Ngày 18-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/09: Kitô Hữu là là cây đèn cháy sáng - Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:02 18/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 18/09/2022

4. Tình yêu là sảng khoái nhất, thành thực nhất, nhiệt thành nhất, ôn hòa nhất, cương nghị anh dũng kiên cường nhất.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 18/09/2022
101. LỜI NÓI HAY CỦA ÂN HẠO

Có người hỏi trung quân Ân Hạo:

- ”Tại sao muốn được chức quan thì phải nằm mộng thấy quan tài, muốn được bạc tiền thì phải nằm mộng thấy phân rác?”

Ân Hạo đáp:

- “Quan chức tước vị vốn là thối tha cũ rích, cho nên khi muốn được nó thì phải nằm mộng thấy tử thi quan tài; bạc tiền vốn là như phân rác, cho nên khi muốn được nó thì phải nằm mộng thấy những thứ bẩn thỉu”.

Người bấy giờ cho rằng lời nói của ông ta là lời nói hay, sáng tỏ.

(Thế thuyết tân ngữ)

Suy tư 101:

Có những chính nhân quân tử khinh chê chức tước địa vị đến nổi mai danh ẩn tích, vì họ đã “ngộ” được rằng: làm quan thì giống như những tử thi, chức tước địa vị thì giống như quan tài bọc kín lương tâm ngay thẳng của họ. Có những bậc thánh nhân, thánh hiền coi tiền bạc của cải như rác rưởi, như phân bón hôi thối, sẽ làm cho tâm hồn trong sáng của họ hôi tanh mùi tiền...

Quan chức tước vị là để phục vụ bá tánh, tiền bạc là tôi tớ của con người, cho nên nếu không có cái tâm chính trực thì quan tước chức vị sẽ trở thành tử thi và tiền của sẽ trở thành quan tài, người Ki-tô hữu thì biết rất rõ điều ấy, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân...” (Pl 2, 6-7)

Đó chính là hạnh phúc thật của người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thắp sáng từ bên trong
Lm. Minh Anh
19:53 18/09/2022

THẮP SÁNG TỪ BÊN TRONG
“Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng”.

Học giả nổi tiếng, Rufus Jones, vừa có buổi thuyết trình về chủ đề, “Hãy rạng rỡ!”. Ngay sau đó, một phụ nữ “có khuôn mặt mộc mạc đến khó tin” đến hỏi, “Ông sẽ làm gì nếu có một khuôn mặt như tôi?”. Jones, trả lời, “Tôi cũng có những rắc rối tương tự về loại này, nhưng tôi khám phá ra rằng, nếu bạn ‘thắp sáng từ bên trong’, bất kỳ khuôn mặt nào của bạn cũng đủ rạng rỡ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nếu bạn ‘thắp sáng từ bên trong’, bất kỳ khuôn mặt nào của bạn cũng đủ rạng rỡ!”. Khám phá của Rufus Jones được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, khi Chúa Giêsu nói đến ánh sáng. Thật thú vị, một ánh lửa ‘thắp sáng từ bên trong’ lại có sức toả rạng bên ngoài. Sách Châm Ngôn hôm nay gọi nó là điều lành; Chúa Giêsu gọi nó là ánh sáng không thể che giấu, “Đèn được đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng”.

Mọi người cần “nhìn thấy ánh sáng!”. Điều này xảy ra khi những người khác hành động như những ngọn đèn chiếu sáng Đức Kitô cho chúng ta; hay ngược lại, khi những người chung quanh “nhìn thấy ánh sáng” Đức Kitô từ nơi chúng ta. Tác giả sách Châm Ngôn nói, “Hỡi con, khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành!”. Điều lành ở đây là yêu thương, là cảm thông, chia sẻ; nó còn là cầu thay nguyện giúp, trăn trở… Đó là những người mà Thánh Vịnh đáp ca hôm nay gọi là những người ở trên núi của Chúa, “Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài?”.

Bổn phận của chúng ta là trở nên ánh sáng Chúa Kitô cho một thế giới đang rất cần Ngài. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, khi chúng ta nhen nhóm ngọn lửa của Ngài trong lòng, thì hiệu quả là, Ngài sẽ toả sáng qua chúng ta để người khác nhìn thấy. Ngài nói, “Chẳng ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi, hoặc đặt dưới gầm giường!”; nói cách khác, nếu bạn không toả sáng Chúa Kitô, thì không phải vì bạn che giấu Ngài, mà là vì Ngài đã không thể ‘thắp sáng từ bên trong’ bạn. Một khi Ngài đã thắp sáng nội tâm bạn, ánh sáng của Ngài không thể bị che lấp!

Cách tuyệt vời, sự thật này giúp chúng ta đánh giá đúng mức mối quan hệ của linh hồn mình với Chúa. Nếu Chúa Giêsu đang sống trong bạn và tôi, nếu mối quan hệ yêu thương giữa Ngài với chúng ta thực sự được sống, hiệu quả của mối quan hệ ‘Chúa và tôi’ đó nhất định sẽ tác động nơi người khác; họ sẽ dễ dàng nhận ra ánh sáng không thể che giấu đó. Hiệu quả là, ánh sáng Chúa Kitô trong chúng ta phản chiếu tấm gương linh hồn, ‘một linh hồn có khuôn mặt Giêsu’ ngời sáng, phản chiếu cho người khác.

Anh Chị em,

Qua Bí Tích Rửa Tội, Chúa Kitô đốt lên ánh lửa Phục Sinh của Ngài trong tim chúng ta. Đó là ánh sáng của tình yêu, hy vọng, niềm vui, lòng thương xót và thiện hảo. Ngài giao nhiệm vụ gìn giữ ánh sáng ấy cho Giáo Hội; cụ thể là giáo xứ và cha mẹ. Qua từng biến cố, từng phút giây, Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên ánh sáng này để nó ngày càng toả rạng. Để được như thế, Thiên Chúa đặt mỗi người chúng ta vào đúng “đế” của mình, từ chức vụ, nơi chốn, hoàn cảnh… “Để mọi người nhìn thấy công việc tốt lành anh em làm mà ngợi khen Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Như vậy, một khi người khác không thấy được ánh sáng Chúa Kitô từ cuộc sống chúng ta; hẳn vì ánh lửa của Ngài đang mai một. Hôm nay, bạn và tôi nhìn lại ánh sáng trên ‘đế cuộc sống’ mình; thử hỏi những người khác có được lôi kéo vào tình yêu của Chúa Kitô qua chúng ta không? Nếu không, hãy nhìn vào tim mình, xin Ngài ‘thắp sáng từ bên trong’ ngọn lửa của Ngài, lửa Giêsu; nói cách khác, thắp lại ngọn lửa tình yêu của Ngài trong linh hồn mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con rạng rỡ từ bên ngoài, nhưng ‘thắp sáng con từ bên trong’. Hãy sai con đi bất cứ nơi đâu, đến với bất cứ ai, để con rạng ngời ánh sáng Kitô cho họ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 tháng 9
Đặng Tự Do
16:54 18/09/2022
Chúa Nhật 18 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo Chúa Nhật thứ 25 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:

“Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’

Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Dụ ngôn trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Lc 16, 1-13) có vẻ hơi khó hiểu đối với chúng ta. Chúa Giêsu kể một câu chuyện về sự tham ô: một người quản lý gian dối, ăn cắp, và sau khi bị chủ phát hiện, đã hành động khôn khéo để thoát khỏi tình thế. Chúng ta tự hỏi: sự khôn ngoan của người quản lý đồi bại này là gì và Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy rằng người quản lý tham nhũng sẽ gặp rắc rối như thế nào vì anh ta lợi dụng tài sản của chủ. Bây giờ anh ta phải giải trình, và anh ta sẽ mất việc. Nhưng anh ta không bỏ cuộc, không cam chịu số phận và không đóng vai nạn nhân. Ngược lại, anh ta hành động ngay lập tức với sự khôn ngoan, anh ta tìm kiếm giải pháp và tỏ ra là người nhanh trí. Chúa Giêsu sử dụng câu chuyện này như một cách để đưa ra trước chúng ta một sự khiêu khích khi Ngài nói: “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (câu 8) Điều xảy ra là những người di chuyển trong bóng tối, theo những tiêu chuẩn nhất định của thế gian, biết cách vượt qua ngay cả khi gặp khó khăn, họ biết cách hành xử khôn ngoan hơn những người khác. Thay vào đó, các môn đệ của Chúa Giêsu, cụ thể là chúng ta, đôi khi ngủ quên hoặc ngây thơ, không biết chủ động tìm cách thoát khỏi khó khăn (xem Evangelii gaudium, 24). Ví dụ, tôi đang nghĩ đến thời kỳ khủng hoảng cá nhân hoặc xã hội, nhưng cũng là khủng hoảng của Giáo hội: đôi khi chúng ta để cho sự chán nản vượt qua mình hoặc chúng ta bắt đầu phàn nàn và đóng vai nạn nhân. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cũng có thể khéo léo vâng theo Tin Mừng, tỉnh thức và chú ý đến việc phân biệt thực tại và sáng tạo để tìm ra những giải pháp tốt cho mình và cho người khác.

Nhưng có một giáo huấn khác mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Thật vậy, chúng ta hãy tự hỏi đâu là sự khôn khéo của người quản lý? Thưa: Anh ta quyết định giảm nợ cho những người mắc nợ, và vì vậy họ trở thành bạn của anh ta và anh ta hy vọng họ có thể giúp khi chủ nhân của anh sa thải anh. Trước đây anh ta đang tích lũy của cải cho bản thân, nhưng bây giờ anh ta sử dụng nó theo cách tương tự bằng cách ăn cắp để kết bạn với những người có thể giúp đỡ anh ta trong tương lai. Sau đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta về cách chúng ta sử dụng của cải vật chất: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. (câu 9). Như thế, để hưởng sự sống vĩnh cửu, không cần phải tích lũy tài sản trong thế giới này, nhưng điều quan trọng là tình yêu thương mà chúng ta sẽ thể hiện trong các mối quan hệ huynh đệ của chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: đừng dùng của cải thế gian này chỉ cho riêng mình và ích kỷ, nhưng hãy dùng chúng để tạo tình bạn, tạo mối quan hệ tốt, hành động bác ái, thúc đẩy tình huynh đệ và quan tâm đến những người yếu đuối nhất.

Thưa anh chị em, ngay cả trong thế giới của chúng ta ngày nay cũng có những câu chuyện về sự tham ô như trong Tin Mừng: hành vi thiếu trung thực, chính sách bất công, tính ích kỷ chi phối sự lựa chọn của các cá nhân và thể chế, và nhiều tình huống u ám khác. Nhưng các tín hữu Kitô chúng ta không được phép nản lòng, hay tệ hơn là buông bỏ mọi thứ, và thờ ơ. Trái lại, chúng ta được kêu gọi sáng tạo làm điều thiện với sự khôn ngoan của Tin Mừng, sử dụng của cải của thế gian này, không chỉ vật chất mà là tất cả những món quà mà chúng ta đã nhận được từ Chúa, không phải để làm giàu cho bản thân, nhưng để tạo ra tình yêu thương huynh đệ và tình hiệp thông xã hội. Điều này rất quan trọng: thông qua hành vi của mình, chúng ta có thể tạo ra tình bạn xã hội.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phước để Mẹ có thể giúp chúng ta trở nên giống như chính Mẹ là người nghèo về tâm hồn và giàu lòng bác ái với tha nhân.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm ơn Chúa vì chuyến đi mà tôi đã có thể thực hiện trong những ngày gần đây tới Kazakhstan để tham dự Đại hội lần thứ 7 các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Tôi sẽ nói về điều đó vào thứ Tư tới tại buổi tiếp kiến chung.

Tôi rất buồn vì cuộc giao tranh gần đây giữa Azerbaijan và Armenia. Tôi bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần với gia đình các nạn nhân, và tôi kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn theo quan điểm của một thỏa thuận hòa bình. Chúng ta đừng quên rằng hòa bình có thể xảy ra khi vũ khí bị tắt tiếng và bắt đầu đối thoại! Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang đau khổ và cho hòa bình trên mọi vùng đất đổ máu bởi chiến tranh.

Tôi muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho người dân Ý ở Marches bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết và gia đình của họ, cho những người bị thương và những người bị thiệt hại nghiêm trọng. Xin Chúa ban sức mạnh cho những cộng đoàn đó!

Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi chào các Nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội từ các cộng đồng khác nhau ở Phi Châu, Mỹ Châu Latinh, Á Châu và Âu Châu; cũng như những tín hữu của Seville và “Gruppo Secolare Nostra Signora del Cenacolo.”

Tôi chào đoàn đến từ Caturano, Giáo phận Capua; những người trẻ tuổi của “Cresima of Gazzaniga” từ Bergamo và những người từ Soliera, Modena; thành viên của cộng đồng “Figli in Cielo”; Pro Loco từ Lazio và nhóm bác sĩ thú y từ tỉnh Verona với gia đình của họ. Tôi cũng gửi lời chào đến những người trẻ tuổi của “Nền kinh tế Francesco”, những người có mặt tại quảng trường ngày hôm nay: hãy luôn tiến về phía trước! Tôi sẽ gặp sớm gặp gỡ anh chị em ở Assisi.

Tôi muốn nhắc đến một ý nghĩ đặc biệt đối với người nghèo và những người tình nguyện của “Casa di Zaccheo” ở Mesagne: xin Chúa ban phước cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp Mặt Gia Đình -Gia Trưởng- Hiền Mẫu- tại Trung Tâm Mục Vụ Cần Thơ
Ban Mục vụ gia đình/GPCT
09:43 18/09/2022
Họp Mặt Gia Đình -Gia Trưởng- Hiền Mẫu- tại TTMV Cần Thơ

Thứ bảy- ngày 17.09. 2022: Ban Mục Vụ Gia đình của Giáo Phận Cần Thơ, sau ngày tổ chức họp mặt Gia Đình ( Gia Trưởng và Hiền Mẫu) tại TT Hành Hương Cha Px. Trương Bửu Diệp – Tắc Sậy gồm 3 Giáo Hạt: Trà Lồng, Bạc Liêu và Cà Mau, ngày 16.09. 2022 với chủ đề: “Hiệp Hành Trong Gia Đình”, do nhóm thuyết trình Sr. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, o.p Dòng Daminh Tam Hiệp, thì ngày 17.09.2022 tại TTMV của Giáo Phận Cần Thơ tiếp tục họp mặt Gia Đình (Gia Trưởng và Hiền Mẫu) cũng với chủ đề: “ Hiệp Hành trong Gia đình” cho 4 Giáo Hạt còn lại: Cần Thơ, Vị Thanh, Đại Hải và Sóc Trăng với số người tham dự là 814 trong niềm vui và phấn khởi.

Quý Gia Trưởng – Hiền Mẫu được thầy Luca Minh Tâm chia sẽ đề tài đầu tiên: “ Làm mới đời sống gia đình “, Sr. Maria Ánh Hồng chia sẻ đề tài “ Chấp nhận và tha thứ cho nhau”, thầy Luca Minh Tâm chia sẻ đề tài giúp các gia đình biết thế nào giữ lấy hạnh phúc là do: “ Tất cả là lựa chọn” và Sr. Maria Hồng Quế, hướng ý cha mẹ giáo dục con: “Dạy con Lòng Biết ơn” “: biết ơn với Đấng tạo thành là Thiên Chúa; biết ơn với đấng bậc sinh thành và biết ơn mọi người trong mọi hoàn cảnh. Kết thúc là thánh lễ
cầu nguyện cho gia đình do Cha Quản Hạt Cần Thơ Chủ Tế, có sự hiện diện cha Giám đốc TTMV, cùng với quý cha trong Ban Mục Vụ gia Đình. Trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha Giám Đốc TTMV nói về các gia đình đừng là những hạt giống xấu để gây gương mù, gương xấu, nhưng phải là những hạt giống tốt để làm gương sáng cho con cái bắt chước noi theo. Cha mong ước cha mẹ cần phải gieo hạt giống cần thiết trong gia đình cho con cái đó là: (1) quan tâm việc học giáo lý như thể là nền tảng Đức Tin cho con em, ( 2) giữ các giờ kinh tối – sáng trong gia đình để hạnh phúc gia đình được bền vững.

