Ngày 24-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Diệt trừ tội lỗi tận gốc
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
01:27 24/09/2021


Một xã hội nhiều gương xấu

Một số cô gái trẻ ngày nay thu hút sự chú ý của các bạn trẻ trên cộng đồng mạng bằng những nét khiêu gợi lố lăng, bằng những câu nói dung tục, lệch lạc, những phát ngôn gây sốc, những chiêu trò bỉ ổi… Thế là chẳng mấy chốc, những cô gái lệch chuẩn nầy bỗng dưng hóa thành “sao”, được rất nhiều bạn trẻ nông nổi hâm mộ, xem như thần tượng của mình và điều đáng tiếc là họ không thấy điều đó là sai.

Thế là những cách ứng xử lệch chuẩn, những chiêu trò bỉ ổi, những thứ trang phục phản cảm, những ngôn từ gây sốc… của những “sao” nầy trở thành mẫu mực cho nhiều bạn trẻ bồng bột, thiếu định hướng trong xã hội noi theo. Điều nầy tác động rất xấu đến thế hệ được xem là tương lai của đất nước.

Bên cạnh những gương xấu tai hại nầy, còn vô số những phim ảnh dâm ô, bạo lực, đồi trụy… tràn lan trên mạng, thu hút nhiều người xem, gây ảnh hưởng cực kỳ xấu cho giới thanh thiếu niên.

Ngoài những gương xấu trong xã hội, giới trẻ cũng gặp nhiều gương xấu trong gia đình: Cha mẹ không tham dự Thánh lễ Chúa nhật, không hề đọc kinh sáng tối hay cầu nguyện hằng ngày… nên con cái chẳng còn biết đến Chúa; Có những phụ huynh ăn gian, nói dối, chửi thề, bài bạc, rượu chè be bét… tạo cớ cho con em mình hư hỏng.

Điều đáng tiếc là nhiều tín hữu không ý thức được tác hại do gương xấu mình gây ra, không cho việc làm cớ cho con em vấp phạm là trọng tội, nên cứ chứng nào tật nấy và thế là, giới trẻ hư hỏng lúc nào không hay.

Chúa Giê-su kịch liệt bài trừ gương xấu

Chính vì gương xấu gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giê-su kịch liệt bài trừ. Ngài muốn nhổ bỏ tội lỗi tận gốc rễ, muốn diệt trừ gương xấu bằng mọi giá.

Trước hết, Ngài răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).

Chúa truyền phải ném người làm gương xấu xuống biển, nhưng trước đó, phải lấy một cối xay bằng đá mà người Do Thái ngày xưa thường dùng, loại cối lớn phải dùng sức lừa mới kéo nổi, rồi buộc vào cổ người ấy, để cho người đó chìm xuống nước thật mau, thật sâu và chìm đến tận đáy!

Như vậy, Chúa Giê-su lên án cách nghiêm khắc và kết án nặng nề những người gây ra gương xấu làm hại những người chung quanh.

Dứt khoát với tội lỗi

Cùng với việc lên án người làm gương xấu, Chúa Giê-su dạy phải dứt khoát chừa tội với bất cứ giá nào.

Không có gì cần thiết cho bằng con mắt, bàn tay hay bàn chân. Đây là những phần thân thể thiết yếu mà người ta hết lòng trân quý và không bao giờ muốn bị mất đi.

Thế mà Chúa Giê-su dạy rằng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 44-48).

Qua những lời nầy, Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta hủy hoại cơ thể để khỏi phạm tội; nhưng Ngài muốn chúng ta ghi nhận rằng: Hỏa ngục là cực hình đáng sợ, là chốn trầm luân đời đời mà mỗi người phải tránh cho khỏi sa vào đó, cho dù phải hy sinh những gì trân quý nhất.

Lạy Chúa Giê-su,

Sự sống đời đời vô cùng quý báu nên Chúa sẵn sàng hy sinh chịu khổ nạn và chịu chết để cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục và cho chúng con hưởng phúc thiên đàng. Tuy nhiên, sự sống nầy có thể mất đi dễ dàng vì gương xấu và tội lỗi chúng con gây ra.

Xin cho chúng con quyết tâm dứt bỏ tội lỗi và không bao giờ gây ra gương xấu, để khỏi sa vào chốn ngục hình, uổng công Ngài cứu chuộc. Amen.

 
Ngày 25/9: Họa Phúc Trong Đời. Suy niệm: Linh mục Lê Quý Phi, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:35 24/09/2021

PHÚC ÂM: Lc 9, 43b-45

“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Đó là lời Chúa.
 
Phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:05 24/09/2021

CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc ông Gioan, một trong số các Tông Đồ, kể lại với Chúa Giêsu sự kiện họ đã chứng kiến một người không thuộc nhóm các môn đệ nhưng đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, nên các ông đã ngăn cản không cho người đó làm. Nghe thế, Chúa Giêsu liền bảo:

“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39-40).

1. Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?

Đây là một chủ đề quan trọng, mang tính thời sự hiện nay. Chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ của những ai ở ngoài Giáo Hội, những người cố gắng làm nhiều việc lành và chứng tỏ một tinh thần cao cả, dẫu họ không tin vào Chúa Kitô và không gia nhập vào Giáo Hội. Họ có được cứu độ không?

Ngày xưa, trong một lá thư gửi những người theo lạc giáo, thánh Ciprianô (+258) có một câu nói nổi tiếng: “Extra ecclesiam nulla salus – ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ.” Khi quả quyết như thế, thánh nhân muốn chống lại những người theo lạc giáo chủ trương không cần phép Rửa của Giáo Hội và ngài cho rằng ai chịu phép Rửa từ những người lạc giáo là không thành sự.

Tuy nhiên, câu nói này đã bị giải thích cách giảm thiểu, nếu không muốn nói là méo mó về dụng ý của ngài. Khi trích lại câu nói này, người ta thường nhấn mạnh việc phải ở trong Giáo Hội Công Giáo hữu hình để được cứu độ. Quan niệm này đã tồn tại trong Giáo Hội rất lâu, hàng chục thế kỷ. Phải đợi đến Công Đồng Vaticanô II, chúng ta mới có một cái nhìn quân bình và mới mẻ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo Hội. Dĩ nhiên, sự thay đổi này là kết quả của một quá trình suy tư thần học, hiểu biết sau những khám phá về những vùng đất mới và nhờ những khả năng liên lạc với các dân tộc khác trên thế giới. Người ta thấy rằng có vô số con người chưa bao giờ được nghe loan báo Tin Mừng, không phải vì lỗi lầm của họ, hoặc đã được truyền giáo theo một cách thế không phù hợp từ những nhà truyền giáo thực dân, nên làm cho họ gặp khó khăn trong việc đón nhận Tin Mừng.

Với sự thay đổi này, thần học quả quyết rằng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người. Cụ thể, Người cũng muốn cứu độ cả những người ở ngoài Giáo Hội, khi họ chưa tin vào Chúa Kitô, chưa được rửa tội và không phải là thành viên của Giáo Hội.

Cái nhìn này có nền tảng Kinh Thánh và thần học rất vững chắc: “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ” (x. 1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ. Ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến không giới hạn bởi địa lý, chủng tộc, quốc gia, nhưng là phổ quát. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 22, Công Đồng Vaticanô còn thêm:

“Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người khả năng để được kết hợp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô theo một cách thức mà chỉ Thiên Chúa mới biết và vì thế, họ được cứu độ.”

2. Họ là ai và làm gì?

Một cách cụ thể, Hiến Chế Lumen Gentium – Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là Đấng Tạo Hóa của mình, họ là những người Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo Hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, họ có thể được cứu độ.

Như thế, đức tin Kitô Giáo đã thay đổi chăng? Không. Cũng như xưa, chúng ta tiếp tục tin vào hai điều: Điều thứ nhất là Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian và là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của toàn thể nhân loại. Dù không nhận biết Người, những ai được cứu độ, đều được cứu nhờ Chúa Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

Thứ đến, chúng ta tin rằng những ai chưa thuộc về Giáo Hội hữu hình, nhưng họ đang hướng về Giáo Hội một cách thực tế, họ cũng làm thành viên của Giáo Hội rộng lớn hơn, mà chỉ có Thiên Chúa mới biết. Một cách vô hình, họ cũng thuộc về Giáo Hội hay nói theo ngôn ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ là những “Kitô hữu vô danh.”

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xem ra yêu cầu hai điều từ những người ở ngoài Giáo Hội: điều thứ nhất là họ không “chống lại Người,” nghĩa là họ không tích cực làm ngược lại với đức tin và các giá trị Tin Mừng; họ không chống lại Thiên Chúa, nhưng sống lương thiện theo lương tâm tự nhiên. Họ có thể được cứu.

Hơn nữa, nếu họ không thể phụng sự Thiên Chúa, nhưng ít ra họ biết phục vụ và yêu mến tha nhân, đặc biệt những người nghèo. Họ cũng hy vọng được cứu. Bởi lẽ, điều này được Chúa Giêsu nói:

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bỏa thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41; x. Mt 10,42).

3. Chúng ta phải làm gì?

Tuy nhiên, sau khi đã giải thích giáo huấn này, tôi tin rằng cũng cần thiết để chúng ta điều chỉnh điều gì đó về thái độ và tâm lý chúng ta xét như là những người tin. Ngày nay tư tưởng và thái độ Giáo Hội đã thay đổi, nhưng nhiều người Công Giáo không muốn thay đổi; nhiều lúc chúng ta muốn độc quyền chân lý và ơn cứu độ, tỏ ra hơn người, hơn các tôn giáo khác một cách thái quá vì mình biết Chúa Kitô và là thành viên Giáo Hội.

Một cách tích cực, chúng ta phải thực sự vui mừng vì những sự cởi mở mới mẻ này của thần học Công Giáo khi nhìn nhận những anh chị em ở ngoài Giáo Hội cũng có khả năng được cứu độ. Điều này đang giải phóng khỏi sự hạn hẹp của chúng ta và khẳng định sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa cũng như ý định của Người là muốn cho “mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4) đó sao? Chúng ta phải làm cho khát khao của Môsê trở thành khát khao của chúng như bài đọc I diễn tả:

“Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ” (Ds 11,29).

Hiểu như thế, phải chăng chúng ta nên dừng lại việc truyền giáo, cứ để cho mọi người ở trong xác tín riêng của mình, và thôi việc giới thiệu Chúa Kitô, bởi vì người ta cũng có thể được cứu độ theo những cách thế riêng? Dĩ nhiên là không! Chúng ta phải tiếp tục thực thi lệnh truyền của Chúa, là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người. Nhưng điều mà chúng ta cần làm là nhấn mạnh lý do tích cực hơn tiêu cực. Lý do tiêu cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì ai không tin vào Người thì sẽ bị luận phạt đời đời.” Còn lý do tích cực là: “Bạn hãy tin vào Chúa Kitô, bởi vì thật tuyệt vời khi tin vào Người, biết Người, và có Người bên cạnh như là Đấng Cứu Độ, khi sống cũng như khi chết.” Điều đó tạo nên sự khác biệt và có sức thuyết phục hơn là dọa dẫm. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Điều kiện cần và đủ trong sứ vụ loan báo Tin mừng
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
08:35 24/09/2021
Điều kiện cần và đủ trong sứ vụ loan báo Tin mừng

(Suy niệm Chúa nhật 26 TNB)

Như chúng ta biết tại sao sứ vụ loan báo Tin mừng trên toàn thể Giáo hội, nhất là tại Việt Nam không được phát triển mạnh mẽ không? Phải chăng phần nào do tính bảo thủ, ghen tỵ, phe đảng trong nội bộ hay trong cộng đoàn? Phải chăng chúng ta chỉ thoả mãn với phương cách loan báo Tin mừng theo cá nhân, cục bộ hay nhóm riêng của mình mà loại trừ hay không đón nhận sự khác biệt nơi người khác? Các Bài đọc hôm nay sẽ như là phương thế tốt mà Chúa và Giáo hội mong muốn dạy chúng ta để việc loan báo Tin mừng được nở rộ và lan toả khắp mọi nơi trong bối cảnh đầy gian nan và khó khăn này. Đó là phải diệt trừ tính phe đảng, ghen tị, ngăn cản và tham lam. Đó là phải trở nên gương lành gương sáng và sống bác ái đối với tha nhân? Đó là phải cố gắng dứt khoát diệt trừ mọi tội lỗi trong con người chúng ta?

