Ngày 25-10-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của Denver: Chẳng lẽ Các Thánh Thomas More và John Fisher chết lảng xẹt à?
Đặng Tự Do
07:26 25/10/2015
Cuộc tranh luận về khả thể cho người ly dị và tái hôn được rước lễ trong những trường hợp nhất định nào đó trong những ngày qua đã nóng lên tại Hoa Kỳ sau khi Đức Tổng Giám Mục Blasé Cupich của tổng giáo phận Chicago tách khỏi các nghị phụ người Mỹ khi lên tiếng nồng nhiệt ủng hộ đề xuất của Đức Hồng Y Kasper.

Ngài còn đi xa đến mức cho rằng nếu những người ly dị và tái hôn tự mình quyết định lên rước lễ “theo lương tâm ngay thẳng của họ” thì các thừa tác viên phải cho họ được rước lễ.

Trong một bài viết đăng trên tờ First Things [1], Đức Giám Mục James Conley của Lincoln, Nebraska, không trực tiếp đả kích đích danh Đức Tổng Giám Mục Cupich, nhưng lập luận của ngài là sự tương phản sắc nét với vị Tổng Giám Mục Chicago.

Đức Giám Mục Conley ghi nhận rằng Thánh John Henry Newman, là nhà vô địch vĩ đại về lương tâm, đã tin rằng “Cảm thức chân thực của lương tâm có thể bị lấn áp bởi một cảm thức sai lạc nhằm khẳng định quyền theo chủ ý riêng mình”.

“Nhiệm vụ của các mục tử,” Đức Giám Mục Conley viết, “là phải giúp các tín hữu hiểu rằng lương tâm không bao giờ có thể mâu thuẫn với sự thật.”

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục Samuel J. Aquila của tổng giáo phận Denver đã viết một bài sau “Did Thomas More and John Fisher die for nothing?” [2] – “Chẳng lẽ Các Thánh Thomas More và John Fisher chết lảng xẹt à?”

Dưới đây là toàn văn bài viết của ngài:

Ý tưởng theo đó người Công Giáo phải được phép tái hôn và rước lễ đã không bắt đầu với lá thư của Giám Mục Kasper và các thành viên khác trong hàng giám mục Đức vào năm 1993. Hàng giám mục của một đất nước khác – là nước Anh – đã đi tiên phong trong việc thử nghiệm giáo lý Kitô giáo này gần 500 năm trước. Vấn đề lúc đó không phải là tái hôn và rước lễ của bất kỳ người Công Giáo nào, nhưng là vấn đề của nhà vua, vì vợ ông đã không sinh cho ông ta một đứa con trai để nối dõi tông đường.

Thánh Thomas More trên đường ra pháp trường
Cũng giống như những ai ủng hộ cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, các giám mục Anh cảm thấy áy náy với chuyện chấp nhận thẳng thừng cho người ta được phép ly dị và tái hôn. Thay vào đó, họ chọn phương cách là bẻ cong pháp luật cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của từng trường hợp, và Vua Henry VIII đã được phép “tiêu hôn” - trên cơ sở gian lận và không có sự chuẩn y của Rôma.

Nếu “các Kitô hữu trung bình không thể nào sống các nhân đức một cách anh hùng”, như Đức Hồng Y Walter Kasper đã tranh biện, thì vị vua của nước Anh lại càng không thể. Thêm vào đó, các vấn đề về hạnh phúc cá nhân của nhà vua và sự thịnh vượng của một quốc gia hình thành một lý luận thực dụng mạnh mẽ cho việc ly hôn của Henry. Và nhà vua thì không thể nào lại bị cấm không được rước lễ như là hậu quả của một cuộc hôn nhân bất thường.

Đức Hồng Y Wolsey của nước Anh và các giám mục nước này, với ngoại lệ là Đức Giám Mục John Fisher của giáo phận Rochester, đã hỗ trợ nỗ lực của nhà vua để tiêu hôn mối hôn nhân đầu tiên của ông – và đường hoàng tiến tới một cuộc hôn nhân thứ hai. Cũng như Đức Cha Fisher, Thomas More một giáo dân bình thường và là thủ tướng của nhà vua, đã từ chối hỗ trợ chuyện vô luân này của hoàng thượng. Cả hai đều chịu tử vì đạo - và sau đó được tuyên thánh.

Khi công khai tranh cãi rằng hôn nhân đầu tiên của nhà vua là bất khả tiêu, Đức Cha Fisher cho rằng “cuộc hôn nhân này của vua và hoàng hậu không thể bị tan loãng bởi bất cứ quyền lực nào, dù là con người hay thần thánh.” Khi đề ra nguyên tắc này, ngài biết rõ, ngài đã sẵn sàng mất đi mạng sống của mình. Ngài tiếp tục bằng cách ghi nhận rằng Thánh Gioan Tẩy Giả thấy rằng không có cái chết nào “vinh quang hơn là cái chết cho hôn nhân,” mặc dù hôn nhân lúc đó “không linh thánh như ngày nay nhờ máu của Đức Kitô.”

Giống như Thomas More và Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha Fisher đã bị chặt đầu, và cũng giống như họ, ngài được gọi là một “vị thánh”.

Tại Thượng Hội Đồng đang diễn ra ngay tại thời điểm này ở Rôma, một số giám mục Đức và những người ủng hộ họ đang đẩy mạnh đề xuất yêu cầu Giáo Hội cho phép những ai đã ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi các giám mục khác từ khắp nơi trên thế giới đang nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thay đổi giáo huấn của Đức Kitô. Điều này đặt ra một câu hỏi: chẳng lẽ các giám mục Đức tin rằng các Thánh Thomas More và John Fischer hy sinh mạng sống của họ lảng xẹt à?

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, xuyên suốt sứ vụ của Ngài, rằng sự hy sinh anh hùng là yêu cầu được đặt ra cho những ai theo Ngài. Khi ta đọc Phúc Âm với một trái tim rộng mở, một trái tim không đặt thế giới và lịch sử lên trên Tin Mừng và truyền thống, người ta thấy cái giá phải trả để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu mà mỗi người được mời gọi. Các giám mục Đức nên đọc tác phẩm “The Cost of Discipleship” – “Giá phải trả của người môn đệ” của một Kitô hữu Tin Lành Luther tử đạo là Dietrich Bonhoeffer, vì những gì họ đang đề cao là những “ân sủng rẻ tiền” hơn là những “ân sủng đắt giá”, và họ thậm chí dường như gạt sang một bên những lời của Chúa Giêsu “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình, và theo Ta” (Mc 8:. 34; Lc 14:. 25-27, Ga 12: 24-26)..

Hãy suy nghĩ, chẳng hạn, trong trường hợp người phụ nữ ngoại tình mà người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu để gài bẫy Ngài. Việc đầu tiên Chúa làm là bảo vệ cô ta khỏi chết dưới tay những người tố cáo cô, và điều thứ hai Ngài làm là kêu gọi cô ta từ bỏ tội lỗi mình. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.”

Theo những lời dạy của chính Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo luôn dạy rằng ly dị và tái hôn chỉ đơn giản là một danh xưng khác của tội ngoại tình. Và vì sự hiệp thông thánh thể chỉ được dành riêng cho những người Công Giáo trong tình trạng ân sủng, những người sống trong một tình huống bất thường không thể tham gia vào khía cạnh này của đời sống Giáo Hội, mặc dù họ luôn luôn nên được hoan nghênh trong giáo xứ và trong chính các Thánh Lễ.

Tháng Năm vừa qua, Đức Hồng Y Kasper tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ Commonweal rằng chúng ta “không thể nói đó là tội ngoại tình đang tiếp diễn” khi một hối nhân, đã ly dị cứ tiếp tục “quan hệ tình dục” trong một kết hiệp mới. Thay vào đó, ngài cho rằng “có thể miễn tội.”

Nhưng mà, Chúa Kitô thẳng thừng gọi tái hôn là ngoại tình và nói ngoại tình là tội lỗi (Mt 05:32, Mc. 10:12, Lc. 16:18). Trong trường hợp của người phụ nữ Samaritanô (Ga 4: 1-42), Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng tái hôn không có giá trị, thậm chí khi được đi kèm với những cảm giác chân thành và trung thực.

Khi ta thêm vào cho phương trình này tỷ lệ thất bại cao của những cuộc tái hôn sau ly dị, Đức Hồng Y Kasper sẽ dẫn ta đến phương trời nào, khó ai dám nói. Ví dụ, nếu người ta được phép hiệp thông bí tích trong lần tái hôn thứ nhất, thế thì, những người tái hôn hai lần, hoặc ba lần thì sao? Và rõ ràng rằng các đối số đã dần dà nới lỏng lệnh cấm của Đức Kitô trên việc tái hôn liệu có dừng ở đó không hay lại bắt đầu lan tràn sang việc sử dụng những biện pháp tránh thai, hoặc bất kỳ các khía cạnh nào khác của nền thần học Công Giáo bị cái thế giới hiện đại, tự tham chiếu vào mình này coi là “khó khăn”.

Dự đoán trước điều này sẽ dẫn đến những chuyện gì nữa không nhất thiết là một vấn đề suy đoán tương lai, nhưng chỉ đơn giản là quan sát quá khứ. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Giáo Hội Anh giáo, mở cửa - và sau đó chấp nhận- các biện pháp tránh thai trong thế kỷ 20 và trong hơn một thập kỷ qua đã cho phép ly dị và tái hôn trong những trường hợp nhất định.

“Kế hoạch B” của các giám mục Đức là làm “theo cách của riêng họ” ở Đức, nếu thất bại tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, thậm chí nếu điều đó đi ngược với giáo huấn Giáo Hội, sẽ lâm vào những sai lầm tương tự như Anh giáo. Và, có một tương đồng đáng kinh ngạc với con đường của Anh Giáo. Hãy xem những lời của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức, là Đức Hồng Y Marx, người đã nói với tờ National Catholic Register rằng trong khi Giáo Hội của Đức có thể vẫn còn hiệp thông với Rôma về tín lý, về phương diện chăm sóc mục vụ cho các cá nhân, “Thượng hội đồng không thể quy định cụ thể những gì chúng tôi phải làm tại Đức.” Henry VIII chắc chắn sẽ là người đồng ý nhất.

“Chúng tôi không chỉ là một chi nhánh của Rôma,” Đức Hồng Y Marx lập luận. “Mỗi hội đồng giám mục có trách nhiệm chăm sóc mục vụ theo nền văn hóa của họ và phải loan báo Tin Mừng theo cách độc đáo của riêng mình. Chúng tôi không thể chờ đợi cho đến khi một thượng hội đồng nói điều gì đó, vì chúng tôi phải thực hiện thừa tác vụ cho hôn nhân và gia đình ở đây.”

Các tín hữu Anh giáo cũng tìm cách để dành quyền tự chủ như vậy - dù với hệ quả ngày càng có thêm những chia rẽ trong nội bộ của họ và các nhà thờ của họ thì càng ngày càng trống vắng dần.

