Ngày 12-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy kiên tâm chờ đợi
Lm. Jude Siciliano OP
01:09 12/11/2010
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN - C

Malachi 3: 19-20; Tv 98; 2 Thessalonians 3: 7-12; Luca 21: 5-19

Bài đọc ngắn trích sách ngôn sứ Malachi khiến tôi thở dài luyến tiếc– thở dài vì sự trì hoãn. Đó là tiếng thở dài khi chúng ta phải chờ đợi quá lâu cho một biến cố quan trọng xảy đến – một biến cố quan trọng đối với cuộc đời của chúng ta cũng như của những người chúng ta yêu mến. Đó là sự luyến tiếc của những người có lòng tin khi chúng ta nhìn vào những hoàn cảnh tàn khốc thế giới xung quanh. Chúng ta thấy có quá nhiều thứ bất tất; có quá nhiều nỗi đau và bạo lực dường như chẳng bao giờ nguôi ngoai. Thực ra, hiện nay, chúng ta cảm thấy rằng mọi thứ đang ngày càng trở nên tồi tệ, thế giới đang lao mình về phía trước và mù quáng đâm đầu vào ngày tận thế. Chúng ta chỉ còn hai tuần nữa là bước vào mùa vọng, một mùa của những nuối tiếc và hy vọng. Chúa Nhật này dường như là sự chuẩn bị cho mùa đó.

Chúng ta không biết Malachi là ai, và cũng chẳng biết ông ta từng tồn tại hay không. Nhưng cái tên “Malachi” có nghĩa là “người đưa tin của tôi”, vì thế ông là ai thì không quan trọng bằng việc chúng ta ta là ai. Thực ra, chúng ta có phải là người đưa tin hay không? Phải, chúng ta cách nào đó là những người đưa tin. Nhưng chúng ta đưa tin gì hay công bố điều gì cho người khác? Chúng ta nhận thông điệp đó từ đâu? Hay đó chỉ là sự lập lại của những tham lam, thờ ơ, ngờ vực và tranh chấp của thế gian?Hay chúng ta là hiện thân của những thông điệp Sách Thánh mà chúng ta nghe hàng tuần: quảng đại, tha thứ, quan tâm đến những người thiếu thốn, tình yêu và sự kiến tạo hòa bình? Nói cách khác, chúng ta có dùng Lời Chúa để biến đổi tâm hồn và được biến đổi biến những lời ấy thành lời nói và hành động của chúng ta hay không? Liệu chúng ta có phải là kẻ đưa tin của Thiên Chúa hay không?

Sách Malachi khép lại bộ Cựu Ước. (Quyển tiếp theo trong Sách Thánh của chúng ta là Tin Mừng Mathêu). Malachi là sách ngôn sứ chú trọng đến những chủ đề kinh thánh như: sự chân thành trong các thực hành tôn giáo, và giống như những sách ngôn sứ khác, sách nhấn mạnh đến công bình (3,5) và việc Chúa đến.

Thông điệp của Malachi dành cho những ai thấy những tình trạng của thế giới và có kết luận rằng những kẻ xấu thì thịnh vượng, trong khi người nghèo bị bắt phải sống thiếu thốn chật vật và đau khổ. Vì thế, sách Malachi nhắc nhở chúng ta về sự chối bỏ công bình của Thiên Chúa như thế. “Ngày ấy” sẽ đến, đang đến, khi Thiên Chúa chúng ta ấn định mọi sự một lần cho tất cả. Malachi không phủ nhận rằng kẻ xấu hiện giờ đang sống thịnh vượng, nhưng cũng không quên nhắc chúng ta rằng tất cả những bằng chứng đó thì chưa là gì cả. “Ngày ấy” sẽ đến khi Thiên Chúa thiết lập sự công bình của Ngài.

Hầu hết những bản văn của các ngôn sứ mang phong cách thơ ca cả về ngôn ngữ lẫn hình thức. Bản văn Malachi hôm nay cũng không ngoại lệ. Ông mở đầu thế này: “Nhìn kìa, ngày ấy đến cháy như hỏa lò, khi mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều ác sẽ nên như rơm rạ”. Chẳng nhẽ những điều đó không khiến những kẻ ý thức về chuyện làm điều dữ và điều bất chính lại chẳng lưu tâm hay sao? “Ngày Của Chúa” là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm ngôn sứ. Trước đó, ngôn sứ Amos xem ngày đó như ngày kinh hoàng và tối tăm, là lúc Thiên Chúa phán xét Israel, những người đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Sau này, trong sách Malachi, ngày “đó” trở thành ngày hy vọng cho những kẻ tin, ngày mà Thiên Chúa ân thưởng người công chính và giáng phạt kẻ tội tỗi.

Trong khi những kẻ làm điều ác có thể được thịnh vượng, những kẻ tin tưởng được làm cho mạnh sức trong lối nhìn của Malachi. Với sự tin tưởng vào viễn tượng đó, chúng ta sẽ không bị ném vào trong sự tuyệt vọng hay bi quan khiến chúng ta từ bỏ chính mình, thế gian hay giáo hội bất tất và bị tổn thương của chúng ta. Nhất là chúng ta sẽ không từ bỏ Thiên Chúa. Chúng ta “quyết tâm” – tiếp tục cố gắng lập lại trật tự trong thế giới. Nhưng chúng ta không phải là những người cố gắng cách ngờ nghệch hay rập khuôn như robot; nhưng chúng ta làm việc với sự chú tâm hoàn toàn vào những gì chúng ta phải thực hiện. Trong khi đó, chúng ta cũng chú tâm đến “ngày” mà người đưa tin Malachi kêu gọi chúng ta hướng đến “Ngày Của Chúa”, khi Thiên Chúa của chúng ta sửa sai mọi sự và thiết lập luật của Ngài trên Trái Đất này. Trong khi đó, chúng ta được nên mạnh mẽ vì chúng ta tin tưởng vào những lời ngôn sứ Malachi nói với chúng ta hôm nay, “…mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo những tia sáng chữa lành bệnh”.

Thánh vịnh hôm nay diễn tả sự đáp lời của chúng ta với thông điệp của Malachi. Đó là lời cầu nguyện của niềm hy vọng: “Đức Chúa đến cai trị bằng đức công bình”. Đó không chỉ diễn tả niềm hy vọng, trước hết đó là sự mong ước rằng chúng ta sẽ thấy “ngày” mà sách Malachi hứa với chúng ta khi, “…mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo những tia sáng chữa lành”.

Thế giới không phải là một chốn dễ dàng. Đối với nhiều người, đó là một ngôi nhà hết sức khắc nghiệt, nơi của những xung đột và lan man hàng ngày; đầy những lo lắng, sợ sệt và khiếp kinh. Khi tôi viết những điều này, dịch bệnh đang diễn ra ở Haiti. Chẳng lẽ những con người khốn khổ bần cùng này chịu đựng chưa đủ hay sao? Vào tháng Giêng, họ bị động đất và mười ngàn người vẫn đang phải sống trong cảnh khốn cùng và bẫn thỉu không tưởng nỗi. Họ không có nước sạch và giờ đây lại thêm cơn dịch bệnh khiến họ càng khốn khổ hơn. Một chị nữ tu Đaminh mới nói chuyện với tôi sau chuyến viếng Haiti lần thứ tư: “Những nỗi thống khổ ở đây thật không tưởng tượng nổi! Chỉ nguyên mùi hôi thối thôi cũng gần như không chịu đựng nổi rồi !”

Qua bao năm tháng chịu đựng cảnh khốn cùng, người ta chỉ mong ngóng cho thế giới khốn khổ này mau kết thúc. Những ngôn sứ giả thậm chí đã loan báo sự tận cùng của thế giới và ngày giờ chính xác của Ngày Quang Lâm. Những người coi đó là nghiêm trọng thì bỏ bê công việc, bỏ cửa bỏ nhà và cứ thế chờ đợi,.. chờ đợi.

Chúng ta cũng đang chờ “ngày ấy”, nhưng Đức Giêsu cảnh báo chúng ta, trong những diễn từ về ngày cánh chung của Người rằng, ngay cả khi mà những sự phá hủy tồi tệ nhất như: “động đất, đói kém và dịch bệnh” có xảy ra thì ngày ấy vẫn chưa đến. Các môn đệ cũng sẽ phải đối mặt với tất cả những thử thách, ngay cả bị gia đình phản bội. Nhưng đó vẫn chưa phải là dấu chỉ của ngày tận cùng của thế giới và ngày Đức Giêsu trở lại. Đối với tất cả những thời kỳ khó khăn ấy hay sự tận cùng của cái này, điều kia thì Người khuyên chúng ta hãy kiên tâm.

Có những sự kết thúc lớn, như những thành phố bị phá hủy do sóng thần, động đất, chiến tranh và xung đột sắc tộc. Cũng có những kết thúc mà chúng ta trải qua cách riêng tư hơn khi thế giới của chúng ta đi đến kết thúc. Ai trong chúng ta chưa từng trải qua cảm giác của những thiên tai cá nhân – “động đất, đói khát và dịch bệnh” – cách này hay cách khác. Sự ra đi của người thân yêu; kết thúc một hôn nhân; mất nhà hoặc mất việc; bị người mà ta hết lòng tin tưởng phản bội; yếu nhược, …. Người ta sau khi trải nghiệm những tai họa ấy sẽ nghĩ “Thế giới của tôi thế là hết.”

Nhưng, sự chữa lành và đời sống mới có thể xảy ra, dù có vẻ như không thể vào lúc ấy. Nhưng chúng ta không thể tự mình tạo nên một thế giới mới. Chúng ta cũng chẳng có đủ sức mạnh để kiên vững trong niềm tin và niềm hy vọng chỉ với sức mạnh ý chí trong những lúc khó khăn ấy. Chúng ta hôm nay cũng nghe Đức Giêsu hứa với chúng ta. Sau những tai ương và thử thách, “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình”. Làm sao có như vậy được? Chắc chắn là không chỉ do chúng ta.

Đức Giêsu, Đấng luôn cầu nguyện và tin tưởng vào Thiên Chúa, ngay cả khi thế giới của Người sụp đổ, đã hứa với chúng ta. Người sẽ không bỏ chúng ta mồ côi, nhưng sẽ gửi Thánh Thần đến cho chúng ta. Chúng ta nhận lãnh Thần Khí đó khi chịu Phép Rửa. Thần Khí đó là một Thần Khí kiên vững và cầu xin trong chúng ta. Điều đó giúp chúng ta tin tưởng dù cho thế giới có kết thúc nơi chúng ta. Thánh Thần giúp chúng ta tràn đầy hy vọng khi trước mắt chúng ta hoàn toàn mờ mịt và đầy thử thách.

Khi chúng ta đang đến gần với Mùa Vọng và thương cảm cho anh chị em của chúng ta, những người đang chịu khốn khó: vì nội chiến như Irak và Afghanistan; những cô nhi vì dịch AIDS ở Châu Phi; vì dịch bệnh và những hậu quả của cơn động đất ở Haiti; những người thất nghiệp và vô gia cư ở trong đất nước của chúng ta; những người nghiện ma túy và gia đình khắc nghiệt của họ, (những nạn nhân của đợt lũ lụt ở miền Trung), chúng ta trung thành với Đức Giêsu và lời hứa của Người cũng như khao khát và trông chờ luồng khí mới của Thánh Thần.

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ và cử hành mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Giêsu trong Tiệc Thánh này. Lời hứa từ sách Malachi đã nên hoàn trọn nơi Đức Giêsu, Đấng là “…ánh sáng công chính mang theo tia sáng chữa lành bệnh”. Người đã dãi sáng trên chúng ta, những con người đổ vỡ, và Người vẫn luôn là ánh sáng soi cho chúng ta trong một thế giới đen tối này.

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
 
Chúa là Vua
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
01:21 12/11/2010
CHÚA NHẬT LỄ KITÔ VUA, năm C

Lc 23, 35-43

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta có cảm tưởng Ngài là vua khác mọi vua chúa thế trần. Do đó, khi so sánh chức vị vua của Chúa Giêsu với các chức vị của các vị vua ở trên thế giới, có lẽ chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã trả lời với Ông: ” Tôi là vua…nhưng Nước của tôi không thuộc thế gian này”. Câu trả lời của Chúa làm chúng ta có nhiều suy nghĩ bởi vì Nước của Ngài không phải là nước ở trần gian như chúng ta đang sống.

Philatô mới nói với Chúa Giêsu: ” Vậy thì ông là Vua sao ? “. Đức Giêsu đáp: “ Ông nói đó: Tôi là Vua ! chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe tiếng tôi “ ( Ga 18, 37 ). Trước vị Vua cao cả, Đấng đã dựng nên trời đất, vũ trụ và con người. Philatô không thể nào hiểu nổi. Vương Quyền của Chúa Giêsu luôn liên quan đến sự cứu rỗi. Chúng ta phải trở lại núi Canvê mới hiểu được Vương Quyền của Chúa Giêsu. Thập giá nơi Ngài bị treo lên là ngai của Đức Kitô Vua. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một bi kịch, không phải là ngõ cụt. Cái chết của Chúa Giêsu là một cuộc khải hoàn chiến thắng trên tội lỗi và sự chết. Trên đầu thập giá, Philatô đã cho viết một bảng khắc chữ như sau: ” Đây là Vua dân Do Thái “. Đấng mà thánh Phaolô đã cảm nghiệm cách sâu sắc: ” Đấng không hề biết tội, Thiên Chúa đã coi như Ngài là kẻ tội lỗi để mưu ích cho chúng ta “ ( 2 Co 5, 21 ). Đức Kitô Vua là Vua hiền lành, Vua ngồi trên lưng lừa để tiến vào Giêrusalem. Đức Kitô Vua như người trộm lành đã hoàn toàn bị khuất phục và thốt lên với tất cả cõi lòng tin yêu mến của mình: ” Ông Giêsu ơi, khi Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi “. Chính câu thưa với Chúa một cách thành khẩn và chân thành ấy, người trộm lành đã được cứu rỗi. Chính vì thế, lời khẩn cầu của người trộm lành cũng phải là lời nguyện xin của mỗi Kitô hữu. Bởi vì qua Đức Kitô chúng ta được cứu chuộc, được cứu thoát khỏi vương quốc của tội lỗi. Việc cử hành hy tế Thánh Thể mỗi ngày là dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa Cha đã làm cho chúng ta trở nên vô giá, chia sẻ với các thánh trong ánh sáng. Chính Chúa Cha đã cứu thoát chúng ta khỏi quyền lực của tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài.

Thiên Chúa đã biến đổi chúng ta thành những thần dân trong vương quốc của Đức Kitô Vua. Ngài đã làm cho chúng ta trở nên anh em với nhau trong cùng một Hội Thánh, có đầu là Đức Kitô Vua và mỗi người chúng ta là chi thể của thân xác của Chúa Kitô Vua. Vương Quốc của Chúa Kitô Vua không thuộc về thế gian như Ngài đã xác định trước mặt Philatô. Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc tình yêu, hiệp nhất và bác ái. Vương Quốc của Chúa Kitô Vua là Vương Quốc chỉ mình Ngài mới có quyền ban cho những thần dân của Ngài.

Chúa Kitô Vua như ca nhập lễ hôm nay đã hát vang lên: ” Con chiên đã bị giết. Nay xứng đáng lãnh nhận Thần tính và uy quyền, Khôn ngoan cùng sức mạnh, Danh dự với vinh quang. Kính dâng Người vinh dự và quyền năng, đến muôn thuở muôn đời “ ( Kh 5, 12; 1, 6 ). Và như Kinh tiền tụng ca ngợi: ” Cha đã xức dầu hoan lạc tấn phong con một Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, làm linh mục đời đời và làm Vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hòa giải tinh tuyền, Người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Cha là Đấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cửu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và an bình “.

Chúa Kitô Vua là Trung Gian và là Đấng Trung Gian duy nhất liên kết đất với trời. Trên thập giá Ngài đã quy tụ muôn dân, Ngài đã kéo mọi người lên cùng Người. Đó là Đấng chiến thắng tử thần, Đấng đã phục sinh từ cõi chết bằng tình yêu tự hiến của Ngài: ” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi, biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Amen.
 
Lừa Gạt
Lm Vũđình Tường
05:09 12/11/2010
Biết mình kiến thức hạn hẹp nên ta dễ tin vào hiểu biết người có kiến thức hơn mình. Tin như thế lợi cũng lắm; hại cũng nhiều. Lợi vì có thêm kiến thức, hiểu biết thêm. Hại xảy ra khi hiểu biết và kiến thức của người kia thiếu chính xác, võ đoán. Tin võ đoán là tin thất thiệt. Biết rõ không chính xác, người loan tin cứ coi như chính mắt thấy tai nghe. Kẻ nhận tin không biết mình đang nghe tin thất thiệt; trái lại còn đứng ra biện hộ, bào chữa. Lí do vì tự ái và thiên kiến khi nhận tin.

Tin thất thiệt ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, gây thiệt hại cho cá nhân, cộng đoàn và xã hội. Tin thất thiệt liên quan đến đức tin gây thiệt hại niềm tin, sự sống trường sinh. Cẩn trọng tránh trở thành nạn nhân, lạc giáo, ảnh hưởng đến sự sống đời đời.

Cần tỉnh thức

Nhiều Kitô hữu nhẹ dạ, dễ tin. Không cần kiểm chứng, thắc mắc tin đúng, sai, hợp lí, vô lí đã vội phao tin sốt dẻo vừa nghe. Làm thế gây hoang mang mọi người nghe. Tạo dư âm.

Đức Kitô nghe nhiều tin đồn thổi về Ngài và về ngày tận thế. Có lần Ngài hỏi môn đệ: người ta bảo Con Người là ai? Câu trả lời rất khác, người thì cho là John the Baptist, kẻ khác là Elija, Jeremiah hay một trong các tiên tri Mat 16,13. Tin đồn, phỏng đoán chung mẫu số: đúng ít, sai nhiều.

Phúc Âm hôm nay thánh Luca chương 21 thuật việc người ta đồn thổi, phao tin ngày cánh chung. Sự việc xảy ra là Đức Kitô nói đền thờ lộng lẫy nguy nga mọi người đang chiêm ngưỡng, nức lời ca ngợi đây, sẽ có ngày bị tàn phá, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Câu nói trên người nghe cho là Đức Kitô nói về ngày tận thế. Ngày nay chúng ta hiểu Chúa nói về cuộc tử nạn và Phục Sinh khải hoàn của Chúa. Họ hỏi vậy thì khi nào tận thế và điềm gì báo trước. Chúa không nêu rõ thời gian Ngài cho biết có dấu chỉ báo trước như thiên tai, bất hoà từ gia đình, lan đến cộng đoàn, quốc gia và điềm lạ từ trời xuất hiện. Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu.

Văn hoá sự chết

Văn hoá sự chết vào tâm hồn con nguời qua ngã thiếu tỉnh thức. Nghe người bị người gạt. Thay vì tin vào hướng dẫn của Thánh Thần Chúa, lời giảng dậy của Đức Kitô, người ta nghe và tin lời người tài cao, học rộng hướng dẫn, giải thích dựa vào những tìm tòi, khám phá. Kết quả là con người không chết thể xác nhưng chết tinh thần. Tình nghĩa cắt đứt, chia lìa vì tranh chấp, bất hoà. Tâm hồn bất an, quằn quại trong khổ đau. Kết quả việc bỏ Chúa theo người đời. Ai không theo thì bỏ tù, bắt bớ, tra tấn, đánh đập bắt phải nghe theo. Sau một thời gian cạnh tranh cố ngoi lên, đến lúc nào đó bị đời đào thải. Còn đâu vàng son của những ngày đấu tranh. Tuổi già sống nuối tiếc trước khi lìa đời. Sao tránh khỏi phải chết.

Điều an ủi và niềm hy vọng cho những ai vững tin vào Chúa sẽ không chết. Để thực hiện được điều này Đức Kitô nhắc nhở hãy cẩn thận. Cần tỉnh thức để tránh bị lừa gạt. Thiếu tỉnh thức, vội tin sẽ bị lừa, bị người dẫn đi lạc đường. Tỉnh thức đừng để sợ hãi làm lu mờ tâm trí. Tỉnh thức đừng để đau khổ lung lạc niềm tim. Tỉnh thức nhận dạng những chứng nhân giả tạo, đội lốt. Tỉnh thức lắng nghe tiếng dậy bảo khôn ngoan của Đức Kitô nhất là khi phải đương đầu trước quan quyền hành hạ mình. Tỉnh thức, sáng suốt làm chứng cho Đức Kitô. Tỉnh thức, sáng suốt và trung kiên trong niềm tin là điều kiện cần thiết, bắt buộc phải có để tránh bị lừa.

Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: chính Ta đây’ và ‘thời kì đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. Luca 21,8

Người ít kiến thức, vai vế nhỏ trong xã hội không thể mạo danh Chúa. Họ có khả năng chia rẽ, phao tin khiến người nhẹ dạ tin theo. Họ không đủ khả năng gạt được nhiều người. Kẻ đứng ra mạo danh Chúa phải là người có tiếng tăm, danh tiếng, có khả năng thu hút quần chúng, có tài hoạt bát trước đám đông, làm được những việc khác thường mới có thể làm công việc mạo danh Chúa để thu hút, cầm giữ quần chúng.

Mạo danh, mượn tiếng

Kẻ mạo danh không thể là người tốt và điều họ nói không đáng tin bởi vì thiếu thành thật. Người tốt luôn tôn trọng sự thật. Vì tôn trọng sự thật nên không dám mượn danh, cũng không dám dối trá, dù biết nói thật sẽ thiệt thân nhưng chẳng thà chịu thiệt còn hơn gian tà. Dám lợi dụng Danh Chúa gán cho mình thì còn chi không dám làm. Dám lợi dụng thần thánh để gạt gẫm thì còn chi là đạo đức. Mạo danh, giả dạng người khác không gì khác hơn là chủ trương lường gạt. Lường gạt là dối trá. Dối trá là con bài tẩy của Ma quỉ. Mạo danh, mượn tiếng không thể nào chính danh vì tự bản chất đã là xấu, lường gạt có chủ trương, mục đích rõ ràng. Giả dạng danh Chúa rõ ràng là muốn làm chúa thiên hạ, muốn mọi người tôn thờ, phục tùng mình, muốn nắm quyền bính trong tay.

Kẻ mạo danh không bỏ lỡ cơ hội. Lạm dụng sự khó xảy ra, lúc con người sống trong lo sợ, trước cảnh tù tội, bị tra tấn, khi tang gia đang bối rối. Kẻ mạo danh tuyên truyền, gây bất hoà, gây rối cho mọi người.

Trong kim kiếm hiệp mạo danh, mượn tiếng nhân vật khác thường kèm theo chém giết, tàn phá, gieo sợ hãi trong đại chúng. Kẻ mạo danh là người bí mật, ẩn hiện bất thường, luôn gieo rắc kinh hoàng. Sống trong bóng tối không thể là người ngay lành. Tài giỏi mấy đi nữa khi phải mạo danh chính là tự thú mình bất tài. Chính kẻ mạo danh không thể cứu mình sao có thể cứu được người. Nếu làm được các việc cả thể cần chi phải mạo danh. Để kết luận mạo danh chỉ là trò lừa bịp loại cao cấp.

Kẻ mạo Danh Chúa không có đức tin. Nếu có đã không dám mạo danh. Họ học biết về Chúa. Thuộc giáo lí Ngài nhưng không tin, không yêu và không là môn đệ Ngài. Nhận làm môn đệ kẻ không có đức tin sẽ không tránh khỏi mất đức tin.
 
Sống Và Chia Sẻ Lời Chúa - Cơ Hội Làm Chứng Cho Chúa
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
07:50 12/11/2010
SỐNG VÀ CHIA SẺ LỜI CHÚA-CN33TN/C

Cần cho Cá nhân-Gia đình-Nhóm-Hội Đoàn-Phong trào PHƯƠNG CÁCH ĐỂ GIỮ MẠNG SỐNG

“CƠ HỘI LÀM CHỨNG CHO CHÚA”

A- Cảm nghiệm Sống và chia sẻ với sự dẫn dắt của Thánh Linh:

Bài đọc 1: Sách Ma-la-khi 3:19-20a= Ngày thưc thi công bằng.

* Bạn đừng nói sao Chúa không công bằng, nhiều kẻ tội lỗi cứ sống nhởn nhơ. Không, ngày Chúa đến, mọi kẻ kiêu ngạo và làm điều gian ác sẽ bị đốt cháy như rơm rạ, không còn chừa lại một tí nào. Còn kẻ công chính sẽ được cứu chữa: Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. (câu 20a)

1/ Tại sao những người tội lỗi, vẫn được mọi sung sướng ở đời này ?

2/ Bạn làm gì để xứng đáng Chúa cứu vớt trong những ngày sau hết?

Bài đọc 2: Thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca 3:7-12= Cần sống có kỷ luật.

* Phaolô khuyên mọi người nên bắt chước ông như sống gương mẫu, không ăn bám, chịu khó làm việc để khỏi nên gánh nặng cho ai: Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà cái gì cũng xen vào. (câu 11)

1/ Lâu nay tôi đã sống gương mẫu trong gia đình, cộng đoàn thế nào?

2/ Bạn sống có kỷ luật là bằng những việc gì để đón ngày Chúa đến ?

Tin Mừng: Luca 21: 5-19= Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu.

Bạn thấy những công trình của con người đang bị tiêu hủy vì những trận hỏa hoạn, chỉ trong giây lát biến thành những đống tro tàn. Những trận động đất lớn, sóng thần giết chết hàng trăm ngàn người một lúc. Các bệnh dịch H-5 N-1 giết chết người và gia súc, cac bệnh nguy hiểm, dịch tễ, đói kém, xăng dầu lên vùn vụt đang xảy ra khắp đó đây (câu 11) nhưng người ta vẫn ngoan cố không sửa đổi.

* Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trên trời xuất hiện. (câu 10-11)

1/ Tôi quyết tâm bỏ một vài tật xấu, từ khi tôi có quyền lợi và điạ vị?

2/ Những biến cố xảy ra trên thế giới, đã giúp bạn đổi mới những gi?

3/ Trước những thử thách hiện tại, tôi làm gì để có bền đỗ đến cùng?

B- Câu Kinh Thánh đánh động tôi chọn Sống tuần này:

CÓ KIÊN TRÌ ANH EM MỚI GIỮ ĐƯỢC MẠNG SỐNG MÌNH./ By your perseverance you will secure your lives. (câu 19)

1/ Tại sao tôi lại sợ, trốn tránh, lên án các vụ ngược đãi đang xảy ra cho mọi Tín hữu tại quê hương và trên thế giới? Tôi cần làm gì?

2/ Những cảnh tù tội, bắt bớ, cấm cách chứng tỏ đức tin và làm chứng cho Tin Mừng của Tín hữu. Bạn đã sống kiên trì tới đâu?

C- Bạn và tôi cùng cầu nguyện với Lời Chúa và Sống thực hành lời Cầu nguyện của mình:

* Lạy Cha, Đức Kitô đã dạy: Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và bỏ tù…vì danh Thầy. Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Hãy kiên trì lên! một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu !(câu 12-13;17-18.) Thế mà chưa chi con đã vội lo lắng, kêu ca, lên án, chửi bới làm chứng tỏ thiếu thực hành Lời Cha, thiếu đức tin, cậy, mến và kiên nhẫn theo Chúa. Con quyết bền tâm theo Thầy đến cùng, không than van, kêu trách; nhưng cùng Mẹ Maria, dám đi theo gương Thầy tới chân thập giá, để chứng tỏ con là môn đệ trung thành của Chúa và làm chứng cho Thầy Chí Thánh. Amen.

