Ngày 23-11-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:40 23/11/2018
Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."

Bà nói với người con út : "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng". Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

"Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: "Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?" Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.
 
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ : Sự thật là gì ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:57 23/11/2018
SỰ THẬT LÀ GÌ?

(Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ)

Khi tổ chức, hay tiến hành một chương trình, một lễ hội, một cuộc thi đấu…thì ai cũng hiểu rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng cũng đã thấy cái bầu khí của “buổi ban đầu” thường khá long trọng và hoành tráng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng điểm kết thúc mới có tính quyết định. Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, khi Giáo Hội suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, thì cũng một cách nào đó muốn nhắn nhủ với con người cách chung và với đoàn con Kitô hữu cách riêng về ý nghĩa đời người. Tính quyết định của hạnh phúc con người có mối liên hệ tất yếu với nội hàm chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ.

Khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Philatô đã hỏi lại: “Sự thật là gì?” (x.Ga 18,37-38). Tin mừng không tường thuật câu trả lời của Chúa Giêsu mà ngưng ở đó để rồi kẻ tiếp chuyện Philatô lại ra gặp người Do Thái.

Sự thật là gì? Mặc dù có nhiều cái nhìn, nhiều quan niệm khác nhau về sự thật nhưng vẫn có nét tương đồng căn bản. Sự thật là sự tương hợp hay sự đồng nhất giữa nội dung với hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, chẳng hạn như chất lượng sản phẩm hàng hóa đúng với những gì ghi ngoài nhãn hiệu, bao bì…Trên bình diện hữu thể thì có người cho rằng sự thật là sự đồng nhất giữa thực tại với cái biểu hiện. Cũng có người quan niệm sự thật là sự duy nhất, bất biến và thường tồn của thực tại.

1. Sự thật về Đức Kitô:

Theo viễn kiến này thì duy chỉ có Thiên Chúa là sự thật đúng nghĩa. Người không chỉ là “Đấng có sao, có vậy” (x.Xh 3,14) mà người còn là Đấng là An-Pha và Omêga nghĩa là có từ nguyên thủy và tồn tại đến vạn đại thiên thu (x.Kh 1,8). Chính Chúa Kitô đã từng khẳng định Người là sự thật (x.Ga 14,6). Người là Đấng có sao, có vậy, là nguyên thủy và là cùng đích (x.Ga 8,24; 27; 57). Như thế khi nói với Philatô rằng mình đến thế gian là để làm chứng cho sự thật thì Chúa Kitô muốn minh chứng rằng chính Người là căn nguyên và cùng đích của mọi hiện hữu.

Cũng như vạn vật, con người tôi bởi đâu mà ra và rồi sẽ đi về đâu, một câu hỏi đã trở thành vấn nạn khó giải cho nhiều học giả, nhiều triết gia…mọi thời, nay đã có câu trả lời. Các hiện hữu ở đời này, sự hiện hữu của tôi trong cõi đời này có nguồn gốc và đích đến là chính Chúa Kitô. Trong thân phận một công dân, thì “quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người” (Đỗ Trung Quân), thì cũng thế và hơn thế nữa, trong thân phận con người, tôi chỉ thực sự là tôi khi ở trong tương quan với Chúa Kitô. Đúng hơn, sự hiện hữu của tôi, sự sống còn của tôi, ý nghĩa cuộc đời của tôi lệ thuộc vào Đức Kitô. Đây chính là một nội hàm của chân lý Chúa Kitô là Vua vũ trụ mà Giáo Hội long trọng tuyên xưng vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Tuyên xưng Chúa Kitô là vua có nghĩa là tuyên xưng sự lệ thuộc, sự suy phục của mình vào Chúa Kitô. Vì tất cả mọi loài mọi vật “đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người” (Col 1,16).

2. Sự thật về con người:

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x.St 1,27), con người cũng là sự thật khi nên một với Chúa Kitô. Đấng là hình ảnh Thiên Chúa vô hình đã tự xưng là Con Người. Thánh Tông đồ dân ngoại đã mạnh mẽ khằng định chân lý này: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng duới đất hữu hình với vô hình” (Col 1,15). Vì là sự thật nên con người phải được yêu quý và tôn trọng cũng như bảo vệ. Dù là một bệnh nhân, dù là một người nghèo khổ, một người thấp cổ, bé phận, dù là một bào thai dị tật… tất thảy đều đáng phải được kính trọng, yêu mến và bảo vệ hơn tất cả những thể chế, luật lệ, nghi thức hay truyền thống… Chúa Kitô đã khẳng định chân lý này khi nhấn mạnh: “Ngày Sabat có ra là vì con người, chứ không phải con người có ra là vì ngày Sabat” (Mc 2,27).

Là loài thọ tạo có vẻ mỏng manh và đầy yếu đuối nhưng con người lại được Thiên Chúa đặt lên làm chủ tể mọi loài trên trời dưới đất (x.St 1,26). Con người là chi mà Chúa nhớ đến, loài người là gì mà Ngài phải bận tâm? (Tv 8,5). Tất cả chỉ vì Thiên Chúa đã đoái nhận loài người làm dưỡng tử trong Con Một dấu yêu của Người là Đức Giêsu Kitô (x.Eph 1,5). Mặc dù có điểm khởi đầu, có kinh qua cánh cửa sự chết, nhưng hiện hữu của con người là bất tận, vì “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32).

3. Sự thật về hạnh phúc:

Con người đã được dựng nên là tồn tại mãi mãi. Thế nhưng số phận đời đời của mỗi người là được hạnh phúc viên mãn hay phải trầm luân vĩnh viễn còn tùy thái độ sống của mỗi người khi còn tại thế. Con người chỉ có hạnh phúc đích thật khi là chính mình như thuở ban đầu cuộc sáng tạo đó là trở nên hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là chính mình khi nên một với Đức Kitô, làm môn đệ của Người. Và Chúa Kitô đã khẳng định khi chúng ta yêu mến nhau như Người đã yêu mến chúng ta thì chúng ta sẽ ở trong tình yêu của Người và đích thực là môn đệ của Người (x.Ga 13,35; 14,9-11).

Chính con tim, tấm lòng của chúng ta dành cho tha nhân, nhất là cho nhũng người bé mọn sẽ quyết định về số phận đời đời của chúng ta (x.Mt 25,31-46). Thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,7-8).

Năm Phụng Vụ sắp kết thúc nhắc nhủ cho chúng ta sự thật này: cái chung cục mới thật quan trọng. Đảm nhận chức vụ này hay ở địa vị kia, sống bậc sống này hay bậc sống nọ, tất thảy đều hướng đến mục đích cuối cùng là được cứu độ, được hạnh phúc viên mãn. Để có hạnh phúc thật, chắc chắn phải đón nhận Sự Thật là Đức Kitô, vì không một ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Người (x.Ga 14,6). Và dưới gầm trời này chỉ có một Danh mang ơn cứu độ là Giêsu Kitô. Khi đã đón nhận sự thật là Chúa Kitô thì chúng ta cũng sẽ biết được sự thật về con người cũng như con đường để đạt được hạnh phúc muôn đời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Lễ Chúa Kitô Vua B : Giữa nghịch cảnh, phải hiểu nghịch nghĩa.
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:58 23/11/2018
Lễ Chúa Kitô Vua B : Giữa nghịch cảnh, phải hiểu nghịch nghĩa.

Mấy ngày qua, nếu ai đi ra đường sẽ ngạc nhiên, nhưng rồi nhận ra ngay : Ngày Nhà Giáo, 20-11 : Học sinh mua quà, mua hoa đến nhà thầy cô trao tặng. Thầy cô mặc quần áo đẹp, nổi bật là những cánh áo dài xinh xắn… 365 ngày mới có một ngày tạm gọi là huy hoàng. 364 ngày còn lại là những ngày ảm đạm âm u.

Người ta thường ví như sau : “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài. Bốn nhà cộng lại thành hai nhà nghèo”.

Cái nghèo của nhà giáo lại cộng với cái eo. Nổi bật là vụ cô giáo Nguyễn thị Xuân tự tử ngay trong phòng làm việc tại Hậu Giang, vì bị giảm biên chế một cách oan ức.

Tại trường Bùi thị Xuân ở Sàigòn, ông hiệu trưởng lại đề xuất một công thức giảm biên chế đau lòng : cho học trò tiểu học đánh giá thầy cô: thầy cô nào bị học trò xếp loại dở thì bị nghỉ việc ngay.

Cách đây không lâu lại có phiên toà xử ngược : thầy phạt học trò, phụ huynh đến hành hung thầy sứt đầu mẻ trán. Thầy bị thương ! Ra toà thầy bị thương trở thành bị cáo.

Giữa bầu khí đầy cái nghèo và cái eo đó, vẫn có những thầy cô bám trụ, vẫn có những giáo sinh vào trường sư phạm. Trong một số báo Tuổi Trẻ (17/11/91), nhà giáo và cũng là nhà văn Lý Lan đã viết bài “Thưa Thầy về đâu ?” Bài kể :

Đêm đêm tôi đi làm người thâu ngân tại nhà hàng tư, thường về khuya, đêm qua xe hư, tôi phải đón xích lô. Người đạp xích lô vừa trờ tới đã vội nhảy xuống đứng chào tôi : “Thưa Thầy.” Anh xích lô xưng tên : Thành. Tôi mới nhớ ra Thành là học trò cũ 13 năm trước, hồi tôi dạy ở miền Tây. Hồi đó thầy ăn bo bo đi dạy, trò vào lớp xỉu giữa buổi học vì đói, nhưng tôi vẫn thao thao nói với học trò : “Giặc ngoại xâm đã tan rồi, nhưng hai tên giặc song sinh là Đói và Dốt đang hoành hành trên quê hương ta. Các em phải học, học thật giỏi để chiến thắng chúng, để dân tộc ta sánh với các nước năm Châu”.

Nhưng rồi Thành, một học sinh giỏi thi vào ĐH Bách Khoa đạt điểm đậu, nhưng ban Tuyển sinh Tỉnh không cho đi học.

3 giờ khuya, hai thầy trò đạp xe từ huyện lên tỉnh để khiếu nại. Tôi lấy tư cách là thầy dạy em 3 năm liền để bảo đảm em là học sinh giỏi, đạo đức tốt. Viên cán bộ tuyển sinh mắng tôi trước mặt người học trò : “Anh là thầy giáo, cứ lo mà dạy học, biết thế nào là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước mà nói !” Suốt quãng đường quay về, dài thăm thẳm, tôi chỉ nói được một câu an ủi trò : “Chẳng qua là sự dốt nát”.

Giờ gặp em đạp xích lô, sao không bất ngờ được. Em kể cho tôi nghe : “Sau đó em về nhà làm ruộng, cưới vợ đẻ con. Khi con em tới tuổi đi học, em giật mình thấy trường lớp xiêu vẹo, thầy cô dạy bữa đực bữa cái, trẻ em thất học, người mù chữ ngày càng đông, cuộc sống nông thôn ngày càng khó. Em nghĩ tới lời thầy “chẳng qua là sự dốt nát,” em xin vô trung học sư phạm Tỉnh rồi về xã vừa làm vừa đi dạy. Mới đây lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long cuốn trôi cả trường, em đưa vợ con lên Sàigòn, ở đậu nhà người chị, riêng em thuê xích lô chạy cầm cự, chờ nước rút, hết lụt sẽ về quê lại mở trường dạy tiếp. Rồi em hỏi tôi : “Thầy còn đi dạy không ?” Lần đầu tiên, tôi không trả em bằng câu diễu cợt : “Sắp mất dạy rồi,” nhưng trước em Thành, tôi nói : “Còn, thầy vẫn còn dạy.” Trong một tích tắc, ánh mắt thầy trò gặp nhau, bừng lên một tia sáng kỳ lạ. Nhưng cố giữ giọng bình thường, Thành nói : “Thầy lên xe, em đưa đi.”

Để tránh tình huống kịch, tôi lên xe ngồi. Chiếc xe lăn bánh chậm chậm giữa đường phố. Đêm Sàigòn rực rỡ bảng hiệu vũ trường, nhạc karaokê… Từ yên xe phía sau, người học trò cũ tên Thành chồm tới hỏi qua vai tôi : “Thưa thầy, về đâu ?”

Một câu hỏi mang hai nghĩa : “nơi chốn” và “nghề nghiệp.”

Tôi đã kể khá dài một bối cảnh thời sát chúng ta đây về nhà giáo, để ta hiểu được phần nào một bối cảnh đã diễn ra gần hai ngàn năm rồi. “Thầy còn dạy không ? -Tôi vẫn còn dạy;” và “Ông là vua à ? -Phải tôi là vua.”

“Ông là vua à ? -Phải tôi là vua.”

Khi “tiên học lễ, hậu học văn,” khi truyền thống “tôn sư trọng đạo” còn ngự trị thì câu trả lời “tôi còn dạy” không mấy khó khăn. Nhưng khi “tiên học phí, hậu học văn,” khi “tiên học võ, hậu học văn,” khi “tiên học phí, hậu học thêm,” khi “nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài, bốn nhà cộng lại thành hai nhà nghèo”, thì “tôi vẫn còn dạy” mới ý nghĩa. Nó bắt người ta phải hiểu khác đi, có khi hiểu ngược lại với quan niệm đương thời.

Khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, người ta tôn vinh ông Giêsu làm vua, Đức Giêsu nhận, chắc không ai thắc mắc.

Khi vào thành long trọng, người ta lót áo cho Giêsu đi, người ta tôn vinh Giêsu làm vua, Giêsu nhận, chắc chẳng ai ngạc nhiên.

Nhưng hôm nay, giữa phiên toà, lúc đã bị hành hình trước, mặt mày lem luốc máu me, Đức Giêsu lại nhận mình là Vua. Giữa nghịch cảnh, thì phải là nghịch nghĩa.

Chọn một thời điểm không bình thường để tuyên bố mình là Vua, thì ý nghĩa của chữ Vua cũng phải là không như người ta hiểu.

Vì thế Chúa Giêsu nói ngay : Tôi là Vua, nhưng Nước Tôi không thuộc về thế gian này...

Đừng hiểu thầy dạy theo nghĩa người bây giờ gán cho nhà giáo !

Thì cũng đừng hiểu Vua theo nghĩa người ta hiểu !

Vậy hiểu theo nghĩa nào ?

Kinh Tiền Tụng trong lễ hôm nay trả lời : Là Vua của Vương quốc sự Thật và sự Sống, của Vương quốc Thánh thiện và Ân sủng, của Vương quốc Công chính, Yêu thương và An bình.

Bảy phẩm tính của Vương quốc Kitô. Ở đây ta chỉ dừng lại phẩm tính “Sự Thật.”

Chúa Giêsu đã nói thật rõ : Tôi là Vua, Tôi sinh ra là để làm chứng cho sự Thật. Ai đứng trong sự thật, nghe tiếng tôi…

Khi trường tư được phép mở, người ta thích gửi con đến trường Công Giáo, vì trường Công Giáo dạy sự thật, vì sự Thật là Vua của người Công Giáo chúng ta. Cũng trong một số báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật, thầy giáo Nguyễn Tấn Lợi đã tâm tình : “Tôi sợ sự giả dối, tôi sợ sự giả dối gieo vào lòng người trẻ.” Có cả hàng ngàn chuyện hay tích cũ, tự cổ chí kim, kể lại cho chúng ta mẫu gương về tôn trọng sự thật. Người Công Giáo –cách riêng các linh mục đi học tập– được giữ kho cũng do không gian dối.

Có nhiều người nói nửa đùa nửa thật : 10 điều răn, thời nay tại Việt Nam chỉ còn có 9, vì không có tội phạm điều răn thứ 8 (chớ làm chứng đôi) nữa. Họ nói : thời này gian dối không có tội. Nói chơi thì được, nhưng nghĩ thật như vậy là sai. Cho dù gặp nghịch cảnh nào, chúng ta cũng phải tôn trọng sự thât.

Buôn gian bán dối, đồ dỏm nói đồ xịn, là không xứng với Vua sự thật.

Vu khống, vu oan, nói hành bỏ vạ, chuyện không nói có, chuỵện bé xé ra to, là không xứng với Vua chân lý.

Nếu giữa biết bao nghịch cảnh éo le, người thầy giáo kia vẫn tự hào trả lời câu hỏi của người trò cũ, “tôi vẫn còn dạy.”

Và nếu Đức Kitô giữa những giây phút sắp bị kết án tử hình, vẫn còn nhận mình là Vua vì đó là sự thật, thì chúng ta, thần dân của Vua chân lý, làm sao chúng ta dám gian dối được, dám không tôn trọng sự thật được, dám không liều chết vì sự thật như các thánh tử đạo Việt Nam.

Lạy Vua Giêsu là thầy dạy của chúng con, Ngài là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, xin dạy chúng con biết tôn trọng sự thật, thương nhau thật, để xứng là học trò của Thầy là Vua Sự Thật. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh hiến tiểu bang California, Hoa Kỳ cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Đặng Tự Do
04:03 23/11/2018
Một nỗ lực đang được tiến hành để thánh hiến tiểu bang California cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria.

Và tất cả những người Công Giáo California đều được mời tham dự.

Nhiều người sẽ tụ tập cầu nguyện từ trưa đến 2 giờ chiều giờ địa phương vào ngày 8 tháng Mười Hai, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tại nhiều giáo xứ trên toàn tiểu bang. Phong trào “Consecrate California”, nhằm vận động thánh hiến tiểu bang California cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, mời gọi các giáo xứ cử hành Thánh Lễ vào buổi trưa ngày 8 tháng 12, tiếp theo là đi bộ đến một địa điểm được chỉ định, nơi các cộng đoàn cùng đọc kinh Mân Côi và lời cầu nguyện thánh hiến tiểu bang cho Trái Tim Đức Mẹ.

Consecrate California cầu xin lời chuyển cầu của Đức Maria nhằm chống lại nền văn hóa sự chết, phá thai, an tử và thiên tai cũng như một số tệ nạn đạo đức mà họ thấy đang ngày càng phổ biến trong tiểu bang.

Phong trào Consecrate California có một trang web tại địa chỉ www.consecratecalifornia.com, trong đó liệt kê các giáo xứ đã ghi danh tham dự vào chiến dịch này. Những người không thể tham gia vào một nhà thờ trong số các giáo xứ tham gia vào cuộc vận động này được khuyến khích đọc những lời cầu nguyện được cung cấp trên trang web của phong trào từng cá nhân, trong gia đình hay trong một nhóm.

Một trong những lời cầu nguyện có sẵn trên trang web xin Đức Mẹ cầu bầu “cho các linh hồn của chúng ta được tha miễn các hình phạt đáng phải chịu vì giết chết thai nhi chưa chào đời, người bệnh, người già, những người bị loại bỏ; và vì bạo lực, lạm dụng tình dục, ma túy, nghiện rượu và mãi dâm.”

Lời cầu nguyện đó tiếp tục với lời cầu xin sự bảo vệ của Đức Maria khỏi thiên tai và chiến tranh, cũng như sự giúp đỡ của Mẹ để đánh bại nền văn hóa sự chết và “mang Thiên Chúa cùng với khái niệm về gia đình trở lại trong cuộc sống của chúng ta.”

Chiến dịch thánh hiến California cho Đức Mẹ là sáng kiến của Angelo Libutti, một cư dân trong vùng Glendale và là một nhà viết kịch bản điện ảnh kỳ cựu. Angelo Libutti là tác giả của 33 bộ phim truyện. Libutti đã đưa ra ý tưởng này vào cuối năm ngoái, trong khi dành thời gian trước Thánh lễ sau một ngày làm việc căng thẳng. Sáng ngày hôm đó, anh đã bị đồng nghiệp chỉ trích dữ dội sau khi anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm phò sinh của mình.

Libutti, người đã đích thân dâng hiến cho Đức Maria và đã trải qua “những thay đổi căn bản trong cuộc sống”, cảm thấy rằng việc thánh hiến California cho Đức Mẹ là phương dược chữa trị cho sự vô đạo đức, chủ nghĩa thế tục và thái độ thù địch với những giá trị truyền thống ở California.

Anh đã trình bày ý tưởng của mình với hai vị tổng giám mục của California, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco. Hai vị nồng nhiệt ủng hộ sáng kiến này.

Sáng kiến của anh còn được đón nhận nồng nhiệt hơn nữa sau khi California trải qua một vụ cháy kinh hoàng nhất trong lịch sử tiểu bang.

Vào ngày 8 tháng 11 hai đám cháy liên tiếp, cách nhau chỉ vài giờ, đã gây tổn thất nhân mạng rất nghiêm trọng.

Thành phố Paradise (thiên đường hạ giới), nằm dọc theo chân rặng Sierra Nevada về hướng đông bắc của thủ phủ Sacramento bị thiêu rụi hoàn toàn, không còn dấu tích gì của một “thiên đường hạ giới”. Cả khu vực rộng hơn 240 ngàn mẫu tây nơi có đến 12, 872 căn nhà đã ra tro bụi sau vài ngày thần hoả hoành hành không thương tiếc.

Tính cho đến cuối ngày 19 tháng 11, con số thương vong đã lên đến 77 cư dân, trong số gần một ngàn người mất tích kể từ khi lửa bắt đầu cháy vào hôm thứ Năm 8 tháng 11.

Dưới đây là danh sách các giáo xứ tham gia vào cuộc vận động này tính cho đến ngày 23/11/2018

San Francisco - Star of the Sea Parish - 4420 Geary Blvd, San Francisco, CA 94118 ( Fr. Joseph Illo)

San Francisco - Church of the Nativity - 210 Oak Grove Avenue, Menlo Park, CA 94025 (Msgr. Steven Otellini)

El Cerrito - Church of Saint John the Baptist 11150 San Pablo Avenue, El Cerrito, CA. 94530 ( Fr. Joseph Tran)

Madera - St Joachim's Catholic Church School - 401 W 5th St, Madera, CA 93637 ( Fr. John Warburton & rosary : Fr. Gustavo López)

San Miguel - Mission San Miguel Arcángel - 775 Mission St, San Miguel, CA 93451 ( Fr. Eleazar Díaz Gaytán)

Los Angeles - Saints Peter and Paul Church - 515 W. Opp St, Wilmington, CA 90744 ( Fr. Hildebrand Garceau, O.Praem)

Bakersfield - Christ the King Catholic Church- 1800 Bedford Way, Bakersfield, CA 93308 ( Deacon Dan Rindge )

Inglewood - St John Chrysostom Church - 546 E Florence Ave, Inglewood, CA 90301 ( Fr. Marcos J. Gonzalez, V.F )

Palm Desert - Christ of the Desert Chapel - 73441 Fred Waring Dr, Palm Desert, CA 92260 ( Fr. Craig )

Simi Valley - St. Peter Claver (7:30 AM) - 2380 Stow Street Simi Valley CA 93063 (Fr. Adrian San Juan)

Orange County - St. Anne’s Catholic Church - 340 10th St, Seal Beach , CA 90740 (Fr. Ben)

Dana Point - St Edward the Confessor Catholic Church - 33926 Calle La Primavera, Dana Point, CA 92629 ( Fr. Brandon )

Ontario - San Secondo D'Asti - 250 N. Turner Ave, Ontario, CA 91761 ( Fr. Louis Marx)

San Diego (Central S.D) - Our Lady of the Rosary - 1629 Columbia Street, San Diego - Little Italy area ( Fr. Joseph Tabigue)

San Diego - St. Anne Catholic Church (*12:30 pm - latin mass)- 2337 Irving Ave, San Diego, CA 92113

San Diego (East county) - Our Lady of Light - 9136 Riverside Dr. Descanso, CA 91916 ( Fr. Steven Larion Celebrant)

Chula Vista (South Bay) - St. Pius X - 1120 Cuyamaca Ave, Chula Vista, CA 91911 ( Fr. Jay Bananal)


Source CONSECRATION OF CALIFORNIA CONSECRATION OF CALIFORNIA TO MARY
 
Những hài cốt tìm được tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Rôma có niên đại ít nhất 100 năm - Bác bỏ những vu cáo
Đặng Tự Do
16:15 23/11/2018
Theo tin của tờ Vatican Insider, các nguồn tin từ văn phòng Công tố Rôma cho biết hài cốt tìm được tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Rôma có niên đại ít nhất là 100 năm. Trong 10 ngày tới, các thử nghiệm carbon 14 sẽ cho biết chính xác thời gian tử vong của một hay nhiều người liên quan đến những hài cốt này. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, người ta đã có thể xác định các hài cốt này có niên đại ít nhất là 100 năm.

Câu chuyện về những hài cốt này đã bắt đầu vào hôm thứ Hai 29 tháng 10 khi các công nhân ngành xây dựng phát hiện ra một bộ xương người trong khi trùng tu Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Ý. Biệt thự này thường được gọi là Villa Giorgina.

Tòa nhà này, nằm trong khu vực quận Pinciano, đã được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 20, chính xác là vào năm 1929. Toàn bộ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rộng đến 20,000m2. Tòa nhà chỉ chiếm một góc nhỏ trong toàn bộ diện tích mênh mông này.

Chủ nhân của ngôi biệt thự này là ông Isaia Levi, một người Do Thái, sinh trưởng tại thành phố Turinô, miền Bắc nước Ý. Ông là một kỹ nghệ gia và từng được bầu vào Thượng Viện Ý dưới thời Mussolini. Ông chỉ làm Thượng Nghị Sĩ được có 11 ngày từ 9 tháng 12, 1933 đến ngày 20 tháng 12 năm đó thì phải từ chức vì bị phát hiện là người Do Thái.

Trong thời kỳ Quốc Xã Đức chiếm đóng Rôma, ông được Tòa Thánh che chở. Cảm ơn này, ông đã cải đạo sang Công Giáo và năm 1949 đã tặng ngôi biệt thự này cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12. Mười năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã di chuyển Tòa Sứ Thần Tòa Thánh từ đường Nomentana, nay là Tòa Đại Sứ Libya, về biệt thự này.

Các công nhân ngành xây dựng đã phát hiện ra một bộ xương người khi đào bới tầng hầm của ngôi nhà. Hiến binh Vatican lập tức được gọi đến hiện trường, và họ đã nhanh chóng báo cho các viên chức hữu quan của Tòa Thánh.

Biệt thự Villa Giorgina tuy nằm ngoài Vatican nhưng vẫn được hưởng quy chế “extra territorium” – nghĩa là coi như nằm ngoài lãnh thổ nước Ý. Do đó, toàn bộ câu chuyện này có thể được giải quyết hợp pháp bởi Vatican. Đây là một chi tiết các báo chí thế tục không có cảm tình với Giáo Hội không muốn đề cập đến.

Chánh Công tố của Rôma, là ông Giuseppe Pignatone, đã ra lệnh cho các chuyên gia pháp y cảnh sát và một đội điều tra lưu động đến tại hiện trường. Tòa Thánh đã giao bộ xương người này cho chính quyền Ý.

Nhật báo La Repubblica của Ý là tờ đầu tiên tung ra tin đồn theo đó người chết là một trong hai cô gái trẻ, là Emmanuela Orlandi và Mirella Gregori, đã biến mất cách đây ba mươi lăm năm trước. Chủ ý của tờ này là vu cáo có ai đó ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đã lạm dụng tính dục rồi “giết người diệt khẩu”.

Trong bối cảnh những tai tiếng lạm dụng tính dục, thủ đoạn của tờ La Repubblica được nhiều phương tiện truyền thông thế tục tung hứng. Trước những đồn thổi bất lợi cho Giáo Hội, ngày thứ Năm 8 tháng 11 vừa qua, đích thân Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ tọa một buổi họp báo về câu chuyện bộ xương người tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Ý. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu xa của Tòa Thánh trước diễn biến này.


Source: Vatican Insider - The human bones found in the nunciature are at least 100 years old
 
Ukraine vui mừng: Máu thánh Januarius hoá lỏng trên tay Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav
Đặng Tự Do
17:33 23/11/2018
Hôm Chúa Nhật 18 tháng 11, cộng đồng người Ukraine ở Ý đã đánh dấu kỷ niệm 85 năm biến cố bi thảm Holodomor. Trong 2 năm 1932 và 1933, cộng sản Liên Xô đã thực hiện một tội ác kinh hoàng đối với người dân Ukraine. Thông qua chính sách siết chặt định mức tài nguyên nông nghiệp, Stalin chặn đứng việc cung cấp thóc giống, xăng dầu và các phương tiện canh tác cho các nông dân Ukraine. Chính sách nham hiểm này dẫn đến nạn đói kinh hoàng ngay trong thời bình, gọi là Holodomor. Tuyên bố chung của Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận của 25 quốc gia vào năm 2003 nhìn nhận con số người chết trong biến cố Holodomor là từ 7 đến 10 triệu người trong hai năm 1932-1933. Trong khi đó, các sử gia Ukraine cho rằng ít nhất là 12 triệu người đã chết đói trong thời kỳ đó.

Tội ác diệt chủng người Do Thái, gọi tắt là Holocaust, thường được biết đến nhiều hơn tội ác diệt chủng người Ukraine, hay Holodomor. Đức Quốc Xã đã giết 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung. Theo những định nghĩa rộng nhất, có 17 triệu người Do Thái bị giết cách này cách khác vì tay của Đức Quốc Xã. Như thế, tội ác Holodomor của cộng sản Liên Xô cũng không thua kém gì tội ác Holocaust của Đức Quốc Xã.

Để bày tỏ niềm cảm thông với người dân Ukraine, Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Naples, đã cho cộng đoàn Ukraine tại Ý mượn nhà thờ chánh tòa của ngài để cử hành Phụng Vụ Thánh theo nghi lễ Công Giáo Đông phương. Đồng thời, đích thân ngài mở khóa bảo tráp và cầm lọ đựng máu khô của Thánh Januarius (hay còn được gọi là Gennariô) trao cho Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk để ngài giơ lên cho các tín hữu kính thờ.

Cục Thông tin của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine cho biết như sau:

Đứng trước thịnh tình của Đức Hồng Y Sepe, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav rất xúc động, Ngài nói:

“Chúng con rất xúc động vì Đức Hồng Y không chỉ mở rộng cửa ngôi nhà của ngài và ngôi nhà thờ xinh đẹp này, nhưng ngài cũng sẵn sàng mang kho báu lớn nhất của tổng giáo phận – là di tích của Thánh Januarius cho chúng con tôn kính”

Sau Phụng Vụ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cung kính rước lọ đựng máu khô của Thánh Januarius giơ lên cho các tín hữu kính thờ.

Khi ngài rước thánh tích trả lại chỗ cũ, hiện tượng máu thánh Januarius hóa lỏng xảy ra ngay lúc đó.

Những người bảo vệ di tích quay sang thông báo với các tín hữu: “Chúng tôi phải thông báo cho anh chị em một thông điệp quan trọng, một phép lạ đã xảy ra: máu của Thánh Januarius hóa lỏng trong tay của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav đã rất xúc động và thay vì trả lại ngay, ngài cung kính rước thánh tích đi thêm một vòng nữa cho các tín hữu chiêm ngưỡng tận mắt phép lạ vừa xảy ra.

Nói chuyện với giới báo chí, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cho biết:

“Trong khi rước thánh tích của Thánh Januarius với lòng đầy kính cẩn, tôi đã cầu xin ngài phù hộ cho người dân Ukraine chúng tôi và khẩn khoản xin ngài cầu bầu cho chiến tranh ở Ukraine sớm kết thúc”.

Tin tức về phép lạ này được loan truyền nhanh chóng và được người dân Ukraine hân hoan đón nhận.

Thánh Januarius là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Hiện tượng máu khô hóa lỏng ngày 18 tháng 11 vừa qua được xem là một trường hợp ngoại thường.


Source: Religion Information Service of Ukraine - Naples miracle: St Januarius' blood melts in Patriarch Sviatoslav’s hands
 
Tổng Giám Mục Nam Phi đề nghị sửa đổi giáo luật: Giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em phải bị vạ tuyệt thông tiền kết
Đặng Tự Do
17:55 23/11/2018
Một tổng giám mục ở Nam Phi đã gợi ý rằng hệ thống giáo luật của Giáo Hội cần phải được sửa đổi để đối phó hiệu quả hơn đối với các linh mục lạm dụng tình dục.

Đức Tổng Giám Mục Buti Tlhagale của Johannesburg đã đưa ra những lời bình luận của ngài trong một buổi lễ phong chức cho bốn tân linh mục.

“Khi cân nhắc đến mức độ nghiêm trọng về đạo đức, có lẽ việc lạm dụng trẻ vị thành niên bởi một linh mục, nên được coi là một tội phạm bị vạ tuyệt thông tiền kết. Nói cách khác, khi một linh mục lạm dụng một đứa trẻ, ngay tức khắc đương sự bị vạ tuyệt thông.”

Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự “hiệp thông” với những tín hữu khác trong Giáo hội.

Vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) được ấn định cho một số tội. Ngay sau khi phạm, đương sự lập tức bị vạ, không cần Giáo hội phải ra công bố. Theo Bộ Giáo luật hiện hành, hiện nay có bảy loại vi phạm bị vạ tuyệt thông tiền kết.

1. Người bỏ đạo, rối đạo hay ly khai khỏi Giáo hội, sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (gl.1364§1).

2. Ai ném bỏ Mình Máu Thánh Chúa, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (gl. 1367).

3. Người nào hành hung Đức Giáo Hoàng sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (gl.1370§1).

4. Người phá thai trực tiếp (gl.1398), hay người đồng lõa: như chỉ chỗ, giúp phương tiện và việc phá thai có kết quả (gl.1329§2), sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

Những tội mà một giáo sĩ có thể vi phạm:

5. Giải tội cho người đồng phạm chiếu theo điều 977, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (gl.1378§1).

6. Cha giải tội nào vi phạm trực tiếp ấn bí tích, phải bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (gl.1388§1).

7. Giám mục nào không có ủy nhiệm thư Giáo hoàng mà phong chức Giám mục cho người khác, cũng như người nào được thụ phong do Giám mục ấy sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết dành cho Tòa thánh (gl.1382).

Trong bảy qui định vạ trên đây, có năm loại vạ tuyệt thông chỉ được giải do chính Tòa thánh (2, 3, 5, 6 và 7), còn hai loại vạ kia (1 và 4) có thể được giải do Giám mục giáo phận hay những linh mục được ủy thác.


Source: Crux Bishop in South Africa says abuser priests should be excommunicated
 
Thượng đỉnh giải quyết khủng hoảng lạm dụng tình dục: ủy ban tổ chức đã được công bố
Vũ Văn An
19:22 23/11/2018
Còn hơn 2 tháng nữa mới tới cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch hội đồng giám mục thế giới bàn về việc giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, nhưng nhân cơ hội Tòa Thánh công bố danh sách ban tổ chức cuộc họp, báo chí Công Giáo nhộn nhịp hẳn lên trong việc đưa tin và bình luận về nó.

Elise Harris của tờ Crux cho hay Đức Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Blase Cupuch giúp tổ chức hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục.



Thực vậy, vị Hồng Y của Chicago trên đứng đầu danh sách gồm các nạn nhân bị lạm dụng, các người trung thành và những vị “có nắm đấm nặng ký” (heavy-hitters) trong việc bảo vệ trẻ em như là các kiến trúc sư cho một trong những hội nghị quan trọng nhất thời giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Ban tổ chức trên còn gồm ba vị nữa là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, hiện là phó tổng thư ký của thánh bộ Giáo Lý Đức Tin và là người chủ chốt giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục ở Chile; Cha Dòng Tên Hans Zollner, thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên và đứng đầu Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian; và Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai, vị cũng phục vụ trong hội đồng 9 Hồng Y của Đức Phanxicô.

Ngoài 4 vị trên, Đức Phanxicô cũng đề cử Tiến Sĩ Gabriella Gambino, phó tổng thư ký thánh bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống và Tiến Sĩ Linda Ghisoni, phó tổng thư ký của phân bộ giáo dân của cùng thánh bộ này để lo công việc chuẩn bị.

Nhân cơ hội này, Harris nhắc lại sự kiện Đức Hồng Y Cupich gần đây đã được báo chí chú ý nhiều khi bác bỏ các phúc trình cho rằng ngài và Đức Hồng Y Donald Wuerl đã tìm cách thúc đẩy một đề nghị thay thế cho kế hoạch giải quyết khủng hoảng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, khiến gây ngỡ ngàng cho rất nhiều người sau điều nhiều người gọi là “mùa hè nhục nhã” tức hồ sơ của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania (1,000 vụ lạm dụng bởi 300 linh mục) và vụ cựu Hồng Y McCarrick.

Với việc đề cử lần này, lời bác bỏ của Đức Hồng Y Cupich nói trên dường như không có mấy giá trị. Người ta không biết hội nghị thượng đỉnh này có đem lại những đóng góp gì khiến công luận Công Giáo ở Hoa Kỳ và một số nước đang lao đao về tai tiếng lạm dụng tình dục an lòng hay không.

Trong tuyên bố ngày 23 tháng 11, giám đốc báo chí của Tòa Thánh, Greg Burke, gọi hội nghị thượng đỉnh này là “vô tiền khoáng hậu” vì nó cho thấy việc bảo vệ trẻ em là “ưu tiên nền tảng” của Giáo Hội Công Giáo. Ông bảo Đức Phanxicô “muốn các nhà lãnh đạo Giáo Hội hiểu đầy đủ tác động tàn hại của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục đối với các nạn nhân”.



Dù cuộc họp chủ yếu dành cho các giám mục, những vị “có phần lớn trách nhiệm đối với vấn đề trầm trọng này”, nhưng Ông Burke nhận định rằng một số chuyên viên giáo dân, cả nam lẫn nữ, trong lãnh vực này cũng sẽ đóng góp, giúp giải quyết việc phải đưa ra các biện pháp nào “để bảo đảm sự minh bạch và nhận trách nhiệm”.

Đức Hồng Y Cupich thì cho rằng cuộc họp cũng là một bằng chứng cho thấy Đức Phanxicô không coi việc giáo sĩ lạm dụng tình dục là “một vấn đề chỉ của Hoa Kỳ hay Tây Phương”, mà là một vấn đề có ảnh hưởng tới toàn bộ Giáo Hội hoàn cầu.

Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Cha Zoller nói rằng Ủy Ban đã khởi đầu diễn trình tham khảo bằng cách gửi đi các bản câu hỏi tới các vị sẽ tham dự, để biết cả các kinh nghiệm lẫn các khó khăn, hòng tìm ra giải pháp.

Cha cho biết cuộc họp sẽ “tự do và sinh hoa trái bao nhiêu có thể” và Đức Phanxicô hứa sẽ hiện diện trong các phiên làm việc.

Trong khi ấy, tuy không ở trong ban tổ chức, Đức Hồng Y Sean O’Malley, chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên, nói ngài sẽ tham dự và ủy ban của ngài sẽ phục vụ “như một nguồn tài nguyên cho ban tổ chức”.
 
Top Stories
Vietnam: Mgr Dao interpelle les enseignants face à une crise de l’éducation
Églises d'Asie
09:11 23/11/2018
Publié le 22/11/2018 - Face à une crise de l’éducation, qui s’accompagne d’une crise de confiance envers les enseignants, Mgr Joseph Dinh Duc Dao, responsable de la commission épiscopale de l’enseignement catholique de la conférence des évêques du Vietnam, a appelé les enseignants catholiques à transmettre auprès de leurs élèves les valeurs morales et humaines afin de favoriser une société plus juste. Il s’est adressé aux enseignants, à l’occasion de la journée des enseignants vietnamiens, célébrée dans tout le pays (photo) le 20 novembre.

Mgr Joseph Dinh Duc Dao, responsable de la commission épiscopale de l’enseignement catholique de la conférence des évêques du Vietnam, a demandé aux enseignants de promouvoir une société plus humaine en soutenant les valeurs morales et humaines auprès des élèves. Mgr Dao a confié que dans une société où de plus en plus de gens s’inquiètent de leurs moyens de subsistance, de plus en plus de Vietnamiens deviennent individualistes et égoïstes. Pour l’évêque, les puissants et les riches abandonnent les pauvres et s’enrichissent en abusant de leur situation. Mgr Dao ajoute que beaucoup de gens s’indignent et se lassent de leurs pauvres perspectives d’avenir, et nombre d’entre eux luttent pour faire vivre leurs familles. L’évêque du diocèse de Xuan Loc souligne que les éducateurs catholiques peuvent promouvoir une société plus humaine où tous peuvent vivre dignement et charitablement, en accompagnant leurs élèves. « Les enseignants doivent apprendre aux élèves à respecter Dieu, à aimer leur pays et à prendre soin des personnes dans le besoin, des malades, des personnes handicapées et des personnes âgées isolées », a-t-il déclaré dans un message envoyé aux enseignants catholiques le 20 novembre, pour la journée des enseignants vietnamiens. Les enseignants, les éducateurs et les élèves à travers le pays ont organisé, à cette occasion, de nombreuses activités et festivités afin de célébrer l’événement. Les élèves ont ainsi manifesté leur gratitude envers leurs enseignants. Mgr Dao soutient que les élèves doivent apprendre à se donner eux-mêmes, à accepter des sacrifices pour le bien commun, à respecter ce qui est utile aux autres plutôt que de s’intéresser uniquement à leur popularité et à leur propre intérêt.

Crise de confiance

L’évêque souligne que les éducateurs catholiques doivent apprendre à leurs élèves à faire attention à ce qu’ils disent, en particulier sur les médias sociaux, afin de soutenir le pardon, la compassion, la bienveillance et l’unité. Les élèves doivent apprendre à « renoncer à la tentation de profiter de leur influence, de leur position ou de leurs talents pour des causes injustes ». Mgr Dao a demandé aux éducateurs de vivre courageusement ce qu’ils enseignent, malgré une crise de confiance qui s’aggrave dans les écoles. Les médias locaux ont ainsi rapporté des cas d’enseignants coupables de violences ou d’abus sexuels contre des élèves, ou accusés de traiter leurs élèves de façon injuste et de leur imposer des cours supplémentaires sous leur supervision. L’évêque pense que cette crise de l’éducation s’attaque non seulement à la réputation et à la conscience des enseignants, mais elle éloigne également les élèves de leurs familles et de leur pratique religieuse. Mgr Dao précise que pour appeler les jeunes à soutenir la société vietnamienne, les enseignants doivent voir leur métier comme une mission qui les invite à travailler avec le Seigneur pour aider l’Église et la société. « Vous êtes des messagers de Dieu, agissez pour Lui et en Son nom », a-t-il demandé, ajoutant que les enseignants devraient regarder les élèves comme ceux qui leur sont envoyés par Dieu. Le Vietnam, pour l’année scolaire 2018-2019, compte 1 251 718 enseignants et 23,5 millions d’élèves, depuis les crèches jusqu’aux universités.

(Églises d'Asie - le 23/11/2018, Avec Ucanews, Saïgon)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Triển lãm mỹ thuật “Nét đẹp Công Giáo”
Triết Giang
09:30 23/11/2018
HÀ NỘI - Nhân dịp bế mạc Năm thánh kỷ niệm 30 năm 117 chứng nhân Tử đạo Việt Nam được nâng lên hàng Hiển thánh (1988-2018), được sự đồng ý và cổ vũ của giáo xứ, Tu viện dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, Tông đoàn Gioan Phaolô 2 đã tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Nét đẹp Công Giáo”. Cuộc triển lãm đã được khai mạc chiều thứ năm 22-11-2018. Đến dự có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân ở Thái Hà, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong và ngoài Công Giáo ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong phát biểu chào mừng, linh mục Giuse Trịnh Ngọc Hiên, chính xứ và Bề trên Tu viện dòng Chúa Cứu thế Thái Hà đã xúc động chào đón sự kiện văn hóa đức tin lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Hà và cũng là lần đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội đúng vào dịp bế mạc Năm thánh. Ngài cũng cảm ơn các họa sĩ, đặc biệt các họa sĩ ngoài Công Giáo vì yêu cái đẹp đã dùng cây bút vẽ của mình để khắc họa lên những cảnh, những người mang dấu ấn văn hóa Công Giáo.

Tiếp đó, linh mục Giuse Đỗ Đình Tư- Chủ tịch và linh hướng của Tông đoàn Gioan Phaolô 2 đã đọc lời khai mạc Triển lãm. Linh mục Giuse cho rằng, Tông đoàn Gioan Phaolo 2 quy tụ nhiều anh em doanh nhân, trí thức Công Giáo và muốn giới thiệu Tin mừng cho mọi người nhất là đối tượng trí thức. Vì vậy, anh chị em muốn dùng mọi khả năng mà Chúa ban cho để giới thiệu đạo Chúa. Một trong những khả năng của Tông đoàn là hội họa, điêu khắc vì có một số anh chị em là họa sĩ, giảng viên trường đại học mỹ thuật được đào tạo bài bản. Anh chị em nêu sáng kiến tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật này. Dù Tông đoàn hết sức hưởng ứng nhưng nhiều khó khăn như thời gian chuẩn bi ngắn, kinh phí hạn hẹp, số họa sĩ Công Giáo ít. Rất may, nhờ sự thương ban của Chúa, của Mẹ Maria, các thánh nhất là các thánh Tử đạo Việt Nam nên cuộc triển lãm mỹ thuật “Nét đẹp Công Giáo” vẫn ra mắt đúng dự định với 36 tác phẩm của 16 tác giả trong cả nước mà phần lớn là tác giả ngoài Công Giáo. Chúng tôi xin hết lòng cảm ơn các họa sĩ, đặc biệt những tác giả ngoài Công Giáo. Các vị đã cho chúng tôi thấy những cái đẹp của Công Giáo từ con người tới phong cảnh, từ làng quê tới thành thị hay rừng núi cao. Những nét đẹp đó, chính chúng tôi, những người Công Giáo cũng chưa nhận ra…(ảnh trên).

Hai linh mục Giuse và ông Antôn Bùi Đức Thái- một doanh nhân, trí thức Việt kiều từ Hoa Kỳ về được mời lên cắt băng khánh thành. Bức tranh sơn dầu lớn “Nữ vương các thánh Tử đạo Việt Nam” của họa sĩ Đaminh Hùng Khuynh được trưng bày ở vị trí trung tâm triển lãm cũng được vén màn che (ảnh dưới). Trong bức tranh này, các thánh Tử đạo Việt Nam nét mặt hân hoan, tay cầm Thánh giá, biểu tượng của đức tin, của tình yêu Thiên Chúa mà tất cả các thánh nhân, bất kể là Giám mục, linh mục, giáo dân hay quan lại đã can đảm chọn lựa là lẽ sống cuộc đời mình. Tất cả các thánh Tử đạo đều đứng trong tà áo choàng của Mẹ Maria mà trên cùng là Chiên Thiên Chúa với vầng hào quang hứa ban cho những ai trung tín với Ngài. Mọi người cùng nâng ly chúc mừng triển lãm thành công và chúc mừng từng tác giả. Các tác gỉa giới thiệu với khách tham quan những tác phẩm của mình. Họa sĩ Đaminh Hùng Khuynh đem đến triển lãm nhiều tranh sơn mài đẹp long lanh. Đây là dòng tranh giờ ít người muốn làm vì tốn công sức và chi phí vật liệu cao và kén người mua (ảnh 3). Nữ giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Maria Nguyễn Thị Hiền thì lại mang đến mấy bức tranh sơn dầu mà các nhân vật thánh đã được Việt hóa thật gần gũi từ trang phục đến nét mặt, cử chỉ (ảnh 4). Đây là chủ đề sáng tác của chị gần đây sau khi nghỉ hưu. Họa sĩ Nguyễn Phan Bách với bức sơn dầu khổ 70x 90 cm chỉ vẽ 3 bàn tay nhưng người ta hình dung ra một cặp vợ chồng trẻ tay trong tay khi lần chuỗi với nhau thật đẹp. Đúng là một phát hiện của họa sĩ ngoài Công Giáo (ảnh 5). Trong các tác phẩm của nhóm “Nghệ sĩ Sông Hồng”, bóng cây tháp nhà thờ vươn cao cùng với Thánh giá thấp thoáng ở “Sắc thu” của họa sĩ Lê Hải, “Xóm đạo Đường Lâm” của Bùi Long, “Xóm đạo”của Thạch Linh…Những ngôi nhà thờ quen thuộc như Nhà thờ lớn Hà Nội, nhà thờ Thái Hà hay ngôi nhà nguyện đơn sơ đã bị cưỡng chế mấy lần ở Nà Phặc, Bắc Kạn cũng được các họa sĩ thể hiện bằng những nét vẽ rất tuyệt vời. Các tác giả đã chụp ảnh kỷ niệm với các linh mục (ảnh 6)

Cuộc triển lãm còn kéo dài hết ngày 30-11 và ngày 29-11-2018 sẽ có buổi Tọa đàm về nghệ thuật thánh do cha Vinhsơn Phạm Trung Thành- Thư ký của Ủy ban Nghệ thuật thánh, nguyên Bề trên Giám tỉnh dòng Chúa Cứu thế chủ trì với sự tham dự cuả nhiều nghệ sĩ, trí thức trong và ngoài Công Giáo.
 
Đại Lễ Phong Hiển Thánh 117 Vị Tử Đạo Việt Nam năm 1988
Đ. Ô. Phạm Văn Phương / Trần Vinh
11:06 23/11/2018
Đại Lễ Phong Hiển Thánh 117 Vị Tử Đạo Việt Nam

Do ĐGH Gioan Phaolô II chủ sự lễ phong thánh tại Rôma 19/6/1988 cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam.

----------o----------

+ Giáo Hội Việt Nam mừng NĂM THÁNH : ( 19/6/18 – 24/11/18 )

Kỷ niệm 30 năm Phong Hiển Thánh (19/6/1988- 19/6/2018)

-Bài tường thuật của Đức Ông Trần Ngọc Thụ, Bí thư ĐTC Gioan Phaolô II,

- Cáo Thỉnh Viên Án Phong Thánh.

*Trước ngày Đại Lễ.

1-Trong vụ Án Phong Thánh VN, tất cả 117 vị đã là Chân Phước, đã được tôn vinh trong 4 đợt trước (những năm 1900,1906, 1909 và 1951) đã có

4 phép lạ ( bệnh nhân được chữa lành và được bác sĩ đoàn xác nhận- Trần Ngọc Thụ : Giáo Hội VN I- vụ Án Phong Thánh, St. Michael Printing, USA, 1987, tr.48-54), chỉ còn làm lại hồ sơ theo thủ tục hành chánh để nộp lên Bộ Phong Thánh. Bởi vì tất cả 117 Vị đều là Thánh tử Đạo, nên chỉ cần một phép lạ duy nhất, hay là còn có thể xin Tòa Thánh tha cho nữa. Vì là một đặc ân quá lớn lao, chúng tôi chỉ xin Đức Hồng Y Palazzini, trong tư thế Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện cho hàng Giám Mục VN, đứng lên xin Tòa Thánh tha điều kiện phép lạ. Lý do mạnh mẽ ủng hộ điều kiện này chính là sự thăng tiến kỳ diệu của Giáo Hội VN qua hơn 400 năm lịch sử hào hùng đã trình bày trước đây. Không thể giải thích sự thăng tiến đó ngoài thiên định của Thiên Chúa : hơn 400 năm khai nguyên và phát triển hùng mạnh là một phép lạ triền miên.

2-Tin ngày Phong Thánh vừa được ĐGH Phaolô II tuyên bố, khác nào tiếng sấm động, vang ra khắp năm châu bốn bể. Tinh thần giáo dân nổi dậy như sóng cồn, chỗ nào cũng nghe bàn tán chuyện đi Rô-ma dự lễ Phong Thánh. Ủy Ban Phong Thánh được thành lập cấp tốc. Ba lần các linh mục VN khắp thế giới về họp tại La-Mã để hoặch định chương trình và phân phối công tác tỉ mỉ cho từng cộng đoàn, từng lục địa. Các khách sạn lớn chung quanh Vương Cung Thánh Đường Phêrô đã được giữ hết chỗ một năm trước. Người ta dự đoán số người về tham dự tối đa là 5000. Ba tháng trước đại lễ con số đã 6 ngàn rồi tăng lên 7 ngàn,

Sau cùng là 8250 giáo dân VN từ 27 nước trên 4 lục địa Á Châu, Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu…Từng đoàn người đổ về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, nam nữ tu sĩ tới Rô-ma với tư cách riêng, hay là tháp tùng các đoàn thể của mình theo tư cách tuyên úy. Các tiệm bán ảnh tượng chung quanh Tòa Thánh Vatican, các tiệm ăn thấy toàn áo dài và khăn xếp VN. Trên các nẻo đường nghe rõ tiếng con cháu Rồng Tiên thao thao bất tuyệt và gọi nhau ơi ới. Sao mà vui nhộn đến thế ! Tất cả rừng người này, chiều hôm thứ bảy 18/6/1988 sẽ kéo nhau về Quảng Trường Thánh Phêrô, để dự cuộc rước kiệu di hài các Thánh Tử Đạo VN và dâng hoa kính Đức Mẹ.

Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức lạ mắt và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ…đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của giáo dân VN tại Mỹ Châu trong dịp này. Từng đoàn quí ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn quí bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ, rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú ngày xưa với y phục nón chóp xà cạp đỏ và ban Văn Tế, cùng đội chiêng trống, lọng chầu…với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hưởng chức trong trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lùi một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, ĐTC Gioan Phao-lô II đã cho lệnh mở cửa sổ văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con VN đang diễn hành trên Quảng Trường Thánh Phêrô.

3-Ngày hôm sau, Chúa Nhật 19/6/88, biển người nói trên lại tập chung về Quảng Trường Thánh Phêrô, chung hàng ngũ với 10 ngàn người Tây Ban Nha, gần 4 ngàn người Pháp và chừng 10 ngàn du khách thập phương, cùng với giáo dân người Ý, nghe tin đồn thổi cũng tuốn đến dự lễ Phong Thánh Tử Đạo VN. Vì ở vào giữa tháng 6, nghĩa là đã giữa mùa hè, mặc trời mọc sớm, khí hậu nóng nực, do đó để cho dễ thở và bớt mức độ oi ả, ĐTC đã đồng ý bắt đầu nghi lễ sớm hơn một giờ. Vào dự lễ hôm đó, mọi giáo dân VN phải đeo khăn quàng cổ in hình 117 Thánh Tử Đạo VN, để cho các đoàn thể dễ nhận ra nhau.

4-Trước khi tường thuật giai đoạn chung kết, chúng tôi xin kể một sự việc rất quan trọng đối với sự thành công của đại lễ, đó là vấn đề tài chính của ban tổ chức. Mỗi lần nhớ đến việc này chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự quan phòng của Thiên Chúa. Lý do hết sức hiển nhiên là ban tổ chức lúc ban đầu hoàn toàn tay không, chưa có ai dâng cúng một đồng nào. Giải quyết vấn đề này là một việc rất khó khăn, nhưng đồng thời là việc rất thiết thực và rất cấp bách. Đi vay mượn các Hội Dòng ngoại quốc đã từng hoạt động bên VN là điều có thể, nhưng chạm lòng tự ái dân tộc, cho nên chúng tôi đề nghị vay chính Ngân hàng Tòa Thánh. Chúng tôi liều mạng đi thương thuyết và ký giấy giao kèo với nhân viên Ngân hàng vay 50 triệu tiền Ý ( tương đương 30 ngàn Mỹ Kim ). Ký giấy giao kèo mà tay run cầm cập vì đã 3 đêm lo lắng không ngủ.

Quả thật từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi chưa bao giờ táo bạo đến thế. Ký xong chúng tôi lủi thủi đi ra chưa tới cửa Ngân hàng thì Đức Ông Bonis, người Ý (bây giờ là Giám mục) từ đâu đuổi theo.

Đức Ông hỏi : “Cha làm gì mà tiêu sài với số tiền lớn như vậy ? ”. Hơi chạm tự ái, chúng tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời thì ngài lại nhấn mạnh : “Cha làm gì ? cha đừng dại lấy tiền ra vội, vì lấy ngày nào cha phải trả lãi ngày đó. Mượn 50 triệu ngày 1 đầu tháng thì 30 cuối tháng cha phải trả 53 triệu.”

Chúng tôi buộc lòng dẹp tự ái thưa : “Đây không phải là tiêu xài cá nhân con, nhưng là để lo tổ chức Đại lễ Phong Thánh 117 vị

Chân Phước Tử Đạo mà Hội Đồng GMVN đã trao phó cho con và nay vụ án đã xong đã được Đức Giáo Hoàng châu phê và tháng 6 sắp tới sẽ cử hành long trọng.”

Đức Ông Bonis nói : “Trước tôi tưởng cha lo việc cá nhân, chứ bây giờ biết chuyện Phong Thánh. Vậy cha cứ việc làm, tốn phí bao nhiêu tôi sẽ chịu cho.” Thật sự, ngài đã cho một số quan.

Quả thực, là một giấc mơ ! Nhưng nếu mơ thì phải mơ ban đêm chứ đâu giữa thanh thiên bạch nhật. Trước đây, ba bốn đêm chúng tôi không ngủ vì lo sợ, bây giờ thì chúng tôi cũng ba bốn đêm không ngủ vì ngỡ ngàng, như còn đang trong ảo mộng. Làm sao có chuyện kỳ diệu đến thế !

*Ngày Vinh Quang.

Từ sáng sớm, Quảng Trường Thánh Phêrô đã đen nghịt dân chúng. Từ 3 quốc gia, hàng ngàn vạn giáo dân tập trung về đây.

Trước kia họ không quen biết nhau, nhưng giờ phút này họ chào nhau, vui cười với nhau, vì trong thâm tâm họ cùng một cảm nghĩ tự hào vì tấm gương anh dũng, trung kiên, thành tín của tổ tiên mình.

Đúng chương trình, 8 giờ 30 Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng (28 Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục), mặc đại phục đỏ đồng tế, từ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô tiến ra Quảng Trường vĩ đại, giữa muôn vàn tiếng vỗ tay. ĐGH Phao-lô II

luôn giơ tay chào đón và chúc lành. Ca đoàn Sixtina của Tòa Thánh hát kinh nhập lễ bằng La ngữ. Trước đó, ca đoàn tổng hợp từ Mỹ qua, đã hát bài Ngày Vinh Thắng của Linh mục Ngô Duy Linh, rồi trong Thánh Lễ bài ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, cuối lễ là bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bài nhạc này hôm ấy vang dội gữa thủ đô Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt, tiếng nước ta.

Một sự kiện lạ là Thánh lễ đang cử hành đẹp đẽ trang nghiêm, thì tự nhiên bầu trời thay đổi. Một vài cơn mây đen nghịt từ đâu kéo đến và mưa bắt đầu nhỏ giọt. Từ trong thánh đường người ta đã khiêng lọng ra che phủ bàn thờ. Cả ngàn con tim, nhất là giáo dân VN, như thể đã bị ngừng đập, tất cả trăm người như một, thầm thì kêu van : Lạy Chúa ! Cả Giáo Hội chúng con, từ ba bốn trăm năm, đã mong chờ hôm nay, được trông thấy ngày này huy hoàng trọng thể, xin Chúa cất mọi trở ngại để danh Chúa được thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo chúng con. Quả thật, sau mấy phút đám mây đen đã bị luồng gió cuốn đi xa và trời thanh quang xuất hiện như trước.

Lễ nghi Phong Thánh bắt đầu sau kinh Thương Xót, Đức Hồng Y Palazzimi, Bộ Trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với luật sư của Bộ và 3 Cáo thỉnh Viên Việt, Pháp, Tây Ban Nha, ra trước bàn thờ xin ĐTC cử hành Đại Lễ. Toàn thể cử tọa, theo lệnh viên chức nghi lễ, đều quì hát Kinh Cầu Các Thánh, xin sự trợ giúp của Thần Thánh trên trời, trước khi nghe tuyên xưng 117 Vị Thánh mới.

Sau đó, ĐHY Palazzimi trở lại trước bàn thờ và tuyên đọc :

‘Kính thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội là Mẹ, xin ĐTC ghi tên các vị sau đây : Chân Phước Anrê Dũng Lạc, Linh mục Toma Thiện,và Emmanuele Phụng, giáo dân. Girolamo Hermosilla, Valentino Berrio Ochoa, 2 Giám Mục Đa Minh và 6 Giám mục khác- Teophan Venard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê và 105 bạn Tử Đạo VN, vào sổ bộ Các Thánh và được các giáo hữu kêu cầu bằng danh xưng Hiển Thánh.

Kính thưa Đức Thánh Cha, trên mảnh đát gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều vị Tử Đạo và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội. Các Thánh Tử Đạo chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Ki-tô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay, các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn giảng thuyết. Miệng lưỡi tuy im bặt, nhưng bao niêu sự việc còn vang dội sâu xa.

Lời suy niệm trên đây của Thánh Augustino áp dụng trong niên lịch ngày 19 tháng 6. Lễ kính hai Thánh Gervatsio và Protasio, tử đạo thành Milan, hôm nay có thể trưng lại vì rất thích hợp với niên hiệu và lễ nghi, để tôn vinh 117 Vị Thánh khác cũng là huynh đệ trong đức tin và trong tử nạn: trước đây, suốt thời gian từ 1745 đến 1862, đã hy sinh tính mạng tại VN, trong vùng Đông Nam Á Châu, hồi đó gọi là Tonkin, An Nam và Cocincina. Máu cúa các ngài cũng như máu của hàng ngàn anh chị em khác, hôm nay đã kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội VN.

Là cha mẹ trong đức tin, 5 Vị Giám Mục Pháp và Tây Ban Nha, đã sinh các vị khác trong Chúa Ki-tô, y như lời Thánh Kinh

(1Cr.4- 15). Các vị đã là nhân chứng xứng đáng theo lời mình đã rao giảng, bằng khổ hình, bằng thập giá, và theo gương Chúa

Giê-su Vị Mục Tử Tối cao nhân hậu, các ngài thật là gương mẫu cho đoàn chiên (1Ph.5)

50 Linh mục, 13 Âu Châu, 37 Việt Nam, cùng đứng trong hàng ngũ chăn chiên thuyết giảng lời Chúa và cùng chịu xiềng xích lao tù, đã lấy xương máu để hoàn tất nghĩa vụ thi hành các bí tích, đúng là những cộng tác viên của hàng Giám Mục (LG.số 28), tức là những người phân phát máu Con Chiên vô tội, cũng là máu đã thánh hóa bản thân các ngài. Sau hết, 59 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội, hầu hết là gia trưởng, một số là thày giảng giáo lý, hồi xưa trong các gia đình, trong các cộng đoàn đã sống tốt lành, đã là những chứng nhân cho Bí Tích Thánh Tẩy bằng nước, bằng Thánh Linh và bằng Lửa (Mt.3: 11)

Kính thưa Đức Thánh Cha,

Con số 117 Vị này sắp được Đức Thánh Cha nghị quyết đưa lên hàng danh dự và được tôn phong phẩm hàm các Thánh Tử Đạo,

được toàn thể Giáo Hội tôn kính. Với các ngài, cũng như con cháu các ngài, giờ đây văng vẳng dội lại lời Thánh Phê-rô khuyên nhủ: Nếu ai trong anh em phải chịu khổ hình, vì mình là Ki-tô hữu, thì đừng có xấu hổ thẹn thùng, nhưng phải hiên ngang tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó (1Ph.4: 6)

Trong Quảng trường linh thiêng này, bên cạnh mồ vị Tiên Chủ các Thánh Tông Đồ, đang hiện diện hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam, từ khắp năm châu bốn bể qui tụ về đây, họ như đang cầm ngành thiên tuế ngước mắt nhìn lên các vị đồng hương tiên tổ, sắp đón nhận vòng hoa chiến thắng như các vĩ nhân anh tài. Chung quanh họ còn có gần 10 ngàn giáo dân Tây Ban Nha và 3 ngàn giáo dân Pháp. Tất cả là anh em kết nghĩa trong Chúa Ki-tô, cũng như giáo dân hai quốc gia này là anh em của những vị thừa sai khi xưa, đã mang danh Chúa Ki-tô có thần lực cứu vớt nhân loại (Cv.: 12), rao giảng trên khắp lãnh thổ xa xăm Việt Nam. Trong số đó, có những người con của Thánh Đa-minh, 34 vị vừa Tây Ban Nha vừa VN hồi xưa đã nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo theo đúng danh xưng của họ. Ngoài ra, còn 10 thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê.

Trên những địa hạt hồi xưa được trao phó cho hai hội dòng Thừa Sai nói trên, từ năm 1960 đã thành lập 25 giáo phận. Số người Công Giáo hiện nay gần 7 triệu giáo dân. Tất cả giáo đoàn này, trong cũng như ngoài nước, đang tiến bước hùng mạnh, sát cánh bên nhau, họ phấn khởi đi về Tổ Quốc Trường Sinh vĩnh cửu. Vì họ xác tín vào lời giáo huấn của Thánh Phaolô. Từ nay được cả khối chứng nhân đông đảo như thể nâng đỡ họ , kiên trì chấp nhận cuộc thi đua đã bắt đầu. Từ nay nhìn lên Chúa Giê-su, Vị tiên phong ban phát đức tin hoàn hảo, thay vì hưởng niềm hoan lạc vẫn có, Ngài đã giang tay ôm lấy Thánh Giá và hiện giờ đang ngự bên hữu tòa Thiên Chúa (Heb.12: 1-2). Đức Hồng Y vừa đọc xong lời thỉnh nguyện và Kinh Cầu Các Thánh vừa chấm dứt, toàn thể dân chúng đứng lên hợp ý với Đức Thánh Cha, Ngài kết thúc Kinh Cầu Các Thánh bằng lời nguyện :

‘Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng của Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ của chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Chúa Ki-tô Chúa chúng con-Amen’

Toàn thể cộng đồng dân Chúa vẫn đứng nghiêm chỉnh. Đức Thánh Cha lại ngồi trên ngai và long trọng đọc công thức Phong Thánh :

“Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, để phát huy đức tin Công Giáo, và củng cố đời sống Ki-tô hữu, vói quyền lực của Chúa Ki-tô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô, Phao-lô và của riêng tôi. Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cũng như đã

nhiều lần cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo nhiều ý kiến của Chư Huynh Giám Mục, tôi quyết định tuyên bố :

Các Chân Phước Anrê Dũng Lạc, Linh mục- Tôma Thiện và Emanuele Phụng, giáo dân- Girolamo Hermosilla và Valentino Berrio Ochoa, hai Giám Mục Dòng Đa-Minh va 6 Giám Mục khác. Teophan Venard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê và 105 bạn Tử Đạo Việt Nam, là các vị Thánh và Ngài đã được liệt kê vào sổ Các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng Giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sáng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo- Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần- Amen.”

Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hô vang. Đại phong cầm của Ca đoàn Sixtina cử bài nhạc rộn rã ca ngợi và tri ân Thiên Chúa. Từ Quảng Trường Thánh Phêrô lễ nghi được tiếp vận trực tiếp về Việt Nam. Đài vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của chính phủ Ý, liên tiếp trong 3 tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp nước Ý. Nhiều người trong đoàn giáo dân VN, nhất là các cụ già, đã xúc động và rút khăn lau nước mắt, vì cảm thấy vinh hạnh sung sướng, đưoạc là con cháu các vị anh hùng. Trong suốt thời gian lưu lại Rô-ma, Chúa Quan phòng cũng đã ban ơn lành, gìn giữ hơn 8 ngàn giáo dân VN, không một ai đau ốm hay bị tai nạn nào, ai cũng tươi cười, vui vẻ và phấn khởi…

(*)Ghi chú: Trích từ tác phẩm ‘Đức Ông Vinh sơn TRẦN NGỌC THỤ Bí thư Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II’ do Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương và Bạch Diện Thư Sinh Trần Vinh biên soạn.
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng ca đoàn Cêcilia
Văn Minh
11:20 23/11/2018
“Mỗi một thành viên trong ca đoàn phải là một bài ca, và ca ngợi Thiên Chúa bằng cả trái tim của mình”.

Trên đây là lời nhắn nhủ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ mừng kính Thánh Cêcilia Trinh Nữ Tử Đạo – bổn mạng của ca đoàn Cêcilia giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 18g00 thứ Năm ngày 22.11.2018, do ngài chủ sự.

Xem Hình

Tham dự Thánh lễ, ngoài các ca viên trong ca đoàn Cêcilia còn có đông đảo các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý cùng cộng đoàn trong giáo xứ.

Trước Thánh lễ, đại diện ca đoàn Cêcilia, các em Ban Lễ sinh rước cha chủ tế từ ngoài sân vào trong thánh đường hòa trong bài hát nhập lễ “Lên đền thánh” do ca đoàn Cêcilia hợp xướng.

Sau bài Tin Mừng, cha Gioakim chia sẻ: Thánh nữ Cêcilia sinh ra trong một gia đình thuộc hàng quý tộc tại Rôma, với lòng say mê ca hát nhạc thánh ca ngợi khen Chúa. Khi đến tuổi trưởng thành lập gia đình với Valêriô là người ngoại giáo, thánh nữ có lòng đạo đức và yêu thương người nên đã cảm hóa được nhiều người trở lại đạo Chúa Kitô. Trong đó, có chồng cùng một người em trở lại đạo và được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Trước khi qua đời, thánh Cêcilia giơ tay lên cầu nguyện và tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, Thánh nhân bị trảm quyết khi tuổi đời mới tròn đôi mươi.Hiện nay, trên các di ảnh của Thánh Cêcilia bên cạnh có cây đàn Piano. Bởi vì, cuộc đời của Thánh nhân là một bài ca.

Cha Gioakim diễn giảng, mừng lễ Thánh Cêcilia: Mỗi thành viên trong ca đoàn phải là một bài ca, và ca ngợi Thiên Chúa bằng cả trái tim của mình.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng của lễ lên Thiên Chúa được vi đại diện ca đoàn cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với lòng thành kính.

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện ca đoàn lên ngỏ lời cảm ơn cha xứ Gioakim, cách riêng, đối với anh Martin Lê Khôi, đến từ giáo xứ Thánh Martinô tới tập hát cho ca đoàn trong thời gian qua, quí vị ân nhân, cùng cộng đoàn dân Chúa đã đến cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng, và bó hoa tươi thắm được vị đại diện dâng lên cha xứ với tâm tình cảm mến và biết ơn.

Đáp từ, cha xứ thay mặt cộng đoàn phụng vụ chúc mừng các thành viên trong ca đoàn được nhiều hồng ân. Nhân đây, ngài ước mong trong ca đoàn tuyển chọn người có khả năng đi tham dự lớp học về thánh ca phụng vụ, nhằm góp phần giúp cho cộng đoàn khi tham dự Thánh lễ được sốt sắng hơn.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00 cùng ngày. Sau Thánh lễ, cha xứ cùng các thành viên trong ca đoàn chụp chung tấm hình lưu niệm ngay trước thềm cung thánh.

Được biết hiện nay, ca đoàn có gần 30 ca viên đến từ trong và ngoài giáo xứ Vĩnh Hòa, hát lễ vào chiều Chúa Nhật lúc 17g30 và sáng thứ Năm lúc 5g00 hằng tuần. Ngoài ra, hát lễ cưới, an táng, theo sự sắp đặt của Ban Điều hành giáo xứ, đi phúng viếng cầu nguyện cho người qua đời, và thăm hỏi bệnh nhân đau yếu trong giáo xứ và các ca viên.
 
Gia Đình Phúc Âm Xứ Tân Phú Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Phương Nga
11:30 23/11/2018
Gia Đình Phúc Âm Xứ Tân Phú Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống -Mùa gặt mai sau khắp khởi mừng (TV 125 )

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã chính thức được mừng kính vào Chúa Nhật 18-11-2018 vừa qua,nhưng hôm nay vào lúc 17g30 một lần nữa Gia đình Phúc âm giáo xứ Tân Phú lại long trọng mừng kính các Ngài là Bổn mạng của Hội.

Về tham dự có Cha Giuse Nguyễn Văn Thanh( Chánh xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp) Đặc trách Gia đình Phúc Âm Tổng giáo phận Sài Gòn,Cha Giuse Phạm Công Minh Linh hướng GĐ Phúc Âm giáo xứ Tân Phú,Quý Anh chị Ban điều hành GĐPÂ Tgp Sài Gòn,Hạt Tân Sơn Nhì và các giáo xứ lân cận.Để chuẩn bị tâm hồn cho buổi lễ,Hội đã tổ chức có những buổi học hỏi Kinh Thánh về các Thánh Tử Đạo,về tiểu sử và công đức của các Ngài.

Đúng 17g45 Thánh lễ được cử hành,trước đó các Hội viên đã xuống cuối Nhà thờ để xếp thành hai hàng rước Đoàn đồng tế lên bàn thánh.Ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu hát ca nhập lễ “ Tiếng nhạc oai hùng. .” Cha Giuse Phạm Công Minh chủ sự nói với cộng đoàn:

Chúa Nhật 33 thường niên Giáo hội đã cho phép chúng ta mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo và hôm nay Gia đình Phúc Âm giáo xứ lại mừng kính các Ngài vì đã nhận các Ngài là bổn mạng.Chúng ta tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta có các anh hùng Tử đạo mà máu của các Ngài là hạt giống trổ sinh hoa trái cho Giáo hội và cho chúng ta,chúng ta cũng.được mời gọi sống trung thành với Chúa và theo Chúa đến cùng như các Ngài và ra đi rao giảng Lời Chúa cho muôn người cũng như hãy cầu nguyện cho Gia đình Phúc âm phát triển và sống đẹp ý Chúa.

Theo bài Tin mừng Thánh Matthêu Cha Giuse Đặc trách chia sẻ:

Trước hết,con xin cảm ơn Cha xứ Giuse và Cha Linh hướng đã cho con được cử hành thánh lễ chiều nay để Gia đình Phúc Âm giáo xứ trong ngày lễ kính Quan Thày là các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Trong dòng chảy của Giáo hội Chúa Nhật 33 vừa qua chúng ta đã cử hành lễ mừng kính các Ngài là Tổ tiên cha ông của chúng và ngày 24-11-2018 tới đây là kết thúc Năm Thánh.Trong tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Maria,qua lời bầu cử của các Thánh Tử Đạo.

Giờ đây nhìn lên bàn thờ của Ngài thì tên của các Ngài được ghi bằng chữ vàng ở trên trời và hình ảnh của các Ngài đang sáng chói trên Thiên Đàng.Trong hơn 350 năm kỷ niệm những anh hùng Tử Đạo đã có hơn 130.000 vị anh dũng chịu chết nhưng mới 117 vị được phong Thánh vào ngày 19-06-1988.Làm sao chúng ta không kính phục các Ngài được khi mà trong các Thánh Tử Đạo không chỉ có Giám mục,Linh mục,Thày giảng mà còn có cả các giáo dân và cả phụ nữ nữa !!và không những chỉ có thường dân mà còn có cả Lý trưởng,Thương gia giàu có vv Đặc biệt là Đức Giám Mục Valentine De Berichoa người Tây Ban Nha được gọi là “Giám mục hầm trú” vì Ngài cứ phải trốn tránh từ nhà giáo dân này qua nhà giáo dân khác để làm công tác mục vụ và cuối cùng Ngài đã bị bắt và bị hành hình;hay như Thày giảng Anrê 12 chữ vàng là người ngoại đạo,vì cha mẹ nghèo nên đã đem cho một Thày Giảng nuôi rửa tội cho Ngài và sau Ngài đã trở thành một Thày Giảng lỗi lạc.Rồi những vị như Cha già Bernado Vũ Văn Duệ (Nam Định) là người bà con của Cha cố Đaminh Vũ Nguyên Thiều,Thày giảng Tôma Thiện và trong đó phụ nữ cũng có bà Thánh Ane Lê Thị Thành.

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta kiên quyết yêu mến Chúa và sống Đạo thật tốt, nhất là thời buổi ngày nay vì các Thánh xưa kia đã chịu khổ hình và tra tấn nhưng các Ngài đã xác quyết rằng” Tôi không thể bỏ được Đạo này vì đây là Đạo thật” Chúng tôi cũng không thể bước qua Thánh giá vì đây là Chúa Giêsu, Đấng chúng tôn thờ.”Thế nên”Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?”( Mt 16,24-26)

Mỗi vị Thánh Tử Đạo là một mẫu gương cho chúng ta,và mỗi Hội viên trong gia đình Phúc âm thường xuyên học hỏi Kinh Thánh thì hãy là mẫu gương cho con cái cháu chắt trong gia đình.Bên cạnh đó,là những việc cộng tác với giáo xứ Cha Xứ và quý Cha Phó.Nhất là chúng ta hãy noi gương Bà Thánh Anne Lê Thị Thành vì con gái Bà đã nói” Mẹ tôi dạy tôi con chữ,dạy tôi kinh hạt dạy tôi cầu nguyện và dạy tôi sự can đảm “

Tại Giáo hội miền Bắc,một Đại hội giới trẻ vừa được tổ chức và các Đức Giám Mục đều lên tiếng kêu gọi các Bạn trẻ vào sinh hoạt Ca đoàn,Thiếu nhi Thánh Thể,Giáo lý viên vvv.để Đức Tin của chúng ta qua các đoàn thể sẽ nối tiếp truyền đạt lại cho con cháu chúng ta.Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam gìn giữ và che chở cho chúng ta cách riêng cho Gia đình Phúc Âm Amen.

Trước khi Cha chủ sự an phép lành,Chị Maria Lụa là trưởng ban Điều hành đã thay mặt Hội kính dâng lên Cha Giuse Đặc trách lòng tri ân vì Cha đã không quản ngại đường xá xa xôi đến dâng thánh lễ và cầu nguyện cho Hội,cảm ơn Cha Linh hướng Giuse luôn đồng hành và giúp đỡ Hội trong mọi sinh hoạt.Chị cũng cám ơn Ban Điều hành Gia đình Phúc âm TGP Sài Gòn,Hạt Tân Sơn Nhì đã cùng về hiệp thông thánh lễ,cám ơn ca đoàn Hiệp hội Thánh Mẫu,Ban âm thanh ánh sáng đã hỗ trợ cho buổi lễ hoàn tất.Đại diện Hội đã lên dâng hoa cho 2 Cha.Buổi lễ kết thúc lúc 19g cùng ngày.

Phương Nga
 
Chủng Viện Truyền Giáo Lâm Bích trước 1975, Mong Ước của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.*
Vọng sinh
17:03 23/11/2018
Chủng Viện Truyền Giáo Lâm Bích trước 1975, Mong Ước của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.*

“Lâm Bích”, Một “Rừng Ngọc”! Đó là tên một Chủng Viện do Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận thành lập năm 1969, chỉ 2 năm sau khi Vị Giám Mục trẻ 39 tuổi nhận lãnh trách nhiệm mục tử tại Giáo Phận Nha-Trang.

Đầu tiên đó chỉ là “Văn Phòng Thiên Triệu” trong khuôn viên tòa Giám Mục, thu thập các Chủng sinh tu muộn từ lớp 10, do chính Đức Giám Mục hướng dẫn, dưới sự huấn luyện của Lm Lê Văn Phiến, Giám Đốc Văn Phòng Thiên Triệu. Tính tới đầu năm 1970, sĩ số lên tới 24 người. Từ niên khóa 1970-1971, Đức Cha đổi tên thành “Chủng Viện Truyền Giáo”, và đề bạt Cha Jos. Nguyễn Thế Thoại làm Giám Đốc, vẫn đặt tại Tòa Giám Mục Nha-Trang với biểu tượng “Người đi gieo giống”.

Đức Giám Mục và Lm Giám Đốc đòi hỏi người Chủng Sinh vào đây nhằm mục đích truyền giáo. Do đó phải có một trình độ học vấn và tâm đức cùng nghề nghiệp thích hợp. Vì thế, sau khi hoàn thành tú tài toàn phần, người chủng sinh còn được ở lại Chủng Viện 2 niên khóa nữa để trau dồi thêm sinh ngữ và nhân bản, đồng thời theo học hàm thụ chương trình đại học văn khoa, triết, văn chương, nhân văn hoặc luật khoa của Đại Học Sài Gòn. Trong 1 hoặc 2 năm đi truyền giáo tiếp theo đó cũng được khuyến khích thi thêm các chứng chỉ đại học, hy vọng khi người chủng sinh vào Đại Chủng Viện đã có một nghề và một chứng chỉ cử nhân. Trong những năm tháng còn trong chủng viện Truyền Giáo, người tu sinh cũng được khuyến khích tìm hiểu các phong trào trẻ như Hướng Đạo, Hùng Dũng, Thiếu Nhi Thánh Thể, Đạo Binh Đức Mẹ, Nghĩa Sinh.

Vào năm 1971, để mừng kỷ niệm 300 năm Đức Cha Lambert de la Motte, Vị Giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Đàng Trong, Chủng Viện Truyền Giáo được chính thức đổi thành “Chủng Viện Lâm Bích”. Danh xưng này vừa nhắc nhở Đức Cha Lambert De La Motte, vừa mang ý nghĩa “Một Rừng Ngọc quí, hy vọng của rừng núi bạt ngàn và sông biển bao la của vùng đất Nha trang.” **

1971-1972, Đức Cha Phanxicô Xaviê đã bổ nhiệm Lm Jos. Nguyễn Quang Thạnh làm Giám học và Quản lý bên cạnh Lm Giám đốc.

1974, Lm Nguyễn Thế Thoại được cử đi học tại Roma, Lm Nguyễn Quang Thạnh giữ chức Giám Đốc và Lm F.X.Trần Xuân Thứ phụ trách quản lý.

Chỉ với 6 năm ngắn ngủi, 1969-1975, với tổng số 300 chủng sinh, Lâm-Bích đã rạng rỡ mùa gặt bội thu với 61 Linh mục, 30 linh mục hiện phục vụ tại Giáo Hội Quê Nhà và 31 linh mục đang phục vụ tại hải ngoại, cộng thêm 1 Phó tế vĩnh viễn tại Hoa Kỳ và 1 tu sỹ tại Việt Nam.

Gia Đình Lâm-Bích hôm nay đã hiện diện khắp nơi trên thế giới, từ Á qua u, qua Úc và Mỹ Châu. Sau khi Đức Cha Phanxicô Xaviê được ra khỏi tù, một chủng sinh Lâm-Bích, Anh Nguyễn Đức Hoà, được hạnh phúc vào thăm Đức Cha tại TTGM Hà-Nội. Lời đầu tiên Ông Nội hỏi: “Anh em Lâm Bích các con thế nào rồi?... Cha sẽ lập nên một đại gia đình để chúng con sống trong tinh thần truyền giáo. Ngài nói: Con xem, Lâm-Bích giờ này được mấy chục Linh Mục rồi. Sẽ còn nhiều Linh Mục nữa.” (ĐS 40 Năm Lâm-Bích, trg 8). “Ông Nội”, một từ ngữ đầy yêu thương tôn kính Gia Đình Lâm-Bích gọi Đức Cha. Qua đó chúng ta thấy Đức Cha Phanxicô Xaviê luôn mong ước Lâm-Bích vẫn còn sống mãi và sống sung mãn trên ĐƯỜNG HY VỌNG.

Người con Lâm-Bích luôn cảm nhận được ĐƯỜNG HY VỌNG là những Lời tâm huyết của Người Cha đầy khả ái trao lại cho con. Ngay từ những lời đầu đã thật là thấm thía: “Cha lại đi thêm một quãng đường, Chông gai, mịt mù và vô định…Chúa đã cho Cha những giây phút đẹp nhất…” Những Lời tâm huyết đó đã tưới gội, tô bồi cho đời sống Lâm-Bích, cho các thế hệ con cháu Lâm-Bích tiếp tục bước theo con đường Ông Nội đã đi, chấm từng chấm cho tốt để ĐƯỜNG HY VỌNG mãi nở Hoa Thắm Tươi.

Trong chiều hướng đó, hàng năm Gia Đình Lâm-Bích đã có những Buổi Họp Mặt để cùng nhau ôn lại, học hỏi những giáo huấn, những mong ước của Ông Nội, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, để cùng nâng đỡ nhau Sống Từng Giây Phút Hiện Tại Cho Tốt, vững bước trên ĐƯỜNG HY VỌNG mà Ông Nội đã dẫn bước.

Cuối tháng Mười vừa qua, Gia Đình Lâm-Bích hải ngoại đã họp mặt tại Giáo Xứ Đức Mẹ Sầu Bi, China TX.

Coi Video.

Xem Video

Mỗi người con Lâm-Bích nguyện ghi tâm tạc dạ Niềm Tin Yêu Phó Thác, để từng phút giây mãi vững bước trên ĐƯỜNG HY VỌNG.

Nguyện Xin Thiên Chúa sớm cất nhắc Người Tôi Tớ lên làm Gương Soi cho đời giữa thời đại hôm nay đang cần Niềm Tin vào Thiên Chúa.

Vọng Sinh.

Arlington VA, Nov. 2018

*Theo Tài liệu “Chủng Viện Truyền Giáo Lâm-Bích” của Phó Tế Trần Đình Liệu và Trần Đức Thắng.

**Kỷ Yếu Giáo Phận Nha Trang.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Biểu tượng về Chúa Giêsu Kitô
LM. Daminh Nguyễn Ngọc Long
16:59 23/11/2018
Biểu tượng về Chúa Giêsu Kitô

Người Công Giáo biết tên Chúa Giesu thành Nazareth, nhưng trong thánh đường, hay đó đây lại thấy có những hình ảnh biểu tượng huyền bí nhiệm mầu. Hỏi ra mới rõ đó là chỉ về Chúa Giêsu Kitô.

Đâu là ý nghĩa những biểu tượng đó?

Biểu tượng thường viết vẽ khắc thêu trong thánh đường, nơi chén thánh, , nơi nhà tạm hay nơi áo lễ phụng vụ, nơi trướng cờ hội đoàn Giáo hội với ba chữ viết tắt: IHS

IHS là những chữ viết tắt của câu „ In hoc signo - Nơi dấu chỉ này“. Câu này liên quan đến câu tin tưởng của Hoàng đế Constantino trước trận giao chiến ở cầu Milvischen chống chọi với Maxentius. Năm 312 Hoàng đế trước đó trong một thị kiến đã được nhìn thấy cây thập tự chiếu sáng và nhà vua đã lấy những dòng chữ đó biểu lộ lòng tin can đảm: „ In hoc signo vinces - Nơi dấu chỉ này anh sẽ thắng trận.!“.

Về sau trong dòng thời gian theo nguyên ngữ dân gian những chữ IHS được đọc thành „ Iesus hominum salvator - Chúa Giêsu, vị cứu tinh con người., hay Iesus homo sanctus- Chúa Giêsu, một vị thánh“, hay : Iesus hyos soter, Chúa Giêsu, người con, Đấng cứu thế.“

Vào thuở Giáo hội lúc ban đầu lúc còn bị theo dõi nghi kỵ bắt bớ chữ viết IHS là biểu tượng huyền nhiệm Kito giáo của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, và chữ viết biểu tượng này được khắc viết vẽ trên phần mộ của những người Kitô giáo.

Mẫu tự IHS - mẫu tự Hylạp :IHΣ Iota, Eta, và Sigma - viết tắt từ dòng chữ Hylạp chỉ về tên Chúa Giesu Ι Η Σ Ο Υ Σ, mẫu tự Σ Sigma theo tiếng latinh viết thành S.

Vào thế kỷ 15. Thánh Bernhardin thành Siene rao giảng kêu gọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô tôn kính tên Chúa Giêsu Kitô và viết, vẽ hay khắc ghi biểu tượng IHS nơi cửa nhà của mình để biểu lộ lòng tin kính.

Một thế kỷ sau đó, thế kỷ 16. Thánh Ignatio thành Loyola đã lấy biểu tượng IHS làm dấu hiệu biểu tượng Logo cho Dòng tên Chúa Giêsu, mà Thánh nhân thành lập trong Giáo hội, và IHS được đọc thành Iesum habemus socium - Chúng ta có Chúa Giêsu cùng đồng hành, hay „Iesu humilis societas - Cộng đòan nhỏ ( khiêm hạ) của Chúa Giêsu.“.

Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxico đã lấy những biểu tượng IHS trên dấu hiệu giáo hoàng của mình.

Ngoài chữ biểu tượng IHS người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày xưa còn dùng biểu tượng hình con Cá để chì về Chúa Giêsu nữa.

Theo tiếng Hylạp con Cá : ΙΧΘΥΣ , tiếng latinh: ICHTHYS là hình ảnh dấu chỉ về Bí tích Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô đã làm phép lạ biến hoá năm chiếc bánh và hai con cá thành lương thực nuôi hàng ngàn người ăn no đủ khi họ kéo đến nghe Người giảng dậy ngày xưa ờ bên bờ hồ Galileo nước Do Thái ( Ga 6,1-15). Đây là hình ảnh dấu chỉ về Bí tích Mình Thánh mà Chúa Giêsu thiết lập trước khi chịu khổ hình chết sau này. Và Chúa Giêsu củng đã nhấn mạnh“ Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống: ( Ga 6,51).

Hình ảnh con cá giữ vai trò ý nghĩ khi Chúa Giêsu kêu gọi Thánh Phero làm tông đồ tiên khởi. Ông Phero là người làm nghề chài lưới đánh bắt cá ngoài biển hồ, và Chúa Giêsu nói với Ông:“ Con đừng sợ, từ bây giờ con thành người đi rao giảng tin mừng cho con người, giống như người ngư phủ đánh bắt cá. ( Lc 5,10).

Hình ảnh biểu tượng con cá ẩn chứa lòng tuyên tín về Chúa Giesu Kitô. Công thức ICHTHYS: I(esous) Ch(ristus) Th(eou) Hy(ios) S(oter): Chúa Giesu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng cứu tinh nói lên ý nghĩa này.

Giáo phụ Tertuliano cũng nói đến Chúa Giêsu Kitô như là một con cá, và những người tín Chúa Kitô như là những con cá nhỏ, Vì qua làn nước bí tích rửa tội đã sinh thành con cá.

Một biểu tượng nữa chỉ về Chúa Giesu Kitô: ☧ của hai mẫu tự Hylạp X(chi) và P( Rho), hay cũng được gọi là thập gía hoàng đế Constantino.

Biểu tượng Chi-Rho: Χριστός, Christós (Christus) sau cây thập gía Chúa Giêsu Kitô và hình con cá là biểu tượng được dùng nhiều để chỉ về Chúa Kitô.

Trên cây thập gía Chúa Giesu Kitô có bảng viết những chữ INRI. Dòng chữ này do quan tổng trấn Pilatus truyền viết là bản án Chúa Giêsu Kitô và đóng vào đầu cây thập gía đóng đinh Chúa Giêsu năm 33. .

Những mẫu tự thời danh này viết tắt của dòng chữ: „ Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum - Giesu thành Nazareth., vua dân Do Thái.“ ( Phúc âm Thánh Gioan 19,19).

Những mẫu tự hình ảnh biểu tượng trên đây ẩn chứa mầu nhiệm nói chỉ về Chúa Giêsu Kitô.

Và những mẫu tự hình ảnh đó cũng diễn tả nói lên lòng tin của người tín hữu Chúa Giêsu Kitô vào Chúa Giesu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, vị Cứu tinh và là vị Vua tình yêu của con người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Trẻ Thơ
Tấn Đạt
09:18 23/11/2018
NỤ CƯỚI TRẺ THƠ
Ảnh của Tấn Đạt
Không chi quý giá so vừa
Niềm vui hạnh phúc nụ cười trẻ thơ.
(nđc phóng ngữ)

There's nothing as beautiful
as the happiness of a child
(Anonymous)