BAN MVGĐ/GPCT
 
Nghi Thức Di Chuyển Hài Cốt Đức Cha Lambert de La Motte Tới Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn
Văn phòng Hội dòng MTG. Qui Nhơn
09:58 18/09/2022
Nghi Thức Di Chuyển Hài Cốt Đức Cha Lambert de La Motte Tới Nhà Thờ Chính Tòa Qui Nhơn

18/09/2022.-Trong đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho tiến trình xin phong thánh Đức cha Pierre Lambert de La Motte, vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đàng Trong, một điều đòi buộc là phải có “Réputation de la Sainteté” (sự nổi tiếng thánh thiện của vị thánh). Một trong những dấu hiệu “nổi tiếng” là giáo dân biết, đến viếng thăm phần mộ và cầu nguyện để xin ơn (phép lạ). Bởi đó, sau khi đã di chuyển hũ Hài cốt Đức cha Lambert (Hũ số 2), từ Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán về đặt trong Nhà nguyện cổ của Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn vào ngày 15.6.2022, thì ngày 14.9.2022, có nghi thức tưởng niệm và di chuyển Hài cốt Đức cha Lambert (Hũ số 3), từ Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn về đặt trong Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn.

Xem Hình

Vào lúc 14g30 ngày 14.9.2022, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Ban Hồ sơ phong thánh của Đức cha Lambert đã đến Tu viện Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn chủ sự nghi thức di chuyển Hài cốt Đức cha Lambert từ Nhà nguyện của Hội dòng đến Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn.

Trước khi cử hành nghi thức, Đức cha Giuse xác nhận Hài cốt Đức cha Lambert trong hộp inox được đặt trong hũ vẫn còn nguyên vẹn, sau đó niêm phong hũ Hài cốt.

Lúc 15g00, nghi thức bắt đầu với kinh Chúa Thánh Thần. Hiện diện trong nghi thức có cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn; cha Phaolô Nguyễn Minh Chính, Chưởng ấn Giáo phận Qui Nhơn; cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Cáo thỉnh viên Ban Hồ sơ Phong Thánh, quý nữ tu trong Ban Hồ sơ Phong Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng đông đảo nữ tu thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và anh chị em Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá của Hội dòng từ khắp các nơi quỵ tụ về.

Nghi thức tưởng niệm và di chuyển Hài cốt Đức cha Lambert được tuần tự tiến hành với các nội dung:

- Lời dẫn vào nghi thức

- Đọc Bức Tâm Thư của Đức cha Lambert

- Cầu nguyện trước Di cốt của Đức cha Lambert

- Niệm hương

- Đọc Kinh Xin ơn

- Kết thúc nghi thức tưởng niệm

- Di chuyển Hài cốt Đức cha Lambert đến Nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn.

Chị Anna Nguyễn Thị Yến Trâm, Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, tiến vào Tiền sảnh Nhà thờ Chính Tòa và trao hũ Hài cốt Đức cha Lambert cho Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn.

Đức cha tiếp nhận và rước Hài cốt Đức cha Lambert vào trong Nhà thờ, đặt lên bục trên bàn thờ kính ngài. Đức cha niệm hương trước Di ảnh và Hài cốt.

Thủ tục ký vào biên bản giao – nhận được thực hiện trên cung thánh của Nhà thờ. Đồng ký biên bản này có đại diện của Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và đại diện Tòa Giám mục Qui Nhơn. Biên bản được lập thành 4 bản, Tòa Giám mục Qui Nhơn lưu giữ 1 bản, trao cho Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn lưu giữ 1 bản và trao cho Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Ban Hồ sơ Phong Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam) lưu giữ 2 bản.

Với việc tiếp nhận Hài cốt này, từ đây, Hài cốt Đức cha Lambert trở thành Di sản tinh thần chung của toàn thể dân Chúa, sẽ được công khai trưng bày cho cộng đoàn dân Chúa kính viếng và cầu nguyện.

Trước khi bước vào nghi thức Tưởng niệm tại Nhà thờ Chính Tòa là phần chào đón và giới thiệu quý Đức cha, quý cha, quý Soeurs trong Ban Hồ sơ Phong Thánh. Tiếp theo là bài chia sẻ của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng về chân dung của Đức cha Lambert và những công trình quý giá của người dành cho Giáo hội Việt Nam với những “hoa trái thánh thiện”.

Sau bài chia sẻ của Đức cha Giuse là bài thuyết trình của cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng; Giáo sư môn Giáo sử thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn và cũng là Cáo Thỉnh viên trong Ban Hồ sơ Phong Thánh, trình bày về tiểu sử Đức cha Lambert: gia cảnh, thời niên thiếu, linh mục thừa sai, Giám mục Đại diện Tông Tòa, cư ngụ tại Ayuthia, kinh lý Đàng Trong và Đàng Ngoài, các công trình đặc biệt, đặc biệt là di chúc của ngài...

Sau bài thuyết trình của cha Phêrô, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn thay mặt Giáo phận cám ơn Đức cha Giuse, quý cha, quý nữ tu, cách riêng Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã sẵn sàng trao Hài cốt Đức cha Lambert cho Giáo phận, đồng thời ngài cũng nêu cao vai trò của Đức cha Lambert nơi mảnh đất Qui Nhơn thân yêu này, phần đất còn lại của Giáo phần Đàng Trong và ước mong tất cả mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận năng sùng kính và cầu nguyện xin ơn với ngài.

Trước bàn thờ Hài cốt Đức cha Lambert, cha Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn; Phó ban đặc trách Hồ sơ Phong Thánh cho Đức cha Lambert, hai cha phụ tế cùng với hai chị: Anna Nguyễn Thị Yến Trâm; Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và chị Anna Nguyễn Thị Thanh; Phó ban đặc trách Hồ sơ Phong Thánh, đã cử hành nghi thức với bài Văn tế tưởng niệm, những lời cầu nguyện sốt sắng, những nén hương nghi ngút khói được dâng lên... Kết thúc nghi thức tưởng niệm, cả cộng đoàn đọc chung kinh Xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha Lambert.

Sau ít phút giải lao, Thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành với đoàn đồng tế tiến lên cung thánh. Trong bài giảng lễ, dưới lăng kính của Lời Chúa, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã triển khai giá trị và ý nghĩa và của Mầu Nhiệm Thập Giá trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Hình ảnh Đức Giêsu bị treo trên Thập Giá qua biểu tượng hình ảnh con rắn đồng bị treo trong hoang địa là biểu tượng của tình yêu Đức Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha và nhân loại. Việc suy tôn Thập Giá không có nghĩa là suy tôn bất kỳ cây Thập Giá nào mà suy tôn cây Thập Giá trên đó Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, Đấng được “ đưa lên cao” và được Thiên Chúa tôn vinh “ Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa...” (Pl 2, 9-11)

Qua hình ảnh Đức Kitô trên Thập Giá, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn làm sao biến Thập Giá đời mình trở thành Thánh Giá, nghĩa là không những chấp nhận nó trong đời thường mà còn thánh hóa những đau khổ của mỗi người trong niềm tin và lòng mến. Theo gương Chúa Giêsu trong việc thánh hóa Thập Giá, mỗi người hãy thể hiện tình yêu trước hết đối với Thiên Chúa và sau đó là tình yêu đối với tha nhân. Việc sống Mầu nhiệm Thập Giá theo gương Đức Kitô là dịp để suy niệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và như là lời mời gọi mỗi người đi theo con đường Thập Giá của Ngài. Trong đó, cuộc đời của Đức cha Lambert de La Motte đã gắn liền với Mầu Nhiệm Thập Giá: từ lúc chín tuổi, trong những tháng ngày với vai trò mục tử, hành trình truyền giáo, bệnh tật cuối đời... Vì đã bám sâu đời mình vào Thập Giá Đức Giêsu Kitô, nên Đức cha Lambert đã thi hành nhiệm vụ mục tử của mình cách xuất sắc và trở thành mẫu gương cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, cách riêng cho chị em các Hội dòng Mến Thánh Giá. Bởi đó, noi gương ngài, chị em được mời gọi hãy biết sống tinh thần Thập Giá bằng cách chấp nhận mọi đau khổ trong đời và phục vụ cho những người đau khổ. Đức cha cũng mời gọi cộng đoàn hãy noi theo gương đời sống đạo đức của Đức cha Lambert và cầu xin Chúa thương cho ngài sớm được tôn phong lên bậc chân phước và Hiển thánh.

Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi ban Phép lành kết lễ, Đức cha Matthêô mời gọi cộng đoàn siêng năng đến kính viếng, cầu nguyện và xin ơn nhờ lời chuyển cầu của Đức cha Lambert.

Cộng đoàn đón nhận Phép lành cuối lễ trong tâm tình cảm tạ và tri ân.

Văn phòng Hội dòng MTG. Qui Nhơn
 
Văn Hóa
Tầm nhìn Hoa Kỳ về lý thuyết chính trị của Jacques Maritain, tiếp
Vũ Văn An
19:37 18/09/2022

II. Ông đã đi đâu, Jacques Maritain?

Gần đây nhất, ngày 15 tháng 6 năm 2022, trên tạp chí Public Discourse (Tờ báo của Viện Witherspoon), Daniel Philpott, giáo sư Khoa học Chính trị của Đại Học Notre Dame, Hoa Kỳ, có bài viết về Jacques Maritain với tựa đề: Where Have You Gone, Jacques Maritain? (https://www.thepublicdiscourse.com/2022/06/82805/).

Ngày nay, viễn kiến lạc quan của Jacques Maritain về chủ nghĩa tự do Kitô giáo thường bị tranh cãi hoặc bị bác bỏ là lỗi thời, nhưng việc làm sống lại nhấn mạnh của ông về sự tham gia của Kitô hữu vào xã hội và chính trị đang được cần đến một cách khẩn cấp - và theo nhiều cách có bằng chứng là đang có mặt trong hoạt động chính trị của Kitô hữu ở Hao Kỳ.

Tiểu luận này là một phần của loạt Diễn từ Công cộng về Who’s Who, giới thiệu và tương tác một cách nghiêm túc với các nhà tư tưởng quan trọng, những người thường được đề cập đến trong các cuộc tranh luận chính trị và văn hóa, nhưng ý tưởng của họ có thể không được nhiều người biết đến hoặc hiểu rõ...




Vào ngày 6 trong tháng, những kẻ khích động cực hữu đã tấn công cơ quan lập pháp quốc gia, khiến một số người chết và nhiều người khác bị thương. Tháng sau, trong bối cảnh công chúng đang tranh luận gay gắt đến mức đưa ra những cảnh cáo về nội chiến, một nhóm các triết gia Công Giáo đã ký vào một bản tuyên ngôn kêu gọi ích chung và nói không với các lực lượng phản dân chủ.

Nhưng cảnh tượng trên, dù có thể quen thuộc, đã không diễn ra ở Mỹ. Vào ngày 6 tháng 2 năm 1934, một phe cánh hữu đã bạo loạn trong Viện đại biểu của Pháp. Khi đó, Pháp bị phân cực bởi những người theo chủ nghĩa quân chủ, những người được nhiều người Công Giáo truyền thống liên minh với, và bởi những người cộng hòa, những người mong muốn và mong đợi tôn giáo biến mất, và bởi những người cộng sản. Trong số những người Công Giáo lo ngại ký tên, ta thấy có các nhà trí thức nổi tiếng Etienne Gilson, Gabriel Marcel, Emmanuel Mounier và Yves Simon, nhưng người nổi tiếng nhất là Jacques Maritain, người lúc đó ủng hộ một nền cộng hòa dân chủ được Kitô giáo sinh động, một mô hình được ông đến tìm và yêu thích tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, như nhà văn Công Giáo James Matthew Wilson nhận xét, các Kitô hữu hiện nay “một cách tổng quát, thường cảm thấy rằng tinh thần hòa giải như Maritain đại diện đã thất bại.” Ngày nay, những người chỉ trích Maritain cho rằng tầm nhìn chính trị của ông về chủ nghĩa tự do Kitô giáo, một xã hội dân chủ vừa đa nguyên vừa lấy cảm hứng từ Kitô giáo, không còn khả thi ở Mỹ. Đối với những nhà phê bình này, ý tưởng của Maritain có thể phát triển mạnh trong một thế giới đã qua của các cuộc thập tự chinh của Billy Graham, các chương trình truyền hình của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen và các chính trị gia Dân chủ Kitô giáo từng nghiên cứu tư tưởng Công Giáo, nhưng chúng không thể ngăn cản và thậm chí có thể đã khuyến khích sự suy giảm niềm tin Kitô giáo và sự trỗi dậy của nền chính trị phi Kitô giáo ở phương Tây. Viễn kiến của Maritain là chủ đề bị chỉ trích dữ dội từ các nhà duy toàn diện [integralist], những người ủng hộ việc khôi phục một nhà nước tuyên tín biết công nhận Giáo hội như thẩm quyền cao hơn và đóng vai trò như tác nhân của nhà nước này.

Thế giới Kitô giáo mới

Những ý tưởng chính trị gây tranh cãi của Maritain bắt nguồn từ đâu? Sinh ra ở Paris vào năm 1882, Maritain kết hôn với người bạn đồng chí hướng của mình, Raïssa Oumansov, vào năm 1904. Hai sinh viên trẻ đã giao ước sẽ tự tử nếu họ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, và nhờ cuộc gặp gỡ với các trí thức Công Giáo, họ đã tìm thấy câu trả lời của họ trong Giáo Hội Công Giáo, Giáo hội mà họ đã gia nhập vào năm 1906. Năm 1910, nhà triết học trẻ tuổi Maritain trở nên say mê với cuốn Summa Theologica [Tổng luận Thần học] của Thánh Tôma Aquinô và tham gia vào cuộc phục hưng Học thuyết Tôma vốn được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII kêu gọi trong thông điệp Aeterni Patris năm 1879 của ngài. Bắt đầu từ năm 1919, ông và Raïssa sẽ tổ chức “Câu lạc bộ Thomist” tập hợp hàng ngũ trí thức Công Giáo đáng chú ý của Paris.

Về mặt chính trị, Maritain liên kết với Action Française, một phong trào do nhà hoạt động chính trị Charles Maurras lãnh đạo, một người theo chủ nghĩa quân chủ, mặc dù ông là một người vô thần, nhưng ông ủng hộ việc tái lập Giáo Hội Công Giáo. Sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XI lên án Action Française vào năm 1926, Maritain đã chấp nhận và bảo vệ quyết định của Đức Giáo Hoàng trong cuốn sách năm 1927 của ông, Primauté du Spirituel (Quyền Tối thượng của Lãnh vực Thiêng liêng). Ở đây, duyệt lại suy nghĩ của mình, lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm của ông về một trật tự chính trị dân chủ tuy không suy tôn Giáo hội nhưng nền chính trị của nó sẽ được sinh động bởi các Kitô hữu nhiệt thành – điều mà sau này ông gọi là thế giới Kitô giáo mới [new Christendom]. Maritain tiếp tục nghiên cứu triết học chính trị qua Giảng khóa Walgreen năm 1949 của ông tại Đại học Chicago, được xuất bản với tên Man and the State năm 1951.

Thành tựu vĩ đại của Maritain là lấy lại tư tưởng của Thánh Tôma để phục vụ việc nêu rõ các nền tảng cho các nguyên tắc công bằng chính trị trong một thế kỷ chiến tranh và bất công chưa từng có. Bên cạnh Thế giới Kitô giáo mới của ông, những nguyên tắc này còn bao gồm chủ nghĩa nhân vị, một học thuyết nhấn mạnh phẩm giá của nhân vị, điều mà các ý thức hệ độc tài cánh tả và cánh hữu đã bóp chết; các nhân quyền; thờ ngẫu thần tối thượng quyền nhà nước; một chủ nghĩa liên bang thế giới chuyển thẩm quyền cho cả các tổ chức quốc tế lẫn địa phương; và một nền kinh tế học theo chủ nghĩa nhân vị. Ông được các chính trị gia và trí thức lỗi lạc ở châu Âu, châu Mỹ Latinh, và Hoa Kỳ, cũng như các viên chức ở Liên Hiệp Quốc và Tòa Thánh, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đọc và tìm tòi.