Hoa thơm cỏ lạ: SỐNG KHÔNG TIN CẬY CHÚA - GIỐNG NHƯ LÁI XE TRONG SƯƠNG MÙ – Living without trust in God- like driving in the fog.

Chúa phải được nổi bật lên, còn tôi lu mờ đi. (Ga 3, 30)

Phó tế: GB. Maria Nguyễn văn Định
 
Mất đời này - Được đời sau
Anmai, CSsR
09:11 12/11/2010
Có một người tên Monty Robert, hiện là chủ nhân một trại nuôi ngựa ở San Ysidro. Monty Robert đã cho phép một người bạn dùng nhà của anh để tổ chức những buổi gây quĩ nhằm tài trợ các dự án đầu tư có tính rủi ro cao do thanh niên thực hiện.

Một hôm, Monty Robert đã nói với người bạn của anh:

- “Tôi muốn kể cho anh biết tại sao tôi để anh sử dụng nhà của tôi để làm nơi tổ chức gây quỹ. Chuyện xảy ra cách đây nhiều năm. Có một cậu bé sống cùng với cha của mình, một người làm nghề huấn luyện ngựa. Do công việc, người cha phải sống như một kẻ du mục. Ông đi từ trang trại này đến trang trại khác để huấn luyện các chú ngựa chưa được thuần hóa. Kết quả là việc học hành của cậu bé không được ổn định lắm. Một hôm, thầy giáo bảo cậu bé về viết một bài luận văn với đề tài “Lớn lên em muốn làm nghề gì?”.

Đêm đó cậu bé đã viết bảy trang giấy mô tả khát vọng ngày nào đó sẽ làm chủ một trại nuôi ngựa. Em diễn đạt ước mơ của mình thật chi tiết. Thậm chí em còn vẽ cả một sơ đồ trại nuôi ngựa tương lai với diện tích khoảng hai trăm mẫu, trong đó em chỉ rõ chỗ nào xây nhà, chỗ nào đặt chuồng trại và chỗ nào làm đường chạy cho ngựa.

Viết xong, cậu bé đem bài nộp thầy giáo.Vài ngày sau cậu bé nhận lại bài của mình với điểm một to tướng và một vòng bút phê đỏ chói của thầy: “Đến gặp tôi sau giờ học”.

Thế là cuối giờ cậu bé đến gặp thầy và hỏi:

- Thưa thầy tại sao em bị điểm một?

- Em đã hoạch định một việc mà em không thể làm được. Ước mơ của em không có cơ sở thực tế. Em không có tiền và lại xuất thân từ một gia đình không có chỗ ở ổn định. Nói chung, em không có một nguồn lực khả dĩ nào để thực hiện những dự tính của mình. Em có biết để làm chủ một trại nuôi ngựa thì cần phải có rất nhiều tiền không? Bây giờ tôi cho em về làm lại bài văn, nếu em sửa chữa cho nó thực tế hơn thì tôi sẽ cứu xét đến điểm số của em. Rõ chứ ?

Hôm đó cậu bé về nhà và nghĩ ngợi mãi. Cuối cùng cậu gặp cha để hỏi ý kiến.

- Con yêu, chính con phải quyết định vì ba nghĩ đây là ước mơ của con - Cha cậu bé trả lời.

Nghe cha đáp, cậu bé liền nhoẻn miệng cười và sau đó đến gặp thầy giáo của mình:

- Thưa thầy, thầy có thể giữ điểm 1 của thầy, còn em xin được giữ ước mơ của em”.

Kể đến đây, Monty dừng lại hỏi:

- Anh có biết bạn đang ngồi trong một trại ngựa rộng 200 mẫu của cậu bé trong câu chuyện mà tôi vừa kể không?

Ngừng một chút, anh nói tiếp:

- Cách đây hai năm, vị thầy giáo đó đã tình cờ dẫn 30 đứa học trò của mình đến đây để cắm trại. Thế là thầy trò tôi nhận ra nhau. Cầm tay tôi, thầy nói:

- Monty này, khi em còn học với tôi, tôi đã đánh cắp ước mơ của em, và suốt bao nhiêu năm qua tôi cũng đã làm như thế với bao đứa trẻ khác. Tôi rất ân hận về điều đó.

Nghe thầy nói thế, tôi vội đáp:

- Không, thưa thầy. Thầy không có lỗi gì cả, chẳng qua thầy chỉ muốn những gì tốt đẹp sẽ đến với học trò mình mà thôi. Còn em chỉ muốn theo đuổi tới cùng những khát vọng của đời mình.

Mỗi người đều có khát vọng của riêng mình. Monty đã có khát vọng và khát vọng của anh đã thành hiện thực.

Là con người, đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời, con người được tự do lựa chọn cũng như được tự do để khát vọng cho lựa chọn ấy thành hiện thực của đời mình.

Khát vọng của Monty dưới con mắt của ông thầy quả là quá khó và không thể nào thực hiện được nhưng cuối cùng vẫn thực hiện được. Chuyện quan trọng là ta có cố gắng cũng như ta tin cái khát vọng đang có trong mỗi người chúng ta hay không mà thôi. Niềm tin rất quan trọng để thực thi, để chờ đợi cái khát vọng đó thành hiện thực.

Vẫn còn đó những điều khát vọng hết sức kỳ lạ trong cuộc đời. Dưới con mắt của người khác thì kỳ lạ nhưng với người khát vọng đó là chuyện bình thường.

Hết sức thực tế, hết sức hiện thực mà qua trang sách Macabê mà chúng ta vừa nghe. Dưới con mắt của nhiều người, dưới con mắt của những người không tin thì mẹ con nhà Macabê là những người vớ vẩn và vô duyên. Bỗng dưng chẳng hiểu sao lại cãi lại lệnh của nhà vua để lãnh cái án tử trong cuộc đời của mình. Mọi người thấy vớ vẩn, mọi người thấy vô duyên nhưng mẹ con nhà Macabê khát vọng, tin tưởng rằng sau cái chết ở cõi đời này mẹ con bà sẽ được hưởng nhan Thánh Chúa.

Không phải đơn giản để chọn cái chết như mẹ con nhà Macabê bởi lẽ con người vốn dĩ mang trong mình cái “chất” ham sống sợ chết. Thật vậy, Thiên Chúa không ai thấy bao giờ để rồi can đảm chết cho Đấng mà mình không thấy mới là chuyện quan trọng.

Thiên Chúa vẫn có đó, Thiên Chúa vẫn hiện diện đó trong cuộc đời con người nhưng con người đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Để chứng minh quyền năng, chứng minh cho sự hiện hữu của mình, Thiên Chúa đã sai Con Một của mình xuống trần gian để cứu độ cái trần gian đam mê tội lỗi này nhưng đáng tiếc thay con người vẫn lầm lũi đi trong bóng đêm, đi trong sự cứng lòng.

Lòng của con người hình như bị chai đá trước tình thương, trước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác mời gọi con người tin. Hôm nay, một con người đã hơn một lần bắt Chúa, một lần bách hại Chúa đã tuyên bố cho mọi người về Chúa Giêsu, về ơn cứu độ của Ngài: Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Xác tín một cách mạnh mẽ và cũng sống hết sức mạnh mẽ. Với con người yếu đuối nhưng Phaolô tin rằng sau cõi tạm này Phaolô cũng sinh viên được chính Thiên Chúa giải thoát khỏi xích xiềng của tội lỗi. Phaolô đã coi mọi sự là rơm rác để đạt được cùng đích là Đức Kitô.

Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc khéo cho mỗi người chúng ta về thân phận, về cùng đích của mình. Chúa Giêsu nói một cách hết sức rõ ràng, hết sức thẳng thắn chứ không úp mở. Mất mạng ở đời này thì sẽ cứu được mạng sống ấy ở đời sau.

Thật sự mà nói thì quả thật lời nhắc khéo hay lời mời gọi của Chúa Giêsu hết sức vớ vẩn với những con người không tin. Với những ai tin đó là sự thật. Bằng chứng hết sức rõ ràng là trong dòng chảy của lịch sử Giáo Hội, biết bao nhiêu con người hay nói đúng hơn biết bao nhiêu vị thánh đã dám mất mạng mình ở đời này để đạt được mạng sống ở đời sau.

Rõ ràng là khát vọng của người kitô hữu không phải là khát vọng vu vơ, vớ vẩn. Niềm tin của kitô hữu vào Chúa Giêsu vào Thiên Chúa không phải là hão huyền. Khát vọng, niềm tin của người kitô hữu có gốc, có nền tảng nơi chính Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ trần gian như Thánh Phaolô đã khẳng định.

Có thể khát vọng, có thể niềm tin của chúng ta bị chao đảo bởi lý do này lý do khác của cuộc đời nhưng chúng ta kiên tâm và vững chí rằng Thiên Chúa luôn luôn ở bên cạnh cuộc đời của ta.

Hôm nay, dừng chân lại mừng lễ các thánh tử đạo, một lần nữa chúng ta được mời gọi, được củng cố niềm tin vào Thiên Chúa. Có thể vì Tin Mừng, vì Chúa Giêsu mà ở đời này ta có thể bị thua thiệt hay bị chà đạp như Thánh Phaolô hay bị mất mạng như bảy mẹ con nhà Macabê đi chăng nữa nhưng ngày sau ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại và bảo toàn mạng sống của chúng ta.

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của các bậc cha ông, của các đấng tử đạo ban thêm niềm tin cho mỗi người chúng ta để mỗi người chúng ta ngày mỗi ngày bước đi trong tin yêu vào Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:35 12/11/2010
BÃ RƯỢU VÀ CÁM

N2T


Vào thời Đông Hán, có một đại thần tên là Tống Hoằng, lấy sự chính trực đối đãi với người, rất được Quang Võ đế nể trọng. Hồi ấy, chị của Quang Võ đế là quả phụ công chúa Hồ Dương, Quang Võ đế hỏi chị là đã chọn ai là ý trung nhân để tái giá chưa, và được biết ý trung nhân của công chúa Hồ Dương chính là Tống Hoằng.

Thế là Quang Võ đế cho mời Tống Hoằng đến, thử dò hỏi, nói: “Có người nói, được giàu sang thì sẽ thay đổi bạn bè; được phú quý thì sẽ thay đổi vợ, ông cảm thấy thế nào ?

Tống Hoằng đáp: “Thần chỉ nghe nói: không được quên bạn bè đã kết giao khi nghèo nàn; không được bỏ vợ đã cùng chia sẻ hoạn nạn cùng ăn bã rượu và cám với mình”.

Quang Võ đế chỉ có cách là bỏ ý định của mình và không dám miễn cưởng chắp vá chặng hôn nhân này.

(Hậu Hán thư, Tống Hoằng truyện)

Suy tư:

Con người ta khi có chức có quyền, có tiền có bạc thì lòng dạ cũng dễ dàng thay đổi, cho nên có nhiều ông chồng khi làm ăn khấm khá thì từ từ xa dần bạn bè nối khố thuở hàn vi của mình, hoặc có những ông chồng khi có chức có quyền thì phụ bạc người vợ đã cùng chia sẻ với mình khi cuộc sống khó nghèo gian khổ, cho nên người ta mới nói giàu đổi bạn sang đổi vợ.

Cũng có một vài người Ki-tô hữu khi nghèo khó được Giáo Hội chăm nom thì xin rửa tội vào đạo, đến khi Giáo Hội không còn giúp đỡ họ nữa thì lại bỏ đạo, họ tưởng Giáo Hội bỏ tiền bỏ gạo ra là để câu mồi, nhưng họ không biết rằng đó là hành động bác ái mà Giáo Hội Công Giáo đã nhận lãnh từ nơi lệnh truyền Chúa Giê-su Ki-tô: kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như chính mình.

Người Ki-tô hữu chân chính dù cho khi ăn bã rượu hay bã cám, hoặc khi giàu có hạnh phúc, thì cũng vẫn luôn giữ vững niềm tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô, bởi vì chính Ngài là đường là sự thật và là sự sống.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 33 TN C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:36 12/11/2010
CHỦ NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 21, 5-19.

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.


Bạn thân mến,

Lời Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã ứng nghiệm và đang xảy ra trên thế giới, trong những năm gần đây nhiều nơi trên thế giới này đã xảy ra động đất, chiến tranh, ôn dịch và thù hận, dân chúng lầm than khổ sở, nhiều tai ương ập đến cho con người mà không báo trước, nhưng thật ra nhân loại đã được báo trước những tai nạn bởi thiên nhiên và bởi con người mà ra...

Đức tin mở mắt tâm hồn làm cho chúng ta thấy được ý muốn của Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh.

Động đất xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết giờ Thiên Chúa sắp đến, hãy hối cải.

Ôn dịch đã xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết được ngày giờ của Thiên Chúa sắp đến.

Chiến tranh liên tục dồn dập xảy đến nơi này nơi nọ, đức tin dạy chúng ta biết Thiên Chúa đang tính từng ngày từng giờ sự tồn tại của thế gian này...

Và những gì ngoài ý muốn xảy đến cho bạn và tôi trong cuộc sống, thì đức tin đã dạy chúng ta biết nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.

Có những lúc bạn và tôi nhận ra được ý của Thiên Chúa, nhưng vì mãi mê trong những đam mê trần thế mà chúng ta phớt lờ ý của Ngài; có những lần ý Thiên Chúa rất rõ ràng và tiếng lương tâm thúc giục chúng ta thực hành ý Thiên Chúa, từ bỏ những gì không phải là của Ngài để trở nên người con thảo của Ngài, nhưng vì danh lợi, vì những lợi ích cá nhân, mà chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không thấy ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Bạn thân mến,

Năm phụng vụ của Giáo Hội sắp kết thúc, cũng có nghĩa là cuộc sống của chúng ta được rút ngắn lại, sự tồn tại của thế gian cũng ngắn lại từng ngày, và ngày quang lâm huy hoàng của Chúa Giê-su sắp đến, Giáo Hội mời gọi con cái mình tin tưởng vào Lời Chúa giữ vững đức tin cách kiên trì, cho dù có rất nhiều cám dỗ xảy đến cho chúng ta, bởi vì Chúa Giê-su đã hứa: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Gợi ý :

1. Năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi có sửa được một khuyết điểm nào chưa ?

2. Có lúc nào tôi nghĩ đến ngày cuối cùng của mình chưa ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:41 12/11/2010
N2T


27. Thiếu nữ nên nói ít mà cẩn thận, cử chỉ ăn nói thanh cao không hệ tại tranh cải, mà là ở nơi sự đoan trang.

(Thánh Hieronimo)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:43 12/11/2010
CHỢ ĐÊM

Có phiên chợ đêm hàng tuần, người ta đi chợ đêm rất đông, nhưng đi coi nhiều hơn mua, người Taiwan người Việt chen lấn nhau ồn ào, có hai cô dâu nói chuyện với nhau:

- “Cái thằng Tàu ấy đòi ngủ với tao một ngàn một đêm, tao không thèm đi, nhìn nó ghê thấy mồ”.

Cô dâu kia, tay dắt đứa con nhỏ, nói:

- “Hôm qua tao có tăng ca (1), thằng chồng tao nó nghi ngờ nên gọi đến công ty hỏi, hú hồn, lúc đó tao chưa ra khỏi công ty”.

Chợ đêm là cơ hội để một vài cô dâu Việt Nam tụ tập với nhau “mua bán” hợp pháp mà không sợ chồng biết.

-------------------

(1) “Tăng ca” là từ dùng để chỉ các cô dâu đi làm việc ở công ty, tan ca nhưng không về nhà, mà gọi về cho chồng là công ty có tăng ca nên về trể, thực ra, các cô dâu này vừa tan ca là cặp bồ với đàn ông khác, hoặc đi làm gái để kiếm tiền gởi về gia đình ở Việt Nam.
 
Chờ đợi ngày Chúa đến
Giuse Đinh Lập Liễm
23:26 12/11/2010
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay là tuần lễ áp chót của năm Phụng vụ nên tư tưởng các bài đọc Thánh lễ hôm nay hướng về thời thế mạt và việc Đức Kitô đến lần thứ hai. Qua bài đọc 1, tiên tri Malachia cho biết đối với những kẻ ác thì “Ngày của Chúa” sẽ là ngày phán xét, nhưng đối với người chính trực, đó là ngày cứu chuộc. Còn qua bài đọc 2, thánh Phaolô cho biết có một số tín hữu Thessalonica tin rằng ngày quang lâm của Chúa đã gần kề, nên không chịu làm việc gì cả. Ngài khuyên họ hãy tiếp tục sống và làm việc bình thường, làm ra của mà ăn chứ đừng ăn bám vào người khác. Chính ngài đã làm gương cho họ về điều này.

Trọng tâm của bài đọc hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giêsu nói về ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời đại bị bách hại. Nhưng đừng sợ, hãy kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ làm cho các tín hữu chiến thắng trong thời kỳ sau cùng với điều kiện họ phải luôn bền đỗ.

Trong khi chờ đợi Ngày của Chúa chúng ta phải có thái độ nào ? Chúng ta phải đặt hết niềm tin tưởng phó thác vào chương trình quan phòng của Chúa rồi sống an nhiên tự tại. Hãy cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình hằng ngày, làm một cách chu đáo. Đồng thời phải dọn mình chết lành, vì mọi sự sẽ phải qua đi, kể cả mạng sống mình, để khỏi phải bồn chồn lo lắng về ngày tận cùng của thế giới và nhất là của đời mình. Ước gì ngày quang lâm của Chúa sẽ là niềm hy vọng và niềm vui cho chúng ta khi chúng ta đang nóng lòng chờ đợi Chúa đến.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Ml 3,19-20a

Khi trở về Giêrusalem, những người lưu đầy gặp một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, và họ ngạc nhiên vì không thấy Thiên Chúa thưởng công cho lòng trung tín của họ. Tiên tri Malachia nói với họ về “Ngày của Chúa “: đối với kẻ xấu, ngày của Chúa sẽ là ngày phán xét, nhưng đối với người chính trực, đó là ngày cứu chuộc. Giống như mặt trời, ngày của Chúa sẽ là ánh sáng cho người công chính, nhưng là lửa thiêu hủy những ai quay lưng lại với Người.

+ Bài đọc 2: 2Tx 3,7-12

Nhiều tín hữu trong giáo đoàn Thessalonica nghĩ rằng sắp đến ngày tận thế rồi, nên họ lười biếng không muốn làm gì cả.

Thánh Phaolô khiển trách họ về lối sống đó, và ngài khuyên họ phải tích cực làm việc, không được ăn bám vào người khác. Chính ngài đã làm gương cho họ về việc lao động để làm ra lương thực nuôi sống mình.

+ Bài Tin mừng: Mt 25,14-30

Chúng ta nghe lời tiên báo về sự tàn phá Đền thờ Giêrusalem và cho biết hoàn cảnh của Giáo hội trong một thời đại thử thách. Tuy Đức Giêsu đưa ra lời tiên tri về Đền thờ bị phá hủy (đã xẩy ra vào năm 70) nhưng chủ yếu giao huấn của Ngài là nói về ngày sau hết của thế giới và của con người. Đồng thời Ngài cũng trấn an và hứa phù trợ những ai đặt trọn niềm trông cậy nơi Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Chờ đợi ngày Chúa đến

I. NHỮNG LỜI TIÊN BÁO

1. Đền thờ Giêrusalem tráng lệ

Ngày nay đền thờ Giêrusalem không còn vết tích nào, như lời Đức Giêsu đã tiên báo, tuy nhiên, tìm về nguồn gốc chúng ta được biết Đền thờ thứ nhất được vua Salomon xây dựng rất nguy nga đồ sộ (1V 6,11t), nhưng rồi bị vua Nabuchodonosor chiếm và phá hủy vào năm 587. Sau thời lưu đầy, Esdras và Nêhêmia xây đền thờ thứ hai và khánh thành năm 515, nhỏ và kém nguy nga so với đền thờ thứ nhất. Sau đó, đền thờ Giêrusalem còn được tái thiết nhiều lần.

Lời Đức Giêsu nói về đền thờ Giêrusalem do vua Hêrôđê Cả cho xây cất lại, tân kỳ và khá đồ sộ nguy nga. Hoàn tất trước Chúa giáng sinh 19 năm, nên đến thời Đức Kitô còn rất mới.

Vẻ đẹp nguy nga của Đền thờ còn được sử gia Joseph Flavius (37-95) diễn tả trong cuốn “The Wars of Jews”, cuốn 5, phần 5 như sau: ”Từ phía trước, vẻ mặt bên ngoài của đền thờ đã làm kinh ngạc con mắt và trí óc của con người, vì nó được bao phủ toàn bộ bằng những miếng vàng rất nặng, vào lúc mặt trời mọc, nó phản chiếu lại sự huy hoàng cực kỳ chói lọi, làm cho những ai cố gắng bắt buộc mình nhìn thẳng vào nó đều phải quay đi nơi khác, giống như thể họ vừa nhìn vào ngay ánh mặt trời. Nhưng từ ở đàng xa, đền thờ xuất hiện đối với những người lạ, giống như một ngọn núi được bao phủ bằng tuyết, vì đối với những phần không được mạ vàng, chúng lại cực kỳ trắng xóa”.

2. Đền thờ sẽ bị phá hủy

Lúc đó, tại khuôn viên đền thờ Giêrusalem, có một số người nhìn ngắm và trầm trồ khen ngợi lối kiến trúc và vật liệu xây cất đền thờ, và người ta có cảm tưởng rằng đền thờ này thật kiên cố và sẽ không bao giờ bị phá hủy.

Nhưng ngược lại, đứng trước sự tráng lệ huy hoàng của đền thờ, Đức Giêsu quá xúc động vì Ngài đã nhìn thấy trước sự tàn phá của nó, nên Ngài nói: ”Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”(Lc 21,6).

Thật thế, bốn mươi năm sau khi Đức Giêsu chịu chết vào năm 70 sau dương lịch, vì sự nổi loạn của người Do thái, quân đội Rôma đã bao vây thành Giêrusalem và đền thờ bị phá hủy. Theo nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay, sử gia Joseph Flavius đã cho biết một con số tổn thất không thể tưởng tượng nổi: một triệu một trăm ngàn người bị chết trong vòng vây, và chín mươi bảy ngàn người bị bắt mang đi đầy.

3. Ý nghĩa lời tiên báo của Chúa

Nghe Đức Giêsu loan báo như vậy, mọi người kinh hoàng. Họ muốn Chúa cho biết thời gian và dấu chỉ báo trước về ngày tàn phá đền thờ.

Đức Giêsu không trả lời về thời gian và dấu chỉ báo trước đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, nhưng Ngài dựa vào lời tiên báo trên đây để nói về ngày tận thế, ngày mà Ngài sẽ trở lại trong vinh quang. Ngài cho biết ngày tận thế chắc chắn sẽ xẩy ra như đền thờ Giêrusalem bị phá hủy vậy.

Như vậy, ngày tận thế có thể được hiểu là ngày sau hết của đời sống mỗi người ở trên trần thế hoặc là ngày tận cùng của thế giới. Nếu hiểu ngày tận thế là ngày cuối cùng của cuộc sống mỗi người ở trần thế, thì ngày tận thế chính là cái chết của mỗi người, ngày Chúa gọi mỗi người ra khỏi thế gian đến trước tòa thẩm phán.

Khi nào ngày cuối hết của mỗi người hay khi nào ngày cuối hết của thế giới xẩy ra, và xẩy ra thế nào, đối với chúng ta không hẳn là quan trọng. Cái điều quan trọng là ta sửa soạn cho đến ngày đó. Điều ám chỉ trong Tin Mừng hôm nay là ta phải trả lẽ trước mặt Chúa, và nếu ta khôn ngoan, ta sẽ liệu làm hòa với Chúa khi còn đủ thời giờ trước khi Chúa đến.

II. CHUẨN BỊ CHO “NGÀY CỦA CHÚA”

“Ngày của Chúa” theo cái nhìn của các tiên tri chính là ngày mà Thiên Chúa ra tay hùng mạnh để giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Dần dà qua dòng lịch sử cái nhìn về “Ngày của Chúa”đã được biến đổi. “Ngày của Chúa” chính là ngày chung cuộc của tất cả thế giới. Vì thế, Ngày của Chúa là ngày xét xử kẻ dữ và ngày ban thưởng cho kẻ lành.

1. Phải chịu đau khổ

Đức Giêsu cho biết ngày tận thế chắc chắn sẽ xẩy ra, nhưng trước ngày đó, mọi người sẽ phải đương đầu với bao đau khổ, bao gian nan thử thách.

Người tín hữu cùng với mọi người là anh em và cũng như họ sẽ phải đối mặt với những thăng trầm và biến động của lịch sử: chiến tranh, nổi loạn, động đất, dịch hạch, đói kém… Và vì họ là môn đệ của Đấng mà chính bản thân cũng bị ngược đãi vì lẽ công chính, thì đến lượt họ cũng phải chịu bắt bớ và ngược đãi thôi: ”Người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi các con, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua chúa, quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21,12).

2. Nhưng phải bền đỗ: đừng sợ

Số phận của các người theo Chúa là phải trải qua những gian nan thử thách, phải bị ngược đãi, nhưng Đức Giêsu đã khuyên nhủ: ”Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19).

Bền đỗ hay kiên trì là gì ? Thưa là dù gặp phải gian truân thử thách, ta không lùi bước, không thối chí nản lòng, không bỏ cuộc nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng sống của mình.

Câu này có ý nghĩa tổng quát, và có giá trị trong mọi thời, chứ không có ý chỉ về ngày tận thế. Điều này muốn nói: trong bất cứ mọi cơn thử thách nào, một khi người Kitô hữu biết bền đỗ đến cùng sẽ được bảo đảm về phần rỗi của mình, sự bền đỗ này là sự kiên tâm bền chí giúp người Kitô hữu can đảm tin tưởng đương đầu với mọi thử thách của cuộc sống thường nhật, cũng như các hoàn cảnh đặc biệt của thời bách hại. Sự bền đỗ này chắc chắn giúp ta được sống và được vào Nước Trời (x. Cv 14,22).

Truyện: Phải kiên trì

Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần.

Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách có muốn vào không.

Vị khách nói như mê sảng: ”Này ông, tôi vào được không ? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi” ?

Người trong nhà trả lời: ”Ồ, ông biết đấy: có nhiều trẻ ở chung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa.

3. Đề phòng tiên tri giả.

Đức Giêsu còn cho biết trong thời gian chờ đợi ngày chung cuộc của thế giới sẽ có nhiều tiên tri giả, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, hay loan báo thời gian đã đến gần để làm mất niềm hy vọng nơi những kẻ tin.

Thời trước Đức Giêsu đã xuất hiện nhiều tiên tri giả. Đây là trường hợp cụ thể: tiên tri Giêrêmia nói thật với vua Sedecias chớ liên minh với Ai cập: ”Nhưng các tiên tri giả vô đạo, ngoại tình, dối trá, chúng củng cố lũ ác ôn của nhà vua bằng những lời lừa gạt rằng: ”Thành Giêrusalem sẽ được bình anh vô sự, không có tai họa nào cả”. Chẳng bao lâu, quân của vua Nabuchodonosor kéo đến phá tan tành vì liên minh với Ai cập chống lại Babylon. Và tất cả dân chúng bị bắt đi đầy sang Babylon.

