Ngày 22-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/9: Chúa Giêsu là ai? Suy niệm: Linh mục Antôn Nguyễn Thế Nhân SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:26 22/09/2021

Hôm nay là ngày 23 tháng 9 năm 2021, Thứ Năm của Tuần 25 Mùa Thường Niên

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca [Lc 9, 7-9]

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại;” còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra;” kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại.” Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và quận vương tìm cách gặp Người.

Đó là lời Chúa.

BÀI GIẢNG

“Ông Giê-su này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?”

Kính thưa quí cộng đoàn rất thân mến,

Hành trình tìm kiếm cho câu trả lời “ông Giê-su là ai?” là hành trình rất đỗi quen thuộc. Mà hành trình ấy chúng ta thường hay quen gọi, đó là hành trình tìm kiếm Chúa trong cuộc đời. Chúa có nhiều cách để mời và để gọi con người đến với Chúa. Có người vì yêu mà đến. Có người vì được tha thứ mà đến. Nhưng cũng có người vì tò mò …mà đến.

Nhân vật quận vương Hê-rô-đê mà Tin Mừng hôm nay nhắc tới…cũng vì tò mò mà muốn tìm đến với Đức Giê-su. Tin mừng hôm nay chỉ dừng lại với đề cập về ước muốn tìm gặp Chúa của Hê-rô-đê: tìm gặp để thỏa mãn sự tò mò.

Để hiểu rõ về nhân vật Hê-rô-đê này, xin hãy đọc những gì Thánh sử Lu-ca đã tường thuật trong biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô trong chương 23, câu 8:

“8Ông Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu ÔNG muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, Ông hằng mong được xem Người làm một hai phép lạ.”

Động cơ để ra đi “tìm kiếm Chúa” vì sự tò mò …không hoàn toàn sai, thế nhưng, tìm kiếm CHÚA chỉ …mong ước được xem Người làm một hai phép lạ như ông Hê-rô-đê …thì điều đó đánh dấu một sự lầm lạc trong hành trình tìm Chúa.

Hành trình tìm kiếm Chúa là hành trình đưa đến sự kết hiệp mật thiết với Chúa và xuất phát từ chính sự thân tình ấy…những phép lạ hay những biến đổi khác thường trong cuộc sống sẽ xảy đến.

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta có thể lên án kiểu thức tìm kiếm Chúa của quận vương Hê-rô-đê: tìm Chúa vì muốn xem phép lạ. Nhưng liệu rằng chúng ta -những người tự xưng là theo Chúa hay giữ đạo Chúa nhiều năm – (liệu rằng chúng ta) cũng đang theo Chúa/ tìm kiếm Chúa như ông Hê-rô-đê hay không? Vậy, chúng ta chạy đến tìm kiếm Chúa vì điều gì?

Bối cảnh đại dịch Cô-vít 19 mà chúng ta đang phải đối diện/ sẽ là phép thử tốt nhất cho hành trình tìm kiếm Chúa của chúng ta. Chúng ta đang tìm kiếm tương quan với CHÚA? Hay chúng ta chỉ tìm kiếm phép lạ của Chúa mà thôi? Phép lạ của Chúa vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ đấy thôi. Điều quan trọng là chúng ta có nhận thấy được hay không?

Câu hỏi ấy chỉ có được đáp án cụ thể trong và qua tương quan của chúng ta với Chúa mà thôi.
 
Cần tránh thói bè phái cục bộ
Lm. Đan Vinh
07:00 22/09/2021
CHÚA NHẬT 26 TN B
Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
CẦN TRÁNH THÓI BÈ PHÁI CỤC BỘ

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 9, 38-43.45.47-48

(38) Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. (39) Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (41) “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. (42) Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục. (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng hôm nay trình bày lời Đức Giê-su giáo huấn các môn đệ. Sau khi dạy các môn đệ loại bỏ thói ganh tị, Người nêu ra nguyên tắc ứng xử: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Người hứa ban thưởng cho những ai sẵn sàng tiếp đón các môn đệ. Người cũng đe phạt những ai làm cớ vấp ngã cho các ông. Người còn dạy phải chọn hạnh phúc Nước Trời hơn các bộ phận thiết yếu như tay, chân hay đôi mắt của mình.

3. CHÚ THÍCH:

- C 38-39: +Chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ: Tên của một người thường mang ý nghĩa tượng trưng cho chính con người đó. Vì thế mà Thiên Chúa trong giới răn thứ hai cấm gọi tên Ngài, đồng thời chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của tên Thiên Chúa như trong kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”. Vì thế không lạ gì khi Chúa Giê-su đã tuyên bố: Kẻ nào tiếp đón một kẻ nhỏ vì danh Thầy tức là tiếp đón Thầy. Kẻ nào tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy mà là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Trừ quỷ là một việc quen thuộc của Đức Giê-su và các tông đồ thường làm, giống như nhiều người Do thái thời bấy giờ cũng làm (x Mt 12, 27). Gio-an thấy có người không cùng nhóm mười hai mà cũng dùng tên Giê-su để trừ quỷ, nên ông đã ngăn cấm họ. +”Đừng ngăn cản người ta”: Đức Giê-su dạy việc ngăn cấm như thế chứng tỏ tâm địa hẹp hòi, cục bộ. Người truyền cho môn đệ không được ngăn cản kẻ khác làm điều tốt. Vì ai chống lại ma quỷ và các hành vi gian ác của chúng thì cũng thuộc về Người giống như các ông. +Nói xấu về Thầy: Có nhiều cách để liên kết với Đức Giê-su. Bao lâu một người không “nói xấu” hay không chống lại Người cũng được kể thuộc về Người.
- C 40-41: +Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta: Đây là nguyên tắc ứng xử khoan dung mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Ai không chống đối Đức Giê-su thì đã gián tiếp thuộc về Người. Người trách lối suy nghĩ hẹp hòi bè phái của các môn đệ khi các ông chỉ ủng hộ những việc tốt do nhóm mình làm và lọai trừ mọi việc tốt do nhóm khác làm. +Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô...”: Các môn đệ được Đức Giê-su đồng hóa với Người, nên kẻ nào giúp đỡ các ông dù chỉ cho các ông uống một chén nước lã, thì cũng được kể như đã phục vụ Người (x Mt 25, 35-45).
- C 42: +Ai làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã: Đức Giê-su nói về các đầu mục dân Do Thái khi họ độc quyền giải thích Kinh Thánh. Họ không những không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai mà còn ngăn cản dân chúng tin theo Người (x Lc 11, 52). +thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn: Đây là tội nặng nề vì đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa các tội nhân, nên nó đáng chịu hình phạt nặng nề là bị quàng cối xay vào cổ mà quăng xuống biển cho chết chìm.
- C 43-47: +Nếu tay anh... chân anh...mắt anh...: Đức Giê-su muốn nói đến việc phải tránh xa dịp tội, dù có phải hy sinh những bộ phận quý giá nhất trong thân thể. Kiểu nói “Tay, chân, mắt” cho thấy dịp tội không ở đâu xa mà chính là ngũ quan, nằm ngay trong thân thể mình. +được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục: Vì thà bị mất một phần chi thể mà được vào cõi sống còn hơn đủ tứ chi mà bị sa vào hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi tội nhân chịu khổ hình đời đời vì bị tách lìa khỏi “cõi sống” là hạnh phúc Nước Trời.
- C 48: +Lửa và giòi bọ: là hai lọai đau khổ dành cho các tội nhân đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Thiên Chúa khi họ cố tình phạm tội trọng (x Mt 13, 42; 18, 8).

4. CÂU HỎI:

1) Tin mừng hôm nay cho thấy: ngòai Đức Giê-su và các môn đệ, còn có những ai cũng làm việc trừ quỷ nữa?
2) Việc cấm cản người khác lấy danh Giê-su trừ qủy cho thấy tâm địa của các môn đệ thế nào?
3) Đức Giê-su có đồng ý với lối suy nghĩ ấy không?
4) Qua câu: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”, Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có lối hành xử thế nào?
5) Một người dù chỉ cho các môn đệ uống một chén nước lã thôi, cũng sẽ được Người ban thưởng ra sao trước toà phán xét sau này?
6) Những kẻ làm cho các người bé mọn đã tin Đức Giê-su phải bị sa ngã ám chỉ ai và họ đáng bị phạt ra sao?
7) Qua câu “chặt tay, chặt chân, móc mắt...” Đức Giê-su nhấn mạnh điều gì?
8) Lửa và giòi bọ là hai hình khổ ở đời sau dành để trừng phạt những ai?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THÁI ĐỘ BAO DUNG NHÂN HẬU CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

Cha AN-THO-NY DE MEL-LO, một linh mục Dòng Tên người Ấn Độ là chuyên viên huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng ra câu chuyện "ĐỨC GIÊ-SU ĐI XEM BÓNG ĐÁ" như sau:

"Nghe Đức Giê-su than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Người đến một sân bóng ở gần nhà để xem một trận đấu giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1-0, Đức Giê-su liền hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ hoà một đều (1-1), Đức Giê-su cũng lại reo hò và tung mũ lên trời y như trước đó. Một khán giả ngồi bên cạnh tỏ vẻ khó chịu trước thái độ “ba phải” của Đức Giê-su, ông ta quay sang hỏi Người:
- Này ông bạn, ông là cổ động viên của đội bóng nào vậy?
Đức Giê-su liền trả lời đang lúc vẫn mãi mê theo dõi trận đấu trên sân cỏ:
- Tôi à? Ồ, tôi chẳng ủng hộ đội nào. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi.
Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Đức Giê-su lại càng bực bội hơn, ông ta quay sang nói nhỏ với người bên cạnh: "Hắn ta đúng là một tên vô thần !"
Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Đức Giê-su:
- Thưa Thầy, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Thầy chỉ đứng về phe của họ và chống lại tất cả những ai không cùng tôn giáo với họ".
Đức Giê-su gật đầu tỏ ý đồng tình và bảo:
- Đó là lý do tại sao Thầy không ủng hộ đội Tin Lành hay đội Công Giáo, mà chỉ ủng hộ các cầu thủ nào đá hay thôi, dù họ thuộc đội nào đi nữa".

2) GƯƠNG VỊ MỤC TỬ BAO DUNG NHÂN HẬU:

Trong trận thế chiến II, ba vị tuyên úy của Công Giáo, Tin lành và Do thái trở thành bạn thân của nhau. Họ thề hứa với nhau nếu một người trong nhóm bị chết, thì những người còn sống phải báo tin cho gia đình của người qua đời và lo việc chôn cất.

Sau đó vị tuyên úy Do thái bị chết. Hai người còn lại không sao tìm thấy một Rab-bi hay một hội đường Do thái nào. Cuối cùng, trong một làng ở nước Pháp, họ tìm thấy một nhà thờ Công Giáo với một nghĩa trang được chăm sóc cẩn thận. Vị tuyên úy Công Giáo đề nghị: “Chúng ta hãy đi gặp linh mục chánh xứ, may ra ông ấy có thể giúp chúng ta”. Cha xứ ngỏ ý muốn giúp họ. Nhưng ngài lại không thể tự ý quyết đinh làm điều trái với quy định nên nói: “Ngày mai, xin các ông trở lại đây. Tôi sẽ tìm xem có luật nào cho phép chôn một người không phải Ki-tô hữu trong một nghĩa trang Công Giáo hay không“. Cha xứ đã tìm kiếm suốt đêm đó, nhưng không kết quả. Hôm sau khi gặp họ, ngài nói với họ như sau: “Hãy chôn ông ấy bên ngoài nghĩa trang sát bên hàng rào. Tôi hứa sẽ chăm sóc cho ngôi mộ của ông ấy”.

