Ngày 26-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 27/10: Hai yếu tố quan trọng để giữ đạo: Vâng Lời & Can Đảm – Lm. Phêrô Hoàng Kim Huy, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:30 26/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”

Đó là lời Chúa
 
Đừng để mình hụt hẫng trước khi quá muộn
Lm. Minh Anh
05:29 26/10/2022

ĐỪNG ĐỂ MÌNH HỤT HẪNG TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”.

E. M. Bounds nói, “Điều mà Giáo Hội cần ngày nay không phải là máy móc nhiều hơn hoặc tốt hơn, không phải là các tổ chức mới hay nhiều phương pháp mới, nhưng là những con người mà Thánh Thần có thể sử dụng - những người đi con đường hẹp Giêsu, những con người cầu nguyện. Thánh Thần không chảy qua các phương pháp, nhưng qua con người; không sử dụng máy móc, mà là con người; không xức dầu các kế hoạch, nhưng là những con người! Những con người cầu nguyện! Vì thế, bạn ‘đừng để mình hụt hẫng trước khi quá muộn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn ‘đừng để mình hụt hẫng trước khi quá muộn!’. Ý tưởng của E. M. Bounds được gặp lại qua Tin Mừng hôm nay, khi ai đó đã bất ngờ đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi, “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”, một câu hỏi đáng sợ! Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, Ngài đưa ra một lời khuyên, “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”; nghĩa là hãy nỗ lực! ‘Đừng để mình hụt hẫng trước khi quá muộn!’.

Phải chăng sợ rằng, câu trả lời của Ngài sẽ khiến nhiều người nản lòng, vì cửa sẽ đóng bất ngờ, nên xem ra, Chúa Giêsu có phần tránh né; nhưng bù lại, Ngài động viên; đồng thời, nhấn mạnh đến khó khăn của thành công. Bảo rằng, “Hãy chiến đấu!” khác nào nói đến nỗ lực. “Nỗ lực” là từ khoá, vì rõ ràng, nhiều người sẽ cố gắng vào, nhưng thất bại, vì cánh cửa quá hẹp! Cửa hẹp, một hình ảnh có thể khiến nhiều người lo sợ, như thể sự cứu rỗi chỉ dành cho “một số ít” được chọn, hoặc cho những người hoàn hảo. Thế nhưng, không phải vậy, vì điều này sẽ mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy và thực tế là, trước đó không lâu, Ngài nói, “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Do đó, cửa này tuy hẹp, nhưng vẫn rộng mở cho tất cả mọi người. Đừng quên điều này, cho tất cả mọi người!

Ngày nay, ai cũng thích số liệu chính xác, chúng ta muốn câu trả lời về số người được chọn rạch ròi là bao nhiêu phần trăm; vậy mà, Chúa Giêsu cho biết, sẽ nhiều hơn “một số ít” và khả năng số người thất bại là thực tế. Ai sẽ thất bại? Có thể, đó là những người không coi trọng Ngài; những người không đủ nỗ lực; những người yêu một điều gì đó hơn yêu Ngài. Nói cách khác, nhiều người sẽ thất bại… đó là những con người không để cho Thánh Thần sử dụng. Từ đó, chúng ta có thể tự hỏi. Vậy, niềm tin Kitô của tôi có thể không vững như tôi nghĩ? Nhiều người cho rằng họ đã làm đủ, nhưng rồi đây, sẽ ngạc nhiên khi biết, chưa đủ thiếu gì cả. Họ nghĩ, niềm tin của họ là mạnh, nhưng không đúng. Họ nói với Chúa Giêsu, đã ăn uống với Ngài, rước lễ mỗi Chúa Nhật; bao lần nghe Ngài giảng, hoặc đã đóng góp nhiều cho quỹ chung… nhưng tất cả đó sẽ không đủ! Vậy hãy coi chừng, ‘đừng để mình hụt hẫng trước khi quá muộn’.

Anh Chị em,

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”. Cửa hẹp không phải là một cái gì, một nơi nào đó; nhưng cửa hẹp là ‘một Ai đó!’. Cửa hẹp chính là Chúa Giêsu! Vào qua cửa hẹp Giêsu có nghĩa là chúng ta phải ôm lấy cái Chúa Giêsu ôm, đi con đường Chúa Giêsu đi, yêu lấy điều Chúa Giêsu muốn với cả trái tim và ý chí. Điều này đòi hỏi mỗi người không ngừng đặt Ngài làm điểm quy chiếu của đời mình và không ngừng chết đi ý riêng và những lối đi tầm thường, những lối đi khiến chúng ta ‘ít người’ hơn. Ôm lấy Giêsu là ôm lấy giáo huấn của Ngài, là đi xuống con đường hẹp yêu thương, phục vụ; con đường làm vui lòng Chúa Cha và cúi mình phục vụ anh chị em. Con đường của Ngài còn là con đường tự hạ đến nỗi chết trên thập giá. Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô nhắn nhủ chúng ta sống tùng phục yêu thương. Con cái, tôi tớ yêu thương tùng phục chủ nhân hoặc cha mẹ; cha mẹ và chủ nhân yêu thương con cái và bề dưới của mình. Vì “Thiên Chúa không thiên vị ai!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dẫn con vào cửa hẹp Giêsu, ở đó thiên đàng rộng mở cho con không chỉ mai ngày, nhưng ngay hôm nay, ‘lúc này và ở đây!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Sức mạnh hoán cải của tình thương
Lm. Đan Vinh
05:34 26/10/2022

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C
Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11-2,2; Lc 19,1-10.
SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 19,1-10
(1) Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Da-kêu. Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. (5) Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” (8) Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (9) Đức Giê-su nói với ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

2. Ý CHÍNH :
Bài Tin mừng hôm nay nhằm chứng minh Đưc Giê-su là Đấng Thiên Sai, với sứ mệnh “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”. Cụ thể là ông Da-kêu thủ lãnh các người thu thuế ở Giê-ri-khô, nhờ gặp được Đức Giê-su nên đã được ơn hoán cải. Do thành tâm đi tìm, nên ông đã gặp được Người và được Người ưu ái đến ở trọ tại nhà ông. Trước tình thương của Đức Giê-su, ông đã quyết tâm hoán cải, thể hiện qua việc tình nguyện quảng đại chia phân nửa gia sản phân phát cho người nghèo và sẵn sàng đền bù cho những người đã bị ông làm thiệt hại trước đây.

3. CHÚ THÍCH :
- C 1-4 : + Đức Giê-su vào thành Giê-ri-khô và đi ngang qua thành : Giê-ri-khô là một thành phố cách Giê-ru-sa-lem 37 cây số. Có hai thành Giê-ri-khô : Một thành cũ đã bị ông Gio-su-ê phá huỷ, và một thành mới do vua Hê-rô-đê xây dựng cách nơi cũ không xa. + Có một người tên là Da-kêu : Tên Da-kêu nghĩa là “Người trong sạch”. Ong đứng đầu ngành thu thuế tại thành Giê-ri-khô, nên bị người Do thái liệt vào hạng người tội lỗi.
- C 5-7 : + Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi. Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” : Đức Giê-su đã biết rõ về con người của Da-kêu trước khi ông gặp Người. Người đã nhìn thấy ông giữa muôn người, biết tên và công khai gọi tên ông. Nhất là Người còn đến ở trọ tại nhà của ông. + Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người : Cảm động trước tình thương và sự ưu ái quan tâm của Đức Giê-su, ông Da-kêu vội vàng tụt xuống khỏi cây sung và đón rước Người về nhà. Da-kêu chỉ muốn thấy mặt Đức Giê-su, nhưng ông lại được Người thương đến ở trọ tại nhà của ông. Lòng ưu ái của Người vượt quá sự mong ước của ông. + Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !”: Theo quan niệm của người Do thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng trở nên ô uế và bị khiển trách (x. Lc 5,30). Ở đây, Đức Giê-su không những đã tiếp xúc nói chuyện, mà còn đến ở trọ tại nhà của ông trưởng ngành thu thuế Da-kêu, nên không tránh khỏi sự xầm xì phản đối của đám đông. Qua hành động này, Đức Giê-su cho thấy sứ vụ của Người là đi tìm và cứu chữa những người tội lỗi mà Da-kêu là đại diện.
- C 8-10 : + Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo... : Cảm động trước tình thương của Đức Giê-su, Da-kêu đã biểu lộ quyết tâm hoán cải qua việc đền bù những tội lỗi trước đó. Ông tự nguyện chia nửa tài sản để phân phát cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra, trong khi Luật Mô-sê chỉ buộc đền gấp bốn cho tội trộm chiên mà thôi (x. Xh 21,37). + Hôm nay Ơn cứu độ đã đến cho nhà này : Nhờ sự hiện diện của Đức Giê-su mà cả nhà ông Da-kêu đã được cứu độ. + Con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham : Do làm nghề thu thuế nên Da-kêu bị coi là kẻ tội lỗi không còn thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Nhưng khi ông đã hồi tâm sám hối, ông lại được Đức Giê-su trả lại quyền được làm con cháu của Tổ phụ Áp-ra-ham như trước. + Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất : Câu này cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su là đến để tìm kiếm và giúp những kẻ tội lỗi ăn năn sam hối để được cứu độ.

4. CÂU HỎI :
1) Tên Da-kêu nghĩa là gì?
2) Thiện chí của ông Da-kêu được biều lộ qua hành động nào?
3) Tại sao dân chúng lại trách Đức Giê-su về việc đến ở trọ tại nhà Da-kêu?
4) Tại sao ông Da-kêu lại được Đức Giê-su tuyên bố là con cháu Tổ phụ Áp-ra-ham và được cứu độ?
5) Câu nào nói lên sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

2. CÂU CHUYỆN :

1) NHỮNG KẺ KHỐN CÙNG (LES MISÉRABLES)
Đây là tựa đề một tác phẩm nổi tiếng của văn hào Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), tường thuật câu chuyện về cuộc đời của Văn Giang (Han Valjean), một tên cướp của giết người đã từng bị ở tù 19 năm. Khi vừa được thả ra, anh đã phải nếm mùi bị mọi người khinh dể xa lánh : Bước vào tiệm ăn, anh liền bị chủ tiệm xua đuổi; Vào trong nhà trọ thì người gác cửa đã đóng sập cửa ngay trước mặt; Đi qua ổ chó, thấy bộ dạng nhếch nhác râu ria của anh, chúng liền thi nhau sủa inh ỏi... Chỉ khi bước vào nhà Đức giám mục My-ri-ê, anh mới được tiếp đãi nồng hậu như một con người: Anh được ăn một bữa tối thật ngon, được nằm trên một chiếc giường êm ấm. Nhưng rồi đêm hôm ấy, nhìn thấy các chân đèn bằng bạc quí giá, anh không cưỡng nổi lòng tham, nên nhẹ nhàng lấy năm cái chân đèn cho vào bao chuồn mất. Nhìn thay bộ dạng khả nghi của anh, cảnh sát liền đòi khám xét chiếc túi vải anh đang vác trên vai và nhìn thấy mấy cái chân đèn bằng bạc. Anh liền bị giải đến trước mặt vị giám mục để làm rõ. Nhưng ngài không những không kết tội, mà còn nhận là đã tặng cho anh mấy cái chân đèn bạc kia. Hơn nữa, ngài còn tặng thêm hai chân đèn nữa cho đủ bộ và nói nhỏ với anh : “Ta không kết tội con đâu, nhưng con phải sám hối để làm lại cuộc đời”. Sau khi được thả, anh luôn suy nghĩ về những lời nhắn nhủ của vị giám mục và xúc động trước tình thương bao dung của ngài. Anh quyết tâm sám hối và sau đó đã trở thành một người lương thiện. Nhiều năm sau, Văn Giang đã chinh phục được tình cảm của mọi người và còn được dân chúng tín nhiệm bầu làm thị trưởng của thành phố. Sở dĩ ông từ một tên tội phạm trở thành mot người lương thiện và được kính nể là do ông đã cảm nghiệm được tình thương của vị giám mục My-ri-ê.

2) SỨC MẠNH HOÁN CẢI CỦA TÌNH THƯƠNG :
Trong thiền viện của thiền sư SĂNG–GAI (Sengai) có nhiều đệ tử ở chung. Một đệ tử của vị thiền sư có thói quen thỉnh thoảng nửa đêm leo tường ra ngoài đi chơi với chúng bạn mãi đến gần sáng mới quay lại thiền viện. Một đêm kia, thiền sư Săng-gai đi kiểm tra, thấy một chiếc giường trống, rồi còn thấy một chiếc ghế cao để cạnh bức tường phía bên trong thiền viện. Thiền sư liền dời chiếc ghế kia sang chỗ khác và đứng thế vào chỗ đó. Khi anh đệ tử kia quay về, do không thấy thiền sư đang đứng thế chiếc ghế mọi khi, anh ta đã đặt bàn chân lên đầu thầy Săng-gai làm điểm tựa trước khi nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra sự thể thì anh cảm thấy sợ hãi. Nhưng thay vì trách phạt, thiền sư lại mỉm cười nhỏ nhẹ nói với anh rằng : “Trời về sáng đang trở lạnh. Con mau vào phòng mặc áo ấm vào kẻo bị cảm lạnh nhé !” Cảm động trước tấm long từ bi và tình thương khoan dung của thầy, từ ngày đó người đệ tử kia không bao giờ còn dám tái phạm trèo tường đi chơi nữa. Anh chuyên cần học tập và về sau trở thành một học trò giỏi của thiền sư Săng-gai.

3) SỨC MẠNH CỦA LÒNG SÁM HỐI :
Công tước D’OSSOME, phó vương xứ Napoli, nước Ý, Một hôm đi thị sát chiến thuyền Galère do một đội nô lệ ngồi chèo. Họ vốn là các tội nhân nặng bị án khổ sai chung thân. Khi gặp mặt công tước, các tù nhân ai cũng ca thán mình vô tội. Duy chỉ có một tù nhân ở góc phía xa là ngồi cúi đầu không nói một lời. Công tước liền bước đến bên và dịu dàng hỏi han. Anh nói : Thưa ngài, tôi chịu phạt xứng với tội tôi đã phạm và tôi chẳng có gì để bào chữa. Công tước quay sang nói với mọi người đi theo : “Người này đúng là một phạm nhân, anh ta không xứng đáng ngồi chung với những kẻ vô tội. Ta ra lệnh trục xuất tên này ra khỏi nơi đây”. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành hối lỗi mà người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ.

3. THẢO LUẬN :
1) Trong các chuyện trên bạn thích câu chuyện nào nhất? Tại sao?
2) Tuần này mỗi người chúng ta sẽ làm gì cụ thể để giúp một tội nhân được ơn hoán cải nên lương thiện hơn?

4. SUY NIỆM :
Tin mừng Lu-ca Chúa nhật hôm nay thuật lại câu chuyện hoán cải của ông Da-kêu làm nghề thu thuế. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với bọn trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, do làm thu thuế phục vụ đế quốc Rôma, nên họ bị dân Do thái đồng hóa với bọn tội phạm và bị khinh dể. Nhưng Đức Giê-su lại có cách hành xử khác đối với những người thu thuế này. Tin mừng hôm nay cho thấy: Người đã gọi đích danh ông Da-kêu, đã đến ở trọ trong nhà ông và còn ngồi đồng bàn ăn uống chung với ông. Việc đó khiến dân chúng có mặt xầm xì phản đối. Tuy nhiên qua lối hành xử như thế, Đức Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì bị hư mất”. Cảm động rrước tấm lòng bao dung nhân hậu của Đức Giê-su, ông Da-kêu đã nhìn nhận tội lỗi và quyết tâm sám hối để được nên công chính.