Người ta thường nói: ”Nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn tán bang: một lời nói làm cho đất nước hưng thịnh, một lời nói có sức tàn phá đất nước.

Trước sức tàn phá của lời nói lừa gạt, Đức Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta phải hết sức đề phòng những tiên tri giả, những lời dụ dỗ đường mật, những lời mỵ dân, những lời nịnh bợ, lôi cuốn chúng ta vào mê hồn trận, khiến chúng ta kiêu ngạo, lầm lạc nâng mình lên, sẽ bị ngã nhào: ”Các con hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ”Chính Ta đây và thời gian đã gần đến”(Lc 21,8).

Ngày nay, trong lãnh vực tôi giáo, người ta không còn ngây thơ nghĩ rằng niềm tin tôn giáo luôn luôn là một động lực thúc đẩy con người sống cho tình yêu và hòa bình nữa. Chúng ta thấy ngày nay đã có nhiều giáo phải đi ngược lại những điều răn của Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy tôn giáo phát sinh ra những con người quá khích, những tên khủng bố. Họ đã nhân danh Thiên Chúa để giết người, càng giết nhiều người càng làm vui lòng Ngài ! Ngay cả Kitô giáo cũng có những người quá khích như thế. Những tiên tri giả đã xuất hiện rất nhaiều.

Truyện: Tự sát tập thể

Ngày 26/03/1997 báo Chicago tribune số ra ngày 28/03/1997 đưa ra một bản tóm lược các vụ tự sát tập thể do các giáo phải ra giảng về ngày tận thế, và những người xưng minh là Đấng Thiên Sai - Messiah gây ra. Chúng ta đưa ra mấy trường hợp.

Ngày 18/01/1978, tại Jonestowm, Guyana, do sự thúc đẩy của Jim Jones, tự xưng là Đấng Thiên Sai, 913 người đã tự sát hay bị cưỡng ép uống độc dược chết trong rừng. Đây là một giáo phái Kitô hữu có tên People’s Temple, rao giảng về ngày tận thế. Sau đó là hàng loạt các vụ tự sát tập thể của các giáo phái cực đoan khác nhau xuất hiện.

Ngày 05/10/1994, chính quyền Thụy sĩ đã tìm thấy xác chết của 48 người có liên hệ với Order of the Solar Temple – Tu hột đền thờ mặt trời – trong một ngôi nhà ở nông trại và trong 3 ngôi nhà gỗ, tất cả đều bị đốt cháy. Ngày 23/12/1995, 16 thành viên khác của Order of the Solar bị đốt cháy trong một ngôi nhà ở Grenoble, trong vùng núi French Alps. Tất cả các xác chết được xếp theo hình ngôi sao nằm dưới nền nhà. Ngày 22/03/1997, thêm 5 thành viên nữa của Order tự vẫn chết ở St. Casimir, Québec, Canada. Các tín đồ của giáo phái này tin rằng việc tự tử sẽ đưa họ đến một thế giới mới trên một hành tinh khác gọi là Sirius.

4. Hãy củng cố đức tin

Trước những bách hại, trước những gian nan thử thách, thậm chí cả chia rẽ trong gia đình, Đức Giêsu khuyên họ: ”Đừng sợ”. Hãy tin tưởng trong phó thác và bền đỗ trong đức tin, vì Thiên Chúa luôn quan phòng che chở cho những ai trông cậy nơi Ngài.

Đối với Đức Giêsu, bách hại và thử thách không phải là điều đáng sợ mà là một cơ may, để người tín hữu có dịp “làm chứng”, để cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin của người tín hữu chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa trong cơn thử thách.

Quả thật, Thiên Chúa muốn niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Ngài, một biểu lộ tín thác tuyệt đối vào Ngài, cho dù phải thử thách lớn lao nhất, kể cả sự chết. Đức hồng y Fulton Sheen có viết: ”Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió”.

Hugues Cousin có thể kết luận: ”Người ta đã hiểu được rằng Luca viết chương 21 này không nhằm mục đích mô tả trước cho độc giả biết diễn biến của lịch sử, cho bằng muốn thổi cho họ một luồng sinh khí, để họ sống hiên ngang giữa những gian truân, thử thác, nhắc nhở cho họ biết rằng thời gian hiện tại có một giá trị tích cực. Chính ở đây và lúc này mà Thiên Chúa đang vẫy tay mời gọi ta… Một niềm hy vọng như thế không làm giảm thiểu tầm quan trọng của những trách vụ trần thế, nhưng đúng hơn còn giúp chu toàn những trách vụ ấy nhờ vào những động cơ mới”(Fiches dominicales C, tr 360).

III. CÔNG VIỆC CỦA CHÚNG TA

Những biến cố Đức Giêsu đã cảnh giác trong bài Tin Mừng hôm nay đang dồn dập xẩy ra. Những biến cố ấy đã giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày sau hết của đời mình cũng như của thế giới chưa ? Chúng ta đã chuẩn bị trong tin tưởng và bình an chưa ? Chúng ta có thể làm hai việc sau đây

1. Chu toàn bổn phận hằng ngày

Trong bài đọc 2 hôm nay, chúng ta được biết khi ấy tại giáo đoàn Thessalonica có nhiều tín hữu tưởng rằng sắp đến ngày thế mạt, ngày Đức Giêsu Kitô trở lại. Họ còn bị nhiều người tự xưng là tiên tri đến để tuyên bố nhiều điều làm xáo trộn đời sống thường nhật của các tín hữu, khiến cho đời sống cộng đoàn bị xáo trộn, nhiều người bỏ bê việc bổn phận của mình với lý do “bận lo việc phần hồn”.

Trước tình hình đó, thánh Phaolô đã phải lên tiếng cảnh cáo họ: ”Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn”. Thánh nhân nói thẳng với họ rằng: ”Chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây vào mọi việc. Đối với những hạng người ấy, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên tâm làm việc và dùng lương thực mình tìm ra”.

Chúng ta hãy kiên trì thực hiện các việc bổn phận hằng ngày từ việc nhỏ đến việc lớn cách chu đáo. Chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách, trở ngại theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Thậm chí, có khi vì sống theo Tin Mừng, chúng ta có bị bách hại, bị cô lập, bị khinh dể đi chăng nữa, thì ngay cả những lúc đó, Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta: ”Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” Chúng ta cứ bền đỗ và tin tưởng, vì Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương không bao giờ bỏ mặc chúng ta là con cái của Ngài. Nếu chúng ta dám đặt cuộc đời chúng ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, Ngài sẽ chăm sóc cho chúng ta.

2. Dọn mình chết lành

Chúng ta đang ở vào những ngày cuối năm Phụng vụ để chuẩn bị năm phụng vụ mới sẽ diễn ra vào ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng sắp tới. Nói tới giờ kết thúc cuộc đời, có lẽ là điều thích hợp trong lúc này, bởi vì mọi sự sẽ qua đi như lời Đức Kitô đã nói và cuộc đời của con người cũng sẽ có ngày kết thúc.

Nói đến ngày tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật. Tuy nhiên, khi nói tới ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được.

Nhưng có nhiều người cứ sống như không bao giơ chết, họ sống không mục đích, họ sống cho qua ngày như trên mộ bia của anh chàng Bopp có viết câu: ”Đây là nơi yên nghỉ của một người không biết tại sao mình sống”.

Sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sau này sẽ ra sao, cho nên người ta chỉ biết sống để hưởng thụ, càng nhiều càng tốt, không cần biết tương lai sẽ ra sao.

Truyện: Sắm sẵn hành trang chưa ?

Một quan lớn kia có nuôi một tên hề để hầu ha.. Quan trao cho nó một cây gậy, bảo nó cứ giữ cho đến khi có ai điên rồ hơn nó thì hãy cho.

Cách vài hôm sau, quan thọ bệnh nguy kịch. Hề ta vào thăm, hỏi rằng:

- Khi qua đời rồi, quan sẽ đi đâu ?

- Ta đi xa lắm.

- Vậy bao giờ quan về ? Một tháng nữa chăng ?

- Không.

- Một năm à ?

- Cũng không.

- Vậy thì bao giờ quan mới về ?

- Chẳng bao giờ về được.

- Thế thì trong cuộc man du đó quan đã sắm sẵn hành trang gì chưa ?

- Chứa sắm gì hết.

- Đi xa mà chẳng có hành trang gì, quan thật điên hơn tôi. Vậy xin nhận lấy cây gậy này.

(Ms Lê văn Thái, Những tia sáng 2, tr 159)

Giờ đây, trong tâm tình chờ đợi ngày trở lại của Đức Kitô, chớ gì từng người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết mau mắn thực hiện ngay những gì mà mình có thể làm được. Chúng ta hãy mau chóng đến với bí tích Hòa giải, để giao hào với Chúa và anh chị em. Chúng ta hãy mở cửa lòng mình để chia sẻ cho anh chị em mình một chút tình thương. Chúng ta hãy dành thời giờ để lắng nghe và chia sẻ với những người thân yêu trong gia đình: cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau.

Trong thời gian chờ đợi “Ngày của Chúa”, chúng ta hãy cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày cách tốt đẹp hơn. Khi Chúa đến, chúng ta sẽ không phải bồn chồn lo lắng, trái lại sẽ vui vẻ đón Chúa trong niềm tin tưởng và chờ đợi Chúa đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng hưởng hạnh phúc đời đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo hoàng trả lời thư của Tổng thống Iran
Paul Minh Nhật
09:13 12/11/2010
ROMA (11.11.2010). ĐGH Benedict đã viết một bức thư gửi cho tổng thống Iran Mahmoud Admadinejad lên tiếng bày tỏ sự đồng tình về "sự khai trương của Ủy Ban Song Phương nhằm giúp trả lời những câu hỏi về các mối quan tâm chung, bao gồm địa vị quan án của Giáo Hội Công Giáo." Bức thư đã được ĐHY Jean - Louis Tauran chuyển tới cho tổng thống Iran.



ĐGH cũng lưu ý đến Hội nghị Đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông đã được tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại Roma.

Ngài tin rằng hoạt động của Thượng Hội Đồng sẽ thúc đẩy quyền tự do bày tỏ niềm tin của con người ở những nơi công cộng trong toàn vùng Trung Đông và trên thế giới.



Vào tháng mười vừa qua tổng thống Ahmadjinejad đã viết một bức thư gửi tới ĐGH kêu gọi sự cộng tác chặt chẽ giữa Iran và Vatican nhằm chống lại chủ nghĩa tục hóa và "những cơ cấu chuyên chế nhằm kiểm soát các tín đồ".



Ông Ahmadjnejad cũng đã cám ơn ĐGH về việc lên án mục sư Hoa Kỳ Terry Jones khuyến khích đốt kinh Korans vào dịp kỉ niệm biến cố ngày 11 tháng Chín.Pope replies to letter from Iranian President Ahmadinejad

November 11, 2010. Pope Benedict has written a letter to Iranian President Mahmoud Ahmadinejad voicing his agreement for the “launch of a bilateral Commission to help address questions of common concern, including the judicial status of the Catholic Church.” The letter was delivered to the Iranian President by Cardinal Jean-Louis Tauran.

The Pope also made note of the recent Special Assembly for the Middle East of the Synod of Bishops which met in Rome in October. He believes the work of the Synod will promote the freedom of people to express their faith in public throughout the Middle East and the world. President Ahmadinejad wrote to the Pope in October calling for close collaboration between Iran and the Vatican to fight against secularism and “tyrannical structures that govern the planet.” Ahmadinejad also thanked the Pope for condemning the American pastor Terry Jones for encouraging the burning of Korans on the anniversary of the September 11.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi Hội nghị G20 bảo vệ phẩm giá con người
Nguyễn Hoàng Thương
09:29 12/11/2010
Đức Thánh Cha kêu gọi Hội nghị G20 bảo vệ phẩm giá con người

Vatican City (AsiaNews, VIS) – Hôm 11/11, Đức Thánh Cha Bêneđíctô XVI đã gửi một bức thư cho ông Lee Myung-bak, Tổng thống Hàn Quốc, nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong đó cho hay cuộc khủng hoảng kinh tế phải được vượt qua bằng cách bảo vệ giá trị nguyên thủy và trọng yếu là phẩm giá con người, và không để một số nước phải trả giá cho các nước khác, nhưng phải tôn trọng con người. Bức thư cũng tái khẳng định mạnh mẽ những điểm quan trọng trong Thông Điệp Tình Thương trong Chân Lý ("Caritas in Veritate") đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhiều lần trong các huấn dụ hằng ngày của ngài.

Đức Thánh Cha nhắc trong bức thư bằng Anh ngữ rằng Hội nghị Thượng định “không chỉ mang tầm quan trọng toàn cầu mà rõ ràng còn diễn tả ý nghĩa và trách nhiệm mà Á Châu giành được trên trường quốc tế vào đầu thế kỷ 21.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô cho hay: "Hội nghị Thượng đỉnh này tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề khá phức tạp, mà tương lai của các thế hệ sắp tới phải phụ thuộc vào và vì thế đòi hỏi sự hợp tác của toàn thể cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, sự hợp tác này "phải dựa trên sự thừa nhận – vốn được chia sẻ và đồng thuận của tất cả các dân tộc - giá trị nguyên thủy và trọng yếu của phẩm giá con người, mục tiêu cuối cùng của những chọn lựa nơi họ".

Giáo Hội Công Giáo, vì bản chất đặc trưng của mình, ưu tư và chia sẻ những mối quan tâm của các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Seoul: "Vì vậy tôi khuyến khích qúy vị khi giải quyết những vấn đề nghiêm trọng cần đối mặt – trong đó, mỗi con người ngày nay phải đối diện – phải nhớ đến những lý do sâu xa hơn của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và đưa ra xem xét những hệ quả của các biện pháp được thông qua để vượt qua chính cuộc khủng hoảng, và nhằm tìm kiếm các giải pháp lâu dài, bền vững và công bằng. "Trong những ngày qua, khi nói về cuộc khủng hoảng, đã nhiều lần Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tính chất luân lý và đạo đức của cội rễ gây ra khủng hoảng.

Cùng với học thuyết xã hội của Giáo Hội và các giáo huấn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhở G20 niềm hy vọng của ngài: "sẽ có một nhận thức nhiệt tình trong các giải pháp được thông qua, như thế sẽ làm việc chỉ khi trong phân tích cuối cùng chúng nhắm đến mục đích: sự phát triển đích thực và toàn diện của con người". Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng phải công bằng: "Sự chú ý của thế giới tập trung vào quý vị và trông đợi các giải pháp thích hợp sẽ được áp dụng để vượt qua khủng hoảng, với thỏa thuận thông thường sẽ không làm lợi cho một số nước bằng sự trả giá của các nước khác. Hơn nữa, lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng, không có vấn đề nào khó khăn cho bằng hòa hợp những khác biệt về bản sắc văn hóa xã hội, kinh tế và chính trị để cùng chung sống tồn tại trong thời đại ngày nay, các giải pháp có hiệu quả này phải được áp dụng qua hành động kết hợp mà trên hết là tôn trọng bản tính của con người. "
 
Đại Hội Thánh Thể góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa
Nguyễn Hoàng Thương
09:30 12/11/2010
Đại Hội Thánh Thể góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa

Vatican City (VIS) - Hôm 11/11/2010, tại Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Toàn Thể của Ủy ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh Thể Quốc Tế, những người đã hoàn tất việc chuẩn bị cho Đại Hội kế tiếp sẽ diễn ra tại thủ đô Dublin của Ai Len vào năm 2012.

Đức Thánh Cha lưu ý: "Đại hội Thánh Thể Quốc Tế đã có một lịch sử lâu đời trong Giáo Hội. Chúng làm nổi bật chiều kích phổ quát của việc cử hành. Thực tế, việc cử hành Đại hội luôn luôn là một bữa tiệc của đức tin xung Chúa Kitô Thánh Thể, Đấng Kitô của sự hy sinh cao cả nhất vì nhân loại, trong đó không chỉ các tín hữu từ một Giáo Hội cụ thể hay một quốc gia tham dự, mà từ khắp nơi trên thế giới tham dự trong một chừng mực có thể. Đây là Giáo Hội quy tụ xung quanh Chúa và Thiên Chúa của mình".

Đức Thánh Cha cho hay thêm: "Nhiệm vụ của Đại hội Thánh Thể, nhất là trong thời điểm hiện nay, cũng là để góp phần đặc biệt để Tân Phúc Âm Hóa, thăng tiến loan báo Tin Mừng nhiệm hiệp (mystagogical evangelisation) vốn được thực hiện trong các trường học của Giáo Hội cầu nguyện, trên cơ sở của phụng vụ và qua các nghi thức phụng vụ. Tuy nhiên, mỗi Đại hội cũng chứa đựng sự thúc đẩy loan báo Tin Mừng mới trong ý nghĩa truyền giáo nghiêm ngặt hơn, đến mức từ nhị thức 'Bí Tích Thánh Thể - truyền giáo' đã trở thành một phần trong các chỉ dẫn được đưa ra bởi Tòa Thánh".

Đức Thánh Cha kết thúc huấn từ của ngài bằng một số lời khuyên phụng vụ - mục vụ: "Thật quan trọng để mỗi Đại hội Thánh Thể, theo tinh thần cải cách của Công Đồng, nên tham gia và tích hợp cả những diễn tả 'extra missam' của tôn thờ Thánh Thể có nguồn gốc lòng sùng kính phổ biến và các những kết hiệp của các tín hữu bằng nhiều cách thế khác nhau, lấy cảm hứng từ Bí tích Thánh Thể. Các hình thức sùng kính Thánh Thể, được đề nghị và khuyến khích bởi Thông Điệp 'Ecclesia de Eucharistia' và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục 'Sacramentum caritatis', phải cùng mang lại hài hòa trong một giáo hội Thánh Thể hướng tới sự hiệp thông".
 
Thư viện Vatican: Ký ức lịch sử của Giáo Hội phổ quát
Nguyễn Hoàng Thương
09:31 12/11/2010
Thư viện Vatican: Ký ức lịch sử của Giáo Hội phổ quát

Vatican City (VIS) – Hôm 11/11/2010, Đức Thánh Cha đã viết thư cho Đức Hồng y Raffaele Farina, SDB., Quản thủ Thư viện của Hội Thánh La Mã, đánh dấu sự mở cửa trở lại của Thư Viện Tông Đồ Vatican và khai mạc triển lãm với chủ đề: "Biết đến Thư viện Vatican. Một lịch sử mở hướng đến tương lai".

Bức thư cho hay: "Vị trí vượt trội của ký ức lịch sử của Giáo Hội phổ quát, nhà cho các mẫu gương đáng kính của truyền thống viết tay Thánh Kinh, Thư viện Vatican chưa có một lý do nào khác biện minh cho sự chú ý và quan tâm của các Đức Giáo Hoàng. Từ nguồn gốc của mình, nó đã luôn thể hiện sự cởi mở không thể sai lầm, thực sự 'Công giáo và phổ quát, với tất cả vẻ đẹp và lòng tốt... mà nhân loại đã sản sinh qua tiến trình của nhiều thế kỷ".

Đức Thánh Cha viết thêm: "Không có điều gì về những gì là con người thực sự lại xa lạ đối với Giáo Hội, vì lý do này, Giáo Hội đã luôn luôn tìm kiếm, thu thập và bảo tồn - với một sự liên tục mà ít được biết bằng - những kết quả tốt nhất của các nỗ lực con người để nâng cao mình lên khỏi mức độ đơn thuần vật chất khi con người tìm kiếm Sự Thật một cách có ý thức hay vô thức".

"Kế đến, Thư viện Vatican không là một thư viện thần học hay tôn giáo thường thấy. Trung tín là nguồn gốc nhân văn của nó, bằng ơn gọi, mở ra cho tất cả những điều về con người, và do đó nó vẫn phục vụ văn hóa... Qua những nỗ lực của cơ quan này, ngày nay Giáo Hội có ý định - như đã làm năm thế kỷ trước - phục vụ tất cả nhân loại, khắc ghi sứ vụ đặc biệt này vào bức tranh rộng lớn hơn của sứ vụ quan trọng làm nên Giáo Hội của mình: các cộng đoàn loan báo Tin Mừng và cứu rỗi".
 
Đức Thánh Cha: Tình yêu không phải là một món hàng
Pt Huỳnh Mai Trác
10:20 12/11/2010
“Tình yêu không phải là môt món hàng”, Đức Thánh Cha đã quả quyết như vậy trong buổi gặp gở với khoảng 100,000 người trẻ Italia từ 6 đến 18 tuổi tại Công Trường Thánh Phêrô, ngài khuyên răn giới trẻ nên thận trọng trước đời sống ích kỷ và khép kín.

Ích kỷ và khép kín như một thứ tình yêu mà giới truyền thông và mạng lưới internet thường phổ biến không phải lả một thứ tình yêu chân thật.

Khi trả lời cho hai bạn trẻ 11 và 16 tuổi, cũng như vớí một cô giáo, Đức Thánh Cha đặc biệt giải thích việc học hỏi thế nào là một “ tình yêu chân chính”.

“Khi tôi còn nhỏ, cũng vào tuổi các bạn, tôi là người nhỏ nhất trong lớp, ngài thổ lộ, tôi ước ao lớn lên một ngày nào đó, không phải chỉ về thân xác.mà thôi.Tôi ước muốn làm một điều gì đó thật lớn, một điều gì vĩ đại trong đời sống của tôi, như xã hội và như tinh thần thời bây giờ mong muốn,”

Cũng trong dịp đó, ngài nhắc nhở các nhà giáo dục là họ không phải là chủ nhân của những đứa trẻ họ đang chăm sóc nhưng họ là những người tôi tớ,

Đức Thánh Cha nói vớí các bạn trẻ lời nhắc nhở sau đây: “Các bạn không thể và cũng đừng nên bằng lòng với một thứ tình yêu như một món hàng để đỗi chác, một thứ tình yêu để tiêu thụ mà không được tôn trọng đối với chính mình và đối với kẻ khác, một thứ tình yêu mà không tinh khiết và trong sạch: vì đó không phải là tình yêu trong tự do.”

Nhiều thứ tình yêu mà giới truyền thông và internet trình bày không phải là tình yêu chân chính nhưng chỉ là một thứ tình yêu ích kỷ, một sự khép kín. Điều ấy chỉ giúp cho bạn thoải mái trong chốc lát nhưng không đem lai hạnh phúc và không làm cho bạn lớn lên và chỉ trói buộc bạn lại và làm ngột ngạt tình cảm cao đẹp của con tim, một sức mạnh hủy hoại làm mất đi tình yêu cao cả đươc phát huy bởi Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha quả quyết: “Sống với một tình yêu chân thật đòi hỏi hy sinh, chỉ có tình yêu chân chính mới mang đến một niềm vui thật.”

Trong cuộc tụ họp của giới trẻ Italia, có khoảng 10,000 nhà giáo dục đi theo, trong đó có nhiều linh mục và khoảng chừng 50 giám mục.

Trong bài diển văn, vị Chủ tịch Phong trào Thanh niên Công giáo tiến hành Franco Miano nói lên ý chí của những thanh niên hiện diện là cương quyết chối bỏ nếp sống tầm thường và thỏa hiệp. “Họ muốn bay lên cao”,cũng như Đức Cha Domenico Sigalini phụ tá Phong trào thêm rằng, người ta sai lầm khi nghỉ rằng giới trẻ vắng đi nhà thờ

“Trái lại người trẻ muốn đi tìm Chúa Giêsu và chính khi tìm được Chúa thì họ tìm được những gì họ khát vọng. Còn đối với Đức Hồng Y Bagnasco, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Italia thì ngài khuyến khích những nguời trưởng thành phải là những gương sáng, phải là những nhà giáo dục có khả năng và hiệu quả. (nguồn tin VIS)
 
Đức Thánh Cha nói với tổng thống Iran: việc tôn trọng tôn giáo thiết yếu cho nền hòa bình
Bùi Hữu Thư
10:57 12/11/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI viết trong một lá thư gửi cho tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad: việc tôn trọng mối tương quan của mỗi cá nhân đối với Thượng Đế là một phần thiết yếu cho việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng và một nền hòa bình đích thực.



Đức Thánh Cha viết cho tổng thống Iran, "Tôi tin tưởng chắc chắn là việc tôn trọng chiều kích siêu nghiệm của con người là một điều kiện không thể thay thế cho việc xây dựng một trật tự xã hội công bằng và một nền hòa bình vững chãi.”

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran chuyển lá thư cho tổng thống Ahmadinejad ngày 9 tháng 11 trong một buổi tiếp kiến tại Tehran. Vatican phổ biến một bản sao của lá thư ngày 11 tháng 11.

Đức Thánh Cha Benedict viết là mối tương quan của một người đối với Thượng Đế là “nền tảng tối hậu” của phẩm giá và cá tính thiêng liêng của tất cả mọi đời sống con người.

Đức Thánh Cha nói, "Khi viêc cổ võ cho phẩm giá của con người là nguồn lực chính yếu thúc đẩy các hoạt động chính trị và xã hội với cam kết tìm kiếm lợi ích chung, thì các nền tảng vững chãi và lâu bền sẽ được cấu tạo để xây dựng bình an và hòa điệu giữa các dân tộc.”

Đức Thánh Cha Benedict nói với vị lãnh đạo Iran trong phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Giám Mục Trung Đông tháng 10, các vị lãnh đạo giáo hội suy tư về tình hình trong vùng và “về những thách đố to lớn các cộng đồng Thiên Chúa giáo tại đây đang phải đối phó. "

Đức Thánh Cha nói, trong một vài quốc gia, các Kitô hữu phải chịu đựng “những sự kỳ thị và ngay cả những bạo hành, và họ thiếu tự do để sống và tuyên xưng đức tin của họ trước công cộng.”

Ngài nói, người Công Giáo tại Iran và trong khắp vùng muốn được hợp tác với đồng bào của họ để cổ võ cho tiện ích chung và họ cam kết là những người xây dựng hoà bình và sự hòa giải.

Đức Thánh Cha nói ngài hy vọng những mối liên hệ tốt đẹp giữa Iran và Vatican, cũng như giữa các cộng đồng Công Giáo tại Iran đối với chính quyền dân sự, sẽ tiếp tục được phát triển. Ngài yêu cầu tổng thống Iran thành lập một uỷ ban song phương có thể đề cập đến “những vấn đề ưu tư chung, kể cả tình trạng pháp lý của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này."

Vào tháng 10, một giới chức Iran đã chuyển một lá thư của tổng thống Ahmadinejad cho Đức Thánh Cha Benedict trong đó tổng thống nói ông hy vọng được hợp tác chặt chẽ với Vatican để ngăn chặn các sự bất khoan dung về tôn giáo, sự đổ vỡ của các gia đình và sự gia tăng về chủ nghĩa thế tục hóa và vật chất.

Vào dịp đó, nội dung của là thư đã được các cơ quan truyền thông Iran đăng tải.

Đức Hồng Y Tauran, cùng với hai giới chức trong văn phòng cuả ngài và hai đại biểu của giáo hội tại Iran đã tham dự vào đại hội đối thoại lần thứ bẩy từ ngày 9 đến11 tháng 11, do Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Trung Tâm Đối Thoại Liên Tôn của Cơ Quan Văn Hóa và Bang Giao Hồi Giáo (có liên hệ với chính phủ) bảo trợ.
 