1/Phe đảng và ngăn cản là lối sống xa Tin mừng

Trong Bài Đọc I, ông Môsê ước mong ơn Thánh Thần được ban cho mọi con cái Israel, để họ đừng than phiền, kêu trách Thiên Chúa, và kêu trách ông nữa, ngang qua đoạn trích:“Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng : “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!” Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ.” (Ds 11, 27-29). Trong Phúc Âm, khi Gioan nói với Chúa Giêsu ông ngăn cấm một người đã lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ, vì người đó không ở trong nhóm môn đệ của Chúa. Ngài trả lời ông: đừng ngăn cản họ vì “ai không chống đối chúng ta là thuộc về chúng ta.” (x.Mc 9, 38-40). Quả thật, ghen tỵ là so bì và khó chịu, bực bội khi thấy người khác được hơn mình, và ngăn cản là gì? Là gây trở ngại, không cho tiếp tục. Phe đảng, ghen tỵ, ngăn cản là thái độ tiêu cực, trước hết đi ngược lại với luân thường đạo lý, thứ đến đi ngược lại với giáo lý đức tin, giáo lý Tin mừng hay giới răn của Chúa. Thái độ sống như vậy đang đi ngược lại với lối sống loan báo Tin mừng.

Bên cạnh đó, thái độ tham lam và ích kỷ theo Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ nơi bài đọc II cũng là cung cách sống trái với lối sống Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, “Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.”(Gc 5, 2-4). Vì thế,

2/Bác ái và gương sáng là lối sống phù hợp cho sứ vụ loan báo Tin mừng

Bác ái, yêu thương và giúp đỡ tha nhân sẽ là lối sống phù hợp với sứ vụ loan báo Tin mừng. Thay vì chỉ lo ngăn cản, ghen tỵ hay kéo bè kết phái để tranh giành và hạ bệ người khác, Đức Giê-su mời gọi chúng ta biết sống tinh thần liên đới và nối kết hầu trở nên dấu chỉ loan báo Tin mừng cho mọi người. Quả thật, phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9, 41). Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Đạo Công Giáo là đạo bác ái. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x.Mt 25). Đó là nếu ai làm cho tha nhân, nhất là cho những người nghèo, người bất hạnh và khó khăn là làm cho chính Chúa, người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời.

Mặt khác, Chúa Giê-su dạy mỗi chúng ta là phải làm gương lành gương sáng cho người khác:“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Như thế, khi chúng ta không làm cho tha nhân, nhất là cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người bị loại ra khỏi xã hội, già cả neo đơn, là chúng ta không làm cho chính Chúa vậy. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài. Thật vậy, nếu đã không làm điều tốt cho tha nhân, đôi khi chúng ta lại còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng gương xấu chúng ta làm, chắc chắn chúng ta sẽ phải sống xa Thiên Chúa. Do vậy, thay vì sống tốt để trở nên gương sáng cho anh chị em đồng loại, thì mỗi chúng ta lại vô tình hay hữu ý đã trở nên ‘vật cản’, hay bức tường ngăn cách người khác đến với Chúa và Chúa đến với người khác ngang qua cách sống bất xứng của chính mình. Đúng như câu nói ‘hữu xạ tự nhiên hương’, nghĩa là một khi chúng ta sống thực hành các giới răn của Chúa là đương nhiên chúng ta trở thành ‘hoa thơm cỏ lạ’ toả lan ‘mùi Giê-su’, ‘mùi niềm vui và bình an’ cho những ai đang sống bên cạnh chúng ta. Như vậy, câu ‘lời nói lung lay, gương bày lôi kéo’ phải luôn luôn là châm ngôn sống của mỗi chúng ta nếu thật sự chúng ta những ki-tô hữu đích thực của Chúa Ki-tô. Nhờ đó, việc loan báo Tin mừng và việc giới thiệu Chúa Ki-tô cho những đồng bào chưa cùng niềm tin sẽ luôn đạt được hiệu quả. Tuy nhiên để được như vậy,

3/Phải đoạn tuyệt với tội lỗi

Để sống bác ái và gương sáng trong sứ vụ Tin mừng cách hiệu quả, tiên vàn mỗi ki-tô hữu đều được mời gọi hãy đoạn tuyệt với tội lỗi của mình trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su mời gọi: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9, 43-48). Quả thật, Đức Giê-su đòi buộc người môn đệ của Ngài là phải nhận ra nguy hiểm của tội vì tội lỗi làm con người có nguy cơ sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo nghĩa đen như trên, chúng ta chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì chúng ta vẫn thường xuyên phạm tội. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra nguy hiểm của tội, vì tội có thể làm chúng ta sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời. Vì thế, cách thức trở nên con người tốt, trở nên chứng nhân đích thực cho người khác, là trước tiên chúng ta phải cố gắng nhìn nhận những bất toàn, yếu đuối, tội lỗi của mình mà chê ghét và diệt trừ nó, sau nữa, ngang qua đời sống đượm tình bác ái yêu thương, chúng ta dễ dàng trở nên men, nên ánh sáng và muối cho trần gian.

Câu hỏi suy niệm:

1/ Tôi có thường xuyên thể hiện mình để rồi ghen tỵ, ngăn cản và hạ bệ người khác không?

2/ Tôi đã bao giờ nghĩ đến sống là sống cho, sống với, sống cùng người khác ngang qua lối sống bác ái và gương lành gương sáng không?

3/ Tôi có ý thức rằng tôi cũng là kẻ tội lỗi cần phải sửa trị và cần được Chúa xót thương không?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Từ Bao Dung Đón Nhận Đến Quảng Đại Sẻ Chia
Lm Trương Đình Hiền
20:32 24/09/2021
(Chúa Nhật 26 TN B 2021)

Trong cái thời đại dịch mà gần như ai cũng hoang mang, lo sợ; thậm chí có nhiều người hoảng loạn, thất vọng và nguyền rủa…, thì đâu đó vẫn sáng lên những hình ảnh đẹp của sự chia sẻ yêu thương, của tinh thần liên đới phục vụ đầy quả cảm, hy sinh, vị tha, quảng đại; cả trên bình diện thế giới giữa nhiều quốc gia, lẫn trong những mối tương quan bà con xa gần trong nước, thành phố, hay nơi chòm xóm láng giềng….Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” của cách ly dịch bệnh tại Sài Gòn, hình ảnh của nữ tu Công Giáo Maria Hồng Quế, bên cạnh những những Phật tử như cô Đào, Đại đức Thích Lệ Ngôn hay mục sư Tin Lành Phạm Đình Nhẫn cùng sát cánh bên nhau mang lương thực sẻ chia đến những căn hộ đói khổ, nghèo nàn, đã rực sáng lên như những “viền bạc” của tình liên đới giữa đám mây đen tối cả cách ly. Quả thật, như câu ngạn ngữ của người Tây phương: “Every dark cloud has a silver lining” (Mỗi đám mây đen đều có một viền bạc). Chính trong cái nhìn tích cực và đầy hy vọng đó mà có nhiều người đã cho rằng: Con virus Covid đã mang con người lại gần nhau hơn, liên đới hơn, quý trong mạng sống hơn, khiêm tốn hơn trước những giới hạn và bất lực của phận người…

Thật vậy, thế giới nầy đã trải qua bao nhiêu trận dịch kinh hoàng, những sóng thần bão lũ, động đất hoả hoạn, hay những cuộc chiến tranh tàn khốc…, nhưng rồi, thế giới vẫn tồn tại, phát triển, văn minh… Chắc chắn, ngoài những yếu tố “thuộc linh”, căn nguyên để thế giới nầy khỏi bị diệt vong đó chính là sự chung ta góp sức, liên đới hiệp thông của nhiều người thành tâm thiện chí, của những công dân địa cầu đón nhận nhau, hợp tác với nhau và bao dung lẫn nhau.

Và đó chính là trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay mà chúng ta được gọi mời lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành.

Thật vậy, Thánh Kinh Cựu ước qua trích đoạn sách Dân Số nới Bài đọc 1, Dân Israel xưa đã bị cám dỗ hình thành một cộng đoàn khép kín, cục bộ; não trạng trần tục nầy đã được minh hoạ qua nhân vật Giosuê: Giosuê muốn bịt miệng hai ông Enđát và Mêđát, chỉ vì hai ông nầy nói tiên tri mà không chính thức có mặt trong hàng 70 kỳ mục: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Nhưng Thiên Chúa đã ứng xử hoàn toàn khác. Ngài đã truyền đạt một sứ điệp bao dung qua lời phát biểu của Môsê: Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Vâng, “phen bì”, “đố kỵ”, “loại trừ”… không có chỗ trong phạm trù “Lòng Thương Xót”; và vì thế cũng không có chỗ nơi một “đoàn dân ưu tuyển” phát xuất từ chính lòng thương xót đó !

Rồi sang giai đoạn Tân ước, các “cột trụ” của cộng đoàn Hội Thánh Chúa Kitô, một “đoàn dân ưu tuyển mới”, cũng suýt đi vào vết xe cũ cực đoan và bất khoan dung của Giosuê thời Xuất Hành: Gioan Tông Đồ đã cố ngăn cản những người không thuộc “Nhóm Mười Hai” nhân danh Chúa Giêsu trừ quỷ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

Thế nhưng, Chúa Giêsu không thiết lập một Giáo Hội “pháo đài”, khép kín; mà là một Hội Thánh Công Giáo, là “cộng đoàn mở” đón nhận tất cả những ai được Thánh Linh tràn ngập và được Tin Mừng hướng dẫn. Thái độ của Mô-sê vào thời Xuất hành “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (BĐ 1) hay của Chúa Giêsu vào thời Tân Ước “Đừng ngăn cản người ta…Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (TM) đều qui hướng về một nội dung đức tin nền tảng: Ơn cứu độ dành cho hết mọi người và bất cứ ai cũng được Thiên Chúa mời gọi tiến bước trong chân lý cứu độ.

Đây cũng chính là một trong những chiều kích thuộc căn tính sâu xa của Giáo Hội mà Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới sẽ chọn làm chủ đề: “Vì một Giáo hội mang tính đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”, một đặc tính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh từ năm 2015, nhân dịp kỷ niệm “50 năm thiết lập cơ cấu Thượng Hội Đồng”: “… vì Giáo Hội chính là cuộc đồng hành của Đoàn Chiên Chúa trên các nẻo đường lịch sử hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, thì ta sẽ hiểu được rằng ở giữa lòng Giáo Hội, không ai tự cho mình vượt trội những người khác. Trái lại, trong Giáo Hội, mỗi người cần phải “hạ mình xuống” để phục vụ anh chị em trên nẻo đường hành lữ.”.

Tất cả những gợi ý của Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh đó vẫn là một sứ điệp mang tính thời sự cho tất cả chúng ta. Vì ngay ở đây và bây giờ, trong cộng đoàn của tôi, trong gia đình của tôi, trong nhóm sinh hoạt của tôi… rất có thể đang tồn tại một thái độ bất khoan dung, khép kín của Giosuê, hay một tinh thần phe nhóm, loại trừ của Tông đồ Gioan… Có một điều không thể hoài nghi đó là: sự khoan dung, đón nhận, liên đới… bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp.

Người ta khẳng định rằng, sở dĩ đất nước Mỹ hùng cường, thịnh vượng, phát triển là do yếu tố quan trọng bậc nhất nầy: đất nước sẵn sàng đón nhận mọi dân tộc (Hợp chủng quốc); và có một bằng chứng lịch sử đầy thuyết phục về sự bao dung đó là: vẻ đẹp của ngày kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc: Toàn thể phe thắng trận Miền Bắc, từ Tổng thống Abraham Lincoln tới tướng U. Grant cùng toàn thể quân đội đều tỏ thái độ kính trọng, bao dung đối với phe bại trận Miền Nam: “Tất cả hàng ngũ quân miền Bắc khi đón tiếp quân bại trận miền Nam thì thay vì khinh bỉ hay kiêu ngạo, lại đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh, dùng nghi lễ quân sự trang nghiêm để bày tỏ sự kính trọng. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm…”.

Từ thái độ khoan dung, đón nhận nhau trong đức ái, Lời Chúa hôm nay còn gọi mời chúng ta mang một nhãn quan mới để vừa khám phá những điều kỳ diệu trong những nhỏ nhặt đời thường, cái nhỏ nhặt như “một ly nước lã”, mà tri ân cảm tạ; cùng tránh mọi gương mù cho những kẻ yếu đuối, hay can đảm nói không trước mọi lôi kéo của dục vọng làm mất phúc thiên đàng, sự can đảm chỉ có được khi biết đặt mình trong khiêm hạ phó thác.

Khi dùng những hình ảnh gợi hình như “cột cối đá vào cổ quăng xuống biển” cho kẻ gây gương mù, hay “chặt tay, chặt chân, móc mắt” để nói không với tội lỗi, chắc chắn Chúa Giêsu muốn giáo huấn của Tin Mừng phải được thể hiện bằng hành động cụ thể và mạnh mẽ, dứt khoát, chứ không thể chỉ là một ý tưởng suông mang tính mị dân hay giả hình, lý thuyết; giống như câu chuyện nhà thám hiểm O‘Reil, quyết chặt cánh tay ném lên bờ để trở thành chủ nhân của miền đất mới được khám phá.

