Ngày 06-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng biết ơn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:37 06/10/2010
Chúa Nhật 28 thường niên C

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo.

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: "Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao ? còn chín người kia đâu ? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách "Nói với chính mình" Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Chuyện phiếm 7 “Hai chữ cám ơn”, Gã Siêu xót xa: Một tác giả nào đó đã viết: Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau. Dầu có cố gắng che dấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay là phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cám ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội Việt Nam chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ.

Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương tây, nên cũng lây nhiễm phần nào nét đẹp văn hóa của họ. Đúng thế, những tiếng vốn được người phương tây xử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cám ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương tây, đó là cám ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời…Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cám ơn”, Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.Từ đó, gã suy ra rằng lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau. Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.(dunglac.org).

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, trong bài “Văn hóa cám ơn” viết chua chát: Cám ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cám ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lý của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cám ơn. Và, sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt. Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức, thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kỹ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cám ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cám ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá. (saigonecho.com).

Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: "Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng".

Văn hóa cám ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cám ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cám ơn làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: "Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng "cám ơn", "xin lỗi" luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cám ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất... Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật... nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn!

Bạn thân mến.

Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.
Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?
Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?
Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.
Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?
Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?
Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Suốt cuộc đời, bạn và tôi đều mang ơn rất nhiều. Cám ơn về tất cả, tri ân về tất cả. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.Từ ngày đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ, thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.

Mỗi sáng khi vừa thứa dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Tạ Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: "Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời".

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa.Amen.
 
Lòng biết ơn
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:09 06/10/2010
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin tạ ơn Ngài,
tạ ơn Ngài và cầu khẩn Thánh Danh,
kỳ công Ngài, chúng con xin kể lại
(Tv.75:2).

Truyện kể, ngày kia Chúa mở đại hội “Trăm Hoa Đua Nở”. Qui tụ đại biểu của mọi loài hoa trên trái đất. Rừng hoa tươi thắm muôn mầu khoe sắc trước nhan Thiên Chúa. Các đại biểu hoa gặp nhau tay bắt mặt mừng, dâng lời chúc tụng ngợi khen danh Chúa và chào thăm nhau. Duy chỉ có hai loài hoa không thèm giáp mặt, đó là Hoa Thi Ơn và Hoa Nhớ Ơn. Quả thực ở đời lắm kẻ thi ơn nhưng ít kẻ nhớ ơn.

1. Tạ Ơn Thiên Chúa

Ca dao dậy rằng: Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây. Biết ơn là một nhân đức. Đời của chúng ta là cả một chuỗi những ngày chịu ơn. Từ những ơn căn bản của sự sống tới những ơn được bao dung nâng đỡ. Càng biết ơn, chúng ta càng sống làm người hơn. Nhiều người làm ơn cho tha nhân nhưng không mong phải đền đáp ân tình. Tuy nhiên những người nhận ơn và mang ơn cần có thái độ biết ơn. Chúa Giêsu dùng thí dụ để dạy chúng ta về lòng biết ơn. Chúa đã chữa lành cho 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại tạ ơn Chúa. Thánh Luca viết: Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria (Lc.17:15-16). Lòng biết ơn của người ngoại giáo là bài học cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thường xuyên dâng lời cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Ngài ban? Chúa không đòi chúng ta phải trở lại tạ ơn nhưng Chúa vẫn mong chờ. Đức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?(Lc 17:17).Chúa đang hỏi chúng ta đó.

Dưới thời Quân Chủ, Vua được gọi là Thiên Tử, có nghĩa là con của Trời. Hằng năm vua đại diện cho dân chúng lập đàn cúng tế Trời Đất cầu độ cho đất nước thái bình an lạc. Mang thân phận con người, ai ai cũng hướng về trời cao cầu xin khấn vái. Người ta nói trời cao có mắt. Trước sân nhà, người ta lập bàn thờ đặt hoa trái cúng vái tứ phương. Cầu cho mưa thuận gió hòa. Những người có niềm tin đơn sơ không được học biết về Thiên Chúa, họ cũng vẫn hướng lên trời để cầu trời khấn phật. Mọi sự vạn vần trong vũ trụ đã bày tỏ uy quyền của Trời cao, trời mưa, trời gió, trời bão, trời sấm và trời sét. Ông Trời có quyền uy giáng phúc cũng như giáng họa cho tạo vật. Ngày rằm thì người ta lập bàn thờ, nhang hương cúng vái tứ phương. Những người lương dân luôn tỏ lòng thành kính với Thần Phật. Hằng tháng họ luôn luôn sửa soạn mâm hoa quả, chén cơm, bát chè cúng vái để tỏ lòng biết ơn trời đất.

Chúng ta là loài thụ tạo, có nghĩa là chúng ta được lãnh nhận và được trao ban sự sống. Trời ban cho chúng ta tất cả từ hơi thở sự sống, từ khả năng đón nhận âm thanh, ánh sáng và từ nguồn lương thực dưỡng nuôi và mọi nhu cầu của cuộc sống. Từng giây từng phút chúng ta thụ ơn của Đấng Tạo Thành. Chúng ta đã làm gì để đền đáp những ơn mà Ngài đã ban tặng cho ta. Có mấy khi chúng ta để tâm ngước nhìn lên trời cao mà cảm tạ hồng ân Chúa ban. Chúa ban cho chúng ta một tuần 7 ngày, mỗi ngày có 24 giờ, vậy mà chúng ta vẫn còn tiếc xót dâng lại cho Chúa một vài giờ mỗi tuần để cùng ca tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi cầu nguyện riêng cũng được rồi, nhưng thực tế chỉ là một vài lời cầu xin ơn thiêng riêng cho mình. Chúng ta thử nghĩ, nếu một ai đó cho chúng ta một món qùa dù rất nhỏ, chúng ta sẽ vui vẻ nhận lãnh và cám ơn rối rít. Thiên Chúa quan phòng sự sống của chúng ta từng giây từng phút, thì chúng ta làm như mình được quyền hưởng mà không cần mang ơn. Mỗi người hãy dừng lại đôi phút dâng Chúa lời cảm tạ.

2. Tri Ân Giáo Hội

Giáo hội đã lãnh nhận kho tàng mặc khải để tuyền đạt lại cho mọi thế hệ. Sự mặc khải giúp chúng ta học biết về Thiên Chúa. Chúng ta có tín ngưỡng là tâm hồn của chúng ta đã đang được mở ra với một vũ trụ hữu thần. Chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa hiện hữu, Đấng là đầu và là cùng đích của mọi loài thọ tạo. Niềm tin này thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của cuộc sống con người. Trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô và thông phần ân sủng siêu nhiên. Qua Giáo Hội, chúng ta được sinh ra lại làm con Chúa. Được lãnh nhận các Bí Tích như những ân lộc nuôi dưỡng tâm hồn. Là những người Kitô hữu, chúng ta rất hạnh phúc, vì được nâng lên địa vị làm con Chúa và được hứa ban thưởng phần phúc thiên đàng. Chúng ta được học biết về Chúa, về Giáo Hội, về con người và về mọi loài thụ tạo. Giáo hội khai mở cho chúng ta bước vào một thế giới sống động và trật tự được quan phòng. Mọi vật đã có quả phải có nhân, gọi là nguyên lý nhân quả. Nhìn vũ trụ bao la nhưng vẫn bị giới hạn trong không gian và thời gian, chúng ta biết có Đấng Hằng Hữu. Biết Ngài để yêu mến và cảm tạ ân huệ mà Ngài đã đặt để trong tâm hồn mỗi người.

