Phụng Vụ - Mục Vụ
Sẵn sàng đón Chúa lại đến ban ơn cứu độ
Lm. Đan Vinh
00:04 11/11/2021
CN 33 TN B
Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32
SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA LẠI ĐẾN BAN ƠN CỨU ĐỘ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 13,24-32
(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. (30) Thầy bảo thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ về “Cuộc quang lâm của Đức Giê-su” (x. Mc 13,1-37). Bằng những hình ảnh tượng trưng về sự sụp đổ của Đền Thờ kèm theo những điềm báo trước, Đức Giê-su nhắc nhở các tín hữu về “Ngày của Chúa” tức là ngày tận thế. Khi đó sẽ có những cơn bách hại xảy ra, trời đất cũ sẽ bị rung chuyển và biến đổi thành “Trời Mới Đất Mới” (x Kh 21,1), trước khi Con Người đến trong đám mây.
3. CHÚ THÍCH:
- C 24-25: + Trong những ngày đó: Ngày nói đây là ngày Đền Thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ bị tàn phá bình địa. + sau cơn gian nan ấy: Cơn gian nan như một điềm báo trước về Ngày Tận Thế. + Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển: Những hình ảnh trong các sách Cựu Ước này nói về “Ngày của Đức Giavê”. Ở đây các hình ảnh này nhằm đề cao sự uy nghiêm của Đức Ki-tô trong Ngày Tận Thế: bấy giờ các tầng trời sẽ bị rung chuyển, công trình sáng tạo xưa kia sẽ biến mất và một Trời Đất Mới sẽ xuất hiện.
- C 26-27: + Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến: Con Người là hình ảnh một nhân vật trong sách Đanien, trổi vượt hơn hình ảnh “Đấng Mê-si-a Con Vua Đavít”. Ngài đến trong đám mây trời, tiến lên trước toà Thiên Chúa và nhận lãnh một vương quyền phổ quát (x Đn 7,13). Trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su đã xưng mình là Con Người tới 70 lần (x. Mt 8,20; Ga 3,13...): Người tự xưng là Con Người với 2 ý nghĩa. Một là Người Tôi Tớ của Đức Giavê: “Tôi, Người Tôi Tớ bị loại bỏ, bị giết chết nhưng sẽ được tôn vinh và sẽ cứu độ muôn người” (x. Mc 8,31). Hai là Chúa Con, được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Tv 110,1) và đến ngày tận thế, sẽ lại đến (x. Đn 7,13). + “Đến trong đám mây”: Mây không phải là một phương tiện di chuyển, nhưng chỉ là một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 13,21; Mt 17,5) + Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời: Từ khắp nơi, Đấng Ki-tô sẽ ra lệnh cho các thiên thần qui tụ tất cả những người lành thánh được tuyển chọn tập trung lại.
- C 28-29: + Lấy thí dụ cây vả... khi thấy những điều đó xảy ra: Các ngôn sứ thường dùng hình ảnh mùa hè và mùa gặt để diễn tả ngày cánh chung hay ngày tận thế. Ở đây Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả báo trước mùa hè sắp tới, để ám chỉ về ngày cùng tận của Đền Thờ Giêrusalem là hình ảnh tiên báo về ngày tận thế (x Mc 13,4-19).
- C 30-31: + Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra: Việc tàn phá Đền Thờ Giêrusalem xảy ra vào năm 70, là thời điểm những ai nghe lời Đức Giê-su giảng vẫn còn sống và chứng kiến những điều Người tiên báo được ứng nghiệm. + Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu: Vũ trụ vật chất sẽ có ngày tan biến (x Is 24,19.23), nhưng Lời Đức Giê-su sẽ luôn tồn tại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
- C 32: + Về Ngày Giờ đó: câu này nói về ngày tận thế sẽ xảy ra. + chỉ có Chúa Cha biết mà thôi: Ngày Giờ cánh chung hay tận thế thuộc quyền Chúa Cha định liệu. Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2,6), với tư cách là Ngôi Lời, đồng bản tính vơi Chúa Cha nên dĩ nhiên Người biết mọi sự giống như Chúa Cha. Nhưng với tư cách là Đấng Thiên Sai (x. Pl 2,8), Người “nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ không có tội” (x. Gl 4,4), nên Người không biết được Ngày Giờ ấy, hầu mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị cho ngày ấy (x. Mc 13,33).
4. CÂU HỎI:
1) Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã tự xưng là “Con Người” mấy lần? Đức Giê-su muốn mặc khải mình là ai khi tự xưng mình là Con Người?
2) “Con Người ngự trong đám mây mà đến”: Phải chăng đám mây là phương tiện Đức Giê-su dùng để di chưyển?
3) Đức Giê-su có biết rõ ngày tận thế là ngày nào không? Tại sao?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (Mc 14,26).
2. CÂU CHUYỆN:
1) TRÁNH TIN CÁC TIN ĐỒN NHẢM VỀ NGÀY TẬN THẾ:
Vào cuối năm 1992, hàng chục ngàn tín đồ của một giáo phái tại Hàn quốc đã tụ tập nhau trong hơn 150 nhà thờ để đón chờ ngày tận thế, đón Đức Giê-su tái lâm trong vinh quang để phán xét chung. Theo những người lãnh đạo của giáo phái này thì chính xác ngày tận thế là vào lúc nửa đêm ngày 28/10/1992. Các tín đồ của giáo phái trương lên biểu ngữ: ”Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”. Đồng thời hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc cũng được đặt trong tình trạng báo động cao trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu ngày tận thế không xẩy ra. Bởi vì, rất nhiều người do quá tin tưởng đã bán hết nhà cửa và phát tán mọi tài sản gia đình… để chuẩn bị cho ngày tận thế này. Nhưng cuối cùng ngày tận thế đã không xẩy ra, nên sau đó giáo phái này đã tự giải thể.
Đây chỉ là một trong nhiều tiên báo không chính xác về ngày tận thế trên thế giới. Sở dĩ người ta đóan sai là do đã hiểu lời Chúa cách lệch lạc và không đúng theo ý Chúa dạy. Đối với các tín hữu chúng ta: nhân dịp cuối năm phụng vụ, Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta ý thức về ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không xác định cụ thể ngày giờ. Việc đề cập đến ngày này nhằm giúp chúng ta canh tân đời sống và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến vào giờ sau hết của mỗi người.
2) AI MỚI THẬT LÀ KẺ KHỜ DẠI?
Kho tàng văn học của Ấn độ có kể câu chuyện về một ông vua được tiếng là thông minh khôn ngoan nhất thiên hạ nhưng cũng lại là người dại dột nhất trần gian như sau:
Trong hoàng cung có một anh khờ chuyên làm trò hề cho nhà vua xem. Vua thích lắm vì thường có được những trận cười sảng khoái do những lời nói ngớ ngẩn hay điệu bộ khờ khạo của chàng hề. Một hôm để pha thêm trò, vua gọi anh ta đến bên ngai vàng, trao cho một chiếc gậy phủ việt và một vương miện rồi phán: “Ta phong cho ngươi làm vua khờ hạng nhất. Ngươi sẽ giữ chức này cho đến khi có kẻ nào khờ hơn ngươi. Lúc đó ngươi hãy trao gậy và vương miện này cho nó.”
Ngày tháng trôi qua, nhà vua đã dần dần già cả và sức khoẻ cũng bị suy nhược theo năm tháng. Lúc nằm hấp hối trên giường, có cả quần thần, vương hầu khanh tướng tề tựu chung quanh. Nhà vua thều thào nói: “Ta gọi các ngươi đến để nói lời từ biệt. Ta sắp phải rời xa các ngươi rồi. Ta sắp đi vào một cuộc hành trình mà không bao giờ có ngày gặp lại.” Nghe nhà vua nói thế, ai nấy đều sụt sùi rơi lệ. Bấy giờ người ta thấy anh hề tiến đến bên long sàn và thưa: “Muôn tâu đức vua, thảo dân xin được hỏi ngài một câu trước lúc ngài ra đi… Hồi xưa mỗi lần đi xa, dù đi đến các vùng hẻo lánh của nước nhà, hay đến các đô thị phồn hoa của nước bạn, đức vua đều cho sứ giả hoặc cảnh vệ đi trước dọn đường. Còn cuộc hành trình xa xôi mà đức vua sắp lên đường kia, thì xin hỏi, đức vua đã chuẩn bị gì chưa?” Nghe hỏi thế, nhà vua mở mắt ra đáp: “Ừ, ta chẳng biết phải chuẩn bị điều gì cả”. Bấy giờ anh hề liền nói: “Thế thì xin đức vua nhận lại chiếc gậy và chiếc vương miện này, vì thảo dân đã tìm ra một kẻ còn khờ hơn thảo dân rồi.” Nói xong anh trao trả cây phủ việt và vương miện lại cho đức vua.
Nếu một người chỉ biết vui chơi hưởng thụ hôm nay mà không nghĩ đến tương lai sau này. Nếu chỉ lo tìm kiếm công danh, tiền tài, quyền lợi hôm nay mà quên không lo chuẩn bị cho mai sau thì quả thật chúng ta chính là những kẻ khờ dại vô cùng.
3) VỀ BỨC DANH HOẠ “NGÀY PHÁN XÉT”:
Vào lễ Giáng sinh năm 1541, tấm màn che phủ bức tranh khổng lồ của MICHEL ANGE về ngày phán xét chung đã được mở ra, mà nếu được nhìn thấy, chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ phải rùng mình kinh khiếp. Khuôn mặt của Vua Giê-su trong bức tranh không còn là khuôn mặt của vị mục tử nhân lành, nhưng là khuôn mặt của vị quan tòa oai nghiêm. Trong bức tranh, có đến hơn 300 đấng bậc trong Hội Thánh: nào là các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Tiến sĩ. Nào là các Đức Giáo Hoàng, những người giáo dân…Bức tranh diễn tả về ngày phán xét: Theo tiếng kèn thiên sứ, những người chết chỗi dậy và ra khỏi mồ. Cha mẹ âu yếm nhìn lại con cái của mình. Bạn bè gặp nhau tay bắt mặt mừng. Thế nhưng, trong ánh mắt của mọi người lại hiện rõ sự lo âu sợ hãi vì số phận đời đời sắp được công bố trước toà phán xét. Tuy nhiên bức tranh “Ngày Phán Xét” nói trên thực ra cũng chỉ do óc tưởng tượng của hoạ sĩ tài danh Michel Ange. Nếu những điều Đức Giê-su tiên báo về số phận bi thảm của thành Giê-ru-sa-lem đã thực sự xảy ra vào năm 70, khi tướng Ti-tus đem quân Rô-ma đến vây hãm và tàn phá thành, đến nỗi “không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào”, thì những lời Chúa tiên báo về ngày tận thế chắc chắn cũng sẽ phải xảy ra.
4) GƯƠNG CHẾT LÀNH CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN 23:
Khi Thánh Giáo Hoàng GIO-AN XXIII ngã bệnh nặng, các bác sĩ không nói gì về bệnh tình của ngài, nhưng ngài biết mình khó sống thêm nên thường nói với những người chung quanh: “Tôi đã sắp sẵn hành trang”. Đến ngày cuối cùng khi giờ chết sắp đến, thư ký riêng tới bên giường hôn tay Đức Giáo Hoàng và hỏi thăm xem ngài cảm thấy trong mình thế nào. Đức Gio-an trả lời:
- Cha cảm thấy dễ chịu và an bình trong tay Chúa, nhưng cũng hơi lo.
Vị thư ký nói:
- Cha không phải lo. Nhưng chúng con đang lo đây. Chúng con mới nói chuyện với các bác sĩ…
Đức Giáo Hoàng ngắt lời hỏi:
- Họ nói với con thế nào?
Vị linh mục nghẹn ngào nói:
- Thưa Đức Thánh Cha, con phải nói sự thật: Hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng.
Nói xong, vị thư ký quỳ xuống bên giường ôm mặt khóc. Đức Giáo Hoàng âu yếm xoa đầu vị thư ký và ôn tồn nói:
- Mọi khi con can đảm lắm, sao giờ lại mềm yếu vậy? Con vừa cho ta nghe những lời hay đẹp nhất mà một vị linh mục có thể nói: “Hôm nay Cha sẽ về Thiên đàng”.
Quả thực: Phải có một đức tin mạnh, người ta mới có thể giữ được sự bình thản như vậy vào giờ phút sắp từ giã cõi đời.
3. THẢO LUẬN:
1) Bạn hiểu thế nào về ngày tận thế? Chết là gì?
2) Bạn sẽ làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến trong giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung của tòan nhân lọai?
4. SUY NIỆM:
Trên ba vòng hoa bán nguyệt của khung cửa sổ nhà thờ Mi-la-nô nước I-ta-li-a có khắc ba dòng chữ như sau:
– Phía dươi vòng bán nguyệt của vòng hoa hồng có khắc dòng chữ: “Mọi hạnh phúc trần gian chỉ kéo dài trong chốc lát”.
– Bên vòng bán nguyệt của cửa thứ hai, dưới hình thánh giá có khắc dòng chữ: “Mọi đau khổ, cực hình trần gian, chẳng mấy chốc sẽ qua đi”.
– Vòng thứ ba của khung cửa giữa dẫn vào Vương cung Thánh đường có khắc dòng chữ: ”Chỉ có hạnh phúc Nước Trời đời đời mới là điều quan trọng nhất”.
1) CÁI CHẾT CỦA MỖI NGƯỜI VÀ NGÀY TẬN THẾ CHUNG NHÂN LOẠI SẼ ĐẾN:
- Dấu hiệu cảnh báo về cái chết của mỗi người chúng ta: Mỗi lần đi phúng viếng đám ma hay đi dự lễ an táng của một người mới qua đời, cũng là cơ hội nhắc nhở chúng ta về cái chết của mỗi người chúng ta. Các dấu hiệu của cơ thể bị suy thoái như tóc bạc, răng long, đau lưng, mệt mỏi, bệnh tật, hay các tai nạn gặp phải, hoặc cơn đại dịch covid-19 hiện nay… đều là sứ điệp của Chúa cảnh báo về cái chết của chúng ta.
- Dấu hiệu cảnh báo về ngày tận thế chung nhân loại: Hôm ấy các môn đồ chỉ cho Đức Giê-su thấy cảnh huy hoàng của Ðền Thờ khi được ánh sáng mặt trời chiếu vào! Nhưng Đức Giê-su đã tiên báo cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và Đền Thờ sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Vì dân thành Giê-ru-sa-lem đã từ chối đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm.
2) KHI NÀO THÌ NGÀY TẬN THẾ SẼ XẢY RA?
- Tính không bền vững của vũ trụ:
Theo Tin mừng Mác-cô: Ðức Giê-su dạy các môn đệ phải tiên liệu: Khi thấy các điềm trên trời kia xảy ra, thì hãy biết rằng “Con Người đã đến gần bên cửa” (x Mc 13: 28-29). Các điềm báo về ngày tận thế như: Mùa hè ám chỉ thời kỳ tận thế, các chi tiết khác như: Ðền thờ bị tàn phá, chiến tranh lọan lạc, các Ki-tô giả xuất hiện, niềm tin trở nên nguội lạnh, các tầng trời bị lay chuyển v.v... cho thấy tính không bền vững của vũ trụ chúng ta đang sống.
- Ngày tận thế cụ thể là ngày nào? :
Nghe lời Chúa hôm nay, nhiều người đã lầm tưởng rằng ngày tận thế sắp đến. Nhưng ngay sau đó Đức Giê-su đã khẳng định: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha" (Mc 13,32). Thực ra, với bản tính Thiên Chúa, Đức Giê-su ngang hàng với Chúa Cha, nên cũng biết rõ về ngày tận thế. Nhưng với bản tính lòai người thì cũng như chúng ta, Người không biết rõ tận thế là ngày nào. Người muốn chúng ta phải sẵn sàng chờ đón Người đến vào bất cứ lúc nào.
3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
- Không nên hỏang sợ nhưng hãy hy vọng chờ đón Chúa đến bất ngờ:
Đức Giê-su báo trước sẽ có ngày tận thế, nhưng lại dạy môn đệ không nên hoảng sợ. Người đến để phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa lại đến” (2 Tm 4,8), thì Người sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ: ”Người sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy vinh quang của Đức Giê-su Ki-tô” (Tt 2,13). Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ đúng đắn nhất của các môn đệ là: ”Tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, trong niềm mong chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ như Người đã nói: ”Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).
- Chuẩn bị cho giờ chết riêng mỗi người và ngày tận thế chung nhân lọai:
Người Ki-tô hữu chỉ có thể “đứng vững trước mặt Con Người” khi luôn loại bỏ tội lỗi, tránh xa sự dữ và các thói hư, nhất là thói ích kỷ, tham lam…, và tích cực góp phần xây dựng một thế giới mới đầy tình thương, trong đó mọi người biết quan tâm đến nhau, sẵn sàng cảm thông chia sẻ và phục vụ nhau, cùng nhau xây dựng môi trường mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn.
- Cần ý thức tính tập thể của ơn cứu độ:
Đường về trời không dành riêng cho từng người, nhưng là đường chung cho mọi người. Trong ngày phán xét, Đức Ki-tô sẽ tái lâm xét xử nhân lọai theo tiêu chuẩn thực thi bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ “ghét anh em chính là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15) cũng sống lại để chịu hình phạt “khóc lóc và nghiến răng” (x Mt 25,31-46). Còn “Ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”(Đn 12,3). Chia sẻ bác ái phục vụ tha nhân là cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày Chúa đến.
- Ma-ra-na-tha: Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến:
Các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai đã mong ước ngày trở lại của Chúa qua lời cầu nguyện: “Ma-ra-na-tha - Lay Chúa Giê-su, xin ngự đến” (Kh 22,20). Trong Thánh lễ, sau khi truyền phép, các tín hữu chúng ta cũng dâng lời xin: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị cho ngày Chúa đến, bằng việc dâng ngày mỗi sáng khi vừa thức giấc, và trong ngày hãy chu toàn việc bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội. Hãy làm mọi việc để “Làm vinh danh Thiên Chúa và vì phần rỗi các linh hồn”, kèm theo một lời nguyện tắt như sau: “Lạy Chúa Ki-tô, xin hãy đến“.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con một quả tim mới và một thần trí mới để chúng con sẵn sàng góp phần xây dựng Hội Thánh và phục vụ Chúa trong mọi người ngay từ hôm nay. Xin cho chúng con sẵn lòng chấp nhận các đau khổ trái ý xảy đến để thành tâm sám hối tội lỗi, khử trừ các thói hư và tích cực góp phần làm cho gia đình, cộng đòan, xã hội… ngày một công bình yêu thương và bình an hoan lạc hơn, hầu đón chờ ngày Chúa sẽ tái lâm để biến đổi trần gian thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Dũng cảm làm chứng cho Chúa
Lm. Đan Vinh
00:10 11/11/2021
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (CN 33 TN B)
Mt 10,26-33
DŨNG CẢM LÀM CHỨNG CHO CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH AN-RÊ TRẦN AN DŨNG LẠC
TRẦN AN DŨNG LẠC sinh năm 1795, gia đình ngoại giáo nghèo khó ở Bắc Ninh. Lớn lên, cậu theo cha mẹ đến xứ Kẻ Chợ sinh sống. Tại đây, cậu được một Thầy giảng nhận làm con nuôi và cho ăn học. Cậu được chịu phép rửa tội và nhận tên thánh là AN-RÊ. Sau đó cậu đáp lại ơn gọi dâng mình cho Chúa và theo học tại chủng viện Vĩnh Trị. Thầy An-rê Dũng được thụ phong linh mục vào năm 1823 khi mới có 28 tuổi. Từ khi thụ phong linh mục, cha An-rê được sai đi giúp xứ. Ở đâu cha cũng nêu gương sáng đạo đức qua cuộc sống khổ hạnh. Ngoài những ngày ăn chay theo luật định, Cha còn tự nguyện giữ chay thêm suốt cả Mùa Chay và các ngày thứ Sáu thứ Bảy hàng tuần. Nhờ đời sống đơn sơ khiêm hạ và khắc khổ như vậy, nên cha đã gây được thiện cảm của những người chung quanh và thành công trên bước đường tông đồ: Qua cha, nhiều tội nhân đã được ơn giao hòa với Chúa và nhiều người lương đã tin theo Chúa và xin gia nhập đạo Công Giáo.
Trong thời gian đạo Công Giáo bị bách hại gắt gao thời vua Minh Mạng, cha An-rê Dũng đã phải trốn lánh nhiều nơi. Một lần kia ở Kẻ Roi, khi vừa dâng lễ xong thì bị quan quân vây bắt và được giáo dân chuộc về. Sau đó cha đã đổi tên Trần An Dũng thành Trần An Lạc. Lần thứ hai cha bị bắt ở xứ Kẻ Sông khi đang xưng tội với cha Phêrô Thi. Hai cha bị quan quân đòi tiền chuộc tới 200 quan tiền. Nhưng giáo dân chỉ quyên góp được một nửa số tiền nói trên, nên chỉ mình cha Lạc được thả. Rồi sau đó cha lại bị đám quân lính khác bắt mang về huyện giam chung với cha Phêrô Thi và cả hai được áp giải về Hà Nội.
Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường tra xét và bắt phải bước qua Thánh Giá để bày tỏ ý định bỏ đạo. Nhưng thay vì làm theo lệnh quan, hai cha lại cùng quì xuống hôn kính Thánh Giá và nói: “Không bao giờ chúng tôi chối Chúa và bỏ đạo cả. Chúng tôi đã suốt đời hy sinh vất vả đem Chúa đến cho người khác, thì lẽ nào bây giờ lại hèn nhát chối bỏ Chúa!”. Trước sự bất tuân của hai cha, quan tức giận sai lính đem nhốt các ngài vào ngục thất và làm thành án gửi về Kinh. Suốt thời gian ở trong tù, hai cha luôn cầu nguyện và ăn chay hãm mình, xin Chúa cho được ơn bền đỗ đến cùng. Tuy giáo dân được phép thăm nuôi hằng ngày, nhưng hai cha yêu cầu họ đừng đem đồ ăn ngon đến, và nếu bữa nào có thịt cá thì các ngài lại cho các bạn tù hoặc lính canh.
Ngày 21 tháng 12 năm 1839, hai cha đã chính thức nghe án lệnh xử trảm của nhà vua. Rồi các ngài bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy ở Hà Nội. Đến nơi, các ngài cầu nguyện ít phút, rồi cúi đầu cho lý hình dễ dàng thi hành phận sự. Đức Thánh Cha Lêô 13 đã tôn phong các ngài lên hàng Chân Phước tử đạo vào ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II đã suy tôn hai ngài lên bậc hiển thánh.
2) CUỘC TỬ ĐẠO CỦA BÀ THÁNH I-NÊ ĐÊ:
Quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc, Ninh Bình, vào đúng sáng ngày lễ Phục Sinh (14.04.1841). Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà… Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: “Xin Cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì Cha thoát, bằng không Cha và con đều bị bắt.” Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ, lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy Cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa…
Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.” Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn.” Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gía. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá.” Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng về sau cho biết: “Bà I-nê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa.” Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” Bà còn khuyên: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”…
Sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin, ngày 12.07.1841, trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà A-nê Lê Thị Thành cầu nguyện: “Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.
Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19. 6. 1988 tại Rôma, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, trong đó có thánh nữ I-nê Đê hay cũng gọi là bà thánh A-nê Lê Thị Thành (1781-1841).
3. THẢO LUẬN:
1) Tại sao đạo Công Giáo thường hay bị người đời thù ghét bách hại?
2) Tử đạo là sẵn sàng hy sinh chịu chết để làm chứng cho Chúa (x. Cv 1,8). Vậy các tín hữu chúng ta sẽ phải dũng cảm làm chứng cho Chúa thế nào trong xã hội Việt Nam hôm nay?
