Ngày 08-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngay lành và thánh khiết
Lm. Minh Anh
00:15 08/11/2022
NGAY LÀNH VÀ THÁNH KHIẾT

‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã làm điều phải làm!”.

Một người cha nằm xuống; nhật ký của ông viết, “Lạy Chúa, con không ước làm một anh hùng với hy sinh của một thừa sai, với việc đánh tội của một đan sĩ thời Trung Cổ, hay những việc cả thể nào khác. Con chỉ muốn sống một cuộc sống bình dị, thêu dệt tháng ngày, dù có phần đơn điệu, với một tâm hồn quả cảm không mệt mỏi. Để có thể quả cảm và anh hùng với những việc nhỏ, ngày nay, xem ra rất đỗi khó khăn. Riêng con, con biết, đó là con đường ân sủng Chúa vạch cho con. Vì thế, con yêu quý nó, con ôm lấy nó. Cho con trung thành làm mọi sự trong ‘ngay lành và thánh khiết!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời nguyện chân thành và đạo đức trên, cách nào đó, đưa chúng ta về với tinh thần Lời Chúa hôm nay; đó là sự ‘ngay lành và thánh khiết’ phục vụ của một Kitô hữu. Đó là ước mong của Phaolô khi ngài nói đến “một dân hăng say làm việc thiện”; cũng là điều Chúa Giêsu muốn dạy, “Khi làm xong mọi việc, hãy nói, ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã làm điều phải làm!’”.

‘Ngay lành và thánh khiết’ trong việc phục vụ toát ra từ một tâm hồn lặng lẽ và khiêm nhu khi làm mọi sự. Đây là tâm thế của một tôi tớ trước chủ của mình, cũng là tâm thế của một người con trước Cha của mình. Vậy mà, ở đâu có khiêm nhu, ở đó có niềm vui; ở đâu có niềm vui, ở đó có bình an! Một một niềm vui trầm lắng, an bình, của một tâm hồn bé mọn chu toàn thánh ý Chúa như một tôi tớ chu tất bổn phận. Nhiều người nghĩ, “Việc nhỏ, lòng nhỏ; việc lớn, lòng lớn”, đó là một sai lầm! Bởi lẽ, thế giới này có biết bao ‘trái tim vàng’ ẩn kín trong những con người mà bên ngoài xem ra rất nghèo khó, nhưng tự bản tính, họ rất giàu có và quảng đại. Vì với họ, “Việc tuy nhỏ, nhưng lòng thật lớn”, cũng như với không ít người, “Việc thật lớn, mà lòng quá nhỏ”. Mẹ Têrêxa căn dặn, “Con hãy làm những việc tầm thường với một trái tim phi thường!”; nói cách khác, “Con hãy làm mọi sự trong ‘ngay lành và thánh khiết!’”.

Tin Mừng còn dạy chúng ta trung tín trong việc nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn, chuyên chăm trong việc không lớn, để có thể bền đỗ trong việc không nhỏ; bởi lẽ, “Không có việc nào là nhỏ, chỉ có những tâm hồn nhỏ!”, cũng như “Không có việc nào là nhỏ với một Thiên Chúa vô cùng lớn!”. Trong thư Titô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ bậc cha mẹ và bậc con cái, hãy sống “tiết độ, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại”; hãy phục vụ trong khiêm tốn đang khi đợi ngày Chúa đến. Phaolô khuyên hãy “sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”, hãy là những người công chính, một “dân làm việc thiện”. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Người công chính được Chúa thương cứu độ”.

Anh Chị em,

“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã làm điều phải làm!”. Mỗi ngày, trong mọi đấng bậc, với mọi ân lộc Chúa ban, chúng ta làm đủ mọi việc theo bổn phận mình. Những bổn phận này có khi thật dễ dàng, nhưng cũng không ít lần quá gian nan. Thế nhưng, một cuộc sống xem ra bình dị và có phần đơn điệu, với những công việc xem ra khá tầm thường ấy nếu được thực hiện bởi “một trái tim quả cảm và không mệt mỏi” thì “đó là con đường vô vàn ân sủng Chúa vạch” cho bạn và tôi. Nói đúng hơn, đó là con đường nên thánh mà Chúa hoạch định cho mỗi người. Ước mong sao bạn và tôi, mỗi người chúng ta biết “yêu quý nó”, “ôm lấy nó”; và mỗi ngày xin ơn Chúa giúp để đủ sức trung thành và quảng đại, làm mọi sự trong ‘ngay lành và thánh khiết!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con phục vụ cách tự do và yêu thương trong mọi sự. Giúp con xả thân và chỉ tìm hài lòng Chúa qua bổn phận cách ‘ngay lành và thánh khiết!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:50 08/11/2022

28. Thật vậy, Thiên Chúa ẩn tàng bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người của Ngài, duy chỉ có tình yêu vô hạn của Ngài là tỏ hiện mà thôi.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:52 08/11/2022
45. HAI CỰC

Thích núi thanh tịnh, nhưng không thích mòng muỗi của nó; thích sự tiện lợi của thành phố, nhưng không thích phồn vinh huyên náo của nó.

Thích hoa hồng thì chấp nhận gai của nó, thích đậu hủ thối ﹝臭豆腐﹞thì chấp nhận mùi vị thum thủm của nó, thích sống nhưng lại không thể không đối mặt với sự chết của nó, tại sao trong tình yêu lại có rất nhiều chuyện đáng tiếc?

Anh khó mà đem chuyện yêu ghét của mình chặt một dao thì đứt ngay, giới hạn phân minh, cần phải chấp nhận toàn bộ, cần phải chấp nhận bỏ đi. Rất nhiều lúc, đời người hình như là không có gì để chọn lựa, chẳng qua là từ trong cái xung đột mâu thuẫn đó học tập điều chỉnh, bao dung, để giữ nguyên điểm thăng bằng của nó.

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 45:

Trong tình yêu, yêu ưu điểm thì yêu luôn cả khuyết điểm của người yêu, bởi vì tình yêu chỉ đựợc toàn vẹn khi biết cảm thông với những khuyết điểm của nhau.

- Có một vài người Ki-tô hữu nói yêu mến Đức Chúa Giê-su nhưng không yêu mến Giáo Hội của Ngài: họ chỉ nhìn thấy khuyết điểm của cá nhân người Ki-tô hữu mà không thấy những ưu điểm nơi Giáo Hội.Có người nói yêu mến giáo lý của Đức Chúa Giê-su nhưng lại thường phỉ báng các Đấng thay mặt Ngài: họ chỉ nhìn thấy khía cạnh trần thế của Giáo Hội, nên ác cảm với các Đấng thay mặt Chúa.

Con người ta thường yêu những cái đáng yêu và ghét những cái mình không thích, nên rất khó tìm được hạnh phúc trong cuộc sống của mình, bởi vì con người ta thường thích cái hoàn mỹ trong cái bất toàn.

Chỉ có tình yêu của Đức Chúa Giê-su là không có mặt trái mặt phải, bởi vì chính Ngài là tình yêu tự nguyện cho cái ưu và cái khuyết điểm của nhân loại chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 09/11: Hình ảnh khác thường của Chúa Giêsu – Cung Hiến Thánh Đường Latarênô – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
01:34 08/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:02 08/11/2022

29. Con người được đức ái thành toàn, thì trong tất cả mọi việc chỉ vì vinh quang của Thiên Chúa mà không cầu lợi ích cho mình.

(Sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 08/11/2022
46. NÊN YÊU HAY KHÔNG NÊN YÊU

Có người nói yêu là vui vẻ và được yêu là hạnh phúc.

Nhưng giả sử yêu mà không được yêu thì có vui vẻ không? Giả như được yêu mà mình không biết, hoặc biết mà không đủ, thì từ đâu mà cảm nhận được chút hạnh phúc?

Từ khi chưa lý giải được tình là cái thứ gì, hoặc là khi đã biết nó hiện hữu thì là phúc khí lớn hiếm có của mình. Cái lệch nhiều nhất của thế gian khi yêu là lo lắng cũng khó, bỏ đi cũng khó, yêu được thì không cam tâm, lại không thể bỏ mà không yêu, khi được yêu thì lại không thỏa mãn vì yêu, chính ở trong chỗ trùng trùng vấn vít mâu thuẫn không rõ ràng này mà người ta giãy giụa.

Khi yêu chẳng lẽ là không khổ hay sao, được yêu chẳng lẽ không phải là bị trói hay sao?

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 46:

Hạnh phúc nhất là yêu và được yêu lại, dù tình yêu đó dài hay ngắn, đau khổ hay hạnh phúc.

Đau khổ nhất là yêu một mình, người ta gọi là yêu đơn phương, bởi vì tình yêu thì luôn muốn được chia sẻ và trao ban…

Đức Chúa Giê-su vì yêu nên đã trao ban chính mình cho nhân loại, để những ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời; người Ki-tô hữu vì yêu nên đã phục vụ tha nhân cách vô vị lợi, để không vì được sự khen ngợi của người đời, nhưng là để mọi người nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trong con người của mình khi phục vụ tha nhân.

Con người ta không thể sống được nếu thiếu vắng tình yêu, vì đó là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho loài người, vì đó là dưỡng khí quan trọng của cuộc sống, cho nên cần phải yêu để sống và để làm việc, bằng không thì thế gian này sẽ thiếu vắng những hành động bác ái yêu thương.

Yêu hay không yêu đó không phải là vấn đề của người Ki-tô hữu, bởi vì khi xuống thế làm người thì Đức Chúa Giê-su không hỏi Chúa Cha có nên yêu hay không nên yêu thế gian quá tội lỗi và bất trung này, và con người thì cũng thường bội nghĩa vong ân?

Yêu và chấp nhận hy sinh chính mình để tha nhân được hạnh phúc là điểm son của người Ki-tô hữu, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi xuống thế làm người: đã hiến dâng mạng sống vì người mình yêu là nhân loại tội lỗi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTGM Sviatoslav Shevchuk đã gặp Đức Giáo Hoàng để thông báo về tình hình Ukraine
Đặng Tự Do
05:03 08/11/2022


Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Byzantine của Ukraine đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican hôm thứ Hai và nói rằng không thể có đối thoại với Nga chừng nào Mạc Tư Khoa coi nước láng giềng mà họ xâm lược là thuộc địa phải khuất phục.

Chuyến đi của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đến thăm Đức Giáo Hoàng là chuyến đi đầu tiên của ngài bên ngoài Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai. Ngài cho biết ngài thích ở lại Kyiv hơn để được gần gũi với người dân bất chấp bom đạn và gian khổ.

“Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến thuộc địa và các đề xuất hòa bình của Nga là đề xuất bình định thuộc địa,” ngài nói sau khi gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican.

Reuters tường thuật rằng Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, người đã nhiều lần thúc giục Đức Giáo Hoàng đến thăm Kyiv, đã đưa cho Đức Phanxicô một mảnh đạn từ một quả bom của Nga đã phá hủy mặt tiền của một nhà thờ ở Irpin vào tháng Ba.

“Những đề xuất này ngụ ý phủ định sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa và thậm chí cả Giáo Hội của họ. Đó là sự phủ định quyền tồn tại của nhà nước Ukraine với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã được cộng đồng quốc tế công nhận”, Đức Cha Shevchuk nói.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Với những tiền đề như thế, các đề xuất của Nga thiếu cơ sở để đối thoại.
 
Giáo Hội Chính thống của Ukraine sẽ cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như người Công Giáo
Đặng Tự Do
05:05 08/11/2022


Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong một động thái tách biệt với truyền thống Chính Thống Giáo theo đó Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 7 tháng 1, cùng thời điểm với Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, nơi đã xuất phát ra cuộc chiến của Putin.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, là người ủng hộ nổi bật của Vladimir Putin và đã nói rằng những người lính Nga thiệt mạng sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius cũng lên tiếng cáo buộc quân Nga cướp bóc Nhà thờ Thánh Catherine lịch sử của Kherson.

Các báo cáo từ Kyiv cho biết quân Nga đang tiếp tục cưỡng bách cư dân Kherson di tản, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc kể cả các tác phẩm nghệ thuật, máy kéo và xe hơi khi lực lượng của Ukraine áp sát thành phố này.

“Mọi thứ đang biến mất ở thành phố Kherson của Ukraine với tốc độ nhanh chóng. Một số là thực thể thể lý. Quân đội Nga đang lấy đi xe cứu thương, máy kéo và xe hơi cá nhân. Những thực thể văn hóa cũng bị cướp: các kho lưu trữ, các bức tranh và tác phẩm điêu khắc từ các bảo tàng nghệ thuật và nhà truyền thống địa phương. Ngay cả xương của người bạn và người yêu của Catherine Đại đế, Grigory Potemkin, cũng đã được đào lên từ một hầm mộ trong Nhà thờ Thánh Catherine.”
 
Bia mộ bí ẩn kích hoạt cuộc tìm kiếm gia đình người quá cố trên toàn giáo xứ
Đặng Tự Do
17:08 08/11/2022


Giáo xứ của Công Giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, ở South Glens Falls, New York, đang cố gắng tìm ra bí ẩn về những bia mộ khó hiểu được phát hiện trên khu đất của họ. Bia đá có niên đại trong thập niên 1860, nhưng phiến đá đã bị hư hại và nó không cho biết họ của người đã khuất.

Giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã chia sẻ câu chuyện về bia mộ 156 tuổi trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 2 tháng 11:

Bia mộ chỉ ra rằng nó đánh dấu nơi chôn cất của hai cá nhân: “Patrick - mất ngày 25 tháng 5 năm 1863. 4 Tuổi. Catharine - mất ngày 26 tháng 8 năm 1866. “ Trong khi tuổi của Catharine không được chỉ ra, giáo xứ tin rằng cô vẫn còn là một đứa trẻ khi cô qua đời. Không có họ trên các bia mộ khiến việc việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn đối với giáo xứ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình News 10, Cha Tony Childs, là cha sở tại nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, giải thích rằng các bia mộ được phát hiện một cách tình cờ khi đang chuẩn bị địa điểm cho một bức tượng mới cùng tên của nhà thờ. Trong khi một nhóm công nhân đang san phẳng đất để lắp đặt các tấm lát sân, họ đã khai quật được các tảng đá bị vỡ. Nhóm nghiên cứu không thể xác định được phần còn lại trước khi họ mở rộng khu vực.

Không biết chính xác các bia mộ này được chôn cất như thế nào, nhưng giáo xứ tin rằng nó xảy ra khi nhà thờ giáo xứ được xây dựng lại. Tuy nhiên, trước khi việc xây dựng có thể bắt đầu, họ phải di chuyển nghĩa địa cũ từ thế kỷ 19 của mình. Các bia đá này chắc đã bị chôn vùi trong quá trình chuyển giao này.

Với những gì còn lại của nghĩa địa cũ bên dưới nhà thờ, giáo xứ không hy vọng sẽ tìm thấy thêm bằng chứng liên quan đến bia đá của Patrick và Catharine. Tuy nhiên, Cha Childs vẫn có ý định tìm kiếm gia đình còn sống của họ. Ngài nói với News 10:

“Rõ ràng là một gia đình vào những năm 1860 đã chôn cất hai đứa trẻ này. Vì bất cứ lý do gì, bia đá đã không được chăm sóc cẩn thận, và điều tôi muốn làm là trở thành một người quản lý tốt “.

Với rất ít thông tin để tiếp tục, và không có những hứa hẹn có thể có thêm bằng chứng, giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã phải làm một số điều tra. Cha Childs cho biết họ đã tìm kiếm trên các trang web về phả hệ như 23andMe, cũng như lục tung các hồ sơ trên báo nhưng đều không có kết quả. Các tìm kiếm tương tự trên FindAGrave và FamilySearch cũng không thành công.

Ngài cho biết bước tiếp theo sẽ là tham khảo ý kiến của Trung tâm cuộc sống dân gian tại Thư viện Công cộng Crandall, nơi có thể có các hồ sơ công khai có niên đại đủ xa để xác định Patrick và Catharine. Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể mang lại một nguồn dẫn mới, như một người tên Theresa Taylor nhận xét trên bài đăng trên Facebook rằng viên đá đầu có thể thuộc về gia đình mẹ cô. Giáo xứ đã mời cô ấy liên hệ, nhưng chưa có các kết quả khả quan.

Trong khi cuộc tìm kiếm có vẻ như có thể kết thúc trong thất bại, anh chị em giáo dân giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae có vẻ tự tin rằng họ có thể tìm thấy những người thân còn sống của những người đã khuất. Năm 1995, giáo xứ đã phát hiện ra một bia đá tương tự không thể xác định được trong quá trình tu bổ nhà thờ. Trong trường hợp này, gia đình của người quá cố đã nhận ra bia đá và nó đã được trả lại cho họ.
Source:Aleteia
 
Vì tiền làm tan loãng đức tin. Thuế Giáo hội Đức có nên được bãi bỏ hay không?
Đặng Tự Do
17:10 08/11/2022


Trong khi Thượng Hội đồng Đức đang thu hút rất nhiều sự chú ý vì những đề xuất cải cách đặc biệt liên quan đến luân lý tình dục hoặc vị trí của giáo dân và phụ nữ trong Giáo hội, thì cơ quan truyền thông Mỹ The Pillar lại chiếu vào một đặc điểm kinh tế quan trọng của Giáo hội ở Đức. Nguồn gốc của khối tài sản khổng lồ là thuế nhà thờ, vào năm 2021 thu được tới 6/7 triệu euro. Tuy nhiên, chính sách này là một vấn đề đáng tranh luận bởi vì, mặc dù nó cho phép Giáo hội thu được các nguồn lực quan trọng, nhưng nó cũng khiến Giáo hội phụ thuộc rất nhiều vào loại thuế này.

Sự sụt giảm về số lượng tín hữu trong Giáo Hội nộp thuế, đã diễn ra rõ ràng trong nhiều năm, có thể dẫn đến sự sụp đổ trong cấu trúc này. Đây là một lý do khác khiến nhiều nhà cải cách Đức thúc đẩy thay đổi Giáo hội, để Giáo hội đáp ứng nhiều hơn với yêu cầu của những người đang rời bỏ Giáo hội.

Markus Reif, giám đốc tài chính của Tổng giáo phận giàu có của Munich và Freising, nơi có ngân sách hàng năm nhiều hơn 30 lần so với ngân sách của Vaticab, coi các yêu cầu liên quan đến thuế là “theo chủ nghĩa dân túy.” Ông giải thích, nhiều công việc phụ thuộc vào thuế cũng như rất nhiều viện trợ cho các Giáo Hội nghèo hơn trên khắp thế giới. Đối với ông, các lựa chọn do Thượng Hội đồng Đức đề xuất, là nhằm vuốt ve người đóng thuế, cho họ có tiếng nói lớn hơn về cách Giáo hội sử dụng các quỹ này.
Source:Pillar
 
FBI: Các giáo đường Do Thái ở New Jersey phải đối mặt với mối đe dọa rất lớn đáng tin cậy
Đặng Tự Do
17:12 08/11/2022


Các giáo đường Do Thái ở New Jersey nên cảnh giác trước mối đe dọa có thể xảy ra, FBI cho biết hôm thứ Năm.

“FBI đã nhận được thông tin đáng tin cậy về một mối đe dọa rộng rãi đối với các giáo đường Do Thái ở New Jersey,” văn phòng FBI tại Newark cho biết trên Twitter vào chiều thứ Năm. “Chúng tôi yêu cầu các bạn thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa an ninh tại thời điểm này để bảo vệ cộng đồng và cơ sở của các bạn.”

“Cảnh giác. Trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi cảnh sát, “cơ quan này cho biết thêm. “Chúng tôi đang thực hiện một biện pháp chủ động với cảnh báo này trong khi các quy trình điều tra được thực hiện.”

CNA đã liên hệ với Tổng giáo phận Newark và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New Jersey để nhận xét và sẽ cập nhật khi cần thiết.

Trong một báo cáo được công bố vào đầu năm nay, Liên đoàn Chống phỉ báng cho biết đã có ít nhất 2,717 vụ bài Do Thái được biết đến trên khắp Hoa Kỳ vào năm 2021, tăng 34% so với năm trước.

Vào tháng 5 năm 2021, các giám mục hàng đầu của Hoa Kỳ đã chỉ trích sự gia tăng các vụ bài Do Thái.

“Chúng ta không thể im lặng khi chứng kiến những anh chị em của mình đau khổ vì là người Do Thái, và chúng ta sẽ không bao giờ mệt mỏi với cam kết chống lại mọi hình thức thù hận, đặc biệt là những hình thức khinh thường đức tin,” Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố chung với Đức Cha David Talley của Memphis, chủ tịch ủy ban các vấn đề liên tôn và đại kết của các giám mục Hoa Kỳ.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Cha Kevin C. Rhoades của Fort Wayne-South Bend, Indiana, cho biết Giáo Hội Công Giáo đã “kiên quyết lên án” chủ nghĩa bài Do Thái. Ngài cảnh báo chống lại những luận điệu “sai trái và gây thù hận” chống lại người Do Thái trên phương tiện truyền thông xã hội.

Vào tháng 10 năm 2018, một tay súng đã tấn công Hội thánh Tree of Life ở Pittsburgh trong các buổi lễ Shabbat buổi sáng. Giương cao các khẩu hiệu bài Do Thái, kẻ tấn công đã giết chết 8 người đàn ông và 3 phụ nữ.

Vào tháng 12 năm 2019 tại Thành phố Jersey, New Jersey, hai tay súng đã bắn chết 4 người, trong đó có 2 người Do Thái Chính thống, tại một nghĩa trang và siêu thị kosher.

Các nhà thờ Công Giáo đã phải hứng chịu hàng loạt vụ phá hoại kể từ năm 2020, và các nhà thờ cũng như trung tâm trợ giúp mang thai đã trở thành mục tiêu bị phá hoại và đốt phá trong bối cảnh căng thẳng về việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định ủng hộ phá thai của Roe chống Wade.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục đoàn TGP Hà Nội khai mạc tuần tĩnh tâm năm 2022
TGP Hà Nội
10:41 08/11/2022
Linh mục đoàn TGP Hà Nội khai mạc tuần tĩnh tâm năm 2022

Vào lúc 17h15 chiều thứ Hai ngày 07/11/2022, linh mục đoàn Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội đã trở về Trung tâm Mục vụ của TGP để chính thức khai mạc kỳ tĩnh tâm năm.

Theo truyền thống của TGP Hà Nội, cứ vào khoảng đầu tháng 11 hằng năm, quý Cha đang mục vụ trong TGP sẽ cùng nhau quy tụ tại một điểm để tham dự kỳ tĩnh tâm thường niên. Tuần tĩnh tâm năm nay sẽ kéo dài 5 ngày từ thứ Hai ngày 07/11/2022 đến thứ Bảy ngày 12/11/2022 với sự đồng hành hướng dẫn của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục Giáo phận Xuân Lộc.

Hiện diện trong giờ khai mạc có Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Đức cha Lôrensô, gần 200 linh mục đoàn cũng như các linh mục dòng đang làm mục vụ trong Tổng Giáo phận.

Chia sẻ trong giờ khai mạc, Đức TGM Giuse mời gọi quý Cha trong suốt tuần tĩnh tâm này cùng suy tư về việc canh tân đời sống đức tin với nguyện ước xin Chúa Thánh Thần canh tân tâm hồn, canh tân nhiệt huyết, sưởi ấm trái tim và sưởi ấm sứ vụ tông đồ. Đồng thời, Đức TGM Giuse cũng nhắc nhớ quý Cha bước vào những ngày tĩnh tâm trong tâm tình cầu nguyện, lắng đọng tâm hồn, khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều thiếu xót và mở rộng trái tim để đón nghe Lời Chúa.

Kế đó, quý Cha cùng tham dự giờ Chầu Thánh Thể khai mạc tuần tĩnh tâm do Cha Tổng Đại diện Antôn Nguyễn Văn Thắng chủ sự.

Theo chương trình của tuần tĩnh tâm, vào buổi sáng quý Cha sẽ cùng đọc Kinh sáng, nguyện ngắm và dâng Thánh Lễ; Đức cha Giuse sẽ có bài chia sẻ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều; giờ chia sẻ mục vụ sẽ được diễn ra vào 45 phút cuối của buổi sáng. Kết thúc ngày tĩnh tâm là các giờ đạo đức: lần hạt, hoặc xét mình, hoặc ngắm Đàng Thánh giá.

Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho quý Cha lãnh nhận được nhiều ơn Chúa trong tuần tĩnh tâm hồng phúc.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những Điều Bạn Nên Biết Hơn Về Các Linh Hồn Trong Luyện Tội
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
21:39 08/11/2022
Những Điều Bạn Nên Biết Hơn Về Các Linh Hồn Trong Luyện Tội

Ngày nay, trong các lớp giáo lý, ít khi người ta còn được dạy kỹ về Luyện Tội, về những đau khổ mà các linh hồn trong ấy phải chịu đựng để hoàn tất cuộc thanh tẩy, trước khi được đón nhận vào Nước Trời. Nhưng Luyện Tội vẫn hiện hữu, và sự đau khổ mà các linh hồn đang phải trải qua vẫn là sự thật muôn phần.

Kể từ năm 1940, khi chỉ mới 25 tuổi, một tín hữu được đặc ân, tên là Maria Simma, ở Áo Quốc (Austria. Hình), đã thường nhận sự thăm viếng của các linh hồn từ Luyện Tội. Họ giải thích về những đau khổ mà họ đang gánh chịu và xin lời cầu nguyện cũng như Thánh Lễ Misa cho họ, để họ sớm được về Thiên Đàng. Đức Giám Mục giáo phận và cha xứ của bà Simma đã bảo bà kể rõ những kinh nghiệm đó ra nếu không có gì trái ngược với thần học Công Giáo.

Năm 1997, nữ tu người Pháp, Emmanuel Maillard, được biết đến qua các việc tông đồ về hiện tượng hiện ra của Đức Mẹ ở Medjugorje (Mễ-du), đã có cuộc phỏng vấn với bà Simma, ở nhà của bà thuộc thành phố Sonntag, Áo Quốc. Sau đây là những đoạn trích ra từ cuộc phỏng vấn đó, trong cuốn sách nhỏ có tựa đề là: “Bí mật đáng kinh ngạc của các linh hồn trong Luyện Tội”, NXB Queenship, Goleta, CA, USA. (Ghi chú: Bà Simma đã qua đời vào ngày 16 tháng 3 năm 2004, thọ 89 tuổi).

****

1. Maria, xin cho chúng tôi biết về lần đầu tiên một linh hồn từ Luyện Tội đã đến thăm bà.

Vâng, đó là vào năm 1940 (lúc Maria được 25 tuổi). Một đêm kia, khoảng 3 hay 4 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng động như có người trong phòng ngủ của tôi… (mở mắt ra) tôi đã thấy một người đàn ông hoàn toàn xa lạ, đang chậm rãi đi lại trong phòng. Tôi nghiêm nghị hỏi: “Làm thế nào ông đã vào được đây? Cút ngay!” Nhưng ông ta cứ tiếp tục đi chung quanh phòng ngủ, như không nghe thấy gì. Tôi lại hỏi ông ta: “Ông đang làm cái gì vậy?” Ông ta vẫn không trả lời, tôi nhảy ra khỏi giường và cố nắm lấy ông ta, nhưng tay rôi chỉ vung vào khoảng không. Chẳng có gì ở đó. Nên tôi trở lại giường, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục đi lại.

Tôi tự hỏi, tại sao tôi đã nhìn thấy ông này mà không nắm ông ta lại được. Tội lại đứng dậy để năm lấy ông ta và bắt ông ấy ngừng việc đi lại; một lần nữa tôi đã vung tay vào khoảng không. Bối rối quá, tôi lại về giường và ông ta biến mất, tôi đã không ngủ được nữa. Sau thánh lễ sáng, tôi đã đến gặp cha thiêng liêng, cha Alfons Matt, và trình ngài mọi sự. Ngài bảo tôi, nếu việc này xảy ra lần nữa thì đừng hỏi “Ông là ai?” nhưng là: “Ông muốn ở tôi điều gì?”

Đêm hôm sau, ông ta lại đến. Tôi hỏi: “Ông muốn điều gì ở tôi?” Ông ta đáp: “Xin cho tôi ba thánh lễ, thì tôi sẽ được tự do.” Tôi đã hiểu đây là một linh hồn trong Luyện Tội. Cha thiêng liêng của tôi cũng đồng ý như vậy, ngài còn khuyên tôi đừng bao giờ từ chối lời thỉnh cầu của các linh hồn, nhưng hãy rộng rãi thực hiện những điều họ xin.

2. Rồi sau đó, các cuộc thăm viếng có tiếp tục không?

Có, trong nhiều năm đầu, chỉ có 3 hay 4 lần, thường là vào tháng 11. Sau đó thì thường xuyên hơn.

3. Các linh hồn xin bà điều gì?

Hầu hết là xin LỄ cho họ và nhất là những lễ có giáo dân tham dự. Họ cũng xin LẦN CHUỖI và viếng chặng ĐÀNG THÁNH GIÁ cho họ nữa.

4. Các linh hồn trong Luyện Tội, dù là đang trong đau khổ, họ có lộ vẻ vui mừng và hi vọng không?

Có, chẳng có linh hồn nào muốn từ Luyện Tội trở lại thế gian. Họ có sự hiểu biết vô tận, hơn sự hiểu biết của chúng ta nhiều lắm. Họ không muốn trở lại với cuộc sống đen tối ở trần gian.

Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt giữa những đau khổ ở trần gian. Trong Luyện Tội, tuy việc đau khổ của các linh hồn rất khủng khiếp, vẫn có sự chắc chắn về việc sống với Chúa đời đời. Một sự chắc chắn không thể lay chuyển. Niềm vui vượt quá sự đau khổ. Chẳng có gì trên thế gian có thể làm cho họ muốn trở lại cuộc sống ở gian trần, nơi chẳng có gì chắc chắn.

5. Xin bà cho chúng tôi biết, có phải chính Chúa đưa các linh hồn vào Luyện Tội, hay các linh hồn tự quyết định để vào đấy?

Chính các linh hồn tự nguyện đi vào Luyện Tội, để được thanh tẩy trước khi hưởng phúc Thiên Đàng.

6. Trong giờ lâm tử, người ta có nhìn thấy Chúa cách hiển hiện không? Hay chỉ lờ mờ?

Một cách lờ mờ nhưng đều giống nhau, trong độ sáng đó, đủ để gây niềm khao khát lớn lao.

7. Vai trò của Đức Mẹ với các linh hồn trong Luyện Tội là gì?

Đức Mẹ thường đến để an ủi các linh hồn và bảo rằng họ đã làm nhiều điều tốt đẹp. Mẹ khuyến khích họ.

8. Có những ngày đặc biệt nào để Đức Mẹ đưa họ ra khỏi Luyện Tội không?

Nhiều nhất là vào các ngày: Lễ Giáng Sinh, lễ Các Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Đức Mẹ Lên Trời, và lễ Chúa Thăng Thiên.

9. Tại sao con người phải vào Luyện Tội? Những tội gì đã khiến họ phải vào đó?

Tội chống lại đức bác ái, chống lại tình yêu tha nhân, cứng lòng, thù địch, vu khống, bỉ ổi. Tất cả những tội này.

Những tội khác, nghịch với đức ái là việc chúng ta từ chối những người mà chúng ta không thích, từ chối làm hòa, từ chối tha thứ, và tất cả những mối oán hận chúng ta giữ trong lòng.

10. Ai là những người có cơ hội lớn nhất LÊN THẲNG Thiên Đàng?

Là những người có lòng HẢO TÂM với mọi người khác. Tình yêu bao trùm rất nhiều tội lỗi.

11. Đâu là những phương tiện mà chúng ta có thể có trên thế gian để tránh Luyện Tội và vào thẳng Thiên Đàng?

Chúng ta phải làm rất nhiều cho các linh hồn trong Luyện Tội, vì họ sẽ giúp lại chúng ta. Chúng ta phải thật khiêm nhường. Đây là võ khí tối thượng để chống lại ma quỉ, chống lại Kẻ Dữ. Sự khiêm nhường đuổi sự dữ đi nơi khác.

12. Điều gì là những phương tiện hữu hiệu nhất để sớm giải thoát các linh hồn trong Luyện Tội?

Phương tiện hữu hiệu nhất là Thánh Lễ Misa.

13. Tại sao phải là Thánh Lễ?

Bởi vì đó là Chúa Kitô dâng chính mình Ngài, vì Ngài yêu thương chúng ta. Đó là sự hiến dâng của chính Ngài lên Đức Chúa Cha, sự hiến dâng cao đẹp nhất. Linh Mục là vị đại diện của Chúa Kitô, nhưng chính Ngài tự dâng hiến chính mình và hi sinh chính mình cho chúng ta. Hiệu quả của Thánh Lễ cho kẻ chết còn to lớn hơn cho những người đã kết hợp với giá trị vĩ đại của Thánh Lễ trong cuộc đời của họ. Nếu họ tham dự Thánh Lễ và hết lòng cầu nguyện, nếu họ dự Thánh Lễ hằng ngày, theo thời gian cho phép, họ được hưởng ơn ích khôn lường từ những Thánh Lễ có ý chỉ cho họ. Người ta thu hoạch những gì đã được gieo xuống. (Các LM có thể dâng lễ và các giáo hữu có thể xin lễ để cầu nguyện cho chính mình).

Các linh hồn trong Luyện Tội nói, họ nhìn thấy rõ ràng trong ngày an táng của họ, nếu chúng ta đến để cầu nguyện cho họ, hay nếu chúng ta chỉ đơn giản đến cho có thôi. Các linh hồn nói rằng nước mắt chẳng đem lại cho họ ơn ích gì, nhưng chỉ có cầu nguyện! Họ hay than phiền rằng người ta đi đưa đám mà không hề có một lời cầu xin Chúa cho họ, trong khi than khóc um xùm, thật vô ích!

Còn có một phương tiện nữa, rất mạnh, để giúp các linh hồn, đó là: Chấp nhận và phó dâng những đau khổ ở trần gian, các việc đền tội như ăn chay, từ bỏ v.v…, và dĩ nhiên là cả những đau khổ không tình nguyện như bệnh hoạn, thương tiếc người thân đã qua đời.

14. Bà đã nhiều lần được kêu mời chịu đau khổ để các linh hồn được sớm ra khỏi Luyện Tội, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm đó không?

Lần đầu tiên, một linh hồn xin tôi chịu đau khổ thay cho cô ấy chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, rồi sau đó tôi lại có thể tiếp tục làm việc. Tôi tự nghĩ: “Nếu chỉ xong sau 3 tiếng đồng hồ thì tôi làm được.” Trong 3 tiếng đó, tôi đã có cảm tưởng như nó kéo dài thành 3 ngày vậy. Đau đớn tột cùng! Nhưng cuối cùng, tôi nhìn đồng hồ thì quả nhiên, mới có 3 giờ đồng hồ. Linh hồn ấy bảo tôi rằng, nhờ có tôi chịu đau khổ giúp, với tình thương, mà cô ấy được giảm 20 năm trong Luyện Tội.

15. Vâng, nhưng tại sao bà chỉ chịu đau khổ có 3 tiếng mà giúp được linh hồn ấy giảm đi 20 năm trong Luyện Tội? Những đau khổ của bà có giá trị đến thế sao?

Bởi vì sự đau khổ trên thế gian có giá trị khác biệt. Trên trần thế, khi chúng ta chịu đau khổ, chúng ta có thể thăng tiến trong tình yêu, đáng hưởng thêm công trạng, mà trong Luyện Tội không có. Trong ấy, sự đau khổ chỉ làm thanh tẩy tội lỗi. Trên trần, chúng ta có tất cả những ơn sủng. Chúng ta có tự do chọn lựa.

Những điều này thật khích lệ vì chúng làm tăng thêm ý nghĩa cho những đau khổ. Những đau khổ được hiến tặng, dù là tình nguyện hay không, ngay cả những hi sinh nhỏ nhất mà chúng ta có thể làm, chịu khổ hay bệnh hoạn, những than khóc, những thất vọng… nếu chúng ta sống những điều đó với sự nhẫn nại, nếu chúng ta chào đón chúng với lòng khiêm nhường, thì những đau khổ này sẽ có sức mạnh không tưởng để cứu giúp các linh hồn.

Điều tốt đẹp nhất, bà Simma nói, là kết hợp những đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Giêsu, đặt chúng trong tay Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất việc phải dùng chúng như thế nào. Những công lênh này, dĩ nhiên, Đức Mẹ sẽ hoàn lại cho chúng ta trong giờ lâm tử. Những đau khổ được cống hiến này sẽ trở thành những kho báu quí giá nhất cho đời sau. Chúng ta phải nhắc nhở nhau điều này và khuyến khích nhau khi chịu đau khổ.

Cần nhớ rằng, các linh hồn trong Luyện Tội không thể làm gì cho chính họ, họ hoàn toàn bất lực. Nếu người sống không cầu nguyện cho họ, họ sẽ hoàn toàn bị bỏ rơi. Vì vậy, thật là quan trọng để nhận biết sức mạnh vô song mà mỗi người trong chúng ta đang có trong tay để cứu giúp các linh hồn.

Chúng ta không đắn đo khi giúp một đứa trẻ ngã từ cành cây xuống, trước mặt mình, và bị gãy xương. Dĩ nhiên là chúng ta sẽ làm tất cả để giúp cháu bé. Nên, cùng một cách đó, chúng ta nên tận tình chăm sóc các linh hồn đang trông mong sự giúp đỡ của chúng ta để được thoát cơn đau khổ. Và đó có thể là cách tốt nhất để thực thi đức ái.

