Ngày 23-09-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nói thẳng nói thật như thế nào?
Mai Tá
17:08 23/09/2013
Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần thứ 25 Thường niên năm C 24.9..2013

“Người ta xa lánh cả tôi rồi,”
“Trở gối, nghe hồn động biển khơi.” (dẫn từ thơ Đinh Hùng) Lc 16: 1-13

Nhà thơ, nay thấy như mọi người cứ xa lánh mình mãi. Nhà Đạo, xưa tìm đến với mọi người để nghe và thấy “hồn động biển khơi”. Trình thuật thánh Luca, cũng mang nhiều ý/lời về những người tìm đến Chúa để nghe Ngài giảng. Trình thuật, kể về ngôn-ngữ sử-dụng trong Đạo, tiếng Hy Lạp có cụm từ “parrhesia” bên tiếng Anh nghĩa là: phát-ngôn thẳng thừng về nhiều việc và nhiều sự.

Parrhesia lúc đầu mang nghĩa tiêu cực để chỉ người nói nhiều không ngừng nghỉ. Theo nghĩa này, Parrhesia không xứng với người nói chuyện đứng đắn. Tính tích-cực ở Parrhesia là: phẩm-chất của ngưuời nói năng thẳng-thắn, không úp mở, cũng chẳng thêu thùa/thêm thắt, chỉ diễn-tả thông-điệp của người nói muốn đưa ra, không che đậy. Xem thế, thì đây là sự-việc đáng ta ca ngợi.

Parrhesia thực sự liên quan việc người nói có dính-dự, dám chấp nhận phản-ứng bất lợi từ người nghe. Người nói kiểu này, đã mê say cảm xúc nhắm vào sự thật, không cần biết điều mình nói có tốt lành hay không. Nói thế, là quyết thuyết phục cả những người kình-chống lại mình nữa. Nói năng kiểu huỵch toẹt ra ngoài, là nói với đám đông thường không nghĩ khác với điều mình muốn nói, hoặc chẳng nghĩ gì. Nói như thế, là giáp mặt/đối đầu và nghĩ rằng sự thật thắng thế, rất chắc chắn.

Nói theo kiểu thẳng thắn, là quyết phấn đấu trong lời mình nói ra. Là, đầu tư vào những gì mang tính đích thực, tức: thể loại này nói với nhiều người không theo sự thực; tức: nói theo kiểu ai oán là cốt tạo năng-lượng để nói cho tốt, cho nhiều và hữu hiệu hơn. Kiểu này, có thị-kiến ngoài tầm-mức địa-phương/cục-bộ hoặc riêng tư, mang tính hoàn-vũ ở trong đó. Đây là cách nói mãnh liệt, quyết chuyển tải tính chân phương, thật-thà mà có người, khi xưa, gọi là lối nói hiệu năng như có bia/rượu, ngấm trong người.

Khi người nghe bị ảnh hưởng từ người nói hăng say/thẳng-thắn, thì họ chịu lắng tai nghe và chịu để cho người nói thuyết phục mình và lôi cuốn đi xa hơn điều mình tưởng tượng. Parrhesia tạo niềm tin nơi người nghe. Và, niềm tin đến từ sự việc nghe/biết lời ấy. Đây là trạng-thái gắn kết giữa người nói cũng như văn bản được nói ra và người nghe.

Người nói kiểu “parrhesia” hứng khởi với thông-điệp mình chuyển-tải đến độ không ‘thần-linh’ nào có thể dừng trên người nói. Quả là, có lúc Kitô-hữu sử dụng lối nói thẳng-thừng này, hứng thú đến độ họ dám chối bỏ sự hiện hữu hoặc tính hiệu năng của các ‘thần-linh’ như thế. Họ cười nhạo vào phụng vụ ngoài đạo và có khi vào cả nghi thức của Kitô-giáo nữa. Đôi lúc họ có vẻ tự cao tự đại, nữa.

Điều này là do lối nói thẳng nối kết họ với Thiên Chúa đích-thực, Đấng mở rộng lòng ra và thương xót không hạn chế, mà thánh Luca chuyển cho ta trong Tin Mừng và sách Công Vụ. Các vị thuyết-giảng lại nói thẳng theo kiểu perrhesia đã trở nên trong sáng với Chúa đích-thực và mở lòng ra với Đấng Cao Cả được nâng cao vượt quá chân trời tưởng tượng.

Nói thẳng thừng kiểu parrhesia còn đối chọi lại lối hùng biện, xã giao gột tỉa lối nói không rào đón khác hẳn ý nghĩa mà cụm từ Hy Lạp gọi là ‘eulabeia’, tức: lối hùng biện diễn-tả theo cách ‘hoa hoè hoa sói’, khó kềm chế.
Thế nên, không lạ gì khi ta tưởng tượng cảnh những người nói thẳng/nói thật kiểu parrhesia lúc đầu đã quảng bá Tin Mừng Chúa-Sống-lại đến tận thành đô của Đế Quốc. Nhưng, khi đã hoàn tất, người người ít cần lối nói thẳng thừng kiểu parrhesia, vì rất cứng. Đời sống thường con người đòi họ phải có lối nói thường tình như dân gian mọi người thường nói. Vậy, với thế hệ người nghe là con cháu về sau, hỏi rằng lối nói thẳng thừng như parrhesia có làm mất đi tính riêng tư của nó chứ?

Vương Quốc Nước Trời của Chúa là chế độ quà tặng mở rộng gồm các giá trị tự tại, trong đó con người quan trọng hơn sự vật. Và nhất là, tình thương-yêu còn quí hơn thành-đạt. Nhưng đây có nghĩa là tình thương-yêu thông minh/trí-tuệ và tình thương có suy-tư được ban phát, tức có nghĩa trong bối cảnh của nó.

Sự việc ta hiện diện ở Tiệc Thánh, nay tự nó có nghĩa: ta tin vào các giá-trị đang hiện diện quanh ta và ta muốn sống đích thực giá trị ấy và lối nói thẳng dẫn ta về sống xứng đáng con Chúa hơn. Sự việc ta ra đi hoạt động vào những ngày sắp tới trong tuần đang trờ tới, có nghĩa: ta là người thực tế/thực dụng sống thông minh/bén nhạy theo cách ta được dạy để sống cùng và sống với nhau. Nói thế, là: ta sống đứng đắn, dù không là thế hệ đầu nghe biết Tin Mừng, nhưng vẫn muốn thành người lý-tưởng và thực tế, cùng một lúc.

Dụ-ngôn ta nghe hôm nay, là thánh Luca muốn dùng để nói theo kiểu parrhesia, vào thời của thánh-nhân nhưng sắc thái có phần nhẹ nhàng hơn. Điều đó có nghĩa: phải biết khôn khéo, bén nhạy, ‘cẩn trọng’ và có khả năng tạo tầm kích cách biệt giữa lý-tưởng và thực tế; kỹ-năng giúp ta đọc được mức độ hiểu biết của người nghe ngõ hầu ứng-đáp với kiểu nói parrhesia, của thời trước. Đây là cách lối rất khôn khéo biết tạo tầm-kích về khả năng có được phẩm chất cuộc sống trong một nhóm.

Dụ-ngôn, nay thánh Luca sử dụng như để làm bớt đi tính căng thẳng nơi sắc thái nói năng của các nhà giảng thuyết, thời của ngài. Bằng không, ta sẽ nhận được một bó phẩm bình theo kiểu của Billy Grahams cứ hùng hồn biện-luận với nhóm giáo phái tách riêng, ngay vào lễ sáng.

Nối kết những đường lối nói năng này với tình cảnh của Giáo Hội ngày nay, ta thấy được gì? Vài thập niên nữa, Giáo Hội mình sẽ đi về đâu? Phải chăng sẽ có thời buổi trong đó sẽ có đổi thay trên thế giới? Và trong cả Giáo Hội mình? Cũng có thể, sẽ có thời kỳ bất ổn về cơ cấu sẽ xảy đến với thế giới và Giáo Hội!

Giáo Hội theo ta hy vọng sẽ không rơi lại vào thời cũ xưa ở đó có nhiều thành-tựu. Hy vọng rằng: ta cũng sẽ vượt qua giai đoạn có những cãi tranh, giành giựt uy thế với ai đó. Cả đến xã hội phóng khoáng hay phóng túng, thời hiện đại, cũng sẽ tìm cách sống mà không cần biểu tỏ bằng mặt ngoài là đã qui chiếu vào với Giáo Hội. Lâu nay, thế giới ngoại tại vẫn có khuynh hướng hoặc thái-đô chống đối Giáo Hội. Tất cả những lối/những kiểu thẳng-thắn/thẳng thừng ấy sẽ đi vào dĩ vãng.

Bởi Giáo Hội không là cơ cấu chống đối xã hội; Giáo Hội cũng không ở bên trên lịch sử của người đời, cũng không vô nhiễm khỏi giòng lịch sử của thế-giới. Giáo Hội vẫn cùng sống chung cởi mở và đối thoại với thế giới. Giáo Hội chỉ sống sót nếu biết đối thoại với thế giới. Bởi Giáo Hội ban bố cho thế giới cung cách diễn tả cách công khai về mọi xác tín của Giáo Hội. Giáo Hội cũng công khai cho thấy cuộc sống người đi Đạo theo cách tập thể, dễ thấy sự trong sáng, cách công khai.

Cần nói ra đôi điều về đạo đức chức năng của hai khối, cần nói về ý-nghĩa và giao ước về xác tín với cộng đồng, về niềm tin-yêu, rất đoàn kết. Cần nói thẳng và nói thật về kinh nghiệm riêng tư bên trong lịch sử của tập thể. Tất cả đều nên đề nghị không gian ban tặng để tạo giao ước sống cùng và sống với nhau, trong thuận hoà.
Vấn đề là: làm sao nói lên được điều đó? Nói thẳng và nói thật theo kiểu parrhesia được bao nhiêu và bao lâu? Nói công khai khôn khéo ư? Mỗi thứ mỗi kiểu được bao lâu và bao nhiêu ngõ hầu đạt thuận hoà, đoàn kết và vui sống, đó mới là mục tiêu đặt ra trước mắt cho cả xã hội ngoài đời và Giáo Hội trong Đạo. Đó mới là vấn đề đặt ra cho ta hôm nay.

Trong tinh thần hiểu và biết được như thế, cũng nên ngâm lại lời thơ ở trên, mà hát rằng:

“Người ta xa lánh cả tôi rồi,
“Trở gối, nghe hồn động biển khơi.”
Xa bạn, xa lòng, xa mắt đẹp,
Gió mưa giòng tóc đắng vành môi” (Đinh Hùng – Chớp Bể Mưa Nguồn)

Mưa nguồn chớp bể với nhà thơ, vẫn là giòng tóc, là “hồn động” xa lánh mãi. Xa lánh rồi, nhà thơ cũng nên về với nhà Đạo mình để thấy được rằng: người ta nay đã gần lại với bạn và với tôi, với tất cả những người không còn thấy đắng nơi vành môi nữa, nhưng đã ấm lòng về với dân gian nhà Đạo, rất thuận tình thuận thảo. Ở mọi nơi.

(Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh, Mai Tá luợc dịch)
 
Đừng “dửng dưng” và “vô cảm” như thế!
Jos. Vinc. Ngọc Biển
17:02 23/09/2013
Đừng “Dửng Dưng” Và “Vô Cảm” Như Thế!

(Chúa Nhật 26 THƯỜNG NIÊN, C)

Trong bài viết “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net, tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. đã nhận định như sau: “Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi, giúp cho con người […]tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến ‘bệnh vô cảm’”. Và, tác giả xót xa cho truyền thống nhân văn của dân tộc đang bị gậm nhấm và sói mòn. Thật vậy, còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”; hoặc “Thương người như thể thương thân…?”.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sự “vô cảm”, “dửng dưng”, trước nỗi thống khổ của người anh em. Một Lazarô nghèo khổ, bệnh tật nằm ở ngay gầm cầu thang của nhà phú hộ. Một khoảng cách rất gần về không gian, nhưng tiếc thay, chính sự gần gũi đó lại làm cho họ xa nhau trong cuộc sống vĩnh cửu.

1. Ý Nghĩa Lời Chúa

Người phú hộ giàu có hôm nay được thánh Luca trình bày rất gợi cảm: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19). Tác giả không nói rõ người đó to cao, mập mạp thế nào? Nhưng cứ sự thường thì đây phải là một người tốt tướng. Ông ta mang trên mình những thứ sang trọng theo kiểu cung đình. Ông được nhiều người hầu hạ. Và, ăn uống tối ngày với những món ăn đặc sản thời bấy giờ. Nhưng ngược lại với hình ảnh của nhà phú hộ, là một Lazarô nghèo khổ: “Có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20). Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà.

Nếu ông phú hộ là một người oai phong lẫm liệt, thì Lazarô lại là một người thấp cổ bé họng, bệnh tật.

Nếu ông phú hộ mặc những thứ vải vóc sang trọng, thì Lazarô có lẽ chỉ có mảnh vải rách che thân.

Nếu nhà phú hộ ăn uống linh đình, thì Lazarô chỉ mong được những mảnh vụn từ bàn chủ rơi xuống mà cũng không ai cho. Chỉ có những con chó đến liếm ghẻ chốc của Lazarô mà thôi.

Một sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Tuy nhiên, hình ảnh đó đã bị đảo lộn khi cả hai cùng chết. Tin Mừng cho thấy:“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16, 22). Chính cái chết làm cho tình trạng của hai người hoán đổi cho nhau. Tại sao lại có tình trạng như vậy? Thưa, chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” của nhà phú hộ khi còn sống.

Tin Mừng làm nổi bật sự mỏng dòn của tiền bạc, một lúc nào đó tiền của không còn là chỗ dựa duy nhất. Hình ảnh của nhà phú hộ luôn coi tiền bạc như lá bùa hộ mệnh của mình; còn Lazarô thì sống dở, chết dở ngay ở cổng nhà ông. Vì vậy, ông chỉ còn một chỗ dựa duy nhất đó là Thiên Chúa.

1. Sứ Điệp Lời Chúa

Trong cuộc sống, hẳn mỗi chúng ta đều biết câu ngạn ngữ: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Sự giàu sang ở đời không đảm bảo được sự sống. Mọi người đều có thể chết bất cứ lúc nào. Muốn cho cuộc sống của mình có hậu sau khi chết, thì hãy chuẩn bị cho mình những giấy “thông hành” chính là tình huynh đệ, lòng bác ái, yêu thương ngay khi còn sống. Đây là cách làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Hạnh phúc hay không là do thái độ của mỗi người khi còn sống. Nhà phú hộ trong dụ ngôn ta không thấy có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính. Như vậy, ông không có lỗi để đáng phải trừng phạt trong hỏa ngục. Trong toàn dụ ngôn, Đức Giêsu không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự “vô cảm”; “dửng dưng” với người anh em đang đau khổ.

Hai thái độ, dẫn đến hai sự lựa chọn và đi đến những hệ quả khác nhau. Nhà phú hộ thì an tâm vì của cải dư thừa mình có; còn Lazarô thì nghèo khổ, ốm đau; nhà phú hộ giàu về vật chất, nhưng ông lại quá nghèo về tinh thần chia sẻ; Lazarô thì nghèo về vật chất, nhưng ông lại rất giàu về đường thiêng liêng, nên sau khi chết, Lazarô lại là người giàu, còn nhà phú hộ lại là kẻ nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Lazarô được hạnh phúc, con nhà phú hộ thì đau khổ. Một khoảng cách vĩnh viễn được thiết lập. Cuộc chơi đã hết. Thắng bại phân minh.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: giàu có không hẳn là tội, và nghèo chưa chắc đã phải là nhân đức. Nó trở nên tội hay không là do thái độ lựa chọn và sử dụng nó. Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ “vô cảm”; “dửng dưng” trước nỗi khốn cùng của anh chị em.

2. Sống Lời Chúa hôm nay

“Mọi sự đều bởi Chúa mà ra, từ Chúa mà đến”. Thật vậy “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Khi đã xác định như thế, chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa mà thôi. Nếu quản lý tốt và biết sinh lợi cho Chúa thì Chúa để cho chúng ta tiếp tục, mà nếu không biết cách sinh lời thì Chúa cất đi, mà chuyện làm lợi cho Chúa là gì nếu không phải là tình liên đới, bác ái với những người nghèo chung quanh chúng ta hằng ngày. “Hữu lộc bất khả hưởng tận” thật đúng với tinh thần kitô giáo, có lộc không nên một mình hưởng, cần phải nghĩ đến người khác.

Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói. Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh. Thưởng hay phạt chính là lúc này.

Nhưng, thật xót xa cho xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những nhà phú hộ giàu có “dửng dưng”; “vô cảm”. Thật vậy, căn bệnh này đang trong tình trạng báo động. Vì thế, chúng ta hãy “tiêu diệt” căn bệnh này một cách triệt để, bằng cử chỉ yêu thương, tình liên đới. Bao lâu, một xã hội không biết cách vượt ra khỏi căn bệnh trên, là một xã hội chết! Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri (x. Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, M.F. “Giới trẻ trước căn bệnh vô cảm”, đăng trên vietcatholic.net ).

Ước gì xã hội chúng ta có nhiều người quay lưng lại với sự “vô cảm”; “dửng dưng” và hướng lòng về “tình yêu thương”. Mong thay đâu đó có nhiều con người biết đồng lòng và thương cảm như học sinh Nguyễn Văn Nam. Em đã xả thân cứu bạn em khỏi bị nước cuốn trôi. Em đã coi sự sống của bạn là của mình, nên bất chấp nguy hiểm để hy sinh thay cho bạn của mình được sống. Không cần biết em Nam có phải là người Công Giáo hay không? Cũng chẳng cần biết em có bà con họ hàng gì với những em gặp nạn hôm đó không? Chỉ biết rằng em có trái tim rất đẹp và tình yêu thương vô vị lợi, đáng để cho chúng ta noi gương (x. Theo Khánh Hoan,Thanh Niên Online, ngày 6.5.2013).

Lạy Chúa Giêsu, giàu không phải là tội, mà nghèo chưa chắc đã là nhân đức. Xin cho mỗi người chúng con biết sống tình liên đới trong cuộc sống, để dù giàu hay nghèo, chúng con trở thành những người quản lý trung tín và khôn ngoan của Chúa. Xin cũng cho chúng con đừng rơi vào tình trạng “dửng dưng”; “vô cảm” như nhà phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay. A men.
 
Công lý sáng tỏ
Lm An Hữu
17:23 23/09/2013
Chúa Nhật 26 C

Tin Mừng Luca thường được gọi là “Tin Mừng cho Người Nghèo”. Nhưng trong đó, có nhiều giáo huấn về nguy cơ của sự giàu có, về lòng ham mê của cải, về những cạm bẫy người giàu phải trực diện khi đáp lại tin mừng, nên Tin Mừng Luca cũng được gọi là “Tin Buồn cho Người Giàu”.

Dụ ngôn người phú hộ và Ladarô mô tả một bức tranh tương phản giàu nghèo.

Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.

Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Abraham tổ phụ những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất. Những đau khổ thể xác không thấm thía gì. Ông đã phải học lấy bài học về cuộc đời bằng chính kinh nghiệm mình. Một giá quá mắc !

Không có bức tranh nào diễn tả và nói lên tất cả sự thật toàn vẹn về công lý như dụ ngôn về ông phú hộ và người nghèo Ladarô hôm nay. Nếu biết trước công lý có một chiều kích lớn lao như thế này, chắc chắn ông phú hộ đã có thái độ và lối sống khác. Ông đã quan tâm chú ý tới nhu cầu của tha nhân, chứ không quanh quẩn tìm cách thỏa mãn chính mình. Sự thật đơn giản này chỉ được ông nhận ra khi nằm dưới âm phủ. Khác với ngày còn trên trần gian, dù có muốn, Ladarô cũng không có phương tiện và cơ hội giúp ông ấy nữa. Khoảng cách ngày xưa ông đã không vượt nổi, mặc dù rất ngắn, làm sao bây giờ ông lại có thể đòi Ladarô vượt một khoảng cách dài vô tận ?! Không phải vì Ladarô muốn trả thù ông. Nhưng công lý cần phải được thi hành. (Lm Đỗ Văn Lực,O.P).

Trong khi Ladarô bơi lội trong đại dương tình yêu Thiên Chúa, thì người giàu thèm khát một giọt nước cũng không được thỏa mãn. Cảnh diễn lại y hệt ngày xưa Ladarô mơ ước có một mụn bánh từ bàn tiệc rớt xuống cũng không ai cho. Công lý đã sáng tỏ !

Ánh sáng công lý chiếu rọi vào cuộc đời. Công bình vượt qua cả việc thuần túy chia sẻ của cải vật chất. Dụ ngôn cho thấy điều đó. Nên nhớ, khi sống Ladarô phải ngồi ngoài cổng. Nhưng khi cả ông phú hộ và Ladarô đều chết, Thiên Chúa đã đem Ladarô vào bên trong.

Ladarô thời đại hôm nay là nạn nhân của những chế độ bất công. Chẳng lẽ phải đợi lên thiên đàng, người nghèo như Ladarô mới được đền bù ?

Thực ra, Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn để tỏ bày thái độ cương quyết tuyên chiến với sự bất công. Lời Chúa đã làm cho con người bừng tỉnh trước chân lý cuộc đời. Ðức tin đã cho Kitô hữu thấy sự khôn ngoan đích thực không dựa trên của cải vật chất trần gian, nhưng cậy dựa vào Thiên Chúa. Lời Chúa cho thấy rõ ai dại ai khôn. Theo gương Ðức Kitô, Giáo Hội cương quyết tranh đấu cho người nghèo chịu bất công.

Những ngày qua, đọc “Tuyên bố của Linh mục đoàn giáo phận Vinh”, những bài viết và các bức thư hiệp thông của các Đức Giám Mục với Giáo phận Vinh, mọi người thấy rõ ánh sáng công lý đang đẩy lui bóng tối gian dối. Đức Cha Nguyễn Thái Hợp trả lời phỏng vấn của VietCatholic, trong đó có đoạn: “ Đã có một thời người ta tôn vinh gian dối và cho đó là một phương pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất, vì đinh ninh rằng: Cứ nói dối, cứ nói dối… cuối cùng vẫn còn lại cái gì. Từ Phát-xít Đức cho tới Staline, Mao Trạch Đông, Pol Pot cho đến hiện nay … một số nhà cầm quyền đã sử dụng nó như lợi khí tuyên truyền để đánh lận con đen. Trong quá khứ, xem ra một số lần họ đã đánh lừa được dư luận hay ít nhất gây hoang mang, sợ hãi và bêu xấu đối phương.Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với những công nghệ hiện đại đã giúp nhân loại dễ dàng lột mặt nạ những gian dối và lừa lọc này. Hơn nữa, nhân loại ngày càng đề cao mô hình nhà nước dân chủ, pháp quyền, tôn trọng sự thật, nhân phẩm nhân quyền, sự minh bạch và yêu chuộng công lý – hòa bình. Bạo lực, gian dối, lừa lọc, cả vú lấp miệng em … đang bị đẩy dần vào bóng tối”. Đọc bài trả lời của Đức Cha Phaolô, ai cũng thấy công lý đã sáng tỏ. Truyền thông một chiều của phía chính quyền chỉ còn là bàn tay giơ lên che ánh sáng mặt trời, truyền thông giả trá bị vạch mặt. Sự giả dối đang ngày càng lan rộng, hiện diện ở tất cả mọi lĩnh vực và phổ biến đến nỗi đã trở quen thuộc, khiến cho người ta có thói quen nghi ngờ mọi giá trị. Điều này tác động đặc biệt tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Đó thực sự là một hiểm họa!

Thời gian này, các Giáo phận, các cộng đồng người Công Giáo trong và ngoài nước đã gửi thư hiệp thông với Giáo phận Vinh. Giáo Hội Công Giáo là tiếng nói trung thực của công lý. Giáo Hội can đảm dấn thân bênh vực cho sự thật, cho sự sống, cho quyền con người.Thư hiệp thông của TGM Hà nội với Giám mục Vinh và Giáo phận Vinh;Thư hiệp thông với giáo phận Vinh của Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt; Thư hiệp thông với giáo phận Vinh của các Giám Mục giáo tỉnh Hà Nội; Tâm tình hiệp thông với giáo phận Vinh của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long;Giáo phận KonTum hiệp thông với Giáo phận Vinh và Giáo xứ Mỹ Yên;Thư hiệp thông của giáo phận Thanh Hóa với giáo phận Vinh; Thư hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo phận Vinh của tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam; Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đến thăm Giáo phận Vinh vào chiều 22/9/2013; Thư hiệp thông với giáo phận Vinh của Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thư hiệp thông với giáo phận Vinh của Liên đoàn Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Úc Châu…Tất cả đều hiệp thông với Giáo phận Vinh, đặc biệt với Giáo xứ Mỹ yên trong lời cầu nguyện và lời kinh Mân Côi hàng ngày. Đó chính là sức mạnh của công lý và sự thật.

Công đồng Vaticanô II khẳng định : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS, Số 1). Giáo Hội Công Giáo lắng nghe những đòi hỏi của con người, của dân tộc, của xã hội mà mình dấn thân phục vụ. Khi chọn lựa đứng về phía người nghèo khổ, đau khổ, bất hạnh thì mặc nhiên cũng cho họ được quyền đòi hỏi Giáo Hội và các môn đệ Đức Kitô phải bênh vực, phải lên tiếng và phải hướng dẫn họ theo ánh sáng Tin Mừng để đạt được công lý, bác ái và hoà bình ở hiện tại này. Giáo Hội có trách nhiệm phải lên tiếng thay cho họ.

Những người yêu chuộng công lý và hòa bình cũng đã cảm thông chia sẻ với những đau thương của Giáo phận Vinh bằng những bài viết thể hiện tình hiệp thông sâu sắc, thể hiện khát vọng đấu tranh cho sự thật được sáng tỏ để bình an sớm được lập lại trên giáo xứ Mỹ Yên, để nhà cầm quyền không lạm quyền trong cách hành xử với nhân dân nhưng phải biết tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Bởi cách quản trị chà đạp trên các quyền căn bản của con người là đầu mối gây ra những rạn nứt và đổ vỡ khối đại đoàn kết trong xã hội.