Giáo hội qua bao thời đã và đang mang tin mừng cứu độ đi khắp thế gian cho mọi người. Niềm tin vào Thiên Chúa là một món qùa vô giá như một kho tàng châu báu bị chôn vùi, người kia tìm được đem bán tất cả gia tài để mua cho được. Chúa Giêsu phán: Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy (Mt. 13:44). Lãnh nhận hồng ân cứu độ, chúng ta cám ơn tất cả những vị đã hy sinh đổ máu đào cũng như hy sinh cuộc đời để xây dựng và truyền thụ niềm tin. Cha ông tổ tiên là những người đã lãnh nhận đức tin, khai mở cho con cháu một nguồn sống đích thực. Trải qua thăng trầm, cha ông đã sống vững vàng và tiếp tục truyền rao Tin Mừng Cứu Độ qua mọi thời đại. Chúng ta luôn luôn có những tâm tình biết ơn các đấng bậc tiền nhân và cùng xây dựng Giáo Hội trần thế với anh chị em mỗi ngày một thánh thiện và yêu thương.

3. Biết Ơn Xã Hội

Chúng ta sinh ra có quê cha đất tổ, có nơi chôn nhau cắt rốn và có truyền thống văn hóa. Chúng ta được nhào nắn nên người trong hoàn cảnh xã hội với biết bao điều tốt lành. Chúng ta được hưởng phúc lợi của xã hội về mọi mặt trong đó có tín ngưỡng, văn hóa, an ninh, công ăn việc làm, có đất dụng võ, có trường để học và có nơi để tiến thân. Tiền nhân đã phải phấn đấu để dựng nước, xây nhà dành độc lập cho quê hương xứ sở. Bao anh hùng đã ngã ngục dưới làn bom, súng đạn để dành giữ mảnh đất thân yêu. Bao hy sinh của những bàn tay lao động phát quang từ những đồi núi hay cánh đồng hoang sơ xình lầy trở thành những mảnh đất mầu mỡ và phì nhiêu. Các vị đã khai sông, mở đường và xây dựng những thành phố xinh đẹp và tiện nghi. Khi ra đời là chúng ta đã có sẵn tất cả, nhưng chẳng mấy khi chúng ta nghĩ đến những công khó của các bậc tiền nhân để biết ơn.

Người ta thường nói: Quan nhất thời, dân vạn đại. Đúng thế, thời nào cũng cần có những người đứng ra lo việc nước và việc công. Không phải lúc nào đất nước cũng có những anh hùng oanh liệt dám xả thân vì dân vì nước. Chúng ta phải chấp nhận thói đời cũng như chấp nhận con người dù tốt hay xấu. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có tâm tình biết ơn tất cả mọi người đã góp công góp sức xây dựng xã hội văn minh và giầu mạnh. Rất may mắn, chúng ta đang được sống trong hoàn cảnh văn minh hiện đại. Chỉ khoảng ba hay bốn thập niên trước, con người con hạn chế về vấn đề di chuyển, đi lại, thông tin và sử dụng các kỹ thuật cao như máy điện toán các loại, GPS Navigation System, Cellphone, Iphone. MP3, Ipad, Ipod, Texbook… Kỹ thuật văn minh đã đưa con người sát lại gần nhau nhiều hơn. Chúng ta cần nhớ và biết ơn mọi thành viên đã góp phần vào tất cả những phúc lộc mà chúng ta đang được hưởng.

4. Đền Ơn Cha Mẹ

Ơn sinh thành dưỡng dục. Công cha nghĩa mẹ như trời biển. Con cái phải biết thảo hiếu và tôn kính ông bà cha mẹ. Qua cha mẹ, chúng ta được hiện hữu vào đời. Con vật sinh ra chỉ cần ngọ ngoạy một chút là có thể đứng lên đi theo mẹ kiếm mồi. Còn con người bé nhỏ cần sự chăm dẵm của mẹ cha và những người khác. Từng ly từng tí, từng giây từng phút mới phát triển và lớn lên. Học nằm, học ngồi, học lẫy, học bò, học đi học đứng, học ăn học nói và cái gì cũng phải học. Đây là những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời bên lòng mẹ. Rồi cho dù con có biết đi biết chạy, cha mẹ vẫn phải để mắt dõi trông. Cha mẹ mong con khôn lớn từng ngày, từng đêm. Đếm từng năm tháng khi con bước đến trường, mong ngày con ra trường. Có công ăn việc làm ổn định. Cha mẹ chờ mong ngày con thành lập gia thất, sinh con đẻ cái. Chưa hết, cha mẹ vẫn còn muốn ấp ủ con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Tình cha mẹ là thế đó! Cha mẹ không đòi con phải trả nghĩa ân tình nhưng cha mẹ mong con giữ giây liên kết gia đình tình mẹ tình cha.

Người mà chúng ta mang ơn nhiều nhất đó là những người ruột thịt trong gia đình. Vợ chồng ân tình nghĩa nặng. Vợ chồng xây dựng hạnh phúc gia đình và yêu thương cuốn cuộn bên nhau từng giây phút. Vợ chồng phải biết ơn nhau vì đã đem lại hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời cho nhau. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Phận làm con, chúng ta phải báo hiếu và tôn kính mẹ cha. Con cái có thể quên cha mẹ nhưng cha mẹ luôn nhắc nhớ yêu thương con cái. Đôi khi cha mẹ tỏ ra khó chịu, nói rằng lìa con nhưng đóng cửa phòng, cha mẹ nghẹn ngào trong nước mắt tuôn rơi. Con cái đừng làm buồn lòng cha mẹ. Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chẳng bao giờ chúng ta có thể đền đáp cân xứng công cha nghĩa mẹ. Đời của chúng ta qủa là một chuỗi những sự chịu ơn. Chúng ta có thể đáp trả với lòng thành, với sự hiếu thảo và biết ơn công đức sinh thành dưỡng dục. Người biết tu tâm dưỡng tánh, phải biết tri ân và báo đền ân đức.

5. Biết Ơn Ân Sư

Thầy cô khai mở tri thức. Thầy cô dạy chúng ta biết đọc biết viết. Câu ca dao thường nói: Không thầy đố mày làm nên. Trường học dạy chúng ta hỉểu biết khoa học, văn học, toán học, đạo đức học và càng học tâm trí chúng ta càng mở mang hiểu biết thế giới bên ngoài. Công trình nghiên cứu và hiểu biết của biết bao nhiêu các bậc cha ông hay đàn anh đi trước ghi nhận và lưu truyền lại. Họ đã truyền thụ lại cho chúng ta kho tàng cả mấy ngàn năm khám phá, phát minh và suy tư. Tất cả những kiến thức đã được gom nhặt từ các nền văn hóa trên thế giới. Đã có những vị tiền bối dành cả đời nghiên cứu, viết lách, tìm tòi để làm thành những cuốn tự điển dịch nghĩa giúp chúng ta học hiểu được những ngôn ngữ văn minh. Và qua sự giao lưu, chúng ta đã có một kho tàng văn hóa riêng cho chính xứ sở mình. Chúng ta đừng bao giờ quên ân tình cha ông để lại qua nền văn hóa.

