Ngày 30-11-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở...
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:07 30/11/2010
Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Vọng, Năm A

Hằng năm cứ mỗi dịp mùa Vọng về, đoàn tín hữu chúng ta lại được nghe điệp khúc: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người.” (Tv 71,7). Đã là người, từ cổ chí kim, ai cũng hằng mong được sống trong an bình. Hòa bình mãi là niềm ước mong của mọi dân tộc, mọi quốc gia, dĩ nhiên là ngoại trừ những kẻ lắm tham vọng muốn bá quyền, muốn độc tôn, thống trị kẻ khác…Và dường như sự an bình, yên ổn vẫn còn là ước mơ, cho dẫu một đôi lúc, ở một vài nơi đã được nếm hưởng nhưng chưa chắc đã là được bình an thực sự.

Đức Kitô đã đến thế gian. Người đã thiết lập triều đại nước Thiên Chúa, thế nhưng triều đại của Thiên Chúa vẫn chưa hoàn tất. Chúa đã làm người để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Trong kinh “Lay Cha”, khi dạy chúng ta khẩn khoản nài xin cho nước Cha trị đến (hay xin cho triều đại Cha mau đến, như cách dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh), hẳn là Chúa Kitô không dạy chúng ta chỉ biết “há miệng và ngửa tay” đón chờ nhưng dạy ta phải biết nắm tay lại để chung xây triều đại của Thiên Chúa.

Sẽ chẳng có hòa bình nếu không có công bằng. Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã từng nhấn mạnh điều này vào mỗi dịp đầu năm Dương lịch hay những khi kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Quả thật, làm sao có được sự công bình nếu không có sự công chính. Nói đên sự công chính là nói đến sự công minh, chính trực trong tư tưởng, lời nói và hành động của con người. Như thế cái nguồn gốc của sự hòa bình là nơi chính bản thân con người. Tuy nhiên, vì con người là sinh vật có tính xã hội do đó một nền hòa bình chính hiệu cần phải có những thể chế luật lệ công minh, những đường lối chính sách ngay thẳng, công bình.

Những hình ảnh “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt chúng…” chính là niềm ước mơ của mọi người, mọi thời. Với những lời của Tiên Tri Isaia qua bài đọc thứ nhất (Is 11,1-10) và lời giảng của thánh Gioan Tẩy giả trong bài tin Mừng Chúa Nhật II mùa Vọng năm A này (Mt 3,1-12), xin được góp một vài ý thô thiển để cùng dệt xây một nền hòa bình đích thực và chính hiệu.

1. “Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,4). Ngay cả hôm nay, các hiện tượng người nghèo khó bị áp bức bóc lột, bị xét xử bất công vẫn còn đó. Nhiều nơi trên thế giới và ngay chính trên quê hương chúng ta hiện tượng này vẫn dẫy đầy đó đây. Câu ngạn ngữ “ở hiền, gặp lành” xem ra không phải lúc nào cũng đúng mà có vẻ như đang là ngược lại. Càng ở hiền thì càng gặp nhiều điều chẳng may, càng bị thua thiệt nhiều mặt. Chính vì thế người con cái Chúa cần phải nỗ lực, gắng công liên lỉ.

Dĩ nhiên, không phải ôm bom tự sát, không phải cầm gươm giáo, súng ống làm vũ khí, nhưng ta phải biết “dùng lời như gậy đánh người áp chế và dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác” (Is 11,4). Đức Bênêđictô XVI, thời chưa làm Giáo Hoàng đã từng cảnh báo các mục tử trong Hội Thánh không được câm nín trước bất công và tội ác.

Quả thật, là Kitô hữu, nhũng người con cái Chúa, những người có bổn phận xây dựng một nền hòa bình để cho Nước Chúa trị đến. Phải chăng chúng ta đã vô tình hay hữu ý ngậm miệng làm thinh trước các bất công xã hội? Chúng ta đã mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý như thế nào? Phải chăng chúng ta chưa dám hay không dám lên tiếng bảo vệ người nghèo khó, bênh đỡ người hiền lành? Nhiều câu hỏi thật không quá khó để trả lời nếu biết khiêm nhu và trung thực.

Không thiếu những lý do bào chữa, nhưng chúng ta cũng đành thú nhận rằng lắm khi vì đã “ăn xôi chùa, nên đành ngọng miệng”, hoặc có thể e sợ “há miệng sẽ mắc quai” hoặc rất có thể vì đã “có tật thì giật mình” nên chọn giải pháp làm thinh. Cũng có thể vin vào lý do tưởng như là khôn ngoan và hợp lý như là thời cơ chưa thuận lợi, chưa phải lúc…thế nhưng, chúng ta đừng quên đòi hỏi của Tin mừng là dù khi thuận lợi hay không thuận lợi, chân lý phải được công bố.

2. Phê bình, góp ý để làm cho các đường lối, chủ trương, chính sách trong hội Thánh và ngoài xã hội được ngay chính:

“Đường Chúa, ta uốn cho ngay…”. Ca từ của một bài hát trong mùa Vọng ta vốn thân quen vì được trích lời, ý, từ Thánh kinh. Câu hát này có thể làm cho người ta hiểu sai. Mọi đường lối của Chúa đều là từ bi và ngay chính. Cớ sao ta cần phải uốn cho ngay đường lối của Chúa. Không lẽ đường lối của Chúa chưa ngay thẳng hoặc đang cong queo? Chẳng một ai dám to gan khẳng định điều này khi họ là tín hữu đích thực. Thế thì ta cần phải hiểu chính xác về lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả vốn được trích từ lời của tiên tri Isaia: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng…(Is 40,3.5; Lc 3,4-5; Mt 3,3; Mc 1,2-3). Hóa ra đây là những đường lối của ta, cung cách sống của bản thân ta và cũng không loại trừ những thể chế, luật lệ, chủ trương, đường lối, chính sách của chúng ta.

Hiến Pháp, luật lệ các quốc gia và cả bộ Giáo Luật trong Hội Thánh chúng ta đã từng được chỉnh sửa, thay đổi, tất thảy chỉ vì chúng không còn phù hợp, thiếu chính đáng và rất có thể là chưa được “thẳng” ở điều này hay điểm kia. Thử đặt vấn đề rằng các đường lối, các luật lệ hiện nay vẫn còn nhiều điều cần sửa cho “ngay thẳng” hay không? Hẳn ta sẽ dễ dàng trả lời không chút nghi ngại là vẫn đang còn.

Tiến trình “tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ” nhắc nhớ cho ta về động thái căn bản là chỉnh sửa cho ngay thẳng cõi lòng, cung cách sống của ta. Tuy nhiên, yếu tố xã hội vẫn có đó mức độ ảnh hưởng đáng kể trên suy nghĩ và hành động của ta. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong bức thư chung năm 2006 đã nhìn nhận sự thật này: “con người vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội” (số 5). Và chắc chắn các cơ chế, luật lệ, các đường lối, chính sách quốc gia, xã hội có ảnh hưởng trên nhân cách và lối sống của con người thật đáng kể. Đất nước chúng ta đã nhìn nhận sai lầm của cơ chế bao cấp, của việc quá đề cao tổ chức vốn đã từng làm thui chột tinh thần trách nhiệm cá nhân và đã gây hậu quả xấu thật khó khắc phục một sớm một chiều. Và còn nhiều hậu quả xấu khác do bởi cơ chế, đường lối chính sách “không ngay thẳng” mà chúng ta đang phải hứng chịu đây? Việc chạy theo thành tích, chỉ nhắm đến lợi ích kinh tế trong giáo dục hay việc gạt các tập thể tôn giáo ra khỏi quốc sách giáo dục cũng là những “đường lối cong queo” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng trong thư chung năm 2007 (x.số 11-12;18-19).

Mùa Vọng lại về, Kitô hữu chúng ta không chỉ mong chờ Chúa Kitô lại đến, nhưng chúng ta cần phải loan báo cho thế giới nhận biết rằng Chúa Kitô, Vua Hòa Bình đã đến trong thế gian. Một trong những cách thế loan bào tin vui ấy hữu hiệu nhất là cần nỗ lực làm cho nền hòa bình viên mãn hiện diện cách cụ thể một cách nào đó ngay môi truờng ta đang sống.

Một tín hữu đã thành thật thú nhận rằng để sống lời Chúa dạy như trên chắc là phải tử đạo thôi. Quả không sai vì Đức Kitô đã phán: “ Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,9-10). Lịch sử minh chứng rằng hai mối phúc này thường đi sánh đôi qua mọi thời và mọi nơi.
 
Thánh Phanxicô Xaviê, Chứng Nhân Truyền Giáo
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:28 30/11/2010
Mừng lễ kính thánh Phanxicô Xaviê

Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Ngài qua đời trên đảo Xan-xi-an, ngoài khơi bờ biển Quảng Đông Trung Quốc năm 1552. Thánh nhân được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh cùng thời với thánh Ignatiô Loyola, năm 1622; được ghi tên vào lịch Rôma năm 1623 và được tuyên phong là bổn mạng Ấn Độ và các nước Viễn Đông năm 1748. Cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, năm 1927, ngài được Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên phong là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Nói đến thánh Phanxicô Xaviê, người Kitô hữu ngày nay nghĩ ngay đến một trong những chứng nhân tiêu biểu nhất của lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân như dấu chỉ Thiên Chúa dùng để chứng tỏ cho nhân loại thấy được tính phổ quát của Giáo hội mà Đức Kitô đã lập và không ngừng tác động cho nó tăng triển sâu rộng. Huấn lệnh mà Tôn Sư Giêsu đã mời gọi Nhóm Mười Một xưa vẫn luôn mới mẻ và thúc bách suốt dòng lịch sử: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Cảm nghiệm được giá trị và tầm vóc của sứ vụ mà Thầy Chí Thánh kêu mời, Thánh Phanxicô đã kịp thời đáp trả trong tinh thần yêu mến, dám sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh trên hành trình rao giảng.

Nét đẹp trong tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô phải kể đến trước hết, đó là thái độ từ khước danh vọng trần thế để được nhận lãnh gia tài vĩnh cữu nhờ việc hoán cải những tâm hồn. Vì thế, ngài đã nghiệm thấu lời vàng từ người bạn thân là thánh Inhatio Loyola: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì ?”. Khi đã chiến thắng được tham dục, ngài không ngừng sám hối theo Tin Mừng để triệt trừ tính kiêu căng trỗi dậy đòi ngài phải khuất phục trước cuồng vọng của xác thịt. Đây chính là khởi bước quan trọng giúp thánh nhân có thể tập chú tới việc cộng tác đắc lực cứu rỗi các linh hồn, làm cho Nước Chúa được rộng lan.

Chứng nhân truyền giáo thể hiện nơi Thánh Phanxicô đạt tới một chiều kích cao sâu hơn, ở việc ngài dám đối diện trước khó khăn, nghịch cảnh trên bước đường truyền giáo với niềm tín thác tuyệt đối vào tình thương Thiên Chúa. Khi được chỉ định sang Ấn Độ truyền giáo, Phanxicô đã rất vui mừng mừng. Nghiệm trước những khó khăn, Ngài đã bộc bạch với một người bạn: “ Tôi đã thấy rằng: phải chịu khổ nạn cho vinh danh Chúa Giêsu Kitô. Trước mặt tôi là những hoang đảo, những miền đất báo cho tôi biết trước cơn đói, cơn khát và cả đến cái chết dưới hàng ngàn hình thức. Tôi ao ước được chịu khổ hình hơn nữa". Ước muốn được dâng hiến trọn vẹn vì tình yêu Thập giá, Ngài đã cam chịu cách vui vẻ trước những khác biệt, hiểm nguy, cay đắng nơi vùng đất lạ. Ngài không sợ bị đe doạ đến tính mạng để cứu được nhiều linh hồn. Khi ngài muốn tới truyền giáo tại đảo More, người ta đã ngăn cản không cho ngài đi, vì đây là một hòn đảo nổi tiếng nguy hiểm; ngài đã khẳng khái trả lời: “Thì tôi bơi tới vậy…tôi sẽ chịu khổ gấp ngàn lần để cứu lấy một linh hồn thôi !”. Quyền năng Thiên Chúa đã thực thi thiện ý của ngài. Tại đảo More ngày nay, người ta vẫn còn gặp được những cộng đoàn Kitô giáo phồn thịnh đã từng được chính thánh Phanxicô Xaviê đem đến cho họ hạt giống Tin Mừng đầu tiên. Ở vương quốc Travance, khi nhóm người man-di muốn tràn ngập, thánh Phanxicô đã cầm thánh giá trong tay với một số ít tín hữu đã làm cho họ phải tháo lui. Vượt lên trên mọi thử thách hiểm nguy, thánh nhân đã sống đời vị tha cao cả, hy sinh nhẫn nại trong việc cải hoá các tâm hồn, như lời ngài trong thư gửi thánh Inhatio: “…Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào: tôi rảo khắp các làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này…Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, tôi bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời lại là của những người giống như chúng…Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu, chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở Châu âu, trước hết là đại học Pari, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí mà thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: Tiếc thay chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục…” (Các Bài Đọc Kinh Sách, tr.635-636). Cư dân nơi thánh Phanxicô đặt bước chân truyền giáo bị đánh động không chỉ do các phép lạ giúp củng cố lời giảng của ngài, mà hơn hơn hết, chính bởi đức tin và lòng can đảm của thánh nhân.

Khát vọng đem Tin Mừng Chúa đến khắp mọi nơi thường trực trong con tim say nồng truyền giáo của thánh Phanxicô. Bước chân nhiệt thành tông đồ đã đưa ngài đến bao vùng đất tại Á đông. Không chỉ tung gieo những hạt mầm đức tin tại Ấn Độ, Malacca (Mã lai), Moluques, Nhật Bản…, thánh nhân đã từng ủ ấp giấc mộng chinh phục đại lục Trung Hoa. Ngài đã thành công khi đặt bước chân lên đảo Xan-xi-an, cửa ngõ vào Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc thay, vị chứng nhân truyền giáo vĩ đại của chúng ta đã kiệt lực và nằm xuống bởi thời tiết mùa đông khắc nghiệt. “Ngài tắt thở trong khi cầu khẩn Chúa Ba Ngôi, danh thánh Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tay cầm một cây nến. Ngài chỉ mới bốn mươi sáu tuổi. Trong mười một năm tám tháng truyền giáo, bằng những phương tiện của thời ấy, ngài đã đi khoảng tám mươi ngàn kilô mét, chỉ với một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng và thiết lập Hội Thánh” (Enzo Lodi, Chư Thánh theo lịch Rôma II, tr.334)

Thánh Phanxicô là chứng nhân và mẫu gương lý tưởng trong đời sống truyền giáo cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là những người trẻ ở thời đại hôm nay. Trong khi phải đối diện với bao nhiêu thúc bách, đòi hỏi của lối sống tiện nghi vật chất, huấn lệnh truyền giáo của Đức Kitô vẫn không ngừng thúc giục chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Liệu chúng ta có đủ can đảm khởi bước qua ngưỡng cửa của cái tôi vốn chất chứa bao tư lợi, tham vọng, để hướng tới việc sống - làm chứng cho sứ điệp yêu thương của Đức Kitô. Ở đó ta biết khước từ những gì là tạm bỡ, để can đảm, hy sinh vì lợi ích các linh hồn như thánh Phanxicô.
 
Cuộc đời và tiếng gọi
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:32 30/11/2010
Lễ Thánh Phanxicô Xaviê

Khi được hỏi về việc chọn một lời Thánh Kinh làm châm ngôn cho đời giám mục của mình, Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trả lời: Tôi chọn lời Thánh Kinh làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình là: “Hãy theo Thầy”.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu…Theo Thầy không chỉ là theo bằng trí mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Pl 2,5). (tinvui.org).

Đọc Phúc Âm ta nghe âm vang lời mời gọi. “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ, những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.

Ngày 3.12, Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời đại mới. Đọc lại tiểu sử để thấy cuộc đời ngài được dệt bằng những tiếng gọi “Hãy Theo Thầy”.

1. Cuộc đời

Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4.1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Quốc truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quãng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3.12.1552, được ĐTC Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x.Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).

2. Tiếng gọi.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống đã chiêm nghiệm cuộc đời thánh nhân qua 3 tiếng gọi: Lời Chúa, bạn bè và nhu cầu truyền giáo. (x. Làm nụ hoa trắng, tr 135).

a. Tiếng gọi từ Lời Chúa.

Đức Giêsu hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.

Sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng Phanxicô Xaviê luôn nuôi trong mình những ước vọng bay cao, ngài tìm thăng tiến qua nẻo đường học hành.

Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” và dù không quen cân đo đong đếm kinh tế, ngài cũng đặt tất cả lên cán cân giá trị; lời lãi trần thế mà đời sống linh hồn trống rỗng không có gì thì là lỗ vốn, đạt được ước vọng trong cuộc sống này mà đời sau lại mất hết thì là bể bụi cuộc đời trắng tay sự nghiệp. Vì thế mà thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Phanxicô Xaviê không muốn dừng lại hưởng thụ cuộc sống đầy đủ muốn gì được nấy, nhưng luôn được kích thích bởi ước vọng vươn lên; không muốn một cuộc đời chật hẹp gò bó dù luôn có kẻ hầu người hạ mà lại thích vất vả khai phá lên đường; không muốn ngày ngày làm quen với vũ khí chiến đấu phòng thủ hoặc tấn công chỉ vì lãnh địa đồi núi hoang sơ, nhưng lại ham thích vũ khí tinh thần là sách vở kiến thức không gây bực bội tinh thần và cũng chẳng hôi tanh mùi máu.

Lời Chúa ở đây quả là lựa chọn đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống.

b. Tiếng gọi đến từ môi trường bè bạn.

Lời Chúa gọi khi Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Paris tráng lệ. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatiô ở Loyola đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatiô, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatiô (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Bạn bè có một ảnh hưởng không nhỏ đến chọn lựa của Phanxicô Xaviê. Đó là tiếng gọi thứ hai.

Ở Paris sống đời sinh viên trau dồi trí thức, Phanxicô Xaviê đã gặp gỡ Ignaxiô trong tình thân bạn bè. Sự thân thiết này đã giúp ngài cởi mở cõi lòng, tâm sự chia sẻ cuộc sống tinh thần. Nhận biết Phanxicô là con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh, Inhaxiô một hôm nói với Phanxicô rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì qúa uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”.

Câu nói của Ignatiô tác dụng như một liều thuốc mạnh có sức công phá không gì có thể cầm lại được. “ Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với khát vọng khôn cùng”, Phanxicô Xaviê đã coi đây như châm ngôn để ngài dấn thân phục vụ Giáo Hội trong Giáo Hội và theo đường lối của Giáo Hội. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự ngthiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignaxiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “ cho vinh danh Chúa hơn”.

Nhắc lại vài đoạn trong bút tích Thánh Phanxicô Xaviê cũng đủ thấy tình anh em bạn bè luôn nâng đỡ ngài trên hành trình truyền giáo. Tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỉ trong tâm trí tôi (Bt 48,1: bút tích Thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 48 số 1); Ở Ấn Độ, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em trong Dòng, và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi đựoc biết anh em và sống với anh em. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình, và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại (Bt 20,14)…Để đừng bao giờ quên anh em trong Dòng, và lúc nào cũng nhớ đặc biệt đến anh em, tôi đã cất tên của anh em trong các thư từ chính tay anh em viết cho tôi, tôi có thể luôn luôn mang trên mình, cùng với lời khấn của tôi. Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi…Tôi cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình (Bt 55,10). Gặp anh em thì tâm hồn tôi đựơc an ủi hơn nhiều. Vậy mà tôi cứ phải viết thư cho anh em, lại không chắc thư đến, vì từ Ấn Độ đến Roma xa quá…Tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa bớt yêu mến và nghĩ đến nhau (Bt 48,1). Đặc biệt đối với Cha Ignatiô, Phanxicô đã xúc động thổ lộ tâm tư. Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho tôi được biết Cha Ignatiô. Bao lâu còn sống, không bao giờ tôi trả được món nợ đối với ngài (Bt,16)…Trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi của ngài, tôi đọc được những lời thế này: “hoàn toàn thuộc về nhau. Không bao giờ quên được nhau”. Tôi đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi kể lại, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ đến ngài đã và vẫn luôn luôn rất thương tôi, và nhờ những lời khẩn nguyện thánh thiện của ngài, Thiên Chúa đã cho tôi thoát đựoc bao gian nan, bao nguy hiểm (Bt 97,1)…Đó là một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách đựoc (Bt 1,7).

c. Tiếng gọi đến từ nhu cầu truyền giáo.

Ban đầu nhận công tác đi tìm Vinh Danh Chúa qua việc phục vụ các bệnh nhân, nhưng chừng như chưa đủ, Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Tiếng gọi thứ ba đến từ nhu cầu truyền giáo.

Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản. Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.

Tới Goa ngày 6.5.1542, Phanxicô rong ruổi khắp nơi, nhiệt tình rao giảng cho người ta biết con người Nagiaret nghèo nàn kia chính là Thiên Chúa ở giữa loài người. Trong 7 năm (1542-1549), Ngài là nhà truyền giáo rửa tội đựơc nhiều nhất, tới 100.000 người, “có những buổi chiều nhức mỏi cả cánh tay” như thánh nhân viết. Từ Malaca, Ngài đến Nhật, xứ sở mặt trời. Ngài muốn gặp gỡ tìm hiểu trao đổi để Lời Chúa sáng ngời qua đối thoại. Ngài dự định đến tận kinh đô Nhật, vào các Đại học, gặp gỡ các nhà Sư để trao đổi. Phanxicô hoạt động nhiều nhất tại Kagoshima, Hirado, Bungo trên đảo Kyushu, lên Yamaguchi, từ đó đi hai tháng lên khinh đô Myako (tức Kyoto). Sau hai năm ở Nhật, Phanxicô trở về Goa, trao công việc truyền giáo lại cho cha Torres và tu huynh Fernandez.

Ngày 14.4.1552 nhà truyền giáo lên tàu, tháng 8 năm đó ngài tới đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ Trung Hoa. Ba tháng sau Phanxicô bị sốt nặng, lòng vẫn ngong ngóng đựơc nhà cầm quyền Quãng Đông cho phép vào đất liền. Thật bất ngờ, ngài qua đời vào 2-3 giờ sáng ngày 3.12.1552, mới 46 tuổi đời. Nói theo “thói thế gian”, đó là vỡ mộng, mọi việc còn dang dỡ…Nhưng đối với Thiên Chúa thì Phanxicô đã làm trọn ý Người và mọi sự đã hoàn thành, dù chưa đựơc phép bước vào nước Đại Minh thời đó với dân số dưới 200 triệu người.

Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.

Hành trình không mệt mỏi, Phanxicô Xaviê rong ruổi những nẻo đường Á Châu, một miền xa lạ và xôi xa. Nhưng mặc kệ. Sợ gì! Đối với thánh nhân:Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người (Bt 78,2). Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẳn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.

Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ, từ Goa đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa.

3. Biết tận dụng Ơn Chúa ban

Nhìn cuộc đời thánh Phanxicô Xaviê trong ba tiếng gọi: Lời Chúa, bè bạn và nhu cầu truyền giáo cũng là một cách học tập đời sống của ngài để họa lại trong đời sống của mình.

Đời mỗi tín hữu cũng đong đầy những tiếng gọi như thế.

Xin cho những tiếng gọi của Lời Chúa được ta lắng nghe chân thành và thực thi trung thành, bởi đó là ánh sáng soi lối ta đi. Xin cho những tiếng gọi từ những người xung quanh không bị ta quên lãng, bởi tưởng như tầm thường, nhưng đó lại là tiếng gọi nhiều khi rất quý hiếm cho vững bước đi lên. Và xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội luôn là tiếng gọi ta phải quan tâm để ý, bởi đó là sự sống và là sự sống còn của Giáo Hội.

Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi “ Hãy theo Thầy” để "ra đi và rao giảng cho muôn dân" (Mt 28,19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của cuộc đời chúng ta là Ơn Chúa.Thánh Phanxicô đã đón nhận hồng ân ấy, rồi làm trổ sinh hoa trái trong suốt năm tháng truyền giáo. Lời khuyên và cũng là lẽ sống của ngài cho chúng ta: Không ai là người yếu đuối, nếu biết tận dụng Ơn Chúa ban cho mình (Bt 90,8.9).

Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc "Chúa đến viếng thăm", là tiếng gọi trong hành trình cuộc đời.
 
Linh mục có được phép chứng hôn ở tư gia không?
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
11:23 30/11/2010
Một cha già đã gọi điện thoại cho tôi và than phiền rằng một linh mục kia đã đến tư gia để làm lễ thành hôn cho một cặp vợ chồng khác tôn giáo. Người chồng có Đạo đã ly dị vợ cũ nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối mà lại lấy một người không có Đạo Công Giáo. Linh mục kia nói là để họ xin phép chuẩn sau, bây giờ cứ chứng hôn cho họ để họ ở với nhau!! Đám cưới ở tư gia này có đông người tham dự…

Tôi thật kinh ngạc khi nghe cha già kể lại như trên và nhờ tôi lên tiếng về vấn đề này..

Tôi tin chắc cha già không nói sai về sự việc đã xẩy ra do một linh mục bất cần giáo lý, giáo luật của Giáo Hội nên đã làm những việc sai trái nghiêm trọng như sau:

1-Trước hết là việc cử hành Thánh Lễ ở tư gia:

Không có Giáo luật nào cho phép cử hành Thánh Lễ ở tư gia mà phải được cử hành trong nơi thánh có nghĩa là ở nhà thờ hoặc nhà nguyện đã được thánh hiến (x Giáo luật số 932 & 1,2)

Tuy nhiên trong thực tế,giáo quyền địa phương- cụ thể là Tòa Giám mục- vẫn làm ngơ cho các cha ở xa đến thăm gia đình bà con và nhân tiện cử hành Thánh lễ trong các gia đình này. Ngoài ra trong dịp lễ giỗ của người thân, nhiều người cũng thích mời linh mục đến làm lễ giỗ cho gia đình họ, Nhưng Tòa Giám Mục không hề cho phép linh mục làm lễ ngày Chúa Nhật hoặc Lễ trọng ở tư gia cho giáo hữu tham dự. Các giáo hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng ở nhà thờ giáo xứ của mình hay ở một nhà thờ khác trong trường hợp đi chơi xa nhà.

Do đó việc linh mục kia quy tụ đông người ở tư gia để làm lễ thành hôn cho cặp hôn phối trên là sai trái thứ nhất về luật cử hành Thánh Lễ ở nơi không phải là Thánh đường hay nhà nguyện công.

2- Sai trái nghiêm trọng thứ hai là, trừ bí tích sức dầu bênh nhân có thể được cử hành ở tư gia hay ở nhà thương nơi người bệnh không thể đến nhà thờ được, còn tất cả các bí tích khác,thông thường phải được cử hành ở nơi tôn nghiêm là thánh đường tức nhà thờ của xứ Đạo. Do đó, việc chứng hôn ở tư gia của linh mục nào đó là trái với giáo luật số 1115 qui định lễ nghi hôn phối phải được cử hành ở giáo xứ của một trong hai người phối ngẫu. Nếu cử hành ở giáo xứ khác thì phải có phép của bản quyên địa phương. Nghĩa là không linh mục nào được phép cử hành hôn phối ở tư gia hoặc ở nhà thờ nào mà không có phép của cha sở nhà thờ đó.

3- Sai lầm nghiêm trọng thứ ba là linh mục kia có thẩm quyền để chứng hôn hay không.?

Thẩm quyền nói ở đây là các cha xứ đang coi sóc giáo dân thuộc quyền mục vụ của mình.Ai muốn kết hôn phải trình cha xứ để xin được giúp đỡ làm thủ tục và học giáo lý cần thiết trước khi kết hôn trong Giáo Hội. Nếu một trong hai người muốn kết hôn không ở chung một giáo xứ thì phải xin giấy giới thiệu và phép của cha xứ mình trực thuộc để đến xin kết hôn với người thuộc giáo xứ khác.Nghĩa là không ai được chứng hôn cho những người vô gia cư,tức không thuộc giáo xứ nào, trừ khi có lý do khẩn thiết (x giáo luật số 1071 & 1) Do đó, vấn đề đặt ra là linh mục kia có năng quyền (faculty) để chứng hôn hay không. Nếu không thì việc chứng hôn này sẽ vô hiều vì không có phép của bản quyền sở tại. căn cứ theo giáo luật số 1111.

Nói rõ hơn, không phải cứ là linh mục hay phó tế thì ai đên xin chứng hôn cũng được phép chứng mà không cần biết xem người đó có thuộc về giáo xứ mình coi sóc hay không hoặc đôi tân hôn đó đã được điều tra, chuẩn bị kỹ về giáo lý và được thẩm quyền sở tại nào cho phép kết hôn và chỉ nhờ linh mục chứng hôn với sự ủy quyền (delegation) của Bản quyền sở tai (giáo luật số 1115.)...

Với bí tích hòa giải thì linh mục nào đang có năng quyền đều được phép giải tội cho bất cứ ai đến xin xưng tội, dù không phải là giáo dân mình coi sóc.Ngược lại, với bí tích hôn phối, chỉ có thẩm quyền đia phương- cụ thể là cha sở coi sóc một xứ Đạo hay linh mục phó được cha sở ủy nhiệm mới có thẩm quyền để chuẩn bị cho đôi hôn phối và chứng hôn cho họ cách hợp pháp và hữu hiệu mà thôi (licit and valid)

Như thế, dù linh mục kia là cha sở của đôi hôn phối hay được cha sở đia phương ủy nhiệm cho chứng hôn phối thì việc chứng hôn này vẫn sai trái vì đã cử hành ở tư gia thay vì phải ở nhà thờ của giáo xứ theo giáo luật đòi hỏi.(cf.can no..1115)

4-Sai lầm nghiêm trọng nhất là khi đã biết một trong hai người kết hôn đã ly dị nhưng chưa được tháo gỡ hôn phối cũ (annulment) mà vẫn chứng hôn cho họ thì quả thật là người coi giáo luật của Giáo Hội chẳng có nghĩa gì hết.!

Linh mục- dù là cha sở một họ Đạo hay là giáo sư dạy giáo luật- thì cũng không có chức năng (competence) giải quyết (tháo gỡ) vấn đề rắc rối hôn phối cho ai nhất là cho những người đã ly dị ngoài tòa dân sự.Có chăng, các linh mục ở giáo xứ chỉ có trách nhiệm giúp đỡ những đôi hôn phối đã đổ vỡ, tìm kiếm sự tháo gỡ hôn phối cũ qua thẩm quyền có chức năng là Tòa án Hôn phối (Tribunal) của Giáo Phận. Và chỉ khi nào đương sự xuất trình được án lênh của Tòa hôn phối cho tháo gỡ (annulled) hôn phối cũ thì linh mục ở giáo xứ mới có cơ sở giáo luật để cho xúc tiến việc xin tái kết hôn mà thôi.

Lại nữa, nếu là hôn nhân hỗn hợp (mixed marriage) nghĩa là một người có Đạo Công giáo muốn kết hôn với người ngoài Công giáo thì các linh mục coi xứ phải xin phép chuẩn (dispensation) cho họ từ Văn Phòng Chưởng Ấn (Chancery) của Tòa Giám Mục chứ không xin ở Tòa Hôn phối.

Như vậy, việc chứng hôn kia là hoàn toàn không hợp pháp và hữu hiệu vì một người đã ly dị mà chưa được tháo gỡ hôn phối cũ, lại tái kết hôn với người khác tôn giáo mà chưa có phép chuẩn (dispensation) của Tòa Giám Mục sở tại.

Không có luật nào cho phép chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau cả. Mà ai xin? đôi hôn phối không thể tự họ xin được mà phải nhờ linh mục đang phụ trách mục vụ ở giáo xứ xin theo mẫu đơn qui định với con dấu của giáo xứ (Parish seal)và chữ ký của người đứng ra xin (linh mục hay Phó tế)

Do đó, không thể nói như linh mục kia rằng cứ chứng hôn trước rồi xin chuẩn sau.Nói vậy là không hiểu gì về những qui luật cần thiết theo giáo luật về vấn đề kết hôn và chứng hôn trong Giáo hội.

Sự việc kể trên cho thấy là có những linh mục bất cần giáo lý, giáo luật và kỷ luật bí tích của Giáo Hội nên đã gây thiệt hại cho giáo dân (chứng hôn không thành sự) cũng như sai trái về giáo lý. Đó là trường hợp một linh mục, cũng làm lễ ở tư gia, đã mời mọi người tham dự Thánh lễ lên rước Minh Thánh Chúa, lấy cớ Chúa Kitô đã chết để tha thứ hết tội lỗi cho con người rồi..! Chúa chết để đền tội thay cho loài người: đúng, nhưng người ta vẫn còn có thể phạm tội nhiều lần nữa bao lâu còn sống trên trần gian này chứ?.Và chính bản thân linh mục kia có dám nói là mình không bao giờ còn phạm tội nữa không? Vậy tại sao dám mời hết mọi người lên rước lễ mà không để họ tự xét và tự quyết định có xứng đáng rước Chúa trong lúc đó hay không.

Chưa hết, còn có linh mục đã bảo giáo dân vào xưng tội khỏi cần xưng gì cả, vì Chúa đã biết hết rồi, nên chỉ cần làm việc đền tội thôi!! Nếu vậy thì Giáo Hội cần gì đến linh mục ngồi tòa để nghe và tha tội cho hối nhân thay mặt cho Chúa Giêsu nữa?

cũng lên quan đến vấn đề giải tội, có linh mục kia đã tỉ mỷ hỏi hối nhân về các tội đã phạm và còn la mắng họ về những tội đó nữa! Như vậy, linh mục này đã quên mất dụ ngôn người cha nhân lành đã ra đón đứa con đi hoang trở về và ôm hôn nó cũng như làm tiệc lớn để mừng nó trở về. (Lc 15)

Lại nữa, còn có linh mục kia đến làm lễ ở tư gia, đã đưa bánh lễ cho mọi người hiện diện cầm tay cho linh mục đọc lời truyền phép! Điều này hoàn toàn sai trái về kỷ luật bí tích, đòi hỏi các thừa tác viên phải cử hành mọi bí tích đúng theo nghi thức và công thức mà Giáo Hội đã quy định..Liên quan đến bí tích Thánh Thể, luật chữ đỏ (rubric) không cho phép giáo dân và cả phó tế đọc chung kinh nguyện nào nhất là Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn) với chủ tế cũng như không được phép cùng giơ tay trên lễ vật (Bánh và Rượu), nói chi là cầm bánh cho chủ tế đọc lời truyền phép.!

Sau hết, trong một Giáo phận dưới quyền của Giáo Mục, các linh mục đều phải tuân thủ mọi qui luật và nội qui (Chỉ nam mục vụ= Pastoral Manual) của Giáo phận về việc thi hành mục vụ, gây quĩ, sửa sang hoặc xây cất.. Nghĩa là không linh mục nào được phép tự ý tổ chức quyên tiền của ai dù là để xây cất công trình hữu ích nào cho giáo dân hay giáo xứ. Cụ thể, không cha xứ nào được phép xây cất nhà thờ mới, nhà nguyện mới, trường học hay nhà hưu dưỡng cho ai mà không có phép của Giám mục sở tại.Ngay cả việc quyền tiền để giúp các nhà Dòng hay các Giám mục từ nơi khác đến cũng phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương.(Ordinary)

Tóm lại, không linh mục nào được phép tự ý làm việc gì liên quan đến lợi ích chung trong Giáo Phận mà không có phép của Giám Mục trực thuộc. Không thể nói tôi là người Việt, người Phi hay Mexican, thì không cẩn theo luật lệ chung của Giáo Phận, để tự ý làm việc gì theo cách suy nghỉ riêng của mình, dù với thiện chí xây dựng. Và nếu phải nói ra sự sai trái này, thì đó không phải là thiếu bác ái hay “ đánh phá” anh em mà chỉ vì lợi ích chung của nhiều người trong tinh thần tôn trọng mọi nội qui của Giáo Phận mà là linh mục trực thuộc ai cũng phải nghiêm túc tuân thủ.
 
Tông Huấn Verbum Dei - Phần 1C
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
13:40 30/11/2010

TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC



VERBUM DOMINI



CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

VỀ LỜI CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ HỘI THÁNH



* * * * * *

PHẦN 1C

VIỆC GIẢI THÍCH THÁNH KINH TRONG HỘI THÁNH



Hội Thánh là khung cảnh căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh

29. Một chủ đề chính khác phát sinh từ Thượng Hội Đồng Giám Mục, mà giờ đây tôi muốn mọi người chú ý đến là việc giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh. Mối liên hệ nội tại giữa Lời Chúa và đức tin cho thấy rằng khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể hiện hữu ở trong đức tin của Hội Thánh, là đức tin có khuôn mẫu trong lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin sẽ không có chìa khóa để mở cửa vào bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Đức Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một mạch suối, chẩy ra sự chắc chắn và hiểu biết về tất cả Thánh Kinh. Cho nên, không ai có thể đạt được sự hiểu biết về chân lý ấy nếu không trước hết có đức tin được Thiên Chúa thông truyền cho trong Đức Kitô, là ngọn đèn, là cửa và là nền móng của tất cả Thánh Kinh”.[84] Và Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã quả quyết rằng “văn tự, ngay cả văn tự của Tin Mừng, chỉ giết chết người nếu thiếu ân sủng bên trong của đức tin chữa lành”.[85]

Ở đây, chúng ta có thể nhắc lại một tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh căn bản để giải thích Thánh Kinh là đời sống Hội Thánh. Lời khẳng định này không có nghĩa là coi phạm vi Hội Thánh như một qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân theo, nhưng đúng hơn là một điều chính bản chất của Thánh Kinh và cách tiệm tiến mà Thánh Kinh được thành hình qua thời gian đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin đã tạo thành môi trưởng sống động trong đó sinh hoạt văn học của các tác giả Thánh Kinh xảy ra. Việc những tác giả này hội nhập vào môi trường ấy bao gồm việc tham gia vào cả đời sống phụng vụ lẫn đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, trong thế giới trí thức và thế giới văn hóa của họ, cùng những thăng trầm của lịch sử mà họ chia sẻ. Cũng một cách tương tự, việc giải thích Thánh Kinh đòi hỏi phải có sự tham gia toàn phần của các nhà chú giải vào đời sống và đức tin của cộng đoàn đức tin của thời đại họ”.[86] Vì thế cho nên “vì Thánh Kinh phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thánh Thần mà nhờ Ngài Thánh Kinh đã được viết”,[87] cho nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn thể dân Chúa phải tiếp cận nó theo thực chất của nó, Lời Chúa được chuyển đến chúng ta bằng những lời của loài người (x. 1 Th 2:13). Đó là một dữ kiện kiên định hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng. Vì không bao giờ một lời tiên tri được nói ra do ý muốn người phàm, nhưng do những thánh nhân của Thiên Chúa được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần mà nói ra” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Hội Thánh nhận ra Lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói một câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Hội Thánh Công Giáo đã không dẫn đường cho tôi làm như thế”.[88] Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Hội Thánh, giúp chúng ta có khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thẩm quyền. Thánh Kinh là sách của Hội Thánh, và vai trò chính yếu của nó trong đời sống Hội Thánh nảy sinh ra việc giải thích nó một cách chính đáng.

30. Thánh Giêrônimô nhắc lại rằng chúng ta không bao giờ được đọc Thánh Kinh đơn thuần theo cách riêng của mình. Chúng ta gặp rất nhiều cửa bị đóng lại và sẽ rất dễ dàng bị sa vào lầm lạc. Thánh Kinh được viết bởi Dân Chúa cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông với Dân Chúa này mà chúng ta mới có thể thực sự đi vào tâm điểm của chân lý mà Chính Thiên Chúa muốn chuyển thông cho chúng ta như một “chúng tôi”. [89] Nhà đại thông thái (Thánh Giêrônimô), mà đối với ngài “không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”,[90] đã quả quyết rằng chiều kích Hội Thánh của việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi bị áp đặt từ bên ngoài: Sách này là chính tiếng nói của Dân Thiên Chúa lữ hành, và chỉ ở trong đức tin của Dân này, mà chúng ta có thể nói là được điều chỉnh âm điệu để hiểu Sách Thánh. Một giải thích Thánh Kinh chân chính luôn luôn phải hoà hợp với đức tin của Hội Thánh Công Giáo. Vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt vào giáo lý truyền thống mà con đã được dạy, để con có thể giảng dạy theo giáo lý vững chắc và làm cho những kẻ dạy ngược lại phải thất bại”.[91]

Những tiếp cận bản văn thánh tách rời khỏi đức tin có thể đề ra cho chúng ta một số yếu tố đáng quan tâm ở mức độ cấu trúc và văn thể của bản văn, nhưng không tránh được việc chứng tỏ rằng những điều đó chỉ là những cố gắng sơ khởi và chưa đầy đủ về cấu trúc. Thực ra, như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi nhắc lại nguyên tắc đã được khoa chú giải thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “đường vào sự hiểu biết chính xác các bản văn thánh chỉ được ban cho những ai có quan hệ với điều mà bản văn nói đến trên căn bản kinh nghiệm sống”.[92] Tất cả những điều ấy làm cho sự liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa chú giải Thánh Kinh được thêm rõ ràng. “Khi đời sống của độc giả trong Chúa Thánh Thần càng trưởng thành, thì khả năng hiểu biết về các thực tại được Thánh Kinh nói đến của họ cũng càng thêm tăng trưởng”.[93] Cường độ kinh nghiệm chân chính trong Hội Thánh chỉ có thể dẫn đến việc tăng trưởng sự hiểu biết trong đức tin đối với Lời Chúa; một cách hỗ tương, người ta phải nói rằng đọc Thánh Kinh trong đức tin cũng làm tăng trưởng chính đời sống Hội Thánh. Ở đây chúng ta có thể hiểu một cách mới mẻ lời xác quyết thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng”.[94] Việc lắng nghe Lời Chúa đưa vào và gia tăng sự hiệp thông Hội Thánh với tất cả những người đang đi trên đường đức tin.