Khi chiến tranh kết thúc, hai vị tuyên uý quay lại thăm viếng ngôi mộ của người bạn, nhưng họ không sao tìm ra ngôi mộ nào nằm bên ngoài hàng rào nghĩa trang. Họ liền đi tìm cha xứ hỏi thăm. Cha xứ mỉm cười nói: “Tôi thấy ngôi mộ bạn các ông nằm bên ngoài nghĩa trang cô độc quá, nên tôi đã tìm ra cách giải quyết”. Họ liền hỏi: “Cha đã tìm thấy điều luật cho phép dời ngôi mộ người ngoại giáo từ ngoài vào phía trong hàng rào nghĩa trang hay sao?” Cha xứ trả lời: “Tôi không thấy có điều luật nào như thế. Nhưng tôi cũng không thấy có luật nào cấm di dời hàng rào nghĩa trang ra phía ngoài ngôi mộ kia, nên tôi đã quyết định làm như thế”.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng dạy môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó lại nói xấu về Thầy”. Đức Giê-su không chỉ thuộc về những người tín hữu Ki-tô là Công Giáo, Tin lành, Chính thống, Anh giáo… mà Người còn thuộc về hết những ai thành tâm thiện chí, tuy không phải tín hữu Ki-tô, nhưng không chống lại Người như Người đã nói với các môn đệ: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40). Như vậy có thể nói: Tất cả những ai tin nhận Thiên Chúa và yêu thương tha nhân đều đã gián tiếp thuộc về Đức Ki-tô.

3) KHỈ BỊ MẮC BẪY VÌ TỘI NGU NGỐC THAM LAM:

Cho rằng thịt khỉ, nhất là óc khỉ có thể làm thuốc chữa bệnh đau nhức phong thấp, nên nhiều người đã tìm cách gài bẫy để bắt khỉ. Để làm bẫy, người ta lấy một trái dừa khô bổ đôi, nhét một trái cam thơm ngon vào giữa, rồi khoét một lỗ to bằng nắm tay trên vỏ trái dừa. Sau đó cột trái dừa khô này lên một cành cây nơi có nhiều khỉ sinh sống.
Do mùi thơm của cam hấp dẫn, lũ khỉ đã trèo lên cây có đặt bẫy dừa để lấy cam ăn.
Tuy nhiên, thọc tay vào bẫy thì dễ, còn rút tay ra lại không dễ chứt nào, vì bấy giờ bàn tay khỉ còn nắm chặt trái cam. Điều trớ trêu là trước nguy cơ có thể bị bắt, khỉ vẫn không chịu buông cam để rút tay ra mà chạy trốn, nó chỉ biết giẫy dụa kêu la chí choé và đành để bọn thợ săn tới tóm gọn.

4) TÀI XẾ GIỎI NHẤT LÀ NGƯỜI LÁI XE AN TOÀN NHẤT?

Có một đại gia kia rất có hiếu với bà mẹ già. Một hôm ông ta tìm thuê một người tài xế với nhiệm vụ chở mẹ ông đi dạo chơi vào mỗi buổi chiều. Có ba người lấp tức đến xin thử việc. Đại gia cho biết tiêu chuẩn lựa chọn là tài xế phải lái xe giỏi, nhưng lại phải thật an toàn. Người thứ nhất tự nghĩ: “Tưởng gì chứ lái xe như vậy dễ ợt”. Rồi anh ta lên xe và cho xe chạy nhanh chỉ cách hào nước ven đường một tấc.
Người thứ hai thầm nghĩ: “Ta sẽ chứng minh tài lái xe của ta hơn hẳn hắn ta”. Rồi anh lái xe thật nhanh và cách bờ hào chỉ nửa tấc.
Còn người thứ ba lớn tuổi lên lái xe cẩn thận và chiếc xe cách bờ hào nửa mét.
Hai anh tài xế trước thấy vậy liền cười đắc chí đinh ninh mình sẽ thắng. Nhưng kết quả thật bất ngờ khi đại gia nói với người thứ ba: “Tôi chọn bác tài thứ ba này làm tài xế lái xe cho mẹ tôi. Vì tuy cần một người tài xế lái xe giỏi nhưng phải an toàn. Mà người lái xe thật sự an toàn sẽ không mạo hiểm cho xe chạy nhanh và sát bên bờ hào”.

Hôm nay Chúa nói với chúng ta: nếu tay hay chân, hay mắt anh nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi…, có khác nào Chúa muốn chúng ta phải quyết tâm xa lánh dịp tội. Chúng ta đừng bao giờ liều mình ở gần dịp tội. Các bạn trẻ hãy nhớ điều quyết tâm của thánh trẻ Đa minh Sa-vi-ô trong ngày rước lễ lần đầu: “Thà chết chẳng thà phạm tội”.

5) PHẢI QUYẾT TÂM XA LÁNH DỊP TỘI:

Trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên cạnh một đàn thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống dữ tợn. Tức khắc, thỏ mẹ cảm thấy lo sợ và vội ra hiệu cho đàn con mau chạy về hang ẩn núp. Tuy nhiên, một chú thỏ con tò mò, đã nấn ná ở lại để xem nới tiếng rống kia phát ra. Ngay sau đó một con hổ to lớn xuất hiện với bộ mặt hung dữ. Thỏ con sợ hãi, vội chạy thục mạng về hang, nhưng không kịp nữa. Chỉ cần một cú nhảy, chú thỏ con đáng thương đã nằm gọn trong móng vuốt của loài hổ dữ.

Hôm nay Đức Giê-su dạy môn đệ phải dứt khoát xa lánh dịp tội: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi... Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi… Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi. Thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục”. Qua đó Chúa muốn dạy chúng ta phải quyết tâm lánh xa dịp tội! Đừng bao giờ tò mò hút thử ma tuý, thử chơi một ván bạc, thử gặp gỡ một kẻ đáng ngờ… Làm như thế là cũng như thỏ non đáng thương kia, chúng ta đã tự đặt mình vào hoàn cảnh nguy hiểm có thể phạm trọng tội, và chắc sẽ mang lại cái chết thật về phần linh hồn.

3. THẢO LUẬN: Bạn có sẵn sàng hợp tác với những người vô tín hoặc các Phật Tử…trong các việc tốt phục vụ môi trường xã hội ta đang sống, nhất là phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ rơi hay không? Tại sao?

4. SUY NIỆM:

1) THÁI ĐỘ BÈ PHÁI CỤC BỘ CỦA CÁC MÔN ĐỆ:

- Vào thời Mô-sê, Giô-su-ê là đồ đệ của Mô-sê cũng có đầu óc phe nhóm cục bộ khi muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bảy mươi kỳ mục. Khi thấy hai người tên là En-đát và Mê-đát, không thuộc nhóm này mà vẫn nhờ Thần Khí để nói tiên tri, ông đã tố cáo và yêu cầu Mô-sê ngăn cản. Nghe vậy, Mô-sê liền trả lời Giô-su-ê: "Anh ghen giùm tôi hay sao? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !" (Ds 11, 29).
- Tin Mừng hôm nay cho thấy óc phe nhóm và tinh thần bè phái cục bộ cũng xuất hiện ngay trong hàng ngũ các môn đệ của Đức Giê-su: Khi thấy có người không theo Đức Giê-su mà lấy tên Giê-su trừ quỷ, ông Gio-an đã ngăn cản họ và còn báo cáo cho Đức Giê-su và yêu cầu Người xử lý (x. Mc 9, 38). Gio-an không thể chấp nhận có người không thuộc Nhóm Mười Hai, lại dám nhân danh Thầy mình mà trừ quỷ. Ông muốn dành độc quyền trừ quỷ cho Nhóm của ông.

2) THÁI ĐỘ BAO DUNG NHÂN HẬU CỦA ĐỨC GIÊ-SU:

- Như Mô-sê xưa, Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay cũng không đồng tình với lối hành xử bè phái cục bộ của các môn đệ, nên Người đã nói với các ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Phương châm của thế gian là “Ai không theo chúng ta là nghịch với chúng ta”, còn Đức Giê-su lại nêu nguyên tắc ứng xử bao dung cho môn đệ: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40).
- Ngày hôm nay chúng ta cũng cần xét mình về lối sống cục bộ, muốn sở hữu độc quyền thánh danh Thiên Chúa, Đức Ki-tô, chân lý, đức bác ái cho mình. Từ đó sẽ dẫn đến hậu quả là làm điều tốt không vì danh Chúa, mà nhằm làm vinh danh cho bản thân, cho đoàn thể hay phe nhóm của mình…

3) SỰ TIẾN TRIỂN NHẬN THỨC CỦA GIÁO HỘI:

- Công Đồng Va-ti-can II đã mở ra một trang sử mới cho Giáo Hội Công Giáo, khi không còn những lời kết án trong các văn kiện của Công Đồng. Thay vào đó Giáo Hội chân thành khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của mình, và tôn trọng những điều chân thiện mỹ trong các tôn giáo và các nền văn hoá khác. Công Đồng đã có một cái nhìn mới về mối tương quan giữa người Công Giáo với Tin Lành hay các tôn giáo khác. Nhiều văn kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), đã giúp các tín hữu cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn với thế giới. Nhờ Thần Khí của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Công đồng đã thổi một luồng khí mới và đưa Giáo Hội về nguồn cội của mình là Tin Mừng yêu thương, hầu mang lại sự hiệp nhất và bình an.
- Trong Tông thư "Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba" (10/11/1994). Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đại diện Hội Thánh Công Giáo khiêm tốn nhìn nhận khuyết điểm của mình trong quá khứ như sau: "Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những thái độ lạc xa Thánh Thần của Đức Ki-tô và Tin Mừng... Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác, đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại ý muốn của Đức Ki-tô và nên cớ vấp phạm cho thế giới" (số 34).

4) CẦN SẴN SÀNG HỢP TÁC VỚI MỌI NGƯỜI THIỆN CHÍ:

Hãy noi gương Đức Giê-su để hợp tác với mọi người trong các việc tốt và hữu ích cho xã hội. Đồng thời tránh thái độ khép kín cục bộ trong việc phục vụ công ích, như thánh Gio-an đã khuyên các tín hữu thực hành giới răn yêu thương: “Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 7-8).
- Nên nhớ rằng: Ngày nay, số các Ki-tô hữu chỉ chiếm một phần ba nhân loại. Nếu giữ thái độ độc tôn cục bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ bị cô lập giữa một thế giới đa thành phần. Còn nếu biết thực hành lời Chúa Giê-su hôm nay thì ta sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với những người thiện chí và làm được nhiều việc tốt theo ý Chúa. Vả lại, Chúa đâu cần chúng ta phải luôn dán nhãn đạo lên các việc tốt đã làm. Vì “Hữu xạ tự nhiên hương”: Hãy cứ thực thi bác ái, tránh óc chia rẽ bè phái và vui vẻ hợp tác với mọi người, thì đương nhiên chúng ta sẽ làm sáng danh Chúa, như lời dạy của Chúa Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

5. LỜI CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng con phải tránh thái độ phe nhóm cục bộ của các môn đệ, khi các ông ngăn cản người ngoài nhóm lấy danh Giê-su để trừ ma quỷ, nên các ông đã bị Chúa quở trách. Chúa muốn chúng con phải ăn ở khiêm hạ và chân thành phục vụ tha nhân khi đi loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay để hợp tác với mọi người, bất kể họ thuộc tôn giáo hay đoàn thể xã hội nào, để làm cho khu xóm, cho môi trường sống và làm việc của chúng con ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu kiến tạo một “Trời Mới Đất Mới” theo ý Chúa muốn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Đừng có phe nhóm
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:20 22/09/2021
Đừng có phe nhóm

Suy Niệm Chúa Nhật Xxvi Thường Niên - B

(Mc 9,37-42)

Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp lời ông Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng : “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăm cấm y” (Mc 9, 38). Chúng ta đừng vội kết án Gioan là ích kỷ, hẹp hòi. Danh Chúa được mọi người nhận biết và ca tụng, nhất là nhờ danh Chúa mà trừ được quỷ mang lại bình an cho con người mà còn cấm.