Có lẽ chúng ta không nhớ hết được những người đã từng dậy dỗ chúng ta. Quan niệm Á Đông: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Như thế ai cũng có thể là thầy dậy của chúng ta. Không chỉ những các cha, các thầy, các dì, các cô mà cả những em trẻ cũng có thể trở thành thầy dạy. Chúng ta có thể học trực tiếp trong trường học nhưng phần lớn những kinh nghiệm chúng ta học trong trường đời. Chúng ta có thể học từ sách vở, học từ truyền thanh, truyền hình, học từ mạng lưới và từ mọi nguồn. Nếu chúng ta nối mạng, chúng ta sẽ đi vào một kho tàng vô giá về tất cả mọi môn học ở đời. Có nhiều người thầy ẩn mặt, chúng ta không hề biết nhưng chúng ta đã được hấp thụ biết bao kiến thức phổ thông từ họ. Khi học biết được những kiến thức ở đời, chúng ta mới nhận ra rằng sự hiểu biết của chúng ta thật khiêm tốn và chúng ta cần mang ơn tất cả mọi người.

6. Báo Ân Những Người Đồng Hành

Trên thế giới có trên sáu tỷ người. Chúng ta đã gặp gỡ và quen biết được bao nhiêu người. Con số rất giới hạn vì mỗi người chúng ta chỉ sống trong khoảng một thời gian và một không gian nào đó. Xã hội thay đổi, người sinh, kẻ tử cứ tiếp nối nhau mà sống. Ai trong chúng ta cũng đã cùng đồng hành với nhiều người khác trên các chuyến tàu, chuyến xe, chuyến máy bay hay cùng tham dự những buổi đại hội, hành hương hay các cuộc họp mặt chung. Chúng ta đã tìm thấy niềm vui, sự ủi an và nâng đỡ nhau khi an bình cũng như khi gặp khó khăn. Chúng ta không biết nhiều về người khác nhưng chung ta cùng chung một kiếp người, chung một hướng đi, chung một niềm tin hay cùng chung một mục đích. Chúng ta luôn có lý do để biết ơn và cầu nguyện cho nhau.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có anh chị em ruột thịt ở bên mình. Cần kết bạn và sống thân với láng giềng: Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Khi tắt lửa tối đèn hoặc khi hữu sự, chúng ta vẫn cần có nhau. Người ta gọi là tình làng xóm. Chính những người này đồng hành thật sự với chúng ta trong cảnh sống đời thường. Chúng ta nên hỏi han và quan tâm một chút về những người láng giềng. Họ chính là tai mắt cho sự an toàn của khu xóm. Không ai có thể lường trước được những gì sẽ xảy ra trong đời sống nên chúng ta cũng nên chọn một vài người thân cận tin tưởng để gởi gắm. Mỗi chuyến đi hè về, một chút qùa quê nội hay quê ngoại hay một chút qùa quê hương như những tâm tình biết ơn và gây thiện cảm.

7. Cám Ơn Anh Chị Em

Anh chị em như thể tay chân nên đùm bọc thương yêu và giúp đỡ nhau. Chị ngã em nâng. Những gia đình càng đông con càng hạnh phúc. Anh chị em trong gia đình cùng chia sẻ vui buồn sướng khổ. Vì khi gặp gian nan, đau khổ, có người bên cạnh chia xẻ và nâng đỡi ủi an. Khi có dịp vui mừng, anh chị em đoàn tụ liên hoan. Tục ngữ dạy rằng: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Đây là một sự nâng đỡ vô hình nhiều khi chúng ta không nhận ra hồng ân đó. Anh chị em một nhà đã được cưu mang cùng chung một cung dạ, cùng chung nôi, hưởng một nguồn sữa mẹ, cùng được ẵm bế và dưỡng nuôi trong một mái ấm gia đình. Anh chị em cùng học chữ yêu thương ba ba, má má. Cùng được ấp ủ trong vòng tay hiền mẫu. Anh chị em được lớn lên và trưởng thành bên nhau. Anh chị em đã học được những kinh nghiệm đầu tiên của cuộc sống qua những nhu cầu chén nước, bát cơm, ganh tị nhau từng cái kẹo và miếng bánh. Thân thương lắm! Chúng ta phải biết ơn lẫn nhau.

Có biết bao nhiêu câu truyện anh chị em đã bị mất tình mất nghĩa chỉ vì ham lợi. Có nhiều câu truyện xảy ra thường ngày, khi khó khăn anh chị em đùm bọc, giúp đỡ nhau nhưng khi có tí vốn và có của ăn của để là bắt đầu gây gỗ. Anh chị em chung nhau mở công ty, mở tiệm nhưng rồi chẳng bao lâu tiền bạc và lòng tham đã che mất sự thiện ban đầu. Khi đã ổn đinh công ăn việc làm, anh chị em bắt đầu tính cái lời, cái lợi cho riêng mình thế là gây xích mích tình anh chị em. Dĩ nhiên trong anh chị em có những người nhanh nhẹn, khôn ngoan và giỏi giang hơn nên dễ bị gây khó. Bởi vậy trong anh chị em hay với bất cứ bạn bè, chúng ta hãy luôn nhớ câu: Tiền bạc sòng phảng, tình nghĩa bền lâu. Đã là anh chị em ruột thịt thì nên yêu thương nhau. Chúng ta đừng lạm dụng nhau để làm lợi cho riêng mình nhưng biết ơn nhau trong cách cư xử.

8. Đền Ơn Bạn Bè

Sống trên đời, ai cũng có những người bạn. Bạn học chung trường, chung lớp, bạn chúng lý tưởng và chung hướng. Có những người bạn cùng làm việc, cùng cộng tác, cùng tranh đấu và cùng sống chết với nhau. Bạn bè bổ túc cho nhau: Học thầy không tày học bạn. Chúng ta học hỏi rất nhiều nơi các người bạn. Có những người bạn chỉ quen trong một thời gian ngắn nhưng nên tình nên nghĩa. Bạn chân thành giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Cha mẹ thầy cô thường dạy hãy chọn bạn mà chơi. Đúng vậy: Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Ra trường đời, chúng ta gặp không biết bao nhiêu người nhưng không phải ai cũng có thể trở thành bạn. Những người bạn chân tình là những người bạn không lạm dụng nhau để mưu lợi cho mình. Thành công ở đời do bạn hữu thật nhiều. Ngày nay sự liên kết bạn bè còn rộng rãi hơn qua các hệ thống kỹ thuật tân tiến.

