Ngày 31-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
04:27 31/10/2021

BÀI ĐỌC I: Kh 7, 2-4, 9-14

“Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”.

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel. Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa (c. 6a).

1) Trái đất và muôn loài trên mặt đất là của Chúa, hoàn cầu và muôn vật trên địa cầu. Vì chưng Chúa đã xây dựng nền móng trái đất trên biển cả, và Người đã tạo dựng nó trên các sông ngòi.

2) Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Ðó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá.

3) Người đó sẽ hưởng phúc lành của Chúa và lượng từ bi của Chúa, Ðấng giải thoát họ. Ðấy là dòng dõi của những kẻ tìm Người, những kẻ tìm tôn nhan Thiên Chúa của Giacóp.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 1-3

“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mc 11, 28

All. All. – Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”. – All.

PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12a

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

Ðó là lời Chúa.
 
Cân Nhắc – Lượng Sức Thế Nào?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:45 31/10/2021
Cân Nhắc – Lượng Sức Thế Nào?

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXI TN – Lc 14,25-33)

Khi đi rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người theo, nhưng Chúa Giêsu chỉ chọn 72 người để làm môn đệ và 12 người được đặt làm Tông đồ. Đây là những cộng tác viên gần gũi và đặc biệt hơn cho công cuộc rao giảng Tin mừng. Bên cạnh niềm vinh dự to lớn thì có đó những đòi hỏi như là điều kiện tất yếu đi theo. Và Chúa Giêsu đã công khai nói rõ hai điều kiện đó là sự từ bỏ đến cùng và can đảm vác lấy thập giá mình.

Từ ngữ “từ bỏ” theo lối nói thời bấy giờ không phải là vất đi hay bỏ đi nhưng là một kiểu dạng so sánh trong sự chọn lựa điều tốt hơn. Gia đình vẫn còn đó, nhà cửa vẫn còn đó, lưới thuyền vẫn còn đó, nhưng chính thánh Phêrô đã minh nhiên nói rằng: “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28). Từ bỏ là biết sống tự do với những thiện hảo của mình để ưu tiên cho Chúa và Tin Mừng. Khi Chúa cần thì trao thuyền cho Chúa sử dụng. Khi Chúa gọi lên đường đi rao giảng thì sẵn sàng xa cách gia đình một thời gian…

Điều kiện thứ nhất: từ bỏ là tiền đề để đáp ứng điều kiện thứ hai: vác thập giá. Sống tự do với nhiều điều tốt đẹp để rồi gặt hái thành quả tốt đẹp hơn là điều ai cũng mong. Trong sản xuất kinh doanh điều này được gọi là “đầu tư” (invest). Tự nguyện theo Thầy Giêsu các môn đệ, cách riêng các tông đồ đều ấp ủ mộng bá vương. Gặp được vị Thầy có quyền năng trong lời nói và hành động, các vị tin rằng Thầy sẽ khôi phục lại vương quốc Israel, thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Ngay cả khi Thầy từ cõi chết phục sinh thì cái mộng vương bá ấy vẫn còn trong tâm trí các vị (x.Cvtđ 1,6). Thế mà Thầy lại đưa ra một điều kiện như là viên đá gây cớ vấp phạm đó là “vác thập giá”. Vác thập giá là chấp nhận thất bại tủi nhục ư? Thập giá với dân ngoại là sự điên rồ, với người Do Thái thì đó là sự ô nhục (x.1Cr 1,23). Lúc bấy giờ làm sao các ngài hiểu được rằng có qua thập giá rồi mới đến vinh quang? (x.Lc 24,26).

Dù chưa hiểu và có thể là không hiểu nhưng tập thể tông đồ vẫn đi với Thầy mà không thoái chí, rút lui. Chắc chắn phải có cái gì đó để các ngài vẫn tiếp tục sát cánh với Thầy mình. Theo thiển ý thì đó là vì các vị đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy không chỉ trên bệnh tật, các thần ô uế, trên gió trời, sóng biển mà còn thấy Thầy có thể tránh né, vượt qua các âm mưu hãm hại của người ta. Dân thành Nagiarét tìm cách xô Người xuống vực mà không được (x.Lc 4,16-30). Dân chúng lấy đá ném Người mà chẳng thể chạm vào Người một viên (x.Ga 8,59). Thế nhưng khi Thầy đưa tay chịu trói tại vườn cây dầu thì các vị thất vọng ngã lòng, bỏ Thầy, chạy thoát thân.

Thử hỏi rằng nhóm môn đệ thân tín mà Chúa Giêsu chọn gọi có khôn ngoan và lượng sức mình khi đi theo Người mà làm môn đệ không? Chắc chắn là không. Như thế phải khẳng định rằng chẳng một ai tự sức riêng mình có thể có đủ khả năng làm môn đệ Chúa Giêsu, nghĩa là chẳng một ai có thể đáp ứng được hai điều kiện mà Người đặt ra. Thế nhưng chính Người lại chọn các tập thể nhóm Mười Hai, tập thể nhóm Bảy Mươi Hai và rất nhiều người trong chúng ta nữa làm môn đệ của Người. “Không phải anh em đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em”(Ga 15,16). Vì Chúa Giêsu chọn môn đệ nên Người có trách nhiệm với sự chọn gọi của mình. Dĩ nhiên phần phía người được chọn cần phải có điều gì đó để đáp trả. Đó là sự thành tâm thiện ý và chút thiện chí bền lòng.

Dù rằng phải biết tự lượng sức mình, nhưng nếu đắn đo quá, cân nhắc quá, khôn ngoan theo kiểu loài người quá thì chẳng một ai có thể có đủ can đảm làm môn đệ Chúa Kitô. Là Kitô hữu chúng ta thảy đều được Chúa Giêsu mời gọi làm môn đệ của Người để loan báo Tin Mừng theo hoàn cảnh, khả năng và bậc sống của mình. Để đáp trả lời mời gọi của Chúa thì không gì hơn hãy biết gìn giữ và hun đúc lòng thành và ý thiện của mình. Bên cạnh đó đừng quên tập tành thêm sự bền chí. Trên đường theo Thầy chí thánh có lúc vững vàng tiến bước có khi dừng chân ngã quỵ. Không sao cả “ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Và xin đừng quên chúng ta không bao giờ là người “độc hành”vì Chúa Kitô đã hứa rằng Người mãi cùng đi với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Như các Thánh, tôi cũng được mời gọi trở nên thánh mỗi ngày
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
09:48 31/10/2021
Như các Thánh, tôi cũng được mời gọi trở nên thánh mỗi ngày

Suy niệm lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11

Có một đứa trẻ kia một hôm được mẹ dẫn đến nhà thờ. Bà mẹ thắp nến rồi đi ngắm đàng thánh giá. Đứa trẻ đi loanh quanh trong nhà thờ, chạy chỗ này, nhìn chỗ khác. Một lúc sau, bà mẹ gọi con, nhưng không nghe tiếng đáp. Bà rảo mắt tìm và thấy con mình đang trên gian cung thánh, chắm chú nhìn những cửa sổ kính màu.

Ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua các sửa sổ kính màu. Đứa trẻ thích thú đưa tay quờ quạng, bắt những tia sáng màu sắc rực rỡ đang chiếu vào mặt nó, tay chân và quần áo của nó. Bà mẹ gọi: "Đến đây nào."

khi trở lại với mẹ, đứa trẻ nhìn thấy một bức tượng gần đó và hỏi: "Ai vậy mẹ?"

Người mẹ đáp: "Chúa đấy."

Đứa trẻ chỉ một bức tượng khác và hỏi: "Còn ai đây hả mẹ?"

Người mẹ trả lời: "Đức Mẹ đấy."

Đứa trẻ chỉ lên những cửa sổ kính màu và hỏi: "Còn trên kia là những ai vậy?"

Người mẹ mỉm cười: "Các vị thánh đấy."

Hôm sau, đứa trẻ đi học. Cô giáo đề cập đến các thánh và đặt một câu hỏi cho các học trò: "Các thánh là ai?"

Đứa trẻ giơ tay trả lời: "Đó là những vị để cho ánh sáng chiếu xuyên qua."

Kính thưa,

Mầu nhiệm các thánh thông công mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính sẽ được diễn ta rất cụ thể trong ngay đầu tháng 11: ngày 1/11, chúng ta mừng kính các thánh trên trời. Nơi đây các ngài đang được hưởng tôn nhan Chúa và các ngài có nhiệm vụ chuyển cầu cùng Chúa mọi ước nguyện cho chúng ta, là con cháu của các ngài. Mầu nhiệm các thánh thông công là mầu nhiệm có tính liên đới giữa những người lữ hành là chúng ta đang sống trên trần thế, với các thánh ở trên trời và với các linh hồn nơi luyện ngục mà chúng ta sẽ cử hành lễ các đẳng linh hồn vào ngày 2/11. Như vậy, chúng ta sống ở trần gian này không bị cô đơn và riêng lẻ nhưng có sự bao bọc chở che của các thánh và nối kết với các linh hồn nơi luyện hình.

1/ Các Thánh là ai?