Đối với người Do Thái, Chúa là Thiên Chúa của riêng họ. Chính Chúa Giêsu đã từng từ chối chữa lành con gái người đàn bà xứ Cannaan thuộc giòng giống Syrôphênixi (x. Mc 7,24-30). Khi nói với Gioan : “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liên đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9, 39), là Chúa giúp ông mở rộng tầm nhìn về ơn cứu độ Chúa mang đến cho hết mọi người và loại trừ đầu óc phe nhóm.

Phe nhóm

Óc địa phương, óc bè phái, phe nhóm xuất hiện ở trong xã hội từ tổ chức nhỏ nhất đến cơ quan đoàn thể cao nhất. Giáo Hội sống trong một xã hội cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe.

Vì phe nhóm mà ông Giôsuê, con ong Nun đã đề nghị ông Môsê ngăn cấm ông Enđát và ông Mêđát nói tiên tri.Ông Môsê đáp lại rằng : “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ” (x. Ds 11,27).

Vì óc bè phái mà Gioan đã ngăm cản một số người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỷ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).

Danh “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Danh “Giêsu” được cất lên, “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 5-11). Danh ấy có sức mạnh trừ quỷ đuổi ma. Vì thế, phải rao truyền Danh “Giêsu” cho mọi người nhận biết.

Nước trời là mục tiêu tối hậu

Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phe nhóm làm tha hóa con người, xói mòn lòn tin của người khác và nhất là rất dễ bị ma quỷ lợi dụng. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).

Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Vì muốn kéo dài sự sống tạm bợ đời này mà có người sẵn sàng tháo chân, móc mắt, cắt ruột, xem ra nhẹ nhàng. Vậy, để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.

Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.

Đừng là cớ vấp phạm

Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.

Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.

Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.

Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.

Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Căn Tính Và Sứ Mạng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:22 22/09/2021
Căn Tính Và Sứ Mạng

Không lẽ tự nhiên tôi có mặt ở đời này rồi lại biến đi với cái chết thể lý như chưa từng hiện hữu. Nỗi băn khoăn này bàng bạc trong các trang sách sử nhân loại và trong cả Thánh Kinh. Tác giả sách Khôn ngoan xưa đã từng ghi lại nghĩ suy của “quân vô đạo” như sau: “Đời ta thật buồn sầu vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho khỏi chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty. Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời, rồi lại như chưa hề có mặt…”(Kn 2,1-2). Nhưng không phải vậy, tác giả đã trả lời cho họ rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2,23).

Trong cuộc đời rất nhiều người, nhất là các triết gia, hiền nhân, thức giả… thế nào cũng có lúc tự hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa sự hiện hữu của bản thân. Tôi là ai, có mặt ở đời này có ý nghĩa gì, sứ mạng gì? Đây là hiện tượng phản tỉnh theo chiều kích triết học của hữu thể biết suy tư. Vào trần gian, mặc lấy kiếp nhân sinh, Chúa Kitô cũng từng có nỗi thao thức này. Nào chúng ta cùng xem Người giải quyết vấn nạn ra sao. Có thể nói đó là tiến trình thăm dò, phản tỉnh và kiếm tìm.

Để có thể biết mình thì hãy xem cái nhìn, hãy lắng nghe sự nhận định của tha nhân về bản thân mình. “Người ta bảo Thầy là ai? Còn các con các con bảo Thầy là ai?” (x.Lc 9,18-21). Những nhận định mang tính khách quan từ những người xa đến người thân cận một cách nào đó giúp ta có cái nhìn về bản thân tương đối quân bình hơn. Tuy nhiên để chính xác và sâu sắc hơn thì chính bản thân chúng ta phải trung thực, thẳng thắn nhận định căn tính của mình. Trong ánh sáng đức tin thì cần có thêm những giây phút lắng sâu trong đời cầu nguyện. Khi kết hiệp mật thiết với Đấng sinh thành, tạo dựng thì chúng ta mới rõ mình là ai và có sứ mạng gì trên gian trần này.

Sứ mạng của từng người sẽ dần hình thành qua các quyết định, những lựa chọn. Để thực hiện căn tính và sứ mạng của Đấng Thiên Sai thì Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, giải thoát những kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng (x.Lc 4,14-22). Và khi đối diện với sự chống đối của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ thì Người dần dà tiên lượng mầu nhiệm thập giá, một mầu nhiệm mà Người quyết đón nhận để sống yêu thuơng cho đến cùng (x.Lc 9,22).

Ai trong chúng ta cũng mong cuộc đời của mình có ý nghĩa. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có thao thức tìm nhận biết mình là ai qua hoàn cảnh lịch sử chào đời, môi trường sinh trưởng cũng những khả năng có được, qua những nhận định của tha nhân gần xa và đặc biệt qua những giờ phút chuyên chăm cầu nguyện. Chính khi nắm được hiện thực này thì hy vọng chúng ta sẽ hiểu rõ phần nào đó về căn tính và sứ mạng của mình. Dĩ nhiên đây không chỉ là ý nghĩa cuộc đời mà còn là niềm hạnh phúc của chúng ta, cả đời này lẫn đời sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 
Đền thờ Tâm hồn
Lm. Minh Anh
22:43 22/09/2021
ĐỀN THỜ TÂM HỒN

“Các ngươi hãy xây cất đền thờ, và như thế sẽ đẹp lòng Ta!”.

Đền Taj Mahal của Ấn Độ, “một kiệt tác”, theo UNESCO; tuy nhiên, một điều gì đó khá ‘mỉa mai’ với khởi đầu của nó. Năm 1629, khi người vợ yêu quý của Shah Jahan qua đời, vua ra lệnh xây một ngôi đền tráng lệ để tưởng nhớ bà. Vua đặt quan tài của bà giữa một thửa đất và việc xây dựng ngôi đền, đúng nghĩa đen, bắt đầu chung quanh nó. Thế nhưng, sau vài năm thực hiện, nỗi đau buồn của vua dành cho hoàng hậu đã nhường chỗ cho đam mê kiến trúc. Ngày nọ, khi đang đi khảo sát, vua tình cờ gặp một ‘thùng gỗ’; được biết, một số công nhân đã ném nó ra từ lâu. Đó là chiếc quan tài của hoàng hậu! Mục đích tưởng nhớ đã mất, nhường chỗ cho nghệ thuật!

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một ngôi đền; đúng hơn, một ‘đền thờ tâm hồn’ mà Thiên Chúa hằng mong mỏi nơi mỗi người. Qua miệng Khacgai, Thiên Chúa nói với dân, “Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, và như thế sẽ đẹp lòng Ta!”.

Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho biết, “Chúa mến chuộng dân Ngài!”. Vì mến chuộng dân Ngài, nên Thiên Chúa đã không ngần ngại tỏ lộ ước muốn Ngài ấp ủ; Ngài ước mong một đền thờ vật chất ở giữa dân, nhắc nhở họ về sự hiện diện của Ngài; nhờ đó, Ngài có thể chiếm cứ ‘đền thờ tâm hồn’ họ. Ngài nói, “Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, và Ta sẽ được tôn vinh!”.

Cũng thế, trên bước đường sứ vụ của mình, điều Chúa Giêsu trăn trở không phải là xây cho được những đền thờ vật chất, nhưng là những ‘đền thờ tâm hồn’; và hẳn, Ngài cũng khát khao tâm hồn của vua Hêrôđê, một nhân vật mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến. Hêrôđê đã cai trị người Do Thái ở Galilê những 42 năm; ông trị vì từ năm thứ 2 trước Công Nguyên và tiếp tục cai trị cho đến khi bị Hoàng đế La Mã lưu đày, năm 37. Trong thời gian ông cầm quyền, hầu hết sứ vụ của Chúa Giêsu đều diễn ra trong lãnh thổ của ông, toàn bộ Galilê. Vì thế, Hêrôđê biết rất rõ về Chúa Giêsu; tiếc thay, Chúa Giêsu bất lực, Ngài không chiếm cứ được tâm hồn ông!

Tin Mừng hôm nay nói đến những thắc mắc của Hêrôđê về Chúa Giêsu; sau đó, Phúc Âm kết thúc, “Vua tìm cách gặp Ngài”. Đúng, như mọi người trong lãnh địa mình, Hêrôđê có thể đến với Chúa Giêsu bất cứ lúc nào; nhưng ông đã không đến. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hêrôđê đến với Chúa Giêsu với một tấm lòng rộng mở! Nếu ông làm được điều đó và thực sự lắng nghe Ngài, hẳn Hêrôđê đã nhận được một trong những quà tặng lớn nhất có thể tưởng tượng, quà tặng của đức tin và sự hoán cải; bấy giờ, ‘đền thờ tâm hồn’ của ông được xây dựng và ông đã bước đi trên con đường hướng tới sự cứu rỗi đời đời. Phải chăng, tự thâm tâm, Hêrôđê biết rằng, gặp Chúa Giêsu, nghe theo Ngài, nghĩa là phải thay đổi. Và rất có thể, ông không muốn thay đổi!

Không muốn thay đổi! Điều này cho chúng ta một bài học mạnh mẽ. Mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng gạt bỏ những lời mời lúc này, lúc khác của Chúa Giêsu; bởi lẽ, từ sâu thẳm tâm hồn, chúng ta không muốn thay đổi! Vậy mà, Thiên Chúa vẫn đang nhẫn nại ngỏ lời với chúng ta mỗi ngày, và mọi ngày; Ngài không ngừng cung cấp những thông điệp của Ngài, Ngài muốn xây dựng trong chúng ta một ‘đền thờ tâm hồn’ dành riêng cho Ngài… chúng ta có thể cởi mở với điều Ngài nói, đáp ứng những ước ao Ngài mong; thế nhưng, khác nào Hêrôđê, bao lần, chúng ta từ chối! Chúng ta đã cố ý hoặc vô tình bịt tai! Vậy, chìa khoá để có thể nghe được điều Thiên Chúa muốn, là chúng ta phải có khả năng thay đổi hoàn toàn theo cách Ngài muốn chúng ta thay đổi.

Anh Chị em,

Hêrôđê biết rất rõ về Chúa Giêsu; nhưng tìm gặp Ngài, để hiểu, để đi theo và thuộc về Ngài là điều ông không thể làm được; Hêrôđê không bao giờ xây dựng được tự bên trong một ‘đền thờ tâm hồn’. Hôm nay, chúng ta cùng mục kích một tâm hồn khác; đó là cố Linh mục JB. Etcharren, một đại ân nhân của Giáo Hội Việt Nam. Lòng đất Huế vừa hân hoan ôm lấy một người con tuyệt vời của nước Pháp. Từ 26 tuổi, cha Etcharren chỉ khát khao một điều, là mang Tin Mừng đến cho dân Việt; ‘đền thờ tâm hồn’ của cha là một bầu lửa mến yêu của một vị thừa sai Paris, vốn cống hiến suốt đời cho Giáo Hội Việt Nam. Cha Etcharren thật hạnh phúc vì đã đến, đã ở và đã chết trên mảnh đất truyền giáo mà ngài chọn làm quê hương. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa với ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra con người thật của con; và với ân sủng Chúa, con không sợ phải thay đổi, nhờ đó, ‘đền thờ tâm hồn’ con cũng bừng cháy vì được Chúa chiếm ngự”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà thờ Vienna lịch sử được trao cho Huynh Đoàn Thánh Piô X
Đặng Tự Do
05:30 22/09/2021


Nhà thờ Minorite, tiếng Áo gọi là Minoritenkirche, có từ thế kỷ mười ba nổi tiếng ở trung tâm Vienna hiện thuộc quyền sở hữu của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Nhà thờ đã được Thánh Vương Joseph Đệ Nhị cai trị từ năm 1765 đến năm 1790 trao cho người Ý như một ngôi nhà nguyện cho cộng đồng người Ý, và thuộc sở hữu của “Cộng đoàn Đức Mẹ Xuống Tuyết của Ý” cho đến tháng Sáu năm nay, trước khi ngôi thánh đường được trao cho Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Theo bản tin Huynh Đoàn Thánh Piô X, cộng đoàn người Ý đã đưa ra lời đề nghị đáng ngạc nhiên cho Huynh Đoàn Thánh Piô X. Họ muốn trao ngôi thánh đường này như một món quà vào tháng 11 năm 2020, một lời đề nghị mà Huynh Đoàn Thánh Piô X rất vui vẻ chấp nhận vì họ đã tìm kiếm một nhà thờ ở Vienna trong nhiều năm.

