Ngày 19-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đời Sống Tâm Linh #13: Đừng Chỉ Tay Năm Ngón...
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
17:09 19/10/2009
Đời Sống Tâm Linh # 13

ĐỪNG CHỈ TAY NĂM NGÓN - ĐỪNG MONG AI PHỤC DỊCH

Ai muốn làm đầu anh em phải làm đầy tớ mọi người. (Mc 10,44)

* Chuyện kể: Trong quyển “Cuộc đời của Washington”, khi còn là nguyện soái của quân đội, ngày nọ ông bận thường phục cưỡi ngựa đi qua các trại quân. Bỗng thấy một viên sĩ quan đang chỉ huy trung đội của mình, di chuyển một khẩu đại bác hạng nặng.

Trong khi mọi người đang nỗ lực, vì dường như công việc quá sức của họ, thì viên sĩ quan lạnh lùng đứng nhìn, không hề chạm tay vào. Cả viên sĩ quan và binh lính đều không nhận ra nguyên soái Washington. Ông liền nhẩy xuống ngựa, ghé vai vào một bánh xe của khẩu đại pháo, cùng hô hào để chuyển nó lên được vị trí mới. Sau ông quay lại viên sĩ quan hỏi vì sao không cùng binh lính của mình làm một việc nặng nhọc như thế? Viên sĩ quan trả lời gay gắt: “Ủa, tôi là sĩ quan mà!”. Lúc ấy, Washington nhấc nhẹ chiếc nón lên để viên sĩ quan nhận ra ông, rồi ông nghiêm giọng nói: “Vậy thì thưa sĩ quan, lần sau nếu ông có việc gì nặng, thì hãy cho gọi Tổng Tư lệnh Washington đến giúp ông!”

Vị nguyên soái bỏ đi, để lại viên sĩ quan tâm trạng vô cùng hổ thẹn và một bài học quí cho đời binh nghiệp của ông.

* Một phút suy tư: Thói thường, khi đã làm lớn thì người ta chỉ muốn ra lệnh và muốn được phục dịch. Giai cấp thống trị thì hưởng thụ, còn giai cấp bị trị thì phục vụ!

Đức Giêsu đã đảo lộn trật tự ấy khi dạy về cương vị của một người Tín hữu mục tử trong Chúa. Đối với mọi Tín hữu Kitô các cấp, kẻ lớn hơn hết cần là người khiêm nhường hơn hết, cần tận tụy hơn hết, và phải sống như một tôi tớ. Những người mục tử dù ở trong gia đình, giáo hội hay xã hội đáng được kính trọng không phải vì chức vụ người ấy mang; nhưng vì người ấy đã sống và làm theo gương Chúa Giêsu là quên thân mình và phục vụ người khác.

* Lời Chúa nhắn nhủ: “Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu, thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20, 26-27)

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha, nhà nhạc sĩ dương cầm suy niệm về sức mạnh của âm nhạc
Bùi Hữu Thư
08:20 19/10/2009
Ngài nói âm nhạc mời gọi tâm trí hướng về Thiên Chúa

VATICAN ngày 18, tháng 10, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói âm nhạc là một ngôn ngữ thích hợp cho việc nuôi dưỡng sự thông hiểu và kết hiệp giữa các cá nhân và các dân nước, và còn có thể trở nên một ngôn ngữ để đối thoại với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha suy niệm về vai trò và sức mạnh của âm nhạc ngày Thứ Bẩy khi ngài tham dự một buổi trình diễn âm nhạc tại Vatican dành riêng cho ngài.

Trong buổi trình diễn, nhạc sĩ dương cầm người Trung Hoa Jin Ju đã trình bầy nhiều bản nhạc do nhiều nhạc sĩ sáng tác cho đàn dương cầm qua nhiều thời đại.

Đức Thánh Cha đã nói những lời cám ơn vào cuối buổi trình diễn như sau: “Buổi trình diễn này đã cho chúng ta được nếm sự huy hoàng của âm nhạc, một ngôn ngữ tâm linh và vì thế là một ngôn ngữ hoàn vũ, một phương tiện rất quan trọng và thích hợp cho việc thông hiểu và kết hiệp giữa các cá nhân và các dân nước."

Ngài tiếp: “Âm nhạc là một thành phần của tất cả mọi nền văn hóa và chúng ta có thể nói, âm nhạc đồng hành với tất cả mọi kinh nghiệm của nhân loại, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ hận thù tới yêu thương, từ buồn rầu tới vui mừng, từ cái chết tới sự sống. Chúng ta thấy, qua các thế kỷ và thiên niên kỷ, âm nhạc luôn luôn đã được dùng để làm một phương tiện diễn tả những gì chúng ta không thể nói lên bằng lời, vì gây nên những xúc động khó có thể trình bầy cách khác."

"Do đó, không phải là tình cờ mà tất cả mọi nền văn minh đều đã gán cho âm nhạc, trong mọi hình thức và cách diễn tả, một tầm quan trọng và một giá trị rất cao.”

Đức Thánh Cha cũng suy niệm về chiều kích “hướng thượng” của âm nhạc – đó là sức mạnh của âm nhạc để nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Ngài nói: “Âm nhạc, âm nhạc tuyệt vời, giúp cho tâm hồn được nghỉ ngơi, giúp đánh thức những tâm tình sâu đậm, và hầu như mời gọi chúng ta một cách tự nhiên để nâng tâm trí lên tới Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù là vui hay buồn của đời sống con người. Âm nhạc có thể trở thành kinh nguyện."
 
Âm nhạc có thể trở thành lời kinh cầu nguyện
Phụng Nghi
08:31 19/10/2009
VATICAN CITY (Zenit.org).- Sau đây là phát biểu của Đức giáo hoàng Benedict cuối buổi hòa nhạc vinh danh ngài hôm thứ Bẩy tại Sảnh đường Phaolô VI do Accademia Pianistica Internazionale di Imola tổ chức. Nhạc sĩ dương cầm người Trung quốc Jin Ju đã trình tấu các tác phẩm âm nhạc của Bach, Scarlatti, Mozart, Czerny, Beethoven, Chopin, Tchaikovsky và Liszt trên những chiếc dương cầm của 7 thời kỳ khác nhau.

* * *

Thưa các hồng y, các chư huynh trong hàng giám mục, linh mục, các viên chức khả kính, và các bạn thân mến!

Chiều nay chúng ta lại có mặt nơi đây để dự một một buổi hòa nhạc khác nữa. Cũng giống như buổi trình tấu tuần trước tại Thính đường ở Via della Conciliazione, buổi trình tấu hôm nay cũng có trình độ nghệ thuật cao và một giá trị lịch sử lớn. Tôi nồng nhiệt chào mừng các hồng y, giám mục và giáo chủ, các viên chức, các vị khách mời và tất cả những ai đang hiện diện. Tôi muốn đặc biệt chào đón các nghị phụ Thượng hội đồng, những người cũng muốn cùng nhau chia sẻ giờ khắc nghỉ ngơi êm ả này.

Nhân danh mọi người, tôi bày tỏ lời cám ơn chân thành tới Accademia Pianistica Internazionale "Incontri con il maestro" di Imola. Tôi muốn cám ơn và bày tỏ cảm tình tán dương trước hết đến nhạc sư Franco Scala, người 20 năm trước đã sáng lập một viện âm nhạc xứng đáng nhường ấy, mà cho đến nay ông vẫn còn say mê và tài tình điều khiển. Cũng còn gửi đến ông là niềm tri ân của tôi đối với những lời lẽ ông phát biểu lúc khởi đầu chiều nay, ao ước bày tỏ cảm tình chung của những người hiện diện. Tôi xin nhã nhặn cám ơn danh cầm Jin Ju, người đã để cho chúng tôi được thưởng thức khả năng biểu hiện của dương cầm thời sơ khai cũng như dương cầm hiện đại và âm nhạc tràn đầy cảm cảm xúc do ông trình diễn. Sau cùng, tôi muốn chào mừng và cám ơn tất cả những ai, bằng nhiều cách khác nhau, đã cộng tác để tổ chức nên buổi trình tấu này.

Các bạn thân mến, chiều nay chúng ta đã làm một cuộc hành trình lịch sử, lý tưởng và hào hứng, đi theo cuộc tiến hóa của fortepiano (chiếc dương cầm đầu tiên), rồi đến pianoforte, một trong những nhạc khí được biết tới nhiều nhất, được hầu hết các nhà soạn nhạc thời danh trân quý – một dụng cụ có thể phát ra không phải chỉ có một phạm vi nhỏ hẹp những giai điệu khác biệt. Bẩy nhạc cụ được sử dụng, đến từ bộ sưu tập quan trọng của Học viện Imola -- một bộ sưu tập có tới hơn 100 nhạc cụ – tạo thành một di sản thẩm mỹ, nghệ thuật và lịch sử, bởi vì những dụng cụ này sản sinh ra những âm thanh quen thuộc với con người trong quá khứ và vì chúng chứng tỏ sự tiến bộ trong nghệ thuật chế tác dương cầm, biểu lộ các trực giác và những cải tiến thành công của những người thợ khả năng không ai so sánh được.

Các bạn thân mến,

Buổi trình tấu hôm nay đã, lại một lần nữa, cho phép chúng ta thưởng thức được vẻ đẹp của âm nhạc, là ngôn ngữ tinh thần và do đó trở thành ngôn ngữ toàn cầu, một phương tiện rất quan trọng thích hợp để cảm thông và kết hợp giữa con người với con người. Âm nhạc là thành phần của mọi nền văn hóa và, chúng ta có thể nói, âm nhạc đồng hành với mọi kinh nghiệm của con người, từ khổ đau đến sung sướng, từ hận thù tới yêu thương, từ u sầu đến vui vẻ, từ cái chết đến cuộc sống. Chúng ta thấy, trải qua dòng thời gian của những thế kỷ và thiên niên kỷ, âm nhạc đã luôn luôn được sử dụng như thế nào để cung ứng cho ta một hình thức mà ta không thể mô tả bằng lời nói, bởi vì nó làm thức dậy những cảm xúc khó mà truyền đi cách nào khác được. Vì thế mà không phải ngẫu nhiên mỗi nền văn minh đều đã đặt tầm quan trọng và giá trị biết bao nhiêu trên âm nhạc bằng mọi hình thức và biểu hiện khác nhau.

Âm nhạc, thứ âm nhạc lớn lao, làm cho tinh thần thư thái, đánh thức dậy những tâm tình sâu kín và gần như tự nhiên mời gọi chúng ta nâng trí óc và tâm hồn lên tới Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù vui hay buồn, của kiếp sống con người. Âm nhạc có thể trở thành lời kinh cầu nguyện.

Một lần nữa xin cảm tạ tất cả những ai đã tổ chức nên buổi chiều đẹp đẽ hôm nay. Các bạn thân mến, tôi xin thành tâm chúc lành cho qúy vị.
 
Thượng Hội Đồng Giám mục Phi châu kỳ 2 (9)
LM Trần Đức Anh, OP
19:54 19/10/2009
VATICAN. Thượng HĐGM Phi châu kỳ 2 đã tiến hành được 2 phần 3 chương trình và đang đi vào giai đoạn gặt hái kết quả các cuộc thảo luận.

Hôm 19-10-2009, các nghị phụ không nhóm phiên họp khoáng đại nào, nhưng ĐHY Tổng tường trình viên, Đức TGM Tổng thư ký đặc biệt và 12 tường trình viên của 12 nhóm nghị phụ đã nhóm họp sáng chiều với nhau với mục đích thống nhất các đề nghị do các nhóm soạn ra hồi cuối tuần qua thành một danh sách duy nhất, để trình bày trước Công nghị sáng thứ ba 20-10-2009, trong phiên khoáng đại thứ 17. Giai đoạn kế tiếp sẽ là sửa chữa các đề nghị đó để đưa ra biểu quyết chung kết vào sáng thứ bẩy tới đây.

Dĩ nhiên các đề nghị đó chưa được công bố, nhưng qua các bản tường trình kết quả các cuộc thảo luận nhóm, người ta cũng có thể thấy được phần nào hướng đi của các đề nghị. Các bản đó cũng đúc kết các ý kiến của đa số và thiểu số trong nhóm, thu thập các đề nghị và suy tư của các thành viên trong nhóm. Các bản tường trình này có tầm quan trọng rất lớn vì chúng biểu lộ tư tưởng của các nghị phụ trong các cuộc thảo luận nhóm, và qua đó chứa đựng mầm mống các yếu tố được chính Thượng HĐGM đồng thuận.

Tường trình của một số nhóm

Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung vài bản tường trình của các nhóm nghị phụ.

1. Nhóm Bồ đào nha do Đức Cha Gabriel Mbilingi , dòng thừa sai Chúa Thánh Thần, TGM Phó giáo phận Lubango, bên Angola, kiêm Chủ tịch HĐGM miền nam Phi châu, ghi nhận có một số đề tài ít được công nghị GM này đào sâu:

- đó là đời sống thánh hiến, vai trò của các GM, LM, giáo lý viên, như những nhân viên có tư cách hòa giải.

- Việc thực thi công lý như một yếu tố thiết yêu đối với một xã hội hòa giải..