Người ta thường nói: Giầu vì bạn, sang vì vợ. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta sống là cùng sống và lữ hành với người khác. Trong tất cả mọi thành công trên đời, chúng ta phải có sự trợ lực của bạn bè. Bạn bè giúp nhau khi hưng thịnh cũng như khi gặp suy thoái hoạn nạn. Tình huynh đệ quý hóa lắm, đừng khi nào để mất tình nghĩa bạn bè. Chúng ta phải mang ơn các bạn hữu rất nhiều. Bạn hữu mang lại ý nghĩa cho nhau trong cuộc sống. Cùng chia sẻ khi vui khi buồn trong mọi biến cố của cuộc đời. Họ có thể chia nhau chén trà chén rượu hay tâm sự nỗi buồn phiền trong cuộc sống. Đừng bao giờ quên ơn bạn. Chúng ta có nhiều cách để biết ơn như qua sự thăm viếng, hỏi han, gọi phôn, thơ từ và liên lạc. Bạn bè thăm hỏi chúc mừng hay chia buồn với nhau trong mọi trạng huống trong cuộc sống.

9. Cám Ơn Mọi Người

Uống nước nhớ nguồn. Chúng ta được hiện hữu giữa thế giới là một ơn trọng đại. Chúng ta còn được mọi người chung quanh bao bọc chở che. Được mọi người nâng đỡ dìu dắt và dạy bảo chúng ta nên người. Chúng ta phải học cách làm người sao cho xứng danh nghĩa là dũng nhân. Một con người biết rung cảm với sự bén nhạy của trái tim. Biết nhường, biết kính, biết cảm và biết ơn. Sự biết ơn là một chiếc cầu nối thông thương giữa người với người. Làm người nên biết ân nghĩa chí tình với mọi người, đặc biệt các ân nhân và thân nhân. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Sống ở đời cũng cần có: Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại. Chúng ta nên ân nghĩa báo đền cho xứng hợp danh phận con người.
Chúng ta nuôi chó, mèo, chim chóc và các loại súc vật. Nếu chúng ta để ý quan sát, mỗi khi gặp gỡ hay cho những con vật ăn uống, nó vẫy đuôi mừng chạy theo quấn quit hoặc ca hát líu lo. Đó chính là những biểu lộ cám ơn theo cảm xúc bản năng. Con người chúng ta hơn con vật bội phần. Chúng ta phải luôn sống trong tâm tình tri ân và biết ơn mọi người. Đặc biệt những người đã góp phần làm giầu cho sự hiện hữu của chúng ta. Ví biết rằng càng có tâm tình biết ơn, chúng ta càng trở nên người hơn.
Như một lời kết, cho đến khi nào chúng ta không còn nhận ơn, khi đó chúng ta không phải trả ơn và biết ơn. Cuộc đời chúng ta được ôm ấp trong tình yêu thương của Thiên Chúa và của mọi người. Hai chữ “cám ơn” sẽ được ghi lòng tạc dạ. Biết dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn con người, chúng ta sẽ sống xứng đáng với danh hiệu là con Thiên Chúa và dòng dõi của cha ông tổ tiên. Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, bây giờ và mãi mãi. Thánh vịnh 118 đã diễn tả: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 118:1)
 
Một cái nhìn về các Tông Đồ
+ GM GB Bùi Tuần
10:18 06/10/2010
Trong tháng 10 này, các giám mục tại Việt Nam được quan tâm một cách đặc biệt. Bởi vì Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được tổ chức vào một thời điểm quan trọng có nhiều vấn đề bức xúc trong Đạo ngoài Đời. Nhiều cái nhìn khác nhau sẽ làm nảy sinh ra nhiều tính toán khác nhau.

Tình thế rất phức tạp. Suy đoán dễ sai lầm. Vì thế, nên bình tĩnh dựa vào một nền tảng chắc chắn, để nhìn và để ước mơ nơi các người kế vị các thánh tông đồ.

Nền tảng chắc chắn sẽ tìm trong Phúc Âm. Ở đây, xin trích Phúc Âm thánh Marcô.

"Rồi Chúa Giêsu lên núi, và gọi đến Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người."Người lập Nhóm Mười Hai. Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ" (Mc 3,13-15).

Cách chọn nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai cách nào?

Thưa một cách trang trọng.

Trang trọng trước hết ở chỗ Chúa Giêsu tách 12 người Chúa chọn ra khỏi đám đông. Phúc Âm tả đám đông đó thế này: "Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Samaria, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđon, người ta lũ lượt đến với Người" (Mc 3,7-8).

Đám đông như vừa kể được hiểu là rất nhiệt tình, từ khắp nơi, gồm nhiều khác biệt. Đám đông ấy rất xô bồ. Họ là một số nhiều phức tạp. Có thể số đông ấy là mấy ngàn người. Từ đám đông ấy, Chúa tách ra 12 người. Chúa tách ra một nhóm rất nhỏ. Họ là "những kẻ Người muốn" (Mc 3,13). Họ được tách ra từ đám đông và trước mặt đám đông. Đó là một cử chỉ trang trọng.

Trang trọng đó được thêm lên bởi một cử chỉ trang trọng khác, đó là Người gọi tên từng người được chọn "Và các ông đến với Người" (Mc 3,13). Các ông đến với Chúa, tức là các ông bước ra khỏi đám đông, đến với Chúa và đứng ở cạnh bên Chúa.

Mục đích Chúa chọn Nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai đó, vì mục đích gì?

Phúc Âm nói rõ vì hai mục đích:

- "để các ông ở với Người".
- "để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ" (Mc 3,14).

Mục đích thứ nhất là "để các ông ở với Người".

Ở với Chúa không chỉ là hiệp thông với Chúa bằng trí khôn, mà là sống thân mật bên cạnh Người. Như những người bạn, như những người đồng hành, như những người chia sẻ mọi thăng trầm cuộc sống của Chúa, như những người cảm thông được mọi ý định của Chúa.

"Ở với Chúa" một cách thân mật như thế sẽ không chỉ nhấn mạnh đến những gì Chúa dạy, mà còn quan tâm đến nếp sống thường ngày của Chúa. Như cách Người sống khó nghèo, cách Người nguyện cầu tín thác, cách Người phục vụ với tấm lòng hiền lành khiêm nhường, yêu thương tha thứ.

Tất cả cuộc sống "ở với Chúa" sẽ là một kinh nghiệm bản thân, riêng tư, sống động. Chính kinh nghiệm ấy sẽ được các tông đồ rao giảng.

Mục đích thứ hai là để "Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3,14).

Mục đích thứ hai này gồm hai chi tiết, đó là "để được sai đi" và "đi rao giảng".

Được Chúa sai đi có nghĩa là sáng kiến việc đi rao giảng là do chính Chúa. Chúa sai đi đâu, đi lúc nào, cách nào, phải do chính Chúa.

Rao giảng chủ yếu là rao giảng Đức Kitô, là Đấng mà các ngài đã có kinh nghiệm bản thân. Rao giảng về Nước Thiên Chúa, mà các ngài đã cảm nhận một cách sâu sắc trong suốt đời mình.

Rao giảng Đức Kitô như thế chính là làm chứng về Đức Kitô. Làm chứng bằng kinh nghiệm bản thân của mình.

Làm chứng về Đức Kitô một cách đích thực như thế sẽ kèm theo "việc trừ quỷ" (Mc 3,14).

Việc trừ quỷ, mà Phúc Âm thánh Marcô ghi liền với việc rao giảng, phải hiểu là mọi phấn đấu để xua đuổi tội lỗi.

Các tông đồ Chúa Giêsu gắn liền việc rao giảng với việc phấn đấu chống lại mọi sự ác.

Nhìn vào các Đấng kế vị Nhóm Mười Hai

Trên đây là một thoáng nhìn về Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu thiết lập. Nhóm Mười Hai này được gọi là 12 tông đồ. Kế vị các tông đồ là các giám mục. Các ngài hiệp thông chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng, là Đấng đại diện Chúa Giêsu. Các ngài được chọn một cách đặc biệt, để làm việc theo những chức vụ được cắt đặt. Dù với chức vụ nào, các giám mục vẫn luôn muốn mình là những người làm chứng về Đức Kitô và cho Đức Kitô.

Chứng của các ngài chủ yếu rút ra từ Phúc Âm và kinh nghiệm được sống với Chúa Giêsu. Rao giảng của các ngài luôn tập trung vào Đức Kitô. Sự kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá chính là sức mạnh đẩy lùi tội lỗi và góp phần làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng vào các tâm hồn. Các ngài thành thực nói như thánh Phaolô: "Ước chi tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Gl 6,11).

Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh thuận lợi vẫn không luôn dễ dàng. Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh bi đát càng rất khó khăn và đòi nhiều khiêm tốn.

Xưa, trước khi bước vào con đường tử nạn, Đức Kitô đã sợ hãi, toát mồ hôi máu ra. Người đã cầu nguyện thảm thiết với Đức Chúa Cha: "Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mc 14,36).

Chúa Giêsu đã là như thế. Các tông đồ của Người nhiều khi cũng sẽ phải nguyện cầu như vậy. Các ngài cũng sẽ làm chứng về Đức Kitô bằng sự từ bỏ mình dấn thân vào mầu nhiệm thập giá.

Xin hãy cầu nguyện nhiều cho các ngài. Xin hãy cùng các ngài nói lời tín thác: "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Theo gương Chúa Giêsu, các ngài muốn sống và chết như một của lễ bình an và khiêm nhường trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu.
 
Tại sao có sự dữ, sự đau khổ trong trần gian này?
LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
10:29 06/10/2010
Hỏi: Xin Cha giải thích tại sao Chúa lại để sự dữ, sự đau khổ hoành hành trong trần gian này, và ý nghĩa của những đau khổ và sự dữ đó?

Trả lời: Sự dữ (evil) và đau khổ là những thực tế hiển nhiên trong cuộc sống con người trên trần thế này. Ở khắp mọi nơi và mọi thời đại, con người luôn gặp phải những tai ương như bệnh tật, nghèo đói, bất công, oán thù, ghen ghét, đau khổ tinh thần và thể xác, chiến tranh, thiên tai: bão lụt, động đất, sóng thần (Tsunami) và nhất là chết chóc, đau thương…

Có điều nghich lý và khó hiểu là tại sao những kẻ bất lương gian ác, làm những việc vô đạo, vô luân như bóc lột, lường đảo, mở sòng bài, nhà điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, sản xuất phim ảnh dâm ô, bạo động, giết người…lại phát đạt, giầu sang, khoẻ mạnh, trong khi quá nhiều người lương thiện, đạo đức, bác ái lại nghèo khó, bệnh hoạn, và nhiều khi còn gặp những tai hoạ bất ngờ?

Cụ thể, một xe buýt chở giáo dân Houston đi dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Cảrthage, Missouri tháng 8 năm 2008 đã gặp đại nạn khiến hàng chục người chết và bị thương nặng, gây đau khổ lớn lao cho các gia đình nạn nhân; trong khi các xe hoặc phi cơ chở người đi đánh bạc hàng ngày ở Lousiana, Baloxi, Las Vagas hay ở Cancun (Mexico) chưa hề gặp tai nạn tương tự!

Đứng trước thực tế này, nhiều người đã tự hỏi: có Thiên Chúa cực tốt cực lành hay không, và nếu có, thì tại sao Người lại để cho những sự dữ đó xẩy ra và làm khổ cho người ngay lành như vậy?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết, là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải tin chắc chắn có Thiên Chúa là tình thương, công bằng và vô cùng tốt lành.

Tuy nhiên, tại sao có sự dữ, có đau khổ trong trần gian này, thì không ai có thể hiểu thấu lý do được.

Thánh Augustinô (354-430) đã cố tìm hiểu lý do tại sao có những sự dữ nói trên, nhưng ngài cũng không tìm được và đành thú nhận như sau:

“Tôi cố tìm xem do đâu mà có sự ác và tôi đã không thấy được câu giải đáp.” (x. Confessions.7:7,11).

Thánh Phaolô cũng phải nhìn nhận sự dữ là một bí nhiệm không ai hiểu được: “Thật vậy mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2,7)

Dầu vậy, dù sự dữ là một bí nhiệm (mystery), nhưng qua đức tin và nhờ giáo lý và Kinh Thánh chỉ dẫn, chúng ta có thể tạm hiểu lý do vì sao có sự dữ, sự đau khổ trên trần thế này như sau:

Trước tiên, sự dữ là hậu qủa của tội lỗi, của việc con người tự do chọn lựa đi đường sai trái như Thánh Phaolô đã viết: “Chẳng có ai có lương tri, chẳng có ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lià xa chính lộ chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không.” (Rm 3:11-12).

Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng: “Sự thật thì họ (các thiên thần và loài người) đã phạm tội, do đó mà sự dữ về luân lý đã đi vào thế gian, tai hại không thể lường được so với sự ác thể lý. Thiên Chúa không hề là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của sự dữ này. Tuy nhiên Ngài cho phép xảy ra vì tôn trọng tự do của các tạo vật Ngài đã dựng nên, và một cách bí nhiệm, Ngài biết lấy điều thiện ra từ sự ác.” (x.SGLGHCG, số 311)

Nói rõ hơn, vì con người đã sử dụng lý trí và ý chí tự do (intelligence and free will) của mình để làm điều sai trái nên sự dữ, sự đau khổ phải là hậu quả tất nhiên của ý muốn tự do mà con người đã và đang sử dụng để làm những điều gian ác, nghịch với Chương trình và Ý muốn của Thiên Chúa, Đấng luôn mong muốn cho con người được hạnh phúc. Thiên Chúa biết sự dữ làm khổ mọi người trên trần gian này, nhưng Ngài đã không can thiệp để ngăn cản vì trước hết, Ngài phải tôn trọng ý muốn tự do mà Ngài đã ban cho khi tạo dựng con người khác biệt với mọi tạo vật khác.

Chính vì con người có lý trí để hiểu biết và có tự do để lựa chọn nên quá nhiều người đã chọn lựa những cách sống đưa lại những hậu quả khốc hại cho mình và cho người khác. Cụ thể, có những người muốn tự do lái xe theo ý riêng của mình, bất chấp luật lệ lưu thông, nên đã gây ra biết bao tai họa cho chính họ và cho bao nhiêu người vô tội khác hàng ngày trên các đường phố, xa lộ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi xảy ra tai nạn lưu thông nhiều nhất thế giới!