Vào ngày 11 tháng 9, tổng giáo phận Vienna xác nhận rằng Minoritenkirche hiện đã chính thức thuộc sở hữu của Huynh Đoàn Thánh Piô X. Michael Prüller, phát ngôn viên của Tổng giám mục Vienna, là Đức Hồng Y Christoph Schönborn, giải thích rằng tổng giáo phận không hề tham gia vào giao dịch này và chỉ biết tin tức này qua các phương tiện truyền thông. Ông nói: “Từ bây giờ, tổng giáo phận sẽ không còn có thể ảnh hưởng hoặc giám sát các sự kiện trong ngôi thánh đường này nữa”.

Prüller chỉ ra rằng mục đích ban đầu của Thánh Vương Joseph là cung cấp cho cộng đồng Công Giáo Ý một ngôi thánh đường ở Vienna, “không thể thực hiện được bởi Huynh Đoàn Thánh Piô X, vốn xung đột với Giáo Hội Công Giáo”. Cộng đồng người Ý phát triển mạnh mẽ, ngày nay có 13,500 người ở Vienna, do đó, đã được trao một ngôi nhà mới trong một nhà thờ ở quận 8 của Vienna.
Source:The Tablet
 
Không tìm được thủ phạm đánh bom, cảnh sát quay ra đổ thừa cho một linh mục của giáo phận Derry
Đặng Tự Do
05:30 22/09/2021


Ba quả bom đã bất ngờ phát nổ vào ngày 31 tháng 7 năm 1972 tại làng Claudy của Quận Derry, giết chết 9 người và làm hơn 30 người bị thương. Không ai bị buộc tội trong vụ tấn công và không có nhóm nào nhận trách nhiệm, mặc dù Quân đội Cộng hòa Ái Nhĩ Lan bị chính phủ Bắc Ái Nhĩ Lan thân Anh cáo buộc gây ra vụ này.

Vụ nổ xảy ra trong thời điểm có những căng thăng giữa người Tin lành thân Anh và người Công Giáo. Trong số những người thiệt mạng và bị thương, có cả người Tin lành lẫn người Công Giáo.

Sau một thời gian dài điều tra, chính phủ Bắc Ireland và cảnh sát đồng ý đền bù cho các nạn nhân. Tuy nhiên, họ lại quay ra kiện Giáo phận Công Giáo Derry trong một cáo buộc gây tranh cãi rằng một linh mục của giáo phận này đã hỗ trợ những kẻ đánh bom, và giáo phận đã chuyển vị linh mục ấy đến một nơi an toàn.

Điều đáng nói là cảnh sát chẳng điều tra được điều gì, không có ai bị bắt bớ. Vị linh mục được nêu trong cáo buộc của cảnh sát chưa từng bị bắt. Ngoài ra, giáo phận cho biết việc thuyên chuyển các linh mục là một chuyện bình thường trong Giáo Hội Công Giáo và kế hoạch thuyên chuyển vị linh mục này đến một giáo xứ khác đã được thông báo từ trước vụ nổ bom.

Cha James Chesney, một linh mục Ái Nhĩ Lan, là người thường thẳng thắn bênh vực cho những người bị áp bức là người bị cáo buộc. Ngài đã chết vì bệnh ung thư vào năm 1980. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã từng hỏi ngài những cáo buộc cho rằng ngài đã tham gia vào các vụ đánh bom, nhưng ngài phủ nhận.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Cuộc Tông du tại Budapest và Slovakia
Vũ Văn An
15:15 22/09/2021

Theo tin Tòa Thánh, Đức Phanxicô đã tiếp tục gặp gỡ các tín hữu trong buổi yết kiến chung hàng tuần vào thứ Tư, ngày 22 tháng 9, và trong buổi yết kiến này, ngài đã xúc động nói đến cuộc tông du ngài vừa kết thuc tuần trước tại Hungary và Slovakia. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về cuộc Tông du của tôi ở Budapest và Slovakia, một cuộc tông du đã kết thúc cách đây đúng một tuần, vào thứ Tư tuần trước. Tôi xin tóm tắt nó như sau: đó là một cuộc hành hương cầu nguyện, một cuộc hành hương về nguồn, một cuộc hành hương hy vọng. Cầu nguyện, cội nguồn và hy vọng.

1.Điểm dừng chân đầu tiên là ở Budapest, để chủ tọa Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, bị hoãn đúng một năm do đại dịch. Đã có sự tham gia sống động vào cuộc cử hành này. Dân thánh của Thiên Chúa, vào Ngày của Chúa, đã quy tụ trước mầu nhiệm Thánh Thể, nhờ đó họ liên tục được sinh ra và tái sinh. Họ được Thánh giá phía trên bàn thờ bao quát, chỉ cho họ cùng một hướng với hướng chỉ của Bí tích Thánh Thể, đó là con đường của tình yêu khiêm nhường và vị tha, của tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với mọi người, con đường của đức tin thanh tẩy khỏi tính thế gian vốn phá hủy mọi người chúng ta: nó là con mọt gặm nhấm chúng ta từ bên trong.

Và cuộc hành hương cầu nguyện đã kết thúc tại Slovakia vào Lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Cũng ở đó, ở Šaštín, tại Đền thờ Đức Mẹ Đồng trinh Bảy Sự Sầu Bi, Lễ của Mẹ, cũng là ngày lễ tôn giáo quốc gia, đã có rất nhiều con cái của Mẹ tham dự. Như thế, cuộc hành hương của tôi là một cuộc hành hương cầu nguyện ở trung tâm Châu Âu, bắt đầu bằng sự tôn thờ và kết thúc bằng lòng sùng kính bình dân. Cầu nguyện, vì đó là điều mà dân Chúa được kêu gọi, trên hết: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, làm người hành hương, sám hối, và nhờ đó mà cảm nhận được sự bình an và niềm vui mà Chúa ban cho chúng ta. Cuộc sống của chúng ta nên như thế này: thờ phượng, cầu nguyện, hành trình, làm người hành hương, sám hối. Và điều này có tầm quan trọng đặc biệt ở lục địa Châu Âu, nơi mà sự hiện diện của Thiên Chúa bị loãng dần - chúng ta thấy điều này hàng ngày - sự hiện diện của Thiên Chúa bị loãng dần bởi chủ nghĩa tiêu thụ và bởi “hơi hướm” của một cách suy nghĩ độc dạng - một điều kỳ lạ nhưng có thật. - đó là thành quả của sự pha trộn giữa các ý thức hệ cũ và mới. Và điều này dẫn chúng ta xa khỏi sự quen thuộc với Thiên Chúa, khỏi sự quen thuộc với Thiên Chúa. Cũng trong bối cảnh này, giải đáp chữa lành phát xuất từ việc cầu nguyện, chứng tá và tình yêu khiêm nhường. Tình yêu khiêm nhường vốn phục vụ. Chúng ta hãy nhắc lại ý tưởng này: Kitô hữu là để phục vụ.

Đó là những gì tôi thấy trong cuộc gặp gỡ với dân thánh của Thiên Chúa. Tôi đã thấy gì? Một dân tộc trung thành, đã bị chủ nghĩa vô thần bách hại. Tôi cũng nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của những anh chị em người Do Thái của chúng ta, những người mà với họ, chúng ta đã tưởng niệm biến cố Diệt Chủng. Bởi vì không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa, khi cầu nguyện, chúng ta phải nhớ đến cuộc sống của mình, cuộc sống của dân tộc chúng ta, cuộc sống của bao người đồng hành với chúng ta trong thành phố, lưu ý đến những câu chuyện của họ. Khi ngài chào đón tôi, một trong các giám mục Slovakia, đã lớn tuổi, nói với tôi, “Con từng làm người bán vé trên xe điện, để trốn tránh những người cộng sản”. Ngài tốt lành, vị giám mục đó: trong thời kỳ độc tài, bách hại, ngài đã bán vé trên xe điện, rồi ngài thi hành “nghề” giám mục của mình một cách lén lút, và không ai biết. Sự việc phải như thế, thời bị bách hại. Không có lời cầu nguyện nào mà không có ký ức. Lời cầu nguyện, ký ức đời mình, đời một dân tộc, lịch sử của họ: cam kết với ký ức và nhắc lại. Điều này tốt cho chúng ta, và giúp chúng ta cầu nguyện.

2. Khía cạnh thứ hai: cuộc hành trình này là một cuộc hành hương về nguồn. Khi gặp gỡ các giám mục anh em của tôi, cả ở Budapest lẫn ở Bratislava, tôi đã có thể cảm nghiệm trực tiếp sự tưởng nhớ đầy biết ơn về những cội nguồn của đức tin và đời sống Kitô giáo, sống động trong gương sáng của những nhân chứng đức tin như Đức Hồng Y Mindszenty và Đức Hồng Y Korec, và Chân phúc Giám mục Pavel Peter Gojdič. Những gốc rễ vươn xa từ thế kỷ thứ chín, trở lại với công việc truyền bá Tin Mừng của hai anh em thánh Cyril và Methodius, những vị đã đồng hành cùng cuộc hành trình này bằng sự hiện diện thường xuyên của các ngài. Tôi nhận thấy sức mạnh của những cội nguồn này trong việc cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi thức Byzantine, ở Prešov, vào ngày lễ Thánh giá. Trong các bài thánh ca, tôi cảm nhận được nhịp rung động của trái tim dân thánh Thiên Chúa, được trui rèn bởi nhiều đau khổ vì đức tin của họ.