- chủ nghĩa duy bộ lạc và bài người ngoài là nguyên nhân gây ra các xung đột và vi phạm các quyền con người;

- vấn đề bùa ngải, phù thủy, như yếu tố gây ra đau khổ, sợ hãi, xung đột và bóc lột con người.

Nhóm tiếng Bồ đưa ra một số đề nghị như:

- Việc tham chiếu rõ ràng đạo lý xã hội của Hội Thánh phải thuộc về nội dung đạo lý của chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng và huấn giáo.

- Khi giảng dạy giáo lý, nên theo kiểu mẫu dự tòng, thúc đẩy tín hữu đích thân chọn theo Chúa Kitô.

- Cần nhấn mạnh vai trò cơ bản của đời sống thánh hiến trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, nhất là đề cao công việc của những người thánh hiến trong lãnh vực hòa giải, công lý và hòa bình, qua việc cầu nguyện, hiện diện tại các học đường, các nhà thương và các phương tiện truyền thông xã hội, thăng tiến phụ nữ, v.v.

- Đề cao giá trị của lãnh vực chính trị như một việc phục vụ xã hội, giúp các nhà chính trị Kitô đảm trách nghĩa vụ của mình, đi từ đức tin. Tìm cách tăng cường việc huấn luyện và sự nâng đỡ của giáo dân trong các lãnh vực khác nhau trong cuộc sống, về tìm cách bổ nhiệm các vị tuyên úy cho các tầng lớp chuyên biệt như giáo sư, cảnh sát, và quân đội, v.v..

- Về các linh mục, nhóm các nghị phụ nói tiếng Bồ nhấn mạnh về đời sống và sứ vụ của linh mục như một công tác phục vụ dân Chúa, chứ không phải là quyền bính. Các linh mục hãy thực sự ở giữa dân, dành thời gian cho sứ vụ lắng nghe và hòa giải. Các linh mục cần có khả năng giúp chữa lành các vết thương và các chấn thương, đồng thời ý thức về vai trò xã hội của mình, trở thành những dụng cụ hòa giải đích thực, kể cả nơi những người ngoài Kitô giáo.

2. Nhóm tiếng Pháp E, do Cha Edoudard Tsimba, Bề trên Tổng quyền Dòng thừa sai Khiết Tâm Đức Mẹ, quen gọi là các cha dòng Scheut, làm tường trình viên. Nhóm này nhận định rằng Phi châu, đại lục giầu tài nguyên và là đối tượng của bao nhiêu ham muốn, phải đóng góp phần của mình cho thế giới.

Các nghị phụ nhóm Pháp E đặt câu hỏi: Có thể nói về hòa bình cho một dân tộc đang chịu đói hay không? Nghèo đói có thể biện minh cho sự miệt mài chống đối nhau bằng những hành động man rợ hay không?

Nói về hòa bình có nghĩa là nói về lòng từ bi của Thiên Chúa. Chỉ có người được hòa giải với Thiên Chúa, trong an bình, mới có thể nói về hòa bình. Vì thế cần nhắc nhở giá trị quan trọng của bí tích hòa giải, sự nghiêm túc và thời gian mà tác nhân hòa giải tức là các linh mục phải dành cho vấn đề này, dành thời gian và sự chuẩn bị cần thiết để giải tội cá nhân cũng như cử hành nghi thức thống hối cộng đồng.

Nhóm Pháp E đề nghị rằng ngoài các nền tảng Kinh Thánh, cũng cần kín múc nơi nền tảng các truyền thống Phi châu qua các tục ngữ ca dao. Và mặc dù bao nhiêu điều tiêu cực xảy ra tại Phi châu, chúng ta không được thất vọng. Có bao nhiêu điều tích cực tại Phi châu đáng được thế giới chú ý. Cuộc sống và chứng tá của bao nhiêu tín hữu Kitô, nhiều khi đến độ tử đạo, đáng được nhắc nhớ như một nguồn mạch nâng đỡ đức tin. Cuộc sống và tấm gương của các nhân viên Giáo Hội, không phân biệt, là điều căn bản trong lãnh vực hòa giải. Thực vậy, đối với các tín hữu Kitô, chính nhờ hy vọng mà chúng ta được cứu thoát (Spe salvi)

3. Nhóm tiếng Pháp A, do Cha Gérard Chabanon , Bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng, làm tường trình viên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai phương pháp tiếp cận vấn đề, đó là tố giác và loan báo. Tố giác những bất công bằng cách tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của chúng, và loan báo, công bố những cố gắng những chính sách tiến hành theo hướng đi đúng.

Có hai đề tài lớn được nhóm Pháp A đặc biệt quan tâm:

- Trước tiên là gia đình: tế bào cơ bản của xã hội và của các cộng đồng Kitô. Gia đình đang bị đe dọa vì nạn nghèo đói, cai trị kém, những khó khăn trong việc cho con cái cắp sách đến trường, bạo hành và sự vô trách nhiệm của những người cha gia đình, bỏ rơi vợ con.

- Tiếp đến là Hồi giáo. Đây là một đề tài được thảo luận nhiều. Tình trạng khác nhau tại Phi châu, đặc biệt giữa Bắc và Nam sa mạc Sahara. Đặc tính Arập và Phi châu không luôn luôn có cùng giá trị. Có thể phát triển sự đối thoại bằng cuộc sống và đối thoại xã hội giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Các nghị phụ trong nhóm đặc biệt nhấn mạnh rằng chúng ta cần đòi hỏi tự do lương tâm cho các tín hữu và nhấn mạnh tính chất hỗ tương trong việc phụng tự.

Cần dành cho các tôn giáo cổ truyền của Phi châu một chỗ đứng quan trọng hơn trong các suy tư của chúng ta.

4. Nhóm Anh Pháp Hỗn hợp, do Đức Cha Jean Mbarga , GM giáo phận Ebolowa bên Camerun làm tường trình viên. Các nghị phụ nhóm này nhìn nhận rằng vấn đề bộ tộc trong Giáo Hội vẫn là một thách đố lớn. Có thể tìm được một sự quân bình giữa những tiến triển thần học và mức độ rộng lớn của các thảm trạng con người ở Phi châu mà các nghị phụ cần mang lại câu trả lời; hoạt động ngôn sứ của các Ủy ban Công lý và hòa bình đáng được chú ý nhiều hơn. Sự phân tích các cuộc xung đột ở Phi châu sẽ giúp đào sâu các nguyên nhân chính yếu như sự bóc lột các tài nguyên thiên của Phi châu là nguyên do có tính cách quyết định hơn cả chủ nghĩa bộ lạc mà người ta thường nói.

Nhóm Nghị Phụ Anh Pháp hỗn hợp nhìn nhận rằng Thượng HĐGM Phi châu này là một hồng ân của Thiên Chúa cho toàn Giáo Hội và cho cả nhân loại nữa. Sự hiệp thông của Giáo Hội cũng là một sức mạnh phải giúp người Phi châu đương đầu với những thách đố của họ trong niềm hy vọng nơi sự sống lại và với sự liên đới hoàn vũ trọn vẹn. Niềm tin nơi Chúa Kitô, vốn là một đặc tính của các Kitô hữu, mang lại cho mọi người, đặc biệt là dân Phi châu, một khả năng thực sự thông truyền trong toàn đại lục tinh thần hòa giải, công lý và hòa bình. Đây thực là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người Phi châu về sự dấn thân truyền giáo và làm ngôn sứ, để trong mọi nơi và mọi thời, họ trở thành dấu chỉ và dụng cụ của một Phi châu được hòa giải, được bình định và được công lý.

5. Nhóm tiếng Anh A, do Đức cha Anthony John Valentine Obinna , TGM giáo phận Owerri, bên Nigeria làm tường trình viên, cho biết các thành viên trong nhóm đã cảm nghiệm một cách tích cực và lành mạnh về sự hiệp thông Giáo Hội qua Thượng HĐGM này, và sẽ thông truyền cho toàn thể các Giáo Hội địa phương và các cơ quan liên hệ.

Nhóm nhận thấy có nhu cầu cấp thiết cần chữa lành tâm hồn, lương tâm chúng ta bị tổn phương vì các thứ tội lỗi cá nhân và xã hội: từ sự ích kỷ cho đến chủ nghĩa duy bộ lạc, chế độ bộ tộc, phe phái nhiều khi cũng không vắng bóng trong các giáo hội địa phương. Thượng HĐGM này giúp chúng tôi đào sâu ý thức về những vết thương đó và thúc giục chúng ta chữa lành chúng.

Nhóm Anh ngữ A cũng đề nghị cần củng cố gia đình Phi châu: những lời lên án mà thôi thì không đủ, cần phải đề ra những sáng kiến tích cực để chữa lành những hoàn cảnh hôn phối bị rối.

Ngoài ra, để đáp lại nhiều nạn nhân bất công ở Phi châu, những thai nhi chưa sinh ra bị hủy diệt, các trẻ mồ côi, trẻ em bụi đời, tật nguyền, các tù nhân, các cộng đoàn bị bách hại và gạt ra ngoài lề xã hội, cần kiến tạo những cơ cấu công lý, hòa bình, quan tâm săn sóc mục vụ, cảm thông và thiện cảm giữa lòng Giáo Hội và xuất phát từ Giáo Hội. Nhóm này không quên đề nghị dùng cuốn toát yếu giáo huấn xã hội Công Giáo như văn bản bắt buộc trong việc huấn luyện giáo dân.

6. Nhóm Anh ngữ C, do Cha Obiora Francis Ike , Giám đốc Học viên Công Giáo về phát triển, Công lý và hòa bình ở Enugu, Nigeria, làm tường trình viên, đề nghị củng cố các cơ cấu nhắm tăng cường sự hiệp nhất của hàng GM trong các cộng đoàn Giáo Hội tại các đại lục, trong tình liên đới và đồng trách nhiệm đối với nhau. Cần củng cố Liên HĐGM Phi châu và Madagascar, gọi tắt là Secam, duyệt lại tổ chức này để trở thành một cơ cấu của hàng GM đại lục, hữu hiệu về phương diện mục vụ, để phục vụ các nhu cầu của Phi châu, các nước thành viên sẵn sàng đóng góp nhân lực và tài lực cho tổ chức này.

Các GM thuộc nhóm Anh Ngữ C quan tâm đến tự do đi lại và quyền của những người di dân và công nhân đang phải chịu các chính sách hạn chế trên thế giới, và họ thường phải chịu những điều kiện sống vô nhân đạo. Tại nhiều quốc gia, người ta nhận thấy trào lưu kỳ thị chủng tộc và bài nước ngoài đang gia tăng, và nhiều người Phi châu phải chịu sự đối xử vô nhân đạo như vậy. Cần phải đối xử với con người theo phẩm giá và trong niềm tôn trọng tại các nước mà họ đi tới. Các GM cho biết: Về phần mình, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem tại sao bao nhiêu người trẻ, thường là những người có nghề nghiệp chuyên môn, lại bỏ đất nước của mình như vậy.

Ngoài ra, cần thành lập những ủy ban tại mỗi giáo phận ở Phi châu để thăng tiến phẩm giá và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội... Cần tăng cường việc huấn luyện cho các nhân viên mục vụ. Các nhân viên này phải nhấn mạnh về sự phổ biến ý niệm về phẩm giá của lao công, về sự di động của số tiền tiết kiểm, sử dụng kế hoạch hóa thích hợp và kiến tạo các ngân hàng tiểu tín dụng để nâng đỡ những người tiết kiệm cỡ nhỏ, các giới chủ xí nghiệp, cũng như tài trợ các dự án nông nghiệp, trường học, các cơ cấu có thể bảo đảm cho Giáo Hội tự lập về tài chánh.
 
Thái độ chú ý tới tôn giáo của con người thuộc thế kỷ XXI
Linh Tiến Khải
19:56 19/10/2009
Phỏng vấn ông Olivier Roy, giáo sư xã hội học người Pháp, về thái độ chú ý tới tôn giáo của con người thuộc thế kỷ XXI

Trong các thập niên qua tại các nước tây phương người ta chứng kiến cảnh tục hóa lan nhanh trong xã hội, nhưng nó cũng sống chung với thái độ tái chú ý tới tôn giáo và nhu cầu trở về nguồn, trở về với sự tinh tuyền tinh thần. Thế kỷ XXI có vô tôn giáo hay không? Khi duyệt xét tình hình từ các căng thẳng giữa các cộng đoàn cho tới sự thành công của các khuynh hướng triệt để qúa khích, người ta thấy rằng trong tương lai các tôn giáo sẽ là các thách đố xã hội và quốc tế.

Đây là một vài tư tưởng trong cuốn ”Sự dốt nát thánh” của ông Olivier Roy, chuyên gia chính trị nghiên cứu Hồi giáo và là giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học tại Pháp. Ông chuyên theo dõi sự nảy sinh của các phong trào tôn giáo ngày mai, mời gọi mọi người hiểu biết bản chất của chúng và đừng sợ hãi các phong trào tôn giáo đó.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông về sự kiện tôn giáo trở lại trong đời sống của người dân thế kỷ XXI.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại sao giáo sư lại chống lại tư tưởng của việc tôn giáo trở lại thống trị trong các năm sắp tới?