Là người như bao người khác, các thánh cũng được sinh ra trong một gia đình, cũng phải trải qua thời gian, không gian và địa lý, cũng được học hành, làm việc, lao động, lăn lộn với cuộc sống, cũng phải bôn ba và bon chen để mưu sinh, đã không ít lần sa ngã – thất bại mà không thiếu thành công trong đường đời,…Các ngài cũng bị bắt bớ vì đạo Chúa, vì đức tin, vì sự công chính. Các ngài đã mạnh dạn, can đảm và sẵn sàng hy sinh bản thân vì Chúa cũng như vì công lý hoà bình. Các ngài đã không ngần ngại và sợ hãi trước cái chết về thể xác để cứu sự sống đời đời, cứu lấy linh hồn mình.

Có thể nói, con đường nên thánh của các ngài là Tám Mối phúc thật, 8 con đường nên thánh mà Đức Giê-su đã chỉ dạy cho những ai muốn chiếm hữu Nước Trời. Do đó, để trở thành thánh nhân, các ngài đã phải chấp nhận nhiều thiệt thòi trong đời sống dương thế là chấp nhận sống khó nghèo để chiếm được Nước Trời; là sống hiền lành để được Nước Trời làm cơ nghiệp; chấp nhận đau buồn để được ủi an; biết nhận ra đói khát sự công chính để rồi được no thỏa; biết xót thương người để được xót thương; chấp nhận giữ lòng trong sạch, để được nhìn xem Thiên Chúa; biết ăn ở thuận hòa, để được gọi là con Thiên Chúa; đặc biệt là biết chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính, tức là chấp nhận chết vì đạo để làm chứng cho Chúa để chiếm trọn Nước Trời là phần thưởng. Đây là con đường mà chính Chúa Giê-su đã sống, đã trải qua như là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta. Nay các thánh đã bước theo Đức Giê-su vầ đã sẵn sàng đón nhận tất cả những thua thiệt ở đời này để hướng đến hạnh phúc thiên đàng mai sau, đó là sở hữu Nước Thiên Chúa.

Quả thật, ai đó đã nói: “không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai”. Có nhiều người trước khi trở thành thánh, họ đã có những giai đoạn cuộc đời không mấy sáng sủa, tốt đẹp không muốn nói là đầy dẫy những tội lỗi. Thế nhưng mà, họ đã khiêm tốn nhận ra được cái yếu đuối của bản thân, chấp nhận để Chúa biến đổi và sửa chữa, họ đã đón nhận được ánh mắt nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa Tình Yêu. Cho nên đừng nghĩ rằng các thánh là những người trong sáng, tốt lành ngay từ lúc mới sinh. Các ngài cũng đã phải trải qua nhiều chông gai và thử thách lớn lao mới tới đích theo thánh ý của Thiên Chúa.

Nơi bài đọc I, tác giả sách Khải Huyền cho chúng ta biết về các thánh: đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. ….Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

2/ Noi gương các thánh, chúng ta cũng được mời gọi nên thánh mỗi ngày

Để được gọi là thánh, là những bậc đáng kính trước mặt Thiên Chúa, các ngài đã phải cố gắng và nỗ lực mỗi ngày trong đời sống thường ngày. Dẫu không thể tránh nổi những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỷ, nhưng các ngài đã không cậy vào sức của bản thân để chiến đấu và vượt qua, thay vào đó là tin tưởng và phó thác vào sức mạnh của Chúa. Nhờ đó, mỗi lần sa ngã, mỗi lần phạm tội, các ngài đã khiêm tốn quay trở về để làm hoà với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với thiên nhiên vũ trụ: Một Thánh Phê-rô đã biết hối cải và trở về với lòng xót thương của Đức Giê-su sau khi chối thầy ba lần; Một Augustino đã lang thang phiêu bạt, đã phạm đủ thứ tội, nhưng với ơn Chúa giúp và nhờ sự khuyên bảo cũng như lời cầu nguyện của bà Monica, ngài đã trở về; một Maria Madala, người tội lỗi, nhưng sau khi gặp Đức Giê-su, cô đã hoàn sinh và trở nên thánh để chúng ta noi theo.

Nơi các thánh, chúng ta không chỉ học biết sống khiêm nhường để nhận ra những cái sai, cái lỗi, cái tội để được Chúa xót thương, chúng ta còn phải biết hy sinh quên mình để phục vụ Chúa và tha nhân, nhất là những người nghèo. Quả thật, đức ái là dấu chỉ cũng như hành trang mang theo vào thiên đàng. Đời sống các thánh đã lột tả được gương mặt từ bi, nhân hậu và bác ái của Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Chúng ta cần noi gương bắt chước các nhân đức của các ngài để nhờ đó, chúng ta cũng dễ dàng trở nên thánh trong bổn phận của mình bằng những việc nhỏ bé nhưng mang vị ngọt tình yêu.

Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta chân thành xin các ngài cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta có đủ niềm tin, đủ 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần để sống đạo một cách thực tế nơi gia đình, làng xóm, chợ búa, trường học, công ty,…Chúng ta phải nỗ lực sống đạo thay vì chỉ giữ đạo, tuyên xưng đạo thay vì âm thầm sợ hãi, làm chứng cho Chúa hơn là nhút nhát trong bổn phận cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc ngõ hầu khi Chúa gọi chúng ta ra khỏi nhà tạm trần gian này, chúng ta cùng với các thánh hưởng kiến tôn nhan trên quê hương đích thực của chúng ta, là Nước Chúa vĩnh cửu.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Chỉ Là Cát Bụi
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
20:40 31/10/2021
Chỉ Là Cát Bụi

Suy Niệm Lễ Các Linh Hồn

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/10/2021, Việt Nam đã ghi nhận 22.083 ca tử vong do mắc Covid-19.(x.thuvienphapluat.vn). Nhiều người âm thầm ra đi không người thân đưa tiễn. Họ lặng lẽ trong hơi thở cuối cùng với bình oxy và được liệm lại trong chiếc quan tài đóng kín và trở về trong hũ cốt tro bụi. Buồn đau nhất là ngày cha mẹ ra khỏi nhà đến bệnh viện cũng là ngày cuối cùng cha mẹ không trở về với hình hài mạnh khoẻ, mà chỉ là hũ tro cốt. Buồn có lẽ không còn giọt lệ nào để than khóc hơn nữa. Mỗi người đi với thân xác và về nhà chỉ là hủ tro cốt.

Trong vô vàn câu chuyện đau thương thời đại dịch, tôi đã đọc được câu chuyện thương tâm:“Chở vợ về quê”.

Anh Võ Văn Tươi (37 tuổi) nén đau thương, chở theo hũ tro cốt vợ mình là chị Nguyễn Thị Bích Phượng (36 tuổi), để trong thùng xốp, phía sau xe máy, đi từ Bình Dương về Hậu Giang để an táng…

Anh Tươi cố gắng chạy xe, mệt đâu thì nghỉ đó, rồi xin đồ ăn chay để cúng cho vợ dọc đường, khiến cho bao người cảm thương và chia sẻ…

Nhiều người kể lại mà muốn rơi nước mắt, khi về đến cầu Cần Thơ, Anh Tươi bước vào nhà dân hỏi:

- Anh ơi, Anh có đồ ăn chay không?

- Không em, anh ăn mặn, em hỏi làm gì?

- Em xin để cho vợ em ăn!

- Vợ em đâu?

- Vợ em đây (…thùng xe và di ảnh)…

Anh Tươi và vợ cũng như bao nhiêu mảnh đời ly hương khác, ngày họ cùng nhau rời quê lên thành phố, với bao hy vọng sẽ đi kiếm được việc làm ổn định, để trang trải cho cuộc sống về sau…

Không may vợ bị covid và ra đi, để lại Anh Tươi và con thơ, với bao nhiêu khát vọng đang còn dang dở phía trước…

Trên chiếc xe máy ngày nào, hai vợ chồng cùng nhau trên chiếc xe rời quê hương lên thành phố, giờ đây cũng vẫn là chiếc xe đó, họ lại cùng nhau vượt qua bao nhiêu cây số về lại quê hương, nhưng mỗi người lại ở một thế giới khác!

***

Nghĩ suy về thân phận con người, sinh ra chết đi và trở về cát bụi, tôi thật xúc động khi nghe ca khúc “Chỉ là cát bụi” (Sáng tác: Maria Mai Phạm, thể hiện: ca sĩ Hồng Ân; x.youtube.com/watch?v=PrIU07BAuyM).

***

Ngày tôi được làm người, là niềm vui tan thành nước mắt, một ngày được sinh ra, rồi một ngày sẽ chia xa, như chiếc lá rơi, như cánh hoa phai, cát bụi chỉ là cát bụi mà thôi”. Bao nhiêu tư tưởng cao siêu, bao nhiêu câu chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng đều gói gọn trong cỗ quan tài. Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, bao nhiêu tính toán siêu vời cũng vỏn vẹn trong ngôi mộ, trong hủ tro cốt. Mênh mông như cuộc đời, sau cùng cũng im lặng trong lòng đất. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, rọi xuống trăm năm một cõi đi về”. Ai rồi cũng về với cát bụi mà thôi.

Tôi nhớ một trong những bài thơ hay nhất của thi sĩ Bùi Giáng, đó là bài “Cát Bụi”.

