Ngày 22-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/10: Hãy coi chừng tránh mọi sự tham lam – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:32 22/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:01 22/10/2023

32. Ai là người băng thanh ngọc khiết chọn lựa tuân giữ con đường trinh khiết, thì dù cho có gian nan khốn khó, nhưng lại xuất sắc vượt lên khỏi đám đông, được vô số ân sủng, và sẽ thu hoạch mỹ mãn được gấp trăm.

(Thánh Athanasius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 22/10/2023
80. DÙNG “VẠI NHỔ NƯỚC BỌT THƠM”

Người Đông Tấn là Tạ Cảnh Nhân thích sạch sẽ, tìm việc kỳ lạ, mỗi lần nhổ nước bọt thì nhổ bên trong áo của người giúp việc, nhổ xong thì cho người này nghỉ một ngày để giặt áo. Về sau, mỗi lần muốn nhổ nước bọt thì người giúp việc tranh nhau nhặt không ngớt.

Lại có con của Nghiêm Cao là một người nổi tiếng tên là Nghiêm Thế Phồn mỗi lần nhổ nước bọt thì dùng miệng của tên tớ gái đẹp mà nhổ, chỉ cần nói có hơi đờm, thì cô hầu gái phải há miệng to đợi, Nghiêm Thế Phồn gọi đó là “vại nước bọt thơm”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 80:

Dùng áo của người giúp việc để làm ống nhổ hoặc dùng miệng của người hầu gái đẹp để nhổ nước bọt của mình thì quả thật là người vô nhân, đó là hành vi của những người coi đồng tiền hơn cả sự khổ nhục và nhân phẩm của người khác.

Mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và bình đẳng như nhau không những trước mặt Thiên Chúa mà còn bình đẳng với nhau tại trần gian này. Người đầy tớ cũng là con người nên cũng phải đối xử với họ như Thiên Chúa đã đối xử cách yêu thương với họ.

Ăn những thứ cao lương mỹ vị rồi nhổ ra nơi áo quần và trong miệng của người đầy tớ là hành vi của quỷ sa tan làm nhục Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương con người cách đặc biệt hơn tất cả mọi loài trên mặt đất này.

Một hành vi tàn nhẫn hay một lời nói ác ý hại người là một khoảng cách đã được rút ngắn giữa hỏa ngục và tôi, thật là đáng sợ, bởi vì trong một ngày tôi đã có bao nhiêu hành vi tàn nhẫn và nói biết bao nhiêu là lời độc địa, ác ý hại tha nhân !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một kho lẫm lớn hơn
Lm. Minh Anh
14:44 22/10/2023

MỘT KHO LẪM LỚN HƠN
“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”.

Đến thăm “Nhà thờ Xương” ở Rôma, bạn bước vào một một bảo tàng viện phảng phất ‘mùi thơm’ người chết vốn được thiết kế tuyệt đẹp với 4,000 bộ xương của các thầy dòng Capuchin. Ai không quen nghệ thuật, nó có thể hơi bệnh hoạn, nhưng ‘cung điện’ này vẫn nói lên nhiều điều. Du khách không biết ai phổng phao, ai còi cọc; ai thông tuệ, ai lú lấp; ai duyên dáng, ai thô kệch. Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến! Một tấm biển ghi: “Một ngày nào đó, bạn giống tôi; một ngày nào đó, tôi giống bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hình ảnh ‘kho lẫm xương người’ đưa chúng ta về với những kho lẫm lớn hơn của ông phú hộ trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng, “Con sẽ không mang theo gì cả, dù con có ‘một kho lẫm lớn hơn’ đầy của cải!”.

Vậy điều gì sẽ thực sự khiến chúng ta hạnh phúc? ‘Một kho lẫm lớn hơn’ hay ‘một trái tim lớn hơn?’. Với một số người, hạnh phúc dâng trào khi hình ảnh họ in ở trang nhất các tạp chí; số khác, ở những chỗ khác. Thế nhưng, về căn bản, những ‘kho lẫm lớn hơn’ ấy đều giống nhau; một căn nhà ‘biệt phủ’ hơn, một chiếc xe ‘đời mới’ hơn, loại son môi ‘Evà’ hơn, những kỳ nghỉ ‘thiên đàng’ hơn.

Người giàu tin rằng, khả năng hưởng thụ càng cao, hạnh phúc càng nhiều. Ảo tưởng! Họ khác nào con chuột trên một bánh xe quay. Nó nhảy nhót, chuyển động rất nhiều nhưng không đi đến đâu. Con người đầu tư tài năng sức lực để có được nhiều thứ, nhưng đâu biết rằng, ‘một kho lẫm lớn hơn’ chỉ mang lại niềm vui nhỏ hơn. Bởi lẽ, chính trái tim, chứ không phải nhà kho, mới là cái thực sự cần được mở rộng; ở đó, niềm vui dẫu nhỏ bé, vẫn là niềm vui vĩnh cửu, thiên đàng. Chính khi trái tim khao khát tình yêu, thì sự bồn chồn ‘kiểu Augustinô’ sẽ không bao giờ cho ai ngơi nghỉ, mãi đến khi họ gặp được Thiên Chúa; đồng thời, khám phá ra lòng thương xót của Ngài.

Hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Cuộc sống của Ngài dành cho Chúa Cha và những kẻ Cha trao phó. Đó là dấu hiệu lớn nhất của tình yêu! Cuộc sống của Ngài là một cuộc sống được nhận và trao từ Chúa Cha; và qua tình yêu dành cho Cha, Ngài trao nó cho mọi người. Vì không ai có thể tự nhận là chủ cuộc đời mình! Vậy làm sao cuộc sống của bạn và tôi có thể có ý nghĩa nếu nó ‘quay lưng lại với chính nó’ và hài lòng khi nói, “Mình bây giờ ê hề của cải. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nếu cuộc sống của Chúa Giêsu là một món quà được nhận và trao, thì cuộc sống của bạn và tôi cũng phải là quà tặng dành cho Thiên Chúa và tha nhân, bởi “Ai yêu mạng sống mình, sẽ mất nó!”.

Anh Chị em,

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Vì lẽ, “Thần chết san bằng tất cả; mọi lợi thế trần gian tan biến!”. Chúa Giêsu dạy chúng ta xây cho mình ‘một kho lẫm lớn hơn’ đích thực là chính Ngài, Đấng mà Phaolô, trong thư Rôma hôm nay nói, “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”. Vì thế, điều quan trọng không phải là có ‘một kho lẫm lớn hơn’ nhưng là ‘một con tim lớn hơn đầy Thiên Chúa’. Và chính Ngài sẽ dạy chúng ta làm giàu nó khi biết cho đi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con có thể giàu có, nhưng cuộc đời con không chỉ có của cải! Cho con khôn ngoan nhận ra rằng, cuộc sống ngắn ngủi, con phải sống cho một mình Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tay ăn nói bạo miệng chống Đức Giáo Hoàng và các cử tri Công Giáo Á Căn Đình
Vũ Văn An
01:07 22/10/2023

Trước thềm bầu cử tổng thống Á Căn Đình vào Chúa nhật 22 tháng 10, 2023 và triển vọng thắng cử của tay ăn nói bạo miệng chống Đức Phanxicô là Javier Milei, trên tạp chí The Pillar, ngày 20 tháng 10 năm 2023, Edgar Beltrán có bài nhận định khá dài về con người ăn nói bạo miệng này, tình hình chính trị phức tạp của Á Căn Đình và thái độ của cử tri Công Giáo của nước này:



Người theo chủ nghĩa tự do Javier Milei đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vào mùa hè này, khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ quốc gia vào ngày 13 tháng 8, PASO, vốn đóng vai trò là phong vũ biểu cho các cuộc bầu cử tổng thống.

Giờ đây, với cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào Chúa nhật tuần này, Milei - người trước PASO đứng thứ hai hoặc thứ ba trong hầu hết các cuộc thăm dò - là ứng cử viên được yêu thích áp đảo để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ngay cả khi không cần phải tham gia vòng hai.

Nhưng bất chấp sự nổi tiếng của mình, Milei vẫn vướng vào nhiều tranh cãi.

Joaquín Núñez, một nhà báo người Á Căn Đình, nói với The Pillar, “Milei trở nên nổi tiếng với tư cách là một nhà phân tích kinh tế trên truyền hình, đặc biệt là vì phong cách cực kỳ sóng gió và kiểu tóc của anh, hay đúng hơn là việc thiếu kiểu tóc. Anh xúc phạm mọi người, xúc động, la hét và luôn tấn công chủ nghĩa xã hội”.

Milei, có biệt danh là “Bộ tóc giả” vì kiểu tóc lập dị – mà anh nói rằng anh tạo kiểu bằng bàn tay vô hình của Adam Smith – đã được bầu làm đại biểu cho cơ quan lập pháp quốc gia Á Căn Đình vào năm 2021 và ra mắt ứng cử tổng thống trong năm nay.

Milei là cựu thủ môn trẻ của một đội bóng đá địa phương và là ca sĩ trong ban nhạc chuyên chơi nhạc của ban Rolling Stones. Anh cũng là một người Công Giáo - mặc dù thỉnh thoảng anh nói rằng anh đang cân nhắc việc chuyển sang đạo Do Thái.

Anh là một cá tính. Nhiều người ở Á Căn Đình nói anh là một một thể loại biết đi được lan truyền rộng rãi trên mạng (a walking meme).

Và giữa sự tinh ranh thường thái quá, phong cách khoa trương Á Căn Đình và môi trường kinh tế và chính trị ủng hộ anh, anh đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống.

Với cương lĩnh tự do đậm âm hưởng bảo thủ ủng hộ việc giảm thuế, đô la hóa nền kinh tế, giảm dấu chân của chính phủ, phản đối việc phá thai và ý thức hệ phái tính, “Tóc Giả” có thể trở thành tổng thống mới của Á Căn Đình.

Nhưng phong cách gây trầy da tróc vẩy của anh đã đụng đến người Á Căn Đình nổi tiếng nhất hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô - người mà Milei gọi là “kẻ cánh tả ghê tởm”, cùng với nhiều danh hiệu khác.

Điều đó đã khiến các linh mục bùn lầy nước đọng (villero) của Buenos Aires – những người chăm sóc mục vụ cho những khu vực dễ bị tổn thương nhất của thành phố – cử hành Thánh lễ đền tạ vì những cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng của anh ta.

Milei cũng có thể gây nguy hiểm cho khả thể Đức Phanxicô trở lại Á Căn Đình vào năm tới.

Nhưng điều phức tạp hơn nữa là Milei nhận được sự ủng hộ của nhiều người Công Giáo, ngay cả trong các khu ổ chuột - theo truyền thống thiên tả và theo chủ nghĩa Peron - và có nhiều người Công Giáo trong số các bộ trưởng và ứng cử viên vào Quốc hội của anh.

‘Một kẻ duy tả bẩn thỉu’

Ngay cả trước khi thăng tiến trong sự nghiệp chính trị, Milei đã có rất nhiều điều để nói về Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vào năm 2017, khi đề cập đến giáo hoàng, Milei nói rằng công bằng xã hội là “chuyện cứt đái” và Đức Phanxicô là một “kẻ ngu ngốc”, một “duy tả bẩn thỉu” và một “người cộng sản không thể diễn tả được”, người “thúc đẩy các ý tưởng đố kỵ, hận thù, oán giận, đối xử bất bình đẳng trước pháp luật, trộm cắp và diệt chủng.”

Trong một cuộc phỏng vấn cùng năm đó, Milei nói rằng Đức Phanxicô “là đại diện của ma quỷ trên Trái đất”. Vào năm 2020, anh nói rằng Đức Giáo Hoàng là một “kẻ ngu ngốc”. Vào năm 2021, anh nói rằng Đức Giáo Hoàng “luôn đứng về phía cái ác” và “mô hình của [ông ấy] là nghèo đói”.

Santiago Santurio, giáo sư về học thuyết xã hội Công Giáo tại Đại học Phương Nam, đồng thời là ứng cử viên cho cơ quan lập pháp của tỉnh Buenos Aires với liên minh của Milei, La Libertad Avanza (thăng tiến Tự do) cho biết: “Những video này có từ khi Javier chưa tham gia chính trị”.

Santurio cho biết ông tin rằng sự chú ý tới các nhận xét của Milei là vấn đề của chủ nghĩa cơ hội chính trị.

“Điều đáng chú ý là họ nêu nó ra vào giữa chiến dịch, sau 4 năm.”

Nhưng Santurio cho biết ông thấy một cơ hội trong các bình luận của Milei.

Ông nói với The Pillar, “Chúng ta phải bảo vệ và minh oan cho khuôn mạo vị giáo hoàng, ngài là giáo hoàng của tất cả người Công Giáo và chúng ta phải tận dụng những cơ hội này để làm rõ và giải thích vị giáo hoàng là ai đối với người Công Giáo, tại sao ngài quan trọng và tại sao người Công Giáo lại có giáo hoàng”.

Tháng trước, trong một cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, Milei nói rằng Đức Giáo Hoàng “có thiện cảm với những kẻ cộng sản sát nhân”. Đầu tuần này, tại một sự kiện tranh cử, Alberto Benegas Lynch, một trong những cố vấn chính của Milei, đã đề nghị Á Căn Đình đình chỉ quan hệ ngoại giao với Vatican “chừng nào tinh thần toàn trị còn ngự trị trong người đứng đầu Vatican”.

Hàng nghìn người theo dõi Milei đã đáp lại bằng những tràng pháo tay, hô vang “tự do, tự do” mặc dù chỉ một ngày sau, Milei tỏ ra xa rời ý tưởng đó và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đề nghị như vậy sẽ là “vô trách nhiệm”.

Nhưng bất chấp những lời hoa mỹ từ phe Milei, Santurio nói với The Pillar rằng ông không tin Milei là người chống Công Giáo đến như vậy.

Santurio nói, “Chỉ vì Javier có một số lời chỉ trích cá nhân đối với Đức Giáo Hoàng – điều mà tôi không chia sẻ – không có nghĩa là anh ấy có điều gì chống lại giáo hoàng hoặc Giáo hội. Thực ra Javier là người rất ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II, Javier không có gì chống lại Giáo hội, và đã đề cử những người Công Giáo thực hành vào một số vị trí trong nội các của ông”.

Sự nổi tiếng của Milei

Sau nhiều năm độc tài, Á Căn Đình quay trở lại chế độ dân chủ vào năm 1983. Kể từ đó, hầu hết các chính phủ của nước này đều theo chủ nghĩa Peron, một hệ tư tưởng tổng hợp do nhà lãnh đạo quân sự Juan Domingo Perón tạo ra trong thời kỳ hậu chiến, như một đường lối dân tộc chủ nghĩa thứ ba, có xu hướng hướng tới chủ nghĩa kinh tế nhà nước.

Kể từ năm 2003, bối cảnh chính trị đã bị thống trị bởi Chủ nghĩa Kirchner, một nhánh của Chủ nghĩa Peron do Néstor Kirchner, tổng thống từ năm 2003 đến 2007, và vợ ông, Cristina Kirchner, tổng thống từ năm 2007 đến năm 2015, và hiện là phó tổng thống đất nước, phát động.

Chủ nghĩa Kirchner kết hợp Chủ nghĩa Peron với hình thức chủ nghĩa xã hội ban đầu được thúc đẩy bởi Hugo Chávez ở Venezuela.

Nhưng Á Căn Đình đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế, và nhiều người trong nước đổ lỗi cho chủ nghĩa Kirchner là nguyên nhân khiến nền kinh tế tăng vọt: Lạm phát hơn 100% trong những năm gần đây, tiền tệ mất giá, 45% người dân nghèo và 6 trên 10 trẻ em ở Á Căn Đình đang sống trong cảnh đói ăn.

Kết quả là một sự chuyển hướng chống lại phe chính trị cánh tả, dưới hình thức Javier Milei, một người tự nhận mình là người theo chủ nghĩa tư bản vô chính phủ.

“Tôi thấy hai yếu tố cơ bản,” Núñez nói với The Pillar.

“Tình hình kinh tế và người dân đã chán ngấy tầng lớp chính trị Á Căn Đình.”

Milei đã chuyển những nỗi thất vọng đó thành sự ủng hộ rộng rãi trong các cộng đồng nghèo trên khắp đất nước, Núñez nói, ngay cả những cộng đồng có truyền thống gắn liền với Chủ nghĩa Peron.

Ông nói, “Nền kinh tế ở Á Căn Đình là một nỗi ô nhục lịch sử. Á Căn Đình có tất cả các nguồn tài nguyên mà bạn muốn, tất cả khí hậu [nông nghiệp] mà bạn mong muốn, nó có dầu, có khí đốt, có công nghiệp, đặc biệt là kinh doanh nông nghiệp. Nó có mọi thứ để trở thành một cường quốc [kinh tế]. Từ khi nền dân chủ trở lại cho đến nay, tất cả các chính phủ đều có lạm phát cao, thậm chí siêu lạm phát và nợ của chúng ta ngày càng tăng, ngoại trừ chính phủ Menem vào những năm 90”.

Ông nói thêm: “Mãi lực của người dân đang đụng đáy, đất nước là công xưởng của người nghèo”.

Các linh mục bùn lầy nước đọng

Bất chấp sự nổi tiếng của anh và sự ủng hộ của nhiều người Công Giáo, phản ứng trước những lời chỉ trích của Milei đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ngay lập tức.

Các linh mục bùn lầy nước đọng của Buenos Aires, nhiều người trong số họ được Đức Phanxicô tấn phong trong thời gian ngài làm Tổng Giám mục Buenos Aires, đã tổ chức Thánh lễ ngày 5 tháng 9 để đền tạ những cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng, do Giám Mục Phụ Tá của Buenos Aires, Giám mục Gustavo Carrara chủ trì.

Các linh mục đến tham dự Thánh lễ từ các khu ổ chuột trải khắp Buenos Aires - những khu dân cư tạm bợ có rất ít hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nơi nạn buôn bán ma túy và nghèo đói đang lan tràn.

Từ những năm 1960, các linh mục đã chuyển đến những khu ổ chuột này để chăm sóc mục vụ cho những người sống ở đó. Những linh mục đó sống trong những ngôi nhà nhỏ, thành lập giáo xứ từ đầu và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội. Trong nhiều trường hợp, họ trở thành người vận động cho cộng đồng của mình.

Với tư cách là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y lúc bấy giờ là Jorge Mario Bergoglio, đã thành lập Tòa Đại diện các Khu Khẩn cấp, và được biết đến là người thường xuyên đến thăm các khu này của Buenos Aires.

Trong một tài liệu được đọc vào cuối Thánh lễ tháng 9, các linh mục bùn lầy nước đọng cho biết họ phản đối những lời xúc phạm “đụng đến con người của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, từ những cuộc tấn công thô tục không phù hợp với những người đang tìm cách đại diện cho đất nước chúng ta cho đến những lời nói dối về ý tưởng của Đức Giáo Hoàng, và gọi ngài là người cộng sản."

Cha Pedro Baya, một linh mục bùn lầy nước đọng đến từ Buenos Aires, nói với The Pillar: “Chúng tôi có động lực [để đưa ra tuyên bố] bởi vì một ứng cử viên tổng thống đã đưa ra những tuyên bố mang tính miệt thị, gần như là xúc phạm đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Ngài nói thêm, “Đối với chúng tôi, dường như chúng tôi phải nói điều gì đó khác biệt. Có rất nhiều người trong chúng ta yêu mến ngài, kính trọng ngài và sống cố gắng trung thành với lời dạy của ngài. Vì vậy, việc biểu lộ sự khinh thường đối với khuôn mạo của Đức Giáo Hoàng cũng là thể hiện sự khinh thường đối với những người trong chúng tôi yêu mến và quý trọng ngài”.

Cha Baya nói, “Trong một xã hội đa nguyên, có những người thực hiện quyền công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng, thì chúng tôi cũng thực hiện quyền nói rằng chúng tôi không thích điều đó và chúng tôi không ủng hộ ông ta”.

Đối mặt với áp lực từ các linh mục, cùng với những người khác, trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng 9, Milei đã đưa ra lời xin lỗi về những nhận xét đó, nhằm mục đích lôi kéo họ quay trở lại.

Anh nói, “Tôi không có vấn đề gì khi lặp lại rằng tôi xin lỗi”.

Anh nói thêm, “Nếu [Đức Phanxicô] muốn đến [Á Căn Đình], ngài sẽ được tôn trọng không chỉ với tư cách là nguyên thủ quốc gia mà còn với tư cách là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo”.

Người Công Giáo và Milei

Mặc dù trải qua một quá trình thế tục hóa rõ rệt, Á Căn Đình vẫn là một quốc gia Công Giáo, đặc biệt là bên ngoài thành phố Buenos Aires.

Núñez nói với The Pillar: “Nếu bạn rời khỏi thành phố, sẽ có một cảm giác Kitô giáo rất rõ ràng, mặc dù đất nước đang thế tục hóa”.

Hơn nữa, thật đáng ngạc nhiên, Milei đã nhận được sự ủng hộ của các khối chính trị lớn nhất đất nước - những người Công Giáo và những người theo chủ nghĩa Peron thuộc tầng lớp lao động. Theo một số cuộc thăm dò, Milei sẽ nhận được 21% sự ủng hộ của những người dưới 25 tuổi ở khu ổ chuột ở Buenos Aires, chỉ ít hơn Sergio Massa, ứng cử viên theo chủ nghĩa Peron 4%.

Núñez nói: “Có lẽ một số cố vấn sẽ yêu cầu anh tiết chế quan điểm của mình một chút do các vấn đề về chiến lược bầu cử, để không làm mất đi sự ủng hộ này”.

Mặc dù được đồng nhất hóa với Công Giáo trong nhiều năm, Chủ nghĩa Peron đã mất đi sự ủng hộ của Công Giáo ở Á Căn Đình, giữa việc ủng hộ các chính sách tiến bộ như hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và phá thai cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế sâu xa mà nhiều người coi là lỗi của chủ nghĩa Peron.

Trong bối cảnh đó, ý kiến của người Công Giáo Á Căn Đình cũng bị chia rẽ và phân cực như phần còn lại của đất nước.

Và một số người Công Giáo theo truyền thống có thể được coi là “bảo thủ” phản đối Milei.

Đó là một tình huống phức tạp.

Lupe Batallán, một trong những nhà hoạt động ủng hộ sự sống nổi tiếng nhất của Á Căn Đình và là một người trở lại Công Giáo, cho biết: “Ngày nay, việc nói chống lại Milei được coi là kỳ lạ nếu bạn thuộc phe cánh hữu, mặc dù có rất nhiều người chống lại anh”.

“Chúng ta đang ở một đất nước cực kỳ phân cực và Milei đưa ra một mức độ đấu quyền Anh quá cao khi anh lên tiếng. Có thể rất vui khi anh là người phát ngôn hoặc diễn giả được mời tranh luận, nhưng anh không còn như vậy nữa, anh là một chính trị gia, một ứng cử viên tổng thống.”

Ông nói thêm, “Ở Á Căn Đình có rất nhiều sự chia rẽ, tôi không nghĩ rằng trong bối cảnh này Á Căn Đình cần nhiều hơn thế, bởi vì một tổng thống không chỉ là tổng thống của những người đã bỏ phiếu cho ông ta - một tổng thống còn là tổng thống của những người không bỏ phiếu.” cho ông ta, vì vậy nếu bạn thêm một tổng thống bắt đầu bằng cách nói rằng những người bên cánh tả là 'những tên khốn nạn cánh tả' và rằng giáo hoàng là 'sứ giả của ma quỷ', khi ở Á Căn Đình, cứ 10 người thì có 7 người theo Công Giáo, nó làm sâu sắc thêm sự chia rẽ, điều mà các ứng cử viên khác cũng làm”.

Nhiều người chỉ ra rằng lời chỉ trích của Milei về công bằng xã hội không những không đề cập đến các phiên bản tiến bộ của khái niệm này, mà thậm chí cả đến khái niệm công bằng xã hội được Giáo hội bảo vệ nữa.

Batallán nhận định: “Anh cho mình là người chỉ trích công bằng xã hội và khi anh ta nói, bạn nhận ra rằng anh ta không biết công bằng xã hội là gì đối với Giáo Hội Công Giáo”.

Santurio nói rằng khi Milei chỉ trích “công bằng xã hội”, anh muốn nói đến một điều gì đó khác với những gì Giáo hội dạy.

Santurio nói, “Khi Javier nói về công bằng xã hội, anh rất phê phán, nhưng ý tưởng về công bằng xã hội ở Á Căn Đình gắn liền với Chủ nghĩa Peron. Anh thực sự không nói về học thuyết xã hội của Giáo hội, anh nói về mô hình thất bại này đã được áp đặt trong 20 năm qua ở Á Căn Đình, mô hình này chỉ tạo ra nhiều người nghèo hơn, nhiều bất bình đẳng hơn và trình độ học vấn tồi tệ hơn”.

Ông nói thêm. “Trong toàn khu vực, ở Bolivia, ở Peru, ở tất cả các quốc gia này, tỷ lệ mù chữ đã giảm, giáo dục được cải thiện. Ở Á Căn Đình, đảng cai trị bạn với biểu ngữ ‘công bằng xã hội’ đã làm gia tăng tỷ lệ mù chữ và nền giáo dục ngày càng tồi tệ. Vì vậy, về mặt luận lý học, nếu bạn nói với tôi rằng qua kiểu nói ‘công bằng xã hội’, chúng tôi hiểu những gì Chủ nghĩa Peron hiểu, thì tôi nói với bạn rằng công bằng xã hội là sai”.

Nhưng Cha Baya nói rằng theo quan điểm của ngài, quan điểm của Milei thực sự phản đối một số yếu tố chính của học thuyết xã hội Công Giáo.

Vị linh mục nói, “Công bằng xã hội không mang tính xã hội chủ nghĩa, nó tuân theo luận lý học của Tin Mừng và bắt nguồn từ lời nói và việc thực hành của Chúa Giêsu. Chỉ cần đọc Mátthêu 25 hoặc Các Mối Phúc Thật là đủ để nhận ra nguồn gốc của điều mà học thuyết xã hội của Giáo hội sau này gọi là ‘công bằng xã hội’”.

Batallán nói thêm, “Milei tấn công nhà nước như một khái niệm, và khi làm như vậy, anh ta tấn công ý tưởng về lợi ích chung bởi vì chúng tôi với tư cách là những người Công Giáo… nhìn thấy nguyên tắc bổ trợ, chúng tôi cũng thấy nơi nhà nước nh cầu hỗ trợ những người hàng xóm của mình”.

“Giáo hội không phản đối sự hiện hữu của nhà nước, trái lại, nó tôn vinh nhà nước và nó có phạm vi hoạt động trong trần thế”.

Vẫn còn một số người ủng hộ anh nhìn thấy ở Milei một số mối liên hệ rõ ràng với giáo huấn xã hội Công Giáo.

Santiago Santurio nói với The Pillar, “Đối với tôi, nguyên tắc bổ trợ của học thuyết xã hội của Giáo hội hoàn toàn bị đảo ngược ở Á Căn Đình: sức nặng thuộc về nhà nước, trong đó công chúng thực hiện trước, và điều đó để lại một không gian nhỏ bé cho [sáng kiến] riêng tư”.

Ông nói thêm, “Ở Á Căn Đình, nguyên tắc đích đến phổ quát của hàng hóa đã bị lạm dụng để tăng cường các kế hoạch xã hội. Nhưng bạn có thể thấy rằng ở Á Căn Đình, kể từ khi phúc lợi xã hội bắt đầu vào năm 2001, khi các kế hoạch xã hội tăng lên, tình trạng nghèo đói cũng gia tăng”.

Santurio lập luận: “Các kế hoạch xã hội không giải quyết được tình trạng nghèo đói”.

“Chúng tôi tin rằng để giảm nghèo thì phải có nhiều tự do hơn để làm việc, buôn bán, để người ta có sáng kiến kinh doanh và Nhà nước không hoạch định cuộc sống của đất nước và người dân.”

Santurio nói: “Điều tương tự cũng xảy ra với khái niệm về lợi ích chung, có quá nhiều sự thiếu hiểu biết và thao túng ý nghĩa của nó”.

Ông nói thêm, “Nhiều người trong số những người tuyên bố nhãn hiệu 'lợi ích chung' là những người theo chủ nghĩa duy tập thể và hiểu lợi ích chung là lợi ích tập thể, điều này không y hệt như vậy, chúng không đồng nghĩa. Lợi ích chung không chỉ là đảm bảo khả năng tiếp cận y tế và giáo dục mà còn là quyền tự do, điều hiếm khi được coi là lợi ích chung”.

Ông nói, “Công ích không phải là nhà nước làm hết mà còn có nguyên tắc liên đới. Ở Á Căn Đình, chúng tôi gặp một vấn đề nghiêm trọng với vấn đề này: chúng tôi nhìn thấy một người nghèo trên đường phố và chúng tôi nghĩ rằng đó là lỗi của nhà nước vì chúng tôi hiểu rằng công ích có nghĩa là một loại 'có tính tập thể' và nghĩ rằng nhà nước phải chịu trách nhiệm để giải quyết các vấn đề".

Ông nói thêm, “Nhưng học thuyết xã hội [của Giáo hội] không dạy điều đó. Nó nói rằng nếu có một người nghèo trên đường phố thì đó là trách nhiệm của mọi người - doanh nhân, bạn những người đi qua đường và cả nhà nước,”.

Santurio lập luận rằng theo quan điểm của ông, chính quyền Milei sẽ tốt cho người nghèo ở Á Căn Đình.

Santurio hỏi, “Ai đang ưu tiên lựa chọn người nghèo? Người muốn lặp lại công thức đã khiến họ nghèo suốt 20 năm hay người muốn làm những điều khác biệt?".

Santurio cũng tập trung vào việc Milei phản đối việc phá thai.

Ông nói thêm, “Mặt khác, nền tảng của học thuyết xã hội của Giáo hội là phẩm giá con người. Quyền đầu tiên phải được tôn trọng là quyền sống, kể từ khi Javier tham gia chính trường, ông đã phản đối việc phá thai, trong khi các ứng cử viên khác lại ủng hộ việc phá thai hoặc không giải quyết vấn đề này”.

Nhưng một số nhà phê bình Công Giáo đặt câu hỏi về cam kết ủng hộ sự sống của Milei.

Batallán nói: “Milei không ủng hộ sự sống, anh ta chống phá thai: nhưng ủng hộ việc an tử miễn là nhà nước không trả tiền cho nó, anh ta ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy”.

Tuy nhiên, Santurio nói rằng Milei không phải là chính trị gia duy nhất ở Á Căn Đình có quan điểm có vấn đề.

Santurio nói, “Javier nói rằng anh ta sẽ không đi vào đời tư của mọi người, nhưng đừng quên rằng các không gian chính trị khác đã thúc đẩy việc hợp pháp hóa ma túy, hôn nhân đồng tính và phá thai”.

Santurio cũng nói rằng ông tin rằng Milei đã bị xuyên tạc về một số vấn đề.

“Anh ấy đã lên tiếng và nói rằng anh sẽ không đề xuất hợp pháp hóa ma túy, đây không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của anh ta. Chúng ta phải thảo luận về các đề xuất, chứ không phải những gì đã nói hoặc chưa nói trong quá khứ”.

Cuộc bỏ phiếu của người Công Giáo

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc bầu cử, có những người Công Giáo ở Á Căn Đình cho rằng việc bỏ phiếu cho những người theo chủ nghĩa Peroni là sai lầm vì phá thai, và những người khác cho rằng việc bỏ phiếu cho Milei là sai lầm vì quan điểm của ông về công bằng xã hội.

Nhưng một số người Công Giáo nói với The Pillar rằng cuộc bầu cử là một sự lựa chọn phức tạp về mặt đạo đức.

Batallán nói với The Pillar, “Nhiều người đang bỏ lá phiếu chiến lược cho Milei. Họ không đồng ý với anh ấy về nhiều điều, nhưng anh ấy là người mà họ ít gặp vấn đề nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải xem liệu chính sách của anh ta có thực sự phản ảnh điều đó hay không”.

Cha Baya nói với The Pillar, “Đó là điều mà mọi người Công Giáo trong thâm tâm sẽ phải xem xét lại. Giáo Hội không ép buộc ai phải bỏ phiếu cho ai hoặc không bỏ phiếu cho ai. Những gì Giáo hội làm là trình bày rõ ràng các giá trị mà chúng ta bảo vệ và các nguyên tắc mà chúng ta tin là cần thiết cho một thế giới công bằng hơn, từ đức tin của chúng ta”.

Ngài nói thêm, “Giáo hội không thể chính thức cấm hoặc phong thánh cho một ứng cử viên. Cuộc bỏ phiếu là tự do và bí mật ở Á Căn Đình, đó là những gì luật pháp quy định”.

Santurio nói thêm, “Bỏ phiếu là một vấn đề thận trọng. Mỗi người trong lương tâm đều thấy mình phải đi đâu. Bây giờ, điều tôi có thể nói là tôi thấy có nhiều mối liên hệ giữa [Milei] và học thuyết xã hội của Giáo hội”.

Batallán nói với The Pillar: “Mọi người đều bỏ phiếu theo lương tâm mách bảo, nhưng đôi khi tình hình kinh tế cấp bách khiến chúng tôi tin rằng giải pháp sẽ được tìm thấy với một ứng cử viên 'cách mạng' nào đó.

Ông nói thêm, “Nhưng ở Á Căn Đình ngày nay, tôi nghĩ sẽ là một cuộc cách mạng nếu đặt con người trở lại trung tâm của phương trình. Sẽ mang tính cách mạng hơn nếu đặt phẩm giá con người, công ích, tôn trọng sự sống và gia đình vào trung tâm của phương trình”.
 
Những người tham gia Thượng Hội đồng nói rằng ‘còn quá sớm’ để quyết định các nữ phó tế
Vũ Văn An
13:57 22/10/2023

Theo Elise Ann Allen trên tạp chí mạng Crux, ngày 21 tháng 10 năm 2023, những người tham gia Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Đồng nghhị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được chọn để nói chuyện với giới truyền thông hôm thứ Sáu cho biết rằng trong khi nhiều chủ đề khác nhau đang được thảo luận, sẽ không có quyết định nào được đưa ra về các vấn đề chuyên biệt, và còn quá sớm để đưa ra phán quyết về các vấn đề nóng bỏng- những vấn đề quan trọng chẳng hạn như các nữ phó tế.



Khi được hỏi trong cuộc họp báo ngày 20 tháng 10 rằng liệu đã đến lúc đưa ra quyết định về các nữ phó tế hay chưa, Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của Tokyo cho biết có “những khác biệt về ý kiến” trong Thượng Hội đồng.

Ngài nói, cũng có những khác biệt về mặt thuật ngữ và cách hiểu của người ta về ý tưởng này “phụ thuộc rất nhiều vào hậu cảnh văn hóa”, “chúng ta đang nói về cùng một điều, nhưng đôi khi cách hiểu lại hoàn toàn khác nhau.”

Ngài nói: “Vì vậy, sau ba tuần, chúng tôi biết rằng có những khác biệt lớn và còn quá sớm để đưa ra bất cứ quyết định cụ thể nào vào thời điểm này”.

Nữ tu người Ái Nhĩ Lan Mary Teresa Bar-ron, chủ tịch Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, cho biết vấn đề về các nữ phó tế đang “được bàn luận” nhưng cũng ám chỉ những khác biệt, bà nói: “Vẻ đẹp của Giáo Hội Công Giáo là chúng ta có cả hai đầu mối của quang phổ xét về những gì chúng ta tin tưởng.”

Bà từ chối đưa ra ý kiến cá nhân của mình, nhưng cho biết Thượng Hội đồng đang đánh giá vấn đề “trong sự căng thẳng mà nó gây ra trong Giáo hội” để xác định “làm thế nào để cùng nhau tiến bước”.

Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas của Vilnius, Lithuania, chủ tịch Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE), nói với các nhà báo rằng cuộc thảo luận của thượng hội đồng rộng hơn nhiều so với việc “cố gắng tập trung vào một điều, đánh cuộc giữa có hoặc không”.

Ngài nói: “Tập trung vào các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội, có thể khám phá các mục vụ mới trong Giáo hội, là một phần của cuộc thảo luận,” nhưng chỉ ra rằng khó có thể đưa ra quyết định.

“Chúng ta thường cố gắng giải quyết mọi việc thành trắng đen, có hoặc không, đi hay dừng, nhưng tôi nghĩ cuộc thảo luận đang diễn ra là về vấn đề làm thế nào chúng ta sống Giáo hội theo một cách hoàn toàn khác, hoặc theo cùng một cách đối thoại tốt hơn,” Ngài nói thế, đồng thời cho biết mục tiêu là phát triển một diễn trình thảo luận và suy gẫm nội bộ mới, mục tiêu này “không chỉ là cố gắng nói có hay không”.

Nữ tu Houda Fadoul, một nữ tu người Syria đại diện cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Trung Đông, đã chỉ ra kinh nghiệm cá nhân của mình khi lãnh đạo một dòng nữ ở Syria, nói rằng điều quan trọng là “mỗi người chúng ta, dù là nam hay nữ, đều đảm nhận vai trò của họ và sử dụng các ân ban của họ trong Giáo hội, bất kể đó là gì.”

Bà nói thêm, “Đối với tôi, dường như bất cứ khái niệm nào liên quan đến phụ nữ, chúng ta đều biết rõ rằng nó liên quan đến tính bổ sung, bình đẳng. Khi mỗi người có vị trí của mình và sử dụng các ân ban của mình, chúng ta có thể nói về bất kỳ khái niệm nào”.

Hiện đang kết thúc tuần thứ hai, Thượng Hội đồng đã khai mạc vào ngày 4 tháng 10 và dự kiến bế mạc vào ngày 29 tháng 10, kết thúc cuộc họp đầu tiên trong số hai cuộc họp tại Rome. Thượng Hội đồng sẽ lên đến cao điểm với Đại hội lần thứ hai tại Rome vào tháng 10 năm 2024.

Những người tham gia hiện đang suy gẫm về thẩm quyền trong Giáo hội, bao gồm nhu cầu về “sự đồng trách nhiệm” lớn hơn giữa các giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân, cũng như nhu cầu tránh chủ nghĩa giáo sĩ trị và các hình thức độc tài khác nhau trong lãnh đạo.

Việc truyền giáo trong thế giới kỹ thuật số cũng là một điểm thảo luận quan trọng, với nhiều người tham gia lưu ý rằng giới trẻ ngày càng trực tuyến nhiều hơn, khiến Internet trở thành một hình thức “lãnh thổ truyền giáo” mới của Giáo hội.

Các nhà tổ chức Thượng Hội đồng nói rằng không chỉ những người tham gia trong Thượng hội đồng hiện tại sẽ soạn thảo và phê chuẩn một tài liệu tổng hợp tóm tắt cuộc thảo luận kéo dài một tháng, mà họ còn sẽ công bố một lá thư gửi dân Chúa về kinh nghiệm của tiến trình Thượng hội đồng.

Hôm thứ Sáu, khi được hỏi về những khác biệt về quan điểm đã được bày tỏ về các vấn đề khác nhau và liệu có chủ đề nào đạt được sự đồng thuận chung trong hội trường thượng hội đồng hay không, Đức Tổng Giám Mục Grušas cho biết thượng hội đồng không phải là về các vấn đề cụ thể, mà đúng hơn “Chủ đề mà mọi người đều thống nhất về, và được Đức Thánh Cha thực sự thúc đẩy chúng tôi tiến lên, chính là tính đồng nghị.”

“Khi đề cập đến chi tiết cụ thể của việc đưa ra quyết định hoặc kết luận cho các chủ đề, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra trong giai đoạn này hoặc vào năm 2024,” ngài nói thế, và đề cập đến những câu hỏi lớn về các chủ đề nóng bỏng như tư thế của phụ nữ và sự bao gồm các cá nhân LGBTQ+ “sẽ không biến mất, chúng là một phần của Giáo hội, nhưng thượng hội đồng không cố gắng đưa ra quyết định về các vấn đề tín lý hoặc tín điều”.

Đức Tổng Giám Mục Grušas cho biết mục tiêu là để những người tham gia diễn trình này có tiếng nói của họ và để các vấn đề “nổi lên” dọc diễn trình này, nhưng ngài nhấn mạnh rằng “không có định kiến trước về việc chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, điều này thực sự đòi hỏi một chút đức tin vào việc bước vào nơi chưa biết.”

Ngài nói: “Mặc dù mọi người muốn đưa ra một số quyết định nhưng tôi nghĩ ở đây, diễn trình thực sự quan trọng hơn kết luận”.

Nữ tu Fadoul lặp lại quan điểm đó, nói rằng thượng hội đồng “không nói nhiều về các chủ đề,” mà là phương pháp thảo luận trong việc tập hợp mọi người lại với nhau và lắng nghe những gì họ nói, cầu nguyện về những điều đó, và sau đó đưa ra quyết định mà “không có thành kiến”.

Dựa trên truyền thống văn hóa châu Á là cởi giày trước khi vào nhà, Đức Tổng Giám Mục Kikuchi cho biết điều này phản ảnh cảm giác chào đón và hiếu khách, bởi vì “phải cởi giày và thoát khỏi cuộc sống hàng ngày, thoát khỏi những lo lắng khi bước vào căn nhà."

Ngài nói, mục tiêu của Thượng Hội đồng là “chúng tôi muốn trở thành Giáo hội chào đón tất cả mọi người”.

“Đầu tiên, xin chào mừng tất cả mọi người, sau đó hãy nói về vấn đề của các bạn trong Giáo hội. Cởi giày ra, vào nhà. Đừng đứng ngoài, hãy vào nhà tôi và kể về cuộc đời của bạn. Đó là những gì chúng tôi muốn giới thiệu và thực hiện tại các Giáo hội ở Châu Á”.

Đức Tổng Giám Mục Kikuchi đặc biệt nêu lên mối quan ngại về sự cần thiết phải suy nghĩ về cách thu hút giáo dân tham gia tốt hơn, đặc biệt là trong các vai trò đưa ra quyết định, lưu ý rằng thật khó để yêu cầu họ rời bỏ công việc và gia đình trong một tháng để tham gia thượng hội đồng.

Ngài nói, “Chúng tôi phải thực sự suy nghĩ về cách thực hiện điều đó và tôi nghĩ điều này thực sự thiếu nơi các giáo sĩ vì chúng tôi không có gia đình”.

Những người tham gia cũng cho biết nhu cầu đào tạo nhiều hơn ở mọi bình diện, đối với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, là mối quan tâm chung và sẽ mất thời gian để thực hiện những thay đổi khi họ quay trở lại giáo phận của mình và ổn định cuộc sống thường ngày của mình.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về hòa bình
Thanh Quảng sdb
15:53 22/10/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để trao đổi với tổng thống về những xung đột khác nhau và sự cần thiết phải xác định những đường hướng đưa tới hòa bình.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Chiều Chúa Nhật (22/10/2023), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 20 phút.

Đức Thánh Cha và Tổng thống đã nói về “tình hình xung đột trên thế giới và sự cần thiết phải xác định những con đường dẫn đến hòa bình”.

Lời kêu gọi hòa bình

Trước đó vào trưa Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái kêu gọi hòa bình và các phe hãy kiềm chế trong cuộc chiến ở Thánh địa.

ĐTC nói: “Tôi rất lo lắng và đau buồn. Tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những ai đang sầu khổ, các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và gia đình họ.”

Ngài than thở về tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở giải Gaza và các vụ nổ tại bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Hy Lạp ở Gaza.

ĐTC nói: “Tôi nhắc lại lời kêu gọi mở ra các không gian, để viện trợ nhân đạo tiếp tục được đến nơi và để các con tin được giải thoát.”

ĐTC cũng nhắc lại cuộc chiến đang diễn ra ở "Ukraine như một cuộc tử vì đạo".

"Chiến tranh, bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra trên thế giới – làm tôi nghĩ đến đất nước và người dân Ukraine đang bị tử đạo", Đức Thánh Cha tiếp tục, "Chiến tranh là một thất bại. Chiến tranh luôn là một thất bại, nó là sự hủy diệt tình huynh đệ nhân loại. Anh chị em ơi, hãy dừng lại! Dừng lại!"

Viện trợ nhỏ giọt vào Gaza

Tổng thống Biden đã có chuyến thăm ngắn ngày thứ Tư, 18/10/2023, tới Tel Aviv để tìm kiếm một thỏa thuận cho phép viện trợ nhân đạo từ Ai Cập được vào Gaza.

Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel vào ngày 7/10, khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng.

Số lượng hỗ trợ nhân đạo dù hạn chế, nhưng đã bắt đầu được chuyển đến Gaza vào thứ Bảy, mặc dù Liên Hợp Quốc cho biết khoản viện trợ này như “một giọt nước trong đại dương trước nhu cầu quá to lớn ở Gaza”.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 Tháng 10
Đặng Tự Do
20:29 22/10/2023


Chúa Nhật 22 Tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 29 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”

Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay kể cho chúng ta về một số người Pharisêu hợp tác với phe Hêrôđê để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ luôn cố gài bẫy Ngài. Họ đến gặp Ngài và hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22:17). Đó là một mưu mẹo: nếu Chúa Giêsu hợp pháp hóa việc nộp thuế, Ngài đứng về phía một thế lực chính trị không được người dân ủng hộ, trong khi nếu Ngài bảo không nộp thuế, Ngài có thể bị buộc tội nổi loạn chống lại đế quốc. Một cái bẫy thực sự. Tuy nhiên, Ngài đã thoát khỏi cạm bẫy này. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem một đồng tiền có hình Xêda, và nói với họ: “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (c. 21). Điều đó có nghĩa là gì?

Những lời này của Chúa Giêsu đã trở nên thông thường, nhưng đôi khi chúng được sử dụng không chính xác – hoặc ít nhất là rút gọn – để nói về các mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, giữa Kitô hữu và chính trị; chúng thường được giải thích như thể Chúa Giêsu muốn tách “Xêda” khỏi “Thiên Chúa”, nghĩa là, trần thế khỏi thực tại tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ như vậy: đức tin với những thực hành của nó là một chuyện, còn cuộc sống hàng ngày lại là một chuyện khác. Nhưng điều này không đúng. Không. Đây là một dạng “tâm thần phân liệt”, như thể đức tin không liên quan gì đến cuộc sống thực, với những thách đố của xã hội, với công bằng xã hội, với chính trị, v.v.

Trên thực tế, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta đặt “Xêda” và “Thiên Chúa” vào đúng vị trí. Việc chăm sóc trật tự trần thế thuộc về Xêda - nghĩa là chính trị, các tổ chức dân sự, các quá trình kinh tế và xã hội, và chúng ta, những người đắm chìm trong thực tế này, phải trả lại cho xã hội những gì nó mang lại cho chúng ta, thông qua sự đóng góp của chúng ta với tư cách là những công dân có trách nhiệm, chăm sóc những gì được giao phó cho chúng ta, thúc đẩy luật pháp và công lý trong thế giới công ăn việc làm, đóng thuế một cách trung thực, dấn thân vì lợi ích chung, v.v. Tuy nhiên, đồng thời, Chúa Giêsu khẳng định thực tại cơ bản: con người thuộc về Thiên Chúa: tất cả con người và mọi con người. Và điều này có nghĩa là chúng ta không thuộc về bất kỳ thực tại trần thế nào, bất kỳ “Xêda” nào. Chúng ta là của Chúa và chúng ta không được làm nô lệ cho bất kỳ quyền lực trần thế nào. Như vậy, trên đồng tiền có hình vị hoàng đế, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được in dấu hình ảnh của Thiên Chúa, là điều mà không gì và không ai có thể che khuất được. Mọi sự ở thế gian này thuộc về Xêda, nhưng con người và thế giới thuộc về Thiên Chúa: đừng quên điều này!

Vậy, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang khôi phục lại căn tính của mỗi người chúng ta: trên đồng xu của thế giới này có hình ảnh Xêda, nhưng anh chị em – mỗi người chúng ta – anh chị em mang hình ảnh nào trong mình? Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tôi mang trong mình hình ảnh nào? Anh chị em hãy tự hỏi hình ảnh cuộc đời anh chị em là ai? Chúng ta có nhớ rằng chúng ta thuộc về Chúa, hay chúng ta để mình bị uốn nắn bởi luận lý của thế gian và biến công việc, chính trị và tiền bạc thành những thần tượng của chúng ta để được tôn thờ?

Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh giúp chúng ta nhận ra và tôn vinh phẩm giá của chúng ta và của mỗi con người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa suy nghĩ của tôi hướng về những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi rất lo lắng, đau buồn. Tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những người đang đau khổ: các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và người thân của họ. Tôi nghĩ đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và tôi rất buồn khi bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Đông Phương cũng bị tấn công trong những ngày gần đây. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình để mở ra các không gian, để viện trợ nhân đạo tiếp tục đến và để các con tin được giải thoát.

Tôi cũng nghĩ đến Ukraine đang bị dày vò, và khẳng định rằng chiến tranh, bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra trên thế giới đều là một thất bại. Chiến tranh luôn là một thất bại; đó là sự hủy hoại tình huynh đệ của con người. Các anh em, dừng lại! Dừng lại!

Tôi nhắc nhở anh chị em rằng Thứ Sáu tới, ngày 27 tháng 10, tôi đã công bố ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối, và tối hôm đó lúc 18 giờ tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta sẽ dành một giờ cầu nguyện để cầu xin hòa bình trên thế giới.

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật Thế giới Truyền giáo với chủ đề: “Trái tim rực lửa, đôi chân chuyển động”. Hai hình ảnh nói lên tất cả! Tôi kêu gọi mọi người, trong các giáo phận và giáo xứ, hãy tích cực tham gia.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và những người hành hương, đặc biệt là các nữ tu Siervas de los Pobres hijas del Sagrado Corazón de Jesús, đến từ Granada; các thành viên của Centro Académico Romano Fundación, Hiệp hội Señor de los Milagros, của người Peru ở Rôma; và cảm ơn anh chị em, cảm ơn chứng tá của anh chị em! Hãy tiếp tục công việc tốt đẹp với lòng đạo đức cao thượng như vậy.

Tôi chào các thành viên của phong trào truyền giáo giáo dân “Tất cả những người bảo vệ nhân loại”; dàn hợp xướng đa âm “Sant'Antonio Abate” của Cordenons, và các hiệp hội tín hữu từ Naples và Casagiove.

Tôi cũng chào các bạn trẻ của “Casa Giardino”, “Ngôi nhà trong vườn” của Casalmaggiore; nhóm bạn trẻ thuộc Cộng đồng Emmanuel; các giám đốc và giáo viên của Trường Công Giáo “Gioan XXIII” của Toulon, và các học sinh của Trường Trung học “Saint Croix” của Neuilly.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Anh chị em cũng vậy, hỡi những người trẻ của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Ứng cử viên Tổng thống Á Căn Đình, thường xuyên xúc phạm Đức Giáo Hoàng, chưa thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống
Đặng Tự Do
21:19 22/10/2023
Nhà dân túy cực hữu lập dị Javier Milei đã không thể giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Á Căn Đình, khi Bộ trưởng tài chính trung dung Sergio Massa bất ngờ đánh bại đối thủ cấp tiến của ông.

Những người ủng hộ Milei, một người ngoài chính trị mồm mép được mô tả là sự kết hợp người Á Căn Đình của Donald Trump, Jair Bolsonaro và Boris Johnson, đã hy vọng ông ấy sẽ hướng tới một chiến thắng hoàn toàn giật gân tương tự như chiến thắng gây sốc của Bolsonaro ở Brazil vào năm 2018.

Tuy là người Công Giáo, Milei thường xuyên chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô, với những từ ngữ không thể lặp lại ở đây. Tình hình nghiêm trọng đến mức tờ Crux nhận xét rằng cuộc bầu cử Tổng thống ở Á Căn Đình là một cuộc trưng cầu dân ý về mức độ tín nhiệm của người dân Á Căn Đình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nếu Milei thắng, điều đó có thể hiểu là dân chúng Á Căn Đình đã quay lưng lại với Đức Giáo Hoàng, khi dồn phiếu cho một người chỉ trích ngài nặng nề như thế.

Tuy nhiên, với 93% số phiếu được kiểm vào tối Chúa Nhật, đối thủ theo chủ nghĩa Peron của ông là Massa đã giành chiến thắng trong ngày với 36,4% trong tổng số 24,6 triệu phiếu bầu. Milei - người đã hứa bãi bỏ ngân hàng trung ương Á Căn Đình và tránh xa các đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc và Brazil - đứng thứ hai với 30,1%. Ứng cử viên tiếp theo là cựu bộ trưởng an ninh theo đường lối bảo thủ, Patricia Bullrich, đứng thứ ba với khoảng 23,8%. Massa, 51 tuổi và Milei, 53 tuổi, sẽ đối đầu ở vòng hai vào ngày 19 tháng 11

Chủ nghĩa Peron có thể được mô tả như một hệ ý thức hệ ở vị trí thứ ba vì nó bác bỏ cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa Peron tán thành việc hòa giải căng thẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, trong đó nhà nước chịu trách nhiệm đàm phán thỏa hiệp trong xung đột giữa người quản lý và người lao động

Theo hiến pháp Á Căn Đình, để giành chiến thắng hoàn toàn ngay trong vòng đầu, một ứng cử viên phải cần hơn 45% số phiếu bầu hoặc hơn 40% cũng được nhưng phải dẫn trước đối thủ gần nhất của mình hơn 10%.

Kết quả này khiến Á Căn Đình phải đối mặt với một tháng bất ổn sâu sắc, hỗn loạn kinh tế và tin giả trước cuộc đọ sức giữa Massa và Milei, một nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do, người chỉ mới bước chân vào thế giới chính trị hai năm trước khi ông được bầu vào quốc hội. Chiến thắng của Massa không được bảo đảm vì nhiều cử tri cánh hữu của Bullrich có thể chuyển sang ủng hộ cho tay Milei.

Khi bỏ phiếu vào Chúa Nhật, Milei, người nổi tiếng với tư cách là một chuyên gia truyền hình có khuynh hướng say sưa về tình dục, tuyên bố rằng ông có thể lãnh đạo “chính phủ tốt nhất trong lịch sử” nếu được bầu.

“Chúng ta sẽ quyết định xem liệu chúng ta có thể biến Á Căn Đình trở thành một cường quốc hay biến mình thành khu ổ chuột lớn nhất trên Trái đất,” nhà dân túy có mái tóc bù xù nói sau khi chen lấn qua biển người ủng hộ và nhà báo để đến điểm bỏ phiếu của trường đại học.

Marcela Pagano, một nhà báo truyền hình đang tranh cử một vị trí trong quốc hội cho đảng La Libertad Avanza (Những tiến bộ tự do) của Milei, dự đoán những cử tri giận dữ sẽ sẵn sàng “loại bỏ” các chính trị gia truyền thống bị nhiều người đổ lỗi vì đã đẩy 40% công dân vào tình trạng nghèo đói và tỷ lệ lạm phát ở mức ba con số.

“Tôi tin rằng anh ta là người duy nhất có thể đưa Á Căn Đình lên khỏi mặt đất,” Pagano nói về Milei, người đã biến chiếc cưa máy trở thành một trong những biểu tượng chính trong chiến dịch tranh cử của mình - được cho là tượng trưng cho kế hoạch cắt giảm chi tiêu và chia cắt cơ sở chính trị.

Các thành viên nổi tiếng của phe cực hữu Nam Mỹ đã bay tới Á Căn Đình với hy vọng giành được chiến thắng ở Milei để thúc đẩy phong trào của họ sau khi người dẫn đầu, Bolsonaro của Brazil, mất quyền lực vào tay phe cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva vào tháng 10 năm 2022.

Con trai nghị sĩ Bolsonaro, Eduardo Bolsonaro, đã tới Buenos Aires để ca ngợi “phong trào không thể ngăn cản” của Milei – đó là lời bình luận mà tờ báo Á Căn Đình Clarín cho rằng đã vi phạm luật bầu cử của nước này. “Hiện tượng bạn nhìn thấy trên đường phố cũng giống như hiện tượng mà chúng tôi đã trải qua ở Brazil vào năm 2018,” Eduardo Bolsonaro tuyên bố khi đề cập đến chiến thắng vang dội của cha mình.

José Antonio Kast, chính trị gia Chí Lợi cực kỳ bảo thủ, người đã không thể trở thành tổng thống nước mình vào năm 2021, cũng tán thành Milei. “Á Căn Đình sẽ không thay đổi với những người cũ,” Kast viết, nhắc lại một trong những khẩu hiệu tranh cử quan trọng của người Á Căn Đình.

Những người cánh tả Nam Mỹ cũng đã xuất hiện ở Buenos Aires trước cuộc bầu cử nhằm củng cố chiến dịch chậm chạp ban đầu của Massa, bao gồm một số bác sĩ quay phim người Brazil đã giúp Lula vượt qua Bolsonaro trong cuộc bầu cử lịch sử năm ngoái.

Một video trên mạng xã hội do Brazil sản xuất được phát hành vào đêm trước cuộc bầu cử hôm Chúa Nhật đã so sánh Milei với Bolsonaro và kêu gọi cử tri Á Căn Đình phản đối Milei. “Bolsonaro đã được bầu ở Brazil và đó là một cơn ác mộng,” một người kể chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha nói về chính quyền của Bolsonaro, trong đó hàng trăm nghìn người đã chết vì Covid và Brazil trở thành một quốc gia bị quốc tế ruồng bỏ. “Á Căn Đình không cần phải trải qua chuyện này”.

Một chiến dịch áp phích của Massa đã cảnh báo người dân về những ý tưởng cấp tiến nhất của Milei, bao gồm việc hợp pháp hóa việc bán nội tạng người và tuyên bố ông sẽ đẩy Á Căn Đình vào cuộc khủng hoảng kinh tế kiểu năm 2001. Một người nói: “Tờ The Economist nói rằng Milei là một rủi ro đối với nền dân chủ Á Căn Đình”. “Bạn có thực sự nghiêm chỉnh khi bỏ phiếu cho anh ta không?”

Massa và các đồng minh của ông đã đẩy mạnh chiến dịch của họ sau chiến thắng gây ấn tượng mạnh của Milei trong cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 8

Những nỗ lực đó dường như đã mang lại kết quả vào hôm Chúa Nhật khi các cử tri đi bầu tổng thống và phó tổng thống mới của Á Căn Đình cũng như khoảng một nửa trong số 257 thành viên quốc hội, một phần ba thượng viện và một số thống đốc, bao gồm cả các tỉnh và thành phố. của Buenos Aires.

Axel Kicillof, một đồng minh của Massa đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là thống đốc Buenos Aires - một chiến trường bầu cử quan trọng, nơi sinh sống của gần 40% tổng số cử tri Á Căn Đình - cũng có kết quả tốt hơn mong đợi, giành chiến thắng với tỷ lệ chênh lệch gần 20%. Ứng cử viên của Milei đứng thứ ba. “Cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là chế độ độc tài sẽ không bao giờ xảy ra nữa,” Kicillof nói với những người ủng hộ khi đề cập đến quyết định của Milei nhằm hạ thấp số người thiệt mạng trong chế độ quân sự của Á Căn Đình trong chiến dịch tranh cử của ông.

Ứng cử viên của Milei để trở thành thị trưởng thành phố Buenos Aires, Ramiro Marra, đứng ở vị trí thứ ba với chỉ 13,9% phiếu bầu.

Người đồng tranh cử phó tổng thống của Milei, luật sư cực kỳ bảo thủ Victoria Villaruel, đã tỏ ra dũng cảm trong một đêm đáng thất vọng bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử của họ trong khách sạn năm sao “Liberator Hotel”. Theo tờ báo Clarín của Á Căn Đình, cô nói: “Chúng tôi cảm thấy mình như những người chiến thắng.”


Source:The Guardian
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tác phẩm, tác giả và người dịch thơ
Văn Duy Tùng
01:05 22/10/2023
Nhân Ngày Lễ Bổn Mạng Thánh Gioan Phaolô II, Kính gửi đến Quý Vị và Các Bạn bài viết dưới đây:



TÁC PHẨM, TÁC GIẢ VÀ NGƯỜI DỊCH THƠ

Ngày 27 Tháng 04 Năm 2014, Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô Đệ Nhị.

Ngài là vị giáo hoàng Ba Lan đầu tiên từ một quốc gia cộng sản, cũng là vị giáo hoàng duy nhất trong lịch sử nhân loại nối kết được các tôn giáo. Đặc biệt nhất là đến thăm các đền thờ Hồi giáo, Do Thái giáo và tiếp đón chính thức Giáo Hội Chính thống Hy Lạp kể từ cuộc ly giáo năm 2054. Ngài cũng là vị giáo hoàng duy nhất bị ám sát nhưng được cứu sống.

Con người, cuộc sống, lòng đạo đức, thánh thiện, nhân cách, tinh thần làm việc và cách lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo của ngài; Thế giới đã rõ, đã biết, đã tường tận. Nhất là lòng kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ và kính yêu đối với tất cả chúng ta. Không những thế mà còn cảm thương cho cuộc đời của ngài từ khi còn là một cậu bé mồ côi mẹ, rồi lớn lên đi lao động, đi quân dịch; cũng mang ba lô, đội nón sắt, sẵn sàng hy, sinh hiên ngang bảo vệ quê hương tổ quốc của mình. Hết nghĩa vụ quân ngũ, ngài lên đường theo tiếng gọi lương tâm, vào chủng viện đi tu, làm linh mục, giám mục, Hồng Y, làm giáo hoàng và giờ đây, ngài đang làm thánh cho chúng ta. Cả loài người thiên hạ kể từ đây sẽ gọi và tuyên xưng ngài là Thánh Nhân – Saint.

Bắt đầu Năm Phụng Vụ 2014 và mãi đến suốt đời, Giáo hội khắp nơi trên Hoàn vũ mừng lễ kính ngài là vị Thánh Gioan Phaolô II. Đó là Ngày 22 Tháng 10 hàng năm.

Thưa Bạn,

Nói và viết về ngài, có lẽ với tôi và cả với bạn nữa sẽ rất dè dặt, vì quả thật ngôn ngữ giới hạn của chúng ta không đủ để diễn đạt trong khi sự nhân đức và thánh thiện của ngài thì quá bao la và cao cả. Có nhiều người đã nói, đã viết về ngài, về vị thánh sống từ khi ngài còn nơi dương thế. Vâng, cả thế giới này đã thực hiện và làm những điều đó mỗi ngày ròng rã suốt gần năm mươi năm qua bằng nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông và báo chí, trên các trang mạng kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978, rồi mãi đến khi ngài qua đời, và vẫn còn khơi dậy cho đến hôm nay. Tôi tin tưởng ảnh hưởng của ngài sẽ còn rộng lớn hơn trong tương lai và sẽ mãi mãi trong dòng chảy của kiếp nhân sinh.

Thánh nhân Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đi vào lòng lịch sử của Thế giới, của Giáo Hội Công Giáo và bất biến trong lòng kính yêu, trong mỗi trái tim của người tín hữu hiện diện khắp nơi trên quả địa cầu này.

Tuy nhiên, có lẽ bạn và tôi sẽ không biết đến về một lĩnh vực rất riêng của ngài mà theo Đức Cha Giáo Phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt nghiên cứu và tìm hiểu rằng, Ngài là một trong bảy nhà thơ lớn của nền văn học nước Ba Lan, và nếu hôm nay không có Giáo sư Phanxicô Lê Đình Thông, một học giả có tiếng tăm tại Pháp nói riêng và Hải Ngoại nói chung đã khổ công nghiên cứu, chuyển ngữ, rồi dịch thơ của thánh nhân lại bằng tiếng Việt Nam của chúng ta. Một ngôn ngữ mẹ đẻ rất gần gũi bên cạnh như hơi thở, như “cơm với cá, như mạ với con”, thì có thể chúng ta chưa biết trọn vẹn đến ngài.

Qua tập thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được vị giáo sư này dịch lại mà tôi nhận được từ một anh nhạc sĩ bạn. Tôi lắng đọng tâm hồn để đọc từng chữ, từng câu, từng ý tưởng và lần lượt từ bài này qua bài khác. Dòng thơ ấy đã lôi cuốn tôi vào một tri thức của chữ nghĩa và của văn chương, dẫn tôi đến bến bờ không phải là sự trừu tượng mà thực thể cho tôi được cảm, được nhận và biết thêm về cuộc sống đời thường với tình cảm sâu kín rất thật, rất giản dị nơi con người của thánh nhân.

Bài thơ "Mẹ Ơi" (Trích đoạn I) của ngài. Qua một góc nhìn với một lăng kính giới hạn nào đó, tôi thấy được tình cảm của ngài đối với người mẹ của mình, một thứ tình cảm luôn dạt dào nhưng luôn khắc khoải và lắng sâu. Ngài không thể che dấu niềm đau vật vờ và nỗi chua xót thiếu thốn người mẹ trong đời sống.

Chúng ta có thể tưởng tượng và nhận ra được cuộc đời đơn côi của một đứa bé bị mất mẹ. Với những tháng ngày ngỏ vắng, dại khờ, với lờ mờ sớm trưa mà ngài phải gánh lấy trong quãng đời thơ dại đó. Tựa đề bài thơ này chỉ vỏn vẹn có mỗi hai chữ "Mẹ Ơi". Vâng, chỉ có hai tiếng giản dị đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy được sự khao khát tình mẫu tử nơi ngài đến thế nào. Khao khát của một đứa bé luôn cần có mẹ bên cạnh để được che chở và vỗ về, được gọi "mẹ ơi" bất cứ khoảnh khắc nào trong đời sống từ khi bé thơ và thậm chí đến khi đã khôn lớn. Nhưng quả thật, ngài đã bất hạnh vì không được gọi hai tiếng thiêng liêng đó. Hai tiếng gọi đầu đời trên môi của em bé mà không một ai hướng dẫn, không một trường lớp nào dạy dỗ, chỉ bảo. Chỉ có Thượng Đế mới gắn chặt tình mẫu tử thiêng liêng đó ngay từ những giây phút phôi thai khi đứa bé được thụ thai, rồi nên hình nên dạng trong dạ lòng của người mẹ.

Tôi nghĩ rằng, dịch giả Giáo sư Lê Đình Thông đã thẩm thấu và cảm nhận điều sâu xa về cuộc đời thiếu thốn tình mẫu tử của thánh nhân, để chọn và dịch lại hai tiếng "Mẹ Ơi" rồi đặt tên làm tựa đề cho bài thơ này.

Hãy điểm qua một vài câu thơ của ngài được chuyển ngữ và dịch lại sau đây:

Dòng đời trôi nổi bấp bênh

Qua bao năm tháng lênh đênh nỗi sầu

Mẹ tôi mất cũng đã lâu

Làm sao quên được niềm đau vật vờ
...

Thế đó! Ôi tình cảm thật chân thiết đã in sâu vào tâm trí, trong tiềm thức của ngài mà khi đọc qua, có lẽ chúng ta không ngăn chặn được cái nghèn nghẹn co thắt đâu đó trong tim, và có thể giọt lệ đang làm ta cay mắt chực ứa trào.

Chưa hết, bài thơ "Hoa Trắng" cũng là một kiệt tác về văn chương nhưng cũng rất đậm sâu về tình cảm mà tác giả đã diễn tả như tiếng kêu rên rỉ âm thầm, xót đau trong lòng của một đứa bé mất mẹ.

Bài thơ Hoa Trắng này đã thật sự dẫn đường tôi đến để nhìn thấy ngôi mộ của mẹ thánh nhân. Tôi tin chắc ngôi mộ này rất đơn sơ và có thể lót đá hoặc quét vôi trắng nằm chênh vênh, đơn độc ở một góc chân trời nào đó mãi tận nước Ba Lan. Bài thơ này đã cho tôi cảm nghiệm thêm nỗi buồn, xót xa, qua những năm tháng trong từng giây phút trống vắng, lạc lõng, đơn côi giữa dòng đời mà thánh nhân đã đối diện và sống trong hoàn cảnh mất mẹ từ khi ngài còn rất nhỏ bé, khoảng tám chín tuổi nếu người viết nhớ không lầm.

Tôi đây cũng đã mất mẹ, mới mất cách đây bốn năm thôi và mất khi tôi đã là năm mươi tuổi. Vâng, năm mươi tuổi mà mất mẹ thì cũng xem như đã vững chân đứng trong dòng đời ngược xuôi, tự lo và xoay xở và tự sống còn về thể lý. Tuy nhiên và mặc dù thế, trong tôi vẫn luôn cảm nhận được sự đau xót, thương tiếc, đơn côi, bơ vơ, lạc lõng đến thế nào ấy. Nhất là khi tôi thất thểu bám sau quan tài để tiễn đưa mẹ tôi xuống lòng huyệt. Dòng lệ và dòng suy tư đã làm tôi ý thức được là kể từ nay tôi sẽ không còn mẹ trong cuộc đời, sẽ không bao giờ được gần bên mẹ, được gọi tiếng mẹ ơi khi cần đến mỗi khi đau khổ hay hoạn nạn để được mẹ ủi an, khi hạnh phúc hay khi sướng vui để kể cho mẹ mừng, khi thất bại hay công thành danh toại để chia sẻ với mẹ... Với những cảm nhận chia ly và mất mát của tôi đó, thì huống chi sự đau đớn, chua xót và đơn côi đối với một đứa bé mới lên tám tuổi. Ôi niềm đau sâu thẳm đó đến chừng nào? Làm sao và có thể đứa bé tự định hướng được trong cuộc đời?

Những đau xót và thương tiếc của thánh nhân được diễn tả qua các vần thơ trong bài Hoa Trắng, thật sự đã dao động trong tâm hồn tôi, đã làm tôi phải chảy nước mắt khóc thương nhớ đến mẹ của tôi mà giờ đây ngôi mộ và thân xác của mẹ cũng đang nằm cô quạnh dưới lòng đất lạnh:

Mẹ tôi mộ đá trắng ngần

Nở bông hoa trắng xoay vần đời con

Vành tang mất mẹ mỏi mòn

Bao năm xa cách một lòng nhớ thương

Mẹ tôi mộ trắng xót thương

Tình yêu hoa trắng còn vương cõi trần

Mẹ tôi mộ vắng vấn vương
...(Trích đoạn trong bài thơ Hoa Trắng)

Hãy dành thời gian để đọc hai muơi lăm bài thơ của ngài, rồi thả dòng suy tư về đời sống và con người của thánh nhân. Ngoài các nhân đức và đời sống thánh thiện, ngài còn có lòng đặc biệt yêu quê hương và đất nước của mình. Có hai câu mà ngài đã nói và đã để lại cho chúng ta thấy được lòng yêu nước, yêu quê hương, thương giống nòi thật mãnh liệt ở trong trái tim của ngài.

Trong thời gian làm giáo hoàng, ngài đã thẳng thắn và can đảm nhưng rất chân thành bày tỏ lòng yêu nước của mình. Ngài nói: "Dù là một vị Giáo Hoàng, nhưng tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi". Ngài còn khẳng định lòng yêu quê hương và muốn bảo vệ cho đồng bào dân tộc của mình qua câu nói sau đây: "Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi".

Ngày đắc cử ngôi vị Giáo Hoàng và đứng trên ban lơn, ngài cất tiếng chào mừng và chúc bình an cho mọi tín hữu. Ngoài lời chào mừng và chúc bình an đó, ngài đã dùng một đoạn ngắn của Thánh Matthêu trong Phúc âm để nói với dân chúng: "Các con đừng sợ" Một câu nói ngắn ngủi ấy thôi, thế mà sau này đã làm tan rã các thế lưc tà quyền và những mưu mô của thế tục. Vì "Các con đừng sợ" nên người dân Đông Đức đã mạnh dạn hiên ngang đứng dậy dùng búa thẳng tay phá sập bức tường ô nhục Bá Linh năm 1989 để vượt qua Tây Đức tìm lại bà con, gia đình, tìm lại tự do mà sau bao nhiêu năm run sợ vì phải bị bức tường ngăn cách dòng máu lưu thông trong huyết quản một người mẹ chỉ vì ý thức hệ và lòng tham bá chủ của những đứa con cứng đầu, ngổ nghịch, tham lam và khó dạy !

"Các con đừng sợ", Ngài cũng đã lập lại một lần nữa trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ như để nhắc nhở những thế hệ trẻ sau này đừng sợ mà hãy mạnh dạn chiến đấu với nền văn hóa của sự chết, văn hóa của bóng tối và của tội lỗi...

Lòng yêu quê hương và đất nước của ngài có thể diễn tả qua bài thơ của ngài nói về người diễn viên nơi sân khấu cuộc đời.

Quanh ta có biết bao người

Tác phong chín chắn nói cười thong dong

Ta như thác nước xuôi dòng

Mà không hổ thẹn tấm lòng sắt son
... (Trích đoạn trong bài thơ Diễn Viên)

Dù là một vị Giáo Hoàng cao trọng, nhưng tôi nghĩ ngài rất gần gũi với người chân lấm tay bùn, người thấp cổ bé miệng. Từ người lao công của hầm mỏ, đến những công nhân lao động chân tay như xẻ đá, đục, gõ, cưa, bào với những giọt mồ hôi đổ xuống.

Dùng bàn tay chai đá nứt làn da

Giơ búa cao đập tan bao tảng đá

Đá chẻ ra bao ý nghĩ mặn mà

Nhờ chịu khó ta làm nên tất cả
... (Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Vâng, thơ hay mà người dịch thơ cũng tuyệt vời và khéo léo. Nhưng hình như chúng ta đang nghe có tiếng thở dài mệt nhoài và thấy những giọt mồ hôi nhễ nhãi, lấm tấm trên khuôn mặt và ướt đẫm trên chiếc áo lao động của ngài.

Người thợ điện nghỉ ngơi cơn gió mát

Xẻ non cao đào sông rạch xa gần

Bác nông phu phơi lúa chín ngoài sân

Bầy con nít nắm tay nhau ca hát
... (Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Gần gũi nhất là tác giả vẽ cho ta một bức tranh, trong đó có hình ảnh sống động của bác nhà nông với con trâu, đồng lúa, với ánh sáng mặt trời đang chiếu rọi trên ruộng nương. Cho ta thấy bác phu đang cày cấy mà có thể bác phu đó cũng chính là ngài với những mong ước rất chi là bình thường và giản dị... Sự mong đợi từ những cây mạ non khi vừa ươm xuống lòng ruộng, rồi từng ngày chăm bón ngóng chờ được nảy mầm, niềm sung sướng khi thấy lúa trổ đòng đòng, thỏa lòng khi được mùa gặt bội thu, hát câu ca vang trên con đường đê, khấp khởi hân hoan kề vai quảy gánh thóc về.

Hãy nhìn vào bức tranh, để thấu và cảm nhận được lòng ngóng trông của bác nhà nông:

"Ánh mắt nào còn mong còn đợi

Mau đến mùa lúa mới đơm bông

Cấy cày vất vả nhiều công

Mong sao mưa thuận

Cầu mong gió hòa...
(Trích đoạn trong bài thơ Mùa Lúa Mới)

Tôi nghĩ thánh nhân khi đương thời đã có cái nhìn rất thực tế về nhân sinh quan. Ngài không bao giờ bi quan, nhưng luôn lạc quan trong mọi tình huống của đời sống. Đặc biệt nơi ngài là sự quan tâm đến những người chung quanh và lòng xót thương khi gặp người bị nạn.

Nếu giả sử ngài không phải là vị giáo hoàng mà tôi chỉ biết và tìm hiểu sau khi đọc các vần thơ, tôi sẽ thấy nơi ngài có lòng thương người và rất quan tâm những ai bên cạnh dù thời gian eo hẹp và dù có bận rộn trong đời sống.

"Tâm trí ta mệt nhoài tim bấn loạn,

khu phố đông người qua lại vội vàng.

Lời dặn dò nghe đó đây loáng thoáng,

chớ bỏ qua rồi ra sẽ muộn màng
..." (Bài thơ Tiếng Thầm).

Trong cuộc sống và dòng đời vội vã, có lẽ bạn và tôi không dành thời gian nhiều để quan tâm người bên cạnh, mà thật ra người nào cũng có liên quan trong đời sống của chúng ta bằng cách này hay cách khác. Từ người láng giềng, hàng xóm đến những bạn bè, những người Thầy, người Cô dạy dỗ ta, những người cùng mang một dòng máu đỏ da vàng và những người thân trong gia đình... thử hỏi có mấy khi ta mở lời chào và thăm hỏi hay quan tâm đến đời sống và sức khỏe của họ thật lòng?

Xã hội và môi trường bây giờ có xu hướng về chủ nghĩa cá nhân, họ không còn cái xót thương và lòng trắc ẩn khi gặp người bị hoạn nạn hay thiếu may mắn trong đời sống, thậm chí ngoảnh mặt hay vô tâm để rồi phải xảy ra "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du).

Cách đây không lâu bên nước Trung Quốc, có một em bé bị xe cán và bị thương khá nặng khi băng qua đường. Biết bao người qua lại đã nhìn thấy em bé tội nghiệp đang nằm dẫy dụa với các vết thương, nhưng tất cả đều vô tâm mặc dù con phố luôn tấp nập và đông người qua lại. Có lẽ vì bận rộn chạy cho kịp cuộc sống để rồi không một ai chịu cúi xuống ra tay giúp đỡ hoặc đưa em bé đi bệnh viện, hoặc băng bó vết thương. Cuối cùng vì kiệt sức bởi máu ra quá nhiều và em đã nhắm mắt lìa trần chết tất tưởi một cách thê thảm và oan uổng. Khi chết rồi, xác em cũng nằm trên góc con phố đó đến chiều tối cũng không có một ai màng đến.

Em nhắm mắt lìa trần nhưng có mở được mắt lương tri cho những người dân cùng mang dòng máu với em trên con phố nào đó ở bên Trung Quốc? Em nhắm mắt chết tất tưởi, nhưng tôi tin em đã mở mắt loài người trên thế giới để họ nhìn thấu rõ những con người đó đã đánh mất hết lương tâm, chai lì lòng trắc ẩn, coi thường tình người, mất tính nhân bản mà hậu quả là do sự nhồi nhét một thứ chủ nghĩa lạc hậu, lỗi thời, một thứ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân.

Nếu bạn lên youtube mà người Việt Nam đã đưa lên. Hãy mở xem những cảnh người lớn đánh nhau trên đường phố, trong trường học với các học sinh, thậm chí các học sinh nữ. Biết bao người đứng xung quanh chỉ để xem mà không hề chịu vào để can ngăn và giúp kẻ yếu được thoát nạn. Họ quá dửng dưng như thể con tim và lương tâm của họ không còn một chút xót thương và rung cảm của đồng loại.

Hãy nghe lời khuyên của thánh nhân:

Đừng nhìn nhau vẻ hời hợt bề ngoài,

Đến bên nhau trong sâu lắng khôn nguôi
...(Bài thơ Tiếng Thầm)

Vì chủ nghĩa cá nhân đã che lấp cái tình nghĩa con người, xem vật chất là trên hết. Văn hóa của bóng tối và văn hóa của sự chết đã làm tắc nghẽn dòng máu loài người, bóp chết trái tim biết rung cảm và xót thương, đóng cửa và nhốt lý trí lại nơi hàng rào trong bức tường ích kỷ, làm cho kém đi sự nhận thức và lu mờ để không còn có khả năng biết được những "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Hậu quả là biết bao cảnh đau lòng xảy ra trên thế giới từ chiến tranh chết chóc, khủng bố, đánh bom tự sát, nạn bạo hành trong gia đình, học trò đánh thầy, bác sĩ thủ tiêu bệnh nhân xuống sông vì lỡ làm chết để che dấu bởi cách chữa trị hời hợt và thiếu lương tâm. Các tệ nạn, cướp bóc, giành giật, hỗn loạn, đảo lộn mọi thứ trong đời sống. Tất cả điều đó cũng phát xuất từ các chủ nghĩa nói trên và xem thường cách giáo dục ở các nhà trường từ đức dục, trí dục, luân thường đạo lý, nhân lễ nghĩa trí tín, lòng đạo đức, tính thương người...

Có lẽ thánh nhân đã nhìn thấy một xã hội, một thế giới băng hoại đó nên ngài mới viết ra những lời tâm huyết để mời gọi và nhắn gửi đến chúng ta, nhất là nhắn gửi đến các bạn trẻ:

Các bạn trẻ tìm đường bước tới

Đường loanh quanh trăm lối về đâu

Biết chăng muốn bước qua cầu

Con đường chính đạo nhiệm mầu trong tâm
...( Trích đoạn trong bài thơ Đường Sáng)

Ôi thật là thâm thúy và nhiệm mầu !

Bạn đọc mến,

Như đã nói từ đầu, tôi chỉ muốn đề cập đến một góc cạnh trong lăng kính rất giới hạn của ngôn ngữ, và chỉ vỏn vẹn những vần thơ mà tôi cho đó là cái nhìn rất nhân sinh quan trong đời sống đời thường của Thánh Gioan Phao lô II. Những bài thơ, vần thơ tôn giáo, đạo đức, tu đức... của thánh nhân mà Giáo sư Lê Đình Thông cũng đã chuyển ngữ và khéo léo dịch thơ lại rất ý nghĩa và thanh thoát... Tôi không dám luận bàn hay phân tích, nhưng sẽ đọc mãi để cảm hóa lòng đạo đức của mình.

Trong tri thức và những gì là của ngài, cũng huyền nhiệm và cao cả. Từ cuộc sống đời thường nơi dương thế, đến khi ngài làm giáo hoàng, bị ám sát với bốn viên đạn xuyên qua ngực nhưng không chết, và thậm chí ngay cả thời gian mà ngài qua đời trong những ngày lễ Phục sinh và Tuần Cửu Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng nằm trong sự huyền nhiệm đó. Mà hễ điều gì, cái gì đã là huyền nhiệm thì con người và khoa học cũng không thể giải thích và chứng minh được.

Xin bạn hãy nhắm mắt suy luận để thấy rõ hơn những gì tôi vừa đề cập. Vâng, tất cả nơi ngài là huyền nhiệm và cao cả đối với tôi.

Tôi xin mời bạn hãy đọc những vần thơ đó sớm có thể, khi đọc những vần thơ đó là chính bạn đang thực sự cầu nguyện, nội tâm và trí đoán của bạn một cách nào đó đang siêu thoát và có thể đang chạm đến Đấng Thượng Trí.

Trong tri thức và lòng đạo đức của ngài, trong tâm tình và văn chương thi phú, kiệt tác, xuất chúng của ngài trải dài trên những vần thơ đó, đích thật là huyền nhiệm nhưng giãi bày, thanh thoát nhưng tình cảm, cao sâu nhưng gần gũi, triết lý nhưng thực tế, có thể sờ mó được, nhất là tấm lòng tình cảm chân chất của ngài đối với mẹ hiền, với quê hương và đối với nhân thế.

Cuộc đời trải dài tám mươi lăm năm nơi dương thế, ngài đã để lại biết bao điều thánh đức và gương sáng, về đời sống mục tử và chứng nhân. Nhân thế cũng đã để lại lòng thương mến, kính yêu, trân quý mà người người khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tòa Thánh nơi căn phòng có ánh sáng lọt qua cửa sổ trong những đêm ngài hấp hối, rồi tiếng khóc vỡ òa khi tin ngài qua đời. Cuối cùng chiếc quan tài bằng gỗ tạp đơn sơ, giản dị và khiêm hạ như chính con người và cuộc đời của ngài. Chiếc quan tài đặt sát xuống mặt đất giữa quảng trường Thánh Phêrô mênh mông biển người. Không có đèn nến, hoa đăng, không có vòng hoa, không có vải lụa, gấm vóc giăng đầy như các chủ tịch của nước Bắc Hàn qua đời, cũng không trầm hương ngào ngạt, khói hương nghi ngút như các vị vua chúa hay các bậc quyền quý, cao sang. Nhưng thay vào đó, ngài có hàng triệu triệu con tim khắp nơi trên thế giới, đủ mọi thành phần và giai cấp đã nhỏ lệ khóc tiếc thương.

Ngài đã sống thánh giữa trần gian và đã mang lại cho con người những điều của Chân - Thiện - Mỹ...

Một nhà thơ người Hoa Kỳ mang tên Ralph Waldo Emerson đã nói: "When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, you're the one who is smiling and everyone else is crying." Tôi xin tạm dịch: Khi bạn sinh ra, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc.

Vâng, tất cả mọi tín hữu đều đã khóc và thương tiếc sự ra đi của ngài, mặc dù ai cũng biết ra đi là khởi điểm cho ngày trở về. Về với Cha trên trời theo quan niệm và tín lý của Kitô giáo.

Người khôn ngoan thì luôn xây nhà trên đá, luôn nghĩ để dọn đường cho sự sống vĩnh hằng mai sau, còn dưới thế thì sẽ để lại tiếng thơm tiếng tốt muôn đời mà chính bia miệng của loài người sẽ nhắc mãi qua câu tục ngữ: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Thánh nhân biết rõ điều đó nên đã tự nói và luôn nhắc nhở lòng mình qua bài thơ ngắn ngủi của ngài sau đây:

Đời người ngắn ngủi không bằng

Cây đa cổ thụ đầu làng xanh lâu

Hơn nhau cuộc sống đời sau

Linh hồn sống mãi nhiệm mầu huyền vi


Hoặc là:

Đời người thân xác mất đi

Linh hồn như cánh chim di miệt mài

Sau này cát bụi hình hài

Bao nhiêu sự nghiệp một mai còn hoài
… (Trích đoạn trong bài thơ Độc Thoại)

Vâng, giờ đây mọi người sẽ không còn khóc nữa, nhưng sẽ cùng với ngài hân hoan tạ ơn Chúa và rồi cùng cười trong tiếng lòng với nước mắt sung sướng, nước mắt của hạnh phúc để đón nhận ơn thánh cao cả nhất mà ngài được tuyên phong là Đấng Hiển Thánh như Thánh Phaolô đã khẳng định: "Qua Thập Giá, sẽ đến Vinh Quang".

Có lẽ như có sự linh ứng khi ngài còn đương thời để rồi bài thơ "Bức Tường" mà ngài đã viết từ hôm nào về một vị thánh, và hôm nay biết đâu vị thánh đó có lẽ cũng chính là ngài?

Tường thẳng đứng hai bên là hốc đá

Tượng Thánh Nhân còn thanh thản nguyện cầu

Luôn mở ra trang sách thánh nhiệm mầu

Ngập tâm trí trầm hương bao điều lạ
...

Ôi, thật là huyền nhiệm ! Vâng, như tôi đã nói: tất cả nơi ngài là huyền nhiệm!

Thưa Bạn!

Đến đây có lẽ bạn và tôi sẽ chợt nghĩ và sẽ đề cập đến người đã chuyển ngữ và dịch thuật hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân, đó là Giáo sư Lê Đình Thông mà tôi có đề cập ở phần đầu.

Tôi nghĩ rằng đây là một ơn thánh đặc biệt đã tác động cho vị giáo sư mũi tẹt da vàng, sống đời tị nạn lưu vong trên phần đất không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của quê hương mình, và không phải khi sinh ra; vị giáo sư này được hấp thụ thứ ngôn ngữ của mẹ đẻ, gần gũi như hơi thở, như mẹ với con, mà rất xa lạ qua các ngôn ngữ tiếng Tây, tiếng Tàu, nhất là tiếng Ba Lan.

Nếu bạn có nói một cách rành mạch một thứ tiếng nào mà không phải ngôn ngữ của mẹ đẻ, thì cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó của chuyên môn, trong xã giao, giao dịch hay trong đời sống thường nhật. Nhưng đối vị với vị giáo sư này thì lại khác. Ông ta đã vượt xa điều tôi tưởng. Hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân mà ông ta đã dịch lại cũng đủ để chứng minh điều tôi muốn nói. Tôi nghĩ vị giáo sư này không những là một nhà thơ lỗi lạc mà còn là một nhà ngôn ngữ học uyên thâm.

Có lẽ bạn và tôi không thể phủ nhận cách chuyển ngữ và dịch thuật thật tài tình và khéo léo, mà còn diễn chuyển dịch qua thành các bài thơ tiếng Việt với các vần điệu, các thanh âm bằng trắc để hoàn thành trọn vẹn từ các thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, thơ đường, thơ tự do qua cách gieo vần thật phong phú, chứa đựng đầy đủ ngữ nghĩa với văn phong lôi cuốn... Nhà dịch thơ này còn lý luận, phân tích những từ của Hán Việt, rồi chọn và áp dụng vào những vần thơ nói trên. Thí dụ chữ "xiển dương" trong bài thơ Magnifica. Đây là văn từ ghép của Hán Tự mà vị giáo sư này đã dịch thuật lại để dùng từ này áp dụng cho thích hợp với cái khung cảnh, ngữ cảnh cũng như các chủ ngữ trong bài thơ Magnificat.

Trước đây, từ ngữ này đã có một số người đã dùng, trong đó còn có cả nhà thơ, và nhạc sĩ mà một vị nào đó đã dùng từ này để đặt tên cho một bài hát với tựa đề: "Mẹ Triển Dương" với câu hát đầu: "Mẹ triển dương trên núi Li Ba Nô..." Theo Hán Ngữ thì chữ "xiển" nghĩa là "mở ra" chữ "dương" cũng có nghĩa là "rộng, lớn, bao la..." Như vậy: xiển dương có nghĩa là mở ra bao la, trong đại... "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều trọng đại..." (Một trong đoạn kinh thánh của Thánh Luca 1, 47-55). Vậy theo ý nghĩa; tôi nghĩ chữ "xiển dương" mới đúng và chính xác như vị giáo sư này đã dùng đến.

Văn chương tiếng Việt rất phong phú với nhiều nét đặc thù lôi cuốn, có lẽ là nhờ âm điệu vì có các thanh âm năm dấu sáu giọng, nên tiếng Việt Nam "dễ thương" đến thế !

Lần đầu tiên khi đến Việt Nam và nghe người Việt Nam nói chuyện, các nhà ngoại quốc đã quả quyết và nói rằng: "Người Việt Nam nói chuyện như hát vậy".

Phải lắm, vì mỗi tiếng được phát ra là có âm điệu lên xuống bởi các thang âm của mỗi chữ mang các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Cũng thế, tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ đơn âm và nếu dùng đơn phương hay lẻ loi một từ thì sẽ rất nghèo nàn. Vì thế mới có các chữ được ghép lại qua sáng kiến của các học giả, nhất là các cụ xưa để cho tiếng Việt Nam thêm phần phong phú.

Những thế hệ đi trước đã ảnh hưởng rất nhiều đến chữ Nho và khi các cụ ghép lại thường là tiếng Nôm, tiếng Hán đi đôi. Thí dụ: dân-chủ, độc- lập, thế-lực, chính-quyền, tà-quyền, v.v... Cũng thế, thiết tưởng hôm nay chúng ta gọi tên nước Việt Nam mà thiếu đi chữ Nam có thiếu xót không nhỉ? (!).

Tôi chân tình và rất cảm phục cách chuyển ngữ rồi dệt lại và cuối cùng làm cho ra những vần thơ kiệt tác một cách trôi chảy mà bạn đang cầm trên tay. Tôi không có cơ hội đọc các bài thơ nguyên thủy của ngài, mà dẫu có đọc cũng không thể hiểu được vì có thể ngài viết bằng chính ngôn ngữ của ngài (Tiếng Ba Lan). Tuy nhiên, sau khi đọc các bài thơ đã được dịch lại, tôi đã cúi đầu để tạ ơn Chúa vì đã thấy và cảm nhận cách dịch thơ rất tài tình và tuyệt vời của Giáo sư Lê Đình Thông. Tôi nghĩ vị giáo sư này góp một bàn tay rất quan trọng để cho chúng ta hiểu thêm một góc cạnh trong đời sống văn chương của ngài, nhất là chắp cánh cho các bài thơ của thánh nhân đến với chúng ta có thêm hương sắc hương vị và hơi hám của văn học Việt Nam.

Với sự thông thái và uyên bác, vị giáo sư này đã làm cho các bài thơ của thánh nhân ý nghĩa hơn, hay và mượt mà hơn, tô điểm và mặc thêm bộ áo để các bài thơ ấy tươi sáng, rực rỡ và duyên dáng hơn.

Người đời thường nói "dịch" là "diệt". Nhưng với vị giáo sư này thì làm ngược lại, nghĩa là cho nó sống động hơn, đầy cảm xúc hơn qua nghệ thuật văn chương và thơ phú trời ban cho ông ta. Chính vì lẽ đó, các bài thơ ấy đã lôi cuốn tôi và tạo cho tôi nguồn cảm hứng lạ thường, điều mà những người làm công việc của nghệ thuật và của âm nhạc rất cần thiết và cần có để khai triển. Nguồn cảm hứng ấy đã giúp tôi hoàn thành mười ca khúc phổ từ hai mươi lăm bài thơ kiệt tác đó. Tôi chọn chủ đề "Lời Kinh nguyện" đặt tên cho cuốn CD gồm 10 ca khúc phổ thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II này.

Một bài thơ hay và ý vị, ắt phải hội đủ những yếu tố cần thiết về bố cục, ý nghĩa, văn chương, cách gọt chữ, vần điệu, câu cú và điệp từ như tôi đã nói ở trên, nhất là chiều sâu của bài thơ. Tạ ơn Chúa, Giáo sư Lê Đình Thông đã có và đã đạt được những điều đó.

Những thế hệ trước đã có các nhà thơ Công Giáo để đời như Hàn Mặc Tử. Lời thơ của vị này sâu thẳm, chúng ta có thể thấy máu và nước mắt trong từng câu thơ qua sự đau đớn và hy sinh về thể xác, nhưng cũng cho chúng ta cảm nghiệm cái tinh thần luôn biết cậy trông và phó thác. Gần đây có nhà thơ Xuân Ly Băng với các nhà thơ tiếng tăm khác. Và hôm nay chúng ta có thêm Giáo sư Lê Đình Thông, một nhà thơ và một người dịch thơ tuyệt vời.

Không phải là điều tự nhiên sắp xếp ý định của con người. Sự hiện diện hiếm có của vị giáo sư này trong những bài thơ của thánh nhân, tôi nghĩ cũng là Thiên định. Như tôi đã nói ngay từ đầu và hay lập lại. Tôi đã nói gì? Thưa tôi đã nói rằng: Tất cả những gì liên quan nơi thánh nhân là huyền nhiệm và tôi tin tưởng điều đó. Vì: "Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, cũng là thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa".

Trong sách Luận Ngữ có câu mà Đức Khổng Tử khuyên chúng ta rằng: "Hãy lấy Đạo làm Hướng, lấy Đức làm Gốc, lấy Nhân làm Nơi Nương Tựa và lấy Nghệ làm Niềm Vui"

Quả thật, Giáo sư Lê Đình Thông còn làm hơn thế, vì tất cả công việc mà ông đang thực hiện không những chỉ để làm niềm vui cho riêng mình, mà còn lấy Nghệ Thuật để loan báo Tin Mừng giữa thế giới chao đảo hôm nay.

Văn Duy Tùng

-----------------------------------------------------------

Sau đây là một số bài hát trong cuốn CD Lời Kinh Nguyện

Thơ: Thánh Gioan Phaolô II

Chuyển ngữ: Lê Đình Thông

Phổ nhạc: Văn Duy Tùng (Phiên khúc 2 trong bài hát Mùa Lúa Mới là của tôi viết thêm)

Với sự đóng góp của Nghệ sĩ Trúc Tiên qua các diễn ảnh của những bài hát sau đây:

XEM VIDEO:

Hoa Trắng

Mùa Lúa Mới

Kinh Hòa Bình

Magnificat

Theo Ngài

Bài Thánh Vịnh

Nhận Định

Lời Kinh Nguyện
 
Văn Hóa
Một Trăm Lẻ Một Câu Hỏi Về Chúa Giêsu, Các Câu 90-96
Vũ Văn An
18:56 22/10/2023

Câu hỏi 90: Tại sao Chúa Giêsu không đơn giản phá hủy sự ác một lần vĩnh viễn và thiết lập vương quốc trên trái đất?

Câu hỏi này nói lên điều có lẽ là niềm hy vọng của rất nhiều người cùng thời với Chúa Giêsu (xem câu hỏi 33). Trong một số lần, chúng ta đã cho thấy rằng “Thiên Chúa Đấng đối thoại” không hành động cách ép buộc. Cả niềm hy vọng có tính khải huyền về việc tiêu diệt lớn lao “thời đại xấu xa” hiện tại lẫn niềm hy vọng duy dân tộc chiến thắng kẻ thù của mình đều không tương thích với lối hành động của Chúa Giêsu Kitô. Câu hỏi duy nhất người ta có thể hỏi cách hữu ích không phải là Thiên Chúa có thể đã làm những gì mà là Thiên Chúa đã làm những gì trong Chúa Giêsu. Mátthêu nhìn nhận vấn đề Thiên Chúa không hành động khi Chúa Giêsu bị bắt lúc một trong các môn đệ của Chúa Giêsu cắt đứt tay tên nô lệ của thầy cả thượng phẩm: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26:52-53). Theo mọi Tin Mừng, điều đang diễn ra là ứng nghiệm lời sách thánh tức thánh ý Thiên Chúa.Luca cũng viết thêm: “đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm!” (Lc 22:53b). Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta như các tạo vật của thời gian và không gian. Thánh ý Thiên Chúa là chúng ta dùng thời gian và có không gian để học hỏi một điều duy nhất cần thiết: yêu mến nhau như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta.Sức mạnh thần linh duy nhất mà Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta là sức mạnh của tình yêu, Thánh Thần của Người.



Tuy nhiên, câu hỏi cũng nói lên ước muốn sâu xa nhất của mọi cõi lòng nhân bản: công lý được thực hiện. Điều này không y hệt vi6ẹc trả thù hay chiến thắng kẻ thù của ta. Những ai “đói khát sự chính trực” (Mt 5:6) đói và khát Thiên Chúa, Đấng duy nhất thực sự là chính trực. Mối liên hệ “đúng đắn” với Thiên Chúa là điều làm cho mối liên hệ đúng đắn với nhau và với toàn bộ sáng thế thành khả hữu. TRong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thiết lập chính mối liên hệ như thế và do đó đã tiêu diệt sự ác một lần vĩnh viễn. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9:12). Điều đã được thể hiện nơi Chúa Giêsu vẫn còn cần được thể hiện nơi chúng ta và do đó, Người đã ban cho chúng ta Thánh Thần của Người và Lời của Người để đem chúng ta tới công lý và phán đoán: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:12-13).

Câu hỏi 91: Làm thế nào con biết Chúa Giêsu đang lắng nghe con? Tại sao có quá nhiều đau khổ trong đời con nếu Chúa Giêsu yêu con đến thế?

Trên đây, chúng tôi đã gợi ý (xem câu hỏi 65) rằng không hề có câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?” khi người ta giáp mặt với trải nghiệm bản thân về sự ác. Ở một bình diện, chúng ta đơn giản phải chấp nhận sự kiện này: mỗi người chúng ta đều là một phần tạo nên vũ trụ mầu nhiệm và phức tạp liên tục trải qua các diễn trình thay đổi, cả lớn mạnh lẫn phân hủy. Chúng ta sinh ra và chết đi. Trong đời mình, chúng ta thường giáp mặt với những sức mạnh vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Chủ yếu đối với bất cứ mối liên hệ nào với Thiên Chúa cũng đơn giản là việc chấp nhận tính tử sinh của chúng ta. Lạc giáo vĩ đại của nền văn hóa của chúng ta, một nền văn hóa cũng đã gây ra nhiều thiệt hại tâm lý vô lường, là bác bỏ sự chết. Không chấp nhậncác diễn trình bình thường của sống của chết là tự tha hóa mình khỏi thiên nhiên, và do đó khỏi chính bản ngã chúng ta như những tạo vật có thân xác.

Tuy nhiên, ở một bình diện khác, chúng ta không phải chỉ là những người thụ động chịu đựng trong một thế giới vô cảm. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trí khôn và ý chí, khả năng tưởng tượng ra các khả thể mới và tạo chúng thành các thực tại. Thiên Chúa luôn hiện diện trong óc sáng tạo của chúng ta, vì Thiên Chúa sáng tạo qua chúng ta. Không còn hoài nghi gì nữa là Thiên Chúa sống động, tích cực, hiện diện trong đời ta, trong cả các nỗi đau đớn của ta. Chúa Cha biết chúng ta cần gì ngay trước khi chúng ta cầu xin (Mt 6: 32). Chúa Con luôn lắng nghe và lưu tâm vì Người vốn bước đi cùng một nẻo đường và biết rõ chúng ta cảm nhận ra sao (Dt 4:15). Chúa Thánh Thần luôn khuyến khích và hướng dẫn chúng ta hướng tới sự viên mãn của tình yêu như có tính sáng tạo, giao ước, và tự hiến. Như thế, khi cầu nguyện, chúng ta không cầu nguyện để kéo sự chú ý của Thiên Chúa. Đúng hơn, chúng ta cầu nguyện để chúng ta có khả năng nghe được điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta. Đó là một trong những điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta hết lần này đến lần nọ: “...Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3bc).

Câu hỏi 92: Trong việc cầu nguyện của chúng ta, có phải lúc nào chúng ta cũng phải đến với Chúa Cha qua Chúa Con hay chúng ta có thể cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha?

Lời cầu nguyện của Kitô hữu luôn luôn nên có tính Ba Ngôi. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta bản tính tam vị của một Thiên Chúa. Tôi thấy truyền thống của Chính thống giáo luôn cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần là có nền tảng Kinh Thánh hơn cả. Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể cầu nguyện lúc thì với Chúa Cha, lúc thì với Chúa Con và lúc thì với Chúa Thánh Thần, tùy ý thích bản thân của mỗi người. Nhưng những lời cầu nguyện như thế không bao giờ nên quên rằng Ba Vị đều hợp nhất vô cùng chặt chẽ trong một sự sống thân linh duy nhất. Tin Mừng Gioan đặc biệt nói mạnh về khía cạnh này: “Chúa Cha và Thầy là một” (10:30). “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha... Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (14:9b.10a).

Diễn từ tại bữa tối cuối cùng trong Tin Mừng Gioan (các chương 13-17) tập chú vào hành động qua lại bên trong Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần và vào việc cư ngụ hỗ tương của cùng sự sống tam vị trong chúng ta, và sự cư ngụ của chúng ta trong sự sống tam vị. Trong truyền thống Chính Thống sau này, Ba Ngôi được tưởng tượng như đang múa nhẩy trong một vòng tròn. Chúng ta được mời gọi tham gia cuộc múa nhẩy, tham gia vào vòng ôm yêu thương năng động và hỗ tương vốn là sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa mời chúng ta vào và do đó, “thần hóa” chúng ta nghĩa là làm cho sự sống Thiên Chúa thành sự sống của chúng ta. Thiên Chúa mời chúng ta vào không phải để tan hòa chúng ta vào sự sống thần linh, nhưng biến đổi chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu sáng tạo, giao ước và tự hiến để chúng ta đạt tới sự viên mãn của bản thể ta như những ngôi vị nhân bản. Thiên Chúa khẳng định căn tính, phẩm giá và sự toàn vẹn bản vị của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta là những ngôi vị nhân bản được làm cho sống động trọn vẹn, nói theo dẫn giải thông sáng và đẹp đẽ của Thánh Irênê. Ơn phúc Thiên Chúa ban cho chúng ta là Chúa Thánh Thần (Lc 11:13). Bất cứ điều gì khác chúng ta có thể cần hay muốn cầu xin cho có, ơn phúc này cuối cùng là ơn phúc không thể thiếu mà chúng ta phải cầu xin cho có. Chúng ta cầu xin Chúa Cha qua Chúa Con ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Với Chúa Thánh Thần này, ngay lúc này, chúng ta đã có thể bước đi trong sự sống mới (Rm 6:4) như sáng thế mới (Gl 6:15; 2Cr 5:17). “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17:3). Sự sống đời đời đã bắt đầu rồi khi chúng ta, nhờ đức tin và lời cầu nguyện, chúng ta được gia nhập sự sống Ba Ngôi của Thiên Chúa.

Câu hỏi 93: Làm thế nào con biết Thiên Chúa muốn gì cho con?

Trong phiên bản Mátthêu về Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (6:10b). Chính Chúa Giêsu (nhưng chỉ trong Mátthêu) đã nhắc lại những chữ này tại Vườn Diêtsimani: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (26:42b). Đối với Mátthêu, Chúa Giêsu không những là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng công bố và dạy dỗ người ta về thánh ý Thiên Chúa; Người còn hiện thân nó từ lúc chịu phép rửa bằng nước cho đến lúc chịu phép rửa bằng máu. Là một Kitô hữu, tôi chỉ có thể biết thánh ý Thiên Chúa nếu tôi tiếp nhận ơn phúc của Thánh Thần Người trong phép rửa và tìm cách hiện thân Thánh Thần này bằng cách theo chân Chúa Giêsu lên đường trong các điều kiện cụ thể và chuyên biệt của đời sống tôi. Tìm cách bắt chước các hành động Chúa Giêsu một cách chỉ lưu ý tới nghĩa đen là ngu xuẩn và hời hợt. Tôi phải nắm được Thánh Thần Người và để Thánh Thần này sống động trở lại trong bối cảnh hoàn cảnh sống độc đáo của tôi.

Ba điều nên nói về thánh ý Thiên Chúa. Thứ nhất, thánh ý Thiên Chúa, cuối cùng, là một mầu nhiệm giấu ẩn trong ý định và quyền năng của Thiên Chúa. Ngay Chúa Giêsu cũng phải tìm kiếm và khám phá ra thánh ý này qua các trải nghiệm cụ thể của đời sống Người. Cho đến tận cuộc đời Người, Chúa Giêsu vẫn không hoàn toàn chắc chắn về nó, như cảnh trong vườn Diệtsimani đã cho thấy, nhưng Người hoàn toàn chắc chắn điều này: Người có thể tín thác thánh ý này “để giữ trọn đức công chính” (3:15c). Thứ hai, ý định của Thiên Chúa được mạc khải trong phục sinh. Điều Thiên Chúa muốn cho toàn thể sáng thế và cho từng hữu thể nhân bản là sự sống viên mãn, là mỗi người chúng ta trở nên chúng ta một cách trọn vẹn qua việc kết hợp với chính sự sống thần linh. Thứ ba, Thiên Chúa tạo dựng nên mỗi con người như một ơn phúc độc đáo từ bàn tay Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải khám phá ra việc phải sống ý định của Thiên Chúa cách cụ thể và chuyên biệt ra sao. Ở đây, chúng ta cần biện phân các thần khí;để ôm lấy Thần Khí Thiên Chúa và xua đuổi thần khí sự ác. “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29b). Mục đích của Linh Thao của Thánh Inhaxiô là dìm chúng ta trong Thần Khí Thiên Chúa một cách sâu xa đến nỗi mọi điều khác trên mặt đất chỉ có thể hiểu được và lượng giá được dưới ánh sáng của Thần Khí này. Biết được thánh ý Thiên Chúa là một diễn trình biện phân sẽ kéo dài cho đến chết. Nhưng một điều rõ ràng là Thiên Chúa luôn đòi nơi chúng ta điều Người đã đòi nơi Chúa Giêsu: chúng ta mãi trung thành với các lựa chọn chân chính mà chúng ta đã đưa ra.

Câu 94: Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do ra sao? Ngày nay, há không có quá nhiều nhấn mạnh tới việc làm bất cứ điều con muốn hay sao?

Trong nền văn hóa Hoa Kỳ, tự do thường được đi kèm với chủ nghĩa duy cá nhân tràn lan, và điều này thật bất hạnh. Tự do đích thực không lấy mình làm trung tâm, không chỉ tập chú vào các quyền lợi và lựa chọn cá nhân của tôi đến loại bỏ quyền lợi và nhu cầu của người khác. Cũng không đủ khi nói rằng tôi nhìn nhận cùng những điều này cho các cá nhân khác. Điều này dẫn đến ý niệm coi xã hội chỉ như một khế ước tối đa hóa tự do cá nhân và tối thiểu hóa nghĩa vụ xã hội. Điều này làm ngơ sự kiện, là con cái Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, chúng ta vốn thuộc về nhau. Tự do đích thực luôn có tính tương quan, như nó vốn hiện hữu trong sự sống ba ngôi của Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta được tự do, nếu một trong các anh chị em của chúng ta bị nô dịch.

Phong trào hiện thời dưới tên “thần học giải phóng”, vốn bắt đầu trong thập niên 1960 ở Châu Mỹ La Tinh, quan tâm tới việc nhấn mạnh mối nối kết thân thiết giữa đức tin Kitô giáo của chúng ta với các thực tại xã hội,chính trị, và kinh tế thời ta. Thần học giải phóng không cho mình là một nền thần học giữa các nền thần học khác, mà là cách duy nhất làm thần học. Tham chiếu hàng đầu là Kinh Thánh. Do đó, trải nghiệm xuất hành trở thành tập chú chính vì nó nói lên 3 yếu tố không thể thiếu: tự do khỏi áp bức quá khứ (ách nô lệ tại Ai Cập); lãnh trách nhiệm hiện tại trong tư cách cộng đồng mới được thiết lập sống cho mối liên hệ với Thiên Chúa và với nhau (giao ước chủ yếu được diễn tả trong mười giới răn: tự do cho tương lai như tương lai của Thiên Chúa (một cộng đồng của hy vọng được biểu tượng bằng lãnh thổ như sự ứng nghiệm của lời Thiên Chúa hứa).

Lịch sử Israel là lịch sử của một dân tộc đấu tranh để mãi trung thành với Thiên Chúa và với nhau. Các tiên tri đặc biệt phê phán các thất bại trong trách nhiệm xã hội: đối với người nghèo, quả phụ, cô nhi, người xa lạ như tượng trưng cho những người dễ bị thương tổn và đán áp nhất.Họ tượng trưng cho thất bại của Israel, không sống đúng giao ước. Áp bức người nghèo là bác bỏ Thiên Chúa của Israel. Chúa Giêsu đến từ bên trong truyền thống đó và công bố rằng vương quốc Thiên Chúa đang đến đặc biệt cho người nghèo và người bị áp bức (xem các câu hỏi 32-33). Các giải thích cá nhân chủ nghĩa về Kinh Thánh nào làm ngơ các quan tâm xã hội của Môsê và của Chúa Giêsu đều thuận tiện cho những ai muốn duy trì nguyên trạng nghèo đói và áp bức, nhưng họ cũng bác bỏ “tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8:21b). Như thế, tự do không phải là giấy phép được làm bất cứ điều gì tôi muốn. Tự do là trách nhiệm vinh quang để chăm sóc và nuôi dưỡng người khác, và đặc biệt người nghèo, người bị hất hủi, bị nhục mạ và khinh thị giữa chúng ta. Nếu chúng ta làm thế, chúng ta khỏi cần phải quan tâm nhiều đến việc bảo vệ “Các tự do” của chúng ta nữa.

Câu hỏi 95: Ngày nay, chúng ta nghe nói khá nhiều đến các vấn đề của phụ nữ. Phong trào duy nữ có tính Kitô giáo hay không?

Có hàng loạt các phong trào duy nữ, và do đó, ta phải cẩn thận khi dùng các phạm trù này. Có một số nhà duy nữ bác bỏ Kitô giáo như là quá tộc trưởng (patriarchal) và bài phụ nữ. Có những nhà duy nữa khác cảm thấy Kitô giáo có trong mình nhiều hạt giống tự cứu chuộc mình khỏi ctính tộc trường và các xu hướng bài phụ nữ. Tôi tự kể tôi vào lớp người sau. Nếu một người duy nữ nào đó, bất kể là nam hay nữ, nhưng tin vào sự bình đẳng trọn vẹn của đàn ông và đàn bà và làm việc để biến sự bình đẳng này thành một thực tại trong mọi cơ cấu xã hội, bất kể là dân sự hay tôn giáo, thì tôi sẵn sàng gọi mình là một người duy nữ. Vấn đề là là vấn đề về nhân tính trọn vẹn, và như tôi đã thường xuyên nhấn mạnh trước đây, không điều nhân bản nào lại xa lạ đối với một Kitô giáo chân chính.

Theo nghĩa đã mô tả, mặc dù hạn tứ đã lỗi thời, tôi vẫn xin nói rằng bằng lời nói và việc làm của Người, Chúa Giêsu tự cho thấy Người là một nhà duy nữ (xem câu hỏi 25). Người có những quan điểm rất tích cực về phụ nữ và giao tiếp với họ cách công khai, thậm chí còn mời gọi một số họ thành môn đệ của Người (xem câu hỏi 50). Người sử dụng hình ảnh mẹ để nói về Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là Bố (Abba) (xem câu hỏi 36). Trong tất cả việc này, Người hết sức động đáo đối thời Người.Với một sự tự do gây ngạc nhiên, Người thách thức các cơ cấu và thực hành nặng tính tộc trưởng cố thủ vốn chống đối phụ nữ. Người cung cấp viễn kiến về một loại cộng đồng mới, một cách mới để lập tương quan vượt quá các chia rẽ và áp bức giữa người giầu và người nghèo, nô lệ và tự do, nam và nữ.

Trưng dẫn một công thức rửa tội tiên khởi, Thánh Phaolô chứng tỏ rằng các Kitô hữu tiên khởi hiểu điều này: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3:28). Các chia rẽ dựa vào chủng tộc, giai cấp hay giới tính đều đã bị vượt quá bởi tính nên một của chúng ta trong Chúa Kitô nhờ phép rửa. Bi thảm thay, các chia rẽ ấy đã trở lại gây bệnh dịch cho Kitô giáo từ thời tiên khởi cho tới tận ngày nay. Không có ai bị áp bức như một người đàn bà da mầu nghèo. Bà bị áp bức vì giai cấp, vì giới tính và vì chủng tộc của bà. Nếu bà không được tự do, thì không ai trong chúng ta được tự do. Phong trào duy nữ có tính Kitô giáo hay không? Tôi xin đề xuất điều này: chúng ta không phải là Kitô hữu nếu chúng ta không duy nữ cùng một cách như Chúa Giêsu, nghĩa là, nếu chúng ta không thực sự tin vào sự bình đẳng trọn vẹn giữa đàn bà và đàn ông và nếu chúng ta không làm tất cả những gì có thể để làm cho sự bình đẳng này thành một thực tại trong xã hội đương thời của chúng ta.
 
Church Documents
Thu Trinh - News23 October. 2023
Đặng Tự Do
20:18 22/10/2023
1. Đức Thánh Cha lo âu về tình hình miền Nagorno Karabakh

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo âu về thảm trạng tại miền Nagorno Karabakh, nơi có hàng trăm ngàn người Armenia phải chạy về Cộng hòa Armenia láng giềng để lánh nạn, vì phần đất của họ bị người Azerbaijan xâm lược từ ngày 19 tháng Chín năm nay.

Lên tiếng trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 15 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha nói: “Bên cạnh tình trạng tại Thánh địa, tôi cũng đang lo âu vì cuộc khủng hoảng ở vùng Nagorno Karabakh. Ngoài tình trạng nhân đạo của những người tản cư ở mức độ trầm trọng, tôi cũng muốn đặc biệt kêu gọi bảo vệ các Đan viện và những nơi thờ phượng trong miền này. Tôi cầu mong rằng từ phía chính quyền, từ mọi người dân có sự tôn trọng và bảo vệ các nơi ấy, như thành phần của nền văn hóa địa phương, những biểu hiện tín ngưỡng và là dấu chỉ huynh đệ làm cho dân chúng có thể sống chung trong những khác biệt”.

Nagorno Karabakh là vùng có đa số dân là người Armenia theo Kitô giáo, trong khi những người Azerbaijan đến chiếm miền này là những người Hồi giáo. Đã xảy ra những vụ phá hủy các nơi thờ phượng, Đan viện và di tích văn hóa, tôn giáo của người Armenia.

Chính phủ Armenia đã tạo điều kiện dễ dàng cho người Armenia từ Nagorno Karabakh tị nạn được trú ngụ, không những ở vùng thủ đô Yerevan, nhưng cả tại các làng mạc, với những thân nhân của họ. Nhiều người khác tạm trú trong các trường học và hội trường thể thao.

Sau giai đoạn khẩn cấp, tới vấn đề tìm giải pháp cư trú cho người tị nạn. Để được vậy, cần một nguồn tài chánh rất lớn. Ngoài ra, có vấn đề tâm lý của những người tị nạn, sau chín tháng bị chấn thương vì bao vây, bị pháo kích và bị trục xuất khỏi quê cha đất tổ. Nhiều người ít có hy vọng trở về miền Nagorno Karabakh.

Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp Quốc Unicef đã gửi phái bộ đầu tiên đến Armenia. Cả hệ thống Caritas cũng động viên để cứu trợ người tị nạn.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá cho Paris

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Emmanuel Tois /i-ma-nu-en toa/ làm tân Giám Mục Phụ Tá của Paris.

Vị Tân Giám Mục Phụ Tá cho đến gần đây đã là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris, do Đức Tổng Giám Mục Laurent Bernard Ulrich /lo-răng béc-na u-lờ-ri/ lãnh đạo. Ngài đảm nhận tổng giáo phận lớn nhất này của Pháp vào tháng 5 năm 2022 sau khi tổng giám mục, Michel Aupetit /mi-sen ô-pơ-tí/, từ chức.

Lễ tấn phong giám mục cho Cha Tois /toa/ sẽ diễn ra vào ngày 17 tháng 11 tại Nhà thờ Saint-Sulpice /sên sun-pích/ mà người Việt Nam thường gọi là Thánh Xuân Bích. Tổng giáo phận Paris từ nay sẽ có hai Giám Mục Phụ Tá. Vị Giám Mục Phụ Tá khác là Đức Cha Philippe Marsset /phi-líp-pê ma-sét/.

Cha Tois sinh ngày 28 tháng 9 năm 1965 tại thị trấn Le Petit-Quevilly /lơ pơ-tí quơ-vin/ thuộc Tổng giáo phận Rouen /ru-ăng/. Ngài năm nay 58 tuổi.

Ngài đã học luật tại Đại học Rennes /ren-nờ/ và là sinh viên của Trường Tư pháp Quốc gia. Sau một thời gian làm thẩm phán tòa án, ngài vào chủng viện Paris và lấy bằng cử nhân thần học. Ngài được thụ phong linh mục cho Tổng giáo phận Paris vào ngày 30 tháng 6 năm 2012.

Trong số những chức vụ khác, ngài đã đảm nhiệm các chức vụ sau: cha sở Giáo xứ Đức Mẹ Thánh Giá; tuyên úy của Hiệp hội Thẩm phán và Quan chức Tư pháp Công Giáo Paris; chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi. Từ năm 2021, ngài là tổng đại diện của Tổng giáo phận Paris.

3. Tin vui cho Ukraine: Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện tán thành đề xuất viện trợ cho Ukraine và Israel 106 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Biden

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell hôm Chúa Nhật đã đưa ra sự tán thành mạnh mẽ đối với đề xuất viện trợ trị giá 106 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Joe Biden cho Israel và Ukraine, và nói rằng ông và tổng thống về cơ bản “cùng quan điểm” về vấn đề này.

McConnell, nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cũng bác bỏ ý kiến của một số đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của ông tại Thượng viện, những người đã kêu gọi một gói hỗ trợ tách biệt cho hai nước, và nói rằng đó sẽ là “một sai lầm” trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Face the Nation của CBS.

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đề nghị ủng hộ đáng kể yêu cầu 106 tỷ Mỹ Kim của Tòa Bạch Ốc, bao gồm 14 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ cho Israel, 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine và 14 tỷ Mỹ Kim khác để cải thiện an ninh ở biên giới Mỹ - Mễ Tây Cơ. Thêm 10 tỷ Mỹ Kim sẽ được phân bổ cho cứu trợ nhân đạo cũng như 7 tỷ Mỹ Kim bổ sung cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chín thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết một lá thư cho McConnell hôm thứ Năm nói rằng viện trợ của Ukraine và Israel không nên đi đôi với nhau. Nhóm này viết: “Đây là hai cuộc xung đột riêng biệt và sẽ là sai lầm khi tận dụng sự hỗ trợ viện trợ cho Israel nhằm cố gắng có thêm viện trợ cho Ukraine”.

McConnell đã bác bỏ quan điểm đó vào hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Tôi xem nó như tất cả được kết nối với nhau. Nếu bạn nhìn vào sự hỗ trợ của Ukraine, hãy nói về việc tiền thực sự sẽ đi về đâu. Một phần đáng kể trong số đó được chi tiêu ở Hoa Kỳ ở 38 bang khác nhau, thay thế số vũ khí mà chúng ta gửi tới Ukraine bằng những vũ khí hiện đại hơn. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp của mình.

Không có người Mỹ nào bị giết ở Ukraine. Chúng tôi đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp của mình. Người Ukraine đang tiêu diệt quân đội của một trong những đối thủ lớn nhất của chúng ta. Tôi không thể nào tìm ra có điều gì sai trái với điều đó. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi họ đang tự bảo vệ mình.”

4. Hung Gia Lợi giúp Nga duy trì cuộc chiến bằng cách mua thêm khí đốt và đẩy mạnh giao thương.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời Alexei Miller, chủ tịch của Gazprom, là công ty năng lượng lớn nhất của Nga, cho biết công ty sẽ cung cấp thêm khí đốt cho Hung Gia Lợi trong mùa đông tới và cũng sẽ cung cấp cho Trung Quốc thêm 600 triệu mét khối trong năm nay ngoài các nghĩa vụ theo hợp đồng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp lãnh đạo hai nước trong chuyến công du tới Trung Quốc vào tuần trước và Miller nằm trong số những giám đốc kinh doanh đi cùng ông trong chuyến đi.

Gazprom đang tìm cách bù đắp cho việc mất hầu hết thị trường ở Âu Châu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine, phần lớn là do vụ nổ làm hư hại nghiêm trọng đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic vào năm ngoái. Các cuộc điều tra vẫn chưa xác định được ai là người chịu trách nhiệm.

Hung Gia Lợi là thành viên duy nhất của Liên Hiệp Âu Châu mà lãnh đạo nước này duy trì mối quan hệ thân thiện với Putin kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hung Gia Lợi cũng là thành viên của NATO.

Hung Gia Lợi được coi là đối thủ tiềm năng chính đối với quyết định vào tháng 12 về việc có nên mở các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu với Ukraine hay không, điều này đòi hỏi sự ủng hộ đồng thanh của 27 thành viên khối.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, than thở rằng “Hung Gia Lợi giúp Nga duy trì cuộc chiến bằng cách mua thêm khí đốt của Nga và đẩy mạnh giao thương.” Tiền bán khí đốt của Nga cho Hung Gia Lợi, và các giao dịch khác chắc chắn không đủ cho cuộc chiến tiêu hao của Nga. Tuy nhiên, nếu nước nào cũng hành xử như Hung Gia Lợi thì Nga dư sức kéo dài cuộc chiến này. Lời than thở của ông Nikolenko cũng cho thấy người Ukraine ngao ngán trước thái độ của Victor Orbán.

5. Đại sứ Mỹ tại Ukraine lên án người Nga quá sức tàn bạo trong vụ tấn công vào bưu điện Kharkiv

Các quan chức địa phương cho biết 6 người đã thiệt mạng và 16 người bị thương sau khi hỏa tiễn của Nga tấn công một trung tâm phân phối bưu chính ở khu vực Kharkiv, phía đông bắc Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Bridget Brink, đã lên án vụ tấn công này. Cô nhận xét rằng người Nga quá tàn bạo, bất chấp các công ước về chiến tranh mà họ đã ký kết. Cô nói: “Đây rõ ràng là một tội ác chống nhân loại mà những kẻ gây ra phải chịu trách nhiệm trước công lý.”

Theo các báo cáo trước đó, vụ tấn công vào một kho bưu điện diễn ra vào hôm thứ Bẩy, đã khiến 6 người thiệt mạng, và 16 người bị thương, 7 người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã chia sẻ một đoạn video vào tối thứ Bảy cho thấy một nhà kho bị hư hỏng nặng được bao quanh bởi đống đổ nát và xe tải màu đỏ với dòng chữ Nova Poshta được viết bằng tiếng Ukraine.

Zelenskiy nói:

Hỏa tiễn Nga đã bắn trúng trung tâm Nova Poshta, một địa điểm dân sự bình thường. Chúng ta cần đáp trả sự khủng bố của Nga mỗi ngày bằng những kết quả ở tuyến đầu. Và hơn thế nữa, chúng ta cần tăng cường sự đoàn kết toàn cầu để đấu tranh chống lại nạn khủng bố này.

Thống đốc vùng Kharkiv, Oleh Syniehubov, cho biết những người thiệt mạng và bị thương đều là nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính tư nhân Ukraine Nova Poshta.

Trong một tuyên bố, Nova Poshta cho biết còi báo động không kích đã vang lên ngay trước cuộc tấn công, khiến các nhân viên không có thời gian để đến nơi trú ẩn. Chúa Nhật là một ngày để tang cho công ty.

Sergiy Nozhka, một nhân viên tại Nova Poshta, nói với hãng tin AFP rằng một hỏa tiễn “đã bay vào kho hàng lân cận, nhưng kho của chúng tôi cũng vậy – cửa sổ và cửa chớp bay ra ngoài”. Ông nói thêm: “Đây không phải là lần đầu tiên”.

Theo văn phòng công tố khu vực, lực lượng Nga ở khu vực Belgorod phía bắc Kharkiv đã bắn hỏa tiễn S-300, hai trong số đó đã bắn trúng nhà kho.

Phát ngôn nhân Dmytro Chubenko nói với đài truyền hình nhà nước Suspilne: “Việc phân tích các mảnh vỡ vẫn tiếp tục diễn ra tại hiện trường nhằm xác định chính xác số người bị thương và thiệt mạng”.

6. Hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đang giao tranh với Nga ở thị trấn Krynky phía Đông sông Dnipro

Trong bản cập nhật mới nhất vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 10, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết hai Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Ukraine số 35 và 36 đã chiếm được thị trấn Krynky, cách Kherson 30km về phía đông bắc và cách sông Dnipro 2km.

Tờ Kyiv Independent đưa tin, nếu thành công, việc kiểm soát khu định cư này sẽ cung cấp cho các đơn vị tiền phương một chỗ đứng chiến lược để bắt đầu một chiến lược tấn công rộng hơn, với mục tiêu chia cắt lực lượng Nga và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của họ.

Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam Nataliya Humenyuk, cho biết Ukraine duy trì lệnh cấm thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự đang diễn ra ở phía Đông sông Dnipro.

Hôm 11 tháng 11 năm ngoái, 2022, quân Ukraine đã tái chiếm được phần phía Tây của sông Dnipro, bao gồm thành phố Kherson. Nga tháo chạy sang bờ phía Đông con sông, được dùng làm giới tuyến tạm thời.

7. Một quan chức Nga cho biết lực lượng Nga đã bắn hạ ba hỏa tiễn nhắm vào bán đảo Crimea vào Chúa Nhật.

Vladimir Saldo, tên phản bội, được Nga bổ nhiệm làm Thống Đốc khu vực Kherson cho biết:

“Ba hỏa tiễn của đối phương hướng tới Crimea đã bị bắn hạ vào rạng sáng ngày Chúa Nhật, ngay trên lãnh thổ Kherson.”

Ông cho biết như trên trong khi Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, cho biết có những tiếng nổ rất lớn vào hôm Chúa Nhật 22 tháng 10. Aksyonov nói không có thiệt hại nhân mạng hay vật chất nào.

Nếu Saldo nói đúng thì có thể hiểu là quân Ukraine bắn nhiều hơn 3 hỏa tiễn, 3 cái bị đánh chặn ở Kherson, và số còn lại đến được bán đảo Crimea.

Bán đảo Crimea mà Mạc Tư Khoa sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc tấn công quân sự của Nga, vừa cung cấp hậu cần cho quân đội Nga ở miền nam Ukraine, vừa thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn từ biển vào lãnh thổ Ukraine.

Đây là mục tiêu thường xuyên của Kyiv và các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự ở đó ngày càng gia tăng khi Ukraine thề sẽ chiếm lại bán đảo.

Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn chưa từng có vào trụ sở hải quân trên bán đảo vào tháng trước.

8. Ngoại trưởng Nga tới thăm Tehran vào thứ Hai

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tới Tehran vào thứ Hai để hội đàm với các đối tác trong khu vực.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran trước đó đưa tin rằng ngoại trưởng các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Armenia đã được mời tham gia đàm phán.

“Chúng tôi xác nhận các cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch của ông Lavrov tại Tehran vào thứ Hai,” Maria Zakharova nói với các hãng tin TASS và RIA.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông và những tranh chấp chưa được giải quyết giữa Armenia và Azerbaijan, nơi đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng chống lại phe ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh vào tháng trước.

Kể từ khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine vào năm ngoái, Nga đã chuyển sang tìm kiếm hỗ trợ quân sự và hợp tác kinh tế từ Iran khi cả hai nước phải đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nước phương Tây cáo buộc Tehran hỗ trợ cuộc tấn công của Nga ở Ukraine bằng cách cung cấp cho nước này số lượng lớn máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.
 
VietCatholic TV
Lý do hàng trăm chiến xa Nga bị thổi bay trong một ngày. Ả rập trong âm mưu gây ra thế chiến của Nga
VietCatholic Media
04:12 22/10/2023


1. Cuộc thảm sát các xe thiết giáp chuyển quân BTR-82A của Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The BTR-82A Massacre: How Russian Regiments Lost 13 Of The Wheeled Vehicles In A Single Day”, nghĩa là “Vụ thảm sát BTR-82A: Các trung đoàn Nga mất 13 phương tiện bánh lốp như thế nào chỉ trong một ngày”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Năm 2009, Nhà máy chế tạo máy Arzamas ở Arzamas, thuộc tỉnh Nizhny Novgorod, cách Mạc Tư Khoa 250 dặm về phía đông, đã tiết lộ một biến thể mới của xe thiết giáp chở quân BTR-82.

BTR-82A—một chiếc xe thiết giáp chuyển quân tám bánh, nặng 17 tấn với súng máy 7,62 ly ổn định và lớp giáp Kevlar bổ sung—được dùng để xuất khẩu. Nhưng vào năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên đã đặt mua loại phương tiện này để sử dụng cho quân đội Nga.

BTR-82A được bảo vệ và trang bị vũ khí tốt hơn so với BTR-82, BTR-80 và BTR-70 cũ hơn. Nhưng điều đó không cứu được những chiếc BTR-82A lao vào trận chiến bên ngoài Avdiivka, phía tây bắc Donetsk ở vùng Donbas phía đông Ukraine.

Họ chạy qua mìn, bị mất bánh xe hoặc bị lật rồi bị pháo bắn trúng. Chỉ trong một ngày đẫm máu hôm thứ Năm, các trung đoàn Nga đã mất không dưới 13 chiếc BTR-82A trong số 120 xe thiết giáp của Nga bị mất, hầu hết nếu không muốn nói là toàn bộ ở xung quanh Avdiivka. Đây là một trong những tổn thất trong một ngày tồi tệ nhất đối với bất kỳ loại phương tiện nào trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine.

Có lẽ nghiêm trọng hơn, 13 chiếc BTR mỗi chiếc có thể chở 10 người vừa bộ binh vừa kíp lái. Không rõ có bao nhiêu thành viên kíp lái và hành khách thiệt mạng trong vụ xe của họ bị phá hủy.

Không phải lỗi của các nhà thiết kế BTR-82A mà các xe thiết giáp chuyển quân bị tiêu diệt bên ngoài Avdiivka. Người Nga có thể đã mất đi rất nhiều phương tiện mỗi ngày khi cố gắng nhưng thất bại trong việc chiếm được khu định cư được phòng thủ kiên cố này.

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, các trung đoàn Nga đã mất 55 xe tăng trong khoảng thời gian 24 giờ bắt đầu từ thứ Năm. Đó là tỷ lệ tổn thất gấp 20 lần mức trung bình trong hai năm chiến tranh vừa qua.

Các lực lượng vũ trang Nga vận hành khoảng 1.500 chiếc BTR-80, trong đó có hàng trăm chiếc BTR-82A. Bản thân việc mất 13 chiếc BTR-82A không phải là thảm họa. Nhưng việc mất 13 chiếc BTR-82A chỉ trong một ngày trong một chiến dịch đang diễn ra đã khiến các chỉ huy Nga giật mình.

Suy cho cùng, cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc bất chấp những tổn thất mà tại bất kỳ quốc gia nào khác có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị. Nếu Điện Cẩm Linh mất 13 chiếc BTR-82, cộng với nhiều phương tiện khác lên đến 120 xe thiết giáp, chỉ trong một ngày thì họ có thể mất bao nhiêu chiếc trong 30 ngày?

2. Ráo riết hô hào thế chiến, phó chủ tịch Duma quốc gia cho rằng Mỹ có thể đứng đằng sau vụ nổ bệnh viện ở Gaza

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Lawmaker Suggests US Could've Been Behind Gaza Hospital Blast”, nghĩa là “Dân biểu Nga cho rằng Mỹ có thể đứng đằng sau vụ nổ bệnh viện ở Gaza.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một thành viên quốc hội Nga tuần này cho biết Mỹ có thể đứng đằng sau vụ nổ hôm thứ Ba tại một bệnh viện ở thành phố Gaza, được cho là đã giết chết hàng trăm người.

Andrey Gurulyov, phó chủ tịch Duma quốc gia hay Hạ Viện Nga và từng là Tư Lệnh Tập Đoàn Quân 58 cũng như Tư Lệnh Phó Quân Khu Phía Nam, đã đưa ra cáo buộc mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào khi xuất hiện trên kênh truyền hình Russia-1 do Cẩm Linh điều hành.

Vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã lãnh đạo cuộc tấn công đẫm máu nhất của quân khủng bố Hamas vào Israel trong lịch sử. Israel sau đó đã tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhất từ trước đến nay vào Gaza. Bộ Y tế Gaza nói với hãng thông tấn AP hôm thứ Sáu rằng 3.785 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 12.500 người khác bị thương. AP cho biết hơn 1.400 người ở Israel đã thiệt mạng.

Israel và Hamas đã đổ lỗi cho nhau về vụ nổ hôm thứ Ba tại Bệnh viện Baptist Ả Rập Al-Ahli, và vụ việc đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ cả những người ủng hộ Israel và Palestine cũng như làm dấy lên mối lo ngại của những người khác về số người chết tăng nhanh ở Gaza. Xa hơn cũng có những lo ngại về xung đột khu vực mà có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc thế chiến.

Francis Scarr từ BBC Giám sát hôm thứ Tư đã đăng một đoạn clip đã dịch trên X, trước đây là Twitter, về nhận xét của Gurulyov về vụ nổ bệnh viện.

“Rõ ràng là có một quả bom dẫn đường đã rơi xuống đó. Hơn nữa, ở đây còn có một sắc thái nào đó!” Gurulyov nói.

Ông nói thêm rằng “hôm nay một nhóm Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ đã tiếp cận bờ biển Israel”, ám chỉ các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã được triển khai tới phía đông Địa Trung Hải sau cuộc tấn công của Hamas.

Theo bản dịch của Scarr, “Lệnh khai hỏa có thể đến từ một trung tâm chỉ huy cố định trên lãnh thổ Israel hoặc từ trung tâm điều khiển trên Không Quân Mẫu Hạm”.

“Vì vậy, có thể không phải Israel mà chính người Mỹ đã tấn công bệnh viện đó,” ông ta nói.

“Thời gian sẽ trả lời. Tôi nghĩ tình báo của chúng ta biết trong mọi trường hợp.”

Newsweek đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Gurulyov thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình do nhà nước Nga kiểm soát và ông ta nổi tiếng với việc đưa ra những tuyên bố mang tính kích động.

Vào tháng 9, nhà lập pháp Nga cho biết trong cuộc thảo luận về Russia-1 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên tấn công Vương quốc Anh, một động thái rất có thể gây ra xung đột toàn cầu.

Nhà lập pháp Nga đưa ra lời kêu gọi tấn công Vương quốc Anh trong khi đề cập đến những cáo buộc mà Putin đưa ra về việc tình báo Anh đứng sau âm mưu phá hoại một cơ sở nguyên tử của Nga. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok vài ngày trước đó, Putin nói - dù không đưa ra bằng chứng - rằng Anh đã chỉ đạo những kẻ phá hoại Ukraine cách phá hủy cơ sở này. Nhà độc tài Nga cũng cảnh báo Thủ tướng Anh Rishi Sunak rằng những động thái như vậy có thể dẫn đến phản ứng đáp trả.

Gurulyov kêu gọi Mạc Tư Khoa đi xa hơn chứ không chỉ cảnh báo Vương quốc Anh. Ông nói rằng Nga nên tấn công Vương quốc Anh bằng hỏa tiễn và gọi Sunak là “mục tiêu”.

3. Lực lượng đặc biệt SBU phá hủy thêm hai hệ thống phòng không Nga, hai radar, 10 kho đạn

Trong hai tuần qua, lực lượng của Trung tâm Tác chiến Đặc biệt A của SBU đã phá hủy 2 hệ thống phòng không, 10 hệ thống tác chiến điện tử, 6 máy cắt, 2 radar Murom và 10 kho đạn của Nga.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, đã cho biết như trên. Để tấn công các mục tiêu, SBU đã triển khai máy bay không người lái tấn công và các khả năng khác.

Lực lượng SBU cũng tiêu diệt 232 quân xâm lược, 20 xe tăng, 42 xe chiến đấu bọc thép, 21 hệ thống pháo binh, 96 xe tải quân sự và 157 công sự.

Ngoài ra, quân SBU còn phát hiện hỏa lực pháo binh, giúp tiêu diệt gần 170 quân xâm lược và phá hủy 50 đơn vị khí tài quân sự của Nga, bao gồm 6 xe tăng, 7 xe chiến đấu bọc thép, 21 hệ thống pháo binh, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và các thiết bị khác.

Như Ukrinform đưa tin, số quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine hiện ở mức 292.850.

4. Tình báo Pháp đánh giá rằng Israel không đứng sau vụ nổ bệnh viện ở Gaza

Tổng cục Tình báo quân sự Pháp, gọi tắt là DRM, cho biết vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arab ở Gaza không phải là kết quả của một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Israel mà có thể là do hỏa tiễn của người Palestine bị trục trặc.

Reuters đưa tin, DRM đã loại trừ nhiều khả năng khác nhau, bao gồm các mảnh vỡ từ hệ thống phòng không Iron Dome của Israel. Họ cũng loại trừ khả năng một hỏa tiễn của Israel bị đánh chặn. Tuyên bố của DRM viết:

Không có gì cho phép chúng ta nói rằng đó là một cuộc tấn công của Israel, nhưng kịch bản rất có thể là một hỏa tiễn của người Palestine đã gặp trục trặc sau khi bắn đi.

Theo DRM, hố va chạm quá nhỏ để có thể nói rằng do hỏa tiễn của Israel gây ra.

Một phần của phân tích dựa trên tài liệu nguồn mở, từ thiệt hại nhẹ về cấu trúc tại bệnh viện, một số phương tiện bị phá hủy và sự hiện diện tương đối hạn chế của đồ đạc dân sự tại địa điểm vụ nổ.

DRM không thể cung cấp điểm khởi hành chính xác của hỏa tiễn bị hỏng và không đổ lỗi cho bất kỳ nhóm cụ thể nào. “Giả thuyết có khả năng xảy ra nhất là một hỏa tiễn của Palestine đã phát nổ với lượng chất nổ khoảng 5 kg”, tổ chức này cho biết.

Hôm thứ Năm, cộng đồng tình báo Mỹ ước tính có khoảng 100 đến 300 người thiệt mạng trong vụ nổ bệnh viện ở Gaza. Con số này thấp hơn con số 471 trường hợp tử vong mà cơ quan y tế tại khu vực do Hamas cai trị mô tả ban đầu.

DRM từ chối ước tính số người chết, nhưng nói rằng con số này có thể ít hơn 471 rất nhiều.

Theo tài liệu tình báo của Hoa Kỳ, “Israel có thể đã không đánh bom bệnh viện ở Dải Gaza” và Hoa Kỳ đang tiếp tục “làm việc để chứng thực liệu vụ nổ có phải do hỏa tiễn của nhóm thánh chiến Hồi Giáo PIJ bị trục trặc hay không”.

5. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phàn nàn về việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi tiếp tục cản trở Thụy Điển gia nhập NATO

Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cho biết ông đã nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan về chủ nghĩa khủng bố, tình hình ở Trung Đông và việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Tư cách thành viên của Phần Lan đã được ký kết vào tháng 4, đánh dấu sự mở rộng lịch sử của khối quốc phòng phương Tây, nhưng nỗ lực của Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi cản trở.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển phải thực hiện nhiều bước đi hơn nữa trong nước để trấn áp Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, là nhóm mà Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ cũng coi là một nhóm khủng bố.

Trong cuộc họp khoáng đại của NATO ở Vilnius, Lithuania, Thổ Nhĩ Kỳ, với lực lượng quân sự lớn thứ hai trong NATO, cho biết sẽ tán thành đơn xin gia nhập của Thụy Điển và có thể nhanh chóng thực hiện đề xuất này. Tuy nhiên, ba tháng sau vẫn chưa có một chuyển động tích cực nào.

6. Nga tấn công vào bưu điện trung tâm Kharkiv

Theo Oleh Synehubov, Thống Đốc khu vực Kharkiv, sáng thứ Bẩy 21 Tháng Mười, Nga đã tấn công vào bưu điện trung tâm Kharkiv.

Ông cho biết, cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào bưu điện trung tâm Kharkiv, đông bắc Ukraine đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã chia sẻ một đoạn video vào tối thứ Bảy cho thấy một nhà kho bị hư hỏng nặng được bao quanh bởi đống đổ nát và một container có logo của nhà điều hành bưu chính Ukraine Nova Poshta. Ông cho biết đây là cơ sở dân sự và kêu gọi các đồng minh của Ukraine đoàn kết trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

Thống đốc vùng Kharkiv Oleh Synehubov cho biết: “Tất cả 6 người chết và 14 người bị thương do cuộc tấn công của quân xâm lược đều là nhân viên của công ty đang ở bên trong bưu điện Nova Poshta. “Đây hoàn toàn là một địa điểm dân sự,” ông nói. “Người Nga đã gây thêm khủng bố cho người dân yên bình ở Kharkiv.”

Ông nói thêm: “Các nạn nhân, trong độ tuổi từ 19 đến 42, bị thương do mảnh đạn và vụ nổ”.

Trong số 14 người đang được điều trị tại bệnh viện, có 7 người trong tình trạng nghiêm trọng. Ông nói: “Các bác sĩ đang chiến đấu vì sự sống của họ.

Theo văn phòng công tố khu vực, lực lượng Nga ở khu vực Belgorod phía bắc Kharkiv đã bắn hỏa tiễn S-300, hai trong số đó đã bắn trúng bưu điện trung tâm.

“Việc phân tích các mảnh vỡ vẫn tiếp tục diễn ra tại hiện trường nhằm xác định chính xác số người bị thương và thiệt mạng”, phát ngôn viên văn phòng Dmytro Chubenko nói với đài truyền hình nhà nước Suspilne của Ukraine.

7. Cũng như trong trường hợp Ukraine, Trung Quốc không lên án Hamas. Tại sao?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why China Won't Condemn Hamas”, nghĩa là “Tại sao Trung Quốc không lên án Hamas?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Khi xung đột Israel-Gaza diễn ra, Trung Quốc đang tự định vị mình là nhà môi giới hòa bình, nhưng nước này vẫn chưa lên án các quân khủng bố Hamas đã gây ra cuộc khủng hoảng.

Tuvia Gering, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia trực thuộc Đại học Tel Aviv, đã giải thích lý do tại sao trong một cuộc phỏng vấn với podcast Chinese Whispers do Spectator sản xuất.

Gering là một trong 360.000 quân nhân dự bị của Israel đã được gọi đi quân dịch sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 7 tháng 10 của Hamas có trụ sở tại Gaza, khiến ít nhất 1.400 người Israel thiệt mạng. Bộ y tế do Hamas kiểm soát cho biết ít nhất 3.785 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel sau đó.

Trong khi Trung Quốc tiếp tục kêu gọi kiềm chế và ngừng bắn, họ đã ngừng chỉ đích danh Hamas về vụ tấn công hỏa tiễn ban đầu của nhóm Hồi giáo này hoặc các vụ thảm sát của nhóm này trong cộng đồng Israel.

Trong khi đó, cư dân mạng đăng bài về cuộc xung đột trên mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc lại cực kỳ ủng hộ Palestine, với nhiều quan điểm bài Do Thái đã lan truyền trong nhiều năm ở nước này. Nhiều bài đăng ủng hộ quyền phòng thủ của Israel đã nhanh chóng bị xóa bỏ.

Gering đã chia sẻ những gì ông tin là đã thúc đẩy những câu chuyện chống Israel này, mà ông đã theo đuổi suốt nhiều năm: “Với một hòn đá, bạn có thể giết chết sáu con chim”.

Một trong những “con chim” này có thể bắt nguồn từ sự hỗ trợ ban đầu của Trung Quốc cho chính nghĩa của người Palestine vào những năm 1950. Một điều nữa là tham vọng của Trung Quốc muốn được coi là nước dẫn đầu trên trường thế giới, Gering nói, đề cập đến lời kêu gọi của Trung Quốc về một mặt trận thống nhất trong thế giới Hồi giáo và các động thái nhằm tăng cường sự ủng hộ của các nước đang phát triển đối với mặt trận này.

Trung Quốc cũng cần thể hiện sự ủng hộ đối với những người trong thế giới Ả Rập đã ủng hộ những gì Bắc Kinh cho là lợi ích cốt lõi của họ, chẳng hạn như khu vực Tân Cương, nơi nước này đối xử khắc nghiệt với người dân đa số theo đạo Hồi bị Washington gọi là tội diệt chủng.

Trung Quốc đã tăng cường chính sách quan hệ công chúng vào tháng 6 với chuyến thăm của Mahmoud Abbas, chủ tịch Chính quyền Quốc gia Palestine kiểm soát Bờ Tây, và đã nhiều lần mời các nhà báo từ các quốc gia Hồi giáo tổ chức các chuyến công du đến Tân Cương để khuyến khích các báo cáo tích cực.

Một “con chim” khác là mối quan hệ căng thẳng của Trung Quốc với Mỹ, đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc cảm thấy họ phải “phản đối mọi thứ mà Mỹ ủng hộ về mặt nguyên tắc”, bao gồm cả đồng minh thân cận Israel, quốc gia mà Trung Quốc cho đến nay vẫn duy trì mối quan hệ thân mật và là nhà cung cấp công nghệ quân sự lớn thứ hai của Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã “đưa ra tất cả các giải pháp và trí tuệ của Trung Quốc và nói rằng họ muốn trở thành một cường quốc”. Ông dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng khủng bố là đối thủ của nhân loại, nhưng có vẻ như nhân loại mà Tập Cận Bình nói đó không bao gồm người Do Thái”.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm chỉ trích Mỹ vì phủ quyết một nghị quyết do Brazil soạn thảo kêu gọi tạm dừng giao tranh để cho phép viện trợ rất cần thiết vào Gaza. Mỹ cho biết hoạt động ngoại giao trực tiếp mà nước này đang thực hiện “trên thực địa” cần có thời gian để tiến triển trước.

8. Ukraine: Hơn 1/3 lãnh thổ Ukraine bị nhiễm mìn và vật liệu nổ

Hơn một phần ba lãnh thổ Ukraine bị ô nhiễm mìn và vật nổ do chiến tranh với Nga. phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 22 tháng 10.

Trong tuần qua, các chuyên gia của Bộ chỉ huy lực lượng hỗ trợ của lực lượng vũ trang Ukraine đã kiểm tra và rà phá hơn 260 ha đất nông nghiệp và các vùng lãnh thổ khác khỏi các vật thể nổ, trong đó 3.530 vật thể nổ đã được loại bỏ và vô hiệu hóa.

Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang quy mô lớn của Liên bang Nga chống lại Ukraine, các nhóm rà phá bom mìn thuộc các đơn vị chỉ huy lực lượng hỗ trợ của lực lượng vũ trang Ukraine đã rà phá hơn 11.285 nghìn ha đất nông nghiệp chứa vật nổ, loại bỏ các vật thể nổ; và vô hiệu hóa 135.792 vật thể nổ.

9. Cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc tìm thấy bằng chứng mới về tội ác chiến tranh của Nga

Reuters đưa tin, một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về Ukraine đã tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã thực hiện “các cuộc tấn công bừa bãi” và tội ác chiến tranh ở Ukraine, bao gồm hãm hiếp và bắt cóc trẻ em đưa sang Nga.

“Ủy ban đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy chính quyền Nga đã vi phạm nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế cũng như các tội ác tương ứng tại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của họ ở Ukraine”. Báo cáo trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng nêu rõ các cuộc tấn công ở các thành phố Uman và Kherson, cùng những nơi khác.

“Ủy ban gần đây đã ghi nhận các cuộc tấn công ảnh hưởng đến các đối tượng dân sự, chẳng hạn như các tòa nhà dân cư, nhà ga, cửa hàng và nhà kho dành cho dân sự, dẫn đến nhiều thương vong.”

Mặc dù Nga phủ nhận phạm tội ác chiến tranh nhắm vào dân thường, nhưng ủy ban cho biết họ đã ghi nhận các trường hợp cưỡng hiếp “bằng cách sử dụng vũ lực hoặc ép buộc tâm lý”.

“ Hầu hết các vụ việc xảy ra sau khi thủ phạm đột nhập vào nhà các nạn nhân”, tổ chức này cho biết. “Nạn nhân cho biết họ bị hãm hiếp bằng súng và đe dọa giết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng khác cho nạn nhân hoặc người thân của họ.”

Ủy ban cũng ghi nhận việc chuyển 31 trẻ em từ Ukraine sang Nga hồi tháng 5 và “kết luận rằng đây là hành động bắt cóc bất hợp pháp và là tội ác chiến tranh”. Mạc Tư Khoa nhiều lần phủ nhận việc ép buộc nhận trẻ em Ukraine.

Phái đoàn ngoại giao Nga tại Geneva đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

10. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng Nga sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra bằng chiến đấu cơ ở phía đông Hắc Hải bằng cách sử dụng máy bay đánh chặn MiG-31I được trang bị hỏa tiễn đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 KINZHAL, nghĩa là dao găm.

Lời biện minh của ông ta tham chiếu đến việc tăng cường hiện diện hàng hải gần đây của Hoa Kỳ ở phía đông Địa Trung Hải, với mục đích đe dọa các tàu này khi sử dụng hệ thống vũ khí có tầm bắn được công bố lên tới 2000 km.

Thông báo này phù hợp với luận điệu điển hình của Nga nhắm vào khán giả trong nước, gọi phương Tây là những kẻ xâm lược trong khi coi hoạt động của Nga là cần thiết để bảo vệ nhà nước.

Việc Putin đề cập cụ thể đến hỏa tiễn KINZHAL và khả năng của nó gần như chắc chắn là nhằm mục đích truyền tải thông điệp chiến lược, nhằm chứng minh rằng Nga vẫn có thể sản xuất và vận hành các loại vũ khí mới được phát triển, bất chấp cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra.

KINZHAL vẫn đang trong quá trình thử nghiệm hoạt động, với hiệu suất hoạt động ở Ukraine cho đến nay vẫn còn kém.

Trên giấy tờ, nó vẫn có khả năng cao, có thể bay ở tốc độ siêu thanh và tránh các hệ thống phòng không hiện đại, mặc dù gần như chắc chắn cần phải cải thiện đáng kể cách Nga sử dụng nó để đạt được tiềm năng này.
 
Máy bay khổng lồ Il-76 của Nga nổ tung, ngập trong biển lửa. Gerasimov nướng quân ở Avdiivka.
VietCatholic Media
16:04 22/10/2023


1. Đòn đáng kinh ngạc khi Nga mất 120 xe thiết giáp và 55 xe tăng hôm 19 tháng 10

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “The Russians May Have Lost 55 Tanks In One Day Trying, And Failing, To Capture Avdiivka”, nghĩa là “Người Nga có thể đã mất 55 xe tăng trong một ngày khi cố gắng nhưng thất bại trong việc chiếm Avdiivka”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nga đã mất ít nhất 120 xe thiết giáp, và 55 xe tăng hôm thứ Năm 19 tháng 10, Ngay cả theo tiêu chuẩn ngày tận thế của cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine, đó vẫn là một đòn đáng kinh ngạc. Thiệt hại của Ukraine trong cùng thời kỳ được cho là bằng 1/10 của Nga.

Andrew Perpetua, một nhà phân tích tình báo nguồn mở, đã xác minh được ít nhất 68 chiếc, trong các bức ảnh và video trên mạng xã hội. Tổn thất thực tế của Nga gần như chắc chắn cao hơn rất nhiều.

Về phần mình, bộ tổng tham mưu Ukraine tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy 175 chiến xa trong đó có 55 xe tăng trong thời gian 24 giờ từ thứ Năm đến thứ Sáu. Trung bình, người Nga chỉ mất ba xe tăng mỗi ngày kể từ tháng 2 năm 2022; tỷ lệ tổn thất gần đây cao hơn gần 20 lần. Mạc Tư Khoa được cho là cũng đã mất ít nhất 5 chiến đấu cơ vì các cuộc giao tranh ở Avdiivka.

Tổn thất về nhân lực tương xứng với tổn thất về phương tiện. Bộ tổng tham mưu ở Kyiv tuyên bố 1.380 người Nga đã chết ở Ukraine trong khoảng thời gian 24 giờ kết thúc vào thứ Sáu. Đó sẽ là một trong những tổn thất lớn nhất trong một ngày của cả hai bên trong cuộc chiến rộng lớn hơn.

Rõ ràng là có điều gì đó đã làm tăng thương vong của Nga. Trong vài tuần nay, bảy hoặc tám trung đoàn và lữ đoàn Nga — mỗi trung đoàn có tới 2.000 quân — đã cố gắng nhưng thất bại trong việc bao vây và cắt đứt một trong những thành phố được phòng thủ tốt nhất ở Ukraine tự do: đó là Avdiivka, nằm ngay bên phải. phía tây bắc của Donetsk bị Nga tạm chiếm ở khu vực Donbas phía đông Ukraine.

Ngày qua ngày, quân Nga dàn hàng dài xe tăng và xe thiết giáp. Ngày qua ngày, họ chạy qua mìn, đi lang thang vào các khu được phòng thủ bằng hỏa tiễn, lao vào các trận địa pháo và trở thành con mồi của máy bay không người lái mang đầy chất nổ.

Nhưng họ vẫn tiếp tục đến.

Không rõ tại sao người Nga lại sẵn sàng tiêu tốn nhiều quân và phương tiện như vậy trong nỗ lực thất bại trong việc tấn công hai bên sườn, cắt đứt và cuối cùng đánh bại quân phòng thủ Ukraine ở Avdiivka, bao gồm ít nhất hai lữ đoàn và trung đoàn cũng như các tiểu đoàn trực thuộc.

Có thể các chỉ huy Nga hy vọng sẽ lôi kéo các lữ đoàn Ukraine vào một cuộc chiến tốn kém nhằm ngăn chặn các lữ đoàn đó tăng cường cho cuộc phản công ở miền nam Ukraine, bắt đầu vào tháng 6 và đã chứng kiến quân đội Ukraine tiến ít nhất 10 dặm trên mỗi trục trong số hai trục chính: một trục phía bắc Melitopol bị Nga tạm chiếm, khu vực còn lại xa hơn về phía đông dọc theo Thung lũng sông Mokry Yaly.

Quân Ukraine cũng đang tiến về bờ trái sông Dnipro cũng như phía nam Bakhmut ở phía đông.

Nếu cuộc tấn công Avdiivka thực sự là một nỗ lực khắc phục thì có lẽ nó đã thất bại. Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, DC lưu ý: “Các quan chức Ukraine đã xác định việc đẩy mạnh Avdiivka là một hoạt động chữa cháy của Nga và họ khó có thể cam kết quá mức nhân lực của Ukraine cho trục này”.

Có lẽ cuộc tấn công không phải là một nỗ lực chữa cháy. Thay vào đó, có thể Điện Cẩm Linh chỉ đơn giản là đang khao khát một chiến thắng cuối mùa khi thời tiết ngày càng lạnh hơn, ẩm ướt hơn và cơ hội cho các hành động tấn công lớn giảm dần. Có lẽ cuộc chiến với Avdiivka hoàn toàn không phải là về Avdiivka.

Điều đó có ý nghĩa, theo một cách vô nghĩa. ISW giải thích: “Xét cho cùng, việc chiếm giữ Avdiivka trên giả thuyết sẽ không mở ra những con đường tiến quân mới tới phần còn lại của tỉnh Donetsk”.

Nhưng nếu Điện Cẩm Linh nhắm vào Avdiivka vì giá trị biểu tượng của nó thì họ đã tính toán sai lầm. Điều duy nhất mà Avdiivka đại diện, sau hai tuần diễn ra chiến dịch đẫm máu, là những người Nga thiệt mạng và những chiếc xe tăng Nga bị bắn cháy.

Theo ước tính của ISW, quân Nga có thể đã rút lui sau ngày tấn công đầu tiên khiến họ thiệt hại ít nhất 45 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác. Nhưng họ vẫn kiên trì, các chỉ huy của họ dường như không hề bận tâm trước sự mất mát toàn bộ của cả đại đội hay tiểu đoàn.

Theo nghĩa đó, chiến dịch Avdiivka của người Nga lặp lại một cách kỳ lạ chiến dịch của họ xung quanh Vuhledar vào đầu năm 2023. Trong nhiều tuần liên tục, thủy quân lục chiến Nga đã xông vào đồn trú của Ukraine trong khu định cư, cách Donetsk 25 dặm về phía tây nam.

Quân Ukraine bắn phá các đoàn xe tấn công. Đặc biệt, một ngã tư đường đã chứng tỏ sự từ chối hoặc không có khả năng thích ứng của người Nga. Sau nhiều tuần bị Ukraine phục kích, giao lộ tràn ngập xác của hàng chục xe tăng và phương tiện chiến đấu bị phá hủy.

Hôm nay, Vuhledar tự do. Và Avdiivka cũng vậy, bất chấp những nỗ lực hết mình của người Nga nhằm xâm lược thành phố.

Thật khó để nói điều này kết thúc ở đâu. Người Nga đã lãng phí phần tốt hơn khi hai lữ đoàn thủy quân lục chiến không chiếm được Vuhledar vào mùa đông năm ngoái. Nhưng một chiến dịch thậm chí còn tốn kém hơn xung quanh Bakhmut đã kết thúc với chiến thắng cay đắng của Nga vào mùa xuân năm nay khi các lữ đoàn Ukraine, sau khi đánh đổi không gian để lấy thời gian và thương vong của Nga, cuối cùng đã rời khỏi thành phố cách Donetsk 30 dặm về phía bắc.

Nếu người Nga tiếp tục dồn các trung đoàn vào máy xay thịt Avdiivka, thì cuối cùng họ có thể chiếm được thành phố. Nhưng những tổn thất mà họ phải gánh chịu có thể làm suy yếu các hoạt động của Nga trên khắp chiến tuyến dài 600 dặm ở Ukraine.

Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở Luân Đôn chỉ ra: “Miễn là tỷ lệ thương vong cao này có thể được duy trì, thì có thể ngăn chặn khả năng của Nga trong việc huấn luyện đủ quân mới theo tiêu chuẩn cần thiết để tiến hành hành động tấn công một cách hiệu quả”.

2. Nga nhanh chóng tiến tới cột mốc khủng khiếp, theo số liệu của Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Rapidly Approaching Grisly Milestone, According to Kyiv Figures”, nghĩa là “Theo các số liệu của Kyiv, Nga đang nhanh chóng tiến tới cột mốc khủng khiếp.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo quân đội Kyiv, Nga đang nhanh chóng chạm tới con số 300.000 người thương vong ở Ukraine, sau khi tổn thất về nhân sự tăng đột biến sau một cuộc tấn công tốn kém ở phía đông đất nước.

Quân đội Nga đã mất khoảng 292.850 binh sĩ kể từ khi cuộc chiến tổng lực bùng nổ vào tháng 2 năm 2022, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ Bảy. Con số này bao gồm 790 người Nga thương vong trong 24 giờ qua, theo Kyiv.

Hôm thứ Sáu, Ukraine cho biết Nga đã mất 1.380 chiến binh chỉ trong một ngày, đánh dấu một trong những ngày nguy hiểm nhất đối với lực lượng Mạc Tư Khoa ở Ukraine trong gần 20 tháng chiến tranh gay gắt.

Nga không thường xuyên cung cấp con số thương vong của Ukraine, nhưng số liệu do Bộ Quốc phòng nước này công bố hôm thứ Sáu cho thấy Kyiv đã mất khoảng 995 chiến binh dọc theo chiến tuyến xung quanh Kupiansk và 940 chiến binh xung quanh thành phố Lyman của Donetsk trong tuần qua.

Nga cho biết Ukraine đã mất hơn 2.065 nhân sự xung quanh khu vực Donetsk và thêm 1.010 binh sĩ đã phải ngừng hoạt động ở phía nam khu vực bị sáp nhập trong 7 ngày qua. Theo Mạc Tư Khoa, Ukraine mất thêm 820 quân ở khu vực phía nam Zaporizhzhia và Kherson trong cùng khoảng thời gian.

Những con số này đưa ra con số tổn thất của Ukraine của Nga là 3.895 binh sĩ trên khắp miền nam và miền đông Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 10. Trong cùng khoảng thời gian, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã mất 6.140 người.

Newsweek không thể xác minh độc lập số liệu của Nga hoặc Ukraine. Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều kín tiếng về những tổn thất của mình, hiếm khi gật đầu về con số thương vong hoặc bao nhiêu thiết bị đã bị phá hủy.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh, cho biết: “Rất khó để xác định thương vong trong một cuộc xung đột đang diễn ra vì cả hai bên sẽ cố gắng giữ bí mật dữ liệu và làm tăng số lượng thương vong của đối phương”.

Đầu tháng này, Nga đã bắt đầu nỗ lực tấn công lớn đầu tiên ở Ukraine kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công mùa hè vào đầu tháng 6, tập trung vào thị trấn Avdiivka của Donetsk. Việc chiếm giữ trung tâm sản xuất than cốc này, nơi đã trải qua 9 năm chiến đấu ở tiền tuyến giữa Kyiv và các lực lượng được Nga và Mạc Tư Khoa hậu thuẫn, sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng và chiến thuật quan trọng đối với Điện Cẩm Linh.

Tuy nhiên, mặc dù Nga đã giành được một số lợi ích lãnh thổ xung quanh Avdiivka, các nhà phân tích phương Tây nhanh chóng đánh giá rằng Mạc Tư Khoa đã phải chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và mất một loạt thiết bị quân sự trong cuộc tấn công này.

Nga đang cam kết các binh sĩ bộ binh hạng nhẹ của mình phải “chắc chắn phải chết”, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm Avdiivka, nói với Newsweek hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và các chuyên gia phương Tây vào đầu tuần này đã gợi ý rằng cuộc tấn công của Nga đã thất bại và số lượng các cuộc tấn công do Nga phát động đã giảm.

Tuy nhiên, binh sĩ Nga “đã phát động một đợt tấn công mới gần Avdiivka” vào hôm thứ Sáu, đạt được những lợi ích cận biên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết trong phân tích mới nhất của mình.

Viện nghiên cứu cho biết các chỉ huy Nga vẫn “cam kết thực hiện các hoạt động tấn công trong khu vực bất chấp tổn thất nặng nề về vật chất và nhân sự”.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm thứ Bảy: “Các binh sĩ của chúng tôi kiên định phòng thủ, khiến đối phương bị tổn thất nặng nề”.

3. Máy bay quân sự khổng lồ của Nga phát nổ và chìm trong quả cầu lửa

Hai ký giả Will Stewart và Tom Cotterill của tờ The Daily Mail có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Giant Russian military plane explodes in fireball as it takes off from remote airbase with mystery cargo”, nghĩa là “Máy bay quân sự khổng lồ của Nga phát nổ trong quả cầu lửa khi cất cánh từ căn cứ không quân xa xôi với hàng hóa bí ẩn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Một chiếc máy bay quân sự khổng lồ của Nga đã phát nổ trong một quả cầu lửa khi cất cánh từ một căn cứ không quân xa xôi mang theo một loại hàng hóa bí ẩn. Theo báo cáo, chiếc máy bay Il-76 dài 50m đang ở trên phi đạo thì động cơ bốc cháy.

Chiếc máy bay lăn khỏi phi đạo khi ngọn lửa lan rộng, kèm theo đoạn video từ hiện trường cho thấy chiếc máy bay phản lực nặng 72 tấn chìm trong biển lửa.

Các báo cáo cho biết phi hành đoàn và tất cả hành khách đã trốn thoát trước khi ngọn lửa bao trùm chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ.

Người ta tin rằng có 8 người trên tàu đang vận chuyển một loại hàng hóa quân sự chưa xác định.

Đoạn phim cho thấy máy bay của Bộ Quốc phòng Nga bốc cháy tại căn cứ không quân Ayni gần thủ đô Dushanbe ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Tajikistan. Nó còn được gọi là căn cứ không quân Gissar.

Chiếc máy bay bị cháy là chiếc RF-86900 - trước đây được sử dụng để cung cấp cho nỗ lực chiến tranh của Putin qua Belarus.

Theo một bình luận từ một nguồn tin, thông tin chi tiết về hàng hóa của nó chưa được tiết lộ “vì lý do chính trị thời chiến”.

Ông cũng cho biết chiếc máy bay có thể thuộc về lực lượng không quân Pskov tinh nhuệ của Vladimir Putin. Họ được cho là đã mất 5 chiếc Il-76 trong các cuộc không kích của Ukraine.

Ông nói: “Nếu đó là trung đoàn Pskov thì đó thực sự là một thảm họa - chúng tôi đã mất năm chiếc rồi”.

Chiếc máy bay khổng lồ này là chiếc Il-76 thứ hai nổ tung trên phi đạo trong tháng qua.

Vào tháng 9, một chiếc máy bay khác do Nga sản xuất đã được quay phim khi nó lao khỏi phi đạo ở Phi Châu và phát nổ thành một quả cầu lửa giữa những nghi ngờ rằng chiếc máy bay này có liên quan đến quân đội Wagner.

Chiếc máy bay vận tải bốc cháy ở Mali - nơi quân đội của Wagner đóng quân - chỉ vài tuần sau khi thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê tư nhân Yevgeny Prigozhin thiệt mạng trong một chiếc máy bay thương mại phát nổ gần Mạc Tư Khoa.

Ilyushin được quay phim hạ cánh ở Gao nhưng không dừng lại và nhanh chóng biến thành một địa ngục kinh hoàng. Có thông tin cho rằng phi công người Nga trên chiếc máy bay đã thiệt mạng.

Đoạn phim cho thấy chiếc máy bay gặp nạn bốc cháy với những cột khói đen lớn cuồn cuộn bốc lên bầu trời.

Một số báo cáo đã liên kết chuyến bay với đội quân đánh thuê Wagner gây tranh cãi, đang hoạt động ở Mali, và mặc dù điều này đã bị phủ nhận nhưng vẫn để ngỏ khả năng nhóm bán quân sự có liên quan đến chiếc máy bay.

Đoạn phim dường như bác bỏ thông tin cho rằng chiếc máy bay đã bị hệ thống phòng không cầm tay bắn hạ từ trên trời.

Kênh Telegram ủng hộ chiến tranh Dambiev cho biết chiếc Il-76 bị rơi được vận hành bởi một công ty đến từ Belarus - một đồng minh thân cận của Nga. Công ty có tên là Ruby Star Airways và có trụ sở tại Minsk.

Người ta hiểu rằng máy bay đã hạ cánh quá xa trên phi đạo dài 2.500 mét. Nó không thắng kịp trong vòng chưa đầy 500 mét và lao qua phi đạo, phát nổ trong một địa ngục khổng lồ.

Các nguồn tin thân cận với Wagner phủ nhận nhóm lính đánh thuê Nga có liên quan đến chuyến bay, mặc dù lực lượng của Wagner đang hoạt động ở quốc gia Phi Châu này. Không loại trừ khả năng Wagner có liên quan đến chiếc máy bay.

Theo kênh Telegram Grey Zone, gần gũi với Wagner, chiếc máy bay này được quân đội Mali sử dụng.

Kênh này cho biết: “Chiếc máy bay này, hay đúng hơn là chuyến bay, không chở bất kỳ nhân viên nào của Tập đoàn Wagner”.

4. Thống đốc khu vực Serhiy Lysak yêu cầu phải có các hành động cụ thể để tránh Nga bắn phá từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Thống đốc khu vực Serhiy Lysak cho biết một người đàn ông đã thiệt mạng khi lực lượng Nga pháo kích vào thị trấn Nikopol do Ukraine nắm giữ từ thành trì của họ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, là nhà máy hạt nhân lớn nhất Ukraine.

Lysak cho biết các dịch vụ khẩn cấp ở Nikopol đang làm việc để đánh giá thiệt hại, hãng tin AP đưa tin.

Quân đội Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngay từ đầu cuộc chiến, làm dấy lên lo ngại về khả năng gây ra phóng xạ khi pháo kích vẫn tiếp diễn gần địa điểm này, thường nhắm vào các khu định cư do Ukraine kiểm soát trên sông Dnipro.

Hôm 7 tháng 10, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo, gọi tắt là GUR, Trung Tướng Kyrylo Budanov, xác nhận rằng các đội hoạt động đặc biệt của Tổng cục đã ba lần cố gắng đổ bộ vào tả ngạn sông Dnipro nhằm tạo đầu cầu giải phóng Enerhodar bị tạm chiếm và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ông cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn với radio New Voice Of Ukraine, gọi tắt là NV.

Năm ngoái, vào tháng 8, binh lính GUR đã vượt qua Hồ chứa nước Kakhovka lúc đó vẫn còn đầy nước ở khu vực Enerhodar. Mục tiêu của họ là tạo ra một đầu cầu ở tả ngạn phù hợp cho việc giải phóng thành phố hơn nữa. Volodymyr, một người tham gia hoạt động đó, trước đó đã nói với NV về hoạt động đó với điều kiện giấu tên.

Vào thời điểm đó, người Nga đã tìm cách kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với mạng lưới năng lượng của họ, điều này sẽ giúp Nga đánh cắp được nguồn điện của Ukraine.

Các chiến binh đổ bộ gần Enerhodar, nhưng không đạt được mục tiêu. Theo Volodymyr, họ thiếu pháo binh yểm trợ. Dưới áp lực của lực lượng xâm lược vượt trội, quân Ukraine đã rút lui. Trước khi thực hiện nỗ lực đó, các đơn vị tình báo quốc phòng không có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động như vậy.

Nhưng, Tướng Budanov và người của ông không từ bỏ ý định giải phóng Enerhodar và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Lực lượng GUR đã cố gắng đổ bộ vào tả ngạn Dnipro hai lần nữa. Hàng trăm người đã tham gia vào nỗ lực mới nhất này.

“Nhưng khi GUR có được kinh nghiệm trong các hoạt động đổ bộ, người Nga trong khu vực ngày càng chuẩn bị kỹ càng hơn. Và vào thời điểm diễn ra chiến dịch đổ bộ thứ ba, họ đã triển khai các khí tài quân sự hạng nặng, bao gồm cả xe tăng, tới tận bờ sông”

Vì vậy, các chiến binh GUR không giành được chỗ đứng nữa, buộc phải rút lui. Budanov thừa nhận rằng sự thành công của ba cuộc hành quân bị cản trở bởi những thiếu sót trong cả chỉ huy và điều hành. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nhấn mạnh, người Nga không dám kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với hệ thống năng lượng của họ.

“Ngoài ra, các hoạt động này còn đóng một vai trò khác: nó cung cấp các kỹ năng thực tế cho mọi người – từ ban chỉ huy đến các chiến binh – cách hoạt động trên mặt nước. Kinh nghiệm này đã được áp dụng rất tốt và được sử dụng sau này. Ví dụ như trong cuộc đổ bộ ở Crimea”, Budanov lưu ý.

Tướng Budanov cho biết khó khăn là làm sao bắt sống được bọn chỉ huy Nga và lính canh. 822 nhân viên nhà máy điện hạt nhân Ukraine vẫn ở bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Quân xâm lược sử dụng họ như con tin. Cả nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng là con tin cho quân Nga. Nếu có gì bất trắc, chúng sẽ bắn chết các con tin hay làm nổ tung nhà máy.

5. Quân đội Nga pháo kích vùng Kherson 103 lần trong ngày qua, thường dân bị thương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 22 tháng 10, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết trong 24 giờ qua, quân xâm lược đã pháo kích vào vùng Kherson 103 lần, làm một thường dân bị thương.

Cô cho biết quân đội Nga tấn công vào các khu đông dân cư, cũng như lãnh thổ của một cơ sở giáo dục, các tòa nhà hành chính và cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống công cộng ở quận Beryslav.

Một người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga vào khu vực. Hôm thứ Bẩy, quân xâm lược đã thả 24 quả bom dẫn đường xuống khu vực này.

6. Ít nhất hai thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công qua đêm của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 22 tháng 10, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết ít nhất hai người đã thiệt mạng và những người khác bị thương trên khắp Ukraine khi lực lượng Nga tiếp tục pháo kích các khu vực tiền tuyến và các khu vực khác của đất nước.

Tại Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ở miền trung Ukraine, một người đàn ông 60 tuổi đã chết vào tối thứ Sáu khi một hỏa tiễn của Nga bắn trúng một cơ sở công nghiệp.

Lyutnytska cho biết thêm vợ của người đàn ông này phải vào bệnh viện trong tình trạng bị mảnh đạn nặng.

Đầu ngày thứ Bảy, hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga qua đêm lại tấn công cùng một địa điểm, gây ra thiệt hại chưa xác định và gây ra một đám cháy đã được dập tắt vào buổi sáng. Cô cho biết không ai bị thương trong cuộc tấn công thứ hai.

Hôm thứ Bảy tại vùng Kherson của Ukraine, một thường dân đã thiệt mạng và một người khác bị thương khi lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo kích.

Lyutnytska cho biết quân đội Nga đã sử dụng súng cối, pháo binh, xe tăng, máy bay không người lái và hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt để nhắm vào một số khu dân cư.

7. Bộ Quốc Phòng Nga đưa thẳng quân từ Nga vào chiến trường thị trấn Avdiivka để bù đắp cho con số tổn thất kinh hoàng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 22 tháng 10, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết chiến cuộc tại thị trấn Avdiivka lại sôi động trở lại.

Hơn 80 cuộc đụng độ đã diễn ra dọc chiến tuyến trong 24 giờ qua. Không quân Ukraine đã tiến hành 12 cuộc tấn công nhằm vào các cụm nhân lực của đối phương.

Ông cho biết: “Do tổn thất lớn trong chiến đấu, chúng tôi ghi nhận dòng bổ sung nhân lực trực tiếp từ Nga. Kết quả là ngày càng có nhiều trường hợp đối phương không nắm được địa hình địa phương và tình hình chung của chiến trường. Có cả trường hợp mới được triển khai vào sáng sớm, đến trưa đã bị bắt làm tù binh”.

Trong 24 giờ qua, 980 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến cùng 18 xe tăng, 19 xe thiết giáp, 15 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống pháo, và 13 xe chuyển quân và nhiên liệu.

8. Đức cam kết thêm 175 triệu bảng để tái thiết Ukraine

Đức được tường trình sẽ cung cấp thêm 200 triệu euro cho Ukraine để hỗ trợ đất nước khôi phục hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, nguồn cung cấp nước uống và tái thiết các thành phố.

Đầu tháng này, Đức đã công bố một gói hỗ trợ khác cho Ukraine, trị giá khoảng 1 tỷ euro, theo Bộ Quốc phòng nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Boris Pistorius, cho biết:

Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine những thứ nước này cần khẩn cấp nhất – phòng không, đạn dược và xe tăng.

Với 'gói mùa đông' mới này, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa khả năng sẵn sàng hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine trong những tháng tới.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định về con số thương vong của quân nhân Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, đặc biệt là sau các cuộc tấn công thất bại vào thị trấn Avdiivka. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Bộ Quốc phòng Ukraine ghi nhận rằng các cuộc tấn công gần đây của Nga ở Avdiivka đã góp phần làm tăng 90% số thương vong của Nga.

Kể từ tháng 2 năm 2022, Nga đã tăng đáng kể sự hiện diện của lực lượng trên thực địa ở Ukraine bằng cách tăng cường tuyển dụng, sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính và huy động một phần được tiến hành vào Mùa thu năm 2022.

Sự gia tăng nhân sự này là yếu tố chính đằng sau khả năng của Nga trong việc bảo vệ lãnh thổ tạm chiếm và tiến hành các cuộc tấn công tốn kém.

Có khả năng Nga đã phải chịu từ 150.000 đến 190.000 thương vong vĩnh viễn, tức là chết hay bị thương vĩnh viễn, kể từ khi xung đột bắt đầu, với tổng con số bao gồm cả những người bị thương tạm thời, nghĩa là những người đã bình phục và chuẩn bị quay trở lại chiến trường, vào khoảng 240.000 đến 290.000.

Điều này không bao gồm Tập đoàn Wagner hoặc các tiểu đoàn tù binh của họ đã chiến đấu ở Bakhmut.
 
Thông điệp gì khi 2 GM TQ lại về sớm? Thượng Hội đồng không thể xóa các trang khỏi Kinh Thánh
VietCatholic Media
17:11 22/10/2023


1. Hai giám mục Trung Quốc rời khỏi Thượng Hội đồng Giám mục sớm

Hai giám mục từ Hoa Lục đã rời Thượng Hội đồng Giám mục thế giới Kỳ thứ XVI, sau hai tuần lễ nhóm họp.

Đó là Đức Cha Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), Giám mục Giáo phận Chu Thôn (Zhouchun) tỉnh Sơn Đông, và Đức Cha Diệu Xuân (Yao Shun), Giám mục Giáo phận Tể Ninh.

Tên hai vị được đăng trong danh sách chung kết các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục, do Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố trưa ngày 21 tháng Chín vừa qua.

Trong cuộc họp báo để phổ biến danh sách vừa nói, Đức Cha Luis Marín de San Martín, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nói rằng “Giáo hội địa phương ở Trung Quốc, đồng ý với chính quyền, đã giới thiệu tên của hai giám mục và Đức Thánh Cha đã liệt kê hai vị đó vào các thành viên do ngài bổ nhiệm cho Thượng Hội đồng Giám mục này.

Đức Cha Giuse Dương Vĩnh Cường năm nay 53 tuổi, từ mười năm nay là Giám mục Giáo phận Chu Thôn. Còn Đức Cha Antôn Diệu Thuận, 58 tuổi, Giám mục Giáo phận Tể Ninh, thuộc tỉnh Nội Mông. Ngài là một trong những giám mục đầu tiên được thụ phong giám mục, năm 2019 sau Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Tuy rằng trong thực tế, Tòa Thánh đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Đức Cha từ năm 2010. Đây là hai giám mục khác với hai giám mục Trung Quốc đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Giới trẻ hồi năm 2018: đó là Đức Cha Giuse Quách Kim Cài (Guo Jincai), Giám mục Giáo phận Thừa Đức (Chengde) tỉnh Hà Bắc, và Đức Cha Gioan Baotixita Dương Hiểu Đình (Yang Xiaotinh), Giám mục Giáo phận Du Lâm (Yulin), tỉnh Thiểm Tây. Hai vị này cũng rời Thượng Hội đồng Giám mục bấy giờ, sau hai tuần lễ tham dự.

Trong cuộc họp báo, trưa thứ Hai, ngày 16 tháng Mười vừa qua, ông Ruffini Chủ tịch Ủy ban Thông tin của Thượng Hội đồng Giám mục đã xác định tin trên đây và cho biết hai vị rời Thượng Hội đồng vì lý do những đòi hỏi mục vụ.

Hai giám mục Trung Quốc không biết một sinh ngữ nào, nên phải có một linh mục người Hoa đang theo học ở Roma đến thông dịch cho hai vị.

Cùng với hai vị trên đây, có vị khác người Hoa là Đức Hồng Y Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Giám mục Hương Cảng, và Đức Cha Norberto Phổ Anh Hùng, Giám mục Giáo phận Gia Nghĩa, đại biểu của Hội đồng Giám mục Đài Loan. Đức Cha Phổ là giám mục đầu tiên người dân tộc tại lãnh thổ này.

2. Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa An Nghỉ ở Smyrna, Thổ Nhĩ Kỳ, chính thức bắt đầu hoạt động vào Chúa Nhật 15 tháng 10

Chúa Nhật, ngày 15 tháng 10 năm 2023, đánh dấu ngày bắt đầu hoạt động của Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa An Nghỉ ở Smyrna, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thờ đã được Giáo Hội Công Giáo Rôma cấp cho Tòa Thượng phụ Đại kết để đáp ứng nhu cầu của Chính thống giáo trong khu vực. Vào chiều Thứ Bảy, ngày 14 tháng 10, Đức Giám Mục Bácthôlômêô của Smyrna đã chủ trì buổi Kinh chiều lớn. Ngày hôm sau, ngài chủ trì lễ Orthros, Chúa Nhật ngày 15 tháng 10 và Phụng vụ thánh. Nhà thờ có rất nhiều tín hữu vì nhiều thành viên của Cộng đồng Chính thống Smyrna đã tham dự các buổi lễ.

Ireneusz Bohinski, thay mặt Tổng Giám mục Công Giáo Rôma tại Smyrna, Apollinaire Bahinde, thay mặt Dòng Phanxicô, cựu đại diện Nhà thờ Santa Maria, Alexandros Konstas, Tổng lãnh sự Đông Phương tại Smyrna, Mioara Ştefan, Lãnh sự Rumani ở Smyrna và Makvala Kharebava, thay mặt cho Cơ quan Ngoại giao Georgia ở Ankara, đã tham dự Phụng vụ Thánh.

Sau khi kết thúc Phụng vụ Thánh, Đức Giám Mục Bácthôlômêô đã cảm ơn Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô vì sự đóng góp của ngài vì ngay từ giây phút đầu tiên ngài đã hiểu được nhu cầu của Chính thống giáo Smyrna và thúc đẩy yêu cầu của họ về việc mua lại một Nhà thờ. Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng Nhà thờ này sẽ phục vụ nhu cầu tâm linh của Chính thống giáo trong khu vực. Ngài cũng cảm ơn Giáo Hội Công Giáo Rôma, đặc biệt là Dòng Phanxicô, đã đáp lại lời yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô, chấp nhận yêu cầu của Thượng phụ Đại kết và ban cho Giáo hội những điều tốt lành.


Source:Orthodox Times

3. Thượng Hội đồng về tính đồng nghị 'Không thể xóa các trang khỏi Kinh thánh', Đức Tổng Giám Mục Thượng hội đồng nói

Đức Tổng Giám Mục José Miguel Gómez Rodríguez của Manizales, Colombia, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Thượng hội đồng diễn ra vào tháng này tại Vatican, bình luận về những gì hội nghị này cuối cùng có thể mang lại cho Giáo Hội Công Giáo và nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng “không thể loại bỏ các trang khỏi Kinh thánh. “

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Prensa, đối tác tin tức bằng tiếng Tây Ban Nha của CNA, tổng giám mục Manizales đã trả lời câu hỏi liệu Thượng Hội đồng có thể chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái và truyền chức cho phụ nữ hay không. Ngài trả lời thẳng thừng: “Không, Nhưng Giáo hội đã biết câu trả lời đó rồi. “

“Trước Thượng Hội đồng, một vài ngày trước đó, họ đã công bố các câu trả lời của Đức Thánh Cha cho một số câu hỏi hoặc nghi ngờ mà một số Hồng Y đã nêu ra, điều Đức Thánh Cha muốn là chúng ta phải giải quyết với sự tôn trọng cao độ, và thật tế nhị những câu hỏi mà mọi người có trong lòng và chúng tôi trả lời những câu hỏi ấy với sự tôn trọng đến mức không ai bị xúc phạm, rằng mọi người đều hiểu rõ lý do tại sao của mọi việc,” Đức Tổng Giám Mục Gómez giải thích.

Vị Giám Mục Colombia nhấn mạnh rằng “thượng hội đồng không thể loại bỏ các trang trong Kinh thánh. Thượng hội đồng không có loại thẩm quyền đó, và Đức Giáo Hoàng cũng không muốn điều đó chút nào.”

“Có báo chí xấu chống lại Đức Thánh Cha là điều không công bằng và mục tiêu của nó cũng giống như những gì họ cố gắng thực hiện trên thế giới, đó là đấu tranh giai cấp. Họ muốn chia rẽ người Công Giáo chúng ta khỏi Đức Giáo Hoàng và Đức Giáo Hoàng với người Công Giáo”, ông cảnh báo.

Về các chủ đề được thảo luận tại Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng nhiều chủ đề trong số này “bắt nguồn từ mong muốn Giáo hội thức tỉnh hơn một chút, để người Công Giáo không chỉ khám phá vẻ đẹp của Tin Mừng, mà cả vẻ đẹp của việc tham gia vào Giáo Hội.”

Đó là lý do tại sao, “ba khối câu hỏi lớn được gọi là sự hiệp thông, sự tham gia và sứ mạng, nhưng cũng có những câu hỏi khác mà, thành thật mà nói, đối với tôi, dường như Đức Thánh Cha muốn chúng ta đặt ra trước mắt mình, và chúng là những vấn đề đôi khi đến từ những nhóm nhất định, những nhóm đôi khi tự soi sáng bản thân mà họ không có, nhưng chính họ lại có trách nhiệm tự phóng chiếu bản thân, để minh oan cho mình về điều này hay điều khác.”

Ngài nhấn mạnh: “Tất nhiên, những vấn đề này được Thượng Hội đồng đối mặt với sự tôn trọng, rất nhiều phẩm giá và rất nhiều lòng bác ái”.

Về kinh nghiệm cá nhân của mình tại Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám Mục nói với ACI Prensa rằng điều đầu tiên ngài trải qua là “sự ngưỡng mộ đối với những gì luôn được thấy tại các Thượng hội đồng. Cảm ơn Chúa, đây là lần thứ hai tôi có thể tham dự. Đầu tiên là dựa trên lời của Chúa. Tôi cũng nhớ rằng trong dịp đó, điều làm tôi ngạc nhiên nhất là nhìn thấy tính phổ quát của Giáo hội, nhìn thấy các giám mục từ khắp nơi trên thế giới.”

Khía cạnh thứ hai mà ngài nhận thấy là “Chúa Thánh Thần đang thực sự hoạt động. Thật đáng kinh ngạc, có sự đồng thuận về một số điều mà lẽ ra chúng ta không thể đồng ý từ quốc gia xuất xứ của mình, vì nhiều người trong chúng tôi thậm chí còn không biết nhau. Và chúng tôi có sự đồng thuận rất lớn về mặt nhấn mạnh, những gì cần nhấn mạnh, những gợi ý. Những điều rất thú vị đã xuất hiện.”

Khi được hỏi Giáo hội có thể mong đợi điều gì từ Thượng hội đồng về Tính đồng nghị, Đức Tổng Giám Mục Gómez trả lời: “Điều tôi nghĩ chúng ta có thể mong đợi từ Thượng hội đồng là nó khiến tất cả chúng ta cùng làm việc trên cùng một nhiệm vụ”.

“Trong nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến một khối lượng lớn người Công Giáo dường như không quan tâm đến chính đời sống của Giáo hội, trong một thời gian dài nghĩ rằng Giáo hội phải được thực hiện bởi các linh mục” và các linh mục cần phải giải quyết điều đó, Đức Tổng Giám Mục tiếp tục.

Vị Giám Mục người Colombia cuối cùng đã nhận xét rằng “đã đến lúc tất cả chúng ta phải tự hỏi mình 'Tôi phải làm gì?'; và tôi tin rằng đó là tính đồng nghị”.

Đức Tổng Giám Mục Gómez sinh ngày 24 tháng 4 năm 1961. Ngài được thụ phong linh mục ngày 2 tháng 2 năm 1987.

Ngài từng là giám đốc Ban Giáo lý và Mục vụ Kinh Thánh của Văn phòng Thư ký Thường trực của các Giám mục Colombia và là giáo sư Thánh Kinh tại Đại Chủng viện Thánh Giuse ở Bogotá.

Vào tháng 11 năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Lebanon-Honda và được tấn phong làm giám mục vào ngày 5 tháng 2 năm 2005. Vào tháng 2 năm 2015, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Facatativá, nơi ông phục vụ cho đến tháng 4 năm 2021, khi ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Manizales.


Source:National Catholic Register