So với sự hy sinh của O’Reil để có được một mảnh đất hoang nhỏ bé trên bản đồ thế giới, thì với đòi hỏi của Chúa Giêsu để có thể chiếm hữu được Vương quốc Nước Trời, thì đâu có gì quá đáng. Thế nhưng để làm được chuyện nầy thật không phải là chuyện giản đơn. Tuy nhiên, với trái tim khiêm hạ, biết nhìn thấy Thiên Chúa và tình yêu hiến tặng trong những hành vi nhỏ nhặt đời thường, như một ly nước lã sẻ chia, hay nửa tấm áo choàng của Thánh Martino … thì điều đó lại trở nên khả thi và mang nét đẹp tuyệt vời; và còn hơn thế nữa, vì đó là tấm vé để đi vào Nước Trời. Vâng, chính Đức Kitô đã khẳng định như thế: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Không hiểu, cũng không dám hỏi
Lm. Minh Anh
22:25 24/09/2021
KHÔNG HIỂU, CŨNG KHÔNG DÁM HỎI

“Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu tiết lộ lần thứ hai cuộc thương khó của Ngài, “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời!”; thánh Luca cho biết, “Các môn đệ không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất”. Và thật thú vị, các ông ‘không hiểu, cũng không dám hỏi’ Ngài về lời ấy!

Nếu Chúa Giêsu nói, ‘Ngày mai Thầy sẽ đăng quang, làm vua’; các môn đệ sẽ hiểu ngay! Vậy tại sao ở đây họ không hiểu? Trước hết, vì lòng trí họ đang bận tâm về lợi lộc trần thế; điều Chúa Giêsu nói, quá nghịch thường với điều họ kỳ vọng. Thứ đến, họ quá gắn bó với Chúa Giêsu về mặt tình cảm; dẫu đây là điều tốt. Vì một khi tình cảm lấn át lý trí, họ sẽ không hiểu được kế hoạch tiềm ẩn của Chúa Cha trên Thầy mình. Tình cảm phải luôn được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Họ ‘không hiểu, cũng không dám hỏi’ chỉ vì tình cảm đã trở nên vật cản, ngăn họ thấu hiểu một ý nhiệm lớn lao nơi Thầy mình, dâng mạng sống cho công trình cứu độ vĩ đại của Chúa Cha!

Phần chúng ta, mỗi khi đối mặt với thập giá, chúng ta thường phản ứng như các môn đệ. Được mời gọi tự do ôm lấy một thập giá nào đó, sự thường, chúng ta sẽ chống lại nó; chúng ta trở nên bối rối, thậm chí, lo sợ tương lai. Vì vậy, cách duy nhất để chiến thắng nỗi sợ là thinh lặng, nhìn lên thập giá Chúa Giêsu; tìm giải pháp để đối mặt với nó, và xin ơn trợ giúp; đồng thời, phó dâng mọi cảm xúc, gắn bó và tình cảm của mình cho ý muốn trọn hảo tối thượng của Thiên Chúa; để làm sao, ý muốn của chúng ta có thể giao thoa trong cùng một quỹ đạo với ý muốn của Ngài.

Bên cạnh Acutis, Boccolini, Giáo Hội còn có một vị thánh trẻ dễ thương khác, đó là chân phước người Ý, Chiara Luce Badano. Luce qua đời 1990, khi cô vui lòng chấp nhận cái chết lúc 18 tuổi, những mong kết hiệp với Chúa Giêsu trên thập giá. Luce sinh động, hồn nhiên, yêu đời. Mùa hè 1988, trong khi chơi tennis, Luce đau nhói ở vai, đó là biểu hiện của ung thư xương. Cô tuyên bố, “Con xin dâng đau khổ này cho Chúa, ôi Giêsu! Chúa muốn thế, con cũng muốn thế!”. Luce từ chối morphine để được dễ chịu; với cô, quan trọng là có thể dâng Chúa đau khổ của mình, “Tôi muốn được chia sẻ càng nhiều càng tốt các đau khổ của Ngài”. Một người bạn nói, “Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng, cần phải đến thăm Luce; nhưng ngay sau đó, chúng tôi hiểu, chúng tôi cần cô. Cuộc sống của Luce như một nam châm thu hút chúng tôi”. Luce luôn giữ tinh thần vui vẻ; một lọn tóc rơi, Luce đơn giản thân thưa, “Này đây, quà con dâng Chúa!”. Cả sau khi liệt toàn thân, cô nói, “Nếu phải lựa chọn giữa việc đi bộ một lần nữa và lên thiên đàng, tôi sẽ chọn thiên đàng!”. Luce tặng số tiền tiết kiệm cho một người bạn truyền giáo ở châu Phi, “Tôi không cần nữa. Tôi đã có mọi thứ!”. Với mẹ, Luce lên kế hoạch cho ‘đám cưới’ của mình; từ bài hát, bông hoa đến các bài đọc Lễ an táng; một chiếc áo trắng với thắt lưng hồng, bởi cái chết sẽ cho phép Luce thành ‘cô dâu’ của Đức Kitô. Trước khi chết, Luce nói với mẹ, “Oh Mamma, những người trẻ, những người trẻ! Họ là tương lai. Mẹ biết không, con không thể chạy được nữa, nhưng con nóng lòng truyền cho họ một ngọn đuốc như trong thế vận hội! Những người trẻ chỉ có một cuộc sống, và nó đáng giá để sống cho tốt!”; “Chào tạm biệt mẹ, mẹ phải vui lên vì con đang rất vui!”.

Anh Chị em,

Giây phút cuối đời, Luce nóng lòng truyền lửa cho người trẻ; nhờ đó, họ biết sử dụng cuộc đời, kể cả đau khổ, cho có ý nghĩa; Chúa Giêsu cũng đã nóng lòng như thế khi tiết lộ cuộc thương khó của Ngài, nhưng các môn đệ ‘không hiểu, cũng không dám hỏi’. Luce hiểu! Mẹ Maria hiểu hơn! Dĩ nhiên, Mẹ biết, Mẹ đau buồn, nhưng là một nỗi đau buồn thánh thiện! Chính sự hoàn hảo nơi Mẹ khiến Mẹ không chỉ hiểu và chấp nhận cuộc thương khó của Con, nhưng Mẹ còn muốn điều đó xảy ra trong trái tim bị đâm thâu của Mẹ. Bởi lẽ, trong Mẹ, không có một mâu thuẫn nào giữa thánh ý Thiên Chúa và ý muốn thánh thiện của Mẹ. Mẹ được gọi là “Nữ tử Sion, có Chúa ở cùng!” như bài đọc Zacharia hôm nay tiên báo; Mẹ tin, “Chúa canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đàn chiên!” như lời Thánh Vịnh đáp ca. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ôm lấy thập giá đời mình, mặc cho nó một ý nghĩa cứu độ như Luce, như Maria, như bao tâm hồn thánh thiện!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trước thập giá đời con, nhiều lúc con ‘không hiểu, cũng không dám hỏi’. Xin cho con biết quỳ gối chiêm ngắm thập giá Chúa, hầu con đủ sức ôm lấy nó, để đền tội con, đền tội các linh hồn; cứu rỗi chính con và cứu rỗi cả thế giới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vị Hồng Y bị bao quanh bởi F0 đã qua đời trong niềm thương tiếc của các tín hữu Mỹ Châu Latinh
Đặng Tự Do
05:13 24/09/2021


Trong bản tin hôm thứ Năm 23 tháng 9, Hội đồng Giám mục Venezuela, cho biết Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Thủ đô Caracas đã qua đời vì coronavirus vào ngày 23 tháng 9. Tin buồn ngay lập tức khiến người dân Venezuela rất đau lòng. Đức Hồng Y được nhiều người yêu mến và kính trọng không chỉ ở Mỹ châu Latinh, nơi ngài được nhiều người biết đến mà còn là trên toàn thế giới.

Vào ngày 27 tháng 8, một ngày trước sinh nhật thứ 79 của ngài, Đức Hồng Y được đưa vào một phòng khám ở Caracas và được chẩn đoán nhiễm coronavirus. Ngài đã lãnh nhận các bí tích bệnh nhân trước khi được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y duy nhất của Venezuela, và là Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas. Ngài là tiếng nói đối kháng, thường xuyên chỉ trích tên độc tài Nicolas Maduro.

Đức Hồng Y được tường trình là đã bị vây quanh bởi những người lạ khi ngài đang đi tản bộ và lần hạt trong một công viên.

Lần cuối cùng Đức Hồng Y xuất hiện trước công chúng là vào ngày 24 tháng 6 trong một thánh lễ tưởng niệm để vinh danh Trận chiến Carabobo, được tổ chức tại nhà thờ chính tòa của thành phố Valencia, Venezuela.

Vào ngày 3 tháng 9, các phương tiện truyền thông của chế độ loan tin ngài đã qua đời. Tổng giáo phận Caracas bác bỏ tin đồn này nhưng cho biết sức khỏe của vị Hồng Y trong tình trạng mỏng manh và ngài đang nhận được tất cả các can thiệp y tế cần thiết trong khu chăm sóc đặc biệt. Vào ngày 12 tháng 9, tổng giáo phận cho biết sức khỏe của vị Hồng Y đã xấu đi và ngài đang ở trong tình trạng “rất mong manh”.

Tuyên bố cho biết thêm rằng “chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Maria thành Coromoto và Chân phước José Gregorio Hernández, cầu xin sự bình phục cho vị Tổng giám mục hiệu tòa của chúng ta và cho tất cả những người bệnh”.

Hôm 28 tháng 8, Đức Hồng Y Urosa đã viết một thông điệp như một lời trăn trối “trong trường hợp phải được chăm sóc đặc biệt do tình trạng của tôi trở nên trầm trọng hơn, tôi muốn bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với Giáo hội, và tình yêu cho người dân Venezuela”.

Trong thông điệp của mình, vị Hồng Y bảo đảm rằng “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm linh mục “ và cầu xin “ sự tha thứ từ Chúa và tất cả anh em của tôi về những lỗi lầm mà tôi có thể đã phạm phải, đặc biệt là những thiếu sót”.

“Tôi cũng bày tỏ tình cảm to lớn của mình đối với người dân Venezuela và sự cống hiến tuyệt đối của tôi cho tự do của anh chị em, cho các thể chế của họ, để bảo vệ quyền của người dân trước những hành vi lạm dụng gây ra bởi nhà cầm quyền.”

Để kết luận, ngài viết:

“Tôi hy vọng Venezuela thoát khỏi tình trạng tiêu cực này”.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y thứ hai qua đời do dịch bệnh. Vị Hồng Y đầu tiên là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia, qua đời ngày 13 tháng Giêng năm 2021.


Source:Sismografo
 
Đức Hồng Y Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu đã chích ngừa vẫn nhiễm covid
Đặng Tự Do
05:14 24/09/2021


Trong bài phỏng vấn có nhan đề “Bagnasco: l'Europa sia davvero una famiglia di popoli”, nghĩa là “Đức Hồng Y Bagnasco nói: Âu Châu thực sự là một gia đình các dân tộc” vào ngày 23 tháng 9 năm 2021 với Vatican News, Đức Hồng Y Bagnasco đã tiết lộ một điều ít cơ quan truyền thông nào dám đăng tải.

Khi được phóng viên hỏi:

“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Một bộ phận lớn người dân bày tỏ sự phản đối với việc tiêm phòng và tính chất bắt buộc của giấy thông hành xanh ở Ý. Đức Hồng Y cảm thấy mình có thể đưa ra gợi ý nào vào thời điểm này không?”.

Đức Hồng Y trả lời như sau:

“Tôi chỉ đơn giản nói kinh nghiệm của tôi, rằng tôi đang bị nhiễm coronavirus đây, nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ nhàng, không có triệu chứng cụ thể và tôi nghĩ rằng sự nhẹ nhàng này chắc chắn là do thực tế là tôi đã hoàn thành việc tiêm chủng từ tháng 5 năm ngoái. Vì vậy, người ta chắc chắn biết rằng ngay cả khi đã tiêm vắc xin, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ. Đây là kinh nghiệm của tôi.”

Trong các tường thuật trên các phương tiện truyền thông chính mạch hiện nay, chúng ta không ngừng đọc thấy những tin những người phản đối vắc xin bất ngờ chết thảm vì coronavirus. Ít khi nào chúng ta thấy các nhận định trung thực như của Đức Hồng Y Bagnasco. Chúng tôi không có ý định phản đối vắc xin, xin vui lòng đừng xuyên tạc ý kiến của chúng tôi. Ý chúng tôi muốn nói là cho dù đã chích cả hai liều chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Vì thế, dù đã chích vắc xin, vẫn phải cẩn thận.
Source:Vatican News
 
Thượng Hội Đồng Giám Mục 2021-2023
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:39 24/09/2021
Trong buổi gặp gỡ với 400 tín hữu thuộc Giáo phận Roma ngày 18/9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023. Cuộc hành trình là “một sự năng động của lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở tất cả các cấp của Giáo Hội, có sự tham gia của toàn thể dân Chúa.” Chủ đề là: “Vì Giáo hội Đồng nghị: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Thượng Hội Đồng sẽ khai mạc long trọng vào ngày 9-10 tháng 10 tại Roma và vào ngày 17 tháng 10 tại mỗi Giáo hội địa phương. Giáo phận như là Giáo hội hành động cùng nhau để trở thành “một dân tộc vĩ đại”. Giai đoạn nền tảng sẽ là việc tổ chức Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra vào tháng 10 năm 2023, sẽ được tiếp theo bởi những giai đoạn thực hiện liên quan đến các Giáo hội địa phương.

Giai đoàn đầu tiên của tiến trình (tháng 10 năm 2021 – tháng 4 năm 2022) là giai đoạn liên quan đến các Giáo hội giáo phận riêng lẻ. “Đó là lý do tại sao tôi ở đây, với tư cách là giám mục của anh chị em, để chia sẻ, bởi vì điều rất quan trọng là Giáo phận Roma phải cùng nhau dấn thân với niềm xác tín vào cuộc hành trình này”, Đức Giáo Hoàng nói. Người giải thích rằng “tính đồng nghị thể hiện bản chất của Giáo Hội, hình thức, phong cách của nó, sứ vụ của nó”. Từ "hội đồng", trên thực tế, chứa đựng tất cả những gì chúng ta cần hiểu: "Bước đi cùng nhau".

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết giai đoạn cấp giáo phận là rất quan trọng vì nó liên quan đến việc lắng nghe tất cả những người đã được rửa tội. Người nhấn mạnh rằng “có nhiều lực cản để vượt qua hình ảnh một Giáo hội bị phân chia cứng nhắc giữa lãnh đạo và cấp dưới, giữa những người dạy và những người phải học, mà quên mất rằng Chúa thích lật ngược các vị trí. Bước đi cùng nhau khám phá chiều ngang chứ không phải chiều dọc như đường thẳng của nó ".

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XVI sẽ thu góp tài liệu như sau: 1/Tài liệu Chuẩn bị (tháng 9 năm 2021). 2/ Cử hành Hội nghị Giáo phận (9& 10 tháng 10 tại Roma và ngày 17 tháng 10 tại các giáo phận địa phương). 3/ Tổng hợp từ Hội nghị các Giáo hội Đông phương và các Hội đồng Giám mục (tháng 10 năm 2023). 4/ Tài liệu Làm việc (tháng 9 năm 2022). 5/ Hội nghị các Miền hoặc các Châu (trước tháng 3 năm 2023) gồm các Hội nghị Quốc tế của các Hội đồng Giám mục. 6/ Tài liệu cuối cùng (tháng 3 năm 2023). 7/ Tài liệu Làm việc 2 (tháng 6 năm 2023). 8/ Tài liệu cuối cùng tại Roma (tháng 10 năm 2023)

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Không tin cũng xảy ra: Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan bị đấm vào mặt vì đọc kinh Mân Côi
Đặng Tự Do
16:33 24/09/2021


Nhóm vận động Công Giáo Văn minh Kitô Giáo Ái Nhĩ Lan gần đây đã tổ chức một buổi đọc kinh Mân Côi trong một cuộc diễu hành tự hào đồng tính ở Cookstown, County Tyrone, Bắc Ái Nhĩ Lan.

Nhóm cho biết họ đã tổ chức buổi đọc kinh Mân Côi để “cầu nguyện phạt tạ” cho những xúc phạm đến Chúa trong cuộc diễu hành tự hào đồng tính. Trong cuộc diễu hành này, người ta nhận thấy có những trò công khai chống báng đức tin và Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người đã mặc quần áo như các linh mục trong khi giơ cao các khẩu hiệu tục tĩu, cổ vũ cho những hành vi dâm đãng.

Đoạn video ngày 20 tháng 9 cho thấy một số người đàn ông đứng trên vỉa hè mang tượng Đức Mẹ Fatima và đang lần hạt Mân Côi.

Một người đàn bà tham gia cuộc diễu hành tự hào hùng hổ tiến đến người tổ chức buổi lần chuỗi Mân Côi là ông Gerry McGeough. Y thị đấm mạnh vào mặt của ông. Cảnh sát đã ngay lập tức tạm giữ người đàn bà hung hăng này.

McGeough giải thích những gì đã xảy ra trong video dưới đây:

“Chúng tôi đã có mặt để cầu nguyện một chuỗi tràng hạt Mân Côi đền tạ một cách ôn hòa

Như bạn đã thấy, những người thuộc đoàn diễu hành đó rất hậm hực với chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự nhã nhặn của mình. Chúng tôi tiếp tục lần chuỗi Mân Côi. Chúng tôi đã lần chuỗi trong lặng lẽ.

Cá nhân tôi đã bị hành hung. Một người đầy căm ghét và thù hận đã đến và đấm vào mặt tôi.

Người dân đã bị đầu độc bởi toàn bộ chương trình nghị sự đồng tính luyến ái, vấn đề phá thai và ngừa thai. Mọi thứ về cơ bản đều chống Công Giáo. Đã đến lúc những người Công Giáo chúng ta phải đứng lên và đừng sợ hãi. Ra ngoài và cầu nguyện! Và có mặt ở đó. Hãy tiến về phía trước!

Tổ tiên của chúng ta đã phải chịu đựng ngục tối, lửa và gươm giáo để giữ cho đức tin tồn tại ở đất nước này. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu anh chị em làm là đi ra ngoài và cầu nguyện một chuỗi hạt. Đôi khi anh chị em có thể bị đấm vào mặt, nhưng điều đó chẳng là gì so với việc bị ném vào lửa như tổ tiên chúng ta.”

“Nhưng ai biết được? Điều đó có thể xảy đến trong tương lai, và nếu nó xảy ra, chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó”.

Ông McGeough kết luận với lời cầu nguyện sau:

“Lạy Đức Mẹ Fatima, xin hãy cầu cho chúng con!”
Source:Church POP
 
Người Công Giáo vội vã cứu nhà thờ khi núi lửa phun trào, đe dọa nhấn chìm giáo xứ Tây Ban Nha
Đặng Tự Do
16:33 24/09/2021


Những ngày gần đây, núi lửa Cumbre Vieja của Tây Ban Nha phun trào trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary đã khiến nhiều người trên thế giới xúc động trước thảm cảnh này.

Dung nham tiến qua một số thị trấn trên đảo, tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó. Lần cuối cùng núi lửa phun trào như thế này là vào năm 1971. Các chuyên gia cho rằng dung nham có thể tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng.

Dung nham đang “tiến rất chậm” về phía Đại Tây Dương. Nó đã phá hủy hơn 150 ngôi nhà và gần 200 tòa nhà. Hiện tại, những khối đá nóng chảy đang tiến đến Todoque, Tây Ban Nha và cộng đồng Công Giáo ở đây đang chiến đấu để cứu nhà thờ và trường học.

Nhà thờ Thánh Piô 10 nằm trên con đường dung nham của núi lửa tiến ra đại dương. Các giáo dân của nhà thờ đã vội vã cứu những gì họ có thể mang theo, bao gồm cả các băng ghế, thánh giá và các vật dụng khác.

Cha Alberto Hernández đã cùng với anh chị em di tản ra thành phố, nơi có lẽ an toàn hơn. Tại đây, ngài dành hết thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ cho anh chị em giáo dân bị mất nhà cửa.

“Họ là những người đơn sơ, giản dị và chăm chỉ. Đa số là các nông dân và một số nhân viên làm việc cho chính phủ”, vị linh mục nói. “Họ là những người đã xây dựng nhà cửa của mình và sống ở nông thôn, không quen với đời sống thành thị. Chúng ta hãy tin tưởng rằng các nhà chức trách sẽ đáp ứng và viện trợ sẽ đến”.

Một mối quan tâm khác của cộng đồng là ngăn chặn dung nham núi lửa phá hủy cấu trúc của giáo xứ. Những người hàng xóm và nhân viên cứu hỏa làm việc không mệt mỏi để đặt các rào cản nhằm chuyển hướng dòng chảy của dung nham.


Source:Church POP
 
Đức Hồng Y Kasper bày tỏ âu lo về Tiến Trình Công Nghị Đức: Nhiều người thắc mắc liệu tất cả điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không
Đặng Tự Do
16:34 24/09/2021


Đức Hồng Y Walter Kasper một lần nữa bày tỏ mối quan tâm của ngài về “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo hội tại Đức. Lần này, ngài nồng nhiệt bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của ngài đối với đề xuất mà một giám mục Đức trình bày hồi đầu tháng này nhằm chống lại xu hướng Tin lành hóa Giáo Hội của một số Giám Mục Đức.

Hôm 17 tháng 9, Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích văn bản chính thức của một trong những chủ đề của Tiến Trình Công Nghị - về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội. Ngài cho rằng nghị trình này đang cố gắng “tái tạo lại Giáo hội, có thể nói như thế, với sự trợ giúp của một khung lý thuyết và thần học cấp tiến”.

Ngài nói: “Có nhiều điều chính xác trong đó”, nhưng bên cạnh đó cũng có “nhiều điều là giả thuyết” và “cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không”.

“Một số tuyên bố, rõ ràng là đi chệch khỏi những mối quan tâm cơ bản của Công đồng Vatican II, chẳng hạn, sự hiểu biết bí tích về Giáo hội và giám mục”.

Vị Hồng Y người Đức cho biết một văn bản thay thế cho văn bản chính thức, có tựa đề “Quyền hạn và trách nhiệm” đã được Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg công bố ngày 3 tháng 9 trên một trang web mới, phân tích rõ ràng các vấn đề hiện có, phù hợp với Công đồng Vatican II, và đề xuất các bước cải cách hiệu quả và khả thi.

“Tài liệu này đặt rõ ràng trên cơ sở của Công Đồng, là những điều phổ biến đối với tất cả chúng ta. Tài liệu ghi nhận những vấn đề vẫn mở ngỏ mà Công Đồng để lại và tìm cách tiếp tục trên con đường của Công Đồng, trên nền tảng an toàn của Công Đồng”.

Ngài nói thêm rằng khi làm như vậy, chúng ta “không cần thiết phải đảo lộn mọi thứ”, và “người ta có thể vươn xa hơn Công Đồng, theo tinh thần của Công Đồng, mà không mâu thuẫn với các giáo huấn của Giáo hội”.

“Đây là cách thức của truyền thống sống động, cách thức của Giáo Hội”, Đức Hồng Y Kasper nói thêm. “Nó hiểu truyền thống không phải như một pháo đài ngăn cấm, nhưng như một lời mời gọi lên đường của Giáo hội và ngạc nhiên trước những hiểu biết mới”.

Văn bản thay thế dài 45 trang do Đức Cha Voderholzer công bố được đồng tác giả bởi một nhóm bốn người gồm giáo dân và giáo sĩ: Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện thành phố Bonn; Marianne Schlosser, một giáo sư thần học ở Vienna, Áo; nhà báo Alina Oehler; và Đức Cha Florian Wörner, Giám Mục Phụ Tá của Augsburg.

Mục đích đã nêu của họ là “vạch ra các bước cụ thể để cải cách có thể được thực hiện trong sự trung thành với đức tin và phù hợp với cơ cấu luật pháp của Giáo Hội, nhưng cũng cho thấy rằng các câu hỏi mà xã hội đặt ra cho Giáo hội được xem xét một cách nghiêm túc”.

Nhưng một đề nghị thảo luận về sự đóng góp của họ trong tiến trình thượng hội đồng đã bị thẳng thừng từ chối bởi lãnh đạo của Diễn đàn Thượng hội đồng là Claudia Lücking-Michel và Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen.

Diễn đàn “về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội” là một trong bốn diễn đàn tạo nên “Tiến Trình Công Nghị”. Đó là một quá trình kéo dài trong 2 năm, dự kiến kết thúc vào tháng Hai, năm 2022; được cho là nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ba diễn đàn khác liên quan đến đạo đức tình dục, luật độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.

Cha Picken cho biết ngài thấy những phát biểu của Đức Hồng Y Kasper xác nhận quan điểm “rằng văn bản diễn đàn chính thức một phần dựa trên những giả thuyết thần học không thể giải thích được và do đó có khả năng bị thất bại trong điều kiện của Giáo hội trên thế giới”.

“Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh tầm quan trọng là Tiến Trình Công Nghị phải làm sao cho các giải pháp mà họ đưa ra là khả thi đối với mọi người”, Cha Picken nói. “Do đó, ngài ủng hộ yêu cầu của chúng tôi về một cuộc tranh luận cởi mở và sôi nổi. Thật không may, những người phụ trách Tiến Trình Công Nghị đã từ chối làm điều đó”.

“Trước sự thất vọng của chúng tôi, các chủ tọa của Diễn đàn Tiến Trình Công Nghị đã từ chối yêu cầu của một thành viên muốn thảo luận về văn bản thay thế trong diễn đàn. Do đó, họ đang ngăn chặn đối thoại cởi mở và loại trừ toàn bộ nhóm chúng tôi. Tôi xem đây là một bản cáo trạng cho diễn đàn liên quan đến quyền lực, sự phân chia quyền lực và sự tham gia”.

“Hết lần này đến lần khác, chúng tôi đã phải kinh qua tình trạng bị gạt ra bên lề và bị buộc phải im lặng. Điều này một cách công khai và trực tiếp mâu thuẫn với ý nghĩa của tính đồng đoàn và tất cả những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất về Thượng Hội Đồng 2021-2023 sắp tới về tính đồng đoàn cho Giáo hội hoàn vũ.”
Source:National Catholic Register
 
Tân liên minh AUKUS và Tòa Thánh
Vũ Văn An
17:41 24/09/2021

Ngày 15 tháng 9, 2021, Thủ tướng Úc, Scott Morrison cùng Tổng thống Mỹ, Joe Biden, và Thủ tướng anh Boris Johnson, chính thức công bố ngày ra đời của tân liên minh quân sự AUKUS. Phần lớn nội dung của việc công bố hôm ấy cho người ta cảm giác chỉ là để Úc có một đội tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.



Dư luận ở Úc nói chung phấn khởi về tin này, kể cả phe đối lập ở đây. Nhưng chỉ vài phút sau, tin ấy gặp phản ứng dữ dội từ phía một số quốc gia láng giềng của Úc và nhất là của Pháp, nước cảm thấy thiệt thòi hơn cả vì vừa bị mất khế ước trị giá lên đến 53 tỷ Euros xây dựng đoàn tầu ngầm qui ước cho Úc, vừa bị cho ra rìa tại một vùng họ có đến 7 ngàn binh lính trú đóng thường xuyên và đến chục lãnh thổ dưới ảnh hưởng trực tiếp của họ.

Tuy nhiên, câu chuyện không dừng ở đấy khi người ta thấy cả Tòa Thánh cũng lên tiếng không tán thành. Ngay trước khi Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lên tiếng, nhà báo John Allen đã cho rằng với tân liên minh này, Tòa Thánh không hẳn đứng ngoài cuộc để tình hình thế giới muốn xoay vần ra sao thì ra.

Theo ký giả trên, đây là lúc Âu Châu càng phải đoàn kết hơn để tạo một thế đứng độc lập trước việc tái sắp xếp hàng ngũ chuẩn bị cho cuộc chiến thanh lạnh mới giữa AUKUS và Trung Hoa. Ông gọi liên minh mới này là liên minh Anglo-Saxon, một liên minh chắc chắn sẽ buộc thế giới phải thay đổi trục xoay.

Kể từ sau Thế chiến II, luôn luôn là “Tây Phương” nghĩa là Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc Châu, chống lại một ai đó, bất luận là Xô Viết thời Chiến tranh Lạnh hay thánh chiến Hồi Gáo hoàn cầu sau ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nay xem ra là các cường quốc Anglo-Saxon và Trung Hoa, với Âu Châu một là bị đẩy qua bên lề hai là phải tự tìm ra vai trò mới cho chính mình.

Theo Allen, vai trò đó có thể là cây cầu bắc giữa Trung Hoa và AUKUS, cổ vũ đối thoại, giải quyết tranh chấp và giảm thiểu căng thẳng khi nổ ra. Những mục tiêu này dĩ nhiên được Tòa Thánh hết lòng hỗ trợ.

Và nếu Âu Châu cần ngồi lại với nhau thì điều họ cần là người lãnh đạo. Hiện nay, Merkel của Đức sắp sửa về hưu và đảng của bà đang ở thế đi xuống. Vai trò lãnh đạo Âu Châu dường như sẽ rơi vào trục Pháp Ý nhất là Ý với Thủ tướng Mario Draghi đang trên đà thu hút sự chú ý của quốc tế. Thực thế, nổi tiếng nhờ cứu đồng Euro lúc đứng đầu Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu và sau này với việc mở rộng “Chiếu khán Xanh” (Green Pass) đã cứu Ý thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, Mario Draghi hiện được công luận Ý chấp nhận đến 70%, làm nền kinh tế Ý gia tăng 6% trong năm 2021 và giảm nợ dưới 10% sản lượng quốc gia.

Theo Allen, Draghi sẽ cung cấp tầm nhìn chiến lược, trong khi Đức Phanxicô cung cấp vai trò lãnh đạo tinh thần.

Dĩ nhiên, đó chỉ là dự kiến. Trên thực tế, như trên đã nói, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin đã chính thức lên tiếng về tân liên minh AUKUS.

Theo Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 23 tháng 9, Đức Hồng Y Parolin tỏ ý lo ngại trước việc công bố sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Thống nhất (Anh) và Úc.

Trả lời câu hỏi của các ký giả bên cạnh cuộc họp của Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) ở Rome, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “Tòa Thánh chống lại việc tái trang bị và mọi cố gắng đã và đang được đưa ra theo chiều hướng loại bỏ vũ khí hạt nhân vì chúng không phải là cách duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, thậm chí chúng còn tạo thêm nhiều nguy hiểm hơn cho hòa bình và cả nhiều tranh chấp hơn nữa”.

Ngài nói thêm, “trong viễn kiến này, viễn kiến vốn là đặc điểm của Tòa Thánh, người ta không khỏi lo lắng” đối với liên minh mới này.

Trở lại vai trò “bắc cầu”. Dường như chủ tịch Ủy ban Âu Châu không hẳn thích vai trò ấy cho bằng vai trò lãnh đạo quân sự. John Allen, trong bài “Tại sao vị Giáo Hoàng hòa bình có thể đứng đàng sau một Châu Âu đang chuẩn bị chiến tranh” (Why a ‘peace pope’ could get behind a Europe preparing for war), viết rằng Bà Ursula von der Leyden, Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu, vừa lên tiếng thúc giục Liên Hiệp Âu Châu phát triển khả năng quân sự chung sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan. Bà nói: “bạn có thể có các lực lượng tiên tiến nhất thế giới, nhưng nếu bạn không sẵn sàng sử dụng chúng, thì có ích lợi gì?”

Những lời kêu gọi như thế càng gia tăng sau khi liên minh AUKUS được công bố và sau cả lời bảo đảm của Joe Biden tại Liên Hiệp Quốc sẽ không có chiến tranh nóng hoặc lạnh. Chỉ vài giờ sau, tổng ủy viên thị trường Âu Châu Thierry Bretton nói với Hội Đồng Đại Tây Dương rằng niềm tin vào Hoa Kỳ ở khắp Âu Châu “đã xói mòn” và giờ đã đến để Âu Châu tự tái định vị trí để hành động một mình.

Khổ một điều, thứ Tư vừa qua, trên tờ Corriere della Sera, tờ báo hàng đầu của Ý, bình luận gia và nhà khoa học chính trị Ý Ernesto Galli della Loggia nêu câu hỏi: ai đích xác có thẩm quyền phái một lực lượng như thế vào cuộc chiến? Không phải cuộc chiến nhân đạo hay duy trì hòa bình như hiện nay, cũng không phải là cuộc chiến đẩy lui kẻ xâm lược ngay ở Âu Châu, tức một lực lượng phòng vệ như NATO hiện nay mà là một quân đội có sứ mệnh dự phóng và bảo vệ quyền lợi Âu Châu trên khắp thế giới, theo kiểu cổ điển theo đó các nhà nước và đế quốc vẫn triển khai lực lượng quân sự trong các thế kỷ qua như cánh tay vươn dài của ngoại giao.

Chẳng hạn, giả dụ tình hình ở Afghanistan đối với phụ nữ dưới quyền cai trị của Taliba trở nên tồi tệ đến không chịu nổi nhưng Hoa Kỳ chắc chắn không có lòng dạ nào muốn can thiệp, thì ai ở Âu Châu có thể ra lệnh cho tư lệnh quân đội chung lên đường tận diệt Taliba vĩnh viễn?

Galli della Loggia cho rằng chỉ có thể là Hội Đồng Các Quốc Trưởng và Chính Phủ của 27 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Âu Châu. Có bao giờ đa số họ đồng ý ra lệnh không? Galli della Loggia cho hay thoạt đầu, các cha đẻ của Liên hiệp Âu Châu muốn nó là một dự án chính trị, nhưng không thành, Liên hiệp Âu Châu phần lớn chỉ lo giao thương với hy vọng nền kinh tế chung rồi ra sẽ dẫn đến một kết hợp chính trị sâu sắc hơn. Nhưng 70 năm sau, nền kinh tế chung vẫn chỉ là nền kinh tế chung.

Không rõ các biến cố gần đây có thay đổi được gì không? Allen thì hy vọng có, vì gần đây có tường trình cho rằng Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã ra hiệu ông đang tái xét lời yêu cầu lâu năm của Đức muốn Pháp rời bỏ ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để đổi lấy việc hỗ trợ một chính sách ngoại giao và một hệ thống quốc phòng chung cho liên hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng lắm Liên hiệp này chỉ tiến tới được một dự án chính trị như mơ ước của các cha đẻ ra nó. Và như Đức Phanxicô nhiều lần nhấn mạnh, trong cả chuyến viếng thăm Hungary và Slovakia mới đây, mơ ước của họ là một tinh thần và tinh thần này theo John Allen chính là chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo. Nó nhất định sẽ là nền tảng chung của Liên hiệp Âu Châu mới, dù không ai ở Tây Âu trong thế kỷ 21 lớn tiếng thừa nhận điều đó.

Người ta vẫn cho rằng khối Anglo-Saxon chịu ảnh hưởng của phái Calvin Thệ Phản, đề cao các thành phần ưu tú, trong khi chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo mà các cha đẻ của Liên hiệp Âu Châu ấp ủ bao trùm hết mọi con người không phân biệt. Chỉ có một chủ nghĩa như vậy mới đóng được vai trò bắc cầu như John Allen tưởng nghĩ.
 
Đức Thánh Cha nhắn nhủ vị Thượng phụ Armenia mới: Hãy gần gũi với Syria và Lebanon
Thanh Quảng sdb
18:13 24/09/2021
Đức Thánh Cha nhắn nhủ vị Thượng phụ Armenia mới: Hãy gần gũi với Syria và Lebanon

Trong lá thư “Hiệp Thông”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho vị Thượng phụ mới của Giáo Hội Công Giáo Armenia, người được bầu chọn vào ngày 23 tháng 9. Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Raphaël Bedros XXI Minassian của Cilicia tại Vatican vào thứ Sáu (24/9/2021).

(Tin Vatican)

Sau cuộc bầu cử, Đức Thượng phụ Cilicia của người Armenia đã viết cho Đức Thánh Cha Phanxicô một lá thư “Hiệp Thông” (Ecclesiastica Communio), mà Đức Thánh Cha đã phúc đáp lại bằng một lá thư hôm thứ Năm (23/9/2021). Trong đó Đức Thánh Cha cho biết ngài chia sẻ niềm vui với Giáo Hội Công Giáo Armenia, đã có Thượng hội đồng nhóm họp lần đầu tiên ở Lebanon và sau đó ở Rome để bầu người kế vị thay thế Đức Krikor Bedros XX Gabroyan, người đã qua đời vào ngày 25 tháng 5.

Tòa Thượng phụ Công Giáo Armenia ở Cilicia là một trong 22 Giáo Hội Công Giáo phương Đông hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Tòa thượng phụ có trụ sở chính tại Beirut, Lebanon.

Syria, Lebanon

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến những đau khổ của người dân Syria và Lebanon, nơi có Tòa Thượng Phụ Cilicia của người Armenia. Ngài cũng cho hay đại dịch "vẫn còn dai dẳng lâu dài mới có thể được khắc phục được ở nhiều nơi trên thế giới."

Trong tình huống này, ĐTC nói, "tất cả những người có thiện chí, đặc biệt là Kitô hữu, được kêu gọi trở thành anh chị em láng riềng với nhau, giúp nhau vượt qua sự thờ ơ và cô đơn." ĐTC viết: “Ngay cả trước những trận lũ lụt lịch sử và bão trong các sa mạc của thời đại chúng ta, chúng ta có thể và hướng về Đấng bị đóng đinh và Phục sinh.”

Sự đau khổ của người Armenia

Đức Thánh Cha viết: Người Armenia được coi là “dân bị đau khổ triền miên”, vì họ đã trải qua nhiều thử thách trong suốt hơn 1.700 năm lịch sử Kitô giáo. Họ có "một khả năng sinh tồn và làm phát sinh hoa trái, nhờ sự thánh thiện và khôn ngoan của các thánh và các vị tử đạo, nền văn hóa của các hiền triết và tư tưởng, nghệ thuật biết ghi dấu vào thánh giá như một cây sự sống, dấu chứng cho niềm tin chiến thắng trước mọi nghịch cảnh bất lợi..."

Ký ức và truyền thống của người Armenia

Đức Thánh Cha cũng ghi nhận Giáo hội Armenia đã hoàn toàn hòa nhập cuộc vào cuộc sống của người Armenia, bảo tồn ký ức và truyền thống của họ, đồng thời liên kết sâu sắc với Đấng kế vị Tông đồ Phêrô. Ngài giao phó sự chăm sóc các thế hệ trẻ, việc thăng tiến ơn gọi, và tìm ra sự hòa hợp khôn ngoan giữa các thực thể khác nhau của cộng đồng, chẳng hạn như các Nữ tu Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Giáo hội Mekhitarist, và Viện Thượng phụ Bzommar, cũng như nhiều người Công Giáo Armenia được hình thành và sống giữa những người Công Giáo La mã như là những nhận thức di sản của Armenia.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng Đức Mẹ toàn thắng; và các thánh của Armenia như thánh Gregory Narek, người được Giáo hội tuyên phong là Tiến sĩ Giáo hội, hướng dẫn và cầu bầu cho Đức Thượng phụ mới. ĐTC hy vọng, đặc biệt là Giáo hội Armenia cùng với Giáo Hội Công Giáo làm nên “con đường của tình huynh đệ đích thực và đối thoại đại kết cho các anh chị em chúng ta”.

Đức Thượng Phụ Raphaël Bedros đã tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài tới Armenia từ ngày 24 đến 26 tháng 6 năm 2016.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh sự cứu giúp.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:41 24/09/2021
Hình ảnh sự cứu giúp.

Con người xưa nay khi gặp nguy hiểm, gặp tai nạn, rất mong cần được cứu giúp. Xưa nay vẫn hằng luôn có những hội đoàn, những cá nhân hy sinh dấn thân làm công việc bác ái tình người này.

Và chính phủ các quốc gia đặt xếp chương trình cứu giúp trong đời sống xã hội lên hàng quốc sách ưu tiên về lòng nhân đạo cùng có tính cách bắt buộc nữa, nhất là khi con người vướng mắc vào hoàn cảnh nguy hiểm khốn khó bị đe dọa.

Ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giêsu xuống trần gian rao giảng giáo lý lòng nhân đạo bác ái ơn cứu giúp cho đời sống tinh thần linh hồn con người.

Vậy Ngài dùng hình ảnh gì để diễn tả sứ điệp tin mừng này?

Kinh Thánh nơi các sách phúc âm viết thuật lại những lời rao giảng của Chúa Giêsu về cung cách sống cứu giúp chính mình và người khác cho được lãnh nhận ơn cứu độ phần linh hồn. Một trong những đối tượng Chúa Giêsu thường nói tới là các trẻ em:

“Nếu người nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.” ( Mc 9,42)

Ngày nay trong đời sống xã hội con người nói chung, nhất là vai trò trẻ em, người trẻ được tôn trọng có chỗ đứng quan trọng và tiếng nói của họ có kí lô sức mạnh được chú ý lắng nghe ngày càng nhiều.

Thứ sáu ngày 20. 08. 2018 cô bé Greta Thunberg, sinh năm 2003 là công dân nước Thụy Điển, cảm nhận nhìn ra nguy cơ môi trường sinh sống trên trái đất đang gặp nguy cơ bị tàn phá hủy hại do độ nóng đang dần lên cao. Nên cô bé Thunberg đã một mình ra ngồi trước tòa nhà Quốc Hội nước Thụy Điển với bảng biểu ngữ „Skolstrejk för klimatet – Bãi học để cứu nguy khí hậu“.

Hành động biểu tình với lời kêu gọi bãi học để cứu nguy bảo vệ môi trường thiên nhiên của cô bé Thunberg đã nhanh chóng lan rộng kéo sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới. Nó gợi ý tưởng cho các người trẻ lứa tuổi học sinh như cô Thunberg tập họp thành phong trào cứ vào ngày thứ sáu hằng tuần bãi học kéo nhau đi biểu tình ngoài đường phố với khẩu hiệu: Bãi học để cứu nguy khí hậu môi trường.

Cô bé Thunberg và các bạn trẻ lứa tuổi học sinh với phong trào bãi học ngày thứ Sáu muôn nói lên tiếng báo động hãy cứu nguy khí hậu cùng muốn mọi người chú ý cùng tích cực hành động để trái đất, ngôi nhà sinh sống của nhân loại không bị tàn phá vì đang bị nóng lên.

Ngày 15.05.1919 nữ giáo sư Eglantynne Jebb người Anh quốc, bị tòa án ở London kết án tù 11 ngày và phải nộp phạt 05 Pfund tiền Anh quốc. Vì vị nữ giáo sư đã đi phân phát những tờ truyền đơn kêu gọi giúp đỡ mà không được phép. Trên tờ truyền đơn in hình một em bé người Áo gầy gò ốm yếu thiếu dinh dưỡng trầm trọng.

Nhưng trong giờ nghỉ giữa phiên án xử, chính vị thẩm phán hôm đó đã đóng góp tặng 05 Pfund cho các trẻ em bên Berlin và bên Wien thủ đô nước Áo.

Từ đó “ Save the children Fund” sau biến thành “ Save the children – Cứu giúp các trẻ em” thành hình được thành lập. Các người phụ nữ mong muốn cứu giúp các trẻ em bao nhiêu có thể giúp thoát khỏi cảnh nghèo đói thiếu dinh dưỡng cùng ngăn chặn nguy cơ tử vong nơi các trẻ em do hậu qủa của chiến tranh thế giới thứ nhất ( 1914-1918) gây ra kinh hoàng cho con người. Từ đó hằng có những ống lon kêu gọi quyên góp tiền giúp đỡ các trẻ em trên đường phố các nước xã hội bên Âu Châu.

Ngày nay hội trợ giúp “ Save the children “ có mặt trụ sở trên 120 quốc gia đất nước ở khắp thế giới. Hội từ thiện này đã cứu giúp không biết bao nhiêu trẻ em cần sự cứu giúp trên thế giới. Một đóng góp cứu giúp nhân đạo to lớn cho nhân loại!

S O S: Save our ship – save our soul = Xin Cứu giúp con thuyền chúng tôi – Xin Cứu giúp linh hồn sự sống chúng tôi!

Ba mẫu tự SOS chúng ta ngày nay đọc thấy nơi những cột dựng khắp nơi có số điện thoại cứu giúp trong lúc gặp nguy cơ khốn khó khắp nơi hay nơi bên hông các xe cứu thương.

Dòng chữ SOS đầu tiên vào ngày 10.06.1909 được phát truyền đi từ con tầu chở hành khách RMS Slovania, khi con tầu đang di chuyển ngoài khơi đại dương gặp tai nạn vì thân tầu bị vỡ.

Từ đó không biết bao nhiêu người qua tín hiệu SOS này được cứu giúp cho thoát khỏi những nguy cơ đắm tâu thuyền trên đại dương sông nước cho không bị chết đuối, và cũng trên cả đường xe cùng nơi sa mạc hoang vu, cùng nơi núi rừng rậm thung lũng hiểm trở khắp nơi trên thế giới.

Chúa Giêu Kitô muốn qua lời giảng dạy cảnh báo nghiêm trọng cứu giúp con người, nhất là các trẻ em, các trẻ em gái là những người bị thiệt thòi nhiều trong xã hội ngày xưa thời Chúa Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã có lời dạy quyết liệt bênh vực giúp đỡ đứng về phía các trẻ em.

Lời lời giảng dạy cảnh giác của Chúa Giêsu truyền đi sứ điệp mang âm điệu mãnh liệt tàn bạo cứng rắn. Có thể Chúa Giêsu muốn người ta chú ý đến sự quan trọng của vấn đề kính trọng sự sống, cứu giúp bảo vệ trẻ em. Không người nào, không trẻ em nào phải chịu cảnh thiệt thòi đau khổ, phải chịu sự nguy hiểm khốn khó.

Sứ mệnh của Chúa đến trần gian để loan truyền tin mừng bình an bác ái cứu giúp con người, các trẻ em hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Đại tang của Giáo Hội Venezuela: Vị HY bị bao quanh bởi F0 đã qua đời. HĐGM công bố lời trăn trối
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:11 24/09/2021


1. Vị Hồng Y bị bao quanh bởi F0 đã qua đời trong niềm thương tiếc của các tín hữu Mỹ Châu Latinh

Trong bản tin hôm thứ Năm 23 tháng 9, Hội đồng Giám mục Venezuela, cho biết Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Thủ đô Caracas đã qua đời vì coronavirus vào ngày 23 tháng 9. Tin buồn ngay lập tức khiến người dân Venezuela rất đau lòng. Đức Hồng Y được nhiều người yêu mến và kính trọng không chỉ ở Mỹ châu Latinh, nơi ngài được nhiều người biết đến mà còn là trên toàn thế giới.

Vào ngày 27 tháng 8, một ngày trước sinh nhật thứ 79 của ngài, Đức Hồng Y được đưa vào một phòng khám ở Caracas và được chẩn đoán nhiễm coronavirus. Ngài đã lãnh nhận các bí tích bệnh nhân trước khi được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y duy nhất của Venezuela, và là Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas. Ngài là tiếng nói đối kháng, thường xuyên chỉ trích tên độc tài Nicolas Maduro.

Đức Hồng Y được tường trình là đã bị vây quanh bởi những người lạ khi ngài đang đi tản bộ và lần hạt trong một công viên.

Lần cuối cùng Đức Hồng Y xuất hiện trước công chúng là vào ngày 24 tháng 6 trong một thánh lễ tưởng niệm để vinh danh Trận chiến Carabobo, được tổ chức tại nhà thờ chính tòa của thành phố Valencia, Venezuela.

Vào ngày 3 tháng 9, các phương tiện truyền thông của chế độ loan tin ngài đã qua đời. Tổng giáo phận Caracas bác bỏ tin đồn này nhưng cho biết sức khỏe của vị Hồng Y trong tình trạng mỏng manh và ngài đang nhận được tất cả các can thiệp y tế cần thiết trong khu chăm sóc đặc biệt. Vào ngày 12 tháng 9, tổng giáo phận cho biết sức khỏe của vị Hồng Y đã xấu đi và ngài đang ở trong tình trạng “rất mong manh”.

Tuyên bố cho biết thêm rằng “chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Maria thành Coromoto và Chân phước José Gregorio Hernández, cầu xin sự bình phục cho vị Tổng giám mục hiệu tòa của chúng ta và cho tất cả những người bệnh”.

Hôm 28 tháng 8, Đức Hồng Y Urosa đã viết một thông điệp như một lời trăn trối “trong trường hợp phải được chăm sóc đặc biệt do tình trạng của tôi trở nên trầm trọng hơn, tôi muốn bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với Giáo hội, và tình yêu cho người dân Venezuela”.

Trong thông điệp của mình, vị Hồng Y bảo đảm rằng “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm linh mục “ và cầu xin “ sự tha thứ từ Chúa và tất cả anh em của tôi về những lỗi lầm mà tôi có thể đã phạm phải, đặc biệt là những thiếu sót”.

“Tôi cũng bày tỏ tình cảm to lớn của mình đối với người dân Venezuela và sự cống hiến tuyệt đối của tôi cho tự do của anh chị em, cho các thể chế của họ, để bảo vệ quyền của người dân trước những hành vi lạm dụng gây ra bởi nhà cầm quyền.”

Để kết luận, ngài viết:

“Tôi hy vọng Venezuela thoát khỏi tình trạng tiêu cực này”.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y thứ hai qua đời do dịch bệnh. Vị Hồng Y đầu tiên là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia, qua đời ngày 13 tháng Giêng năm 2021.


Source:Sismografo

2. Đức Hồng Y Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu tiết lộ một điều ít cơ quan truyền thông nào dám đăng

Trong bài phỏng vấn có nhan đề “Bagnasco: l'Europa sia davvero una famiglia di popoli”, nghĩa là “Đức Hồng Y Bagnasco nói: Âu Châu thực sự là một gia đình các dân tộc” vào ngày 23 tháng 9 năm 2021 với Vatican News, Đức Hồng Y Bagnasco đã tiết lộ một điều ít cơ quan truyền thông nào dám đăng tải.

Khi được phóng viên hỏi:

“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Một bộ phận lớn người dân bày tỏ sự phản đối với việc tiêm phòng và tính chất bắt buộc của giấy thông hành xanh ở Ý. Đức Hồng Y cảm thấy mình có thể đưa ra gợi ý nào vào thời điểm này không?”.

Đức Hồng Y trả lời như sau:

“Tôi chỉ đơn giản nói kinh nghiệm của tôi, rằng tôi đang bị nhiễm coronavirus đây, nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ nhàng, không có triệu chứng cụ thể và tôi nghĩ rằng sự nhẹ nhàng này chắc chắn là do thực tế là tôi đã hoàn thành việc tiêm chủng từ tháng 5 năm ngoái. Vì vậy, người ta chắc chắn biết rằng ngay cả khi đã tiêm vắc xin, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ. Đây là kinh nghiệm của tôi.”

Trong các tường thuật trên các phương tiện truyền thông chính mạch hiện nay, chúng ta không ngừng đọc thấy những tin những người phản đối vắc xin bất ngờ chết thảm vì coronavirus. Ít khi nào chúng ta thấy các nhận định trung thực như của Đức Hồng Y Bagnasco. Chúng tôi không có ý định phản đối vắc xin, xin vui lòng đừng xuyên tạc ý kiến của chúng tôi. Ý chúng tôi muốn nói là cho dù đã chích cả hai liều chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Vì thế, dù đã chích vắc xin, vẫn phải cẩn thận.
Source:Vatican News

3. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ khai mạc Hội Nghị Khoáng Đại Thứ 50 Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu

Lúc 5 giờ chiều thứ Năm 23 tháng 9, tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ khai mạc Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 50 của Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu. Các bài đọc trong Phụng Vụ lấy từ lễ nhớ thánh Piô Năm Dấu Thánh. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay lời Chúa giới thiệu cho chúng ta ba từ ngữ thách thức chúng ta trong tư cách là các Kitô hữu và các Giám mục ở Âu Châu: đó là suy tư, tái thiết và gặp gỡ.

Suy tư. Chúa nói với chúng ta, qua tiên tri Khác-gai. Hai lần Ngài nói với dân Người: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi!” (Kg 1: 5,7). “Đường lối” mà dân Chúa phải lưu tâm suy gẫm là đường lối nào? Chúng ta hãy nghe Chúa nói: “Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?” (Câu 4). Dân chúng, khi trở về từ cuộc lưu đày, đã lo lắng về việc xây dựng lại nhà cửa của họ; giờ đây, họ được an vị thoải mái tại nhà, trong khi ngôi nhà của Thiên Chúa nằm trong đống đổ nát, không có ai xây dựng lại. Những từ đó - “Hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi!” - là một thách thức bởi vì ngày nay, ở Âu Châu, các Kitô hữu chúng ta có thể bị cám dỗ để thu mình trong sự an toàn thoải mái, trong các cấu trúc, nhà cửa và nhà thờ của chúng ta, trong sự an ninh do truyền thống của chúng ta cung cấp, bằng lòng với một mức độ nhất trí nhất định, trong khi tất cả các nhà thờ xung quanh chúng ta đang trống rỗng và Chúa Giêsu ngày càng bị lãng quên.

Hãy nhìn xem có biết bao nhiêu người ngày nay không còn đói và khát Chúa nữa! Không phải vì họ xấu xa, mà vì không có ai đánh thức trong họ niềm khao khát đức tin và thỏa mãn cơn khát trong trái tim con người, “cơn khát bẩm sinh và vĩnh viễn” đã được Dante đề cập đến (Phần II, 19) và cũng là cơn khát mà chế độ độc tài của chủ nghĩa tiêu dùng đang nhẹ nhàng nhưng kiên quyết cố gắng làm cho người ta quên đi. Vì vậy, nhiều người bị lôi kéo đến chỗ chỉ cảm thấy các nhu cầu vật chất, mà không còn cảm thấy bất cứ nhu cầu nào đối với Thiên Chúa. Chắc chắn, chúng ta đang “bận tâm” về điều này, nhưng chúng ta có thực sự “bận tâm” với cách đối phó với nó không? Phán xét những người không tin hoặc liệt kê các lý do dẫn đến trào lưu tục hóa là điều dễ dàng, nhưng chung cuộc chẳng đi đến đâu. Lời Chúa thách thức chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta có cảm thấy lo lắng và thương xót cho những người không có được niềm vui khi gặp Chúa Giêsu, hay những người đã đánh mất niềm vui đó không? Chúng ta có cảm thấy thoải mái vì trong sâu thẳm mọi việc trong cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra như thường lệ, hay chúng ta cảm thấy bối rối khi thấy rất nhiều anh chị em của mình tách biệt khỏi niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu?

Qua tiên tri Khác-gai, Chúa yêu cầu dân Người suy tư về một điều khác nữa: “Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm” (câu 6). Nói cách khác, người dân có mọi thứ họ muốn, nhưng họ không hạnh phúc. Họ đã thiếu những gì? Chúa Giêsu gợi ý câu trả lời bằng những từ có vẻ giống với câu của Khác-gai: “Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25:42-43). Thiếu bác ái gây ra bất hạnh, vì chỉ tình yêu mới thỏa mãn được trái tim con người. Chỉ quan tâm đến công việc riêng của họ, cư dân Giêrusalem đã mất đi niềm vui đến từ sự nhưng không. Đây cũng có thể là vấn đề của chính chúng ta: chúng ta tập trung vào các quan điểm khác nhau trong Giáo hội, vào các cuộc thảo luận, chương trình nghị sự và chiến lược, và đánh mất đi chương trình thực sự, chương trình của Tin Mừng: sự thúc đẩy của lòng bác ái, lòng nhiệt thành cho đi nhưng không. Giải pháp cho các vấn đề và cho xu hướng tự hấp thụ vào chính mình luôn là tính nhưng không. Không có giải pháp nào khác. Đây là điều cần suy ngẫm.

Sau khi suy tư, chúng ta đi đến một bước khác: tái thiết lại. “Hãy xây dựng nhà Ta”, Thiên Chúa phán qua tiên tri Khác-gai (Kg 1: 8), và dân Chúa xây dựng lại đền thờ. Họ thôi bằng lòng với hiện tại yên bình và bắt đầu làm việc cho tương lai. Tuy nhiên, vì một số người phản đối điều này, nên Sách Biên niên sử cho chúng ta biết rằng dân chúng đã làm việc bằng một tay trên đá để xây dựng; và tay kia cầm kiếm để bảo vệ quá trình tái thiết này. Không dễ dàng gì để xây dựng lại đền thờ. Đây là những gì cần thiết để xây dựng ngôi nhà chung Âu Châu: chúng ta phải bỏ lại sau lưng những khả năng ngắn hạn và quay trở lại với tầm nhìn xa trông rộng của những người sáng lập ra Âu Châu, là điều mà tôi dám gọi là tầm nhìn tiên tri về tổng thể. Họ không tìm kiếm sự đồng thuận thoáng qua, mà mơ về một tương lai cho tất cả mọi người. Đây là cách các bức tường của ngôi nhà Âu Châu được dựng lên, và chỉ bằng cách này, chúng mới có thể được củng cố. Điều này cũng đúng đối với Giáo Hội, là nhà của Thiên Chúa. Để làm cho Giáo Hội xinh đẹp và được chào đón, chúng ta cần cùng nhau nhìn về tương lai chứ không phải khôi phục lại quá khứ. Đáng buồn thay, một số “não trạng hoài cổ” hiện đang là mốt thời trang, điều đó có thể tiêu diệt tất cả chúng ta. Chắc chắn, chúng ta phải bắt đầu từ nền tảng, vâng thực sự từ cội nguồn của chúng ta, bởi vì đó là nơi bắt đầu xây dựng lại: từ truyền thống sống động của Giáo Hội, dựa trên những gì là thiết yếu, tức là Tin Mừng, sự gần gũi và chứng tá. Chúng ta cần xây dựng lại từ nền tảng của mình là Giáo hội mọi lúc và mọi nơi, từ sự thờ phượng Thiên Chúa và tình yêu thương người lân cận, chứ không phải từ sở thích của chúng ta, không phải từ bất kỳ liên minh hoặc thương lượng nào mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ Giáo hội hoặc Kitô Giáo.

Anh em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh em về công việc xây dựng lại mà anh em đang theo đuổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa; điều đó không phải là dễ dàng. Cảm ơn anh em vì năm mươi năm đầu tiên phục vụ Giáo hội và Âu Châu. Chúng ta hãy động viên lẫn nhau, không bao giờ nản lòng hoặc lùi bước. Chúa đang kêu gọi chúng ta đến với một công việc huy hoàng, đó là công việc làm cho ngôi nhà của Ngài ngày càng được chào đón hơn, để mọi người có thể vào và cư ngụ tại đó, để Giáo Hội có thể mở rộng cửa cho tất cả mọi người và không ai bị cám dỗ chỉ nghĩ đến việc canh cửa và thay ổ khóa, là những cám dỗ đơn giản. Không, thay đổi diễn ra ở nơi khác: nó đến từ gốc rễ. Đó là chỗ từ đó bắt đầu việc xây dựng.

Dân Israel đã tự tay mình xây dựng lại Đền thờ. Những người xây dựng lại đức tin vĩ đại trên lục địa này cũng vậy. Chúng ta hãy nhìn lên các thánh bổn mạng. Họ đã làm phần việc nhỏ nhoi của mình trong niềm tin cậy nơi Chúa. Tôi nghĩ đến các thánh như Thánh Martinô, Thánh Phanxicô, Thánh Đaminh, Thánh Piô thành Pietrelcina, những người mà chúng ta mừng lễ hôm nay; cũng như những vị Thánh Bảo trợ khác như Thánh Biển Đức, Thánh Cyrilô và Methođiô, Thánh Bridget, Thánh Catêrina thành Siena và Thánh Teresa Benedicta của Thánh Giá. Các ngài đã bắt đầu với việc xây dựng lại chính họ, thay đổi cuộc sống của chính họ qua việc đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Các ngài không quan tâm đến thời kỳ đen tối, gian khổ và những chia rẽ luôn hiện hữu. Các ngài không lãng phí thời gian để chỉ trích hay đổ lỗi. Các ngài đã sống theo Phúc Âm, mà không cần lo lắng về uy danh hay chính trị. Vì vậy, với sức mạnh dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa, các ngài đã thể hiện phong cách gần gũi, từ bi và dịu dàng của Ngài - vì đó là phong cách của Thiên Chúa. Các ngài xây dựng tu viện, khai khẩn đất đai, làm sống động tinh thần của các cá nhân và đất nước. Các ngài không có một “nghị trình xã hội”, không có gì khác ngoài Tin Mừng. Và các ngài tiếp tục với Tin Mừng.

Hãy xây dựng lại ngôi nhà của Ta. Ở đây động từ “tái thiết” ở số nhiều. Tất cả việc xây dựng lại diễn ra cùng nhau, trong sự thống nhất, với những người khác. Các hình ảnh có thể khác nhau, nhưng sự thống nhất phải luôn được duy trì. Vì nếu chúng ta giữ ân sủng của toàn thể, thì Chúa vẫn tiếp tục xây dựng, ngay cả khi chính chúng ta vấp ngã. Ân sủng của toàn thể. Đây là lời kêu gọi dành cho chúng ta: hãy cùng nhau trở thành một Giáo hội, một Thân thể. Đây là ơn gọi của chúng ta với tư cách là những mục tử: hãy quy tụ đoàn chiên; chứ không phải phân tán đàn chiên hoặc giữ chiên bên trong những hàng rào đẹp, điều này thực tế sẽ giết chết đàn chiên. Xây dựng lại có nghĩa là trở thành những nghệ nhân của sự hiệp thông, những người thợ dệt nên sự hiệp nhất ở mọi cấp độ: không phải bằng mưu kế mà bằng Tin Mừng.

Nếu chúng ta xây dựng lại theo cách này, chúng ta sẽ cho phép anh chị em của chúng ta gặp gỡ Chúa. Đây là từ thứ ba, xuất hiện ở cuối bài Tin Mừng hôm nay. Hêrôđê cố gắng “gặp gỡ” Chúa Giêsu (x. Lc 9: 9).Ngày nay cũng như vào thời đó, nhiều người nói về Chúa Giêsu. Trong những ngày đó, họ nói: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại… Ông Êlia đã hiện ra… một trong các ngôn sứ xưa đã xuất hiện” (Lc 9: 7-8). Tất cả những người đó đều kính trọng Chúa Giêsu, nhưng họ không nắm bắt được sự mới mẻ của Ngài; họ đặt ngài vào trong những khuôn khổ đã định trước: Thánh Gioan, Tiên tri Elijah, và các tiên tri khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thể bị áp đặt vào khuôn khổ của các tin đồn hay những điều đã thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu luôn luôn mới, luôn luôn. Cuộc gặp gỡ với Người luôn gây kinh ngạc, và nếu anh chị em không cảm thấy sự ngạc nhiên đó trong cuộc gặp gỡ, anh chị em đã không gặp Chúa Giêsu.

