Ngày 18-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 25 Mùa Quanh Năm 19/9/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:39 18/09/2021

BÀI ĐỌC I: Kn 2, 12. 17-20

“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã“.

Bài trích sách Khôn Ngoan

(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”. Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và cũng không ưa thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8

Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).

1) Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.

2) Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.

3) Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

BÀI ĐỌC II: Gc 3, 16 – 4, 3

“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.

Bài trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.

Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 8, 12

Alleluia Alleluia – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia

PHÚC ÂM: Mc 9, 29-36

“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.
 
Một thách đố, một phép thử
Lm. Minh Anh
02:29 18/09/2021

MỘT THÁCH ĐỐ, MỘT PHÉP THỬ
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư vĩ đại người Mỹ, người đã có hơn 1.000 công trình lớn trong 70 năm. Thế nhưng vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, ông đã phải đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’; đó là lập dự án cho khách sạn Imperial ở Tokyo, một trong những thành phố dễ bị động đất nhất trên thế giới. Cuối cùng, F. L. Wright đã thiết kế một nền móng vững chắc có thể ‘nổi’ trên một lớp bùn mềm, dày hơn 20m; trải dài trên hàng vạn mét vuông bên dưới toà nhà. Lớp ‘đất tốt’ này sẽ cung cấp một điểm tựa chống rung cho một công trình rộng lớn bậc nhất thế giới. Ngay sau khi Imperial Hotel hoàn thành, nó đã phải chịu đựng một trận động đất tồi tệ nhất trong 52 năm, đang khi các toà nhà nhỏ hơn chung quanh nó phải đổ nát.

Kính thưa Anh Chị em,

Như những gì đã thách đố F. L. Wright, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt trước mỗi người chúng ta ‘một thách đố, một phép thử’ khi Ngài gọi bốn loại đất, tượng trưng cho bốn thái độ tiếp nhận Lời, và buộc chúng ta phải chọn lựa cho mình thuộc loại nào để Lời Ngài có thể sinh hoa kết trái: ‘đất đường, đất sỏi, đất gai và đất tốt’; Ngài nói, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.

Trước hết, đất đường. Đất đường luôn cứng, nên được gọi là ‘đất cứng!’. Đó là mảnh đất đã biến chất, khi tâm hồn chúng ta hoá cứng; Chúa Thánh Thần soi dẫn làm điều đúng đắn, nhưng chúng ta để nó trôi qua, như thể đó không phải là vấn đề gì to tát; và rồi, ma quỷ, như chim chóc chực sẵn, sà xuống cướp đi ân sủng của Thiên Chúa một cách dễ dàng; sự hời hợt và thiếu đức tin ngăn chúng ta phản chiếu và tận dụng ánh sáng của Lời, Lời không ăn sâu vào lòng. Tiếp đến, ‘đất sỏi!’. Chúng ta vui nhận Lời và bước theo Chúa trong ‘thời bình’; nhưng đến ‘thời chiến’, chúng ta sa ngã; bởi lẽ, ân sủng, cội nguồn tâm linh không đâm rễ sâu trong cuộc sống. Thứ ba, ‘đất gai!’. Chúng ta ì ạch trong đời sống tinh thần bởi những lo lắng, giàu sang và thú vui thói đời; đất gai không thể sinh trái chín muồi; chúng ta quên rằng, ân sủng Chúa đòi hỏi phải hy sinh những thú vui riêng. Ngoài thập giá, không có sự thánh thiện nào có thể tăng trưởng! Sau cùng, ‘đất tốt!’. Đất tốt, đất tinh tuyền, luôn được vun xới, thấm đẫm mưa móc; hạt giống Lời Chúa mọc lên tươi tốt, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, hạt một trăm; hứa hẹn ‘một mùa bội thu!’.

Qua thư Timôtê hôm nay, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta, “Con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được!”. Huấn lệnh đó chính là Lời Chúa, là soi dẫn của Chúa Thánh Thần; “thời thuận tiện hay không thuận tiện”, ‘thời chiến hay thời bình’, hạt Lời Chúa vẫn vươn lên. Đến ngày các thiên thần hô to, “Hãy vào trước thánh nhan Chúa giữa tiếng hò reo!” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, hẳn chúng ta cũng có thể hoà nhập với đoàn người công chính mà hát ca vui mừng.

Anh Chị em,

Những ngày dịch bệnh hôm nay, đúng nghĩa, là những ngày của ‘thời chiến’; thời mà đức tin của chúng ta đang đứng trước ‘một thách đố, một phép thử’. Không thể chính xác hơn! Chúng ta đang có cơ hội đi vào khu vườn bí mật của lòng mình; ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân và gặp gỡ chính mình; qua đó, chúng ta nhìn lại các mối tương quan của chúng ta với Trời, với người và với bản thân. “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Cách nhận lãnh và phát triển ân huệ Thiên Chúa ban trong những ngày hôm nay như thế nào là tuỳ vào mỗi người chúng ta. Quả thật, những ngày hôm nay đúng là ‘một thách đố, một phép thử’ của Thiên Chúa. Thiên Chúa ước mong chúng ta để cho Lời Ngài biến đổi ngay trong ‘thời chiến’ này. Mỗi người chúng ta hãy can đảm thưa lên, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Lời Chúa là ‘một thách đố, một phép thử’ đối với con. Xin giải thoát con khỏi những lo lắng và lừa dối của cuộc sống, hầu con kiên nhẫn nhặt đi những sỏi đá và gai gốc trong con mỗi ngày; may ra, sau những ngày hôm nay, con có được ‘một mùa bội thu’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ra Đường…, Về Nhà…
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:20 18/09/2021
Ra Đường…, Về Nhà…

“Ra đường hỏi ông già, về nhà hỏi con nít.”

“Ra đường lắm chuyện bực mình, về nhà gặp vợ cười tình cũng vui.”

Câu tục ngữ và câu ca dao trên đều có hai vế : ra đường và về nhà : “ra đường hỏi ông già, về nhà hỏi con nít.” Ra đường hỏi ông già, vì ông từng trải, đi nhiều, biết nhiều. Về nhà hỏi con nít, vì con nít thành thật, khai báo hết những gì xảy ra khi mình đi vắng.

Bài Tin Mừng hôm nay, cũng có 2 vế : ra đường và về nhà. Ra đường, hay đang khi đi đường, Chúa Giêsu báo một tin gây hoang mang; và về nhà Chúa tuyên bố một câu đầy kinh ngạc.

1. "Ra đường" Chúa báo một tin gây hoang mang.

Lời báo gây hoang mang đó là lời "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây là lần thứ hai Chúa báo tin này. Lần đầu báo tin này, được Phêrô đại diện anh em khuyên can, bị Chúa Giêsu dán nhãn Satan ngay cho Phêrô, “Satan, xéo ngay !”. Lần thứ hai này, ở ngoài đường, ồn ào, nên các môn đệ làm bộ điếc, lãng tai, bàn chuyện khác. Chúa Giêsu nói gà, các tông đồ nói vịt. Chúa báo tin buồn, sẽ bị giết; các môn đệ bàn tin vui : ai sẽ làm tể tướng trong triều Vua Giêsu. Còn nếu thầy Giêsu sẽ làm Giáo Hoàng, ai trong chúng ta sẽ làm quốc vụ khanh đây !

Làm sao một Đấng Kitô lại đau khổ được, lại còn bị giết. Một cái chết được báo trước như thế, mà không phải cái chết của căn bệnh, tuần tự nhi tiến, thế nào cũng chết, mà bị chết, do người ta giết. Quả thật, nếu tôi là môn đệ theo Chúa xưa kia, tôi cũng không hiểu nổi, mà ngay cả bây giờ theo Chúa nhiều năm vẫn không hiểu tại sao Chúa lại chọn cái chết đau thương như thế.

Ta bước chân vào nhà Chùa, thấy lòng an tĩnh, vì tượng Phật ngồi mỉm cười, tĩnh an. Ta bước chân vào Nhà Chúa, thấy tượng chuộc tội thật thảm thương, nhiều trẻ khóc thét khi gặp lần đầu. Một số nhà thờ kinh hoàng hoá bằng hình tượng Giê-su máu chảy thịt rơi, trông thật khiếp sợ. Làm sao hiểu nổi cảnh như thế !

Thật ra ta chỉ hiểu phần nào, khi chính ta đau khổ, ta nhìn lên Chúa cũng đang khổ đau, ta thấy sao ta được an ủi thế này. Tôi bảo đảm với anh chị, khi bệnh tật, thất vọng, vác thập giá, mà nhìn lên thánh giá, thấy bình an hơn là nhìn lên một đấng an bình mỉm cười. Những lúc đó ta có thể nói, thấy người ta khổ thế này, mà còn cười ! Trong khi đó nhìn lên đấng chịu đóng đinh, tin đó là Chúa, mà cũng phải chịu khổ như vậy, ta thấy nỗi khổ của ta sẽ nhẹ tênh.

Vì khổ đau ít ai hiểu nổi, nên ngay cả khi sống lại rồi, Chúa vẫn còn phải giải thích cho các đồ đệ, rằng phải qua đau khổ mới được vào vinh quang. Trên đường Emmaus Chúa đã trách hai đồ đệ “ngu đần, chậm hiểu” lời Kinh Thánh !

Ra đường hỏi người già. Người già là người biết nhiều, nhưng người già cũng là người biểu tượng cho đau yếu, khổ buồn. Chúa ra đường, nói về thân phận đau khổ, chết chóc. Và về nhà, hỏi con trẻ. Chúa về nhà, cũng có nhắc tới con trẻ thật.

2. "Về nhà", Chúa tuyên bố một câu đầy kinh ngạc.

Câu kinh ngạc là khi các môn đệ bàn tính xem ai sẽ đứng đầu, thì Chúa nói "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người". Nói thành tục ngữ, sẽ là : “Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ.” Một ví von thật mâu thuẫn, tựa như điều ta hay nghe : cán bộ lớn đi xe con, cán bộ con đi xe lớn (xe bus) !

Nhìn vào xe con, ta biết ngay ai làm lớn, ai làm bé. Chắc chắc người ngồi băng sau, xa tài xế, là lớn. Vào phòng khách, ai đang ngồi hút thuốc uống trà là lớn; kẻ cầm ly, đưa nước là bé. Nhưng Chúa dạy ngược lại ! Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm, Đức Giêsu không chủ trương đảo lộn tất cả, biến kẻ ở địa vị cao thành người nhỏ và cho kẻ ở địa vị thấp thành người lớn đâu. Tiêu chuẩn Chúa đưa ra để đánh giá một người, ấy là sự phục vụ. Như thế ai biết phục vụ thì là người lớn. Còn kẻ không phục vụ thì là người nhỏ. Người ở địa vị cao mà biết phục vụ thì vẫn là người lớn, còn kẻ ở địa vị thấp mà không phục vụ thì cũng vẫn là người nhỏ. Nghĩa là : giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh hoạ cho bài học này, Đức Giêsu đưa một em bé đến, đặt giữa các ông và nói : “Ai tiếp đón (phục vụ) một em bé là tiếp đón (phục vụ) Thầy”. Em bé ở đây là biểu tượng cho người không có gì (để đáp trả), người bị lãng quên (ở Do Thái, chứ không phải ở Mỹ để mà tôn trẻ em lên hàng nhì, sau lady first !), trẻ em là người bị loại trừ (“trẻ em đi chỗ khác !”)… Phục vụ những người đó, mình mới đúng là người lớn nhất. (Ngày nay, những người không có gì, những người bị lãng quên, bị loại trừ nhan nhản đầy đường !)

Ra đường nói về người già (đau khổ), về nhà nói tới con nít (làm lớn là phải phục vụ kẻ không có gì).

Có một người già đã trở thành lớn nhất khi phục vụ cho con trẻ (bị bỏ rơi), cho người cùng khốn trong xã hội. Người già đó vừa nhỏ vừa thấp, cao không tới mét rưỡi, với làn da nhăn nheo và bàn chân phải có sáu ngón, dáng người xem ra chẳng có gì hấp dẫn. Vậy mà con mắt thì sáng rực toát ra sức chinh phục, và vẻ thu hút phát ra từ một tình thương yêu vô hạn. Đó chính là mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979 và bao nhiêu danh dự khác nữa, nhưng mẹ nhận với lòng khiêm tốn thẳm sâu. Mẹ lãnh thay cho những người nghèo khổ mà thôi. Cả nước Ấn Độ đa số theo Ấn giáo mà lại tổ chức quốc táng cho một người nữ tu Công Giáo với danh dự cao nhất thì kể cũng lạ thật.

Khi còn sống, mẹ thường kể : "Khi có người bảo tôi rằng các chị dòng chẳng biết làm chuyện gì lớn lao cả, mà chỉ biết làm những chuyện âm thầm nhỏ bé thôi, thì tôi đã trả lời: ngay dù các chị chỉ giúp được một người thôi thì cũng được rồi; Chúa Giêsu sẵn sàng chết cho một người, cho một tội nhân cũng đủ."

Mẹ nói tiếp : “Chúng tôi cảm thấy công việc chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng tôi nghĩ nếu giọt nước không có trong biển cả thì biển cả sẽ hụt đi vì thiếu một giọt nước đó.”

Giọt nước đó là gì, ta hãy nghe thêm : "Một số người tới Calcutta, rồi trước khi ra về đã xin tôi: "Xin nói cho chúng tôi một điều có thể giúp chúng tôi sống tốt hơn". Và tôi đã nói: "Hãy mỉm cười với nhau; hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình, và mỉm cười với người khác, bất luận là ai. Điều đó sẽ giúp bạn thấy tình thương yêu lớn lên". Và họ còn hỏi tôi: "Bà có chồng chưa?" Tôi trả lời: "Có rồi chứ, và tôi cũng cảm thấy đôi khi khó mà mỉm cười được với chồng tôi là Đức Giêsu."Mà thật vậy, Đức Giêsu xem ra cũng rất đòi hỏi, và khi Ngài đòi hỏi thì chỉ cần tặng Ngài một nụ cười tươi thì cũng đẹp lắm rồi". Ta phải nhớ, Giêsu là em bé, là người không có gì, là người bị bỏ rơi, là người sống bên lề. Hãy nở nụ cười với Giêsu. Đó là giọt nước giữa đại dương, nhưng thiếu nó, đại dương thiếu một giọt nước.

Đường lối của mẹ rất đơn giản: Bắt đầu ngay đi. Từng việc một. Việc này rồi tới việc kia. Bắt đầu từ gia đình, nói một lời dễ thương với con cái, với chồng, với vợ. Bắt đầu giúp đỡ một người trong cộng đoàn. Bắt đầu làm bất cứ việc gì, một việc gì đẹp cho Chúa. Làm việc đang làm với tâm hồn vui tươi. Người đang hấp hối dưới gầm cầu là chính Chúa Giêsu ẩn hình. Mỗi lần gặp Chúa Giêsu, hãy mỉm cười với Ngài. Mẹ đã từng nói với các chị dòng: "Nếu chúng con không muốn mỉm cười với Chúa Giêsu, thì chỉ có cách gói đồ mà đi về thôi".

Hãy làm theo mẹ, và chúng ta sẽ không hoang mang hay ngạc nhiên khi Chúa báo tin ở “ngoài đường” hay lúc đã “về nhà.”

An-Phong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:09 18/09/2021

14. Con người ta muốn bay cao lên thiên đàng, xa tránh thế tục, thì phải có hai cánh: một là chính trực, hai là thuần khiết.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:20 18/09/2021
62. CHÁU CỦA THÁI KINH

Quyền thần của triều Tống là Thái Kinh có mấy người cháu từ trước đến nay chưa thấy qua công việc đồng áng.

Một hôm, Thái Kính nói đùa với mấy cháu:

- “Mỗi ngày các cháu đều ăn cơm gạo trắng, thử nói cho ta nghe, gạo đó ở đâu mà có?”

Một đứa cháu nói:

- “Gạo đó là từ trong cối đá giã gạo mà ra ạ.”

Thái Kinh lớn tiếng cười ha ha.

Đứa cháu khác nghĩ rằng: gạo trong kinh thành đều dùng chiếc chiếu bằng cỏ lác bao lại và chở đến, cho nên tiếp lời nói:

- “Không đúng, cháu nhìn thấy gạo từ trong cái bao chiếu mà ra ạ”.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 62:

Một hạt cơm phải trải qua các công đoạn sau đây: chọn lúa giống, cày ruộng, ngâm giống, gieo mạ, bừa ruộng, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, tưới nước, gặt lúa, xay lúa thành gạo và cuối cùng thì đem gạo nấu thành cơm ăn, cho nên, ăn được một chén cơm thì không phải dễ dàng, có pha trộn mồ hôi và cả khi nước mắt của người nông dân.

Gạo không phải ở trong cối xay đá mà có, cũng không phải ở trong cái bao chiếu lác mà ra.

Ơn cứu độ không phải do người này người nọ mà có, cũng không phải do mình mà ra, nhưng ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa qua các giai đoạn sau đây: trước hết là do tình yêu bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi, sau đó Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Chúa Giê-su xuống thế làm người trong cung lòng trinh nữ Ma-ri-a, giảng dạy tin mừng Nước Trời, bị các thượng tế ghen ghét vu khống, bị đánh đòn, bị vác cây thập giá đi chịu chết, và cuối cùng bị đóng đinh chân tay vào thập giá và chết trên thập giá tại núi Sọ (Can-vê) ngoài thành Giê-ru-sa-lem, xác chôn trong mồ được ba ngày thì Ngài sống lại vinh quang...

Và lý do duy nhất để Đức Chúa Giê-su hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc nhân loại chính là tình yêu, một tình yêu trọn vẹn không tỳ vết, tình yêu cho đi mà không đòi lại, đó chính là cốt lõi của ơn cứu độ.

Ai phủ nhận Đức Chúa Giê-su Ki-tô không phải là Đấng cứu độ trần gian, thì người đó không thể chia sẻ tình yêu và hạnh phúc Nước Trời với Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tràn trề hy vọng: Tòa Thánh đăng một bài dài về tiến trình tuyên thánh cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
00:23 18/09/2021

Hôm 17 tháng 9, giữa những bộn bề sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Hung Gia Lợi và Slovakia, truyền thông Tòa Thánh đã cho đăng một bài dài về tiến trình tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với những lời thập đẹp.