Tự do ly dị và phá thai đã đưa đến hậu quả phá vỡ hạnh phúc gia đình, chấn thương tâm lý cho người mẹ và gây đau khổ cho vợ chồng và con cái. Tự do hút thuốc, sử dụng ma tuý và rượu mạnh đưa đến ung thư và bao bệnh tật liên hệ khác. Tự do cờ bạc đỏ đen đưa đến phá sản, tội lỗi và đau khổ cho biết bao cá nhân và gia đình.

Đặc biệt, vì tham vọng chính trị, quyền hành và giầu sang nên những thế lực cầm quyền ở khắp nơi đã và đang tạo ra thù nghich, chia rẽ, bạo động, khủng bố và nhất là chiến tranh đã sát hại bao triệu con người từ xưa đến nay...

Như thế, đau khổ và mọi sự dữ là hậu qủa của những chọn lựa sai lầm, mù quáng của con người gây ra cho chính mình và cho người khác là nạn nhân trong đó có biết bao người lành, vô tội.

Dầu vậy, đau khổ và sự khó cũng được xem như là những phương thế hữu hiệu mà Thiên Chúa đã dùng để thử thách và tôi luyện những tôi tớ trung tín được Người ưu tuyển như Abraham, Tobia và nhất là Giop, người hiền đức mà phải chịu biết bao đau khổ khi Thiên Chúa tha phép cho Satan hành hạ ông để mong lôi kéo ông ra khỏi tình yêu của Chúa.Những đau khổ lớn lao mà ông đã phải chiu là: con cái bỗng chốc bị thiên tai lăn ra chết hết, tài sản kếch xù phút chốc cũng tiêu tan và cuối cùng bản thân ông còn bị chứng ung nhọt đau đớn từ bàn chân lên đến đỉnh đầu. Nhưng ông không một lời than trách Chúa. Ngược lại ông còn ca ngợi Chúa như sau:

Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi
Xin chúc tụng danh Đức Chúa
(G 1:21)

Chính vì lòng kiên trung yêu mến Thiên Chúa hết lòng trước moi khốn khó, thử thách lớn lao nên ông Giop đã được Thiên Chúa khen ngợi, đền bù lại gấp đôi tài sản ông đã mất, lại cho ông sinh được bảy con trai và ba gái xinh đẹp và sống thọ thêm 145 năm nữa!(G 42: 10-16)

Thánh Phêrô cũng dạy rằng những đau khổ mà chúng ta phải chịu trong cuộc sống trên trần thế này là những thử thách nhằm tin luyện đức tin và lòng mến Chúa của mỗi người tín hữu chúng ta:

“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là những thứ quý hơn vàng gấp bội.Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa.Nhờ thế, khi Đức Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin…” (1Pr 1: 6-8)

Mặt khác, một điều khó hiểu nữa là tại sao những kẻ gian ác, vô nhân, vô học, vô đạo ở khắp nơi trên thế giới lại có thể chiếm được địa vị cầm quyền để bách hại nhân dân chẳng may rơi vào lưới cai trị khắc nghiệt của họ, trong khi những người tài đức thì không được trọng dụng, không có cơ may để cai trị và phục vụ cho công bình, bác ái tự do và dân chủ thực sự như lòng người mong muốn ?

Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt ngay những kẻ gian ác này cho vơi đi nỗi thống khổ của biết bao triệu người không may phải sống dưới ách cai trị độc ác của chúng?

Để trả lời cho câu hỏi này, dụ ngôn Cỏ lùng trong Tin Mừng Thánh Mathêu phần nào cho ta biết lý do vì sao Chúa vẫn để cho kẻ dữ, kẻ gian ác sống chung hay cai trị người lành. Những kẻ dữ đó được ví như đám cỏ lùng mọc chen lẫn với những cây lúa tốt tượng trưng cho những người ngay lành, lương thiện ở khắp nơi trên thế giới.

Nhưng đến mùa gặt, tức ngày sau hết, chủ ruộng sẽ bảo thợ gặt: “ hãy gom cỏ lùng lại,bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho ta.” (Mt 13:30)

Sau hết, Kinh Thánh cũng soi sáng thêm cho ta hiểu lý do vì sao có sự dữ, kẻ ác sống lẫn với người lành để từ thực tế này Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành lớn lao hơn. Đó là trường hợp ông Giuse, con Ông Giacóp, bị các anh toan giết rồi bán cho lái buôn đem sang Ai Cập (x St 37). Nhưng Thiên Chúa đã biến sự dữ này thành sự thiện to lớn hơn sau đó khi Giuse cứu cả gia đình dòng họ sang Ai Cập thoát nạn đói đang hoành hành bên quê hương. Như thế, chính Thiên Chúa đã cứu gia đình ông Giacóp qua tay Giuse nhân sự độc ác của các anh như Giuse đã nói với họ: “Không phải các anh đã gửi em đến đây nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt em làm cha của Pharaô, làm chúa tất cả triều đình và làm tể tướng trên khắp cõi Ai Cập.” (St 45:8).

Trong tinh thần đó và và quan trọng hơn hết, là chính Chúa Giêsu đã biến sự dữ, những đau khổ mà Người đã vô cớ phải chịu vì âm mưu độc ác của bọn biệt phái, luật sĩ, kỳ mục và trưởng tế Do Thái thành sự lành lớn lao nhất là cứu cho cả nhân loại khỏi chết vì tội và được hy vọng sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Nước Trời.

Đây chính là điều mà Giuse đã nói với các anh của ông khi các người này đến xin lỗi ông về tội định ám hại ông trước kia: “Các anh định làm điều ác cho em nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo.” (xSt 50:20)

Bọn luật sĩ và trưởng tế Do Thái đánh đập và đóng đanh Chúa Giêsu, Người lành vô tội, nhưng Thiên Chúa đã biến sự dữ, sự bất công này thành “suối ơn cứu chuộc” cho muôn dân, vì “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Col, 1:20)

Như thế, tình thương yêu tha thứ và bản chất thiện hảo của Thiên Chúa vẫn lớn hơn mọi sự dữ, độc ác nhất của con người trên trần thế này

Tóm lại, sự dữ, sự đau khổ là điều không ai mong muốn, không ai hiểu thấu lý do, nhưng không ai tránh được trong cuộc sống này. Nó quả là một bí nhiệm.

Tuy nhiên sự kiện Chúa Giêsu không tránh âm mưu độc ác của con người và vui lòng chịu đau khổ thập giá để cứu chuộc nhân loại đã cho ta thấy giá trị cứu độ của sự đau khổ và khôn ngoan của Thiên Chúa khác với khôn ngoan của loài người.

Chúa Giêsu không tự ý đi tìm thập giá để vác.Trong đêm bị nộp vì Giuđa phản bội, Người đã xin với Chúa Cha “ cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Lc 22:42)

Như thế, chúng ta cũng không được kiêu căng muốn lập công với Chúa bằng cách đi tìm đau khổ để chịu, như đau ốm không cần thuốc men, lười biếng không muốn đi làm để được nghèo khó, hay không thận trọng khi lái xe để gây ra tai nạn cho mình và cho người khác.v.v. Nếu cố ý làm những việc này thì không những là phạm tội trông cậy Chúa cách mù quáng mà còn không được công phúc gì nữa.

