Ngày 04-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 05/11: Trung Tín với Chúa – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
01:38 04/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:57 04/11/2022

25. Không câu nệ việc gì -ngay cả tư tưởng cuồng vọng trong đầu óc- cũng đều là vì lý do yêu mến Thiên Chúa, cam tâm chịu nhịn nhục.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:59 04/11/2022
42. HOA NGÔ ĐỒNG

Hoa ngô đồng tháng năm không thể không làm cho người ta nhớ lại gió tuyết ở miền bắc, mỗi một cây đều phủ đầy tuyết trắng.

Hoa ngô đồng trời nắng khác với hoa ngô đồng trời mưa. Mặt trời chiếu xuống cánh hoa trắng mà sáng đẹp, dưới khúc xạ của ánh sáng thậm chí gần như trong suốt, từa tựa như bất kể lúc nào cũng có thể vì nhiệt độ nóng mà hoa phát ra thể khí.

Hoa ngô đồng ngâm lâu trong nước thì giống như một quả lê chín đến cực điểm, no đầy nước, chỉ e đụng nhẹ một cái thì tất cả nước chảy ra hết.

Hoa ngô đồng rất trắng, trắng đến nỗi khiến cho bạn lơ đãng quên tất cả màu sắc chung quanh.

Suy tư 42:

Thiên Chúa dựng nên các loại hoa, và hoa nào cũng đẹp cũng xinh: hoa ngô đồng, hoa cúc, hoan hồng, hoa huệ và tất cả các loài hoa khác đều đẹp và có đặc tính riêng của mình, đó chính là do thựợng trí vô song của Thiên Chúa tạo thành.

Hoa ngô đồng màu trắng rất đẹp, nhưng không thể trắng bằng chiếc áo tinh tuyền của ngừơi Ki-tô hữu khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, bởi vì hoa ngô đồng chỉ cho người ta một vẽ đẹp tự nhiên, nhưng màu trắng của chiếc áo ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội làm cho người Ki-tô hữu một vẽ đẹp siêu nhiên giống hình ảnh của Thiên Chúa –Đấng tạo dựng nên mình.

Hoa ngô đồng gặp trời mưa thì coi không đẹp vì chứa đầy nước và làm cho hoa mất đi màu trắng tự nhiên thanh thoát. Tội lỗi làm cho chiếc áo trắng ngày Rửa Tội của người Ki-tô hữu mất đi nét đẹp siêu nhiên, nhất là tội kiêu ngạo, bởi vì chính kiêu ngạo đã làm cho con người trở thành kẻ chống đối Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương và tạo dựng nên họ.

Mỗi người là một cành hoa và bông hoa đẹp, phát huy hết cái đẹp, cái tài năng của mình để ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa, đó chính là hương hoa đẹp nhất vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống đời đời sống tuyệt vời
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:19 04/11/2022

SỐNG ĐỜI ĐỜI SỐNG TUYỆT VỜI

Con người chết rồi sẽ ra sao? Ai cũng thấy đời sống con người khác hẳn con vật. Thế nên, hầu hết mọi người đều có linh cảm: chết không phải là hết, mà là “Sinh kí tử quy”. Và Lời Chúa tuần này khẳng định: Con người chết rồi sẽ sống lại, nên hãy sống theo Lời Chúa dạy.

1. Sống lại đời đời. Một số người chủ trương không có sự sống lại, đã đặt ra chuyện để chất vấn Chúa Giêsu: Một bà cứ lấy ông nào là ông ấy chết, nên đã lấy tới 7 đời chồng. Nếu ngày sau sống lại thì bà sẽ ở với ông chồng nào? Chả lẽ lại ở chung với cả 7 ông thì chịu sao nổi, các ông sẽ đánh nhau suốt ngày! Cách đặt vấn đề này cũng phản ánh quan niệm Dương sao Âm vậy, đời sau như đời này nối dài. Nên có người chôn theo cả chai rượu cho cụ xuống cõi âm nhậu! Nhưng Chúa không nghĩ như thế, Chúa khẳng định: con người sẽ sống lại, nhưng sự sống đời sau khác hẳn đời này, người ta nên như các thiên thần. Thiên đàng khác hẳn trần gian.

2. Hãy sống tuyệt vời. Niềm tin vào sự sống lại không phải để con người quên đi hiện tại, mơ mộng đời sau xa xôi, nhưng là để con người sống ngay đời này một cách tuyệt vời hơn, cao đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Thánh Phaolô căn dặn trong Bài Đọc 2: Anh em hãy nói và làm tất cả những gì tốt lành. Bài Đọc 1 kể chuyện 7 anh em cùng một nhà vì niềm tin vào sự sống lại nên đã thà chết chẳng thà phạm tội, nhất quyết vâng lời Chúa là Vua vũ trụ hơn là vâng lời vua quan trần gian.

Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, làm cho linh cảm sự sống đời sau trở thành niềm xác tín vững chắc. Nên chúng ta hãy sống, hãy bước đi trong đời này theo hướng dẫn về sự sống đời đời với Chúa. Đó là lối sống hiệp thông với Chúa và với nhau trong mối liên hệ chan chứa tin yêu. Amen.
 
Sử Dụng Tốt Tiền Của
Huệ Minh
09:38 04/11/2022
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tiền của đóng một vai trò rất quan trọng, vì chủ nghĩa duy vật hưởng thụ đang thống trị và điều khiển xã hội về nhiều phương diện. Con người cũng thường đánh giá người khác dựa trên thế lực tiền của. Vì thế, người có nhiều tiền của dễ trở thành người có địa vị và danh giá. Đây quả thật là một thảm họa cho thời đại hôm nay!!!

Tin Mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: "Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của", bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng "thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối". Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?". Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hằng ngày, liệu chúng ta có thể chống tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?

Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là đển mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. "Không ai có thể làm tôi hai chủ": của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.

Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha nhân.

Lời Chúa hôm nay chính là lời cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta trong việc sử dụng tiền của ở đời này. Ngài mời gọi chúng ta hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của. Vì tiền của cũng là một ân huệ Thiên Chúa tặng ban, nên chúng ta phải biết đặt tiền của vào đúng vị trí của nó như Thiên Chúa muốn. Đó là sự khôn ngoan cần thiết khi chúng ta sử dụng tiền của trong cuộc sống thường ngày.

Khi ta biết dùng tiền của Chúa ban để làm những việc tốt hữu ích cho bản thân và tha nhân là cách thức đẹp lòng Chúa nhất, “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (c. 9a). Tiền của chỉ là những phương tiện giúp ta có điều kiện thực thi lòng bác ái đối với tha nhân, và đó là những nén bạc ta đang ký gởi nơi Thiên Chúa, để sau này ta được “đón rước vào nơi ở vĩnh cửu” (c. 9b).

Có một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Tiền của là một đầy tớ tốt và là một ông chủ xấu”. Chúng ta suy nghĩ gì về nhận định trên?

Còn Chúa Giêsu thì nói: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (c. 13a). Lời Chúa hôm nay thật cụ thể sống động cho thời đại chúng ta. Bởi lẽ nhiều người đã xem tiền của như ông chủ của đời mình, để rồi sẵn sàng để tiền của điều khiển cuộc đời mình, và cũng vì tiền của mà đánh mất phẩm giá và mất đi các mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống.

Vì thế, Chúa Giêsu đã khẳng định thật rõ ràng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c. 13b). Thiên Chúa chính là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người cùng với muôn tạo vật trong vũ trụ mênh mông này. Ngài còn là Người Cha giàu tình yêu thương nhân ái, luôn quan tâm chăm sóc từng người chúng ta bằng muôn vàn ân sủng của trời cao. Thế nên, chỉ mình Thiên Chúa là Ông Chủ duy nhất của đời ta, Ngài điều khiển và nắm giữ vận mạng của từng người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là tôn thờ, yêu mến và vâng phục thánh ý Ngài trong từng biến cố của đời ta.

Chúng ta hãy ý thức để tự mình điều khiển tiền của theo cách Chúa muốn và mang lại hiệu quả tốt đẹp cho bản thân và tha nhân. Đừng bao giờ để tiền của vượt quá giới hạn của nó, nhưng chúng ta hãy làm chủ tiền của và sử dụng chúng theo ý muốn của chúng ta cách chính đáng.
 
Vinh danh Nhà Macabê
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:56 04/11/2022

VINH DANH NHÀ MACABÊ
Chúa nhật 32 thường niên năm C

Ba năm một lần, Chúa nhật 32 năm C, Hội Thánh cho chúng ta suy niệm đoạn ngắn sách Macabê quyển II, nói về việc vua Antiôkô hành hạ tám mẹ con Do thái vì đức tin của họ vào Thiên Chúa cho đến khi lần lượt cả tám mẹ con đều tử nạn thảm khốc. Tại sao lại có câu chuyện bi hùng này? Antiôkô là ai? Macabê là ai? Sách Macabê ra đời thế nào?

1. BỐI CẢNH HY LẠP HÓA.

Thế kỷ V trước Chúa Giêsu giáng sinh (tCG), Đất hứa Canaan tức Israel, rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexandrô Đại đế, thuộc đế quốc Hy lạp (trị vì 13 năm từ 336-323 tCG). Alexandrô Đại đế từng đem quân chinh phạt nhiều nơi. Ông quá thành công. Ông biến Đế chế Macedonia trải dài một vùng rộng lớn từ châu Á, châu Âu đến châu Phi.

Sau khi Alexandrô chết một cách bí ẩn (có người cho rằng ông bị đầu độc), Đế chế Macedonia rơi vào cảnh tranh giành hỗn loạn và chia thành bốn vùng. Một trong bốn vùng đó là dải đất rộng lớn chạy từ Ai cập đến Syria.

Hai vị tướng là Ptôlêmê và Sêlêcô lại kiểm soát Ai cập và Syria, lập nên các vương triều của riêng mình đang tranh giành nhau để đạt ảnh hưởng và trị vì. Nhà Ptôlêmê lập thủ phủ ở Ai cập (phương nam). Nhà Sêlêcô lập thủ phủ ở Syria (phương bắc).

Nằm giữa Ai cập và Syria, Israel ngẫu nhiên trở thành vùng đất tranh chấp, nhiều lần bị xâu xé bởi hai vương triều nói trên. Chỉ 17 năm, từ 319-302 tCG, do những cuộc ẩu đả qua lại của hai vương triều, Giêrusalem bảy lần đổi chủ, hết bị Ptôlêmê rồi đến Sêlêcô cai trị.

Đến năm 301, nhà Ptôlêmê hoàn toàn thắng thế và cai trị đế quốc Hy lạp, trong đó có Israel. Dù trước đây, trong thời chiếm đóng qua lại, cả Ptôlêmê và Sêlêcô đều ra sức tuyên truyền và phổ biến văn hóa Hy lạp gọi là "Hy lạp hóa" (Hellenism). Đây là thứ văn hóa ngoại giáo, hoàn toàn đi ngược đức tin vào Thiên Chúa của dân Do thái.

Tuy nhiên, nhà Ptôlêmê hiền hòa. Khi nắm quyền, họ gây nhiều thiện cảm với dân Do thái. Dân Do thái vẫn tự do tôn giáo. Thời Ptôlêmê, cộng đoàn Do thái tại thủ đô Alexandria (đặt tại Ai cập) của đế quốc Hy lạp dịch Thánh Kinh Cựu Ước từ tiếng Do thái sang tiếng Hy lạp, hoàn tất năm 250 tCG. Đây là bản “Thánh Kinh Bảy Mươi” (tương truyền do 70 vị dịch thuật), nhằm phổ biến cho các cộng đoàn Do thái ảnh hưởng văn hoá Hy lạp.

Dòng họ Ptôlêmê lãnh đạo đế quốc Hy lạp trong thời gian khá dài (301-198 tCG). Đến năm 198 tCG, bất ngờ Antiôkô III thuộc dòng họ Sêlêcô đánh thắng quân Ai cập (một phần của đế quốc Hy lạp), nắm quyền cả một vùng từ Syria đến Israel.

Sau khi Antiôkô III chết, con trai là Antiôkô IV (175-164 tCG), một con người võ đoán, tàn độc thay cha, tự xưng một cách kiêu ngạo là Antiôkô Êpiphan (Thiên Chúa hiện thân), thực hiện chính sách hà khắc, nhằm loại nền văn hóa kết hợp với đức tin từ lâu đời mà người Israel luôn mang nơi mình. Ông buộc Israel bỏ đạo cha ông, không được thờ Thiên Chúa, nhưng phải thờ các thần Hy lạp. Năm 169 tCG, ông cướp đoạt những đồ quý giá trong đền thờ Giêrusalem, xúc phạm nặng và biến đền thờ thành nơi thờ đa thần Hy lạp. Cụ thể, ông dựng bàn thờ kính thần Zeus ngay trong đền thờ.

2. CUỘC NỔI DẬY CỦA GIA ĐÌNH MACABÊ.

Cuộc bách hại do dòng họ Sêlêcô, khởi đi từ Antiôkô IV (Antiôkô Êpiphan) là cuộc bách hại khốc liệt và trực tiếp vào đức tin Do thái giáo. Người Do thái bắt đầu tự vệ. Nhưng càng nổi dậy, họ càng bị đàn áp nặng nề.

Không thể chịu nổi sự áp bức khốc liệt, năm 166 tCG, từ thành Môđin, một năm sau khi đền thờ Giêrusalem bị xúc phạm nặng, ba anh em ruột nhà Macabê nổi dậy dưới sự lãnh đạo của cha là tư tế Mattathia. Họ đã có nhiều chiến thắng vang dội, lập nên triều đại Hasmônê.

Sau khi Mattathia chết, người con thứ ba, Giuđa Macabê đầy mưu lược, dũng cảm, đã đưa quân đội Do thái đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, khiến quân thù khiếp sợ. Tháng 12.165 tCG, họ chiếm lại được đền thờ và long trọng làm lễ thanh tẩy đền thờ. Tuy nhiên, Giuđa gặp nhiều khó khăn do âm mưu của thượng tế Alcimus. Ông qua đời trong một trận chiến.

Đáng tiếc, sau Giuđa Macabê, những người tiếp theo của dòng họ Hasmônê ít tài lại kiêu ngạo. Họ hướng về thế tục nhằm tranh đoạt chính trị, quyền lợi, hưởng thụ...

Một người anh em là Gionathan Macabê kế vị (160-142 tCG). Tuy bắt đầu hướng về thế tục như đã nói, Gionathan lấy lại phần đất thuộc vương quốc của Đavít và Salomon xưa. Cuối cùng ông bị tướng Trypho của nhà Sêlêcô giết.

Người thứ ba kế tục là Simon Macabê (142-134). Ông cũng theo lối thế tục, dần mở rộng bờ cõi. Ông bị con rể ám sát. Kẻ sát nhân lại bị người con thứ hai của Simon là Gioan Hyrcanô giết, để tiếp tục sự nghiệp của cha lập nên triều Hyrcanô I (134-105).

3. HẬU DUỆ CỦA MACABÊ KIÊU NGẠO VÀ YẾU KÉM.

Hyrcanô I là người tài. Năm 109 tCG, ông chiếm Samaria, hủy đền thờ ngoại giáo trên núi Garizim, buộc dân Samari thờ Chúa ở Giêrusalem. Tuy không xưng vương, Hyrcanô lại tự xem mình như người tái lập vương quốc Đavít nhờ chính sách bành trướng.

Sau khi Hyrcanô I qua đời, con lớn là Aristôbôlô I lên ngôi (104-103 tCG), nổi tiếng tàn ác. Ông bắt giam mẹ và anh em ruột, buộc mẹ chết đói trong tù. Ông kiêu ngạo, tự xưng vương. Tệ hại hơn, dòng họ Hasmônê tự xưng là thượng tế, đã làm mất lòng hàng tư tế chính thức ở Giêrusalem, gây nên sự chống đối nơi người Do thái.

Một nhóm người mệnh danh là Hasidim (tiền thân của Pharisêu hay còn gọi là nhóm biệt phái), xuất thân từ những người Do thái đạo đức thuộc mọi tầng lớp xã hội, chống đối sự phản bội của dòng họ Hasmônê đối với Lề luật và tinh thần Do Thái giáo.

Trong hành ngũ những người Hasidim có một số gồm tư tế và thường dân hoàn toàn phủ nhận quyền tôn giáo và chính trị của triều đại Hasmônê-Macabê, tạo thành nhóm biệt phái Qumran nổi tiếng ở phía tây bắc Biển Chết.

Chính cộng đoàn Qumran, sau này do sự tấn công vũ bão của quân La mã năm 68 sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, đã dấu những tác phẩm Kinh Thánh vào những ghềnh đá, mà mãi đến năm 1974, ngành khảo cổ mới tìm thấy.

Sau khi Aristôbôlô I chết năm 103 tCG, Alexandrô Jannê (103-76) lên ngôi trị vì, lại hết lòng ủng hộ Hy lạp. Có thể xem Alexandrô Jannê là người cuối cùng của dòng họ Hasmônê-Macabê. Dù trên ngai cai trị, ông vẫn tiếp tục coi mình là thượng tế y như các vua trước của dòng họ Hasmônê-Macabê.

Đáng buồn là, trước đây, để chống văn hóa ngoại giáo Hy lạp, tổ tông nhà Macabê lãnh đạo người Do thái bảo vệ văn hóa đi đôi đức tin tôn giáo, tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, thì bây giờ, sau khi trải qua năm đời lãnh đạo, con cháu Macabê dần nghiêng theo Hy lạp. Đặt dấu ấn nặng nề nhất cho sai lầm này là Hyrcanô I, Aristôbôlô I (kẻ độc ác, bất tài) rồi đến Alexandrô Jannê.

Sau khi Alexandrô Jannê qua đời năm 76, vợ ông là Alexandra nối nghiệp chồng cai trị thêm 9 năm. Sau khi bà chết ít lâu, hai người con của bà là Hyrcanô II và Aristôbôlô II xâu xé nhau để tranh quyền làm thượng tế và làm vua. Chính trong thời gian khủng hoảng quyền lực, đế quốc La mã nhanh chóng nắm lấy thế cờ để giành quyền làm chủ.

Như chúng ta đã biết, thời Chúa Giêsu, ở Palestine, đế quốc La mã đã hoàn toàn làm chủ tình hình.

Nhìn lại: Cuộc nổi dậy của nhà Macabê tuy ngắn ngủi (167-164). Nhưng là cột mốc quan trọng cho Do thái giáo. Trước ý muốn của vua Antiôkô IV dùng bạo lực buộc người Do thái chỉ còn nước phải chọn lựa dứt khoát hoặc chối đạo để sống tiếp, hoặc chịu tử đạo. Cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê và sự thành công - thanh tẩy Đền thờ - đã giúp cho đức tin sống lại. Nhưng như ta đã thấy, những kẻ kế nghiệp ông đã tự bôi bẩn mình với những âm mưu chính trị và tranh giành quyền lực.

4. SÁCH MACABÊ QUYỂN I.

Sách Macabê quyển I (không rõ do ai viết) ra đời khoảng năm 100 tCG, ghi lại những sự kiện xảy ra từ năm 323-104 tCG. Trong đó, sách đặc biệt lưu ý cuộc khởi nghĩa của người Do thái bảo vệ đức tin do gia đình Macabê lãnh đạo.

Quyển sách nhấn mạnh đến sự trung thành với lề luật của Chúa đối lập với những chính sách tàn ác của đế quốc Hy lạp, luôn tìm cách xóa bỏ niềm tin vào Thiên Chúa của người Do thái.

Sách cũng nêu gương gia đình Macabê, một gia đình trung thành với lề luật của Chúa, đồng thời gan dạ, dũng cảm bảo vệ đến cùng đức tin ấy. Dù đề cập nhiều chiến thắng của Macabê, sách luôn cho thấy, những thành công không phải do con người, nhưng là do Thiên Chúa.
Dù anh em nhà Macabê bị giết chết nhưng dân được hưởng tự do tương đối để sống theo Lề luật và truyền thống cha ông. Một lần nữa, qua nội dung sách Macabê, Thiên Chúa bày tỏ sự trung tín với dân của Người.

5. SÁCH MACABÊ QUYỂN II.

Không phải phần nối tiếp quyển I, được viết vào khoảng năm 124 tCG (trước quyển I khá lâu), cũng không chú ý về mặt lịch sử.

Trong khi quyển I trình bày toàn diện một giai đoạn lịch sử, thì quyển II lại tập trung vào những sự kiện, đôi khi gồm chuỗi bình luận hay tích truyện. Chẳng hạn sách kể lại những biến cố xảy ra cho đền thờ: bị xúc phạm, được thanh tẩy và tái thiết, rồi lại bị tấn công dưới thời Antiôkô IV và con trai ông này. Những gì xảy ra cho Đền thờ cũng là những gì xảy ra cho dân tộc: chịu bách hại, được giải thoát và tái thiết. Sách giúp độc giả hiểu về niềm hy vọng và những đau khổ của các tín hữu bị bách hại.

Sách thẳng thắn trách cứ các thượng tế và nhiều vị lãnh đạo khác, khờ khạo, nông nổi đưa văn hoá ngoại giáo Hy lạp vào đất nước, vào Giêrusalem và vào cả đền thờ. Đây là điều không thể chấp nhận đối với các thực hành Do thái giáo chân chính.

Sách quy cho tội lỗi đã dẫn đến sự trừng phạt của Chúa. Như thế, tư tưởng mà tác giả muốn đề cao là: tội lỗi sẽ dẫn đến hình phạt, còn hoán cải dẫn đến ơn cứu độ. Điểm yếu của cách nhìn này là không thể giải thích được nỗi đau của người vô tội, khiến người ta dễ cho rằng, mọi đau khổ đều là hình phạt của tội.

Dù sao quyển II rất quan trọng về mặt Kinh Thánh và đức tin. Nó cho ta cái nhìn sâu sắc về đau khổ và sự chết, về công lý của Thiên Chúa.

Macabê quyển II tuyên xưng đức tin vào sự sống lại của những người đã chết, điều mà theo sau sách này, các sách Đanien, Khôn ngoan cũng trình bày.

5. BÀI HỌC CHO NGƯỜI TÍN HỮU.

a. Người Kitô hữu cần ghi nhớ luôn rằng, lịch sử cứu độ gắn liền với vận mệnh của một dân tộc đã và vẫn âm thầm trôi giữa lòng thế giới. Lịch sử ấy đã thánh hóa mọi lịch sử của loài người. Là tiếng nói cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ trời, lịch sử cứu độ trở nên một và nhập cuộc hoàn toàn với mọi dòng lịch sử của người trần thế.

Vì là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng trường tồn, Đấng bền vững vĩnh cửu, mặc cho lịch sử của loài người rất bấp bênh, đã nhiều lần thay ngôi đổi chủ, thì lịch sử cứu độ vẫn chỉ là một, vẫn luôn luôn mang trong mình sức sống thần linh vô biên và không ngừng trao ban ơn cứu độ, như dòng thác tuôn chảy đến vô cùng giữa lòng thế giới.