Đáp: Người ta gọi là ”trở lại” điều mà trong thực tế đã là một sự hữu hình lớn của tôn giáo, gắn liền một cách mâu thuẫn với sự thành công toàn cầu của sự tục hóa. Trong Kitô giáo, các Giáo Hội truyền thống tại Âu châu đang chậm lại. Nhưng khi tôn giáo trụ được, thì nó lộ hiện ra bằng hình thức gây ấn tượng một cách đặc biệt. Trước cảnh 4.000 người tụ tập nhau trong sân vận động để cầu nguyện, người ta có cảm tưởng là tôn giáo có một sức sống mới. Nhưng người ta lại không nhận ra rằng đàng sau 4.000 người đó có 10.000 người không lui tới nhà thờ nữa. Cả trong Do thái giáo và Hồi giáo người ta cũng nhận thấy các thực hành mới trong ”chợ tôn giáo” toàn cầu như thế.

Hỏi: Giáo sư có ý nói gì khi dùng từ “chợ tôn giáo”?

Đáp: Theo truyền thống các tôn giáo không bị tách rời khỏi một nền văn hóa, vì nó đã hội nhập văn hóa và đem nền văn hóa đó tới nơi khác như trường hợp Công giáo Âu châu được đưa sang Châu Mỹ Latinh; hay nó hội nhập văn hóa địa phương như việc sử dung trống trong các thánh lễ bên Phi châu. Nhưng ngày nay tôn giáo lưu hành và bị cắt đứt khỏi một nền văn hóa, một vùng đất hay một ngôn ngữ quy chiếu. Qua các phương tiện truyền thông tân tiến như Internet, truyền hình, qảng cáo, và việc di chuyển của các thừa sai vv... người ta có thể là tín đồ của giáo phái Hare Krishna hay của Đức Phật mà không bao giờ cần phải rời khỏi Anh quốc.

Hỏi: Tuy nhiên người ta cũng có cảm tưởng là có các tín hữu tìm trở lại với một truyền thống văn hóa, có đúng thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Đúng, nhưng những người được ghi dấu tôn giáo thì ra khỏi nguồn gốc chủng tộc văn hóa của họ. Chẳng hạn như chiếc áo burqa che kín hết thân thể của phụ nữ hồi, được giới thiệu như là đích thực bởi những ai đưa ra lệnh đó, nhưng nó đã không bao giờ là chiếc áo truyền thống. Dĩ nhiên là các khuynh hướng hồi cuồng tín nói tới ”văn hóa”. Nhưng trong việc trưng diễn các dấu hiệu tôn giáo mạnh mẽ họ biểu lộ lòng tin của họ trong thế chống đối nền văn hóa thống trị.

Hỏi: Nhưng ngày nay chính các kiểu diễn tả tôn giáo đó lại gặt hái nhiều thành công nhất có phải thế không, thưa giáo sư?

Đáp: Các kiểu diễn tả tôn giáo xuất ngoại tốt nhất đều đòi quyền bẻ gẫy với nền văn hóa. Đề tài tái sinh trong lòng tin của Phúc Âm cũng được tìm thấy trong hệ phái Salafismo của Hồi giáo. Nó rao giảng việc trở lại với Hồi giáo của thủơ ban đầu, cũng tựa như trong Do thái giáo chính truyền. Và các phong trào tôn giáo mới cũng hoạt động dựa trên cùng các nguyên tắc như thế. Chúng khước từ nền văn hóa bao quanh, bị coi như là ngoại giáo, và nhấn mạnh trên cá nhân và trên việc thực hiện chính mình, và thành lập một cộng đoàn lòng tin duy tự nguyện. Cũng giống như các loại chợ khác, chợ tôn giáo cũng đồng thời tạo ra việc chuẩn thức hóa và gia tăng cạnh tranh: các tôn giáo càng giống nhau trong hoạt động bao nhiêu lại càng tìm khẳng định các khác biệt bấy nhiêu.

Hỏi: Như vậy tất cả các điều kể trên có báo trước hiện tượng các phong trào cuồng tín gia tăng hay không thưa giáo sư?

Đáp: Nó đã có rồi. Khuynh hướng cuồng tín dựa trên tư tưởng của một sự tinh tuyền, một sự tuyệt đối của lòng tin, và đi theo hướng khước từ nền văn hóa bao quanh, khước từ tiểu thuyết, khước từ truyền hình. Và khi đó thì người ta thánh thiêng hóa mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày, qua các công thức và lời nguyện, các cấm đoán liên quan tới thực phẩm và kiểu ăn mặc.

Hỏi: Thưa giáo sư Roy, chúng ta có nên sợ hãi một cuộc đụng độ giữa các nền văn minh hay không?

Đáp: Không, bởi vì không còn có các nền văn minh nữa, nếu qua đó ta hiểu việc hội nhập của một nền văn hóa và một tôn giáo vào một vùng đất nào đó, thì các từ của vấn đề cũng thay đổi. Thật là vô lý khi sợ hãi sự đụng độ giữa nền văn minh a rập hồi giáo và nền văn minh tây phương Kitô, bởi vì sự toàn cầu hóa trộn lẫn các nền văn hóa và tôn giáo từ đầu này sang đầu kia của trái đất. Đàng khác cũng có các ngọn lửa bạo lực tôn giáo, như đã xảy ra chung quanh đền thờ hồi giáo Al Aqsa ở Giêrusalem hay đền thờ Ayodhya bên Ấn Độ.

Hỏi: Trong tương lai có nên sợ các phong trào này tái chiếm vị thế chính trị hay không?

Đáp: Các nguy cơ ấy có thể xảy ra, nhưng không hoạt động. Liên minh giữa tôn giáo và chính trị có thể là một sự lừa dối. Chúng ta hãy nghĩ tới phong trào tin lành cuồng tín bên Hoa Kỳ hay các phong trào trong cộng hòa hồi giáo Iran: khi chúng bước vào lãnh vực chính trị, thì các phong trào canh tân tôn giáo mất đi bản chất đặc thù của chúng. Đàng khác chính trị cho thấy nó bất lực không hấp thục được năng động của nó và chỉ giữ lại được một ý thức hệ và các cấm đoán. Dù các tôn giáo có thích hay không thích, thì trong mọi xã hội hiện nay đều có tiến trình tục hóa.

Hỏi: Như vậy thì trong tương lai đâu là các thách đố mà các tôn giáo lớn sẽ gặp phải thưa giáo sư?

Đáp: Đối với công giáo thì tương quan giữa văn hóa và lòng tin hiện nay đang là đề tài chính của cuộc thảo luận. Vấn đề đó là người ta thường hiểu văn hóa là ”văn hóa âu châu”, và người ta không hề biết tới các nét đặc thù của nền văn hóa phi châu và châu mỹ la tinh, trong đó có biết bao nhiêu là năng lực sinh động. Ngày nay còn có cuộc khủng hoảng tư tưởng liên quan tới việc hội nhập văn hóa, là một trong các đóng góp của Giáo Hội công giáo hồi thập niên 1960. Và thách đố đó là chấp nhận sự mất mát các liên lạc với nền văn hóa. Ai không chấp nhận được sự kiện này sẽ gặp các cuộc khủng hoảng nặng. Chẳng hạn đây là trường hợp của Giáo Hội chính thống hy lạp, cho tới nay vẫn tự định nghĩa là linh hồn của nền văn hóa hy lạp.

Hỏi: Như thế không có một nền văn hóa toàn cầu để các tôn giáo trên thế giới có thể hội nhập hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề này: có thể vạch ra một nền văn hóa chung hay chúng ta phải sống một cuộc khủng hoảng thường xuyên liên quan tới việc tham chiếu văn hóa? Tôi thì tôi tin vào một nền văn hóa chung. Ngày nay phải nói tới việc để các nền văn hóa ở hàng dưới bên cạnh nhau hơn là nói tới một nền văn hóa toàn cầu. Trong nỗ lực tái hội nhập văn hóa các phong trào tôn giáo tìm đến với các nền văn hóa ở hàng dưới này. Chẳng hạn như người ta đề nghị một công tác mục vụ giới trẻ cố gắng hướng tới chỗ nối liền các thể hiện tôn giáo như việc cử hành Thánh Thể và cầu nguyện với các thể hiện văn hóa.

Từ đó phát xuất ra các loại nhạc kích động hồi giáo hay kitô. Nhưng tất cả những điều này đều rất mong manh, vì các nền văn hóa ở hàng dưới này đa số đã bị tổng quát hóa, và khán thính giả của chúng già nua đi.

Hỏi: Trong bối cảnh như thế thì đâu là các tương quan giữa các tôn giáo và xã hội mà con người tùy thuộc thưa giáo sư?

Đáp: Theo tôi chúng ta đang ở trong giai đoạn hai, là giai đoạn của việc tái đặt để tôn giáo trở lại trong cuộc sống, vì sự biến chuyển của các thế hệ và các thay đổi xã hội. Sự kiện giới trung lưu hồi nổi bật trong các xã hội tây phương bẻ gẫy hàng ngũ xã hội, đặc biệt là tại địa phương. Các thị trưởng tại Pháp không còn có thể từ chối việc xin thành lập một đền thờ hồi giáo. Nhưng họ tìm một imam tốt, hòa hoãn, và một khi imam này đã hội nhập vào cuộc sống xã hội thì sẽ có các khẳng định ôn hòa hơn. Còn những người có các lập trường không thể dung hòa được thì phải đổi. Trên bình diện quốc gia có thể xảy ra thảm cảnh tâm lý như việc đề cập đến áo burqa trùm kín mặt và toàn thân của phụ nữ hồi. Nhưng tại địa phương thì người ta bị bắt buộc phải tìm cho ra một giải pháp. Và chính tại đây người ta xây dựng một cuộc sống chung.

Hỏi: Thưa giáo sư, tôn giáo có còn cống hiến câu trả lời cho các câu hỏi trong tương lai hay không?

Đáp: Tôn giáo hoàn toàn duy trì thế đứng của nó trong các cuộc tranh luận lớn ngày nay. Ngày nay người ta sống một mâu thuẫn giữa sự tự do và thuyết định mệnh: một đàng người ta đề cao một cách thái qúa tư tưởng tự do cá nhân, đàng khác người ta lại khẳng định rằng các thái độ của chúng ta được giải thích bởi sự tiến hóa và sinh học: bạo lực, tương quan nam nữ. Cả vấn đề con cái và chức làm mẹ cũng thế. Liên quan tới các vấn đề lớn như vậy tôn giáo có thể cống hiến một tiếng nói, đặc biệt với các ý niệm rất mạnh mẽ về sự siêu việt và phẩm giá con người.

(Avvenire 24-9-2009)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu bảo tồn căn cội Kitô
LM Trần Đức Anh, OP
19:57 19/10/2009
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi Liên hiệp Âu Châu nhớ đến và bảo tồn căn cội Kitô của mình, và đừng để đà tiến nguyên thủy bị chủ nghĩa cá nhân hoặc duy lợi ích bóp nghẹt.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến Ông Yves Gazzo, trưởng Phái đoàn của Ủy ban các Cộng đồng Âu Châu cạnh Tòa Thánh, đến trình thư ủy nhiệm. Ông năm nay 62 tuổi, người Pháp, và từng làm Đại diện Liên hiệp Âu Châu tại Pháp.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến các giá trị căn bản đã hình thành Liên hiệp Âu Châu, trong đó có sự đóng góp hàng đầu của gia sản Kitô giáo. Ngài nói: ”Phẩm giá bình đẳng của mọi người, tự do tín ngưỡng như căn cội của mọi tự do dân sự khác, hòa bình như một yếu tố quyết định của công ích, sự phát triển nhân bản, - trí thức, xã hội và kinh tế, - trong tư cách là ơn gọi của Chúa, và ý nghĩa của lịch sử từ đó mà ra, đó là những yếu tố nòng cốt của Mạc Khải Kitô, tiếp tục nhào nặn nền văn minh Âu Châu”.

ĐTC minh xác rằng: ”Khi nhắc nhớ các căn cội Kitô của Âu Châu, Giáo Hội không tìm kiếm một qui chế ưu tiên cho mình. Giáo Hội muốn chu toàn một công việc ký ức lịch sử, bằng cách nhắc nhớ trước tiên chân lý ngày càng bị quên lãng, đó là các vị sáng lập Liên Hiệp Âu Châu đã lấy hứng từ Kitô giáo để sáng lập Liên hiệp này”.