Không thể phủ nhận rằng Giáo Hội phải tiếp cận với những người đang trong tình trạng bên lề đức tin với lòng thương xót, nhưng lòng thương xót luôn luôn phải nói sự thật, không bao giờ dung túng tội lỗi, và phải nhận ra rằng Thánh Giá là trung tâm của Tin Mừng. Người ta có thể nhớ lại rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - được Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu trong lễ tuyên thánh cho ngài là “Vị Giáo Hoàng của gia đình” - cũng đã viết nhiều về lòng thương xót, cống hiến toàn bộ một thông điệp về chủ đề này, và lập ra Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót. Đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lòng thương xót là một chủ đề trung tâm, nhưng phải được đọc trong bối cảnh của sự thật và Kinh Thánh, chứ không phải là chống lại.

Về chuyện tái hôn, và nhiều vấn đề khác, không ai có thể nói rằng giáo huấn của Giáo Hội, mà tối hậu là giáo huấn của Chúa Kitô, là dễ dàng thực hiện. Nhưng chính Đức Kitô đã không thỏa hiệp đối với những giáo huấn cốt lõi để giữ cho các môn đồ của Ngài khỏi bỏ mình đi nơi khác- dù đó là về Thánh Thể hay hôn nhân (Ga 6: 60-71; Mt 19: 3-12). Đức Cha John Fisher cũng đã không thỏa hiệp để giữ cho nhà vua đừng bỏ đạo Công Giáo.

Chúng ta không cần nhìn đâu xa cho một mẫu gương về vấn đề này. Hãy nhớ lại lời Đức Kitô và Thánh Phêrô trong chương 6 của Tin Mừng Gioan – đó là đoạn nhắc nhở chúng ta giáo huấn về Bí Tích Thánh Thể thường là khó chấp nhận ngay cả đối với các tín hữu.

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin…Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: ‘Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.’”

Là môn đệ, chúng ta được mời gọi để luôn luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu trước tiếng nói của thế giới, trước tiếng nói của nền văn hóa hay lịch sử. Tiếng nói của Chúa Giêsu làm sáng tỏ những bóng tối của thế giới và các nền văn hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng tất cả những ai liên quan sẽ biết lắng nghe lời của sự sống đời đời, dù khó khăn đến thế nào!

[1] First Things - Toasting the Conscience - http://www.firstthings.com/web-exclusives/2015/10/toasting-the-conscience

[2] Denver Catholic -Did Thomas More and John Fisher die for nothing? http://denvercatholic.org/did-thomas-more-and-john-fisher-die-for-nothing/#.VivFbmtWwy0
 
Bản tường trình của Nhóm nói tiếng Đức phải chăng lên khung cho cung giọng của bản tường trình sau cùng của Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
06:49 25/10/2015
Các nỗ lực phổ biến tài liệu của Thượng Hội Đồng năm 2015 có một đặc điểm nổi bật. Tòa Thánh chỉ cung cấp các bản tường trình của các nhóm nhỏ bằng chính ngôn ngữ của họ. Trong số các hãng tin Công Giáo, dường như chỉ có ZenitNews phổ biến các bản dịch tiếng Anh cho các bản tường trình của các nhóm nói tiếng Ý, tuyệt nhiên không cho phổ biến bản dịch tiếng Anh nào cho các bản tường trình của nhóm nói tiếng Đức. Dường như chỉ có hãng CNA cung cấp bản dịch tiếng Anh trọn bản tường trình phần hai của nhóm nói tiếng Đức mà chúng tôi đã dựa vào để chuyển qua tiếng Việt. Về phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc là phần gây nhiều tranh cãi và được mọi người lưu ý nhất, thì không thấy bản dịch tiếng Anh nào của bản tường trình của nhóm nói tiếng Đức cả. Duy tờ NCR có cho dịch sang tiếng Anh phần bản tường trình này nói về người ly dị và tái hôn.

Khi cho phổ biến như thế, NCR ngầm cho hiểu: các vị giáo phẩm Đức đề nghị cho một số người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Các vị này gợi ý rằng Giáo Hội có thể dùng điều gọi là “tòa trong” để cho phép một số người tái hôn được rước lễ trên căn bản tư riêng, từng trường hợp một sau khi đã được hướng dẫn, khuyên bảo và được các vị linh mục hay giám mục “cho phép”!

Điều gây ngạc nhiên hơn nữa là nhóm nói tiếng Đức, vốn gồm nhiều vị nổi tiếng có các quan điểm chống chọi nhau xưa nay, nhưng đối với đề xuất trên thì các vị đã hoàn toàn nhất trí. Ai cũng biết nhóm này ngoài Đức Hồng Y Walter Kasper, người đầu tiên đưa ra sáng kiến “con đường thống hối” cho người ly dị tái hôn, còn có Đức Hồng Y Gerhard Müller, bộ trưởng Thánh Bộ Tín Lý, người nổi tiếng bác bỏ con đường thống hối này. Bên cạnh vị sau còn có Đức Hồng Y Schonborn, học trò cưng của Đức Bênêđíctô XVI nữa và Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch. Vị trước là điều hợp viên và vị sau là tường trình viên của nhóm. Quả là chuyện lạ khó tin.

Thực ra đọc kỹ phần dịch sang tiếng Anh, không hẳn nhóm nói tiếng Đức minh nhiên nói như diễn dịch của NCR. Ta hãy đọc phần này:

Tường trình phần ba của nhóm nói tiếng Đức

Một sự kiện được nhiều người biết là trong cả hai khóa của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã có một cuộc tranh luận mạnh mẽ về vấn đề các người ly dị và tái hôn muốn tham dự vào đời sống Giáo Hội có được và được đến đâu lãnh nhận các bí tích Hòa Giải và Thánh Thể dưới một số điều kiện.

Các cuộc tranh luận cho thấy: ở đây không hề có giải pháp đơn giản và tổng quát. Các giám mục chúng tôi đã trải nghiệm các căng thẳng liên quan tới vấn đề này cũng giống như phần đông các tín hữu của chúng tôi, những người mà các âu lo và hy vọng, các cảnh giác và chờ mong của họ đồng hành với chúng tôi suốt trong các buổi tham khảo của mình.

Các cuộc thảo luận rõ ràng cho thấy: một số minh xác và nghiên cứu sâu xa là điều cần thiết ngõ hầu đào sâu hơn nữa sự phức tạp của các vấn đề này dưới sự soi sáng của Tin Mừng, của giáo huấn Giáo Hội và với ơn biện phân.

Dĩ nhiên, chúng tôi có thể kể ra một số tiêu chuẩn giúp việc biện phân này. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác định tiêu chuẩn thứ nhất trong [tông huấn năm 1981 của ngài là] Familiaris Consortio, đoạn 84:

Các mục tử phải biết rằng, vì lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và những người, qua lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt một cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lợi ích dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô phương cứu chữa chưa bao giời thành sự cả.

Như thế, nhiệm vụ của một mục tử là đồng hành với người liên hệ trên đường hướng tới sự biện phân trên. Khi làm như thế, điều hữu ích là diễn tiến với nhau trong một cuộc xem xét lương tâm trung thực và thực hiện các bước suy gẫm và thống hối.

Do đó, người ly dị và tái hôn nên tự hỏi mình xem mình đã đối xử với con cái ra sao trong cuộc khủng hoảng hôn nhân của mình. Có các cố gắng để hòa giải không? Tình huống người bạn đời bị bỏ rơi ra sao? Cuộc kết hợp mới có những hậu quả nào đối với đại gia đình và cộng đồng tín hữu? Nó có điển hình gì đối với các thành viên trẻ hơn đang xem xét việc kết hôn?

Một sự suy gẫm trung thực có thể tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót mà không ai đem các thất bại và nhu cầu của mình tới trước nhan Thiên Chúa mà lại bị từ khước.

Nhờ hoàn cảnh khách quan trong các cuộc nói chuyện với vị giải tội, con đường suy gẫm và thống hối như thế, trong tòa trong, có thể góp phần vào việc đào tạo lương tâm và soi sáng cho việc có thể cho phép lãnh nhận các bí tích.

Theo lời Thánh Phaolô, các lời áp dụng cho tất cả những ai tiến tới bàn tiệc của Chúa, thì mọi người phải xét mình: "Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này.Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1 Cor. 11: 28-30).

Giống như với thủ tục trong hai phần đầu của Tài Liệu Làm Việc, thủ tục của phần ba cũng đã được xử lý trong tinh thần Thượng Hội Đồng rất tốt và được nhất trí chấp thuận.

Tinh thần thỏa hiệp

Bản tường trình có nhắc đến tòa trong. Ai cũng biết tòa ngoài xử lý các hành vi có thể chứng thực một cách công khai, thí dụ, người này kết hôn với người này người nọ vào ngày này ngày nọ, sau đó, họ ly dị ở phần đời, rồi tái hôn cũng ở phần đời. Tòa trong xử lý các vấn đề không thể chứng thực một cách công khai, thí dụ, ý định không muốn có con, tuy có thực nhưng chưa bao giờ được nói ra, các tội kín, các xác tín tư riêng không thể chứng thực theo luật. Các cuộc thảo luận trong bí tích giải tội là một hình thức của tòa trong.

Trong những năm gần đây, đã có những đề nghị cho phép các người Công Giáo lẽ ra không được rước lễ có thể làm thế dựa trên “các giải pháp tòa trong”.

Điểm chính của giải pháp tòa trong là: nếu một người tin chắc ở tòa trong rằng mình có đủ tư cách để rước lễ, dù việc này không thể chứng thực được ở tòa ngoài, thì họ nên được làm như thế. Tuy nhiên, giải pháp này gặp nhiều khó khăn và từng bị lạm dụng và do đó bị Đức Hồng Y Joseph Ratzinger phê phán(xem Bộ Tín Lý, Về Một Số Luận Bác đối với Việc Rước Lễ của Các Thành Phần Tín Hữu Ly Dị và Tái Hôn).

Câu hỏi ở đây là: các giám mục nói tiếng Đức có đề nghị giải pháp tòa trong cho người ly dị tái hôn không? Điều này không có gì rõ ràng. Chắc chắn các ngài không minh nhiên nói rằng “chúng tôi đề nghị cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ dựa trên giải pháp tòa trong”. Các ngài chỉ nói rằng nhờ hoàn cảnh khách quan của các cuộc đàm đạo với vị giải tội ở tòa trong, con đường suy gẫm và thống hối sẽ góp phần vào việc đào tạo lương tâm và soi sáng cho việc liệu có thể được lãnh các bí tích hay không mà thôi.

Bản văn của các ngài, vì thế, đọc lên giống như một thỏa hiệp. Thứ nhất, nói đến tòa trong và nói tới lương tâm vừa lòng cả phe của Đức Hồng Y Kasper lẫn phe của Đức Hồng Y Muller. Bản lề trong đề xuất của Đức Hồng Y Kasper nằm ở chỗ ấy. Ngoài ra, Đức Hồng Y Muller không thể phản đối được vì cả hai nguyên tắc này đều là chính thống trong Đạo Công Giáo.