4. SUY NIỆM:
1) SỐ LIỆU CÁC ANH HÙNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM: Ngay từ thời Giáo Hội Sơ Khai, các tín hữu đã phải chịu chung số phận với Thầy Giê-su là bị cấm cách, bắt bớ và giết hại. Thời nào và nơi nào đạo được truyền tới cũng đều có các vị anh hùng tử đạo. Tại Việt Nam, theo sử liệu, đạo Chúa đã được truyền giảng từ thế kỷ thứ 16. Và suốt thời gian gần 300 năm sau đó (1580-1888), có khoảng 400.000 người bị án lưu đầy. Trong đó khoảng 130.000 người đã chết vì đạo, dưới các triều đại nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và bị các phong trào Cần Vương, Văn Thân đàn áp bách hại. Trong số đó, 117 vị có đủ án tích lưu trữ đã được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn phong lên bậc hiển thánh và về sau một vị tên thày An-rê Phú Yên cũng được phong là Chân Phúc hay Á Thánh và cả 118 vị đã được mừng chung trong niên lịch của Hội Thánh hoàn cầu. Về thành phần các thánh Tử Đạo gồm: 8 Giám mục, 50 Linh mục, 59 tín hữu (16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 giáo dân). Trong số 117 thánh tử đạo thì có 96 là người Việt Nam và 21 vị là thừa sai ngoại quốc.
Các ngài đã chịu nhiều cực hình như: 79 vị bị trảm quyết (chém đầu); 18 vị bị xử giảo (treo cổ); 8 vị bị chết rũ rù do đói khát bệnh tật khi bị giam trong ngục; 6 vị bị thiêu sinh (chết thiêu trong hỏa lò); 4 bị lăng trì – tức là phân thây ra từng mảnh; 1 bị tử thương và 1 bị bá đao tùng xẻo.
2) LÝ DO CÁC NGÀI BỊ VUA QUAN BÁCH HẠI:
Các thánh Tử Đạo bị vua quan và dân chúng thời đó thù ghét đàn áp giết hại không phải vì các ngài là những kẻ xấu làm điều gian ác, nhưng chỉ vì các ngài đã tin vào danh Đức Giê-su và đã dũng cảm tuyên xưng đức tin ấy, thể hiện qua thái độ bất khuất, không chịu bước qua thập giá theo lệnh vua quan, hầu ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thóat” (Mt 10,22).
Đàng khác, vua quan và dân chúng thù ghét và ra tay bách hại các tín hữu chủ yếu là do hiểu lầm về giáo lý của đạo khi cho rằng theo đạo là vọng ngọai, là bất hiếu vì phải bỏ việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đang khi thực ra không phải như vậy: điều răn thứ tư trong mười điều răn của đạo Chúa đã truyền dạy: con cái phải “thảo kính cha mẹ” và người tín hữu vừa phải chu tòan bổn phận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất lại vừa phải tôn kính và tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời.
Nhưng lý do chính yếu khiến vua quan và các phong trào Cần Vương Văn Thân thời đó thù ghét bách hại các tín hữu là do tự ái dân tộc và hiểu lầm về lòng yêu nước của các tín hữu: Họ sợ người theo đạo sẽ bị các thừa sai ngọai quốc xúi giục làm lọan, trong khi các vị thừa sai ngọai quốc đã dám bỏ quê hương và từ giã người thân đến vùng đất xa xôi và chấp nhận hy sinh ngay cả mạng sống là do đức tin và lòng mến Chúa thôi thúc. Các ngài chỉ muốn chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20); “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8b). Và quả thật, lịch sử đã ghi nhận: các thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị vua quan kết án chỉ vì đức tin mà thôi chứ không do tội phản lọan theo giặc làm loạn chống phá triều đình.
3) GƯƠNG HY SINH CHẾT VÌ ĐỨC TIN CỦA CÁC NGÀI:
Ðọc lại tiểu sử các ngài, ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các ngài. Vì trung thành với Chúa, các ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng, nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, bị mất mạng sống vì đức tin.
Có những vị làm quan lớn trong triều đình như Hồ đình Hy; làm quan án như Phạm trọng Khảm… nhưng đã thà bị mất chức quyền, mất danh vọng hơn là mất Đức tin. Vì Chúa, các ngài đã từ bỏ mọi quyền lợi xã hội và còn sẵn sàng bị mất mạng sống.
Có những vị hàng nữ lưu như thánh A-nê Lê thị Thành, thân phận yếu đuối, mang gánh nặng gia đình, nhưng cũng sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Chúa Giêsu.
Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tô-ma Thiện, Phao-lô Bột, mới mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các ngài đã khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Chúa.
4) SỐNG CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Bí quyết khiến các anh hùng Tử Đạo vượt qua gian nan thử thách là do các ngài biết “Sống sự sống của Chúa Giê-su trong thân xác yếu hèn của mình”. Đức Giê-su đã hứa sẽ ban Thánh Thần, giúp các môn đệ phải nói gì và nói thế nào khi bị điệu ra trước quan quyền (x Mt 10,19-20). Để được như vậy, các ngải đã phải mỗi ngày “Chết đi cho bản thân”, và sống trong ơn nghĩa của Đức Giê-su.
Ngày nay có lẽ chúng ta không có cơ hội làm chứng cho Chúa như các thánh Tử Đạo cha ông, nhưng chúng ta vẫn có thể trở thành chứng nhân của Chúa ngay giữa đời thường hằng ngày trong gia đình và ngoài xã hội:
- Để có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức tin khi cần, thì ngay từ bây giờ chúng ta đã phải quyết tâm sống công bình bác ái khi giao tiếp với bà con chòm xóm hay khi làm ăn buôn bán nơi phố chợ.
- Để có thể dũng cảm làm chứng cho Chúa trước mặt người đời khi có dịp, ngay từ bây giờ chúng ta đã phải là những người chồng người vợ tốt lành, luôn chu tòan trách nhiệm lo cho gia đình, đã phải hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ.
- Để sau này có thể trở thành công dân của Nước Trời, thì ngay từ bây giờ chúng ta đã phải là những người công dân tốt ở trần gian, luôn chu tòan nghĩa vụ đối với quê hương đất nước và trở thành khí cụ bình an của Chúa bằng lối sống bác ái theo tinh thần “tám mối phúc thật” của Chúa Giê-su, được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong Kinh Hòa Bình… Nhờ đó chúng ta sẽ gây được thiện cảm với anh em lương dân cùng khu phố hay làm việc chung trong công sở, trường học và nhà máy.
5. NGUYỆN CẦU:
- Lạy Chúa, xưa Chúa đã dạy các môn đệ rằng: “Anh em sống giữa thế gian, nhưng không được theo thói thế gian”. Xin cho chúng con đừng bao giờ bỏ Chúa để chạy theo cám dỗ của thế gian, ma quỉ và chiều theo các đam mê xác thịt. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng: “Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh”, để chúng con luôn xứng đáng là con cháu của các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Xin cho chúng con luôn chiếu ánh sáng tin yêu trước mặt người đời: Biết nở nụ cười khi tiếp xúc, sẵn sàng cởi mở đi bước trước để làm quen với những người mới gặp, mở miệng an ủi những ai đang gặp tai nạn rủi ro; biết khiêm hạ phục vụ tha nhân, đặc biệt phục vụ những người đau khổ bất hạnh đang cần được cảm thông trợ giúp.
- Hát chung Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… “
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Ngày 12/11: Sống hay Chết tùy thuộc lựa chọn của ta hôm nay. Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
04:50 11/11/2021
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
“Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
Đó là lời Chúa
Ngày Chúa đến
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:57 11/11/2021
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN
Ngày Chúa đến
Đn 12,1-3; Hr 10,11-14.18; Mc 13,24-32
Tôi còn nhớ vào năm 1994 cha quản xứ của tôi đọc một bài báo nói về ngày tận thế xảy ra vào ngày 05/5 năm đó, và sẽ có tối ba ngày ba đêm, nên cha kêu gọi mọi người phải mua đủ nến và mang đến nhà thờ để cha làm phép. Ai cũng đợi đến ngày đó, nhưng rút cuộc không có gì xảy ra.
Sau đó, có tin đồn tận thế sẽ xảy ra vào năm 2000, nhưng rồi cũng không xảy ra. Nhưng chưa hết, tiếp sau tin này, một tờ báo cho rằng ngày tận thế được xác định theo lịch của người Maya rơi vào ngày 15/5/2015. Những lời đồn đoán này đã gây hoang mang cho biết bao người. Ở Brazil, cảnh sát phải đối phó với nguy cơ tự tử tập thể khi chờ ngày tận thế. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tin đồn.
Sự kiện này cho thấy rằng con người thời nào cũng muốn biết những gì sẽ xảy ra tương lai: Có ngày tận thế không? Số phận của chúng ta sẽ ra sao trong và sau ngày đó? Chúng ta tìm được câu trả lời cho những vấn nạn đó từ phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
1. Thế giới và thế hệ này sẽ qua đi
Trước hết, Lời Chúa hôm nay mạc khải cho chúng ta biết rằng: thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Chúa Giêsu quả quyết rằng thế giới này không vĩnh cửu: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,30). Đồng thời Chúa Giêsu loan báo về ngày quang lâm của Người. “Ngày quang lâm” trong tiếng Hy lạp là parusia. Có nghĩa là sự trở lại trần gian lần thứ hai của Chúa Giêsu vào ngày thế mạt.
Nếu lần thứ nhất Chúa Kitô đến với nhân loại trong sự khiêm tốn và thấp hèn của người tôi tớ, thì lần thứ hai Chúa ngự đến trong vinh quang và quyền năng của vị thẩm phán. Người là vị thẩm phán chí công xét xử nhân loại dựa trên công lý và tình yêu, theo những gì mà chúng ta đã sống trên thế gian.
Bấy giờ số phận của những người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời, sẽ được chiếu tỏa như những vị sao. Còn những người tội lỗi thì phải chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (x. Đn 12,3).
Vì thế, “ngày quang lâm” sẽ trở thành ngày của sợ hãi, thất vọng đối với những người tội lỗi vì án phạt đời đời. Nhưng đó là ngày của hy vọng và cứu độ đối với những người công chính; ngày Thiên Chúa hoàn tất cách viên mãn chương trình cứu độ con người; đó là “trời mới đất mới” (Kh 21,1), thời đại của công lý, hạnh phúc và tình yêu ngự trị mãi mãi (x. 2 Cr 5,17).
2. Những dấu chỉ cánh chung
Như thế, điều chắc chắn là thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Nhưng chuyện đó xảy ra lúc nào? Tin Mừng hôm nay khẳng định: “Về ngày giờ đó thì không ai biết được ngay cả Thiên sứ trên trời, và Người Con cũng không thể biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Thánh Augustinô còn xác quyết: “Việc này hoàn toàn nằm trong quyền năng của Chúa Cha.”
Tuy nhiên, trong Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu loan báo về những dấu chỉ xảy ra để báo trước về ngày đó.
1) Những ngôn sứ giả, những Mêsia giả sẽ phỉnh gạt nhiều người (Mc 13,5-6);
2) Những cuộc bách hại chống lại các môn đệ của Đức Giêsu (Mc 13,9-13);
3) Những tai ương, chiến tranh động đất, đói kém và những hiện tượng lạ lùng (Mc 13,7-8).
Trong khi đó, Tin Mừng Mátthêu chương 24 cho biết thêm 4 dấu chỉ của ngày tận thế, đó là:
1) Tin Mừng về Nước Thiên Chúa được loan báo cho hết mọi người (Mt 24,14);
2) Xuất hiện những tiên tri giả và phản Kitô;
3) Người Do thái trở lại tin nhận Chúa Kitô;
4) Thiên tai xảy ra.
Đó là những dấu chỉ tiên báo về ngày thế mạt.
3. Thái độ của chúng ta hôm nay
Như vậy, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu biết về biến cố cánh chung và ý nghĩa của ngày quang lâm để chúng ta biết sống trong hiện tại nhưng luôn hướng về tương lai, luôn nhớ đến ngày phán xét chung, và phần thưởng cũng như hình phạt đời đời cho mỗi người.
Trước sự chắc chắn và bất ngờ của sự chết, của việc Chúa quang lâm, chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức và sẵn sàng: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy cần được thể hiện một cách thực tế bằng một đời sống phục vụ và yêu thương tha nhân. Bởi lẽ, vào ngày xế chiều, Thiên Chúa sẽ phát xét chúng ta dựa vào lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46).
Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để mỗi người biết cải biến con người mình mỗi ngày và nhận ra Chúa qua những dấu chỉ thời đại và nơi anh chị em. Nhờ đó, khi ngày của Chúa đến, chúng con vẫn luôn bình an và hy vọng, vì biết rằng Người sẽ mang lại những gì tốt lành cho những ai yêu mến và phó thác vào Người. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Ngày Chúa đến
Đn 12,1-3; Hr 10,11-14.18; Mc 13,24-32
Tôi còn nhớ vào năm 1994 cha quản xứ của tôi đọc một bài báo nói về ngày tận thế xảy ra vào ngày 05/5 năm đó, và sẽ có tối ba ngày ba đêm, nên cha kêu gọi mọi người phải mua đủ nến và mang đến nhà thờ để cha làm phép. Ai cũng đợi đến ngày đó, nhưng rút cuộc không có gì xảy ra.
Sau đó, có tin đồn tận thế sẽ xảy ra vào năm 2000, nhưng rồi cũng không xảy ra. Nhưng chưa hết, tiếp sau tin này, một tờ báo cho rằng ngày tận thế được xác định theo lịch của người Maya rơi vào ngày 15/5/2015. Những lời đồn đoán này đã gây hoang mang cho biết bao người. Ở Brazil, cảnh sát phải đối phó với nguy cơ tự tử tập thể khi chờ ngày tận thế. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tin đồn.
Sự kiện này cho thấy rằng con người thời nào cũng muốn biết những gì sẽ xảy ra tương lai: Có ngày tận thế không? Số phận của chúng ta sẽ ra sao trong và sau ngày đó? Chúng ta tìm được câu trả lời cho những vấn nạn đó từ phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
1. Thế giới và thế hệ này sẽ qua đi
Trước hết, Lời Chúa hôm nay mạc khải cho chúng ta biết rằng: thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Chúa Giêsu quả quyết rằng thế giới này không vĩnh cửu: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,30). Đồng thời Chúa Giêsu loan báo về ngày quang lâm của Người. “Ngày quang lâm” trong tiếng Hy lạp là parusia. Có nghĩa là sự trở lại trần gian lần thứ hai của Chúa Giêsu vào ngày thế mạt.
Nếu lần thứ nhất Chúa Kitô đến với nhân loại trong sự khiêm tốn và thấp hèn của người tôi tớ, thì lần thứ hai Chúa ngự đến trong vinh quang và quyền năng của vị thẩm phán. Người là vị thẩm phán chí công xét xử nhân loại dựa trên công lý và tình yêu, theo những gì mà chúng ta đã sống trên thế gian.
Bấy giờ số phận của những người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời, sẽ được chiếu tỏa như những vị sao. Còn những người tội lỗi thì phải chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời (x. Đn 12,3).
Vì thế, “ngày quang lâm” sẽ trở thành ngày của sợ hãi, thất vọng đối với những người tội lỗi vì án phạt đời đời. Nhưng đó là ngày của hy vọng và cứu độ đối với những người công chính; ngày Thiên Chúa hoàn tất cách viên mãn chương trình cứu độ con người; đó là “trời mới đất mới” (Kh 21,1), thời đại của công lý, hạnh phúc và tình yêu ngự trị mãi mãi (x. 2 Cr 5,17).
2. Những dấu chỉ cánh chung
Như thế, điều chắc chắn là thế giới này sẽ có ngày kết thúc. Nhưng chuyện đó xảy ra lúc nào? Tin Mừng hôm nay khẳng định: “Về ngày giờ đó thì không ai biết được ngay cả Thiên sứ trên trời, và Người Con cũng không thể biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Thánh Augustinô còn xác quyết: “Việc này hoàn toàn nằm trong quyền năng của Chúa Cha.”
Tuy nhiên, trong Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu loan báo về những dấu chỉ xảy ra để báo trước về ngày đó.
1) Những ngôn sứ giả, những Mêsia giả sẽ phỉnh gạt nhiều người (Mc 13,5-6);
2) Những cuộc bách hại chống lại các môn đệ của Đức Giêsu (Mc 13,9-13);
3) Những tai ương, chiến tranh động đất, đói kém và những hiện tượng lạ lùng (Mc 13,7-8).
Trong khi đó, Tin Mừng Mátthêu chương 24 cho biết thêm 4 dấu chỉ của ngày tận thế, đó là:
1) Tin Mừng về Nước Thiên Chúa được loan báo cho hết mọi người (Mt 24,14);
2) Xuất hiện những tiên tri giả và phản Kitô;
3) Người Do thái trở lại tin nhận Chúa Kitô;
4) Thiên tai xảy ra.
Đó là những dấu chỉ tiên báo về ngày thế mạt.
3. Thái độ của chúng ta hôm nay
Như vậy, Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu biết về biến cố cánh chung và ý nghĩa của ngày quang lâm để chúng ta biết sống trong hiện tại nhưng luôn hướng về tương lai, luôn nhớ đến ngày phán xét chung, và phần thưởng cũng như hình phạt đời đời cho mỗi người.
Trước sự chắc chắn và bất ngờ của sự chết, của việc Chúa quang lâm, chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức và sẵn sàng: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy cần được thể hiện một cách thực tế bằng một đời sống phục vụ và yêu thương tha nhân. Bởi lẽ, vào ngày xế chiều, Thiên Chúa sẽ phát xét chúng ta dựa vào lòng bác ái của chúng ta đối với tha nhân (x. Mt 25,31-46).
Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để mỗi người biết cải biến con người mình mỗi ngày và nhận ra Chúa qua những dấu chỉ thời đại và nơi anh chị em. Nhờ đó, khi ngày của Chúa đến, chúng con vẫn luôn bình an và hy vọng, vì biết rằng Người sẽ mang lại những gì tốt lành cho những ai yêu mến và phó thác vào Người. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B
Lm. Jude Siciliano, OP
05:15 11/11/2021
CHÚA NHẬT XXXIII TN (B)
Đanien 12: 1-3; T.vịnh 15; Do Thái 10: 11-14, 18; Máccô 13: 24-32
Cách đây ít lâu, trước cơn dịch COVID xãy ra, tôi đang ngồi đọc báo trên một ghế đá trong công viên. Có một cặp vợ chồng trẻ đến gặp tôi, cả hai đều có mang theo Kinh Thánh trong tay. Họ muốn nói chuyện với tôi về ngày tận thế sắp tới. (tôi ước gì Giáo Hội Công Giáo chúng ta có nhiều người như thế) Họ đã thu hút sự chú ý nghe của tôi. Tôi khâm phục sự nhiệt thành truyền giáo và sự chân thành của họ. Trong khi nói chuyện, chúng tôi sử dụng cách trích dẫn tương tự những điều trong bài đọc thứ nhất và thứ ba trong ngày hôm nay. Tôi được biết điểm chính để hiểu khi nào thì những chuyện này sẻ xãy ra. Những ngày trong cơn dịch COVID rồi tiếp là sự nóng lên toàn cầu và sự thay đổi thời tiết đầy bất trắc khiến cho nhiều người nói về ngày tận cùng của thời gian - về ngày giờ và thời điểm. Tôi phải chấp nhận là năm mới sắp đến làm cho tôi tự hỏi và hơi lo lắng về các đám mây mù chờ đợi trên đất nước và trên thế giới chúng ta. Cặp vợ chồng trẻ trong công viên chắc chắn là sẻ đến ngày kết thúc. "Tôi cũng nghĩ thế", trong lúc tôi đọc qua các tiêu đề trong tờ báo đang đọc. Tôi mong cho tất cả những đau khổ của loài người và của trái đất yêu mến của chúng ta sẻ kết thúc, và một hòa bình cuối cùng cũng được loan báo - cho đến muôn đời.
Bài đọc thứ nhất và thứ ba ngày hôm nay là phần các văn chương thời cánh chung. Có một số người tự nhận là mình đã biết được “dấu chỉ trong Kinh Thánh” và có thể biết rõ ngày giờ khi các sự kiện tận cùng được mô tả trong bài sách sẽ xảy ra. Tất cả những bận tâm về những hình ảnh nào sẽ xảy ra thật sự là một điều đáng lo âu khi các bản văn diễn tả về ngày cánh chúng trong Kinh Thánh nhằm mục đích để an ủi, không phải là phương tiện để loan báo các sự kiện, hay làm cho dân chúng lo sợ vì những điều gì sẽ xảy đến.
Nếu có một sự cố tình hiểu sai ý định của lời văn, các thầy thuyết giảng có thể trách cứ chính mình hơn là trách người khác. Thật ra, có khi nào các thầy thuyết giảng trong chúng ta đã giảng lần cuối về các sự kiện cánh chung, giống như chủ đề của các bài đọc hôm nay trong Phụng vụ? Thì tại sao chúng ta lại để các bài giảng như thế cho các thầy thuyết giảng dùng những răn đe của bản văn để làm cho mọi người sợ hãi và lo âu? Nếu chúng ta đã chú ý đến sách Kinh Thánh trong những ngày Chúa Nhật vừa qua, chúng ta có thể để ý đến bao nhiêu hình ảnh về ngày cánh chung đã được nêu lên trong thơ gởi cho tín hữu Do thái và trong các sách Kitô hữu nói về lời Giao ước như: Về "Con Người"; về Phục sinh; về sự Chúa Kitô trở lại; về Triều đại Thiên Chúa; về việc Thiên sứ cầm ấn tín của Thiên Chúa v.v... Vậy chúng ta, các thầy thuyết giảng nên trung thực nói đến đến các hình ảnh trong lời văn Kinh Thánh được dùng như một cách giúp chúng ta và các thính giả hiểu hơn về thế giới chúng ta và củng cố hy vọng của chúng ta?
Tác giả của những lời văn như thế là đang viết về thời kỳ sập đổ, bắt bớ, mất lý tưởng, tuyệt vọng và mất đức tin trong lúc khó khăn, (nghe có vẻ như quen phải không?) Đặc trưng của những dấu chỉ của 200 năm trước và sau Chúa Kitô sinh ra. Tác giả của 2 sách Cựu và Tân ước nghĩ là họ cần phải đưa ra những lời an ủi cho những tín hữu can đảm và sẽ được vinh quang trong chiến thắng của sự thiện hảo; Thiên Chúa sẽ trị vì; sự dữ cuối cùng sẽ bị khuất phục. Thông điệp này cần được khẳng định lại trong suốt thời gian biểu của chúng ta, không nên trì hoản như là một cách để trấn an, tránh không đưa ra cách phải làm những gì có tính nan giải trong thế giới chúng ta, khiến không thấy kết quả từ chính công sức mình. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài sẽ hoàn tất những gì Ngài đã hứa ban cho chúng ta những gì đang thực hiện được xãy ra.
Có vẻ như tác giả sách Danien đang viết về tương lai; nhưng hiện tại mới là điều quan trọng đáng chú ý. Sách ngôn sứ Danien nhằm củng cố đức tin của người Do thái trong thế kỷ thứ 2 (trước Công nguyên) và khuyến khích họ trung thành với những điều dạy của các tiền nhân họ, thay vì hướng đến những triết lý và lối sống đương đại đầy quyến rũ vào thời họ sống. Tác giả đang sống trong thời gian lúc người Hy Lạp cai trị đất nước Israel và đang cố gắng thống trị thế giới bằng cách thiết lập một nền văn hóa và hệ thống chính trị Hy lạp cho tất cả các đất nước họ đang cai trị. Ở tại Israel, theo đạo Do thái là một tội, và dân chúng có thể bị giết vì đức tin của họ (xem 1&2 Maccabê). Bởi thế tác giả trong bài đọc hôm nay đang đưa ra một cái nhìn lạc quan cho tương lai. Sự công chính sẽ chiến thắng và ngay cả những ai tưởng như đã khuất phục trước cái chết cũng sẽ được sống lại. (Chổ này chúng ta có lời chú thích trước trong Kinh Thánh về sự sống lại của người chết).
