôi rất tự hào về điều đó. Tôi hy vọng rằng nhà vua sẽ nghĩ nhiều hơn một chút về Ukraine, vì nó không chỉ là một biểu tượng, mà còn là một câu chuyện về đất nước của chúng tôi, về cuộc chiến của chúng tôi, về hoàn cảnh của chúng tôi. Và với dự án này, chúng tôi đã cố gắng nói với tất cả những ai nhìn thấy những biểu tượng này rằng chúng ta đang có một cuộc chiến thực sự. Khi bạn nhìn thấy nó trên TV, tin tức hay trên internet, bạn không thể nhận ra đó là sự thật. Nhưng khi bạn nhìn thấy một hộp đạn bằng gỗ thực sự chứa đạn thật đã được bắn ra, nó sẽ tạo ra một ấn tượng rất khác.”

Việc bán các bức tranh, có giá từ 2,000 đến 4,500 đô la, hỗ trợ một bệnh viện dã chiến có tên là Bệnh viện di động tình nguyện đầu tiên Pirogov, hay PFVMH, đưa các chuyên gia y tế tình nguyện vào các vùng chiến tranh để điều trị cho binh lính và dân thường bị thương.

Vua Charles không phải là cá nhân nổi tiếng đầu tiên nhận được một bức tranh như vậy. Vào tháng 2 năm 2020, hai năm trước khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Philadelphia, cùng với bốn giám mục khác của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Hoa Kỳ, đã tặng một trong những bức tranh như thế cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Trong trường hợp này, đó là một bức trang về Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng phải có hàng trăm bức tranh về vị Giáo Hoàng đầu tiên, nhưng chắc chắn không bức nào giống bức này.

Atlantova nói rằng cô và Klymenko bắt đầu dự án các bức tranh vào năm 2014, khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và quân đội Ukraine bắt đầu chiến đấu chống lại các phong trào ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

“Chúng tôi là nghệ sĩ và chúng tôi muốn xem nghệ sĩ có thể giúp ích như thế nào,” cô nói. “Ít nhất chúng ta có thể kể về cuộc chiến này. Chúng tôi có thể cho cả thế giới thấy điều này.”

Khi đến thăm căn cứ của một đơn vị quân đội tình nguyện, Klymenko nhận thấy nắp hộp chứa đạn AK-47. Anh ấy mang một cái về nhà và vẽ một bức tranh Theotokos trên đó.

Hai vợ chồng không biết họ đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên các hộp đạn kể từ đó. “Chúng tôi không tính; chúng tôi chỉ vẽ,” cô nói.

Ngoài các bức tranh về Đức Mẹ, các chủ đề bao gồm Chúa Kitô, các nhà truyền giáo, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Nicholas và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Có rất nhiều biểu tượng về Mẹ Thiên Chúa, bao gồm Đức Mẹ của Bông hoa Không bao giờ tàn và Người làm mềm những trái tim xấu xa. Một số bức ảnh kết hợp vải ngụy trang trong nền của hình ảnh.

Atlantova, 41 tuổi, nói rằng biểu tượng yêu thích của cô để vẽ là Thánh George giết rồng.

Là một nghệ sĩ đã học vẽ từ mẹ là nghệ sĩ khi còn trẻ và đã từng vẽ tranh tường trong nhà thờ, Atlantova vào năm 2014 đang thực hiện các bức tranh minh họa sách, cụ thể là bộ sưu tập các loài chim ở Ukraine. Nhưng vì chiến tranh, dự án đó phải tạm dừng.
Source:Aleteia
 
Tân Đại sứ của Venezuela cạnh Tòa thánh trình ủy nhiệm thư
Đặng Tự Do
17:22 12/12/2022


Tất cả đều mỉm cười tại Vatican khi tân Đại sứ của Venezuela tại Tòa thánh, nhà thần học Ian Torres, trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng đã trao cho ông những văn bản quan trọng trong triều đại giáo hoàng của ngài, và đổi lại, đại sứ đã tặng Đức Thánh Cha một cuốn sách của chính ông, phân tích các cộng đồng Mỹ Latinh dưới ánh sáng của Kinh thánh.

“Đây là cuốn sách của con, đã được xuất bản như luận án tiến sĩ của con về thần học Kinh thánh từ Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô”.

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho đại sứ và gia đình ông, trước khi gặp riêng tân đại sứ.

Căng thẳng gay gắt đã diễn ra trong thời gian gần đây giữa nhà độc tài Nicolás Maduro và Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin từng là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “đầy hận thù” và “đáng hoài nghi”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, 2021 Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.

Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Caracas, là người mà Maduro đã cố ý miệt thị khi gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.


Source:Rome Reports
 
Một nữ tu Công Giáo nằm trong số 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhất năm 2022, theo Hãng Thông tấn Anh
Thanh Quảng sdb
20:26 12/12/2022
Một nữ tu Công Giáo nằm trong số 100 phụ nữ có ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhất năm 2022, theo Hãng Thông tấn Anh

Có một Nữ tu là người nữ duy nhất có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội đồng Giám mục, một cơ quan tư vấn cho Đức Thánh Cha về các vấn đề quan yếu cho Giáo hội. Năm nay, BBC đã đề chọn ra những phụ nữ xuất sắc.

(Zenit - Elizabeth Owens)

Hãng thông tấn Anh (BBC) công bố danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng và ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Trong số đó có ca sĩ Billie Eilish; Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska; nữ diễn viên Rita Moreno và Selma Blair; nhà vô địch nhảy xa, Yulimar Rojas; nhà văn Colombia Velia Vidal; nhà khảo cổ người Argentina Sofia Heinonen; và các nhà hoạt động như cô Ceci Flores và Geraldina Guerra. Tuy nhiên, trong số đó cũng có một nữ tu: Sơ Nathalie Becquart, người Pháp và là Phó Tổng Thư Ký của Thượng Hội đồng Giám mục.

BBC đã nói về sơ ấy như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Nathalie Becquart Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, là người phụ nữ đầu tiên trong tổ chức này. Sơ là người phụ nữ duy nhất có quyền bỏ phiếu trong Thượng hội đồng, một cơ quan cố vấn cho Đức Thánh Cha về các vấn đề quan trọng trong Giáo hội. Tổng thư ký của Thượng Hội đồng cho biết vào năm 2021 việc bổ nhiệm Sơ Becquart cho thấy “cánh cửa đã được mở ra” cho phụ nữ.

Trước đây, sơ Nathalie người Pháp này là thành viên của Dòng Nữ Thánh Phanxicô Xaviê và là nữ Giám đốc đầu tiên của Cơ quan Truyền giáo Quốc gia lo về Giới trẻ và Ơn gọi ở Pháp.

Đây là lần 100 phụ nữ tiêu biểu lần thứ 10 được vinh danh và nhân dịp này, BBC tìm hiểu những thành tựu đạt được trong 10 năm qua. Về vấn đề này, BBC đã xác minh rằng, “mặc dù đã có những tiến bộ lớn về quyền của phụ nữ - từ số lượng những người nữ lãnh đạo trong Phong trào “Cả Tôi Nữa” MeToo, Tuy thế với nhiều phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới, đây vẫn còn một chặng đường dài... ”

Danh sách này phản ánh vai trò trọng tâm của phụ nữ trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới, từ những người biểu tình dám yêu cầu thay đổi ở Iran, đến gương mặt những người nữ can cường trong cuộc xung đột và giao tranh giữa Ukraine và Nga…
 
Tương lai thánh mẫu của con người
Vu Van An
21:07 12/12/2022

Thật hiếm có, khi một mục sư Thệ phản, Peter J. Leithart, chủ tịch Viện Theopolis ở Birmingham, Alamaba, chuyên nghiên cứu Kinh thánh, Phụng vụ và Văn hóa, viết về Đức Maria một cách thâm thúy và nồng nàn đến thế. Thật vậy, trong bài “Man’s Marian Future”, đăng trên tạp chí First Things ngày 9 tháng 12, năm 2022 (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2022/12/mans-marian-future), ông kết luận “Với toàn bộ sáng thế, chúng ta an lạc trong niềm hy vọng thánh mẫu, mong chờ sinh hạ Hạt Giống chúng ta vốn đã mang, mong chờ lớn lên tới tư thế viên mãn của mẹ Chúa chúng ta”. Mùa vọng là dịp tốt để đọc những suy tư này.



Xuyên suốt Kinh thánh, hy vọng có hình dạng một đứa trẻ. “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta” vang vọng và lặp lại khắp qui điển. Ađam và Evà hy vọng Hạt Giống; Ápraham và Sara hy vọng Ysaác; Ysaác và Rêbêca hy vọng Êsau và Giacóp; Giacóp hy vọng đứa con trai đã mất của mình là Giuse; dân Giuđa hy vọng mầm nhà Đavít còn đang ẩn giấu là Giôát.

Hy vọng có tính hướng về đứa con và, vì lý do đó, cũng có tính mẫu thân. Mang thai biểu thị kinh nghiệm hy vọng như là thực tại hiện nay của những điều tốt đẹp trong tương lai. Đứa trẻ chưa chào đời là điều không thể tránh khỏi đối với mẹ em. Bà cảm thấy những cú đá, những cú duỗi người của em và những gợn sóng lăn tăn trên bụng dưới của bà. Trong bồn tắm ấm áp của tử cung, em nghe bà hát, học giọng nói của bà, đáp lại tình yêu của bà. Mang thai là sự hiện diện thực sự của niềm vui chưa được nhìn thấy.

Hy vọng chín mùi từ dự ứng hiện thực thông qua diễn trình chuyển dạ đau đớn. Một người mẹ đau khổ tột cùng, trên bờ vực tuyệt vọng, để đưa đứa con giấu ẩn của mình ra ánh sáng. Thánh Phaolô nói, đó là trạng thái của sự sáng tạo, là trạng thái “cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22) – không phải để làm những gì vắng mặt hiện diện, mà để biểu lộ những gì hiện đang bí mật. Chúa Giêsu nói, cơn đau đẻ cũng là cuộc sống của người môn đệ: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16:21-22). Chỉ qua khổ sầu, hy vọng mới xuất hiện trên thế giới.

Tất cả những điều này được ứng nghiệm theo nghĩa đen nơi Đức Maria. Mẹ là người đầu tiên mang mầu nhiệm, “chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl. 1:27), và qua việc mang thai của Mẹ, niềm hy vọng mặc lấy xác thịt. Nhưng Đức Maria còn hơn thế nữa—không những chỉ là mẫu mực của niềm hy vọng, mà còn là hoa quả đầu mùa của những gì chúng ta hy vọng. Mùa Vọng ứng nghiệm lời hứa Chúa Con, nhưng Chúa Con ngược lại, đưa mẹ vào cuộc sáng tạo mới mà Người khai mở. Mẹ Maria ở với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ở với Mẹ Maria, cả hai đều hiện diện trong cuộc sáng tạo mới.

Cảnh truyền tin của Luca xuất hiện với âm nhạc của sự sáng tạo mới, phần lớn trong đó là âm điệu của Đức Mẹ. Qua vai trò làm mẹ kỳ diệu của Sara, Rêbêca, Rakhen và Anna, Giêhôva báo hiệu lời hứa trong Sách Sáng thế 3:15, vốn nói tiên tri về vai trò làm mẹ kỳ diệu của Đức Maria. Bà Êlisabét gián tiếp ngỏ với Đức Maria như Evà mới. Bà chào Đức Maria bằng câu: “Em có phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:42), một âm vang của việc Đơvôra khen ngợi Giaên: “Phúc thay bà Giaên, phu nhân ông Kheve, người Kêni, hơn các phụ nữ, hơn các phụ nữ trong lều trại, bà thật là có phúc” (Tl 5:24). Giaên được chúc phúc vì bà đã giải cứu Israel bằng cách đóng một cái cọc lều xuyên qua sọ Xixơra. Qua Con Trai của mình, Đức Maria cũng làm như vậy, sinh hạ Hạt Giống được sai đến để nghiền nát đầu con rắn.