Đức Thánh Cha nói các Đại Hội Thánh Thể là những cơ hội để Phúc Âm hóa
Bùi Hữu Thư
16:01 12/11/2010
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha nói Đại Hội Thánh Thể Thế Giới là dịp để người Công Giáo cùng nhau cử hành mầu nhiệm Thánh Thể cũng như để truyền giáo.

Đức Thánh Cha nói với các thành viên của ủy ban Giáo Hoàng phụ trách tổ chức các đại hội này với mục tiêu là “tái kêu gọi trọng tâm của mầu nhiệm Thánh Thể” trong việc phát triển đức tin.

Đại hội sắp tới đã được ấn định vào các ngày từ 10 đến 17 tháng Sáu, năm 2012, tại Dublin với chủ đề: “Thánh Thể: Hiệp Thông với Thiên Chúa và Tha Nhân. "

Đức Thánh Cha nói với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Đại Hội Thánh Thể Thế Giới ngày 11 tháng 11 trong phiên họp khoáng đại của họ.

Các Đại Hội trong qúa khứ đã là những dịp để hàng ngàn người Công Giáo, kể cả các hồng y, linh mục, tu sĩ và giáo dân, gặp gỡ nhau để thảo luận và cùng cử hành phép Thánh Thể.

Đức Thánh Cha Benedict nói các buổi hội dài một tuần lễ càng ngày càng trở nên quốc tế, và “đề cao chiều kích hoàn vũ của việc cử hành.”

Ngài cũng nói là các biến cố này phải “đặc biệt chú tâm đến việc tân Phúc Âm hóa,” khi ngài đề cập đến sự chú tâm được tái thiết lập tại nhiều nơi trên thế giới, như ở Âu Châu, nơi chủ nghĩa thế tục hóa đang thay thế cho đức tin.

Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, chủ tịch ủy ban tổ chức các đại hội này nói, đại hội tại Dublin sẽ là đại hội lần thứ 50 kể từ khi bắt đầu lần thứ nhất tại Pháp năm 1881.

Đức Tổng Giám Mục nói các đại hội, “được di chuyển như đi hành hương từ một đại lục này sang đại lục khác, đã trở nên biểu tượng cho ‘chủ quyền lưu động’ của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục Marini nói, các đại hội “quy tụ được những đám đông vĩ đại các tín hữu chung quanh Thánh Thể, để họ tái tăng cường đức tin của họ trước sự hiện diện của Chúa Kitô và được nuôi dưỡng bằng “Bánh ban Sự Sống.”

Đức Tổng Giám Mục ghi nhận là Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 50 trùng hợp với dịp kỷ niệm năm thứ 50 của việc khai mạc Công Đồng Vatican II.
 
Top Stories
Vietnam: Arrestation médiatisée de Cu Huy Ha Vu, défenseur des six inculpés de Côn Dâu
Eglises d'Asie
08:44 12/11/2010
Le 5 novembre dernier, dans un grand hôtel à Ho-Chi-Minh-Ville, la Sécurité publique a arrêté Cu Huy Ha Vu, célèbre opposant à la tête d’un cabinet d’avocats et dont les services avaient été demandés pour la défense des six paroissiens de Côn Dâu. Cette arrestation a été accompagnée d’un grand déploiement.. .

... de publicité contrastant avec la discrétion adoptée par les autorités au sujet du procès.

L’affaire paraît complexe. Liée au procès des six paroissiens mais aussi à bien d’autres affaires, elle comporte en outre un arrière-plan politique tout à fait inattendu. A la une des journaux officiels mais également présentée dans les sites et les blogs indépendants, elle a pris peu à peu des proportions hors du commun et quelque peu inquiétantes.

Avant et après le procès du 27 octobre, Cu Huy Ha Vu, 53 ans, docteur en droit, avait vivement protesté contre le refus du tribunal d’autoriser les avocats de son cabinet à assurer la défense des accusés. Il avait ensuite aidé ces derniers à se pourvoir en appel. Le 5 novembre, la presse officielle annonçait son arrestation, la nuit précédente. Elle rapportait, photo à l’appui, qu’une équipe de la Sécurité publique, procédant à une opération de contrôle, avait surpris l’avocat en compagnie d’une prostituée dans un grand hôtel de Hô Chi Minh-Ville. Dans l’après-midi, des perquisitions étaient entreprises à son domicile de Hanoi.

Cependant, cette première version des faits va rapidement être mise à mal. Un journal révèle que la prétendue prostituée est, en fait, membre du barreau de Hô Chi Minh-Ville. Un site dissident démontre, après analyse, que la photo destinée à compromettre Cu Huy Ha Vu date, en réalité, du mois de février précédent et qu’elle a été retouchée grâce à photoshop. Dans l’après-midi du 6 novembre, la présentation officielle de l’affaire va changer du tout au tout. Au nom de la Sécurité publique, le général Hoang Kông Tu tient une conférence de presse (1). Cu Huy Hai Vu est désormais accusé d’avoir violé l’article 88 du Code pénal en se livrant à des activités oppositionnelles contre l’Etat vietnamien. Les preuves alléguées sont une série de textes signés du juriste parus ces dernières années et largement diffusés sur Internet. Certains d’entre eux demandent l’amnistie pour les militaires et fonctionnaires de l’ancien régime (avant 1975). D’autres réclament le pluralisme politique. Les plus connus de ces textes sont deux mises en accusation directe du Premier ministre, dont l’une lui reprochant d’avoir signé le décret autorisant l’exploitation de la bauxite sur les Hauts Plateaux du centre du Vietnam. C’est donc tout un passé d’opposant politique qui est soudainement mis en relief par ces nouveaux chefs d’accusation.

Les commentaires de cette affaire ont été nombreux. Un des plus intéressants émane d’un célèbre blogueur « le colporteur de vent » (Nguoi buôn gio) (2), qui, bien que non catholique, s’est beaucoup intéressé aux divers conflits qui, depuis la fin de 2007, ont opposé certaines communautés catholiques au pouvoir civil. Il fait remarquer en particulier que l’auteur de la liste des écrits et des activités censées démontrer la culpabilité Cu Huy Ha Vu a soigneusement passé sous silence, avec une intention précise, certaines affaires et en particulier l’implication de l’opposant dans le procès de Côn Dâu. Selon le blogueur, en compromettant Cu Huy Ha Vu dans une affaire de mœurs, on cherchait à le déconsidérer aux yeux des milieux catholiques vietnamiens, qui ont la réputation d’être particulièrement sourcilleux en matière de morale conjugale. Quant à la mise en relief du passé politique de Cu Huy Ha Vu, elle était destinée à détourner l’attention de l’opinion du procès des catholiques et à faire croire que l’arrestation était due à de toutes autres causes.

Pour être complet, il faut ajouter que, selon certains autres commentaires, l’interpellation de l’opposant aurait été le fruit d’une décision du Bureau politique dont certains de ses membres, les plus élevés dans la hiérarchie, entretenaient officiellement de bonnes relations avec Cu Huy Ha Vu.

La demande d’asile en Thaïlande d’une quarantaine de paroissiens et le soutien international qu’ils avaient reçu avait donné à l’affaire de Côn Dâu une dimension internationale. L’arrestation de celui qui s’était proposé pour défendre les six paroissiens inculpés donne à penser qu’elle est peut-être aussi une affaire d’Etat ou du moins qu’elle revêt une grande importance aux yeux des plus hautes instances du régime politique vietnamien.

(1) Rapporté par l’agence de presse du Vietnam Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Bat-Cu-Huy-Ha-Vu-vi-toi-Tuyen-truyen-chong-Nha-nuoc-946234/

(2) Voir « Nguoi buôn gio », mis en ligne le 7 novembre 2010: http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/186/186

(Source: Eglises d'Asie, 12 novembre 2010)
 
Catholic bishops: More exorcists needed
Rachel Zoll /AP
15:58 12/11/2010
NEW YORK — Citing a shortage of priests who can perform the rite, the nation's Roman Catholic bishops are sponsoring a conference on how to conduct exorcisms.

The two-day training, starting Friday in Baltimore, is to outline the scriptural basis of evil, instruct clergy on evaluating whether a person is truly possessed, and review the prayers and rituals that comprise an exorcism. Among the speakers will be Cardinal Daniel DiNardo, archbishop of Galveston-Houston, Texas, and a priest-assistant to New York Archbishop Timothy Dolan.

"Learning the liturgical rite is not difficult," DiNardo said in a phone interview. "The problem is the discernment that the exorcist needs before he would ever attempt the rite."

More than 50 bishops and 60 priests signed up to attend, according to Catholic News Service, which first reported the event. The conference was scheduled for just ahead of the fall meeting of the U.S. Conference of Catholic Bishops, which starts Monday in Baltimore.

Despite strong interest in the training, skepticism about the rite persists within the American church. Organizers of the event are keenly aware of the ridicule that can accompany discussion of the subject. Exorcists in U.S. dioceses keep a very low profile. In 1999, the church updated the Rite of Exorcism, cautioning that "all must be done to avoid the perception that exorcism is magic or superstition."

The practice is much more accepted by Catholics in parts of Europe and elsewhere overseas. Cardinal Stanislaw Dziwisz, the longtime private secretary of Pope John Paul II, revealed a few years after the pontiff's death that John Paul had performed an exorcism on a woman who was brought into the Vatican writhing and screaming in what Dziwisz said was a case of possession by the devil.

Bishop Thomas Paprocki of Springfield, Ill., who organized the conference, said only a tiny number of U.S. priests have enough training and knowledge to perform an exorcism. Dioceses nationwide have been relying solely on these clergy, who have been overwhelmed with requests to evaluate claims. The Rev. James LeBar, who was the official exorcist of the Archdiocese of New York under the late Cardinal John O'Connor, had faced a similar level of demand, traveling the country in response to the many requests for his expertise.

The rite is performed only rarely. Neal Lozano, a Catholic writer and author of the book "Unbound: A Practical Guide to Deliverance" about combatting evil spirits, said he knows an exorcist in the church who receives about 400 inquiries a year, but determines that out of that number, two or three of the cases require an exorcism.

No one knows why more people seem to be seeking the rite. Paprocki said one reason could be the growing interest among Americans in exploring general spirituality, as opposed to participating in organized religion, which has led more people to dabble in the occult.

"They don't know exactly what they're getting into and when they have questions, they're turning to the church, to priests," said Paprocki, chairman of the bishops' committee on canonical affairs and church governance. "They wonder if some untoward activity is taking place in their life and want some help discerning that."

Many Catholic immigrants in the U.S. come from countries where exorcism is more common, although Paprocki said that was not a motivation for organizing the conference.

Exorcism has deep roots in Christianity. The New Testament contains several examples of Jesus casting out evil spirits from people, and the church notes these acts in the Catholic Catechism. Whether or not individual Catholics realize it, each of them undergoes what the church calls a minor exorcism at baptism that includes prayers renouncing Satan and seeking freedom from original sin.

A major exorcism can only be performed by a priest with the permission of his bishop after a thorough evaluation, including consulting with physicians or psychiatrists to rule out any psychological or physical illness behind the person's behavior.

Signs of demonic possession accepted by the church include violent reaction to holy water or anything holy, speaking in a language the possessed person doesn't know and abnormal displays of strength.

The full exorcism is held in private and includes sprinkling holy water, reciting Psalms, reading aloud from the Gospel, laying on of hands and reciting the Lord's Prayer. Some adaptations are allowed for different circumstances. The exorcist can invoke the Holy Spirit then blow in the face of the possessed person, trace the sign of the cross on the person's forehead and command the devil to leave.

The training comes at a time when many American bishops and priests are trying to correct what they view as a lack of emphasis on the Catholic teaching about sin and evil after the Second Vatican Council, the series of meetings in the 1960s that enacted modernizing reforms in the church. Many in the American hierarchy, as well as Pope Benedict XVI, believe that the supernatural aspect of the church was lost in the changes, reducing it to just another institution in the world.

A renewed focus on exorcism highlights the divine element of the church and underscores the belief that evil is real.

DiNardo said some Catholics who ask for an exorcism are really seeking, "prayerful support. They're asking for formation in the faith." Still, he said sometimes the rite is warranted.

"For the longest time, we in the United States may not have been as much attuned to some of the spiritual aspects of evil because we have become so much attached to what would be either physical or psychological explanation for certain phenomena," DiNardo said. "We may have forgotten that there is a spiritual dimension to people."
 
Iraqis injured in church attack airlifted to Rome
Nicole Winfield /AP
17:15 12/11/2010
ROME – Twenty-six Iraqis who were injured in a militant attack on one of Baghdad's main Catholic churches arrived in Rome for treatment Friday, airlifted by the Italian military at the request of the Vatican.

Looking a bit dazed, the injured walked or were carried out of a C-130 plane on stretchers at Rome's Pratica di Mare military base, where buses waited to transport them to a hospital. One had his head bandaged, another had her arm in a sling.

"Some still have the bullets inside them, some are deaf from the explosions, some are under shock," Massimo Bellelli, the Foreign Ministry official overseeing the operation, said from the tarmac. "We want to give them treatment in a serene place."

Sixty-eight people were killed when militants stormed the Our Lady of Salvation Church on Oct. 31 during Sunday Mass. The militants shot congregants, held others hostage, then set off bombs when Iraqi forces came to the rescue.

The Vatican denounced the attack and others that have targeted Iraq's besieged Christian community. Cardinal Tarcisio Bertone, the Vatican secretary of state, asked Italy's Foreign Ministry to intervene with a humanitarian airlift to bring some of the injured to Rome for treatment, the ministry said.

The injured, accompanied by 21 family members, were taken to Rome's Gemelli hospital, where they will receive treatment for both their physical and psychological wounds, Bellelli said.

"Christians are living in a difficult situation at this time," he told reporters. "They don't want to leave the country; we don't want them to leave the country. It's the cradle of Christianity."

He said it wasn't clear what, if any, asylum requests might emerge from the airlift, but that the ministry aimed to provide the injured with the medical treatment they need so they can eventually be returned to Iraq and their families.

Foreign Minister Franco Frattini said on his Facebook page that Italy's welcome of the injured was a sign to Iraqi Christians that they haven't been forgotten.

"We can give these people the possibility of mitigating the terrible experiences and images of death that they lived through purely because they were professing their faith," he said.

(Source: http://news.yahoo.com/s/ap/20101112/ap_on_re_eu/eu_italy_iraq_2;_ylc=X3oDMTEwNThoNjBpBF9TAzIwMjM4Mjc1MjQEZW1haWxJZAMxMjg5NTk5NTc5)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GM Xuân Lộc Đaminh Nguyễn Chu Trinh mừng kỉ niệm giám mục
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:28 12/11/2010
Kỉ niệm 6 năm Giám mục (11.11.2004-11.11.2010)

XUÂN LỘC - Lúc 15g30’ thứ Năm 11.11.2010 tại nhà Nguyện Tòa Giám Mục Xuân Lộc, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã dâng lễ Tạ Ơn Chúa nhân ngày kỷ niệm tròn 06 năm Hồng Ân Giám Mục của Ngài.

Cùng dâng lễ đồng tế với Ngài có Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu phụ tá giám mục giáo phận, quý Đức ông, quý cha Tổng Đại Diện, quý cha quản hạt, quý cha trong giáo phận. Tham dự lễ có đại diện các Dòng tu nam nữ, các Ban hành giáo, các thành phần trong giáo phận.

Trước khi bước vào thánh lễ, trong tâm tình gia đình giáo phận, cha Tổng Đại Diện Vinh sơn Đặng Văn Tú thay lời cho quý cha, quý cộng đoàn lên dâng lời chúc mừng Đức cha giáo phận trong ngày mừng Hồng Ân Giám Mục của Ngài hôm nay, cùng bó hoa tươi thắm dâng kính Ngài.

Mở đâu thánh lễ Đức cha ngỏ lời với cộng đoàn như sau:

“Trọng kính Đức cha Toma, quý Đức Ông, cha Tổng Đại Diện và quý cha rất thân mến.

Kỷ niệm sáu năm trong chúc vụ giám mục, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân những ơn lành Chúa đã ban cho tôi cũng như cho giáo phận trong sáu năm qua.

Ơn phúc trọng đại này là ơn rất to lớn, chúng ta không thể nào đáp đền ơn Chúa cho đủ được. Chúng ta chỉ biết dâng lời cầu nguyện, và đặc biệt trong thánh lễ tạ ơn này, nhờ công nghiệp vô cùng Chúa Giesu và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta lời cảm tạ tri ân.

Đồng thời xin Chúa cho chúng ta nhờ công nghiệp vô cùng Chúa Giesu Kito xin Ngải tha thứ những lầm lỗi thiếu sót của tôi trong chức giám mục trong sáu năm qua, và xin Ngài thương tuôn đổ ơn nâng đỡ, cũng như lời cầu nguyện và những hy sinh nâng đỡ, giúp đỡ của tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận để tôi có thể hoàn thành ơn gọi giám mục trong những ngày tháng còn lại”.


Trong phần hiệp lễ, ngân vang câu hát La Tinh Omnia Propter Amorem Christi – Tất cả vì Tình yêu Đức Kitô, là khẩu hiệu của Đức cha Đaminh giáo phận, được ca đoàn là các Chủng sinh hát rất trang trọng, thánh thiện.

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa, Đức cha giáo phận mời Đức cha, quý cha và mọi người ngồi rồi Ngài chia sẻ tâm tình.

“Trọng kính Đức cha Toma, quý Đức Ông, cha Tổng Đại Diện, quý cha và cộng đồng tham dự thánh lễ rất thân mến.

Chúng ta hợp nhau nơi đây để dâng thánh lễ, cùng với tôi kỷ niệm 06 năm giám mục giáo phận, nhìn lại quãng thời gian 06 năm, biết bao nhiêu ơn Chúa tràn đổ xuống trên mỗi người và trên giáo phận.

Như là cha quản hạt Xuân Lộc vừa mới trình bày. Khi ngày tấn phong giám mục, Đức cha Phaolo Maria gọi tôi sang, trong ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ, tôi đang chuẩn bị làm lễ, thì Ngải cho người gọi gấp tôi sang, “Đức cha có việc cần”, tôi cứ tin rằng Đức cha vẫn thường gặp buổi sáng hoặc buổi tối. Hôm đó thì Ngài nói là có việc cần gấp phải kêu tôi sang, và khi tôi bước vào phòng khách, cử chỉ Ngài cũng làm cho tôi nghi ngờ có chuyện gì xẩy ra.

Ngài mời tôi ngồi ghế, khi mà tôi ngồi đang trong sự lo âu thì Ngài với tay mở là thư Đức Thánh Cha, Ngài đọc và Ngài nói “Tòa Thánh đã chấp thuận cho tôi được nghỉ hưu và đặt cha làm giám mục chính tòa”. Với tin đó làm cho tôi khóc thét lên, tôi hoảng sợ và tiếng khóc của tôi đã làm cho các thầy đứng ở bên ngoài cũng hoảng sợ, rồi chính Đức cha Phaolo cũng khóc với tôi. Ngài vỗ vai tôi và nói rằng “Cha đừng sợ, có Chúa, có chúng tôi ở bên cha, cha đừng sợ cứ tin cậy phó thác vào Chúa, mọi sự Chúa làm ra”.

Và cũng từ giây phút đó tôi vẫn băn khoăn. Nếu xét về bất cứ một phương diện nào, thì tôi cũng thua kém anh em trong giáo phận của tôi rất nhiều, nhưng mà Chúa và giáo hội đã thương chọn tôi trong những sự hèn kém như vậy, và rồi trong thời gian qua, thật sự Chúa đã làm những sự trọng đại ở nơi tôi và nơi giáo phận.

Năm 2005 chính phủ đã chấp thuận điều mà các giám mục yêu cầu nhiều lần, chấp thuận việc phân chia giáo phận Xuân Lộc và giáo phận Bà Rịa Vũng Tầu, ấy là một cái điều 40 năm trong Xã Hội Chủ Nghĩa không có.

Điều lạ hơn nữa cũng chính năm đó, tháng 08 thì chấp thuận phân chia giáo phận và ngày 14.12 năm đó cho thành lập chủng viện cơ sở 2 Xuân Lộc, hơn nữa còn cho tuyển sinh khóa đầu tiên là 100 chủng sinh, với những năm trước 02 năm một lần tuyển sinh và mỗi lần được khoảng tử 14 đến 15 người, hai năm, rồi một năm một lần cũng chỉ hạn chế như vậy thôi.

Lần này cho thành lập chủng viện và cho chiêu sinh 100 chủng sinh, đến nỗi thời gian đó không có đủ người để mà đáp ứng, chỉ thu nhận được 64 chủng sinh của những năm trước còn tồn lại. Cũng từ năm đó năm nào cũng được phong chức linh mục cho đến hôm nay 06 năm qua được 150 linh mục.

Tháng 07.2007 thì cho xây dựng chủng viện và tòa giám mục, năm 2009 thì chúng ta đã thấy cơ sở tòa giám mục và chủng viện đã hoàn thành. Trong tương lai, bởi vì chủng viện 350 chủng sinh chưa đủ đáp ứng với hoàn cảnh hôm nay, nhất là ơn kêu gọi dồi dào của giáo phận Xuân Lộc hôm nay.

Đức cha Tôma, cũng như hai Đức Ông đề nghị xây thêm một khu triết học, để có thể đón nhận thêm 150 chủng sinh triết học, nâng chủng viện chúng ta lên 500 chủng sinh, một chủng viện lớn nhất Nước.

Trong năm 2009 Chúa thương ban cho giáo phận chúng ta có hai tân giám mục, Đức cha Toma Vũ Đình Hiệu phụ tá giám mục Xuân Lộc, Đức cha Giuse Nguyễn Năng giám mục Phát Diệm.

Năm 2010 rồi lại được chấp thuận cho Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo từ Roma về làm giám đốc chủng viện.

Cũng chính trong năm 2010 nhà Nước nâng chủng viện cơ sở 2 thành chủng viện Xuân Lộc chính thức và như là người loan báo cho tôi thêm rằng “Chủng viện lớn nhất Nước”.

Hy vọng công việc thứ ba trong năm mới này sẽ thực hiện là Trung tâm mục vụ còn gọi là Trung tâm Thánh Mẫu, kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Xuân Lộc.

Nhìn vào những hồng ân đó, chúng ta thấy rõ ràng Chúa đã làm những sự trọng đại trong giáo phận chúng ta, Chúa đã làm những điều đó và Chúa đã cho chúng ta được những hồng ân của Thiên Chúa, nhưng hồng ân của Thiên Chúa chỉ có thể có được do lời cầu nguyện của chúng ta, lời cầu nguyện của quý Đức cha, quý Đức Ông, quý cha, quý tu sĩ và tất cả giáo phận đã dâng lên Chúa và nài xin Chúa thực hiện những điều đó.

Hôm nay chúng ta hợp nhau nơi đây, nhìn lại những hồng ân đó để cảm tạ tình thương vô vàn của Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh tất cả linh hồn, và đồng thời như tôi đã thưa trong đầu lễ, xin Đức cha, quý Đức Ông, quý cha và tất cả mọi người nài xin Chúa tha thứ nững thiếu sót, mà đáng lý trong nhiệm vụ giám mục tôi đã phải làm tốt hơn nhưng vì những hạn chế, nhất là những tội lỗi thiếu sót của tôi đã không hoàn thành được, xin Chúa tha thứ.

Đồng thời chúng ta tiếp tục dâng nhiều hy sinh cầu nguyện để những năm tháng còn lại của đời tôi, tôi hoàn thành trọn ơn gọi giám mục mà Chúa đã ban cho tôi.

Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Đức cha Toma phụ tá rất quý yêu, quý Đức Ông đã tận tình và hy sinh cho tôi, quý cha quản hạt.

Tôi cũng xin nói nhỏ, trong mấy ngày trước lễ Tạ ơn hôm nay, Đức cha Toma, quý Đức Ông, quý cha quản hạt đã cùng tôi lên núi để cùng suy nghĩ nhìn vào mình, nhìn vào Chúa, nhìn vào anh em để cảm tạ hồng ân Chúa đã ban cho giáo phận, và cùng nhau lập ra khoảng thời gian những chương tình sắp tới, mừng kỷ niệm 50 năm trong giáo phận, làm sao để các hạt thành một tổ huynh đệ, yêu thương nhau, mỗi cha quản hạt là một người cha trong giáo hạt, là người mẹ trong giáo hạt đối với tất cả anh em linh mục của mình, làm sao để cho các anh em linh mục của mình nên thánh và hoàn thành được ơn mục tử của mình một cách tốt đẹp.

Điểm kế đến là xin mỗi giáo xứ thành một tổ bác ái, để kịp thời giải quyết những vấn đề ngay trong giáo xứ của mình, những người nghèo khổ, những người còn đang gặp những trở ngại khó khăn trong công việc làm ăn, những người bệnh tật, những học sinh sinh viên thiếu những điều kiện, thì từng giáo xứ sẽ là những tổ bác ái để giải quyết những vấn đề đó và rộng ra để giải quyết những vấn đề bác ái xã hội trong giáo phận, trên toàn quốc.

Như lúc đầu Đức Ông đã nói là làm sao chúng ta chú tâm tới lãnh vực hết sức quan trọng trong thời đại ngày nay là vấn đề Tư Tưởng, chúng ta biết được rằng, Xã Hội Chủ Nghĩa cũng như Tư Bản Chủ Nghĩa đang gieo rắc những điều mà Đức Thánh Cha gọi là “Văn Minh Sự Chết”.

Chúng ta là những mục tử, những tu sĩ, những tông đồ giáo dân, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến lãnh vực Tư Tưởng. Làm sao cho những người sống xung quanh nhìn thấy Tư Tưởng đạo công giáo là như thế nào.

Chúng ta xây dựng một nền văn minh sự sống, điều mà Đức Thánh Cha rất quan tâm và Giáo Hội cũng đang mời gọi chúng ta, tha thiết mời gọi chúng ta, mà bấy lâu nay có lẽ vì công việc quá bề bộn chúng ta không chú tâm đến.

Vừa rồi trong những ngày tĩnh tâm và thỏa thuận với nhau, trên Việt Nam chúng tôi đã đặt vấn đề này và nhờ các cha quản hạt chuyển đến các cha, và đặc biệt xin mời các cha cũng như quý tu sĩ và các thân hữu sẽ tham dự ngày phát động Tư Tưởng công giáo trong buổi văn nghệ sau lễ.

Xin chân thành cảm ơn và xin cảm ơn tất cả”.

Lời tâm tình của Đức cha giáo phận vừa hết là những tiếng vỗ tay vang dội nơi nhà Nguyện Tòa Giám Mục Xuân Lộc.

Nhận phép lành cuối lễ, cùng với ca đoàn, cộng đoàn cũng hát vang bài ca Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la, xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên, đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con, xin dâng lời cảm tạ…

Đôi dòng tiểu sử về Đức Cha Đa Minh

• Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, sinh ngày 20.03.1940 tại Phú Nhai, Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định, giáo phận Bùi Chu.

• Từ năm 1950 theo học Tiểu chủng viện Thánh Fanxico Bùi Chu, rồi Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

• Năm 1966-1975 là cha phó xứ chính tòa Xuân Lộc, phụ trách Truyền thông xã hội của giáo phận, kiêm giám đốc trường Trung học cấp II,III Hòa Bình.

• Năm 1975-2004 chánh xứ nhà thờ chánh tòa kiêm quản hạt giáo hạt Xuân Lộc.