Maritain nói rõ về Thế giới Kitô giáo mới, kế hoạch chi tiết của ông cho các trật tự chính trị hiện đại, trong cuốn sách được đọc nhiều nhất của ông về chính trị, Integral Humanism [Chủ nghĩa Nhân bản Toàn diện] năm 1936. Thời Trung cổ đã qua đi, ông tuyên bố và cả “bầu trời lịch sử” của thời đại đó, vốn là cấu hình văn minh trong đó chính trị chủ yếu là phương tiện để đạt lợi ích thiêng liêng của con người và xã hội. Ngày nay, “lý tưởng lịch sử cụ thể” là trật tự trần thế hiểu như một “mục đích trung gian”, đáng được theo đuổi trong chính nó và tự chủ trong các mục đích đặc trưng của nó: cung cấp phòng thủ chung, xây dựng đường sá, giáo dục công dân, v.v. Nhà nước hiện đại không tuyên bố mình là Kitô giáo, cấp quyền công dân bình đẳng cho những người không phải là Kitô hữu, bảo vệ quyền tự do của Giáo hội và của những người không phải là Kitô hữu để họ thực hành đức tin của họ, và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền sở hữu và tham gia chính trị của mọi công dân.

Nhưng trật tự chính trị hiện đại của Maritain không hề tước bỏ Kitô giáo. Đức hạnh và sức sống của nó phụ thuộc vào “sự lãnh đạo theo ơn gọi” của các “anh hùng” Kitô giáo, những người, nhờ được truyền ân sủng và được thúc đẩy bởi tình yêu đối với thế giới, sẽ nhắm việc biến đổi các thực tại trần thế theo cách thức được Tin Mừng truyền dạy — và khi làm như vậy, theo đuổi cùng đích thiêng liêng của họ. Thế giới Kitô giáo mới của Maritain sẽ là một “cơ chế chính trị thế tục theo Kitô giáo một cách chủ yếu”.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo

Điều Maritain trình bày trong Integral Humanism và các tác phẩm tiếp theo có thể được gọi là chủ nghĩa tự do Kitô giáo [Christian liberalism]. Chủ nghĩa tự do được định nghĩa một cách cổ điển là một học thuyết chính trị tán thành các quyền và tự do cá nhân, nối kết chặt hẽ với quyền công dân bình đẳng, thượng tôn pháp luật, và sự độc lập của quyền lực thiêng liêng và quyền lực trần thế. Chủ nghĩa tự do của Kitô giáo tán thành những nguyên tắc này theo quan điểm của Kitô giáo chính thống — đối với người Công Giáo, đó là giáo huấn có tính cách tín điều về về đức tin và luân lý. Nó liên quan đến điều được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gọi là “chủ nghĩa thế tục tích cực”, trong đó, thẩm quyền tôn giáo và trần thế vẫn độc lập để cổ vũ sự tham gia mạnh mẽ của tôn giáo vào xã hội và chính trị.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo có khá nhiều đại biểu danh tiếng, bắt đầu là Félicité de Lamennais trong giai đoạn giữa sự nghiệp của ông, Alexis de Tocqueville, Henri-Dominique Lacordaire, John Henry Newman, Hồng Y Henry Edward Manning, Giám mục Wilhelm Emmanuel von Ketteler, Luigi Sturzo, Heinrich Rommen, Robert Schuman, John Courtney Murray, Yves Simon, những người di cư châu Âu đã thành lập The Review of Politics [Tạp chí Chính trị] vào cuối những năm 1930, và dĩ nhiên là chính Maritain.

Trong những năm gần đây hơn, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do Kitô giáo đáng chú ý bao gồm Robert George, Pierre Manent, Nicholas Wolterstorff, Richard John Neuhaus, George Weigel, Michael Novak, Christopher Wolfe, Jean Bethke Elshtain, David VanDrunen, Jonathan Chaplin, John Witte, Mary Ann Glendon, John Finnis và Peter Lawler. Các vị giáo hoàng đã dạy về quyền tự nhiên, hay nhân quyền, trong các thông điệp kể từ thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII vào năm 1891. Tuyên bố của Công đồng Vatican II, Dignitatis Humanae (1965), tuyên bố nhân quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc công dân bình đẳng, các nguyên lý của chủ nghĩa tự do Kitô giáo được các vị giáo hoàng tiếp theo,tán thành mạnh mẽ.

Chủ nghĩa tự do Kitô giáo khác với Kitô giáo tự do vốn bác bỏ các giáo huấn chính thống. Nó cũng khác với mọi hình thức của chủ nghĩa tự do vốn đặt căn bản cho các quyền và tự do trong các học thuyết phủ nhận Thiên Chúa và đề cao việc tự định nghĩa về đạo đức và tôn giáo. Và nó cũng khác với chủ nghĩa thế tục tiêu cực, coi tôn giáo như một lực lượng thoái bộ và tìm cách gạt nó ra khỏi cuộc sống công cộng — một quan điểm mà Maritain đã trực tiếp gặp ở Đệ Tam Cộng hòa của Pháp. Maritain bác bỏ tất cả những học thuyết này như các hình thức của “thói hư căn để” mà ông gọi là chủ nghĩa nhân bản qui nhân (anthropocentric) và gốc rễ của nó nằm trong đường hướng của các nhà tư tưởng từ Machiavelli đến Descartes, Luther, Rousseau và Kant.

Trong mắt các nhà phê bình Maritain hiện nay, những thói hư căn để này đã chiến thắng ở phương Tây, và Thế giới Kitô giáo mới đã thất bại. “Quyền xác định khái niệm hiện hữu riêng của mình,” lý lẽ mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ dùng để biện minh cho việc phá thai, đã củng cố quyền này cùng với việc nhà nước xác nhận và chấp pháp cuộc cách mạng tình dục, sự xói mòn các liên hệ xã hội và tỷ lệ rời bỏ Giáo Hội đáng báo động, nhất là trong giới trẻ.

Tham gia cuộc chỉ trích này đối với các ý tưởng chính trị của Maritain là các quan điểm học thuật đa dạng đương thời. Đối với nhà thần học chính trị William Cavanaugh, Maritain đã gạt Giáo Hội ra bên lề bằng cách dành cho Giáo Hội một vai trò thuần túy thiêng liêng, đầu hàng một nhà nước hiện đại quân phiệt thèm khát tiêu mòn lòng trung thành của công dân. Đối với nhà thần học người Anh và là người sáng lập phong trào chính thống triệt để John Milbank, khái niệm nhân quyền của Maritain kéo theo chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thù nghịch với luật tự nhiên cổ điển của Kitô giáo. Đối với nhà sử học Samuel Moyn, chủ nghĩa nhân vị của Maritain và việc ông cổ vũ các nhân quyền phụ thuộc vào Kitô giáo bảo thủ của những năm 1940.

Mặc dù những người ủng hộ Maritain hiện nay khẳng định rằng ông vẫn cung ứng sự khôn ngoan cho nền chính trị của chúng ta, nhưng họ đồng ý với phần lớn chẩn đoán của các nhà phê bình ông về phương Tây ngày nay. Wilson cho rằng “Giáo Hội đang rối loạn” và “việc tục hóa đạo đức và chính trị [đã] tiếp tục lan nhanh,” trong khi Ross Douthat, nhà báo chuyên mục của New York Times, tin rằng“ sự lạc quan của Maritain chỉ có thời và chết yểu”. Có lẽ Maritain cũng sẽ đồng ý.

Sự suy sụp của nền chính trị Kitô giáo

Dù vậy, câu hỏi là có phải nhà nước thế tục của Maritain đã gây ra hay chịu trách nhiệm về sự
thất bại trong việc ngăn chặn sự sụp đổ của Thế giới Kitô giáo mới của chính ông. Chủ nghĩa thế tục tích cực có chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa thế tục tiêu cực hay không? Chủ nghĩa tự do Kitô giáo có chịu trách nhiệm đối với chủ nghĩa tự do vô thần hay không? Có phải nền văn minh Kitô giáo chỉ có thể được hồi sinh qua Thế giới Kitô giáo cũ?

Lý lẽ này khó có thể đứng vững. Sự suy sụp của Kitô giáo và nền chính trị Kitô giáo có nhiều nguyên nhân, trong số đó có sức mạnh văn hóa của chủ nghĩa tự do tự định nghĩa mình, sự sung túc kinh tế, tác động ăn mòn đạo đức của kỹ thuật, và việc dạy giáo lý kém của chính Giáo Hội, sự tuân theo chủ nghĩa thế tục (tiêu cực), và các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Dựa trên cơ sở nào, người ta có thể chứng minh tác động đặc biệt làm tê liệt tự do tôn giáo và sự độc lập của Giáo Hội và nhà nước?

Một cuộc so sánh giữa các quốc gia nêu lên nghi vấn đối với hậu quả này. Trong khi, như nhà khoa học chính trị Jonathan Fox cho thấy, tất cả các nền dân chủ phát triển trên thế giới đều “tích hợp” hơn Hoa Kỳ — ủng hộ tôn giáo thông qua các biện pháp như tôn giáo được chính thức hóa, Giáo Hội được hỗ trợ thuế và có các ngày lễ tôn giáo — ở hầu hết các nền dân chủ này, các hàng ghế nhà thờ trống rỗng hơn và trống rỗng sớm hơn rất nhiều so với ở Hoa Kỳ. Như thế, đất nước mà Maritain cho là đi gần đúng với lý tưởng chính trị của ông nhất, là nơi có một trong những dân số tôn giáo hơn hết trong số các nền dân chủ, bất chấp sự suy giảm gần đây của nó.

Tự do tôn giáo và quyền công dân bình đẳng cũng đặt ra những rào cản đạo đức đáng kể đối với việc từ bỏ chủ nghĩa thế tục tích cực của Maritain để trở thành một nhà nước tuyên tín. Người ta nói rằng theo giải thích của Thomas Pink, một trong những nhà lý thuyết hàng đầu của chủ nghĩa duy toàn diện, tuyên ngôn Dignitatis Humanae cho phép việc cưỡng chế những người dị giáo đã được rửa tội. Tuy nhiên, nguyên tắc chính của tuyên ngôn hoàn toàn không ép buộc đức tin tôn giáo của bất cứ ai.

Một phản ứng khác đối với chủ nghĩa thế tục (tiêu cực), hiển nhiên là của Maritain, sẽ là sự hồi sinh của đức tin và nền chính trị Kitô giáo. Các nhà phê bình ông có thể coi đề xuất này là ngây thơ và không tưởng. Nhưng liệu một nhà nước tuyên tín có kém không tưởng hơn không? Hơn nữa, lời tố cáo không tưởng khiến những người theo chủ nghĩa phục hưng trở thành những người Pêlagiô, chỉ dựa vào nỗ lực của con người. Các anh hùng của Maritain đúng hơn là công trình của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng hãy nhớ lại rằng lịch sử của Kitô giáo không di chuyển theo một hướng duy nhất theo cách tiền định như Kant, Hegel hoặc Marx đã hình dung, mà đúng hơn, trong các xã hội cũng như trong đời sống con người, là hướng suy sụp và đổi mới, tội lỗi và ân sủng. Niềm hy vọng Kitô giáo không thể chấp nhận sự suy sụp đức tin như một điều không thể tránh khỏi.

Ngay cả ngày nay, các Kitô hữu vẫn thực hành nền chính trị dưới sự che chở của một nhà nước thế tục tích cực, chào đón các di dân, làm việc để chấm dứt án tử hình, trẻ trung hóa nội thành, và rộng dài nhất là bảo vệ những người chưa sinh. Tại thời điểm viết bài này, Tòa án Tối cao đã dự thảo văn kiện lật ngược phán quyết Roe v. Wade, một quan điểm chưa chính thức (1) và sẽ không chấm dứt nạn phá thai hoặc chính trị phá thai gây tranh cãi, nhưng hứa hẹn một chiến thắng mà các tín đồ Kitô giáo đã theo đuổi trong 5 thập niên. Thêm hàng trăm luật của tiểu bang hạn chế phá thai, ba nghìn trung tâm hỗ trợ mang thai và hàng trăm nghìn người tuần hành vì sự sống, qúy vị sẽ thấy cả một phong trào công bằng xã hội lớn nhất thế giới. Trong khi chúng ta phải cầu nguyện cho sự hồi sinh của Thế giới Kitô giáo mới của Maritain, chúng ta có thể nhận xét rằng nó vẫn chưa chết.
_______________________________________________________________________________________
(1) Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã chính thức huỷ bỏ phán quyết Roe v. Wade ngày 24 tháng 6, 2022, 9 ngày trước bài viết của giáo sư Philpott.

Kỳ sau: Tầm nhìn Nam Mỹ về Jacques Maritain
 
VietCatholic TV
Nam Ukraine căng thẳng: 180 lính Nga trúng HIMARS tử trận. Nga mở đường máu rút lui khỏi Kherson
VietCatholic Media
03:13 18/09/2022


1. 180 lính Nga tử trận sau vụ nổ ở nhà máy bông Kherson

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 18 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết bốn vụ nổ mạnh đã được ghi nhận tại một nhà máy sản xuất bông ở Kherson do Nga chiếm giữ, nơi được dùng làm một trại lính và kho chứa vũ khí của quân Nga.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết:

“Kết quả của một hành động hiệu quả của Lực lượng Phòng vệ Ukraine, là 4 vụ nổ mạnh đã được ghi nhận tại kho 2 của Alcoresurs LLC trên lãnh thổ của nhà máy bông Kherson, nơi đóng quân và thiết bị của quân Nga. Các báo cáo sơ khởi cho biết 180 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Phải mất ba chiếc tủ lạnh để đưa thi thể họ ra khỏi thành phố. Báo cáo cho biết thêm hàng chục người khác đã được đưa đến cơ sở y tế Kherson trong tình trạng nguy kịch.”

Tình báo quốc phòng cũng lưu ý trong thông tin báo cáo của mình về hậu quả của các cuộc tấn công vào các vị trí của quân xâm lược trên khắp vùng Zaporizhia. Đặc biệt, tại khu vực định cư Kamianka, Hulyaipole, Polohy, và Kinsky Rozdory, có tới 80 quân địch bị thương, và có tới 5 kho vũ khí bị phá hủy. Có tới 15 người Chechnya thường được gọi là đội quân Kadyrovite, những người gần đây đã đến tác chiến bên cạnh quân Nga, đã tử trận ở khu vực Vasylivka.

Ngoài ra, tại vùng Perevalsk thuộc Luhansk bị chiếm đóng, sáu hỏa tiễn của Ukraine đã gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị đối phương.

Bên cạnh đó, tại Dokuchaevsk, vùng Donetsk, kho lương thực do quân xâm lược dựng lên trong khuôn viên của trung tâm sửa chữa và cơ khí, đã bị phá hủy hoàn toàn.

Tại làng Sadok, vùng Kherson, trận địa pháo của Ukraine đã phá hủy 4 hệ thống rocket phóng hàng loạt Grad.

Như đã đưa tin, số quân nhân Nga tử trận tại Ukraine tính đến ngày 17/9 ước tính là 54.250 người.

2. Ukraine tuyên bố người Nga đang mở các tuyến đường rút lui khỏi khu vực Kherson ở phía nam

Thông tấn xã CNN có bài tường trình nhan đề “Ukraine claims Russians are creating retreat routes from southern Kherson region”, nghĩa là “Ukraine tuyên bố người Nga đang mở các tuyến đường rút lui khỏi khu vực Kherson ở phía nam”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng Nga đang chuẩn bị các tuyến đường rút lui khỏi khu vực Kherson, quân đội Ukraine tuyên bố trong một bản cập nhật hôm thứ Bảy.

Trong bản cập nhật hôm nay, một phát ngôn viên của quân đội Ukraine tuyên bố người Nga đã phá tung 9 toa xe lửa để xây dựng một cầu vượt sông ở thành phố Kakhovka.