Hết thảy mọi người, không phân biệt lương dân hay giáo dân, đều mong muốn sống trong an bình, đoàn kết và hòa hợp. Một dân tộc bị xung đột và chia rẽ là một dân tộc đang lâm vào khủng hoảng và là mầm mống triệt tiêu sức mạnh. Trong trường kỳ lịch sử và trong hành trình văn hóa của dân tộc Việt đã chứng minh rõ điều đó.(GPVO). Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã ghi lại, nơi nào máu người công chính đổ ra để minh chứng cho công lý thì nơi ấy sẽ trổ sinh muôn vàn chồi công chính mới.

Hoà bình là kết quả của công lý, là tôn trọng phẩm giá con người. Hoà bình đích thực là kết quả của tình yêu. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:53 23/09/2013
CÁC CON TRAI CỦA PHẠN THIÊN
N2T

Vũ trụ đã được vận hành theo quy luật rồi !
Nhưng vua vũ trụ Phạn Thiên lại cảm thấy rất là cô độc hiu quạnh, thế là ông ta sinh trước sáu đứa con trai. Sáu đứa con này đều là vĩ đại của đấng tạo vật là do các bộ phận không giống nhau trên cơ thể của Phạn Thiên mà sinh ra: đứa lớn nhất Ma Lý Trực là do quả tim sinh ra; đứa thứ hai A Để Lập là từ con mắt mà sinh ra -thần chính nghĩa Đạt Ma Tắc là con trai của A Đế Lập- đứa thứ ba là từ miệng mà sinh ra tên là An Kiết La; đứa thứ tư Bố La Tư Đế Gia và đứa thứ năm Bố La Kha thì từ tai trái và tai phải mà sinh ra; đứa thứ sáu Khắc La Đồ thì do lỗ mũi sinh ra.
Cuối cùng ông ta sinh ra thêm hai đứa con nữa, mỗi đứa đều do ngón chân cái bên phải và bên trái của Phạn Thiên sinh ra.
Những đứa con này vì Phạn Thiên mà mà sinh ra con cháu đông đúc đầy đàn…
(Truyện thần thoại Ấn Độ)

Suy tư:
Theo truyền thuyết của Ấn Độ thì vua vũ trụ Phạn Thiên cảm thấy rất cô đơn, nên (từ các bộ phận trên thân thể của mình) sinh ra tổng cộng là tám đứa con trai, và những đứa con này sinh sôi nảy nở đông đúc trên mặt đất…
Thiên Chúa qua Kinh Thánh đã mặc khải cho loài người biết rằng: Thiên Chúa không cô độc, bởi vì có Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất; Ngài tạo dựng loài người không phải vì cô đơn hiu quạnh, nhưng là vì muốn bày tỏ tình yêu của Ngài cho muôn vật, và muốn con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa; Ngài dựng nên con người từ bụi đất và truyền cho con người sinh sôi nhiều trên mặt đất và làm chủ trái đất này.
Nhân loại ngày càng khám phá những điều kỳ diệu từ trong vũ trụ thiên nhiên, càng phám phá càng cảm nghiệm được Đấng tạo hóa thật là kỳ diệu và quyền năng lại rất yêu thương con người, đã chuẩn bị rất đầy đủ cho con người sinh sống.
Người Ki-tô hữu có sứ mệnh làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ; nhận biết Đức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và đã sống lại để giải thoát con người khỏi những đau khổ do tội lỗi mang đến.
Kinh Thánh là quyển sách chứa đựng Lời mặc khải của Thiên Chúa cho con người, đó là nguồn và là kho tàng mặc khải vô tận của Thiên Chúa dành cho con người.
-----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:56 23/09/2013
N2T

2. Ma quỷ dùng công kích thì không thể đánh bại con người, nên nó dùng sự ăn không ngồi rổi để hãm hại họ.

(Thánh Ambrosius)
----------
http://nhantai.info
http://www.vietcatholic.net/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói với Giới Trẻ: Làm ơn đừng bán tuổi trẻ của các con cho những kẻ buôn bán sự chết!
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:55 23/09/2013
Dưới đây là bản dịch bài Huấn từ của ĐTC cho Giới Trẻ tại Largo Carlo Felice trong chuyến Viếng Thăm Mục Vụ Cagliari Chúa Nhật 22 tháng 9, 2013

* * *


Các người trẻ Sardinia thân mến!

Hình như có một ít người trẻ, phải không? Một ít! Một ít hay đông? À, Có rất đông!

Cảm ơn rất đông các con đã đến cuộc gặp gỡ này! Và cám ơn “phát ngôn viên” của các con. Nhìn thấy các con làm cho cha nghĩ về Ngày Giới Trẻ Thế giới ở Rio de Janeiro: Một số trong các con đã có mặt ở đó, nhưng nhiều người chắc chắn đã theo dõi trên truyền hình và mạng Internet. Đó là một kinh nghiệm rất tốt đẹp, một cuộc cử hành đức tin và tình huynh đệ chứa đầy niềm vui. Cùng một niềm vui mà chúng ta cảm thấy hôm nay. Chúng ta cảm ơn Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Bonaria: chính Mẹ đã đưa chúng ta đến đây với nhau. Hãy cầu nguyện thường xuyên, Mẹ là một người Mẹ hiền, cha đoan chắc cùng các con! Một số câu hỏi “preguntas” [“preguntas” có nghĩa là “những câu hỏi” trong tiếng tây Ban Nha] của của các con... nhưng, cha cũng nói một thổ âm, ở đây! Một số câu hỏi của các con có cùng một chiều hướng. Cha nghĩ về [câu chuyện trong] Tin Mừng xảy ra trên bờ hồ Galilêa, nơi ông Simon, mà sau đó Chúa Giêsu gọi là Phêrô, sinh sống và làm việc với anh ông là Andrê, cùng với các ông Giacôbê và Gioan, tất cả đều là anh em, tất cả đều là ngư phủ. Chúa Giêsu bị đám đông muốn nghe lời của Người bao quanh; Người thấy những ngư dân này đang giặt lưới bên cạnh những chiếc thuyền của họ. Người lên thuyền của ông Simon và yêu cầu ông rời xa bờ một chút, và như thế Người ngồi trên thuyền và nói với mọi người. Trên thuyền Chúa Giêsu nói với mọi người. Khi nói xong, Người bảo ông Simon chèo ra chỗ sâu và thả lưới. Lời yêu cầu này là một thử thách cho ông Simon – hay đúng hơn là một “bằng chứng” - bởi vì ông và những người khác vừa trở về sau một đêm đánh cá thất bại. Ông Simon là một người thực tế và chân thật, nên ông lập tức thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả làm việc thâu đêm mà chẳng bắt được con cá nào.”

Đây là điểm thứ nhất: kinh nghiệm về thất bại. Trong các câu hỏi của các con đã có kinh nghiệm này: Bí Tích Thêm Sức – như người ta gọi bí tích này phải không? Thêm Sức... không! Phải đổi tên nó là “Bí Tích chia tay” mới đúng! Người ta lãnh bí tích này rồi bỏ Hội Thánh, có đúng thế không? Đây là một kinh nghiệm về thất bại. Một kinh nghiệm thất bại khác: những người trẻ không còn trong giáo xứ nữa: các con đã nói về điều này, chính các con. Kinh nghiệm thất bại này, có điều gì sai, một thất vọng.

Khi còn trẻ người ta được đẩy về phía trước, nhưng đôi khi thất bại và thất vọng xảy ra trong cuộc sống: đó là một thử thách, và điều đó quan trọng! Bây giờ cha muốn hỏi các con một câu, nhưng các con không được trả lời ra tiếng, mà trong thinh lặng. Tất cả mọi người hãy nghĩ trong lòng, suy nghĩ về những kinh nghiệm về những thất bại mà các con đã trải qua, hãy nghĩ. Chắc chắn là tất cả chúng ta đều có, tất cả chúng ta đều có.

Trong Hội Thánh chúng ta nhiều lần có kinh nghiệm này: các linh mục, các giáo lý viên, những người tổ chức cảm thấy mệt mỏi rất nhiều, bỏ nhiều công sức, làm tất cả những gì có thể, và cuối cùng họ luôn luôn không thấy kết quả tương xứng với những cố gắng của họ. “Phát ngôn viên” của các con trong hai câu hỏi đầu cũng nói như thế. Những câu hỏi này liên quan đến những cộng đồng mà ở đó đức tin có vẻ như “đã bị phai mờ” một chút, không còn nhiều tín hữu tham gia tích cực vào đời sống Hội Thánh, nơi mà người ta thấy các Kitô hữu đôi khi mệt mỏi và buồn rấu, và rất nhiều người trẻ, sau khi lãnh nhận được Bí Tích Thêm Sức, đã bỏ đi. Bí Tích của sự ra đi, của chia tay, như cha đã nói. Đó là một kinh nghiệm về thất bại, một kinh nghiệm để lại cho chúng ta sự trống rỗng, làm cho chúng ta chán nản. Có đúng như thế không ? [Có, cha gặp những người trẻ]. Có đúng như thế không? [Có, cha vẫn trả lời có].

2. Đối diện với thực tại này, các con tự hỏi rất đúng: chúng ta có thể làm được gì? Chắc chắn một điều chúng ta sẽ không làm là để cho mình bị khắc phục bởi bi quan và nghi ngờ. Các Kitô hữu bi quan: thật là xấu! Các con, những người trẻ không thể như thế và không thể không có hy vọng, hy vọng là một phần của con người các con. Một người trẻ không có hy vọng thì không còn trẻ nữa, mà đã già quá sớm! Hy vọng là một phần của tuổi trẻ của các con! Nếu các con không có hy vọng, hãy suy nghĩ nghiêm túc về điều ấy, hãy nghiêm túc suy nghĩ! Một người trẻ không có niềm vui và hy vọng là điều đáng lo ngại: Người ấy không còn là một người trẻ. Và khi một người trẻ không có niềm vui, khi một người trẻ cảm thấy mất niềm tin ở cuộc sống, khi một người trẻ mất hy vọng, thì người ấy đi đâu để tìm một chút thanh thản, một chút an bình? Không có niềm tin, không có hy vọng, không có niềm vui? Các con biết, những điều ấy là những lái buôn của thần chết, những người bán cái chết sẽ cung cấp cho các con một cách thế khi các con buồn, tuyệt vọng, không còn niềm tin và không còn can đảm! Làm ơn đừng bán tuổi trẻ của các con cho những kẻ buôn bán sự chết! Các con hiểu cha đang nói về những gì! Tất cả các con hiểu: đừng bán!

Chúng ta trở lại cảnh trong Tin Mừng: ông Phêrô, vào giây phút quan trọng ấy, đóng vai trò của mình. Ông có thể làm gì? Ông có thể chịu thua sự mệt mỏi và thiếu tin tưởng, nghĩ rằng điều ấy không cần và tốt hơn là rút lui về nhà. Thay vào đó, ông làm gì? Với lòng can đảm, ông ra khỏi chính mình và chọn tin tưởng Chúa Giêsu. Ông thưa: “Vâng, nghe lời Thầy, con sẽ thả lưới.” Các con hãy chú ý! Ông không nói rằng: “dựa vào sức riêng của con, dựa vào tính toán của con, vào kinh nghiệm của con là một chuyên gia chài lưới”, nhưng “Nghe lời Thầy,” Lời của Chúa Giêsu! Và kết quả là một mẻ cá không thể tin nổi, lưới đầy, đến nỗi gần rách.

Đây là điểm thứ hai: Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu. Và khi cha nói điều này, cha muốn chân thành và nói với các con: Cha không đến đây để bán cho các con một ảo tưởng. Cha đến đây để nói rằng có một Đấng có thể đưa các con đi xa hơn: hãy tin tưởng vào Người! Vào Chúa Giêsu! Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu! Và Chúa Giêsu không phải là một ảo tưởng! Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu. Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Người ở bên bờ của cuộc đởi, Người đến gần những thất bại của chúng ta, những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng. Đừng bao giờ ngừng quay trở lại với cuộc chơi, như những thể thao tốt - một số trong các con cũng biết từ kinh nghiệm - người ta có thể chịu đựng vất khi đào luyện để đạt được kết quả! Những khó khăn không thể làm cho các con sợ hãi, nhưng làm cho các con hứng thú để đi xa hơn. Hãy lắng nghe những lời của Chúa Giêsu nói với các con là hãy ra chỗ sâu thả lưới, hỡi những người trẻ của Sardinia! Hãy ra chỗ sâu! Hãy chú ý ngoan ngoãn nghe Lời Chúa: Đó chính là Người, là Lời của Người, và theo Người là Đấng làm cho quyết tâm làm chứng nhân của các con được kết quả. Khi những nỗ lực để khơi dậy niềm tin giữa những người bạn của các con có vẻ vô ích, giống như nỗ lực mệt mỏi ban đêm của các ngư phủ, hãy nhớ rằng với Chúa Giêsu tất cả mọi sự thay đổi. Lời Chúa làm cho lưới đầy, và Lời Chúa làm cho công việc truyền giáo của các môn đệ có hiệu quả. Theo Chúa Giêsu là một thử thách, có nghĩa là không hài lòng với những mục tiêu nho nhỏ, buôn bán ven biển, nhưng những mục tiêu cao hơn với lòng can đảm!

Ngừng lại ở “chúng con đã không bắt được con cá nào” là điều không tốt - không tốt, nhưng hãy đi xa hơn nữa, “hãy đi ra và thả lưới “ một lần nữa, mà không biết mệt! Chúa Giêsu nói với mỗi người trong các con. Và chính Người ban cho các con sức mạnh! Có nguy cơ than thở, buông xuôi. Những chúng ta hãy để điều ấy lại cho những người theo “nữ thần than van”! Còn các con, các con có theo “nữ thần than van” không? Các con có luôn luôn than khóc như trong một đám tang không? Không, những người trẻ không thể làm điều ấy! “Nữ thần than van” là một sự lừa dối: nó làm cho các con đi theo con đường sai lầm. Khi tất cả mọi sự dường như bất động và ứ đọng, khi những vấn đề cá nhân làm cho chúng ta lo lắng, những vấn đề xã hội không tìm thấy câu trả lời thích hợp, thì chúng ta không nên buông xuôi. Con đường là Chúa Giêsu: hãy đưa chúng lên “thuyền” của chúng ta và ra khơi với Người! Người là Chúa! Người thay đổi quan điểm sống. Đức tin vào Chúa Giêsu dẫn đến một niềm hy vọng, là hy vọng đi xa hơn, đến một điều chắc chắn không chỉ dựa trên phẩm chất và khả năng của chúng ta, nhưng trên Lời Chúa, theo lời mời đến từ Người. Đừng tính toán quá nhiều theo con người, cũng đừng quá bận tâm kiểm tra xem thực tại vây quanh các con có hợp với sự an toàn của các con không. Hãy ra khơi, ra khỏi chính mình, ra khỏi thế giới nhỏ bé của chúng ta và mở lòng ra với Thiên Chúa, để càng ngày càng mở ra nhiều hơn cho anh em. Mở lòng ra với Thiên Chúa cũng mở lòng chúng ta ra cho những người khác! Chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa và mở lòng ra cho những người khác. Hãy bước một vài bước vượt qua chính mình, những bước nhỏ, nhưng hãy bước, những bước nhỏ, bằng cách đi ra khỏi chính mình hướng về Thiên Chúa và người khác, mở cửa trái tim cho sự hiệp thông, tình bằng hữu và đoàn kết.

3. Điểm thứ ba - và cha kết thúc: điều này hơi dài một chút! - “Hãy thả lưới bắt cá” (câu 4). Giới trẻ Sardinia thân yêu, điều thứ ba cha muốn nói với các con, và như thế cha trả lời hai câu hỏi khác, là các con cũng được mời gọi để “đánh cá người.” Đừng do dự hiến cuộc đời của các con cho niềm vui làm chứng cho Tin Mừng, đặc biệt là với giới trẻ. Cha muốn nói với các con một kinh nghiệm cá nhân. Hôm qua cha kỷ niệm 60 năm ngày cha nghe tiếng Chúa Giêsu nói trong trái tim cha. Nhưng cha không nói điều này để các con làm cho cha một chiếc bánh, ở đây, không, cha không nói về điều đó. Mà đó là một lời nhắc nhở: 60 năm kể từ ngày hôm đó. Cha không bao giờ quên ngày ấy. Chúa đã làm cho cha cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng cha nên đi theo con đường này. Khi ấy cha 17 tuổi. Vài năm trước quyết định ấy, lời mời gọi này cũng rất cụ thể và rõ ràng. Sau nhiều năm trôi qua với một số thành công, niềm vui, nhưng nhiều năm thất bại, yếu đuối, tội lỗi... 60 năm trên con đường của Chúa, đi sau Người, đi cạnh Người, đi với Người mãi mãi. Cha chỉ nói với các con điều này: Cha không bao giờ hối tiếc! Cha không bao giờ hối tiếc! Nhưng tại sao? Tại sao cha cảm thấy mình như Tarzan và mạnh mẽ để tiến bước? Không, cha đã không hối tiếc, bởi vì, ngay cả trong những lúc đen tối nhất, trong những lúc tội lỗi, trong những lúc yếu đuối, trong những lúc thất bại, cha luôn luôn nhìn vào Chúa Giêsu và cha tín thác vào Người, và Người đã không bỏ cha một mình. Hãy tín thác vào Chúa Giêsu! Người luôn luôn tiến bước, Người đồng hành với chúng ta! Nhưng, kìa, Người không bao giờ thất vọng. Người thành tín, Người là người bạn đồng hành trung thành. Chỉ cần nghĩ rằng, đây là lời chứng của cha: Cha hạnh phúc suốt 60 năm qua với Chúa. Nhưng một điều nữa: Hãy tiến bước! Cha đã nói quá lâu phải không? (“Thưa không,” những người trẻ phản đối và ĐTC cười) Tiếp tục hiệp nhất trong cầu nguyện. Và tiến vào cuộc sống với Chúa Giêsu, các thánh cũng đã làm thế.

Các Thánh là như thế này, các ngài đã không đạt đến hoàn hảo, đã là thánh! Các ngài trở nên thánh bởi vì, như ông Simon Phêrô, các ngài tin tưởng vào Lời Chúa và “ra khơi”. Vùng đất của các con đã cung cấp rất nhiều nhân chứng, gồm cả những vị gần đây: Các Chân Phước Antonia Mesina, Gabriella Sagheddu, Giuseppina Nicoli, các Tôi Tớ Thiên Chúa Edvige Carboni, Simonetta Tronci và Don Antonio Loi. Các ngài là những người bình thường, thay vì phàn nàn, các ngài “đã thả lưới bắt cá.” Các con hãy noi gương các ngài, hãy tin tưởng vào lời cầu bầu của các ngài, và hãy luôn luôn là những người nam nữ của hy vọng! Đừng phàn nàn! Đừng nản lòng! Đừng nhảy ra khỏi thuyền, đừng đi mua bất cứ sự an ủi nào của thần chết: không một an ủi nào! Hãy tiến lên với Chúa Giêsu! Người không bao giờ thất bại, Người không lừa dối, Người luôn trung thành!

Hãy cầu nguyện cho Cha! Và nguyện xin Đức Mẹ đồng hành với các con.

Trước khi ban Phép Lành ĐTC Phanxicô nói thêm:

Các người trẻ thân mến,

Trước khi ban Phép Lành cha muốn nói với các con một điều khác. Khi cha nói tiến lên với Chúa Giêsu, nghĩa là để xây dựng, để làm những điều tốt đẹp, thăng tiến sự sống, giúp đỡ người khác, xây dựng một thế giới tốt đẹp và hòa bình hơn. Nhưng có những lựa chọn sai lầm, những lựa chọn sai lầm, bởi vì đó là những lựa chọn tàn phá. Hôm nay, ở Pakistan, vì một lựa chọn sai lầm, hận thù, chiến tranh, một cuộc tấn công đã xảy ra và 70 người đã chết. Đừng đi con đường này, các con không cần nó. Chỉ có con đường hòa bình mới có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn mà thôi! Nhưng nếu các con không làm điều ấy, nếu các con không làm, không một ai khác sẽ làm! Đây là vấn đề, và đây là câu hỏi mà cha để lại cho các con: “Tôi có sẵn sàng, tôi có sẵn sàng đi một con đường để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn không?” Chỉ con đường này. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã chết trong cuộc tấn công ở Pakistan bằng một Kinh Lạy Cha.

Lạy Cha chúng con...

Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta luôn luôn làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn, đi theo con đường xây dựng, con đường hòa bình, và không bao giờ đi theo con đường tàn phá và con đường dẫn đến chiến tranh.

Xin Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho các con.


Làm ơn cầu nguyện cho cha. Và tạm biệt!

http://giaoly.org/vn/
 
Xem video hàng ngàn người thất nghiệp cùng rơi lệ với Đức Thánh Cha trong cuộc hành hương ở Sardinia.
Trần Mạnh Trác
10:59 23/09/2013
Video Đức Thánh Cha tiếp kiến những người thất nghiệp ở đảo Sardinia



23 tháng 9 năm 2013 (Romereports.com) Nạn thất nghiệp tạo ra đau khổ. Là lời cuả Đức Thánh Cha trong lời phát biểu thẳng thừng với giới lao động tại đảo Sardinia của Ý.

"Xin tha thứ cho những lời lẽ nhằm gây ấn tượng cuà tôi, nhưng đó là sự thật" Ngài nói, "Sự đau khổ, (tức là ) thiếu việc làm, làm cho con người cảm thấy mất nhân phẩm! Khi không có công việc, thì không có nhân phẩm! (Dân chúng vừa vỗ tay vừa khóc) Và điều này không chỉ là một vấn đề cuả đảo Sardiania, nhưng điều này thực sự đang tàn phá ở nơi đây! Cũng không chỉ là một vấn đề của nước Ý, hay cuả một số nước châu Âu, mà là hậu quả của một thế giới, một hệ thống kinh tế lấy trung tâm của nó là một thần tượng được gọi là tiền. "

Trong buổi hội họp Đức Giáo Hoàng đã chú ý đến các trường hợp của ba nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế: một công nhân thất nghiệp, một mục tử và một nữ doanh nhân. Người đầu tiên, một công nhân, đã kể lại những bi thảm gây ra bởi nạn thất nghiệp:

"Thưa Đức Thánh Cha, tên của tôi là Franceso. Tôi là một thợ máy của hãng Sardinia Green Island và kể từ ngày 02 tháng 2 năm 2009, hơn bốn năm rồi, tôi đã không có việc. Xin vui lòng, hãy để tôi đọc tên cuả hai người bạn đồng nghiệp đã thiệt mạng vì thảm cảnh này. Marcelo và Mauricio " Đức Thánh Cha đã tỏ ra xúc động mạnh, đám đông cũng thổn thức và vỗ nhịp tay

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt nền văn hóa 'vất bỏ' đang xô đẩy những thanh thiếu niên và người già qua một bên.

"Chúng ta phải nói 'Không' với nền 'văn hóa vất bỏ này'. Chúng ta phải kêu lên : "Chúng tôi muốn một hệ thống công bằng!" Một hệ thống mà trong đó tất cả chúng ta có thể gánh vác được. Chúng ta phải nói: 'Chúng tôi không muốn một hệ thống kinh tế toàn cầu hóa đang gây nguy hại này! Con Người, Nam cũng như Nữ, phải được đặt làm trung tâm, giống như điều Chúa muốn, chứ không phải là tiền! "

Xúc động sâu sắc khi nghe những nhân chứng kể về hoàn cảnh cuả họ, Đức Giáo Hoàng không đọc bài diễn văn đã soạn sẵn nữa, Ngài nói:

"Tôi đã viết một cái gì đó cho quí bạn, nhưng bây giờ thì những lời này bỗng đến với tôi. Tôi sẽ đưa bài diễn văn cho các giám mục, như thể tôi đã đọc nó. Nhưng bây giờ tôi sẽ nói những gì trái tim tôi đang cảm thấy. "

Đức Giáo Hoàng khuyến khích tất cả mọi người lao động hãy giữ lấy hy vọng và không để cho ai mang nó đi mất. Đức Thánh Cha kêu gọi họ phải chiến đấu cùng với nhau để cho con Người, Nam và Nữ và gia đình của họ, được đặt làm trung tâm của cuộc sống, chứ không phải là tiền.
 
Đền thánh Phêrô tắt đèn tưởng niệm nạn nhân Kitô hữu tại Pakistan.
Trần Mạnh Trác
11:06 23/09/2013
Đền thánh Phêrô đã tắt đèn đêm Chuá Nhật, đắm chìm trong bóng tối để tưởng niệm các anh chị em Kitô hữu bên Tin Lành bị sát hại và để phân ưu cùng các gia đình nạn nhân tại Pakistan.

Vào giữa trưa Chúa Nhật ngày 22 tháng 9, hai tên Hồi Giáo quá khích đã nổ bom tự sát giữa hàng trăm Kitô hữu sau khi họ tham dự buổi lễ và đang tụ tập để ăn trưa miễn phí bên ngoài nhà thờ.

Số nạn nhân vẫn còn tăng cao, tin tức cho biết hiện có ít nhất 81 người thiệt mạng và hơn 120 người bị thương. Nhân chứng tại hiện trường mô tả là có hai trái bom nổ. Áo khoác tự sát và những phần cơ thể cuả các tên khủng bố đã được tìm thấy.

Hiện trường là nhà thờ All Saints (Các Thánh), một ngôi nhà thờ lịch sử cuả Anh Giáo trong khu đông dân cư Kohati Gate của thị xã Peshawar , Pakistan.

Nhóm chiến binh Jandullah , liên kết với Taliban Pakistan , cho biết họ thực hiện vụ đánh bom để trả đũa cho cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu các bộ lạc phía tây bắc Pakistan .

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án vụ đánh bom tự sát, kêu gọi rời bỏ bạo lực và đôn đốc các nỗ lực hòa bình trong khu vực.

"Hôm nay , tại Pakistan, vì một sự lựa chọn sai , là lựa chọn hận thù và chiến tranh , đã gây ra một cuộc tấn công làm cho hơn 70 người chết. Sự lựa chọn này không thể bào chữa được. " Ngài nói trong khi chuyến hành hương tại Cagliari trên đảo Sardinia.