Sứ thần Gáprien báo tin cho Đức Maria (Lc 1:26). Lần xuất hiện duy nhất của Gáprien trong Cựu Ước là ở Đanien (8:15–28; 9:20–27), trong đó, ngoài những điều khác, ngài nói tiên tri rằng “bảy mươi tuần lễ” sẽ trôi qua giữa sắc lệnh của Kirô và sự xuất hiện của “Hoàng tử Mêsia”. Sự xuất hiện trở lại của Gápriên, đầu tiên là trong đền thờ Giêrusalem (Lc 1:19) và sau đó là ở Nadarét, cho thấy lời tiên tri hàng thế kỷ của ngài sắp được ứng nghiệm. Bảy mươi tuần đang trôi qua. Thời đại của dân ngoại sắp kết thúc. Sự giải phóng đã gần kề. Một thời đại mới bắt đầu.

Gápriên nói với Đức Maria rằng ngài sẽ được Chúa Thánh Thần “rợp bóng” (Lc 1:32–35). Khi thế giới mới được tạo dựng, cũng chính Chúa Thánh Thần ấy bay lượn trên lòng dạ đất đầy nước, khuấy động nó vào sự sống, trật tự và vẻ đẹp. Con Đấng Tối Cao trong cung lòng Đức Maria đích thân là một vũ trụ mới, là sự nhập thể của Ngôi Lời mà trong Người vạn vật cố kết với nhau, nhưng Đức Maria cũng là một nhân vật có tính vũ trụ, là cung lòng trong đó Chúa Thánh Thần lên khuôn hình dạng con người cho Chúa Con.

“Rợp bóng” cũng gợi lên cảnh cuối cùng của sách Xuất Hành, khi đám mây vinh quang của Giêhôva từ núi Sinai đi xuống để ngự trên ngai đặt trên cánh kêrubim và thánh hiến nơi cực thánh bên trong nhà tạm (Xh 40:34). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Maria trở thành không gian thánh, cưu mang “Đấng thánh được sinh ra” (Lc 1:34; to gennomenon hagion). Gioan gọi Chúa Giêsu là nhà tạm, nơi cư ngụ trên đất của vinh quang Thiên Chúa (Ga 1:14), nhưng Luca đẩy xa vấn đề thêm một bước đáng kinh ngạc: mẹ nào Con nấy; Ngôi Lời được ở nhà tạm vì Người sinh ra từ một người mẹ đã được thánh hiến như một đền thờ sống động. Công trình sáng tạo mới do Chúa Thánh Thần hình thành bắt đầu nơi Đức Maria vào chính thời điểm nó được gieo vào bà như Hạt Giống của bà. Trước khi Đấng Cứu Chuộc của thế giới tỏ khuôn mặt thánh thiêng của mình, Người đã bắt đầu tạo ra Nhân loại số 2.0, với Đức Maria là nguyên mẫu.

Tương lai của con người có tính Thánh mẫu. Tất cả chúng ta, giống như Thánh Phaolô, lao nhọc cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong mỗi chúng ta, cho đến khi Chúa Kitô được hình thành giữa chúng ta, cho đến khi các con cái của Thiên Chúa được mạc khải trong sự vinh hiển trọn vẹn của chúng ta (Gl 4:19). Nhờ Chúa Thánh Thần rợp bóng, cuộc sáng tạo mới đã được thai nghén trong cung lòng thế giới. Với toàn bộ sáng thế, chúng ta an lạc trong niềm hy vọng thánh mẫu, mong chờ sinh hạ Hạt Giống chúng ta vốn đã mang, mong chờ lớn lên tới tư thế viên mãn của mẹ Chúa chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức TGM Vũ Văn Thiên sau Đại Hội Giới Trẻ tại Hà Nội
TGM Hà Nội
09:45 12/12/2022
 
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Tempe,Bang ArizonaTĩnh Tâm Mùa Vọng
Phan Hoảng Phú Quý
20:49 12/12/2022
Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Tempe,Bang ArizonaTĩnh Tâm Mùa Vọng

(Tempe-Arizona) Trong tâm tình dọn mình đón Chúa Giáng Sinh, Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh thuộc thành phố Tempe, tiểu bang Arizona đã tổ chức Tĩnh Tâm Mùa Vọng trong 2 ngày 9 & 10 tháng 12 năm 2022, do Linh mục Micae Phạm Quang Hồng đến từ Úc Châu thuyết giảng với chủ đề:

Xem Hình

Ai Chờ Ai? Ai Tìm Ai? Ai Tin Ai?

Với lối thuyết trình đơn sơ, mộc mạc, lẫn hài hước và tế nhị Cha Micae Hồng đã thu hút được rất nhiều người, không phân biệt tôn giáo, theo dõi các bài hướng dẫn tâm linh của cha trong các buổi giảng phòng tĩnh tâm tại các giáo xứ, cũng như trên các hệ thống truyền thông đại chúng như: Youtube, face book, Tiktok, v,v.

Trong 2 ngày tĩnh tâm này tôi cũng rất vui vì có vài người bạn ngoài Công Giáo nhưng cũng xin đến tham dự, vì theo như lời họ chia sẽ: “Nghe cha Hồng giảng họ cãm thấy tâm hồn bình an, và tối ngủ rất ngon giấc”.

Mỗi năm đến Mùa Giáng Sinh về là chúng ta luôn nghĩ đến gia đình đoàn tụ, sum họp quây quần bên nhau, mọi thành viên trong gia đình dù ở xa hay gần, bận rộn bao nhiêu cũng phải dành thời gian để về với gia đình, với bạn bè, với thân bằng quyến thuộc, do đó chúng ta có thể nói Giáng Sinh là Tình Yêu, mà tình yêu thì ở cùng nhau.

Thiên Chúa yêu chúng ta, nên muốn ở với chúng ta, không muốn tách rời chúng ta đó là mầu nhiệm nhập thể, xuống thế làm người.

Thiên Chúa yêu chúng ta, thì phải ở với chúng ta mãi mãi không bao giờ tách rời chúng ta, đó là Bí tích Thánh Thể.

Thiên Chúa yêu chúng ta, muốn sửa chúng ta nên hoàn hão hơn, tốt đẹp hơn, đó là Bí tích Hòa Giải.

Thiên Chúa yêu chúng ta, sẵn sàng thí mạng sống cho chúng ta, đó là mầu nhiệm Thập Tự Giá.

Chúng ta thường nghĩ Mùa Vọng là mong chờ Chúa đến, nhưng thực ra, Ai mong chờ ai? có thật là chúng ta mong chờ Chúa đến không? Không, chắc chắn là không?

Khi con cái lái xe đi ra ngoài đường, thì ở nhà cha mẹ đợi chờ con trở về mới yên tâm, nghĩa là trong gia đình, người lớn chờ người nhỏ, người yêu trước chờ người yêu sau, người yêu nhiều chờ người mới yêu, như vậy Chúa với mình ai chờ ai trước? Ai yêu ai nhiều hơn? Chắc chắn là Chúa chờ và Chúa yêu chúng ta trước, bởi vì Chúa có trước chúng ta, Chúa yêu chúng ta nên Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Chúa.

Hãy bắt chước người ăn trộm, chỉ cần 30 giây thưa với Chúa: “ Lạy Ông Giêsu, khi nào Ông về nước Trời, xin ông nhớ đến tôi với”. Lời nói đơn sơ mộc mạc, nhưng Chúa đã nhậm lời và hứa sẽ cho vào nơi vinh hiễn với Chúa.

Nhiều khi chúng ta không nhận ra Chúa, không cãm nhận được tình yêu của Ngài, nhưng Chúa biết chúng ta, Chúa nhận ra chúng ta, và Chúa vẫn thương yêu và chờ đợi chúng ta.

Đừng bao giờ chúng ta nghĩ là đầy tớ của Chúa, nhưng phải luôn luôn nghĩ rằng chúng ta là con cái của Chúa.

Chúng ta thường tự hỏi. Đời sống Thiêng liêng bắt đầu từ lúc nào?

Xin thưa: Bất cứ lúc nào mà mình tin rằng Chúa thương mình, xác tín, ý thức được rằng Chúa thương mình vô điều kiện, một người con hoang đàng trở về được Chúa cho phục hồi nhân phẫm, được quyền thừa hưởng gia tài, lúc đó đời sống thiêng liêng mới bắt đầu. Tại sao không tưởng tượng mình được Chúa thương, rồi đi đến xác tín, biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong cuộc đời của mình, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mình được Chúa thương mà cặp mắt của mình không nhận ra là lòng biết ơn.

Đừng bao giờ nói: Xin đừng bỏ con, vì như thế chúng ta sẽ sai, sai từ cái nhìn về Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là người cha nhân hậu, có khi nào cha mẹ lại từ bỏ con cái bao giờ? Ngược lại chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng từ bỏ Chúa, nhất là lúc chúng ta dại dột vì đam mê, vì quyến rũ, vì áp lực.

Thế nào là trưởng thành về nhân bản, trưởng thành về thánh linh?

Trưởng thành về nhân bản là càng ngày càng tự lập, càng tự lập mới có tự trọng (tam thập nhi lập) 30 tuổi phải biết đứng giữa đời, phải tự lực cánh sinh.

Còn đời sống thiêng liêng thì sao? Đôi khi chúng ta lầm, chúng ta tưởng tập luyện nhân đức, đọc kinh, nhận các bí tích, nghe tất cả các bài chia sẽ, rồi cuộc đời thánh linh của chúng ta càng ngày càng tự lập? Thưa không. Chúng ta càng ngày càng lệ thuộc vào Thiên Chúa, càng cần Chúa để chúng ta có thể đứng vững trên con đường giữ đạo.

Khi chúng ta tị nạn ở nước ngoài, chúng ta được thi quốc tịch, được nhập tịch, được trở thành công dân của một nước tự do, chúng ta lấy làm vinh dự và hãnh diện vì được làm công dân của một nước có nhân bản, có nhân ái.

Được làm công dân của một nước, chúng ta hãnh diện như thế, huống chi chúng ta được làm công dân nước trời, sao thấy ít người hãnh diện?

Làm công dân của một nước, khi chúng ta phạm tội, chúng ta bị mất quyền lợi, nhưng công dân nước trời, chúng ta vẫn được làm con cái Chúa, công dân một nước khi mình chết là hết, là chấm dứt, nhưng công dân nước trời khi mình chết vẫn đời đời kiếp kiếp ở trong tình yêu của Chúa, đừng bao giờ nghi ngờ Chúa hết thương mình, đừng bao giờ nghi ngờ Chúa không nghe mình, sự thật Chúa vẫn nghe, vẫn thương và luôn quan phòng che chở chúng ta.

Cả cuộc đời chúng ta, chúng ta nên học hỏi hình ảnh của ông Giakêu, để chúng ta thấy rằng Chúa đi tìm mình, vì mình bất toàn, vì mình tội lỗi, vì mình yếu hèn.

Ước gì mỗi người chúng ta được Chúa đi tìm, đươc Chúa tha tội, được Chúa phục chức và được Chúa ở lại mãi mãi trong tâm hồn chúng ta.

Xin kính chúc quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa Mùa Giáng Sinh Bình An và Một Năm Mới Hạnh Phúc Thịnh Vượng.

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Các Tầng Trời

Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm.