“Do các hành động thành công của Lực lượng vũ trang Ukraine trong việc vô hiệu hóa tất cả các đường băng qua sông Dnipro ở mặt trận Kherson, quân xâm lược Nga đang chuẩn bị đường rút lui”, Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Kherson được coi là rất quan trọng để kiểm soát bờ biển phía nam của Ukraine và tiếp cận Hắc Hải. Đây là một trong những khu vực đầu tiên bị quân Nga chiếm đóng khi họ xâm lược gần bảy tháng trước.

Tuần trước, Ukraine tuyên bố họ đã gây thêm tổn thất cho các lực lượng Nga ở phía nam, bao gồm cả ở Kherson.

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Ukraine hồi đầu tháng nói với CNN rằng Kyiv đặt mục tiêu đầy tham vọng là chiếm lại phần lớn Kherson do Nga chiếm đóng vào cuối năm nay.

https://edition.cnn.com/europe/live-news/russia-ukraine-war-news-09-17-22/index.html

3. Ngũ Giác Đài cho biết: Ukraine có thể nhận hệ thống phòng không NASAMS trong vòng 60 ngày

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Could Receive NASAMS Air Defense Systems Within 60 Days: Pentagon”, nghĩa là “Ngũ Giác Đài cho biết: Ukraine có thể nhận hệ thống phòng không NASAMS trong vòng 60 ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Ngũ Giác Đài đã thông báo trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng hai chuyến giao Hệ thống Hỏa tiễn Đất đối không Quốc gia, gọi tắt là NASAMS, dự kiến sẽ đến Ukraine trong vòng hai tháng tới.

NASAMS là hệ thống hỏa tiễn đất đối không có khả năng phát hiện và đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên đến 180 km hay 111,8 dặm. Các hệ thống này được Bộ Quốc phòng ủy quyền lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 7 trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, gọi tắt là USAI, trị giá 770 triệu Mỹ Kim.

“Các hệ thống phòng thủ này sẽ góp phần bảo vệ người Ukraine khỏi các mối đe dọa trên không của đối phương, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái và hỏa tiễn”, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết tại cuộc họp.

Ryder cho biết tính đến thứ Sáu, Mỹ đã cam kết hỗ trợ an ninh khoảng 15,1 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai.

Các hỗ trợ khác được USAI hứa hẹn bao gồm lên tới 150.000 viên đạn pháo 155ly và bốn radar phản pháo bổ sung.

Thông báo từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ được đưa ra khoảng một tuần sau khi một số cuộc phản công thành công từ quân đội Ukraine tái chiếm các khu vực do Nga kiểm soát ở khu vực đông bắc đất nước, bao gồm cả thành phố Izium. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Tư rằng Ukraine đã giành lại thành công hơn 3.000 dặm vuông lãnh thổ trong hai tuần qua.

Mặc dù thành công gần đây, Zelenskiy nói với các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Sáu rằng còn quá sớm để nói khi nào cuộc chiến với Nga có thể kết thúc, nhưng nói rằng ông hy vọng cuộc phản công thành công ở Kharkiv sẽ khuyến khích các nước khác cung cấp viện trợ cho quân đội Ukraine.

Theo Reuters, tổng thống Zelenskiy kêu gọi một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ngũ Giác Đài thông báo trong một thông cáo báo chí hôm thứ Năm rằng chính quyền Biden đã cho phép rút bớt thiết bị an ninh trị giá lên tới 600 triệu Mỹ Kim để gửi đến Ukraine từ kho Bộ Quốc Phòng. Đây là lần thứ 21 Tổng thống cho rút hàng tồn kho quân sự của Mỹ để viện trợ cho Ukraine kể từ tháng 8 năm 2021.

Theo Cơ quan Theo dõi Hỗ trợ Ukraine từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ là nước đóng góp số một cho quân đội Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga.

Theo cơ quan này, từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 3 tháng 8, Mỹ cam kết viện trợ quân sự hơn 25 triệu đô la cho Ukraine, trong khi quốc gia đứng thứ hai là Vương quốc Anh đã viện trợ khoảng 4,03 tỷ đô la. Tuy nhiên, cả hai cam kết viện trợ lên tới xấp xỉ 0,2% GDP của Anh.

Một số nước láng giềng gần gũi hơn của Ukraine đã đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực quân sự trên thu nhập đầu người, bao gồm Estonia và Latvia ở mức xấp xỉ 0,8%, và nước láng giềng phía Tây của Ukraine, Ba Lan, đã đóng góp khoảng 0,4% GDP của họ cho viện trợ quân sự.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc Phòng và Ngũ Giác Đài để đưa ra bình luận.

4. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng Nga có thể không thể chịu nổi sức ép của Ukraine ở Luhansk

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia May Be Unable to Withstand Ukrainian Push in Luhansk: UK”, nghĩa là “Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng Nga có thể không thể chịu nổi sức ép của Ukraine ở Luhansk”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, Nga có khả năng sẽ xây dựng một “hàng phòng thủ cứng đầu” trong khu vực Luhansk ở phía đông Ukraine mặc dù vẫn còn những hoài nghi về việc liệu lực lượng của họ có đủ nguồn lực để đối phó với sức ép hơn nữa của lực lượng Ukraine hay không.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết các lực lượng Ukraine đang tiếp tục phản công ở phía đông bắc và quân đội Nga đã thiết lập tuyến phòng thủ giữa sông Oskil và thị trấn Svatove dọc theo biên giới Luhansk.

Đánh giá cho biết “bất kỳ sự mất mát đáng kể nào về lãnh thổ” ở Luhansk sẽ “phá hoại rõ ràng chiến lược của Nga”.

Các quan chức cho biết: “Nga có thể sẽ cố gắng tiến hành một cuộc phòng thủ kiên cố ở khu vực này, nhưng vẫn chưa rõ liệu các lực lượng tiền phương của Nga có đủ dự trữ hay tinh thần để chống chọi với một cuộc tấn công khác của Ukraine hay không.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để có phản hồi về đánh giá hàng ngày của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, trong đó nhấn mạnh lợi ích của Ukraine và thiệt hại của Nga.

Đang quay cuồng với lợi ích chớp nhoáng của Ukraine trong cuộc phản công, Vladimir Putin dường như đe dọa sẽ gia tăng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự nếu các cơ sở của Nga bị tấn công.

Mặc dù Kyiv không chỉ ra rằng các lực lượng Ukraine sẽ tiến vào Nga, các cuộc tấn công xuyên biên giới đã trở nên thường xuyên hơn trong vài ngày qua.

Valuyki ở vùng Belgorod của Nga, phía bên kia biên giới với Ukraine đã bị tấn công hôm thứ Sáu. Theo thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov, một dân thường thiệt mạng và hai người bị thương trong vụ pháo kích. Thị trấn là nơi đặt căn cứ của Sư đoàn súng trường cơ giới số 3 của Nga.

Hôm thứ Sáu, ông Putin nói rằng Mạc Tư Khoa đã “rất kiềm chế trong phản ứng của chúng tôi” trước các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở của họ mà không nói rõ thêm. Ông khẳng định không cần thiết phải điều chỉnh lại mục tiêu quân sự của Nga là “giải phóng” toàn bộ khu vực Donbas của Ukraine.

Viện nghiên cứu chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết ông Putin có lẽ đang nhắm vào những lời bình luận của các blogger quân sự Nga, những người đã chỉ trích Điện Cẩm Linh không bảo vệ lãnh thổ Nga và không có phản ứng thích đáng.

“Putin ngày càng thể hiện quyết tâm xoa dịu các blogger quân sự Nga và các khu vực bầu cử mà họ nói chuyện”, ISW nói, “ngay cả khi quân đội Nga và Bộ Quốc phòng Nga phải trả giá” cho chiến lược mị dân đó của Putin.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Sáu rằng “thế giới phải phản ứng” trước việc phát hiện ra một khu chôn cất tập thể hơn 440 thi thể ở thành phố Izium đã được tái chiếm ở phía đông.

5. Nga phản ứng trước cảnh báo của Biden dành cho Putin là không được sử dụng vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Responds to Biden's Warning to Putin Not to Use Nuclear Weapons”, nghĩa là “Nga phản ứng trước cảnh báo của Biden dành cho Putin là không được sử dụng vũ khí hạt nhân”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Điện Cẩm Linh đã đưa ra phản ứng cộc lốc khi được hỏi về lời cảnh báo của Joe Biden rằng nhà lãnh đạo Nga không nên sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt trong cuộc xâm lược Ukraine.

Biden đã được CBS News hỏi về thông điệp của ông đối với Putin là gì nếu Putin cảm thấy cách tốt nhất để trả đũa và giành lại chiến thắng trong cuộc chiến này là sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hóa học.

Tổng thống Mỹ trả lời “đừng, đừng, đừng” và nói thêm rằng một hành động như vậy sẽ “thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ điều gì kể từ Thế chiến thứ hai”.

Khi được hỏi về phản ứng trước tuyên bố này, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng: “Hãy đọc học thuyết. Mọi thứ đều được viết ở đó,” RIA Novosti đưa tin.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể theo sau “một hành động gây hấn chống lại Nga hoặc đồng minh của họ bằng việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt” hoặc nếu quốc gia này phải đối mặt với sự xâm lược “khi chính sự tồn tại của nhà nước đang bị đe dọa”.

Trong suốt cuộc chiến, đã có nhiều thông điệp trái chiều đến từ Mạc Tư Khoa về triển vọng vũ khí hạt nhân được triển khai.

Ngay sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Khách mời và những người đứng đầu các kênh truyền hình nhà nước tuyên truyền cho các suy nghĩ của Điện Cẩm Linh đã thường xuyên mô tả các khả năng hạt nhân của Nga và triển vọng sử dụng chúng như một phần trong nỗ lực chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước cho biết vũ khí hạt nhân là không cần thiết từ góc độ quân sự và “mục tiêu chính của kho vũ khí hạt nhân của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân”.

Peskov, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trước đó đã nói rằng sẽ chỉ sử dụng vũ khí thông thường ở Ukraine.

Nga có khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng ở khoảng cách tương đối ngắn trong khi vũ khí hạt nhân “chiến lược” có thể được phóng ở khoảng cách xa hơn nhiều và làm tăng triển vọng của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Ngày càng có nhiều suy đoán về việc Putin sẽ làm gì tiếp theo sau một cuộc rút lui bẽ mặt ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine và đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực.

Rose Gottemoeller, Phó tổng thư ký NATO từ 2016 đến 2019, trước đó nói với Newsweek rằng bà lo ngại Putin có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Nhưng vẫn có sự hoài nghi về việc liệu một động thái như vậy có ích gì cho Putin hay không.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu tại Đại học Wesleyan, Connecticut cho biết: “Một cuộc tấn công hạt nhân sẽ có tác động gây sốc nhưng nó không có khả năng răn đe Ukraine, và nó chỉ nhằm mục đích thống nhất phương Tây và khiến các đồng minh của Nga như Trung Quốc quay lưng lại với Putin.

6. Nghị sĩ Ukraine nhận định rằng thành công gần đây của Ukraine thúc đẩy phương Tây đưa thêm vũ khí

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Recent Success Boosts Case for More Western Arms: Ukraine MP”, nghĩa là “Nghị sĩ Ukraine nhận định rằng thành công gần đây của Ukraine thúc đẩy phương Tây đưa thêm vũ khí”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Một nghị sĩ Ukraine nói, thành công của cuộc phản công của lực lượng Kyiv sẽ thuyết phục các đồng minh cung cấp thêm vũ khí để chống lại sự hung hăng của Vladimir Putin.

Kira Rudik, người đứng đầu đảng Golos trong Quốc hội Ukraine, gọi tắt là Rada, cho rằng, để lực lượng của Kyiv duy trì động lực tái chiếm lãnh thổ ở khu vực đông bắc Kharkiv, các nước phương Tây cần tăng cường cung cấp vũ khí.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy cho biết các lực lượng của ông đã tái chiếm hơn 3.000 dặm vuông trong sáu ngày, và Putin, đối mặt với quân số cạn kiệt, đang phải chịu áp lực về việc phải làm gì tiếp theo.

“Đây là sự thúc đẩy tinh thần mà chúng tôi rất cần kể từ đầu cuộc chiến,” Rudik nói với Newsweek. “Đó là một lập luận hợp lý và thực tế khi nói 'hãy cung cấp cho chúng tôi nhiều vũ khí hơn và chúng tôi có thể cho bạn thấy những gì chúng tôi có thể làm.'“

Các nhà phân tích đã suy đoán rằng một cuộc phản công thành công có thể thúc đẩy hoặc ít nhất là duy trì sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Kyiv, đặc biệt quan trọng trong những tháng mùa đông sắp tới. Một cuộc tấn công bị chùn bước có thể đã gây ra tác dụng ngược lại, chẳng hạn, có khả năng gây áp lực buộc Kyiv phải đồng ý một dàn xếp chấp nhận mất lãnh thổ.

Hôm thứ Bảy, cố vấn của Zekensky, Mykhailo Podolyak, kêu gọi các nước Âu Châu cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn “hiện đại và hiệu quả”. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, đã công khai hỏi tại sao Berlin chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng, bao gồm cả xe tăng Leopard.

Rudik cho biết: “Khi chiếm lại Kharkiv, các lực lượng Ukraine đã lấy được nhiều xe tăng hơn số lượng xe tăng do Đức cung cấp kể từ đầu cuộc chiến.”

“Tôi tin rằng chúng tôi có nhiều khả năng chiến lược và chiến thuật để lấy lại những gì là của chúng tôi và tôi tin rằng đây sẽ là một lý lẽ tốt cho các đồng minh của chúng tôi.”

Cựu tướng NATO Sir Richard Shirreff, người từng là Phó chỉ huy tối cao của đồng minh Âu Châu từ năm 2011 đến 2014, nói với Newsweek trong tuần này rằng liên minh nên tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv bao gồm cung cấp các máy bay phản lực như F-16, mặc dù sẽ mất thời gian để đào tạo các phi công Ukraine..

“Chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì.” Rudik nói “hãy cho chúng tôi máy bay phản lực và bạn sẽ thấy những gì chúng tôi có thể làm.”

Những thành tựu gần đây đến với các lực lượng của Kyiv vào thời điểm quan trọng về mặt chiến lược nhưng nhiệm vụ sẽ là giữ vững các lãnh thổ đã chiếm lại được và thời gian là điều cốt yếu.

Rudik cho biết: “Chúng tôi còn khoảng một tháng rưỡi cho đến khi đợt lạnh ập đến và gần như không thể chiến đấu từ cả hai phía, vì vậy bất cứ thứ gì chúng tôi sẽ gánh chịu vào mùa đông sẽ vẫn ở bên chúng tôi và sẽ dễ bảo vệ hơn”. “Đây là lý do tại sao chúng tôi đang làm những điều được coi là không thể để lấy lại lãnh thổ của chúng tôi và giải phóng người dân của chúng tôi,” cô nói.

Tuy nhiên, cuộc giải phóng đã có những vị đắng với những bằng chứng mới về hậu quả nghiệt ngã của sự chiếm đóng của Nga.

Hôm thứ Sáu, các quan chức Ukraine đã khai quật hàng trăm thi thể từ một ngôi mộ tập thể trong một khu rừng ở rìa thành phố Izium, Zelenskiy nói rằng một số có dấu hiệu bị tra tấn.

Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc quân đội của họ thực hiện các hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh và Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để đưa ra bình luận.

Tuy nhiên, khám phá ở Izium có tiếng vang của những gì đã được phát hiện ở các thành phố khác như Bucha và Irpen.

Trong khi Rudik nói chuyện với Newsweek một ngày trước vụ khai quật ở Izium, cô ấy nói “có rất nhiều người Ukraine hiện đang sống ở” những nơi như Bucha và Irpen, những người đang “đau khổ và bị tra tấn.”

Đoạn phim cho thấy những người Ukraine rơi nước mắt chào những người lính của họ và lá cờ màu xanh và vàng được treo lên một cách tự hào tại các thị trấn đã được tái chiếm.

Rudik nói: “Có một sự khác biệt lớn giữa động cơ của binh sĩ Ukraine và binh sĩ Nga.

“ Vào buổi sáng, khi một người lính Ukraine thức dậy, anh ấy cầu nguyện với Chúa và nói, 'hôm nay con sẽ chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của mình, con sẽ giải phóng mẹ, em gái và đất đai của mình cho dù nếu con làm như vậy, con có thể chết vì điều đó. Vì thế, hãy giúp con, Chúa ơi'“.

“Những người lính Nga thức dậy và nói, 'hôm nay con có thể chết vì bảo vệ một tòa nhà chính quyền nào đó ở giữa hư không. Con có nên làm điều này không?'“
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ Kazakhstan
VietCatholic Media
05:52 18/09/2022


1. Cuộc viếng thăm Kazakhstan của Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Kazakhstan. Vị đầu tiên là thánh Gioan Phaolô II. Ngài đến thăm nước này trong hơn ba ngày, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng Chín năm 2001, trước khi sang thăm nước Armeni. Cuộc viếng thăm của ngài được 500 ký giả, trong đó có 300 người đến từ nước ngoài, đến Kazakhstan để theo dõi và tường thuật các hoạt động của Đức Giáo Hoàng.

Cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II bấy giờ có chủ đề là: “Các con hãy yêu mến nhau”. Giới răn này của Chúa có tầm quan trọng đặc biệt đối với xã hội Kazakhstan, với hàng trăm nhóm chủng tộc và quốc tịch, thuộc các tôn giáo khác nhau, Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu mến nhau” có thể là một yếu tố căn bản đối với tương lai của quốc gia này.

Trong ý hướng đó, ngay từ diễn văn đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã đặc biệt khuyến khích sự sống chung hòa bình giữa các chủng tộc tại Kazakhstan và nói rằng:

“Ngày nay, tại đất nước anh chị em là một trong những nước rộng lớn nhất thế giới, các công dân thuộc hàng trăm chủng tộc và sắc dân sống cạnh nhau, mỗi chủng tộc đều được Hiến pháp bảo đảm cùng những quyền lợi và tự do. Tinh thần cởi mở và cộng tác này thuộc về truyền thống của anh chị em, vì Kazakhstan luôn là một phần đất có nhiều chủng tộc và văn hóa cùng sống chung với nhau...

“Hỡi các dân tộc quý mến tại Kazakhstan! Sau khi đã học được những kinh nghiệm từ quá khứ xa gần của anh chị em, đặc biệt là từ những biến cố đau thương của thế kỷ XX, anh chị em cần làm sao để sự dấn thân phục vụ đất nước của anh chị em, luôn dựa trên sự bảo tồn tự do, vốn là một quyền bất khả nhượng và là khát vọng sâu xa của mỗi người. Đặc biệt là nhìn nhận quyền tự do tôn giáo, làm cho con người được biểu lộ những tín ngưỡng sâu thẳm nhất của mình. Trong mỗi xã hội, nếu các công dân chấp nhận nhau về phương diện tín ngưỡng, thì sẽ dễ cổ võ nơi họ sự nhìn nhận thực sự các nhân quyền khác và hiểu các giá trị làm nền tảng cho sự sống chung hòa bình và sinh nhiều lợi ích. Thực vậy, họ cảm thấy một mối dây liên hệ chung với ý thức mình là anh chị em với nhau, vì cùng là con của một Thiên Chúa đấng tạo dựng vũ trụ.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kết luận rằng: “Dân tộc Kazakhstan yêu quý, một sứ mạng đầy thách đố đang chờ đợi anh chị em: đó là xây dựng một quốc gia dưới lá cờ tiến bộ đích thực, trong liên đới và hòa bình. Hỡi Kazakhstan, lãnh thổ của các vị tử đạo và của các tín hữu, đất của những người bị lưu đày và của các anh hùng, đất của các nhà trí thức và nghệ sĩ, đừng sợ gì! Nếu những vết thương gây ra cho anh chị em vẫn còn sâu đậm, nếu những khó khăn và chướng ngại còn cản trở công cuộc tái thiết về tinh thần và vật chất của anh chị em, anh chị em sẽ tìm được sự khích lệ trong câu nói của đại văn hào Abai Kunanbai: “Yêu thương và công lý là những nguyên tắc của nhân loại, các nguyên tắc đó là kết quả công trình của Đấng Tối Cao”.

2. Tông du Kazakhstan, Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ

Hồi 10 giờ 30 ngày 15, tháng 9, tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ thân mật các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ.

Sau đây là bài nói chuyện của ngài:

Anh em giám mục, linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và các nhân viên mục vụ thân yêu, xin chào buổi sáng!

Tôi hân hạnh được cùng anh chị em chào đón Hội đồng Giám mục Trung Á và gặp gỡ một Giáo hội có rất nhiều khuôn mặt, lịch sử và truyền thống khác nhau, tất cả đều hiệp nhất bởi một đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi cảm ơn Đức cha Mumbiela Sierra vì những lời chào hỏi ân cần của ngài, trong đó ngài nói rằng “hầu hết chúng con là người nước ngoài”. Đó là sự thật, vì anh chị em đến từ nhiều nơi và quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Giáo hội phát xuất từ việc chúng ta là một gia đình, trong đó không ai là xa lạ. Tôi xin nhắc lại: trong Giáo Hội, không ai là khách lạ! Chúng ta là Dân thánh duy nhất của Thiên Chúa, được làm giàu bởi vô số dân tộc! Sức mạnh của dân tộc tư tế và thánh thiện này chính là ở khả năng múc tỉa sự phong phú từ sự đa dạng này, bằng cách chia sẻ với nhau việc chúng ta là ai và chúng ta có những gì. Thật vậy, “sự nhỏ bé” của chúng ta được tăng lên khi nó được chia sẻ.

Đoạn Kinh thánh chúng ta vừa nghe nói rất rõ điều này. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được bày tỏ cho mọi dân tộc. Không chỉ dành cho những người được chọn, hoặc cho một tầng lớp tôn giáo, mà cho tất cả mọi người. Thật vậy, như thánh Tông đồ giải thích, giờ đây mỗi người chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, vì mọi dân tộc “đã trở thành những người đồng thừa kế, những chi thể trong cùng một thân thể, và thông phần vào lời hứa trong Chúa Kitô Giêsu qua Tin Mừng” (Ep 3, 6).

Tôi muốn nhấn mạnh hai hạn từ được Thánh Phaolô sử dụng: những người thừa kế và lời hứa. Mặt khác, mỗi Giáo hội đặc thù là người thừa kế một lịch sử trước đó. Nó luôn luôn được sinh ra từ sự công bố về Tin Mừng ban đầu, về một sự kiện trước đó, của các tông đồ và những người truyền bá Tin Mừng, những người đã thiết lập nó dựa trên lời hằng sống của Chúa Giêsu. Mặt khác, mọi Giáo Hội đều là cộng đồng của những người đã thấy lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và là những người, trong tư cách con cái của sự sống lại, sống trong hy vọng về một ứng nghiệm trong tương lai. Chúng ta được tiền định hưởng vinh quang đã hứa, vinh quang mà ngay bây giờ cũng đã tràn ngập trên hành trình của chúng ta một cách đầy hy vọng và mong đợi. Người thừa kế và lời hứa. Quá khứ chúng ta được thừa hưởng là ký ức của chúng ta, và lời hứa của Tin Mừng là tương lai của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta. Đó là điều tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm: một Giáo hội đang hành trình xuyên suốt lịch sử giữa ký ức và tương lai.

Đầu tiên, ký ức. Nếu ở đất nước rộng lớn, đa văn hóa và đa tôn giáo này, ngày nay chúng ta thấy các cộng đồng Kitô giáo sôi động và cảm thức tôn giáo hiện diện trong cuộc sống của người dân, điều này trên hết là nhờ vào lịch sử phong phú có trước anh chị em. Tôi nghĩ tới việc truyền bá Kitô giáo ở Trung Á, vốn đã bắt đầu từ những thế kỷ đầu tiên, của nhiều người truyền bá Tin Mừng và những nhà truyền giáo, những người đã dành cả cuộc đời của mình để truyền bá ánh sáng Tin Mừng, thành lập các cộng đồng, đền thờ, tu viện và nơi thờ phượng. Chúng ta cần tôn vinh và bảo tồn di sản Kitô giáo và đại kết, việc lưu truyền đức tin này, vốn diễn ra nhờ rất nhiều những con người bình thường, nhờ rất nhiều ông bà, cha và mẹ. Trên hành trình thiêng liêng và giáo hội của chúng ta, chúng ta phải luôn nhớ đến những người đầu tiên đã rao truyền đức tin cho chúng ta. Thật vậy, hành động tưởng nhớ này truyền cảm hứng cho chúng ta suy gẫm về những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, ngay giữa những khó khăn của cuộc sống và những giới hạn của bản thân và cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý. Đó không phải là nhìn lại với nỗi tiếc nuối, mắc kẹt trong quá khứ và để bản thân tê liệt và bất động. Khi làm như thế, chúng ta bị cám dỗ lùi bước. Thay vào đó, khi Kitô hữu nhìn lại và nhớ lại quá khứ, họ càng ngạc nhiên trước mầu nhiệm Thiên Chúa, lòng họ tràn đầy ngợi khen và biết ơn về những gì Chúa đã hoàn thành. Thật vậy, những tấm lòng biết ơn tràn ngập ca ngợi không nuôi dưỡng tiếc nuối, nhưng chào đón mỗi ngày như một ân sủng. Họ háo hức lên đường, tiến về phía trước, để truyền bá lời nói về Chúa Giêsu, giống như các phụ nữ và các môn đệ ở Emmau vào ngày lễ Phục sinh!

Ký ức sống động và đầy kinh ngạc về Chúa Giêsu mà chúng ta gợi nhớ hơn cả trong Bí tích Thánh Thể, là sức mạnh của một tình yêu thúc đẩy chúng ta. Nó là kho báu của chúng ta. Không có ký ức, chúng ta thiếu kinh ngạc. Khi chúng ta mất đi ký ức sống động đó, đức tin, lòng sùng mộ và các hoạt động mục vụ của chúng ta có nguy cơ chết dần, biến mất như một ánh chớp trong chảo, cháy sáng nhưng sau đó nhanh chóng lụi tàn. Khi chúng ta mất ký ức, niềm vui sẽ biến mất. Lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em của chúng ta cũng mất dần đi, bởi vì chúng ta rơi vào cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta. Cha Ruslan nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: làm linh mục đã là một điều gì đó tuyệt vời, vì trong đời sống linh mục, chúng ta nhận ra rằng những gì diễn ra không phải là công trình của chúng ta, nhưng xuất hiện như một hồng phúc từ Thiên Chúa. Và Sơ Clara, khi nói về ơn gọi của mình, trước tiên muốn cảm ơn những người đã chia sẻ Tin Mừng với sơ. Cảm ơn vì những lời chứng này, mời gọi chúng ta ghi nhớ với lòng biết ơn những gì chúng ta đã thừa hưởng.

Xem xét kỹ hơn về sự kế thừa này, chúng ta thấy gì? Thấy đức tin không được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một tập hợp các ý tưởng cần được hiểu và tuân theo, như một quy tắc cố định và bất hủ. Không, đức tin của chúng ta đã được truyền qua cuộc sống, qua các nhân chứng đã rõi ánh sáng Tin Mừng lên những hoàn cảnh khác nhau nhằm soi sáng và thanh tẩy chúng, và truyền bá hơi ấm an ủi của Chúa Giêsu, niềm vui của tình yêu cứu rỗi và niềm hy vọng của Người. Như thế, nhờ ký ức, chúng ta học được rằng đức tin phát triển nhờ việc làm chứng. Mọi thứ khác xẩy ra sau đó. Đó là lời kêu gọi dành cho mọi người. Tôi muốn nhắc lại điều này: dành cho mọi người, cho giáo dân, giám mục, linh mục, phó tế, và những người nam nữ thánh hiến đang làm việc nhiều cách khác nhau trong đời sống mục vụ của cộng đồng chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi làm chứng cho chính trái tim của ơn cứu rỗi, cho sự mới mẻ của Chúa Giêsu, cho sự mới mẻ chính Chúa Giêsu! Đức tin không phải là một cuộc triển lãm đáng yêu về các đồ tạo tác từ quá khứ xa xôi hay một viện bảo tàng, nhưng là một sự kiện luôn hiện hữu, một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đang diễn ra ở đây và bây giờ trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể lưu truyền nó bằng cách chỉ lặp lại những điều cũ kỹ, nhưng bằng cách truyền đạt sự mới mẻ của Tin Mừng. Bằng cách này, đức tin mãi sống động và có một tương lai. Như tôi hay nói, đức tin được lưu truyền qua “tiếng mẹ đẻ”.

Do đó, chúng ta đi đến hạn từ thứ hai: tương lai. Nhớ về quá khứ không làm chúng ta khép mình vào chính mình; nó mở cửa để chúng ta tiến vào lời hứa Tin Mừng. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ luôn ở với chúng ta, như vậy Người không chỉ là một lời hứa về tương lai. Ngày nay, chúng ta được mời gọi đón nhận sự đổi mới mà Chúa Giêsu Phục sinh đang mang lại trong cuộc sống của chúng ta. Bất chấp những điểm yếu của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi khi ở bên chúng ta, cùng chúng ta xây dựng tương lai của Giáo hội của Người và của chúng ta.

Đương nhiên, khi đối diện nhiều thách thức đối với đức tin - tôi đặc biệt nghĩ đến những thách thức liên quan đến sự tham gia của những người trẻ vào đời sống của Giáo hội, những vấn đề và khó khăn của cuộc sống, và số lượng hạn chế những người thực hành đức tin trong một đất nước rộng lớn như đất nước này -, chúng ta có thể cảm thấy “nhỏ bé” và không thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn mọi sự bằng cái nhìn tràn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng “nhỏ bé”, nghèo nàn về tinh thần, là một phước lành, một mối phúc, và thực sự là mối phúc đầu tiên (x. Mt 5: 3). Vì một khi thừa nhận sự nhỏ bé của mình, chúng ta có thể khiêm tốn phó mình cho quyền năng của Thiên Chúa, Đấng dạy chúng ta không dựa Giáo Hội vào khả năng của chính chúng ta. Đây là một ân sủng! Tôi xin nhắc lại: có một ân sủng tiềm ẩn khi trở thành một Giáo hội nhỏ bé, một đoàn chiên nhỏ bé, vì thay vì phô trương sức mạnh, số lượng, cơ cấu của chúng ta và những điều khác quan trọng về mặt con người, chúng ta có thể để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm nhường đến gần những người khác. Không giàu trong điều gì và nghèo trong mọi điều, chúng ta hãy bước đi một cách đơn sơ cùng với anh chị em của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Như men trong bột và như hạt nhỏ nhất gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), mong sao chúng ta hòa mình vào những biến cố vui buồn của xã hội trong đó chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong.

Làm người bé nhỏ cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không tự lấy mình làm đủ: chúng ta cần Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần những người khác, mọi người khác: các anh chị em Kitô hữu của chúng ta thuộc các giáo phái khác, những người giữ niềm tin tôn giáo khác với niềm tin của chúng ta, tất cả những người đàn ông và đàn bà có thiện chí. Mong sao chúng ta nhận ra, trong tinh thần khiêm tốn, rằng chỉ cùng với nhau, trong đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, chúng ta mới có thể thực sự đạt được điều gì đó tốt đẹp vì lợi ích của tất cả mọi người. Đó là nhiệm vụ đặc biệt của Giáo Hội tại đất nước này: không phải là một nhóm bị sa lầy vào cùng một cách làm việc cũ kỹ, hoặc thu mình vào trong vỏ bọc của nó vì cảm thấy nhỏ bé, nhưng là một cộng đồng cởi mở đón nhận tương lai của Thiên Chúa, bừng cháy với Thần Khí của Người. Một cộng đồng sống động, tràn đầy hy vọng, cởi mở đón nhận sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần và các dấu chỉ thời đại, được soi dẫn bởi thí dụ trong Tin Mừng về hạt giống nhỏ bé đang phát triển và sinh hoa kết trái trong tình yêu khiêm tốn và sáng tạo. Vì bằng cách này, lời hứa ban sự sống và phước lành mà Thiên Chúa Cha đổ xuống trên chúng ta qua Chúa Giêsu không những lớn lên trong đời sống chúng ta, mà còn thành ứng nghiệm trong đời sống của người khác.

Điều này xảy ra bất cứ khi nào chúng ta sống trong tình huynh đệ với nhau, bất cứ khi nào chúng ta quan tâm đến người nghèo và những người đau khổ, bất cứ khi nào chúng ta làm chứng cho công lý và sự thật trong các mối liên hệ cá nhân và xã hội của chúng ta, bác bỏ tham nhũng và giả dối. Các cộng đồng Kitô giáo, và đặc biệt là các chủng viện, phải là “trường học của sự chân thành”, không phải là nơi cứng ngắc và hình thức, mà là cơ sở đào tạo trong sự thật, cởi mở và chia sẻ. Chúng ta hãy nhớ rằng trong cộng đồng của chúng ta, tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Tất cả chúng ta đều là môn đệ: mỗi người chúng ta đều cần thiết, và tất cả đều có phẩm giá bình đẳng. Không chỉ giám mục, linh mục và những người thánh hiến, nhưng mỗi người trong số những người đã được rửa tội. Chúng ta đã được hòa mình vào sự sống của Chúa Kitô và như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, mỗi người được mời gọi thừa hưởng và đón nhận lời hứa của Tin Mừng. Như thế, chúng ta phải nhường chỗ cho giáo dân, và đây là một điều tốt, kẻo cộng đồng của chúng ta trở nên cứng ngắc hoặc giáo sĩ trị. Một Giáo hội đồng nghị, đang hành trình hướng tới tương lai của Chúa Thánh Thần, là một Giáo hội hoan hô sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm. Một Giáo hội, được hình thành trong sự hiệp thông, có thể ra đi để gặp gỡ thế giới. Tôi có ấn tượng trước một chủ đề lặp đi lặp lại trong tất cả các chứng từ được nghe. Kirill, cha của một gia đình, cũng như Cha Ruslan và các Nữ tu nhắc nhở chúng ta rằng, trong Giáo hội, được lên khuôn bởi Tin Mừng, chúng ta học được việc chuyển dịch từ ích kỷ sang tình yêu thương vô điều kiện. Điều này có nghĩa là đi ra khỏi chính chúng ta. Mỗi chúng ta phải làm điều đó không ngừng. Tất cả chúng ta cần nuôi dưỡng ơn phúc đã nhận được trong Bí tích Rửa tội. Hồng phúc này truyền cảm hứng cho chúng ta, dù chúng ta ở bất cứ đâu - trong các buổi nhóm họp giáo hội, trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội - để chúng ta trở thành những người nam và những người nữ của sự hiệp thông và hòa bình, gieo hạt giống tốt ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Sự cởi mở, vui vẻ và chia sẻ là những dấu hiệu của Giáo hội mới thành lập, và của Giáo hội ngày mai. Chúng ta hãy ước mơ và, với ân sủng của Thiên Chúa, làm việc cho một Giáo hội ngày càng tràn ngập niềm vui của Chúa Phục sinh, không sợ hãi và không cam chịu, bác bỏ sự cứng ngắc, giáo điều và dạy đời.

Anh chị em thân mến, mong sao tất cả các điều này có được nhờ sự chuyển cầu của các nhân chứng đức tin vĩ đại của đất nước này. Ở đây, tôi nghĩ đến Chân phước Bukowiński, một linh mục đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc những người bệnh tật, những người bị ruồng bỏ và những người khốn khó, và đã trả giá cho sự trung thành với Tin Mừng bằng tù đày và lao động khổ sai. Tôi được biết ngay trước khi được phong chân phước, luôn có những bó hoa tươi và một ngọn nến thắp sáng trên ngôi mộ của ngài. Điều này xác nhận rằng dân Chúa có thể nhận ra sự thánh thiện, và một mục tử yêu mến Tin Mừng. Ở đây, tôi muốn nói một lời đặc biệt với các giám mục, linh mục và chủng sinh: sứ mệnh của chúng ta không phải là người quản lý thánh thiêng hay những người chấp pháp các quy tắc tôn giáo, mà là những mục tử gần gũi với dân của mình, những biểu tượng sống động của trái tim từ bi của Chúa Kitô. Tôi cũng muốn nhắc đến những chân phước tử đạo Công Giáo Hy Lạp - Giám mục Budka, Cha Zaryczkyj, và Gertrude Detzel - hiện đã bắt đầu tiến trình phong chân phước. Như Miroslava đã nói với chúng ta, các ngài đã mang tình yêu của Chúa Kitô đến với thế giới. Anh chị em là người thừa kế của các ngài, vì vậy hãy là hứa hẹn của mùa thánh thiện mới nở hoa!

Xin anh chị em biết rằng tôi gần gũi với anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em đón nhận phần thừa kế thiêng liêng của mình với niềm vui và làm chứng cho nó một cách đại lượng, để tất cả những người anh chị em gặp gỡ có thể nhận ra rằng cũng có một hứa hẹn hy vọng dành cho họ. Tôi đồng hành với tất cả anh chị em bằng những lời cầu nguyện của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy phó mình cách đặc biệt cho Trái tim của Mẹ Maria Rất Thánh, đấng mà anh chị em hết sức tôn kính như Nữ Vương Hòa Bình. Tôi đã được biết một dấu hiệu đẹp đẽ về tình mẫu tử của ngài từng diễn ra vào thời điểm khó khăn khi nhiều người bị trục xuất và những người khác bị buộc phải bỏ đói và chết cóng. Là một người Mẹ dịu dàng và quan tâm, Mẹ đã lắng nghe những lời cầu nguyện mà các con của Mẹ dâng lên Mẹ. Giữa mùa đông lạnh buốt giá, tuyết tan nhanh để lộ ra một hồ nước đầy cá, nuôi sống nhiều người sắp chết đói. Tương tự, xin Đức Mẹ làm tan chảy những trái tim lạnh giá, lấp đầy cộng đồng của chúng ta bằng một tình huynh đệ mới, và ban cho chúng ta niềm hy vọng và lòng nhiệt thành mới đối với Tin Mừng! Tôi cảm ơn từng người trong số anh chị em và với tình cảm rất lớn, tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em. Và tôi xin anh chị em, vui lòng, cầu nguyện cho tôi.
 
Diễn biến bất ngờ: Phòng tuyến dọc sông Oskil của quân Putin sụp đổ, hàng trăm lính Nga tử trận
VietCatholic Media
16:27 18/09/2022


1. Phòng tuyến trên sông Oskil của quân Nga sụp đổ, quân Ukraine vượt qua được sông Oskil pháo như mưa vào quân Nga đang vội vã tháo chạy

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington, các lực lượng Ukraine đã gây bất ngờ khi vượt qua được sông Oskil khi họ cố gắng tấn công nhằm vào lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

ISW cho biết trong báo cáo hôm nay rằng hình ảnh vệ tinh mà họ kiểm tra cho thấy lực lượng Ukraine đã vượt qua bờ đông của Oskil ở Kupiansk, đặt pháo ở đó bắn như mưa vào quân Nga để yểm trợ cho các binh sĩ Ukraine đang tiếp tục vượt sông.

Theo hãng tin AP, con sông chảy về phía nam từ Nga vào Ukraine, đã từng là một giới tuyến tự nhiên khiến quân Ukraine phải dừng lại sau chiến thắng cách đây một tuần tại Izium.

ISW cho biết: “Các lực lượng Nga có khả năng quá yếu để ngăn chặn những bước tiến của Ukraine dọc theo toàn bộ sông Oskil nếu các lực lượng Ukraine quyết định tiếp tục các hoạt động tấn công theo hướng này”.

Trong bối cảnh quân Nga xuống tinh thần, và kiệt quệ, theo ISW, quân Ukraine không chỉ có khả năng tái chiếm các vùng lãnh thổ quân Nga chiếm trong cuộc xâm lược này mà cả những vùng do Nga chiếm từ năm 2014.

Mất Kupiansk và Izium, khả năng hậu cần của Nga vốn đã tệ hại vì nạn tham nhũng trong quân đội Nga, giờ đây còn mong manh hơn. Nhiều xe tăng Nga bị bỏ lại đơn giản là vì hết nhiên liệu sau khi quân Ukraine chiếm lại được Kupiansk và Izium. Các bloggers quân sự Nga ủng hộ Điện Cẩm Linh cáo buộc Tiệp và Slovakia cử công binh sang Ukraine sửa chữa các xe tăng và thiết giáp Nga bị Ukraine tịch thu để họ sử dụng chống lại quân Nga. Không biết điều đó có đúng sự thật hay không. Tuy nhiên, trước đây Tiệp và Slovakia đã từng cam kết sẽ giúp quân Ukraine sửa chữa các xe tăng và thiết giáp của Ukraine.

2. Quân đội Ukraine phá hủy căn cứ của đối phương ở Svatove, vùng Luhansk

Như bản tin chúng tôi vừa nêu, Viện Nghiên Cứu chiến tranh Hoa Kỳ cho biết trong báo cáo hôm nay rằng hình ảnh vệ tinh mà họ kiểm tra cho thấy lực lượng Ukraine đã vượt qua bờ đông của Oskil ở Kupiansk, đặt pháo ở đó bắn như mưa vào quân Nga để yểm trợ cho các binh sĩ Ukraine đang tiếp tục vượt sông.

Trong bản báo cáo chiều Chúa Nhật 18 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công chính xác vào một bến xe buýt ở Svatove trong vùng Luhansk, nơi đóng quân của Nga. Cuộc tấn công này xuất phát từ bờ sông Oskil.

Ông Serhiy Hayday cho biết như sau:

“Tại Svatove, quân Nga đã tập trung trong một bến xe buýt từ 200 đến 300 quân. Tất cả đã bốc hơi.”

Trước đó, Haidai đã đề cập đến Svatove như một nơi yên nghỉ khác của những kẻ xâm lược Nga ở Ukraine nhưng không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào.

Xin nhắc lại rằng, trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tấn công 13 cụm quân và thiết bị quân sự và ba vị trí đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương. Ngoài ra, các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi 5 máy bay không người lái và 1 máy bay trực thăng Ka-52 của Nga.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Ukraine đã gây sát thương bằng hỏa lực cho hơn 200 đối tượng của đối phương, bao gồm 12 sở chỉ huy, kho đạn và nhiên liệu, các trận địa pháo, các cụm nhân sự và thiết bị quân sự.

3. Cộng hòa Tiệp kêu gọi 'tòa án quốc tế đặc biệt' về tội ác chiến tranh

Cộng hòa Tiệp, hiện đang giữ chức chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu, đã kêu gọi một “tòa án quốc tế đặc biệt” sau khi một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở Izium, một thị trấn ở đông bắc Ukraine.

Hơn 440 thi thể đã được giới chức Ukraine phát hiện, một số được tìm thấy bị trói tay sau lưng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nêu tên các thành phố của Ukraine, nơi các nhà chức trách cho biết quân đội Nga đã rút lui để lại những ngôi mộ tập thể của dân thường, Associated Press đưa tin.

“Thật không may, Bucha, Mariupol, bây giờ, Izium,” Tổng thống Ukraine nói. “Nước Nga để lại cái chết ở khắp mọi nơi. Và phải chịu trách nhiệm về điều đó”.

Trong một loạt các tweet hôm thứ Bảy, Jan Lipavský, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Tiệp cho biết:

Nga đã bỏ lại những ngôi mộ tập thể của hàng trăm người bị bắn và tra tấn ở khu vực Izyum. Trong thế kỷ 21, những cuộc tấn công chống lại dân thường như vậy là không thể tưởng tượng được và đáng ghê tởm. Chúng ta không được bỏ qua những tội ác này. Chúng tôi ủng hộ sự trừng phạt tất cả những tên tội phạm chiến tranh. #StandwithUkraine

Ông Jan Lipavský nhấn mạnh rằng các tội ác đáng kinh tởm của người Nga là một thách thức nghiêm trọng đối với lương tâm thế giới. “Tôi kêu gọi thành lập nhanh chóng một tòa án quốc tế đặc biệt để truy tố tội xâm lược,” ông nói.

“Trong số các thi thể được khai quật hôm thứ Sáu, 99% có dấu hiệu của cái chết vì bạo lực dữ dội,” Oleg Synegubov, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv, cho biết.

“Có một số thi thể bị trói tay sau lưng, và một người được chôn với một sợi dây quanh cổ,” ông nói thêm.

Hình ảnh vệ tinh đã xuất hiện về khu mộ tập thể được phát hiện gần đây gần Izium.

Các hình ảnh do Maxar Technologies phát hành cho thấy lối vào “Nghĩa trang Rừng” từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay.

Hàng trăm thi thể được chôn cất vội vàng đã được phát hiện hai ngày trước, bao gồm cả trẻ em và binh lính Ukraine, sau khi Izium được giải phóng khỏi lực lượng Nga.

Theo các báo cáo sơ khởi tầm mức kinh hoàng ở Izium vượt xa những gì đã xảy ra ở Bucha vì quân Nga chiếm giữ thành phố này lâu hơn ở Bucha.

Quân Nga chiếm được Bucha hôm 27 tháng Hai, và một tháng sau đó bị đánh bại phải rút lui khỏi thị trấn này. Trong khi đó, quân Nga chiếm được Izium hôm 1 tháng Tư, sau một tuần pháo kích rất dữ dội, và rút lui vào ngày 10 tháng 9, sau đến 162 ngày chiếm đóng.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Trong bản tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Anh được công bố vào chiều Chúa Nhật 18 tháng 9, Bộ Quốc Phòng Anh cảnh báo rằng quân Nga đang chuyển qua chiến thuật pháo kích vào thường dân vô tội để làm mất tinh thần của người Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Nga đã phóng vài nghìn hỏa tiễn tầm xa chống lại Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2. Tuy nhiên, trong bảy ngày qua, Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự ngay cả khi họ nhận thấy không có chút tác dụng quân sự trực tiếp nào cả.

Hạng mục nhiệm vụ này bao gồm các cuộc tấn công chống lại lưới điện và một con đập trên sông Inhulets ở Kryvyi Rih.

Khi đối mặt với những thất bại trên chiến tuyến, Nga có thể đã mở rộng các địa điểm mà họ chuẩn bị tấn công nhằm cố gắng trực tiếp làm suy yếu tinh thần của người dân và chính phủ Ukraine.

5. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Zelenskiy, Mykhailo Podolyak, đã trả lời các báo cáo rằng Mễ Tây Cơ sẽ trình bày kế hoạch hòa bình cho Ukraine trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới.

Trong một phản ứng trước tuyên bố của tổng thống Mễ Tây Cơ, Andrés Manuel López Obrador, Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói:

“Những người làm hòa bình sử dụng chiến tranh như một chủ đề để quảng cáo cho chính họ chỉ gây ra sự ngạc nhiên. Thưa tổng thống Obrador, phải chăng kế hoạch của ông là giữ cho hàng triệu người bị quân xâm lược bắt làm con tin, tăng số lượng chôn cất hàng loạt và cho Nga thời gian để bổ sung nguồn dự trữ trước cuộc tấn công tiếp theo không? Như thế, “kế hoạch” của bạn thực ra là một âm mưu.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Tổng thống Mễ Tây Cơ, Andrés Manuel López Obrador, cho biết hôm thứ Sáu rằng Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ đề xuất kế hoạch thành lập '“Ủy ban Đối thoại và Hòa bình” để ngay lập tức tìm cách chấm dứt các hành vi thù địch ở Ukraine.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập ở Mexico City, López Obrador cho biết đề xuất tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài ít nhất 5 năm vì hòa bình giữa các quốc gia.

Ông nói: Kế hoạch này đã được gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô qua Đại Sứ Mễ Tây Cơ cạnh Tòa Thánh để góp thêm ý kiến; và sẽ được công bố tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới ở New York. Kế hoạch này sẽ dành thời gian để “đối mặt với những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng và nghiêm trọng ảnh hưởng đến các dân tộc trên thế giới”.

López Obrador chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga và những “chuyến hàng lớn” các loại vũ khí cho Ukraine, gọi đó là “những hành động góp phần vào cuộc đối đầu đang diễn ra, một liều thuốc phi lý bổ sung”.

Theo López Obrador, đề xuất này sẽ bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đóng vai trò là những người hòa giải trong ủy ban. Ông cho biết ông hy vọng điều này sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga.

Tòa Thánh chưa đưa ra phản hồi nào trước tin tức này. Trong khi đó, trung tâm đa phương tiện trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ bày tỏ hoài nghi về kế hoạch này.

López Obrador có lối nói chuyện hết sức lôi cuốn, nhưng toàn những điều viễn vông. Trong chiến dịch tranh cử năm 2018 cho chức tổng thống Mễ Tây Cơ, López Obrador đã đề xuất chính sách “abrazos no balazos” - một cụm từ hấp dẫn trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái ôm chứ không phải đạn”. Đường lối này chống lại bạo lực của các băng đảng ma túy bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc buôn bán ma túy, chẳng hạn như nghèo đói, và giảm nhẹ việc sử dụng vũ lực của quân đội và cảnh sát. Nghe thì rất hay. Chính sách này của López Obrador trái ngược với “cuộc chiến chống ma túy” của những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của ông, tội phạm bạo lực đã gia tăng ở mức đáng sợ. Lễ Đêm Giáng Sinh bị hủy bỏ ở nhiều giáo phận vì tình trạng an ninh. Các thánh lễ cuối tuần vào chiều thứ Bẩy được khuyến cáo kết thúc trước 5 giờ chiều cũng vì lý do an ninh.

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga là hợp pháp về mặt đạo đức. López Obrador chỉ trích những “chuyến hàng lớn” các loại vũ khí cho Ukraine. Không có vũ khí tự vệ, người Ukraine còn có gì để đàm phán với Nga, ngoại trừ đầu hàng vô điều kiện.

6. Quân đội Ukraine cho biết ít nhất 30 khu vực của Ukraine bị thiệt hại do các cuộc tấn công của Nga hôm thứ Bảy

Trong bản báo cáo hôm Chúa Nhật 18 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết cơ sở hạ tầng của ít nhất 30 khu vực trên khắp đất nước đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga trong suốt ngày thứ Bảy.

“Kẻ thù tấn công các cơ sở quân sự và dân sự trên lãnh thổ Ukraine 4 lần bằng hỏa tiễn, 15 lần bằng máy bay và hơn 20 lần bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt”, phát ngôn nhân của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo.

Hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Nga là Kharkiv, Siversk, Druzhkivka, Kostiantynivka, New York, Marinka, Krasnohorivka, Poltavka, Kryvyi Rih, Zaporizhzhia, Nikopol, Orikhiv, Myrolyubivka và Ochakiv.

Đáp lại, Không Quân Ukraine đã tấn công 10 khu vực “tập trung nhân lực và thiết bị của đối phương và ba vị trí đặt hệ thống hỏa tiễn phòng không”.

7. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng của Phần Lan và Thụy Điển tham dự cuộc họp của NATO

Lần đầu tiên, Phần Lan và Thụy Điển đã tham dự cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng tại Hội nghị Ủy ban Quân sự NATO, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trong cuộc họp tại Talinn, Estonia, vào hôm thứ Bảy, các quan chức quân sự NATO “đã thảo luận về các phát triển chiến lược quân sự trong Liên minh, bao gồm các biện pháp thực thi các quyết định đã được thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh NATO Madrid vào tháng 6 năm 2022,” theo tuyên bố.

Phần Lan - quốc gia có đường biên giới trên bộ với Nga - và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập liên minh 30 quốc gia, từ bỏ chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ trước sự xâm lược của Nga vào Ukraine.

Các đồng minh NATO đã ký nghị định thư gia nhập vào mùa hè này để cho phép hai nước gia nhập nhưng còn cần phải được quốc hội của tất cả các thành viên phê chuẩn trước khi Phần Lan và Thụy Điển có thể được bảo vệ bởi điều khoản phòng thủ của NATO, coi một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công. chống lại tất cả.

Chỉ có ba quốc gia chưa phê chuẩn việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển vào NATO: Hung Gia Lợi, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ.

8. Sau thất bại quân sự của Nga ở Kharkiv, Trung Quốc và Ấn Độ đều bày tỏ sự dè dặt với Putin về cuộc chiến ở Ukraine

Ấn Độ và Trung Quốc là những khách hàng lớn nhất mua dầu của Nga. Cả hai đều cho biết họ có “lo ngại” trong tuần này về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Trong một lời khiển trách nổi bật hôm thứ Sáu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vẫn giữ im lặng về chiến tranh, đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “thời đại ngày nay không phải là thời kỳ chiến tranh”.

Modi nói với ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan: “Chúng tôi đã nói chuyện với các bạn nhiều lần qua điện thoại về chủ đề dân chủ, ngoại giao và đối thoại là tất cả những thứ chạm đến thế giới”.

Điện Cẩm Linh dẫn lời ông Putin nói với nhà lãnh đạo Ấn Độ rằng: “Tôi biết lập trường của ông về cuộc xung đột ở Ukraine, mối quan tâm của ông mà ông liên tục bày tỏ. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tất cả những điều này kết thúc càng sớm càng tốt”.

Những lời chỉ trích rõ ràng của Modi về cuộc xâm lược của Nga chỉ là bước lùi mới nhất đối với Putin, lực lượng của ông ta đã phải hứng chịu một loạt thất bại lớn trên chiến trường trong những tuần gần đây. Ukraine tuyên bố đã tái chiếm khoảng 8.000 km vuông hay khoảng 3.000 dặm vuông lãnh thổ.

Chỉ một ngày trước đó, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin đã thừa nhận “những câu hỏi và lo ngại” của Bắc Kinh về cuộc xung đột.

Trung Quốc cho đến nay đã từ chối thẳng thừng việc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trong khi tăng cường hỗ trợ kinh tế cho nước láng giềng, thúc đẩy thương mại song phương lên mức kỷ lục nhằm mang lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

New Delhi, giống như Bắc Kinh, có quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa từ thời Chiến tranh Lạnh và cho đến nay nhìn chung đã không lên án thẳng tay cuộc xâm lược của Nga, là nước vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Phản ứng của Hoa Kỳ: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu nói rằng mối quan ngại của Trung Quốc và Ấn Độ phản ánh sự lo ngại của toàn cầu về cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng, và nói rằng ông tin rằng “nó làm tăng áp lực buộc Nga phải chấm dứt hành vi gây hấn”.

“Tôi nghĩ những gì các bạn đang thấy chỉ là một biểu hiện của thực tế rằng hành động gây hấn này là một hành động xâm lược chống lại lợi ích của mọi người trên hành tinh,” Blinken nói trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao.
 
Tầng đầu địa ngục ở Izium: Phát hiện 10 phòng tra tấn. Sự tàn bạo thách thức lương tâm nhân loại
VietCatholic Media
17:09 18/09/2022


1. Mười phòng tra tấn đã được phát hiện ở khu vực Ukraine vừa tái chiếm

Hai ký giả Chris Pleasance và Rachael Bunyan của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Ten torture chambers are discovered in recaptured Ukrainian region where 'Russia has left death everywhere' – as images of mass burial site with hundreds of graves are revealed”, nghĩa là “Mười phòng tra tấn đã được phát hiện ở khu vực Ukraine vừa tái chiếm nơi người Nga bỏ mặc các xác chết ở khắp nơi trong khi hình ảnh mồ chôn tập thể cùng với hàng trăm ngôi mộ được tìm thấy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Mười phòng tra tấn đã được phát hiện ở khu vực Ukraine bị tái chiếm, nơi 'Nga đã bỏ mặc những người chết ở khắp mọi nơi' – đây cũng là nơi những hình ảnh về khu chôn cất tập thể cùng với hàng trăm ngôi mộ được tìm thấy. Giữa cảnh hãi hùng này quý vị và anh chị em có thể thấy Kinh Lạy Cha được khắc trên tường của một phòng giam chật chội nơi từng giam giữ 8 người, trong một diện tích lẽ ra chỉ có thể chứa 2 người.

Ít nhất mười phòng tra tấn đã được phát hiện trong cùng một khu vực của Ukraine, nơi một khu mộ tập thể còn mới với ít nhất 450 thi thể được tìm thấy sau khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã 'bỏ mặc những người chết ở khắp mọi nơi' khi ông tuyên bố sẽ buộc Mạc Tư Khoa phải 'chịu trách nhiệm' sau những phát hiện nghiệt ngã này’.

Các nhà chức trách Ukraine lần lượt phát hiện ra các phòng tra tấn ở khu vực Kharkiv, nơi thường dân Ukraine và người nước ngoài bị giam giữ trong 'những điều kiện hoàn toàn vô nhân đạo'.

Cảnh sát trưởng Ukraine Igor Klymenko cho biết, hai trung tâm tra tấn đã được tìm thấy ở Balaklya, một thị trấn ở phía đông bắc của vùng Kharkiv.

Khu mộ tập thể đã được phát hiện vào tối hôm qua trong rừng cây gần thành phố Izyum mới được giải phóng - thuộc vùng Donbas phía đông - vài ngày sau khi khu vực này được giải phóng bởi quân đội Ukraine sau 4 tháng bị Nga chiếm đóng.

Klymenko hôm nay cho biết hầu hết những người được chôn trong các ngôi mộ tập thể là dân thường, một số ngôi mộ chỉ được đánh số. Những ngôi mộ khác mang biểu tượng quân sự, cho thấy rằng binh lính được chôn cất ở đó.

Hiện vẫn chưa rõ người dân thiệt mạng như thế nào, nhưng người Ukraine nói rằng một số người có thể đã thiệt mạng vì bị lính Nga tra tấn và tàn sát tập thể. Những trường hợp này được vùi giập trong các ngôi mộ tập thể.

Cũng có những người bị giết trong cuộc giao tranh và những người khác có thể bị pháo kích và chết vì vết thương của họ. Những trường hợp này được chôn cất trong các ngôi mộ riêng gần bên nhau.

Khi được hỏi liệu ngôi mộ tập thể chủ yếu chứa thường dân hay binh lính, cảnh sát trưởng Ihor Klymenko nói trong một cuộc họp báo: 'Theo ước tính sơ bộ, chủ yếu là dân thường. Mặc dù chúng tôi có thông tin rằng có các quân nhân ở đó, nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được một trường hợp nào như thế. '

Cảnh sát đã bắt đầu khai quật địa điểm này để thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh và Klymenko cho biết nhà chức trách đã mở 204 vụ án hình sự truy xét các hành vi tàn bạo.

Các công tố viên cho đến nay đã phát hiện ra các phòng tra tấn của Nga và đào mộ của những thường dân có thi thể có dấu hiệu bị hành quyết tập thể và đã bị cắt xén. Mọi người cũng đã kể những câu chuyện về việc bị điện giật trong các phiên thẩm vấn, về những vụ cưỡng hiếp, cưỡng bức mất tích, giam giữ tùy tiện và những nỗi kinh hoàng khác.

Người đứng đầu văn phòng công tố ở khu vực Kharkiv của Ukraine cho biết một số thi thể được khai quật từ khu chôn cất hàng loạt có dấu hiệu bị tra tấn, một số bị chôn tay sau lưng hoặc bị dây thừng quấn quanh cổ.

Ông Sergei Gorodko, cư dân Izium, cho biết trong số hàng trăm người được chôn cất trong các ngôi mộ riêng lẻ có hàng chục người lớn và trẻ em thiệt mạng trong một cuộc không kích của Nga vào một tòa nhà chung cư. Anh ấy nói rằng chính anh ấy đã kéo một số người ra khỏi đống đổ nát 'bằng chính tay tôi'.

Zelenskiy đã đề cập đến tội ác chiến tranh này trong một bài phát biểu trước quốc dân đồng bào khi so sánh Izyum với Mariupol và Bucha, hai thành phố mà Nga đã tiêu diệt thường dân một cách có hệ thống, nơi được coi là tội ác chống lại loài người.

'Chúng tôi muốn thế giới biết điều gì đang thực sự xảy ra và sự chiếm đóng của Nga đã dẫn đến điều gì. Bucha, Mariupol, không may là cả Izyum. Nước Nga để lại cái chết ở khắp mọi nơi. Và nó phải chịu trách nhiệm. '

Cảnh sát trưởng điều tra khu vực Kharkiv, Serhii Bolvinov, nói rằng các thi thể sẽ được khai quật và đưa đi để khám nghiệm pháp y.

Đây là một phần trong nỗ lực khổng lồ của cảnh sát, trong đó các cảnh sát đang làm việc với các công tố viên và các nhà điều tra khác để khám phá các hành vi tàn bạo.

Ông Bolvinov nói với Sky News về việc phát hiện ra khu chôn cất hàng loạt: 'Đối với tôi, điều đó đặc biệt gây sốc và khủng khiếp và đây là một tội ác chống lại loài người. Nó không nên như thế này trong một thế giới văn minh vào năm 2022. Đây là một câu chuyện kinh khủng và khó chịu từ mọi góc độ. '

Ông Bolvinov được hỏi về việc các nạn nhân đã chết như thế nào và giải thích rằng một số đã bị bắn chết, một số chết vì đạn pháo và một số chết trong các cuộc không kích.

Ông nói thêm rằng các cuộc điều tra sâu hơn sẽ được thực hiện để xác định các nguyên nhân khác của cái chết vì rất nhiều thi thể vẫn chưa được xác định.

Oleg Kotenko, một quan chức của Bộ Ukraine được giao nhiệm vụ tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cho biết có một ngôi mộ tập thể của binh sĩ Ukraine có thể chứa hơn 25 thi thể.

Ông nói: “Chúng tôi chưa thống kê được họ, nhưng tôi nghĩ rằng có hơn 25 hoặc thậm chí 30”, dựa trên ước tính của mình trên các đoạn phim quay về địa điểm mà các binh sĩ Nga đã đăng trên mạng xã hội.

Kotenko cũng nói rằng những ngôi mộ riêng lẻ được đánh dấu bằng thánh giá chứa những thường dân đã chết.

Theo nhiều quan chức Ukraine, ít nhất 1.000 dân thường đã chết ở Izyum, trong khi những người khác bị thương do quân đội Nga đã phá hủy tất cả các bệnh viện và cướp nguồn cung cấp y tế.

Nó xảy ra khi những câu chuyện kinh hoàng hơn nữa về giết người hàng loạt, tra tấn, hãm hiếp và cắt xẻo thân thể dưới bàn tay của quân đội Nga đang được phanh phui ở các khu vực mới được giải phóng khác trong tiếng vang ớn lạnh sau khi họ rút lui.

Những người sống sót sau cuộc chiếm đóng ở những nơi như Balakliya và Kupyansk kể về các phòng tra tấn được thiết lập trong các tầng hầm, các vụ hãm hiếp và cắt xẻo do người của Putin thực hiện - một số được thực hiện một cách bừa bãi, một số khác là trong cố gắng nhổ tận gốc những người trung thành với Ukraine.

Tên của những thành phố này giờ đây sẽ trở nên khét tiếng cùng với Bucha và Irpin - những vùng ngoại ô của Kyiv, nơi một số bằng chứng đầu tiên về chiến dịch bạo lực đẫm máu của Nga đối với những người chứng kiến vô tội lần đầu tiên được phanh phui sau cuộc rút lui vào tháng Tư.

Hơn 450 người được biết là đã chết, có nghĩa là quy mô tàn bạo ở Izyum và khắp Kharkiv xảy ra trên quy mô lớn hơn nhiều.

Maksim Strelnikov, chủ tịch hội đồng thành phố Izyum, cho biết: 'Quân xâm lược Nga ở đây, cũng như những nơi khác, đã phạm tội ác chiến tranh và cố gắng che giấu chúng.

'Theo thông tin mà chúng tôi có, tối thiểu 1.000 dân thường đã thiệt mạng do các hành động quân sự.

'Thật không may, nhiều người khác đã phải chịu đựng vì họ không được chăm sóc y tế kịp thời.'

Lời nói của ông đã được cố vấn Bộ Nội Vụ Ukraine Anton Gerashchenko, cựu phát ngôn viên tổng thống Iuliia Mendel, và thị trưởng Izyum Valery Marchenko lặp lại.

Ông Gerashchenko, trong một chuyến thăm khu vực ngày hôm qua, nói thêm: 'Ngay bây giờ, ở Kharkiv, tôi cảm thấy vui mừng và tức giận.

'Niềm vui vì hàng trăm nghìn người Ukraine hiện đã được tự do. Sự tức giận vì bao nhiêu sinh mạng bị hủy hoại, bao nhiêu người bị giết, bị tra tấn, bị hãm hiếp.

'Cơ sở hạ tầng và nhà máy đã bị phá hủy. Nga phải trả giá cho điều đó. '

Trong khi đó, Thứ trưởng Nội vụ Ukraine Yevhen Enin cho biết tối thứ Năm rằng các bằng chứng khác được tìm thấy sau cuộc tiến công sâu rộng của Kyiv vào khu vực Kharkiv bao gồm nhiều 'phòng tra tấn' nơi cả công dân Ukraine và người nước ngoài bị giam giữ 'trong những điều kiện hoàn toàn vô nhân đạo.'

Enin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Radio NV: “Chúng tôi đã bắt gặp việc khai quật các thi thể cá nhân, không chỉ với dấu vết của một cái chết bạo lực, mà còn bị tra tấn - chặt đứt tai, v.v. Đây mới chỉ là bước khởi đầu.

'Tất cả những dấu vết tội ác chiến tranh này hiện đã được chúng tôi ghi chép cẩn thận. Và chúng tôi biết từ kinh nghiệm của Bucha rằng những tội ác tồi tệ nhất chỉ có thể được phơi bày theo thời gian, 'Enin nói.

Công tố viên nhà nước Ukraine đã cử hơn hai chục nhóm điều tra viên đến vùng lãnh thổ rộng hơn 3.000 dặm vuông mà Ukraine đã tái chiếm từ Nga trong một cuộc tấn công chớp nhoáng bắt đầu vào tuần trước.

Cho đến nay, các nhà điều tra đã phát hiện ra thi thể của ít nhất 6 thường dân mà họ nói đã bị giết bởi người Nga.

Tại làng Hrakove, người dân địa phương đã dẫn các nhà điều tra đến ngôi mộ của hai thanh niên mà họ nói rằng họ đã bị lính Nga chôn sống.

Các nhà điều tra đã khai quật các thi thể và nói rằng họ có dấu hiệu bị tra tấn và hành quyết tập thể.

Mỗi người có một vết thương do súng bắn vào phía sau đầu. Tai của họ đã bị cắt bỏ.

Tại ngôi làng Zaliznychne, người dân địa phương dẫn quân đội Ukraine đến 4 ngôi mộ mà họ nói là nơi chứa thi thể của những người hàng xóm đã bị người của Putin sát hại.

Ba người đã được chôn cất trong vườn của họ, người thứ tư bên trong một nhà máy đường đối diện với ga xe lửa địa phương. Các công tố viên cho biết tất cả đều có dấu hiệu bị tra tấn.

Oleksii Kashporovskyi, một nhà báo Ukraine đã trở thành quân nhân, nói với trang tin TSN về những hành động tàn bạo mà anh đã chứng kiến khi giải phóng thị trấn Bohorodychne.

Kashporovskyi cho biết ông đã tìm thấy thi thể của một số binh sĩ Ukraine đã bị chặt đầu và đi chân trần cùng với thi thể của 10 thường dân.

Hai thường dân duy nhất còn sống trong làng là một phụ nữ 92 tuổi và con trai 58 tuổi, người kể lại việc người Nga đã bắn chết một người con trai khác của bà và vợ anh ta như thế nào.

Bà chỉ cho những người Ukraine đến vị trí phía sau ngôi nhà của bà, nơi chôn các thi thể.

Yulia Petrova, một bác sĩ thú y từ thành phố Kupyansk, nói với trang tin tức Meduza về cuộc sống của cô dưới sự chiếm đóng của Nga cho đến khi cô tìm cách chạy trốn vào tháng trước.

Cô cho biết quân đội Nga đã thiết lập các phòng tra tấn trong tầng hầm của các tòa nhà mà từ đó có thể nghe thấy 'tiếng la hét kinh hoàng' – của cả đàn ông và phụ nữ.

Dân làng được khuyến khích thông báo về bất kỳ ai có quan điểm thân Ukraine - kể cả gia đình và hàng xóm của họ - những người sau đó đã bị bắt cóc.

Một số bị giam trong các tầng hầm thấp đến mức không thể đứng hoặc đi lại sau khi bị tra tấn. Những người khác đã không bao giờ được nhìn thấy bầu trời một lần nữa.

Các ngư dân địa phương kể lại cách họ tìm thấy một thi thể trôi trên sông gần đó với hai tay bị trói và đầu bị trùm kín trong bao tải.

Họ thông báo cho chỉ huy địa phương của Nga, và binh lính đã mang cái xác đi mà không nói gì.

Lần khác, những người lính Nga say rượu tiếp cận dân thường một cách ngẫu nhiên trên đường phố và đe dọa bắn họ.

Yulia giải thích cách cô ấy quyết định bỏ trốn sau khi ai đó thông báo về việc cô ấy có quan điểm ủng hộ Ukraine, khiến quân xâm lược Nga ập đến nhà cô.

Cô cho biết quân đội đã ập vào nhà cô, tìm kiếm các lá cờ hoặc biểu tượng của Ukraine, xem qua điện thoại của cô và - khi họ không tìm thấy bất cứ thứ gì – họ đã chĩa một khẩu súng đã nạp đạn vào đầu cô con gái chín tuổi của cô để buộc cô phải thú tội.

Yulia bỏ trốn vào ngày hôm sau, theo xe của một người bạn và hối lộ để qua các trạm kiểm soát cho đến khi cô đến được lãnh thổ Ukraine.

Các phóng viên BBC, những người đã đến thành phố Balakliya và được xem những gì người Ukraine nói là một phòng tra tấn dưới tầng hầm.

2. Điện Cẩm Linh nói rằng quyết định cấm Vladimir Putin tham dự lễ tang của Nữ hoàng là 'vô cùng trái đạo đức' - và lặp lại lời ca ngợi vị quốc vương 'anh hùng chiến tranh', người 'không tham gia chính trị'

Các quan chức Điện Cẩm Linh cho biết, Anh quốc đã đưa ra quyết định không mời bất kỳ quan chức Nga nào tới dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth và coi đó là một quyết định 'vô đạo đức sâu sắc'.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh Maria Zakharova cho biết Nga vẫn đưa ra lời chia buồn tới người dân Anh về cái chết của bà bất chấp biến cố không được mời này.

Trong một tuyên bố gửi đến hãng thông tấn Tass, bà Zakharova cho biết: 'Bộ Ngoại giao Anh đã thông báo cho Đại sứ quán Nga tại London về quyết định không mời Nga tham dự lễ tang sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II. Quyết định này bao gồm cả các quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nga đang có mặt tại London.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Điện Cẩm Linh nói tiếp: “Chúng tôi tin rằng việc Vương quốc Anh cố gắng lợi dụng một thảm kịch quốc gia đã chạm đến trái tim của hàng triệu người trên thế giới để dàn xếp tỷ số với chúng tôi trong những ngày tang tóc này là vô cùng trái đạo đức.”

Bà Zakharova cho biết quyết định ngăn chặn người Nga đến dự đám tang là 'đặc biệt đáng xấu hổ' vì vai trò của Nữ hoàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cô cho biết quân đội Anh 'đã chiến đấu chống lại Đức Quốc xã và những người cộng tác Ukraine của họ là Stepan Bandera và Roman Shukhevich.

'Và bây giờ, giới tinh hoa Anh đang đứng về phía họ. Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa tiếp tục tôn vinh và tưởng nhớ tất cả các cựu chiến binh đã đóng góp vào Chiến thắng.

'Hình ảnh thống nhất của Nữ hoàng Elizabeth II, người không can thiệp vào chính trị như một vấn đề nguyên tắc trong suốt thời gian trị vì của bà, đã không trở thành trở ngại cho các cuộc tấn công bất đồng chính kiến của London, vốn phải hoàn thành các mục tiêu phỏng đoán của riêng họ”.

'Về phần mình, chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới người dân Anh vì sự mất mát to lớn hơn cả là tiếc thương cho họ.'

Theo The Sun, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska sẽ có mặt trong đám tang trong lễ tang hôm thứ Hai.

Mặc dù vậy, Chính phủ đã bị chỉ trích vì đã mời chính phủ Trung Quốc cử đại diện đến dự tang lễ. Trung Quốc đã có thành tích bất hảo diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, và vi phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương, phía tây của đất nước.

Nghị sĩ Tim Loughton của Tory nói với BBC rằng Anh 'không nên có đại diện chính thức của chính phủ Trung Quốc tham dự một dịp quan trọng như vậy'.

Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh bị cấm không đến bén mảng đến Quốc hội Anh sau khi Bắc Kinh trừng phạt bảy nhà lập pháp Anh vào năm ngoái vì lập trường của họ đối với Trung Quốc.

Hiện chưa rõ Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan, có tham dự lễ tang cấp nhà nước hôm thứ Hai hay không. Báo chí cho biết Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn có thể tham dự.

Nga, Belarus và Myanmar không có tên trong danh sách mời đám tang.

3. Tổng thống Zelenskiy nhấn mạnh rằng thế giới phải phản ứng với những hành động tàn bạo do Nga gây ra ở Izium

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có một bài phát biểu trước quốc dân đồng bào sau khi cảnh sát tìm thấy những ngôi mộ tập thể tại thành phố Izium vừa được giải phòng. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Người dân Ukraine thân mến!

Tại khu vực Kharkiv, các hoạt động điều tra đang diễn ra tại các khu vực đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nga.

Tất cả tội ác của quân Nga đang được ghi lại, bằng chứng về tội lỗi của họ đang được thu thập.

Các phòng tra tấn nơi thường dân của các thành phố và thị trấn bị chiếm đóng bị ngược đãi, các cơ sở nơi giam giữ người dân - thậm chí cả người nước ngoài - được tìm thấy. Đặc biệt, trong đó có bảy công dân của Cộng hòa Sri Lanka, sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Kupyansk. Vào tháng 3, họ bị lính Nga bắt và sau đó chúng giam giữ những người này trong tầng hầm. Chỉ đến bây giờ, sau khi vùng Kharkiv được giải phóng, những người này mới được cứu sống, họ được chăm sóc y tế chu đáo.

Việc khai quật các thi thể vẫn tiếp tục tại một khu chôn cất hàng loạt gần Izium. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 440 ngôi mộ đã được tìm thấy. Còn quá sớm để nói về số người được chôn cất ở đó, các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

Đã có bằng chứng rõ ràng về việc tra tấn, đối xử nhục nhã với con người... Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy những người lính Nga, đang đóng quân ở các vị trí cách nơi này không xa, đã bắn vào nơi chôn cất chỉ để mua vui.

Thế giới phải phản ứng với tất cả những điều này. Nga đã lặp lại ở Izium những gì họ đã làm ở Bucha. Và bây giờ chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu sự thật đầy đủ về những gì đang xảy ra ở vùng Kharkiv vào thời điểm đó.

Thật tốt là các đơn vị Liên Hiệp Quốc đã chuẩn bị một nhóm nhân viên sẽ đến thăm nơi này gần Izium, những người sẽ nhìn thấy và có thể báo cáo cho mọi người trong hệ thống Liên Hiệp Quốc về những gì những kẻ khủng bố Nga đã làm.

Chúng tôi sẽ bảo đảm quyền tiếp cận đầy đủ của các nhà báo tới vùng lãnh thổ được giải phóng và tất cả những nơi lạm dụng con người. Chúng tôi sẽ cung cấp quyền truy cập để nói với thế giới rằng chủ nghĩa thế giới Nga phải bị lên án.

Tôi cảm ơn tất cả các đối tác của chúng tôi, tất cả các nhà lãnh đạo và cả những người dân bình thường của chúng tôi, những người đã giúp đấu tranh cho công lý. Đấu tranh để chính thức công nhận Nga là nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đối với vụ khủng bố này.

Tôi đã tổ chức một cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao hôm nay. Như thường lệ, các nhà lãnh đạo chủ chốt của ngành quốc phòng và an ninh, đại diện chủ chốt của Trung ương, cơ quan bảo đảm thực hiện phương án phòng thủ đều tham dự. Chỉ huy các lực lượng tác chiến báo cáo tình hình trên tiền tuyến. Ngoài các vấn đề và giải pháp hoàn toàn dễ hiểu, chủ đề về vũ khí tiên tiến, là thứ sẽ tăng cường sức mạnh đáng kể cho quân đội của chúng ta, cũng được đề cập.

Hôm nay tôi đã nói chuyện với Tổng thống Phần Lan. Tôi cảm ơn tổng thống vì sự hỗ trợ mà chúng tôi đã nhận được và vạch ra những nhu cầu bổ sung mà chúng tôi đang rất cần. Một chủ đề quan trọng của cuộc trò chuyện là chính sách của Âu Châu liên quan đến thị thực cho công dân của quốc gia khủng bố. Tôi tin rằng đối với mọi quốc gia có chung đường biên giới với Nga, vấn đề thị thực là rất quan trọng và cần được giải quyết theo hướng hạn chế hoàn toàn quyền tiếp cận của công dân Nga.

Hôm nay tôi cũng đã nói chuyện với đại diện của công ty Nike. Tôi cảm ơn họ vì quyết định rời khỏi thị trường Nga. Đó là một quyết định đúng đắn. Đây là một ví dụ về cách thế mà các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhân loại và tự do. Nếu một quốc gia chọn con đường khủng bố, nhiệm vụ của mọi công ty tự trọng là phải tách mình khỏi tình trạng như vậy.

Hôm nay, tại Văn phòng đã diễn ra cuộc họp của nhóm do Andriy Yermak làm việc về việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cuộc họp với các đại sứ G7 và các quốc gia đối tác khác. Đây là một hướng đi cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quan trọng cả trong bối cảnh hội nhập Âu Châu và trong bối cảnh nội bộ nhà nước ta đang có nhiều chuyển biến. Trong cuộc họp, các nhà ngoại giao đã được thông báo chi tiết về sáng kiến của chúng tôi là thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt để trừng phạt Nga vì tội xâm lược Ukraine. Tôi cảm ơn các đại diện G7 và các nước đối tác khác đã sẵn sàng hỗ trợ Ukraine!

Và một điều nữa. Thứ Bảy này, chúng ta kỷ niệm Ngày của những người cấp cứu - một ngày lễ chuyên nghiệp của những người đã cống hiến mạng sống của mình để cứu người khác. Và đó cũng là ngày của những người, trong một số hoàn cảnh nhất định, nhờ vào sự ngoan ngoãn và lòng dũng cảm của mình, đã trở thành người giải cứu bằng cách giúp đỡ người khác. Hôm nay, tôi đã vinh danh những người như vậy bằng các giải thưởng của nhà nước. Và, tất nhiên, ngày mai trong diễn văn buổi tối, tôi sẽ nói thêm về điều đó. Nhưng tôi muốn ngay bây giờ, không cần đợi đến tối mai, chúc mừng tất cả những người thực hiện công việc cao cả này, những người cứu người. Tôi muốn cảm ơn các bạn vì hàng nghìn người đã được cứu sống, vì sự an toàn mà các bạn đang trả lại cho chúng tôi, tất cả những người Ukraine.

Vinh quang vĩnh cửu cho tất cả những ai quan tâm đến mọi người! Hãy luôn giúp đỡ lẫn nhau, luôn giữ sự đoàn kết thống nhất trong mọi việc. Chúng ta phải gắn bó với nhau, tất cả người dân Ukraine, và đó là cách chúng ta sẽ giành chiến thắng.