16. Tại sao các linh hồn không còn công lênh nào nữa trong Luyện Tội? Trong khi người còn sống thì vẫn có?

Bởi vì, tại giây phút cuối đời, thời gian lập công lênh chấm dứt. Vì một khi chúng ta còn sống chúng ta có thể sửa đổi những điều xấu do chính mình làm. Các linh hồn trong Luyện Tội ghen tị với chúng ta về cơ hội này. Ngay cả các Thiên Thần cũng ghen tị với chúng ta nữa, vì chúng ta có cơ hội để thăng tiến một khi chúng ta còn sống trên thế gian. Nhưng, đáng buồn thay, sự đau khổ thường làm chúng ta trở nên nổi loạn, và thật khó để chúng ta chúng ta chấp nhận và chịu đựng nó.

17. Tại sao lại phải sống đau khổ mới sinh hoa trái?

Những đau khổ là bằng chứng to lớn nhất của tình yêu của Thiên Chúa, và nếu chúng ta dâng hiến đúng đắn, sẽ đưa được nhiều linh hồn về với Chúa.

18. Nhưng làm sao chúng ta chấp nhận đau khổ như một món quà thay vì một hình phạt, một sự trừng phạt?

Chúng ta phải dâng mọi sự cho Đức Mẹ. Mẹ là người biết rõ nhất ai cần những ơn ích mà chúng ta dâng để được cứu rỗi.

Chúng ta không nên luôn luôn coi những sự đau khổ như một hình phạt. Chúng có thể được đón nhận như sự chuộc tội, không chỉ cho chúng ta mà, trên hết, cho ngươi khác nữa. Đức Kitô vô tội nhưng Ngài đã chịu đau khổ để đền bù tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi đã vào Thiên Đàng chúng ta mới hiểu hết những gì chúng ta đã đạt được qua việc nhẫn nại chịu đau khổ, kết hợp với sự thương khó của Chúa Kitô.

19. Các linh hồn trong Luyện Tội có nổi loạn khi phải chịu đau khổ không?

Không, họ muốn tự thanh tẩy, họ hiểu điều cần thiết này.

20. Việc ăn năn tội đóng vai trò gì trong giờ lâm tử?

Việc ăn năn rất quan trọng. Tội lỗi được tha trong mọi trường hợp nhưng HẬU QUẢ CỦA TỘI VẪN CÒN. Nếu ai muốn hoàn toàn được đại xá trong giờ lâm tử và lên thẳng Thiên Đàng, linh hồn đó phải hoàn toàn không còn vướng mắc điều gì.

21. Trong phút lâm chung, linh hồn, dù đã sống trong tội lỗi, có đủ thời gian để trở về với Chúa không? Trong khoảng cuối của sự hấp hối và chết thật?

Có, có! Chúa cho mỗi người nhiều phút để ăn năn tội và quyết định: Tôi chấp nhận hay không chấp nhận thuộc về Chúa. Rồi chúng ta được thấy cả cuốn phim về cuộc đời của mình.

Tôi đã biết một người dù có tin vào lời dạy của giáo hội nhưng không tin vào cuộc sống đời đời. Một ngay kia, ông ta ngã bệnh nặng rồi đi vào hôn mê. Ông ta thấy mình trong một căn phòng với tấm bảng, trên ấy viết tất cả những hành động của ông ấy, tốt cũng như xấu. Rồi tấm bảng biến đi, cả các vách tường nữa, cảnh bên ngoài tươi đẹp tuyệt vời. Khi tỉnh lại, ông ấy đã quyết định thay đổi đời mình.

22. Ma quỉ có được quyền tấn công chúng ta trong giây phút lâm tử không?

Có, nhưng con người cũng được ban ơn để chống trả cơn cám dỗ, đẩy nó đi. Vì vậy, nếu con người không muốn tương tác với ma quỉ, chúng sẽ không làm gì được chúng ta.

23. Bà có lời khuyên nào cho người muốn nên thánh ở thế trần này không?

Phải rất khiêm nhường. Nhất định chúng ta không chỉ nghĩ đến mình. Sự kiêu ngạo là cái bẫy lớn nhất của ma quỉ.

24. Người ta có thể xin Chúa cho làm cuộc thanh tẩy (của Luyện Tội) ngay khi còn sống không? Để sau khi qua đời không phải làm nữa?

CÓ, Tôi biết một vị linh mục và một phụ nữ, cả hai đều bị bệnh lao phổi và phải nằm viện. Phụ nữ kia nói với vị LM: “Chúng ta hãy xin Chúa cho chịu đựng đau khổ bây giờ, nhiều như cần có, để được về thẳng Thiên Đàng.” Vị LM trả lời rằng, ngài không dám xin Chúa điều này. Gần đó, có một nữ tu nghe được câu chuyện của hai người. Thế rồi, thiếu phụ qua đời trước, rồi đến vị LM. Ít lâu sau, vị LM hiện ra với vị nữ tu và nói rằng: “Giá tôi đã có đức tin mạnh mẽ như thiếu phụ kia, tôi cũng đã có thể được vào thẳng Thiên Đàng.”

25. Trong Luyện Tội có những mức độ khác nhau phải không?

Đúng vậy, có sự khác biệt lớn lao về mức độ đau khổ luân lý. Mỗi linh hồn có sự đau khổ dành riêng cho mình. Có nhiều mức độ.

26. Sự đau khổ trong Luyện Tội thì đớn đau hơn cả sự đau khổ nhất trên trần gian phải không?

Đúng, nhưng trong cách biểu tượng. Đau đớn nhiều hơn trong linh hồn.

27. Bà biết không, nhiều người ngày nay tin vào việc luân hồi (sống nhiều kiếp). Các linh hồn có nói chuyện với bà về điều này không?

Các linh hồn bảo rằng Chúa chỉ cho mỗi người một cuộc sống mà thôi.

28. Nhưng có người sẽ nói rằng một cuộc sống thì không đủ để biết Chúa, và không đủ giờ để ăn năn trở lại, điều này không công bằng. Bà trả lời họ thế nào?

Mọi người đều có niềm tin bên trong (lương tâm), ngay cả việc họ không thực hành, họ vẫn ngầm (implicitly) nhận ra Chúa. Không ai thực sự không tin (vì mỗi linh hồn đều có một lương tâm để nhận biết sự lành sự dữ, lương tâm ấy do Chúa ban, một kiến thức nội tâm). Có thể họ không tin, ở những mức độ nhẹ, nhưng họ vẫn biết phân định việc lành, việc dữ. Với mức độ lương tâm này, mỗi linh hồn đều có thể trở nên chân phúc.

29. Điều gì sẽ xảy ra đối với những người tự tử? Có khi nào bà được những người này thăm viếng không?

Cho đến bây giờ (1997) tôi chưa gặp trường hợp tự tử nào mà phải mất đi (phải vào Hỏa Ngục) - điều này không có nghĩa là nó không bao giờ xảy ra - nhưng thường thường, các linh hồn nói với tôi là những kẻ phạm lỗi nhất lại là những người xung quanh họ, khi những kẻ đó cẩu thả hay loan truyền sự vu khống.

Những linh hồn hỗi lỗi vì đã tự tử. Thường thì việc tự tử xảy ra là do tâm bệnh. Họ hỗi lỗi vì hành động của họ, bởi vì, khi họ nhìn sự vật dưới sự soi sáng của Chúa, ngay tức khắc họ hiểu tất cả những ân sủng dành riêng cho phần đời còn lại của họ, nếu không tự tử, có khi nhiều tháng hay nhiều năm, và họ cũng nhìn thấy tất cả những linh hồn đáng ra họ có thể giúp đỡ bằng cách phó dâng phần đời còn lại của họ cho Chúa. Cuối cùng, điều làm họ đau đớn nhất là nhìn thấy những sự tốt đẹp họ đã có thể làm nhưng đã không làm, bởi vì họ đã cắt ngắn cuộc sống của mình. Nhưng khi nguyên nhân là do tâm bệnh, Chúa cũng thông cảm.

30. Có linh mục trong Luyện Tội không?

Có, nhiều lắm, vì đã không khuyến khích việc tôn thờ Thánh Thể, nên, một cách tổng quát, đức tin đã bị ảnh hưởng. Họ thường vào Luyện Tội vì lơ là trong việc cầu nguyện, khiến đức tin của họ bị giảm đi. Nhưng cũng có rất nhiều LM đã vào thẳng Thiên Đàng.

31. Vậy, bà muốn nói gì với một linh mục thực sự muốn sống theo thánh ý của Chúa?

Tôi muốn khuyên ngài cầu nguyện nhiều với Chúa Thánh Thần, và lần chuỗi hàng ngày.

32. Có khi nào bà được các linh hồn đã sống biến thái thăm viếng không? Thí dụ như trong lãnh vực tính dục?

Có, họ không bị hư mất (vì còn đức tin) nhưng họ phải đau khổ nhiều để được thanh tẩy.

33. Những thái độ tâm linh nào có thể làm mất linh hồn của chúng ta mãi mãi, là vào Hỏa Ngục?

Đó là khi linh hồn không muốn đến với Chúa, khi họ thực sự nói: “Tôi không muốn.”

34. Chúa Giêsu đã nói thật khó cho kẻ giàu vào nước Thiên Đàng. Bà có thấy trường hợp nào không?

Có, Nhưng nếu họ làm việc tốt lành, việc bác ái, yêu thương, họ vẫn được vào Thiên Đàng, như những người nghèo vậy.

35. Bà nghĩ thế nào về những người làm việc ma thuật (spiritism)? Như kêu gọi các linh hồn, cầu cơ v.v…?

Không tốt đâu. Nó luôn luôn là điều xấu. Chính ma quỉ làm cho cái cơ di chuyển.

36. Có điều gì khác biệt, giữa việc tiếp xúc với các linh hồn đã qua đời của bà, và việc thực hành ma thuật?

Chúng tôi không kêu gọi các linh hồn - Tôi không mời họ đến. Trong việc ma thuật, người ta gọi họ đến.

Những người thực hành ma thuật nghĩ rằng họ điều khiển được các linh hồn từ cõi chết. Thực tế, nếu có sự hồi đáp nào thì đó luôn luôn là Satan và bè lũ của hắn, không có ngoại trừ. Những người thực hành ma thuật đang làm điều vô cùng nguy hiểm cho chính họ và những người đến với họ để xin lời khuyên. Bọn Satan toàn là giả dối. Điều này bị cấm, tuyệt đối cấm không được gọi các linh hồn. Tôi đã chẳng khi nào làm điều này, đang làm điều này, và sẽ không bao giờ làm điều này. Khi có linh hồn hiện ra với tôi, thì đó là vì chính Chúa đã cho phép điều ấy xảy ra.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (chuyển ngữ)

(Bài này đã được đăng trong tập san “Michael”, ấn bản tháng 1 & 2, năm 2004)
 
Văn Hóa
Về Giáo Hội của Chúa Kitô, tác phẩm gần cuối đời của Jacques Maritain, chương bẩy
Vu Van An
22:59 08/11/2022

Chương bẩy: Giáo hội được xem xét trong tính toàn vẹn của nó (vừa trong vinh quang vừa trong thời gian) và Giáo hội chỉ được xem xét như đang ở trong thời gian



Nhận xét sơ bộ

1. Người ta biết rằng Giáo hội hiện hữu dưới ba trạng thái khác nhau, đó là trạng thái Thiên đàng, trạng thái dưới đất, trạng thái Luyện ngục. Khi người ta nói "Giáo hội vinh quang", "Giáo hội lữ hành", "Giáo hội đau khổ", người ta không chỉ định ba Giáo hội khác nhau, nhưng cùng một Giáo hội, cùng một ngôi vị của Giáo hội, dưới ba trạng thái vừa đề cập. Chủ đề của cuốn sách này không liên quan gì đến Giáo hội đau khổ, do đó tôi sẽ không nói gì về Giáo Hội này, ngoại trừ việc Giáo hội của thiên đàng và của trái đất liên tục đến trợ giúp Giáo Hội ấy bằng lời cầu nguyện của mình, cũng như Giáo hội của thiên đàng liên tục đến trợ giúp Giáo hội trên trái đất bằng những lời cầu nguyện và bởi soi dẫn của mình.

2. Chương này được dành cho Giáo hội Thiên đàng và Giáo hội dưới đất. Điều cần thiết là phải hiểu rằng chúng, như tôi vừa nói, là cùng một Giáo hội duy nhất dưới hai trạng thái khác nhau. Đây là một tín lý cổ điển {1} và một học thuyết mà tôi tin là được tất cả các nhà thần học công nhận. Jean Bréhal đã đề cập đến nó bằng những thuật ngữ rõ ràng nhất tại phiên tòa phục hồi Gioanna thành Arc.

Vì tầm quan trọng được cuốn sách này dành cho ngôi vị của Giáo hội, người ta sẽ không ngạc nhiên khi tôi hình dung tín lý này dưới ánh sáng của ý tưởng trung tâm về tư cách ngôi vị siêu nhiên được Thiên Chúa ban cho Giáo hội.

3. Bây giờ chúng ta sẽ cố gắng mở rộng và đào sâu suy nghĩ của chúng ta về Giáo Hội, khi xem xét Giáo Hội không chỉ trong tình trạng lữ hành ở trần gian, mà còn trong tình trạng vinh quang trên Thiên Đàng.

Thiên đàng, - người ta thấy ngày nay một số sinh viên trong các ngành khoa học thánh có vẻ khó chịu vì hạn từ này. Tuy nhiên, không ai mong đợi các phi hành gia, trong các chuyến thám hiểm của họ, sẽ gặp gỡ các thiên thần và các linh hồn diễm phúc; và người ta, nhờ những phép ẩn dụ tự phát nhất và tự nhiên nhất mà con mắt gợi ý cho tâm trí, người ta sẽ luôn tiếp diễn nói "thiên đàng" để biểu thị thế giới vô hình một cách tượng trưng.

Khi Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta đọc: “Lạy Cha chúng con, là Đấng ngự ở trên Trời,” Người chỉ sử dụng một cách nói tượng trưng đơn thuần để chỉ mầu nhiệm trong đó sự siêu việt vô hạn của Thiên Chúa bao trùm chính nó. Và sự chỉ danh mang tính biểu tượng này đã hoàn toàn chính đáng, và vẫn mãi mãi có giá trị, do sự kiện duy nhất này là chúng ta cần phải ngẩng đầu lên để nhìn được bầu trời; ở đây, những biểu kiến khả giác đóng vai hành động duy nhất, và chúng tự áp đặt lên chúng ta một cách không thể cưỡng được, khi chúng cho chúng ta thấy bầu trời, cùng với những ích lợi nó mang lại cho chúng ta bởi mặt trời của nó và cùng với sự sáng lạn nó dùng để thắp sáng đêm đen, như dấu hiệu tuyệt vời của vương quốc vô hình được vũ trụ của chúng ta cung ứng, nơi các tinh thần sống với Thiên Chúa.

Tôi hoàn toàn ý thức rằng vũ trụ học của người xưa đã nhầm lẫn mọi sự bằng cách che đậy cảm thức tượng trưng thuần túy này bằng một cảm thức thể lý, và bằng cách khiến cho thiên đàng của những người được diễm phúc bị coi như một nơi thể lý được chuẩn bị trên các thiên cầu để làm nơi cư trú của họ, - nơi của sự bất hủy: một điều mang lại cơ sở tồi tệ nhất cho trí tưởng tượng của chúng ta. Nhưng may mắn thay, tất cả những điều này đã bị khoa học hiện đại quét sạch, đến nỗi "thiên đàng" của người được chọn không còn liên quan gì đến "thiên đàng" của các nhà thiên văn học nữa, {2} ngoại trừ liên quan đến sự kiện này: là thiên đàng của các nhà thiên văn học vẫn là và sẽ mãi mãi là biểu tượng của thiên đàng kia do bản năng tự phát của trái tim con người.

Hai trạng thái của Giáo hội. Giáo Hội không những kéo dài và tiến bộ trong thời gian, mà còn trong cả khoảng thời gian kéo dài vốn thuộc vinh quang

1. Điểm đầu tiên cần được lưu ý ở đây là tư cách ngôi vị được Giáo hội đón nhận một cách siêu nhiên, nhờ hình ảnh Chúa Kitô đã in sâu trong mình, được ban cho Giáo Hội mãi mãi. Ngôi vị của Giáo hội là không thể bị hủy hoại.

Vì chúng ta sống trong thời gian, nên cũng chính trong thời gian mà chúng ta có khuynh hướng tự nhiên xem xét mọi hữu thể hiện hữu được chúng ta nói về. Đối với Giáo hội cũng vậy. Lúc đầu, khi chúng ta suy nghĩ Giáo Hội là không thể hủy hoại được, điều này có nghĩa là đối với chúng ta, Giáo Hội ở đó giữa chúng ta, trong thời gian, cho đến cuối mọi thế kỷ và của mọi thế hệ (và quá đó nữa, đến tận lãnh vực của những người sống lại, nhưng lúc đó, thời gian đã ngừng lại, ít nhất như chúng ta biết, và do đó các suy tư của chúng ta về chủ đề này cũng dừng lại).

Nói cách khác, sự xem xét của chúng ta có liên quan tới ngôi vị của Giáo hội được xem xét trong trạng thái lữ hành của Giáo Hội, hay trong cuộc lữ hành trần thế. Việc xem xét này là điều bình thường hơn và là điều cần thiết; nhưng điều đó không đủ, vì nó chỉ đề cập đến một trong hai trạng thái trong khi, điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là phải xem xét Giáo hội dưới cả hai: tính hai mặt sẽ chỉ chấm dứt khi các thể xác sống lại, khi vũ trụ vật chất, hoàn toàn được hòa giải với chiến thắng cái chết, sẽ được biến đổi trong vinh quang, và được hòa nhập để phục vụ nó trong cõi hạnh phúc của các tinh thần.

2. Trạng thái khác theo đó Giáo Hội hiện hữu là trạng thái vinh quang và hưởng phước hạnh. Khoảng kéo dài trong đó Giáo Hội sống, và ý niệm của nó đã được các nhà thần học khai triển chi tiết, không phải là thời gian, vốn được liên kết với khả năng biến đổi thiết yếu của hữu thể vật chất, trong bản thể vốn là chủ thể đang trở thành; nó là khoảng kéo dài của riêng các thuần thần, mà người ta gọi là aevum hoặc éviternité [hữu thủy vô chung tính, chú thích của người dịch], và là điều, liên quan tới chính hữu thể của những linh hồn này, chỉ là sự cố định trong hiện hữu, không có biến đổi hay kế tục, nhưng đi kèm với sự biến đổi và kế tục đối với các hoạt động được chúng sản sinh. Thí dụ, mỗi lần một thiên thần hướng suy nghĩ của mình về một đối tượng mới, có thể nói, ngài đánh dấu aevum không thể phân chia, trong đó ngài hiện hữu mãi mãi, ở điểm ban đầu và ở điểm cuối cùng của một hoạt động mà, trong tính bất động của một khoảnh khắc kéo dài, trùng hợp với một dòng chảy nào đó của thời gian chúng ta. Chính trong khoảng kéo dài của các thuần thần này, và là trung gian giữa thời gian và vĩnh cửu, Giáo hội trong trạng thái vinh quang theo đuổi sự hiện hữu của mình, và ở đó, khi được tách khỏi thân xác họ, từng linh hồn của những người được chọn bước vào. Các thiên thần thánh thiện đã bắt đầu nhìn thấy Thiên Chúa cách vĩnh viễn ngay tức khắc, ngay khi được tạo dựng, các ngài đã chọn vâng lời Người và tách mình ra khỏi các thiên thần kiêu ngạo. Đức Hồng Y Journet nói với chúng ta (III, trang 207), chính trong lúc Nhập thể, - Tôi thích nói hơn rằng: ở cuối quỹ đạo diễm phúc Khổ nạn-Phục sinh-Thăng thiên, - ân sủng của các ngài (hầu như đã có tính Kitô [Christique] bởi lý do Đấng Kitô sẽ đến) đã trở nên thực sự và hoàn toàn Kitô bởi lý do Chúa Kitô đã đến, và thế giới cõi phúc đã trở thành Giáo Hội của Chúa Kitô trên Thiên đàng. Đối với các linh hồn nhân bản, tất cả những ai kể từ Ađam và Eva biết ăn năn {3} đều được cứu nhờ công của Chúa Kitô sẽ đến nhưng chỉ được hưởng phúc sau khi Người đã đến. Họ chờ đợi trong "lòng của Ápraham". Và chính "sau cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu", sau khi công việc cứu chuộc được hoàn thành, họ đã "nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa mặt đối mặt"{4}.

Nhưng Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến mới là đối tượng cho những suy tư của chúng ta. Giáo Hội này bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần{5}; và vô vàn các vị thánh được Giáo Hội này sinh ra kể từ đó và là những người nhìn thấy Thiên Chúa và ca ngợi Người, và là những người cầu nguyện với con người hết thế hệ này sang thế hệ nọ, đã cùng với các thiên thần lập ra điều người ta gọi là Giáo hội Thiên đàng.

Ngôi vị của Giáo hội trong trạng thái vinh quang, trong yếu tính, cũng là một như ngôi vị của Giáo hội trong tình trạng lữ hành trên trần thế. Giáo Hội cùng là một ngôi vị duy nhất không thể bị hủy hoại. Nhưng trên Thiên đàng, các chi thể của Giáo Hội (cùng với các thiên thần thánh thiện) là các linh hồn diễm phúc tách lìa khỏi thể xác của họ, trong khi ở dưới đất, họ là những người bị thương bởi tội lỗi của Ađam, và được cứu, nếu họ không từ khước ân sủng, bởi Máu của Chiên Thiên Chúa{6}.

Chúng ta nên lưu ý rằng sự bất tử của linh hồn con người không đòi hỏi sự bất hủy của nhân vị, vì nhân vị là linh hồn và thể xác hòa quyện với nhau, và linh hồn tách biệt, về mặt bản thể học, không còn là một ngôi vị nữa. Nhưng linh hồn của Giáo Hội (nghĩa là ơn thánh hóa, một ơn mà ở trên Thiên Đàng là vinh quang hay ơn thánh hoàn tất) không bao giờ phải tách rời; nó sinh động hóa cơ thể của nó trên Thiên đàng cũng như ở dưới đất, - ở đây những người có nhân vị, nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ nọ, ở đó những người có linh hồn nhân bản bị tách rời chờ đợi sự phục sinh của cơ thể của họ. Đây là lý do tại sao tư cách ngôi vị hữu thể học của Giáo hội, - tư cách ngôi vị siêu nhiên nhận được bởi lý do là hình ảnh Chúa Kitô được Giáo hội mang trong mình, - không hề bị gián đoạn. Ngôi vị của Giáo hội là một ngôi vị đơn nhất trong trạng thái đi đường ở đây trên trái đất này và trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu.

Chúng ta hãy nghĩ đến những con người được tư cách ngôi vị của Giáo hội đảm nhận, những người, thí dụ, vào thế kỷ thứ năm, đã sống ở đây trên trái đất khoảng thời gian một thế hệ. Do đó, họ ít hơn nhiều so với con số linh hồn, cũng được tư cách ngôi vị của Giáo Hội đảm nhận, những linh hồn mà kể từ khi Thánh Phêrô bắt đầu chăn dắt đoàn chiên của Đấng Cứu Rỗi đã bước vào vinh quang vĩnh cửu. Ngày nay, khi các Kitô hữu đã sống hai mươi thế kỷ lịch sử, thì con số linh hồn được tư cách nhân vị của Giáo hội đảm nhận, trong vinh quang, vô cùng lớn hơn con số những con người, cùng thời với chúng ta, cũng được tư cách ngôi vị của Giáo hội đảm nhận, đang lữ hành dưới thế này với chúng ta. Giáo hội, tiếp tục ở đây trên trái đất này với chúng ta. Và cũng chính cùng một ngôi vị siêu nhiên của Hiền thê Chúa Kitô đã ôm ấp trong mình hai đám đông này, một đám đông đã ở trên Thiên đàng, còn nhóm kia thì còn sống ít thời gian nữa trên trái đất, nơi mà các thế hệ phát sinh từ Giáo Hội sẽ kế tục nó.

Như thế, Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế xuất hiện như một điểm tiền tiêu (avancée), - sống và tồn tại lâu dài theo thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ nọ, dưới sự cai quản của các vị đại diện của Chúa Kitô kế tục nhau, - của Giáo hội trong trạng thái vinh quang vốn sống và tồn tại trong hiện hữu hữu thủy vô chung [eviternity], và dưới sự cai quản trực tiếp của chính Chúa Kitô (ở đó các vị Giáo hoàng đã trở về hàng ngũ dân thường [rang]). Và tư cách ngôi vị của Giáo Hội cùng một lúc, trên trái đất, thì phong ban cho các chi thể của mình trạng thái ân sủng, trên Thiên Đàng, thì, cùng với con số các thiên thần thánh thiện, ban cho các chi thể của mình trạng thái các linh hồn được chúc phúc, mà số lượng không ngừng tăng lên kể từ Lễ Ngũ Tuần, và là những linh hồn từ trần gian phó mình cho sự sống vĩnh cửu như dòng nước chảy ra từ vết thương của Chúa Giêsu.

Ngôi vị của Giáo hội xét trong tính toàn vẹn của nó, theo như nó đang tiến cùng một lúc vừa trong vĩnh cửu vừa trong thời gian, hay chỉ xét theo như nó đang tiến trong thời gian

1. Do đó, nếu người ta muốn tạo cho mình một ý niệm hoàn chỉnh về ngôi vị của Giáo hội vào một thời điểm nào đó của lịch sử thế giới, thì, điều cần là phải xét Giáo Hội: cả theo thời điểm này lúc mà Giáo Hội đang tồn tại và tiến bước trong trạng thái lữ hành của mình ở đây trên trái đất này và trong sự tối tăm sáng láng của đức tin [translumineuse obscurité de la foi), lẫn theo lúc, dọc theo điều, trong lịch sử thế giới, là một quá khứ ngày càng kéo dài hơn, Giáo Hội không ngừng lớn lên về đám đông trong trạng thái vinh quang của mình, trong đó, Giáo Hội tồn tại và tiến bước bên ngoài thời gian, một cách vĩnh cửu, được phúc hưởng nhan Thiên Chúa{7}.

Tôi cho rằng việc xem xét Giáo hội trong tính toàn vẹn của nó có một tầm quan trọng lớn, cũng như sự phân biệt mà nó hàm ngụ: Ngôi vị của Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, xuát hiện trước suy nghĩ của chúng ta dưới một khía cạnh kép; Giáo Hội có thể được xem xét chỉ như khi Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên trái đất này và theo thời gian, hoặc cả như khi, kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên Thiên đàng và trong hiện hữu vĩnh cửu, lẫn khi Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên trái đất này và trong thời gian. Cách xem xét Giáo hội đầu là chuyện bình thường và cần thiết, nhưng nó không đầy đủ và không đủ.

2. Các kỷ nguyên có thể xuất hiện (chúng ta hãy nghĩ đến cuộc khủng hoảng thuyết Ariô) trong đó số lượng lớn hơn các thành viên của Giáo hội dưới thế đang trong diễn trình thẩn thơ: lúc ấy, tính phổ quát của ân sủng và sự trợ giúp thần linh của những người không còn sai lạc ít nhiều trong đức tin sẽ giảm thiểu nhiều về trương độ. Nhưng trong Giáo Hội Thiên đàng, có vô số những người được nhìn thấy Chúa, và họ không quên trái đất, họ không ngừng cầu nguyện cho anh em của họ đang trên đường lữ thứ ở đây trên trái đất này, họ gửi cho những người này người nọ trong số này các linh hứng của họ, họ trợ giúp và soi sáng các vị thánh đang đau khổ trên thế giới này, họ có những phương tiện riêng để can thiệp vào công việc của Giáo Hội này, Giáo Hội mà khi rời khỏi trái đất này họ chắc chắn đã không rời bỏ, vì ở trên Thiên đàng và dưới trái đất chỉ có một Giáo hội đơn nhất dưới hai trạng thái khác nhau.

Nói tóm lại, ngôi vị của Giáo Hội là cùng một ngôi vị ở đây và ở đó, điều cần là xem xét Giáo Hội cùng một lúc ở cả trên trời lẫn dưới đất, để thấy rằng điều Giáo hội đang là vào những thời điểm tồi tệ nhất trong đó được xem xét theo khía cạnh Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của trái đất, thì Giáo Hội có vẻ có nguy cơ bị hủy hoại, và để hiểu cùng một lúc rằng cổng Địa ngục sẽ không bao giờ thắng được Giáo Hội.

3. Con Người, khi Người trở lại, Người có tìm thấy đức tin trên trái đất nữa hay không? Chính Người đã đặt câu hỏi này{8}, do đó, có ý nói tới quyền tự do của con người. Như thế, người ta có thể nghĩ rằng, mặc dù Tin Mừng đã được rao giảng khắp nơi, nhưng chỉ một bầy chiên rất nhỏ sẽ giữ được đức tin, - một đức tin nhiệt thành và trong sáng đến mức sẽ bù đắp được sự bội giáo của một số lượng lớn trước mặt Thiên Chúa.

Chính bầy chiên rất nhỏ này sẽ vẫn được tư cách ngôi vị của Giáo Hội đảm nhận ở đây trên trái đất này. Nhưng nó sẽ có với nó toàn bộ đám đông gồm các linh hồn được diễm phúc tụ họp lại trên Thiên Đàng, cũng được cùng một tư cách ngôi vị đảm nhận, cùng với những linh hồn của Ađam và Evà, kể từ ngày Sa ngã và ăn năn, và là thiên đàng được số người khôn lường góp tay tạo thành. Ngôi vị của Giáo hội, được xem xét cả trong trạng thái lữ hành trên trần thế lẫn trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu, sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết.

Và vào ngày cuối cùng, như tôi đã lưu ý, tính hai mặt của các trạng thái này sẽ chấm dứt; Giêrusalem Thiên đàng sẽ ngự xuống đất, các linh hồn sẽ nhập vào thân xác sống lại của họ; và kết hợp với đám đông mênh mông gồm các người được sống lại sẽ là bầy chiên nhỏ gồm những nhân chứng của đức tin vẫn còn sống trên đất, nay sẽ bước vào vinh quang mà không còn biết chi đến sự chết nữa{9}.

Chính như thế cô dâu sẽ đi gặp chàng rể.

Bàn rộng về Giáo Hội Thiên đàng

1.Các thiên thần và các linh hồn tách biệt, các thuần thần diễm phúc được hưởng nhan Thiên Chúa vĩnh viễn không thay đổi, nhờ đó họ tham dự vào chính sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhưng trong tính hữu thủy vô chung vốn là khoảng thời gian của riêng họ, ngoài việc hưởng nhan Chúa, họ sống cuộc sống cao nhất mà hữu thể tạo dựng có thể tận hưởng, - cuộc sống của những hoạt động tình yêu và chân lý tối cao trong sự viên mãn khôn lường của hòa bình tối cao. Họ dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa sự thờ phượng ngợi khen và tạ ơn, mỗi người suy niệm trong im lặng thiêng liêng mầu nhiệm Thập giá cứu chuộc và các mầu nhiệm mặc khải khác, họ thờ lạy Chúa Kitô trong vinh quang, họ cầu nguyện cho loài người và mỗi người theo chức vụ của mình, bận bịu với những sự việc của thế giới chúng ta và với diễn trình lịch sử của chúng ta, và với mỗi linh hồn bất tử được tạo ra ở đây trên trái đất; họ sống giữa họ trong một tình yêu thương lẫn nhau, đó là sự hiệp thông hoàn hảo của các thánh, họ trò chuyện với nhau (Họ nói với nhau những tâm sự kỳ diệu xiết bao, những câu chuyện kỳ diệu xiết bao!), họ không ngừng bẻ bánh sự thật với nhau. Và trong tất cả những điều này, họ vui mừng được thực hiện ý muốn của Đức Chúa Cha.

Ở đây, tôi xin lưu ý điều này việc chiêm ngưỡng yếu tính Thiên Chúa tuyệt đối là điều khôn tả, không thể truyền đạt được; điều được thấy trong đó, không thể tách chia được khỏi nó, không thể được diễn đạt và truyền đạt bằng bất cứ từ ngữ tâm trí nào, vì điều này vô cùng vượt xa khả năng của mọi tinh thần thụ tạo; nó hấp thụ hết, nó thu hút hết vào nó ánh nhìn của những linh hồn đã lìa xác và của những thuần thần mà nó vốn ban phước. Các khái niệm mà họ sử dụng để diễn đạt với bản thân những điều họ biết, và để truyền đạt cho nhau những suy nghĩ của họ, theo cách thức của thiên thần, {10} – chính trong ánh sáng của khoa học phú bẩm (science infuse)mà họ sản xuất chúng trong chính chúng; và cũng chính trong ánh sáng của những ý tưởng phú bẩm mà người cao nhất trong số họ hướng dẫn những người khác, trong việc cởi mở với họ bằng một lòng hảo tâm vô hạn của đức ái.

2. Trong Giáo Hội Thiên đàng, các linh hồn diễm phúc bình đẳng với các thiên thần, họ có vị trí của mình ở các cấp độ khác nhau trong phẩm trật của họ, - kể cả cấp độ cao nhất, - và cũng qua họ phát xuất luồng ánh sáng khiến kiến thức có thể truyền đạt được về các mầu nhiệm của thiên nhiên và của ân sủng, thoạt đầu được Thiên Chúa phú bẩm cho trí hiểu thụ tạo cao quý nhất, qua sự bao la của thế giới vô hình.

Trí hiểu cao quý nhất trong tất cả các trí hiểu thụ tạo là trí hiểu của Chúa Kitô trong bản tính nhân loại của Người. Và ngay sau trí hiểu này, xuất hiện trí hiểu nhân bản vốn là tạo vật gần gũi nhất với Thiên Chúa, đó là Nữ vương Thiên đàng và Nữ vương các thiên thần. Trong linh hồn Đức Trinh Nữ Maria trong vinh quang, khoa học phú bẩm, mà ngài nhận được trực tiếp từ Chúa Kitô, có tính phổ quát hơn và hoàn hảo hơn bất cứ tạo vật đơn thuần nào khác; chính Đức Maria trong Giáo Hội Thiên đàng đã chiếu sáng vị cao nhất trong các thiên thần (và có lẽ, tại sao không, một số linh hồn con người được nâng cao như ngài hơn các thiên thần; vì dù sao, con người có một đặc ân cao hơn thiên thần, điều mà chỉ con người mới có thể có được: họ có thể là một người tử vì đạo, hiến dâng mạng sống của mình cho Thiên Chúa...)

Tôi xin nói thêm rằng nếu người ta nghĩ về vực thẳm vô tận của sự siêu việt thần linh, và sự kiện là ngay cả khi được nhìn trong diệu kiến [vision béatifique], Yếu tính Phi tạo cũng sẽ không bao giờ được một tinh thần thụ tạo thấu hiểu, xem ra đối với tôi, người ta có thể nghĩ rằng luồng ánh sáng, mà qua khoa học phú bẩm, làm cho các thuần thần và các linh hồn diễm phúc biết đến chiều sâu của Thiên Chúa, sẽ không ngừng phát triển, - trên Thiên đàng và sau đó trong vũ trụ vật chất được biến đổi vào thời điểm phục sinh, - xuyên suốt khoảng thời gian vô tận mà người ta gọi là tính hữu thủy vô chung (évernité): chỉ một mình Thiên Chúa tận hưởng sự vĩnh cửu, tức thời khoảng độc nhất không có bắt đầu hay kết thúc, nhưng chứa đựng mọi sự.

3. Để hình dung một cách trọn vẹn về tính không thể sai lầm của Giáo hội, - điều được thực thi không chỉ trong các vấn đề đức tin, nhưng trong các vấn đề luân lý, và cả trong phán quyết mà Giáo hội đưa ra khi phong thánh, - chúng ta phải nhìn dưới tầm nhìn của chúng ta, trong một khối duy nhất, Giáo hội của Thiên đàng và Giáo hội của trái đất, Giáo hội thấy và Giáo hội tin.

Không cần phải nói rằng Giáo Hội Thiên đàng là hoàn toàn không thể sai lầm, vì Giáo hội được cố định trong diệu kiến, và vì sự giảng dạy được ban bố ở đó là sự soi sáng của tinh thần cho tinh thần trong ánh sáng của Thiên Chúa. Việc không thể sai lầm hệ ở chỗ điều được “nhìn thấy” hoặc nắm bắt bằng trực giác bởi tất cả các trí hiểu của Thiên đàng, người ta có thể nói rằng sự không thể sai lầm này là một điều không thể sai lầm “nội tại” trong cộng đoàn bao la của những người được chọn.

Sự bất khả sai lầm cũng có tính nội tại trong Giáo hội trên trái đất, một Giáo Hội qua chính đời sống thần học của mình và, như Công đồng Vatican II đã nói (Ch. II, Sect. 12), nhờ "cảm thức siêu nhiên của đức tin" hiện diện trong " dân thánh của Thiên Chúa "(trong universitas fidelium, hay điều tôi gọi là tính phổ quát ân sủng của Giáo hội) "không thể sai lầm trong đức tin." Nhưng sự không thể sai lầm trong credendo [trong việc tin], về phía đối tượng, đòi điều kiện phải có việc không thể sai lầm trong docendo [trong việc giảng dạy] của huấn quyền. Đến nỗi, Giáo hội trên mặt đất chỉ không thể sai lầm vì nó có ở giữa nó Đức Giáo Hoàng {11} được hỗ trợ bởi giám mục đoàn hợp nhất với ngài, trong khi để không thể sai lầm, Giáo hội thiên đàng không cần đến Đức Giáo Hoàng và huấn quyền.

Tôi đã nói ở trên rằng Giáo hội Thiên đàng liên tục đến để trợ giúp Giáo hội mặt đất bằng những lời cầu nguyện và linh hứng của mình. Cần phải đi xa hơn nữa, và nói rằng sự không thể sai lầm của Giáo hội mặt đất trong các vấn đề đức tin có sự kiện này làm nền tảng hữu thể học, đó là nó và Giáo hội thiên đàng chỉ là một ngôi vị đơn nhất và như nhau, ngôi vị của Giáo hội dưới hai trạng thái khác nhau: đến nỗi ngôi vị của Giáo Hội, trong trạng thái lữ hành, đương nhiên, vì tính thống nhất của mình, chỉ có thể, in credendo [trong việc tin], thực thi sensus fidei [cảm thức đức tin] của riêng dân thánh Thiên Chúa, và in docendo [việc dạy dỗ] đề xuất cho chúng ta bằng ngôn ngữ con người các chân lý mạc khải của Thiên Chúa, vốn là đối tượng đức tin của chúng ta, bằng cách tin và dạy cùng một điều mà trong trạng thái ân sủng hoàn tất, nó thấy trên thiên đàng. Như thế, chính Giáo hội, chính ngôi vị của Giáo hội, nói với chúng ta qua phương tiện là huấn quyền của mình. Tôi biết rằng huấn quyền không thể sai lầm, bao lâu nó còn tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Nhưng điều này hoàn toàn không loại trừ vai trò trung gian thủ diễn ở đó bởi ngôi vị của Giáo hội. Như thế, sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và thẩm quyền của Chúa Kitô băng qua ngôi vị Giáo hội nói với chúng ta, qua công cụ các ngôi vị của các chi thể của Giáo hội, những người được ủy nhiệm để dạy dỗ chúng ta.

Chính như tiếng nói của Giáo hội trong trạng thái thiên đàng và trong trạng thái trần thế của nó cùng một lúc mà hàng giám mục (huấn quyền thông thường) hợp nhất với vị lãnh đạo của Giáo hội mặt đất và các Công đồng hợp nhất với vị lãnh đạo Giáo hội mặt đất (huấn quyền phi thường), đã dạy dỗ không thể sai lầm tất cả các chi thể của Giáo Hội mặt đất. Và nếu chỉ có một mình Đức Giáo Hoàng, khi ngài nói ex cathedra, nghĩa là, theo các điều khoản được sử dụng bởi Công đồng Vatican I{12}, "khi chu toàn chức năng mục tử và tiến sĩ của tất cả các Kitô hữu, ngài định nghĩa, thông qua thẩm quyền tông đồ tối cao của mình, tín lý về các vấn đề đức tin hoặc luân lý phải được Giáo hội hoàn vũ tuân giữ," có quyền dạy dỗ toàn thể Giáo hội trên mặt đất một cách không thể sai lầm, chính lúc đó ngài là tiếng nói của ngôi vị Giáo hội, một Giáo hội, cũng như Giáo hội Thiên đàng, đã qua ngài chuyển giao tính không thể sai lầm của Giáo hội, lúc, như Giáo hội ở mặt đất, Giáo hội mở rộng phạm vi không thể sai lầm của Giáo hội tin.

Còn tiếp

______________________________________________________

Ghi chú

{1} Xem Ch. Journet, sđd., cuốn II, tr. 1174; và cuốn III, trang 187-200: "Đó là học thuyết của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô, của Thánh Bernard và Thánh Gioan Thánh Giá."

{2} Nếu đó là vấn đề thân xác hiển vinh của Chúa và của Đức Maria, thì chúng phải hiện hữu, như các thân xác, kể từ khi Thăng thiên và Mông triệu, ở một địa điểm vật lý. Vì các nhà khoa học nói với tôi rằng vũ trụ đang giãn nở, do đó có giới hạn, tôi nghĩ một cách khá đơn giản rằng hai thân xác hiển vinh này hiện hữu bên ngoài vũ trụ. Dường như đối với tôi, người ta có thể quan niệm rằng các thân xác này tự phá giới hạn trong không gian toán học (tự nó, hoàn toàn có tính lý tưởng), một nơi mà sự hiện hữu của chính chúng trở thành hiện thực và cùng trương độ với chúng.

Tuy nhiên, có thể liên quan đến điểm cuối cùng này, nếu, theo tôi nghĩ, chúng ở bên ngoài và quá bên kia trọn bộ vũ trụ của chúng ta (Há Thánh Tôma, III, 57, 4, đã không dạy, như Thánh Phaolô, Êphêsô 4:10, rằng Chúa Kitô đã lên "cao trên các tầng trời," super omnes coelos đó sao?), tuy nhiên vẫn theo nghĩa biểu tượng được chỉ ra ở trên mà chúng ta nói rằng chúng "đang ở trên Thiên đàng." Dù chúng ở đâu về mặt thể xác (và chắc chắn đó không phải là thiên đàng của các nhà thiên văn học), Chúa Giêsu Kitô và Mẹ của Người ở gần Thiên Chúa một cách thiêng liêng hơn bất cứ tạo vật nào khác, và chia sẻ sự vinh hiển của Thiên Chúa ở một mức độ tối cao.

{3} Tôi tin vào sự ăn năn này với Thánh Irênê (xem Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn III, tr. 549). - Về ân sủng dự ứng, x. sđd., tr. 350.

{4} Xem Đức Bênêđíctô XII, Const. Benedictus Deus, Denz.-Schön., 1000. - Các linh hồn người công chính trước thời Chúa Kitô, và những người chờ đợi Người đến, thấy mình được hạnh phúc sâu xa, vì họ được ân sủng, tham dự vào sự sống thần linh, nhưng, vì họ chưa được phúc kiến, nên vẫn còn phải ước muốn: hạnh phúc và ước muốn chắc chắn lớn hơn nhiều so với những đứa trẻ chết mà không được Rửa tội hoặc không có nghi thức có khả năng thay thế nó, và trước khi có thể thực hiện lựa chọn đạo đức đầu tiên của chúng, và những người sẽ không bao giờ nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. (Tuy nhiên, họ không trải qua đau khổ bên trong hay bên ngoài, -- xem St. Thomas, De Malo, q. 5, a. 3, - và tận hưởng tất cả hạnh phúc mà chỉ thiên nhiên có thể ban tặng, - xem Journet, sđd., II, các tr. 773-779. – Trường hợp các trẻ em chết mà không được rửa tội đã được nhà triết học đặc biệt lưu ý, vì nó chứng minh cho sự kiện này là mọi trình độ hữu thể cuối cùng sẽ nên trọn, kể cả việc bành trướng hoàn toàn tự nhiên của con vật được ban tặng lý trí, một con vật mang trong mình mong muốn tự nhiên được nhìn thấy Nguyên nhân của hữu thể, nhưng, trong trường hợp được xem xét, không chịu các sai lệch mà lý trí bị tổn thương vốn đẩy chúng ta tìm kiếm vật thay thế để thỏa mãn nó.)

Tại sao những người công chính chết trước khi Chúa Kitô đến đã phải chờ đợi lâu dài như thế? Về trường hợp Ápraham (câu 8 đến câu 19) và Môsê (câu 23 đến câu 29), và của nhiều người khác "mà thế gian không xứng đáng với họ", Thánh Phaolô nói với chúng ta, trong Chương 11 của Thư gửi tín hữu Do Thái (39 -40): " Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa. Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho họ đạt tới hạnh phúc trọn vẹn." (Xem SPICQ, trong Études bibliques, L'Épitre aux Hébreux, cuốn II, trang 368.)

Việc Chúa Kitô xuống Ngục Tổ tông [Hades] là một tín điều. Các Tiến sĩ thánh bất đồng về những điểm phụ liên quan đến những gì Người làm ở đó (xem Journet, sđd., III, trang 551-552). Nhưng về điểm mà người công chính bị giữ trong cảnh chờ đợi chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa sau khi Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi đó bằng cách hiện ra với họ, thì truyền thống tông đồ đã nhất trí truyền từ đời này sang đời khác, và do đó, tôi nghĩ (tôi thú thật là hơi tiếc) rằng điểm đang bàn không phải chỉ là một phỏng đoán của các Giáo phụ về việc xuống ngục tổ tông, nhưng phải được xem như là liên quan đến cả đức tin. Ở đây có một điển hình đặc biệt có ý nghĩa về sự kiện này là đức tin thần học không chỉ dựa vào điều đã là đối tượng của một định nghĩa Công đồng hoặc của một định nghĩa ex cathedra; không những kho tàng đức tin còn được giao phó cho giáo huấn của huấn quyền thông thường, nhưng hơn nữa nó còn nội tại trong điều tôi gọi (Ch. V, tr. 38) là tính phổ quát của ân sủng của Giáo hội (x. tr. 53, nhân nói tới sensus fidei [cảm thức đức tin] của Giáo Hội Hoàn vũ).

Để trở lại việc Xuống ngục Tổ tông, nhưng lần này liên quan đến điều mà về chủ đề của nó chỉ là vấn đề quan điểm, Thánh Tôma, cùng với nhiều vị khác, nghĩ rằng (Sum. Theol., III, q. 52) Chúa Kitô không đến thăm nơi đó chỉ để ban cho họ ánh sáng vinh quang vĩnh cửu, mà Người còn nói chuyện với những kẻ bị giam cầm (trong những điều kiện như thế nào thì không ai biết, kể cả Thánh Tôma). Đối lập với ý kiến vừa rồi (52, 8), tôi muốn nghĩ rằng, nhờ một hành động ân xá của vương quyền, Chúa Kitô cũng đã giải thoát khỏi Luyện ngục những người mà Người muốn, ngay cả khi họ chưa hoàn tất thời gian thanh tẩy.

{5} Đây là điều mà Đức Hồng Y Journet gọi là thời đại thứ ba của Giáo hội. Xem thêm, Ch. VIII, n. 3 và Ch. IX, n. 7.

{6} Ở đây trên trái đất này, Chúa Kitô, Đấng mà ngôi vị là Thiên Chúa, thấy Người trong bản chất nhân loại của Người cùng một lúc dưới trạng thái vinh quang ở phần cao hơn của linh hồn Người, vì ở đó, Người được Diệu kiến, và dưới trạng thái lữ hành trong phần dưới của linh hồn Người, vì ở đó, Người tiến triển trong ân sủng và đức ái. (Xem cuốn sách của tôi de la grâceet de l'humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu).

Ngôi vị của Giáo hội, vốn là một ngôi vị hoàn toàn nhân bản (ngôi vị tập thể duy nhất và được cá thể hóa một cách siêu nhiên bởi sự hiệp nhất hoàn hảo của hình ảnh Chúa Kitô in sâu trong nó), cùng một lúc thấy mình dưới trạng thái vinh quang và dưới trạng thái lữ hành bởi các chi thể đã lập thành ra mình, và khác nhau trong hai trường hợp, - trường hợp các linh hồn diễm phúc (và những thiên thần thánh thiện), và trường hợp những người đang trên đường tới cùng đích của họ.

{7} Thánh Augustinô mời gọi chúng ta xem xét Giáo hội trong tính toàn diện của nó. "Trật tự đúng của Kinh Tin Kính đòi Giáo hội phải phụ thuộc vào Chúa Ba Ngôi, như, người ta có thể nói, vào Đấng cư ngụ Nhà của chính Người, vào Thiên Chúa đền thờ của chính Người, vào Đấng sáng lập kinh thành của chính Người. Và ở đây, Giáo Hội phải được hiểu một cách trọn vẹn - không những Giáo hội của những phần tử đang lữ hành trên mặt đất, từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn luôn ca tụng Danh Chúa (xem Tv 113: 3), và ca một bài ca mới (Kh 5:9) sau khi kết thúc thời gian bị giam cầm cổ xưa của nó, nhưng cả Giáo hội ở trên trời, từ ngày dược tạo dựng luôn luôn tuân phục Thiên Chúa và chưa trải qua bất cứ cuộc sa ngã nào để làm nó bị thương." Enchiridion, c. 15, n. 56.

{8} Lc 18: 8.

{9} Xem 1Tx. 4: 14-17.

{10} Liên quan đến việc truyền đạt tư tưởng hoàn toàn phi vật chất này ("kiểu nói" của các thiên thần), cũng như liên quan đến sự chiếu sáng của thiên thần, và cách thức trong đó nó chiếu xuống, trong những tấm ánh sáng khả niệm, từ các thiên thần cao nhất và gần nhất với Thiên Chúa tới những thiên thần ít cao hơn, những vị đầu tiên phân chia các quan niệm phổ quát hơn của họ để thích ứng chúng với khả năng của những vị thứ hai, và để làm cho những món quà tặng họ về tất cả những gì họ biết đẹp đẽ hơn, xin xem bài viết của tôi "Le tenant-lieu de théologie chez les simples," Nova et Vetera, Tháng 4-Tháng 6, 1969, trang 90-93.

{11} Trong những vấn đề tín điều, Giáo Hội Chính thống Greco-Slavonic (mà tôi sẽ trở lại trong Chương X) đã dừng lại ở điều nó tuyên xưng và giảng dạy lúc tách khỏi Rôma. Không tiến bộ trong việc giải thích đức tin tông đồ, tôi xin nói rằng nó bất động hơn là không thể sai lầm.

{12} Denz.-Schdn., 3074.
 
VietCatholic TV
Moscow tê tái: Tướng Nga bị Ukraine lừa, cả Lữ Đoàn TQLC bị xóa sổ. Tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga
VietCatholic Media
03:14 08/11/2022


1. Bộ Quốc Phòng Nga lên tiếng về báo cáo Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị xoá sổ hoàn toàn ở miền Đông Ukraine

Trong một diễn biến chưa từng có, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đã có bước đi bất thường khi phủ nhận thông tin của các blogger quân sự Nga cho rằng một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã bị xóa sổ hoàn toàn trong một cuộc tấn công không có kết quả ở miền đông Ukraine.

Theo thông tấn xã RIA của Nga, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov đã bác bỏ khẳng định của các blogger Nga cho rằng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã bị “tổn thất nặng nề một cách vô nghĩa về người và thiết bị”.

Các blogger Nga cho rằng trong trận Pavlivka, Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 đã bị xóa sổ bất kể Hạm đội Thái Bình Dương đã tung Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 đến tiếp cứu. Có blogger đi xa đến mức gọi Trung Tướng Rustam Muradov, Tư Lệnh Tập Đoàn Quân Phía Đông của Nga là một “thằng ngu khủng khiếp”.

Konashenkov khẳng định rằng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương vẫn tồn tại và trong 10 ngày qua, đơn vị này đã tiến được 5km vào các vị trí phòng thủ của Ukraine ở phía tây nam Donetsk.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Konashenkov đặc biệt phủ nhận rằng các chỉ huy của lữ đoàn đã thể hiện sự kém cỏi.

Konashenkov được tường trình nói rằng:

“Do các hành động có thẩm quyền của chỉ huy đơn vị, tổn thất của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 trong thời gian qua không vượt quá 1% sức chiến đấu và 7% bị thương, một phần đáng kể trong số đó đã trở lại làm nhiệm vụ.”

Sự phủ nhận hiếm hoi cho thấy các báo cáo đã chạm vào dây thần kinh của Bộ Quốc Phòng Nga vào một thời điểm trong tháng thứ chín của cuộc chiến khi các lực lượng Nga đang chịu áp lực nặng nề tại các khu vực bị chiếm đóng một phần của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình – Đó là các hành động bị Kyiv, phương Tây và hầu hết các quốc gia của Liên Hiệp Quốc tố cáo là bất hợp pháp.

Tin tức cho rằng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 bị xóa sổ đến từ các blogger quân sự phò Điện Cẩm Linh phù hợp với bài diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Hai 7 tháng 11, trong đó ông ghi nhận rằng thiệt hại trong ngày Chúa Nhật của Nga chủ yếu là ở vùng Donetsk. Tin tức này lan rất nhanh trên mạng xã hội và cho thấy sự bất mãn đối với Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu Nga ngay trong hàng ngũ những người ủng hộ Putin.

2. Vài nét về tướng Nga Rustam Usmanovich Muradov

Trung tướng Rustam Usmanovich Muradov, người đang bị tấn công dữ dội trên các mạng xã hội của Nga, sinh ngày 21 tháng 3 năm 1973. Ông hiện là Chỉ huy trưởng Quân khu phía Đông kể từ ngày 7 tháng 10 vừa qua. Trước đó, ông là Tư Lệnh Phó Quân khu phía Nam từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 10 vừa qua. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga năm 2017.

Rustam Usmanovich Muradov chào đời tại Chinar, Quận Derbentsky của Dagestan.

Muradov học tại trường trung học Chinar địa phương. Sau đó tốt nghiệp trường Quân sự Kazan Suvorov. Tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 1990, ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường chỉ huy vũ khí tổng hợp Leningrad và Học viện vũ trang liên hợp của Liên bang Nga vào năm 1995. Năm 2015, ông tốt nghiệp Học viện quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu vũ trang Nga.

Năm 1996, ông là Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Trung đoàn súng trường cơ giới 242, và cho đến năm 2009, giữ chức chỉ huy trưởng Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 17. Từ năm 2009 đến năm 2012, ông là chỉ huy của Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 36 thuộc Quân khu phía Đông. Năm 2012, ông được phong quân hàm thiếu tướng.

Từ năm 2015 đến năm 2017, ông giữ chức Tư Lệnh Phó Quân đoàn 41 Liên hợp Vũ khí Nga. Năm 2016, ông là đại diện của Nga tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung Nga-Ukraine về ngừng bắn và ổn định đường phân định giữa các bên ở Donbas. Vào ngày 5 tháng 3 năm 2016, tại Donbas, Muradov, cùng với các đại diện khác của phía Nga bị quân Ukraine tấn công trong khoảng 20 phút nhưng không chết.

Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm cố vấn quân sự ở Syria. Muradov được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga cùng năm đó. Sau đó, ông giữ chức Chỉ huy trưởng Đội Cận vệ Đỏ 2 của Quân khu Trung tâm cho đến khi Andrey Kolotovkin thay thế ông vào năm 2018. Kể từ đó, ông là Tư lệnh Phó Quân khu phía Nam. Ông được thăng cấp trung tướng vào ngày 20 tháng 2 năm 2020 theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Vào tháng 2 năm 2022, Liên minh Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Muradov liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Ngày 7 tháng 10 năm 2022, Tướng Muradov được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu phía Đông. Có những đồn đoán cho rằng khả năng Tướng Muradov sẽ bị Putin cách chức là rất cao sau vụ Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155.