Tính thỏa hiệp cũng thấy rất rõ ở việc nhắc tới lời cảnh cáo của Thánh Phaolô về việc xét mình trước khi tiến tới ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa, kẻo rơi vào cảnh ăn và uống án phạt dành cho những người ăn Mình và uống Máu Thánh Chúa cách bất xứng. Lời cảnh báo này chắc chắn là của phe Đức Hồng Y Muller. Nhưng tuy không “hạp tai” phe của Đức Hồng Y Kasper, nhưng họ không thể chống đối vì rõ ràng đây là lời Thánh Kinh và đúng sự thật.

Điểm thỏa hiệp thứ ba, lần này nghiêng về phía Đức Hồng Y Kasper: các ngài trích dẫn số 84 của tông huấn Familiaris Consortio, nhưng cố tình chỉ trích một phần và không trích phần mà nếu đọc lên ai cũng biết là mâu thuẫn với đề xuất của Đức Hồng Y Walter Kasper.

Cố gắng hòa giải ngay trong nhóm nói tiếng Đức, một nhóm mài ai cũng biết có những thành viên “nặng ký” chống đối nhau kịch liệt suốt trong hai năm qua, để đạt được một đồng thuận phi thường như trên chắc chắn là một tin vui và sẽ được phản ảnh trong Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng .
 
Sự can thiệp quan trọng nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thượng Hội Đồng
Bùi Hữu Thư
08:57 25/10/2015
...và cũng là một trong những diễn từ quan trọng nhất của ngài trong giáo triều

Kể từ khi Đức Thánh Cha đọc diễn từ ngày thứ bẩy 17 tháng 10 vừa qua, vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Đức Thánh Cha Phaolô VI thiết lập thượng hội đồng giám mục như một cơ cấu của Giáo Hội năm 1965 – là lần đầu ngài nói rất lâu trong suốt thời gian của thượng hội đồng, chúng ta cần xem ngài đã nói gì:

Đa số các bình luận gia nói rằng diễn từ này của Đức Thánh Cha về việc “phân quyền” trong Giáo Hội đang mở cửa cho những sự phân rẽ trong Giáo Hội, vì các miền và văn hóa khác nhau có những sắc thái khác nhau về Công Giáo, và có những hiểm nguy về các học thuyết khác nhau.

Do đó Giáo Hội Công Giáo sẽ mất đi một trong bốn đặc điểm, là sự hiệp nhất. (Bốn đặc điểm này như đã được trình bầy trong Kinh Tin Kính: Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo, và Tông Truyền.)

Nhưng chúng ta thấy trong diễn từ này, điểm chính không phải là một sự cởi mở cho sự phân tán, mà là một sự cởi mở về hiệp nhất với Chính Thống giáo.

Chúng ta phải thấy là diễn từ này là một cử chỉ đối với thế giới Chính Thống giáo, đối với các Giáo Hội Đông Phương đã tách rời với Rôma vào năm 1054, và đã xa lìa Rôma gần 1.000 năm.

Tại sao? Vì một trong những lý do sâu xa gây nên sự chia cách này, và đã làm suy yếu Thiên Chúa giáo rất nhiều, cũng như đã được kêu gọi rất nhiều, ngay cả sau 960 năm qua để có thể vượt thắng càng sớm càng tốt, đó là sự tranh cãi về vai trò của Giám Mục thành Rôma trong Giáo Hội hòan vũ.

Vì thế, mọi hy vọng vượt thắng sự phân cách này phải là một thỏa thuận về vai trò của Giám Mục thành Rômna.

Do đó, khi Đức Thánh Cha nói về thương hội đồng như một cơ cấu giúp Đức Thánh Cha điều hành Giáo Hội, ngài đã nói bằng một ngôn ngữ, ít ra về phương diện lý thuyết, có thể có tiếng vang đối với Chính Thống giáo, là Giáo Hội cũng được điều hành bởi thượng hội đồng.

Như vậy, mục đích chính của diễn từ của Đức Thánh Cha ngày thứ bẩy vừa qua dường như là để mở ra một đường lối để có những mối tương quan mật thiết hơn với Chính Thống giáo.

Phỏng theo Thư của Robert Moynihan
 
Thượng Hội Đồng: bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh Lễ bế mạc
Vũ Văn An
16:47 25/10/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật 30 Mùa Thường Niên để đánh dấu việc kết thúc Phiên Thường Lệ thứ 14 của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Các vị đã tụ về Rôma tham dự 3 tuần lễ suy tư và thảo luận về ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hiện nay. Trong Thánh Lễ này, Đức Thánh Cha đã đọc bài giảng sau đây:

Ba bài đọc của Chúa Nhật này cho ta thấy lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Người, được mạc khải dứt khoát trong Chúa Giêsu.

Giữa thảm họa quốc gia, dân bị kẻ thù tống xuất, Tiên tri Giêrêmia đã công bố rằng “Chúa đã cứu dân Người, những kẻ còn lại của Israel” (31:7). Tại sao Người lại cứu họ? Vì Người là Cha họ (xem câu 9); và vì là người Cha, Người săn sóc con cái Người và đồng hành với họ, nâng đỡ “người mù và người què, phụ nữ có con và phụ nữ đang lâm bồn” (31:8). Tình phụ tử của Người mở ra cho họ con đường trước mặt, con đường ủi an sau bao nhiêu nước mắt và buồn sầu lớn lao. Nếu dân trung thành, nếu họ trì chí trong việc tìm kiếm Thiên Chúa dù trên đất lạ, Thiên Chúa sẽ biến cảnh tù đầy của họ thành tự do, nỗi cô đơn của họ thành sự hiệp thông: những gì dân gieo trong nước mắt hôm nay, ngày mai họ sẽ được gặt trong hân hoan (xem Tv 125:6).

Với Thánh Vịnh trên, cả ta nữa, ta cũng nói lên niềm vui vốn là hoa trái ơn cứu rỗi của Chúa: “miệng chúng con vang tiếng cười và lưỡi chúng con vang lời ca hân hoan” (câu 2). Tín hữu là người cảm nghiệm được hành động cứu rỗi của Thiên Chúa trong đời mình. Mục tử chúng ta đã từng cảm nghiệm được ý nghĩa của việc gieo trong gian nan, nhiều lúc trong nước mắt, và của hân hoan vì hồng ân ngày gặt vốn vượt quá sức và khả năng ta.

Đoạn trích từ Thư Do Thái cho ta thấy lòng cảm thương của Chúa Giêsu. Người cũng “tứ bề yếu đuối” (5:2), để có thể cảm được lòng cảm thương đối với những người ngu muội và lầm lạc. Chúa Giêsu là vị thượng phẩm vĩ đại, thánh thiện và vô tội, nhưng cũng là vị thượng phẩm mang lấy các yếu đuối của ta và bị cám dỗ như ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi (xem 4:15). Vì lý do này, Người là Đấng Trung Gian của giao ước mới và vĩnh viễn đem lại cho ta ơn cứu rỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay được trực tiếp liên kết với Bài Đọc Một: dân Israel được giải thoát nhờ tình phụ tử của Cha như thế nào, thì Bartimêô cũng được giải thoát nhờ lòng cảm thương của Chúa Giêsu như vậy. Chúa Giêsu vừa rời Giêricô. Dù Người mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình quan trọng nhất của Người, một cuộc hành trình sẽ đưa Người lên Giêrusalem, Người vẫn ngừng lại để đáp lại tiếng kêu xin của Bartimêô. Chúa Giêsu xúc động trước lời cầu xin của anh ta và bằng lòng can dự vào tình thế của anh. Người không bằng lòng với việc bố thí cho anh, nhưng muốn đích thân gặp gỡ anh ta. Người không ra bất cứ chỉ thị hay đáp ứng nào, nhưng hỏi anh ta: “anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10:51). Câu hỏi này xem ra dư thừa: người mù thì còn muốn gì nếu không phải là thị giác? Ấy thế nhưng, với câu hỏi, đưa ra trong cảnh mặt đối mặt, trực tiếp mà kính trọng này, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ Người muốn nghe các nhu cầu của ta. Người muốn nói với mỗi người chúng ta về cuộc sống ta, các tình huống có thực của ta, để không điều gì dấu Người cả. Sau khi chữa lành cho Bartimêô, Chúa bảo anh: “Đức tin của anh đã cứu anh” (câu 52). Đẹp xiết bao khi thấy Chúa Kitô khen đức tin của Bartimêô, thấy Người tin tưởng ở anh ta. Người tin chúng ta, hơn là chúng ta tự tin mình.

Có một chi tiết đáng lưu ý. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ đi gọi Bartimêô tới. Các ngài nói với người mù này hai câu mà chỉ có Chúa Giêsu dùng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Đầu tiên, các ngài nói với anh ta “Cứ yên tâm!” một câu nghĩa đen là “hãy tin tưởng, hãy can đảm lên!” Quả thực, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới cho người ta sức mạnh để đương đầu với những tình huống khó khăn nhất mà thôi. Câu thứ hai là “hãy đứng dậy”, như Chúa Giêsu đã nói với rất nhiều người bệnh, những người mà Người cầm lấy ta và chữa lành cho. Các môn đệ không làm gì khác hơn là lặp lại những lời đầy khích lệ và giải thoát, dẫn anh ta thẳng tới Chúa Giêsu, mà không cần giảng giải dài dòng. Cả ngày nay nữa, và nhất là ngày nay, các môn đệ của Chúa Giêsu đều được kêu gọi làm việc này: đem người ta tới giao tiếp với Lòng Thương Xót đầy cảm thương vốn có tính cứu vớt. Khi tiếng kêu của nhân loại, như tiếng kêu của Bartimêô, trở nên mạnh hơn nữa, thì chả còn giải đáp nào khác hơn là biến lời lẽ của Chúa Giêsu thành của ta và trên hết, bắt chước trái tim Người. Đối với Thiên Chúa, các thời khắc đau đớn và tranh chấp chính là các dịp tỏ lòng thương xót. Nay là thời của lòng thương xót!

