Ngày 26-10-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gặp Gỡ Đức Giêsu trong Thánh Thần # 3
Phó tế GB Nguyễn Văn Định
15:55 26/10/2008
Gặp gỡ Đức Giêsu trong Thánh Thần # 3

ĐỔI MỚI TRONG THÁNH THẦN

Sau đây là những kết quả của việc đổi mới:

1/ Được nhận biết Đức Giêsu: Chúa Thánh Thần muốn bạn biết Đức Giêsu như những người mà bạn đã gặp. Cuộc hành trình đến Damas, thánh Phaolô đã biết về Chúa Giêsu như một nhân vật đang sống, dó đó Phaolô đã biến đổi: Tại sao ngươi bắt bớ Ta? – Thưa Ngài, Ngài là ai? – Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. (x.Cv 9,3-5)

Được biết Chúa Giêsu và đổi mới trong Thánh Thần là một ơn huệ của bạn, khi gặp Đức Giêsu trong đời sống qua các biến cố lớn nhỏ.

2/ Thay đổi nếp sống cũ: Bạn sẽ được thay đổi khi gặp Đức Giêsu, từ con người nhiều đam mê, tội lỗi đến một đời sống mới tốt lành, với một cách sống mới mẻ, vui mừng, và hy vọng hơn nhiều. Trong thư gởi giáo đoàn Corintô thánh Phaolô quả quyết: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới, cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cor 5, 17)

a/ Từ bỏ tật xấu, đam mê: Bạn nhìn thấy mình đi trong tối tăm, tội lỗi đầy xấu xa, bạn hãm dẹp những thú hưởng thụ tai hại, cần phải trở lại, để đời sống mình có hạnh phúc và tốt đẹp. Vì tội trói buộc mình mất tự do như ở trong tù, phải nô lệ nó như người nghiện ngập. Nó phá vỡ gia đình, sức khỏe, việc làm và mọi liên quan của bạn.

b/ Trở nên thánh thiện: Bạn thật hăng hái trong mọi việc đạo đức, không ngại ngùng, lười biếng và máy móc. Có một đời sống tâm linh sâu xa. Bạn cảm nhận được Thần Khí Chúa Giêsu đang sống động trong bạn, bạn thấy ham muốn phục vụ tha nhân, và thấy hối hận khi thiếu sót trong đức thương yêu và tha thứ cho người khác. Đây là một ân sủng đặc biệt của Thánh Linh, để bạn thấy Quyền Năng của Thiên Chúa đang biến bạn trỡ thành một tạo vật mới.

c/ Hoa quả của Thánh Linh: Khi được Thánh Linh đổi mới, bạn sẽ sinh nhiều việc lành là những hoa trái như: hăng say đọc Lời Chúa, thích nghe nói về Chúa, để nhiều thì giờ nói truyện với Chúa, nhiệt thành trong bác việc bác aí, sống khiêm tốn và dễ tha thứ, dằn được cơn nóng giận, nói năng từ tốn nhẹ nhàng, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ hơn, tránh xen vào những lợi lộc tiền bạc, không đam mê của cải vật chất nhiều, v..v.. và thánh Phao lô trưng dẫn rõ như sau: Còn hoa qủa Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, bình an, nhẫn nhục, nhận hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. (Galat 5, 22-23)

3/ Luôn Sốt sắng Cầu nguyện:

Từ nay, bạn thấy siêng năng cầu nguyện không nhàm chán, dễ dàng nói truyện, tâm sự, gặp gỡ Chúa Giêsu trong mọi lúc, như đọc lời Chúa, cảm nghiệm sâu xa thấy Chúa nói với mình phải làm gì bây giờ…Đôi khi nhận được cảm động mãnh liệt về sự gặp gỡ Chúa trong tâm hồn, có lúc bạn sẽ cảm nghiệm được trong tâm linh khi Thánh Thần đụng chạm đến v.v…Đây là những ân sủng thật quý báu khi bạn đón nhận Đúc Giêsu đến trong đời bạn.

4/ Kết luận: Từ nay bạn được biết Đức Giêsu thật sự, nhờ sống tự do trong Chúa Thánh Thần. Bạn không còn bị lệ thuộc vào tự ái, ích kỷ, giận hờn, bực tức nữa, lòng trí thênh thang để từ chối mọi lạc thú, tiền bạc vật chất chóng qua. Biết nhận rõ đâu là chân thật vĩnh cửu, đâu là tạm bợ. Nhờ biết Đức Giêsu, bạn quyết định hối cải, bình an trong sự dẫn dắt của Thánh Linh trước mọi quyết định.

Phó tế GB Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:57 26/10/2008
NGU SI

N2T


Các đệ tử đang gặp những chuyện khó khăn nhất mà dấy lên biện luận náo nhiệ, đó là:

- Ghi chép mặc khải của Thiên Chúa (kinh thánh) ?

- Nên hiểu mặc khải của Thiên Chúa trong kinh thánh ?

- Nên để người sau khi hiểu rõ, thì giải thích mặc khải của kinh thánh cho người khác ?

Các đệ tử hỏi ý kiến của đại sư, đại sư nói: “Ta biết có chuyện khó khăn hơn so với ba việc trên nhiều.”

- “Chuyện gì ?”

- “Muốn để một người không biết suy nghĩ nhìn ra chân tướng nguyên thủy của một sự việc.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Kẻ ngu si thì làm sao hiểu được nguyên nhân của sự việc, bởi vì kẻ ngu si thì chỉ biết những công việc trước mắt có lợi và không có lợi cho mình, hoặc có hại và không có hại cho mình mà thôi.

- Có những con người thời nay thường hiểu Thiên Chúa như một cô thứ ký: phải ghi nhớ tất cả những gì mà họ cầu xin. Kết quả là lãi nhãi thật nhiều lời khi cầu nguyện đọc kinh.

- Có những con người thời nay thường coi Thiên Chúa như một đầy tớ: họ nói gì thì phải nghe theo lời họ. Kết quả là họ trở về tay trắng.

- Có những con người thời nay thường hiểu Thiên Chúa là sản phẩm do con người làm ra, nên bắt Thiên Chúa phải phục tùng con người: lấy khoa học hô mưa hoán vũ. Kết quả là họ tàn phá vũ trụ tự nhiên gây nên tai họa cho nhân loại.

Nguyên nhân chân tướng sâu xa của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, vì nhân loại không hiểu được chân tướng ấy nơi Thiên Chúa, cho nên vẫn cứ phủ nhận những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho nhân loại.

Trí óc con người thì có hạn vì con người là sản phẩm tình yêu của Thiên Chúa, do đó mà con người không thể dùng cái có hạn của mình để hiểu được chân tướng tình yêu của Thiên Chúa nếu Ngài không mặc khải cho biết qua Đức Giê-su Ki-tô –Thiên Chúa làm người.

Thiên Chúa là tình yêu, đó là chân tướng thật sự của Ngài, muốn cảm nhận được tình yêu này thì hãy nhìn lên thập giá, nơi đó, khuôn mặt tình yêu của Ngài được thấy rõ ràng nhất.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:00 26/10/2008
N2T


27. Nếu Ngài không muốn ban phát, thì chẳng lẽ Ngài thúc giục chúng ta cầu xin sao?

(Thánh Augustinus)
 
Vỏ và Ruột
Thanh Thanh
21:08 26/10/2008
VỎ và RUỘT

Học trò về thăm thầy cũ. Họ kể về những thành công và nhiều những rắc rối, lo âu. Họ cũng không quên than phiền về thân xác mệt mỏi, rồi sức ép của công việc, cuộc sống lại căng thẳng. Họ luôn phải phải chạy đua với thời gian và công việc.

Thầy trò uống cà phê. Thầy mang nhiều loại tách đắt tiền cũng như rẻ tiền, loại đẹp cũng như loại thường và nói: người thành đạt phải biết lựa chọn loại tách và rót cà phê cho mình. Dĩ nhiên, ai cũng chọn cho mình loại tách đẹp và giá trị, rồi cầm nâng niu, chiêm ngắm, khen ngợi.

Thầy nói: các em ai cũng chọn loại tách đắt giá mà chẳng ai màng chi đến loại tách nhựa. Đó cũng là điều đốt. Nhưng các em thấy cà phê ở trong tách nhựa hay trong tách sứ sành đâu có gì khác nhau. Tách đâu làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Thứ mà các em cũng như mọi người cần đâu phải tách, mà là cà phê.

Con người, tình yêu, hạnh phúc và niềm vui chính là cà phê. Đây là thứ mọi người cần. Thế tại sao ai cũng lại đi tìm tách mà không tìm cà phê. [sưu tầm]

Vỏ và Ruột

Trong Cựu ước, hình ảnh ông Gióp cho ta thấy rõ cái vỏ của giàu sang, ruộng vườn, gia súc, người làm. Thế rồi mọi thứ đã bị lấy đi, chỉ còn lại chút hơi thờ tàn lụi trong một tấm thân ghê sợ. Từ người giúp việc, bạn bè, vợ con đã kêu trách, than phiền. Xatan thì vui mừng vì tưởng như thế là thành công. Họ đã tìm và dựa vào cái vỏ là những thứ chóng qua như gia súc, tiền bạc, sức khoẻ, người thân mà bỏ đi cái ruột là Thiên Chúa Đấng có thể cho thì cũng có thể lấy lại. Như lời ông Gióp nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Đức Chúa” (G 1,21).

Vỏ và Ruột

“Người mẹ của các con ông Dêbêđê cùng với các con đến gặp Chúa Giêsu, bà bái lạy và xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì ?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Chúa Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?" Họ đáp: "Thưa uống nổi." Chúa Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được" (Mt 20).

Họ tìm cái vỏ của chức quyền cao thấp mà quên rằng đó chỉ là phương tiện để phục vụ. Cái ruột là tự huỷ để phục vụ.

Vỏ và Ruột

Trong Tân ước, câu chuyện hoá bánh ra nhiều trong trình thuật của Gioan chương 6 thật hấp dẫn, ly kỳ: Sau khi dân chúng được ăn bánh no nê, họ tìm cách đi theo Chúa Giêsu vào ngày hôm sau để được ăn mà khỏi phải làm. Khi gặp Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?" Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.

Họ tìm kiếm cái vỏ là thức ăn mau hư nát mà bỏ đi cái ruột là lương thực đời đời. Vâng, lương thực mà chính Chúa Giêsu đã cho biết: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

Vỏ và Ruột

Đến Arêôpagô, thánh Phaolô thấy dân thành Athêna kính thờ thần vô danh, ông liền giới thiệu về Đấng Kitô đã chết và sống lại. Nếu ai tin và theo Ngài thì có sự sống đời sau, sẽ sống lại. “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy”. Nhóm Xađốc cũng tỏ ra một cách giống như họ.

Họ kiếm tìm cái vỏ là sự sống ngắn hạn mà bỏ đi cái ruột là sự sống dài hạn. Chúa Giêsu đã nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào ta, sẽ không bao giờ phải chết”(Ga 11,25-26)

Vỏ và Ruột

Các tông đồ, có thể nói ban đầu họ cũng đi tìm cái vỏ hư danh giống như bao người đương thời. Với hy vọng có một chỗ dựa về kinh tế hay quyền lực, chỗ đứng, thế giá, hay ít là gia đình, dòng họ cũng nhờ đó được vẻ vang. Một người làm quan cả họ được nhờ mà.

Chỉ sau này, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ mới thấy những điều ấy thực sự chẳng là gì. Bởi cái ruột là sức mạnh tình yêu, là lửa lòng mến, là can đảm, là chính Thiên Chúa mới quan trọng, còn mọi sự, cả mạng sống họ cũng chẳng là gì. “Vì họ có sống là sống cho Chúa và có chết cũng là chết cho Chúa. Dù sống hay chết cũng đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

Thời nay, giới nhà tu cũng không phải không có ít nhiều người, thời gian ngắn dài đã đi tìm cái vỏ bề ngoài để chứng tỏ bản thân như để cho thấy mình là tất cả, là nhất: giáo xứ tôi lập, nhà thờ tôi xây, cộng đoàn tôi thiết lập, nhà khách tôi dựng, trường học tôi sửa, vườn cây tôi trồng, cơ sở hạ tầng nếu không có tôi thì ai vào đây. Họ đã tôn vinh chính mình.

Vâng, “Tôi” được đưa lên cao tới trời xanh cùng với mọi thứ công phúc, mọi thứ vỏ quý giá đắt tiền mà tiếc là không thấy ruột đâu cả. Ruột đó chính là Thiên Chúa được tôn vinh, Danh Chúa được cả sáng và con người nhận đuợc ân sủng, các linh hồn được giải thoát.

Vỏ và Ruột

Trong các lãnh vực thời nay: kinh tế, chính trị, khoa học, ý tế, giáo dục, nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt, khoa học kỹ thuật, giải trí, âm nhạc…. cũng đầy dẫy những người luôn đi tìm và đánh giá sự thành đạt, nhận định một con người dựa vào tiêu chuẩn cái vỏ bề ngoài ấy. Mà chẳng màng đến nhân cách, đạo đức, hy sinh, phục vụ.

Vỏ và Ruột

Cũng vậy, trong lãnh vực gia đình, chuyện chọn bạn đời, chọn rể chọn dâu. Chẳng ít ông bố bà mẹ chọn dâu rể cho con dựa vào tiêu chuẩn cái vỏ bề ngoài, hào nhoáng, chóng qua, mặc cho con cái sau này phải gánh chịu hậu quả đau thương thế nào:

Xem anh ta khoẻ không, nhà mình có nhiều ruộng lắm, cần người làm đó con ạ.
Xem anh ta có biết lái xe không, nhà mình có nhiều xe tải, cần người chở đất, giao hàng.
Xem anh ta tiền lương mỗi tháng được bao nhiêu, rồi nhà anh ta có việt kiều không.
Xem nhà anh ta có bao nhiêu ruộng vườn, hay cơ sở làm ăn, hoặc cửa hàng buôn bán.
Xem nhà anh ta có đông anh em không, khi ra riêng thì được bao nhiêu.
Xem coi anh ta có biết tâm lý, có hay quà cáp cho cha mẹ không.
Xem nhà cô ta có của hồi môn là bao nhiêu.
Xem nhà cô ta có ai làm việc cấp lớn không.
Xem cô ta có nhanh tay nhanh chân không, nhà mình các em còn nhỏ, các cháu lại đông…
Xem cô ta ăn nhiều hay ăn ít, tiết kiệm hay hoang phí. Siêng năng hay lười biếng. Lấy nó rồi nai lưng ra mà làm cho nó chưng diện.
Xem nhà cô ta có rộng rãi không hay là keo kiệt, khó nhờ vả.

Thật tội nghiệp, bất hạnh và đau khổ cho con cái lại có bố mẹ như thế, chọn vỏ bỏ ruột.

Chọn bạn đời cũng vậy. Không thiếu những người dựa vào bề ngoài rồi tiến đến hôn nhân.

Chỉ vì mái tóc dài bóng mượt hay má lúng đồng tiền hoặc nốt ruồi son mà nhắm mắt lấy hẳn mấy chục ký thịt về làm vợ.

Chỉ vì cái răng khểnh, giọng hát hay, nét chữ đẹp, viết thư khéo mà sẵn sàng lấy nửa tạ thịt làm chồng.

Thật nguy hiểm khi chọn cái vỏ làm tiêu chuẩn để tìm kiếm, phấn đấu. Bởi cái vỏ thì có thể nứt, có thể bể bất cứ lúc nào, một khi cánh cửa cuộc đời khép dần lại: sắc đẹp tàn phai, sức khoẻ hao mòn, tiền bạc qua đi, nghề nghiệp không còn.

Vì thế, nhiều người vất vả cả đời, khi nhắm mắt xuôi tay mà chẳng thưởng thức được chút cà phê nào cuộc đời. Thật tiếc. Phải chăng đây là nguyên nhân làm cho nhiều người phải khổ đau.

Ruột thật

Hình ảnh lễ Ngũ tuần thật đẹp. Cái ruột thật chính là Thánh Thần của Đức Kitô, là các tông đồ, là mọi người. Cái ruột thật ấy không hề bị giới hạn hay lệ thuộc bởi màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay trình độ. Mà tất cả đều được đón nhận sự thật về Ngôi Hai Thiên Chúa, đều được thưởng thức một cách hả hê, vui sướng. Người đông như thế, nhưng lại chỉ là một. Một đức tin, một lòng mến, một can đảm. Một hy vọng, một tin tưởng, một phấn đấu. Một hành trình dấn thân đi tìm cái ruột và thưởng thức nó. Đó chính là Thiên Chúa, là con người, là chân lý, là sự thật, là tình yêu, là bình an và hạnh phúc.
 
Nhân đạo hơn
+ GM JB Bùi Tuần
21:10 26/10/2008
NHÂN ĐẠO HƠN

Ai cũng muốn đời mình thành công. Thành công hệ tại ở sự gì, thì mỗi người có thể đưa ra quan điểm của mình.

Nói chung, thành công hệ tại ở sự có hạnh phúc.

Riêng đối với nhiều môn đệ Chúa Giêsu, thì hạnh phúc lớn nhất đời mình là vượt qua được chính mình, để phục vụ người khác, giúp họ được hạnh phúc vì nên người nhiều hơn và nên con Chúa nhiều hơn.

Điều quan trọng bậc nhất họ thao thức là cách đối xử với người khác. Làm sao đẩy lùi được mọi hình thức vô nhân đạo, thay vào đó là tăng mãi mức độ nhân đạo lên.

Thực tế cho thấy: Trong mỗi người vẫn có nhiều tính vô nhân đạo. Đó là sự ác theo bản năng. Người ta coi người khác như yếu tố cần để nâng đỡ đời mình. Nhung không thiếu trường hợp, người khác bị coi như kẻ cạnh tranh, như kẻ phải loại trừ.

Thái độ quen thuộc nhất là người khác bị coi như kẻ quấy rầy.

Đôi khi họ bị coi như kẻ mình phải coi chừng.

Không thiếu trường hợp, kẻ khác bị nhìn với con mắt dửng dưng. Khổ mặc khổ. Chết để chết.

Đó là bản năng, một bản năng có nhiều ít vô nhân đạo. Vượt được bản năng đó không phải dễ.

Thêm vào đó, chính chúng ta cũng vô tình hay hữu ý sinh ra những cái vô nhân đạo. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những sản sinh đó. Những cách vô nhân đạo của chúng ta không xứng với đạo làm người, chứ chưa nói đến đạo làm con Chúa.

Chẳng may, những người khác cũng sản sinh nhiều thứ vô nhân đạo, đôi khi với một cách hung bạo không thể ngờ.

Thành ra, nói cho cùng, sự vô nhân đạo giữa những con người với nhau là một kẻ thù trung thành của lịch sử nhân loại.

Ở đây, chỉ xin nêu lên bốn thứ vô nhân đạo, được ghi trong Phúc Âm, và bây giờ vẫn mãi diễn lại.

1/ Tinh thần giữ lề luật một cách chật hẹp khô cứng đưa tới vô nhân đạo

Phúc Âm thánh Marcô viết: "Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Nhóm Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sabat không, để tố cáo Người. Đức Giêsu bảo người bại tay: Anh hãy đứng dậy, ra giữa đây. Rồi Người nói với họ: Ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi. Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận, rảo mắt nhìn họ, buồn khổ, vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: Anh giơ tay ra. Người ấy giơ ra, và tay trở lại bình thường.

"Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu" (Mc 3,1-6).

Cách giữ luật khô cứng của nhóm Pharisêu, đúng là thái độ vô nhân đạo. Vô nhân đạo đối với người được Chúa Giêsu chữa lành, và vô nhân đạo đối với chính Chúa Giêsu là Đấng chữa bệnh.

2/ Nghĩ sai về người khác đưa tới lời nói và việc làm vô nhân đạo

Phúc Âm Marcô nói về nhóm thân nhân của Chúa Giêsu:

"Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Mc 3,20-21).

Nhóm thân nhân của Chúa Giêsu mới chỉ thấy vài việc bề ngoài, mà đã tưởng mình hiểu đúng, nên vội kết án Người. Đó là ảo tưởng. Ảo tưởng đó đã khiến họ có những lời nói và việc làm có thể nói là vô nhân đạo đối với người thân. Kết án Người là mất trí và tìm bắt Người vì mất trí, đó chẳng phải là quá vô nhân đạo sao? Trong ảo tưởng nhiều khi cũng có sự tự kiêu, dẫn tới sai lầm tàn bạo.

3/ Ghen tị khinh miệt đưa tới vô nhân đạo

Phúc Âm thánh Luca cho biết: "Đức Giêsu về Nadarét là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

Thần khí Chúa ngự trên tôi.

Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó...

Rồi Người nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4,16-21).

Nghe vậy, họ tỏ vẻ kinh ngạc, rồi gièm pha, rồi khinh thường Người. Vì ai cũng biết Người xuất thân ở đó. Sau cùng, tính ghen tương và khinh thường đã khiến họ đi tới một việc làm vô nhân đạo. "Họ lôi Người ra khỏi thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người băng qua họ mà đi" (Lc 4,29-30).

Sau này, vì ghen tương khinh miệt, dân Do Thái đã giết chính Đấng Cứu thế một cách cực kỳ vô nhân đạo (x. Mt 26,47-56).

Lịch sử đạo đời không thiếu những trường hợp, vì ghen tương và khinh thường mà người ta trở thành vô nhân đạo đối với người khác.

4/ Phúc Âm còn nói tới những thiếu sót đưa tới thái độ vô nhân đạo

Như trường hợp thầy tư tế không giúp đỡ kẻ bị cướp trấn lột và bị đánh trọng thương (x. Lc 10,29-37).

Và như trường hợp ông phú hộ sống dửng dưng bên cạnh người ăn mày Ladarô (x. Lc 16,19-31).

Suy gẫm vài trường hợp trên đây, chúng ta xin Chúa giải cứu chúng ta khỏi mọi hình thức vô nhân đạo trong đời sống với người khác. Cùng với ơn Chúa, chúng ta chiến đấu với chính mình để trở nên nhân đạo hơn trong đời sống làm người và làm con Chúa.

Nhân đạo khi xuất phát từ đức tin, sẽ là cách làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu.

Đang khi tôi viết bài chia sẻ này, thì cách đây vài trăm thước, đang diễn ra một đại hội. Âm thanh lớn của đại hội không ngừng tra tấn thần kinh của tôi, khiến tôi khốn khổ và sợ hãi.

Thực tế này càng cho tôi cảm nhận thế nào là nhân đạo trong đời thường.

Lạy Chúa, xin thương cho mọi nền văn minh trên trái đất này được càng ngày càng thêm nhân đạo theo thánh ý Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng giám mục
Bình Hòa
21:32 26/10/2008
Thánh lễ bế mạc Thượng hội đồng giám mục

Một Thượng hội đồng giám mục vừa bế mạc, một Thượng hội đồng giám mục sắp khai mạc. Sáng hôm qua, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại đền thánh Phêrô để bế mạc khoá họp thường lệ lần thứ XII bàn về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, với 326 vị đồng tế (52 hồng y, 14 thượng phụ và giáo trưởng Đông phương, 45 tổng giám mục, 130 giám mục, 85 linh mục). Trong bài giảng, ngài loan báo sẽ khai mạc khoá họp lần thứ hai Thượng hội đồng Giám mục bàn về Phi châu vào tháng 10 năm tới; trước đó vào tháng ba, ngài sẽ thực hiện một chuyến viếng thăm lục điạ này để trao cho đại biểu các hội đồng giám mục Tài liệu làm việc của khóa họp, và để mừng kỷ niệm 500 năm rao giảng Tin mừng cho nước Angola. Điều này được lặp lại trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin. Ngoài chủ đề liên quan đến Lời Chúa, ngài không bỏ qua điều kiện khó khăn của nhiều tín hữu đang trải qua, cách riêng là tại vài quốc gia Á châu. Trước tiên, chúng tôi dịch bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến

Với Thánh lễ đồng tế tại đền thánh Phêrô sáng nay, khoá họp thường lệ lần XII của Thượng hội đồng giám mục bàn về “Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Giáo hội” đã kết thúc. Mỗi khóa họp của Thượng hội đồng là một kinh nghiệm mạnh mẽ về sự thông hiệp trong Giáo hội, và lần này còn hơn nữa bởi vì trọng tâm của mọi chú ý được dồn về điểm soi sáng và hướng dẫn Giáo hội, đó là Lời Chúa, nghĩa là Chúa Kitô. Mỗi ngày chúng tôi đã sống trong tâm tính kính cẩn lắng nghe, ý thức tất cả hồng ân và vẻ đẹp vì được làm những môn sinh và phục vụ Chúa. Theo ý nghĩa nguyên khởi của danh từ “ekklesia” (nghĩa là sự triêụ tập), chúng tôi đã nghiệm được niềm vui vì được Lời Chúa triệu tập, và cách riêng là trong phụng vụ, chúng tôi cảm thấy mình đang bước đi trong Lời Chúa, như là trong Đất hứa, và Lời Chúa cho chúng tôi nếm trước Nước Trời.

Một điều thường được nhắc lại nhiều lần là mối tương quan giữa Lời ở số ít và lời ở số nhiều, nghĩa là mỗi tương quan giữa Ngôi Lời của Chúa với những lời diễn tả Ngài. Như công đồng Vaticanô II đã dạy trong hiến chế Dei Verbum (về mặc khải) số 12, việc chú giải Kinh thánh cách đúng đắn đòi hỏi cả phương pháp lịch sử và phê bình, cũng như phương pháp thần học, bởi vì Kinh Thánh là Lời của Chúa nói qua những lời của con người. Điều này hàm ngụ rằng khi đọc và giải thích mỗi bản văn, cần phải duy trì sự đồng nhất của toàn bộ Sách Thánh, truyền thống sống động của Giáo hội, và ánh sáng của đức tin. Dĩ nhiên, Kinh thánh là một tác phẩm văn chương, thậm chí là một kiệt tác của văn hóa toàn cầu, nhưng không thể nào lột bỏ yếu tố thần linh của Kinh thánh, vì vậy cần phải đọc Kinh Thánh trong cũng một Thần khí mà nó được sáng tác. Việc chú giải theo khoa học và lectio divina (cầu nguyện bằng Sách Thánh) đều cần thiết và cần được bổ túc cho nhau, để truy tầm qua ý nghĩa văn chương, ý nghĩa thần khí mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay.

Vào lúc bế mạc Khóa họp, các đức Thượng phụ của các Giáo hội Đông phương đã lên tiếng kêu gọi, và tôi cũng hưởng ứng, nhằm lôi kéo sự chú ý của cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo tinh thần, những người thiện chí, về thảm cảnh đang xảy ra tại vài quốc gia bên phương Đông, nơi mà các Kitô hữu trở thành nạn nhân của những hành vi khống chế và bạo lực: họ bị ám sát, đe doạ và cưỡng bách phải lìa bỏ nhà cửa, đi lang thang tìm nơi ẩn náu. Vào lúc này, tôi nghĩ đến cách riêng nước Irak và nước Ấn độ. Tôi tin rằng các dân tộc cổ kính tại các quốc gia ấy, trải qua bao thế kỷ chung sống tốt đẹp, đã nhìn nhận và trân trọng sự đóng góp của những cộng đoàn Kitô giáo, tuy nhỏ bé nhưng rất năng động, vào sự tiến triển của dân tộc. Các Kitô hữu không đòi hỏi đặc ân gì, nhưng chỉ ước mong được tiếp tục sống trên quê hương mình cùng với đồng bào của mình, như lâu nay vẫn làm. Tôi yêu các nhà cầm quyền dân chính và tôn giáo liên hệ đừng khước từ bất cứ nỗ lực gì nhằm sớm tái lập sự tôn trọng pháp luật và sự chung sống, và những công dân lương thiện có thể tin tưởng được hưởng sự che chở cân xứng về phía các cơ quan của Nhà Nước. Tôi cũng mong rằng các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo trên khắp thế giới, ý thức vai trò lãnh đạo của mình, hãy thực hiện những nghĩa cử thân thiện và quý trọng dành cho những nhóm thiểu số, dù thuộc Kitô giáo hoặc các tôn giáo khác, và xin họ hãy lấy làm vinh dự vì bảo vệ những quyền lợi chính đáng.

Ngoài ra, tôi cũng xin thông báo cho anh chị em đang hiện diện tại đây, như tôi đã nói trong Thánh lễ, đó là vào tháng 10 năm tới, sẽ diễn ra tại Rôma khoá họp đặc biệt lần thứ hai của Thượng hội đồng giám mục về Phi châu. Trước đó, nếu Chúa muốn, vào tháng 3 tôi sẽ đi Phi châu, viếng thăm nước Camerun để trao cho các giám mục “Tài liệu làm việc”, rồi sau đó, đến nước Angola, nhân kỷ niệm 500 năm Tin mừng được loan báo đến nước này. Chúng ta hãy ký thác cho Đức Mẹ Maria những nỗi đau khổ vừa nhắc đến, cũng những niềm hy vọng mà chúng ta ôm ấp, cách riêng những viển tượng của Thượng hội đồng giám mục Phi châu.

Như đã nói trên đây, Thượng hội đồng giám mục khoá XII đã kết thúc với Thánh lễ đồng tế được cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng tại đền thánh Phêrô. Nói cho đúng, hôm qua chỉ kết thúc các cuộc hội họp mà thôi, nhưng văn phòng Tổng thư ký vẫn còn phải làm việc để nghiên cứu các ý kiến và 55 đề nghị, chuẩn bị cho việc soạn thảo tông huấn hậu Thượng hội đồng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã móc nối chủ đề của Thượng hội đồng bàn về Lời Chúa với năm thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, qua câu nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao truyền Tin mừng (1Cr 9,16). Biết bao nhiêu dân tộc đang đi tìm kiếm Chúa Giêsu, để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Vì thế, tiêu chuẩn để trắc nghiệm sứ mạng của Giáo hội là việc làm chứng tá cho Chúa bằng cuộc sống phù hợp với Lời Chúa. Vì thế một trọng trách của Giáo hội vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba là cần được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và dấn thân loan báo Tin mừng. Đối với việc lắng nghe và giải thích Lời Chúa, đức Bênêđictô XVI nói đến một nguy cơ sử dụng Sách Thánh một cách chủ quan, dựa theo ý thức hệ hơn là dựa theo chân lý, giải thích Kinh Thánh theo ý riêng của mình, chứ không phải như Hội thánh vẫn hiểu. Mặt khác, ngài cũng khuyến khích việc nghiên cứu Sách Thánh để sống Lời Chúa và có khả năng đối thoại với các nền văn hoá, các tôn giáo.

Trong phần kết luận bài giảng, sau khi đã chào thăm và cám ơn các nghị phụ hiện diện, ĐTC cũng nghĩ tới sự vắng mặt của các giám mục Trung hoa lục điạ.
 
Sứ điệp sau cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới
Vũ Văn An
23:02 26/10/2008
Sứ điệp sau cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa

Trong phiên khoáng đại thứ 21, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (THĐ) đã thông qua sứ điệp sau cùng. Vị giáo phẩm có nhiệm vụ soạn thảo sứ điệp này là Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi. Bản dự thảo đã được vị Tổng Giám Mục này trình bầy lần đầu ngày 18 tháng Mười và ai cũng đồng ý đây là một trong những bản văn đẹp đẽ nhất nhưng hơi dài (hơn 10 trang). Bởi thế, để sứ điệp dễ được nhiều người đọc hơn, THĐ đã đưa ra đề nghị: công bố một phiên bản ngắn hơn, chừng 2 trang. Do đó mà có Bản “Tóm Lược Sứ Điệp gửi Dân Chúa của THĐ Giám Mục”. Đây không phải là bản văn chính thức, nhưng đã được Văn Phòng Tổng Thư Ký của THĐ phân phối rộng rãi. Cha Trần Đức Anh O.P. đã trình bầy Bản Tóm Lược này trong một bài trước đây của Vietcatholic.net.

Vì tầm ích lợi của bản văn chính thức, một bản văn đã được soạn với “một lòng say mê, một thứ pathos” như chính Đức TGM Ravasi cho hay, chúng tôi cho đăng đầy đủ Sứ Điệp gửi Dân Chúa của THĐ Giám Mục, một THĐ được triệu tập chỉ với mục đích duy nhất: mời gọi tín hữu tiếp nhận phương thức tới gần Thánh Kinh của Soren Kierkegaard: "Bạn phải đọc Sách Thánh như người yêu đọc thư người yêu dấu … Sách Thánh đã được viết cho một mình tôi”. Mời bạn đọc cùng đọc trọn Bức Thông Điệp:

Thưa anh chị em,

“Xin Thiên Chúa Ngôi Cha và Chúa Giêsu Kitô ban bình an, tình yêu và đức tin cho tất cả anh chị em. Xin ơn thánh Chúa ở cùng mọi người biết yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trong cõi sống bất diệt”. Với lời chào kính nhiệt tình và thiết tha ấy, Thánh Phaolô đã kết thúc bức thư ngài gửi cho tín hữu Êphêsô (6:23-24). Cũng với những lời ấy, chúng tôi, Các Nghị Phụ của THĐ, tụ tập tại Rôma tham dự Phiên Họp Thường Lệ Lần Thứ XII của THĐ Giám Mục, dưới sự dìu dắt của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, xin mở đầu sứ điệp gửi tới chân trời mênh mông gồm tất cả những ai, thuộc nhiều vùng khác nhau trên thế giới, đang bước chân theo Chúa Kitô làm môn đệ và hằng tiếp tục yêu mến Người bằng một tình yêu bền vững.

Một lần nữa, trong khi nhắc lại lời mời gọi xưa, chúng tôi xin đề nghị với những người ấy tiếng nói và ánh sáng của Lời Chúa: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30:14). Chính Thiên Chúa nói với mỗi người chúng ta: “Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ” (Ed 3:10). Chúng tôi xin đề nghị với anh chị em một cuộc hành trình thiêng liêng gồm bốn giai đoạn. Cuộc hành trình này sẽ đưa chúng ta khởi từ cõi vĩnh hằng và bản tính vô cùng của Thiên Chúa xuống tới các mái nhà và khu phố đô thị ta.

I. Tiếng Chúa: Sự Mạc khải

1. "Rồi Chúa phán với anh em từ giữa đám lửa; anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ có tiếng thôi” (Đnl 4:12). Đấy là lời của Môsê đang nhắc lại kinh nghiệm sống của dân Do Thái trong nơi hoang sơ cay đắng của sa mạc Sinai. Chúa không hiển hiện trong một tranh vẽ, một hình tạc hay một bức tượng, nhưng trong tiếng nói bằng lời. Chính tiếng nói ấy đã đi vào hiện trường của buổi đầu sáng thế, khi nó xé tan cõi thinh lặng của hư không: “Lúc khởi đầu… Thiên Chúa phán, ‘Hãy có ánh sáng’ và liền có ánh sáng…Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và nếu không có Người, thì chẳng có sự gì được tạo thành” (St 1:1.3; Ga 1:1.3).

Sáng thế không phát sinh từ cuộc đấm đá giữa các thần minh, như huyền thoại xưa của Lưỡng Hà từng dạy, nhưng từ một lời nói đánh bại hư không mà tạo ra mọi sự. Thánh vịnh gia từng ngâm ngợi: “Nhờ lời Chúa, các tầng trời đã được tạo nên, nhờ hơi thở từ miệng Người, muôn tinh tú được tạo thành…Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33:6, 9). Và Thánh Phaolô lặp lại rằng: Thiên Chúa “làm cho kẻ chết được sống và truyền khiến những gì không có bước vào cõi có” (Rm 4:17). Thế là cuộc mạc khải “có tính vũ trụ”lần đầu đã biến sáng tạo nên như một trang sách mênh mông mở sẵn ra trước mặt toàn thể nhân loại, trong đó, sứ điệp của Đấng Hóa Công có thể đọc thấy như sau: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời lẽ, chẳng một âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19:2-5).

2. Tuy nhiên, lời Thiên Chúa còn là nguyên ủy cho lịch sử con người. Con người, vì được Thiên Chúa dựng nên “theo hình ảnh của chính Người” (St 1:27) và được mang trong mình dấu ấn của Người, nên có thể bước vào đối thoại với chính Đấng Hóa Công mà cũng có thể quay gót xa lánh và từ khước Người bằng tội lỗi. Như thế, lời Chúa vừa cứu vớt vừa kết án, vào thật sâu trong cấu trúc chằng chịt của lịch sử trong mọi ký sự và biến cố: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3:7-8). Do đó, Đấng thần thiêng đã hiện diện trong các biến cố của con người và các biến cố này, nhờ hành động của chính Chúa lịch sử, đã được tích nhập vào kế hoạch cứu rỗi lớn hơn dành cho “mọi người cần được cứu rỗi và đạt tới hiểu biết chân lý hoàn toàn” (1 Tm 2:4).

3. Thành thử, lời đầy hiệu lực, đầy sáng tạo và cứu vớt của Chúa chính là nguồn gốc của hiện hữu và lịch sử, của sáng tạo và cứu chuộc. Thiên Chúa, khi gặp gỡ con người, đã tuyên bố: “Ta, Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 37:14). Thế là, tiếng Chúa nói đã bước vào lời được viết ra, vào hình thức “Graphé” hay “Graphaí”, Sách Thánh, như Tân Ước thường nhắc lại. Môsê đã từ đỉnh Sinai bước xuống “tay mang hai tấm bia Chứng Ước; những bia ấy có viết cả hai mặt, mặt trước cũng như mặt sau. Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên các bia” (Xh 32:15-16). Môsê truyền cho dân Israel phải gìn giữ và viết lại “các bia giới luật” này: “Anh em hãy viết trên các tảng đá mọi lời của Luật này: hãy viết rõ ràng” (Đnl 27:8).

Sách Thánh “mang chứng tá” cho lời Chúa dưới hình thức chữ viết. Chúng ký ức hóa biến cố mạc khải đầy sáng tạo và cứu rỗi bằng phương tiện quy điển, lịch sử và văn học. Cho nên, lời Chúa đi trước và đi quá bên kia Thánh Kinh là bộ sách cũng đã “được Thiên Chúa linh hứng” và chứa đựng lời Chúa đầy hiệu lực (xem 2Tm 3:16). Đó chính là lý do tại sao đức tin của ta không phải chỉ tập trung vào một cuốn sách, mà vào lịch sử cứu độ và, như sẽ thấy, vào một ngôi vị, tức Chúa Giêsu Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, vừa là người vừa là lịch sử. Chính vì lời Chúa có khả năng bao gồm và vượt quá Sách Thánh, nên sự hiện diện không ngừng của Chúa Thánh Thần, một sự hiện diện “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), hết sức cần thiết cho những ai đọc Sách Thánh. Thánh Truyền vĩ đại là đây: là sự hiện diện đầy hiệu quả của “Thánh Thần chân lý” trong Giáo Hội, người bảo quản Sách Thánh, một Sách Thánh được Huấn Quyền của Giáo Hội giải thích một cách chân chính. Thánh Truyền này giúp Giáo Hội hiểu được, giải thích được, thông truyền được và làm chứng được cho Lời Chúa. Khi loan báo kinh tin kính đầu hết của Kitô giáo, Thánh Phaolô cũng đã nhìn nhận nhu cầu phải “thông truyền” điều ngài “đã tiếp nhận” được từ Thánh Truyền (1 Cor 15:3-5).

II. Khuôn mặt lời Chúa: Chúa Giêsu Kitô

4. Trong nguyên ngữ Hy lạp, ta thấy có ba chữ căn bản sau đây: Lógos sarx eghéneto, "Lời đã thành xác thịt”. Mấy chữ đó không những là đỉnh cao của lời vàng ngọc đầy chất thơ và thần học là tự ngôn của Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 1:14), mà còn là trái tim của đức tin của Kitô giáo. Lời trường cửu và thần thánh đã đi vào không gian và thời gian và đã mang lấy khuôn mặt và bản sắc nhân bản, đến độ ta có thể trược tiếp tới gần Người mà yêu cầu, như đám đông Hy lạp đã yêu cầu khi xưa tại Giêrusalem: “Chúng tôi muốn được gặp Đức Giêsu” (Ga 12:20-21). Lời không có mặt là lời thiếu sót, nó không thể hoàn tất cuộc gặp gỡ, như Gióp từng nhắc nhớ, lúc ông sắp kết thúc cuộc hành trình tìm kiếm đầy cảm kích của ông: “Trước đây, con chỉ biết Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42:5).

Chúa Kitô là “Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1:15); nhưng Người cũng là Đức Giêsu thành Nadarét từng rảo bước khắp đường xá một tỉnh ngoại vi của Đế Quốc Rôma, từng nói ngôn ngữ địa phương, từng biểu lộ các đặc điểm của một dân tộc, tức dân Do Thái, và nền văn hóa của nó. Cho nên, con người có thực là Giêsu Kitô quả là con người bằng xương bằng thịt, mỏng dòn và dễ chết; Người quả là lịch sử và nhân bản, nhưng Người cũng là vinh quang, thần thánh, huyền nhiệm: là Đấng mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, một Thiên Chúa chưa có ai được nhìn thấy (xem Ga 1:18). Con Thiên Chúa tiếp tục là như thế ngay trong xác chết đang táng trong huyệt mộ và phục sinh chính là minh chứng sống động của sự kiện ấy.

5. Truyền thống Kitô giáo thường đặt Lời nhập thể của Thiên Chúa song song với cùng lời ấy đã được viết thành sách. Việc ấy đã xẩy ra trong kinh Tin Kính khi ta tuyên xưng rằng Con Thiên Chúa “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”, và Kinh ấy cũng tuyên xưng rằng “Chúa Thánh Thần, đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Công Đồng Vatican II đã tổng hợp được truyền thống xa xưa ấy, một truyền thống theo đó “thân xác Chúa Con chính là Sách Thánh đã được truyền lại cho chúng ta” như Thánh Ambrose từng khẳng định (In Lucam VI, 33) – nhờ thế đã minh nhiên tuyên bố rằng “Vì lời Chúa, khi được phát biểu bằng ngôn ngữ nhân bản, đã trở nên như lời đàm luận của con người, giống hệt như Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mang lấy sự yếu đuối của thân xác nhân bản, đã trở nên như con người mọi đàng” (DV 13).

Thực thế, Thánh Kinh cũng là “xác thịt”, là “chữ viết”; nó tự phát biểu qua các ngôn ngữ đặc thù, dưới hình thức văn tự và lịch sử, qua các quan niệm dính liền với một nền văn hóa cổ xưa, nó duy trì ký ức đủ mọi biến cố, đôi khi hết sức bi thảm; các trang của nó rất thường hay đẫm máu và bạo lực, trong ấy vang dội đủ cả giọng cười sang sảng lẫn nước mắt chẩy thành dòng, tiếng than xé lòng của người sầu khổ và niềm vui hân hoan của những kẻ đang yêu. Để hiểu điều đó, chiều kích “thân xác” của nó đòi phải có một phân tích lịch sử và văn tự, tiến hành nhờ nhiều phương pháp và phương thức khác nhau của ngành chú giải Thánh Kinh. Mọi độc giả Sách Thánh, dù tầm thường nhất, cũng phải có một kiến thức tương đối nào đó về bản văn thánh, luôn phải nhớ rằng các lời Chúa được gói ghém trong các ngôn từ cụ thể, từng được lên khuôn và thích ứng để toàn thể nhân loại có thể nghe và hiểu được.

Đây quả là một cam kết cần thiết. Loại bỏ nó, người ta sẽ rơi vào chủ nghĩa cực đoan, một chủ nghĩa trên thực tế đã bác bỏ việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử, vì đã không nhìn nhận rằng Lời này đã tự phát biểu mình ra trong Thánh Kinh bằng ngôn ngữ loài người, một ngôn ngữ phải được giải mã, nghiên cứu và hiểu rõ. Thái độ như thế đã quên rằng linh hứng của Thiên Chúa không hề xóa bỏ các bản sắc và nhân vật lịch sử nơi các tác giả phàm nhân của nó. Tuy nhiên, Sách Thánh cũng là Lời vĩnh cửu và thần thánh và vì vậy đòi phải có một cái hiểu khác do Chúa Thánh Thần ban. Người sẽ vén mở chiều kích siêu việt của lời Chúa vốn hiện hữu trong ngôn từ con người.

6. Như thế, ở đây, ta thấy sự cần thiết phải có “Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội” (DV 12) và đức tin mới hiểu được Thánh Kinh một cách trọn vẹn và thống nhất. Nếu chú tâm vào “chữ” mà thôi, Thánh Kinh sẽ chỉ còn là một tài liệu long trọng của quá khứ, một chứng tá đầy tôn qúy, đạo đức và văn hóa. Nhưng nếu loại bỏ Nhập Thể, nó sẽ rơi tọt xuống một thứ lưỡng nghĩa cực đoan, hay một thứ duy linh mơ hồ hoặc một thứ tâm lý học bình dân. Cho nên, nhận thức có tính chú giải phải được dệt một cách chắc chắn vào truyền thống thiêng liêng và thần học để sự hợp nhất thần nhân nơi Chúa Giêsu Kitô và nơi Thánh Kinh không bị phá vỡ.

Trong sự hòa hợp vừa được tái khám phá trên, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ toả ánh quang viên mãn và sẽ giúp ta khám phá ra một sự hợp nhất khác, đó là sự hợp nhất sâu sắc và thân thiết của Bộ Sách Thánh. Thực vậy, (Sách Thánh) có tất cả 73 sách, nhưng chúng hợp thành một “Quy Điển” duy nhất, trong cuộc đối thoại duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, trong kế hoạch cứu độ duy nhất. “Ở nhiều thời điểm khác nhau trong quá khứ và bằng nhiều phương cách khác nhau, Thiên Chúa đã nói với tổ tiên ta qua các tiên tri; nhưng đến thời ta, là thời sau cùng, Người đã nói với ta trong Con Một của Người” (Dt 1:1-2). Như thế, một cách phản hồi, Chúa Kitô đã soi sáng cho ta hiểu toàn bộ việc khai triển của lịch sử cứu độ và cho thấy sự gắn bó của nó, ý nghĩa và hướng đi của nó.

Người là dấu ấn, là “Anpha và Ômêga” (Kh 1:8) của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Người từng được phân bổ qua thời gian và được chứng nghiệm trong Thánh Kinh. Chính dưới ánh sáng của dấu ấn sau cùng này, lời lẽ của Môsê và của các tiên tri có được “ý nghĩa đầy đủ”. Chính Chúa Giêsu xác nhận điều ấy trong buổi chiều mùa xuân xưa, khi Người thực hiện cuộc hành trình từ Giêrusalem tới thị trấn Emmaus, vừa đi vừa chuyện trò với Cleopas và người bạn của ông, giải thích “cho họ các đoạn Sách Thánh nói về Người” (Lc 24:27).

Tâm điểm của Mạc Khải đã chứng tỏ: Lời Chúa quả đã mang lấy một khuôn mặt. Đó chính là lý do tại sao tính chung cục tối hậu của nhận thức Thánh Kinh “không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một lý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người từng mang lại cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, số 1).

III. Nhà của Lời Chúa: Giáo Hội

Đức khôn ngoan của Thiên Chúa trong Cựu Ước đã xây nhà tại các đô thị của con người, dùng bẩy trụ cột nâng đỡ nhà ấy thế nào (xem Cn 9:1) thì lời Chúa cũng xây nhà như thế trong Tân Ước. Giáo Hội lấy cộng đồng mẹ Giêrusalem làm mẫu mực cho mình. Giáo Hội được đặt nền trên Phêrô và các tông đồ và ngày nay, qua các giám mục hiệp thông với vị Kế Nhiệm của Phêrô, tiếp tục gìn giữ, công bố và giải thích lời Chúa (xem hiến chế LG 13). Trong Tông Đồ Công Vụ (2:42), Thánh Luca cho thấy kiến trúc của tòa nhà này đặt căn bản trên 4 cột trụ lý tưởng mà ngày nay vẫn còn được rất nhiều hình thức cộng đoàn giáo hội khác nhau làm chứng: “Họ trung thành với giáo huấn của các tông đồ, với tình huynh đệ, với việc bẻ bánh và với lời kinh nguyện”

7. Ở đây, trước nhất là giáo huấn của các tông đồ, tức việc giảng giải lời Chúa. Thực vậy, Thánh Tông Đồ Phaolô cho ta hay: “có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Lời người loan báo xuất phát từ Giáo Hội, một lời trình bầy tin mừng sơ truyền (kérygma) hay lời công bố đầu hết và căn bản nhất mà Chúa Giêsu từng công bố lúc bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “giờ đã đến và nước Thiên Chúa đã gần kề. Hãy thống hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1:15). Khi công bố cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, các tông đồ đã loan báo việc khai mở nước Thiên Chúa, nghĩa là việc Thiên Chúa dứt khoát can thiệp vào lịch sử con người: “Chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ; vì trong số mọi tên trên thế giới này dành cho con người, đây là tên duy nhất nhờ đó chúng ta được cứu vớt” (Cv 4:12). Kitô hữu làm chứng cho niềm hy vọng ấy “cách hiền hòa, kính trọng và với một lương tâm ngay thẳng”, song phải sẵn sàng liên lụy vào và có lẽ chịu để cho bão táp của xua đẩy và bách hại tràn ngập, vì biết rằng “thà chịu khổ vì làm việc lành, còn hơn là vì làm điều ác” ( 1 Pr 3:16-17).

Như thế, giáo lý đã vang lên trong Giáo Hội: giáo lý này nhằm thâm hậu hóa nơi Kitô hữu “việc hiểu biết mầu nhiệm Chúa Kitô dưới ánh sáng lời Chúa, để nhân tính toàn bộ nơi một con người được thấm nhiễm lời ấy” trong Kitô Giáo (Gioan Phaolô II, thông điệp Catechesi tradendae, 20). Nhưng điểm cao của việc giảng giải là ở bài giảng lễ, một bài giảng mà ngày nay, đối với nhiều Kitô hữu, vẫn còn là giờ phút chính yếu để họ gặp gỡ lời Chúa. Trong hành động này, thừa tác viên nên tự biến mình thành một tiên tri. Thực vậy, với một ngôn từ sáng sủa, thẳng thắn và sắc sảo cũng như có chất lượng, không những vị này phải công bố một cách có thẩm quyền “các công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” (SC 35), bằng cách trước nhất đọc một cách rõ ràng và sinh động các bản văn thánh đã được đề nghị trong phụng vụ, mà còn phải khai triển các bài đọc đó sao cho có liên hệ với kinh nghiệm sống của người nghe và làm cho tâm hồn họ nở rộ câu hỏi làm thế nào để hồi tâm và dấn thân: “Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37).

Do đó, việc giảng giải, dạy giáo lý và bài giảng lễ giả thiết phải có việc đọc và việc hiểu, việc giải thích và cắt nghĩa, có sự tham dự của cả trí khôn lẫn tâm hồn. Nhờ thế, trong việc giảng giải, ta thực hiện một chuyển động kép. Một chuyển động giúp ta trở về gốc rễ của bản văn thánh, trở về các biến cố, những lời đầu hết của lịch sử cứu độ, để hiểu chúng trong ý nghĩa và trong sứ điệp của chúng. Chuyển động kia giúp ta quay về với hiện tại, về với cái ngày nay đang được những người nghe và đọc này sống, luôn với Chúa Kitô trong trí khôn, Đấng vốn là ánh sáng dẫn đường nhằm kết hợp mọi Sách Thánh. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm, như đã nói ở trên, trong cuộc hành trình từ Giêrusalem đi Emmaus với hai môn đệ. Đấy cũng là điều phó tế Philíp đã làm trên đường từ Giêrusalem tới Gaza, khi ông đàm đạo với người viên chức Ethiopia: “Ngài có hiểu điều ngài đang đọc không?... Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người hướng dẫn?” (Cv 8:30-31). Và kết quả cuối cùng phải là cuộc gặp gỡ trọn vẹn với Chúa Kitô trong bí tích. Thế là xuất hiện cột trụ thứ hai nâng đỡ Giáo Hội, căn nhà của lời Chúa.

8. Tức việc bẻ bánh. Khung cảnh tại Emmaus (xem Lc 24:13-35) một lần nữa lại hết sức điển hình, và tái diễn những gì vẫn xẩy ra hàng ngày trong các nhà thờ: bài giảng của Chúa Giêsu nói về Môsê và các tiên tri nhường chỗ cho việc bẻ Bánh Thánh Thể tại bàn thánh. Đây là giây phút Thiên Chúa đích thân đàm thoại với dân của Người. Đây là hành vi của giao ước mới được đóng ấn bằng máu Chúa Kitô (xem Lc 22:20). Nó là công trình tối cao của Ngôi Lời, Đấng đã tự hiến làm của ăn trong thân xác hiến sinh của mình, nó là nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Trình thuật Phúc Âm về Bữa Tiệc Ly, hay việc tưởng niệm lễ hy sinh của Chúa Kitô, khi được công bố trong cử hành Thánh Thể, nhờ sự khẩn cầu của Chúa Thánh Thần, đã trở nên một biến cố và một bí tích. Đó chính là lý do khiến Công Đồng Vatican II tuyên bố trong một đoạn xúc tích rằng: “Giáo Hội luôn tôn kính Sách Thánh giống như tôn kính mình Chúa Kitô vậy, vì đặc biệt trong phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng tiếp nhận và đem lại cho tín hữu bánh sự sống từ bàn tiệc có cả Lời Chúa lẫn mình thánh Chúa Kitô” (DV 21). Cho nên, “phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể liên hệ mật thiết với nhau đến nỗi đã tạo thành một hành vi thờ phượng duy nhất” (SC 56), và điều này phải được đem trở lại với tâm điểm của cuộc sống của Kitô hữu.

9. Cột trụ thứ ba nâng đỡ tòa nhà thiêng liêng của Giáo Hội, nhà của lời Chúa, được tạo thành bởi lời cầu nguyện, dệt bằng “các thánh vịnh và thánh thi cũng như các thánh ca linh hứng” (Cl 3:16) như lời Thánh Phaolô nhắc nhở. Hình thức ưu tuyển dĩ nhiên là Phụng Vụ Các Giờ Kinh, lối cầu nguyện ưu tú của Giáo Hội, vốn nhằm giữ nhịp cho các ngày và mùa của năm Kitô giáo, mang lại thức ăn hàng ngày cho tín hữu đặc biệt nhờ nội dung Thánh Vịnh. Bên cạnh lối thực hành này và việc cử hành lời Chúa của cộng đoàn, truyền thống còn đưa vào lối Đọc Lời Chúa (Lectio divina), một lối vừa đọc vừa cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần, một lối đọc có khả năng mở ra cho tín hữu cả một kho tàng lời Chúa, đồng thời tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời ban sự sống của Thiên Chúa. Lối đọc này bắt đầu với việc đọc (lectio) bản văn, việc đọc này sẽ gợi lên những câu hỏi giúp nhận ra nội dung thực của đoạn văn: bản văn thánh kinh này tự nó muốn nói gì? Tiếp theo là việc suy gẫm (meditatio) với câu hỏi đại loại như: bản văn thánh kinh này muốn nói gì với ta? Nhờ cách này, ta sẽ tiến tới việc cầu nguyện (oratio), một việc giả thiết trước đó phải có câu hỏi: ta phải thưa Chúa điều gì để đáp lại lời này? Và kết thúc với việc chiêm niệm (contemplatio); trong chiêm niệm, trong khi chiêm ngưỡng Chúa, ta tự hỏi mình: Chúa muốn ta phải hồi hướng trí khôn, tâm hồn và cuộc sống ta sao?

Trước mặt người đọc Lời Chúa với thái độ cầu nguyện này, lý tưởng phải xuất hiện hình ảnh Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô, đấng “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19; xem 2:51), nghĩa là, như nguyên bản Hy Lạp gợi ý, tìm ra mấu chốt sâu sắc nối kết các biến cố, hành vi và sự việc bề ngoài xem ra hết sức khác biệt kia vào kế hoạch vĩ đại của Chúa. Thái độ của bà Maria, em của bà Martha, cũng có thể là mẫu gương cho tín hữu, khi họ đọc Thánh Kinh, vì bà ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời của Người, không để sự việc bên ngoài thu hút hết tâm hồn bà, dành thì giờ cho “phần tốt hơn”, cái phần không bao giờ bị tước mất (xem Lc 10:38-42).

10. Sau cùng, ta gặp cột trụ cuối cùng nâng đỡ Giáo Hội, nhà của lời Chúa: đó là koinonía, tình yêu huynh đệ, một tên khác của agápe, nghĩa là đức ái Kitô giáo. Như Chúa Giêsu đã dạy, muốn trở thành anh chị em, ta phải nên như “những người lắng nghe lời Chúa và đem nó ra thực hành” (Lc 8:21). Lắng nghe đích thực chính là vâng lời và hành động. Nó có nghĩa phải làm cho công lý và yêu thương nở rộ ở trên đời. Nó đưa ra một chứng tá giống như lời mời gọi của tiên tri, một lời mời gọi liên tục kết hợp lời Chúa với cuộc sống, đức tin với chính trực, thờ phượng với dấn thân xã hội. Điều đó được Chúa Giêsu phát biểu nhiều lần, khởi đầu với lời cảnh báo trong Bài Giảng Trên Núi: “Không phải kẻ thưa với Ta, ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ sẽ được vào nước Trời, nhưng là người làm theo ý Cha Ta ở trên trời” (Mt 7:21). Câu này xem ra chỉ là tiếng vang lời trách trong Isaia: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (29:13). Những cảnh cáo như thế cũng liên quan tới các giáo hội khi họ không trung thành với việc lắng nghe lời Chúa với thái độ vâng theo.

Bởi thế, việc nghe trên phải hữu hình và có thể đọc thấy trên khuôn mặt và bàn tay tín hữu, như gợi ý của Thánh Grêgôriô Cả khi ngài cho hay ngài đã nhìn thấy lời Chúa trở nên sống động như thế nào nơi Thánh Bênêđíctô và nhiều vĩ nhân khác của Chúa, vốn là các chứng tá hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Người công chính và trung tín không những “giải thích” Sách Thánh, mà còn “biểu lộ” Sách Thánh ra trước mặt mọi người như một thực tại sống động và đã được thực hành. Đó là lý do tại sao việc Đọc Lời Chúa này, được coi là vita bonorum (cuả nuôi sống), lại là cách đọc/bài học sống động về lời Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu từng nhận xét rằng các tông đồ từ ngọn núi ở Galilê đi xuống, nơi các ngài được thấy Chúa Phục Sinh, tay không có các bia đá đầy chữ như Môsê ngày xưa: nhưng đời các ngài đã trở thành cuốn phúc âm sống động kể từ giây phút xuống núi ấy.

Trong căn nhà lời Chúa, ta còn gặp anh chị em từ các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội khác nữa, những người, dù còn chia cách, vẫn đang cùng ta tôn kính và yêu mến lời Chúa, vốn là nguyên lý và là nguồn suối hợp nhất đầu hết và chân thực, dù sự hợp nhất này chưa trọn vẹn. Sợi dây nối kết này phải luôn được tăng cường nhờ các bản dịch chung về Thánh Kinh, nhờ việc phổ biến bản văn, nhờ việc cầu nguyện đại kết bằng Thánh Kinh, nhờ các cuộc đối thoại về chú giải, nhờ việc nghiên cứu và so sánh giữa các lối cắt nghĩa Thánh Kinh khác nhau, nhờ việc trao đổi các giá trị cố hữu trong các truyền thống linh đạo khác nhau và nhờ việc công bố cũng như cùng nhau làm chứng cho lời Chúa trong thế giới tục hóa.

(còn một kỳ)
 
Top Stories
Wietnam: władze rozpoczynają procesy sądowe przeciw katolikom (tiếng Ba Lan)
Katolicka Agencja Informacyjna
20:51 26/10/2008
Wietnam: władze rozpoczynają procesy sądowe przeciw katolikom (tiếng Ba Lan)
(Việt Nam: Nhà nước bắt đầu dùng luật pháp xử người công giáo)

2008-10-25 - Antykatolickie represje w Wietnamie z ulic i mediów przeniosły się do sal sądowych. Choć od kilku tygodni w Hanoi i w reżimowych środkach przekazu panuje względny spokój, w stosunkach Kościół-państwo nie nastał jeszcze czas odprężenia. Francuska misyjna agencja informacyjna Eglises d'Asie podała, że władze przygotowują pokazowe procesy wiernych ze stołecznej dzielnicy Thai Ha, którzy domagali się zwrotu terenów należących do ich parafii.

W sprawie ośmiu z nich zakończyło się już śledztwo. W najbliższych dniach rozpoczną się rozprawy. Dwie oskarżone - Nguy?n Thi Nhi i Ngč Thi Dung pozostają w areszcie. Inni mają zakaz opuszczania miasta.
Propaganda partyjna z nagonki antykościelnej przestawiła się na propagandę sukcesu. Media mówią o osiągnięciach polityki wyznaniowej rządu i o sprawnym przezwyciężeniu konfliktu z Kościołem. Z zadowoleniem przytacza się też najnowsze dane, według których coraz więcej miejscowych katolików zasila szeregi partii komunistycznej.

KATOLICKA AGENCJA INFORMACYJNA
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc, Nhóm Chăm Sóc Mục Vụ Raphael Mừng Bổn Mạng
James Phùng Ngọc Thanh
09:17 26/10/2008
Nhóm Chăm Sóc Mục Vụ Raphael Mừng Bổn Mạng


Tổng Lãnh Raphael
Thánh Lễ Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật ngày 26/10/08. Nhóm Chăm Sóc Mục Vụ Raphael đã tổ chức Thánh Lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael Bổn Mạng của nhóm. Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế Thánh Lễ, phụng vụ do các thành viên trong nhóm phụ trách. Bài giảng trong Thánh Lễ Đức Ông đã nhắc sơ qua về mục đích của “Nhóm Chăm Sóc Mục Vụ” và những thành tích của nhóm trong thời gian qua. Trước khi kết thúc Thánh Lễ ông Chủ tịch Cộng Đồng đã lên chúc mùng Bổn Mạng của nhóm, sau đó anh Trưởng nhóm đã lên cảm ơn Đức ông chủ tế và mọi người trong cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho các thành viên trong nhóm. Anh Trưởng nhóm cũng kêu gọi mọi người hãy tích cực tiếp tục hỗ trợ nhóm và nếu những gia đình nào có thân nhân yếu đau bệnh tật, xin đừng ngại gọi cho nhóm, sẽ có người đến trợ giúp trong các công tác về hậu sự.

Được biết Nhóm Raphael thành lập từ ngày 02-12-2007 và chọn Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael làm Bổn Mạng của nhóm. Mục đích của nhóm là:

1. Thăm viếng người bệnh nặng, an ủi và liên lạc với Linh mục. Giúp đỡ bệnh nhân trong giờ phút cận tử.

2. Giúp các công việc phục vụ về tang chế như: Liên lạc nhà quàn, sắp xếp việc an táng (nếu tang gia nhờ đến).

3. Soạn tiểu tập Thánh Lễ an táng, các nghi thức, và điều hợp nghi lễ tại nhà quàn cũng như tại nghĩa trang.

Các công tác trên, đã được Nhóm Raphael thực hiện rất tốt đẹp trong thời gian qua

Đ/ô Minh Tâm






 
Lễ ra mắt Caritas Việt Nam
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
10:33 26/10/2008

LỄ RA MẮT CARITAS VIỆT NAM



Ngày 22-23/10/2008, Caritas Việt Nam tổ chức Lễ Ra Mắt tại TGM Xuân Lộc.

Tham dự Lễ Ra Mắt có 6 Giám mục: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Gm. Gp. Xuân Lộc, Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN; Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Gm. Gp. Phan Thiết, nguyên Chủ tịch UBBAXH; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Gm. Gp. Kontum - Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Gm. Gp. Phát Diệm; Đức cha Yvon Ambroise, Chủ tịch Caritas Asia; đại diện một số tổ chức nước ngoài như: Caritas Internationalis, Caritas Asia, Caritas Germany, Secours Catholique-Caritas France, Catholic Relief Services (CRS), Catholic HIV/AIDS Network (CHAN); cùng tham dự có 96 đại biểu Caritas của 24 giáo phận (thiếu đại biểu Caritas Thanh Hoá và Phát Diệm), đại biểu của 8 Dòng Tu Nam và 16 Dòng Tu Nữ.

Qua 2 ngày, ban tổ chức đã giới thiệu cơ cấu tổ chức, đường hướng hoạt động của Caritas Việt Nam, cũng như giới thiệu một số chương trình hoạt động trong một số lĩnh vực như đào tạo nhân sự, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại thiên tai trước các tham dự viên trong nước gồm có 42 linh mục, 2 thầy dòng, 22 nữ tu và 20 giáo dân đang hoạt động trong lĩnh vực bác ái xã hội.

Từ chiều ngày 21/10, ban tổ chức đón tiếp ân cần các đại biểu từ các giáo phận miền Bắc, vùng cao nguyên, miền Tây. TGM Xuân Lộc với cơ sở rộng rãi, khang trang mới khánh thành ngày 26/9/2008, các tham dự viên được phục vụ tận tình chu đáo.

Ngày 22/10.

Ngày đầu tiên dành cho các bài phát biểu của các vị Giám Mục và đại diện tổ chức Caritas quốc tế, trình bày nội quy Caritas Việt nam và thánh lễ đồng tế.

Trong diễn văn khai mạc, Đức cha Chủ tịch UBBAXH - Caritas VN Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã chia sẻ rằng ngài rất cảm động và vui mừng vì được chào đón những người làm công tác từ thiện sau 32 năm xa cách. Ngài cũng nói lên sự cảm kích và biết ơn sự quan tâm của Caritas Internationalis và của Caritas Asia đối với Caritas Việt Nam, mà vị đại diện là Đức ông Robert Vitillo; cũng như của những người bạn của các tổ chức bác ái như Caritas Germany, Secours Catholique-Caritas France, Catholic Relief Services (CRS), Catholic HIV/AIDS Network (CHAN) đang hiện diện tại Lễ Ra Mắt này.

Ngài nhận định rằng trong quá khứ, do hoàn cảnh chiến tranh và những tuyên truyền chống phá nhau giữa các ý thức hệ, Caritas Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm đối với những hoạt động bác ái của mình. Và ngài hy vọng rằng sau Lễ Ra Mắt này, những hiểu lầm, nghi kỵ đó không còn nữa để tất cả mọi người Việt Nam có thể cùng cộng tác trong các công trình xây dựng tình thương.

Trong lời chào mừng tới tất cả các thành viên của Caritas Việt Nam có mặt tại Lễ Ra Mắt này, ngài nói: “Ai trong chúng ta cũng là thành viên của Caritas vì ai cũng có một con tim đang đập, một trái tim biết yêu thương, một tấm lòng được Chúa Cha đổ tràn Thánh Thần tình yêu của Ngài để cùng có những rung cảm và hành động như Chúa Giêsu”. Và đây là một dịp tốt để tất cả mọi người “cùng suy tư, bàn luận và tìm ra những phương cách làm sống lại Caritas Việt Nam trong các giáo phận, các giáo xứ và từng tâm hồn con người”.

Ngài mời gọi mọi người hãy thay đổi cái nhìn của mình về Caritas, đừng nhìn Caritas như là một tổ chức từ thiện quy tụ một nhóm người tình nguyện ít ỏi như chúng ta vẫn nghĩ, mà phải hiểu nó như là “một hiệp hội mở rộng cho tất cả mọi người để thể hiện tình yêu bao la của Thiên Chúa qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, có tổ chức, có kỹ thuật, có hiệu quả cho những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần”. Chính vì vậy mà Caritas Việt Nam rất cần đến tất cả mọi người, từ các giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đến các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các tín hữu giáo ưu tuyển. Tất cả hãy nên như “những tấm men hoà vào trong khối bột cộng đồng xã hội và dân tộc để làm dậy lên hương vị ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa”.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN nói lên tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì đã ban cho Giáo hội Việt Nam được tái lập tổ chức Caritas, để hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội địa phương đạt hiệu quả hơn, khi hoà nhập vào mạng lưới của Caritas Quốc tế trong Giáo Hội toàn cầu. Tiếp theo, ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền các cấp vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Caritas Việt Nam được tiếp tục hoạt động sau 32 năm tạm ngưng. Ngài hy vọng rằng trước những nhu cầu khẩn thiết của xã hội Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực giáo dục giới trẻ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các nạn nhân thiên tai hay nạn nhân xã hội, giúp đỡ những người nghèo khổ bệnh tật, bảo vệ môi trường sống, Caritas Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực để xoa dịu đau khổ và thăng tiến đời sống của anh chị em mình. Ngài cũng mong ước các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho Caritas các giáo phận và giáo xứ, để hoạt động trong các lĩnh vực này cho xã hội mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn. Trong tinh thần đổi mới, Caritas không còn chỉ là một tổ chức từ thiện đơn thuần nhưng còn là một hiệp hội hướng đến sự phát triển cộng đồng để thúc đẩy mọi người trong xã hội quan tâm đến những thành phần yếu kém; mà hơn thế nữa, Caritas còn là một Hiệp hội Công giáo Tiến hành để thúc đẩy mọi người tín hữu thực thi lòng bác ái của Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô qua các hành động thiết thực cho những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần, như gương mẫu người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,33tt) hành động và phục vụ trong tình yêu (x. Gl 5,6; x. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 31), để mọi người có thể cảm nhận được những giá trị phong phú của kiếp người trong tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, đã chia sẻ “bác ái chính là khởi đầu và là kết thúc của công cuộc loan báo Tin Mừng. Cần có một tầm nhìn mới và một con tim mới. Bác ái không phải là cho, là bố thí mà là trả lại cho người nghèo cái mà họ đáng được hưởng. Và cách chúng ta làm bác ái cũng là cách chúng ta đang trả lại cho Thiên Chúa, cách trả này được thể hiện qua những hành động cụ thể với một tâm tình tạ ơn và lòng khiêm tốn...”.

Đức ông R. Vitillo, đại diện cho Caritas Quốc tế, cho Tổ chức CHAN (Catholic HIV/AIDS Network), và là một người từng gắn bó và yêu quý dân độc và Giáo hội Việt Nam. Ngài nói rằng mình thật vinh dự vì có cơ hội đại diện cho 162 quốc gia thành viên của Caritas Quốc tế chào mừng và chúc mừng Caritas VN nhân ngày Lễ Ra Mắt này. Cũng như tâm tình của những lần chia sẻ khác khi đến Việt Nam, ngài cho biết mình thật cảm động và vinh dự được giao trọng trách là người đại diện này; và rằng “dân tộc Việt Nam và Giáo hội Việt Nam có một chỗ đứng quan trọng trong tâm hồn” ngài, và nhất là ngài “luôn nhớ đến trong lời nguyện mỗi ngày”.

Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH - Caritas VN, cũng đã giới thiệu Caritas VN với nội quy, cơ cấu tổ chức và đường hướng hoạt động. Caritas có nền tảng Linh đạo Bác ái: “Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái... Họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu dạy chúng ta là: “Luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu” (x. Mt 22,40; Ga 15,12; CĐ. Vatican II, Gaudium et Spes, số 38). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Trong phạm vi xã hội, sự thật này cũng y như vậy. Các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31; 14,1) để dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội, số 580). Theo linh đạo này, mỗi hội viên caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu.

Sau phần phát biểu của các đại biểu, Lễ Ra Mắt được đánh dấu bằng Thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện của Toà Giám mục. Đức cha Chủ tịch HĐGMVN chủ tế và giảng lễ. Ngài nhắn nhủ rằng, buổi Lễ Ra Mắt hôm nay phải được ghi khắc như một Lễ Ngũ Tuần mới, Caritas được hình thành và được sai đi từ đó, phải làm sao để diễn tả được “ngôn ngữ của Đức Bác ái Kitô giáo”, một ngôn ngữ xuất phát từ nguồn là Chúa Thánh Thần. Và một điều quan trọng nữa là “trước khi thực hiện một hành động cho, chúng ta phải làm chứng tá của tình yêu Phúc Âm” (Cor Unum) bằng ngôn ngữ tình yêu.

Ban chiều, đại diện của các tổ chức Caritas Internationlis, Caritas Germany, Secours Catholique (Caritas France), Catholic Relief Service (Hoa Kỳ), CHAN (Catholic HIV/AIDS Network) cũng đã lần lượt giới thiệu về tổ chức của mình cũng như chương trình hoạt động tại Việt Nam. Những bài trình bày này giúp cho các tham dự viên cảm nhận mình đang hoà nhập vào mạng lưới Caritas toàn cầu, cũng như nắm bắt được những nhu cầu mà mọi người đang quan tâm.

Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Chủ tịch UBBAXH, cũng đã trình bày đề tài: Caritas và cuộc sống con người.

Cha Nguyễn Ngọc Sơn tổng kết ngày làm việc và hướng dẫn các tham dự viên tham quan nhà truyền thống Giáo Phận Xuân Lộc.

Ngày 23-10

Các tham dự viên đã thảo luận và góp ý để hoàn thiện bản nội quy và quy chế của Caritas Việt Nam, cùng lắng nghe 5 đề tài về Caritas và các vấn đề xã hội: Cách vận dụng Tài chính trong Hệ thống Caritas VN, Tiến sĩ Đoàn Liêng Diễm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương.Chương trình Phòng chống Ma tuý và Phục hồi cho người Nghiện Ma tuý, Thầy GB Đỗ Văn Lộc.Chương trình Trợ giúp các trẻ em (mồ côi, khuyết tật, thiểu số và trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn), Nữ tu Ter Đỗ Thị An.Caritas VN và các vấn đề xã hội, Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.Caritas Việt nam giúp được gì cho phụ nữ Việt nam ?, Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Lan Hải.Chương trình Phòng chống HIV/AIDS, Lm GB.Phương Đình Toại.

Thánh lễ Tạ Ơn do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh,Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng chủ tế và giảng lễ. Ngài chia sẽ những thao thức truyền giáo của Giáo hội Việt nam qua những hoạt động của Caritas.

Ngày làm việc thứ hai được ghi dấu đặc biệt bằng sự hiện diện của Đức cha Yvon Ambroise, người Ấn Độ, Chủ tịch Caritas Asia. Đáng lẽ ngài có mặt từ ngày 21-10, nhưng khi đến Bangkok thì được tin người rất thân với gia đình là linh mục sáng lập Đại học Ca múa Ấn Độ đột ngột qua đời, ngài đã vội trở về Ấn Độ để chia buồn, rồi sau đó, ngài mới trở lại Bangkok để đến Việt Nam vào sáng ngày 23-10. Điều này tỏ rõ lòng yêu mến của ngài đối với Giáo hội Việt Nam và với Caritas Việt Nam. Đức cha đã nói chuyện với đại hội về sứ mạng đồng hành của Giáo Hội với người nghèo, nhất là những người nghèo ở Châu Á. Chung quanh ta có biết bao nhiêu người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần mà ta cần phải xác định và nhận rõ khuôn mặt của họ là ai, và có bao nhiêu người. Họ là những người không có miếng cơm manh áo, nhiễm HIV hay nghiện ma tuý, bị bóc lột sức lao động và đánh mất nhân phẩm; nhưng họ cũng có thể là những con người bị đẩy ra khỏi đồng ruộng, vườn tược hay làm thuê trên chính mảnh đất của cha ông... Có xác định được họ, ta mới thấy rõ sứ mạng là mình cần làm gì hay có thể làm gì cho họ để thể hiện tình liên đới, để giúp họ sống đúng nhân phẩm và đứng vững bằng chính đôi chân của họ, nhất là giúp cho họ có thể đòi được những quyền lợi của chính họ mà người ta đã tước đoạt.

Hội nghị cũng đã ra mắt Ban Điều hành Caritas Việt Nam, trong đó có 24 vị trưởng Caritas giáo phận và 4 đại biểu đại diện cho các dòng tu được chọn vào Hội đồng Đại biểu Caritas Việt Nam (Lm. G.B. Phương Đình Toại, Dòng Camêlô; Lm. P.X. Đào Trung Hiệu, OP; Nt. Anna Nguyễn Tấn Sinh, Dòng Phaolô; Nt. Maria Đinh Thị Lan, Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn).

Lễ Ra Mắt Caritas Việt Nam đã kết thúc lúc 5 giờ chiều ngày 23/10. Rất nhiều công việc với những thao thức với những quyết tâm mời gọi những người đang trực tiếp tham gia vào công tác bác ái xã hội hãy bắt tay vào làm việc.

Hiện tại, công việc trước tiên mà Caritas Việt Nam phải làm là lập các văn phòng làm việc của Caritas giáo phận và trợ giúp phương tiện làm việc cho các văn phòng này, cũng như phổ biến hoạt động Caritas tại các xứ đạo. Caritas Trung ương cũng sẽ soạn các tài liệu, cẩm nang,… nhất là hoàn thành bản nội quy và quy chế của Caritas Việt Nam, đồng thời, xác định những vấn đề xã hội ưu tiên, những đối tượng nào cần sự trợ giúp thật sự, để lên chương trình hoạt động trong tương lai gần. Một điều khó khăn mà Caritas Việt Nam gặp phải là tìm những nhân sự có khả năng để làm việc tại Caritas Trung ương, Caritas giáo phận và giáo xứ. Theo Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn thì nhân sự chúng ta không thiếu, vì ngay trong bộ phận tu sĩ, hiện đã có 276 người đã tốt nghiệp cử nhân xã hội, chưa kể còn có đến trên 200 người đang nhận học bổng của Misereor để hoàn thành cử nhân xã hội. Điều quan trọng là chúng ta phải phối hợp và liên kết với nhau: giữa các dòng tu, giữa các các tổ chức bác ái xã hội để những hoạt động bác ái của chúng ta có được hiệu quả và trở thành một hành động loan báo Tin Mừng.

Giáo hội Việt Nam hiện có 6.087.659 tín hữu, với 3.510 linh mục, 1.370 chủng sinh, 14.968 tu sĩ, 1.458 tu hội viên, 56.133 giáo lý viên. Đây là nguồn nhân sự lớn lao mà Caritas hy vọng có thể thôi thúc tinh thần bác ái yêu thương để hoạt động của tổ chức này thật sự mang tính cộng đồng.

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong kỳ họp thường niên, từ ngày 25-9-2008, tại Xuân Lộc, đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của Caritas Việt Nam trong Giáo hội Việt Nam. Caritas thật sự đã đổi mới bản chất và phương thức hành động khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI chỉ định vị Hồng y đầu tiên, Oscar Andres Rodriguez, làm Chủ tịch Caritas Internationalis thay cho những người giáo dân giữ chức vụ này từ mấy chục năm nay. Hành động này như muốn xác định Giáo Hội toàn cầu muốn Hiệp hội Caritas đóng vai trò lớn lao hơn trong sinh hoạt của Giáo Hội và người tín hữu cần xác tín rằng “hoạt động bác ái chính là trách nhiệm của mỗi tín hữu và cũng là bản chất của Giáo hội Công giáo” như Đức Thánh Cha đã xác định trong Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), số 20.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Caritas Phan thiết

Caritas: Theo nguyên ngữ Latinh, từ Caritas có nghĩa là bác ái, là tình yêu bao la, là tình thương quảng đại hay hoạt động từ thiện. Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một đòi hỏi của bác ái Kitô giáo, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Giáo hội Công giáo đã khuyến khích thành lập nhiều tổ chức Caritas quốc gia để thể hiện tình yêu thương này ở khắp nơi. Caritas đầu tiên được thành lập vào năm 1897, tại Freiburg, Đức, sau đó được hình thành tại nhiều quốc gia khác như Thuỵ sĩ (1901), Áo (1903), Hoa Kỳ (Catholic Charities, 1910).

Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) là một tổ chức liên kết các hoạt động bác ái trên phạm vi toàn cầu của Giáo hội Công giáo. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện có 162 thành viên Caritas cấp quốc gia. Trụ sở được đặt tại Piazza San Calisto 16, 00153, Roma, Italy. Caritas Quốc tế cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.

Caritas Việt Nam

- Đầu năm 1965, Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam (HĐGMVN) thành lập Caritas Việt Nam: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đặc trách; Linh mục G.B. Hồ Văn Vui làm Giám đốc.

- Năm 1968, Caritas Việt Nam do Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặc trách. Caritas Việt Nam bắt đầu nhắm đến các kế hoạch phát triển lâu dài.

- Năm 1969, vì các hoạt động xã hội đòi hỏi nhu cầu chuyên môn nên Caritas Việt Nam cộng tác với trường Cán sự Xã hội của Tu đoàn Nữ tử Bác Ái thánh Vinh Sơn mở 2 khoá đào tạo nhân viên sơ cấp. Sau khi học xong, những cán sự xã hội này về làm việc trong các văn phòng Caritas Giáo phận, phòng phát thuốc, cơ sở dạy trẻ em nghèo, dạy phụ nữ cắt may…

- Năm 1972, Caritas Việt Nam do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặc trách. Ngài mở rộng hoạt động bác ái xã hội bằng việc thành lập cơ quan điều hợp các tổ chức, gọi là Hội Hợp tác để xây dựng lại Việt Nam gọi tắt là COREV (Cooperation pour la Réédification du Vietnam). Hội này gồm các thành viên: Caritas Việt Nam, Hội Hồng Thập Tự VN, Tổng Liên đoàn Lao công VN, CRS Hoa kỳ… Hội này được Đức cha Henri Lemaitre, Khâm sứ Toà Thánh, chúc lành và yểm trợ đắc lực. Hội xây dựng được nhiều làng định cư, nhiều trung tâm xã hội.

- Đầu tháng 7-1974, Linh mục Phêrô Trương Trãi, Giáo phận Nha Trang, được cử làm Giám đốc.

- Tháng 6-1976, Caritas Việt Nam được lệnh tạm ngưng hoạt động, bàn giao cơ sở và phương tiện cho Uỷ ban Quân quản TP. HCM.

- Ngày 19-09-2001, Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) được thành lập trong Đại hội VIII của HĐGMVN, tại Hà Nội, nhưng chỉ chính thức hoạt động sau kỳ họp ngày 26-09-2002, với sự tham dự của đại biểu các giáo phận và các dòng tu để lo các công việc từ thiện, phát triển, cứu trợ khẩn cấp và hoạt động xã hội như hiện nay. Uỷ Ban đã bầu ra Ban Thường trực tại Trung ương cũng như Ban Bác ái Xã hội tại các giáo phận.

Trong tinh thần hội nhập với thế giới, UBBAXH Việt Nam xin phép sử dụng lại tên Caritas Việt Nam và các tên Caritas Giáo phận cho thống nhất ở trong nước và phù hợp với mạng lưới Caritas toàn cầu.

Ngày 2-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi Công văn số 941TGCP-CP chấp thuận cho HĐGMVN tái lập Caritas ở cấp Trung ương và cấp giáo phận.

(Theo quy chế Caritas Việt nam)
 
Một trăm năm hồng ân: giáo xứ Trì Chính Phát Diệm
LM Phêrô Hồng Phúc
20:19 26/10/2008
MỘT TRĂM NĂM HỒNG ÂN

Đây Trì Chính trăm năm lịch sử
Như dòng sông tràn ứ phù sa
Phù sa ơn thánh chan hoà
Tràn trên giáo xứ, nhà nhà thấm sâu.

Xứ Trì Chính khởi đầu lịch sử
Khai sinh từ giáo xứ Chính toà
Trăm năm tuần tự trải qua
Ngọt bùi, cay đắng, bao là nguồn ơn.
Trên mảnh đất thân thương Trì Chính
Toạ lạc xưa dòng Kín Các-men (Carmel)
Rồi thành cơ sở nhà in
Bao nhiêu tác phẩm, thông tin ấn hành.
Cũng trên đất tốt lành giáo xứ
Giáo phận xây Trường thử chủng sinh
Ngày nay cũng vẫn công trình
Thâu hồi, phát triển, Thánh Linh dẫn đường.
Vẫn dòng sông quê hương êm ả
Chứng kiến bao ơn lạ đầy dư
Những năm biến cố di cư
Người đi, kẻ ở, cảnh như hoang tàn.
Khi dòng Kín nhẹ nhàng về Pháp
Rồi nhà in đổ nát tan hoang,
Chiến tranh cày nát ngổn ngang
Vẫn ơn Chúa xuống vững vàng kiên tâm.
Một trăm năm thăng trầm nhìn lại
Mảnh đất thêm thấm mãi ơn trời
Đức tin, lòng mến sáng ngời
Tăng dần hoà nhịp với thời gian trôi.

Họ Kiến Thái là nôi ơn phúc
Đức cha Phùng, giám mục quê hương
Bình an trên mọi nẻo đường
Trăm năm dấu ấn tình thương Chúa Trời.

Họ Thuỷ Cơ ra khơi đánh cá
Như Phêrô thánh cả Quan thầy
Trần gian sóng gió vơi đầy
Vững tin Chúa ngự nơi đây lái thuyền!

Họ Trị sở bên triền sông Vạc
Những cậy trông, khao khát tin yêu
Thuỷ triều dâng mỗi sáng chiều
Đất nhuần ơn thánh, bao nhiêu nghĩa tình.

Một thế kỷ hành trình “Đất Hứa”
Đầy yêu thương chen giữa đau thương
Bình thường hàm ẩn phi thường
Đất phù sa đã nên hương nguyện cầu.
Cảm tạ Chúa nhiệm mầu muôn thuở
Đường lối Người chan chứa yêu thương
Vẽ cong thành thẳng lạ thường
Dọc ngang Thánh Giá thành ơn phép lành.
Một trăm năm hình thành Trì Chính
Một trăm năm khẳng định ơn trời
Trăm năm quy ước đời người
Có sinh, có tử đến thời phục sinh.

Chúc Trì Chính vươn mình tiến tới
Vươn hội đoàn cùng với cộng đoàn
Nhà thờ mới, đẹp, khang trang
Trăm năm tiếp mãi, Chúa đang đồng hành.

Kỷ niệm hành lập Giáo xứ Trì Chính 1908 – 2008
 
Giáo xứ Tống Viết Bường, Sài Gòn, mừng lễ bổn mạng và kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ
Maria Vũ Loan
20:59 26/10/2008
SAIGÒN - Chiều thứ bảy, ngày 25/10/2008, giáo xứ Tống Viết Bường, Sài Gòn đã mừng trọng thể lễ bổn mạng và kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ. Thánh lễ được Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn chủ tế.

Xem hình ảnh

Khoảng năm giờ chiều, cha chánh xứ Giuse Tạ Huy Hoàng, cha phó Giuse Dương Vũ các đoàn thể trong giáo xứ đã đứng thành hàng rào để đón chào Đức hồng y, cha hạt trưởng Phú Thọ, quí cha thân hữu và quí quan khách.

Trong khuôn viên không được rộng lắm, đoàn đồng tế đã rước kiệu thánh Phaolô Tống Viết Bường quanh nhà thờ trước khi vào thánh đường.

Giáo xứ Tống Viết Bường ở bên trong khu vực cư xá Bắc Hải, đó là một nhà thờ be bé xinh xinh, có nhiều cây xanh, với 1.200 giáo dân. Ngày 20/5/1968, nhà thờ được đặt viên đá đầu tiên do một vị khâm sứ khởi xướng, kiểu dạng nhà nguyện có một ít giáo dân. Theo dòng thời gian - bốn mươi năm qua - nhà thờ được nâng lên hàng giáo xứ và số giáo dân ngày càng đông hơn, có nhiều đoàn thể và sinh hoạt tôn giáo rất sinh động.

Để mừng lễ, cha chính xứ đã tổ chức tĩnh tâm ba ngày có đề tài nói về sự thinh lặng trong bối cảnh của xã hội có nhiều tiếng ồn của nhịp sống, của thông tin, của báo chí; xoáy sâu vào câu nói của thánh Tống Viết Bường: “Tôi phải giữ vẹn chữ trung với Chúa Trời”, chữ trung ở đây là sự chết đi của hạt lúa mì, là sự trung thành với giáo huấn của Chúa, là sự trung thành với Giáo hội….hay nhất là cha đã biết dùng thi ca, ca dao trong kho tàng văn học để minh họa trong bài giảng, làm tăng thêm phần sốt sắng trong lòng những người giáo dân sống trong một giáo xứ chọn một thánh tử vì đạo Việt Nam làm quan thầy.

Hôm nay, sau khi nhận bó hoa tươi thắm, Đức Hồng y chia sẻ với cộng đoàn câu chuyện về việc phát triển của những giáo xứ. Từ nhà nguyện nhỏ trở thành một cộng đoàn lớn nhờ sự liên kết, liên đới tạo nên sức mạnh cho niềm tin. Ở gần một nhà thờ kia, có nhiều gia đình sống trên ghe nghèo khổ, thiếu thốn, con cái không được học hành…sau mười mấy năm con sông đó không còn cá nữa, người ta kéo nhau lên bờ đi làm mướn, làm đủ các nghề. Từ chỗ tranh giành, vật lộn kiếm sống đã nảy sinh nhiều tệ nạn như cướp giựt, bài bạc, buôn bán trẻ em…Cha xứ không nói gì nhiều, chỉ thể hiện sự quan tâm đến từng gia đình, thực hiện những hành động cụ thể trên những cá nhân gặp khó khăn trong cuộc sống. Ít lâu sau, nơi đó có một bộ mặt mới, tốt lành hơn. Chính sự yêu thương và cầu nguyện trong gia đình, trong các cộng đoàn là nguồn nước, nguồn chất bổ làm cho hạt giống đức tin được mọc lên, phát triển và tồn tại.

Quan đội Tống Viết Bường sinh tại Phủ Cam, gần kinh thành Huế, trong một gia đình Công Giáo và có chức tước trong triều đình. Trong thời gian đi lính, ngài tỏ ra lanh lợi và can đảm nên được vua Minh Mệnh cho làm cai đội coi năm mươi người và được làm chức quan thị vệ.

Quan Phaolô Bường một mực giữ đạo, hết lòng thờ phượng Chúa và trung thành với vua. Khoảng năm 1831, có giặc cướp đến phá phách ở Đá Vách thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vua sai ngài đi dẹp giặc. Khi trở về, vua hạch hỏi ngài tại sao thắng giặc lại không đi viếng chùa Non Nước, ngài trả lời rằng: “Hạ thần là người có đạo Công giáo nên không đi viếng chùa”, thế là vua Minh Mệnh nổi giận bắt ngài bỏ đạo, ngài nhất quyết không chịu nên bị đánh 80 trượng, bị tước đoạt chức quan và phải đầy làm tôi tớ trong cơ binh.

Sau nhiều năm khốn đốn, ngài kiên cường và được phúc tử đạo vào ngày 23 tháng 10 năm 1833, được phong Á thánh năm 1900.

Đọc tiểu sử thánh Tống Viết Bường, ai cũng có thể phẫn nộ, vì cái thói dùng bạo lực, cường quyền của mấy ông vua thời phong kiến, áp bức thần dân không cùng tín ngưỡng với mình một cách dã man. Cái chết của quan thị vệ Tống Viết Bường chứng tỏ rằng quyền hành, tiền bạc, danh lợi ở thế gian này không được phép đứng lên trên sự sống mà chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ sự sống của con người.

Và mãi mãi về sau, sự sống của những người tin vào Thiên Chúa thì ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa mà thôi!

Sau thánh lễ là tiệc mừng chung mọi người trong giáo xứ; thật vui, thật ấm áp trong tình liên đới của người Kitô hữu.

Máu của thánh Tống Viết Bường đã làm cho vườn hoa các thánh tử đạo Việt Nam thêm tươi thắm, nhiều màu sắc trên thiên quốc.

Xem hình ảnh video: http://www.youtube.com/watch?v=1E7XyYiTxCY và http://www.youtube.com/watch?v=BEuWkbAtzTE
 
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam ở Atlanta
Nguyễn John-Bosco Trí
21:04 26/10/2008
ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM LÊ BẢO TỊNH tại GIÁO XỨ ĐỨC MẸ VIỆT NAM ATLANTA

(Mừng năm Cảm Tạ Hồng Ân 2008, kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Tổng Giáo phận Atlanta)

Những người tham dự Đại hội Thánh Thể của Tổng Giáo phận Atlanta, Georgia hàng năm thường thấy một nhóm thanh thiếu niên Việt Nam mặc đồng phục áo trắng, quần sậm, và khăn quàng cổ với những màu sắc khác nhau tùy theo độ tuổi. Các em thường rất nề nếp và ngoan ngoãn, hàng ngũ chỉnh tề, và thường nghe theo lời chỉ dẫn một nhóm thanh niên nam nữ lớn tuổi hơn mang khăn quàng đỏ.

Ở độ tuổi thường hay cắm đầu say mê vào những trò chơi ngoài sân hay trên computer, nhóm các trẻ này thường làm những người chưa quen biết đến nền văn hóa Công giáo Việt Nam hiếu kỳ, và thường nảy sinh cảm tình khi chứng kiến cảnh họ tập họp lại từng nhóm để tham gia những việc đạo đức như kinh lễ, chầu Thánh Thể, hay hàng ngũ chỉnh tề chào cờ và sinh hoạt nhóm với nhau. Nhưng đối với người Công giáo Việt Nam quốc nội hay hải ngoại, TNTT đã từ lâu trở thành một tên gọi trìu mến thân thương của những giáo xứ, cộng đoàn Việt Nam.

Sơ lược về Đoàn TNTT tại Giáo Xứ

Qua nhiều lần danh xưng của phong trào thay đổi, hội đoàn này hôm nay có mặt trong Giáo Xứ chúng ta với tên chính thức “Phong trào TNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ”. Dù là một phong trào có tính thống nhất quốc tế, có một ban điều hành trung ương toàn quốc, Đoàn TNTT tại địa phương hoàn toàn hòa mình và đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt Giáo Xứ hàng tuần.

TNTT là một trong ba ngành của chương trình giáo dục của Giáo Xứ từ những ngày đầu thành lập: Giáo lý, Việt ngữ và TNTT. Trong khi ngành giáo lý đảm trách việc truyền đạt giáo lý của Giáo Hội theo sự chỉ đạo của Giáo phận Địa Phương, và ngành Việt ngữ chịu trách nhiệm việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa truyền thống Việt Nam, ngành TNTT qua những hoạt động của mình nhắm tới mục đích tạo lập một môi trường sinh hoạt vui chơi, học tập rèn luyện, thúc đẩy sinh hoạt thờ phượng qua việc lãnh nhận các bí tích, hầu giúp các em trưởng thành một cách toàn diện. Dù có Ban Thường vụ và các huynh trưởng điều hành những chương trình sinh hoạt cụ thể hàng tuần, đoàn TNTT được sự hướng dẫn của thầy phó tế phụ trách chương trình giáo dục, và được chăm sóc về mặt tinh thần của cha tuyên úy.

Từ những ngày khai sinh của Họ đạo Đức Mẹ Việt Nam tại Forest Park, Đức Ông Phương, lúc bấy giờ là linh mục quản nhiệm của Họ Đạo đã bỏ rất nhiều công sức gầy dựng đoàn TNTT song song với chương trình giáo dục, và dày công đào tạo một thế hệ huynh trưởng tiên phong rất quán xuyến, rất đạo đức và nhiệt tình với việc mục vụ giới trẻ. Các huynh trưởng thế hệ này hiện nay một số đi theo ơn gọi linh mục tu sĩ, một số đang vun đắp đời sống gia đình từ những kinh nghiệm một thời phục vụ giới trẻ.

Từ dạo ấy đến nay, Đoàn Thiếu Nhi cũng thăng trầm, và cũng có biết bao vui buồn xảy ra theo lịch sử chung của cộng đoàn. Trưởng Têrêxa Đào Kim Thu, một huynh trưởng thuộc thế hệ đầu tiên, được Chúa gọi về vào năm 1998. Trưởng Đào Công Khanh, dù đã trải qua mấy mươi năm, vẫn mỗi cuối tuần có mặt với anh chị em huynh trưởng và các em Thiếu nhi với nụ cười cố hữu trên môi. Đám đàn em xem anh như cây đại thụ, luôn tạo được cảm giác yên tâm, vững chãi khi có sự hiện diện của anh trong những sinh hoạt mỗi tuần.

Bước qua thập niên 1990, khi làn sóng định cư nhân đạo ồ ạt diễn ra ở Atlanta, khi dân số Họ Đạo vụt tăng theo tháng, và băng ghế nhà thờ chật kín mỗi tuần, nhóm giới trẻ mới định cư hình thành một thế hệ huynh trưởng mới rất năng động và không kém phần nhiệt tình như thế hệ đàn anh. Chương trình giáo dục và sinh hoạt Thiếu Nhi phải đương đầu với thử thách mới: sự tăng triển con số đoàn sinh quá nhanh. Song song với thử thách đó là một vấn nạn mới: trong số các đoàn sinh, một nửa thuộc thành phần sinh trưởng và lớn lên tại Hoa Kỳ, nửa còn lại vẫn còn chịu ảnh hưởng lối sống, suy nghĩ và nền văn hóa từ quê nhà Việt Nam. Vấn nạn này cũng tồn tại trong nhóm huynh trưởng mãi đến hôm nay. Nhưng cũng từ những vấn nạn này mà đoàn TNTT trưởng thành hơn, đa dạng hơn trong cách thức sinh hoạt vào giáo dục các em.

Theo bước tiến tự nhiên, TNTT không chỉ là một đoàn thể tổ chức những trò chơi sinh hoạt cho thiếu nhi, mà còn trở thành một trong những lực lượng chính đóng góp nhân lực và chất xám trong những sinh hoạt và những ngày lễ lớn của Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam. Thiên niên kỷ thứ ba chào đón một thế hệ huynh trưởng mới, đa số là hoa quả của chương trình sinh hoạt giáo dục của Giáo Xứ nói chung và của Đoàn TNTT nói riêng từ những ngày đầu thành lập. Huynh trưởng hiện nay phần lớn là những em thiếu nhi ngày xưa, hiền lành và ngoan ngoãn, hôm nay cũng muốn hăng say dấn thân theo gương anh chị của mình.

Giáo dục Tự nhiên và Giáo dục Siêu nhiên

Ai đã sống ở Atlanta hơn mười năm có lẽ vẫn còn nhớ có một dạo cộng đồng Việt Nam phải đối mặt với một nỗi nhức nhối của thời đại: nạn băng đảng thanh thiếu niên. Dù chỉ kéo dài trong vòng 5-6 năm, nhưng nó đã làm biết bao gia đình buồn phiền ưu tư, và dấy lên một nỗi lo lắng dằn vặt cho những bậc làm cha mẹ, hay những bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ. Băng đảng thanh thiếu niên trong giai đoạn đó có thể nói là một hiện tượng đương nhiên phát sinh từ làn sóng di dân ồ ạt chỉ trong vòng vài năm. Phần lớn các em này định cư với gia đình khi đã bắt đầu vào tuổi thiếu niên, lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè trang lứa.

Những em thuộc thế hệ này, nếu có khả năng học hành thì dễ dàng chú tâm vào chuyện học hành, nhưng nếu không thể theo kịp chương trình học với một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, các em thường thấy mình tụt hậu và dễ dàng chán nản trong việc trường lớp. Trong khi đó, gia đình các em vì mới định cư, nhu cầu cơm ăn áo mặc bắt buộc bố mẹ anh chị phải bương chải ngay với công ăn việc làm cho nên ít giờ săn sóc con em. Phần nữa, chính họ cũng bỡ ngỡ trong cuộc sống mới, ngôn ngữ mới, văn hóa mới. Dù thương con và muốn dạy dỗ hướng dẫn cũng khó lòng vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức.

Thời giờ các em dành cho bạn bè nhiều hơn thời giờ dành cho việc học hành và những sinh hoạt gia đình giữa cha mẹ và con cái. Những cuộc vui chơi vô hại giữa bạn bè ban đầu dễ dàng bị những ảnh hưởng xấu lôi kéo. Nạn nhân chính là các em ở lứa tuổi non nớt, bị lôi cuốn theo lối sống và hành vi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đôi khi là những hành vi phạm pháp hình sự. Công bình mà nói thì con số này không là bao so với con số các em ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ, đạt được những thành tích xuất sắc trong khắp các trường các em theo học. Người Việt chúng ta có thể tự hào vì truyền thống giáo dục, cha mẹ biết lo lắng hy sinh cho con em, và luôn đặt trọng tâm vấn đề giáo dục văn hóa.

Những tin xấu về băng đảng thỉnh thoảng dấy lên như những hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ và những người có trách nhiệm trong việc giáo dục. Cha mẹ trở nên cẩn thận hơn trong việc dung hòa giữa trách nhiệm kinh tế gia đình và trách nhiệm dưỡng dục con cái. Các bậc lãnh đạo cộng đoàn chú tâm nhiều hơn đến giới trẻ, đã chú tâm đầu tư vào những chương trình giáo dục nhiều hơn.

Chính trong hoàn cảnh chung của cộng đồng này mà phương pháp “giáo dục tự nhiên” của phong trào TNTT đã hiển nhiên trở nên “ăn khách” đối các thành viên của phong trào và là một đáp ứng nhu cầu của tuổi thanh thiếu niên. Những sinh hoạt vui chơi xem có vẻ vô thưởng vô phạt hàng tuần, những thanh niên thiếu nữ trong màu khăn đỏ trông có vẻ vô tư vô hại lại tạo được một môi trường cho các em trong Giáo Xứ được vui chơi lành mạnh, bạn bè trang lứa gặp nhau mà chính bố mẹ cảm thấy rất yên lòng. “Trò chơi của trẻ em là việc làm của người lớn”, vì chính các huynh trưởng và những người hữu trách phải sửa soạn cẩn trọng những món ăn tinh thần phong phú cho các em qua những trò chơi, băng reo, ca hát v.v…

Không ít các em lúc đầu nghi ngờ và chống đối cái nề nếp kỷ luật trong phong trào, chỉ vài năm sau tự nguyện đăng ký đi huấn luyện để trở thành huynh trưởng. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những lý do chủ chốt mà ngay chính đương sự nhiều khi cũng không nhận ra: đoàn TNTT đã tạo được một cộng đoàn mà trong đó tình cảm gia đình trở thành hiển nhiên. Các em tìm được nơi bạn bè và huynh trưởng những tình cảm chân thật, những người biết yêu thương, lo lắng cho nhau, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, và có nhiều những gương mẫu đáng noi theo trong việc học hành, làm ăn, hay trong cuộc sống ngoài đời và trong đời sống tâm linh.

Ngoài những sinh hoạt truyền thống, các em cũng có những cuộc du ngoạn, những chuyến picnic, những kỳ đại hội, cắm trại toàn quốc, cũng như những buổi đi xem phim, shopping chung với nhau, ăn uống ngoài tiệm hay tại nhà một huynh trưởng nào đó, những sinh hoạt văn nghệ thể thao vào những kỳ lễ lớn của Giáo Xứ,… tất cả đã tạo được cái trẻ trung và sức sống vui tươi lành mạnh của một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành cho giới trẻ. Có lẽ lời của vị thánh trẻ Dominico Savio nói lên được cái tính cách của phong trào: “Nơi đây, việc nên thánh hệ tại ở việc sống vui tươi;” hay lời của chính nhà sư phạm đại tài của Giáo Hội, thánh Don Bosco và thánh Philip Nêri: “Các con cứ chạy nhảy, la hét, vui chơi, miễn là đừng phạm tội”.

Một sứ mạng thứ hai đối với giới trẻ trong Giáo Xứ cũng không kém phần quan trọng là sứ mạng giáo dục siêu nhiên. Các huynh trưởng TNTT hôm nay không phải gánh hết trách nhiệm dạy Giáo lý và Thánh Kinh cho các em nữa vì trong Giáo Xứ đã có một chương trình Giáo lý riêng với một đội ngũ Giáo lý viên riêng rất nhiệt thành rất yêu thương các em.

Trong những sinh hoạt hàng tuần, ngoài những bài học dạy về phong trào, các huynh trưởng cố gắng giúp cho các em cảm nghiệm được những bài học về Lời Chúa trong Thánh Kinh và về đời sống tôn giáo qua những trò chơi, những sinh hoạt, những cuộc cắm trại, những bài múa hát hay vở hoạt cảnh vui tươi. Một ví dụ cụ thể: trò chơi đi tìm kho báu là một trò chơi rất phổ thông trong các cuộc cắm trại. Nhưng trong một kỳ trại của TNTT, trò chơi được gọi là hành trình đức tin, trong đó những câu chuyện, những nhân vật, những thử thách, những nhiệm vụ phải hoàn thành đều dựa hoàn toàn trên những bài học từ Thánh Kinh.

Phong trào cũng chú tâm trong việc khuyến khích các em hướng về đời sống bí tích, nhất là Bí Tích Mình Thánh Chúa và Bí Tích Giải Tội. Chính vì vậy mà thánh lễ, chầu Mình Thánh, và đêm Hòa Giải là những phần không thể thiếu được trong những sinh hoạt cắm trại của đoàn TNTT. Các huynh trưởng đã có truyền thống họp mặt nhau mỗi tối thứ Năm Đầu Tháng để cùng chia sẻ với nhau những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, và cùng tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể qua nghi thức chầu trọng thể. Chính bằng nguồn sống thiêng liêng này mà đoàn TNTT tìm được chiều sâu thật cho những sinh hoạt tự nhiên của mình.

Ưu tư trong hiện tại, viễn tượng trong tương lai

Giới trẻ tự bản chất là lứa tuổi của thay đổi. Xã hội hiện đại Hoa Kỳ là xã hội thay đổi về bản chất, giá trị hàng ngày. Vì thế giới trẻ của xã hội Hoa Kỳ, hay cụ thể hơn, giới trẻ Việt Nam với những nhu cầu tâm lý, tình cảm, kiến thức, nhân cách luôn bị cuốn vào vòng xoáy mãnh liệt của sự thay đổi. Dù muốn hay không, các bậc có trách nhiệm trong việc giáo dục giới trẻ phải nhận ra sự thật đó, và từ đó vạch ra những chương trình giáo dục phù hợp và hữu hiệu cho sự phát triển toàn diện của các em. Phong trào TNTT cũng phải biết nhìn ra điều đó và tự thay đổi, thăng tiến hầu hoàn thành sứ mạng giáo dục của mình. Có một vài ưu tư và viễn tượng chính nên được đề cập đến ở đây:

1. Phần lớn các em thiếu nhi hiện nay là thành phần sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Điều này có nghĩa là nền tảng giá trị, cách suy nghĩ lý luận, cách ứng xử trong xã hội, các tập tục văn hóa, thói quen và ý thích của các em chịu ảnh hưởng chủ chốt bởi nền văn hóa sở tại Hoa Kỳ. Nó rất khác với nền văn hóa và giáo dục đã ảnh hưởng phần lớn thế hệ huynh trưởng lãnh đạo hiện nay. Đối với một trẻ em, ảnh hưởng gia đình có thể đóng vai trò chủ đạo khi các em còn tuổi thơ ấu, nhưng bắt đầu từ tuổi Ngành Thiếu (12-13 tuổi) trở đi, gia đình mất dần ảnh hưởng của mình, thay vào đó là ảnh hưởng của xã hội thể hiện qua bạn bè, trường học, phim ảnh, và Internet. Những em nào nhiệt tình tham gia vào những sinh hoạt giới trẻ tại Giáo Xứ thì chịu ảnh hưởng bởi văn hóa giới trẻ của Giáo Xứ qua linh mục, thầy cô, huynh trưởng, nhưng phải nhận ra rằng nguồn ảnh hưởng này chỉ là một trong muôn vàn những nguồn ảnh hưởng khác trong cuộc sống của các em.

Điều cần thiết có phải là chương trình giáo dục của Giáo Xứ và của phong trào TNTT cùng với các gia đình tích cực nhập cuộc hơn nữa trong việc tạo thêm môi trường sống đạo sinh động giúp ảnh hưởng trên đời sống tinh thần và giá trị luân lý của các em. Cầm quân phải biết sức mình và biết sức của đối thủ. Câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta có thật sự biết được thực lực của mình (gia đình, giáo xứ, phong trào TNTT), và biết được thực lực của “đối thủ” (phim ảnh, Internet,...) chưa, để đề ra những phương cách giáo dục hữu hiệu?

2. Hiện trạng chất lượng của chương trình huấn luyện huynh trưởng hiện nay ra sao?

Giáo dục là một công trình quan trọng, nhất là giáo dục đức tin cho trẻ em. Vì thế người trực tiếp giáo dục các em phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho việc giáo dục một cách hiệu quả. Hoàn cảnh sống và lớn lên của các em mà phong trào TNTT phục vụ thay đổi hàng ngày, vì thế kiến thức và kỹ năng phải được thường xuyên đánh giá và cập nhật hóa để đáp ứng được nhu cầu của các em.

Chúng ta được may mắn sống ở đất nước Hoa Kỳ, một đất nước với rất nhiều cơ hội học hỏi nghiên cứu chuyên môn trong hầu như bất cứ lãnh vực nào. Trong xã hội và Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, có rất nhiều các khóa tu nghiệp, đại hội, khóa học ngắn hạn và nhiều chương trình, hình thức huấn luyện khác nhau nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết và huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho những người làm công tác giáo dục đức tin cho giới trẻ. Nhưng liệu phong trào TNTT nói chung và Đoàn tại cộng đoàn Giáo Xứ nói riêng, có thấy được cái nhu cầu các huynh trưởng cần được huấn luyện trong lĩnh vực này hay không, và một khi đã thấy ra được rồi, liệu có dám đầu tư cho việc huấn luyện này hay không lại là một vấn đề khác.

3. Huynh trưởng là người phục vụ cho các em thiếu nhi, nhưng chính huynh trưởng cũng là những người trẻ cần được huấn luyện và chăm sóc về mặt tâm linh.

TNTT là một phong trào Công Giáo Tiến Hành, một phong trào với mục đích đoàn ngũ hóa và thăng tiến tâm linh cho giới trẻ Việt Nam, nhưng rất dễ cho một đoàn Thiếu Nhi như ở Giáo Xứ của chúng ta đi vào một trong hai thái cực: trở thành một nhóm trẻ tụ tập chơi vui, giống hình thức một câu lạc bộ của những người có cùng ý thích và cùng việc làm; hoặc là đoàn trở thành một nhóm thiện nguyện chuyên làm việc cho Giáo Xứ. Mặc dù không có gì xấu trong hai khuynh hướng trên, nhưng mục tiêu chính của đoàn TNTT là giúp giới trẻ thăng tiến trong đời sống xã hội và đời sống đức tin.

Nói một cách khác, nếu đi đúng đường lối và mục đích, những sinh hoạt của đoàn phải dẫn đến sự trưởng thành nhân bản và đức tin không những nơi các em nhỏ, mà chính còn ở nơi các huynh trưởng là người chịu trách nhiệm săn sóc các em. Thiếu sự chăm sóc và huấn luyện về tâm linh, rất dễ dàng cho những huynh trưởng, vốn là chính những người tuổi còn trẻ đi vào một trong hai khuynh hướng trên, và làm mất đi căn tính thật của phong trào TNTT.

Có đâm rễ sâu thì cành mới vươn cao được

Sự thay đổi thường đem lại sức sống mới, hăng say mới, nhưng sự thay đổi cũng mang cái nguy hiểm của sự mất thăng bằng và mất trọng tâm. Giống như một cành cây muốn vươn cao cần phải có gốc rễ bám sâu vào lòng đất, đoàn TNTT muốn thật sự vào đời để đem Tin Mừng vào trong cuộc sống của mỗi người trẻ phải biết bám rễ thật sâu vào nguồn sống thật của mình: Chúa Giêsu Thánh Thể. Mỗi thành viên trong Đoàn, nhất là thành phần lãnh đạo, cần phải mặc lấy cuộc sống Thánh Thể, để “Thánh Thể” không chỉ còn là một danh xưng của hội đoàn, nhưng thật sự là một lối sống: lối sống của yêu thương, lối sống của hy sinh phục vụ, lối sống của sự kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và siêu nhiên trong cuộc sống hàng ngày, lối sống của những người biết đặt trọng tâm là Chúa trong cuộc đời của mình.

Mùa khai giảng năm học 2008
 
Đức Mẹ Maria có đội khăn xếp như Nam Phương hoàng hậu không?
Lm. Anthony Trần Văn Kiệm
21:05 26/10/2008
Đức Mẹ Maria có đội khăn xếp như Nam Phương hoàng hậu không?

(Mừng năm Cảm Tạ Hồng Ân 2008, kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam, Tổng Giáo phận Atlanta)

Thánh Kinh nhiều lần ghi lại Thiên Chúa cho các tiên tri thuộc Cựu ước và các môn đồ Đức Chúa Giêsu thuộc Tân Ước được chiêm ngưỡng những cảnh trí giác quan bình thường không cảm nhận nổi. Đó là trường hợp tổ phụ Ápraham được mời đón Thiên Chúa vi hành ngự vào mái bạt của mình, Ông Mai-sen được nghe tiếng Thiên Chúa kêu gọi từ một bụi găng, ba Ông Phêrô, Giacôbê tiền và Gioan được chứng kiến Đức Giêsu biến cải dung nhan rực rỡ mà cùng với hai tiên tri Maisen và Êlia đàm đạo trên núi cao, các tông đồ và mấy bà được Thầy của họ hiện ra giữa đám sau khi Người phục hoạt…

Không kể những lần hiển linh được ghi vào Thánh kinh như vậy, lại còn có những lần cá nhân được chiêm ngưỡng mấy cảnh trí vượt qua sức cảm nhận của ngũ quan bình thường, mà lạ thay trong thị kiến, nhân vật từ thế giới linh thiêng trở về với nhân loại nhiều lần nhất lại là chính Đức Bà Maria mẫu thân Đức Giêsu. Hơn nữa Bà tìm về cõi trần không phải là để gặp gỡ mấy ông vua bà chúa: Bà không đòi hội kiến với Henri đệ bát nước Anh một con người đầy quyền lực lúc bấy giờ, hoặc giáo chủ Luther một học giả tự phụ mình hiểu biết hơn người. Nhưng Bà ưa thích chia sẻ nỗi lòng với ba đứa trẻ nhỏ ở Fatima trong nước Bồ, một anh nông dân người làng Guadalupê trong nước Mễ, hoặc một số dân nghèo chui rúc trong rừng sâu La Vang trong nước Việt Nam…

Có nhiều cá nhân quả quyết mình thấy cảnh thiên đường, nhưng nghe họ nói cũng chớ vội tin. Muốn nắm vững sự thật, Giáo Hội đòi từng vụ phải có giám mục địa phương và tốt hơn nữa phải được chính Toà Thánh Rôma thừa nhận bằng giấy tờ, mà minh xác rằng thị kiến không phải do bệnh hoạn, không phải là giả mạo, thị kiến đã được chứng thực bằng những phép lạ vượt quá quy luật thiên nhiên.

Thuộc loại này có vụ Đức Bà hiển linh ở Paris trước mắt thánh nữ Catherine Labouré ngày 18 tháng 7 năm 1830 và 27 tháng 11 cũng năm ấy. Kế đó từng triệu ảnh vảy mang hình Đức Bà - bình dân quen gọi là “Mẹ hay làm phép lạ” - đã được lưu hành khắp thế giới giúp trời cao đổ muôn ơn phần hồn phần xác xuống cho những ai thành tâm dâng lời cầu nguyện lên Đức Bà, lại giúp cho chính Catherine trở thành một chứng nhân hùng hồn bằng một đời sống vị tha và thánh thiện khác thường. Sau cùng tới năm 1894 thị kiến đã được Toà Thánh Roma chính thức công nhận.

Sau Catherine, có hai em bé cũng là người Pháp: Mélanie Mathieu Calvet 15 tuổi và Maximin Géraud 11 tuổi người làng La Salette gần thành phố Grenoble thuộc đông bộ Pháp quốc đã được thấy một trang nữ lưu hiện ra vào năm 1846 tháng 9 ngày 19. Bà vừa khóc vừa bảo hai em phải kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, kẻo bó buộc con Bà là Đức Giêsu sẽ xuống tay trừng trị loài người. Lời nhắn bảo thoạt tiên không có ai chịu nghe, nhưng sau đó dân chúng đã được chứng kiến rất nhiều phép lạ, khiến cho giám mục địa phương đã thừa nhận cuộc hiển linh là có thực, và tới năm 1942, chính toà thánh đã lập lễ kính Đức Mẹ La Salette.

Nhưng địa điểm hành hương nổi tiếng nhất ở Pháp quốc là Lourdes (Lộ Đức) trong dẫy núi Pyrénées giáp giới với Tây ban nha. Tại đây vào năm 1858 từ ngày 11 tháng 2 cho tới ngày 16 tháng Bảy có một bà đã hiển linh cho cô bé 14 tuổi Bernadette Soubirous được chiêm ngưỡng trước sau 18 lần. Bị gạn hỏi tính danh, thì Bà xưng mình là “vị không vương tội ngay từ lúc thành thai trong lòng mẹ” (Immaculée Conception). Bernadette không hiểu Bà muốn nói gì. Phải chờ cho tới khi nàng kể lại thị kiến cho linh mục bản xứ nghe, mọi người bấy giờ mới vỡ lẽ Bà là mẫu thân Chúa Giêsu và câu Bà xưng danh đã trùng hợp khít khao với tín điều mới được Đức Giáo hoàng Piô thứ IX xác định bốn năm trước trúng vào ngày mùng 8 tháng 12 năm 1854. Bà dạy Bernadette phải hô hào mọi người câu nguyện nhất là lần hạt Môi khôi.

Từ ngày ấy cho tới nay rất nhiều phép lạ đã xảy ra ở Lourdes, nhất là cho những ai tin vào quyền phép Đức Mẹ mà uống nước từ đất vọt lên không xa địa điểm Đức Mẹ hiển linh. Lớn lên, Bernadette đã trở thành một dì phước sống một đời rất đạo hạnh và khiêm nhượng. Người tu nữ mất năm 1879 khi mới lên 35 tuổi. Hiện nay di hài của Sơ nằm trong một lồng kính vẫn hồng hào xinh tốt như hồi sinh tiền.

Sau vụ Đức Maria hiển linh ở Lourdes tại Pháp quốc, lại tới vụ Bà hiển linh ở Fatima trong nước Bồ đào nha năm 1917 cho ba đứa trẻ nhỏ tuổi từ 10 cho tới 13 tên là Francisco, Jacinta và Lucia. Lần này Đức Bà vẫn hô hào con cái Bà lần hạt Môi khôi, nhưng lần này cầu cho thế giới thoát nạn cộng sản vô thần và hứa sẽ cho khách hành hương được chứng kiến một phép lạ sẽ xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Quả nhiên tới ngày xác định, hơn 50 ngàn người ngước mắt nhìn lên không trung đã được thấy mặt trời đảo lộn giữa trời xanh một hồi lâu. Francisco và Jacinta mất ba năm sau khi thấy thị kiến, còn Lucia thì gia nhập một đoàn tu nữ và sống cho tới gần đây mới qua đời, sau khi cống hiến cả một đời người để cổ võ lòng tôn sùng Trái tim không nhiễm tội của Đức Bà Maria.

Bên Mỹ châu, Đức Bà hiển linh ngay từ thế kỷ 16, nghĩa là trúng vào năm 1531 trước mắt ngỡ ngàng của một người thổ dân tên là Juan Diego tại Tepeyac gần thủ đô nước Mễ tây cơ. Khi người nông dân chất phác này tìm đến vị giám mục địa phương tên là Zumárraga để bá cáo sự vụ, thì lại có phép lạ xảy ra nhãn tiền: tấm ponko (khăn choàng vai) vừa rời khỏi lưng chàng thì hoa hồng từ tấm khăn tuôn rơi chan hoà xuống sàn nhà. Hơn nữa, mọi người lại thấy trên tấm khăn dệt bằng sợi dứa dại, hiện lên hình dung một trang nữ lưu xinh đẹp tuyệt trần, vẽ lại y chang chân dung Đức Maria khi Bà hiển thị cho Juan chiêm ngưỡng. Trải qua ngoài năm thế kỷ, hiện nay bức chân dung vẫn giữ nguyên màu sắc tươi mát ban đầu.

Rất nhiều ơn lạ đã xảy ra cho khách hành hương tới cầu nguyện ở đền thánh ngày nay gọi là Trung tâm Đức Bà Guadalupe. Do đó năm 1754 Đức Giáo hoàng Bênêđictô thứ 14 đã thành lập lễ Đức Mẹ Guadalupe mừng vào ngày 12 tháng 12, và sang năm 1910 Đức Giáo hoàng Piô thứ 10 đã tôn vinh Đức Bà Guadalupe là Mẹ bảo trợ các tín đồ Công giáo ở cả Bắc Mỹ châu và Nam Mỹ châu. Một đặc điểm nơi dung nhan Đức Bà Guadalupe, là Bà có nước da hơi ngăm ngăm và tóc Bà dài mượt và đen tuyền. Phải chăng Đức Maria muốn mượn cốt cách và y phục phụ nữ địa phương để tuyên xưng mình là mẹ dân Công giáo bất luận họ thuộc xứ nước nào, mang màu da nào?

Tại Việt Nam, Đức Bà hiển linh ở La Vang trong tỉnh Quảng Trị cũng rất sớm, nghĩa là dưới triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn (1782-1802). Cố nhiên linh mục địa phương đã gửi bài điều trần ghi đầy đủ các chi tiết về hiện tượng lạ lên Toà Giám mục. Tiếc thay gặp thời buổi nhiễu nhương, vua chúa bách hại Thiên Chúa giáo, Toà Giám mục phải thay đổi địa chỉ luôn luôn, mỗi lần di dịch lại tiến thêm một độ về hướng Nam, cho đến khi định vị ở Phú Xuân. Kết cục là các tài liệu bị thất tán hết cả, mặc dù mỗi khi dừng lại nơi nào, thì “nhà chung” (nhân viên Toà Giám mục) vẫn cẩn thận bảo trì các văn khố trong những cái chum đậy nắp chôn sâu dưới lòng đất.

Thành ra ngày nay không ai biết được Đức Mẹ La Vang mang xiêm y như thế nào. Chỉ biết rằng: khi Người hiển linh thì dân theo đạo Giatô (Chúa Giêsu) nhận ra ngay Người là mẫu thân Đức Giêsu, nhưng dân Phật giáo có kẻ lại tin lầm Người là Phật Bà Quan âm! Như vậy có thể ngờ được Đức Maria đã hiển linh tại La Vang trong bộ xiêm y phụ nữ Á đông? Biết đâu lần ấy Bà mặc áo tứ thân, thắt lưng nhiễu tím, chít khăn vuông mỏ quạ, tương tự như lần hiển thị ở Mỹ châu Bà đã trang phục nhang nhác giống như phụ nữ Da đỏ.

Ngày nay có phong trào đòi hỏi nghệ nhân phải tôn trọng lịch sử, cho nên mới có hiện tượng một bộ phim diễn tả cuộc Đức Giêsu thụ nạn, trong đó lính La mã mang vũ trang giống y hệt binh sĩ của hoàng đế Tibêriô vào thế kỷ thứ nhất. Nhà đạo diễn lại dặn kịch sĩ đóng vai nhân dân ở Giêrusalem phải trao đổi tư tưởng bằng tiếng Aramaích…

Người ta mạnh dạn phê bình các bức tranh phác hoạ Bà Maria Mácđala là một tội nhân trọn đời ăn năn sám hối, vì sự thực nàng đâu có phải là một phụ nữ trụy lạc, trái lại nàng là một mệnh phụ giầu lòng từ thiện, đứng đầu phái đoàn các mệnh phụ bỏ tiền riêng trợ cấp cho Đức Giêsu và các môn đồ…

Người khác lại thắc mắc tại sao các nhà họa sĩ trăm người như một, ai ai cũng vẽ Ông Phaolô ngã ngựa trước thành Damas: thời bấy giờ chỉ có chiến sĩ ra trận mới cưỡi ngựa, còn dân thường di chuyển trên bộ chỉ cưỡi lừa hay lạc đà. Vả lại Thánh Kinh không nói Phaolô ngồi trên lưng tải súc khi ông tiến vào thủ đô xứ Siri thì vẽ vời lừa với ngựa làm gì. Thậm chí cả bức tranh lẫy lừng của Leonardo da Vinci minh hoạ Chúa Giêsu và môn đồ mừng lễ Vượt qua, cũng bị đem ra mổ xẻ. Sự thực các ngài đã nằm thoải mái trên những trường kỷ mà ăn bữa tối hôm ấy, chứ đâu có ngồi chung quanh một tấm bàn dài…

Tuy nhiên để mặc cho thiên hạ bình luận cho ra lẽ, chứ mọi người ai cũng vui lòng cho phép nghệ nhân và văn nhân được tự do sáng tác (...)! Thế thì đầu tượng Đức Mẹ Việt Nam có hơi nhỏ hơn đầu người thật, Đức Mẹ là dân Do thái mà lại đội khăn xếp nếp như Nam Phương hoàng hậu ngày nàng thành hôn với hoàng đế Bảo Đại, thì đã sao? Trước sau chỉ là licence artistique, không nên chấp nhất làm gì.

Riêng cá nhân kẻ này: trí óc thì được đào tạo trong môi trường khảo cứu và khoa học nhưng con tim lại có máu nghệ thuật, cho nên có những cảm xúc khá phức tạp. Có lúc người viết ngây ngất trước địa vị cao xa của Đức Bà Maria, thì bao nhiêu hoa thơm cỏ lạ cũng muốn lượm đủ mà dâng lên cho Đức Bà. Xá chi một nếp khăn xếp: bao nhiêu kim cương hồng ngọc cũng muốn đem nạm tất cả vào chiếc mũ miện làm bằng quý kim mà đem đội lên đầu Bà.

Nhạc trong bài Ave Maria của Frank Schubert và nhạc trong bài Ave Maria của Charles Gounod cùng là lời thơ thiết tha trong bài Ave Maria của thi sĩ Hàn Mặc Tử: không thứ nào đủ du dương để làm thoả mãn tấm lòng đứa con hèn mọn này muốn ca tụng Đức Bà Maria!

Lúc khác người viết lại đòi trở về thực tế. “Mẫu thân tôi là người Do thái, là một người nội trợ sinh sống ở Nadarét thì Bà đâu có đóng khăn xếp, đâu có đội mũ miện?” Xiêm áo Bà mặc hàng ngày là y phục thông thường dân Do thái. Bên ngoài là bộ ngoại bào cắt thành một tấm vải có hình gần như vuông, khi mang mặc thì vắt ngang qua vai. Bên trong sát với da thịt là bộ nội bào, che kín thân thể từ vai xuống tới gót chân. Nó thẳng đuột như cái ống “mà thủng hai đầu”, đầu bên trên chỉ rộng vừa đủ để đầu người chui lọt. Đàn bà phải nuôi con dại thì lỗ hổng bên trên được khoét rộng hơn, làm lối cho bê bi bú sữa. Hai bên hông nội bào người ta mở thêm hai khe khác để xỏ tay. Chỉ có những bộ áo dài đắt tiền – như tấm áo Đức Giêsu mặc khi thụ hình hay là tấm áo Ông Giacóp may cho con cưng của bố là Giuse – mới may đầy đủ hai cánh tay.

Ngang eo người Do thái thắt lưng, và nếu muốn gọn ghẽ hơn nữa - như khi phải lao công nặng nhọc chẳng hạn - họ có thể chun áo trong lên phía trên dây thắt lưng, thế là người ta có ngay một cái túi lớn vòng chung quanh thân thể làm cái bọc chứa đựng vật dụng cần mang theo người. Đàn ông đàn bà Do thái đều ăn vận giống nhau như thế cả, chỉ khác một điểm là phụ nữ cần thêm tấm mạng che tóc tai. Tông đồ Phaolô căn dặn các bà các cô chớ bao giờ quên tấm mạng che tóc này, theo như ông quan niệm, phụ nữ không che tóc là phần nào ở dạng loã thể.

So sánh với y phục Do thái mới biết bộ áo dài Việt Nam do nhà may Tường tung ra vào các năm 1940, là một sáng chế có một không hai. Nó tha thướt như mây bay. Nó bó sát lưng ong người đàn bà như một bài ca tuyên dương các nét cong trên thân thể của con cái Bà Evà!

Phụ nữ Afghanistan ăn vận khác hẳn. Bên trong họ mang lụa là tế nhuyễn thứ gì nào ai rõ, chỉ biết rằng khi bước ra khỏi nhà thì người đàn bà trở thành những bóng ma núp kín mít từ đầu xuống tới chân trong một tấm mền giầy cộm, chỉ chừa ra hai lỗ cho con mắt nhìn ra ngoài. Dân các nước tân tiến hơn như Ai cập, Jordan, Syri, Liban cũng là Ả rập nhưng họ không nỡ lòng nào hành hạ phụ nữ của mình tàn tệ như vậy.

Còn nhớ tháng 10 năm 1954 người viết có dịp đặt chân lên Cairô, thủ đô Ai cập. Trời vừa sáng, hai vai xốc hai chiếc máy ảnh Leica và Rolleyflex, người du khách Việt Nam này đương giơ chân bước lên một chiếc Buick trên đường đi thăm kim tự tháp, thì thấy trước mặt lù lù một đoàn các nàng Kiều người Afghanistan đi tới, mỗi người trùm một tấm chăn chụp kín từ chân lên tới đầu, chỉ khoét có hai lỗ nhỏ để con mắt có thể nhìn ra bên ngoài mà thôi.

Đối tượng không thể bỏ qua được! Kẻ này bèn lúi húi mở các ống kính máy ảnh. Nào ngờ đám phụ nữ kia có cha hay chồng đi theo làm thành như một lực lượng bảo tiêu món hàng. Thấy có kẻ hèn người da vàng nào đó dám cả gan chụp hình harem (nội cung) của mình, một đoàn các đại hán hùng hổ xông tới. Vừa nghe tiếng chân giậm sầm sập như trời đổ mưa, nhà nhiếp ảnh thất kinh vội vàng rút lui vào lobby của khách sạn; và may sao số mệnh còn dài: kẻ này đã được ban an ninh khách sạn ra tay bảo vệ, Thế là kẻ này có kinh nghiệm cá nhân về sức phản ứng của nhóm Hồi giáo quá khích ngay từ năm 1954, tức là 47 năm trước ngày 911 là thời điểm Toà Tháp đôi ở Nữu ước bị phá sập..

Dù sao y phục Do thái xét ra cũng khá thuận tiện đối với những bà nội trợ năng động trong số có Đức Bà Maria. Năm 1986 nhân dịp vãng cảnh Thánh Địa, tôi có dịp ngồi bên giếng nước Nadarét nằm ngay trên đỉnh một ngọn đồi trong xứ Galilê mà suy tư rất lâu. Tôi thầm nghĩ: anh chàng người Palestine hướng dẫn đoàn du lịch chúng tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng hiểu biết về Thánh Kinh không có bao nhiêu. Ảnh nói dinh thự Caipha nằm dưới chân đồi là sai, Đức Giêsu cải biến dung mạo trên núi Taborê cũng sai nốt, và cây cải có hoa vàng hột nhỏ là một loại đại thọ không phải là rau cải… lại lạc điệu hoàn toàn. Thế nhưng khi bảo rằng thớt giếng nằm giữa thị trấn Nadarét này là nơi Đức Bà tìm đến hàng ngày để kín nước nấu ăn và giặt giũ thì đúng quá đi, không thể lầm lẫn vào đâu được.

Mà lạ thay: Đức Giêsu từ trời xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, nấn ná ở trần gian không quá 34 năm, mà tại sao Người lại bỏ ra gần 30 năm để sống ẩn dật bên cạnh mẫu thân? Có thể là nhiều lần hồi còn nhỏ Người đã theo mẫu thân lui tới thớt giếng này! Té ra làm người trên thế giới, chúng ta không cần phải là một Nữ Oa đội đá vá trời, hoặc chọc trời khuấy nước như Thành Cát Tư Hãn... Chỉ cần sống hạnh phúc như một người con ngoan của Thiên Chúa, mà ca tụng đấng Chí cao, tha thứ thương yêu kẻ đồng loại,và sẻ áo chia cơm với đám bần cùng. Thánh Phanchicô đã làm như vậy, Đức Bà Maria đã làm như vậy, và chính Đức Giêsu cũng đã làm như vậy.

Tới đây, tôi sực nhận ra Đức Bà Maria đã sống một đời rất cam go. Bà phải một mình nuôi con, vì trượng phu Giuse mất sớm, khiến cho thân nhân và láng giềng quen gọi Đức Giêsu là “con Bà Maria”. Bà lại hay giúp đỡ mọi người chung quanh. Khi thân nhân mở đám cưới, Bà được mời, Đức Giêsu và các môn đồ cũng được mời. Nhưng đương khi khách ăn uống ở nhà trên, thì Đức Bà lặng lẽ lui xuống nhà bếp phục vụ với gia nhân. Chẳng vậy mà khi thiếu rượu uống, Đức Bà nhận thức được ngay, và không cần có lời gia chủ yêu cầu, Đức Bà đã xin Đức Giêsu ra tay giúp nhà đám.

Suốt thời kỳ Đức Giêsu giảng đạo - có lẽ là từ năm 30 tới năm 33 - Con Bà đi tới đâu, Bà cũng tìm đến thăm nuôi, lại mang theo thân nhân cho trọn nghĩa họ hàng. Lần nọ, dân chúng quấy nhiễu Đức Giêsu quá độ, tới mức Người và các môn đồ không còn thời giờ ăn uống nghỉ ngơi, thân nhân được tin, đã vội vàng tìm đến để can thiệp. Thánh Kinh không nói rõ lần ấy Đức Bà có hiện diện hay không, nhưng các lần khác Bà đã quen dẫn theo thân nhân cùng đi để thăm nuôi, thì lần này nhất định chính Bà phải có mặt trong phái đoàn.

Cũng vậy, khi con Bà bị án chết, và bị treo trên thập giá, Đức Bà Maria không đi một mình. Bà đem theo hai người em gái: Salome phu nhân Ông Dêbêđê và Maria “khác” phu nhân Ông Clopas còn gọi là Alphaeus, lại gọi thêm một nữ thí chủ là Bà Maria Mácđala: cả đoàn tìm đến tận pháp trường mà yên ủi Đức Giêsu. Khi Con Bà tắt thở các đồ đệ tẩu tán hết, Bà kêu gọi hai Ông Giuse và Nicôđêm tới giúp, và đã mai táng di hài Đức Giêsu kịp bước sang ngày Sabát là lúc phải ngừng nghỉ…

Bà nghỉ không lâu, vì vừa hết ngày Sabát Bà lại phải thực hành sứ mệnh Con Bà đã trao sang cho Bà. Sứ mệnh nằm trong câu: “Hỡi người Đàn Bà! Gioan là con Bà”. Trối trăng như thế Đức Giêsu không muốn bảo mẹ mình nhận Gioan làm con nuôi thay thế cho mình sắp phải chết. Ý Người muốn nói rằng Giáo Hội của Người mà Gioan là đại biểu, lúc này rã rũa mất rồi, nhưng đã có Mẹ Người mà Cựu ước gọi là “Người Đàn Bà thứ hai” đối lập với Evà là “người Đàn Bà thứ nhất. “Người Đàn Bà thứ hai” này sẽ có tay chèo vững đủ, để xây cất lại Giáo Hội cho hoàn tất!

Một phụ nữ đảm đang như vậy sẽ không có thời giờ nghĩ tới phấn son, đi giầy cao gót, trau chuốt móng tay. Có thể tưởng tượng hai bàn tay của Bà có lẽ không mềm mại nuột nà, mà chắc là chai cứng. Cứ xem vào cốt cách Đức Giêsu in vào tấm khăn liệm lưu trữ ở Turino, thì con Bà bình sinh là một trang nam tử cao lớn và khoẻ mạnh, cho nên mẫu thân của Người nhất định không phải là một phụ nữ liễu yếu đào tơ. Vì suy diễn như vậy, máu nghệ sĩ của tôi chìm xuống, và óc thực tiễn của tôi trỗi dậy: Không! Đức Bà Maria của tôi bình sinh đã không bao giờ đóng khăn xếp giống như Nam Phương hoàng hậu!

Có người phản kháng: Đó là lối sống của Đức Maria vào buổi sinh thời. Còn bây giờ ở trên thiên đàng thì sao? Lần hạt Môi khôi tới mầu nhiệm thứ năm trong chuỗi các “Sự Mừng” chúng ta ca tụng Đức Bà Maria hiện nay được Thiên Chúa tôn vinh cực độ trên thiên đàng!

Sự thực về phía Thiên Chúa, Đức Chúa Cha đã không đợi rước Đức Bà Maria về trời rồi mới tôn vinh Bà, nhưng đã tôn vinh Bà ngay từ thuở mới thành thai trong dạ con của mẫu thân Anna. Chính vì muốn cảm tạ Thiên Chúa đặc biệt sủng ái mình như thế, cho nên khi hiển linh ở Lourdes, Đức Maria đã tự xưng là “Immaculée Conception”. Còn về phía Đức Maria, thì Bà không thích ngồi lên ngai báu để thần dân khấu bái mình.

Hiện nay trên thiên đàng Bà vẫn tích cực hoạt động như thuở còn sống trên dương gian. Như một nữ tướng Bà phất cờ nương tử, lãnh đạo tất cả các lực lượng trên thiên đàng và dưới trần thế, đấu tranh với sức mạnh của Satan và bè lũ. Bà không ngừng kêu gọi từng cá nhân tiếp sức với Bà, vì cuộc chiến tranh giữa Thiện và Ác chỉ chấm dứt vào ngay thế giới này bị diệt vong...

Nhưng muôn tâu Lệnh Bà, Bà đã giúp Con Bà phục hưng Giáo Hội, cho nên Bà cũng là mẹ sinh ra từng người tín hữu chúng con. Đoàn kết lại thành Giáo hội Việt Nam, hôm nay chúng con dám xin Bà ngừng tay hoạt động trong giây phút, để chúng con dâng bó hoa hồng lên Bà và đội lên đầu Bà nếp khăn xếp làm bằng lụa vàng từng được Nam Phương hoàng hậu đội ngày nào, để tôn vinh Bà là Nữ Vương Giáo hội Việt Nam chúng con.

Sau nghi thức này, chúng con nguyện sẽ đoàn tụ chặt chẽ sau lưng Bà và sẽ cùng Bà bắt tay vào việc tiễu trừ các lực lượng Gian tà, và thiết lập Công lý và Hoà bình trên khắp thế giới bắt đầu từ giang sơn Việt Nam, rồi cứ tiếp tục hoạt động mãi mãi như vậy cho tới ngày thế giới đón Con Bà giáng lâm phán xử nhân loại... Đến ngày này, công việc hoàn tất rồi, con cái Lệnh Bà thuộc khắp mọi nơi mọi đời sẽ hoan hỉ ca hát bài Ave Maria để tôn vinh Lệnh Bà, và đồng thanh xưng tụng kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba ngôi per omnia saecula saeculorum!!!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trong nước của Bác Hồ
Đồng Nhân
20:15 26/10/2008
Trong nước của Bác Hồ

(dịch từ bài "In the country of Uncle Ho" của Lorenzo Fazzini, tập san Chiesa ở Ý ra ngày Thứ Năm 23/10/2008 cũng đã được đăng trên VietCatholic cùng ngày)

Vị Giám Mục người Việt Nam nhún vai một cách chán nản và bảo tôi: "Anh không biết gì về người Cộng Sản đâu. Nếu tôi nói toạc ra hết mọi chuyện, ngày mai họ sẽ kéo đến bắt tôi bỏ tù liền", cũng là vì trong một quốc gia mà đảng chính là Chúa theo kiểu Sô Viết thì việc bị bắt bỏ tù vì tín ngưỡng lại là một chọn lựa thực tế mà thôi.

Nói theo ngôn ngữ ngoại giao thì Hồng Y JB Phạm Minh Mẫn, tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh phải công nhận là "tình trạng rất khó khăn". Chữ nghĩa của ông đã diễn tả được những gì cần thiết để gợi ra một sự hư cấu về sự "tự do" tôn giáo đang nghiền nát giáo hội Việt Nam. "Giáo hội được tự do, nhưng không được quyền để có tự do" Vị Hồng Y nói thế trong lúc mở cửa cho tôi vào trong toà Giám Mục gần nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm thành phố. Trước toà Giám Mục, ngay mặt tiền của dinh tổng thống miền Nam trước đây thấy có trương một biểu ngữ sơn chữ đỏ: "Đảng (CS) chính phủ và nhân dân quận 5 học tập và noi gương bác Hồ", với hình cha già dân tộc đang cười với chòm râu bạc phơ.

Giáo dân Công Giáo chiếm 8 % trong tổng số 84 triệu người Việt Nam, và Giáo hội được hưởng những đặc quyền về xã hội so với cả những người không thuộc Ky Tô giáo, nhưng kể từ cuối hè năm ngoái thì sự căng thẳng đã đi quá mức. Đối tượng của sự tranh chấp là vài miếng đất, cơ sở và kiến trúc trước đây thuộc về Giáo Hội nhưng bị chính quyền Việt Minh trưng thu sau khi nắm quyền ở Hà Nội tại miền Bắc năm 1954. Việc trưng thu này lại được lập đi lập lại sau năm 1975 ở miền Nam, sau khi chiếm đóng Sài Gòn nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh. tài sản này Giáo Hội đang đòi lại, trên một đất nước đã bắt đầu cuộc giái phóng kinh tế năm 2006 khi gia nhập vào tổ chức Mậu Dịch Quốc tế (WHO).

Đã có trên 10 năm -cho đến giữa thập kỷ 1980- ngườ CS đã đóng cửa nhiều nhà thờ Công Giáo. Nhà nguyện viện Đại Học Đà Lạt, trung tâm giáo dục lớn bậc nhì của cả nước, đã phải chịu trải qua một sự chuyển đổi đơn phương: cây thánh giá ngày trước được dựng lên chỗ tháp chuông bây giờ đã được dùng để trưng bày một ngôi sao theo kiểu Sô Viết. Các chủng viện bỗng trở thành cơ sở của nhà nước. Ở ngoài cô đô Huế, tiểu chủng viện nơi Phan-Xi-Cô Xavier Nguyễn Văn Thuận -vị hồng Y tương lai, người đã bị giam cầm suốt 13 năm và bị bách hại vì tín ngưỡng- từng học tập tại đó, đã trở thành một hotel sang trọng bậc nhất. Dòng Camelo Hà Nội- nơi chị thánh Teresa của thành Lisieux từng mơ ước được đến làm công tác truyền giáo đã biến thành một bệnh viện. Một nhà thờ cách toà Đại sứ Ý tại thủ đô vài bước chân cũng đã bị biến thành một nhà kho chứa đồ.

Trước những thí dụ trơ trẽn của nạn tham nhũng khi đất đai tài sản được bán cho nhà nước hoặc tư nhân để đối chác lấy những khoản hối lộ đáng kể cho cán bộ nhà nước, người Công Giáo đã xuống đường. Họ xuống đường để cầu nguyện, như đã giải thích thế cho Hội Đồng Giám Mục VN (HDGMVN), nơi đại diện cho các giám mục của 27 giáo phận trên cả nước. Giáo hội đòi hỏi phải bồi hoàn cho họ những tài sản mà bây giờ họ cần hơn lúc nào hết, để có thể phục vụ cho số giáo dân đang càng ngày càng trở nên đông đảo hơn. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh hằng năm đã có đến 9000 người được rửa tội. Giáo dân và các linh mục đang nêu ra thắc mắc đơn giản: Tại sao ở VN nơi hằng năm với mức tăng trưởng kinh tế là 8%, với những dự án đầu tư của các công ty Nhật và Yankee (Mỹ), với những toà nhà chọc trời mọc lên như nấm chen lẫn với các hotel sang trọng như thế (trong vùng biển Nha Trang chung quanh toà Giám Mục bị bao vây bởi hai Hilton hotel ở bên phải và hai toà nhà theo lối kiến trúc vị lai về bên trái), giáo hội lại không được quyền đòi lại tài sản đã bị cưỡng chiếm 30 năm trước?

Vào trung tuần tháng Tám, các giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế, ngoại thành Hà Nội đã bắt đầu cuộc biểu tình ôn hoà. Tại nơi đây một công ty quốc doanh muốn xây một con lộ bắc ngang thửa đất 14000 mét vuông của giáo xứ mà chính quyền cho là Dòng Chúa Cứu Thế đã hiến tặng cho nhà nước từ thập niên 1970. Công an sau đó đã nhập cuộc, đem theo dùi cui và hơi cay vào để khống chế các cụ già và trẻ em. Sáu người đã bị bắt trong vụ này. Tại sao thế nhỉ?

"Vì họ đã tham dự cầu nguyện ôn hoà. Đây thật là một sự vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được. Việc này cần phải được viết và nói ra cho toàn thế giới cùng được biết". Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, mới nhậm chức chỉ hơn 3 năm, đã không sợ sệt khi lên án những gì xảy ra cho Thái Hà, và không chỉ như thế, ông bây giờ đang ở trung tâm của trận bão, thứ nhất là vì dứng hẳn vào hàng ngũ giáo dân tại Dòng CCT, rồi lại dẫn đầu những cuộc biểu tình bất bạo động lớn nhất tại Hà Nội kể từ năm 1954.

Vào ngày 21 tháng 9, cả 10 ngàn người tụ tập để cầu nguyện trong khu vườn của Toà Khâm Sứ cũ, ngay bên cạnh toà Giám Mục Hà Nội, trong khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. Cuộc biểu tình là để đáp lại sự kiện sau 9 tháng điều đình với lãnh đạo thủ đô, bỗng hai ngày trước đó giữa đêm hôm, không hề được báo trước, xe cơ giới và công nhân xây dựng đã được công an và quân đội tháp tùng để điều động đến khu vực toà Khâm Sứ để bắt đầu công trình xây cất một công viên.

Lãnh đạo Giáo Hội VN đã khiếu nại, như sau: " Họ không hề thông báo gì chúng tôi biết cả. Họ đơn phương hành động, tự động bỏ ngang cuộc đối thoại mà chúng tôi đang tiến hành cả mất tháng nay" Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã làm tăng nhiệt khi tuyên bố như thế: " Tôi công khai lập lại chủ trương của Giáo Hội là đối thoại dựa trên nền tảng của sự thật, công lý và lòng bác ái. Nhưng đối thoại này rất khó lòng thực hiện vì từ ngữ 'đối thoại' không có trong tự điển của người Cộng Sản, từ ngữ 'đoàn kết' cũng không hề có"

Hiện giờ các cuộc biểu tình đã bị ngưng lại, công trình xây dựng cũng thế. Nhưng trong lúc đó Tổng Giám Mục Kiệt đã phải sống trong tình trạng bị giám sát đặc biệt suốt mấy tuần lễ. Đến hăm ông bây giờ có nghĩa là phải vượt qua mấy chặng thu âm lén, máy thu hình, chụp hình được đặt khắp nơi trong toà Giám Mục để nhận iện những ai đến gặp ông. Mãi đến tuần lễ đầu tháng Mười vị Giám Mục 56 tuổi - người từng được thụ huấn tại Học Viện Công Giáo Paris và là vị lãnh đạo hai giáo phận miền Bắc nơi sự kềm kẹp của chủ nghĩa CS đã làm số giáo dân sa sút còn có 6 ngàn người- mới thấy xuất hiện trước công chúng. Để được tham dự lễ tấn phong giám mục Bắc Ninh, một nơi nằm cách thủ đô 60 km về hướng Bắc, giáo dân đã phải chen nhau đến gặp để biểu lộ sự hiệp thông với hành động can đảm của ông cho tự do của Giáo Hội.

Thật ra, một câu hỏi đơn giản có tính cách xây dựng, theo thực tế, là ở chỗ sao lại có hành động đàn áp Giáo Hội. Một vài tiếng nói của lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo VN đã đưa ra những tranh cãi rất hùng hồn về lý do tại sao -việc bồi hoàn tài sản giáo hội bị tịch thu - lại gặp sự phản kháng mà tương lai Giáo Hội Công Giáo phải lệ thuộc vào, trên xứ sở của Bác Hồ.

"Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu, bằng đơn từ hẳn hoi, việc bồi hoàn lại tài sản của chúng tôi, từ những tài liệu mà chúng tôi có trong tay. Thường lá cán bộ không hề đưa ra câu trả lời nào. Đôi khi họ nói: "Để xem đã. Chúng tôi đang xét lại vấn đề" Cha Thomas Vu Quang Trung đã nói như thế. Cha là bề trên giám tỉnh dòng Tên tại Thủ Đức, ngoại thành Sài Gòn. Vào năm 1975 sau khi trục xuất những tu sĩ ngoại quốc, nhà cầm quyền đưa ra lý lẽ đơn giản như sau khi trưng thu: "Có quá ít người sống trong những toà nhà này, nên chúng tôi lấy làm chỗ cho người của chúng tôi xử dụng"

Cha Trung vươn rộng hai cánh tay ra rồi nói: "Chuyện họ xử dụng tài sản của chúng tôi, như toà nhà ở Đà Lạt, cho mục tiêu công cộng như xây bệnh viện hay trường học cũng còn chấp nhận được. Nhưng xử dụng vào việc xây vũ trường như họ đang làm tại nhà dòng các nữ tu ở thành phố Hồ Chí Minh thì không thể được! Viện đại học của chúng tôi ở Huế đang bị biến cải thành một siêu thị. Yêu cầu đòi bồi hoàn của chúng tôi vẫn tiếp tục, một phần cũng là vì có một thắc mắc không chỉ liên quan đến người Công Giáo mà còn cho cả các tôn giáo khác và thường dân nữa. Hai vụ tranh chấp ở miền Bắc- về Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội và ơ DCCT -xứ Thái Hà- không chỉ liên quan đến chuyện chủ quyền đất đai mà còn cả về việc công lý được thực thi ra sao nữa.

Cha Nguyễn Văn Ty cựu bề trên dòng Sa lê Giêng và cố vấn cho Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, còn dứt khoát hơn nữa: "chính quyền rất sợ hiệu ứng Domino sẽ xảy ra. Nếu họ trả lại đất ở Hà Nội, thì nguy cơ là các tôn giáo khác sẽ noi theo gương công lý mà đưa ra yêu cầu đòi đất. Theo Hà Nội thì vấn đề này có thể châm ngòi đốt cháy hết mọi thứ. Những người Việt trong và ngoài nước lại đoàn kết một lòng: Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc, đây là vần đề thuộc về công lý, không phải là tự do tôn giáo mà là sự xét lại về mặt luật pháp - Toà Thánh Vatican không can thiệp vào đòi hỏi này là chuyện cũng tốt, vì đây chỉ được coi như vấn đề của Giáo hội địa phương. Nói cách khác, đây chỉ là vấn đề tự thú, và là một yêu cầu về công lý. Dĩ nhiên có đem lại nhiều đe doạ cho vị tổng giám mục, việc xử dụng băng đảng du đãng, những lăng mạ hàng ngày đối với Giáo Hội từ các cơ quan truyền thông nhà nước. Người CS sợ người CG vì họ là một tập hợp mạnh mẽ có tổ chức trên cả nước. Nhưng trong số những vị trí thức, giáo sư đại học, học sinh và nhà báo, thực tế dần cho thấy là CS đàn áp, và họ thấy Giáo hội là nơi có tự do.

Cha Phan Xi cô Xavier Phan Long, bề trên tỉnh dòng PhanXi Cô giải thích rằng các giám mục VN đã làm tốt công việc "đóng đinh" vụ tài sản tư hữu, đã công khai yêu cầu chính phủ VN xem lại luật- "cũ kỹ và lỗi thời", theo như chủ tịch HDGM, đức cha Phê rô Nguyễn Văn Nhơn- trong đó cho rằng chỉ nhà nước là chủ nhân duy nhất của miếng đất.

Cha Long nói như sau tại văn phòng của ông ở thành phố Hồ Chí Minh: "Tôi rất vui mừng vì là lần đầu tiên các đưc cha đã có chung một lập trường về một vấn đề cụ thể. Thường thì khi họp thường niên các ngài phổ biến một tuyên bố sau cùng về những thắc mắc chung. Lần này trong một chiều hướng mới các ngài đã phải đương đầu với một câu hỏi nóng bỏng như vấn đề ở Hà Nội, một việc đòi hỏi phải có một cuộc đối thoại thành thật và thẳng thắn với chính quyền. Chúng tôi không biết là nếu luật về tài sản tư hữu có thay đổi hay không, nhưng vẫn cứ hy vọng như thế. Riêng tôi, tôi đã chuẩn bị để nói với chính quyền thế này... "

Nói gì thế? Ngài trả lời: " Khi sự việc ở Hà Nội bắt đầu xảy ra, bộ An Ninh đã triệu tập tôi về hỏi ý kiến tôi về những chuyện xảy ra. Tôi cảnh báo ông ta rằng nếu chính quyền lấy đất của nhà dòng Phan Xi cô chúng tôi sẽ sẵn sàng tranh đấu, dĩ nhiên là ôn hoà, vì chúng tôi là con cái thánh Phan Xi Cô. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc trong việc tranh đấu này.
 
Người Việt tại Đan Mạch tổ chức diễn hành và cầu nguyện cho Công lý tại Việt Nam
Đỗ Đức Thống
21:18 26/10/2008


Có thể ngọn lửa đấu tranh đòi Công lý, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1976, sau khi Việt Cộng chiếm trọn miền Nam. Có lúc ngọn lửa liu riu, có lúc tỏa sáng tại một số vùng và ngày nay thì bừng sáng đến khắp năm châu bốn biển.

Hình ảnh Buổi Cầu Nguyện và tại Århus, Đan Mạch

Biến cố Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi trả lại Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà đòi khu đất bị Việt Cộng cưỡng chiếm là đích điểm đấu tranh đòi lại quyền tư hữu của người Công Giáo trong năm 2008. Cuộc đấu tranh này cũng giống các cuộc đấu tranh tại Đông Âu kể từ khi các chế độ Cộng sản lần lượt sụp đổ. Đặc điểm đáng ca tụng là các chính quyền sau cộng sản tại Đông Âu đã hân hoan trả lại các tài sản thuộc quyền tư hữu của Giáo Hội Công Giáo. Đây là một hành động văn minh, công bằng và hợp lý.

Đây là một quan trọng trong lịch sử đấu tranh của người Công Giáo dưới chế độ độc tài, vô thần Cộng sản; một biến cố tranh đấu cho công lý được cả thế giới biết đến; một biến cố thắt chặt tình thân hữu giữa những người con của Thiên Chúa còn đang bị kìm kẹp tại quê nhà, và những người đã thoát nạn cộng sản đang được sống tự do ở các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ.

Đây là một điểm son trong lịch sử đấu tranh của người Công Giáo nói riêng và những người dân bị đàn áp tại Việt Nam nói chung.

Một trong các cuộc đấu tranh đòi trả lại tài sản của các Giáo Hội và dân nghèo bị Việt Cộng cướp đoạt ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, phải kể buổi cầu nguyện và cuộc diễn hành tại thành phố Århus do Cộng đoàn Công giáo Việt Nam chủ động cùng với sự tham gia của Chi hội Phật Giáo, các hội đoàn và tổ chức của người Việt tại thành phố lớn và đông dân thứ hai của Đan Mạch. Chương trình đã được sự đồng ý và ủng hộ của Hội Đồng Giáo Xứ Công Giáo Tại Århus gồm các Linh Mục: Herbert, Meister, Bernardo, Thầy Davide De Nigris; Ban Chấp Hành Hội Đồng Giáo Xứ và Các Thành Viên Trong HĐGX Århus; Cha Tuyên Úy Nguyễn Minh Quang và Thượng Tọa Thích Giác Thanh.

Có thể nói cuộc đấu tranh chiều ngày 24.10.2008 tại Århus đã đóng góp thêm vào việc tô thắm trang sử đấu tranh sẵn có và còn tiếp diễn của các giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà, cũng như các Giáo phận, Giáo xứ khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Nhìn vào tinh thần hoạt động hăng say vì lý tưởng của mọi giới, đặc biệt các bạn trẻ, chúng tôi cảm thấy hãnh diện, vì thế hệ trẻ đã đọc và hiểu lịch sử, đã trải qua kinh nghiệm thực tế về các chính sách của chế độ Cộng sản Việt Nam. Từ đó, tuổi trẻ đã vạch ra cho mình một hướng đi đúng, đứng về phía những người bị đàn áp và đấu tranh cho quyền lợi hợp lý và thiết thực của người dân Việt.

Công lý, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền mà chúng ta có được ngày nay không phải là món quà tự nhiên từ trời rơi xuống.

Nó là kết quả của hàng chục ngàn cuộc đấu tranh liên tiếp trong nhiều thế kỷ của mọi lớp người trên thế giới.

Nó là kết quả của hàng vạn người đã đổ máu ra để tranh đấu cho quyền lợi căn bản của con người trước và sau khi Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948.


- Cố Mục sư Martin Luther King, người tranh đấu đòi dân quyền cho dân Mỹ da đen vào những năm đầu của thập niên 1960 đã nói một câu bất hủ: ``Im lặng là phản bội!’’ (Silence is betrayal!’’

- Trong bài ``Chia Tay Ý Thức Hệ’’, Hà Sỹ Phu, nhà đối kháng chế độ Cộng sản Việt Nam có viết:

``…Người dân không có thông tin ắt không hiểu vì sao giữa lúc bộ mặt đất nước đang rạng rỡ chưa từng có, (như vẫn hiện ra trên mọi phương tiện truyền thông nhà nước) thì Ông Cộng sản Ba-son Nguyễn Hộ, cả nhà và cả đời làm Cộng sản, đã từng sát cánh với các ông Nguyễn văn Linh, Võ văn Kiệt, lại quyết ly khai Đảng vì đã "chọn nhầm lý tưởng"; không hiểu vì sao ông Cộng sản trí thức Ba-Lê Nguyễn Khắc Viện, người đã rời nước Pháp hoa lệ để theo cụ Hồ về nước kháng chiến, bỗng dưng lại kêu lên "Hãy bước vào cuộc kháng chiến mới"! Tiếng kêu chìm nghỉm như tiếng sỏi rơi xuống ao tù lạnh tanh !’’

Sự thật là thế!

Sự nhập cuộc của các bạn trẻ Công giáo, Phật giáo, các hội đoàn, tổ chức và mọi lứa tuổi qua hành động đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp của tôn giáo và dân tộc đã nói lên giá trị lịch sử.

Sự nhập cuộc của các bạn trẻ Công Giáo, Phật Giáo, các hội đoàn, tổ chức và mọi lứa tuổi qua hành động đấu tranh vi lý tưởng cao đẹp của tôn giáo và dân tộc, tự nó có thể giảm bớt sự hận thù giữa các tôn giáo, giải tỏa những bất đồng quan điểm chính trị, thông cảm những khác biệt về văn hóa và xã hội.

Các bạn đã phá tan sự im lặng bằng đọc lên những lời cầu nguyện trong Thánh đường.

Các bạn không phản bội các giáo hữu đang tranh đấu tại quê nhà qua những bước chân không mệt mỏi trên đường phố, những khẩu hiệu đòi Dân chủ và Tự do; những tiếng thét đòi Công lý và Nhân quyền.

Thánh đường Đức Bà (Vor Frue Kirke) ở khuôn viên Tòa Thị Chính Århus đã được thắp sang bởi hàng trăm ngọn nến lung linh. Các con đường và hè phố: Ryesgade, Søndergade, Skt. Clemens Torv, Store Torv, Lille Torv, Immervad, Åboulevarden nordside, Christiansgade, J. M. Mørks Gade, Frederiksgade, Rådhuspladsen đã in dấu chân của hàng trăm giáo dân đến từ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, các Cộng Đoàn Công Giáo tại bán đảo Jylland, Fyn và Thủ đô København của Đan Mạch; của Hội Dòng Ba Đa Minh, Hội Legio, Hội Các Bà Mẹ Cầu Nguyện, Hội Văn Hoá Công Giáo VN, Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Uỷ Ban Yểm Trở Phong Trào Tự Do Dân Chủ; Nhóm Mentor Việt Nam Århus, Hội Văn Hóa VN, Nhóm ``TNT-VietMedia’’ Tiếng Nói Người Việt Nam Århus (www.vn.radio.com), và đặc biệt Chi Hội Phật Giáo và đồng bào Phật tử VN tại thành phố Århus.

Cuộc diễn hành ngày 24.10.2008 đánh dấu khúc quanh lịch sử của người Công Giáo cũng như không Công Giáo Việt Nam tại thành phố Århus và đáng được ghi vào lịch sử đấu tranh cho Công lý và Nhân quyền Việt Nam.

Người dân trong nước và khắp nơi trên thế giới, khi nhìn hình ảnh hàng trăm người, đủ mọi tôn giáo, đủ mọi thành phần xã hội cầu nguyện và cầm đèn diễn hành là một điều khích lệ tinh thần rất cần thiết cho giai đọan đấu tranh cho một Viêt Nam Tự Do.

Các tên gọi quen thuộc đầy nhiệt huyết của người lớn, thanh niên và thiếu nữ như: Kim Hương, Nguyễn Long, Quang Tuấn, Thanh Minh, Công Trình, Khánh Hải, Khắc Hiếu, Văn Trí, Đình Nghĩa, Viết Khoái, Mạnh Hà, Ngọc Khánh, Nguyễn Khanh, Vương Nhi và nhiều người nữa mà chúng tôi không thể kể hết được đã in sâu vào tâm trí tôi. Đây là một kỷ niệm khó quên.

Những tiếng cầu nguyện cho Công lý, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của hàng trăm người vang vọng trong Thánh đường và trên các con đường dẫn tới Tòa Thị chính Århus vào một chiều Thu giá lạnh làm cho tôi hãnh diện đến ứa lệ.

Tôi tin rằng, nhiều người Đan Mạch bản xứ đã quan sát cuộc diễn hành với những thắc mắc được giải tỏa; những hiểu lầm được xóa tan và sự đồng tình yểm trợ được diễn tả trên các căp môi tươi cười thân thiết và những cái gật đầu đầy ý nghĩa.

Tôi thầm phục các bạn, tôi quí mến những người trẻ đã hy sinh đứng ra tổ chức, những người đóng góp công sức và tiền của, những người tham dự buổi cầu nguyện và diễn hành trên đường phố Đan Mạch để bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của người Công Giáo tại quê nhà.

Viết những dòng chữ này tôi muốn đồng hành với các bạn diễn hành đòi Công lý không chỉ trên đường phố Århus, mà đồng hành với tất cả các cuộc đấu tranh khác tại quê nhà và trên thế giới.

Viết những dòng chữ này tôi muốn cùng các bạn gào to, thét lên lời công đạo thay cho những người bị bịt miệng và bị đàn áp tại quê cha đất tổ.

Ước mong ánh sáng công lý sẽ chiếu rọi trên quê hương Việt Nam.

Đảng Cộng sản hãy nhìn vào thực tế khách quan để chấp nhận sự thật là Chủ nghĩa Cộng sản chỉ đem lại hận thù, chậm tiến, tham nhũng, chia rẽ và tang tóc cho dân tộc Việt Nam.

Đảng Cộng sản hãy vứt bỏ cái nhãn hiệu Xã hội Chủ nghĩa, vứt bỏ chế độ độc tài áp bức đã lỗi thời từ thập niên 1990 và thay đổi chế độ hợp với lòng dân là Dân chủ, Tự do và Nhân quyền.

Bốn tiếng ``Việt Nam Cộng Sản’’ nghe chói tai quá rồi, không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới!

København chiều Thu 24/10/2008
 
Ngày Thánh Mẫu tại Sydney Cầu Nguyện Cho Quê Hương và Giáo Hội VN
Diệp Hải Dung
22:04 26/10/2008
SYNDEY - Chiều Chúa Nhật 26/10/2008 hơn 2000 Giáo dân và các Hội đoàn, Đoàn thể đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự hành hương mừng kính Ngày Thánh Mẫu với chủ đề “ Maria, Nữ Vương Hòa Bình ” để Hiệp thông cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Xem hình ảnh

Tất cả mọi người đều tập trung trước tượng đài Đức Mẹ và Cha Nguyễn Văn Tuyết xông hương trước kiệu Thánh tượng Đức Mẹ Fatima sau đó tất cả mọi ngưòi cùng sốt sắng đền tạ và khấn nguyện, cầu cho bản thân, gia đình, Cộng đồng đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam

Sau khi chấm dứt việc đền tạ 3 hồi chiêng trống nổi lên vang dội và bắt đầu kiệu cung nghinh Thánh tượng Mẹ Fatima về Lễ đài. Cuộc kiêu rất long trọng trang nghiêm với các Hội đoàn Đoàn Thể trong Cộng Đồng cùng Giáo dân tham dự và dâng lên Mẹ tràng Hoa Mân Côi Mùa Vui. Khi kiệu Thánh tượng Mẹ Fatima về đến Lễ đài mọi người đều Hát Bài Cầu Cho Quê Hương: Mẹ Ơi, Đoái Thương Xem Nước Việt Nam…để mừng kính Mẹ và khấn cầu Mẹ cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn xông hương kiệu Thánh tượng Mẹ đồng thời các em Thiếu Nhi tung Hoa dâng lên Mẹ với niềm hân hoan vui sướng của nhiều sắc hoa đẹp thắm.

Sau đó Thánh lễ cử hành gồm quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Mai Đào Hiền, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Nguyễn Văn Hùng từ Đài loan cùng đồng tế.

Trong bài giảng Cha Tuyên uý Trưởng nói lên sự khiêm nhường và Đức Mến rất là quan trọng. Cha khuyên nhủ mọi ngườI hãy luôn noi gương Đức Mẹ qua đức khiêm nhường và Đức Mến để sống đẹp lòng Chúa như bài Phúc Âm hôm nay mà Chúa Giêsu đã nói “ Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và ngươi phải yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi (Mt. 22: 34-40)

Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sỹ và tất cả mọi người và ông cũng thông báo về dự án xây dựng 14 Chặng Đàng Thánh Gía tại Trung Tâm sẽ tiến hành vào đầu năm 2009. Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn cũng ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu sĩ và tất cả mọi người, đặc biệt Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta đã hát rất hay trong buổi Lễ hôm nay để tạo cho mọi người thêm phần sốt sắng, và sau đó Thánh lễ kết thúc bế mạc vào lúc 4Pm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Việt Công Giáo và các vị Thượng Nghị Sĩ / Dân Biểu Hoa Kỳ trong Cuộc Bầu Cử
Anthony Lê
19:54 26/10/2008
Người Việt Công Giáo và các vị Thượng Nghị Sĩ / Dân Biểu Hoa Kỳ trong Cuộc Bầu Cử

Los Angeles.- Cho đến lúc này, người Việt Công Giáo chúng ta ở hải ngoại thừa biết, đâu là vấn đề quan trọng nhất trong hầu hết tất cả mọi cuộc bầu cử ở cấp quốc gia, cấp liên bang, cấp tiểu bang, và các cấp địa phương. Trong bất kỳ mọi hoàn cảnh hay tình huống bầu cử nào đi chăng nữa, thì những giảng dạy về Luân Lý và Đạo Đức của Giáo Hội Công Giáo và của Đức Tin Kitô Giáo, phải được đặt lên hàng đầu, và là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, chọn lựa, và bỏ phiếu cho các ứng cử viên nào theo sát nút với những giá trị nền tảng đó.

Obama Yêu Nước Mỹ Đến Cỡ Đó!?


Những vấn đề về Luân Lý và Đạo Đức cơ bản nhất của tất cả mọi nền tảng xã hội trục trần trên khắp thế giới đó là: việc Phá Thai (Abortion), việc ủng hộ cho Hôn Nhân Đồng Tính (Gay-Marriage), việc bảo trợ cho cuộc Nghiên Cứu về Tế Bào Gốc (Embryonic Stem Cell Research), việc Nhân Giống Người (Human Cloning), việc Trợ Tử (Euthanasia), và việc Ngừa Thai (Contraception).

Bất kỳ ứng cử viên nào, thuộc bất kỳ Đảng Phái Chánh Trị nào, mà ủng hộ cho một trong 6 vấn đề nền tảng về Đạo Đức và Luân Lý kể trên, đều Không Xứng Đáng để cho chúng ta lựa chọn và bỏ phiếu bầu.

Việc cương quyết bỏ phiếu cho những ứng cử viên ủng hộ cho 6 Vấn Đề nền tảng kể trên sẽ mang lại hệ quả hết sức khốc liệt cho những cá nhân đó, và cho cả bình diện xã hội. Về sự hủy hoại trên chiều kích cá nhân, người đó đi ngược lại với Lương Tâm Công Giáo của riêng mình, người đó đã phản bội Thiên Chúa và gạt Ngài sang bên lề. Về mặt Giáo Hội, người đó tự rút phép thông công của mình ra khỏi Giáo Hội Công Giáo. Về mặt xã hội, người đó đóng góp vào tội ác hủy diệt nhân loại một cách hàng loạt, mà chính người đó không hề hay biết.

Thế đối với những vị chánh trị gia thiết tha và tranh đấu cho quyền lợi và nhân quyền cho Việt Nam thì sao?

Chẳng hạn, tại tiểu bang California, có hai vị nữ chính trị gia mà người Việt thường hay đề cập đến đó là: vị Nữ Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer, và vị Nữ Dân Biểu Loretta Sanchez, thì người Việt Công Giáo của chúng ta có nên bỏ phiếu ủng hộ cho hai vị này khi họ tái tranh cử không?

Thưa, câu trả lời là KHÔNG, vì cả hai, tuy thiết tha với cuộc chiến chống lại nhà độc tài Cộng Sản Việt Nam trong nước, thế nhưng họ đã ủng hộ cho hầu hết 6 vấn đề cơ bản nêu trên thuộc về nền tảng Đạo Đức và Luân Lý chánh yếu trong những giảng dạy nền tảng của Giáo Hội Công Giáo.

Hãy nên nhớ rằng: công cuộc tranh đấu cho sự độc lập và tự do cho Việt Nam đến nay vẫn chưa thành, và sự giúp đỡ của 2 vị Nữ Chánh Trị Gia kể trên, cũng chẳng mang lại thành quả khả quan nào cả cho những người dân khốn cùng Việt Nam, vì trong nền tảng suy nghĩ của họ về Luân Lý và Đạo Đức, họ đã không biết tôn trọng Sự Sống con người, thì làm sao mà họ có thể tranh đấu cho mạng sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đang phải thống khổ và đớn đau, trước gọng kềm của Cộng Sản cho được?

Các trẻ em sơ sinh nhỏ bé nhất, chưa được chào đời, mà họ đã không thể nào bảo vệ được, thì thử hỏi hàng triệu dân Việt đang phải đói khổ và đớn đau đó, làm sao mà họ có thể tranh đấu được, nếu như không phải vì lý do chánh trị thuần túy nên họ "giả đò" hành động để gây thêm niềm tin của các cử tri, hòng sẽ được những cử tri đó ủng hộ cho họ?

Là những cử tri Công Giáo, chúng ta có thể hoàn toàn ủng hộ những hoạt động xã hội có mưu cầu lợi ích cho nước Việt của những vị Nữ Chánh Trị Gia kể trên, thế nhưng khi vào phòng bỏ phiếu, chúng ta phải hành động theo đúng với những Giảng Dạy của Thiên Chúa và Giáo Hội về 6 Vấn Đề nền tảng thuộc về khía cạnh Đức Tin, Đạo Đức, và Luân Lý Kitô Giáo.

Ngay cả với những ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử ở các cấp địa phương, vốn thuộc về Đảng của Sự Chết (Party of Death), thì chúng ta cũng phải đặt những giảng dạy của Thiên Chúa và Giáo Hội lên hàng đầu, vì nếu không sau này, khi có cơ hội, những vị này sẽ giúp "tàn sát" nhân loại, và nhất là các trẻ sơ sinh chưa có cơ hội được chào đời ở bình diện rộng lớn hơn!

Sống ở Hoa Kỳ chúng ta thừa biết, trên cơ bản, Đảng phái nào là Phò Sự Sống và Đảng phái nào là Phò Sự Chết, do đó, chúng ta đừng để bị ru ngũ bởi những giọng điệu chánh trị rẻ tiền mà bán đứng "Lương Tâm" Công Giáo và nền tảng Đạo Đức và Luân Lý tôn trọng Sự Sống của người Việt chúng ta trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào đi chăng nữa!