Bài Phúc âm hôm nay cũng là một thí dụ về lời văn cánh chung. Giống như bài đọc thứ nhất, đây không phải là một lời tiên đoán về tương lai, nhưng là một cách giúp các cộng đoàn Kitô hữu đang bị bách hại mà thánh Máccô đã viết về họ trong Phúc âm. Để giúp họ giữ vững đức tin và được an ủi bởi sự cam đoan rằng Thiên Chúa sẽ đem đến toàn thắng trong tương lai. Phúc âm thánh Máccô nhấn mạnh rằng: Với cái chết của Chúa Giêsu, là sự loan báo thời đại cuối cùng đã bắt đầu và sự kết thúc đã gần kề. Khi Đền Thờ bị phá hủy vào năm 70, hình như ngày cánh chung sắp xảy ra. Khi điều đó chưa đến, các sách Phúc âm thánh Mátthêu và Luca sẽ nghĩ lại về ngày cánh chung. Ngày đó không đến sớm như thánh Máccô nghĩ.
Thánh Máccô, cũng như chúng ta, đang chờ đợi Ngày Chúa Kitô đến với "vinh quang và quyền năng lớn lao" để chấm dứt mọi đau khổ và bách hại. Tất cả những gì Chúa Kitô dạy về sự tha thứ cho tội lổi, về quyền thế của Ngài, về lời hứa ban sự sống, về việc chiến thắng sự dữ, và chiến thắng sự chết sẽ được thực hiện cho những Kitô hữu đang còn phải chịu nhiều đau khổ trong đấu tranh, có cái nhìn về tương lai một cách chắc chắn; để có thể trở nên điều an ủi và giúp đỡ rất hữu ích.
Mổi thế hệ sẽ phải để ý đến lời dạy về ngày cánh chung của mọi người, hay tất cả các thế giới mà chúng ta biết. Chúng ta đã được biết nhiều về những kết cục trong đời sống của mình. Chúng ta không cần phải lo lắng và bi quan về những điều đó sẽ chấm dứt ra sao, nhưng hãy thử suy nghĩ về ngày cánh chung của chúng ta, lúc đó có thể giúp chúng ta đưa mọi sự ra sự thật. Tôi nghe có ai đó đang cầu nguyện trong Thánh lể sáng nay "Xin cảm tạ Thiên Chúa cho con ngày hôm nay". Tôi nghĩ người đó nhìn mọi sự theo quan điểm của Phúc âm hôm nay. Hãy đánh giá cao tình huống hiện tại trong ánh sáng của tương lai. Thế giới sẽ kết thúc, nhưng chúng ta hiện đang sống như thế nào trong thế giới đó? Chúng ta được mời gọi đón nhận từng khoảnh khắc, sống trọn vẹn, triễn nở thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu nói rằng: Chúng ta sẽ không biết giờ nào là giờ cuối cùng của mình, vậy chúng ta nên coi giờ nào cũng là giờ quan trọng của mình, Người Hoa Kỳ, thường sống rất nhiều cho tương lai. Họ dự trù mọi sự sẽ như thế nào khi ra trường, khi đi tìm việc làm, kết hôn, nghỉ hưu, cho con cái đi học v.v... Chúng ta cần nghĩ đến và lập các kế hoạch về tương lai, nhưng, chúng ta cũng hãy trân trọng “ngày hôm nay” do sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta trong lúc này với tất cả các cơ hội mà thời điểm này mang đến cho chúng ta.
Cây vả đã được dùng như một thí dụ, và cây vả đó khơi gợi cho tôi nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ đến 2 cây vả trong vườn ông nội tôi đằng sau nhà ở Bkooklyn, New York. Sau khi cây vả có trái, lá sẻ rụng xuống và cây trông như đã chết. Ông tôi cắt nhiều cành cây, rối lấy giấy dầu đen bọc những vết cắt lại để bảo vệ chúng qua mùa đông lạnh giá. Cây trông như bị chết rồi và được bọc trong tấm giấy liệm đen. Phép lạ xãy ra khi mùa xuân đến. Lúc đó, ông tôi tháo giấy dầu đen ra và các vết cắt được bọc giấy sẽ đâm chồi mới, sinh lá và đến tháng 8 nó sẽ có mùa trái mới. Chúng tôi sẽ có mùa thu hoạch trái vả ngon sung đầy một lần nữa.
Có thể vì thế Chúa Giêsu dùng cây vả như một thí dụ về sự sống lại của Con Người. Các nền văn minh cổ đại xem cây vả là biểu tượng của hòa bình và sự đơm hoa kết trái. Ở những nơi khí hậu nóng, cây vả cho nhiều bóng mát, và cây cung cấp nguồn thức ăn dồi dào. Cây vả phát triễn trong mùa xuân đâm hoa kết trái trong mùa hè và hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu. Thánh Máccô trông thấy sự tranh cải về đức tin trong cộng đoàn Kitô hữu của ông, và những cuộc bách hại liên tục làm cho các tín hữu chịu nhiều đau khổ, như là một dấu chỉ thật sự của vụ mùa hái trái sẽ đến khi Chúa Kitô trở lại.
Hình như Chúa Giêsu muốn nói là không cần lo toan về thời điểm nào mọi người sẽ chấm dứt cuộc sống. Đoạn văn kêu gọi cộng đoàn tín hữu hãy tỉnh thức. Đó có thể là một niềm an ủi cho những ai đang bị đau khổ vì đức tin. Họ đã có những vấn nạn mà các tín hữu thường nghĩ đến như: Vì sao dân chúng bị đau khổ?; Vì sao họ bị bệnh?; Vì sao em bé chết?; Tại sao thế giới có quá nhiều bạo lực? Vì sao một Thiên Chúa đầy quyền năng mà không làm gì để thay đổi mọi sự đang xãy ra?; Nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta, tại sao chúng ta lại phải đau khổ như thế?; Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu chẳng lẽ không có ý nghĩa gì trước mắt Thiên Chúa hay sao?; Cả hai, ngôn sứ Daniel và Thánh Máccô là những người nhắc chúng ta về đức tin của chúng ta là Thiên Chúa đã hứa sẽ luôn ở với chúng ta, cho dù chúng ta phải chịu đau khổ và sẽ đưa chúng ta đến toàn thắng trong sự vinh quang hôm nay.
Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP
33rd SUNDAY (B)
Daniel 12: 1-3; Psalm 16; Hebrews 10: 11-14, 18; Mark 13: 24-32
I was reading a newspaper on a park bench a while back, before the pandemic, and was approached by a young couple who both carried bibles and wanted to talk to me about the coming end of the world. They got my attention! I admired their missionary zeal (wish our church had more of it) and their sincerity, so we talked. Using quotes similar to today’s first and third readings, I was given the "key" to understanding when all this was going to happen. These pandemic days, accompanied by global warming and violent weather incidents have had a lot of people talking about the end times – dates, times and portents. I must admit the approaching new year has me wondering and a bit anxious about what dark clouds await our country and our world. The young couple in the park were sure it was all about to end – everything. "Me too," I thought as I glanced at the headlines of the newspaper I was reading. I longed for all the suffering of humans and our lovely planet to end, and a final peace be declared – forever.
Today's first and third readings are pieces of apocalyptical literature. There are people who claim to have a "bible code" and an ability to determine dates and times when the cataclysmic events portrayed in the readings will occur. All this preoccupation with figuring when all these things will happen is really a distraction because apocalyptical readings in the scriptures are meant to be a consolation, not a means to predict events, or scare people about what lies ahead.
If there is a misreading of the intention of the literature, maybe we preachers have no one else to blame but ourselves. After all, when was the last time any of us dared preach on apocalyptical themes, like the ones we have today in our liturgy? Why do we leave such preaching to fundamentalist preachers who use these texts to frighten and confound? If we have been paying attention to the scriptures these past Sundays, we might have noticed how many apocalyptical images pervade both Hebrew and Christian testaments, e.g., "Son of Man," resurrection, the return of Christ, the reign of God, the angel holding the seal of God, etc. Shouldn't we serious preachers face this particular form of biblical literature and use it as a way of helping ourselves and our hearers interpret our world and strengthen our hope?
The writers of this genre of literature are writing in a time of collapse, persecutions, loss of ideals, despair and faith under duress (sound familiar?) that characterized the 200 years prior to and after the birth of Christ. Writers from both testaments found it necessary to offer assurances and comfort to the faithful: good will triumph, God will reign, evil will be finally overcome. This message needs to be reaffirmed for out time, not as a way of putting off doing anything about the problems in our world, but as a way of reassuring us when we don't see a lot of results from our labors. God has not abandoned us and will bring to completion what God has promised and what we are working so hard to bring about.
It sounds like the author of Daniel is writing about the future; but the present is the main concern. The Book of Daniel is intended to strengthen the faith of Jews in the 2nd century (B.C.E.) and encourage them to stay faithful to the teachings of their ancestors, rather than turn to the attractive "modern" philosophies and lifestyles of their day. The author lived in a time when Greeks ruled over Israel and were attempting to unify the world of their conquests by establishing their culture and political system everywhere they ruled. In Israel, it was a crime to practice Judaism and people were killed for their faith (cf. 1 &2 Maccabees). Thus, the author in today's selection, is offering an optimistic view of the future. Justice will triumph, and even those seemingly overcome by death will rise. (We have here the earliest reference in the Bible to the resurrection of the dead.)
The Gospel selection is also an example of apocalyptical writing. Like the first reading, this is not a prediction of the future, but an attempt to help the suffering Christian community, for whom Mark was writing, keep faith and be comforted by the assurance that God will bring victory in the future. Mark's Gospel stresses that with Jesus' death, a final age had started and the end was near. When the Temple was destroyed in the year 70, it looked like the end was about to happen. When it didn't, the next Gospels (Matthew and Luke) had to rethink the parousia; it wasn't to happen as soon as Mark expected.
Mark, like us, was waiting for Christ to come "with great power and glory" to bring an end to suffering and oppression. All that Christ taught about the forgiveness of sins, his authority, the promise of life, the victory over evil, and the triumph over death, would be accomplished. For Christians still engaged in the struggle, this glimpse into the assured future must have been very helpful and encouraging.
Each generation must deal with this teaching about the end of the world, or worlds, we have known. We already have known many endings in our lifetime. We don't have to be morbid or pessimistic about how things will end, but reflecting on the end of our world may help put things in perspective. I heard someone pray at mass this morning, "Thank you God for this day." I think that person sees things in the perspective of this Gospel, appreciating the present in the light of the future. The world will end, but how are we now living in it? We are invited to welcome each moment, live it fully, grow in love for God and others. Jesus says that we don't know what hour will be our last – so let this hour be important. We Americans live so much in the future, we plan how things will be when we get out of school, settle into a job, marry, retire, get the kids through school, etc. We need to look and plan for the future, but we cherish "this day" and God's presence to us at this moment with all the opportunities this moment offers us.
The fig tree is used as an example and it stirs us memories for me. I remember my grandfather's two fig trees in his backyard in Brooklyn. After they bore fruit, their leaves would fall off and the trees would look dead. He would cut back the branches, tie up the trimmed trees and wrap them in black tar paper to protect them from the winter cold. They looked dead, wrapped in black tar paper, as if in shrouds. Miracle of miracles, each spring, once they were unwrapped, they would sprout new branches, grow leaves and by August we would have another harvest of dark succulent figs again.
Maybe that's why Jesus uses the fig tree as an example of the coming of the Son of Man. Ancient civilizations considered the fig tree a symbol of peace and fruitfulness. In hot climates it provided abundant shade from the heat and was a rich source of food. It's growth in Spring was seen as a sign of the coming of summer and a promise of fruit at harvest time. Mark sees the struggles in faith of his community and the accompanying persecutions they suffered, as a sure sign of the harvest that was coming when Christ would return.
Jesus seems to be saying it is useless to wonder about when all will be finalized. The passage calls for the community to stay alert. It must have been a comfort to those who were suffering for their faith. They had the kinds of questions believers have always pondered – why must good people suffer? Why do they get sick? Why does a child die? Why is the world so violent towards the innocent? Why doesn't an all-powerful God do something to change the way things are? If God loves us, why must we suffer so? Doesn't our faith in Jesus mean anything in God's eyes? Both Daniel and Mark are reminders to our faith that God has promised to be with us no matter what we must suffer and to bring to completion the victory promised us today.
Đanien 12: 1-3; T.vịnh 15; Do Thái 10: 11-14, 18; Máccô 13: 24-32
Cách đây ít lâu, trước cơn dịch COVID xãy ra, tôi đang ngồi đọc báo trên một ghế đá trong công viên. Có một cặp vợ chồng trẻ đến gặp tôi, cả hai đều có mang theo Kinh Thánh trong tay. Họ muốn nói chuyện với tôi về ngày tận thế sắp tới. (tôi ước gì Giáo Hội Công Giáo chúng ta có nhiều người như thế) Họ đã thu hút sự chú ý nghe của tôi. Tôi khâm phục sự nhiệt thành truyền giáo và sự chân thành của họ. Trong khi nói chuyện, chúng tôi sử dụng cách trích dẫn tương tự những điều trong bài đọc thứ nhất và thứ ba trong ngày hôm nay. Tôi được biết điểm chính để hiểu khi nào thì những chuyện này sẻ xãy ra. Những ngày trong cơn dịch COVID rồi tiếp là sự nóng lên toàn cầu và sự thay đổi thời tiết đầy bất trắc khiến cho nhiều người nói về ngày tận cùng của thời gian - về ngày giờ và thời điểm. Tôi phải chấp nhận là năm mới sắp đến làm cho tôi tự hỏi và hơi lo lắng về các đám mây mù chờ đợi trên đất nước và trên thế giới chúng ta. Cặp vợ chồng trẻ trong công viên chắc chắn là sẻ đến ngày kết thúc. "Tôi cũng nghĩ thế", trong lúc tôi đọc qua các tiêu đề trong tờ báo đang đọc. Tôi mong cho tất cả những đau khổ của loài người và của trái đất yêu mến của chúng ta sẻ kết thúc, và một hòa bình cuối cùng cũng được loan báo - cho đến muôn đời.
Bài đọc thứ nhất và thứ ba ngày hôm nay là phần các văn chương thời cánh chung. Có một số người tự nhận là mình đã biết được “dấu chỉ trong Kinh Thánh” và có thể biết rõ ngày giờ khi các sự kiện tận cùng được mô tả trong bài sách sẽ xảy ra. Tất cả những bận tâm về những hình ảnh nào sẽ xảy ra thật sự là một điều đáng lo âu khi các bản văn diễn tả về ngày cánh chúng trong Kinh Thánh nhằm mục đích để an ủi, không phải là phương tiện để loan báo các sự kiện, hay làm cho dân chúng lo sợ vì những điều gì sẽ xảy đến.
Nếu có một sự cố tình hiểu sai ý định của lời văn, các thầy thuyết giảng có thể trách cứ chính mình hơn là trách người khác. Thật ra, có khi nào các thầy thuyết giảng trong chúng ta đã giảng lần cuối về các sự kiện cánh chung, giống như chủ đề của các bài đọc hôm nay trong Phụng vụ? Thì tại sao chúng ta lại để các bài giảng như thế cho các thầy thuyết giảng dùng những răn đe của bản văn để làm cho mọi người sợ hãi và lo âu? Nếu chúng ta đã chú ý đến sách Kinh Thánh trong những ngày Chúa Nhật vừa qua, chúng ta có thể để ý đến bao nhiêu hình ảnh về ngày cánh chung đã được nêu lên trong thơ gởi cho tín hữu Do thái và trong các sách Kitô hữu nói về lời Giao ước như: Về "Con Người"; về Phục sinh; về sự Chúa Kitô trở lại; về Triều đại Thiên Chúa; về việc Thiên sứ cầm ấn tín của Thiên Chúa v.v... Vậy chúng ta, các thầy thuyết giảng nên trung thực nói đến đến các hình ảnh trong lời văn Kinh Thánh được dùng như một cách giúp chúng ta và các thính giả hiểu hơn về thế giới chúng ta và củng cố hy vọng của chúng ta?
Tác giả của những lời văn như thế là đang viết về thời kỳ sập đổ, bắt bớ, mất lý tưởng, tuyệt vọng và mất đức tin trong lúc khó khăn, (nghe có vẻ như quen phải không?) Đặc trưng của những dấu chỉ của 200 năm trước và sau Chúa Kitô sinh ra. Tác giả của 2 sách Cựu và Tân ước nghĩ là họ cần phải đưa ra những lời an ủi cho những tín hữu can đảm và sẽ được vinh quang trong chiến thắng của sự thiện hảo; Thiên Chúa sẽ trị vì; sự dữ cuối cùng sẽ bị khuất phục. Thông điệp này cần được khẳng định lại trong suốt thời gian biểu của chúng ta, không nên trì hoản như là một cách để trấn an, tránh không đưa ra cách phải làm những gì có tính nan giải trong thế giới chúng ta, khiến không thấy kết quả từ chính công sức mình. Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và Ngài sẽ hoàn tất những gì Ngài đã hứa ban cho chúng ta những gì đang thực hiện được xãy ra.
Có vẻ như tác giả sách Danien đang viết về tương lai; nhưng hiện tại mới là điều quan trọng đáng chú ý. Sách ngôn sứ Danien nhằm củng cố đức tin của người Do thái trong thế kỷ thứ 2 (trước Công nguyên) và khuyến khích họ trung thành với những điều dạy của các tiền nhân họ, thay vì hướng đến những triết lý và lối sống đương đại đầy quyến rũ vào thời họ sống. Tác giả đang sống trong thời gian lúc người Hy Lạp cai trị đất nước Israel và đang cố gắng thống trị thế giới bằng cách thiết lập một nền văn hóa và hệ thống chính trị Hy lạp cho tất cả các đất nước họ đang cai trị. Ở tại Israel, theo đạo Do thái là một tội, và dân chúng có thể bị giết vì đức tin của họ (xem 1&2 Maccabê). Bởi thế tác giả trong bài đọc hôm nay đang đưa ra một cái nhìn lạc quan cho tương lai. Sự công chính sẽ chiến thắng và ngay cả những ai tưởng như đã khuất phục trước cái chết cũng sẽ được sống lại. (Chổ này chúng ta có lời chú thích trước trong Kinh Thánh về sự sống lại của người chết).
Bài Phúc âm hôm nay cũng là một thí dụ về lời văn cánh chung. Giống như bài đọc thứ nhất, đây không phải là một lời tiên đoán về tương lai, nhưng là một cách giúp các cộng đoàn Kitô hữu đang bị bách hại mà thánh Máccô đã viết về họ trong Phúc âm. Để giúp họ giữ vững đức tin và được an ủi bởi sự cam đoan rằng Thiên Chúa sẽ đem đến toàn thắng trong tương lai. Phúc âm thánh Máccô nhấn mạnh rằng: Với cái chết của Chúa Giêsu, là sự loan báo thời đại cuối cùng đã bắt đầu và sự kết thúc đã gần kề. Khi Đền Thờ bị phá hủy vào năm 70, hình như ngày cánh chung sắp xảy ra. Khi điều đó chưa đến, các sách Phúc âm thánh Mátthêu và Luca sẽ nghĩ lại về ngày cánh chung. Ngày đó không đến sớm như thánh Máccô nghĩ.
Thánh Máccô, cũng như chúng ta, đang chờ đợi Ngày Chúa Kitô đến với "vinh quang và quyền năng lớn lao" để chấm dứt mọi đau khổ và bách hại. Tất cả những gì Chúa Kitô dạy về sự tha thứ cho tội lổi, về quyền thế của Ngài, về lời hứa ban sự sống, về việc chiến thắng sự dữ, và chiến thắng sự chết sẽ được thực hiện cho những Kitô hữu đang còn phải chịu nhiều đau khổ trong đấu tranh, có cái nhìn về tương lai một cách chắc chắn; để có thể trở nên điều an ủi và giúp đỡ rất hữu ích.
Mổi thế hệ sẽ phải để ý đến lời dạy về ngày cánh chung của mọi người, hay tất cả các thế giới mà chúng ta biết. Chúng ta đã được biết nhiều về những kết cục trong đời sống của mình. Chúng ta không cần phải lo lắng và bi quan về những điều đó sẽ chấm dứt ra sao, nhưng hãy thử suy nghĩ về ngày cánh chung của chúng ta, lúc đó có thể giúp chúng ta đưa mọi sự ra sự thật. Tôi nghe có ai đó đang cầu nguyện trong Thánh lể sáng nay "Xin cảm tạ Thiên Chúa cho con ngày hôm nay". Tôi nghĩ người đó nhìn mọi sự theo quan điểm của Phúc âm hôm nay. Hãy đánh giá cao tình huống hiện tại trong ánh sáng của tương lai. Thế giới sẽ kết thúc, nhưng chúng ta hiện đang sống như thế nào trong thế giới đó? Chúng ta được mời gọi đón nhận từng khoảnh khắc, sống trọn vẹn, triễn nở thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Chúa Giêsu nói rằng: Chúng ta sẽ không biết giờ nào là giờ cuối cùng của mình, vậy chúng ta nên coi giờ nào cũng là giờ quan trọng của mình, Người Hoa Kỳ, thường sống rất nhiều cho tương lai. Họ dự trù mọi sự sẽ như thế nào khi ra trường, khi đi tìm việc làm, kết hôn, nghỉ hưu, cho con cái đi học v.v... Chúng ta cần nghĩ đến và lập các kế hoạch về tương lai, nhưng, chúng ta cũng hãy trân trọng “ngày hôm nay” do sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta trong lúc này với tất cả các cơ hội mà thời điểm này mang đến cho chúng ta.
Cây vả đã được dùng như một thí dụ, và cây vả đó khơi gợi cho tôi nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ đến 2 cây vả trong vườn ông nội tôi đằng sau nhà ở Bkooklyn, New York. Sau khi cây vả có trái, lá sẻ rụng xuống và cây trông như đã chết. Ông tôi cắt nhiều cành cây, rối lấy giấy dầu đen bọc những vết cắt lại để bảo vệ chúng qua mùa đông lạnh giá. Cây trông như bị chết rồi và được bọc trong tấm giấy liệm đen. Phép lạ xãy ra khi mùa xuân đến. Lúc đó, ông tôi tháo giấy dầu đen ra và các vết cắt được bọc giấy sẽ đâm chồi mới, sinh lá và đến tháng 8 nó sẽ có mùa trái mới. Chúng tôi sẽ có mùa thu hoạch trái vả ngon sung đầy một lần nữa.
Có thể vì thế Chúa Giêsu dùng cây vả như một thí dụ về sự sống lại của Con Người. Các nền văn minh cổ đại xem cây vả là biểu tượng của hòa bình và sự đơm hoa kết trái. Ở những nơi khí hậu nóng, cây vả cho nhiều bóng mát, và cây cung cấp nguồn thức ăn dồi dào. Cây vả phát triễn trong mùa xuân đâm hoa kết trái trong mùa hè và hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu. Thánh Máccô trông thấy sự tranh cải về đức tin trong cộng đoàn Kitô hữu của ông, và những cuộc bách hại liên tục làm cho các tín hữu chịu nhiều đau khổ, như là một dấu chỉ thật sự của vụ mùa hái trái sẽ đến khi Chúa Kitô trở lại.
Hình như Chúa Giêsu muốn nói là không cần lo toan về thời điểm nào mọi người sẽ chấm dứt cuộc sống. Đoạn văn kêu gọi cộng đoàn tín hữu hãy tỉnh thức. Đó có thể là một niềm an ủi cho những ai đang bị đau khổ vì đức tin. Họ đã có những vấn nạn mà các tín hữu thường nghĩ đến như: Vì sao dân chúng bị đau khổ?; Vì sao họ bị bệnh?; Vì sao em bé chết?; Tại sao thế giới có quá nhiều bạo lực? Vì sao một Thiên Chúa đầy quyền năng mà không làm gì để thay đổi mọi sự đang xãy ra?; Nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta, tại sao chúng ta lại phải đau khổ như thế?; Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu chẳng lẽ không có ý nghĩa gì trước mắt Thiên Chúa hay sao?; Cả hai, ngôn sứ Daniel và Thánh Máccô là những người nhắc chúng ta về đức tin của chúng ta là Thiên Chúa đã hứa sẽ luôn ở với chúng ta, cho dù chúng ta phải chịu đau khổ và sẽ đưa chúng ta đến toàn thắng trong sự vinh quang hôm nay.