Tuy nhiên, có một số cám dỗ đối với những ai theo chân Chúa Giêsu. Tin Mừng cho ta ít nhất 2 cơn cám dỗ. Không một môn đệ nào ngừng lại, như Chúa Giêsu cả. Họ cứ tiếp tục bước đi, như không có gì xẩy ra. Nếu Bartimêô mù thì họ đều điếc cả: vấn đề của anh ta đâu phải là vấn đề của các ngài. Đây có thể là một nguy cơ đối với chúng ta: đứng trước các vấn đề khôn nguôi, tốt nhất là bước đi cho khuất, hơn là để mình bị quấy rầy. Với cách này, giống các môn đệ, ta tuy ở với Chúa Giêsu mà đâu có suy nghĩ như Người. Chúng ta hiện diện trong nhóm của Người mà tâm hồn ta thì khép kín. Ta đánh mất ngạc nhiên, biết ơn và hứng thú, và liều mình trở thành quen thuộc với việc trơ trơ đối với ơn thánh. Ta có khả năng nói về Người và làm việc cho Người, nhưng ta sống xa trái tim Người, một trái tim luôn vươn tới những người bị thương tích. Cơn cám dỗ này chính là “một nền linh đạo ảo giác”: ta có khả năng vượt qua các hoang địa của nhân loại mà không nhìn ra bất cứ điều gì thực sự ở đó; thay vào đó, ta chỉ nhìn thấy những gì mình muốn mà thôi. Ta có khả năng khai triển nhiều thế giới quan, nhưng lại không chấp nhận những gì Chúa đặt trước mắt ta. Đức tin nào không biết cách tự bén rễ vào đời sống người ta chỉ là thứ đức tin khô cằn, hơn là những ốc đảo, tạo ra nhiều hoang địa khác.

Cơn cám dỗ thứ hai là rơi vào một thứ “đức tin có thời biểu”. Ta có khả năng bước đi với dân Chúa, nhưng ta đã có thời biểu cho cuộc hành trình này rồi, theo đó, mọi sự đều đã được liệt kê: ta biết phải đi đâu và đi bao lâu; mọi người phải tôn trọng nhịp độ của ta và bất cứ thắc mắc nào cũng là một điều quấy rầy. Chúng ta có nguy cơ trở thành “nhiều người” trong bài Tin Mừng, mất hết kiên nhẫn, đi trách Bartimêô. Chỉ ít phút trước, họ đã la mắng các trẻ em (xem 1o:13), và nay họ la mắng người hành khất mù lòa: bất cứ ai quấy rầy ta hoặc không thuộc tầm cỡ ta thì đều bị loại trừ. Trái lại, Chúa Giêsu muốn bao gồm, trên hết, những ai bị giữ ở ngoại vi, đang kêu xin Người. Giống Bartimêô, họ có niềm tin, vì biết mình cần được cứu rỗi là cách hay nhất để gặp được Chúa Giêsu.

Cuối cùng, Bartimêô bước theo Chúa Giêsu (xem câu 52). Anh ta không những được phục hồi thị giác, mà còn tham gia cộng đoàn những người theo chân Chúa Giêsu. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng thân mến, chúng ta đã bước đi với nhau. Xin cám ơn các hiền huynh về hành trình chúng ta cùng đi với nhau, trong khi đôi mắt rõi nhìn Chúa Giêsu và các anh chị em của ta, để tìm ra những nẻo đường mà Tin Mừng đã chỉ ra cho thời đại ta, ngõ hầu ta có thể công bố mầu nhiệm tình yêu gia đình. Ta hãy bước theo nẻo đường Chúa muốn. Ta hãy xin Người quay nhìn ta bằng cái nhìn chữa lành và cứu vớt, một cái nhìn biết phải rõi sáng ra sao vì nó vốn nhắc nhớ vẻ sáng lạn từng soi sáng nó. Đừng bao giờ để ta bị vấy bẩn bởi bi quan hay tội lỗi, ta hãy tìm kiếm và trông vào vinh quang Thiên Chúa, một vinh quang hằng chiếu rọi nơi những người nam nữ đang sống động cách trọn vẹn.
 
Thượng Hội Đồng: Phúc trình phần ba của các nhóm C và D nói tiếng Anh
Vũ Văn An
19:43 25/10/2015
I. Nhóm C

Điều hợp viên: Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Mục Mark Benedict Coleridge


Nhờ phối hợp chiến lược tốt với sự bền chí, nhóm chúng tôi đã tiến qua được Phần III của Tài Liệu Làm Việc. Lại một lần nữa, các bối cảnh văn hóa rất khác nhau của chúng tôi rõ ràng đã lên khuôn cho phần lớn những điều chúng tôi phát biểu. Đây là một phần của thách đố và sự phong phú trong việc làm của chúng tôi.

Điều làm chúng tôi khá ngỡ ngàng ở Phần III là quá nhiều chú ý đã được dành cho các gia đình đang gặp trắc trở đến nỗi vấn đề cần phải trợ giúp mọi gia đình thì không được chú trọng đủ. Đối với chúng tôi, điều này hình như đặc biệt đúng ở Chương III, nói về “Gia Đình và Việc Đồng Hành của Giáo Hội”; chương này nói rất ít đến việc đồng hành với các gia đình vẫn kiên trì với mọi thăng trầm của cuộc sống hàng ngày, nhất là những người mới đang ở những năm đầu của hôn nhân. Chúng tôi cảm thấy cần phải có một chương mới nói về việc này, hay ít nhất chia Chương 3 thành 2 phần: phần thứ nhất nhấn mạnh tới việc cần phải đồng hành với mọi gia đình và phần thứ hai tập trung vào các nhu cầu của các gia đình đang gặp khó khăn. Cảm thức của chúng tôi là văn kiện cuối cùng nên nhấn mạnh điều này: mọi gia đình, bị trục trặc hay không, đều cần được đồng hành một cách liên tục. Nó cũng cần nói rõ điểm này: các gia đình nên giúp đỡ nhau, nhất là giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khan. Chúng tôi biết rõ: việc các gia đình giúp đỡ lẫn nhau nằm ở tâm điểm của sứ mệnh gia đình.

Đoạn 106 nói đến “việc khẩn cấp phải dấn thân vào một diễn trình mục vụ mới mẻ”; và chúng tôi rất muốn nhận diện, và muốn Thượng Hội Đồng nhận diện, các yếu tố cụ thể của diễn trình này, luôn lưu ý tới tính tối thượng của ơn thánh Chúa. Chúng tôi đã dành nhiều thì giờ cho việc chia sẻ kinh nghiệm từ chính các quốc gia của chúng tôi, rồi sau đó chuyển qua xem xét vấn đề ta có thể làm được gì mới mẻ trong tương lai. Đây là một thách đố đối với trí tưởng tượng về mục vụ của ta. Một yếu tố rõ ràng chắc chắn là cuộc đối thoại mới mẻ cùng với sự biện phân cũng mới mẻ mà cuộc đối thoại này bao hàm. Cuộc đối thoại này phải là một cuộc trao đổi có tính phúc âm hóa, thậm chí là lời mời gọi hoán cải; nhưng nó phải bắt đầu với việc chăm chú lắng nghe để cố gắng nhận diện các giá trị chung và làm việc từ các giá trị này. Điều quan trọng là tìm ra một cơ sở chung để ta có thể đồng hành với nhau.

Điều trên giải thiết phải có một ngôn ngữ lên đường vốn là một đặc điểm nổi bật của Tài Liệu Làm Việc. Một ngôn ngữ như thế đòi phải có sự thay đổi văn hóa từ tĩnh tụ qua năng động trong suy nghĩ cũng như trong lời nói về hôn nhân và gia đình. Tài Liệu Làm Việc thừa nhận điều đó, và tài liệu sau cùng có thể sẽ xem xét các hệ quả thực tiễn của việc thừa nhận này.

Chúng tôi đã thảo luận về việc chuẩn bị hôn nhân, điều mà theo chúng tôi, cần phải toàn bộ và liên hợp hơn, nhất là trong các bối cảnh văn hóa chống lại việc chuẩn bị hôn nhân Kitô giáo. Một lần nữa, các cặp vợ chồng cần nắm vai trò dẫn đầu trong phạm vi này, và coi nó như một diễn trình biện phân chân chính hơn là như một thêm thắt vào phút chót về các vấn đề thực tế.

Về vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm, cuộc thảo luận của chúng tôi đã chú tâm vào việc cần phải có một phương thức mục vụ vừa cổ vũ giáo huấn của Humanae Vitae vừa đương đầu với các thực tại của đời sống người ta, cung cấp việc đào tạo liên tục cho lương tâm, một lương tâm hướng tới việc hoà hợp giữa giáo huấn Giáo Hội và quyết định bản thân.

Chúng tôi có xem xét nhu cầu đặc biệt của các gia đình đang sống trong các tình huống bất hợp lệ hay khó khăn. Chúng tôi nhất trí rằng những người đang sống chung với nhau thì khác với những người ly dị và tái hôn dân sự. Chúng tôi cũng nhất trí rằng dù rất phổ biến trong một số nền văn hóa, việc sống chung, tự nó, không thể được coi là tốt. Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận điều này: có thể có điều tốt trong mối liên hệ của những người sống chung hơn là trong việc sống chung hiểu theo nghĩa gần như định chế.

Liên quan tới những người ly dị và tái hôn dân sự, chúng tôi nhất trí rằng dưới đầu đề này có rất nhiều thứ liên hệ khác nhau. Nói chung, chúng tôi đồng ý rằng ta cần phải cung cấp nhiều đồng hành mục vụ hữu hiệu hơn nữa cho các cặp này, nhất là cho con cái họ, là những người có quyền được như thế. Tuy nhiên, chúng tôi ít hào hứng đối với điều Tài Liệu Làm Việc gọi là “con đường thống hối”. Về câu hỏi liệu có nên nghiên cứu thêm để biết xem Giáo Hội có thể chuyển theo hướng này hay không, thì các phiếu bầu của chúng tôi thuận chống đều nhau. Cuối cùng, chúng tôi bỏ phiếu chấp thuận việc thay thế các đoạn 122-125 bằng việc tái khẳng định kỷ luật hiện hành của Giáo Hội và đề nghị các hình thức tham gia như đạ nhắc trong Familiaris Consortio số 84.

Nhóm cũng chia rẽ về vấn đề nâng đỡ các gia đình có thành viên đồng tính và chính các người đồng tính. Một số muốn xóa bỏ bất cứ sự nhắc nhở nào nói đến đồng tính luyến ái, nhưng đa số trong nhóm không đồng ý như thế. Chúng tôi chọn cách trình bầy ngắn gọn hơn, nhưng cũng yêu cầu để tài liệu sau cùng bao gồm, ở một chỗ thích đáng nào đó, một câu tuyên bố rõ ràng của giáo huấn Giáo Huấn rằng các cuộc kết hợp đồng tính không hề tương đương với hôn nhân. Tuy nhiên chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta không nói tới đồng tính luyến ái một cách chung chung nhưng nói trong bối cảnh gia đình. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh không kém rằng chúng ta bàn tới vấn đề này trong tư cách mục tử, tìm cách hiểu thực tại của đời sống người ta hơn là tìm hiểu các vấn đề theo nghĩa trừu tượng.

Trong cuộc thảo luận của chúng tôi, một điểm quan trọng khác nữa là về vấn đề hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân khác đạo. Chúng tôi nghĩ: vì những vấn đề này rất khác và đòi những cách tiếp cận khác, do đó tốt hơn nên phân nó thành hai đoạn riêng biệt. Một số vị muốn nhấn mạnh rằng: dù các cuộc hôn nhân hỗn hợp có nhiều thách đố, chúng vẫn là những dịp may lớn lao; và nói chung, chúng tôi cảm thấy: ta cần phải nói một cách tích cực hơn về cả các cuộc hôn nhân hỗn hợp lẫn các cuộc hôn nhân khác đạo. Trong một số hoàn cảnh, các cuộc hôn nhân khác đạo đem lại các thách đố lớn lao, ít nhiều tùy theo từng tôn giáo, nhưng các cuộc hôn nhân này cũng có thể là cơ hội hàng đầu cho cuộc đối thoại liên tôn đầy đủ cơ sở tại chỗ. Tự nó, đây đã là một giá trị rồi. Chúng tôi xin đề nghị: Thượng Hội Đồng sẽ khuyến cáo để một nghi thức đặc biệt được soạn thảo cho việc cử hành các cuộc hôn nhân liên tôn.

Một số vị trong nhóm cũng nhấn mạnh rằng dù người nghèo đã được nhắc đến nhiều ở các Phần I và II của Tài Liệu Làm Việc, nhưng đến phần III họ gần như biến mất. Ấy thế nhưng một yếu tố chủ chốt trong sứ mệnh của gia đình trên thế giới ngày nay chắc chắn là phục vụ người nghèo; cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ thường bị xâm hại bởi các nhân tố kinh tế và chính trị, vốn tạo ra cảnh nghèo mà họ là nạn nhân. Giáo Hội như một toàn thể và, cách riêng, các gia đình Công Giáo phải quan tâm đặc biệt tới các gia đình bị đối xử bất công hơn hết.

Công việc của chúng tôi đối với Phần III khá chậm chạp, một phần vì dưới đầu đề “Sứ Mệnh của Gia Đình” có quá nhiều chủ đề nặng ký và phức tạp. Khi bàn tới chủ đề gia đình, trên thực tế, chúng tôi đã bàn tới hàng loạt các vấn đề cấp thiết và gây bối rối nhất mà Giáo Hội và thế giới đang phải đương đầu. Trong hai hay ba tuần lễ, chúng tôi đã đi được một bước dài, nhưng trong vài ngày còn lại, con đường phải đi vẫn còn thật dài. Procedamus in pace. Chúng ta hãy tiến bước trong bình an.

II. Nhóm D

Điều hợp viên: Đức Hồng Y Thomas Christopher Collins
Tường trình viên: Đức Tổng Giám Charles Joseph Chaput, O.F.M. Cap.


Một lần nữa, các thành viên nhóm D nói tiếng Anh lại nhấn mạnh tới việc phải nâng đỡ nhiều gia đình vẫn đang sống đúng ý nghĩa hôn nhân và gia đình Công Giáo một cách hân hoan.

Các thành viên trong nhóm chúng tôi đã ôn lại tầm quan trọng của việc Giáo Hội thừa nhận vai trò của nữ giới và các bà mẹ, của nam giới và các người cha. Đại diện đại kết của chúng tôi cảm thấy tài liệu nên nói với toàn thể cộng đồng Kitô Giáo chứ không chỉ nói với Giáo Hội Công Giáo. Phần lớn cuộc thảo luận đã được dành cho sự quan trọng của việc an táng trong đời sống các gia đình. Các thành viên cảm thấy vấn đề này đáng được lưu ý nhiều hơn nữa, cùng với vai trò của gia đình trong lúc bệnh tật và chết chóc.

Các thành viên cảm thấy rằng khi đề cập tới Lời Thiên Chúa, tài liệu này cần phải chuyên chở trọn vẹn hơn ý nghĩa của Lời này trong truyền thống Giáo Hội. Lời Thiên Chúa nói tới Chúa Giêsu đích danh, nhắc tới lời viết của Sách Thánh, nhưng cũng nói tới lời được công bố trong cộng đồng.

Các vị giám mục nói rằng bản văn chưa lưu ý thỏa đáng tới việc đào tạo đức trong sạch. Việc này cần bắt đầu rất sớm ở trong đời và không nên trì hoãn tới lúc chuẩn bị hôn nhân. Nhiều thành viên trong nhóm tỏ ra rất quan tâm tới sự nguy hiểm trong việc giáo dục tính dục của các nhà cầm quyền.

Liên quan tới việc đào tạo các linh mục tương lai, các vị nhắc tới việc bản văn thiếu tập chú đối với truyền thống giáo sĩ kết hôn của Đông Phương. Cũng nên bao gồm việc này trong bản văn.

Về việc đào tạo các Kitô hữu về đức trong sạch, các thành viên ghi nhận diễn trình sau:

Trước nhất, việc đào tạo về đức trong sạch trong gia đình sẽ cung cấp một nền tảng cần thiết cho cuộc sống sau này;

Thứ đến, việc đào tạo về đức trong sạch cho những người chuẩn bị hôn nhân xây dựng trên nền tảng vừa nhắc ở trên,

Sau cùng, việc đào tạo về đức trong sạch cho các người nam nữ đã kết hôn tiếp tục sự lớn mạnh của vợ chồng trong đời sống Kitô hữu và chuẩn bị khung cảnh cho thế hệ kế tiếp.


Ngoài ra:

Việc đào tạo về đức trong sạch cho những người chuẩn bị làm linh mục là chìa khóa đưa vào ơn gọi riêng của họ, và là điều sinh tử đối với khả năng giúp đỡ các người họ phục vụ.

Các thành viên trong nhóm nhấn mạnh rằng các nhà giáo dục chính của hàng ngũ giáo dân trong việc chuẩn bị hôn nhân phải là chính các cặp vợ chồng do kinh nghiệm và tính khả tín của họ. Hiển nhiên, các linh mục cũng có một vai trò chủ chốt, nhưng các cặp vợ chồng và các gia đình nên giữ vài trò dẫn đầu.

Các thành viên trong nhóm thảo luận vị trí của linh mục trong việc huấn đạo hôn nhân. Một số vị mạnh mẽ ủng hộ các linh mục làm bất cứ điều gì có thể hàn gắn được các cuộc hôn nhân tan vỡ vì linh mục thường là người được tín nhiệm và có giáo dục hơn cả, và người ta thường không thể đài thọ việc thuê mướn các nhà huấn đạo chuyên nghiệp. Đã đành Giáo Hội cần phải thận trọng trong phạm vi này nhưng không nên quá thận trọng đến nỗi tránh né việc giúp người ta trong lúc họ rất cần.

Nhóm có cuộc trao đổi lâu giờ về các phương thức mục vụ đối với người ly dị nhưng không tái hôn, và cả người ly dị và tái hôn dân sự mà không có án vô hiệu. Các thành viên phát biểu sự lo ngại lớn lao rằng dù làm gì, ta cũng không nên dẫn người ta vào bối rối lớn hơn nữa. Một vị giám mục nói rằng vấn đề cho phép người ly dị tái hôn mà chưa có án vô hiệu rước lễ là một vấn đề quan yếu có thực chất tín lý đến nỗi chỉ có thể được xử lý tại một công đồng chung, chứ không phải tại một Thượng Hội Đồng.

Một trong các nghị phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng ngôn ngữ thích đáng. Thay vì nói tới những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn như là những người “bị loại” ra khỏi Phép Thánh Thể, ta nên nói: họ “tự chế” không rước lễ. Kiểu nói này chính xác hơn và không tiêu cực như kiểu nói kia. Một nghị phụ lưu ý điều này: các giám mục không thể từ bi hơn lời lẽ của Chúa Giêsu. Chúa không bị trói buộc bởi các qui luật của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội thì bị trói buộc bởi lời Người nói rất nhiều.

Một số vị nghĩ rằng bản văn hiện thời thiếu cái hiểu về nền tảng Thánh Thể của hôn nhân Kitô Giáo; nền tảng này nói rằng ta không thể giản lược hôn nhân vào liên hệ tính dục. Cũng thế, ta không thể giản lược cuộc sống trong Giáo Hội vào việc lãnh nhận Thánh Thể. Trong lịch sử Giáo Hội, một bộ phận rất lớn các tín hữu không lãnh nhận Thánh Thể nhưng vẫn được coi một cách rõ ràng là chi thể của Giáo Hội, bắt đầu với các dự tòng. Những người đang ở trên con đường thống hối không hề bị loại ra ngoài Giáo Hội dù họ tự chế việc rước lễ. Các nghị phụ khác thì cho rằng những người ly dị và tái hôn mà chưa có án vô hiệu hiện đang gia tăng đáng kể đến nỗi ta phải đương đầu với vấn đề này một cách mới mẻ và khác đi.

Các thành viên đã dành nhiều thì giờ để nói tới vẻ đẹp và sự toàn diện của số 84 trong tông huấn Familiaris Consortio. Một số vị đề nghị rằng số 84 này phải được trực tiếp lồng vào bản văn. Một nghị phụ nói tới quyền chìa khóa và khả năng Đức Thánh Cha có thể thay đổi sự việc. Thực vậy, ngài nói rằng Đức Giáo Hoàng có thể vặn tay Thiên Chúa. Các vị khác đáp lại rằng quyền chìa khóa không ban cho Giáo Hội khả năng thay đổi Mạc Khải và đức tin của Giáo Hội.

Một thành viên của nhóm cảm thấy rằng Giáo Hội đã quên mất Chúa Giêsu trong tất cả cuộc thảo luận này và các giám mục và nhiều giáo dân bị coi như những người biệt phái. Có lời kêu gọi phải lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề rước lễ của người ly dị và tái hôn, trong một khoảng thời gian lâu hơn để có sự chuẩn xác lớn hơn về thần học.

Có một gợi ý cho rằng Giáo Hội phải nghiên cứu ý niệm rước lễ thiêng liêng một cách thấu suốt hơn nữa. Các cộng đồng Thệ Phản tham dự vào thực tại Giáo Hội thế nào, các người không lãnh Thánh Thể cũng có thể tham dự vào Thánh Thể như thế.

Các thành viên dành một số giờ để nói về các cuộc hôn nhân hỗn hợp và các cuộc hôn nhân khác đạo. Thực hành của Giáo Hội Chính Thống cũng đã được bàn tới trong cuộc thảo luận. Một số coi việc này như một con đường mục vụ tốt cho Giáo Hội Rôma. Các vị khác cảm thấy phương thức của Chính Thống không rõ ràng bao nhiêu vì có nhiều thực hành khác nhau trong Giáo Hội này.

Phần nói về việc chăm sóc mục vụ cho những người có khuynh hướng đồng tính đã gây ra cuộc thảo luận lớn. Một số thành viên nghĩ rằng vấn đề này nên được lấy ra khỏi cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Các ngài cảm thấy: tốt hơn nên có một Thượng Hội Đồng đặc biệt bàn về việc này. Một số vị khác cho rằng nên dùng cách nói của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ở các số 2357-2359. Các vị khác thấy giải pháp này gây hại cho khả tín tính của Giáo Hội tại Tây Âu và Bắc Mỹ.

Trong phần nói đến việc truyền sinh và thách đố giảm sinh suất, các thành viên phát biểu các nhận định vừa tích cực vừa tiêu cực. Phần lớn cảm thấy rằng số 137 nên được lấy ra khỏi bản văn hay hoàn toàn được viết lại, vì cách người ta huấn luyện lương tâm bị coi là được bàn một cách nghèo nàn trong bản văn hiện thời.

Trong phần nói tới việc nhận con nuôi, có vị nói tới việc đứa trẻ có quyền có cả mẹ lẫn cha. Các thành viên nói tới sự khó khăn của một số Giáo Hội ở Tây Phương trong việc được tiếp tục cung ứng các dịch vụ nhận con nuôi trước áp lực của chính phủ muốn nâng đỡ các cặp đồng tính được nhận con nuôi.

Các thành viên nói rằng bản văn không nói rõ đủ về việc chăm sóc giảm đau (palliative care) và trách nhiệm của Giáo Hội trong việc giúp các gia đình trong lúc bệnh tật và khi đương đầu với các bối rối chung quanh các vấn đề y khoa và luân lý hiện nay.

Cuộc thảo luận đã bàn nhiều tới những điều không được nhắc tới một cách tổng quát trong bản văn. Trong số này, các điều sau đây đã được ghi nhận:

1. Vị trí của các trường Công Giáo.
2. Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, nên được nhắc tới nhiều hơn và dành nhiều ý nghĩa hơn.
3. Không có điều nào nói lên lòng biết ơn đối với các nữ tu hiến đời mình săn sóc người bệnh và người già.
4. Không đủ lưu ý tới vai trò của các cha hay mẹ đơn lẻ và các phương cách nâng đỡ họ.
5. Không đủ các thảo luận tích cực về giá trị của các đại gia đình.
6. Không nhắc gì đến vai trò của ông bà.
7. Không nói rõ về vai trò người mẹ và người cha.
8. Hàng ngàn người giúp các cha mẹ giáo dục con cái họ, nhưng các thầy cô dạy môn tôn giáo không được nhắc tới, và ngay các người giữ trẻ ít nhất cũng nên được lưu ý chút đỉnh vì họ có thể rất hữu ích đối với các cha mẹ cần phải đi làm ở bên ngoài gia đình.
9. Bản văn tránh không bàn đến vấn đề lạm dụng tình dục và loạn luân trong các gia đình.
10. Không nhấn mạnh đủ về sự quan trọng của việc cầu nguyện, suy gẫm và lòng đạo bình dân trong gia đình.
11. Nên nói vài điều tích cực về các di dân từng rời bỏ quê hương để gửi tiền về nâng đỡ gia đình họ.
12. Sau cùng, một số thành viên cảm thấy rằng tài liệu nên nói một điều gì đó về sự quan trọng của việc cầu nguyện cho các thành viên quá cố của gia đình và ý nghĩa việc họ cầu nguyện cho ta trong hiệp thông các thánh.
 
Giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình ở tất cả các giáo xứ thuộc tòa thượng phụ Giêrusalem
Đặng Tự Do
22:05 25/10/2015
Hôm Chúa Nhật 25 tháng 10, một giờ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình kéo dài trong một giờ đã được tổ chức trong tất cả các giáo xứ thuộc quyền tài phán của tòa thượng phụ Giêrusalem, tức là trên toàn cõi Do Thái, Palestine và Jordan.

Đền thờ Hồi giáo Al Aqsa trên Núi Đền
Người Hồi giáo và người Do Thái cũng được mời và được chào đón nồng nhiệt trong các buổi cầu nguyện. Sáng kiến này của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem là để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa.

Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Israel đã bãi bỏ lệnh tạm thời cấm các thanh niên ra vào đền thờ Hồi giáo Al Aqsa trên Núi Đền. Hạn chế này đã được áp đặt vào tháng Chín để đối phó với một loạt các cuộc đối đầu bạo lực.

Trong một cố gắng làm dịu căng thẳng trong vùng, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Berlin vào ngày thứ Năm 22 tháng 10, đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Vua Abdullah II của Jordan tại Amman hôm thứ Bẩy.

Một thỏa thuận đã đạt được trong ngày, theo đó Jordan và Israel sẽ gắn những video nhằm giám sát 24 trên 24 khu vực Núi Đền để đảm bảo với người Palestine rằng hiện trạng không bị thay đổi và các lực lượng Israel không sách nhiễu các tín đồ Palestine.

Tuy nhiên, ngay sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, hai kẻ tấn công Palestine đã đâm một người dân Israel trong vùng định cư của người Do Thái ở khu vực Tây Ngạn. Quân đội Israel đã bắn vào những kẻ tấn công, nhưng họ bỏ trốn được khỏi hiện trường.

Lực lượng an ninh Israel đã bắn chết một phụ nữ Palestine tại thành phố Hebron sau khi cô bị chặn lại vì có những hành động đáng nghi và đã lôi ra một con dao.

Trong ngày Chúa Nhật, một người Palestine đã đâm một thanh niên Israel gần khu định cư người Do Thái ở Ariel. Thanh niên người Israel bị thương và kẻ tấn công đã bỏ chạy nhưng sau đó bị bắt.

Palestine đã làm thiệt mạng 10 người Israel trong hơn 30 vụ đâm bằng dao, bắn súng và ném đá trong tháng này. Trong khi đó, hơn 50 người Palestine đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh của Israel, trong đó có ít nhất 19 người đã thiệt mạng sau khi tấn công người Israel.
 
Tình trạng sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
23:24 25/10/2015
Trong một xuất hiện hiếm hoi trên phương tiện truyền thông, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói với biên tập viên của tờ báo Đức Bild Zeitung rằng: “Tôi cảm thấy mình trong sự hiệp thông gần gũi hơn với Thiên Chúa.”
Hình ảnh mới nhất của Đức Bênêđíctô XVI
Phóng viên của tờ Bild Zeitung nói Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 “mặc một áo dài trắng đơn giản và mang một đôi dép màu nâu.” Hai năm sau khi thoái vị, Đức Thánh Cha có vẻ khỏe mạnh, và không có những dấu hiệu kiệt sức như trong những ngày cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài.

Mặc dù bây giờ ngài phải chống gậy và đôi khi phải sử dụng xe tập đi, nhưng ngài vẫn duy trì một lịch trình thường xuyên cầu nguyện, đọc sách, nghe và chơi nhạc, và đến thăm hang đá Lộ Đức trong vườn Vatican để đọc kinh Mân Côi mỗi tối.
 
Top Stories
Press Release: On the haughty confiscation of the property of the Order of the Lovers of the Holy Cross by Vietnamese government
The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
01:46 25/10/2015
Press Release

FOR IMMEDIATE RELEASE.

Orange County, California, 23 October, 2015. The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media, before the international community, protests and sternly condemns the arbitrary confiscation of the property of the Order of the Lovers of the Holy Cross in Thu Thiem, Vietnam.

Since the date of the Order's foundation in 1840, for 175 years, the sisters of the Order have put their countless amount of effort and labour into transforming piece by piece of land in the wilderness into facilities for religious activities and education, helping hundreds of thousands of children and teenagers in the substandard neighbourhoods of the poor labourers in Thu Thiem, considered to be the most destitute area of Saigon.

After taking control of South Vietnam in 1975, the Communist rulers took advantage of the psychological quandary among the local people to carry out a well-crafted policy which allowed them to expropriate properties of religions, by forcing the victims to let the state use their properties free of charge or coerce them to involuntarily donation the properties under the banner of social welfare.

In that context, 3 schools that had been run by the nuns of the Congregation were forced one by one to be transferred into the government's hand “to be used for educational purposes” with the condition that should they are no longer needed for educational services they would be returned to the Order.

For the first few years, these three schools had actually been used for the educational purposes as promised. However, since 2010, when the price of land in Saigon has relentlessly soared up, the local government, in a conspiracy to rob the people’s land, has repeatedly launched campaigns to clear out the area with lowest rate of compensation.

In recent years, while the schools have no longer been used for education, they have never been returned to the Order but rather been used for other purposes.

On October 22, 2015 the local government ordered a massive number of police officers accompanied by other groups of gangsters to isolate the sisters; and started demolishing the Sisters’ properties despite their protest.

The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media in our responsibility and duty solemnly state our position as follow:

1. Expose and condemn the Vietnamese government’s action with the highest disapprobation before the international community for the confiscation of the legal properties of the Order of the Lovers of the Holy Cross Thu Thiem Vietnam who have devoted their entire lives educating and taking care of the poor.

2. Are totally in support of Sister Nguyen Thi Ngoan, the Order’s Mother Superior in calling for the government to cease immediately the demolition and return the property to the Order?

3. Earnestly asks the Vietnamese communities all over the world to pray for the Thu Thiem Sisters, and to report to the local authorities and governments the unacceptable confiscation of the properties of the Catholic Church as well as those of the other religions in Vietnam, and the violation of religious freedom and human rights by the Vietnamese government regardless of the world agreements that it has signed to conform.

We earnestly call for all Congresses, Governments, Political parties in every nations, Human rights Organizations, the Amnesty International, the International Committee for Human rights and the World Media as well as the Vietnamese Overseas Media to be with us in our fight for justice, peace and human rights for our beloved Vietnamese people.

Contacts:

Bishop Vincent Nguyen Van Long

Auxiliary Bishop of Melbourne, Australia

Rev. John Tran Cong Nghi

Director of VietCatholic News Agency

Rev. Joachim Viet-Chau Nguyen Duc

Editor of the People of God Monthly Magazine ( in America)

Rev. Anthony Nguyen Huu Quang

Vice Director of VietCatholic News Agency

Editor of the People of God Monthly Magazine ( in Australia )

Rev. Stephen Luu Thuong Bui

Editor of the People of God Monthly Magazine (in Europe)

Rev. Paul Van- Chi Chu

Vice Director of VietCatholic News Agency

The Federation of Vietnamese Catholic Mass Media
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Fairfield Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
11:19 25/10/2015
Chiều thứ Bảy 24/10/2015 các Hội Đoàn và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Fairfield Heights tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị, Quan Thầy của Giáo Đoàn. Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị đặt trong khuôn viên nhà thờ, Cha Phêrô Đặng Đình Nên Đặc trách Giáo Đoàn Fairfield xông hương kiệu tượng Thánh Lê Đăng Thị và sau đó cung nghinh kiệu Thánh Lê Đăng Thị, dẫn đầu là Cờ Úc Việt và Cờ Hội Thánh, kế tiếp là các Hội Đoàn Đoàn Thể, Quan Khách và Giáo Dân, cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng.

Khi kiệu Thánh Lê Đăng Thị rước vào trong nhà thờ an vị trên cung thánh, Cha Đặng Đình Nên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn đồng thời giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Nguyễn Trung Trực và Cha Trần Thanh Xuân cùng hiện diện trong Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Đặng Đình Nên nói về bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù và Cha cũng kể một mẫu chuyện nói về người Nữ Tu hy sinh đôi mắt của mình cho tên tướng cướp để cứu các chị em trong nhà Dòng khỏi bị giết chết và chính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị cũng không ngần ngại hy sinh cả mạng sống của mình để làm chứng nhân cho Thiên Chúa..

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tuyên úy Trưởng Dương Thanh Liêm ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo và Cha nói Giáo đoàn Fairfield này tuy nhỏ bé trong Cộng Đồng nhưng cũng rất hãnh diện là đã có hai vị Linh Mục xuất phát từ Giáo đoàn nhỏ bé này đó là Cha Trung và một người nữa chính là Cha. Cha chúc mừng Giáo đoàn luôn thăng tiến, kế đến Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, anh cũng khen ngợi Giáo đoàn cũng đóng góp giúp ích rất nhiều cho Cộng Đồng đặc biệt trong 3 ngày Thánh Mẫu vừa qua, và anh cũng chúc mừng Tân Ban Mục Vụ Giáo đoàn nhiệm kỳ mới 2015 – 2018.

Sau cùng ông Trần Thái Toản Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Fairfield ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfield. Đặc biệt cám ơn quý ân nhân đã đóng góp công của để giúp cho Giáo Đoàn tổ chức Lễ Bổn Mạng được tốt đẹp và cũng cám ơn Ca đoàn Fairfield đã tích cực đóng góp giúp cho Giáo đoàn được thêm phần sốt sắng trong những Thánh lễ hàng tuần.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Fairfield Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Bình Minh
Nguyễn Bá Khanh
21:25 25/10/2015
ÁNH BÌNH MINH
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Bình minh e ấp giấc đông
Tận miền xa đó mây hồng còn mơ
Hương đêm cũng đã dậy chờ
Hạt mai rửa mặt trăng tờ còn vương.
(Trích thơ của Dã Tràng Cát)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 20 – 26/19/2015: Chuyến tông du 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:01 25/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya

Hôm 17 tháng 10, Tòa Thánh đã cho biết chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại 3 nước Phi Châu là Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong năm ngày bắt đầu từ 25 tháng Mười Một.

Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya cũng cho biết chương trình chi tiết chuyến thăm của Đức Thánh Cha tại Nairobi, thủ đô của Kenya.

Lúc 07:45 sáng thứ Tư 25 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ phi trường Fiumicino của Rôma để bay đến Nairobi, Kenya

Lúc 17:00 cùng ngày, Đức Thánh Cha đến sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi. Một giờ sau đó nghi thức đón tiếp sẽ diễn ra tại dinh tổng thống. Đức Thánh Cha cũng sẽ có buổi nói chuyện với đại diện chính quyền dân sự của Kenya và ngoại giao đoàn

Thứ Năm ngày 26 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ đại diện các tôn giáo bạn vào lúc 8:15 sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Nairobi.

Vào lúc 10:00 ngài sẽ dâng Thánh Lễ trong khuôn viên của trường Đại học Nairobi.

Lúc 15:45, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, và các chủng sinh, tại các sân thể thao của trường St. Mary.

Sau đó, lúc 17:30, ngài đến thăm trụ sở Liên Hợp Quốc tại Nairobi.

Thứ Sáu ngày 27 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ thăm khu phố nghèo Kangemi ở Nairobi lúc 8:30 sáng trước khi có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại sân vận động Kasarani lúc 10 giờ.

Sau thánh lễ, ngài sẽ gặp gỡ các Giám Mục Kenya trong phòng khánh tiết của sân vận động lúc 11:15.

Lúc 15:10, tổng thống Kenya sẽ tiễn Đức Thánh Cha bay sang Uganda tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi.

82.5% trong tổng số 45 triệu dân Kenya theo Kitô Giáo trong đó người Công Giáo chiếm 24% dân số. Người Hồi Giáo chỉ chiếm 11% tại quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nhóm cực đoan Hồi Giáo đã muốn biến Kenya thành một quốc gia Hồi Giáo. Lúc 5:30 sáng ngày thứ Năm 2 tháng 4, tức là thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bọn khủng bố Al-Shabaab với chủ trương nhằm thiết lập một nhà nước Hồi Giáo theo luật Sharia tại Kenya đã gây ra cuộc thảm sát tại Đại Học Garissa, cách thủ đô Nairobi của Kenya 350km về hướng Đông Bắc và cách biên giới với Somali 150km. 148 sinh viên bị giết chết và 79 sinh viên khác bị thương nặng.

Mohamed Mohamud, một thầy giáo người Kenya đã dạy học nhiều năm tại nước này cùng với Abdirahim Abdullahi, đã từng tốt nghiệp Luật Khoa tại đại học Nairobi vào năm 2013 và là con trai của tỉnh trưởng tỉnh Mandera, ở phía Bắc Kenya, giáp biên giới với Kenya đã dẫn đường cho bọn khủng bố Al-Shabaab từ Somali đột nhập vào Kenya gây ra cuộc thảm sát này. Abdirahim Abdullahi bị bắn chết cùng với 3 tên khủng bố khác trong khi Mohamed Mohamud nhanh chân tẩu thoát. Chính phủ trao giải thưởng lên đến 215,000 Mỹ Kim cho ai chỉ điểm dẫn đến việc bắt sống hay giết chết y nhưng đến nay vẫn chưa biết tông tích tên khủng bố này.

Kenya có 4 tổng giáo phận, 21 giáo phận và một miền Giám Quản Tông Tòa.

2. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Uganda

Chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là nước Uganda. Từ phi trường quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi sang phi trường quốc tế Entebbe của Uganda mất khoảng 1 giờ bay. Do đó, Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Uganda vào lúc 16:50 thứ Sáu 27 tháng 11. Sau nghi lễ đón tiếp tại phi trường Entebbe, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Kampala.

Sáng thứ Bảy 28 tháng 11, lúc 08:30, ngài sẽ đến thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Anh Giáo tại Namugongo trước khi thăm Đền Thánh các vị Tử Đạo của Công Giáo cũng gần đó, là nơi ngài sẽ cử hành Thánh Lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda vào lúc 9:30.

Lúc 15:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại phi trường Kololo của thủ đô Kampala.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, trước khi có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Uganda tại Tòa Tổng Giám Mục thủ đô Kampala.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, và chủng sinh bên trong nhà thờ chính tòa thủ đô Kampala.

Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, ngài sẽ ra sân bay Entebbe để lên đường sang Bangui, thủ đô Cộng Hòa Trung Phi là chặng cuối trong chuyến tông du 3 nước Phi Châu.

Uganda có 31,100,000 dân trong đó 42% là người Công Giáo thuộc 4 tổng giáo phận và 16 giáo phận.

Người dân Uganda thuộc 50 nhóm chủng tộc khác nhau, trong đó đông nhất là bộ tộc Baganda, Bakiga và Banyankore. Cùng vì nhiều sắc tộc như thế, nên ngôn ngữ chính thức tại Uganda là tiếng Anh, ngôn ngữ bán chính thức là Kishwahili, trong khi tiếng Lugana chỉ được dùng trong việc giao dịch buôn bán.

Uganda có đa số dân theo Kitô giáo, trong số này đông nhất 42% theo Công Giáo, tức là gần 12 triệu 700 ngàn tín hữu, tiếp đến là 40% theo Anh giáo, phần còn lại là các giáo phái khác, đặc biệt là các nhóm Pentecostal, 5% theo đạo cổ truyền của Phi châu và sau cùng là 12% theo Hồi giáo.

Ơn gọi linh mục tại Uganda rất đông nhưng thiếu các chủng viện và những phương tiện cần thiết để đào tạo linh mục nên Giáo Hội tại đây vẫn trong tình trạng thiếu linh mục trầm trọng. Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, mỗi một linh mục ở Uganda phải phục vụ số giáo dân nhiều gấp 10 hay 20 lần tại Âu Châu.

Do nhiều nơi không có linh mục coi sóc, năm 2010, một nhóm khoảng 20 người tự xưng là linh mục Công Giáo đã thành lập ra cái gọi là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền Uganda với chủ trương chống lại luật độc thân linh mục, lôi kéo được trên 10,000 người. Leonard Lubega, người lãnh đạo giáo phái này, tự gọi mình là linh mục dù ông ta chưa từng được truyền chức linh mục. Một nhân vật lãnh đạo khác của giáo phái này từng là một linh mục Chính thống giáo, chứ không phải linh mục Công Giáo.

3. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cộng hòa Trung Phi

Chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm 3 nước Phi Châu của Đức Thánh Cha Phanxicô là tại Cộng hòa Trung Phi. Đây được kể là chuyến tông du nguy hiểm nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô từ trước cho đến nay.

Sáng Chúa Nhật 29 tháng 11, lúc 09:15, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ phi trường Entebbe của Uganda. Ngài sẽ đến sân bay quốc tế M'poko của Bangui lúc 10 giờ sáng và được tổng thống Catherine Samba-Panza, là tổng thống lâm thời của Cộng hòa Trung Phi đón tiếp tại phi trường. Tuy nhiên, nghi lễ đón tiếp chính thức sẽ diễn ra lúc 11 giờ tại dinh tổng thống, là nơi ngài sẽ có bài nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân sự và ngoại giao đoàn.

Theo dự trù, lúc 12:15, Đức Thánh Cha sẽ thăm một trại tị nạn của thủ đô Bangui trước khi gặp gỡ với các Giám Mục của Cộng hòa Trung Phi.

Buổi chiều, lúc 16 giờ, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Tin Lành tại trụ sở của Khoa Thần học Tin Lành Bangui.

Lúc 17 giờ, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ với các linh mục, các tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, và giới trẻ tại nhà thờ chính tòa thủ đô.

Lúc 19 giờ, Đức Thánh Cha sẽ ngồi tòa giải tội cho một số người trẻ, trước khi chủ sự buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình ở phía trước nhà thờ.

Sáng thứ Hai, 30 tháng 11, lúc 08:15, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng Hồi giáo tại nhà thờ Hồi giáo Trung ương Koudougou ở Bangui

Lúc 09:30, ngài dâng Thánh Lễ tại sân vận động Barthélémy Boganda.

Lúc 12:15, ngài sẽ khởi hành về Rôma tại sân bay quốc tế M'poko của thủ đô Bangui.

Dự kiến lúc 18:45 chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ về đến phi trường Ciampino của Rôma.

Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận. Tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi là rất đáng lo ngại. Thật vậy, các diễn biến gần đây cho thấy quân Hồi Giáo Seleka đã được tăng viện bởi các nhóm khủng bố quốc tế đặc biệt là từ Cộng Hòa Chad, nơi dung thân của quân Seleka.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô lớn đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Từ tháng Hai năm 2014, quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad. Tuy nhiên, nhóm Hồi Giáo cực đoan này nhận được tăng viện cả về khí tài chiến tranh lẫn nhân sự và đã có khả năng trở lại gây chiến ngay tại thủ đô Cộng Hòa Trung Phi.

4. Ðức Thánh Cha và các Nghị Phụ kỷ niệm 50 năm lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục (1965 -2015).

Ðức Thánh Cha Phanxicô cổ võ tinh thần đồng hành của mọi thành phần Dân Chúa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ðức Chân Phước Phaolô 6 thiết lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục.

Ðức Thánh Cha cùng với các nghị phụ đã dành phiên họp toàn thể sáng 17 tháng 10 năm 2015, để tiến hành việc kỷ niệm này, tại đại thánh đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Hiện diện trong dịp này còn có ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, và nhiều đại diện của thành phần dân Chúa. Một ca đoàn trẻ em trình diễn các bài ca trong buổi lễ.

Lên tiếng trong buổi kỷ niệm, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến sự kiện các vị tiền nhiệm của ngài đều nói đến khả thể cải tiến cơ cấu và tổ chức Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ngài cũng theo chiều hướng đó và muốn đẩy mạnh sự tham dự của Dân Chúa, các giáo dân, tu sĩ và Linh Mục, cũng như các Giám Mục vào tiến trình Thượng Hội Ðồng Giám Mục qua các cuộc tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho công nghị Giám Mục thế giới. Giáo Hội đồng nghĩa với “Sinodo” nghĩa là “Ðồng Hành” như thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết.

Tiến trình đồng hành ấy cũng được biểu lộ qua sự lắng nghe, lắng nghe Dân Chúa, và đi tới cao điểm là lắng nghe Giám Mục Roma, không phải từ xác tín cá nhân của Người, nhưng trong tư cách là chứng nhân tối cao về đức tin của toàn thể Giáo Hội, người bảo đảm sự tuân phục và phù hợp của toàn thể Giáo Hội đối với thánh ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa Kitô và Truyền Thống của Giáo Hội”.

Ngoài ra, Ðức Thánh Cha thông báo ngài ghi nhận đề nghị tản quyền “lành mạnh” về địa phương, để các Giáo Hội địa phương cứu xét và giải quyết nhiều vấn đề hơn.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến đặc tính đại kết của Giáo Hội đồng hành, và ngài nói: “Tôi xác tín rằng, trong Giáo Hội đồng hành, cả việc thực thi quyền tối thượng của Phêrô cũng có thể nhận được ánh sáng rạng ngời hơn. Giáo Hoàng một mình không ở trên Giáo Hội, nhưng ở trong Giáo Hội như một người đã chịu phép rửa giữa những tín hữu đã chịu phép rửa, và trong Giám Mục đoàn như Giám Mục giữa các Giám Mục, đồng thời, trong tư cách là Ngừơi kế vị Tông Ðồ Phêrô, Giáo Hoàng được kêu gọi hướng dẫn Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội trong đức mến”.

Ðức Thánh Cha nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng mong muốn cùng với các Giáo Hội Kitô khác tìm ra một hình thức thực thi quyền tối thượng, tuy không hề từ bỏ điều thiết yếu trong sứ mạng của mình, để mở ra một tình trạng mới”.

5. Tình hình bách hại các Kitô hữu trên thế giới

Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã công bố một báo cáo về cuộc bách hại các Kitô hữu đang diễn ra ở 22 quốc gia. Báo cáo cho thấy mức độ bách hại là rất cao tại 18 quốc gia.

Báo cáo có đoạn viết:

“Sự sống còn của Giáo Hội tại Phi Châu và Trung Đông bị đe dọa bởi các chính sách thanh lọc sắc tộc có động cơ tôn giáo của các nhóm cực đoan Hồi giáo. Giáo Hội đang bị đẩy ra khỏi khu trung tâm kinh thánh cổ kính của mình thông qua một cuộc di cư khổng lồ - Thiên Chúa giáo đang trong tiến trình biến mất khỏi Iraq có lẽ chỉ trong vòng năm năm nữa thôi.”

Báo cáo cho biết thêm:

“Các chế độ toàn trị như chế độ tại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã áp bức giáo dân vì nhận thức cho rằng Kitô giáo được liên kết với phương Tây. Họ là đối tượng cho bọn cầm quyền làm tiền và bóc lột”.

6. Thống kê dân số Công Giáo trên toàn thế giới

Như mọi năm, nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, năm nay được tổ chức vào Chúa Nhật 18 tháng 10, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình của Giáo Hội khắp nơi trên thế giới. Các con số thống kê được trích từ bản mới nhất của “Niên Giám Tòa Thánh”.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, dân số thế giới là 7,093,798,000, tăng 70,421,000 người so với cùng thời gian một năm trước. Mức tăng dân số xảy ra trên mọi lục địa, nhiều nhất là châu Á và châu Phi; tiếp theo là Mỹ; châu Âu và châu Đại Dương.

Trong cùng thời gian này người Công Giáo trên toàn thế giới là 1,253,926,000, tăng 25,305,000 người so với năm trước. Mức tăng mạnh nhất là tại châu Mỹ và châu Phi; tiếp theo là châu Á; châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ người Công Giáo so với dân số thế giới là 17.59%. Con số này là 17.68% vào cuối năm 2013, nghĩa là tăng 0.09 %. Tỷ lệ tăng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu trong khi có sự giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Toàn thể Giáo Hội có 2,989 giáo phận, nghĩa là có thêm 8 giáo phận mới tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.

Có 1,871 cứ điểm truyền giáo có các linh mục thường trú, tăng 24 so với năm 2012. Con số gia tăng nhanh nhất là tại châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, nhưng giảm tại châu Mỹ và châu Âu.

Giáo Hội có đến 133,869 cứ điểm truyền giáo không có các linh mục thường trú, tăng 3,074 chủ yếu tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Đại Dương; và giảm mất 2 cứ điểm ở châu Âu.

Tính đến ngày 13 tháng 10 năm 2015, có 1,111 miền truyền giáo trực thuộc Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Hầu hết là ở châu Phi và châu Á. Tiếp theo là châu Mỹ và châu Đại Dương.

7. Thống kê về hàng giáo sĩ Công Giáo trên toàn thế giới

Tính đến ngày 11 tháng 9 năm 2015, Giáo Hội có 219 Hồng Y trong đó có 118 vị có quyền bầu Giáo Hoàng. Châu Âu có 114 vị trong đó có 54 vị Hồng Y cử tri. Bắc Mỹ có 23 vị trong đó có 15 vị Hồng Y cử tri. Trung Mỹ có 8 vị trong đó có 6 vị Hồng Y cử tri. Nam Mỹ có 26 vị trong đó có 12 vị Hồng Y cử tri. Châu Á có 22 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Phi có 21 vị trong đó có 14 vị Hồng Y cử tri. Châu Đại Dương có 5 vị trong đó có 3 vị Hồng Y cử tri.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 5,173 Giám Mục, nghĩa là tăng 40 vị so với năm 2012. Những năm trước, số các Giám Mục triều gia tăng trong khi số các Giám Mục dòng giảm sút. Trong năm 2013, cả hai con số đều tăng lên.

Tổng số Giám Mục triều là 3,945, trong khi số Giám Mục dòng là 1,228. Con số các Giám Mục triều tăng tại tất cả các châu lục, và giảm tại châu Đại Dương. Số lượng các Giám Mục dòng gia tăng tại trên mọi châu lục, và không thay đổi tại châu Đại Dương.

Tổng số linh mục trên thế giới lên đến 415,348 nghĩa là tăng 1,035 vị so với năm 2012. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục triều là 280,532 vị, nghĩa là tăng 917 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số linh mục dòng là 134,816 vị, nghĩa là tăng 64 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Phi và châu Á; trong khi giảm mạnh ở châu Âu, châu Mỹ và giảm nhẹ ở châu Đại Dương.

Tổng số Phó tế vĩnh viễn trên thế giới là 43,195 vị, tăng 1,091 vị. Con số tăng trưởng nhanh nhất là ở châu Mỹ và châu Âu, trong khi tăng nhẹ ở châu Phi, châu Á và châu Đại Dương

Tổng số nam tu sĩ không có chức linh mục là 55,253 vị giảm 61 vị. Châu Phi giảm 218 vị, châu Âu giảm 133 vị. Nhưng bù lại, châu Mỹ tăng 45 vị, châu Á tăng 167 vị và châu Đại Dương tăng 78 vị.

Tổng số nữ tu trên toàn thế giới là 693,575 chị tăng 8,954 chị. Số nữ tu tăng nhanh nhất là tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

8. Thống kê về tình trạng giáo dục Công Giáo trên toàn thế giới

Trong lĩnh vực giáo dục, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội Công Giáo điều hành 73,263 trường mẫu giáo với 6,963,669 học sinh; 96,822 trường tiểu học với 32,254,204 học sinh; 45,699 trường trung học với 19,407,417 học sinh. Các cơ sở khác của Giáo Hội như Đại Học và Cao Đẳng cung cấp các hình thức giáo dục đa dạng cho 2,309,797 học sinh trung học, và 2,727,940 sinh viên đại học.

Bên cạnh đó, còn có 367,679 giáo dân tham gia vào các hoạt động truyền giáo, tăng 5,191 anh chị em so với năm 2012. Số tăng cao nhất là tại châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu; và giảm nhẹ tại châu Đại Dương.

Giáo Hội còn có một mạng lưới 3,157,568 giáo lý viên. Giảm 13,075 giáo lý viên so với năm 2012. Số giáo lý viên tăng đáng kể ở châu Phi và châu Á, nhưng giảm mạnh ở Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội có 118,251 đại chủng sinh, giảm mất 1,800 người. Con số gia tăng chỉ xảy ra ở châu Phi, trong khi giảm tại tất cả các châu khác.

Con số đại chủng sinh của các giáo phận lớn là 71,537, của các dòng là 46,714. Chủng sinh của giáo phận tăng tại châu Phi và châu Á, trong khi giảm ở châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương. Chủng sinh các dòng giảm tại tất cả các lục địa.

Có tổng cộng 101, 928 tiểu chủng sinh, giảm 775 người so với năm 2012.

9. Thống kê về các hoạt động bác ái Công Giáo trên toàn thế giới

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013, Giáo Hội điều hành 5,034 bệnh viện, hầu hết là ở châu Mỹ và châu Phi.

Bên cạnh đó còn có 16,627 trạm xá, chủ yếu là ở châu Phi; châu Mỹ và châu Á; 611 trung tâm chăm sóc người bệnh phong, chủ yếu là ở châu Á và châu Phi; 15,518 viện người già, hay những bị bệnh kinh niên hoặc những người khuyết tật, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.

Giáo Hội cũng điều hành 9,770 trung tâm trẻ mồ côi, chủ yếu là ở châu Á; 12,082 nhà trẻ, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ;

Ngoài ra còn có 14,391 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu là ở châu Mỹ và châu Âu; 3,896 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 38,256 các cơ sở bác ái xã hội khác.