• Năm 1978 làm đại diện Giám mục.

• Năm 1990 làm trưởng ban xây dựng các công trình trong giáo phận.

• Năm 1993 đặc trách mục vụ giáo dân

• Năm 2000 tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc

• Ngày 30.09.2004 Tòa Thánh bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh làm giám mục giáo phận Xuân Lộc.

• Ngày 11.11.2004 cha Đaminh được tấn phong giám mục tại Nhà thờ chính tòa Xuân Lộc, bởi tay vị tiền nhiệm của mình là Giám mục Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật, với sự phụ phong của Giám mục Toma Nguyễn Văn Trâm và Giuse Hoàng Văn Tiệm, khẩu hiệu Ngài chọn là ”Omnia Propter Amorem Christi - Tất cả vì tình yêu Đức Kito”.

Là những người con trong giáo phận, chúng ta cùng xin Chúa ban cho Đức cha Đaminh sức khỏe, nhất là bệnh tim mà Ngài đang mắc phải mau sớm bình phục. Xin Chúa ban muôn hồng ân xuống trên Đức cha kính yêu của chúng con.
 
Nhân tháng Các Linh Hồn
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
09:51 12/11/2010
Hằng năm có tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn. Truyền thống lâu đời của người công giáo Việt Nam vẫn dành cho thang này một sự trân trọng đặc biệt. Trước ngày lể Các Linh Hồn thì ra quét dọn, sửa sang phần mộ; chính ngày lễ thì ra nghĩa trang cử hành thánh lễ, cầu nguyện và thăm viếng mộ phần. Đức hiếu thảo bẩm sinh của người Vệt Nam cộng thêm với Diều Răn Thứ Bốn: Thảo kính cha mẹ, trong đạo, lại càng làm cho những cử chỉ hiếu nghĩa của người công giáo đối với ông bà tổ tiên thêm đậm đà thắm thiết. Như vậy những người bên ngoài không nên nghĩ rằng đi dạo là bất hiếu, từ bỏ ông bà tổ tiên.

Cũng nhân Tháng Các Linh Hồn, tôi xin được đề cập tới một vấn đề có liên hệ. Đó là tâm tình, ý nghĩ của chúng ta, mỗi khi tham dự lễ an táng của ngưới thân trong gia đình hay họ hàng bạn hữu.

Chúng ta dự các lễ an táng này, thì ngoài tình gia đình ra, còn là mấu nhiệm các thánh cùng thông công, theo lời dạy của thánh Phao-lô Tông đồ: vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12,15). Chúng ta là các thánh, nhu thánh Phao-lô quen gọi, khi gửi thư cho các giáo đoàn, nghĩa là những người được hiến thánh ngày chịu phép Rửa tội, những người được kêu gọi nên thánh, chứ không phải các thánh đã được tôn phong trên bàn thờ.

Vì mầu nhiệm này, chúng ta chia sớt nỗi đau buồn với tang quyến, đồng thời chung lời cầu nguyện cho người quá cố mau được về hưởng nhan thánh Chúa.

Phụng vụ tang lễ có nhiều bài sách thánh thích hợp. Một trong những bài đó là Tin Mừng theo thánh Gio-an 11.17-27. Bài này có thể giúp chúng ta suy nghĩ về trường hợp anh La-gia-rô, em của hai cô Mát-ta và Ma-ri-a, những người được Đức Giê-su yêu quí đặc biệt. Em của các cô mới chết được bốn ngày và đã được chôn trong mồ. Trước sự đau buốn và thương tiếc của hai người chị, Đức Giê-su bảo họ rằng anh La-gia-rô sẽ sống lại. Các cô tưởng rằng Người nói đến sự sống lại trong ngày sau hết, mà không nghĩ là sống lại ngay từ bây giờ. Khi cho anh La-gia-rô sống lại, Đức Giê-su muốn làm chứng rằng lời Người nói là thật, đồng thời bảo đảm cho lời phấn quyết: “Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sông và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11,26)

Người thân mà chúng ta đi dự tang lễ đã chết. Nhưng vì khi còn sống, người ấy đã tin vào Chúa thì nay dù đã chết, chính người ấy cũng sẽ được sống và không bao giờ phải chết trong một đời sống khác. Sự sống ở trần gian đã chấm dứt đối với người thân của chúng ta, nhưng sự sống thần linh trong Nước Thiên Chúa chỉ mới khai mở và sẽ tiếp diễn không cùng. Có thể đối với người thân này và nhiều người khác đã ra đi, sự sống ấy chưa hoàn toàn viên mãn, vì còn phải qua một thời gian thanh luyện để nên thành toàn. Chính vì giai đoạn chưa thành toàn này mà chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho người thân của chúng ta đã qua đời. Và đây chình là niềm hy vọng lớn lao cho người tín hữu: chết là cửa ngõ đưa vào sự sống muôn đời để được hưởng niềm hoan lạc không cùng trong Nước Thiên Chúa, với điều kiện là tin và sống như lời Người dạy.

Hiểu như thế thì chết là con đường tất yếu của mọi người. Ai cũng được chờ đợi ở điểm hẹn này. Có điều phúc hay hoạ là do lòng tin và cách ăn nết ở của mỗi người khi còn sống ở đời này mà thôi. Vì vậy, hãy sống thế nào để không phải lo sợ khi giờ hẹn đến. Mọi tín hữu sống ở trần gian này như đang trải qua một cuộc hành trình trong thân phận lữ khách. Đường đi chưa đến, còn gặp nhiều gian truân. Nhưng nếu cứ kiên trì thì rồi cũng tới đích. Đích đó là cái chết được hiểu như con đường đưa tới sự sống. Sự sống ở đây là sự sống đời đời. Phải chết đi rồi mới được sống. Xem ra đây như là một nghịch lý của Tin Mừng: chết đưa tới sống, mất làm cho được, cho đi sẽ được nhận lại. Lời kinh hoà bình của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di thấm đượm những ý tưởng này: “Vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”

Mỗi lần dự tang lễ là một dịp tốt để nhắc cho ai nấy rằng nay là người mai là tôi, Tôi sẽ phải qua cây cầu đó. Khi qua, tôi có gì để mang theo hay có thể mang theo được những gì. Tiền bạc, danh vọng, địa vị không theo tôi mà chỉ có đức tin và những việc làm biểu lộ đức tin của tôi. Tôi có là gì đi nữa thì khi buông hai tay nằm xuống, tôi chỉ còn biết nhờ ở tình thương tha thứ của Chúa. Có lẽ vì vậy mà phụng vụ lễ nghi an táng khuyên không nên nói đến công lao đức độ của người quá cố mà chỉ nên nài nẵng tình thương của Chúa cho người đã ra đi.

Hôm nay người thân của chúng ta đã ra đi. Chúng ta nhớ đến người ấy. một người anh em của chúng ta trong đức tin, môt người đã tin Chúa bằng cả cuộc đời của mình, một cuộc đời toả sáng niềm tin, một tấm lòng trông cậy vào Chúa.

Xin Chúa đón người thân của chúng ta vào trong vương quốc của Người và cho người ấy nghe lời đầy an ủi: “Hỡi tôi trung tài giỏi, hãy vào mà chung hưởng phúc lạc với chủ ngươi.” (x Mt 25,23)
 
Denver, Colorado: Được khỏi bệnh nhờ cầu nguyện xin ơn với ĐHY Nguyễn Văn Thuận
Trần Mạnh Trác
14:24 12/11/2010
Ngày 12 tháng 11 năm 2010, đài EWTN và báo điện tử Công Giáo CNA đã đăng chi tiết về phép lạ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận tại Denver, Colorado như sau:

Các bác sĩ đã tuyên bố anh Joseph Nguyễn đã chết sau khi tim của anh ngừng đập và chấn đồ não hòan tòan ngưng chạy. Nhưng trong khi họ đang viết giấy chứng tử thì gia đình của anh đã cất lời kinh kêu cầu lên ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Được biết cố ĐHY Nguyễn Văn Thuận là một tôi tớ Chúa đang được cứu xét trong lịch trình phong thánh tại Roma.

Ngày hôm nay thì anh Joseph Nguyễn đã trở lại chủng viện để tiếp tục chương trình học làm linh mục. Khi nhìn tờ giấy chứng tử của chính mình bây giờ đã đóng dấu "VOID" (Vô Hiệu), sau 32 ngày hôn mê, anh chỉ có thể kể lại hai biến cố trong khỏang thời gian dài mà anh mô tả như là một "Giấc ngủ tuyệt vời."

Thoi thóp trên giừơng bệnh giữa cái sống và cái chết kéo dài nhiều tuần lễ trong năm 2009, anh Joseph chỉ nhớ lại đã được gặp Đức Hồng Y François Xavier Nguyễn Văn Thuận hai lần.

Vị Hồng Y đáng tôn kính người Việt Nam này đã qua đời năm 2002. Năm 2007 Ngài được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhắc nhở tới trong thông điệp "Spe Salvi" (Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi), trong đó gương chứng nhân của 13 năm tù đày của ngài đã được đề cao. Tháng 10 vừa qua, Vatican đã bắt đầu thủ tục điều tra phong Thánh cho Ngài.

Mặc dù anh Joseph Nguyễn chưa bao giờ gặp mặt ĐHY, nhưng gia đình anh đã biết ngài từ khi ngài còn là một linh mục thuờng. Cha của anh là người khá thân thiết với ĐHY, coi ngài như là một 'người nhà'.

Khi ĐHY trở thành Tổng Giám Mục Saigon thì mối liên hệ với gia đình anh càng trở nên thắm thiết hơn và sau khi ngài trở thành một tù nhân của chế độ Cộng Sản thì ông nội của anh cũng đã từng bị giam chung với đức Tổng một thời gian.

Năm 1975, gia đình anh Joseph Nguyễn di cư tới Hoa Kỳ, và anh Joseph đã được sinh ra ở đây.

Anh Joseph được kể nhiều về cuộc sống anh hùng của cố ĐHY Nguyễn Văn Thuận và trân quí thông điệp hòa bình và hy vọng của Ngài. Nhưng anh không bao giờ tưởng tượng là anh sẽ phải mô tả chi tiết về cuộc sống riêng của mình, và cái kinh nghiệm của sự chết gần kề, cho các nhà điều tra của ủy ban phong thánh.

Sự thể khởi đầu vào tháng Tám năm 2009, lúc đó Joseph đang học năm thứ 3 tại chủng viện. Anh được giao việc thăm viếng và đưa Mình Thánh cho các bệnh nhân tại các bệnh viện. Vào đầu mùa Thu thì anh bắt đầu có vài triệu chứng bị cúm. Nhưng cơn bệnh trở nên trầm trọng,và anh xin nghỉ để về nhà dưỡng bệnh.

Trong cuộc phỏng vấn với CNA, anh kể lại: "Tôi nhớ đó là ngày 01 tháng mười, tôi không hiễu tại sao mà mình không thở được." Cha anh chở anh đến bệnh viện, anh còn tỉnh táo để làm thủ tục nhập viện, nhưng sau đó thì không còn nhớ gì nữa.

Anh chỉ được nghe kể lại về những gì đã xảy ra trong ngày anh chết, biết rằng cha mẹ của anh vẫn không mất hy vọng và cầu nguyện nhiệt thành với ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Anh cũng nghe kể rằng trong ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, trong lúc hôn mê, anh bắt đầu dứt bỏ các ống truyền nước khỏi mình một cách hung bạo cho tới khi cha của anh đặt một chuổi mân Côi vào tay thì anh mới nguôi.

Một lần thứ hai cơ thể của anh cũng đã ngừng sống, nhưng lần này thì người ta đợi chứ không tuyên bố khai tử anh. Tuy nhiên mọi người cũng nghĩ rằng cơ hội phục hồi thì dường như là vô vọng.

Khi Joseph tỉnh lại 32 ngày sau, anh không còn nhớ chi tiết gì về những cơn đau đớn cả. Một bác sĩ giải thích là anh đã bị 'cúm heo' H1N1 kèm với bệnh viêm phổi nặng.

Khi bắt đầu nói chuyện được, Joseph cho biết anh đã gặp ĐHY Thuận 2 lần.

"Trong thời gian hôn mê của tôi, tôi chỉ nhớ có hai điều, " anh nói."Hai điều duy nhất tôi nhớ là hai lần thấy Đức Hồng Y Thuận hiện ra... ĐHY đã hiện ra với tôi hai lần."

Joseph nói rằng anh không chỉ nhìn thấy Ngài mà thôi, nhưng với những tình tiết sống động mà anh mô tả về "lúc linh hồn rời khỏi xác", anh đã thực sự gặp gỡ và nói chuyện với Đức Hồng Y. Mặc dù anh không thể tiết lộ chi tiết của câu chuyện, anh nghĩ hai lần ấy đã xảy ra trong lúc mà các bác sĩ quan sát thấy các hoạt động của não và cơ thể của anh ngưng họat động.

"Sau lần gặp gỡ thứ hai với ĐHY", anh nói, "Thì tôi tỉnh dậy." Anh hòan tòan "không có ý tưởng về những gì đã xảy ra," hay tại sao anh đã "có những ống dây cuốn chằng chịt khắp người", đặc biệt là các ống ở cổ làm anh không nói được.

Các bác sĩ đã nghĩ rằng anh cần phải mất nhiều tháng hoặc có thể là nhiều năm trước khi anh có thể nói, đi, hoặc học lại. Nhưng chỉ trong vài ngày là anh đã nói chuyện và thở bình thường, và các y tá phải lo đi tìm anh khắp nơi quanh cơ sở phục hồi.

Anh cũng bất ngờ được người em gái của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đang sống ở bên Canada gọi điện thoại sang, bà đã gửi tặng cho anh ta một chuỗi tràng hạt của ĐHY.

Joseph đã trở lại chủng viện vào đầu học kỳ sau đó, một sự kiện khác xa với việc các bác sĩ chuẩn đóan là anh phải mất hai năm để phục hồi sức khỏe.

Sau đó thì tiếng đồn về phép lạ lan truyền ra, anh Joseph đã cung cấp thông tin cho các nhân viên làm việc cho vụ án phong chân phước của ĐHY tại Roma. Nhưng ngòai việc đóng góp đó, anh chủng sinh trẻ tuổi này bây giời chỉ nhắm vào một mục tiêu duy nhất trước mặt là chức linh mục. Khi anh trở lại chủng viện, Joseph một lần nữa đã được giao nhiệm vụ phục vụ tại bệnh viện.

Trong khi anh giữ kín đáo về khía cạnh phép lạ của mình, Joseph đã rất nhiệt tình nói chuyện về các công việc hiện tại ở bệnh viện. Anh cho biết tình trạng hôn mê và kinh nghiệm phục hồi của anh đã giúp anh đem hy vọng và niềm an ủi đến cho bệnh nhân.

Những bệnh nhân này dù không biết về cuộc hội ngộ bí ẩn của anh với một vị thánh, hoặc biết về cuộc sống lại ngoạn mục từ cõi chết của anh. Nhưng điều quan trọng hơn là khi họ nhìn thấy vết sẹo trên cổ họng của anh, họ biết rằng anh hiểu được họ. "Thực là mãn nguyện khi có thể bước vào một căn phòng và nói... Quí ông bà không phải chịu đựng những đau khổ như thế này một mình đâu, bởi vì chính tôi cũng đã trải qua đó... nằm ngay tại giường bệnh như thế này"

Joseph coi những kinh nghiệm của anh đã đem đến một "đức hy vọng" trong lòng của anh và cung cấp cho anh một thông điệp mà anh hy vọng sẽ có thể chia sẻ với những người trong hoàn cảnh tuyệt vọng. "Đó là có một ĐHY Thuận trong cuộc sống".
 
Dân Chúa người Việt Nam cần Bản dịch Kinh thánh tiếng Việt phổ thông
LM Fx Nguyễn hùng Oánh
18:07 12/11/2010
Trước hết, phải vui mừng và cám ơn những người, những nhóm đã cố sức dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt nam:

1/ Cố Chính Linh tên thật Albertus Schlicklin.

Cố Linh người gốc Đức, sinh quán ở Alsace-Lorraine là vùng tranh chấp giữa Pháp và Đức. Ngài sinh năm 1857, qua đời tại Hà nội năm 1932. Cha chính địa phận Hà nội (1890-1900). Ngài đã dịch Kinh Thánh theo bản Vulgata

- Quyển I (ngũ thư, Josue, Các Quan xét, Ruth, năm quyển các Vua). In ở Hong Kong, Imprimerie de la Société des Missions Etrangères, 1913.

- Quyển 2 (Paralipmenon, Esdra, Nehemia, Tobia, Judith, Esther, Job, Thánh vịnh. Dụ ngôn, Kẻ giảng, Ca đệ nhất, Khôn ngoan, Giảng đạo) xuất bản 1914.

- Quyển 3 (Isaia, Jeremia, Baruch, Esechiel, Daniel, Osee, Joel, Amos, Abdia, Jona, Michea, Nahum, Habacuc, Sophonia, Aggeo, Zacharia, Malachia, 2 quyển Machabeo) 1914.

- Quyển 4 (4 Phúc Âm, Sách truyện các Tông đồ, 14 thư ông Thánh Bảo lộc tông đồ, 6 thư chung, Sách Apocalypsis ông thánh Juong tông đồ), 1916.

2 / Ông Phan Khôi (1887 – 1960)

Dịch Kinh Thánh Tin Lành năm 1924: 19 tuổi đậu Tú tài Hán văn (1905), ra Hanoi học Pháp văn. Từ năm 1911, vào làng báo, viết khảo luận, phê bình trong các báo:Lục tỉnh tân văn, Đông pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ Tân văn, Trung lập, Thực nghiệm dân báo, Nam phong, Phụ nữ thời đàm, Tràng An, Sông hương.

3/ Linh mục Gérard Gagnon (Cha Nhân)

Ngài sinh năm 1914 tại Canada, khấn Dòng năm 1935, sang Việt nam năm 1935, học tại Học viện Dòng Chúa Cứu thế Hanoi thụ phong linh mục 06-6-1940 tại Hanoi. Dịch Thánh Kinh Ngũ thư, Dalat, 1962; Thánh Kinh Tân ước, 1962.

3/ Linh mục Đaminh Trần đức Huân. (1910-1984)

- Dịch và xuất bản bốn Phúc âm và Tông đồ công vụ năm 1950
- Tân ước Đức Giêsu Kitô năm 1963
- Toàn bộ Cựu Ước Tân ước năm 1969.

4/ Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975)

Dòng Chúa Cứu Thế, khấn Dòng năm 1946, chịu chức linh mục năm 1951 tại Hanoi, Du học Roma 1952, học trường Kinh Thánh Giêrusalem bốn năm (1952-1956)

- Dịch Tân ước, nhà Sách Đức Mẹ xuất bản năm 1965.
- Toàn bộ Kinh Thánh (Tân và Cựu ước) năm 1976, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản.

5/ Linh mục An-Sơn Vị

Dịch và xuất bản Tân ước năm 1983

6/ Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh văn Căn (1915-1990)

Dịch Kinh Thánh dựa vào Bible de Jérusalem có tham khảo tiếng Hipri, Hylạp. Xuất bản Tân ước năm 1982, toàn bộ năm 1985.

7/ Nhóm Phụng vụ giờ kinh

Nhóm làm việc trong 17 năm. (trưởng nhóm là Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh)

Năm 1994 xuất bản bản dịch Tân ước, năm 1998 xuất bản toàn bộ Kinh Thánh.

8 / Ông Mai lâm Đoàn văn Thăng

Dịch Tân ươc từ Bile de Jerusalem.

9/ Hội đồng Giám mục Việt nam

- Xuất bản Sách Bài Đọc khi thì đề Sách Lễ Mùa. Có cả các lời nguyện trong Thánh lễ Mùa Vọng và Giáng sinh, Mùa Chay và Phục sinh.

- Sách Lễ Mùa quanh năm I, quanh năm II, khi thì đề Sách Bài Đọc nhằm đáp ứng kịp thời sử dụng tiếng Việt trong Phụng vụ theo Công đồng Vatcan II. (Sách luôn luôn đề: Concordat cum originali, Saigon, die… tháng năm, Jacobus Nguyễn văn Vi, censor delegatus.Và imprimatur Phú cường, die.. . + Joseph Phạm văn Thiên, Prae. Comm. Episc. De S. Liturgia)

* Cha Bênêdictô Nguyễn tri Phương, Hạt trưởng Hạt Phú nhuận, trưởng ban Phúc âm hóa các dân tộc của tổng địa phận SG đã in Kinh Thánh Tân ước, bản dịch trong Sách Các Bài Đọc của Hội Đồng Giám mục và được Cha Giacôbê Nguyễn văn Vi giới thiệu đề đáp ứng nhu cầu học hỏi Kinh Thánh lúc đó, bên cạnh đó, có Tân ước do Cha Trần hữu Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế sữa chữa lại bản văn cho xuôi (?) đề đáp ứng quân nhân Công giáo.

Hiện nay, hiện tượng lạ tại Saigòn là:

- Sách Bài Đọc của Hội Đồng Giám Mục Việt nam xuất bản năm 1969, 1970 vẫn đươc sử dụng bên cạnh bản dịch mới Sách Lễ Roma năm 1992 của Hội đồng Giám mục Việt nam với hy vọng có bản dịch mới Sách Bài Đọc. Chờ mãi không thấy nên ở Saigòn có hiện tượng năm 2003 các nhà thờ dùng Sách Bài Đọc của nhóm Phụng vụ giờ Kinh in ra. Bản dịch Kinh Thánh của họ đã được Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn văn Bình cho Imprimatur ngày 11-5-1993 phần Tân ước và Đức Tổng Giám mục Gioan.Bt Phạm Minh Mẫn ban Imprimatur ngày 01-5-1998 phần Cựu ước, nhưng họ đã sửa ngay một vài từ ngữ mà chúng tôi cho là quan trọng khi in Tân ước loại sách bỏ túi, và bây giờ nhiều chỗ khác cũng được sửa thêm trong Sách Bài Đọc (thí dụ: xem bài đọc người phụ nữ ngoại tình).

Tĩnh tâm linh mục địa phận thng chín năm 2003, Đức Tổng Gioan Bt Phạm Minh Mẫn có nhắc: dùng Sách Bài Đọc của Ủy Ban Phụng tự trực thuộc Hội Đồng Giám mục (như hình lúc đó ngài còn là chủ tịch Ủy Ban Phụng tự).Thực tế, cuối tháng mười một năm 2001, tôi về nhận xứ Xây dựng, hỏi Sách Bài Đọc đang dùng thì ban Phụng vụ nhà thờ trả lời: chúng con dùng sách mới vì sách cũ quá, chữ mờ, khó đọc. Sách mới đây là của Nhóm Phụng vụ giờ kinh in ra.

Ngày 09-12-2004, giáo xứ Xây dựng mừng Kim Khánh và thượng thọ Cha Giuse Đinh Cao Thuấn, nguyên cha sở Xây dựng đang nghỉ hưu, Đưc Hồng Y Gioan.Bt Pham Minh Mẫn về chủ lễ, nói với tôi đọc bài Phúc âm “nếu dâng lễ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất hòa”. Tôi đi nói với một linh mục giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigon ý muốn của Đức Hồng Y, nhưng ngài như hình không tìm ra bài đó. Điều nầy chứng tỏ Đức Hồng Y đang sử dụng Sách Bài Đọc của Hội dồng Giám mục.

Cũng xin viết ra đây thư của Đức Cha Phaolo Nguyễn Văn Hoà,Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt nam trả lời Cha Tổng quyền Dòng Claretians ngày 07-9-2006: "Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã nhận được bản thảo cuốn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước –“Lời Chúa cho mọi người” của Quý Dòng- được nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện và do Văn Phòng Thư Ký HĐGMVN chuyển đến. Sau khi hỏi ý kiến Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN và được Ngài cho biết cuốn sách không có gì nguy hại (Nihil obstat), HĐGMVN sẵn sàng cho phép in Imprimatur cuốn Kinh Thánh nầy để phục vụ ích lợi thiêng liêng của Dân Chúa và sử dụng ngoài cuộc cử hành Phụng vụ”

Không nên nói tới độc quyền ở đây mà phải nói tới đặc tính hiệp nhất mà Phụng vụ La-tinh tạo ra được. Giáo luật điều 838,3 dạy: "Ad Episcoporum conferentiae spectat versiones librorum liturgicorum in linguas vernaculas, convenienter intra limites in ipsis libris liturgicis definitos aptatas, parare, easque edere, praevia recognitione Sanctae Sedis” (Hội Đồng Giám Mục có nhiệm vụ dịch các bản văn Phụng vụ sang tiếng địa phương của mình, với những thích nghi có giới hạn mà các sách Phụng vụ đã ấn định và sau khi đã được Toà Thánh phê chuẩn, có quyền xuất bản các bản dịch ấy). Vậy thì cần nhớ, dạy Giáo lý tôi có thể sử dụng các bản dịch Kinh Thánh có Imprimatur, nhưng trong Phụng vụ tôi chỉ có thể sử dụng sách Phụng vụ, ở đây là bài đọc Kinh Thánh trong sách Phụng vụ mà thôi.

Như vậy, ta cũng phải nói các bản dịch Kinh Thánh: của Cố Chính Linh, linh mục Gerard Gagnon, Linh mục Nguyễn Thế Thuấn, Linh mục An-sơn Vị, Đức Hồng y Trịnh Văn Căn. Ông Mai Lâm nếu có imprimatur thì cũng chỉ sử dụng ngoài cử hành Phụng vụ.

Năm 2010, Hội Thánh Công Giáo Việt nam mừng 50 thành lập hàng Giáo phẩm Việt nam, còn làm chưa xong lời Đưc Hồng Y Tomko nói với phái đoàn Giám mục Việt nam dịp Ad limina: "Cần có bản dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Việt nam”.

Hy vọng rằng trong tình thế hiện nay Đức Cha Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự Phêrô Trần Đình Tứ dịch xong Sách Bài Đọc rồi tiến hành dịch toàn bộ Kinh Thánh.

Đây là đòi hỏi của Dân Chúa Việt nam nội cũng như ngoại và Thánh bộ Phúc âm hoá các dân tộc đã thấy trước như một nhu cầu cần thiết cho người Công giáo Việt nam. Sẽ có nhiều ý kiến đòi “sự hoàn hảo”, nhưng như Đức Cha Arthur J Serratelli, chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ Hội dồng Giám mục Hoa kỳ nói về sự hoàn hảo của bản dịch: "Nó không hoàn hảo, sự thực là sự hoàn hảo chỉ có thể đạt được khi phụng vụ trên trái đất nầy nhường chỗ cho phụng vụ trên thiên quốc, nơi các thánh nhân đồng thanh ca tụng Thiên Chúa bằng chỉ một thứ tiếng nói”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tản mạn về sự chết
Vũ Văn An
19:02 12/11/2010
Tháng Mười Một là tháng thích hợp nhất để tản mạn về sự chết, dù nền văn hóa hiện đại đang cố gắng hết sức để tránh nói về nó. Người ta bảo: William Randolph Hearst, nhà tỷ phú 75 tuổi, cấm không cho ai được nhắc đến cái chết trước mặt ông. Tại Mỹ, nhiều nơi không gọi nghĩa địa là nghĩa địa mà gọi nó bằng một cái tên thơ mộng: công viên tưởng niệm (memorial park). Dù gọi thế nào, nó vẫn là nơi dành cho người chết. Chết là điều hiển nhiên và nó chẳng kiêng nể gì một ông tỷ phú như William Randolphe Hearst. Dù không muốn nghe nói về nó, nó vẫn cứ đến với ông, như đã đến với biết bao tỷ, tỷ con người trước ông. Thư Do Thái nói rất rõ: “Phận con người là phải chết một lần” (9:27).

Thư Do Thái không phải là văn kiện Thánh Kinh nói tới cái chết đầu tiên. Cuốn thứ nhất của Bộ Cựu Ước, tức Sáng Thế, ngay ở chương 2, câu 17 đã long trọng nói tới cái chết rồi và câu nói đó lại từ chính “miệng” Thiên Chúa, Chúa của sự sống, phán ra: “Ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”. Tuy nhiên, ở đầu mút đàng kia của Bộ Tân Ước, tức Sách Khải Huyền, trong chương áp chót 21, câu 4, lại có câu nói khác cũng không phải do miệng người phàm nói ra, mà do “từ phía ngai có tiếng hô to: ‘… Sẽ không còn sự chết’”.

Giữa hai lời phán kia, ta thấy có các cố gắng của khoa học nhằm tăng tuổi đời, có sự hoàn hợp của văn minh, có các nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, và có những buồn vui của hàng tỷ, tỷ con người mà chỉ vĩnh hằng mới ghi chép nổi. Đàng sau cái bìa của cuốn sổ ghi ấy là câu truyện của cả một nhân loại bị chúc dữ vì cuộc sa ngã của tổ tông Adong. Cái khối đông ẩn hiện dường như trôi dạt vô định của nhân loại tội lệ kia lúc nào cũng như bị thúc đẩy bởi sợ sệt, sợ bóng tối, sợ bệnh hoạn, sợ siêu nhiên, sợ vô minh, sợ chết. Cái sợ sau cùng là đỉnh cao của mọi cái sợ. Nên con người tránh né nó, ghét bỏ nó, chống lại nó, tìm mọi phương tiện giả tạo có thể có để che giấu sự kiện về nó. Ấy thế nhưng sự kiện chết vẫn có đó và vẫn cứ còn đó cho đến ngày, nhờ quyền lực quang vinh của Chúa Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, cuốn sách cuộc thiên đàng được mở ra, và các thánh của Thiên Chúa được vui hưởng thời vĩnh hằng hạnh phúc, trong đó “sẽ không còn sự chết”.

Chắc chắn chết

Thung lũng tử thần là thung lũng dài nhất thế giới. Nó bắt đầu với Adong và tiếp tục chạy qua lịch sử 6,000 năm của nhân loại. Con người thích hoãn lại cái giây phút kinh hoàng phải bước qua cái thung lũng tối đen này, nhưng tử thần vẫn cứ tỉnh bơ bước qua đời mỗi người, chẳng kiêng nể bất cứ một ai, trừ một số rất ít như Thánh Kinh thuật lại, ít đến nỗi coi như không đáng kể. Thực vậy, cái chết chẳng kể bạn là người có ích hay có hại cho xã hội. Mỗi bước bạn đi là mỗi bước bạn tiến gần lại mộ huyệt, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bạn từ giã mọi ràng buộc trần gian. Sự khôn ngoan của nghề y cộng với các khám phá của khoa học dạy ta phải nhất trí với lời khuyên của Giảng Viên: “Người sống biết rằng mình sẽ chết” (9:5).

Có người cho rằng: Thánh Kinh nói tới sự chết chẳng nhiều hơn thì ít nhất cũng bằng bất cứ chủ đề nào khác. Trong Địa Đàng, nơi trước đó, sự chết chưa bao giờ vào được, Adong và Evà được Thiên Chúa cảnh cáo đừng ăn trái cấm “ vì ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết” (St 2:17). Hai nguyên tổ đã ăn và ngay tức khắc, án phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên họ, thân xác họ bắt đầu diễn trình chết chóc, hư thối. “Và thế là trọn ngày sống của Adong chỉ là 930 năm: và ông đã chết” (St 5:5). Cái điệp khúc “và ông đã chết” cứ thế được nhắc đi nhắc lại suốt dọc gia phả từ Adong tới Nôe, chỉ trừ Ênóc, “người được đi với Chúa” ( St 5:8; 5:11; 5:14; 5:17; 5:20; 5:27; 5:31).

Các Tổ Phụ, các Tiên Tri và cả các Tông Đồ nữa đều không ngần ngại quả quyết với ta rằng sự chết là điều chắc như đinh đóng cột. Nôe nói với dân về sự công chính và phán xét của Thiên Chúa. Ông bảo nếu họ không ăn năn, Thiên Chúa sẽ hủy diệt họ khỏi mặt đất (St 6:7). Họ cười nhạo ông và thế là trong 40 ngày, nước tiếp tục dâng cao “Mọi xác phàm di động trên mặt đất đều tắt thở: chim chóc, gia súc, thú vật, mọi vật lúc nhúc trên mặt đất và mọi người” (St 7:21).

Ápraham giáp mặt với thực tế đen tối của cái chết khi ông dâng Ixaác làm hy lễ cho Thiên Chúa. Dù Ixaác sau đó thoát chết, nhưng một con chiên đã phải chết thay. Rồi ta đọc “và Xara đã chết” (St 23:2). Môsê cũng thế, Chúa bảo ông: “Đây, sắp đến ngày ngươi phải lìa đời” (Đnl 31:14). Isaia thì nói với Khít-ki-gia: “Hãy lo thu xếp việc nhà, vì ngươi chết chứ không sống nổi đâu” (2V 20:1). Giêrêmia cảnh giác Kha-nan-gia “Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết” (Gr 28:16). Êdêkien rao giảng Lời Thiên Chúa rằng: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết” (Ed 18:4) và “kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội của nó” (Ed 33:8).

Trong Tân Ước, khi kể dụ ngôn người giầu có và Ladarô, Chúa Giêsu bảo: “người ăn mày chết… và người giầu có cũng chết” (Lc 16:22). Lúc Chúa bị điệu ra trước đám đông, người Do Thái nói: “Chúng tôi có luật, và theo luật của chúng tôi, người này phải chết” (Ga 19:7). Về Tabitha, thánh Luca viết: “Bà mắc bệnh và chết” (Cv 9:37).

Tóm lại, Thánh Kinh nhắc nhiều đến sự chết. Không cuộc đời của bất cứ nhân vật Thánh Kinh nào lại thoát không bị nhắc đến cái chết, chỉ trừ Ênóc và Êlia. Các hãng bảo hiểm nhân thọ làm giầu là nhờ nhấn mạnh tới sự kiện: ai rồi cũng chết; và các đại lý bảo hiểm chẳng mấy khó khăn trong việc bán khế ước khi nhấn mạnh tới viễn tượng bạn có thể bất thần ra đi không kèn không trống… Ngay các kiến trúc sư và các nhà thầu xây cất cũng tính đến cái chết trong dự án thiết kế của mình. Tiến sĩ John Rice kể rằng khi cộng đoàn của ông tại Dallas chuẩn bị kế hoạch xây dựng ngôi thánh đường mới, vị kiến trúc sư rất để ý khi nói tới chiếc cầu thang vì theo ông ta “một qui luật mà các kiến trúc sư bọn tôi cố gắng nhớ chính là mọi cầu thang và mọi cửa phòng ngủ phải đủ rộng để tiếp nhận một cỗ quan tài!”

Thánh Kinh thì nói tới “Luật của tội và sự chết” (Rm 8:2). Thánh Phaolô nói thêm: “Chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi” (2Cor 1:9) và “Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi” (2Cor 4:12). Trong thư Do Thái, ngài nhấn mạnh: “những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2:15). Tóm lại, không ai thoát được cái chết. Cố gắng bao nhiêu đi nữa, tử thần một ngày nào đó cũng đến viếng thăm ta. Hắn hoàn toàn không thấy nước mắt ta; tai hắn chẳng bao giờ đoái hoài đến lời van xin của ta. Hắn phải đến thăm ta, hắn chỉ thi hành án lệnh. “Phận con người là phải chết một lần”. Án lệnh ấy là án lệnh của Đấng Toàn Năng. Mọi người đều phải chết.

Nguyên nhân sự chết

Sự chết do đâu mà có? Ta biết, trong trạng thái nguyên thủy ở Địa Đàng, con người chưa bao giờ được thấy người nào chết cả. Họ chưa bao giờ được chứng kiến một ai đó phải ngáp ngáp lấy hơi nhưng hơi không còn. Họ hoàn toàn được hưởng sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Lần đầu tiên chủ đề chết được nêu lên trong Thánh Kinh là lúc Chúa cảnh cáo nguyên tổ: “mọi thứ cây trong vườn, ngươi được tự do ăn, nhưng về cây biết thiện biết ác, ngươi không được ăn: vì ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết” (St 2:16-17).

A Dong biết mình đang sống, nhưng chủ đề chết là truyện lạ đối với ông cho đến lúc ông nghe Chúa nói thế. Giờ đây ông phải tự quyết định. Ông biết rằng vâng lời Chúa sẽ có sự sống liên tục và không dừng, còn bất tuân Người sẽ là án tử. Quyền chọn lựa và quyền quyết định nằm trong tay ông. Xatan quả có cám dỗ Evà, nhưng hắn không thể bức bách bà ăn trái cấm. Chính bà cùng chồng đã quyết định ăn trái cấm ấy, và làm thế, họ tự chuốc lấy sự chúc dữ của Thiên Chúa “Ngày nào ngươi ăn, ngươi chắc chắn sẽ chết”. Phận con người phải chết một lần vì họ đã vi phạm Luật Thiên Chúa. “Lương bổng của tội là sự chết” (Rm 6:23). “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết” (Ed 18:4). “Còn tội, khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết” (Gc 1:15). “Vì một người duy nhất, tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5:12). “Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi” (2Cor 4:12).

Vì “mọi người đều đã phạm tội” (Rm 3:23), nên ta sẽ hoài công cố gắng tìm ra bí quyết chiến thắng sự chết. Thánh vịnh gia từng nói “Sống làm người, ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (89:49). Sự chết ở giữa chúng ta, khiến thế giới run sợ, khiếp đảm. Lý do khiến con người co cụm trước sự chết là vì “tử thần có nọc độc là tội lỗi” (1 Cor 15:56). Vì bản chất ta tội lỗi và trái tim ta yếu đuối, nên sự chết mới tiếp tục châm chích ta và lái ta về mộ huyệt như roi vọt đẩy trâu bò về lò sát sinh. Chúa Giêsu từng nói thời đại ta là thời đại xấu xa, ngoại tình. Cho tới khi Chúa Kitô trở lại thống trị thế gian, “kẻ thù cuối cùng bị hủy diệt chính là sự chết” (1Cor 15:26). Cho tới khi Xa Tan và mọi kẻ không tin bị ném vào bể lửa, sự chết vẫn như chiếc cùm thép kìm kẹp con người tội lỗi. Nhưng phấn khích và an ủi biết bao đối với Kitô hữu, những người được Chúa Kitô hứa: khi tái lâm, Người sẽ khuất phục mọi sự, kể cả quyền lực sự chết!

Các ngả đường của sự chết

Sự chết không tác động trên mọi người cách như nhau, vì một lẽ đơn giản là nó không dẫn mọi người về cùng một hướng. Ở đây, ta phải khẳng định ngay rằng sự chết không phải là sự hoàn hợp của mọi hiện hữu, dù nhiều người ngày nay không tin có một ý thức sau khi chết. Họ cho rằng chết là chấm dứt sự hiện hữu của con người, giống như chiếc lá rụng vào Mùa Thu. Không xét tới các chứng cớ tích cực cho thấy sự bất tử, ở đây, ta chỉ tản mạn về một trong hai ngả đường mà sự chết có thể dẫn ta tới. Dĩ nhiên, vì mọi con người đều từ Adong mà ra và đều mang bản chất sa ngã của ông, nên tất cả đều chết cùng một cái chết thể xác như nhau. Nhưng Abraham Kuyper (thần học gia Thệ Phản, thủ tướng Hòa Lan đầu thế kỷ 20) từng nói: “Trong thung lũng âm u của tử thần, đại lộ trên đó con người bước đi tự phân thành hai, một đi lên dẫn tới sự sống đời đời, một đi xuống dẫn tới sự chết muôn đời”.

Ta chỉ có thể hiểu điều ấy khi biết chút đỉnh về mục đích chân thực trong sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Vì tội lỗi phải bị trừng phạt bằng sự chết, nên Chúa Giêsu đã vác thánh giá và chết để đền tội, để dâng mình làm hy lễ chuộc tội cho nhân loại. Về việc này, Thánh Phêrô tuyên bố rằng: “Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3:18). Thánh nhân muốn nhấn mạnh: Chúa Kitô chết để đưa chúng ta tới Thiên Chúa. Những ai chết trong Chúa đều sẽ theo ngả đi lên mà về Thiên Đàng, về với Thiên Chúa. Vì Chúa Kitô đã tự hiến làm của lễ đền tội cho ta. Tự bản chất, ta tiến theo ngả đi xuống, xa cách Thiên Chúa; nhưng Chúa Giêsu, qua cái chết đền tội của Người, đã đem đến cho ta ngả đường mới, ngả đường đi lên. Tiến sĩ Harry Rimmer, một mục sư Mỹ thuộc tiền bán hế kỷ 20, cho hay: “Khi Chúa Giêsu chết để thay đổi hướng suy tư của con người, Người cũng chết để thay đổi đường đi cho lịch sử nhân loại. Với một triết lý lầm lạc, nhân loại dấn thân vào một số phận chết chóc. Tác động của thánh giá đã lái lịch sử con người ra khỏi ngả đường nó đang tiến bước và hướng nhân loại về với Thiên Chúa”.

Khi người công chính chết, người ta bảo họ an giấc (1Tx 4:13, 15; 1Cor 15:6). Không lời mô tả nào trong Thánh Kinh phấn khích và an ủi tín hữu bằng lời “an giấc” này. Chính Chúa Giêsu đã dùng lời này: “Bạn Ladarô của chúng ta đang an giấc; Thầy đi đánh thức anh ta dậy. Các môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, nếu anh ta an giấc, anh ta sẽ khỏe lại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói về cái chết của anh ta” (Ga 11: 11-13). Sách Công Vụ viết “Nói thế rồi, ông an giấc” để mô tả cái chết của Stêphanô (Cv 7:60). Thánh Phaolô cho hay: sau khi Chúa sống lại, 500 anh em đã được thấy Chúa, rồi “một số đã an giấc” (1Cor 15:6). Với tín hữu Thêxalônica, ngài bảo: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì” (1 Tx 4:13). Thánh Phêrô cũng thế, nói về các thánh trong Cựu Ước, ngài viết: “Các bậc cha ông an giấc” (2 Pr 3:4). Cựu Ước có tới hơn 40 lần nói về người chết: “ông đã an giấc với cha ông”. Với Môsê, Chúa phán: “ngươi sẽ an giấc với cha ông ngươi” (Đnl 31:16, 2 Sm 7:12). Gióp thưa: “chỉ ít nữa thôi, con sẽ an giấc trong cát bụi” (G 7:21).

Khi thân xác an giấc như thế, lập tức linh hồn người công chính theo đường đi lên mà về cùng Chúa. Còn với kẻ bất chính, ngả đường còn lại chỉ là ngả đường đi xuống mà vào cõi chết đời đời. Trong câu truyện do Chúa Giêsu kể, cả người giầu có lẫn Ladarô đều chết, nhưng Ladarô được lên ngồi trong lòng Ápraham trong khi người giầu có thì xuống Hỏa Ngục (Lc 16:19-24). “Ai tin sẽ được cứu độ” (Lc 16:16).

Bất tử

Nhiều người cho rằng chết là hết, với cái chết thân xác, tinh thần hay linh hồn con người cũng không còn. Nhưng Thánh Phaolô dạy ta: “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2Cor 5:1).

Và trên thực tế, bất cứ khi nào sự chết xuất hiện, nó cũng đều mang tới niềm hy vọng bất tử. Thánh nhân cũng như người dữ dằn đều nói lên niềm hy vọng vào một cuộc sống ở bên kia nấm mồ. Không ai quên được di chúc của Hồ Chí Minh với câu viết bất hủ: phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác… Hay François Mitterrand, một người vô thần, với mấy dòng đề tựa cho cuốn Intimate Death của Marie De Hennezel: “Há chẳng có một mảnh vĩnh hằng nơi nhân loại, một điều gì đó được sự chết đem vào đời, hạ sinh ra đó sao? Từ cảnh tê liệt trên giường bệnh viện, Danièle gửi thông điệp cuối cùng này cho ta: ‘tôi không tin vào một Thiên Chúa công bình, hay một Thiên Chúa tình thương… Nhưng tôi cũng không tin rằng ta chỉ là một mớ nguyên tử. Bất cứ điều gì nói với ta rằng có một cái gì đó ở bên kia vật chất, bạn muốn gọi nó là linh hồn, là tinh thần, hay ý thức, tùy bạn, nhưng tôi tin vào sự bất tử của cái đó. Tái sinh hay đi tới một bình diện hiện sinh mới, chính sự chết đã cho tôi khám phá ra điều đó!”

Ai Cập, trường dạy nghệ thuật và khoa học tinh tế nhất của thế giới, có một niềm tin và một cảm nhận rất mạnh về sự chắc chắn của bất tử. Có thể nói họ là dân tộc đầu hết dạy ta học lý bất tử. Họ thường gọi cỗ quan tài là “hòm người sống”. Nghệ thuật ướp xác thời danh của họ phát sinh từ niềm tin vào bất tử của họ. Cũng chính niềm tin ấy đã thúc đẩy họ xây nên những kim tự tháp bất hủ: nơi cư ngụ vĩnh hằng cho hồn trở về cùng xác.

Người ngoại giáo Châu Phi cũng tin vào sự sống sau khi chết. Người ta kể rằng vợ những người quá cố có thói quen dựng nhà ở gần mộ, sống tại đó suốt quãng đời còn lại “để canh chừng hồn đã ra đi”. Người Trung Hoa cũng như Việt Nam có thói quen đốt vàng mã để người quá vãng có tiền dùng nơi chín suối. Người Da Đỏ Bắc Mỹ cũng thế: họ chôn người chết với đủ cung tên và canô.

Suốt 6 ngàn năm lịch sử, con người luôn trông đợi bất tử như một thực tại. Có người cho rằng: điều ấy chứng tỏ chính Đấng Hóa Công đã “mạc khải” niềm tin ấy nơi nguyên tổ và các ngài truyền lại mãi cho hậu duệ mình. Nhưng thực ra, trong Thánh Kinh không hẳn minh nhiên có thuật ngữ “linh hồn bất tử”. Dĩ nhiên, Thánh Kinh không hề dạy bất cứ điều gì về sự an giấc hay tiêu diệt của linh hồn khi con người rời bỏ cõi đời này. Ý niệm hiện hữu bất tận của linh hồn bàng bạc khắp trong Thánh Kinh, nhưng ngôn ngữ Thánh Kinh không minh nhiên nói tới sự bất tử của linh hồn. Lời Thiên Chúa giả thiết sự hiện hữu mãi mãi của mọi linh hồn bất kể số phận của nó ra sao. Linh hồn mọi người đều bất tử và không thể bị hủy diệt.

Nhưng ta nhớ: Chúa Giêsu từng phán: “đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác, nhưng không giết được linh hồn; nhưng đúng hơn hãy sợ Đấng có thể hủy diệt cả hồn lẫn xác nơi Hỏa Ngục” (Mt 10:28). Sách Êdêkien thì cho hay: “anima quae peccaverit ipsa morietur” (linh hồn nào phạm tội sẽ phải chết. Bản CGKPV: ai phạm tội sẽ phải chết). Như thế phải chăng linh hồn cũng sẽ chết? Không hẳn thế, vì cả hai câu này cũng như những câu tương tự khác trong Thánh Kinh đều không có nghĩa: linh hồn hết hiện hữu hay mất hết ý thức. Vì chết trong Thánh Kinh có ba nghĩa: chết thể lý, chết thiêng liêng và chết đời đời. Chết thể lý là hồn lìa khỏi xác. Đó là ý nghĩa của câu “Phận con người là phải chết một lần” (Dt 9:27). Chết thiêng liêng là tình trạng những linh hồn tội lỗi, sống xa Thiên Chúa: họ chết “trong sa ngã và tội lỗi” (Eph 2:1), và “xa lạ với sự sống Thiên Chúa” (Eph 4:18). Chết đời đời là không được thấy Chúa mãi mãi. Những linh hồn phải chết đời đời vẫn còn ý thức, nhưng “lãnh án diệt vong muôn đời, xa thánh nhan Chúa và quyền năng vinh hiển của Người” (2Tx 1:9). “Phần dành cho họ là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21:8).

Trong Thánh Kinh, hạn từ bất tử khi nói về con người thường áp dụng cho thân xác. Thực vậy, thân xác của nguyên tổ khi được Chúa dựng nên vốn là một thân xác bất tử, hiện hữu mãi mãi. Bởi thế, Chúa mới cảnh giác A Dong đừng ăn cây biết lành biết dữ, bởi ngày nào ăn cây ấy, ông chắc chắn sẽ chết (St 2:17). Như ta đã biết, nguyên tổ Adong đã ăn cây ấy, nên sự chết mới lập tức kéo vào làm thân xác ông sau một thời gian phải lìa cõi thế. Bất tử đã trở thành khả tử. Thánh Phaolô nhận định: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5:12), “phận con người là phải chết một lần” (Dt 9:27) và “mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết” (1Cor 15:22). Khả tử là lời chúc dữ giáng xuống nhân loại do kết quả của tội và là sự kiện đáng buồn nhất trong lịch sử thế giới.

Giải thoát khỏi khả tử

Mục đích Chúa Giêsu Kitô xuống thế là để cứu chuộc nhân loại sa ngã. Không một người nào với bản chất khả tử có thể làm được việc ấy. Người chết không thể ban sự sống. Cách duy nhất để con người thoát được án tử là nhờ “sự xuất hiện của Chúa Giêsu… Đấng duy nhất trường sinh bất tử” (1Tm 6: 14, 16). Linh hồn con người, dù vẫn duy trì được sự hiện hữu bất tận, nhưng đã trở nên thoái sinh (degenerate) về phương diện luân lý. Sau sa ngã, thân xác họ trở nên khả hủy, linh hồn họ mất hết liên hệ với Thiên Chúa. Nhưng vinh phúc thay, Thánh Phaolô cho ta hay: “Chúa Giêsu Kitô đã xuất hiện. Chính Người tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1:10). Điều kỳ diệu là Đấng Bất Tử, nhờ trở thành khả tử, “vâng lời cho đến chết” (Pl 2:8), đã có thể cứu chuộc được linh hồn con người, tái lập liên hệ của nó với Thiên Chúa và làm cho thân xác họ thừa hưởng phúc trường sinh bất tử. Đó chính là chiến thắng vĩ đại của Thập Giá Chúa Kitô. Nhờ sự chết và sự sống lại của Người, Chúa Kitô đã “hủy diệt sự chết”. Người sẵn sàng mặc lấy tính khả tử “để qua sự chết, Người có thể tiêu diệt được kẻ có quyền trên sự chết, tức ma qủy” (Dt 2:14). “Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cor 15:22).

Muốn hiểu rõ vấn đề ở đây, tưởng cũng nên phân biệt giữa sự sống đời đời và sự bất tử. Hai hạn từ này không đồng nghĩa. Khi một người nào đó tín thác vào Chúa Giêsu Kitô để được cứu độ, họ liền có sự sống đời đời. Đó là ơn phúc của Thiên Chúa ban cho kẻ tội lỗi nào biết chấp nhận Chúa Giêsu Kitô làm Đấng Cứu Độ của mình. “Ai tin vào Con sẽ có sự sống đời đời” (Ga 3:36). “Ai tin Ta sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6:47). “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20:31). Công trình cứu chuộc kẻ tội lỗi có hiệu quả nơi bất cứ cá nhân nào khi họ tái sinh, nhưng không thể nói: lúc ấy linh hồn họ trở nên bất tử. Vì thực ra, linh hồn họ có bao giờ mất sự bất tử đâu. Việc tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần chỉ là khởi đầu của diễn trình cứu chuộc. Ngay khi Chúa Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn con người, là nó nhận được sự sống đời đời. Nhưng thân xác, dù đã trở thành kẻ thừa hưởng tính bất tử và tính bất hủy, vẫn phải chết.

Tuy nhiên, thân xác ta không biến mất. Đây là chỗ Thiên Chúa hoàn thành diễn trình cứu chuộc. Thánh Phaolô viết: “chúng ta cũng rên xiết trong lòng, trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác ta nữa” (Rm 8:23). Nhưng có bảo đảm gì là thân xác khả hủy của ta sẽ có được sự bất hủy? Dĩ nhiên là có. Chúa Giêsu Kitô đoan hứa sẽ phục sinh mọi người chúng ta: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta dù chết cũng sẽ sống” (Ga 11:25). Chứng từ riêng của Chúa Giêsu bảo đảm sẽ giải thoát ta khỏi sự chết và sự hủy hoại để được sống và sống bất tử. Sự cứu chuộc linh hồn là việc quá khứ, nhưng sự cứu chuộc thân xác vẫn còn là việc tương lai. Nhưng tương lai ấy là một tương lai tuyệt đối chắc chắn. Tin Mừng không ngừng ở việc Chúa Giêsu qua đời. Thánh Phaolô viết: “Tôi loan báo cho anh em Tin Mừng… Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh; rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh” (1Cor 15:1-4). Chúa Giêsu Kitô, Đấng bất tử, đã trở nên khả tử do cái chết của Người. Nhưng đó chỉ là sự khả tử tạm thời. Nhờ sự sống lại từ cõi chết và từ mộ huyệt bước vào bất tử, Con Thiên Chúa cũng đã hứa ban cho những ai thuộc về Người cùng một phúc lộc ấy. Vì Adong thứ nhất, khả tử và sự chết đã xuất hiện, nhờ Adong thứ hai, sự sống và sự bất tử đã xuất hiện. “Giờ đây, Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Chúa Kitô, rồi khi Chúa Kitô quang lâm, thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cor 15:20, 23). Mọi con cái Adong đã chết thế nào thì mọi con cái Thiên Chúa cũng sẽ được phục sinh, không còn chết nữa. Bất tử là bước chót của diễn trình cứu chuộc, khi Chúa Kitô quang lâm. “Kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cor 15:52). Chính vì thế, ta có thể nói: tín hữu Chúa Kitô tuy có chết thật nhưng không bao giờ bị đặt dưới quyền lực của tử thần. Trút linh hồn, thở hơi thở cuối cùng, đối với họ chỉ là bước qua cổng, từ đời này bước vào đời sau với Chúa; do đó, chết đối với họ chỉ là bước vào sự sống đời đời.

Thánh Phaolô có lần than vãn: “Tôi là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” Rồi cũng chính ngài viết tiếp: “Tạ ơn Thiên Chúa, (đó chính) là nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 7:24-25). Chết xem ra chiến thắng trong một lúc, nhưng nó chẳng làm gì được ta vì “cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Thánh Kinh sau đây: ‘Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1Cor 15: 53-54). Ngay sau câu này, Thánh Phaolô cười nhạo tử thần: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?... Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cor 15: 55,57).

Thân xác mới đổi thân xác cũ

Có tờ báo chạy hàng tít khá giật gân: thân xác mới đổi thân xác cũ (New Bodies for Old). Họ muốn nói đến tiến bộ của khoa học trong việc đem lại cánh tay mới cho người mất cánh tay, mắt nhìn được cho người mù lòa. Và nhân tiện, tờ báo tiên đoán: một ngày kia một thân xác hoàn toàn mới sẽ thay thế một thân xác cũ mèm. Cái ý niệm bất tử mà không cần Thiên Chúa này quả là thiếu nền tảng. Quan niệm của Thánh Kinh về sự bất tử chỉ bắt đầu với việc con người có mối liên hệ đúng đắn với Thiên Chúa, và mối liên hệ ấy tự sức riêng, con người không đạt tới được. Họ phải nhìn nhận Chúa Kitô trường sinh bất tử như niềm hy vọng duy nhất cho sự sống sau khi chết. Không có Thập Giá Chúa Kitô, sẽ không có sự cứu chuộc cho nhân loại sa ngã, mà nếu không có sự cứu chuộc, sẽ không có hy vọng đối với sự sống bất tử. Kitô hữu có niềm hy vọng sống động vốn bắt nguồn từ Con Người và Công Nghiệp của Chúa Kitô hằng sống. Thánh Phêrô quả quyết: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1 Pr 1:3). Dù sự sống đời đời và sự bất tử không đồng nghĩa, nhưng thân xác không thể bất tử, nếu linh hồn không tiếp nhận được sự sống đời đời nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Người từng nói với các môn đệ: “vì Thầy sống, anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14:19). Sự phục sinh của ta được chính sự phục sinh của Chúa Kitô bảo đảm. Thư gửi tín hữu Philípphê nói rằng: Người “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (3:21).

Hai sự phục sinh

Sự phục sinh thân xác con người rõ ràng được Lời Chúa nói tới. Gióp nói rằng: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (G 19:25-26). Ông tin vào sự phục sinh của thân xác và cuộc sống mai hậu bên kia nấm mồ. Ápraham thì “nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11:19). Thánh vương Đavít xác tín “thân xác con nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16:9) và “Khi thức giấc, con sẽ được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17: 15). Chúa Giêsu minh nhiên hơn: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con, và sẽ ra khỏi đó…” (Ga 5: 28, 29).

Phục sinh như thế là điều chắc chắn. Tuy nhiên có tới hai thứ phục sinh như chính lời Chúa Giêsu quả quyết: “…Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5: 29). Phục sinh sống và phục sinh “chết”. Phục sinh của kẻ công chính và phục sinh của kẻ bất chính, như Thánh Phaolô từng nói cho Felix hay: “người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24:15). Nhiều giáo phái dựa vào một số đoạn trong Thánh Kinh để tin rằng người công chính sẽ được phục sinh trước kẻ bất chính. Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica viết: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Chúa Kitô sẽ sống lại trước tiên” (1 Tx 4:16). Họ cho rằng cuộc phục sinh ấy xẩy ra một ngàn năm trước cuộc phục sinh của những người khác, căn cứ vào Sách Khải Huyền, chương 20, câu 4-5: “Tôi cũng thấy linh hồn những người đã bị chém đầu vì rao giảng lời chứng của Chúa Kitô và lời của Thiên Chúa… Họ sống lại và hiển trị với Chúa Kitô một ngàn năm. Những người khác trong số kẻ chết thì không được sống lại trước khi hết một ngàn năm ấy. Đó là lần phục sinh thứ nhất”.

Cuộc phục sinh kẻ dữ chính là cuộc phục sinh thứ hai. Mặc dù kẻ dữ đã chết một cách thiêng liêng vì không có sự sống đời đời, họ vẫn phải hiện diện sống động trước mặt Thiên Chúa về phương diện thể lý trong thân xác phục sinh của họ. Từ khắp mặt địa cầu, thân xác các kẻ dữ cũng trỗi dậy để lãnh án sau cùng là bị loại khỏi thánh nhan Thiên Chúa và bị trừng phạt muôn kiếp trong biển lửa. Dù Khải Huyền đầy tính biểu tượng nhưng phục sinh người lành cũng như kẻ dữ và sự phán xét đều là những điều chắc chắn.

Nhưng thân xác phục sinh, ít nhất của người công chính, sẽ ra sao? Thánh Phaolô dạy: Chúa Kitô “sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3: 21). Nhiều người cho rằng lúc lên trời, Chúa Giêsu chỉ mới 33 tuổi, thân xác Người là thân xác thanh xuân, cường tráng, trẻ trung, không một chút già nua yếu ớt, nhăn nheo, khó coi, một thân xác được Đavít ca tụng như “sương mai của tuổi thanh xuân” (Tv 110:3. Bản Phổ Thông: ros adulescentiae tuae). Thân xác ta dù già nua héo hắt cũng sẽ như thân xác Người.

Biến đổi đây hẳn đồng nghĩa với biến hình hay hiển dung như trong trình thuật Chúa biến hình trên núi trước mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mt 17:2). Thân xác Người lúc đó giống thân xác phục sinh của Người sau này khi xuất hiện trước mặt các môn đệ đang tụ tập trong phòng đóng cửa (Ga 20:19). Về phương diện sinh học, sự biến đổi từ sâu lên bướm cũng có thể gọi được là một biến hình hay hiển dung. Con sâu xấu xí nhờ mặt trời ấm áp mùa xuân chiếu rọi mà trở thành con bướm đẹp xinh. Dù dáng dấp bướm khác với dáng dấp sâu, nhưng ta vẫn nhận ra con côn trùng đẹp đẽ có cánh này là một với con sâu. Phục sinh thân xác cũng thế. Thân xác hiện nay của ta yếu hèn, xấu xí. Nhưng Chúa Kitô sẽ làm nó trở thành vinh hiển. Vẫn là thân xác đó, nhưng được biến đổi, hiển dung, không còn “qua đi như cây cỏ” (Gc 1:10).

Kẻ hoài nghi không tin như vậy. Thân xác người chết sau một số năm tan rữa ra thành từng yếu tố, trở nên thành phần của các sinh vật khác (cây cỏ…), làm sao có thể phục sinh thân xác ấy một cách nguyên tuyền được? Thánh Phaolô đã ghi nhận luận điểm này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “nhưng có người sẽ nói: làm sao người chết có thể trỗi dậy được? Họ lấy thân xác nào mà trở về?” (1 Cor 15:35). Thánh Phaolô mang hình ảnh người nông dân gieo hạt để giải thích. Ông ta biết khi hạt lúa gieo xuống đất chết hay rữa ra, công lao của ông không chấm dứt vì nó sẽ bước vào một sự sống đầy đủ hơn, sản sinh ra cây lúa với thật nhiều hạt lúa giống như hạt lúa ông gieo. Hạt lúa ông gieo, ông không còn thấy nữa, nhưng nó có một căn tính tuyệt đối. Sự phục sinh của thân xác cũng thế “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ gì khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể ấy” (1 Cor 15: 36-38).

Thực ra, Thánh Kinh không quan tâm đến thành phần của cơ thể phục sinh. Điều Thánh Kinh nhấn mạnh là thân xác ấy không còn hư nát như trước nữa (1 Cor 15:42, 53). Thân xác Êlia được Chúa đưa lên trời hơn 2 ngàn năm trước Chúa Giêsu nhưng đã sáng láng bên cạnh Người trên Núi Hiển Dung. Thân xác phục sinh sẽ “hết sạch nước mắt, không còn chết chóc, sầu buồn, khóc than, cũng chẳng còn đau đớn: vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4). Thân xác ấy không còn hổ thẹn, mà là vinh hiển, không còn yếu đuối mà đầy sức mạnh (1 Cor 15:43), không còn là sinh khí mà là thần khí (1 Cor 15: 44). Sinh khí quan tâm tới các hoạt động và môi trường trần thế. Thần khí không có nghĩa là không có chất liệu (substance), nhưng có nghĩa quan tâm đến những việc của Thiên Chúa.
 
Lên đường
Lm Nguyễn Văn Nghĩa
23:37 12/11/2010
Hai từ lên đường khiến ta liên tưởng đến một hành trình mà dĩ nhiên đã là hành trình thì có điểm xuất phát và đích đến. Kitô hữu, cách riêng hàng tu sĩ linh mục giám mục được mời gọi lên đường theo Chúa Kitô cách rõ nét và đặc thù hơn. Đã lên đường thì ai cũng mong đến đích. Để đến đích thì không thể không nhắm hướng đi, tìm cách thế đi và chọn phương tiện để đi.

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Để lên đường và đi đến đích, thì không gì hơn là dỏi theo chân Chúa Kitô. Cùng với Chúa Kitô, đặc biệt qua các mầu nhiệm chính trong công cuộc cứu độ của người chúng ta xuất hành:

1. Sống mầu nhiệm tự hủy: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phil 2,6-7). Điều kiện tiên quyết của mọi cuộc lên đường như Chúa Kitô đó là ra đi. Ra đi ở đây không chỉ là rời khỏi nơi chốn mình đang ở mà còn ra khỏi vai vế, phận vị của mình để hội nhập với nơi mình đến, để nên đồng hình đồng dạng với những người mình gặp gỡ. Quả thật vẫn có đó nhiều người lên đường với mớ hành trang cồng kềnh là thân thế, là địa vị… Nói như thế thì phải chăng chúng ta sẽ đánh mất chính mình khi bị đồng hóa? Những lời cảnh tỉnh như: “hòa đồng mà không bị đồng hoá; hội nhập mà không hoà tan nghĩa là không đánh mất căn tính” luôn có đó giá trị. Quả thật, mọi công cuộc lên đường sẽ thành tro bụi khi chúng ta đánh mất chính mình. Làm người giống chúng ta mọi đàng nhưng Chúa Kitô vẫn là Thiên Chúa bằng mầu nhiệm Ngôi hiệp.

2. Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp: Đến thế gian, Chúa Kitô không đánh mất bản tính Thiên Chúa của Người. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu chỉ có một Ngôi Vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa và Người có hai bản tính là bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, thì giáo hội khẳng định Chúa Kitô khi vào trần gian đã mặc lấy thêm bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Những gì Giêsu Kitô làm là chính Thiên Chúa (Ngôi vị) làm. Chính vì thế tất cả những hành vi của Chúa Giêsu từ khi nhập thể, hạ sinh, ẩn dật, rao giảng tin mừng đến cuộc tử nạn phục sinh và lên trời vinh hiển đều mang giá trị cứu độ, vì là những hành vi của một Thiên Chúa.

Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp thì khi lên đường đến với tha nhân, chúng ta sẽ không đánh mất căn tính Kitô, căn tính linh mục hay tu sĩ của mình. Lên đường, đến với tha nhân trong vai vị một nhà giáo, một nông dân, một lương y… cũng khám chữa bệnh, cũng giảng dạy, cũng chăn nuôi hay trồng trọt…mà với tư cách là Kitô hữu, là linh lục hay tu sĩ thì giá trị sẽ nhân lên gấp bội.

3. Sống mầu nhiệm cứu chuộc: “Con Người đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Trở thành Do Thái với người Do Thái, trở thành Hy lạp với người Hy lạp là để phục vụ họ cách hữu hiệu và đến cùng. Sự phục vụ này phải sinh hiệu quả là cứu sống người mình phục vụ và giúp họ ngày càng sống dồi dào hơn (x.Ga 10,10).

Không phải theo chủ nghĩa duy hiệu năng, nhưng một trong những dấu chỉ để thẩm định cuộc lên đường của chúng ta ra sao thì hãy xét xem những người, những tập thể mà chúng đến ở cùng, có phát triển toàn diện, ngày càng nên tinh tuyền và hoàn thiện hơn không?

4. Sống mầu nhiệm phục sinh, vinh thăng của Chúa Kitô: Sau khi phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Mầu nhiệm vinh thăng của Chúa Kitô khẳng định căn tính của Người là Thiên Chúa thật, Đấng không thể bị khuất phục bởi thần chết. Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Người lấy lại vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa, có từ ngàn đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha luôn có những gì là của nhân trần, qua bản tính nhân loại mà Người đã nhận lấy khi vào trần gian.

Kitô hữu lên đường, ra đi để rồi đưa tất cả các thực tại gian trần lên cùng Thiên Chúa. Điều này muốn khẳng định rằng cùng đích của việc lên đường của Kitô hữu, của tu sĩ, linh mục hay giám mục là để vĩnh hằng hoá các thực tại hữu hạn chóng qua đời này. Chúng ta vĩnh hằng hoá các thực tại trần gian này bằng chính tình yêu mà chúng ta đã nhận lấy từ Đấng Cứu độ. Cũng là chuyện ăn, uống, sinh hoạt, lao tác…nhưng khi được đượm thắm tình yêu thì chúng sẽ nên vĩnh tồn nếu chúng ta sống lời thánh Phaolô tông đồ: “Dẫu khi ăn, dẫu khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì danh Đức Kitô”.

Một vấn nạn thời sự: Vì sao bề trên các dòng tu, giám mục các giáo phận ở Việt Nam hiện nay dường như ngại ngần sai các thành viên dưới quyền lên đường, đặc biệt đến những nơi với những hoàn cảnh có thể gọi là “như chiên giữa sói rừng”? Ngoài một vài lý do an ninh hay thủ tục hành chính, thì khi sai một ai đó lên đường thì các bề trên xem ra lo lắng nhiều chuyện như là chỗ ở, phương tiện đi lại, bề dưới còn hạn chế khả năng hay chưa đủ lòng nhiệt thành, lòng đạo đức…Trong nhiều lý do thì có lý do xem ra khá chính đáng và hợp lý đó là vì yêu thương bề dưới, sợ bề dưới ra đi lâm cảnh khó khăn cách này cách khác.

Không dám mạo phạm nhưng có lẽ có phần đúng đó là nếu ta còn ngại ngần sai người thuộc quyền ra đi có thể vì bản thân chúng ta chưa thực sự lên đường. “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Chúa Kitô mạnh dạn sai các môn đệ lên đường, ra đi là vì trước đó Người đã vâng lệnh Chúa Cha lên đường ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ để sống yêu thương đến cùng.

Một Phanxicô Xavie can đảm lên đường đến với anh em Á châu là nhờ lệnh sai đi của một Inhaxiô. Inhaxiô mạnh dạn sai Phanxicô Xavie lên đường là vì trước đó Inhaxiô đã lên đường ra đi khỏi mộng ước vương bá trần tục. Các tu sĩ hội dòng Têrêxa Calcutta hăng hái lên đường phục vụ những con người bất hạnh, xấu số, bị bỏ rơi là tuân lệnh của mẹ Têrêxa, một phụ nữ nhỏ người nhưng đã mạnh mẽ ra đi, từ bỏ cả một cuộc sống tu trì đang yên ổn để sống yêu thương người khốn cùng một cách nào đó như Chúa Kitô đã yêu thương nhân loại. Cũng tương tự như thế, nhiều nhà truyền giáo can đảm lên đường vì đã nhận được lệnh sai đi của những đấng bậc đã biết sống tự huỷ một cách nào đó như Thầy chí thánh Giêsu.

Nếu như các đấng bậc bề trên các hội dòng, các giám mục giáo phận chân thành và trung thực để nói: “Như Chúa Kitô đã sai tôi (nghĩa là tôi đã lên đường, ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ và bỏ mình để sống yêu thương phục vụ…), thì tôi sai anh em, chị em” thì thiết nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và cả Kitô hữu giáo dân can đảm lên đường “như chiên giữa sói rừng”(Mt 10,16), để truyền giáo, sống yêu thương phục vụ tha nhân cho đến cùng.

Để điều này thành hiện thực thì chắc chắn cần có sự tín nhiệm của người truyền lệnh và người được sai đi. Ngoài ra cũng cần loại bỏ tâm lý cầu toàn để rồi biết can đảm đón nhận những trường hợp thất bại cách này cách khác. Tin mừng cho chúng ta hay trong số mười hai tông đồ và bảy mươi hai môn đệ được Chúa Giêsu sai đi đã có đó những trường hợp thất bại. Không nguyên chỉ theo kinh nghiệm con người “ thất bại là mẹ thành công”, chúng ta còn tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm mọi sự tốt lành tư những vấp váp và cả tội lỗi của con người. Dĩ nhiên phần chúng ta, chúng ta phải hy vọng và làm hết sức có thể để những người ra đi sẽ không đánh mất căn tính của mình, nhưng đón nhận thân phận cũng như mọi cảnh huống của đồng loại để vĩnh hằng chúng trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngụ bên hữu Chúa Cha.

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,18). Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Kitô đã tự nguyện ở cùng các ngài mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20), cách đặc biệt bằng Thánh Thần mà Người ban tặng (x.Ga 20,22). Ước gì các tu sĩ nam nữ, các linh mục hay Kitô hữu giáo dân được sai đi không bao giờ vướng lấy mặc cảm là bị bỏ rơi, như là một thứ “con bị bỏ chợ”, nhưng luôn được người sai mình đi đồng hành với mình bằng cả tấm lòng, bằng sự sẻ chia cách này cách khác, đặc biệt là bằng tinh thần trách nhiệm như Đức Kitô, Đấng hằng tiếp tục chịu nộp vì chúng ta, chịu đổ máu đào ra để chúng ta và mọi người được thứ tha, được cứu sống.
 
Tin Đáng Chú Ý
Lạm phát ở Việt Nam nhìn qua tờ vé số
Văn Lang/Người Việt
13:22 12/11/2010
Theo đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, chỉ số lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng lên tới 2 con số. Ðiều khá lạ là giá cả thực phẩm thiết yếu ở Việt Nam luôn luôn tương ứng với mệnh giá của tờ vé số.

Trong khoảng 12 năm liền, từ 1995 tới 2007, Việt Nam kìm chế được lạm phát trong khoảng 1 chữ số (dưới 9%). Thời kỳ này sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá đều và ổn định, đây cũng là thời kỳ Việt Nam bỏ được căn bệnh trầm kha lâu nay là dùng vàng hoặc ngoại tệ, chủ yếu là đô la để định giá mua nhà hoặc mua xe.

Sự giao dịch mua bán dù lớn, dù nhỏ đều chính thức chuyển sang dùng đồng nội tệ là đồng tiền Việt Nam. Sự thay đổi này do thị trường Việt Nam quyết định, chứ hoàn toàn không do mệnh lệnh từ phía chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Giai đoạn đầu 1995, mệnh giá của tờ vé số phát hành tại Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam có giá là 2 ngàn đồng Việt Nam. Lúc đó một ổ bánh mì thịt ở Sài Gòn cũng có giá tương ứng là 2 ngàn đồng. Sau khoảng 2007, mệnh giá của tờ vé số lên tới 5 ngàn đồng thì lập tức ổ bánh mì thịt cũng lên theo với giá y xì là 5 ngàn đồng. Từ 2009 tới nay mệnh giá tờ vé số tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đã lên tới 10 ngàn đồng, và ổ bánh mì thịt ăn được ở Sài Gòn cũng phải là 10 ngàn đồng, còn mấy chỗ dở tệ cũng phải có giá là 7-8 ngàn đồng một ổ. Chỗ ngon và sang như Như Lan có giá từ 15 tới 20 ngàn đồng một ổ.

Vật giá leo thang chóng mặt, trong khi thu nhập của người lao động thì hầu như không mấy tăng, do vậy ngoài chuyện cuộc sống khó khăn là lẽ đương nhiên, còn chuyện tích lũy của dân lao động hầu như bằng không, thậm chí còn âm dù cho đã hết sức hà tiện.

Chuyện một bà bán vé số có tiền sắm 1 chỉ vàng thời trước 2007 là có thực, vì vàng lúc đó còn rẻ, khoảng 400-500 ngàn đồng một chỉ, nên dân nhập cư bán vé số ở Sài Gòn, bán ngày lời được vài chục ngàn đồng, chi tiêu hà tiện dành dụm vài ba tháng sắm chỉ vàng đeo ở tay cho chắc ăn, phòng khi ốm đau, bệnh tật hay về quê thì có tiền tàu xe, ở nhà trọ chung, để tiền thì sợ mất.

Nhưng nay vàng đã lên trên 3 triệu 500 ngàn đồng một chỉ, hơn 35 triệu đồng một cây vàng, do vậy dân nghèo chỉ có bán vàng ra xoay xở đắp thêm để xài, chứ chuyện mua vàng để dành là bất khả rồi.

Hồi trước, khi dân nghèo hỏi thăm nhau: “Mới mua xe hả, nhiêu vậy?” nhiều khi nhận được câu trả lời khinh bạc: “Có bao nhiêu, mấy chỉ thôi mà!” Hồi trước kia, nói chiếc xe Honda mấy chỉ là biết xe “bèo,” xe “cà tàng” cỡ nào, nhiều người còn nói vui để tự an ủi: “Ði xe loại mấy chỉ khỏi lo mất.” Nhưng nay thì đã khác, chẳng còn giọng khinh bạc vụ mấy chỉ nữa.

Hồi 2002-2003, chiếc Honda hiệu Wave Anpha của Nhật sản xuất tại Việt Nam, tính luôn thuế má, giấy tờ ra bảng số là 14 triệu 500 ngàn đồng VN, tương đương hơn 3 cây vàng, là niềm mơ ước của nhiều người nghèo của Việt Nam, trong khi đa số dân nghèo còn phải đi xe cũ hoặc Wave Tàu chạy hư lên hư xuống.

Hiện giờ một chiếc xe wave Anpha Nhật làm tại Việt Nam mẫu mã đẹp hơn trước kia, giấy tờ ra bảng số luôn cũng chỉ có giá là 15 triệu đồng, quy ra vàng tại thời điểm này thì chưa tới 5 chỉ vàng, và loại xe này thành dòng xe bình dân ở Việt Nam, xe của Tàu hiện gần như vắng bóng tại thị trường VN.

Tâm lý của người Việt xưa nay mọi thứ đều gắn với vàng, coi giá vàng như một thước đo chuẩn mực của thị trường, không cần biết tới những khái niệm căn bản của ngành tài chánh như là kim bản vị hay hoán đổi kim bản vị gì ráo. Ngủ một đêm thức dậy thây giá vàng lại tăng vọt là ai nấy lo ngay ngáy. Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá vàng tăng gần gấp 9 lần, từ 4 triệu đồng một lượng lên tới trên 35 triệu đồng một lượng.

Thêm một điều nữa, trên thế giới đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh so với đồng tiền của các nước, trong khi tại Việt Nam thì đồng đô la Mỹ lại tăng giá so với tiền Việt, hiện giá trợ đen 1 Mỹ kim ăn trên 21 ngàn đồng VN. Trong vòng 9 tháng qua, Việt Nam đã phải ba lần phá giá đồng tiền Việt, với lời giải thích là “điều chỉnh linh hoạt” cho phù hợp với kinh tế thị trường.

Theo tin từ phía ngân hàng nhà nước, Việt Nam đã bỏ ra vài trăm triệu đô la mỗi tháng từ quỹ dự trữ ngoại hối để chống sự trượt giá quá nhanh, quá sâu của đồng tiền Việt. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, nếu không thực sự cải tổ căn bản nền kinh tế Việt Nam thì sự lạm phát không kiểm soát được sẽ kéo theo sự sụp đổ của nền “kinh tế bong bóng.” Mà dấu hiệu trước mắt cho thấy là vụ bê bối của tập đoàn tàu biển Việt Nam-Vinashin, nợ hàng trăm ngàn tỉ đồng, với “di sản” để lại là những đống sắt vụn, kho bãi hoang phế, những con tàu không chạy được.

Với giấc mơ gia nhập nền kinh tế của các nước mới trỗi dậy, Việt Nam phát hành trái phiếu chính phủ ra quốc tế, đem đô la về giao cho Vinashin kinh doanh, với mong muốn có được những tập đoàn mạnh như các Cheabol của Hàn Quốc. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Thiếu chuyên môn, duy ý chí, không kiểm soát, hậu quả dẫn tới là Vinashin trở thành gánh nợ của quốc gia. Tiếp tục bơm tiền cho Vinashin hay để cho nó “chết” đều chỉ có tác dụng gia tăng lạm phát ở Việt Nam. Ðơn giản là vì trong cơn khủng hoảng, suy thoái toàn cầu thì các tập đoàn công nghiệp, trong đó có ngành đóng tàu của Hàn Quốc còn chết lên chết xuống, huống hồ là Việt Nam cho tới giờ phút này thậm chí không có nổi một hãng sản xuất xe đạp cho ra hồn, vậy mà mong muốn đóng tàu xuất khẩu ra thế giới, đúng là câu chuyện vừa hoang đường vừa tức cười (cười mà tức).

Người dân Việt xưa nay trong hoàn cảnh khó khăn thì chỉ biết kêu Trời. Lần này, trước khi Trời cứu thì mỗi người dân nghèo nên tự cứu lấy mình, còn bằng cách nào trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì chưa biết!!!

(Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=122969&z=1)
 
Văn Hóa
Chuyện Phiếm Đạo Đời
Trần Ngọc Mười Hai
23:33 12/11/2010
Chuyện Phiếm Đạo Đời (Chúa Nhật 33 C Quanh Năm)

“Chiều một mình qua phố,”

âm thầm nhớ nhớ tên em,

có khi nắng khuya chưa lên

mà một loài hoa chợt tím.”

(Trịnh Công Sơn - Chiều Một Mình Qua Phố)

(2Ph 1: 13-15)

Phố xá anh qua, có là nhà Đạo ở quận/huyện, anh chợt đến? Quê nhà chị đến, có là trời cao chốn vắng, rày hay quên? Quên/nhớ chốn trời cao/phố vắng, là chuyện bình thường. Thường và bình, là chuyện “một mình qua phố”, để “âm thầm nhớ tên em”. Nhớ loài “Hoa chợt tím”. “Gót chân mềm”. “Chiều một mình qua phố” rất bình thường, còn gợi buồn cho mình và cho người một giòng thơ. Mơ huyền. Trầm tĩnh.

Giòng thơ mơ huyền, nay lại đến với bần đạo, nhân có buổi “chiều một mình qua phố”, đến nhà Đạo. Nhưng, phố xá mà bần đạo mới vừa qua, lại là phố Đạo bình thường. Rất dễ thương. Cũng nhắc nhớ “tên em”. Rất êm đềm. Tên, của người anh/người chị, với những tình tự dễ thương. Dễ nhớ. Nhớ và thương, một ký ức, tức tình tự của đấng bậc lành thánh. Rất sốt sắng. Linh đạo.

Sống ở nhà Đạo lại qua phố, bần đạo cũng có ước mơ, tự sự nghe nghệ sĩ hát, rất quen quen:

“Chiều một mình qua phố

âm thầm nhớ nhớ tên em

Gót chân đôi khi đã mềm

gọi buồn cho mình nhớ tên.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Và, “một mình qua phố”, bần đạo cũng qua là để “nhớ tên em”, rất âm thầm. Người của Hội thánh. Nhớ tên em, là tình tự mà bần đạo nhận ra được ở lời thơ còn hát tiếp:

“Chiều qua bao nhiêu lần môi cười, cho mình còn nhớ nhau

Chiều qua bao nhiêu lần tay mời, nghe buồn ghé môi sầu.

Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu.

Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cùng với người nghệ sĩ trên, bần đạo cũng đã “một mình qua phố”, với môi cười. Để rồi sẽ “nghe buồn ghé môi sầu”. Chuyện “dài lâu”. “Người biết đau”.