Nói khác đi, chúng ta phải hết sức xa tránh mọi nguy cơ gây đau khổ cho mình và cho người khác, nhất là phải xa tránh tội lỗi vì đây chính là nguyên nhân của mọi sự dữ và đau khổ cho con người.

Nhưng khi những đau khổ, sự dữ, sự khó xẩy ra ngoài ý muốn và đề phòng của ta, thì phải chăng đó là những “thập giá” mà Chúa Giêsu muốn chúng ta vác chung với Chúa như Người đã nói với các môn đệ xưa kia: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24)

Ước mong những lời giải đáp trên đây thoả mãn phần nào thắc mắc về lý do tồn tại của sự dữ, sự đau khổ và ý nghĩa của những sự dữ này trong đời sống con người trên trần thế.
 
Nhờ ơn, biết ơn, đền ơn
Pm. Cao Huy Hoàng
11:53 06/10/2010
Suy Niệm Chúa Nhật 28 (Lc 17,11-19)

Nhờ ơn

Từ “nhơn” do chữ “nhờ ơn” mà thành.

Là người, ai cũng nhờ ơn:

- ơn Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục trong suốt một cuộc đời lam lũ nghèo khó;
- ơn giáo hội qua các bí tích để tôi được gọi là Thiên Chúa là Cha, và tôi là nghĩa tử của Ngài;
- ơn Thầy cô miệt mài hun đúc tôi từ chữ đến nghĩa, từ học đến hành;
- ơn người thân- bà con, anh em- thương yêu đùm bọc nâng niu giúp đỡ;
- ơn người dưng nước lã cho tôi nghĩa tình quê hương, nhân loại;
- ơn người đạo đức mỗi ngày cầu nguyện hy sinh cho mọi người, trong đó có tôi, được bình an;
- ơn người lành cho tôi bao bài học phải giữ;
- ơn kẻ dữ cho tôi bao bài học phải tránh;
- ơn người trung tín, ơn người phản bội, ơn người yêu, ơn người ghét, ơn người dối trá, ơn người thành thật, ơn người có đạo, ơn người vô thần, ơn người cho vay, ơn người đòi nợ, ơn người mắng nhiếc sỉ nhục, ơn người an ủi cảm thông, ơn ốm đau bệnh tật, ơn tai nạn bất ngờ, kể cả sự chết…

Làm sao kể hết những ơn lộc mà tôi đã nhận được qua những con người, những biến cố. Vì thế, có thể nói, mỗi người quanh tôi, gần tôi, xa tôi, người biết tôi, chưa biết tôi, người ở Texas, người ở Cali, người ở tận châu Phi, có người ở Sài gòn, có người Hà Nội…có người giàu có, cũng có người nghèo khó… tất cả đều là ân nhân của tôi một cách nào đó.

Mỗi người trở nên một phần trong cuộc sống của nhau, không thể thiếu.

Mỗi biến cố cũng vậy, dù tốt hay xấu, dù có lợi hay không có lợi, tôi cũng nhận được một ơn đặc biệt. “Thất bại là mẹ thành công”. Chẳng hạn, nếu không có một cái nhìn mới mẻ dưới ánh sáng đức tin, thì tôi không thể chấp nhận sự thua thiệt, cảnh tang thương hay thất bại là một ân huệ. Và đợi đến lúc tôi cảm nghiệm được rằng: tôi đã nhờ ơn đau khổ mà thành nhơn, thì tôi không còn đủ thời gian để xin lỗi những đau khổ vì đã nặng lời trách móc.

Vì thế, tôi muốn xác tín rằng: mỗi con người đang là cánh tay của Thiên Chúa nối dài để thi ân; mỗi biến cố là công cụ, là phương cách Chúa đã dùng để ban ơn cho tôi, cho mọi người.

Quả thật đời sống con người cần có nhau để tô đẹp cho nhau và cho cuộc đời, như có người nói:

“Nói với lá rằng hoa chưa đẹp nhất,
nếu không chen vào giữa lá nhung xanh,
nói với anh rằng em chưa đẹp nhất,
nếu không chen vào giữa trái tim anh”.

Hoa đẹp nhờ có lá, tôi đẹp nhờ có người xấu. Tôi biết tôi giàu nhờ có người nghèo quanh tôi. Tôi biết tôi mạnh khỏe nhờ có người đau yếu…

Hãy mở lòng ra để đón nhận nhau, chấp nhận nhờ ơn nhau, như một người cần có trái tim để sống.

Bác Trần Duy Nhiên trong thư gửi các cháu mổ tim có đoạn “một trái tim bị mổ, ngàn trái tim mở ra, ngàn trái tim mở ra, vì có Một Trái Tim đã mở toang ra vì yêu nhân loại”.

Vâng, sống trong cuộc sống là sống với, sống vì, sống cho người khác sống. Tôi có thể cảm nhận trái tim tôi đập được là nhờ trái tim của nhiều người khác.Vâng, tất cả chúng ta đang “nhờ ơn” mà thành “nhơn”.

Nguồn ơn ấy, chính là sự quan phòng tuyệt vời của Thiên Chúa tình yêu.

Biết ơn

Biết mình cần “nhờ ơn” người khác là một điều đã khó; biết ơn người khác lại là một điều khó hơn. Để biết ơn, phải cảm nhận được ơn mình đã nhận. Và đối với tín hữu của Chúa, để cảm nhận được ân huệ của Thiên Chúa qua các biến cố, qua tha nhân, nhất thiết người thọ ơn phải có lòng khiêm tốn sâu xa và một đức tin chân thành mà sâu sắc.

Tướng Naaman trong sách các vua 5,14-17 và mười người phung hủi trong Tin Mừng Lc 17,11-14, quả thật đã có một lòng khiêm tốn sâu thẳm, nên mới có được một niềm xác tín vững chắc để nghe lời của Tiên tri Elise mà đi dìm mình bảy lần trong sông Giodan, cũng như nghe lời Đức Giêsu mà đi trình diện các tư tế.

Cả một đất nước Aram không có con sông nào sạch sao và chắc gì sông Giodan sạch bằng? Hoặc có thầy thuốc nào bảo chỉ cần đi trình diện với ông nầy ông kia thì sẽ được khỏi bệnh?

Quả là một điều lý trí không thể chấp nhận được. Nhưng điều lý trí không chấp nhận được ấy lại là đức tin.

Như vậy sự khiêm tốn ở đây chính là bằng lòng hy sinh lý trí, hy sinh cái suy luận theo tài năng hiểu biết của mình, để đón nhận điều sẽ xảy ra với lòng tin tưởng tuyệt đối. Việc chấp nhận dìm mình trong song Giodan của Naaman cũng như chuyện chấp nhận thực hiện điều trái ý, chấp nhận điều chẳng lành trong cuộc đời, không dễ dàng tí nào đối với người không có đức tin.

Việc chấp nhận đến với Giodan còn mang một ý nghĩa khác, là chấp nhận đến với Đất Nước của Thiên Chúa, đến với Giáo Hội.

Cũng vậy, “đi trình diện với các tư tế” trong trình thuật Luca 17,11-19 cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đến với những người của Thiên Chúa, trong Giáo Hội. Và khi đến, phải khiêm tốn và xác tín rằng, tôi đến là tôi sẽ được nhận ơn.

“Trong khi đi trình diện với các tư tế, họ đã được sạch phung hủi”. Điểm nầy, tôi liên tưởng đến người có lòng khao khát được sạch những vết phung hủi của tâm hồn do tội lỗi, trên đường đi đến tòa cáo giải với lòng khiêm tốn và đức tin, thiết nghĩ, họ đã được sạch tội rồi nếu họ chết khi chưa kịp xưng thú các tội.

Chấp nhận dìm mình trong dòng sông Giodan hay đến với Đức Giêsu để nhận được ơn sự sống đòi hỏi một đức tin cao nhất, như Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta cùng kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12)

Rất tiếc, vẫn còn có nhiều người luôn tuyên bố: “Từ nhỏ đến giờ tôi chẳng nhờ ơn ai cả, tôi tự lập mà nên”. Có người không chấp nhận nhờ vả vì sĩ diện, một cách tránh né do lòng kiêu ngạo. Mà không chấp nhận nhờ ơn thì làm gì nói đến chuyện biết ơn.

Ngay cả đối với sự hiện hữu tốt đẹp của chính mình trên trần gian, có người theo chủ nghĩa duy vật vô thần không đủ khiêm tốn để chấp nhận đó là một ơn huệ, còn to tiếng phủ nhận; và cho là một việc tự nhiên do chuyện giải trí của cha mẹ mà có! Thế thì làm gì có lòng biết ơn ai! Rồi từ đó, kéo theo một thế hệ con cháu vô ơn với trời đất, với tổ tiên, với nòi giống. Cái chủ nghĩa duy vật dạy cho họ cuộc sống con người bắt đầu từ con vật, sống và lớn lên như con vật, rồi chết đi như con vật.

Và khái niệm đó đóng khung lý trí của họ mà họ xem như một chân lý. Họ không thể khiêm tốn hy sinh cái lý trí què quặt ấy để đón nhận ánh sáng của đức tin. Họ không chấp nhận dìm mình trong dòng sông cứu rỗi mà người của Thiên Chúa giới thiệu. Họ cố tình không biết những ơn cao trọng mà dòng sông cứu rỗi mang lại. Chẳng trách gì mà họ không những không khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà còn không muốn ai đến với Ngài.

Rất tiếc hơn nữa, những con cái của Chúa cũng không thiếu những con người vô ơn như vậy. Khi cuộc sống vất vả, đau yếu, bệnh tật, nghèo túng thì sốt sằng tìm đến Chúa để kêu la cầu cứu; đến khi có của ăn của để, nhà cao cửa rộng, phương tiện tiện nghi đầy đủ thì xem tất cả những gì mình có là do sức mình, rồi tỏ ra bất cần đến Thiên Chúa nữa, bất cần đến ơn cao trọng hơn cả là ơn cứu rỗi, tự gieo mình vào một cuộc sống mỗi ngày thêm sa đọa. Chúa Giêsu nói: “không phải cả mười người đều được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc.17,17-18)

Với tôi, bài học của tướng Naaman và mười người phung hủi, cho thấy sự cần thiết của lòng khiêm tốn, của một đức tin vững chắc để đón nhận và biết ơn Thiên Chúa đang tràn lan trong đời mình qua mọi người và qua mọi biến cố.

Hãy khiêm tốn đến với dòng sông Bí tích, dòng sông Giodan ngày xưa, và dòng sông của Đức Giêsu hôm nay, trong dó có dòng sông của bí tích hòa giải với xác tín chính Chúa Giêsu cũng đang nói với ta “Đức tin con đã chữa con” mọi thứ bệnh trầm kha nhất của tâm hồn. Và rồi, hãy thể hiện lòng biết ơn cách cụ thể qua việc đền đáp công ơn của Người.

Đền ơn

Đối với người Việt Nam, có thể nói có lòng biết ơn là đã đủ sống với đạo làm người, vì có những ơn Trời ban mà con người không bao giờ đáp đền cho cân xứng.

Với chúng ta, sống tâm tình biết ơn, thiết nghĩ, là chưa đủ. Phải thiết thực đáp đền ơn Chúa bằng việc thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa cho xứng đáng. Biết việc đền ơn không phải là lễ vật như “món quà” của Naaman dâng cho Thiên Chúa qua Elise. Naaman đã chọn cách đền ơn bằng việc “chở một ít đất ở Giodan về mà lập bàn thờ Thiên Chúa trên đất ấy”.(2V 5,15-17). Cũng như người Samari “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại mà lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn” (Lc 17,15-16).

Như vậy, đáp đền ơn Thiên Chúa là tôn vinh Thiên Chúa bằng cách:

- sống trọn tình con thảo trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, tin tưởng vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài: “hãy trình diện với các tư tế”.

Về điểm nầy, tôi không đồng tình với quan điểm “Giêsu-Yes”, “Giáo Hội- No”. Vì như thế là chúng ta tự mâu thuẫn với đức tin của mình. Chúng ta đã nhận muôn ơn Chúa qua Giáo Hội. Phủ nhận Giáo hội cũng chính là phủ nhận đức tin vào Thiên Chúa. Ta vẫn tuyên tín “ tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” kia mà. Hãy tin tưởng vào Giáo Hội của Chúa. Không vì một vài phần tử bội tín hoặc phá phách trong giáo hội mà ta phủ nhận sự thánh thiện của Giáo Hội, rồi trở thành người vô ơn một cách oan uổng. Hãy tin tưởng Giáo Hội.

- sống và trở nên nguồn sống cho tha nhân - nguồn sống ấy có thể là một nụ cười, một niềm vui, một chia sẻ như làm cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Ta vẫn thường nhận ơn của một người và không bao giờ đáp trả nổi, nhưng ta lại thi ân cho người khác như một nghĩa cử đền đáp cho người mình đã nhận. Hãy sống chứng nhân tôn vinh thờ phượng Chúa bằng đức bác ái.

Để kết

Tôi có nghe các em mổ tim nhờ Hội Bác ái Phanxicô hỗ trợ- sau khi mổ tim thành công, hát mấy câu trọn vẹn ba ý nghĩa: nhờ ơn, biết ơn và đền ơn, như sau:

“Em có một trái tim nhưng là trái tim của nhiều người
Em sống nhờ trái tim, nhờ tình yêu thương người mọi nơi
Em suốt đời biết ơn người cho em sự sống nầy
Sẽ sống và sẻ chia tình yêu thương cho muôn người.”

Lạy Chúa xin cho chúng con lòng khiêm tốn và đức tin vững chắc, để đón nhận tất cả là hồng ân Chúa. Và xin cho chúng con biết sẻ chia sự sống cho tha nhân. A men.
 
Audio: Tội lỗi, hệ lụy và ân xá (Phần II)
Lm. Nguyễn Tầm Thường
15:50 06/10/2010