Vì vậy, nhiều người ở Âu Châu xem đức tin là déja vu, một di tích của quá khứ. Tại sao? Bởi vì họ đã không nhìn thấy Chúa Giêsu đang làm việc trong cuộc sống của chính họ. Thông thường điều này là do chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, đã không thể hiện đầy đủ về Chúa Giêsu đối với họ. Thiên Chúa làm cho mình được nhìn thấy trong khuôn mặt và hành động của những người nam nữ được biến đổi bởi sự hiện diện của Ngài. Nếu các Kitô hữu, thay vì tỏa ra niềm vui lây lan của Tin Mừng, tiếp tục nói bằng một ngôn ngữ tôn giáo lạc hậu về trí tuệ và đạo đức, thì người ta sẽ không thể nhìn thấy Người Mục Tử Nhân Lành. Họ sẽ không nhận ra Đấng yêu thương từng con chiên của mình, gọi tên chúng và cưu mang chúng trên vai. Họ sẽ không nhìn thấy Đấng có niềm đam mê đáng kinh ngạc mà chúng ta rao giảng: vì đó là niềm đam mê làm tiêu hao, niềm đam mê dành cho nhân loại. Tình yêu thiêng liêng, nhân hậu và mạnh mẽ này tự nó là nét mới lâu đời của Tin Mừng. Anh em thân mến, chúng ta phải có những quyết định khôn ngoan và táo bạo, được thực hiện nhân danh tình yêu điên cuồng mà Chúa Kitô đã cứu chúng ta. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta đưa ra các lập luận cho Thiên Chúa, Ngài yêu cầu chúng ta chỉ cho người ta thấy Ngài, giống như cách các thánh đã làm, không phải bằng lời nói mà bằng cuộc sống của chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta cầu nguyện và sông thanh bần, sáng tạo và nhưng không. Chúng ta hãy giúp Âu Châu ngày nay - đang mờ nhạt với tình trạng mệt mỏi hiện nay của lục địa này - khám phá lại khuôn mặt trẻ trung mãi mãi của Chúa Giêsu và Hiền thê của Ngài. Làm thế nào chúng ta lại có thể không cống hiến hết mình để làm cho tất cả mọi người nhìn thấy vẻ đẹp không phai tàn này?
Source:Holy See Pres Office
 
Đau buồn: Người đàn bà hung dữ đấm vào mặt người Công Giáo Ái Nhĩ Lan đang đọc Kinh Mân Côi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 24/09/2021


1. Không tin cũng xảy ra: Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan bị đấm vào mặt vì đọc kinh Mân Côi

Nhóm vận động Công Giáo Văn minh Kitô Giáo Ái Nhĩ Lan gần đây đã tổ chức một buổi đọc kinh Mân Côi trong một cuộc diễu hành tự hào đồng tính ở Cookstown, County Tyrone, Bắc Ái Nhĩ Lan.

Nhóm cho biết họ đã tổ chức buổi đọc kinh Mân Côi để “cầu nguyện phạt tạ” cho những xúc phạm đến Chúa trong cuộc diễu hành tự hào đồng tính. Trong cuộc diễu hành này, người ta nhận thấy có những trò công khai chống báng đức tin và Giáo Hội Công Giáo. Nhiều người đã mặc quần áo như các linh mục trong khi giơ cao các khẩu hiệu tục tĩu, cổ vũ cho những hành vi dâm đãng.

Đoạn video ngày 20 tháng 9 cho thấy một số người đàn ông đứng trên vỉa hè mang tượng Đức Mẹ Fatima và đang lần hạt Mân Côi.

Một người đàn bà tham gia cuộc diễu hành tự hào hùng hổ tiến đến người tổ chức buổi lần chuỗi Mân Côi là ông Gerry McGeough. Y thị đấm mạnh vào mặt của ông. Cảnh sát đã ngay lập tức tạm giữ người đàn bà hung hăng này.

McGeough giải thích những gì đã xảy ra trong video dưới đây:

“Chúng tôi đã có mặt để cầu nguyện một chuỗi tràng hạt Mân Côi đền tạ một cách ôn hòa

Như bạn đã thấy, những người thuộc đoàn diễu hành đó rất hậm hực với chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sự nhã nhặn của mình. Chúng tôi tiếp tục lần chuỗi Mân Côi. Chúng tôi đã lần chuỗi trong lặng lẽ.

Cá nhân tôi đã bị hành hung. Một người đầy căm ghét và thù hận đã đến và đấm vào mặt tôi.

Người dân đã bị đầu độc bởi toàn bộ chương trình nghị sự đồng tính luyến ái, vấn đề phá thai và ngừa thai. Mọi thứ về cơ bản đều chống Công Giáo. Đã đến lúc những người Công Giáo chúng ta phải đứng lên và đừng sợ hãi. Ra ngoài và cầu nguyện! Và có mặt ở đó. Hãy tiến về phía trước!

Tổ tiên của chúng ta đã phải chịu đựng ngục tối, lửa và gươm giáo để giữ cho đức tin tồn tại ở đất nước này. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu anh chị em làm là đi ra ngoài và cầu nguyện một chuỗi hạt. Đôi khi anh chị em có thể bị đấm vào mặt, nhưng điều đó chẳng là gì so với việc bị ném vào lửa như tổ tiên chúng ta.”

“Nhưng ai biết được? Điều đó có thể xảy đến trong tương lai, và nếu nó xảy ra, chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó”.

Ông McGeough kết luận với lời cầu nguyện sau:

“Lạy Đức Mẹ Fatima, xin hãy cầu cho chúng con!”
Source:Church POP

2. Người Công Giáo vội vã cứu nhà thờ khi núi lửa phun trào, đe dọa nhấn chìm giáo xứ Tây Ban Nha

Những ngày gần đây, núi lửa Cumbre Vieja của Tây Ban Nha phun trào trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary đã khiến nhiều người trên thế giới xúc động trước thảm cảnh này.

Dung nham tiến qua một số thị trấn trên đảo, tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó. Lần cuối cùng núi lửa phun trào như thế này là vào năm 1971. Các chuyên gia cho rằng dung nham có thể tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng.

Dung nham đang “tiến rất chậm” về phía Đại Tây Dương. Nó đã phá hủy hơn 150 ngôi nhà và gần 200 tòa nhà. Hiện tại, những khối đá nóng chảy đang tiến đến Todoque, Tây Ban Nha và cộng đồng Công Giáo ở đây đang chiến đấu để cứu nhà thờ và trường học.

Nhà thờ Thánh Piô 10 nằm trên con đường dung nham của núi lửa tiến ra đại dương. Các giáo dân của nhà thờ đã vội vã cứu những gì họ có thể mang theo, bao gồm cả các băng ghế, thánh giá và các vật dụng khác.

Cha Alberto Hernández đã cùng với anh chị em di tản ra thành phố, nơi có lẽ an toàn hơn. Tại đây, ngài dành hết thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ cho anh chị em giáo dân bị mất nhà cửa.

“Họ là những người đơn sơ, giản dị và chăm chỉ. Đa số là các nông dân và một số nhân viên làm việc cho chính phủ”, vị linh mục nói. “Họ là những người đã xây dựng nhà cửa của mình và sống ở nông thôn, không quen với đời sống thành thị. Chúng ta hãy tin tưởng rằng các nhà chức trách sẽ đáp ứng và viện trợ sẽ đến”.

Một mối quan tâm khác của cộng đồng là ngăn chặn dung nham núi lửa phá hủy cấu trúc của giáo xứ. Những người hàng xóm và nhân viên cứu hỏa làm việc không mệt mỏi để đặt các rào cản nhằm chuyển hướng dòng chảy của dung nham.


Source:Church POP

3. Đức Hồng Y Kasper bày tỏ âu lo về Tiến Trình Công Nghị Đức: 'Nhiều người thắc mắc liệu tất cả điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không'

Đức Hồng Y Walter Kasper một lần nữa bày tỏ mối quan tâm của ngài về “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo hội tại Đức. Lần này, ngài nồng nhiệt bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của ngài đối với đề xuất mà một giám mục Đức trình bày hồi đầu tháng này nhằm chống lại xu hướng Tin lành hóa Giáo Hội của một số Giám Mục Đức.

Hôm 17 tháng 9, Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích văn bản chính thức của một trong những chủ đề của Tiến Trình Công Nghị - về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội. Ngài cho rằng nghị trình này đang cố gắng “tái tạo lại Giáo hội, có thể nói như thế, với sự trợ giúp của một khung lý thuyết và thần học cấp tiến”.

Ngài nói: “Có nhiều điều chính xác trong đó”, nhưng bên cạnh đó cũng có “nhiều điều là giả thuyết” và “cuối cùng, nhiều người tự hỏi liệu tất cả những điều này có còn hoàn toàn là Công Giáo hay không”.

“Một số tuyên bố, rõ ràng là đi chệch khỏi những mối quan tâm cơ bản của Công đồng Vatican II, chẳng hạn, sự hiểu biết bí tích về Giáo hội và giám mục”.

Vị Hồng Y người Đức cho biết một văn bản thay thế cho văn bản chính thức, có tựa đề “Quyền hạn và trách nhiệm” đã được Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg công bố ngày 3 tháng 9 trên một trang web mới, phân tích rõ ràng các vấn đề hiện có, phù hợp với Công đồng Vatican II, và đề xuất các bước cải cách hiệu quả và khả thi.

“Tài liệu này đặt rõ ràng trên cơ sở của Công Đồng, là những điều phổ biến đối với tất cả chúng ta. Tài liệu ghi nhận những vấn đề vẫn mở ngỏ mà Công Đồng để lại và tìm cách tiếp tục trên con đường của Công Đồng, trên nền tảng an toàn của Công Đồng”.

Ngài nói thêm rằng khi làm như vậy, chúng ta “không cần thiết phải đảo lộn mọi thứ”, và “người ta có thể vươn xa hơn Công Đồng, theo tinh thần của Công Đồng, mà không mâu thuẫn với các giáo huấn của Giáo hội”.

“Đây là cách thức của truyền thống sống động, cách thức của Giáo Hội”, Đức Hồng Y Kasper nói thêm. “Nó hiểu truyền thống không phải như một pháo đài ngăn cấm, nhưng như một lời mời gọi lên đường của Giáo hội và ngạc nhiên trước những hiểu biết mới”.

Văn bản thay thế dài 45 trang do Đức Cha Voderholzer công bố được đồng tác giả bởi một nhóm bốn người gồm giáo dân và giáo sĩ: Cha Wolfgang Picken, Tổng Đại Diện thành phố Bonn; Marianne Schlosser, một giáo sư thần học ở Vienna, Áo; nhà báo Alina Oehler; và Đức Cha Florian Wörner, Giám Mục Phụ Tá của Augsburg.

Mục đích đã nêu của họ là “vạch ra các bước cụ thể để cải cách có thể được thực hiện trong sự trung thành với đức tin và phù hợp với cơ cấu luật pháp của Giáo Hội, nhưng cũng cho thấy rằng các câu hỏi mà xã hội đặt ra cho Giáo hội được xem xét một cách nghiêm túc”.

Nhưng một đề nghị thảo luận về sự đóng góp của họ trong tiến trình thượng hội đồng đã bị thẳng thừng từ chối bởi lãnh đạo của Diễn đàn Thượng hội đồng là Claudia Lücking-Michel và Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen.

Diễn đàn “về việc thực thi quyền lực và thẩm quyền trong Giáo hội” là một trong bốn diễn đàn tạo nên “Tiến Trình Công Nghị”. Đó là một quá trình kéo dài trong 2 năm, dự kiến kết thúc vào tháng Hai, năm 2022; được cho là nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ba diễn đàn khác liên quan đến đạo đức tình dục, luật độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.

Cha Picken cho biết ngài thấy những phát biểu của Đức Hồng Y Kasper xác nhận quan điểm “rằng văn bản diễn đàn chính thức một phần dựa trên những giả thuyết thần học không thể giải thích được và do đó có khả năng bị thất bại trong điều kiện của Giáo hội trên thế giới”.

“Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh tầm quan trọng là Tiến Trình Công Nghị phải làm sao cho các giải pháp mà họ đưa ra là khả thi đối với mọi người”, Cha Picken nói. “Do đó, ngài ủng hộ yêu cầu của chúng tôi về một cuộc tranh luận cởi mở và sôi nổi. Thật không may, những người phụ trách Tiến Trình Công Nghị đã từ chối làm điều đó”.

“Trước sự thất vọng của chúng tôi, các chủ tọa của Diễn đàn Tiến Trình Công Nghị đã từ chối yêu cầu của một thành viên muốn thảo luận về văn bản thay thế trong diễn đàn. Do đó, họ đang ngăn chặn đối thoại cởi mở và loại trừ toàn bộ nhóm chúng tôi. Tôi xem đây là một bản cáo trạng cho diễn đàn liên quan đến quyền lực, sự phân chia quyền lực và sự tham gia”.

“Hết lần này đến lần khác, chúng tôi đã phải kinh qua tình trạng bị gạt ra bên lề và bị buộc phải im lặng. Điều này một cách công khai và trực tiếp mâu thuẫn với ý nghĩa của tính đồng đoàn và tất cả những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất về Thượng Hội Đồng 2021-2023 sắp tới về tính đồng đoàn cho Giáo hội hoàn vũ.”
Source:National Catholic Register