" Nó không phục vụ gì cả. Chỉ có con đường hòa bình mới có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. "
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp người nghèo, tù nhân, giới văn hóa và giới trẻ tại Cagliari, Sardegna
Lm. Trần Đức Anh OP
19:28 23/09/2013
CAGLIARI. Trong chuyến viếng thăm mục vụ Chúa Nhật 22-9-2013, ĐTC Phanxicô đã dành buổi chiều cùng ngày để gặp gỡ người nghèo, các tù nhân được Caritas giúp đỡ, giới văn hóa và giới trẻ tại thành phố Cagliari, thủ phủ đảo Sardegna của Italia.

ĐTC Phanxicô đã dành 12 tiếng đồng hồ để viếng thăm Tổng giáo phận Cagliari có 570 ngàn tín hữu Công Giáo. Cao điểm cuộc viếng thăm là thánh lễ ngài cử hành trước 100 ngàn tín hữu tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ Bonaria. Tên của Đền thánh này có liên hệ đặc biệt với tên của thành phố Buenos Aires ở Argentina nơi ĐTC làm GM. Thực vậy các thủy thủ của đoàn tàu từ Sardegna có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Bonaria nên họ đã lấy tên của Đền Thánh Đức Mẹ nơi quê hương để đặt cho nơi họ đến cư ngụ ở Argentina.

Gặp gỡ người nghèo, tù nhân và Caritas
Sau thánh lễ, ĐTC đã dùng bữa với các GM đảo Sardegna tại Đại chủng viện miền, rồi lúc quá 3 giờ chiều ngài đến Nhà thờ chính tòa Cagliari để gặp gỡ người nghèo và các tù nhân do tổ chức Caritas trợ giúp.
Có 130 người nghèo cùng với một số tù nhân và các nhân viên Caritas hiện diện tại Nhà Thờ, trong bầu không khí hân hoan và cảm động.
Trong bài huấn dụ tại cuộc gặp gỡ, ĐTC nói:

”Khi nhìn Chúa Giêsu chúng ta thấy Chúa đã chọn con đường khiêm hạ và phục vụ. Đúng ra, chính bản thân Chúa là con đường ấy... Con đường của Chúa là con đường bác ái. Vì thế chúng ta thấy bác ái không phải chỉ là ban cấp sự giúp đỡ, nhưng là sự chọn lựa một lối sống; là con đường khiêm hạ và liên đới. Sự khiêm hạ của Chúa Kitô không phải là để dạy đời, không phải là một tình cảm, nhưng đó là điều chân thực: Chúa muốn trở nên bé nhỏ, ở với những người hèn mọn, với những người bị loại trừ, ở với chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng chúng ta cần để ý, đây không phải là một ý thức hệ! Nhưng là một lối hiện hữu và sống, đi từ tình yêu, từ con tim của Thiên Chúa Cha.

”Nhưng nhìn ngắm Chúa mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải theo Chúa nữa. Và đó là khía cạnh thứ hai. Chúa Giêsu không đến để trình diễn cho người ta thấy. Chúa Giêsu là đường và con đường là để bước theo.”

ĐTC cám tạ Chúa vì sự dấn thân của tất cả những anh chị em tận tụy quảng đại tại Cagliari và Sardegna này trong việc thực thi những công việc từ bi bác ái và ngài khích lệ họ tiếp tục con đường ấy đồng thời nhắc nhở rằng:
”Chúng ta phải thực thi các công việc từ bi bác ái với lòng từ bi, dịu dàng, và luôn luôn với lòng khiêm tốn! Anh chị em biết không: Đôi khi người ta cũng thấy sự kiêu hãnh trong việc phục vụ người nghèo! Một số người làm đẹp, sống bằng người nghèo; một số người lợi dụng người nghèo để phục vụ cho tư lợi hoặc cho phe nhóm của họ. Tôi biết đó là chuyện phàm nhân, nhưng điều ấy không tốt! Và tôi muốn nói hơn nữa, đó là tội lỗi! Tốt hơn những người ấy nên ở nhà.”

”Khi theo Chúa Kitô trên con đường bác ái, chúng ta gieo vãi hy vọng. Đó là xác tín thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Xã hội Italia ngày nay đang rất cần hy vọng, đặc biệt tại đảo Sardegna này. Ai có trách nhiệm chính trị và dân sự thì có nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ cần được hỗ trợ tích cực, như những công dân...
”Nhưng trong tư cách là Giáo Hội, tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm lớn, đó là gieo vãi hy vọng bằng những công việc liên đới, luôn tìm cách cộng tác một cách tốt đẹp hơn với các tổ chức công cộng, trong sự tôn trọng các thẩm quyền liên hệ. Đức bác ái diễn tả cộng đoàn, và sức mạnh của cộng đoàn Kitô là làm tăng trưởng xã hội từ bên trong như men. Tôi nghĩ đến những sáng kiến của anh chị với các tù nhân trong các nhà tù, tôi nghĩ đến sự thiện nguyện của bao nhiêu hội đoàn, đến tình liên đới với các gia đình đang chịu đau khổ nhiều hơn vì thiếu việc làm. Về điểm này, tôi nói với anh chị em: hãy cam đảm, đừng để cho người ta cướp mất niềm hy vọng và hãy tiến bước!

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã chào thăm nhiều người. Có những người nhân dịp này trao cho ngài những lá thư riêng hoặc một món quà nhỏ.. Ngài mời mọi người đọc kinh Lạy Cha trước khi ban phép lành kết thúc.
Trước khi rời Nhà thờ chính tòa Cagliari, ĐTC cũng chào thăm các nữ tu thuộc các dòng khác nhau, kể cả các nữ tu chiêm niệm. Ngài nói với họ: ”Chị em là sự nâng đỡ tinh thần cho Giáo Hội. Hãy tiếp tục tiến bước với xác tín đó. Chúa kêu gọi chị em để nâng đỡ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của chị em”.

Gặp giới văn hóa

Hoạt động thứ hai của ĐTC chiều Chúa Nhật vừa qua là cuộc gặp gỡ với giới văn hóa lúc quá 4 giờ chiều tại thính đường Giáo Hoàng phân khoa thần học ở Cagliari do các cha dòng Tên đảm trách. Ngoài ra còn có đại diện của hai Đại học công lập ở Cagliari và Sassari.

Ngỏ lời trong dịp này, sau lời chào mừng của LM khoa trưởng thần học và hai giáo sư viện trưởng Đại học, ĐTC đã trình bày một số suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng về thái độ của hai môn đệ trên đường làng Emmaus sau khi Chúa chịu chết, họ rời khỏi thành Jerusalem và trở về quê. ĐTC đã cô đọng suy tư của ngài trong 3 điểm: thất vọng, cam chịu và hy vọng.

Thứ 1. Hai môn đệ mang trong tâm hồn nỗi đau khổ và lạc hướng vì cái chết của Chúa Giêsu, họ thất vọng vì sự việc xảy ra. Chúng ta thấy tâm tình tương tự trong tình trạng chúng ta ngày nay: thất vọng, vỡ mộng, vì cuộc khủng hoảng không những về kinh tế tài chánh, nhưng cả về môi sinh, giáo dục và luân lý nữa. Đó là một cuộc khủng hoảng liên quan đến hiện tại và tương lai lịch sử, trong cuộc sống con người thuộc nền văn minh tây phương và liên hệ tới toàn thế giới... Ít nhất trong 4 thế kỷ gần đây, người ta chưa hề thấy tình trạng những xác tín chắc chắn cơ bản bị rúng động như hiện nay, những xác tín ấy vốn tạo nên cuộc sống con người. Tôi nghĩ đến sự suy thoái môi trường, những chênh lệch xã hội, tiềm năng kinh khủng của võ khí, hệ thống kinh tế tài chánh, sự phát triển, sức nặng của các phương tiện thông tin, truyền thông, chuyên chở.

2. ”Đâu là những phản ứng đứng trước thực tại ấy? Hai môn đệ làng Emmaus đã có phản ứng cam chịu, tìm cách trốn chạy khỏi thực tại, rời bỏ thành Jerusalem. Chúng ta cũng thấy thái độ như thế trong thời điểm lịch sử này. Đứng trước cuộc khủng hoảng, người ta có thể có thái độ cam chịu, bi quan đối về những gì có thể thực hiện hữu hiệu... Sự thất vọng và vỡ mộng cũng đưa tới sự trốn chạy, tìm những ”hòn đảo” hoặc ngưng lại. Thái độ đó phần nào cũng giống như thái độ rửa tay của Philatô. Thái độ này có vẻ là thực tiễn, nhưng trong thực tế nó cố tình không biết đến tiếng kêu công lý, nhân đạo, trách nhiệm xã hội và dẫn tới chủ nghĩa cá nhân, giả hình, nếu không muốn nói là đi tới thái độ sống chết mặc bay.

3. ĐTC nhận xét rằng: Về điểm này chúng ta tự hỏi: có một con đường phải đi trong tình trạng của chúng ta hay không? Phải chăng chúng ta phải cam chịu, trốn chạy thực tại, rửa tay và co cụm vào mình? Tôi nghĩ không những có một con đường phải đi, nhưng chính trong thời điểm lịch sử này, chúng ta được thúc đẩy tìm thấy những con đường hy vọng, mở ra những chân trời mới cho xã hội chúng ta. Và đây chính là vai trò của Đại học như một nơi soạn ra và thông truyền kiến thức, huấn luyện về sự khôn ngoan theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, giáo dục toàn diện con người.

Trong ý hướng trên đây, ĐTC nói đến 3 vai trò của đại học: Đại học như một nơi phân định, đọc thực tại và phân tích suy xét, không chút sợ hãi, không hoảng hốt.. Đại học, như một môi trường của sự khôn ngoan có chức năng rất quan trọng là huấn luyện về sự phân định, để nuôi dưỡng hy vọng.

Tiếp đến đại học như một nơi kiến tạo nền văn hóa gần gũi. Sự cô lập và co cụm vào mình hoặc đóng khung trong những lợi lộc riêng của mình không bao giờ là con đường tái tạo hy vọng và thực huện sự canh tân, trái lại chính sự gần gũi, nền văn hóa gặp gỡ mới làm được điều đó. Đại học là nơi ưu tiên để thăng tiến, giảng dạy và sống nền văn hóa đối thoại..

ĐTC nhận xét rằng khi Chúa Giêsu đến gần các môn đệ làng Emmanus, ngài đồng hành, lắng nghe cái nhìn thực tại, sự thất vọng của họ, đối thoại với họ, và với cách thức đó, Ngài khơi dậy nơi họ niềm hy vọng, những chân trời mới đã hiện diện, mà chỉ có cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh giúp nhận ra.
Yếu tố sau cùng: Đại học là nơi huấn luyện về tình liên đới.. Phân định thực tại, nhận thức khủng hoảng, thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, và đối thoại, hướng về tình liên đới, như yếu tố cốt yếu để canh tân xã hội chúng ta. Và ĐTC kết luận rằng:

”Đức tin ban cho các tín hữu Kitô chúng ta niềm hy vọng vững chắc thúc đẩy phân định thực tại, sống sự gần gũi và tình liên đới vì Thiên Chúa đi vào lịch sử chúng ta, trở thành ngừơi trong Đức Giêsu, ngụp lặn trong sự yếu đuối của chúng ta, trở nên gần gũi tất cả mọi người, chứng tỏ tình liên đới cụ thể, nhất là với những ngừơi nghèo khổ túng thiếu nhất mở ra cho chúng ta một chân trời vô biên và chắc chắn của niềm hy vọng”.

Gặp giới trẻ
Giã từ giới văn hóa, ĐTC trở lại Quảng trường Carlo Felice gần bến tàu Cagliari nơi ngài đã gặp giới lao động của đảo Sardegna vào ban sáng Chúa Nhật. Tại đây 100 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây ca hát, suy tư và nghe chứng từ về đề tài: ”Con hãy thả lưới!” dựa trên Tin Mừng theo thánh Luca (5,4-11).

Khi ĐTC đến, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt. Một số đại diện bạn trẻ đã chào mừng và xin ĐTC trả lời một số thắc mắc xin ngài giải đáp.

Trong phần huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn Tin Mừng về sự tích các môn đệ vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào từ hồ Galilea. Nhưng rồi Chúa Giêsu đến, gọi Phêrô, Anrê, và Giacôbê và Gioan, cũng với các ngư phủ khác, ngài bảo Phêrô thả lưới, nhưng ông nói: ”Thưa thầy chúng con vất vả cả đêm mà chẳng được gì!”
Đó là điểm đầu tiên ĐTC muốn nói tới, là kinh nghiệm về sự thất bại, có cái gì đó không ổn, có một sự thất vọng.
ĐTC nói: ”Trong tuổi trẻ chứng ta đề ra dự phóng, hướng về đằng trước, nhưng nhiều khi gặp phải thất bại, thất vọng: đó là một sự thử thách.

Cả trong Giáo Hội, chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm ấy: các LM, giáo lý viên, những người linh hoạt vất vả rất nhiều, mất bao nhiêu năng lực, dồn toàn lực, nhưng rốt cục không thấy những thành quả tương ứng với cố gắng. Đức tin bị suy giảm, nhiều tín hữu không tích cực tham gia đời sống Giáo Hội, nhiều tín hữu Kitô mệt mỏi và buồn sầu, nhiều người trẻ, sau khi chịu phép thêm sức, thì không còn tham gia đời sống giáo xứ nữa.

ĐTC đặt câu hỏi: đứng trước thực tại ấy chúng ta có thể làm gì? Chắc chắn một điều không được làm là để cho mình bị thái độ bi quan và nản chí đè bẹp. Các bạn trẻ không thể và không được sống mà không có hy vọng, hy vọng là điều thuộc về cuộc sống của các bạn. Một người trẻ không có niềm vui và hy vọng thì thật là đáng lo, và không còn là người trẻ nữa.

Thánh Phêrô, trong giờ phút nguy kịch, thất bại, lẽ ra Người có thể chiều theo sự mệt mỏi và nán chí, nghĩ rằng thật là vô ích và tốt hơn nên rút lui về nhà. Nhưng, với lòng can đảm, thánh nhân ra khỏi mình và quyết định tín thác vào Chúa Giêsu và nói: ”Vâng lời Thầy con sẽ thả lưới!” Phêrô không nói: theo sức lực, theo những tính toán, kinh nghiệm của con như một ngư phủ lành nghề, nhưng Người nói: ”theo lời Thầy”! Và kết quả là một mẻ cá lạ lùng, lưới đầy cá, đến độ suýt bị rách!

Sang điểm thứ 2: tín thác vào Chúa Giêsu. ĐTC nói:
”Chúa luôn ở với chúng ta. Chúa đến bên bờ biển cuộc đời chúng ta, gần gũi với những thất vọng của chúng ta, sự dòn mỏng, tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng. Các bạn đừng bao giờ ngừng tiếp tục cuộc chơi, như những thể tháo gia giỏi biết đương đầu với những vất vả của việc tập luyện, để đạt kết quả! Những khó khăn không được làm các bạn kinh hãi, nhưng thúc đẩy các bạn đi xa hơn. Hãy nghe những lời Chúa nói với các bạn: ”hãy ra khơi và thả lưới, hỡi các bạn trẻ Sardegna! Các bạn hãy luôn ngoan ngoãn đối với Lời Chúa.. Khi những cố gắng khơi dậy đức tin nơi các bạn đồng lứa dường như vô ích, như những vất vả suốt đêm của các ngư phủ, các bạn hãy nhớ rằng với Chúa Giêsu, tất cả có thể thay đổi. Lời Chúa đã làm đầy lưới, và lời Chúa làm cho công việc truyền giáo của các môn đệ trở nên hữu hiệu. Theo Chúa Giêsu có nhiều đòi hỏi, và có nghĩa là không hài lòng với những mục tiêu bé nhỏ, nhưng can đảm nhắm lên cao!

Điểm thứ ba: ”Hãy thả lưới bắt cá (v.4).” ĐTC nói: Các bạn trẻ Sardegna thân mến, điều thứ ba tôi muốn nói với các bạn là các bạn cũng được mời gọi trở thành những người ngư phủ lưới người. Các bạn đừng do dự dành trọn cuộc đời mình để vui mừng làm chứng về Tin Mừng, nhất là cho các bạn đồng lứa tuổi.

”Tôi muốn kể cho các bạn một kinh nghiệm bản thân. Hôm qua (21-9), tôi đã kỷ niệm 60 năm ngày tôi cảm thấy tiếng Chúa Giêsu trong tâm hồn tôi.. Tôi không bao giờ quên. Chúa đã cho tôi nghe được mạnh mẽ rằng tôi phải đi con đường ấy. Lúc đó tôi 17 tuổi. Tôi đã trải qua vài năm trước đó trước khi quyết định đi tu trở thành cụ thể và chung kết. Sau bao nhiêu năm với một vài thành công, vui mừng, những cũng có bao năm thất bại, mong manh, tội lỗi.. 60 năm trên con đường của Chúa, đi theo Chúa, cạnh Chúa, luôn luôn cùng với Chúa. Tôi chỉ nói với các bạn điều này: tôi không bao giờ hối hận vì đã đi theo Chúa! Không phải vì tôi mạnh như Tarzan, tôi không hối hận vì cả trong những lúc đen tối, những lúc tội lỗi, yếu đuối mong manh, thất bại, tôi đã nhìn Chúa Giêsu và tôi tin thác nơi Ngài và Chúa không bao giờ để tôi một mình. Các bạn hãy tín thác vào Chúa Giêsu, luôn tín thác vào ngài và tiến bước!

Sự đóng góp của các bạn thật là quan trọng cho sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng: Người trẻ làm tông đồ của người trẻ! Hãy nói với mọi người bằng cuộc sống của các bạn và bằng niềm vui rằng Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài luôn thời sự. Và các bạn hãy can đảm đi ngược dòng, đừng để mình bị cuốn theo dòng đời. Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, cảm nghiệm tình thương và lòng từ bi của Chúa là một cuộc phiêu lưu lớn nhất và đẹp nhất có thể xảy ra cho một người.

”Các thánh cũng như vậy, các ngài không phải là hoàn hảo khi sinh ra, không là thánh khi chào đời! Các ngài nên thánh vì đã tín thác vào lời Chúa và ra khơi như Simon Phêrô. Các bạn hãy noi gương các ngài, tín thác nơi sự chuyển cầu của các ngài và luôn luôn là những người hy vọng”.
Cuối cuộc gặp gỡ, ĐTC còn chào thăm một số bạn trẻ, trong đó có những người khuyết tật. Rồi lúc gần 7 giờ ngài đáp máy bay từ phi trường Cagliari để trở về Roma.
Sở cảnh sát ở Cagliari cho biết có tới 400 ngàn người đã tham dự các sinh hoạt và buổi lễ do ĐTC cử hành tại đây Chúa Nhật vừa qua.
 
Top Stories
Hanoi, nuovi attacchi alle proprietà dei cattolici di Thai Ha
Asia-News
04:46 23/09/2013
Le autorità comuniste vogliono espropriare altri terreni appartenenti ai Redentoristi. Dietro il sequestro piani di sviluppo e interessi economici. Per sacerdoti e fedeli il provvedimento è “illegale”, immorale e viola i diritti della comunità cristiana.

Hanoi (AsiaNews) - Ad Hanoi si apre un nuovo fronte di scontro fra le autorità e i cattolici, per un decreto di esproprio emesso dal Dipartimento per l'urbanistica e che riguarda terreni di proprietà dei Redentoristi della parrocchia di Thai Ha, nei pressi del lago di Ba Giang. Per sacerdoti, religiosi e fedeli il provvedimento è "illegale" e costituisce una "violazione" dei diritti della comunità cristiana, come spiega in una lettera diffusa nei giorni scorsi il superiore p. Matthew Vu Khoi Phung. Nella missiva inviata al presidente del Comitato popolare comunista locale Nguyen The Thao, il sacerdote testimonia la sorpresa e lo scontento dei fedeli di Hanoi, in riferimento alle proposte di modifica di destinazione dell'area; per i cattolici si tratta di un "pretesto" per negare i loro diritti e dar via alla realizzazione di nuovi progetti in campo edilizio come già successo in passato.

Il priore p. Matthew spiega che i terreni attorno al lago di Ba Giang "appartengono, sono curati e utilizzati" dai Redentoristi di Hanoi a partire dal 1928; e, aggiunge, "non abbiamo mai concesso, dato o trasferito il diritto di utilizzo di una qualsiasi parte di terreno a singoli individui o organizzazioni". Egli prosegue ricordando che è un "atto contrario alla Costituzione e alla legge" il tentativo del Comitato popolare di Hanoi - attraverso il Dipartimento per l'urbanistica - di costruire sui terreni della parrocchia, a fronte di numerose petizioni contrarie.

Per il sacerdote si tratta inoltre di un atto che offende "morale e buon senso", e che finirà per causare "seri danni ai diritti e agli interessi" delle organizzazioni religiose; oltre che costituire, ammonisce, "una offesa alla fede e ai sentimenti religiosi dei credenti". A cinque anni di distanza dalla demolizione del santuario Mariano per la realizzazione di un parco pubblico, le autorità di Hanoi si apprestano così a requisire un altro pezzo importante di storia cristiana nella capitale vietnamita.

Da anni, i sacerdoti e i fedeli di Thai Ha denunciano la requisizione illegale dei terreni da parte dello Stato. Nel novembre 2011 centinaia di poliziotti e militari con cani e picchiatori, seguiti da una troupe della televisione statale, hanno attaccato il convento di Thai Ha, urlato insulti con i megafoni, lanciato pietre e fracassato il portone. L'assalto è stato interrotto dall'intervento dei fedeli delle parrocchie vicine, che sono accorsi in massa richiamati dalle campane della chiesa di Thai Ha.

Ciò che lo Stato rivendica come "proprietà pubblica" appartiene di diritto alla comunità Redentorista dal 1928. Con la salita al potere del governo comunista del Vietnam del Nord nel 1945, l'amministrazione di Hanoi ha rosicchiato pezzo per pezzo i terreni della parrocchia. Negli anni la proprietà dei redentoristi è passata da 61.455 mq a soli 2.700 mq. La disputa sui terreni ha raggiunto il suo apice fra il 2008 e il 2009, quando migliaia di cattolici hanno manifestato per giorni davanti al convento chiedendo il fermo degli espropri voluti dall'amministrazione locale nel quadro di un piano di "privatizzazione" dei beni. La contesa si è conclusa con un ulteriore esproprio da parte dello Stato e la condanna di otto cattolici in un processo farsa per disturbo dell'ordine pubblico.
 
Hanoi, fresh attacks on Thai Ha Catholics’ property
Asia-News
04:53 23/09/2013
The communist authorities want to expropriate more land belonging to the Redemptorists . Development plans and economic interests behind the seizure. Priests and faithful say the measure is "illegal", unethical and violates the rights of the Christian community.

Hanoi ( AsiaNews) - Hanoi authorities have opened a new battle front with Catholics with an expropriation order issued by the Department for Urbanism and lease of land owned by the Redemptorists of Thai Ha parish, near lake Ba Giang. The priests, religious and faithful say the measure is " illegal" and constitutes a " violation" of the rights of the Christian community , as explained in a letter published in recent days by the superior Fr . Matthew Vu Khoi Phung . In the letter sent to the president of the local Communist People's Committee Nguyen The Thao , the priest bears witness to the surprise and discontent of the faithful of Hanoi, in reference to the proposed changes to the area in question, which for Catholics it is only a " pretext" to deny their rights and give way to the realization of new building projects as has already happened in the past.

The superior Fr . Matthew explains that the land around lake Ba Giang "belongs to, is cared for and used" by the Redemptorists in Hanoi since 1928 , and , he adds, "we have never granted, given or transferred the right to use any part of land to individuals or organizations". He goes on to mention that it is an "act contrary to the Constitution and the law," an attempt by the People's Committee of Hanoi - through the Department for urbanism - to build on the land of the parish, in the face of numerous petitions to the contrary.

The priest says it is also an act that offends "moral and common sense" and that will eventually cause "serious damage to the rights and interests" of religious organizations, as "an offense against the faith and feelings of religious believers". Five years after the demolition of the Marian shrine for the creation of a public park, Hanoi authorities are preparing to requisition another important piece of Christian history in the Vietnamese capital.

For years, the priests and faithful of Thai Hai have been denouncing the illegal seizure of land by the State. In November 2011, hundreds of police and soldiers with dogs and thugs , followed by a state television crew, attacked the convent of Thai Ha, shouted abuse through megaphones , threw stones and smashed the door . The assault was interrupted by the faithful from neighboring parishes, who flocked to the convent called by the bells of the church of Thai Ha.

What the state claims as "public property" was purchased by Redemptorists in 1928. When the Communists took over in 1945, the authorities gradually whittled away parish-owned land. Thus, the area occupied by the monastery went from 61,455 m2 to 2,700 m2. The dispute reached its apex in 2008 and 2009 when thousands of Catholics demonstrated for days on end in front of the convent demanding an end to the seizures. Their efforts came to naught as more land was taken and eight Catholics brought to court for disturbing the public order.
 
Pakistan: L’attentat sans précédent commis à la All Saints Church de Peshawar interroge le bien-fondé des négociations menées par le gouvernement avec les talibans
Eglises d'Asie
10:17 23/09/2013
Au lendemain de l’attentat-suicide qui a fait plus de 80 morts et 150 blessés au sein de la communauté chrétienne de Peshawar, alors que les proches des victimes ont commencé à porter en terre les premiers cercueils, la violence et la gravité de l’action terroriste viennent interroger le bien-fondé des négociations que le gouvernement a décidé d’ouvrir avec les talibans pakistanais.

Vingt-quatre heures après l’attentat, les circonstances de celui-ci sont peu à peu précisées : ce dimanche 22 septembre, une foule de quelque 600 chrétiens se pressait à la sortie du service dominical célébré à la All Saints Church de Peshawar. Datant de 1883, construit à l’époque du colonisateur britannique, ce lieu de culte de l’Eglise du Pakistan (1) est situé au cœur de la vieille ville de Peshawar. Sur le coup de 11h30, alors que les fidèles sortaient de l’édifice pour se répandre sur l’espace adjacent à l’église où un repas gratuit était servi, deux jeunes hommes ont pénétré dans le périmètre de l’église. Armés de grenades et d’armes légères, ils ont ouvert le feu avant de se faire exploser. Parmi les victimes, plus de la moitié sont des femmes et des enfants. Une famille a perdu quatre de ses membres, et un cinquième, une fillette de 5 ans, est portée disparue, rapportent ce matin les journaux pakistanais.