Ta cứ tưởng Trần Gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ !

Ta cứ ngỡ xuống Trần chỉ một chốc

Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay !

Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ

Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi

Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ

Khi trở về cát bụi cũng trắng tay

Cuộc đời ta phù du như cát bụi

Sống hôm nay và đâu biết ngày mai?

Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi

Rồi cũng về với cát bụi mà thôi

Thì người ơi! Xin đừng ganh đừng ghét

Ðừng hận thù tranh chấp với một ai

Hãy vui sống với tháng ngày ta có

Giữ cho nhau những giây phút tươi vui

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc

Vì đời ta đã sống trọn kiếp người

Với tất cả tấm lòng thành thương mến

Ðến mọi người xa lạ cũng như quen

Ta là cát ta sẽ về với bụi

Trả trần gian những cay đắng muộn phiền

Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy

Không còn buồn lo lắng chốn trần ai!

Con người biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì? Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình. Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc. Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế. Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

Tháng 11, Giáo Hội mở kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, tạo dịp để các tín hữu mở rộng tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân. Mầu nhiệm Giáo Hội thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu.

Những ngày đầu tháng 11, đi viếng Nhà thờ, Đất thánh, xin hãy dành cho ông bà cha mẹ và người thân yêu đã an nghĩ một Kinh Lạy Cha, một Kinh Tin Kính để xin Ơn Toàn Xá cho các ngài. Hãy dâng lên Mẹ Maria những lời kinh Mân Côi để cầu nguyện cho họ. Hãy thực thi những hy sinh, việc bác ái để đền bù cho thiếu sót trong cuộc đời bác ái của họ.

Lễ các Đẳng Linh Hồn được cử hành liền sau ngày Lễ Các Thánh. Giáo Hội muốn nhắc nhở con cái mình về mầu nhiệm đó. Các Thánh là những người đã biết ‘chết’ và dám ‘chết’ với Đức Kitô. Vì vậy, dù các Ngài đã ‘chết’, các Ngài vẫn còn ‘sống’; danh thánh, công đức của các Ngài vẫn được lưu truyền, tôn kính ngàn đời. Tháng Các Linh Hồn trùng vào những ngày cuối Thu, khi đất trời đang chuyển mình vào Đông. Giáo Hội muốn dùng thời gian này nhắc nhở các tín hữu nhớ đến những linh hồn đã đi trước và giúp mỗi một người vừa ý thức hơn thân phận cát bụi mỏng manh của mình vừa nhận ra sự trường tồn, bất tử của linh hồn mình để qua đó biết ‘sống’, biết ‘chết’ với Đức Kitô để cùng được sống vinh hiển muôn đời với Người mai sau.

Về với cát bụi, con người phải để lại tất cả, chỉ có thể mang đi theo các công phúc là các Việc Lành mà mình đã làm khi còn sống. Có lẽ các việc lành đó qui về việc bác ái. Vì thế, xin được kết thúc chia sẻ qua câu chuyện: “Chiếc Vali Hành Lý Cuối Đời”.

Một người kia biết mình sắp từ giã cõi thế, ông mơ thấy Chúa đến gần, trong tay Ngài cầm một chiếc vali.

Chúa bảo: “Này con, đã đến lúc đi theo Ta rồi”. Ngạc nhiên, người ấy trả lời: “Bây giờ sao? Mau quá vậy? Con có bao nhiêu là dự định…” – “Rất tiếc nhưng đã đến giờ đi rồi”.

Người ấy hỏi: “Ngài có gì trong chiếc vali kia vậy?” Chúa trả lời: “Tất cả những gì thuộc về con”. “Ồ, những gì thuộc về con sao? Ý

Ngài muốn nói những đồ đạc, áo xống, tiền bạc của con ư?” Thượng Đế trả lời: “Những cái đó đã không phải của con; chúng thuộc về trần gian”.

Người ấy lại hỏi: “Có phải nó là ký ức của con không?” Chúa trả lời: “Ký ức đã không bao giờ thuộc về con; chúng thuộc vào thời gian”.

“Vậy có phải là những tài năng của con?”… “Tài năng đã không bao giờ là của con; chúng tuỳ thuộc vào những tình huống con gặp trong đời con phải giải quyết”.

“Phải chăng là bạn bè và gia đình của con?”… “Rất tiếc, họ đã không bao giờ là của con, họ thuộc về con đường mà con đã đi qua”.

“Hay đó là thân xác con?”… “Thân xác đã không bao giờ là của con, nó thuộc về cát bụi”.

“Vậy đó là linh hồn của con chăng?”… “Không đâu, linh hồn của con thuộc về Ta là Đấng đã tạo dựng nên con”.

Đầy hoang mang sợ hãi, người ấy nhận chiếc vali từ tay Chúa và mở nó ra, ông chỉ thấy nó trống trơn.

Một giọt nước mắt lăn dài trên má, người ấy thốt lên: “Trời ơi, vậy là cuối cùng con đã chẳng có gì cả sao?”…

Chúa trả lời: “Không đâu, con đã có được nhiều lắm chứ, nhưng nó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, nó chính là tấm lòng vị tha của con. Mỗi khi con nói một lời tử tế, mỗi khi con làm một điều dễ thương, mỗi khi con nghẹn ngào trước một mảnh đời khốn khổ, Ta đều cất giữ tất cả vào làm hành lý cho con mang theo về cùng Ta…” (sưu tầm).

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
 
Thách thức tận bên trong
Lm. Minh Anh
23:56 31/10/2021

THÁCH THỨC TẬN BÊN TRONG
“Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng kính Các Thánh Nam Nữ; Phúc Âm nói đến những Mối Phúc các ngài đã sống; Tin Mừng mời chúng ta tiến lên đỉnh cao của sự thánh thiện, nơi không dành cho những người yếu tim lẫn hạng ơ hờ. Bởi lẽ, các Mối Phúc sẽ ‘thách thức tận bên trong!’. Hôm nay, chúng ta chỉ dừng lại vắn gọn ở Mối Phúc thứ ba.

Mỗi vị thánh, những con người lành thánh ăn ngay ở lành của mọi thời, dù được phong thánh hay không được phong thánh; thậm chí, đã rửa tội hay chưa được rửa tội, đều được tôn vinh trong ngày đại lễ hôm nay. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Họ là những con người đã sống với đôi chân trên đất; đã trải qua những khó nhọc thường ngày của phận người với cả thành công lẫn thất bại, nhưng họ tìm thấy nơi Chúa sức mạnh để luôn đứng dậy và tiếp tục đi tới”. Sách Khải Huyền cho biết, họ là “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, thuộc mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi tiếng nói”; “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến”; họ được ‘thách thức tận bên trong’, “Được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế” như thánh Gioan nói trong bài đọc thứ hai. Và “Đó là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa”; trong đó, có thể có những người thân yêu của chúng ta, “Những người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá” như Thánh Vịnh đáp ca cho biết.

Trong số các ngài, không ít người đã sống Mối Phúc thứ ba, “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được ủi an!”. Đây là một hạnh phúc thú vị. Nên thánh nhờ khóc! Hình thức khóc lóc thánh thiện này xảy ra khi chúng ta khóc cho tội lỗi mình; điều đó có nghĩa là lương tâm chúng ta còn hoạt động để thừa nhận những hành vi sai trái chống lại Thiên Chúa và ra sức xin Ngài ban ơn để thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta đau buồn khi nhìn thấy những tệ nạn trong thế giới. Ngày nay, khi mọi người chấp nhận tất cả mọi thứ là tốt, tội lỗi trở nên ‘phổ biến và giảm khinh’; điều này dần dần khiến chúng ta hạ thấp bản chất khách quan của tội. Là Kitô hữu, chúng ta phải xa lánh những gì là xấu xa xét về đạo đức; và khi đối mặt với lối sống vô luân, phản ứng của chúng ta phải là đau buồn thánh thiện, chứ không đồng loã, chấp nhận tội trọng. Đau buồn trước những lựa chọn kém cỏi của người khác cũng là một hành động yêu thương thực sự đối với họ!

Cách đây đúng một tuần, 24/10/2021, Giáo Hội phong chân phước cho một thiếu nữ 22 tuổi, người đã sống Mối Phúc thứ ba này, một thánh trẻ mới nhất. Đó là Sandra Sabattini, người đã dành cuộc đời ngắn ngủi cho những ai bị thiệt thòi; cô qua đời vì một tai nạn xe hơi 1984. Mùa hè 1982, khi vấn nạn ma tuý bùng phát ở Ý, Sandra dấn thân hết mình tại những cộng đồng dành cho người nghiện. Là một người trẻ đầy sức sống, đạo đức từ tấm bé, Sandra do dự giữa việc trở thành một tu sĩ truyền giáo Phi Châu hay một bác sĩ y khoa. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu, cô không vào Dòng Truyền Giáo, nhưng quên mình cho các bạn đồng trang đang nghiện ngập và người nghèo. Cô viết, “Sandra, hãy yêu tất cả những gì bạn làm! Yêu sâu sắc đến từng giây phút bạn đang sống, được phép sống. Hãy cảm nhận niềm vui của giây phút hiện tại; dù đó là gì, để không bao giờ bỏ lỡ sự kết nối!”; “Tôi chỉ có thể cho họ niềm vui”; “Hãy quan tâm đến ân sủng được trao cho bạn, làm cho nó đẹp hơn, đầy đủ hơn cho khi tới khi thời gian đến!”. Cô viết cho mẹ, “Con đã làm việc đến gãy lưng, nhưng đó là những người mà con sẽ không bao giờ bỏ rơi!”.