Ấy đó, là chuyện đời. Chuyện của người nghệ sĩ, cũng bon chen. Nhưng, không thoát phận hèn. Niềm đau. Ấy đó, là tâm tình của dân con nhà Đạo, cũng hay xục xạo như bần đạo. Cũng từng “một mình qua phố”, nhưng không phải chốn phố chợ. Đường đời. Mà, phố Đạo. Nhà Đạo. Để rồi, cứ khờ khạo. Chẳng để tâm/lưu ý gì tâm sự của vị đại lão trưởng tràng cộng đồng dân Chúa, từng có lời kinh hôm. Rất thúc bách. Như sau:

“Tôi thiết nghĩ:

bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này,

tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em,

đó là điều phải lẽ,

vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này,

như Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

cũng đã tỏ cho tôi biết.

Nhưng tôi sẽ cố gắng, để trong mọi trường hợp,

sau khi tôi ra đi, anh em có thể nhớ lại các điều ấy”

(2Ph 1: 13-15)

Điều thúc bách hôm nay, không là lời thơ hay tự sự về những buổi “một mình qua phố” mà là gợi nhớ cả lời kinh/tâm tình hầu “thức tỉnh anh em”, về “điều phải lẽ”.

Điều phải lẽ, hôm nay là: cần nhớ những gì Chúa đã tỏ cho mình biết. Cần nhớ thêm cả đôi điều người nghệ sĩ hôm xưa khắc khoải, chịu đựng. Nên mới hát:

“Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Gió ơi gió ơi bay lên, để bụi đường cay lòng mắt

Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em

Áo xưa chưa quen phong trần, đợi mùa thu vàng áo thêm.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Chiều một mình qua phố Đạo hôm nay, không chỉ có mỗi bần đạo mà chắc nhiều người cũng thấy có tình huống rất tương tự. Khi được nghe biết sử hạnh của chị Mary MacKillop và thời gian đợi chờ để được Hội thánh ngó ngàng, mà vinh danh thành hiển thánh. Cả thời gian, khi chị bị Vatican dứt phép thông công.

“Chiều một mình qua phố”, còn là động thái của nhà Đạo vẫn cứ âm thầm mà đợi chờ để được các đấng vị vọng “nhớ tên em”, mà cứu xét. Cứu xét kỹ, mới tấn phong thành bậc hiển thánh, rất đáng nhớ. Nhớ đến chuyện tấn phong hiển thánh cho Mary MacKillop, ở Úc. Nhớ và đợi, thu vàng áo thêm” mà tầm nguyên/nghiên cứu mọi việc cho kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ bị cho là hấp tấp. Thiếu chính xác.

Về thời gian đợi chờ, nơi đây lại có lời nhắn dân con nhà Đạo, rằng: mười năm hoặc trăm năm, đâu đã dài. Đâu cứ bậc hiển thánh nào, cũng chờ lâu. Nhớ, là nhớ trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta, được phong Chân phước nhanh nhất lịch sử?

Nhớ, là nhớ rằng Mẹ qua đời năm 1997. Chỉ hai năm sau, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bãi bỏ điều lệ năm năm, cho phép mở cuộc điều tra về đời của Mẹ. Và, chỉ sau giỗ đầu của Mẹ, tức năm 2002, Toà thánh đã công nhận phép lạ Mẹ làm. Và, chỉ sáu năm sau ngày Mẹ qua đời, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị lại đã công bố Mẹ là Chân phước, năm 2003,.

Trường hợp của Mary MacKillop, thì khác. Mary MacKillop qua đời ngày 8/8/1909. Ngay vào ngày an táng chị, Đức Hồng Y Moran, Tổng Giám Mục Sydney, lại đã tuyên bố rằng chị sẽ được phong thánh, ngày rất gần. Bằng chứng là, vào ngày an táng chị, nhiều người đem chuỗi tràng/cỗ hạt, cùng ảnh tượng sờ chạm vào thi hài chị, để hưởng ơn lành phước hạnh. Có vị còn đến mộ chị đem đất lành cùng đá sỏi về làm báu vật. Hy vọng tương lai mình cũng được hưởng ơn lành từ đấng thánh.

Đến năm 1925, tức hơn ba mươi năm sau, Đức Tổng Giám Mục Kelly, đấng kế vị Hồng y Moran, mới nhớ đến việc tái lập toà án phong thánh cho chị. Và, đến năm 1931, thì tiến trình phong thánh cho chị bị khựng lại vì một trục trặc nhỏ, là: tài liệu quan trọng để duyệt xét, đã thất lạc. Không thấy lưu giữ ở văn khố.

Hai mươi năm sau, tân Tổng Giám Mục Sydney là Đức Hồng Y Gilroy, mới tìm lại được tài liệu này và chính ngài đã tái lập toà án điều tra việc phong thánh cho chị. Suốt từ năm 1951 đến 1961, toà án đã điều tra rất kỹ các nhân chứng ở Sydney và nơi khác như: Brisbane, Adelaide, tức những nơi chị từng đặt chân đến, để cứu xét.

Năm 1973, giới chức Hội thánh ở Sydney lại thu thập thêm nhiều dữ kiện quan trọng gửi về La Mã để mong toà thánh có đủ dữ kiện mà quyết định. Và rồi, nhân dịp ghé Sydney vào độ ấy, Đức Phaolô Đệ Lục đã quyết định mở lại toà điều tra, tiếp tục cứu xét một số yếu tố có liên quan đến đời lành thánh của chị Mary MacKillop, ở Úc. Và không lâu sau đó, lm Aldo Rebeschini được giao cho trách nhiệm rất quan trọng ấy. Linh mục Rebeschini đi khắp đó đây, không chỉ Rôma thôi, mà cả Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan để có thêm bằng chứng, mà cứu xét.

Kết quả được đúc kết trong một tài liệu gọi là Positio nhằm xác định xem nữ tu Mary macKillop có sống đời nhân đức theo cung cách anh hùng như Hội thánh qui định không. Việc này đươc giao cho một linh mục Dòng tên khác là cha Paul Gardiner, làm Cáo Thỉnh Viên, có sự hợp tác của lm Peter Gumpel cũng Dòng Tên từ năm 1984 đến năm 1989. Từ đó, cả hai vị có trọng trách báo cáo về Toà thánh, nhận ý kiến.

Năm 1989, các đấng bậc có trọng trách đã đệ trình sự việc lên Thánh Bộ Phong Thánh để kịp thời cứu xét. Không đầy ba năm sau, tức vào ngày 13/6/1992, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị đã long trọng tuyên bố Mary MacKillop là đấng bậc sống đời nhân đức rất mực của đấng bậc lành thánh, nên được Giáo hội chuẩn thuận nâng lên bậc Đáng Kính.

Kế đó, Toà thánh cũng công nhận phép lạ do lời cầu bàu của Đấng Đáng Kính Mary MacKillop mà nữ phụ nọ sống ở Úc đã khỏi bệnh ung thư máu, gian đoạn chót. Sau đó ít lâu, các chuyên viên y khoa tiếp tục cứu xét sự kiện xảy đến với một bệnh nhân khác, có từ năm 1961. Và, ngày 6/7/1993, Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị khẳng định: đây là phép lạ do Đấng Đáng Kính Mary MacKilop thực hiện.

Cũng từ quyết định này, Toà thánh tiến đến giai đoạn tiếp phong Chân Phước cho Mary MacKillop. Nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tổ chức tại Sydney, năm 2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã chính thức phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Mary MacKillop và từ đó, cho phép Hội thánh ở Úc, chọn ngày mừng kính chân phước để đưa vào lịch phụng vụ. Lễ kính Chân Phước MacKillop được ấn định vào ngày 8 tháng 8, tức ngày chị đi vào cuộc sống miên trường. Vĩnh cửu.

Muốn được phong thành hiển thánh, các Chân phước phải có thêm một phép lạ nữa mới kiện toàn đủ thủ tục. Trường hợp chân phước MacKillop, đã có thêm bằng chứng cho thấy một nữ phụ khác bị bướu độc ở phối đã chạy lên não bộ thần kinh, khiến y khoa bó tay từ chối giải phẫu. Và, các bác sĩ khẳng định là bệnh nhân này chỉ sống được vài tháng, là tối đa. May nhờ bạn bè khuyến khích, người bệnh đã tìm đến Chân Phước MacKillop để khẩn cầu. Kết quả là, 10 tháng sau đó, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã cải thiện, trông thấy. Bướu độc biến mất. Bệnh nhân thực sự khỏi bệnh.

Với phép lạ thứ hai này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã chuẩn thuận cho phép giới chức Toà thánh lo liệu phong thánh cho Chân phước MacKillop. Nghi thức phong thánh cho chị được diễn ra tại Quảng Trường thánh Phêrô ở Rô-ma hôm 17/10/2010, vừa qua.

Xét cho cùng, những câu hỏi người nghệ sĩ trên nêu ra: “ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu, có nên áp dụng vào tiến trình phong thánh cho nữ tu Mary MacKillop, không? Và, “xin cho dài lâu” ở đây, có là niềm vui khôn tả xiết, với Hội thánh ở Úc? Chắc chắn việc phong thánh cho nữ tu Mary MacKillop sẽ tạo ảnh hưởng “dài lâu” lên cuộc sống của thành viên trong Giáo Hội. Ở đây. Sau này. (x. Lm Gardiner, Mary MacKillop, Saint in the Making Trung Tâm Giáo Dục Công Giáo Sydney).

Nay, có lẽ sẽ có người hỏi: việc phong thánh cho chị kể như đã xong. Thế còn, ảnh hưởng của sự việc này, rày đã thấy? Thấy hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ mỗi một điều, là: cuộc sống ở đời, hay trong Đạo, vẫn có những tình huống giống như câu hát của người nghệ sĩ trên “cuộc đời còn có nhau, xin cho dài lâu”. Tức, ở vào tình và huống của buổi “chiều, một mình qua phố”, hẳn là: người người vẫn “âm thầm nhớ nhớ tên em”, nhớ suốt ngày. Nhớ khôn nguôi.

Nhớ tên em, là nhớ cả tên của vị thánh nhỏ đầu tiên của Úc, hoặc nhớ gì đi nữa, vẫn có thể là tình huống rất nhớ và rất âm thầm như câu truyện ở bên dưới:

“Truyện rằng:

Một hôm, có vị samurai người Nhật đến thu nợ của người đánh cá nọ. Người đánh cá gặp chủ nợ, bèn nói: “Tôi xin lỗi, năm vừa qua công việc làm ăn đến là tệ, tôi không có đủ tiền để trả nợ cho ngài.”

Vị samurai nổi giận, bèn rút kiếm ra định giết chết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá vội phân bua: “Tôi cũng từng học võ nhưng sư phụ của tôi lại khuyên không nên cãi vã/đánh nhau lúc mình đang nổi nóng.”

Vị samurai nhìn anh dân chài một lúc, sau đó ông từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn. Sư phụ ta cũng dạy như thế. Ðôi khi ta không kềm chế được cơn giận của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm nữa mà tìm cách trả nợ nần. Lúc đó, nếu ngươi chỉ thiếu một xu thôi, ta cũng sẽ giết ngươi, vì lỗi hứa.”

Vị samurai về nhà, lúc ấy cũng đã muộn. Ông nhẹ nhàng bước vào bên trong, không muốn đánh thức vợ. Nhưng bất chợt, ông thấy vợ mình và kẻ lạ mặt mặc phẩm phục samurai đang nằm trên giường. Điên lên vì ghen tức, ông rút kiếm khỏi bao định giết cả hai người, nhưng đột nhiên nhớ lại lời người đánh cá văng vẳng bên tai: “Sự phụ tôi dặn: Ðừng hành động khi còn giận dữ.”

Vị samurai ngừng lại, hít thật sâu đầy buồng phổi. Sau đó, ông cố tình gây tiếng động để cảnh báo. Vợ ông nghe tiếng, vụt dậy ngay lập tức. Kẻ lạ mặt cũng ngồi. Nhìn kỹ kẻ lạ mặt, vị samurai mới nhận ra đó là mẹ của ông. Suýt bị ông giết.

Ông gào lên:

-Thế này là thế nào đây? Suýt nữa thì con đã giết chết cả hai người!”

Vợ ông phân trần:

-Vì sợ kẻ gian lẻn vào, nên thiếp đã để mẹ mặc áo của chàng hầu đánh lạc hướng bọn chúng.”

Năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai chủ nợ của mình, bèn thưa.

-Năm vừa rồi công việc làm ăn của tôi, thật tuyệt vời. Nay, tôi đến là để trả nợ cho ngài đây, cả tiền lãi nữa! Đây, ông hãy cầm lấy số tiền này, như đã định.

Vị samurai thấy anh dân chài thật lòng, bèn nói:

-Anh đã trả nợ cho tôi đầy đủ rồi. Thôi hãy ra về, mà sống đời hạnh phúc. Khỏi lo lắng chuyện nợ nần gì nữa hết. ”

Truyện ở trên, xem ra cũng có chút gì gọi là đã kết hậu. Cũng ngắn gọn. Chẳng dông dài. Lại ý nghĩa. Và, người kể còn rút ra bài học nhỏ, là: ở hoàn cảnh nào cũng thế, đừng có động thái nào hết, khi đang giận. Bởi có câu: 3 điều làm hỏng con người, là: Rượu, lòng tự cao tự đại, và sự gận dữ. Xét theo truyện ở trên, thì chỉ một câu van xin khất nợ thật thà của người quê, cũng đã gíup vị samurai tránh được cái hoạ tày trời là giết người, cả vợ lẫn mẹ, nữa.

Ngoài ra, người kể cũng lại thêm lời bàn khác, là: ở hoàn cảnh nào đi nữa, ở ngoài đời hay trong Đạo, cũng chớ gượng gạo mà thắc mắc/hỏi han bằng những câu âu sầu. Rầu rĩ. Như câu hát: “Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu”. Như, đợi chờ việc phong thánh cho nữ tu nọ hay ai đó. Khá dài ngày.

Nói: chớ gượng gạo, vì như lời truyền tụng nọ vẫn quả quyết: hồi Đức Bênêđíchtô thứ 16 còn là Hồng Y Ratzinger, ngài từng tuyên bố một câu “rất xanh rờn”, nhưng không mấy thuyết phục rằng: “Úc là đất nước trần tục nhất hành tinh.” (x. Michael Cook, MercatorNet 19/10/2010 tr.1)

Không cần biết, nhận định trên đúng đến cỡ nào. Chẳng cần hỏi, chuyện ấy ảnh hưởng đến người sống ở Úc ra sao? Xét cho cùng, ai cũng nhận ra, là: truyền thông Úc, lâu nay vốn là đệ tứ quyền chuyên kình chống/uý kỵ Hội thánh Chúa. Chí ít, là Hội thánh Công giáo. Chẳng thế mà, khi có sự kiện gì xấu xảy đến với Hội thánh ở đây, truyền thông Úc cứ là nhảy xổ vào, để ăn có. Hoặc, chỉ để thổ lộ những phẩm bình như câu hát: “Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.”. Dài lâu. Rất âu sầu.

Đến đây, hẳn bạn cũng đồng ý là vị samurai nọ cũng là đấng nam nhi quân tử vì ông đã hành xử theo như câu nói ở đâu đó, về đạo làm người quân tử, có bốn điều. Đó là: mạnh dạn khi làm điều nghĩa; nhũn nhặn khi nghe lời can gián; lo nghĩ khi nhận bổng lộc; và cẩn thận với việc sửa mình. Đến đây, bần đạo lại liên tưởng đến chuyện “xin cho dài lâu” một vận hội. Lễ hội. Và, đại hội. Tức những hội và những lễ được tổ chức rất cao sang. Hoành tráng. Sục sôi. Để rồi, khi “ngày vui qua mau”, ta sẽ lại thấy đau thương cứ kéo dài, rồi sẽ hát:

“Chiều một mình qua phố,

Nghe giòng nước vẫn vây quanh

Bước chân nghe quen cũng buồn

Lạy đời, xin còn tuổi xanh.”

(Trịnh Công Sơn –bđd)

Rõ ràng là, người có kinh nghiệm về hệ quả của những ngày dài hội lễ, cũng rất đại. Dù “đại” ấy có là thánh hội mà dân con Đức Chúa vẫn cứ mừng, và cứ kính. Dù, chỉ là hội lễ mười năm. Trăm năm. Hoặc, ngàn năm rất mây bay. Đó, cũng là hội lễ rất tưng bừng. Hưng phấn. Những là, rồng bay phượng múa. Kiệu rước linh đình, đầy đủ cả. Trong khi dân con Đức Chúa chỉ cần “âm thầm nhớ nhớ tên em”. Âm thầm, nhớ tên của thánh nhân hôm trước từng dặn dò:

“Bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này,

tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em…”

(2Ph 1: 13)

Thánh Phêrô có nhắc hoặc có nhủ, ngài cũng chỉ muốn nhắc anh và nhắc em, dân con Đức Chúa, hãy nhớ rằng:

“Anh em hãy gia tăng lòng nhiệt thành,

và lo sao để nhờ lòng tin thì đạt thêm đức độ,

nhờ đức độ lại thêm giác ngộ,

nhờ giác ngộ lại thêm tiết tháo

nhờ tiết tháo lại thêm đạo đức,

nhờ đạo đức lại thêm tình huynh đệ,

nhờ tình huynh đệ lại thêm đức mến.

Vì các điều ấy, một khi đã có và có cách dồi dào,

tất không để anh em ở dưng, vô hiệu trên đường trí tri

về Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô.”

(2Ph 1: 1: 5-9)

Hôm nay, ngồi nhớ những lời âm thầm nhắnvà nhủ như thế, bần đạo đã thấy sợ. Vì sợ, nên tự kiểm và tự thấy: dân con Đức Chúa, xưa nay được dặn dò rất nhiều lần, mà sao có nhớ cũng chẳng được bao nhiêu. Vẫn sục sôi, hoành tráng sống đời phô trương nhiêu lễ hội. Chẳng hề biết “âm thầm nhớ nhớ tên em”. Và, nhớ tên đấng bậc anh hùng, rất lành và rất thánh, từng nhắc nhớ.

Ngồi nhớ cảnh trời Tây hôm ấy, ở Rô-ma có buổi phong thánh hoành tráng. Sục sôi. Tốn phí. Bần đạo thấy người mình bần thần, lẩy bẩy. Bèn, vào phòng nhẩm hát lời ca ở dưới, làm kết đoạn:

Còn một mình trên phố,

Âm thầm nhớ nhớ tên em,

Ngoài kia không còn nắng mềm

Ngoài kia, ai còn biết tên.”

(Trịnh Công Sơn –bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Với những khắc khoải

kéo dài nhiều buổi chiều

cứ âm thầm ngồi nhớ.

Nhớ tên người em/người chị

các vị rất lành và rất thánh.

Ở nhiều nơi.

“Tôi có hoa bè bạn bên mình”

Hoa hiểu cả những điều tôi chẳng nói

Tôi đã qua bao thác ghềnh đá núi

Qua thời gian tóc thoáng sợi màu mưa.”

(dẫn từ thơ Xuân Quỳnh)

Lc 21: 5-19

Với nhà thơ, hoa bè bạn vẫn hiểu điều mình muốn nói. Với nhà Đạo, hoa thời gian là thoáng sợi màu mưa. Là, thác ghềnh, đá núi, ta kinh nghiệm. Hoa lá/bạn bè vẫn chan chứa tình đời. Tình người. Và, tình Chúa ở thơ văn, rất Tin Mừng. Ở, trình thuật/truyện kể ta đón nhận, bấy lâu nay.

Trình thuật thánh Luca, nay nói về cảnh tình khắc nghiệt xảy đến với lai thời, ngày Chúa đến. Trình thuật Chúa bắt đầu bằng câu chuyện về Đền thờ Giêrusalem linh thánh. Đền thờ, được dùng làm biểu tượng cho tâm can/niềm tự hào của đời người Do Thái. Biểu tượng, chứng tỏ Chúa hiện diện với họ. Đền thờ vật chất, sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, nữa.

40 năm sau, Đền thờ uy nghi hoành tráng như Lời Chúa báo trước, đã thành bình địa khi Giêrusalem thất thủ dưới tay người ngoại giáo, rất Rô-Ma. Với người Đạo Chúa Do thái, điều Chúa nói, Ngài không nói về ngày kết tận của thế giới loài người, thôi. Mà, nhiều thế kỷ về sau, thánh Âu-Tinh và bầu bạn, cũng có cảm giác tương tự khi các vị nhìn cảnh thành phố La-Mã lọt vào tay quân bạo tàn, người phía Bắc.

Điều Chúa nói, khiến người nghe cứ tưởng sự việc sẽ diễn ra trong giao thời, chờ Đấng Mêsia đến. Ở đây, Chúa cảnh báo về những người mạo danh Ngài cứ dụ dỗ người nghe, làm theo ý họ. Ngày nay, các biến động về chiến tranh, thiên tai, lụt lội, không là dấu hiệu của kết tận. Không là thời Chúa đến, ngày sau hết. Cũng chẳng là dấu chỉ cơn giận, của Chúa. Bởi, Chúa của ta đâu là thế. Trình thuật muốn diễn tả đó là đố kỵ, ghét ghen, hận thù đang thống trị tâm can con người, thôi.

Chúa nói chưa hết lời. Và, Ngài diễn tả cũng chưa hết ý. Vẫn còn nhiều sự việc nằm lại nơi tâm tư những người theo chân Ngài. Họ chẳng ngạc nhiên/quẫn bức khi nghe Ngài bảo. Bởi, điều Ngài nói, là các hiện tượng không chỉ xảy đến với Hội thánh thời tiên khởi, mà, còn diễn tiến từng giai đoạn nhiều thế kỷ, mãi đến hôm nay.

“Trước khi sự việc ấy xảy ra, người ta sẽ tra tay bắt bớ và ngược đãi anh em, sẽ nộp anh em cho hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa cùng quan quyền, vì Danh Thầy. Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21: 12)

Tiếng Hy Lạp cụm từ chỉ cuộc tuẫn đạo, là cụm từ có nghĩa là “làm chứng”. Thế nên, tất cả các hiện tượng xảy đến, không là nguồn gốc của mọi hãi sợ, lo âu. Mà, chỉ là cơ hội để mọi người “làm chứng” cho Nước Trời. Làm chứng, cho thị kiến của Đức Chúa về đời người. Và, các vị bị tuẫn đạo từng chết vì bách hại, đều là nguồn gốc của niềm tự hào cộng đoàn Nước Trời. Là, mẫu mực cho mọi người nghe theo. Thời tiên khởi của các thánh, các vị tử đạo đều hiểu rằng máu đào các ngài đổ ra là hạt giống cho mọi người tin tưởng, vào Chúa.

“Anh em đừng ngại phải bào chữa cách nào. Chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi, hoặc cãi lại được.” (Lc 21: 13) Ngày nay, có nhiều bằng chứng cho thấy lời Chúa hứa đã thành hiện thực. Bản thân nhiều người cũng từng có kinh nghiệm về những đau đớn/bách hại do tin vào Chúa. Và sau đó, các ngài càng trở nên vững mạnh, hơn bao giờ hết.

Thông điệp Chúa gửi, nay cũng rất mạnh và rõ nghĩa. “Hãy kiên trì, rồi ra chiến thắng sẽ về tay anh em.” Đây không chỉ đơn giản là lời hứa hẹn suông. Nhưng về lâu về dài, chính Sự Thật, Tình Yêu và Công chính, sẽ thắng thế. Lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ, dù có những điều xảy đến rất tan tác, rối bời; nhưng, các điều ấy vẫn cho thấy tiến trình diễn bày giá trị con người nằm ở nhiều nơi, nhiều chỗ.

Bằng chứng đã thấy có trong lời tiên tri Malaki ở bài đọc 1: “Vì này, ngày ấy đến đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng.” (Ma 3: 19) Nhưng, với những ai đặt nền tảng cuộc sống lên Sự Thật và bỏ hết thời gian còn lại để phục vụ Chúa và phục vụ người anh/người chị ở Nước Trời, thì “mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” (Ma 3: 20)

Nhưng, vấn đề là người người đã sẵn sàng chưa? Có chuẩn bị chờ đón ngày Chúa mời gọi mọi người đến với Ngài không? Nếu có, hà tất cứ phải sống làm sao, ăn nói làm sao cho xứng với tương lai mai ngày, rày có Chúa. Đúng hơn, hãy tập trung lo cho hiện tại, hôm nay. Như thánh Phaolô, từng khuyên các thánh ở Thessalônika, miền Bắc Hy Lạp, rằng: “Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời. Không rượu chè say sưa, không kiếm tìm lợi lộc, thấp hèn. Phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong lương tâm trong sạch.” (2Th 2: 8-9)

Khi viết cho giáo đoàn Thessalônikê, thánh Phaolô thấy Giáo hội ở đây xôn xao nhiều vì cứ tưởng ngày Chúa Quang Lâm đã gần kề, nên không bõ hăng say làm việc, hầu chờ Chúa. Và sự thể là, họ thuyết phục người khác cứ ở nhưng không, sống vô trật tự, như mình vẫn sống. Vì thế nên, thánh nhân mới gay gắt: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải lánh mọi anh em nào sống vô trật tự, đi nghịch lại truyền thống họ chịu lấy nơi chúng tôi.” (2Th 3: 6)

Thánh Phaolô dứt quyết không chấp nhập động thái của những người sống như thế. Ngược lại, thánh nhân còn cương quyết: “Trong Chúa Giêsu Kitô, chúng truyền cho anh em và những người như thế hãy yên thắm làm lụng mà nuôi lấy mình.” (2Th 3: 12) Đây còn là lệnh truyền cho dân con Chúa, ở mọi thời.

Với người vững tin, Đức Giêsu luôn hiện diện nơi trọng tâm cuộc sống, của mỗi người. Tất cả được kêu mời tìm kiếm và gặp gỡ Ngài, ở mọi sự. Nơi mỗi người. Và, mọi người. Mọi thời. Muốn được thế, người người nên vào với thăng trầm của cuộc sống, chính mình. Với thế giới xung quanh. Và, coi đó như khung trời của bình an. Hạnh phúc.

Trong tin tưởng đón chờ Chúa đến lại, ta cứ hân hoan hát mãi lời ca đầy phấn kích, rằng:

“Từ thành đô ra đi muôn phương

Hoà niềm vui trong bao yêu thương

reo rắc khắp nơi nguồn vui sống.

Tiếng gió lướt sóng mênh mông, mênh mông

Dốc núi bát ngát chập chùng, chập chùng

Đời tự do, say trong phong sương.”

(Văn Phụng – Ta Vui Ca vang)

Sống tự do, hoà vui trong yêu thương, là sống hạnh phúc. Bất chấp mọi sóng ngầm, động đất, chiến tranh, đang bộc phát. Sống, là tin vào Lời Chúa đã phán hứa, với mọi người. Trong cũng như ngoài nhà Đạo. Ở khắp nơi. Mọi khung trời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

MaiTá diễn dịch
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Múa Quạt
Lê Trị
10:13 12/11/2010
MÚA QUẠT

Ảnh của Lê Trị

Một yêu em gửi miếng trầu

Hai yêu em gửi áo nâu về nhà.

Ba yêu em gửi áo hoa

Bốn yêu em gửi thư nhà cho anh.

Năm yêu em gởi quạt xanh

Sáu yêu em gửi một cành kim thoa…

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ?nh Ngh? Thu?t và Chiêm/Ni?m/Thi?n