Phan Hoàng Phú Quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ở Việt Nam Hiện Nay Tái Lập Tục Lệ Kiêng Húy
Nguyễn Văn Nghệ
17:34 12/12/2022
Ở Việt Nam Hiện Nay Tái Lập Tục Lệ Kiêng Húy

Ngày xưa dưới thời phong kiến, mỗi khi có vị nào lên ngôi vua thì triều đình sẽ ra một văn bản kể tên một số chữ liên quan đến nhà vua và hoàng tộc gọi là những chữ kỵ húy, có nghĩa là khi nói hoặc viết đến chữ kỵ húy thì phải nói và viết khác đi một chút. Nếu gọi và viết đúng chữ kỵ húy bị ghép vào tội “phạm húy”. Sĩ tử lều chõng đi thi, khi làm bài mà có từ nào viết “phạm húy” dẫu bài làm có xuất sắc cũng bị “phạm trường quy” và bị đánh rớt.Ví dụ như trường hợp ông Đặng Huy Trứ(1825-1874), ông đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843)vị thứ 3/39 tại trường thi Hương Thừa Thiên. Năm sau ông dự thi Hội và được xếp vào hạng chánh trúng cách, tiếp tục vào thi Đình nhưng bài văn sách của ông có câu: “…Gia miêu chi hại…” (cỏ năn làm hại cây lúa) lỡ phạm vào tên làng Gia Miêu(Thanh Hóa) là quê hương của nhà Nguyễn, bởi thế Đặng Huy Trứ không những bị đánh hỏng mà còn bị tước cả Cử nhân. Do đó khoa thi Hương Đinh Mùi (1847) Đặng Huy Trứ phải thi lại và lần này ông đậu Giải nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hương)[1]

Hoặc như trường hợp tên của Ngô Thì Nhậm, một vị quan dưới thời Tây Sơn. Khi vua Tự Đức lên ngôi, do nhà vua có tên Nguyễn Phước Hồng Nhậm và Nguyễn Phước Thì nên tên Ngô Thì Nhậm được đổi thành Ngô Thời Nhiệm.

Ngay cả mỹ tự của thần thánh khi phạm húy cũng bị đổi. Thần Thanh Linh Thuần Đức thời vua Minh Mạng có mỹ tự Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Thượng đẳng thần. Sang thời vua Thiệu Trị được gia phong thêm mỹ tự Chiêu Cách, kế đến gia phong thêm mỹ tự Lệ Anh.

Sang thời vua Tự Đức do kiêng húy chữ “Hồng” nên mỹ tự của thần Thanh Linh Thuần Đức từ Hồng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiêu Cách Lệ Anh Thượng đẳng thần được đổi thành Hoằng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chiêu Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Thượng đẳng thần.

Đến thời vua Duy Tân do tên của vua cha là Thành Thái có tên là Nguyễn Phước Chiêu cho nên phải kiêng húy chữ “Chiêu” cho nên mỹ tự của thần đổi thành Hoằng Từ Tuấn Trạch Minh Ứng Chương Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần.

Sang đến thời vua Khải Định, tên vua là Nguyễn Phước Tuấn, nên một lần nữa mỹ tự của thần được đổi thành Hoằng Từ Phổ Trạch Minh Ứng Chương Cách Lệ Anh Hoằng Hiệp Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần.

Sau khi chế độ phong kiến cáo chung thì vấn đề kiêng húy không còn bắt buộc nữa, tên các vị nguyên thủ như : Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Ngô Đình Diệm… đều được già trẻ lớn bé gọi một cách công khai mà không sợ phạm húy.

Tưởng rằng việc kiêng húy mãi mãi đi vào quá khứ, nhưng những năm gần đây ở Việt Nam đang tái lập lại tục kiêng húy trên phạm vi cả nước.

Trong những năm gần đây vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và các nước lân cận diễn ra, quân đội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Trung Quốc hoặc gọi theo như thời Việt Nam Cộng Hòa là Trung Cộng) xua quân xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Từ đó tàu của Trung Quốc lấn lướt trên Biển Đông, bắt bớ, đánh đập, tịch thu hoặc phá hủy ngư cụ tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên ngư trường của Việt Nam. Trước hành động ngang ngược như vậy tất cả phương tiện truyền thông Việt Nam không dám đá động đến cụm từ “tàu Trung Quốc” mà chỉ gọi là “tàu nước lạ”, mặc dù tàu ấy treo cờ Trung Quốc. Mặc dù Nhà nước Việt Nam không ra văn bản cấm dùng cụm từ “tàu Trung Quốc” nhưng đã trở thành luật bất thành văn đối với giới truyền thông Nhà nước Việt Nam.

Mới đây vào chiều ngày 9/12/2022, Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị phát hiện một chiếc tàu vỏ sắt dài khoảng 40 mét, rộng khoảng 10 mét, cao khoảng 12 mét mang dòng chữ Trung Quốc ở mũi tàu trôi dạt vào bờ biển thôn 7 xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi xem hình ảnh chiếc tàu sắt ấy, đứa bé học Tiểu học đều khẳng định đó là tàu của Trung Quốc. Ấy vậy mà tất cả giới truyền thông Nhà nước Việt Nam không nhận dạng được tàu của nước nào và đành phải quy kết là “Chiếc tàu sắt này mang số hiệu nước ngoài”[2]

Hai chữ “Trung Quốc” có mãnh lực như thế nào đối với đảng và Nhà nước Việt Nam đến nỗi không dám gọi thẳng tên mà phải kiêng húy như vậy?

Trong quá khứ, sau khi Trung Quốc xua quân xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, tất cả phương tiện truyền thông ở Việt Nam gọi giới lãnh đạo Trung Quốc là “Bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh”(gọi tắt là bọn bành bá). Năm 1980 câu đầu tiên của Hiến Pháp Việt Nam ghi: “Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta tha thiết mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ Quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam và bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”[3]

Đến năm 1984, Bộ trưởng Bộ Ngoại giáo Nguyễn Cơ Thạch đề nghị với Tổng Bí thư Lê Duẩn bỏ câu nói đầu trong Hiến pháp, nhưng ông Lê Duẩn từ chối.

Ta không nên quá khích như Lê Duẩn và cũng không nên nhu nhược như hiện nay. Tàu Trung Quốc thì gọi là tàu Trung Quốc chớ né tránh không dám gọi thẳng tên, liệu tàu Trung Quốc có dừng hành động ngang ngược đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên ngư trường của Việt Nam không? Và người dân Trung Quốc sẽ nghĩ ghì về cách gọi né tránh của Việt Nam? Họ phục Việt Nam là ứng xử mềm mỏng hay là họ khinh Việt Nam không có dũng khí?

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích:

[1]- Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, tr.233

- Tuyển tập Cao Xuân Dục tập2, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, tr 108

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb Giáo dục, tr.1011

[2]- thanhnien.vn/tau-vo-sat-nuoc-ngoai-khong-nguoi-lai-troi-vao-bo-bien-quang-tri-post1530209.html

[3]- cafef.vn/thai-do-cua-tbt-le-duan-voi-lanh-dao-trung-quoc-truoc-trong-va-sau-chien-tranh-bien-gioi-20190216140406281.chn
 
Văn Hóa
Em Đi Mùa Tím Đợi Chờ
Sơn Ca Linh
09:12 12/12/2022
Em Đi Mùa Tím Đợi Chờ

Một chút tâm tình tưởng niệm nữ tu Mácta Trương thị Kiều Nhi trong ngày an táng chị – 12/12/2022

Chiều xưa tím cả đồi sim,
Người đi để lại nỗi niềm xót xa,
Thương em gái nhỏ quê nhà,
Anh về chưa kịp bình hoa đã tàn ! (1)

Sáng nay mưa đến vội vàng,
Theo màu áo tím ngỡ ngàng tiển em.
Dẫu đây chẳng có đồi sim,
Thay “đồi thập giá” (2) linh thiêng vô ngần !

Giữa Mùa Vọng tím linh ân,
Ru em nhạc thánh vọng ngân lưng trời.
Tiển em “một chuyến qua đời”,
Cảm ơn em đã một thời hy sinh !

Như chim chắp cánh bình minh,
Sáng nay mất hút thiên đình bay xa.
Nước trôi về biển bao la,
Mang em đổ bến tình Cha dạt dào.

Em về bên ấy ngàn sao,
Đêm đêm nhớ gởi giọt đào tin yêu.
Gởi bài ca nhỏ yêu kiều,
Để thương để nhớ dập dìu đường xưa !

Em đi Mùa Tím đợi chờ,
Sương mai khát vọng lời thơ nguyện cầu.
Chuyến tàu đời có xa đâu,
Đường về Núi Sọ gặp nhau mấy hồi !

Sơn Ca Linh (12/12/2022)


(1) Gợi nhớ bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan để khóc người vợ trẻ chết sớm là Lê Đỗ Thị Ninh.
(2) Muốn nói tới Hy Tế Thập Giá tức Thánh Lễ.
 
VietCatholic TV
Biến chuyển lớn: Trời giúp Ukraine ở Bakhmut. Bộ Chỉ Huy Wagner ở Luhansk trúng HIMAR, im tiếng súng
VietCatholic Media
03:14 12/12/2022


1. Quân Ukraine phản công rất mạnh ở Bakhmut. Trời giúp Ukraine ở Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 12 tháng 12, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết các đợt tấn công của quân Nga xung quanh Bakhmut đã dịu lại so với các ngày trước đó và quân Ukraine đang ở thế phản công.

Chiến thuật lợi hại của quân Nga là chia thành nhiều nhóm bộ binh nhỏ, đào các chiến hào như trong thế chiến thứ nhất, cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ trên các phần “mong manh nhất” của mặt trận, và áp dụng chiến thuật tấn công đồng thời nhiều mũi tấn công cùng một lúc. Quân Nga được tường trình là đông hơn quân Ukraine đến 5 lần; trong khi quân Ukraine lại không thể tận dụng pháo binh vì quân Nga nằm rải rác trong các chiến hào, pháo binh không có tác dụng bao nhiêu.

Một tân binh Nga bị bắt tại mặt trận cho biết từ khi anh ta trình diện nhập ngũ cho đến khi bị tung vào chiến trường Bakhmut chỉ có 5 ngày. Anh ta không được huấn luyện gì cả, nhưng một việc anh ta có thể làm và thực sự gây nguy hiểm cho quân Ukraine là đào các chiến hào. Tinh thần của quân Nga được ghi nhận là thấp nhưng đào để tìm đường sống thì họ cuốc túi bụi như điên. Hàng ngàn tân binh như anh ta được huy động để cuốc liên tục, hình thành nên hệ thống các chiến hào chằng chịt, ngang dọc, áp sát quân Ukraine. Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskiy, đang chiến đấu tại mặt trận cho biết tình hình rất khó khăn, đạn bay tứ phía, pháo binh lại không thể yểm trợ được nhiều.

Tuy nhiên, có một yếu tố đang thay đổi cuộc chơi tại Bakhmut. Mưa như trút nước và nhiệt độ càng lúc càng lạnh. Hôm thứ Tư nhiệt độ xuống còn âm 5 độ C và trong suốt tuần tới nhiệt độ sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Các không ảnh cho thấy, người Nga chết cứng trong các chiến hào.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, tình hình đang thay đổi về cơ bản. Từ chỗ phòng thủ, quân Ukraine đang ráo riết phản công và chính các chiến hào do người Nga đào đang cung cấp các lợi thế nhất định cho họ.

Trong 24 giờ qua, Nga mất ít nhất là 380 quân. Nói ít nhất là vì tại Melitopol, hai doanh trại của Nga bị trúng HIMARS, con số thương vong của quân xâm lược chưa thể kiểm đếm được. Cũng tại Bakhmut, quân xâm lược bỏ lại 2 xe tăng và 3 xe thiết giáp vẫn còn trong tình trạng hoạt động tốt.