Anh Chị em,

Như Sandra Sabattini, chớ gì mỗi người chúng ta sẽ không ngạc nhiên trước một sự thật cao đẹp rằng, ‘Tôi cũng được kêu gọi để trở thành một vị thánh’. Nhìn vào các vị đại thánh, hoặc gần gũi hơn, nhìn gương lành gương sáng của ông bà, cha mẹ chúng ta; suốt một đời buôn thúng bán bưng, tần tảo nuôi con, không kể nắng mưa… mà bàn tay hầu như không làm gì vấy tội, ai trong chúng ta dám nói họ không phải là thánh. Hãy nhìn vào các ngài và làm tất cả những gì có thể để nội tại hoá những ân sủng Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta suy gẫm các Mối Phúc này! Thiên Chúa cũng sẽ làm những điều kỳ diệu trong cuộc sống chúng ta; và một ngày nào đó, như Sandra, như các thánh, chúng ta biến sự long trọng của ngày lễ hôm nay thành một lễ kỷ niệm thực sự về cuộc sống của mình, người vốn đã sống tốt, đã được ‘thách thức tận bên trong’. Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ ‘thách thức con tận bên trong’ hầu con có thể trở thành một vị thánh thực sự; để Vương Quốc của Chúa có thể vươn xa hơn, ngay hôm nay, đến tận mãi đời đời”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Quá sức hân hạnh: Trưa 31/10, ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho Việt Nam, đích thân ngỏ lời với đồng bào ta
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:41 31/10/2021


Chúa Nhật 31 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 31 Mùa Quanh Năm.Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô có chủ đề “Giới răn nào trọng nhất”.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng kể về một luật sĩ đến gần Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mc 12:28). Chúa Giêsu đáp lại bằng cách trích dẫn Kinh Thánh và khẳng định rằng điều răn trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa; từ đó, theo lẽ tự nhiên, dẫn đến điều thứ hai: yêu người lân cận như chính mình (xem các câu 29-31). Nghe câu trả lời này, người luật sĩ không chỉ công nhận nó là đúng mà khi công nhận, điều đó là đúng, ông lặp lại gần như chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (câu 32-33).

Nhưng, chúng ta có thể tự hỏi, khi đồng ý như thế, tại sao người luật sĩ đó lại cảm thấy cần phải lặp lại cùng những lời của Chúa Giêsu? Sự lặp lại này dường như sẽ gây ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nhớ rằng đây là Phúc âm của Thánh Máccô, là người có văn phong rất súc tích. Vậy, sự lặp lại này có thể có ý nghĩa gì? Sự lặp lại này là một lời dạy cho tất cả chúng ta, những người đang lắng nghe. Vì Lời Chúa không thể được tiếp nhận như bất kỳ loại tin tức nào khác. Lời Chúa phải được lặp lại, phải làm thành của riêng mình, phải được bảo vệ. Truyền thống viện tu, của các tu sĩ, sử dụng một thuật ngữ táo bạo nhưng rất cụ thể. Thuật ngữ ấy là thế này: Lời của Thiên Chúa phải được “suy ngẫm lại”. Hãy “Suy ngẫm lại” Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Lời Chúa bổ dưỡng đến nỗi Lời Chúa phải được xem xét lại trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói ngày hôm nay, Lời Chúa phải liên quan đến toàn bộ trái tim, toàn bộ linh hồn, toàn bộ trí óc, tất cả sức lực của chúng ta (xem câu 30). Lời Chúa phải vang vọng, âm vang và lặp lại trong chúng ta. Khi tiếng vọng nội tâm này lặp lại chính nó, điều đó có nghĩa là Chúa đang ngự trong trái tim chúng ta. Và Ngài nói với chúng ta, cũng giống như Ngài đã nói với người luật sĩ xuất sắc ấy trong Phúc âm: “Anh không còn xa Nước Thiên Chúa” (câu 34).

Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Kinh Thánh tài ba lỗi lạc, vì Ngài đang tìm kiếm những tấm lòng ngoan ngoãn, biết đón nhận Lời Ngài, và để nội tâm thay đổi. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải làm quen với Tin Mừng, luôn luôn có nó trong tay - ngay cả một cuốn Tin Mừng cỡ nhỏ trong túi, trong ví của chúng ta để đọc đi đọc lại, để say mê với Kinh Thánh. Khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài trở nên thân thiết với chúng ta và chúng ta sinh hoa kết trái trong Ngài. Hãy lấy ví dụ như bài Tin Mừng hôm nay: đọc bài Tin Mừng này và hiểu rằng chúng ta cần phải yêu mến Thiên Chúa và người lân cận thôi thì chưa đủ đâu. Điều cần thiết chúng ta phải nhận ra rằng đây là một giới răn, là “giới răn trọng nhất”, vang lên trong chúng ta, để nó được đồng hóa, để nó trở thành tiếng nói của lương tâm chúng ta. Bằng cách này, nó không còn là một bức thư chết, trong ngăn kéo của trái tim, bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho hạt giống Lời đó nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Chúa hoạt động, Lời Chúa luôn vận động, sống động và hữu hiệu (xem Dt 4:12). Vì vậy, mỗi người chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản, không phải là sự lặp lại mà là “bản dịch” sống động, khác biệt và nguyên bản của Lời yêu thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đây là những gì chúng ta thấy trong cuộc sống của các Thánh. Không cuộc sống nào giống cuộc sống nào, cuộc sống của cac thánh đều khác nhau, nhưng đều cùng thể hiện Lời Chúa.

Do đó, hôm nay chúng ta hãy noi gương người luật sĩ này. Chúng ta hãy lặp lại những lời của Chúa Giêsu, làm cho chúng vang vọng trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và người lân cận như chính mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: điều răn này có thực sự định hướng cuộc đời tôi không? Điều răn này có âm vang trong cuộc sống hàng ngày của tôi không? Sẽ thật tốt vào buổi tối hôm nay, trước khi đi ngủ, hãy kiểm tra lương tâm về Lời này, để xem ngày hôm nay chúng ta có yêu mến Chúa không và chúng ta có làm một chút điều tốt nào cho những người chúng ta tình cờ gặp không. Mong rằng mọi cuộc gặp gỡ đều mang lại một chút tốt đẹp, một chút yêu thương đến từ Lời này. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà Lời Chúa đã hóa thành xác phàm, dạy chúng ta đón nhận Lời sống động của Tin Mừng trong tâm hồn mình.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha bắt đầu lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng ta. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Ở nhiều vùng khác nhau của Việt Nam, những trận mưa lớn, kéo dài trong những tuần vừa qua đã gây ra lũ lụt lớn, với hàng nghìn người phải di tản. Lời cầu nguyện và suy nghĩ của tôi gửi đến nhiều gia đình đang đau khổ, cùng với lời khích lệ của tôi đến tất cả những người lãnh đạo của đất nước và Giáo hội địa phương, những người đang phải nỗ lực ứng phó với tình huống khẩn cấp. Và tôi gần gũi với dân chúng bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.

Tôi cũng đang nghĩ đến người dân Haiti, những người đang sống trong điều kiện khắc nghiệt. Tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo của các quốc gia hãy giúp đỡ đất nước này, đừng bỏ mặc nó. Và tất cả anh chị em, khi trở về nhà, hãy tìm kiếm tin tức về Haiti và cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều. Tôi đang xem chương trình A Sua Immagine, với những lời chứng của nhà truyền giáo Dòng Camêlô đến từ Haiti, Cha Massimo Miraglio, những điều cha ấy đang nói… về tất cả những đau khổ, tất cả những nỗi đau ở vùng đất đó, và bao nhiêu sự bỏ rơi. Đừng bỏ rơi họ!

Hôm qua tại Tortosa, Tây Ban Nha, Francesco Sojo López, Millán Garde Serrano, Manuel Galcerá Videllet và Aquilino Pastor Cambero, là các linh mục trong Huynh đoàn Công nhân Giáo phận, các linh mục của Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được phong chân phước. Tất cả các ngài đều bị giết vì lòng căm thù đức tin. Những mục tử nhiệt thành và quảng đại đã bị giết trong cuộc bách hại tôn giáo vào những năm 1930, các ngài vẫn trung thành với sứ vụ của mình ngay cả khi phải chịu rủi ro về tính mạng. Ước gì chứng tá của các ngài là một gương mẫu đặc biệt cho các linh mục. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!

Hôm nay, tại Glasgow, Tô Cách Lan, hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, bắt đầu. Chúng ta hãy cầu nguyện để tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo có thể được nghe thấy; xin cho cuộc họp này có thể mang đến các đáp trả hiệu quả, mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh đó, triển lãm ảnh Laudato si ' đang được khai mạc hôm nay tại quảng trường Thánh Phêrô, với các tác phẩm của một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi gốc Bangladesh.