1) “NÀY ÔNG DA-KÊU XUỐNG MAU ĐI” :
Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng ở thành Giê-ri-cô. Ông là trưởng ban thu thuế của thành phố này. Dĩ nhiên nếu chỉ là nhân viên làm việc ăn lương thì chắc ông đã không thể giàu có như vậy được. Sở dĩ ông có nhiều tiền là do gian lận móc ngoặc với gian thương trong việc thu thuế. Mọi người đều nhìn Da-kêu như một tội phạm đáng khinh, và chính ông cũng cảm thấy lương tâm bất an. Nghe tin Đức Giê-su sắp đi qua khu vực gần nhà, Da-kêu liền chạy tới gần để nhìn xem mặt Người. Nhưng dân chúng quá đông mà Da-kêu lại lùn thấp, nên ông đã chạy về phía trước, trèo lên một cây sung, hy vọng sẽ nhìn thấy mặt Đức Giê-su khi Người đi ngang qua. Khi tới chỗ Da-kêu núp, Đức Giê-su dừng lại ngước nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Da-kêu không ngờ lại được Đức Giê-su ưu ái biết rõ tên và còn ngỏ ý muốn đến ở trọ tại nhà ông là một người tội lỗi ! Ông cảm thấy rất vui khi được Đức Giê-su phục hồi danh dự trước mặt đám đông luôn ác cảm và khinh dể ông. Còn Đức Giê-su cũng bỏ ngoài tai những lời xì xầm phản đối của nhiều người để đến ở trọ tại nhà một kẻ tội lỗi.
Ơn Cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ hai chiều : Thiên Chúa đi tìm và tội nhân tiếp nhận. Nếu Đức Giê-su không đi tìm tội nhân thì chẳng ai có thể được ơn cứu độ : “Vì chưng, Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Nhưng dù Đức Giê-su có đi tìm mà tội nhân lại né tránh, thì họ cũng không thể nhận được ơn cứu độ. Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giê-su đã đi bước trước khi nhìn lên cây sung tìm kiếm Da-kêu đang ẩn núp và nói chuyện với ông và ông đã mau chóng đáp lại. Cuối cùng ông và cả gia đình đã nhận được ơn cứu độ.

2) “NÀY ĐÂY PHÂN NỬA TÀI SẢN CỦA TÔI, TÔI CHO NGƯỜI NGHÈO...” :
Chính ánh mắt bao dung, lời nói âu yếm và thái độ yêu thương của Đức Giê-su đã đánh động tâm hồn chai lì của Da-kêu, thổi bùng lên ngọn lửa hướng thiện còn đang leo lét trong lòng ông. Quả thật, hoán cải là kết quả của một sự cảm nhận về tình yêu của Chúa. Da-kêu bỗng chốc cảm thấy tâm hồn hân hoan và không còn yêu thích tiền bạc như trước. Ông đã sẵn sàng hiến phân nửa tài sản chia cho người nghèo, đồng thời tự nguyện đền trả gấp bốn những thiệt hại đã gây cho kẻ khác. Xin đền gấp bốn nghĩa là Da-kêu nhận biết tội của ông quá nặng và quyết tâm thực thi công bình bác ái. Dù Da-kêu đã trở nên nghèo hơn, nhưng ông lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì đã được Đức Giê-su yêu thương đến ở trọ tại nhà ông và ban ơn cứu độ cho cả gia đình ông. Người còn trả lại cho ông tư cách là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham giống như bao người Do thái lương thiện khác khi phán : "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham" (Lc 19,9). Trong bữa tiệc vui hôm đó, tuy không còn giàu có như trước, nhưng Da-kêu đã cảm thấy hạnh phúc hơn. Chắc chắn thân thể ông vẫn còn lùn thấp như trước, nhưng tâm hồn ông đã hóa nên cao thượng hơn gấp bội phần.

3) HOÁN CẢI CẦN SỰ TỪ BỎ :
- Bất cứ một cuộc hoán cải nào cũng đòi phải có sự từ bỏ: Một người lương muốn theo đạo Công Giáo thì phải từ bỏ ma quỉ, bỏ các điều mê tín dị đoan, các đam mê tội lỗi… để chỉ tin thờ một Thiên Chúa và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su Ki-tô. Một người mắc thói xấu cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách… muốn hồi tâm sám hối cũng phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư ấy. Một người buôn gian bán lận, muốn hoán cải quay về với Chúa cũng phải từ bỏ lối làm ăn gian dối ấy…
- Con tim của Da-kêu đã được hoán cải nhờ sự quan tâm và đối xử nhân hậu của Đức Giê-su. Thi hào người Đức Goethe (1749-1832) đã viết như sau : "Nếu đối xử với một người như “người ấy là”, thì người ấy sẽ trở nên xấu hơn. Nếu đối xử với người ấy như “người ấy phải là”, hoặc như “người ấy muốn là”, thì người ấy sẽ trở nên tốt hơn".
- Đức Giê-su hiểu rằng trong tâm hồn Da-kêu còn có phần tốt, muốn làm điều tốt và có khả năng làm điều tốt, nên Người đã khơi phần tốt ấy lên. Mỗi người chúng ta cũng hãy tự hoán cải bằng cách để Đức Giê-su quan tâm đến ta, nói với ta, đến ở trọ trong lòng ta và đánh động con tim của ta để biết quay về với Chúa.

4) HIỆN NAY VẪN CÒN NHIỀU DA-KÊU :
- Da-kêu tượng trưng cho những người bị khinh thường và loại trừ như : những kẻ mang tiền án tiền sự, những trẻ bụi đời lang thang không nhà, những cô gái đứng đường đón khách lúc đêm tối, những người nghiện sì-ke ma túy, những người đi tìm lạc thú trong những quán bia ôm, mượn rượu để giải sầu... Họ cần những trái tim bao dung nhân ái như Đức Giê-su để giúp hoàn lương như Da-kêu trong Tin mừng hôm nay. Vậy trong những ngày này chúng ta có thể làm gì để giúp họ quay về với Chúa?
- Da-kêu cũng là hình ảnh mỗi người chúng ta : Chúng ta thường nghĩ mình chẳng làm gì nên tội: không giết người, không gian dâm, không trộm cắp… Tuy nhiên hãy coi chừng ! Tội vì làm điều ác thì có thể chúng ta không mắc phải. Nhưng tội vì bỏ không làm điều tốt giúp đỡ tha nhân thì chẳng ai dám nghĩ mình không phạm. Vậy thì chúng ta cũng hãy noi gương Da-kêu đi tìm Chúa để nhận được ơn Chúa giúp hoán cải.

5. NGUYỆN CẦU :

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Ngày nay Chúa vẫn thường đến với chúng con trong hình hài của những người nghèo khó ăn xin, những bệnh nhân liệt giường không tiền chữa trị, những người đau khổ cần được ủi an. Chúa cần chút nước giếng của người phụ nữ Sa-ma-ri cho đã khát; Cần năm chiếc bánh và hai con cá của một bé trai dâng hiến để nhân ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no; Cần căn nhà của Da-kêu để nghỉ qua đêm... Chúa khiêm tốn xin chúng con một chút tiền bạc, một chút lòng hảo tâm, một chút sự thương cảm... để sau đó Chúa lại đổ xuống muôn ngàn phúc lộc thiêng liêng gấp bội.

- LẠY CHÚA. Xin dạy chúng con biết đến với tha nhân, biết khám phá ra đốm lửa của sự thiện còn đang cháy leo lét nơi tâm hồn những người lạc xa Chúa. Ước gì chúng con biết nhìn các tội nhân bằng ánh mắt nhân từ bao dung của Chúa, dám hy vọng vào thiện chí hoán cải của họ, và kêu gọi mọi người cùng hợp tác để xua tan cái xấu cái ác ra khỏi gia đình, khu xóm, trường học, và công sở... Nhờ đó, thế giới hôm nay sẽ được biến đổi ngày một nên tốt hơn, chan hòa tình người hơn và an bình hạnh phúc hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Thiên Chúa là Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:17 26/10/2022
Thiên Chúa là Tình Yêu

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXXI Năm – C

(Lc 19, 1-10)

Thiên Chúa là Đấng nhân hậu từ bì, Ngài là Tình Yêu, Ngài đã tạo dựng vũ trụ muôn loài muôn vật trong tình yêu, đặc biệt là con người. Ngài đã sáng tạo giống hình ảnh mình, truyền khí sống khi hà hơi của chính mình cho con người được sống. Nhưng rồi con người sa vòng tội lỗi, Thiên Chúa không đành để mặc con người. Ngài không vui gì khi con phải bị diệt vong. Ngài đã cứu chuộc con người bằng một tình yêu vấn vương tạo dựng. Ngài không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giầu. Thiên Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt.

Thiên Chúa yêu thương hết mọi loài

Những lời của tác giả sách khôn Ngoan sau đây đã minh chứng điều trên khi viết : “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó.

Nếu Chúa không ưng, thì làm sao một vật có thể tồn tại được? Hoặc vật gì Chúa không kêu gọi, thì làm sao nó duy trì được? Nhưng Chúa dung thứ hết mọi loài: vì chúng thuộc về Chúa” (Kn 11, 23 - 12, 2 (Hl 11, 22 - 12, 1).

Con cái Isael vui khi thấy Môisen giết một người Ai Cập, nhưng lại sốt ruột trược sự trầm trễ trừng phạt vua Pharaô và người Ai Cập của Thiên Chúa. Họ hỏi nhau : Sao Thiên Chúa chậm chạp như vậy chứ? Tại sao không dùng các biện pháp mạnh và quyết liệt đối với Pharaô mà còn nương tay với dân Ai Cập? Chúa của Môsê dường như không dứt khoát đủ? Sao Người không cho quyền Môsê làm những dấu lạ điềm thiêng mau lẹ đi?

Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Ngài dựng lên mọi sự vì yêu mến. Chính tình thương của Ngài ban cho mọi loài được hiện hữu và bảo tồn mọi loài trong hiện hữu... Không gì xuất hiện và tồn tại được nếu Ngài không muốn và không thương. Thế nên, kẻ dữ còn đó là vì tình thương của Thiên Chúa. Ngài không muốn ghét bỏ những gì Ngài đã tạo ra. Ngài yêu sự sống chứ không thích sự chết. Làm cho mọi vật sống là bản tính tự nhiên của Thiên Chúa. Còn tiêu diệt vật nào là việc Ngài chẳng thích. Bởi vậy, thái độ của Ngài có vẻ thong thả. Ngài muốn sửa dạy mọi kẻ sa ngã để chúng trở lại mà được sống. Không phải Thiên Chúa yếu thế. Nhưng chính vì toàn năng phép tắc mà Thiên Chúa yêu thương hết mọi loài.

Vì yêu thương nên đến tìm kiếm điều đã mất

Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu và hay tha thứ, muốn cứu độ hết thày mọi người. Người là ơn cứu độ Thiên Chúa gửi đến cho loài người. Người thực hiện những điều mà sách Khôn Ngoan đã viết. Tác giả sách này chỉ biết rằng: Thiên Chúa vì toàn năng và nhân ái sẽ làm cho tội nhân trở lại. Nhưng thế nào và nhờ ai, thì chúng ta phải chờ đến khi thấy Ðức Giêsu xuất hiện. “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất” (Lc 19, 9-10).

Chúa Giêsu : “Đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Giakêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Giakêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông : “Giakêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).

Chúa thương xót mọi loài, và yêu thương mọi tạo vật (x.Kn 11,21-26). Thương xót đến độ “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Giakêu trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).

Ðã đành, Giakêu cũng có công... ông đã muốn xem thấy Chúa và đã trèo lên cây cao, và nhất là ông đã thành tâm trở lại. Nhưng nếu Chúa đã không nhìn và gọi ông, nếu Người không đoái ngụ lại nhà ông, thì đã chẳng có câu chuyện hôm nay. Tất cả đều do Chúa, nhờ lòng thương của Người và bởi sáng kiến của Người. Ðó mới thật là ý nghĩa.

Nhìn nhau với cặp mắt của Thiên Chúa

Thiên Chúa nhìn con người với cái nhìn tình yêu, phủ lấp muôn vàn tội lỗi và thành kiến. Ngài nhìn con người không dừng lại sự ác đã qua, nhưng nhìn thấy điều thiện tương lai; Thiên Chúa không dừng lại ở những gì bên ngoài, nhưng nhìn thấu tận con tim. Thiên Chúa không bị chặn đứng vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài vượt thắng tội lỗi nhờ tình thương và làm cho chúng ta tưởng nhớ điều thiện. Thiên Chúa là Cha đang làm như vậy, và cả Chúa Giêsu cũng thế. Không có người nào không có điều gì là tốt, Ðó là điều mà Thiên Chúa ngắm nhìn.

Xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt nơi những người chúng ta gặp mỗi ngày, để tất cả chúng ta được khích lệ làm trổi lên hình ảnh mà Thiên Chúa đã in vào tâm hồn họ. Như thế chúng ta có thể vui mừng vì những điều lạ lùng của Thiên Chúa là Chúa chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 26/10/2022

17. Giọng nói hơi thở có mùi hôi là bằng cớ bao tử bị hư hoại; dễ nói lời châm biếm người khác là bằng cớ trong lòng bại hoại; trong tâm không có đức ái thì miệng chỉ nói lời làm thương tổn người khác.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 26/10/2022
34. SAU BUỔI TRƯA

Cứ như thế ngồi sau khung cửa sổ, sách mở trên bàn, giấy nháp để bên tay, nhưng trong đầu không có một chữ quan trọng nào nhảy ra, và bạn cũng không muốn chạm bất cứ một giây thần kinh hoặc tế bào nào.

Bởi vì trước khung cửa sổ, núi hiện ra với trời xanh lam, núi xanh như xanh thẳm, ánh sáng mặt trời như một thác nước từ trời trút xuống, khe núi như một mảng thủy tinh sáng, bạn tựa hồ như có thể cảm nhận được những giọt nước đập vào mặt bạn rất đau. Trong lòng có một cảm giác muốn nói mà nói cũng không rõ ràng, rất ôn nhu, rất tinh tế, rất uyển chuyển, có vẻ như có thể nhập vào thơ và có thể phổ nhạc, hoặc là có thể tương tự như một loại rượu.

Bạn có cảm giác mơ hồ nên bắt tay vào việc, nên đi làm một việc gì đó có ý nghĩa. Thời gian rất quý và không nên lãng phí, điều này bạn đều biết rõ, nhưng giống như đối diện với người tình không thể kêu la cự tuyệt, bạn hết cách giãy giụa và cũng không muốn giãy giụa, chỉ là tự mình buông thỏng bừa bãi, là để cho cuộc sống cái gì cũng không vì nó mà chảy ra, chảy thành một giòng suối của nó, đẹp hoặc là không đẹp.

Sau buổi trưa nắng đẹp này, kéo dài cái yên lặng vô biên này ra, từ trước khung cửa sổ, từ trong đáy lòng.

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 34:

Buổi trưa không ai làm việc cả, vì đó là giờ của nghỉ ngơi sau nửa ngày làm việc, và để lấy sức cho nửa ngày làm việc tiếp theo, hình như đó là quy luật của tự nhiên mà ai cũng thấy rõ, chỉ có những người làm việc theo giờ thì không kể.

Nhưng có những con người lòng đầy ắp tinh thần phục vụ đang làm việc không kể ngày giờ trong các bệnh viện, trong trại dưỡng lão, trong các trung tâm cai nghiện và tất bật lo lắng tiếp tế cho những nơi bị cách ly vì dịch covid-vuhan. Họ là những người tự nguyện phục vụ không công, không ăn lương nhà nước, bởi vì lương thực và năng lượng giúp họ làm phục vụ chính là tình yêu của Đức Chúa Giê-su, chính nơi tình yêu này mà họ nhận ra được Đức Chúa Giê-su nơi các bệnh nhân, nơi những người bất hạnh, và vui vẻ phục vụ, họ không có thời gian để dạo phố ngắm cảnh đẹp, nhưng họ ngắm nhìn Đức Chúa Giê-su rất đẹp nơi những người mà họ đang phục vụ.

Có những linh mục quên cả bữa cơm trưa và giờ nghỉ trưa để đi xức dầu bệnh nhân, quên cả giờ giấc để đi cho nhanh đến với người hấp hối đang ở trong bệnh viện phòng cách ly, các ngài không có giờ cho mình để ngắm cảnh núi non đẹp như bức tranh, nhưng các ngài ngắm nhìn tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa nơi các bệnh nhân, đó là linh hồn của họ, và nhờ các ngài mà linh hồn của người hấp hối được bình an diện kiến nhan thánh Chúa.

Lợi dụng thời gian sau buổi trưa để làm việc thiện, bác ái, phục vụ, thì đó là thời gian đẹp nhất của cuộc sống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vượt quá sự đe dọa
Lm. Minh Anh
22:22 26/10/2022
VƯỢT QUÁ SỰ ĐE DOẠ

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”.

“Cụm từ “tước vũ khí” hay “giải giới” phát xuất bởi một từ Hy Lạp, “Apekoyo”, có nghĩa là “cởi bỏ hoàn toàn và làm cho bất lực”. Trên thập giá, Chúa Kitô đã tước vũ khí của Satan, khiến sức mạnh của nó trở nên bất lực. Vì thế, giờ đây, trước những kẻ chống đối, quấy nhiễu và đe doạ vì danh Chúa, bạn và tôi không cần phải sợ hãi, nhưng có thể ‘vượt quá sự đe doạ!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn và tôi không cần phải sợ hãi, nhưng có thể ‘vượt quá sự đe doạ!”. Ý tưởng thần học trên được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Sẽ rất thú vị, khi chúng ta xét xem hành động của Chúa Giêsu và hành động của giới biệt phái, những kẻ chỉ muốn hại Ngài. Phải chăng những người Pharisêu này lo lắng cho Chúa Giêsu? Chắc là không; ngược lại, họ đang cảnh báo Ngài về cơn thịnh nộ của Hêrôđê như một cách để đe doạ Ngài rời khỏi địa hạt của họ. Tất nhiên, Chúa Giêsu không nao núng trước những lời đe doạ đầy dã tâm đó; Ngài ‘vượt quá sự đe doạ!’.

Trong cuộc sống, một đôi khi, chúng ta cũng trải qua những điều tương tự. Chẳng hạn, có ai đó, có thể đến, kể cho chúng ta một số chuyện liên quan dưới chiêu bài giúp đỡ, trấn an; đang khi thực tế, đó chỉ là một cách đe doạ tinh vi khiến chúng ta phải lo lắng và sợ hãi. Ở đây, điều quan trọng là chúng ta sẽ chọn cách phản ứng như Chúa Giêsu khi đối mặt với sự ngu xuẩn và ác ý của người khác. Không nhượng bộ trước lời đe doạ, Ngài ‘vượt quá sự đe doạ’. Ngài không hề bận tâm đến ác ý của Hêrôđê; đúng hơn, Ngài đã trả lời cho những kẻ muốn hại Ngài theo cách tuyệt vời nhất, rằng, “Đừng lãng phí thời gian của các bạn nhằm làm cho tôi sợ hãi hay lo lắng. Tôi đang làm công việc của Cha tôi và đó là tất cả những gì tôi phải quan tâm!”.

Vậy thì điều gì làm phiền lòng bạn trong cuộc sống; bạn bị đe dọa bởi điều gì? Bạn có cho phép những ý kiến, manh tâm hay những đàm tiếu của người khác làm cho bạn thất vọng? Như Chúa Giêsu, điều chúng ta nên quan tâm là làm theo ý muốn của Cha Trên Trời. Một khi tự tin làm theo ý muốn của Chúa Cha, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’; và Chúa sẽ ban sự khôn ngoan và can đảm để chúng ta quở trách mọi lừa dối và những đe doạ ngớ ngẩn trong cuộc sống mình.

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô khuyên chúng ta hãy tựa nương vào Chúa để được mạnh mẽ, “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Ngài. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ!”; vì “Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn”, như lời Thánh Vịnh đáp ca, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’ để có thể không ngừng yêu thương và tiếp tục yêu thương!

Anh Chị em,

“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!”. Một thông tin đầy ác ý đe doạ tính mạng mình ập đến; nhưng Chúa Giêsu đón nhận nó cách thanh thản và bình an. Tại sao? Bởi lẽ, xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã tự “cởi bỏ hoàn toàn và làm cho mình nên bất lực”. Ngài bằng lòng để quyền lực thế gian “tước mọi vũ khí”, hầu có thể đến gần, ôm lấy và chữa lành tất cả những ai bị quyền lực thế gian thống trị. Ngài đến với họ bằng lòng thương xót và tha thứ! Điều này lại không ‘vượt quá sự đe doạ’ sao? Cũng thế, là con cái được Ngài rất mực yêu thương của Thiên Chúa, bạn và tôi không để cho bất cứ thế lực nào đe doạ mình. Chúa Giêsu từng dạy, hãy biết nên sợ Đấng nào? May thay, Đấng ấy đang gìn giữ chúng ta như con ngươi mắt Ngài; giờ đây, Ngài đang bảo bọc chúng ta “như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh”. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta thanh thản đón nhận mọi bất ưng xảy đến cách bình an. Như Chúa Giêsu, chúng ta ‘vượt quá sự đe doạ’ và tiếp tục không ngừng yêu thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con xao động trước bất cứ đe doạ và manh tâm nào của bất cứ ai. Cho con khôn ngoan và can đảm ‘vượt quá sự đe doạ’ và không ngừng tiếp tục yêu thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tình yêu của một người mẹ cứu con trai mình khỏi tình trạng hôn mê bất tỉnh
Đặng Tự Do
05:40 26/10/2022


Cũng như nhiều người khác, được biết về câu chuyện tuyệt vời này, từ nhật báo Ý Avvenire, nghĩa là Tương Lai. Phóng viên Lucia Bellaspiga kể câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của một người mẹ để giúp con trai mình hồi phục, bất chấp sự hoài nghi ban đầu của các bác sĩ có thiện chí.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 3 tháng 7 năm 2016. Trời đã khuya, Christian Scaiola, 21 tuổi đang đi xe tay ga cùng một người bạn. Một chiếc xe phía trước đột nhiên dừng lại: Christian đập đầu về phía trước vào chiếc xe, rồi bật ra phía sau, đập vào mũ bảo hiểm của bạn mình - người bạn không bị xây xát một chút nào. Christian bị hai cú vào đầu như thế, gây chấn thương nặng.

Tờ Tương Lai, của Hội Đồng Giám Mục Ý, báo cáo rằng mẹ anh, lo ngại về việc anh về nhà chậm trễ, đã liên tục cố gắng liên lạc với anh qua điện thoại di động. “Nếu con tiếp tục không trả lời, mẹ sẽ thực sự bị chấn động!” bà viết, mà không biết rằng tiếng còi xe cứu thương bà nghe thấy ở đằng xa là dành cho anh.

Và đó là nơi cuộc hành trình bắt đầu - một cuộc hành trình tồi tệ, tăm tối với hy vọng mịt mù. Cuối cùng anh ta rơi vào trạng thái vô thức, từng được gọi là “thực vật” - một nhãn hiệu thường không tính đến các dấu hiệu của ý thức tối thiểu có thể có hoặc có thể xuất hiện ngay cả sau một thời gian dài.

Các bác sĩ cứu anh đã làm bất cứ điều gì cần thiết, một cách thận trọng: họ mở một phần hộp sọ của anh ta để giảm áp lực lên não của anh ta.

Tại bệnh viện San Gerardo ở Monza, anh ta dường như dần dần nhưng chắc chắn trượt về trạng thái không thể đảo ngược được, điều đó có nghĩa là chỉ có thể giữ anh ta sống nhưng bất tỉnh, duy trì một tình trạng sức khỏe có thể chấp nhận được mà không có triển vọng cải thiện.

Christian đã được cắt khí quản và đặt máy thở.

Các nhà thần kinh học, những người chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế này, có lẽ bị thuyết phục bởi các số liệu thống kê, đã không tin những gì mẹ anh ấy nói rằng bà đã thấy và nghe thấy: “Con trai tôi cử động một ngón tay khi tôi bóp tay nó.” Viviana nói với họ.

Tất nhiên, các bà mẹ được biết là những người không dễ dàng bỏ cuộc và luôn nhìn thấy sự tiến bộ và tài năng ở mọi nơi, ngay cả khi không ai khác có thể nhìn thấy bất cứ điều gì ở đó. Các bác sĩ có thể đã từ bỏ, nhưng các bà mẹ thì không.

“Ở Garbagnate có những bác sĩ và chuyên gia tâm lý giỏi, những người tuyệt vời,” bà nói với Avvenire, “Nhưng sau sáu tháng, họ nói với chúng tôi rằng không thể làm gì hơn và con trai tôi được chuyển đến Palazzolo Don Gnocchi, khu dành cho những người ở trạng thái thực vật. Nó có nghĩa là từ bỏ bất kỳ hy vọng cải thiện nào. “

Anh ấy sẽ ở lại 20 tháng tại cơ sở bên ngoài Milan.

Mỗi ngày của Christian bắt đầu ngày càng giống một bản sao của ngày trước đó, khi nhìn bề ngoài. Tuy nhiên, Viviana rất chăm chú, rất chú ý và bà ấy đã thấy dấu hiệu của sự tiến bộ.

Bà muốn đưa anh về nhà, nhưng khu chung cư của bà không có thang máy. Mọi người nghĩ rằng bà ấy bị điên - chắc chắn là điên vì tình yêu, nhưng vẫn vì lý trí. Có lẽ thay vào đó, bà là người duy nhất hiểu hết thực tại của con trai mình, người duy nhất tham gia vào một cuộc đối thoại bí mật và gần như không thể nhận ra với anh ta. Bà là người duy nhất tin rằng anh có thể trở về từ một nơi bí ẩn và xa xôi, mặc dù không hoàn toàn là không thể tiếp cận được.

Rồi một ngày, bà đặt một ít kẹo mềm cạnh giường con trai bà. Một điều phi thường đã xảy ra: bà để anh một mình trong phòng, và khi bà quay lại sau đó thì cục kẹo đã biến mất. Bà kết luận rằng anh ta đã ăn nó. “Không ai tin tôi, vì vậy tôi đã bí mật bắt đầu cho con tôi ăn một số thứ bằng miệng,” bà nói với Avvenire.

Bà đã có thể di chuyển đến một căn hộ khác nơi có thang máy, và các bác sĩ đã bịt lỗ thủng trên hộp sọ của con trai bà. Đối với Viviana, điều đó là đủ để bà đưa anh về nhà và bắt đầu lại. Bởi vì đó là những gì bà ấy đang làm, kể từ sau tai nạn của anh ấy: bà bắt đầu lại, đi từ khởi đầu mới đến khởi đầu mới, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, từ cột mốc nhỏ dường như không đáng kể này đến cột mốc khác. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng sự mệt mỏi vô cùng và sức mạnh mà bà ấy cần phải có để không hoàn toàn bỏ bê bản thân trong quá trình này.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2018, hai năm rưỡi sau vụ tai nạn, họ lại cùng nhau về nhà. Mẹ của anh ấy tự trả tiền cho một bác sĩ nắn xương, mặc dù bà đã nghỉ việc ở nhà để thực hiện một công việc đòi hỏi nhiều hơn trong việc chăm sóc con trai của mình.

Và cuối cùng Christian đã có thể nói, từ đầu tiên của anh ấy là “Mẹ”, như khi anh ấy còn nhỏ.

Nếu đây không phải là tái sinh, thì là gì?
Source:Aleteia
 
Một linh mục hối tiếc vì sai lầm của mình dẫn đến hơn 20 năm làm phép Rửa Tội không hợp lệ
Đặng Tự Do
05:41 26/10/2022


Cha Andres Arango, của Giáo phận Phoenix đã từ chức Cha sở của mình sau khi bị phát hiện là đã làm lễ rửa tội không hợp lệ trong hơn 20 năm qua. Giờ đây, Đức Giám Mục Thomas J. Olmstead đã tuyên bố rằng tất cả các phép rửa tội do Arango thực hiện đều không hợp lệ, điều này sẽ làm mất hiệu lực một số bí tích sau đó của những người chưa được rửa tội thành sự.

Sau khi được đào tạo tại một chủng viện ở Salvador, Brazil, Cha Arango được thụ phong vào năm 1995. Trong 27 năm tiếp theo, ngài đã giữ nhiều chức vụ khác nhau với tư cách là giáo sĩ ở Brazil và Hoa Kỳ. Những chức vụ này bao gồm Cha Sở, giáo viên, quản trị viên giáo xứ và giám đốc Trung tâm Newman của Đại học San Diego.

Giáo Phận giải thích rằng: Các vấn đề nảy sinh khi người ta thấy rằng Cha Arango đã sử dụng công thức không chính xác cho lễ rửa tội. Ngài thường nói “Chúng tôi làm phép Rửa Tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Sai lầm được đề cập là việc sử dụng từ “chúng tôi” thay cho “tôi”. Không phải là cộng đồng làm phép Rửa Tội cho một người và kết hợp họ vào Giáo hội của Chúa Kitô; đúng hơn, chính Chúa Kitô, và chỉ một mình Chúa Kitô, Đấng chủ trì mọi bí tích; do đó, chính Chúa Kitô làm phép rửa. Công thức của phép Rửa Tội luôn được bảo vệ vì lý do này: vì vậy rõ ràng là chúng ta nhận phép rửa của mình qua Chúa Giêsu chứ không phải qua cộng đồng.

Một trong những khía cạnh rắc rối nhất của vấn đề này là phép Rửa Tội không hợp lệ ảnh hưởng đến các bí tích khác. Cha Pius Pietrzyk, linh mục dòng Đa Minh, một luật sư dân sự và giáo luật đồng thời là giáo sư giáo luật tại Viện Nghiên cứu Đa Minh, giải thích như sau:

“Phép rửa tội là lối vào Giáo hội; không có phép rửa tội thì người đó không phải là Kitô hữu. Vì là bí tích đầu tiên, nên nó cần thiết cho tất cả các bí tích khác. Vì vậy, khi một người chưa được rửa tội thành sự thì các bí tích khác sau đó như Thêm Sức hoặc Hôn Phối cũng không có giá trị. Vì vậy, trong hai mươi năm qua cuộc sống bí tích của hàng trăm người đã bị vô hiệu hóa do sơ suất mục vụ thô thiển”.

Trên trang web của Giáo phận Phoenix, nơi giáo phận đã thiết lập một trang Câu hỏi thường gặp để biết thông tin về tình hình, giáo phận lưu ý rằng Rước lễ lần đầu không có giá trị về mặt kỹ thuật nếu không có phép rửa tội. Chỉ có thể có một lần “Rước lễ lần đầu”, vì vậy nếu bạn đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, ngay cả khi chưa được rửa tội, họ đã được Rước lễ. Tuy nhiên, giáo phận cảnh báo các tín hữu không được tiếp tục Rước Lễ cho đến khi họ được rửa tội.

Về phép Thêm Sức, mọi thứ không đơn giản như vậy. Bí tích Thêm Sức đòi hỏi một phép rửa hợp lệ. Vì vậy, bất cứ ai chưa được rửa tội hợp lệ thì phải được Thêm Sức lại. Điều này cũng có thể đúng đối với các cuộc hôn nhân, nhưng giáo phận thừa nhận rằng “có nhiều biến số và nhiều vấn đề khi nói đến các cuộc hôn nhân hợp lệ”. Giáo phận đã tuyên bố rằng các câu hỏi về các cuộc hôn nhân được thực hiện sau một lễ rửa tội không hợp lệ sẽ được phân tích theo từng trường hợp cụ thể. Một tuyên bố đại trà rằng phép Hôn Phối của những người chưa được rửa tội hợp lệ là vô hiệu có thể dẫn đến các thách đố đáng kể cho các gia đình đang có sẵn những vấn đề.

Giáo phận cũng hướng dẫn rằng những người mà các phép rửa tội đã bị vô hiệu không nhất thiết phải đi xưng tội. Vì lỗi lầm này không xảy ra do lỗi của các tín hữu, nên không có gì có thể tha thứ. Hơn nữa, giáo phận lưu ý rằng một khi họ nhận được phép rửa tội hợp lệ, tội lỗi của họ sẽ được xóa sạch.

Dù Cha Arango đã từ chức cha sở của giáo xứ của mình, ngài vẫn được coi là một linh mục có hạnh kiểm tốt. Ngài đang làm việc chặt chẽ với giáo phận để xác định tất cả những người mà ngài đã thực hiện các phép báp têm không hợp lệ.

Trong một lá thư xin lỗi do Giáo phận Phoenix công bố, ngài viết:

“Tôi rất buồn khi biết rằng tôi đã thực hiện các phép rửa tội không hợp lệ trong suốt sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục bằng cách thường xuyên sử dụng một công thức không chính xác. Tôi vô cùng hối hận về lỗi lầm của mình và điều này đã ảnh hưởng đến nhiều người trong giáo xứ của anh chị em và những nơi khác như thế nào. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và trong sự hiệp thông với Giáo phận Phoenix, tôi sẽ cống hiến năng lực và chức vụ toàn thời gian của mình để giúp khắc phục điều này và chữa lành những người bị ảnh hưởng.”
Source:Aleteia
 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô về biện phân, đối tượng của biện phân: sự phiền muộn
Vu Van An
14:17 26/10/2022


Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 26 tháng 10, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến sự phiền muộn như một đối tượng của biện phân. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, biện phân chủ yếu không phải là một thủ tục hợp luận lý; nó tập chú vào các hành động, và các hành động cũng có một hàm ý xúc cảm, điều này phải được nhìn nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Như vậy, chúng ta đi vào phương thức xúc cảm đầu tiên, đối tượng của sự biện phân, tức là sự phiền muộn. Nó có nghĩa gì?

Sự phiền muộn (desolation) được định nghĩa như sau: "Sự tối tăm của linh hồn, sự xáo trộn bên trong, sự thôi thúc hướng tới những điều thấp kém và trần thế, sự bồn chồn do nhiều kích động và cám dỗ khác nhau: do đó linh hồn nghiêng về sự ngờ vực, không có hy vọng và không có tình yêu, và linh hồn thấy mình lười biếng, lãnh đạm, buồn bã, như thể bị tách rời khỏi Đấng Tạo Dựng và Chúa của nó” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về nó. Tôi tin rằng bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã trải qua điều này, sự phiền muộn. Vấn đề là làm thế nào để đọc được nó, vì nó cũng có một điều gì đó quan trọng để nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng loại bỏ nó, chúng ta có nguy cơ đánh mất nó.

Không ai muốn trở nên phiền muộn, buồn bã: điều này đúng. Tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, ngoài việc không thể - bởi vì nó không thể - điều này cũng sẽ không tốt cho chúng ta. Thật vậy, sự thay đổi từ một cuộc sống có xu hướng chiều theo thói xấu có thể bắt đầu từ một tình huống buồn bã, hối hận về những điều người ta đã làm. Từ nguyên của chữ này, "hối hận", rất đẹp: sự hối hận của lương tâm, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hối hận: theo nghĩa đen, chính là lương tâm cắn rứt [trong tiếng Ý là mordere], không cho phép hòa bình. Alessandro Manzoni, trong cuốn The Betrothed, đã mô tả tuyệt vời cho chúng ta về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc đời của một con người. Đó là cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng Y Federico Borromeo và Người Vô Danh, người, sau một đêm khủng khiếp, đã cho thấy mình bị đánh bại bởi vị Hồng Y, người đã nói với anh ta bằng những lời đáng ngạc nhiên: “Bạn có một số tin tốt cho tôi; tại sao bạn lại ngần ngại nói nó ra? " Người kia nói, "Tin tốt?. Tôi đang có địa ngục trong linh hồn [...]. Hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết, nếu ngài biết, ngài có thể mong đợi tin vui nào từ một người như tôi”. “‘Thiên Chúa đã chạm vào trái tim bạn, và đang kéo bạn đến với chính Người’, vị Hồng Y đã trả lời một cách bình thản” (Ch. 23). Thiên Chúa chạm vào trái tim, và một điều gì đó đến với anh chị em trong nội tâm, nỗi buồn, sự hối hận về điều gì đó, và đó là lời mời gọi anh chị em khởi hành trên một nẻo đường mới. Người của Thiên Chúa biết cách nhận ra một cách sâu xa những gì đang chuyển động trong trái tim.

Điều quan trọng là học cách đọc được nỗi buồn. Tất cả chúng ta đều biết nỗi buồn là gì: tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta có biết làm thế nào để diễn giải nó? Chúng ta có biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với tôi không, nỗi buồn hôm nay đó? Trong thời đại của chúng ta, nó - nỗi buồn - thường bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh cần tránh bằng mọi giá, nhưng thay vào đó nó có thể là một hồi chuông báo động không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và màu mỡ hơn mà tính nhất thời và chủ trương thoát ly đời không cho phép. Thánh Tôma định nghĩa nỗi buồn như một nỗi đau của linh hồn: giống như dây thần kinh đối với cơ thể, nó chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích bị coi thường (xem Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì vậy, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta khỏi làm hại bản thân và những người khác. Sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều nếu không cảm thấy điều này, và cứ tiếp tục. Đôi khi nỗi buồn hoạt động như một đèn giao thông: “Dừng lại, dừng lại! Nó màu đỏ, kìa. Dừng lại".

Mặt khác, đối với những người mong làm điều tốt, nỗi buồn là một trở ngại kẻ cám dỗ dùng để mưu toan làm nản lòng chúng ta. Trong trường hợp này, người ta phải hành động theo cách hoàn toàn trái ngược với những gì đã được đề xuất, quyết tâm tiếp tục những gì người ta đã đặt kế hoạch để làm (xem Linh Thao, 318). Hãy nghĩ đến công việc, học hành, cầu nguyện, một cam kết đã được dấn thân: nếu chúng ta bỏ rơi chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, con đường dẫn đến sự tốt lành hẹp và dốc, nó đòi hỏi phải chiến đấu, tự chinh phục. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc hiến thân cho một công việc tốt lành, và kỳ cục thay, ngay lúc đó nhiều điều xuất hiện trong đầu đòi phải được làm gấp - để tôi không còn cầu nguyện hay làm việc thiện nữa. Tất cả chúng ta đều trải qua điều này. Điều quan trọng là đối với những ai muốn phục vụ Chúa, đừng để mình bị phiền muộn dẫn ra sai lạc. Và điều này... “Nhưng không, tôi không muốn, thật là nhàm chán…” - hãy cẩn thận. Thật không may, một số người quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc sự lựa chọn họ đã chọn, hôn nhân hoặc đời sống tu trì, bị thúc đẩy bởi sự phiền muộn, mà trước tiên không dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng phiền muộn. Chính thời gian sau đó, thay vì tâm trạng lúc này, sẽ cho thấy sự tốt đẹp hay cách khác của những lựa chọn của chúng ta.

Điều đáng lưu ý là trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đẩy lùi các cám dỗ với thái độ cương quyết (x. Mt 3:14-15; 4: 1-11; 16: 21-23). Các thử thách tấn công Người từ mọi phía, nhưng luôn luôn tìm thấy nơi Người sự kiên định, quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Cha, chúng đã thất bại và không còn cản trở con đường của Người nữa. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời điểm quan trọng, như Kinh Thánh nhắc nhở một cách minh nhiên khi nói: “Khi bạn đến để phục vụ Chúa, hãy chuẩn bị cho mình để đón thử thách” (Hc 2: 1). Nếu anh chị em muốn đi con đường tốt đẹp, hãy chuẩn bị cho mình: sẽ có trở ngại, sẽ có cám dỗ, sẽ có lúc buồn bã. Giống như khi một giáo sư kiểm tra một sinh viên: nếu ông ta thấy rằng sinh viên đó biết những điều cốt yếu của môn học, ông ta không nhấn mạnh: sinh viên đã vượt qua việc kiểm tra. Nhưng anh ta phải vượt qua việc kiểm tra.

Nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi cô đơn và phiền muộn bằng sự cởi mở và ý thức, chúng ta có thể thoát ra trong khi được củng cố về mặt nhân bản và thiêng liêng. Không thử thách nào nằm ngoài tầm với của chúng ta; không thử thách nào lớn hơn những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng trốn chạy thử thách: hãy xem xem thử nghiệm này có nghĩa gì, tôi buồn, điều này có nghĩa là gì: tại sao tôi buồn? Lúc này tôi đang ở trong trạng thái phiền muộn, điều này có nghĩa gì? Tôi đang ở trong tình trạng phiền muộn và không thể tiếp tục, điều này có nghĩa gì? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị cám dỗ ngoài khả năng của mình, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (x. 1Cr 10,13). Và nếu chúng ta không vượt qua được ngày hôm nay, chúng ta đứng dậy vào lúc khác, chúng ta bước đi và chúng ta sẽ vượt qua nó vào ngày mai. Nhưng chúng ta không được chết dí - có thể nói như vậy - chúng ta không được tiếp tục bị đánh bại bởi một khoảnh khắc buồn bã, phiền muộn: hãy tiến về phía trước. Xin Chúa chúc phúc cho con đường này của đời sống thiêng liêng, vốn luôn là một cuộc hành trình, hãy can đảm lên!
 
VietCatholic TV
Sỉ nhục mới cho Putin: Quân Nga đại bại, Ukraine tái chiếm toàn bộ Bakhmut. Tổng thống Đức thăm Kyiv
VietCatholic Media
04:03 26/10/2022


1. Chiến tích oai hùng của quân Ukraine gây sững sờ cho Putin tại khu vực Đông Bắc Ukraine

Bakhmut là một thành phố và là trung tâm hành chính của quận Bakhmut trong khu vực Donetsk của Ukraine. Thành phố nằm dọc theo sông Bakhmutka cách trung tâm hành chính của Donetsk khoảng 89 km. Dân số khoảng 71,094, nhưng một số lớn đã được yêu cầu di tản.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, sau khi thất bại trong việc chiếm Kyiv, Nga xác định mục tiêu chủ yếu là chiếm được khu vực Donbas, bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk. Sau các trận Sievierodonetsk và Lysychansk vào đầu tháng 7, Nga và các lực lượng ly khai đã chiếm được gần như toàn bộ vùng Luhansk, và chiến trường chuyển sang các thành phố Sloviansk, Bakhmut và Soledar. Trước trận chiến ở Bakhmut, Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskiy tuyên bố rằng Nga nắm trong tay lợi thế nhân lực 5 chọi một so với Ukraine dọc theo mặt trận phía đông.

Bắt đầu từ ngày 17 tháng 5, các lực lượng Nga bắt đầu pháo kích vào Bakhmut, giết chết 5 người trong đó có một đứa trẻ hai tuổi. Sau khi Popasna thất thủ vào ngày 22 tháng 5, các lực lượng Ukraine rút khỏi thành phố để củng cố các vị trí tại Bakhmut. Trong khi đó, các lực lượng Nga đã tiến được trên đường cao tốc Bakhmut-Lysychansk, gây nguy hiểm cho những binh lính Ukraine còn lại trong khu vực Lysychansk-Sievierodonetsk. Trước tình thế này, quân Ukraine đã mở các cuộc tấn công giải cứu, nhắm vào các trạm kiểm soát của Nga dọc theo đường cao tốc, phá bỏ tất cả các đồn bót này.

Các cuộc pháo kích vào Bakhmut tiếp tục trong suốt phần còn lại của tháng 6 và tháng 7. Vào ngày 1 tháng 8, các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công lớn trên bộ vào các khu định cư ở phía nam và đông nam của Bakhmut. Cả Bộ Quốc phòng Nga và các trang Telegram thân Nga đều tuyên bố rằng trận chiến Bakhmut đã bắt đầu. Ngày hôm sau, Ukraine báo cáo rằng các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc không kích và pháo kích vào thành phố, bắt đầu một cuộc tấn công trên bộ vào phần đông nam của thành phố này. Các cuộc bắn phá tiếp tục đến ngày 3 tháng 8. Vào ngày 4 tháng 8, lính đánh thuê của nhóm Wagner đã phá vỡ hàng tuyến phòng thủ của Ukraine và tiến đến đường Patrice Lumumba, ở phía đông của thành phố Bakhmut.

Ngày 10 tháng 8, các lực lượng Nga đã bắn phá khu vực trung tâm của thành phố, khiến 7 dân thường thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Nhiều tòa nhà bị hư hại trong cuộc tấn công. Trong những ngày tiếp theo, các lực lượng Nga tiếp tục tiến về Bakhmut từ phía nam, Bộ tổng tham mưu Ukraine tuyên bố vào ngày 14 tháng 8 rằng các lực lượng Nga đã đạt được “thành công một phần” gần Bakhmut, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết cụ thể.

Các cuộc pháo kích trong đêm vào trung tâm thành phố đã đốt cháy Cung Văn hóa mang tên Martynov, là trụ sở của Caritas Ukraine. Trong quá trình dập lửa, lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương đã bị quân Nga pháo kích nhưng may mắn không ai thiệt mạng. Vào ban đêm, một tòa nhà 5 tầng khác đã bị phá hủy một phần do pháo kích của Nga.

Sau các cuộc phản công của quân Ukraine giành lại các khu vực rộng lớn ở Kharkiv, Nga cần một chiến thắng để gỡ uy tín cho Putin. Bakhmut xem ra là dễ ăn nhất vì tại đây quân Nga đông gấp nhiều lần quân Ukraine. Tuy nhiên, vào ngày 20 tháng 9, Alexei Nagin, một chỉ huy trong Nhóm Wagner, bị giết gần Bakhmut.

Vào ngày 10 tháng 10, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh tuyên bố rằng quân đội Nga đang có lợi thế tại Bakhmut. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng tuyên bố tình hình tại đây hết sức đáng âu lo. Nga đã tung vào chiến trường này một lực lượng rất lớn lên đến 19,700 quân.

Trong một diễn biến bất ngờ, trong bản báo cáo sáng thứ Tư 26 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết vào ngày 24 tháng 10, một cuộc phản công của Ukraine tại thành phố then chốt Bakhmut đã chiếm lại thành công toàn bộ thành phố. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ đoàn 93 thiết giáp, Trung đoàn 58 Bộ binh và lực lượng cảnh sát quốc gia Ukraine của thành phố Bakhmut đã đẩy lui quân xâm lược Nga.

Ukraine tuyên bố kiểm soát 100% thành phố từ ngày 24 tháng 10. Nhóm Wagner Rusich, được coi là nhóm sừng sỏ nhất trong cuộc chiến tại Bakhmut gần như bị xóa sổ. Hai tiểu đoàn của Sư Đoàn 144 súng trường cơ giới bị loại khỏi vòng chiến. Các phương tiện truyền thông ghi nhận quang cảnh khu vực là một nghĩa trang mênh mông xác lính Nga.

Tuy nhiên, Iuliia Mendel, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, ngậm ngùi cho biết cảnh sát đã giải cứu một cậu bé tám tuổi có cả cha lẫn mẹ thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng đạn pháo của Nga ở Bakhmut.

Cô cho biết mẹ của Bohdan, cậu bé 8 tuổi vừa được giải cứu, đang mang thai 7 tháng khi bà chết trên đường phố, cùng với cha em.

Cậu bé đã ở một mình trong khu vực gần như không ai có thể đến được may mắn không chết vì đói, khát, và lạnh lẽo.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cảnh giác rằng tình hình trong những ngày tới có thể còn khó khăn, quân Nga vẫn có thể trở lại phục hận.

2. Putin hô hào các quan chức chính phủ Nga tận lực ủng hộ cuộc xâm lược tại Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước một hội đồng điều phối mới được thiết kế nhằm tăng cường hỗ trợ cho một cuộc xâm lược hiện đã vào tháng thứ chín, Reuters đưa tin.

Putin đã thành lập hội đồng mới vào tuần trước khi ông áp đặt thiết quân luật tại 4 khu vực bị chiếm đóng một phần của Ukraine mà ông tuyên bố là một phần của Nga, nơi các lực lượng của ông đã phải chịu nhiều thất bại trước quân đội Ukraine đang mở các cuộc phản công mạnh mẽ.

Những bình luận của ông và của một số thành viên hội đồng ngầm thừa nhận rằng Nga đã không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc kháng chiến của người Ukraine mà họ đã vấp phải, trong một cuộc xâm lược mà họ dự đoán thủ đô Kyiv sẽ rơi vào tay họ chỉ trong vài ngày.

Ông Putin cho biết cần tăng cường phối hợp các tổ chức chính phủ và các khu vực để quản lý công việc của chính phủ nhằm sản xuất nhiều trang thiết bị hơn cho lực lượng của Nga và cung cấp cho quân đội sự hỗ trợ tốt hơn về y tế và hậu cần, mặc dù ông không giải thích chi tiết cách thức hoạt động của điều này.

“Tôi đã thảo luận nhiều lần với các bạn về các vấn đề liên quan đến nhu cầu cập nhật tất cả các công việc để cải thiện thủ tục hành chính”, ông Putin nói trước hội đồng gồm các thành viên chính phủ và các nhà lãnh đạo khu vực, trong bài phát biểu trên truyền hình.

“Cải cách hành chính không thể thực hiện được nếu không có sự phối hợp rộng rãi hơn giữa tất cả các bộ phận: khối kinh tế, khối an ninh, và các khu vực”.

3. Tổng thống Đức thề sẽ giao vũ khí kịp thời trong chuyến thăm đầu tiên thời chiến tới Ukraine

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier lần đầu tiên đến thăm Ukraine hôm thứ Ba kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Ông đã lên án các bước leo thang gần đây của Nga và hứa sẽ giao vũ khí kịp thời cho Kyiv.

Phát biểu với báo giới cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Steinmeier đã chỉ trích “luận điệu hạt nhân vô trách nhiệm” của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, lệnh động viên bán phần và tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine.

Các tổng thống đã gặp nhau vào ngày Berlin tổ chức một hội nghị về sự phục hồi của Ukraine. Zelenskiy trong một tuyên bố chung tuyên bố ông đã yêu cầu tổng thống Steinmeier làm người bảo trợ cho việc tái thiết vùng Chernihiv và tổng thống Đức đã nhận lời.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các nhu cầu kinh tế, tài chính và quốc phòng của Ukraine, đặc biệt là hệ thống pháo binh, xe bọc thép và các loại vũ khí khác, theo thông tin về cuộc gặp được đăng trên kênh Telegram của Zelenskiy.

Phát biểu tại Kyiv, ông Steinmeier tuyên bố Ukraine sẽ nhận được các hệ thống Mars2 cùng với hai pháo tự hành bổ sung từ Đức trong những ngày tới.

Ông nói: “Ngày nay, Đức là một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho lực lượng phòng không của Ukraine.”

“Ba mươi xe tăng Gepard, ba bệ phóng nhiều hỏa tiễn Mars2, vài nghìn khẩu pháo phòng không, một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới, Iris-T. Tôi hy vọng nó sẽ giúp mọi người an toàn hơn một chút, để bảo vệ họ khỏi sự xâm lược tàn bạo của Nga”.

Đây là chuyến thăm thời chiến đầu tiên của Steinmeier tới Ukraine sau hai lần thất bại vào tháng 4, khi ông không được mời vì những liên kết với Nga và tuần trước khi chuyến thăm bị hủy vì lý do an ninh.

Tổng thống Đức được coi là người có quan hệ mật thiết với Nga trong các vai trò chính trị trước đây. Ukraine trước đây đã chỉ trích Steinmeier về mối liên hệ của ông với Nga và vai trò hàng đầu mà ông giữ khi còn là ngoại trưởng trong việc cải thiện mối quan hệ với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

4. Đảng Dân chủ Mỹ kêu gọi Biden thay đổi chiến lược Ukraine và đàm phán trực tiếp với Nga

Hơn hai chục thành viên Hạ viện của đảng Dân Chủ đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển hướng trong chiến lược Ukraine của mình và theo đuổi chính sách ngoại giao trực tiếp với Nga để đưa cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng đến hồi kết thúc.

Putin nhiều tiền, sẵn sàng mua đứt bọn chính trị gia bất lương!

Trong một bức thư gửi tới Biden hôm thứ Hai, nhóm 30 thành viên Đảng Dân chủ đã ca ngợi những nỗ lực của Biden trong việc hỗ trợ Ukraine trong khi tránh sự can dự trực tiếp của Mỹ trên thực địa. Nhưng họ đề nghị một nỗ lực mạnh mẽ hơn để đưa chiến tranh kết thúc thông qua ngoại giao, và nói rằng cần phải ngăn chặn một cuộc xung đột kéo dài và đang trì trệ.

“Với sự tàn phá do cuộc chiến này gây ra cho Ukraine và thế giới, cũng như nguy cơ leo thang thảm khốc, chúng tôi cũng tin rằng đó là lợi ích của Ukraine, Hoa Kỳ và thế giới để tránh một cuộc xung đột kéo dài”, nhóm, được dẫn đầu bởi Dân biểu Pramila Jayapal viết trong lá thư. “Vì lý do này, chúng tôi kêu gọi các bạn kết hợp hỗ trợ quân sự và kinh tế mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine với một động lực ngoại giao chủ động, tăng gấp đôi nỗ lực nhằm tìm kiếm một khuôn khổ thực tế cho một lệnh ngừng bắn.”

Bức thư được đưa ra vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến, khi Nga ngày càng tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt tập trung vào việc cắt nguồn cung cấp điện trước mùa đông.

Tại Quốc hội, các câu hỏi đã được đặt ra về sự sẵn sàng của các nhà lập pháp trong việc duy trì sự hỗ trợ tài chính và quân sự khổng lồ dành cho Ukraine. Trong lá thư, các thành viên đảng Dân chủ nói rằng cần có nhiều nỗ lực trực tiếp hơn để lôi kéo Mạc Tư Khoa.

John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết Tòa Bạch Ốc đã nhận được bức thư. Ông cũng cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao nghiêm túc để đưa chiến tranh kết thúc.

“Khi bạn nhìn thấy và bạn nghe những luận điệu của ông ấy, và bạn thấy những điều khác như các hành động tàn bạo, tội ác chiến tranh, các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự mà người Nga đang thực hiện, thì bạn thấy rõ ràng là ông Putin không có tâm trạng để đàm phán,” Kirby nói.

Ông cho biết sẽ phụ thuộc vào Ukraine và tổng thống Volodymyr Zelenskiy, để xác định thời điểm thích hợp quay lại bàn đàm phán.

5. Đồng minh của Putin bác bỏ thông tin cho rằng Nga sắp hết vũ khí

Hôm thứ Hai, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự của Nga đang tăng lên, trong một tuyên bố trên kênh Telegram của ông ta.

Cựu tổng thống và thủ tướng Medvedev, một đồng minh thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã phản ứng trước các báo cáo gần đây của các nhà phân tích quốc phòng phương Tây cho thấy Nga đang thiếu hỏa tiễn và phương tiện bọc thép mà họ cần để tiếp tục xâm lược Ukraine.

“Đọc các bài phân tích về kẻ thù, tôi đã nhiều lần bắt gặp những tuyên bố rằng thiết bị quân sự và vũ khí ở Nga sẽ sớm cạn kiệt. Như thể mọi thứ đã được sử dụng hết,” Medvedev nói.

“Đừng hy vọng hão huyền! Việc sản xuất vũ khí và thiết bị đặc biệt ngày càng tăng từ xe tăng và súng cho đến hỏa tiễn và máy bay không người lái có độ chính xác cao. Hãy đợi đấy!” anh ta nói.

Thủ tướng Medvedev nói thêm rằng hôm thứ Hai, theo chỉ thị của Putin, đã có một cuộc kiểm tra việc sản xuất xe tăng tại tập đoàn Uralvagonzavod ở Nizhny Tagil, công ty sản xuất xe bọc thép lớn nhất của Nga.

Thủ tướng Medvedev nói: “Các vấn đề về tăng tốc cung cấp thiết bị cho quân đội sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt đã được thảo luận.

6. Na Uy bắt giữ nhà nghiên cứu bị tình nghi là gián điệp Nga

Hôm thứ Ba 25 tháng 10, cô Emilie Enger Mehl, Bộ trưởng Tư Pháp và Cảnh sát Na Uy cho biết một người đàn ông nhập cảnh vào Na Uy với tư cách là công dân Brazil đang bị giam giữ vì tình nghi là gián điệp của Nga. Người đàn ông đã bị bắt giữ ở thành phố Tromø, Bắc Cực.

Anh ta đã làm việc tại Đại học Bắc Cực của Na Uy với tư cách là “một nhà nghiên cứu Brazil” và sẽ bị trục xuất khỏi đất nước, “vì chúng tôi tin rằng anh ta đại diện cho mối đe dọa đối với lợi ích cơ bản của quốc gia”.

Cô Emilie cho biết có những “lo ngại rằng anh ta có thể đã có được một mạng lưới và thông tin về chính sách của Na Uy ở khu vực phía bắc”, Moe nói. “Ngay cả khi mạng lưới này hoặc các thông tin khác có liên quan không hẳn là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của vương quốc, chúng tôi lo lắng rằng những thông tin như thế có thể bị Nga sử dụng cho những mục đích gây bất ổn trong tương lai.”

Trong một tuyên bố, Ban Giám Hiệu Đại học Bắc Cực của Na Uy, Jørgen Fossland cho biết người được đề cập là “một giảng viên thỉnh giảng” tại trường.

Nhà trường cho biết cho biết giảng viên trên đã bị bắt hôm thứ Hai trên đường đi làm.

Luật sư của ông, Thomas Hansen, nói với các phóng viên rằng người đàn ông phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.

7. Tổng thống Ukraine nói rằng ông “sẵn sàng tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược” với Vương quốc Anh. Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói “cuộc chiến khủng khiếp… phải được nhìn thấy kết thúc thành công”.

Phát biểu bên ngoài số 10 Phố Downing, tân thủ tướng Vương quốc Anh nhắc đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hai lần, nói rằng: “Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã làm mất ổn định thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới”.

Volodymyr Zelenskiy cho biết ông hy vọng Sunak sẽ “vượt qua tất cả những thách thức mà xã hội Anh và toàn thế giới ngày nay đang phải đối mặt”.

Trong một tweet sau bài phát biểu đầu tiên của Sunak với tư cách là thủ tướng, Zelenskiy nói:

“Chúc mừng Rishi Sunak nhậm chức Thủ tướng!”

“Chúc các bạn vượt qua thành công mọi thách thức mà xã hội Anh và toàn thế giới ngày nay đang phải đối mặt.

Tôi đã sẵn sàng để tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược cùng nhau!”
 
Linh mục hối hận sau hơn 20 năm làm phép Rửa Tội không hợp lệ gây ra đau khổ cho nhiều người
VietCatholic Media
05:39 26/10/2022


1. Tình yêu của một người mẹ cứu con trai mình khỏi tình trạng hôn mê bất tỉnh

Cũng như nhiều người khác, được biết về câu chuyện tuyệt vời này, từ nhật báo Ý Avvenire, nghĩa là Tương Lai. Phóng viên Lucia Bellaspiga kể câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của một người mẹ để giúp con trai mình hồi phục, bất chấp sự hoài nghi ban đầu của các bác sĩ có thiện chí.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 3 tháng 7 năm 2016. Trời đã khuya, Christian Scaiola, 21 tuổi đang đi xe tay ga cùng một người bạn. Một chiếc xe phía trước đột nhiên dừng lại: Christian đập đầu về phía trước vào chiếc xe, rồi bật ra phía sau, đập vào mũ bảo hiểm của bạn mình - người bạn không bị xây xát một chút nào. Christian bị hai cú vào đầu như thế, gây chấn thương nặng.

Tờ Tương Lai, của Hội Đồng Giám Mục Ý, báo cáo rằng mẹ anh, lo ngại về việc anh về nhà chậm trễ, đã liên tục cố gắng liên lạc với anh qua điện thoại di động. “Nếu con tiếp tục không trả lời, mẹ sẽ thực sự bị chấn động!” bà viết, mà không biết rằng tiếng còi xe cứu thương bà nghe thấy ở đằng xa là dành cho anh.

Và đó là nơi cuộc hành trình bắt đầu - một cuộc hành trình tồi tệ, tăm tối với hy vọng mịt mù. Cuối cùng anh ta rơi vào trạng thái vô thức, từng được gọi là “thực vật” - một nhãn hiệu thường không tính đến các dấu hiệu của ý thức tối thiểu có thể có hoặc có thể xuất hiện ngay cả sau một thời gian dài.

Các bác sĩ cứu anh đã làm bất cứ điều gì cần thiết, một cách thận trọng: họ mở một phần hộp sọ của anh ta để giảm áp lực lên não của anh ta.

Tại bệnh viện San Gerardo ở Monza, anh ta dường như dần dần nhưng chắc chắn trượt về trạng thái không thể đảo ngược được, điều đó có nghĩa là chỉ có thể giữ anh ta sống nhưng bất tỉnh, duy trì một tình trạng sức khỏe có thể chấp nhận được mà không có triển vọng cải thiện.

Christian đã được cắt khí quản và đặt máy thở.

Các nhà thần kinh học, những người chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế này, có lẽ bị thuyết phục bởi các số liệu thống kê, đã không tin những gì mẹ anh ấy nói rằng bà đã thấy và nghe thấy: “Con trai tôi cử động một ngón tay khi tôi bóp tay nó.” Viviana nói với họ.

Tất nhiên, các bà mẹ được biết là những người không dễ dàng bỏ cuộc và luôn nhìn thấy sự tiến bộ và tài năng ở mọi nơi, ngay cả khi không ai khác có thể nhìn thấy bất cứ điều gì ở đó. Các bác sĩ có thể đã từ bỏ, nhưng các bà mẹ thì không.

“Ở Garbagnate có những bác sĩ và chuyên gia tâm lý giỏi, những người tuyệt vời,” bà nói với Avvenire, “Nhưng sau sáu tháng, họ nói với chúng tôi rằng không thể làm gì hơn và con trai tôi được chuyển đến Palazzolo Don Gnocchi, khu dành cho những người ở trạng thái thực vật. Nó có nghĩa là từ bỏ bất kỳ hy vọng cải thiện nào. “

Anh ấy sẽ ở lại 20 tháng tại cơ sở bên ngoài Milan.

Mỗi ngày của Christian bắt đầu ngày càng giống một bản sao của ngày trước đó, khi nhìn bề ngoài. Tuy nhiên, Viviana rất chăm chú, rất chú ý và bà ấy đã thấy dấu hiệu của sự tiến bộ.

Bà muốn đưa anh về nhà, nhưng khu chung cư của bà không có thang máy. Mọi người nghĩ rằng bà ấy bị điên - chắc chắn là điên vì tình yêu, nhưng vẫn vì lý trí. Có lẽ thay vào đó, bà là người duy nhất hiểu hết thực tại của con trai mình, người duy nhất tham gia vào một cuộc đối thoại bí mật và gần như không thể nhận ra với anh ta. Bà là người duy nhất tin rằng anh có thể trở về từ một nơi bí ẩn và xa xôi, mặc dù không hoàn toàn là không thể tiếp cận được.

Rồi một ngày, bà đặt một ít kẹo mềm cạnh giường con trai bà. Một điều phi thường đã xảy ra: bà để anh một mình trong phòng, và khi bà quay lại sau đó thì cục kẹo đã biến mất. Bà kết luận rằng anh ta đã ăn nó. “Không ai tin tôi, vì vậy tôi đã bí mật bắt đầu cho con tôi ăn một số thứ bằng miệng,” bà nói với Avvenire.

Bà đã có thể di chuyển đến một căn hộ khác nơi có thang máy, và các bác sĩ đã bịt lỗ thủng trên hộp sọ của con trai bà. Đối với Viviana, điều đó là đủ để bà đưa anh về nhà và bắt đầu lại. Bởi vì đó là những gì bà ấy đang làm, kể từ sau tai nạn của anh ấy: bà bắt đầu lại, đi từ khởi đầu mới đến khởi đầu mới, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, từ cột mốc nhỏ dường như không đáng kể này đến cột mốc khác. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng sự mệt mỏi vô cùng và sức mạnh mà bà ấy cần phải có để không hoàn toàn bỏ bê bản thân trong quá trình này.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2018, hai năm rưỡi sau vụ tai nạn, họ lại cùng nhau về nhà. Mẹ của anh ấy tự trả tiền cho một bác sĩ nắn xương, mặc dù bà đã nghỉ việc ở nhà để thực hiện một công việc đòi hỏi nhiều hơn trong việc chăm sóc con trai của mình.

Và cuối cùng Christian đã có thể nói, từ đầu tiên của anh ấy là “Mẹ”, như khi anh ấy còn nhỏ.

Nếu đây không phải là tái sinh, thì là gì?
Source:Aleteia

2. Một linh mục hối tiếc vì sai lầm của mình dẫn đến hơn 20 năm làm phép Rửa Tội không hợp lệ

Cha Andres Arango, của Giáo phận Phoenix đã từ chức Cha sở của mình sau khi bị phát hiện là đã làm lễ rửa tội không hợp lệ trong hơn 20 năm qua. Giờ đây, Đức Giám Mục Thomas J. Olmstead đã tuyên bố rằng tất cả các phép rửa tội do Arango thực hiện đều không hợp lệ, điều này sẽ làm mất hiệu lực một số bí tích sau đó của những người chưa được rửa tội thành sự.

Sau khi được đào tạo tại một chủng viện ở Salvador, Brazil, Cha Arango được thụ phong vào năm 1995. Trong 27 năm tiếp theo, ngài đã giữ nhiều chức vụ khác nhau với tư cách là giáo sĩ ở Brazil và Hoa Kỳ. Những chức vụ này bao gồm Cha Sở, giáo viên, quản trị viên giáo xứ và giám đốc Trung tâm Newman của Đại học San Diego.

Giáo Phận giải thích rằng: Các vấn đề nảy sinh khi người ta thấy rằng Cha Arango đã sử dụng công thức không chính xác cho lễ rửa tội. Ngài thường nói “Chúng tôi làm phép Rửa Tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Sai lầm được đề cập là việc sử dụng từ “chúng tôi” thay cho “tôi”. Không phải là cộng đồng làm phép Rửa Tội cho một người và kết hợp họ vào Giáo hội của Chúa Kitô; đúng hơn, chính Chúa Kitô, và chỉ một mình Chúa Kitô, Đấng chủ trì mọi bí tích; do đó, chính Chúa Kitô làm phép rửa. Công thức của phép Rửa Tội luôn được bảo vệ vì lý do này: vì vậy rõ ràng là chúng ta nhận phép rửa của mình qua Chúa Giêsu chứ không phải qua cộng đồng.

Một trong những khía cạnh rắc rối nhất của vấn đề này là phép Rửa Tội không hợp lệ ảnh hưởng đến các bí tích khác. Cha Pius Pietrzyk, linh mục dòng Đa Minh, một luật sư dân sự và giáo luật đồng thời là giáo sư giáo luật tại Viện Nghiên cứu Đa Minh, giải thích như sau:

“Phép rửa tội là lối vào Giáo hội; không có phép rửa tội thì người đó không phải là Kitô hữu. Vì là bí tích đầu tiên, nên nó cần thiết cho tất cả các bí tích khác. Vì vậy, khi một người chưa được rửa tội thành sự thì các bí tích khác sau đó như Thêm Sức hoặc Hôn Phối cũng không có giá trị. Vì vậy, trong hai mươi năm qua cuộc sống bí tích của hàng trăm người đã bị vô hiệu hóa do sơ suất mục vụ thô thiển”.

Trên trang web của Giáo phận Phoenix, nơi giáo phận đã thiết lập một trang Câu hỏi thường gặp để biết thông tin về tình hình, giáo phận lưu ý rằng Rước lễ lần đầu không có giá trị về mặt kỹ thuật nếu không có phép rửa tội. Chỉ có thể có một lần “Rước lễ lần đầu”, vì vậy nếu bạn đã lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, ngay cả khi chưa được rửa tội, họ đã được Rước lễ. Tuy nhiên, giáo phận cảnh báo các tín hữu không được tiếp tục Rước Lễ cho đến khi họ được rửa tội.

Về phép Thêm Sức, mọi thứ không đơn giản như vậy. Bí tích Thêm Sức đòi hỏi một phép rửa hợp lệ. Vì vậy, bất cứ ai chưa được rửa tội hợp lệ thì phải được Thêm Sức lại. Điều này cũng có thể đúng đối với các cuộc hôn nhân, nhưng giáo phận thừa nhận rằng “có nhiều biến số và nhiều vấn đề khi nói đến các cuộc hôn nhân hợp lệ”. Giáo phận đã tuyên bố rằng các câu hỏi về các cuộc hôn nhân được thực hiện sau một lễ rửa tội không hợp lệ sẽ được phân tích theo từng trường hợp cụ thể. Một tuyên bố đại trà rằng phép Hôn Phối của những người chưa được rửa tội hợp lệ là vô hiệu có thể dẫn đến các thách đố đáng kể cho các gia đình đang có sẵn những vấn đề.

Giáo phận cũng hướng dẫn rằng những người mà các phép rửa tội đã bị vô hiệu không nhất thiết phải đi xưng tội. Vì lỗi lầm này không xảy ra do lỗi của các tín hữu, nên không có gì có thể tha thứ. Hơn nữa, giáo phận lưu ý rằng một khi họ nhận được phép rửa tội hợp lệ, tội lỗi của họ sẽ được xóa sạch.

Dù Cha Arango đã từ chức cha sở của giáo xứ của mình, ngài vẫn được coi là một linh mục có hạnh kiểm tốt. Ngài đang làm việc chặt chẽ với giáo phận để xác định tất cả những người mà ngài đã thực hiện các phép báp têm không hợp lệ.

Trong một lá thư xin lỗi do Giáo phận Phoenix công bố, ngài viết:

“Tôi rất buồn khi biết rằng tôi đã thực hiện các phép rửa tội không hợp lệ trong suốt sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục bằng cách thường xuyên sử dụng một công thức không chính xác. Tôi vô cùng hối hận về lỗi lầm của mình và điều này đã ảnh hưởng đến nhiều người trong giáo xứ của anh chị em và những nơi khác như thế nào. Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần và trong sự hiệp thông với Giáo phận Phoenix, tôi sẽ cống hiến năng lực và chức vụ toàn thời gian của mình để giúp khắc phục điều này và chữa lành những người bị ảnh hưởng.”
Source:Aleteia

3. Tình trạng tuyệt vọng tại Somalia

Đức Cha Giorgio Bertin, Giám quản Tông tòa Mogadishu, thủ đô Somalia, Giám mục giáo phận Gibuti, bên Phi châu, báo động về tình trạng tuyệt vọng tại Somalia, nhất là đối với các trẻ em: thảm trạng có thể ở mức độ lớn nhất kể từ 50 năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, hôm 18 tháng Mười vừa qua, Đức Cha Bertin, Thừa sai thuộc dòng Phanxicô, cho biết Somalia đang bị nạn hạn hán, bất an và đói kém nơi phần lớn dân chúng. Mỗi phút trong ngày có một trẻ em bị đưa vào nhà thương hay bệnh xá vì suy dinh dưỡng trầm trọng. Nạn đói là một thảm trạng thường xuyên ở Somalia. Nhưng việc đi vào nước này để gặp và giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất liên tục bị cản trở vì nạn khủng bố: các nhân viên nhân đạo và các cơ quan của cộng đồng quốc tế thường bị đe dọa. Có những nhóm Hồi giáo cuồng tín chống lại các tổ chức quốc gia ở Somalia, như nhóm Al Shabaab, khiến cho đời sống của dân chúng trở nên rất khó khăn, và cả những người muốn giúp đỡ dân. Dân chúng tìm nơi ẩn náu tại các thành phố lớn do chính phủ trung ương hoặc địa phương cai quản. Vì thế có nhiều đồng ruộng bỏ hoang.

Đức Cha Bertin kể rằng hồi đầu tháng Tám năm nay, ngài cùng với bà giám đốc Caritas Somalia và Đức Tổng Giám Mục Antoine Camilleri, Sứ thần Tòa Thánh, tới Somalia để gặp các vị hữu trách địa phương và đặc ủy của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Somalia, thì thấy “tình trạng còn thê thảm hơn điều chúng tôi đã nghĩ”. Đức Thánh Cha đã phản ánh điều này trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật sau đó.

Trong số các nạn nhân dễ bị tổn thương nhất có các trẻ em. Hồi trung tuần tháng Mười vừa qua, Tổ chức Nhi đồng quốc tế của Liên Hiệp Quốc, Unicef, cũng báo động rằng nếu không can thiệp ngay tại Somalia, không đầu tư hơn nữa, thì chúng ta sẽ đứng trước mức độ chết chóc chưa từng có của các trẻ em từ 50 năm nay. Mỗi phút có một trẻ em bị đưa vào nhà thương, vì thiếu dinh dưỡng nặng nề và có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần so với các trẻ em bình thường.

Hiện nay tại Somalia có một triệu người tản cư, nhất là những người từ vùng Baidoa và Burhakaba ở Bay Region. Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Genève về các hoạt động nhân đạo kêu gọi gia tăng ngân khoản cứu trợ lên 55% so với mức dự tính trước đây cho mùa đông năm nay: cụ thể là tăng lên hai tỷ 260 triệu đôla so với mức trước đây là một tỷ 460 triệu đôla để cứu trợ bảy triệu 600.000 người ở Somalia, tức là tăng thêm hơn hai triệu so với thời gian gần đây.
 
Éo le: Tài phiệt Ukraine bán động cơ trực thăng cho Putin, bị bắt, giả điên. Ai phá hoại hoả xa Nga?
VietCatholic Media
16:02 26/10/2022


1. 21 xe tăng và 26 thiết giáp Nga bị tịch thu và phá hủy tại Kherson

Trong bản báo cáo hôm thứ Tư 26 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết chỉ trong ngày thứ Ba 25 tháng 10, 21 xe tăng và 26 thiết giáp Nga bị tịch thu và phá hủy tại Kherson. Quân Nga đã bỏ rơi nhiều trang thiết bị khi bỏ chạy khỏi bờ tây sông Dnipro trước sức tấn công quyết liệt của quân Ukraine, trong đó có cả hai hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, và một hệ thống phòng không.

Một chiếc máy bay Su-25 và 3 chiếc trực thăng Ka-52 được phóng lên để yểm trợ cho tàn quân rút chạy đã bị bắn rơi.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân phòng thủ Ukraine cũng đã tiêu diệt hai kho đạn và sáu xe quân sự.

“Tại khu vực Kherson, đơn vị cơ động của Lữ đoàn cơ giới biệt lập 28 và đơn vị Vệ binh Quốc gia đã tiêu diệt 13 mục tiêu của quân chiếm đóng. Nhờ cuộc trinh sát thành công của hai tổ hợp gồm Lữ đoàn cơ giới biệt lập 28 và Lữ đoàn 27 Pechersk của Vệ binh Quốc gia Ukraine, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đánh trúng hơn một chục đối tượng mà quân địch từng trấn giữ trong khu vực. Các đối tượng bao gồm hai kho đạn, một xe tăng, một thiết giáp đa năng, sáu xe quân sự, trong đó có bốn xe jeep và hai thiết giáp nơi các binh sĩ Nga đang ẩn náu”.

Bên cạnh đó, các đơn vị thủy quân lục chiến thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã phá hủy 2 xe tăng Nga, 3 xe chiến đấu bộ binh, 3 kho đạn và thu giữ một xe tải Ural làm chiến tích.

Theo Trung Tá Motuzianyk, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 25 tháng 10, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 68,420 binh sĩ Nga, trong đó chỉ riêng ngày 25 tháng 10 đã có 480 binh sĩ Nga bị tử trận, chủ yếu tại chiến trường Kherson.

Hơn nữa, quân phòng thủ Ukraine đã phá hủy 2,611 xe tăng Nga, 5,321 xe thiết giáp, 1,674 hệ thống pháo, 377 hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, 190 hệ thống tác chiến phòng không, 271 máy bay, 248 máy bay trực thăng, 1,372 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 350 tên lửa hành trình, 16 tàu chiến, 4,054 phương tiện chuyển quân và nhiên liệu, và 149 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Ai đã phá hoại hệ thống hoả xa của Nga?

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết như sau:

Vào ngày 24 tháng 10 năm 2022, thống đốc vùng Belgorod của Nga thông báo rằng một thiết bị nổ đã làm hư hỏng tuyến đường sắt gần làng Novozybkovo, cách biên giới Nga-Belarus khoảng 15 km. Tuyến này là tuyến đường sắt chính giữa Nga và miền nam Belarus.

Nhóm phản chiến Nga ‘Stop the Wagons’ nghĩa là ‘Chặn Đứng Các Toa Tầu’, gọi tắt là STW đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Đây ít nhất là vụ thứ sáu phá hoại cơ sở hạ tầng đường sắt của Nga mà STW tuyên bố kể từ tháng Sáu. Đây là một phần của xu hướng tấn công bất đồng chính kiến rộng lớn hơn nhằm vào đường sắt ở cả Nga và Belarus. Các nhà chức trách Nga trước đây đã tuyên bố đánh sập sự hiện diện trực tuyến của STW.

Quân đội Nga chủ yếu dựa vào vận tải đường sắt để triển khai lực lượng tới Ukraine, nhưng với mạng lưới rộng tới hơn 33,000 km, phần lớn đi qua các khu vực hẻo lánh, đảm bảo an toàn cho hệ thống này là một công việc vô cùng thách thức trước các mối đe dọa cụ thể. Giới lãnh đạo Nga sẽ ngày càng lo ngại rằng ngay cả một nhóm nhỏ công dân đã phản đối cuộc xung đột đến mức phải dùng đến hành động phá hoại vật chất.

3. Nhà sản xuất động cơ máy bay lớn nhất Ukraine khiến các phóng viên ngỡ ngàng

Như chúng tôi đã đưa tin, trong bản báo cáo hôm thứ Ba 25 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong ngày thứ Hai 24 tháng 10, các lực lượng phòng thủ Ukraine ở khu vực Kherson đã bắn hạ ba chiếc trực thăng tấn công Ka-52 của Nga.

Trực thăng Ka-52 Alligator bắt đầu được sản xuất từ ngày 29 tháng 10 năm 2008, và động cơ của nó được làm chủ yếu tại Ukraine. Đến khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014, Ukraine chính thức ngừng cung cấp các loại động cơ trực thăng cho Nga. Nói chính thức, là vì bọn con cháu người Nga sinh sống tại Ukraine và hoạt động trong ngành động cơ trực thăng vẫn lén lút cung cấp các loại động cơ cho Nga, kể cả sau ngày 24 tháng 2 khi Putin mở cuộc xâm lược Ukraine.

Khám xét các trực thăng bị bắn rơi, Bộ Tư lệnh Không quân cho biết họ không loại trừ khả năng những chiếc trực thăng này có động cơ do một nhà sản xuất Ukraine sản xuất.

Trước đó, hôm Chúa Nhật 23 tháng 10, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã bắt giữ Chủ tịch Công ty cổ phần Motor Sich Vyacheslav Bohuslayev và trưởng bộ phận kinh tế đối ngoại của công ty với tội danh cộng tác, hỗ trợ và tiếp tay cho nhà nước xâm lược.

Trong các bản ghi âm những lời khai của Bohuslayev được cơ quan an ninh của Kyiv công bố sau khi ông bị bắt vào cuối tuần, ông ta đã cố tỏ ra nghễnh ngãng, hay giả điên, giả dại khi nói rằng ông ta hiểu tại sao người Nga bắn phá vào các cơ sở sản xuất của mình ở thành phố Zaporizhzhia.

Vyacheslav Boguslaev, chủ tịch của Motor Sich, đã bị buộc tội phản quốc sau một cuộc đột kích vào cuối tuần tại nhà riêng của ông này ở thành phố Zaporizhzhia, miền nam Ukraine. Công ty của ông ta bị nghi ngờ bán động cơ - trước và sau cuộc xâm lược - cho các máy bay trực thăng tấn công của Nga đã được sử dụng rộng rãi để chống lại quân đội Ukraine.

Việc phát hành các bản ghi âm bị cáo buộc là một lời nhắc nhở về mối quan hệ lịch sử giữa các nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp vũ khí của hai nước và cuộc chiến nội bộ của Ukraine nhằm tìm ra tận gốc các cộng tác viên.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo tại tòa án Kyiv về việc liệu ông có hợp đồng với các công ty làm việc với quân đội Nga hay không, Boguslaev nói rằng ông không “ở trong vòng lặp” và Motor Sich đã sản xuất một số “trực thăng tốt nhất”. Ông ta, có lẽ đã có chuẩn bị trước nên liên tục đưa ra những phát biểu chả có ý nghĩa gì, chả có liên quan gì đến câu hỏi của các phóng viên.

Một luật sư của Boguslaev cho biết thân chủ của ông nghe kém và chưa nghe các đoạn ghi âm do cơ quan an ninh Ukraine phát hành. Luật sư nói thêm rằng Boguslaev sẽ giải thích quan điểm của mình trong phiên tòa. Một thẩm phán đã ra lệnh giam giữ Boguslaev trong hai tháng và không có khả năng tại ngoại.

4. Lực lượng Nga bắn vào ô tô dân sự ở khu vực Kherson, khiến hai người thiệt mạng

Lực lượng Nga đã bắn vào một chiếc ô tô của cư dân Oleshky, vùng Kherson, khiến 2 người thiệt mạng và một trẻ em bị thương.

Thị trưởng Oleshky là Ông Yevhen Ryshchuk đã cho biết như trên.

“Ngày hôm qua, trong cộng đồng lãnh thổ Oleshky, những kẻ tán tận lương tâm đã bắn một chiếc xe hơi với cư dân của Oleshky khi họ không dừng lại theo yêu cầu của quân xâm lược Nga. Những vết thương do mảnh đạn khiến hai người chết: một người chết tại chỗ, một người chết trong ca phẫu thuật. Một bé gái năm tuổi bị cắt cụt ngón tay vẫn còn sống.”

Các báo cáo trước đó cho biết, các nhà điều tra của Cảnh sát Quốc gia đã ghi nhận 156 tội ác chiến tranh trên các vùng lãnh thổ thuộc vùng Kherson được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga, hầu hết đều theo Điều 438 của Bộ luật Hình sự liên quan đến các vi phạm pháp luật và phong tục chiến tranh. Họ đã tìm thấy 9 thi thể thường dân đã chết và các địa điểm mà người Nga đã giam giữ công dân Ukraine một cách bất hợp pháp.

5. Nga gài mìn dưới sông khi những người lính của họ chuẩn bị rút lui khỏi Kherson

Thấy trước khả năng không thể giữ nổi Kherson, quân Nga đã gài mìn dưới sông Dnepro để cản đường tiến của quân Ukraine. Điều này vi phạm các tiêu chuẩn của luật nhân đạo quốc tế, luật lệ và phong tục chiến tranh.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Mines River as Soldiers Prepare Kherson Retreat: Kyiv”, nghĩa là “Nga gài mìn dưới sông khi những người lính của họ chuẩn bị rút lui khỏi Kherson”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Theo tình báo Ukraine Nga đang gài mìn một con sông ở miền nam Ukraine khi binh sĩ của họ chuẩn bị rút lui khỏi thành phố Kherson.

Trong một tuyên bố video, phát ngôn nhân Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine đã cập nhật về cuộc xung đột kéo dài 8 tháng, cho biết các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở phía đông đất nước.

“Kẻ thù đang bắn vào các vị trí của quân ta dọc theo đường giới tuyến và tiến hành trinh sát trên không. Trong 24 giờ qua, kẻ thù đã tiến hành các cuộc không kích và hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng và nhà ở của dân thường, vi phạm các tiêu chuẩn của luật nhân đạo quốc tế, luật lệ và phong tục chiến tranh”

“Tổng cộng trong ngày hôm trước, quân xâm lược đã bắn 3 hỏa tiễn và 12 cuộc không kích”.

Phát biểu về miền nam đất nước, phát ngôn nhân nêu ra những chuẩn bị mà lực lượng Nga đang thực hiện để có thể rút lui khỏi thành phố Kherson qua sông Dnepro.

Người Nga đặt mìn dọc theo con sông ở phía bắc thành phố Kherson, điều này sẽ giúp bảo vệ các vị trí của Nga ở phía đông sông Dnepro và khiến người Ukraine khó vượt qua hơn.

“Theo thông tin có được, quân xâm lược đang ráo riết trang bị cho các vị trí phòng thủ ở bờ i phía đông của Dnepro trong vùng Kherson... Trong khu vực định cư Gornostayivka, các đơn vị công binh và đặc công của Nga gài mìn bờ biển, chỉ để lại những lối đi nhỏ cho sự rút lui có thể của quân đội của họ từ hữu ngạn”.

Hôm thứ Bảy, các nhà chức trách do Nga cài đặt ở Kherson đã kêu gọi người dân di tản “ngay lập tức” khi họ chuẩn bị đối phó với các lực lượng Ukraine chiến đấu giành quyền kiểm soát thành phố. Dự kiến có tới 60,000 dân thường phải di tản khỏi Kherson, nằm trên bờ Tây sông Dnepro. Những người di tản đang được thông báo sẽ đến các khu vực khác do Nga chiếm đóng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tờ Guardian việc sử dụng những quả mìn này đi kèm với một số quy tắc theo luật nhân đạo quốc tế. Ví dụ, các quốc gia có thể đặt chúng trong lãnh hải của họ để bảo vệ bờ biển của họ khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Vào tháng 8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Anh đã cung cấp máy bay không người lái dưới nước cho Ukraine và đào tạo binh sĩ Ukraine ở Anh sử dụng chúng để rà phá bom mìn ở bờ biển của họ.

Bộ Quốc Phòng Anh cho biết 6 phương tiện rà phá bom mìn tự hành sẽ được gửi tới nước này để giúp dò tìm các quả mìn của Nga ở vùng biển ngoài khơi nước này.

Các phương tiện tự hành hạng nhẹ được thiết kế để sử dụng trong môi trường ven biển, hoạt động hiệu quả ở độ sâu lên đến 100 mét để dò mìn bằng cách sử dụng một loạt các cảm biến để Hải quân Ukraine có thể tiêu diệt chúng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.

6. Quan chức do Nga bổ nhiệm ở Zaporizhzhia nhận định rằng cuộc tấn công của Ukraine sẽ sớm bắt đầu trong khu vực

Một quan chức cấp cao do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm cho rằng khu vực này có thể sớm trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công của Ukraine.

“Có nhiều khả năng khu vực Zaporizhzhia sẽ trở thành mục tiêu chính của cuộc tấn công của Ukraine. Tin tức này dựa trên cái gì? Thực tế là số lượng thiết bị và nhân lực của đối phương tập trung ở đây, nói một cách nhẹ nhàng, là rất đáng kể,” Vladimir Rogov, tên phản bội, nói với Kênh truyền hình nhà nước Nga.

Rogov nói thêm rằng có thể có các cuộc tấn công từ các khu vực Orekhov và Gulyai-Pole vào các thành phố ở Zaporizhzhia như Enerhodar, Vasilyevka, Tokmak, Pology - và xa hơn nữa là đến Berdyansk.

Theo quan chức do Nga hậu thuẫn, kịch bản như vậy là “hoàn toàn có thể xảy ra” vì những nơi này là đồng bằng không có rào cản tự nhiên như sông hay rừng.

“Tất nhiên, sẽ có sự phản kháng. Các chàng trai của chúng ta đang chờ đợi, các chàng trai của chúng ta đã sẵn sàng. Quân đội của chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ những rủi ro tiềm ẩn là gì”, Rogov nói thêm.

7. Cựu đại sứ tại Nga nhận định Putin sẽ không đàm phán cho đến khi chiếm được các vùng lãnh thổ bị sáp nhập

Trong một diễn biến gây hoang mang cho nhiều người Ukraine, hơn hai chục thành viên Hạ viện của đảng Dân Chủ dẫn đầu bởi Dân biểu Pramila Jayapal đang kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển hướng trong chiến lược Ukraine của mình và theo đuổi chính sách ngoại giao trực tiếp với Nga, phớt lờ Ukraine, để đưa cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng đến hồi kết thúc. Nhiều người nóng giận cho rằng diễn biến này là sự lặp lại lịch sử những phản bội tiêu biểu của Mỹ với đồng minh. Bớt nóng hơn một chút, người ta cho rằng Putin có nhiều tiền sẵn sàng tung ra mua đứt bọn chính trị gia vô lương tâm. Bớt nóng hơn một chút nữa, như cựu đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa thì cho rằng các chính trị gia ký trong lá thư này thuộc dạng chính trị gia “ngây thơ”.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Won't Negotiate Until Annexed Territories 'Conquered': Ex-Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ tại Nga nhận định Putin sẽ không đàm phán cho đến khi chiếm được các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một cựu đại sứ Mỹ tại Nga tin rằng những lời kêu gọi gần đây nhằm tạo ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến của nước này với Ukraine có thể sẽ vô ích chừng nào Tổng thống Vladimir Putin chưa chinh phục được bốn vùng lãnh thổ mà đất nước ông mới sáp nhập; hay chưa chiến bại thê thảm trên chiến trường.

Đại Sứ Michael McFaul - một học giả và là nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ ở Nga vào thời kỳ cuối của chính quyền Barack Obama - bày tỏ nghi ngờ về khả năng có một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến, nổ ra sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai.

Đại Sứ McFaul nói: “Putin không muốn đàm phán ngay bây giờ. Ông ấy muốn chinh phục 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà ông ấy đã thôn tính trên giấy tờ trong một buổi lễ tại Điện Cẩm Linh. Cho đến khi đạt được tham vọng đó, hay cho đến khi ông ta thất bại trên chiến trường, Putin sẽ không kết thúc cuộc xâm lược của mình. Đây là những sự thật bi thảm”.

Các bình luận được đưa ra sau một động thái ngắn ngủi trong cuộc họp kín của nhóm cấp tiến đảng Dân chủ tại Hạ viện hôm thứ Hai. Đảng Dân chủ dự định khuyến khích Tổng thống Joe Biden theo đuổi các cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ Nga, phớt lờ Ukraine, để tạo môi giới ngừng bắn giữa hai nước.

Hôm thứ Ba, nhóm này đã thông báo rằng họ sẽ rút lại lá thư Biden sau khi bị những người bảo thủ và tự do chỉ trích nặng nề, những người coi động thái này là đầu hàng cho sự xâm lược của Nga ở Đông Âu và tạo ra những rạn nứt không cần thiết trong sự ủng hộ dành cho Biden trong Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát.

Trong khi có những bất đồng của lưỡng đảng về việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine - Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói với Punchbowl News vào tuần trước rằng đa số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội tiếp theo có thể xem xét lại mức độ hỗ trợ mà Mỹ sẵn sàng cung cấp. Đó là một cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đã phủ nhận. Viễn cảnh hòa bình sắp xảy ra ở Âu Châu hiếm khi bước vào cuộc thảo luận quốc gia cho nên bức thư của hơn 20 Dân biểu Dân chủ gây nhiều ngỡ ngàng.

Hôm thứ Ba, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã công bố một báo cáo cho thấy các lực lượng quân sự Ukraine khó có thể chiếm lại quyền kiểm soát khu vực Kherson do Nga chiếm đóng vào cuối năm nay. Và cho đến nay, Putin đã từ chối các thỏa thuận hòa bình không bao gồm việc Nga sáp nhập 4 khu vực bị chiếm đóng ở phía đông của đất nước, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Điều đó đã không ngăn cản các đề xuất hòa bình khác - bao gồm cả đề xuất gần đây của doanh nhân tỷ phú Elon Musk - đã vấp phải sự chế giễu từ phần lớn các nhà quan sát chính thống. Họ mô tả nỗ lực của ông nhằm môi giới hòa bình giống như một nỗ lực vận động cho các luận điểm và chiến lược của Nga vào thời điểm mà Nga đang tìm cách ném trọng lượng của mình về quân sự và ngoại giao trên trường thế giới.

Các nhân vật nổi tiếng khác, như cựu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, gần đây đã cho rằng Ukraine có quyền quyết định khi nào thương thảo và những điều kiện nào là cần thiết cho một thỏa thuận hòa bình, và phương Tây có khả năng gây áp lực kinh tế lên Điện Cẩm Linh thông qua việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Mặc dù Nga ngày càng tỏ ra tuyệt vọng trên chiến trường, nhưng nước này vẫn bị phương Tây cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với các đồng minh ở Trung Đông và Viễn Đông để ảnh hưởng đến giá dầu và tạo ra bức tường thành chống lại NATO, thậm chí còn tiến xa hơn đến việc sử dụng các mối đe dọa hạt nhân.

“Đây là một cuộc xung đột quyền lực lớn, cuộc xung đột quyền lực lớn thứ ba trong không gian Âu Châu trong hơn một thế kỷ qua”, chuyên gia về Nga Fiona Hill nói với Politico hồi đầu tháng. “Đó là sự kết thúc của trật tự thế giới hiện có. Thế giới của chúng ta sẽ không giống như trước đây.”
 
Hàng loạt các linh mục Nga bị điệu ra tòa vì lên tiếng chống cuộc xâm lược Ukraine của Putin
VietCatholic Media
18:52 26/10/2022


1. Tòa án Nga phạt linh mục vì chỉ trích chiến tranh

Một linh mục Chính Thống Giáo Nga đã là người đầu tiên nhận án hình sự vì phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine vì lý do tôn giáo.

Diễn đàn 18, một tổ chức tự do tôn giáo có trụ sở tại Oslo, cho biết một tòa án ở Nga đang bắt một linh mục phải nộp phạt vì những lời chỉ trích trực tuyến về “hoạt động quân sự đặc biệt” của Vladimir Putin ở Ukraine.

Cha Nikandr Pinchuk nói: “Tôi là một linh mục và có quyền tố cáo cái ác, bất kể ai có liên quan và tình hình chính trị ra sao.”

Vào thứ Hai, Cha Pinchuk, 50 tuổi, trở thành người đầu tiên nhận án hình sự vì phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine vì lý do tôn giáo. Trước tòa án ở dãy núi Ural, nơi ngài sinh sống, vị linh mục bị kết tội liên tục “làm mất uy tín” của Lực lượng vũ trang Nga. Ngài bị phạt 100,000 rúp, tức là khoảng 1,629 đô la. Ngài chỉ trích hình phạt và nói rằng lương của ngài chỉ có 15.000 rúp, hay 244 đô la, một tháng.

Cáo buộc được đưa ra theo một luật mới cấm “các hành động công khai làm mất uy tín việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để bảo vệ lợi ích của Liên bang Nga và công dân của nó… và các lời kêu gọi công khai ngăn chặn việc sử dụng các lực lượng vũ trang cho những mục đích này.”

Vị linh mục đã bị đưa ra tòa sau khi lên án “đám đông những kẻ bài Kitô Giáo” đang tấn công Ukraine.

Trong khi đó, một linh mục khác, là Cha Ioann Kurmoyarov, sẽ bị đưa ra xét xử ở St. Petersburg vào ngày 14 tháng 11. Ngài đang bị truy tố vì đăng video trên kênh YouTube của mình những lời chỉ trích Thượng Phụ Kirill vì sự ủng hộ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đối với cuộc chiến. Vị linh mục gợi ý rằng “những kẻ xâm lược” sẽ không được lên thiên đàng và lập luận rằng “mọi sự lên án về hành động xâm lược này, cuộc chiến Ukraine này, là một vấn đề tâm linh. Tất cả các Kitô hữu phải làm điều đó, và đó là vấn đề nguyên tắc”.

Các nhân vật tôn giáo khác có những tuyên bố và lập trường đã khiến họ gặp rắc rối kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga bắt đầu bao gồm linh mục Chính thống giáo Nga Ioann Burdin thuộc Giáo phận Kostroma của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, người đã bị phạt một tháng lương trung bình tại địa phương cho các nhận xét trực tuyến và một bài giảng vào Chúa Nhật trong nhà thờ lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của điều răn, “Ngươi không được giết người;” Phó tế Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa Sergey Shcherbyuk ở Samara, người đã bị phạt khoảng một tháng lương địa phương trung bình vì “làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Nga” trong các cuộc trò chuyện với giáo dân và đồng nghiệp; và một số linh mục Chính thống giáo Nga đã tự nguyện từ chức hay bị buộc phải từ chức sau khi phản đối chiến tranh, khiến họ xung đột với các giáo phận Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa của họ.

Nhiều người biểu tình đã bị phạt theo luật do Putin ký vào ngày 4 tháng 3 cấm “làm mất uy tín việc sử dụng Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga”.
Source:Aleteia

2. Liên Hội đồng Giám mục Âu châu nhóm hội nghị về mục vụ giới trẻ

Hội nghị chuyên đề về việc mục vụ giới trẻ Âu châu đã tiến hành từ chiều ngày 20 đến hôm 22 tháng Mười và Trung tâm Đền thánh Gioan Phaolô II ở Cracovia, Ba Lan với sự tham dự của 150 đại biểu đến từ 30 nước Âu châu và có chủ đề là “Hãy đứng dậy! Chúa Kitô đang gọi bạn”.

Hội nghị do Ủy ban giới trẻ thuộc Liên Hội đồng Giám mục Âu Châu và Tổng giáo phận Cracovia tổ chức, và các tham dự viên quốc gia thuộc 5 lãnh vực mục vụ là giới trẻ, học đường, đại học, ơn gọi và huấn giáo. Các tham dự viên suy tư về những thách đố của đại lục Âu châu, đức tin Kitô ngày nay, và cũng có những buổi cầu nguyện và mừng lễ.

Trong diễn văn khai mạc, Đức Cha Gintaras Grusas, Tổng giám mục giáo phận Vilnius, thủ đô Lituani, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu, nhận định rằng: “Chúng ta đến đây với bao nhiêu hy vọng, nhưng cũng rất buồn trong lòng: giữa lúc đại dịch Covid-19 giảm bớt các cuộc tấn công và tại mỗi nước người ta lạc quan hướng nhìn về tương lai thì tại Ukraine lại bùng nổ chiến tranh. Trước đây chúng ta đã xác tín rằng sẽ không còn chiến tranh tại Âu châu nữa, thế mà một lần nữa sự cám dỗ của quyền lực và tham lam của một vài người đã đưa tới chiến tranh”.

Đức Tổng Giám Mục Grusas liệt kê tất cả những trang đen tối trong hai năm gần đây và ngài nhắc đến sự chen chúc của những người di dân tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan, Lituani và Lettoni, ‘Họ bị lạm dụng như những khiên thuẫn người trong cuộc chiến tranh hỗn hợp để khuynh đảo vùng này và “tống tiền” Cộng đồng Âu châu. Rồi tháng Hai năm nay, Nga xâm lăng Âu Châu. Giờ đây có cuộc khủng hoảng năng lượng: thiếu dầu khí và giá cả tăng vọt làm cho nhiều gia đình, xí nghiệp, công nghệ và chuyên chở bị quỵ xuống. Chúng tôi, các giám mục Âu châu, tiếp tục hiệp với Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi làm cho võ khí im tiếng, chấm dứt ngay chiến tranh và làm việc cho hòa bình.”

Đức Tổng Giám Mục Grusas nói thêm rằng “Bản thân tôi, cũng như bao nhiêu giám mục khác và các phái đoàn quốc gia, đã viếng thăm Ukraine để bày tỏ sự gần gũi và lòng quý mến của các cộng đoàn Kitô chúng ta với nhân dân Ukraine, nhất là giới trẻ, trong lúc lo sợ và bấp bênh về tương lai và đất nước của họ”.

Đức Tổng Giám Mục giáo phận Marek Jedraszewski của giáo phận Cracovia cũng chào mừng các tham dự viên và nhắc đến Hội nghị chuyên đề lẽ ta tiến hành tại Cracovia hồi năm 2020 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh Gioan Phaolô 2, nhưng bị hủy bỏ vì Co-vid-19.

Sau những diễn văn chào mừng, có phần trình bày chứng từ về những quan hệ bản thân với Chúa Kitô của một số tham dự viên.

3. Đức Bênêđíctô nhận định Công đồng Vatican II “không những có ý nghĩa mà còn cần thiết nữa”.

Theo CNA, trong một bức thư mới, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI đã mô tả Công đồng Vatican II “không những có ý nghĩa mà còn cần thiết nữa”.

Được công bố hôm thứ Năm, lá thư được gửi đến Cha Dave Pivonka, TOR, viện trưởng Đại học Franciscan ở Steubenville, bang Ohio, nơi kết thúc một hội nghị hai ngày hôm thứ Sáu tập trung vào thần học của Đức Bênêđíctô XVI / Joseph Ratzinger.

Bức thư dài gần ba trang rưỡi được đánh máy, cung cấp những quan sát mới mẻ về Công đồng Vatican II từ một trong số ít các nhà thần học còn lại trong Giáo Hội Công Giáo từng đích thân tham dự Công đồng lịch sử, khai mạc cách đây 60 năm vào tháng này. Bạn có thể đọc toàn bộ bức thư ở cuối câu chuyện này.

“Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ đến một Công đồng chung,” vị giáo hoàng về hưu 95 tuổi nhớ lại trong bức thư.

Đức Bênêđíctô nhận xét, “Khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố điều đó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, có rất nhiều nghi ngờ về việc liệu nó có ý nghĩa gì hay không, đúng hơn, liệu nó có khả thi hay không, để sắp xếp những hiểu biết và câu hỏi sâu sắc vào trọn một tuyên bố công đồng và do đó đem lại cho Giáo hội một hướng đi cho cuộc hành trình xa hơn của mình”.

Ngài nói tiếp, “Trên thực tế, công đồng mới được chứng tỏ không những có ý nghĩa mà còn cần thiết. Lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó”.

Đức Bênêđíctô viết, “Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình”.

Ngài nói thêm: “Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. “Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện”.

Đức Bênêđíctô cho rằng Giáo hội học - nghiên cứu thần học về bản chất và cấu trúc của Giáo hội - đã phát triển sau Thế chiến thứ nhất. Ngài nói: “Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế”, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan”.

Đồng thời, ngài viết, khái niệm về Giáo hội như thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô đang được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Ngài nói, chính trong tình huống này, ngài đã viết luận án tiến sĩ của mình về chủ đề “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”.

Ngài viết rằng “việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới”; ngài nói thêm rằng “trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự”.

Vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, người đã từ chức vào năm 2013, kết thúc bức thư bằng cách tóm tắt mục đích viết thư của ngài.

Ngài viết, “Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta”.

Nguyên văn lá thư của Đức Bênêđíctô XVI gửi cho Cha Pivonka,

Kính Cha Pivonka

Quả là một vinh dự và niềm vui lớn đối với tôi khi tại Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, tại Đại Học Phanxicô ở Steubenville, một Hội nghị Chuyên đề Quốc tế bàn luận về giáo hội học của tôi, do đó, đã đặt suy nghĩ và cố gắng của tôi vào một dòng suối lớn trong đó nó di chuyển.

Khi tôi bắt đầu học thần học vào tháng Giêng năm 1946, không ai nghĩ tới một Công Đồng Chung. Khi Đức Gioan XXIII công bố nó, trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhiều người hoài nghi không biết liệu nó có ý nghĩa gì không, đúng hơn, liệu nó có thể diễn ra hay không, vì phải tổ chức những cái nhìn thông sáng và nhiều vấn đề vào trọn một tuyến bố của Công Đồng và do đó đem lại cho Giáo Hội một hướng đi để tiếp tục cuộc lữ hành. Trên thực tế, Công Đồng mới đã chứng tỏ không những có ý nghĩa, mà còn cần thiết nữa. Vì lần đầu tiên, vấn đề thần học về các tôn giáo đã tự biểu lộ trong tính triệt để của nó. Điều này cũng đúng đối với mối liên hệ giữa đức tin và thế giới chỉ biết đến lý trí. Cả hai chủ đề đã không được dự đoán theo cách này trước đây. Điều này giải thích tại sao Vatican II lúc đầu đe dọa sẽ gây bất ổn và rung chuyển Giáo hội hơn là mang lại cho Giáo hội một sự rõ ràng mới cho sứ mệnh của mình. Trong khi đó, nhu cầu phát biểu lại vấn đề bản chất và sứ mệnh của Giáo hội đã dần trở nên rõ ràng. Bằng cách này, sức mạnh tích cực của Công đồng cũng đang dần xuất hiện.

Công trình giáo hội học của tôi được đánh dấu bởi tình thế mới xuất hiện trong Giáo Hội ở Đức cuối Thế chiến I. Nếu cho đến nay, Giáo hội học vẫn được bàn đến một cách chủ yếu theo ngôn từ định chế, thì chiều kích tâm linh rộng lớn hơn của khái niệm Giáo hội giờ đây được tri nhận một cách hân hoan. Romano Guardini mô tả sự khai triển này bằng các lời sau đây: “một diễn trình có tầm quan trọng mênh mông đã bắt đầu. Giáo Hội đang thức giấc trong các linh hồn”. Do đó, “Nhiệm thể Chúa Kitô” trở thành ý niệm phụ trợ về Giáo Hội, một ý niệm năm 1943, đã tìm được biểu thức của nó trong Thông điệp “Mystici Corporis”. Nhưng với việc chính thức hóa nó, ý niệm Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô cùng một lúc đã lên đến cao điểm của nó và được xem xét một cách có phê phán. Chính trong tình huống này, tôi đã nghĩ và viết luận án của tôi về “Dân và Nhà Thiên Chúa trong Học thuyết về Giáo hội của Thánh Augustinô”. Đại hội về Thánh Augustinô tổ chức tại Paris năm 1954 đem lại cho tôi cơ hội để thâm hậu hóa quan điểm của tôi về chủ trương của Thánh Augustinô trong cơn lốc chính trị thời ấy.

Vấn đề ý nghĩa của Civitas Dei (Kinh thành Thiên Chúa) xem ra cuối cùng đã được giải quyết vào thời điểm ấy. Luận án của H. Scholz về “Glaube und Unglaube in der Weltgeschichte” (Tin và Không tin trong Lịch sử Thế giới), lớn mạnh trong trường phái Harnack và được xuất bản năm 1911, đã chứng tỏ rằng hai Civitates (Kinh thành) không hề có nghĩa bất cứ cơ chế công hợp nào mà đúng hơn đại diện cho hai lực lượng căn bản là tin và không tin trong lịch sử. Sự kiện nghiên cứu này, viết dưới sự hướng dẫn của Harnack, được chấp nhận summa cum laude (ưu hạng) tự nó đã bảo đảm được mọi người chấp thuận. Hơn nữa, nó rất phù hợp với công luận nói chung, một công luận vốn gán cho Giáo Hội và đức tin của Giáo Hội một vị thế đẹp đẽ nhưng cũng vô hại. Bất cứ ai dám phá hủy sự nhất trí đẹp đẽ này chỉ có thể bị coi là cố chấp. Bi kịch năm 410 (chiếm và cướp phá Rôma bởi người Visigoth) đã làm thế giới thời ấy, và cả suy nghĩ của Thánh Augustinô, rung chuyển sâu xa. Dĩ nhiên, Civitas Dei không đơn giản đồng nhất với định chế Giáo Hội. Về phương diện này, Augustinô trung cổ quả là một sai lầm sinh tử, một sai lầm mà ngày nay, may mắn thay, cuối cùng đã được vượt qua. Nhưng việc tâm linh hóa hoàn toàn khái niệm về Giáo hội, về phần nó, bỏ sót chủ nghĩa hiện thực của đức tin và các định chế của nó trên thế giới. Do đó, trong Công đồng Vatican II, vấn đề Giáo hội trong thế giới cuối cùng đã trở thành vấn đề trọng tâm thực sự.

Với những cân nhắc này, tôi chỉ muốn chỉ ra hướng đi trong đó công việc của tôi đã dẫn dắt tôi. Tôi thành thực hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề Quốc tế tại Đại học Phanxicô ở Steubenville sẽ hữu ích trong cuộc đấu tranh để có được sự hiểu biết đúng đắn về Giáo hội và thế giới trong thời đại của chúng ta.

Thân mến trong Chúa Kitô

Bênêđíctô XVI
 
Thánh Ca: Xin Cho Con Dừng Chân – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
20:59 26/10/2022
 
Thánh Ca
Tháng Các Linh Hồn – Thánh Ca: Xin Cho Con Dừng Chân – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
20:51 26/10/2022