Cũng trong diễn văn chào mừng tân đại diện của Liên hiệp Âu Châu cạnh Tòa Thánh, ĐTC cảnh giác về nguy cơ nếu Âu Châu quên đi căn cội và các giá trị cơ bản của mình thì sẽ thấy các giá trị cao cả và đẹp đẽ của mình cạnh tranh và xung đột với nhau, hoặc chúng sẽ bị những cá nhân hoặc các phe nhóm tạo sức ép lạm dụng để mưu lợi riêng cho họ và gây hại cho dự phóng cộng đồng mà người dân Âu Châu đang mong đợi, đó là quan tâm đến công ích của mọi người dân tại Đại lục này và trên toàn thế giới. Vì thế, - ĐTC nói - ”Điều quan trọng là Âu Châu đừng để cho kiểu mẫu văn minh của mình bị phá sản. Cái đà tiến nguyên thủy của Âu Châu không thể bị bóp nghẹt vì chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa duy lợi ích”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tiềm năng bao la về trí thức, văn hóa và kinh tế của Âu Châu sẽ mang lại thành quả, nếu chúng được phong phú hóa nhờ quan niệm siêu việt về con người, vốn là kho tàng quí giá nhất của Âu Châu. Truyền thống nhân bản này làm cho Âu Châu có khả năng đương đầu với các thách đố tương lai và đáp lại những mong đợi của dân chúng.. . Âu Châu chỉ thực sự là chính mình, nếu biết bảo tồn sắc thái đặc biệt tạo nên sự cao cả của mình và có thể biến Âu Châu trong tương lai thành một trong những tác nhân quan trọng trong việc thăng tiến sự phát triển con người toàn diện mà Giáo Hội Công Giáo coi là con đường duy nhất có thể chữa lành những chênh lệch hiện nay trên thế giới” (SD 19-10-2009).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Niềm tự hào và lòng biết ơn
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
06:44 19/10/2009
Không một ai khi sinh ra trên đời này lại có thể chọn cho mình một đất nước, một dân tộc và một dòng họ gia đình. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài sự tính toán chủ quan của đương sự. Chúng ta không thể chọn cho mình để được sinh ra trong một siêu cường quốc hay trong một cái nôi của nền văn minh nhân loại. Cũng vậy, chẳng ai có thể làm cách này cách khác để được xuất thân từ một dòng tộc thế giá vương giả từ đó công danh được rạng ngời...

Có thể đất nước, dân tộc và dòng họ của mình không mấy tiếng tăm và ít được nhiều nước nhiều dân biết đến. Tuy nhiên mỗi chúng ta lại tự hào về gốc gác ấy của mình. Tự hào vì là người Việt nam với lịch sử hào hùng của dân tộc về truyền thống dựng nước và giữ nước. Tự hào về đồng bào mình với những đức tính thật đáng trân trọng như hiếu hòa chất phác cần cù chẳng hề ngại khó ngại khổ… Chúng ta cũng tự hào về dòng tộc về tiên tổ của mình. Các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu tấm gương về lòng tự trọng, về tính trung thực để sống sao nên người: «nghèo cho sạch rách cho thơm». Ai trong chúng ta lại không cảm kích trước tình làng nghĩa xóm nơi người láng giềng những khi «tắt lửa tối đèn», khó khăn hoạn nạn đều có nhau để «chia vui sẻ buồn». Đặc biệt, người công giáo chúng mình còn có quyền kiêu hãnh về đức tin trung kiên và chứng nhân sống đạo của thế hệ cha ông. Các ngài là những chứng nhân sống động cho thế hệ hậu sinh về sự tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.

Cũng vậy, mỗi người khi sinh còn có mẹ cha. Tạ ơn Chúa về sự quan phòng đặc biệt này. Tự hào về cha mẹ của mình không phải chỉ khi các vị ấy là những học giả uyên bác hay những người cao sang quyền quý có địa vị cao trong xã hội. Đôi khi các ngài chỉ là những người hết sức bình thường nhưng đã để lại trong tâm khảm cháu con những dấu ấn không hề nhạt phai. Ai lại không cảm kích khi cha mẹ mình là những nông dân quê mùa chân lấm tay bùn, quanh năm một nắng hai sương lao động vất vả để nuôi nấng con cái nên người ! Chúng ta tự hào vì được cha mẹ sinh ra, yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ. Cha mẹ đã cho chúng mình món quà sự sống, đồng thời cũng là bậc thầy dậy dỗ bài học làm người. Ngay khi đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội, trước mắt cha mẹ chúng ta vẫn chỉ là những đứa con bé bỏng. Đối với những ai dù không có may mắn sống nhiều năm bên cha mẹ để được tiếp tục đón nhận sự nâng đỡ, động viên và chỉ dạy, thì những công ơn trời bể ấy không thể nào kể xiết.

Trong một xã hội đề cao đồng tiền: «Tiền là sức đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ…», người ta có khuynh hướng cho rằng có tiền là có tất cả. Lúc sinh thời, cụ Tiên Sinh Nguyễn Du đã thốt lên «Trong tay sẵn có đồng tiền, giầu lòng đổi trắng thay đen khó gì». Tất cả những điều làm cho chúng ta tự hào luôn là món quà vô giá mà chúng mình được thừa hưởng. Nó còn quý hơn ngàn vạn bạc tiền. Có tiền có bạc nhưng không thể mua được những thứ ấy, không mua được danh thơm tiếng tốt, không lấy được lòng người, cũng như không thể có được hạnh phúc đích thực và sự bình an trong tâm hồn.

Điều chúng ta là thì khác với cái chúng ta có. Có được bạc tiền, có được đời sống tiện nghi nhưng lại đánh mất căn tính của mình thì nào có ích gì. Ước gì những giá trị nhân bản, những đức tính tốt đẹp của đồng loại, những nét văn hóa đa dạng và những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc luôn luôn được mọi người mọi nơi mọi thời đề cao để cho mỗi cá thể phát huy được những nét độc đáo của mình. Từ đó trong vườn hoa nhân loại được điểm tô bằng những sắc hoa muôn sắc muôn màu.
 
Caritas TGP Huế cứu trợ dân chúng vùng Bãi Quả
Trương Trí
06:58 19/10/2009
HUẾ - Sau những ngày liên tục cứu trợ tại những vùng phía Bắc của tòa Tổng Giám mục, văn phòng Caritas tổng giáo phận Huế lại tiếp tục những ngày cứu trợ tại phía Nam. Điểm đến gồm các giáo xứ An vân, Đông Lâm, Thanh Cần, Bình Điền, Chánh Xuân, Cầu Hai.

Hình ảnh Caritas TGP Huế cứu trợ dân chúng

Giáo xứ Bình Điền là một vùng kinh tế mới, trong trận bão vừa qua mặc dù chỉ có một số ít gia đình bị hư hại nhà cửa, nhưng nổi đau xót in hằn lên khuôn mặt những người dân nơi đây, bởi vì hầu như tài sản của họ đã bay theo ngọn gió bão,đó là những vườn cao su đã được cạo mủ,nguồn nuôi sống của gia đình.

Giáo xứ Chánh Xuân và vùng Bãi Quả thuộc giáo xứ Cầu Hai, là những khu dân cư ven đầm Cầu hai, người dân chủ yếu sống bằng nghề lưới cá, sau bao năm chắt chiu từng đồng nay có nhiều nhà cửa bị sóng đánh sập, phần thị bị gió bão thổi tung. Bãi quả là một vùng lương dân,cha quản xứ G.B. Lê Văn Nghiêm rất quan tâm lo lắng cho bà con nơi đây, khi xe hàng của Caritas về cứu trợ không đến được tận nơi, ngài đã thuê xe nhỏ để có thể chuyển hàng vào cho bà con, đồng thời cũng để chúng tôi chứng kiến cảnh đổ nát nhà cửa. Cha giuse Dương Đức Toại giám đốc Caritas nhắn gởi đến bà con lời thăm hỏi ân cần của Đức Tổng Giám mục, với tình bác ái yêu thương, không phân biệt lương giáo, chỉ mong sao gởi đến bà con món quà tuy nhỏ nhưng có thể nhất thời giải quyết khó khăn. Mặc dù họ không biết Đức Tổng Giám mục là ai nhưng họ cũng xin tỏ lòng cảm ơn các linh mục đã thương giúp đở bà con, dù họ là những lương dân.

Nhìn những căn nhà sụp đổ, những căn nhà trống hoác không còn chỗ nương thân, ai cũng cảm thấy ái ngại cho hoàn cảnh của họ. Có thể nói cơn bão Ketsana vừa qua đã đem bao tang thương đến cho người dân Huế và Quảng trị. Với hình ảnh nhà cửa còn xiêu vẹo, mùa màng bị tàn phá, mong sao được nhiều tấm lòng yêu thương rộng mở, hầu có thể giúp bà con phần nào khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
 
Các Nữ tu MTG Huế: Nhật ký những chuyến đi cứu trợ đồng bào Thượng và Người Mù bị lũ lụt ở Quảng Trị
Sr Marie Tuyệt / MTG Huế
10:52 19/10/2009
Ngày 30. 9. 2009 đến với Mỹ Chánh, Hà Lộc, Phong Điền...

Như nhiều người đã xem tin tức về cơn bão số 9 (Ketsana) vào cuối tháng 9/2009 vừa qua trên các mạng lưới thông tin: báo, đài, tivi, internet... đúng là một nỗi kinh hoàng cho Miền Trung và Tây nguyên; cho đến nay vẫn có nhiều nơi bị cắt đứt liên lạc, do cầu cống, đường sá bị trôi và do núi sạt lở... mà chưa nhận được quà từ những tấm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tình đồng loại đang nôn nóng chia sẻ...

Xem hình ảnh các nữ tu Mến Thánh Giá Huế đi cứu trợ

Chúng tôi, chị em thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, ngay sau bão đã đến Cây Da, Càng Mỹ Chánh, Hội Điền, vùng sâu thuộc tỉnh Quảng trị)... nhưng chỉ mang chút đỉnh quà vì chỉ lội bộ mà thôi! Và may gặp được một chuyến đò sẳn sàng chạy khi chị em đã lội hơn 3km đến Hà Lộc, Phong Điền, nhờ thế, chị em mới đến được những điểm nói trên... Chị em nghẹn ngào nhìn nhau trong vùng nước bạc... khi nhà của của các chị cũng như đồng bào còn ngập trong biển nước. Đây là vùng ốc đảo như người ta vẫn thương nói... khi lũ về, vùng bị mất liên lạc vì không còn đường để đi!)

CĐ Càng Mỹ Chánh, chị Phụ Trách Maria Lịch đang ở trong nhà, chỉ một chiếc đò nhỏ đi qua cửa để vào nhà chị.

Ngày 30.9.2009 đến với Đại Lộc, Hội Điền

Những ngày kế tiếp, chúng tôi đến Giáo xứ Đại Lộc, Giáo xứ Phan xá, Cây Da, Càng Mỹ Chánh, Kẻ Văn, Hội Điền,... tất cả đều thuộc tỉnh Quảng trị, với mì gói và ít nước uống... chúng tôi cũng chỉ đến được bên nầy sông, Cha xứ Đại Lộc cho các anh em thanh niên mạnh mẽ trong giáo xứ đến đón, nhận quà về để trao lại cho bà con..., vì sức chúng tôi không thể lội bộ cả cây số bùn non, cao 0,50m để tiếp cận với anh em vùng lũ mà nước ngâm đã mấy ngày trước! Thương quá người dân của tôi!

Ngày 05.10.2009 đến Phú Xuân, Nhất đông, Đại Lược

Từ Huế, chúng tôi đến với giáo xứ Phú Xuân, thuộc tỉnh Thừa Thiên, Cha xứ mời anh chị em đến, họ đã có mặt... đây là một giáo xứ ở ven sông Mỹ Chánh, nên nước lũ về dữ dội, dâng lên khá cao, tất cả nhà dân đều bị ngập, gây bao thiệt hại cho vùng đất nghèo nầy. Cha xứ Lê văn Hiệp rất quan tâm lo lắng cho dân, đã vui vẻ cùng chúng tôi trao quà tận tay cho mỗi gia đình... Thấy ai ai cũng vui mừng; thùng mì gói giá trị không lớn lắm, nhưng trong hoàn cảnh nầy thì đó là một sự chia sẻ cấp bách, thiết thực và ấm lòng!

Chúng tôi lại đến Nhất Đông, Hương Lâm và Đại Lược. Mặc dầu Cha xứ đi vắng nhưng ban hành giáo ở hai giáo xứ nầy đã làm việc tích cực và có trách nhiệm. Dân miền nầy, không phải tất cả bị nước vào ngập nhà...nhưng mùa màng hư hại nhiều, lúa bị ngâm ngoài ruộng, mới gặt về, thì lại bị ngâm lần thứ hai do lũ tràn! Vậy là mất ăn và cũng mất luôn cả giống. Anh chị em nhận quà chỉ ít ít thôi, và còn dành phần cho anh chị em luơng dân chung quanh nữa! Hoan hô tinh thần Yêu thương chia sẻ thắm nghĩa đồng bào!

Ngày 09.10.2009 Mai xá, Gio Việt, Cửa Việt

Từ Đồng Hà, chi Anna Hiện và các chị em đến với anh em người mù, người nghèo tại Mai xá, Gio Việt, Cửa Việt, để khám bệnh, phát thuốc, và nhận thêm một thùng mì gói... " một miếng khi đói, bằng một gói khi no", anh chị em nghèo, bệnh tật, mù loà được hỏi thăm, an ủi rất lấy làm vui, tuy đôi mắt không trông thấy ánh sáng, nhưng niềm vui rạng rỡ tràn trề trên khuôn mặt... cả một đời gánh gian nan lao nhọc!

Ngày 09.10.2009: đến với Cồn Hến, Vĩ Dạ

Cơn bão số 9 đến rất nhanh và mạnh làm cho những người sống trên Cồn Hến - Vĩ Dạ thật khó khăn và gian khổ. Khó khăn vì nằm bên bờ Hương Giang nước siết rất mạnh. Mọi nguồn nước mưa trên Thành Phố Huế đều chảy về Sông Hương mà Cồn Hến thì nằm giữa sông Hương nên hứng chịu tất cả dòng nước dữ của lũ. Thật thương tâm với những người nghèo ở Cồn Hến...(WTGPH)

Hôm nay, chúng tôi đến với anh chị em ở đây, nhà thờ là nơi cao nhất, anh chị em đã đến trú qua những ngày bão lũ... thì hôm nay, bà con cũng tập trung ở đây để nhận một chút quà do Hội Bác ái Phanxicô và Qũi Bác Ái VietCatholic nhờ chúng tôi chuyển tới... (10 kg gạo và 50.000đ cho mỗi gia đình). Có tất cả 130 gia đình không phân biệt lương giáo; Ban hành giáo làm việc rất tốt, đã xếp đặt cho anh em lương dân và người ở xa nhận trước, đó là một cử chỉ yêu thương, cảm thông thắm nghĩa tình ruột thịt! Cầu mong cho anh chị em ở Cồn Hến chóng ổn định để bình an vui sống trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn phải khắc phục.

BBT: Sau chuyến đi cứu trợ này của các Nữ tu Mến Thánh Giá Huế, Sơ Bề trên của Dòng đã viết cho LM Giám đốc VietCatholic như sau:

"Subject: Xin Cha giúp để cứu trợ! Kính Cha, con là Sr Hồng Túy /TPT/MTG/Hue. Con kêu cầu Cha có lẽ hơi muộn, vì vừa qua con đi thăm chị em tại Pháp và Ý về thi cơn bão lụt đã qua, nhưng hậu quả thật là khốc hại. Trước đây chị em chúng con có đi cứu trợ liền sau cơn bão, nhưng dưới đồng bằng thôi, nhất là trong tỉnh Quảng Trị. Thứ Bảy vừa qua, chúng con lên tới đồng bào Thượng, vì chị em có phụ trách 6 Hội Người Mù thuộc tỉnh Quảng Trị. Vì đồ cứu trợ còn ít, chúng con chỉ lo cho các người mù mà thôi, nhưng thấy thật là tội nghiệp, vì khi bị lụt thì cả Mù lẫn không Mù đều bị nước cuốn hết. Thật là tội! Vậy con viết thư này để xin Cha và qúi độc giả VietCatholic thương đồng bào Thượng của chúng con với. Con không biết làm sao hơn. Khi chị em chúng con đi thăm đồng bào bị lụt, chúng con thấy thương họ quá sức! Kính chào Cha và mong Cha được sức khỏe. Kính thư, Sr Anne Hồng Túy."

Lập tức, VietCatholic đã gửi về một số tiền nhỏ xin nhờ các nữ tu lo công tác giúp đỡ cho các nạn nhân lũ lụt. Và ngay sau đó, VietCatholic nhận được email sau đây:

"Kính Cha, chúng con đã nhận được số tiền 2.000 USD do Cha và qúi ân nhân VietCatholic gởi để lo cứu trợ các anh chị em dân tộc thiểu số. Chúng con xin cám ơn Cha và qúi Ân nhân. Ngay hôm nay chúng con cũng tổ chức đi cứu giúp Hội Người Mù ở Dakrong, thuộc các xã khác của Huyện miền núi ngày. Vì đường khó đi, nên chị em chúng con đã ra khỏi nhà từ 6g sáng, sau Thánh lễ và sẽ trở về tối nay khoảng 20g. Hôm nay ở Huế trời lại mưa, tanh tanh như là mưa lụt, mọi người lại bắt đầu sợ nữa rồi... Kính xin Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho Cha cùng qúi Ân nhân tất cả. Sr Anne Hồng Túy".

Ngày 10. 10. 2009 D'akRông trong trái tim tôi

Từ Huế, từ 6 giờ sáng chúng tôi ra Đồng Hà, tỉnh Quảng trị, sau đó chúng tôi mới có thể lên miền núi, nơi anh em dân tộc Vân Kiều, Pacô đang gặp nạn...

Từ cầu treo Đ'akRông, chúng tôi còn phải vượt trên 70 cây số đường đèo để có thể đến nơi chúng tôi muốn đến, dẫu vậy trong lòng cũng rất hồi hộp vì không biết minh có đến nơi được chăng! Mặc dầu, hôm qua (09.10.2009), chị Anna Hiện trong đoàn chúng tôi đã cho người đi khảo sát trước...

Đoạn đường sạt lở nhiều nơi, nơi thì núi đổ xuống gây ách tắc giao thông, nơi thì lũ tấn công, con đường bị xâm lấn rất nguy hiểm; từng nơi đang được khắc phục, anh em cầu đường tích cực dùng xe ủi đất múc đất đá khai thông đường, nhiều xe ben đang tải đá đến để kè vào chổ đã bị nước lũ xói, cuốn đi... Xe chúng tôi phải dừng lại nhiều lần vì đường chỉ đi được một chiều, hoặc phải chờ cho việc múc đất đang lở dở... Trên đoạn đường nầy chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện rất thương tâm: Khi các anh em công nhân dọn đường thì đã phát hiện ra một xe honđa và bốn người chết còn mặc áo mưa, bị chôn vùi dưới lớp đất đá do núi sập vùi lấp ! Ai ngờ một khi ra khỏi nhà, họ không bao giờ trở về nữa ! Chắc hẳn những người anh em nầy, đang đi trong mưa bão, và đã không kịp tránh thảm hoạ chết người ập xuống trên mình!

Và một chuyện đau lòng khác: Ông Hồ Quyền, Hội trưởng Hội người mù Tà rụt, vừa mới vay vốn về cho anh em mù làm vốn sống: 150.000.000đ,(một trăm năm mươi triệu đồng VN) chưa kịp trao cho hội viên, thì cũng bị cơn lũ cuốn đi cùng với ngôi nhà của ông, trong khi ông đang lật đật đưa vợ lên núi lánh nạn, vội vàng chạy xuống thì đã trể, con nước ác nghiệt cuốn đi ngôi nhà và sản nghiệp của ông ! Chúng tôi đã gặp ông tại Tà-rụt, khuôn mặt đầy ưu tư khắc khổ, nhưng vẫn đang tích cực lo cho các hội viên được nhận quà...

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là xã TàLong, huyện Đ'ak-rông, một điều làm chúng tôi rùng mình: vì mặc dầu là miền núi mà nước đã lên đến hết tầng 1 của Uỷ ban xã, nơi đang có rất nhiều người trú bão, nhờ nước vào ban chiều, lúc3 giờ30, nên không có thiệt mạng về người, nhưng anh chị em dân tộc có gì thì đã trôi theo dòng nước dữ! Tôi thấy trên khuôn mặt anh em còn khiếp sợ.!

Đến Húc Nghì, huyện D'akrông: Trước mắt chúng tôi là những láng trại bằng bạt ni lông đã được dựng lên cho anh em dân tộc sống với nhau, vì nhà của họ đã bị nước cuốn trôi rồi! Dù bão lũ dữ dội, may mắn nơi đây núi không sạt lỡ, nên người ta đã mau chân chạy lên núi suốt đêm và không có người nào mất mạng vì bão lũ.

Trường Mẫu Giáo Húc Nghi chỉ còn bức tường
Trường mẫu giáo chỉ còn trơ ra một bức vách... các con em đã đến khá đông, chúng tôi nói cười và tập hát cho chúng, tất cả các em tù 3 đến 15 tuổi, chúng tôi đã mặc cho các em chiếc áo mới do người anh em hảo tâm tặng... trong sự hồn nhiên của các em có lẽ cũng làm cho người lớn được ấm lòng... Không biết đến khi nào các em mới có trường để đi tìm con chữ ! Hy vọng chúng tôi sẽ trở lại với vở viết cho các em!

Chúng tôi tiếp tục đến các điểm khác: Tà-rụt, và xa hơn nữa là A-ngo, A-bung, hai điểm nầy, giáp biên giới A-lưới, (thuộc tỉnh Thừa Thiên). Chúng tôi hỏi người anh em dân tộc, mấy ngày rày ăn gì ? " Thì ăn chung với nhau; soong cũng mất rồi, không có chi mà nấu, rồi mượn của nhau thôi..." Trong số họ có người đói lắm khi họ đến đây, nhận được gạo thì họ nhai gạo sống mà cho con ăn, làm cho chúng tôi quá xót xa !

Chúng tôi từ giả buôn làng từ lúc 3giờ30 chiều, vì đoạn đường trở lại Huế cũng non 180 cây số nữa! Chúng tôi thao thức trăn trở cho cái ăn cái mặc của những người dân miền núi nghèo nầy; chúng tôi tự hỏi: không biết bao giờ các em lại có thể đến trường, khi trường đã bị thiên tai cướp đi, sách vở còn đâu nữa; rồi mùa lạnh sắp đến, áo quần, chăn màn làm sao đủ ấm... Chúng tôi cũng biết còn rất nhiều anh em khác mà chúng tôi chưa có thể đến được, vì những bản làng như Pa-nàng, Pacô... ở vùng hẻo lánh, đường đi còn hiểm trở hơn nhiều...

Trên đường quay trở lại miền xuôi, chúng tôi thấy một ít phụ nữ dân tộc đi làm về, trên lưng một gùi củi nặng; người phụ nữ dân tộc luôn cần cù, chịu khó, gánh gian nan gia đình là bổn phận của họ theo truyền thống chế độ mẫu hệ! Chị Hiện ngồi cạnh tôi trên xe tải, Chị nói: "Với anh em dân tộc, cũi cần lắm! Vì họ luôn giữ ngọn lữa trong nhà, cẩn trọng, không bao giờ họ để lữa ấy tắt đi; có thể nói đó chính là hồn thiêng sông núi và cũng là Thần canh giữ gia đình họ... "

Mặt trời gác núi khi chúng tôi gặp lại cầu Đ' akrông, chiếc cầu dẫn chúng tôi đến với anh em trong cảm thông và yêu thương. Một ngày vất vã, nhưng ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, niềm vui của chia sẻ, phục vụ, những bản làng, những khuôn mặt anh em, những tiếng cười trẻ thơ còn in đậm trong tâm trí chúng tôi... Chân thành cám ơn Qũi Bác Ái VietCatholic, Hội Bác ái Phanxicô, Hội Sara và quí ân nhân xa gần, đã quãng đại tiếp ứng kịp thời, để chúng tôi có thể đến được với những anh em trong cơn hoạn nạn. Cầu xin Chúa là Cha nhân từ, Đấng không quên ly nước lã chúng ta dâng cho Người qua những anh chị em hèn mọn nhất giữa chúng ta

Ngày 15/10/2009: tiếp tục đến Đ'akrông lần 2

Tôi không bao giờ nghĩ là tôi có dịp đến Ba-Lòng, thuộc Huyện Đ' akrông, vì xa xôi hiểm trở cả đường bộ cũng như đường thuỷ theo sông Hiếu ngược lên, lại nữa tôi cũng đã nghe nhiều chuyện "kinh khủng" tại đó....

Cánh đồng, vườn tược bị phủ lên một lớp bùn dày
Nhưng vì tình thương anh em mù & khiếm thị tại Huyện vùng cao nầy mà chúng tôi lại tiếp tục lên đường lên miền ấy. Huyện miền sơn cước nầy mênh mông, dài khoảng 70km x 36 km rộng ở nơi trung bình # (2520km2) địa bàn rộng, đồi núi cách trở, dân thưa thớt, 4/5 là người dân tộc sống trên các bản làng dọc đồi núi; người dân gặp lũ đã khổ, thì người mù còn khổ biết bao! Hội dòng MTG Huế từ Đồng Hà, Quảng trị, chúng tôi đã đến với họ nhiều lần, trong nhiều chương trình như: khuyến học, khám bệnh cho thuốc, hổ trợ lớp mẫu giáo, chăn nuôi, quà dịp lễ, Tết v.v..., nên đã nắm vững con số để tiện việc giúp đỡ, cùng với những anh em trong Hội người mù huyện Đ' akrông.

Điểm đến đầu tiên chúng tôi là xã Hướng Hiệp; hôm nay, Hướng Hiệp được nhận quà cả người mù lẫn người sáng (141hộ), thật là vui cho mọi người, trước hoàn cảnh khó khăn của anh em mình, thì tinh thần tưong trợ lẫn nhau không thiếu nơi người Việt Nam...

Tiếp đến, lên xã Mò-Óq, rồi tiếp tục đến vùng Triệu Nguyên, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều đoạn dường lầy lội để có thể đến nơi mình muốn đến; trước đây, liền sau cơn lũ, anh chị em thanh niên eân chæ có thể cõng gạo hay mì tôm đi mắp theo triền núi để cưú đói đồng bào thôi, vì đường ngập chìm trong bùn gần cả mét trên một diện tích khá rộng...

Anh em dân tộc huyện Đakrông sau lũ
Ba-Lòng: một địa điểm hiểm trở ngày trước làm căn cứ chiến đấu, sát với dãy Trường Sơn vô tận, chiếc xe vất vả trườn qua bùn mà tiến lên... nơi núi cao mà bị lụt thì thật khó hiểu, nhưng đây là lũ quét từ trên nguồn, nên tình trạng trở nên thảm hại, nhiều đồng ruộng đã bị một lớp bùn non phủ lên, khi chúng tôi đến Ba Lòng, thì thấy có bàn ghế của một lớp mẫu giáo đang được đem lên trụ sở để cọ rửa lớp bùn bám vào trong đợt lũ... Sự có mặt của chúng tôi làm cho mọi người cảm thấy gần gũi tình cảm miền cao và thành phố..., trường cấp II đã khắc phục để con em đến trường, phải vượt qua nhiều con đường còn bùn đóng cao, nhão nhẹt... Sau đó, chúng tôi lại đến hội người mù Haûi Phúc, đường sá còn vắng người lắm... xe chúng tôi đến đây 12giờ40, những anh em đang chờ chúng tôi với sự kiên nhẫn !

Trời đã về chiều mà chúng tôi còn 2 điểm hẹn nữa, nên phải cấp tốc, vì không muốn anh chị em mù của chúng tôi phải đợi chờ lâu hơn. Tội nghiệp anh tài xế phải hết sức cố gắng và kiên trì để đưa chúng tôi vượt đường đèo đến với anh em tại thị trấn Dakrông và một xã cùng tên trước khi lên đường trở về.

Nhờ vào trời không mưa và khí hậu khá dịu mát, nên lần nầy chúng tôi đến được cả thảy 7 địa điểm. Tại mỗi nơi đều có sự tổ chức và sắp xếp tương đối, nhờ vào sự tận tâm của các anh chị em phụ trách địa phương, cũng như chị Hiện và các chị em tại cộng đoàn Đông Hà, từ lâu nay chuyên trách và ân cần phục vụ các Hội Người Mù tại đây gồm các Tỉnh Hội Triệu Phong, Gio Linh, D'akrông và Hướng Hóa. Trong đó Tỉnh Hội Người Mù Triệu Phong gồm 17 xã và 1 thị trấn, có 334 hội viên; TH Gio Linh gồm 19 xã và 1 thị trấn, có 603 hv; TH D'akrông gồm 10 xã, 2 thị trấn với 291 hv; riêng Tỉnh hội Người Mù Hướng Hóa thì tình thế có phần tế nhị hơn, nên chúng tôi chỉ làm việc trên cơ sở huyện với việc khám bệnh và phát thuốc hằng tháng, cùng tặng quà vào những dịp đặc biệt, mỗi lần chúng tôi gặp gỡ khoảng 100 người. Ngoài việc đi đến gặp gỡ những anh chị em mù loà và gia đình họ qua phương tiện khám và phát thuốc hằng tháng, hằng năm mỗi Tỉnh Hội đều có một dự án riêng, ví dụ học chữ Braille hoặc nâng cấp văn hoá, đóng giếng bơm, nuôi trâu, nuôi dê, nuôi heo... Vào các dịp Noel, Tết... có tặng quà và phong bì; những lúc thiên tai, bão lụt... chúng tôi tìm cách cứu trợ và giúp đỡ theo khả năng mình có cũng như những gì nhận được từ ân nhân.

Trở lại với việc cứu trợ lần này, trên đường về, anh Quang (ở Triệu Nguyên) xin quá giang xe chúng tôi, hỏi anh đi đâu, anh nói: "Tôi xin đi nhờ để lên cột trâu lại, vì ở đây, như thấy đó, đồng ruộng, vườn tược chẳng còn một cây cỏ nào sống sót, trâu bò cũng chẳng còn gì ăn, mỗi ngày tôi phải lên về 14 cây số để cho trâu ăn, trâu đang được gởi ở nhà người quen..." Thật gian nan sau bão lũ ! Đi ngang qua mấy chiếc thuyền nghiêng ngã có chiếc đã vỡ tan trên đường, bùn đất phủ lấp... Anh nói: Đây là thuyền của công ty khai thác cát từ lòng sông. Anh cũng kể cho chúng tôi nghe về một người giữ trạm điện: nước lên quá nhanh, không còn cách gì để vượt lên khỏi nước, nguời nầy đành trèo lên cột điện suốt đêm, hôm sau mới có người đến cứu. Theo những người ở đây thì cơn bảo số 9, nước lên gấp đôi năm 1999, người ta phải chạy bán mạng lên núi, chứ không kip lấy được gì!

Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đây một ngày rất gần để giúp cho người dân thêm chút đỉnh trong những ngày mưa lạnh sắp đến. Xin chân thành cám ơn những nhà tài trợ xa gần, có lòng hy sinh, quảng đại, đã hảo tâm chia sẻ để chúng tôi có phương tiện cứu giúp anh chị em mình lúc khốn khó, "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chúng tôi chỉ là phương tiện, là những cánh tay nối dài của quý vị, đi đến tận nơi viếng thăm, ủy lạo, nâng đỡ và trao tận tay những món quà do quý vị ân nhân xa gần gởi về với tất cả tình thương mến, để uỷ lạo, nâng đỡ và thoa dịu phần nào những đau khổ mà người anh chị em em chúng ta đang phải gánh chịu trên cuộc đời họ, nhất là những khó khăn hiện tại mà gia đình họ đang gặp phải do hậu quả của cơn lũ lụt bão táp vừa qua.

Tôi ghi lại bài nầy trong đêm, khi mưa, sấm giông bên ngoài vẫn không ngừng gầm thét... Tôi nghĩ nhiều đến các anh chị em dân tộc, các trẻ em vùng cao, giờ nầy bụng không đủ no và tấm thân không đủ ấm khi cơn gió rét lại đổ về.

Ngày 18.10.2009
 
Sa mạc huấn luyện huynh trưởng cấp 3 Dấn Thân V Tại Núi Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu
Nguyễn Xuân
16:59 19/10/2009
Sa mạc huấn luyện huynh trưởng cấp 3 Dấn Thân V, đợt 3 Tại Núi Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu vào hai ngày 17 & 18/10/2009.

Xem hình ảnh

Chủ đề của hành trình sa mạc là: Theo Chúa Giêsu trên đường truyền giáo.

Từ 4 g30 sáng, Giáo xứ Thái Bình đã được đánh thức bởi tiếng réo gọi ơi ới của các sa mạc sinh chuẩn bị lên đường tham dự sa mạc.

Các sa mạc sinh này đã cùng nhau trải qua hai đợt sa mạc tập trung

Đợt 1: Hai ngày 12&13/06/2009

Đợt 2: Hai ngày 15&16/08/2009

Hai tháng xa cách giờ mới gặp lại, có biết bao là chuyện buồn vui để kể cho nhau nghe, nhất là các huynh trưởng ở xa như Cần Thơ, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Ban Mê Thuột nên các bạn biểu lộ tình thương mến thương hơi rộn ràng.

Vào lúc 5g15 Linh mục Sa mạc trưởng cùng các sa mạc sinh cầu nguyện thánh hóa sa mạc. Ngài biểu lộ niềm vui gặp lại các sa mạc sinh. Ngài rất khâm phục tinh thần dấn thân phục vụ của các sa mạc sinh. Ngài nhắc các huynh trưởng việc các bạn đang làm không là việc của riêng mình nhưng là việc chung của giáo hội và chúng ta làm vì Danh Cha cả sáng.

Bắt đầu hành trình sa mạc, trên xe SMS nhận thử thách: nghe băng, ghi lời, học hát và sáng vũ điệu bài ”Tôi theo một người.”. Tuy rằng hơi khó nghe trong bầu khí đầy tạp âm: tiếng xe chạy, tiếng còi ô tô thúc nhau nhưng sa mạc sinh cùng giúp nhau ghi lai được bài hát. Bài học đầu tiên: Không biết “lắng nghe” huynh trưởng không thể học hỏi, không thể hiểu các em và giáo dục cho các em

Ra đến biển, lúc thủy triều đang dâng, các sa mạc sinh vui mừng và thầm nghĩ mình sẽ tha hồ bơi lặn dưới nước nhưng: Bãi Dâu là nơi hành hương, tịnh dưỡng và cầu nguyện thì tốt nhưng tắm biển thì phải cẩn thận. Sau khi tiên phong xuống nước một vài nam sa mạc sinh trở lên vì chân va chạm vào các tảng đá đầy vỏ hào sắc bén. Các bạn trêu nhau: Sa mạc có đổ máu. Dù vậy, các sinh hoạt bãi biển diễn ra trong bầu khí rất vui và năng động. Nhờ vậy bữa ăn trưa rất ngon, ngon vì cá biển tươi và cũng ngon sau khi đã vận động tiêu hao năng lượng.

Đầu giờ chiều, các đội trình làng bài vũ tự sáng tác. Đội một vũ rất “ nghề” nhưng khi bị giám khảo hỏi biên đạo múa là ai thì một bạn đã thú nhận bạn đã bắt chước trong băng. Dù sao các bạn cũng đáng được khích lệ vì sự nhạy bén và nhanh nhẹn mới có thể học thuộc và vũ nhịp nhàng như thế. Các bài vũ khác từ “cây nhà lá vườn” nhưng cũng rất đạt

Bài khóa đầu tiên Cha tuyên úy Maria Gioan Vianney Chu Minh Tân chia sẻ đề tài Cầu nguyện. Để giảng dạy tốt, để điều hành một xứ đoàn, huynh trưởng không chỉ trau dồi cho mình kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhưng còn phải luôn nhớ cầu nguyện và cầu nguyện luôn. Việc nhấn mạnh về sự cầu nguyện cá nhân cũng như tập thể, là phù hợp với lời khích lệ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Trong tông thư Novo Millennium, Ngài nói về sự cầu nguyện như “bản chất và linh hồn của đời sống Kitô hữu”, trong đời sống đó, Ngài nói, “được thành hình trong chúng ta bởi Thánh Thần” (số 32).

Các bài khóa tiếp tiếp theo: Nghệ thuật khen thưởng, sửa phạt. Cách tổ chức một buổi lễ ….các sa mạc sinh chia sẻ rất tích cực.

Trong buổi diễn nguyện cũng như các buổi chia sẻ, các sa mạc sinh được học gương các chứng nhân: chân phúc An rê Phú Yên, thánh Don Bosco, Mẹ Têrêsa Calcutta… các sa mạc sinh trau đổi nhau kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy của các ngài cũng như gương sống chứng nhân yêu thương giữa lòng xã hội.

Ngày thứ hai của sa mạc, ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo, Sa mạc sinh dâng lên Mẹ tràng chuỗi Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm đời sống của Chúa Giêsu. Một lần nữa sa mạc sinh học Thái độ “lắng nghe” của Đức Maria, một thái độ được nhắc nhở bởi việc cầu Kinh Mân Côi. “Đức Maria đã ghi nhớ tất cả mọi điều ấy mà suy niệm trong lòng” (Lu 2:19).

Trong sa mạc, các sa mạc sinh không chỉ học từ các huấn luyện viên mà còn học những gương hy sinh vượt khó của nhau.

Qua hai ngày sa mạc huynh trưởng càng thấu hiểu hơn sứ mạng của mình. Theo Chúa không phải nhất thời nhưng là “ trăm năm vạn ngày”

Theo Chúa để học yêu thương, biết hy sinh và dám dấn thân trên đường Can vê.

Như các bạn vẫn thường hát: ”Một ngày là huynh trưởng suốt đời ta là huynh trưởng” Cầu nguyện cho các bạn luôn trung thành dấn thân theo Chúa. Mong rằng đoạn cuối của bài hát: ”Theo một người “ sẽ luôn âm vang trong tâm tưởng bạn. “ Theo Giêsu hành trình tôi xin chung thập hình để cùng hát Phục sinh”.
 
Các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010 tại Paris
Trần Văn Cảnh
17:41 19/10/2009
Các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp chuẩn bị mừng NĂM THÁNH 2010 tại Paris

Cha Hà Quang Minh là Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp từ năm 2004. Cùng làm việc với cha, có một Tuyên Úy Đoàn, gồm ba ban: Ban Điều Hành Trung Ương, Ban Tuyên Úy Giới Trưởng Thành và Ban Tuyên Úy Giới trẻ. Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam có trách nhiệm đại diện cho tất cả các tuyên úy của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Trong tập « Kỷ Yếu 30 năm hành trình đức tin của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp (1976-2006) », Ban Tuyên Úy đã giới thiệu 46 Cộng Đoàn Việt Nam tại Pháp (từ trang 30 đến 103).

PARIS – Chiều chủ nhật 18 tháng 10 năm 2009, Cha Hà Quang Minh đã dành cho Giáo Sư Trần Văn Cảnh, biên tập viên « Giaoxuvnparis » và « VietCatholic » một cuộc phỏng vấn. Ngài đã trả lời những câu hỏi liên quan tới:

• Đại Hội các Tuyên Úy Việt Nam tháng 10 năm 2009

• Quyết định liên quan đến việc Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp mừng Năm Thánh 2010

GS Cảnh: Xin kính chào Cha Tổng Tuyên Úy và xin cám ơn Cha đã cho con được dịp nói chuyện với Cha. Trước hết, Xin Cha phác qua tổ chức của Tuyên Úy Đoàn của Các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp và gợi ra vài kết quả quan trọng mà Tuyên Úy Đoàn đã thực hiện được trong những năm gần đây.