Chuyển ngữ: FX. Trọng Yên, OP
33rd SUNDAY (B)
Daniel 12: 1-3; Psalm 16; Hebrews 10: 11-14, 18; Mark 13: 24-32
I was reading a newspaper on a park bench a while back, before the pandemic, and was approached by a young couple who both carried bibles and wanted to talk to me about the coming end of the world. They got my attention! I admired their missionary zeal (wish our church had more of it) and their sincerity, so we talked. Using quotes similar to today’s first and third readings, I was given the "key" to understanding when all this was going to happen. These pandemic days, accompanied by global warming and violent weather incidents have had a lot of people talking about the end times – dates, times and portents. I must admit the approaching new year has me wondering and a bit anxious about what dark clouds await our country and our world. The young couple in the park were sure it was all about to end – everything. "Me too," I thought as I glanced at the headlines of the newspaper I was reading. I longed for all the suffering of humans and our lovely planet to end, and a final peace be declared – forever.
Today's first and third readings are pieces of apocalyptical literature. There are people who claim to have a "bible code" and an ability to determine dates and times when the cataclysmic events portrayed in the readings will occur. All this preoccupation with figuring when all these things will happen is really a distraction because apocalyptical readings in the scriptures are meant to be a consolation, not a means to predict events, or scare people about what lies ahead.
If there is a misreading of the intention of the literature, maybe we preachers have no one else to blame but ourselves. After all, when was the last time any of us dared preach on apocalyptical themes, like the ones we have today in our liturgy? Why do we leave such preaching to fundamentalist preachers who use these texts to frighten and confound? If we have been paying attention to the scriptures these past Sundays, we might have noticed how many apocalyptical images pervade both Hebrew and Christian testaments, e.g., "Son of Man," resurrection, the return of Christ, the reign of God, the angel holding the seal of God, etc. Shouldn't we serious preachers face this particular form of biblical literature and use it as a way of helping ourselves and our hearers interpret our world and strengthen our hope?
The writers of this genre of literature are writing in a time of collapse, persecutions, loss of ideals, despair and faith under duress (sound familiar?) that characterized the 200 years prior to and after the birth of Christ. Writers from both testaments found it necessary to offer assurances and comfort to the faithful: good will triumph, God will reign, evil will be finally overcome. This message needs to be reaffirmed for out time, not as a way of putting off doing anything about the problems in our world, but as a way of reassuring us when we don't see a lot of results from our labors. God has not abandoned us and will bring to completion what God has promised and what we are working so hard to bring about.
It sounds like the author of Daniel is writing about the future; but the present is the main concern. The Book of Daniel is intended to strengthen the faith of Jews in the 2nd century (B.C.E.) and encourage them to stay faithful to the teachings of their ancestors, rather than turn to the attractive "modern" philosophies and lifestyles of their day. The author lived in a time when Greeks ruled over Israel and were attempting to unify the world of their conquests by establishing their culture and political system everywhere they ruled. In Israel, it was a crime to practice Judaism and people were killed for their faith (cf. 1 &2 Maccabees). Thus, the author in today's selection, is offering an optimistic view of the future. Justice will triumph, and even those seemingly overcome by death will rise. (We have here the earliest reference in the Bible to the resurrection of the dead.)
The Gospel selection is also an example of apocalyptical writing. Like the first reading, this is not a prediction of the future, but an attempt to help the suffering Christian community, for whom Mark was writing, keep faith and be comforted by the assurance that God will bring victory in the future. Mark's Gospel stresses that with Jesus' death, a final age had started and the end was near. When the Temple was destroyed in the year 70, it looked like the end was about to happen. When it didn't, the next Gospels (Matthew and Luke) had to rethink the parousia; it wasn't to happen as soon as Mark expected.
Mark, like us, was waiting for Christ to come "with great power and glory" to bring an end to suffering and oppression. All that Christ taught about the forgiveness of sins, his authority, the promise of life, the victory over evil, and the triumph over death, would be accomplished. For Christians still engaged in the struggle, this glimpse into the assured future must have been very helpful and encouraging.
Each generation must deal with this teaching about the end of the world, or worlds, we have known. We already have known many endings in our lifetime. We don't have to be morbid or pessimistic about how things will end, but reflecting on the end of our world may help put things in perspective. I heard someone pray at mass this morning, "Thank you God for this day." I think that person sees things in the perspective of this Gospel, appreciating the present in the light of the future. The world will end, but how are we now living in it? We are invited to welcome each moment, live it fully, grow in love for God and others. Jesus says that we don't know what hour will be our last – so let this hour be important. We Americans live so much in the future, we plan how things will be when we get out of school, settle into a job, marry, retire, get the kids through school, etc. We need to look and plan for the future, but we cherish "this day" and God's presence to us at this moment with all the opportunities this moment offers us.
The fig tree is used as an example and it stirs us memories for me. I remember my grandfather's two fig trees in his backyard in Brooklyn. After they bore fruit, their leaves would fall off and the trees would look dead. He would cut back the branches, tie up the trimmed trees and wrap them in black tar paper to protect them from the winter cold. They looked dead, wrapped in black tar paper, as if in shrouds. Miracle of miracles, each spring, once they were unwrapped, they would sprout new branches, grow leaves and by August we would have another harvest of dark succulent figs again.
Maybe that's why Jesus uses the fig tree as an example of the coming of the Son of Man. Ancient civilizations considered the fig tree a symbol of peace and fruitfulness. In hot climates it provided abundant shade from the heat and was a rich source of food. It's growth in Spring was seen as a sign of the coming of summer and a promise of fruit at harvest time. Mark sees the struggles in faith of his community and the accompanying persecutions they suffered, as a sure sign of the harvest that was coming when Christ would return.
Jesus seems to be saying it is useless to wonder about when all will be finalized. The passage calls for the community to stay alert. It must have been a comfort to those who were suffering for their faith. They had the kinds of questions believers have always pondered – why must good people suffer? Why do they get sick? Why does a child die? Why is the world so violent towards the innocent? Why doesn't an all-powerful God do something to change the way things are? If God loves us, why must we suffer so? Doesn't our faith in Jesus mean anything in God's eyes? Both Daniel and Mark are reminders to our faith that God has promised to be with us no matter what we must suffer and to bring to completion the victory promised us today.
Lạy Ông Giêsu! Con Vua Đavit
Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết
21:56 11/11/2021
Lạy Ông Giêsu! Con Vua Đavit”
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?
- Lạy Ngài! xin cho tôi nhìn thấy” (LC 18, 35-43)
1/ Anh ăn mày mù chưa gặp Đức Giêsu... anh chỉ nghe đồn... thế mà anh đã tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế khi anh kêu: “Lạy Ông Giêsu! Con Vua Đavit” (danh hiệu Đấng Cứu Thế)
2/ Để đến với Chúa anh phải vượt qua chướng ngại: dân chúng bắt anh im đi... anh càng kêu to.
3/ Anh hoàn toàn tin tưởng Chúa và chỉ xin một điều là được thấy.
4/ Chúa đã cho anh thấy... Vì anh đã tin... anh ca tụng Chúa, đi theo Chúa và làm cho đám đông tôn vinh Chúa.
5/ Ơn được thấy cực kì quan trọng:
- Thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế... biết bao người kể cả các bậc thông thái chưa thấy.
- Thấy Chúa là tất cả, theo Chúa mới được sống... mấy ai thấy?
- Thấy bổn phận phải tôn vinh Chúa và làm cho mọi người ca tụng Chúa... mấy ai thấy?
- Thấy Chúa Giêsu là đường, sự thật và sự sống... Là ơn cứu độ, là nguồn bình an và hạnh phúc... Mấy ai thấy? cho nên thiên hạ muôn đời vẫn theo xác thịt. Ma quỷ, thế gian đông hơn theo Chúa.
Xin cho chúng con được thấy Chúa như anh mù, đồng thời cũng thấy bộ mặt giả trá thế gian để chúng con dẹp bỏ vui thú thế gian mà toàn tâm theo Chúa. Amen.
***********
“Bỏ Ngài con đi với ai? vì Ngài có lời ban sự sống. Bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai? đời xa tắp tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài, bỏ Ngài con đi với ai?” (P. Kim).
--
Jos. Nguyễn Hữu Triết
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?
- Lạy Ngài! xin cho tôi nhìn thấy” (LC 18, 35-43)
1/ Anh ăn mày mù chưa gặp Đức Giêsu... anh chỉ nghe đồn... thế mà anh đã tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế khi anh kêu: “Lạy Ông Giêsu! Con Vua Đavit” (danh hiệu Đấng Cứu Thế)
2/ Để đến với Chúa anh phải vượt qua chướng ngại: dân chúng bắt anh im đi... anh càng kêu to.
3/ Anh hoàn toàn tin tưởng Chúa và chỉ xin một điều là được thấy.
4/ Chúa đã cho anh thấy... Vì anh đã tin... anh ca tụng Chúa, đi theo Chúa và làm cho đám đông tôn vinh Chúa.
5/ Ơn được thấy cực kì quan trọng:
- Thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế... biết bao người kể cả các bậc thông thái chưa thấy.
- Thấy Chúa là tất cả, theo Chúa mới được sống... mấy ai thấy?
- Thấy bổn phận phải tôn vinh Chúa và làm cho mọi người ca tụng Chúa... mấy ai thấy?
- Thấy Chúa Giêsu là đường, sự thật và sự sống... Là ơn cứu độ, là nguồn bình an và hạnh phúc... Mấy ai thấy? cho nên thiên hạ muôn đời vẫn theo xác thịt. Ma quỷ, thế gian đông hơn theo Chúa.
Xin cho chúng con được thấy Chúa như anh mù, đồng thời cũng thấy bộ mặt giả trá thế gian để chúng con dẹp bỏ vui thú thế gian mà toàn tâm theo Chúa. Amen.
***********
“Bỏ Ngài con đi với ai? vì Ngài có lời ban sự sống. Bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai? đời xa tắp tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài, bỏ Ngài con đi với ai?” (P. Kim).
--
Jos. Nguyễn Hữu Triết
Tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:08 11/11/2021
1. Tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ nạn hết sức đau thương?
2. Tại sao Thiên Chúa lại để cho các tín hữu bị bách hại khắp nơi trên thế giới suốt hai ngàn năm qua?
Cả hai câu hỏi trên có chung một câu trả lời như sau:
Thiên Chúa đã ra quy luật muôn đời: Bất cứ ai gây ra tội lỗi đều phải lãnh lấy hậu quả của tội là đau khổ và phải sa vào chốn ngục hình. Đáng tiếc là mọi người đều phạm tội, do đó, ai nấy đều phải gánh lấy hậu quả đau thương nầy. Muốn cứu người tội lỗi thoát khỏi chốn ngục hình đau khổ thì chỉ có cách duy nhất là có người xứng hợp chịu phạt và chịu chết thay cho họ.
Chúa Giê-su tình nguyện làm công việc nầy. Ngài đã hóa thân làm người phàm, trở thành đại diện chính thức của loài người và Ngài mang lấy tội lỗi của muôn người vào thân. Ngài nộp mình chịu cực hình thay cho họ, chịu chết để đền tội họ gây ra. Nhờ Ngài chịu khổ hình và chịu chết thay, muôn người được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời.
Tuy nhiên, cứu độ không chỉ là công việc của Chúa Giê-su là Đầu mà còn là việc của toàn thân mình Ngài là Hội thánh. Ai thuộc về Chúa Giê-su, là chi thể trong thân mình Chúa Giê-su đều phải tham gia vào sứ mạng nầy.
Chính vì thế, hôm xưa, Chúa Giê-su không chịu khổ nạn, không vác thập giá một mình, mà Ngài mời Mẹ Maria thông phần đau khổ với Ngài, mời ông Simon vác thập giá với Ngài.
Và trong suốt hai ngàn năm qua, Chúa Giê-su tiếp tục gọi mời các thánh tử đạo khắp nơi trên thế giới cùng chịu khổ nạn với Ngài, chịu bắt bớ, chịu ngục tù, gông cùm, xiềng xích cũng như hy sinh cả mạng sống… với Ngài để đền tội cho muôn người tội lỗi.
Rồi hôm nay, Chúa Giê-su tiếp tục kêu mời mỗi người chúng ta chịu khổ nạn với Ngài khi nói: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Vác thánh giá theo Chúa không phải là việc tùy thích, nhưng là điều kiện phải có để làm môn đệ Chúa. Chúa Giê-su đã khẳng định điều nầy như sau: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14,27).
Như vậy, muốn làm môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta không thể thoái thác, không thể né tránh, không thể từ chối vác thập giá với Chúa Giê-su.
Vì là chi thể của Chúa Giê-su, chúng ta cùng vác thập giá với Chúa Giê-su.
Tôi là một phần chi thể, như là vai của Chúa Giê-su nên gánh nặng trong cuộc đời tôi là thập giá trên vai Chúa Giê-su.
Bạn là chi thể khác, như là tay của Chúa Giê-su nên những đau khổ bạn đang chịu là những đinh nhọn đâm vào tay Chúa.
Và máu của các thánh tử đạo đổ ra khắp nơi trên thế giới cũng chính là máu Chúa Giê-su đang đổ ra, vì các thánh tử đạo là phần thân thể của Ngài.
Hôm nay, Chúa Giê-su không mời gọi chúng ta chịu tù đày, xiềng xích, giam cầm, tù ngục hay phải ra pháp trường đổ máu đào vì Chúa như các thánh tử đạo xưa nay, nhưng Ngài mong muốn chúng ta vui lòng chịu đựng gian lao, khó nhọc hằng ngày để hiệp thông vào sứ mạng cứu độ của Chúa và góp phần đền tội cho chính mình, cho các tội nhân và cho các đẳng linh hồn.
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,
Các ngài đã chịu vô vàn đau thương và đã hiến dâng mạng sống mình hiệp thông vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su, xin cầu cho chúng con biết noi gương các ngài vui lòng chịu đựng gian lao khó nhọc trong đời sống hằng ngày, để cùng với các ngài, thông hiệp vào sứ mạng cứu độ của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Trao phó cho Ngài
Lm. Minh Anh
23:17 11/11/2021
TRAO PHÓ CHO NGÀI
“Ai lo cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; ai đành mất sự sống mình, sẽ giữ được nó!”.
“Amen”, một từ ngữ giàu ý nghĩa! Nó được chuyển ngữ từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp; sau đó là Latin, Anh và nhiều ngôn ngữ khác, để rồi trở nên phổ thông. “Amen” liên quan trực tiếp và gần như giống hệt với “Aman” trong tiếng Do Thái, có nghĩa “tin tưởng”, “trung thành”. Do đó, “Amen” có nghĩa là “chắc chắn”, biểu hiện một niềm tin tưởng và tự tin tuyệt đối. Khi một người tin Chúa, người đó tuyên xưng đức tin của mình bằng một “Amen”; và khi Thiên Chúa đưa ra một lời hứa, phản ứng của người tin là “Amen”, “Sẽ như vậy!”. Thưa lên, “Amen”, chúng ta tin chắc, Lời của Thiên Chúa luôn thành tín và chân thật; bởi chính Ngài, không ai khác hơn, là Đấng Tạo Thành của muôn loài; và do đó, Ngài là “Amen” đời đời của chúng ta. Vì vậy, ai khôn ngoan, người ấy ‘trao phó cho Ngài’ trọn cuộc sống, trọn thân xác, và trọn linh hồn!
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá ngạc nhiên, khi hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta thưa lên một lời “Amen” qua Tin Mừng của Ngài, “Ai lo cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; ai đành mất sự sống mình, sẽ giữ được nó!”. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó muốn nói rằng, Ngài thúc giục chúng ta hãy “Amen”, ‘trao phó cho Ngài’; trao mọi sự, kể cả mạng sống mình!
Những lời này của Chúa Giêsu đặc biệt đi vào trọng tâm của sự tín thác và đầu phục. Về căn bản, nếu chúng ta cố gắng định hướng cuộc sống và tương lai của mình bằng những nỗ lực của bản thân, mọi thứ sẽ không diễn ra. Bằng cách kêu gọi chúng ta “đành mất” sự sống mình, Chúa Giêsu muốn nói rằng, chúng ta phải phó thác toàn thân cho Ngài; phải để cho Ngài là Đấng toàn quyền chỉ đạo mọi sự và hướng dẫn chúng ta theo ý muốn thánh thiện nhất của Ngài. Đây là cách duy nhất để Ngài cứu sống chúng ta! Chúng ta cứu lấy mạng sống mình bằng cách buông bỏ ý muốn của mình, ‘trao phó cho Ngài’ tất cả, và để Ngài tự do tiếp quản mọi sự.
Ban đầu, mức độ tín thác và đầu phục này rất khó khăn; vì thật không dễ để đạt đến một mức độ tin cậy hoàn toàn vào Chúa! Nhưng nếu có thể làm được điều đó, chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trước thực tế là, đường lối và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống chúng ta tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tự nghĩ ra. Sự khôn ngoan của Ngài là không thể so sánh; và giải pháp của Ngài cho tất cả các mối quan tâm và vấn đề của mỗi người là hoàn hảo. Ngài là Chúa Tể Càn Khôn, thấu suốt mọi sự, tác thành mọi loài, hiểu biết tâm tưởng con người đến từng gang tấc; bài đọc Khôn Ngoan hôm nay nói, Ngài là “Đấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật”; để từ đó, cả “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca chúc khen!
Anh Chị em,
Khác với một máy móc vốn được người làm ra, hoặc người bán bảo hành trong một thời hạn; mỗi người chúng ta được Thiên Chúa bảo hành trọn đời. Với con người, chúng ta được đổi một vật mới trong thời hạn bảo hành; với Thiên Chúa, nếu giao phó tất cả cho Ngài, chúng ta sẽ được lại một cái mới hoàn toàn; bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng bảo hành vô thời hạn, kể cả con người của chúng ta. Ngài là tác giả, là Chủ của sự sống chúng ta; Đấng điều khiển, vận hành mọi sự. Nếu chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những gì là của Ngài và để cho Ngài định đoạt, thì quả thật, không ai có thể lọt ra ngoài kế hoạch ngàn đời trong lòng thương xót vô biên của Ngài. Bởi lẽ, Ngài là “Amen” đời đời của chúng ta. Tuyệt vời biết bao khi “Đấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật” là Cha của chúng ta. Đừng ngần ngại trao phó cuộc sống của chúng ta cho Ngài toàn quyền quyết định. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ những lo toan, những công việc nhỏ nhặt nhất cho đến cả mạng sống của mình. Thánh Vịnh đã nói, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘trao phó cho Ngài’ cuộc sống của con, cùng với bao ưu tư, lo lắng và tương lai của con. Con tin tưởng Chúa trong mọi sự; “Amen”, con đầu hàng tất cả trước Chúa”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Ai lo cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; ai đành mất sự sống mình, sẽ giữ được nó!”.
“Amen”, một từ ngữ giàu ý nghĩa! Nó được chuyển ngữ từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp; sau đó là Latin, Anh và nhiều ngôn ngữ khác, để rồi trở nên phổ thông. “Amen” liên quan trực tiếp và gần như giống hệt với “Aman” trong tiếng Do Thái, có nghĩa “tin tưởng”, “trung thành”. Do đó, “Amen” có nghĩa là “chắc chắn”, biểu hiện một niềm tin tưởng và tự tin tuyệt đối. Khi một người tin Chúa, người đó tuyên xưng đức tin của mình bằng một “Amen”; và khi Thiên Chúa đưa ra một lời hứa, phản ứng của người tin là “Amen”, “Sẽ như vậy!”. Thưa lên, “Amen”, chúng ta tin chắc, Lời của Thiên Chúa luôn thành tín và chân thật; bởi chính Ngài, không ai khác hơn, là Đấng Tạo Thành của muôn loài; và do đó, Ngài là “Amen” đời đời của chúng ta. Vì vậy, ai khôn ngoan, người ấy ‘trao phó cho Ngài’ trọn cuộc sống, trọn thân xác, và trọn linh hồn!
Kính thưa Anh Chị em,
Sẽ khá ngạc nhiên, khi hôm nay, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta thưa lên một lời “Amen” qua Tin Mừng của Ngài, “Ai lo cứu mạng sống mình, sẽ mất nó; ai đành mất sự sống mình, sẽ giữ được nó!”. Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó muốn nói rằng, Ngài thúc giục chúng ta hãy “Amen”, ‘trao phó cho Ngài’; trao mọi sự, kể cả mạng sống mình!
Những lời này của Chúa Giêsu đặc biệt đi vào trọng tâm của sự tín thác và đầu phục. Về căn bản, nếu chúng ta cố gắng định hướng cuộc sống và tương lai của mình bằng những nỗ lực của bản thân, mọi thứ sẽ không diễn ra. Bằng cách kêu gọi chúng ta “đành mất” sự sống mình, Chúa Giêsu muốn nói rằng, chúng ta phải phó thác toàn thân cho Ngài; phải để cho Ngài là Đấng toàn quyền chỉ đạo mọi sự và hướng dẫn chúng ta theo ý muốn thánh thiện nhất của Ngài. Đây là cách duy nhất để Ngài cứu sống chúng ta! Chúng ta cứu lấy mạng sống mình bằng cách buông bỏ ý muốn của mình, ‘trao phó cho Ngài’ tất cả, và để Ngài tự do tiếp quản mọi sự.
Ban đầu, mức độ tín thác và đầu phục này rất khó khăn; vì thật không dễ để đạt đến một mức độ tin cậy hoàn toàn vào Chúa! Nhưng nếu có thể làm được điều đó, chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trước thực tế là, đường lối và kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống chúng ta tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể tự nghĩ ra. Sự khôn ngoan của Ngài là không thể so sánh; và giải pháp của Ngài cho tất cả các mối quan tâm và vấn đề của mỗi người là hoàn hảo. Ngài là Chúa Tể Càn Khôn, thấu suốt mọi sự, tác thành mọi loài, hiểu biết tâm tưởng con người đến từng gang tấc; bài đọc Khôn Ngoan hôm nay nói, Ngài là “Đấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật”; để từ đó, cả “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca chúc khen!
Anh Chị em,
Khác với một máy móc vốn được người làm ra, hoặc người bán bảo hành trong một thời hạn; mỗi người chúng ta được Thiên Chúa bảo hành trọn đời. Với con người, chúng ta được đổi một vật mới trong thời hạn bảo hành; với Thiên Chúa, nếu giao phó tất cả cho Ngài, chúng ta sẽ được lại một cái mới hoàn toàn; bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng bảo hành vô thời hạn, kể cả con người của chúng ta. Ngài là tác giả, là Chủ của sự sống chúng ta; Đấng điều khiển, vận hành mọi sự. Nếu chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những gì là của Ngài và để cho Ngài định đoạt, thì quả thật, không ai có thể lọt ra ngoài kế hoạch ngàn đời trong lòng thương xót vô biên của Ngài. Bởi lẽ, Ngài là “Amen” đời đời của chúng ta. Tuyệt vời biết bao khi “Đấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật” là Cha của chúng ta. Đừng ngần ngại trao phó cuộc sống của chúng ta cho Ngài toàn quyền quyết định. Hãy bắt đầu ngay bây giờ, từ những lo toan, những công việc nhỏ nhặt nhất cho đến cả mạng sống của mình. Thánh Vịnh đã nói, “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘trao phó cho Ngài’ cuộc sống của con, cùng với bao ưu tư, lo lắng và tương lai của con. Con tin tưởng Chúa trong mọi sự; “Amen”, con đầu hàng tất cả trước Chúa”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq sau vụ ám sát
Đặng Tự Do
04:43 11/11/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sau một cuộc tấn công âm mưu ám sát vào nhà ông bằng máy bay không người lái có vũ trang.
Đức Giáo Hoàng bày tỏ “sự gần gũi trong lời cầu nguyện” của ngài trong một bức điện do Vatican phát hành vào ngày 9 tháng 11, trong đó lên án cuộc tấn công ở Baghdad là một “hành động khủng bố hèn nhát”.
“Sau cuộc tấn công vào dinh thự của ngài ở Baghdad, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn tôi chuyển sự gần gũi trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đến ngài và gia đình, cũng như những người bị thương, và đồng thời lên án hành động khủng bố hèn hạ này,” Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói như trên trong thông điệp được gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha.
“Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng rằng với ơn lành của Thiên Chúa, người dân Iraq sẽ được củng cố về trí tuệ và sức mạnh trong việc theo đuổi con đường hòa bình thông qua đối thoại và đoàn kết huynh đệ.”
Thủ tướng Iraq viết trên Twitter: “Chúc tụng Chúa, tôi không sao giữa những người của tôi, và tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế, vì lợi ích của Iraq”.
Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ ám sát. Văn phòng thủ tướng gọi cuộc tấn công là “hèn nhát” và là “một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào nhà nước Iraq của các nhóm vũ trang tội phạm.”
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Iraq sau khi các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn tranh chấp kết quả cuộc bầu cử quốc hội ngày 10-10.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng al-Kadhimi tại Vatican hồi tháng Bảy. Hai vị đã nói về “tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa đối thoại quốc gia để đạt đến sự ổn định và đẩy mạh quá trình tái thiết đất nước”.
Tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Thủ tướng Al-Kadhimi đã chào đón Đức Giáo Hoàng khi ngài đến Baghdad ngay ở các bậc thang máy bay.
Hai vị đã gặp nhau tại sân bay vào ngày 5 tháng 3 trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô có bài phát biểu trước một cuộc họp với ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự tại dinh tổng thống.
Thủ tướng Al-Kadhimi đã tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq để tôn vinh cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Giáo Hoàng với giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước, Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất của họ, thủ tướng đã trao cho Giáo hoàng một cây thánh giá làm từ gỗ và đá lấy từ tàn tích của Nhà thờ Thánh Addai đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy ở thị trấn Karamlesh của Iraq trên Đồng bằng Nineveh.
Chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô đến Iraq đã đưa ngài từ Baghdad đến nơi sinh của Abraham, cũng như đến thành phố Mosul đầy các đống đổ nát, nơi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành lập năm 2014.
“Nhưng sau đó điều khiến tôi xúc động nhất là lời chứng của một người mẹ ở Qaraqosh,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Cô ấy là một phụ nữ đã mất con trai của mình trong các vụ đánh bom đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo, và cô ấy đã nói một từ: ‘tha thứ’. “Tôi rất xúc động.”
Source:Catholic News Agency
Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sức khoẻ của ngài và báo cáo tại Pháp với tờ Paris Match
Đặng Tự Do
04:43 11/11/2021
Trong bài “Pourquoi eux”, nghĩa là “Tại sao lại là họ”, nữ phóng viên Caroline Pigozzi của tờ Paris Match đã tường thuật về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện hôm thứ Tư 10 tháng 11.
Câu hỏi đầu tiên dành cho Đức Thánh Cha: Trước tiên, thưa Đức Thánh Cha, ngài cảm thấy thế nào kể từ cuộc phẫu thuật vào mùa hè vừa qua?
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm thấy khỏe. Tôi đã trở lại cuộc sống bình thường và có thể làm việc với tốc độ như trước đây.
Thưa Đức Thánh Cha, phản ứng của ngài như thế nào sau báo cáo Sauvé gần đây?
Tôi đã nói về kết quả của cuộc điều tra do chính Hội Đồng Giám Mục Pháp khởi động về các vụ lạm dụng, một ngày sau khi báo cáo được công bố. Đó là trong phần tiếng Pháp của buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư. Từ chủ yếu là “sự nhục nhã”, và từ này trước hết liên quan đến câu nói của Vị Tiên Tri: “Lạy Chúa là sự vinh hiển, con thật nhục nhã.” Một câu hỏi lớn khác, và là một câu hỏi nghiêm trọng, về lạm dụng, mặc dù nó nằm ngoài tầm khống chế của Giáo hội: đó là việc “sản xuất” nội dung khiêu dâm trẻ em. Tôi tin rằng các chính phủ nên hành động chống lại tội ác này càng sớm càng tốt. Các nhóm chịu trách nhiệm hành xử như mafias, chúng ẩn náu và tự vệ. Nạn nhân của chúng là trẻ em và trẻ vị thành niên từng bị quay phim; rất nhiều người, rất nhiều người trẻ, đôi khi thậm chí cả trẻ vị thành niên, đã và đang xem những thứ này!
Thưa Đức Thánh Cha, làm sao để Giáo Hội Công Giáo có thể tiếp tục mời gọi các Giáo Hội Kitô khác tham gia trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để trận chiến này không chỉ mang lại những khoản tiền kếch xù cho những người giàu có?
Ủy ban Covid-19 được thành lập trong khuôn khổ Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện theo cách nói của bạn, đó là một Bộ. Bộ này được đứng đầu bởi Đức Hồng Y người Ghana Peter Kodwo Appiah Turkson, tổng trưởng của thực thể này. Ngài được hỗ trợ bởi Sơ Alessandra Smerilli, Quyền Thư ký, và Cha Fabio Baggio. Công việc của họ đã cho thấy rất có hiệu quả trong thực tế. Ủy ban này có sự tham gia của các Giáo Hội, các tổ chức khác nhau và tất cả những người tình nguyện chiến đấu với đại dịch với lòng dũng cảm và quyết tâm. Sứ mạng tình nguyện này được nuôi dưỡng bằng những trao đổi, những kinh nghiệm của nhiều người tham gia một cách tích cực vào việc đưa ra quyết định sau khi thu thập ý kiến của tất cả những người phụ trách. Loại cam kết thông qua các hành động cụ thể này, với quy mô lớn vẫn là yếu tố cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu, và cũng đòi hỏi chúng ta phải có khả năng nhìn về tương lai.
Source:Paris Match
Báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong tổng giáo phận Munich của Đức bị trì hoãn
Đặng Tự Do
05:00 11/11/2021
Một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức không thể được công bố trước tháng Giêng năm 2022.
Westpfahl Spilker Wastl, công ty luật biên soạn báo cáo, đã thông báo về sự chậm trễ vào ngày 3 tháng 11, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.
Công ty luật Munich nói rằng sự chậm trễ là do “những phát hiện mới thu được trong quá khứ gần đây” cần phải được “đánh giá chuyên sâu”.
Tiêu đề chính thức của nghiên cứu là “Báo cáo về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ, cũng như các nhân viên khác, ở Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1945 đến năm 2019”.
Báo cáo sẽ trình bày từ năm 1977 đến năm 1982, thời kỳ mà Đức Bênêđíctô XVI lãnh đạo tổng giáo phận, cũng như nhiệm kỳ của Hồng Y Reinhard Marx, người đã giữ chức tổng giám mục của Munich và Freising từ năm 2007.
Công ty luật đã đưa ra một báo cáo vào năm 2010 về việc xử lý các trường hợp lạm dụng chưa bao giờ được công bố của tổng giáo phận.
Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với CNA Deutsch vào ngày 4 tháng 11: “Việc xuất bản hoàn chỉnh báo cáo đầu tiên không được lên kế hoạch. Báo cáo mới bao gồm giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2019 “
Westpfahl Spilker Wastl trước đây chịu trách nhiệm biên soạn một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong Tổng giáo phận Köln.
Vào tháng Giêng năm 2019, tổng giáo phận Köln đã ủy quyền cho công ty luật kiểm tra các hồ sơ nhân sự liên quan từ năm 1975 trở đi để xác định “những thiếu hụt cá nhân, hệ thống hoặc cơ cấu nào phải chịu trách nhiệm trong quá khứ đối với các vụ lạm dụng tình dục được che đậy hoặc không bị trừng phạt một cách nhất quán”.
Sau khi các luật sư tư vấn cho tổng giáo phận nêu lên những lo ngại về “những thiếu sót về phương pháp luận” trong nghiên cứu, Đức Hồng Y Woelki đã ủy quyền cho chuyên gia luật hình sự có trụ sở tại Köln, là Giáo sư Björn Gercke viết một báo cáo mới, được công bố vào tháng Ba.
Hành động của Đức Hồng Y Woelki ngăn chặn báo cáo ban đầu là đúng. Ngài lo ngại rằng một linh mục sau khi tên tuổi bị đưa lên báo chí như một kẻ lạm dụng tình dục thì sau này dù có được minh oan, danh dự của vị linh mục ấy cũng không hoàn toàn được khôi phục. Tuy nhiên, người ta cáo buộc rằng ngài chặn lại báo cáo ban đầu là vì trong báo cáo ấy có nhắc đến ngài. Thật ra không phải như thế. Sau cuộc thanh tra tông tòa do Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan tiến hành, Tòa Thánh cho biết cả hai báo cáo không hề nhắc gì đến Đức Hồng Y Woelki. Trước đó, ngài đã phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích - cả trên các phương tiện truyền thông Đức và từ các đại diện của Giáo hội địa phương - vì đã không công bố báo cáo gốc.
Hồng Y Marx đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5, đề nghị từ chức nhằm gây áp lực buộc Đức Thánh Cha cách chức Đức Hồng Y Woelki nhưng đã thất bại.
Đức Hồng Y Woelki hiện đang “nghỉ phép”, nhưng sẽ trở lại lãnh đạo tổng giáo phận vào đầu Mùa Chay 2022.
Tổng giáo phận Munich, ở Bavaria, miền nam nước Đức, có từ năm 739 sau Chúa Giáng Sinh, phục vụ hơn 1.7 triệu người Công Giáo tại 758 giáo xứ, trên tổng dân số 3.8 triệu người.
Kể từ năm 1945, bắt đầu giai đoạn được đề cập trong báo cáo, tổng giáo phận đã được lãnh đạo bởi các Đức Tổng Giám Mục Michael von Faulhaber, Joseph Wendel, Julius Döpfner, Joseph Ratzinger, Friedrich Wetter và Reinhard Marx.
Source:Catholic News Agency
Guernsey loại bỏ đề xuất về luật phân biệt đối xử có thể dẫn đến việc đóng cửa các trường Công Giáo
Đặng Tự Do
05:01 11/11/2021
Hôm 2 tháng 11, Quốc hội của hòn đảo đã bỏ phiếu về cái gọi là “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử: dựa trên (i) Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng và (ii)Xu hướng Tình dục”. Những người đề ra Pháp lệnh này cho biết nó nhằm mục đích bảo đảm rằng những người xin việc được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng hoặc khuynh hướng tình dục.
Trong 5 năm đầu, Pháp lệnh sẽ chỉ áp dụng cho “các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các trường tôn giáo.” Sau đó, nó sẽ được áp dụng đại trà.
Trong một lá thư đề ngày 23 tháng 10, Đức Cha Philip Egan than phiền rằng chính sách mới “đặt tất cả các trường Công Giáo ở Guernsey vào tình trạng bị đe dọa.” Các bậc phụ huynh khi gởi con đến trường Công Giáo mong mỏi con họ được giáo dục đức tin Công Giáo. Nếu hiệu trưởng và các thầy cô giáo không ủng hộ và không truyền bá đức tin Công Giáo thì trường Công Giáo có khác gì các trường công lập.
Trên sàn Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đã chỉ ra rằng “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử” thực ra là nhằm phân biệt đối xử một cách tinh quái chống lại Giáo Hội Công Giáo.
Các nhà lập pháp ở Guernsey đã bỏ phiếu bác bỏ “Pháp lệnh” quái đản này, và ủng hộ việc duy trì hiện trạng trên hòn đảo, nghĩa là các trường Công Giáo có thể yêu cầu hiệu trưởng phải là người Công Giáo.
Đức Cha Philip Egan, Giám Mục giáo phận Portsmouth, có lãnh thổ bao gồm Guernsey, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Sáu rằng ngài “rất biết ơn” các quan chức địa phương đã hợp tác lắng nghe những mối quan tâm của giáo phận.
Ngài cho biết: “Quyết định này giúp các bậc cha mẹ có thể tự tin tiếp tục chọn các trường Công Giáo cho con em mình và hưởng lợi từ di sản của quan hệ đối tác với Guernsey đã có từ 150 năm nay”.
Guernsey, một hòn đảo ở eo biển Anh, là một quốc gia có chủ quyền nhưng phụ thuộc Vương quốc Anh. Khoảng 63,000 người sống trên đảo, nơi có ba nhà thờ Công Giáo.
Giáo Hội Công Giáo trước đây đã xung đột với các nhà lập pháp ở Guernsey về các động thái đưa ra luật hỗ trợ tự tử và tự do hóa phá thai.
Source:Catholic News Agency
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha một món quà đặc biệt. Tiết lộ của một linh mục dòng Tên
Đặng Tự Do
17:53 11/11/2021
Trong khi chờ các giáo dân đến nghĩa trang trong Ngày Các Đẳng Linh Hồn hôm 2 tháng 11 vừa qua, cha sở của một giáo xứ ở Washington đã thu hút sự chú ý của anh chị em giáo dân bằng một câu chuyện liên quan đến phẩm vật tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là một cái áo lễ đã từng được một vị Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài mặc.
Linh mục Dòng Tên Kevin Gillespie, cha sở của Nhà thờ Holy Trinity ở Washington, nơi mà một số thành viên Công Giáo cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, thường xuyên tham dự thánh lễ ở Washington, nói với đám đông rằng tất cả bắt đầu bằng một cuộc điện thoại.
“Những gì đã xảy ra là, tuần đầu tiên của tháng 9, chúng tôi nhận được cú điện thoại từ Tòa Bạch Ốc,” Cha Gillespie nói.
Ngài giải thích rằng Thomas Favret, giám đốc điều hành hoạt động giáo xứ của Trinity, người đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao, đã nhận được một cú điện thoại từ “một người bạn của ông ấy”, nói rằng “một nhà ngoại giao rất quan trọng của Mỹ” đang gặp “một lãnh đạo cao cấp chính thức của Vatican” vào cuối tháng Mười.
“Tôi cần một cái gì đó từ giáo xứ của bạn,” người gọi nói.
Người ta hiểu rằng họ đang nói về Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô.
Một người đã gợi ý rằng giáo xứ, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành, dòng tu của Đức Giáo Hoàng, sở hữu một chiếc áo lễ có khả năng là đã được Đức Hồng Y người Ý Eugenio Pacelli mặc vào năm 1936 trong chuyến thăm Mỹ khi ngài ở cùng Genevieve và Nicholas Brady, những nhà hảo tâm giàu có của Dòng Tên.
Khoảng ba năm sau, năm 1939, Đức Hồng Y Pacelli trở thành Đức Giáo Hoàng Pius 12.
Vị giáo hoàng tương lai gần gũi với cặp vợ chồng này, là những người đã tặng mặt bằng và các tòa nhà cho một tập viện Dòng Tên ở Wernersville, Pennsylvania, và ngài đã đến thăm nơi được gọi là Tập viện Thánh Isaac khi Cha Thomas P. Gavigan của Dòng Tên là giám đốc nhà tập ở đó. Cha Gavigan sau đó làm cha sở của Holy Trinity.
Cha Gillespie nhớ lại: “Cha ấy là người đã mang chiếc áo lễ đến Holy Trinity”
Khi Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10 tại Vatican, chiếc áo lễ -tiếng Anh gọi là chasuble, được mặc như lớp ngoài cùng của lễ phục phụng vụ của một linh mục, được đặt trong một khay đặc chế được chế tác bằng “đá cẩm thạch lịch sử và gỗ Tòa Bạch Ốc”.
Hầu hết giáo dân Holy Trinity không biết đến áo lễ này vì nó chỉ được mặc trong các thánh lễ Latinh truyền thống.
Cha Gillespie nói: “Chiếc áo đã được cất kỹ trong phòng thánh”.
Source:Catholic News Agency
Các giám mục Công Giáo Pháp công bố chương trình đổi mới rộng lớn sau báo cáo lạm dụng
Đặng Tự Do
17:54 11/11/2021
Các giám mục Công Giáo ở Pháp hôm thứ Hai đã thông báo rằng các ngài đã đồng ý với “một chương trình đổi mới rộng lớn” về thực tiễn quản trị để phản ứng với một báo cáo mang tính bước ngoặt về lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.
Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, cho biết ngày 8 tháng 11 rằng các giám mục đã quyết định “khởi xướng một con đường công nhận và đền bù, mở ra cho các nạn nhân khả năng hòa giải và bồi thường.”
“Tất cả các nghị quyết mà chúng tôi đã biểu quyết tạo thành một chương trình rộng lớn đổi mới các thực hành quản trị của chúng tôi ở cấp giáo phận và cấp Giáo hội ở Pháp,” Tổng giám mục của Reims cho biết trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Pháp.
Đức Cha Moulins-Beaufort đã đưa ra thông báo này vào ngày cuối cùng của phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục ở đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, ở tây nam nước Pháp, diễn ra từ mùng 2 đến mùng 8 tháng 11.
Trong cuộc họp kéo dài một tuần, các giám mục đã nghe ý kiến từ nhiều nạn nhân bị lạm dụng và thảo luận về tác động của một báo cáo độc lập ước tính một cách phóng đại rằng hàng trăm nghìn trẻ em đã bị lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp trong 70 năm qua.
Các giám mục đã quỳ gối trong một hành động sám hối ở Lộ Đức vào hôm thứ Bảy, trong đó hình ảnh một đứa trẻ đang khóc được công bố và một bị vụ lạm dụng đã chia sẻ một lời chứng.
Đức Cha Moulins-Beaufort cho biết trong bài phát biểu của mình rằng các giám mục đã công nhận “trách nhiệm thể chế” của Giáo hội và đã quyết định thực hiện các cải cách dựa trên những gì các ngài đã học được từ báo cáo dài 2,500 trang của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, gọi tắt là CIASE.
“Chúng tôi làm điều đó trên hết vì chúng tôi cảm nhận được ánh mắt của Chúa đang nhìn chúng tôi, bởi vì chúng tôi cảm thấy ghê tởm và sợ hãi dâng lên trong chúng tôi khi chúng tôi nhận ra những gì rất nhiều người đã trải qua và đang trải qua, những đau khổ họ phải chịu mà lẽ ra họ có quyền nhận được ánh sáng, sự an ủi và hy vọng của Thiên Chúa,” Đức Tổng Giám Mục nói.
Trong số các nghị quyết được các giám mục Pháp biểu quyết có thỏa thuận bán bớt bất động sản và động sản của một số giáo phận Công Giáo khi cần thiết để bổ sung quỹ bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng.
Các giám mục cũng thành lập các nhóm làm việc chuyên hỗ trợ các nỗ lực của Giáo hội để giải quyết và ngăn chặn lạm dụng.
“Chúng ta phải tìm kiếm chân lý của Giáo hội, Giáo hội của Chúa Giêsu, trong một sự lắng nghe đổi mới đối với người nghèo và những người nhỏ bé, đối với những người là nạn nhân hoặc bị bỏ lại trong cuộc sống tập thể của chúng ta. Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta phải chăm chú lắng nghe các nạn nhân trong Giáo hội của chúng ta”.
Báo cáo của CIASE, được công bố vào ngày 5 tháng 10, ước tính có 216,000 trẻ em bị các linh mục, phó tế, tu sĩ hoặc nữ tu bạo hành ở Pháp từ năm 1950 đến năm 2020.
Báo cáo cho rằng có “khoảng từ 2,900 đến 3,200” kẻ lạm dụng trong số 115,000 giáo sĩ và những người làm công tác mục vụ khác. Đối với nhiều người, báo cáo này là tào lao. Chỉ cần làm một toán chia đơn giản ta có thể thấy ngay trung bình một kẻ lạm dụng đã lạm dụng đến gần 100 nạn nhân. Con số này cao một cách đáng ngờ vì ở các nước khác con số này là từ 1.2 đến 4.6. Tại sao ở Pháp lại có một sự gia tăng đột biến không thể tin nổi như thế.
Source:Catholic News Agency
4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn
Đặng Tự Do
17:55 11/11/2021
Hôm 4 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “4 Reasons to celebrate a Feast Day for your house”, nghĩa là “4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn”.
Và tại sao ngày 9 tháng 11 là một lựa chọn tốt cho lễ kỷ niệm này.
Ngày lễ của nhà bạn là khi nào? Nhà tôi là ngày 9 tháng 11, Ngày lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô, là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng ở Rôma.
Về cơ bản, đó là ngày lễ của một tòa nhà. Đây cũng là ngày kỷ niệm ngôi nhà của chúng tôi được biệt kính Thánh Tâm Chúa. Nhưng đó là ngày hoàn hảo để cử hành bất kỳ ngôi nhà nào, bởi vì đó là lời nhắc nhở từ Giáo hội về những gì một ngôi nhà có thể là.
Vương cung thánh đường Latêranô được dành để kính Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh Sử, nhưng nó được đặt theo tên của gia đình Laterani, nơi từng có cung điện ở đó. Điều đó rất quan trọng: Tên gia đình có thể quan trọng như tên thánh và một ngôi nhà có thể quan trọng như nhà thờ. Vì vậy, hãy ăn mừng nhà của bạn!
Đầu tiên, hãy mừng ngôi nhà của bạn vì Hội Thánh được thành lập trên các gia đình. Gia đình còn được gọi là Hội Thánh Tại Gia.
Điều đó đã xảy ra lặp đi lặp lại trong Giáo Hội tiên khởi, như được kể lại trong Sách Tông đồ Công vụ: người ta không cải đạo cá nhân, nhưng hễ cải đạo là cải đạo “cả một gia đình”.
Thánh Phêrô gặp Cornêliô và thánh hóa gia đình ông ta và chẳng bao lâu Thánh Phêrô truyền một thông điệp cho dân ngoại “nhờ đó mà các ngươi sẽ được cứu, các ngươi và toàn thể gia đình các ngươi”. Sau đó, Thánh Phaolô và Thánh Sila nói với người cai ngục ăn năn của họ, “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bạn và gia đình bạn sẽ được cứu.” Sau đó, Crispus, một nhà lãnh đạo Do Thái “cùng với tất cả gia đình của ông đều tin vào Chúa.”
Sau hết, Sách Giáo lý nói, “Chúa Kitô đã chọn sinh ra và lớn lên trong lòng gia đình Thánh Gia với Thánh Giuse và Mẹ Maria,” và “Giáo hội không là gì khác hơn là ‘gia đình Thiên Chúa’”. Giáo Hội sẽ được tạo thành từ các gia đình. “Những gia đình trở thành tín hữu này là những hòn đảo của đời sống Kitô trong một thế giới không tin.”
Thứ hai, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một hòn đảo ánh sáng trong bóng tối.
Khi mùa thu đến và mùa của ánh sáng đến gần, chúng ta có thể nhớ rằng Kitô Giáo đã tràn ngập ánh sáng mới trong các ngôi nhà.
Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, trẻ em có thể bị vứt bỏ như những đứa trẻ sơ sinh không mong muốn, phụ nữ hầu hết bị cấm thờ phượng, và cuộc sống của đàn ông được đánh dấu bằng bạo lực và tàn ác. Kitô Giáo đã mang lại một phẩm giá mới cho gia đình, và tin tốt lành về đời sống gia đình Kitô đã lan truyền khắp thế giới.
Ngày nay, tình trạng rối loạn gia đình, sự tuyệt vọng và sự ngờ vực đang gia tăng trở lại, và thế giới rất cần những nhân chứng Kitô. Sách Giáo lý nói: “Trong thời đại của chúng ta, trong một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù địch với đức tin, các gia đình tin Chúa có tầm quan trọng hàng đầu như là trung tâm của sự sống và đức tin rạng ngời”.
Khi Công đồng Vatican II gọi Giáo hội là “ánh sáng của các quốc gia”, Giáo hội đã nói thêm rằng gia đình là “giáo hội tại gia” nơi ánh sáng đó chiếu sáng khắp các khu dân cư.
Thứ ba, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một “trường học về nhân đức.”
Sách Giáo lý nói: Gia đình là “những dấu chỉ đầu tiên của đức tin đối với con cái họ,” và nói thêm, “gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô và là” trường học để phong phú hóa cho con người”.
Cách chúng ta sống dạy các thành viên trong gia đình chúng ta cách sống cuộc sống của họ.
Sự vui vẻ của chúng ta dạy “sự bền đỗ và niềm vui trong công việc.”
Sự dịu dàng của chúng ta dạy “tình yêu thương huynh đệ và rộng lượng - thậm chí được lặp đi lặp lại là sự tha thứ.”
Sự hào phóng của chúng ta dạy “sự cầu nguyện và sự dâng hiến cuộc sống của một người”.
Nếu mọi việc suôn sẻ, gia đình sẽ “khuyến khích ơn gọi phù hợp với mỗi đứa trẻ,” bao gồm cả ơn gọi tu trì.
Thứ tư, tôn vinh ngôi nhà của bạn là nơi chứa đựng tình yêu thương vô điều kiện.
Gia đình khác với bất kỳ nơi nào trên trái đất, đặc biệt là trong hoàn cảnh ngày nay.
Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra: “Cá nhân ngày nay thường bị ngột ngạt giữa hai thái cực tiêu biểu là thị trường và nhà nước. Thế giới coi chúng ta là ‘người sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hoặc là đối tượng của quản lý nhà nước’”.
Chúng ta chỉ thấy mình ở trong gia đình, thông qua “sự hỗ trợ lẫn nhau của vợ chồng và sự quan tâm mà các thế hệ khác nhau dành cho nhau”.
Thế giới luôn muốn điều gì đó từ bạn. Gia đình bạn thì không. Họ chỉ yêu bạn. Đây là lý do tại sao những câu chuyện được yêu thích trong lịch sử nhân loại từ Odyssey đến Phù thủy xứ Oz cho đến Câu chuyện đồ chơi phiêu lưu ký đều kể về những nhân vật đấu tranh và phấn đấu để cuối cùng về nhà.
Và đây là lý do tại sao tôi sẽ kỷ niệm ngôi nhà của mình vào ngày 9 tháng 11 này, một nơi mà tôi luôn được chào đón, chấp nhận và yêu mến.
Source:Aleteia
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tìm Phương Thuốc Chữa Trị Căn Bệnh Vô Cảm Hiện Nay Ở Việt Nam
Nguyễn Văn Nghệ
21:23 11/11/2021
TÌM PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ CĂN BỆNH VÔ CẢM
HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Trên một số trang mạng có bài văn nghị luận về đề tài “Bệnh vô cảm” của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An-Hà Nội được nhiều người quan tâm. Nhập đề em đã đề cập đến các nhà khoa học cố gắng sáng chế ra những rô-bốt “làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống”. Nhưng “Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang ‘vò đầu bứt tóc’ không biết làm sao có thể tạo ra một con chip ‘tình cảm’ để khiến ‘những cỗ máy vô tình’ biết yêu, biết ghét, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội- bệnh vô cảm”[1]
Bệnh vô cảm đã khiến con người “Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”[2].
Tại sao con người Việt Nam ngày càng vô cảm như thế? Em Phan Hoàng Yến cho rằng người Việt Nam hiện nay “càng lúc càng khép chặt cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai” và “người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[3].
Người Việt Nam ngày càng chạy theo vật chất, chắc là phải có nguyên nhân? Theo cụ Trần Trọng Kim(1883-1953): “Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này”; “Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa”; “Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác”; “…Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản”[4].
Người cộng sản luôn nói đến tu dưỡng “đạo đức cách mạng””, nhưng “Đạo đức cách mạng có phần giống đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẫn với nó, thí dụ lòng căm thù và tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến”[5].
Do đó “Làm một cán bộ cao cấp, đạo đức cách mạng rất là cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có đạo đức nhân bản để trước hết làm được con người lương thiện và tử tế. Đó là tình yêu thương và tôn trọng đồng loại dù họ ở tầng lớp nào, thuộc giai cấp nào. Không những yêu thương con người mà còn yêu thương vạn vật, là biết ơn và kính trọng Trời Đất. Đó là tâm từ bi, là lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, là đức khiêm tốn, là lòng nhân ái, bao dung. Không có được đạo đức nhân bản, con người ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau, lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực”[6]
Trong Cải cách ruộng đất, đáng lẽ những ông đội đi làm công tác Cải cách ruộng ruộng đất, dạy dân về đạo đức nhân bản, đàng này lại “mớm” cho vợ tố chồng, con tố cha. Tuy rằng đảng và chính quyền có nhận lỗi và cố gắng sửa sai nhưng nó vẫn còn hệ lụy cho đến ngày nay[7].
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn “giải phóng” khỏi ách kiềm kẹp của “Mỹ Ngụy” nhưng dưới con mắt của “bên thắng cuộc” nhiều con dân Việt lại bị gán cho danh hiệu “ngụy quân-ngụy quyền”. Ngụy là xấu xa, cần phải “cải tạo”. Nhiều người đã phải bỏ mạng nơi “Trại cải tạo”khiến cho nhiều vợ con trở thành cô nhi, quả phụ. Đất nước được “giải phóng” gần nửa thế kỷ, ấy vậy mà cái từ “ngụy” vẫn còn trên môi miệng của nhiều người!
Con người mà thiếu đạo đức nhân bản, chỉ biết tôn sùng vật chất sẽ trở nên vô cảm: “vô cảm là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[8].
Theo em Phan Hoàng Yến: “điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm ‘không còn đất sống’ là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh”[9]
Em đã kết luận: “Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà Tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội”[10].
Thượng Đế- Tạo hóa mà em Phan Hoàng Yến nhắc đến chính là Ông Trời mà người Việt Nam gọi. Ông Trời là cứu cánh, là cùng đích để nhân loại hướng đến. Sách Trung dung của Nho giáo viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân bất khả dĩ bất sự thân.Tư sự thân bất khả dĩ bất tri nhân.Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên” (Cho nên bậc quân tử cần phải tu thân.Muốn tu thân cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Muốn biết phụng dưỡng cha mẹ cần phải biết đến người khác [tha nhân]. Muốn biết đến tha nhân cần phải biết đến Ông Trời).
Nhà thần học người Brazil là Leonardo Boff đã hỏi Đức Đạt lai Lạt ma: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn. Có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”[11]
Hãy mở rộng trái tim mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta, để chúng ta biết “vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (lời bài hát: Vì Chúa là tình yêu- Linh mục Kim Long)
Nguyễn Văn Nghệ
Diên Khánh- Khánh Hòa
Chú thích:
[1][2][3][8][9][10]- ione.net/bai-van-9-5-diem-ve-benh-vo-cam-gay-xon-xao-2386663.html
[7]- daohieu.wordpress.com/tag/tran-manh-hao-cai-cach-ruong-dat/
-Trần Đĩnh, Đèn cù, Nxb Người Việt Book (xb lần thứ nhất tại Hoa Kỳ), 2014,tr.74-75; 109
[4]- Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt Books-2010, tr.113-115
[5][6]- https;//baotiengdan.com/2021/10/16/tham-du-ban-tron-cua-bbc/
https://www.youtube.com/watch?v=WP6KsZMGihU&t=160s
[11]- khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html
HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Trên một số trang mạng có bài văn nghị luận về đề tài “Bệnh vô cảm” của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An-Hà Nội được nhiều người quan tâm. Nhập đề em đã đề cập đến các nhà khoa học cố gắng sáng chế ra những rô-bốt “làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống”. Nhưng “Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang ‘vò đầu bứt tóc’ không biết làm sao có thể tạo ra một con chip ‘tình cảm’ để khiến ‘những cỗ máy vô tình’ biết yêu, biết ghét, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội- bệnh vô cảm”[1]
Bệnh vô cảm đã khiến con người “Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”[2].
Tại sao con người Việt Nam ngày càng vô cảm như thế? Em Phan Hoàng Yến cho rằng người Việt Nam hiện nay “càng lúc càng khép chặt cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai” và “người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[3].
Người Việt Nam ngày càng chạy theo vật chất, chắc là phải có nguyên nhân? Theo cụ Trần Trọng Kim(1883-1953): “Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này”; “Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa”; “Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác”; “…Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản”[4].
Người cộng sản luôn nói đến tu dưỡng “đạo đức cách mạng””, nhưng “Đạo đức cách mạng có phần giống đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẫn với nó, thí dụ lòng căm thù và tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến”[5].
Do đó “Làm một cán bộ cao cấp, đạo đức cách mạng rất là cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có đạo đức nhân bản để trước hết làm được con người lương thiện và tử tế. Đó là tình yêu thương và tôn trọng đồng loại dù họ ở tầng lớp nào, thuộc giai cấp nào. Không những yêu thương con người mà còn yêu thương vạn vật, là biết ơn và kính trọng Trời Đất. Đó là tâm từ bi, là lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, là đức khiêm tốn, là lòng nhân ái, bao dung. Không có được đạo đức nhân bản, con người ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau, lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực”[6]
Trong Cải cách ruộng đất, đáng lẽ những ông đội đi làm công tác Cải cách ruộng ruộng đất, dạy dân về đạo đức nhân bản, đàng này lại “mớm” cho vợ tố chồng, con tố cha. Tuy rằng đảng và chính quyền có nhận lỗi và cố gắng sửa sai nhưng nó vẫn còn hệ lụy cho đến ngày nay[7].
Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn “giải phóng” khỏi ách kiềm kẹp của “Mỹ Ngụy” nhưng dưới con mắt của “bên thắng cuộc” nhiều con dân Việt lại bị gán cho danh hiệu “ngụy quân-ngụy quyền”. Ngụy là xấu xa, cần phải “cải tạo”. Nhiều người đã phải bỏ mạng nơi “Trại cải tạo”khiến cho nhiều vợ con trở thành cô nhi, quả phụ. Đất nước được “giải phóng” gần nửa thế kỷ, ấy vậy mà cái từ “ngụy” vẫn còn trên môi miệng của nhiều người!
Con người mà thiếu đạo đức nhân bản, chỉ biết tôn sùng vật chất sẽ trở nên vô cảm: “vô cảm là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[8].
Theo em Phan Hoàng Yến: “điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm ‘không còn đất sống’ là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh”[9]
Em đã kết luận: “Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà Tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội”[10].
Thượng Đế- Tạo hóa mà em Phan Hoàng Yến nhắc đến chính là Ông Trời mà người Việt Nam gọi. Ông Trời là cứu cánh, là cùng đích để nhân loại hướng đến. Sách Trung dung của Nho giáo viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân bất khả dĩ bất sự thân.Tư sự thân bất khả dĩ bất tri nhân.Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên” (Cho nên bậc quân tử cần phải tu thân.Muốn tu thân cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Muốn biết phụng dưỡng cha mẹ cần phải biết đến người khác [tha nhân]. Muốn biết đến tha nhân cần phải biết đến Ông Trời).
Nhà thần học người Brazil là Leonardo Boff đã hỏi Đức Đạt lai Lạt ma: “Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn. Có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”[11]
Hãy mở rộng trái tim mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta, để chúng ta biết “vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (lời bài hát: Vì Chúa là tình yêu- Linh mục Kim Long)
Nguyễn Văn Nghệ
Diên Khánh- Khánh Hòa
Chú thích:
[1][2][3][8][9][10]- ione.net/bai-van-9-5-diem-ve-benh-vo-cam-gay-xon-xao-2386663.html
[7]- daohieu.wordpress.com/tag/tran-manh-hao-cai-cach-ruong-dat/
-Trần Đĩnh, Đèn cù, Nxb Người Việt Book (xb lần thứ nhất tại Hoa Kỳ), 2014,tr.74-75; 109
[4]- Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt Books-2010, tr.113-115
[5][6]- https;//baotiengdan.com/2021/10/16/tham-du-ban-tron-cua-bbc/
https://www.youtube.com/watch?v=WP6KsZMGihU&t=160s
[11]- khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html
Văn Hóa
Sự nghiệp đồ sộ của Hans Urs von Balthasar, Mở rộng và Đơn giản hóa
Vũ Văn An
16:52 11/11/2021
Mở rộng và đơn giản hóa
Các Danh Dự
Trong hai thập niên cuối cùng của đời ngài, Balthasar đã trở thành điều mà ngài vốn đã được công chúng coi là như vậy. Sau cái chết của Adrienne, gần đến tuổi nghỉ hưu, ngài vẫn không một lúc nào nuôi ý nghĩ otium cum dignitate [một sự nhàn hạ có phẩm cách]. Việc kinh doanh xuất bản ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với ngài, và tập cuối cùng của bộ Herrlichkeit [Vinh quang] đang nằm trên bàn của ngài, chưa hoàn thành. Được dịch sang tiếng Pháp, Ý, Anh và Tây Ban Nha, tác phẩm này đã xác định hình ảnh thần học mà người ta có về Balthasar. Nhưng nó cũng có một đặc điểm khác. Kể từ khi được thành lập vào năm 1969 cho đến cuối đời ngài, Balthasar là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Đức Giáo Hoàng — mặc dù ngài đã yêu cầu được giải nhiệm. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ hai vào năm 1971, về chức linh mục thừa tác, ngài đã làm việc với tư cách là một trong các thư ký thần học và soạn thảo tài liệu về nền linh đạo linh mục. Giờ đây, ngài bắt đầu tích lũy hết danh dự này đến danh dự khác. Cùng một năm, ngài nhận lãnh Giải thưởng Romano Guardini của Hàn lâm viện Công Giáo Bavaria. Hai năm sau, ngài được bổ nhiệm làm Viện sĩ thông tấn [corresponding Fellow] của Viện Hàn lâm Anh, và vào ngày sinh nhật lần thứ 70 của ngài, Viện Hàn lâm Pháp đã phong ngài làm viện sĩ cộng tác người nước ngoài [associé étranger]. Ngài đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Quỹ Hautviller ở Paris, và Giải thưởng Gottfried Keller của Quỹ Martin Bodmer ở Zurich. Vào mùa thu năm 1977, hội nghị chuyên đề Balthasar đầu tiên diễn ra tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, và từ đó ngài liên tục được mời đến Hoa Kỳ, vào năm 1980 để nhận bằng tiến sĩ danh dự từ cùng một trường đại học. Năm 1984, ngài được nhận vinh dự cao quý nhất của ngài, Giải thưởng Quốc tế Paul VI, từ tay Đức Giáo Hoàng Gioan Paholô II, và một năm sau, để vinh danh sinh nhật lần thứ tám mươi của ngài, một hội nghị chuyên đề đã được tổ chức tại Rôma về "Adrienne von Speyr và Sứ mệnh Giáo hội của Bà". Cử hành sinh nhật ngài vào ban đêm tại Castel Sant'Angelo đã bị phủ bóng bởi cái chết thương tâm của đứa cháu út.
Năm 1987, tại Innsbruck, ngài nhận được vinh dự cuối cùng của mình: Giải thưởng Wolfgang Amadeus Mozart, kết thúc một đời người mà niềm đam mê thầm kín là âm nhạc. Trong bài phát biểu cảm ơn của mình, ngài đã hồi tưởng lại:
“Tuổi trẻ của tôi được định nghĩa bởi âm nhạc. Cô giáo dạy piano của tôi là một mệnh phụ lớn tuổi từng là học trò của Clara Schumann. Bà đã dẫn nhập tôi vào Chủ nghĩa lãng mạn. Là một sinh viên ở Vienna, tôi thích thú với tác phẩm cuối cùng của các nhà Lãng mạn — Wagner, Strauss, và đặc biệt là Mahler. Tất cả chấm dứt khi tôi có Mozart trong tai. Cho đến ngày nay ông ấy vẫn chưa bao giờ rời bỏ đôi tai ấy. Trong cuộc sống sau này, Bach và Schubert vẫn quý giá đối với tôi, nhưng Mozart mới là Sao Bắc Cực bất động, mà quanh đó, hai ngôi kia xoay quanh (Đại hùng và Tiểu hùng)" (47).
Nhưng niềm đam mê công khai của ngài là một điều hoàn toàn khác. Nó chói sáng qua sự tiến bộ đĩnh đạc và cân đối của bộ ba tác phẩm- không thể và không được phép có một nền thần học thiếu đam mê. Và nó đột phá, không bị kiềm chế, trong các tác phẩm nhỏ hơn vào những năm cuối cùng của Balthasar. Liên tục được tái bản và dịch ra bảy thứ tiếng, những cuốn sách nhỏ bé này đã mang thần học của Balthasar ra thế giới — thậm chí còn hơn cả bộ ba cuốn, mà trước chúng nhiều người phải tìm lại một cách tôn kính và kinh ngạc. Cuốn đầu tiên trong số những cuốn sách nhỏ được phát hành lúc Adrienne vẫn còn sống. Nó bắt đầu vào năm 1963 với Glaubhaft ist nur Liebe (Chỉ Có Tình Yêu Đáng Tin Cậy), một trước tác ngắn làm bùng lên ý niệm căn bản của bộ ba cuốn, một bản đối tác tích cực của Schleifung der Bastionen (San Bằng Các Pháo Đài). Sau Công đồng, cùng một niềm đam mê bùng phát nhưng ít thanh thản hơn. Trong hai mươi năm, Balthasar đã cam kết với ý niệm này là phải tìm trung tâm Giáo Hội ở nơi mà hầu hết mọi người nhìn thấy ngoại vi của Giáo Hội: trong hành động cam kết của Giáo Hội nhân danh thế giới. Giờ đây, Balthasar thấy sự cởi mở đối với thế giới đang bị hiểu lầm theo nghĩa thích nghi với thế giới, bắt kịp thời đại. Trung tâm, trái tim thực sự của Kitô giáo, đã bị lãng quên, đang bị mất đi hoàn toàn.
Người ta nói, muốn tỏ ra đáng tin, Giáo hội phải hòa hợp với thời đại. Nếu xem xét một cách nghiêm túc, thì điều này có lẽ có nghĩa Chúa Kitô đã hòa hợp với thời đại khi Người thi hành sứ mệnh của Người và chết trên Thập giá, một gương mù đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại. Tất nhiên, gương mù này diễn ra phù hợp với thời đại — vào thời điểm thuận lợi của Chúa Cha, trong thời viên mãn, đúng lúc dân Israel trưởng thành, như trái cây sắp bung ra, và dân ngoại sẵn sàng đón nhận đất mở toang. Hiện đại là điều Chúa Giêsu Kitô chưa bao giờ là, và, nếu Thiên Chúa muốn, sẽ không bao giờ là (48).
Vị cựu tuyên úy sinh viên đã dành tặng cuốn sách nhỏ Wer ist ein Christ? (Ai Là Kitô Hữu?), mà từ đó đoạn văn sau đây được trích dẫn, cho các bạn hữu của ngài từ thời có cuốn Akademische Verbindung Renaissance (Phục Hưng Kết Nối Học Thuật). Giọng văn vẫn đầy thiện cảm và hòa giải:
“Việc quét dọn nhà đầu năm hiếm khi thành công trừ khi người dọn dẹp hoặc bà nội trợ có một niềm vui thích bận bịu nào đó với nó. Vì vậy, chúng ta có thể dung thứ cho việc xúc cảm dâng cao ảnh hưởng đến các Kitô hữu ngày nay (49). Nhưng các yêu cầu thì không khoan nhượng:
Thất bại, thất vọng, lui bước, hành tỏi, khinh thường, và cuối cùng, như tinh hoa của cuộc sống, phá sản lớn. Đó là bánh hằng ngày của Chúa Kitô và sẽ luôn là số phận của Giáo hội trong thế giới này. Bất cứ người nào muốn trở thành chi thể của Giáo hội đều phải chuẩn bị cho những điều như vậy, vì sẽ không có quá trình tiến hóa nào loại bỏ được chúng”.
Vì vậy, tất cả sự dấn thân của Kitô hữu vào thế giới đều dẫn đến việc cầu nguyện. Điều này đúng đối với giáo dân cũng như đối với các viện thế tục.
Những sức mạnh chủ yếu nhất của [Giáo hội] — cầu nguyện, đau khổ, trung thành vâng lời, sự sẵn sàng (có lẽ chưa được khai thác), sự khiêm tốn — vốn không được thống kê phân tích. Vì vậy, cách tiếp cận chính xác là cách tiếp cận của các viện thế tục (Instituta saecularia), những viện bác bỏ hoạt động tông đồ trực tiếp (có thể đo lường được về mặt thống kê) để chuyên về việc đơn giản hiện diện trong thế giới phi Kitô giáo (hiện diện trong đời). Các cộng đồng khác, những cộng đồng chủ trương dùng mọi phương tiện sẵn có để đạt được các vị trí quyền lực thế tục và văn hóa để, (họ tuyên bố như thế), giúp Giáo hội, chỉ đơn thuần làm tổn thương Giáo Hội; không phải một cách vô cớ họ đã làm cho chính họ và Giáo hội trở nên đáng ghét trong mắt người khác (50).
Mấy mệnh đề cuối cùng trên đây nói lên đủ âm điệu căn bản của Balthasar trong các trước tác luận chiến của ngài. Chúng ít được hiểu biết. Những ai suy nghĩ hời hợt theo các phạm trù phải và trái, bảo thủ và cấp tiến, đã nhìn thấy nơi chúng một sự xoay chiều hoàn toàn, một phán đoán có lúc bị ngài bác bỏ có lúc được ngài chấp nhận một cách nồng nhiệt. Những ai bị ngài tấn công coi nó chỉ là chuyện cay đắng và thiếu hiểu biết nơi một người cô đơn và lạc hậu. Nhưng sự cay đắng không bao giờ rõ nét trong các bản văn, đôi khi chỉ là một sự hài hước hơi ác một chút gần như châm biếm. Sự kiện những cuốn sách gây tranh cãi này được viết bởi một cây bút sắc bén như vậy và với một niềm sảng khoái được viết như vậy có lẽ khiến chúng bị tổn thương nhiều hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, Balthasar giới hạn việc luận chiến sắc bén nhất của mình trong các bài báo và bài phê bình sách mà ngài không bao giờ để chúng được in lại: "không nên biến các cuộc luận chiến thành vĩnh cửu". Đằng sau tất cả là kiến thức nền tảng đủ loại, cũng như có lẽ là cái nhìn quá tiêu cực, bị tổn thương trước tình huống của Giáo hội, giống như tình huống của bạn ngài là de Lubac, thêm vào đó, còn là việc không đủ thông tin về những phát triển tích cực. Tuy nhiên, người đọc nào không có thành kiến đối với các bài viết có tính luận chiến sẽ tìm thấy sự cân bằng trong chúng hơn là những gì hiển hiện đối với những người nhìn mọi việc qua sàng lọc của các phương tiện truyền thông.
"Tiếng kèn" của cuốn Bastionen (San bằng các Pháo đài) được theo sau bởi "nhịp trống" của cuốn Cordula. Đối với mọi thử nghiệm trí thức trong thần học, nó tương phản bằng 'thử nghiệm quyết định' của tình yêu đi xa đến mức tử vì đạo. Chủ trương Hoặc là – Hoặc là (Either-Or) của Kierkegaard trở nên nổi tiếng nhờ cuốn “Nhật ký của Một Tên Rù quyến” (Diary of a Seducer) thế nào, thì cuốn Cordula cũng trở nên nổi tiếng nhờ cuộc đối thoại giữa một Kitô hữu và một chính ủy có thiện chí như vậy, một châm biếm hậu công đồng, hơi nhức nhối. Toàn bộ sự việc được nhìn như một cuộc bút chiến nhắm vào Karl Rahner. Thực thế, người ta có thể lập luận rằng ''Các Kitô hữu nặc danh " của Rahner (không do chính ngài sáng chế ra) chỉ đơn thuần là một cái mắc áo trên đó Balthasar máng vào một lời phê bình tổng quát hơn, mà, ít nhất là vào thời điểm đó, vốn là một thái độ phổ biến. Ở đây chúng ta nên nói một vài điều về mối liên hệ của Balthasar với Karl Rahner. Họ chưa bao giờ cùng học với nhau, mặc dù vào mùa hè năm 1939, họ đã cộng tác trong đề cương của một cuốn tín lý học, cuốn mà Rahner đã xuất bản trong tập đầu tiên của bộ Những điều tra thần học (Theological Investigations) của ngài. Sau đó, họ có nhiều tranh cãi về văn học. Mỗi người đều trách móc người kia là không có óc hài hước, nhưng lòng tôn trọng lẫn nhau vẫn tuyệt vời. Vào thời điểm sinh nhật thứ sáu mươi của họ, họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau theo cách vượt xa sự lịch sự bình thường. Nhiều năm trước, khi tập đầu tiên của bộ Điều tra ra mắt, Balthasar đã phát biểu ý kiến sau:
“Chắc chắn đây là cuốn sách duy nhất ngày nay có thể biện minh cho bất cứ loại hy vọng nào trong lĩnh vực này. Hiếm khi khát vọng thần học leo được cao hay dốc đứng như vậy. Ngài càng gần tới chỗ tìm ra chính mình, chúng ta lại càng cần phải coi trọng ngài một cách nghiêm túc và lắng nghe những gì ngài nói một cách tôn kính hơn. Tôi rất mong đợi các tập tiếp theo. Tôi chỉ hy vọng rằng những kẻ săn da đầu [scalphunters] ở Rôma không kết liễu ngài trước”.
Năm 1969, ba năm sau cuốn Cordula, ngài lại viết: "Cái chết của Rouquette đã làm tôi buồn. Tôi hy vọng Rahner sẽ qua khỏi. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?" Vài tháng sau, họ bắt đầu cộng tác với nhau tuy đôi khi tranh cãi nhau trong Ủy ban Thần học Quốc tế. Dù rất tôn trọng lẫn nhau, chưa bao giờ họ hiểu nhau ở mức độ thực sự sâu sắc. Khởi điểm của Rahner là Kant và phái Kinh viện, trong khi khởi điểm của Balthasar là Goethe và các Giáo phụ. Họ mãi là một tượng đài đương thời cho tính đa dạng của thần học.
Sau cuốn Cordula 5 năm là cuốn Klarstellungen [Các Minh Xác] (1971) với một phụ đề hùng hồn, ''Sự biện phân các Thần trí " (On the Discernment of Spirits). Nó được Herder xuất bản dưới dạng bìa mềm để tới tay lượng độc giả lớn hơn. Cuốn Der antirömische Affekt [Ảnh hưởng Phản Rôma] được xuất bản vào năm 1974, một lần nữa dưới dạng bìa mềm của Herder. Đây là "đứa con hai tháng: Bao gồm cả việc đọc, nó được viết từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 25 tháng 12. Bạn có thể nói điều đó". Ấy thế nhưng cuốn sách này chứa đựng giáo hội học tóm lược của Balthasar. Như đã rõ từ phụ đề oái oăm của nó (“Làm thế nào ngôi vị Giáo hoàng được tích nhập vào Giáo hội nói chung?”), không nên đọc cuốn này một cách đơn giản. Trong Neue Klarstellungen [Các Minh xác Mới](1979) và Kleine Fibel für verunsicherte Laien [Sách Vỡ lòng Nhỏ dành cho Giáo dân Bất an] (1980), Balthasar có giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Đây là những cuốn sách giúp đỡ và khuyến khích hơn là luận chiến.
Song song với những cuốn sách thần học gây tranh cãi này, Balthasar đã xuất bản một bộ sách khác nhằm dẫn dắt người đọc đến trung tâm của Kitô giáo. Trong những cuốn sách gây tranh cãi, ngài đã mạnh mẽ chống lại những người chuyên đơn giản hóa một cách đáng sợ. Trong loạt bài khác này, ngài muốn hướng dẫn mọi người đến tính đơn giản của đức tin - trong và bất chấp mọi phức tạp không thể tránh của thần học. Ở đây, khởi điểm cũng là một cuộc tranh cãi, và một lần nữa chủ yếu với Rahner. Trước hết, nó xẩy ra một cách ôn hòa, tại các cuộc họp của Ủy ban Thần học Quốc tế. Vấn đề là tính đa nguyên. Liệu người ta có phải tìm một loại đồng thuận nào đó từ tính đa dạng của các nền thần học, một tính đa dạng vốn đã hiển nhiên trong Tân Ước? Hay tính hợp nhất đã được ban cho, ngay từ đầu, trong Chúa Kitô, một sự hợp nhất có thể được triển khai thành tính đa dạng? Einfaltungen. Auf Wegen Aspekte christlicher Einigung [Các khía cạnh của việc hợp nhất Kitô giáo] (1969) và Die Wahrheit ist symphonisch. Aspekte des christlichen Pluralismus [Sự thật có tính giao hưởng. Các khía cạnh của Chủ nghĩa Đa nguyên Kitô giáo] (1972) trình bầy các thí dụ về việc từ trung tâm Kitô giáo "một bức tranh toàn cảnh tuyệt vời của tự do mở ra! ‘mọi điều đều của bạn'... Sự đa dạng của mọi hình thức trên thế giới và trong lịch sử, bao gồm sự chết và tương lai, có thể tiếp cận được với suy nghĩ và hành động của Kitô hữu, nếu họ thực sự phó mình cho Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô” (51). Cuốn sách tiếp theo, Katholisch. Aspekte des Mysteriums [Công Giáo. Các khía cạnh của Mầu nhiệm] (1975), một cách nào đó thay thế cho cuốn còn thiếu nói về đại kết của bộ Aesthetic [Thẩm mỹ] theo nghĩa nó cho thấy học thuyết có tính Công Giáo một cách khác biệt thuộc về trung tâm của Kitô giáo ra sao. Cuối cùng, với cuốn Christen Sind einfältig [Kitô hữu có đầu óc đơn sơ] (1983), mọi điều đều dẫn đến một đức tin đơn giản không loại trừ tính viên mãn.
Cuối cùng, là cuộc tranh cãi chót, với phe tả, nhưng chủ yếu với phe hữu. Nó là một cuộc tranh cãi chót về những điều thực sự là cuối cùng: hy vọng vượt qua sự phán xét và khả năng bị trầm luân. Ở đây tư tưởng của Balthasar đi một vòng hoàn chỉnh. Dürfen wir hoffen? [Chúng ta có hy vọng như vậy không](1986) và Kleine Diskurs über die Hölle [Tiểu luận về Hỏa ngục](1987) không chỉ quay lại thuyết phục nguyên vạn vật [apocatastasis] của Origen và học thuyết chọn lựa phổ quát của Barth và cung cấp cho chúng một cách giải thích có thể bênh vực được theo quan điểm Công Giáo, chúng cũng nhắc lại mối quan tâm của bộ Apokalypse [Chung Cuộc] trong việc kết hợp mọi điều khả thể vào ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô. Ở tuổi trung niên, nhìn trở lại cuốn sách đầu tiên của ngài, Balthasar viết: " Vào ngày cuối cùng, các thiên thần sẽ gặp loại công việc đòi phải khéo léo nào? Các vị sẽ phải lượm chân lý của Thiên Chúa ở những nơi xa xôi hẻo lánh và dùng phẫu thuật cắt bỏ nó khỏi những trái tim nơi mà trước đó nó từng sống với bóng tối!" (52).
Như thế, bây giờ mọi thứ đã vuông tròn. Công trình đời ngài đã kết thúc. Mọi điều, hay hầu như mọi điều, ngài muốn viết và xuất bản đều đã được xuất bản. Ngài đã có thể tự tin nhìn về phía cái chết: thực thế, sau cái chết của em gái ngài, ngài rất vui vì ngài cũng sẽ “sớm được về nhà”.
Kỳ tới: Những năm cuối
VietCatholic TV
ĐTC nói về sức khoẻ của ngài, và báo cáo tại Pháp với tờ Paris Match. Vụ tấn công Thủ tướng Iraq
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:31 11/11/2021
1. Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq sau vụ ám sát
Đức Thánh Cha Phanxicô đang cầu nguyện cho Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi sau một cuộc tấn công âm mưu ám sát vào nhà ông bằng máy bay không người lái có vũ trang.
Đức Giáo Hoàng bày tỏ “sự gần gũi trong lời cầu nguyện” của ngài trong một bức điện do Vatican phát hành vào ngày 9 tháng 11, trong đó lên án cuộc tấn công ở Baghdad là một “hành động khủng bố hèn nhát”.
“Sau cuộc tấn công vào dinh thự của ngài ở Baghdad, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn tôi chuyển sự gần gũi trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đến ngài và gia đình, cũng như những người bị thương, và đồng thời lên án hành động khủng bố hèn hạ này,” Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói như trên trong thông điệp được gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha.
“Đức Thánh Cha một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng rằng với ơn lành của Thiên Chúa, người dân Iraq sẽ được củng cố về trí tuệ và sức mạnh trong việc theo đuổi con đường hòa bình thông qua đối thoại và đoàn kết huynh đệ.”
Thủ tướng Iraq viết trên Twitter: “Chúc tụng Chúa, tôi không sao giữa những người của tôi, và tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế, vì lợi ích của Iraq”.
Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ ám sát. Văn phòng thủ tướng gọi cuộc tấn công là “hèn nhát” và là “một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào nhà nước Iraq của các nhóm vũ trang tội phạm.”
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Iraq sau khi các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn tranh chấp kết quả cuộc bầu cử quốc hội ngày 10-10.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng al-Kadhimi tại Vatican hồi tháng Bảy. Hai vị đã nói về “tầm quan trọng của việc thúc đẩy văn hóa đối thoại quốc gia để đạt đến sự ổn định và đẩy mạh quá trình tái thiết đất nước”.
Tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Thủ tướng Al-Kadhimi đã chào đón Đức Giáo Hoàng khi ngài đến Baghdad ngay ở các bậc thang máy bay.
Hai vị đã gặp nhau tại sân bay vào ngày 5 tháng 3 trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô có bài phát biểu trước một cuộc họp với ngoại giao đoàn và chính quyền dân sự tại dinh tổng thống.
Thủ tướng Al-Kadhimi đã tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq để tôn vinh cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Giáo Hoàng với giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước, Đại Giáo Trưởng Ali al-Sistani.
Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất của họ, thủ tướng đã trao cho Giáo hoàng một cây thánh giá làm từ gỗ và đá lấy từ tàn tích của Nhà thờ Thánh Addai đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy ở thị trấn Karamlesh của Iraq trên Đồng bằng Nineveh.
Chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô đến Iraq đã đưa ngài từ Baghdad đến nơi sinh của Abraham, cũng như đến thành phố Mosul đầy các đống đổ nát, nơi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành lập năm 2014.
“Nhưng sau đó điều khiến tôi xúc động nhất là lời chứng của một người mẹ ở Qaraqosh,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Cô ấy là một phụ nữ đã mất con trai của mình trong các vụ đánh bom đầu tiên của Nhà nước Hồi giáo, và cô ấy đã nói một từ: ‘tha thứ’. “Tôi rất xúc động.”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói về sức khoẻ của ngài và báo cáo tại Pháp với tờ Paris Match
Trong bài “Pourquoi eux”, nghĩa là “Tại sao lại là họ”, nữ phóng viên Caroline Pigozzi của tờ Paris Match đã tường thuật về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện hôm thứ Tư 10 tháng 11.
Câu hỏi đầu tiên dành cho Đức Thánh Cha: Trước tiên, thưa Đức Thánh Cha, ngài cảm thấy thế nào kể từ cuộc phẫu thuật vào mùa hè vừa qua?
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Tôi cảm thấy khỏe. Tôi đã trở lại cuộc sống bình thường và có thể làm việc với tốc độ như trước đây.
Thưa Đức Thánh Cha, phản ứng của ngài như thế nào sau báo cáo Sauvé gần đây?
Tôi đã nói về kết quả của cuộc điều tra do chính Hội Đồng Giám Mục Pháp khởi động về các vụ lạm dụng, một ngày sau khi báo cáo được công bố. Đó là trong phần tiếng Pháp của buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư. Từ chủ yếu là “sự nhục nhã”, và từ này trước hết liên quan đến câu nói của Vị Tiên Tri: “Lạy Chúa là sự vinh hiển, con thật nhục nhã.” Một câu hỏi lớn khác, và là một câu hỏi nghiêm trọng, về lạm dụng, mặc dù nó nằm ngoài tầm khống chế của Giáo hội: đó là việc “sản xuất” nội dung khiêu dâm trẻ em. Tôi tin rằng các chính phủ nên hành động chống lại tội ác này càng sớm càng tốt. Các nhóm chịu trách nhiệm hành xử như mafias, chúng ẩn náu và tự vệ. Nạn nhân của chúng là trẻ em và trẻ vị thành niên từng bị quay phim; rất nhiều người, rất nhiều người trẻ, đôi khi thậm chí cả trẻ vị thành niên, đã và đang xem những thứ này!
Thưa Đức Thánh Cha, làm sao để Giáo Hội Công Giáo có thể tiếp tục mời gọi các Giáo Hội Kitô khác tham gia trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để trận chiến này không chỉ mang lại những khoản tiền kếch xù cho những người giàu có?
Ủy ban Covid-19 được thành lập trong khuôn khổ Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện theo cách nói của bạn, đó là một Bộ. Bộ này được đứng đầu bởi Đức Hồng Y người Ghana Peter Kodwo Appiah Turkson, tổng trưởng của thực thể này. Ngài được hỗ trợ bởi Sơ Alessandra Smerilli, Quyền Thư ký, và Cha Fabio Baggio. Công việc của họ đã cho thấy rất có hiệu quả trong thực tế. Ủy ban này có sự tham gia của các Giáo Hội, các tổ chức khác nhau và tất cả những người tình nguyện chiến đấu với đại dịch với lòng dũng cảm và quyết tâm. Sứ mạng tình nguyện này được nuôi dưỡng bằng những trao đổi, những kinh nghiệm của nhiều người tham gia một cách tích cực vào việc đưa ra quyết định sau khi thu thập ý kiến của tất cả những người phụ trách. Loại cam kết thông qua các hành động cụ thể này, với quy mô lớn vẫn là yếu tố cần thiết để đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu, và cũng đòi hỏi chúng ta phải có khả năng nhìn về tương lai.
Source:Paris Match
3. Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: Thư gửi tín hữu Galát: Chúng ta đừng để mình bị khuất phục trước sự mệt mỏi
Theo Tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung lúc 9 giờ 15 sáng hôm thứ tư, 10 tháng 11, tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc loạt bài giáo lý hàng tuần của ngài về Thư gửi tín hữu Galát, nhấn mạnh tới việc cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần trong những lúc cảm thấy mệt mỏi, ngã lòng. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Chúng ta đi đến phần kết luận của các bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát. Người ta có thể suy gẫm không biết bao nhiêu nội dung khác, hiện diện trong trước tác này của Thánh Phaolô! Lời Thiên Chúa là một nguồn vô tận. Và Thánh Tông đồ trong Thư này đã nói chuyện với chúng ta như một người rao giảng Tin Mừng, như một nhà thần học và một mục tử.
Thánh Giám mục Inhaxiô thành Antiôkia đã có một cách diễn đạt rất đẹp khi ngài viết: “Có một Vị Thầy duy nhất đã nói và những gì Người nói đều đã được thực hiện; nhưng những việc Người đã làm trong im lặng thì xứng đáng với Chúa Cha. Bất cứ ai sở hữu lời của Chúa Giêsu cũng có thể nghe thấy sự im lặng của Người"(Ad Ephesios, 15,1-2). Chúng ta có thể nói rằng Thánh Tông đồ Phaolô đã có thể nói lên sự im lặng này của Thiên Chúa. Các trực giác độc đáo nhất của ngài giúp chúng ta khám phá được sự mới lạ gây ngạc nhiên chứa đựng trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài quả là một nhà thần học đích thực, người đã chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô và truyền tải nó bằng trí thông minh sáng tạo của mình. Và ngài cũng có khả năng thi hành sứ mệnh mục vụ của mình đối với một cộng đồng lạc lõng và hoang mang. Ngài đã làm được điều đó bằng những phương pháp khác nhau: ngài sử dụng nghịch lý, sự chính xác, sự nhu mì tùy lúc... ngài nại tới thẩm quyền của mình như một Tông đồ, nhưng đồng thời ngài cũng không che giấu các điểm yếu trong tính cách của mình. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần thực sự lấn sâu trong trái tim ngài: cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh đã chinh phục và biến đổi toàn bộ cuộc đời ngài, và ngài đã dành trọn cuộc đời đó cho việc phục vụ Tin Mừng.
Thánh Phaolô không bao giờ nghĩ về một Kitô giáo với những đặc điểm hòa hoãn, thiếu châm biếm và nghị lực. Ngài bảo vệ sự tự do được Chúa Kitô mang lại với một niềm đam mê mà cho đến nay vẫn không ngừng gây xúc động, đặc biệt nếu chúng ta nghĩ đến sự đau khổ và cô đơn mà ngài đã phải chịu đựng. Ngài tin chắc rằng ngài đã nhận được một ơn gọi mà chỉ ngài mới có thể đáp ứng; và ngài muốn giải thích cho người Galát rằng họ cũng được kêu gọi đạt tới sự tự do đó, thứ tự do đã giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ, vì nó giúp họ trở thành những người thừa kế lời hứa xưa và, trong Chúa Kitô, trở thành con cái của Thiên Chúa. Ngài ý thức rõ các rủi ro mà tự do của Chúa Kitô mang lại, nhưng ngài không giảm thiểu các hậu quả. Ngài nhắc lại một cách bạo dạn, nghĩa là, can đảm, với các tín hữu rằng tự do không hề tương đương với buông thả, cũng không dẫn đến những hình thức tự mãn tự phụ. Ngược lại, Thánh Phaolô đặt tự do dưới bóng tình yêu và thiết lập việc thực thi nó nhất quán trong việc phục vụ bác ái. Tất cả viễn kiến này đã được đặt trên đường chân trời sự sống theo Chúa Thánh Thần, Đấng làm trọn Lề Luật được Thiên Chúa ban cho dân Israel và ngăn họ trở lại làm nô lệ cho tội lỗi. Cơn cám dỗ luôn luôn muốn quay trở lại. Một định nghĩa về Kitô hữu, có trong Kinh thánh, nói rằng Kitô hữu chúng ta không phải là những người quay trở lại, những người quay trở lại. Quả là một định nghĩa đẹp. Và cơn cám dỗ là quay trở lại để được an toàn hơn; chỉ quay trở lại với Lề Luật, bỏ qua sự sống mới của Thần Khí. Đây là điều Thánh Phaolô dạy chúng ta: Lề Luật đích thực có sự viên mãn của nó trong sự sống này của Thần Khí mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Và sự sống của Thần Khí này chỉ có thể được sống trong tự do, tự do của Chúa Kitô. Và đây là một trong những điều đẹp đẽ nhất.
Ở phần cuối của hành trình giáo lý này, đối với tôi, dường như một thái độ kép có thể được phát sinh nơi chúng ta. Một mặt, giáo huấn của Thánh Tông đồ khơi dậy lòng nhiệt thành trong chúng ta; chúng ta cảm thấy buộc phải đi theo con đường tự do ngay lập tức, "bước theo Thần Khí". Luôn luôn bước theo Thần Khí: nó làm cho chúng ta tự do. Mặt khác, chúng ta ý thức được các giới hạn của mình, bởi vì hàng ngày chúng ta trực tiếp cảm nhận được việc vâng theo Thần Khí, hỗ trợ hành động gây ích lợi của Người, là điều khó khăn xiết bao. Rồi, sự mệt mỏi có thể xảy tới kìm hãm nhiệt tình của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nản lòng, yếu đuối, đôi khi như bị gạt ra ngoài lề, muốn sống lối sống theo tính thế gian. Thánh Augustinô gợi ý cho chúng ta cách phản ứng trong tình huống này, khi đề cập đến đoạn Tin Mừng về cơn bão trên hồ. Ngài nói: «Đức tin Chúa Kitô trong lòng anh chị em cũng giống như Chúa Kitô ở trên thuyền. Anh chị em nghe những lời lăng mạ, anh chị em mệt mỏi, anh chị em khó chịu, còn Chúa Giêsu thì cứ ngủ. Anh chị em hãy đánh thức Chúa Kitô, hãy lay chuyển đức tin của anh chị em! Ngay trong tình trạng hỗn loạn, anh chị em vẫn có thể làm được một điều gì đó. Anh chị em hãy lay chuyển niềm tin của anh chị em. Chúa Kitô thức dậy và nói với anh chị em... Do đó, anh chị em hãy đánh thức Chúa Kitô... Anh chị em hãy tin những gì đã được nói, thì anh chị em sẽ có một sự bình tĩnh lớn trong lòng anh chị em "(Diễn văn 163 / B 6). Trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng ta, như thánh Augustinô nói ở đây, chúng ta giống như đang ở trên thuyền trong lúc giông bão. Và các Tông đồ đã làm gì? Các ngài đánh thức Chúa Kitô đang ngủ trong lúc có gió bão; nhưng Người cũng đang hiện diện. Điều duy nhất chúng ta có thể làm trong thời điểm tồi tệ ấy là "đánh thức" Chúa Kitô dậy, Người đang ở trong chúng ta, chỉ "ngủ" trong thuyền thôi. Vậy đó. Chúng ta phải đánh thức Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta và chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng mọi sự bằng cái nhìn của Người, vì Người nhìn quá bên kia bão tố. Qua cái nhìn thanh thản đó của Người, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh, bức tranh mà để một mình chúng ta, đến việc tưởng tượng nhìn thấy cũng không thể có.
Trên hành trình đầy đòi hỏi nhưng hấp dẫn này, Thánh Tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể mệt mỏi khi làm điều thiện. Anh chị em đừng mệt mỏi khi làm điều tốt. Chúng ta phải tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần luôn đến giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta và cho chúng ta sự hỗ trợ mà chúng ta cần. Vì vậy, chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn nữa! Ai đó có thể nói: “nhưng phải cầu khẩn Chúa Thánh Thần như thế nào? Vì con biết cầu nguyện với Đức Chúa Cha, với Kinh Lạy Cha chúng con; con biết cầu nguyện với Đức Mẹ bằng kinh Kính mừng Maria; con biết cầu nguyện với Chúa Giêsu bằng Kinh Năm Dấu, nhưng Chúa Thánh Thần? Kinh Chúa Thánh Thần là chi?”. Kinh Chúa Thánh Thần là kinh rất tự phát: nó phải xuất phát từ trái tim anh chị em. Anh chị em phải thốt lên trong những lúc khó khăn: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến". Chữ quan trọng là: "hãy đến". Nhưng anh chị em phải nói điều đó bằng ngôn ngữ của anh chị em, bằng lời nói của anh chị em. Xin Chúa hãy đến, vì con đang gặp khó khăn, hãy đến vì con đang ở trong bóng tối, trong bóng tối; xin Chúa đến vì con không biết phải làm gì; Xin Chúa đến vì con sắp ngã. Xin Chúa đến. Xin Chúa đến. Đó là lời của Chúa Thánh Thần ngỏ cùng Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy học cách cầu khẩn Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn nữa. Chúng ta có thể làm điều đó bằng những chữ đơn giản, vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Và chúng ta có thể mang theo mình, có lẽ trong cuốn Tin Mừng bỏ túi của chúng ta, lời cầu nguyện tuyệt đẹp mà Giáo Hội đọc trong Lễ Hiện Xuống: « Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến! Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời, là khách trọ hiền lương của tâm hồn, là Ðấng uỷ lạo dịu dàng...”. Xin Chúa ngự đến. Và vân vân, đó là một lời cầu nguyện tuyệt đẹp. Cốt lõi của lời cầu nguyện này là" hãy đến ", Đức Mẹ và các Tông đồ đã cầu nguyện như thế sau khi Chúa Giêsu về Thiên đàng; các ngài ở một mình trong Phòng Tiệc Ly và cầu khẩn Chúa Thánh Thần. Sẽ tốt cho chúng ta nếu chúng ta thường xuyên cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta bảo vệ được tự do. Chúng ta sẽ tự do, không còn dính bén vào quá khứ theo nghĩa tiêu cực của chữ này, không bị xiềng xích vào các thực hành, nhưng được tự do bằng sự tự do Kitô giáo, sự tự do giúp chúng ta trưởng thành. Lời cầu nguyện này sẽ giúp chúng ta bước đi trong Thần Khí, trong tự do và vui vẻ, bởi vì khi Chúa Thánh Thần đến, niềm vui cũng sẽ đến, niềm vui đích thực cũng sẽ đến, Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Lạ lùng: Câu chuyện trên Aleteia: Các linh hồn cứu người cầu nguyện cho họ. HY Marx gặp rắc rối
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:59 11/11/2021
1. Câu chuyện ma Công Giáo này nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện
Hôm 5 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, tường thuật câu chuyện nhan đề “This Catholic ghost story highlights the power of prayer”, nghĩa là “Câu chuyện ma Công Giáo này nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Một người đàn ông đã cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục và họ đã trả ơn cho anh ta bằng cách bảo vệ anh ta khỏi một kẻ muốn giết anh.
Người Công Giáo tin rằng những lời cầu nguyện của chúng ta có thể có tác dụng thực sự đối với các linh hồn trong luyện ngục, vì chúng ta kêu cầu lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa để rút ngắn thời gian thanh tẩy của họ.
Một câu chuyện ma Công Giáo nhắc lại luận điểm đó, kể lại việc một người đàn ông cầu nguyện hàng ngày cho các linh hồn trong luyện ngục như thế nào và họ đã giúp anh ta ra sao.
Câu chuyện được tìm thấy trong bộ sưu tập thời trung cổ được gọi là Truyền thuyết vàng, chứa nhiều truyền thuyết được truyền lại qua nhiều thế kỷ.
Có một người đàn ông luôn luôn đi qua nghĩa trang, đọc kinh De profundis, tiếng Việt gọi là kinh Vực Sâu cho tất cả các linh hồn. Và một lần anh ta bị bao vây bởi những kẻ thù của mình. Khi chạy trốn, anh ta đã nhảy vào nghĩa trang. Và họ đã theo anh, với ý định giết anh. Vào lúc đó, những kẻ muốn giết anh bị một ảo giác như thể tất cả các xác chết sống dậy, và mỗi người cầm một vũ khí trong tay để bảo vệ người đàn ông đó, khiến họ vô cùng sợ hãi và chạy trốn.
Câu chuyện nghe hơi giống một bộ phim kinh dị thời hiện đại, với những người chết trỗi dậy từ ngôi mộ của họ để đánh đuổi một nhóm côn đồ.
Tuy nhiên, câu chuyện nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện đối với các linh hồn trong luyện ngục và cách họ thực sự đánh giá cao những lời cầu nguyện của chúng ta. Họ sẽ đền đáp cho chúng ta những lời cầu nguyện đó khi họ có thể, quan trọng nhất là khi họ lên đến Thiên Đàng. Vào thời điểm đó, những linh hồn này sẽ được kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa và đến lượt họ, họ sẽ cầu bầu cho chúng ta, kêu cầu ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa xuống trên chúng ta.
Source:Aleteia
2. Báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong tổng giáo phận Munich của Đức bị trì hoãn
Một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich và Freising của Đức không thể được công bố trước tháng Giêng năm 2022.
Westpfahl Spilker Wastl, công ty luật biên soạn báo cáo, đã thông báo về sự chậm trễ vào ngày 3 tháng 11, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.
Công ty luật Munich nói rằng sự chậm trễ là do “những phát hiện mới thu được trong quá khứ gần đây” cần phải được “đánh giá chuyên sâu”.
Tiêu đề chính thức của nghiên cứu là “Báo cáo về việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương bởi các giáo sĩ, cũng như các nhân viên khác, ở Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1945 đến năm 2019”.
Báo cáo sẽ trình bày từ năm 1977 đến năm 1982, thời kỳ mà Đức Bênêđíctô XVI lãnh đạo tổng giáo phận, cũng như nhiệm kỳ của Hồng Y Reinhard Marx, người đã giữ chức tổng giám mục của Munich và Freising từ năm 2007.
Công ty luật đã đưa ra một báo cáo vào năm 2010 về việc xử lý các trường hợp lạm dụng chưa bao giờ được công bố của tổng giáo phận.
Một phát ngôn viên của tổng giáo phận nói với CNA Deutsch vào ngày 4 tháng 11: “Việc xuất bản hoàn chỉnh báo cáo đầu tiên không được lên kế hoạch. Báo cáo mới bao gồm giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2019 “
Westpfahl Spilker Wastl trước đây chịu trách nhiệm biên soạn một báo cáo về việc xử lý các trường hợp lạm dụng trong Tổng giáo phận Köln.
Vào tháng Giêng năm 2019, tổng giáo phận Köln đã ủy quyền cho công ty luật kiểm tra các hồ sơ nhân sự liên quan từ năm 1975 trở đi để xác định “những thiếu hụt cá nhân, hệ thống hoặc cơ cấu nào phải chịu trách nhiệm trong quá khứ đối với các vụ lạm dụng tình dục được che đậy hoặc không bị trừng phạt một cách nhất quán”.
Sau khi các luật sư tư vấn cho tổng giáo phận nêu lên những lo ngại về “những thiếu sót về phương pháp luận” trong nghiên cứu, Đức Hồng Y Woelki đã ủy quyền cho chuyên gia luật hình sự có trụ sở tại Köln, là Giáo sư Björn Gercke viết một báo cáo mới, được công bố vào tháng Ba.
Hành động của Đức Hồng Y Woelki ngăn chặn báo cáo ban đầu là đúng. Ngài lo ngại rằng một linh mục sau khi tên tuổi bị đưa lên báo chí như một kẻ lạm dụng tình dục thì sau này dù có được minh oan, danh dự của vị linh mục ấy cũng không hoàn toàn được khôi phục. Tuy nhiên, người ta cáo buộc rằng ngài chặn lại báo cáo ban đầu là vì trong báo cáo ấy có nhắc đến ngài. Thật ra không phải như thế. Sau cuộc thanh tra tông tòa do Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan tiến hành, Tòa Thánh cho biết cả hai báo cáo không hề nhắc gì đến Đức Hồng Y Woelki. Trước đó, ngài đã phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích - cả trên các phương tiện truyền thông Đức và từ các đại diện của Giáo hội địa phương - vì đã không công bố báo cáo gốc.
Hồng Y Marx đã viết thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 5, đề nghị từ chức nhằm gây áp lực buộc Đức Thánh Cha cách chức Đức Hồng Y Woelki nhưng đã thất bại.
Đức Hồng Y Woelki hiện đang “nghỉ phép”, nhưng sẽ trở lại lãnh đạo tổng giáo phận vào đầu Mùa Chay 2022.
Tổng giáo phận Munich, ở Bavaria, miền nam nước Đức, có từ năm 739 sau Chúa Giáng Sinh, phục vụ hơn 1.7 triệu người Công Giáo tại 758 giáo xứ, trên tổng dân số 3.8 triệu người.
Kể từ năm 1945, bắt đầu giai đoạn được đề cập trong báo cáo, tổng giáo phận đã được lãnh đạo bởi các Đức Tổng Giám Mục Michael von Faulhaber, Joseph Wendel, Julius Döpfner, Joseph Ratzinger, Friedrich Wetter và Reinhard Marx.
Source:Catholic News Agency
3. Guernsey loại bỏ đề xuất về luật phân biệt đối xử có thể dẫn đến việc đóng cửa các trường Công Giáo
Hôm 2 tháng 11, Quốc hội của hòn đảo đã bỏ phiếu về cái gọi là “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử: dựa trên (i) Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng và (ii)Xu hướng Tình dục”. Những người đề ra Pháp lệnh này cho biết nó nhằm mục đích bảo đảm rằng những người xin việc được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng hoặc khuynh hướng tình dục.
Trong 5 năm đầu, Pháp lệnh sẽ chỉ áp dụng cho “các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các trường tôn giáo.” Sau đó, nó sẽ được áp dụng đại trà.
Trong một lá thư đề ngày 23 tháng 10, Đức Cha Philip Egan than phiền rằng chính sách mới “đặt tất cả các trường Công Giáo ở Guernsey vào tình trạng bị đe dọa.” Các bậc phụ huynh khi gởi con đến trường Công Giáo mong mỏi con họ được giáo dục đức tin Công Giáo. Nếu hiệu trưởng và các thầy cô giáo không ủng hộ và không truyền bá đức tin Công Giáo thì trường Công Giáo có khác gì các trường công lập.
Trên sàn Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đã chỉ ra rằng “Pháp lệnh Chống Phân biệt đối xử” thực ra là nhằm phân biệt đối xử một cách tinh quái chống lại Giáo Hội Công Giáo.
Các nhà lập pháp ở Guernsey đã bỏ phiếu bác bỏ “Pháp lệnh” quái đản này, và ủng hộ việc duy trì hiện trạng trên hòn đảo, nghĩa là các trường Công Giáo có thể yêu cầu hiệu trưởng phải là người Công Giáo.
Đức Cha Philip Egan, Giám Mục giáo phận Portsmouth, có lãnh thổ bao gồm Guernsey, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Sáu rằng ngài “rất biết ơn” các quan chức địa phương đã hợp tác lắng nghe những mối quan tâm của giáo phận.
Ngài cho biết: “Quyết định này giúp các bậc cha mẹ có thể tự tin tiếp tục chọn các trường Công Giáo cho con em mình và hưởng lợi từ di sản của quan hệ đối tác với Guernsey đã có từ 150 năm nay”.
Guernsey, một hòn đảo ở eo biển Anh, là một quốc gia có chủ quyền nhưng phụ thuộc Vương quốc Anh. Khoảng 63,000 người sống trên đảo, nơi có ba nhà thờ Công Giáo.
Giáo Hội Công Giáo trước đây đã xung đột với các nhà lập pháp ở Guernsey về các động thái đưa ra luật hỗ trợ tự tử và tự do hóa phá thai.
Source:Catholic News Agency
Linh mục dòng Tên tiết lộ xuất xứ món quà tổng thống Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:51 11/11/2021
1. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha một món quà đặc biệt. Tiết lộ của một linh mục dòng Tên
Trong khi chờ các giáo dân đến nghĩa trang trong Ngày Các Đẳng Linh Hồn hôm 2 tháng 11 vừa qua, cha sở của một giáo xứ ở Washington đã thu hút sự chú ý của anh chị em giáo dân bằng một câu chuyện liên quan đến phẩm vật tổng thống Mỹ Joe Biden đã tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đó là một cái áo lễ đã từng được một vị Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài mặc.
Linh mục Dòng Tên Kevin Gillespie, cha sở của Nhà thờ Holy Trinity ở Washington, nơi mà một số thành viên Công Giáo cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, thường xuyên tham dự thánh lễ ở Washington, nói với đám đông rằng tất cả bắt đầu bằng một cuộc điện thoại.
“Những gì đã xảy ra là, tuần đầu tiên của tháng 9, chúng tôi nhận được cú điện thoại từ Tòa Bạch Ốc,” Cha Gillespie nói.
Ngài giải thích rằng Thomas Favret, giám đốc điều hành hoạt động giáo xứ của Trinity, người đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao, đã nhận được một cú điện thoại từ “một người bạn của ông ấy”, nói rằng “một nhà ngoại giao rất quan trọng của Mỹ” đang gặp “một lãnh đạo cao cấp chính thức của Vatican” vào cuối tháng Mười.
“Tôi cần một cái gì đó từ giáo xứ của bạn,” người gọi nói.
Người ta hiểu rằng họ đang nói về Biden và Đức Thánh Cha Phanxicô.
Một người đã gợi ý rằng giáo xứ, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành, dòng tu của Đức Giáo Hoàng, sở hữu một chiếc áo lễ có khả năng là đã được Đức Hồng Y người Ý Eugenio Pacelli mặc vào năm 1936 trong chuyến thăm Mỹ khi ngài ở cùng Genevieve và Nicholas Brady, những nhà hảo tâm giàu có của Dòng Tên.
Khoảng ba năm sau, năm 1939, Đức Hồng Y Pacelli trở thành Đức Giáo Hoàng Pius 12.
Vị giáo hoàng tương lai gần gũi với cặp vợ chồng này, là những người đã tặng mặt bằng và các tòa nhà cho một tập viện Dòng Tên ở Wernersville, Pennsylvania, và ngài đã đến thăm nơi được gọi là Tập viện Thánh Isaac khi Cha Thomas P. Gavigan của Dòng Tên là giám đốc nhà tập ở đó. Cha Gavigan sau đó làm cha sở của Holy Trinity.
Cha Gillespie nhớ lại: “Cha ấy là người đã mang chiếc áo lễ đến Holy Trinity”
Khi Biden gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10 tại Vatican, chiếc áo lễ -tiếng Anh gọi là chasuble, được mặc như lớp ngoài cùng của lễ phục phụng vụ của một linh mục, được đặt trong một khay đặc chế được chế tác bằng “đá cẩm thạch lịch sử và gỗ Tòa Bạch Ốc”.
Hầu hết giáo dân Holy Trinity không biết đến áo lễ này vì nó chỉ được mặc trong các thánh lễ Latinh truyền thống.
Cha Gillespie nói: “Chiếc áo đã được cất kỹ trong phòng thánh”.
Source:Catholic News Agency
2. Các giám mục Công Giáo Pháp công bố 'chương trình đổi mới rộng lớn' sau báo cáo lạm dụng
Các giám mục Công Giáo ở Pháp hôm thứ Hai đã thông báo rằng các ngài đã đồng ý với “một chương trình đổi mới rộng lớn” về thực tiễn quản trị để phản ứng với một báo cáo mang tính bước ngoặt về lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.
Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, cho biết ngày 8 tháng 11 rằng các giám mục đã quyết định “khởi xướng một con đường công nhận và đền bù, mở ra cho các nạn nhân khả năng hòa giải và bồi thường.”
“Tất cả các nghị quyết mà chúng tôi đã biểu quyết tạo thành một chương trình rộng lớn đổi mới các thực hành quản trị của chúng tôi ở cấp giáo phận và cấp Giáo hội ở Pháp,” Tổng giám mục của Reims cho biết trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Pháp.
Đức Cha Moulins-Beaufort đã đưa ra thông báo này vào ngày cuối cùng của phiên họp toàn thể của Hội Đồng Giám Mục ở đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, ở tây nam nước Pháp, diễn ra từ mùng 2 đến mùng 8 tháng 11.
Trong cuộc họp kéo dài một tuần, các giám mục đã nghe ý kiến từ nhiều nạn nhân bị lạm dụng và thảo luận về tác động của một báo cáo độc lập ước tính một cách phóng đại rằng hàng trăm nghìn trẻ em đã bị lạm dụng trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp trong 70 năm qua.
Các giám mục đã quỳ gối trong một hành động sám hối ở Lộ Đức vào hôm thứ Bảy, trong đó hình ảnh một đứa trẻ đang khóc được công bố và một bị vụ lạm dụng đã chia sẻ một lời chứng.
Đức Cha Moulins-Beaufort cho biết trong bài phát biểu của mình rằng các giám mục đã công nhận “trách nhiệm thể chế” của Giáo hội và đã quyết định thực hiện các cải cách dựa trên những gì các ngài đã học được từ báo cáo dài 2,500 trang của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội, gọi tắt là CIASE.
“Chúng tôi làm điều đó trên hết vì chúng tôi cảm nhận được ánh mắt của Chúa đang nhìn chúng tôi, bởi vì chúng tôi cảm thấy ghê tởm và sợ hãi dâng lên trong chúng tôi khi chúng tôi nhận ra những gì rất nhiều người đã trải qua và đang trải qua, những đau khổ họ phải chịu mà lẽ ra họ có quyền nhận được ánh sáng, sự an ủi và hy vọng của Thiên Chúa,” Đức Tổng Giám Mục nói.
Trong số các nghị quyết được các giám mục Pháp biểu quyết có thỏa thuận bán bớt bất động sản và động sản của một số giáo phận Công Giáo khi cần thiết để bổ sung quỹ bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng.
Các giám mục cũng thành lập các nhóm làm việc chuyên hỗ trợ các nỗ lực của Giáo hội để giải quyết và ngăn chặn lạm dụng.
“Chúng ta phải tìm kiếm chân lý của Giáo hội, Giáo hội của Chúa Giêsu, trong một sự lắng nghe đổi mới đối với người nghèo và những người nhỏ bé, đối với những người là nạn nhân hoặc bị bỏ lại trong cuộc sống tập thể của chúng ta. Đối với chúng ta ngày nay, chúng ta phải chăm chú lắng nghe các nạn nhân trong Giáo hội của chúng ta”.
Báo cáo của CIASE, được công bố vào ngày 5 tháng 10, ước tính có 216,000 trẻ em bị các linh mục, phó tế, tu sĩ hoặc nữ tu bạo hành ở Pháp từ năm 1950 đến năm 2020.
Báo cáo cho rằng có “khoảng từ 2,900 đến 3,200” kẻ lạm dụng trong số 115,000 giáo sĩ và những người làm công tác mục vụ khác. Đối với nhiều người, báo cáo này là tào lao. Chỉ cần làm một toán chia đơn giản ta có thể thấy ngay trung bình một kẻ lạm dụng đã lạm dụng đến gần 100 nạn nhân. Con số này cao một cách đáng ngờ vì ở các nước khác con số này là từ 1.2 đến 4.6. Tại sao ở Pháp lại có một sự gia tăng đột biến không thể tin nổi như thế.
Source:Catholic News Agency
3. 4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn
Hôm 4 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài nhan đề “4 Reasons to celebrate a Feast Day for your house”, nghĩa là “4 Lý do nên tổ chức một ngày lễ cho ngôi nhà của bạn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Và tại sao ngày 9 tháng 11 là một lựa chọn tốt cho lễ kỷ niệm này.
Ngày lễ của nhà bạn là khi nào? Nhà tôi là ngày 9 tháng 11, Ngày lễ Cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô, là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng ở Rôma.
Về cơ bản, đó là ngày lễ của một tòa nhà. Đây cũng là ngày kỷ niệm ngôi nhà của chúng tôi được biệt kính Thánh Tâm Chúa. Nhưng đó là ngày hoàn hảo để cử hành bất kỳ ngôi nhà nào, bởi vì đó là lời nhắc nhở từ Giáo hội về những gì một ngôi nhà có thể là.
Vương cung thánh đường Latêranô được dành để kính Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Thánh Sử, nhưng nó được đặt theo tên của gia đình Laterani, nơi từng có cung điện ở đó. Điều đó rất quan trọng: Tên gia đình có thể quan trọng như tên thánh và một ngôi nhà có thể quan trọng như nhà thờ. Vì vậy, hãy ăn mừng nhà của bạn!
Đầu tiên, hãy mừng ngôi nhà của bạn vì Hội Thánh được thành lập trên các gia đình. Gia đình còn được gọi là Hội Thánh Tại Gia.
Điều đó đã xảy ra lặp đi lặp lại trong Giáo Hội tiên khởi, như được kể lại trong Sách Tông đồ Công vụ: người ta không cải đạo cá nhân, nhưng hễ cải đạo là cải đạo “cả một gia đình”.
Thánh Phêrô gặp Cornêliô và thánh hóa gia đình ông ta và chẳng bao lâu Thánh Phêrô truyền một thông điệp cho dân ngoại “nhờ đó mà các ngươi sẽ được cứu, các ngươi và toàn thể gia đình các ngươi”. Sau đó, Thánh Phaolô và Thánh Sila nói với người cai ngục ăn năn của họ, “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bạn và gia đình bạn sẽ được cứu.” Sau đó, Crispus, một nhà lãnh đạo Do Thái “cùng với tất cả gia đình của ông đều tin vào Chúa.”
Sau hết, Sách Giáo lý nói, “Chúa Kitô đã chọn sinh ra và lớn lên trong lòng gia đình Thánh Gia với Thánh Giuse và Mẹ Maria,” và “Giáo hội không là gì khác hơn là ‘gia đình Thiên Chúa’”. Giáo Hội sẽ được tạo thành từ các gia đình. “Những gia đình trở thành tín hữu này là những hòn đảo của đời sống Kitô trong một thế giới không tin.”
Thứ hai, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một hòn đảo ánh sáng trong bóng tối.
Khi mùa thu đến và mùa của ánh sáng đến gần, chúng ta có thể nhớ rằng Kitô Giáo đã tràn ngập ánh sáng mới trong các ngôi nhà.
Ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, trẻ em có thể bị vứt bỏ như những đứa trẻ sơ sinh không mong muốn, phụ nữ hầu hết bị cấm thờ phượng, và cuộc sống của đàn ông được đánh dấu bằng bạo lực và tàn ác. Kitô Giáo đã mang lại một phẩm giá mới cho gia đình, và tin tốt lành về đời sống gia đình Kitô đã lan truyền khắp thế giới.
Ngày nay, tình trạng rối loạn gia đình, sự tuyệt vọng và sự ngờ vực đang gia tăng trở lại, và thế giới rất cần những nhân chứng Kitô. Sách Giáo lý nói: “Trong thời đại của chúng ta, trong một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù địch với đức tin, các gia đình tin Chúa có tầm quan trọng hàng đầu như là trung tâm của sự sống và đức tin rạng ngời”.
Khi Công đồng Vatican II gọi Giáo hội là “ánh sáng của các quốc gia”, Giáo hội đã nói thêm rằng gia đình là “giáo hội tại gia” nơi ánh sáng đó chiếu sáng khắp các khu dân cư.
Thứ ba, tôn vinh ngôi nhà của bạn như một “trường học về nhân đức.”
Sách Giáo lý nói: Gia đình là “những dấu chỉ đầu tiên của đức tin đối với con cái họ,” và nói thêm, “gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô và là” trường học để phong phú hóa cho con người”.
Cách chúng ta sống dạy các thành viên trong gia đình chúng ta cách sống cuộc sống của họ.
Sự vui vẻ của chúng ta dạy “sự bền đỗ và niềm vui trong công việc.”
Sự dịu dàng của chúng ta dạy “tình yêu thương huynh đệ và rộng lượng - thậm chí được lặp đi lặp lại là sự tha thứ.”
Sự hào phóng của chúng ta dạy “sự cầu nguyện và sự dâng hiến cuộc sống của một người”.
Nếu mọi việc suôn sẻ, gia đình sẽ “khuyến khích ơn gọi phù hợp với mỗi đứa trẻ,” bao gồm cả ơn gọi tu trì.
Thứ tư, tôn vinh ngôi nhà của bạn là nơi chứa đựng tình yêu thương vô điều kiện.
Gia đình khác với bất kỳ nơi nào trên trái đất, đặc biệt là trong hoàn cảnh ngày nay.
Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra: “Cá nhân ngày nay thường bị ngột ngạt giữa hai thái cực tiêu biểu là thị trường và nhà nước. Thế giới coi chúng ta là ‘người sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hoặc là đối tượng của quản lý nhà nước’”.
Chúng ta chỉ thấy mình ở trong gia đình, thông qua “sự hỗ trợ lẫn nhau của vợ chồng và sự quan tâm mà các thế hệ khác nhau dành cho nhau”.
Thế giới luôn muốn điều gì đó từ bạn. Gia đình bạn thì không. Họ chỉ yêu bạn. Đây là lý do tại sao những câu chuyện được yêu thích trong lịch sử nhân loại từ Odyssey đến Phù thủy xứ Oz cho đến Câu chuyện đồ chơi phiêu lưu ký đều kể về những nhân vật đấu tranh và phấn đấu để cuối cùng về nhà.
Và đây là lý do tại sao tôi sẽ kỷ niệm ngôi nhà của mình vào ngày 9 tháng 11 này, một nơi mà tôi luôn được chào đón, chấp nhận và yêu mến.
Source:Aleteia