Tôi chào tất cả anh chị em tín hữu của Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác, đặc biệt là những người đến từ Costa Rica. Tôi chào các nhóm từ Reggio Emilia và Cosenza; những trẻ em từ phong trào Tuyên xưng Đức tin ở Bareggio, Canegrate và San Giorgio su Legnano; cũng như Hiệp hội Quốc tế Serra của Ý, những người mà tôi cảm ơn vì sự cống hiến của họ trong việc thúc đẩy ơn gọi linh mục.

Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng.
Source:Holy See Press Office
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô thảo luận về Chủng viện Halki với Biden và Blinken
Đặng Tự Do
16:22 31/10/2021


Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Hoa Kỳ sáng Chúa Nhật 24 tháng 10, nhưng ngay lập tức phải vào nhà thương vì quá mệt. May mắn là tối hôm đó, ngài được xuất viện và được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp kiến hôm thứ Hai 25 tháng 10, tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Trong cuộc thảo luận các vị này đã đề cập đến cảm giác cấp bách được chia sẻ do khủng hoảng khí hậu gây ra. Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng cần thiết là các nhà lãnh đạo chính trị phải đáp ứng kịp thời tình hình này trong bối cảnh cuộc họp COP26 sắp diễn ra ở Glasgow.

Đức Thượng Phụ Đại Kết đặc biệt đề cập đến tình hình hiện tại của Trường Thần học Halki. Thổ Nhĩ Kỳ đòi Hy Lạp phải chấp nhận những những bộ phi lý để có thể mở lại Trường Thần học Halki, điều này dĩ nhiên là Athens không thể chấp nhận.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ can thiệp để loại bỏ vấn đề của Trường Thần học Halki khỏi chương trình nghị sự về quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngài nhấn mạnh rằng Washington phải thay đổi chiến thuật của mình, vì chính sách của họ không mang lại kết quả nào tình trạng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Joe Biden nói ông tin rằng Tổng thống Erdogan đang gặp khiều khó khăn khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp những trở ngại nghiêm trọng, và tỏ ra không chú ý mấy đến các yêu cầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.
Source:Orthodox Times
 
Thánh Gioan Phaolô II có thể được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh
Đặng Tự Do
16:22 31/10/2021


Lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cử hành rất long trọng vào ngày 22 tháng 10 vừa qua tại Ba Lan. Nhân dịp này, Hội Đồng Giám Mục đã nhắc lại một lời kêu gọi được đưa ra vào năm 2019 mong muốn vị Giáo Hoàng Ba Lan được phong Tiến sĩ Hội Thánh. Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới có 36 vị được phong Tiến sĩ Hội Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã chính thức đưa ra đề nghị này vào ngày 22 tháng 10, 2019.

Những người ủng hộ đề nghị này bao gồm Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II, tại vị từ năm 1978 cho đến khi ngài qua đời vào năm 2005.

“Tiến sĩ Hội Thánh” là danh hiệu do các Giáo Hoàng ban tặng cho các vị thánh đã có đóng góp quan trọng trên toàn cầu cho thần học.

17 trong số 36 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh sống trước thời Đại Ly Giáo năm 1054 và cũng được các tín hữu Chính thống giáo tôn kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ mới của Giáo Hội, đó là một tu sĩ người Armenia sống ở thế kỷ thứ 10, Thánh Grêgôriô thành Narek.

Đầu tháng này, Đức Giáo Hoàng đã thông báo rằng ngài sẽ bổ sung một vị khác: đó là một Giám mục sống ở thế kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus của thành Lyon, là vị mà ngài dự định tuyên bố là “Doctor unitatis”, nghĩa là “Tiến sĩ của sự hiệp nhất”.

Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố một Tiến sĩ Hội thánh: đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Trong một tông thư năm 1997 giải thích quyết định này, ngài lưu ý rằng nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp sống ở thế kỷ 19 “không chỉ là Tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội, mà còn là người gần gũi nhất với chúng ta theo thời gian”.

Ngài cũng phác thảo một số đặc điểm liên quan đến các Tiến sĩ Hội Thánh. Những điều này bao gồm “học thuyết lỗi lạc”, được ngài mô tả như một yêu cầu cơ bản. Bên cạnh đó còn có các yêu cầu khác như trở thành “người thầy đích thực về đức tin và đời sống Kitô,” giúp “mở rộng Nước Trời” và “học thuyết có tính phổ quát”.

Đức Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, sống sót sau thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo Hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

Là vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm, ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả các vị giáo hoàng trước đó cộng lại và đóng một vai trò quyết định trong sự sụp đổ của Khối Cộng sản.

Trong suốt gần 27 năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 thông điệp, 15 tông huấn và 45 tông thư, cũng như đưa ra hàng trăm bài phát biểu giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Các giám mục Ba Lan đã không coi Đức Gioan Phaolô II là Tiến sĩ Hội Thánh chỉ dựa trên các bài viết của ngài. Các ngài cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Đức Gioan Phaolô II; và vì lẽ này, các ngài cũng đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố người tiền nhiệm của ngài là vị Thánh bảo trợ của Âu Châu.

Trong một lá thư gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Gądecki viết: “Sự phong phú của triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II - được nhiều nhà sử học và thần học gọi là Gioan Phaolô II Vĩ đại - đến từ sự phong phú trong nhân cách của ngài - một nhà thơ, nhà triết học, nhà thần học, và thần bí, nhận ra bản thân trong nhiều chiều kích, từ mục vụ và huấn giáo, đến sự lãnh đạo của ngài đối với Giáo Hội hoàn vũ, cho đến chứng từ cá nhân của ngài về sự thánh thiêng của cuộc sống”.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục cũng đã viết thư cho các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, yêu cầu các ngài ủng hộ yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.
Source:Catholic News Agency
 
Giám Mục Trung Quốc ngủ đầu đường xó chợ, covid không chịu cắn, công an nhào vào cắn phụ
Đặng Tự Do
16:23 31/10/2021


Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 58 tuổi, thuộc về cộng đoàn thầm lặng, không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận, nhưng ngài được Tòa Thánh công nhận là Giám Mục Ôn Châu.

Là một giám mục “thầm lặng”, trong thời gian bị bắt, ngài bị ép buộc phải gia nhập vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước. Nhưng Đức Cha Phêrô từ chối vì ngài khẳng định rằng trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thẳng thừng phê phán Hiệp hội là “hoàn toàn không phù hợp với tín lý Công Giáo”.

Chính vì thế, Đức Cha Phêrô cũng được sự kính trọng của cộng đoàn công khai ở Ôn Châu. Giáo phận Ôn Châu có khoảng 130 nghìn tín hữu, với hơn 80 nghìn là thành viên của cộng đoàn thầm lặng. Hiện nay, toàn giáo phận có linh mục 70, chia đều giữa hai cộng đoàn. Trong nhiều thập niên, Giáo hội tại Ôn Châu đã bị chia rẽ. Nhưng trong vài năm trở lại hai cộng đoàn vẫn thường làm việc cùng nhau.

Tại Ôn Châu, ngay cả các linh mục chính thức cũng bị hạn chế và kiểm soát. Trong tháng các linh hồn các linh mục chính thức bị cấm không được viếng thăm lăng mộ của một số linh mục và giám mục thầm lặng, là những vị được mọi tín hữu kính ngưỡng; đặc biệt là phần mộ của các Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎) và Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang 朱維芳). Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Ôn Châu năm 1999. Ngài bị cộng sản bắt giam cầm cho đến chết vào năm 2009. Đức Cha Vinh Sơn lên thay ngài, qua đời năm 2016. Mộ phần của hai vị thường xuyên bị phá phách.

Các vụ bắt cóc Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn gần như có thể tiên đoán được. Chúng luôn xảy ra vào trước các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của cộng đồng Công Giáo: Giáng sinh, Phục sinh, và bây giờ là tháng 11, tháng cầu nguyện cho người chết.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm Thánh Linh của Hương Cảng cho biết Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.
Source:Asia News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno California viếng nghĩa trang
Magarita Nguyễn Phương Lan
20:55 31/10/2021
Chúa Nhật ngày 31 tháng 10 năm 2021 lúc 10giờ sáng Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Fresno California viếng nghĩa trang Giáo Phận Công Giáo Thánh Phêrô, cũng như lễ nghi đễ nhớ đến Ông Bà Tổ Tiên, những người thân và quí giáo hữu đang an nghỉ nơi đất thánh này đặc biệt viếng mộ Đức Cha cố John Steinbock, Cha cố Giuse Nguyễn Công Hoán.

Xem Hình

Thầy phó tế Giuse Nguyễn Phi Hùng cùng giáo dân thắp lên nén nhang, dâng lời cầu nguyện và xin ơn đại xá nhường cho các đẵng linh hồn. Những linh hồn mà trong đó có thể có những người là ông bà, cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc của chúng ta – được hưởng công phúc mà cả chính chúng ta nữa.

Và đặc biệt xin Chúa thương đến các linh hồn đã được Chúa gọi về trong cơn đại dịch Covid 19 này. Xin Chúa mở rộng lòng thương xót đón họ về với Chúa.