Cha Hà Quang Minh: Trước tiên xin thành thật cám ơn Giáo Sư đã tạo dịp để chúng tôi được trình bầy về những sinh hoạt cuả Tuyên Úy Đoàn. Cách nay 32 năm Tuyên Úy Đoàn được Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập qua quyết định tuyển chọn cha Samuel Trương Đình Hoè làm Đại Diện các Tuyên Úy Việt nam. Trong trách nhiệm này, cha Samuel đã quy tụ các linh mục, tu sĩ có trách nhiệm mục vụ cho người Việt nam và lập thành Tuyên Úy Đoàn. Một trong những mục đính chính là trao đổi các công tác mục vụ, tìm một hướng đi chung phục vụ những người tị nạn Việt nam vừa đến Pháp. Một tở báo được thành hình lấy tên là Hiện Diện. Tuyên Úy Đoàn hoạt động liên tục đến nay đã 32 năm. Số Tuyên Úy và các trợ tá hiện nay là 43, trong đó có 31 linh mục, 8 tu sĩ, 4 thầy phó tế vĩnh viễn. Một số cộng đoàn chưa có Tuyên Úy được các cha sinh viên Việt nam đến cứ hành thánh lễ. Trong sáu năm vừa qua, điều đáng ghi nhận là đã có 10 cộng đoàn được các Giám Mục giáo phận cắt cử linh mục hoặc tu sĩ cộng tác vào những chương trình mục vụ cho người Viêt nam.

GS Cảnh: Hàng năm, Tuyên Úy Đoàn tổ chức một Đại Hội để cùng nhau phác thảo một chương trình mục vụ chung. Xin Cha cho biết Đại Hội Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp đấu tháng 10/2009 vừa qua đã được thực hiện thế nào ?

Cha Hà Quang Minh : Hằng năm, cứ vào đầu tháng 10, chúng tôi lại tổ chức một cuộc họp mặt toàn quốc. Điạ điểm họp thay đổi mỗi năm. Năm nay, tuần họp các Tuyên Úy được tổ chức tại thành phố Troyes từ 5 đến 9/10. Đề tài hội thảo là « 350 năm Giáo Hội Việt nam ». Không nói ai cũng hiểu là qua đề tài này, Tuyên Úy Đoàn muốn chuẩn bị Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai điạ phận đầu tiên tại Việt nam (Đàng Trong, Đàng Ngoài) và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt nam. Cha Trần Anh Dũng, đã giúp cho chúng tôi ôn lại lịch sử Giáo Hội Việt nam và qua đó ý thức rõ ràng hơn tầm quan trọng của Năm Thánh. Chúng tôi cũng đã dành ngày thứ ba 7/10 để gặp gỡ Giám Mục điạ phương, trao đổi với Ngài về mục vụ di dân trong điạ phận. Cũng trong ngày hôm nay, các giáo dân Việt nam đã đến tham dự thánh lễ đồng tế và đãi chúng tôi một bữa cơm Việt nam rất thịnh soạn. Chúng tôi rất cảm động trước sự niếm nở của Đức Cha và sự tiếp đón rất ân cần và chu đáo cuá cộng đoàn Troyes.

GS Cảnh: Trong đại hội này Tuyên Úy Đoàn đã quyết định gi ? Xin cha cho biết quyết định mục vụ quan trọng nhất !

Cha Hà Quang Minh : Từ đại hội thứ 31 năm 2008 tại Toulon, chúng tôi đã quyết định tổ chức một đại hội các cộng đoàn Việt nam tại Pháp trong năm 2010. Trong năm qua, chương trình đại hội đã được chuấn bị sơ khởi. Và Ban Điều Hành Trung Ương đã trình bầy và xin ý kiến của các Tuyên Úy có mặt trong tuần họp thứ 32 năm nay. Đây là những quyết định chính. Thời gian đại hội toàn quốc: 3-4 / 7 / 2010. Điạ điểm: Paris.(Giáo Xứ Việt nam; nhà thờ chánh toà Notre Dame). Chủ đề: Sống Năm Thánh Với Giáo Hội Việt Nam 2010.

GS Cảnh: Xin cha cho biết tại sao Ttuyên Úy Đoàn lại đã quyết định tổ chức mừng NĂM THÁNH 2010 cho các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp ? nhằm mục đích nào, kết quả gì ?

Cha Hà Quang Minh : Là người công giáo Việt nam, chúng ta không thể quên được quê hương xứ sở và nhất là Giáo Hội Việt nam. « Cây có gốc mở trổ ngành sanh ngọn. Người có tông mới đạt ngã thành nhân ». Cả Giáo Hội Việt nam từ bắc chí nam đang chuẩn bị mừng Năm Thánh trong tâm tình cảm tạ hống ân Thiên Chuá, tri ân các thánh tử đạo và cùng nhau xây đắp tương lai cuả Giáo Hội mẹ. Chúng tôi mong ước, cùng với anh chị em tín hữu Việt nam hải ngoại, đặc biệt tại Pháp, được hiệp thông với Giáo Hội Việt nam trong dịp này. Đây là một thời điểm lịch sử đức tin qúy giá mà chúng ta không thể dửng dưng đứng bên ngoài thụ động. Mặt khác, đại hội 2010 sẽ là một chứng từ đức tin đối với Giáo Hội điạ phương và các cộng đoàn chủng tộc khác có mặt trên đất Pháp. Năm Thánh 2010 còn là một cuộc tĩnh tâm tập thể, thống hối ăn năn trở về với Chuá. Ơn toàn xá mà Đức Thánh Cha Benedicto trao ban trong Năm Thánh cho người Việt nam trong nước và ở hải ngoại mời gọi con cái cuả Chúa canh tân cuộc sống cá nhân và đổi mới thế giới. Nói tóm lại, đây là ba mục đích mà Tuyên Úy Đoàn nhắm đến khi quyết định thực hiện Đại Hội 2010.

GS Cảnh: Xin cha cho biết việc các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp MỪNG NĂM THÁNH sẽ được tổ chức thế nào ? gồm những ban gì, ai trách nhiệm ?

Cha Hà Quang Minh : Một ban tổ chức đã được thành hình gồm 12 tiểu ban. Mỗi tiểu ban đặt dưới trách nhiệm cuả một Tuyên Úy. Đại khái, đại hội chú tâm đến bốn điếm chính: cầu nguyện, thống hối, học hỏi, thăm viếng nơi có hài cốt các thánh tử đạo. Thánh lễ khai mạc sẽ được cử hành tại nhà thờ Giáo Xứ Việt nam, và thánh lễ bế mạc tại Nhà thờ Đức Bà. Những chi tiết khác, chúng tôi sẽ phổ biến sau. Một điều đáng cho chúng tôi quan tâm là chỗ ở cho các phái đoàn từ các tỉnh về. Từ trước đến nay, các đại hội đều được tổ chức tại Lộ Đức nơi có đầy đủ tiện nghi. Paris mắc mỏ, lại rộng lớn nên phương tiện ăn ở khó khăn, việc di chuyển mất nhiều thời gian. Sự thành công cuả đại hội còn tùy thuộc rất nhiều vào sự cố động của các ban mục vụ điạ phương. Mọi sự phó thác vào Chúa. Với ơn của Chúa, chúng ta sẽ vượt mọi trở ngài.

GS Cảnh: Xin cám ơn Cha rất nhiều. Cầu chúc Cha nhiều ơn lành của Chúa. Xin cho Các Cộng Đoàn CGVN tại Pháp ngày càng phát triển.

Paris, ngày 18 tháng 10 năm 2009
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
HRW chỉ trích VN về tự do tôn giáo
BBC
07:47 19/10/2009
HRW chỉ trích VN về tự do tôn giáo

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa lên tiếng chỉ trích Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo sau vụ tăng ni bị buộc rời khỏi Tu viện Bát Nhã.

Trong một thông cáo ra tại New York hôm 19/10, Human Rights Watch (HRW) viết: "Việc dùng bạo lực cưỡng ép hơn 300 đệ tử của Thiền sư và nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh ra khỏi Tu viện Bát Nhã hồi cuối tháng Chín đã cho thấy hành động trấn áp tự do tôn giáo của chính phủ Việt Nam."

Hiện chính phủ Việt Nam chưa có phản hồi về cáo buộc trên.

Trong thông cáo, HRW viết: "Vào ngày 27/09/2009, công an đã bao vây tu viện trong khi hơn 100 côn đồ và công an chìm với gậy gộc và búa đã phá cổng và đuổi 150 tăng sinh đi. Trong quá trình này, một số người đã bị đánh đập."

Các phát biểu chính thức của quan chức Việt Nam hồi tuần qua trên báo chí trong nước đều cho rằng vụ xung đột ở Bát Nhã là do "mâu thuẫn nội bộ" của hai nhóm Phật tử là đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và của Thượng tọa Thích Đức Nghi, trụ trì Tu viện Bát Nhã.

Họ cũng cho rằng chính quyền đã tích cực "hòa giải" và "không có ai bị bắt giữ" trong vụ Bát Nhã.

Tuy nhiên HRW cáo buộc còn hai vị Pháp Hội và Pháp Sỹ bị bắt chưa tìm thấy tung tích.

Quyền tín ngưỡng

Bà Elaine Pearson, phó giám đốc khu vực Á châu của HRW, nói: "Chính phủ [Việt Nam] nhìn nhận nhiều tổ chức tôn giáo, nhất là các tổ chức nổi tiếng mà chính quyền sợ không kiểm soát được, là thách thức cho quyền lực của Đảng Cộng sản".

HRW cho rằng vụ "trấn áp" tại Bát Nhã vừa qua một phần có liên hệ tới bản kiến nghị mà Sư ông Thích Nhất Hạnh đưa ra trong một cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết hồi năm 2007 với yêu cầu nới lỏng kiểm soát hoạt động tôn giáo.

Chính bản kiến nghị 10 điểm này đã được nhắc tới trong bài " Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc)" của báo An ninh Thế giới, ấn bản của báo Công an Nhân dân, ra ngày 19/10.

Báo này cáo buộc Thiền sư Thích Nhất Hạnh có "ý đồ chính trị" khi trao kiến nghị cho lãnh đạo Việt Nam v̀a muốn hoạt động độc lập khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ở trong nước.

Bà Pearson từ HRW nhận xét: "Sự tôn trọng của Việt Nam đối với nhân quyền và tự do tôn giáo đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Hoa Kỳ rút tên Việt Nam (khỏi Danh sách các nước gây quan ngại về tự do tôn giáo) và Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới."
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giới thiệu Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Washington DC, một linh địa
Trần Mạnh Trác
14:04 19/10/2009
Trong một lần đi thăm miền Bắc Mỹ, tôi nghe nhiều bàn tán về một ngôi đền tôn kính Đức Mẹ Lavang vừa mới khánh thành ngay trong lòng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở giữa thủ đô Hoa Kỳ. (Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception, 400 Michigan Ave NE, Washington DC)

Dù không dự tính đi thăm DC, nhưng một phần vì tò mò, một phần vì hãnh diện dân tộc, nên tôi thu xếp vào cuối ngày, đi ngược giòng xe tìm tới địa chỉ nói trên.

Vương Cung Thánh Đường nằm trong khuôn viên Đại học công giáo, giữa hai trường “The Catholic University Of America" và "Trinity College", trong một quang cảnh tĩnh mịch giúp cho những người muốn tránh cái ồn ào chen lấn tìm được một nơi thóat tục.

Đây là ngôi Vương Cung Thánh Đường xếp hạng thứ 8 lớn nhất thế giới, do người công giáo Hoa Kỳ xây dựng 40 năm từ năm 1920 cho đến năm 1959. Ngôi thánh đường được xây để kỷ niệm hai sự kiện, một là tôn vinh tín điều mới nhất của người Công Giáo tóm lược như sau "Đức Nữ Đồng Trinh Maria, vì được tiền định sẽ là mẹ Đấng Cứu Thế, cho nên Đức Chúa Trời đã đặc ân cho Đức Mẹ không hề bị vướng mắc vào tội tổ tông, truyền lại từ đời Adong và Eva (Vô Nhiễm Nguyên Tội)" (tín điều công bố năm 1854); hai là tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm đã được Hoa Kỳ nhận làm "Thánh Quan Thày" (Patroness of the United States, 1847).

Thánh đường có hai tầng, tầng dưới gọi là Crypt, tầng trên là Upper Church. Chung quanh tường của cả hai tầng có nhiều ngôi đền nhỏ để tôn kính những tước hiệu Đức Mẹ mà các sắc dân khi di cư tới Hoa Kỳ đã du nhập với những ảnh tượng quen thuộc từ quê nhà. Có một danh hiệu đến từ VN, đó là Đức Mẹ Lavang (our Lady Of Lavang).

Đền Đức Mẹ Lavang nằm cạnh Cung Thánh ở hành lang bên phải của tầng Crypt. Từ Visitor Center đi vào, đi dọc theo dãy hành lang dài để tiến tới bàn thờ chính thì lúc nào cũng nhìn thấy ngôi đền sáng láng ở trước mặt. Ngôi đền xây bằng đá cẩm thạch từ VN mang qua, phiá bên trái là bức tranh 118 thánh tử đạo VN, và bên phải là bức tranh kể lại sự tích Lavang, trên trần có 24 vị sao, dưới sàn là hình trống đồng Phú Duy. Không hiểu có phải vì tự ái dân tộc hay vì đền Lavang mới được xây cho nên có kỹ thuật hiện đại hơn, tôi cho rằng ngôi đền của người Việt chúng ta là lộng lẫy trang nghiêm nhất.

Sau khi thăm viếng Mẹ Lavang xong, tôi lang thang đi vào lòng thánh đường mênh mông thì chợt thấy ở giữa có một bức tượng cẩm thạch đứng trên bệ cao lung linh trong ánh nến. Tôi đóan là tượng Đức Mẹ nhưng nhìn váo dáng bộ của bức tượng thì không được quen lắm. Nghĩa là theo con mắt thông thường của tôi, tôi luôn hình dung Đức Mẹ lúc nào cũng nghiêm trang như tượng Đức Mẹ Lộ Đức, nhân hậu như ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, oai phong như tượng Đức Mẹ Ban Ơn, hoặc có buồn thảm như tượng Mẹ Sầu Bi của Michelangelo thì cũng luôn luôn xinh đẹp mỹ miều. Các nghệ sĩ công giáo từ trước đến nay quan niệm rằng, vì Đức Mẹ đã hiển vinh cả hồn lẫn xác, thì cái trong trắng muôn thuở của Đức Mẹ phải được hình dung bằng một vẻ đẹp không tì vết. Đó là điều tôi có thể chấp nhận được ít ra là về phương diện tình cảm, cũng giống như khi tôi chọn những di ảnh của cha mẹ để tôn kính trên bàn thờ tổ tiên, tôi đã chọn những bức ảnh trẻ đẹp nhất.

Nhưng ở đây, bức tượng không thể nói là đẹp, nó diễn tả một phụ nữ trung niên, tóc đã xù, lưng đã khom, đôi tay buông thòng, đôi mắt tuy mở to nhưng đó là đôi mắt xưng và ráo hỏanh, đôi mày chóp mũi đôi má và đôi môi xưng lên như đang thổn thức. Nói chung đây là bức tượng diễn tả một phụ nữ đau buồn. Tôi tự nghĩ phải chăng anh chàng nghệ sĩ thuộc phái hiện thực nào đây đã xử dụng những kiểu mẫu Hollywood để khai thác cảm xúc bồng bột của khán giả chăng? (1)

Chủ đề của bức tượng được khắc trên bệ đá cũng không giúp tôi hiểu thêm gì hơn:"Maria, Mẹ Lòai Người" (Mary, Mother of Mankind). Sao lại như thế nhỉ? thường thì người ta vẫn cho rằng bà Eva mới là tổ mẫu của bàn dân thiên hạ, còn Đức Maria, vì là mẹ Đấng Cứu Thế cho nên người ta thường gọi là "mẹ của các linh hồn", nghĩa là vì Mẹ là ngọn nguồn của ơn cứu rỗi cho nên hễ ai được tái sinh trong ơn thánh tẩy thì tức là cũng tái sinh làm con Mẹ. Vậy mang danh hiệu của bà Eva là bà mẹ thân xác mà gán cho Đức Mẹ thì chắc là không chỉnh.

Sống trong một gia đình Công Giáo sùng đạo cho nên tôi vẫn có thói quen là hễ đi qua ảnh tượng của Đức Mẹ thì thế nào cũng phải nhẩm đọc một kinh "Kính Mừng" để chào Mẹ. Trời đã về chiều, thánh đường vắng vẻ, chỉ còn mình tôi và bức tượng, tôi chậm rãi tiến tới đối diện. Tượng ở trên cao nhưng hình như đang khom lưng bước xuống để ôm lấy tôi ở dưới thấp. Trên giá sách của bàn quì nhỏ phía trước, tôi phát hiện nhiều hàng chữ dẫn giải được khắc ghi trên một bảng đá: Đây là tượng diễn tả Mẹ Maria trong giây phút nhận Gioan làm con. Khi Chúa Giêsu chịu nạn khổ hình trên núi Calvario, trước giờ sinh thì, người nhìn xuống và thấy người môn đệ yêu quí đang đứng gần mẹ của mình thì trăn trối với người môn đệ rằng "Hỡi con, này là mẹ con" và nói với mẹ mình rằng "Hỡi bà, đây là con bà". Từ đó Maria về ở với người môn đệ…

Gioan là người môn đệ duy nhất đã dám ở bên cạnh thầy của mình trong giờ tử nạn cho nên các nhà thần học đều dẫn giải là Gioan đại diện cho nhân lọai đứng dưới chân thập giá mà nhận lấy ơn cứu chuộc. Khi nhận Gioan làm dưỡng tử, Đức Maria thực đã nhận lòai người thay thế vào chỗ của Chúa Giêsu, để mà tiếp tục lo lắng, nâng đỡ, ủi an.

Tôi bỗng chợt hiểu giống như một đứa trẻ kia đã từng xấu hổ khi thấy mẹ mình có một bàn tay co rút đen đủi sần sùi không giống như mẹ những đứa khác, nhưng khi nó biết rằng chính bàn tay đó đã che chở nó khỏi bị phỏng nước sôi lúc còn bé thì nó bỗng thấy sao bàn tay của mẹ nó mỹ miều quá, những hột sần có khác chi là những hạt chân châu, và những vết xẹo nào có khác chi là vết giòng sữa ngọt. Đó là bàn tay có ý nghĩa nhất trần gian.

Tôi nhìn lên bức tượng với một tâm tư khác hẳn. Tôi bỗng cảm thấy như có một sự liên lạc mầu nhiệm nào đó nối kết cái hồn nhỏ bé và tội lỗi của tôi với cái giây phút đau khổ linh thiêng của Đức Mẹ từ 2000 năm trước, khi mà Mẹ Maria, dù đã phải sống trọn cuộc hành trình đau khổ với con mình, vẫn quay lại giang đôi tay đón nhận đứa con mới. Hình như Mẹ đã nói với cái hồn bé nhỏ của tôi rằng: " Hỡi con, dù mẹ đã kiệt sức rồi, nhưng con cứ đến cùng mẹ, mẹ sẽ bế con lên".

Cảm xúc đó làm cho tôi nín thở và tim tôi hầu như bỏ lỡ một nhịp.

Trên ngưỡng cửa nhập cư của nước Mỷ dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do người ta có khắc những giòng chữ: "Hãy cho ta những người mỏi mệt, những người nghèo khổ, những kẻ không nhà…", thì nay tại lòng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, người ta lập lại tinh thần đó trong kinh cầu Đức Maria Mẹ Lòai Người: "…Con xin dâng lên Mẹ những bé chưa sinh, những người nghèo khó, người đau khổ, người bệnh tật, người già yếu cũng như người đang hấp hối.

Xin mẹ cải hóa kẻ có tội, chữa lành những nỗi đớn đau và đem niềm tin và ủi an cho những người tuyệt vọng.

Xin Mẹ soi sáng cho những ai còn ngờ vực được thấy ánh sáng soi đường của Đức Kitô con Mẹ. Amen."(2)

Washington DC, 12-17-06

(1) In 1937, sculptor Henry Donohue was commissioned to fashion the statue Mary, Mother of Mankind. A gift of Judge and Mrs. Philip Brennan, the statue was unveiled and dedicated May 8, 1938.

(2) Prayer to Mary, Mother of Mankind:

Mother, I commend and entrust to you all that goes to make up earthly progress, asking that it should not be one-sided, but that it should create conditions for the full spiritual advancement of individuals, families, communities and nations.

I commend to you the unborn, the poor, the suffering, the sick and the handicapped, the aging and the dying.

I ask you to reconcile those in sin, to heal those in pain, and to uplift those who have lost their hope and joy.

Show to those who struggle in doubt the light of Christ your Son. Amen.
 
Văn Hóa
Quê Hương nơi nao?
lykhách
15:12 19/10/2009
Rất ngại ăn lắm! chùm khế ngọt (*)
Bày bán nơi siêu thị tươi màu
Sợ cắn quê hương biết đâu được?
Nhầm nhai, lại yêu…lộn nước Tàu!

Ngại mua vỉ trứng gà về luộc
Dù muốn nhai gì một chút quê hương
Sợ vỏ trắng biết chừng đâu được?
Trứng Tàu rửa trong ắc-xít vô thường!

Nghĩ mà tội nghiệp mấy mợ gà ta
Dù bé tí ti cũng công khó đẻ ra
Gà tập thể dục hằng ngày thong thả
Nên mới ngon khiến trứng Tàu giả!

Ăn chi cũng rất ngại hàng Tàu
Xài gì cũng ớn đồ tốt xấu
Dân của chúng còn chết vì dùng ẩu
Huống hồ chúng thương dân khác sao?

Biết đâu là bó rau từ quê nhà?
Nắng sương mẹ khó nhọc trồng ra
Nhưng giữa chợ đời toàn đồ giả
Con ăn nhầm thì chắc…chết cha!

Con biết những trái cây hiền hòa
Ba chăm sóc ngóng từng mùa qua
Nhưng nhìn trái chín còn xanh thắm lá?
Ăn nhầm hóa chất chắc…bỏ mẹ già!

Ấy thế quê mình chi cũng giả
Có còn đâu bản tính thật thà
Rừng vàng bạc biển đều tàn tạ
Con gì bò được, ăn chẳng tha!

Mọi cái có thể ăn đều được ăn
Chỉ trừ có một cái…ăn năn!
Phải chi lòng ai cũng ngay thẳng
Dân mình đâu đến nỗi nhục nhằn!

Hôm qua đi chợ với vợ nhà
Vợ mua bỏ giỏ, con bỏ ra
Vợ về giận dỗi chẳng nấu chi cả
Con (đành) chiên cơm nguội nuốt qua loa!

Ấy thế đi đâu cũng đụng Tàu
Hàng ăn, hàng mặc, hàng dùng từ hạng chót đến hàng đầu
Muốn tránh thảy nhưng rồi tốt xấu
Cũng đành mua chút đỉnh vì nhu cầu!

Tình thiệt! con chẳng giàu ba mẹ ạ
Vật chất cần, ai cũng vậy mà
Nhưng đồ khác dù đắt hơn chút đỉnh
Con vẫn mua, tránh thứ made in China!

Nghĩ xem chúng nó quá rẻ khinh
Bão tố nó chỉ cấm ngư phủ mình
Gió giật, sóng cao, chúng còn đánh đập tội tình
Thả sau khi cướp sạch, phá sạch… trôi lênh đênh!

Ấy thế mà ngài thủ tướng ta
Còn tới Tàu, xin Tàu đầu tư qua
Chẳng dám nhắc dân bị chúng hành hạ
Thủ tướng tưởng Tàu chắc là…cha?!

Dân mọn con đây còn nhục nhã
Việc chi cứ phải sống hèn hạ?
Tàu khi sợ thì gọi là Tàu lạ
Khi van xin thì cứ: “anh em Tầu ta!”

Khác mẹ, khác cha, hơn nghìn năm đấm đá
Anh em gì với Tàu Cộng xỏ lá
Lãnh đạo chi đâu mà hèn ngu quá!
Đọc nghẹn bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà!”

Quê hương là gì hở bố?
Chẳng hỏi mẹ đâu vì mẹ quá hiền hòa
Mẹ bảo là “chùm khế”, bố bảo: “khổ quá!
Quê hương? chắc lạc xứ…người ta!”

Như thế quê hương không phải một
Chắc là hai hoặc có thể là ba
Hoặc là bốn, là năm, là sáu…
Chẳng có quê hương, nếu ai mất gốc ông bà!

Quê hương chắc chắn không nơi…Tàu
Chẳng trời Tây cũng chả phải Úc, Mỹ Châu
Chẳng đảng phái, vô sản gian manh, tư bản đầu nậu
Có thể tìm quê hương qua mấy vận ca dao

Như là:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hoặc là:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng…

Đại khái thế, quê hương là yêu thương
Là chia mặn sẻ ngọt mọi vui buồn
Là hạt muối chia nhau nếu phận Nước nhạt
Là chia một phần tám mươi triệu cục đường

Quê hương gồm có đất, nước, núi, biển, sông ngòi…
Nhưng chưa thể có quê hương nếu quên mất con người
Chối bỏ quê hương nghĩa là không xót tới
Những niềm đau, nước mắt, thống khổ khôn nguôi!

Quê hương không cần những định nghĩa, chủ nghĩa
Quê hương không cần nhân danh, đạo đức giả hình
Quê hương sẽ thấy nếu tự lòng thấm thía
Trăn trở buồn vui kẻ khác như của chính mình

Thế ba mẹ ơi tìm quê hương nơi nào?
Con khóc đôi khi, khi xót cảnh đồng bào
Con giận đôi khi, khi nhìn muôn lếu láo
Của chính quyền! chúng bán quê hương giá rất…Tàu!

Tổ tiên ơi mấy vần thơ cười khóc
Con thở than ngày mái tóc đổi màu
Ăn năn tạ lỗi với nghìn trước
Thẹn lòng biết mấy tới nghìn sau!

(*) Quê Hương - Đỗ Trung Quân
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Mẫu
Diệp Hải Dung
22:16 19/10/2009

THÁNH MẪU



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (TT Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney)

Ba mệnh Mẹ đã ân cần

Hãy cải thiện xác thân trong đời sống

Hãy siêng năng lần hạt Chuỗi Mân Côi

Và hãy thành tâm tôn sùng Mẫu Tâm Mẹ.

(Diệp Hải Dung)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền