Ngày 27-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 28/9: Yêu Thương Những Người Không Tiếp Đón Mình. Linh mục Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, SDB.
Giáo Hội Năm Châu
02:05 27/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 9, 51-56

“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:31 27/09/2021

21. Tâm hồn chí thiện cách trọn vẹn thì hoàn toàn không phải là xây dựng nơi chỗ không thấy, mà chính là lòng không lưu luyến thế gian này.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 27/09/2021
69. TIỀN CÔNG NHUỘM VẢI

Người nọ mua một xấp vải, và bỏ ra một trăm năm mươi xu tiền, đến tiệm nhuộm thành màu xanh giá tiền phải trả là ba trăm xu tiền.

Nhuộm xong, đã qua một năm mà không thấy người ấy đến lấy vải về, chủ tiệm nhuộm bèn đến chỗ ở của chủ xấp vải và hỏi:

- “Anh mắc nợ tôi ba trăm xu lâu rồi sao không trả?! Tôi phải đến quan phủ cáo tội anh !”

Người chủ xấp vải quỳ xuống đất van xin:

- “Xấp vải của tôi trị giá là một trăm năm mươi xu tiền, tôi lại bỏ ra thêm một trăm năm mươi xu tiền nữa, như thế có thể tha thứ cho tôi được chứ?

Ông chủ tiệm nhuộm cầm được tiền trong tay mới đi về.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 69:

Đem vải đi nhuộm màu xanh thì nhất định vải phải là màu trắng, bởi vì khó mà nhuộm màu đen thành màu xanh, khi nhuộm xong rồi thì không lấy về được vì hết tiền.

Có một vài người Ki-tô hữu đem cuộc sống bình an hạnh phúc của mình đi nhuộm thành màu đen, bằng những đua đòi không phù hợp với tinh thần Phúc Âm; lại có những thanh niên nam nữ tương lai đẹp như mơ, tâm hồn hướng thiện, nhưng lại đem đời mình nhuộm thành màu đen màu đỏ theo đua đòi cái gọi là “thời thượng” của xã hội, nên tâm hồn trắng tinh của họ trở thành đen tối khó mà làm trắng lại được...

Vải trắng đã nhuộm đen nhuộm đỏ rồi thì không thể nào làm lại cho trắng được, nhưng việc mà con người không thể làm thì Thiên Chúa lại làm được, Ngài nói như thế này:

“Tội các ngươi, dầu có đỏ như son,

cũng ra trắng như tuyết;

có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông...” (Is 1, 18).


Hạnh phúc thay người nghe và tin lời này của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chiến lược yêu thương
Lm. Minh Anh
23:36 27/09/2021

CHIẾN LƯỢC YÊU THƯƠNG
“Gần tới thời gian phải cất khỏi đời này, Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem!”.

Sau nội chiến, quân miền Nam đã rơi vào ‘bên thua cuộc’; đột nhiên Tổng thống Abraham Lincoln muốn được đàm phán. Điều này khiến cho nhiều tướng lãnh của ông bất bình. Một kẻ trong họ giận dữ, đập tay xuống bàn và nói, “Quân địch nhất định phải bị tiêu diệt!”. Lincoln vẫn giữ vẻ ôn hoà, lên tiếng, “Kẻ địch đã bị tiêu diệt, khi họ trở thành bạn của chúng ta!”. Nội chiến kết thúc bằng câu nói cao thượng của ông, “Nội chiến không có người thắng!”, dẫu miền Nam rõ ràng đã thua!

Kính thưa Anh Chị em,

“Kẻ địch đã bị tiêu diệt, khi họ trở thành bạn của chúng ta!”, tấm lòng bao dung của Lincoln khác nào chiến lược của Chúa Giêsu trong cuộc chiến cho Vương Quốc Ngài. Sẽ rất thú vị khi Tin Mừng hôm nay được đọc dưới nhãn quan của một nhà quân sự. Như vị tướng tài, Chúa Giêsu chỉ huy đội quân Kitô chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng, trận Giêrusalem! Tuy nhiên, chiến lược của Ngài thật không giống ai, một chiến lược mà Ngài cương quyết áp dụng, ‘chiến lược yêu thương’, “Gần tới thời gian phải cất khỏi đời này, Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem!”.

Mãnh tướng Giêsu dẫn đầu đoàn quân tiến về Giêrusalem! Lạ lùng thay, quân thù của Ngài là một thế lực xấu xa, nguy hiểm tiềm tàng, nhưng lại vô hình! Luca mô tả cuộc truy kích của Ngài bằng một thuật ngữ quân sự, “cương quyết”; “Ngài cương quyết!”. Tuy nhiên, ngay cả khi hành quân vào một trận chiến khốc liệt đến thế, Chúa Giêsu vẫn không sử dụng các chiến lược truyền thống của các dũng tướng từ cổ chí kim; Ngài tiến vào Giêrusalem như một con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt; vũ khí của Ngài là sự khiêm tốn. Đúng, Ngài sẽ ném trái bom nguyên tử “Khiêm Tốn” vào chiến địa và kế hoạch của Satan; phá bỏ sự tự hào và kiêu ngạo của Lucifer. Cuối cùng, ‘chiến lược yêu thương’ đã toàn thắng bằng cái chết thập giá; và sau đó, Phục Sinh vinh hiển!

Giữa một chiến sự dằng dặc, chiến binh Giacôbê và Gioan muốn giải quyết nhanh những chướng ngại, đó là một Samaria cứng lòng, “Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?”, một điều gì đó xem ra còn tệ hơn cả sự hám danh tham quyền mà ‘hai sĩ quan’ đã từng bộc lộ; xin Ngài một chỗ bên hữu, bên tả! Thái độ của Chúa Giêsu hoàn toàn khác, Ngài khiển trách các ông. Ngài định hướng lại chiến lược cho họ, ‘chiến lược yêu thương’; rằng, vũ khí tấn công không phải là lửa, là phẫn nộ; nhưng là lòng tốt, sự dịu dàng, bác ái và khiêm nhường.

Theo những tiêu chí quân sự, vụ việc Samaria được coi là một thất bại; Đấng Kitô bị tẩy chay, xét về mặt con người, Chúa Giêsu đã thua! Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp của Ngài; với Chúa Giêsu, phàn nàn hoặc trả đũa Samaria, mới là thất bại, là thua. Luca cho biết, thay vào đó, “Các ngài đi tới một làng khác”. Đơn giản đến thế! Vậy mà Chúa Giêsu đã chiến thắng, Ngài không lãng phí một chút thời gian cho những kỳ vọng bất thường và thất thường của con người; đúng hơn, là một người lính thực thụ, từng trải, Ngài đã tha thứ, quên đi và tiếp tục lên đường!

Tuyệt vời thay, Chúa Giêsu đã chiến thắng lẫy lừng trận chiến Giêrusalem, Ngài chiến thắng luôn cả trận Samaria trên đường tiến quân, những chiến thắng mà Zacharia đã báo trước trong bài đọc thứ nhất hôm nay, “Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem”; và còn hơn thế nữa, thật không thể tin được, “Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do Thái mà thưa rằng, ‘Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng, Thiên Chúa ở cùng các ông’”. Phải, “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi!”, đúng như điều Zacharia nhìn thấy trước qua lời Đáp Ca!

Anh Chị em,

Tất cả chúng ta đều ở trong quân ngũ của binh đoàn Giêsu, những dũng sĩ đang chiến đấu cho Nước Trời. Thế nhưng, chúng ta chiến đấu với vũ khí nào và phong thái của chúng ta ra sao? Đó là điều Chúa Giêsu muốn dạy qua Lời Chúa hôm nay. Ngài đã sử dụng ‘vũ khí tự huỷ’ trong phong thái khiêm tốn và hiền lành. Đây là ‘chiến lược yêu thương’ mà chiến hào của ma quỷ sẽ phải nổ tung. Là môn đệ Chúa Giêsu, cùng chiến đấu với Ngài, chúng ta không có một vũ khí nào khác. Đó cũng là cuộc chiến nội tâm mà mỗi người phải chiến đấu đến cùng. Chiến thắng của chúng ta là mỗi người được nên giống Chúa Giêsu, hoặc nên thánh. Điều này có nghĩa rằng, chúng ta phải từng giây phút cương quyết từ bỏ ý riêng, tội lỗi, và đó là lên Giêrusalem với Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con vượt qua những va chạm và bầm dập khi chiến đấu với ‘chiến lược yêu thương’ của Ngài. Cho con thêm dũng khí để dấn thân chiến đấu cho Vương Quốc Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sức mạnh của một ngôi nhà được làm phép: Nhà trừ quỷ tiết lộ lý do tại sao một ngôi nhà được làm phép có thể đẩy lùi ma quỷ
Đặng Tự Do
02:12 27/09/2021


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #149: Demons Repulsed by Blessed Homes”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 149. Ma quỷ bị đẩy lùi bởi những nhà được làm phép.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một người phụ nữ bị quỷ ám đã rời khỏi phòng của cô ấy để đi làm các việc lặt vặt.

Không nói cho cô ấy biết, tôi đã lặng lẽ làm phép và trừ tà bằng cách sử dụng nước thánh. Tôi cũng rắc muối trừ tà vào các góc trên sàn nhà.

Sau đó, tôi lấy dầu trừ tà và làm dấu thánh giá trên cửa ra vào, cửa sổ và xà ngang. Khi tôi bỏ đi, nhìn bằng mắt thường không có gì khác biệt.

Ngày hôm sau, cô ấy nhắn tin cho tôi:

Cha đã làm gì đó với căn phòng của con?

Tại sao con lại hỏi thế?

Cha đã làm phép căn phòng của con.

Sao con biết như thế?

Một cái gì đó đã thay đổi. Những con quỷ ghét căn phòng đó. Chúng vẫn còn ghét.

Cuộc trao đổi ngắn ngủi này làm rõ nhiều thứ.

Đầu tiên, nó giúp xác nhận người phụ nữ đã bị ma nhập. Cô ấy có “kiến thức huyền bí”. Không đời nào cô ấy có thể biết tôi đã làm phép và trừ tà cho căn phòng của cô ấy. Cô nhận được kiến thức này thông qua các con quỷ.

Có kiến thức huyền bí là một dấu hiệu mạnh mẽ thực sự bị quỷ nhập.

Thứ hai, nó xác nhận quyền năng và tầm quan trọng của việc được làm phép bởi một linh mục, đặc biệt là làm phép cho những ngôi nhà của chúng ta. Những con quỷ ghét nó và bị nó đẩy lui.

Một phụ nữ bị quỷ ám khác nói rằng khi cô ấy đến gần một ngôi nhà được làm phép, cô ấy rất khó vào đó, giống như khi vào một nhà thờ.

Một người thứ ba nói rằng khi cô ấy bước vào một ngôi nhà được làm phép, cô ấy có thể nhìn thấy con quỷ, thường hành hạ cô ấy, phải đứng ở bên ngoài. Nó nhìn qua cửa sổ khi cô vào trong nhưng không dám vào.

Một ngôi nhà được làm phép là một nơi thánh và những con quỷ trong người bị ám sẽ bị xua đuổi bởi bất cứ những gì linh thánh.

Đức Ông Stephen Rossetti, nhà trừ quỷ của Giáo phận Syracuse, nhấn mạnh rằng:

Tất cả chúng ta nên lo liệu cho nhà của mình được làm phép, tốt nhất là bởi một linh mục, và “nên sẵn lòng hợp tác” với ngài. Nhưng nếu không có linh mục hoặc phó tế, thì Sách Các Phép bản tu chính năm 1989 của Giáo hội, từ trang 237 đến trang 242, cho phép một giáo dân được làm phép nhà.

Trong trường hợp này, sau phần Giới thiệu, Các bài đọc Kinh thánh và Lời cầu nguyện, người giáo dân chắp tay cầu nguyện Lời chúc lành sau:

“Lạy Chúa, xin hãy gần gũi với những người tôi tớ Chúa đây

là những người dọn vào ngôi nhà này (hôm nay)

và đang cầu xin phước lành của Chúa.

Xin Chúa hãy là nơi nương ẩn của họ khi họ ở nhà,

Là bạn đồng hành của họ khi họ đi vắng,

Và chào đón họ khi họ quay trở lại.

Và cuối cùng xin nhận họ vào nơi

Chúa đã chuẩn bị cho họ trong

Nhà của Cha, nơi Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.

Amen”.

Sau đó, những người tụ tập và nhà cửa được rảy nước thánh trong khi thừa tác viên nói: “Xin cho nước này nhắc nhở chúng ta nhớ đến phép rửa tội của chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài”.
Source:Church POP
 
Tổng giám mục Salvador cảm ơn tổng thống vì đã hứa không chấp thuận những thay đổi hiến pháp nhằm ủng hộ phá thai
Đặng Tự Do
02:13 27/09/2021


Tổng giám mục của San Salvador hôm thứ Bảy cảm ơn tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, vì tổng thống cam kết không chấp thuận phá thai, tư tưởng giới tính hoặc trợ tử trong các cải cách hiến pháp do chính phủ của ông vạch ra.

Trong bài giảng của mình tại một Thánh lễ ngày 18 tháng 9 nhân kỷ niệm hai trăm năm lập quốc, Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas, cũng là chủ tịch của hội đồng giám mục Salvador, nói rằng “chúng tôi muốn dành thời điểm này để cảm ơn tổng thống của nước cộng hòa vì sự cam kết ông không sửa đổi những điều khoản của Hiến pháp Chính trị liên quan đến việc tôn trọng sự sống của con người từ khi được hình thành cho đến giai đoạn cuối cùng của sự tồn tại của con người, một cách tự nhiên”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cảm ơn tổng thống Bukele “vì cam kết của ông ấy không chấp thuận an tử, cũng như cam kết bảo vệ sự tôn trọng hôn nhân như một mối ràng buộc do Thiên Chúa thiết lập giữa một người nam và một người phụ nữ”.

Vào ngày 13 tháng 9, một liên minh gồm 75 tổ chức ủng hộ cuộc sống và ủng hộ gia đình đã yêu cầu tổng thống Bukele từ chối những cải cách được đề xuất. Và hơn 26,000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến do CitizenGO đưa ra, trong đó cảnh báo về những nguy hiểm trong những đề xuất cải cách.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc vị Hồng Y người Venezuela, người đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội
Đặng Tự Do
02:14 27/09/2021


Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của một vị Hồng Y người Venezuela, người “ đã hiến dâng mạng sống của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội”.

Giáo hoàng đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, trong một bức điện được công bố hôm 24 tháng 9, một ngày sau khi vị Hồng Y này qua đời sau khi nhập viện vì COVID-19.

Trong bức điện gởi cho Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo, Giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Caracas, ngài viết: “ Khi nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Caracas, tôi bày tỏ với Đức Cha nỗi buồn của tôi, xin Đức Cha vui lòng truyền đạt lại cho những người thân của vị Hồng Y đã qua đời và cho tất cả những người tạo thành một phần của cộng đồng giáo hội này”.

“Khi tưởng nhớ vị mục tử tận tụy này, trong nhiều năm và với lòng trung thành, đã hiến dâng cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội, tôi xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi cho linh hồn Đức Hồng Y được nghỉ ngơi đời đời, xin Chúa ban cho ngài vương miện của vinh quang không phai mờ, và tôi ban phép lành, như một dấu chỉ của niềm hy vọng Kitô vào Chúa Phục sinh”.

Đức Tổng Giám Mục Porras thông báo về cái chết của vị Hồng Y 79 tuổi vào ngày 23 tháng 9, gần một tháng sau khi Đức Hồng Y Urosa nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đức Hồng Y Urosa sinh ngày 28 tháng 8 năm 1942. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 15 tháng 8 năm 1967 tại tổng giáo phận Caracas, bao gồm thủ đô của Venezuela.

Ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tín lý vào năm 1971 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rôma.

Ngài là phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc của Chủng viện San José của El Hatillo và Giám đốc của chủng viện liên giáo phận Caracas, nơi ngài là giáo sư triết học về nhân chủng học.

Ngài từng là chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Venezuela và phó chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Mỹ Latinh.

Đức Giáo Hoàng John Paul II đã phong ngài làm Giám Mục Phụ Tá Caracas vào ngày 3 tháng 7 năm 1982, và ngài được tấn phong vào ngày 22 tháng 9 năm đó, khi vừa tròn 40 tuổi.

Vào ngày 16 tháng 3 năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Valencia, một tổng giáo phận ở bang Carabobo, tây bắc, nơi ngài đã phục vụ trong 15 năm.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Caracas

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào ngày 24 tháng 3 năm 2006.

Ngài cũng tham dự thượng hội đồng gia đình vào tháng 10 năm 2015, nổi bật vì bảo vệ mạnh mẽ đạo lý Công Giáo.

Trong bài phát biểu tại Thượng hội đồng, Đức Hồng Y Urosa khuyến khích các nghị phụ trong Thượng hội đồng đừng quên những lời dạy của Chúa Giêsu và Giáo hội trong khi thảo luận về khả năng cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Ngài cũng là một trong số 13 vị Hồng Y đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về các thủ tục của Thượng hội đồng.

Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức Tổng giám mục Caracas của Đức Hồng Y vào ngày 9 tháng 7 năm 2018, sau khi ngài bước qua tuổi nghỉ hưu 75.

Là một tổng Giám mục hiệu tòa, ngài không tham dự Thượng hội đồng Amazon ở Rôma vào tháng 10 năm 2019, nhưng ngài đã viết một số bài báo trong đó nhắc lại tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục và nhấn mạnh sự cần thiết của việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng ở Amazon.

Ngài là một nhà phê bình sắc bén đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của Hugo Chávez. Chávez đã cho du đảng phá đám các thánh lễ do ngài cử hành. Ngài cũng chỉ trích sự lãnh đạo của tên độc tài Nicolás Maduro, là người mà ngài cùng với các giám mục Venezuela đã công khai và nhiều lần yêu cầu, rời bỏ quyền lực, kêu gọi các cuộc bầu cử công bằng và dân chủ.

Trong nhiều năm, những đã thúc đẩy án tuyên thánh cho Bác sĩ José Gregorio Hernández, bác sĩ của người nghèo, được phong chân phước vào ngày 30 tháng 4 năm 2021.
Source:Catholic News Agency
 
FBI cảnh báo một linh mục nhà thờ của ngài sẽ bị tấn công
Đặng Tự Do
16:38 27/09/2021


Tờ Sentinel Catholic, tờ báo của tổng giáo phận Oregon, số ra ngày 24 tháng 9 cho biết các nhân viên FBI đã nói với Cha Pat Neary, cha sở nhà thờ Holy Cross, nghĩa là Thánh Giá rằng các nhóm vô chính phủ và Antifa thường chỉ tấn công vào các ngân hàng và các tổ chức khác nhưng chúng đã lên kế hoạch phá hoại các nhà thờ. Nhà thờ lịch sử Holy Cross mà Cha Pat Neary hiện đang cai quản là ngôi thánh đường đầu tiên chúng sẽ nhắm đến.

Năm 1901, Dòng Thánh giá được Đức Tổng Giám Mục Alexander Christie mời đến quản lý Đại học Columbia ở Portland, Oregon. Đức Tổng Giám Mục Christie đã khích lệ nhà dòng cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân trong vùng phía Bắc Portland với ý hướng sẽ thành lập một giáo xứ được gọi là giáo xứ Holy Cross. Mơ ước của Đức Tổng Giám Mục đã nhanh chóng đạt được. Năm 1902, giáo xứ được thành lập và Cha sở tiên khởi là Cha John Thillman. Lúc ấy, người Công Giáo tham dự Thánh lễ tại Nhà nguyện ở Hội trường phía Tây của trường Đại học.

Vào năm 1904 ở góc tây nam của đường Bowdoin và Stanford, ngôi nhà thờ riêng của giáo xứ được thành lập. Đức Tổng Giám Mục Christie đã cung hiến nhà thờ mới vào ngày 4 tháng 9 năm 1904.

Như thế, ngôi nhà thờ này đã có lịch sử lâu đời hơn 100 năm.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ Chúa Nhật 26 tháng 9, diễn ra dưới sự canh phòng nghiêm nhặt của FBI.

Năm ngoái, một nhà thờ Công Giáo ở trung tâm thành phố Portland, Oregon - nổi tiếng với việc giúp đỡ người nghèo trong khu vực - đã bị đập vỡ cửa sổ trong một cuộc bạo động trong đó gần một chục người biểu tình bị bắt giữ.


Source:Catholic Sentinel
 
Tổng giám mục Công Giáo Chanđê thành Erbil e ngại việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan mang lại sự khích lệ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq.
Đặng Tự Do
16:39 27/09/2021


Mối đe dọa của ISIS và các phần tử cực đoan khác ở Iraq đã gia tăng sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Đó là đánh giá của một trong những giám mục được kính trọng nhất ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Chanđê Bashar Warda của Erbil, Kurdistan, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng việc Taliban lên nắm quyền có thể có những tác động cực kỳ nghiêm trọng đối với Iraq. Ngài nói: “Afghanistan và Iraq là những nơi rất khác nhau. Nhưng việc Taliban chiếm được đất nước này chắc chắn mang lại những khích lệ cho những người ủng hộ chế độ đó”.

Đức Tổng Giám Mục Warda tiếp tục cảnh báo rằng các phần tử cực đoan IS vẫn đang hoạt động trong nước và ngài lo ngại rằng “chắc chắn” họ vẫn có thể trở lại nắm quyền ở Iraq và Syria. Ngài nói: “Tổ chức này vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Họ vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thức những năng lực ngầm, những kẻ nằm vùng, và vẫn có khả năng gây hại ở Iraq. Quan trọng hơn, tâm lý sợ hãi do ISIS tạo ra chắc chắn vẫn còn trong khu vực. Đây là một mối quan tâm lớn”. Vị tổng giám mục nói thêm: “Tôi nghĩ chắc chắn là tâm lý hoài tưởng bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn tồn tại ở Iraq và Syria trong một số bộ phận dân cư.”

Bình luận về tuyên bố của Joe Biden vào tháng 7 rằng ông ta sẽ rút hết quân Hoa Kỳ tại Iraq trước cuối năm nay, Đức Tổng Giám Mục Warda cho biết tình trạng mất an ninh sẽ có tác động tiêu cực đến các tín hữu Kitô và các tôn giáo thiểu số khác. Đức Tổng Giám Mục nói: “Điều mà lịch sử của chúng tôi, đặc biệt là lịch sử gần đây, đã dạy cho chúng tôi là trong bất kỳ thời điểm bất ổn và xung đột nào thì chính các dân tộc thiểu số là những người chịu thiệt hại đầu tiên”.

“Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong sự can dự của Hoa Kỳ ở Iraq đều dẫn đến sự gia tăng bất ổn, chắc chắn chúng tôi lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”.

Bất chấp những lo ngại này, Đức Tổng Giám Mục Warda cũng hy vọng vào tương lai của Kitô Giáo ở Iraq, đặc biệt là sau chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Ba vừa qua. Ngài nói: “Hiện tại chúng tôi là một con số nhỏ, nhưng chúng tôi đang giữ vững lập trường và cố gắng hết sức mình ở mọi nơi trên đất Iraq để chứng tỏ rằng chúng tôi là một phần quan trọng trong kết cấu của đất nước”.

“Tôi nghĩ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đã cho phần còn lại của Iraq thấy tác động tích cực của cộng đồng Kitô Giáo ở đây, và tác động tích cực mà cộng đồng Kitô Hữu có thể mang lại cho Iraq về cách thế giới nhìn nhận đất nước của chúng ta.”

“Những điều này mang lại cho chúng tôi hy vọng và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để xây dựng. Theo thời gian, chúng tôi hy vọng điều này sẽ cho phép cộng đồng của chúng tôi ở đây không chỉ tồn tại mà còn phát triển và hy vọng sẽ phát triển theo thời gian”.
Source:Vatican News
 
Phát hiện mới: Các chuyên gia hiện tin rằng Sodom đã bị phá hủy bởi một thiên thạch
Đặng Tự Do
16:39 27/09/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 24 tháng 9, cho biết các khoa gia đã tin rằng câu chuyện lửa từ trời xuống thành Sodom là chuyện có thật. Vụ nổ quá lớn, nó cũng có thể là nguyên nhân làm san bằng các bức tường thành Giêricô.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhóm các nhà khảo cổ học tin rằng họ đã phát hiện ra bằng chứng về những sự kiện đau thương dẫn đến sự hủy diệt của thành Sodom. Các phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports cho thấy rằng sự phá hủy được tạo ra bởi một tảng đá không gian xuyên qua bầu khí quyển và phát nổ trên thành phố, tạo ra một vụ nổ trên không.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 15 năm tại Tall el-Hammam, một địa điểm được cho là vị trí của Sodom trong Kinh thánh. Báo cáo của Daily Caller cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định được một lớp than củi, tro, gạch nung chảy và đồ gốm nung chảy dài 5 foot. Để làm tan chảy các loại vật liệu xây dựng này, nhiệt độ phải vượt quá 2,000 độ C. Vì không có phương tiện nào để tạo ra nhiệt độ khủng khiếp như vậy một cách nhân tạo trong thời đại đó, các chuyên gia bắt đầu tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên.

Sức nóng dữ dội đến mức nó thậm chí có thể biến dạng thạch anh. Thạch anh bị biến dạngtạo thành các mặt phẳng bên trong tinh thể thạch anh do tiếp xúc với áp suất cao. Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, James Kennett, giáo sư danh dự về khoa học trái đất tại UC Santa Barbara, cho biết:

“Chúng tôi đã tìm được các mẫu thạch anh biến dạng từ vùng này, và điều đó có nghĩa là đã có những áp lực đáng kinh ngạc liên quan đến việc làm biến dạng các tinh thể thạch anh - thạch anh là một trong những khoáng chất cứng nhất; rất khó bị biến dạng”.

Theo giả thuyết về một vụ nổ khí quyển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một máy tính tác động trực tuyến, cho thấy bằng chứng phù hợp với kịch bản đó. Theo The Daily Beast, vụ nổ trên không này có thể được so sánh với vụ nổ xảy ra ở Tunguska, Nga, vào năm 1908. Vụ nổ trên không Tunguska đã san bằng 80 triệu cây trên diện tích 830 dặm vuông. Sự kiện này cũng sẽ tương tự như tác động đã xảy ra với khủng long, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

The Conversation báo cáo rằng vụ nổ có thể đã xảy ra cách mặt đất khoảng 2.5 dặm. Ngay cả ở khoảng cách xa như thế, vụ nổ vẫn có thể tạo ra một làn sóng xung kích 740 dặm một giờ có thể san bằng hầu hết các tòa nhà của Sodom. Không ai trong số cư dân có thể sống sót sau vụ nổ ban đầu và nhiệt độ tan chảy của đá sau đó.

Lý thuyết này cũng mở rộng đến Jericho, chỉ cách địa điểm 14 dặm. Người ta lập luận rằng chính vụ nổ không khí này có thể đã san bằng những bức tường nổi tiếng của Jericho.

Báo cáo cũng giúp giải thích tại sao hơn 100 khu định cư khác trong khu vực trở nên hoang vắng. Tác động có thể đã làm bốc hơi một phần Biển Chết, điều này tạo ra lượng muối độc hại trên đất liền. Loại muối này, nồng độ được tìm thấy trong một số mẫu cao tới 25%, sẽ tàn phá đất nông nghiệp trong nhiều thế hệ.

Với lượng mưa ít trong khí hậu sa mạc khô cằn, sẽ mất nhiều thời gian hơn để rửa trôi muối. Một khi nông nghiệp bị cản trở, xã hội sẽ không còn hoạt động. Người ta ước tính rằng khu vực này đã không thích hợp cho việc định cư của con người trong gần 600 năm.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận Đức Hồng Y Woelki sẽ tiếp tục tại vị sau chuyến thanh tra tông tòa Tổng giáo phận Cologne Köln
Đặng Tự Do
16:40 27/09/2021


Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, Tòa Thánh thông báo như trên hôm thứ Sáu.

Hôm 24/9, Tòa thánh Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

“Tuy nhiên, Đức Hồng Y Woelki cũng đã có những nhược điểm lớn trong cách tiếp cận của mình đặc biệt là ở mức độ giao tiếp đối với các vấn đề liên quan đến lạm dụng tính dục.”

“Điều này đã góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng niềm tin trong tổng giáo phận, khiến nhiều tín hữu bị hoang mang”.

Tòa Thánh lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Woelki đã có “một cuộc trò chuyện dài” vào tuần trước.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

“Đồng thời, rõ ràng Đức Tổng Giám Mục và Tổng giáo phận cần có thời gian tạm dừng, đổi mới và hòa giải. Điều này đã thúc đẩy Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, theo yêu cầu riêng của ngài, một thời gian nghỉ phép tinh thần, bắt đầu từ giữa tháng Mười cho đến khi bắt đầu Mùa Chay năm sau”.

“Cho đến khi Đức Hồng Y trở lại, Đức Cha phụ tá của tổng giáo phận Köln là Đức Cha Rolf Steinhäuser, đảm trách công việc Giám Quản Tông Tòa sede plena, tức là xử lý thường vụ trong khi Tòa không trống ngôi, để bảo đảm việc quản lý diễn ra trôi chảy và trên hết, để tổng giáo phận, về phần mình, tự tìm ra một quá trình hòa giải và đổi mới tâm linh”.

Trong một tuyên bố ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Đức Cha Steinhäuser nhận xét: “Tôi rất kính cẩn trước tầm quan trọng của nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường hòa giải trong tổng giáo phận Köln đã được Đức Hồng Y Woelki khởi xướng”.
Source:Catholic News Agency
 
Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với giáo phận Rôma về diễn trình đồng nghị
Vũ Văn An
18:51 27/09/2021

Theo CNA, thứ Bẩy, ngày 18 tháng 9 năm 2021, khi tiếp phái đoàn đông đảo dại diện cho giáo phận Rôma tại đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị năm 2023 không phải là một cuộc thu lượm ý kiến mà là việc lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Ngài nói rằng diễn trình này tìm cách tạo nên “một năng động tính lắng nghe lẫn nhau” ở mọi bình diện của Giáo Hội.

Đây là một bài diễn văn sâu rộng nhất của ngài về chủ đề “tính đồng nghị”, một ý niệm hết thức thân thiết dưới triều Giáo Hoàng của ngài. Tính sâu rộng của nó được thể hiện trong độ dài của bài diễn văn, dài đến nỗi ngài phải xin lỗi trước, khiến cử tọa vỗ tay tán thưởng.

Chúng tôi xin dựa vào bản tiếng Ý của Tòa Thánh và bản tiếng Pháp của Zenit để chuyển sang tiếng Việt trọn bài diễn văn này của ngài:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Như anh chị em đã biết - điều này không có gì mới! -, một tiến trình đồng nghị sắp bắt đầu, một hành trình mà toàn thể Giáo hội dấn thân với chủ đề: “Vì một Giáo hội đồng nghị: hiệp thông, tham gia, sứ mệnh”: ba trụ cột. Có ba giai đoạn, sẽ diễn ra từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023. Hành trình này được quan niệm như một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, tôi muốn nhấn mạnh điều này: một năng động tính của việc lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi bình diện của Giáo hội, bao gồm toàn bộ dân Chúa. Đức Hồng Y Đại Diện và các Giám Mục Phụ Tá phải lắng nghe nhau, các linh mục phải lắng nghe nhau, các tu sĩ phải lắng nghe nhau, giáo dân phải lắng nghe nhau. Và sau đó, mọi người cùng lắng nghe nhau. Lắng nghe chính anh chị em; nói chuyện và lắng nghe nhau. Đó không phải là để thu thập ý kiến, không. Đây không phải là một cuộc điều tra; nhưng vấn đề là lắng nghe Chúa Thánh Thần, như chúng ta thấy trong sách Khải Huyền: “Ai có tai, hãy lắng nghe lời Chúa Thánh Thần phán cùng các Giáo hội” (2:7). Có tai, lắng nghe, là dấn thân đầu tiên. Đó là vấn đề lắng nghe tiếng Thiên Chúa, nắm được sự hiện diện của Người, nhận ra đường đi và hơi thở ban sự sống của Người. Tiên tri Êlia đã tình cờ khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của những điều bất ngờ, ngay cả trong cách Người đi qua và làm cho Người được cảm nhận:

« Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt” (I Các Vua 19:11-13).

Đấy là cách Chúa nói với chúng ta. Và chính vì "tiếng gío hiu hiu" này – tiếng gió mà các nhà chú giải diễn dịch là "tiếng nói mỏng manh của im lặng" và một ai khác nói là "một hơi im lặng vang dội" - mà chúng ta phải chuẩn bị đôi tai của mình sẵn sàng để nghe làn gió này của Thiên Chúa.

Giai đoạn đầu tiên của tiến trình (tháng 10 năm 2021 - tháng 4 năm 2022) liên quan đến các Giáo phận cá thể. Và đó là lý do tại sao tôi ở đây, với tư cách là Giám mục của anh chị em, để chia sẻ, vì điều rất quan trọng là Giáo phận Rôma phải dấn thân vào cuộc hành trình này một cách xác tín. Sẽ là một sự ngu ngốc nếu Giáo phận của Đức Giáo Hoàng không tham gia vào việc này, phải không? Một sự ngu ngốc cho Đức Giáo Hoàng và cho cả anh chị em nữa.

Chủ đề tính đồng nghị không phải là chương sách của một khảo luận giáo hội học, càng không phải là một cái mốt, một khẩu hiệu hay một thuật ngữ mới để sử dụng hoặc khai thác trong các buổi họp của chúng ta. Không! Tính đồng nghị nói lên bản chất, hình thức, phong cách, sứ mệnh của Giáo hội. Và do đó, chúng ta nói tới Giáo hội đồng nghị, tuy nhiên, tránh coi đó như một tựa đề trong số những tựa đề khác, một cách nghĩ nó có thể cung cấp những lựa chọn thay thế. Tôi không nói điều này trên cơ sở ý kiến thần học, thậm chí cũng không phải là suy nghĩ bản thân, nhưng dựa theo điều chúng ta có thể gọi là "cẩm nang" đầu tiên và quan trọng nhất của giáo hội học, đó là sách Tông đồ Công vụ.

Từ "thượng hội đồng" [synod] chứa đựng tất cả những gì chúng ta cần hiểu: "cùng nhau bước đi". Sách Công vụ là câu chuyện về một cuộc hành trình bắt đầu từ Giêrusalem, băng qua Samaria và Giuđêa, tiếp tục ở các vùng Syria và Tiểu Á, rồi đến Hy Lạp, kết thúc ở Rôma. Con đường này kể câu chuyện trong đó Lời Thiên Chúa và những người hướng sự chú ý và đức tin vào Lời đó cùng nhau bước đi. Lời Chúa bước đi cùng chúng ta. Mỗi người đều là nhân vật chủ động, không thể coi ai là người phụ. Điều này phải được hiểu rõ: mọi người đều là nhân vật chủ động. Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Đại diện, các Giám Mục Phụ Tá không còn là các nhân vật chủ động nữa; không: tất cả chúng ta đều là các nhân vật chủ động, và không thể coi bất cứ ai là phụ thuộc cả. Như thế, các thừa tác vụ phải được coi là các việc phục vụ chân chính. Và thẩm quyền phát sinh từ việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và của con người, đừng bao giờ tách rời họ; thẩm quyền này không coi những người tiếp nhận mình là “cấp dưới”. Chính “những người ở bên dưới” trong cuộc sống này cần được phục vụ trong đức ái và đức tin. Nhưng lịch sử đó không chỉ vận hành vì các vùng địa lý nó đi qua. Nó nói lên sự bồn chồn khôn nguôi ở bên trong: đây là từ ngữ chủ chốt, sự bồn chồn bên trong. Nếu một Kitô hữu không cảm thấy sự bồn chồn bên trong này, nếu họ không sống nó, họ đang thiếu một điều gì đó; và sự bồn chồn bên trong này phát sinh từ chính đức tin của mình và mời gọi chúng ta đánh giá xem điều gì là tốt nhất nên làm, điều gì cần phải duy trì hoặc thay đổi. Lịch sử đó dạy chúng ta rằng đứng yên không thể là điều tốt cho Giáo hội (xem Evangelii gaudium, 23). Và sự chuyển vần là hệ quả của sự ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là đạo diễn của câu chuyện này, trong đó mọi người đều là nhân vật chủ đạo luôn bồn chồn, không bao giờ ngừng nghỉ.

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô không chỉ là hai người có tính tình riêng, các ngài còn là những viễn kiến được lồng vào những chân trời rộng lớn hơn chính họ, có khả năng tự suy nghĩ lại về mối liên hệ với những gì đang diễn ra, còn là nhân chứng của một thôi thúc đặt các ngài vào thế khủng hoảng - một kiểu nói nữa cần luôn ghi nhớ: đặt vào thế khủng hoảng -, điều này thúc đẩy các ngài dám liều, tra vấn, thay đổi tâm trí, phạm sai lầm và học hỏi từ các sai lầm, trên hết, hy vọng bất chấp mọi khó khăn. Các ngài là môn đệ của Chúa Thánh Thần, Đấng khiến các ngài khám phá ra địa lý của ơn cứu rỗi thần linh, mở cửa ra vào và cửa sổ, phá đổ các bức tường, phá bỏ mọi xiềng xích, giải phóng mọi ranh giới. Như thế, việc cần là phải lên đường, thay đổi hướng đi, vượt thắng những niềm tin vốn kìm hãm và ngăn cản chúng ta ra đi và cùng nhau bước đi.

Chúng ta có thể thấy Chúa Thánh Thần thúc đẩy Thánh Phêrô đến nhà của Cornêliô, một viên bách quả ngoại giáo, bất chấp sự lưỡng lự của ngài. Hãy nhớ rằng: Thánh Phêrô đã có một thị kiến làm ngài bối rối, trong đó ngài được yêu cầu ăn những thứ bị coi là không sạch sẽ, và mặc dù được trấn an rằng những gì Thiên Chúa thanh tẩy không còn bị coi là ô uế, ngài vẫn bối rối. Ngài đang cố gắng hiểu, thì này những người được Cornêliô cử đến đã có mặt. Ông ta cũng đã nhận được một thị kiến và một thông điệp. Ông là một sĩ quan La Mã, ngoan đạo, có thiện cảm với Do Thái giáo, nhưng ông vẫn chưa đủ để trở thành người Do Thái hay Kitô hữu hoàn toàn: không "thuế quan" tôn giáo nào cho phép ông vượt qua. Ông là một người ngoại giáo, tuy nhiên, người ta tiết lộ cho ông hay những lời cầu nguyện của ông đã thấu tới Thiên Chúa, và ông phải sai người đến mời Thánh Phêrô đến nhà ông. Trong biến cố hồi hộp này, một mặt Thánh Phêrô với những nghi ngờ của ngài, và mặt khác Cornêliô đang chờ đợi trong vùng nhá nhem kia, chính Chúa Thánh Thần đã đánh tan sự kháng cự của Thánh Phêrô và mở ra một trang mới cho sứ mệnh. Đó là cách Chúa Thánh Thần hành động: như vậy đó. Cuộc gặp gỡ giữa hai người đã đóng ấn một trong những giai đoạn đẹp nhất của Kitô giáo. Cornêliô đã ra gặp ngài, tự sấp mình dưới chân ngài, nhưng Thánh Phêrô đỡ ông ta lên và nói với ông ta: "Hãy đứng dậy: Tôi cũng là một con người mà thôi!" (Công vụ 10:26), và tất cả chúng ta nên nói câu đó “tôi là một người đàn ông, tôi là một người đàn bà, chúng tôi đều chỉ là những con người", và tất cả chúng ta nên nói điều đó, ngay cả các Giám mục, tất cả chúng ta: "Hãy đứng dậy: Tôi cũng chỉ là một con người”. Và bản văn nhấn mạnh rằng ngài đã trò chuyện với ông ta một cách quen thuộc (xem câu 27). Kitô giáo phải luôn nhân bản, nhân bản hóa, hòa giải các khác biệt và phân cách, biến chúng thành thân thuộc, gần gũi. Một trong những tệ nạn của Giáo hội, thực sự là một sự đồi bại, là chủ nghĩa giáo sĩ trị vốn tách rời linh mục, Giám mục ra khỏi dân chúng. Giám mục và linh mục tách khỏi dân chúng là một quan chức không còn là mục tử nữa. Thánh Phaolô VI rất thích trích dẫn châm ngôn của Terentius: "Tôi là một con người, tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ đối với tôi". Cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phêrô và Cornêliô đã giải quyết được một vấn đề, ủng hộ quyết định cảm thấy tự do rao giảng trực tiếp cho những người ngoại giáo, với niềm tin - theo lời của Thánh Phêrô - "rằng Thiên Chúa không thiên vị con người" (Công vụ 10:34). Nhân danh Thiên Chúa, người ta không thể phân biệt đối xử. Và phân biệt đối xử là một tội lỗi ngay cả giữa chúng ta: "chúng tôi là người trong sạch, chúng tôi là người được tuyển chọn, chúng tôi thuộc phong trào biết mọi sự, chúng tôi là...". Không. Chúng ta là Giáo hội, tất cả cùng với nhau.

Và anh chị em thấy đấy, chúng ta không thể hiểu "tính Công Giáo" nếu không đề cập đến phạm vi rộng lớn, hiếu khách, không bao giờ có ranh giới này. Trở thành Giáo hội là một cách đi vào chiều rộng này của Thiên Chúa. Rồi, trở lại Tông đồ Công vụ, có những vấn đề nảy sinh liên quan đến việc tổ chức con số Kitô hữu càng ngày càng nhiều, và trên hết là cung ứng nhu cầu của người nghèo. Một số góa phụ báo cáo bị bỏ rơi. Cách trong đó giải pháp sẽ được tìm ra là triệu tập cuộc họp của các môn đệ, cùng nhau đưa ra quyết định chỉ định bảy người sẽ dành toàn thời gian để phục vụ (diakonia), phục vụ tại các bàn ăn (Công vụ 6: 1-7). Và như vậy, với sự biện phân, với các nhu cầu, với thực tại của cuộc sống và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tiến lên, cùng nhau bước đi, chính là đồng nghị. Nhưng luôn luôn có Chúa Thánh Thần là nhân vật chủ đạo vĩ đại của Giáo Hội.

Ngoài ra, còn có sự so sánh giữa các viễn kiến và kỳ vọng khác nhau. Chúng ta không nên lo sợ điều này ngày nay vẫn xảy ra. Có lẽ chúng ta có thể tranh luận như vậy! Chúng là những dấu hiệu của sự ngoan ngoãn và cởi mở đối với Chúa Thánh Thần. Các cuộc đụng độ cũng có thể nảy sinh đạt đến mức hết sức đáng lưu ý, như đã xảy ra khi đối đầu với vấn đề cắt bì của người ngoại giáo, đến chỗ phải có việc nghị bàn của điều chúng ta vốn gọi là Công đồng Giêrusalem, Công đồng đầu tiên. Như cũng xảy ra ngày nay, có một cách xem xét cứng ngắc các hoàn cảnh, điều này làm ảnh hưởng đến tính kiên nhẫn [makrothymía] của Thiên Chúa, tức là cái nhìn kiên nhẫn được nuôi dưỡng bởi những viễn kiến sâu sắc, những viễn kiến rộng lớn, những viễn kiến tầm xa: Thiên Chúa nhìn xa, Thiên Chúa không vội vã. Cứng ngắc là một sự tha hóa nữa vốn là tội chống lại sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, nó là tội chống lại uy quyền tối cao của Thiên Chúa. Điều này ngày nay cũng đang diễn ra.

Hồi đó, việc trên đã xảy ra: một số, trở lại từ Do Thái giáo, tự lấy mình làm trung tâm, tin rằng không thể có sự cứu rỗi nếu không tuân giữ Luật Môsê. Thánh Phaolô không ủng hộ lập trường này; ngài công bố ơn cứu rỗi trực tiếp nhân danh Chúa Giêsu. Phản đối hành động của ngài sẽ làm tổn hại đến việc chấp nhận các người ngoại giáo, những người lúc đó đang trở lại đạo. Thánh Phaolô và Banaba được phái đến Giêrusalem để gặp các Tông đồ và các trưởng lão. Chuyện không dễ: đứng trước vấn đề này, các lập trường dường như không thể hòa giải được, nó đã được thảo luận trong một thời gian dài. Đó là vấn đề phải nhìn nhận quyền tự do hành động của Thiên Chúa, và không có trở ngại nào có thể ngăn cản Người đến với trái tim của người ta, bất luận nguồn xuất phát của họ là luân lý hay tôn giáo. Tình hình đã được khai thông bằng cách tuân phục bằng chứng này là "Thiên Chúa, Đấng biết lòng người", Đấng chẩn đoán cõi lòng (cardiognostist), Đấng biết rõ cõi lòng người ta, chính Người đã ủng hộ chính nghĩa chấp nhận người ngoại giáo vào ơn cứu rỗi, "(Thiên Chúa) ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta” (Công vụ 15: 8), như thế,Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần cho dân ngoại, cũng như cho chúng ta. Với cách này, việc tôn trọng mọi nhạy cảm đã chiếm ưu thế, làm dịu bớt các thái quá; kinh nghiệm mà Thánh Phêrô đã có với Cornêliô được trân trọng: do đó, trong văn kiện cuối cùng, chúng ta thấy có chứng từ nói về vai trò chủ động của Chúa Thánh Thần trong hành trình quyết định này, và về sự khôn ngoan mà Người luôn có khả năng linh hứng: "Điều xem ra tốt, đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi, là không áp đặt lên vai anh em một nghĩa vụ nào khác ngoài những điều cần thiết” (Công vụ 15:28).

“Chúng tôi”: Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta cũng có thể nói "Điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi", bởi vì các anh chị sẽ đối thoại liên tục với nhau dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng như đối thoại với Chúa Thánh Thần. Đừng quên công thức này: “Điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi là không áp đặt bất cứ nghĩa vụ nào khác lên anh chị em”: điều xem ra tốt đối với Chúa Thánh Thần và đối với chúng tôi. Do đó, anh chị em sẽ phải cố gắng tự phát biểu, trên con đường đồng nghị này, trên con đường đồng nghị này. Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì đó sẽ là một nghị viện giáo phận, chứ không phải là Thượng hội đồng. Chúng ta không lập nghị viện giáo phận, chúng ta không nghiên cứu điều này hay điều khác, không: chúng ta đang thực hiện một cuộc hành trình lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, thảo luận và cũng thảo luận với Chúa Thánh Thần, vốn là một cách cầu nguyện.

“Chúa Thánh Thần và chúng tôi”. Thay vào đó, luôn có cơn cám dỗ muốn đi một mình, phát biểu một giáo hội học thay thế - có rất nhiều giáo hội học thay thế - như thể, khi về trời, Chúa đã để lại một khoảng trống cần được lấp đầy, và chúng ta lấp đầy nó. Không, Chúa đã để lại Chúa Thánh Thần cho chúng ta! Nhưng lời lẽ của Chúa Giêsu rất rõ ràng: «Thầy sẽ cầu nguyện với Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác để Người ở lại với các con mãi mãi. […] Thầy sẽ không để các con mồ côi "(Ga 14:16.18). Để ứng nghiệm lời hứa này, Giáo hội là một bí tích, như đã nói trong Lumen gentium 1: "Giáo hội, trong Chúa Kitô, một cách nào đó, là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể loài người". Trong câu này, vốn thu thập chứng từ của Công đồng Giêrusalem, có sự phủ nhận của những người khăng khăng muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa, dám cao ngạo tạo mô hình Giáo hội trên các xác tín văn hóa và lịch sử của họ, buộc Giáo hội tới các biên giới có vũ trang, sở thuế quan đầy tội phạm, một linh đạo xúc phạm đến tính nhưng không của hành động Thiên Chúa. Chỉ khi nào Giáo hội là nhân chứng, bằng lời nói và việc làm, của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, bề dầy hiếu khách của Người, Giáo Hội mới thực sự nói lên tính Công Giáo của chính mình. Giáo Hội được thúc đẩy, từ bên trong và từ bên ngoài, phải vượt các không gian và thời gian. Sức đẩy và khả năng phát xuất từ Chúa Thánh Thần: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, khắp miền Giuđêa, xứ Samaria và cho đến tận cùng trái đất ”(Công vụ 1:8). Nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân: đây là con đường của Giáo hội chúng ta, và chúng ta sẽ là Giáo hội nếu chúng ta đi theo con đường này.

Còn 1 kỳ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đồng Minh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:06 27/09/2021
Đồng Minh

Một nội dung thông tin khá thu hút đó là UFO (các thực thể ngoài hành tinh). “Theo Trung tâm báo cáo UFO quốc gia Mỹ, chỉ riêng khu vực New York có hơn 300 trường hợp nhìn thấy UFO trong năm 2020, trong khi tổng số trên toàn quốc là hơn 7.200, tăng 1.000 trường hợp so với năm trước. New York Times dẫn lời một cảnh sát về hưu nói rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.” (Tuoitre online ngày 18/4/2021). Nhũng lần đi máy bay, phóng tầm nhìn xuống mắt đất chúng ta phải chân nhận rằng thế giới quả là nhỏ bé. Nhìn ra khoảng không gian bên ngoài thấy cảnh mênh mông của đất trời hẳn chúng ta tin rằng có nhiều sự gì đó hiện hữu ngoài quả địa cầu của chúng ta. Đến đây chúng ta mới hiểu về hiện tượng có niềm tin vào Thượng Đế của hầu hết các thiên văn gia.

Ngày 28 tháng 9 hằng năm Giáo Hội Công Giáo kính nhớ các Tổng Lãnh Thiên Thần. Trong niềm tin Kitô giáo thì các ngài là những hữu thể thuần thiêng do Thiên Chúa tạo dựng. Dĩ nhiên được tạo dựng bởi Thiên Chúa thì mọi vật mọi loài phải hiện hữu và hoạt động theo ý Đấng Tạo thành. Các Thiên thần được dựng nên để phụng sự Thiên Chúa. Và một trong những việc Thiên Chúa trao cho các Ngài đó là trợ giúp con người mọi mặt theo chương trình cứu độ của Người.

Micae, Raphael và Gabriel là những phẩm hàm Tổng Lãnh các Thiên thần và chính cái tên nói lên chức năng các ngài lãnh nhận. Micae nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa” nói lên chức năng gìn giữ, bảo vệ của các Ngài, đặc biệt các Ngài giúp con người chiến đấu chống lại thần dữ. Raphael nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Và Gabriel nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” và trong Thánh Kinh sức mạnh này được thể hiện bằng lời truyền thông qua những lần được sai đi truyền tin.

Xưa lẫn nay trong các cuộc chiến từ quân sự đến kinh tế, thật khó mà chiến thắng nếu chỉ đơn thân độc mã. Việc kiếm tìm đồng minh như là một quy luật tất yếu để tồn tại và phát triển trên nhiều phương diện. Trong trận chiến thì khí tài, thông tin, lương thực và thuốc men là những yếu tố quan trọng. Và chúng ta có thể nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta đủ đầy biết bao. Vấn đề là chúng ta có biết trân trọng và cần đến đồng minh là các Tổng Lãnh Thiên thần như thế nào.

Khi nói với Philiphê và Nathanael rằng: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1,51) thì Chúa Giêsu đã khẳng định vị trí và vai trò của các Thiên thần trong công cuộc cứu độ, tức là dẫn đưa loài người về với Cha trên trời. Dưới ánh sáng đức tin chúng ta biết rằng thần dữ chỉ là thiên thần sa ngã, chống lại Thiên Chúa. Thế thì khi chúng ta biết cậy nhờ đến ba hàng Tổng Lãnh Thiên thần Micae, Gabriel và Raphael trợ giúp thì chắc chắn chiến thắng sẽ ở trong tầm tay chúng ta.

Cuộc sống lắm bôn ba và nó khiến chúng ta dễ bám mình vào những thực tại thế trần, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết phóng tầm nhìn lên cao để rồi thêm xác tín rằng ngoài những thực tại hữu hình thì có đó các thực hữu thuần thiêng. Và chắc chắn theo niềm tin Kitô giáo thì chúng ta sẽ nhớ đến các Thiên Thần để rồi cậy nhờ các Ngài làm đồng minh trợ giúp cho mình trên con đường về quê trời.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vươn Vai
Joseph Ngọc Phạm
17:25 27/09/2021
VƯƠN VAI
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Vươn vai với thử trời cao thấp
Xoè cánh đo xem đất ngắn dài
(bt phỏng theo ý thơ của H X Hương)
 
VietCatholic TV
Chú ý: Linh mục trừ quỷ Hoa Kỳ: Hãy lo liệu để nhà và phòng ngủ được làm phép, trước khi quá muộn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:11 27/09/2021


1. Sức mạnh của một ngôi nhà được làm phép: Nhà trừ quỷ tiết lộ lý do tại sao một ngôi nhà được làm phép có thể đẩy lùi ma quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #149: Demons Repulsed by Blessed Homes”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 149. Ma quỷ bị đẩy lùi bởi những nhà được làm phép.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một người phụ nữ bị quỷ ám đã rời khỏi phòng của cô ấy để đi làm các việc lặt vặt.

Không nói cho cô ấy biết, tôi đã lặng lẽ làm phép và trừ tà bằng cách sử dụng nước thánh. Tôi cũng rắc muối trừ tà vào các góc trên sàn nhà.

Sau đó, tôi lấy dầu trừ tà và làm dấu thánh giá trên cửa ra vào, cửa sổ và xà ngang. Khi tôi bỏ đi, nhìn bằng mắt thường không có gì khác biệt.

Ngày hôm sau, cô ấy nhắn tin cho tôi:

Cha đã làm gì đó với căn phòng của con?

Tại sao con lại hỏi thế?

Cha đã làm phép căn phòng của con.

Sao con biết như thế?

Một cái gì đó đã thay đổi. Những con quỷ ghét căn phòng đó. Chúng vẫn còn ghét.

Cuộc trao đổi ngắn ngủi này làm rõ nhiều thứ.

Đầu tiên, nó giúp xác nhận người phụ nữ đã bị ma nhập. Cô ấy có “kiến thức huyền bí”. Không đời nào cô ấy có thể biết tôi đã làm phép và trừ tà cho căn phòng của cô ấy. Cô nhận được kiến thức này thông qua các con quỷ.

Có kiến thức huyền bí là một dấu hiệu mạnh mẽ thực sự bị quỷ nhập.

Thứ hai, nó xác nhận quyền năng và tầm quan trọng của việc được làm phép bởi một linh mục, đặc biệt là làm phép cho những ngôi nhà của chúng ta. Những con quỷ ghét nó và bị nó đẩy lui.

Một phụ nữ bị quỷ ám khác nói rằng khi cô ấy đến gần một ngôi nhà được làm phép, cô ấy rất khó vào đó, giống như khi vào một nhà thờ.

Một người thứ ba nói rằng khi cô ấy bước vào một ngôi nhà được làm phép, cô ấy có thể nhìn thấy con quỷ, thường hành hạ cô ấy, phải đứng ở bên ngoài. Nó nhìn qua cửa sổ khi cô vào trong nhưng không dám vào.

Một ngôi nhà được làm phép là một nơi thánh và những con quỷ trong người bị ám sẽ bị xua đuổi bởi bất cứ những gì linh thánh.

Đức Ông Stephen Rossetti, nhà trừ quỷ của Giáo phận Syracuse, nhấn mạnh rằng:

Tất cả chúng ta nên lo liệu cho nhà của mình được làm phép, tốt nhất là bởi một linh mục, và “nên sẵn lòng hợp tác” với ngài. Nhưng nếu không có linh mục hoặc phó tế, thì Sách Các Phép bản tu chính năm 1989 của Giáo hội, từ trang 237 đến trang 242, cho phép một giáo dân được làm phép nhà.

Trong trường hợp này, sau phần Giới thiệu, Các bài đọc Kinh thánh và Lời cầu nguyện, người giáo dân chắp tay cầu nguyện Lời chúc lành sau:

“Lạy Chúa, xin hãy gần gũi với những người tôi tớ Chúa đây

là những người dọn vào ngôi nhà này (hôm nay)

và đang cầu xin phước lành của Chúa.

Xin Chúa hãy là nơi nương ẩn của họ khi họ ở nhà,

Là bạn đồng hành của họ khi họ đi vắng,

Và chào đón họ khi họ quay trở lại.

Và cuối cùng xin nhận họ vào nơi

Chúa đã chuẩn bị cho họ trong

Nhà của Cha, nơi Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.

Amen”.

Sau đó, những người tụ tập và nhà cửa được rảy nước thánh trong khi thừa tác viên nói: “Xin cho nước này nhắc nhở chúng ta nhớ đến phép rửa tội của chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài”.
Source:Church POP

2. Tổng giám mục Salvador cảm ơn tổng thống vì đã hứa không chấp thuận những thay đổi hiến pháp nhằm ủng hộ phá thai

Tổng giám mục của San Salvador hôm thứ Bảy cảm ơn tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, vì tổng thống cam kết không chấp thuận phá thai, tư tưởng giới tính hoặc trợ tử trong các cải cách hiến pháp do chính phủ của ông vạch ra.

Trong bài giảng của mình tại một Thánh lễ ngày 18 tháng 9 nhân kỷ niệm hai trăm năm lập quốc, Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas, cũng là chủ tịch của hội đồng giám mục Salvador, nói rằng “chúng tôi muốn dành thời điểm này để cảm ơn tổng thống của nước cộng hòa vì sự cam kết ông không sửa đổi những điều khoản của Hiến pháp Chính trị liên quan đến việc tôn trọng sự sống của con người từ khi được hình thành cho đến giai đoạn cuối cùng của sự tồn tại của con người, một cách tự nhiên”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cảm ơn tổng thống Bukele “vì cam kết của ông ấy không chấp thuận an tử, cũng như cam kết bảo vệ sự tôn trọng hôn nhân như một mối ràng buộc do Thiên Chúa thiết lập giữa một người nam và một người phụ nữ”.

Vào ngày 13 tháng 9, một liên minh gồm 75 tổ chức ủng hộ cuộc sống và ủng hộ gia đình đã yêu cầu tổng thống Bukele từ chối những cải cách được đề xuất. Và hơn 26,000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến do CitizenGO đưa ra, trong đó cảnh báo về những nguy hiểm trong những đề xuất cải cách.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc vị Hồng Y người Venezuela, người đã 'cống hiến cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội'

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của một vị Hồng Y người Venezuela, người “ đã hiến dâng mạng sống của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội”.

Giáo hoàng đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, trong một bức điện được công bố hôm 24 tháng 9, một ngày sau khi vị Hồng Y này qua đời sau khi nhập viện vì COVID-19.

Trong bức điện gởi cho Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo, Giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Caracas, ngài viết: “ Khi nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Caracas, tôi bày tỏ với Đức Cha nỗi buồn của tôi, xin Đức Cha vui lòng truyền đạt lại cho những người thân của vị Hồng Y đã qua đời và cho tất cả những người tạo thành một phần của cộng đồng giáo hội này”.

“Khi tưởng nhớ vị mục tử tận tụy này, trong nhiều năm và với lòng trung thành, đã hiến dâng cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội, tôi xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi cho linh hồn Đức Hồng Y được nghỉ ngơi đời đời, xin Chúa ban cho ngài vương miện của vinh quang không phai mờ, và tôi ban phép lành, như một dấu chỉ của niềm hy vọng Kitô vào Chúa Phục sinh”.

Đức Tổng Giám Mục Porras thông báo về cái chết của vị Hồng Y 79 tuổi vào ngày 23 tháng 9, gần một tháng sau khi Đức Hồng Y Urosa nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Đức Hồng Y Urosa sinh ngày 28 tháng 8 năm 1942. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 15 tháng 8 năm 1967 tại tổng giáo phận Caracas, bao gồm thủ đô của Venezuela.

Ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tín lý vào năm 1971 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rôma.

Ngài là phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc của Chủng viện San José của El Hatillo và Giám đốc của chủng viện liên giáo phận Caracas, nơi ngài là giáo sư triết học về nhân chủng học.

Ngài từng là chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Venezuela và phó chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Mỹ Latinh.

Đức Giáo Hoàng John Paul II đã phong ngài làm Giám Mục Phụ Tá Caracas vào ngày 3 tháng 7 năm 1982, và ngài được tấn phong vào ngày 22 tháng 9 năm đó, khi vừa tròn 40 tuổi.

Vào ngày 16 tháng 3 năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Valencia, một tổng giáo phận ở bang Carabobo, tây bắc, nơi ngài đã phục vụ trong 15 năm.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Caracas

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào ngày 24 tháng 3 năm 2006.

Ngài cũng tham dự thượng hội đồng gia đình vào tháng 10 năm 2015, nổi bật vì bảo vệ mạnh mẽ đạo lý Công Giáo.

Trong bài phát biểu tại Thượng hội đồng, Đức Hồng Y Urosa khuyến khích các nghị phụ trong Thượng hội đồng đừng quên những lời dạy của Chúa Giêsu và Giáo hội trong khi thảo luận về khả năng cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Ngài cũng là một trong số 13 vị Hồng Y đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về các thủ tục của Thượng hội đồng.

Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức Tổng giám mục Caracas của Đức Hồng Y vào ngày 9 tháng 7 năm 2018, sau khi ngài bước qua tuổi nghỉ hưu 75.

Là một tổng Giám mục hiệu tòa, ngài không tham dự Thượng hội đồng Amazon ở Rôma vào tháng 10 năm 2019, nhưng ngài đã viết một số bài báo trong đó nhắc lại tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục và nhấn mạnh sự cần thiết của việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng ở Amazon.

Ngài là một nhà phê bình sắc bén đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của Hugo Chávez. Chávez đã cho du đảng phá đám các thánh lễ do ngài cử hành. Ngài cũng chỉ trích sự lãnh đạo của tên độc tài Nicolás Maduro, là người mà ngài cùng với các giám mục Venezuela đã công khai và nhiều lần yêu cầu, rời bỏ quyền lực, kêu gọi các cuộc bầu cử công bằng và dân chủ.

Trong nhiều năm, những đã thúc đẩy án tuyên thánh cho Bác sĩ José Gregorio Hernández, bác sĩ của người nghèo, được phong chân phước vào ngày 30 tháng 4 năm 2021.
Source:Catholic News Agency
 
Nghẹt thở: FBI cảnh báo cha sở nhà thờ sẽ bị tấn công. Thánh lễ Chúa Nhật diễn ra căng thẳng, âu lo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:36 27/09/2021


1. FBI cảnh báo một linh mục nhà thờ của ngài sẽ bị tấn công

Tờ Sentinel Catholic, tờ báo của tổng giáo phận Oregon, số ra ngày 24 tháng 9 cho biết các nhân viên FBI đã nói với Cha Pat Neary, cha sở nhà thờ Holy Cross, nghĩa là Thánh Giá rằng các nhóm vô chính phủ và Antifa thường chỉ tấn công vào các ngân hàng và các tổ chức khác nhưng chúng đã lên kế hoạch phá hoại các nhà thờ. Nhà thờ lịch sử Holy Cross mà Cha Pat Neary hiện đang cai quản là ngôi thánh đường đầu tiên chúng sẽ nhắm đến.

Năm 1901, Dòng Thánh giá được Đức Tổng Giám Mục Alexander Christie mời đến quản lý Đại học Columbia ở Portland, Oregon. Đức Tổng Giám Mục Christie đã khích lệ nhà dòng cử hành thánh lễ cho anh chị em giáo dân trong vùng phía Bắc Portland với ý hướng sẽ thành lập một giáo xứ được gọi là giáo xứ Holy Cross. Mơ ước của Đức Tổng Giám Mục đã nhanh chóng đạt được. Năm 1902, giáo xứ được thành lập và Cha sở tiên khởi là Cha John Thillman. Lúc ấy, người Công Giáo tham dự Thánh lễ tại Nhà nguyện ở Hội trường phía Tây của trường Đại học.

Vào năm 1904 ở góc tây nam của đường Bowdoin và Stanford, ngôi nhà thờ riêng của giáo xứ được thành lập. Đức Tổng Giám Mục Christie đã cung hiến nhà thờ mới vào ngày 4 tháng 9 năm 1904.

Như thế, ngôi nhà thờ này đã có lịch sử lâu đời hơn 100 năm.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ Chúa Nhật 26 tháng 9, diễn ra dưới sự canh phòng nghiêm nhặt của FBI.

Năm ngoái, một nhà thờ Công Giáo ở trung tâm thành phố Portland, Oregon - nổi tiếng với việc giúp đỡ người nghèo trong khu vực - đã bị đập vỡ cửa sổ trong một cuộc bạo động trong đó gần một chục người biểu tình bị bắt giữ.


Source:Catholic Sentinel

2. Tổng giám mục Công Giáo Chanđê thành Erbil e ngại việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan “mang lại sự khích lệ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Iraq.”

Mối đe dọa của ISIS và các phần tử cực đoan khác ở Iraq đã gia tăng sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Đó là đánh giá của một trong những giám mục được kính trọng nhất ở Trung Đông.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Chanđê Bashar Warda của Erbil, Kurdistan, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng việc Taliban lên nắm quyền có thể có những tác động cực kỳ nghiêm trọng đối với Iraq. Ngài nói: “Afghanistan và Iraq là những nơi rất khác nhau. Nhưng việc Taliban chiếm được đất nước này chắc chắn mang lại những khích lệ cho những người ủng hộ chế độ đó”.

Đức Tổng Giám Mục Warda tiếp tục cảnh báo rằng các phần tử cực đoan IS vẫn đang hoạt động trong nước và ngài lo ngại rằng “chắc chắn” họ vẫn có thể trở lại nắm quyền ở Iraq và Syria. Ngài nói: “Tổ chức này vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Họ vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thức những năng lực ngầm, những kẻ nằm vùng, và vẫn có khả năng gây hại ở Iraq. Quan trọng hơn, tâm lý sợ hãi do ISIS tạo ra chắc chắn vẫn còn trong khu vực. Đây là một mối quan tâm lớn”. Vị tổng giám mục nói thêm: “Tôi nghĩ chắc chắn là tâm lý hoài tưởng bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn tồn tại ở Iraq và Syria trong một số bộ phận dân cư.”

Bình luận về tuyên bố của Joe Biden vào tháng 7 rằng ông ta sẽ rút hết quân Hoa Kỳ tại Iraq trước cuối năm nay, Đức Tổng Giám Mục Warda cho biết tình trạng mất an ninh sẽ có tác động tiêu cực đến các tín hữu Kitô và các tôn giáo thiểu số khác. Đức Tổng Giám Mục nói: “Điều mà lịch sử của chúng tôi, đặc biệt là lịch sử gần đây, đã dạy cho chúng tôi là trong bất kỳ thời điểm bất ổn và xung đột nào thì chính các dân tộc thiểu số là những người chịu thiệt hại đầu tiên”.

“Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong sự can dự của Hoa Kỳ ở Iraq đều dẫn đến sự gia tăng bất ổn, chắc chắn chúng tôi lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”.

Bất chấp những lo ngại này, Đức Tổng Giám Mục Warda cũng hy vọng vào tương lai của Kitô Giáo ở Iraq, đặc biệt là sau chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng Ba vừa qua. Ngài nói: “Hiện tại chúng tôi là một con số nhỏ, nhưng chúng tôi đang giữ vững lập trường và cố gắng hết sức mình ở mọi nơi trên đất Iraq để chứng tỏ rằng chúng tôi là một phần quan trọng trong kết cấu của đất nước”.

“Tôi nghĩ chuyến thăm của Đức Thánh Cha đã cho phần còn lại của Iraq thấy tác động tích cực của cộng đồng Kitô Giáo ở đây, và tác động tích cực mà cộng đồng Kitô Hữu có thể mang lại cho Iraq về cách thế giới nhìn nhận đất nước của chúng ta.”

“Những điều này mang lại cho chúng tôi hy vọng và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để xây dựng. Theo thời gian, chúng tôi hy vọng điều này sẽ cho phép cộng đồng của chúng tôi ở đây không chỉ tồn tại mà còn phát triển và hy vọng sẽ phát triển theo thời gian”.
Source:Vatican News

3. Phát hiện mới: Các chuyên gia hiện tin rằng Sodom đã bị phá hủy bởi một thiên thạch

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, số ra ngày 24 tháng 9, cho biết các khoa gia đã tin rằng câu chuyện lửa từ trời xuống thành Sodom là chuyện có thật. Vụ nổ quá lớn, nó cũng có thể là nguyên nhân làm san bằng các bức tường thành Giêricô.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhóm các nhà khảo cổ học tin rằng họ đã phát hiện ra bằng chứng về những sự kiện đau thương dẫn đến sự hủy diệt của thành Sodom. Các phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports cho thấy rằng sự phá hủy được tạo ra bởi một tảng đá không gian xuyên qua bầu khí quyển và phát nổ trên thành phố, tạo ra một vụ nổ trên không.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 15 năm tại Tall el-Hammam, một địa điểm được cho là vị trí của Sodom trong Kinh thánh. Báo cáo của Daily Caller cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định được một lớp than củi, tro, gạch nung chảy và đồ gốm nung chảy dài 5 foot. Để làm tan chảy các loại vật liệu xây dựng này, nhiệt độ phải vượt quá 2,000 độ C. Vì không có phương tiện nào để tạo ra nhiệt độ khủng khiếp như vậy một cách nhân tạo trong thời đại đó, các chuyên gia bắt đầu tìm kiếm những lời giải thích tự nhiên.

Sức nóng dữ dội đến mức nó thậm chí có thể biến dạng thạch anh. Thạch anh bị biến dạngtạo thành các mặt phẳng bên trong tinh thể thạch anh do tiếp xúc với áp suất cao. Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, James Kennett, giáo sư danh dự về khoa học trái đất tại UC Santa Barbara, cho biết:

“Chúng tôi đã tìm được các mẫu thạch anh biến dạng từ vùng này, và điều đó có nghĩa là đã có những áp lực đáng kinh ngạc liên quan đến việc làm biến dạng các tinh thể thạch anh - thạch anh là một trong những khoáng chất cứng nhất; rất khó bị biến dạng”.

Theo giả thuyết về một vụ nổ khí quyển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một máy tính tác động trực tuyến, cho thấy bằng chứng phù hợp với kịch bản đó. Theo The Daily Beast, vụ nổ trên không này có thể được so sánh với vụ nổ xảy ra ở Tunguska, Nga, vào năm 1908. Vụ nổ trên không Tunguska đã san bằng 80 triệu cây trên diện tích 830 dặm vuông. Sự kiện này cũng sẽ tương tự như tác động đã xảy ra với khủng long, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

The Conversation báo cáo rằng vụ nổ có thể đã xảy ra cách mặt đất khoảng 2.5 dặm. Ngay cả ở khoảng cách xa như thế, vụ nổ vẫn có thể tạo ra một làn sóng xung kích 740 dặm một giờ có thể san bằng hầu hết các tòa nhà của Sodom. Không ai trong số cư dân có thể sống sót sau vụ nổ ban đầu và nhiệt độ tan chảy của đá sau đó.

Lý thuyết này cũng mở rộng đến Jericho, chỉ cách địa điểm 14 dặm. Người ta lập luận rằng chính vụ nổ không khí này có thể đã san bằng những bức tường nổi tiếng của Jericho.

Báo cáo cũng giúp giải thích tại sao hơn 100 khu định cư khác trong khu vực trở nên hoang vắng. Tác động có thể đã làm bốc hơi một phần Biển Chết, điều này tạo ra lượng muối độc hại trên đất liền. Loại muối này, nồng độ được tìm thấy trong một số mẫu cao tới 25%, sẽ tàn phá đất nông nghiệp trong nhiều thế hệ.

Với lượng mưa ít trong khí hậu sa mạc khô cằn, sẽ mất nhiều thời gian hơn để rửa trôi muối. Một khi nông nghiệp bị cản trở, xã hội sẽ không còn hoạt động. Người ta ước tính rằng khu vực này đã không thích hợp cho việc định cư của con người trong gần 600 năm.
Source:Aleteia

4. Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận Đức Hồng Y Woelki sẽ tiếp tục tại vị sau chuyến thanh tra tông tòa Tổng giáo phận Cologne Köln

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra phán quyết rằng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nên tiếp tục phụ trách tổng giáo phận Köln của Đức sau cuộc điều tra của Vatican về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, Tòa Thánh thông báo như trên hôm thứ Sáu.

Hôm 24/9, Tòa thánh Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu vị Hồng Y 65 tuổi tiếp tục lãnh đạo tổng giáo phận ở miền tây nước Đức sau một thời gian nghỉ phép.

Tuyên bố giải thích rằng cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Woelki đã hành động không hợp luật liên quan đến các vụ lạm dụng.

“Tuy nhiên, Đức Hồng Y Woelki cũng đã có những nhược điểm lớn trong cách tiếp cận của mình đặc biệt là ở mức độ giao tiếp đối với các vấn đề liên quan đến lạm dụng tính dục.”

“Điều này đã góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng niềm tin trong tổng giáo phận, khiến nhiều tín hữu bị hoang mang”.

Tòa Thánh lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Woelki đã có “một cuộc trò chuyện dài” vào tuần trước.

Tuyên bố cho biết thêm: “Đức Thánh Cha trông cậy vào Đức Hồng Y Woelki, thừa nhận lòng trung thành của ngài đối với Tòa Thánh và mối quan tâm của ngài đối với sự hiệp nhất của Giáo hội”.

“Đồng thời, rõ ràng Đức Tổng Giám Mục và Tổng giáo phận cần có thời gian tạm dừng, đổi mới và hòa giải. Điều này đã thúc đẩy Đức Thánh Cha Phanxicô ban cho Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, theo yêu cầu riêng của ngài, một thời gian nghỉ phép tinh thần, bắt đầu từ giữa tháng Mười cho đến khi bắt đầu Mùa Chay năm sau”.

“Cho đến khi Đức Hồng Y trở lại, Đức Cha phụ tá của tổng giáo phận Köln là Đức Cha Rolf Steinhäuser, đảm trách công việc Giám Quản Tông Tòa sede plena, tức là xử lý thường vụ trong khi Tòa không trống ngôi, để bảo đảm việc quản lý diễn ra trôi chảy và trên hết, để tổng giáo phận, về phần mình, tự tìm ra một quá trình hòa giải và đổi mới tâm linh”.

Trong một tuyên bố ngày 24 tháng 9, Đức Hồng Y Woelki nói: “Tôi đi theo hướng này với thông điệp rõ ràng của Đức Thánh Cha rằng chúng ta đã làm rõ một cách nghiêm túc và toàn diện và không che đậy bất cứ điều gì. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tổng giáo phận và cho tôi trong những tuần tới. Tôi cũng hứa với anh chị em lời cầu nguyện nhiệt thành của tôi.”

Đức Cha Steinhäuser nhận xét: “Tôi rất kính cẩn trước tầm quan trọng của nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường hòa giải trong tổng giáo phận Köln đã được Đức Hồng Y Woelki khởi xướng”.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Mẹ khóc khi hiện ra ở La Salette. Hiệp thông với Đền Thánh này cầu cho Sài Gòn và quê hương VN
Giáo Hội Năm Châu
19:15 27/09/2021

Trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng 9 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một biến cố rất thân thương với người Công Giáo Pháp diễn ra cùng ngày. Ngài nói:

“Suy nghĩ của tôi dành cho những người đang tập trung tại Đền La Salette ở Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, và rơi nước mắt với hai đứa trẻ. Những giọt nước mắt của Đức Maria khiến chúng ta liên tưởng đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với Giêrusalem và nỗi thống khổ của ngài ở Giệtsimani: Những giọt lệ ấy phản ánh sự đau khổ của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và là lời kêu gọi luôn mang tính thời đại, hãy phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Trong tình cảnh đau thương của quê hương vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em cùng lần chuỗi Mân Côi với đền thánh Đức Mẹ La Salette vào lúc 7g tối thứ Tư 29 tháng 9 tới đây.

Trong chương trình này, chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và anh chị em câu chuyện Đức Mẹ hiện ra tại La Salette và sứ điệp của Đức Mẹ.

1. Tổng quan

Đền thánh Đức Mẹ Đức Mẹ La Salette (tiếng Pháp: Notre-Dame de La Salette) là một đền thánh Đức Mẹ lớn ở Pháp được xây cất để kính nhớ cuộc hiện ra của Đức Mẹ với hai trẻ em người Pháp, là Maximin Giraud và Mélanie Calvat. Biến cố này đã xảy ra tại La Salette-Fallavaux, Pháp, vào năm 1846.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 1851, Đức Giám Mục bản quyền đã chính thức công nhận biến cố Đức Mẹ hiện ra và khích lệ công chúng sùng kính và cầu nguyện với Đức Mẹ La Salette.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 1879, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã kính dâng vương miện luật cho bức tượng Đức Mẹ hiện được tôn kính trong Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Salette. Một vương miện kiểu Nga đã được ngài dâng lên Đức Mẹ, thay vì vương miện kiểu mặt trời thường được sử dụng trong các mô tả truyền thống về Đức Mẹ trong các cuộc hiện ra trước đó.

Câu chuyện Đức Mẹ La Salette không chỉ gây được lòng sùng kính ở Pháp mà còn tạo ra một lòng sùng mộ lan nhanh trên thế giới. Chính vì thế, bên ngoài nước Pháp cũng có các đền thánh Đức Mẹ La Salette như tại Oliveira de Azeméis, Bồ Đào Nha, San Miguel de Allende, Guanajuato, bên Mễ Tây Cơ, Attleboro, Massachusetts, và Enfield, New Hampshire, Hoa Kỳ. Cả hai đền thánh Đức Mẹ của Hoa Kỳ thường được trang hoàng đèn Giáng sinh rất lộng lẫy vào dịp cuối năm.

2. Đức Mẹ hiện ra ở núi lớn La Salette.

Năm 1846, làng La Salette bao gồm tám hoặc chín xóm nằm rải rác. Dân số khoảng 800 người, chủ yếu là các gia đình nông dân nghèo. Vào tối ngày thứ bảy, 19 tháng 9 năm 1846, Maximin Giraud và Mélanie Calvat (còn được gọi là Mathieu) trở về từ ngọn núi nơi họ đang chăn bò và báo cáo rằng đã nhìn thấy “một phụ nữ xinh đẹp” trên Núi Sous-Les Baisses, đang khóc lóc thảm thiết. Họ mô tả cô ấy đang ngồi với khuỷu tay đặt trên đầu gối và khuôn mặt của cô ấy che kín trong hai bàn tay. Cô mặc một chiếc áo choàng trắng đính ngọc trai; và một chiếc tạp dề màu vàng; đôi giày trắng và hoa hồng trên đôi chân của cô với một chiếc mũ đội đầu khá cao. Quanh cổ cô đeo một cây thánh giá được treo bằng một sợi xích nhỏ.

Theo lời kể của họ, cô ấy vẫn tiếp tục khóc khi nói chuyện với họ, đầu tiên bằng tiếng Pháp, sau đó là tiếng địa phương của họ là tiếng Occitan. Sau khi đưa ra một bí mật cho mỗi đứa trẻ, cô đã đi lên ngọn đồi và biến mất.

Sau năm năm điều tra, Đức Cha Philibert de Bruillard, Giám Mục Grenoble, đã tuyên bố vào năm 1851 rằng sự hiện ra có thể là một sự mặc khải thực sự và cho phép bắt đầu việc sùng kính Đức Mẹ La Salette. Kết quả cuộc điều tra này sau đó đã được xác nhận bởi người kế nhiệm ngài, là Đức Cha Ginoulhiac.

3. Thông điệp của Đức Mẹ

Theo lời kể của những đứa trẻ, thông điệp của Đức Mẹ đồng trinh là lời kêu gọi mọi người trên thế giới quay về với Chúa. Một vụ mùa bị thất thu nghiêm trọng là dấu chỉ cho thấy tội lỗi của dân chúng nghiêm trọng đến mức nào.

Cha Thánh Gioan Vianney, Cha Thánh Gioan Bosco và nhà văn Joris-Karl Huysmans đều chịu ảnh hưởng mạnh bởi sứ điệp hoá cải của Đức Mẹ La Salette. Thông điệp chính của Đức Mẹ La Salette là siêng năng cầu nguyện, hoán cải nội tâm và dấn thân giúp đỡ tha nhân. Cha René J. Butler của Hội Thừa sai La Salette ở Bắc Mỹ nói “Toàn bộ mục đích của việc Đức Mẹ La Salette hiện ra là kêu gọi ăn năn hòa giải với Chúa”.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Như tôi đã viết nhân dịp kỷ niệm 150 năm, 'La Salette là một thông điệp của hy vọng, vì hy vọng của chúng ta được nuôi dưỡng bởi sự chuyển cầu của Mẹ, Đấng là Mẹ của nhân loại”.

4. Cuộc điều tra

Lòng sùng kính Đức Mẹ La Salette bộc phát mạnh mẽ khi Mélanie và Maximin công bố thông điệp của họ, điều này khiến Đức Giám Mục giáo phận Grenoble tức tốc điều tra cuộc hiện ra. Trong quá trình điều tra, một số cáo buộc chống lại những thị nhân, bao gồm một cáo buộc cho rằng người hiện ra thực ra chẳng ai xa lạ mà chỉ là một phụ nữ trung niên tên là La Merlière, một người thích đùa dai.

Những đứa trẻ báo cáo rằng Đức Trinh Nữ đã thổ lộ một bí mật đặc biệt cho mỗi em. Hai bí mật này, các em giữ riêng cho mình và không hề trao đổi với nhau. Các em không hiểu nội dung các sứ điệp nhưng có thể nhớ được. Các sứ điệp đã được viết ra và gởi cho Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 vào năm 1851 theo lời khuyên của Đức Cha Bruillard. Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 đã nhìn nhận tính chất siêu nhiên trong các sứ điệp của các em.

5. Các đền thánh Đức Mẹ La Salette nhanh chóng mọc lên trên thế giới

Dòng Thừa sai Đức Mẹ La Salette được Đức Cha Philbert de Bruillard, Giám mục Grenoble, Pháp, thành lập năm 1852 và hiện đang phục vụ ở khoảng 25 quốc gia.

Đền thờ Đức Mẹ La Salette Quốc gia Hoa Kỳ nằm ở Attleboro, Massachusetts. Được gọi đơn giản là La Salette. Đền thánh này nổi tiếng với Lễ hội Ánh sáng, được tổ chức hàng năm vào mùa Giáng sinh, nơi khuôn viên được trang trí với những màn trình diễn ánh sáng Giáng sinh công phu. Ngôi đền được hơn 1 triệu người đến thăm mỗi năm và tổ chức nhiều cuộc hành hương và tĩnh tâm trong suốt cả năm.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đức Mẹ đã hiện ra và đã khóc tại La Salette

Những giọt nước mắt của Đức Maria kêu gọi chúng ta đến với lòng thương xót của Chúa. Đức Mẹ hiện ra ở La Salette cách đây 175 năm, và Mẹ đã rơi lệ.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến ngày lễ Đức Mẹ Salette. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, vào ngày 19 tháng 9 năm 1846.

Đức Thánh Cha nói:

Suy nghĩ của tôi dành cho những người đang tập trung tại Đền La Salette ở Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm ngày Đức Mẹ hiện ra, và rơi nước mắt với hai đứa trẻ. Những giọt nước mắt của Đức Maria khiến chúng ta liên tưởng đến những giọt nước mắt của Chúa Giêsu đối với Giêrusalem và nỗi thống khổ của ngài ở Giệtsimani: Những giọt lệ ấy phản ánh sự đau khổ của Chúa Giêsu vì tội lỗi của chúng ta và là lời kêu gọi luôn mang tính thời đại, hãy phó thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tại sao Đức Mẹ lại khóc?

Theo lời kể của những đứa trẻ, một trong những lý do chính đằng sau nỗi buồn của Đức Mẹ là do việc địa phương không cho phép giữ ngày Chúa Nhật như một ngày nghỉ ngơi.

Đền Đức Mẹ La Salette tại Hoa Kỳ là bản sao chép lại sự hiện ra của Đức Mẹ La Salette, ở Pháp, vào năm 1846, đền thờ này được thành lập vào năm 1951 tại Enfield, New Hampshire. Địa điểm này được thiết kế tương tự như ở La Salette, bên cạnh đó còn có một ao Mân Côi, các chặng Thánh Giá ngoài trời và khung cảnh đồi Canvê với các Cầu thang Thánh, sau đó là con đường đi bộ trong hòa bình.


Source:Aleteia

7. Đức Mẹ La Salette có thể mang đến cho chúng ta hy vọng trong bóng tối

Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc đã hiện ra với hai đứa trẻ gần ngôi làng nhỏ La Salette, bên Pháp, ngày 19 tháng 9, 1846. Mẹ đã có những lời mạnh mẽ cho người dân và kêu gọi họ ăn năn.

Những lời của Đức Maria là lời của một người Mẹ cảnh báo con cái của mình về hậu quả các hành động của họ mang lại.

Đức Maria nói: “ Nếu mọi người hoán cải, những tảng đá sẽ trở thành đống lúa mì, và người ta sẽ thấy rằng những củ khoai tây đã tự mọc lên”.

Thánh Gioan Phaolô II đã tìm thấy trong sứ điệp của Đức Maria một tia sáng hy vọng trong bóng tối. Ngài đã nói về điều này khi nói chuyện với các Thừa sai của Đức Mẹ La Salette.

Như tôi đã viết nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra: “La Salette là một sứ điệp của niềm hy vọng, vì niềm hy vọng của chúng ta được nuôi dưỡng bởi sự chuyển cầu của Mẹ, Đấng là Mẹ của nhân loại. Cầu mong lời tuyên bố hy vọng này luôn là trọng tâm trong cuộc gặp gỡ của anh chị em với những người nam nữ ngày nay! Qua đó, những người đương thời của chúng ta có thể yên tâm rằng sự chia rẽ không phải là không thể hàn gắn và luôn luôn có thể ăn năn về sự không bất trung của mình, để xây dựng một nhân loại được hòa giải và theo Chúa, vì không có gì nằm ngoài tầm tay của Chúa.

Mặc dù phần lớn thông điệp của Đức Mẹ tại La Salette có vẻ khó nghe đối với đôi tai hiện đại, nhưng Mẹ vẫn nói về khả năng ngăn chặn các thảm họa trong tương lai bằng cách ăn năn tội lỗi và chọn sống một cuộc đời hợp nhất với Chúa Giêsu Kitô.

Đây luôn là thông điệp hy vọng cho chúng ta. Chúng ta có thể mở đường dẫn đến sự hòa hợp trên trái đất, nếu chúng ta ăn năn về những đường lối xấu xa của mình và đón nhận Phúc Âm.

Có thể không dễ dàng để đạt được sự bình an này, nhưng nó hoàn toàn có thể với sự giúp đỡ của Thiên Chúa.


Source:Aleteia