Tính từ ngày 24 tháng Hai đến ngày 11 tháng 12, Nga đã mất khoảng 94,140 quân ở Ukraine, cùng với 2,942 xe tăng, 5,920 xe thiết giáp, 1,928 hệ thống pháo, 397 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 211 hệ thống tác chiến phòng không, 281 máy bay, 264 trực thăng, 1,613 máy bay không người lái, 592 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,540 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 167 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Quan chức Ukraine tuyên bố rằng một vụ nổ đã làm rung chuyển trụ sở của nhóm lính đánh thuê ở vùng Luhansk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv vào tối Chúa Nhật 11 tháng 12, Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai, cho biết một vụ nổ kinh hồn đã san bằng trụ sở của nhóm lính đánh thuê Wagner ở vùng Luhansk phía đông Ukraine vào hôm thứ Bảy.

Ông nói: “Đã có một tiếng nổ rất lớn, nơi đặt trụ sở chính của Wagner”

Haidai cho biết trụ sở chính được đặt tại một tòa nhà ở thành phố Kadiivka bị Nga tạm chiếm. Thành phố này nằm ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng và do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin rằng một vụ nổ đã xảy ra vào thứ Bảy tại một tòa nhà “khách sạn tư nhân” ở Kadiivka, nhưng không nêu rõ sự hiện diện của Wagner ở đó.

“Tòa nhà khách sạn ở thành phố Stakhanov ở Cộng hòa Nhân Dân Luhansk đã bị phá hủy do cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine bằng HIMAR, cú đánh làm rung chuyển khu vực trung tâm của thành phố,” TASS đưa tin hôm thứ Bảy.

Báo cáo của TASS cho biết tiếp: “Cuộc tấn công diễn ra tại một khách sạn tư nhân, nằm trong khu vực chợ trung tâm. Khách sạn không hoạt động vào lúc này. Lực lượng cấp cứu đã làm việc tại hiện trường, họ đang dọn dẹp đống đổ nát.”

Tập đoàn Wagner là gì?

Tập đoàn Wagner là một công ty lính đánh thuê đã tham gia rất nhiều vào cuộc chiến ở Ukraine. Nhóm này thường được mô tả là đội quân ngoài sổ sách của Tổng thống Vladimir Putin. Nó đã mở rộng dấu ấn của mình trên toàn cầu kể từ khi được thành lập vào năm 2014. Nhóm này đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Phi Châu, Syria và Ukraine.

Nhóm được thành lập bởi một nhà tài phiệt người Nga, Yevgeny Prigozhin, mà ông ta đã thừa nhận vào đầu năm nay. Prigozhin thân với Điện Cẩm Linh đến mức ông được mệnh danh là “đầu bếp” của Putin.

3. Medvedev nói: Nga tăng cường sản xuất vũ khí 'mạnh nhất'

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết nước này đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí thế hệ mới để tự bảo vệ mình trước các kẻ thù ở Âu Châu, Mỹ và Australia, Reuters đưa tin.

Medvedev nói:

Chúng ta đang tăng cường việc hoàn thành dây chuyền sản xuất những phương tiện hủy diệt mạnh mẽ nhất, bao gồm cả những khí tài chiến tranh dựa trên các nguyên tắc mới.

Sử dụng những thuật ngữ khá lạ lùng với nhiều người, Medvedev đã mô tả các lãnh thổ của Ukraine ngày nay như là một phần của Đế quốc Nga dưới thời sa hoàng, ông ta nói:

Kẻ thù của chúng ta đã đào sâu không chỉ ở tỉnh Kyiv của quê hương Malorossiya của chúng ta, mà còn bao gồm cả Âu Châu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và một số nơi khác đã cam kết trung thành với Đức Quốc xã.”

Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, không cung cấp thông tin chi tiết về loại vũ khí mà ông ta cho là sắp hoàn thành.

Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông được coi là tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.

Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển: Hỗ trợ Ukraine là đầu tư cho an ninh chung của chúng ta

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson nói rằng hỗ trợ cho Ukraine là ưu tiên hàng đầu của Thụy Điển.

Ông cho biết như trên tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tại Trung tâm Truyền thông Ukraine ở Odesa.

“Ukraine là ưu tiên của Thụy Điển, Thụy Điển ủng hộ Ukraine. Tôi xin chân thành cảm ơn Lực lượng vũ trang, những người chiến đấu không chỉ vì tự do và độc lập của Ukraine, không chỉ vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, mà tất nhiên, còn vì cả Âu Châu,” Jonson nói.

Ông lưu ý rằng vài tuần trước, chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt gói viện trợ an ninh thứ chín cho Ukraine, lớn hơn 50% so với gói trước đó.

Theo ông, gói mới bao gồm hệ thống phòng không, đạn dược cho một loại hệ thống phòng không khác và các vật phẩm cho mùa đông.

“Điều này có nghĩa là Thụy Điển không chỉ hỗ trợ Ukraine mà còn đầu tư vào an ninh chung của chúng ta,” Jonson nói.

Ông cũng nói thêm rằng ông rất vui khi đến thăm Ukraine để hiểu rõ hơn về tình hình.

5. Quân xâm lược Nga tăng cường các hoạt động quân sự ở Mariupol và vùng ngoại ô

Tại thành phố Mariupol bị xâm lược tạm thời và vùng ngoại ô, quân xâm lược Nga đang tăng cường các hoạt động quân sự. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine đã cho biết như trên.

“Cả ngày, trên khắp thành phố, một số lượng lớn máy bay trực thăng chiến đấu bất thường bay từ hướng Zaporizhzhia về phía nhà máy thép Azovstal. Một đoàn xe tăng khác đã được triển khai lại từ quận Manhush đến quận Nikopol vào đêm Chúa Nhật 11 tháng 12”

Một trại lính thứ hai dành cho những người lính Nga được huy động đã được thành lập ở quận Mariupol, ngoại ô của khu định cư kiểu đô thị Yalta.

Ngay sau một cuộc tấn công thành công vào lãnh thổ bị xâm lược trong khu vực Zaporizhzhia, Nga đã rút quân khỏi Berdiansk, và vẫn đang tiếp tục rút lui khỏi các khu vực khác của Zaporizhzhia.

Các tin tình báo cho thấy, khoảng 500 quân xâm lược Nga đang trú ngụ gần các khu định cư như Demianivka và Komyshuvate.

Một lời nhắc nhở rằng, do không có dịch vụ cung cấp nhiệt trong nhà, căng thẳng xã hội đang gia tăng ở thành phố Mariupol bị xâm lược tạm thời.

6. Người Nga bắn vào xe của tổ chức bác ái đang chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Bakhmut

Quân đội Nga bắn vào xe của tổ chức bác ái đang chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Bakhmut, vùng Donetsk. Không ai bị thương.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết:

“Hôm nay, người Nga đã bắn vào những người cứu hộ đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người ở lại Bakhmut bị chiến tranh tàn phá. May mắn thay, không có ai bị thương”

Đồng thời, người ta ghi nhận rằng một chiếc xe của đơn vị cứu hỏa và cấp cứu số 47 đã bị hư hại trong trận pháo kích: kính chắn gió bị nứt, cửa sổ phía sau bị vỡ, cản sau và phần sau của xe bị thủng.

“Lực lượng cấp cứu đã sử dụng phương tiện này để chuyển hàng viện trợ nhân đạo và nước uống, đặc biệt là cho một ngôi nhà bị quân Nga tấn công vào đêm 11 tháng 12. Cư dân của khu chung cư đã giúp lực lượng cấp cứu dập tắt lửa do pháo kích bằng nước của họ, vì vậy Điều quan trọng là các binh sĩ của Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang phải trả lại cho mọi người những khoản dự trữ quý giá của họ,” phó Thủ tướng nói.

9 ngôi nhà bị hư hại và 2 người bị thương do các cuộc tấn công của Nga vào khu vực Donetsk vào ngày 11 tháng 12. Các quận Pokrovsk và Bakhmut chịu hỏa hoạn nặng nề nhất.

7. Thủ tướng Shmyhal: Tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện Ukraine đều bị Nga tấn công

Tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện của Ukraine đã bị hư hại sau 8 đợt tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine. Ngoài ra, 40% thiết bị mạng lưới điện cao thế bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau.

“Hệ thống năng lượng của Ukraine bị thiếu điện đáng kể. Sau tám đợt tấn công bằng hỏa tiễn vào đất nước, tất cả các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đều bị hư hại, 40% cơ sở mạng lưới điện cao thế bị hư hỏng ở các mức độ khác nhau. Mỗi chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta sẽ trải qua mùa đông này với những hạn chế đáng kể về tiêu thụ điện”, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nói.

Ông nói thêm rằng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Năng lượng Ukraine xác định và đệ trình để xem xét các ưu tiên cung cấp điện rõ ràng.

Ưu tiên hàng đầu là cơ sở hạ tầng quan trọng và bệnh viện, ưu tiên thứ hai là các doanh nghiệp và đối tượng của khu liên hợp công nghiệp quân sự, ưu tiên thứ ba là doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và sản phẩm có tầm quan trọng thiết yếu đối với đất nước, và ưu tiên thứ tư là lĩnh vực nhà ở.

Như đã đưa tin, các nước thành viên của Hội đồng Tư vấn Năng lượng Quốc tế thuộc Bộ Năng lượng Ukraine đã bàn giao thiết bị phục vụ việc khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng trị giá hàng triệu euro.

8. Ngoại trưởng Anh: Không thể dùng đàm phán làm vỏ bọc cho việc Nga tái vũ trang

Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói rằng Nga không thể sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine để che đậy việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

“Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần phải thực tế, chúng cần phải có ý nghĩa, chúng không thể chỉ là lá vả để Nga tái vũ trang và tuyển thêm binh sĩ”, Ngoại trưởng Anh cho biết như trên.

Ngoại trưởng Cleverly nói rằng, trong khi Anh muốn thấy các cuộc đàm phán hòa bình “sớm hơn là muộn”, Vương quốc Anh nhắc lại rằng Ukraine nên đặt ra các thông số cho bất kỳ cuộc đàm phán nào được tổ chức.

“Tôi thực sự không thấy bất cứ điều gì đến từ phía Nga khiến tôi tin tưởng rằng Vladimir Putin sẽ tham gia các cuộc đàm phán này một cách thiện chí. Những lời hoa mỹ được tung ra rất nhiều nhưng vẫn còn rất đối đầu,” ông nói.

9. Đội trinh sát của Không quân Ukraine có một công việc nguy hiểm, bay sát quân đội Nga để chụp ảnh

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Ukrainian Air Force’s Recon Crews Have A Dangerous Job, Flying Close To Russian Troops To Snap Photos”, nghĩa là “Đội trinh sát của Không quân Ukraine có một công việc nguy hiểm, bay sát quân đội Nga để chụp ảnh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Lực lượng không quân Ukraine có ít nhất là 21 và nhiều nhất là 25 máy bay ném bom Sukhoi Su-24M và máy bay trinh sát Su-24MR khi các lực lượng Nga mở rộng cuộc chiến vào Ukraine bắt đầu từ sáng sớm ngày 24 tháng 2.

Ít nhất một chiếc Su-24MR còn sót lại. Nó và bất kỳ máy bay trinh sát nào khác đã sống sót qua lực lượng phòng không của Nga có lẽ đang khá bận rộn vào lúc này, phát hiện mục tiêu cho các lực lượng khác tấn công.

Trung đoàn máy bay ném bom số 7 đặt đại bản doanh tại căn cứ không quân Starokostiantyniv ở miền tây Ukraine có 16 máy bay ném bom và 9 máy bay trinh sát trước chiến tranh.

Trong 10 tháng chiến đấu gian khổ và chết chóc, trung đoàn đã tiêu diệt được ít nhất 12 chiếc Su-24 của Nga. Chúng tôi biết chắc chắn rằng người Nga đã bắn hạ một chiếc Su-24MR và giết chết hai phi hành đoàn của Trung đoàn Ukraine trên bầu trời khu vực Poltava ở miền trung Ukraine vào ngày 22 tháng 10. Không rõ có bao nhiêu trong số 11 tổn thất khác liên quan đến các máy bay trinh sát.

May mắn cho Trung đoàn máy bay ném bom số 7, là Ukraine có tới 47 máy bay Su-24 cũ được cất giữ trên khắp Ukraine, nhiều chiếc trong số đó nằm tại xưởng chế tạo máy bay ở Bila Tserkva gần Kyiv. Các kỹ thuật viên đã sửa chữa những chiếc máy bay phản lực cũ này để duy trì Trung đoàn máy bay ném bom số 7 trong cuộc chiến.

Sau tất cả những tổn thất và tất cả những bổ sung cho đường bay tại Starokostiantyniv, Trung đoàn máy bay ném bom số 7 vẫn còn ít nhất một máy bay phản lực trinh sát Su-24MR. Nó có thể nhìn thấy trong nền các bức ảnh kèm theo cuộc phỏng vấn với Đại tá Yevgeny Bogdanovich Bulatsyk, chỉ huy trung đoàn.

Có thể, mặc dù không thể chắc chắn, rằng chiếc Su-24MR duy nhất đó là chiếc máy bay trinh sát cuối cùng trong lực lượng không quân Ukraine, lực lượng đã bắt đầu cuộc chiến rộng lớn hơn với khoảng 125 máy bay phản lực và đã mất 51 chiếc trong khi bổ sung thêm một số chiếc khác do nước ngoài tài trợ — hoặc do sửa chữa các máy bay cũ.

Có khả năng còn ít nhất một vài chiếc Su-24MR. Trong mọi trường hợp, chúng là nguồn tài nguyên quý giá cho một quốc gia khao khát tình báo chiến trường.

Sukhoi đã phát triển Su-24MR vào giữa những năm 1970 để thay thế cho các máy bay trinh sát Ilyushin Il-28R đã cũ. Công ty đã sử dụng máy bay ném bom siêu thanh Su-24M cơ bản, hai chỗ ngồi, loại bỏ súng và hệ thống điện tử hàng không tấn công và thay thế chúng bằng camera, radar nhìn từ bên hông và các thiết bị cố định cho cụm tình báo tín hiệu dưới bụng.

Su-24MR ngày nay đã lỗi thời. Lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ không còn vận hành các máy bay phản lực trinh sát ảnh chiến thuật, thay vào đó sử dụng các vệ tinh và máy bay không người lái để chụp ảnh các mục tiêu. Xét cho cùng, đó là một công việc nguy hiểm—bay thấp qua hoặc gần lãnh thổ của kẻ thù để lấy nét cho camera hướng xuống. Không phải lực lượng không quân nào cũng sẵn sàng mạo hiểm các phi công để chụp một vài bức ảnh.

Nhưng Ukraine chỉ sở hữu một số máy bay không người lái cỡ lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào các đồng minh nước ngoài hoặc các công ty thương mại về hình ảnh vệ tinh. Su-24MR vẫn hữu ích đối với một quốc gia có ít lựa chọn thay thế.

Chính xác làm thế nào các chỉ huy Ukraine sử dụng máy bay phản lực trinh sát của họ không hoàn toàn rõ ràng. Có thể hoạt động của Su-24MR của chính lực lượng không quân Nga cung cấp manh mối. Người Nga vào tháng 2 có khoảng 50 chiếc máy bay trinh sát. Họ đã mất 9 chiếc Su-24 kể từ đó, ít nhất một trong số đó là Su-24MR.

Cất cánh từ Smolensk ở miền tây nước Nga cũng như từ Crimea do Nga xâm lược, Su-24MR của Nga đã “lập bản đồ rộng rãi” về chiến trường Ukraine, Justin Bronk, Nick Reynolds và Jack Watling đã viết trong một nghiên cứu mới cho Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London.

Các nhà phân tích viết “Lực lượng không quân Ukraine quan sát thấy rằng Su-24MR của Nga liên tục thực hiện từ 2 đến 4 phi vụ mỗi ngày ở độ cao - từ trung bình đến cao - dọc biên giới Ukraine từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4”. Chuyến bay tầm trung hoặc tầm cao cho phép các camera và radar của Su-24MR có phạm vi hoạt động, giúp phi hành đoàn ở ngoài phạm vi phòng không của Ukraine.

Vấn đề, đối với các đội trinh sát Ukraine, là hệ thống phòng không tốt nhất của Nga – hỏa tiễn đất đối không S-400 – có tầm bắn xa hơn so với S-300 của Ukraine: 155 dặm so với 70 dặm.

Vì vậy, các phi hành đoàn Su-24MR của Ukraine chụp ảnh mục tiêu và giữ an toàn trước hỏa tiễn của Nga khó hơn nhiều so với các phi hành đoàn Su-24MR của Nga trong việc chụp ảnh mục tiêu và giữ an toàn trước hỏa tiễn của Ukraine.

Điều đó có thể giải thích cho những tổn thất nặng nề hơn mà lực lượng Su-24MR của Ukraine rõ ràng đã phải gánh chịu. Tuy nhiên, những mất mát này, dù tồi tệ đến mức nào, vẫn chưa khiến lực lượng này tuyệt chủng.
 
Éo le: 5 TGM, và 2 LM người Ukraine gốc Nga phạm tội phản quốc. Huấn đức của ĐTC Chúa Nhật 11/12
VietCatholic Media
05:13 12/12/2022


1. Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bảy giáo sĩ cao cấp của Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã phê chuẩn và ký ban hành quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, gọi tắt là NSDC, về các biện pháp trừng phạt đối với một số chức sắc trong hàng giáo sĩ của Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

“Quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2022 liên quan đến việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt đối với các cá nhân và các biện pháp trừng phạt các biện pháp”

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện quyết định của NSDC.

Nghị định có hiệu lực vào ngày công bố.

Theo quyết định của NSDC, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với 5 Tổng Giám Mục và hai linh mục của Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Các vị này là”

Tổng Giám Mục Andriy Kovalenko của tổng giáo phận Zaporizhzhia và Melitopol của UOC-MP;

Tổng Giám Mục Vasyl Povorozniuk của tổng giáo phận Luhansk và Alchevsk của UOC-MP;

Tổng Giám Mục Anthony của tổng giáo phận Boryspil và Brovary;

Tổng Giám Mục Meletius Paisius của tổng giáo phận Chernivtsi và Bukovyna của UOC-MP.

Linh mục Oleksandr Prokopenko là Bề trên Tu viện Thánh Sava ở Melitopol;

Linh mục Oleksandr Fedorov của Nhà thờ Đức Mẹ Yên Nghỉ của UOC-MP ở Kherson;

Tội danh của các vị này là tỏ tường. Họ tham dự buổi lễ sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine là các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga do Putin chủ tọa vào ngày thứ Sáu 30 tháng 9 tại Mạc Tư Khoa. Những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông Nga cho thấy điều đó. Một số vị còn trả lời các cuộc phỏng vấn của truyền hình Nga bày tỏ niềm hân hoan trước biến cố này.

Nội các Ukraine, cùng với Cơ quan An ninh Ukraine và Ngân hàng Quốc gia Ukraine, đã được chỉ thị để bảo đảm thực hiện và giám sát hiệu quả của các biện pháp kinh tế đối với các cá nhân này và các biện pháp trừng phạt khác.

Bộ Ngoại giao Ukraine phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các quốc gia khác về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt và nêu vấn đề để yêu cầu họ áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự.

Được biết, tất cả các vị được nêu đều đã trốn sang Nga hay đang cư trú tại các vùng do Nga tạm chiếm. Nếu họ bị bắt, họ sẽ bị xét xử theo luật pháp của Ukraine. Các biện pháp trừng phạt hiện nay chủ yếu là nhằm đóng băng các tài sản của họ trong các ngân hàng Ukraine.

2. Người Nga bắn vào xe của tổ chức bác ái đang chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Bakhmut

Quân đội Nga bắn vào xe của tổ chức bác ái đang chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Bakhmut, vùng Donetsk. Không ai bị thương.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết:

“Hôm nay, người Nga đã bắn vào những người cứu hộ đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người ở lại Bakhmut bị chiến tranh tàn phá. May mắn thay, không có ai bị thương”

Đồng thời, người ta ghi nhận rằng một chiếc xe của đơn vị cứu hỏa và cấp cứu số 47 đã bị hư hại trong trận pháo kích: kính chắn gió bị nứt, cửa sổ phía sau bị vỡ, cản sau và phần sau của xe bị thủng.

“Lực lượng cấp cứu đã sử dụng phương tiện này để chuyển hàng viện trợ nhân đạo và nước uống, đặc biệt là cho một ngôi nhà bị quân Nga tấn công vào đêm 11 tháng 12. Cư dân của khu chung cư đã giúp lực lượng cấp cứu dập tắt lửa do pháo kích bằng nước của họ, vì vậy Điều quan trọng là các binh sĩ của Dịch vụ Khẩn cấp Tiểu bang phải trả lại cho mọi người những khoản dự trữ quý giá của họ,” phó Thủ tướng nói.

9 ngôi nhà bị hư hại và 2 người bị thương do các cuộc tấn công của Nga vào khu vực Donetsk vào ngày 11 tháng 12. Các quận Pokrovsk và Bakhmut chịu hỏa hoạn nặng nề nhất.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11 tháng 12.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúa Nhật 11 tháng 12, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng cũng gọi là Chúa Nhật Hồng.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Đang ngồi tù, ông Gio an nghe biết những việc Đức Ki tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giê su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.

“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Chúa Nhật hồng phúc!

Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng này nói với chúng ta về Gioan Tẩy Giả, khi đang ở trong ngục, ngài sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:4). Thật vậy, khi nghe nói về các công việc của Chúa Giêsu, Gioan đã nghi ngờ không biết Ngài có thực sự là Đấng Mêsia hay không. Trên thực tế, ngài tưởng tượng về một Đấng Mêsia nghiêm khắc sẽ đến và thi hành công lý bằng quyền năng, bằng cách trừng phạt những kẻ tội lỗi. Giờ đây, ngược lại, Chúa Giêsu có những lời nói và cử chỉ đầy lòng trắc ẩn đối với mọi người; trung tâm hành động của Ngài là lòng thương xót tha thứ, nhờ đó “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo được nghe tin mừng” ( câu 6). Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét kỹ hơn cuộc khủng hoảng này của Gioan Tẩy Giả, vì nó cũng có thể tiết lộ cho chúng ta biết một điều quan trọng.

Bản văn nhấn mạnh rằng Gioan đang ở trong tù, và điều này, cùng với tình cảnh của một nơi chốn thực tế, khiến chúng ta liên tưởng đến hoàn cảnh nội tâm mà ngài đang trải qua: trong tù là bóng tối, không thể nhìn rõ và nhìn xa hơn. Trên thực tế, vị Tẩy Giả không còn có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng cứu thế được chờ đợi. Ngài bị nghi ngờ tấn công, và ngài sai các môn đệ đi kiểm tra: “Các con hãy đi xem ông ấy có phải là Đấng Mêsia hay không”. Chúng ta ngạc nhiên rằng điều này lại xảy ra với Gioan, người đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Giođan và đã chỉ cho các môn đệ biết Người là Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1:29). Nhưng điều này có nghĩa là ngay cả người có niềm tin lớn nhất cũng phải đi qua đường hầm của sự nghi ngờ. Và đây không phải là một điều xấu; trái lại, đôi khi nó cần thiết cho sự tăng trưởng tâm linh: nó giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn những gì chúng ta tưởng tượng về Ngài. Những kỳ công của Thiên Chúa thật đáng ngạc nhiên so với những tính toán của chúng ta; hành động của Ngài luôn khác biệt, vượt quá nhu cầu và mong đợi của chúng ta; và do đó, chúng ta không bao giờ được ngừng tìm kiếm Ngài, hoán cải và hướng về thiên nhan đích thật của Ngài. Một nhà thần học vĩ đại đã từng nói rằng Thiên Chúa “cần được tái khám phá theo từng giai đoạn... đôi khi chúng ta tin rằng chúng ta đang đánh mất Ngài” (H. DE LUBAC, Sur les chemins de Dieu). Đây là điều mà vị Tẩy Giả làm: trong sự nghi ngờ, ngài vẫn tìm kiếm Chúa, chất vấn Chúa, “tranh luận” với Chúa và cuối cùng tái khám phá Chúa. Tóm lại, Thánh Gioan, được Chúa Giêsu xác định là người cao trọng nhất trong số những người được sinh ra bởi những người phụ nữ (x. Mt 11:11), dạy chúng ta, đừng đóng khung Thiên Chúa trong những não trạng của chúng ta. Đây luôn là mối nguy hiểm, sự cám dỗ nguy hiểm là chính chúng ta tạo ra một Thiên Chúa theo thước đo của chúng ta, một Thiên Chúa để chúng ta sử dụng. Nhưng Chúa không phải như thế đâu.

Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta cũng thấy mình ở trong hoàn cảnh của Thánh Gioan Tẩy Giả, trong một ngục thất nội tâm, không thể nhận ra sự mới mẻ của Chúa, Đấng mà có lẽ bị chúng ta giam cầm vì cho rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Anh chị em thân mến, người ta không bao giờ biết hết mọi điều về Thiên Chúa, không bao giờ! Có lẽ chúng ta nghĩ đến một Thiên Chúa quyền năng làm theo ý Ngài muốn, thay vì Thiên Chúa hiền lành khiêm nhường, Thiên Chúa của lòng thương xót và tình yêu, Đấng luôn can thiệp trong khi tôn trọng tự do và lựa chọn của chúng ta. Có lẽ chúng ta thậm chí còn thấy mình nói với Ngài: “Có thật là Ngài, Đấng rất khiêm nhường, là Thiên Chúa đến để cứu chúng tôi không?”. Và điều tương tự cũng có thể xảy ra giữa chúng ta và các anh chị em của mình: chúng ta có những ý tưởng, những thành kiến của mình và chúng ta gắn những nhãn mác cứng nhắc cho người khác, đặc biệt là những người mà chúng ta cảm thấy khác biệt với mình. Vì vậy, Mùa Vọng là thời gian để lật ngược các quan điểm của chúng ta, để chúng ta có thể ngạc nhiên trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Đấng đáng kinh ngạc: Thiên Chúa luôn luôn gây ngạc nhiên. Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy trong chương trình truyền hình “A Sua Immagine” nghĩa là “Theo hình ảnnh Ngài”, họ nói về điều kỳ diệu. Chúa luôn là Đấng khuấy động điều kỳ diệu trong anh chị em. Mùa Vọng là một thời điểm trong đó, khi chuẩn bị máng cỏ Giáng Sinh cho Chúa Giêsu Hài Đồng, chúng ta học biết lại Chúa của chúng ta là ai; một thời gian để bỏ lại sau lưng những định kiến và thành kiến nào đó về Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Mùa Vọng là thời gian mà thay vì nghĩ đến những món quà cho bản thân, chúng ta có thể dành những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người bị thương tích, như Chúa Giêsu đã làm với người mù, người điếc và người què.

Xin Đức Mẹ nắm lấy tay chúng ta, như một người mẹ, xin Mẹ cầm tay chúng ta trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh này, và giúp chúng ta nhận ra nơi sự nhỏ bé của Hài Nhi sự cao cả của Thiên Chúa đang đến.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Barbacena ở Brazil, Isabel Cristina Mrad Campos đã được tuyên chân phước. Người phụ nữ trẻ này đã bị giết vì lòng căm thù đức tin vào năm 1982 ở tuổi 20. Cô đã bảo vệ phẩm giá phụ nữ và giá trị sự trong trắng của mình. Xin cho gương anh hùng của chị truyền cảm hứng đặc biệt cho giới trẻ quảng đại làm chứng cho đức tin và gắn bó với Tin Mừng. Một tràng pháo tay cho tân Chân Phước!

Tôi buồn bã và lo lắng theo dõi tin tức từ Nam Sudan về các cuộc đụng độ bạo lực trong vài ngày qua. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hòa bình và hòa giải dân tộc, để các cuộc tấn công chấm dứt và dân thường luôn được tôn trọng.

Hôm nay là Ngày Núi non Thế giới, ngày này mời gọi chúng ta nhận ra tầm quan trọng của nguồn tài nguyên kỳ diệu này đối với sự sống của hành tinh và nhân loại. Chủ đề năm nay – “Phụ nữ dời núi” – đúng là phụ nữ dời núi! – nhắc nhở chúng ta về vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc môi trường và bảo vệ truyền thống của người dân miền núi. Từ những người miền núi, chúng ta học được ý thức cộng đồng và đi bộ cùng nhau.

Tôi chào tất cả anh chị em, tại Rôma, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Barcelona, Valencia, Alicante, Beirut, Cairo, và những người từ Mễ Tây Cơ và Ba Lan. Tôi chào cộng đồng Công Giáo Tanzania tại Ý; các nhóm giáo xứ từ Terni, Panzano ở Chianti, Perugia, Nozza di Vestone; Dàn hợp xướng Alpini của Rome; và đại diện của những công dân đang sống ở những vùng ô nhiễm nhất nước Ý, với hy vọng tìm ra một giải pháp công bằng cho những vấn đề nghiêm trọng của họ và những căn bệnh phát sinh từ môi trường ô nhiễm này.

Và tôi muốn gửi lời chào thân ái đến những người bị giam giữ trong nhà tù “Due Palazzi” của Padua: Tôi thân ái chào anh chị em!

Và bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho “Bambinelli”, là những bức tượng nhỏ của Chúa Giêsu Hài Đồng mà anh chị em, các em trai và các em gái thân mến, đã mang đến đây và sau đó, khi trở về nhà, sẽ đặt trong máng cỏ Chúa Giáng Sinh. Tôi mời anh chị em cầu nguyện, trước máng cỏ, để Chúa Giáng Sinh sẽ mang lại tia bình an cho trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là những trẻ buộc phải sống những ngày khủng khiếp và đen tối của chiến tranh, cuộc chiến ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, rất nhiều cuộc sống, và rất nhiều trẻ em. Phép lành cho Bambinelli…

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc và một cuộc hành trình tốt đẹp hướng về Chúa Giáng Sinh. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
 
Hầu hết các chỉ huy Wagner đã tử trận khi tổng hành dinh nổ tan tành. Igor Girkin công kích Putin
VietCatholic Media
16:37 12/12/2022


1. Báo cáo cho thấy trụ sở của Nhóm lính đánh thuê Nga bị phá hủy trong một cú đánh khác vào Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Mercenary Group's HQ Destroyed in Another Blow to Putin—Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy trụ sở của Nhóm lính đánh thuê Nga bị phá hủy trong một cú đánh khác vào Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một báo cáo ngày Chúa Nhật từ Ukraine tiết lộ rằng trụ sở của một nhóm lính đánh thuê nổi tiếng của Nga đã bị hư hại nặng nề trong một cuộc tấn công, gây ra một thất bại khác cho cuộc xâm lược ngày càng bị bao vây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Báo cáo xuất hiện bên ngoài thành phố Kadiivka ở vùng Luhansk, nơi nhóm lính đánh thuê Wagner đặt trụ sở chính trong một khách sạn. Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai nói rằng khách sạn đã bị lực lượng Ukraine tấn công, với tổn thất lớn thuộc về các chiến binh quân sự tư nhân của tập đoàn. Theo thống đốc, một nửa số chiến binh đã chết hay sẽ chết vì vụ tấn công này.

Theo báo cáo của BBC, tập đoàn Wagner là một tổ chức lính đánh thuê được nhà nước tài trợ, nhận lệnh từ Điện Cẩm Linh, và đã bị cáo buộc về nhiều tội ác chiến tranh và lạm dụng. Trong những năm qua, nó đã được triển khai tới các chiến trường thời chiến như Crimea, Syria, Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi.

Yevgeny Prigozhin, một đồng minh thân cận của Putin và là nhà tài phiệt Nga phụ trách Wagner, xác nhận sau vụ tấn công rằng cả ông và con trai ông, Pavel, đều không có mặt tại khách sạn.

Newsweek không thể xác nhận độc lập các chi tiết của báo cáo và đã liên hệ với các quan chức Nga để bình luận.

Luhansk là khu vực cực đông của Ukraine và có chung đường biên giới dài với Nga. Cùng với khu vực Donetsk, nó tạo thành khu vực Donbas rộng lớn hơn, là trung tâm của cuộc xâm lược. Điện Cẩm Linh nói rằng người dân tộc Nga đang bị đàn áp trong khu vực, dựa trên bằng chứng đáng ngờ. Vùng Donbas và hai vùng khác đã chính thức bị Nga sáp nhập vào cuối tháng 9, mặc dù những tuyên bố này vẫn chưa được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế.

Xung đột ở Ukraine đã leo thang trong những tuần gần đây, với việc Nga không kích vào các thành phố phía nam như Odesa, khiến cư dân mất điện trong thời gian dài khi mùa đông bắt đầu.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận trong một tuyên bố rằng khoảng 1.5 triệu cư dân trong và xung quanh Odesa không có điện sau cuộc tấn công trong đêm của lực lượng Nga. Bất chấp thất bại đó, tuyên bố cũng nói rằng phần lớn máy bay không người lái của Iran được sử dụng để thực hiện cuộc tấn công đã bị bắn hạ.

“Tổng cộng, những kẻ khủng bố Nga đã sử dụng 15 máy bay không người lái Shahed chống lại Odesa, trong một đêm thứ bảy. Đây mới là thái độ thực sự của Nga đối với Odesa, đối với cư dân Odesa - cố ý bắt nạt, cố ý gây họa cho thành phố. Những người bảo vệ bầu trời của chúng ta đã bắn hạ được 10 máy bay không người lái trong tổng số 15 chiếc. Làm tốt lắm!”

Mặc dù các mốc thời gian từ Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác nhau, nhưng người ta thường cho rằng việc sửa chữa lưới điện của khu vực sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường do cường độ của các cuộc tấn công từ Mạc Tư Khoa.

2. Bộ Quốc phòng Ukraine nhận định Nga đang theo tiến độ 100,000 binh sĩ tử trận trước lễ Giáng Sinh

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia on Pace For 100,000 Dead Soldiers by Christmas: Ukraine Defense”, nghĩa là “Bộ Quốc phòng Ukraine nhận định Nga đang theo tiến độ 100,000 binh sĩ tử trận trước lễ Giáng Sinh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, số binh sĩ Nga thiệt mạng ở Ukraine tiếp tục tăng ở mức từ 300 đến 600 mỗi ngày. Với tốc độ hiện tại, Nga có thể đạt mốc nghiệt ngã 100,000 tử sĩ trước ngày lễ Giáng Sinh.

Ukraine ước tính đã có 94,140 người Nga thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu gần 10 tháng trước. Điều này bao gồm 380 trong ngày cuối cùng. Chỉ bảy ngày trước đó, mốc này là 91,150. Với 3,000 binh sĩ thiệt mạng mỗi tuần, số người chết sẽ lên tới 97,000 vào ngày 18 tháng 12 và có lẽ là 100,000 vào ngày Giáng Sinh.

Ukraine cho biết các cuộc giao tranh gần đây ở khu vực Bakhmut khiến quân Nga thiệt hại ít nhất là 50 binh sĩ mỗi ngày.

“Đó là một tình huống rất khó khăn”, phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền Đông Serhiy Cherevaty cho biết vào tuần trước.

Nga thường không bình luận công khai về số lượng thiệt hại của mình nhưng Ukraine công bố ước tính hàng ngày về thiệt hại của Nga, với mọi thứ, từ binh lính thiệt mạng cho đến máy bay và máy bay không người lái bị bắn hạ. Ví dụ, Ukraine báo cáo rằng họ đã phá hủy 5 chiến xa Nga vào ngày hôm qua, nâng tổng số đó lên gần 9,000 chiếc kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Nói chung, con số lính Nga thiệt mạng trung bình khoảng 320 người chết mỗi ngày kể từ khi chiến tranh bắt đầu nhưng theo Ukraine, con số đó, nói chung là trên 500 người mỗi ngày trong vài tháng qua.

Mùa đông chính thức bắt đầu ở Ukraine vào ngày 1 tháng 12 và từ 90 cho đến 120 ngày tới có thể cực kỳ khắc nghiệt đối với cả Ukraine và Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi quốc gia của ông giúp đỡ bất kỳ đồng bào nào bất cứ khi nào họ có thể, không chỉ khi họ được yêu cầu giúp đỡ.

“Để vượt qua mùa đông này, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau hơn bao giờ hết và quan tâm đến nhau nhiều hơn nữa,” Zelenskiy nói trong một bài phát biểu gần đây trước quốc gia của mình. “Và làm ơn đừng hỏi liệu bạn có thể giúp gì không, và bằng cách nào. Hãy giúp đỡ ngay khi bạn thấy bạn có thể.”

“Để vượt qua mùa đông, chúng ta phải kiên cường hơn, đoàn kết hơn bao giờ hết. Không thể có mâu thuẫn và xung đột nội bộ, có thể làm suy yếu tất cả chúng ta, ngay cả khi ai đó ngoài kia nghĩ rằng bằng cách nào đó điều đó sẽ củng cố cá nhân anh ta. Chúng ta cần tương tác nhiều hơn bao giờ hết. Toàn bộ Ukraine phải trở thành một thành đồng bất khả chiến bại và làm việc hàng ngày, làm việc hàng đêm. Nhà nước, doanh nghiệp, người dân - tất cả chúng ta, người Ukraine, tất cả cùng nhau.”

Sắp kết thúc 10 tháng kể từ khi Nga bắt đầu triển khai quân dọc theo biên giới phía bắc và phía tây của Ukraine vào cuối tháng Giêng, đồng thời tiến hành tập trận với nước láng giềng Belarus. Nga tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm nay và đã có thương vong nặng nề cho cả hai bên.

Nga đã tán thành ý tưởng sử dụng năng lực hạt nhân trong chiến tranh trong khi đồng minh của họ, Belarus, hơn một tuần trước cho biết họ đang tiến hành các cuộc tập trận với Nga như thể họ là một “đội quân duy nhất” cùng nhau.

3. Dân quân Tân Phát Xít Nga kêu gọi cung cấp thông tin tình báo về các quốc gia thành viên NATO

Lực lượng đặc nhiệm Rusich đang yêu cầu thông tin về các hoạt động của các quốc gia thành viên NATO chẳng hạn như hoạt động của các lính canh ở hàng rào biên giới Latvia-Nga, được xây dựng vào năm 2019.

Một nhóm bán quân sự tân Phát xít có liên hệ với Điện Cẩm Linh đã yêu cầu các thành viên của mình cung cấp thông tin tình báo về biên giới và hoạt động quân sự ở Latvia, Lithuania và Estonia, làm dấy lên lo ngại về việc liệu các nhóm cực hữu của Nga đang lên kế hoạch tấn công vào các nước NATO.

Kênh Telegram chính thức của cái gọi là “Lực lượng đặc nhiệm Rusich” – hiện đang chiến đấu ở Ukraine trong đoàn quân xâm lược của Điện Cẩm Linh và có liên kết với Tập đoàn Wagner khét tiếng – tuần trước đã yêu cầu các thành viên chuyển tiếp thông tin chi tiết liên quan đến các đồn biên phòng và các phong trào quân sự ở ba quốc gia vùng Baltic, mà trước đây là một phần của Liên Xô.

Tin tức đã đặt ra câu hỏi về việc ai có quyền chỉ huy chung đối với các nhóm cực hữu ủng hộ Điện Cẩm Linh đang chiến đấu ở Ukraine.

Rusich có liên hệ chặt chẽ với Tập đoàn Wagner, một tổ chức quân sự do một đồng minh thân cận của Vladimir Putin điều hành và hiện đang dẫn đầu cuộc tấn công của Nga nhằm chiếm thành phố Bakhmut của Ukraine, hiện đang là trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc xung đột.

Các nguồn tin giấu tên cho biết động thái “bất thường” của Rusich có thể chỉ ra sự thất vọng với Điện Cẩm Linh và sự thất vọng với cách cuộc chiến của Putin ở Ukraine đang diễn ra.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm là điều gì sẽ xảy ra nếu Putin chưa thực sự muốn tấn công vào các quốc gia NATO, nhưng các nhóm quân sự tư nhân của Nga lại chủ động tấn công theo ý riêng của họ?

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng người đứng đầu NATO đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Ông đã phát biểu như trên sau bài phát biểu hôm thứ Sáu của Putin.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nhận xét rằng “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, chúng có thể trở nên tồi tệ một cách khủng khiếp.”

“Cuộc chiến hiện nay ở Ukraine là một cuộc chiến khủng khiếp. Cuộc chiến đó có thể trở thành cuộc chiến toàn diện lan rộng thành cuộc chiến lớn giữa Nato và Nga. Chúng tôi đang nỗ lực mỗi ngày để tránh điều đó.

Stoltenberg cũng đã nói với các phóng viên báo chí rằng “không nghi ngờ gì về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện”.

Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, nói thêm rằng điều quan trọng là phải tránh một cuộc xung đột “liên quan đến nhiều quốc gia ở Âu Châu và trở thành một cuộc chiến toàn diện ở Âu Châu”.

Mạc Tư Khoa đã nhiều lần cáo buộc các đồng minh NATO đang thực sự trở thành một bên trong cuộc xung đột bằng cách cung cấp cho Ukraine vũ khí, huấn luyện quân đội và cung cấp thông tin tình báo quân sự để tấn công lực lượng Nga.

Trong các bình luận phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây, Putin đề nghị Mạc Tư Khoa có thể nghĩ đến việc sử dụng cái mà ông ta mô tả là khái niệm tấn công phủ đầu của Mỹ.

Putin phàn nàn rằng học thuyết quân sự của Nga hiện nay không cổ vũ khái niệm tấn công phủ đầu, đặc biệt là trong trường hợp vũ khí hạt nhân, mà chỉ chuẩn bị để đánh trả trong trường hợp bị tấn công. Ông ta cho rằng trong trường hợp bị đánh phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, khả năng đánh trả có thể không còn, và nếu có còn đi chăng nữa thì sẽ hết sức hạn chế.

4. Igor Girkin đã đến thăm các khu vực xung đột, chửi bới Putin

Igor Girkin được trích dẫn nói rằng một số sĩ quan Nga chiến đấu ở Ukraine không hài lòng với giới chức quân sự hàng đầu và Putin vì việc thực thi chiến tranh kém cỏi.

Igor Girkin, người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và là cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, người đã giúp Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tổ chức các lực lượng dân quân thân Nga ở miền đông Ukraine, đã đưa ra nhận xét của mình trong một video dài 90 phút đầy những chỉ trích gay gắt.

Trong đó, Girkin nói rằng “đầu cá đã thối rữa hoàn toàn” và quân đội Nga cần cải cách cũng như tuyển dụng những người có năng lực có thể lãnh đạo một chiến dịch quân sự thành công.

Girkin cho biết, một số người ở cấp trung bình trong quân đội đã cởi mở bày tỏ sự không hài lòng của họ với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và thậm chí cả với Putin.

Girkin nói:

Không chỉ có tôi... mọi người không mù và điếc chút nào: những người ở cấp trung bình ở đó thậm chí không che giấu quan điểm của họ, điều mà tôi có thể nói, là không một lời đánh giá cao tổng thống hay bộ trưởng quốc phòng. “

Bộ Quốc phòng Nga không bình luận về phát biểu của Girkin, người đã nhiều lần chỉ trích Shoigu, một đồng minh thân cận của Putin, vì những thất bại trên chiến trường mà Nga phải gánh chịu trong cuộc chiến.

Girkin nói, phương Tây muốn thúc đẩy một tình huống cách mạng ở Nga giống như Cách mạng Tháng Hai năm 1917.

Ông nói, Nga thiếu hỏa tiễn chiến thuật hiệu quả và không rõ liệu họ có thể sản xuất đủ hay không trong khi Nga đã thất bại trong việc thiết lập ưu thế trên không do hệ thống phòng không của Ukraine.

Ông nói: “Bộ Quốc phòng của chúng ta đơn giản là đã ngủ quên trước thực tế là cả thế giới đã chuyển sang sử dụng hàng không chiến thuật mới.

Girkin đã bị các thẩm phán Hà Lan kết án vắng mặt vì tội giết người liên quan đến vai trò của ông ta trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 trên bầu trời Ukraine vào năm 2014 khiến 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Nga, nước đã nhiều lần phủ nhận việc bắn rơi máy bay phản lực, đã bác bỏ phán quyết của tòa án Hà Lan.

Ngay sau cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã thông qua luật cho phép phạt tù tới 5 năm đối với các hành động được coi là làm mất uy tín của lực lượng vũ trang hoặc lên tới 15 năm đối với hành vi phổ biến thông tin sai lệch có chủ ý.

5. Ngoại trưởng Anh nói Putin 'phải có trách nhiệm giải trình' trong xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly đã nói rằng Vladimir Putin cần phải có “trách nhiệm giải trình” đối với những tội ác chiến tranh đã gây ra ở Ukraine.

Ngoại trưởng Anh đã đề cập đến những trường hợp cưỡng hiếp và bạo lực tình dục được sử dụng làm vũ khí mà ông được tường trình khi ở thăm Kyiv, và ông cũng đã nghe “những tuyên bố rất đáng tin cậy” rằng trẻ em Ukraine đang bị cưỡng bức gửi đến Nga để làm con nuôi.

Khi được Laura Kuenssberg hỏi trên chương trình BBC của cô rằng liệu Putin có nên bị xét xử vì tội ác chiến tranh hay không, ông đã đưa ra câu trả lời dứt khoát.

Ông nói:

Chắc chắn phải có trách nhiệm giải trình và điều đó có nghĩa là từ những người lính trên chiến trường đang gây ra những hành động tàn bạo này cho đến các chỉ huy cấp cao nhất cao nhất của họ. Tất cả phải có trách nhiệm giải trình, bao gồm cả Vladimir Putin.

Chúng tôi đã ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng chúng tôi nhận ra rằng có thể có những phương tiện khác và chúng tôi sẽ làm việc với những người bạn của chúng tôi, bao gồm cả người Ukraine, trong cộng đồng quốc tế để xem xét khuôn khổ trách nhiệm giải trình hiệu quả sẽ như thế nào.

Ông nói thêm:

Thông điệp mà chúng ta cần gửi đi trên toàn cầu là sự gây hấn sẽ không thể bị bỏ qua, rằng bạn không thể hưởng lợi bằng cách tàn bạo với người hàng xóm của mình.

Đề cập đến các bình luận của người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg rằng có lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa NATO và Nga, Cleverly nói:

NATO đã nói rõ rằng chúng tôi là một liên minh phòng thủ. NATO chưa bao giờ đe dọa Nga và bây giờ cũng không làm như vậy.

Vladimir Putin đã cố gắng tạo ra câu chuyện này, nhưng điểm mấu chốt là các quốc gia tham gia NATO đã tham gia một cách tự nguyện, không có sự ép buộc và liên minh ở đó để bảo vệ các quốc gia thành viên của mình, không đe dọa bất kỳ ai khác.

Vì vậy, NATO không nhất thiết phải bị lôi kéo vào một cuộc xung đột và trên thực tế, chúng tôi đang cố gắng bảo đảm điều đó không xảy ra.

Ông nói tiếp:

Cuối cùng, chính Vladimir Putin là người đang sử dụng ngôn ngữ hù dọa. Ông ta là người đã đe dọa mở rộng đế chế hơn nữa khi tập trung vào đế chế lịch sử của Nga. Vì vậy, chính ông ta mới là kẻ gây hấn.

6. Truyền thông nhà nước Nga cho rằng Ukraine phát động các cuộc tấn công vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng vào sáng sớm Chúa Nhật.

Alexei Kulemzin, người đứng đầu chính quyền thành phố do Nga hậu thuẫn cho biết Ukraine đã phóng 20 hỏa tiễn Grad vào khoảng 5:54 sáng Chúa Nhật theo giờ địa phương. Các cuộc tấn công đã nhắm vào các quận Voroshilovsky và Kalininsky.

Đạn đã bắn trúng một số tòa nhà chung cư và rơi xuống gần nhà hát opera, nhà hát ba lê và Bệnh viện Kalinin, RIA đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng một cuộc tấn công đã khiến một tòa nhà chung cư bốc cháy.

Kulemzin cho biết Ukraine cũng pháo kích vào quận Kyivskyi của thành phố vào tối thứ Bảy, khoảng 11 giờ tối giờ địa phương.

Quân đội Ukraine vẫn chưa xác nhận hoặc bình luận về vụ tấn công và CNN không thể xác minh độc lập các báo cáo.

Một số thông tin cơ bản: Donetsk là một khu vực ở miền đông Ukraine do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn nắm giữ từ năm 2014.

Trong thời gian đó, khu vực này được điều hành dưới tên Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Nga công nhận Cộng hòa Nhân Dân Donetsk là một quốc gia có chủ quyền và Donetsk nằm trong số bốn khu vực của Ukraine bị Nga sáp nhập vi phạm luật pháp quốc tế.

Cộng đồng quốc tế không công nhận khu vực này và các thể chế của nó, đồng thời coi lãnh thổ này là một phần của Ukraine. Các nhóm giám sát độc lập từ lâu đã cáo buộc phe ly khai có thành tích nhân quyền tồi tệ và đối xử tệ bạc với tù nhân.
 
Ngoạn mục: Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu tưng bừng sau 2 năm đại dịch. Tòa Thánh lên án đích danh Nga
VietCatholic Media
17:18 12/12/2022


1. Vài nét về Chợ Giáng Sinh ở Âu Châu

Chợ Giáng Sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng Sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng Sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng Sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng Sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các chợ Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng Sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng Sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.

Ngày nay các chợ Giáng Sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng Sinh, ví dụ chợ Giáng Sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng Sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng Sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng Sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng Sinh lớn nhất nước Pháp.

Mô hình chợ Giáng Sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.

Các gian hàng trong chợ Giáng Sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng Sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng Sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng Sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng Sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.

2. Vatican lên án “sự gây hấn của Nga chống Ukraine” và kêu gọi tổ chức hội thảo vì hòa bình

Sau mười tháng xung đột, Tòa thánh công bố tên và họ của kẻ xâm lược bằng cách công khai một sáng kiến nhằm thúc đẩy bầu không khí thương thỏa cùng với Chính phủ Ý

“Cuộc chiến nổ ra ở trung tâm Âu Châu với sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine vẫn tiếp tục không suy giảm với những hậu quả rất nghiêm trọng đối với người dân của quốc gia bị tấn công phải đối mặt với mùa đông dưới bom đạn, mà không thể tính đến quá nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy”

Sự kiện mang tên “Âu Châu và chiến tranh. Từ tinh thần Helsinki đến triển vọng hòa bình”, sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh phát trực tuyến của Vatican

Trong lời kêu gọi tổ chức một cuộc hội thảo về hòa bình vào ngày thứ Ba 13 tháng 12 mà một lần nữa sẽ tìm cách thúc đẩy một sự hòa giải có thể xảy ra, Vatican hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc xung đột, đã sử dụng công thức “sự xâm lược của Nga chống lại Ukraine” để chỉ cuộc chiến, có lẽ đó là là một bước ngoặt trong chiến lược ngoại giao của Tòa Thánh.
Source:religiondigital.org

3. Nghệ sĩ Ukraine biến khí cụ tử thần thành biểu tượng mang lại sự sống

Các họa sĩ biểu tượng hy vọng rằng món quà gần đây dành cho Vua Charles III sẽ dẫn đến việc nhận ra nhiều hơn những đau khổ ở Ukraine.

Vua Charles III của Anh gần đây đã nhận được một món quà đặc biệt từ Ukraine. Khi đến thăm Nhà thờ Công Giáo Ukraine ở London, nhà vua đã được tặng một biểu tượng được vẽ trên một miếng ván từ một hộp đạn bằng gỗ.

Trong một buổi lễ mà nhà vua chính thức khai trương một trung tâm ở London dành cho những người tị nạn sau chiến tranh ở Ukraine, Đức Cha Kenneth Nowakowski của giáo phận Thánh Gia ở London đã tặng cho ngài một bức tranh Mẹ Thiên Chúa Dịu dàng. Bức tranh từ phòng vẽ của Oleksandr Klymenko và Sofiia Atlantova, một cặp vợ chồng đều là nghệ sĩ và là người sáng lập dự án “Bức tranh trên hộp đạn”, còn được gọi là “Mua bức tranh – Cứu mạng người”.

“ Đó là một vinh dự lớn đối với chúng tôi và giờ chúng tôi rất tự hào về điều đó. Tôi hy vọng rằng nhà vua sẽ nghĩ nhiều hơn một chút về Ukraine, vì nó không chỉ là một biểu tượng, mà còn là một câu chuyện về đất nước của chúng tôi, về cuộc chiến của chúng tôi, về hoàn cảnh của chúng tôi. Và với dự án này, chúng tôi đã cố gắng nói với tất cả những ai nhìn thấy những biểu tượng này rằng chúng ta đang có một cuộc chiến thực sự. Khi bạn nhìn thấy nó trên TV, tin tức hay trên internet, bạn không thể nhận ra đó là sự thật. Nhưng khi bạn nhìn thấy một hộp đạn bằng gỗ thực sự chứa đạn thật đã được bắn ra, nó sẽ tạo ra một ấn tượng rất khác.”

Việc bán các bức tranh, có giá từ 2,000 đến 4,500 đô la, hỗ trợ một bệnh viện dã chiến có tên là Bệnh viện di động tình nguyện đầu tiên Pirogov, hay PFVMH, đưa các chuyên gia y tế tình nguyện vào các vùng chiến tranh để điều trị cho binh lính và dân thường bị thương.

Vua Charles không phải là cá nhân nổi tiếng đầu tiên nhận được một bức tranh như vậy. Vào tháng 2 năm 2020, hai năm trước khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Philadelphia, cùng với bốn giám mục khác của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Hoa Kỳ, đã tặng một trong những bức tranh như thế cho Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Trong trường hợp này, đó là một bức trang về Thánh Phêrô.

Đức Giáo Hoàng phải có hàng trăm bức tranh về vị Giáo Hoàng đầu tiên, nhưng chắc chắn không bức nào giống bức này.

Atlantova nói rằng cô và Klymenko bắt đầu dự án các bức tranh vào năm 2014, khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và quân đội Ukraine bắt đầu chiến đấu chống lại các phong trào ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

“Chúng tôi là nghệ sĩ và chúng tôi muốn xem nghệ sĩ có thể giúp ích như thế nào,” cô nói. “Ít nhất chúng ta có thể kể về cuộc chiến này. Chúng tôi có thể cho cả thế giới thấy điều này.”

Khi đến thăm căn cứ của một đơn vị quân đội tình nguyện, Klymenko nhận thấy nắp hộp chứa đạn AK-47. Anh ấy mang một cái về nhà và vẽ một bức tranh Theotokos trên đó.

Hai vợ chồng không biết họ đã vẽ bao nhiêu bức tranh trên các hộp đạn kể từ đó. “Chúng tôi không tính; chúng tôi chỉ vẽ,” cô nói.

Ngoài các bức tranh về Đức Mẹ, các chủ đề bao gồm Chúa Kitô, các nhà truyền giáo, Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Nicholas và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Có rất nhiều biểu tượng về Mẹ Thiên Chúa, bao gồm Đức Mẹ của Bông hoa Không bao giờ tàn và Người làm mềm những trái tim xấu xa. Một số bức ảnh kết hợp vải ngụy trang trong nền của hình ảnh.

Atlantova, 41 tuổi, nói rằng biểu tượng yêu thích của cô để vẽ là Thánh George giết rồng.

Là một nghệ sĩ đã học vẽ từ mẹ là nghệ sĩ khi còn trẻ và đã từng vẽ tranh tường trong nhà thờ, Atlantova vào năm 2014 đang thực hiện các bức tranh minh họa sách, cụ thể là bộ sưu tập các loài chim ở Ukraine. Nhưng vì chiến tranh, dự án đó phải tạm dừng.
Source:Aleteia

4. Tân Đại sứ của Venezuela cạnh Tòa thánh trình ủy nhiệm thư

Tất cả đều mỉm cười tại Vatican khi tân Đại sứ của Venezuela tại Tòa thánh, nhà thần học Ian Torres, trình ủy nhiệm thư của mình cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng đã trao cho ông những văn bản quan trọng trong triều đại giáo hoàng của ngài, và đổi lại, đại sứ đã tặng Đức Thánh Cha một cuốn sách của chính ông, phân tích các cộng đồng Mỹ Latinh dưới ánh sáng của Kinh thánh.

“Đây là cuốn sách của con, đã được xuất bản như luận án tiến sĩ của con về thần học Kinh thánh từ Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô”.

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành cho đại sứ và gia đình ông, trước khi gặp riêng tân đại sứ.

Căng thẳng gay gắt đã diễn ra trong thời gian gần đây giữa nhà độc tài Nicolás Maduro và Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Parolin từng là sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013, trong những năm cuối cùng của Hugo Chávez trên cương vị tổng thống. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Parolin làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Tháng 7 năm ngoái, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi một lá thư cho các nhà lãnh đạo kinh doanh Venezuela khuyến khích đối thoại để vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước. Tuy nhiên, Nicolás Maduro, nhà độc tài của Venezuela, gọi lá thư này của ngài là “rác rưởi”, “độc ác”, “đầy hận thù” và “đáng hoài nghi”.

Dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa của Maduro, Venezuela đã bị tàn phá bởi bạo lực cũng như các biến động chính trị và xã hội, với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, mất điện và siêu lạm phát. Hơn bốn triệu người Venezuela đã di cư kể từ năm 2015.

Trong một chương trình truyền hình ngày 21 tháng 7, 2021 Maduro nói rằng “khi mọi người đang nói về sản xuất, đoàn kết vì tổ quốc Venezuela, nhằm vượt qua khủng hoảng kinh tế, thì ở đây xuất hiện một linh mục hoàn toàn vô danh, tôi không biết ông ta là đức ông hay giám mục, và ông ấy đọc một lá thư được cho là của Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người từng là đại sứ của Vatican tại Venezuela”.

Theo tuần báo Semana của Colombia, bức thư đã được đọc tại sự kiện này bởi Đức Cha Ricardo Aldo Barreto Cairo, một Giám Mục Phụ Tá của thủ đô Caracas, là người mà Maduro đã cố ý miệt thị khi gọi là “một linh mục hoàn toàn vô danh”.


Source:Rome Reports