Très rapidement, les déclarations condamnant l’attentat ont afflué. En déplacement aux Etats-Unis, le Premier ministre Nawaz Sharif a dénoncé une attaque « cruelle », contraire aux tenants de l’islam. Le ministre fédéral de l’Intérieur Chaudhry Nisar s’est rendu sur place le dimanche en fin d’après-midi et déclaré que les auteurs de l’attentat étaient des ennemis de l’islam et du Pakistan. Le président de la République Mamnoon Hussain a, quant à lui, exprimé sa solidarité avec la communauté chrétienne du pays.

Du côté des responsables religieux, le Conseil des oulémas du Pakistan a fermement condamné l’attentat et affirmé que tuer des innocents était contraire à l’islam. « Il n’y a pas de place en islam pour de telles actions terroristes », a déclaré son chef, Allama Tahir Mehmood Ashrafi. Pour les catholiques, le président de la Conférence épiscopale, Mgr Joseph Coutts, a condamné l’action « dans les termes les plus fermes » et appelé à la prière pour les victimes et leurs proches. Pour l’Eglise du Pakistan, l’évêque de Peshawar, Mgr Humphrey Peter, qui s’est rendu sur les lieux de l’attentat, a appelé de ses vœux une action rapide des autorités pour que les responsables de l’attentat soient traduits en justice. Il a également dénoncé « la faillite des autorités » dans leur mission d’« assurer la sécurité des minorités » dans la province de Khyber Pakhtunkhwa, dont Peshawar est la capitale. Et il a mis en cause la responsabilité du gouvernement provincial, en place depuis les élections du mois dernier et dirigé par le Tehrik-e-Insaf, le parti d’Imran Khan (dans l’opposition au Parlement fédéral). En signe de deuil et de protestation, il a été annoncé que l’ensemble des institutions éducatives chrétiennes du pays demeureront fermées pendant trois jours, du 23 au 25 septembre.

A travers le pays, la petite minorité chrétienne du Pakistan a rapidement manifesté sa rage et son impuissance à être ainsi prise pour cible par des terroristes. Dans les principales villes du Pendjab et du Sind, des chrétiens sont descendus dans la rue pour dénoncer la trop faible protection dont bénéficient les lieux de culte chrétiens, rappelant que ces dernières années des mitraillages d’églises et des attentats à la bombe avaient fait des victimes parmi eux sans que les gardes statiques postées par les autorités gouvernementales devant les lieux de culte n’empêchent les terroristes d’agir (2).

Ancien ministre de l’Harmonie religieuse, frère de Shahbaz Bhatti, le ministre assassiné en 2011 par un islamiste, et actuel président de l’APMA (All Pakistan Minorities Alliance), Paul Bhatti a lancé un appel à « [ses] frères chrétiens et musulmans pour garder le calme et faire échec à la tentative des militants [islamistes] de provoquer des émeutes intercommunautaires ». Il a aussi ajouté qu’il avait « honte » pour les autorités de son pays, « l’Etat et les agences de renseignement [étant] si faibles que quiconque peut tuer n’importe qui n’importe où » au Pakistan. Il a enfin mis en doute la stratégie du gouvernement de Nawaz Sharif visant à ouvrir des négociations de paix avec les talibans et les extrémistes à l’œuvre dans le nord-ouest du pays, le long de la frontière afghane. « De quel dialogue parle-t-on ?, a-t-il interrogé. Faire la paix avec ceux qui tuent des innocents ? Mais ils ne veulent pas dialoguer. Ils ne veulent pas la paix. »

Vingt-quatre heures après l’attentat, le doute persiste sur les commanditaires de l’attentat. Des revendications contradictoires circulent. Selon l’AFP, le Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), organisation chapeautant divers groupes associés aux talibans pakistanais, a créé une nouvelle faction, le Junood ul-Hifsa, ayant pour mission de tuer des étrangers en représailles aux attaques de drones menées par les Etats-Unis en territoire pakistanais. Un porte-parole du Junood ul-Hifsa a revendiqué l’attentat-suicide de dimanche à Peshawar et déclaré que les actions « contre les étrangers et les non-musulmans » continueraient tant que « les attaques de drones se poursuivraient ». En juin dernier, le même groupe avait revendiqué l’assassinat d’une dizaine d’alpinistes étrangers dans la région de Gilgit, à l’extrême nord du pays, pour venger la mort du numéro 2 du TTP, Wali ur-Rehman, tué en mai 2013 par un tir de drone américain.

Mais selon l’agence Reuters, le porte-parole qui a revendiqué l’attentat de dimanche appartiendrait en réalité au groupe Jundullah, autre branche du TTP, et a justifié l’attaque terroriste en ces termes : « [Les chrétiens] sont les ennemis de l’islam et c’est pourquoi nous les visons. Nous poursuivrons nos attaques contre les non-musulmans sur le sol du Pakistan. »

Quoi qu’il en soit de la réalité de ces différentes revendications, l’attentat de dimanche est intervenu à un moment où le Premier ministre Nawaz Sharif cherchait à ouvrir un canal de négociations avec les talibans pakistanais pour parvenir à un accord de paix dans la région troublée du nord-ouest. Samedi 21 septembre, un ex-dirigeant du mouvement taliban afghan, détenu au Pakistan, était libéré et, deux semaines plus tôt, le Premier ministre avait obtenu l’accord des principaux partis politiques du pays pour ouvrir ces négociations. De leur côté, le TTP et ses alliés réclament la fin des attaques de drones, le retrait des troupes pakistanaises de la région du nord-ouest et la libération de leurs militants détenus par Islamabad. Après l’assassinat, il y a huit jours, d’un général de l’armée pakistanaise posté dans le nord-ouest et l’attentat contre la All Saints Church de Peshawar, certains posent la question de la pertinence de la stratégie du Premier ministre. Selon Raja Nasir Abbas, secrétaire général du Majlis-e-Wahdat-e-Muslimeen, parti de la minorité chiite du Pakistan, « la faiblesse » du gouvernement « ne fait qu’encourager les terroristes », alors que la réponse à apporter aux actes des « talibans » devrait être « impitoyable ».

(1) L’Eglise du Pakistan (The Church of Pakistan) est née en 1970 d’un rassemblement des Eglises anglicane, méthodiste, luthérienne et presbytérienne du Pakistan. Elle rassemble environ 1,2 millions de fidèles et représente la moitié du 1,6 % de Pakistanais chrétiens (l’autre moitié étant formée de catholiques romains).
(2) A la All Saints Church, il semble que sur les deux policiers affectés à la garde du lieu de culte, l’un d’eux ait été tué dans l’attentat de dimanche. Selon des témoignages recueillis par la presse pakistanaise, ce policier aurait tenté de ceinturer l’un des deux terroristes, avant que celui-ci ne déclenche sa bombe. Dans les heures qui ont suivi l’attentat, les chrétiens locaux ont mis à sac le local occupé habituellement par les deux policiers, signe de leur colère à ne pas avoir été correctement protégé par eux.

(Source: Eglises d'Asie, 23 septembre 2013)
 
Vietnam: De nouvelles informations concernant le voyage à Rome d’une délégation du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses
Eglises d'Asie
10:18 23/09/2013
Dans une précédente dépêche, nous avons rendu compte, au conditionnel et sans le suivre à la lettre, d’un communiqué publié par VNA, l’agence d’information officielle du Vietnam, à propos du récent voyage à Rome d’une délégation du Bureau des Affaires religieuses. Dans un article publié le 20 septembre 2013, le P. Trân Công Nghi, directeur de l’agence Vietcatholic News, qui s’est informé auprès de sources romaines, apporte certaines précisions intéressantes et pose quelques points d’interrogation concernant la version des faits présentée par l’agence officielle vietnamienne. Il souligne en particulier que le Saint-Siège n’a publié aucun communiqué et a gardé le silence complet sur les rencontres qui ont eu lieu entre la délégation et certains hauts responsables de dicastères romains.

Le communiqué vietnamien officiel suggérait que ces rencontres s’étaient déroulées pendant quatre jours, du 15 au 20 septembre derniers. Selon les informations recueillies par VietCatholic News, il n’y a eu que deux rencontres, le 15 et le 16 septembre 2013. Le 18 septembre, la délégation vietnamienne a participé à l’audience générale qui a lieu tous les mercredis. Le Souverain Pontife a salué la délégation et a serré la main de ses membres.

En conclusion de notre dépêche, nous suggérions que cette visite à Rome n’était pas sans relation avec les événements survenus le 4 septembre dans le diocèse de Vinh. Pour sa part, le directeur de Vietcatholic News fait remarquer qu’il ne s’agit pas d’un voyage comme il y en a chaque année, mais d’une visite dite « d’amitié » du Bureau des Affaires religieuses à Rome. La délégation vietnamienne est venue échanger des informations concernant la situation actuelle du diocèse de Vinh et certains autres faits en relation avec les religieux rédemptoristes du Vietnam. Il n’y a donc pas eu, en réalité, de négociations entre le Saint-Siège et le Vietnam. C’est la raison pour laquelle il n’y a eu aucun communiqué commun publié à l’issue des rencontres entre les deux parties, comme il est pourtant d’usage.

Les représentants des Affaires religieuses désireraient que le Saint-Siège intervienne à propos du conflit en cours dans le diocèse de Vinh. Il leur a été répondu que le Saint-Siège prenait note des informations qui lui étaient apportées, mais qu’il devait aussi écouter la version de l’Eglise du Vietnam et de son représentant non-résident dans ce pays.

Selon le communiqué officiel du Vietnam, au cours de la rencontre, les représentants du Saint-Siège se sont félicités de l’évolution positive des relations entre les deux parties, comme par exemple l’autorisation accordée à Mgr Leopoldo Girelli, représentant non-résident du Saint-Siège au Vietnam, de se déplacer en dans tout le pays, ou bien encore l’absence de limitation du nombre des étudiants dans les grands séminaires. Cependant, les représentants du Saint-Siège avaient aussi exprimé le souhait que l’Eglise puisse s’engager davantage dans la transformation de la société vietnamienne – ce qui n’a pas été rapporté par le communiqué vietnamien.

Le 19 septembre, un article de l’agence Fides avait déjà mis en parallèle la visite de la délégation à Rome avec le grave conflit entre les autorités vietnamiennes et les paroissiens de My Yên, dans le diocèse de Vinh. L’auteur de la dépêche affirmait : « Le dialogue entre le Saint-Siège et le Vietnam se poursuit sur une voie de bonnes relations et de collaboration, alors que des tensions sont enregistrées dans le diocèse de Vinh, où continuent les protestations suite à l’arrestation de deux fidèles de l’église de My Yên, incarcérés depuis juin dernier sans même avoir été inculpés. Comme a pu l’apprendre l’agence Fides, la question est venue à la lumière au cours de la visite d’une délégation du Comité pour les Affaires religieuses du gouvernement vietnamien au Vatican, du 15 au 20 septembre. » Dans cette même dépêche de l’agence d’information de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, on pouvait lire, quelques lignes plus loin : « (…) il a été fait mention de la situation de tension existant dans le diocèse de Vinh, situation qui méritera des ‘approfondissements ultérieurs’. »

(Source: Eglises d'Asie, 23 septembre 2013)
 
Pope: where there is no work there is no dignity
Vatican Radio
11:19 23/09/2013
2013-09-22 Vatican - Pope Francis on Sunday denounced the idolotry of money over man. Speaking to some 20,000 workers and entrepreneurs and workers who have been made redundent after his arrival in Sardinia's capital Cagliari, the Pope offered words of hope to those struggling to make ends meet.

``It's easy to say `don't lose hope,''' he said. ``But to all of you who have work, and to those who don't, let me tell you: Don't let yourselves be robbed of hope.''

And using strong words, he denounced what he called big business's idolatry of money over man, and he offered hope to the unemployed and the entrepreneurs who are particularly hard-hit by the economic crisis in one of Italy’s poorest regions.

Francis left aside his prepared remarks and spoke off the cuff to the tens of thousands gathered to be with him, telling them he knew well what it was like to suffer from financial crisis.

He recalled that his Italian parents, who immigrated to Argentina before he was born, spoke about it often at home.

And he said “it's easy for a priest to come and tell the poor to have courage” but he assured those present he really meant it, and called for dignified work for all.

"Where there is no work” he said “there is no dignity."

And the Pope noted that the problems in Sardinia weren't the island's alone. He said they were the result of a global economic system "that has at its center an idol called money."

And the Pope’s busy schedule included a lunch meeting with the bishops, and in the afternoon a meeting with a group of homeless people and prison inmates who are assisted by the local Caritas organization, an encounter with representatives of culture, and a meeting with young people.

He is scheduled to board a flight back to the Vatican as we come off air at 6.30pm local time.
 
Pope Francis prays for victims of Peshawar attack
Vatican Radio
11:21 23/09/2013
2013-09-22 Vatican - Pope Francis on Sunday condemned a blast at a church in Pakistan that killed at least 78 people as an act of "hatred and war".

In unprepared remarks at the end of a one-day trip to the city of Cagliari on the Italian island of Sardinia, the Pope said :"Today, in Pakistan, because of a wrong choice, a decisionof hatred, of war, there was an attack in which over 70 people died. This choice cannot stand. It serves nothing. Only the path of peace can build a better world."

Pope Francis then prayed with the crowd for the victims.
 
Vietnamese authorities step up campaign to control Catholic Church
Catholic World News
13:41 23/09/2013
Vietnamese authorities have stepped up their campaign against the Catholic Church. In Hanoi, public officials are planning to seize more land from the Redemptorist order, while in Saigon state-owned media outlets are giving prominent attention to a meeting of a “patriotic” Catholic association.

Parishioners in the Thai Ha parish, administered by Redemptorist priests, are protesting what they insist is an illegal seizure of land. The Redemptorists have clashed with government officials repeatedly about the expropriation of property, which has been continuing piecemeal for years.

In Saigon, local television crews have given extensive coverage to the Vietnam Committee for Solidarity of Catholics, a pro-government group set up by the Communist Party in 1955 with the goal of establishing a “patriotic Church” after the model established by the Chinese Communist Party. Catholics suspicious of the group were concerned to see that 500 priests, religious, and lay people attended the 2-day meeting of the state-sponsored group.
 
Philippines, Mindanao : Alors que le conflit se durcit, le cardinal de Manille appelle au dialogue
Eglises d'Asie
17:25 23/09/2013
Cinq morts, des otages et plusieurs blessés ; c’est le bilan de la dernière attaque d’un groupe islamique indépendantiste qui s’est produite tôt ce lundi matin dans la province du Cotabato Nord, au centre de l’île de Mindanao, située dans le sud philippin.

Cet affrontement vient s’ajouter à la série des attaques qui se sont succédées depuis le 9 septembre dernier sur l’île, mettant en péril le fragile processus de paix engagé depuis quelques mois entre Manille et les groupe rebelles armés de cette partie majoritairement musulmane de l’archipel.

Lundi 23 septembre, des hommes du Bangsamoro Islamic Freedom Fighters (BIFF) (1), ont attaqué quatre villages à Midsayap, vers 2 heures du matin, avant de battre en retraite face aux troupes armées philippines, a indiqué l’AFP. Lors des échanges de tirs, un soldat a été tué et un autre a été blessé, tandis que quatre combattants du BIFF étaient touchés mortellement. Pour couvrir leur fuite, les rebelles ont emmené avec eux une quinzaine d’otages ; des instituteurs et onze agriculteurs, dont certains ont ensuite été relâchés, a rapporté cet après-midi le porte-parole de l’armée, le lieutenant-colonel Dickson Hermoso. Un responsable religieux musulman serait en train de négocier la libération des otages encore aux mains des rebelles. Ces derniers continueraient d’échanger des coups de feux avec l’armée dans une chasse-poursuite qui à l’heure actuelle ne serait toujours pas achevée.

Selon Abu Misry Mama, porte-parole du BIFF, cette attaque « n’aurait rien à voir avec ce qui se passe en ce moment à Zamboanga », où les affrontement se poursuivent toujours ce lundi 23 septembre. Depuis exactement quinze jours en effet, la ville portuaire de Zamboanga située dans la province du même nom, à l’extrême sud-ouest de l’archipel, est le théâtre de violents combats entre les forces de l’ordre et le Front moro de libération nationale (MNLF)).

Lundi 9 septembre dernier, environ 200 combattants du MNLF (2) venus par la mer, déferlaient sur la ville de Zamboanga, saccageant tout sur leur passage et brûlant les maisons, afin de protester contre le traité passé entre le gouvernement et son rival le MILF (3). Refoulés par les forces de l'ordre, les rebelles se retranchaient alors dans trois quartiers de la banlieue de Zamboanga, après avoir pris en otages près de 250 civils avec l’intention de s’en servir comme « boucliers humains ».

Encerclés par les forces spéciales et 4 500 soldats qui ont été déployés dans la ville, les combattants islamiques continuent toujours ce lundi 23 septembre de résister, repliés dans un chapelet de maisons avec leurs derniers otages.

Selon le porte-parole de la police de la région, Ariel Huesca, les rebelles seraient moins d’une cinquantaine à présent, la moitié d’entre eux ayant été tués et un très grand nombre ayant été capturés ou s’étant rendus. Les otages seraient quant à eux une vingtaine, plus de 170 d’entre eux ayant été libérés ou ayant réussi à s’échapper (4).« Nous sommes maintenant engagés dans un combat de rue presque au corps à corps ; nous allons de maison en maison, de pièce en pièce », explique ce lundi le porte-parole de l’armée, le lieutenant -colonel Ramon Zagala à l’AFP.

Dès le week-end dernier, le gouvernement philippin avait annoncé l’imminence de la victoire sur les rebelles désormais encerclés. Pourtant jeudi 12 septembre, un autre groupe armé de près de 200 personnes, se réclamant du BIFF, du MNLF et du groupuscule terroriste Abu Sayyaf, avait tenté une opération de diversion en attaquant la ville de Lamitan, enclave catholique située sur Basilan, île proche de Zamboanga. Le lendemain, vendredi 13 septembre, le MNLF avait libéré un otage, un prêtre catholique, le chargeant de transmettre une demande de cessez-le-feu et la promesse de Manille de laisser repartir les combattants rebelles librement.

« Nur Miisuari [le leader du MNLF] devra rendre des comptes », a déclaré en réponse le président Aquino dimanche 22 septembre, ajoutant que « le ministère de la Justice le poursuivrait pour actes criminels ». Arrivé à Zamboanga le 13 septembre pour diriger les opérations, Benigno Aquino a donné aussitôt l’ordre de lancer l’assaut contre les insurgés, décidé à ne pas voir se reproduire les événements de 2001 (5). Dès lundi 16 septembre, des tirs de roquettes visaient l’île de Basilan, dispersant les alliés du MNLF, tandis que l’armée entreprenait la reconquête des quartiers où s’étaient retranchés les indépendantistes.

Samedi 21 septembre, alors que la tension était à son comble, le Cardinal Luis Antonio Tagle, archevêque de Manille a tenu à rappeler la position de l’Eglise catholique dans la « crise de Zamboanga », demandant au gouvernement et à tous les acteurs du conflit que « soit privilégiée à tout prix la voie du dialogue ». S’exprimant depuis Rome où il était en déplacement, l’archevêque a voulu marquer son soutien à la grande manifestation suivie d’une veillée pour la paix qui se déroulaient au même moment dans la capitale des Philippines. « Nous espérons un effort de dialogue et une solution négociée à [cette] crise ; en tant qu’Eglise, nous unissons nos voix à celles des Evêques de Mindanao, demandant de construire la paix dans le sud des Philippines », a déclaré Mgr Tagle.

Reprenant l’analyse faite par les évêques des Philippines dans leur déclaration du 16 septembre dernier, selon laquelle "l’action des rebelles du MNLF trouvait sa source dans les négociations que Manille avait menées avec leur rival du MILF", le cardinal soulignait que si « la situation de Mindanao était complexe et délicate », il ne pouvait être question pour l’Eglise d’accepter « la destruction des biens et propriétés, l’évacuation et la souffrance des civils et toute forme de violence », et que « la voie pour résoudre toute controverse restait le dialogue. »

Le bilan provisoire des combats depuis le 9 septembre est estimé ce lundi 23 septembre au soir à plus de 120 morts (dont au moins 102 guérilleros et une quinzaine de soldats et de policiers), 117 rebelles capturés et plus de 120 blessés dans les deux camps. Du côté des civils, le bilan est également très lourd ; 12 personnes tuées, 49 blessés, plus de 10 000 maisons brûlées, et quelque 111 000 réfugiés de Zamboanga, s’entassant dans des conditions sanitaires désastreuses dans les stades, écoles, églises et mosquées environnants.

(1) Le BIFF, groupe dissident du MILF ((Front moro de libération islamique) est dirigé par Amerik Umbra Kato, et a mené plusieurs attaques dans différentes provinces de Mindanao depuis 2008.
(2) Fondé en 1969, le Front moro de libération nationale (MNLF), dirigé par Nur Misuari, est l’acteur historique du conflit à Mindanao.
(3) Les derniers accords entre le gouvernement philippin et les mouvements indépendantistes musulmans avaient fait naître l’espoir que la guerre civile larvée qui régnait à Mindanao depuis quarante ans (plus de 150 000 morts), allait enfin s’achever. Le MNLF, dirigé par Nur Misuari, avait été le premier à signer avec Manille un accord de paix en 1996, renonçant à l'indépendance en échange de la création de la Région autonome musulmane de Mindanao (ARMM). Mais le 14 juillet 2013, après plusieurs mois de négociations sous l’égide de la Malaisie, le MILF et le gouvernement philippin signaient un accord sur le partage des richesses de la future région semi-autonome musulmane de Mindanao. Le MILF y obtenait 75 % des futurs revenus miniers, déclenchant la colère du MNLF qui promettait de reprendre les armes.
(4) L’armée rapporte que plusieurs rebelles ayant tenté de fuir en se faisant passer pour des civils, des check-points ont été mis en place afin de faire reconnaître les les "réfugiés" par les responsables des quartier.
(5) En 2001, de manière très similaire, le MNLF avait mené une opération armée dans un quartier de Zamboanga, prenant également des civils en otages pour protéger sa fuite. Assiégés par l’armée, les rebelles avaient négocié leur liberté contre celle des otages, tout en obtenant de conserver leurs armes, ce qui avait coûté la vie de 27 personnes lors du retrait final du MNLF.

(Source: Eglises d'Asie, 23 septembre 2013)
 
Bishops from the Ecclesiastical Province of Hanoi express their full support to Vinh Diocese
J.B. An Dang
23:55 23/09/2013
In a Letter of Communion dated September 21 to Bishop Paul Nguyen Thai Hop of Vinh Diocese, 8 bishops from the Ecclesiastical Province of Hanoi expressed their full support to the prelate, priests and the faithful who have been victims of attacks by Vietnamese government, both physical and verbal.

The bishops in the North Vietnam condemned the attacks as a clear violation of the rights to freedom of religion or belief, calling the Vietnamese government to release the two parishioners still detained, and to halt immediately all attacks on the Church in Vietnam and lift restriction on religious freedom.

Both Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet and Archbishop Peter Nguyen Van Nhon, the former and the current leader of the Archdiocese of Hanoi also sent their letters to express their undaunted support to Bishop Paul Pham and My Yen parishioners.

State media outlets, meanwhile have repeatedly given extensive coverage to the meeting of the Vietnam Committee for Solidarity of Catholics, a pro-government group set up by the Communist Party in 1955 with the goal of establishing a “patriotic Church” after the model established by the Chinese Communist Party. Catholics suspicious of the group are concerned to see that 500 priests, religious, and lay people attended the 2-day meeting of the state-sponsored group to express their “full support” to the regime. The meeting was seen by many as the largest assembly ever of the group in the archdiocese of Saigon, the group’s stronghold.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm Giáo phận Vinh
Gia Phong
08:58 23/09/2013
Đức Cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam thăm Giáo phận Vinh

Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đến thăm Giáo phận Vinh vào chiều hôm qua 22/9/2013.

Đúng 18 giờ, ngài đến thăm hỏi giáo dân Mỹ Yên và cầu nguyện tại Linh địa Trại Gáo. Cùng đi với Đức Cha Cosma có Đức Cha Phaolô, cha quản lý TGM Antôn Trần Văn Công, cha chánh Văn phòng TGM Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, cha Phó chánh Văn phòng Phêrô Nguyễn Đoài.

Đây là cử chỉ biểu tỏ tình hiệp thông liên đới của Hội đồng Giám mục Việt Nam đối với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận Vinh, đặc biệt là hiệp thông cầu nguyện cho bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn thử thách.

Sáng ngày 23/9/2013, Đức Cha Tổng Thư ký đã chủ sự thánh lễ cầu bình an cho Giáo phận Vinh. Cùng đồng tế với ngài, có Đức Cha Phaolô và các cha ở Tòa Giám mục.

Trong lời chia sẻ, Đức Cha chủ tế nói: “Bản thân tôi và Giáo phận Bắc Ninh luôn luôn ở bên cạnh Đức Cha Phaolô và giáo phận Vinh, bây giờ thì có mặt thể lý, còn lúc khác thì có mặt cách thiêng liêng.”

Vị Tổng Thư ký nói rằng các giám mục miền Bắc cũng như các giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đều tìm được tiếng nói chung về vụ việc này.

“Nghĩ về vụ Mỹ Yên, tôi nhớ đến một đề thi tốt nghiệp thời đệ nhất cấp cách đây khoảng 40 năm: “Em hãy bình luận câu ‘Sự thật thắng gian dối, đạo đức thắng tội ác, tình thương thắng hận thù.’ Tôi không nhớ mình làm bài như thế nào nhưng càng lớn càng thấy điều đó đúng.”

Thời gian này, các Giáo phận, các cộng đồng người Công Giáo trong và ngoài nước đã gửi thư hiệp thông với Giáo phận Vinh, nguyện cùng sát cánh với Giáo phận Vinh trong hoàn cảnh đau thương khốn khó này. Những người yêu chuộng công lý và hòa bình cũng đã cảm thông chia sẻ với những đau thương của Giáo phận Vinh bằng những bài viết thể hiện tình hiệp thông sâu sắc, thể hiện khát vọng đấu tranh cho sự thật được sáng tỏ để bình an sớm được lập lại trên giáo xứ Mỹ Yên, để nhà cầm quyền không lạm quyền trong cách hành xử với nhân dân nhưng phải biết tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và quyền tự do tôn giáo. Bởi cách quản trị chà đạp trên các quyền căn bản của con người là đầu mối gây ra những rạn nứt và đổ vỡ khối đại đoàn kết trong xã hội.