Thế giới bấp bênh đến đâu, bàn tay Thiên Chúa vẫn tiếp tục dìu dắt, hướng dẫn để ai tin vào Người, sẽ thấy bình an và hiểu rằng, vận mệnh của đời mình nằm trong tay Thiên Chúa vĩnh cửu. Bởi được cư ngụ trong Thiên Chúa, loài người có một chiều kích vĩnh cửu, tồn tại muôn đời trong Thiên Chúa.

b. Bất cứ thời đại nào cũng đều có những thế lực đối kháng và chống lại đức tin Kitô giáo. Chẳng hạn: chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa vô thần, những lôi kéo về vật chất, thể xác, quyền lực, não trạng hưởng thụ, lối sống thực dụng...

Đứng trước những nguy cơ xa rời đức tin, Thái độ của tư tế Mattathia và gia đình ông là mẫu gương quý cho chúng ta về tinh thần tận trung với Chúa.

Hay như câu chuyện tám mẹ con lần lượt tử đạo chỉ trong một ngày mà phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta suy niệm, là câu trả lời duy nhất về thái độ chọn lựa: Không a dua theo thế gian để được sống tiếp trong thân xác, nhưng quyết chứng minh đức tin là tất cả lẽ sống, là cao trọng trên cả mạng sống của thân xác, để luôn nêu cao tinh thần bất khuất tiến về nhà Chúa trong mọi điều kiện, dẫu bi đát nhất, đau khổ nhất, ngay cả phải đành mất mạng sống.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cộng đồng Ái Nhĩ Lan bàng hoàng khi hay tin vị linh mục bị một kẻ đột nhập đâm nhiều nhát tại nhà
Đặng Tự Do
05:35 04/11/2022


Cảnh sát cho biết Cha Bobit đã bị tấn công khi ngài bắt gặp kẻ trộm đột nhập ở cửa trước của ngôi nhà mà ngài ở chung với hai linh mục khác vào hôm Chúa Nhật 30 tháng 10 vừa qua.

Theo các nguồn tin của cảnh sát, Cha Bobit Augusthy đã bị tấn công bởi một người đàn ông đã đột nhập vào nhà của ngài ở Ardkeen, thành phố Waterford, vào khoảng 9 giờ 30 sáng. Giáo phận cho biết vị linh mục đã hồi phục trong bệnh viện sau khi được cứu sống. Cha Bobit là người gốc Ấn Độ và là thành viên của Dòng Cát Minh.

Nhà của ba vị linh mục này ở ngay trong Bệnh viện Khu vực Waterford, nơi 3 vị linh mục làm tuyên úy cho bệnh viện và phụ trách một nhà nguyện ngay bên trong khuôn viên bệnh viện.

Phát ngôn nhân bệnh viện Khu vực Waterford cho biết các bác sĩ đã tích cực điều trị cho ngài, nhưng cho biết vị linh mục vẫn trong tình trạng nghiêm trọng. Phát ngôn nhân cho biết vì ngài ở ngay trong khuôn viên bệnh viện nên có thể cứu kịp. Nếu ngài ở bên ngoài có lẽ ngài đã chết vì những vết thuơng quá nặng.

Cha Liam Power, một linh mục địa phương, biết rõ Cha Bobit, cho biết: “Tôi thực sự bị sốc khi nghe điều đó.”

“Các tuyên úy ở đó luôn chăm sóc an ủi các bệnh nhân và thật bi thảm khi điều này xảy ra”.

“Chúng tôi đang cầu nguyện cho sự hồi phục của ngài và dâng lời cầu nguyện của chúng tôi cho các linh mục cư ngụ chung với ngài là Cha Russell và Cha John”.

“Cả ba vị đều làm việc thực sự xuất sắc trong bệnh viện và nhà nguyện ở đó.”

“Họ được gọi 24 giờ một ngày và sống tại nơi cư trú đó ngay trong khuôn viên bệnh viện. Rõ ràng là có một cuộc đột nhập ở đó.”

“Thật là sốc khi một linh mục có thể gặp nguy hiểm như vậy.”

Tối hôm qua, bác sĩ cho biết nạn nhân khoảng 30 tuổi, đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định.

Một người đàn ông khoảng 20 tuổi đã bị bắt ngay sau khi vụ việc xảy ra và đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Waterford.

Cha Bobit đã sống ở Ái Nhĩ Lan một thời gian và cùng với các đồng nghiệp của mình, Cha Russell và Cha John, làm việc trong bệnh viện và điều hành nhà nguyện ở đó.

Đức Cha Alphonsus Cullinan, Giám mục của Waterford và Lismore, cho biết ngài “rất sốc” trước những gì đã xảy ra và nói rằng ngài hy vọng nạn nhân sẽ bình phục hoàn toàn.

Ngài cho biết ngài cũng đang cầu nguyện cho các đồng nghiệp tuyên úy của vị linh mục “những người cũng sẽ đau khổ rất nhiều”.
Source:irishmirror.ie
 
ĐHY Gracias nhận xét rằng cuộc họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu sẽ tạo ra sự khác biệt trong công việc mục vụ
Đặng Tự Do
05:40 04/11/2022


Khi các Giám mục Á Châu kết thúc Đại hội đồng của các ngài tại Bangkok, Đức Hồng Y Oswald Gracias người Ấn Độ nói rằng các đại biểu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã “hăng hái cố gắng lắng nghe mọi lời thì thầm của Chúa Thánh Thần”.

Đức Hồng Y Tổng Giám mục Bombay, Oswald Gracias, đã nói chuyện với Vatican News bên lề Đại hội đồng của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC, diễn ra tại Bangkok. Ngài suy nghĩ về câu hỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các đại biểu hội nghị, “Chúa Thánh Thần đang nói gì với các giáo hội ở Á Châu”, và nói về hy vọng của mình đối với Giáo hội ở Á Châu trong tương lai.

Mơ ước và lắng nghe

“Chúng tôi vẫn đang mơ; chúng tôi vẫn đang lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúng tôi vẫn đang lắng nghe nhau. Và Thiên Chúa nói với chúng ta qua các biến cố của lịch sử, qua những người hàng xóm, qua bạn bè của chúng ta, qua những người chúng ta phục vụ, và qua các giám mục đồng nghiệp của chúng ta”.

Điều khiến Đức Hồng Y Gracias ngạc nhiên là “không ai nói về đại dịch... Điều đó có nghĩa là chúng ta đã trở lại bình thường. Chúng ta là một cộng đồng kiên cường.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng: “Biến đổi khí hậu đã tác động rất nhiều đến chúng tôi. Cuộc khủng hoảng di cư diễn ra mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng giới trẻ, tiếng nói của tuổi trẻ, đòi hỏi trách nhiệm và những vai trò quan trọng trong Giáo hội đã xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi cũng nghe thấy những tiếng kêu để hồi sinh đời sống Công Giáo “.

Nghe Chúa Thánh Thần thì thầm

“Ở đây trên một lục địa mà chúng ta không chiếm đa số, nơi chúng ta có rất nhiều người để phục vụ, tôi lại thấy lời kêu gọi hãy ra ngoài và phục vụ mọi người, cố gắng đối thoại, cố gắng hòa giải, nỗ lực xây dựng hòa bình, trở thành cầu nối giữa các cộng đồng và các dân tộc xung đột.”

Đức Hồng Y Gracias lưu ý rằng ngài nhận thấy rằng các đại biểu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đang “sốt sắng cố gắng lắng nghe mọi lời thì thầm của Chúa Thánh Thần.”

Khi được hỏi về hy vọng mà Đức Hồng Y sẽ tiếp tục từ Đại Hội Đồng Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần đầu tiên, ngài nói rằng, “hội nghị này được đặc biệt kêu gọi để xem đâu là những ưu tiên mục vụ, để suy nghĩ lại, xem xét con đường chúng ta đã đi cho đến nay - các ưu tiên mục vụ, các sứ mệnh trong các lĩnh vực khác nhau - và để xem chúng ta nên làm gì khác đi… tốt hơn… hoặc với lòng nhiệt thành đổi mới. Và tôi hy vọng rằng đã lắng nghe tiếng nói của rất nhiều chuyên gia… tiếng nói của những người… trong những lần can thiệp, tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đang nói qua họ và cho chúng ta biết chúng ta nên đi như thế nào. Chúng tôi đã nghe rất nhiều tiếng nói, rất nhiều mối quan tâm”.

Sự khác biệt mà hội nghị có thể tạo ra

Về toàn thể Á Châu, Đức Hồng Y Gracias hy vọng rằng “tất cả chúng ta, tất cả các Hội nghị của Á Châu, tất cả các Giáo hội của Á Châu sẽ được đổi mới trong lòng nhiệt thành… lòng can đảm… sự quyết tâm… sự hào phóng… tầm nhìn ra đi làm việc và đi ra thế giới. Nó mang lại cho chúng tôi sự đoàn kết, đặc biệt là niềm vui, niềm vui khi được làm việc trong các nhiệm vụ. “

Đức Hồng Y đã chia sẻ cách ngài “tận hưởng ba ngày đầu tiên chúng tôi đến thăm các quốc gia khác nhau ở Á Châu. Đối với tôi, khoảnh khắc xúc động nhất của toàn hội nghị là khi các nước nhỏ hơn giải thích những khó khăn và lo lắng của họ trong ba ngày đầu tiên. Và sau đó chúng tôi nói, hãy im lặng, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô. Và tôi thấy trên khuôn mặt của tất cả các Giám mục đang nhắm mắt cầu nguyện cho Giáo hội. Vì vậy, bạn có thể thấy cường độ của cảm xúc mà chúng tôi cảm thấy. “

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y tuyên bố:

“Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sự khác biệt. Hội nghị này sẽ tạo ra sự khác biệt cho công việc mục vụ của chúng tôi."
Source:Vatican News
 
Phép lạ được ghi lại trên video: Linh mục thoát chết khi bị xe SUV lao qua
Đặng Tự Do
17:11 04/11/2022


Cha John Bok, tám mươi bảy tuổi, là một giáo viên vật lý trước đó trong cuộc đời của ngài, nhưng ngài không thể giải thích bằng các quy tắc vật lý tại sao một chiếc xe khác bay qua đầu ngài khi đang trên đường cử hành Thánh lễ Chúa Nhật.

“Đó là một phép lạ,” linh mục dòng Phanxicô nói với CNA hôm thứ Ba về trải nghiệm cận kề cái chết.

Bây giờ đã nghỉ hưu - mặc dù ngài tự nhận mình chỉ mới nghỉ hưu bán phần – Cha Bok vẫn giúp cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo St. Andrew ở Milford, Ohio. Vào ngày 2 tháng 10, ngài đang trên đường đi cử hành Thánh lễ 9 giờ sáng vào ngày lễ của các Thiên thần Hộ mệnh.

Khoảng 8:40 sáng khi Cha Bok gần đến nhà thờ thì xảy ra sự việc với người lái xe khác.

Cha Bok cho biết một nam thanh niên đang điều khiển phương tiện khác trên con đường gần Bok đã bị co giật khi ngồi sau tay lái và bất tỉnh. Chiếc xe của nam thanh niên này đã đi lệch đường và lao thẳng vào cửa bên lái xe của Cha Bok.

Một đoạn video quay lại sự kiện cho thấy: Tất cả những gì đứng giữa hai chiếc xe là một biển báo giao thông và một vật thể thẳng đứng khác nhô lên khỏi mặt đất.

Đoạn video cho thấy chiếc SUV húc thẳng vào chướng ngại vật. Sau đó, giống như một cảnh trong phim “Fast & Furious”, chiếc SUV bay trên không qua chiếc xe của Cha Bok mà không chạm vào xe ngài, trước khi hạ cánh xuống trên bốn chiếc bánh của nó.

Cha Bok, và chiếc xe của ngài, đã không hề hấn.

Cha Bok nói với CNA rằng một trong những điều đáng kinh ngạc về sự kiện này là ngài thậm chí không biết rằng chiếc xe của mình đã bị vượt qua cho đến hàng giờ sau khi nó xảy ra.

“Tôi không biết rằng chiếc xe đó đã vượt qua tôi vì tôi đang nhìn về phía trước và nó ở bên trái và phía trên của tôi. Và từ khóe mắt của tôi, tôi cảm nhận được thứ gì đó đang bay qua, nhưng tôi chỉ nghĩ đó là một con chim hoặc một cái gì đó tương tự.”.

Cha Bok nói rằng ngài bị mù mắt trái và phải đeo máy trợ thính.

Cha Bok nói rằng một viên chức cảnh sát biết ngài đã đến gặp ngài khi ngài đang ở nhà hàng sau Thánh lễ và thông báo cho ngài rằng ngài suýt bị xe của người thanh niên đâm vào. Viên chức cảnh sát cho Bok xem một đoạn video về sự kiện được ghi lại trên camera của nhà tang lễ bên kia đường nơi xảy ra vụ việc.

Cha Bok nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì điều đó đã xảy ra. Anh ta nói rằng nhân viên cảnh sát đã cập nhật cho anh ta rằng người đàn ông trẻ vẫn ổn sau khi nhập viện.”

Cha Bok rất ngạc nhiên khi không có ai chết hoặc bị thương. Ngài cho biết ngài đã suy ngẫm về sự kiện này và biết rằng Chúa đã nhúng tay vào.

“Một trong những điều bí ẩn là nó sẽ xảy ra vào ngày 2 tháng 10 đó là ngày lễ của các Thiên thần Hộ mệnh. Tôi không biết Chúa đang nghĩ gì.”

Cha Bok nói rằng nếu ngài bị xe đụng và cuộc sống của ngài kết thúc, đó sẽ là một tình huống “đôi bên cùng có lợi” vì “thiên đàng sẽ tốt hơn ở đây.”

Tuy nhiên, Cha Bok cho biết, ngài tận hưởng cuộc sống và hy vọng Chúa sẽ cho ngài thêm nhiều năm nữa.

“Tôi rất vui vì tôi vẫn ở đây và thật là mầu nhiệm tại sao lại xảy ra như vậy khi bạn xem đoạn video tuyệt vời đó”

“Khi tôi xem đoạn video đó, tôi chỉ biết gãi đầu và nói, 'Cảm ơn Chúa'.”
Source:Catholic News Agency
 
Các giám mục kêu gọi điều tra vụ việc chết người ở Hàn Quốc
Đặng Tự Do
17:12 04/11/2022


Lễ hội đường phố Halloween ở Hán Thành, Hàn Quốc, trở nên bi thảm sau khi tình trạng tắc nghẽn dẫn đến giẫm đạp lên nhau khiến ít nhất 153 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Giờ đây, các giám mục Công Giáo của Hàn Quốc đang kêu gọi một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ việc chết người để bảo đảm tình huống này không lặp lại.

Theo Licas News, một cơ quan truyền thông của Công Giáo Phi Luật Tân, đã có hơn 100,000 người ra đường ở khu giải trí Itaewon của Hán Thành. Trong những con phố chật hẹp của quận này, những đám đông chật cứng không còn chỗ trống để di chuyển. Một con hẻm nhỏ dốc - nổi tiếng với cả những quán bar và là lối đi tắt đến ga tàu điện ngầm – đã trở nên kẹt cứng đến mức các video quay cảnh mọi người chật vật thở, buộc phải chịu đựng sức ép của hàng trăm người chen chúc nhau. Những người ở phía sau cố gắng tiến về phía trước, nhưng không có khả năng đi đến đâu. Ngay cả khi nạn nhân gục xuống, bạn bè và những người sơ cứu cũng khó tìm được chỗ để cứu cấp.

Thư của các giám mục

Bản tin của Vatican News cho biết các giám mục Hàn Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra nhằm “phá vỡ chu kỳ của sự bất công và vô trách nhiệm đã trở thành một thực tế phổ biến trong xã hội này”.

“Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải trung thành với các vai trò tương ứng của mình,” các giám mục nói. “Các nhà chức trách phải kiểm tra kỹ lưỡng nguyên nhân và quá trình của thảm kịch này, và bảo đảm rằng sự vô trách nhiệm và lãng quên không được lặp lại.”

Thư của các giám mục tiếp tục trích dẫn những giáo huấn của Giáo hội:

“Tính mạng và phẩm giá của con người là những giá trị quý giá nhất và không có gì trong xã hội của chúng ta có thể được ưu tiên hơn điều đó”.

Bức thư kêu gọi các chính trị gia Hàn Quốc hành động một cách nhanh chóng để bảo đảm “không có sự hy sinh nào nữa” từ những người trẻ tuổi.

Phần lớn những người tham dự bữa tiệc là những người trẻ ở độ tuổi cuối và đầu 20. Tổng thống Hàn Quốc Hàn Đức Chu (Han Duck-soo, 한덕수) nói rằng thảm kịch “đáng lẽ không nên xảy ra” và tuyên bố sẽ điều tra đầy đủ.

Tuyên bố Đức Thánh Cha Phanxicô

Bức thư của các giám mục được đưa ra sau những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã đề cập đến thảm kịch này trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 10, trong đó ngài kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho những người đã mất mạng:

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.”

Nam Hàn đã bắt đầu một thời gian tang tóc kéo dài một tuần trong khi các quan chức cố gắng tìm hiểu xem cơn bão tàn khốc đã diễn ra như thế nào.

Ít nhất 26 công dân nước ngoài, bao gồm cả hai công dân Hoa Kỳ, nằm trong số những người thiệt mạng. Hơn một chục đại sứ quán trên toàn cầu đã xác nhận nạn nhân từ đất nước của họ.

Điều gì đã gây ra sự gia tăng hôm thứ Bảy là không rõ ràng, nhưng các nhân chứng cho biết những người tham gia tiệc tùng đã chật cứng trong các con phố hẹp ở khu giải trí về đêm Itaewon của thủ đô, khi mọi người tận hưởng ngày cuối tuần Halloween đầu tiên kể từ khi các quy định của Covid-19 được dỡ bỏ.

Gần như tất cả các nạn nhân - ít nhất 153 người - đã được xác định danh tính. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, con số này bao gồm 56 nam giới và 97 phụ nữ.

Bộ cho biết, tính đến 4 giờ sáng ngày thứ Hai 31 tháng 10, theo giờ địa phương, số người bị thương đã lên đến 133 người, trong đó 37 người bị thương nặng.
Source:Aleteia
 
ĐGH được yêu cầu đề cập đến nhân quyền, tù nhân chính trị, trong chuyến thăm Bahrain
Đặng Tự Do
17:13 04/11/2022


Gia đình của các tử tù ở Bahrain hôm thứ Hai đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại hình phạt tử hình và bảo vệ các tù nhân chính trị trong chuyến đi của ngài đến quốc gia vùng Vịnh vào tuần này.

Các gia đình đã đưa ra lời kêu gọi của họ trong một bức thư ngỏ do Viện Quyền và Dân chủ Bahrain, gọi tắt là BIRD, có trụ sở tại London phát hành, trong đó kêu gọi Đức Giáo Hoàng lên tiếng về những gì nhóm này cho là vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bỏ tù những người ủng hộ dân chủ. những người bất đồng chính kiến, trong chuyến đi từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11 của ngài.

Bahrain đã bỏ tù hàng nghìn người biểu tình, nhà báo và nhà hoạt động - một số bị xét xử sơ sài - kể từ cuộc nổi dậy chống chính phủ vào năm 2011. Bahrain cho biết họ truy tố theo đúng luật pháp quốc tế những người phạm tội.

“Các thành viên trong gia đình chúng tôi vẫn ở sau song sắt và có nguy cơ bị hành quyết bất chấp sự bất công rõ ràng về bản án của họ. Nhiều người trong số họ đã bị tấn công vì họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong cuộc nổi dậy Ả Rập, bức thư được viết bởi gia đình của 12 tử tù.

“Trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến Bahrain, chúng tôi hy vọng Đức Thánh Cha có thể lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình và giảm án cho các thành viên gia đình chúng tôi,” nó nói.

Bahrain đã tái áp dụng án tử hình vào năm 2017 sau khi có lệnh cấm.

Vào năm 2018, Giáo Hội Công Giáo chính thức thay đổi giáo huấn của mình để tuyên bố án tử hình là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và Đức Giáo Hoàng đã đưa ra nhiều lời kêu gọi cấm án tử hình trên toàn thế giới.

BIRD, một nhóm phi lợi nhuận, cũng đã phát hành một bức thư ngỏ gửi đến Đức Giáo Hoàng từ Ali Al-Hajee, người đã tự nhận mình là “tù nhân lương tâm” và là người sắp hoàn thành bản án 10 năm mà ông nói là có liên quan đến việc ông tham gia vào một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

“Tôi mời Đức Giáo Hoàng, nhân danh nhân loại, thúc giục Quốc vương Bahrain theo đuổi hòa bình và trả tự do cho tôi và tất cả các tù nhân chính trị Bahrain,” lá thư của Al-Hajee viết.

Bahrain bác bỏ những lời chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc và những người khác về việc tiến hành các vụ xét xử qua loa và điều kiện giam giữ. Các nhà chức trách cho biết hệ thống luật pháp và tư pháp của nước này tiếp tục được cải cách.

Phát ngôn nhân của chính phủ Bahrain, đáp lại yêu cầu bình luận của Reuters, cho biết trong một tuyên bố rằng “không có cá nhân nào trong Vương quốc bị bắt hoặc bị giam giữ vì tín ngưỡng của họ” và hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Phát ngôn nhân cho biết: “Tuy nhiên, trong trường hợp các cá nhân kích động, cổ súy hoặc tôn vinh bạo lực hoặc thù hận, thì chúng tôi có nhiệm vụ điều tra và truy tố những cá nhân đó nếu thích hợp. “

Mùa xuân Ả Rập

Bahrain, quốc gia liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ là quốc gia vùng Vịnh duy nhất trải qua biến động lớn “Mùa xuân Ả Rập”. Chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni đã sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình, chủ yếu do cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo, và đàn áp những cuộc biểu tình quy mô cũng như các vụ phản kháng lẻ tẻ sau đó.

Tại cuộc họp báo tuần trước, phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, đã được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có phát biểu về nhân quyền khi ở Bahrain hay không, là điều bị phe đối lập và các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích, đặc biệt là về cách đối xử của nhà nước với đa số người Shiite.

“Tôi sẽ không đoán trước được điều gì mà Đức Giáo Hoàng sẽ nói trong vài ngày tới. Quan điểm của Tòa thánh và của Đức Giáo Hoàng liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền là rõ ràng và được biết đến rộng rãi,” ông nói.

Phát ngôn nhân của chính phủ Bahrain cho biết nhà nước bảo vệ quyền tự do tôn giáo và thờ phượng, đồng thời “không dung thứ cho sự phân biệt đối xử, bắt bớ hoặc thúc đẩy chia rẽ dựa trên sắc tộc, văn hóa hoặc tín ngưỡng”.

Đức Giáo Hoàng thăm Bahrain để dự lễ bế mạc “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Đông và Tây cho sự chung sống của con người” và gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Công Giáo.

Ngài sẽ gặp Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa và ở trong khuôn viên hoàng gia vì không có tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Bahrain.

Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm bán đảo Ả Rập và cử hành một thánh lễ ở đó.

Bahrain có khoảng 70% là người Hồi giáo và, không giống như Ả Rập Saudi, nước này cho phép cộng đồng Kitô giáo nhỏ - chủ yếu là người lao động nước ngoài - được thực hành đức tin của họ một cách công khai tại hai nhà thờ ở đó.


Source:Reuters
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập
J.B. Đặng Minh An dịch
19:02 04/11/2022


Như chúng tôi đã tường trình, lúc 9h30 sáng thứ Năm, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế Sakhir ở thủ đô Awali của Bahrain.

Đức Thánh Cha đã đến nơi lúc 16h45. Lúc 17h30, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa tại dinh Sakhir. Nơi đây đã diễn ra các nghi thức chào đón chính thức trong vườn thượng uyển.

Vào lúc 18h30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với nhà vua, các thành viên chính phủ và ngoại giao đoàn.

Sinh hoạt nổi bật trong ngày thứ hai của chuyến tông du Bahrain là cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập diễn ra lúc 5h45 chiều thứ Sáu 4 tháng 11. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Hoàng thân,

Thưa Ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chúng tôi cảm thấy biết ơn và vinh dự bởi sự hiện diện của nhị vị.

“Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phyghia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”(Cv 2: 9-11).

Thưa Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô kính mến, anh chị em thân mến, những lời này dường như được viết cho chúng ta ngày nay: từ nhiều dân tộc và ngôn ngữ, từ nhiều nơi và các nghi thức khác nhau, tất cả chúng ta đã tập hợp ở đây vì những công việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã hoàn thành! - Cầu mong cho chúng ta được sống trong hòa bình, như vào buổi sáng Lễ Ngũ Tuần đó khi không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Tại Giêrusalem, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dù họ đến từ nhiều nơi, nhưng tất cả đều cảm thấy mình được hợp nhất trong một Thần Khí. Hiện tại, sự đa dạng về nguồn gốc và ngôn ngữ không phải là một vấn đề mà là một nguồn lực. Như một tác giả cổ đại đã viết: “Nếu ai đó nói với một người trong chúng ta: 'Bạn đã nhận được Thánh Linh, tại sao bạn không nói được mọi thứ tiếng?', Chúng ta nên trả lời: 'Tôi nói được mọi thứ tiếng, vì tôi là một chi thể của thân thể Chúa Kitô, của Hội Thánh nói mọi thứ tiếng'”(Bài giảng của một tác giả Phi Châu thế kỷ thứ sáu: PL 65, 743).

Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng cho chúng ta, vì “nhờ một Thần Khí, tất cả chúng ta đã được rửa tội thành một thân thể” (1Cr 12:13). Đáng buồn thay, bởi sự chia rẽ của chúng ta, chúng ta đã làm tổn thương nhiệm thể thánh thiện của Chúa, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng kết hợp tất cả các chi thể lại với nhau, lớn hơn sự chia rẽ của chúng ta theo xác thịt. Do đó, thật đúng khi nói rằng những gì liên kết chúng ta vượt xa những gì chia rẽ chúng ta và rằng, càng hành trình theo Thánh Linh, chúng ta càng được dẫn dắt đến ước muốn hiệp nhất và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, khôi phục sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta.

Chúng ta hãy trở lại bản văn về Lễ Ngũ Tuần. Khi suy ngẫm về bản văn, tôi cảm thất đầy ấn tượng bởi hai điều có vẻ hữu ích cho hành trình hiệp thông của chúng ta. Tôi muốn chia sẻ hai điều ấy với các bạn. Tôi muốn đề cập đến sự thống nhất trong sự đa dạng và nhân chứng của cuộc sống.

Thứ nhất, sự thống nhất trong đa dạng. Vào Lễ Ngũ Tuần, Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết, các môn đệ “tất cả cùng ở một nơi” (2: 1). Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý đến cách mà Thánh Linh, Đấng ngự trên mỗi người, đã chọn một thời điểm khi tất cả họ ở bên nhau. Họ cũng có thể thờ phượng Thiên Chúa và làm điều tốt cho người khác một cách riêng lẻ, nhưng khi họ hiệp nhất với nhau, thì cánh cửa dẫn đến công việc của Thiên Chúa sẽ rộng mở. Các tín hữu Kitô được kêu gọi đến với nhau để các công trình kỳ diệu của Thiên Chúa có thể được hoàn thành ở giữa chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta ở đây tại Bahrain với tư cách là một đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô, sống rải rác ở nhiều nơi khác nhau và theo các hệ phái khác nhau, giúp chúng ta cảm thấy cần phải hiệp nhất, chia sẻ đức tin. Cũng như trên quần đảo này có những mối liên hệ bền chặt giữa các đảo, thì điều đó cũng có thể giữa chúng ta với nhau để chúng ta không bị cô lập mà hiệp nhất trong tình hiệp thông huynh đệ.

Thưa anh chị em, tôi tự hỏi: Làm thế nào để chúng ta làm cho sự hợp nhất phát triển nếu lịch sử, thói quen, những cam kết và khoảng cách dường như lôi kéo chúng ta đến nơi khác? “Nơi tụ họp”, “đỉnh cao thiêng liêng” của sự hiệp thông của chúng ta là gì? Đó là sự ngợi khen Thiên Chúa, mà Thánh Linh khuấy động trong mọi người. Lời cầu nguyện ngợi khen không cô lập hoặc khép kín chúng ta vào bản thân và nhu cầu của chúng ta, nhưng lôi cuốn chúng ta vào trái tim của Chúa Cha và do đó kết nối chúng ta với tất cả anh chị em của chúng ta. Lời cầu nguyện ngợi khen và tôn thờ là hình thức cầu nguyện cao nhất. Nhưng không và vô điều kiện, lời cầu nguyện mang đến niềm vui của Thánh Linh, thanh tẩy trái tim, và khôi phục sự hòa hợp và thống nhất. Lời cầu nguyện là liều thuốc giải độc cho nỗi buồn và sự cám dỗ sa vào những than thở về sự kém cỏi bên trong và những con số bề ngoài nhỏ bé của chúng ta. Những ai ngợi khen Chúa Cha không nản lòng vì sự nhỏ bé của đàn chiên, nhưng vui mừng vì sự vĩ đại được làm con cái của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện ngợi khen cho phép Thánh Linh tràn đầy sự an ủi của Ngài; nó trở thành một phương thuốc kỳ diệu cho nỗi cô đơn và nỗi nhớ nhà. Lời cầu nguyện cho phép chúng ta cảm nhận được sự gần gũi của Người Mục Tử Nhân Lành, ngay cả những lúc chúng ta cảm thấy thiếu vắng các mục tử của mình, như thường xuyên xảy ra ở những vùng đất này. Chính trong sa mạc của chúng ta, Chúa yêu thương mở ra những con đường mới chưa được khám phá và làm cho những mạch nước sống tuôn trào (x. Is 43:19). Lời cầu nguyện ngợi khen và thờ phượng dẫn chúng ta đến đó, đến các mạch nước của Thánh Linh, đưa chúng ta trở về nguồn gốc, đến sự hiệp nhất.

Thật là tốt cho chúng ta khi kiên trì ngợi khen Thiên Chúa, để trở thành dấu chỉ hiệp nhất cho tất cả các Kitô hữu! Hãy duy trì thói quen tốt là làm cho các công trình xây dựng nhà thờ của chúng ta cũng có thể dùng cho các cộng đồng khác thờ phượng cùng một Chúa. Vì không chỉ ở đây trên trái đất này, mà còn ở trên trời, có một bài hát ngợi khen đã kết hợp chúng ta lại với nhau, được hát bởi nhiều vị tử đạo Kitô thuộc các hệ phái khác nhau. Đã có biết bao người như thế trong những năm gần đây, ở Trung Đông và trên toàn thế giới, biết bao nhiêu! Giờ đây, họ tạo nên một bầu trời đầy sao độc đáo, dẫn đường cho chúng ta khi chúng ta đi qua các sa mạc của lịch sử. Chúng ta có cùng một mục tiêu: tất cả chúng ta đều được mời gọi đến sự hiệp thông viên mãn trong Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng sự thống nhất mà chúng ta đang hành trình là sự thống nhất trong đa dạng. Điều quan trọng cần ghi nhớ là: Sự thống nhất không phải là “sự giống nhau”, không, nó là sự thống nhất trong sự đa dạng. Lời tường thuật về Lễ Ngũ Tuần kể rằng mỗi người đã nghe các Tông đồ nói “bằng ngôn ngữ của mình” (Cv 2: 6): Thánh Thần không tạo ra một ngôn ngữ mới cho mọi người, nhưng cho phép mỗi người nói các ngôn ngữ khác (x. V. 4), để mọi người có thể nghe được ngôn ngữ của mình do người khác nói (xem câu 11). Nói một cách dễ hiểu, Ngài không giam cầm chúng ta trong sự đồng nhất, nhưng bắt chúng ta chấp nhận lẫn nhau trong những khác biệt của chúng ta. Điều đó xảy ra khi con người sống bởi Thánh Linh. Họ học cách gặp gỡ từng anh chị em của mình trong đức tin như một phần của cơ thể mà chính họ thuộc về. Đó là tinh thần của hành trình đại kết.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta đang tiến bộ như thế nào trên hành trình này. Là một mục tử, một tín hữu của tín hữu Chúa Kitô, tôi có sẵn sàng đón nhận tác động của Thánh Linh không? Tôi có xem công cuộc đại kết là một gánh nặng, như một cam kết xa vời, như một nghĩa vụ thể chế, hay như ước muốn chân thành của Chúa Giêsu là tất cả được nên “một” (Ga 17:21), và là một sứ mệnh bắt nguồn từ Tin Mừng? Cụ thể, tôi phải làm gì cho những anh chị em tin vào Chúa Kitô mà không phải là “của tôi”? Tôi có làm quen với họ, tôi có tìm kiếm họ, tôi có thể hiện sự quan tâm đến họ không? Tôi có giữ khoảng cách và trọng hình thức, hay tôi cố gắng tìm hiểu lịch sử của họ và đánh giá cao tính độc đáo của họ, mà không coi đó là một trở ngại không thể vượt qua?

Sau sự thống nhất trong đa dạng, bây giờ chúng ta chuyển sang yếu tố thứ hai: nhân chứng của cuộc sống. Vào Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ được “mở ra”, được biến đổi và đi ra khỏi Phòng Tiệc Ly. Sau đó các ngài sẽ đi ra khắp thế giới. Giêrusalem, nơi dường như là điểm đến của họ, trở thành điểm khởi đầu của một cuộc phiêu lưu phi thường. Nỗi sợ hãi đã giữ họ ở nhà giờ đây trở thành một ký ức xa vời: từ đó họ đi khắp nơi, không phải để nổi bật so với những người khác, chẳng phải để cách mạng hóa trật tự xã hội và thế giới, nhưng bằng cuộc sống của mình, các ngài làm rạng rỡ khắp mọi nơi vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Thông điệp của chúng ta không phải là một diễn văn được thực hiện bằng lời nói, mà là một nhân chứng được đưa ra bằng hành động. Đức tin không phải là một đặc ân để được tuyên bố, nhưng là một món quà để được chia sẻ. Như một văn bản cổ đã viết: Các tín hữu đạo Đấng Kitô “không sống ở những thành phố cụ thể, họ không sử dụng một số ngôn ngữ lạ, và họ không áp dụng một lối sống đặc biệt… Mỗi vùng ngoại quốc đều là quê hương của họ… Họ sống trên đất nhưng có quyền công dân của mình ở trên thiên đường. Họ tuân theo các luật đã được thiết lập, nhưng với cách sống của họ, họ ở trên luật. Họ yêu tất cả mọi người “(Thư gửi Diognetus, V). Họ yêu tất cả mọi người: đây là huy hiệu của các Kitô hữu, là bản chất của chứng tá của chúng ta. Sống ở đây ở Bahrain đã giúp nhiều người trong số các bạn khám phá lại và thực hành tính đơn giản hoàn toàn của lòng bác ái. Tôi nghĩ đến sự trợ giúp mà các bạn cung cấp cho những anh chị em của chúng ta, những người đến từ nơi khác, về sự hiện diện khiêm nhường của Kitô hữu và chứng tá mà các bạn thực hiện hàng ngày tại nơi làm việc bằng sự hiểu biết và kiên nhẫn, vui vẻ và hiền lành, nhân từ và tinh thần đối thoại. Nói một cách ngắn gọn: hòa bình.

Chúng ta cũng sẽ rất hữu ích khi nhìn lại cách chúng ta làm chứng, vì theo thời gian, chúng ta có thể suy yếu lòng nhiệt thành phản ánh Chúa Giêsu qua tinh thần của các Mối Phúc, sự kiên định và tốt lành trong cuộc sống của chúng ta, và sự bình an của chúng ta. Chúng ta hãy hỏi, bây giờ chúng ta đang cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình: chúng ta có thực sự là những người của hòa bình không? Chúng ta có muốn làm cho sự hiền lành của Chúa Giêsu hiện diện ở khắp mọi nơi, không đòi hỏi được đáp lại không? Chúng ta có tạo ra của riêng mình, mang chúng trong trái tim và trong lời cầu nguyện của chúng ta, những đấu tranh, tổn thương và xung đột mà chúng ta thấy xung quanh chúng ta không?

Thưa anh chị em, tôi muốn chia sẻ với anh chị em những suy nghĩ này về sự hiệp nhất, là điều mà lời khen ngợi củng cố, và chứng tá, là điều mà lòng bác ái xác nhận. Sự hiệp nhất và chứng tá đều rất cần thiết. Chúng ta không thể thực sự làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu trừ khi chúng ta hiệp nhất với nhau theo thánh ý của Ngài, và chúng ta không thể hợp nhất bằng cách xa rời nhau, không cởi mở để làm chứng, không mở rộng ranh giới lợi ích của chúng ta và của cộng đồng chúng ta nhân danh Thánh Linh, Đấng bao trùm mọi ngôn ngữ và tiếp cận với mọi người. Cho phép tôi nói thêm một điều: Chúa Thánh Thần đã tạo ra một sự đa dạng lớn dường như là một sự hỗn loạn lớn. Tuy nhiên, cùng một Thánh Linh ban các loại ân sủng khác nhau cũng tạo ra sự hiệp nhất, nhưng hiệp nhất theo nghĩa hòa hợp. “Thánh Linh là sự hòa hợp”, một trong những Giáo phụ vĩ đại của Giáo hội đã nói: “Ipse harmoniac est”, chính Ngài là sự hòa hợp. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sự hòa hợp này có thể tồn tại giữa chúng ta. Thánh Linh liên kết chúng ta và sai chúng ta đi; Ngài quy tụ chúng ta trong sự hiệp thông và sai chúng ta đi truyền giáo. Chúng ta hãy giao phó cho Ngài trong lời cầu nguyện cuộc hành trình chung của chúng ta, và cầu xin Ngài tuôn đổ ân sủng trên chúng ta, trong một Lễ Hiện Xuống mới sẽ mở ra những chân trời mới và đẩy nhanh tốc độ của hành trình hiệp nhất và hòa bình của chúng ta.
 
Tông du Bahrain: Diễn văn của Đức Phanxicô tại Buổi Kết thúc Diễn Đàn Đối Thoại Bahrain
Vu Van An
21:13 04/11/2022


Theo tin Tòa Thánh, ngày 4 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới dự buổi lễ bế mạc "Diễn Đàn Đối thoại Bahrain: Đông và Tây cho sự Chung sống của con người", tại Quảng trường Al-Fida thuộc Cung điện Hòang gia Sakhir ở thủ đô Manama. Tại đây ngài đã đọc diễn văn trước Diễn Đàn:



Thưa Quốc vương, thưa các hoàng thân

Thưa hiền đệ, Tiến sĩ Al-Tayyeb, Đại Imam của Al-Azhar,

Thưa hiền đệ, Bartholomew, Thượng phụ Đại kết,

Thưa các nhà chức trách tôn giáo và dân sự đáng kính,

Thưa quý bà và qúy ông,


Tôi xin hết sức thân ái chào tất cả qúy vị và tôi biết ơn về sự nghinh đón của qúy vị đối với việc tôi đến với Diễn đàn đối thoại này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đức vua, Quốc vương Bahrain. Quốc gia này lấy tên theo vùng biển của mình: tên Bahrain có nghĩa là "hai biển khơi". Nó khiến chúng ta liên tưởng đến vùng nước biển, đưa các vùng đất và quốc gia tiếp xúc và nối kết các dân tộc xa xôi với nhau. Theo cách nói của một câu tục ngữ cổ, “Điều đất phân chia, biển khơi nối liền”. Trái đất, nhìn từ trên cao, xuất hiện như một vùng biển xanh bao la nối liền các bờ biển khác nhau. Từ trên trời, nó dường như nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thực sự là một gia đình: không phải là các hòn đảo, mà là một quần đảo lớn. Đây là cách Đấng Tối Cao muốn chúng ta trở thành, và đất nước này, là một quần đảo gồm hơn ba mươi hòn đảo, có thể tượng trưng cho mong muốn đó.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở thời điểm khi nhân loại, vốn được kết nối như chưa từng có trước đây, nay xuất hiện chia rẽ nhiều hơn đoàn kết. Ở đây, cái tên “Bahrain” có thể giúp chúng ta suy nghĩ: “hai biển khơi” mà nó nói đến chỉ vùng nước ngọt của các suối nước ngầm và vùng nước mằn mặn của Vịnh. Ngày nay, một cách hơi tương tự, chúng ta thấy mình đang nhìn ra hai vùng biển với những vùng nước rất khác nhau: biển nước ngọt êm đềm của một cuộc sống thanh bình bên nhau, và biển mằn đắng của sự thờ ơ, hoen ố bởi những cuộc đụng độ và cuốn trôi bởi những cơn gió chiến tranh, những ngọn sóng cồn ngày càng trở nên hỗn loạn hơn của nó, đe dọa áp đảo tất cả chúng ta. Thảm hại thay, Đông và Tây ngày càng giống như hai vùng biển đối nghịch nhau. Mặt khác, chúng ta ở đây với nhau vì tất cả chúng ta đều có ý định ra khơi trên cùng một vùng biển, chọn con đường gặp gỡ hơn là đối đầu, con đường đối thoại được tiêu đề của Diễn đàn này chỉ ra: “Đông và Tây cho Sự chung sống của con người”.

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập niên khiến thế giới ngừng thở, những cuộc xung đột thảm khốc diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, và giữa những lời buộc tội, đe dọa và lên án, chúng ta tiếp tục thấy mình trên bờ một vực thẳm mong manh và chúng ta không muốn rơi xuống. Có một nghịch lý nổi bật là, trong khi phần lớn dân số thế giới đoàn kết để đương đầu với cùng những khó khăn, chịu đựng cuộc khủng hoảng trầm trọng về thực phẩm, sinh thái và đại dịch, cũng như sự bất công ngày càng tai tiếng khắp hoàn cầu, thì một số người có tiềm lực lại để mình bị cuốn vào một cuộc tranh đấu kiên quyết vì lợi ích đảng phái, phục hồi các luận điệu lỗi thời, thiết kế lại các khu vực ảnh hưởng và các khối đối lập. Chúng ta dường như đang chứng kiến một kịch bản đầy kịch tính và trẻ thơ: trong khu vườn của nhân loại, thay vì vun xới cho môi trường xung quanh, chúng ta lại chơi với lửa, tên lửa và bom đạn, những vũ khí mang đến đau thương và chết chóc, bao phủ ngôi nhà chung của chúng ta bằng tro tàn và hận thù.

Đó sẽ là hậu quả cay đắng nếu chúng ta tiếp tục nhấn mạnh xung đột thay vì hiểu nhau, nếu chúng ta cố chấp áp đặt mô hình và tầm nhìn chuyên quyền, đế quốc, dân tộc chủ nghĩa và dân túy của chính mình, nếu chúng ta không quan tâm đến văn hóa của người khác, nếu chúng ta bịt tai lại trước lời van xin của những người bình thường và tiếng nói của người nghèo, nếu chúng ta tiếp tục đơn giản hóa việc phân chia mọi người thành tốt và xấu, nếu chúng ta không nỗ lực để hiểu nhau và hợp tác vì lợi ích của tất cả mọi người. Đây là những lựa chọn trước mắt chúng ta vì, trong một thế giới hoàn cầu hóa, chúng ta chỉ tiến lên bằng cách cùng nhau chèo thuyền; nếu chúng ta chèo thuyền một mình, chúng ta sẽ trôi dạt.

Trên biển khơi xung đột bão táp, chúng ta hãy để mắt tới Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và Chung sống Với nhau, một văn kiện kêu gọi một cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa phương Tây và phương Đông, để giúp chữa lành các căn bệnh liên hệ của họ [1]. Chúng ta ở đây, với tư cách là những người đàn ông và đàn bà tin vào Thiên Chúa và vào anh chị em của mình, để từ khước lối “tư duy cô lập”, cách tiếp cận thực tại làm ngơ biển lớn nhân loại bằng cách chỉ tập trung vào dòng chảy hạn hẹp của chính mình. Chúng ta muốn các khác biệt giữa Đông và Tây được giải quyết vì lợi ích của tất cả mọi người, mà không làm phân tán sự chú ý về một sự khác biệt khác đang gia tăng không ngừng và một cách đáng kể: hố phân cách giữa Bắc và Nam của thế giới. Sự xuất hiện của các cuộc xung đột không nên làm cho chúng ta mất tầm nhìn đối với các bi kịch ít hiển nhiên hơn trong gia đình nhân loại chúng ta, chẳng hạn như sự bất bình đẳng đầy thảm khốc, theo đó phần lớn người dân trên hành tinh của chúng ta phải trải qua sự bất công chưa từng có, nạn đói đáng xấu hổ và thảm họa của biến đổi khí hậu, dấu hiệu cho thấy chúng ta thiếu quan tâm đến ngôi nhà chung.

Khi nói đến những vấn đề như vậy, những vấn đề được chúng ta thảo luận trong những ngày này, các nhà lãnh đạo tôn giáo chắc chắn phải cam kết và nêu gương tốt. Chúng ta có một vai trò cụ thể để thủ diễn và Diễn đàn này đã mang đến cho chúng ta một cơ hội hơn nữa trong lĩnh vực này. Nhiệm vụ của chúng ta là khuyến khích và hỗ trợ gia đình nhân loại của chúng ta, liên thuộc lẫn nhau nhưng đồng thời không kết nối với nhau, cùng nhau ra khơi. Do đó, tôi muốn đề xuất ba thách thức phát xuất từ Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại và từ Tuyên bố của Vương quốc Bahrain, chính dựa vào cả hai văn kiện này mà chúng ta đã suy tư trong những ngày này. Những thách thức này liên quan đến cầu nguyện, giáo dục và hành động.