Trong một vài trường hợp, tôi nhấn mạnh vào sự kiện này là những cội nguồn này luôn sống động, chứa đầy nhựa huyết quan trọng là Chúa Thánh Thần, và vì thế chúng phải được bảo tồn: không giống như các đồ triển lãm trong viện bảo tàng, không bị biến thành ý thức hệ và khai thác vì uy tín và quyền lực, để củng cố một danh tính khép kín. Không. Điều này có nghĩa là phản bội chúng và khiến chúng trở nên cằn cỗi! Đối với chúng ta, các thánh Cyril và Methodius không phải là những người để tưởng nhớ, nhưng đúng hơn, là những mô hình để noi gương, những bậc thầy mà từ đó chúng ta luôn có thể học hỏi tinh thần và phương pháp truyền bá Tin Mừng, cũng như dấn thân dân sự - trong cuộc hành trình đến trung tâm Châu Âu này, tôi vẫn thường nghĩ đến các cha đẻ của Liên minh Châu Âu, về việc họ đã mơ thấy nó không phải như một cơ quan truyền bá các hình thức thực dân hóa ý thức hệ thời thượng, không, như họ mơ ước. Được hiểu và sống theo cách này, cội nguồn là một đảm bảo cho tương lai: từ chúng, những nhánh hy vọng phát triển mạnh có thể mọc lên. Chúng ta cũng có những cội nguồn: mỗi người trong chúng ta đều có cội nguồn của riêng mình. Chúng ta có nhớ cội nguồn của chúng ta không? Các cội nguồn của cha mẹ chúng ta, của ông bà chúng ta? Và chúng ta có nối kết với ông bà của chúng ta, những người vốn là một kho châu báu không? “Nhưng các ngài đã già…”. Không, không: họ cung cấp cho anh chị huyết mạch, anh chị em phải đến với các ngài để phát triển và tiến lên. Chúng ta không nói, "Hãy đi, và trốn khỏi cội nguồn của anh chị em": không, không. “Hãy đi về cội nguồn của anh chị em, lấy nhựa huyết của anh chị em từ các ngài và tiến lên phía trước. Hãy đi và lấy chỗ của anh chị em ở đó”. Đừng quên điều này. Và tôi xin nhắc lại với anh chị em, điều mà tôi đã nói nhiều lần, câu thơ thật hay: “Mọi thứ nở trên cây đều bắt nguồn từ những gì ở dưới lòng đất”. Anh chị em chỉ có thể phát triển bao lâu anh chị em hợp nhất với cội nguồn của mình: sức mạnh của anh chị em phát xuất từ đó. Nếu anh chị em tự cắt đứt khỏi gốc rễ, để đi theo điều mới lạ, các ý thức hệ mới lạ, điều này sẽ không đưa anh chị em đến đâu đâu, nó sẽ không cho phép anh chị em phát triển đâu: anh chị em sẽ kết thúc một cách tồi tệ.

3. Khía cạnh thứ ba của cuộc hành trình này: đây là một cuộc hành hương hy vọng. Cầu nguyện, cội nguồn và hy vọng, ba đặc điểm. Tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng lớn lao trong đôi mắt của những người trẻ, trong cuộc gặp gỡ khó quên tại sân vận động ở Košice. Điều cũng cho tôi hy vọng là được thấy rất nhiều cặp vợ chồng trẻ và rất nhiều trẻ em. Và tôi nghĩ về mùa đông nhân khẩu học mà chúng ta đang trải qua, nhưng những quốc gia đó đang nở rộ với những cặp vợ chồng trẻ và trẻ em: một dấu hiệu của hy vọng. Đặc biệt trong thời điểm đại dịch, khoảnh khắc đáng ăn mừng này là một tín hiệu mạnh mẽ và đầy khích lệ, cũng nhờ sự hiện diện của nhiều cặp vợ chồng trẻ cùng con cái họ. Không kém phần mạnh mẽ và có tính tiên tri là chứng tá của Chân phước Anna Kolesárová, một thiếu nữ người Slovakia đã phải trả giá bằng mạng sống để bảo vệ phẩm giá của mình trước bạo lực: một chứng từ rất phù hợp hơn bao giờ hết, khi bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn là một vết thương mở ở khắp mọi nơi.

Tôi đã thấy hy vọng nơi nhiều người, những người âm thầm chăm sóc và quan tâm tới người lân cận của mình. Tôi nghĩ đến các Nữ tu Thừa sai Bác ái tại Trung tâm Bethlehem ở Bratislava, những nữ tu tốt lành, biết đón nhận những người bị xã hội từ bỏ: họ cầu nguyện và phục vụ, cầu nguyện và giúp đỡ. Và họ cầu nguyện rất nhiều, và giúp đỡ rất nhiều, không hề giả vờ. Họ là những anh hùng của nền văn minh này. Tôi muốn tất cả chúng ta bày tỏ lòng biết ơn Mẹ Teresa và các nữ tu này: tất cả cùng nhau, chúng ta hãy hoan nghênh các nữ tu tốt lành này! Những nữ tu này cho người vô gia cư trú ẩn. Tôi nghĩ đến cộng đồng Roma và tất cả những người làm việc với họ với tình huynh đệ và sự hòa nhập. Thật xúc động khi được tham dự ngày lễ của cộng đồng Roma: một ngày lễ đơn giản với hương thơm của Tin Mừng. Người Roma là anh chị em của chúng ta: chúng ta phải chào đón họ, chúng ta phải gần gũi họ như các Cha Dòng Salêdiêng ở Bratislava, những vị rất gần gũi với người Roma.

Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này, niềm hy vọng của Tin Mừng mà tôi đã có thể nhìn thấy trong cuộc hành trình, chỉ có thể được hiện thực hóa và trở nên cụ thể nếu nó được diễn tả bằng một hạn từ khác: cùng nhau. Hy vọng không bao giờ thất vọng, hy vọng không đi một mình, mà cùng nhau. Ở Budapest và Slovakia, chúng ta đã cùng hiện diện với các nghi lễ khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, cùng với các anh chị em của các giáo phái Kitô giáo khác, cùng với các anh chị em Do Thái của chúng ta, cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác, cùng với những người yếu nhất. Đó là nẻo đường của chúng ta, vì tương lai sẽ là tương lai của hy vọng nếu chúng ta sống cùng với nhau, không đơn độc: điều này rất quan trọng.

Và sau cuộc hành trình này, tôi có một lời “cảm ơn” rất lớn trong trái tim tôi. Cảm ơn các giám mục, cảm ơn các cơ quan dân sự, cảm ơn Tổng thống Hungary và Tổng thống Slovakia, cảm ơn tất cả những người đã hợp tác trong việc tổ chức [cuộc hành trình]; cảm ơn rất nhiều thiện nguyện viên; cảm ơn đến từng người đã cầu nguyện. Xin anh chị em thêm một lời cầu nguyện nữa để những hạt giống được gieo trong cuộc Hành trình này có thể sinh hoa kết trái tốt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này.
 
Điều kỳ lạ trong phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng ngày 19 tháng 9
Đặng Tự Do
16:12 22/09/2021


Máu của Thánh Gennariô, quan thầy của thành phố Naples, tiếng Ý gọi là Napoli, đã hóa lỏng vào ngày Chúa Nhật 19 tháng 9. Phép lạ đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố trong Thánh lễ sáng ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh.

Điều kỳ lạ thú vị là phép lạ diễn ra ngay khi Đức Tổng Giám Mục tiến lên bàn thờ. Trong thánh lễ 10 giờ sáng, phép lạ đã diễn ra vào lúc 10g một phút.

Trước Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia đã đến Nhà nguyện Kho báu của Thánh Gennariô cùng với Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Cha sở nhà thờ chính tòa, và thị trưởng thành phố Luigi De Magistris.

Đức Cha Battaglia mở chiếc két sắt có chứa lọ máu khô của vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu khô dính vào một bên của lọ máu hóa lỏng bao phủ toàn bộ tấm kính. Theo truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

10h sáng giờ địa phương, vị tổng giám mục 58 tuổi đã đưa lọ máu khô lên bàn thờ. Thông thường, vị chủ tế sẽ cử hành thánh lễ rồi mới cầm lọ máu lên xem. Nhưng, ngay khi tiến lên bàn thờ, Đức Tổng Giám Mục Battaglia đã chú ý thấy có sự thay đổi của lọ máu. Vì thế, ngay trước làm dấu thánh giá bắt đầu thánh lễ, ngài đã lật lọ máu từ bên này sang bên kia để xem rõ trạng thái của máu.

“Máu đã hóa lỏng,” ngài nói.

Sau khi làm Dấu Thánh Giá, báo hiệu bắt đầu Thánh Lễ được truyền trực tiếp, ngài nói: “Chúng ta cảm tạ Chúa về món quà này, vì dấu hiệu này rất quan trọng đối với cộng đoàn chúng ta”.

Theo tài liệu của cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, thậm chí đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế, Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có các thánh lễ vào lúc 10g, và 12g30, 17g và 18g30 trong ngày Chúa Nhật 19 tháng 9; và các thánh lễ 9g sáng, 12g30, 16g30 và 18g30 vào ngày thứ Hai 20 tháng 9. Việc phép lạ diễn ra vào lúc 10g một phút trong thánh lễ đầu tiên của ngày Chúa Nhật được kể là kỳ tích.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Battaglia, người được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Napoli vào ngày 2 tháng 2, vừa qua, đã kêu gọi người Công Giáo tránh mê tín dị đoan và xem phép lạ máu thánh nhân hóa lỏng là dấu chỉ cho thấy máu của Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc nhân loại.

Xương và máu của Thánh Gennariô được lưu giữ như những di vật quý giá trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Napoli. Vị Giám mục của thành phố miền nam nước Ý đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới triều Hoàng Đế Điôclêtiô.

Phép lạ nổi tiếng được biết đến và chấp nhận tại địa phương, mặc dù nó vẫn chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Theo truyền thống, sự hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào của hoả diệm sơn Vesuvius gần đó vào năm 1631.

Máu của vị thánh cũng hóa lỏng vào đầu năm nay, nhưng chỉ sau khi cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Các Thánh.

Giảng trong thánh lễ vào ngày 1 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Battaglia kêu gọi mọi người không nên quá “bị hấp dẫn bởi phép lạ” và “bị thu hút bởi khao khát có thể nhận biết trong đó những điềm báo tốt lành hoặc những điềm báo xấu cho tương lai của chúng ta”.

Ngài nói, bất kể máu có hóa lỏng hay không, nó phải nhắc nhở người Công Giáo về máu của Chúa Kitô “trong Mầu nhiệm Vượt qua, và là Đấng duy nhất mang lại ý nghĩa cho biểu tượng cao cả và mãnh liệt của phép lạ máu hóa lỏng”.

Vị tổng giám mục, người được biết đến như một “linh mục đường phố”, người gần gũi với người nghèo trước khi được bổ nhiệm Tổng Giám Mục, nhắc nhớ đến những nạn nhân của mafia Camorra và bạo lực gia đình, cũng như những người già neo đơn và người thất nghiệp.

Ngài nói: “Không có vết thương xã hội hay vết thương cộng đồng nào mà không có quyền công dân trong lọ máu quý giá này, trong toàn bộ kho báu của Thánh Gennariô”.

“Nhưng đừng hiểu lầm tôi, tôi không nói về những viên đá quý, cũng không phải những viên đá quý được đặt giữa những chiếc găng tay bằng vàng, cũng không phải những bức tượng bán thân bằng bạc của các vị thánh. Kho báu thực sự của Thánh Gennariô là con người của ngài, và bên trong đó là những người ngồi bên lề cuộc sống, những người rốt cùng, mong manh nhất”.

Tổng giám mục, được biết đến ở địa phương là Don Mimmo Battaglia, sẽ nhận dây Pallium vào ngày 27 tháng 9 từ Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, Sứ thần Tòa thánh tại Ý.

Trước khi ban phép lành cuối cùng trong Thánh lễ Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Battaglia bước xuống gian giữa của nhà thờ và bước ra bên ngoài, nơi ngài giơ thánh tích lên cho mọi người chiêm bái, và ban phép lành cho những người tụ tập bên ngoài.
Source:Catholic News Agency
 
Phản ứng của người dân Ý trước phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng
Đặng Tự Do
16:13 22/09/2021


Một tràng pháo tay dài với những tiếng hô “liberare”, nghĩa là “giải phóng” đã vang lên để chào đón thông báo của Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia, đưa ra vào lúc 10 giờ một phút. Nhưng ngay cả trước khi có thông báo chính thức, nhiệt tình đối với phép lạ đã lan rộng trong các tín hữu đứng dọc theo lối đi từ Nhà nguyện San Gennaro, nơi lọ máu được lưu giữ, dẫn đến bàn thờ. “Máu đã hóa lỏng!” Một người phụ nữ kêu lên khi nhìn chằm chằm vào lọ máu trên tay của vị tổng giám mục.