3. Báo chí phương Tây nói gì về vụ Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị xoá sổ hoàn toàn.

Trong hàng ngũ những kẻ ủng hộ Putin có nhiều phe phái kình chống nhau. Các tin tức của các blogger Nga đôi khi được bi thảm hóa cho phù hợp với chương trình nghị sự của họ. Tuy nhiên, tin cho rằng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương bị xoá sổ hoàn toàn có thể là trung thực.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có bài tường trình nhan đề “Russian Marines Are Getting Killed And Wounded By The Hundreds In Ukraine”, nghĩa là “Thủy Quân Lục Chiến Nga thương vong hàng trăm người tại Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào tháng 4 năm 2021, Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 40 của hải quân Nga, đóng trên Bán đảo Kamchatka ở đông bắc Nga, bận rộn thể hiện những gì họ có thể làm trên chiến trường Bắc Cực.

Trong một cơ hội chụp ảnh, những người lính của lữ đoàn mặc đồ rằn ri màu trắng đã lên máy bay vận tải AN-12 và AN-26, nhảy dù xuống một vùng băng rộng ở Bắc Cực đầy tuyết và đeo ván trượt để diễn hành qua khung cảnh băng giá.

Một năm sau, lữ đoàn trên đường tới miền đông Ukraine, đất nước có khí hậu ôn hòa hơn nhiều so với địa điểm họ được huấn luyện để chiến đấu. Điện Cẩm Linh, lúc đó đã chôn cất hoặc gửi tới bệnh viện 50,000 trong số 200,000 binh lính mà họ đã triển khai đến Ukraine vào tháng Hai, đã phải đưa thêm quân tiếp viện.

Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40, một trong số các đơn vị thuộc quân đoàn thủy quân lục chiến Nga đã dành nhiều năm chuẩn bị cho cuộc chiến ở Bắc Cực, đã có mặt. Vài tháng sau, nó sẽ hứng chịu thương vong nặng nề trong một cuộc tấn công tàn khốc nhằm vào lực lượng đồn trú của Ukraine ở Pavlivka, cách Donetsk 28 km về phía tây nam ở vùng Donbas, miền đông Ukraine.

Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 cùng với Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155, lực lượng chị em của nó trong hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đã mất tới 300 binh sĩ thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích trong các cuộc tấn công tại và xung quanh Pavlivka trong ngày thứ Sáu vừa qua.

Vào thời kỳ đỉnh cao của họ, hai lữ đoàn đã cùng nhau giám sát khoảng 6,000 quân. Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155 đã mất nhiều nhân sự khi cố gắng đánh chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng 2 và tháng 3.

Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 - cũng giống như lữ đoàn chị em của nó bao gồm một số tiểu đoàn cơ giới, một tiểu đoàn xe tăng và công binh hỗ trợ, pháo binh và phòng không - đến muộn hơn, sau khi Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155 đã được tái triển khai từ khu vực Kyiv đến Donbas, miền đông Ukraine.

Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155 và Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 dàn trận dọc theo khu vực mặt trận phía đông, kéo dài khoảng 5 dặm từ Pavlivka đến Yehorivka. Họ phải đối mặt với các lực lượng Ukraine thiện chiến, bao gồm cả Lữ đoàn cơ giới 72.

Trên lý thuyết, thủy quân lục chiến Nga ít nhất cũng là một đối thủ ngang ngửa với Ukraine. Nhưng trên thực tế, người Ukraine được trang bị vũ khí tốt hơn, được cung cấp tốt hơn và có động cơ tốt hơn so với người Nga.

Người Ukraine với các loại pháo mới do Ba Lan sản xuất và các bệ phóng hỏa tiễn do Mỹ sản xuất vào tháng 5 đã bắt đầu nhắm vào các đường tiếp tế của Nga. Đến tháng 8, người Nga chết đói và hết đạn dược - và người Ukraine biết điều đó.

Các lữ đoàn Ukraine phản công ở phía nam và phía đông. Quân Nga quay cuồng, bỏ lại hàng trăm xe tăng, xe chiến đấu và pháo khi họ tháo chạy. Trong vài tuần lễ tấn công không ngừng, người Ukraine đã giải phóng hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Trong khi hầu hết các lực lượng Nga ở Ukraine rút lui, một số Lữ Đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến - cũng như lính đánh thuê làm việc cho The Wagner Group, một công ty lính đánh thuê có hồ sơ đen tối - trong những tuần gần đây đã tiến hành các cuộc tấn công cô lập, mà trong một kế hoạch rộng lớn hơn, chẳng có bao nhiêu ý nghĩa về mặt quân sự. Các nhà phân tích cho rằng Tập đoàn Wagner đang cố gắng phát huy sức mạnh để tăng thị phần của mình trong ngành công nghiệp chiến tranh của Nga.

Những gì mà Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 và Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cận vệ 155 đã cố gắng đạt được vào tuần trước trong các cuộc tấn công đơn độc của họ vào hoặc xung quanh Pavlivka là không rõ ràng. Trong mọi trường hợp, cả hai đều thất bại. Các nguồn tin của Nga cho biết ít nhất 63 trong số 155 binh sĩ của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã chết trong 4 ngày đầu tiên. Điều đó rõ ràng là nhiều hơn số thiệt mạng trong trận giao tranh tồi tệ nhất ở Chechnya hơn 20 năm trước.

Các nguồn tin Nga cho biết khoảng 240 lính thủy đánh bộ khác từ Lữ đoàn 155 và 40 đã thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích. Các nguồn tin tương tự báo cáo rằng hai lữ đoàn đã mất một nửa trang thiết bị của họ — bao gồm các xe tăng T-80 và các phương tiện chiến đấu BMP và BTR — trong các cuộc tấn công bế tắc vào Pavlivka.

Các binh sĩ của lữ đoàn đã đổ lỗi cho chỉ huy mới của Quân khu phía Đông của Nga, Trung tướng Rustam Muradov.

Nhưng vấn đề còn rộng hơn thế. Quân đội Ukraine đang tiến lên. Quân đội Nga đang tiếp tục rút lui. Một vài hành động phản công cô lập không thể thay đổi điều đó. “Một lần nữa chúng tôi lại bị ném vào một cuộc tấn công không thể hiểu nổi,” các cựu binh của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 ta thán trên mạng xã hội.

4. Bản tin tình báo mới nhất của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo ngày 8 tháng 11, Bộ Quốc Phòng Anh nhận định như sau:

Nga đã bắt đầu xây dựng các công trình phòng thủ xung quanh thành phố Mariupol, bị tạm chiếm, ở miền nam Ukraine. Hai nhà máy đang sản xuất cấu trúc chống tăng hình chóp bằng bê tông, được gọi là răng rồng, cho mục đích này.

Răng rồng có thể đã được lắp giữa Mariupol và làng Nikolske; và từ phía bắc Mariupol đến làng Staryi Krym. Mariupol là một phần của 'cầu nối trên bộ' đi từ Nga đến Crimea, một tuyến liên lạc hậu cần quan trọng.

Răng rồng cũng đã được gửi đến để chuẩn bị các công sự phòng thủ ở các vùng tạm chiếm Zaporizhzhia và Kherson.

Nga đang củng cố các phòng tuyến của mình trên khắp các khu vực bị chiếm đóng. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2022, chủ sở hữu Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã tuyên bố việc xây dựng 'Phòng tuyến Wagner' kiên cố ở vùng Luhansk bị Nga chiếm đóng.

Hoạt động này cho thấy Nga đang nỗ lực đáng kể để chuẩn bị khả năng phòng thủ sâu phía sau tiền tuyến hiện tại của họ, có khả năng ngăn chặn bất kỳ bước tiến nhanh chóng nào của Ukraine trong trường hợp có đột phá.

5. Máy bay Ukraine tấn công ba vị trí phòng không của Nga vào ngày 7 tháng 11

Máy bay của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công các vị trí của đối phương 9 lần vào thứ Hai, ngày 7 tháng 11.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 8 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các chiến đấu cơ Ukraine đã đánh vào 6 khu vực tập trung nhân lực, vũ khí trang bị quân sự và 3 vị trí phòng không của đối phương. Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi một máy bay Su-25 của quân Nga.

Các binh sĩ của lực lượng hỏa tiễn và pháo binh Ukraine hôm thứ Hai đã đánh trúng bốn sở chỉ huy, hai khu vực tập trung nhân lực và vũ khí, và một kho đạn của quân xâm lược.

6. Nga mất 560 binh sĩ, 25 xe tăng và thiết giáp trong 24 giờ qua.

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 8 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy 2 xe tăng và 3 xe chiến đấu bộ binh của Nga tại khu vực Donetsk trong ngày thứ Hai.

Phát ngôn nhân cho biết: “Hai xe tăng T-72B3 và ba xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga đã bị tấn công bằng pháo, và hỏa tiễn dẫn đường chống tăng”.

Công việc được thực hiện bởi Lữ đoàn cơ giới 72 của Quân đội Ukraine gần Pavlivka của vùng Donetsk.

Xin nhắc lại rằng, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 7 tháng 11 năm 2022, tổng thiệt hại khi chiến đấu của Nga tại Ukraine lên tới khoảng 76,460 quân.

Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 76,460 binh sĩ Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 7 tháng 11, trong đó có 530 người chỉ tính riêng trong ngày qua.

Tổng thiệt hại chiến đấu của đối phương còn bao gồm 2,771 xe tăng, 5,630 xe thiết giáp, 1,782 hệ thống pháo, 391 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 202 hệ thống phòng không, 277 máy bay chiến đấu, 260 máy bay trực thăng, 16 tàu chiến, 1,472 máy bay không người lái, 399 hỏa tiễn hành trình, 4,199 xe chuyển quân và nhiên liệu, 157 đơn vị thiết bị đặc biệt

7. Nga chỉ còn tồn kho gần 120 hỏa tiễn Iskander

Theo thông tin tình báo hiện có, Nga đã đặt mua hỏa tiễn đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar từ Iran vì nước này chỉ còn khoảng 120 hỏa tiễn Iskander.

Phát ngôn viên của Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, Vadym Skibitskyi, cho biết như trên.

Theo Skibitskyi, Ukraine vẫn chưa có biện pháp phòng thủ hiệu quả trước hỏa tiễn đạn đạo. Đặc biệt, vào tháng 10, lực lượng phòng không đã bắn hạ 3 trong số 25 hỏa tiễn đạn đạo Iskander do Nga phóng, trong khi khoảng 80% hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái bị bắn hạ trong cuộc tấn công quy mô lớn mới nhất vào các cơ sở hạ tầng quan trọng vào ngày 31/10.

Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm Chúa Nhật trong bối cảnh đã có hơn 4.5 triệu người không có điện ở Kyiv và sáu khu vực khác vì các cuộc tấn công của Nga.

“Chúng tôi cũng hiểu rằng nhà nước khủng bố đang tập trung lực lượng và phương tiện để có thể lặp lại các cuộc tấn công hàng loạt vào cơ sở hạ tầng của chúng ta. Trước hết là vào năng lượng,” Zelenskiy nói. “Đặc biệt, đối với vấn đề này, Nga cần hỏa tiễn của Iran”, Tổng thống Ukraine nói và cho biết thêm Ukraine đang “chuẩn bị đáp trả”.

Ông cũng nói rằng vào ngày Chúa Nhật, người Nga đã “sử dụng máy bay không người lái tấn công của Iran một lần nữa”, nhưng ông không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.

“Cả thế giới sẽ biết rằng chế độ Iran đang giúp Nga kéo dài cuộc chiến này,” Zelenskiy nói.

“Nếu không phải do Iran cung cấp vũ khí cho kẻ xâm lược, chúng ta đã tiến gần hơn tới hòa bình. Và điều này có nghĩa là tiến gần hơn đến một giải pháp hoàn chỉnh cho cuộc khủng hoảng lương thực.”

Iran đang chuẩn bị gửi thêm khoảng 1,000 vũ khí, bao gồm hỏa tiễn và nhiều máy bay không người lái tấn công hơn, cho Nga, các quan chức từ một quốc gia phương Tây theo dõi chặt chẽ chương trình vũ khí của Iran nói với CNN.

Lô hàng đang được giám sát chặt chẽ vì đây sẽ là lần đầu tiên Iran gửi hỏa tiễn dẫn đường chính xác tiên tiến cho Nga, điều này có thể mang lại cho Điện Cẩm Linh một động lực đáng kể trên chiến trường.

Máy bay không người lái của Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào cuối tháng Hai.
 
ĐTGM Ukraine triều yết ĐGH: Điều kiện của Putin là đầu hàng vô điều kiện. Đó không phải là đàm phán
VietCatholic Media
05:02 08/11/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã gặp Đức Giáo Hoàng để thông báo về tình hình Ukraine

Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Byzantine của Ukraine đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican hôm thứ Hai và nói rằng không thể có đối thoại với Nga chừng nào Mạc Tư Khoa coi nước láng giềng mà họ xâm lược là thuộc địa phải khuất phục.

Chuyến đi của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đến thăm Đức Giáo Hoàng là chuyến đi đầu tiên của ngài bên ngoài Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai. Ngài cho biết ngài thích ở lại Kyiv hơn để được gần gũi với người dân bất chấp bom đạn và gian khổ.

“Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến thuộc địa và các đề xuất hòa bình của Nga là đề xuất bình định thuộc địa,” ngài nói sau khi gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican.

Reuters tường thuật rằng Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, người đã nhiều lần thúc giục Đức Giáo Hoàng đến thăm Kyiv, đã đưa cho Đức Phanxicô một mảnh đạn từ một quả bom của Nga đã phá hủy mặt tiền của một nhà thờ ở Irpin vào tháng Ba.

“Những đề xuất này ngụ ý phủ định sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa và thậm chí cả Giáo Hội của họ. Đó là sự phủ định quyền tồn tại của nhà nước Ukraine với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã được cộng đồng quốc tế công nhận”, Đức Cha Shevchuk nói.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Với những tiền đề như thế, các đề xuất của Nga thiếu cơ sở để đối thoại.

2. Giáo Hội Chính thống của Ukraine sẽ cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 như người Công Giáo

Giáo Hội Chính thống của Ukraine đã quyết định cử hành lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong một động thái tách biệt với truyền thống Chính Thống Giáo theo đó Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 7 tháng 1, cùng thời điểm với Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa, nơi đã xuất phát ra cuộc chiến của Putin.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius Đệ Nhất của Kyiv và Toàn Ukraine đã cho biết như trên, và coi quyết định này như là một cách để Ukraine thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga, là người ủng hộ nổi bật của Vladimir Putin và đã nói rằng những người lính Nga thiệt mạng sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi của họ.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius cũng lên tiếng cáo buộc quân Nga cướp bóc Nhà thờ Thánh Catherine lịch sử của Kherson.

Các báo cáo từ Kyiv cho biết quân Nga đang tiếp tục cưỡng bách cư dân Kherson di tản, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc kể cả các tác phẩm nghệ thuật, máy kéo và xe hơi khi lực lượng của Ukraine áp sát thành phố này.

“Mọi thứ đang biến mất ở thành phố Kherson của Ukraine với tốc độ nhanh chóng. Một số là thực thể thể lý. Quân đội Nga đang lấy đi xe cứu thương, máy kéo và xe hơi cá nhân. Những thực thể văn hóa cũng bị cướp: các kho lưu trữ, các bức tranh và tác phẩm điêu khắc từ các bảo tàng nghệ thuật và nhà truyền thống địa phương. Ngay cả xương của người bạn và người yêu của Catherine Đại đế, Grigory Potemkin, cũng đã được đào lên từ một hầm mộ trong Nhà thờ Thánh Catherine.”

3. Nga 'sẵn sàng' nói chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine

Phát ngôn nhân của Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với Đức Thánh Cha Phanxicô, Hoa Kỳ và Pháp để tìm ra giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tất cả tình hình ở Ukraine với người Mỹ, với người Pháp và với Đức Giáo Hoàng,” Peskov nói trong một cuộc họp báo qua điện thoại hàng ngày vào ngày 25 tháng 10.

Quan chức Nga đề cập đến đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người hôm thứ Hai đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill “thúc đẩy tiến trình hòa bình” ở Ukraine.

Trong một tuyên bố với tạp chí Le Point, Macron cho biết ông đã đề nghị “Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cho Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill, và cả Joe Biden. Chúng ta cần Hoa Kỳ vào bàn để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”.

Peskov nói rằng “nếu điều này thực sự đi đúng hướng với những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi, thì nó có thể được đánh giá một cách tích cực.”

Đã 8 tháng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, cuộc chiến cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,000 thường dân, trong đó có gần 400 trẻ em.

Trong một diễn biến mới nhất, các quan sát viên cho rằng cuộc tấn công hôm thứ Bẩy 29 tháng 10, được cho là cuộc tấn công cường tập lớn nhất của Ukraine, vào Crimea, có lẽ sẽ thay đổi nhiều thứ.

Cuộc tấn công liên tục của Ukraine bắt đầu lúc 4h30 sáng và kéo dài ít nhất 5 giờ đồng hồ. Những tiếng nổ long trời làm rung rinh thành phố cùng với những tiếng nổ lớn là những tiếng trực thăng, và những tiếng súng nhỏ hơn, cùng với tiếng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Tất cả tạo thành một bầu không khí chiến tranh cao độ như thể quân Ukraine đang đến rất gần.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã tức giận cáo buộc 'các chuyên gia' của Anh, những người mà họ cho là có trụ sở tại thành phố Ochakiv, miền nam Ukraine, đã giúp chuẩn bị và huấn luyện Kyiv để thực hiện cuộc tấn công. Igor Konashenkov cũng cáo buộc Mỹ theo dõi từ trên máy bay và chỉ đạo cuộc tấn công, mặc dù ông ta không đưa ra được bằng chứng nào.
Source:Catholic News Agency

4. Một thế giới không có luật lệ à?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A World Without Rules?”, nghĩa là “Một thế giới không có luật lệ à?”.

Chúng ta hãy rõ ràng rằng các thuật ngữ “cộng đồng quốc tế” và “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường bị giản lược thành những từ ngữ lẫn lộn đến vô nghĩa. Hãy rõ ràng thêm rằng một số người viện dẫn một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” thường tìm kiếm sự áp đặt của Cộng hòa Thức Thời ở khắp mọi nơi. Thậm chí chúng ta hãy rõ rằng giấc mơ về một thế giới không có xung đột, được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế và “đối thoại”, đang bỏ qua những hậu quả lâu dài của tội nguyên tổ trong lĩnh vực chính trị.

Nói thế để thấy rằng có điều gì đó nghiêm trọng và vô trách nhiệm trong những quả lựu đạn khoa trương được tung ra từ phân khu chơi chữ của nhóm “nhân quyền mới” theo “những tưởng tượng duy tâm” về một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” - mà không có giải pháp thay thế đáng tin cậy nào được đề xuất.

Bạn muốn biết một thế giới không có trật tự, một thế giới mà ngay cả những quy tắc bất thành văn trong lương tâm con người cũng bị lờ đi mà có vẻ như không bị trừng phạt, sẽ trông như thế nào phải không?

Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài cự phách, giả dạng là một tổng thống hợp pháp và là người bảo vệ nền văn minh Kitô giáo, giết chết các đối thủ trong nước của mình; đè bẹp mọi nỗ lực của công chúng muốn thể hiện sự bất đồng chính kiến; đánh lừa không gian giao tiếp bằng những nói dối, hết lần này sang lần khác, xâm lược một quốc gia láng giềng hòa bình và cố gắng thôn tính các vùng lãnh thổ rộng lớn của họ; cho phép mình ngang nghiên nhắm vào thường dân vô tội một cách có chủ ý và cố ý phá hủy nhà trẻ, nhà hộ sinh và nhà thờ; phủ nhận các tội ác chiến tranh (bao gồm cả tra tấn và hành quyết hàng loạt) do đội quân bạo tàn của mình gây ra; thực hành tống tiền năng lượng; đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; biến các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống của đất nước mình thành những kẻ hèn hạ bỉ ổi; và làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, đặt những người yếu nhất và nghèo nhất vào nguy cơ đói kém.

Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài tàn nhẫn khác, người tưởng tượng mình đang thực hiện một sứ mệnh cao cả, nếu không phải là của thiên đường thì ít nhất cũng là của “lịch sử” đã gây ra cho thế giới một đại dịch kéo dài hơn một năm mà ông ta không thể kiểm soát được và có thể đã tạo ra nó; cố gắng mua con đường thống trị thế giới của mình bằng cách hối lộ các chính trị gia Thế giới thứ ba trong khi thuộc địa hóa đất nước của họ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng gây ra những nợ nần chồng chất cho phép hắn ta thể hiện quyền lực trên toàn cầu; thực hiện các động thái quân sự hung hăng chống lại các nước láng giềng trực tiếp của mình; thực hành các hành vi diệt chủng dân tộc và văn hóa thông qua các trại “cải tạo”; phá hủy sự tự do của một thành phố từng phát triển mạnh một thời; đòi hỏi rằng ngay cả các nhóm tôn giáo đã được chấp thuận cũng phải phục tùng “tư tưởng” của hắn ta; và bắt giam những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm, những người nói dám sự thật với uy lực của tự do khiến hắn ta sợ hãi.

Đó là một thế giới trong đó một nhà độc tài man rợ khác, kẻ có mái tóc quái dị, phát triển vũ khí hạt nhân và bắn hỏa tiễn đạn đạo một cách trơ trẽn vào một nước láng giềng, trong khi điều hành đất nước của mình như một trại tập trung rộng lớn, trong đó nạn đói là một công cụ của chính sách nhà nước.

Đó là một thế giới mà các nhà cai trị coi mình là chúa tể, sử dụng bộ máy nhà nước để thực thi khái niệm về “điều tốt đẹp nhất” của họ bằng cách giết người, tra tấn và bằng sự tàn bạo của cảnh sát, đồng thời gây bất ổn hơn nữa cho khu vực đầy biến động mà họ sinh sống.

Đó là một thế giới trong đó các tổ chức phi nhà nước, hoạt động như các tổ chức khủng bố, tàn phá những người khác từ căn cứ của họ ở những quốc gia bất ổn.

Đó là một thế giới trong đó một người từng bị bắt thời thanh niên, hiện đã ngoài bảy mươi tuổi, phá hủy xã hội dân sự và nền kinh tế của một quốc gia nhỏ bé, nghèo khó; quản thúc các đối thủ chính trị của mình trong nhiều tháng; xây dựng các nhà tù tra tấn các linh mục; trục xuất các Thừa sai Bác ái ra khỏi đất nước; bôi nhọ Giáo hội thông qua các phương tiện truyền thông do chế độ của ông ta thống trị; và bắt giữ một giám mục Công Giáo với những cáo buộc hoàn toàn giả mạo.

Đó là điều mà một thế giới thậm chí không có các quy tắc bất thành văn và các nhà lãnh đạo sẵn sàng thao túng sẽ trông như thế nào. Bất cứ ai tưởng tượng rằng loại thế giới này cuối cùng sẽ không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hoa Kỳ đều đang chìm trong sương mù ý thức hệ và mù mịt với thực tế. Điều gì xảy ra với Ukraine; điều gì xảy ra với các nước Baltic và Ba Lan nếu sự xâm lược của Nga không bị đánh bại ở Ukraine; điều gì xảy ra với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Jimmy Lai ở Hương Cảng; điều gì xảy ra với Đài Loan và những người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương; điều gì sẽ xảy ra nếu bọn mullah lấy được bom hoặc Al Qaeda tự tái tạo lại; những gì xảy ra ở các quốc gia đang thất bại ở Trung Mỹ — tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến chúng ta hiện tại và chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.

Đúng là nước Mỹ không thể là cảnh sát đương đầu với mọi chế độ tội phạm trên hành tinh. Nhưng cần phải có ai đó đối phó với bọn du đảng khi những kẻ vô pháp vô thiên này đe dọa các quy tắc quy định thứ tự tối thiểu cần thiết để ngăn thế giới trở thành một đội bắn vòng tròn: một khu rừng nhiệt đới Hobbesian mà tất cả đều được thiết lập để chống lại nhau. Không nắm bắt được điểm cơ bản này không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về lịch sử và tầm nhìn cận thị về chiến lược. Nó cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc liên đới, là một trong bốn trụ cột của học thuyết xã hội Công Giáo.
Source:First Things
 
Quân Nga đầu hàng tập thể ở Luhansk. Binh biến ở Kazan, đả đảo Putin. TQLC Nga muốn biết rõ sự thật
VietCatholic Media
15:18 08/11/2022


1. Quân Nga đầu hàng tập thể tại Luhansk

Trong bản báo cáo sáng thứ Ba 8 tháng 11, Thống Đốc Luhansk, là ông Serhiy Haidai, cho biết trong ngày thứ Hai Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 mang tên Kish Otaman Ivan Sirko đã chấp nhận việc đầu hàng tập thể của một lực lượng đông đảo các tân binh Nga vừa bị gọi nhập ngũ; và bị ném vào chiến trường Svatove.

Theo chính sách của Ukraine, các binh sĩ tự nguyện ra đầu hàng sẽ được phía Ukraine ghi nhận là tù binh thay vì hàng binh, để tránh cho những rắc rối sau khi được trao trả. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết các hàng binh có thể bị kết án 15 năm tù sau khi trở về Nga.

Thống Đốc Luhansk cho biết các binh sĩ Nga vừa ra đầu hàng là cư dân của thủ đô Mạc Tư Khoa và vùng lân cận.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Svatove là một thành phố trên sông Krasna ở vùng Luhanks của Ukraine. Nó đóng vai trò là trụ sở hành chính của quận Svatove. Dân số là 16,420 theo thống kê năm 2021.

Sau tuyên bố ly khai của Cộng hòa Nhân dân Luhansk vào ngày 27 tháng 4 năm 2014, vùng Luhansk đã trở thành một bãi chiến trường của Chiến tranh ở Donbas. Svatove vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Svatove bị lực lượng của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Luhansk của Nga và Luhansk chiếm đóng vào ngày 6 tháng 3 năm 2022.

Trong cuộc tổng phản công của quân Ukraine ở Kharkiv, tàn quân của Putin chạy qua sông Oskil, lấy con sông này làm phòng tuyến tự nhiên để cản đường tiến công của quân Ukraine. Ngày 10 tháng 9, quân Ukraine bắt đầu tấn công phòng tuyến của Nga tại sông Oskil. Bẩy ngày sau đó, quân Nga trấn thủ ở bờ Đông sông Oskil bỏ chạy về Svatove. Tàn quân tập trung tại một bến xe buýt. Dân Ukraine đi ngang phát hiện báo cáo cho quân Ukraine.

Ông Serhiy Hayday cho biết như sau: “Tại Svatove, quân Nga đã tập trung trong một bến xe buýt từ 200 đến 300 quân. Tất cả đã bốc hơi.”

Thiếu tướng Oleg Tsokov, Tư lệnh Sư Đoàn Súng Trường Cơ Giới 144, chạy thoát khỏi Kharkiv chỉ còn một đại đội, trú ẩn trong một ngôi nhà ở Svatove, trong vùng Luhansk. Ngày 20 tháng 9, ông ta được lôi ra khỏi đống gạch vụn sau khi bị quân Ukraine pháo kích. Oleg Tsokov được chuyển đến bệnh viện quân sự ở Rostov-on-Don cùng với 300 thi thể các binh sĩ Nga tử trận. Đến nay, vẫn chưa rõ ông ta sống chết ra sao.

Trong gần một tuần qua, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết nhiều đơn vị mới được tăng viện từ lực lượng bị gọi nhập ngũ theo khuôn khổ lệnh động viên bán phần của Putin đã quay lại tấn công Svatove để chặn đường tiến của quân Ukraine.

2. Nga tung máy bay tấn công vùng Kherson

Quân xâm lược Nga không kích vào các khu định cư ở vùng Kherson, một người bị thương.

Kyrylo Tymoshenko, Phó văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Kyiv hôm thứ Ba 8 tháng 11.

“Máy bay địch bắn phá vùng Kherson. Những kẻ khủng bố Nga đã phát động ba cuộc tấn công vào Nova Kamianka. Ngoài ra, 53 cuộc tấn công đã được thực hiện trên bảy khu định cư của quận Beryslav,” Tymoshenko lưu ý.

Theo ông, một người đã bị thương trong các cuộc tấn công.

Như đã đưa tin, vào khoảng 09h30 ngày 7/11, các xạ thủ phòng không Ukraine đã bắn rơi một máy bay cường kích Su-25 của Nga tại khu vực Kherson.

Lực lượng vũ trang Ukraine phá hủy một trung tâm chỉ huy máy bay không người lái của đối phương, ba kho đạn ở phía nam.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện 147 phi vụ hỏa lực, Không quân đã thực hiện hai lần xuất kích hiệu quả, đánh trúng các cụm quân và phần cứng của đối phương trong một số khu định cư trong ngày qua.

“Tình hình tại các khu vực hoạt động thuộc khu vực chúng tôi phụ trách luôn căng thẳng nhưng trong tầm kiểm soát. Ở hướng Nam Buh, địch tự vệ và cố gắng giữ các phòng tuyến đã chiếm đóng. Quân Nga tiếp tục gây sát thương bằng hỏa lực vào các vị trí của quân ta, các cộng đồng giáp ranh với tiền tuyến và khu vực hậu phương, phá hủy cơ sở hạ tầng, giết hại dân thường.”

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk lưu ý rằng người Nga đang tích cực sử dụng máy bay không người lái do thám dọc theo đường giới tuyến và ở những nơi bị thiệt hại do hỏa hoạn như tại thành phố Mykolaiv và vùng phụ cận, quận Nikopol, bờ Hắc Hải.

Cuộc tấn công vào kẻ thù được phát động gần đây ở Kakhovka đã được xác nhận. Kẻ thù đã bị thiệt hại đáng kể do một cuộc tấn công vào một tòa nhà nơi 200 quân xâm lược đang cư ngụ.

3. Binh biến trong quân đội Nga. Thiếu Tướng bị chửi bới phải gọi quân cảnh để thoát thân

Hai ký giả Will Stewart và Katie Davis của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “‘PUTINY’ GROWS We’re Putin’s cannon fodder, say Russian marines in letter – as vid shows mutinying troops tell general ‘shame on you’”, nghĩa là “Tình cảm bài Putin gia tăng. Thủy Quân Lục Chiến nói trong thư chúng tôi là bia đỡ đạn cho Putin – trong khi video cho thấy vị tướng bị chửi bới”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong một bức thư bị rò rỉ, có tác dụng như một quả bom, Thủy Quân Lục Chiến Nga đã chỉ trích Vladimir Putin vì đã dẫn họ vào một “vụ thảm sát”.

Bức thư xuất hiện khi các cuộc phản kháng nổ ra trong khắp các lực lượng vũ trang của Nga - với đoạn video quay cảnh 2,000 lính nghĩa vụ vây quanh một vị tướng và giận dữ hét lên: “Ông thật đáng xấu hổ”.

Thiếu tướng Kirill Kulakov, 53 tuổi, được nhìn thấy đã bị làm nhục trong cuộc nổi dậy của những người bị gọi nhập ngũ tại căn cứ huấn luyện của họ ở Kazan.

Chỉ huy đã bị hét vào mặt với những lời hô vang “Biến khỏi đây!”, “Ông thật đáng xấu hổ” và “Đả đảo chế độ Putin!”

Ông ta đã bị đám đông buộc phải “xin lỗi” về cách đối xử với những người bị gọi nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine.

Họ nói rằng họ thiếu thức ăn và nước nóng thích hợp trong các doanh trại tồi tàn và đã được cấp súng gỉ sét từ 50 năm trước.

Tại một thời điểm, vị chỉ huy được nghe nói: “Tôi đang trả lời câu hỏi của các bạn...”

Nhưng một tân binh giận dữ kêu lên: “Thưa tướng quân, ngài biết ngài đang cử chúng tôi đi đâu.”

Một người khác hét lên: “Bạn đang ngồi thoải mái ở một nơi ấm áp.”

Thiếu tướng Kulikov buộc phải gọi quân cảnh chống bạo động để khôi phục tình hình và thoát thân.

Putin đã kêu gọi 300,000 người tham gia cuộc xâm lược thảm khốc của ông vào Ukraine, nhưng những người lính nghĩa vụ được cho là sẽ phải chiến đấu mà không được đào tạo hoặc trang bị thích hợp.

Đáng báo động cho tổng thống là những người lính chuyên nghiệp cứng rắn cũng đã lên tiếng phẫn nộ trước cuộc chiến ngày càng không được ưa chuộng và tốn kém.

Một bức thư bị rò rỉ được gửi bởi những người lính Thủy Quân Lục Chiến tuyên bố 300 người trong số họ đã thiệt mạng trong một cuộc tắm máu kéo dài 4 ngày ở Pavlivka, thuộc vùng Donetsk.

Họ cáo buộc bạo chúa Putin đối xử với họ như “thịt” và cho rằng các tướng lĩnh “bất tài” đã sử dụng họ như “bia đỡ đạn”.

Các binh sĩ của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 đã viết thư cho thống đốc khu vực của họ là Oleg Kozhemyako ở Primorsky - thuộc vùng Viễn Đông của Nga - để gửi thông điệp của họ tới Điện Cẩm Linh.

Họ yêu cầu ông Putin phải được thông báo về vụ thảm sát và muốn một ủy ban quân sự độc lập được thành lập để điều tra.

Thủy Quân Lục Chiến viết: “Tuy nhiên, một lần nữa chúng tôi lại bị các tướng Muradov và Akhmedov ném vào một cuộc tấn công không thể hiểu nổi, để Muradov có thể nhận được tiền thưởng từ tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, và huy chương Anh hùng nước Nga được hứa cho ông ấy”.

“Vì thế, chúng tôi và các Thủy Quân Lục Chiến từ Kamchatka phải tiến về Pavlivka”.

“Kết quả của cuộc tấn công 'được lên kế hoạch cẩn thận' của những 'chỉ huy vĩ đại' này, là chúng tôi đã mất khoảng 300 người trong bốn ngày, bao gồm thiệt mạng, bị thương và mất tích.

“Chúng tôi đã mất 50% thiết bị quân sự và đây mới chỉ là các thiệt hại của lữ đoàn chúng tôi.”

Các binh sĩ mất tinh thần cũng tuyên bố các chỉ huy đang “che giấu” tình trạng lộn xộn ở Donetsk và “hạ giảm số lượng tổn thất vì sợ phải chịu trách nhiệm”.

Phát biểu trước thống đốc, họ viết: “Những kẻ tầm thường như Muradov và Akhmedov sẽ lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự vì lợi ích trong các báo cáo của họ, và để nhận phần thưởng bằng cái giá của rất nhiều mạng sống.”

“Họ không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài bản thân họ, họ coi mọi người là thức ăn gia súc.”

Thống đốc đã gửi đơn kháng cáo đến “các cơ quan có thẩm quyền”, trong khi khẳng định đây có thể là bức thư giả, một báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin của Nga cho biết bức thư từ Thủy Quân Lục Chiến là bức thư thật.

Lần đầu tiên nó được đưa ra ánh sáng bởi phóng viên chiến tranh nhà nước Nga Alexander Sladkov.

Ông cảnh báo “máu đang đổ và tiếp tục đổ” giữa các lực lượng Nga, với “thiệt hại lớn” về người và thiết bị.

Sau khi có các báo cáo của các phương tiện truyền thông Nga rằng bức thư có thể là tác phẩm của các lực lượng đặc biệt Ukraine, anh ta đã phản pháo lại ngày hôm nay và phủ nhận tài khoản của mình đã bị tấn công và nêu rõ bức thư hoàn toàn là sự thật và “mục tiêu là để cứu lực lượng Nga”.

“Hãy để họ trở thành anh hùng, không phải thịt lẫn với đất và gỗ ván.”

Hôm Chúa Nhật, Bộ Quốc phòng Nga cho biết “các nhóm tấn công và hỏa lực pháo binh của họ đã đánh bại các đơn vị dân quân Ukraine” ở Pavlivka và các làng khác.

Họ nói rằng Ukraine bị thiệt hại nặng nề trong các cuộc giao tranh dữ dội.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng quân đội Nga đã rơi vào một cái bẫy khi chiếm một nửa thị trấn và sau đó bị lực lượng Ukraine bắt gọn.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, tại Pavlivka, quân đội Nga đã bắn súng cối, đại bác và pháo phản lực. Nhưng lực lượng của Ukraine đã đẩy lùi quân Nga, những người đã bỏ lại những chiếc xe tăng T-80BVM khi họ rút lui.

Biến cố này diễn ra trong bối cảnh ông Putin bị bẽ mặt khi tiếp tục gặp phải những thất bại lớn ở Ukraine sau khi ngạo mạn tin rằng ông có thể tiến vào và chiếm lấy Ukraine trong vòng vài ngày.

Ukraine tuần trước tuyên bố Nga đã phải trải qua ngày đẫm máu nhất trên chiến tuyến sau khi gần 1,000 binh sĩ thiệt mạng chỉ trong 24 giờ.

Kênh Telegram General SVR nói rằng nhà lãnh đạo Nga đã được thông báo về 77,291 người thiệt mạng trong lực lượng chính quy của ông ta kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng Hai.

Ngoài ra, khoảng 23,517 người đã bị giết trong các công ty quân sự tư nhân như Wagner.

Và khoảng 5,308 vệ binh quốc gia Nga đã thiệt mạng

4. Ukraine tuyên bố quân Nga cải trang thành thường dân ở Kherson

Ukraine đã cáo buộc Nga cướp phá những ngôi nhà trống ở thành phố Kherson, miền nam nước này và chiếm giữ chúng cùng với quân đội trong trang phục dân sự để chuẩn bị cho cuộc giao tranh trên đường phố, điều mà cả hai bên đều dự đoán sẽ là một trong những trận chiến quan trọng nhất trong cuộc xâm lược Ukraine.

Trong những ngày gần đây, Nga đã ra lệnh cho dân thường rời Kherson để đề phòng một cuộc tấn công của Ukraine nhằm chiếm lại thành phố, là thủ phủ khu vực duy nhất mà Mạc Tư Khoa chiếm giữ kể từ cuộc xâm lược hồi tháng Hai.

Kherson, với dân số gần 300,000 người trước chiến tranh, đã trở nên lạnh lẽo và tăm tối sau khi nguồn điện và nước bị cắt ở khu vực xung quanh trong 48 giờ qua, cả hai bên cho biết.

Các quan chức do Nga lắp đặt đã đổ lỗi cho “sự phá hoại” của Ukraine và nói rằng họ đang làm việc để khôi phục điện. Các quan chức Ukraine cho biết người Nga đã tháo dỡ 1.5 km đường dây điện và điện có thể sẽ không hoạt động trở lại cho đến khi lực lượng Ukraine tái chiếm khu vực này.

Kyiv đã mô tả việc di tản khỏi khu vực này là một hành động trục xuất cưỡng bức, một tội ác chiến tranh. Mạc Tư Khoa cho biết họ đang đưa người dân đi nơi khác để bảo đảm an toàn.

Nataliya Humenyuk, phát ngôn nhân của Lực lượng phía Nam Ukraine, nói với truyền hình nhà nước rằng Nga đã đồng thời “vừa chiếm đóng vừa di tản”, cố gắng thuyết phục người Ukraine tin rằng họ rút đi trong khi thực tế là họ đang đào sâu các tuyến phòng thủ.

Cô nói: “Có những đơn vị phòng thủ khá mạnh đã đào các công sự trong đó, một lượng thiết bị nhất định đã được để lại, các vị trí khai hỏa đã được thiết lập.”

Cô nhấn mạnh rằng đó là một cái bẫy của người Nga. “Họ tuyên bố di tản nhưng thực tế là muốn dẫn dụ chúng tôi vào một cuộc chiến đường phố, trong đó chúng tôi không thể tận dụng được cáo ưu thế pháo binh.”

5. Công ty điện lực Ukraine cho biết các khu vực Kyiv và Kharkiv là những khu vực dễ bị mất điện nhất

Công ty năng lượng nhà nước Ukrenergo của Ukraine nói rằng nguồn cung cấp điện dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực Kyiv và Kharkiv sau một chiến dịch tấn công hỏa tiễn của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng điện.

Giám đốc điều hành của Ukrenergo, Volodymyr Kudrytskyi, cho biết trên truyền hình Ukraine hôm thứ Hai rằng tình hình rất khó khăn sau năm cuộc tấn công hỏa tiễn lớn và một số cuộc tấn công nhỏ hơn.

“Các đội sửa chữa đang làm việc 24 giờ một ngày trong suốt 7 ngày để khắc phục những hư hỏng gây ra trong những tuần qua. Tình hình khó khăn nhất là ở vùng Kyiv và vùng Kharkiv, “Kudrytskyi nói. “Vì vậy, đây là nơi diễn ra tình trạng cúp điện theo lịch trình, cúp điện hàng giờ như chúng tôi gọi, và các trường hợp cúp điện khẩn cấp bổ sung diễn ra theo thời gian để cân bằng hệ thống năng lượng ở những vùng này.”

“Chúng tôi đang làm việc để cải thiện tình hình trong lưới điện ở thành phố Kyiv và vùng Kyiv cũng như ở khu vực phía bắc, bao gồm vùng Kharkiv, vùng Sumy và vùng Poltava,” ông nói thêm.

Kudrytskyi nói rằng nếu không còn pháo kích nữa, cần có những cải thiện trong vài ngày nữa.

Ông cho biết các kỹ sư điện sẽ làm mọi thứ có thể để tránh mất điện toàn bộ.

Maksym Kozytskyi, thống đốc Lviv, một trong những khu vực cực tây của Ukraine, đã công bố các biện pháp chuẩn bị để tiếp nhận thêm người tị nạn và người di cư trong khu vực của mình, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ về việc cung cấp máy phát điện diesel và hỗ trợ tài chính cho vật tư y tế. Ông nói:

Vùng Lviv là một trong năm khu vực tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất. Có tính đến thực tế là người cư ngụ đang cần đến vào các cơ sở năng lượng, chúng tôi dự đoán một làn sóng mới của những người di dời nội bộ - từ những vùng mà họ sẽ không thể bắt đầu mùa sưởi ấm.

Vì vậy, chúng tôi đang cải tạo các ký túc xá mà không có ai ở trong một thời gian dài. Chúng sẽ là nơi trú ẩn cho những người mất nhà cửa do các hành động quân sự của Nga. Kinh phí từ ngân sách khu vực.

Một nhu cầu quan trọng khác của khu vực Lviv hiện nay là máy phát điện chạy dầu diesel. Chúng tôi muốn cung cấp những may này càng nhiều càng tốt cho tất cả các đối tượng quan trọng của vùng Lviv, cụ thể là các cơ sở y tế và giáo dục, các cơ sở nơi người già và người tàn tật, và trẻ em không có cha mẹ trong số những người phải di cư.

Ngoài ra, cần hỗ trợ tài chính cho các tổ chức y tế trong khu vực của chúng tôi, những tổ chức có nhu cầu về vật tư và thiết bị y tế ngày càng tăng.

6. Quan chức Ukraine cho biết hỏa tiễn đạn đạo Iran mua của Nga có thể cần phải bị phá hủy tại địa điểm phóng của chúng

Lực lượng không quân Ukraine nói rằng các hệ thống phòng không phương Tây mới được trang bị sẽ giúp đối phó với mối đe dọa mới từ hỏa tiễn đạn đạo do Iran trao cho Nga.

Yuriy Ihnat, phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân, nói trong cuộc họp báo tại Kyiv rằng Ukraine có thể tấn công vào các hỏa tiễn Iran tại các bãi phóng của họ, có thể nằm trong phạm vi nước Nga.

“Chúng phải bị tiêu diệt bằng cách nào đó, có thể là từ nơi chúng được phóng đi. Bởi vì chúng tôi không có phương tiện hữu hiệu nào để chống lại hỏa tiễn đạn đạo, ngoại trừ khả năng hủy diệt các bệ phóng của chúng.”

Ihnat cho biết các hỏa tiễn của Iran có “tầm bắn 300 và 700 km, về nguyên tắc sẽ không tạo ra điều gì mới cho Ukraine, bởi vì các hỏa tiễn Iskanders do Nga sản xuất đã được sử dụng từ ngày đầu tiên của cuộc chiến.”

Ihnat nói: “Tôi nghĩ rằng cả giới lãnh đạo quân sự hàng đầu và các đối tác của chúng ta đang làm việc về vấn đề này, tìm kiếm những cách thức hiệu quả để chống lại những mối đe dọa mới này.”

Ông nói rằng người Nga đã không thể đạt được tiến bộ trên chiến trường và đã phải dùng đến việc tấn công cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng và nước. “Trước hết, họ muốn đánh vào các cơ sở năng lượng trong giai đoạn thu đông, vì cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào chúng. Cuộc khủng bố đường không này sẽ tiếp tục bằng mọi cách hiện có “.

“Rõ ràng là các hỏa tiễn nhận được từ Iran, nếu nó được thực hiện, sẽ được sử dụng tại các cơ sở hạ tầng năng lượng, và [người Nga] cũng sẽ tiếp tục tấn công bằng hỏa tiễn hành trình.”

CNN đưa tin ngày 1/11 rằng Iran đang chuẩn bị gửi thêm khoảng 1,000 vũ khí, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và nhiều máy bay không người lái tấn công hơn, cho Nga, dẫn lời các quan chức từ một quốc gia phương Tây theo dõi chặt chẽ chương trình vũ khí của Iran.

7. Hệ thống phòng không tiên tiến mới đã đến Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết các hệ thống phòng không mới do các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp đã đến nước này hôm thứ Hai.

“Những vũ khí này sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho quân đội Ukraine và sẽ giúp bầu trời của chúng ta an toàn hơn,” Oleksii Reznikov nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục bắn hạ các mục tiêu đối phương đang tấn công chúng tôi. Xin cảm ơn các đối tác của chúng tôi: Na Uy, Tây Ban Nha và Mỹ.”

Hoa Kỳ vào mùa hè này đã cam kết gửi tám NASAMS – tức là Hệ thống Hỏa tiễn Phòng không Tiên tiến Quốc gia - tới Ukraine. Tòa Bạch Ốc vào tháng 10 cho biết họ sẽ xúc tiến việc chuyển giao hai hệ thống.

NASAMS cung cấp hệ thống phòng thủ tầm ngắn đến tầm trung và có khả năng tấn công hỏa tiễn hành trình của Nga. Đó là hệ thống tương tự được sử dụng để bảo vệ không phận ở Washington, DC.

8. Một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine cho biết Kyiv chưa bao giờ từ chối đàm phán với Mạc Tư Khoa và họ sẵn sàng đàm phán với nhà lãnh đạo tương lai của Nga, nhưng không phải với Vladimir Putin.

Mykhailo Podolyak đã đưa ra các nhận định trên theo sau báo cáo của Washington Post hôm thứ Bảy nói rằng chính quyền Biden đang khuyến khích riêng các nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra các dấu chỉ cởi mở trong việc đàm phán với Mạc Tư Khoa.

“Ukraine chưa bao giờ từ chối đàm phán. Lập trường đàm phán của chúng tôi được biết đến và cởi mở”, ông cho biết như trên và nói rằng trước tiên Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

“Putin đã sẵn sàng chưa? Rõ ràng là không. Do đó, chúng tôi mang tính xây dựng trong đánh giá của mình: chúng tôi sẽ nói chuyện với nhà lãnh đạo tiếp theo của Nga “.
 
FBI cảnh báo: Các hội đường Do Thái đang đối mặt với những mối đe dọa rất lớn. Bia mộ bí ẩn
VietCatholic Media
17:07 08/11/2022


1. Bia mộ bí ẩn kích hoạt cuộc tìm kiếm gia đình người quá cố trên toàn giáo xứ

Giáo xứ của Công Giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, ở South Glens Falls, New York, đang cố gắng tìm ra bí ẩn về những bia mộ khó hiểu được phát hiện trên khu đất của họ. Bia đá có niên đại trong thập niên 1860, nhưng phiến đá đã bị hư hại và nó không cho biết họ của người đã khuất.

Giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã chia sẻ câu chuyện về bia mộ 156 tuổi trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 2 tháng 11:

Bia mộ chỉ ra rằng nó đánh dấu nơi chôn cất của hai cá nhân: “Patrick - mất ngày 25 tháng 5 năm 1863. 4 Tuổi. Catharine - mất ngày 26 tháng 8 năm 1866. “ Trong khi tuổi của Catharine không được chỉ ra, giáo xứ tin rằng cô vẫn còn là một đứa trẻ khi cô qua đời. Không có họ trên các bia mộ khiến việc việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn đối với giáo xứ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình News 10, Cha Tony Childs, là cha sở tại nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, giải thích rằng các bia mộ được phát hiện một cách tình cờ khi đang chuẩn bị địa điểm cho một bức tượng mới cùng tên của nhà thờ. Trong khi một nhóm công nhân đang san phẳng đất để lắp đặt các tấm lát sân, họ đã khai quật được các tảng đá bị vỡ. Nhóm nghiên cứu không thể xác định được phần còn lại trước khi họ mở rộng khu vực.

Không biết chính xác các bia mộ này được chôn cất như thế nào, nhưng giáo xứ tin rằng nó xảy ra khi nhà thờ giáo xứ được xây dựng lại. Tuy nhiên, trước khi việc xây dựng có thể bắt đầu, họ phải di chuyển nghĩa địa cũ từ thế kỷ 19 của mình. Các bia đá này chắc đã bị chôn vùi trong quá trình chuyển giao này.

Với những gì còn lại của nghĩa địa cũ bên dưới nhà thờ, giáo xứ không hy vọng sẽ tìm thấy thêm bằng chứng liên quan đến bia đá của Patrick và Catharine. Tuy nhiên, Cha Childs vẫn có ý định tìm kiếm gia đình còn sống của họ. Ngài nói với News 10:

“Rõ ràng là một gia đình vào những năm 1860 đã chôn cất hai đứa trẻ này. Vì bất cứ lý do gì, bia đá đã không được chăm sóc cẩn thận, và điều tôi muốn làm là trở thành một người quản lý tốt “.

Với rất ít thông tin để tiếp tục, và không có những hứa hẹn có thể có thêm bằng chứng, giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã phải làm một số điều tra. Cha Childs cho biết họ đã tìm kiếm trên các trang web về phả hệ như 23andMe, cũng như lục tung các hồ sơ trên báo nhưng đều không có kết quả. Các tìm kiếm tương tự trên FindAGrave và FamilySearch cũng không thành công.

Ngài cho biết bước tiếp theo sẽ là tham khảo ý kiến của Trung tâm cuộc sống dân gian tại Thư viện Công cộng Crandall, nơi có thể có các hồ sơ công khai có niên đại đủ xa để xác định Patrick và Catharine. Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể mang lại một nguồn dẫn mới, như một người tên Theresa Taylor nhận xét trên bài đăng trên Facebook rằng viên đá đầu có thể thuộc về gia đình mẹ cô. Giáo xứ đã mời cô ấy liên hệ, nhưng chưa có các kết quả khả quan.

Trong khi cuộc tìm kiếm có vẻ như có thể kết thúc trong thất bại, anh chị em giáo dân giáo xứ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae có vẻ tự tin rằng họ có thể tìm thấy những người thân còn sống của những người đã khuất. Năm 1995, giáo xứ đã phát hiện ra một bia đá tương tự không thể xác định được trong quá trình tu bổ nhà thờ. Trong trường hợp này, gia đình của người quá cố đã nhận ra bia đá và nó đã được trả lại cho họ.
Source:Aleteia

2. Thuế Giáo hội Đức có nên được bãi bỏ hay không?

Trong khi Thượng Hội đồng Đức đang thu hút rất nhiều sự chú ý vì những đề xuất cải cách đặc biệt liên quan đến luân lý tình dục hoặc vị trí của giáo dân và phụ nữ trong Giáo hội, thì cơ quan truyền thông Mỹ The Pillar lại chiếu vào một đặc điểm kinh tế quan trọng của Giáo hội ở Đức. Nguồn gốc của khối tài sản khổng lồ là thuế nhà thờ, vào năm 2021 thu được tới 6/7 triệu euro. Tuy nhiên, chính sách này là một vấn đề đáng tranh luận bởi vì, mặc dù nó cho phép Giáo hội thu được các nguồn lực quan trọng, nhưng nó cũng khiến Giáo hội phụ thuộc rất nhiều vào loại thuế này.

Sự sụt giảm về số lượng tín hữu trong Giáo Hội nộp thuế, đã diễn ra rõ ràng trong nhiều năm, có thể dẫn đến sự sụp đổ trong cấu trúc này. Đây là một lý do khác khiến nhiều nhà cải cách Đức thúc đẩy thay đổi Giáo hội, để Giáo hội đáp ứng nhiều hơn với yêu cầu của những người đang rời bỏ Giáo hội.

Markus Reif, giám đốc tài chính của Tổng giáo phận giàu có của Munich và Freising, nơi có ngân sách hàng năm nhiều hơn 30 lần so với ngân sách của Vaticab, coi các yêu cầu liên quan đến thuế là “theo chủ nghĩa dân túy.” Ông giải thích, nhiều công việc phụ thuộc vào thuế cũng như rất nhiều viện trợ cho các Giáo Hội nghèo hơn trên khắp thế giới. Đối với ông, các lựa chọn do Thượng Hội đồng Đức đề xuất, là nhằm vuốt ve người đóng thuế, cho họ có tiếng nói lớn hơn về cách Giáo hội sử dụng các quỹ này.
Source:Pillar

3. FBI: Các giáo đường Do Thái ở New Jersey phải đối mặt với 'mối đe dọa rất lớn' đáng tin cậy

Các giáo đường Do Thái ở New Jersey nên cảnh giác trước mối đe dọa có thể xảy ra, FBI cho biết hôm thứ Năm.

“FBI đã nhận được thông tin đáng tin cậy về một mối đe dọa rộng rãi đối với các giáo đường Do Thái ở New Jersey,” văn phòng FBI tại Newark cho biết trên Twitter vào chiều thứ Năm. “Chúng tôi yêu cầu các bạn thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa an ninh tại thời điểm này để bảo vệ cộng đồng và cơ sở của các bạn.”

“Cảnh giác. Trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi cảnh sát, “cơ quan này cho biết thêm. “Chúng tôi đang thực hiện một biện pháp chủ động với cảnh báo này trong khi các quy trình điều tra được thực hiện.”

CNA đã liên hệ với Tổng giáo phận Newark và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo New Jersey để nhận xét và sẽ cập nhật khi cần thiết.

Trong một báo cáo được công bố vào đầu năm nay, Liên đoàn Chống phỉ báng cho biết đã có ít nhất 2,717 vụ bài Do Thái được biết đến trên khắp Hoa Kỳ vào năm 2021, tăng 34% so với năm trước.

Vào tháng 5 năm 2021, các giám mục hàng đầu của Hoa Kỳ đã chỉ trích sự gia tăng các vụ bài Do Thái.

“Chúng ta không thể im lặng khi chứng kiến những anh chị em của mình đau khổ vì là người Do Thái, và chúng ta sẽ không bao giờ mệt mỏi với cam kết chống lại mọi hình thức thù hận, đặc biệt là những hình thức khinh thường đức tin,” Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố chung với Đức Cha David Talley của Memphis, chủ tịch ủy ban các vấn đề liên tôn và đại kết của các giám mục Hoa Kỳ.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Cha Kevin C. Rhoades của Fort Wayne-South Bend, Indiana, cho biết Giáo Hội Công Giáo đã “kiên quyết lên án” chủ nghĩa bài Do Thái. Ngài cảnh báo chống lại những luận điệu “sai trái và gây thù hận” chống lại người Do Thái trên phương tiện truyền thông xã hội.

Vào tháng 10 năm 2018, một tay súng đã tấn công Hội thánh Tree of Life ở Pittsburgh trong các buổi lễ Shabbat buổi sáng. Giương cao các khẩu hiệu bài Do Thái, kẻ tấn công đã giết chết 8 người đàn ông và 3 phụ nữ.

Vào tháng 12 năm 2019 tại Thành phố Jersey, New Jersey, hai tay súng đã bắn chết 4 người, trong đó có 2 người Do Thái Chính thống, tại một nghĩa trang và siêu thị kosher.

Các nhà thờ Công Giáo đã phải hứng chịu hàng loạt vụ phá hoại kể từ năm 2020, và các nhà thờ cũng như trung tâm trợ giúp mang thai đã trở thành mục tiêu bị phá hoại và đốt phá trong bối cảnh căng thẳng về việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ lật lại quyết định ủng hộ phá thai của Roe chống Wade.
Source:Catholic News Agency