Magarita Nguyễn Phương Lan.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh Regina Sanctorum omnium - Nữ vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
20:58 31/10/2021
Hình ảnh Regina Sanctorum omnium - Nữ vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ

Hằng năm ngày 01.11. là ngày lễ trọng mừng kính chung các Thánh Nam Nữ trên trời theo nếp sống phụng vụ đạo đức của Hội Thánh Công gíao.

Vào ngày lễ Hội Thánh dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa:“ Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Đấng thánh, Chúa đã làm bao việc lạ lùng nơi toàn thể các Thánh nam nữ, chúng con xin chúc tụng, tôn thờ.”

Và trong kinh cầu Đức Mẹ Maria có lời ca tụng: Regina Sanctorum omnium -

Nữ vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh cao cả. Nhưng tại sao lại ca tụng Đức Mẹ Maria là nữ vương các Thánh?

Thiên Chúa tạo dựng ban cho con người, cả Đức Mẹ Maria, sự sống thân xác và tinh thần linh hồn, theo hình ảnh của Người.

Con người được Thiên Chúa ban cho đời sống tự do cùng khả năng và cơ hội sống một đời sống thánh đức trên trần gian. Như vậy, có thể nói được, sự thánh thiện là ân đức qùa tặng của Thiên Chúa ban cho. Và sự thánh thiện của con người là một chiến thắng của ân đức do Thiên Chúa ban cho.

Sự nỗ lực cộng tác của con người trong đời sống cho trở nên thánh thiện không vì thế không quan trọng và không hữu ích. Trái lại càng cần thiết.

Ân đức trợ giúp của Thiên Chúa ban cho. Nhưng con người cần phải mở rộng tâm hồn đôi tay ra đón nhận. Nếu không sẽ thiếu không có đủ sức mạnh tinh thần cho tâm hồn chống trả vượt qua những thử thách cám dỗ trong đời sống.

Con người trong đời sống càng ít chống cưỡng lại ân đức trợ giúp của Thiên Chúa cho tâm hồn đời sống, hiệu qủa càng tốt đẹp hơn cho đời sống, và công trình cho trở được nên thánh thiện có cơ hội phát triển hoàn thành toàn vẹn.

Các Vị Thánh là những con người, nên họ cũng là những người không hoàn toàn. Họ cũng là những người có qúa khứ đời sống vướng mắc lỗi lầm thiếu sót cùng tội lỗi. Họ cũng phải chiến đấu chống cưỡng lại những cám dỗ thử thách, đề cao cho ân đức trợ giúp của Thiên Chúa lên trên hết.

Tất cả mọi người là thụ tạo do Thiên Chúa tạo thành đều vướng mắc vào vòng tội lỗi do hậu qủa của tội Ông Bà nguyên tổ Adong -Evà gây ra để lại cho con người. Nhưng trừ Đức Mẹ Maria ra, là người được Thiên Chúa giải thoát cho khỏi tội nguyên tổ truyền lại. Ân đức của Thiên Chúa không gặp sự chống cưỡng nơi đời sống của Maria. Vì thế, chúng ta xưng tụng Maria là “ Nữ vương tất cả các Thánh.”

Nếu có thể so ví tâm hồn Đức Mẹ Maria với một chiếc ly thủy tinh cao qúi, không vết tích tỳ ố hoàn toàn trong trắng tinh tuyền trong sáng, con người chúng ta có suy nghĩ tâm hồn đời sống mình trong thực tế cảm nhận thấy buồn nhiều. Vì tội lỗi, khiếm khuyết đã mang đến những đổ vỡ, những vết rứt nạn, những mảnh vụn và những gai góc nằm lan tràn trên nền nhà tâm hồn đời sống. Con người chúng ta cũng đã hằng cố gắng sống sao cho tốt hơn đẹp hơn, nhưng vẫn không hay ít có bước tiến bộ.

Chính vì thế con người cần với lòng tin tưởng mở rộng tâm hồn, bàn tay ra đón nhận ân trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa.

Chính Thiên Chúa sẽ thu dọn những mảnh vụn đổ nát nơi nền nhà tâm hồn con người, và ban thêm sức mạnh giúp chống cưỡng lại những thử thách cám dỗ trong đời sống.

Nhìn vào đời sống vẹn toàn của Đức Mẹ Maria, con người chúng ta cảm nhận buồn bã thất vọng. Nhưng Đức Mẹ Maria, người mẹ thiêng liêng trên trời mời gọi con người chúng ta, đặt mình vững chắc cùng qủa quyết vào bàn tay tình yêu thương nhân lành của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự tốt lành thánh thiện, ban cho sự thánh thiện, và làm cho trở nên thánh thiện.

Các Thánh nam nữ khi xưa trong cuộc sống nơi trần gian họ cũng đã nghe lời kêu mời của Đức Mẹ Maria, mở tâm hồn đôi bàn tay đón nhận ân đức trợ giúp từ nơi Thiên Chúa.

Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, họ có nếp sống vươn lên trở nên thánh.

“Nữ vưng các Thánh nam cùng các Thánh nữ.”

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Trông người mà nghĩ đến ta: Chính quyền Singapore giúp Giáo Hội trùng tu các tu viện lịch sử
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:27 31/10/2021


1. Chính quyền Singapore quyết tâm bảo tồn các tòa nhà do Dòng Tiểu Muội Người Nghèo thành lập

Trong khi các tu viện tại Việt Nam bị tịch thu hoặc lăm le bị tịch thu, một nghĩa cử cao đẹp của chính quyền Singapore rất đáng suy nghĩ.

Các nhà chức trách ở Singapore đã quyết định cấp cho tổng giáo phận Singapore kinh phí giúp nâng cấp và bảo tồn tất cả các tòa nhà thuộc sở hữu của Công Giáo vì ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và xã hội của chúng, cũng như để tỏ lòng biết ơn những đóng góp quan trọng của Giáo Hội, đặc biệt là của các nữ tu.

Tờ Straits Times đưa tin: Vào giữa tháng 10, Cơ quan Tái phát triển Đô thị đã công bố một đề xuất bảo tồn sáu tòa nhà và một cổng vòm vào tại Nhà của Thánh Têrêxa, được xây dựng bởi Dòng Tiểu Muội Người Nghèo.

Các cấu trúc lịch sử bao gồm một nhà nguyện, các ký túc xá và một tòa nhà hành chính.

Cơ quan quản lý phát triển cho biết động thái này công nhận “ý nghĩa lịch sử, kiến trúc và xã hội” của các tòa nhà và sự đóng góp của chúng đối với “ý thức về bản sắc và đặc trưng” của khu vực.

Họ cho biết đề xuất bảo tồn của họ được sự ủng hộ của Tổng giáo phận Singapore, nơi có kế hoạch “tái sử dụng một cách thích ứng các tòa nhà đã được đề xuất để bảo tồn như một phần của kế hoạch tái phát triển địa điểm.”

Tổng giáo phận có kế hoạch xây dựng một trung tâm di sản, kho lưu trữ Giáo Hội, văn phòng và nhà nghỉ hưu cho các linh mục trong các tòa nhà được bảo tồn, biến nó thành một trung tâm Công Giáo. Cơ quan quản lý phát triển cho biết: “Điều này cho phép địa điểm phục vụ các nhu cầu hiện đại trong khi vẫn bảo vệ được di sản phong phú của nó”.

Công việc tái phát triển dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2022 và sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Theo các ghi chép lịch sử, ngôi nhà cổ là sản phẩm trí tuệ của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo, một hội đoàn quốc tế gồm các nữ tu Công Giáo, những người đã quyên góp tiền từ các nhà hảo tâm vào những năm 1930 để xây dựng ngôi nhà. Ngôi nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Singapore Hà Quảng Diệu (Ho Kwong Yew, 何广耀). Dòng Tiểu Muội Người Nghèo do Thánh Jeanne Jugan thành lập tại Pháp vào năm 1839, nổi tiếng vì đã phục vụ người già, người nghèo và những người cơ cực trên toàn thế giới.

Trong những ngày đầu của ngôi nhà, khi Singapore bị quân Nhật chiếm đóng giữa Thế chiến thứ hai, các nữ tu đã cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 300 gia đình, mặc dù cơ sở vật chất không đủ cho rất nhiều cư dân.

Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chuyển ra khỏi Singapore vào ngày 1 tháng 7 năm 2003, và Dịch vụ Phúc lợi Công Giáo, bộ phận dịch vụ xã hội của Tổng giáo phận Singapore, tiếp quản việc quản lý Nhà của Thánh Têrêxa.
Source:Crux

2. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Mỹ: Biden là tổng thống thứ 14 của Hoa Kỳ đến thăm Vatican

Đã gần 60 năm trôi qua kể từ khi vị tổng thống Công Giáo Hoa Kỳ đầu tiên đến triều yết một vị giáo hoàng tại Vatican.

Khi Tổng thống John F. Kennedy đang chuẩn bị cho cuộc triều yết với tân Giáo hoàng Phaolô Đệ Lục vào tháng 7 năm 1963, mọi người đã tự hỏi liệu ông có hôn chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng hay không. Đó là một dấu hiệu truyền thống nói lên lòng kính trọng, nhưng một dấu hiệu có thể là vấn đề đối với một tổng thống đã đối phó với những câu hỏi về việc Giáo Hội hay đất nước của ông, điều nào là ưu tiên hơn.

Đức Giáo Hoàng dường như không ngại bắt tay ông.

Các giao thức cũng như các giáo hoàng đã thay đổi. Ngày nay, Đức Thánh Cha Phanxicô thích khách đừng hôn chiếc nhẫn của mình.

Tổng thống Joe Biden đã là tổng thống Hoa Kỳ thứ 14 - và là tổng thống Công Giáo thứ hai - gặp Đức Giáo Hoàng tại Vatican.

Không giống như Kennedy, là người mà những câu hỏi về đức tin của ông đến từ những người không phải là người Công Giáo. Vấn đề của Biden chủ yếu đến từ ngay trong cộng đồng Công Giáo, vì ông ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón Biden đến Vatican vào trưa ngày 29 tháng 10, ngay sau khi ông ta đến Ý để tham gia Hội nghị thượng đỉnh G-20. Hội nghị này sẽ tập trung vào đại dịch COVID-19 và sức khỏe toàn cầu, kinh tế toàn cầu và những thay đổi về khí hậu.

Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Vatican là Woodrow Wilson, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 vào năm 1919 trong chuyến công du Âu Châu sau Thế chiến thứ nhất. 40 năm sau, tổng thống Eisenhower gặp Đức Giáo Hoàng Gioan 23 vào năm 1959.

Kể từ đó, mỗi tổng thống Mỹ đều có chuyến công du tới Vatican. Vị tổng thống Mỹ cuối cùng đến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô là tổng thống Donald Trump.

Sau khi phá thai trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ qua phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Roe kiện Wade vào năm 1973. Ngoài việc luôn nhắc nhở Hoa Kỳ về trách nhiệm thúc đẩy hòa bình và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, các bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trước các tổng thống Hoa Kỳ luôn kêu gọi sự tôn trọng cuộc sống của con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên.

Một bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng có nội dung như thế không được mong đợi trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden.

Jen Psaki, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc, cho biết hai người “thảo luận cùng nhau về những nỗ lực dựa trên cơ sở tôn trọng phẩm giá cơ bản của con người, bao gồm chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết khủng hoảng khí hậu và chăm sóc người nghèo.”

Biden biết rõ Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ gì về việc phá thai; đến nay vẫn chưa rõ hai người có nói về điều đó một cách cụ thể hay không.


Source:Crux

3. Đức Hồng Y Charles Bo kêu gọi dân chúng Miến Điện lên tiếng về tình hình đất nước

Nhân ngày Chúa nhật Truyền giáo, Đức Hồng Y Charles Bo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, đã kêu gọi các tín hữu hãy cùng gióng lên tiếng nói báo động trước thời điểm thử thách của đất nước! Còn Giáo hội thì phải luôn thắp lên hy vọng giữa màn đêm u tối.

Đức Hồng Y Charles Bo của Giáo phận Yangon đã kêu gọi mọi người Công Giáo Miến Điện hãy lên tiếng chống lại cái ác đang tàn phá đất nước, “không dùng hận thù mà dùng tình yêu”. Đức Hồng Y đưa ra lập trường trên trong bài giảng lễ Chúa nhật Truyền giáo ngày 24 tháng 10.

Suy ngẫm về chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra cho năm nay “Chúng ta không thể không nói hết về những gì chúng ta đã thấy và đã nghe” (Công vụ 4:20), Đức Hồng Y Bo nhận xét rằng đây là “thời điểm thử thách để nói” về đất nước Miến Điện, nơi mà sự đàn áp tàn bạo của quân đội không ngừng leo thang trong suốt chín tháng qua, sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng Hai năm 2020.

Im lặng là tội phạm

Trước tình trạng bạo lực tàn nhẫn nhắm vào Giáo hội, vào các nhà thờ, Đức Hồng Y kêu gọi các tín hữu hãy “lên tiếng phản đối những quyền lực mù quáng trước những nơi thiêng liêng”, như các thánh Tông đồ và các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai đã chống lại Đế quốc La Mã. Đức Hồng Y khẳng định rằng “im lặng là tội ác, vì thời điểm này cái ác đang được trọng vọng”.

Đức Hồng Y nhắc đến cách Chúa Giêsu lên tiếng chống lại kẻ quyền thế, như lời ngài trả lời lúc bị một tên lính La Mã vả vào mặt Ngài, Chúa đã hỏi: ‘Nếu tôi nói sự thật, tại sao anh lại đánh tôi?’.

Nghe tiếng kêu của dân chúng

Chúa nhật Truyền giáo năm nay Giáo hội muốn lắng nghe, nhìn nhận và bước đi như một Giáo hội hòa đồng với dân chúng, Đức Hồng Y Yangon nhắc lại “con đường của Thập tự” mà người dân Miến Điện đang gánh chịu từ cuộc đảo chính quân sự. Đức Hồng Y nói: “Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu cầu thống thiết của những người dân vô tội như Chúa Giêsu mang 5 vết thương, Covid, xung đột và di cư, sự sụp đổ của nền kinh tế, thảm họa khí hậu và từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác đang đè bẹp trên dân chúng Miến Điện”.

Đức Hồng Y Bo nhắc nhở rằng việc loan báo Tin Mừng Tình yêu của Chúa trên một đất nước đã chứng kiến “nhiều cái đau khổ bất nhân nhất” dành cho những người vô tội, như xưa Chúa đã gánh chịu và các môn đệ của Chúa cũng trải nghiệm trong khi thực thi và rao giảng tình yêu của Thầy mình. Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Nếu chúng ta quay sang căm thù thì chúng ta có gì khác lạ với người thế!”

Nhưng không, các môn đệ của Chúa, cũng như các Kitô hữu đầu tiên sống đức tin giữa mọi nghịch cảnh và khó khăn. Chúng ta những người dân Miến Điện cũng đang trải nghiệm trước nhiều bạo lực tàn bạo, chết chóc và nỗi khổ đang rình rập dân tộc; đặc biệt là giới trẻ!”

Đây cũng là lý do tại sao thông điệp năm nay cho Ngày Chúa nhật Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội hãy nhóm lên niềm hy vọng: “Giáo hội thắp lên ánh sáng hy vọng giữa bóng tối. Đó là truyền giáo”.

Tiếp cận với kẻ thù của chúng ta

Vì vậy Đức Hồng Y nhấn mạnh với “niềm hy vọng đó” chúng ta, đặc biệt những người dân Miến Điện hôm nay phải thắp lên cho nhau và cho cả kẻ thù! “Giáo hội Miến Điện cần phải tung cánh trên các con đường cao tốc, vào những khu rừng nơi những người di cư đang ẩn nấp, đến những ngôi làng xa xôi của những người nghèo đang lo lắng ẩn náu để bảo vệ con cái của họ khỏi cái chết tất tưởi. Và đến với cả những người đã chọn con đường tội ác! Đức Thánh Cha nói chúng ta ‘không được loại trừ ai’ bạn hữu cũng như kẻ thù”.

Ngừng bán vũ khí cho Miến Điện

Đức Hồng Y Bo kết thúc bài giảng của mình bằng mạnh mẽ kêu gọi các cường quốc trên thế giới hãy ngừng bán vũ khí cho Miến Điện: “Hãy tìm kiếm sức mạnh yêu thương phục vụ; lòng nhân ái”. Đức Hồng Y nói: “Tất cả chúng ta, những người Miến Điện, hãy cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện, cho đất nước có thể nhìn thấy ngày hòa bình. Chúng ta hãy nuôi hy vọng Miến Điện sẽ trỗi dậy trở về trạng thái yêu thương nhân ái, trong Karuna, lòng trắc ẩn, và Metta, lòng nhân từ. Hãy cho chúng tôi niềm hy vọng về một quốc gia hòa bình, đó là thông điệp của chúng tôi nhân Ngày Truyền giáo tại đất nước này!”

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về quyền làm người ở Miến Điện

Trong báo cáo hôm 22 tháng 10, Liên Hiệp Quốc đã quan ngại về tình hình nhân quyền ở Miến Điện càng ngày càng tệ đi, khi có hàng nghìn binh sĩ di chuyển về phía bắc và tây bắc của đất nước, nơi mà các cuộc đụng độ với dân quân sắc tộc đang xảy ra. Chính quyền quân sự bác bỏ mọi lời đề nghị của Liên Hiệp Quốc và không ngừng “khuấy lên nhiều bạo lực” trong nước.
Source:Vatican News
 
Thánh Gioan Phaolô II, Tiến Sĩ Hội Thánh? Giám Mục đầu đường xó chợ, cô vít không cắn, công an nhào vô cắn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:20 31/10/2021


1. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô thảo luận về Chủng viện Halki với Biden và Blinken

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Hoa Kỳ sáng Chúa Nhật 24 tháng 10, nhưng ngay lập tức phải vào nhà thương vì quá mệt. May mắn là tối hôm đó, ngài được xuất viện và được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp kiến hôm thứ Hai 25 tháng 10, tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

Trong cuộc thảo luận các vị này đã đề cập đến cảm giác cấp bách được chia sẻ do khủng hoảng khí hậu gây ra. Đức Thượng Phụ Đại Kết lưu ý rằng cần thiết là các nhà lãnh đạo chính trị phải đáp ứng kịp thời tình hình này trong bối cảnh cuộc họp COP26 sắp diễn ra ở Glasgow.