Trước hết, cầu nguyện, một điều đụng đến trái tim con người. Sự thật mà nói, những bi kịch mà chúng ta đang phải chịu đựng, những chia rẽ nguy hiểm mà chúng ta đang phải trải qua, và “những mất cân bằng mà dưới đó, thế giới hiện đại đang lao đao, được liên kết với sự mất cân bằng căn bản hơn bắt nguồn từ trái tim con người” (Gaudium et Spes, 10). Đó là nguyên nhân tối hậu của chúng. Do đó, rủi ro lớn nhất không nằm ở các đối tượng chuyên biệt, các thực tại vật chất hay định chế, mà là ở khuynh hướng con người của chúng ta muốn giam mình trong tính nội tại của chính chúng ta, nhóm của chúng ta, lợi ích vụn vặt của chúng ta. Đây không phải là một thất bại của thời đại chúng ta: nó đã có mặt từ thuở sơ khai của loài người và với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, nó có thể được khắc phục (xem Fratelli Tutti, 166).

Vì lý do này, cầu nguyện, việc mở lòng chúng ta với Đấng Tối Cao, là điều cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tính ích kỷ, tư duy khép kín, tự quy chiếu vào mình, giả dối và bất công. Những người cầu nguyện nhận được sự bình an của trái tim; họ không thể không làm chứng cho điều này và mời gọi những người khác, trên hết là bằng gương sáng của họ, không trở thành con mồi cho một chủ nghĩa ngoại giáo vốn giản lược con người xuống hàng những gì họ bán, mua hoặc nhờ đó họ được giải trí, mà thay vào đó là khám phá lại phẩm giá vô hạn mà mỗi người đều được ban cho. Tín đồ các tôn giáo là những người đàn ông và đàn bà của hòa bình, những người, khi họ hành trình cùng với những người khác trên trái đất này, mời gọi họ, một cách dịu dàng và tôn trọng, hướng ánh nhìn của họ lên thiên đường. Họ mang vào lời cầu nguyện của họ, như hương thơm dâng lên Đấng Tối Cao (xem Tv 141: 2), những thử thách và khổ não của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, đối với trường hợp này, có một tiền đề thiết yếu, và đó là tự do tôn giáo. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain giải thích rằng “Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta thực thi hồng phúc thần linh là tự do lựa chọn” và do đó, “tôn giáo cưỡng bức không thể đưa một con người vào mối liên hệ có ý nghĩa với Thiên Chúa”. Bất cứ hình thức cưỡng bức tôn giáo nào đều không xứng đáng với Đấng toàn năng, vì Người không trao thế giới cho các nô lệ, mà trao cho các tạo vật tự do, những người được Người hoàn toàn kính trọng. Vì vậy, chúng ta hãy cam kết bảo đảm rằng sự tự do của các tạo vật phản ảnh quyền tự do tối cao của Đấng Tạo Hóa, những nơi thờ phượng được bảo vệ và tôn trọng ở mọi thời và mọi nơi, và việc cầu nguyện đó được ủng hộ và không bao giờ bị cản trở. Việc cấp giấy phép và công nhận quyền tự do thờ phượng vẫn chưa đủ; cần phải đạt đến tự do tôn giáo thực sự. Về phương diện này, không những mọi xã hội, mà mọi tín ngưỡng đều được kêu gọi phải tự vấn lương tâm. Nó được kêu gọi tự vấn xem liệu nó có ép buộc các tạo vật của Thiên Chúa từ bên ngoài, hay giải phóng họ từ bên trong; liệu nó có giúp con người từ chối sự cứng ngắc, hẹp hòi và bạo lực hay không; liệu nó có giúp các tín đồ lớn lên trong sự tự do đích thực, không phải là làm những gì chúng ta muốn, mà là hướng bản thân đến điều tốt lành mà vì nó, chúng ta đã được tạo ra.

Nếu thách thức cầu nguyện liên quan đến trái tim, thì thách thức thứ hai, thách thức giáo dục, xét về yếu tính, liên quan đến tâm trí. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain quả quyết rằng "sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình". Điều này đúng, vì ở những nơi thiếu cơ hội giáo dục, chủ nghĩa cực đoan gia tăng và các hình thức của chủ nghĩa cực đoan bắt đầu mọc rễ. Tuy nhiên, nếu sự ngu dốt là kẻ thù của hòa bình, thì giáo dục là bạn của phát triển, với điều kiện là nền giáo dục thực sự phù hợp với đàn ông và đàn bà như những hữu thể năng động và có liên hệ. Một nền giáo dục không cứng ngắc và độc khối, mà cởi mở trước các thách thức và nhạy cảm với những thay đổi văn hóa; không tự quy chiếu và cô lập, nhưng chú ý đến lịch sử và văn hóa của người khác; không trì trệ, nhưng ham học hỏi và cởi mở đón nhận các khía cạnh khác nhau và thiết yếu của một gia đình nhân loại mà chúng ta thuộc về. Bằng cách đó, nó có thể đi vào trọng tâm của các vấn đề mà không cho là mình có câu trả lời dễ dàng để giải quyết các vấn đề phức tạp, nhưng thay vào đó sẵn sàng đón nhận khủng hoảng mà không hiểu nó dưới góc độ xung đột. Xung đột luôn dẫn đến hủy diệt. Một cuộc khủng hoảng giúp chúng ta suy nghĩ và phát triển. Bởi vì quả không xứng đáng với tâm trí con người khi nghĩ rằng quyền lực nên thắng lý trí, đưa các phương pháp của quá khứ vào các vấn đề hiện nay, áp dụng các mô hình dựa trên kỹ thuật hoặc sự tiện lợi đơn thuần đối với lịch sử và văn hóa của con người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặt câu hỏi, cho phép mình được thách thức, học cách tham gia đối thoại một cách kiên nhẫn, tôn trọng và sẵn lòng lắng nghe, tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người khác. Đó là cách giáo dục tâm trí con người: bằng cách khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau. Vì nói rằng chúng ta khoan dung là điều không đủ: chúng ta thực sự phải nhường chỗ cho người khác, cho họ quyền và cơ hội. Đây là một cách tiếp cận bắt đầu với giáo dục và nó là một cách mà các tôn giáo được mời gọi hỗ trợ.

Cụ thể, tôi muốn nhấn mạnh ba ưu tiên giáo dục cấp bách. Thứ nhất, việc công nhận phụ nữ trong khu vực công: tức là quyền “học hành, việc làm, [và] quyền tự do thực thi các quyền xã hội và chính trị của họ” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Về điều này, cũng như trong các lĩnh vực khác, giáo dục là con đường dẫn đến sự giải thoát khỏi những di sản lịch sử và xã hội, trái ngược với tinh thần đoàn kết huynh đệ vốn phải đánh dấu những người thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận.

Thứ hai, “bảo vệ các quyền căn bản của trẻ em” (sđd), để các em được lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và hỗ trợ, để không phải sống trong cảnh kìm kẹp của đói khát và bạo lực. Chúng ta hãy dạy người khác, và tự học cách nhìn những cuộc khủng hoảng, các vấn đề và các cuộc chiến tranh qua con mắt của trẻ em: đây không phải là dấu hiệu của sự ngây thơ, mà là sự khôn ngoan biết nhìn xa trông rộng, bởi vì chỉ khi chúng ta quan tâm đến chúng thì sự tiến bộ sẽ được phản ảnh một cách hồn nhiên, chứ không phải là lợi nhuận, và dẫn đến việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và nhân bản hơn.

Giáo dục bắt đầu từ trung tâm của gia đình và tiếp tục trong một cộng đồng, làng hoặc thành phố. Thứ ba, tôi nhấn mạnh đến việc giáo dục quyền công dân, cách sống trong cộng đồng, tôn trọng lẫn nhau và luật pháp. Ngoài ra, tầm quan trọng đặc biệt của “khái niệm quyền công dân”, vốn “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”. Ở đây, cần có sự cam kết để chúng ta có thể “thiết lập trong xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng đầy kỳ thị thuật ngữ thiểu số vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Việc sử dụng nó sai mở đường cho sự thù nghịch và bất hòa; nó hủy bỏ bất cứ thành công nào và lấy đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, những người do đó bị kỳ thị” (sđd).

Và như vậy, chúng ta đi đến thách thức cuối cùng trong ba thách thức của chúng ta, liên quan đến hành động, chúng ta có thể nói các khả năng con người của chúng ta. Tuyên bố của Vương quốc Bahrain nói rằng bất cứ khi nào sự thù hận, bạo lực và bất hòa được rao giảng, danh của Thiên Chúa sẽ bị phạm thánh. Tất cả những người có tôn giáo đều bác bỏ những điều này như hoàn toàn không thể biện minh được. Họ mạnh mẽ bác bỏ sự phạm thánh của chiến tranh và việc sử dụng bạo lực. Và họ nhất quán đem việc bác bỏ này vào thực hành. Vì tuyên bố rằng một tôn giáo là hòa bình là điều chưa đủ; chúng ta cần phải lên án và cách ly những thủ phạm của bạo lực lạm dụng danh nghĩa của nó. Cũng sẽ không đủ khi chúng ta tự phân cách với việc bất khoan dung và chủ nghĩa cực đoan; chúng ta cần phải chống lại chúng. “Đây là lý do tại sao cần phải ngưng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng tài chính, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bằng các nỗ lực biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội ác quốc tế đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Sự khủng bố đó phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu thức của nó” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại). Và cả khủng bố ý thức hệ nữa.

Những người đàn ông và phụ nữ có tôn giáo, với tư cách là những người yêu chuộng hòa bình, cũng phản đối cuộc chạy đua tái vũ trang, chiến tranh thương mại, thị trường của cái chết. Họ không ủng hộ "liên minh chống lại một số", nhưng ủng hộ các phương tiện gặp gỡ mọi người. Không khuất phục trước các hình thức chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa hòa đồng hổ lốn dưới bất cứ hình thức nào, họ theo đuổi một con đường duy nhất, đó là con đường huynh đệ, đối thoại và hòa bình. Đó là những điều họ ủng hộ. Các bạn thân mến, chúng ta hãy theo đuổi con đường này; chúng ta hãy mở rộng trái tim của chúng ta với anh chị em của chúng ta; chúng ta hãy tiếp tục hành trình hướng tới việc nhận biết và thâm hiểu nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy củng cố mối liên kết giữa chúng ta, không hề hai lòng hay sợ hãi, nhân danh Đấng Tạo Hóa, Đấng đã đặt chúng ta ở với nhau trên thế giới này như những người bảo vệ anh chị em của chúng ta. Và nếu các thế lực khác nhau đối xử với nhau trên cơ sở lợi ích, tiền bạc và quyền lực, chúng ta có thể chỉ cho họ thấy rằng một con đường gặp gỡ khác là điều khả hữu. Có thể và cần thiết, vì vũ lực, vũ khí và tiền bạc sẽ không bao giờ vẽ nên một tương lai hòa bình. Vì vậy, chúng ta hãy gặp gỡ nhau vì lợi ích của nhân loại và nhân danh Đấng yêu thương nhân loại, Đấng có tên là hòa bình. Chúng ta hãy cổ vũ các sáng kiến cụ thể để bảo đảm rằng hành trình của các tôn giáo lớn sẽ ngày càng là một ý thức hòa bình hữu hiệu và liên tục cho thế giới của chúng ta! Tôi gửi đến mọi người lời kêu gọi chân thành của tôi về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc vì hòa bình.

Tạo hóa mời gọi chúng ta hành động, đặc biệt thay mặt cho tất cả những tạo vật của Người, những người chưa tìm thấy một chỗ đứng thỏa đáng trong nghị trình của kẻ có quyền thế: người nghèo, người chưa sinh, người già, người ốm yếu, người di cư... Nếu chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa của lòng thương xót, nhưng không lắng nghe người nghèo và không đem tiếng nói cho người không có tiếng nói, thì ai sẽ làm điều này đây? Chúng ta đứng về phía họ; chúng ta hãy cố gắng hết sức để giúp đỡ một nhân loại bị thương và bị thử thách rất nhiều! Làm như vậy, chúng ta sẽ kéo xuống thế giới của chúng ta phước lành của Đấng Tối Cao. Cầu mong Người soi sáng cuộc hành trình của chúng ta và đoàn kết các trái tim, khối óc và sức lực của chúng ta (x. Mc 12:30), để việc tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta được song hành với một tình yêu cụ thể và huynh đệ đối với người lân cận. Để cùng nhau, chúng ta có thể là những nhà tiên tri của cộng đồng, những nghệ nhân của sự hiệp nhất và những người xây dựng hòa bình. Cảm ơn các bạn.

_________________________________________________________________

[1] “Phương Tây có thể khám phá ra ở phương Đông những phương thuốc chữa trị cho những căn bệnh tâm linh và tôn giáo do chủ nghĩa duy vật thịnh hành gây ra. Và phương Đông có thể tìm thấy ở phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải phóng mình khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và suy giảm khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử vốn là một thành phần quan trọng trong việc hình thành tính cách, văn hóa và văn minh của phương Đông. Tương tự như vậy, điều quan trọng là củng cố mối ràng buộc của các quyền căn bản của con người để giúp bảo đảm một cuộc sống xứng đáng cho mọi người đàn ông và đàn bà ở phương Đông và phương Tây” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và Chung sống, ngày 4 tháng 9 năm 2019).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Tuởng Niệm cố Thống Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 59 tại giáo xứ VN Seattle.
Nguyễn An Quý
09:18 04/11/2022
Lễ Tuởng Niệm cố Thống Thống Ngô Đình Diệm lần thứ 59 tại giáo xứ VN Seattle.

Tukwila. Trong tinh thần uống nước nhớ nguồn và cùng với Giáo Hội hướng đến việc cầu nguyện cho các Đẳng Linh hồn trong tháng 11, giáo xứ CTTĐVN cử hành lễ Tưởng Niệm và thánh lễ cầu nguyện cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, các Bào Đệ của Người và toàn thể Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do vào chiều thứ năm ngày 03 tháng 11 năm 2022 lúc 6 giờ 30.

Xem Hình

Trước Thánh Lễ là nghi thức tưởng niệm được cử hành một cách long trọng. Đúng 6 giờ 30 vị đại diện ban tổ chức giới thiệu Thánh Lễ và mời anh Phạm Hoàng đọc bài diễn từ.

Anh Phạm Hoàng với giọng đọc khá truyền cảm đã đưa toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện lắng đọng tâm hồn tưởng nhớ đến vị Tổng Thống đã một lòng vì nước vì dân, nhưng rồi lại bị thảm sát trong đau thương. Bài diễn từ có đoạn đầy cảm động:

“Cố Tổng Thống Ngô Đinh Diệm lúc thiếu thời, được thụ hưởng một nền giáo dục của vị cha tinh thần nổi tiếng về kiến thức uyên bác, cũng như đức độ và lòng yêu nước: Đó là Quận Công Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư dưới thời nhà Nguyễn. Ngài là vị đại thần duy nhất chống lại việc người Pháp muốn đào ngôi mộ vua Tự Đức để lấy vàng bạc châu báu. Thời đó người dân Huế có câu truyền miệng: “Đày vua không Khả. Đào mả không Bài ”. Ngô Đình Khả là thân phụ của cố Tổng Thống Diệm không chịu ký lệnh đày vua Thành Thái theo đòi hỏi của Pháp. Ngoài việc hấp thụ những đức tính cao đẹp và lòng yêu nước nồng nàn của thân phụ và nghĩa phụ, cụ Diệm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Thực vậy, tinh thần Nho Giáo đã đưa cụ Diệm thành một con người thanh liêm, tiết tháo và cương trực thì nền giáo dục của Thiên Chúa Giáo đã đào tạo cụ Diệm thành một con người giàu lòng bác ái, vị tha và sống công chính. Do ảnh hưởng của hai nền giáo dục đó nên khi nhận lãnh trách nhiệm điều hành Quốc Gia, ngài là một vị Tổng Thống yêu nước, ngài đã kiên cường tranh đấu để bảo vệ nền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, ngài luôn đặt quyền lợi tổ quốc trên hết, nhưng rồi vận nước đến thời đen tối. Cố Tổng Thống và bào đệ của Người đã bị sát hại một cách bi thương trong biến cố của cái gọi là cuộc đảo chánh năm 1963 ….”

Bài diễn từ vừa dứt, ba hồi chiêng trống ngân vang làm tăng thêm vẻ thiêng liêng đầy trang trọng. Ba hồi chiêng trống vừa dứt. Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ. Nghi đoàn cùng với quý linh mục đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh. Thánh Lễ được cử hành đồng tế do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế và cha Trần Hữu Lân đồng tế.

Bài ca nhập lễ vừa dứt. MC: trân trọng kính mời quý cha dâng hương.

Phần niệm hương được chia 4 nhóm gồm quý cha, quý đại diện miền Bắc đại diện miền Trung và đại diện miền Nam theo lời dẫn niệm hương từng phần như sau:

-Quý Cha dâng hương: Hương trầm trên tay Quý cha là niềm tri ân dạt dào, là lời cảm tạ bao hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng ta được sống trong một đất nước tự do. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho quê hương Việt Nam sớm chấm dứt nạn cộng sản vô thần để mọi người dân được sống trong an bình hạnh phúc như mong muốn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc sinh thời.

Ca Đoàn hát: Hương Trầm tỏa bay lên trước Thiên Nhan...: (ba tiếng chiêng trống )

-Đại diện miền Bắc: Nén hương trong tay đại diện miền Bắc dâng lên Chúa để tưởng nhớ đến các anh anh hùng vị Quốc vong thân, các chiến sĩ VNCH đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng tự do cho miền Nam Việt Nam. Xin cho tất cả được an nghỉ nơi nước Chúa.

Ca Đoàn hát: Hương Trầm toả bay lên trước Thiên Nhan.

-Đại diện miền Trung: Miền Trung nơi quê hương của gia đình cố Tổng Thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm. Nén hương trong tay đại diện miền Trung dâng lên Chúa với lời nguyện cầu: Xin Chúa đón nhận linh hồn Cố Tổng Thống Gioanbaotixia Ngô Đình Diệm và các bào đệ của ngài được vào hưởng phúc muôn đời trên Thiên Quốc.

Ca Đoàn hát: Hương Trầm toả bay lên.....: ( Ba tiếng chiêng trống)

-Đại diện miền Nam: Nén hương trong tay những đại diện miền Nam dâng lên Chúa với lời khẩn nguyện thiết tha. Xin cho các chiến sĩ VNCH và Đồng Minh đã chết cho nền công lý và hoà bình được đơm hoa kết trái trên mảnh đất đầy tình người đơn sơ và chân thật. Xin cho tất cả được an nghỉ nơi nước Chúa.

Ca Đoàn hát: Hương Trầm toả bay lên.....: Phần niệm hương kết thúc và bắt đầu Thánh Lễ.

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo Thánh Lễ cầu cho các tín hữu qua đời. Tin mừng hôm nay Thánh Gioan giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu cho La da rô đã chôn trong mồ ba ngày được sống lại với đoạn: Khi đến Bê-ta-ni-a, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại !” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ, bài chia sẻ tin mừng ngài nhấn mạnh về niềm tin của người Công Giáo là có đời sau: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”

Khi đề cập đến cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ngài nói: Hôm nay chúng ta cùng tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các Bào Đệ của Người cùng các Chiến sĩ VNCH đã hy sinh, chúng ta cùng học gương yêu nước, lòng đạo đức và đức tin của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cố Tổng Thống luôn sống với niềm tin của người Kitô hữu, ngài luôn sống bằng những lời cầu nguyện và tín thác nơi Chúa. Nhân đây chúng ta cùng cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm hưởng được nền công lý và hòa bình đích thực.

Trước khi kết thánh lễ, cha chánh xứ cám ơn ban phụng vụ, cám ơn các vị trong BanTổ Chức và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã tham dự thánh lễ cầu nguyện cho cố Tổng Thống, các Bào Đệ của Người cùng chiến sĩ VNCH.

Thánh lễ kết thúc gần 1 giờ, sau phép lành cuối lễ và mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn với lời kinh kết cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn.

Nguyễn An Quý
 
Giáo xứ Tân Việt: Ban Caritas mừng bổn mạng
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:32 04/11/2022
Giáo xứ Tân Việt: Ban Caritas mừng bổn mạng

“ Thánh Martino rất khiêm nhường, tấm lòng vàng như hoa nở thơm hương, trí sạch lòng thanh, danh lợi không vấn vương…” Lời bài ca nhập lễ của ca đoàn Mẹ Thiên Chúa đã giúp cộng đoàn sốt sáng tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Martinô, bổn mang Ban Caritas và kỷ niệm 40 năm thành lập giáo khu Martinô, diễn ra lúc 17g thứ năm 3/11/2022 tại giáo xứ Tân Việt hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Thánh lễ do Lm Chánh xứ Đaminh Vũ Ngọc Thủ chủ tế cùng với sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn dân Chúa.

17g Ban Caritas, quý chức, đại diện các đoàn thể, đại diện giáo khu Martino đón Lm chủ tế lên cung thánh bắt đầu Thánh lễ.

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ:

Hôm nay kỷ niệm 60 năm Đức GH Gioan XXIII tôn vinh Thánh Martino một tu sĩ dòng Đaminh lên bậc hiển thánh. Đặc biệt hôm nay cũng là bổn mang của Ban Caritas và kỷ niệm 40 năm thành lập giáo khu Martinô chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng nhau.

Chia sẻ Tin mừng Lm chủ tế nói: Mỗi thời đại, Chúa cho xuất hiện một vị Thánh đặc biệt để canh tân giáo hội và thời đại hôm nay là thời đại mà chúng ta đang cần đến tình thương, và đã xuất hiện một vị Thánh có một tấm lòng vàng như Thánh Martinô để chúng ta học hỏi theo Ngài làm chứng tá cho Chúa.

Tạ ơn Chúa, nhờ sự quảng đại của mọi người mà Ban Caritas cũng như các đoàn thễ khác trong giáo xứ có điều kiện hằng năm đi thăm những anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt ở những vùng xâu. Hành động áy chính là thể hiện tình yêu thương nhau, đó là tinh thần của Thánh Martinô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Nguyện xin tình yêu ấy luôn sống mãi và lan tỏa để giáo xứ chúng ta luôn tràn đầy yêu thương qua đó góp phần giới thiệu Chúa cho anh chị em chung quanh.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Mừng kính Thánh Martinô, xin cho chúng con biết noi gương Thánh nhân, quảng đại, mở rộng tấm lòng bác ái, hy sinh sẵn lòng giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người kém may mắn.

Vinh sơn Trần Văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh nấm mồ ở nghĩa trang
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:40 04/11/2022
Hình ảnh nấm mồ ở nghĩa trang

Khách hành hương sang đất thánh bên Do Thái ngoài đi thăm viếng những địa điềm khác nhau nơi ngày xưa Chúa Giêsu Kitô đã sinh sống, đã đặt chân đi qua Bethlehem ở Nazareth ở vùng Samaria, còn đến thăm viếng đền thờ có ngôi mộ Chúa Giêsu ở thành phố thánh địa Jerusalem.

Trong ngôi đền thờ cổ kính này căn phòng mộ Chúa Giêsu là trung tâm điểm của ngôi đền thờ. Khách hành hương cung kính cúi mình chui đi vào căn phòng nhỏ, gặp cỗ áo quan trống rỗng không cò xác người qua đời, như trong các phúc âm thuật viết lại ngôi mộ trống không có xác Chúa Giêsu nữa.

Ngôi mộ trống đó nói lên hình ảnh dấu chỉ Chúa Giesu Kitô đã sống lại, và đây không còn là địa điểm tưởng nhớ người qua đời nữa. Vì thế ngôi đền thờ này có danh xưng Đền thờ phục sinh, hay như phụng vụ văn hóa Chính Thống Bysantin gọi là Anastasis.

Hằng năm tháng Mười Một, theo nếp sống đạo đức trong Hội Thánh Công Giáo tưởng nhớ cầu nguyện cho các người đã qua đời.

Vào những ngày trong tháng này, thân nhân gia đình người đã qua đời ra viếng thăm phần mộ người thân yêu. Họ quyét dọn sạch sẽ, cùng mang theo bông hoa, thắp đèn nến cắm trên phần mộ, và ngậm ngùi đọc kinh cầu nguyện tưởng nhớ người đã qua đời nằm sâu trong lòng đất.

Đó là nghĩa cử lòng đạo đức, lòng hiếu thảo. Con người ai cũng biết chu kỳ trong thiên nhiên nơi cây cối thảo mộc luôn hằng diễn xảy ra có khởi đầu mọc lớn lên xanh tươi, và cũng có tận cùng tàn héo chết lụi. Cũng vậy con người có ngày sinh ra sống trên trần gian, và cũng có ngày đời sống chấm dứt với sự chết.

Nhưng dẫu vậy, sự ly biệt vĩnh viễn, sự chết luôn làm cho con người sợ hãi. Vì phải bước đi vào cảnh hư vô trống rỗng, cảnh đi vào không gian vô danh vô định tối tăm nơi lòng đất, hoặc được thiêu ra tro bụi, mà không ai xưa nay có thể biết được…Sự chết là một mầu nhiệm bí ẩn với con người.

Như thế có ý nghĩa gì khi đến thăm viếng nấm mồ người qua đời mà không có niềm tin tưởng vào sự sống lại?

Trước phần mộ người qua đời gợi lên trong tâm hồn lòng ngậm ngùi buồn thảm cùng nhớ nhung. Người thân nhớ lại với lòng hiếu thảo biết ơn người đã qua đời. Họ nhớ lại những biến cố, những kỷ niệm ngày xưa đã cùng chung sống trải qua với nhau. Nhưng đó chỉ là hướng về qúa khứ đã trôi qua thôi.

Còn có hình ảnh nào hướng về tương lai cho người đã qua đời không?

Sự chết ngăn cách giữa hai thế giới người còn sống trên trần gian và người đã vĩnh biệt ra đi thành người thiên cổ. Họ không còn có thể giao thương hay hoạch định gì cho ngày mai với nhau được nữa.

Người còn đang sống trên trần gian với niềm hy vọng hướng về tương lai của người đã qua đời qua đức tin vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống, Đấng đã phục sinh sống lại, Đấng là nguồn ơn cứu chuộc, cho linh hồn con người đã qua đời được cùng sống lại với Chúa Kitô Giêsu.

Đức tin vào Thiên Chúa nói cho biết chết không phải là hết, là tận cùng. Nhưng linh hồn người qua đời bước sang một đời sống mới bên Đấng là nguồn sự sống. Như Thánh Phaolô với lòng xác tín nhắn nhủ: “ Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc ngàn thu trong Chúa Giêsu Kitô, sẽ được Thiên Chúa dẫn đưa về cùng Chúa Giêsu Kitô.” ( Thư 1. gửi giáo đoàn Thessalonica 4, 14).

Người đã qua đời không còn nói với người thân còn đang trên đường trần gian điều gì bằng âm thanh tiếng nói. Nhưng khi ra thăm viếng phần mộ người đã qua đời, người thân như nghe được bài giảng từ nơi nấm mồ vọng lên:

“ Thời gian đời sống con người ở trên trần gian có giới hạn. Mỗi người chịu trách nhiệm về chính đời sống mình. Sự sống là món qùa tặng ân đức của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống, ban cho mỗi người. Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa sinh thành tạo dựng nên, ban cho những khả năng, ơn kêu gọi, thời giờ cơ hội kiến tạo đời sống. Nhưng ngày sau cùng trở về cội nguồn nơi Thiên Chúa với hai bàn tay không.

Và trước Thiên Chúa chỉ còn biết thân thưa: Lạy Thiên Chúa nguồn sự sống con là người đầy tớ vô dụng chỉ biết làm việc bổn phận Chúa trao cho. Xin Chúa đón nhận và tha thứ những tội lỗi thiếu sót trong đời sống con khi xưa trên trần gian. Con là con của Chúa do Chúa tạo dựng nên…”

Tháng tưởng nhớ các linh hồn
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long


 
VietCatholic TV
Nghi lễ ngoạn mục đón tiếp ĐTC của Quốc Vương Bahrain: Đoàn thiếu nữ rắc hoa tại cung điện nhà vua
VietCatholic Media
02:40 04/11/2022


Lúc 9h30 sáng thứ Năm, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế Sakhir ở thủ đô Awali của Bahrain.

Đức Thánh Cha đã đến nơi lúc 16h45. Lúc 17h30, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa tại dinh Sakhir. Nơi đây đã diễn ra các nghi thức chào đón chính thức trong vườn thượng uyển.

Vào lúc 18h30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với nhà vua, các thành viên chính phủ và ngoại giao đoàn. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Hoàng Thượng, các vị Hoàng Thân

Quý thành viên đáng kính của Chính Phủ và Ngoại Giao Đoàn,

Quý nhà chức trách tôn giáo và dân sự,

Kính thưa quý vị,

As-salamu alaikum!

Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Bệ hạ về lời mời thăm Vương quốc Bahrain, sự đón tiếp nồng hậu và ân cần cùng những lời tốt đẹp của ngài. Tôi chào tất cả các bạn một cách thân ái nhất. Tôi muốn gửi một lời chào thân ái và quý mến tới tất cả mọi người sống trên đất nước này: tới từng tín hữu và cá nhân cũng như các thành viên của mọi gia đình, là điều mà Hiến pháp Bahrain xác định là “cơ sở của xã hội”. Với tất cả, tôi bày tỏ niềm vui khi được ở giữa các bạn.

Ở đây, nơi làn nước biển bao quanh những bãi cát sa mạc, và những tòa nhà chọc trời sừng sững mọc lên bên cạnh những khu chợ truyền thống Phương Đông, những thực tại rất khác nhau cùng hội tụ: cổ xưa và hiện đại giao nhau; sự pha trộn giữa truyền thống và tiến bộ; và trên hết, mọi người từ nhiều nguồn gốc khác nhau tạo ra một bức tranh khảm đặc biệt của cuộc sống. Để chuẩn bị cho chuyến thăm của mình, tôi đã tìm hiểu về một “biểu tượng của sức sống” nổi bật ở đất nước này, đó là “Cây sự sống” (Shajarat-al-Hayat). Tôi muốn lấy nó làm nguồn cảm hứng để chia sẻ một vài suy nghĩ với các bạn. Bản thân cây này là một loài keo hùng vĩ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong một vùng sa mạc với lượng mưa rất ít. Dường như không thể có một cái cây ở tuổi này lại có thể sống và phát triển trong những điều kiện như vậy. Theo nhiều người, bí mật nằm ở rễ của nó, kéo dài hàng chục mét dưới mặt đất, để rút ra từ những lớp nước lắng đọng dưới lòng đất.

Như thế điều quan trọng là cội rễ. Vương quốc Bahrain cam kết ghi nhớ và trân trọng quá khứ của mình, nơi kể về một vùng đất vô cùng cổ xưa, nơi mà hàng nghìn năm trước các dân tộc đã đến, bị thu hút bởi vẻ đẹp của nó, đặc biệt là do có nhiều suối nước ngọt đã mang lại cho nó danh tiếng là một thiên đường. Vì vậy, vương quốc cổ đại Dilmun được gọi là “vùng đất của sự sống”. Khi chúng ta đi lên từ cội nguồn rộng lớn đó - trải dài hơn 4,500 năm với sự hiện diện liên tục của con người - chúng ta thấy vị trí địa lý của Bahrain, tài năng và khả năng thương mại của người dân, cùng với các sự kiện lịch sử, đã giúp nó trở thành ngã ba đường của sự làm giàu lẫn nhau giữa các dân tộc như thế nào. Một điều nổi bật trong lịch sử của vùng đất này: nó luôn là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.

Trên thực tế, đây là nguồn nước ban tặng sự sống mà ngày nay, cội nguồn của Bahrain vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sự giàu có lớn nhất của đất nước thể hiện ở sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa, cũng như sự chung sống hòa bình và lòng hiếu khách truyền thống của người dân. Sự đa dạng không nhạt nhẽo mà bao trùm, là sự giàu có của mọi quốc gia thực sự phát triển. Trên những hòn đảo này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng một xã hội tổng hợp, đa sắc tộc và đa tôn giáo, có khả năng vượt qua nguy cơ bị cô lập. Điều này rất quan trọng trong thời đại của chúng ta, khi xu hướng hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân và các lợi ích cụ thể của chúng ta ngăn cản việc đánh giá cao tầm quan trọng thiết yếu của tổng thể lớn hơn. Nhiều nhóm quốc gia, dân tộc và tôn giáo cùng tồn tại ở Bahrain chứng minh rằng chúng ta có thể và phải sống cùng nhau trong thế giới của chúng ta, nơi mà trong những thập kỷ này đã trở thành một ngôi làng toàn cầu. Thật vậy, mặc dù toàn cầu hóa đã bén rễ nhưng về nhiều mặt, chúng ta vẫn thiếu “tinh thần của một ngôi làng”, thể hiện qua lòng hiếu khách, quan tâm đến người khác và tình huynh đệ. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến với sự lo ngại sâu sắc về sự lan rộng to lớn của sự thờ ơ và không tin tưởng lẫn nhau, sự gia tăng các đối thủ và xung đột mà chúng ta đã từng hy vọng rằng chúng đã lùi vào dĩ vãng, và các hình thức chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa đế quốc gây nguy hiểm cho an ninh của tất cả mọi người. Bất chấp sự tiến bộ và rất nhiều hình thức thành tựu khoa học và xã hội, sự chênh lệch văn hóa giữa các khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng gia tăng, và các thái độ xung đột mang tính hủy diệt được ưu tiên hơn là các cơ hội có lợi để gặp gỡ có kết quả.

Chúng ta hãy nghĩ thay vì Cây Sự Sống, biểu tượng của các bạn, và hãy nghĩ đến những sa mạc khô cằn trong sự chung sống của con người, chúng ta hãy mang lại nguồn nước của tình huynh đệ. Cầu xin cho chúng ta đừng bao giờ để cho những cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, tôn giáo và văn hóa bị bốc hơi, hay cội nguồn của nhân loại chúng ta trở nên khô héo và không còn sự sống! Chúng ta hãy làm việc cùng nhau! Chúng ta hãy nỗ lực phục vụ sự đoàn kết và hy vọng! Tôi ở đây, trong vùng đất của Cây Sự sống này, như một người gieo mầm hòa bình, để trải nghiệm những ngày gặp gỡ này và tham gia Diễn đàn đối thoại giữa Đông và Tây vì mục tiêu chung sống hòa bình của con người. Tôi muốn cảm ơn ngay bây giờ những người bạn đồng hành của tôi, đặc biệt là đại diện của các tôn giáo. Những ngày này đánh dấu một giai đoạn quý giá trong hành trình của tình hữu nghị đã tăng cường trong những năm gần đây với các nhà lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo khác nhau, một hành trình huynh đệ, dưới cái nhìn của thiên đàng, đang tìm cách thúc đẩy hòa bình trên trái đất.

Về vấn đề này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với các Hội nghị Quốc tế và khả năng gặp gỡ mà Vương quốc này tổ chức và thúc đẩy, đặc biệt nhấn mạnh đến các chủ đề tôn trọng, khoan dung và tự do tôn giáo. Đây là những chủ đề cơ bản, được công nhận bởi Hiến pháp của đất nước, trong đó nói rằng “sẽ không có sự phân biệt đối xử... trên cơ sở giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng” (Điều 18), rằng “tự do lương tâm là tuyệt đối”, và rằng “nhà nước bảo đảm quyền bất khả xâm phạm của việc thờ phượng” (Điều 22). Trên hết, đây là những cam kết cần được thực hiện liên tục để tự do tôn giáo được trọn vẹn và không bị giới hạn ở quyền tự do thờ phượng; rằng phẩm giá bình đẳng và cơ hội bình đẳng sẽ được công nhận cụ thể cho mỗi nhóm và cho mọi cá nhân; rằng không có hình thức phân biệt đối xử nào tồn tại và các quyền cơ bản của con người không bị vi phạm nhưng được đề cao. Tôi nghĩ trước hết là quyền được sống, cần phải bảo đảm quyền đó luôn luôn, kể cả đối với những người bị trừng phạt, những người không nên bị lấy đi mạng sống.

Chúng ta hãy trở lại Cây Sự sống. Theo thời gian, nhiều cành với kích thước khác nhau của nó đã tạo ra những tán lá phong phú, nhờ đó làm tăng chiều cao và bề rộng của cây. Ở đất nước này, chính sự đóng góp của rất nhiều cá nhân từ các dân tộc khác nhau đã giúp tăng năng suất đáng kể. Điều này đã được thực hiện bằng cách nhập cư. Vương quốc Bahrain được ca ngợi vì là một trong những nước này có mức độ nhập cư cao nhất trên thế giới: khoảng một nửa dân số cư trú là người nước ngoài, làm việc một cách hiển nhiên cho sự phát triển của một quốc gia mà ở đó, mặc dù phải bỏ lại quê hương, họ vẫn cảm thấy như đang ở nhà. Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng ở thế giới của chúng ta, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức quá cao, và nhiều hình thức lao động trên thực tế đang mất nhân tính. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội nghiêm trọng, mà còn là mối đe dọa đối với nhân phẩm. Vì lao động không chỉ cần thiết để kiếm kế sinh nhai mà còn là quyền không thể thiếu để phát triển toàn diện bản thân và hình thành một xã hội thực sự nhân văn.

Từ đất nước quá hấp dẫn với những cơ hội việc làm mà nó mang lại, tôi muốn kêu gọi sự chú ý một lần nữa đến cuộc khủng hoảng lao động toàn cầu. Sức lao động quý như bánh mì; giống như bánh mì, nó thường bị thiếu, và quá thường là nó là một thứ bánh mì bị nhiễm độc, vì tình trạng nô lệ. Trong cả hai trường hợp, điều trọng tâm không còn là đàn ông và phụ nữ, những người thay vì là mục tiêu, và là mục tiêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của công việc, đã bị giản lược thành phương tiện sản xuất của cải. Chúng ta hãy bảo đảm rằng các điều kiện làm việc ở mọi nơi là an toàn và phù hợp phẩm giá con người, điều đó thúc đẩy hơn là cản trở sự phát triển văn hóa và tinh thần của mọi người; và chúng thúc đẩy sự gắn kết xã hội, vì lợi ích của cuộc sống chung và sự phát triển của mỗi quốc gia (xem Gaudium et Spes, 9, 27, 60, 67).

Bahrain có thể tự hào về những đóng góp đáng kể của mình trong lĩnh vực này: ví dụ, tôi nghĩ về trường học đầu tiên dành cho phụ nữ được thành lập ở Vùng Vịnh và việc xóa bỏ chế độ nô lệ. Cầu xin cho điều đó trở thành một hải đăng trong toàn khu vực về việc thúc đẩy quyền bình đẳng và cải thiện điều kiện cho người lao động, phụ nữ và thanh niên, đồng thời bảo đảm sự tôn trọng và quan tâm đến tất cả những người cảm thấy ở bên lề xã hội nhất, chẳng hạn như người nhập cư và tù nhân. Bởi vì một sự phát triển đích thực, nhân bản và toàn vẹn được đo lường trên hết bằng sự quan tâm được thể hiện đối với họ.

Cây Sự Sống, vươn lên từ khung cảnh sa mạc, cũng khiến tôi nghĩ đến hai lĩnh vực quan trọng đối với mọi người, nhưng là một thách thức đặc biệt đối với những ai trong vai trò quản lý, những ai có trách nhiệm phục vụ lợi ích chung. Đầu tiên, là vấn đề môi trường. Bao nhiêu cây cối bị đốn hạ, bao nhiêu hệ sinh thái bị tàn phá, bao nhiêu biển cả bị ô nhiễm bởi lòng tham vô độ của con người, rồi những điều ấy quay lại cắn xé chúng ta! Chúng ta hãy làm việc không mệt mỏi để đối mặt với tình huống khẩn cấp gay cấn này và đưa ra những quyết định cụ thể và có tầm nhìn xa, khơi nguồn cảm hứng từ mối quan tâm cho các thế hệ sắp tới, trước khi quá muộn và tương lai của họ bị tổn hại! Mong rằng Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP27) sẽ diễn ra tại Ai Cập vài ngày tới đánh dấu một bước tiến trong vấn đề này!

Thứ hai, Cây Sự Sống, có bộ rễ cắm sâu trong lòng đất, cung cấp nước quan trọng cho thân cây, từ thân cây đến cành và sau đó là lá cung cấp oxy cho các sinh vật, khiến tôi nghĩ đến ơn gọi của con người chúng ta, ơn gọi của mỗi người nam nữ trên trái đất, là làm cho cuộc sống thăng hoa. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta ngày càng chứng kiến những hành động và những mối đe dọa chết người. Tôi đặc biệt nghĩ đến thực tế quái dị và vô nghĩa của chiến tranh, nơi ở mọi nơi luôn gieo rắc sự hủy diệt và bóp chết hy vọng. Chiến tranh làm xuất hiện những điều tồi tệ nhất trong con người: ích kỷ, bạo lực và bất lương. Đối với chiến tranh, mọi cuộc chiến đều mang đến cái chết của sự thật. Chúng ta hãy bác bỏ logic của vũ khí và thay đổi hướng đi, chuyển các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ sang đầu tư vào việc chống lại nạn đói và tình trạng thiếu y tế và giáo dục. Tôi rất đau buồn cho tất cả những tình huống xung đột này. Khi khảo sát Bán đảo Ả Rập, nơi có các quốc gia mà tôi chào đón bằng sự tôn trọng chân thành, suy nghĩ của tôi hướng về Yemen một cách đặc biệt và chân thành, nơi đang bị giằng xé bởi một cuộc chiến bị lãng quên, giống như mọi cuộc chiến, vấn đề không phải là chiến thắng mà chỉ là thất bại cay đắng cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt ghi nhớ trong những lời cầu nguyện của mình đối với dân thường, trẻ em, người già và người bệnh. Và tôi cầu xin: Hãy chấm dứt các xung đột vũ trang! Hãy có một kết thúc cho cuộc đụng độ của vũ khí! Hãy có một kết thúc cho cuộc đụng độ của vũ khí! Chúng ta hãy cam kết xây dựng hòa bình ở mọi nơi và một cách cụ thể!

Tuyên bố của Vương quốc Bahrain thừa nhận về mặt này, “đức tin tôn giáo là một phước lành cho tất cả nhân loại và là nền tảng cho hòa bình trên thế giới”. Tôi ở đây hôm nay với tư cách là một tín hữu, một Kitô hữu, một con người và một người lữ hành của hòa bình, bởi vì ngày nay, hơn bao giờ hết, ở khắp mọi nơi, chúng ta được kêu gọi dấn thân nghiêm túc vào công cuộc xây dựng hòa bình. Thưa Bệ hạ, thưa các Hoàng thân, các nhà chức trách và các bạn bè đáng kính, tôi xin gửi lời chia sẻ với các bạn, như hy vọng và lời cầu nguyện của tôi cho những ngày tôi rất mong đợi trong chuyến thăm Vương quốc Bahrain, một đoạn văn tốt đẹp của cùng một Tuyên bố, trong đó viết: “Chúng tôi cam kết làm việc cho một thế giới nơi những người có niềm tin chân thành cùng nhau tham gia để loại bỏ những điều gây chia rẽ chúng ta và thay vào đó tập trung vào việc ăn mừng và mở rộng những điều đã gắn kết chúng ta”. Cầu xin cho được như vậy với sự ban phước của Đấng Tối Cao! Shukran! Cảm ơn các bạn!
 
Bi thảm: Nga cuốn cờ, nửa đêm bỏ chạy vẫn không thoát, xà lan bị đánh chìm. 730 lính Nga tử trận
VietCatholic Media
03:08 04/11/2022


1. Nửa đêm bỏ trốn vẫn không thoát, hàng trăm lính Nga chìm dưới cầu Antonivka. Di tản kết thúc vì quá nguy hiểm

Tại cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine, Phó Hội đồng Khu vực Kherson Serhii Khlan cho biết người Nga đã chủ động rút lui khỏi các thị trấn trong vùng Kherson vì những tổn thất quá nghiêm trọng trong những ngày qua.

Ông xác nhận các báo cáo rằng lá cờ Nga đã được dỡ bỏ khỏi tòa nhà dùng làm trụ sở của cái gọi là chính quyền dân sự-quân sự chiếm đóng ở Kherson từ ngày 1 tháng 11.

“Chúng tôi đã theo dõi sát các diễn biến này. Đặc biệt, lúc 11:30 tối mùng 2 tháng 11, quân Nga đã dùng xà lan và một số tầu thuyền chuyển một số lượng quân Nga và khí tài chiến tranh vượt sông Dnipro, ngay bên dưới cầu Antonivka. Tất cả đã chìm dưới dòng sông,” ông Khlan nói.

Ông nhấn mạnh rằng: “Sau biến cố này, cái gọi là chính quyền của vùng Kherson thông báo rằng việc di tản sang tả ngạn sông Dnipro đã bị đình chỉ.”

“Quân xâm lược Nga đã thông báo rằng cái gọi là di tản đã kết thúc. Họ thông báo rằng việc di chuyển bằng phương tiện giao thông đường sông cho các cá nhân bị cấm. Họ đã làm điều này sau khi pháo binh của chúng tôi một lần nữa tấn công rất mạnh vào các xà lan của họ. Các thuyền quân sự dùng để di chuyển cái gọi là phà phao mà quân chiếm đóng dùng để di chuyển thiết bị của họ, cũng như các xà lan ở dưới cầu Antonivka đã bị phá hủy hoàn toàn. Thành ra, họ thấy rằng mọi thứ đều không thể sử dụng được nữa và mọi thứ đã dừng lại,” Khlan nói.

2. Bộ Ngoại Giao Ukraine cho biết Nga tấn công nhà máy của tập đoàn Trung Quốc ở Mykolaiv

Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào một nhà máy do một tập đoàn Trung Quốc thuê, kết quả là 17,000 tấn dầu hướng dương đã bị phá hủy.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Oleg Nikolenko đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 4 tháng 11. Ông nói:

“Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào một nhà máy do một tập đoàn Trung Quốc thuê ở cảng biển Mykolaiv, kết quả là 17,000 tấn dầu hướng dương trị giá 26 triệu Mỹ Kim đã bị phá hủy.”

Theo phát ngôn nhân, Bộ Ngoại giao liên tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về việc Nga cố ý phá hủy các cơ sở nông nghiệp ở Ukraine như một phần trong chiến lược của Điện Cẩm Linh nhằm phá hoại an ninh lương thực toàn cầu.

“Vụ pháo kích vào nhà máy của Trung Quốc ở cảng Mykolaiv một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực từ phía Bắc Kinh nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc yêu cầu Mạc Tư Khoa chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine để bảo vệ, bao gồm cả tài sản của các doanh nghiệp Trung Quốc”, Nikolenko nói.

Theo báo cáo của Ukrinform, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dmytro Kuleba tuyên bố rằng việc Nga cố ý tấn công vào hệ thống năng lượng của Ukraine nên được coi là một phần của tội ác diệt chủng người dân Ukraine.

3. Lực lượng Nga tháo chạy khỏi nhiều thị trấn trong khu vực Chornobaivka

Những kẻ xâm lược Nga đã rời khỏi các đồn bót ở Chornobaivka, Stepanivka và Bilozerka trong vùng Kherson. Ngay trong thành phố Kherson, quân số của Nga cũng đã giảm một cách rõ rệt.

Thị trưởng Oleshky Yevhen Ryshchuk cho biết như trên trong cuộc họp báo tại Trung Tâm Truyền Thông Kyiv.

“Người dân địa phương từ phần hữu ngạn của vùng Kherson báo cáo rằng quân đội Nga đã bỏ chạy khỏi các đồn bót ở các thị trấn Chornobaivka, Stepanivka và Bilozerka. Tại chính thành phố Kherson, số lượng quân nhân đã giảm rõ rệt “, Ryshchuk nói.

Ông cũng xác nhận các báo cáo rằng lá cờ Nga đã được dỡ bỏ khỏi tòa nhà của cái gọi là chính quyền dân sự- quân sự chiếm đóng ở Kherson vào ngày 3 tháng 11.

Các báo cáo trước đó nói rằng những kẻ xâm lược Nga đã rút tất cả các thiết bị quân sự của họ khỏi sân bay Chornobaivka, vùng Kherson.

4. Giao tranh ác liệt trong vùng Kherson 730 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 47 xe tăng và thiết giáp

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 4 tháng 11, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã thực hiện gần 150 cuộc pháo kích nhằm vào các cụm nhân lực và thiết bị của đối phương. Quân đội Ukraine đã phá hủy bốn kho đạn của Nga ở các quận Bashtanka và Beryslav.

Giao tranh đã diễn ra ở quận Bashtanka kết quả là quân Nga rút lui bỏ lại 2 xe tăng chiến đấu chủ lực, một bệ phóng nhiều hỏa tiễn Grad, 9 xe thiết giáp, sáu xe chở nhiên liệu.

Trong suốt cả ngày, quân Nga đã tấn công mạnh vào các vị trí của quân Ukraine, sử dụng máy bay chiến đấu, máy bay không người lái tấn công, pháo phòng không, súng cối và xe tăng. Quân chiếm đóng đã bắn 20 hỏa tiễn Grad vào Tryfonivka vừa được giải phóng. Cuộc tấn công không gây ra thương vong.

Vào đêm thứ Năm, người Nga đã tấn công một cơ sở hạ tầng năng lượng ở vùng Dnipropetrovsk bằng một máy bay không người lái kamikaze. Không có thương vong được báo cáo.

Cho đến nay, Nga đã mất khoảng 74,000 quân ở Ukraine. Chỉ riêng trong ngày qua, 730 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 20 xe tăng và 27 xe thiết giáp.

Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 3 tháng 11 năm 2022, tổng thiệt hại chiến đấu của quân Nga cũng bao gồm 2,734 xe tăng, 5,552 xe thiết giáp, 1,755 hệ thống pháo, 390 hệ thống phóng hỏa tiễn hàng loạt, 198 hệ thống tác chiến phòng không, 277 máy bay, 258 trực thăng, 1,442 máy bay không người lái, 397 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,162 xe chuyển quân và nhiên liệu, 155 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Các thanh sát viên của IAEA không tìm thấy dấu hiệu nào về các hoạt động hoặc vật liệu hạt nhân chưa được khai báo ở Ukraine

Các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã hoàn tất các hoạt động xác minh tại ba địa điểm ở Ukraine theo yêu cầu của chính phủ Ukraine và họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các hoạt động và vật liệu hạt nhân chưa được khai báo, theo một tuyên bố của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi hôm thứ Năm.

Theo IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã thanh sát theo yêu cầu được Ukraine đưa ra sau khi Nga đưa ra cáo buộc về các hoạt động liên quan đến khả năng sản xuất “bom bẩn” ở ba địa điểm: Viện Nghiên cứu Hạt nhân ở Kyiv, Nhà máy Khai thác và Chế biến Miền Đông ở Zhovti Vody, và Nhà máy Chế tạo Máy Pivdennyi của Hiệp hội Sản xuất ở Dnipro.

“Trong vài ngày qua, các thanh tra viên đã có thể thực hiện tất cả các hoạt động mà IAEA đã lên kế hoạch tiến hành và được quyền tiếp cận các địa điểm một cách không bị kiểm soát. Dựa trên việc đánh giá các kết quả có sẵn cho đến nay và thông tin do Ukraine cung cấp, Cơ quan không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các hoạt động và vật liệu hạt nhân chưa được khai báo tại các địa điểm “, tuyên bố của IAEA cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba gọi Nga là “kẻ nói dối hàng đầu thế giới” sau tuyên bố của IAEA.

“IAEA đã kiểm tra 3 cơ sở của Ukraine trong tầm ngắm của Nga và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về 'bom bẩn'. Tôi cảm ơn Ông Rafael Grossi vì sự hợp tác tuyệt vời và nhanh chóng của IAEA đã giúp chống lại sự giả dối của Nga. Nga đã xác nhận vị thế của nước nói dối hàng đầu thế giới,” Kuleba cho biết như trên hôm thứ Năm.

Nga đã cáo buộc Ukraine lên kế hoạch sử dụng cái gọi là bom bẩn - một loại vũ khí kết hợp giữa chất nổ thông thường như thuốc nổ và chất phóng xạ như uranium - một cáo buộc bị Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ là một hoạt động cờ giả mà Mạc Tư Khoa có thể sử dụng như một lấy cớ leo thang chiến tranh của Điện Cẩm Linh.

6. Zelenskiy tuyên bố: Cuộc thăm dò của cơ quan giám sát Liên Hiệp Quốc là bằng chứng rõ ràng rằng Ukraine không hề chế tạo “bom bẩn” như Nga cáo buộc

Tổng thống Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng bất kể những “ảo tưởng” của Nga về “bom bẩn”, hiện đã có bằng chứng rõ ràng rằng Ukraine không tạo ra một loại vũ khí như vậy.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra những bình luận như trên trong bài phát biểu hàng đêm của mình gởi quốc dân đồng bào sau cuộc kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại ba địa điểm ở Ukraine.

Theo tuyên bố của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi hôm thứ Năm, các thanh tra không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các hoạt động và vật liệu hạt nhân chưa được khai báo.

Zelenskiy nói: “Chẳng hề có bom bẩn, điều bẩn thỉu duy nhất trong khu vực của chúng ta hiện nay là cái đầu của những nhà lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa, những người đã nắm quyền kiểm soát nhà nước Nga và đang khủng bố Ukraine cũng như toàn thế giới.”

Bom bẩn là một loại vũ khí kết hợp giữa chất nổ thông thường như thuốc nổ và chất phóng xạ như uranium. Nó thường được coi là vũ khí dành cho những kẻ khủng bố chứ không phải các quốc gia, vì nó được thiết kế để gieo rắc nỗi sợ hãi và hoảng sợ hơn là loại bỏ bất kỳ mục tiêu quân sự nào.

Tháng trước, Nga cáo buộc Ukraine lên kế hoạch sử dụng một trong những vũ khí này, một cáo buộc bị Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ là một hoạt động cờ giả mà Mạc Tư Khoa có thể sử dụng như một cái cớ để leo thang cuộc chiến chống lại nước láng giềng.

7. Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu cho biết Putin đang trông cậy vào mùa đông để giúp lực lượng của mình đánh bại Ukraine

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu Josep Borrell cho biết “nghĩa vụ đạo đức” của các quốc gia G7 là giúp đỡ Ukraine, trong khi một mùa đông cam go sắp diễn ra.

“Mùa đông sắp đến.” Ông Borrell cho biết sau cuộc họp giữa các ngoại trưởng G7 tại thị trấn Muenster của Đức, ông Putin đang chờ đợi một 'Mùa đông tổng quát' ập đến để ủng hộ quân đội Nga. Trước các thất bại dồn dập, Putin đang mong đợi một 'Mùa đông tổng quát' trong đó mọi thứ sẽ được dừng lại, đặc biệt là các cuộc phản công của quân Ukraine để người Nga có thời gian tái tổ chức, chỉnh đốn hệ thống hậu cần, cũng như vạch ra các sách lược quân sự cho mùa xuân.

Ông Borrell đổ lỗi cho Nga vì đã phá hủy Ukraine “một cách có hệ thống” bằng cách ném bom và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự sau khi quân đội của Mạc Tư Khoa không thể giành chiến thắng trên chiến trường.

Borrell nói: “Hàng triệu người Ukraine không còn được sử dụng điện và những gì Putin sẵn sàng làm là đưa đất nước chìm trong bóng tối vào mùa đông.

“Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ người Ukraine, cung cấp vũ khí để tự vệ, hỗ trợ kinh tế và tài chính, và tiếp cận với toàn thế giới để giải thích đâu là nguyên nhân và hậu quả của cuộc chiến này,” ông nói thêm.

Cuộc họp tuần này của G7, đã quy tụ các nhà lãnh đạo từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

8. Lãnh đạo NATO tuyên bố Iran cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn đạn đạo cho Nga là không thể chấp nhận được

Tổng thư ký NATO hôm thứ Năm đã lên án bất kỳ sự phối hợp nào của Iran với Nga về vũ khí cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

“Chúng tôi cũng thấy Iran cung cấp máy bay không người lái và xem xét việc giao hỏa tiễn đạn đạo cho Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo.

“Đây là điều không thể chấp nhận được. Không quốc gia nào có thể hỗ trợ Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến bất hợp pháp này,” ông nói.

Iran đang chuẩn bị gửi khoảng 1,000 vũ khí bổ sung, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn đất đối đất và nhiều máy bay không người lái tấn công cho Nga, các quan chức từ một quốc gia phương Tây theo dõi chặt chẽ chương trình vũ khí của Iran nói với CNN hôm thứ Ba.

Lô hàng đang được giám sát chặt chẽ vì đây sẽ là lần đầu tiên Iran gửi hỏa tiễn dẫn đường chính xác tiên tiến cho Nga, điều này có thể mang lại cho Điện Cẩm Linh một động lực đáng kể trên chiến trường.

Các quan chức cho biết chuyến hàng vũ khí cuối cùng từ Iran đến Nga bao gồm khoảng 450 máy bay không người lái, mà người Nga đã sử dụng để gây hiệu ứng chết người ở Ukraine. Các quan chức Ukraine tuần trước cho biết họ đã bắn hạ hơn 300 máy bay không người lái của Iran.

Tehran đang nói gì: Chính phủ Iran đã nhiều lần phủ nhận việc gửi vũ khí cho Nga.

Tháng trước, Chính phủ Iran dẫn lời Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian cho biết Tehran “chưa và sẽ không” cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào để sử dụng trong cuộc chiến Ukraine.

Bối cảnh khác: Drone đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào cuối tháng Hai.

Việc sử dụng chúng đã tăng lên kể từ mùa hè khi Mỹ và Kyiv cho biết Mạc Tư Khoa lần đầu tiên mua máy bay không người lái từ Iran. Trong những tuần gần đây, các máy bay không người lái này của Iran đã được sử dụng để tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Ukraine.
 
Tin dữ: Đức Giám Mục Cullinan kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho vị linh mục trẻ bị đâm nhiều nhát trí mạng
VietCatholic Media
05:34 04/11/2022


1. Cộng đồng Ái Nhĩ Lan bàng hoàng khi hay tin vị linh mục bị một kẻ đột nhập đâm nhiều nhát tại nhà

Cảnh sát cho biết Cha Bobit đã bị tấn công khi ngài bắt gặp kẻ trộm đột nhập ở cửa trước của ngôi nhà mà ngài ở chung với hai linh mục khác vào hôm Chúa Nhật 30 tháng 10 vừa qua.

Theo các nguồn tin của cảnh sát, Cha Bobit Augusthy đã bị tấn công bởi một người đàn ông đã đột nhập vào nhà của ngài ở Ardkeen, thành phố Waterford, vào khoảng 9 giờ 30 sáng. Giáo phận cho biết vị linh mục đã hồi phục trong bệnh viện sau khi được cứu sống. Cha Bobit là người gốc Ấn Độ và là thành viên của Dòng Cát Minh.

Nhà của ba vị linh mục này ở ngay trong Bệnh viện Khu vực Waterford, nơi 3 vị linh mục làm tuyên úy cho bệnh viện và phụ trách một nhà nguyện ngay bên trong khuôn viên bệnh viện.

Phát ngôn nhân bệnh viện Khu vực Waterford cho biết các bác sĩ đã tích cực điều trị cho ngài, nhưng cho biết vị linh mục vẫn trong tình trạng nghiêm trọng. Phát ngôn nhân cho biết vì ngài ở ngay trong khuôn viên bệnh viện nên có thể cứu kịp. Nếu ngài ở bên ngoài có lẽ ngài đã chết vì những vết thuơng quá nặng.

Cha Liam Power, một linh mục địa phương, biết rõ Cha Bobit, cho biết: “Tôi thực sự bị sốc khi nghe điều đó.”

“Các tuyên úy ở đó luôn chăm sóc an ủi các bệnh nhân và thật bi thảm khi điều này xảy ra”.

“Chúng tôi đang cầu nguyện cho sự hồi phục của ngài và dâng lời cầu nguyện của chúng tôi cho các linh mục cư ngụ chung với ngài là Cha Russell và Cha John”.

“Cả ba vị đều làm việc thực sự xuất sắc trong bệnh viện và nhà nguyện ở đó.”

“Họ được gọi 24 giờ một ngày và sống tại nơi cư trú đó ngay trong khuôn viên bệnh viện. Rõ ràng là có một cuộc đột nhập ở đó.”

“Thật là sốc khi một linh mục có thể gặp nguy hiểm như vậy.”

Tối hôm qua, bác sĩ cho biết nạn nhân khoảng 30 tuổi, đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định.

Một người đàn ông khoảng 20 tuổi đã bị bắt ngay sau khi vụ việc xảy ra và đang bị giam giữ tại đồn cảnh sát Waterford.

Cha Bobit đã sống ở Ái Nhĩ Lan một thời gian và cùng với các đồng nghiệp của mình, Cha Russell và Cha John, làm việc trong bệnh viện và điều hành nhà nguyện ở đó.

Đức Cha Alphonsus Cullinan, Giám mục của Waterford và Lismore, cho biết ngài “rất sốc” trước những gì đã xảy ra và nói rằng ngài hy vọng nạn nhân sẽ bình phục hoàn toàn.

Ngài cho biết ngài cũng đang cầu nguyện cho các đồng nghiệp tuyên úy của vị linh mục “những người cũng sẽ đau khổ rất nhiều”.
Source:irishmirror.ie

2. Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục qua đời trong năm qua

Hôm 2 tháng 11, Lễ Các Đẳng Linh Hồn, Đức Thánh Cha đã dâng lễ cầu nguyện cho 9 Hồng Y và Thượng Phụ; và 148 tổng giám mục và giám mục đã qua đời trong năm qua. Năm qua được hiểu là từ ngày 1 tháng 11 năm 2021 đến 31 tháng 10 năm 2022.

9 Hồng Y và Thượng Phụ gồm có:

Đức Hồng Y Francisco ÁLVAREZ MARTÍNEZ, hiệu tòa Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở Monte Verde, Tổng Giám mục hiệu tòa của Toledo, Tây Ban Nha, qua đời ngày 5 tháng Giêng năm 2022

Đức Hồng Y Luigi DE MAGISTRIS, hiệu tòa Thánh Danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở Via Lata, Nguyên Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, qua đời ngày 16 tháng 2 năm 2022

Đức Hồng Y Agostino CACCIAVILLAN, hiệu tòa Các Thiên thần Hộ mệnh ở Città Giardino, Nguyên Chủ tịch Cơ quan Quản lý Tài Sản của Tòa thánh, qua đời ngày 5 tháng 3 năm 2022

Đức Hồng Y Antonios NAGUIB, Thượng Phụ Giáo chủ của Công Giáo Coptic, qua đời ngày 28 tháng 3 năm 2022

Đức Hồng Y Javier LOZANO BARRAGÁN, hiệu tòa Thánh Dorotea, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho Nhân viên Y tế và những người Chăm sóc Sức khỏe, qua đời ngày 20 tháng 4 năm 2022

Đức Hồng Y Carlos AMIGO VALLEJO, OFM, hiệu tòa Santa Maria ở Monserrato degli Spagnoli, Tổng giám mục hiệu tòa của Sevilla, Tây Ban Nha, qua đời ngày 27 tháng 4 năm 2022

Đức Hồng Y Angelo SODANO, nguyên niên trưởng Hồng Y Đoàn, qua đời ngày 27 tháng 5 năm 2022

Đức Hồng Y Cláudio HUMMES, OFM, hiệu tòa Thánh Anthony thành Padua ở Via Merulana, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, qua đời ngày 4 tháng 7 năm 2022

Đức Hồng Y Jozef TOMKO, hiệu tòa Thánh Sabina, nguyên Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về các Đại hội Thánh Thể Quốc tế, qua đời ngày 8 tháng 8 năm 2022

3. Đức Hồng Y Gracias nhận xét rằng cuộc họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu sẽ tạo ra sự khác biệt trong công việc mục vụ

Khi các Giám mục Á Châu kết thúc Đại hội đồng của các ngài tại Bangkok, Đức Hồng Y Oswald Gracias người Ấn Độ nói rằng các đại biểu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã “hăng hái cố gắng lắng nghe mọi lời thì thầm của Chúa Thánh Thần”.

Đức Hồng Y Tổng Giám mục Bombay, Oswald Gracias, đã nói chuyện với Vatican News bên lề Đại hội đồng của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, gọi tắt là FABC, diễn ra tại Bangkok. Ngài suy nghĩ về câu hỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với các đại biểu hội nghị, “Chúa Thánh Thần đang nói gì với các giáo hội ở Á Châu”, và nói về hy vọng của mình đối với Giáo hội ở Á Châu trong tương lai.

Mơ ước và lắng nghe

“Chúng tôi vẫn đang mơ; chúng tôi vẫn đang lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúng tôi vẫn đang lắng nghe nhau. Và Thiên Chúa nói với chúng ta qua các biến cố của lịch sử, qua những người hàng xóm, qua bạn bè của chúng ta, qua những người chúng ta phục vụ, và qua các giám mục đồng nghiệp của chúng ta”.

Điều khiến Đức Hồng Y Gracias ngạc nhiên là “không ai nói về đại dịch... Điều đó có nghĩa là chúng ta đã trở lại bình thường. Chúng ta là một cộng đồng kiên cường.”

Đức Hồng Y nhận xét rằng: “Biến đổi khí hậu đã tác động rất nhiều đến chúng tôi. Cuộc khủng hoảng di cư diễn ra mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng giới trẻ, tiếng nói của tuổi trẻ, đòi hỏi trách nhiệm và những vai trò quan trọng trong Giáo hội đã xuất hiện rất nhiều. Chúng tôi cũng nghe thấy những tiếng kêu để hồi sinh đời sống Công Giáo “.

Nghe Chúa Thánh Thần thì thầm

“Ở đây trên một lục địa mà chúng ta không chiếm đa số, nơi chúng ta có rất nhiều người để phục vụ, tôi lại thấy lời kêu gọi hãy ra ngoài và phục vụ mọi người, cố gắng đối thoại, cố gắng hòa giải, nỗ lực xây dựng hòa bình, trở thành cầu nối giữa các cộng đồng và các dân tộc xung đột.”

Đức Hồng Y Gracias lưu ý rằng ngài nhận thấy rằng các đại biểu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đang “sốt sắng cố gắng lắng nghe mọi lời thì thầm của Chúa Thánh Thần.”

Khi được hỏi về hy vọng mà Đức Hồng Y sẽ tiếp tục từ Đại Hội Đồng Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần đầu tiên, ngài nói rằng, “hội nghị này được đặc biệt kêu gọi để xem đâu là những ưu tiên mục vụ, để suy nghĩ lại, xem xét con đường chúng ta đã đi cho đến nay - các ưu tiên mục vụ, các sứ mệnh trong các lĩnh vực khác nhau - và để xem chúng ta nên làm gì khác đi… tốt hơn… hoặc với lòng nhiệt thành đổi mới. Và tôi hy vọng rằng đã lắng nghe tiếng nói của rất nhiều chuyên gia… tiếng nói của những người… trong những lần can thiệp, tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đang nói qua họ và cho chúng ta biết chúng ta nên đi như thế nào. Chúng tôi đã nghe rất nhiều tiếng nói, rất nhiều mối quan tâm”.

Sự khác biệt mà hội nghị có thể tạo ra

Về toàn thể Á Châu, Đức Hồng Y Gracias hy vọng rằng “tất cả chúng ta, tất cả các Hội nghị của Á Châu, tất cả các Giáo hội của Á Châu sẽ được đổi mới trong lòng nhiệt thành… lòng can đảm… sự quyết tâm… sự hào phóng… tầm nhìn ra đi làm việc và đi ra thế giới. Nó mang lại cho chúng tôi sự đoàn kết, đặc biệt là niềm vui, niềm vui khi được làm việc trong các nhiệm vụ. “

Đức Hồng Y đã chia sẻ cách ngài “tận hưởng ba ngày đầu tiên chúng tôi đến thăm các quốc gia khác nhau ở Á Châu. Đối với tôi, khoảnh khắc xúc động nhất của toàn hội nghị là khi các nước nhỏ hơn giải thích những khó khăn và lo lắng của họ trong ba ngày đầu tiên. Và sau đó chúng tôi nói, hãy im lặng, noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô. Và tôi thấy trên khuôn mặt của tất cả các Giám mục đang nhắm mắt cầu nguyện cho Giáo hội. Vì vậy, bạn có thể thấy cường độ của cảm xúc mà chúng tôi cảm thấy. “

Trong phần kết luận, Đức Hồng Y tuyên bố:

“Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sự khác biệt. Hội nghị này sẽ tạo ra sự khác biệt cho công việc mục vụ của chúng tôi."
Source:Vatican News
 
Tình báo Anh: Nga hết đạn và thiết giáp. Lính bỏ chạy, Putin ra lệnh bắn bỏ, nằm im giả đò tử trận
VietCatholic Media
15:53 04/11/2022


1. Lực lượng vũ trang Ukraine có khả năng chiếm lại Kherson từ tay Nga trong thời gian ngắn sắp tới

Hoa Kỳ chắc chắn rằng các lực lượng Ukraine có đủ sức mạnh và phương tiện để giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở hữu ngạn sông Dnipro, bao gồm cả ở thành phố Kherson.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết điều này trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 3 Tháng Mười Một.

“Về vấn đề liệu người Ukraine có thể chiếm phần lãnh thổ còn lại dưới sự kiểm soát của Nga ở phía tây sông Dnipro và ở Kherson hay không, tôi chắc chắn tin rằng họ có khả năng làm điều đó rất sớm” ông nói.

“Chúng tôi đã thấy họ tham gia vào một nỗ lực rất bài bản nhưng hiệu quả để lấy lại lãnh thổ có chủ quyền của họ. Tôi nghĩ bạn sẽ thấy họ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi bảo đảm được lãnh thổ của mình ở phía tây sông,”Austin nói.

Kherson là một vùng đất nông nghiệp với hệ thống kênh đào chằng chịt nên cuộc phản công của quân Ukraine không dễ như tại Kharkiv. Ngoài ra, Ukraine khẳng định rằng họ không muốn thấy thành phố Kherson với các di tích lịch sử bị phá hoại như đã từng xảy ra tại Mariupol.

2. Bộ Quốc Phòng Nga ra lệnh bắn bỏ các binh sĩ Nga đào ngũ

Lính nghĩa vụ Nga được tường trình đang sử dụng cách 'giả chết trên chiến trường' khi họ được cử đến để chiến đấu với trang thiết bị nghèo nàn và không được huấn luyện đầy đủ.” Một tình trạng còn phổ biến hơn nữa là đào ngũ hay tự động bỏ chạy khi có giao tranh. Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết Bộ Quốc Phòng Nga ra lệnh bắn bỏ các binh sĩ Nga đào ngũ. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Do tinh thần xuống thấp và miễn cưỡng chiến đấu, các lực lượng Nga có thể đã bắt đầu triển khai “các đội quân hàng rào” hoặc các “đơn vị ngăn chặn”. Các đơn vị này đe dọa sẽ bắn bỏ những người lính của chính họ đang rút lui để ngăn các hành vi vi phạm như đã được sử dụng trong các cuộc xung đột trước đây của quân đội Nga.

Gần đây, các tướng lĩnh Nga có khả năng muốn các cấp chỉ huy của họ sử dụng vũ khí chống lại những kẻ đào ngũ, bao gồm cả việc có thể cho phép bắn giết những kẻ đào tẩu như vậy sau khi cảnh báo được đưa ra. Các vị tướng cũng có thể muốn duy trì các vị trí phòng thủ cho đến chết.

Chiến thuật bắn lính đào ngũ có thể chứng thực phẩm chất thấp, tinh thần thấp và tình trạng vô kỷ luật của các lực lượng Nga.

3. Ukraine và các chỉ huy NATO thảo luận về tình hình trên chiến trường

Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Valeriy Zaluzhnyi, đã có cuộc điện đàm với Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu, Tướng Christopher G. Cavoli, để thảo luận về tình hình ở tiền tuyến.

Zaluzhnyi đã cho biết như trên hôm thứ Sáu 4 tháng 11.

“Tôi đã có cuộc trò chuyện với Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Âu Châu của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thảo luận về tình hình trên chiến trường. Nó rất dữ dội, nhưng được kiểm soát. Kẻ thù đã tăng gấp ba lần cường độ chiến đấu trên một số khu vực nhất định của mặt trận - lên đến 80 cuộc tấn công mỗi ngày. Do lòng dũng cảm và sức mạnh của các chiến binh của chúng ta, chúng ta đang nắm thế chủ động.”

Trong cuộc trò chuyện, cả hai bên cũng lưu ý đến vấn đề các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga và việc sử dụng các máy bay không người lái tấn công. Theo ông Zaluzhnyi, các đối tác của Ukraine nhận thấy sự cần thiết của việc cung cấp các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và phòng không cho nước này; và đang có những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó.

4. Vương quốc Anh nhận định rằng Nga sắp hết đạn dược và xe thiết giáp ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Running Out of Ammunition and Armored Vehicles in Ukraine—U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định rằng Nga sắp hết đạn dược và xe thiết giáp ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo các quan chức quốc phòng Anh, quân đội Nga tham chiến ở Ukraine đang ngày càng vỡ mộng với những phương tiện cũ mà họ buộc phải sử dụng vì tổn thất trang thiết bị quá lớn.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Năm cho biết vào giữa tháng 10, các lực lượng Nga đã mất hơn 40 xe thiết giáp mỗi ngày, tương đương với số lượng trang bị của cả một tiểu đoàn.

Trong khi đó, trong những tuần gần đây, Nga đã buộc phải chuyển sang các kho dự trữ của Belarus để mua thêm ít nhất 100 xe tăng và xe chiến đấu bộ binh.

Các quan chức quốc phòng Anh nói rằng quân đội Nga “có thể thất vọng vì họ bị buộc phải phục vụ trong các phương tiện chiến đấu bộ binh cũ mà họ mô tả là các lon nhôm.”

Với các đơn vị thiết giáp và pháo binh là chìa khóa cho cách Nga chiến đấu trong cuộc chiến, họ nói rằng các lực lượng của họ đang “gặp trở ngại một phần do khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp cả đạn pháo và đủ các phương tiện bọc thép thay thế có thể dùng được.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga về bản cập nhật hàng ngày của Anh, trong đó nhấn mạnh thiệt hại của Nga và lợi ích của Ukraine.

Vào hôm thứ Năm, trang web Oryx, một trang web mã nguồn mở chuyên theo dõi việc sử dụng và tổn thất thiết bị quân sự, cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, Nga đã mất 1.420 xe tăng và 684 xe thiết giáp, bao gồm cả các phương tiện bị phá hủy, hư hỏng và bị bắt giữ.

Kể từ khi việc huy động một phần được công bố, nhiều lính nghĩa vụ Nga đã phàn nàn về việc không được cung cấp hoặc không có trang thiết bị. Một số đang trả tiền cho đồ lót giữ nhiệt của riêng họ và thậm chí cả áo giáp.

Phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hồi tháng trước thừa nhận rằng Nga không có đủ trang thiết bị cho các binh sĩ được huy động sau một lệnh động viên mà họ cho biết 300,000 quân dự bị đã được triệu tập. Ông nói rằng một hội đồng do Tổng thống Vladimir Putin thành lập đang làm việc để cố gắng “khắc phục tình hình.”

Hôm thứ Ba, người đứng đầu vùng Kherson do Nga bổ nhiệm, Vladimir Saldo, nói với chương trình truyền hình nhà nước Solovyov Live của Nga rằng có vấn đề về đào tạo và trang thiết bị.

Các vấn đề của Nga trong việc bố trí lực lượng huy động xảy ra khi các cuộc tấn công mới của quân Ukraine được báo cáo trên khắp đất nước.

Theo công ty hạt nhân Energoatom của Ukraine, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị ngắt khỏi lưới điện sau khi Nga pháo kích làm hư hỏng các đường dây điện cao thế còn lại và chỉ để máy phát điện chạy bằng dầu diesel, theo hãng hạt nhân Energoatom của Ukraine.

Các cuộc không kích của Nga cũng đã được báo cáo tại thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine và ở Sumy và Kharkiv ở phía đông bắc với các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra ở các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh miền Nam của Ukraine hôm thứ Năm cho biết các lực lượng của họ đã thực hiện 150 cuộc pháo kích ở miền nam, phá hủy 4 kho đạn cùng với 47 xe tăng và thiết giáp của Nga.

5. Lính nghĩa vụ Nga đang sử dụng cách 'giả chết trên chiến trường' khi họ được cử đến để chiến đấu với trang thiết bị nghèo nàn và không được huấn luyện đầy đủ

Ký giả Jessica Warren của tờ The Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Russian conscripts are resorting to 'playing dead on the battlefield' as they are sent in to fight with poor equipment and insufficient training”, nghĩa là “Lính nghĩa vụ Nga đang sử dụng cách 'giả chết trên chiến trường' khi họ được cử đến để chiến đấu với trang thiết bị nghèo nàn và không được huấn luyện đầy đủ.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vợ của một người đàn ông Nga được cử đến chiến đấu trong Trung đoàn súng trường cận vệ 423 của Mạc Tư Khoa nói rằng chồng cô và những người lính nghĩa vụ giả vờ chết vì họ chỉ có tiểu liên để tự vệ.

Anh ta và những người khác đang phải đối mặt với tòa án binh sau khi rời khỏi chiến tuyến ở Ukraine.

Các quan chức phương Tây cho biết, doanh số bán thuốc chống trầm cảm ở Nga tăng vọt khi thực tế khốn khổ về cuộc chiến của Putin ở Ukraine cuối cùng cũng lộ diện trước công chúng.

Các số liệu cho thấy Người Nga đã chi tiêu nhiều hơn đến 70% cho các viên thuốc trầm cảm trong tám tháng đầu năm nay so với năm ngoái, mặc dù họ đã phải dành phần lớn thời gian của năm 2021 trong các lần đóng cửa vì Covid.

Các quan chức nói thêm: 'Người Nga cảm thấy sợ hãi' khi 'sai lầm thảm khốc' trong cuộc xâm lược của Vladimir Putin - bao gồm cả quân đội và một nền kinh tế đang sa sút - bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ít nhất 400,000 người đã bỏ trốn kể từ khi ông Putin tuyên bố sẽ bắt đầu lệnh gọi nhập ngũ vào tháng 9, nhiều hơn đáng kể so với 300,000 người mà ông bổ sung vào hàng ngũ của mình.

Ekaterina nói rằng người chồng 27 tuổi của cô đã được đào tạo về đào các chiến hào trước khi được chuyển ra chiến tuyến.

Cô ấy nói với tờ Novaya Gazeta Europe độc lập của Nga: 'Trong nhiều giờ, họ chỉ đơn giản nằm trên mặt đất và giả vờ như đã chết vì một lý do đơn giản: họ không còn vũ khí nào khác ngoài những khẩu tiểu liên.

“Có súng cối chống lại họ, máy bay không người lái bay qua họ, nếu họ thậm chí di chuyển một ngón tay, thì máy bay không người lái sẽ ngay lập tức bay đến và tiêu diệt họ.”

Một người vợ khác, Irina, nói rằng chồng cô, 24 tuổi, đã bị pháo kích trong 12 giờ, và một trong những chỉ huy của anh ta 'bị nổ tung thành từng mảnh' bởi cuộc tấn công.

Cô nói với trang tin Nga rằng vị chỉ huy sống sót đã ra lệnh rút lui, trước khi các nhà chức trách quân sự cấp cao hơn buộc họ phải trở lại tiền tuyến.

“Sau khi họ từ chối quay trở lại, họ được cung cấp thiết bị mới, áo chống đạn, mũ bảo hiểm để ra trận nếu không họ bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận”, người phụ nữ nói với hãng tin tức.

Các quan chức nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Putin quyết định thay đổi đường lối ở Ukraine và không có dấu hiệu nào cho thấy có ai chuẩn bị thay thế ông ta.

Nga hiện đã bước vào tháng thứ 9 trong cuộc xâm lược Ukraine và đã không đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự nào mà Putin đề ra khi bắt đầu chiến tranh.

Các quan chức Bộ Quốc Phòng Anh cho biết Điện Cẩm Linh đang tham gia vào một cuộc xung đột tiêu hao và 'không có Kế hoạch B' để thực hiện nếu cuộc chiến trở nên tồi tệ.

'Họ vẫn chưa có Kế hoạch B,' các quan chức nói thêm.

Điều đó đã dẫn đến sự bất đồng quan điểm ngày càng tăng cả trong người dân Nga và giới thượng lưu thân cận với Putin, những người ngày càng sẵn sàng nói lên sự bất bình đó trước công chúng.

Các quan chức cho biết, người Nga không ủng hộ chiến tranh và giới tinh hoa đang ngày càng lo lắng về chi phí kinh doanh của họ cũng như viễn cảnh con cái của họ có thể bị gọi nhập ngũ chiến đấu trên tiền tuyến.

Điều đó đã khiến những người như Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner được mệnh danh là 'đầu bếp của Putin', công khai chỉ trích cách điều hành cuộc chiến - mặc dù ông ta chưa dám chỉ trích đích danh Putin.

Các quan chức Anh nói thêm rằng 'không có khả năng có khả năng thay đổi lãnh đạo' ở Nga trong thời gian tới - mặc dù các cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2024 được coi là thời điểm có khả năng căng thẳng.

Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết: 'Ông ta đã bị suy yếu vì sai lầm thực sự thảm khốc này.

'Chúng ta đang thấy quân đội Nga bị Ukraine hạ gục trên chiến trường. Mọi người có thể thấy rằng ông ta đã có lỗi lớn''

'Điều đó có nghĩa là mọi người đang nói nhiều hơn về sự thay đổi, họ đang nói nhiều hơn về những gì xảy ra tiếp theo, họ đang tưởng tượng về một cuộc sống xa hơn. Nhưng tôi không thể nghĩ rằng điều đó sẽ sớm xảy ra. '

Trong nỗ lực đánh lạc hướng về những thất bại của chính mình, các quan chức nói rằng Putin đang đưa ra những tuyên bố ngày càng ngông cuồng và vô căn cứ như một cách để chuyển hướng sự chú ý.

Họ đã chọn ra các mối đe dọa về một 'quả bom bẩn', các cáo buộc rằng Anh và Mỹ đã tấn công đường ống Nord Stream và các tuyên bố ngông cuồng liên quan đến điện thoại của Liz Truss bị tấn công.

Nga cũng ngày càng dựa vào các cuộc tấn công hỏa tiễn vào lưới điện, nguồn cung cấp nước và các thành phố của Ukraine như một phương tiện phá vỡ sự ủng hộ của người dân Ukraine đối với cuộc chiến tự vệ của đất nước này.

Tuy nhiên, bất kể điều gì đang xảy ra, có vẻ như mọi chuyện càng củng cố quyết tâm của họ, các quan chức cho biết.

Họ cũng tiết lộ rằng các cuộc trò chuyện 'thường xuyên' đang diễn ra với những người đồng cấp Nga về các cuộc đàm phán hòa bình 'nghiêm túc', mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó.

Mạc Tư Khoa đang phải đối mặt với tình hình thảm khốc trên chiến trường Ukraine khi nước này cố gắng bảo vệ chiến tuyến dài hàng trăm dặm với các đơn vị bị điều khiển tồi tệ khi trận đánh vào mùa đông.

Kyiv đã tận dụng thực tế đó bằng cách mở các cuộc phản công ở phía bắc và phía nam nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ.

Các đội quân tiếp tục tiến tới thành phố Kherson và vào vùng Luhansk, ở phía tây bắc, trong bối cảnh hy vọng về một cuộc đột phá khác.

Nhưng khi mặt đất mềm dần qua mùa thu, những đoạn đường này dự kiến sẽ chậm lại, trong khi các phương tiện bị sa lầy trong bùn.

Mùa đông - thời tiết lạnh giá ở Ukraine - được cho là sẽ khiến các tiến bộ gần như ngừng hoạt động khi cả hai bên đang tiến sâu vào cuộc chiến, trước khi tiếp tục giao tranh vào mùa xuân.

Trong thời gian đó, hàng trăm nghìn lính nghĩa vụ Nga dự kiến sẽ đến Ukraine để bịt các lỗ hổng trong tuyến phòng thủ và có lẽ để thực hiện các cuộc tấn công khi điều kiện được cải thiện.

Tuy nhiên, không có khả năng Putin sẽ đạt được mục tiêu ban đầu là lật đổ chính phủ Kyiv - và thậm chí ngay cả mục tiêu giới hạn hơn nhiều là 'giải phóng' khu vực Donbas cũng khó có thể xảy ra.
 
Diễn tiến phép lạ ngoạn mục, không thể giải thích, đã cứu một linh mục thoát một tai nạn thảm khốc
VietCatholic Media
17:10 04/11/2022


1. Phép lạ được ghi lại trên video: Linh mục thoát chết khi bị xe SUV lao qua

Cha John Bok, tám mươi bảy tuổi, là một giáo viên vật lý trước đó trong cuộc đời của ngài, nhưng ngài không thể giải thích bằng các quy tắc vật lý tại sao một chiếc xe khác bay qua đầu ngài khi đang trên đường cử hành Thánh lễ Chúa Nhật.

“Đó là một phép lạ,” linh mục dòng Phanxicô nói với CNA hôm thứ Ba về trải nghiệm cận kề cái chết.

Bây giờ đã nghỉ hưu - mặc dù ngài tự nhận mình chỉ mới nghỉ hưu bán phần – Cha Bok vẫn giúp cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Công Giáo St. Andrew ở Milford, Ohio. Vào ngày 2 tháng 10, ngài đang trên đường đi cử hành Thánh lễ 9 giờ sáng vào ngày lễ của các Thiên thần Hộ mệnh.

Khoảng 8:40 sáng khi Cha Bok gần đến nhà thờ thì xảy ra sự việc với người lái xe khác.

Cha Bok cho biết một nam thanh niên đang điều khiển phương tiện khác trên con đường gần Bok đã bị co giật khi ngồi sau tay lái và bất tỉnh. Chiếc xe của nam thanh niên này đã đi lệch đường và lao thẳng vào cửa bên lái xe của Cha Bok.

Một đoạn video quay lại sự kiện cho thấy: Tất cả những gì đứng giữa hai chiếc xe là một biển báo giao thông và một vật thể thẳng đứng khác nhô lên khỏi mặt đất.

Đoạn video cho thấy chiếc SUV húc thẳng vào chướng ngại vật. Sau đó, giống như một cảnh trong phim “Fast & Furious”, chiếc SUV bay trên không qua chiếc xe của Cha Bok mà không chạm vào xe ngài, trước khi hạ cánh xuống trên bốn chiếc bánh của nó.

Cha Bok, và chiếc xe của ngài, đã không hề hấn.

Cha Bok nói với CNA rằng một trong những điều đáng kinh ngạc về sự kiện này là ngài thậm chí không biết rằng chiếc xe của mình đã bị vượt qua cho đến hàng giờ sau khi nó xảy ra.

“Tôi không biết rằng chiếc xe đó đã vượt qua tôi vì tôi đang nhìn về phía trước và nó ở bên trái và phía trên của tôi. Và từ khóe mắt của tôi, tôi cảm nhận được thứ gì đó đang bay qua, nhưng tôi chỉ nghĩ đó là một con chim hoặc một cái gì đó tương tự.”.

Cha Bok nói rằng ngài bị mù mắt trái và phải đeo máy trợ thính.

Cha Bok nói rằng một viên chức cảnh sát biết ngài đã đến gặp ngài khi ngài đang ở nhà hàng sau Thánh lễ và thông báo cho ngài rằng ngài suýt bị xe của người thanh niên đâm vào. Viên chức cảnh sát cho Bok xem một đoạn video về sự kiện được ghi lại trên camera của nhà tang lễ bên kia đường nơi xảy ra vụ việc.

Cha Bok nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì điều đó đã xảy ra. Anh ta nói rằng nhân viên cảnh sát đã cập nhật cho anh ta rằng người đàn ông trẻ vẫn ổn sau khi nhập viện.”

Cha Bok rất ngạc nhiên khi không có ai chết hoặc bị thương. Ngài cho biết ngài đã suy ngẫm về sự kiện này và biết rằng Chúa đã nhúng tay vào.

“Một trong những điều bí ẩn là nó sẽ xảy ra vào ngày 2 tháng 10 đó là ngày lễ của các Thiên thần Hộ mệnh. Tôi không biết Chúa đang nghĩ gì.”

Cha Bok nói rằng nếu ngài bị xe đụng và cuộc sống của ngài kết thúc, đó sẽ là một tình huống “đôi bên cùng có lợi” vì “thiên đàng sẽ tốt hơn ở đây.”

Tuy nhiên, Cha Bok cho biết, ngài tận hưởng cuộc sống và hy vọng Chúa sẽ cho ngài thêm nhiều năm nữa.

“Tôi rất vui vì tôi vẫn ở đây và thật là mầu nhiệm tại sao lại xảy ra như vậy khi bạn xem đoạn video tuyệt vời đó”

“Khi tôi xem đoạn video đó, tôi chỉ biết gãi đầu và nói, 'Cảm ơn Chúa'.”
Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục kêu gọi điều tra vụ việc chết người ở Hàn Quốc

Lễ hội đường phố Halloween ở Hán Thành, Hàn Quốc, trở nên bi thảm sau khi tình trạng tắc nghẽn dẫn đến giẫm đạp lên nhau khiến ít nhất 153 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Giờ đây, các giám mục Công Giáo của Hàn Quốc đang kêu gọi một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ việc chết người để bảo đảm tình huống này không lặp lại.

Theo Licas News, một cơ quan truyền thông của Công Giáo Phi Luật Tân, đã có hơn 100,000 người ra đường ở khu giải trí Itaewon của Hán Thành. Trong những con phố chật hẹp của quận này, những đám đông chật cứng không còn chỗ trống để di chuyển. Một con hẻm nhỏ dốc - nổi tiếng với cả những quán bar và là lối đi tắt đến ga tàu điện ngầm – đã trở nên kẹt cứng đến mức các video quay cảnh mọi người chật vật thở, buộc phải chịu đựng sức ép của hàng trăm người chen chúc nhau. Những người ở phía sau cố gắng tiến về phía trước, nhưng không có khả năng đi đến đâu. Ngay cả khi nạn nhân gục xuống, bạn bè và những người sơ cứu cũng khó tìm được chỗ để cứu cấp.

Thư của các giám mục

Bản tin của Vatican News cho biết các giám mục Hàn Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra nhằm “phá vỡ chu kỳ của sự bất công và vô trách nhiệm đã trở thành một thực tế phổ biến trong xã hội này”.

“Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải trung thành với các vai trò tương ứng của mình,” các giám mục nói. “Các nhà chức trách phải kiểm tra kỹ lưỡng nguyên nhân và quá trình của thảm kịch này, và bảo đảm rằng sự vô trách nhiệm và lãng quên không được lặp lại.”

Thư của các giám mục tiếp tục trích dẫn những giáo huấn của Giáo hội:

“Tính mạng và phẩm giá của con người là những giá trị quý giá nhất và không có gì trong xã hội của chúng ta có thể được ưu tiên hơn điều đó”.

Bức thư kêu gọi các chính trị gia Hàn Quốc hành động một cách nhanh chóng để bảo đảm “không có sự hy sinh nào nữa” từ những người trẻ tuổi.

Phần lớn những người tham dự bữa tiệc là những người trẻ ở độ tuổi cuối và đầu 20. Tổng thống Hàn Quốc Hàn Đức Chu (Han Duck-soo, 한덕수) nói rằng thảm kịch “đáng lẽ không nên xảy ra” và tuyên bố sẽ điều tra đầy đủ.

Tuyên bố Đức Thánh Cha Phanxicô

Bức thư của các giám mục được đưa ra sau những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài đã đề cập đến thảm kịch này trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng 10, trong đó ngài kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện cho những người đã mất mạng:

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện với Chúa Phục Sinh cho những người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - đã chết ở Hán Thành, do hậu quả bi thảm của một đám đông đột ngột có quá nhiều người.”

Nam Hàn đã bắt đầu một thời gian tang tóc kéo dài một tuần trong khi các quan chức cố gắng tìm hiểu xem cơn bão tàn khốc đã diễn ra như thế nào.

Ít nhất 26 công dân nước ngoài, bao gồm cả hai công dân Hoa Kỳ, nằm trong số những người thiệt mạng. Hơn một chục đại sứ quán trên toàn cầu đã xác nhận nạn nhân từ đất nước của họ.

Điều gì đã gây ra sự gia tăng hôm thứ Bảy là không rõ ràng, nhưng các nhân chứng cho biết những người tham gia tiệc tùng đã chật cứng trong các con phố hẹp ở khu giải trí về đêm Itaewon của thủ đô, khi mọi người tận hưởng ngày cuối tuần Halloween đầu tiên kể từ khi các quy định của Covid-19 được dỡ bỏ.

Gần như tất cả các nạn nhân - ít nhất 153 người - đã được xác định danh tính. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, con số này bao gồm 56 nam giới và 97 phụ nữ.

Bộ cho biết, tính đến 4 giờ sáng ngày thứ Hai 31 tháng 10, theo giờ địa phương, số người bị thương đã lên đến 133 người, trong đó 37 người bị thương nặng.
Source:Aleteia

3. Đức Giáo Hoàng được yêu cầu đề cập đến nhân quyền, tù nhân chính trị, trong chuyến thăm Bahrain

Gia đình của các tử tù ở Bahrain hôm thứ Hai đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại hình phạt tử hình và bảo vệ các tù nhân chính trị trong chuyến đi của ngài đến quốc gia vùng Vịnh vào tuần này.

Các gia đình đã đưa ra lời kêu gọi của họ trong một bức thư ngỏ do Viện Quyền và Dân chủ Bahrain, gọi tắt là BIRD, có trụ sở tại London phát hành, trong đó kêu gọi Đức Giáo Hoàng lên tiếng về những gì nhóm này cho là vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bỏ tù những người ủng hộ dân chủ. những người bất đồng chính kiến, trong chuyến đi từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11 của ngài.

Bahrain đã bỏ tù hàng nghìn người biểu tình, nhà báo và nhà hoạt động - một số bị xét xử sơ sài - kể từ cuộc nổi dậy chống chính phủ vào năm 2011. Bahrain cho biết họ truy tố theo đúng luật pháp quốc tế những người phạm tội.

“Các thành viên trong gia đình chúng tôi vẫn ở sau song sắt và có nguy cơ bị hành quyết bất chấp sự bất công rõ ràng về bản án của họ. Nhiều người trong số họ đã bị tấn công vì họ đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong cuộc nổi dậy Ả Rập, bức thư được viết bởi gia đình của 12 tử tù.

“Trong chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến Bahrain, chúng tôi hy vọng Đức Thánh Cha có thể lặp lại lời kêu gọi xóa bỏ án tử hình và giảm án cho các thành viên gia đình chúng tôi,” nó nói.

Bahrain đã tái áp dụng án tử hình vào năm 2017 sau khi có lệnh cấm.

Vào năm 2018, Giáo Hội Công Giáo chính thức thay đổi giáo huấn của mình để tuyên bố án tử hình là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và Đức Giáo Hoàng đã đưa ra nhiều lời kêu gọi cấm án tử hình trên toàn thế giới.

BIRD, một nhóm phi lợi nhuận, cũng đã phát hành một bức thư ngỏ gửi đến Đức Giáo Hoàng từ Ali Al-Hajee, người đã tự nhận mình là “tù nhân lương tâm” và là người sắp hoàn thành bản án 10 năm mà ông nói là có liên quan đến việc ông tham gia vào một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

“Tôi mời Đức Giáo Hoàng, nhân danh nhân loại, thúc giục Quốc vương Bahrain theo đuổi hòa bình và trả tự do cho tôi và tất cả các tù nhân chính trị Bahrain,” lá thư của Al-Hajee viết.

Bahrain bác bỏ những lời chỉ trích từ Liên Hiệp Quốc và những người khác về việc tiến hành các vụ xét xử qua loa và điều kiện giam giữ. Các nhà chức trách cho biết hệ thống luật pháp và tư pháp của nước này tiếp tục được cải cách.

Phát ngôn nhân của chính phủ Bahrain, đáp lại yêu cầu bình luận của Reuters, cho biết trong một tuyên bố rằng “không có cá nhân nào trong Vương quốc bị bắt hoặc bị giam giữ vì tín ngưỡng của họ” và hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Phát ngôn nhân cho biết: “Tuy nhiên, trong trường hợp các cá nhân kích động, cổ súy hoặc tôn vinh bạo lực hoặc thù hận, thì chúng tôi có nhiệm vụ điều tra và truy tố những cá nhân đó nếu thích hợp. “

Mùa xuân Ả Rập

Bahrain, quốc gia liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ là quốc gia vùng Vịnh duy nhất trải qua biến động lớn “Mùa xuân Ả Rập”. Chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni đã sử dụng vũ lực để trấn áp các cuộc biểu tình, chủ yếu do cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite lãnh đạo, và đàn áp những cuộc biểu tình quy mô cũng như các vụ phản kháng lẻ tẻ sau đó.

Tại cuộc họp báo tuần trước, phát ngôn nhân của Vatican, Matteo Bruni, đã được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có phát biểu về nhân quyền khi ở Bahrain hay không, là điều bị phe đối lập và các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích, đặc biệt là về cách đối xử của nhà nước với đa số người Shiite.

“Tôi sẽ không đoán trước được điều gì mà Đức Giáo Hoàng sẽ nói trong vài ngày tới. Quan điểm của Tòa thánh và của Đức Giáo Hoàng liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền là rõ ràng và được biết đến rộng rãi,” ông nói.

Phát ngôn nhân của chính phủ Bahrain cho biết nhà nước bảo vệ quyền tự do tôn giáo và thờ phượng, đồng thời “không dung thứ cho sự phân biệt đối xử, bắt bớ hoặc thúc đẩy chia rẽ dựa trên sắc tộc, văn hóa hoặc tín ngưỡng”.

Đức Giáo Hoàng thăm Bahrain để dự lễ bế mạc “Diễn đàn Bahrain về Đối thoại: Đông và Tây cho sự chung sống của con người” và gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Công Giáo.

Ngài sẽ gặp Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa và ở trong khuôn viên hoàng gia vì không có tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Bahrain.

Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm bán đảo Ả Rập và cử hành một thánh lễ ở đó.

Bahrain có khoảng 70% là người Hồi giáo và, không giống như Ả Rập Saudi, nước này cho phép cộng đồng Kitô giáo nhỏ - chủ yếu là người lao động nước ngoài - được thực hành đức tin của họ một cách công khai tại hai nhà thờ ở đó.


Source:Reuters
 
Tông du Bahrain: Cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập
VietCatholic Media
23:36 04/11/2022

Như chúng tôi đã tường trình, lúc 9h30 sáng thứ Năm, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế Sakhir ở thủ đô Awali của Bahrain.

Đức Thánh Cha đã đến nơi lúc 16h45. Lúc 17h30, Đức Thánh Cha đã thăm xã giao Quốc Vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa tại dinh Sakhir. Nơi đây đã diễn ra các nghi thức chào đón chính thức trong vườn thượng uyển.

Vào lúc 18h30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với nhà vua, các thành viên chính phủ và ngoại giao đoàn.

Sinh hoạt nổi bật trong ngày thứ hai của chuyến tông du Bahrain là cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả Rập diễn ra lúc 5h45 chiều thứ Sáu 4 tháng 11. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Hoàng thân,

Thưa Ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chúng tôi cảm thấy biết ơn và vinh dự bởi sự hiện diện của nhị vị.

“Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phyghia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”(Cv 2: 9-11).

Thưa Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô kính mến, anh chị em thân mến, những lời này dường như được viết cho chúng ta ngày nay: từ nhiều dân tộc và ngôn ngữ, từ nhiều nơi và các nghi thức khác nhau, tất cả chúng ta đã tập hợp ở đây vì những công việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã hoàn thành! - Cầu mong cho chúng ta được sống trong hòa bình, như vào buổi sáng Lễ Ngũ Tuần đó khi không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Tại Giêrusalem, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, dù họ đến từ nhiều nơi, nhưng tất cả đều cảm thấy mình được hợp nhất trong một Thần Khí. Hiện tại, sự đa dạng về nguồn gốc và ngôn ngữ không phải là một vấn đề mà là một nguồn lực. Như một tác giả cổ đại đã viết: “Nếu ai đó nói với một người trong chúng ta: 'Bạn đã nhận được Thánh Linh, tại sao bạn không nói được mọi thứ tiếng?', Chúng ta nên trả lời: 'Tôi nói được mọi thứ tiếng, vì tôi là một chi thể của thân thể Chúa Kitô, của Hội Thánh nói mọi thứ tiếng'”(Bài giảng của một tác giả Phi Châu thế kỷ thứ sáu: PL 65, 743).

Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng cho chúng ta, vì “nhờ một Thần Khí, tất cả chúng ta đã được rửa tội thành một thân thể” (1Cr 12:13). Đáng buồn thay, bởi sự chia rẽ của chúng ta, chúng ta đã làm tổn thương nhiệm thể thánh thiện của Chúa, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng kết hợp tất cả các chi thể lại với nhau, lớn hơn sự chia rẽ của chúng ta theo xác thịt. Do đó, thật đúng khi nói rằng những gì liên kết chúng ta vượt xa những gì chia rẽ chúng ta và rằng, càng hành trình theo Thánh Linh, chúng ta càng được dẫn dắt đến ước muốn hiệp nhất và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, khôi phục sự hiệp nhất trọn vẹn giữa chúng ta.

Chúng ta hãy trở lại bản văn về Lễ Ngũ Tuần. Khi suy ngẫm về bản văn, tôi cảm thất đầy ấn tượng bởi hai điều có vẻ hữu ích cho hành trình hiệp thông của chúng ta. Tôi muốn chia sẻ hai điều ấy với các bạn. Tôi muốn đề cập đến sự thống nhất trong sự đa dạng và nhân chứng của cuộc sống.

Thứ nhất, sự thống nhất trong đa dạng. Vào Lễ Ngũ Tuần, Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết, các môn đệ “tất cả cùng ở một nơi” (2: 1). Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý đến cách mà Thánh Linh, Đấng ngự trên mỗi người, đã chọn một thời điểm khi tất cả họ ở bên nhau. Họ cũng có thể thờ phượng Thiên Chúa và làm điều tốt cho người khác một cách riêng lẻ, nhưng khi họ hiệp nhất với nhau, thì cánh cửa dẫn đến công việc của Thiên Chúa sẽ rộng mở. Các tín hữu Kitô được kêu gọi đến với nhau để các công trình kỳ diệu của Thiên Chúa có thể được hoàn thành ở giữa chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta ở đây tại Bahrain với tư cách là một đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô, sống rải rác ở nhiều nơi khác nhau và theo các hệ phái khác nhau, giúp chúng ta cảm thấy cần phải hiệp nhất, chia sẻ đức tin. Cũng như trên quần đảo này có những mối liên hệ bền chặt giữa các đảo, thì điều đó cũng có thể giữa chúng ta với nhau để chúng ta không bị cô lập mà hiệp nhất trong tình hiệp thông huynh đệ.

Thưa anh chị em, tôi tự hỏi: Làm thế nào để chúng ta làm cho sự hợp nhất phát triển nếu lịch sử, thói quen, những cam kết và khoảng cách dường như lôi kéo chúng ta đến nơi khác? “Nơi tụ họp”, “đỉnh cao thiêng liêng” của sự hiệp thông của chúng ta là gì? Đó là sự ngợi khen Thiên Chúa, mà Thánh Linh khuấy động trong mọi người. Lời cầu nguyện ngợi khen không cô lập hoặc khép kín chúng ta vào bản thân và nhu cầu của chúng ta, nhưng lôi cuốn chúng ta vào trái tim của Chúa Cha và do đó kết nối chúng ta với tất cả anh chị em của chúng ta. Lời cầu nguyện ngợi khen và tôn thờ là hình thức cầu nguyện cao nhất. Nhưng không và vô điều kiện, lời cầu nguyện mang đến niềm vui của Thánh Linh, thanh tẩy trái tim, và khôi phục sự hòa hợp và thống nhất. Lời cầu nguyện là liều thuốc giải độc cho nỗi buồn và sự cám dỗ sa vào những than thở về sự kém cỏi bên trong và những con số bề ngoài nhỏ bé của chúng ta. Những ai ngợi khen Chúa Cha không nản lòng vì sự nhỏ bé của đàn chiên, nhưng vui mừng vì sự vĩ đại được làm con cái của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện ngợi khen cho phép Thánh Linh tràn đầy sự an ủi của Ngài; nó trở thành một phương thuốc kỳ diệu cho nỗi cô đơn và nỗi nhớ nhà. Lời cầu nguyện cho phép chúng ta cảm nhận được sự gần gũi của Người Mục Tử Nhân Lành, ngay cả những lúc chúng ta cảm thấy thiếu vắng các mục tử của mình, như thường xuyên xảy ra ở những vùng đất này. Chính trong sa mạc của chúng ta, Chúa yêu thương mở ra những con đường mới chưa được khám phá và làm cho những mạch nước sống tuôn trào (x. Is 43:19). Lời cầu nguyện ngợi khen và thờ phượng dẫn chúng ta đến đó, đến các mạch nước của Thánh Linh, đưa chúng ta trở về nguồn gốc, đến sự hiệp nhất.

Thật là tốt cho chúng ta khi kiên trì ngợi khen Thiên Chúa, để trở thành dấu chỉ hiệp nhất cho tất cả các Kitô hữu! Hãy duy trì thói quen tốt là làm cho các công trình xây dựng nhà thờ của chúng ta cũng có thể dùng cho các cộng đồng khác thờ phượng cùng một Chúa. Vì không chỉ ở đây trên trái đất này, mà còn ở trên trời, có một bài hát ngợi khen đã kết hợp chúng ta lại với nhau, được hát bởi nhiều vị tử đạo Kitô thuộc các hệ phái khác nhau. Đã có biết bao người như thế trong những năm gần đây, ở Trung Đông và trên toàn thế giới, biết bao nhiêu! Giờ đây, họ tạo nên một bầu trời đầy sao độc đáo, dẫn đường cho chúng ta khi chúng ta đi qua các sa mạc của lịch sử. Chúng ta có cùng một mục tiêu: tất cả chúng ta đều được mời gọi đến sự hiệp thông viên mãn trong Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng sự thống nhất mà chúng ta đang hành trình là sự thống nhất trong đa dạng. Điều quan trọng cần ghi nhớ là: Sự thống nhất không phải là “sự giống nhau”, không, nó là sự thống nhất trong sự đa dạng. Lời tường thuật về Lễ Ngũ Tuần kể rằng mỗi người đã nghe các Tông đồ nói “bằng ngôn ngữ của mình” (Cv 2: 6): Thánh Thần không tạo ra một ngôn ngữ mới cho mọi người, nhưng cho phép mỗi người nói các ngôn ngữ khác (x. V. 4), để mọi người có thể nghe được ngôn ngữ của mình do người khác nói (xem câu 11). Nói một cách dễ hiểu, Ngài không giam cầm chúng ta trong sự đồng nhất, nhưng bắt chúng ta chấp nhận lẫn nhau trong những khác biệt của chúng ta. Điều đó xảy ra khi con người sống bởi Thánh Linh. Họ học cách gặp gỡ từng anh chị em của mình trong đức tin như một phần của cơ thể mà chính họ thuộc về. Đó là tinh thần của hành trình đại kết.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng chúng ta đang tiến bộ như thế nào trên hành trình này. Là một mục tử, một tín hữu của tín hữu Chúa Kitô, tôi có sẵn sàng đón nhận tác động của Thánh Linh không? Tôi có xem công cuộc đại kết là một gánh nặng, như một cam kết xa vời, như một nghĩa vụ thể chế, hay như ước muốn chân thành của Chúa Giêsu là tất cả được nên “một” (Ga 17:21), và là một sứ mệnh bắt nguồn từ Tin Mừng? Cụ thể, tôi phải làm gì cho những anh chị em tin vào Chúa Kitô mà không phải là “của tôi”? Tôi có làm quen với họ, tôi có tìm kiếm họ, tôi có thể hiện sự quan tâm đến họ không? Tôi có giữ khoảng cách và trọng hình thức, hay tôi cố gắng tìm hiểu lịch sử của họ và đánh giá cao tính độc đáo của họ, mà không coi đó là một trở ngại không thể vượt qua?

Sau sự thống nhất trong đa dạng, bây giờ chúng ta chuyển sang yếu tố thứ hai: nhân chứng của cuộc sống. Vào Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ được “mở ra”, được biến đổi và đi ra khỏi Phòng Tiệc Ly. Sau đó các ngài sẽ đi ra khắp thế giới. Giêrusalem, nơi dường như là điểm đến của họ, trở thành điểm khởi đầu của một cuộc phiêu lưu phi thường. Nỗi sợ hãi đã giữ họ ở nhà giờ đây trở thành một ký ức xa vời: từ đó họ đi khắp nơi, không phải để nổi bật so với những người khác, chẳng phải để cách mạng hóa trật tự xã hội và thế giới, nhưng bằng cuộc sống của mình, các ngài làm rạng rỡ khắp mọi nơi vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Thông điệp của chúng ta không phải là một diễn văn được thực hiện bằng lời nói, mà là một nhân chứng được đưa ra bằng hành động. Đức tin không phải là một đặc ân để được tuyên bố, nhưng là một món quà để được chia sẻ. Như một văn bản cổ đã viết: Các tín hữu đạo Đấng Kitô “không sống ở những thành phố cụ thể, họ không sử dụng một số ngôn ngữ lạ, và họ không áp dụng một lối sống đặc biệt… Mỗi vùng ngoại quốc đều là quê hương của họ… Họ sống trên đất nhưng có quyền công dân của mình ở trên thiên đường. Họ tuân theo các luật đã được thiết lập, nhưng với cách sống của họ, họ ở trên luật. Họ yêu tất cả mọi người “(Thư gửi Diognetus, V). Họ yêu tất cả mọi người: đây là huy hiệu của các Kitô hữu, là bản chất của chứng tá của chúng ta. Sống ở đây ở Bahrain đã giúp nhiều người trong số các bạn khám phá lại và thực hành tính đơn giản hoàn toàn của lòng bác ái. Tôi nghĩ đến sự trợ giúp mà các bạn cung cấp cho những anh chị em của chúng ta, những người đến từ nơi khác, về sự hiện diện khiêm nhường của Kitô hữu và chứng tá mà các bạn thực hiện hàng ngày tại nơi làm việc bằng sự hiểu biết và kiên nhẫn, vui vẻ và hiền lành, nhân từ và tinh thần đối thoại. Nói một cách ngắn gọn: hòa bình.

Chúng ta cũng sẽ rất hữu ích khi nhìn lại cách chúng ta làm chứng, vì theo thời gian, chúng ta có thể suy yếu lòng nhiệt thành phản ánh Chúa Giêsu qua tinh thần của các Mối Phúc, sự kiên định và tốt lành trong cuộc sống của chúng ta, và sự bình an của chúng ta. Chúng ta hãy hỏi, bây giờ chúng ta đang cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình: chúng ta có thực sự là những người của hòa bình không? Chúng ta có muốn làm cho sự hiền lành của Chúa Giêsu hiện diện ở khắp mọi nơi, không đòi hỏi được đáp lại không? Chúng ta có tạo ra của riêng mình, mang chúng trong trái tim và trong lời cầu nguyện của chúng ta, những đấu tranh, tổn thương và xung đột mà chúng ta thấy xung quanh chúng ta không?

Thưa anh chị em, tôi muốn chia sẻ với anh chị em những suy nghĩ này về sự hiệp nhất, là điều mà lời khen ngợi củng cố, và chứng tá, là điều mà lòng bác ái xác nhận. Sự hiệp nhất và chứng tá đều rất cần thiết. Chúng ta không thể thực sự làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu trừ khi chúng ta hiệp nhất với nhau theo thánh ý của Ngài, và chúng ta không thể hợp nhất bằng cách xa rời nhau, không cởi mở để làm chứng, không mở rộng ranh giới lợi ích của chúng ta và của cộng đồng chúng ta nhân danh Thánh Linh, Đấng bao trùm mọi ngôn ngữ và tiếp cận với mọi người. Cho phép tôi nói thêm một điều: Chúa Thánh Thần đã tạo ra một sự đa dạng lớn dường như là một sự hỗn loạn lớn. Tuy nhiên, cùng một Thánh Linh ban các loại ân sủng khác nhau cũng tạo ra sự hiệp nhất, nhưng hiệp nhất theo nghĩa hòa hợp. “Thánh Linh là sự hòa hợp”, một trong những Giáo phụ vĩ đại của Giáo hội đã nói: “Ipse harmoniac est”, chính Ngài là sự hòa hợp. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng sự hòa hợp này có thể tồn tại giữa chúng ta. Thánh Linh liên kết chúng ta và sai chúng ta đi; Ngài quy tụ chúng ta trong sự hiệp thông và sai chúng ta đi truyền giáo. Chúng ta hãy giao phó cho Ngài trong lời cầu nguyện cuộc hành trình chung của chúng ta, và cầu xin Ngài tuôn đổ ân sủng trên chúng ta, trong một Lễ Hiện Xuống mới sẽ mở ra những chân trời mới và đẩy nhanh tốc độ của hành trình hiệp nhất và hòa bình của chúng ta.