"Linh hồn của thần học thánh"

31. "Đúng ra, việc nghiên cứu Sách Thánh phải chính là linh hồn của khoa thần học”.[95] Câu văn trích từ Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum này càng ngày càng trở nên thân thuộc hơn với thời gian. Người ta có thể nói rằng trong thời kỳ hậu Công Đồng Vaticanô II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải thường nhắc đến cách diễn tả trên như một biểu tượng cho việc canh tân việc lưu tâm đến Thánh Kinh. Phiên Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng thường nhắc đến câu nói thời danh này để diễn tả sự liên hệ giữa việc nghiên cứu lịch sử và việc chú giải về đức tin trong tương quan tới bản văn thánh. Trong viễn cảnh này, các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu Lời Chúa trong Hội Thánh đã lớn mạnh trong những thập niên gần đây, và các ngài bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và nhà thần học là những người đã tiếp tục đóng góp cách thiết yếu vào việc hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của Thánh Kinh với một lòng tận tâm, dấn thân và hết khả năng, khi họ bàn đến những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh phải đương đầu với trong thời đại chúng ta.[96] Chúng ta cũng phải bày tỏ lời cám ơn chân thành với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, là những người qua việc hợp tác chặt chẽ với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, tiếp tục cung cấp khả năng chuyên môn của mình trong việc cứu xét những vấn đề đặc thù phát sinh ra từ việc nghiên cứu Thánh Kinh. Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy cần phải nhìn vào tình trạng hiện tại của việc nghiên cứu Thánh Kinh và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ của hoạt động của Hội Thánh và đời sống tâm linh của các tín hữu lệ thuộc phần lớn vào thành quả của tương quan giữa khoa chú giải Thánh Kinh và thần học. Vì lý doi đó, tôi cảm thấy rất quan trọng để đưa ra một số suy niệm đã nảy sinh từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Sự phát triển của việc nghiên cứu Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh

32. Trước hết, chúng ta cần phải nhìn nhận những ích lợi mà khoa chú giải phê bình lịch sử và những phương pháp phân tích bản văn khác vừa được khai triển gần đây đã đem lại cho đời sống Hội Thánh.[97] Để hiểu về Thánh Kinh theo Công Giáo, việc lưu ý đến những phương pháp như thế là điều không thể thiếu được, và nó được liên kết với chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Điều cần thiết này là kết quả của nguyên lý Kitô Giáo được hình thành trong câu 1:14 của Tin Mừng Thánh Gioan: Verbum caro factum est (Ngôi Lời đã thành nhục thể). Sự kiện lịch sử này là một bình diện cấu thành của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu độ không phải là khoa thần thoại, mà là lịch sử thật, và như thế nó phải được nghiên cứu bằng những phương pháp nghiên cứu có tính lịch sử đúng đắn”.[98] Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi phải có kiến thức về những phương pháp điều nghiên này và cách áp dụng thích hợp của chúng. Quả thật, tầm quan trọng của việc nghiên cứu này đã được đánh giá khá cao trong thời hiện đại, dù không cùng một mức độ như nhau ở khắp nơi, tuy nhiên truyền thống lành mạnh của Hội Thánh vẫn luôn chứng tỏ lòng yêu quí việc nghiên cứu “văn tự”. Ở đây, chúng ta chỉ cần phải nhắc đến nền văn hóa đan viện là nền tảng tối hậu cho nền văn hóa Âu Châu; tại gốc rễ của nó là việc quan tâm đến Lời Chúa. Lòng ao ước Thiên Chúa bao gồm việc yêu mến Lời Ngài trong mọi chiều kích: “bởi vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Ngài, nên chúng ta phải học cách thấu suốt những bí mật của ngôn ngữ, để hiểu nó trong cấu trúc và cách diễn đạt của nó. Cho nên, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, bất cứ khoa học thế tục nào dẫn đến việc hiểu ngôn ngữ một cách tốt hơn đều trở thành quan trọng”.[99]

33. Huấn Quyền sống động của Hội Thánh, là cơ chế có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích Lời Chúa cách chân chính, dù dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu”,[100] đã can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan đến lập trường đúng đắn trong việc đưa những phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử vào (khoa chú giải Thánh Kinh). Tôi đặc biệt nghĩ đến các Thông Điệp Providentissimus Deus của ĐTC Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của ĐTC Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính Gioan Phaolô II của tôi đã nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện ấy nhân dịp kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố.[101] Sự can thiệp của ĐTC Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi những công kích của chủ thuyết duy lý, tuy nhiên, không tìm cách ẩn náu nơi một nghĩa thiêng liêng tách rời khỏi lịch sử. Không lùi bước trước những phê bình khoa học, Hội Thánh chỉ thận trọng trước “những định kiến tự cho là dựa trên khoa học, nhưng trên thực tế đã lén lút làm cớ cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó”.[102] Ngược lại, ĐTC Piô XII đã phải đương đầu với những công kích từ những người đề ra một loại chú giải gọi là chú giải huyền nhiệm, bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu thận trọng tránh bất cứ gợi ý nào về một sự phân đôi giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng để dùng trong nội bộ”; đúng hơn, Thông Điệp này đã xác nhận cả “ý nghĩa thần học của nghĩa từ chương (nghĩa đen), được định nghĩa có phương pháp” lẫn sự kiện là “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng này… cũng thuộc phạm vi khoa học chú giải”.[103] Bằng cách này, cả hai văn kiện đều bác bỏ “sự phân chia giữa con người và Thiên Chúa, giữa nghiên cứu khoa học và tôn trọng đức tin, giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng”.[104] Sự quân bình này sau đó đã được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công việc giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là Lời Chúa. Công tác chung của họ không được hoàn thành nếu họ chỉ xác định được các nguồn văn, vạch ra được các thể văn hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt đến mục tiêu thực sự trong công việc của họ khi đã giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như Lời Chúa dành cho thời nay”.[105]

Việc chú giải Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần phải đón nhận

34. Dựa trên bối cảnh này, người ta có thể thấy rõ hơn những nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh cho phù hợp với khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo do Công Đồng Vaticanô II đề ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum: “Vì trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Thánh Kinh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh ký thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của họ”.[106] Một đàng, Công Đồng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu các văn thể và hoàn cảnh lịch sử như những yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa mà các thánh ký có ý nói đến. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong đó Thánh Kinh đã được viết, nên Hiến Chế Tín Lý vạch ra ba tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Thánh Kinh: 1) bản văn phải được giải thích với sự chú tâm đến tính thống nhất của toàn thể Thánh Kinh; ngày nay tiêu chuẩn này được gọi là chú giải theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Hội Thánh; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy đức tin. “Chỉ khi nào cả hai mức độ của phương pháp học, pháp phê bình lịch và thần học, được tôn trọng, người ta mới có thể nói về một chú giải thần học, một chú giải xứng đáng với Sách này”.[107]

Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nói rất đúng rằng hoa quả tích cực nảy sinh từ việc sử dụng những nghiên cứu theo khoa phê bình lịch sử hiện đại là điều không thể chối cãi được. Trong khi ngành chú giải học viện hiện nay, kể cả của các học giả Công Giáo, có rất nhiều khả năng trong lãnh vực phê bình lịch sử và những phát triển mới nhất của nó, nhưng phải nói rằng cần phải có một chú tâm tương tự dành cho bình diện thần học của các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu xa hơn, phù hợp với ba yếu tố đã được đề ra bởi Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum.[108]

Nguy hiểm của thuyết nhị nguyên và khoa chú giải bị tục hóa

35. Trên bình diện này, chúng ta phải nhắc đến nguy cơ trầm trọng hiện nay của tiếp cận Thánh Kinh theo thuyết nhị nguyên. Việc phân biệt giữa hai mức độ tiếp cận Thánh Kinh không hề có nghĩa là tách biệt chúng hay đặt chúng đối lập với nhau, cũng không đơn thuần là đặt chúng cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu cách hỗ tương mà thôi. Tiếc thay, đôi khi một sự tách biệt vô ích đã tạo ra một chướng ngại giữa khoa chú giải và thần học, và điều này “xảy ra cả ở những mức độ cao nhất của đại học”.[109] Ở đây, tôi muốn nhắc đến các hậu quả đáng lo ngại nhất mà chúng ta cần phải tránh.

a) Trước hết và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở mức độ thứ nhất mà thôi, thì Thánh Kinh chung cuộc chỉ là một bản văn thuộc về quá khứ: “Người ta có thể rút ra những hậu quả luân lý từ đó, họ có thể học lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và việc chú giải không còn tính thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy, lịch sử về văn chương”.[110] Rõ ràng, một tiếp cận có tính rút gọn như thế không bao giờ có khả năng giúp chúng ta hiểu được biến cố Mặc Khải của Thiên Chúa qua Lời Ngài, đã được truyền lại cho chúng ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.

b) Việc thiếu một khoa chú giải về đức tin liên quan đến Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ nó của sẽ không tránh được việc xen vào một cách chú giải khác, một chú giải duy nghiệm (positivistic) và tục hóa chung cuộc dựa trên xác tín rằng Thiên Chúa không can thiệp vào lịch sử con người. Theo cách chú giải này, khi nào xem ra có một yếu tố thần linh hiện diện, thì đều phải giải thích bằng những cách khác, phải hạ mọi sự xuống yếu tố nhân loại. Điều này dẫn đến những cách giải thích chối từ lịch sử tính của yếu tố thần linh.[111]

c) Một chủ trương như thế chỉ tỏ ra phương hại đến đời sống Hội Thánh, vì nó làm cho người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng -- thí dụ như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và việc phục sinh của Đức Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một cách chú giải triết học, là chú giải chối bỏ việc Thiên Chúa có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Việc chấp nhận cách chú giải này trong các nghiên cứu thần học không tránh được việc phát sinh một sự lưỡng phân rõ ràng giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở mức độ thứ nhất và nền thần học có khuynh hướng tâm linh hóa ý nghĩa của Thánh Kinh, một khuynh hướng không tôn trọng lịch sử tính của Mặc Khải.

Tất cả những điều trên không những chỉ có ảnh hưởng tiêu cực trên đời sống tâm linh mà còn cả trên sinh hoạt mục vụ nữa; “như một hậu quả của việc thiếu mức độ thứ nhì về phương pháp, một hố phân chia sâu thẳm được mở ra giữa nghành chú giải khoa học và lectio divina (đọc lời Chúa). Điều này phát sinh ra sự thiếu mạch lạc trong việc soạn bài giảng.[112] Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra sự lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên của các thừa tác vụ trong Hội Thánh.[113] Tóm lại, “nơi nào việc chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu là việc giải thích Thánh Kinh của Hội Thánh, nền thần học ấy sẽ mất căn bản”.[114] Vì thế, chúng ta cần xem xét cẩn thận hơn nữa những chỉ dẫn mà Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum đã cung cấp cho chúng ta về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh

36. Tôi tin rằng điều mà ĐTC Gioan Phaolô II đã viết về vấn đề này trong Thông Điệp Fides et Ratio của ngài có thể đưa đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về khoa chú giải Thánh Kinh và liên hệ của nó với toàn thể khoa thần học. Ngài viết rằng chúng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng tìm ra chân lý của Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà coi thường nhu cầu cần một cách chú giải có tính toàn diện hơn, là cách giúp nhà chú giải, cùng toàn thể Hội Thánh, đạt đến một ý nghĩa đầy đủ hơn của bản văn. Những ai dấn thân trong việc nghiên cứu Thánh Kinh phải luôn nhớ rằng những phương pháp chú giải khác nhau đều có căn bản triết học riêng của chúng, là điều mà chúng ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi áp dụng vào các bản văn thánh”.[115]

Suy tư sáng suốt này giúp chúng ta nhận ra làm cách nào một phương pháp chú giải Thánh Kinh chắc chắn có thể phát huy mối liên hệ thích đáng giữa đức tin và lý trí. Thực ra, cách chú giải Thánh Kinh bị tục hóa chính là sản phẩm của một cố gắng có hệ thống của lý trí để loại bỏ bất cứ tình trạng nào có khả năng cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc đời chúng ta và nói với chúng ta bằng những lời của loài người. Như thế trong trường hợp này, chúng ta cũng cần phải mời gọi người ta mở rộng phạm vi của lý trí.[116] Đó là lý do tại sao khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, người ta phải tránh sử dụng những tiêu chuẩn ngay từ đầu đã không chấp nhận Mặc Khải của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Tính thống nhất của hai mức độ hoạt động trong việc giải thích Thánh Kinh giả thiết chung cuộc phải có sự hoà hợp giữa đức tin và lý trí. Một đàng, nó đòi hỏi phải có một đức tin, nhờ duy trì một liên hệ đúng đắn với lý trí ngay thẳng, không bao giờ thoái hóa thành duy tín (fideism), mà trong trường hợp Thánh Kinh sẽ trở thành chủ nghĩa cơ bản (fundamentalistm). Đàng khác, nó còn đòi hỏi một lý trí, khi điều nghiên những yếu tố lịch sử hiện diện trong Thánh Kinh, được đánh dấu bởi sự cởi mở và không bác bỏ ngay từ trước bất cứ điều gì vượt ra ngoài giới hạn riêng của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Ngôi Lời nhập thể chỉ tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc với bất cứ ai thành tâm đi tìm chân lý cùng ý nghĩa tối hậu của cuộc đời mình và của lịch sử.

Nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng

37. Một đóng góp quan trọng vào việc phục hồi chú giải Thánh Kinh cách đầy đủ, như Thượng Hội Đồng Giám Mục đã công bố, cũng có thể phát sinh từ việc tái chú tâm đến các Giáo Phụ và tiếp cận chú giải Thánh Kinh của các ngài.[117] Quả thật, các Giáo Phụ trình bày cho chúng ta một nền thần học vẫn còn giá trị ngày nay vì ở tâm điểm của nó là việc nghiên cứu Thánh Kinh như là một tổng thể. Các ngài trước hết và chính yếu là “những nhà chú giải Thánh Kinh”.[118] Gương của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một tiếp cận tôn giáo thực sự với Thánh Kinh, và cũng thế, một cách giải thích luôn luôn hoà hợp cùng tiêu chuẩn hiệp thông với kinh nghiệm của Hội Thánh, đang lữ hành trong lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.[119]

Trong khi hiển nhiên là không có những công cụ triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại có thể sử dụng, truyền thống Giáo Phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Thánh Kinh, bắt đầu với nghĩa văn tự, là “nghĩa được truyền đạt bởi những chữ trong Thánh Kinh và khám phá ra bởi khoa chú giải Thánh Kinh, theo những qui luật của việc giải thích lành mạnh”.[120] Thí dụ như Thánh Tôma Aquinô nói rằng “mọi nghĩa của Thánh Kinh đều dựa trên nghĩa văn tự”.[121] Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trong thời các Giáo Phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải Thánh Kinh, kể cả hình thức văn tự, đều được xúc tiến dựa trên căn bản đức tin, mà không cần phải phân biệt chút nào giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Về điều này, người ta có thể nhắc tới hai câu thơ thời trung cổ diễn tả sự liên hệ giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:

"Littera gesta docet, quid credas allegoria,

Moralis quid agas, quo tendas anagogia".


(Nghĩa văn tự nói về việc làm; nghĩa ẩn dụ nói về đức tin;

Nghĩa luân lý nói về hành động; nghĩa loại suy nói về số phận chúng ta).[122]

Ở đây, chúng ta ghi nhận sự thống nhất và sự liên hệ hỗ tương giữa nghĩa văn tựnghĩa thiêng liêng, mà nghĩa thứ hai này còn được phân chia thành ba nghĩa khác liên quan đến nội dung của đức tin, với đời sống luân lý và với ước vọng cánh chung của chúng ta.

Tóm lại, trong khi ghi nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, chúng ta học được từ các Giáo Phụ rằng khoa chú giải Thánh Kinh chỉ “thực sự trung thành với chủ ý của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trung tâm của việc thành hình chúng để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả trong đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của chúng ta”.[123] Chỉ trong viễn tượng này, người ta mới có thể nhận ra rằng Lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người trong thực tại của đời sống mình. Theo nghĩa này, định nghĩa về nghĩa thiêng liêng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, như được hiểu bởi đức tin Kitô giáo, vẫn hoàn toàn có giá trị: là “nghĩa được diễn tả bởi bản văn thánh khi đọc dưới tác động của Chúa Thánh Thần trong phạm vi mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô và đời sống mới phát sinh từ mầu nhiệm ấy. Phạm vi này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Thánh Kinh. Cho nên người ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của phạm vi mới này, là phạm vi của đời sống trong Chúa Thánh Thần”.[124]

Nhu cầu phải siêu vượt “văn tự”

38. Như vậy, trong việc tái khám phá ra ảnh hưởng hỗ tương giữa các nghĩa khác nhau của Thánh Kinh, điều chủ yếu là phải hiểu chắc việc bước từ văn tự qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, bộc phát; nhưng đúng hơn, văn tự cần phải được siêu vượt: “Lời Chúa không bao giờ chỉ đơn thuần được coi ngang hàng với chữ viết của bản văn. Muốn đạt đến Lời ấy cần một sự tiến triển và một tiến trình hiểu biết được hướng dẫn bởi tác động nội tâm của toàn thể bản văn, và do đó nó cũng phải trở thành một diễn tiến cần cho đời sống”.[125] Ở đây, chúng ta cũng thấy lý do tại sao tiến trình giải thích chân chính không bao giờ thuần túy là một tiến trình tri thức mà còn là một tiến trình sống, đòi hỏi một sự dấn thân hoàn toàn vào đời sống Hội Thánh, là đời sống “theo Thần Khí” (Gal 5:16). Như thế, tiêu chuẩn đưa ra ở mục Số 12 của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum trở nên rõ ràng hơn: sự siêu việt này không thể xẩy ra đối với một đoạn văn riêng rẽ, trừ khi đoạn văn này được nhìn đến trong tương quan với toàn thể Thánh Kinh. Thực ra, mục đích mà chúng ta cần phải tiến đến là một Lời duy nhất. Một tiến trình như thế bao hàm một diễn biến sâu xa, vì sự chuyển đổi xảy ra trong quyền năng của Chúa Thánh Thần không tránh được việc can thiệp vào sự tự do của mỗi người. Thánh Phaolô đã sống cuộc chuyển đổi này một cách trọn vẹn trong chính cuộc đời ngài. Qua chính lời ngài: “Chữ viết thì giết chết, nhưng Thần Khí thì ban sự sống.” (2 Cor 3:6), ngài đã diễn tả bằng những thuật ngữ triệt để ý nghĩa của tiến trình siêu vượt văn tự này và đạt đến việc chỉ hiểu nó theo toàn thể [Thánh Kinh]. Thánh Phaolô đã khám phá ra rằng “Thần Khí tự do có một danh hiệu, và sự do ấy có một tiêu chuẩn nội tại: ‘Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đấy có tự do’ (2 Cor 3:17). Thần Khí tự do không đơn thuần chỉ là một ý tưởng riêng của nhà chú giải, một cái nhìn riêng của nhà chú giải. Thần Khí ấy là Đức Kitô, và Đức Kitô là Chúa chỉ đường cho chúng ta”.[126] Chúng ta biết rằng đối với cả Thánh Augustinô, sự vượt qua này vừa cảm động vừa giải thoát; ngài đã đi đến việc tin rằng Thánh Kinh -- mà thoáng nhìn ngài cho là quá rời rạc và có nhiều chỗ quá thô thiển -- nhưng chính nhờ tiến trình siêu vượt văn tự mà ngài đã học được từ Thánh Ambrôsiô việc giải thích tiên trưng (typological interpretation), trong đó toàn thể Cựu Ước là một con đường dẫn tới Đức Chúa Giêsu Kitô. Đối với Thánh Augustinô, việc vượt quá nghĩa văn tự làm cho chính chữ viết trở thành đáng tin cậy, và cuối cùng giúp ngài tìm được câu trả lời cho nỗi băn khoăn thầm kín nội tâm và lòng khao khát chân lý của ngài.[127]

Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh

39. Trong việc vượt qua văn tự sang tinh thần, trong truyền thống vĩ đại của Hội Thánh, chúng ta cũng học nhìn vào tính thống nhất của toàn thể Thánh Kinh, được đặt nền tảng trên sự thống nhất của Lời Chúa, là điều thách thức cuộc sống chúng ta và không ngừng mời gọi chúng ta hoán cải.[128] Ở đây, lời của Hugh thuộc (tu viện) Thánh Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn: “Tất cả các Sách Thánh chỉ là một Sách, và Cuốn Sách duy nhất ấy là chính Đức Kitô, nói về Đức Kitô và được nên trọn trong Đức Kitô”.[129] Dĩ nhiên, nếu chỉ nhìn theo lịch sử hay văn chương, thì Thánh Kinh không phải là một cuốn sách duy nhất, nhưng là một tuyển tập của những bản văn được soạn thảo trong vòng một ngàn năm hay hơn, và ngay từng sách riêng biệt cũng không dễ thấy một sự thống nhất nội tại; trái lại, chúng ta thấy nhiều sự trái ngược tỏ tường giữa chúng. Đây đương nhiên là trường hợp Thánh Kinh Do Thái mà các Kitô hữu gọi là Cựu Ước. Nhưng còn hơn thế nữa, khi là Kitô hữu, chúng ta coi Tân Ước và các bản văn của nó như một thứ chìa khóa để chú giải Thánh Kinh Do Thái, và như thế giải thích nó như con đường dẫn đến Đức Kitô. Cách chung thì Tân Ước không sử dụng từ “Thánh Kinh” (x. Rom 4:3; 1 Pr 2:6) mà “các Sách Thánh” (x. Mt 21:43; Ga 5:39; Rom 1:2, 2 Pr 3:16), tuy nhiên chúng vẫn được nhìn trong tổng thể của chúng như Lời duy nhất được Thiên Chúa dùng để nói với chúng ta.[130] Điều này chứng tỏ rằng chính con người Đức Kitô đã ban sự thống nhất tất cả “các Sách Thánh”, trong tương quan với một “Lời” duy nhất. Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu được những lời của Số 12 trong Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, là điều nói đến tính thống nhất nội tại của toàn bộ Thánh Kinh như một tiêu chuẩn quyết định cho một chú giải đúng về đức tin.

Tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước

40. Trong bối cảnh thống nhất của các sách Thánh Kinh trong Đức Kitô, các thần học gia cũng như các mục tử cần phải ý thức về mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trước hết, hiển nhiên là chính Tân Ước nhìn nhận Cựu Ước như Lời Chúa và do đó chấp nhận thẩm quyền của các Sách Thánh Kinh của dân Do Thái.[131] Tân Ước gián tiếp nhìn nhận chúng bằng cách sử dụng cùng một ngôn từ và thường hay trích dẫn nhiều đoạn trong các Sách Thánh Kinh ấy. Nó trực tiếp thừa nhận chúng bằng cách dẫn chứng nhiều phần trong đó làm căn bản cho lý luận của mình. Như thế, một lý luận trong Tân Ước được đặt nền tảng trên Cựu Ước có một giá trị dứt khoát, vượt trên giá trị của những lý luận hoàn toàn nhân bản. Trong Tin Mừng thứ Tư, Chúa Giêsu nói rằng “[Lời] Thánh Kinh không thể hủy bỏ” (Ga 10:35). Thánh Phaolô thì nói rõ một cách đặc biệt rằng Mặc Khải của Cựu Ước vẫn có giá trị đối với các Kitô hữu chúng ta (x. Rom 15:4; 1 Cor 10:11).[132] Chúng ta cũng quả quyết rằng “Chúa Giêsu thành Nadarét là một người Do Thái và Đất Thánh là quê mẹ của Hội Thánh”.[133] Gốc rễ của Kitô giáo được tìm thấy trong Cựu Ước, và Kitô giáo liên tục rút chất dinh dưỡng từ những gốc rễ này. Do đó, học thuyết lành mạnh của Kitô giáo luôn luôn chống lại tất cả những hình thức mới của thuyết Marcion, là những chủ thuyết có khuynh hướng, bằng nhiều cách khác nhau, đặt Cựu Ước đối nghịch với Tân Ước.[134]

Hơn nữa, chính Tân Ước cũng tự nhận là mình phù hợp với Cựu Ước và công bố rằng trong mầu nhiệm cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, các Sách Thánh Kinh của Dân Do Thái đã tìm được sự nên trọn hoàn hảo của chúng. Tuy nhiên, cần phải nhận xét rằng quan niệm về việc nên trọn của Thánh Kinh là một quan niệm phức tạp, vì nó có ba chiều kích: một chiều kích căn bản về tiếp tục với Mặc Khải Cựu Ước, một chiều kích gián đọan và một chiều kích về nên trọn và siêu vượt. Mầu nhiệm Đức Kitô luôn có ý tiếp tục việc thờ phượng bằng hy lễ của Cựu Ước, nhưng xảy ra một cách hoàn toàn khác, theo một số lời tiên tri và như thế đạt được một sự hoàn hảo mà trước kia chưa bao giờ đạt được. Chính Cựu Ước đầy những căng thẳng giữa hai bình diện định chế và tiên tri. Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hoàn toàn đúng với các lời tiên tri và tiên trưng của các Thánh Kinh Do Thái, dù bằng một cách thế người ta không lường trước được; nhưng nó lại có những khía cạnh rõ ràng của một sự gián đoạn đối với các định chế Cựu Ước.