Buổi lễ đã diễn ra tuân theo các quy tắc liên quan đến coronavirus: chỉ có 450 tín hữu được nhận vào bên trong và 200 người được vào trong sân nhà thờ. Những người còn lại đứng trên quảng trường, trong khi mọi con đường dẫn đến quảng trường nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã bị phong tỏa.

Thị trưởng Napoli Luigi De Magistris, và ông Chủ tịch miền Campania, là ông Antonio Bassolino đã được mời tham dự thánh lễ. Hai ông đều là những người sắp mãn nhiệm. Thị trưởng tương lai cũng được mời và trong thánh lễ Đức Tổng Giám Mục “hứa” sẽ gần gũi với ông ấy “trong tất cả các sáng kiến đặt con người và lợi ích chung vào trung tâm”. Ngài nói: “Tôi sẽ chiến đấu trong tất cả các trận chiến đích thực để khẳng định quyền công bằng, tôi sẽ sát cánh trong việc bảo vệ các tổ chức khỏi mọi tham vọng kinh doanh và mọi nỗ lực xâm nhập của Camorra”. Camorra là tên của nhóm mafia hùng bá Napoli. Đức Tổng Giám Mục nói rằng: Camorra đã “tắm Napoli bằng máu của rất nhiều mảnh đời tan vỡ trước khi có dịp cất cánh bay lên, rất nhiều ước mơ đã rơi trên mặt đất của sự thờ ơ, cùng với máu của người nghèo và người vô tội, những người nhỏ bé và khiêm tốn, những người làm việc không mệt mỏi mỗi ngày để sống trong phẩm giá, bước đi trên con đường của sự trung thực và công lý”.

Một suy nghĩ cũng đã được Đức Tổng Giám Mục gửi đến cho cha mẹ của cô bé Samuele, một đứa trẻ gần 4 tuổi. Samuele đã rơi từ ban công của ngôi nhà cô bé ở qua Foria. Một nghi phạm giết người 38 tuổi đã bị bắt vì liên quan đến vụ này.

Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm họ hôm 18 tháng 9. Đức Tổng Giám Mục Battaglia yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Samuele và gia đình “bởi vì họ cần sự gần gũi của anh chị em”.

Đức Tổng Giám Mục cũng hướng sự chú ý của mọi người đến vấn đề công ăn việc làm và đặc biệt là tình trạng của những công nhân tại Whirlpool mà ngài đã gặp vài lần trong những tháng gần đây.

Buổi lễ cũng có sự tham dự của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Napoli.
Source:Sismografo
 
Siêu người mẫu, diễn viên điện ảnh trở thành một người đàn bà lam lũ vì yêu mến người nghèo
Đặng Tự Do
16:13 22/09/2021


Sau trải nghiệm cận kề cái chết, Natty Hollmann de Petrosino đã dành phần đời còn lại của mình để phục vụ người nghèo.

Ở độ tuổi 20, Natty Hollmann de Petrosino không cần phải cầu xin ai. Cô ấy không chỉ là một người mẫu và là một diễn viên thượng thặng, mà còn có một gia đình sống trong sang giàu ở Bahía Blanca, một thị trấn ven biển của Á Căn Đình.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi cô suýt chết trong lần phẫu thuật tai vì căn bệnh ung thư ở tuổi 27. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời đã dẫn cô đến với người nghèo trên đường phố.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết bà được gọi là Mẹ Têrêsa của Á Căn Đình qua biết bao các công việc bác ái ở Á Căn Đình trong hơn 50 năm, cho đến khi bà qua đời vào ngày 26 tháng 7 vừa qua, ở tuổi 81, sau một trận chiến với COVID-19.

Natty Petrosino được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2009. Bà được Đại học Công lập Navarre, Tây Ban Nha, trao Giải thưởng Quốc tế Jaime Brunet về Thúc đẩy Nhân quyền vào năm 2012. Tại quê nhà, bà đã được trao danh hiệu “Công dân nổi tiếng của Thành phố Bahía Blanca”.

Nhưng không lời ca ngợi nào làm mất đi sự tập trung của bà vào việc phục vụ người nghèo, thậm chí cả lời mời năm 2013 của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Rôma - lời mời mà bà đã từ chối, mặc dù bà rất biết ơn, vì bà muốn để ở lại bên người nghèo của đất nước mình..

Sau “mạc khải” đó vào năm 27 tuổi, khi cô ấy cảm thấy ơn gọi của mình, cô đã hoàn toàn chuyển trọng tâm của cuộc đời mình. Năm 1978, cô thành lập Nhà hành hương Thánh Phanxicô Assisi, nơi chăm sóc những người dễ bị bệnh tật hoặc khuyết tật, nơi nuôi sống hàng nghìn người mỗi ngày.

Cái chết của Mẹ Teresa Á Căn Đình khiến hàng nghìn trẻ em mồ côi đau lòng. Bà đã có một cuộc sống đầy đủ, nhưng trên tất cả, bà khao khát một cuộc sống được ban tặng cho người khác.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha nhìn lại: Chuyến thăm Budapest & Slovakia là một cuộc hành hương cầu nguyện, hy vọng
Thanh Quảng sdb
21:03 22/09/2021
Đức Thánh Cha nhìn lại: Chuyến thăm Budapest & Slovakia là một 'cuộc hành hương cầu nguyện, hy vọng'

Trong buổi Tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày thứ Tư 29/9/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ chuyến Tông du của Ngài đến Budapest và Slovakia tuần trước, như là một cuộc hành hương về cội nguồn của cầu nguyện và hy vọng.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về ý nghĩa của chuyến Tông du của ngài tới Slovakia và Budapest trong phần chia sẻ bài giáo lý trong Buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ Tư.

Cuộc tông du của ngài vào những ngày 12-15 tháng 9, nổi bật như đặc trưng Giáo hội “cùng nhau” cử hành các nghi thức Latinh và Hy Lạp, hiệp thông với Cộng đồng Do Thái, cùng các Kitô hữu và các tín đồ của các tôn giáo khác.

ĐTC nói: “Cha xin gọi nó là một cuộc hành hương cầu nguyện, một cuộc hành hương về cội nguồn, một cuộc hành hương của hy vọng.”

Tôn thờ Thánh Thể và sùng kính Đức Mẹ

Chặng đầu tiên của cuộc hành trình đến Budapest, Hungary, Cha chứng kiến một Giáo hội hoàn vũ tập trung xung quanh sự tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

ĐTC nói: “Dân thánh Chúa, vào Ngày Chúa Nhật 12/9/2021, đã tụ họp trước Thánh Thể, từ đó họ được sinh ra và sinh tồn. Họ được ôm ấp bởi Thánh giá lớn cao trên lễ đài, cho thấy tất cả cùng hướng về Bí tích Thánh Thể, đó là con đường của tình yêu khiêm hạ và vị tha, của tình yêu quảng đại và dâng hiến cho tất cả mọi người, của đức tin thanh tẩy khỏi vương vấn trần tục và dẫn đến suối nguồn thánh ân cao siêu.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cho chuyến tông du này là chuyến hành hương cầu nguyện được kết thúc vào Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, một lòng sùng kính ái mộ bình dân.

Gốc rễ của niềm tin

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng chuyến hành hương của ngài là một chuyến hành hương về nguồn, “đến tận gốc rễ”.

ĐTC nói, cuộc gặp gỡ với các Giám mục Hungary và Slovakia đã cho phép ngài chạm tới cội nguồn của đức tin và đời sống Kitô giáo trong khu vực đã có từ thế kỷ thứ 9.

“Trong một vài trường hợp, ĐTC đã nhấn mạnh tới sự thật này rằng những cội nguồn này luôn sống động, chứa đầy tinh thần quan yếu là Chúa Thánh Thần, và điều này phải được bảo tồn: không giống như các cuộc triển lãm của các bảo tàng viện, không được triển nở tư tưởng và khai triển vì một lợi ích cao siêu huyền nhiệm…”

Niềm hy vọng của những người trẻ

Đức Thánh Cha cho biết khía cạnh thứ ba trong chuyến tông du này là một cuộc hành hương hy vọng.

ĐTC bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy niềm hy vọng trong những ánh mắt của những người trẻ ở Košice, nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ đã tham gia cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxicô nói: “Cha thấy hy vọng nơi nhiều người luôn âm thầm chăm sóc và quan tâm đến người lân cận của họ, đặc biệt là các Nữ tu Bác ái Truyền giáo chăm sóc những người vô gia cư ở Bratislava.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc những suy tư của mình bằng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các Giám mục và chính quyền dân sự của Slovakia và Hungary, cũng như các tín hữu đã cùng tham gia vào cuộc hành trình với ngài.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh Mục J.B. Etcharren-Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris đã qua đời tại Huế
Trương Minh Phương
08:48 22/09/2021
Linh Mục J.B. Etcharren-Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.): Vị Đại Ân Nhân Của Tổng Giáo Phận Huế Và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Đã Được Chúa Gọi Về Ngày 21.92021

Vào lúc 9 giờ 15 sáng ngày 21 tháng 9 năm 2921, lễ Kính Thánh Tô ma Thiện Tử đạo. Cũng là ngày truyền thống của Gia đình Cựu Chủng sinh Huế. Linh mục J.B. Echarren, vị Linh mục Thừa sai Paris cuối cùng tại Việt Nam đã được Chúa gọi về, linh cửu Ngài được quàn tại Nhà nguyện Đại Chủng viện Xuân Bích Huế. Thánh lễ an táng do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế. Thi hài Ngài sẽ an nghỉ tại Nghĩa trang Linh mục Thừa sai phía sau Nhà nguyện Đại Chủng viện.

Linh mục Thừa sai J.B. Echarren là vị Đại ân nhân mà Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam và Tổng Giáo phận Huế. Qua bàn tay của Ngài, biết bao Tổng Giám mục và Giám mục đương nhiệm của Giáo hội Việt Nam được đào tạo. Ngài cũng là vị ân sư của Chủng viện Hoan Thiện, đã sản sinh biết bao linh mục cho Giáo hội.

Năm 2010, Ngài về Giáo phận Huế nghỉ hưu theo lời mời của Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể. Ngài mất đi, để lại nhiều sự nuối tiếc và sự kính trọng của các môn sinh

Xem Hình.

Cũng chính từ sự tri ân và kính trọng đó mà Đức Giám Mục Giáo phận Ban Mê Thuột Vinh sơn Nguyễn Văn Bản và Đức Giám Mục Giáo phận KonTum Aloisio Nguyễn Hùng Vị, mặc dù hiện nay đi lại rất khó khăn vì đại dịch Covid 19 đang lan tràn cũng đã lặn lội đi suốt đêm để sáng hôm nay kịp viếng vị ân sư và cùng với Đức nguyên Tổng Giám mục F.X. Lê Văn Hồng dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài.



Gia đình Cựu Chủng sinh Huế cũng đã dâng Thánh lễ cầu nguyện cho vị ân sư đáng kính. Thánh lễ đồng tế do linh mục Phaolo Nguyễn Luận, Tổng Đặc trách Gia đình Cựu Chủng sinh Huế trong nước và hải ngoại chủ tế. Cùng đồng tế có những linh mục môn sinh trong phạm vi thành phố Huế.

Trước Thánh lễ, linh mục Anton Nguyễn Văn Thăng, nguyên Đặc trách Gia đình Cựu Chủng sinh Huế vùng Huế-Quảng Trị đọc lại Tiểu sử của Ngài.

Trong bài giảng lễ, linh mục Phero Nguyễn Hữu Giải chia sẻ hết sức sâu sắc về cuộc đời truyền giáo của Ngài tại Tổng Giáo phận Huế: “Ngày 21 tháng 9 là ngày truyền thống của Gia đình Cựu Chủng sinh Huế, ngày mà Thánh Tô ma Thiện và Thánh Jaccard Phan đã đổ máu đào để làm chứng nhân Tin mừng. Cha Jaccard Phan cũng là vị Thừa sai Paris đã nằm xuống bên bờ going song Thạch Hãn Quảng Trị. Ngày 21 tháng 9 năm 2021, Cha Thừa sai J.B. Etcharren đã nằm xuống bên giòng sông Hương thơ mộng chảy qua trước cổng Đại Chủng viện Xuân Bích Huế. Hai giòng sông chứng nhân cho sứ vụ loan báo Tin mừng của các Ngài. Cha J.B. Etcharren, vị Thừa sai cuối cùng đã nằm xuống trên đất Tổng Giáo phận Huế. Ngài để lại biết bao ân tình quý báu cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và hai vùng đất Thừa Thiên Huế-Quảng Trị của Tổng Giáo phận Huế cách riêng. Với 89 tuổi đời, 63 năm linh mục, ngài đã tưới bao ơn cứu độ của Chúa cho Giáo hội Việt Nam.”

Sau Thánh lễ, các linh mục đồng tế và các môn sinh vây quanh thi hài của Ngài để kính viếng và tiễn biệt.

Trương Minh Phương

CCS HT 67
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh bài giáo lý nghiêm trọng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:18 22/09/2021
Hình ảnh bài giáo lý nghiêm trọng

Từ trời cao xuống trần gian làm người, Chúa Giêsu có sứ mệnh rao giảng nước Thiên Chúa cho con người. Trong các bài giảng dụ ngôn Chúa Giêsu nói về sứ điệp tình bác ái thương yêu, sự tha thứ ơn bình an sự cứu độ của Thiên Chúa cho linh hồn con người. Ngài khởi đầu sứ mệnh đó khởi đầu từ vùng bờ hồ Genezareth miền Galileo phía Bắc nước Do Thái.

Nhưng trên đường xuống miền Nam nước Do Thái đến Jerusalem, bài giảng giáo lý của Chúa Giêsu chứa đựng nội dung cùng ngôn ngữ quyết liệt gay gắt hơn cùng và có hình mầu sắc cảnh báo nghiêm trọng, phải, tựa như đe dọa nạt!

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt.

Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục.

Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".” ( Phúc âm Thánh Marcô 8, 43-47).

Tại sao Chúa Giêsu lần này lại giảng dạy với hình ảnh nghiêm trọng gay gắt như thế?

Ở vùng miền Galileo cuộc sống dân giã thanh bình và thời kỳ lúc Chúa Giêsu ra giảng đạo chưa có dấu hiệu nguy hiểm cho đời sống mình. Nhưng càng tiến gần về thủ đô Jerusalem miền nam nước Do Thái, Chúa Giêsu càng cảm nhận ra sự nguy hiểm cho đời sống mình càng bị cạnh tranh, bị đe dọa nhiều hơn. Vì giới giáo sỹ Do Thái thời lúc đó không chấp nhận giáo lý của Ngài, cùng không chấp nhận ngài nữa. Họ muốn loại trừ ngài.

Chúa Giêsu biết thời gian không còn bao lâu nữa cho đời sống mình trên trần gian. Nên ngài dùng hình ảnh như thế rao giảng giáo lý. Chúa Giêsu muốn cứu thoát linh hồn con người khỏi hình phạt trong hỏa ngục.

Tương tự như thế, khi người con nhỏ còn trong vòng tay gia đình, cha mẹ thường nói lời dịu ngọt với con mình. Nhưng khi người con lớn khôn, lúc gặp nguy hiểm đe đọa, lúc đi vào sống tự lập nơi trường đời, cha mẹ thường nói lời lẽ nghiêm trọng to tiếng rõ rệt hơn để cảnh giác con mình: Trước những cạm gẫy cám dỗ, con phải biết dừng lại. Không thì đời sống con sẽ gặp nguy hiểm, xa trật con đường uổng phí thiệt hại cho đời sống con!

Chúa Giêsu dùng hình ảnh chân tay, con mắt và cả miệng lưỡi, như trong nền văn hóa dân gian vùng Trung Đông trong bài gíao lý.

Những hình ảnh này là ngôn ngữ có nguồn gốc nơi tòa án xét xử. Theo tập tục của Do Thái tay chân, con mắt là những thành phần chi thể quan trọng nhất của con người. Chúng chỉ huy những tham vọng ước muốn con người.

Theo suy tưởng ngày nay có thể diễn dịch ra như sau:

- Hãy xa tránh lìa khỏi những hành vi gây ra dữ sự điều xấu do tay hành động.

- Hãy từ bỏ xa con đường đưa dẫn đến sự bất hạnh do đôi chân muốn đi trên đó.

- Đừng hướng tầm nhìn con mắt sự ganh tỵ thèm muốn về người khác, về sự thể khác.

- Hãy biết ngừng lại, giữ im lặng đừng để miệng lưỡi không trở thành khờ ngu dại phát ra những lời làm thiệt hại tổn thương danh dự phẩm gía nhau!

Chúa Giêsu dùng hình ảnh ngôn ngữ nghiêm trọng như thế nói lên trách nhiệm về nước Thiên Chúa, nước của bác ái hòa bình, về nếp sống cộng đoàn với Thiên Chúa, giữa con người trong tình bác ái liên đới với nhau, và sự sống vĩnh cửu mai sau.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Lạ lùng: Động đất lớn nổi lên ở giữa Kinh Kính Mừng sau khi phá thai được hợp pháp hóa ở Mexico
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:27 22/09/2021


1. Động đất làm gián đoạn 'Kính mừng Maria' trong buổi phát trực tiếp của một Nhà thờ Mễ Tây Cơ sau khi phá thai được hợp pháp hóa ở quốc gia

Tòa Án Tối Cao Mễ Tây Cơ, đã bác bỏ một tu chính án của tiểu bang Sinaloa, trong đó tiểu bang này sửa đổi hiến pháp vào ngày 9 tháng 9 nhằm bảo vệ sự sống từ thời điểm thụ thai. Với tu chính án này, tiểu bang Sinaloa ra lệnh cấm phá thai. Tuy nhiên, Tòa Án Tối Cao Mễ Tây Cơ đã ngăn chặn điều này.

Vào tối hôm đó, thành phố Acapulco, Guerrero của Mễ Tây Cơ đã trải qua một trận động đất mạnh đến 7.0 độ richter. Thành phố Mexico cũng cảm nhận được trận động đất, khiến các tòa nhà rung chuyển mạnh, trong đó có tòa nhà của Tòa Án Tối Cao, chỉ cách tâm chấn của vụ động đất 240 dặm. Ít nhất một người đã chết trong vụ động đất này.

Khi xảy ra vụ động đất, một giáo xứ Công Giáo đang phát trực tiếp buổi đọc Kinh Mân Côi, chính xác lúc anh chị em giáo dân mới vừa đọc xong phần đầu của Kinh Kính Mừng. Nhà nguyện rung chuyển dữ dội và đèn tắt dần.

Nhà báo Công Giáo Sachin Jose đã đăng video lên Twitter.

Anh viết rằng: “Sau khi Tòa Án Tối Cao hợp pháp hóa phá thai ở Mexico, trong khi một linh mục đang đọc kinh Kính mừng Maria, điều này đã xảy ra.”
Source:Church POP

2. Nhà thờ Vienna lịch sử được trao cho Huynh Đoàn Thánh Piô X

Nhà thờ Minorite, tiếng Áo gọi là Minoritenkirche, có từ thế kỷ mười ba nổi tiếng ở trung tâm Vienna hiện thuộc quyền sở hữu của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Nhà thờ đã được Thánh Vương Joseph Đệ Nhị cai trị từ năm 1765 đến năm 1790 trao cho người Ý như một ngôi nhà nguyện cho cộng đồng người Ý, và thuộc sở hữu của “Cộng đoàn Đức Mẹ Xuống Tuyết của Ý” cho đến tháng Sáu năm nay, trước khi ngôi thánh đường được trao cho Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Theo bản tin Huynh Đoàn Thánh Piô X, cộng đoàn người Ý đã đưa ra lời đề nghị đáng ngạc nhiên cho Huynh Đoàn Thánh Piô X. Họ muốn trao ngôi thánh đường này như một món quà vào tháng 11 năm 2020, một lời đề nghị mà Huynh Đoàn Thánh Piô X rất vui vẻ chấp nhận vì họ đã tìm kiếm một nhà thờ ở Vienna trong nhiều năm.

Vào ngày 11 tháng 9, tổng giáo phận Vienna xác nhận rằng Minoritenkirche hiện đã chính thức thuộc sở hữu của Huynh Đoàn Thánh Piô X. Michael Prüller, phát ngôn viên của Tổng giám mục Vienna, là Đức Hồng Y Christoph Schönborn, giải thích rằng tổng giáo phận không hề tham gia vào giao dịch này và chỉ biết tin tức này qua các phương tiện truyền thông. Ông nói: “Từ bây giờ, tổng giáo phận sẽ không còn có thể ảnh hưởng hoặc giám sát các sự kiện trong ngôi thánh đường này nữa”.

Prüller chỉ ra rằng mục đích ban đầu của Thánh Vương Joseph là cung cấp cho cộng đồng Công Giáo Ý một ngôi thánh đường ở Vienna, “không thể thực hiện được bởi Huynh Đoàn Thánh Piô X, vốn xung đột với Giáo Hội Công Giáo”. Cộng đồng người Ý phát triển mạnh mẽ, ngày nay có 13,500 người ở Vienna, do đó, đã được trao một ngôi nhà mới trong một nhà thờ ở quận 8 của Vienna.
Source:The Tablet

3. Không tìm được thủ phạm đánh bom, cảnh sát quay ra đổ thừa cho một linh mục của giáo phận Derry

Ba quả bom đã bất ngờ phát nổ vào ngày 31 tháng 7 năm 1972 tại làng Claudy của Quận Derry, giết chết 9 người và làm hơn 30 người bị thương. Không ai bị buộc tội trong vụ tấn công và không có nhóm nào nhận trách nhiệm, mặc dù Quân đội Cộng hòa Ái Nhĩ Lan bị chính phủ Bắc Ái Nhĩ Lan thân Anh cáo buộc gây ra vụ này.

Vụ nổ xảy ra trong thời điểm có những căng thăng giữa người Tin lành thân Anh và người Công Giáo. Trong số những người thiệt mạng và bị thương, có cả người Tin lành lẫn người Công Giáo.

Sau một thời gian dài điều tra, chính phủ Bắc Ireland và cảnh sát đồng ý đền bù cho các nạn nhân. Tuy nhiên, họ lại quay ra kiện Giáo phận Công Giáo Derry trong một cáo buộc gây tranh cãi rằng một linh mục của giáo phận này đã hỗ trợ những kẻ đánh bom, và giáo phận đã chuyển vị linh mục ấy đến một nơi an toàn.

Điều đáng nói là cảnh sát chẳng điều tra được điều gì, không có ai bị bắt bớ. Vị linh mục được nêu trong cáo buộc của cảnh sát chưa từng bị bắt. Ngoài ra, giáo phận cho biết việc thuyên chuyển các linh mục là một chuyện bình thường trong Giáo Hội Công Giáo và kế hoạch thuyên chuyển vị linh mục này đến một giáo xứ khác đã được thông báo từ trước vụ nổ bom.

Cha James Chesney, một linh mục Ái Nhĩ Lan, là người thường thẳng thắn bênh vực cho những người bị áp bức là người bị cáo buộc. Ngài đã chết vì bệnh ung thư vào năm 1980. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã từng hỏi ngài những cáo buộc cho rằng ngài đã tham gia vào các vụ đánh bom, nhưng ngài phủ nhận.
Source:Catholic News Agency
 
Điều kỳ lạ trong phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng hôm 19/9 vừa qua. Siêu người mẫu và người nghèo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:11 22/09/2021


1. Điều kỳ lạ trong phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng ngày 19 tháng 9.

Máu của Thánh Gennariô, quan thầy của thành phố Naples, tiếng Ý gọi là Napoli, đã hóa lỏng vào ngày Chúa Nhật 19 tháng 9. Phép lạ đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố trong Thánh lễ sáng ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh.

Điều kỳ lạ thú vị là phép lạ diễn ra ngay khi Đức Tổng Giám Mục tiến lên bàn thờ. Trong thánh lễ 10 giờ sáng, phép lạ đã diễn ra vào lúc 10g một phút.

Trước Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia đã đến Nhà nguyện Kho báu của Thánh Gennariô cùng với Đức Ông Vincenzo de Gregorio, Cha sở nhà thờ chính tòa, và thị trưởng thành phố Luigi De Magistris.

Đức Cha Battaglia mở chiếc két sắt có chứa lọ máu khô của vị giám mục sống ở thế kỷ thứ ba.

Khi phép lạ xảy ra, khối màu khô dính vào một bên của lọ máu hóa lỏng bao phủ toàn bộ tấm kính. Theo truyền thuyết địa phương, việc máu không hóa lỏng báo hiệu chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc các thảm họa khác.

10h sáng giờ địa phương, vị tổng giám mục 58 tuổi đã đưa lọ máu khô lên bàn thờ. Thông thường, vị chủ tế sẽ cử hành thánh lễ rồi mới cầm lọ máu lên xem. Nhưng, ngay khi tiến lên bàn thờ, Đức Tổng Giám Mục Battaglia đã chú ý thấy có sự thay đổi của lọ máu. Vì thế, ngay trước làm dấu thánh giá bắt đầu thánh lễ, ngài đã lật lọ máu từ bên này sang bên kia để xem rõ trạng thái của máu.

“Máu đã hóa lỏng,” ngài nói.

Sau khi làm Dấu Thánh Giá, báo hiệu bắt đầu Thánh Lễ được truyền trực tiếp, ngài nói: “Chúng ta cảm tạ Chúa về món quà này, vì dấu hiệu này rất quan trọng đối với cộng đoàn chúng ta”.

Theo tài liệu của cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, thậm chí đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Chính vì thế, Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có các thánh lễ vào lúc 10g, và 12g30, 17g và 18g30 trong ngày Chúa Nhật 19 tháng 9; và các thánh lễ 9g sáng, 12g30, 16g30 và 18g30 vào ngày thứ Hai 20 tháng 9. Việc phép lạ diễn ra vào lúc 10g một phút trong thánh lễ đầu tiên của ngày Chúa Nhật được kể là kỳ tích.

Trong bài giảng của mình, Đức Cha Battaglia, người được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Napoli vào ngày 2 tháng 2, vừa qua, đã kêu gọi người Công Giáo tránh mê tín dị đoan và xem phép lạ máu thánh nhân hóa lỏng là dấu chỉ cho thấy máu của Chúa Giêsu đã đổ ra để cứu chuộc nhân loại.

Xương và máu của Thánh Gennariô được lưu giữ như những di vật quý giá trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Napoli. Vị Giám mục của thành phố miền nam nước Ý đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới triều Hoàng Đế Điôclêtiô.

Phép lạ nổi tiếng được biết đến và chấp nhận tại địa phương, mặc dù nó vẫn chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Theo truyền thống, sự hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào của hoả diệm sơn Vesuvius gần đó vào năm 1631.

Máu của vị thánh cũng hóa lỏng vào đầu năm nay, nhưng chỉ sau khi cộng đoàn cùng đọc Kinh Cầu Các Thánh.

Giảng trong thánh lễ vào ngày 1 tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Battaglia kêu gọi mọi người không nên quá “bị hấp dẫn bởi phép lạ” và “bị thu hút bởi khao khát có thể nhận biết trong đó những điềm báo tốt lành hoặc những điềm báo xấu cho tương lai của chúng ta”.

Ngài nói, bất kể máu có hóa lỏng hay không, nó phải nhắc nhở người Công Giáo về máu của Chúa Kitô “trong Mầu nhiệm Vượt qua, và là Đấng duy nhất mang lại ý nghĩa cho biểu tượng cao cả và mãnh liệt của phép lạ máu hóa lỏng”.

Vị tổng giám mục, người được biết đến như một “linh mục đường phố”, người gần gũi với người nghèo trước khi được bổ nhiệm Tổng Giám Mục, nhắc nhớ đến những nạn nhân của mafia Camorra và bạo lực gia đình, cũng như những người già neo đơn và người thất nghiệp.

Ngài nói: “Không có vết thương xã hội hay vết thương cộng đồng nào mà không có quyền công dân trong lọ máu quý giá này, trong toàn bộ kho báu của Thánh Gennariô”.

“Nhưng đừng hiểu lầm tôi, tôi không nói về những viên đá quý, cũng không phải những viên đá quý được đặt giữa những chiếc găng tay bằng vàng, cũng không phải những bức tượng bán thân bằng bạc của các vị thánh. Kho báu thực sự của Thánh Gennariô là con người của ngài, và bên trong đó là những người ngồi bên lề cuộc sống, những người rốt cùng, mong manh nhất”.

Tổng giám mục, được biết đến ở địa phương là Don Mimmo Battaglia, sẽ nhận dây Pallium vào ngày 27 tháng 9 từ Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, Sứ thần Tòa thánh tại Ý.

Trước khi ban phép lành cuối cùng trong Thánh lễ Chúa Nhật, Đức Tổng Giám Mục Battaglia bước xuống gian giữa của nhà thờ và bước ra bên ngoài, nơi ngài giơ thánh tích lên cho mọi người chiêm bái, và ban phép lành cho những người tụ tập bên ngoài.
Source:Catholic News Agency

2. Phản ứng của người dân Ý trước phép lạ Máu Thánh Gennaro hóa lỏng

Một tràng pháo tay dài với những tiếng hô “liberare”, nghĩa là “giải phóng” đã vang lên để chào đón thông báo của Đức Tổng Giám Mục Domenico Battaglia, đưa ra vào lúc 10 giờ một phút. Nhưng ngay cả trước khi có thông báo chính thức, nhiệt tình đối với phép lạ đã lan rộng trong các tín hữu đứng dọc theo lối đi từ Nhà nguyện San Gennaro, nơi lọ máu được lưu giữ, dẫn đến bàn thờ. “Máu đã hóa lỏng!” Một người phụ nữ kêu lên khi nhìn chằm chằm vào lọ máu trên tay của vị tổng giám mục.

Buổi lễ đã diễn ra tuân theo các quy tắc liên quan đến coronavirus: chỉ có 450 tín hữu được nhận vào bên trong và 200 người được vào trong sân nhà thờ. Những người còn lại đứng trên quảng trường, trong khi mọi con đường dẫn đến quảng trường nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã bị phong tỏa.

Thị trưởng Napoli Luigi De Magistris, và ông Chủ tịch miền Campania, là ông Antonio Bassolino đã được mời tham dự thánh lễ. Hai ông đều là những người sắp mãn nhiệm. Thị trưởng tương lai cũng được mời và trong thánh lễ Đức Tổng Giám Mục “hứa” sẽ gần gũi với ông ấy “trong tất cả các sáng kiến đặt con người và lợi ích chung vào trung tâm”. Ngài nói: “Tôi sẽ chiến đấu trong tất cả các trận chiến đích thực để khẳng định quyền công bằng, tôi sẽ sát cánh trong việc bảo vệ các tổ chức khỏi mọi tham vọng kinh doanh và mọi nỗ lực xâm nhập của Camorra”. Camorra là tên của nhóm mafia hùng bá Napoli. Đức Tổng Giám Mục nói rằng: Camorra đã “tắm Napoli bằng máu của rất nhiều mảnh đời tan vỡ trước khi có dịp cất cánh bay lên, rất nhiều ước mơ đã rơi trên mặt đất của sự thờ ơ, cùng với máu của người nghèo và người vô tội, những người nhỏ bé và khiêm tốn, những người làm việc không mệt mỏi mỗi ngày để sống trong phẩm giá, bước đi trên con đường của sự trung thực và công lý”.

Một suy nghĩ cũng đã được Đức Tổng Giám Mục gửi đến cho cha mẹ của cô bé Samuele, một đứa trẻ gần 4 tuổi. Samuele đã rơi từ ban công của ngôi nhà cô bé ở qua Foria. Một nghi phạm giết người 38 tuổi đã bị bắt vì liên quan đến vụ này.

Đức Tổng Giám Mục đã đến thăm họ hôm 18 tháng 9. Đức Tổng Giám Mục Battaglia yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Samuele và gia đình “bởi vì họ cần sự gần gũi của anh chị em”.

Đức Tổng Giám Mục cũng hướng sự chú ý của mọi người đến vấn đề công ăn việc làm và đặc biệt là tình trạng của những công nhân tại Whirlpool mà ngài đã gặp vài lần trong những tháng gần đây.

Buổi lễ cũng có sự tham dự của Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám Mục hiệu tòa của Napoli.
Source:Sismografo

3. Siêu người mẫu, diễn viên điện ảnh trở thành một người đàn bà lam lũ vì yêu mến người nghèo

Sau trải nghiệm cận kề cái chết, Natty Hollmann de Petrosino đã dành phần đời còn lại của mình để phục vụ người nghèo.

Ở độ tuổi 20, Natty Hollmann de Petrosino không cần phải cầu xin ai. Cô ấy không chỉ là một người mẫu và là một diễn viên thượng thặng, mà còn có một gia đình sống trong sang giàu ở Bahía Blanca, một thị trấn ven biển của Á Căn Đình.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau khi cô suýt chết trong lần phẫu thuật tai vì căn bệnh ung thư ở tuổi 27. Đó là bước ngoặt trong cuộc đời đã dẫn cô đến với người nghèo trên đường phố.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết bà được gọi là Mẹ Têrêsa của Á Căn Đình qua biết bao các công việc bác ái ở Á Căn Đình trong hơn 50 năm, cho đến khi bà qua đời vào ngày 26 tháng 7 vừa qua, ở tuổi 81, sau một trận chiến với COVID-19.

Natty Petrosino được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2009. Bà được Đại học Công lập Navarre, Tây Ban Nha, trao Giải thưởng Quốc tế Jaime Brunet về Thúc đẩy Nhân quyền vào năm 2012. Tại quê nhà, bà đã được trao danh hiệu “Công dân nổi tiếng của Thành phố Bahía Blanca”.

Nhưng không lời ca ngợi nào làm mất đi sự tập trung của bà vào việc phục vụ người nghèo, thậm chí cả lời mời năm 2013 của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Rôma - lời mời mà bà đã từ chối, mặc dù bà rất biết ơn, vì bà muốn để ở lại bên người nghèo của đất nước mình..

Sau “mạc khải” đó vào năm 27 tuổi, khi cô ấy cảm thấy ơn gọi của mình, cô đã hoàn toàn chuyển trọng tâm của cuộc đời mình. Năm 1978, cô thành lập Nhà hành hương Thánh Phanxicô Assisi, nơi chăm sóc những người dễ bị bệnh tật hoặc khuyết tật, nơi nuôi sống hàng nghìn người mỗi ngày.

Cái chết của Mẹ Teresa Á Căn Đình khiến hàng nghìn trẻ em mồ côi đau lòng. Bà đã có một cuộc sống đầy đủ, nhưng trên tất cả, bà khao khát một cuộc sống được ban tặng cho người khác.
Source:Aleteia