Đức Thượng Phụ Đại Kết đặc biệt đề cập đến tình hình hiện tại của Trường Thần học Halki. Thổ Nhĩ Kỳ đòi Hy Lạp phải chấp nhận những những bộ phi lý để có thể mở lại Trường Thần học Halki, điều này dĩ nhiên là Athens không thể chấp nhận.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ can thiệp để loại bỏ vấn đề của Trường Thần học Halki khỏi chương trình nghị sự về quan hệ Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngài nhấn mạnh rằng Washington phải thay đổi chiến thuật của mình, vì chính sách của họ không mang lại kết quả nào tình trạng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Joe Biden nói ông tin rằng Tổng thống Erdogan đang gặp khiều khó khăn khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp những trở ngại nghiêm trọng, và tỏ ra không chú ý mấy đến các yêu cầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.
Source:Orthodox Times

2. Thánh Gioan Phaolô II có thể được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh

Lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cử hành rất long trọng vào ngày 22 tháng 10 vừa qua tại Ba Lan. Nhân dịp này, Hội Đồng Giám Mục đã nhắc lại một lời kêu gọi được đưa ra vào năm 2019 mong muốn vị Giáo Hoàng Ba Lan được phong Tiến sĩ Hội Thánh. Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới có 36 vị được phong Tiến sĩ Hội Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã chính thức đưa ra đề nghị này vào ngày 22 tháng 10, 2019.

Những người ủng hộ đề nghị này bao gồm Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II, tại vị từ năm 1978 cho đến khi ngài qua đời vào năm 2005.

“Tiến sĩ Hội Thánh” là danh hiệu do các Giáo Hoàng ban tặng cho các vị thánh đã có đóng góp quan trọng trên toàn cầu cho thần học.

17 trong số 36 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh sống trước thời Đại Ly Giáo năm 1054 và cũng được các tín hữu Chính thống giáo tôn kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ mới của Giáo Hội, đó là một tu sĩ người Armenia sống ở thế kỷ thứ 10, Thánh Grêgôriô thành Narek.

Đầu tháng này, Đức Giáo Hoàng đã thông báo rằng ngài sẽ bổ sung một vị khác: đó là một Giám mục sống ở thế kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus của thành Lyon, là vị mà ngài dự định tuyên bố là “Doctor unitatis”, nghĩa là “Tiến sĩ của sự hiệp nhất”.

Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố một Tiến sĩ Hội thánh: đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Trong một tông thư năm 1997 giải thích quyết định này, ngài lưu ý rằng nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp sống ở thế kỷ 19 “không chỉ là Tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội, mà còn là người gần gũi nhất với chúng ta theo thời gian”.

Ngài cũng phác thảo một số đặc điểm liên quan đến các Tiến sĩ Hội Thánh. Những điều này bao gồm “học thuyết lỗi lạc”, được ngài mô tả như một yêu cầu cơ bản. Bên cạnh đó còn có các yêu cầu khác như trở thành “người thầy đích thực về đức tin và đời sống Kitô,” giúp “mở rộng Nước Trời” và “học thuyết có tính phổ quát”.

Đức Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, sống sót sau thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo Hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

Là vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm, ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả các vị giáo hoàng trước đó cộng lại và đóng một vai trò quyết định trong sự sụp đổ của Khối Cộng sản.

Trong suốt gần 27 năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 thông điệp, 15 tông huấn và 45 tông thư, cũng như đưa ra hàng trăm bài phát biểu giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Các giám mục Ba Lan đã không coi Đức Gioan Phaolô II là Tiến sĩ Hội Thánh chỉ dựa trên các bài viết của ngài. Các ngài cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Đức Gioan Phaolô II; và vì lẽ này, các ngài cũng đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố người tiền nhiệm của ngài là vị Thánh bảo trợ của Âu Châu.

Trong một lá thư gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Gądecki viết: “Sự phong phú của triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II - được nhiều nhà sử học và thần học gọi là Gioan Phaolô II Vĩ đại - đến từ sự phong phú trong nhân cách của ngài - một nhà thơ, nhà triết học, nhà thần học, và thần bí, nhận ra bản thân trong nhiều chiều kích, từ mục vụ và huấn giáo, đến sự lãnh đạo của ngài đối với Giáo Hội hoàn vũ, cho đến chứng từ cá nhân của ngài về sự thánh thiêng của cuộc sống”.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục cũng đã viết thư cho các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, yêu cầu các ngài ủng hộ yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.
Source:Catholic News Agency

3. Giám Mục Trung Quốc ngủ đầu đường xó chợ, covid không chịu cắn, công an nhào vào cắn phụ

Sáng 26 tháng 10, công an Trung Quốc đã bắt giữ Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, (Shao Zhu-min - 邵祝敏) Giám Mục Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, và nói với giáo dân họ mời ngài đi “làm việc” từ “10 đến 15 ngày”.

“Làm việc” có nghĩa là thẩm vấn và ép buộc học tập ý thức hệ cộng sản. Lần nào công an Trung Quốc cũng nói đi làm việc trong thời gian ngắn nhưng tháng 5 năm 2017, ngài đã bị bắt và chỉ được thả ra sau 7 tháng bị đưa đi biệt tích.

Các tín hữu của giáo phận đã mời gọi tất cả các cộng đồng và Giáo Hội trên thế giới cầu nguyện cho vị Giám Mục của họ.

Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 58 tuổi, thuộc về cộng đoàn thầm lặng, không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận, nhưng ngài được Tòa Thánh công nhận là Giám Mục Ôn Châu.

Là một giám mục “thầm lặng”, trong thời gian bị bắt, ngài bị ép buộc phải gia nhập vào Hiệp hội Công Giáo Yêu nước. Nhưng Đức Cha Phêrô từ chối vì ngài khẳng định rằng trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc vào năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thẳng thừng phê phán Hiệp hội là “hoàn toàn không phù hợp với tín lý Công Giáo”.

Chính vì thế, Đức Cha Phêrô cũng được sự kính trọng của cộng đoàn công khai ở Ôn Châu. Giáo phận Ôn Châu có khoảng 130 nghìn tín hữu, với hơn 80 nghìn là thành viên của cộng đoàn thầm lặng. Hiện nay, toàn giáo phận có linh mục 70, chia đều giữa hai cộng đoàn. Trong nhiều thập niên, Giáo hội tại Ôn Châu đã bị chia rẽ. Nhưng trong vài năm trở lại hai cộng đoàn vẫn thường làm việc cùng nhau.

Tại Ôn Châu, ngay cả các linh mục chính thức cũng bị hạn chế và kiểm soát. Trong tháng các linh hồn các linh mục chính thức bị cấm không được viếng thăm lăng mộ của một số linh mục và giám mục thầm lặng, là những vị được mọi tín hữu kính ngưỡng; đặc biệt là phần mộ của các Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê (Lin Xili, 林锡黎) và Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Weifang 朱維芳). Đức Cha Giacôbê Lâm Tích Lê được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Ôn Châu năm 1999. Ngài bị cộng sản bắt giam cầm cho đến chết vào năm 2009. Đức Cha Vinh Sơn lên thay ngài, qua đời năm 2016. Mộ phần của hai vị thường xuyên bị phá phách.

Các vụ bắt cóc Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn gần như có thể tiên đoán được. Chúng luôn xảy ra vào trước các giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của cộng đồng Công Giáo: Giáng sinh, Phục sinh, và bây giờ là tháng 11, tháng cầu nguyện cho người chết.

Trong một diễn biến khác, Trung tâm Thánh Linh của Hương Cảng cho biết Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) vừa bị một nhóm người lạ mặt không rõ tung tích tấn công tại Mân Đông, Phúc Kiến. Ngài được tường thuật là chỉ bị thương nhẹ.

Ngay trước khi đại dịch coronavirus bùng phát, ngài đã bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và ngủ lang thang đầu đường xó chợ. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cho biết cụm từ “ngủ lang thang đầu đường xó chợ” cần phải được hiểu theo nghĩa đen của từ đó. Thật vậy, tháng Giêng, 2020, bọn cầm quyền gắn một tấm bảng phía trước Tòa Giám Mục giải thích rằng tòa nhà không tôn trọng các quy định về phòng chống cháy nổ và do đó phải bị đóng cửa, mặc dù tòa nhà đã được xây dựng với tất cả các giấy phép cần thiết hơn 10 năm trước. Trên thực tế, hoạt động của công an cộng sản là một dấu chỉ bách hại ra mặt và là một nỗ lực nhằm gây áp lực với Đức Giám Mục và các linh mục của ngài vì các vị đã từ chối không chịu gia nhập vào một Giáo Hội độc lập với Vatican.

Từ đó, Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, nguyên giám mục bản quyền của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区). Dù lang thang như thế, ngài vẫn không bị covid cắn, nên công an Trung Quốc phải giả dạng côn đồ cắn phụ.
Source:Asia News