41. Những suy nghĩ này cho thấy tầm quan trọng độc đáo của Cựu Ước đối với các Kitô hữu, đồng thời đưa ra sự mới mẻ của cách giải thích theo Kitô học. Từ thời các Tông Đồ và trong Truyền Thống sống động của mình, Hội Thánh từng nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa trong hai Giao Ước, qua việc sử dụng cách tiên trưng; cách thức này không hề có tính độc đoán, nhưng là thực chất đối với những biến cố được các bản văn thánh thuật lại và như thế liên hệ với toàn thể Thánh Kinh. Tiền trưng học “phân biệt trong các tác phẩm của Thiên Chúa trong Cựu Ước những hình ảnh biểu hiện trước điều Ngài thực hiện trong thời viên mãn nơi con người của Con Ngài nhập thể”.[135] Như thế, các Kitô hữu đọc Cựu Ước dưới ánh sáng của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Trong khi cách giải thích tiên trưng cho thấy nội dung khôn lường của Cựu Ước theo quan điểm Tân Ước, chúng ta đừng quên rằng Cựu Ước vẫn duy trì được giá trị Mặc Khải của chính nó, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (x. Mc 12:29-31). Vì thế, “Tân Ước phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước. Việc dạy giáo lý Kitô Giáo thời sơ khai luôn luôn sử dụng Cựu Ước (x. 1 Cor 5:6-8; 1 Cor 10:1-11)”.[136] Vì lý do ấy mà các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nói rằng: “Sự hiểu biết về Thánh Kinh của người Do Thái được chứng tỏ là hữu ích đối với Kitô hữu trong việc hiểu và nghiên cứu Thánh Kinh của chính họ”.[137]

Như Thánh Augustinô đã từng ghi nhận cách khôn ngoan rằng “Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ lộ trong Tân Ước”.[138] Cho nên, điều quan trọng là trong cả hai khung cảnh mục vụ và học viện, phải làm sáng tỏ sự liên hệ mật thiết giữa hai Giao Ước, cho phù hợp với câu nói của Thánh Grêgôriô Cả: “Điều gì Cựu Ước đã hứa, Tân Ước đã làm cho thành hữu hình; điều gì sách trước đã công bố một cách tiềm ẩn, thì sách sau công bố công khai như đang hiện diện. Vì lý do đó mà, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và sách chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước”.[139]

Những đoạn “tối nghĩa” của Thánh Kinh

42. Trong khi thảo luận về sự liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng xét đến những đoạn trong Thánh Kinh mà vì những sự tàn bạo và vô luân đôi khi chứa đựng trong đó, nên thành tối nghĩa và khó hiểu. Ở đây, trước hết và trên hết, chúng ta phải nhớ rằng Mặc Khải Thánh Kinh bắt nguồn cách sâu xa trong lịch sử. Kế họach của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được hoàn thành cách từ từ, qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, và bất kể sự chống đối của con người. Thiên Chúa đã chọn một dân tộc và kiên nhẫn làm việc để hướng dẫn và giáo dục họ. Mặc Khải thích hợp với trình độ văn hóa và luân lý của thời xa xưa và vì thế diễn tả các sự kiện và phong tục, như gian lận và lừa đảo, và các hành động tàn bạo và giết người tập thể, mà không trực tiếp lên án tính vô luân của những điều như thế. Điều ấy có thể được giải thích theo phạm vi lịch sử, nhưng nó có thể làm cho nhiều độc giả hiện đại sửng sốt, nhất là nếu họ không kể đến nhiều việc làm “đen tối” được diễn ra qua nhiều kỷ nguyên và cả trong thời đại chúng ta nữa. Trong Cựu Ước, lời rao giảng của các ngôn sứ đã mạnh mẽ đương đầu với mọi loại bất công và bạo lực, bất kỳ là cách tập thể hay cá nhân, và vì thế trở thành cách Thiên Chúa huấn luyện dân Ngài để chuẩn cho Tin Mừng. Cho nên, thật là một sai lầm khi bỏ qua những đoạn Thánh Kinh mà chúng ta coi là có vấn đề. Thay vào đó, chúng ta nên ý thức rằng việc giải thích đúng đắn những đoạn văn đó đòi phải có một trình độ chuyên môn, thụ giáo nhờ được huấn luyện để giải thích những bản văn theo phạm vi văn chương lịch sử và trong viễn cảnh Kitô giáo, là viễn cảnh có chìa khóa chú giải tối hậu của nó là “Tin Mừng và giới răn mới mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã đem lại trong mầu nhiệm vượt qua”.[140] Tôi khuyến khích các học giả và các mục tử hãy giúp tất cả các tín hữu tiếp cận những đoạn văn này bằng một giải thích có thể làm cho ý nghĩa của chúng được xuất hiện dưới ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô.

Kitô hữu, người Do Thái và Thánh Kinh

43. Sau khi đã cân nhắc sự liên hệ mật thiết giữa Tân Ước và Cựu Ước, giờ đây đương nhiên là chúng ta quay sang mối dây đặc biệt nối kết giữa các Kitô hữu và người Do Thái đã phát sinh từ sự liên hệ ấy, một mối dây mà chúng ta không bao giờ được bỏ qua. ĐTC Gioan Phaolô II, khi nói về người Do Thái, đã gọi họ là “những ‘anh em thân yêu’ của chúng ta trong đức tin của Ábraham, Tổ Phụ chúng ta”.[141] Việc nhìn nhận sự kiện này không hề có nghĩa là coi thường những trường hợp gián đoạn mà Tân Ước quả quyết liên quan đến những định chế của Cựu Ước, càng không coi thường sự nên trọn của Thánh Kinh trong mầu nhiệm của Đức Chúa Giêsu Kitô, được nhìn nhận là đấng Mêsia và Con Thiên Chúa. Cũng thế, sự khác biệt sâu xa và tận gốc này không hề ám chỉ một sự thù nghịch giữa hai bên. Ngược lại, thí dụ của Thánh Phaolô (x. Rom 9-11) cho chúng ta thấy rằng “thái độ tôn trọng, quí mến và yêu thương đối với dân Do Thái là thái độ duy nhất thực sự của Kitô hữu trong hoàn cảnh hiện nay, là một phần mầu nhiệm trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa”.[142] Quả thật, Thánh Phaolô nói về người Do Thái rằng: “đối với ơn tuyển chọn, họ được yêu thương vì tổ tiên họ’ vì hồng ân và ơn kêu gọi của Thiên Chúa không thể thu hồi được” (Rom 11:28-29).

Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh đáng yêu của cây ôliu để diễn tả sự liên hệ rất mật thiết giữa Kitô hữu và người Do Thái: Hội Thánh của Dân Ngoại giống như một nhành ôliu dại được tháp vào cây ôliu tốt là Dân của Giao Ước (x. Rom 11:17-24). Nói cách khác, chúng ta rút chất dinh dưỡng từ cùng một rễ thiêng liêng. Chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em là những người trong những lúc nào đó của lịch sử đã có những liên hệ căng thẳng, nhưng hiện nay đang quyết tâm bắc các nhịp cầu thân hữu vững bền.[143] Như ĐTC Gioan Phaolô II đã nói trong một dịp khác: “Chúng ta có nhiều điều giống nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể làm được nhiều việc cho hòa bình, công lý và một thế giới huynh đệ và nhân đạo hơn”.[144]

Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng Hội Thánh rất coi trọng cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, chỗ công cộng cũng như riêng tư, và nhờ đó cổ võ việc tăng trưởng trong sự hiểu biết lẫn nhau, trong sự quí mến và hợp tác với nhau, cũng như trong việc nghiên cứu Thánh Kinh.

Giải thích Thánh Kinh theo chủ nghĩa cơ bản

44. Việc chúng ta lưu tâm đến những bình diện khác nhau trong chủ đề chú giải Thánh Kinh, giờ đây, giúp ta xét đến một đề tài đã từng được đề cập đến nhiều lần trong Thượng Hội Đồng: đó là chủ đề giải thích Thánh Kinh theo chủ nghĩa cơ bản.[145] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, trong tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh, đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng. Ở đây tôi muốn đặc biệt bàn về những tiếp cận không tôn trọng tính xác thực của bản văn thánh, nhưng cổ võ những cách giải thích chủ quan và độc đoán. Chủ nghĩa “duy văn tự” (literalism) được cổ võ bởi tiếp cận cơ bản thực sự tiêu biểu cho việc phản bội cả nghĩa văn tự lẫn nghĩa thiêng liêng, và mở đường cho nhiều hình thức thao túng khác nhau như phổ biến những cách giải thích Thánh Kinh chống Hội Thánh. “Vấn đề căn bản đối với cách giải cơ bản là: chối từ không chịu kể đến đặc tính lịch sử của Mặc Khải Thánh Kinh, nên nó tự làm cho mình không có khả năng chấp nhận chân lý trọn vẹn về chính sự nhập thể. Còn về những liên hệ với Thiên Chúa, chủ nghĩa cơ bản tìm cách tránh né bất cứ sự gần gũi nào giữa Thiên Chúa và nhân loại… vì lý do đó, nó có khuynh hướng coi bản văn thánh như đã được Chúa Thánh Thần đọc từng chữ. Nó không thừa nhận rằng Lời Chúa đã được trình bày trong ngôn ngữ loài người và những cách diễn tả bị lệ thuộc vào nhiều thời kỳ khác nhau”.[146] Mặt khác, Kitô giáo nhận ra trong những lời này chính Lời Thiên Chúa, là Ngôi Lời, Đấng bày tỏ mầu nhiệm của mình qua sự phức tạp này và thực tại của lịch sử nhân loại.[147] Câu trả lời thật cho một tiếp cận cơ bản chính là “cách giải thích Thánh Kinh đầy đức tin”. Cách giải thích này, “được thực hành từ thời xa xưa trong Truyền Thống Hội Thánh, tìm chân lý cứu độ cho cuộc đời từng cá nhân Kitô hữu và cho Hội Thánh. Nó nhìn nhận giá trị lịch sử của truyền thống Thánh Kinh. Chính vì giá trị của truyền thống như một nhân chứng lịch sử, cách đọc này tìm cách khám phá ra ý nghĩa sống động của Thánh Kinh đối với đời sống các tín hữu ngày nay”,[148] trong khi vẫn không coi thường sự trung gian nhân loại của bản văn được linh hứng và các văn thể của nó.

Đối thoại giữa các mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải

45. Một cách chú giải chân chính của đức tin mang theo với nó một số hiệu quả quan trọng đối với sinh hoạt mục vụ của Hội Thánh. Thí dụ, chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục đã để nghị có một liên hệ làm việc gần gũi hơn giữa các mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải Thánh Kinh. Các Hội Đồng Giám Mục nên cổ võ những cuộc gặp gỡ như thế với “mục tiêu đẩy mạnh sự hiệp thông lớn lao hơn trong việc phục vụ lời Chúa”.[149] Hợp tác loại này sẽ giúp mọi người chu toàn công việc của mình một cách hữu hiệu hơn vì ích lợi của toàn thể Hội Thánh. Đối với các học giả cũng vậy, đường hướng mục vụ này bao gồm việc tiếp cận bản văn thánh với ý thức rằng đó là một sứ điệp mà Chúa muốn nói với chúng ta vì phần rỗi của chúng ta. Theo những lời của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, “các nhà chú giải Công Giáo và những người khác hoạt động trong lãnh vực thần học thánh nên chuyên cần hợp tác với nhau, dưới sự cảnh giác của Huấn Quyền thánh. Nhờ dùng những kỹ thuật thích hợp, họ nên cùng nhau bắt đầu nghiên cứu và giải thích các bản văn thánh một cách nào đó để càng nhiều thừa tác viên lời Chúa có thể phân phát chất dinh dưỡng của Thánh Kinh cho dân Chúa một cách hiệu quả. Chất dinh dưỡng này soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và đốt lòng mọi người bằng tình yêu Thiên Chúa”.[150]

Thánh Kinh và đại kết

46. Ý thức rằng Hội Thánh đặt nền móng trên Đức Kitô là Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn nhấn mạnh đến tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn tả trọn vẹn sự hợp nhất của tất cả các tín hữu trong Đức Kitô.[151] Chính Thánh Kinh chứa đựng lời cầu nguyện cảm động của Chúa Giêsu với Chúa Cha xin cho các môn đệ được nên một, ngõ hầu thế gian có thể tin (x. Ga 17:21). Tất cả những điều này chỉ có thể củng cố xác tín của chúng ta rằng nhờ cùng nhau lắng nghe và suy niệm Thánh Kinh, chúng ta cảm nghiệm được một sự hiệp thông thật, dù chưa trọn vẹn;[152] “như vậy, cùng nhau tham gia việc lắng nghe Thánh Kinh thúc đẩy chúng ta đến đối thoại trong bác ái và giúp sự tăng trưởng trong cuộc đối thoại về chân lý”,[153] Cùng lắng nghe Lời Chúa, tham gia lectiona divina (đọc Lời Chúa), để lòng mình được đánh động bởi sự tươi mát khôn lường của Lời Chúa, là Lời không bao giờ ra cũ, thắng tật bịt tai trước những lời không hợp với ý kiến hay thành kiến riêng của mình, lắng nghe và học hỏi trong sự hiệp thông của các tín hữu ở mọi thời đại: tất cả những việc ấy tạo thành con đường đi đến hợp nhất trong đức tin như một đáp trả đối với việc nghe Lời Chúa”.[154] Lời của Công Đồng Vaticanô II thật là rõ ràng về điều này: “trong chính việc đối thoại [đại kết], Thánh Kinh là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa để đạt đến sự hiệp nhất mà Ðấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người“.[155] Do đó, nên có sự gia tăng về nghiên cứu, thảo luận và cử hành Lời Chúa đại kết, trong khi vẫn tôn trọng những quy luật hiện hành và sự khác biệt của các truyền thống.[156] Những cử hành này đẩy mạnh mục đích của đại kết, và khi được thi hành một cách thích hợp, chúng có thể tiêu biểu cho những giờ phút cầu nguyện sốt sắng chân chính để xin Thiên Chúa làm cho ngày tất cả chúng ta sẽ có thể ngồi chung một bàn và uống chung một chén mau đến. Tuy nhiên, trong khi thật đáng ca ngợi và chính đáng để cổ võ những buổi cầu nguyện như thế, nhưng phải thận trọng đừng để các tín hữu coi những buổi cầu nguyện này như thay thế cho việc cử hành Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật hay các lễ buộc.

Trong công việc nghiên cứu và cầu nguyện này, chúng ta bình thản nhìn nhận những bình diện vẫn còn cần được thăm dò một cách sâu xa hơn và những bình diện mà chúng ta vẫn còn khác biệt, như sự hiểu biết về chủ đề ai là người có thẩm quyền giải thích [Thánh Kinh] trong Hội Thánh và vai trò quyết định của Huấn Quyền.[157]

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đến những lời tuyên bố của các Nghị Phụ về đề tài quan trọng trong công cuộc đại kết, những bản dịch Thánh Kinh ra các ngôn ngữ khác nhau. Thực ra chúng ta biết rằng dịch một bản văn không chỉ là một công việc thuần tuý máy móc, nhưng theo một nghĩa nào đó, nó thuộc về công trình giải thích. Về phương diện này, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã nhận xét rằng “bất cứ ai nhớ lại những cuộc tranh luận sôi nổi về Thánh Kinh đã ảnh hưởng đến những chia rẽ ra sao, nhất là tại Tây Phương, đều có thể hiểu rõ giá trị của bước tiến quan trọng mà các bản dịch chung này tiêu biểu”.[158]. Cổ võ những bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong nỗ lực đại kết. Ở đây tôi xin cám ơn tất cả những ai đã tham gia vào nhiệm vụ to lớn này và khuyến khích họ trong việc theo đuổi công tác của mình.

Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học

47. Một hậu quả khác phát sinh từ việc chú giải Thánh Kinh đầy đủ về đức tin có liên quan đến những liên hệ cần thiết của nó với việc đào luyện về chú giải và thần học, nhất là trong việc đào tạo các ứng viên linh mục. Phải thận trọng để đảm bảo rằng việc nghiên cứu Thánh Kinh phải thực sự là linh hồn của khoa thần học vì Thánh Kinh được chấp nhận như Lời Chúa ngỏ với thế giới, với Hội Thánh và với đích thân mỗi người chúng ta ngày nay. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn ấn định trong Số 12 của Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum phải được thực sự lưu ý đến và trở thành đối tượng cho một nghiên cứu sâu sắc hơn. Phải tránh vun trồng một quan niệm cho rằng việc nghiên cứu có tính cách uyên bác phải được coi như là trung lập đối với Thánh Kinh. Đó là lý do tại sao cùng với việc học các nguyên ngữ mà trong đó Thánh Kinh đã được viết, và những phương pháp giải thích thích đáng, các sinh viên còn cần phải có một đời sống thiêng liêng thâm sâu, để nhận thức rằng người ta chỉ có thể hiểu được Thánh Kinh khi sống nó mà thôi.

Trong viễn cảnh này, tôi tha thiết đề nghị rằng việc nghiên cứu Lời Chúa, kể cả truyền khẩu lẫn văn bản, luôn được xảy ra trong một tinh thần Hội Thánh sâu xa, và việc đào luyện ở đại học phải lưu ý đến những can thiệp thích đáng của Huấn Quyền, là cơ chế “không cao hơn Lời Chúa, nhưng đúng hơn là đầy tớ của Lời Chúa. Huấn Quyền này chỉ dạy những điều đã được truyền lại cho nó. Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền nhiệt tình lắng nghe, cung kính giữ gìn và trung thành trình bày Lời ấy”.[159] Như vậy, phải cẩn trọng để các giáo huấn truyền đạt một sự thừa nhận rằng “Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền Hội Thánh liên kết và phối hợp chặt chẽ với nhau đến nỗi một trong ba thực thể không thể đứng vững được nếu không có hai thực thể kia”.[160] Tôi hy vọng rằng trong tinh thần trung thành với giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, việc nghiên cứu Thánh Kinh, được đọc trong sự hiệp thông của Hội Thánh hoàn vũ, sẽ thực sự là linh hồn của những nghiên cứu thần học.[161]

Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh

48. Việc giải thích Thánh Kinh vẫn chưa đầy đủ nếu không bao gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống Lời Chúa, là các thánh.[162] Quả thật, "viva lectio est vita bonorum" (bài đọc sống động chính là đời sống của những người lành).[163] Việc giải thích Thánh Kinh sâu sắc nhất phát sinh từ chính những người đã để mình được Lời Chúa uốn nắn qua việc lắng nghe, đọc và chăm chú suy niệm Lời Chúa.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các dòng linh đạo vĩ đại trong lịch sử Hội Thánh đã phát sinh từ một liên hệ dứt khoát với Thánh Kinh. Một thí dụ tôi nghĩ đến Thánh Antôn tu viện trưởng, đấng đã cảm động khi nghe những lời này của Đức Kitô: “Nếu các con muốn nên trọn lành, hãy đi, bán hết mọi sự con có và cho người nghèo, con sẽ có một kho tàng trên trời; rồi hãy đến mà theo Thày” (Mt 19:21).[164] Gây ấn tượng không kém là câu hỏi được Thánh Basiliô Cả đặt ra trong Moralia: "Cái gì là dấu đặc thù của đức tin? Là lòng xác tín hoàn toàn và không do dự rằng những lời được Thiên Chúa linh hứng là chân thật… Điều gì là dấu đặc thù của các tín hữu? Là thích nghi đời sống của họ với cùng một lòng xác tín hoàn toàn đối với ý nghĩa của những lời trong Thánh Kinh, không dám thêm hay bớt bất cứ một điều gì”.[165] Thánh Bênêđictô, trong Qui Luật của ngài, gọi Thánh Kinh là “qui luật hoàn hảo nhất đối với đời sống con người”.[166] Còn Thánh Phanxicô Assisi, mà chúng ta học được từ Tôma thành Celanô, “khi nghe rằng các môn đệ của Đức Kitô không được có vàng, bạc tiền của, cũng như không được mang theo bao bị, bánh, gậy đi đường, giầy dép cùng hai áo khoác… ngài được hân hoan trong Chúa Thánh Thần, lập tức la lên: ‘đây chính là điều tôi muốn có, đây chính là điều tôi xin, đây chính là điều tôi mong mỏi được thi hành với hết lòng tôi!’”.[167] Thánh Clara thành Assisi hoàn toàn chia sẻ cảm nghiệm của thánh Phanxicô: Bà viết “Hình thức sống của Dòng Chị Em Hèn Mọn là điều này: tuân giữ Tin Mừng của Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.[168] Thánh Đa Minh cũng thế, “khắp nơi, ngài luôn tỏ ra mình là người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như việc làm”.[169] và muốn các tu huynh của ngài cũng là “những người của Tin Mừng”.[170] Thánh Têrêxa thành Avila Dòng Camêlô, đấng trong các tác phẩm của ngài luôn dùng hình ảnh Thánh Kinh để giải thích những cảm nghiệm huyền bí của mình, nói rằng chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Bà rằng “mọi sự dữ trên thế gian đều phát sinh từ việc không biết rõ ràng các chân lý của Thánh Kinh”.[171] Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã khám phá rằng ra tình yêu là ơn gọi riêng của mình là nhờ chăm chú đọc Thánh Kinh nhất là Chương 12 và 13 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô;[172] cũng vị thánh này đã mô tả sức hấp dẫn của Thánh Kinh: “chỉ cần thoáng đọc Tin Mừng, tôi đã lập tức được hít thở hương vị của cuộc đời Chúa Giêsu và biết mình phải chạy ở bên nào”.[173] Mỗi vị thánh như một tia sáng chiếu ra từ Lời Chúa: chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Inhaxiô thành Loyola trong cuộc tìm kiếm chân lý của ngài cũng như trong việc ngài phân biệt các thần khí; Thánh Gioan Boscô, trong đam mê giáo dục giới trẻ của ngài; Thánh Gioan Maria Vianey trong ý thức về sự cao cả của thiên chức linh mục như một hồng ân và một trách nhiệm của ngài; Thánh Piô thành Pietrelcina trong việc phục vụ như một công cụ của lòng thương xót Chúa; Thánh Josemaria Escrivá trong việc giảng dạy về ơn gọi nên thánh phổ quát; Á Thánh Têrêxa thành Calcutta, nhà truyền giáo của lòng bác ái của Thiên Chúa đối với những người nghèo nhất trong những người nghèo, rồi các vị tử đạo của chủ nghĩa Quốc Xã và Cộng Sản, đại biểu bởi Thánh Têrêxa Bênêđicta Thánh Giá (Edith Stein), một nữ tu Dòng Camêlô, và Á Thánh Aloysiô Stepinac, Hồng Y Tổng Giám Mục Zagreb.

49. Như thế, sự thánh thiện được linh hứng bởi Lời Chúa, một cách nào đó, thuộc truyền thống tiên tri, trong đó, Lời Chúa dùng chính cuộc sống của vị ngôn sứ để phục vụ mình. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Hội Thánh cấu thành một cách giải thích Thánh Kinh mà chúng ta không được coi thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các thánh ký, cũng là cùng một Thánh Thần Đấng thúc đẩy các thánh dâng hiến đời các ngài cho Tin Mừng. Bằng cách cố gắng học từ gương của các ngài, chúng ta bắt đầu đi trên con đường chắc chắn hướng về một bài chú giải Lời Chúa sống động và hiệu quả.

Chúng ta đã thấy những chứng nhân trực tiếp cho mối dây liên kết giữa sự thánh thiện và Lời Chúa trong Phiên Họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ Mười Hai, khi mà bốn vị thánh mới được phong vào ngày 12 tháng Mười tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đó là: Gaetano Errico, linh mục và người sáng lập Tu Hội Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bernarda Bütler, sinh quán Thụy Sĩ và là một nhà truyền giáo tại Ecuador và Colombia; Nữ Tu Alphonsa Vô Nhiễm Nguyên Tội, vị hiển thánh đầu tiên sinh tại Ấn Độ; và nữ tín hữu trẻ người Ecuador là Narcisa de Jesús Martillo Morán. Bằng cuộc sống của mình, các ngài đã làm chứng cho thành quả bất diệt của Tin Mừng của Đức Kitô trước mặt thế gian và Hội Thánh. Nhờ lời chuyển cầu của những vị thánh được tôn phong vào dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa này, chúng ta hãy xin Chúa biến chính đời sống của chúng ta thành “thửa đất tốt” trong đó Đấng Gieo Giống Thần Linh trồng Lời Người, để cho Lời ấy trổ sinh trong chúng ta nhiều hoa quả thánh thiện, “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần” (Mt 4:20).

=============

Chú Thích

84 Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

85 Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

86 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, A, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3035.

87 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 12.

88 Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42, 176.

89 Cf. BENEDICT XVI, General Audience (14 November 2007): Insegnamenti III 2 (2007), 586-591.

90 Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17.

91 Epistula 52:7: CSEL 54, p. 426.

92 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2988.

93 Ibid., II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2991.

94 Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: PL 76, 843D.

95 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 24; cf. LEO XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893), Pars II, sub fi ne: ASS 26 (1893-94), 269-292; BENEDICT XV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920), Pars III: AAS 12 (1920), 385-422.

96 Cf. Propositio 26.

97 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), A-B: Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150.

98 BENEDICT XVI, Intervention in the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 492; cf. Propositio 25.

99 ID., Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 722-723.

100 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

101 Cf. JOHN PAUL II, Address for the Celebration of the Centenary of the Encyclical Providentissimus Deus and the Fiftieth Anniversary of the Encyclical Divino Affl ante Spiritu (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243.

102 Ibid., 4: AAS 86 (1994), 235.

103 Ibid., 5: AAS 86 (1994), 235.

104 Ibid., 5: AAS 86 (1994), 236.

105 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3065.

106 No. 12.

107 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 25.

108 Cf. Propositio 26.

109 Propositio 27.

110 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 26.

111 Cf. ibid.

112 Ibid.

113 Cf. Propositio 27.

114 BENEDICT XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493-494.

115 JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

116 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Fourth National Ecclesial Congress in Italy (19 October 2006): AAS 98 (2006), 804-815.

117 Cf. Propositio 6.

118 Cf. SAINT AUGUSTINE, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

119 CONGREGATION FOR CATHOLIC EDUCATION, Instruction Inspectis Dierum (10 November 1989), 26: AAS 82 (1990), 618.

120 Catechism of the Catholic Church, 116.

121 Summa Theologiae, I, q. 1, art. 10, ad 1.

122 Catechism of the Catholic Church, 118.

123 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2987.

124 Ibid., II, B, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3003.

125 BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

126 Ibid.

127 Cf. ID., General Audience (9 January 2008): Insegnamenti IV, 1 (2008), 41-45.

128 Cf. Propositio 29.

129 De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642C-D.

130 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 725.

131 Cf. Propositio 10; PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 748-755.

132 Cf. Catechism of the Catholic Church, 121-122.

133 Propositio 52.

134 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 19: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 799-801; ORIGEN, Homily on Numbers 9, 4: SC 415, 238-242.

135 Catechism of the Catholic Church, 128.

136 Ibid., 129.

137 Propositio 52.

138 Quaestiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

139 Homiliae in Ezechielem I, VI, 15: PL 76, 836B.

140 Propositio 29.

141 JOHN PAUL II, Message to the Chief Rabbi of Rome (22 May 2004): Insegnamenti XXVII, 1 (2004), p. 655.

142 Cf. PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 1150.

143 Cf. BENEDICT XVI, Farewell Discourse at Ben Gurion International Airport in Tel Aviv (15 May 2009): Insegnamenti, V, 1 (2009), 847-849.

144 JOHN PAUL II, Address to the Chief Rabbis of Israel (23 March 2000): Insegnamenti XXIII, 1 (2000), 434.

145 Cf. Propositiones 46 and 47.

146 PONTIFICAL BIBLICAL COMMISSION, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), I, F: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2974.

147 Cf. BENEDICT XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “ Collège des Bernardins ” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

148 Propositio 46.

149 Propositio 28.

150 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 23.

151 It should be recalled, however, that with regard to the so-called deuterocanonical books of the Old Testament and their inspiration, Catholics and Orthodox do not have exactly the same biblical canon as Anglicans and Protestants.

152 Cf. Relatio post disceptationem, 36.

153 Propositio 36.

154 Cf. BENEDICT XVI, Address to the Eleventh Ordinary Council of the General Secretariat of the Synod of Bishops (25 January 2007): AAS 99 (2007), 85-86.

155 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 21.

156 Cf. Propositio 36.

157 Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

158 Encyclical Letter Ut Unum Sint (25 May 1995), 44: AAS 87 (1995), 947.

159 SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

160 Ibid.

161 Cf. ibid., 24.

162 Cf. Propositio 22.

163 SAINT GREGORY THE GREAT, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

164 Cf. SAINT ATHANASIUS, Vita Antonii, II: PL 73:127.

165 Moralia, Regula LXXX, XXII: PG 31, 867.

166 Rule, 73, 3: SC 182, 672.

167 THOMAS OF CELANO, First Life of Saint Francis, IX, 22: FF 356.

168 Rule, I, 1-2: FF 2750.

169 BLESSED JORDAN OF SAXONY, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104; Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Rome, 1935, 16, p. 75.

170 ORDER OF FRIARS PREACHER, First Constitutions or Consuetudines, II, XXXI.

171 Vita, 40, 1.

172 Cf. Story of a Soul, Ms B, 254.

173 Ibid., Ms C, 35v.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:19 30/11/2010
NGƯỜI HÁI RA TIỀN

N2T


Theo truyền thuyết, ngày xưa có một loại cây, trên cây nở ra rất nhiều quả bằng vàng bằng bạc, khi trái cây đã chín và chỉ cần rung nhẹ cây thì trái vàng trái bạc đều rơi xuống, người ta gọi nó là “cây tiền”.

Về sau, người ta cho rằng người kiếm được nhiều tiền thì giống như cây tiền vậy, vừa rung nhè nhẹ thì tiền bèn rơi xuống, cho nên cũng ví họ như cây tiền (người hái ra tiền). Ngoài ra, người xưa cũng gọi các kỹ nữ là cây tiền, bởi vì một nhà chứa chỉ cần nuôi dưỡng một cô kỹ nữ đẹp nổi tiếng, thì có thể kiếm được rất nhiều rất nhiều tiền bạc.

Và đến triều nhà Thanh thì cây tiền biến thành vật may mắn trong ngày tết, người ta trang trí trên cây bách cây thông những đồng tiền cổ xưa, những đĩnh bạc đĩnh vàng, hoa thạch lựu cắm trong bình hoa, có đủ nguồn của cải, thật là cuồn cuộn ý nghĩa vậy.

(Yến kinh tuế thời ký)

Suy tư:

Các đại gia thời nay chỉ cần mấy em “móng xanh móng đỏ” rung nhè nhẹ thì tiền đô Mỹ tiền Việt rủng rỉnh tuôn ra, có khi ăn chơi một đêm cả ngàn đô Mỹ tương đương cả mấy chục triệu tiền Việt là chuyện thường; có những đại gia chỉ một cái liếc mắt của các em gái mắt xanh móng đỏ thôi, thì cũng chi ra cả vài trăm đô Mỹ, họ là những người làm ra tiền (buôn bán, hối lộ, tham nhũng, thụt két.v.v…) cho nên tiền bạc đối với họ không thành vấn đề, chỉ cần “rung nhè nhẹ” là tiền rụng xuống.

Thời đại kim tiền nên có người chỉ cần rung nhè nhẹ là tiền rơi ra, nhưng có người lắc trốc cả rễ mà cũng chẳng có đồng xu nào rơi xuống, bởi vì không phải ai cũng là “cây tiền”.

Người Ki-tô hữu không phải là “cây tiền”, cũng không phải là người chuyên làm ra tiền, bởi vì Cha của họ là Đấng tạo dựng trời đất đang ngự trên trời, cho nên cái mà họ cần đến là tình yêu, để họ sống yêu thương chan hòa với mọi người; cái mà họ cần đến là ân sủng, để họ biết sống xứng đáng với ân sủng mà Cha trên trời ban cho họ giữa xã hội hưởng thụ và kim tiền hôm nay.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:20 30/11/2010
N2T


10. Nếu chỉ ham người khác ca ngợi, lấy tiếng tốt để làm hướng đi cho cuộc sống, thì hạng người này không những không thể lập công tu đức, chấp nhận đau khổ cách vô ích, lại còn có thể biến thiện thành ác, biến công lao thành tội ác.

(Thánh Basil)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các tổ chức tại Pakistan cho hay khó có được công lý cho các Kitô hữu
Bùi Hữu Thư
03:49 30/11/2010
VATICAN (CNS) – Cộng đồng Kitô giáo tại Pakistan bất mãn vì vụ sử trắng án một nhà giầu Hồi giáo, bị kết án hãm hiếp và thảm sát một em gái Kitô giáo, theo báo cáo của hãng thông tấn Fides của Bộ Rao Giảng Tin Mừng.

Chaudhry Naeem bị kết án hãm hiếp và làm thiệt mạng Shazia Bashir, một em bé gái Kitô giáo 12 tuổi.

Hãng thông tấn Fides phúc trình ngày 27 tháng 11: Vợ và con của Naeem, cũng bị kết án cùng với hắn vì đã ép buộc Shazia phải làm việc như một đầy tớ trong nhà họ, và hành hạ đánh đập Shazia, nhưng cũng được tòa xử trắng án.

Tòa Sơ Thẩm tại Lahore đã tha cho tất cả gia đình, kết luận là thiếu chứng cớ để buộc tội.

Theo Fides, các giám nghiệm y khoa đã bị lọc lừa để trình bầy rằng Shazia chết vì lý do tự nhiên, vì một loại “bệnh ngoài da,” và các bằng cớ được gia đình Shazia dẫn chứng, bị toà án cho là không đầy đủ.

Naisr Saeed, giám đốc Trung Tâm Trợ Giúp Luật Pháp và Bồi Thường cho hay: “Đối với gia đình của Shazia, công lý đã không được thực hiện.

Đây không phải là lần đầu tiên, trong các trường hợp tương tự, kết quả của việc phân xử khiến cho các công dân Hồi giáo có quyền thế không bị trừng trị, mặc dù họ đã có những hành động ác độc đối với những kitô hữu nghèo đói và yếu đuối," ông Naisr Saeed, giám đốc Trung Tâm Trợ Giúp Luật Pháp và Bồi Thường cho hay như vậy. Trung Tâm của ông cung cấp các dịch vụ trợ giúp về luật pháp miễn phí cho các Kitô hữu người Pakistan, có văn phòng tại Luân Đôn và Lahore.
 
Phái đoàn Tòa Thánh tham dự lễ thánh Anrê, Bổn Mạng Chính Thống giáo
LM Trần Đức Anh OP
11:29 30/11/2010
ISTANBUL -. Hôm 30-11-2010, lễ kính thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống Constantinople, Tòa Thánh đã cử phái đoàn đến tham dự đại lễ này tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống ở Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo truyền thống từ nhiều thập niên qua, vào dịp lễ bổn mạng, thánh Phêrô và Phaolô 29-6 và thánh Anrê 30-11, hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đều gửi phái đoàn đến tham dự lễ của nhau và bày tỏ tình huynh đệ và ước mong hiệp nhất trọn vọn với Giáo Hội anh em.

Năm nay, Phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, hướng dẫn lần đầu tiên, cùng với Đức Cha Brian Farell, Tổng thư ký. Ngoài ra, có Đức TGM Antonio Lucibello, Sứ thần Tòa Thánh tại Thổ nhĩ kỳ. Đoàn đã tham dự thánh lễ trọng thể do Đức Thượng Phụ Barlolomaios I cũng là Giáo chủ danh dự chung của Chính Thống giáo, chủ sự tại Nhà thờ Thượng Phụ ở Fanar.

Phái đoàn Tòa Thánh đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ và chuyển đến ngài sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16, trong đó ĐTC nhận xét rằng: ”Lễ kính Thánh Tông đồ năm nay trùng vào một ngày trong lịch phụng vụ của Đông và Tây Phương. Lễ này là một lời mời gọi mạnh mẽ hãy canh tân lòng trung thành với giáo huấn của các Tông Đồ và trở thành những người rao giảng không biết mệt mỏi về niềm tin nơi Chúa Kitô bằng lời nói và cuộc sống chứng tá”.

ĐTC viết tiếp: ”Lời mời gọi ấy ngày nay trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong một thế giới ngày càng lệ thuộc và liên đới với nhau, chúng ta được kêu gọi công bố với một xác tín được đổi mới, chân lý Tin Mừng và trình bày Chúa Kitô Phục Sinh như câu trả lời cho những vấn nạn sâu xa nhất và những khát vọng tinh thần của con người ngày nay.. Để thành công trong công tác lớn lao ấy, chúng ta phải tiếp tục tiến bước trên con đường hướng về sự hiệp thông trọn vẹn, chứng tỏ đã liên kết những cố gắng của chúng ta để cùng làm chứng cho Tin Mừng trước mặt con người thời nay”.

ĐTC cũng nhắc đến những sinh hoạt đại kết gần đây giữa Công Giáo và Chính thống như Diễn đàn kỳ II giữa Công Giáo và Chính Thống tại đảo Rodi bên Hy Lạp hồi tháng 10 năm nay về đề tài ”Tương quan giữa Giáo hội và Nhà Nước, các viễn tượng thần học và lịch sử”. Ngài cũng đề cao những nỗ lực của Đức Thượng Phụ Bartolomaios I nhắm mưu ích cho toàn Chính Thống giáo và thăng tiến các giá trị Kitô trong nhiều môi trường quốc tế” (SD 30-11-2010)
 
Ý chỉ cầu nguyện của ĐTC: Nỗi thống khổ của tha nhân và mở lòng cho Chúa Kitô
Bùi Hữu Thư
16:28 30/11/2010
Ý chỉ cầu nguyện”chung” và “truyền giáo” cho tháng 12, 2010

ROME, Thứ Ba 30 tháng 11, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Chú tâm đến nỗi thống khổ của tha nhân và tiếp nhận Phúc Âm của hòa bình, của tình huynh đệ, và công lý là hai ý chỉ cầu nguyện Đức Thánh Cha Benedict XVI đề nghị với các tín hữu Công Giáo cho Tháng 12 năm 2010.

Ý chỉ đầu tiên, là ý chỉ “chung” chạm đến kinh nghiệm cá nhân về khổ đau và trợ giúp những ai đang đau khổ.

Đức Thánh Cha thực sự yêu cầu mọi người cầu nguyện “để cho kinh nghiệm khổ đau là dịp để chúng ta thấu hiểu những tình trạng khó khăn và khổ đau trong đó có những người neo đơn, các bệnh nhân, và những người cao niên, và thúc đẩy chúng ta đến gặp họ với lòng quảng đại.”

Ý chỉ “truyền giáo” là để mở lòng các dân nước cho Chúa Kitô: “Để cho các dân nước trên thế giới biết mở các cánh cửa cho Chúa Kitô và cho Phúc Âm hòa bình, huynh đệ và công lý của Người.”

Hội Tông Đồ cầu nguyện trình bầy mỗi tháng “thách đố” do Đức Thánh Cha đề nghị và đưa ra các lời bình luận về hai ý chỉ này.
 
Top Stories
Nessun segno di miglioramento per la vita della Chiesa vietnamita
Asia-News
06:21 30/11/2010
Continua l’azione delle autorità contro istituzioni e fedeli. Fermato e minacciato il vescovo di Kontum. Istruzioni ai “cattolici patriottici” per una campagna di “buoni cittadini” da organizzare in vista del Natale. Per la prima volta l’episcopato non ha incontrato il premier.

Hanoi (AsiaNews) - Non accenna a migliorare la situazione della Chiesa cattolica in Vietnam, sei mesi dopo le dimissioni dell’arcivescovo di Hanoi, Joseph Ngo Kiet, che hanno tolto di mezzo colui che il governo dichiarava essere l’ostacolo alla normalizzazione dei rapporti, anche col Vaticano.

Anzi, dopo la vicenda di Con Dau e la condanna di sei cattolici, appare in crescita l’azione delle autorità che hanno arrestato il difensore degli imputati e hanno vietato a un vescovo di dire messa nella sua diocesi. In questo contesto si inserisce la mobilitazione dei governativi “cattolici patriottici”. Ufficialmente chiamati “Comitato vietnamita per la solidarietà dei cattolici”, il gruppo è l’ultima edizione di quel “Comitato di collegamento dei cattolici patriottici e amanti della pace”, creato - con risultati fallimentari - dal Partito comunista nel 1955 allo scopo di dar vita a una Chiesa patriottica sul modello cinese.

Sostenuto comunque in vita dal governo, il Comitato - come esso stesso rivela sul suo sito - ha visto un intervento del vice primo ministro Nguyen Thien Nhan che ha sollecitato sacerdoti e laici che fanno parte del gruppo a “eliminare i contrasti nei rapporti tra Stato e Chiesa” e “organizzare una ‘campagna buoni cittadini’ tra i cattolici, soprattutto in occasione del prossimo periodo natalizio.

La frase “un buon cattolico è un buon cittadino” è presa dal discorso di Benedetto XVI ai vescovi vietnamiti del 27 giugno 2009, in occasione della loro visita “ad limina”. Tolta dal suo contesto, essa è intesa e usata dai media di Stato per pretendere dai cattolici completa e incondizionata sottomissione alle autorità civili.

“Nella prospettiva del governo – spiega padre Joseph Nguyen, di Hanoi – buoni cittadini sono coloro che seguono ciecamente le sue istruzioni, senza curarsi se sono buone o cattive, giuste o ingiuste; chi è disposto a uccidere i suoi figli ancora non nati per conformarsi alle politiche restrittive sulla popolazione; che è pronto a donare al Partito le proprie chiese e i loro terreni. Nessun cristiano può chiedere ad altri di fare questo. Nessuno, e meno ancora un sacerdote”.

Sembra, anzi, che in occasione della recente assemblea dell’episcopato vietnamita (4-8 ottobre), ci siano state pressioni da parte del Partito perché nel documento conclusivo dell’incontro fosse inclusa anche la frase. Ma i vescovi si sono rifiutati. Il che potrebbe spiegare perché questa volta è stata interrotta la tradizione per la quale, fin dal 1975, alla fine di ogni assemblea della Conferenza episcopale i vescovi si recavano a Hanoi per incontrare il Primo ministro.

Nham, che è membro del Politburo del Comitato centrale del Partito comunista, ha anche detto ai “patriottici” che il premier, Nguyen Minh Triet, vorrebbe incontrare rappresentanti cattolici per discutere “materie di comune interesse”. Il coinvolgimento di Triet evidenzia il fatto che i rapporti tra Chiesa e Stato sono in tensione, in seguito a una serie di dispute su terreni, che hanno portato a vere persecuzioni a Tam Toa (Quang Binh), Dong Chiem (Hanoi) e Con Dau (Da Nang).

L’episodio più recente è raccontato dal vescovo di Kontum, Michael Hoang Duc Oanh, in un lettera pastorale datata 21 novembre. Egli riferisce che un gruppo della sicurezza lo ha tenuto “in custodia” per ore, per ostacolare la sua visita pastorale a Son Lang. Il vescovo aggiunge che il 7 novembre, quando è andato a celebrare messa nelle case di alcuni villaggi della zona rurale di Kon Chro, tutti i proprietari delle case sono stati successivamente arrestati e sottoposti a lunghi interrogatori. In un caso, egli stesso è stato minacciato da esponenti comunisti di fronte ai suoi parrocchiani. “Se continua a venire a celebrare messa per questa gente, sarà arrestato e messo in prigione”.
 