Hết thảy mọi người, không phân biệt lương dân hay giáo dân, đều mong muốn sống trong an bình, đoàn kết và hòa hợp. Một dân tộc bị xung đột và chia rẽ là một dân tộc đang lâm vào khủng hoảng và là mầm mống triệt tiêu sức mạnh. Trong trường kỳ lịch sử và trong hành trình văn hóa của dân tộc Việt đã chứng minh rõ điều đó.
 
Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống tại Giáo xứ Tân Lạc và Suối Mơ, hạt Bảo Lộc, giáo phận Đà Lạt
Anthony Đông Thái
09:23 23/09/2013
Truyền thông Bảo Vệ Sự Sống tại Giáo xứ Tân Lạc và Suối Mơ, hạt Bảo Lộc, giáo phận Đà Lạt

Nhận lời mời của Ban Caritas giáo phận Đà Lạt, Cha Giuse Nguyễn Phát Tài – Phó giám đốc chuyên trách về Y tế và Sức khỏe Cộng đồng của Ban Caritas giáo phận Phú Cường đã đến chia sẻ và thực hiện truyền thông chủ đề Bảo Vệ Sự Sống tại 02 giáo xứ mới được thiết lập cuối năm 2012: Tân Lạc và Suối Mơ đều thuộc giáo hạt Bảo Lộc, giáo phận Đàt Lạt.

Theo đúng lịch trình, buổi truyền thông được thực hiện trước hết lúc 17 giờ chiều Thứ bảy, ngày 21/09/2013 tại giáo xứ Tân Lạc – một giáo xứ ở sâu trong vùng đồi núi Bảo Lộc, và 09 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 22/09/2013 tại giáo xứ Suối Mơ. Các nhân viên Ban Caritas Đà Lạt dẫn đường và tổ chức.

Tại giáo xứ Tân Lạc, ngay sau khi kết thúc Thánh lễ mừng kính Thánh sử Matthêô tông đồ và mừng bổn mạng Ban đọc sách và giúp lễ của giáo xứ, dù trơi mưa gió liên tục cả ngày những vẫn có gần 300 giáo dân tiếp tục ngồi lại trong ngôi Thánh đường để nghe bài giảng về Bảo Vệ Sự Sống của Cha Giuse Nguyễn Phát Tài.

Trong chủ đề truyền thông về Bảo Vệ Sự Sống, bài giảng gồm có 02 phần: Màu Nhiệm Sự Sống và Phương Pháp Tránh Thai Tự Nhiên.

Với Màu Nhiệm Sự Sống, Cha Giuse đã chia sẻ về Màu Nhiệm Sự Sống mà Thiên Chúa ban cho loài người, khởi sự từ việc Chúa tạo ra Adam và Eva (x. St 2,4b–3,24) cho đến trình thuật Cain cho mình có quyền trên sự sống và giết em mình là Abel (x. St 4,1-26) trong Sách Sáng Thế. Người đã ghi dấu lên Cain vì e ngại Cain bị giết, dù Cain đã phạm trọng tội giết em: Chúa bảo: "Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần" (St 4, 1-15. 25). Thiên Chúa đã tỏ rõ ân sủng của Người và luôn mong muốn Sự Sống.

Trong Phương Pháp Tránh Thai Tự Nhiên, Cha nhấn mạnh việc Giáo Hội không chấp nhận các phương pháp tránh thai không tự nhiên như: làm cho không thụ thai (bao cao su, màng ngăn tử cung, thuốc ngăn rụng trứng,...), diệt phôi thai (vòng tránh thai, thuốc ngừa thai...), diệt thai và phá thai. Vì vậy, chỉ có phương pháp tránh thai tự nhiên mới được Giáo Hội chấn nhận. Theo đó, mọi người phải kiêng giao hợp trong thời kỳ trứng rụng nếu không muốn có thai. Phương pháp này cần biết rõ chu kỳ kinh nguyệt của người nữ để biết giai đoạn nào có khả năng thụ tinh và không thụ tinh.

Theo giáo dân tham dự buổi truyền thông, đây là những kiến thức, thông tin rất bổ ích cho mọi người, nhất là đối với những người ở vùng sâu vùng xa, vùng nghèo khó. Vì bận mưu sinh và sự hạn chế về học vấn nên người dân không biết được những kiến thức cơ bản này. Do vậy, nhiều gia đình hiện nay mà vẫn có đến 12 người con; có nhiều giáo dân sử dụng phương pháp tránh thai không tự nhiên biết là phạm luật của Giáo Hội nhưng lại không biết cách nào khác để ngừa thai.

Anthony Đông Thái
 
Giáo xứ Tân Lạc mừng bổn mạng Ban Thừa tác viên đọc sách và giúp lễ
Anthony Đông Thái
09:34 23/09/2013
Giáo xứ Tân Lạc mừng bổn mạng Ban Thừa tác viên đọc sách và giúp lễ

Thứ bảy, 21/09/2013, nhân ngày Giáo Hội mừng kính Thánh Matthêu tông đồ, tác giả sách Tin Mừng, giáo xứ Tân Lạc – một giáo xứ mới được thiết lập thuộc giáo hạt Bảo Lộc, giáo phận Đà Lạt đã tổ chức Thánh lễ mừng bổn mạng cho các Thừa tác viên của Ban đọc sách (Lời Chúa) và giúp lễ (lễ sinh).

Xem hình

Cách đây hơn 1 năm, vào sáng Chúa Nhật ngày 15 tháng 01 năm 2012, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương - Giám mục giáo phận Đà Lạt đã cử hành Thánh lễ Tạ Ơn xác lập Giáo xứ Tân Lạc, được tách ra từ Giáo xứ Tân Hóa. Đồng thời, Đức Cha cũng bổ nhiệm Cha Phanxicô Xavie Trần Văn Bình làm Quản xứ Tiên khởi.

Tân Lạc trước kia là giáo họ Emmanuel Lê Văn Phụng được khai sinh từ những năm 1989 - 1991 do Cha cố Alphongsô Trần Khánh Thành.

Ngày 13/12/2008, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - nguyên Giám mục Giáo phận đã cử hành Thánh lễ cung hiến Giáo họ Tân Lạc với tước hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Từ một vùng đất kinh tế mới nghèo khổ, hoang sơ, khó khăn trong giao thông nhưng giàu về tiềm năng kinh tế, ngày nay Tân Lạc đã có ngôi Thánh đường khang trang. Ban đọc sách và giúp lễ hiện nay gần 70 thừa tác viên, trong đó các lễ sinh là 50 người.

Trong Thánh lễ, Cha xứ Phanxicô Xavie Trần Văn Bình đã có những chia sẻ với cộng đoàn qua bài giảng về Lời Chúa, đồng thời Cha cũng kêu gọi và cảm ơn các giáo dân đã và đang tích cực tham gia vào các công việc chung của giáo xứ, cụ thể là Ban đọc sách và giúp lễ. Đồng tế Thánh lễ có Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, giáo xứ chính tòa Phú Cường, giáo phận Phú Cường.

Thánh lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, sốt sắng với sự tham dự đông đảo của các giáo dân trong giáo xứ Tân Lạc.

Anthony Đông Thái
 
Hội Tông Đồ giáo xứ Thạch Bích mừng Lễ Thánh Mátthêu
Tin Yêu
17:44 23/09/2013
HÀ NỘI – ngày 21 tháng 9 năm 2013, 281 thành viên hội tông đồ đương, cựu(Ban Hành Giáo) giáo xứ Thạch Bích hân hoan mừng lễ thánh Mát-thêu Tông Đồ.

Xem hình ảnh

Thánh lễ được cử hành lúc 5h30. Chủ tế trong thánh lễ do cha xứ Phao-lô Nguyễn Văn Đoàn – Quản hạt Thanh Oai, cùng đồng tế với ngài, có cha phó Antôn Ngô Văn thông và cha phó Phêrô Nguyễn Ngọc Trung.

Khởi đầu bài giảng, cha phó Antôn mời gọi cộng đoàn, đặc biệt mọi thành viên trong chi hội Tông Đồ, những người đã lãnh nhận “bình an của Chúa” thì cũng hãy trở nên khí cụ bình an của Chúa cho mọi người… Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha, hãy cầu nguyện cho sự hòa bình tại Syria và Trung Đông. Hiệp ý cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh… Theo đó, ngài chia sẻ về thánh Mát-thêu, và mời gọi mỗi thành viên trong chi hội Tông Đồ noi gương thánh Mát-thêu, biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, bước theo và làm tông đồ nhiệt thành của Ngài…

Để chuẩn bị cho ngày lễ, hội tông đồ đã có ba ngày học hỏi và tĩnh tâm. Khai mạc tuần tam nhật tĩnh tâm, cha xứ Phao-lô Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ với chủ đề: “Tinh thần và sứ mạng của người tông đồ”. Kết thúc buổi chia sẻ, cha Phao-lô đặt Mình Thánh Chúa để mọi người thờ lạy, tạ ơn và cầu xin với Chúa. Buổi tĩnh tâm thứ hai với chủ đề: “Thiên Chúa yêu tôi”. Đề tài ngày thứ ba là: “Phục vụ trong Tin Yêu và Hy Vọng”. Với tuần tam nhật tĩnh tâm, đã giúp ban tông đồ đương, cựu nhìn lại để biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Đồng thời giúp cho ban tông đồ ý thức được ơn gọi và sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho mỗi người, những nén bạc Chúa trao cho cần phải sinh lời cho Chúa. Giúp mọi người ý thức được lời mời gọi của Chúa rằng: chính anh em là muối cho đời(Mt5,13), là ánh sáng cho trần gian(Mt5,14), “anh em là chứng nhân của Thầy” (Cv1,8)…

Buổi sáng của chính ngày lễ, vào lúc 8h30, hội tông đồ đã có một giờ báo cáo tổng kết trong năm qua và định hướng cho năm tới. Buổi họp có sự hiện diện của cha xứ, cha phó và quý thầy, sau đó là giờ hội thảo liên quan đến những vấn đề tổ chức giáo xứ. Kết thúc buổi làm việc buổi sáng là giờ chầu tạ ơn. Sau đó là là bữa tiệc mừng lễ Bổn mạng tại hội trường của giáo xứ.

Ngày lễ quan thày kết kêt thúc, hội tông đồ ai ai cũng thấy vui mừng, được tiếp thêm sức mạnh như bài hát họ yêu thích: Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Ki-tô đón nhận ơn tái sinh, gặp gỡ Đức Ki-tô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Ki-tô nẩy sinh tình đệ huynh. Để rồi ban tông đồ lại tiếp tục sứ mạng phục vụ trong tin yêu, phục vụ quên mình, phuc vụ không đòi đền đáp…, phục vụ vì Chúa Ki-tô.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam 18/9 - 24/9/2013
VietCatholic Network
18:18 23/09/2013


>Tin GHVN Tuần 24-Năm 2013


1. Phóng Sự Tin Tổng Hợp các buổi cầu nguyện cho giáo xứ Mỹ Yên giáo phận Vinh

Vạch trần những gian manh lọc lừa xảo trá của chính quyền và công an tỉnh Nghệ An.

Dùng nữ công an mặc thường phục, áo bông hoa giả dạng công chúng trà trộn vào trong đoàn giáo dân, ném gạch đá công an gây hỗn chiến, để công an có lý do đánh đập dã man giáo dân. Xin khán thính gỉa xem kỹ những hình ảnh nữ công an đầu đội khăn bông và mặc áo bông, xanh trắng trà trộn vào trong dân.

-Tuyên Bố của Linh Mục đoàn GP Vinh

2. Tin GP. Nha Trang

Lễ Giỗ lần thứ 11 của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang

Vào lúc 17g00, ngày 16/09/2013, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang chủ tế thánh lễ giỗ lần thứ 11 cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.

Cùng đồng tế, có Cha Tổng Đại Đại Diện, quý Đức ông, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và đông đảo giáo dân từ nhiều giáo xứ đến tham dự.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha chủ tế, đã dựa vào đoạn Tin Mừng: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, nó sinh nhiều bông hạt”

Qua đó, Đức Cha Minh đã nói lên những nét đẹp, trong cuộc đời của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Ngài không chỉ đặt niềm tin vững chắc của mình nơi Thiên Chúa và còn đặt trọn niềm tin của mình nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đấng cứu độ duy nhất trần gian.

Được biết, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, hồ sơ điều tra phong thánh của Ngài đã được niêm phong, để chuẩn bị cho tiến trình phong Á Thánh sắp tới.

3. Tin GP. Qui Nhơn

Ngày truyền thống Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế (MTGTT)

Ngày 15/9/2013, hơn 210 anh chị em Mến Thánh Giá Tại Thế Qui Nhơn vùng Phan Rang, của nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Qui Nhơn, đã tề tựu về giáo xứ Mằng Lăng, quê hương Á Thánh Anrê – Phú Yên, vị Tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, để tham dự mừng lễ suy tôn Thánh Giá và lễ Đức Mẹ Sầu Bi, khai mạc giai đoạn huấn luyện chuyên biệt cho một số ứng viên và đón nhận một số ứng viên vào giai đoạn tìm hiểu và học hỏi, giao lưu trao đổi giữa các vùng.

Anh chị em khi đến Mằng Lăng, đã được các nữ tu và anh chị em trong hiệp hội thuộc giáo xứ Mằng Lăng, chào đón, thăm hỏi thân tình.

Sau khi chào thăm Cha sở giáo xứ Mằng Lăng, các nhóm đã về hội trường để sinh hoạt, với sự hiện diện của nữ tu Tổng Phụ Trách, quý chị đặc trách Mến Thánh Giá Tại Thế ở các vùng, nhóm.

Tại đây các anh chị em trong Hiệp hội MTGTT/QN đã gặp gỡ lắng nghe ý kiến của Ban Điều Hành, chia sẻ qua nhiều đề tài, đã ghi trong chương trình.

10 giờ 45, sau giờ giải lao, các nhóm MTGTT cùng nhau chia sẻ về sinh hoạt của mỗi nhóm ở các vùng.

11giờ 30, anh chị em MTGTT các vùng cùng với Cha sở Mằng Lăng dùng bữa cơm thịnh soạn chung với nhau.

12giờ 30, nghi thức bước vào giai đoạn Huấn luyện chuyên biệt về Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế thuộc hệ gia đình.

15 giờ 00 Cha chánh xứ Mằng Lăng cùng cha phụ tá Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng dâng Thánh lễ đồng tế Chúa Nhật 24 thường niên.

Sau bài giảng là nghi thức gia nhập Hiệp Hội MTGTT/QN thuộc gia đình hội dòng MTG /QN cho 131 ứng viên bước vào giai đoạn Huấn luyện chuyên biệt và 79 ứng viên được nhận vào giai đoan tìm hiểu.

SauThánh lễ, hai cha cùng các nữ tu, các anh chị em MTGTT/QN dùng bữa cơm chiều chung với nhau,

Kết thúc ngày truyền thống là buổi trình diễn văn nghệ, với những tiết mục “cây nhà, lá vườn”

CÁC THÔNG BÁO

-Thông báo Toà Tổng Giám Mục Hà Nội hiệp thông với Gx Mỹ Yên, GP Vinh

-Thư của Toà Giám Mục Thanh Hóa hiệp thông với Gx Mỹ Yên GP Vinh

-Thông báo Toà Giám Mục Kontum hiệp thông với Gx Mỹ Yên, GP Vinh

-Thông báo của GP Vĩnh Long v/v bầu cử Giám Quản Tông Tông Toà của giáo phận
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Có hay không?
Công Bình.
08:38 23/09/2013
Có hay không?

Đọc báo Thanhnien Online ra ngày 19 /09/2013, bài Vụ “cả làng nhận tội đánh chết trộm chó”: dân tố công an ép cung. Tôi không khỏi không rùng mình sợ hãi về cách công an hỏi cung khi điều tra.

Báo có đoạn viết: “Đáng chú ý, trưởng thôn Danh Thượng 2 cho rằng trong số 13 người bị công an bắt và được thả ra đã đồng loạt tố cáo bị ép cung: cụ thể là không cho ngủ, ép cung 4-5 giờ đồng hồ liền. Hình thức hỏi cung của các điều tra viên là còng tay, đe doạ, véo tai, không cho đi vệ sinh, xúc phạm sức khoẻ tinh thần của người được hỏi cung”.

Thực hư thế nào thì tôi chưa rõ, nhưng đơn viết có nội dung như vậy thì đây quả là điều đáng sợ.

Tôi nhớ lại câu trả lời của bà Nguyễn Thị Thu Hương với đài BBC qua bài “giáo dân chỉ thể hiện sự bất bình” (vụ Trại gáo-Mỹ yên) khi được hỏi đến 2 ông Ngô Văn Hải và Nguyễn Văn Khởi đang bị công an giam giữ.

Bà trả lời: “bà con nhận ra 2 người này sống rất hiền lành và xưa nay khù khờ người mà cũng nhận tội”.

Tôi không trực tiếp để nghe hay xem phần xét hỏi về 2 người này, nhưng qua thông tin báo chí và đài truyền thanh truyền hình thì được biết nôm na 2 người này đã nhận tội với có lời nhắn nhủ người thân ở nhà đừng làm điều gì vi phạm phát luật. Với lời nhận tội đồng thời có lời xin pháp luật khoan hồng thì tôi tin rằng họ sẽ được cán bộ điều tra cho về nhà sớm.

Nhưng bài báo Vụ “cả làng đánh chết trộm chó” dân tố công an ép cung mà tôi đã nhắc lại ở trên, nào là còng tay, đe doạ, véo tai… làm tôi phải suy nghĩ:

-Liệu 2 ông Hải và Khởi có bị ép cung hay không?

-Liệu 2 ông có vì gánh nặng gia đình rồi làm theo hướng điều tra để được về nhà sớm hay không?

-Hoặc, nếu có tội thì hôm đó, đâu chỉ có mình 2 ông này mà có cả trăm cả ngàn người, tại sao chỉ bắt 2 người này? Có khác gì vụ đánh chết trộm chó “ Tội đánh chết trộm chó là do toàn thể 800 hộ dân cộng đồng trong và ngoài làng chứ không chỉ riêng ai”(đơn viết).



Những câu hỏi này tôi hoàn toàn không có câu giải đáp. Rất mong quý bạn đọc trả lời giúp tôi. Có hay Không?

Công Bình.
 
Lời đề nghị đối thoại về ‘nhân quyền’ giữa người Việt
Vũ Đức Khanh
10:13 23/09/2013
Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, hôm 19/09/2013 tại Thủ đô Copenhague, Đan Mạch đã tuyên bố rằng: “Nhân quyền là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm.”

Trong cuộc họp báo chung với nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt ngay sau khi kết thúc hội đàm, ông Sang đã trả lời câu hỏi của báo chí Đan Mạch liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam như sau: “… Tôi xin cảm ơn câu hỏi của vị phóng viên báo Đan Mạch. Điều mà bạn quan tâm cũng là điều mà cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm. Chính vì quan tâm tới nhân quyền, tới tự do mà chúng tôi phải đổ máu rất nhiều để giành độc lập trong các cuộc kháng chiến... Một đất nước đã quyết tâm giành độc lập tự do bằng một sự hy sinh rất to lớn như vậy thì không có lý do gì khi giành được độc lập rồi lại không lo lắng về cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân mình… Tôi không có ý định ca ngợi thể chế chính trị của chúng tôi cái gì cũng đều tuyệt vời, vẫn còn có nhược điểm. Nhưng mong các bạn cũng quan tâm những chỉ số có thể nói là dấu son lớn trên bản đồ chính trị của thế giới. Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...”



Chủ tịch Trương Tấn Sang quả thật là người rất hùng biện khi ông cho rằng “Việt Nam rất tự do. .. tuy nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” Nhưng thật ra cái "tự do ngôn luận" thông qua “số lượng” cơ quan truyền thông mà ông Sang đưa ra nó chẳng chứng minh được điều gì cả! Không hiểu ông Sang đã vô tình hay cố ý quên cho các bạn phóng viên Đan Mạch biết rằng Việt Nam cấm tư nhân ra báo, và tất cả báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh, các cơ sở phát hành báo chí và truyền thông đều do Nhà nước quản lý. Và ông thậm chí cũng quên luôn rằng các luật sư, bloggers và nhà hoạt động vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam thường xuyên luôn là mục tiêu bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện của chính quyền mà ông đang đại diện.



Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần phê phán ông Chủ tịch nước mà không tạo điều kiện cho ông ấy một cơ hội chứng minh những gì ông ấy phát biểu là đúng sự thật thì quả là hơi bất công. Vì thế tôi mạo muội đề nghị một số ý kiến như sau:



Thứ nhất, tôi sẵn sàng làm hết sức mình để ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có một diễn đàn tự do tại hải ngoại. Tôi sẽ đề nghị với 5 cơ quan thông tấn truyền thông quốc tế và của người Việt tại hải ngoại như VOA, BBC, RFA, RFI, và báo Người Việt tại Hoa Kỳ đăng tải toàn bộ nguyên văn bài phát biểu của ông Chủ tịch nước về “hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam” để mọi người dân trong và ngoài nước cùng bè bạn quốc tế có điều kiện hiểu rõ hơn về khái niệm “nhân quyền” của ông và của các đồng chí lãnh đạo Cộng sản của ông.



Thứ hai, nếu quả thật ở Việt Nam có “truyền thông tự do” như lời của ông Chủ tịch nước, tôi khẩn thiết đề nghị ông tạo điều kiện cho cá nhân tôi cũng như một số chí hữu của tôi trong và ngoài nước, những người có quan điểm không tương đồng với ông và đảng Cộng sản Việt Nam có một bài viết cùng chủ đề “nhân quyền” và sẽ được phép đăng trên bất kỳ một trang báo mạng, hay báo giấy nào ở trong lãnh thổ Việt Nam.



Thứ ba, “với số lượng trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...” đang phục vụ đắc lực cho quyền lợi của đảng Cộng sản, tôi nghĩ nếu ông Chủ tịch nước có chút xíu công bằng và sòng phẳng với những người và/hoặc lực lượng bất đồng chính kiến ở Việt Nam thì ông nên tạo điều kiện cho tôi, các chí hữu của tôi hoặc những nhà đối kháng đó được phép cho ra đời một tờ báo “đối lập” hoặc chí ít là “độc lập” với đảng Cộng sản của ông. Nó sẽ chẳng có nguy hiểm gì cả khi đảng của ông có đến hoặc đang kiểm soát “trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo”. Tôi mạn phép đề nghị việc này vì chính ông Chủ tịch nước và các đồng chí Cộng sản của ông luôn ca ngợi là chính phủ của quý ông luôn tôn trọng “tự do ngôn luận, tự do báo chí, truyền thông”. Tôi xin mạn phép nhắc lại với ông Chủ tịch nước rằng dân chủ là tôn trọng không những ý kiến của đa số mà còn phải tôn trọng cả ý kiến của thiểu số, cho dù thiểu số đó có là 0,1%, 1% hay 20% hoặc 40%. Đảng Cộng sản của quý ông luôn cho rằng quý ông được nhân dân Việt Nam tín nhiệm trao quyền lãnh đạo quốc gia và quý ông luôn nắm đa số, thậm chí có lúc lên 99% qua các kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng ông và các đồng chí của ông cũng phải nhớ rằng quý ông cũng đang có những người bất đồng chính kiến với quý ông và những người đó bắt đầu là cá nhân tôi, các chí hữu của tôi cũng như một số tù nhân chính trị và lương tâm khác như Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Luật sư Lê Quốc Quân và vân vân...



Cuối cùng vì ông Chủ tịch nước đã tuyên bố với thế giới rằng: “Nhân quyền là vấn đề cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm” cho nên tôi ngỏ ý sẵn sàng đối thoại vô điều kiện với ông Chủ tịch nước, với đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam về những vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ và nhân quyền cũng như những vấn đề quốc sách khác mà nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước chúng ta có cùng quan tâm chung. Nhân tiện được biết ông Chủ tịch nước sắp đi thăm Canada, tôi trân trọng chúc mừng ông có chuyến công tác thành công rực rỡ và hy vọng có dịp tiếp kiến để cùng nhau thảo luận những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/loi-de-nghi-doi-thoai-ve-nhan-quyen-giua-nguoi-viet/1754752.html#relatedInfoContainer (Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một cái nhìn lịch sử về tính đời, tính đạo và Phương Tây
Vũ Văn An
20:18 23/09/2013
Tại đại học Công Giáo Cuyo ở San Juan, Á Căn Đình, ngày 13 tháng Chín vừa qua, Đức TGM Giampaolo Crepaldi, Chủ Tịch Vọng Quan Sát Nguyễn Văn Thuận, đã đọc một bài diễn văn về tính đời, tính đạo và Phương Tây. Chúng tôi xin phóng dịch bài diễn văn quan trọng này.

Sự nghịch lý của Phương Tây

Mối tương quan của đức tin Kitô Giáo với Phương Tây, nhất là đức tin Công Giáo, từ bản chất vốn có tính chủ yếu. Nói thế, tôi không có ý định lý luận rằng có một sự đồng nhất nào đó giữa Phương Tây và Kitô Giáo, hay Kitô Giáo là một phạm trù trong tâm thức Phương Tây, hay Kitô Giáo có thể là thế chỉ ở Phương Tây theo nghĩa địa dư, lịch sử hay văn hóa. Một giả định thông thường như thế rất dễ dàng bị gạt ra một bên giống như cách nhận định thông thường rằng Kitô Giáo chào đời tại đông Địa Trung Hải và lan ra khắp thế giới. Nói cách khác, mối tương quan với Phương Tây này không phải là một chuyện ngẫu nhiên trong lịch sử Kitô Giáo. Trong mối tương quan với Phương Tây này, đang xuất hiện nhiều đặc điểm mà Kitô Giáo không thể nào tách rời mà vẫn còn hiện diện được, nhưng đồng thời, theo lịch sử, nó cũng tìm cách lánh xa, ngay chính tại Phương Tây. Từ đó mà có đặc điểm đầy nghi vấn và trái khoáy của Phương Tây. Một đàng, cuộc gặp gỡ của Kitô Giáo với Phương Tây đúng là “do Chúa quan phòng” (1), giúp tạo khuôn và lên khuôn cho văn minh Phương Tây, và trong một số thời kỳ lịch sử, nhất là trong các thế kỷ XII và XIII, đã phóng chiếu ra nền văn minh Kitô Giáo (2), với thật nhiều biểu thức hết sức sáng tạo. Nhưng mặt khác, tại Phương Tây cũng đang triển khai một diễn trình tục hóa có khuynh hướng làm Kitô Giáo cạn dần khả năng ‘sản xuất’ văn minh của mình. Lần đầu tiên chỉ có trong thế giới Phương Tây, người ta đang triển khai “một nền văn hóa tuyệt đối đi ngược hẳn lại không những Kitô Giáo, mà cả các truyền thống tôn giáo và luân lý của xã hội nữa” (3). Do đó, mà có tính hàm hồ sâu xa của phạm trù “phương tây” đối với chính Kitô Giáo. Tính “mềm dẻo” và tính “đối kháng” của Kitô Giáo đang phải đương đầu với cơn thử thách dứt khoát tại Phương Tây.

Tín điều Công Giáo và Phương Tây

Người ta thường đưa ra một lối giải thích khá giản lược về tác động của Đạo Công Giáo đối với nền văn minh Phương Tây, theo nghĩa nó chỉ được coi như một ảnh hưởng, không hơn không kém. Gần như muốn nói rằng Đạo Công Giáo ảnh hưởng lên văn minh Phương Tây nhờ các công trình bác ái, nghệ thuật, văn chương, các hệ thống xã hội do tôn giáo thúc đẩy, các vụ phong vương v.v... Tất cả những điều này đều đúng sự thật, nhưng tương quan thâm hậu của Đạo Công Giáo với Phương Tây còn liên hệ tới các tín điều và còn là việc nói lên lịch sử tính của các tín điều này nữa. Việc nói lên tính lịch sử của các tín điều này không có nghĩa: về phương diện lịch sử, các tín điều diễn biến song song với việc các tín hữu tự ý thức về mình. Nghĩ như thế là nghĩ theo quan điểm của phe duy hiện đại. Đúng hơn, nó có nghĩa: tín điều có nội dung lịch sử và nội dung thực tại, chứ không bị liệt vào hàng huyền thoại, dã sử. Tín điều nuôi dưỡng Giáo Hội và Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử, một Nhiệm Thể tồn tại muôn đời (4). Giữa tín điều và Nhiệm Thể, có một thống nhất bất khả phân, đến độ tín điều không những chỉ hiện diện trong ý thức tín hữu, mà từ bản chất đã trở thành lịch sử, và do đó, trở thành văn minh. Đây chính là chủ nghĩa hiện thực của đức tin Công Giáo.

Giáo Hội đã khuôn đúc nên nền văn minh Kitô Giáo Phương Tây qua các tín điều được xác định trong các công đồng tín lý. Ngày nay người ta đang phổ quát đánh giá thấp tín lý trong đời sống Giáo Hội và quá nhấn mạnh tới khía cạnh thực hành mục vụ, một điều đang có nguy cơ đẩy khía cạnh này vào hậu trường. Về phương diện này, xin đơn cử hai điển hình. Điển hình thứ nhất liên quan tới Ngộ Đạo (Gnossis). Việc kết án thuyết Ariô và việc định tín bản chất thần linh và bản tính nhân loại của Chúa Giêsu là để chống lại Ngộ Đạo, vốn là một biểu thức của chủ nghĩa duy lý trong văn hóa Hy Lạp. Đây là kết quả của một diễn trình dài có liên hệ tới cả các công đồng lẫn công trình của nhiều giáo phụ và tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội. Cuộc ‘chiến đấu’ này, tuy thế, vẫn còn cần được chiến thắng vì song song với Ngộ Đạo của các thế kỷ Kitô Giáo đầu tiên, còn có thứ “Ngộ Đạo đời đời” nữa. Nhưng trận chiến của tín điều Kitô Giáo chống lại Ngộ Đạo đã duy trì được nền văn minh nhân bản khỏi các tai họa của lạc giáo Cathar, tức thuyết vừa bác bỏ vừa tôn vinh vật chất cùng một lúc, một thuyết hủy diệt hôn nhân và gia đình, và bác bỏ thẩm quyền chính trị. Nó đem lại hoa trái văn minh dưới hình thức xem sét sự ác và đau khổ cách đúng đắn, và bảo vệ chống lại chủ nghĩa hư vô. Việc bảo vệ Cựu Ước chống lại sức tấn công vũ bão của Ngộ Đạo làm ta có khả năng duy trì được cái nhìn tích cực đối với tạo thế và chiều kích xã hội lịch sử của đức tin Kitô Giáo. Việc rửa tội trẻ em, việc cầu nguyện cho người chết, việc sống độc thân của giáo sĩ và việc tôn kính ảnh tượng: nhiều lợi ích xiết bao do các yếu tố này mang lại cho nền văn minh Phương Tây, và tất cả các lợi ích này đều sẽ vĩnh viễn mất đi nếu Ngộ Đạo thắng thế. Nhiều tai hại xiết bao gây ra từ chủ thuyết duy bần cùng, duy chủ hòa, duy tinh ròng kiểu Ngộ Đạo triệt để, nếu những chủ thuyết này được tự do truyền bá không bị ngăn chặn! Nhận định về trận đánh Muret ngày 13 tháng Chín năm 1213, lúc Simone de Monfort, sau khi tham dự Thánh Lễ do Thánh Đa Minh cử hành, dẫn 1,000 người phản công đạo quân Aragon ủng hộ Nhóm Anbigioa gồm 40,000 người, Jean Guitton viết rằng “Muret là một trong những trận đánh quyết liệt trong đó số phận của văn minh đã được quyết định. Điều lạ là phần đông sử gia đã không lưu ý tới sự kiện ấy” (5).

Điển hình thứ hai liên quan tới Đức Piô IX và việc tuyên bố tín điều Thụ Thai Vô Nhiễm của Đức Mẹ. Việc định tín tín điều này phát sinh từ việc dùng thần học đọc các biến cố của cuộc cách mạng cấp tiến. Theo Đức Piô IX, tất cả sai lạc thời ngài đều thoát thai từ việc chối bỏ tội nguyên tổ, và do đó, việc không thể nào hòa giải giữa Thiên Chúa và tội lỗi. Mục đích sự sống phải là tiến bộ của con người và thế giới; con người hiện đại phải trở thành tự chủ và tự mãn, tự giải phóng mình khỏi sự giám hộ của Giáo Hội; tôn giáo chỉ hữu ích vì tiến bộ dân sự và phải phụ thuộc sự tiến bộ ấy. Tuy nhiên, một khi tội nguyên tổ bị bác bỏ, thì chả còn chỗ đứng nào cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và ơn thánh.

Trước một quan điểm như thế về sự vật, Đức Piô IX muốn nhắc lại tính bất khả giảng hòa giữa Thiên Chúa và tội lỗi thế gian, cũng như sự kiện này: mục đích tối hậu của thế giới và lịch sử không phải là ca ngợi tiến bộ nhân bản, mà là vinh quang Thiên Chúa. Và ngài làm thế bằng cách công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, “đấng chiến thắng vẻ vang mọi lạc giáo”.

Các biến cố vũ bão mà Đức Piô IX từng phải chứng kiến là một phần trong kế hoạch thoát ly trật tự tự nhiên ra khỏi trật tự siêu nhiên. Ngài nhận định rằng không thể chấp nhận kế hoạch này, kế hoạch này cần được “Công Giáo hoá”. Do đó, có sự ra đời của Tông Thư Quanta cura và Tông Thư Sillabo, hai tông thư không thể tách biệt khỏi ý nghĩa thần học sâu sắc của việc công bố tín điều Vô Nhiễm Thai, nhưng đã được coi là đáp ứng của Đức Piô IX đối với tội lỗi thời hiện đại, cùng với Công Đồng Vatican I. Không phải là chuyện tình cờ khi ngày 8 tháng Mười Hai đã được chọn làm ngày quan trọng cho cả ba việc đó: công bố tín điều vào ngày ấy năm 1854, tông thư Quanta cura và tông thư Sillabo cùng ngày năm 1864, và khai mạc Công Đồng Vatican I cùng ngày năm 1869 (6).

Việc xây dựng nền văn minh Phương Tây diễn ra cùng với các tín điều. Tín điều là suối nguồn nguyên thủy phản công lại việc bỏ đạo của Phương Tây đối với Kitô Giáo.

Việc tục hóa Phương Tây

Tôi chủ ý lấy một điển hình thuộc các thế kỷ đầu của Kitô Giáo và điển hình hai thuộc thời hiện đại. Giữa hai điển hình này là việc xây dựng nền văn minh Kitô Giáo và rồi việc xa lìa tiệm tiến khỏi nền văn minh ấy qua việc tục hóa mỗi ngày một gia trọng thêm. Tuy nhiên, vì nhiều người qui việc tục hóa này cho chính Kitô Giáo, nên sự việc trở nên phức tạp đôi chút. Nhưng ta hãy đi từng bước một.

Có lẽ điều ít người biết hơn là sự kiện này: lời tán dương hứng khởi nhất về tầm quan trọng của Giáo Hội Công Giáo đối với nền văn minh Phương Tây lại tìm thấy trong một tác phẩm, hơn hẳn bất cứ tác phẩm nào khác, đã lên lý thuyết cho một cuộc tục hóa mạnh mẽ nhất và đầy đủ nhất chính nền văn minh ấy, tôi muốn nói tới cuốn Khóa Trình Triết Lý Thực Nghiệm (The Course in Positive Philosophy) của August Comte. Karl Löwith, trong cuốn sách rất xứng đáng được nổi danh là cuốn “Ý Nghĩa Trong Lịch Sử. Hệ Luận Thần Học Của Triết Lý Lịch Sử” đã trích dẫn những lời Comte ca ngợi Đạo Công Giáo (7) và cho rằng Comte rất quí trọng hệ thống Công Giáo nhất là trong việc phân biệt quyền bính thiêng liêng ra khỏi quyền bính phàm trần. Đó là điều ta sẽ gọi là tính đời (laicity). Mặt khác, đối với Thệ Phản, Comte nghĩ họ coi trọng việc “giải phóng quyền bính phàm trần và bắt quyền bính thiêng liêng phải lệ thuộc lợi ích quốc gia” (8). Đạo Công Giáo lập ra một trật tự, trong khi Thệ Phản “đặt nền cho cuộc cách mạng triết lý hiện đại, tuyên xưng quyền mỗi cá nhân được tự do tìm tòi trong mọi địa hạt” (9). Comte có ý kiến cho rằng “việc thoái hóa của hệ thống Âu Châu chỉ có duy nhất một nguyên cớ, đó là việc chính trị hạ giá quyền bính thiêng liêng”, và Karl Löwith nhận định: “nếu cứ để mỗi tinh thần chưa trưởng thành được quyền tự quyết định lấy các vấn đề hệ trọng nhất, thì ta có lý để ngạc nhiên trước sự kiện nền luân lý chưa hoàn toàn xuống dốc” (10). Nhưng đến thời ông, nền luân lý ấy kể như xuống dốc hoàn toàn.

Công trình vừa trích dẫn của Karl Löwith giải thích một cách đầy thuyết phục việc nền triết học duy hiện đại về lịch sử từ Voltaire tới Nietzsche đã nhằm việc từ từ tục hóa các tín điều Công Giáo ra sao. Khúc ngoặt đáng lưu ý nhất trong diễn trình tục hóa này tìm thấy nơi Comte. Nơi tín điều Công Giáo, ông nhìn thấy điều kiện để trật tự xã hội hiện hữu, theo nguyên tắc phân biệt giữa uy quyền trần thế và uy quyền thiêng liêng dựa trên vai trò chính trị của uy quyền thiêng liêng. Tuy nhiên, ông cũng nhìn thấy điều này: đến thời ông, thế quân bình này đã tan rã tiếp sau “các cuộc cách mạng Thệ Phản”, lãnh vực thiêng liêng đã từ bỏ các nhiệm vụ của mình đối với trật tự trần thế, và trật tự trần thế đã tự giải phóng mình khỏi lãnh vực thiêng liêng. Do đó, cùng một lúc, nơi Comte, ta thấy có lời khen thượng thặng đối với cấu trúc lịch sử của Đạo Công Giáo và lời bác bỏ triệt để nhất qua đề xuất tuyệt đối và triệt để không kém của chủ trương đời: tinh thần duy nghiệm. Theo Henri de Lubac, thuyết duy nghiệm của Comte là thuyết triệt để nhất trong các hình thức nhân bản vô thần hiện đại, vì nó phóng chiếu một đời sống không Thiên Chúa, không tiếc nuối ảo tưởng, và chính vì thế, cũng có cùng một sức mạnh thúc đẩy của một tôn giáo có khả năng xây nên một trật tự. Một trật tự không có Thiên Chúa. Đối với Lubac, dự án này đã và nhất định sẽ thất bại (11). Tuy nhiên, đối với chúng ta lúc này, đây chưa phải là điểm đáng lưu ý. Điều chúng ta quan tâm ở đây là đặc tính giáo điều của nó, giáo điều theo nghĩa phản Công Giáo một cách triệt để và tuyệt đối. Như thế, một lần nữa, nếu việc xây dựng Phương Tây đã từng nhờ các tín điều Công Giáo và nếu “việc cởi bỏ” diễn ra nhờ việc tục hóa các tín điều này, như Karl Löwith đã chỉ ra, thì khúc ngoặt dứt khoát phải diễn ra khi việc tục hóa này khoác lấy tính tuyệt đối giáo điều. Điều này thấy rõ nơi Comte; cho nên, ta có thể gọi chủ nghĩa duy nghiệm là tín điều của thời hiện đại.

Liên quan tới điều cho rằng không thể đảo ngược được việc tục hóa

Tôi muốn trở lại với nhận định của Karl Löwith về sự tự lập của lãnh vực trần thế đối với lãnh vực thiêng liêng như đã trích dẫn trên đây: “nếu cứ để mỗi tinh thần chưa trưởng thành được quyền tự quyết định các vấn đề hệ trọng nhất, thì ta có lý để ngạc nhiên trước sự kiện nền luân lý chưa hoàn toàn xuống dốc”.

Ở đây ta thấy xuất hiện một điểm có tính cách quyết định trong vấn đề đang bàn: việc giải thoát trần thế khỏi thiêng liêng, việc thay thế ơn cứu rỗi Kitô Giáo bằng tiến bộ, thay thế tôn giáo bằng khoa học có đem lại sự tự lập đích thực, với khả năng tự bảo tồn trên bình diện của riêng mình hay chỉ đem lại “thoái hóa”? Löwith xem ra nghiêng về chủ trương sau, và trong nhận định đang bàn, ông coi là một phép lạ nếu người ta chứng tỏ được rằng họ có thể duy trì được một hình thức luân lý nào đó dù rất yếu ớt sau cuộc thoát ly này.

Tính đời hiểu như một phân biệt hỗ tương giữa lãnh vục trần thế và lãnh vực thiêng liêng là một đóng góp có tính lịch sử của Kitô Giáo. Tuy nhiên, sự phân biệt này không có nghĩa: lãnh vực trần thế tách biệt và tuyệt đối tự lập đối với lãnh vực thiêng liêng, nhưng diễn ra trong nền văn minh Kitô Giáo, lấy chân trời tôn giáo làm phông. Người Kitô hữu cầm quyền hành động một cách tự lập, triển khai sự khôn ngoan chính trị, nghĩa là thực thi tự do trong một hệ thống chân lý mà người bảo đảm tối hậu là Giáo Hội, được tín điều Công Giáo coi là người cũng duy trì và bảo vệ cả di sản luật tự nhiên nữa.

Tuy nhiên, như Karl Löwith từng nhận xét, bắt đầu từ thời cận đại, việc tục hóa mỗi ngày mỗi đòi hỏi hơn đến nỗi biến lãnh vực trần thế thành “capax sui”, tự lập tuyệt đối, tự lấy mình làm đủ, và có thể tự ban cho mình ý nghĩa.

Thoạt đầu, “ý nghĩa” này vay mượn từ các tín điều Kitô Giáo, nhưng giải thích theo nghĩa tục hóa, rồi càng ngày nghĩa này càng được coi là của riêng tục hóa, nhất là bởi những người như Comte và chủ nghĩa duy nghiệm.

Năm 1968, người ta thấy xuất hiện tác phẩm “Bàn Về Thần Học Của Lời” (“On the Theology of the World”) với Johann Baprist Metz là tác giả. Ông vốn là một nhà thần học Đức và là học trò của Karl Rahner. Trước tác phẩm này, Metz đã viết cuốn “Tính Qui Tâm Nhân Học Của Kitô Giáo” (“Christian Anthropocentricity”) trong đó, ông cho rằng tục hóa do Kitô Giáo gây ra và do đó là một sự kiện Kitô Giáo mà ta phải chấp nhận và sống với như là hoa trái của Kitô Giáo, chứ không nên đấu tranh với nó như là đối nghịch với đức tin Kitô Giáo. Trong cuốn mới xuất bản, Metz chủ trương rằng sau cuộc tục hóa, nay thế giới đã hoàn toàn trở thành trần đời: “Một thế giới nơi Thiên Chúa không còn được gặp gỡ” (12). Ông nghĩ rằng “Đã từ lâu, gần như tới tận lúc bắt đầu có Công Đồng mới đây, Giáo Hội vốn theo dõi diễn trình này một cách thù ghét, coi nó gần như chỉ là một cuộc sa ngã, một cuộc giải phóng sai lầm, và chỉ hết sức từ từ mới có được lòng can đảm chấp nhận để thế giới trở nên “trần đời” theo nghĩa này, và do đó, coi diễn trình này không như một sự kiện đi ngược lại ý hướng lịch sử của Kitô Giáo, mà đúng hơn là một sự kiện cũng được xác định bởi các thúc đẩy lịch sử sâu sắc nhất của Kitô Giáo và sứ điệp của tôn giáo này” (13).

Tôi thì tôi có ý kiến này: chủ trương cho rằng cuộc tục hóa duy nghiệm phát sinh từ chính Kitô Giáo là điều không chính xác, và ta cũng không thể chấp nhận quan điểm coi nó như định mệnh của lịch sử. Cho rằng tục hóa không thể nào đảo ngược được vốn là một tín điều duy nghiệm phát sinh từ cách đọc lịch sử theo ý thức hệ. Đây là lối đọc của Comte theo định luật ba giai đoạn, qua đó, nhân loại biến hóa từ giai đoạn tôn giáo qua giai đoạn siêu hình rồi giai đoạn thực nghiệm, một cách không thể đảo ngược được.

Đâu là các lý do tối hậu giải thích tại sao không thể coi việc tục hóa có tính duy nghiệm như là một hậu quả của Kitô Giáo hay không thể đảo ngược được?

Lý do thứ nhất: chủ nghĩa duy nghiệm không thể không tự phóng chiếu mình như một tôn giáo mới. Ta đã thấy điều này ở trên đây: tục hóa trở thành như thế khi nó không tự giới hạn mình vào việc tái lên công thức cho các tín điều Công Giáo, trái lại đã tự tách hẳn ra khỏi truyền thống Kitô Giáo và tự đề xuất mình thành nguyên tắc tuyệt đối. Vì bao lâu những người như Hegel, Marx, Proudhon, và Voltaire, Condorcet, và Turgot, trước họ, vẫn còn tự giới hạn vào việc mô phỏng Kitô Giáo bằng cách đề xuất một phiên bản có tính nội tại và tục hóa về nó, thì các giai đoạn tục hóa không thể cho rằng mình tự lập một cách chân thực hay là hiện thân chân chính của tục hóa. Diễn trình ấy vẫn tiếp tục liên hệ với Kitô Giáo và do đó có thể bị đảo ngược. Vậy còn cách nào khác có thể cắt đứt cuống rốn này khỏi Kitô Giáo ngoài việc đề xuất tục hóa như một nguyên tắc tuyệt đối? Nhưng nếu thế, nó có đặc điểm tôn giáo; tôn giáo không theo nghĩa vẫn còn nặng nợ đối với “tôn giáo” cổ xưa, mà tôn giáo theo nghĩa phát biểu sự chống lại tôn giáo một cách tuyệt đối, theo lối tôn giáo. Một tục hóa như thế không phải là hoa trái của Kitô Giáo.

Làm lu mờ bản nhiên, nhất là bản nhiên con người

Như đã ghi nhận trên đây, lý do thứ hai liên hệ tới việc bình diện trần thế, một khi tách khỏi bình diện thiêng liêng, vẫn có thể tự duy trì được mà không bị hoại sinh.

Như đã thấy, sau khi đạt được tính tuyệt đối tôn giáo, việc tục hóa nhất định sẽ đi ngược lại ý niệm bản nhiên, nhất là ý niệm bản nhiên con người. Bởi nếu không, hẳn sẽ có một trật tự luân lý luôn luôn và mặc nhiên đòi phải có một hình thức tôn giáo nào đó. Nếu bản nhiên còn, thì luật tự nhiên cũng sẽ còn, vì luật tự nhiên vốn là trật tự của bản nhiên nói lên một qui phạm luân lý. Ngược lại, qui phạm trong luật tự nhiên sẽ mãi mãi dẫn tới vấn đề nền tảng tuyệt đối và siêu việt của nó, vì tự nó, trật tự luân lý cần một nền tảng tuyệt đối. Do đó, nếu phải đề xuất lại từ đầu thì hẳn phải là tôn giáo “cũ”. Vì bao lâu Hugo Grotius còn bác bỏ nền tảng siêu việt của luật tự nhiên, nhưng vẫn duy trì luật tự nhiên, thì sẽ không có chuyện bất đảo ngược: nhu cầu phải có một nền tảng siêu việt vẫn còn có thể được biện luận và phục hoạt. Nhưng nếu bản nhiên bị bác bỏ, như chủ trương của duy nghiệm, thì việc này trở nên bất khả một cách dứt khoát và lúc ấy, ta đành bó tay không thể nào đảo ngược được nữa.

Bởi thế, sự ngạc nhiên gây bối rối mà Karl Löwith nói lên quả là ngây thơ. Bình diện tự nhiên không thể nào tự mình đứng vững một khi tách khỏi bình diện siêu nhiên. Phiên bản duy nghiệm mạnh nhất tự mô tả mình như “một khởi đầu mới”, phản tôn giáo một cách tuyệt đối theo lối tôn giáo. Để làm được việc này, nó buộc phải bác bỏ bản nhiên và luật tự nhiên. Việc phá nát và vứt bỏ chúng có thể chỉ tiệm tiến với thời gian, nhưng nguyên tắc của diễn trình này đã được coi là tuyệt đối ngay từ lúc khởi đầu. Điều ta chứng kiến hiện nay là việc bác bỏ bản nhiên và luật tự nhiên, một cách hết sức lan tràn và đáng lo ngại. Không có sự trợ lực của Kitô Giáo, chiều kích tự nhiên của việc sinh sản, của hôn nhân và của gia đình không duy trì được cơ sở. Điều tự nhận là “ý thức hệ phái tính” (14) chính là tiền đồn mới đây nhất của phong trào bác bỏ bản nhiên và luật tự nhiên.

Phương Tây ở đây có nghĩa Giêrusalem, Athens và Rôma. Đức Bênêđictô XVI nhắc lại điều này trong bài diễn văn thời danh của ngài tại Bundestag ở Berlin (15). Tuy nhiên, khi Kitô Giáo gặp gỡ tư tưởng Hy Lạp và văn minh Rôma, song song với tôn giáo Do Thái, nó khám phá nơi chúng cả tính cởi mở đối với tính siêu việt lẫn việc xem sét sức mạnh của luật tự nhiên. Nó khám phá ra một thế giới tiền Kitô Giáo nhưng rất nhân bản. Tuy nhiên, ngày nay, nó đang phải đương đầu với một thế giới hậu nhân bản và do đó hậu Kitô Giáo một cách triệt để.

Đề xuất tôn giáo của tính đời

Tôi đã mô tả một cái nhìn có tính lịch sử theo nghĩa lịch sử tư tưởng hơn là lịch sử sự kiện, và hành trình này cho thấy tính đời là một quan niệm Kitô Giáo. Quan niệm này ngụ ý một sự tách biệt giữa lãnh vực chính trị và lãnh vực Giáo Hội, giữa quyền lực trần thế và quyền lực thiêng liêng. Tuy nhiên, nó không chủ trương phải có sự tách biệt chính trị ra khỏi đạo đức, vì nhà cầm quyền chính trị, tuy tách biệt với những người thi hành quyền bính thiêng liêng, nhưng luôn hành động theo sự khôn ngoan hợp lý chứ không hành động một cách võ đoán, vì “có những giới hạn đối với điều Nhà Nước có thể ra lệnh, ngay cả trong các vấn đề hoàn toàn thuộc Xêda” (16). Cả trong ý muốn hay quyết đoán bản thân lẫn trong “ý muốn được đa số phát biểu”: Xét về điểm này, theo lý thuyết, dân chủ không đóng góp gì vào bất cứ thay đổi triệt để nào về viễn tượng. Bao lâu chưa thể tách biệt với đạo đức, điều mà nó trực tiếp bị cột vào, chính trị vẫn không thể tách biệt khỏi tôn giáo nói chung và khỏi Kitô Giáo nói riêng. Thực vậy, bình diện đạo đức xét cho cùng không thể dùng làm căn bản cho mình khi chỉ đứng mãi ở bình diện tự nhiên: “Nếu trước nhất ta không hiểu mối tương quan của ta với Thiên Chúa, ta sẽ không bao giờ duy trì được các phạm vi này trong trật tự đúng của chúng” (17).

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, một quan niệm khác về tính đời đã xuất hiện. Khởi đầu, quan niệm này được thần hóa như là việc tục hóa các tín điều Kitô Giáo, nhưng sau đó, đã trở thành tách biệt hoàn toàn với Kitô Giáo và bất cứ trật tự nào, bằng cách tự dựng mình lên thành một nguyên tắc tuyệt đối như tôn giáo mới. Việc này xẩy ra với thuyết duy nghiệm hiểu như một phạm trù trường tồn. Trong cung cách này, bình diện chính trị đã trở nên hoàn toàn tự lập đối với bình diện tôn giáo, thậm chí còn bất tương hợp với Kitô Giáo nữa, ở điểm đã khoác vào mình hình thức tôn giáo ngay trong chính nó. Đó là cách chủ nghĩa duy tương đối lên ngôi độc tài.

Trước một viễn cảnh như thế, quả là ngây thơ khi Kitô Giáo tự “hóa đời chính mình”, bằng cách từ bỏ bộ áo tín điều và tín lý để đối thoại với thế giới trần đời. Nếu có được một điều gì đó gần gũi với bình diện không tuyệt đối của đời (lay) mà cởi mở với bản nhiên con người và tôn giáo, thì có lẽ cuộc đối thoại về tính đời với sự tham dự của tín hữu may ra mới khả hữu. Đàng này, bất hạnh thay, đây không phải là khuynh hướng chính, và lý do thì vừa đơn giản vừa trầm trọng cùng một lúc: để là “đời” (lay) theo nghĩa vừa nói, tính đời cần có Kitô Giáo. Cho nên, tính đời mà thuyết duy nghiệm tự phóng chiếu thành nguyên tắc tuyệt đối và có tính tôn giáo không thể là “đời” được. Đây là cái trái khoáy của Phương Tây: càng ra xa khỏi Kitô Giáo để là “đời”, thì người ta càng ít đời hơn.

Theo cái trái khoáy ấy lại là một trái khoáy khác. Nếu Kitô hữu muốn đóng góp vào tính đời tích cực, họ phải đề xuất được chiều kích tôn giáo của đức tin trong sự trọn vẹn của nó, mà không có bất cứ hình thức duy giản lược nào theo chiều ngang. Ở đây nữa, lý do cũng giản dị một cách bi thảm: trong một thế giới hậu nhân bản về phương diện tôn giáo, người ta cần phải khởi đi từ việc đề xuất Chúa Kitô để rồi trong viễn tượng tôn giáo, phục hồi chiều kích nhân bản và từ đó, phục hồi chiều kích “đời”. Đây là chỗ Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội gặp gỡ việc “tân phúc âm hóa”.
________________________________________________________________________________________________________________________
(1) Kiểu nói này thường được Đức HY Joseph Ratzinger sử dụng để chỉ cuộc gặp gỡ của đức tin Kitô Giáo với triết lý Hy Lạp, và ta cũng có thể sử dụng nó theo nghĩa rộng hơn để chỉ cuộc gặp gỡ với Phương Tây. Xin xem J. Ratzinger, Fede Verità Tolleranza. Il cristianesimo e le religioni del mondo, Cantagalli, Siena 2003, p. 98.
(2) Các tham chiếu nền tảng là các công trình của Christopher Dawson: La formazione della civiltà occidentale, D’Ettoris editori, Crotone 2011; Id., La divisione della Cristianità occidentale, D’Ettoris editori, Crotone 2009.
(3) J. Ratzinger, L’Europa di Benedetto nella crisi delle culture, Cantagalli, Siena 2005, p. 37.
(4) J. Ratzinger, Fede Verità Tolleranza. Il cristianesimo e le religioni del mondo cit., p. 74.
(5) J. Guitton, Il Cristo dilacerato. Crisi e concili nella storia, Cantagalli, Siena 2002, p. 166.
(6) Cf R. de Mattei, Pio IX e la rivoluzione italiana, Cantagalli, Siena 2012.
(7) K. Löwith, Significato e fine della storia. I presupposti teologici della filosofia della storia, Il Saggiatore, Milano 2010, pp. 98-104 (prima edizione 1977).
(8) Ibid, p. 100.
(9) Ibid, p. 101.
(10) Ibid, p. 103.
(11) De Lubac H., Il dramma dell’umanesimo ateo, Morcelliana, Brescia 1988.
(12) J. B. Metz, Sulla teologia del mondo, Queriniana, Brescia 1969, p. 144.
(13) Ibid, pg. 141.
(14) Vọng Quan Sát Quốc Tế Hồng Y Nguyễn Văn Thuận Về Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, Fourth Report on the Social Doctrine of the Church in the World (G. Crepaldi và S. Fontana chủ biên), Cantagalli, Siena 2012.
(15) Benedetto XVI, Diễn Văn Tại Reichstag ở Berlin, 22 tháng Chín, 2011.
(16) J. V. Schall, Filosofia politica della Chiesa cattolica, Cantagalli, Siena 2011, p. 123.
(17) Ibid, pg. 122.
 
Tin Đáng Chú Ý
Chính trị Đức quốc sẽ đi về đâu sau cuộc bầu cử Quốc hội 2013 ?
Lê-Ngọc Châu
11:05 23/09/2013
Hôm nay, như đã nói người viết trở lại cùng quý độc giả với Lá Thư từ Đức quốc, tóm lược nhanh tin liên quan đến kết quả bán chính thức cuộc bầu cử Quốc Hội Đức ngày Chúa Nhật 22-9-2013.

Tối hôm qua 22.09.2013, ai theo dõi tình hình chính trị nước Đức đều thấy rõ cuộc bầu cử lại Quốc hội Đức diễn ra rất căng thẳng, gay cấn chưa từng có và kết quả không đáp ứng được sự mong đợi đối với Tả Khuynh, đặc biệt với SPD + Xanh nói riêng vì họ muốn hơn phiếu CDU/CSU với tham vọng hất bà Merkel ra khỏi chức thủ tướng Đức.

Còn FDP thì trước khi bầu cử chuyên gia phân tích chính trị tiên đoán sẽ "rớt đài" và chuyện này đã xảy ra. FDP không đạt được chỉ số tối thiểu 5% và đã bị loại ra khỏi chính quyền Đức. Trong khi đó thì CDU và Merkel chiến thắng vẻ vang với kỷ lục kể từ năm 1990.

Kết quả bán chính thức được công bố sáng thứ Hai ngày 23.09.2013 (trong ngoặc đơn là của 2009 để quý độc giả tiện so sánh), như sau: CDU/CSU: 41,5% (33,8%); SPD: 25,7% (23%); FDP: 4,8% (14,6%); Xanh: 8,4% (10,7%); Tả Khuynh: 8,6% (11,9) và AfD là đảng mới thành lập cách đây vài tháng và lần đầu tiên ra tranh cử: 4,7%.

Dựa theo kết quả trên, tính ra thì CDU/CSU được 311 ghế tại quốc hội (2009: 239), SPD : 192 ghế (146), Xanh:63 (68) và Tả Khuynh: 64 ghế (76).

Tổng cộng toàn khối đối lập có 319 đại biểu tại quốc hội trong khi liên đảng CDU/CSU đơn thân độc mã, không chiếm được đa số phiếu tuyệt đối và chỉ có 311 ghế.

Tỉ lệ dân chúng đi bầu tăng nhẹ, lên 71,5% (năm 2009 70,8%).

Như vậy, đảng CDU của nữ thủ tướng Đức hiện nay Angela Merkel (chủ tịch CDU) là chính đảng mạnh nhất, trên nguyên tắc CDU được ưu tiên thương lương thành lập một liên minh chính quyền. FDP bị loại nên nhiệm kỳ mới chỉ còn có 4 đảng tham chính: CDU/CSU, SPD, Xanh và Tả Khuynh. Bà Merkel lần này phải tìm một đảng khác để liên minh vì FDP bị "rớt đài", một chuyện không phải dễ dàng vì đường lối chính trị của 4 đảng khác nhau.

Một điều chẳng vui gì vì FDP đại bại không được tham chính và chẳng còn tiếng nói nào trong chính quyền cả trong 4 năm tới nên tự động người Đức gốc Việt ông Rosler, chủ tịch đảng FDP sẽ mất chức phó thủ tướng Đức. Roesler đã từng tuyên bố 45 tuổi từ giã chính trường. Tương lai Roesler phải rời Berlin với tuổi 40, sớm hơn 5 năm vì thế theo cái nhìn khách quan của tôi, chưa biết con đường chính trị của Roesler đi về đâu?. Ngay sau khi kết quả ước tính công bố thì Bruederle và Roesler xuất hiện trên Tivi, vẽ mặt buồn thiu tuyên bố ngắn gọn là FDP thất bại nặng nề cũng như cho biết cả hai chịu trách nhiệm cho sự "đại bại chính trị" của FDP ! Chắc chắn nội đảng FDP sẽ phân tích "nguyên nhân đưa đến sự thảm bại" và chuyện tranh cãi không tránh được và lần nữa sự cải tổ thành phần lãnh đạo đảng FDP có thể xảy ra.

Và như các đảng phái Đức tuyên bố tối Chúa Nhật, hôm nay thứ Hai 23.09.2013, họ thảo luận về hậu quả của cuộc bầu cử. Thêm vào đó họ cụ thể hơn về cách thức 4 đảng phái chính trị tương lai đại diện trong quốc hội Đức sẽ thành lập một chính phủ như thế nào??? .

Một tin động trời người viết vừa biết được là sau thất bại lịch sử của họ trong cuộc tổng tuyển cử 2013, FDP đánh dấu lại một khởi đầu mới. Toàn bộ ban lãnh đạo của đảng FDP từ chức hôm nay 23.09.2013. Chính trị gia "sáng giá mới" được đề cập là cựu Tổng thư ký Christian Lindner.

Toàn ban điều hành của lãnh đạo đảng FDP xung quanh chủ tịch Rosler đồng loạt từ chức, theo tin nóng của một số cơ quan truyền thông loan tải. Tổng cộng có 54 người trong ban điều hành, bao gồm tất cả các nhà chính trị gia hàng đầu lãnh đạo đảng như Ngoại trưởng Guido Westerwelle, Bộ trưởng Y tế Daniel Bahr và cả người đứng đầu FDP tiểu bang NRW, Christian Lindner. Trong số đó có thể có một số người sẽ ra tái tranh cử, dựa theo tin của Focus Online. Hội đồng lãnh đạo mới sẽ được bầu trong một đại hội đảng. Việc xây dựng lại đảng chủ yếu sẽ diễn ra từ các tiểu bang. Lý do cho bi kịch trong đảng Dân chủ Tự do vừa xảy ra là vì kể từ khi sáng lập Cộng hòa Liên bang Đức đến nay lần đầu tiên FDP không còn ở trong Quốc hội Đức !.

Thay lời kết:

Họp và bàn thảo riêng của các đảng phái Đức là chuyện của họ, nhưng người viết cũng mạo muội đưa ra vài nhận định riêng sau đây đi từ những dữ kiện nêu trên:

• FDP đã bị loại ra khỏi chính quyền Đức. Chiến dịch "xin lá phiếu thứ hai" do ban lãnh đạo FDP chủ xướng 1 tuần trước bầu cử hoàn toàn thất bại. Không được tham chính nên trên chính trường Đức, FDP mất hẳn tiếng nói quan trọng tại quốc hội. Các chính trị gia hàng đầu vì thế lo sợ đảng FDP từ từ sẽ bị "lãng quên" nên thế nào cũng có sự cải tổ nội đảng và sự thay đổi về đường lối chính trị và ban lãnh đạo đảng sẽ xảy ra.

• CDU vui mừng đã chiến thắng rõ rệt. Qua đó chúng ta thấy rằng chính CDU lo cho đảng họ trước, không cho FDP mượn phiếu như FDP kêu gọi.

• SPD thêm phiếu nhưng kém hơn sự mong đợi (khoảng 30%). Xanh thì ngược lại thất vọng nhiều bởi lẽ không đạt được kết quả mong đợi mà còn mất phiếu. Tham vọng của SPD+Xanh là sẽ hơn phiếu CDU của bà Merkel bất thành.

• Tả Khuynh vui mừng khi hơn Xanh, là đảng mạnh thứ ba tại quốc hội.

• Một điểm khác, vì chính Peer Steinbrueck từng nhấn mạnh không chịu dưới quyền bà Merkel nên liệu SPD có bằng lòng thành lập một liên minh lớn với CDU?

• Tính ra theo kết quả bán chính thức công bố sáng 23.09 thì tổng cộng SPD + Xanh + Tả Khuynh được 319 ghế tại Quốc hội, CDU một mình chỉ được 311 ghế. Qua kết quả kể trên cho chúng ta thấy rằng bà Merkel sẽ gặp trở ngại khi thương lượng để thành lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của bà ta.

• Đức là nước dân chủ, đa đảng nên trên nguyên tắc đảng mạnh nhất CDU sẵn sàng / có thể thương lượng với tất cả ba đảng phái thắng cử còn lại để lập chính quyền tại nước Đức. Câu hỏi còn lại sẽ liên minh với đảng nào: SPD hay Xanh?. Và liệu Xanh hay SPD có chịu liên minh với CDU hay không (?) - nhìn từ khía cạnh chính trị lại là khúc chiếc khác.

• Đành rằng uy tín, giữ lời là điều rất quan trọng trên phương diện chính trị nhưng chính trị cũng rất phức tạp và đa diện. Vì vậy giả thuyết có thể được đặt ra (dựa vào lời phát biểu của ông Peer Steinbrueck ngay trong đêm 22.09.13 trên đài truyền hình ZDF (phóng dịch): " quả bóng trên sân cỏ đang ở trong chân bà Merkel, bạn hãy tự tìm cho mình đa số … !") là với đa số phiếu tuyệt đối 319 NẾU Đỏ+Đỏ+Xanh "bất ngờ" đồng ý liên minh thì chiến thắng kỷ lục của CDU, của bà Merkel sẽ thành công dã tràng! .

• Tuy nhiên nếu dựa theo lời tuyên bố của chủ tịch Sigmar Gabriel (SPD) :" SPD thất vọng! Vâng, SPD đã có thêm sự ủng hộ nhưng chúng tôi mong đợi nhiều hơn". Đồng thời Gabriel từ khước, quả quyết là chuyện thành lập liên minh gồm Đỏ+Đỏ+Xanh (SPD + Gruene + die Linke) sẽ không xảy ra trong nhiệm kỳ mới".

Từ đó chúng ta có thể hiểu và đoán ra được rằng sự thành lập một liên minh lớn (nếu có) lên cầm quyền Đức như 2005 giữa liên đảng CDU/CSU và SPD là có khả năng nhất. Trong trường hợp này thì đương kim thủ tướng Angela Merkel sẽ trở thành Tân thủ tướng Đức. Có điều, cá nhân người viết chưa rõ Steinbrueck sẽ hành xử như thế nào vì ông ta đã từng tuyên bố "không có liên minh lớn và không chịu đứng dưới trướng của bà Merkel ?". Chờ xem !

Nếu chuyện này bất thành thì giải pháp còn lại là chỉ có thể liên minh CDU/CSU + Xanh. Việc liên minh với Tả Khuynh (hậu thân đảng công sản Đông Đức cũ) từ phía CDU là điều không tưởng!

Trong trường hợp NẾU Xanh và SPD từ chối liên minh với CDU thì chính trị Đức sẽ đi về đâu ???

(© Lê-Ngọc Châu (Munich, Chiều ngày 23.09.2013) --- Tài liệu tham khảo: ZDF, AFP, Focus Online, Yahoo-News, Internet)
 
Tuyên bố Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị
bauxitevn
12:08 23/09/2013
Tuyên bố Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị

Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định tại điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (mà Nhà nước Việt Nam ký tham gia ngày 24/9/1982) quy định cụ thể về quyền bày tỏ quan điểm, quyền hội họp và lập hội: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia” (trích điều 19[1]); “Quyền hội họp có tính cách hoà bình phải được thừa nhận” (trích điều 21); “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình” (trích điều 22). Những quy định tương tự cũng có trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được công bố ngày 10/12/1948 mà mọi quốc gia thành viên đếu phải tôn trọng [2] .

Căn cứ vào những quy định đó, các ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp khác với quan điểm của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Quốc hội lập, đặc biệt là về những điều cơ bản của thể chế chính trị (như Kiến nghị do 72 người ký trực tiếp ngày 19-1-2013, thường được gọi tắt là Kiến nghị 72, Tuyên bố của Hội đồng Giám mục, Tuyên bố công dân tự do, ý kiến trên trang mạng Cùng viết Hiến pháp, và nhiều ý kiến của đồng bào trong và ngoài nước trên các trang thông tin điện tử) là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (dưới đây gọi tắt là Công ước quốc tế). Điều đó cũng đúng với nhiều tiếng nói đòi dân chủ và thực hiện các quyền tự do đã được quy định trong Hiến pháp, gắn liền với yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa nhịp với các hình thức đấu tranh của nông dân bị mất đất, của công nhân đòi việc làm và cải thiện đời sống. Những tiếng nói đó của các tổ chức và nhóm như Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn giáo, nhóm công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, câu lạc bộ NoU, v.v., hoặc của nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước mang tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ, đều được bày tỏ một cách ôn hòa, hợp pháp.

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây hoan nghênh ý thức xây dựng của những tiếng nói đó và thấy rằng để phản ảnh yêu cầu của đông đảo nhân dân, cần khởi xướng một Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa. Đó là mục đích hoạt động của Diễn đàn, hoàn toàn phù hợp với hiến pháp của nước ta và Công ước quốc tế. Diễn đàn này mang tên “Diễn đàn xã hội dân sự” và có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm, các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên, với mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển đúng với yêu cầu của một nước dân chủ.

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền. Ý kiến khác nhau cần được tranh luận thẳng thắn để tìm chân lý; còn dựa vào quyền lực để cản trở việc công bố, không đối thoại mà chỉ đơn phương phê phán, quy kết, thậm chí dùng nhiều cách ngăn cấm và trấn áp thì không những vi hiến và trái với Công ước quốc tế mà còn không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền.

Việc sửa đổi Hiến pháp đang còn ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản của thể chế chính trị. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi dự định trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm tuy có một số điều chỉnh chi tiết nhưng về cơ bản vẫn duy trì thể chế toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thực tế ở nước ta cho thấy rõ: thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng; một “bộ phận không nhỏ” trong bộ máy lợi dụng quyền lực (cả quyền cai trị và quyền sử dụng, định đoạt đất đai, tài nguyên, tài sản công) cấu kết với một số nhà kinh doanh làm giàu bằng nhiều thủ đoạn bất minh (cả trong khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân), hình thành các nhóm lợi ích bất chính, xâm phạm quyền lợi của nhân dân, dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo quá bất công ở nước ta. Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị, có phần do tư duy giáo điều, bảo thủ, nhưng phần quan trọng hơn, phổ biến hơn là do muốn bảo vệ và giành thêm lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Đó là nguyên nhân gốc rễ khiến nước ta lâm vào khủng hoảng trên nhiều mặt: kinh tế suy giảm nặng và không ổn định, văn hóa giáo dục suy đồi, đạo đức băng hoại, môi sinh bị tàn phá, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh thua kém nhiều nước trong khu vực, dân mất lòng tin đối với bộ máy cầm quyền; trong khi đó, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị thế lực bành trướng Trung Quốc gia tăng các hành động xâm phạm.

Để vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, qua đó phát huy sức mạnh hòa giải và đoàn kết dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. ĐCSVN, với vị trí là đảng đang cầm quyền, tự nhận vì nước vì dân, có trách nhiệm thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó một cách chủ động, mở đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống và cũng là phương án tối ưu cho sự chuyển đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa ở nước ta.

Nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn duy trì thể chế toàn trị được thông qua và ban hành chính thức thì các thách thức mà đất nước và dân tộc đang đối mặt càng thêm nghiêm trọng dẫn tới hệ quả khôn lường, dân càng thất vọng và bất bình, uy tín của nước ta trong quan hệ quốc tế càng giảm sút. Đó thật sự là tai họa cho đất nước mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền.

Vì vậy, Diễn đàn xã hội dân sự yêu cầu Quốc hội dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi trong đó thể chế chính trị hiện hành vẫn được duy trì về cơ bản, kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp và thật lòng tổ chức nghiên cứu, tranh luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc và công khai về những điều cơ bản của thể chế chính trị đang còn ý kiến khác nhau.

Tuyên bố này được gửi tới các thành viên cơ quan lãnh đạo ĐCS và Nhà nước; đồng thời được công bố trên mạng xã hội để phổ biến rộng rãi, mong đồng bào trong và ngoài nước biểu thị sự đồng tình, hưởng ứng.

Ngày 23 tháng 9 năm 2013

Những người khởi xướng Diễn đàn xã hội dân sự

Ghi chú:

- Ý kiến hưởng ứng Tuyên bố này

xin gửi về địa chỉ e-mail: diendanxahoidansu@gmail.com


- Cách thức tham gia Diễn đàn sẽ được thông báo sau.

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN TUYÊN BỐ THỰC THI QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ 23-9-2013

STT. Họ và tên, chức danh (nghề nghiệp, nơi làm việc), thành phố/ nước

1.Nguyễn Đông Yên, GS TSKH, nhà toán học, Hà Nội

2.Phạm XuânYêm, GS Vật lý, Paris, Pháp

3.Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, nhà nghiên cứu Lịch sử Văn hoá Huế, Huế

4.Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế

5.Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội

6.JB Nguyễn Hữu Vinh, blogger, Hà Nội

7.Nguyễn Hữu Vinh, cử nhân luật, doanh nhân, Hà Nội

8.Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cấp cao của Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ

9.Phan Thế Vấn, bác sĩ, TP HCM

10.Trần Thanh Vân, kiến trúc sư, Hà Nội

11.Lưu Trọng Văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, TP HCM

12.Hà Dương Tường, nguyên giáo sư Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp

13.Trần Thị Tươi, cộng tác viên báo chí, TP. HCM

14.Hoàng Tụy, GS Toán học, nguyên Chủ tịch IDS, Hà Nội

15.Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội

16.Phạm Quang Tuấn, PGS, Đại học New South Wales, Sydney, Australia

17.Nguyễn Thế Trường, đại tá, cựu chiến binh, nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân, nguyên Tổng biên tập báo Quân giải phóng Trung Trung Bộ, Hà Nội

18.Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên IDS, Hà Nội

19.Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM

20.Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM, TP HCM

21.Nguyễn Thị Ngọc Trai, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội

22.Nguyễn Thị Ngọc Toản, GS, bác sĩ, đại tá cựu chiến binh, TP HCM

23.Phạm Gia Toàn, cán bộ nghỉ hưu, Hà Nội

24.Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội

25.Nguyễn Tường Thụy, blogger, cựu chiến binh, Hà Nội

26.Nguyễn Thị Thục, nhà báo, nguyên phóng viên đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Đà Lạt

27.Phan Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Định, TP HCM

28.Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TP HCM

29.Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, TP HCM

30.Trần Văn Thọ, GS Kinh tế, Tokyo, Nhật Bản

31.Đào Tiến Thi, thạc sĩ Ngữ văn, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội

32.Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo trước 1975, nguyên Tổng Thư ký Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Dân chủ Đà Lạt (1966), TP HCM

33.Giuse Maria Lê Quốc Thăng, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM

34 Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM

35.Nguyễn Văn Thạch, kỹ sư, TP Đà Nẵng

36.Trần Công Thạch, cán bộ hưu trí, TP HCM

37.Bùi Ngọc Tấn, nhà văn, Hải Phòng

38.Lê Văn Tâm, TS Hóa học, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Nhật Bản, TP HCM

39.Nguyễn Văn Tạc, giáo học hưu trí, Hà Nội

40.Trần Đình Sử, GS TS, Hà Nội

41.Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM

42.Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, Hà Nội

43.André Menras - Hồ Cương Quyết, nhà giáo, cựu tù trước 1975, Pháp

44.Trần Thị Quyên, nghề nghiệp tự do, TP HCM

45.Bùi Minh Quốc, nhà thơ, Đà Lạt

46.Đỗ Trung Quân, nhà thơ, TP HCM

47.Nguyễn Đăng Quang, nguyên cán bộ Bộ Công an, Hà Nội

48.Đặng Bích Phượng, cán bộ nghỉ hưu, Hà Nội

49.Phạm Xuân Phương, đại tá, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị, cựu chiến binh, Hà Nội

50.Đoàn Văn Phương, nguyên cán bộ Ban Giao bưu Trung ương Cục Miền Nam, TP HCM

51.Nguyễn Thị Hoài Phương, làm nghề tự do, Hà Nội

52.Huỳnh Sơn Phước, nhà báo, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An

53.Nguyễn Hữu Phước, nhà báo, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, TP HCM

54.Hoàng Xuân Phú, GS TSKH Toán học, Hà Nội

55.Phan Thị Hoàng Oanh, TS, giảng viên đại học, TP HCM

56.Hồ Ngọc Nhuận, nguyên Giám đốc chính trị, Chủ bút nhật báo Tin sáng Sài Gòn TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM, TP HCM

57.Nguyễn Quang Nhàn, cán bộ công đoàn hưu trí, Đà Lạt

58.Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Hà Nội

59.Nguyễn Thái Nguyên, TS, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Hà Nội

60.Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội

61.Phạm Đức Nguyên, PGS, giảng viên cao cấp Đại học Xây dựng Hà Nội, Hà Nội

62.Hạ Đình Nguyên, cử nhân giáo khoa Triết Đại học Sài Gòn, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM

63.Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên IDS, Hội An

64.Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM

65.Trần Tố Nga, nữ cựu tù chính trị, cán bộ hưu trí, TP HCM, Paris

66.Phạm Gia Minh, TS, Hà Nội

67.Huỳnh Công Minh, linh mục Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM

68.Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM

69.Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, Hà Nội

70.Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa Thông tin TP HCM, TP HCM

71.Trần Lương, nghệ sĩ thị giác, Hà Nội

72.Ngô Vĩnh Long, GS Sử học, University of Maine, Hoa Kỳ

73.Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM, nguyên Tổng Thư ký Uỷ ban cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam trước 1975, TP HCM

74.Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội

75.Nguyễn Quang Lập, nhà văn, TP HCM

76.Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, TP HCM

77.Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Viện phó Viện IDS, Hà Nội

78.Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM

79.Nguyễn Khuê, cán bộ hưu trí, TP HCM

80.Lê Xuân Khoa, nguyên giáo sư thỉnh giảng, Viện Chính sách Đối ngoại, Đại học Johns Hopkins, Washington, DC, Hoa Kỳ

81.Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Hà Nội

82.Lê Phú Khải, nhà báo, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, TPHCM

83.Phạm Khiêm Ích, PGS, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hà Nội

84.Hà Thúc Huy, PGS TS, giảng viên đại học, TP HCM

85.Nguyễn Thị Hoài Hương, làm nghề tự do, Hà Nội

86.Hoàng Hưng, làm thơ - dịch sách - làm báo, TP HCM

87.Nguyễn Đăng Hưng, TSKH, GS Đại học Liège, Bỉ, đã hồi hương, TP HCM

88.Nguyễn Thế Hùng, GS Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng

89.Nguyễn Mạnh Hùng (Nam Dao), nguyên GS Kinh tế, Đại học Laval, Quebec, Canada

90.Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Nghệ An

91.Ngô Kim Hoa, nhà báo tự do, TPHCM

92.Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Mặt trận, Thành uỷ TP HCM, TP HCM

93.Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên IDS, Hà Nội

94.Phạm Duy Hiển, kỹ sư, Vũng Tàu

95.Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội

96.Đặng Thị Hảo, TS, nguyên Phó Ban Văn học Cổ cận đại, Viện Văn học, Hà Nội

97.Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Hà Nội

98.Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nguyên thành viên IDS, Hà Nội

99.Trần Hải Hạc, TS, nguyên PGS Đại học Paris 13, Paris, Pháp

100.Hoàng Thị Hà, giáo viên về hưu, Hà Nội

101.Ngô Thanh Hà, cán bộ hưu trí, TP HCM

102.Lê Công Giàu, nguyên Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1966-1967), nguyên Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản TP HCM (1975-1980), nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), TP HCM

103.Nguyễn Ngọc Giao, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Pháp, Chủ biên tạp chí Diễn Đàn, Paris

104.Trần Tiến Đức, nhà báo, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục - Truyền thông, Uỷ ban Quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, Hà Nội

105.Huy Đức, nhà báo, TP HCM

106.Uông Đình Đức, kỹ sư cơ khí, TP HCM

107 Phạm Văn Đỉnh, TSKH, Toulouse, Pháp

108.Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM

109.Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa 4, khóa 5, TP HCM

110.Nguyễn Duy, nhà thơ, TP HCM

111.Nguyễn Văn Dũng, nhà giáo, TP Huế

112.Trần Hữu Dũng, GS, nhà giáo nghỉ hưu, Dayton, Hoa Kỳ

113.Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM

114.Phạm Chí Dũng, nhà báo, TP HCM

115.Nguyễn Anh Dũng, nhà giáo, cựu chiến binh, Hà Nội

116.Lê Đăng Doanh, TS, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên thành viên IDS, Hà Nội

117.Nguyễn Xuân Diện, TS, Viện Hán Nôm, Hà Nội

118.Nguyễn Đắc Diên, bác sĩ, TP HCM

119.Tống Văn Công, nhà báo, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, TP HCM

120.Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội

121.Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM

122.Ngô Bảo Châu, GS Toán học, Hà Nội, Chicago

123.Bùi Chát, Nhà Xuất bản Giấy vụn, TP HCM

124.Thái Văn Cầu, chuyên gia về không gian, Hoa Kỳ

125.Nguyễn Trọng Bình, nguyên Hiệu trưởng Đại học tại chức Hải Phòng, TP HCM

126.Nguyễn Nguyên Bình, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hà Nội

127.Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước TP HCM, TP HCM

128.Đặng Thị Nguyệt Ánh, TS, Hà Nội

129. Bùi Tiến An, cựu tù chính trị chuồng cọp Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, TP HCM

130.Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội

[1] Điều 19 của Công ước này còn có khoản kế tiếp như sau: 3-Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a-Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác. b-Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

2 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền quy định tại điều 19: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới” và điều 20: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa. Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể
 
Văn Hóa
Ca dao Mẹ
Lê Đình Bảng
09:49 23/09/2013
CA DAO MẸ

Mẹ là ngọn gió đưa hương
Cho con hóng mát qua cơn nắng hè

Mẹ là giại liếp, phên che
Kẻo con rét mướt, tư bề bão giông

Mẹ là một ánh trăng trong
Để con dỗ giấc mơ mòng đêm đêm

Mẹ là điệu lý chim quyên
Đưa con ra những chợ phiên đông người

Mẹ là lửa bếp rơm phơi
Cho con sưởi ấm nỗi đời xót xa

Mẹ là nhành bưởi đơm hoa
Bên con bóng mát, bên nhà thơm lây

Mẹ là quả chin trên cây
Cho con mộng mị ươm đầy giấc mơ

Mẹ là nhịp võng đong đưa
Ru con đi suốt tuổi thơ ngọt ngào

Mẹ là cổ tích ca dao
Câu kinh, nguyện ngắm chẩy vào hồn con

Mẹ là gạo nước, quê thôn
Đói no, mặn nhạt sớm hôm đỡ lòng

Một đời Mẹ để cho không
Bao la biển rộng, mênh mông sông dài

Một đời Mẹ những chông gai
Nuôi con khôn lớn, vươn vai thành người

Một đời Mẹ chẳng nguôi vơi
Mong con vui sống, thảnh thơi, an nhàn

Một mai về với tro than
Mẹ thương, mở cửa thiên đàng cho con

Mẹ là đầu ấp, tay nương
Để con lỡ bước qua đường, nghỉ chân

Mẹ là vạt áo, vuông khăn
Để con nương náu, dung thân một đời

Một mai, con vẫn rong chơi
Dung dăng, dung dẻ, hát lời ca dao

Con thầm hỏi những ngôi sao
Sao nào của Mẹ. sao nào của con

Lê Đình Bảng
 
Paraguay: Những cảm nghiệm mục vụ nơi xứ người
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD
18:16 23/09/2013
PARAGUAY – ĐÂY, MỘT BÀI CA MỚI

Suy nghĩ sau một tai nạn

Trong cuộc đời không ai mà không tránh khỏi những vui, buồn, sướng, khổ; không ai mà không tránh khỏi những điều nghịch lý dù mình không muốn nhưng vẫn cứ xảy ra. Điều đó đã xảy ra với chúng tôi ngay sáng thứ Hai ngày 2 tháng 9 vừa qua.

Chúng tôi nhớ là buổi sáng hôm đó sau khi giao các hóa đơn của tháng 8 cho cha Tổng Quản Lý của Dòng, một linh mục cùng Dòng người Ấn Độ và tôi được Cha Giám Tỉnh nhờ công việc cho ngày hôm ấy. Tôi là người điều khiển chiếc xe hơi của Dòng. Vừa xong việc được giao, chúng tôi chuẩn bị trở về Chủng viện thì khi vừa rẽ trái qua đèn xanh thì một chiếc xe tải chạy phía sau mất thắng đâm thẳng vào chiếc xe chúng tôi đang cầm lái. Chúng tôi nghe một tiếng động rất lớn chỉ trong một tích tắc “Rầm!!!”. Hậu quả là cánh cửa xe bên trái nơi tôi đang cầm lái bẹp dúm, kính vỡ ra thành những mảnh li ti và không biết lúc đó hồn xác chúng tôi đang ở đâu nữa. Khi định thần lại thì thấy máu chảy do kính văng vào người, không thể mở cửa xe ra được và mọi người phải đến để giúp đỡ. Khi bước xuống thì chân trái bị cà-nhắc do cửa xe va chạm quá mạnh.

Người cầm lái xe gã vừa đâm vào xe chúng tôi là một người đàn ông ngoài 60 tuổi khá to con, mập mạp. Ông ta lộ vẻ hoảng sợ khi người dân chặn xe ông lại vì xe ông là một xe tải chở hàng rất cũ không biển số, không bảo hiểm. Ông ta đã đến xin lỗi khi thấy chúng tôi không bị thương nặng và thành thật nói rằng nếu chúng tôi thưa kiện thì ông ta sẵn sàng vào tù vì không hề có gì để bồi thường. Không biết ông ta có lừa mình không nhưng khi nghe ông ta nói vậy thì cơn giận giữ đã nguôi ngoai trong lòng và không muốn làm khó ông ta nữa, chỉ nói với ông ta rằng hãy cùng với chúng tôi đi đến đồn cảnh sát gần đó để tường trình sự việc và chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho ông ta.

Dù vậy chúng tôi cũng khá lo lắng vì xe của nhà Dòng vừa mới giao cho chúng tôi để lo cho Chủng viện mà bây giờ bị tanh bành như thế này. Chúng tôi đã gọi điện để báo tin cho Bề trên biết. Khi ngài vừa nghe tiếng của chúng tôi báo tin về tai nạn, câu đầu tiên ngài hỏi là người có bị thương không? Có ai bị ảnh hưởng gì không khiến chúng tôi an lòng. Ngài còn an ủi chúng tôi rằng mạng sống quí gấp ngàn lần xe cộ, vì xe hư có thể sửa được chứ con người nằm xuống thì hết phương cứu chữa. Đây cũng là một bài học quí về cách hành xử của Bề trên là không nên xem trọng vật chất nhưng con người mới quí giá hơn nhiều. Cũng qua tai nạn này chúng tôi mới nhận ra là Chúa muốn nói với chúng tôi một điều gì đó qua biến cố này vì nhiều khi mình lo lắng nhiều chuyện quá, mà một chuyện khá quan trọng mà không biết lo thì có ngày chúng tôi sẽ phải trả giá. Chính Mẹ La Vang đã can thiệp và cứu chúng tôi trong tai nạn này vì đi đâu chúng tôi cũng để một bức tượng nhỏ của Mẹ trên xe để Mẹ gìn giữ và đồng hành. Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ đã cho con được tai qua nạn khỏi trong ngày khủng khiếp vừa qua.

Hai cuộc Đại Hội Toàn quốc

Sau tai nạn không muốn có đó chúng tôi vẫn còn hãi hùng mỗi khi nghe những tiếng xe thắng dồn dập trên đường hay nghe đâu đó xảy ra tai nạn. Tuy nhiên vì công việc nên chúng tôi phải cố gắng vượt qua dù phương tiện di chuyển lúc này là xe bus.

Dù chân vẫn còn đi cà nhắc nhưng chúng tôi vẫn tham gia kỳ Đại Hội Toàn Quốc lần đầu tiên giành cho các giám đốc ơn gọi của các Giáo phận và của các Hội Dòng đang làm việc ở Paraguay. Vì là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Thủ Đô nên khâu tổ chức không được chuẩn bị chu đáo lắm. Số thành viên tham dự khoảng 70 người kể cả Dòng và Triều. Nhiều tham dự viên chỉ mới năm đầu làm trong ngành huấn luyện ơn gọi và nhiều người cũng đã ở tuổi thất tuần. Đại Hội lần này cũng là để lắng nghe những chia sẻ, những thao thức của những người làm công tác tuyển mộ ơn gọi trong một quốc gia đang thiếu vắng ơn gọi và cũng là dịp để tìm ra một hướng mởi trong việc tuyển mộ ơn gọi trong thời kỳ khủng hoảng ơn gọi trước chủ nghĩa thế tục hóa đang lan nhanh ở Tân Thế Giới này.

Những vị diễn giả được mời là những vị có kinh nghiệm trong mục vụ giới trẻ, trong đó có cả những giáo dân chuyên về tâm lý đang làm việc ở liên giáo phận và một đại úy cảnh sát đang là phó tế vĩnh viễn cũng tham dự và chia sẻ.

Có lẽ đối với người Việt Nam chúng ta, chuyện cảnh sát nói về Chúa là chuyện lạ vì Việt Nam kể từ sau 1975 là một nước vô thần chủ nghĩa và như vài người hay nói đùa rằng nhiệm vụ chính của cảnh sát Việt Nam là dọa dân, bắt dân và hành dân mà thôi. Là một công dân Việt Nam nên chúng tôi rất có kinh nghiệm về chuyện này, nhất là những năm đầu của thập niên 90s khi chúng tôi sống đời tu trong lo sợ vì không biết lúc nào bị trục xuất khỏi Dòng chỉ vì tu chui. Có lẽ vì chuyện lo sợ đó đã đi vào tiềm thức của chúng tôi nên khi nghe nói đến từ Policeman hay Policía (công an hay cảnh sát) là mình dị ứng ngay, không phải vì có tật giật mình hay mình làm chuyện gì sai trái mà vì nổi ám ảnh ngày xưa vào những lúc nữa đêm khi nghe chó sủa là biết công an vào kiểm tra hộ khẩu nên phải vác mùng, mền chạy trốn.

Tuy nhiên, trong thời gian đi truyền giáo nhiều năm ở xứ Paraguay này và các quốc gia lân cận vùng Nam Mỹ, chúng tôi cảm thấy mến mộ những anh cảnh sát vì họ là những người bảo vệ dân, giúp dân và thật sự là những người bạn của dân. Người ta chỉ sợ cảnh sát khi họ phạm tội công khai. Có lẽ vì thế mà chúng tôi dần dần loại bỏ thành kiến với mấy anh cảnh sát và thỉnh thoảng có dâng thánh lễ hay làm các bí tích cho những đồn cảnh sát hay các gia đình cảnh sát Công Giáo khi họ mời vào những dịp quan trọng.

Trong dịp Đại Hội gi ành cho những Giám đốc ơn gọi này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi một viên đại úy cảnh sát chia sẻ hành trình ơn gọi của anh và làm chứng về những gì anh đang làm trong một môi trường được xem là vàng thau lẫn lộn khi vừa là đại úy cảnh sát vừa là một phó tế vĩnh viễn.

Anh cảnh sát tâm sự rằng anh lớn lên trong một gia đình nông dân (vì ở Paraguay phần lớn là quốc gia nông nghiệp) nên học ở trường làng và phụ giúp gia đình làm rẫy. Khi vừa tròn 17 tuổi, bố của anh hỏi anh muốn đi lính hay làm cảnh sát để bố anh có thể liên lạc với những người bạn vì bố anh cũng từng là một người lính. Anh thật sự chưa biết lựa chọn thế nào vì ở nông thôn không có ai hướng dẫn. Cũng lúc đó anh bắt đầu có bạn gái có tên là María Carmen (một tên rất thông dụng ở Paraguay giống như tên Hoa hay Lan ở Việt Nam). Một lần tham dự thánh lễ của một linh mục truyền giáo, vị linh mục ấy có mời gọi các bạn trẻ tham dự khóa tĩnh tâm ơn gọi để có thể trở thành những nhà truyền giáo tương lai, anh rất phân vân và cũng muốn tham dự khóa tĩnh tâm này để trở thành một Pa’í (Pa’í: tiếng Guarani nghĩa là linh mục) để làm rạng danh gia đình nhưng giữa María Carmen (tên bạn gái của anh) và ‎Pa’í cứ luôn giằn vặt anh và làm cho người trẻ nhà quê này nhiều đêm khó ngủ nhưng có lẽ tiếng gọi của con tim mạnh hơn tiếng gọi của lí trí nên anh đã chọn María Carmen thay vì chọn Pa’í. Và cũng từ đó ơn gọi đi tu đã dần dần phai nhạt trong lòng anh.

Sau khi học trường cảnh sát 4 năm, anh bắt đầu ra trường làm việc và cưới María Carmen làm vợ. Cũng như bao nhiêu người Công Giáo khác ở xứ Nam Mỹ, chuyện đạo hạnh của anh cũng rất thờ ơ, nhất là ngành cảnh sát cũng không bắt buộc nhân viên và sĩ quan phải tham dự thánh lễ. Anh chỉ lo cho công việc, tiền nong và gia đình.

Thế rồi có một lần vị Giám mục phụ trách giáo phận tòng nhân cho quân đội và cảnh sát với hàm vị tướng (Ở Paraguay và một số quốc gia dân chủ có một giáo phận tòng nhân giành cho quân đội và cảnh sát, và vị giám mục đứng đầu giáo phận tòng nhân này được mang hàm tướng và lãnh lương như một vị tướng), vị giám mục này kêu gọi một số sĩ quan và những ai muốn tham dự tuần tĩnh tâm chung với các giáo phận khác để đào sâu thêm về ơn gọi Ki-tô hữu và nếu quân nhân nào muốn thì có thể ghi danh vào Chủng viện để trờ thành những phó tế vĩnh viễn (cho những người đã có gia đình) và linh mục cho những quân nhân còn độc thân. Viên cảnh sát này đã ghi danh cho có lệ để được nghỉ ngơi vài ngày nhưng vẫn được ăn lương.

Tham dự tuần tĩnh tâm như một người ngoại đạo (dù anh là người Công Giáo từ nhỏ), anh chỉ ngồi ở dãy cuối và ngày đầu tiên cảm thấy nhạt nhòa nhưng vì lỡ ghi danh rồi nên cứ tham dự cho có lệ. Tuy nhiên, chính những lúc này Chúa đã đánh động con người của anh. Từ một viên cảnh sát hám danh, hám lợi và lạnh nhạt với người Công Giáo, anh đã tham dự những ngày kế tiếp với một tinh thần phấn chấn và sau khi kết thúc khóa tĩnh tâm, anh đã ghi danh thật sự để tham dự khóa dào tạo 6 năm giành cho những người có gia đình muốn trở thành phó tế vĩnh viễn.

Nhiều người đã không ngờ một con người như anh mà chỉ sau một kỳ tĩnh tâm đã biến đổi nhanh đến thế. Chính anh cũng tâm sự rằng dù anh không muốn nhưng từ đáy lòng anh một điều gì đó đã thôi thúc anh và anh không cưỡng lại được. Anh đã dùng câu Kinh Thánh của Is 50, 5 để nói về điều này: “Ðức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui”. Khi anh tâm sự điều này với người vợ thân yêu María Carmen, cô ta đồng ý ngay với chồng và thế là thuận lợi cho anh trong việc theo đổi ơn gọi của một giáo dân muốn làm Phó tế vĩnh viễn.

Có lẽ giáo dân Việt Nam chúng ta không mấy khi chứng kiến một người đã có gia đình mà được phong chức phó tế vĩnh viễn và trong các dịp đại lễ các phó tế này giúp bàn thánh bên cạnh các giám mục và linh mục đồng tế vì Việt Nam còn quá nhiều ơn gọi Triều và Dòng. Nếu có chăng các phó tế vĩnh viễn ở Việt nam thì đa số họ là các tu sĩ Dòng chứ người giáo dân làm Phó tế vĩnh viễn còn khá ít. Tuy nhiên, ở các quốc gia Nam Mỹ này vì thiếu vắng ơn gọi nên người giáo dân tham dự vào phụng vụ trong vai trò phó tế vĩnh viễn khá phổ biến. Theo một thống kê chưa chính thức thì chỉ tính riêng châu Mỹ, con số phó tế vĩnh viễn hiện nay khoảng 20 ngàn, trong đó Hoa Kỳ đã hơn 12 ngàn phó tế vĩnh viễn. Họ làm việc rất hiệu quả vì họ là những người sống trong bậc gia đình và làm việc tại các tổ chức xã hội nên có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đa phần họ đều có nghể nghiệp ổn định và có bằng cấp chuyên môn nên sứ mệnh củ họ là vượt ra khỏi khung cửa nhà thờ, giáo xứ và họ có thể liên kết với những giáo dân và các vị mục tử để đem Lời Chúa đi vào cuộc sống ngoài đời, nâng đỗ, khuyến khích và như là một điểm tựa cho người khác.

Chính vì thế, anh cảnh sát này sau khi hoàn tất việc học đã được phong chức phó tế vĩnh viễn và cũng vừa được thăng cấp vì những việc anh làm trong ngành. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đứa con gái đầu của anh cũng thổ lộ là muốn trở thành Nữ tu khi vừa xong trung học. Anh đã sẵn sàng để con gái mình vào Dòng và hiện nay con gái anh đang ở năm thứ hai Tập viện. Riêng cá nhân anh, anh rất hài lòng và hãnh diện vì đang là người hữu dụng cho Giáo Hội như là một phó tế vĩnh viễn và là môt sĩ quan cảnh sát trong xã hội. Sắp tới đây anh sẽ được thăng cấp thiếu tá vì anh đã có công trong việc triệt phá một băng cướp ngày. Xin chúc mừng anh, một sĩ quan cảnh sát có tâm, có tình.

Trong dịp này lần đầu tiên chúng tôi gặp được một Nữ tu người Argentina gốc Việt có tên là Ana Nguyễn vừa mới đến Paraguay cách đây một tháng. Đây là là đầu tiên sau nhiều năm làm việc ở xứ người chúng tôi gặp được một Nữ tu gốc Việt với giọng Việt lơ lớ vì được sinh ra và lớn lên ở Argentina. Cả hai đều rất vui mừng vì Nữ tu này cũng tâm sự rằng từ lâu có nghe biết các nhà truyền giáo Việt Nam làm việc ở Nam Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên Soeur được gặp và nói chuyện nửa Tây Ban Nha, nửa tiếng Việt. Soeur Ana Nguyễn thuộc Dòng Truyền Giáo thánh Phan-xi-cô Xavie và đến Paraguay để thay thế một Nữ tu khác vừa mới chuyển công tác. Dù sinh ra và lớn lên ở Argentina nhưng có lẽ “gen” của cha mẹ là người Việt Nam nên dáng người Soeur cũng nhỏ bé. Vị Tổng Giám Mục Dòng Don Bosco khi nghe chúng tôi nói chuyện nửa Việt, nửa Tây Ban Nha đã tò mò hỏi thăm và khi được biết chúng tôi là đồng hương thì ngài ồ lên vì trong Dòng của ngài hiện nay cũng có 4 tu sĩ người Việt đang ở Paraguay. Ngài khuyến khích chúng tôi nếu có dịp thuận tiện thì nên gặp nhau ít là 1 năm 1 lần để hâm nóng tình đồng hương và ngài sẽ sằn sàng hỗ trợ. Chúng tôi mỗi người thuộc mỗi Dòng khác nhau và lịch trìch làm việc cũng khác nhau nên khó có thể gặp nhau được, nhưng hy vọng sẽ có dịp gặp nhau chung.

Cũng vào trung tuần tháng 9 này chúng tôi có tổ chức một cuộc Đại Hội Toàn Quốc cho giới trẻ để họ chuẩn bị bước vào mùa Xuân vui tươi sau một mùa Đông dài khô khan và lạnh lẽo. Theo lời hiệu triệu thì mỗi giáo xứ hay mỗi trường trung học Công Giáo mà Dòng Ngôi Lời đảm trách chỉ mời khoảng 5 bạn trẻ tuổi từ 17 đến 25 tham dự Đại Hội giới trẻ lần này để các em có dịp học hỏi, vui chơi và gắn kết với nhau trong bầu khí thân thiện, cởi mở của các nhà truyền giáo trẻ. Chúng tôi không ngờ là con số tham dự khá đông ngoài dự kiến nên chúng tôi cũng hơi lung túng trong khâu tổ chức từ ăn, ở và sinh hoạt trong 3 ngày này. Rất may là thời tiết lúc này cũng mát mẻ nên các em không nề hà gì việc chia sẻ chung phòng với nhau.

Chúng tôi được nhà Dòng giao cho làm trưởng ban tổ chức với sự cộng tác của hơn 10 linh mục trẻ và các giám đốc trường học. Cũng may nhờ có Internet và điện thoại nên việc liên lạc cũng thuận tiện vì mỗi người ở một nơi khác nhau và địa điểm tổ chức lại ở một nơi khá xa. Tạ ơn Chúa là những người cộng tác luôn nhiệt tình, hy sinh trong công việc chung dù chúng tôi là những người khác quốc tịch, màu gia, văn hóa. Chính điều này đã làm cho chúng tôi trở thành một nét riêng biệt vì chúng tôi tuy thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, màu da nhưng chúng tôi có chung một điểm vì đều là nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời.

3 ngày Đại Hội với hơn 200 bạn trẻ tuy khá mệt nhưng sống chung với giới trẻ làm mình cũng trẻ lây và quên hết những mệt nhọc, buồn bã vì giới trẻ rất năng động, sáng tạo và hồn nhiên. Có lẽ nhiều lúc chúng ta đánh giá sai về giới trẻ vì chúng ta chưa hiểu họ nhưng một khi chúng ta dấn thân và sống với giới trẻ, các em sẽ thật sự nhập cuộc và làm hết mình mà không đòi hỏi gì nhiều, chỉ một điều mà các em muốn nơi những người đồng hành với các em là người dám nói và dám làm, là người luôn vui tươi và rộng lượng.

Có lẽ những anh em linh mục trẻ của chúng tôi đang làm việc ở đây cũng đã học điều nhiều điều từ Đại Hội lần này cho công tác mục vụ giáo xứ của mình và sẽ tự hỏi tại sao giới trẻ ngày nay ít tham dự thánh lễ. Ở các giáo xứ Việt Nam, các cha xứ có thể dùng quyền để chế tài các gia đình nều cha mẹ và người lớn không nhắc nhở con cái học giáo l‎ý hay đi lễ vì xã hội Việt Nam mình người Công Giáo cần sống căn tính của mình với các tôn giáo khác. Bên các quốc gia Nam Mỹ thì không như vậy vì đây là một quốc gia tuy là quốc gia Công Giáo nhưng rất thế tục và tự do. Không ai có quyền chế tài ai cả nhưng chính việc sống chứng nhân có thể lay động lòng người, nhất là giới trẻ. Bởi thế người mục tử thành công không phải là người chỉ biết chế tài nhưng là người phải biết thu phục nhân tâm qua lời nói và bằng việc làm cụ thể.

Hôm nay là ngày Giáo Hội mừng kính thánh Pio Năm Dấu Thánh, một vị linh mục giản dị Dòng Phan Sinh Capuchino vừa được Phong Thánh vài năm gần đây. Hôm nay cũng là ngày chúng tôi được sinh ra cách đây hơn 40 năm. Tạ ơn Chúa đã cho con được sinh ra và được trở nên một dụng cụ của Chúa. Xin cảm ơn những ai đã nhớ đến qua những lời chúc mừng sinh nhật. Xin Chúa trả công.

Paraguay, 23 tháng 9 năm 2013 – Lễ Thánh Pio 5 Dấu Thánh, Kỷ niệm ngày Sinh nhật
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Ánh Nến
Richard Drysdale
21:19 23/09/2013
NHỮNG ÁNH NẾN
Ảnh của Richard Drysdale
Hãy thắp lên ngọn nến,
hơn là nguyền rủa bóng tối.

Better to light a candle than curse the darkness.
(Chinese proverb)