Ngày 20-10-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 21/10: Nhận biết dấu chỉ thời đại – Nữ Tu Têrêsa Phùng Thị Yến
Giáo Hội Năm Châu
03:24 20/10/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?

“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

Đó là lời Chúa
 
Nói Với tôi
Lm Vũđình Tường
05:26 20/10/2022
Khiêm nhường là đường lối Chúa. Đức Trinh Nữ Maria, thân mẫu Đức Kitô rất khiêm nhường trong lời ca Magnificat. Là Kitô hữu, con Đức Trinh Nữ, học từ mẹ, sống khiêm nhường, nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, tôi tớ, trước Ngai toà Chúa Chí Nhân. Bởi nhận biết mình không xứng đáng, kẻ tội lỗi, nên Kitô hữu cần Thiên Chúa nâng đỡ, bảo vệ, chở che trong đời. Kitô hữu cần lòng Chúa xót thương, cần ơn tha thứ từ Thiên Chúa. Chính nhờ ơn Chúa ban tràn đầy mà ta có thể trung thành bước theo đường lối Chúa. Chúng ta cũng cần tha nhân, họ là anh chị em ta trong Đức Kitô, nâng đỡ, hỗ trợ, giúp ta tiến trên con đường nhân đức, đường linh thánh.

Đức Kitô kể dụ ngôn hai người vào Đền Thờ cầu nguyện, người Pharisiêu và người thu thuế. Chúa nhận lời cầu người thu thuế mà từ chối lời của người Pharisiêu. Lí do người thu thuế nhận mình là kẻ tội lỗi và xin Chúa thứ tha; người Pharisiêu liệt kê công lao, thành tích anh đạt được. Người thu thuế vào Đền Thờ, anh ta đứng từ đàng xa, run rẩy, mặt cúi gầm đất, đấm ngực ăn năn tội đã phạm. Anh nói vắn gọn, nhận mình là kẻ tội lỗi và xin tha. Anh tin Chúa biết rõ tội anh đã phạm và xin thứ tha. Chúa nhận lời anh cầu xin và tha thứ tội anh. Người Pharisiêu vào Đền Thờ tiến lên phía trên, hãnh diện, đứng thẳng, mặt ngẩng lên cao, nói với Chúa anh là kẻ tốt lành. Tốt hơn nhiều người trong thiên hạ và chắc chắn tốt lành hơn người thu thuế kia. Ngôn từ của anh cho biết anh không yêu thương ai. Thay vì cầu cho tha nhân, anh coi thường họ, coi họ như cỏ rác. Anh ước mong Chúa lắng nghe tiếng anh và công nhận điều tốt lành anh thực hiện. Trong lời 'cầu' của anh, anh không xin Chúa điều gì và tất nhiên anh không nhận được ơn, vì anh không xin. Thực ra, anh đến Đền Thờ không phải để cầu nguyện mà chính là để khoe thành tích anh đạt được. Phúc Âm ghi rõ 'anh nói với chính anh'. Khoe khoang thành tích trước Ngai toà Chúa không phải là cầu nguyện.

Cốt lõi của cầu nguyện là tấm lòng khiêm nhường và chân thành, và Chúa sẽ nhận lời. Dâng lời ca tụng và tạ ơn chính là biểu lộ một con tim biết hiến dâng cho Chúa. Đây chính là tâm tình tạ ơn. Khi ta nghĩ ta tốt lành, ta toàn thiện, Chúa trở thành xa lạ trong cuộc sống. Bởi mình nghĩ mình trong sáng, thánh thiện, nên không cần đến ơn cứu độ Chúa ban. Ta tự tin, tin vào khả năng, thành quả mình đạt được, mà không cần đến ơn Chúa. Lối suy nghĩ sai lầm trên che đậy sự thật. Đó là, không có ơn Chúa, ta không làm được chi. Ta cần nhớ chính Chúa ban cho ta sức khoẻ, tài năng, trí nhớ, ơn khôn ngoan. Không có những điều này ta không có cả sự sống nói chi đến thành đạt. Thái độ chính đáng là một con tim biết khiêm nhường, biết dâng lời cảm tạ và biết. Kitô hữu không hãnh diện, tự hào do thành quả mình đạt được mà chính là hãnh diện, tự hào về một Thiên Chúa rộng lượng và từ bi. Nên nhớ, thất bại, tội lỗi không ngăn cản ta đến gần Chúa. Điều này giúp ta nhận ra cái nhỏ hẹp, hay sa ngã, yếu đuối của ta. Từ đó học sống khiêm nhường, chân thành thống hối. Xin ơn tránh xa các dịp tội, xin Chúa thứ tha lỗi lầm. Đây chính là tâm tình của người thu thuế, ông nhận biết tội ông và xin Chúa thứ tha, ban ân sủng bởi ông tin vào lòng nhân ái vô bờ của Chúa.

Thực tế cuộc sống cho biết ta thường đi giữa lối sống của người Pharisiêu và người thu thuế. Khi thì tự cao, cao ngạo, chê người này, chỉ trích người khác, tự tin vào khả năng chính mình; lúc khác lại biết khiêm nhường, sống phó thác. Căn nguyên của cao ngạo nằm sẵn trong tim, bất cứ khi nào ta lơ là không kiềm chế nó, nó sẽ vùng dậy làm hại ta. Xin ơn biết sống khiêm nhu và biết mọi sự ta có đều do Chúa ban và không ngừng dâng lời tạ ơn.

TiengChuong.org

Talk To Oneself

Humbleness is the way of the Gospel. Mother of Jesus, the Virgin Mary, was very humble in The Magnificat. We, her children, learn from our mother Mary, to recognize our unworthiness, sinfulness, and brokenness before God. This recognition tells us we need God and need others. We need God's mercy and forgiveness. We need to open ourselves to receive God's grace, and that enables us to humbly follow the footsteps of Jesus. We also need each other, our sisters and brothers in Christ, for assistance, for growth, and for both physical and spiritual development.

Jesus told the parable about a tax collector and a Pharisee, both went to the Temple to pray. God approves the tax collector's prayer and disapproves of the Pharisee's. The reason is that the Pharisee came to the Temple not to praise God but to honour himself. The tax collector came to the Temple to pray. He stood at a distance, casting his eyes on the floor, striking his breast in sorrow, and nervously revealing his inner life. His language was simple and sincere. His prayer was short and precise to the point, simply asking God for mercy because he knew that he was a sinner. He believed God knows the sins he has committed and asked for the gift of forgiveness. God granted him what he asked for. In contrast to the tax collector, the Pharisee proudly approached the Temple, standing upright and facing God; he then presented a long 'shopping list' of what he had done. His language revealed that he loved no one. Instead of praying for them, he looked down on them. He said he was better than the rest of mankind and certainly was better than the tax collector. He expected that God would approve of his righteousness. In his saying he asked God for nothing, and of course, he received nothing. In fact, he came to the Temple not to say his prayer, but to parade and justify his good deeds before God. The text made clear that the Pharisee, 'said this prayer to himself'. This self praise is not a prayer at all, because the essence of prayer is the heart, and a humble, sincere heart, God will receive. Praising and giving thanks and recognizing God's reign in our hearts is what we need to pray for. When we think we are perfect, God becomes irrelevant to our life. Because we are perfect, there is nothing for God to redeem. We don't need God but have faith in our own achievements. This kind of thinking covers the truth, that we need God always. We need to acknowledge that it is God who gives us talents in the first place. The right attitude of a humble heart would be, we are grateful for the gifts God has given us. We are not proud of our achievement, but we are proud of our great God whom we adore, worship and show gratitude. On the other hand, our failures and imperfection help us to acknowledge that we are fragile and weak, and that we need the gift of forgiveness. This is the attitude of the tax collector, who was conscious of his sins, and asked for God's love and mercy. In asking for God's love and mercy, he recognized the bounty of God's love.

Most of us keep crossing between the two paths, moving forward and backward between the path of the Pharisee and of the tax collector. One moment we praise God for our success; other times we believe in our own strength. The root of arrogance is deep- rooted in our hearts. Whenever we neglect controlling it, it will take control of our lives. We pray for the grace to be humble in prayer and in loving God and others.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:10 20/10/2022

12. Có người vắt óc suy nghĩ phí cả tâm huyết để tìm cách yêu mến Thiên Chúa. Thực ra, bất kỳ ai, chỉ cần cố gắng hết sức làm những công việc mà Thiên Chúa yêu thích thì là đủ rồi.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:11 20/10/2022
29. ÁI TÌNH (3)

Rất nhiều thiếu nữ thường lấy thân phận, địa vị, của cải, bối cảnh của đối phương để làm điều kiện chọn lựa đôi lứa, như vậy loại ái tình có điều kiện này có chân thành thiết tha không? Cái cần phải suy nghĩ là: vạn nhất những điều kiện này chẳng may tiêu mất nửa đường, thì tình yêu này có tồn tại không?

Một chút so sánh có thể buồn là: con người ta quá coi trọng việc đuổi theo vật chất danh lợi, thì bản chất của tình yêu sẽ bị tổn thương, không thể nào hưởng thụ được tình yêu thuần thật.

Tình yêu vẫn là có điều kiện, nhưng không phải hoàn toàn thiết lập trên bối cảnh gia thế của đối phương, mà ở nơi cá tính của hai người có tương hợp hay không mà thôi, sở thích có hợp nhau hay không, trình độ tri thức có giống nhau hay không, tâm linh có thông nhau hay không?

Nhưng, bất luận người yêu như thế nào, thì sau khi kết hôn vẫn phải không ngừng điều chỉnh cho cân đối, không ngừng thích ứng. Đời sống hôn nhân trực tiếp dạy bảo chúng ta phải khơi thông và hòa hiệp sự quan hệ giữa người với nhau, và làm thế nào để tự mình điều thích.

Hôn nhân có thể làm cho tư tưởng và tâm lý của người ta thành thục, nguyên nhân cũng chỉ là ở đó.

(Bài học cuộc sống)

Suy tư 29:

Có những người trước khi lấy vợ thì xuề xòa, nhưng sau khi lấy vợ thì tự nhiên nghiêm túc hẳn lên, đó là họ ý thức được trách nhiệm và luôn điều chỉnh cách sống của mình cho phù hợp với đời sống vợ chồng; có những cô gái trước khi lấy chồng thì ỏng ẹo làm dáng lảm đỏm, nhưng sau khi lập gia đình thì trở thành người vợ đảm đang, người mẹ hiền, đó là họ đã ý thức được trách nhiệm của mình trong đời sống hôn nhân.

Tình yêu nào cũng có điều kiện, nhưng điều kiện quan trọng nhất mà mỗi người –chồng vợ- phải cố gắng tuân thủ là: kiên nhẫn chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Và khi đã chấp nhận được điều kiện này, thì đời sống gia đình sẽ hạnh phúc và nhiều tiếng cười hơn, cuộc sống vợ chồng sẽ ngày càng thăng hoa hơn.

Trong thực tế, có nhiều hôn nhân tan vỡ, có nhiều gia đình tan tác, có nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn, tại sao vậy? Thưa, vì họ không điều chỉnh trạng thái tâm hồn và cuộc sống sau khi kết hôn, và không có sự kiên nhẫn trong cuộc sống lứa đôi, họ cho rằng kết hôn rồi là xong, chồng thuộc về vợ, vợ là của chồng, thế là họ sống bất cần nhu cầu cần được tôn trọng của chồng (vợ).

Và hạnh phúc bay khỏi gia đình khó mà tìm lại được.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ra đi gặp gỡ và trao ban là truyền giáo
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:38 20/10/2022
Ra đi gặp gỡ và trao ban là truyền giáo

Suy niệm Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, 23/10/2022

Như chúng ta đã biết, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội đã minh định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG2). Là bản chất nên Hội Thánh không thể không truyền giáo. Tất cả mọi người đã được rửa tội đều có bổn phận và trách nhiệm truyền giáo, truyền rao Tin mừng. Vì thế, không ai được miễn sứ vụ truyền giáo cả. Ai cũng phải ý thức bổn phận và trách nhiệm đó để làm sao Nước Thiên Chúa được lan toả đến cho mọi người mọi nơi và mọi thời.

Truyền giáo là gì? Tại sao phải truyền giáo? Đâu là cách thức truyền giáo hiệu quả?

Truyền giáo không phải là truyền tải một mớ kiến thức về giáo lý cho người khác, nhất là cho anh chị em chưa cùng niềm tin. Truyền giáo cũng không phải là chạy ngược chạy xuôi gặp gỡ mọi người để chiêu mộ và mời mọc. Nhưng truyền giáo là sống: sống chứng tá, sống yêu thương, sống dấn thân và phục vụ, sống hy sinh và quan tâm đến tha nhân, nhất là những người nghèo. Truyền giáo là ra đi gặp gỡ, trao ban niềm vui, sự bình an và hạnh phúc cho người khác. Truyền giáo là sống và thực hành những gì Chúa Giê-su đã sống và thực hiện.

Chúng ta phải truyền giáo bởi vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa luôn mong muốn cho con người được sống và sống dồi dào. (x.Ga 10,10). Một Thiên Chúa Tinh Yêu muốn cứu độ tất cả mọi người thay vì huỷ diệt và giết chết. (X.1Tm 2,4). Là người em của Đức Giê-su ngang qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta không thể không nên giống Ngài trong mọi sự. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai, là vị Truyền Giáo đầu tiên khi Ngài chấp nhận xuống thế làm người giống chúng ta mọi đàng để giới thiệu cho nhân loại một vị Thiên Chúa hữu hình. Thiên Chúa là Đấng vô hình nhưng nhân loại được gặp gỡ và đụng chạm Người cách hữu hình ngang qua Thiên Chúa làm người, là Đức Giê-su Ki-tô.

Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự, (x.St 1,1), Người có thể phán một lời thì cả vũ trụ này đều thuộc về Người, nghĩa là cả toàn thể thế giới này có thể tin vào Người. Nhưng không, vì Thiên Chúa ban cho con người có lý trí, có ý chí và tự do, nên Thiên Chúa tôn trọng tự do con người. Quả thật, con người chỉ có thể được cứu độ khi con người biết thưa xin vâng và biết cộng tác. Đúng như Thánh Âu-tinh đã nói “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến của con, nhưng để cứu độ con, Ngài cần sự cộng tác của con.” Hơn nữa, tại sao chúng ta phải truyền giáo? Vì đây là lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. (Mc 16, 15). Mà đã lệnh truyền thì không ai được quyền từ chối và thoái thác. Nhưng phải cấp bách và vội vã để thực thi lệnh truyền này. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Nhưng làm sao để loan báo Tin mừng? Làm sao để truyền giáo, hay nói khác đâu là cách thức loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay? Tiên vàn, để công việc truyền giáo được nở rộ và phát triển, là ki-tô hữu chúng ta phải cầu nguyện cho việc truyền giáo. Nơi đời sống kết hợp với Chúa, chúng ta dễ dàng quan sát và học hỏi cung cách truyền giáo và thu hút mọi người của Đức Giê-su. Nhựa sống của việc truyền giáo là việc ở lại với Chúa để kín múc lấy sức mạnh, tình yêu và lòng nhiệt thành dấn thân. (x.Ga 15,1-8). Từ đó, nói như Phaolô: “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14). Chỉ thật sự trở nên người hăng say truyền giáo, khi chúng ta có tràn đầy tình yêu và hương vị của Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Quả thật, công cuộc truyền giáo chỉ thật sự thành công và mang lại hiệu quả khi người môn đệ chiếm trọn được Đức Ki-tô hay mang được Đức Giê-su trong TRÍ-TÂM. Khi có Đức Ki-tô trong Trí và trong Tâm, chúng ta dễ dàng mang Chúa để trao ban trên Tay, nghĩa là một khi đã có Chúa, đã thấm nhuần Lời Chúa, chúng ta không thể không mang Chúa đến với mọi người. Khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta ‘Nói VỚI CHÚA’, khi chúng ta đi truyền giáo là chúng ta ‘NÓI VỀ CHÚA’ cho người khác bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Hình ảnh Đức Maria như là mẫu gương nhà truyền giáo đích thực khi Mẹ cưu mang Chúa đến thăm viếng Bà Thánh Elisabeth và sẵn sàng hy sinh phục vụ gia đình chị họ trong những ngày mạn nguyệt khai hoa. (X.Lc 1,39-56). Như vậy, để truyền giáo hiệu quả, ắt chúng ta phải có Chúa ở cùng và từ đó được thúc đẩy lên đường dấn thân toả sáng tình yêu bằng công việc cụ thể. Đời sống chứng tá dễ dàng thu hút tha nhân hơn là chỉ nói suông. Thánh Giacobê Tông do đã khẳng quyết:“Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. (1Ga 3, 18). Đúng là ‘lời nói lung lay, gương bày lôi kéo’. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhấn mạnh ‘Giáo hội phát triển không phải bằng chiêu dụ nhưng bằng sự thu hút’.

Như vậy, đâu là cách thức truyền giáo thiết thực cho thế giới hôm nay?

Thiết tưởng cách truyền giáo hữu hiệu và thu lại kết quả đó là chúng ta hãy học bắt chước những cung cách cư xử của Đức Giê-su trong Tin Mừng để gặp gỡ, thân thiện, bao dung, nối kết, yêu thương, tha thứ, đón nhận hơn là loại trừ, cởi mở gần gũi hơn là xa cách, cảm thông và động lòng thương xót hơn là vô tâm - vô cảm - dửng dưng,… Ví dụ, trong thời gian đại dịch Covid, người ki-tô hữu không ngần ngại ra đi đến các vùng miền bị cách li để trao ban yêu thương, cung cấp ‘vác-xin tình người’ qua những thùng mì tôm, gói bánh, bao gạo, bánh chưng, nước uống, thuốc men,…Nơi những vùng lũ lụt, những người Công Giáo được mời gọi sẵn sàng ra khơi, lội nước, chèo thuyền đến tận những gia đình, những cá nhân bị cô lập bởi nước dâng cao để trao ban những nhu yếu phẩm cho họ. Hoặc cụ thể lũ lụt tháng 10 năm 2022 vừa qua tại Kỳ Sơn, Nghệ An, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi cả người lẫn tài sản, nhưng bù vào đó có nhiều cá nhân, tập thể, các hội từ thiện đã có mặt kịp thời để giải cứu bằng những của cải vật chất và những nhu yếu phẩm cần thiết,…Đây là những cơ hội thuận lợi để chúng ta tiếp cận và giới thiệu đạo yêu thương, đạo Chúa, hình ảnh ki-tô hữu cho mọi người, nhất là cho những ai chưa nhận biết về Chúa.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Người khiêm nhường sẽ được quý mến, yêu thương
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
18:44 20/10/2022


Người khiêm nhường thật diễm phúc vì vừa được Thiên Chúa yêu mến vừa được mọi người quý chuộng. Vì thế, Chúa Giê-su thường dạy chúng ta phải sống khiêm nhường. Ngài nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Để minh họa cho bài học của mình, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn “Chọn chỗ cuối.” Ngài nói: Khi được mời dự tiệc cưới, khách mời đừng tự ý ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật tầm cỡ đến sau, bấy giờ chủ nhà sẽ mời người ấy nhường chỗ cho vị khách đến sau thì thật là mất mặt. Tốt hơn, khách mời nên chọn chỗ cuối và khi được chủ nhà mời lên trên thì sẽ được vinh dự trước mặt những người đồng bàn (Lc 14, 7- 11).

Ngoài ra, qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”, Chúa Giê-su cũng dạy ta sống khiêm nhường. Ngài đề cập đến một người biệt phái tự phụ, vênh vang, phô trương công đức của mình, tự cho mình thánh thiện, đạo đức và khinh thường người khác. Ông nói: “Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia!”

Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Quả là ông có nhiều thành tích tốt lành ít ai bì kịp. Thế nhưng ông không nhận được ơn lành của Thiên Chúa vì ông ta như chiếc bình đầy tràn, đầy kiêu căng tự phụ, nên chẳng còn chỗ cho Chúa rót ân sủng vào.

Trong khi đó, người thu thuế vốn biết thân phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Anh nầy đến với Chúa như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng khiêm nhường, thống hối và khao khát được Chúa tuôn đổ ơn tha thứ… nên đã được Thiên Chúa rót đầy tình yêu thương và sự thứ tha.

Với dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su ghi sâu bài học đáng nhớ nầy vào tâm khảm chúng ta: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Chúa hạ bệ người kiêu căng

Lời Mẹ Maria thốt lên khi viếng thăm bà Ê-li-da-bét cho ta biết rằng Thiên Chúa sẽ hạ bệ những người kiêu căng. Mẹ nói:

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.”

Ngoài ra, người tự cao cũng bị người đời ghét bỏ.

Trong giao tế hằng ngày, người có tính tự cao, tự phụ, tỏ ra trỗi vượt người khác trong lối sống lẫn trong ứng xử, nói năng… chắc chắn sẽ bị mọi người xa lánh, chê bai…

Chúa nâng cao những kẻ khiêm nhường

Trái lại, Chúa tỏ lòng yêu mến kẻ khiêm nhường. Điều nầy được Mẹ Maria khẳng định:

“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường…”

Và qua dụ ngôn “Người biệt phái và người thu thuế”, Chúa Giê-su cũng cho chúng ta biết mặc dù người thu thuế mang đầy tội lỗi, đáng bị lên án, nhưng nhờ có thái độ khiêm tốn và hoán cải, nên được Chúa thương xót và tha thứ.

Ngoài ra, trong đời sống thường ngày, những người biết hạ mình, khiêm nhường trong lời ăn tiếng nói, trong cách ứng xử… thì luôn được mọi người tôn trọng, quý mến.

Như thế, quả đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Lạy Chúa Giê-su

Qua sứ điệp Tin mừng hôm nay, Chúa trao cho chúng con bí quyết để được Thiên Chúa và mọi người yêu mến, đó là không tôn mình lên, không bao giờ tự cao tự đại nhưng biết sống khiêm tốn với mọi người.

Xin cho chúng con biết vận dụng bài học quý báu nầy vào cuộc sống để luôn được hạnh phúc an vui. Amen.
 
Hời hợt thiêng liêng
Lm. Minh Anh
19:08 20/10/2022

HỜI HỢT THIÊNG LIÊNG
“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao không tìm hiểu?”.

Catherine Marshall nhận xét, “Về một bài giảng, tôi không quan tâm đến việc thiếu hùng biện, nghệ thuật, hay thông điệp được truyền đi một cách kém cỏi. Chỉ cần Thiên Chúa là một thực tại đối với người giảng, người ấy đã học cách ‘ở lại trong Chúa Kitô!’. Nhiều bài giảng tuân theo các quy tắc tốt nhất, nhưng lại sáo rỗng; cách nào đó, trái tim người giảng không ở trong thông điệp họ trao. Có một sự ‘hời hợt thiêng liêng’ nào đó nơi người giảng những bài giảng như thế!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận xét của Catherine Marshall rất sát với sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày mà Giáo Hội đang hướng về: Bạn và tôi phải là chứng nhân trung thành của Chúa Kitô, bằng cách cho người khác thấy Thiên Chúa là một thực tại mà bản thân chúng ta xác tín, qua việc học cách ‘ở lại trong Chúa Kitô!’. Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu bất bình với những kẻ nghe Ngài, các thầy giảng lề luật; Ngài gọi họ là “giả hình”. Ngài trách cứ sự mù loà tâm linh của họ; đúng hơn, Ngài lên án sự ‘hời hợt thiêng liêng’ nơi họ!

“Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao không tìm hiểu?”. Về những chuyện dưới đất, người đương thời Chúa Giêsu có thể đặt điều này với điều kia theo cách gần như không thể sai lầm; tuy nhiên, một khi lĩnh vực tâm linh được đề cập, thì xem ra, họ mù mờ. Thật đáng buồn! Tại sao? Có thể họ không để tâm đến sự hiện diện của Chúa Giêsu; hoặc tìm cách suy xét về ý nghĩa thực sự lời nói và việc làm của Ngài. Họ chỉ hời hợt lý thú với những phép lạ bên ngoài, mà chẳng quan tâm việc thấu hiểu ý nghĩa sâu xa bên trong của chúng. Quan trọng hơn, họ không màng đến ‘một Ai đó’ còn hơn Salômon, hơn cả Giôna đang ở giữa họ! Và như thế, ‘hời hợt thiêng liêng’ ngăn cản ‘tiến bộ thiêng liêng’ nơi họ. Thấy các dấu chỉ không phải là vấn đề bạn nhận ra hình dạng của một nhà tạm hay một cây thánh giá trong một đám mây, nhưng là suy xét để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống mình.

Ai sống một đời sống cầu nguyện, người ấy sẽ hòa hợp nhiều hơn với sự hiện diện của Chúa. Vì thế, nơi mà người khác thấy sự trùng hợp, họ thấy sự quan phòng; nơi mà ai đó thấy sự trùng khớp, họ thấy Thiên Chúa đang hiện diện. Điều này mang lại cho họ một cảm giác an bình sâu sắc; bởi lẽ, họ biết, Thiên Chúa chịu trách nhiệm về mọi sự và họ không cần phải tự mình tìm câu trả lời cho mọi thứ. Thế giới không nằm trên vai họ, nó ở trên vai Chúa! Vì vậy, thay vì phàn nàn, họ vui tươi; thay vì lo lắng, họ phó thác. Họ sống hồn nhiên như những người con!

Trong thư Êphêsô hôm nay, Phaolô kêu gọi các tín hữu tránh xa thái độ ‘hời hợt thiêng liêng’ bằng cách trở về với những gì căn bản nhất, “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa”. Các nền tảng đức tin này liên kết các thành viên với nhau, cả Do Thái và dân ngoại; “Đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài”, Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ. Mối liên kết này vừa là liên kết với Ngôi Vị Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa là liên kết các thành viên với nhau - tất cả cùng chia sẻ một sự sống thần linh. Vì thế, Kitô hữu không thể sống một cách sống hời hợt!

Anh Chị em,

“Về thời đại này, sao không tìm hiểu?”. Ngay giữa thời đại này, một thời đại đầy biến động với dịch bệnh, với cuộc chiến Ukraine vốn đang ảnh hưởng toàn cầu, Thiên Chúa đang hiện diện, Chúa Giêsu đang hiện diện! Dấu chỉ hiện diện của Ngài có thể rất tinh tế, chẳng ồn ào, và không gây ấn tượng; dẫu thế, rất thực tế! Ngài hiện diện trong Thánh Thể, trong Lời, trong sự thinh lặng của những trái tim cầu nguyện; Ngài hiện diện nơi những con người thiện nguyện, hoặc trong những cuộc gặp gỡ tình cờ mà chúng ta có được trong ngày sống. Ngài có thể hiện diện nơi những người mà chúng ta thấy phiền phức và cả trong những biến cố lớn nhỏ. Chung quanh chúng ta, trong gia đình chúng ta… Ngài đang có mặt. Những gì chúng ta cần là một đôi tai để nghe, một đôi mắt để thấy! Tắt một lời, hãy tránh cho mình, một thái độ ‘hời hợt thiêng liêng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, với thế gian, con sợ nhất phải tiếng ‘hời hợt’; với Chúa, con chỉ ước ‘mãi luôn nồng nàn’. Đừng bao giờ để con, dù chỉ một lần, bị thiên thần quở, đứa ‘hời hợt thiêng liêng!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
George Weigel: Tại sao Công đồng Vatican II là Cần thiết
Vu Van An
14:17 20/10/2022

Trên Denver Catholic (https://denvercatholic.org/why-vatican-ii-was-necessary), George Weigel đặt câu hỏi: Tại sao Vatican II lại cần thiết" và sau đó, ông trình bầy khá nhiều lý do nhưng lý do chính vẫn là sự thánh thiện lấy Chúa Kitô làm tâm điểm để hoán cải thế giới.



Viết cuốn sách mới của tôi, To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II (Basic Books), mang lại cho tôi cơ hội đáng hoan nghênh để tìm hiểu 16 bản văn của Công đồng và nhiều bài bình luận hay về chúng. Nó cũng giúp tôi suy gẫm tại sao Công đồng lại cần thiết. Câu hỏi đó ngày nay thường được đặt ra bởi những người Công Giáo trẻ tuổi, những người vì bất an bởi không khí hỗn loạn quá mức của Giáo hội trong thập niên qua và nói chung là thiếu thông tin về Giáo hội trước Công đồng, đã tưởng tượng rằng mọi thứ trong đạo Công Giáo đều làm cho người ta hết sức hài lòng cho đến khi Đức Gioan XXIII mắc sai lầm chết người là triệu tập một công đồng chung. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của một số nhà lãnh đạo Công Giáo khá chính thống trong thập niên trước Công đồng Vatican II.

Đức Cha Giuseppe De Luca là một giáo phẩm có uy tín, người đã soạn thảo sắc lệnh của Văn phòng Tòa thánh về việc xếp các cuốn sách của André Gide đoạt giải Nobel năm 1947 vào Danh mục Sách Cấm. Tuy nhiên, vào năm 1953, ngài nhận thấy bầu không khí trong Văn phòng Thánh, cơ quan Tối Cao (Suprema) giữa các văn phòng giáo triều, không thể chịu đựng được. Vì vậy, ngài đã trút sự bực bội của mình cho Đức Cha Giovanni Battista Montini (Đức Giáo Hoàng tương lai Phaolô VI) dùng những thuật ngữ không hề vô nghĩa này: “Trong bầu không khí ngột ngạt của sự ngu đần giả dối và kiêu căng này, có lẽ một tiếng la hét - hỗn loạn nhưng có tính Kitô giáo - sẽ có đôi chút ích lợi nào đó”.

Sau đó là nhà thần học thông thái người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthasar. Năm 1952, ngài xuất bản một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Đức, Razing the Bastions: On the Church in This Age, trong đó ngài tỏ ý lo lắng rằng truyền thống Công Giáo vĩ đại đã hóa đá và “trượt ra khỏi trung tâm sống thánh thiện của [Giáo hội].” Balthasar lập luận rằng “chiến dịch cứu vãn vĩ đại” của Phong trào Phản Cải Cách là điều cần thiết, nhưng nó đã qua đi, và Giáo hội phải thoát ra khỏi vòng vây phòng thủ của mình và tiếp tục cung cấp cho nhân loại chân lý của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Trong những năm ngay sau Công đồng, Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tương lai), một trong ba nhà thần học có ảnh hưởng nhất tại Vatican II, biết rằng sự tiếp nhận của Công đồng là không hoàn hảo và việc thực hiện nó thậm chí còn thiếu hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, ngài xác định thêm các lý do tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết và tại sao giáo huấn của Công đồng này lại cần thiết cho bước tiến của Giáo hội từ nay về sau:

“[Công Đồng] đưa trở lại Giáo hội toàn bộ một học thuyết về quyền tối cao của [Đức Giáo Hoàng] vốn bị cô lập một cách nguy hiểm; nó hội nhập vào mầu nhiệm duy nhất của Thân thể Chúa Kitô, một quan niệm quá bị tách biệt về phẩm trật; nó khôi phục lại sự thống nhất có trật tự của đức tin một Thánh mẫu học biệt lập; nó đã đem lại cho lời Kinh thánh giá trị đầy đủ của nó; nó làm cho phụng vụ một lần nữa dễ tiếp cận hơn; và, ngoài ra, nó đã thực hiện một bước tiến can đảm hướng tới sự hợp nhất của tất cả các Kitô hữu".

Vì vậy, Công đồng đã có nhiều thành tựu thần học và tín lý cho tính khả tín của nó. Những điều này rất quan trọng để khơi lại đức tin triệt để, lấy Chúa Kitô làm trung tâm, vốn sẽ là nguồn gốc của một sứ mệnh Công Giáo hồi sinh để hoán cải thế giới hiện đại. Tương tự, việc Công đồng từ chối chủ nghĩa đắc thắng của Công Giáo tự nó là điều tốt và cần thiết cho sứ mệnh của nó: “Công đồng vừa cần thiết vừa tốt đẹp để chấm dứt những hình thức sai lầm về việc Giáo hội tự tôn vinh mình trên thế gian, và loại bỏ sự biện minh sai lầm về mình, bằng cách dẹp bỏ xu hướng cưỡng bách trong việc bảo vệ lịch sử quá khứ của mình".

Tuy nhiên, sau khi thực hiện điều đó, Ratzinger tin rằng việc tự đánh mình một cách liên tục, ám ảnh, sẽ gây ra một trở ngại khác trên con đường truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo. Mở khóa hứa hẹn của Công đồng Vaticanô II có nghĩa là làm mới lại đức tin của chúng ta vào lời cam kết của Chúa “luôn ở cùng anh em” (Mt 28:20). Vì vậy, vị giáo hoàng tương lai kết luận, “đã đến lúc… đánh thức lại niềm vui của chúng ta trong thực tại của một cộng đồng đức tin không bị gián đoạn vào Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải khám phá lại tia sáng đó vốn là lịch sử của các thánh và của cái đẹp - một lịch sử trong đó niềm vui Tin Mừng đã được thể hiện một cách không thể chối cãi trong suốt nhiều thế kỷ.”

Việc đề cập đến “các thánh và cái đẹp” giúp chúng ta hiểu một lý do khác tại sao Công đồng Vatican II lại cần thiết. Việc công bố và nền hộ giáo trước Công đồng của Giáo hội rất mạnh về luận lý. Nhưng một thế giới trở nên phi tôn giáo - không phải ngoại giáo, vì chủ nghĩa ngoại giáo có ý thức về việc bao hàm thế giới này vào một thực tại lớn hơn, nhưng phi tôn giáo, không nghe lời đồn đại về các thiên thần – trong căn bản, sẽ không chịu hoán cải bằng các chứng minh hợp luận lý. Nó sẽ chịu hoán cải bởi sự thánh thiện, tỏ hiện trong cuộc sống của những người đã trở thành bạn của Chúa Giêsu Kitô và tham gia vào chính nghĩa của Người. Nó sẽ chịu hoán cải bởi một Giáo Hội biết cung cấp nhiều vẻ đẹp hơn là thế giới có thể tạo ra.

Nơi mà Đạo Công Giáo sống động ngày nay, và Công đồng Vatican II được đón nhận và thực hiện một cách tốt đẹp, đó là vì các Giáo hội địa phương đã coi sự thánh thiện và vẻ đẹp như những con đường truyền giảng Tin Mừng và dạy Giáo lý hướng tới một tương lai lấy Chúa Kitô làm trung tâm.
 
Cán bộ Trung Quốc nắm tóc đánh đấm túi bụi người Công Giáo ngay trên đất Anh
Đặng Tự Do
17:13 20/10/2022


Căng thẳng Ngoại Giao khi nhân viên ngoại giao Trung Quốc tham gia bạo lực tại lãnh sự quán Manchester trong cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo

Một nghị sĩ Anh cho biết: Một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc ở Anh đã tham gia vào vụ bạo lực chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ, đòi tự do tôn giáo và hủy bỏ phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tại lãnh sự quán Manchester.

Alicia Kearns, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ, nói với Hạ viện rằng tổng lãnh sự của Bắc Kinh ở Manchester, Trịnh Tích Nguyên (Zheng Xiyuan, 郑锡源) đã được nhìn thấy “xé nát các áp phích” trước khi một nhà vận động Hương Cảng bị tấn công vào Chúa Nhật.

Đoạn phim được đăng trực tuyến cho thấy Trịnh Tích Nguyên, một quan chức kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giật một tấm áp phích xuống và nắm tóc một người phụ nữ biểu tình, lôi vào trong khuôn viên lãnh sự quán và bị đánh đập cô ấy dã man.

The Guardian đã nói chuyện với một số nhân chứng và xem lại đoạn phim cho thấy 9 người đàn ông bước ra từ lãnh sự quán, trong đó có một người đội mũ bảo hiểm chống bạo động và hai người mặc áo bảo hiểm, và đối đầu với những người biểu tình ở bên ngoài.

Kearns, chủ tịch ủy ban các vấn đề người nước ngoài của Hạ Viện, cho biết bạo lực là một “sự leo thang thẳng thừng” của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Cô kêu gọi những người liên quan đến vụ đánh đập phải bị truy tố hoặc trục xuất khỏi Anh trong vòng một tuần.

Kearns nói: “Chúng tôi không thể cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh đập người biểu tình trên đất Anh. Đây là một sự leo thang ớn lạnh”.

Một số kẻ bị cáo buộc tấn công đã được cảnh sát xác định nhưng có khả năng được miễn trừ ngoại giao, có nghĩa là họ không thể bị bắt hoặc truy tố bởi các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, họ có thể bị tuyên bố “persona non grata”, người không được hoan nghênh, và bị trục xuất khỏi Anh.

Hôm thứ Ba, cảnh sát Greater Manchester đã lấy lời khai của nhiều người có liên quan đến vụ bạo lực.

Cuộc xung đột có nguy cơ phát triển thành một rạn nứt ngoại giao toàn diện vào hôm thứ Ba sau khi chính phủ Vương quốc Anh triệu tập Đại Sứ Trung Quốc ở London “để giải trình về hành động của các nhân viên lãnh sự quán”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Vương Văn Bân (Wang Wenbin, 汪文斌) nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng “các phần tử gây rối” đã “xâm nhập bất hợp pháp” vào lãnh sự quán. Ông kêu gọi Vương quốc Anh tăng cường bảo vệ các nhân viên ngoại giao và các tòa nhà.

Lãnh sự quán Manchester của Trung Quốc đã được liên hệ để đưa ra bình luận nhưng vẫn chưa có phản hồi.

Trịnh Tích Nguyên, 59 tuổi, là một quan chức kỳ cựu của Đảng Cộng sản và là nhà ngoại giao Trung Quốc cấp cao nhất của Bắc Kinh ở Manchester. Ông trở thành tổng lãnh sự tại thành phố này vào năm 2018 sau khi đã làm việc ở Mumbai, Hy Lạp và New York.

Vương Văn Bân từ chối xác nhận hoặc phủ nhận liệu Trịnh Tích Nguyên có liên quan đến vụ bạo lực hay không, theo Reuters.

Các chính trị gia và nhà hoạt động lo ngại bạo lực có thể tạo tiền lệ đáng lo ngại cho Bắc Kinh trong việc xuất khẩu sự đàn áp và kiểm duyệt sang Anh và các nước dân chủ khác.
Source:The Guardian
 
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói về ngày thứ 237 trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga
Đặng Tự Do
17:15 20/10/2022


Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô!

Hôm nay là Thứ Ba ngày 18 tháng 10 năm 2022 và là ngày thứ 237, nhân dân Ukraine đã đứng trong một trận chiến không cân sức nhưng bất khuất, bảo vệ tự do và độc lập của họ trong cuộc chiến đẫm máu do giặc Nga khởi xướng chống lại Tổ quốc của chúng tôi.

Hôm qua và đêm qua ở Ukraine lại một lần nữa là một ngày của khủng bố Nga. Quân xâm lược đã tiến hành 10 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào lãnh thổ Tổ quốc của chúng tôi, 58 cuộc oanh tạc và 60 quả đạn từ các hệ thống máy bay phản lực các loại. 35 khu định cư của Ukraine, các thành phố và làng mạc của chúng tôi, đã bị tấn công. Và hơn hết là chiều hôm qua và đêm nay Ukraine đã phải hứng chịu những cái gọi là máy bay không người lái kamikaze này.

Hôm qua, Kyiv của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tại trung tâm thành phố, thuộc quận Shevchenkiv, những chiếc máy bay không người lái này đã bị tấn công và ít nhất 4 người thiệt mạng. Và trong số đó có một phụ nữ mang thai đã chết cùng với chồng cô. Ngoài ra còn có các cuộc tấn công nhắm vào Odesa và Dnipro. Đêm qua, Mykolayiv đau khổ của chúng tôi đã bị pháo kích hai lần. Tại thời điểm này, ít nhất một người được xác nhận đã chết.

Nhưng Ukraine đang đứng! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện!

Những ngày này, anh chị em và tôi hướng sự chú ý và những lời cầu nguyện của chúng ta đến gia đình người Ukraine, đến sự kết hợp chung thủy, đơm hoa kết trái không thể tách rời giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Thiên Chúa đã định rằng gia đình Ukraine, gia đình của bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào, phải là một ốc đảo của tình yêu. Bởi vì tình yêu mang lại sự sống và tình yêu cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển của con người. Nhưng trong điều kiện chiến tranh, chúng ta thấy rằng gia đình, như một ốc đảo tình yêu, thấy mình trong một biển bạo lực, một biển ác độc hủy diệt con người.

Bạo lực, những vụ giết người hàng loạt mà chúng ta thấy ngày nay ở Ukraine, chúng đơn giản là không thể tin được. Nhưng một trong những đặc điểm của cuộc chiến này - có thể sẽ đi vào lịch sử như một cuộc chiến bạo lực đặc biệt chống lại phạm vi thân thiết của một người - sẽ được đặc trưng bởi một loại vũ khí nhất định mà Nga sử dụng chống lại Ukraine: tình dục đang được sử dụng như một vũ khí, như một công cụ để khinh miệt và sỉ nhục con người. Chúng ta có một số lượng lớn các vụ hiếp dâm hàng loạt khủng khiếp. Chúng tôi có những trường hợp trẻ em gái và phụ nữ mang thai từ những kẻ lạm dụng họ. Người ta có thể tưởng tượng bạo lực này làm tổn thương gia đình Ukraine đến mức nào, nó làm tổn thương nhân phẩm của đàn ông và phụ nữ đến mức nào. Nó phá hủy những gì Chúa là Thiên Chúa tạo ra vì tình yêu.

Ngày nay, chúng ta có nghĩa vụ làm mọi thứ để bảo đảm rằng gia đình không có bạo lực. Nếu gia đình, như một ốc đảo của cuộc sống và tình yêu, không được bảo vệ khỏi tất cả các loại bạo lực, thì rõ ràng, nó sẽ không đứng vững. Chúng ta hãy làm mọi thứ cùng nhau để những người đàn ông và phụ nữ của chúng ta yêu thương nhau, và những kẻ xâm lược Nga không bao giờ có thể xâm lược gia đình Ukraine bằng bạo lực tình dục khủng khiếp.

Hôm qua chúng tôi đã nhận được một tin tốt lành. 108 phụ nữ Ukraine đã được thả ra khỏi nơi giam cầm của Nga! Chúng tôi cảm tạ Chúa là Thiên Chúa vì những bà mẹ và phụ nữ đã được cứu này, vì họ có thể trở về quê hương của họ, với gia đình quê hương của họ. Nhưng hôm nay, tất cả chúng ta hãy bao quanh những người phụ nữ đó bằng sự chú ý, tình yêu và lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy sưởi ấm họ bằng hơi ấm của cả dân tộc chúng ta. Bởi vì những sự thật bạo hành phụ nữ bị giam cầm ở Nga mà họ kể lại chỉ làm tan nát trái tim và khiến máu sôi trong huyết quản của chúng ta.

Lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót. Bằng sức mạnh của tình yêu thương của Ngài, hãy giúp chúng con đánh bại cái ác và bạo lực giữa cuộc chiến này! Hỡi Chúa, hãy nhìn với ánh mắt đặc biệt đối với gia đình người Ukraine, hãy bảo vệ ốc đảo của cuộc sống và tình yêu mà Ngài đã tạo ra vì hạnh phúc của con người! Lạy Chúa, xin chúc lành cho gia đình Ukraine! Lạy Chúa, xin phù hộ cho những người lính, cô gái và chàng trai Ukraine, những người đang làm mọi thứ ngày hôm nay để trục xuất chiến tranh và các hỏa tiễn của nó khỏi Tổ quốc của chúng con! Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine với nền hòa bình công chính của Ngài!

Cầu mong phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài đối với nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, đến thiên thu vạn đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!
Source:UGCC
 
Hai linh mục Công Giáo tử vì đạo dưới thời Đức Quốc Xã được tuyên Chân phước ở Ý
Đặng Tự Do
17:16 20/10/2022


Hai linh mục Công Giáo bị Đức Quốc xã giết hại khi đang phục vụ những người hấp hối giữa vụ thảm sát Boves đã được tuyên Chân phước tử vì đạo hôm Chúa Nhật ở miền bắc nước Ý.

Trước nguy cơ nghiêm trọng, Cha Giuseppe Bernardi và Cha Mario Ghibaudo “đã không từ bỏ đàn chiên được giao phó, nhưng vẫn gần gũi với người dân cho đến độ đổ máu,” sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng được đọc trong Thánh lễ tuyên chân phước cho hai cha cho biết như trên vào ngày 16 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ca ngợi hai linh mục trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và cầu nguyện rằng tấm gương của các ngài có thể “khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành mục tử theo trái tim của Chúa Kitô, luôn bên cạnh dân của mình.”

Chân phước Mario Ghibaudo

Cha Ghibaudo, hai mươi tuổi, đã đến giải tội và dâng thánh lễ ở Boves, Ý, vào sáng ngày 19 tháng 9 năm 1943. Vài giờ sau, ngài thấy mình phải vội vã giúp những đứa trẻ mồ côi trốn về vùng nông thôn khi lính Đức thiêu rụi 350 tòa nhà ở thị trấn miền núi phía nam Turin của Ý.

Vị linh mục trẻ trở lại thị trấn để bảo quản các Mình Thánh đã được thánh hiến, ban phép xá giải cho những người mà ngài gặp trên đường đi. Khi đến gần một người đàn ông đã bị bắn vào sau đầu để ban phép xá giải “trong lúc nguy tử”, chính vị linh mục đã bị bắn bằng một khẩu súng máy. Một người lính còn dùng giày của hắn giẫm vào mặt của linh mục và đâm ngài, giết chết vị linh mục mới chỉ được thụ phong chức tư tế ba tháng trước đó.

Cha Ghibaudo qua đời khi đang phục vụ với tư cách là một linh mục, hoàn thành lời kêu gọi mà ngài cảm thấy khi rước lễ lần đầu và sau đó khi còn là một học sinh trung học, ngài đã viết “Trở thành một linh mục, sống như một linh mục, chết như một linh mục: đây là sự tổng hợp những hy vọng thân yêu nhất mà tôi dành cho cuộc đời mình.”

Chân phước Giuseppe Bernardi

Sau khi Ý đầu hàng Đồng minh vào tháng 9 năm 1943, hai binh sĩ Đức bị bắt khi các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra ở vùng núi Boves giữa binh lính Đức Quốc xã và một nhóm du kích Ý. Thiếu tá Đức Joseph Peiper đe dọa sẽ tiêu diệt Boves nếu hai người lính này không được thả.

Là một linh mục quản xứ ở Boves, Cha Bernardi được kêu gọi làm người hòa giải cùng với Antonio Vassallo, một thương gia địa phương. Sau khi cả hai thương lượng thành công việc thả hai binh sĩ Đức mà không hề hấn gì, Đức quốc xã đã phá bỏ hiệp ước và bắt đầu một chiến dịch trả đũa bằng bạo lực. Vị linh mục và người cùng tham gia hòa giải với ngài bị giam trong một chiếc xe bọc thép mà từ đó họ chứng kiến cộng đồng của mình bị phá hủy. Theo sắc lệnh của Vatican về việc tử đạo của ngài, Bernardi đã ban phép lành cho xác những người chết từ chiếc xe bọc thép. Ngài bị giết bởi một phát súng và sau đó bị thiêu vào ngày 19 tháng 9 năm 1943 ở tuổi 45.

Cha Bernardi đã rao giảng về sự tử đạo khi giáo xứ của ngài cử hành lễ Thánh Bácthôlômêô rằng nếu cần thiết, ngài sẽ chết giữa những cực hình đau đớn, để công bố cho mọi người từ giá treo cổ rằng đức tin của ngài, tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa mạnh hơn cái chết.

Đông đảo người tham dự thánh lễ tuyên chân phước

Theo truyền thông địa phương, hơn 1,000 người đã tham dự thánh lễ tuyên chân phước được tổ chức trong khuôn viên của Thánh địa Đức Mẹ Boves.

Đám đông tôn kính di tích hài cốt của hai vị tân phúc, được rước xuống lối đi và đặt gần bàn thờ.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, chủ tế Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Semeraro nói rằng cha xứ và cha phó giáo xứ đã chết trong khi cầu bầu cho những người khác. Vị Hồng Y đọc to một số lời chứng mà Vatican đã nhận được về hai vị linh mục thánh thiện.
Source:Catholic News Agency
 
VietCatholic TV
Biến động hàng lãnh đạo Nga, Putin công bố thiết quân luật. Sergei Shoigu biến mất. Kherson rối loạn
VietCatholic Media
03:26 20/10/2022


1. Putin tuyên bố thiết quân luật ở 4 khu vực bị sáp nhập của Ukraine

Vladimir Putin đã ban bố tình trạng thiết quân luật tại 4 khu vực của Ukraine mà Nga kiểm soát một phần lãnh thổ sau khi các quan chức Nga cảnh báo về một cuộc tấn công cường tập của Ukraine vào thành phố Kherson quan trọng ở phía nam.

“Chúng ta đang nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ rất phức tạp, quy mô lớn để bảo đảm một tương lai đáng tin cậy cho nước Nga, tương lai của nhân dân chúng ta”, Tổng thống Nga nói trong bài phát biểu trên truyền hình với các thành viên trong hội đồng an ninh của mình.

Đạo luật, được công bố trên trang web của Điện Cẩm Linh, trao quyền khẩn cấp sâu rộng cho những người đứng đầu các tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson do Nga cài đặt, mà gần đây Nga tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết, việc Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thiết quân luật ở 4 khu vực mà Mạc Tư Khoa kiểm soát một phần lãnh thổ là “hành vi giả hợp pháp hóa việc cướp bóc tài sản của người Ukraine”. Trong điều kiện thiết quân luật bọn cầm quyền có thể trưng dụng tài sản của công dân.

Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã mô tả các thông báo của Nga rằng họ sẽ vận chuyển tới 60,000 người ra khỏi Kherson vì lý do an toàn là “một chương trình tuyên truyền”. Thực tế, theo ông Yermak là họ muốn cưỡng bức người dân di tản chung với binh lính Nga để làm bia đỡ đạn khi rút lui.

Ông nói: “Người Nga đang cố gắng hù dọa người dân Kherson bằng những bản tin giả về việc quân đội chúng tôi pháo kích vào thành phố, đồng thời sắp xếp một chương trình di tản. Đó là một chiến thuật khá thô sơ. Họ biết rõ các lực lượng vũ trang không bắn vào các thành phố của Ukraine - điều này chỉ được thực hiện bởi những kẻ khủng bố Nga. Vấn đề là họ ép dân đi cùng với họ để an toàn tẩu thoát”.

Chính phủ Ukraine đã áp đặt lệnh cấm đưa tin về cuộc tổng phản công ở Kherson nhằm giữ bí mật chiến trường. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, trong vòng 48 tới 72 giờ có thể có các tin chi tiết về chiến trường Kherson.

Sắc lệnh của Điện Cẩm Linh cũng đặt Nga vào một tình trạng kinh tế phục vụ chiến tranh mạnh mẽ hơn. Putin đã ra lệnh “huy động kinh tế” ở 8 tỉnh giáp biên giới với Ukraine, bao gồm cả Crimea, mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Putin cho biết ông ta đang trao thêm quyền cho các nhà lãnh đạo của tất cả các tỉnh của Nga để duy trì trật tự công cộng và tăng cường sản xuất để hỗ trợ cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa đang bước vào tháng thứ tám. Luật cũng hạn chế quyền tự do đi lại trong 8 khu vực của Nga giáp giới với Ukraine.

Ngay sau tuyên bố của Putin, phát ngôn nhân của ông, Dmitry Peskov, cho biết chính phủ không có kế hoạch đóng cửa các biên giới quốc tế của đất nước.

Andrew Roth của Guardian viết: Các biện pháp thiết quân luật do Vladimir Putin công bố có thể được mở rộng đến bất kỳ nơi nào ở Nga “nếu cần”, giữa các lo ngại về khả năng bị đảo chính của Putin.

Các sắc lệnh thực tế của Điện Cẩm Linh đi xa hơn nhiều so với những gì Putin nói trong bài phát biểu của mình về thiết quân luật, vạch ra các biện pháp an ninh mới, hạn chế di chuyển, kiểm tra phương tiện và “huy động kinh tế” phục vụ chiến tranh trên phần lớn miền Tây và miền Nam nước Nga

2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vắng mặt tại cuộc họp gây ra nhiều suy đoán về tương lai của ông ta

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Shoigu Missing at Meeting as Speculation Grows Over His Future”, nghĩa là “Đồng minh Putin là Sergei vắng mặt tại cuộc họp gây ra nhiều suy đoán về tương lai của ông ta”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã vắng mặt một cách đáng chú ý trong cuộc họp hội nghị video của Hội đồng an ninh quốc gia Nga, trong đó Tổng thống Vladimir Putin cho biết thiết quân luật sẽ được áp dụng tại 4 khu vực của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã chính thức sáp nhập.

Điện Cẩm Linh nói rằng Shoigu đã tham dự, nhưng một số người nhanh chóng chỉ ra rằng Shoigu không được nhìn thấy trên màn hình cùng với những người tham dự khác khi Putin phát biểu.

“Các nhà nghiên cứu điện Cẩm Linh lưu ý rằng Tướng Valery Gerasimov và Tư lệnh lực lượng Vệ binh Quốc gia Viktor Zolotov, những người không phải là thành viên thường trực của hội đồng an ninh, có ở đó. Trong khi Shoigu là thành viên thường trực thì lại không có mặt”.

Nó diễn ra khi những đồn đoán đang gia tăng về tương lai của Shoigu, trong bối cảnh những người trung thành với Putin ngày càng công khai tấn công Shoigu về cách ông ta giải quyết cuộc chiến Ukraine.

Putin đã sử dụng cuộc họp hôm thứ Tư để thông báo rằng ông đã ký một sắc lệnh cho phép thiết quân luật áp dụng cho các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson.

Trong một cuộc họp video, ông Putin cho biết sắc lệnh sẽ “ngay lập tức được gửi đến Hội đồng Liên bang để phê duyệt và Duma Quốc gia sẽ được thông báo về quyết định này”, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.

Sự vắng mặt của Shoigu trên màn ảnh xuất hiện khi ông ta phải đối mặt với những lời chỉ trích trong bối cảnh Ukraine có một loạt hành động phản công thành công để chiếm lại lãnh thổ đã bị lực lượng của Putin chiếm giữ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Kirill Stremousov, một nhà lãnh đạo do Điện Cẩm Linh cài đặt ở Kherson bị chiếm đóng, hôm 6/10 cho biết “các nhà lãnh đạo quân sự không đủ năng lực” phải chịu trách nhiệm cho việc rút quân Nga trong khu vực.

Stremousov tuyên bố nhiều người đã nói rằng Shoigu, bộ trưởng phục vụ lâu nhất trong chính phủ Nga, nên tự bắn vào đầu mình trong bối cảnh cuộc chiến đang gánh chịu những thất bại của Putin.

“Nhiều người nói rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người cho phép tình trạng này xảy ra, với tư cách là một sĩ quan, hãy tự bắn vào đầu mình,” Stremousov nói trong một video đăng trên kênh Telegram. “Nhưng, bạn biết đấy, từ 'liêm sỉ' là một từ khó hiểu đối với nhiều người.”

Stremousov cũng nói rằng Bộ Quốc phòng Nga bao gồm “các bộ trưởng, các tướng lĩnh tầm thường và tham nhũng.”

Tình báo Anh trước đây cũng đánh giá rằng Shoigu thường xuyên bị Putin chế giễu, trong khi những người khác cho rằng Shoigu đang bị coi là vật tế thần cho những thất bại quân sự của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo trên Twitter vào cuối tháng 8, các sĩ quan và binh sĩ Nga có kinh nghiệm chiến tranh thường xuyên chế nhạo Shoigu vì “khả năng lãnh đạo kém hiệu quả và lạc lõng với thực tế” khi tiến độ của Nga đang chậm lại.

Shoigu được Putin chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2012, mặc dù không có nền tảng quân sự hay kinh nghiệm chiến đấu. Ông ta giám sát việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Trích dẫn các báo cáo truyền thông độc lập của Nga gần đây, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho rằng Shoigu đang đứng ngoài cuộc trong giới lãnh đạo Nga, với các chỉ huy tác chiến đã thông báo trực tiếp cho Putin về diễn biến của cuộc chiến.

Gần đây hơn, Vladimir Solovyev, một trong những tuyên truyền viên chính của Điện Cẩm Linh, nói trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng Shoigu nên được chuyển “sang một công việc khác” để có thể giải quyết những thất bại gần đây của Bộ Quốc phòng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

3. Ukraine cáo buộc Điện Cẩm Linh tuyên bố “thiết quân luật” tại các khu vực bị chiếm đóng để “hợp pháp hóa hoạt động cướp bóc, trục xuất cưỡng bức”

Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên án việc Mạc Tư Khoa tuyên bố “thiết quân luật” trên các vùng lãnh thổ của Ukraine đang bị Nga chiếm đóng, gọi đây là “tình trạng khủng bố mới”.

Động thái này là một nỗ lực “nhằm trấn áp sự phản kháng của cư dân các vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, những người phản đối sự chiếm đóng của Nga”, một thông cáo do Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra hôm thứ Tư. “Sắc lệnh của Putin vô hiệu. Nó không có hậu quả pháp lý nào đối với Ukraine và công dân của nước này, cũng như đối với cộng đồng quốc tế”.

Mặc dù không kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư thông báo ông đã ký sắc lệnh ban hành lệnh thiết quân luật tại 4 khu vực Ukraine mà Điện Cẩm Linh đã tìm cách thôn tính, vi phạm luật pháp quốc tế. Các khu vực là Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk. Thiết quân luật đã có hiệu lực vào thứ Năm.

Ukraine kêu gọi “các đối tác quốc tế lên án mạnh mẽ ý định của chính quyền chiếm đóng Nga dưới chiêu bài gọi là” thiết quân luật “nhằm tước đoạt quyền con người cơ bản của cư dân trên các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine.

Bộ Ngoại Giao cho biết Ukraine sẽ tiếp tục giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và giải cứu người dân Ukraine.

4. Dự đoán của một vị Đại sứ: NATO cuối cùng sẽ gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine

Các cuộc tấn công tàn bạo của Putin vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine đang làm thay đổi suy nghĩ của nhiều quốc gia trong khối NATO. Họ tỏ ra đồng cảm hơn với những đau khổ mà người Ukraine phải chịu và sẵn sàng giúp nước này ngăn chặn các đau khổ do Putin gây ra.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Will Send Fighter Jets to Ukraine, Eventually—Ambassador Predicts”, nghĩa là “Một vị Đại sứ dự đoán rằng NATO cuối cùng sẽ gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine”, Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các quốc gia NATO cuối cùng sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí thông thường mạnh nhất để giúp đẩy lùi quân đội Nga, theo đại sứ Ukraine tại NATO.

Đại Sứ Natalia Galibarenko nói với Newsweek rằng các cuộc thảo luận về vũ khí tầm xa hơn, máy bay chiến đấu và xe tăng chiến đấu chủ lực đang diễn ra giữa các thành viên NATO.

Các quốc gia NATO không gửi máy bay phản lực hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực - vì sợ khiêu khích Nga - đã là một nỗi thất vọng đặc biệt đối với Kyiv. Nhưng Đại Sứ Galibarenko lạc quan tin rằng mọi thứ đang thay đổi.

“Thật không may, chúng tôi vẫn chưa đến đó,” Galibarenko nói về máy bay chiến đấu và xe tăng. “Các đồng minh biết rằng chúng tôi rất quan tâm đến việc mua máy bay và xe tăng, nhưng không có quyết định chắc chắn.”

“Nhìn vào bảy tháng chiến tranh này, tôi có thể nói rằng một lúc nào đó chúng tôi sẽ ở đó,” vị đại sứ nói thêm.

Bà nói rằng lệnh tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Vladimir Putin vào các thành phố của Ukraine đang giúp Kyiv đưa ra lập luận để được hỗ trợ nhiều hơn.

Mỹ, Tây Ban Nha và Đức gần đây đã cam kết cung cấp thêm hệ thống phòng không hoặc đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống như vậy theo kế hoạch, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ca ngợi “kỷ nguyên phòng không mới”.

“Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến sự thay đổi thái độ về việc cung cấp các hệ thống phòng không”, Galibarenko cho biết như trên khi đề cập đến tác động của các cuộc tấn công bằng của Nga vào tuần trước, và tiếp tục vào tuần này.

Galibarenko lưu ý rằng Ukraine cũng đang để mắt đến các hệ thống vũ khí hỗn hợp và tấn công tiên tiến hơn để giúp ngăn chặn các cuộc phản công đang diễn ra ở phía đông và nam, nơi quân đội Ukraine cho biết họ đã giải phóng hơn 600 khu định cư trong một tháng.

“Tôi nhớ HIMARS từng là một điều cấm kỵ. Mọi người đều nói với chúng tôi: “Không, chúng sẽ không bao giờ được chuyển giao vì khi đó NATO sẽ thực sự tham gia vào một cuộc chiến với Liên bang Nga.”

“Nhưng hiện tại chúng tôi đang nhận các hệ thống vũ khí này từ các quốc gia khác nhau. Đôi khi phải mất thời gian để chúng tôi và các đồng minh đi đến một quyết định chung “.

Galibarenko cho biết sự thay đổi gần đây trong tâm lý phương Tây là có thể thấy rõ.

Bà giải thích về các cuộc tấn công gần đây của Nga vào các thành phố Ukraine. “Putin đôi khi tự bắn vào chân mình... và nhận được phản ứng ngay lập tức và rất mạnh mẽ.”

Các nhà lãnh đạo Ukraine đã coi sự leo thang của Nga - mà Putin tuyên bố là một đòn trả đũa cho vụ tấn công làm hư hỏng cầu Crimea - như một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Điện Cẩm Linh, khi quân đội Nga rút lui khỏi các khu vực quan trọng ở phía đông và phía nam Ukraine.

“Ông ta đang tuyệt vọng,” đại sứ nói thêm.

Lệnh điều động, thôn tính và các cuộc tấn công tầm xa của Putin cho đến nay đã không thể ngăn chặn các cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine.

Và Kyiv dự định sẽ tiếp tục những bước tiến của mình qua mùa đông khó khăn. “Kế hoạch của chúng tôi là không dừng lại. Đây chính là điều mà người Nga đang tìm kiếm.” Galibarenko nói.

“Họ cần thời gian tạm dừng này để cải tổ, đổi mới hậu cần và nguồn cung ứng, cũng như để đào tạo những lực lượng dự bị mới thay thế cho lực lượng của họ trên lãnh thổ Ukraine.”

“Ý tưởng của chúng tôi, ít nhất là bây giờ, là phải giữ cùng tốc độ mà chúng tôi có.” Cô cho biết NATO đang hỗ trợ các thiết bị cần thiết cho mùa đông như đồng phục thời tiết lạnh giá, nơi trú ẩn, máy sưởi và máy phát điện chạy dầu diesel.

Các cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến việc hỗ trợ sửa chữa các thiết bị Ukraine bị hư hỏng và huấn luyện quân đội ở các quốc gia NATO.

5. Nga chuyển sang 'khủng bố tâm lý' khi lực lượng của họ phải vật lộn với thất bại trên chiến trường

Tổng thống Nga đã ra lệnh tấn công tàn bạo vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Ít nhất 30% các nhà máy điện của Ukraine không thể hoạt động được. Tuy nhiên, tốc độ phản công của quân Ukraine vẫn không thay đổi.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Turning To 'Psychological Terror' as Forces Struggle: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Nga đang chuyển sang 'khủng bố tâm lý' khi lực lượng của họ đang gặp kho khăn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, nhận định rằng các cuộc tấn công bằng máy bay và hỏa tiễn vào các mục tiêu dân sự là một phần trong chiến thuật của lực lượng Nga, trong đó họ ưu tiên khủng bố người dân Ukraine để kiếm các lợi thế trên chiến trường.

Một làn sóng các vụ nổ mới đã được các nhà chức trách ở Kryvyi Ri, Dnipro, Kharkiv và Mykolaiv báo cáo vào sáng thứ Ba, một ngày sau khi Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhiều thành phố, bao gồm cả Kyiv.

Ít nhất bốn người, bao gồm một phụ nữ mang thai, đã thiệt mạng hôm thứ Hai tại thủ đô Ukraine do máy bay không người lái phát nổ khi va chạm.

Bốn người khác thiệt mạng ở khu vực phía bắc của Sumy, trong các cuộc tấn công được cho là nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong các cuộc tấn công sau cuộc tấn công hỏa tiễn hàng loạt của Nga vào tuần trước, được thực hiện để trả đũa vụ phá hoại Cầu Kerch của Crimea.

ISW cho biết các cuộc tấn công vào hôm thứ Hai “phù hợp với mô hình rộng lớn hơn của các lực lượng Nga ưu tiên tạo ra các hiệu ứng tâm lý khủng bố đối với Ukraine hơn là đạt được các hiệu ứng chiến trường cụ thể.”

ISW cho biết các lực lượng Nga đang sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran cung cấp “để tạo ra các hiệu ứng tâm lý liên quan đến việc tấn công vào các khu vực dân sự” thay vì cố gắng đạt được “hiệu quả hoạt động cụ thể bằng cách tấn công các mục tiêu quân sự và tiền tuyến hợp pháp”.

Các cuộc tấn công kiểu này có thể gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng dân sự, giết chết và làm bị thương nhiều người “mà không tạo ra các hiệu ứng quân sự có ý nghĩa gì cả”, ISW cho biết.

Đánh giá hàng ngày cho biết Nga đang hướng sang Tehran để mua máy bay không người lái và hỏa tiễn để bù đắp cho kho vũ khí đã cạn kiệt, mặc dù Iran đã phủ nhận rằng họ cung cấp vũ khí cho một trong hai bên trong cuộc chiến.

Tờ Washington Post đưa tin, Iran có khả năng sẽ cung cấp thêm hỏa tiễn, bao gồm hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar, cho Nga ngoài các máy bay không người lái Shahed-136, Mohajer-6 và Arash-2.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Ba rằng sự thất bại của Nga trên chiến trường có nghĩa là họ sẵn sàng tấn công cơ sở hạ tầng dân sự hơn ngoài các mục tiêu quân sự của Ukraine.

“Rất có thể mục tiêu chính của chiến dịch tấn công này là gây ra thiệt hại trên diện rộng cho mạng lưới phân phối năng lượng của Ukraine”, các quan chức quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật hàng ngày của họ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine, Nga đã liên tục phủ nhận việc họ tấn công các mục tiêu dân sự. Tuy nhiên, Ukraine nói rằng các cơ sở năng lượng của họ đã bị hư hại nghiêm trọng vào thứ Ba tại thành phố miền Trung Dnipro với việc cắt điện được báo cáo trong toàn khu vực Zhytomyr.

Trong khi đó, một cuộc tấn công qua đêm vào Mykolaiv đã phá hủy một phần của một tòa nhà chung cư, Kyiv nói. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

6. Cuộc chiến của Putin có thể đẩy đa số người Ukraine vào tình trạng nghèo đói vào cuối năm tới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's War May Push Majority of Ukraine Into Poverty by End of Next Year”, nghĩa là “Cuộc chiến của Putin có thể đẩy đa số người Ukraine vào tình trạng nghèo đói vào cuối năm tới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đinh Nhung.

Theo Ngân hàng Thế giới, việc Nga tiếp tục xâm lược Ukraine có thể gây ra hậu quả kinh tế thảm khốc cho hầu hết quốc gia Đông Âu này vào cuối năm sau.

Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tài chính quốc tế cung cấp các dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả các khoản cho vay, cho các nước nghèo hơn và có thu nhập trung bình. Phát biểu hôm thứ Bảy, Arup Banerji, Giám đốc quốc gia khu vực Đông Âu của tổ chức này, nói rằng làn sóng tấn công gần đây của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự có thể tác động lớn đến triển vọng kinh tế của Ukraine.

“Nếu điều này tiếp tục, triển vọng sẽ khó khăn hơn rất nhiều,” Banerji nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Khi mùa đông thực sự bắt đầu... chắc chắn là vào tháng 12 hoặc tháng Giêng, và nếu những ngôi nhà không được sửa chữa... có thể có một làn sóng di cư nội bộ khác, những người di cư trong nước.”

Banerji ước tính rằng khoảng 25% người Ukraine sẽ sống trong cảnh nghèo đói vào cuối năm nay, tăng đáng kể so với tỷ lệ 2% được ước tính trước cuộc xâm lược vào tháng Hai. Tuy nhiên, các ước tính sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trong suốt năm tới. Banerji nói rằng con số có thể tăng lên đến mức đáng kinh ngạc là 55% vào cuối năm 2023, nếu cuộc xâm lược tiếp tục với tốc độ hiện tại.

Bức tranh về tương lai gần ở Ukraine không hoàn toàn không có hy vọng, vì viện trợ tài chính từ các đồng minh nước ngoài dường như được giữ vững. Trong bài phát biểu hôm thứ Tư trước Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, gọi tắt là IMF, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh nhu cầu của đất nước ông về “hỗ trợ tài chính liên tục và có thể dự đoán được” để duy trì hoạt động của chính phủ và thực hiện các sửa chữa rất cần thiết đối với cơ sở hạ tầng..

Zelenskiy ước tính rằng đất nước của ông sẽ cần khoảng 55 tỷ đô la viện trợ, trong đó chia ra 38 tỷ đô la để trang trải thâm hụt ngân sách năm 2023 của đất nước và 17 tỷ đô la để bắt đầu sửa chữa trường học, nhà ở và cơ sở hạ tầng năng lượng. Sau bài phát biểu và một vòng họp với các nhà tài trợ quốc tế trong tuần trước, Banerji nói với Reuters rằng tình hình là lạc quan.

Ông nói: “Hầu hết các quốc gia đều chỉ ra rằng họ sẽ hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính trong năm tới, và đó là một kết quả rất tích cực.

Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của IMF, tuần trước cho biết tổ chức này đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoản tài chính 35 tỷ USD trong thời gian còn lại của năm 2022.

“Các nhân viên IMF sẽ gặp các nhà chức trách Ukraine tại Vienna vào tuần tới để thảo luận về kế hoạch ngân sách của Ukraine và một công cụ giám sát mới của IMF, công cụ này sẽ mở đường cho một chương trình chính thức của IMF khi các điều kiện cho phép”, Georgieva cho biết.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Banerji để bình luận.
 
Đại nghịch bất đạo: Giáo dân Ấn Độ ngăn cản không cho Tổng Giám Mục nhận Tòa. Tiếp kiến chung
VietCatholic Media
05:14 20/10/2022


1. Đại nghịch bất đạo: giáo dân Ấn Độ ngăn cản không cho Đức Tổng Giám Mục vào Tòa Giám Mục

Các giáo dân tại một tổng giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar của Ấn Độ đã bắt đầu một cuộc cầu nguyện suốt ngày đêm để ngăn chặn vị Giám Quản Tông Tòa do Vatican bổ nhiệm được vào Tòa Tổng Giám Mục.

Các nhà lãnh đạo giáo dân trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly có trụ sở tại Kochi cho biết Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath, vị Giám Quản Tông Tòa được vatican bổ nhiệm, đã đơn phương thu hồi một miễn chuẩn đã cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ quay về phía giáo dân. Các nhóm biểu tình muốn tiếp tục với Thánh lễ truyền thống, trong đó linh mục phải đối mặt với giáo đoàn trong suốt thánh lễ, bất chấp một quy định có hiệu lực vào năm 2021.

Theo quy luật này, được đưa ra như một sự thỏa hiệp, thượng hội đồng Syro-Malabar đã phán quyết rằng linh mục “sẽ đối mặt với giáo dân cho đến kinh nguyện thánh thể thì ngài quay mặt lại hướng về bàn thờ; và sau đó từ Rước lễ đến khi kết thúc Thánh lễ lại quay xuống giáo dân.”

Buổi canh thức tại Tòa Tổng Giám Mục Kochi được khởi động vào ngày 16 tháng 10, và các nhóm giáo dân từ các giáo xứ khác nhau đã được chỉ định để bảo đảm canh gác 24 giờ.

Riju Kanjookaran, phát ngôn viên của Phong trào Minh bạch của Tổng giáo phận, nói với ucanews.com ngày 17 tháng 10: “Chúng tôi không còn muốn vị giám quản tông tòa vào bên trong tòa tổng giám mục của chúng tôi”.

Là tổng giám mục của Thrissur, Đức Tổng Giám Mục Thazhath có tư dinh ở Thrissur, cách Kochi khoảng 53 dặm hoặc khoảng hai giờ lái xe.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Ernakulam-Angamaly vào ngày 30 tháng Bảy, với nhiệm vụ giải quyết tranh chấp về phụng vụ gây ra bởi sự phản đối gay gắt đối với quyết định của Thượng hội đồng về sự thống nhất trong việc cử hành Thánh lễ.

Trước đó vài ngày, Tòa thánh Vatican đã yêu cầu người tiền nhiệm của ngài, là Đức Tổng Giám Mục Antony Kariyil, từ chức. Đức Tổng Giám Mục Kariyil đã cho phép các linh mục của Tổng giáo phận được miễn trừ sau khi phán quyết về Thánh lễ được Thượng hội đồng phê chuẩn.

Sự phản kháng đối với Đức Tổng Giám Mục Thazhath đã xảy ra vào ngày 30 tháng 9 khi ngài ra lệnh cho tất cả các linh mục phải cử hành thánh lễ được Thượng hội đồng phê chuẩn ngay lập tức và thu hồi miễn chuẫn do vị tiền nhiệm ban bố.

Hầu hết các linh mục công khai bất chấp quyết định này và tiếp tục cử hành Thánh lễ quay mặt về phía dân chúng. Các linh mục cũng từ chối đọc thông điệp của Đức Tổng Giám Mục Thazhath, trong đó thông báo việc thu hồi miễn chuẩn.

Kanjookaran nói với ucanews.com rằng hơn 450 cơ sở giáo dục, bao gồm 328 giáo xứ và giáo xứ, đã từ chối tuân theo mệnh lệnh của vị Giám Quản Tông Tòa.

Tranh chấp về phụng vụ trong Giáo Hội Syro-Malabar có từ gần năm thập kỷ trước, khi Giáo Hội bắt đầu sửa đổi phụng vụ của mình. Cuộc tranh cãi sôi nổi đã được khơi lại vào tháng 8 năm 2021 khi Thượng hội đồng quyết định thực hiện quyết định năm 1999 về việc áp dụng sự đồng nhất trong Thánh lễ trên tất cả các giáo phận.

Tất cả 35 giáo phận của Giáo Hội Syro-Malabar, ngoại trừ Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, đã bắt đầu cử hành Thánh lễ theo chỉ dẫn được Thượng hội đồng phê chuẩn vào tháng 11 năm ngoái.

Đức Tổng Giám Mục Thazhath, trong một tin nhắn video, đã bảo vệ quyết định của mình, nói rằng ngài chỉ đang làm theo hướng dẫn từ Vatican.
Source:Crux

2. Buổi yết kiến chung, Thứ tư ngày 19 tháng 10, 2022

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung, thứ tư ngày 19 tháng 10, 2022, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục nói về biện phân, nhấn mạnh đến yếu tố thứ tư của nó là đọc lại câu chuyện đời mình. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong các bài giáo lý của những tuần lễ này, chúng ta đang tập trung vào những điều kiện tiên quyết để có thể biện phân cách tốt đẹp. Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đưa ra quyết định, và để đưa ra quyết định, chúng ta phải đi theo một hành trình, một nẻo đường biện phân. Mọi sinh hoạt quan trọng đều có những “hướng dẫn” cần tuân theo, những hướng dẫn này phải được biết trước để chúng tạo ra những hiệu quả cần thiết. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét một thành phần không thể thiếu khác để biện phân: câu chuyện đời sống của chính người ta. Biết được câu chuyện đời sống của mình là một yếu tố cần thiết để biện phân.

Cuộc sống của chúng ta là “cuốn sách” quý giá nhất được ban tặng cho chúng ta, một cuốn sách mà rất tiếc là nhiều người không đọc, hay nói đúng hơn họ đọc quá muộn, trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó, người ta tìm thấy những gì họ tìm kiếm một cách vô ích ở nơi khác. Thánh Augustinô, một người vĩ đại tìm kiếm sự thật, đã hiểu điều này chỉ bằng cách đọc lại cuộc đời của mình, ghi nhận trong đó những bước đi âm thầm và kín đáo, nhưng sâu sắc của sự hiện diện của Chúa. Vào cuối cuộc hành trình này, ngài ngạc nhiên ghi nhận: “Chúa ở bên trong, còn con thì ở bên ngoài, và con đã tìm kiếm Chúa ở đó; Con, một cách thiếu yêu thương, vội vàng lơ đễnh giữa những thứ Chúa đã tạo ra. Chúa ở với con, nhưng con không ở với Chúa” (Tự Thú X, 27.38). Do đó, ngài mời gọi chúng ta trau dồi đời sống nội tâm để tìm ra điều mà chúng ta tìm kiếm: “Hãy trở về bên trong chính bạn. Sự thật ngự trị trong con người bên trong” (Về Tôn giáo Chân chính, XXXIX, 72). Đây là lời mời gọi tôi muốn gửi đến tất cả anh chị em, và ngay cả đến chính tôi: “Hãy trở về bên trong chính anh chị em. Hãy đọc chính cuộc sống của anh chị em. Hãy đọc chính anh chị em từ bên trong, nẻo đường anh chị em đã chọn. Một cách thanh thản. Hãy trở về bên trong chính anh chị em”.

Nhiều lần, chúng ta cũng có kinh nghiệm của Thánh Augustinô, khi thấy mình bị giam cầm bởi những suy nghĩ khiến chúng ta xa rời bản thân, những thông điệp rập khuôn gây hại cho chúng ta: Thí dụ, “Tôi vô dụng” - và nó khiến anh chị em thất vọng; "Mọi thứ đều không ổn đối với tôi" - và nó khiến anh chị em thất vọng; “Tôi sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì đáng giá” - và nó khiến anh chị em thất vọng, và nó trở thành cuộc sống của anh chị em. Những cụm từ bi quan khiến anh chị em thất vọng! Đọc lịch sử của chính mình cũng có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của những yếu tố “độc hại” này, nhưng sau đó mở rộng câu chuyện của chúng ta, học cách chú ý đến những điều khác, làm cho nó trở nên phong phú hơn, tôn trọng sự phức tạp hơn, cũng thành công trong việc nắm bắt những cách thức kín đáo trong đó Thiên Chúa hành động trong đời sống. Tôi từng biết một người mà người ta nói xứng đáng nhận giải Nobel về sự tiêu cực: mọi thứ đều tồi tệ, mọi thứ, và người này luôn cố gắng làm mình thất vọng. Người này là một người cay đắng, dù có nhiều phẩm chất. Và rồi người này tìm được người khác giúp đỡ mình, và mỗi khi phàn nàn về điều gì đó, người kia thường nói: “Nhưng bây giờ, để bù trừ, hãy nói điều tốt về bản thân bạn”. Và người này nói: “Vâng, vâng… tôi cũng có phẩm chất này”, và từng chút, điều này đã giúp người này tiến lên phía trước, đọc tốt cuộc sống của mình, cả những điều xấu lẫn những điều tốt. Chúng ta phải đọc cuộc đời của mình, và làm như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy những điều chưa tốt và cả những điều tốt mà Chúa đã gieo vào chúng ta.

Chúng ta đã thấy rằng sự biện phân có phương thức tường thuật; nó không dựa vào hành động đúng như in, mà đặt nó vào một bối cảnh: suy nghĩ này đến từ đâu? Điều tôi đang cảm thấy bây giờ, nó đến từ đâu? Nó dẫn tôi đến đâu, tôi đang nghĩ gì bây giờ? Trước đây, tôi đã gặp nó bao giờ chưa? Nó có phải là điều mới xuất hiện trong tâm trí tôi bây giờ, hay tôi đã thấy nó ở một lần khác? Tại sao nó dai dẳng hơn những điều khác? Với điều này, cuộc sống đang cố gắng nói gì với tôi?

Kể lại các sự kiện trong cuộc đời cũng giúp chúng ta nắm bắt được các sắc thái và chi tiết quan trọng, những điều tự tỏ ra là những trợ cụ có giá trị, cho đến nay vẫn bị che giấu. Thí dụ, một bài đọc, một phục vụ, một cuộc gặp gỡ, thoạt nhìn bị coi là ít quan trọng, theo thời gian sẽ truyền tải sự bình an nội tâm; chúng truyền tải niềm vui sống và gợi thêm nhiều sáng kiến hơn nữa. Dừng lại và thừa nhận điều này là điều chủ yếu. Dừng lại và thừa nhận: nó quan trọng cho việc biện phân; đó là nhiệm vụ thu thập những viên ngọc quý giá và ẩn giấu mà Chúa đã rải rác trong mảnh đất của chúng ta.

Sự tốt lành luôn luôn bị che giấu, bởi vì sự tốt lành khiêm tốn và hay ẩn mình: sự tốt lành bị che giấu; nó im lặng, nó đòi hỏi sự khai quật chầm chậm và liên tục. Bởi vì phong cách của Thiên Chúa là kín đáo: Thiên Chúa thích không bị nhìn thấy, kín đáo, Người không áp đặt; Người giống như không khí chúng ta hít thở - chúng ta không nhìn thấy nó nhưng nó giúp chúng ta sống, và chúng ta chỉ nhận ra nó khi thiếu nó.

Làm quen với việc đọc lại cuộc đời mình sẽ giáo dục cách nhìn, làm sắc nét nó, giúp nó ghi nhận những phép lạ nhỏ mà Thiên Chúa nhân lành làm cho chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta nhận thấy những hướng khả hữu khác giúp củng cố hương vị bên trong, sự bình yên và sự sáng tạo của chúng ta. Trước hết, nó giúp chúng ta thoát khỏi những định kiến độc hại. Người ta đã nói một cách khôn ngoan rằng người không biết quá khứ của mình bị kết án phải lặp lại nó. Thật kỳ lạ: nếu chúng ta không biết con đường mình đã đi, tức quá khứ, chúng ta luôn lặp lại nó, chúng ta đi vòng vòng. Người đi vòng vòng không bao giờ tiến về phía trước; nó không phải là tiến bộ, nó giống như con chó tự đuổi theo đuôi của mình; họ luôn đi theo cách này, lặp đi lặp lại mọi điều.

Chúng ta có thể tự hỏi: đã có bao giờ tôi kể lại cuộc đời mình cho ai chưa? Đây là một trải nghiệm tuyệt vời của các cặp đính hôn, khi họ trở nên nghiêm túc, kể câu chuyện cuộc đời của họ… Đây là một trong những hình thức giao tiếp đẹp đẽ và thân mật nhất, kể lại cuộc đời của mình. Nó cho phép chúng ta khám phá những điều chưa biết cho đến nay, dù nhỏ bé và đơn giản, nhưng như Tin Mừng nói, chính từ những điều nhỏ bé mà những điều lớn lao mới phát sinh (xem Lc 16:10).

Cuộc đời của các thánh cũng tạo nên một trợ cụ quý giá trong việc nhận biết phong cách của Thiên Chúa trong đời sống của ta: cho phép ta làm quen với cách hành động của Người. Hành vi của một số vị thánh thách thức chúng ta, cho chúng ta thấy những ý nghĩa và cơ hội mới. Thí dụ, đây là điều đã xảy ra với Thánh Inhaxiô thành Loyola. Khi mô tả khám phá căn bản của đời mình, ngài bổ sung một minh xác quan trọng, và ngài nói: “Từ kinh nghiệm, ngài suy ra rằng một số suy nghĩ khiến ngài buồn bã, những suy nghĩ khác khiến ngài vui vẻ; và từng chút một, ngài học biết tính đa dạng của các suy nghĩ, tính đa dạng của những tinh thần khuấy động trong ngài” (xem Tự truyện, số 8). Biết điều xảy ra trong chúng ta, biết, ý thức được.

Biện phân là đọc một cách tường thuật những khoảnh khắc tốt đẹp và những khoảnh khắc đen tối, những niềm an ủi và nỗi buồn mà chúng ta trải qua trong đời mình. Trong biện phân, chính trái tim nói với chúng ta về Thiên Chúa, và chúng ta phải học cách hiểu ngôn ngữ của nó. Thí dụ, chúng ta hãy hỏi vào cuối ngày: điều gì đã xảy ra hôm nay trong lòng tôi? Một số người nghĩ rằng việc xét mình này là để tính toán tính cân bằng của tội lỗi - và chúng ta phạm bao nhiêu tội lỗi - nhưng đó cũng là để tự hỏi bản thân, “Điều gì đã xảy ra trong tôi, tôi đã trải nghiệm niềm vui chưa? Điều gì đã mang lại cho tôi niềm vui? Tôi có buồn không? Điều gì đã mang lại cho tôi nỗi buồn? Và bằng cách này, chúng ta học cách biện phân những gì xảy ra bên trong chúng ta.
 
Quân Nga ở Kherson: Liều lĩnh vượt sông, hay buông súng đầu hàng. Ukraine tìm ra cách hạ drone Iran
VietCatholic Media
15:27 20/10/2022
00:00:00 Đài Hiệu

1. Không còn đủ đạn dược chiến đấu, chỉ huy Nga chỉ còn đủ đạn để tự sát

Trong bản báo cáo hôm thứ Năm 20 tháng 10, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Không quân Ukraine đã tiến hành 10 cuộc không kích vào các vị trí của lực lượng Nga, đánh vào 6 khu vực kho đạn và các cụm thiết bị quân sự, cũng như 4 vị trí của hệ thống phòng không của đối phương.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng tham mưu cho biết tại miền Đông Bắc Ukraine, vào lúc 18:00 ngày thứ Tư, quân xâm lược Nga đang tập trung nỗ lực phá vỡ các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Ukraine ở Bakhmut và và Avdiivka. Đó là hai địa điểm hiện có giao tranh tích cực. Trong ngày 19 tháng 10, 430 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Các lực lượng vũ trang Ukraine đã loại bỏ khoảng 66,280 lính Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 19 tháng 10.

Tại miền Nam, “Quân đội Nga đã nã pháo vào các cộng đồng ở quận Beryslav bằng cách sử dụng xe tăng, trọng pháo và hỏa tiễn”. Đây là những vùng lãnh thổ mới được giải phóng và nằm dọc theo giới tuyến. Đã có những thiệt hại đáng kể về nhà cửa của dân chúng, và các trang trại sau khi hỏa hoạn bùng phát do các cuộc tấn công.”

Tại các nơi khác quân Nga củng cố các phòng tuyến và án binh bất động.

Về tình hình cuộc phản công ở Kherson, phát ngôn nhân cho biết đang trong tình trạng cấm vận thông tin để bảo mật cho cuộc tấn công của Ukraine diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, có những chi tiết sau:

Kirill Stremousov, phó chủ tịch của Ủy ban hành chính dân sự - quân sự do Nga bổ nhiệm cho biết toàn bộ guồng máy điều hành Kherson đã được trao cho quân đội Nga. Y và chủ tịch Ủy ban là Vladimir Saldo đã bỏ chạy khỏi Kherson.

Một cuộc đánh chặn của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là là SBU, cho biết tình trạng trong thành phố Kherson đã rơi vào hỗn loạn. Quân Nga đang cướp phá và hôi của trong thành phố. Nhiều phụ nữ trong thành phố bị cưỡng hiếp. Do các cuộc pháo kích của quân Ukraine nhắm vào các kho đạn của Nga, người lính nói với vợ mình rằng không còn đủ đạn dược để chiến đấu. Chỉ huy của anh ta, có lẽ chỉ còn đủ đạn để tự sát. Các máy bay không người lái trinh sát của Ukraine bay trên bầu trời, cũng không ai buồn bắn hạ vì thiếu đạn dược. Theo lời người lính, thiết quân luật là nhằm ngăn chặn hoạt động của các kháng chiến quân Ukraine đang rất tích cực trong thành phố. Thiết quân luật cũng nhằm để tổ chức một cuộc di tản có trật tự. Tuy nhiên, nhiều đơn vị Nga chưa đến lượt di tản đã dí súng bắt dân làm bia đỡ đạn trong cố gắng thoát khỏi vòng vây. Một số xà lan tìm cách vượt sông Dnipro đã bị đánh chìm. Theo anh ta, nhiều người lính Nga tìm cách đầu hàng quân Ukraine, hơn là liều mạng vượt sông.

Trước đó, trong một video buổi tối hướng đến các công dân Liên bang Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã khuyên các binh sĩ Nga buông vũ khí, ra đầu hàng.

“Đây là những công dân Nga không muốn tham gia vào cuộc chiến tội phạm này. Với những người đang bị triển khai vào cuộc chiến này, một lần nữa tôi nhắc nhở các bạn về một khả năng. Tất cả những ai đầu hàng Ukraine sẽ được cứu sống. Tất cả những ai tiếp tục chiến đấu trong quân đội Nga hoặc trong số những người lính đánh thuê sẽ không có cơ hội như vậy.”

Ông nhấn mạnh Ukraine chắc chắn sẽ giành lại những gì thuộc về mình.

Như Zelensky đã lưu ý vào cuối tháng 9, ba điều được bảo đảm cho những quân nhân Nga đã chọn buông vũ khí và đầu hàng.

“Ukraine bảo đảm với mọi người lính Nga đầu hàng ba điều. Thứ nhất, bạn sẽ được đối xử một cách văn minh, phù hợp với tất cả các quy ước. Thứ hai, không ai biết hoàn cảnh đầu hàng của bạn, không ai ở Nga sẽ biết rằng bạn đã đầu hàng,” Zelensky nói.

2. Quân Nga sẽ rút lui hay đầu hàng tại Kherson như thế nào?

Cho đến nay các nguồn tin tại Kyiv khẳng định không chấp nhận bất cứ đề nghị đầu hàng có điều kiện nào. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng Nga có thể sẽ cố tháo chạy bằng cách liều mạng vượt sông Dnipro. Tuy nhiên, đó là điều hết sức nguy hiểm trong vùng đang xảy ra chiến sự. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2022, chỉ huy các lực lượng Nga tại Ukraine vừa được bổ nhiệm, Tướng Sergei Surovikin, nói với truyền thông Nga rằng “một tình huống khó khăn đã xuất hiện” ở khu vực Kherson. Ông tán thành các kế hoạch đã được công bố trước đó của chính quyền chiếm đóng là di tản dân thường.

Với tư cách là người chỉ huy chiến dịch tổng thể, thông báo của Surovikin nêu bật một tin tức tiêu cực như thế về “hoạt động quân sự đặc biệt” là điều rất bất thường. Nhiều khả năng chính quyền Nga đang xem xét nghiêm chỉnh việc rút các lực lượng của họ khỏi khu vực phía tây sông Dnipro.

Một thách thức quan trọng của bất kỳ hoạt động rút quân nào của Nga là đưa quân và thiết bị của họ qua con sông rộng 1000m một cách có trật tự. Tất cả các cây cầu cố định bị hư hại nghiêm trọng, Nga rất có thể sẽ phụ thuộc nặng nề vào một cây cầu xà lan tạm thời mà nước này đã hoàn thành gần Kherson trong những ngày gần đây và các đơn vị phà phao quân sự, đang tiếp tục hoạt động tại một số địa điểm.

3. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Lệnh thiết quân luật của Putin là “chiến thuật tuyệt vọng để cố gắng thực thi và kiểm soát”

Phụ tá phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết lệnh thiết quân luật của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại các khu vực mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã sáp nhập là “chiến thuật tuyệt vọng để cố gắng thực thi và kiểm soát”.

Patel nói tại một cuộc họp của Bộ Ngoại giao: “Sẽ không có gì ngạc nhiên đối với bất kỳ ai khi Nga đang sử dụng các chiến thuật tuyệt vọng để cố gắng và thực thi quyền kiểm soát ở những khu vực này.

Ông nói: “Sự thật là người Nga không được hoan nghênh ở những khu vực này, và người dân Ukraine đang phản kháng cuộc xâm lược và chiếm giữ bất hợp pháp của Nga đối với lãnh thổ Ukraine”.

Patel nhấn mạnh rằng “bất kể Điện Cẩm Linh nói gì hay làm gì, cho dù họ cố gắng ban hành bất cứ sắc lệnh thông qua giấy tờ hay cách khác, Crimea, Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia đều là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine”.

“Họ không có thẩm quyền pháp lý nào. Không có quyền tài phán đối với những lãnh thổ đó. Đây là đất của Ukraine mà Nga đã ngang nhiên vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc với những hành vi phi pháp của họ”, ông nói.

4. Vương quốc Anh cảnh báo Putin về 'hậu quả nghiêm trọng' nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã có mặt tại Washington để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ trong bối cảnh có tin nhà lãnh đạo Nga có thể kích nổ đầu đạn hạt nhân trên Hắc Hải.

Trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí, Ông Wallace cho biết:

“Chúng tôi rất rõ ràng với Putin rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nào. Tôi không muốn đưa ra các suy đoán về điều này, nhưng tôi nghĩ rằng công chúng cần được yên tâm rằng chúng tôi đang dẫn đầu mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu bị lôi cuốn vào suy đoán về điều này hơn là tập trung vào những gì chúng ta đang thấy hàng ngày, đó là một cuộc tấn công vô nghĩa và man rợ nhằm vào dân thường trên khắp Ukraine.”

5. Iran đã tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine. Liên Hiệp Âu Châu đang làm việc về các lệnh trừng phạt mới chống lại Iran

Một nhà ngoại giao Âu Châu nói với CNN rằng Liên minh Âu Châu đang nghiên cứu các biện pháp trừng phạt mới chống lại Iran có thể có ngay trong tuần này do việc nước này cung cấp cho Nga các máy bay không người lái để dùng trong việc tấn công ở Ukraine.

Những nỗ lực liên tục này của Liên Hiệp Âu Châu được đưa ra khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thảo luận về các máy bay không người lái của Iran trong cuộc họp kín vào thứ Tư tại New York. Nhưng các nhà ngoại giao cảnh báo rằng họ không mong đợi rằng họ có thể nhận được các biện pháp trừng phạt mới thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì họ sẽ bị Nga phủ quyết.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẽ “hoan nghênh” các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Iran vì cung cấp máy bay không người lái cho Nga để xâm lược Ukraine.

Hoa Kỳ và NATO cho biết có các bằng chứng cho thấy quân Iran hiện đang có mặt ở bán đảo Crimea để huấn luyện quân Nga sử dụng các máy bay không người lái do Iran sản xuất,

Phụ tá phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết Mỹ đã “phối hợp chặt chẽ với Liên Hiệp Âu Châu” nhưng sẽ không đi sâu vào chi tiết của các cuộc thảo luận đó.

Patel nói: “Tôi xin lưu ý và nhắc lại rằng bản thân Hoa Kỳ tiếp tục có các công cụ thực tế, có tính năng động, hữu ích trong việc buộc Iran phải chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động ác ý của Iran”.

6. Hơn 200 máy bay không người lái do Iran sản xuất bị Lực lượng Phòng vệ Ukraine bắn hạ trong tháng qua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Over 200 Iranian-Made Drones Shot Down by Defense Forces in Month: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết hơn 200 máy bay không người lái do Iran sản xuất bị Lực lượng Phòng vệ bắn hạ trong tháng qua.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng vũ trang của quốc gia này cho biết hơn 200 máy bay không người lái “kamikaze” do Iran sản xuất do Nga gửi đã bị phá hủy bởi lực lượng quốc phòng Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết:

“Kể từ ngày 19 tháng 10, từ vụ bắn hạ máy bay không người lái-kamikaze đầu tiên ở Ukraine do Iran sản xuất Shahed-136 vào ngày 13 tháng 9 tại Kupyansk, lực lượng phòng không của Không quân và các lực lượng khác đã phá hủy 223 máy bay không người lái của Iran.”

“Việc phá hủy máy bay không người lái Shahed-136 hung hãn đã được thực hiện bởi các hệ thống chống hỏa tiễn hành trình, máy bay phòng không tự hành, nhóm hỏa lực PZRK cơ động, đại bác, súng máy cỡ lớn và các loại khác vũ khí khác.”

Thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine được đưa ra trong bối cảnh đang có những tranh cãi liên quan đến việc Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra.

Trong vài tuần qua, Ukraine tiếp tục tuyên bố rằng Nga đang sử dụng các máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất này, nhưng Iran đã bác bỏ các tuyên bố này. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói rằng “Iran chưa và sẽ không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào sẽ được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine “.

Hôm thứ Ba, Reuters đưa tin các quan chức Iran đã đồng ý gửi thêm thiết bị quân sự cho Nga sau tuyên bố lệnh động viên bán phần của Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 9, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết Mỹ tin rằng “người Nga hiện đang sử dụng các máy bay không người lái của Iran mà chúng tôi đã nói trước đây. Chúng đã được giao cho Nga”.

Seth Jones, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Newsweek tuần trước rằng để đối phó với cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu ở Crimea, các lực lượng Nga đã sử dụng “máy bay không người lái của Iran” và lưu ý rằng Nga có thể mua thêm vũ khí từ Iran.

Jones nói: “Không có gì phải bàn cãi rằng họ có thể có được các hỏa tiễn tầm xa hơn, và tầm xa hơn nữa bởi vì người Iran chế tạo những loại hỏa tiễn đó.”

Alex Vatanka, giám đốc Chương trình Iran của Viện Trung Đông, trước đó đã nói chuyện với Newsweek về việc Nga sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất và nói rằng nó có thể giúp chứng minh Iran là “đồng minh của Putin”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Iran để đưa ra bình luận.

7. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết, các quan chức Ukraine đang nỗ lực tạo ra các điểm phát điện di động sau khi Nga tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một “cuộc họp chiến lược” với các quan chức cấp cao hôm nay để thảo luận về các biện pháp nhằm “loại bỏ hậu quả trong trường hợp hệ thống năng lượng của Ukraine bị hỏng”.

Trong bài phát biểu với quốc dân đồng bào, tổng thống Zelenskiy nói:

Chúng tôi đang làm việc để tạo ra các điểm phát điện di động cho cơ sở hạ tầng quan trọng của các thành phố, thị trấn và làng mạc. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các tình huống khác nhau về hậu quả có thể xảy ra. Ukraine sẽ tự vệ. Không cần biết kẻ thù có kế hoạch gì và sẽ làm gì.

Thị trưởng của Kyiv, Vitali Klitschko, trước đó đã kêu gọi người dân tiết kiệm điện khi ông thông báo mùa cần sưởi ấm sẽ bắt đầu vào ngày mai.

8. Nghị viện Âu Châu đã trao giải thưởng hàng năm cho người dân Ukraine về quyền tự do tư tưởng để tôn vinh cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.

Giải thưởng đi kèm với số tiền thưởng 50,000 euro, mà Liên Hiệp Âu Châu cho biết sẽ được phân phối cho các đại diện của xã hội dân sự Ukraine.

Chủ tịch nghị viện Âu Châu, Roberta Metsola, cho biết “không có ai xứng đáng hơn giải thưởng này”.

Cô ấy nói:

Họ đang đấu tranh cho những gì họ tin tưởng. Đấu tranh cho các giá trị của chúng ta. Bảo vệ dân chủ, tự do và pháp quyền. Đánh liều mạng sống của họ cho chúng ta.

Giải thưởng, được đặt theo tên nhà bất đồng chính kiến quá cố của Liên Xô Andrei Sakharov, được trao vào năm ngoái cho nhà phê bình điện Cẩm Linh Alexei Navalny bị bỏ tù vì nỗ lực thách thức sự nắm quyền của Vladimir Putin.

9. Điều phối viên của Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine được định nghĩa bởi “sự tàn phá hoàn toàn”

Điều phối viên về di trú và nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine hôm thứ Ba nhấn mạnh “sự tàn phá hoàn toàn” ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và các khía cạnh luôn thay đổi của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó.

Quan chức này cũng nêu rõ những lo ngại sâu sắc của bà về mùa đông sắp tới.

“Đây là về sự tàn phá hoàn toàn. Denise Brown nói. “Về điều này, tôi hoàn toàn bị thuyết phục: nguy cơ tử vong cao trong những tháng mùa đông với những gia đình và cộng đồng hoàn toàn không còn gì cả”.

Cô nói, tình hình nhân đạo ở Ukraine cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác nhau, một trong những yếu tố đang thay đổi.

Brown nói: “Khi tiền tuyến di chuyển, chúng tôi phải thích ứng. Nhưng cô ấy nói thêm, “chúng tôi không phải là quân nhân” và “cộng đồng nhân đạo không phải là lực lượng quân sự.”

Cô cho biết yếu tố thứ hai là mùa đông sắp bắt đầu, khi Liên Hiệp Quốc đang giải quyết “những thứ rất cơ bản” để cung cấp cho những người cần một “nơi an toàn, đàng hoàng và ấm áp để ở trong những tháng mùa đông”.

Điều này bao gồm những thứ như quần áo mùa đông, chăn và đệm, Brown nói. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh, thiệt hại đối với các nhà máy điện và nhiệt điện không phải là điều mà cộng đồng nhân đạo có thể giải quyết, mà cô cho biết vấn đề này cần được các quốc gia thành viên hết sức quan tâm.

Brown cho biết chấn thương do chiến tranh cũng góp phần vào tình hình nhân đạo và người Ukraine sẽ cần một số hình thức hỗ trợ trong tương lai, “đó sẽ là cuộc chiến tiếp theo”, với “những người lính xuất ngũ, những đứa trẻ nghe thấy tiếng còi báo động mỗi ngày, những doanh nhân mất tất cả cơ ngơi của họ.”
 
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: Giữa Âu Châu, lính Nga hành xử bán khai và man rợ khi lạm dụng phụ nữ Ukraine
VietCatholic Media
17:11 20/10/2022


1. Căng thẳng Ngoại Giao khi nhân viên ngoại giao Trung Quốc tham gia bạo lực tại lãnh sự quán Manchester trong cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo

Một nghị sĩ Anh cho biết: Một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc ở Anh đã tham gia vào vụ bạo lực chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ, đòi tự do tôn giáo và hủy bỏ phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tại lãnh sự quán Manchester.

Alicia Kearns, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ, nói với Hạ viện rằng tổng lãnh sự của Bắc Kinh ở Manchester, Trịnh Tích Nguyên (Zheng Xiyuan, 郑锡源) đã được nhìn thấy “xé nát các áp phích” trước khi một nhà vận động Hương Cảng bị tấn công vào Chúa Nhật.

Đoạn phim được đăng trực tuyến cho thấy Trịnh Tích Nguyên, một quan chức kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giật một tấm áp phích xuống và nắm tóc một người phụ nữ biểu tình, lôi vào trong khuôn viên lãnh sự quán và bị đánh đập cô ấy dã man.

The Guardian đã nói chuyện với một số nhân chứng và xem lại đoạn phim cho thấy 9 người đàn ông bước ra từ lãnh sự quán, trong đó có một người đội mũ bảo hiểm chống bạo động và hai người mặc áo bảo hiểm, và đối đầu với những người biểu tình ở bên ngoài.

Kearns, chủ tịch ủy ban các vấn đề người nước ngoài của Hạ Viện, cho biết bạo lực là một “sự leo thang thẳng thừng” của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Cô kêu gọi những người liên quan đến vụ đánh đập phải bị truy tố hoặc trục xuất khỏi Anh trong vòng một tuần.

Kearns nói: “Chúng tôi không thể cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh đập người biểu tình trên đất Anh. Đây là một sự leo thang ớn lạnh”.

Một số kẻ bị cáo buộc tấn công đã được cảnh sát xác định nhưng có khả năng được miễn trừ ngoại giao, có nghĩa là họ không thể bị bắt hoặc truy tố bởi các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, họ có thể bị tuyên bố “persona non grata”, người không được hoan nghênh, và bị trục xuất khỏi Anh.

Hôm thứ Ba, cảnh sát Greater Manchester đã lấy lời khai của nhiều người có liên quan đến vụ bạo lực.

Cuộc xung đột có nguy cơ phát triển thành một rạn nứt ngoại giao toàn diện vào hôm thứ Ba sau khi chính phủ Vương quốc Anh triệu tập Đại Sứ Trung Quốc ở London “để giải trình về hành động của các nhân viên lãnh sự quán”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Vương Văn Bân (Wang Wenbin, 汪文斌) nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng “các phần tử gây rối” đã “xâm nhập bất hợp pháp” vào lãnh sự quán. Ông kêu gọi Vương quốc Anh tăng cường bảo vệ các nhân viên ngoại giao và các tòa nhà.

Lãnh sự quán Manchester của Trung Quốc đã được liên hệ để đưa ra bình luận nhưng vẫn chưa có phản hồi.

Trịnh Tích Nguyên, 59 tuổi, là một quan chức kỳ cựu của Đảng Cộng sản và là nhà ngoại giao Trung Quốc cấp cao nhất của Bắc Kinh ở Manchester. Ông trở thành tổng lãnh sự tại thành phố này vào năm 2018 sau khi đã làm việc ở Mumbai, Hy Lạp và New York.

Vương Văn Bân từ chối xác nhận hoặc phủ nhận liệu Trịnh Tích Nguyên có liên quan đến vụ bạo lực hay không, theo Reuters.

Các chính trị gia và nhà hoạt động lo ngại bạo lực có thể tạo tiền lệ đáng lo ngại cho Bắc Kinh trong việc xuất khẩu sự đàn áp và kiểm duyệt sang Anh và các nước dân chủ khác.
Source:The Guardian

2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói về ngày thứ 237 trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô!

Hôm nay là Thứ Ba ngày 18 tháng 10 năm 2022 và là ngày thứ 237, nhân dân Ukraine đã đứng trong một trận chiến không cân sức nhưng bất khuất, bảo vệ tự do và độc lập của họ trong cuộc chiến đẫm máu do giặc Nga khởi xướng chống lại Tổ quốc của chúng tôi.

Hôm qua và đêm qua ở Ukraine lại một lần nữa là một ngày của khủng bố Nga. Quân xâm lược đã tiến hành 10 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào lãnh thổ Tổ quốc của chúng tôi, 58 cuộc oanh tạc và 60 quả đạn từ các hệ thống máy bay phản lực các loại. 35 khu định cư của Ukraine, các thành phố và làng mạc của chúng tôi, đã bị tấn công. Và hơn hết là chiều hôm qua và đêm nay Ukraine đã phải hứng chịu những cái gọi là máy bay không người lái kamikaze này.

Hôm qua, Kyiv của chúng tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tại trung tâm thành phố, thuộc quận Shevchenkiv, những chiếc máy bay không người lái này đã bị tấn công và ít nhất 4 người thiệt mạng. Và trong số đó có một phụ nữ mang thai đã chết cùng với chồng cô. Ngoài ra còn có các cuộc tấn công nhắm vào Odesa và Dnipro. Đêm qua, Mykolayiv đau khổ của chúng tôi đã bị pháo kích hai lần. Tại thời điểm này, ít nhất một người được xác nhận đã chết.

Nhưng Ukraine đang đứng! Ukraine đang chiến đấu! Ukraine đang cầu nguyện!

Những ngày này, anh chị em và tôi hướng sự chú ý và những lời cầu nguyện của chúng ta đến gia đình người Ukraine, đến sự kết hợp chung thủy, đơm hoa kết trái không thể tách rời giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Thiên Chúa đã định rằng gia đình Ukraine, gia đình của bất kỳ dân tộc hay quốc gia nào, phải là một ốc đảo của tình yêu. Bởi vì tình yêu mang lại sự sống và tình yêu cần thiết cho sự trưởng thành và phát triển của con người. Nhưng trong điều kiện chiến tranh, chúng ta thấy rằng gia đình, như một ốc đảo tình yêu, thấy mình trong một biển bạo lực, một biển ác độc hủy diệt con người.

Bạo lực, những vụ giết người hàng loạt mà chúng ta thấy ngày nay ở Ukraine, chúng đơn giản là không thể tin được. Nhưng một trong những đặc điểm của cuộc chiến này - có thể sẽ đi vào lịch sử như một cuộc chiến bạo lực đặc biệt chống lại phạm vi thân thiết của một người - sẽ được đặc trưng bởi một loại vũ khí nhất định mà Nga sử dụng chống lại Ukraine: tình dục đang được sử dụng như một vũ khí, như một công cụ để khinh miệt và sỉ nhục con người. Chúng ta có một số lượng lớn các vụ hiếp dâm hàng loạt khủng khiếp. Chúng tôi có những trường hợp trẻ em gái và phụ nữ mang thai từ những kẻ lạm dụng họ. Người ta có thể tưởng tượng bạo lực này làm tổn thương gia đình Ukraine đến mức nào, nó làm tổn thương nhân phẩm của đàn ông và phụ nữ đến mức nào. Nó phá hủy những gì Chúa là Thiên Chúa tạo ra vì tình yêu.

Ngày nay, chúng ta có nghĩa vụ làm mọi thứ để bảo đảm rằng gia đình không có bạo lực. Nếu gia đình, như một ốc đảo của cuộc sống và tình yêu, không được bảo vệ khỏi tất cả các loại bạo lực, thì rõ ràng, nó sẽ không đứng vững. Chúng ta hãy làm mọi thứ cùng nhau để những người đàn ông và phụ nữ của chúng ta yêu thương nhau, và những kẻ xâm lược Nga không bao giờ có thể xâm lược gia đình Ukraine bằng bạo lực tình dục khủng khiếp.

Hôm qua chúng tôi đã nhận được một tin tốt lành. 108 phụ nữ Ukraine đã được thả ra khỏi nơi giam cầm của Nga! Chúng tôi cảm tạ Chúa là Thiên Chúa vì những bà mẹ và phụ nữ đã được cứu này, vì họ có thể trở về quê hương của họ, với gia đình quê hương của họ. Nhưng hôm nay, tất cả chúng ta hãy bao quanh những người phụ nữ đó bằng sự chú ý, tình yêu và lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy sưởi ấm họ bằng hơi ấm của cả dân tộc chúng ta. Bởi vì những sự thật bạo hành phụ nữ bị giam cầm ở Nga mà họ kể lại chỉ làm tan nát trái tim và khiến máu sôi trong huyết quản của chúng ta.

Lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót. Bằng sức mạnh của tình yêu thương của Ngài, hãy giúp chúng con đánh bại cái ác và bạo lực giữa cuộc chiến này! Hỡi Chúa, hãy nhìn với ánh mắt đặc biệt đối với gia đình người Ukraine, hãy bảo vệ ốc đảo của cuộc sống và tình yêu mà Ngài đã tạo ra vì hạnh phúc của con người! Lạy Chúa, xin chúc lành cho gia đình Ukraine! Lạy Chúa, xin phù hộ cho những người lính, cô gái và chàng trai Ukraine, những người đang làm mọi thứ ngày hôm nay để trục xuất chiến tranh và các hỏa tiễn của nó khỏi Tổ quốc của chúng con! Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine với nền hòa bình công chính của Ngài!

Cầu mong phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài đối với nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, đến thiên thu vạn đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!
Source:UGCC

3. Hai linh mục Công Giáo tử vì đạo dưới thời Đức Quốc Xã được tuyên Chân phước ở Ý

Hai linh mục Công Giáo bị Đức Quốc xã giết hại khi đang phục vụ những người hấp hối giữa vụ thảm sát Boves đã được tuyên Chân phước tử vì đạo hôm Chúa Nhật ở miền bắc nước Ý.

Trước nguy cơ nghiêm trọng, Cha Giuseppe Bernardi và Cha Mario Ghibaudo “đã không từ bỏ đàn chiên được giao phó, nhưng vẫn gần gũi với người dân cho đến độ đổ máu,” sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng được đọc trong Thánh lễ tuyên chân phước cho hai cha cho biết như trên vào ngày 16 tháng 10.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ca ngợi hai linh mục trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và cầu nguyện rằng tấm gương của các ngài có thể “khơi dậy trong các linh mục ước muốn trở thành mục tử theo trái tim của Chúa Kitô, luôn bên cạnh dân của mình.”

Chân phước Mario Ghibaudo

Cha Ghibaudo, hai mươi tuổi, đã đến giải tội và dâng thánh lễ ở Boves, Ý, vào sáng ngày 19 tháng 9 năm 1943. Vài giờ sau, ngài thấy mình phải vội vã giúp những đứa trẻ mồ côi trốn về vùng nông thôn khi lính Đức thiêu rụi 350 tòa nhà ở thị trấn miền núi phía nam Turin của Ý.

Vị linh mục trẻ trở lại thị trấn để bảo quản các Mình Thánh đã được thánh hiến, ban phép xá giải cho những người mà ngài gặp trên đường đi. Khi đến gần một người đàn ông đã bị bắn vào sau đầu để ban phép xá giải “trong lúc nguy tử”, chính vị linh mục đã bị bắn bằng một khẩu súng máy. Một người lính còn dùng giày của hắn giẫm vào mặt của linh mục và đâm ngài, giết chết vị linh mục mới chỉ được thụ phong chức tư tế ba tháng trước đó.

Cha Ghibaudo qua đời khi đang phục vụ với tư cách là một linh mục, hoàn thành lời kêu gọi mà ngài cảm thấy khi rước lễ lần đầu và sau đó khi còn là một học sinh trung học, ngài đã viết “Trở thành một linh mục, sống như một linh mục, chết như một linh mục: đây là sự tổng hợp những hy vọng thân yêu nhất mà tôi dành cho cuộc đời mình.”

Chân phước Giuseppe Bernardi

Sau khi Ý đầu hàng Đồng minh vào tháng 9 năm 1943, hai binh sĩ Đức bị bắt khi các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra ở vùng núi Boves giữa binh lính Đức Quốc xã và một nhóm du kích Ý. Thiếu tá Đức Joseph Peiper đe dọa sẽ tiêu diệt Boves nếu hai người lính này không được thả.

Là một linh mục quản xứ ở Boves, Cha Bernardi được kêu gọi làm người hòa giải cùng với Antonio Vassallo, một thương gia địa phương. Sau khi cả hai thương lượng thành công việc thả hai binh sĩ Đức mà không hề hấn gì, Đức quốc xã đã phá bỏ hiệp ước và bắt đầu một chiến dịch trả đũa bằng bạo lực. Vị linh mục và người cùng tham gia hòa giải với ngài bị giam trong một chiếc xe bọc thép mà từ đó họ chứng kiến cộng đồng của mình bị phá hủy. Theo sắc lệnh của Vatican về việc tử đạo của ngài, Bernardi đã ban phép lành cho xác những người chết từ chiếc xe bọc thép. Ngài bị giết bởi một phát súng và sau đó bị thiêu vào ngày 19 tháng 9 năm 1943 ở tuổi 45.

Cha Bernardi đã rao giảng về sự tử đạo khi giáo xứ của ngài cử hành lễ Thánh Bácthôlômêô rằng nếu cần thiết, ngài sẽ chết giữa những cực hình đau đớn, để công bố cho mọi người từ giá treo cổ rằng đức tin của ngài, tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa mạnh hơn cái chết.

Đông đảo người tham dự thánh lễ tuyên chân phước

Theo truyền thông địa phương, hơn 1,000 người đã tham dự thánh lễ tuyên chân phước được tổ chức trong khuôn viên của Thánh địa Đức Mẹ Boves.

Đám đông tôn kính di tích hài cốt của hai vị tân phúc, được rước xuống lối đi và đặt gần bàn thờ.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh Vatican, chủ tế Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Semeraro nói rằng cha xứ và cha phó giáo xứ đã chết trong khi cầu bầu cho những người khác. Vị Hồng Y đọc to một số lời chứng mà Vatican đã nhận được về hai vị linh mục thánh thiện.
Source:Catholic News Agency