No sign of improvement for Vietnamese Church life
Asia-News
06:53 30/11/2010
Authorities actions against institutions and people continue. Bishop of Kontum stopped and threatened. Instructions to the "patriotic Catholics" for a campaign of "good citizenship" to be organized ahead of Christmas. For the first time the bishops do not meet the premier.

Hanoi (AsiaNews) - The situation of the Catholic Church in Vietnam shows no signs of improving, six months after the resignation of the Archbishop of Hanoi, Joseph Ngo Kiet, which removed the person whom the government claimed to be the obstacle to the normalization of relations, even with the Vatican.

Indeed, after the Con Dau affair and the sentencing of six Catholics; the authorities seem to be stepping up their campaign with the arrest of the defence lawyer and ban on a bishop to say Mass in his diocese. In this context the governments "patriotic Catholics” are being mobilised. Officially called the "Committee for Solidarity of Vietnamese Catholics," the group is the latest edition of the "Liaison Committee of Patriotic Catholics and lovers of peace," created - with disastrous results - by the Communist Party in 1955 in order to create a model on the Chinese Patriotic Church.

However, supported by government, the Committee - as it reveals on its website – was addressed by the Deputy Prime Minister Nguyen Thien Nhan, who urged priests and lay people who belong to the group to "eliminate the differences in the relations between state and Church "and" organize a 'good citizens' campaign' among Catholics, especially during the upcoming Christmas season.

The phrase "a good Catholic is a good citizen" is taken from the June 27, 2009 speech of Benedict XVI to the bishops of Vietnam, on the occasion of their ad Limina visit. Removed from its context, it is understood and used by state media to demand complete and unconditional submission to civil authorities from Catholics.

“From the government’s perspectives,” Fr. Joseph Nguyen in Hanoi explained, “good citizens are understood as those who would blindly follow its instructions, no matter right or wrong, just or unjust; who would be willing to kill their unborn children to conform to its harsh restrictive population policies, who would be ready to donate their church and their land to the Party. No Christian can urge others to do so, none at all, let alone priests”

It seems, indeed, that at the recent meeting of the Vietnamese Bishops Government (4-8 October), there was pressure from the Party for the final document to included this sentence. But the bishops refused. Which may explain why this time the tradition of the bishops travelling to Hanoi to meet with Prime Minister at the end of each meeting of the Episcopal Conference, first established in 1975, was interrupted.

Nhan, who is a member of the Politburo of the Central Committee of the Communist Party, also told the "patriotics" that the prime minister, Nguyen Minh Triet, would meet with Catholic representatives to discuss "matters of common interest." Triet's involvement highlights the fact that the relationship between church and state tense, after a series of disputes over land, leading to real persecution in Tam Toa (Quang Binh), Dong Chiem (Hanoi) and Con Dau (Da Nang).

The most recent episode is told by the Bishop of Kontum, Michael Hoang Duc Oanh, in a pastoral letter dated November 21. He reports that a group of security agents kept him "in custody" for hours, hindering his pastoral visit to Lang Son The bishop added that on November 7, when he went to celebrate Mass in the homes of some villages in the rural area of Kon Chro, all owners of the houses were subsequently arrested and subjected to lengthy interrogations. In one case, he himself was threatened by communist leaders in front of his parishioners. "If persist in coming to celebrate Mass for these people, you will be arrested and put in prison."
 
Vietnam: Message de la Grande assemblée du peuple de Dieu au Vietnam 25 novembre 2010
Eglises d'Asie
09:56 30/11/2010
NDLR: La « Grande assemblée du peuple de Dieu » s’est achevée dans la soirée du 25 novembre 2010. Chacune des trois journées précédentes avaient été consacré à l’étude d’un thème particulier: « l’Eglise comme mystère », « l’Eglise comme communion » et enfin « la mission de l’Eglise ». Les interventions des évêques, prêtres, religieux et laïcs prononcées dans la matinée, les opinions et les propositions émises dans les ateliers et carrefours de l’après-midi ont été multiples et diverses. Il faudra sans doute attendre la parution du document final, destiné à récapituler l’ensemble, pour porter un jugement global sur cette assemblée et sur le contenu de ses débats. Pourtant d’ores et déjà, le texte du message de l’assemblée à l’Eglise du Vietnam a été rendu public. Il a été lu solennellement par le secrétaire général de l’assemblée, l’évêque coadjuteur de Saigon, Mgr Nguyên Van Kham, lors de la soirée de clôture. Deux idées-forces apparaissent à la première lecture, la communion à l’intérieur de l’Eglise et le rôle que celle-ci doit jouer dans la transformation de la société. On se doute que l’exhortation à l’entente et à la fraternité à l’intérieur de la famille ecclésiale a été motivée en partie par certaines manifestations de désunion apparues précisément au cours de l’Année Sainte. Le message insiste sur le rôle de l’Eglise à l’intérieur de la patrie vietnamienne où elle doit introduire « une culture de la vie et une civilisation de l’amour ». Il souligne l’importante contribution de l’Eglise catholique dans la formation culturelle et morale du Vietnam moderne. A titre d’exemples, il rappelle la création de l’écriture moderne par les premiers catholiques, la formation humaine dispensée par les écoles catholiques à de très nombreux citoyens. Le document demande aux autorités d’aujourd’hui d’ouvrir de nouveau les portes au rôle social de l’Eglise, particulièrement en matière d’éducation et de santé. Le texte, traduit ci-dessous par la rédaction d’Eglises d’Asie, a été mis en ligne sur le site Internet spécialement ouvert à l’occasion de la grande assemblée: http://www.daihoidanchua.net

TEXTE
1. Au cours de l’Année Sainte 2010 destinée à commémorer le 350ème anniversaire de la création des deux premiers vicariats apostoliques et le 50ème anniversaire de l’établissement de la hiérarchie, la Conférence des évêques du Vietnam a convoqué une grande assemblée du peuple de Dieu qui a tenu ses assises du 21 au 25 novembre 2010 au centre pastoral de l’archidiocèse de Hô Chi Minh-Ville. Etaient présents à l’assemblée 32 évêques, 300 délégués prêtres, religieux et laïcs appartenant aux 26 diocèses et aux congrégations religieuses de notre pays. L’assemblée a eu l’honneur d’accueillir des représentants venus des Eglises du Canada, de Taïwan, de Malaisie, du Japon, des Etats-Unis, de France, de Thaïlande, ainsi que des délégués des communautés catholiques vietnamiennes à l’étranger.

Pour tous ceux qui sont venus de toutes les régions du pays pour se rassembler ici comme des frères et sœurs sous un même toit, ce fut un temps de grâce et de précieuse expérience accordé par Dieu à son Eglise au Vietnam. Nous rendons grâce au Seigneur pour ce don inestimable. Nous avons également conscience que pendant toute la durée de l’assemblée, tous nos frères et sœurs catholiques vietnamiens, dans le pays comme à l’étranger, nous ont accompagnés par la prière et les contributions qu’ils ont fait parvenir. A tous, nous exprimons nos remerciements les plus sincères.

2. La grande assemblée du peuple de Dieu a été solennellement ouverte le jour de la fête du Christ-Roi de l’univers, le 21 novembre 2010 à la basilique Notre-Dame de Saigon avec la participation de très nombreux fidèles. La célébration de la fête du Christ-Roi au début de notre assemblée nous a aidés à nous convaincre davantage de la mission de l’Eglise. Le Christ a établi son royaume comme « le royaume de la vérité et de la vie, le royaume de la sainteté et du bonheur, le royaume de la justice, de l’amour et de la paix » (1). L’Eglise est présente dans l’histoire de l’humanité avec la mission d’y annoncer la bonne nouvelle du royaume de Dieu sous l’action de l’Esprit Saint. Ainsi, l’Eglise au Vietnam a pour mission d’annoncer la bonne nouvelle du royaume de Dieu, de poursuivre la mission d’amour et de service du Christ, de contribuer à l’édification d’une culture de la vie et d’une civilisation de l’amour en ce pays.

3. Cette tâche exige que l’Eglise se renouvelle sans cesse pour être effectivement l’Eglise du Christ au sein de notre patrie vietnamienne. Nous sommes convaincus que l’Eglise au Vietnam n’est pas issue de l’initiative et de l’effort des hommes, mais qu’elle émane entièrement de Dieu, qu’elle vit par lui et qu’elle s’oriente vers lui (2). C’est bien pourquoi, en toutes circonstances, le plus important est de renforcer, de renouveler et d’approfondir la communion de chaque fidèle, de chaque famille, de chaque communauté avec Dieu, par une vie de prière, d’écoute de la parole de Dieu et de participation à l’eucharistie. La célébration eucharistique doit devenir véritablement le cœur de la vie de l’Eglise au Vietnam. Pour qu’il en soit ainsi, il faut que l’eucharistie soit prolongée par la prière, la méditation de la parole de Dieu et l’approfondissement de la vérité de la foi. Nous souhaitons que dans les années à venir, l’Eglise au Vietnam développe fortement la diffusion et l’étude de la parole de Dieu par divers moyens, pour que celle-ci devienne la nourriture de l’âme, la boussole qui guide et la lumière qui éclaire les décisions et les choix de tous les fidèles.

4. L’assemblée est aussi profondément convaincue que pour être véritablement l’Eglise du Christ qui est venu dans le monde et s’est incarné, l’Eglise doit s’incarner dans la culture et l’histoire de son peuple. En plus de quatre siècles de présence au Vietnam, elle a apporté une contribution non négligeable à la vie et au développement du pays. Ce sont les premiers catholiques qui ont créé l’écriture nationale que tous les Vietnamiens utilisent aujourd’hui. Les écoles catholiques ont formé de très nombreux hommes de talent pour le pays. Les catholiques lui ont aussi apporté des valeurs humanistes qui aujourd’hui imprègnent la vie sociale, comme le respect de la vie et de la dignité humaine, l’égalité, la charité, l’esprit de service, le sacrifice. Poursuivant ainsi l’œuvre de ses ancêtres, l’Eglise, aujourd’hui, doit s’engager dans l’édification du pays dans les domaines aussi bien culturel et social qu’économique et politique, car elle a conscience que « l’amour de la patrie, l’amour des compatriotes, pour un catholique, ce n’est pas seulement un sentiment naturel, mais c’est une exigence de l’Evangile » (3). Lorsqu’elle s’engage ainsi dans l’édification de la société d’ici-bas, « l’Eglise n’a pas l’intention de prendre la place des autorités civiles, mais elle souhaite seulement, dans un esprit de dialogue, de collaboration et de respect mutuel, pouvoir apporter sa contribution à la vie du pays, espérant ainsi se mettre au service de toute la population » (4). Cela sera un témoignage qui permettra à tous les hommes d’apprécier la beauté authentique de l’Evangile, comme le Saint-Père Benoît XVI nous l’a déclaré à nous tous, prêtres, religieux, laïcs: « Par une vie édifiée sur la charité, par votre intégrité, par votre respect du bien commun, vous devez montrer qu’un bon catholique est aussi un bon citoyen » (5).

5. L’Eglise au Vietnam doit se renouveler et s’efforcer de faire d’elle-même une famille où tous communient entre eux comme les frères et sœurs d’une même maison, où tous sont égaux par leur vocation d’homme et d’enfant de Dieu, où tous partagent une même mission et une même responsabilité, même si elles se réalisent à travers des vies et des tâches différentes. Cette communion est à la fois une exigence et un témoignage nécessaire que l’Eglise doit présenter aux yeux de tous, conformément à l’ardente prière du Seigneur Jésus: « Afin que tous soient un, comme toi, Père, tu es en moi, et comme je suis en toi, afin qu’eux aussi soient un en nous, pour que le monde croie que tu m’as envoyé » (Jn 17,21). Pendant cette assemblée, nous avons ressenti ce climat de communion fraternelle alors qu’en tant que membres du peuple de Dieu, nous vivions comme les frères et sœurs d’une même famille, en nous efforçant d’écouter la parole de Dieu dans la prière, en partageant nos expériences et nos réflexions au sujet de l’Eglise, à travers les exposés, les interventions et des discussions, dans le souci d’édifier une Eglise conforme au désir de Dieu. La présence des représentants des Eglises sœurs a ouvert encore davantage l’horizon de la communion dans l’Eglise du Christ. Puisse ce climat de fraternité s’élargir et s’approfondir encore dans la vie de l’Eglise au Vietnam, à tous les niveaux, dans chaque famille, dans chaque paroisse, dans chaque diocèse.

Afin de donner à voir le visage de l’Eglise comme celui d’une famille, l’assemblée appelle tous les membres du peuple de Dieu à collaborer étroitement entre eux dans un esprit de communion et d’amour. Frères et sœurs laïques, nous vous prions de participer activement à la vie et à la mission de l’Eglise selon les possibilités particulières que le Seigneur vous a accordées. Les familles catholiques sont invitées à maintenir et à conforter leur vocation au mariage chrétien, à édifier leur famille. Celle-ci est « l’Eglise dans la maison », le berceau de la vie, la demeure de l’amour, la première école de formation de l’homme dans son intégralité. Vous, les jeunes, participez avec enthousiasme aux activités de l’Eglise, joignez vos forces et votre jeunesse à la vie de l’Eglise. Les familles comme les paroisses doivent plus particulièrement se préoccuper d’enseigner aux jeunes les vertus humaines afin que, plus tard, ils deviennent des personnes utiles à la société et à l’Eglise. Que les religieux deviennent véritablement des signes, des témoins vivants de cet amour sans condition par lequel Dieu a aimé les hommes. Qu’ils soient surtout « des petits et des humbles » au sein de la société.

L’assemblée a insisté sur le rôle des évêques et des prêtres dans l’Eglise. Le renouvellement de l’Eglise doit commencer par celui du clergé. C’est pourquoi il est à souhaiter que les évêques et les prêtres du Vietnam ne soient pas seulement des gestionnaires habiles, mais surtout des hommes de Dieu, de bons pasteurs, unis au Seigneur Jésus dans la prière, pour pouvoir servir leur communauté à l’exemple de leur maître, en respectant et en stimulant le rôle des laïcs, dans un esprit de dialogue et de collaboration.

6. Pour accomplir la mission d’amour et de service du Christ, dans la situation actuelle, l’Eglise doit être « le catalyseur » d’une culture de la vie et d’une civilisation de l’amour sur la terre du Vietnam. Au cours des deux dernières décennies, avec le développement économique, on a vu apparaître de nombreux phénomènes préoccupants pour l’avenir de notre nation: le fléau de l’avortement, du divorce, de la drogue, de la prostitution, l’aggravation de l’écart entre les riches et les pauvres, l’injustice, l’oppression, la corruption, la destruction de l’environnement, etc. Autant de maux qui vont croissant et qui sont les signes concrets d’une culture de mort. Fermement convaincu que l’Evangile est « le levain de la liberté et la source de la fraternité, de la tolérance et de la paix » (6), plus que tout autre, le catholique vietnamien a pour mission de construire une culture de la vie et une civilisation de l’amour dans son pays, tout en restant disponible au dialogue et à la collaboration avec toutes les personnes de bonne volonté, quelles que soient leur religion et leurs opinions, dans le but de servir le développement intégral de tous les membres de la société (7) et plus particulièrement des pauvres et des abandonnés. Dans cet esprit, nous proposons que les autorités du Vietnam ouvrent largement les portes afin que les religions participent à l’éducation scolaire et aux soins de santé de la communauté pour le bien des gens du peuple et de la nation tout entière.

7. Confrontés à la haute mission que nous avons reçue du Seigneur Jésus: « Vous êtes le sel de la terre. Vous êtes la lumière du monde » (Mt 5,13-14), nous reconnaissons nos fautes, nos déficiences et humblement nous demandons à Dieu, à nos frères à l’intérieur comme à l’extérieur de l’Eglise, de nous pardonner. L’Eglise se souvient aussi de tant de souffrances, d’injustices, de persécutions qu’elle a dû endurer tout au long de son histoire, non pas pour entretenir un sentiment de rancune, mais pour pardonner et prier pour ses persécuteurs à l’exemple du Christ, lui qui a accompli l’œuvre de la rédemption dans le dénuement et la persécution (8). Les martyrs du Vietnam sont à la fois un modèle et un moteur qui poussent l’Eglise à réaliser la mission d’amour et de service du Christ sur la terre du Vietnam.

8. La grande assemblée du peuple de Dieu au Vietnam s’achève mais elle ouvre un chemin d’espérance, une espérance qui prend sa source et s’accomplit en Jésus-Christ notre Seigneur. Toutes les opinions émises au cours de l’assemblée seront récapitulées sous forme de propositions et formeront le matériau principal du texte qui sera publié après l’assemblée. Il servira d’orientation et de programme pastoral à l’Eglise du Vietnam pour les années à venir.

« Maranatha ! » - « Viens, Seigneur Jésus ! ». C’est à la fois une prière et l’expression des aspirations et de l’espérance de l’assemblée. Par l’intercession de Notre-Dame de La Vang et des saints martyrs du Vietnam, nous demandons au Seigneur de venir demeurer dans l’âme de chacun d’entre nous et de nous transformer en disciples authentiques. Que le Seigneur vienne demeurer dans chacune de nos familles catholiques pour qu’elles deviennent des lieux d’adoration de Dieu, de communion et d’amour mutuel, pour qu’ensemble, elles rendent témoignage de la bonne nouvelle du royaume des cieux. Que le Seigneur vienne et qu’il nous unisse tous dans sa mission d’amour et de service, résolus à édifier une culture de vie et une civilisation d’amour, afin que le visage du Christ illumine notre patrie. « Maranatha ! » «Viens, Seigneur Jésus ! ».

Au centre pastoral de l’archevêché de Hô Chi Minh-Ville.
En la fête des saints martyrs du Vietnam, année 2010.

(1) Voir la préface de la fête du Christ- Roi de l’univers
(2) Voir Benoît XVI, message pour la journée missionnaire mondiale. Voir aussi le document de travail, n° 2
(3) Première lettre commune de la Conférence des évêques du Vietnam (en1980)
(4) Benoît XVI, discours aux évêques du Vietnam, à l’occasion de la visite ad limina de 2009.
(5) Voir la référence précédente
(6) Benoît XVI, message pour la journée missionnaire mondiale 2010
(7) Benoît XVI, Caritas in veritate, n° 4-6.
(8) Lumen Gentium, n° 8.

(Eglises d'Asie, 30 novembre 2010)
 
Calgary Anglican parish to become Catholic
CBC News
16:45 30/11/2010
CBC News -- The congregation at St. John the Evangelist in Calgary, an Anglican church, voted in November to join the Roman Catholic Church. (Google Street View)An Anglican church in Calgary is set to become the first in Canada to accept an offer from the Vatican to become Catholic.

The congregation at St. John the Evangelist — the only high Anglican church in the diocese — has felt increasingly isolated as the parent church slowly liberalized, accepting women as priests and blessing gay and lesbian unions.

"There has been very much a lack of unity," said congregation member Richard Harding.

Last year Pope Benedict XVI offered to let disaffected Anglican congregations switch to the Roman Catholic faith through the adoption of Anglican Ordinariates.

After months of meetings with Catholic officials in Calgary, the congregation at St. John voted earlier this month to accept that offer.

Under the new orders, which have not yet been created, former Anglican parishes will be permitted to maintain their distinctive liturgical practices, and priests will still be allowed to marry.

"The Pope says 'sign this, and you can do your service however you like,'" said lifelong St. John parishioner Cheryl Lee, who complained that the Anglican leadership lost touch with its more conservative congregations.

Until the new arrangement is formally established with Rome, the Calgary church will remain Anglican, said Barry Foster, archdeacon of Calgary's Anglican Diocese.

"The bishop's concern is to maintain a good pastoral relationship with the parish, so that in good Anglican fashion, whatever happens next will be done in an orderly manner," he said.

But ownership of the 105-year-old church, at 1423 8th Ave. S.E. in Inglewood, will stay with the diocese, Foster added.

"It's not the case that … they take the property with them. It's not theirs."

(Source: http://www.cbc.ca/canada/calgary/story/2010/11/30/calgary-st-john-anglican-catholic.html?ref=rss)

(Read more: http://www.cbc.ca/canada/calgary/story/2010/11/30/calgary-st-john-anglican-catholic.html?ref=rss#ixzz16oBInM00)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục Trần Cao Tường là một giáo sĩ công giáo
Trần Văn Cảnh
09:19 30/11/2010
Trên Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam, Vietcatholic News, 17 giờ 03, ngày 21 tháng 11 năm 2001, người ta đọc được một bản tin vắn do linh mục Trần Công Nghị phổ biến: « Linh mục Antôn Dũng Lạc Trần Cao Tường đã qua đời lúc 11 giờ 56 phút (giờ new Orleans) ngày Chúa Nhật 21.11.2010 ».

Liên tiếp trong mấy ngày sau, nhiều nhà văn nhà thơ nhà nghiên cứu đã gởi lời chia buồn, tiễn biệt, tưởng niệm, phổ biến trên nhiều mạng lưới công giáo việt nam. Nhiều người đã đặt câu hỏi linh mục Trần Cao Tường là ai ?

Trong tất cả các danh hiệu mà người ta có thể dành cho linh mục Trần Cao Tường, danh hiệu giáo sĩ có một bản chất chính tông và chuyên nghiệp, vì chính ông đã ý thức chọn bậc sống này, học tập, rèn luyện, theo đuổi, đã được phong chức và đã thực hành sứ mệnh này trong 35 năm, từ 1975 đến 2010.

Sinh ngày 15 tháng 8 năm 1946 trong một gia đình công giáo đạo đức gồm bảy anh em của vùng công giáo kỳ cựu và nổi tiếng là Phát Diệm, năm lên 13 tuổi, ngày 01.09.1959, cậu Tường được nhận vào Tiểu Chủng Viện Phát Diệm, Phú Nhuận. Dưới sự chỉ dẫn tu đức của cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật, sau này làm giám mục địa phận Xuân Lộc, Trần Cao Tường là một trong những tiểu chủng sinh thấm nhuần sâu xa tinh thần truyền giáo Tông Đồ Nhỏ. Học xong tú tài ở tiểu chủng viện một cách xuất sắc, thầy Tường được Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ, giám mục địa phận Long Xuyên, gửi đi du học Rôma, trong Trường Truyền Giáo. Học xong triết học và thần học tại đây, năm 1973 thầy trở về Việt Nam, chịu Chức Phó Tế và giúp xứ tại Phú Quốc. Sau hai năm giúp xứ, ngày 6 tháng 4 năm 1975, thầy được Đức Giám Mục Long Xuyên truyền chức Linh mục.

Tân linh mục Trần Cao Tường trở về Phú Quốc làm lễ mở tay. Ngày 30.04.1975, ông bị kẹt lại ở đây. Cùng với hai em gái, cha Tường đã di tản và tới được Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 1975 cha Tường cùng với 11 gia đình Việt Nam khác đã chọn miền nắng ấm, lập thành Cộng Đồng Versailles, New Orleans, Lousiana, mà cha quản nhiệm từ 1975 đến 1991.

Trong thời gian 16 năm này, để tạo thêm khả năng tu đức và mục vụ, cha Tường đã ghi tên học thêm hai khóa trình: Trong hai năm 1977-1979, về Tôn giáo học tại Đại Học Loyola New Orleans; và trong niên khóa 1985-1986 về tu đức học tại Trường Linh Hướng Thánh Linh Pecos, New Mexico.

Nhờ những khóa trình này, công việc mục vụ của cha phát triển và rõ rệt đa dạng hơn. Cha đi giảng các khóa canh tân giáo xứ, giúp tĩnh tâm nhiều dòng tu, làm linh hướng cho các phong trào Linh Thao, Cursillo, Lời Chúa, Thánh Linh.

Từ tháng hai năm 1991, cha Tường được chuyển tới một cộng đoàn nhỏ bé Miền Tây Ngạn để làm Quản Nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ Lên Trời. Cha làm mục vụ ở đây cho đến ngày Chúa gọi về Núi Thánh ngày 21.11.2010.

Trong thời gian 19 năm này, không kể những công việc mục vụ bình thường của một linh mục quản xứ, cha Tường học thêm bằng chuyên nghiệp về chụp hình ở New York Institute of Photography năm 1996 và năm năm sau đã cộng tác với nhiếp ảnh gia Đức Cung thuộc VietCatholic phát triển Phòng Ảnh Nghệ Thuật / Chiêm Niệm Tniền, trong đó nhiều nhiều ảnh nghệ thuật của Cha đã được trình bày, và thơ văn do Đức Cung chọn thơ văn phụ họa.

Đồng thời phát triển công việc mục vụ bằng những hoạt động văn hóa. Trước nhất là phổ biến Lới Chúa và Đời Sống Đức Tin Công Giáo bằng sách vở, truyền thanh, mạng lưới,…. Cha đã viết văn và sáng tác trên 10 cuốn sách; đã tham dự các chương trình phát thanh; và đã lập riêng một mạng lưới tin học, lấy tên là Mạng Lưới Dũng Lạc http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&id=61.

Công việc của một giáo sĩ, khởi đầu cha Tường đã thực hiện như bao nhiêu linh mục khác qua các hoạt động mục vụ tổng quát, đặc biệt là mục vụ bí tích. Được đào luyện từ nhỏ trơng đường tu đức Tông Đồ Nhỏ của Đức cha Nguyễn Minh Nhật, cha Tường đã dần dà nới rộng chiều kích mục vụ của mình về tu đức. Thêm vào đó, là cựu sinh viên của Trường Truyền Giáo Rôma, cha Tường đã mở rộng công việc mục vụ của mình đến các sinh hoạt truyền giáo, đặc biệt là truyền giáo bằng nghệ thuật, thơ, văn, có tầm văn hóa.

Linh mục Trần Cao Tường là một giáo sĩ chính tông, có nhiều khả năng và nhiều chuyên môn cao. Cha đã thực hiện sứ mệnh và chức vụ của mình một cách đầy đủ và thành công hữu hiệu. Cha đáng được mến phục, kính phục và nên gương cho các giáo dân và giáo sĩ công giáo việt nam.

Cử hành NĂM THÁNH 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010, tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Thành phố HCM và đã gửi một sứ điệp cho dân Chúa, nhắc lại sứ mạng của mình rằng: « Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.

Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam ».

Là một giáo sĩ đạo đức và thông minh, linh mục Trần Cao Tường đã nhận ra và đã thực hiện sứ mệnh này.

Paris, ngày 30 tháng 11 năm 2010
 
Ca đoàn Xóm Chiếu mừng bổn mạng: hãy ngợi khen Chúa bằng đời sống thanh sạch
Nguyễn Hoàng Thương
10:56 30/11/2010
Ca đoàn Xóm Chiếu mừng bổn mạng: hãy ngợi khen Chúa bằng đời sống thanh sạch

Sài Gòn - Hôm 22/11/2010, tại nhà thờ Giáo xứ Xóm Chiếu, các ca viên ca đoàn đã tham dự Thánh Lễ đồng tế mừng kính Thánh Cécilia, bổn mạng của các ca đoàn. Thánh lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự tham dự của các ca viên trong 14 ca đoàn, các bài hát lễ là các bản hợp xướng được thể hiện trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Được sự khuyến khích của cha sở và các cha phụ tá, Giáo xứ Xóm Chiếu hiện đã có hơn 300 ca viên thuộc mọi lứa tuổi, mọi giới phục vụ trong các thánh lễ ngày thường và Lễ Chúa Nhật.

Xem hình bổn mạng ca đoàn xứ Xóm Chiếu

Trong bài giảng lễ cha phó Giuse Nguyễn Hữu Thức nhắn gởi các ca viên rằng làm ca viên ca đoàn cũng là một ơn gọi. Đã là ca viên nghĩa là có một chút khả năng ca hát, dù nhiều ca viên không biết nhạc lý nhưng bằng nỗ lực qua những buổi tập hát cũng có thể hòa cùng ca đoàn để cất tiếng ca ngợi khen Thiên Chúa trong Thánh Lễ. Nhận thức được như thế để thấy rằng Thiên Chúa đã thương ban cho mỗi người một ít khả năng và Chúa muốn mỗi ca viê phục vụ trong ca đoàn nhằm phục vụ cả cộng đoàn, giúp cộng đoàn thờ phượng thêm lòng sốt sắng mà tham dự Thánh lễ.

Bài Tin Mừng về bà góa nghèo dâng tất cả những gì bà có nhắc các ca viên đừng xem thường một ai dù mình có chất giọng tốt, hoặc dù có giọng chưa hay thì cũng đừng vì thế mà nín lặng, tự tách mình ra khỏi tập thể mà hãy nỗ lực cất lên tiếng hát ngợi khen Chúa, hãy chúc tụng Ngài bằng cả tấm lòng. Vì Chúa mới là Đấng Xét Xử và sẽ trả công xứng đáng với những gì mà mọi người cố gắng thực hiện.

Thánh Augustinô có tư tưởng rất hay khi nói về việc hát mừng Chúa: “Đây chính Người chỉ cho bạn cách hát: đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui. Hát bằng tiếng reo vui, đó là hát cho hay để dâng Chúa”. “Reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng: tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được.”

Trong tâm tình của vui mừng của ngày Lễ Thánh Quan Thầy, cha nhắc nhở các ca viên: “Chúng ta chỉ có thể cất tiếng reo vui khi lòng mình vui, mà niềm vui đích thực phải xuất phát từ một tâm hồn bình an, một tâm hồn biết gắn bó với Chúa và cảm nếm được tình yêu của Thiên Chúa. Chớ không phải vui vì lễ bổn mạng là có dịp được khoe quần, khoe áo, được ăn uống một bữa cho hoàng tráng, được một bữa vui chơi xả láng. Chúng ta vui mừng vì là lễ mừng kính thánh Bổn Mạng. Đáng vui lắm chứ và phải vui lên là đàng khác, nhưng hãy nhớ niềm vui của chúng ta là niềm vui của những người làm con Chúa, niềm vui của người con cháu của các Thánh. Vì thế niềm vui này nó không phân biệt tiệc lớn hay tiệc nhỏ, để những cái râu ria đó không trở thành gánh nặng cho nhau, và cho những anh chị em ca trưởng, những người có trách nhiệm”.

Noi gương Thánh nữ Cécilia, Bổn Mạng các ca đoàn, các ca viên cần sống đời yêu thương, bác ái, trong sạch để những lời ca tiếng hát thật sự thắm đượm tình yêu, hoàn toàn trong sáng, xứng đáng làm lễ phẩm để các Thiên Thần dâng lên trước ngai tòa Chúa. Cầu mong mọi ca viên luôn giữ được nhiệt tâm phục vụ Chúa và các linh hồn trong tình yêu thương, hiệp nhất và vô vị lợi..

Sau Thánh Lễ các ca đoàn đã tham dự tiệc mừng với chương trình văn nghệ đặc sắc trong sự vui tươi, nhí nhảnh, các cha cũng đã góp vui bằng tất cả sự chân tình.

Các ca đoàn Giáo xứ Xóm Chiếu ngoài việc phục vụ cộng đoàn qua lời ca tiếng hát dâng lên Chúa, các ca viên còn thể hiện đời sống đạo của mình qua việc luôn hưởng ứng các đợt quyên góp vì người nghèo trong giáo xứ nhân dịp Giáng Sinh, Tết. Ngoài ra, họ còn thực hiện các chuyến công tác bác ái xã hội đến với những vùng sâu, vùng xa, những nơi nghèo khó.
 
Phẫu thuật Tình thương chỉnh hình cho các em bị dị tật bẩm sinh tại Hải Phòng
Caritas Hải Phòng
11:14 30/11/2010
HẢI PHÒNG - Ngày 16.11.2010 khi vừa nhận được thông báo về chương trình Phẫu thuật Tình thương năm 2010, khoa phẫu thuật chỉnh hình - Bệnh Viện Việt Nam Cu ba phối hợp với đoàn Nhật – Canada tổ chức chương trình phẫu thuật cho các trẻ em bị dị tật bẩm sinh, hàm mặt: khe hở môi, khe hở hàm ếch. Caritas Hải Phòng đã nhanh chóng chuyển thông báo này đến các Giáo xứ, Giáo họ trong Giáo Phận Hải Phòng. Do thời gian nhận được thông báo và ngày khám bệnh khá gần nhau nên chỉ có 5 hồ sơ đăng ký xin phẫu thuật.

Chiều ngày 21.11.2010, nhân viên Caritas Hải Phòng, cùng với phụ huynh và các em lên Dòng Mến Thánh Gía Hà Nội nghỉ đêm, để đảm bảo sức khỏe cho các em hôm sau làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật

Ngày 22.11.2010 các em được kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi làm các phẫu thuật, sau khi kiểm tra sức khỏe có ba em đủ tiêu chuẩn làm phẫu thuật trong đợt này.

Tuy chỉ có ba em phẫu thuật nhưng Cha giám đốc và nhân viên Caritas Hải Phòng luôn đồng hành cùng với các em và phụ huynh trong suốt quá trình các em phải ở viện (1 tuần).

Đến sáng ngày 28.11.2010 em cuối cùng đã được xuất viện trong sự vui vẻ, khấn khởi của người thân và bà con hàng xóm, mọi người mừng cho em vì đã có được nụ cười trọn vẹn.

Thay mặt các bệnh nhân, nhân viên Caritas Hải Phòng xin gởi lời cám ơn các Sr Dòng Mến Thánh Gía, các bác sĩ, các kỹ thuật viên và những người tài trợ cho chương trình, Quý vị là ân nhân đã nhiệt thành giúp đỡ các em.

Xin Chúa chúc lành cho những đôi tay đã và đang từng ngày cố gắng trả lại cho các em bị dị tật bẩm sinh hàm mặt: khe hở môi, khe hở hàm ếch một nụ cười trọn vẹn.
 
Thánh lễ Tạ ơn và làm phép xây dựng nhà thờ giáo hộ La Uyên - Hà nội
Gioan Đình Sơn
11:15 30/11/2010
HÀ NỘI - Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2010, ngày lễ kính thánh Anre Tông đồ, Đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã dâng Thánh lễ tạ ơn và chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên tại nhà thờ Giáo họ La Uyên- thôn La Uyên- xã Tân Minh- huyện Thường Tín- Hà Nội.

Xem hình ảnh

Giáo họ La Uyên cách Thủ đô Hà Nội chừng 20 km, tọa lạc trên cùng một dải đất với giáo xứ La Phù- Hà Nội. Hiện nay, giáo họ có 50 gia đình với gần 300 nhân danh, nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp. Giáo họ này do cha Antôn Trần Công Ý đang coi sóc.

Cách đây 100 năm, nơi đây đã khởi công một ngôi nhà thờ. Với thời gian, nhà thờ này đã xuống cấp trầm trọng, không còn sử dụng được cho việc phụng tự; mặc dù đã nhiều lần sửa chữa. Đến nay, được phép của bề trên, chúng con đã và đang tiến hành xây dựng lại ngôi nhà thờ này, hầu đáp ứng nhu cầu tôn giáo của bà con họ sở tại, cha xứ Antôn Trần Công Ý nói trong bài chào mừng.

Tiếp đến là thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục Phêrô chủ tế, cùng đồng tế với ngài có quý cha trong và ngoài giáo hạt Phú Xuyên và đông đảo bà con tín hữu.

Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói: Hôm nay, thật là ý nghĩa khi chúng ta cử hành Thánh lễ và nghi thức đặt viên đá đầu tiên vào đúng ngày lễ kính Thánh Anre Tông đồ. Điều này nhắc nhở chúng ta nhìn lại Giáo Hội của Đức Kitô sau hơn 2000 ngàn năm lại tiếp tục xây dựng, tiếp tục phát triển…

Bằng ngôn ngữ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu, Đức Tổng Giám Mục đã giúp cộng đoàn Phụng vụ hiểu Lời Chúa qua bài Tin Mừng Thánh lễ Anre Tông đồ. Ngài nhấn mạnh: Lời của Chúa nói với các Tông đồ xưa kia vẫn sống động như Ngài đang nói với mỗi người chúng ta, đặc biệt là mỗi tín hữu của giáo họ La Uyên. Từ gương sống của Thánh Anre Tông đồ, Đức Tổng Giám Mục đã mời gọi mỗi người hãy sống làm chứng nhân cho Đức Giêsu qua mỗi bậc sống của mình.

Hôm nay, chúng ta quy tụ nhau nơi đây để đặt viên đã góc cho ngôi nhà thờ này nhưng phải ý thức việc xây nhà thờ để làm gì? Cho ai?....Chính nơi đây, chúng ta được gặp gỡ Chúa, được cử hành Thánh lễ tạ ơn mỗi ngày. Vậy nơi đây là nơi nuôi dưỡng đời sống đức tin của mỗi tín hữu; nhưng cũng từ nơi đây chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi mỗi người hãy xây dựng chính đền thờ tâm hồn của mình để xứng đáng cho Chúa ngự trị.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Giuse Nguyễn Ngọc Hinh công bố văn thư cho phép xây dựng ngôi nhà thờ mới của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Sau đó Đức Tổng Giám Mục đã làm phép khuôn viên nhà thờ mới và đặt viên đá đầu tiên.

Cuối Thánh lễ, ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ La Phù đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Đức Tổng Giám Mục, quý cha và toàn thể cộng đoàn; trong bài cảm ơn, ông cũng không quên nhắc đến chính quyền thôn La Uyên đã đến tham dự, động viên cho công việc xây dựng nhà thờ.

Thánh lễ- nghi thức làm phép diện tích và đặt viên đá góc đã được khép lại sau phép lành của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
cuộc sống có từ dâu
Jos. Tú Nạc, NMS
10:39 30/11/2010
“Một câu hỏi đã mang đến cho tôi quan điểm về sự kết thúc của cuộc đời khi tôi năm mươi tuổi. Câu hỏi của tôi đơn giản hầu hết nảy sinh trong mỗi con người … đó là câu hỏi mà không thể thiếu trong cuộc sống: tại sao tôi sống? Tại sao tôi mong ước bất cứ điều gì, hoặc tại sao tôi thực hiện bất cứ điều gì? … Có bất cứ điều gì trong cuộc sống của tôi mà sẽ không bị hủy diệt bởi cái chết?”

Đó là những lời của văn hào Nga Leo Tolstoy. Giống như Tolstoy, nhiều người đã đưa ra câu hỏi khó trả lời này. Và họ đã phấn đấu để tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời của họ. Tolstoy đà dành toàn bộ cuộc đời của mình để trả lời cho những câu hỏi phức tạp này. Ông đã tìm tòi những câu trả lời chi phối trong công việc viết lách của ông: đức tin của ông, những tác phẩm của ông.

Leo Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng Tám trong một miền quê của Nga. Cả hai cha và mẹ đều chết khi ông còn bé. Anh chị em của ông đã sống cùng với những thành viên thuộc những gia đình khác với tuổi thơ êm đềm của họ.

Khi còn thơ ấu, Tolstoy là thành viên của Giáo Hội Công Giáo Nga. Nhưng khi trưởng thành, ông bắt đầu nghi vấn đức tin. Tolstoy muốn tạo ra những quyết định đức tin của riêng mình; ông cố gắng nói lên những gì để tin tưởng. Ông nghĩ người ta có thể lãnh nhận một mức độ hoàn thiện; nếu họ đủ cố gắng kiên nhẫn. Nên ông đã làm việc chăm chỉ với sự nỗ lực hết mình trong những công việc mà ông thực hiện. Ông nghĩ rằng ông sẽ tìm thấy ý nghĩa và chân lý trong sự thành công.

Vào thập niên 1850, Leo Tolstoy đã viết những câu chuyện đầu tiên của ông. Ông viết về những trải nghiệm trong quân đội. Ông cũng kể những câu chuyện khi ông còn thơ ấu. Những tác phẩm của ông đã được xuất bản và ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Cuối cùng Tolstoy đã thành công. Ông được hưởng sự ngưỡng mộ mà ông hằng mong muốn. Nhiều người thông thái và giàu có đã đến gặp và nói chuyện với Tolstoy. Một số người trong họ cũng là nhà văn như ông. Họ đã nói nhiều về đức tin và ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng chẳng bao lâu, Tolstoy nhận ra rằng những người này chẳng có gì là hoàn hảo. Họ tự hào và tạo ra những lựa chọn đạo đức vô cùng tồi tệ. Tolstoy đã nghĩ rằng những người quyền quý này có thể trả lời những câu hỏi thuộc đức tin. Giờ đây, ông biết họ không thể.

Nên vào thập niên 1860, ông cố gắng với một phương cách khác đề tìm ra ý nghĩa. Ông mở trường cho con em của những nông nô làm việc trên mảnh đất của ông. Những người lao công này rất nghèo. Ông muốn giúp đỡ họ bởi ông nghĩ họ là những người lương thiện hơn những người giàu có mà ông biết.

Tolstoy đã học được nhiều điều từ những người lao công này. Ông đã tôn trông cách làm việc chăm chỉ vất vả của họ để chu cấp đời sống gia đình. Ông bắt đầu tin rằng hôn nhân và gia đình sẽ mang đến ý nghĩa cuộc sống của ông. Thế nên năm 1862, Leo Tolstoy kết hôn với một phụ nữ trẻ tên là Sonya Bers.

Mười lăm năm tiếp theo là những năm rực rỡ trong cuộc đời của Leo Tolstoy. Đó là vào lúc, thời gian mà ông viết những tác phẩm nổi tiếng của mình – “War and Peace” và “Anna Karenina.” Nhiều nhà phê bình văn học đã phát biểu rằng “Chiến tranh và Hòa bình” là một trong những tác phẩm đồ sộ nhất chưa từng được viết.

Cả hai “Chiến tranh và Hòa bình” và “Anna Karenina” chuyển tải những niềm tin về dân tộc, giáo hội và nhân dân Nga. Những tác phẩm này cũng truyền đạt những gì ông nghĩ là câu trả lời cho tất cả mọi nghi vấn của ông. Tolstoy tin tưởng con người phải nghĩ rằng sống một cuộc sống đơn giản và chăm sóc gia đình. Tolstoy nghĩ điều này sẽ làm ông thỏa mãn và đem lại hạnh phúc cho ông.

Nhưng sau khi viết những tác phẩm này, Tolstoy bước vào sự chán chường mù mịt. Ông ta trở nên buồn thảm và cô đơn. Ông đã giành được tất cả những gì mà ông muốn. Ông có một gia đình đông đúc, một người vợ đáng yêu, và tất cả sự tôn trọng cùng tiền bạc mà ông chưa từng thiếu thốn. Nhưng không thể giúp ông muốn biết về bất kỳ điều gì đó sẽ là vấn đề sau cái chết của mình. Leo Tolstoy bắt đầu tự vấn nếu tin vào Thiên Chúa hẳn sẽ trả lời những câu hỏi về cuộc sống. Ông đã dành chín năm chỉ để viết về đức tin và tôn giáo.

Những niềm tin mới này đã thay đổi cách nghĩ của Leo Tolstoy về đức tin. Ông đã loại bỏ tất cả những hệ thống chính quyền và tôn giáo. Nhưng ông không chống lại những hệ thống này bằng bạo lực. Duy nhất ông muốn được sống trong âm thầm đơn độc. Tolstoy đã thử sống cùng với những người nghèo và cho hết mọi của cải vật chất của mình.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người tin rằng Tolstoy đã không sống theo những giáo huấn của ông. Ông thường đánh đập vợ con ông. Niềm tin mới của Tolstoy cho rằng có nhiều tiến lắm bạc cùng những thứ đẹp đẽ là không tốt. Nhưng ông vẫn rất giàu có và làm chủ nhiều tài sản. Vợ ông đã không để ông bán bất cứ một thứ gì. Một số nhà chuyên môn tin rằng Tolstoy thực sự không muốn hy sinh bất kỳ một thứ tiện nghi và của cải nào của ông cho đức tin.

Quãng đời còn lại của mình, tác phâm của Tolstoy đã anh hưởng mạnh mẽ bởi niềm tin mới của ông. Một số truyện nổi tiếng trong thời gian này là “the Death of Ivan Ilyich,” và “Hadji Murat.” Những tác phẩm này nói về cách mà mọi người đến với sự kết thúc cuộc đời đều giống nhau. Tolstoy rất sợ cái chết của chình mình. Nhưng ông đã tìm thấy sự an bình trong đức tin của ông. Trong cuốn “Confession” ông đã viết về những niềm tin khác nhau trong cuộc đời ông và nói:

“Duy nhất tôi sống trong những lúc khi mà tôi tin vào Thiên Chúa.”

Nhiều người đã theo những truyền đạt của Tolstoy về đức tin. Một số người đã xem ông như người thầy tinh thần. Thậm chí ông đã cảm thấy bị áp lực để sống một cuộc sống đơn giản và đạo đức. Ông thường có những chuyến đi xa, tránh bạn bè và gia đình để thư giãn. Một trong những chuyến đi đó vào năm 1910, Leo Tolstoy đã lâm bệnh nặng và qua đời. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

Ngày nay, Leo Tolstoy là nhà văn được ngưỡng mộ. Đức tin và nhiều tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến nhiều người. Sự truy tìm ý nghĩa cuộc sống của Tolstoy là điều gì đó mà mỗi người có thể hiểu. Những truyền đạt của ông vẫn thu hút nhiều người trên thế giới. Trong cuốn “Confession”, ông đã cổ vũ nhiều người đưa ra những câu hỏi về cuộc sống và đức tin. Ông nói:

“Cuộc sống có từ đâu, đức tin có từ đâu. Từ khi Trái Đất được tạo dựng, đức tin đã tạo ra nó có thể dành cho con người để sống … Bởi đức tin mang đến một ý nghĩa cho cuộc sống mà điều đó không thể bị hủy diệt bởi đau khổ, nghèo nàn hoặc cái chết.”
 
10 sự kiện về mùa Vọng
Trầm Thiên Thu
22:09 30/11/2010
Khắp nơi trên thế giới bắt đầu vang lên các bài hát Giáng sinh và mọi người sẵn sáng nói về mùa Giáng sinh – nhưng chưa phải lễ Giáng sinh. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.

Vậy mùa Vọng là gì và tại sao lại quan trọng? Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giêsu đến. Mùa Vọng có chủ đề hầu như là sám hối (quasi-penitential theme), và điều này có thể là “thuốc giải độc” mạnh đối với việc bảo vệ quyền lợi của đất nước và thời gian của chúng ta.

Đây là 10 sự kiện quan trọng về mùa Vọng:

1. Việc "chuẩn bị lễ Giáng sinh" được tìm thấy trong sách ghi chép về công hội Saragossa (Synod of Saragossa), ở Tây ban nha năm 380 (sau CN). Công hội này tuyên bố các Kitô hữu đã rửa tội nên có mặt ở nhà thờ từ 17/12 đến 25/12, 8 ngày trước lễ Giáng sinh – không là mùa Vọng trọn vẹn nhưng là một sự khởi đầu.

2. Thánh Caesarius thành Arles (502-542) được coi là người có những bài giảng đầu tiên về mùa Vọng.

3. Công hội Macon ở Gaul (ngày nay là Pháp) năm 581 (sau CN) là nhân chứng hùng hồn về những gì chúng ta có thể gọi là mùa Vọng. Công hội này nói rằng các quy tắc phụng vụ đối với mùa Chay được duy trì từ 11/11 tới 24/12 (khoảng 40 ngày). Việc nối kết giữa mùa Vọng và mùa Chay phản ánh lý do tại sao màu tím sám hối lại phổ biến đối với cả mùa Vọng và mùa Chay.

4. Chúng ta cũng có bài giảng của Thánh GH Gregoriô Cả (590-604) về Chúa nhật thứ II mùa Vọng.

5. Thế kỷ thứ VII, mùa Vọng được cử hành ở Tây ban nha với 5 Chúa nhật! Sách bí tích Gelasia (Gelasian Sacramentary) cũng đưa ra phụng vụ đúng đối với “năm Chúa nhật mùa Vọng”.

6. Các Giáo hội Đông phương bắt đầu cử hành mùa Vọng từ thế kỷ thứ VIII như thời gian ăn chay nghiêm nhặt và kiêng khem – việc thực hành vẫn phổ biến trong Chính thống giáo Đông phương (Eastern Orthodoxy). Việc thực hành này cũgn phản ánh tính tương tự với mùa Chay. Một cách ngẫu nhiên, màu đỏ là màu phụng vụ phổ biến nhất đối với mùa Vọng trong các Giáo hội Đông phương.

7. Thánh GH Gregoriô VII (1073-85) đã giảm số Chúa nhật mùa Vọng từ 5 xuống còn 4 như hiện nay.

8. Chúa nhật thứ III mùa Vọng được gọi là Chúa nhật vui mừng (Gaudete Sunday) và được đánh dấu bằng lễ phục hồng và treo màn. Gaudete nghĩa là vui mừng vì Chúa nhật thứ III là đi được nửa chặng đường mùa Vọng. Việc này hợp với lễ phục hồng được dùng vào Chúa nhật thứ IV mùa Chay (Laetare Sunday), cũng đi được nửa chặng đường mùa Chay.

9. Vòng hoa mùa Vọng, xuất hiện trong nhiều gia đình Công giáo, là một cách sáng tạo mới. Nó được bắt nguồn từ một thói quen của người Đức hối thế kỷ thứ XIX, nguồn gốc từ những người theo thuyết Luti (Lutheranism). Việc thực hành này mau chóng được người Công giáo Bavaria theo và phát triển ra khắp thế giới.

10. Phụng vụ mùa Vọng đề cập lần đến thứ hai của Đức Kitô trong khi vẫn nhớ lần đến thứ nhất của Đức Kitô trong lễ Giáng sinh. Như vậy, mùa Vọng được cử hành hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử qua Đức Giêsu Kitô. Mùa Vọng là bước ngoặt của lịch sử Kitô giáo.

Tôi hy vọng sẽ hữu ích cho bạn. Hãy gởi thông điệp này cho bạn bè và gia đình, đồng thời tận hưởng mùa Vọng thánh thiện.

Chúc mùa Vọng hạnh phúc và thánh thiện,

(chuyển ngữ từ Canterbury Tales của Taylor Marshall)
 
Tin Đáng Chú Ý
Dân biểu Cao Quang Ánh vận động đòi chế tài Việt Nam
VOA
17:24 30/11/2010
WASHINGTON DC - Dân biểu sắp mãn nhiệm Cao Quang Ánh, dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ, đang tận dụng những tuần lễ cuối cùng của mình tại Hạ viện để thúc đẩy các biện pháp chế tài vì điều mà ông gọi là những vi phạm nhân quyền của Việt Nam.

Theo tường trình của The Hill và NewsMax, ông Ánh đã đưa ra hai dự luật hôm 18/11, gồm Đạo luật Thúc đẩy Dân chủ ở Việt Nam 2010 (Vietnam Democracy Promotion Act of 2010) và Đạo luật Chế tài Việt Nam vì thành tích Nhân quyền (Vietnam Human Rights Sanctions Act).

Đạo luật Thúc đẩy Dân chủ ở Việt Nam gồm có các chương trình hỗ trợ tài chính cũng như các chương trình giáo dục và các tái định cư cho người tị nạn. Đạo luật này cũng áp đặt các điều kiện đối với các khoản viện trợ cho Hà Nội và đòi hỏi phải có các bản báo cáo thường niên.

Đạo luật Chế tài Việt Nam gồm các biện pháp chế tài về tài chính và từ chối thị thực đối với các giới chức Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Cũng theo The Hill, ông Ánh, người sẽ có cuộc gặp với đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 30/11, nói rằng chính quyền của ông Obama vẫn chưa trả lời ông về dự luật này, tuy nhiên ông cho rằng họ sẽ ủng hộ việc trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền.

Trước đó, trong một thông cáo báo chí đưa ra hồi tháng 7, ông Cao Quang Ánh cho rằng Việt Nam đã thụt lùi về mặt nhân quyền kể từ khi gia nhập WTO năm 2007; do đó, thay vì xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn, Hoa Kỳ nên tiếp tục gây áp lực cho tới khi nào Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền.

Ông Ánh cũng đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC).

Ông Ánh, một đảng viên Cộng hòa, đã giành chiến thắng bất ngờ năm 2008 tại New Orleans sau khi một ứng viên thuộc đảng Dân chủ dính líu tới một vụ bê bối tham nhũng. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong cuộc chạy đua tái tranh cử vào cơ quan lập pháp của Hoa Kỳ hồi đầu tháng này.

(Nguồn: The Hill, NewsMax, http://www.voanews.com/vietnamese/news/vn-posible-sanctions-11-30-2010-111034454.html)
 
Văn Hóa
Cậu Bé và Con Mèo
Trầm Thiên Thu
10:36 30/11/2010
Tôi không biết cậu bé đến phòng khám của tôi bằng cách nào. Tuy cậu bé chưa đến tuổi lái xe nhưng cơ thể đã bắt đầu phát triển, dáng đi chứng tỏ đang tuổi dậy thì, mặt ngước thẳng và phấn khởi.

Khi tôi bước vô phòng chờ, cậu bé đang nâng niu con mèo cưng nằm trên vạt áo của cậu bé, chờ được điều trị. Con mèo nhỏ nhắn, rất dễ thương, có những sọc màu đẹp, chỉ khoảng một tuổi. Đôi mắt nó xanh sáng lộ nét điềm đạm. Nó thân thiện cào nhẹ vào tay tôi như để chào tôi vậy.

Tôi hỏi thăm cậu bé và con mèo để biết rõ lý do đến gặp tôi. Không như đa số người lớn, cậu bé trả lời đơn giản và thẳng thắn. Con mèo vẫn ăn uống bình thường thì đột nhiên bị ói mửa ngày hai lần. Nay nó không ăn uống gì, chỉ nằm co ro một chỗ. Nó bị sút gần nửa kg, vậy là nhiều vì nó chỉ nặng hơn 2 kg.

Tôi khám bệnh cho con mèo và thấy có cục bướu ở giữa bụng. Nó trườn xuống, không cho khám nữa. Tôi cho cậu bé biết rằng con mèo chỉ sống được khoảng một tháng nữa, muốn kéo dài sự sống cho nó thì phải hóa trị hằng tuần, nhưng tốn kém lắm. Cậu bé buồn hẳn, ngồi đờ đẫn như mất hồn.

Sự chết là điều không ai muốn nhắc đến, nhưng thực tế các thân nhân và các sinh vật quý của chúng ta cũng không tránh khỏi tử thần. Sự chết là một phần vô sở bất tại trong cuộc đời. Nó có thể là điều đáng sợ và đau khổ hoặc là sự giải thoát êm đềm. Lần đầu cảm nghiệm sự chết có thể chính là đang hình thành sự sống. Thật kỳ lạ!

Tôi hướng dẫn cậu bé qua sự cảm nghiệm này. Gánh nặng sẽ khả dĩ trở nên nhẹ nhàng và êm ái để cõi lòng thanh thản. Có khởi đầu thì có kết thúc. Cũng vậy, có sinh thì có tử. Biết vậy để không ngừng sống tốt hơn.

Nhìn gương mặt cậu bé, tôi biết có điều bất ổn. Tôi không thể làm ngơ. Tôi nhẹ nhàng trò chuyện với cậu bé về suy nghĩ của tôi, về ý nghĩa của các biến cố cuộc đời. Cậu bé không nhìn tôi, nhưng tôi biết cậu bé đang cố nén nỗi đau. Tôi vuốt ve con mèo và nói với cậu bé rằng có thể chích thuốc giảm đau hoặc thuốc ngủ cho con mèo. Cậu bé lắng nghe, gật đầu và nói: “Cháu không muốn nó đau đớn, bác sĩ hãy cứu nó!”. Tôi thấy mắt cậu bé ướt đẫm…

Tôi bảo cậu bé gọi điện về nhà cho cha mẹ. Giọng cậu bé nghẹn ngào khi nói qua điện thoại. Gác ống nghe, cậu bé cho tôi biết là chích thuốc ngủ cho con mèo. Có lẽ không còn cách nào tốt hơn. Tôi thấy mủi lòng trước tình thương cậu bé dành cho con mèo, bạn thân thiết của cậu bé. Rồi cậu bé sẽ rất cô đơn!

Cậu bé ôm con mèo, tôi chích thuốc cho nó. Con mèo ngoan ngoãn nằm im trong vòng tay của cậu bé. Chích thuốc xong, con mèo ngủ một giấc hiền. Nhìn nó thanh thản và hồn nhiên như đứa trẻ. Tôi biết cậu bé đang đau lòng vì sẽ phải rời xa con mèo vĩnh viễn. Tôi hạ giọng: “Đây là món quà đẹp nhất mà cháu có thể tặng người khác, đó là nhận lấy nỗi đau để người thân của mình có thể yên nghỉ”. Cậu bé hiểu và gật đầu.

Tôi bảo cậu bé hãy cố gắng vượt qua nỗi đau để sống xứng đáng một nam nhi. Cậu bé ôm chầm lấy tôi. Thật lòng tôi cũng tin tưởng cậu bé vì cậu bé bắt đầu trưởng thành cả thể lý lẫn tâm lý. Một tâm hồn nhạy cảm biết bao!

(chuyển ngữ từ NewsFeatures)

Tâm sự Mèo con

Chẳng biết tôi ra đời ngày mấy, tháng mấy. Tôi chỉ lơ mơ biết nhờ một hôm, ông bà chủ tôi nói cười vui vẻ với người ta rằng tôi được một tháng tuổi. Người khách khen tôi mụ mẫm và dễ thương nên cứ nựng tôi khiến tôi khoái chí ngún nguẩy đuôi. Nghe nói là tôi được lên thành phố. Chẳng biết ất giáp gì mà tôi vẫn cảm thấy vui hết biết. Chắc là ở đó đẹp và vui lắm. Tôi quyết định làm một chuyến “du lịch”, chứ “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Tôi cho là không phi lý!

Lông tôi hơi dài, màu trắng với màu vàng nâu, và có lớt phớt đen. Chẳng hiểu sao mà mọi người gọi tôi là Tam Thể. Nghe cũng hay hay, mà sao có vẻ “tàu” quá. Không lẽ… “lai”?

Thế là tôi hí hửng từ giã mẹ và em để “ra đi”. Tôi cứ đinh ninh là đi du lịch. Đường đi xa lắm. Xe chạy đến chóng mặt. Tò mò, tôi cứ muốn nhìn ra ngoài, nhưng mới nhìn một lúc, cây hai bên đường cứ chạy lùi về phía sau làm tôi chóng mặt và chảy nước mắt vì gió mạnh. Tôi cũng chẳng cảm nhận được thời gian dài chừng nào. Tôi chỉ biết một cách mơ hồ rằng lâu lắm.

Gần trưa mới đến nơi. Lúc đi phấn khởi bao nhiêu thì bây giờ tôi buồn bấy nhiêu. Một “thằng bé” như tôi thiếu mẹ nửa ngày là nhớ lắm, nhất là nhớ… bú. Tôi được ăn ngon hơn ở nhà. Tôi cũng chẳng màng gì những cao lương mỹ vị mặc gì đói ngấu. Mệt. Nhớ. Tôi đùa vài miếng cơm rồi tha cục xương ra sân gặm để “giết thời gian”. Thực ra là để nhớ mẹ. Lần đầu tiên tôi biết khóc!

o0o

Ở đây có hai mẹ con bác Vện và dì Fox. Dễ mến dì Fox biết mấy. Chắc là dì Fox không có con và là “phụ nữ” nên rất dịu dàng với tôi, dù người ta thường nói “như chó với mèo”. Riêng bác Vện lại cho tôi cảm giác sờ sợ ngay lúc gặp lần đầu. Lông bác vàng xám. Còn thằng con đang tập đi. Nó có bộ lông na ná giống tôi. Tôi mon men đến định hỏi thăm và làm quen, nhưng khi thấy bộ mặt nghiêm nghị của bác, tôi lại thôi. Mãi đến chiều tối, tôi mới dám đánh liều lại gần khi hai mẹ con bác ăn cơm. Vừa thấy tôi, bác gầm gừ “dằn mặt” tôi. Tôi hí hửng chào: “Meo meo”. Có lẽ bác tưởng tôi cà rởn sao mà bác quắc mắt nhìn tôi. Rồi bác lầm lì lại gần tôi. Tôi run cả người. Hoảng quá, tôi chạy một mạch vào xó nhà nằm chết gí ở đó. Tối hôm đó tôi bỏ cơm luôn.

Một tuần trôi qua rất nhanh. Tôi cứ ngóng về mà chẳng được về. Thế rồi một tháng qua mau chóng không thể ngờ được. Chắc là họ không cho tôi về nữa, và như thế, nghĩa là tôi phải ở đây luôn. Tôi có linh tính vậy.

Ở thành phố buồn một nỗi là chẳng được đi đâu, suốt ngày quanh quẩn hết trong nhà lại ngoài sân. Tôi khóc không biết bao nhiêu mà kể. Nỗi nhớ mẹ da diết, tôi đã trở thành khóc “chuyên nghiệp”. Điều an ủi đối với tôi là ông bà chủ mới cưng tôi lắm, kể cả cô chủ nhỏ, cứ về đến nhà là cô chủ nhỏ bồng tôi. Thấy tôi đứng được hai chân, mỗi lần cho tôi “ăn quà vặt”, cô thường bắt tôi đứng, có khi đến mỏi chân mới chịu cho tôi ăn. Đôi khi cũng thấy giận, nhưng tôi tìm thấy niềm vui trong niềm vui của cô chủ nhỏ. Kẻ “mồ côi” như tôi dễ tủi thân lắm. Biết phận, tôi không bao giờ dám vồn vã quá lố!

Có một cậu ít nói lắm, suốt ngày cứ ngồi ở bàn làm gì mà cặm cụi suốt. Tôi nằm bên chân cậu, mơ đến vú mẹ, tôi cắn nhẹ vào chân cậu, cậu hất tôi ra. Tôi lại cắn, cậu hất nữa. Tôi cứ tưởng cậu đùa nên tôi cắn đùa với cậu. Thế là cậu cho tôi một roi nên thân. Tôi buồn quá chạy ra sau nằm khóc.

Chiều đến, tôi thấy hai mẹ con bác Vện dạo chơi, tôi chạy đến đùa với con bác. Tôi cắn nhẹ vào chân con bác mà nó cũng khóc. Bác nóng gáy táp cho tôi một cái đau điếng. Tôi khập khiễng vào nhà nằm khóc rất lâu. Tôi giận bác Vện vô cùng. Bác ác quá! Cô chủ nhỏ thấy vậy liền lại vuốt ve an ủi tôi. Lúc này tôi mới biết được tay tôi đã bị gãy. Tôi sốt mê man và bỏ ăn đến cả tuần. Hình ảnh mẹ và em lại chập chờn hiện về trong cơn sốt hầm hập khiến tôi mê sảng gọi mẹ… Mẹ chăm sóc tôi, ấp ủ yêu thương liếm mặt tôi. Tôi ú ớ gọi mẹ… Và tôi giật mình tỉnh giấc thấy cô chủ nhỏ đang vuốt ve tôi. Nước mắt tôi ràn rụa. Cô chủ nhỏ cho tôi uống thuốc và cho tôi chén cháo. Tôi nhìn cô tha thiết rồi liếm tay cô để tỏ lòng biết ơn. Tôi cố gượng dậy mà không thể được. Tôi dụi mõm vào tay cô chủ nhỏ như những lúc tôi sà vào lòng mẹ. Đến cả tháng sau tôi mới chạy nhảy được như thường.

Thời gian vụt qua như tên bay. Và thời gian là liều thuốc tiên. Tôi hết giận bác Vện. Dần dà, có lẽ nhận thấy sự có mặt của tôi trong căn nhà này là vô hại, và lại thấy tôi hiền, bác Vện trở nên vui vẻ với tôi.

Tôi vẫn nhớ mẹ khôn xiết. Biết rằng chằng bao giờ được gặp lại mẹ nữa, tôi cố vui với nếp sống ở đây và nguôi ngoai theo ngày tháng. Mỗi khi được ăn ngon, tôi thường nhớ mẹ và em. Tôi lại khóc. Khóc để lấp đầy khoảng trống thương nhớ. Khóc để rửa bớt vết buồn phần nào. Đôi khi người ta cũng cần biết khóc!

Ôn lại những ngày tháng qua như một kỷ niệm dẫu đầy buồn vui mà tôi không thể nào quên được khi “vào đời”…
 
Chúa Giê-su chọn bốn môn đệ đầu tiên
Ngô xuân Tịnh
16:47 30/11/2010
Chúa Giê-su chọn bốn môn đệ đầu tiên
Mt 4,18-22

Dọc bờ biển Ga-li-lê rảo bước
Chuá Giê-su thấy được anh em
Ông Si-mon gọi Phê-rô
Ông An-drê nữa chính là người anh

Hai ông đang tay nhanh quăng lưới
dưới biển sâu bởi họ ngư nhân
Với lời trìu mến ân cần
Chuá mời gọi họ nhanh chân theo Người:

Anh em hãy theo tôi mau mắn
Các anh em tôi biến hẳn thành ra
Những người để lưới người ta
Như là lưới cá ngoài xa sóng dồn

Ngay lúc dó tâm hồn nao nức
Bỏ lưới rồi lập tức theo Người
Đi xa một quẵng nữa rồi
Chúa còn gặp được hai người anh em

Dê-bê-đê là tên cha họ
Gia-cô-bê thực rõ là anh
Gio-an em với cha mình
Họ đang vá lưới dưới thuyền bỏ neo

Cả hai ông Chuá đều ngó thấy
Gọi các ông hãy cứ theo mình
Lập tức họ bỏ thuyền xinh,
Bỏ cha vội vã nhanh chân theo Người

Giữa dòng đời văn minh chết chóc
Tiêm tâm hồn nọc độc thảm thương
Trần gian sa đọa thê lương
Xin hồng ân Chúa tìm đường cứu nguy

Sai mau đi thật nhiều thợ gặt
Với con tim chân thật yêu thương
Bỏ đi tất cả lên đường
Bước theo chân Chúa hiến dâng vẹn toàn
Hồng ân cứu rỗi trao ban.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tóc Huyền
Joseph Ngọc Phạm
09:54 30/11/2010
TÓC HUYỀN

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Mái tóc huyền óng ả

Gửi tình yêu câu thề

Như gió hương đồng nội

Trao lối về đam mê.

(Trích thơ của Minh Tuấn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thác Đổ Trên Ngàn
Lê Trị
22:08 30/11/2010
THÁC ĐỔ TRÊN NGÀN

Ảnh của Lê Trị

Như nước dòng lao gặp đá ngăn

Cuộn từ đáy vực tỏa băn khoăn

Chưa vần được đá nên tung sóng,

Ức mãi ngàn năm vẫn thét gầm.

(Trích thơ Xuân Diệu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền