Ngày 20-11-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoàng tộc
Lm Vũđình Tường
03:08 20/11/2009
Kitô hữu được mời gọi trở thành dân riêng, dân chuyên lo tế tự, hoàng tộc của Đức Kitô. Chính Đức Kitô mời gọi và nâng địa vị chúng ta nên hàng con cái Chúa. Trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, linh mục vừa xức dầu- cho em bé hay người dự tòng- vừa đọc lời nguyện sau

Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã tái sinh con bởi nước và Thánh Thần, và đã giải thoát con khỏi tội lỗi. Chính Ngài xức dầu cứu rỗi cho con để sau khi nhập đoàn với dân Ngài, con luôn mãi là chi thể của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và làm vương đế cho đến cõi sống muôn đời.

Ba nhiệm vụ thánh

Lời nguyện xức dầu Thiên Chúa trao ban cho Kitô hữu ba nhiệm vụ thánh.

Thứ nhất là chức Tư Tế

Thứ hai là chức Tiên Tri

Thứ ba là chức Vương Đế

Cả ba chức vị này được trao cho trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Cuộc sống chứng nhân Kitô hữu cần chu toàn cả ba chức vụ suốt cuộc lữ hành trần thế.

Chức vụ luôn đi chung với nhiệm vụ. Có chức vụ, không nhiệm vụ là trường hợp dành riêng cho kẻ mua quan, bán tước. Thực hành chức vụ tư tế chính là thực hành đời sống cầu nguyện, không phải một lần mà nhiều lần, mọi ngày trong đời. Cầu nguyện riêng, cá nhân, cộng thêm trách nhiệm cầu nguyện chung. Cầu nguyện với và cho Giáo Hội Chúa và toàn thể nhân loại. Cầu nguyện bao gồm cả việc thinh lặng lắng nghe tiếng Chúa thủ thỉ trong tâm hồn.

Chức vụ tiên tri là lắng nghe và rao giảng Lời Chúa. Thực hành nhiệm vụ tiên tri là sống đời gương mẫu thánh thiện, không phải riêng cho cá nhân mà sống cho tha nhân. Tiên tri tiên đoán về tai ương, đại nạn xảy đến nơi nào tự nguyện sống theo xác thịt, chống lại Thần Khí. Tuy nhiên biết lắng nghe, thống hối ăn năn, tránh dữ, làm lành, họa chuyển thành phước và hưởng ơn cứu độ. Trái lại đưa ra lời khuyên sai trái, gây chia rẽ, bất công là phản lại ơn gọi làm tiên tri khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Lời nguyện trên tai và môi miệng ứng sinh lãnh nhận bí tích rửa tội, linh mục cầu:

Xin Chúa thánh hoá tai con để con sớm nghe Lời Chúa và thánh hoá môi miệng con để con sớm rao giảng Lời của Đức Kitô Chúa chúng ta.

Chức vụ vương đế thể hiện qua dấu chỉ chiếc áo trắng trao ban trong ngày thanh tẩy. Linh mục đọc lời nguyện trên chiếc áo

….. Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô, chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.

Chiếc áo trắng tinh tuyền, hình ảnh Đức Kitô Phục Sinh, chiến thắng sự chết, tử thần. Chiến thắng Đức Kitô đạt được xác định vương quyền Thiên Chúa không phải chỉ trên tạo vật và trên cả sự chết. Thần chết không còn tác oai, tác quái nhưng bị tiêu diệt vĩnh viễn. Kitô hữu nhận chiếc áo trắng, tước vị vương đế Chúa ban. Nhiệm vụ vương đế chính là bảo vệ chiếc áo trắng tinh tuyền. Bảo vệ chiếc áo nhờ tinh thần quyết tâm theo đuổi đời sống thánh thiện, bác ái, yêu thương. Không ham muốn sống theo ý riêng mà quyết tâm sống theo ý Chúa. Thực thi ý Chúa trong mọi tình huống, triệt tiêu ý riêng, xa lánh dục vọng, tránh tứ đổ tường. Điều này thực hiện được nhờ vào ân sủng, sức mạnh Chúa ban, nhờ vào trợ lực của thân nhân chỉ bảo và nhờ học hỏi, bắt chước gương lành các thánh để lại giúp ta làm tròn nhiệm vụ vương đế.

Xét thế cả ba nhiệm vụ: tư tế, tiên tri và vương đế đều là những trách nhiệm vừa liên quan đến hạnh phúc cá nhân vừa liên quan đến phúc lợi của cộng đồng nhân loại.

Nước Chúa

Lời nguyện tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua nói rõ về nước Thiên Chúa.

Cha đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, làm linh mục đời đời và làm Vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, Người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Cha là Đấng uy linh cao cả, một vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lí và bình an.

Vương quốc Chúa đầy tràn sự thật, sự sống, ân sủng, thánh thiện, tình thương, công lí và bình an. Chính những ân sủng này giúp cho công dân nước trời luôn no thoả, an bình, không còn thèm khát, ước ao vì đang sống cuộc sống đầy tràn tình thương.

Ý Chúa Cha

Đức Kitô đến để làm theo ý Chúa Cha. Ý Chúa Cha thể hiện qua ba nhiệm vụ thánh: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế. Trước khi về trời Đức Kitô trao lại ba nhiệm vụ trên vào trong tay các tông đồ và các kẻ tin theo Ngài. Kitô hữu không sống làm việc riêng cho mình mà sống theo thánh ý Chúa. Thánh Phaolô trong thư gởi Roma 14,7 xác tín

Chúng ta sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa.

Kitô hữu được mời gọi làm cùng một công việc mà chính Đức Kitô, thời tại thế, đã làm. Có nghĩa là chúng ta được mời gọi tham dự vào đời sống của chính Chúa, sinh hoạt của chính Chúa để trở nên giống Chúa hơn. Mừng lễ Kitô Vua chính là mừng ngày Chúa tin tưởng, trao ban công việc của Con Chúa vào tay người Kitô hữu để chúng ta chia sẻ đời sống của Chúa ngay tại trần gian.
 
Lễ Chúa Kitô Vua
Đinh lập Liễm
08:39 20/11/2009
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA

+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng kết thúc năm Phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Điều đó nói lên rằng, Đức Giêsu Kitô, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Chúa Cha trao phó, được Chúa Cha trao quyền cai trị muôn loài trên trời dưới đất và sẽ kết thúc lịch sử loài người trong vinh quang để mọi sự sẽ được “restaurare in Christo”.

Trong suốt quãng đường đi truyền giáo, Đức Giêsu chỉ đi rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho người ta. Chưa bao giờ Đức Giêsu dám nhận mình là vua, mặc dầu dân chúng hồ hởi tôn vinh Ngài. Nhưng về cuối đời, trong cuộc thương khó, Ngài đã công khai xác nhận vương quyền của Ngài trước mặt quan Philatô:”Ngài nói đúng, Tôi là vua”(Ga 18,37), nhưng để tránh ngộ nhận, Ngài nói thêm:”Nhưng nước tôi không thuộc thế gian này”(Ga 18,36).

Vậy nếu Đức Giêsu không có lấy một tấc đất để cắm dùi thì nước của Ngài ở đâu ? Thần dân của Ngài là ai ? Vương quyền này được thiết lập và thực hiện bằng những phương tiện nào ?

Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô, chúng ta có nhiệm vụ phải bảo vệ và làm cho vương quyền của Ngài được mở rộng để tất cả mọi nguời nhận biết Đức Giêsu là vua vũ trụ và hết lòng tin theo Ngài.

B.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Đn 7,13-14

Vào thế kỷ thứ 2, đức tin bị đe dọa trầm trọng. Tác giả Sách Thánh muốn khích lệ các người đồng hương của mình vững chí trong cơn thử thách, thì trong một thị kiến, Đaniel nhìn ngắm bốn Con Thú tượng trưng từ biển nhô lên và cập vào đất liền: chúng biểu thị những vương quốc đã liên tiếp nhau đe dọa Israel. Chính lúc đó xuất hiện một khuôn mặt bí ẩn, được mô tả như một Con Người. Lúc đó Đấng Lão thành (tức Thiên Chúa) cũng hiện ra và trao cho Con Người quyền thống trị tất cả loài nguời và thiết lập một vương quyền vĩnh cửu và phổ quát.

Nhân vật Con Người ấy chính là hình ảnh tiên báo Đấng Messia. Và Đức Giêsu chính là Đấng Messia hoàn thành lời tiên tri ấy.

+ Bài đọc 2: Kh 1,5-8

Đoạn sách Khải huyền này cũng mô tả Đức Giêsu là Vua. Ngài đã yêu thương chúng ta, đã lấy máu mình mà rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Được phục sinh vì đã làm chứng cho đến chết chương trình của Chúa Cha, Đức Kitô đã trở nên “Thủ lãnh các vương đế trần gian”, nhận đuợc mọi quyền năng để dẫn dắt lịch sử nhân loại. Ngài làm cho chúng ta trở thành vương quốc của Ngài. Vương quốc này chưa hoàn tất. Nhưng vào thời sau hết, Đức Kitô sẽ hiển trị trong uy quyền, thắng vượt sự dữ và lầm lạc. Ngài là vua hoàn vũ và vĩnh cửu.

+ Bài Tin mừng: Ga 18,33b-37

Từ truớc tới nay, Đức Giêsu chỉ đi rao giảng Tin nừng về Nước Thiên Chúa, chữa lành mọi tật nguyền cho người ta. Không bao giờ Ngài tự xưng là vua. Ngài còn trốn tránh khi dân chúng tung hô Ngài là vua. Không bao giờ Ngài làm điều gì tỏ ra cạnh tranh với nhà cầm quyền.

Bị người Do thái tố cáo trước nhà cầm quyền là Ngài muốn làm vua. Philatô hỏi Đức Giêsu:”Vậy ông là vua ư”? Nhân dịp này, Đức Giêsu vừa đáp vừa giải thích cho ông Philatô:

- Ngài là vua thật, đúng như lời ông nói.

- Nước Ngài không thuộc thế gian này.

- Nước Ngài không giống như nước trần gian, không cạnh tranh với quyền lực nào.

- Nước Ngài là vương quốc sự thật: sự thật về Thiên Chúa, sự thật về con người, sự thật về mọi loài thọ tạo.

- Ngài đến làm chứng cho sự thật. Ai yêu sự thật thì thuộc về vương quốc Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tin theo Đức Kitô Vua

I. LỊCH SỬ LỄ CHÚA KITÔ VUA

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: ”Homo homini lupus”: con người là lang sói của con ngươi. Con người đã trở nên một thú dữ hay tấn công, cắn xé và giết chóc. Lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp. Hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai đã cướp đi sinh mạng của gần 50 triệu người, không kể những người bị thương, mất tài sản và thiệt hại vật chất khôn lường.

Cho nên ngày 12.11.1927, Đức Giáo hoàng Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu cho loài người thôi đừng buông theo thú tính mà cắn xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà gây chiến với nhau.

Đàng khác, thế giới đang dần rời bỏ Chúa, muốn khai trừ Chúa ra khỏi các tâm hồn, các gia đình, các xã hội, thế giới muốn xây xã hội trên nền tảng thuần túy nhân loại. Trong trường hợp đó, Đức Giáo hoàng muốn công bố những quyền bất khả xâm phạm của Chúa Kitô: Ngài là vua vũ trụ, vua các thiên thần và loài người.

Ngoài ra, Đức Giáo hoàng cũng nghĩ rằng cần phải phản ứng lại mấy sự lệch lạc trong quan niệm đạo đức tân thời phát sinh ngay trong Công giáo tiến hành ở một số nơi. Người ta đang có khuynh hướng nhìn nơi Đức Giêsu chỉ là người Anh Cả, người bạn và đối xử với Chúa bằng vai,…là bạn đường, bạn làm việc… Lễ Chúa Kitô Vua nhắc cho người ta rằng: Đức Giêsu còn là Đấng Toàn Năng, Đấng vô cùng vô biên, Vua các vua. Ngài còn là Đấng Hữu, ta có là nhờ Ngài, và bổn phận chính yếu nhất là Thờ Lạy Ngài (Trần văn Khả).

II. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA

1. Đức Giêsu khẳng định

Trước toà án, Philatô hỏi Đức Giêsu: ”Ông có phải là vua dân Do thái không”? Đức Giêsu có thể trả lời là có hay không, tùy theo ý của người hỏi.

Nếu người Do thái hỏi Ngài câu ấy, thì câu ấy có nghĩa là: ông có phải là Đấng Messia không ? Nhưng khi Philatô hỏi thì câu ấy có ý nghĩa là: ông có phải là kẻ cầm đầu xúi giục dân Do thái phản loạn không ? Theo não trạng của người Do thái, thì Đấng Messia, vị cứu tinh của dân tộc ắt phải là một thủ lãnh của đoàn quân nổi loạn chống lại Rôma để giải phóng dân Do thái khỏi ách thống trị của đế quốc. Nếu Ngài là người nổi loạn chống lại Rôma, thì dân Do thái sẽ theo Ngài. Nhưng họ thấy Ngài không phải là người nổi loạn như ý muốn của họ, mà lại có những ý tưởng lạ đời đi ngược lại tư tưởng truyền thống của chính tôn giáo của họ, nên họ muốn tiêu diệt Ngài. Để làm điều ấy, họ chụp mũ Ngài là người phản loạn, chống lại Rôma.

Nhưng Philatô nhận ra ngay là: nếu Đức Giêsu là kẻ đứng về phía người Do thái để chống lại Rôma, thì họ đã chẳng nộp Ngài cho ông. Vì thế, câu ông hỏi Đức Giêsu chỉ hỏi cho có lệ, chứ ông đã biết Ngài vô tội, và chỉ vì ghen ghét mà dân chúng nộp Ngài cho ông. Nhưng cũng chính nhờ ông ta hỏi điều ấy mà chúng ta được mạc khải một chân lý quan trọng: Đức Giêsu chính là Vua như Ngài đã xác nhận: ”Tôi được sinh ra là để làm vua”.

Tuy Đức Giêsu xác định Ngài là vua, nhưng với tước hiệu là vua mà Philatô đang muốn điều tra, ít nhất có ba cách làm “Vua”:

a) Vua theo nghĩa chính trị, theo kiểu Rôma: người ta thống trị kẻ khác bằng nô lệ hoá họ: ”Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”(Trịnh công Sơn).

b) Vua theo nghĩa Thiên sai, theo kiểu mong đợi của người Do thái: một người thuộc dòng dõi vua Đavít chính thức lên ngôi, và chiến thắng kẻ thù của Israel, của Chúa bằng cách đè bẹp chúng.

c) Sau hết, Vua theo cách của Đức Giêsu: một vương quyền huyền bí, không ép buộc ai, không đè bẹp ai như “bạn có muốn theo tôi không”, “Các bạn cũng muốn bỏ đi sao” ? Một vương quyền mà lại để “Vua” bị giao nộp cho kẻ thù mà không chống cự, một tổng thống mà không có “vệ binh” để bảo vệ mình, không cận vệ để bao bọc trước đám dông (Noel Quesson).

2.Vương quốc của Đức Giêsu

a) Nước Ngài không thuộc thế gian này

Khi Philatô hỏi Đức Giêsu:”Ông có phải là vua dân Do thái không”? Đức Giêsu trả lời:”Tôi là vua, nhưng không phải của nguời Do thái như ông hiểu vì nước tôi không thuộc thế gian này”(x. Ga 18,33-36).

Nếu Đức Giêsu không phải là một vua của một nước trần gian, thì nước của Ngài ở đâu ? Ngài là vua của ai ?

Làm vua có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải có đất đai, lãnh thổ, có quân đội, triều đình… mới là vua. Người ta vẫn nói:”vua dầu lửa”, “vua xe hơi”, “vua bóng đá”,v.v… mặc dầu những ông vua này không có quân đội, không cai trị ai. Đức Giêsu không những làm vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chính thức của từ “vua”.

Ngài là vua, vua của cả vũ trụ, của cả trần gian, của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Thánh Kinh viết:”Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành”(Ga 1,3; x. 1,10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung thẩm, chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị vua (Mt 25,34).

Thế gian này có nhiều nước, mỗi nuớc có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa.

Truyện: Nước Ta chỉ có trên thế gian này.

Ông SELMA LAGERLOP có viết một câu truyện như sau: Ở thành La mã, trong một đền thờ dâng kính Đức Mẹ, gần đồi Capitole, có một tượng Chúa Hài đồng rất đẹp. Chung quanh vòng hào quang có khắc câu Phúc âm rằng:”NƯỚC TA CHẲNG CÓ TRÊN THẾ GIAN NÀY”(GA 18,38).

Một hôm, một phụ nữ thượng lưu, người Anh, tới viếng đền thờ, và tượng Chúa Hài đồng đã lọt mắt bà. Bà liền nài nẵng chuộc cho kỳ được. Khổ thay ! Không ai đồng ý cả. Bà ta mới thuê thợ gọt một tượng khác, giống y như tượng Chúa Hài đồng bà đã trông thấy. Rồi một hôm dùng thủ đoạn, đem đổi lấy tượng thật.

Nhưng không biết là vô tình hay hữu ý, thay vì viết vào vòng hào quang rằng “Nước Ta chẳng có trên thế gian này”, thì bác thợ kia lại viết: ”Nước Ta chỉ có trên trần gian này”.

Ít lâu sau, không hiểu tại sao, tượng thật Chúa Hài đồng bỏ lâu đài của chủ mới, trở về đền thờ cũ lại như xưa.

Mưu mô bại lộ ra. Người coi đền thờ liền đem tượng giả ném xuống chân đồi Capitole. Người phụ nữ kia, buồn tiếc, đi tìm, gặp được và trở về nước với pho tượng giả, còn nguyên vẹn với vòng hào quang ngạo mạn kia.

Từ ấy, tượng giả cứ chuyền tay nhau, người này sang người khác, hết thành nọ đến thành kia…

Một hôm tượng ấy tới thành Paris. Quân Cách mạng mới đem đi biểu diễn qua các đại lộ, và hiệu triệu dân chúng rằng:”Nước Ta chỉ có trên thế gian này. Hãy mau mau phân chia tài sản cho nhau, để mọi người được bình đẳng vui sống. Nước Ta chỉ có trên thế gian này. Chết là sự đổ vỡ vô phương cứu vãn” !(Vũ minh Nghiễm, Vươn, 1966, tr 54-55).

b) Vương quốc của sự thật.

Philatô hỏi Ngài: ”Thế thì ông là vua sao” ? Ngài đáp ngay:”Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”(Ga 18,37).

Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của vua César. Nước của César chỉ cai trị thể xác của loài người, còn vương quốc của Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của César là binh đội, khí giới, thành trì, nhưng sức mạnh của vương quốc của Chúa là những nguyên tắc, tình cảm và tư tưởng. Công dân của đế quốc César chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản vật chất, nhưng phước hạnh trong Nước Chúa là an lạc và vui mừng trong Thánh Thần”(x. Rm 14,17). Dù là rộng lớn, đế quốc Rôma cũng bị giới hạn, nhưng vương quốc của Chúa vô biên và được quyền thiết lập tại mọi nơi. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Rôma rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc Sự Thật sẽ tồn tại muôn đời.

c) Vương quốc tình yêu.

Vương quốc của vua Giêsu là vương quốc của Tình yêu: ”Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”(Mc 10,45). Đức Kitô là vua, nhưng Ngài khác với những vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương mọi nguời, mọi con dân của Ngài như một mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của con chiên (x. Ga 10,11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh trên thập giá một cách khổ nhục để cứu nhân loại, là con dân được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai trị.

d) Vương quốc của phục vụ.

Mừng lề Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền lực, nhưng dựa trên tình yêu thương, phục vụ. Một vị vua không có lãnh thổ, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Một vị vua chỉ biết dấn thân phục vụ.

Truyện: Hoàng tử Alexis.

Truyện cổ Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ, hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ. Thế nhưng, Alexis rất hiểu nỗi cơ cực của thần dân và cảm thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày một ít thời giờ để thăm họ. Nhưng, dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn không thu phục được lòng yêu mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn rười rượi.

Ngày kia, có một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn mặc đơn sơ, anh tự xưng là Bác sĩ, anh săn sóc những người già cả, bệnh tật. Đặc biệt Bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho thần dân.

Bác sĩ ấy trở thành người của xóm nghèo, được mọi nguời yêu mến kính phục. Ngày ngày, anh dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hoà giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống đúng với phẩm giá con nguời.

Bác sĩ trẻ đó chính là Hoàng tử Alexis, người đã bỏ cung điện giầu sang đến sống với thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của họ, để yêu thương săn sóc và phục vụ họ.

Đức Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền. Ngài đã trở nên giống chúng ta, để yêu thương phục vụ chúng ta. Ngài đã phán:”Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc cho nhiều người”.

3. Chỉ có Đức Giêsu là Vua.

a) Tuy trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã chính thức tuyên bố và xác nhận Ngài là vua, nhưng thực sự danh hiệu Vua ấy đã được tiên báo như tiên tri Daniel đã nhìn thấy “như là Con Người đến trong đám mây trời… quyền năng vĩnh cửu”(Dn 7,13; và Gioan, cụ già trên đảo Patmos đã được thị kiến: ”Đấng là Alpha và Omêga là nguyên thủy, là cùng tận, Đấng đang có, đã có và sẽ đến, Đấng là Thiên Chúa”(Kh 1,8). Ngài làm cho chúng thành một vương quốc tư tế, để phụng sự Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa và là Cha của Ngài”.

b) Nhìn ra vua sự thật, vua tình thương, anh trộm lành đã nói: ”Ông này có làm điều gì sai trái đâu” ? Và anh đã cầu nguyện với Ngài:”Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Anh chỉ dám xin nhớ, không dám xin cứu, không dám được xin vào nước Ngài vì anh thấy mình quá bất xứng, quá tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu thấy lòng thông cảm khiêm nhường của anh, Ngài đã dịu dàng nói với anh:”Tôi nói thật hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên nước thiên đàng”(Lc 23,41-42).

c) Cái lý do khiến Đức Giêsu làm vua đã được thánh Phaolô nói rất xác đáng trong đoạn

văn gủi cho tín hữu Côlôssê:”

“Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thụ sinh. Vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên toà, hay thiên chủ, dù là thiên phủ hay uy linh: mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài ! Và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đếu tồn tại trong Ngài. Và Ngài là đầu của thân mình, tức là Hội thánh, Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song ! Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả Viên mãn đậu tại trong Ngài và đã giảng hoà cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ nơi thập giá của Ngài cho mọi vật dù ở dưới đất hay trên trời”(Cl 1,15-20).

Truyện: Chỉ có Chúa là Vua

Lịch sử nước Anh có kể rằng hồi ấy, nước Anh có một ông vua đạo đức tên là Cannut III. Ông là vua của một cường quốc, nên chung quanh ông hay có những quan nịnh thần ton hót. Một hôm trong một buổi triều yết, các nịnh thần tâu:”Thánh Thượng” là vua trên hết các vua, là chúa trên các chúa, có quyền trên mặt đất và biển cả. Nghe vậy nhà vua muốn cho họ một bài học, liền mời tất cả đi ra bờ biển. Đứng trước đại dương, ông tuyên bố:”Ta là vua trên hết các vua, có quyền trên đất liền và trên biển cả. Vậy ta truyền cho sóng biển không được trở tới”. Nhưng nước vẫn dâng lên, sóng vẫn trở tới làm ướt hết áo cẩm bào của vua cũng như triều thần. Nhà vua đi vào trong một thánh đuờng đến trước tượng chuộc tội, lấy chiếc vương miện đội trên đầu Chúa và nói:”Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa”.

(Hồng Phúc, Suy niệm Lời Chúa năm B, tr 169).

III. HÃY TIN THEO ĐỨC KITÔ VUA.

1. Không đuợc bắt cá hai tay.

Câu tục ngữ này có ý nói: hai tay đều thò xuống bắt cá, không phải là hai tay định bắt một mà mỗi tay bắt một con cá. Câu này thường để chỉ người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc này thì còn việc kia. Vì thế người ta nói:

Thôi đừng bắt cá hai tay,

Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn.

(Ca dao)

Trong việc tin theo Chúa, Đức Giêsu đã khẳng định”Không ai có thể làm tôi hai chủ vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc gắn bó chủ này mà khinh chủ nọ. Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa tiền tài”(Mt 6,24; Lc 16,13). Chúng ta phải dứt khoát trên đường theo Chúa, không thể trung lập được, hoặc chọn Thiên Chúa, hoặc chọn thần Mammon, nếu không thì sẽ mất cả chì lẫn chài. Người xưa đã nói: ”Trung thần bất sự nhị quân”: tôi trung không thể thờ hai vua, vì trong thực tế, câu ngạn ngữ này lúc nào cũng đúng: ”Thiên vô nhị nhật, dân vô nhị vương”.

Truyện: Đức Hồng y Deschamps

Hồng y Deschamps, Tổng giám mục Mailines, khi còn là thanh niên, đã có ý muốn học hành thật giỏi để đạt được một địa vị cao trong hàng ngũ các quan chức triều đình. Một hôm, Deschamps đã được chứng kiến lễ đăng quang lên ngôi vua cách long trọng của nhà vua Bỉ. Từ cửa sổ của một nhà cao tầng, Deschamps chăm chú theo dõi diễn tiến của buổi lễ từ đầu đến cuối. Có thể nói đấy là một buổi lễ hội vừa tưng bừng náo nhiệt với cờ xí và biểu ngữ rợp trời, và tiếng trống dồn dập và tiếng kèn đồng thổi lên inh ỏi với hàng vạn người đến tham dự.

Trọng tâm buổi lễ là nghi thức tấn phong hoàng thái tử lên ngai vàng kế vị vua cha mới băng hà, với việc đội vương miện và nhận phủ việt. Buổi lễ kết thúc bằng một cuộc diễn hành của hoàng gia cùng với đoàn tùy tùng. Đoàn rước đi theo hàng đôi kéo dài cả cây số. Sau khi cuộc lễ kết thúc, quảng trường trở lại bầu khí bình lặng như mọi khi. Deschamps tự nhủ mình rằng:”Thế là một ông vua đã qua đi”. Rồi được ơn Chúa kêu gọi. Deschamps đã suy nghĩ nhiều ngày sau đó và cuối cùng đã quyết định như sau: ”Tôi không muốn phục vụ cho ông vua sẽ qua đi. Tôi muốn phục vụ ông vua tồn tại mãi mãi là Vua Giêsu”.

Deschamps đã dứt khoát từ bỏ giấc mơ danh vọng chức quyền thế gian như trước đây anh mơ tưởng, để xin gia nhập vào một dòng khổ tu và khoác vào mình chiếc áo tu sĩ. Sau một thời gian tu học, thầy Deschamps đã đuợc thụ phong Linh mục, rồi sau đó được tấn phong Giám mục và cuối cùng được phong tước vị Hồng y Giáo chủ, trở thành niên tưởng của hàng Giám mục Bỉ.

2. Làm gì để xây dựng Nước Chúa.

Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta đã được trở thành công dân Nước Trời, chúng ta được ở trong một Vương quốc: “Vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”(Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua). Đức Kitô cai trị trên những ai chấp nhận chân lý Ngài mạc khải cho: tình yêu của Chúa Cha. Ngài làm người để chiếu toả tình yêu ấy, để con người có thể nhận ra và tiếp nhận, và như thế những ai nhận biết vương quốc và vương quyền của Đức Kitô thì thần phục Ngài là Vua vũ trụ muôn đời.

Khi chịu phép Rửa tội, các tín hữu đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Chúa Kitô không còn đi đó đây trên mặt đất để dạy dỗ và chữa lành dân chúng như Ngài đã từng làm nữa, Ngài chỉ có thể làm được điều đó thông qua thân thể mầu nhiệm của Ngài. Chúng ta là tay, là chân, là miệng lưỡi, là trái tim của Ngài. Nói khác đi, vương quốc Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thiết lập khi Ngài còn ở duơng trần này sẽ phải được chính chúng ta bổ túc bằng cuộc sống trần gian của chúng ta. Điều cốt yếu là chúng ta phải theo những giá trị mà Tin mừng Chúa đã đề ra: sống theo lương tâm ngay chính, sống hoà thuận, thương yêu, làm những việc lành… Càng có thêm người sống như thế thì Nước Chúa càng mở rộng; và khi nào tất cả loài người biết sống như thế thì Nước Chúa đã trị đến. Và khi đó là thời thái bình, hạnh phúc.

Truyện: Pho tượng Chúa Giêsu Vua.

Trên đỉnh ngọn núi Corovado ở Nam Mỹ, người ta đã dựng một pho tượng Chúa Giêsu vua. Ở xa trông lại, du khách trông như pho tượng chạm trời, vì tượng cao hơn 30 mét. Đứng sừng sững, bao quát cả một vùng bát ngát mênh mông, pho tượng đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho kinh thành Rio de Janeiro, thủ đô nước Brasil.

Bạn thử nghĩ biết bao công phu mới dựng được pho tượng ấy ! Chuyên chở vật liệu từ chân lên đỉnh núi, sườn núi lởm chởm. Nhưng người ta chưa thỏa mãn. Trong không trung đã có tượng Chúa Giêsu Vua, người ta còn muốn dựng một pho tượng ở đáy biển để chứng tỏ vương quyền khắp nơi của Chúa Giêsu

Tạo hóa hình như cũng chiều lòng người đã dành cho họ một nơi đẹp đẽ để thực hiện ý tưởng cao qúi ấy. Ở biển Italia, không xa Napoli, làn nước trong xanh, lăn tăn gợn sóng, chính chỗ đáy biển ấy người ta đã chọn để dựng tượng Chúa Giêsu Vua. Biết bao công lao.

Có những tầu đánh cá nối đuôi nhau ra đó để tung hoa chào mừng Chúa. Còn những tầu ngầm cũng lượn quanh viếng thăm Chuá. Tuy nước trong đẹp nhưng rêu xanh thường rủ nhau đến bám tượng đá. Nên hằng năm người ta phải tổ chức một cuộc cạo rêu và tắm rửa cho tượng.

(Ngọc Miện, Phút chiều tà, 1957, tr 83)

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
 
Lễ Chúa Kitô Vua
Jos. Tú Nạc,NMS
09:57 20/11/2009
Chúa Ki-tô Vua – Năm B (Daniel 7: 13-14; Psalm 93; Revelation 1: 5-8; John 18: 33-37)

Những ước mơ và ảo tưởng là lương thực của các dân tộc bị áp bức và tuyệt vọng. Sách Daniel đã được viết trong giai đoạn đau buồn và bách hại đến cùng cực. Tôn giáo và văn hóa Do Thái lâm vào tình trạng khống chế và nhiều suy tư đã giằng co với những câu hỏi về việc cai trị thế giới thuộc về ai, Thiên Chúa của dân Israel hay những bạo chúa của những quốc gia lân cận.

Mơ tưởng của nhà tiên tri là một con người thuộc hình ảnh giống như người được tiên nghiệm, người là sứ giả của Thiên Chúa. Nhiều nhà thông thái tin rằng đó là đại diện Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e, mặc dù vào những thế kỷ sau đó những người viết Tin Mừng sẽ thay đổi tầm nhìn và sử dụng nó để khắc họa chân dung sự trở lại của Đức Ki-tô lên ngôi đắc thắng vào thời điểm cuối cùng. Mục đích của ước mơ thật rõ ràng: mặc dù những lực lượng tội ác và áp bức mãnh liệt nào cũng ra vẻ, sức mạnh của chúng là hão huyền và nhất thời. Những bạo chúa và những vụ sát nhân có thể làm cho cuộc sống như hảo ngục cho người khác trong một khoảng thời gian nhưng cuối cùng tất cả chúng bị nghiền nát thành tro bụi và duy nhất được ghi nhớ với sự sợ hãi và kinh tởm. Trái đất này cùng những dân tộc tồn tại trên nó đều thuộc về Thiên Chúa và tất cả những người cầm quyền thuộc trái đất – bất chấp sự tin tưởng và tôn giáo của họ - phải trả lời những tiêu chuẩn thiêng liêng của công lý, từ tâm và lòng trắc ẩn.

Nhiều “chủ thuyết” nó ám ảnh chúng ta – chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa biệt đãi khách hàng, chủ nghĩa yêu nước mù quáng đa dạng và một loạt những ý thức hệ khác – tất cả đã tước đoạt hạnh phúc và sự thịnh vượng của chúng ta mà lẽ nó phải là kết quả từ một thế giới hiệp nhất theo đuổi hòa bình và công lý. Mọi yêu cầu đối với quyền lực cuối cùng phải thực hiện theo đường lối trước quyền lực cai trị của Thiên Chúa.

Sách Khải Huyền cũng trình bày lại dưới một hình thức mới hình ảnh từ sách Daniel vì nó miêu tả sự trở lại của Đấng Cứu Thế đã được đả thông. Ngoài ra, tràn đầy quyền lực tối cao một mình Người vì người tập trung nhân loại thuộc về một vương quốc hoan hỉ phục vụ Thiên Chúa. Sự Khởi Đầu và Cuối Cùng và “đầu tiên từ cõi chết” là những biểu tượng miêu tả người mà đã hoàn thiện chuyến hành trình nhân loại tới Thiên Chúa bằng cách hòa nhập Bản Thân Mình trong sự trải nghiệm thân phận con người. Đó là sự đấu tranh của Người và máu mà tạo ra nó có thể cho người khác noi theo. Đây là mạch nguồn của quyền uy đích thực chứ không phải thứ quyền lực giả mạo tự phong của các thực thể trần thế.

Tin Mừng của Thánh Gio-an làm nhân chứng cho sự hiểu lầm cơ bản của nhân loại về quyền năng và chân lý. Trong thực tế, Thánh Gio-an phác họa chân dung những con người vì không có đủ khả năng nhận thức bất cứ điều gì Chúa Giê-su đã nói bởi vì Người nói bằng những lớp nghĩa tinh thần tế nhị. Một Phi-la-tô hóc búa hỏi Chúa Giê-su xem Người phải thực là vua của người Do Thái – sau cùng, đó là sự cáo buộc chống lại Người. Chúa Giê-su từ chối nhận sự lôi kéo và quay trở lại với câu hỏi với Phi-la-tô. Nhưng sau lời khiêu khích được lặp lại Người trả lời một cách huyền bí rằng Vương Quốc của Người không phải là thế giới này – nếu nó là, sẽ có nhiều bằng chứng của nó trong hình thức của bạo lực và xung đột vì đó là đường lối của thế gian.

Chúa Giê-su không nói rằng Người đến từ một thế giới khác hoặc Vương Quốc của người “thuộc nước trời” ở một nơi nào đó. Duy nhất rằng sự cai trị của Người không dựa trên căn bản những nguyên tắc trần tục. Người ở trong sự hòa hợp với một nguồn lực hoàn toàn khác và sẽ không chơi trò chơi theo luật lệ của con người. Phi-la-tô không có khả năng hiểu thông điệp này – ông ta vượn tới vị trí này qua những mưu mô xảo quyệt của quyền lực chính trị, tham nhũng, bạo lực và gian manh và thể hiện thế giới này bằng những điều khoản đó. Ông ta có rất nhiều nhóm người đồng lõa. Khi Chúa Giê-su không hoàn toàn phủ nhận vương quyền của Người, Phi-la-tô bị thuyết phục rằng ông ta đã hiểu ra Người là tất cả: vậy ông là vua! Ông không hiểu quyền lực và quyền hạn đến từ tình yêu và hòa hợp với người sáng tạo.

Để tồn tại trên thế giới này và không tách rời nó là để sống cuộc sống con người theo sự thánh thiện chứ không phải theo những nguyên tắc của con người. Chúa Giê-su đã đoan quyết rằng Người xuống thế để làm chứng nhân cho chân lý, và bất kỳ ai thuộc về chân lý sẽ lắng nghe lời Người. Người biểu hiện chân lý của vương quốc Thiên Chúa trong những giáo huấn của Người, sự sống và cái chết của Người. Trong vương quốc của Thiên Chúa mạch nguồn danh dự và quyền lực là phục vụ khiêm nhường, khả năng kiên nhẫn và tình yêu. Họ có quyền lực và sức mạnh riêng của họ, nhưng họ không thống trị, không gây bạo lực và hủy diệt. Để thực sự được ngự trong vương quốc của Thiên Chúa, chúng ta phải thay đổi tâm trí của chúng ta về nhiều điều để từ bỏ bạo lực, thống trị và ích kỷ. Chân lý phải trở thành một động từ: lắng nghe, là, và thực hiện; nó là cách mà chúng ta sống và ứng xử với tha nhân.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)
 
Nước Chúa không thuộc thế gian này
Lm Trần Bình Trọng
13:13 20/11/2009
NƯỚC CHÚA KHÔNG THUỘC THẾ GIAN NÀY

Lễ Chúa Kitô Vua, Năm B

Dn 7:13-14; Kh 1:5-8; Ga 18:33-37


Khi quan Philatô hỏi Ðức Giêsu xem Người có phải là vua dân Do thái không? (Ga 18:33), Chúa liền trả lời đó là ý tưởng của ông quan. Philatô đã phải hiểu câu trả lời của Chúa là lời chối từ. Tuy nhiên Philatô vẫn cố tình không muốn hiểu cho nên cứ cho khắc bảng chữ treo trên thập giá Chúa với lời: Giêsu Nagiarét, vua dân Do thái (Ga 19:19). Thực ra thì bảng chữ trên thập giá là một tính toán sai lầm của Philatô, bởi vì các thày cả thượng phẩm của người Do thái không chịu chấp nhận Đức Giêsu làm vua của họ. Và chính Chúa cũng không muốn tước hiệu là vua của người Do thái. Theo sau phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Người làm vua. Tuy nhiên Chúa không muốn can dự vào việc cai trị nước trần thế.

Rồi quan Philatô lại hỏi Chúa: Vậy ông là vua sao? (Ga 18:37). Chúa Giêsu mặc nhiên xác nhận câu hỏi của Philatô. Chúa chấp nhận tước hiệu là vua mà nhiều lời tiên tri đã ám chỉ. Vậy thì vương quốc của Chúa ở đâu? Ðây chính là câu trả lời của Chúa: Nước tôi không thuộc về thế gian này (Ga 18:36). Và đâu là những đặc tính của nước Chúa? Xa xưa trước cả khi Chúa cứu thế giáng sinh, các ngôn sứ như Isaia, Giêrêmia, Ðanien, Hôsê, Amốt đã loan báo cho dân chúng là Ðấng cứu thế sẽ đến thiết lập một vương quốc như trong kinh tiền tụng Chúa nhật lễ Chúa Kitô vua ghi lại: một vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, vương quốc đầy tràn ân sủng và thánh thiện, vương quốc đầy tràn tình thương, công lí và bình an.

Trong bài trích sách ngôn sứ Ðanien hôm nay, vị tiên tri trong một thị kiến ban đêm đã nhìn thấy Con Người đến thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, chẳng hề suy vong (Ðn 7:14). Ngôn sứ Ðanien tiên báo là Con Người sẽ nhận từ Ðấng Lão Thành là Thiên Chúa: quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người (Ðn 7:14). Còn thánh Gioan trong một thị kiến được ghi lại trong sách Khải huyền là Ðức Giêsu sẽ đến như vị Thủ lãnh mọi vương quốc trần gian (Kh 1:5). Khi loan báo cho trinh nữ Maria là con bà sẽ ngồi trên ngôi báu Ðavít, và sẽ làm vua thống trị nhà Giacóp đến muôn đời, sứ thần Gáp-ri-en cũng ám chỉ một vương quốc thiêng liêng (Lc 1:33).

Vậy nước Chúa được khởi sự như thế nào? Dụ ngôn hạt cải giúp ta hiểu sự lớn lên và bành trướng của nước Chúa, lúc đầu chỉ nhỏ bé như hạt cải, quá nhỏ đến nỗi khó có ai nhận ra. Việc khởi sự khiêm tốn của nước Chúa với việc chọn lựa có mười hai tông đồ là một cớ vấp phạm cho người Do thái. Thật là khó mà tin rằng các tông đồ, đa số làm nghề chài lưới và ít học lại có thể xây dựng được một vương quốc. Và đó là một trong những điểm khác biệt giữa nước Thiên Chúa và nước trần gian. Như vậy người ta thấy sự bành trướng của nước Chúa không tuỳ thuộc vào học vấn, tài năng và địa vị xã hội của loài người, nhưng là tuỳ thuộc vào quyền phép của Thiên Chúa và sự cộng tác của loài người.

Những giá trị của nước Thiên Chúa có thể được tìm thấy trong Thánh kinh và trong Phúc âm. Vậy những người thực thi công chính và yêu thương, những người tỏ lòng xót thương, những người tìm kiếm sự thật, những người kiến tạo hoà bình, những người sống đời thánh thiện là những người có được nước Chúa trong tâm hồn. Sự bành trướng của nước Chúa phải được bắt đầu từ trong tâm hồn và đời sống người tín hữu, rồi được lan rộng ra cho người hàng xóm, cho sở làm, cho xã hội.

Là người Kitô giáo, ta có hai quyền công dân: công dân của nước trần thế và công dân của nước trời. Là công dân của nước trời ta có thêm bổn phận vượt trên bổn phận của người công dân nước trần thế. Là công dân nước trời, ta có bổn phận công bố nước Chúa bằng việc thờ phượng và cầu nguyện, bằng việc rao giảng tin mừng cứu độ, bằng việc thiện hảo, bằng việc cổ võ công bình bác ái. Những bổn phận của người công dân nước trời có thể được tóm tắt trong hai giới răn là mến Chúa và yêu người.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết tìm kiếm những sự thuộc về nước Chúa:

Lạy Đức Giêsu Kitô vua!
Chúa là vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa.
Chúa đến thiết lập một vương quốc thiêng liêng và vĩnh cửu.
Xin dạy con biết tìm kiếm những sự thuộc về nước Chúa.
Nếu có lãnh vực vực nào trong đời sống con,
chưa được Chúa làm chủ: tư tưởng, lời nói, việc làm,
xin Chúa đến làm chủ tâm hồn và đời sống con. Amen.
 
Giải đáp Phụng Vụ: Bí Tích Rửa Tội đáng hồ nghi!
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:15 20/11/2009
Và nói thêm về bịnh cúm heo

ROME (Zenit. Org).- Giải đáp của Cha Đạo binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ Đại Học Regina Apostolorum.

Mới đây con chứng kiến một phép rửa tội, và con không chắc nó có thành phép không. Trong phép rửa tội, thầy phó tế nắm tay cha đứa bé và, đang khi phó tế đọc công thức rửa tội (“Tên, Thầy rửa con nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”) thầy và người cha cả hai đổ nước trên đầu đứa bé ba lần. Con là má đỡ đầu đứa bé này. Con khởi sự quan tâm về phép rửa tôi trước khi cử hành phép ấy, bởi vì khi con và cha mẹ tham dự trong lớp chuẩn bị, phó tế nói với chúng con rằng muốn lôi kéo những người khác dính líu trong phép rửa tội, thầy sẽ bắt ông của đưa bé đổ nước đang khi thầy (phó tế) đọc công thức rửa tội.

Con sợ rằng sự thay đổi hình thức bí tich có thể làm phép rửa tội bất thành, nên một đôi tuần trước khi rửa tội con xin người mẹ đứa bé nói với thầy phó tế và xin chính thầy đổ nước và đọc những lời. Người mẹ nói với thầy phó tế một ít ngày trước phép rửa tội, và thầy phó tế khẳng định là OK nếu có ai khác đổ nước đang khi thầy đọc công thức rửa tội. Bà mẹ nói với con về chuyện trao đổi này trong ngày rửa tội. Phần con, con khăng khăng là một mình thầy phó tế đổ nước và đọc công thức.

Cuối cùng, như là một thứ thoả hiệp, thầy phó tế nắm tay cha đứa bé và cả hai chung đổ nước, đang khi phó tế đọc công thức rửa tội. Con thắc mắc phép rửa tội của đứa bé có thành sự không bởi vì hình thức đã thay đổi. Với tư cách là má đở đầu, con cảm thấy có nhiệm vụ bảo đảm rằng đứa bé này được rửa tội thành sự. Như vậy, một phép rửa tội có thành phép không nếu, trong những lúc bình thường, một phó tế/linh mục đọc công thức đang khi ai khác xối nước, hay ngược lại? Theo những đường lối đó, một người không có hai cánh tay hay là không có khả năng nói, có thể rửa tội một em bé không? Con tưởng là, muốn cho một phép rửa tội thành sự, người ban phép rửa tội phải đổ nước ba lần và đọc đúng công thức rửa tội.—E.R.,San Clemente, California.

Đó là một tình huống rất nghiêm trọng và tôi khuyên đọc giả chúng tôi báo tin cho mục tử của phó tế và giám mục địa phương sớm hết sức. Trong trường hợp đặc biệt này, sự kiện phó tế dạy đổ nước trên đầu em bé đang khi việc đọc những lời làm cho em bé có lẽ được rửa tội cách hiệu nghiệm; nhưng điều này không hoàn toàn chắc và nên rửa tội lại cách hồ nghi.

Tuy nhiên, bởi vì xem ra thầy phó tế nói trên thường có người khác đổ nước đang khi thầy đọc những lời rửa tội, lúc đó chắc có một số em bé đã được rửa tội không thành phép, và điều cần thiết là làm mọi sự có thể để phát hiện ra chúng và ban phép rửa tội đích thực.

Muốn cho nghi thức rửa tội thành phép thì điều cần thiết là người xối nước cũng là một người đọc công thức Ba Ngôi. Điều vô nghĩa dầu có nói gì đi nữa, “ Tôi (cha hay thầy…)rửa tội cho con” nếu trên thực tế một người khác làm phép rửa tội. (“Phép rửa tội có nghĩa là tắm hay là dìm xuống nước.)

Buồn thay, không phải là lần đầu tiên việc lầm lẫn trên đã xảy ra. Trong một quốc gia khác Toà thánh đã ra lệnh lập lại nhiều năm rửa tội, hay là, đúng hơn, thực hiện cho lần đầu.

Giáo Hội đòi hỏi sự chắc chắn liên quan với sự thành sự các bí tích, và không bao giờ được phép tiến hành trên nền tảng của sự thành phép hồ nghi về bất cứ tính cách hay hình thức nào của bí tích.

Cho nên ngày 8/2/2008, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã xử lý vấn đề liên quan của những thừa tác viên phép rửa tội đã thay đổi những từ chính xác công thức Ba Ngôi của bí tích. Với sự phê chuẩn của Đức Thánh Cha, Bộ đã trả lời những câu hỏi như sau:

“Câu hỏi thứ nhất: Phép Rửa tội được ban với công thức ‘ Cha rửa tội cho con nhân danh Đấng Sáng Tạo, và Đấng Cứu Chuộc, và Đấng Thánh Hóa’ và ‘Cha rửa tội cho con nhân danh Đấng Sáng Tạo, và Đấng Giải Phóng, và Đấn An Ủi’ có thành sự không?

Câu hỏi thứ hai: Những người được rửa tội với những công thức này có phải được rửa tội lại trong công thức tuyệt đối chăng?”

“Trả lời

“Cho câu hỏi thứ nhất: Không.

“Cho câu hỏi thứ hai: Có.”

Kiểu nói hình thức tuyệt đối có nghĩa là phép rửa tội được ban mà không sử dụng những câu với điều kiện bởi vì không có hồ nghi nghi thức rửa tội đầu là không thành phép.

* * *

Tiếp theo: Ngăn ngừa bịnh cúm Heo

Trùng hợp với bài lần trước của chúng tôi về bịnh cúm heo và Thánh Lễ, Tổng Giáo Phận Boston phổ biến một loạt những chỉ dẫn mà dưới đây chúng tôi tường thuật những trích dẫn. Những trích dẫn này có thể dùng như những kiểu mẫu cho giáo phận khác đối mặt những tình huống tương tự.

Ban Phụng Tự Tổng Giáo Phận Boston, bàn hỏi với các thẩm quyền chăm sóc sức khoẻ địa phương và Cơ quan Quản Lý Ngăn Ngừa Rủi Rỏ, Tổng Giáo Phận, tiếp tục khích lệ hàng giáo sĩ và các tín hữu tuân giữ những phòng xa bình thường để bảo vệ sức khỏe những kẻ khác trong mùa bịnh cúm này, và cách riêng với những rủi ro liên quan bịnh cúm HINI. Phương thế tốt nhất ngừa sự lan tràn bịnh lây nhiễm là thực hành vệ sinh tốt.

Linh Mục Jonathan Gaspar, Đồng- Giám Đốc Ban Phụng Tự và đời Sống Thiêng Liêng, nói, ‘Vì những sự đề phòng bất thường thực hiện khắp quốc gia hầu ngừa sự lan tràn bịnh cúm H1N1, Tổng Giáo Phận đã thiết lập một loạt những bước phải theo qua thời gian cử hành Thánh Lễ. Chúng tôi cám ơn các linh mục, phó tế, tu sĩ và gíao dân chúng tôi, vì sự hiểu biết và ủng hộ những chỉ thị nầy, nhằm bảo vệ sức khoả dân chúng chúng tôi.’ […]

“Thêm vào sự thực hiện vệ sinh tốt, Hồng Y hướng dẫn như sau cho việc cử hành Phụng Vụ Thánh và cho sự phòng ngừa dịch cảm cúm:

“--Giếng Nước Thánh phải được ráo nước, rửa sạch bằng xà phòng, tẩy trừ sâu bọ, và đổ đầy lại nước thánh cách đều hòa. Xin lưu ý nước thánh cũ phải được đổ trong bình nước thánh.

“Việc ban phát Máu Thánh cho các tín hữu phải ngưng, với luật trừ của những người phải nhận lãnh từ chén vì những lý do y tế. Đức tin của Giáo Hội dạy rằng Chúa Kitô, toàn diện, được rước cả dưới một hình.

“-- Việc trao đổi Dấu Bình An phải được hiến dâng mà không có sự đụng chạm thể lý nào. Nếu linh mục chủ tế chọn để mời tỏ dấu bình an, người tín hữu, thay vì bắt tay, có thể cúi đầu chào người đứng bên cạnh.

“—Khi người tín hữu duy trì sự chọn rước Lễ bằng lưỡi hay trên tay, khuyên tất cả các người cho Rước lễ phân phát các bánh đã truyền phép cách cẩn thận, ý tứ không đụng lưỡi hay tay của người rước lễ.

“--Những giáo dân phải nhớ rằng nếu họ mắc bịnh hay là nghi ngờ mắc bịnh truyền nhiễm, họ không buộc phải xem Thánh lễ Chúa Nhật. Họ có thể ở nhà và trở lại nhà thờ khi lành mạnh.

“Những hướng dẫn này có hiệu nghiệm từ ngày thứ Bảy, 31/10/2009 và vẫn có hiệu lực cho tới khi mùa lạnh và dịch cúm chấm dứt.”

Điều đáng ghi nhớ là tổng giáo phận không cấm rước lễ bằng lưỡi. Vì những chỉ dẫn này được tham khảo ý kiến với các thẩm quyền ý tế địa phương, nên xem ra thói quen này dường như không lây nhiễm hơn là sự bắt tay.

Một số độc giả khác hỏi linh mục và những thừa tác viên bất thường cho Rước Lễ sát trùng hai tay liền trước lúc cho Rước Lễ, như vậy có đúng không.

Tuy việc thực hành này có ý tốt, có lẽ không cần và có thể phản tác dụng vì làm cho một số người nhạy cảm buồn nôn khi tới gần bàn thờ. Nếu một sự đề phòng như thế được cho là thích đáng, thì có lẽ làm như vậy trong phòng thánh là đủ trước Thánh Lễ, cách rfiêng nếu những biện pháp nói trên phổ biến cho Tổng Giáo Phận Boston cũng được thực thi.
 
Giải đáp Phụng Vụ: Kinh Thánh, Thánh, Thánh
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:40 20/11/2009
Rome (Zenit.org).-Giải đáp của cha Đạo Binh Chúa Kitô, Cha Edward McNamara, giáo sư phụng vụ tại đại học Regina Apostolorum.

Khi nào và tại sao câu của bộ Phụng Tự ở hàng đầu kinh Thánh Thánh Thánh bằng tiếng Anh thay đổi từ “Holy, holy, holy/Lord God of power and might” (Thánh, thánh, thánh/Chúa là Thiên Chúa các đạo binh) thành “Holy, holy, holy Lord / God of power and might”? (Thánh, thánh, Đức Chúa chí thánh/ Chúa là Thiên Chúa các đạo binh). Có lẽ điều này là một thực hành địa phương nhưng xem ra câu thứ nhất gần hơn với câu Latinh: “Sanctus, sanctus, sanctus / Dominus Deus Sabaoth.” (Thánh, Thánh, thánh/ Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.” J.M.. Ottawa

Hiện nay tôi sẽ nói câu thứ hai gần tiếng Latinh hơn, vì sách lễ tiếng latinh hiện hành không có sự tách biệt nào giữa tiếng sanctus thứ ba và Dominus. Nghĩa là: ”Sanctus, Sanctus, Sanctus Dominus Deus Sabaoth.”

Sự chọn dấu phảy này cũng sẽ được theo trong bản dịch tiếng Anh mới, như sau: “Holy, holy, Holy Lord God of hosts.’ Trời đất đầy vinh quang Chúa. / Hoan hô Chúa trên các tầng trời. / Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa./ Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”

Nhiều bản hát Gregorian truyền thống phản chiếu thực hành này bằng cách buộc, về phương diện âm nhạc, tiếng Sanctus thứ ba với tiếng Dominus hơn là xử lý độc lập cả ba tiếng Sanctus. Sau khi phát hành bản dịch thứ nhất, một số bản hát tiếng Anh bình dân theo vị trí đối nghịch và lập lại sự biểu diễn gấp ba khích động “Thánh, Thánh, Thánh!”

Sự chọn lựa âm nhạc đầu tiên này trong tiếng Anh có thể đã dẫn dân chúng trong một số nơi đọc ba lần Thánh theo cách do đọc giả chúng ta diễn tả, nhưng tôi không biết có sự thay đổi chính thức nào trong sự đánh dấu của sách lễ tiếng Anh.

“Kinh Sanctus được trực tiếp linh hứng bởi thị kiến Isaiah về vinh quang Thiên Chúa tong Isaiah 6:3 ( với một sự ám chỉ với Daniel 7:10). Việc sử dụng kinh này trong sự cầu nguyện Kitô hữu rất là cổ và có lẽ đã trực tiếp đi vào Kitô Giáo từ thực hành của hội đường (synagogue). Việc những Kitô hữu sử dụng kinh này được gợi ý trong thơ Thánh Giáo Hoàng Clemente (A.D. 88-97) gởi các tín hữu Corinthians, mặc dầu việc đưa kinh này vào trong Thánh Lễ có lẽ hai thế kỷ sau.

Đồng thời, bản kinh Sanctus của các kitô hữu chứng tỏ một số khác biệt từ bản văn kinh thánh Latinh và bản văn sử dụng trong hội đường. Kinh Thánh Latinh chuyển dịch tiếng Sabaoth thành exercituum đang khi bản phụng vụ để nguyên tiếng ấy. Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, (các đạo binh) qui chiếu về cả hai: ca đoàn thiên thần và toàn thể tạo vật. Bản văn phụng vụ cũng thêm tiếng “tròi” vào tiếng đất. Đó là một sự thêm quan trọng bởi vì sự thêm đó muốn nói rằng không hẳn là đến thờ Jerusalem cũng không phải cherubim và seraphim mà thôi, nhưng toàn thể tạo vật kết hợp trong sư ca hát vinh quang Thiên Chúa. Văn bản phụng vụ cũng biến đổi tiếng kêu thành một phát biểu cá nhân “vinh Quang của Chúa,” như vậy là nhấn mạnh đặc điểm của câu đó như là một kinh nguyện.

Cho tới lối thế kỷ 12, kinh Sanctus được hát chính yếu bởi dân chúng cùng với linh mục. Về sau sự phát triển những bản ca phức tạp hơn và rốt cục phức điệu biến đổi kinh ấy thành lãnh vực của ca đoàn. Kinh Sanctus cũng bị tách biệt khỏi phần hai của nó đó là kinh Giáo Hoàng Biển Đứcus, trong chừng mực phần thứ nhất cho tới Hosanna in excelsis được hát trước khi truyền phép. Sự thinh lặng được giữ trong lúc truyền phép sau đó ca đoàn tiếp tục kinh Benedictus cho hầu hết phần còn lại của lễ qui.

Sau khi hát kinh tiền tụng, linh mục sẽ đọc kinh Sanctus nhỏ tiếng và cúi đầu. Sau đó ngài đứng thẳng khi bắt đầu kinh Benedictus, đang khi làm dấu thánh giá. Sau đó ngài khai mạc lễ qui.

Chữ đỏ trong sách lễ Gioan XXIII, bây giờ là hình thưc bất thường, đã ban phép và còn ủng hộ việc dân chúng hát kinh Sanctus-Benedictus như là một bản kinh trước lúc truyền phép. Thực hành hầu như chung là linh mục đọc thầm bản văn và bắc đầu phần lễ qui khi dân chúng hát. Trong trường hợp này, phải giữ thinh lặng sau khi truyền phép cho tới Kinh Lạy Cha.

Như vậy, mặc dầu lễ qui được đọc nhỏ tiếng trong hình thức bất thường, thường lễ qui được bao phủ trong một khung cảnh âm nhạc, trong đó hoặc các tín hữu hoặc ca đoàn làm ít hơn là tiếp tục dấu nổi bật của kinh long trọng phần lễ qui: cầu nguyện và tạ ơn.

Trong hình thức bình thường của nghi lễ Roma, Thánh Thánh Thánh, hoặc trong tiếng Latinh hay là tiếng bản quốc, luôn luôn do linh mục và giáo dân hát hay đọc chung trước khi tiếp tục với phần còn lại của Kinh Thánh Thể.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 20/11/2009
A NAN ĐÀ NGỘ ĐẠO

N2T


An Nan Đà là em họ của Phật tổ và là một đệ tử nhiệt thành. Mấy năm sau khi Phật tổ viên tịch, các đệ tử họp đại hội lần thứ nhất, có người chạy đi báo cho A Nan Đà biết chuyện ấy, nhưng bởi vì ông ta đến nay vẫn chưa khai ngộ, nên không có quyền tham dự đại hội ấy.

Đêm trước khi họp đại hội ông ta vẫn chưa được khai ngộ, do đó mà quyết tâm cố gắng thâu đêm suốt sáng không đạt được mục tiêu thì không nghỉ ngơi, nhưng kết quả đạt được là sức cùng lực tận, mệt mõi rã rời.

Trước khi trời sáng thì bỏ cuộc đi nghỉ ngơi, toàn thân thoải mái, ý niệm tâm nguyện cái gì cũng không nghĩ tới, ngộ đạo hay không ngộ đạo cũng không thèm nghĩ đến, trí óc thoải mái vùi đầu vào gối ngủ, thoáng cái ông ta đã ngộ đạo.

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Ngộ đạo thì không giống như làm một bài toán học, phải vận dụng trí óc suy nghĩ phương trình này bậc căn nọ, nhưng chính là đem cái tâm đơn thuần yêu mến của mình để biết được đạo.

Đức tin của người Ki-tô hữu thì không những phải đem cái tâm đơn sơ, yêu thương và phó thác để đáp trả lại tình yêu thương của Thiên Chúa, mà còn phải tin rằng: mình “ngộ” được Thiên Chúa không phải do chính mình, nhưng là do Chúa Thánh Thần ban cho, để chúng ta biết được Chúa Giê-su là ai, đó chính là đức tin của chúng ta.

“Ngộ” tức là biết, không ai biết được Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng không ai biết được Chúa Giê-su là ai nếu Thiên Chúa không ban đức tin cho họ, do đó, “ngộ” được Chúa Giê-su chính là nhờ đức tin vậy.

Cả loài người qua mọi thời đại đều nhìn thấy núi non, biển cả, nhìn thấy mặt trời mặt trăng và các tinh tú, nhìn thấy những bông hoa nhỏ xíu đẹp đẽ cho đến những cây cổ thụ to lớn trong rừng sâu, hoặc những kình ngư ngoài biển cả.v.v...nhưng hỏi có mấy ai biết được đó chính là do Thiên Chúa tạo dựng ?

------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (Lễ Đức Giê-su Ki-tô vua)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:15 20/11/2009
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

Tin mừng: Ga 18, 33b-37.

“Chính ngài nói rằng tôi là vua”.


Bạn thân mến,

Hôm nay là chủ nhật cuối cùng kết thúc năm phụng vụ, kết thúc để bắt đầu một năm phụng vụ mới với tất cả tâm tình đổi mới của Giáo Hội, của mỗi người Ki-tô hữu và của bạn và tôi.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan thánh sử đã cho chúng ta nghe thấy cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với quan tổng trấn Phi-lat-ô về vương quốc và vương quyền của Ngài, để cho chúng ta biết rằng: Đức Giê-su Ki-tô là vua trên các vua, chúa trên các chúa, và vương quyền của Ngài vô cùng tận – vĩnh hằng, vì Ngài là Thiên Chúa.

Vương quốc của Chúa Giê-su không giới hạn từ đông sang tây, trên trời hay dưới đất hoặc trong biển khơi, nhưng vô tận, bởi vì tất cả vạn vật đều do Ngài dựng nên; con dân của Ngài không những chỉ là những người đã tin và đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài mà thôi, nhưng Ngài còn muốn “tập hợp tất cả đoàn dân lại như gà mẹ tập hợp đàn con dưới đôi cánh của mình”, nghĩa là trong ý định của Thiên Chúa, tất cả mọi người trên thế gian đều là con cái của Ngài qua sự hy sinh chết trên thập giá và sống lại của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su không những là vua trên hết các vua, nhưng còn là tôi tớ của các tôi tớ nữa, Ngài đầy lòng khiêm tốn khi tự hạ làm con người như chúng ta. Ngài là vua trên các vua vì Ngài là Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Ngài là tôi tớ của các tôi tớ vì Ngài đã tự huỷ mình ra không, chấp nhận và gánh vác tội lỗi của nhân loại để rồi chết như một tử tội để cứu chuộc chúng ta. Đó chính là điều khó hiểu cho quan tổng trấn Phi-la-tô đầy quyền lực sinh sát, nhưng lại không nhận ra chân lí là cái gì khi đối diện với chân lí và sự thật là Đức Giê-su Ki-tô.

Alpha và Omega –khởi đầu và chung kết- chính là Chúa Ki-tô, bởi vì “Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà mọi vinh quang đều quy về Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần đến muôn đời muôn thuở.” Đó chính là lời chúc tụng của Giáo Hội, của tất cả mọi miệng lưỡi trên trời và dưới đất dành cho Ngài là vị vua cao cả và uy quyền.

Bạn thân mến,

Bạn và tôi là những công dân của Nước Trời vì chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng không có nghĩa là chúng ta quên mất bổn phận của một công dân trần thế, nhưng khi chúng ta cùng nhau góp phần xây dựng hạnh phúc, công bằng, bác ái cho tha nhân trong một tổ quốc ở trần gian, thì chính khi đó chúng ta đã thực hành bổn phận của công dân của Nước Trời.

Bạn và tôi hãy hãnh diện và ngẫng đầu cao vì mình là công dân của Nước Trời, mà Chúa Giê-su chính là vua và là Thiên Chúa của chúng ta; chính Ngài là Đường đã dẫn đưa chúng ta đến vương quốc hằng sống bằng chính cái chết trên thập giá của Ngài để cho bạn và tôi và tất cả những ai tin vào Ngài được sống đời đời.

Câu gợi ý:

1. Ngày lễ Chúa Giê-su Ki-tô vua vũ trụ, tôi có thói quen kiểm điểm lại đời sống đức tin của mình trong năm qua không ?

2. Là người Ki-tô hữu, tôi có ý thức được mình là công dân của Nước Trời khi tham gia xây dựng tổ quốc ở trần gian ?

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 20/11/2009
N2T


17. Con người ta càng cam tâm nhẫn nại, thì hành sự càng có đức khôn ngoan, càng có công đức.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 20/11/2009
N2T


295. Con người ta cố gắng lý giải được cuộc sống, thì hạnh phúc chân chính chính là ở đó.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Ơn Gọi của Giáo Hội Thái Lan
Nguyễn Hoàng Thương
09:06 20/11/2009
Bangkok (AsiaNews) – Giáo Hội Thái Lan sẽ cử hành Ngày Ơn Gọi Toàn Quốc nhân Lễ Kitô Vua năm nay, 22/11. Nhân dịp này, Đức Cha Phanxicô Xavie Kriengsak Kovithavanij, Tổng Giám Mục của Băng Cốc và là Chủ tịch Ủy Ban Giáo Sĩ, đã viết một bức thư mục vụ gửi đến toàn thể tín hữu để khuyến khích ơn gọi linh mục và yêu cầu các tín hữu hành động như là những nhà truyền giáo hướng đến tha nhân.

Nhân ngày Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành “Lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua”, Đức Giám Mục Băng Cốc kêu gọi tất cả các tín hữu “nhận thức được ơn gọi của mỗi người là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”. Đối với Đức Cha Kovithavanij, Ngày Ơn Gọi có nghĩa là “khẳng định rằng chúng ta được kêu gọi trở thành Dân Chúa, hướng đến một đời sống thánh thiện và tham dự vào sứ mạng thiêng liêng của Ngài”. Đức Giám Mục cũng cho hay: “vai trò quan trọng của người tín hữu là làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong đời sống, gia đình xã hội và công việc thường nhật của mình”.

Thái Lan có khoảng 350.000 người Công Giáo, chỉ chiếm 0.5 phần trăm dân số trong một đất nước 64 triệu người. Có 750 linh mục (471 linh mục triều và 279 linh mục dòng), 98 nam tu sĩ và 1.596 nữ tu, điều hành 778 giáo xứ trên khắp nước.

Trong thư mục vụ, Đức Giám Mục nhắc rằng ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến của họ “tỏ lộ tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian”. Ngài thúc giục họ sống ơn gọi của mình theo hồng ân và linh đạo đặc biệt” và “bước theo con đường thiêng liêng… làm chứng cho sứ mạng cứu độ của Giáo Hội”.

Cuối cùng, Đức Giám Mục kêu gọi mỗi người Công Giáo cầu nguyện để Giáo Hội Thái Lan có được nhiều ơn gọi hơn nữa, không chỉ có nhiều linh mục và tu sĩ hơn bổ sung vào số 26 chủng sinh hiện nay mà còn có nhiều tín hữu hơn nữa. Ngài cho hay mỗi người cần phải thấy được ơn gọi “như là dấu hiệu của tình yêu Giáo Hội” và “chấp nhận nó với lòng can đản, quyết tâm và đầy hy vọng và tình yêu của Thiên Chúa”
 
Tuyên ngôn Manhattan: kèn thúc quân nhắm vào các cơ quan dân sự HK
Trần Mạnh Trác
11:27 20/11/2009
Washington DC, 20 tháng 11 năm 2009 / 06:21 (CNA). - Một liên minh chưa từng thấy bao gồm các danh nhân Thiên Chuá Giáo từ hàng giáo sĩ, lãnh đạo phong trào, và học giả đã soạn thảo một bản tuyên ngôn 4.700-chữ đề cập đến vấn đề thánh thiêng của sự sống, hôn nhân truyền thống, và tự do tôn giáo. Tuyên ngôn đã nổi lên "một hồi kèn lệnh" cho các Kitô hữu hãy tuân thủ những xác tín của mình và đồng thời cảnh báo các cơ quan dân sự rằng người ký sẽ không bỏ rơi lương tâm Kitô giáo "trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Bản tuyên ngôn được gọi là "Tuyên ngôn Manhattan," (Manhattan Declaration ) có chữ ký cuả hơn 125 nhân vật Công giáo, Tin Lành Cơ Đốc giáo, và Chính thống, và được phân phát tại cuộc họp báo trưa ở Câu lạc bộ báo chí quốc gia tại Washington DC hôm thứ sáu.

"Chúng tôi là những Kitô hữu đã kết hợp với nhau từ nhiều tôn giáo khác biệt qua chiều dài lịch sử để khẳng định quyền của chúng tôi - và, quan trọng hơn nữa, để thực hiện nghĩa vụ của chúng tôi - để tuyên xưng và bảo vệ những chân lý này. Chúng tôi cam kết với nhau, và với các tín hữu của chúng tôi, rằng không có quyền lực nào trên trái đất, dù là văn hóa hay chính trị, sẽ bắt chúng tôi phải im lặng hoặc phục tùng, " bản tuyên bố nói.

"Chúng tôi nhận thức phải tuân theo pháp luật dù là chúng tôi thích hay không thích, trừ khi pháp luật đó bất công cách nghiêm trọng hoặc đòi hỏi đối tượng phải làm điều bất công hoặc vô đạo đức," Bản tuyên ngôn giải thích.

Nhưng bản tuyên ngôn cũng minh định rõ ràng rằng "chúng tôi sẽ không tuân theo bất kỳ sắc lệnh nào có ý đồ bắt buộc các tổ chức của chúng tôi tham gia phá thai, nghiên cứu và phá hủy tế bào gốc, giúp tự tử và trợ tử (euthanasia, làm cho sự chết không có cảm giác), hoặc bất kỳ hành động chống sự sống khác; chúng tôi cũng không sẽ cúi đầu trước bất kỳ luật lệ nào có ý đồ buộc chúng tôi chúc lành các quan hệ đối tác tình dục vô đạo đức, coi những quan hệ đó như là hôn nhân hoặc tương đương, hoặc kiềm chế không tuyên dương sự thật về thế nào là đạo đức, là phi luân và về hôn nhân và gia đình. "

Tuyên ngôn Manhattan là kết quả của nhiều tháng đối thoại giữa Chính Thống giáo, Công giáo, và hệ phái Phúc Âm Tin Lành (evangelical Christian), cao điểm là cuộc họp của khoảng 100 lãnh tụ tại thành phố New York ngày 28 tháng 9 năm 2009.

Những người tham dự duyệt xét một dự thảo có tên "Tuyên ngôn Manhattan, Một lời kêu gọi lương tri Kitô giáo", rối được giao phó cho một ủy ban soạn thảo gồm Tiến sĩ Timothy George (khoa Thần học Beeson tại Đại học Samford), Tiến sĩ Robert P. George (Đại học Princeton), và nhà lãnh đạo Tin Lành nổi tiếng Charles Colson.

Những người ký tên giải thích đây là thời điểm họ phải lên tiếng vì "để bảo vệ các nguyên tắc của công lý và lợi ích chung đang bị chà đạp."

"Chúng tôi hoàn toàn và sẵn sàng trả cho Caesar, những gì là của Caesar, nhưng chúng tôi sẽ không đưa cho Caesar những gì là của Thiên Chúa."

Tuyên ngôn Manhattan giải thích rằng mặc dù tình cảm công chúng đã di chuyển theo một hướng phò sự sống, "nhưng tư tưởng phò-phá thai vẫn chiếm ưu thế ở nơi quyền lực và có ảnh hưởng."

"Chính phủ của chúng ta khuyến khích và tài trợ những nghiên cứu khoa học, trong đó cuộc sống của con người bé nhỏ trong trạng thái phôi thai ban đầu bị coi là tài liệu nghiên cứu dùng rồi bỏ."

Tuyên ngôn cũng cho rằng "các chính sách công cộng làm suy yếu định chế hôn nhân, dung dưỡng cả cái ý tưởng không hợp lý là có thể ly hôn cách đơn phương," trong khi đó "các cá nhân và các tổ chức có ảnh hưởng đang tìm cách định nghĩa lại hôn nhân với quan hệ đối tác là cùng giới tính và hơn thế nữa công nhận tình dục tập thể cuả nhiều người đồng tính. "

Danh sách Người Ký gồm Hồng y Justin Rigali, tổng giám mục Philadelphia; Hồng y Adam Maida, Tổng giám mục danh dự của Detroit; Charles J. Chaput, TGM Denver; Timothy Dolan, tổng giám mục của New York; Donald W. Wuerl, TGM Washington, DC; John J. Myers, TGM Newark; John Nienstedt, tổng giám mục Saint Paul và Minneapolis; Joseph F. Naumann, Tổng giám mục Kansas City; Joseph E. Kurtz, tổng giám mục Louisville; Thomas J. Olmsted, Giám mục Phoenix; Michael J. Sheridan, Giám mục Colorado Springs; Salvatore Joseph Cordileone, Giám mục Oakland; Richard J. Malone, Giám mục Portland; và David A. Zubik, Giám mục Pittsburgh.

Những chữ ký khác có tên Giáo phụ Jonah Paffhausen, Giáo Hội Chính Thống tại Mỹ; Đức Peter J. Akinola, TGM Giáo Hội Anh giáo của Nigeria; Jody Bottum, Biên tập viên của First Things; Chuck Colson, Nhà sáng lập trung tâm Chuck Colson for Christian Worldview; Marjorie Dannenfelser, Chủ tịch Danh sách Susan B. Anthony; Tiến sĩ James Dobson, sáng lập Focus on the Family; Tiến sĩ William Donohue, Chủ tịch Catholic League; Đức Robert Wm. Duncan, TGM Giáo Hội Anh giáo ở Bắc Mỹ; Cha Joseph D. Fessio, Nhà sáng lập và biên tập của Ignatius Press; Maggie Gallagher, Chủ tịch Institute for Marriage and Public Policy; Tiến sĩ Robert P. George; Cha Chad Hatfield, giám đốc chủng viện St Vladimir của Chính Thống Theological Seminary; Jerry Jenkins, Chủ tịch Hội Moody Bible Institute; Jim Kushiner, Biên tập viên của Touchstone; Tiến sĩ Richard Land, Chủ tịch của The Ethics & Religious Liberty Commission của SBC; Rev William Owens., Chủ tịch Liên minh các mục sư người Mỹ gốc Phi; Tony Perkins, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu gia đình; Michael Timmis, Chủ tịch Hội Tù nhân; Juan Valdes, Chaplain Florida Christian School và George Weigel, khoa trưởng của Ethics and Public Policy Center.

Bản tuyên ngôn đầy đủ có thể try cập tại http://www.manhattandeclaration.org/.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi trợ giúp người khiếm thính
G. Trần Đức Anh OP
13:49 20/11/2009
VATICAN. Sáng ngày 20-11-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về người điếc. Ngài kêu gọi các chính quyền và các tổ chức quốc tế thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá và trợ giúp những người khiếm thính.

Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Nội thành Vatican và có chủ đề là ”Effata, Hãy mở ra! Người điếc trong đời sống của Giáo Hội”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự tích Chúa Giêsu chữa người bị điếc (Mc 7,31-37) và nêu rõ ý nghĩa của cử chỉ này. Ngài nói: ”Qua cách hành động biểu lộ tình thương của Chúa Cha, Chúa Giêsu không những chữa lành tật điếc về thể lý, nhưng còn cho thấy có một thứ bệnh điếc khác mà nhân loại cần được chữa lành, đó là sự điếc về tinh thần, ngày càng dựng lên những hàng rào cao hơn tiếng của Chúa và tha nhân, nhất là tiếng kêu cứu của những người rốt cùng và đau khổ, bệnh điếc ấy khép kín con người trong sự ích kỷ sâu đậm và tai hại.”

ĐTC cũng nêu nhận xét: ”Qua biến cố chữa lành người điếc của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy trong dấu chỉ ấy ước muốn nồng nhiệt của Chúa Giêsu muốn chiến thắng trong con người sự cô đơn và thiếu thông cảm do tính ích kỷ gây nên, để mang lại một khuôn mặt mới cho nhân loại, một nhân loại biết lắng nghe, nói, đối thoại, trao đổi và hiệp thông với Thiên Chúa.. Một nhân loại không còn kỳ thị và loại trừ”.

ĐTC nhắc đến rất nhiều hội đoàn đã được thành lập để bảo vệ, thăng tiến và trợ giúp người điếc, đồng thời ngài tố giác thứ văn hóa chịu ảnh hưởng của thành kiến và kỳ thị. Đây là những thái độ đáng trách và không thể biện minh được, vì trái ngược với sự tôn trọng phẩm giá của những người khiếm thính cũng như sự hội nhập hoàn toàn của họ vào đời sống xã hội.

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúng ta không thể quên tình trạng trầm trọng của những người điếc sống tại các nước đang phát triển, hoặc vì thiếu những chính sách và luật lệ thích hợp, hoặc vì những khó khăn trong việc được săn sóc y tế cơ bản.. Bệnh điếc thường là hậu quả của những bệnh có thể chữa trị dễ dàng. Vì thế, tôi kêu gọi các chính quyền và các tổ chức quốc tế, hãy mang lại sự hỗ trợ cần thiết để thăng tiến sự tôn trọng phẩm giá và các quyền của người khiếm thính, tạo điều kiện cho việc giúp đỡ họ hội nhập vào xã hội. Giáo Hội Công Giáo tiếp tục tháp tùng các sáng kiến mục vụ và xã hội để mưu ích cho người điếc trong tình yêu thương và liên đới, đặc biệt với những người đang chịu đau khổ”.

Hội nghị quốc tế về người điếc tiến hành tại Vatican từ ngày 19 đến 21-11-2009. Đây là Hội nghị quốc tế thứ 24 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức.

Trong cuộc họp báo sáng 17-11-2009 để giới thiệu Hội nghị này, Đức TGM Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, cho biết trên thế giới hiện có hơn 278 triệu người khiếm thính, khiến họ không thể tham gia thỏa đáng vào đời sống xã hội, từ việc giáo dục ở học đường, cho đến sự hội nhập vào thế giới công ăn việc làm cũng như việc lập gia đình. Trong số các nạn nhân nói trên có hơn 59 triệu người bị điếc hoàn toàn. Trong Giáo Hội Công Giáo có khoảng 1 triệu 300 ngàn tín hữu bị khuyết tật này.

Đức TGM Zimowski nhận định rằng những điếc vẫn còn phải chịu nhiều thành kiến. Các tín hữu điếc không thể tham gia đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội, nên sự tăng trưởng tinh thần và việc thực hành tôn giáo của họ cũng bị thiệt hại, kể cả sự đóng góp của các tín hữu ấy vào sức sinh động và sự phong phú của chính Giáo Hội.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị quốc tế về người điếc muốn góp phần cải tiến thân phận và giúp người điếc hội nhập hơn vào đời sống xã hội và Giáo Hội.

Tham dự Hội nghị quốc tế tại Hội trường mới của Thượng HĐGM ở Nội thành Vatican có gần 500 người đến từ 67 quốc gia, kể cả các LM tu sĩ. Trong số các tham dự viên có 89 người điếc.

3 ngày Hội nghị lần lượt có các tiểu đề là: Người điếc trên thế giới, giữa quá khứ và hiện tại; thế giới tâm lý của người điếc, những khía cạnh y khoa của bệnh điếc, và sau cùng là những kinh nghiệm từ thế giới người điếc.

Một số LM, tu sĩ và giáo dân bị điếc được mời kể lại kinh nghiệm bản thân, đặc biệt là cha Cyril Axelrod một LM vừa bị mù và bị điếc.

Trong Hội nghị đặc biệt có phần thông dịch bằng 4 thứ tiếng dấu hiệu, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha và Italia cho các tham dự viên bị điếc (SD 20-11-2009)
 
Giáo Hội có quyền nêu quan điểm về Cải Tổ Y Tế
Trần Mạnh Trác
16:18 20/11/2009
Baltimore, Md., Ngày 16 Tháng Mười Một 2009 / 04:36 (CNA). - Trong diễn văn khai mạc ngày thứ hai trước đầy đủ hội đồng giám mục Hoa Kỳ (USCCB), Đức Hồng Y Francis George, Chủ tịch hội đồng, khẳng định Giáo Hội có quyền nêu quan điểm về các vấn đề trong cuộc tranh luận công cộng, đặc biệt là cải cách chăm sóc sức khỏe. Đề cập đến các áp lực gần đây đòi hỏi các giám mục im lặng, ngài cho biết "những vấn đề đó là những vấn nạn đạo đức trước khi trở thành chính trị cho nên chúng vẫn là vấn đề đạo đức dù cho chúng đã trở thành chính trị."

Đức Hồng y George nói rằng các giám mục không dùng diễn đàn công cộng để bàn về một phương tiện/giải pháp đặc biệt nào cho việc cung cấp y tế, nhưng trách nhiệm của các giám mục vẫn là "để nhấn mạnh khiá cạnh đạo đức liên quan tới sự liên đới của con người là tất cả mọi người phải được chăm sóc và không có ai bị cố ý giết đi. "

Chứng minh rằng các Giám mục Hoa Kỳ đã từ lâu thảo luận về vấn đề này, Đức Hồng y George trích lời vị tiền nhiệm của ngài là Đức Hồng y Bernadin, người đã quan tâm tới chăm sóc sức khỏe từ năm 1994 khi tuyên bố "đòi hỏi chúng ta phải đứng dậy cho những người bị bỏ rơi và chưa sinh, nhấn mạnh đến một loại bảo hiểm phổ quát và loại trừ bảo hiểm phá thai, hỗ trợ nỗ lực kiềm chế chi phí y tế và chống lại sự từ chối chăm sóc cần thiết cho người nghèo và người dễ bị tổn thương. "

Đức Hồng y George nói thêm rằng bây giờ là 15 năm sau, người Mỹ vẫn còn tham gia vào các cuộc tranh luận như thế, và rằng chúng tôi "rất biết ơn những người trong các đảng chính trị đã chia sẻ những quan ngại về đạo đức và quản trị đất nước theo quy định đạo đức đó."

Vị chủ tịch USCCB cũng nhận xét về nhu cầu và quyền của Giáo Hội có thể hiện diện tại quảng trường công cộng. Để các linh mục và giám mục có thể linh hướng hiệu quả các vấn đề như chăm sóc y tế, họ cần có tiếng nói trong "công cộng mà không phải tham gia (vào chính trị) và không bị cô lập", ngài nói.

"Chúng tôi tiếp cận mọi vấn đề từ quan điểm của luật luân lý tự nhiên và từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô," Đức Hồng y giải thích, "những vấn đề đó là những câu hỏi về đạo đức trước khi trở thành chính trị cho nên chúng vẫn là câu hỏi đạo đức dù đã trở thành chính trị."

"Chỉ cho phép chúng tôi giảng dạy và cai quản các lãnh vực mà nhà nước không quan tâm đến sẽ là một sự phản bội hiến pháp của đất nước và quan trọng hơn, phản bội chính Chúa," ngài nhấn mạnh.

Đức Hồng y George đã được cử toạ đứng dậy hoan hô nồng nhiệt khi kết thúc bài diễn văn.
 
Một người vô thần bênh vực tôn giáo
Vũ Văn An
16:39 20/11/2009
Hiện nay không thiếu những người như Richard Dawkins cho rằng Giáo Hội Công Giáo là một trong những lực lượng lớn nhất của sự ác trên thế giới. Nhận xét của ông được đăng tải trên trang mạng của tờ Washington Post ngày 23 tháng 10 vừa qua, nhân dịp được hỏi ý kiến về việc Giáo Hội Công Giáo vừa có động thái mới nhằm chào đón anh em tín hữu Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với mình. Trong một cuộc tranh luận mới đây tại Luân Đôn về đề tài “Giáo Hội Công Giáo là lực lượng tranh đấu cho sự thiện trên thế giới” đã lôi cuốn tới 2,000 người tham dự. Tại cuộc tranh luận này, Stephen Fry và Christopher Hitchens biện luận ngược với chủ đề trên đã được sự ủng hộ của 1,876 người.

Ở Úc, nhà bình luận Catherine Deveny đem Thiên Chúa lên bàn phân tâm học và cho rằng: “Thiên Chúa mắc rối loạn nhân cách tự yêu mình thái quá (narcissistic)”. Trong một bài báo trên tờ The Age ngày 2 tháng 9, Deveny bảo rằng Thiên Chúa mang mặc cảm tự tôn thái quá, bị ám ảnh bởi mộng tưởng thành công cũng như “trống rỗng tương cảm” và “hành xử cách lỗ mãng”.

Những tấn công như thế đang khuyến khích nhiều tác phẩm ra đời nhằm bênh vực Thiên Chúa và tôn giáo định chế. Điều ngạc nhiên là trong số các tác phẩm này, có cả những đóng góp của những người không tin Thiên Chúa, nhưng vẫn bênh vực tôn giáo. Như Bruce Sheiman chẳng hạn. Trong cuốn “Một Nhà Vô Thần Bênh Vực Tôn Giáo: Tại Sao Nhân Loại Phong Phú Nhờ Tôn Giáo hơn là Không Có Tôn Giáo” (do Alpha Books ấn hành), tác giả này đưa ra một cái nhìn mới về tôn giáo.

Ông cho rằng không thể giải quyết “vấn nạn Thiên Chúa” một cách thoả đáng cho cả hai bên, thành thử ông muốn bàn tới giá trị của chính tôn giáo. Ông không tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng bênh vực tôn giáo như một định chế xã hội. Về quan điểm cá nhân, ông giải thích rằng ông không phải là người có đức tin, nhưng ông không “gay gắt bác bỏ Thiên Chúa”. Ông tự mô tả mình như một “người khát mong trở thành duy thần” bởi vì “tôn giáo cung cấp cho ta nhiều lợi ích về tâm lý, xúc cảm, luân lý cộng đoàn, hiện sinh, và cả sức khỏe thể lý nữa, những lợi ích mà không một định chế nào khác có thể mô phỏng”.

Trong phần nhập đề, tác giả này cho rằng cách hay nhất để bác bỏ một cách thành công lý lẽ ủng hộ chủ nghĩa vô thần không phải là các luận chứng nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng là chứng tỏ cho người ta thấy các đóng góp bền bỉ của tôn giáo. Ông quả quyết: “Các hành động xấu của tôn giáo có thể tạo ra một lịch sử khiêu khích, nhưng các việc làm tốt thường ngày của hàng tỉ người mới là lịch sử chân thực của tôn giáo, một lịch sử luôn song hành với sự phát triển và sự thịnh vượng của nhân loại”.

Sheiman cũng nhận định rằng một trong những cách tôn giáo mang ích lợi cho ta là ban cho đời sống ta một ý nghĩa. Ta ý thức mình đang sống trong một thế giới đầy năng lực và tiềm năng, nhưng không như những con vật là những loài chỉ biết sống trong mối tương quan thực dụng đối với thế giới, con người nhân bản chúng ta biết rằng thế giới này hiện hữu tách biệt với chúng ta.

Rồi Sheiman kể ra một số điển hình cho thấy các xã hội nguyên khai đã dùng tôn giáo để đem lại cho cuộc sống họ một ý nghĩa ra sao giữa thế giới bao la này. Các thần thoại và nghi lễ đã giúp các sắc dân này nối kết thực tại mau chết với thực tại vĩnh cửu và thần thiêng. Trong thế giới hiện đại, khoa học, trong nhiều trường hợp, đã thay thế tôn giáo trong phương diện giải thích thế giới và vũ trụ, nhưng theo Sheiman, dù ta có thể chấp được điều khoa học nói về việc vận hành của vũ trụ, nhưng nó đâu có giải thích được đâu là ý nghĩa của việc vận hành đó đối với đời sống ta. Nói cách khác, vấn đề thế giới vận hành ra sao rất khác với vấn đề tại sao nó vận hành như thế. Trong cố gắng của ta để khám phá ra điều Sheiman gọi là chân lý viết theo chữ thường, tức các sự kiện và nhận thức, ta đã hy sinh chân lý viết hoa, tức ý nghĩa và mục đích.

Bản chất luân lý

Một khía cạnh khác của tôn giáo là luân lý. Theo Sheiman, rõ ràng người ta có thể là người luân lý mà không cần có tôn giáo, nhưng điều hiển nhiên cũng là: tôn giáo làm người ta trở nên tốt. Thực vậy, ông bảo: tác phong đạo đức được con người nhân bản biều lộ đã đi xa hơn ý nghĩa gắn bó tập thể. Sheiman trích dẫn nhiều cuộc nghiên cứu nhằm chứng tỏ rằng hoạt động tôn giáo làm gia tăng liên hệ xã hội. Tôn giáo xây đắp cộng đoàn như thế nào, nó cũng dậy men nền luân lý như vậy.

Và nó làm thế nhờ ý thức rằng hành động luân lý là con đường dẫn người ta tới kết hợp với Thiên Chúa và chúng ta có một thứ khế ước luân lý nhờ đó làm điều thiện cũng có nghĩa là dự phần vào sự thiện cao nhất. Nội tại trong mọi tôn giáo đều có niềm tin vào sự tốt lành, cả sự tốt lành của Thiên Chúa lẫn sự tốt lành của nhân loại. Người vô thần thường không hiểu nền luân lý tôn giáo. Nền luân lý ấy không đơn giản chỉ là một hệ thống thưởng phạt. Sheiman nhận định: “kẻ hoài nghi nhất thấy trong tôn giáo tất cả chỉ là vâng lời tối mặt đối với thẩm quyền luân lý và một hệ thống kiểm soát tác phong hoàn toàn áp chế”.

Dù một số người theo tôn giáo biểu lộ khuynh hướng độc đoán, nhưng số người không tôn giáo biểu lộ cùng những khuynh hướng như thế cũng không kém. Theo Sheiman, đối với phần đông người ta, Thiên Chúa được coi như một người cha đầy yêu thương và là cơ sở luân lý cao mà con người cố gắng vươn tới.

Một đóng góp của tôn giáo cho xã hội được Sheiman nhấn mạnh là quan niệm của Kitô Giáo coi con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì con người được đặt để dự phần vào bản tính Thiên Chúa, nên họ phải được tôn trọng như là con cái Thiên Chúa.

Quan niệm ấy hàng ngày dẫn tới man vàn hành vi hy sinh và cảm thương. Thực thế, các nghiên cứu xã hội học cho thấy người có tôn giáo biết quan tâm và nhiều cảm thương hơn người đồng trang đồng lứa nhưng không có tôn giáo, và sẵn sàng hiến tặng nhiều tiền bạc hơn cho các cơ quan từ thiện. Theo Sheiman, điều ấy đúng đối với bất cứ tôn giáo nào.

Tôn giáo cũng đem lại một nền tảng vững chắc cho tác phong luân lý qua việc gắn bó với các giá trị tuyệt đối. Ngược lại, không có tôn giáo, người ta có thể có luân lý, nhưng nếu các giới điều luân lý do con người làm ra, thì chúng có thể sai lầm và vô bổ, tùy thuộc ý kiến cá nhân và những tính toán tư lợi.

Điều ấy khiến Sheiman nhận định rằng tâm trí ta được mời gọi tiến tới một điều gì đó hơn hẳn chân lý tương đối. Là con người nhân bản, ta bao giờ cũng ráng tìm ra nguyên nhân đệ nhất và nếu các mệnh lệnh luân lý không tùy thuộc Thiên Chúa, thì chúng không tuyệt đối, mãi mãi là tương đối.

Tự mình, khoa học không thể dẫn tới nền văn hóa luân lý. Sheiman bảo: “Đúng và sai không phát sinh từ vật lý học hay sinh vật học… Như thế, sở dĩ tôn giáo trở thành nguồn văn hóa và định chế quan trọng nhất cho các nguyên tắc đạo đức học, chính là vì người ta cảm nhận nó đứng trên ý muốn nhất thời của con người”.

Tiến bộ

Ở một chương khác, Sheiman cho thấy tôn giáo đứng đàng sau các tiến bộ của thế giới Tây Phương ra sao, như trong các lãnh vực dân chủ và tự do, khoa học và kỹ thuật.

Sheiman cho rằng với thời gian, nếu nền văn minh của ta tiến bộ thì ít nhất một phần cũng nhờ có tôn giáo. Dù điều đó không tha thứ các hành vi phá hoại của một số nhà lanh đạo tôn giáo, nhưng nó khiến ta phải kết luận rằng xét tổng quát, tôn giáo quả đã tạo ra được một tác động tích cực.

Có người cho rằng không có tôn giáo, ta vẫn vững tiến trên con đường tiến bộ. Sheiman bảo điều đó không hẳn có giá trị vì các sử gia không tìm ra bất cứ sức mạnh văn hóa nào vững mạnh như tôn giáo có thể làm cho nền văn minh của ta tiến bước trong tiến bộ.

Sheiman cũng chỉ trích việc một số các nhà duy vật đọc lịch sử một cách lọc lựa, nên rất nhanh chóng gán những khía cạnh tiêu cực nhất của lịch sử cho tôn giáo, trong khi không chịu thừa nhận món nợ mà nền văn minh của chúng ta nợ các tôn giáo.

Người có đức tin hẳn sẽ nhắn nhủ Sheiman rằng niềm tin vào Thiên Chúa không tùy thuộc cách tính sổ thiệt hơn nào đó hay tùy thuộc cuộc sống bản thân của ông ta. Tuy thế, ở thời điểm quá nhiều người vô thần ra tay bôi lọ các giáo hội và đức tin, coi các giáo hội và đức tin như hoàn toàn phi lý và tiêu cực, thì cuốn sách của ông quả là một đối cực hữu ích đối với cuộc tấn kích hòi hợt và phi lý kia chống lại niềm tin.
 
Sự đóng góp của Cluny: Đánh giá con người và hòa bình.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:19 20/11/2009
Đức Thánh Cha ghi chú đến đời sống Đan Sĩ đã giúp ích cho Châu Âu.

VATICAN (Zenit.org ).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói sự cải tổ vĩ đại của đời sống đan sĩ tại tu viện Cluny và các đan viện liên kết với Cluny ảnh hưởng nhiều hơn thế kỷ thứ 12. Sự cải tổ này là chìa khóa cho Giáo Hội phổ quát, và cũng cho xã hội châu Âu ngày nay.

Đức Giáo Hoàng suy niệm hôm Thứ Tư 18/11 về sự cải tổ Cluny qua một bài huấn từ trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Sảnh Đường Phaolô VI. Ngài ghi nhận rằng lúc bắt đầu thế kỷ 12, khi dòng Cluny được lan rộng nhất, thì gần như có 1,200 đan viện—“một hình ảnh thật sự có ấn tượng”..

Đức Thánh Cha nghĩ về điều làm cho Cluny lớn mạnh như thế và về những lợi ích trực tiếp nó mang lại cho xã hội đồng thời của nó.

Ngài giải thích: “Sự thành công của Cluny được bảo đảm trước hết bởi linh đạo cao qúy được vun trồng ở đó, nhưng cũng bởi một số điều kiện khác ủng hộ sự phát triển của nó. Vì đối nghịch với điều xảy ra lúc đó, đan viện Cluny và các cộng đồng tùy thuộc nó được miễn khỏi thẩm quyền các giám mục địa phương, và được đặt dưới thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Điều này lôi kéo theo một sự gắn bó cách riêng với Toà Thánh Phêrô và, chính nhờ sự bảo hộ và sự khích lệ của các Đức Giáo Hoàng, những lý tưởng trinh khiết và trung thành, mà sự cải tổ Cluny nhằm đi theo, có khả năng lan rộng nhanh.

“Hơn nữa, các đan viện phụ được chọn không có sự can thiệp của các thẩm quyền dân sự, rất khác với điều là trường hợp trong những nơi khác. Những nhân vật thật sự xứng đáng kế tiếp nhau trong sự hướng dẫn của Cluny và của nhiều cộng đồng đan sĩ tùy thuộc.”

Đức bái ái kiên quyết

Nhưng “sự thành công” của Cluny không hẳn là thiêng liêng. Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng những lợi ích nó đóng góp cho xã hội rất có ý nghĩa.

“Trong một thời buổi mà chỉ những thể chế giáo hội cung cấp cho những kẻ khốn khó, đức ái được kiên quyết thực hiện,” ngài ghi nhận. “Trong tất cả mọi nhà, người phát chuẩn phải tiếp đón những khách vảng lai và những người hành hương túng thiếu, các linh mục và tu sĩ du hành, và hơn hết những kẻ nghèo đến xin thức ăn và nơi ở đọ qua ngày. Không kém quan trọng là hai cơ sở khác điển hình của văn minh Trung Cổ, do Cluny cổ võ: cái được gọi là sự đình chiến của Thiên Chúa và sự hòa bình của Thiên Chúa. Tại một thời buổi được đánh dấu mạnh bởi bạo lực và tinh thần báo thù, được bảo đảm với ‘sự đình chiến của Chúa’ là những thời kỳ lâu dài không có chiến tranh, nhân dịp những ngày lễ tôn giáo và một số ngày quan trọng trong tuần.

Sự tôn trọng những kẻ vô tội và những nơi thánh được đòi buộc với ‘sự hoà bình Thiên chúa,’ với nguy cợ bị vạ theo giáo luật.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích như vậy được nuôi dưỡng,, một cảm giác châu Âu “ của hai yếu tố thiết yếu cho việc xây dựng xã hội, tức là, giá trị con người và sự thiện hàng đầu của hoà bình.”

Và vượt qua điều đó, những vùng đất rộng và được canh tác tốt của các đan viện đã giúp ích cho nền kinh tế.

Đức Giáo hoàng nói thêm hơn nữa, “Sau lao động chân tay, không thiếu một số sinh hoạt văn hóa điển hình của đời sống Đan Sĩ, như những trường học cho trẻ em, sự tạo lập những tủ sách và những chữ viết để dịch sách,”.

“Như vậy, cách đây ngàn năm, khi quá trình đào tạo căn tính châu Âu lên cao điểm, kinh nghiệm của Cluny trải dài trên những vùng rộng lớn Lục Địa châu Âu, và thực hiện sự đóng góp quan trọng và qúi báu của nó,” ngài nói. “Nó nhắc lại tính hàng đầu của những của cải tinh thần; từ sự này nó lôi kéo tới những sự của Thiên Chúa; nó linh hứng và ủng hộ những sáng kiến và những thể chế cho việc cổ võ các giá trị nhân bản; nó giáo dục trong một tinh thần hoà bình.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết luận bằng cách khuyến khích cầu nguyện cho “tất cả những ai có trong tâm hồn một chủ nghĩa nhân đạo và tương lai của Châu Âu, sẽ có khả năng tái khám phá, đánh giá và bảo vệ gia sản văn hóa và tôn giáo phong phú của những thế kỷ này.”
 
Toàn thể vũ trụ sẽ qua đi, Kitô Hữu không thuộc về thế gian này
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:20 20/11/2009
VATICAN (Zeni,org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc các kitô hữu nhớ rằng tạo vật có cùng và sẽ qua di, nhưng lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn đời và cũng nâng chúng ta lên sự sống đời đời.

Đức Giáo Hoàng đã ban bài huấn dụ trước khi đọc kinh truyền Tin trưa vào ngày Chúa Nhật 15/11 với những người hành hương qui tụ trong Quảng Trường Thánh Phêrô.

Khi suy niệm về phụng vụ hôm nay, và sự kết thúc đang tới của năm phụng vụ, ngài cảm tạ Chúa “Đấng đã cho chúng ta khả năng thực hiện, lần nữa, cuộc hành trình đức tin này—xưa mà vẫn mới—trong đại gia đình Giáo Hội.”

Lời Chúa là một “hạt giống biến đổi thế giới này từ bên trong và mở thế giới cho Nước Trời,” Đức Giáo Hoàng khẳng định.

Ngài suy niệm về những lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng, là “toàn thể vũ trụ”sẽ qua đi.

“Toàn thể tạo vật được đánh dấu bằng sự có cùng,” Đức Thánh Cha nói, cả những “yếu tố thần linh hoá bởi những thần thoại học.”

Theo nghĩa này, ngài nói thêm, có một sư khác biệt rõ ràng giữa tạo vật và Đấng Sáng tạo, bởi vì những lời Thiên Chúa là đời đời và “sẽ không qua đi.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng tất cả những ai nghe Lời Chúa, “ nhận lãnh Lời ấy và sinh hoa quả” là “thành phần của Nước Chúa, nghĩa là, họ sống dưới quyền cai trị của Chúa; họ vẫn ở trong thế gian, nhưng không còn thuộc về thế gian.”

Ngài nói tiếp, “Trong họ có một hột giống đời đời, một nguyên lý biến đổi mà bây giờ được tỏ bày trong một sự sống tốt lành, được sinh động bời đức bái ái, và trong thời kết thúc sẽ sinh sản sự phục sinh xác phàm.”

Đó là “quyền phép của Lời Chúa Kitô,” Đức Giáo hàong nói rõ.

Ngài kết thúc bằng cách làm nổi bật gương của Đức Trinh Nữ Maria Đấng “đã sẵn sàng lãnh nhận Lời Chúa,” và sống toàn diện sự sống của Mẹ “đã biến đổi theo hình ảnh Con Mẹ.”

Trong kinh nguyện, Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta hay bắt chước Mẹ bằng cách theo Chúa Giêsu trên con đường Thánh Giá,” ngõ hầu “chúng ta cũng có thể có khả năng tới vinh quang Phục Sinh.”
 
Trong việc bảo vệ sự sống, Giáo Hội sẽ đi cho tới cùng,
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:26 20/11/2009
Tố giác “Nền luân lý thiển cận”

ROME (Zenit. Org).- Thư ký Bộ giáo Lý Đức Tin nhấn mạnh sự dấn thân của Giáo Hội làm hết sức để bênh vực sự sống và nhân phẩm

Tổng giám mục Luis Ladaria phát biểu Thứ Ba 10/11 trong một hội nghị được bảo trợ do Trung Tâm Giáo Dân tại Foyer Unitas, một nơi học tập, sưy tư và trao đổi liên tôn giáo cho các sinh viên đại học lưu trú tại Roma.

Ngài nói với một cử tọa gồm các sinh viên về “Dignitatis Persomae” (Nhân Phẩm) và một phương thức mới mà nhóm sinh viên này trình bày để ủng hộ nhân phẩm. Bởi vì đa số thính giả nói tiếng Anh, Tổng Giám Mục Ladaria nhắc cách riêng tới việc Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giới thiệu bản sao văn kiện này cho Tông Thống Hoa Kỳ Barack Obama vào hồi tháng Bảy vừa qua.

Vị giám chức nói rõ rằng văn kiện 2008 nói về sự bảo vệ sự sống, ngài đề cao giai đọan tiền sinh và những thách đố mới trong lãnh vực này nẩy sinh do hành động điều khiển di truyền, thụ tinh nhân tạo, phát triển thành dòng vô tính và thụ tinh trong phòng kính.

Ngài nhấn mạnh sự kiện phẩm giá con người “ không phải được ban cho do những thể chế trần gian, nhưng được thừa nhận là một sự kiện có trước.”

Tổng giám mục chỉ rõ rằng sự cao cả phẩm giá này đạt tới chóp đỉnh của nó trong con người Chúa Giêsu “bởi vì là Thiên Chúa làm người.” Ngài nói thêm,” Đó là phẩm giá lớn nhất có thể mà chúng ta có thể nghỉ tới được.

Khoa học chứng minh rằng có sự sống nhân bản từ lúc thụ thai, tổng giám mục khẳng định, do đó, hữu thể mới đã có một linh hồn và một tinh thần.

Ngài giải thích: “Nếu đó là một nhân bản, thì đã là một nhân vị. Không có gì là trừu tượng trong nhân vị dó.”

Từ lúc tế bào sinh ra (zygote) bắt đầu hiện hữu, thì không có sự thay đổi trong bản tính của nó, ngài nói.

Tổng giám mục Ladaria nói iếp: “ Nó có một phẩm chất con người; có một sự liên tục; không có những bước nhảy tự nó có những thay đổi phẩm chất, thân xác thời kỳ đầu phát triển. Ngưới ta có thể thấy lý do quyết đinh để chấp nhận chính phẩm giá nhân vị.”

Hình ảnh Thiên Chúa

Ngài hỏi những thính giả tham dự, “Tại sao những Kitô hữu ban tầm rất quan trọng cho quan niệm về nhân vị?”

Vị giám chức khẳng định: “Người nam và người nữ đã được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.”

“Quan niệm về con người là thiết yếu cho việc đến gần mầu nhiệm Ba Ngôi và sự Nhập Thể. Con người là một nhân vị, Chúa Kitô là một nhân vị trong tương của Người với Cha; Người là Con.”

Tổng giám mục Ladaria nói rõ rằng kiểu lý luận này không được biết khi những ý thức hệ được cổ võ đi ngược lại sự sống. Thường, ngài than, con người “được coi như một con số.”

Vị giám chức nhắc lại: “Trong những trại tập trung họ muốn loại bỏ nhân phẩm, như vậy họ cho một con số. Đó là một cách xúc phạm con người. giảm giá con người.

Phẩm giá, ngài giải thích, đi xa hơn một con số, và liên quan với những đặc điểm duy nhất và không lập lại.”

Giáo Hội không phải là một thể chế tùy hứng chống lại bất cứ sự tiến bộ khoa học nào, tổng giám mục nói. Đúng hơn, Giáo Hội đặc thành vấn đề khả năng của kỹ thuật mới, tách sự khởi đầu sống khỏi sự kết hợp vợ chồng.

“Chỉ trong phạm vị hôn nhân và gia đình, mới có nguồn gốc sự sống con người,” ngài nói. “Sự sinh sản phải là hậu quả của hôn nhân.”

Tổng giám mục Ladaria nói rằng con người phải luôn luôn ý thức ơn gọi của mình là kẻ đồng sáng tạo.

“Sự sinh sản là một sự cộng tác đặc biệt,” ngài nói. “Chỉ trong tình yêu nhân bản, một sự phản ảnh tình yêu Thiên Chúa, trong sự trao ban hỗ tương, mới gặp được bối cảnh cho sự cọng tác với tình yêu của Thiên Chúa Đấng sáng tạo.”

Sự phân biệt đối xử nghiêm trọng

Tổng giám mục chỉ rõ sự cần thiết phải “dấn thân cá nhân và toàn diện.” Như vậy, sự tách rời việc sinh sản khỏi bối cảnh hành vi vợ chồng thì không thể chấp nhận về mặt đạo đức.”

Ngài nói thêm rằng chìa khóa ở trong sự thấy sự sống con người tự nó là một mục đích chớ không phải là một phương tiện thoả mãn những ước muốn, những nhu cầu hay là “những quyền lợi của những kẻ ao ước làm cha mẹ.”

Mục tiêu của Giáo Hội là bảo vệ những kẻ ít được tự vệ nhất, vị giám chức khẳng định. Theo nghĩa này, ngài nhắc lại những lời cửa Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ngày 8/1, trước kia khi ngõ lời với các đại sứ bên cạnh Toà Thánh: “Những đứa bé chưa sinh,” là những kẻ nghèo nhất; do đó, những thực hành chống lại chúng là một “sự kỳ thị nghiêm trọng.”

Tổng giám mục Ladaria nói tiếp: “Có một luật tự nhiên mà con người có thể cũng biết trong luật nhân bản, là luân lý nhân bản. Những cố gắng được thực hiện để xây dựng những chiếc cầu với những nhóm tôn giáo khác. Cho nên nhiều người chống lại sự phá thai.”

Ngài khẳng định: “Giáo Hội đề nghị giáo lý của mình; Giáo Hội không đề nghị một nên luân lý của những tối thiểu nhưng của những tối đa.”

“Giáo Hội trình bày một lý tưởng mà mọi tín hữu phải ước mong, bởi vì có một nguyên lý cơ bản: Mọi người Kitô hữu được kêu gọi nên thánh trong sự hoà hợp với tình trạng của mình trong sự sống.”

Sự mỏng giòn nhân bản hiện hữu, vị giám chức công nhận, nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự áp dụng các lề luật bởi vì “chúng ta là những con người mỏng giòn.”

Vì sự yếu hèn của chúng ta, ngài nói, Giáo Hội cống hiến chúng ta bí tích sám hối, “ nhưng chúng ta không tạo ra một Kitô Giáo thiển cận.”

Tổng giám mục kết luận, “Sự thánh thiện là sự ao ước của chúng ta và là ơn gọi của chúng ta.”
 
Giáo Hội làm việc trong lương tâm, không phải chính trị, nước giầu cũng cần bác ái.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:31 20/11/2009
VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Giáo Hội trong việc cổ vỏ công lý, không phải bằng chính trị, nhưng bằng sự rao giảng Tin Mừng và cổ võ các nhân đức như bác ái và đức tin.

Đức Giáo Hoàng nói điều này hôm Thứ Sáu 13/11 trong một buổi tiếp kiến với những tham dự viên khóa hợp khoáng đại thứ 28 của Hội Đồng Giáo Hoàng Đồng Tâm Cor Unum.

Khóa hợp, bắt đầu ngày Thứ Năm tại Rome và kết thúc ngày Thứ Bảy, được hướng dẫn bởi chủ tịch hội đồng là Đức Hồng Y Paul Cordes.

Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng sứ vụ của hội đồng này bao hàm “một sự căng thẳng liên tục giữa hai cực: việc loan báo Tin Mừng và sự quan tâm đối với tâm hồn con người và những môi trường con người đang sống.”

Ngài ghi nhận rằng hai phương diện này mới đây được đề cao trong Giáo Hội bằng sự phổ biến “Caritas in Veritate” và Khóa Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho châu Phi.

Những biến cố này, Đức Thánh Cha khẳng định, nhấn mạnh sự kiện Giáo Hội, “trong khi rao giảng ơn cứu độ, không thể lơ là những điều kiện sống thực sự của con người mà Giáo Hội được sai đến.

Từ viển ảnh này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định, “chúng ta phải coi sự dấn thân của Giáo Hội cho việc phát triển một xã hội công bằng hơn, là một dấn thân trong đó những quyền lợi của các cá nhân và các dân tộc được thừa nhận và tôn trọng.”

Vai trò riêng biệt

Ngài nói rõ rằng “chắc chắn nhiệm vụ của Giáo Hội không phải là trực tiếp can thiệp trong đời sống chính trị các quốc gia hay là trong việc xây dựng những cấu trúc chính trị thỏa đáng.”

Giáo Hội “cởi mở tâm hồn cho Chúa” và “thức tỉnh các lương tâm,” Đức Thánh Cha nói Giáo Hội binh vực những quyền nhân bản thật sự và sống dấn thân cho công lý bằng sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng.

Đức Gáo Hoàng đề cao vai trò cửa đức tin như là “một sức mạnh thiêng liêng luyện sạch lý trí” trong sự tìm kiếm chân lý, “bằng cách giúp nó thoát sự nguy hiểm luôn hiện diện. sự nguy hiểm bị làm đui mù bởi tính ích kỷ, tư lợi và thế lực.”

Cả những xứ phát triển hơn hết cũng cần bác ái, ngài nói, và như vậy “sự phục vụ của tình yêu không bao giờ dư thửa vì những tình huống đau khổ, cô đơn và nhu cầu vẫn tồn tại, cần những người hiến mình và sự giúp đở xác thực.

Đức Giáo Hoàng nói rằng tất cả những ai phục vụ trong các công trình bác ái Công Giáo phải có mục tiêu chính là “đem dân chúng hiểu biết và kinh nghiệm Gương Mặt thương xót của Cha trên trời, bởi vì trong lòng Thiên Chúa - Tình Yêu là sự đáp trả thật cho những hy vọng thân mật nhất của mọi tâm hồn nhân bản.”

Giáo Hội, ngài nói, kẻ can dự vào trong những sự sống con người và lịch sử của họ, phài hoàn thành vai trò của mình như là một “kênh cho sự tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa.”
 
Đức Giáo Hoàng chỉ trích trước sự dững dưng của nạn đói trên thế giới
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:36 20/11/2009
Đức Thánh Cha khẳng định vấn đề không phải là hậu quả của sự gia tăng dân số.

ROME (Zenit.org).- Hôm nay Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phát biểu tại Hội Nghị thượng đỉnh lương nông của Liên Hiệp Quốc, ngài nói nạn đói thế giới không bao giờ được trở thành một vấn đề vô lo.

Đức Giáo Hoàng viếng thăm các tổng hành dinh Tổ Chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Roma, nơi đây lối 60 lãnh đạo nhà nước và đại biểu từ 192 quốc gia qui tụ lại để xem xét vấn đề mà một trong sáu người dân trên quả địa cầu phải ngủ đói đêm nay.

Các thống kê minh chứng về sự gia tăng thê thảm trong số người đói […] mặc dầu được biết thế giới có đủ lương thực cho tất cả cư dân thế giới, “Đức Thánh Cha nói. ”Trên thực tế, tuy những mức thấp sản xuất nông nghiệp tồn tại trong một số vùng, một phần do sự thay đổi khí hậu, lương thực được sản xuất đủ trên bình diện toàn cấu, hầu thỏa mãn những đòi hỏi hiện giờ và những đòi hỏi trong tương lai có thể dự đoán được.

“Từ những dữ kiện này chúng ta có thể suy luận rằng không có tương quan nguyên nhân-và-hậu quả giữa sự gia tăng dân số và nạn đói,” ngài nói. Và ngài khẳng định sự này được chứng tỏ hơn nữa bởi “sư phá hủy thê thảm các thực phẩm vì lợi nhuận kinh tế.”

Sự quan sát của Đức Thánh Cha giúp một sự phân tích từ tổng giám đốc của Fao, Jacques Diouf, người đã ghi nhận rằng “Trong một số nước phát triển, 2% tới 4% dân chúng có khả năng sản xuất đủ lương thực để nuôi toàn thể quốc gia mà còn xuất khẩu nữa, tuy trong đa số các nước đang phát triển, 60% tới 80% dân chúng không có khả năng trang trải những nhu cầu lương thực trong nước.

Phụ trợ

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói cho các lãnh đạo thế giới vê học thuyết xã hội Công Giáo nguyên lý của sự phụ trợ-- theo đó một cộng đồng cấp bậc cao hơn không nên can thiệp trong đời sống nội tại của một cộng đồng thấp hơn.

Ngài ghi nhận rằng những xứ nghèo nhất hội nhập trong nền kinh tế thế giới nhiều hơn là họ quen làm, và còn, thỉnh thoảng họ còn bị bắt buộc tìm kiếm sự giúp đở của các thể chế liên chính phủ.

Đức Thánh Cha gợi ý kiểu hợp tác “phải nhất quán với nguyên lý phụ trợ: Điều cần thiết là phải kéo theo ‘những cộng đồng địa phương trong những sự lựa chọn và những quyết định ảnh hưởng việc sử dụng đất nông nghiệp.’”

Trên thực tế, tuyên ngôn được phê chuẩn hôm nay tại thượng đỉnh ba ngày của FAO phản chiếu một sự thay đổi trong chiến lược tập trung về nông nghiệp trong những nước nghèo. Điều được chờ đợi là việc tái-tập trung sẽ trang bị tốt hơn những người đói trong thế giới để họ tự cứu lấy mình, hơn là tùy thuộc vào sự trợ giúp lương thực bên ngoài.

“Việc làm của chúng ta không hẳn là nuôi sống những kẻ đói, nhưng là cho những kẻ đói khả năng nuôi sống mình,” U.N. Tổng Thư Ký Ban Ki-moon nói lúc bắt đầu thượng định.

Không bao giờ

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xác định cách kiên quyết rằng môt giải phát cho nạn đói thế giới phải được tìm ra, ngài nói rằng đó không phải là môt cái gì người ta đã quen với.

Ngài đã tuyên bố mạnh mẽ điều ngài gọi là một “một khuynh hướng coi nạn đói như thuộc về cấu trúc, một phần nguyên vẹn của tình huống xã hội-chính trị của những xứ nghèo nhất, một vấn dề luyến tiệc cam chịu, nếu không phải là sự thờ ơ đích thực.”

“Không phải vậy, và không bao giờ là vậy,” ngài nói.

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng kêu gọi phải chiến đấu và chiến thắng nạn đói, ngài nói nếu muốn điều này xảy ra “ thì điều thiết yếu là bắt đầu tái định nghĩa những quan niệm và nhưng nguyên tắc đã quản trị cho tới ngày nay những tương quan quốc tế, trong một kiểu như hỏi: Điều gì có thể hướng dẫn sự chú ý và sự cư xử tiếp theo của những quốc gia đối với những nhu cầu các kẻ nghèo nhất?”

“Giải đáp,” Đức Giám Mục Rome khẳng định, “ phải được tìm kiếm không phải trong những phương diện kỹ thuật hợp tác, nhưng trong những nguyên lý nằm sau lưng nó: Chỉ nhơn danh tư cách hội viên chung của gia đình nhân loại toàn thế giới, tất cả mọi người và do đó tất cả mọi xứ được yêu cầu thực hiện sự phụ trợ, nghĩa là, gánh gánh nặng của những trách nhiệm cụ thể trong khi gặp những nhu cầu của những kẻ khác, ngõ hầu ủng hộ sự chia sẻ chân thực những của cải, xây dựng trong tình yêu”

Không phải chỉ vì tình yêu

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rõ, giải quyết vấn đề nạn đói thế giới không hẳn là một vấn đề bác ái.

Ngài giải thích: Tuy thật là sự phụ trợ nhân bản được tình yêu linh hứng vượt quá đức công bình--bởi vì yêu là cho, cống hiến cái ‘của tôi’ cho người khác—không bao giờ không có sự công bình, bắt chúng ta cho kẻ khác điều thuộc ‘về họ,’ điều thuộc về họ do hữu thể và hành đông của họ. Trên thực tế, Tôi không thể ‘cho’ kẻ khác điều thuộc về tôi,’ mà trước hết không cho họ điều thuộc về họ theo phép công bình.”

“Lương thực đủ dùng, lành mạnh và bồi dưỡng, và nước cũng vậy” là một “quyền cơ bản của từng cá nhân,” ngài nhắc lại.

Trong việc loại trừ nạn đói, Đức giáo hoàng nói thêm, hành động quốc tế là cần thiết để tìm ra những thông số mới—và không hẳn những thông số đạo đức học, nhưng cũng những thông số pháp lý và kinh tế, “có khả năng linh hứng độ hợp tác cần thiết cho việc xây dưng một tương quan bình đẳng giữa những xứ tại những giai đọan khác nhau về mặt phát triển.”

Ngài trưng dẫn Thánh Phaolô về phương diện này: “Tôi không muốn nói rằng những kẻ khác thoát khỏi âu lo và các bạn mang gánh nặng, nhưng như một vấn đề bình đẳng, sự dư dật của các bạn hiện giờ có thể bổ sung sự cân thiết của họ, hầu sự dư dật của họ có thể bổ sung sự cần thiết của các bạn, hầu có thể có sự bình đẳng”. Như được víết, “’Kẻ nào thu hoạch nhiều không có dư, và kẻ nào thu hoạch ít không có thiếu.’”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kết luận bằng cách kêu gọi nạn đói là “dấu chỉ nạn nghèo độc ác và cụ thể nhất.”

“Sự sang trọng và sự lãng phí,” ngài nói, “không thể chấp nhận được nữa khi thảm cảnh nạn đói đang có tỉ lệ càng lúc càng tăng.”
 
Tiếp kiến các Giám Mục Brazil: con người là một hồng ân không phải là một sản phẩm.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:39 20/11/2009
Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám Mục Brazilian giáo dục các lương tâm

VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khuyến kích các giám mục Brazil giáo dục các luơng tâm Kitô hữu ngõ hầu dân chúng có thể coi sự sống con người như một ân huệ của Chúa chớ không phải là một sản phẩm thương mại.

Đức Giáo Hoàng nói điều này hôm Chúa Nhật trong một buổi tiếp kiến dành cho các giám mục Nam Brazil đang thăm viếng Roma theo Giáo Luật 3 năm.

“Dân chúng của chư huynh tích trữ trong tâm hồn họ những cảm tình tôn giáo lớn và những truyền thống cao thượng, ăn rễ trong Kitô Giáo, được bày tỏ trong những phát biểu tôn giáo và dân sự thân tình và đích thật.”, ngài thừa nhận.

Đức Giáo Hoàng khuyên các giám mục tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng, ngài ghi nhận rằng “đời sống xã hội đích thực bắt đầu trong lương tâm mỗi người chúng ta.”

Ngài tiếp tục nói, “Biết rằng một lương tâm được đào tạo tốt dẫn tới sự hoàn thiện lợi ích thật của con người, Giáo Hội, thấu rõ thiện ích này là gì, soi sáng con người và, suốt sự sống toàn diện Kitô hữu, ra sức giáo dục lương tâm của họ.”

Đức Thánh Cha khích lệ các giám chức “đánh thức những lương tâm, kết hợp các ý muốn trong một cố gắng chung chống lại làn sống bạo lực và sự khinh bỉ ngày càng gia tăng đối với con người.”

Sự sống con người, ngài nói, là một “ân huệ của Chúa được nhận lãnh trong tình thân mật yêu thương của hôn nhân giữa một người nam và một ngưòi nữ,” nhưng thường “bây giờ được coi như một sản phẩm thuần túy con người.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng “xác tín của lý trí ngay thẳng và sự chắc chắn của đức tin là sự sống con người, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, tùy thuộc Thiên Chúa chớ không phải con người, ban cho con người đặc điểm thánh này và phẩm giá cá nhân này làm nẩy lên một thái độ pháp lý và luân lý đúng đắn mà thôi, tức là, một thái độ tôn trọng sâu xa.”

Ngài khẳng định, “Chúng ta không bao giờ nên ngã lòng trong sự chúng ta kêu đến lương tâm.”

Đức Giáo Hoàng khuyến khích các giám mục, “hãy tiếp tục làm việc cho sự chiến thắng của mục tiêu thuộc Thiên Chúa, không phải với tinh thần buồn bực của một kẻ chỉ thấy cái cần thiết và những nguy hiểm, nhưng với sự tin tưởng vững vàng của một người biết mính có thể nương tựa vào chiến thắng của Chúa Kitô.”
 
Đức Giáo Hoàng rút những bài học từ kiến trúc Gothic
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:45 20/11/2009
VATICAN (Zenit.org).- Hôm Thứ Tư 18/11, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI rút hai bài học từ vẻ đẹp của các nhà thờ chánh toà kiến trúc Romanes và Gothic khi ngài hiến bài huấn từ buổi tiếp kiến chung của ngài để xem xét sự phát triển của kiến trúc Kitô hữu bắt đầu trong thế kỷ 11.

Đức Giáo Hoàng nói với thính giả của ngài trong Sảnh Đường Phaolô VI về những đặc đỉểm thể lý và biểu tượng của các nhà thờ và các nhà thờ chánh toà châu Âu thời Trung Cổ.

Và ngài chỉ rõ hai bài học cho hôm nay: một liên hệ với những nguồn gốc Kitô hữu châu Âu, và một bài học khác về “con đường của vẻ đẹp” như là một con đường đi gặp Chúa.

Đức Thánh Cha nói “Những công trình nghệ thuật sinh ra tại châu Âu trong những thế kỷ đã qua thì không thể hiểu được, nếu người ta không coi trọng linh hồn tôn giáo linh hứng những công trình ấy”.

Ngài đề xướng sự gặp gở của đức tin với nghệ thuật, mang lại một sự hài hòa sâu sắc, “bởi vì cả hai có thể và muốn ngợi khen Chúa, bằng cách làm cho Đấng Vô Hình thành hữu hình.”

Đức Giáo Hoàng nói ngài sẽ chia sẻ suy tư này trong ngày thứ Bảy khi ngài gặp một nhóm nghệ sĩ, đại diện cả hai nét thế tục và thánh thiêng của nghề nghiệp.

Mầu nhiệm làm xích gần lại

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói một bài học thứ hai từ kiến trúc của thời Trung Cổ Kitô hữu là “con đàng của vẻ đẹp, là một con đàng đặc biệt và mê hoặc làm xích gần tới Mầu Nhiệm của Thiên Chúa.”

Vẻ đẹp, mà các văn sĩ, các thi sĩ, các nhạc sĩ và các nghệ sĩ chiêm ngắm và chuyển dịch trong ngôn ngữa của họ là gì, nếu không phải là sự suy tư về vẻ huy hoàng của Ngôi Lời Đời Đời biến thành nhục thể”.

Và Đức Giáo Hoàng trưng dẫn lời Thánh Augustinô khi khẳng định rằng vẻ đẹp được tạo dựng nâng cao tinh thần tới Chính Vẻ Đẹp: “Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, hỏi vẻ đẹp của biển, hãy hỏi vẻ đẹp của không khí dư thừa và lan tràn. Hãy hỏi vẻ đẹp của trời, hãy hỏi trật tự các vì sao, hãy hỏi mặt trời, mà với ánh sáng của nó soi sáng ban ngày; hãy hỏi mặt trăng, mà với sự sáng của nó làm bớt đi sự tối tăm của đêm. Hảy hỏi những con thú di chuyển trong nước, đi trên mặt đất, bay trong không khí: những linh hồn ẩn giấu, những thân thể tỏ mình; sự thấy được tự để mình được hướng dẫn, sự không thấy đưọc là kẻ hướng dẫn.

“Hãy hỏi chúng! Tất cả sẽ trả lời cho bạn: Hãy nhìn xem chúng tôi, chúng tôi đẹp ! Vẻ đẹp của chúng làm cho người ta biết chúng. Sự tốt đẹp này có thể biến đổi, ai đã sáng tạo ra nó nếu không phải là sự Tốt Đẹp Bất Biến?”

Đức Giáo Hoàng kết luận bằng cách cầu xin Chúa giúp chúng ta tái khám phá con đàng của vẻ đẹp như là một trong những con đàng, có lẽ hâp dẫn và mê hoặc nhất, phải có khả năng tìm và yêu Thiên Chúa.”
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng Thống Cộng Hòa Surinam
Bùi Hữu Thư
19:09 20/11/2009
Rôma, Thứ sáu ngày 20 tháng 11, 2009 (Le Monde vu de Rome) – Văn phòng truyền thông Tòa Thánh cho hay Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tiếp tiếp kiến tổng thống Cộng Hòa Surinam, M. Runaldo Ronald Venetiaan ngày thứ sáu tại Vatican.

Tổng Thống Cộng Hòa Surinam cũng đã gặp gỡ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và Đức Cha Dominique Mamberti, bộ trưởng ngoại giao.

Trong bản thông tin của văn phòng truyền thông có ghi: “Các cuộc đàm thoại thân hữu cho phép trao đổi các quan điểm tốt đẹp về các vấn đề quốc tế và điạ phương hiện hành.”

Một vài sắc thái của tình hình tại Surinam cũng đã được nêu lên, “đặc biệt là các giải pháp chính trị và xã hội đã được chính phủ đề ra để bảo vệ môi sinh, cũng như các lãnh vực hợp tác giữa Giáo Hội và Quốc Gia.”

Nước Surinam, một thuộc điạ cũ của Hoà Lan, nằm về phiá bắc của Nam Phi có Thủ đô là Paramaribo. Nước này có dân số trên 480.000, trong đó có 23% người Công Giáo.
 
Top Stories
Anglican leader, in Rome, optimistic
Francis X. Rocca /NCR
09:30 20/11/2009
VATICAN CITY -- Speaking in Rome a month after the Vatican unveiled plans to facilitate the conversion of conservative Anglicans to Catholicism, the spiritual leader of the worldwide Anglican Communion offered a moderately hopeful assessment of ecumenical relations between the two churches.

The "ecumenical glass is genuinely half-full," Archbishop of Canterbury Rowan Williams said Thursday (Nov. 19), at the conclusion of a 30-minute lecture at the Pontifical Gregorian University.

Williams spoke during a conference on ecumenism sponsored by the Vatican's Pontifical Council for the Promotion of Christian Unity.

In his talk, Williams stressed the "theological convergence" on major doctrinal questions accomplished by Anglican-Catholic dialogue during the last four decades. He characterized areas of continued controversy, including disagreements over the ordination of women, as "second-order issues."

The archbishop nonetheless acknowledged strong feelings surrounding the question of women priests, noting that "for many Anglicans, not ordaining women (as priests or bishops) has a possible unwelcome implication about the difference between baptized men and baptized women."

Williams made only one reference to what he acknowledged as the "elephant in the room," the Vatican's plan to establish special Catholic dioceses in which former Anglicans can retain many of their traditional forms of worship and governance, and a limited married priesthood.

The move was explicitly designed to facilitate the conversion of Anglicans upset by their churches' growing acceptance of homosexuality and women priests.

Williams downplayed the significance of the Vatican plan, which he called an "imaginative pastoral response to the needs of some" that "does not break any fresh ecclesiological ground."

A new Catholic diocese for former Anglicans, he suggested, is more likely to resemble a mere "chaplaincy" than a full-fledged "church gathered around a bishop."

Williams will meet with Pope Benedict XVI at the Vatican on Saturday (Nov. 21), on the second-to-last day of a five-day visit to Rome, which has included meetings with various Vatican officials.

Apart from Thursday's lecture, the archbishop's only scheduled public appearance here will be at an interdenominational prayer service at a Rome church on Friday (Nov. 20), at which Williams will be the designated preacher.

(Source: http://ncronline.org/news/vatican/anglican-leader-rome-optimistic)
 
Vatican describes ''New Moon'' Twilight as a 'deviant moral vacuum'
Rodney Chester
09:34 20/11/2009
The latest instalment of the teen vampire saga Twilight is a "deviant moral vacuum", the Vatican said yesterday.

New Moon, which opened this week, is a "mixture of excesses aimed at young people and gives a heavy esoteric element", the Vatican warned.

Monsignor Franco Perazzolo, of the Pontifical Council of Culture, blasted the film.

"Men and women are transformed with horrible masks, and it is once again that age-old trick or ideal formula of using extremes to make an impact at the box office," he said.

"This film is nothing more than a moral vacuum with a deviant message and as such should be of concern."

His attack came three weeks after the Catholic Church in Italy condemned Halloween as "anti-Christian and dangerous" and urged parents not to dress their children as ghosts and goblins.

In the past the Vatican has also attacked the Harry Potter books and films. Six years ago, Pope Benedict XVI criticised the "subtle seductions" in J.K. Rowling's stories, which could "corrupt the Christian faith" in impressionable young children.

And last year, Vatican newspaper L'Osservatore Romano ran an editorial attacking the teen wizard as "the wrong kind of hero".

But four months ago it published an article approving of the latest big screen instalment, Harry Potter and the Half Blood Prince, because it said the film managed to distinguish between good and evil.

Cardinals have also urged people not to see or read Dan Brown's The Da Vinci Code, which they said was an insult to Christianity.

The Vatican denied film crews access to churches in Rome when they wanted to shoot the sequel, Angels and Demons, last year.

Twilight, based on books by US author Stephanie Meyer, tells the story of a romance between vampire Edward Cullen (Robert Pattinson) and Bella Swan (Kristen Stewart).

Social commentators have predicted the sex appeal of the teen vampire played by Pattinson was likely to have wider ramifications among Generation Y viewers, who were turned on by the image of the outsider.

Last year, when Pattinson first brought to life the character of Cullen, American film professor Joanne Detore-Nakamura predicted it would lead to the resurgence of the vulnerable man as a sex symbol.

And her prediction seems set to play out, with social commentator Mark McCrindle yesterday saying that the Cullen character in New Moon was the new pin-up boy for Generation Y.

"That particular character is a sign of our times. It's not the traditional pin-up hero of the past that people respond to, but in these post-modern times it's the outsider," Mr McCrindle said.

"And that's a sign that we've moved beyond the traditional clean-cut, blonde-haired, blue-eyed hero of the past to someone who can embody the complexity and in many ways the rejection of the traditional society."

"It's the rise of the anti-hero."

(Source: http://www.news.com.au/couriermail/story/0,20797,26377583-23272,00.html?from=public_rss)
 
NEPAL: La crise politique déclenchée par les maoïstes fait vaciller le gouvernement et inquiète l’Eglise catholique
Eglises d'Asie
09:36 20/11/2009
« La situation pourrait prendre un mauvais pli, vu la nature de nos chefs politiques. La population est fatiguée de cette classe politique qui semble ne s’intéresser qu’au pouvoir, négligeant les besoins réels des gens. » Par ces mots, le P. Pius Perumana, pro-vicaire apostolique du Népal, confiait récemment son inquiétude à l’agence Fides (1). Selon le bras droit de Mgr Sharma, vicaire apostolique de la jeune Eglise catholique du Népal (2), on assiste, depuis l’arrivée au pouvoir des maoïstes en 2008, à la détérioration progressive de la situation des chrétiens: mesures discriminatoires, tentatives de sécularisation forcée, montée des extrémismes, attentats comme celui qui a pris pour cible la principale église du Népal, Sainte-Marie de l’Assomption, qui a fait trois morts et de nombreux blessés en mai dernier (3). Mais le retour dans l’opposition des anciens guérilleros, il y a cinq mois, a plongé le pays dans une crise politique et économique encore plus profonde.

« L’Assemblée constituante, élue pour rédiger la nouvelle Charte constitutionnelle, n’a toujours pas commencé ses travaux et rien ne semble bouger dans cette direction. Pendant ce temps, la souffrance et le malaise de la population augmentent. C’est de cela que nous nous occupons et, comme communauté catholique, nous faisons notre possible pour les alléger (…), analyse encore le P. Perumana. Les maoïstes ont recommencé à manifester, cette fois au nom de la ‘suprématie de la société civile’... mais eux-mêmes ne savent pas bien ce que signifie ce slogan. L’unique certitude est qu’ils veulent revenir au pouvoir. Ils ont annoncé une semaine d’agitation, menaçant de manifestations encore plus vives si leurs requêtes n’étaient pas écoutées. Mais personne ne semble avoir confiance en eux. L’équilibre politique est vraiment précaire... »

Depuis la démission fracassante, en mai dernier, du Premier ministre Prachanda (4), les militants maoïstes paralysent chaque jour davantage le pays, multipliant les grèves et les manifestations, bloquant les rouages administratifs et législatifs, en usant de leur représentation à l’Assemblée constituante où ils détiennent 40 % des sièges. C’est ainsi que le budget de l’Etat attend depuis trois mois d’être approuvé par le Parlement et que, par voie de conséquence, les hôpitaux, les écoles, les projets de développement et toutes les institutions dépendant des subsides du gouvernement ainsi que tous les fonctionnaires – qu’ils soient ministres ou simples agents de police –, ne reçoivent plus rien.

Début le début du mois de novembre 2009, les maoïstes ont fait monter la tension d’un cran en annonçant une grande offensive dirigée contre le gouvernement, lequel devrait faire face, s’il n’acceptait pas leurs revendications, à un soulèvement du pays, voire à la reprise de la lutte armée. Après avoir bloqué pendant deux jours les voies d’accès à la capitale, ils étaient des milliers à Katmandou, le 12 novembre, à manifester devant Singha Durbar, siège principal du gouvernement, provoquant des émeutes et des affrontements violents avec les forces de l’ordre. Comme annoncé, la manifestation baptisée « IIIème mouvement du peuple » s’était poursuivie le lendemain avec plus de 150 000 participants, auxquels s’est adressé Prachanda: « Aujourd’hui, tout Katmandou est avec les maoïstes mais le gouvernement ne veut pas nous entendre. »

Jeudi 19 novembre, soit une semaine après leur démonstration de force devant Singha Durbar, les maoïstes ont lancé au gouvernement un ultimatum qui expirait aujourd’hui vendredi 20 novembre, exigeant que soient acceptées « en bloc » toutes leurs revendications, dont la fameuse « suprématie de la société civile ». En cas d’échec des négociations, les militants menés par Prachanda menacent de plonger tout le pays dans le chaos. Ce vendredi, selon les quotidiens locaux, la rencontre du Premier ministre Madhav Kumar avec Prachanda semble n’avoir rien donné, hormis un engagement à trouver rapidement « une voie moyenne », dont les modalités n’ont pas été définies par les deux protagonistes, afin de sortir le plus rapidement possible de l’impasse. L’échéance de l’ultimatum a été repoussée par les maoïstes au samedi 21 novembre.

Le blocage de la situation a poussé chacune des parties à aller chercher conseil et appui auprès de ses alliés. Tandis que le ministre de l’Intérieur népalais, Bhim Rawal, allait rencontrer son homologue indien, P. Chidambaram, du 17 au 19 novembre, le parti maoïste envoyait à Pékin, Nanda Kishore Pun Pasang, chef de la guérilla maoïste, toujours active (5). De l’influence des deux géants qui l’enserrent dépend peut-être aujourd’hui l’avenir de la jeune République himalayenne.

(1) Fides, 18 novembre 2009.
(2) Selon les statistiques ecclésiales, l’Eglise catholique du Népal, préfecture apostolique depuis 1996, compte aujourd’hui quelque 8 000 fidèles pour une population totale de 28 millions d’habitants, hindous à plus de 80 %. Malgré son faible poids numérique, elle dirige bon nombre d’établissements scolaires, œuvres caritatives et centres d’aide sociale ou médicale. L’ensemble des Eglises chrétiennes, selon des sources locales non recoupées, atteindrait 1,5 million de fidèles.
(3) Voir EDA 505, 507, 508, 509. Un conflit particulièrement sévère a, entre autres, opposé les écoles catholiques aux militants maoïstes de décembre à mai 2009.
(4) En mai 2009, Pushpa Kamal Dahal, ancien chef de la guérilla maoïste connu sous le nom de ‘Prachanda’, devenu un an auparavant Premier ministre de la toute nouvelle République du Népal, démissionnait pour signifier sa désapprobation face à la ré-investiture du général Katawal, le chef de l’armée népalaise, qu’il avait limogé. Le nouveau Premier ministre népalais est Madhav Kumar Nepal, leader du Parti communiste du Népal - Marxiste léniniste unifié (PCN-MLU).
(5) Sources: eKantpur, 20 novembre 2009, Kathmandu Post, 19 novembre 2009, AsiaNews, 13 novembre 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 20 novembre 2009)
 
PHILIPPINES: Le combat d’un prêtre pour bannir la pédo-pornographie sur Internet
Eglises d'Asie
09:37 20/11/2009
Convertir les Philippines de paradis pour pédophiles en paradis pour les enfants. Tel est l’objectif affiché des partisans de Loi contre la pédo-pornographie (Anti-Child Pornography Act), votée en mai dernier par le Sénat, en août par la Chambre des représentants et promulguée ce 17 novembre par la présidente Gloria Macapagal-Arroyo. « Les Philippines étaient connues pour regorger de diffuseurs de matériel pédo-pornographiques et pour les séjours que des pédophiles étrangers venaient y faire. Désormais, notre pays pourra enfin devenir un lieu sûr pour les enfants », s’est réjoui la députée Monica Teodoro, qui figure parmi les rédacteurs de la nouvelle loi. Un prêtre catholique, missionnaire irlandais, le P. Shay Cullen, salue, lui aussi, la promulgation de la nouvelle loi.

Membre de la société de Saint Columban, le P. Cullen est engagé de longue date dans la défense des femmes et des enfants. PREDA (People’s Recovery Empowerment Development Assistance Foundation), la fondation qu’il a créée, lutte depuis 1974 pour protéger les femmes et les enfants de l’exploitation et de la misère, notamment liées à la prostitution. PREDA a fait partie des institutions consultées lors de la phase de rédaction de la loi contre la pédo-pornographie, le P. Cullen apportant notamment son expertise en matière de lutte contre la pédo-pornographie sur Internet.

« Je suis heureusement surpris de voir que la loi a été promulguée si rapidement, explique le P. Cullen. Je m’attendais à ce que le monde du business fasse obstruction. » La loi punit en effet les éditeurs, les producteurs et les diffuseurs de matériel pédo-pornographiques, y compris sur Internet. La pédo-pornographie y est définie comme « toute représentation, qu’elle soit visuelle, audio ou écrite sur un support électronique, mécanique, digital, optique, magnétique ou par tout autre moyen, d’un enfant engagé ou impliqué dans une activité sexuelle explicite, réelle ou simulée ». Toute offense à la loi est punie d’une amende allant de 300 000 à 5 millions de pesos (de 4 300 à 71 500 euros) et/ou d’une peine de prison allant de trois mois à la perpétuité. Une des particularités du nouveau texte est qu’il rend obligatoire pour les fournisseurs d’accès à Internet (Internet service providers, ISPs) d’installer sur leurs serveurs des « boîtes blanches » qui bloquent toute demande de consultation de matériel à caractère pédo-pornographique.

« Les Philippines figurent parmi les rares pays qui imposent aux fournisseurs d’accès de bloquer la pornographie sur leurs serveurs », précise le missionnaire irlandais. Il ajoute qu’il va désormais veiller à ce que la loi soit effectivement appliquée, en cherchant à débusquer les ISPs qui continueraient à faire passer des contenus à caractère pédo-pornographique sur leurs serveurs. La loi donne six mois aux ISPs pour s’équiper et, toujours selon le P. Cullen, au moins un des principaux fournisseurs d’accès philippins a déjà fait le nécessaire.

Pour marquer sa détermination à agir, le P. Cullen a organisé une manifestation le 20 novembre dernier à Olongapo City. Le jour où était célébré le 20ème anniversaire de la Convention des Nations Unies sur les droits de l’enfant, le missionnaire a ainsi pris la tête d’un cortège d’enfants pour exiger des ISPs qu’ils agissent sans délai pour se mettre en conformité avec la loi. Un certain nombre de sociétés mettent en effet en avant des contraintes d’ordre technique pour demander un délai supplémentaire dans l’application de la loi. La manifestation du P. Cullen avait aussi pour objet de contraindre la police à sévir contre les marchants qui, dans la rue, proposent des DVD mettant en scène des enfants philippins dans des films à caractère pornographique. « Une des plus grandes difficultés que nous rencontrons est d’amener la police à arrêter ces revendeurs de saleté, déclare le missionnaire. Les policiers nous répondaient: ‘Il n’y a pas de loi pour cela.’ Désormais, il y en a une. Il est de notre devoir de veiller à ce qu’elle soit appliquée. »

(Source: Eglises d'Asie, 20 novembre 2009)
 
VIETNAM: Cent mille fidèles attendus pour les fêtes de l’ouverture de l’Année Sainte à So Kiên, ancien cœur de la communauté catholique du Tonkin occidental
Eglises d'Asie
09:38 20/11/2009
Il ne reste plus que quelques jours avant les fêtes de l’inauguration de l’Année Sainte, qui vont avoir lieu, le 23 et 24 novembre, à quelque 70 km de Hanoi, à So Kiên, le lieu où fut bâtie la première cathédrale du diocèse dans la deuxième partie du XIXème siècle (1877-1882). Mercredi 18 novembre, Mgr Joseph Ngô Quang Kiêt, archevêque de Hanoi, chargé de coordonner l’organisation de la fête, s’est rendu sur place pour se rendre compte de l’état des travaux de préparation et donner les dernières directives. Il en est revenu, semble-t-il, satisfait. Les préparatifs, pris en charge par les dix diocèses du Nord, en sont à leur dernière phase. Matériaux et équipements ont déjà été transportés de Hanoi et attendent d’être mis en place. Les 26 mâts auxquels seront accrochés les drapeaux des 26 diocèses du Vietnam sont déjà dressés. Les fidèles de la paroisse de Ham Long s’appliquent, depuis quatre jours, à élever l’estrade et tout le décorum qui l’accompagne. Elle sera située au milieu d’une place capable d’accueillir des centaines de milliers de participants. Le sol a déjà été aplani. Les équipes spécialisées mettent les bouchées doubles car, dès le 22 novembre, les milliers d’acteurs, d’artistes et de chanteurs qui vont animer la séance artistique, dans la nuit du 23 au 24, seront sur place pour la répétition générale.

Selon les prévisions du comité d’organisation, le nombre des fidèles qui viendront participer à cette fête devrait approcher de 100 000. Les prêtres seront à peu près 4 000. Les cérémonies vont commencer le 23 novembre à 17h30 par une immense procession aux flambeaux en l’honneur des saints martyrs du Vietnam. Elle sera suivie par un certain nombre de gestes collectifs symboliques: l’embrasement du flambeau de la foi, le geste de vénération des ancêtres, la cérémonie de réconciliation. Puis, le cardinal-archevêque de Saigon proclamera l’ouverture de l’Année Sainte et les autorités civiles présenteront leurs vœux à l’assemblée. A 19 h30, commencera une grande veillée sur le thème « si le grain ne meurt… ». Des courtes pièces de théâtre, des sketches, des chants évoqueront les événements les plus marquants de l’histoire de l’Eglise dans le pays et surtout le témoignage, la vie et la mort des martyrs. Le lendemain, sur le même lieu, avec une foule sans doute encore plus nombreuse, sera célébrée la messe des 117 martyrs du Vietnam.

Le lieu de l’inauguration, So Kiên, aussi appelé Ke So, est aujourd’hui une paroisse importante, de près de 8 000 fidèles. En dehors des facilités offertes à l’organisation d’une manifestation de cette importance, ce lieu a été retenu pour le rôle important qu’il a joué dans l’histoire du vicariat apostolique du Tonkin, dont l’Année Sainte commémore les 350 ans. Il est longtemps resté le centre du Tonkin occidental jusqu’à ce que la cathédrale soit transférée au centre de la ville de Hanoi. Après la destruction, en 1858, de Ke Vinh (Vinh Tri) et la signature du traité de 1862 autorisant la liberté religieuse, le vicaire apostolique, Mgr Hubert Jeantet (1861-1867), vient s’y installer. Au fil du temps, sont édifiés des bâtiments abritant un grand séminaire, une école de latin, une école de catéchistes, l’économat, l’imprimerie, une église, sans compter le couvent des Amantes la Croix, une école et un hôpital. En 1867, à l’initiative de Mgr Puginier et avec la contribution de toute la communauté, seront entrepris les travaux de construction de la première cathédrale du vicariat. Ils seront achevés en 1882 et donneront naissance à un édifice aux dimensions particulièrement imposantes, l’actuelle église de So Kiên.

De très nombreux souvenirs sont attachés à cette paroisse de Ke So. C’est là que furent consacrés un grand nombre de vicaires apostoliques. Beaucoup d’entre eux y reposent aujourd’hui à l’intérieur de l’église. En 1912, Mgr Gendreau y convoqua le deuxième synode des ordinaires du Tonkin, avec la participation de cinq vicaires apostoliques et de deux des administrateurs apostoliques. Ce deuxième synode continua l’œuvre du premier, convoqué en 1670 par Mgr Lambert de La Motte. Une imprimerie de la mission fonctionna à So Kiên jusqu’en 1929, date à laquelle fut transférée à Hanoi.

(1) Les matériaux empruntés pour cette présentation ont été fournis par divers articles mis en ligne sur le site Internet de la Conférence épiscopale du Vietnam.

(Source: Eglises d'Asie, 20 novembre 2009)
 
Researcher says text proves Shroud of Turin real
Ariel David / AP
12:46 20/11/2009
ROME – A Vatican researcher claims a nearly invisible text on the Shroud of Turin proves the authenticity of the artifact revered as Jesus' burial cloth.

The claim made in a new book by historian Barbara Frale drew immediate skepticism from some scientists, who maintain the shroud is a medieval forgery.

Frale, a researcher at the Vatican archives, said Friday that she used computers to enhance images of faintly written words in Greek, Latin and Aramaic scattered across the shroud.

She asserts the words include the name "Jesus Nazarene" in Greek, proving the text could not be of medieval origin because no Christian at the time, even a forger, would have labeled Jesus a Nazarene without referring to his divinity.

The shroud bears the figure of a crucified man, complete with blood seeping out of nailed hands and feet, and believers say Christ's image was recorded on the linen fibers at the time of his resurrection.

The fragile artifact, owned by the Vatican, is kept locked in a special protective chamber in Turin's cathedral and is rarely shown.

Skeptics point out that radiocarbon dating conducted in 1988 determined it was made in the 13th or 14th century.

While faint letters scattered around the face on the shroud were seen decades ago, serious researchers dismissed them due to the test's results, Frale told The Associated Press.

But when she cut out the words from photos of the shroud and showed them to experts they concurred the writing style was typical of the Middle East in the first century — Jesus' time.

She believes the text was written on a document by a clerk and glued to the shroud over the face so the body could be identified by relatives and buried properly. Metals in the ink used at the time may have allowed the writing to transfer to the linen, Frale claimed.

Frale claimed the text also partially confirms the Gospels' account of Jesus' final moments. A fragment in Greek that can be read as "removed at the ninth hour" may refer to Christ's time of death reported in the holy texts, she said.

On an enhanced image studied by Frale, at least seven words can be seen, fragmented and scattered on and around Jesus' face, crisscrossing the cloth vertically and horizontally. One short sequence of Aramaic letters has not been translated. Another Latin fragment — "iber" — may refer to Emperor Tiberius, who reigned at the time of Jesus' crucifixion, Frale said.

"I tried to be objective and leave religious issue aside," Frale told The AP. "What I studied was an ancient document that certifies the execution of a man, in a specific time and place."

Frale is noted in Italy for her research on the medieval order of the Knights Templar and her discovery of unpublished documents on the group in the Vatican's archives.

Earlier this year she published a study claiming the Templars at one time had the shroud in their possession. That raised eyebrows because the order was abolished in the early 14th century and the shroud is first recorded in history around 1360 in the hands of a French knight.

But her latest book, titled "The Shroud of Jesus Nazarene" in Italian, raised even doubts among some experts.

"People work on grainy photos and think they see things," said Antonio Lombatti, a church historian who has written books about the shroud. "It's all the result of imagination and computer software."

Lombatti said that artifacts bearing Greek and Aramaic texts were found in Jewish burials from the first century, but the use of Latin is unheard of.

He also rejected the idea that authorities would officially return the body of a crucified man to relatives after filling out some paperwork. Victims of the most cruel punishment used by the Romans would usually be left on the cross or were disposed of in a dump to add to the execution's deterring effect.

Lombatti said "the message was that you won't even have a tomb to cry over."

Unusual sightings in the shroud are common and are often proved false, said Luigi Garlaschelli, a professor of chemistry at the University of Pavia.

Garlaschelli recently led a team of experts that reproduced the shroud using materials and methods that were available in the 14th century, proof, they said, that it could have been made by a human hand in the Middle Ages.

Decades ago entire studies were published on coins that were purportedly seen on Jesus' closed eyes, but when high-definition images were taken during a 2002 restoration the artifacts were nowhere to be seen and the theory was dropped, Garlaschelli said.

He said any theory about ink and metals would have to checked by analysis of the shroud itself.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xây dựng thánh đường giáo xứ Hà Văn, Phan Thiết
PM. Cao Huy Hoàng
00:02 20/11/2009
XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG GX HÀ VĂN

PHAN THIẾT, 9h ngày 19-11-2009, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế thánh lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Hà Văn. Có hơn 40 Linh mục trong và ngoài giáo phận đồng tế, cùng sự tham dự của đông đảo giáo dân và quí khách quí ân nhân xa gần.

Giáo dân Hà Văn vui mừng đón tiếp Đức Cha, quí cha và quí khách thật long trọng. Thật cảm kích mối hiệp thông của nhiều ân nhân đối với GX qua Cha sở FX. Đinh Quang Hùng: có khách đến từ GP Ban Mê Thuột, Nha trang, Sài gòn, Bà rịa Vũng Tàu… có gia đình Lâm Bích (chủng viện truyền giáo Lâm Bích của cố Hồng Y), có thân nhân của Cha sở, có những ân nhân …. nhưng đa số khách mời là những người nghèo của Thiên Chúa, ở những nơi nghèo khổ mà trước đây cha sở đã đặt chân đến trong hành trình làm thầy giúp xứ hơn 30 năm trước khi chịu chức, trong đó có Giáo Họ Đa Mi, Giáo Họ Thánh Tâm và những người dân tộc thiểu số đầy kỷ niệm.

Khung cảnh ngày lễ thật tuyệt. Khuôn viên rộng rải. Trời nắng râm. Hội đồng Mục Vụ và Ban Tổ Chức thật tốt. Các Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể cho các em làm dàn chào thật đẹp. Các Nữ Tu thật duyên dáng nơi các hòm tiền dâng cúng. Tất cả sẵn sàng cho một ngày hồng ân đáng nhớ của GX Hà Văn. Tiếng vỗ tay không ngớt chào mừng quí Cha, quí khách. Tiếng kèn đồng của đội kèn Vũ Hòa vang lên rập ràng long trọng cùng với tiếng chuông, chiêng, trống và ngàn lời ca hân hoan của ca đoàn, cộng đoàn chào mừng Đức Giám Mục đến với Giáo Xứ.

9 giờ đoàn rước long trọng khởi đi từ nhà xứ tiến đến tiền đường Nhà thờ cũ, trong rộn ràng bài ca nhập lễ “Lên Đền Thánh” tuy rất cộng đồng nhưng Ca đoàn Hà Văn đã diễn đạt thật có hồn, như đặt cả nỗi lòng phấn khởi của Hà Văn vào từng ca từ, từng nhịp điệu. Đức Cha và Đoàn đồng tế dừng lại trước tiền đường chuẩn bị nghi thức làm phép diện tích nhà thờ và Viên Đá Đầu tiên. Mọi người cùng hướng vè tiền đường nhà Chúa nghe lược sử Giáo xứ Hà Văn do Ông Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, tuyên đọc trịnh trọng, quí mến, và cũng thật xúc động.

Mọi người được biết, GX Hà Văn đã hình thành từ những năm 1959 do số giáo dân di cư từ Quảng Bình, Quảng Ngãi và các nơi khác. Đã có nhà nguyện ngay từ ngày mới đến, rồi sửa sang lại năm 1968. Sau 1975, nhà thờ được dùng làm kho chứa muối của nhà nước! Qua nhiều lần cố gắng, Giáo họ đã xin trùng tu nhà thờ, nhưng mãi đến năm 1990 tiếng chuông nhà thờ mới vang lên sau 15 năm ngủ yên. Từ đó đến nay, giáo họ phát triển. Số giáo dân hiện nay là 3270 người và 678 hộ gia đình, và đã được Đức Cha Phaolô nâng lên thành “Giáo Xứ Hà Văn” ngày 1.10.2006 và được Đức Cha Giuse ban phép xây dựng Thánh Đường Hà Văn ký ngày 15-11-2009.(xin xem nguyên văn Lược Sử Giáo xứ Hà Văn).

Sau lời ông Chủ tịch, Cha Hạt Trưởng Hạt Đức Tánh tuyên đọc giấy phép xây dựng nhà thờ Hà Văn do Đức Cha Giuse ấn ký, trong tiếng vỗ tay vui mừng cảm tạ.

Đức Cha Giuse đã chủ sự nghi thức làm phép diện tích nhà thờ, rồi làm phép Viên Đá. Mọi người dõi theo từng cử chỉ phụng vụ của Ngài thật trang nghiêm sốt sắng.

Thánh lễ tiếp tục. Chỉ được chừng 150 người cùng đoàn đồng tế ở trong nhà thờ. Tất cả tham dự trực tuyến bên ngoài, nơi các nhà vòm. Hệ thống âm thanh tốt, trực tuyến tốt, giúp mọi người nghe rõ lời Chúa, lời giảng dạy của Đức Giám Mục chủ tế.

Ngài nêu lên ba ý của việc xây dựng Thánh Đường trong Giáo hội: công trình của niềm tin, công trình của sự hiệp thông, công trình của niềm hy vọng. Giọng nói dịu dàng êm ả nhưng rất cuốn hút của Ngài, tác động không ít đến cộng đoàn. Ngài gợi lên cho mọi người niềm vui xây dựng nhà cho Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Ngài”, xây dựng nhà cho mối hiệp thông Giáo Hội chung lời tôn vinh, và xây dựng trong hy vọng, trong niềm trông cậy, tín thác:

“Ví như Chúa chẳng xây nhà

Thợ nề vất vả cũng là uổng công”

Ngài kết thúc bài giảng với lời nguyện xin Chúa chúc lành cho công trình, cho Cha Xứ và Giáo xứ Hà Văn, cho tất cả ân nhân, những người góp công góp của cho công trình. Ngài nói: “Trong tương lai gần đây một ngôi Thánh Đường sẽ mọc lên, dù trong hiện tại còn mồ hôi nước mắt. Nhưng, tất cả, là công trình của lòng tin, công trình của sự hiệp thông và công trình của niềm hy vọng.

Xin Thiên Chúa là Đấng vui thích ở giữa dân Ngài, Ngài chẳng để cho công trình nào của Ngài phải dở dang. Xin Ngài chúc lành cho những thiện chí của Cha xứ và Giáo dân Hà Văn, cũng xin chúc lành cho những tấm lòng quảng đại của những ân nhân xa gần. Mong ước một mai, mỗi lần đi ngang qua vùng Võ Đắt này, danh xưng Hà Văn được gợi nhớ như một địa chỉ hồng ân. Nơi đây, Chúa ban ơn dồi dào.

Xin Chúa chúc lành cho công trình này. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những ai đóng góp cho công trình này. Xin Chúa chúc lành cho Giáo xứ Hà Văn để nơi đây trở thành địa chỉ của những hồng ân nối kết hồng ân từ muôn nơi tuôn về”. (xin xem nguyên văn bài giảng của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống)

Thánh lễ tiếp tục sốt sắng.

Trước khi kết thúc thánh lễ, Linh Mục Quản Xứ Hà Văn, Cha FX Đinh Quang Hùng xúc động nói lên tâm tình tạ ơn Chúa, tạ ơn Giáo Hội, tạ ơn Đức Cha và quí Cha cùng cả cộng đoàn, với niềm hy vọng cậy trông tuyệt đối.

Bữa cơm trưa thân mật chung vui với Giáo Xứ Hà Văn, lắng đọng trong mỗi tấm lòng quảng đại nên quảng đại thêm, vì Hà Văn, một địa chỉ mới của hồng ân Thiên Chúa ban cho cả người cho lẫn người nhận.

Hình ảnh “bà góa quảng đại” đang sống dậy trong lòng mọi người.

PM. Cao Huy Hoàng
Sài gòn 20-11-2009


LƯỢC SỬ GIÁO XỨ VÀ NHÀ THỜ HÀ VĂN

Trọng kính: ĐGM Giáo phận

Kính thưa: Đức Ông

Kính thưa: Quý Cha Hạt Trưởng

Kính thưa: Quý Cha, quý Thầy và quý Dì

Kính thưa: Quý HĐMV giáo xứ bạn và quý khách xa gần

Hôm nay là một ngày trọng đại của giáo xứ chúng con, được Đức Cha, Đức Oâng, quý Cha, quý tu sĩ và quý vị quan khách đến với chúng con trong cuộc lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi thánh đường mới. Với niềm hân hoan vui sướng hôm nay, toàn thể giáo xứ chúng con dâng lên Đức Cha quí mến, Đức Oâng, quý Cha, quý tu sĩ và toàn thể quý khách lời chào trang trọng của chúng con. (CĐ vỗ tay)

Sau đây chúng con xin phép được lược qua quá trình hình thành giáo xứ.

Cách đây 49 năm, cuối năm 1959, theo chính sách di dân của chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa, chúng con là giáo dân các làng Văn Phú, Nội Hà và Cồn Sẻ thuộc tỉnh Quảng Bình đang lập nghiệp tại Lăng Cô, Huế và đống đảo bà con thuộc hai huyên Mộ Đức và Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi vào Võ Đắt định cư lập nghiệp. Đầu năm 1960, giáo xứ Võ Đát hình thành và phát triển… các giáo họ ở xa nhà thờ xứ đều được cấp đất làm nhà nguyện để sớm hôm dâng kinh nguyện cầu. Ban đầu chúng con chọn tên giáo họ theo quê hương mình như họ Hà Văn, họ Nghĩa Sơn, họ Nghĩa Đức là 3 giáo họ trong 7 giáo họ thuộc giáo xứ Võ Đắt, Cha Giuse Nguyễn Quốc Công quản xứ tiên khởi chúng con.

Năm 1968, chúng con xây dựng lại nhà nguyện bằng xi măng, lợp tôn thay thế tranh nứa lá của nguyện đường cũ.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, các nhà nguyện biến thành cửa hàng buôn bán hoặc nơi chứa muối cho nhân dân.

Khi nói đến đây, chúng con không sao quên được những hình ảnh rất thân thương yêu quí của cha ông, mặc dù chỉ còn lại 1,2 vị đang nâng cao Thánh giá đi dầu đoàn rước hôm nay, còn tất cả các ngài đã xa lìa chúng con. Nhưng gương sáng của lòng dũng cảm, sự trung thành, sức chịu đựng, đức tin kiên cường và ơn khôn ngoan Thiên Chúa ban một cách lạ thường cho cha ông chúng con, để các ngài đủ sức bảo vệ, giữ gìn ngôi nhà nguyện này mặc dù đã bị hư hại vì chiến tranh. Chúng con xin kính cẩn cúi mình tạ ơn, nguyện noi theo và không bao giờ quên. Với dòng thời gian, năm 1988 – 1989 qua bao lần xin tu sửa, chính quyền kẻ cho, người không, nhưng cha ông chúng con cương quyết làm ngày không được đành phải làm đêm. Bị tịch thu dụng cụ xây đựng, bị phạt hành chánh và 2 lần bị niêm phong, không nơi thờ tự. Tại Giáo xứ Võ Đắt, mỗi tuần chỉ được phép giật chuông một lần và chỉ có một thánh lễ duy nhất. Ngày thường Cha làm lễ tại phòng khách nhà xứ.

Năm 1990, Cha Fx. Phạm Quyền được sai về làm quản xứ giáo xứ Võ Đắt và quản hạt Đức Tánh. Chúng con còn nhớ rất rõ buổi trưa hôm ấy, tiếng chuông sau 15 năm ngủ yên bỗng vang lên khắp cả vùng làm mọi người kinh ngạc … Từ đó một sức sống mới bùng lên, các đoàn thể phát triển, nhiều tâm hồn hoán cải trở về với Giáo hội, làm vơi đi những nỗi sợ hãi ban đầu… Cùng thời gian này dân thập phương về định cư nhiều, làm dân số các giáo họ tăng lên không còn thuần túy như ban đầu. Do đó, năm 1992 cha Phanxicô lấy tên thánh bổn mạng làm tên các giáo họ. Cũng trên đà phát triển, nhà thờ chúng con mở cửa, tiếng cầu kinh lại vang lên, mỗi ngày có thánh lễ làm nô nức mọi tâm hồn.

Năm 1994 – 2003, cha Đaminh Nguyễn Văn Hoàng được đặc trách giáo họ Phêrô và Phanxicô. Cha cho sửa lại cung thánh, trần nhà thờ, với sức khỏe và tài trí của tuổi trẻ Cha đã xây dựng các cơ sở, các khuôn viên hiện có mà chúng con đang thừa hưởng.

Năm 2003 – 2006, cha Fx. Đặng Hùng Tân cho sơn lại nhà thờ, một đặc điểm Cha để lại cho chúng con là sự kiên trì khuyên lơn những người nguội lạnh trở về với Chúa.

Đến ngày 1.10.2006, ba Giáo họ Phêrô, Phanxicô và Thánh Mẫu được Đức Giám mục Phaolô Nguyễn thanh Hoan nâng lên hàng Giáo xứ với tên gọi là Giáo xứ Hà Văn thánh quan thầy Phêrô. Và một niêm vui nữa đến với chúng con là vào ngày 16.11.2006, Đức Cha bổ nhiệm Cha Fx. Đinh Quang Hùng làm linh mục quản xứ tiên khởi. Việc đầu tiên Cha làm là cho chái thêm 2 mái tôn che mưa nắng cho giáo dân khi dự lễ và bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng.

Số giáo dân hiện nay là 3270 người và 678 hộ gia đình.

Qua nhiều lần trùng tu, cơi nới, nhà nguyện vẫn là nhà nguyện.

Nay được sự đồng ý của ĐGM Giáo phận và Chính quyền các cấp chấp thuận cho phép xây dựng ngôi thánh đường mới. Chúng con vô cùng phấn khởi và vui sướng dường nào. Chúng con xin muôn đời cảm tạ Thiên Chúa Quan Phòng, cám ơn lòng trung kiên của cha ông, cám ơn Giáo xứ mẹ Võ Đắt đã sinh thành chúng con, cảm tạ tri ân quý cha đã dầy công dạy dỗ và những giọt mồ hôi tình yêu xây dựng, để giáo xứ chúng con có được ngày hôm nay. Tất cả là hồng ân.

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha, Đức Oâng, quý Cha, quý Tu sĩ, quý ân nhân không có mặt hôm nay và quý khách hiện diện, đã lắng nghe, đồng tâm dâng lời cầu nguyện, ban ơn và chúc lành cho công trình THÁNH sớm hoàn thành. Xin cầu nguyện cho chúng con được hiệp nhất “ Nguyện xin Thiên Chúa xây dựng cửa nhà… cho chúng con”.

Chúng con xin hết lòng cảm tạ.

Ban Thường Vụ, Hội Đồng Mục Vụ GX. Hà văn.

19.11.2009

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG

NHÂN LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN

XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ HÀ VĂN

HẠT ĐỨC TÁNH, PHAN THIẾT


Lời đầu tiên, xin được hợp ý với quý linh mục, quý tu sĩ, cũng như toàn thể quý khách gần xa đang hiện diện, hân hạnh gởi đến cha sở Hà Văn cũng như toàn thể quý ông bà anh chị em trong Giáo Xứ Hà Văn lời chào chúc mừng rất nồng nhiệt.

Đúng với tên gọi như trong sách lễ Rôma, Thánh lễ hôm nay chính là lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng thánh đường. Vì vậy, cũng xin khởi đi từ hành vi đặt viên đá đầu tiên ấy, để chia sẻ với cộng đoàn hiện diện, cách riêng với anh chị em thuộc giáo xứ Hà Văn đôi ý về việc cử hành hôm nay.

Việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường với ba ý nghĩa:

- Công trình của lòng tin

Xây dựng Thánh đường là xây dựng Nhà của Thiên Chúa. Tất nhiên, trong kinh tin kính chúng ta vẫn tuyên xưng vào những ngày chủ nhật hoặc lễ trọng rằng: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”. Thiên Chúa là Đấng quyền năng như thế! Là Đấng phép tắc như thế! Ngài đâu có cần những nếp nhà con người dựng xây cho Ngài. Ngài là Đấng vô cùng bao la. Một địa chỉ trần thế, cho dẫu là vài ngàn mét vuông đi nữa, cũng chẳng thể giữ nỗi sự hiện diện của Ngài. Thiên Chúa là Đấng Tự do. Đất bao la, trời mênh mông, không đủ để Ngài cư ngụ sao mà lại phải đợi chờ những địa chỉ, những nếp nhà dành cho Ngài. Thành thử, ngày hôm nay, gọi là công trình của lòng tin, là vì:Thiên Chúa là Đấng phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, nhưng lại cũng là Cha của tất cả muôn loài. Mà trái tim của người Cha thì luôn luôn rộng mở. Chả thế mà trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa luôn luôn thích xuất hiện trước con người như là một người cha giàu lòng xót thương. Đặc biệt ngài cúi xuống với đời sống để ban ơn cứu rỗi. Từ trái tim của một người Cha nhân hậu, trong suốt lịch sử của ơn cứu độ, Ngài cho thấy Ngài chính là người Cha gần gũi với mọi con cái trong gia đình nhân loại. Thiên Chúa vui thích ở giữa dân ngài chẳng phải vì trời cao kia không đủ để ngài vui thích, chỉ bởi vì lòng nhân hậu của người Cha thích cúi xuống, thích bước xuống, thích la cà, thích gần gũi với tất cả mọi người con của Ngài. Chính trong niềm tin như thế, mà lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã để lại rất nhiều chặng đường với những cống hiến - là luôn luôn có những nếp nhà mới, luôn luôn có những địa chỉ mới được cống hiến dành cho Thiên Chúa ngự trị. Mỗi một thánh đường được xây dựng, mỗi một ngôi nhà của Thiên Chúa do giáo hội dựng xây là một địa chỉ thân thương. Nơi đó, trở nên hình bóng của Giêrusalem, của thiên quốc. Nơi đó, biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Và đó cũng chính là nơi Thiên Chúa tiếp tục hiện hữu một cách vui vẻ cho những con người cụ thể tìm đến, làm nên sức sống của ngôi giáo đường ấy. Vì vậy, ta không ưu tiên gọi đây là nhà cho Thiên Chúa - làm như con người phải làm nhà Thiên Chúa ngự trị, nếu không, Thiên Chúa lại không biết đi đâu, hoặc Ngài sẽ phải ở trong những nếp nhà không số, ở những khu phố không tên chăng? Không phải thế! Vẫn biết đây là nhà của Thiên Chúa. Chính vì vậy, hôm nay trong nghi thức đặt viên đá đầu tiên, chúng ta chu toàn nhiệm vụ của lòng tin để thực hiện một dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân của Ngài. Ngài tất nhiên vẫn hiện diện nơi các giáo đường dành cho Ngài gần gũi đây, chính là nhà thờ giáo xứ Võ Đắt, và hôm nay là đến phiên của giáo xứ chúng ta, nhà thờ Hà Văn đây. Chính là nhà của Thiên Chúa hiện diện ở giữa cộng đoàn chúng ta. Trước khi là “nhà của chúng ta” đã là “nhà của Thiên Chúa”. Nếu Thiên Chúa không muốn cư ngụ tại đây, làm sao ta có thể làm nhà cho Ngài được?. Và vì thế, một khi nếp nhà được dựng xây với những cống hiến, thì đó chính là địa chỉ Ngài gặp gỡ cũng như Ngài hiện cho tất cả mọi người tìm đến.

“Chúa ơi nhà Chúa muôn năm
Là nơi thánh đức thi ân dồi dào”

- Công trình của sự hiệp thông,

Trong lời nguyện lúc làm phép diện tích, làm phép viên đá cũng như lời cầu nguyện của Thánh lễ hôm nay, người ta thấy phát họa lên trước mặt tín hữu cả một công trình của sự hiệp thông, ở đó, Chúa Giêsu được xưng hô là viên đá góc, các tông đồ được xưng là nền móng. Và riêng giáo xứ chúng ta với danh hiệu là Phêrô, cũng thông phần ý nghĩa ấy, để rồi từng người từng người từng gia đình góp phần làm nên những viên đá khác. Cuối cùng, kết xây nên cả một công trình cho Giáo Hội.

Nếu như nhà thờ là nhà của Thiên Chúa, thì ở đây trong nghĩa hiệp thông, nhà thờ là công trình của Hội Thánh. Thật vậy trong tên gọi ngày nay, chúng ta không quen dùng trong tự điển của nhà đạo, nhưng trong tự điển của văn hóa ngoài đời tại Việt Nam, người ta vẫn đồng hóa Nhà Thờ là Giáo Hội, Giáo Hội là nhà thờ.

Mỗi một nhà thờ đều là biểu trưng cho Giáo hội tại địa phương…Nhà thờ chúng ta hôm nay chung lòng chung sức để dựng xây, chính là hình ảnh của Hội Thánh Chúa tại địa phương này. Vẫn biết, mỗi một nhà thờ với một chủ chăn được cử đến cách hợp pháp, đó chính là hình ảnh của một Giáo Hội sống động tại một địa phương nhất định. Ở đây, mỗi người tín hữu khi qui tụ lại nơi giáo đường này, nhà thờ này, họ làm nên một hình ảnh giáo hội sống động, hình ảnh của những viên đá liên kết với nhau, dựng xây nên Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Hình ảnh của mọi tín hữu, của mọi giáo dân, trong một giáo xứ tay nắm lấy tay nhau, là một cộng đồng hợp với nhau để chung trong lời kinh cảm tạ, trong việc thờ phượng, trong lòng yêu mến hội thánh, trong truyền giáo và việc bác ái. Họ không chỉ đang làm nên hình ảnh Giáo Hội, mà còn đang làm nên một sức sống của Giáo Hội tại địa phương.

Chúng tôi biết, cách đây 10 năm. GX Hà văn của chúng ta còn là một Giáo Họ, với những thành viên rất năng nổ. Và nhà thờ Võ Đắt kia được hình thành, được dựng xây bằng mồ hôi nước mắt, công sức cùng bàn tay, với cả tấm lòng của tất cả bà con trong giáo xứ và quanh đây.

Có lần nhâm nhi chung trà với Ông Phạm Lệ, hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo Xứ Hà Văn đây, chúng tôi biết rằng các vị ấy đã góp công, góp sức của mình để làm nên nhà thờ Võ đắt. Và cả Giáo xứ Võ đắt, cũng như HDMV GX, cùng Cha quản hạt ở đây đã cho chúng tôi biết luôn luôn canh cánh bên lòng, sự gắn bó, xây dựng của anh chị em GX Hà Văn đây.

Nếu như GX Võ Đắt là Giáo Xứ Mẹ, như trong diễn văn của ông chủ tịch HĐMV đã đọc lúc đầu lễ, thì tôi nghĩ rằng Giáo Xứ Hà Văn chính là người con gần gũi nhất với Giáo xứ Mẹ.

Rất may, quí Ông bà anh chị em thấy đó, nếu như Mẹ đã có Võ, con lại giỏi Văn, và văn tuôn ra như dòng sông, thì chúng tôi hiểu rằng, trong việt ngữ, Văn Võ hợp với nhau nên sự song toàn được Thiên Chúa chúc lành. Ở đây, cũng chính là sự hiệp thông để nhà Thờ Hà Văn có sức mạnh đi lên. Đây chính là một công trình hiệp thông rất đẹp tôi nghe thấy trên đường đi làm phép diện tích cùng với Cha chính xứ.

Nhưng tất cả vẫn còn trong tương lai, và những viên đá sống động hôm nay sẽ nối kết lại với nhau, thông qua những viên đá cụ thể để làm nên công trình tuyệt đẹp nầy.

Nếu như đây là công trình của sụ hiệp thông của đức ái, để làm nên hình ảnh GH tại địa phương, thì chúng tôi được quyền hy vọng cùng với tất cả cộng đoàn đang tham dự thánh lễ, cách riêng với Cha xứ và ông bà anh chị em Giáo Xứ Hà Văn, rằng trong những năm sắp tới, trong những ngày sắp tới đây, GX chúng ta sẽ có một ngôi nhà thờ xứng đáng và có cách để diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh tại địa phương này một cách sáng rõ hơn.

- Công trình của niềm hy vọng.

Tất nhiên, gọi là viên đá đầu tiên, là bởi vì trong tương lai sẽ có viên đá cuối cùng. Nhưng khoảng cách giữa viên đá đầu tiên hôm nay cho đến viên đá cuối cùng ít tháng nữa, ít năm nữa…là cả một thời gian mênh mông, trải qua những nỗi đợi chờ mở ra niềm hy vọng.

Hy vọng gì, thưa cộng đoàn?

Hy vọng có những tấm lòng mở ra để chung xây, để hiệp thông và cũng như có những bàn tay mở ra để chung sức, để góp phần. Hy vọng luôn luôn mở ra cho những ai muốn làm nên những viên đá sống động đóng góp trong công trình nầy.

Chúng ta nhớ đây là một công trình lớn, tự mình GX Hà Văn, cho dẫu nỗ lực lắm, nỗ lực của từng cá nhân, cho dẫu cha sở đã lắng lo từ nhiều tháng nay, nào là bản vẽ, nào là diện tích, nào là cho người xẻ ván, nào là tập trung tất cả mọi công sức, thì vẫn chưa đủ. Sự chưa đủ ấy, không phải là lúc thất vọng nhưng là lúc mở ra niềm hy vọng.

Đây chỉ là vốn liếng khởi đầu, một khi được ký gửi cho những tâm hồn quảng đại, được ký thác cho những tấm lòng bao dung, bao la mở ra cho tình bác ai. Chúng tôi nghĩ, vốn liếng ban đầu ấy, hôm nay, chúng ta hợp ý với GX Hà Văn, sẽ được Thiên Chúa chúc lành. Hôm nay, chỉ là một số đá chất ở góc vườn kia, nhưng nay mai nối kết lại sẽ làm nên những công trình lớn. Hôm nay chỉ là ít cây gỗ mít vài chục năm đã được qui tụ lại trước nhà xứ, nhưng nay mai, sẽ được hỗ trợ bởi những tấm lòng, bởi những bàn tay, rồi sẽ biến thành cả một công trình.

Và vì vậy, có thể nói, GX Hà Văn sẽ chính thức bắt đầu một mùa vọng dài trông đợi của mình: mong chờ Ngôi Thánh đường sớm được hoàn thành.

Đây chính là lúc mở ra niềm cậy trông, không phải chỉ là niềm tạ ơn đón nhận hồng ân của Chúa, nhưng còn là niềm vui biết đón nhận quà tặng của tất cả mọi anh chị em đóng góp vào. Được như thế, thì công trình của con người mới được Thiên Chúa chúc phúc.

Ví như Chúa chẳng xây nhà
Thợ nề vất vả cũng là uổng công

Một khi những thợ nề là mọi người trong GX Hà Văn đây, đã nỗ lực hết mình, thì phần còn lại mở ra cho ân phúc của Thiên Chúa. Ân phúc ấy, một cách cụ thể, chính là sự đóng góp, sự hiệp thông, sự giúp đỡ của các vị ân nhân xa gần, trong hạt Đức Tánh cũng như khắp mọi nơi mà GX Hà Văn, cách riêng Cha sở Hà Văn, quen biết. Và chúng tôi thiết nghĩ, hôm nay, anh chị em mới có công trình trong ân phúc, trong tưởng tượng nhưng một khi được Thiên Chúa chúc lành, Ngài sẽ biến những ước mơ của chúng ta thành hiện thực trong những ngày sắp tới.

Vâng, đó là ba ý tưởng rất nhỏ xin chia sẻ trong Lễ Đặt Viên đá cho Giáo Đường Giáo Xứ Hà Văn.

Trong tương lai gần đây một ngôi Thánh Đường sẽ mọc lên, dù trong hiện tại còn mồ hôi nước mắt. Nhưng, tất cả, là công trình của lòng tin, công trình của sự hiệp thông và công trình của niềm hy vọng.

Xin Thiên Chúa là Đấng vui thích ở giữa dân Ngài, Ngài chẳng để cho công trình nào của Ngài phải dở dang. Xin Ngài chúc lành cho những thiện chí của Cha xứ và Giáo dân Hà Văn, cũng xin chúc lành cho những tấm lòng quảng đại của những ân nhân xa gần. Mong ước một mai, mỗi lần đi ngang qua vùng Võ Đắt này, danh xưng Hà Văn được gợi nhớ như một địa chỉ hồng ân. Nơi đây, Chúa ban ơn dồi dào.

Xin Chúa chúc lành cho công trình này. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những ai đóng góp cho công trình này. Xin Chúa chúc lành cho Giáo xứ Hà Văn để nơi đây trở thành địa chỉ của những hồng ân nối kết hồng ân từ muôn nơi tuôn về.

Pm. Cao Huy Hoàng (lược ghi)
 
Ơn gọi linh mục tại Việt Nam gia tăng trong 5 năm qua
Nguyễn Hoàng Thương
09:09 20/11/2009
Sài Gòn (UCAN) - Ơn gọi linh mục đã tăng gần 50 phần trăm trong 5 năm sau khi chính quyền nới lỏng các quy tắc tuyển sinh của chủng viện.

Theo Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Sĩ – Chủng Sinh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, con số tuyển sinh của 7 Đại Chủng Viện trong năm nay là 1.349, so với 922 vào năm 2004. Một số người cho hay việc nới lỏng các quy tắc của chính quyền trong việc tuyển sinh của chủng viện là cơ hội tốt để Giáo Hội tiếp nhận một số lượng lớn các ứng viên linh mục. Nó cũng cho thấy chính quyền nới lỏng sự kiềm kẹp trên các hoạt động Giáo Hội (về đào tạo linh mục – ND) như là nỗ lực hòa nhập vào cộng đồng thế giới.

Từ năm 1986, chính quyền đã cho phép Giáo Hội Việt Nam mở lại sáu Đại Chủng Viện. Ban đầu, họ được phép tuyển sinh sáu năm một lần, và điều này đã được nới rộng dần từ năm 1991. Từ năm 2005, các chủng viện đã dần được phép tuyển sinh hàng năm. Các chủng viện ở Hà Nội, Sài Gòn và Nha Trang đã được cho phép như vậy tương ứng vào các năm 2005, 2007 và 2008. Tháng Chín và tháng Mười này, các Đại Chủng Viện ở Huế, Cần Thơ và thành phố Vinh được phép tuyển sinh hàng năm. Đại Chủng Viện Thánh Giuse cơ sở II tại Xuân Lộc, trở thành Đại Chủng Viện thứ 7 phục vụ 271 sinh viên từ các giáo phận Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc.

Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, người có bằng thạc sĩ thần học về đào tạo linh mục ở Institut Catholique de Paris, Pháp, cho hay hầu hết các giáo phận địa phương tổ chức các chương trình tiền chủng viện cho các ứng sinh chủng viện. Điều này là do tất cả các tiểu chủng viện bị chính quyền đóng cửa vào năm 1975. Khoảng 300 ứng sinh từ Tổng Giáo phận Sài Gòn đang theo học các chương trình như vậy.

Trong khi Giáo Hội vui mừng vì có thể tiếp nhận thêm các ứng viên linh mục, nhưng lại cũng đặt ra một thách đố đối với cơ sở hạ tầng của Giáo Hội như các tiện nghi cần thiết để đón các sinh viên.

Một nhà đào tạo chủng sinh từ một giáo phận miền Trung cho hay giáo phận của ngài không có đủ tiện nghi cho các ứng sinh và thiếu tiền cho công cuộc đào tạo. Giáo Hội Việt Nam cũng không có đủ các nhà đào tạo có những kỹ năng cần thiết.
 
Thánh lễ cầu nguyện cho các thầy cô giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam tại Phú Trung Saigòn
Maria Vũ Loan
09:51 20/11/2009
SAIGÒN - Chiều ngày thứ năm, 19/11/2009, giáo xứ Phú Trung, hạt Phú Thọ, Sài Gòn, đã tổ chức dâng thánh lễ cầu nguyện cho các thầy cô giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Đây là lần thứ ba, cha chánh xứ Phú Trung, Giuse Maria Lê Quốc Thăng, đã tỏ tấm lòng quí mến, trân trọng các thầy cô giáo đang làm công giảng dạy trên địa bàn giáo xứ bằng cách gởi thiệp mời giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học, lớp Tình Thương, giáo viên hưu trí và các bạn trẻ đang dạy giáo lý cho các thiếu nhi đến cùng cầu nguyện trong thánh lễ, họp mặt giao lưu trong bữa tiệc thân mật.

Nhìn tấm thiệp mời, có lẽ các thầy cô dễ xúc động vì thiệp in đẹp có chữ ký của cha chánh xứ và ông Giuse Bùi Đức trưởng Ban Khuyến Học. Nhưng đặc sắc nhất là bài giảng trong thánh lễ mà ba năm qua, cha đều xoáy vào đề tài giáo dục dựa trên bối cảnh xã hội hiện tại.

Nền của bài giảng hôm nay dựa trên Tám Mối Phúc Thật. Qua người thầy đầu tiên là thầy Giêsu, nhiều thế hệ đã được đón nhận Tin Mừng. Có một nguồn sức mạnh, sức sống rất dồi dào nơi những người giáo dân, nhưng chắc chắn người giáo dân biết sống đức tin mạnh mẽ là nhờ giáo dục. Chính vì thế, Giáo Hội luôn mong có những thế hệ biết kế thừa và sống tinh thần của Chúa Kitô.

Mỗi người Kitô hữu, mỗi gia đình Công giáo nên chọn một mối phúc trong tám mối phúc thật để trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Vì bốn mối phúc đầu nói đến đức tính của một người môn đệ Đức Kitô, tương ứng với một lời mời gọi từ bỏ, để theo gương người thầy Giêsu sống giản dị, yêu thương, khiêm nhường, hiền lành (hiền lành ở đây là không có một phương tiện nào khả dĩ mang lại cách sống thống trị người khác). Bốn mối phúc sau tương ứng với một lời mời gọi vác thập giá theo Chúa, một lời mời gọi mang tính tích cực làm cho người ta biết sống dấn thân, yêu thương, nỗ lực xây dựng hòa bình.

Trong không gian rộng của nhà thờ, các thầy cô lặng yên, lòng như thấm đậm từng lời của linh mục, trên ngực mỗi người là bông hoa có màu tươi thắm, bông hoa đó mang ý nghĩa tri ân hay biểu hiện cho một sứ mạng làm thầy?

Dù những bông hoa tươi thắm trong ngày nhà giáo mang lại niềm vui thế nào thì phần lớn các thầy cô cũng mang tâm tư có những điểm chung, có những điểm riêng vì sự nghiệp giáo dục hiện nay như đang đi trên một đôi chân khập khiễng, dù chính phủ và mọi người đã nỗ lực hết sức nhưng các hạt sạn vẫn còn nhiều, quá nhiều!

Nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo về các tiêu cực khiến cho điều người ta khắc khoải là làm sao đào tạo nên một con người tốt? Việc giáo dục nhân cách và nhân bản là quan trọng thế mà lại bị coi thường, việc giáo dục đức tin bị bỏ mặc, thậm chí bị loại trừ. Chúng ta phải làm gì khi sống trong một bầu khí sư phạm chưa trung thực, có người chưa yêu trẻ yêu nghề, một sự giả dối trong học tập qua hiện tượng quay cóp, chất lượng kiến thức không ứng với bằng cấp, bằng giả bằng thật; hiện tượng vô đạo đức khi trò tạt át-xít vào thầy; sinh viên có mặt trong nhiều loại tội phạm hình sự…? Chắc là mỗi người không mơ ước gì lớn, chỉ mong làm những khả năng trong tầm tay của mình.

Tiệc mừng tổ chức gọn trong nhà xứ. Cha đến từng bàn chào hỏi từng người. Có cô giáo đã trên bảy mươi tuổi, tóc bạc óng như sợi cước cười hiền hòa: “Con đi dự tuy ăn không được nhiều nhưng thấy rất vui. Chỉ còn chờ ngày về với Chúa mà vẫn được cha quan tâm thế này!” Một cô rất vui tính: “Còn hai tháng nữa là con về hưu, thế là được Nhà Nước nuôi, con cứ vô tư đi làm việc tông đồ cho Chúa!”. Một thầy giáo khác cũng không kém phần hài hước: “Trong bài giảng, cha có nói về những đau khổ của nhà giáo, nào là khổ vì học trò, phải hy sinh nhiều thứ, trước đây phải sống nghèo vì lương ít…con còn có những đau khổ mà khi lên Thiên Đàng con mới dám nói ra với Chúa, nói ra bây giờ “văng miểng” nhiều lắm!”

Kết thúc ngày gặp gỡ tại giáo xứ Phú Trung, chắc là nhiều thầy cô cảm thấy rằng chỉ có thấm nhuần Tám Mối Phúc Thật mới làm cho người ta sống đúng là người Kitô hữu, nhất là một người mang sứ mạng giáo dục, đào tạo con người cho xã hội, Giáo hội và gương người thầy Giêsu mãi là một khuôn mẫu cho các thầy cô giáo Công giáo.
 
Học sinh Di dân khu vực Đền thánh Martin Biên Hoà mừng Ngày Thầy Giáo
Fx. Trần Kim Ngọc, OP.
09:55 20/11/2009
BIÊN HÒA - Chiều ngày 20.11.2009, khoảng 100 học sinh tiểu học thuộc giới di dân đã họp nhau mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam trong tinh thần hân hoan và ấm áp tình người tại Đền Thánh Martin.

Các em đã được các cô giáo tận tình giúp đỡ để biết đọc và biết viết. Lớp học tình thương thật đặc biệt: học sinh thuộc nhiều lớp và nhiều lứa tuổi khác nhau. Đa số các em là con em thuộc giới di dân nghèo không có điều kiện đến trường lớp. Trước hoàn cảnh éo le như thế, Ban Mục vụ Di dân Tu viện - Đền thánh đã nỗ lực tổ chức một lớp học tình thương cho các em có điều kiện học, ít ra là để các em biết đọc biết viết, và cũng là để giúp bố mẹ các em đỡ lo lắng khi họ phải đi làm mà không có người trông coi con cái.

Trong niềm vui mừng ngày của Thầy Cô Giáo, các em đã thể hiện tấm lòng biết ơn qua những bài hát và những điệu múa rất đơn sơ nhưng nói lên tấm lòng chân thành của các em. Cùng với những tiết mục văn nghệ và các trò chơi nhỏ, các em còn được xem một vài đoạn phim ngắn nói về lòng nhân ái của những con người đã hết lòng tận tâm vì người nghèo, trong đó có những người di dân.

Kết thúc buổi mừng Ngày Nhà Giáo, các em rộn ràng nhận những món quà nhỏ xinh xắn từ tay của các Thầy Cô Giáo.
 
Dạ tiệc Hội Bảo Trợ Ơn Gọi tại Sydney
Diệp Hải Dung
12:13 20/11/2009
SYDNEY - Tối thứ Sáu 20/11/2009 khoảng 500 quan khách đã đến nhà hàng Crystal Palece vùng Canley Heights Sydney tham dự buổi dạ tiệc gây quỹ Hội Bảo Trợ Ơn Gọi TGP Sydney.

Hình ảnh Tiệc gây quỹ Hội Bảo Trợ Ơn Gọi

Khai mạc chương trình Mc. Phước Lộc và Ngọc Oanh chào mừng quý Cha, quý Sơ, quý Thầy và quý quan khách, đồng thời giới thiệu Ca đoàn Monica Hội Các Bà Mẹ Công Giáo TGP Sydney lên hợp ca nhạc phẩm “Ngày Vui Trở Về” để mở đầu cho buổi dạ tiệc. Sau đó giới thiệu quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, quý Cha trong Ban Tuyên của CĐCGVN TGP Sydney, Quý Cha Khách, Thầy Phó tế Đặng Đình Nên, quý Sơ Dòng Trinh Vương, quý Thầy trong Đại Chủng Viện Chúa Chiên Lành, quý Hội Đồng Mục Vụ Sydney.

Kế tiếp ông Hoàng Văn Hùng Hội Trưởng Hội Bảo Trợ Ơn Gọi lên báo cáo tường trình về những hoạt động của Hội trong năm tháng qua. Năm 2008 Hội đã bảo trợ được 405 Tu Sinh Nam Nữ thuộc 27 Hội Dòng tại VN, và đã gởi về cho các Hội Dòng, Tu Hội $50,150.oo Úc kim. Năm nay 2009 Hội đang bảo trợ cho 424 Tu Sinh thuộc 33 Hội Dòng tại Việt Nam đa số là các Nữ Tu Sinh Miền Bắc của Giáo Hội Mẹ Việt Nam và đã gởi về VN tháng 9 vừa qua $51,460.oo Úc kim. Tính đến ngày hôm nay đã có 7 Nam Tu Sinh Thụ Phong Linh Mục và rất nhiều Nữ Tu Sinh đã Khấn lần đầu hoặc Khấn trọn đời. Ba trong các 7 Linh Mục đó là Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Thoại thuộc Địa phận Nha Trang hiện đang là Phó xứ Nhà thờ Chính tòa New Castle từ tháng 5 vừa qua. Cha Phan Trọng Huy Phó xứ Nhà thờ Chính tòa St Mary Sydney và Cha Lê Đình Phục Chánh xứ Nhà thờ Holy Spirit’s Church Cannes Hill. Cả 3 Cha đang hiện diện trong buổi Dạ Tiệc này. Ngoài ra ông cho biết thêm là ông đã về Việt Nam trực tiếp liên lạc với các Hội Dòng, Tu Hội và tham quan những sinh hoạt của của các Tu Sinh. Ông đã quay Video và sẽ trình chiếu trong buổi Dạ Tiệc. Sau cùng ông cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và quý quan khách đã đến tham dự buổi dạ tiệc ngày hôm nay.

Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn lên ngỏ lời chúc mừng buổi Dạ Tiệc Bảo Trợ Ơn Gọi và Cha cũng kêu gọi khuyến khích mọi người hãy giúp đỡ các Tu Sinh tại quê nhà có cơ hội và phương tiện bước theo Ơn Gọi của Chúa.

Ông Giang Hoan Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam cũng lên ngỏ lời chúc mừng Hội đã đứng ra tổ chức buổi dạ tiệc gây quỹ giúp cho các Tu Sinh. Phần văn nghệ tiếp nối với nhạc phẩm “Đẹp Thay và Sao Người Gọi Tôi” do Ca đoàn Thánh Giuse Tuấn Giáo đoàn Plumpton trình diễn và những tiết mục đơn ca, vũ lửa v..v..

Ngoài sự trình chiếu những sinh hoạt của các Hội Dòng ở Việt Nam. Cha Nguyễn Ngọc Thoại và Cha Phan Trọng Huy cũng phát biểu chia sẻ và cám ơn mọi người đã hết lòng trợ giúp Hội Bảo Trợ Ơn Gọi có phương tiện trợ giúp các Tu Sinh tại Việt Nam.

Trước khi kết thúc buổi dạ tiệc cô Thanh Huyền lên ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người và báo cáo tài chánh Ân Nhân ký Sổ Vàng trợ giúp Hội. Kết quả sơ khởi là $10,405.00 Úc kim và sẽ công bố chính thức sau trên tờ Niềm Tin của Cộng Đồng.
 
Cái nhìn tổng quát về Giáo Hội Việt Nam
Tổng hợp
17:26 20/11/2009
Ngày 24.11.2009, lễ 117 Thánh tử đạo Việt Nam, Giáo hội Công giáo tại Việt nam bắt đầu Năm Thánh 2010 để mừng 350 năm thành lập Giáo hội tại Việt Nam (1659-2009) và 50 năm lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960-2010).

Những niên đại quan trọng từ gần 50 năm qua:

1962-1965: Công đồng Vatican II: đối thoại và hợp tác trong bác ái để tìm sự thật, thế nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam chỉ vừa bắt đầu tiến trình học hỏi và áp dụng những chỉ thị của Công đồng Vatican II thì đã bị chiến tranh và chế độ Cộng sản dập tắt.

1975-2010 chia 2 giai đoạn: 10 năm đóng cửa (1975-1985) và 25 mở cửa ra thế giới bên ngoài (1986-2010). Công cuộc hội nhập và truyền giáo tại Việt Nam được thử thách trong tiến trình tôn trọng và thấm nhập vào bản sắc văn hóa Việt nam đang khi thu nhập những tinh hoa của văn hóa Kitô giáo Tây phương.

Thống kê về hiện tình Giáo hội Công giáo Việt nam:

Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có 3 tổng giáo tỉnh và 26 giáo phận, được phân chia ra như sau:
Giáo tỉnh Hà nội có 10 giáo phận: Hà nội, Bắc ninh, Thái bình, Bùi chu, Phát diệm, Hải phòng, Hưng hóa, Lạng sơn, Thánh hóa, Vinh.
Giáo tỉnh Huế có 6 giáo phận: Huế, Đà nẵng, Qui nhơn, Kontum, Buôn mê thuột, Nha trang.
Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 giáo phận: Saigòn, Vĩnh long, Cần thơ, Đà lạt, Mỹ tho, Long xuyên, Phú cường, Xuân lộc, Phan thiết, Bà rịa.

Thống kê về nhân sự;

- 1 Hồng y tổng giám mục, 2 Tổng giám mục, 40 Giám mục.
- 3000 linh mục triều.
- 770 linh mục dòng.
- 15.750 tu sĩ nam nữ.
- 57.000 giáo lí viên.
- 6.2 triệu giáo dân.
- 2.135 giáo xứ, giáo điểm, giáo họ.
- 190 cơ sở xã hội, nhà trẻ, dạy nghề, lớp học, từ thiện, khám bịnh.
 
Thánh lễ khấn của hội dòng Mến Thánh Giá Vinh
Jos Nguyễn Văn Thống
21:56 20/11/2009
VINH - Sáng nay 21/11 đã diễn ra thánh lế khấn của hội dòng mến thánh giá Vinh. Thánh lế khấn đã diến ra trong bầu khí hết sức long trọng với tham dự của đông đảo linh mục, tu sỷ nam nữ và giáo dân trong và ngoài giáo phận, đặc biệt là sự hiện diện củả đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên Bề trên giáo phận, Vị niên trưởng Giám Mục kính yêu của hội đồng giám mục Việt Nam.

Thánh lế khấn của hội dòng mến Thánh Giá Vinh được diễn ra trong bầu khí toàn giáo hội Việt Nam đang hướng về ngày khai mạc năm Thánh, sự kiện của hội dòng cũng là mốc son quan trọng của giáo hội Việt Nam kỷ niệm 447 năm lịch sử giáo hội, 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Còn niềm vui và hành phúc gì bằng cho các khấn sinh trong ngày hôm nay.

Hội dòng mến Thánh Giá Vinh có mặt trên ba tĩnh Nghệ _Tĩnh_ Bình, Từ thời đầu tiên cho tới nay cũng gặp muôn vàn khó khăn trên mãnh đất ẩn chứa nhiều lịch sử bắt bở đạo bởi các triều đại Vua Chúa cho tới thời cộng sản cai trị. Có những thời điểm cộng đoàn này đã có nhiều cơ sở phải giải thế, sơ tán nhưng với sự soi dẫn của Thiên Chúa, Hội dòng vẫn vững bước tiến lên không ngừng trong niềm tin và đi theo linh đạo của đấng sáng lập dòng là Đức cha Lambert de Lamote.

Thánh lễ tuyên khấn hôm nay có 24 nữ tu khấn lần đầu và 12 nữ tu khấn trọn đời

Đúng 7h đoàn đồng tế và đoàn rước ca nhập lễ đã hân hoan bước vào Thánh lễ trong niềm hân hoan. Cộng đoàn dân Chúa vui, vì hôm nay giáo hội lại thêm nhiều tâm hồn biết hy sinh, dấn thân phục vụ nhà Chúa. Hội dòng vui vì có nhiều thành viên trong cộng đoàn đã sinh hoa kết trái sau một quảng thời gian tìm hiểu, tu trì và đào tạo. Các khấn sinh vui, vì hôm nay các Chị thuộc trọn về người tình của mình là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà họ mến yêu và tôn thờ.

Trong Thánh lễ khấn hôm nay, Đức Cha đã chia sẻ cùng các khấn sinh và cộng đoàn về đời sống tu trì và sự cao trọng của ơn gọi tận hiến.

Nghi thức khấn cũng diễn ra trong nhũng giây phút vô cùng linh thánh, nói lên sự kết giao mật thiết giữa Thiên chúa và con người.

Thánh lễ khấn đã kết thúc trong niềm vui và tâm tình tạ ơn của Chị bề trên hội dòng đối với Thiên Chúa, quý Đức Cha, quý Cha và quý cộng đoàn vì những ơn cao trọng mà Chính Thiên Chúa đã ban tặng cho hội dòng.

Chúng ta cùng hiệp lời cầu xin Chúa đổ tràn muôn phúc lành xuống trên các khấn sinh, nhờ đó trong cuộc đời tận hiến họ mưu ích nhiều cho giáo hội và xã hội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hồi Ký: Những câu chuyện về một thời: Thành quả của cải cách ruộng đất
+Gm. Phaolô Lê Đắc Trọng
09:20 20/11/2009
Thành quả của cải cách ruộng đất

Mấy sào ruộng rồi sẽ đưa vào hợp tác xã để ông chủ lại đi cầy thuê. Cái bằng chứng nhận kia, chỉ đem vứt vào sọt rác, vì nó chỉ còn là một tờ giấy vô giá trị. Cảnh người cầy có ruộng đã lại lên mây!

Cái bầu trời phát quang, cái mặt đất phẳng lì lì. Muốn dựng lên cái gì thì dựng, với cái tính tàn khốc, tính quá khích, đã tạo nên bầu trời quang, và cái mặt bằng cái tính tình man rợ đó đã in sâu trong lòng, không biết phải bao nhiêu thế hệ mới xoá nổi chăng?

Trên tờ “Chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” có ghi cái khẩu hiệu để viết trên mặt bằng của cải cách. “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh”. Vẫn chưa thoả mãn? Đẹp thế mà! Làm sao thời kỳ cải cách mọi cái thay đổi khá nhiều, theo hướng đi lên hay đi xuống, không biết? Cả Đức Cha Khuê cũng có vẻ đổi thay. Ngài đi kinh lý xứ Nam Định. Tôi theo Ngài ra thăm Mặt trận Tổ Quốc. Thay đổi đấy. Ngồi đối diện với ông Chủ tịch Mặt trận, Ngài chúc sức khỏe ông Chủ tịch và các nhân viên.

Điều cập nhật hơn, Ngài bầy tỏ lòng yêu mến nước Việt Nam. Cầu mong nước Việt Nam hạnh phúc.

Ông Chủ tịch bất cần nhã nhặn, phản ứng ngay: “Nói Việt Nam không đủ”. Phải nói là “Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa”. Tim Đức Cha không biết có bị nhói không, phần tôi thì sạm mặt lại. Chúng tôi ngần này tuổi đầu, học hành gì mà cái tên nước Việt Nam cũng không nói đúng.

Việt Nam dù là hoà bình, là thống nhất, là giầu mạnh hay gì đi nữa, cũng không đủ. Cải cách ruộng đất không chỉ đi đến mục tiều đó, nhưng là tới cùng đích: Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Xã hội chủ nghĩa là gì?

Ai cũng hiểu. Như vậy, cải cách ruộng đất là sách lược cơ bản, không phải là cái gì tuỳ tiện. Những phương pháp tàn bạo, không phải là cái gì vượt ra khỏi dự phòng, cả những cái gọi là sai lầm cũng là giả tạo, để lấy cớ sửa sai.

Trước khi cải cách, nhiều người hy vọng vinh quang đang đến với mình, có thể phấn khởi hô lên: “Cải cách muôn năm! Cải cách muôn năm!”

Sau này, dù có những tai tiếng đến đâu, những ai nhờ đó mà có chỗ ăn chỗ đứng, trong thâm tâm vẫn phải vang lên “Cải cách muôn năm”.
 
Sáu dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý
Việt Long /RFA
09:28 20/11/2009
Sáu dân biểu Hoa Kỳ gửi thư cho Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý và giữ lời cam kết tôn trọng nhân quyền của nhân dân Việt Nam.

Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.

Thư đề ngày 19 tháng 11 năm 2009 viết rằng 6 vị dân cử Mỹ rất quan tâm đến trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý bị tai biến mạch máu não lần thứ nhi hôm thứ bảy vừa qua, có được chữa trị, và thân nhân được phép thăm viếng có hạn chế.

Do biến cố đó, sáu dân biểu Hoa Kỳ thỉnh cầu chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho người tù của lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Lý, vì lòng nhân đạo, đồng thời tạo điều kiện cho ông được chữa trị khẩn cấp và lâu dài, gia đình của vị linh mục không bị cản trở khi giúp ông về tinh thần, thể chất và tâm linh trong thời gian ngặt nghèo này.

Cam kết Nhân quyềnThư nhắc lại cuộc hội họp giữa đại diện chính quyền Việt Nam với viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ hôm mùng 10 tháng 11, tiếp tục cuộc đối thoại về nhân quyền giữa hai nước.

Trường hợp bị giam cầm của linh mục Lý đã được nêu lên trong buổi họp như tình trạng của một trong nhiều công dân Việt Nam bị sách nhiễu vì lý do tôn giáo và dân chủ, bị xử án không có người biện hộ, và bị cầm tù nhiều lần.

“Chính phủ Việt Nam cần thực hiện lời cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, tôn trọng quyền công dân và quyền được hưởng tự do của nhân dân Việt Nam.

Trích Thư 6 Dân biểu Mỹ gửi TT Việt Nam

Đó cũng là mối quan tâm lớn của các vị dân cử tại lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ cùng nhiều viên chức khác trong chính phủ.

Cùng với yêu cầu trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý, thư của sáu dân biểu Mỹ cũng đề cập đến hiện trạng tại Việt Nam vói vô số những người vẫn tiếp tục phải chịu đả kích thậm tệ, bị hành hạ, bị án tù nặng, mà không rõ rệt vì lý do tôn giáo, chính trị hay vì bị kết tội một cách cá biệt.

Thư yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện lời cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, tôn trọng quyền công dân và quyền được hưởng tự do của nhân dân Việt Nam.

Bức thư ký tên các dân biểu Chris Smith, Loretta Sanchez, Anh “Joseph” Cao, Zoe Lofgren, Frank Wolf và Edward Royce.
 
Thương thay cho vận mệnh Nước Nhà!
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
10:01 20/11/2009
Trong một phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết vì sao Thủ tướng chưa thực hiện hết nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật giao cho là quyền miễn nhiệm, cách chức một số lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã không tuân thủ chỉ đạo của cấp trên nhằm tăng cường kỷ cương hành chính ? Thủ tướng có gặp khó khăn gì hay Thủ tướng còn ngại xử lý cán bộ lãnh đạo cấp dưới có sai phạm ?

Trong phần trả lời, có đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng, người có lẽ làm Thủ tướng lâu nhất của đất nước, có lần nói đồng chí chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào từ chủ tịch xã, phường trở lên. Hơn 3 năm nay tôi làm Thủ tướng, tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng". (x. “Thủ tướng nói về nghi án in tiền polymer”, Thanh Niên Online, 20.11.2009).

Đọc mà giật mình. Không biết dân mình sẽ nghĩ gì khi thấy thời gian gần đây, các bác lãnh đạo nước nhà liên tục có những phát biểu không giống ai!!??

Thời Bác Đồng làm thủ tướng (1955 -1987) chắc hẳn là khác thời nay rồi. Thời đó các quan chức Việt Nam “yêu dấu” của ta còn “nhân chi sơ tính bản thiện” lắm. Thời đó các “đầy tớ” của dân mình còn đi dép râu Cụ Hồ và sống “lý tưởng cách mạng” rất ư triệt để, nên đời sống còn “liêm chính chí công vô tư” lắm. Bởi đó, Bác Đồng có muốn cách chức ai, kỷ luật ai cũng khó. Có lẽ không phải Bác Đồng hành xử theo tình cảm đâu, mà vì thời đó bác không dễ tìm ra những ông quan cấp dưới hủ lậu, biến chất, ăn bạo như thời nay.

Bây giờ Bác Dũng lấy tiêu chí của Bác Đồng: “chưa bao giờ xử lý kỷ luật một đồng chí nào” để hành xử, thì vận mệnh nước nhà lâm nguy rồi. Nguyên thủ của một quốc gia là người giữ kỷ cương phép nước mà hành xử theo “cảm tính” , theo “lệ” của người tiền nhiệm, thì tiền đồ đất nước sẽ đi về đâu ? Hèn gì các quan tham, quan tắc trách, quan lạm quyền, quan hống hách cứ dẫy đầy như rươi. Nhìn đâu cũng thấy những “đầy tớ” ba gai, chỉ biết tham ô nhũng lạm và lên mặt hà hiếp “chủ nhân” của mình hết biết.

Đã rõ từ nay các chú “đầy tớ”, nhất là ở cấp tỉnh, cấp thành phố cứ an tâm mà vơ vét, cứ tha hồ mà nhũng lạm, cứ mặc sức mà lộng quyền.... Các chú không còn phải sợ bị thủ tướng miễn nhiệm, cách chức, hay thôi việc nữa nhé. Cùng lắm thì chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, hoặc bị kiểm điểm “nghiêm túc” một tí thôi. Bởi lẽ bác thủ tướng đã công khai tuyên bố lấy tiêu chí hành xử theo gương của Bác Đồng ngày xưa rồi còn gì!

Chỉ thương cho vận mệnh của dân tộc, của nước nhà!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhân chứng phá thai
Trần Mạnh Trác
22:16 20/11/2009
Carol Everett nhập ngành công nghiệp phá thai sau khi bà phá thai đứa con thứ ba trong năm 1973 dưới áp lực cuả chồng và bác sĩ. Sau lần đó cuộc sống của bà bắt đầu rơi rụng; bà ngoại tình, uống rượu và cuối cùng ly dị chồng.

Với sự giúp đỡ của một bác sĩ tâm thần, bà cố thu nhặt mảnh vụn cuộc đời còn lại cuả mình, vừa đủ để làm việc cho một công ty cung cấp y tế, nhưng cũng từ đó, việc làm dẫn bà vào ngành công nghiệp phá thai. Sau một thời gian làm việc và thấy có thể kiếm được nhiều tiền, bà đã quyết định mở phòng khám riêng.

Bà Everett thổ lộ câu chuyện của bà như sau.

Chúng tôi mở cửa phòng khám của chúng tôi và tháng đầu tiên chúng tôi đã phá thai 45 vụ. Tháng cuối cùng tôi ở đó, với hai trạm hoạt động trong vùng Dallas, chúng tôi thực hiện hơn 500 vụ phá thai một tháng. Tôi được trả $25.00 cho mỗi vụ cộng với một phần ba tiền lời từ trạm y tế, do đó bạn có thể tưởng tượng được những gì gây nên động lực cho tôi. Tôi đã bán phá thai.

Năm đầu tôi làm được $150.000. Tôi đạt mục tiêu cho năm 1983 là $260.000; và trước khi chúng tôi mở cửa phòng khám thứ năm, tôi dự trù sẽ thu một triệu đô la một năm. Thực ra tôi còn muốn nhiều hơn thế.

Trong thời gian chúng tôi lập kế hoạch mở phòng khám thứ năm này, chúng tôi đã gặp một số vấn đề giữa các cổ đông. Chúng tôi quyết định nhờ một tư vấn kinh doanh và làm việc với anh ta trong ba mươi ngày. Viên tư vấn này là một người hoạt động tông đồ. Ông nói với tôi rằng Chúa đã gửi ông đến vì có một người ở đây mà Chúa muốn cứu ra ngoài. Kết cục, tôi đã bỏ nghề trong ngày thứ 27.

Bán phá thai cho các thiếu nữ trẻ còn non dại:

Tôi chắc rằng bạn đã nhìn thấy nhiều quảng cáo viết "Tư vấn về vấn đề Thai ngén" "Thông tin về Phá thai" hoặc "Có thai?". Khi một thiếu nữ trẻ phát hiện ra là đang mang thai, cô ấy có thể không muốn phá thai, cô ấy chỉ muốn có thông tin.

Nhưng khi cô ta gọi số điện thoại do công nghệ phá thai trả tiền, thì những loại thông tin nào bạn nghĩ rằng cô ấy sẽ nhận được? Hãy nhớ rằng, họ bán phá thai. Họ không bán việc giữ trẻ em. Họ không bán việc nhận con nuôi. Họ không bán đỡ đẻ dưới mọi hình thức. Họ chỉ bán phá thai.

Các cố vấn trên điện thoại được trả tiền để trở thành bạn bè của cô ta. Nghĩa vụ cuả họ là phải dụ dỗ cô vào một thứ tình bạn để cô phá thai.

Tôi không thể tìm ra một điều nào đã xảy ra tại một phòng khám phá thai mà không phải là gian dối.

Có hai câu hỏi thường được các cô gái nêu lên. Đầu tiên là: Liệu nó có đau không? "Oh, no. Tử cung của bạn là một cơ bắp. Nó sẽ co cứng khi mở ra: Nó co cứng khi đóng vào, đó là một cảm giác đau bụng nhẹ. Ai cũng có khi đau bụng. Đó là chuyện thường cho giới nữ chúng ta."

Sau đó, họ hỏi: Có phải là một đứa bé không? "Không, đó là sản phẩm của thai ngén; đó là một cục máu đông; đó là một mảng tế bào."

Khi các cô gái đi phá thai, cô trả tiền trước rồi đi vào một phòng để được tư vấn. Họ đưa cho cô một xấp giấy 6-12 trang. Mẫu giấy này được viết bởi một luật sư phá thai để gây nhầm lẫn cho các cô gái đến chết. Thường là rất công hiệu và cô ấy không nêu thêm câu hỏi. Cô ta chỉ trở lại hai câu hỏi: Liệu có đau không? Có phải là một đứa bé?

Tôi không thể tìm ra một điều nào đã xảy ra tại một phòng khám phá thai mà không phải là gian dối.

Không có lời lẽ nào để mô tả Phá Thai.

Tôi chưa bao giờ có thể tìm được một từ để mô tả các thủ tục phá thai. Không có từ nào có thể miêu tả nó thực sự là xấu như thế nào. Nó giết con trẻ.

Tôi đã nhìn thấy qua sonograms (siêu âm), các em bé né tránh các dụng cụ đưa vào âm đạo. Và tôi đã nhìn thấy D & E (nạo và hút) thực hiện trên bào thai 32 tuần mà không có thuốc mê. Có, em bé rất đau đớn. Nhưng mà hơn nữa, là rất, rất đau đớn cho người phụ nữ này. Tôi đã nhìn thấy sáu người giữ một phụ nữ trên bàn trong khi phá thai.

Hai phản ứng: Chấp nhận hay từ chối

Sau khi phá thai, các cô gái được đưa đến phòng phục hồi, họ thường có hai phản ứng. Đầu tiên là: "Tôi đã giết con tôi." Thực là ngạc nhiên vì đó là lần đầu tiên họ gọi nó là một em bé và lần đầu tiên họ gọi là giết người. Nhưng điều đó có thể là một phản ứng lành mạnh. Điều đó có nghĩa là người phụ nữ này sẽ có khả năng đi ra khỏi nơi đó và đối phó với sự việc, và có thể hàn gắn và tiếp tục cuộc đời.

Phản ứng thứ hai là: "Tôi đói. Các người nói với tôi chỉ có hai giờ thôi mà sao các người giữ tôi tới bốn giờ lận. Hãy để tôi đi".

Cô ta trốn tránh sự việc phá thai của cô ta. Cô ta không biết đối phó với nó; cô ta lựa chọn từ chối nó. Trung bình là phải mất 5 năm trước khi cô ta thực sự đối phó với một thực tế là, có, cô ta đã giết con.

Phụ nữ bị thương tích - và chết

Các cô gái sống qua cuộc phá thai là những người may mắn. Chúng tôi đã thực hiện trên 500 vụ phá thai mỗi tháng và đã thực hiện ‘phá thai trong một ngày’ các bào thai đã ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Chúng tôi không sử dụng Laminaria (chất hút nước làm bài thai khô đi), chúng tôi đã làm dilation (ép xương chậu cho lớn ra) trong cùng một ngày và chúng tôi đã gặp rất nhiều biến chứng.

Các cô gái sống qua cuộc phá thai là những người may mắn.

Có, chúng tôi đã có người chết. một phụ nữ 32-tuổi có hai đứa con trai 17 và 2 tuổi. Không hề có tang chứng bằng giấy tờ. Bạn trai của cô ấy cảm thấy tội lỗi trong việc phá thai và anh ta không muốn đối phó với nó. Gia đình cô nghĩ rằng, có, cô ta có lẽ đã phá thai, nhưng họ không muốn đối phó với nó. Sự việc bị chìm xuồng. Không có kiện cáo.

Có một cô gái mà bác sĩ đã chuẩn đoán là có một khối u (fibroid) ở mặt sau của tử cung. Đó là một khối u rất phổ biến ít khi nguy hiểm. Hai bác sĩ quyết định họ sẽ kéo nó ra sau khi phá thai cô. Họ không biết họ đã kéo vào mặt sau của tử cung, và họ đã lôi ngược tử cung ra khỏi cô gái mới 21 tuổi; cô đã có một hysterectomy (cắt bỏ tử cung).

Hiệu quả của những Pro-Life Witness (những người biểu tình phò sự sống)

Mỗi khi các bạn (những người cổ động phò sự sống) hoạt động trước các bệnh viện, là các bạn đang chiếu một ánh sáng vào bên trong phòng mạch ấy. Các bạn đang nhắc nhở trách nhiệm cho những người đó.

Trong ngày hôm đó, họ (nhân viên phá thai) ít có khả năng phá thai một người phụ nữ không mang thai, hoặc người phụ nữ ở quá xa. Các người phá thai khoe khoang có thể làm tới tám, mười, thậm chí mười hai vụ một giờ sẽ làm chậm đi. Bởi vì người ấy sợ bạn.
 
Thông Báo
Tin buồn: Cựu Giáo Sư Taberb, Thầy Phạm Ngọc Quế đã qua đời
Ngọc Loan
18:35 20/11/2009
California: Ngày 16/11/2009, Thầy Dominicô Phạm Ngọc Quế, nguyên giáo sư dạy Việt Văn tại trường Lasan Taberb Sài Gòn đã được Chúa gọi về nhà Cha tại Viện Dưỡng Lão Anaheim, 501 South Beach Blvd, Anaheim, Ca,.

Tin Thầy ra đi, tuy không được nổi danh, nhưng điều đáng nói là số phận của người già Việt Nam, sống rất cô đơn nơi viện dưỡng lão, là điều rất đáng buồn.

Nói chung thì mặc dầu ngồi xe lăn tay, thầy Quế vẫn còn sáng suốt tinh thần và nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Thầy rất mừng và cảm động khi anh em đến thăm thầy, vì ở căn nhà dưỡng lão của Mỹ, thầy không có bạn, cả ngày ngồi xe lăn tay, chỉ có một tờ báo VN là bạn thôi.

Những năm cuối đời Thầy chỉ luẩn quẩn tại Viện Dưỡng Lão, không đi nhà thờ vì không có ai chở đi.

Khi hỏi thăm về gia cảnh, thầy có nói về một người em hiện là nữ tu thừa sai ở Congo, Phi Châu, một người con gái và một vài người anh em ở Cali.

Khi nhắc tới vợ của thầy thì thấy thầy có vẻ xúc động ứa lệ một chút. Sau này mới biết được là Thầy và vợ đã ly dị, và hình như bà vợ từ Paris đã qua Mỹ và đang sống với một người đàn ông khác ở Texas.

Xin cầu nguyện cho Linh Hồn Dominicô sớm được về cõi vĩnh hằng.

Số phận người già tại Hoa Kỳ

Con số những người cao niên càng ngày càng tăng tại Hoa Kỳ, từ 28.6 triệu người vào năm 2007 và sẽ lên hơn gấp đôi khoảng 71.5 triệu người vào năm 2030.Theo ông Arnold Eppel, cựu chủ tịch Văn Phòng cho người cao niên tại quận Baltimore, Maryland cho biết “tương lai sẽ không còn chỗ cho người cao niên trong viện dưỡng lão, đứng trước những khủng hoảng về kinh tế, chính quyền Hoa Kỳ bắt đầu đáp ứng trước vấn đề. Hai khởi xướng được đặt ra là Săn Sóc người già tại gia, và trợ cấp cho người chăm sóc. Vì hệ thống viện dưỡng lão quá mắc mỏ”.

Dù thế nào thì Hoa Kỳ không học được bài học luân lý của Việt Nam, chẳng cần Viện Dưỡng Lão. Truyền thống ngàn đời của Việt Nam, Cha mẹ sinh con và nuôi dưỡng tới ngày lớn khôn thì con cái lại chăm sóc bố mẹ đến tuổi về chiều, đơn giản chỉ có thế.
 
Tin Đáng Chú Ý
Những đặc điểm của dân biểu Liên Bang Cao Quang Ánh
Nguyễn Ðạt Thịnh
10:50 20/11/2009
Trong cuộc bỏ phiếu chấp thuận bản biểu quyết hạ viện số 3962, hình thức luật pháp đầu tiên của kế hoạch cải cách y tế, Cao Quang Ánh là dân biểu Cộng Hoà duy nhất bỏ phiếu thuận; lá phiếu của ông giúp bản biểu quyết hạ viện mang tính chất luỡng đảng, tính chất mà cả tổng thống Barack Obama và chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi rất thèm muốn.

Gia đình DB Cao Quang Ánh tại gx Việt Nam ơ New Orleans
Ðó là đặc điểm thứ nhất của dân biểu Ánh. Ðặc điểm này càng nổi bật vì trước đó dân biểu John Boehner, chủ tịch khối thiểu số hạ viện đã hạ quyết tâm là không một dân biểu Cộng Hoà nào bỏ phiếu thuận cho biểu quyết 3962.

Ðặc điểm thứ nhì là thái độ của dân biểu Ánh trước những phản ứng phẫn nộ của đảng Cộng Hoà. Có người đòi đuổi con ‘cow” Quang Ánh trở về Việt Nam; người khác đòi trừng phạt ông.

Phát ngôn viên của ông, bà Princella D. Smith, bênh vực xếp, “Ổng honest tới mức người khác thấy xót xa. Ổng nói ổng không phải là người mà các đồng nghiệp dân chủ hô hoán reo mừng như một ‘tay trong’. Ông ta không giống như những chính khách khác, và ông ta cũng không tự coi mình như một chính khách. Ông ta là một nhà tu.”

Một vài bạn đồng viện khiêu khích ông bằng cách hỏi xỏ xiên, “Quý danh là gì?” Họ muốn ông đọc ra chữ Cao với cái đồng âm Anh ngữ là “cown” để họ có dịp cười chế nhạo. Ông Ánh nhã nhặn bảo họ, “call me Joseph,” như bất cứ người Mỹ nào khi muốn tỏ thân tình bảo bạn gọi mình bằng first name.

Ðặc điểm thứ 3 là ông Ánh chân thành, mặc dù sự thật ông nói lên đôi khi mang cái nghĩa gần như khiêu khích. Báo chí hỏi ông là viên chức đảng Cộng Hoà có gây khó khăn cho ông không, khi họ nói họ không trả thù, không trừng phạt ông, ông Ánh trả lời, “có đấy chứ: một vài người hủy bỏ lời hứa trợ giúp quỹ tranh cử của tôi, một vài người khác đòi refund tiền đã giúp.”

Trước cuộc bỏ phiếu tại hạ viện, ông Michael S. Steele, chủ tịch hội đồng toàn quốc của đảng Cộng Hoà, hăm he, “Nếu anh bênh vực dự án y tế của Nancy Pilosi, chúng tôi sẽ đến tìm anh, và anh sẽ thấy mình rơi vào một cái hố đầy khó khăn.”

Truyền thông hỏi ông nghĩ gì về thái độ của ông Steele, ông Ánh trả lời, “Nếu ông chủ tịch cho là tôi không bảo thủ đúng mức thì đó là quyền của ông ta. Tuy nhiên tôi vẫn mong muốn ông ta tiếp tục cộng tác với tôi để đạt đến những giải pháp tốt cho đất nước.

Ðất nước không cần một hố sâu phân đôi những đảng viên Cộng Hoà bảo thủ và những đảng viên Cộng Hòa khác dung hòa hơn.”

Ký giả Joseph Weber, người đã từng cộng tác với ông Steele, viết trên tờ Washington Times về ông Ánh như sau, “Ông ta không suy luận theo đường hướng của Ðảng, và ông ta chỉ hành động theo nhu cầu của cử tri. Tuy nhiên, ông ta vẫn là một đảng viên Cộng Hoà thuần thành, mặc dù ông đặt trách nhiệm đối với cử tri trên mọi bận tâm khác. Các lãnh tụ Cộng Hoà nể nang ông, mặc dù không đồng ý với quan điểm của ông, nhất là họ không đồng ý với lá phiếu ông vừa bỏ cho dự án cải tổ y tế. Tuy nhiên việc này không biểu hiện một rạn nứt giữa ông Ánh và những viên chức lãnh đạo Ðảng, kể cả ông chủ tịch Steele. Với kinh nghiệm một người đã cộng tác với ông, tôi biết Steele có một tầm nhìn rộng rãi hơn, và đảng viên Cộng Hoà phải gồm cả những người dung hòa và những người bảo thủ. Và tôi có thể đoan chắc là nếu một đảng viên Cộng Hòa có thể thắng cử năm 2010 tại quận 2 Louisiana, thì người đó không thể là ai khác hơn Joseph Ánh.”

Ðiều này không có gì chắc chắn, vì ký giả Weber không nói nhân danh ông chủ tịch Steele, và ngay cả ông Steele cũng không giúp dân biểu Ánh được bao nhiêu, cả trong lần ông đắc cử năm 2008 lẫn trong lần tới, ông tái ứng cử năm 2010.

Cử tri quận 2 Louisiana gồm 60% Mỹ đen và 62% cử tri dân chủ, và dĩ nhiên LA-02 không phải là chỗ đắc địa cho một chính khách Cộng Hòa. Năm ngoái ông Ánh thắng là nhờ Chúa, và năm tới nếu ông có thắng nữa, cũng vẫn chỉ nhờ cậy vào Chúa.

Năm 2008, ứng cử viên dân chủ là dân biểu William Jefferson, với thâm niêm làm dân biểu liên tục 9 nhiệm kỳ tại LA-02. Nếu không theo ý Chúa thì làm gì có việc ông ta bị truy tố về tội tham nhũng vào đúng lúc cuộc tranh cử diễn ra, giúp một chính khách Việt Nam tay mơ bước vào hạ viện liên bang.

Nhưng dù không đắc cử lần thứ nhì, dân biểu Ánh cũng đã đánh phấn cho khuôn mặt Việt Nam hải ngoại bằng việc ông bỏ phiếu theo lương tâm.

Phỏng vấn ông, đài CNN đem câu ông Ánh nói, “tôi quyết định lá phiếu tôi bỏ, căn cứ trên nhu cầu của công dân trong quận tôi sống”, rồi so sánh ông với nghị sĩ Joe Lieberman, bang Connecticut. Họ hỏi Lieberman là ông sẽ đặt nặng quyền được chăm sóc y tế của 30,000 nhân công Connecticut vừa mất bảo hiểm y tế vì mất việc, hay đặt nặng $65,000 tiền tặng dữ mà hãng bảo hiểm Aetna Health Insurance Corporation biếu vào quỹ ứng cử của ông, và tiền biếu của nhiều hãng bảo hiểm khác.

Không phải là một tín đồ công giáo, nhưng tôi vẫn cầu nguyện xin Chúa đồng hành với dân biểu Cao Quang Ánh, ít nhất cho đến ngày bầu cử 2010. Ông cần ơn Chúa để vượt qua nhiều khó khăn trên con đường chính trị, ở lại hạ viện thêm một nhiệm kỳ nữa. Hai năm quá ngắn để vẽ thật rõ chân dung một thanh niên Việt Nam yêu cả hai nước Việt-Mỹ, và tôn trọng sự thật, lẽ phải.

Truớc kia, tôi phê bình ông là thiếu hùng biện, giờ này ông dạy tôi bài học là một việc làm đúng nói nhiều hơn 10 bài diễn văn dài lê thê mà vô nghĩa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thuyền Chiều Sông Hương
Lm. Tâm Duy
23:17 20/11/2009

THUYỀN CHIỀU SÔNG HƯƠNG



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Thuyền ta ta chống ta chèo

Hiện tiền vắng mặt dập dìu thiên thu.

(Trích thơ của Hồng Thị Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo: R - Regesta, Papal
Anh Trần SJ - Nguyễn Trọng Đa
05:08 20/11/2009
R
R, Responsorium—Xướng đáp ca.
R
R, Roma.
Rabat
Miếng vải ngực. Trước đây là một phần áo giáo sĩ của linh mục Pháp, nhưng nay không còn được sử dụng phổ biến nữa. Nó gồm có một miếng màu đen gắn vào cổ áo và thòng ra ở ngực. Hiện nay miếng này được thay bằng miếng cố áo Roma. Các Sư huynh Trường Kitô (FSC) mang miếng vải ngực màu trắng. Phần tương đương với miếng vải ngực là một phần của áo linh mục Công giáo ở các nước khác, là một miếng màu đen mang dưới áo và có cổ áo giáo sĩ.
Rabbi
Rabbi, Ráp-bi, Thầy. Trong Cựu Ước tước hiệu rab qui chiếu cho bất cứ ai giữ một chức vụ cao. Rabbi có nghĩa đen là “thầy.” Trong Tân Ước là một danh từ danh dự mà các các Môn đệ thưa với Chúa Giêsu như là vị Thầy của họ (Mt 23:7; Ga 1:38). Sau thời các tông đồ, danh từ sớm trở thành một tước hiệu được công nhận cho các thầy dạy giáo lý Do Thái, và mọi giáo sĩ Do Thái hiện đại đều được gọi là rabbi. (Từ nguyên Aramaic rab, thầy + hậu tố đại từ ngôi thứ nhất: thầy của tôi.)
Raccolta
Raccolta, Sách kinh có ân xá. Trước đây là cuốn sách chứa các kinh đọc và nghi thức việc đạo đức, kèm theo các ân xá được Tòa Thánh ban cho; điều kiện để hưởng các ân xá ấy; và cách chỉ ân xá cho linh hồn ở luyện tội. Các bản dịch sách kinh này của Thánh bộ Ân xá được cho phép để sử dụng ở các quốc gia và địa phương. Kể từ Công đồng chung Vatican II, Sách kinh có ân xá trở thành Tuyển tập các Ân xá, được Đức Giáo hòang Phaolô VI cho phép năm 1968.
Rachel
Rachel, bà Ra-khen. Là con gái ông Laban (La-ban). Isaac (I-xa-ác) sợ rằng con trai mình là Jacob (Gia-cóp) sẽ cưới một cô gái người Canaanite (Ca-na-an) làm vợ, nên ông sai con đến sống và làm việc cho ông Laban, anh vợ mình. Jacob yêu cô Rachel và đồng ý làm việc bảy năm cho cậu mình để cưới cô. Tuy nhiên, sau bảy năm, ông Laban đã đánh lừa Jacob để Jacob cưới cô Leah (Lê-a), là chị ruột của rachel (St 29). Jacob lại phải lao động thêm bảy năm nữa để cưới Rachel làm vợ hai. Lẽ tất nhiên sự thử thách là xứng đáng, vì sách Sáng thế nói rằng bảy năm làm thêm này “đối với cậu chỉ như vài ngày vì cậu quá yêu cô " (St 29:20). Trong các con trai của mình, Jacob thương Giuse và Benjamin (Ben-gia-min) hơn hết. Cả hai đều do Rachel sinh ra (St 30:24). Bà Rachel qua đời sau khi sinh Benjamin (St 35:18), và ông Jacob dựng một bia đá trên mộ bà (St 35:20).
Rahab
Rahab, nàng Ra-kháp. Là một kỹ nữ sống ở Jericho (Giê-ri-khô). Khi ông Joshua (Gio-duê) dự trù chiếm lấy Jericho, hai trong số các người do thám của ông tạm ở trong nhà bà này. Họ bị nghi ngờ là người của ông Joshua, nhưng Rahab liều chết giấu họ trên nóc nhà và giúp họ trốn thoát. Để tri ân bà, họ hứa rằng sau khi ông Joshua chiếm được thành Jericho, bà và gia đình bà sẽ được miễn khỏi bị hành hạ. Ông Joshua giữ lời hứa (Gd 2:1-24). Trước khi thành bị đốt cháy, hai người do thám hộ tống bà và gia đình đến nơi an tòan (Gd 6:22-25). Hai lần tên bà xuất hiện trong Tân Ước. Trong gia phả của Chúa Giêsu, trong Tin mừng theo thánh Matthêu, bà được gọi là mẹ ông Boaz (Bô-át, Mt 1:5). Trong thư gửi tín hữu Do Thái (Dt), tác giả đề cao đức tin của bà trong việc che chở các người do thám của ông Joshua (Dt 11:31).
Rape
Hiếp dâm, cưỡng dâm, hãm hiếp, bắt cóc, cưỡng đọat. Trong luật Giáo hội, là tội cưỡng ép một phụ nữ, trái với ý muốn của người này, phải giao hợp với mình. Ngoài tội trọng chống đức thanh sạch, còn thêm tội trọng chống lại đức công bình vì hãm hiếp phụ nữ. Hiếp dâm có thể phạm bằng cách sử dụng sức mạnh thể lý hay tinh thần, kể cả lừa gạt và mánh khóe; cũng là như thế, trong một tội giao hợp với một phụ nữ không sử dụng lý trí được, dù là rối lọan tâm thần hay do ảnh hưởng của rượu hoặc ma túy. Một phụ nữ bị hiếp dâm phải phản kháng tuyệt đối trong tâm hồn, không đồng ý với ý chí; và sự phản kháng bề ngoài phải là hết sức mình, mà không nguy hại cho mạng sống hoặc thanh danh của mình. (Từ nguyên Latinh rapere, nắm giữ.)
Rapture
Xuất thần, hoan hỉ, sảng khóai. Là một hình thức của sướng đê mê, vừa đột xuất vừa mạnh mẽ. Sự chuyển động mạnh này không thể bị chống lại được, như là một luật, trong khi trong sự xuất thần giản đơn, sự chống lại có thể thực hiện được, ít là bề ngoài.
Rash Judgment
Phán đoán Khinh xuất. Định kiến thiếu suy xét về hành vi xấu của người khác khi không có đủ dữ kiện để phán đoán. Tội của việc phán đoán khinh xuất là ở nơi sự thiếu thận trọng hấp tấp khi lượng định phê bình người khác, mà hậu quả là làm mất danh tiếng của người đó trong cái nhìn của người xét đoán.
Ras Shamra
Ras Shamra. Khu di tích của thành phố cổ Ugarit bên bờ biển Syria. Vào thế kỷ XV nơi này là một trung tâm thương mại, nhưng đã bị quân xâm lăng tàn phá. Khu di tích đã bị chôn vùi này được khám phá năm 1928. Các nhà khảo cổ người Pháp đã tiến hành các cuộc khai quật từ năm 1929 đến năm 1933, và tiếp tục từ năm 1946. Người ta đã tìm được rất nhiều dữ liệu về văn hoá và tôn giáo Canaan ở khu di tích này.
Ratified Marriage
Hôn Nhân được Phê Chuẩn. Hôn nhân giữa hai người đã chịu phép rửa, dù là họ người Công giáo hay thuộc một hệ phái Kitô khác.
Ratio
Lý, Lý Lẽ. Bản chất hoặc bản tính của một điều gì mà trí óc hiểu được. Lý lẽ là sự minh bạch của bất kỳ bản thể nào. Trong ngôn ngữ của giáo hội, lý lẽ là nền tảng hoặc lý lẽ hoặc sự hợp lý của một điều gì, đặc biệt khi áp dụng vào một tổng thể kiến thức, dự luật, hoặc phương pháp hành động. Vậy nên Bộ Giáo Luật được thiết lập trên lý lẽ căn bản hoặc các nguyên tắc căn bản. (Từ nguyên Latinh ratio, nghĩa là lý lẽ, trí tuệ, trí óc, lý luận, tri thức, dự định, ý hướng, tranh biện.)
Rational Freedom
Tự do trong lý trí. Không bị ràng buộc chi phối bởi cảm xúc, dù là lo sợ hay ham muốn, để ý chí có thể tự quyết định bởi phương cách hành động nào mà lý trí (được soi sáng bởi đức tin) xét là dòng hành động đúng đắn. Còn gọi là sự tự do tâm lý.
Rationalism
Thuyết Duy Lý. Hệ tư tưởng hoặc thái độ của tâm trí cho rằng lý trí của con người là đầy đủ cho chính mình, và không cần đến mạc khải thần thiêng, để biết tất cả những gì là cần thiết cho sự an khang của một người. Cũng là một quan niệm cho rằng lý trí tiên nghiệm (a priori) có thể xác quyết mà không cần đến kinh nghiệm hoặc kiểm tra các sự kiện.
Rationalization
Biện minh bằng lý trí. Là hành động biện minh cho hành vi của mình hoặc của người khác dựa trên căn bản của lý trí. Từ ngữ này ám chỉ việc thay thế các lý do thật bằng những lý do khả thi hoặc được xã hội chấp nhận, nhằm tránh né cảm giác tội lỗi cho mình hoặc mất đi sự chấp nhận của người khác.
Raven
Con quạ. Biểu tượng của nhiều vị thánh, là những người đã nhận được sự trợ giúp của loài chim này. Thánh Biển Đức (480-456), khi bị Florentius dèm pha, đã thoát chết trong một bữa ăn kẻ thù ngài đã dọn cho ngài, nhờ một con quạ gắp đi ổ bánh mì có độc. Thánh Meinrad (mất 861), người sống một mình trong hang động, đã bị hai gã đàn ông sát hại khi họ đi tìm một kho tàng được đồn thổi là chôn giấu ở trong hang động của thánh nhân. Họ bị đưa ra xét xử nhờ tiếng kêu của hai con quạ đã theo dõi họ từ hiện trường. Ngôn sứ Elijah (Ê-li-a) thường được trình bày với các con quạ đã vâng lời Chúa mang thức ăn cho ông.
R.D.
R.D., viết tắt của chữ Rural Dean, linh mục quản hạt miền quê
Reader
Thừa tác viên Đọc sách, Thừa tác vụ Đọc Sách Thánh. Thừa tác vụ được trao cho một người đặc biệt được Giáo Hội bổ nhiệm để đọc Lời Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ. Người này có nhiệm vụ đọc các trích đoạn trong Sách Thánh, ngoại trừ Tin Mừng, trong thánh lễ và các buổi phụng tự thánh khác. Người này có nhiệm vụ đọc lời đáp ca Thánh Vịnh giữa các bài đọc khi không có hát thánh vịnh. Người này có nhiệm vụ đọc các ý chỉ của Lời Nguyện Giáo Dân, khi vị phó tế hoặc người xướng ca không có mặt. Người này có nhiệm vụ hướng dẫn việc xướng ca và tham dự của tín hữu. Người này có nhiệm vụ chỉ bảo các tín hữu cách rước lễ cho xứng đáng. Người này cũng có nhiệm vụ, khi cần thiết, chăm lo cho những người tạm thời được bổ nhiệm đọc Sách Thánh trong các buổi cử hành phụng vụ. Theo giáo luật, tác vụ này dành riêng cho người nam. Người nữ có thể tham gia vào chức năng đọc sách tùy theo mức độ được giao phó.
Real Doubt
Hồ nghi thật sự. Đình hoãn việc ưng thuận hoặc xét đoán của lý trí, bởi vì thiếu bằng chứng hiển nhiên về ý kiến của một bên hoặc của bên kia.
Realism
Duy thực tính, chủ nghĩa hiện thực. Là bất cứ hình thức triết học nào thừa nhận: 1. sự hiện hữu khách quan của Chúa và thế giới cũng như các mối tương quan giữa Chúa và thế giới, hoạt động độc lập với tri thức và ước vọng của nhân loại; 2. các hữu thể này có thể được biết như chúng là chính chúng; 3. sự cần thiết phải đặt lý trí, ý chí và hành động quy theo thực tại khách quan này, để được hạnh phúc và đạt đến vận mệnh cuối cùng của đời người.
Reality
Thực tại. Đó là cái hiện hữu cách khách quan và độc lập của trí tuệ, đối nghịch với cái không có thật, vốn là sản phẩm óc tưởng tượng hoặc chủ quan. Thực tại là điều mà trí tuệ đi theo khi nó sở hữu được chân lý. (Từ nguyên Latinh realis, nghĩa là cái thuộc về chính nó; ngoại trí tuệ)
Real Presence
Sự Hiện Diện Thật của Chúa Kitô trong Thánh Thể. Là cách thức Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể. Trong định nghĩa về điều này, Công đồng Trent năm 1551 đã minh định rằng “trong bí tích Thánh Thể cực thánh có chứa đựng Mình và Máu đích thực, thật sự và cả bản thể cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Denzinger 1636, 1640). Vì vậy Chúa Kitô hiện diện đích thực hoặc trong thực tế chứ không phải chỉ là tượng trưng. “Hiện diện thực sự” có nghĩa là, Chúa hiện diện cách khách quan trong Thánh Thể, chứ không chỉ trong tâm trí chủ quan của các tín hữu. Và Chúa hiện diện với cả bản thể, có nghĩa là hiện diện với trọn con người của Chúa là tất cả những gì làm nên Chúa Kitô, chứ không chỉ là hiện diện trong tinh thần để ban ơn cho những ai lãnh nhận bí tích này. Đấng hiện diện trong Thánh Thể là một Đức Kitô trọn vẹn (totus Christus), với tất cả những tính cách thuộc về thiên tính Ngài và tất cả thể xác và tính chất của nhân tính Ngài. (Từ nguyên Latinh realis, nghĩa là cái thuộc về chính nó; prae-esse, nghĩa là ở ngay đây, có tác dụng kịp thời.)
Real Vow
Lời tuyên hứa thực tế. Lời khấn hứa với Chúa là sẽ làm những việc cụ thể (không phải là việc phục vụ với tính cách cá nhân). Sự ràng buộc của một lời tuyên hứa thực tế truyền đến người thừa kế. Như vậy nếu một ngươi đã khấn hứa đóng góp cho một cuộc lạc quyên qua đời trước khi hoàn thành việc ấy, thì người thừa kế phải thi hành lời hứa.
Reason
Lý trí. Thông thường, lý trí là công năng của tinh thần để đạt đến chân lý. Cũng là bằng chứng căn bản được tinh thần dùng để truy tầm sự thật. Cần phân biệt lý trí với trí tuệ; trí tuệ có vai trò chuyên biệt để tiếp nhận chân lý, cho dù đạt được từ một tiến trình lý luận hay cảm nghiệm lập tức qua trực giác. Như vậy, lý trí là một tiến trình đạt đến chân lý, còn trí tuệ là sở hữu chân lý.
Rebaptism
Tái Thanh Tẩy, Làm phép Rửa lại. Nếu hiểu theo nghĩa đen, cụm từ này có thể là không chính xác vì Phép Rửa hoặc Thanh Tẩy đóng một dấu ấn trên tâm hồn không thể tẩy xoá được, có nghĩa là, bí tích này không thể, bởi vì không cần, được lặp lại. Trong những thế kỷ đầu, Thánh Giáo Hoàng Stêphanô nói quả quyết với thánh Xyprianô thành Carthage (Bắc Phi) rằng ngay cả việc bội giáo cũng không thể xoá bỏ tính chất bí tích nhận được từ Phép Rửa.
Rebekah
Bà Rebekah, bà Rê-bê-ca. Là con gái ông Bethuel (Bê-thu-en) và em ông Laban (La-Ban.) Ông Abraham (Áp-ra-ham) không muốn con trai mình là Isaac (I-xa-ác) lấy vợ người Canaan (Ca-na-an), nên ông đã phái một người nô bộc thân tín về miền đất của bà con thân thuộc để kiếm một người vợ xứng hợp. Người nô bộc cầu nguyện với Đức Chúa để được soi sáng, và Rebekah chứng tỏ là thiếu nữ đạt được những quy định của Đức Chúa. Gia đình Rebekah vui mừng vì sự chọn lựa này, và cô sẵn sàng đi về với người nô bộc để kết hôn với Isaac (St 25, 24-28). Bà sinh được hai con trai. Jacob (Gia-cóp) là con cưng của bà. Khi ông Isaac đã già và mù loà muốn chúc lành (và ban quyền thừa kế) cho Esau (Ê-sau), bà Rebekah và Jacob lập mưu lừa Isaac để ông chúc phúc cho đứa con bà ưa chuộng (St 27). Biết rằng Esau sẽ tìm cách giết Jacob, bà năn nỉ ông Isaac gửi Jacob sang xứ sở của anh mình (St 28, 1-5). Điều này mở đường cho việc sau này Jacob cưới hai con gái ông Laban là Leah (Lê-a) và Rachel (Ra-khen) làm vợ (St 29). Rebekah và Isaac qua đời và được chôn trên cùng thửa đất với Abraham và Sara (Sa-ra) (St 49, 29-31).
Recessional
Ca kết lễ. Bài thánh ca hát bởi ca đoàn hoặc cộng đoàn, khi các vị chủ tế và đồng tế rời bàn thờ hoặc thánh đường sau khi kết thúc nghi lễ tôn giáo hoặc phụng vụ.
Recidivism
Thói tái phạm. Trong thần học mục vụ, thói tái phạm là việc lặp lại có thể tiên đoán được về hành vi xấu của một người. Cụm từ này áp dụng cho những ai đã có một số nết xấu, và dường như không có khả năng hoặc không muốn dùng những biện pháp cần thiết để khắc phục thói hư nết xấu của họ (Từ nguyên Latinh recidivus, nghĩa là tái sa ngã, tái phạm)
Recollection
Hồi tâm. Tập trung tâm hồn vào sự hiện diện của Chúa. Điều này đòi có một kỷ luật tinh thần đáng kể để tránh phân tâm chia trí; điều này cần thiết cho tất cả mọi người đang theo đuổi sự toàn thiện Kitô giáo
Reconciliation
Hoà giải, Giao hoà. Hành động hoặc tình trạng nối kết lại tình bằng hữu giữa Thiên Chúa và con người, hoặc giữa hai người với nhau. Hoà giải với Thiên Chúa là điều cần thiết sau khi một người đã đánh mất tình bạn với Thiên Chúa, vì tội lỗi nặng nề. Điều này đòi hỏi sự sám hối nơi tội nhân và sự tha thứ nơi Thiên Chúa. Lòng ước muốn được giao hoà với người khác cũng là điều kiện cần thiết để lãnh nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
Reconciliationem
Sắc lệnh về Bí tích Hoà giải Reconciliationem. Sắc lệnh Reconciliationem do Thánh Bộ Phượng Tự ban hành năm 1973, cho phép sử dụng nghi thức duyệt lại của việc ban bí tích giải tội. Không như các sắc lệnh về bí tích Thêm Sức, Thánh Thể, Truyền Chức, hoặc Xức dầu, sắc lệnh này không có kèm theo tông thư hoặc tự sắc của Đức Giáo Hoàng (ngày 2-12-1973).
Rector
Tu Viện Trưởng, Quản Đốc Thánh Đường, Giám Đốc Học Viện (hoặc Chủng Viện). Người đứng đầu của một dòng tu nam hoặc một học viện (hoặc chủng viện). Danh từ này thường được dùng để gọi linh mục quản xứ, do đó nhà ở của ngài gọi là “nhà xứ” (rectory.) Nhưng trong ngôn ngữ giáo luật, linh muc Quản Đốc là một linh mục coi sóc một nhà thờ không thuộc về giáo xứ, cũng không phải là nhà thờ của cộng đoàn kinh sĩ, cũng không phải là nhà thờ gắn liền với một dòng tu. (Từ nguyên Latinh rector, giám đốc, người chỉ huy.)
Rectory
Nhà ở của linh mục quản đốc, giám đốc; Nhà xứ. Nguyên thuỷ danh từ này có nghĩa là nơi cư ngụ của vị giám đốc một học viện hoặc một cơ sở thuộc về giáo hội. Ngày nay thường được dùng để chỉ nhà ở của vị linh mục quản xứ hoặc quản thủ đền thánh và các linh mục phụ tá của ngài.
Recto Tono
Recto Tono, Giai điệu Recto. Dạng đơn giản nhất của thánh nhạc, giai điệu lập lại. Dùng một nốt nhạc cho cả câu hát.
Recusants
Những người chống luật phụng vụ Anh Giáo. Những người vi phạm luật bắt buộc mọi công dân Anh tham dự vào phụng vụ của Anh Giáo. Phần lớn người Công giáo ở Anh quốc thời trước bị phạt vạ vì vi phạm luật này. Nếu bị kết án, thì phải nộp phạt, mất chức, mất quyền có vũ khí, mất quyền thưa kiện, bị cấm làm người đại diện quản lý, luật sư hoặc sĩ quan quân đội. Sau khi bị kết án trong vòng ba tháng, người thụ án phải chối bỏ quyền tài phán của Đức Giáo hoàng trên Giáo Hội Anh Quốc hoặc thề từ bỏ vương quốc Anh. Những đạo luật này được thi hành trong nhiều mức độ nghiêm nhặt khác nhau, dưới các triều đại từ nữ hoàng Elizabeth I cho đến đời vua George III, và Giáo Hội Công Giáo đã có nhiều vị tử đạo trong thời kỳ này.
Red
Màu Đỏ. Màu biểu tượng cho sự sốt mến và máu. Áo lễ màu đỏ được dùng trong các thánh lễ về Chúa Thánh Thần, nhắc lại các lưỡi lửa trong Lễ Hiện Xuống, trong các lễ trọng về Cuộc Thương Khó của Chúa; và trong lễ kính các thánh tử vì đạo (cũng như các thánh tông đồ.)
Redaction
Phương Pháp Hiệu Đính. Danh từ rút gọn của phương pháp hiệu đính và phê bình lịch sử của khoa diễn dịch Kinh Thánh. Phương pháp này đi xa hơn phương pháp phê bình văn thể, trong việc phân tích cách thức các bản văn kinh thánh được phát triển và thay đổi, khi chúng được dùng trong các ngữ cảnh Tin mừng khác nhau. Thí dụ những câu nói giống nhau của Chúa Kitô có thể tìm thấy ở trong các ngữ cảnh khác nhau của tin mừng Mátthêu và Luca, được diễn tả khác nhau tùy theo cách trình bày của các Tin mừng.
Redemptorists
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Tu sĩ thuộc hội dòng Chúa Cứu Thế, một dòng do thánh Anphong Maria Liguori thành lập tại Scala, nước Ý, năm 1732. Là dòng giáo sĩ, sứ vụ tông đồ của các tu sĩ linh mục dòng này là thuyết giảng, viết lách, giảng tuần đại phúc, tĩnh tâm cho tín hữu và truyền giáo cho người ngoài Kitô giáo.
Red Hat
Mũ Đỏ, Mũ Hồng Y. Mũ dẹp hình tròn và rộng vành với hai chum tua 15 cái mỗi bên. Chiếc mũ biểu tượng cho tước hồng y được trao cho vị tân chức trong buổi tiếp kiến chung sau khi danh tính của vị hồng y được công bố. Mũ này chỉ đội một lần duy nhất đó mà thôi. Sau khi vị hồng y qua đời, mũ được treo trên lăng mộ hoặc trong nhà thờ chính toà của ngài. Danh từ “mũ đỏ” là chữ phổ thông dùng để chỉ tước hồng y.
Red Mass
Thánh lễ với lễ phục đỏ. Là thánh lễ mà vị chủ tế mặc lễ phục đỏ. Nói đúng hơn, là thánh lễ kính Chúa Thánh Thần nhân dịp khai mạc long trọng một Công đồng của Giáo Hội, thượng hội đồng giám mục, khánh thành trường học, toà án dân sự, hoặc phiên họp khoáng đại.
Reduction
Giảm thiểu số thánh lễ. Theo giáo luật, đây là việc giảm thiểu con số các thánh lễ buộc phải dâng cho một quỹ từ thiện, khi tiền tài trợ cho quỹ này không còn đủ để chi trả cho bổng lễ. Thường được xem là quỹ từ thiện này đã mất giá không do lỗi của những người quản trị quỹ này. Chỉ có toà Thánh mới có thẩm quyền quyết định việc giảm thánh lễ.
Reductions, Paraguay
Giáo điểm tập trung ở Paraguay. Các làng truyền giáo tập trung ở vùng Paraguay, Nam Mỹ, được các thừa sai Dòng Tên thiết lập từ năm 1609 cho đến khi Dòng bị trục xuất khỏi các thuộc địa của Tây Ban Nha vào năm 1767. Các thổ dân Da đỏ tập trung sống khá đông trong các làng ở nhũng khu vực có khí hậu trong lành và thuận tiện giao thông đường thuỷ. Mô hình của một làng theo hình vuông, với những con đường ngang dọc. Ở giữa làng là nhà thờ. Các thừa sai dạy dỗ thổ dân, quản trị cộng đồng, và thúc đẩy việc thủ công, trồng trọt và chăn nuôi. Sau khi các giáo điểm tập trung bị triệt hạ và giải tán, đã có nhiều tin đồn về kho tàng của các giáo điểm này, vốn được cho là do các thừa sai chôn dấu. Các giáo điểm này chưa từng được tái lập.
Refectory
Nhà ăn, Phòng ăn. Phòng ăn trong đan viện hoặc tu viện (Từ nguyên Latinh refectorius, nghĩa là giải khát).
Reflection
Suy tư, Suy nghĩ, Trầm tư, Phản tỉnh. Sự chú ý của tâm trí về chính nó, hoặc về sự hiểu biết hoặc ý hướng hành động của người đang suy tư. Có thể nói, đó là hành vi hoặc thực hành của tâm trí quy về chính nó hoặc các hoạt động của nó.
Reform
Cải cách, cải tổ, canh tân. Là sự thay đổi để cải thiện quan điểm hơn nữa. Với bản tính là một cơ quan sống động, Giáo hội Công giáo đã thực hiện nhiều cuộc cải cách trong lịch sử lâu đời của mình. Các cải tổ này chủ yếu liên quan đến đời sống luân lý và đường thiêng liêng của các tín hữu, bằng cách sử dụng các biện pháp pháp lý, quản trị và nghi thức có trong tầm tay của mình. Từ ngữ “Canh tân” xuất hiện trong đoạn đầu tiên của văn kiện đầu tiên được Công đồng chung Vatican II công bố, là Hiến chế về Phụng vụ thánh. Và sự mong ước “Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu" (Lời mở đầu) trở thành như một chủ đề qua mọi giáo huấn của Công đồng chung, và các chỉ thị hướng dẫn hậu Công đồng của Tòa thánh.
Reformation
Cuộc Cải cách. Là cuộc biến động tôn giáo, xã hội, và chính trị (1517-1648) đã chia rẻ thế giới Kitô giáo Tây Phương, và tạo ra đạo Tin lành. Nguyên nhân cuộc Cải Cách này là: sự suy yếu của quyền giáo hoàng do sống thời gian lâu ở Pháp, và cuộc sống xa hoa thế tục của một số Giáo hoàng; sự không trung thành với Roma của một số Giám mục, khi họ cũng là các nhà cầm quyền dân sự thật sự; sự dè dặt thái quá trong việc bổ nhiệm các giám chức vào giáo triều Roma; việc sống không thích hợp về trí tuệ và đạo đức của một số linh mục; sự giàu có của một số tu viện và chia rẽ giữa các vị giữ chức vụ; mê tín dị đoan và ít biết giáo lý giữa các giáo dân; bất ổn xã hội do sự tan rã của chế độ phong kiến; các chính trị gia ủng hộ một số người bất đồng ý kiến trong Giáo hội; sự bất ổn và chủ nghĩa thế tục sau khi có các khám phá địa lý mới; và sự sử dụng máy in ấn để phổ biến các quan điểm mới. Hiệu quả của cuộc Cải cách có ảnh hưởng sâu rộng: sự đoàn kết Kitô giáo bị phân rã, sự tự do cá nhân trong tôn giáo ảnh hưởng mọi mặt họat động của con người, với sự chỗi dậy của nhà nước thế tục cận đại, của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cá nhân, và sự thiệt hại của đoàn kết văn hóa, dựa trên một đức tin chung, vốn đã tạo dáng cho văn minh Tây phương trong gần một thiên niên kỷ.
Refuge, Cities Of
Thánh trì trú ẩn. Theo luật Do Thái, là các thành trì hưởng quyền nương náu. Để biện minh quyền được miễn tố của mình, người đào tẩu phải chứng minh rằng tội của mình là không chủ tâm và không chuẩn bị. Người này trở nên như một tù nhân trong thành trì mà mình đến nương náu. Sáu thành trì trú ẩn được nêu tên trong Gd 20:7-9. Tập tục này được chuyển vào Kitô giáo trong điều gọi là quyền trú ngụ hay quyền tỵ hộ.
Regeneration
Tái sinh. Là từ ngữ áp dụng cho bí tích Rửa tội, theo lời Chúa Kitô nói rằng không ai được vào Nước Trời nếu không tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần. Nó hàm ý rằng cũng như có hai loại sự sống, tự nhiên và siêu nhiên, thì cũng có hai loại tái sinh, một là làm người lúc được thụ thai và một là làm con Chúa khi chịu phép Rửa tội. (Từ nguyên Latinh re, lại + genare, sinh ra, tạo ra.)
Regesta, Papal
Văn kiện Giáo hoàng. Là các bản chép thư từ trao đổi của Giáo hoàng và các văn kiện chính thức được gom vào các tập sách đặc biệt. Các văn kiện đều là trước thế kỷ 13, và hầu như đã mất mát, chỉ trừ các trích đoạn mà thôi. Viện bảo tàng Anh và Đại học Cambridge là các nơi cất giữ các trích đọan quan trọng này. Các tuyển tập này có tầm quan trọng lịch sử cao, mặc dầu một số văn kiện được chứng tỏ là không phải bản gốc.