Bài báo của ký giả Francesca Sabatinelli có nhan đề “Il Venerabile Van Thuan, uomo di Dio, esempio di cristianità”, nghĩa là “Bậc Đáng Kính Nguyễn Văn Thuận, người của Chúa, tấm gương của niềm tin Kitô”. Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm nay, vị Hồng Y Việt Nam được tưởng nhớ trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, một ngày sau ngày kỷ niệm 19 năm ngày mất của ngài. Luisa Melo, người chịu trách nhiệm lo hồ sơ tuyên thánh cho ngài nói “Tôi bị đánh động bởi sự giản dị của ngài và cuộc sống thanh bần của ngài”

Một con người phi thường và giản dị, với kinh nghiệm Kitô tuyệt vời, con người chân thật của Thiên Chúa, đầy bình an và vui vẻ, niềm nở, giàu trực giác nhân bản, có khả năng làm mọi người ngạc nhiên về sự đơn sơ của ngài. Luisa Melo, thuộc Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, người chịu trách nhiệm hồ sơ tuyên thánh cho Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, đã cho biết như trên khi đề cập đến vị Hồng Y, là người mà bà đã gắn bó kể từ khi ngài làm phó chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình vào năm 1994, và sau đó là Chủ tịch Hội Đồng này cho đến ngày ngài qua đời năm 2002. Nói về Đức Hồng Y Thuận, Melo nhấn mạnh đến “sức mạnh của kinh nghiệm Kitô, được củng cố trong lời cầu nguyện”. Cô cũng không quên nhắc đến những ký ức cá nhân vì những điều này rất quý giá, chẳng hạn như vào năm 1994, khi Đức Tổng Giám Mục Thuận bước vào văn phòng lần đầu tiên. “Chắc chắn không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng rằng một tổng giám mục lại có thể đi đến nơi làm việc trên một chiếc xe gắn máy, do một linh mục Việt Nam khác lái!”

Đây là bước đầu tiên, vị Tổng Giám Mục Việt Nam đi vào trái tim của Melo và các đồng nghiệp của cô. Nét đặc trưng của ngài là sự giản dị mà cho đến tận ngày nay, nhiều đồng nghiệp của Melo vẫn sẵn sàng nói rằng họ có đặc ân được chia sẻ những kỷ niệm vui và đẹp với ngài. “Ngài rất khiêm tốn niềm nở đến nỗi ngài ngay lập tức đi vào trái tim của chúng tôi. Ngài dành một phần thời gian của mình cho mỗi người chúng tôi, ai muốn đến nói chuyện với ngài, cũng được ngài đón nhận, ngài luôn muốn chia sẻ và đến được với mọi người, trong văn phòng cũng như bên ngoài”. Hôm nay, trong thánh lễ tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Trastevere, suy nghĩ của mọi người chính xác hướng đến sự giản dị của con người vĩ đại này, là vị đã được long trọng kêu cầu cho tất cả những người bị bệnh Covid, đặc biệt là ở Việt Nam và những người nghèo nhất.

Trên tất cả, một khía cạnh của Đức Hồng Y Thuận nổi bật trong ký ức của Melo là cách sống thanh bần, về mọi mặt trong cuộc sống. “Ngài đã từ bỏ nhiều khoản quyên góp mà người ta đã dành cho ngài để có thể gửi những số tiền ấy cho việc đào tạo các chủng sinh và linh mục. Tất cả những điều này đối với chúng tôi là những nguyên nhân khiến chúng tôi ngưỡng mộ và yêu mến một con người giản dị, khiêm tốn và phi thường như vậy”. Luisa Melo cũng nhắc đến tấm gương của vị Hồng Y can đảm này, “trong sự kết hợp sâu xa với Chúa Kitô và Đức Mẹ”, đã có thể trải qua bảy tháng của căn bệnh dẫn đến cái chết của mình trong thanh thản, để biến đổi nỗi thống khổ tang tóc thành một lý do để vui mừng vì có thể hôm nay tấm gương can đảm ấy là một phần của nguyên nhân tuyên thánh. Đức Hồng Y Thuận là một người được phú cho trí tuệ phương Đông uyên thâm, với một cuộc đời đắm chìm trong những bi kịch của kiếp người, ngài đã phải chịu bạo lực vì đức tin Kitô, được truyền cho ngài bởi một gia đình có một số vị tử đạo: Giữa năm 1698 và 1885, một số vị tổ tiên của ngài đã bị bắt bớ vì đức tin của họ.

Trên hết, mẹ ngài là người đã dạy dỗ ngài có một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa, cho đến khi ngài vào chủng viện ở tuổi 13, trở thành linh mục năm 1953, ở tuổi 25. Bị nhà cầm quyền cộng sản ở Sài Gòn bắt giữ năm 1975, ngài đã trải qua nhiều năm trong nhà tù an ninh ở Hà Nội, sau đó chuyển đến trại cải tạo và cuối cùng bị quản thúc tại gia, nơi ngài đã viết những gì được coi là minh chứng tinh thần của mình, cuốn “Đường Hy Vọng” cho những tín hữu Việt Nam trung thành trên đất nước của ngài và ở hải ngoại. Sau 13 năm tù, trong đó có 9 năm kiên giam bị cô lập hoàn toàn và không trải qua bất kỳ thủ tục xét xử nào, ngài được trả tự do với điều kiện phải cư trú tại Tòa tổng giám mục Hà Nội và không thể thi hành chức vụ mục vụ của mình. Sau năm 1991, ngài bắt đầu cuộc sống lưu vong, xa Việt Nam nhưng không xa Giáo hội của mình, nơi ngài tiếp tục gần gũi thông qua sự giúp đỡ trong các hoạt động xã hội và từ thiện, đặc biệt là đối với các bệnh viện phong trên quê hương, và thông qua việc sửa chữa và xây dựng các nhà thờ. Ngài luôn dành sự quan tâm lớn đến các linh mục, các cộng đoàn tu trì, việc đào tạo chủng sinh, giáo lý viên và giáo dân và luôn tiếp tục rao giảng về sự tha thứ và hòa giải.

Melo nhận định rằng Đức Hồng Y Thuận đã trải qua những khó khăn và khốn khổ của các tín hữu, nhiều người trong số họ đã chịu tử đạo vì trung thành với Thiên Chúa và cho đến cuối cùng “cuộc sống trần thế của ngài là sự tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, vì vậy ngài đã để lại cho chúng ta một chứng từ về niềm vui, bởi vì cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn là một người vui vẻ”. Hơn nữa, cuộc đời của ngài vẫn còn nhiều điều để nói với các Kitô hữu ngày nay, những người đang sống trong tình trạng là nhóm tôn giáo bị bách hại nhất trên thế giới vì đức tin của họ. “Ngài để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc sống chìm đắm trong đức tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và tình yêu dành cho Đức Mẹ. Và rồi ngài truyền cho chúng ta một mẫu gương đáng ngưỡng mộ về tự do, về việc làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh và Phục sinh, và hy vọng, trong đó chúng ta phải kiên trì để là một con người của hy vọng, ngay cả khi đối mặt với rất nhiều bạo lực và bắt bớ, nhờ hoàn toàn tin tưởng vào thánh ý của Thiên Chúa”.

Điều duy nhất còn thiếu là một phép lạ để có thể tuyên chân phước cho vị Hồng Y Việt Nam, được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố là Bậc Đáng Kính vào ngày 4 tháng 5 năm 2017. Melo cho biết “đó là điều tất cả chúng ta đang chờ đợi”. Và trong khi chờ đợi như thế, điều quan trọng là “đem ra thực hành những lời dạy về niềm hy vọng của ngài vào lúc này”. Bộ Dịch Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cam kết mạnh mẽ truyền bá cuộc đời của Đức Hồng Y Thuận, linh đạo và các đức tính của ngài, những điều đã được chính Đức Thánh Cha công nhận và đã khiến ngài trở nên Bậc Đáng Kính. Chúng tôi đang tiếp xúc với những người từ năm châu, những người đang cầu nguyện rằng Chúa, qua sự chuyển cầu của chính Đức Hồng Y, sẽ ban cho chúng ta một phép lạ dẫn đến việc tuyên chân phước cho ngài.”

Luisa Melo kết luận: “Mong muốn này chúng tôi giao phó cho Chúa và chúng tôi biết ơn tất cả những người đã cầu nguyện với chúng tôi”.


Source:Vatican News

 
Kỷ niệm ngày 11 tháng 9 là một lời nhắc nhở Vatican đã nói rất đúng, không phải một lần mà là hai lần
J.B. Đặng Minh An dịch
06:51 18/09/2021


Ký giả John Allen của tờ Crux, có bài tường trình nhan đề “9/11 anniversary a reminder the Vatican had it right, not once but twice”, nghĩa là “Kỷ niệm ngày 11 tháng 9 là một lời nhắc nhở rằng Vatican đã nói rất đúng, không phải một lần mà là hai lần”. Theo Allen, Hoa Kỳ đã không nghe theo các lời khuyên của Tòa Thánh, không chỉ một mà là hai lần, dẫn đến các tổn thất kinh hoàng về nhân mạng và vật chất.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cuộc xung đột kéo dài 20 năm tại Afghanistan, trị giá 2.6 nghìn tỷ đô la, đã kết thúc với việc Taliban một lần nữa nắm quyền và vị thế toàn cầu của Mỹ lại tan nát. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, ít nhiều xảy ra cùng thời điểm với lễ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11 tháng 9.

Hai chiến dịch quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq là kết quả trực tiếp của các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Cả hai đều đã dẫn đến thất bại hoặc thất vọng. Trong cả hai trường hợp, các nhà ngoại giao Vatican ngày nay sẽ có lý khi nói: “ Đừng nói rằng chúng tôi đã không nói trước với các bạn như vậy”.

Afghanistan là hậu quả tức thì của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, đó là nỗ lực của một siêu cường tức giận nhằm đáp trả những kẻ mà nước này cho là phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngay từ đầu, chính quyền Bush đã tỏ rõ ý định sử dụng vũ lực để đánh bật chế độ Taliban. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 7 tháng 10, bom và tên lửa được hướng dẫn bắt đầu rơi xuống các mục tiêu của Taliban. 12 ngày sau các binh sĩ đã hành quân trên mặt đất.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau sự kiện ngày 11 tháng 9 nhưng trước khi chiến tranh Afghanistan nổ ra, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo toàn cầu đã có chuyến tông du tới khu vực này. Vị Đức Giáo Hoàng Ba Lan dự kiến đến Kazakhstan gần đó từ ngày 22 đến 25 tháng 9, và bất chấp những lo ngại về an ninh sau vụ tấn công Tòa Tháp Đôi, chuyến đi vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Chuyến tông du cho phép Đức Gioan Phaolô II có cơ hội cân nhắc trước những lựa chọn định mệnh mà thế giới phải đối mặt vào thời điểm đó. Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, Đức Gioan Phaolô II đã tố cáo “nỗi kinh hoàng không thể diễn tả được” đã xảy ra ở New York và gửi một bức điện cho Bush để bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc của tôi và sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện cho đất nước vào thời điểm đen tối và bi thảm này”. Tuy nhiên, tình cảnh này đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng đề cập đến không chỉ là những cảm xúc mà còn là những phản ứng có tính chính sách.

Ngài đã làm điều đó. Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật sau thánh lễ ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 23 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt, bằng tiếng Anh để bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế sẽ nghe thấy thông điệp ấy: “Với tất cả trái tim của tôi, tôi cầu xin Chúa giữ cho thế giới được hòa bình”, ngài nói. Trong hầu hết các bản tin trên các phương tiện truyền thông, thông điệp này được coi là đèn đỏ của Đức Giáo Hoàng cho cuộc can thiệp quân sự sắp xảy ra do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Hai tháng sau, sau khi Taliban bị lật đổ và bắt đầu hai thập kỷ chiếm đóng của nước ngoài tại Afghanistan, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho lời cảnh báo của mình trở nên sắc nét hơn trong thông điệp hàng năm của ngài cho Ngày Thế giới Hòa bình.

Trong thông điệp đó, Đức Giáo Hoàng thừa nhận quyền tự vệ trước những kẻ khủng bố nhưng nhấn mạnh rằng hành động nên được giới hạn ở chính những kẻ khủng bố, chứ không phải toàn bộ quốc gia, và bất kỳ hành động quân sự hoặc vũ trang nào cũng phải đi kèm với “một chính sách chính trị, ngoại giao và kinh tế can đảm và kiên quyết, trong đó cam kết giảm bớt các tình huống bị áp bức và gạt ra bên lề vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch của những kẻ khủng bố”.

Mặc dù Đức Gioan Phaolô II không bao giờ đề cập cụ thể đến Hoa Kỳ, bối cảnh thông điệp dường như đã hoàn toàn rõ ràng: Đừng sử dụng vũ lực bừa bãi, và đừng sử dụng một chiến dịch quân sự không có kế hoạch tái thiết.

Hai năm sau, ký ức về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 cũng thúc đẩy cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ dẫn đầu, khiến Đức Giáo Hoàng và đội ngũ Vatican của ngài lên án rõ ràng hơn. Đức Gioan Phaolô II thậm chí đã cử một đặc phái viên đến Tòa Bạch Ốc, đó là cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Pio Laghi, trong nỗ lực vào phút cuối để thuyết phục chính quyền Bush, nhưng vô ích.

Tóm lại, Đức Giáo Hoàng và các nhân viên ngoại giao của ngài đã cảnh báo Mỹ rằng cả Afghanistan và Iraq sẽ chứng tỏ là những cuộc xung đột không có hồi kết, có khả năng khiến dân thường của cả hai nước, bao gồm cả thiểu số Kitô Hữu đáng kể của Iraq, trở nên tồi tệ hơn. Các vị cũng cảnh báo rằng những nỗ lực áp đặt mô hình chính phủ và công lý của phương Tây lên các xã hội Á Châu sẽ cho thấy rằng những truyền thống xa lạ đó sẽ không bao giờ có hiệu quả và bóng ma của một cường quốc phương Tây xâm lược một quốc gia Hồi giáo khác sẽ thổi bùng tình cảm Hồi giáo và cuối cùng thúc đẩy chính các phong trào thánh chiến lao vào một cuộc chiến tranh được trù liệu là diễn ra trong một phạm vi giới hạn.

Vào tháng Giêng năm 2003, trong một bữa ăn trưa làm việc với các nhà báo do đại sứ quán Ý tại Vatican tổ chức, Đức Hồng Y Angelo Sodano, người Ý, lúc đó là Ngoại trưởng của Đức Gioan-Phaolô, đã đánh giá theo cách này: “ Chúng tôi nói với những người bạn Mỹ của chúng tôi: chọc giận một tỷ người Hồi giáo sẽ có nguy cơ gây ra sự thù địch của thế giới Hồi giáo trong nhiều thập kỷ.”

Chỉ ba ngày trước khi cuộc xâm lược của Hoa Kỳ bắt đầu, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình để đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng khác.

“Đối mặt với những hậu quả to lớn mà một hoạt động quân sự quốc tế sẽ gây ra cho dân chúng Iraq và cho sự cân bằng của khu vực Trung Đông, vốn đã rất khốn cùng, và đối với những hành động cực đoan có thể xuất phát từ đó, tôi nói với tất cả: vẫn còn thời gian để thương lượng; vẫn còn chỗ cho hòa bình, không bao giờ là quá muộn để hiểu và tiếp tục thảo luận”, ngài nói.

Mặc dù bây giờ tất cả những điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng vào thời điểm đó, Vatican là một trong số ít các quốc gia phương Tây sẵn sàng công khai nói lên sự e ngại của mình đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Mặc dù có thể là khó mường tượng ra thế giới ngày nay có thể trông khác như thế nào nếu Hoa Kỳ đã lắng nghe lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng câu trả lời gần như chắc chắn là sẽ khác “rất xa”.

Cột mốc 20 năm kể từ ngày vụ khủng bố 11 tháng 9, trong số nhiều điều khác, đưa ra một lời nhắc nhở rằng Vatican đã đúng, không chỉ một lần mà là hai lần, về những đau lòng sẽ xảy ra sau các phản ứng quân sự của Mỹ và các đồng minh sau các cuộc tấn công.

Có lẽ đó không phải là niềm an ủi nghiệt ngã cho những người Công Giáo trong ngày kỷ niệm khủng khiếp này. Tuy nhiên, nếu không có gì khác, có lẽ nó cũng mang lại một lợi ích nhất định cho sự nghi ngờ vào lần tiếp theo khi các nhà ngoại giao Vatican cố gắng cảnh báo thế giới rằng “Làm theo cách đó thật là một sự điên rồ”.
Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tân Tổng giám mục cho thủ đô Belarus
J.B. Đặng Minh An dịch
06:52 18/09/2021


Hôm thứ Ba, Tòa Thánh chi biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một tổng giám mục Công Giáo mới cho thành phố thủ đô Belarus.

Tòa thánh Vatican thông báo vào ngày 14 tháng 9 rằng Đức Giáo Hoàng đã chọn Đức Cha Iosif Staneuski, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, làm nhà lãnh đạo tổng giáo phận Minsk-Mohilev.

Việc bổ nhiệm diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với Giáo Hội Công Giáo ở Belarus, quốc gia có 9.6 triệu dân giáp với Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Đất nước đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Alexander Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm 2020 với 80% phiếu bầu.

Cùng tháng đó, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng giám mục Minsk-Mohilev, đã bị cấm trở lại Belarus sau khi đi thăm Ba Lan.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, khi đó là chủ tịch hội đồng giám mục Belarus, đã cầu nguyện bên ngoài một nhà tù nơi những người biểu tình bị giam giữ bị tra tấn và yêu cầu điều tra về các báo cáo theo đó cảnh sát chống bạo động đã chặn cửa của một nhà thờ Công Giáo ở Minsk trong khi bắt bớ những người biểu tình ở một quảng trường gần đó.

Sau các dàn xếp, ngày 22 tháng 12, ngài được cho về nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 3 tháng Giêng, ngài được cho về hưu. Chế độ cũng đã trừng phạt các linh mục đã ủng hộ các cuộc biểu tình, gần đây nhất là vụ lùng bắt Cha Vyacheslav Barok vì phản đối gian lận bầu cử và các hành vi bạo lực của chế độ. Rất may, đầu tháng 7 năm 2021, ngài kịp thời trốn sang nước láng giềng Ba Lan.

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Kazimierz Wielikosielec làm giám quản tông tòa của tổng giáo phận Minsk-Mohilev.

Phát biểu trong thánh lễ chia tay ở Minsk, Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói: “Thay đổi một giám mục sau khi ngài bước qua tuổi 75 là một điều bình thường. Tôi ra đi với tư cách là một giám mục bản quyền, nhưng với tư cách là một giám mục, tôi vẫn ở lại”.

“Điều quan trọng là, bất chấp sự thay đổi của các giám mục, Giáo hội vẫn tồn tại, hoạt động và các cánh cổng địa ngục sẽ không thể chống lại nó”.

Đức Cha Iosif Staneuski, 52 tuổi, đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Grodno, miền tây Belarus, kể từ năm 2014.

Ngài sinh ngày 4 tháng 4 năm 1969, tại làng Zanevich, gần Grodno. Ngài được thụ phong linh mục giáo phận Grodno ngày 17 tháng 6 năm 1995.

Năm 1999, ngài nhận được Chứng chỉ Giáo luật tại Đại học Công Giáo Gioan Phaolô II ở Lublin, Ba Lan.

Ngài từng là giảng viên, và cuối cùng là hiệu trưởng của đại chủng viện ở Grodno. Ngài giám sát việc đào tạo mục vụ cho các linh mục trẻ của giáo phận Grodno từ năm 2007 đến năm 2013.

Ngài được bầu làm tổng thư ký Hội đồng Giám mục Belarus vào năm 2015 và lần thứ hai vào tháng 4 năm nay.
Source:Catholic News Agency
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giờ đây tôi đã thấy !!! Đinh Quân
Đinh Quân
11:28 18/09/2021
Giờ đây tôi đã thấy !!!

*Giờ đây tôi đã thấy,
Những điều mình ước mơ,
Không còn là sự thật,
Như khi còn bé thơ !

Đất Nước tôi ngày ấy,
Dòng sông chảy lững lờ,
Cánh diều bay theo gió,
Cưỡi trâu hát líu lo.

Không phải sống dật dờ,
Từng ngày lo cơm áo,
Cuộc đời luôn thanh thản,
Đua chen thấy vu vơ.

Trai nóng lòng mong đợi,
Quyểt chí cố học hành,
Lớn giúp nhà giữ nước,
Đền đáp ơn sinh thành.

Gái đảm đang nội trợ,
Không đua đòi phấn son,
Luôn kính cha thương mẹ,
Cùng săn sóc chồng con.

Ôi Quê Hương đẹp quá !
Sông núi dệt nên thơ,
Bao anh hùng liệt nữ,
Gìn giữ mãi đến giờ.

Nhưng giờ tôi đã thấy,
Đâu còn giống như xưa,
Cuộc đời vừa đổi mới,
Nói bao nhiêu cho vừa !

*Ngày nay tôi đã thấy,
Bọn rừng rú kéo về,
Đỉnh cao khoe trí tuệ,
Hung bạo trong say mê.

Giờ đây tôi đã thấy,
Trước sau một lũ hề,
Đem xã hội chủ nghĩa,
Gieo hỗn loạn tứ bề.

Giờ đây tôi đã thấy,
Loài quỉ đỏ bạo tàn,
Vùi cho dân đói rách,
Sống tủi nhục lầm than.

Giờ đây tôi đang thấy,
Dịch Cô-vít dâng cao,
Mỗi ngày thêm người chết,
Dân hoảng loạn biết bao

Giờ đây tôi đang thấy,
Nhiều cảnh quá thương tâm,
Bao tổ chức từ thiện,
Hết lòng hỗ trợ dân.

Giờ đây tôi đã thấy,
Cuộc sống khác khi xưa,
Chúng hô rằng đổi mới,
Lừa bịp bạn thấy chưa?

Giờ đây tôi đã thấy,
Tà quyền ngồi trên cao,
Vơ vét cho đầy túi,
Chẳng giúp dân tí nào.

Giờ đây tôi đã thấy,
Nuối tiếc năm tháng xưa,
Ngày nay đang mùa dịch,
Dân sống một kiếp thừa.

Giờ đây tôi chỉ thấy,
Tà quyền luôn họp hành,
Chống dịch không biện pháp,
Vắc-sin Tàu chích nhanh !!!

ĐINH QUÂN


*Hãy đọc 1 trích đoạn sau sẽ thấy thái độ nhà cầm quyền VN phản ứng ra sao về đại dich.
Đây là bản tin từ mấy tháng trước, bây giờ chắc còn tệ hơn :

Dịch COVID-19 ở Việt Nam: Sự đối lập giữa truyền thông Nhà nước và mạng xã hội.

Bệnh viên kín chỗ, bệnh nhân nằm la liệt gắn với máy trợ thở hoặc bình ô-xy, người người kêu cứu vì có thân nhân qua đời hoặc đang là F0, F1 và cần trợ giúp…. Những thông tin này được loan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Việt Nam trong mấy tuần qua cho thấy tình hình dịch bệnh bùng phát thật đáng lo. Thế nhưng, nếu một người chỉ xem TV hoặc đọc báo Nhà nước thì dịch bệnh lại không hề đáng sợ như vậy.

Trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, hoặc trên các mặt báo lớn, thông tin đăng tải về dịch bệnh COVID-19 chủ yếu là các con số cập nhật ca nhiễm mới, số ca khỏi bệnh, và gần đây lại không đề cập số ca tử vong mỗi ngày.
Truyền thông Nhà nước cũng chú trọng đưa tin về các chỉ đạo của cơ quan Nhà nước, và nếu có đề cập đến ảnh hưởng của dịch bệnh thì chủ yếu chỉ khai thác những vấn đề kinh tế, xã hội.

Điều mà nhiều người theo dõi tin tức thông qua truyền thông quốc doanh ở Việt Nam nhận thấy, đó là sự thiếu vắng khuôn mặt người dân, những bệnh nhân COVID-19 và thân nhân của họ, hoặc những người vì dịch bệnh mà mất đi miếng cơm manh áo, hoặc rơi vào cảnh khốn cùng….

( Theo bản tin Đài Á Châu Tự Do-RFA phát đi ngày 24/7/21 )
*Và biết bao cảnh đời nghiệt ngã trong mùa đại dịch giữa thành phố mang tên bóng ma ôn dịch dâm ô tay sai quỉ vương, cứ luẩn khuất trong đêm gieo rắc độc trùng sát hại dân lành :

Lá Thư Sài Gòn: Sàigòn Đêm Dịch

Người dân Saigon không được ra khỏi nhà từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Thế nhưng trong cái giờ giới nghiêm đó vẫn có những hoạt động nhói lòng... May thay, cũng còn nhiều cánh tay chìa ra. Và ngay cả chính họ cũng đã nắm lấy tay nhau để cùng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất.

*SÀI GÒN SAU 18 GIỜ*

-KHÔNG GIA ĐÌNH.
Những ngày này, ngày càng nhiều người nghèo, vô gia cư trên đường phố Sài Gòn đang bị cái đói bóp nghẹt.
Từ cuối tháng 7, lệnh phong tỏa ban hành khiến những con đường ngày thường vẫn nườm nượp người tất tả mưu sinh vừa tới 18 giờ đã trở nên vô cùng vắng vẻ. Trên đường phố lúc này chỉ còn lại những người thật sự không còn một chốn dung thân, một nơi để về.
Chốt chặn được thiết lập khắp các giao lộ. Cửa ngõ ra vào TP đều bị kiểm soát. Nếu không có nhiệm vụ mà ra đường sau 18 giờ thì không thể trót lọt được qua các chốt kiểm tra.
Những người ăn xin, buôn thúng bán bưng ngày thường vẫn tập trung dày hai bên cầu Nguyễn Văn Cừ (chợ Nancy cũ), khu vực công viên 23 Tháng 9 (khu nhà ga Sài gòn cũ), trạm xe buýt Bến Thành trên đường Hàm Nghi (Q.1)… nhưng giờ đây không còn một bóng nào.

-XÍCH LÔ LÀ NHÀ.
Hơn 23 giờ, tại công viên cặp bên vòng xoay Lý Thái Tổ (Q.5), dưới hiên nhà tối om có một mái tóc bạc trắng loay hoay trên chiếc xích lô. Đó là chú Nguyễn Văn Công, 66 tuổi, với mái tóc bạc khó lẫn lộn: “Sao chú ngủ ở đây? Nhiều muỗi lắm!”. “Không ngủ ở đây thì biết ngủ ở đâu. Giờ công an đi tuần, nằm vào chỗ khuất may ra thì được ngủ yên”, ông Công nói chuyện qua lớp khẩu trang. “Rồi chú ăn uống, tắm giặt ở đâu?”. Ông Công thì thào trong bóng tối: “Nhà hảo tâm cho sữa, bánh, cho cơm từ thiện và cả tiền…, tắm rửa thì vẫn ra nhà vệ sinh công cộng bên hông cầu Ông Lãnh”.
Ông Công rất tự trọng. Thấy hoàn cảnh ông lang thang, sống một mình, nhiều người đề nghị giúp đỡ nhưng ông đều từ chối vì “tôi còn sức, còn làm kiếm ăn được”. Nhưng nay dịch, không còn khách đi xích lô, tiền dành dụm cũng hết nên ông buộc phải nhận cứu trợ để tồn tại.
Mấy ngày đầu giãn cách, do ảnh hưởng bão số 3 nên đêm khá lạnh, ông kéo tấm bạt quây quanh chiếc xích lô. Ông Công chia sẻ: “Chiếc xe nhìn nhỏ vậy nhưng lợi hại lắm, ban ngày chở khách, ban đêm là cái giường, là cái tủ chứa tất cả tài sản tôi có”. Nói rồi ông bấm đèn pin, bật chiếc lưng ghế xích lô, lôi ra một cái bọc chứa bộ quần áo, vài vỉ thuốc, mấy chai dầu gió: “Tất cả tài sản của tôi có nhiêu đó. Một bộ mặc trên người, một bộ giặt khô thì bỏ bịch cho vào “cốp” xe”.
Ông Công kể trước năm 2001 ông còn mẹ, còn nhà ở P.10, Q.5 nhưng sau đó nhà bị giải tỏa, mẹ mất, vợ con đã bỏ đi cách đó mấy năm cũng biệt tăm. Anh em đang sống cùng một nhà cũng tứ tán tìm kế sinh nhai. Từ đó, ông Công thành người không gia đình, không nhà. Quanh năm kể cả ngày lễ, tết tới giỗ mẹ ông cũng chỉ quanh quẩn với chiếc xích lô và đến giờ thì ông hoang mang không biết về đâu. “Nhà” của ông Công hiện tại là chiếc xích lô mua 20 năm trước với giá 1,9 triệu đồng. Ông tâm sự thực lòng: “Những ngày nước sôi lửa bỏng này giá như có một ngôi nhà để về thì ấm áp. Gần nửa đời người ngủ trên xe, tôi thấy đời sống quá bấp bênh”. “Sao không vào trung tâm bảo trợ xã hội lánh tạm?”, tôi hỏi. Ông Công phân trần: “Vào trung tâm bảo trợ thì phải có đơn, phải được duyệt, thủ tục cũng không phải ngày một ngày hai. Hơn nữa, trong số những người vào trung tâm biết đâu lại có F0. Thôi thì ở ngoài đường đã quen, dù chui lủi có vất vả nhưng còn chủ động”.

-TRƠ TRỌI GIỮA THÀNH PHỐ.
Trước cửa Bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10) có ông già “ở đường” lâu hơn ông Công cả chục năm. Đó là ông Võ Văn Thành (70 tuổi, quê Ninh Thuận).
Ông Thành vào Sài Gòn từ hồi đứa con gái nhỏ lên một tuổi, nay người con gái ấy đã bước sang tuổi… 40. Năm đó bị vợ bỏ, ông chán nản nên vào Sài Gòn, từ đó tới nay chưa một lần về thăm quê. Khi có lệnh hạn chế ra đường sau 18 giờ ông hoang mang, mường tượng lại cảnh quê hương sau nhiều năm không muốn nhớ nhưng đường về mù mờ, mặt người thân cũng không còn rõ nét. Chỉ vào chiếc xe gỉ sét, ông Thành nói: “Chiếc xe này cũng gần 40 tuổi, xuống cấp quá, khách không chịu ngồi nữa. Tôi dùng nó làm chỗ ở kiêm cái kho chứa ve chai”. Dịch kéo dài, vựa ve chai đóng cửa, ông Thành phải để rải rác chai nhựa nhặt được ở công viên. Số mới nhặt thì treo lủng lẳng quanh xe như chỗ chơi bán đồ hàng của con nít.
Mấy chục năm ngủ trên xe, ông đã quen với thế nằm cong nên giờ không còn cảm thấy đau lưng nữa. Làm “phu xe” cả năm đầu tắt mặt tối, những ngày dịch ông Thành mới có thời gian ngắm kỹ Sài Gòn tĩnh lặng. Ở tuổi thất thập, thỉnh thoảng ông Thành lại nhớ về khuôn mặt của đứa con gái từ khi còn nhỏ. “Nghe nói nó đã theo chồng đi xa. Chỉ mong đời nó không lênh đênh, lận đận như tôi…”.
Cùng tên, cùng nghề xích lô còn có ông già Nguyễn Văn Thành (77 tuổi, quê Đồng Nai). Lúc trẻ ông lập gia đình nhưng không bao lâu thì vợ mất. Bản thân ông lên Sài Gòn đạp xích lô tới nay đã gần 40 năm. Anh em họ hàng của ông giờ đã lớn tuổi và có lẽ không còn sống. Trước dịch, ông Nguyễn Văn Thành và ông Công lúc nào cũng gắn bó, buổi tối thường tìm chỗ đậu xe cùng ngủ để đêm hôm thủ thỉ trò chuyện. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ, họ phải tách nhau mỗi người một ngả. “Hằng ngày, vào buổi trưa, chúng tôi hẹn nhau ở một sân bóng. Lúc gặp nhau lại chia sẻ hộp cơm, cái bánh mì, vỉ sữa xin được cùng ăn hết rồi lại… chia tay”, ông Thành chia sẻ.

-TÌM CHA TRONG ĐÊM
Lệnh phong tỏa nên ngoại trừ những người thực hiện công vụ, không người dân nào ra đường. Vậy mà tại ngã ba Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ, tiếng khóc nỉ non của cô bé Nguyễn Ngọc Bích Châu, 10 tuổi, khiến những người có nhiệm vụ ra đường giờ đó đều dừng lại.
Mặc một bộ quần áo ngắn tay, đi đôi dép kẹp với thân hình nhỏ thó gầy guộc, đen đúa, Châu không ngừng nài nỉ: “Cho con tới chỗ ba con”. Ba con là ai? Ở đâu? Tại sao con ra đường giờ này một mình?… nhưng cô bé không thể trả lời rành mạch. Em kể tiếng được, tiếng mất: “Nhà con ở hẻm đường sắt, ba con đi chở xe ba bánh nhưng xe hư rồi, mẹ con bệnh, con mang thuốc về cho mẹ rồi ra chỗ ba…”. Nhưng, địa chỉ nhà ở đâu thì Châu không nhớ, ba tên gì em cũng không nói được…
Người ta nghe câu chuyện của Châu lõm bõm và phải tự xâu chuỗi: Nhà em ở khu phong tỏa, mẹ bị bệnh, cha không ở cùng.
21 giờ, đường không một bóng người, cô bé nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần áo bảo hộ thùng thình ghì chặt tờ 20.000 đồng và một bịch sữa được cho trên đường từ nhà đi. Đoạn đường từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ đến Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ (nơi ba Châu đang đợi) không quá dài nhưng phải qua gần chục lượt kiểm tra. Mất hơn 30 phút qua chốt và đi bộ mới tới ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ, đã quen thuộc nên Châu sà ngay vào hiên ngôi nhà có bóng đèn sáng nhất. Nơi đó, cha em đang nằm.
Vòng tay qua cổ, câu nói đầu tiên của cô bé với ba khiến ai nấy bất chợt cay xè mắt: “Nhà mình chắc sắp bị cắt điện đó ba. Người ta còn đòi tiền nhà nữa. Mẹ bảo ra báo ba gấp để không kịp”. Anh Nguyễn Thượng Huân (52 tuổi, ba bé Châu) mặt méo xệch ôm con mếu máo. Người cha gầy gò có đôi chân teo nhỏ dường như không chú ý đến lời con gái nói mà chỉ siết chặt cô bé vào lòng, mắt ngân ngấn: “Ba đã nói đi phải về liền. Sao con đi đâu, nay mới về, ba tìm con khắp”..

-NHÀ CHIA HAI NỬA TÌM ĐƯỜNG SỐNG.
Ba của Châu bị tật ở chân đi lại rất khó khăn. Anh chỉ có thể lết từng bước nhỏ nên việc mua bán thuốc men chữa bệnh cho mẹ đều phụ thuộc vào Châu. Hai ngày trước, khi gom được ít gạo, bánh và ít xúc xích, anh nói Châu mang về cho mẹ và các em. Về tới nhà mới hay bệnh của mẹ trở nặng, Châu lại chạy ra chỗ ba xin tiền mua thuốc. Vét sạch trong túi được hơn 300.000 đồng, anh Huân chỉ tiệm thuốc, dặn dò con kỹ lưỡng mua thuốc mang về cho mẹ.
Trước khi con đi, anh dặn con phải về lại chỗ cha ngay để lỡ có gì còn chạy đi chạy lại cho kịp. Thế nhưng, khi về nhà rồi, Châu mới biết hẻm nhà mình đã bị phong tỏa. Người ngoài không được vào, người trong không được ra. Châu ở nhà từ tối hôm trước tới tối hôm sau thì nóng ruột: “Con cứ nghĩ đến lời ba dặn mang thuốc về thì phải ra ngay. Con sợ ba chờ không thấy, ba mong”. Quanh quẩn hơn một ngày trong nhà trọ, đợi lúc không có người Châu lẻn chạy ra ngoài. Lúc này đã hơn 20 giờ, đường đã vắng hoe.
Châu không nhớ số nhà mình ở vì đó là nhà trọ, ở thuê. Tên ba em cũng không dám nói vì sợ người ta bắt luôn. Trên tất cả, Châu còn sợ phải quay về nhà, vào lại hẻm đã bị cách ly vì em sợ Covid-19.
Anh Huân tâm sự, vợ anh bị tai biến giờ nằm liệt giường. Trước dịch anh vẫn chạy xe ba bánh và cùng con bán vé số trang trải cuộc sống. Khi có dịch, xe bị hư, không còn người mướn chạy xe, người mua vé số không còn, chủ yếu người qua đường thương cảnh gia đình giúp đỡ nên vợ chồng, con cái có tiền ăn.
Từ khi chính thức thực hiện giãn cách, gia đình anh hoàn toàn kiệt quệ. Vợ bệnh không có tiền thuốc thang. Sáu miệng ăn trút hẳn lên vai một người khuyết tật. Lúc đó, anh nghĩ nếu cứ ở nhà trọ thì chưa chết dịch cũng sẽ chết đói nên tính cách để lại vợ và 3 đứa con nhỏ ở nhà. Còn anh và Châu (con gái lớn) ra đường kiếm ăn. Những ngày này hai cha con chia nhau ra hai điểm xin cứu trợ. Xin xong, buổi tối gom lại rồi chia ra đồ nào ăn ngay, đồ nào dự trữ. Châu có nhiệm vụ mang đồ về nhà nhờ hàng xóm nấu cho mẹ và các em ăn rồi lại chạy ra chỗ cha. Từ khi thực hiện giãn cách thì buổi tối không người, việc di chuyển của Châu khó khăn.

-NGỦ CHỖ SÁNG ĐỂ NGƯỜI ĐI TỪ THIỆN DỄ THẤY.
Gần một tháng nay, hiên nhà bán xe máy trên đường Trần Hưng Đạo là nơi cha con Châu ngủ đêm. Anh ngủ chỗ sáng để người đi từ thiện dễ thấy mà dừng lại. Nhìn anh co quắp trong tấm bìa carton, tôi hỏi sao anh không mang mền ra đắp cho đỡ lạnh? Anh Huân thật thà: “Đắp mền ấm quá, tôi sợ lúc người ta tới tặng đồ lại ngủ quên, không biết để thức dậy nhận và cảm ơn họ”.
Thời gian này, nhà anh sống được là nhờ đồ từ thiện. Người cho gạo, người cho mắm muối, người cho rau nên bữa ăn của các con và vợ ở nhà cũng tạm ổn. Ngoài ra, anh chia sẻ buổi tối người đi từ thiện thường cho tiền. Anh muốn canh thức để trực tiếp được nhận tiền và cảm ơn. Có số tiền ấy, vợ anh có thuốc uống, may ra qua được đợt dịch này.

-BỒNG CON THƠ KIẾM ĂN
Là trẻ mồ côi chưa kịp lớn, vừa đủ 17 tuổi Lê Thùy Trang đã làm mẹ một con. Cuộc sống lang bạt của bà mẹ đơn thân vốn đã khó khăn lại tăng thêm bội phần trong mùa bạo dịch.
Khi bạn cùng lứa còn chăn ấm, đệm êm cùng gia đình an toàn tránh dịch thì hằng đêm, Trang vẫn phải một mình vác con trên vai ra đường nhặt ve chai mặc cho dịch bệnh có thể quấn lấy hai mẹ con bất cứ lúc nào.

-THÂN CÒ LẶN LỘI ĐÊM GIÃN CÁCH.
Càng về khuya, đường Sài Gòn càng trở lên cô quạnh. Các gian hàng mặt phố kéo cửa xếp im ỉm, những ngọn đèn trong rèm cửa trên những lầu cao chỉ còn lác đác vài bóng thì Lê Thùy Trang (17 tuổi, ngụ Q.4) vẫn một mình lặng lẽ ngồi xổm dưới những gốc cây to bới rác.
Đã quá 23 giờ mà Trang vẫn miệt mài bới móc tìm chai nhựa, giấy vụn hay đâu đó một mẩu thức ăn thừa để qua bữa tối. “Mấy bữa nay người ra đường ít, chai nhựa cũng ít, em đi từ tối tới giờ mới được nhiêu đây”, cô gái chỉ vào chiếc thùng carton chứa hơn chục chai nhựa và vài lon bia nhỏ nhẻ nói. 17 tuổi nhưng con của Trang đã sắp thôi nôi. Trang bảo, mẹ bỏ đi từ khi em chưa tròn tuổi, cha
nuôi em lên tám thì cũng bỏ rơi. Không cha mẹ, không người thân, em lớn lên như cây dại giữa đời.
Năm 15 tuổi Trang gặp một người đàn ông nói thương và muốn lấy em. Thiếu thốn tình cảm gia đình lại mơ ước có được một mái ấm, Trang đồng ý thuê phòng trọ ở chung. Vài tháng sau, Trang biết mình có bầu. Người đàn ông ở cùng tuy thương em nhưng gia cảnh nghèo khó phải bỏ đi làm xa, lâu lâu, gửi cho Trang chút tiền trang trải nhưng từ đầu dịch thì biệt tăm. Người mẹ trẻ ôm con đợi chờ trong căn trọ không một đồng trong túi. Đứa con cả ngày khóc đòi sữa, buộc lòng Trang phải ôm con ra đường kiếm sống.
Khi được hỏi sao không tìm tới các hội nhóm cứu trợ từ thiện? Bà mẹ trẻ ngờ nghệch: “Em không có xe, có hôm em bế con đi bộ tới điểm cho thì người ta đã nhận và tan hết. Em có nhờ người để ý khi có cứu trợ gọi để chạy qua xin. Họ gọi cho hàng xóm, hàng xóm qua gọi, em chạy tới nơi thì cũng đã không còn gì”. Thấy mẹ con Trang đáng thương, những người nhận được cứu trợ trước đó cũng chia lại cho một chút thức ăn. Vài hộp sữa, vài cái bánh ngọt cho đứa con trai. Vậy mà Trang đã mừng lắm.
Cám cảnh người mẹ trẻ đèo bòng con thơ trong mùa dịch, nhiều người trong khu trọ khuyên Trang đưa con lên chùa hoặc gửi trại trẻ mồ côi nuôi giúp nhưng em nói dịch này, bên đó họ không nhận. Nói là để chống chế vậy thôi chứ Trang chưa từng có ý định đưa con mình cho ai nuôi cả. “Em là trẻ mồ côi, lớn lên không có ba mẹ buồn lắm. Lúc bệnh đau em chỉ mong một lần được gặp mẹ, được ba yêu thương. Bởi thế, dù chết đói em cũng không bỏ con. Con là người thân duy nhất của em trên đời”.

-GIẤC NGỦ TRÊN VAI MẸ.
Nhiều năm lăn lộn lề đường, Trang nghiệm ra rằng ông trời không bao giờ dồn em vào bước đường cùng. Ở những lúc bế tắc nhất, em đều nhìn thấy một lối nhỏ khác để bước qua. Trong mùa dịch này, lúc đói, khổ nhất em lại có được một người mẹ nuôi tên Hoa. Bà Hoa sống bằng nghề thu mua ve chai của những người bán vé số nhặt dạo rồi bán lại cho vựa lớn.
Bà Hoa cũng là mẹ đơn thân và có một người con gái hơn Trang một tuổi (cũng lay lắt lề đường và có bầu năm 17 tuổi) nên bà thương và cưu mang Trang. Tuy không giúp nhiều nhưng lúc khó khăn, bệnh tật bà là chỗ dựa tinh thần để mẹ con Trang cố gắng. Trang bảo, ở với mẹ nuôi, em làm gì sai thì mẹ mắng nhưng đói thì mẹ chia đồ cho ăn. Không giúp được về mặt kinh tế nhưng lúc khó khăn này Trang cảm thấy mình có một gia đình. Con Trang có người để gọi là bà ngoại, em nghe cũng thấy ấm áp.
Đứa con nhỏ của Trang tên ở nhà là ku Tin (mọi người hay gọi là “A Kay” vì Trang thường một nách ôm con kể cả lúc làm việc).
Ku Tin ngủ trên vai mẹ ngày đêm nhưng mẹ không có sức (và cũng không còn tâm trí) để hát ru vì mẹ bận dồn sức… nhặt ve chai.
Chưa đầy một tuổi nhưng đêm nào ku Tin cũng theo mẹ ra đường kiếm ve chai. Có hôm quá nửa đêm mà mẹ con vẫn lang thang ngoài đường. Với Tin, ở nhà hay ngoài đường cũng không khác nhau, cứ buồn ngủ là em gục vào vai mẹ ngủ.
Có lẽ vì biết mẹ cũng khổ nên ku Tin chẳng mấy khi quấy khóc. Suốt ngày theo mẹ ở ngoài đường nên chẳng mấy khi Tin được mặc quần. Tiện đâu đặt đó, khi đi nhặt ve chai Trang không mang theo nhiều quần cho con nên cứ tiểu ướt thì vắt quần lên cây, đợi khô mặc tiếp không có quần thay. Nhìn đứa con nhỏ thó đang bò trên nền gạch, Trang bảo: “Em nghe người ta nói nó suy dinh dưỡng mà em cũng không biết phải làm gì”.
Mấy hôm nay túng quá, Trang đành gửi con cho mấy đứa trẻ bán mít (con của dân lao động nghèo) gần cầu Ông Lãnh để tranh thủ nhặt rồi về sớm. Trong số đó có Trần Tấn Phát, 8 tuổi, cũng là trẻ mồ côi. Có lẽ đồng cảm với hoàn cảnh của Trang nên những lúc rảnh, Phát thường gọi: “Chị Trang đi lượm đi, mang A Kay em coi cho”.

-DẸP CẢ TỰ TRỌNG.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, 40 tuổi, trước dịch bán xe cà phê dạo dọc đường. Dịch bùng phát, vợ chồng chị thất nghiệp. Nhà hai vợ chồng thêm hai đứa con nhỏ cầm cự được hơn 2 tháng, qua tháng thứ 3 trong nhà không còn một hạt gạo, chỉ còn đủ tiền mua được một thùng mì gói ăn qua ngày. Trong lúc chờ chồng kiếm việc, chị Oanh bất đắc dĩ mang theo hai đứa con, một trai một gái ra đường xin từ thiện qua ngày. “Đi một mình, họ thấy mình trẻ, họ ngại cho. Mình đưa hai đứa nhỏ đi, thấy hoàn cảnh thực, họ không ngại giúp”, chị Lúc trước, chị Oanh theo mấy người trong xóm ngồi trên cầu Nguyễn Văn Cừ (Nancy) nhưng sau này không ai ngồi trên cầu nữa, chị dắt con qua mấy điểm khuất hơn và lang thang khuya mới về nhà.

-MONG CÓ NƠI TÁ TÚC
Tại trạm xe buýt Bến Thành (đường Hàm Nghi, Q.1), mới hơn 21 giờ đã tập trung khá nhiều người lang thang. Hầu hết họ là lao động mất việc, không thể trả tiền trọ, tiền ăn. Ban ngày họ tản ra những nơi cứu trợ xin cơm, quà từ thiện, tập trung tắm, rửa tại nhà vệ sinh công cộng Bến Thành và ngủ đêm ở đây. Một số nhóm còn lại là người nghiện, lang thang lâu năm thì tập trung ở công viên 23/9.
Vừa thấy chiếc xe dừng lại, tưởng bị đuổi, những người lang thang đang ngồi, liền vội vã cắp chiếu, ba lô vào nách cắm cổ chạy. Một người phụ nữ lam lũ, đầu tóc xõa xượi hớt hải quay lại hỏi: “Bắt hả?”. “Không, có quà, cô qua nhận đi”. Chị vội chạy qua nói: “Em quê Tiền Giang, làm phụ hồ. Công trình nghỉ, thợ và phụ hồ đều thất nghiệp chia nhau mỗi người một ngả kiếm đồ từ thiện ăn uống qua ngày”.
Mấy hôm trước chị ở bên công viên 23/9, nhưng tối nào cũng bị dân xì ke tới sờ gáy móc đồ. Sợ quá, chị chạy ra bến xe buýt này. Từ ngày đi bụi tới nay chị mới được tắm gội do nhà vệ sinh ở bến xe buýt không đủ chỗ nên phải xếp hàng. Chờ gần 1 tiếng mới đến lượt tắm. Chị chỉ tay về phía nhà chờ: “Hôm nay có mấy người mới tới, mang theo cả xe nhưng chiều đã đi kiếm chỗ gửi rồi đi người không với bọc đồ về ngủ”.
Thấy có người tới tặng quà, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Cần Thơ) cũng lại gần kể chuyện: “Nhà tôi có hai vợ chồng, 6 đứa con. Giờ vợ chồng thất nghiệp ở thành phố, con cái ở quê. Dịch, không về quê được, chủ nhà trọ thì đuổi vì nợ tiền trọ mấy tháng, buộc lòng chúng tôi phải ra đường. Tôi hoàn toàn chưa nhận được một đồng nào từ các gói hỗ trợ. Ai cũng mong có một chỗ ở mà khó quá”.

-THÂT NGHIỆP CHƯA NHẬN TRỢ CẤP.
Trong khi đó, Triệu Sinh Linh (19 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) trước dịch làm nhân viên phục vụ quán cà phê, mất việc 4 tháng nay, chia sẻ: “Mấy ngày nay em lang thang bến xe buýt ăn cơm từ thiện qua ngày. Em đã tới ấp hỏi về việc người mất việc nhận hỗ trợ nhưng cán bộ ấp nói phải tìm gặp trưởng ấp. Mà em không biết trưởng ấp ở đâu nên đi thẳng ra bến xe”.
Cùng cảnh với Linh, bạn Nguyễn Ngọc Trúc (22 tuổi, quê Kom Tum) cho hay: “Hôm trước, em nghe nói người mắc kẹt tại thành phố sau khi đăng ký với địa phương sẽ được theo đoàn về quê với điều kiện là có phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19. Em vay mượn được 400.000 đồng đi xét nghiệm, có phiếu xác nhận âm tính. Tuy nhiên, tối đó lại có tin người dân không được rời nơi cư trú. Giấc mơ đoàn tụ gia đình vỡ vụn, em cùng Linh lang thang bến xe trú ngụ qua ngày”.
Người lao động tập trung nhiều ở bến xe, dạ cầu, công viên do không nhận được tiền hỗ trợ nằm ở danh sách kê khai tại địa phương. Ngay khi mất việc, cuộc sống khó khăn, người lao động bỏ nơi cư trú đi lang thang. Thời gian qua họ chủ yếu sống nhờ cứu trợ của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện.
Tuy nhiên, nguồn từ thiện không phải lúc nào cũng sẵn. Ngoài người lao động mất việc tập trung ở các điểm “tị nạn” trong trung tâm thành phố, ở vùng ven, công viên, gầm cầu, dọc hai bờ kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, còn người nghiện trà trộn cùng người lang thang lâu năm, người già. Trong đó, còn có nhiều phụ nữ và trẻ em. Với mức độ lây lan dịch bệnh như hiện tại, họ rất cần được bảo vệ. Tuy nhiên, trước tình trạng trung tâm xã hội đã phát hiện những ca dương tính và tạm ngưng tiếp nhận, thì nguy cơ nhiễm dịch của những người ngoài cộng đồng này rất đáng ngại.
Bên dạ cầu Chà Và (Q.5), một phụ nữ vác bụng bầu chạy tới, mồ hôi nhễ nhại để kịp xin một phần quà. Kế bên người phụ nữ lúc ấy còn có một bé gái tầm 10 tuổi không đi học.
Em Lò Văn Đông (21 tuổi, quê Lào Cai) làm công nhân nhà máy nước đá Thiên Phú, lương 6 triệu đồng/tháng. Sau khi nhà máy đóng cửa, Đông nghỉ việc thì chỉ còn lại 1 triệu đồng và một chiếc điện thoại, nhưng cũng vừa bị móc mất tối hôm trước.

-CHỦ TRỌ CŨNG KẸT “THẾ KHÓ”
Bà Phạm Ngọc Sa (một chủ nhà trọ tại Q.8) chia sẻ: “Công nhân trả phòng hầu hết đã nợ tiền trọ một, hai tháng nay. Tôi chỉ yêu cầu họ phụ đóng tiền điện nước. Phần lớn những người bỏ về không còn trang trải được bữa ăn hàng ngày nên tôi rất thương. Tuy nhiên tôi không dám nhận lại họ về nhà trọ của mình vì khi ra đường, họ đã tiếp xúc ai, có bị nhiễm bệnh không, thì tôi không kiểm soát được. Nếu không may có một ca dương tính thì rất nguy hiểm cho những người còn ở lại phòng trọ khác”.
Theo Lam Ngọc (TNO)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không?
Lm. Tiến Sĩ Roland Jacques
09:04 18/09/2021
Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không?

LTS Tập San Định Hướng : Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày 18/1/1996 tường trình về chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn hàng giáo phẩm Công Giáo Pháp đến Việt Nam. Phái đoàn do Tổng Giám Mục Joseph Duval, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hướng dẫn. Ký giả Frédéric Mounier viết rằng: “Cho đến ngày 28-1, các Giám Mục Pháp sẽ gặp các Giám Mục Việt Nam. Chuyến đi sẽ dẫn họ từ Hà Nội đến Huế. Dẫu có lời yêu cầu của họ, chính quyền không cho phép họ đi đến miền Nam. Đức Cha Duval nhấn mạnh đến “bổn phận” của Giáo Hội Pháp đối với Giáo Hội huynh đệ Việt Nam. “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Như thế trong tinh thần của những người đã khai sáng nên Giáo Hội này, đây đúng là một cuộc hành hương”. Mười Linh Mục của Hội Thừa Sai Balê đã chết tử đạo tại đây, và đã được phong thánh…”.

Lối tường trình sự kiện và nội dung câu trích dẫn lời phát biểu (nhấn mạnh) của Giám Mục Joseph Duval đã dấy lên một câu hỏi cho Roland Jacques, một nhà nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam: trên bình diện khách quan của lịch sử, có những vấn đề nào cần lưu ý về lời phát biểu này?. Tháng 2-96, Roland Jacques đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Duval để trình bày về quan điểm của mình liên quan đến lời phát biểu đó.

Một bản văn tóm lược bức thư này đã được đăng trên nhật báo La Croix vào tháng 6-1997. Nguyên bản bức thư được Nguyễn-Đăng-Trúc, dịch ra Việt ngữ và đăng trên Tập San Định Hướng số 14 / Winter 1997 Pp 120-124- * Tập San Đinh Hướng, Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ.


Thư gởi Đức Cha Joseph Duval,
Chủ Tịch Hội Đồng Các Giám Mục Pháp.


Kính Đức Cha,

Nhật báo Công Giáo La Croix ngày 18-1-1996 đã cho phổ biến một bài báo ký tên Frédéric Mounier với tựa đề: “Giáo Hội Pháp quay lại với Giáo Hội của Việt Nam”. Cơ hội để có bài báo này, một bài báo vốn rất đáng lưu ý, là cuộc khởi hành của một phái đoàn Giám Mục Pháp đi Việt Nam. Ký giả trích dẫn trong ngoặc kép những lời phát biểu mà Đức Cha đã nói để giải thích lý do chuyến viếng thăm này: “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Có lẽ người ta đã méo mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác quyết như thế là một sự sai lầm lịch sử, và là một phương cách rất đáng tranh cãi để chuẩn bị khung cảnh (thuận lợi) cho cuộc gặp gỡ.

Ai đã thành lập nên Giáo Hội Việt Nam?

Trả lời cho câu hỏi có tính cách lịch sử này, phải khẳng định (sans ambiguité) rằng các vị thành lập, kể từ năm 1615, là những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Đào Nha trong các mối lệ thuộc về mặt pháp lý. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng tu khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các tu sĩ dòng tên để thấy được những hy vọng đó được cụ thể hóa. Khi những vị người Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier – đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc tịch đã tiếp tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ Đào Nha, 19 vị người Ý và 7 vị người Nhật. Vào chính thời gian này, theo những ước tính lạc quan nhất, thì số người Kitô hữu Việt Nam đã có trên 100.000 rải rác trong vài trăm cộng đoàn địa phương. Những người giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng hướng dẫn họ; (những giáo dân này) có đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất; ngay từ các năm 1644 đến 1645, họ đã có những vị tử đạo của họ, đó là những vị tử đạo đầu tiên với một danh sách rất dài.

Thật sự có sự kiện là lịch sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên cần thiết phải đặt lại con người truyền giáo nổi danh này trong khung cảnh thực (của lịch sử). Ngài sinh tại Avignon, lãnh địa của Giáo Hoàng, cha Rhodes cũng không phải người Pháp như trường hợp của thánh François de Sales, dẫu ngài thuộc nền văn hóa Pháp như vị kia. Ngài vào Hội Dòng Chúa Giêsu tại Roma, và chính lý lịch Roma này đã cho phép ngài được đi đến Đông Phương vào một thời kỳ mà người Pháp không có quyền. Khi cha Rhodes đến Việt Nam vào năm 1624, các nền tảng xây dựng Giáo Hội Kitô giáo đã được thành lập vững chắc tại vùng miền Trung; công trạng lớn lao của ngài là đã đưa cuộc truyền bá Phúc Âm đến miền Bắc xứ này; ở đây ngài chỉ lưu lại một thời gian duy nhất từ năm 1627 đến năm 1630 và đó là một thành quả lớn lao cho việc truyền giáo. Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công trình ngữ học về tiếng Việt nhờ những tác phẩm ngài đã xuất bản tại Âu Châu vào năm 1651. Trong lãnh vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành công của ngài lệ thuộc vào công trình của các vị tiên phong đi trước ngài. Đây là một công trình tập thể rõ rệt, không thể gán cho công lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ Đào Nha gián tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất.

Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo

Khởi từ năm 1664 (miền Trung Việt Nam) và 1666 (miền Bắc), Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris đã cống hiến một thế hệ thứ ba các người thợ Phúc Âm, và đặc biệt những vị Giám Mục đầu tiên mà Roma muốn ban cho Giáo Hội còn trẻ này. Tiếp đó, các Cha đường du Bac đã đóng một vai trò có tầm vóc quan trọng to lớn không thể chối cãi được trong Giáo Hội của Việt Nam. Nhưng không vào một thời kỳ nào bất kỳ, kể cả dưới thời thực dân Pháp trong các năm của thập niên 1860, các vị truyền giáo Pháp không phải đã là những vị truyền giáo duy nhất tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã nhắc lại rất đúng rằng mười trong các vị truyền giáo Pháp đã bị giết chết vì đức tin trong thế kỷ 19; cách đây vài năm, họ được tôn vinh vào bậc thánh tử đạo cùng một lúc với 96 vị tử đạo tại Việt Nam. Nhưng khi nói đến các vị truyền giáo ngoại quốc chịu tử đạo, có lẽ đúng hơn đừng cho người ta hiểu rằng người Pháp là những vị tử đạo đầu tiên, và chỉ có người Pháp mà thôi. Trong nhóm các vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh, thực ra có 11 vị dòng Đaminh gốc Tây Ban Nha, mà những vị lâu đời nhất trong họ đã từng chịu án tử ngay từ năm 1745, nghĩa là 88 năm trước thánh François Isidore Galelin. Còn những vị tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Nhật bản, họ lại đã đi trước tất cả các vị này, với hai vị tử đạo người Ý vào năm 1723, ba vị người Bồ Đào Nha và một vị người Đức vào năm 1737; sự việc Roma đã chưa chuẩn y sự tử đạo của hai nhóm này lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, trong đó các nạn nhân này không can dự gì.

Những người Công Giáo Việt Nam và nước Pháp

Trong các lời nói của Đức Cha, không phải chỉ có sự sai lầm lịch sử là đáng tiếc. Thật vậy, hẳn nhiên là vô tình, nhưng Đức Cha đã mang lại một thế dựa cho một luận cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người Công Giáo Việt Nam, và luận cứ đó từ mấy năm nay lại dấy lên lại một cách mạnh mẽ. Lời mỉa mai của dân chúng hoặc cả đến các giáo sư đại học tên tuổi đã từng kịch liệt chứng minh về sự thông đồng giữa Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công Giáo vào Việt Nam. Nhiều đợt, người Công Giáo xứ này đã phải đương đầu với lời luận tội như là “đảng” của người ngoại quốc, đóng vai kẻ thù của xứ sở. Hôm nay cũng như hôm qua, ở Việt Nam và ở hải ngoại, nhiều người thuộc nhiều chủ trương ý hệ khác nhau dường như muốn thấy tôn giáo nhập cảng từ trong các gói hành lý của người Pháp (theo lối nói của họ) tan biến đi. Nếu ngày nay các mối liên hệ của Giáo Hội Việt Nam với các Giáo Hội anh em trên toàn thế giới còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn cũng do sự nghi ngờ luôn hiện hành này, do chính sự bất công lịch sử trong đó chúng ta, những người Pháp, không phải là bàn tay hoàn toàn sạch.

Vào lúc lên đường đến Việt Nam, Đức Cha thấy phải khẩn trương để nhắc lại cho Giáo Hội xứ này một nguồn gốc người Pháp nặng tính cách giả thiết này hay không? Làm như thế, các lời nói của Đức Cha dường như lại đặt Giáo Hội ấy trong một vị thế mãi lệ thuộc và mang nợ với Giáo Hội Pháp, hoặc nước Pháp nói gọn như thế; các lời ấy củng cố cho những lập trường của những người gièm pha Giáo Hội Việt Nam, và làm giảm uy thế những luận chứng của tất cả những ai đang nỗ lực thiết định lại chân lý lịch sử hầu trả lại danh dự cho Giáo Hội Việt Nam.

Kính thưa Đức Cha, không phải như thế,

Giáo Hội Việt Nam không phải phát sinh do người Pháp. Giáo Hội đó là con của Giáo Hội hoàn vũ đúng theo mẫu mực điển hình của nó. Trong thời còn non trẻ, Giáo Hội này đã hưởng được sự cung ứng của nhiều nền văn hóa và truyền thống dị biệt, cho phép nó dần hồi bước đến tuổi trưởng thành theo con đường đặc thù của mình. Ngày nay, khi phải đương đầu với nhiều vấn đề, Giáo Hội này ưu tiên phải (tự củng cố), xác định vị thế đặc thù của mình, tìm lại chỗ đứng trọn vẹn trong lòng của xã hội Việt Nam và trong nền văn hóa có từ ngàn năm của Việt Nam, với những giá trị mà Giáo Hội đó đang ôm sẵn và chúng cũng là những giá trị của Công Giáo tính phổ quát. Trong viễn tượng này, Giáo Hội Việt Nam không cần đến một quyền lực đỡ đầu, nó không chờ đợi để được “bú mớm” bởi bất cứ ai. Người Công Giáo Việt Nam chỉ cần tìm lại những mối liên hệ hiệp thông, chia sẻ và liên đới cụ thể hơn và thiết thực hơn với những người Kitô hữu anh em trên thế giới, như bao nhiêu người Công Giáo trong tất cả các xứ khác. Chúng ta hết lòng mong mỏi rằng cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám Mục Pháp sẽ cống hiến điều đó.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có phải phát xuất từ Pháp không?

Ts Roland Jacques
Gs khoa trưởng Phân khoa Giáo Luật,
Đại học Công Giáo St Paul, Ottawa, Canada
 
Văn Hóa
Edith Stein, triết gia, tân tòng, nữ tu Cátminh, tác giả linh đạo, thánh tử đạo, quan thầy Âu Châu
Vũ Văn An
22:51 18/09/2021

Rất nhiều bài viết đã trình bầy rộng dài về Thánh nữ Edith Stein. Trang mạng của Tòa Thánh cũng đã có một tiểu sử khá chi tiết về ngài. Theo đó, ngài có tên chính thức là Teresa Benedicta Thánh giá, tên ngài lấy lúc nhập dòng Catminh. Trang mạng dành cho ngài ba tước hiệu: nữ tu, Nữ Cátminh không mang giầy, tử đạo.



Ngày 1 tháng 5, 1987, khi phong chân phúc cho ngài tại Cologne, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng:

"Chúng ta cúi đầu trước chứng từ cuộc đời và cái chết của Edith Stein, người con gái xuất chúng của Israel và đồng thời là người con gái của Dòng Cátminh, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá, một nhân cách từng kết hợp trong cuộc sống phong phú của mình một tổng hợp đầy bi hùng của thế kỷ ta. Đó là một tổng hợp lịch sử đầy các vết thương sâu hoắm vẫn còn đang làm chúng ta đau đớn... và cũng là một tổng hợp của sự thật trọn vẹn về con người. Tất cả những điều này kết hợp với nhau trong trái tim đơn nhất mãi thổn thức và không thoả mãn cho tới khi tìm được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”.

Câu phát biểu trên khiến ta nhớ tới Thánh Augustinô. Nhưng Edith Stein là ai?

Ngài sinh tại Breslau, Prussia (nay là Wroclaw, Balan), ngày 12 tháng 10, 1891, con gái út trong gia đình có 11 người con, đúng ngày gia đình mừng lễ Yom Kippur, ngày lễ Xá tội, vốn là ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Điều này càng làm bà mẹ qúi yêu người con gái út, và đối với chúng ta, quả đã phủ một cái bóng đầy ý nghĩa lên cuộc đời của người Nữ Cátminh tương lai.

Cha Edith, có hãng kinh doanh ngành gỗ, qua đời khi Edith vừa mới lên hai. Mẹ ngài, một phụ nữ sùng đạo, chăm chỉ làm ăn, đầy ý chí và thực sự tuyệt diệu, nay phải tự đấu tranh cho chính bản thân và trông coi gia đình cùng quản lý thương nghiệp to lớn chồng để lại. Tuy nhiên, bà đã không thành công trong việc duy trì đức tin sống động trong lòng con cái. Edith mất đức tin vào Thiên Chúa. Ngài viết: “Tôi quyết định một cách đầy ý thức, do chính ý chí của tôi, sẽ không cầu nguyện nữa”.

Edith học tại trường địa phương và sau đó học tại Victoria Gymnasium ở Breslau để chuẩn bị vào Đại Học. Sau khi tốt nghiệp hạng nhất năm 1911, Edith ghi danh tại Đại Học Breslau để học tiếng Đức và lịch sử, mặc dù đây chỉ là chuyện cơm áo. Ý thích thực sự của Edith là triết học và các vấn đề phụ nữ. Ngài trở thành hội viên của Hội Đòi Quyền Bỏ Phiếu Cho Phụ Nữ Phổ. Sau này, ngài viết “Khi tôi còn học trung học và trong các năm đầu tại Đại Học, tôi là một người tranh đấu triệt để cho quyền bỏ phiếu. Sau đó, tôi mất hết ý thích trong vấn đề này. Giờ đây, tôi chỉ lo tìm các giải đáp hoàn toàn thực tiễn”.

Tại Đại Học Breslau, Edith có những giáo sư như William Stern và Richard Hönigswald. Một giáo sư khác, Georg Moskiewicz, giới thiệu Edith đọc cuốn Logical Investigations của Husserl và nhận xét rằng ở Göttingen, các sinh viên ngày đêm nói chuyện triết học và chỉ nói về hiện tượng luận. Bị lôi cuốn, Edith chuyển về học tại Göttingen năm 1913 và trở thành học trò và phụ tá giảng dậy của Husserl. Lúc đó, bất cứ ai lưu ý tới triết học đều phấn khởi trước quan điểm mới của Husserl về thực tại qua đó, thế giới, như chúng ta tri nhận, không nhất thiết hiện hữu theo lối của Kant, tức là chỉ có trong tri nhận chủ quan của chúng ta. Các môn sinh của ông coi triết học của ông như việc quay về với đối tượng: “trở về với sự vật”. Hiện tượng luận của Husserl vô tình đã đưa khá nhiều môn sinh của ông tới đức tin Kitô giáo. Cùng một lúc, tại Göttingen, Edith cũng gặp triết gia Max Scheler, người sẽ khiến Edith lưu ý tới Đạo Công Giáo Rôma. Tuy nhiên, Edith không quên chuyện “cơm áo” và đã tốt nghiệp bậc cử nhân với hạng ưu vào tháng giêng năm 1915, mặc dù không tiếp tục học ngành dạy học nữa.

Khi Thế chiến I bùng nổ, ngài theo một khóa huấn luyện làm y tá và đi phục vụ tại một bệnh viện dã chiến của Áo. Đây là thời kỳ khó khăn đối với ngài: ngài trông coi người bệnh ở khu bệnh sốt phát ban (typhus), làm việc tại phòng mổ, và được chứng kiến nhiều người trẻ lìa đời. Khi bệnh viện bị giải tán vào năm 1916, ngài theo Husserl tới thành phố Freiburg của Đức, tại đây, ngài xin Husserl bảo trợ để viết luận án tiến sĩ về hiện tượng luận, nhưng phản ứng nguyên khởi của vị này là ngài nên dự kỳ thi dạy học của nhà nước. Tuy vậy, được bạn là Reinach khuyến khích, Edith đã hoàn tất luận án vào mùa hè 1916 và tốt nghiệp hạng tối ưu (summa cum laude) với luận văn tựa là Das Einfühlungsproblem in seiner historischen Entwicklung und in phänomenologischer Betrachtung (Vấn đề Tương cảm [empathy] như Đã được Khai triển trong Lịch sử và Được Xem xét về Phương diện Hiện tương luận), mà một phần được xuất bản thành cuốn Zum Problem der Einfühlung (Về Vấn đề Tương Cảm; Stein 1917).

Từ tháng 10 năm 1916, ngài là phụ tá đầu tiên có ăn lương của Husserl cho đến tháng hai năm 1918, khi ngài từ chức vì thất vọng. Ngài chép lại và hiệu đính, với nhiều đóng góp lớn, các bản nghiên cứu viết tay của Husserl, trong đó có cuốn Ideas II (cuối cùng đã xuất bản năm 1952), và cuốn Lectures on the Consciousness on Internal Time (1905–1917), mà cuối cùng đã được Heidegger mang in vào năm 1928 (chỉ thừa nhận rất ít phần đóng góp của ngài). Trong lá thư gửi cho bạn là Ingarden, ngài tiết lộ rằng ngài không thể nào làm Husserl lưu ý đến các duyệt xét của ngài.

Trong thời gian trên, ngài đi ngang qua Nhà thờ Chính tòa Frankfurt và thấy một người đàn bà với chiếc giỏ đi chợ rẽ vào nhà thờ qùy gối cầu nguyện trong chốc lát. “Đó là một điều hoàn toàn mới đối với tôi. Ở các hội đường và nhà thờ Thệ Phản tôi thấy người ta chỉ đi tham dự các buổi lễ. Còn ở đây, tôi thấy có người từ chỗ chợ búa ồn ào đi thẳng vào ngôi nhà thờ trống rỗng này, như thể sắp dự một cuộc chuyện vãn thân mật. Đó là điều tôi không bao giờ quên”. Và về cuối luận văn của mình, ngài viết: “Có những người tin rằng một thay đổi bất ngờ đã diễn ra trong họ và điều này là kết quả của ơn sủng Thiên Chúa”. Làm thế nào ngài có được một kết luận như thế?

Cái duyên của Edith là bằng hữu Kitô giáo. Từ lâu ngài vốn là bạn thân của người phụ tá Husserl, Adolf Reinach và vợ ông. Khi Reinach hy sinh ở chiến trường Flanders tháng 11 năm 1917, Edith tới Göttingen để viếng thăm quả phụ của ông. Vợ chồng Reinach vốn đã trở lại Thệ Phản. Thoạt đầu, Edith e ngại gặp người góa phụ trẻ, nhưng hết sức ngạc nhiên khi được gặp một người đàn bà của đức tin. “Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Thập giá và sức mạnh thần linh được nó ban bố cho những ai mang nó... Đó là khoảnh khắc khi lòng bất tín của tôi sụp đổ và Chúa Kitô bắt đầu chiếu ánh sáng của Người trên tôi – Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thập giá”.

Sau này, ngài viết “Sự việc nằm trong kế hoạch Thiên Chúa mà chính tôi không hề dự kiến chi cả. Tôi tiến tới một đức tin và một xác tín sống động rằng, theo quan điểm của Thiên Chúa, không hề có sự may rủi và trọn cuộc sống tôi, cho đến từng chi tiết, đều đã được lên bản đồ trong sự quan phòng thần linh của Thiên Chúa và có đầy đủ ý nghĩa hoàn hảo trong đôi mắt nhìn thấy mọi sự của Thiên Chúa”.

Như trên đã nói, mùa Thu năm 1918, Edith rời bỏ chức phụ tá cho Husserl. Ngài muốn làm việc độc lập. Cho tới mãi năm 1930, ngài mới gặp lại Husserl sau khi đã trở lại, và ngài chia sẽ đức tin của ngài với ông, vì ngài muốn ông cũng trở thành một Kitô hữu. Chính lúc đó, ngài viết: “Mỗi lần tôi cảm thấy sự bất lực và thiếu khả năng ảnh hưởng đến ai một cách trực tiếp, tôi đều ý thức sắc nét hơn đến việc cần thiết tôi phải hiến tế”.

Cũng như trên đã nói, trong thời gian này, ngài muốn có được chức giáo sư Đại Học, một mục tiêu lúc ấy bất khả đối với phụ nữ. Husserl không thiết tha lắm khi viết lời giới thiệu ngài như sau: “Nếu nghề nghiệp khoa bảng được mở cho các qúy bà, thì tôi giới thiệu cô hết lòng và như chọn lựa thứ nhất của tôi để được nhận làm giáo sư Đại Học”. Sau đó, ngài bị bác chức giáo sư là vì ngài là người Do Thái.

Rời bỏ Husserl, ngài trở lại Breslau. Ở đây, ngài viết một nghiên cứu lớn dự tính làm luận án thạc sĩ, Beiträge zur philosophischen Begründung der Psychologie und der Geisteswissenschaften [Các Đóng góp vào Nền tảng Triết học của Tâm lý học và các khoa nhân văn] (1922), đăng trong Jahrbuch [niên giám] của Husserl. Ngoài ra, ngài cũng đọc Tân Ước, Kierkegaard và Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Ngài cảm thấy người ta không thể chỉ đọc một cuốn sách như thế này mà phải đem nó ra thực hành.

Mùa hè năm 1921, ngài sống vài tuần ở Bergzabern, tại trang trại của Hedwig Conrad-Martius, một học trò khác của của Husserl. Hedwig cùng với chồng đã trở lại Thệ Phản. Một tối kia, tại trang trại này, ngài lượm cuốn tự truyện của Thánh Teresa thành Avila và đọc nó thâu đêm suốt sáng. “Khi đọc hết cuốn sách, tôi bảo mình: Đây quả là sự thật”. Sau này, nhìn cuộc đời trở lui, ngài viết: “lòng khao khát sự thật của tôi chỉ là một lời cầu nguyện đơn nhất”.

Ngày 1 tháng 1 năm 1922, Edith Stein chịu phép rửa. Đúng ngày Lễ Cắt Bì của Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu gia nhập giao ước Ápraham. Edith đứng bên giếng rửa tội, mặc chiếc áo cưới trắng của Hedwig Conrad-Martius. Hedwig là mẹ đỡ đầu của ngài. “Tôi bỏ thực hành tôn giáo Do Thái khi tôi là đứa con gái 14 tuổi và không bắt đầu cảm thấy là người Do Thái một lần nữa cho tới khi trở về với Thiên Chúa”. Từ lúc đó trở đi, ngài luôn ý thức mình thuộc đức Kitô không những một cách thiêng liêng, mà còn qua máu huyết nữa. Vào ngày lễ Thanh Tẩy Đức Maria, một ngày nữa được Cựu Ước nói đến, ngài lãnh nhận phép Thêm sức từ tay Đức Giám Mục Speyer tại nhà nguyện riêng của ngài.

Sau khi trở lại, ngài về thẳng Breslau: ngài thưa “Thưa mẹ, con là người Công Giáo”. Cả hai người đàn bà cùng òa lên khóc. Hedwig Conrad Martius viết: "Hãy coi, quả là hai người Do Thái, nơi họ, không hề có gian dối!” (xem Ga 1:47).

Ngay sau khi trở lại, ngài muốn vào đan viện Cát Minh. Nhưng các vị linh hướng của ngài là Cha Tổng đại diện Schwind của Speyer, và cha Erich Przywara Dòng Tên, đã cản ngài làm thế. Cho tới mùa Phục sinh năm 1931, ngài dạy tiếng Đức và lịch sử tại trường của các nữ tu Đa Minh và cao đẳng sư phạm của Đan viện St. Magdalen ở Speyer.

Cùng một lúc, ngài được Đan viện trưởng Raphael Walzer của Đan viện Beuron khuyến khích đi thuyết giảng đặc biệt về các vấn đề phụ nữ. "Trong thời gian ngay trước và một thời gian lâu sau khi trở lại, tôi... nghĩ sống cuộc sống tu trì có nghĩa phải từ hỏ hết chuyện trần gian và để hết tâm trí lo những chuyện thần linh mà thôi. Tuy nhiên, dần dà, tôi học được là những chuyện khác cũng được mong đợi từ chúng ta ở ngay cõi đời này... Thậm chí hiện tôi tin rằng càng được thu hút vào Thiên Chúa sâu xa, người ta càng ‘vượt quá mình’ theo nghĩa này là đi vào thế giới và đem sự sống thần linh vào đó”.

Ngài làm việc hết sức chăm chỉ, phiên dịch các thư từ và nhật ký của Đức Hồng Y Newman trước thời ngài trở lại Công Giáo cũng như cuốn Quaestiones Disputatae de Veritate (Các Vấn đề Tranh cãi về Chân lý) của Thánh Tôma Aquinô. Cuốn vừa kể là một bản dịch rất thoáng, nhằm mục đích đối thoại với triết học hiện đại. Cha Erich Przywara cũng khuyến khích ngài soạn thảo các công trình triết học của chính ngài. Ngài được cho hay có thể “theo đuổi việc nghiên cứu bác học như một việc phụng sự Thiên Chúa... Chỉ đến khi tôi hiểu điều đó, tôi mới nghiêm túc bắt đầu tiếp cận với công trình học thuật một lần nữa”. Để có được sức mạnh cho đời mình và công việc của mình, ngài thường tới Đan viện Biển Đức ở Beuron, để cử hành các ngày lễ lớn theo lịch Giáo Hội.

Năm 1931, Edith rời trường đan viện ở Speyer và dành trọn thời gian dọn thi tư cách giáo sư Đại Học một lần nữa, lần này tại Breslau và Freiburg, dù các cố gắng của ngài không đi đến đâu. Sau đó, ngài viết cuốn Potency and Act (Tiềm năng và Hành động), một cuốn nghiên cứu về các ý niệm trung tâm được Thánh Tôma Aquinô khai triển. Sau này, tại Đan viện Cát Minh ở Cologne, ngài viết lại cuốn nghiên cứu này để cho ra đời công trình triết học và thần học chính của ngài, đó là cuốn Finite and Eternal Being (Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu). Tuy nhiên, đến lúc này, việc in sách đã trở thành bất khả.

Năm 1932, ngài chấp nhận chức vụ giảng viên tại phân khoa Công Giáo Rôma của Viện Nghiên cứu Giáo dục Đức trực thuộc Đại Học Munster, nơi ngài khai triển nền nhân học của ngài. Ngài thành công trong việc phối hợp nghiên cứu bác học và đức tin trong cả việc làm lẫn việc giảng dậy, cố gắng trở thành “dụng cụ của Chúa” trong mọi điều ngài giảng dậy. “Nếu bất cứ ai đến với tôi, tôi đều muốn dẫn họ tới Chúa”.

Năm 1933, bóng tối bao trùm nước Đức. "Tôi đã nghe nói về những biện pháp nghiêm khắc chống lại người Do Thái trước đây. Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng Thiên Chúa đã đặt bàn tay nặng nề của Người lên dân Người, và số phận của những người này cũng sẽ là của tôi". Luật Aryan của Đức Quốc xã khiến Edith không thể tiếp tục giảng dạy. Ngài viết, "Nếu tôi không thể tiếp tục ở đây, thì không còn cơ hội nào cho tôi ở Đức nữa. Tôi đã trở thành một người lạ trên thế giới này".

Đan viện trưởng của Beuron, Walzer, giờ đây, không còn ngăn cản ngài vào đan viện Cát Minh nữa. Khi còn ở Speyer, ngài đã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời rồi. Năm 1933, ngài đã gặp nữ đan viện trưởng Dòng Cát Minh ở Cologne. "Các hoạt động của con người không thể giúp chúng ta, nhưng chỉ có sự đau khổ của Chúa Kitô mới có thể. Tôi muốn chia sẻ điều đó".

Edith trở lại Breslau lần cuối để tạm biệt mẹ và gia đình ngài. Ngày cuối cùng ở nhà là sinh nhật của ngài, ngày 12 tháng 10, và cũng là ngày cuối cùng của Lễ Nhà Tạm. Edith đến nhà hội với mẹ. Đó là một ngày nặng nề đối với cả hai người phụ nữ. Mẹ ngài hỏi,"Tại sao con lại phải biết nó [Kitô giáo]? Mẹ không muốn nói bất cứ điều gì chống lại ông ta. Ông ta có thể là một người rất tốt. Nhưng tại sao ông ta lại tự cho mình là Thiên Chúa?" Mẹ của Edith bật khóc. Ngày hôm sau Edith lên chuyến tàu hỏa đến Cologne. "Tôi không cảm thấy bất cứ niềm vui say sưa nào. Những gì tôi vừa trải qua thật quá khủng khiếp. Nhưng tôi cảm thấy một sự bình an sâu sắc - nơi trú ẩn an toàn của thánh ý Thiên Chúa". Từ giờ trở đi, tuần nào ngài cũng viết thư cho mẹ, dù chưa bao giờ nhận được hồi âm. Thay vào đó, chị gái Rosa đã gửi tin tức về bà từ Breslau. Sau này, chính chị Rosa cũng sẽ trở lại Công Giáo và phục vụ như một giáo dân tại Đan Viện nơi ngài tu trì.

Edith gia nhập Đan viện Cát Minh ở Cologne vào ngày 14 tháng 10, và lễ mặc áo Dòng của ngài diễn ra vào ngày 15 tháng 4 năm 1934. Thánh lễ được cử hành bởi Đan viện trưởng của Beuron. Edith lúc này có tên là Sơ Teresia Benedicta a Cruce – (Teresa Benedicta Thánh giá). Năm 1938, ngài viết: "Tôi hiểu Thập giá là số phận của dân Thiên Chúa, điều này đã bắt đầu rõ ràng vào thời điểm đó (năm 1933). Tôi cảm thấy những ai hiểu Thập giá của Chúa Kitô nên gánh lấy thập giá ấy thay mặt mọi người. Tất nhiên, bây giờ tôi biết rõ hơn ý nghĩa của việc được kết hôn với Chúa trong dấu thập giá. Tuy nhiên, người ta không bao giờ hiểu được điều đó, bởi vì nó là một mầu nhiệm". Vào ngày 21 tháng 4 năm 1935, ngài khấn tạm. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1936, việc lặp lại lời khấn của ngài trùng với cái chết của mẹ ngài ở Breslau. "Mẹ tôi đã giữ vững đức tin của người cho đến giây phút cuối cùng. Nhưng vì đức tin của và niềm tín thác vững chắc vào Thiên Chúa của người... là điều cuối cùng vẫn còn sống trong lúc cái chết của người xông tới, tôi tin rằng người sẽ gặp được một thẩm phán rất nhân từ và giờ đây người là người trợ giúp trung tín nhất của tôi, để tôi cũng có thể đạt được mục tiêu".

Khi khấn vĩnh viễn vào ngày 21 tháng 4 năm 1938, ngài đã trích lời lẽ của Thánh Gioan Thánh Giá trong tấm hình kỷ niệm của mình: "Từ nay, ơn gọi duy nhất của tôi là yêu thương". Tác phẩm cuối cùng của ngài dành cho vị thánh này.

Việc gia nhập Dòng Cát Minh của Edith không phải là một cuộc thoát ly. “Những ai gia nhập Dòng Cát Minh không phải là những mất mát đối với những người thân cận và thân yêu, nhưng là những người chiếm được cho họ, vì ơn gọi của chúng tôi là cầu bầu cùng Thiên Chúa cho mọi người”. Cách riêng, ngài cầu xin Thiên Chúa cho dân tộc của ngài: "Tôi luôn nghĩ đến Nữ hoàng Étte, người đã bị lấy đi khỏi dân tộc của ngài, chính vì Thiên Chúa muốn ngài khẩn khoản xin cùng đức vua thay cho dân tộc mình. Tôi là một Étte bé nhỏ rất khốn cùng và bất lực, nhưng Đức Vua đã chọn tôi là người vĩ đại và nhân từ vô cùng. Đó là niềm an ủi lớn lao" (31 tháng 10 năm 1938).

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1938, chủ nghĩa bài Do Thái của Đức Quốc xã đã trở nên rõ ràng với toàn thế giới. Các hội đường Do Thái bị đốt cháy, và người Do Thái phải chịu sự khủng bố. Nữ đan viện trưởng của Đan viện Cát Minh ở Cologne đã làm hết sức mình để đưa Sơ Teresia Benedicta a Cruce và chị Rosa của ngài ra nước ngoài. Vào đêm giao thừa năm 1938, ngài được đưa lậu qua biên giới vào Hòa Lan, vào Đan viện Cát Minh ở Echt thuộc tỉnh Limburg. Đây là nơi ngài đã viết di chúc của mình vào ngày 9 tháng 6 năm 1939: "Ngay lúc này tôi chấp nhận cái chết mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tôi trong sự phục tùng hoàn toàn và với niềm vui như là thánh ý thánh thiện nhất của Người dành cho tôi. Tôi cầu xin Chúa chấp nhận đời tôi và sự chết của tôi... để Chúa được dân Người chấp nhận và Nước Người đến trong vinh quang, vì sự cứu rỗi của nước Đức và hòa bình của thế giới".

Khi ở trong đan viện Cologne, Edith đã được phép bắt đầu lại việc nghiên cứu học thuật của ngài. Trong số nhiều trước tác khác, ngài đã viết về “Cuộc sống của một gia đình Do Thái” (tức là gia đình của chính ngài): “Tôi chỉ muốn tường trình những gì tôi đã trải qua với tư cách là một phần của nhân tính Do Thái” ngài viết và nhấn mạnh rằng “chúng tôi, những người lớn lên trong đạo Do Thái có nhiệm vụ làm chứng... cho thế hệ trẻ, những người đã được dưỡng dục trong lòng hận thù chủng tộc từ thuở ấu thơ”.

Tại Echt, Edith vội vã hoàn tất cuộc nghiên cứu của mình về “Vị Thầy Huyền nhiệm của Giáo Hội và là Cha của Các Đan sĩ Cát Minh, Gioan Thánh giá, nhân dịp Kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ngài, 1542-1942”. Năm 1941, ngài viết cho một người bạn, cũng là một thành viên trong Dòng của ngài : “Người ta chỉ có thể đạt được scientia crucis (khoa học thập giá) nếu họ đã trải nghiệm thập giá hoàn toàn. Tôi xác tín điều này ngay từ giây phút đầu tiên trở đi và đã nói bằng cả trái tim mình: ‘Ave, Crux, Spes unica’ (Hỡi cây thập giá, tôi xin chào đón bạn, Niềm Hy vọng duy nhất của chúng tôi)”. Cuốn nghiên cứu của ngài về Thánh Gioan Thánh giá có tựa đề: Kreuzeswissenschaft (Khoa học Thập giá).

Edith bị Gestapo bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 1942, khi ngài đang ở trong nhà nguyện với các chị em khác. Ngài phải trình diện trong vòng năm phút, cùng với chị gái Rosa, người cũng đã trở lại đạo và đang phục vụ tại Đan viện Echt. Những lời cuối cùng của ngài được nghe thấy ở Echt được ngỏ cùng chị Rosa: “Hãy đến, chúng ta ra đi vì dân tộc của chúng ta”.

Cùng với nhiều Kitô hữu gốc Do Thái khác, hai phụ nữ được đưa đến một trại chuyển tiếp ở Amersfoort và sau đó đến Westerbork. Đây là một hành động trả đũa đối với lá thư phản đối do các Giám mục Công Giáo Rôma Hòa Lan viết nhằm chống lại các cuộc tấn công và trục xuất người Do Thái. Edith nhận xét: “Tôi không bao giờ biết rằng người ta lại có thể như thế này, tôi cũng không biết rằng anh chị em của tôi sẽ phải đau khổ như thế này.... Tôi cầu nguyện cho họ mỗi giờ. Thiên Chúa có nghe lời cầu nguyện của tôi không? Chắc chắn Người sẽ nghe họ trong cơn túng quẫn của họ”. Giáo sư Jan Nota, người rất gắn bó với ngài, sau này viết rằng: “Ngài là nhân chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa”.

Vào sáng sớm ngày 7 tháng 8, 987 người Do Thái bị đưa đến trại Auschwitz. Có lẽ là vào ngày 9 tháng 8, Sơ Teresia Benedicta a Cruce, chị gái của ngài và nhiều người khác của ngài đã bị giết bằng hơi ngạt.

Khi Edith được phong chân phước tại Cologne vào ngày 1 tháng 5 năm 1987, Giáo hội tôn vinh “một người con gái của Israel”, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu, “người, trong tư cách Công Giáo thời Đức Quốc xã đàn áp, luôn trung thành với Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và, trong tư cách một người Do Thái, luôn trung thành với dân tộc của ngài trong một lòng trung thành đầy yêu thương”.

Nguồn:Teresa Benedict of the Cross Edith Stein (1891-1942) – biography [vatican.va]

Kỳ tới: Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của bà
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đôi Bàn Tay
Lê Trị
15:44 18/09/2021
ĐÔI BÀN TAY
Ảnh của Lê Trị

Đôi bàn tay ấp ủ tình yêu
Dâng lên Chúa niềm tin sáng chiều
Việt Nam ơi! Thiết tha mong đợi
Chóng an bình thoát cảnh hoang tiêu
(Lê Trị)
 
VietCatholic TV
Italia hồi hộp chờ phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng ở Napoli. Giọt nước mắt ở bệnh viện dã chiến
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:47 18/09/2021


1. Máu Thánh Gennariô có hóa lỏng tại Napoli hay không?

Một lọ máu khô của Thánh Gennariô được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples, tiếng Ý gọi là Napoli. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, là ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Napoli; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Napoli thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chứng kiến lọ máu khô hóa lỏng khi ngài cầm trên tay vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, khi ngài gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trong những ngày này, người dân Italia trông đợi xem Máu Thánh Gennariô có hóa lỏng tại Napoli hay không. Các đài truyền hình được tin là sẽ trực tiếp truyền hình diễn biến này, mặc dù đó là một công việc vất vả. Máu Thánh Gennariô có thể hóa lỏng vào bất cứ lúc nào trong ngày 19 tháng 9, và cũng có thể không.

Italia đang trải qua những ngày đầy khó khăn sau nhiều đợt lockdown vì COVID-19. Dân nghèo lãnh đủ, đặc biệt là những người không có công ăn việc làm ổn định, phải vay mượn tín dụng của bọn mafia để sống qua ngày.

Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục hiệu tòa của Napoli, đã nhắc lại một ý kiến mà ngài đã đưa ra trước đây 2 năm. Phép lạ Máu Thánh Gennariô hóa lỏng liên tiếp xảy ra phải là một dấu chỉ hùng hồn dẫn đến lòng hoán cải.

Tưởng cũng nên nhắc lại, khoảng 10 giờ sáng thứ Năm 19 tháng Chín, 2019, máu thánh Gennariô đã hóa lỏng tại nhà thờ chính tòa Napoli trong thánh lễ do Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Giám mục Napoli, cử hành.

Trong bài giảng của mình, ngài đã chỉ trích mạnh mẽ tội ác bạo lực trên đường phố Napoli.

Mặc dù phép lạ tái diễn liên tục tại thành phố này, nhưng “những điều ác gây ra bởi những kẻ giết người và thù ghét nhân loại tại Napoli vẫn không dừng lại,” ngài nói. “Hệ quả là họ giết chết ngay từ trong trứng nước tất cả mọi ước mơ và khả năng xây dựng một tương lai.”

Điều này, ngài lưu ý rằng, đã tạo ra sự sợ hãi và bất an, và đi ngược lại thiện ích chung.

Chúng ta phải tự hỏi: “Có phải người dân Napoli vẫn có một trái tim vĩ đại và chân thành hay không? Các công dân của thành phố chúng ta ngày nay phải trả lời câu hỏi này bằng sự thật, bằng hiện thực, với sự trung thực và can đảm, không để mình bị cuốn theo một nỗi hoài nhớ sai lầm về thời đại chúng ta đã từng có”.

Những lời hùng hồn của ngài đã nhận được nhiều tràng pháo tay của anh chị em tín hữu. Thánh Gennariô có lẽ cũng tán thưởng những lời này của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nên máu khô của ngài đã hóa lỏng hoàn toàn.

Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Napoli nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diocletian vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festô, Sosiô và Proculôs; thầy đọc sách Desideriô và hai giáo dân Eutyches và Acutiôs. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosiô, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Napoli, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Hoán cải cũng là điều được Đức Thánh Cha hô hào khi chứng kiến Máu Thánh Gennariô hóa lỏng khi ngài cầm lọ máu khô trên tay.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennariô. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy San Gennariô thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”

2. Gia Đình, Tiếng Gọi Thân Thương Trong Đại Dịch

Đã quá nửa đêm, tôi chuẩn bị vào ca trực. Ở một góc phố của Bệnh viện Dã chiến, vẫn còn sáng rực ánh đèn. Làn gió hiu hiu trong đêm bỗng gợi nhớ trong tôi về… gia đình.

‘Gia đình’ - tiếng gọi thân thương mà ai sinh ra trong cuộc đời cũng đều mong được ấp ủ trong đó. Đó là nơi không chỉ đơn thuần là một mái nhà thật to với vài ba con người sinh sống, mà còn là nơi được sưởi ấm bởi tình yêu thương giữa vợ chồng, giữa ba mẹ với con cái. Đó là nơi mà bất kì ai đã ở rồi thì đều không muốn rời xa.

Khi nói về gia đình, người ta thường nói về hạnh phúc, yêu thương và thành công. Với tôi, gia đình là nơi tình yêu xen lẫn đau khổ và cả những hy sinh, là nơi thiêng liêng vì nó mang lại cho ta biết chung nhịp đập với nỗi đau của người bên cạnh.

B.T.N. - một bạn trẻ bị con virút hành hạ - đã làm cho tôi thấy quý biết bao giây phút bên gia đình thân thương của mình. Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng nghẹn ngào: “Sơ ơi, sơ nhớ thăm N. giúp con. Nhà con bị Covid cả nhà, mỗi người một nơi. Nay chúng con đã được về nhà. Hơn một tháng rồi, con chưa nghe tiếng của nó. Chúng con nhớ và mong nó lắm!”

Tôi đã không thể kìm nước mắt khi nhìn hình ảnh của em. Gần một tháng trời, em chiến đấu trong từng hơi thở. Em nằm khoa ICU, có khi không đủ sức, bác sĩ cho chạy máy ECMO. Tuy nhiên, khuôn mặt em lúc nào cũng tươi tắn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười. Mỗi lần gặp mặt, câu đầu tiên em hỏi: “Sơ ơi, cả nhà con vẫn bình an đúng không ạ? Con nhất định sẽ khỏe để về gặp cả nhà. Con nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ cả em gái hay ghẹo con nữa!”

Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn. Em có một nghị lực phi thường. Bác sĩ bảo: “Ca này tưởng không qua khỏi, không ngờ nay có dấu hiệu khá lên rồi. Người nhà của sơ à? Sơ cứ tiếp tục động viên, thăm hỏi như thế, hy vọng sẽ có tin vui.” Nghe đến đó, những giọt nước mắt trong tôi trào ra, hòa lẫn với những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Niềm vui như vỡ òa. Không biết tôi đã trở thành ‘người thân’ của em tự bao giờ. Được phục vụ nơi đây, vui và hạnh phúc nhất chính là khi nhận được tin một bệnh nhân được xuất viện. Do đó, nếu có chút thời gian, tôi thường rủ một số chị em khác đi thăm hỏi và động viên bệnh nhân, giúp họ lấy lại tinh thần để chiến đấu.

Thăm hỏi nhau là một điều gì đó ‘xa xỉ’ trong mùa dịch, vì hành vi này có thể mang mầm bệnh đến cho người khác. Nhiều khi không thăm hỏi lại là đang làm điều tốt cho nhau. Nghịch lý ấy làm cho ta thấy rằng, chúng ta đã bỏ sót nhiều cơ hội viếng thăm, ở cạnh nhau, chưa coi trọng sự hiện diện và cơ hội được ở bên nhau trước khi Covid đến. Nhiều khi ở bên nhau nhưng tâm hồn xa cách nhau, hoặc nhiều khi ở chung trong một gia đình mà không cảm nhận được niềm vui và sự hiện diện của nhau. Đúng là có xa nhau mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó mới biết trân trọng nó.

N. đã làm tôi thức tỉnh để nhận ra và trân quý phút giây được ở bên gia đình, bên ba mẹ yêu quý của mình. Bởi có nhiều bệnh nhân chỉ thèm giây phút được nhìn ba, mong được nhìn mẹ từ xa dù chỉ là một phút mà cũng không thể. Con virút nhỏ bé làm cho N. yếu dần đi từng ngày. Em không biết còn có cơ hội để được nhìn mặt ba mẹ nữa không. Nhưng nghị lực nơi em khiến tôi phải cảm phục. Tôi tin em nhất định làm được.

Mỗi lần gặp tôi, tuy mệt mỏi nhưng em luôn có nụ cười trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Em bảo: “Con cười thì sẽ mau khỏe, đúng không sơ? Rồi con sẽ được về nhà với ba, với mẹ, với em gái nữa. Con nhớ... con nhớ cả nhà lắm, sơ ạ! Sơ nhắn với cả nhà là con sẽ khỏe lại, sẽ về với mọi người. Sơ nói với mẹ đừng lo cho con, đừng khóc. Mẹ chờ con… nhất định con sẽ về!” Phải, em sẽ về, em sẽ làm được N. ạ! Cố lên em nhé!

Em tâm sự: “Thực sự trước đây, con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’”

Thế đấy, dường như, càng lớn, con cái càng xa bố mẹ. Những cái ôm hôn và câu nói yêu thương, cảm ơn bố mẹ ngày càng ít dần và khó mở lời. Nhiều bạn trẻ dù rất yêu thương bố mẹ của mình nhưng lại không thể hiện được bằng lời nói. Câu nói ‘Con yêu ba, con yêu mẹ’ trở nên ngượng nghịu. Không chia sẻ, không thể hiện tình cảm, vô tình khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ thế mà lớn dần. Trong khi thời điểm hiện tại, có những bạn khao khát được gặp ba mẹ để nói lên câu này mà không thể được.

Giây phút này, N. rất nhớ và chỉ mong được ở trong vòng tay của ba mẹ dù chỉ một phút thôi nhưng cũng không được. Quả thật, những ai còn ba mẹ bên cạnh mình thực sự là rất may mắn và hạnh phúc.

Em kể tôi nghe ba mẹ của em luôn là một người quá đỗi nghiêm khắc và khó tính. Có những lúc em cảm thấy thật ganh tị với những đứa bạn có người cha luôn vui vẻ, dịu dàng; có người mẹ thương yêu, chiều chuộng. Em đã từng nghĩ rằng, “Ba mẹ không yêu thương con, không quan tâm con, không hiểu con. Khi con làm sai ba mẹ thường mắng con, không cho con cơ hội giải thích. Những ngày ở nhà, con thực sự không hề vui, sơ ạ! Con đã khóc, khóc vì mình không có được sự quan tâm, sự thông hiểu của ba mẹ.” Khi nghe những tâm sự ấy tôi đã không cầm được nước mắt, khóe mắt tôi cay cay. Tôi thấy nơi khóe mắt em cũng đang tuôn trào hai hàng nước mắt.

Em tâm sự: “Cứ như vậy, càng lớn con càng không dám mở lòng với ba mẹ. Em rất sợ ra ngoài bởi sẽ bắt gặp những gia đình tràn ngập tiếng cười mà tủi thân.”

Giờ đây, em đang khóc không phải vì tủi thân nhưng khóc vì thèm biết bao những khoảnh khắc đã qua ấy, khoảnh khắc ba quan tâm, giây phút được mẹ mắng yêu. Bởi em tin và cảm nhận được ba mẹ làm tất cả vì yêu.

“Con thật vô tâm đúng không sơ? Con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’ Con muốn sơ giúp con chuyển những lời này đến ba mẹ yêu quý của con: ‘Con yêu ba mẹ nhiều nhiều lắm. Ba mẹ chờ con trở về. Mong mẹ đừng lo nghĩ nhiều.’ Con sợ ở nhà mẹ lại trằn trọc suy nghĩ về con và sợ nhất giọt nước mắt của mẹ.”

Em nói trong mệt nhọc: “Con không chắc mình sẽ sớm khỏe nhưng con hứa sẽ cố gắng hết sức, từng hơi con thở là để nhớ đến tình yêu ba mẹ dành cho con. Sơ biết không, con là anh hai khỏe mạnh hơn em, con tự nhủ: mình phải là đứa con ngoan, không làm ba mẹ phải phiền lòng. Vậy mà, giờ đây con lại làm mẹ phải khóc. Con thật tệ phải không sơ?”

N. mang căn bệnh này, lỗi đâu phải do em! Khi mang trong mình nỗi đau đớn, em lại nghĩ về người khác hơn là bản thân mình.

N. đã làm tôi phải nhìn lại mình. Chính khi tôi còn được đứng đây nghe em tâm sự, còn được hít thở qua lớp khẩu trang, đó đã là ơn đặc biệt Chúa ban rồi.

Tôi chợt nhận ra: Đại dịch làm cho ta phải xa cách, phải cô lập để bảo vệ nhau, nhưng lại cũng là cơ hội để ta quý trọng giây phút mình được ở bên nhau. Tôi tin rằng khi dịch qua đi, mình sẽ thật sự biết trân trọng nhau, biết cảm ơn nhau, biết mang niềm vui đến cho nhau.

Đến đây, tôi nhớ câu nói của một thi hào người Anh: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui - Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.”

Gia đình thực sự là nơi để trở về, là động lực cho biết bao tâm hồn yếu đuối. Xin cho những ai có gia đình luôn biết quý trọng những gì mình có, vì chỉ có yêu thương mới làm nên tổ ấm thực sự. Đại dịch đến cho ta một cơ hội nhìn lại sự may mắn của bản thân, để thấy quý giá hơn những gì mình đang có, để nhớ thật nhiều về tình người, về sự quan tâm và yêu thương dành cho nhau.

Têrêsa Nguyễn Vui - Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

3. Chuyến viếng thăm cộng đoàn người Gypsi của Đức Thánh Cha

Tiếp tục các tường thuật liên quan đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Slovakia, chúng tôi xin trình bày một biến cố quan trọng liên quan đến cộng đoàn người Gypsi hay còn gọi là người Roma.

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 08:10 sáng thứ Ba 14 tháng 9, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay đến Košice

Lúc 10:30, Đức Thánh Cha đã cử hành Phụng Vụ Thánh Thể theo nghi thức Byzantine tại Quảng trường thể thao Mestská ở Prešov.

Sau khi nghỉ ngơi tại Tòa Giám Mục, lúc 16:00, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đoàn Roma tại Khu vực Luník IX ở Košice.

Kể từ năm 1990, khu này của thành phố, nơi có dân số chủ yếu là người Roma - khoảng 4,300 người - đã được hưởng chế độ tự quản. Các vấn đề về cơ sở hạ tầng, nước, khí đốt, hệ thống sưởi, đều đáng được lưu ý ở đó.

Các tu sĩ dòng Phanxicô đã thành lập một khu truyền giáo tại khu phố này từ năm 2008, với một “Trung tâm Mục vụ” được khánh thành vào năm 2012 để hội nhập, trợ giúp và truyền giáo cho người Roma. Trung tâm do Cha Peter Besenyei chỉ đạo này bao gồm một phòng tập thể dục, một khu vực để đón tiếp các nhóm, và Nhà thờ “Chúa Kitô Phục sinh”. Các tu sĩ làm công việc giáo dục và giúp công ăn việc làm.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói rằng lòng ngài nặng chĩu “bởi nhiều kinh nghiệm kỳ thị, cô lập và đối xử tàn tệ” mà cộng đồng Roma từng phải chịu.

Điều đáng nói, theo ngài, là “lịch sử cho chúng ta hay cả các Kitô hữu, trong đó có người Công Giáo, không xa lạ gì với các tàn bạo này”. Nên, ngài nói với họ “tôi muốn xin lỗi anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ, nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa – và tôi xin sự tha thứ của anh chị em”.

Ngài từng gặp một phái đoàn người Roma tại Nhà Trọ Thánh Marta, nơi ngài cư ngụ tại Vatican.

Con số của sắc dân này đông nhất tại Âu Châu, vào khoảng 2 triệu người. Và nền văn hóa du mục của họ, rất thích hợp để hội nhập các nét tôn giáo và ngôn ngữ của nước tiếp đón họ. Phần đông người Roma ở Âu Châu theo Chính Thống Giáo, khoảng 7% theo Công Giáo và Tin Lành.

Một phần gây trở ngại cho việc hội nhập là nỗi khó khăn của người Roma trong việc thích ứng với xã hội Tây Phương nhưng cũng vì sự kỳ thị chủng tộc và thiên kiến của người Tây Phương đối với họ. Như tục họ cưới vợ cưới chồng rất trẻ, lúc mới 11, 12 tuổi, đến nỗi họ được gọi là “dân con nít”. Tại một số nước trong Liên Hiêp Âu Châu, 42% người Roma chỉ học hết bậc tiểu học, 10% hoàn tất bậc trung học.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tìm thấy nhiều ưu điểm của họ đến nỗi ngài bảo rằng “họ có vai trò lớn lao để thủ diễn” và họ đừng sợ chia sẻ vẻ đẹp và sự phong phú trong nền văn hóa của họ với thế giới, tức việc họ nhấn mạnh tới sự sống, gia đình, quan tâm đến người dễ bị thương tổn, kính trọng người cao niên và lòng hiếu khách.

Ngay từ tháng 9 năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tỏ quan tâm đối với cộng đồng này khi cử hành thánh lễ tại Trại Roma Quốc Tế ở Pozezia. Dịp này, ngài nói với họ “anh chị em ở bên trong Giáo Hội; không ở bên lề, mà theo một nghĩa nào đó, ngay ở trung tâm, anh chị em ở ngay trung tâm Giáo Hội. Anh chị em ở trong trái tim của Giáo Hội vì anh chị em đơn độc”.

Dịp đó, Đức Phaolô Đệ Lục cũng nhắc đến các lạm dụng, kỳ thị và bách hại chống lại người Gypsies, dù không tỏ lời xin lỗi; tuy nhiên, ngài vẫn là vị giáo hoàng đã khai mở thời đại tìm sự tha thứ từ các giáo hội Kitô giáo khác vì những trang sử đen tối của quá khứ.

Đức Gioan Phaolô II đã đề cập cụ thể đến việc xin lỗi người Roma, và ngài thực hiện trong lễ nghi thống hối nhân dịp Năm Thánh 2000 “Chúng ta hãy cầu xin để khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, Chúa và là Hoà Bình của chúng ta, các Kitô hữu có khả năng ăn năn vì những ngôn từ và thái độ gây ra do kiêu căng, thù hận hay ý muốn thống trị người khác, ghét bỏ thành viên các tôn giáo khác và các nhóm yếu đuối nhất trong xã hội, như di dân và người du mục”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng biểu lộ sự quan tâm và hiểu biết đối với các cộng đồng này khi ngài tiếp đón đại diện khác nhau của người Roma và các sắc dân du mục khác: “bất hạnh thay, qua nhiều thế kỷ, anh chị em đã từng nếm mùi đắng đót của việc thiếu lòng hiếu khách và đôi khi, bị bách hại... Lương tâm Âu Châu không thể quên những đau khổ như thế! Ước mong sao dân tộc anh chị em không bao giờ là đối tượng của xách nhiễu, khước từ và khinh miệt nữa!”

4. Diễn từ của Đức Thánh Cha với người Roma

Trong diễn từ với người Roma, Đức Thánh Cha đã lặp lại lời cũng Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã từng nói với cộng đồng người Roma năm 1965: “Anh chị em ở trong Giáo hội, anh chị em không ở bên lề... Anh chị em ở nơi con tim Giáo hội”, ngài khuyến khích: “Không ai trong Giáo hội nên cảm thấy lạc lõng hoặc bị bỏ rơi. Đó không chỉ là một cách nói, đó là cách Giáo hội tồn tại.”

Thiên Chúa nhìn thấy chúng ta là con cái: Người nhìn với cái nhìn của người Cha, cái nhìn yêu mến dành cho mỗi đứa con. Nếu tôi đón nhận ánh nhìn ấy lên tôi, thì tôi học được cách nhìn người khác tốt hơn: tôi khám phá ra rằng còn có những người con khác của Thiên Chúa bên cạnh tôi và tôi nhận ra họ là anh em với tôi. Đây là Giáo Hội, một gia đình gồm những anh chị em cùng một Cha, Đấng đã cho chúng ta Chúa Giêsu là người anh em, để chúng ta hiểu được Người yêu mến tình huynh đệ đến nhường nào. Và Người muốn toàn thể nhân loại trở thành một đại gia đình.

Đi từ lời chứng thực tế của anh Ján, Đức Thánh Cha nói rằng: Anh Ján và Beáta vợ anh đã chào tôi: anh chị đã cùng nhau đặt ước mơ của gia đình trước sự đa dạng tuyệt vời về nguồn gốc, phong tục, tập quán của mình. Hơn nhiều lời nói, chính cuộc hôn nhân của anh chị là minh chứng cho sự cụ thể của việc chung sống có thể phá đổ nhiều định kiến cho rằng điều này dường như không thể vượt qua được. Không dễ gì vượt ra khỏi thành kiến, ngay cả giữa các Kitô hữu. Thật không dễ để đánh giá cao người khác, người ta thường nhìn thấy những trở ngại hoặc những kẻ thù, và diễn tả sự xét đoán mà không cần biết khuôn mặt và câu chuyện của họ.

Liên quan đến sự xét đoán, Đức Thánh Cha trích lời Chúa Giêsu: “Đừng xét đoán”. Ngài nói: “Đức Kitô nói với chúng ta: “Đừng xét đoán”. Tuy nhiên, đã bao nhiêu lần, chúng ta không chỉ ngồi lê hay đồn thổi, mà còn tự cho mình là công chính khi làm người phán xét khắt khe về người khác. Khoan dung với bản thân, nhưng lại cứng rắn với người khác. Thực tế, các xét đoán là định kiến bao nhiêu, thì chúng ta thường tô màu thêm bấy nhiêu! Đó là dùng lời nói làm biến chất vẻ đẹp của con cái Thiên Chúa, là anh em của chúng ta. Không thể hạ giảm thực tại về người khác thành những mô hình có sẵn của chính mình, không thể đóng khung người khác. Trên hết, để thực sự biết về người khác, chúng ta phải nhận biết họ: nhận biết rằng mỗi người đều mang nơi mình vẻ đẹp tuyệt vời của một người con Thiên Chúa, nơi đó phản chiếu hình ảnh Đấng Tạo Hóa.”

Đức Thánh Cha khuyến khích những người Rom sống trong sự hội nhập và phẩm giá. Ngài nói: “Sự bốc đồng và lời lẽ to tiếng chẳng giúp ích gì. Cô lập người khác không giải quyết được gì. Khi gia tăng sự đóng kín, thì sớm hay muộn cơn giận cũng bùng lên. Con đường để chung sống hòa bình là hội nhập. Đó là một quá trình hữu cơ, chậm rãi và quan trọng, bắt đầu với sự hiểu biết lẫn nhau, tiến bước với sự kiên nhẫn và hướng tới tương lai. Và tương lai sẽ thuộc về ai? Thuộc về con cái chúng ta. Chính chúng giúp định hướng chúng ta: những ước mơ lớn của chúng không thể va vào những bức tường chúng ta dựng lên. Chúng muốn phát triển cùng với những người khác, không có ngăn trở và không bị dập tắt. Chúng xứng đáng có một cuộc sống hòa nhập và tự do. Chúng là những người thúc đẩy những lựa chọn có tầm nhìn xa, vốn không tìm thấy sự đồng thuận ngay lập tức nhưng hướng đến tương lai của mọi người. Những lựa chọn can đảm phải được thực hiện vì con cái chúng ta: vì phẩm giá của chúng, vì sự giáo dục của chúng, để chúng lớn lên vừa bén rễ nơi nguồn gốc của chúng nhưng cũng đồng thời không bị ngăn trở trước những cơ hội.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cảm ơn những người đang dấn thân giúp cộng đồng người Rom. Ngài nói: “Tôi cảm ơn những người thực hiện công việc hội nhập này, ngoài việc đòi hỏi không ít vất vả, đôi khi còn phải nhận sự hiểu nhầm và vô ơn, có lẽ ngay cả trong Giáo hội.

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân và những người bạn thân mến! Xin cảm ơn anh chị em là những người đã cống hiến thời gian cho sự phát triển toàn diện của anh chị em của mình! Cảm ơn vì tất cả công việc với những ai ở bên lề. Tôi cũng đang nghĩ đến những người tị nạn và tù nhân. Tôi đặc biệt diễn tả sự gần gũi với những ai đang bị cầm tù. Xin cám ơn cha Peter kể về các trung tâm mục vụ, nơi không chỉ trợ giúp xã hội, mà còn đồng hành cá nhân. Hãy tiến bước trên con đường này, dù không thấy được tất cả thành quả ngay lập tức, nhưng nó có tính ngôn sứ, bởi vì nó bao gồm những anh chị em rốt hết, xây dựng tình huynh đệ, gieo hòa bình. Đừng ngại đi ra để gặp gỡ những người thiệt thòi. Anh chị em sẽ thấy mình bước ra để gặp Chúa Giêsu, Người chờ đợi anh chị em ở nơi người đang cần, nơi thiếu thốn; nơi phục vụ chứ không phải nơi quyền lực; nơi nhập thể chứ không phải nơi dễ chịu. Chính người hiện diện ở đó.”

Sau bài chia sẻ, Đức Thánh Cha đọc Kinh Lạy Cha và ban phép lành cho những người hiện diện.
 
La Croix: Nếu không có vụ khủng bố New York 11/9, Đức Phanxicô có thể đã không trở thành Giáo Hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:50 18/09/2021


1. Nếu không có vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, Đức Phanxicô có thể đã không trở thành Giáo Hoàng

Ký giả Christopher White của La Croix International, khi những kẻ khủng bố gây tàn phá cho Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, nó đã thay đổi vĩnh viễn các vụ việc hoàn cầu - bao gồm cả việc vô tình mở đường cho một vị Hồng Y người Á Căn Đình tương đối vô danh cuối cùng trở thành giáo hoàng.

Hai mươi năm trước đây, sau biến cố bi thảm của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, Đức Hồng Y Edward Egan có nhiệm vụ chăm sóc một thành phố và đoàn chiên đau buồn ở Thành phố New York, tâm điểm của các vụ tấn công.

Trước đó, ngài đã được giao nhiệm vụ làm tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2001 tại Rôma, dự kiến bắt đầu vào ngày 30 tháng 9.

Với tư cách đó, ngài chịu trách nhiệm phác thảo các chủ đề của Thượng hội đồng, tổ chức và liên lạc với các nghị phụ Thượng hội đồng và tóm tắt các cuộc thảo luận của Thượng hội đồng trước khi Đức Giáo Hoàng xem xét các đề nghị cuối cùng được đưa ra.

Joseph Zwilling, phát ngôn viên của tổng giáo phận New York, nói với tờ National Catholic Reporter rằng Đức Hồng Y Egan đã xin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lúc đó là Đức Hồng Y Angelo Sodano, cho phép ngài trình bầy tường trình khai mạc tại Thượng hội đồng và sau đó trở về ngay New York.

Zwilling nhớ lại rằng “Khi Đức Hồng Y Sodano chuyển lời lại cho Đức Hồng Y Egan, ngài cho biết Đức Thánh Cha đã yêu cầu ngài ở lại, là điều mà ngài đã làm, một cách miễn cưỡng nhưng ngoan ngoãn”.

Nhưng một thành phố tang tóc cuối cùng đã lôi kéo Đức Hồng Y Egan trở về nhà, và nửa chừng trong thượng hội đồng kéo dài một tháng, ngài đã được phép trở lại New York để chủ tọa buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của ngày 11 tháng 9, sau đó, trở lại Rôma trong một thời gian ngắn trước khi cuối cùng được phép trở về Hoa Kỳ luôn.

Lúc bấy giờ Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, là tổng giám mục của Buenos Aires, Á Căn Đình, và là phụ tá tổng tường trình viên của Thượng hội đồng. Từ vị trí người số hai sau Đức Hồng Y Egan, ngài đã đảm nhận hầu hết công việc của tổng tường trình viên.

Trong suốt một tháng tập hợp các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, khi giáo phận quê hương của Đức Hồng Y Egan khiến ngài phải tập chú vào nơi khác, vị Hồng Y người Á Căn Đình đã đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn, cả công khai lẫn riêng tư, khiến ngài được chú ý khắp Vatican và hơn thế nữa.

Nhà báo Á Căn Đình Elisabetta Piqué cho hay, “Vai trò của Đức Hồng Y Bergoglio tại Thượng hội đồng năm 2001 rất quan trọng và cốt yếu đối với cuộc bầu cử sau này của ngài. Thực thế, ngài đã làm việc rất tốt trong tư cách tổng tường trình viên, thay thế Đức Hồng Y Egan, đến nỗi ngài bắt đầu được biết đến và chú ý ở Rôma như một papabili” nghĩa là có thể là ứng viên Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện tiếp theo.
Source:La Croix

2. Kỷ niệm ngày 11 tháng 9 là một lời nhắc nhở Vatican đã nói rất đúng, không phải một lần mà là hai lần

Ký giả John Allen của tờ Crux, có bài tường trình nhan đề “9/11 anniversary a reminder the Vatican had it right, not once but twice”, nghĩa là “Kỷ niệm ngày 11 tháng 9 là một lời nhắc nhở rằng Vatican đã nói rất đúng, không phải một lần mà là hai lần”. Theo Allen, Hoa Kỳ đã không nghe theo các lời khuyên của Tòa Thánh, không chỉ một mà là hai lần, dẫn đến các tổn thất kinh hoàng về nhân mạng và vật chất.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cuộc xung đột kéo dài 20 năm tại Afghanistan, trị giá 2.6 nghìn tỷ đô la, đã kết thúc với việc Taliban một lần nữa nắm quyền và vị thế toàn cầu của Mỹ lại tan nát. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, ít nhiều xảy ra cùng thời điểm với lễ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố ngày 11 tháng 9.

Hai chiến dịch quân sự lớn của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq là kết quả trực tiếp của các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9. Cả hai đều đã dẫn đến thất bại hoặc thất vọng. Trong cả hai trường hợp, các nhà ngoại giao Vatican ngày nay sẽ có lý khi nói: “ Đừng nói rằng chúng tôi đã không nói trước với các bạn như vậy”.

Afghanistan là hậu quả tức thì của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, đó là nỗ lực của một siêu cường tức giận nhằm đáp trả những kẻ mà nước này cho là phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngay từ đầu, chính quyền Bush đã tỏ rõ ý định sử dụng vũ lực để đánh bật chế độ Taliban. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 7 tháng 10, bom và tên lửa được hướng dẫn bắt đầu rơi xuống các mục tiêu của Taliban. 12 ngày sau các binh sĩ đã hành quân trên mặt đất.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau sự kiện ngày 11 tháng 9 nhưng trước khi chiến tranh Afghanistan nổ ra, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo toàn cầu đã có chuyến tông du tới khu vực này. Vị Đức Giáo Hoàng Ba Lan dự kiến đến Kazakhstan gần đó từ ngày 22 đến 25 tháng 9, và bất chấp những lo ngại về an ninh sau vụ tấn công Tòa Tháp Đôi, chuyến đi vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Chuyến tông du cho phép Đức Gioan Phaolô II có cơ hội cân nhắc trước những lựa chọn định mệnh mà thế giới phải đối mặt vào thời điểm đó. Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, Đức Gioan Phaolô II đã tố cáo “nỗi kinh hoàng không thể diễn tả được” đã xảy ra ở New York và gửi một bức điện cho Bush để bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc của tôi và sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện cho đất nước vào thời điểm đen tối và bi thảm này”. Tuy nhiên, tình cảnh này đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng đề cập đến không chỉ là những cảm xúc mà còn là những phản ứng có tính chính sách.

Ngài đã làm điều đó. Trong bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật sau thánh lễ ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 23 tháng 9, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt, bằng tiếng Anh để bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế sẽ nghe thấy thông điệp ấy: “Với tất cả trái tim của tôi, tôi cầu xin Chúa giữ cho thế giới được hòa bình”, ngài nói. Trong hầu hết các bản tin trên các phương tiện truyền thông, thông điệp này được coi là đèn đỏ của Đức Giáo Hoàng cho cuộc can thiệp quân sự sắp xảy ra do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Hai tháng sau, sau khi Taliban bị lật đổ và bắt đầu hai thập kỷ chiếm đóng của nước ngoài tại Afghanistan, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho lời cảnh báo của mình trở nên sắc nét hơn trong thông điệp hàng năm của ngài cho Ngày Thế giới Hòa bình.

Trong thông điệp đó, Đức Giáo Hoàng thừa nhận quyền tự vệ trước những kẻ khủng bố nhưng nhấn mạnh rằng hành động nên được giới hạn ở chính những kẻ khủng bố, chứ không phải toàn bộ quốc gia, và bất kỳ hành động quân sự hoặc vũ trang nào cũng phải đi kèm với “một chính sách chính trị, ngoại giao và kinh tế can đảm và kiên quyết, trong đó cam kết giảm bớt các tình huống bị áp bức và gạt ra bên lề vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch của những kẻ khủng bố”.

Mặc dù Đức Gioan Phaolô II không bao giờ đề cập cụ thể đến Hoa Kỳ, bối cảnh thông điệp dường như đã hoàn toàn rõ ràng: Đừng sử dụng vũ lực bừa bãi, và đừng sử dụng một chiến dịch quân sự không có kế hoạch tái thiết.

Hai năm sau, ký ức về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 cũng thúc đẩy cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ dẫn đầu, khiến Đức Giáo Hoàng và đội ngũ Vatican của ngài lên án rõ ràng hơn. Đức Gioan Phaolô II thậm chí đã cử một đặc phái viên đến Tòa Bạch Ốc, đó là cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Pio Laghi, trong nỗ lực vào phút cuối để thuyết phục chính quyền Bush, nhưng vô ích.

Tóm lại, Đức Giáo Hoàng và các nhân viên ngoại giao của ngài đã cảnh báo Mỹ rằng cả Afghanistan và Iraq sẽ chứng tỏ là những cuộc xung đột không có hồi kết, có khả năng khiến dân thường của cả hai nước, bao gồm cả thiểu số Kitô Hữu đáng kể của Iraq, trở nên tồi tệ hơn. Các vị cũng cảnh báo rằng những nỗ lực áp đặt mô hình chính phủ và công lý của phương Tây lên các xã hội Á Châu sẽ cho thấy rằng những truyền thống xa lạ đó sẽ không bao giờ có hiệu quả và bóng ma của một cường quốc phương Tây xâm lược một quốc gia Hồi giáo khác sẽ thổi bùng tình cảm Hồi giáo và cuối cùng thúc đẩy chính các phong trào thánh chiến lao vào một cuộc chiến tranh được trù liệu là diễn ra trong một phạm vi giới hạn.

Vào tháng Giêng năm 2003, trong một bữa ăn trưa làm việc với các nhà báo do đại sứ quán Ý tại Vatican tổ chức, Đức Hồng Y Angelo Sodano, người Ý, lúc đó là Ngoại trưởng của Đức Gioan-Phaolô, đã đánh giá theo cách này: “ Chúng tôi nói với những người bạn Mỹ của chúng tôi: chọc giận một tỷ người Hồi giáo sẽ có nguy cơ gây ra sự thù địch của thế giới Hồi giáo trong nhiều thập kỷ.”

Chỉ ba ngày trước khi cuộc xâm lược của Hoa Kỳ bắt đầu, Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng bài huấn dụ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật của mình để đưa ra một lời kêu gọi cuối cùng khác.

“Đối mặt với những hậu quả to lớn mà một hoạt động quân sự quốc tế sẽ gây ra cho dân chúng Iraq và cho sự cân bằng của khu vực Trung Đông, vốn đã rất khốn cùng, và đối với những hành động cực đoan có thể xuất phát từ đó, tôi nói với tất cả: vẫn còn thời gian để thương lượng; vẫn còn chỗ cho hòa bình, không bao giờ là quá muộn để hiểu và tiếp tục thảo luận”, ngài nói.

Mặc dù bây giờ tất cả những điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng vào thời điểm đó, Vatican là một trong số ít các quốc gia phương Tây sẵn sàng công khai nói lên sự e ngại của mình đối với các chính sách của Hoa Kỳ. Mặc dù có thể là khó mường tượng ra thế giới ngày nay có thể trông khác như thế nào nếu Hoa Kỳ đã lắng nghe lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng câu trả lời gần như chắc chắn là sẽ khác “rất xa”.

Cột mốc 20 năm kể từ ngày vụ khủng bố 11 tháng 9, trong số nhiều điều khác, đưa ra một lời nhắc nhở rằng Vatican đã đúng, không chỉ một lần mà là hai lần, về những đau lòng sẽ xảy ra sau các phản ứng quân sự của Mỹ và các đồng minh sau các cuộc tấn công.

Có lẽ đó không phải là niềm an ủi nghiệt ngã cho những người Công Giáo trong ngày kỷ niệm khủng khiếp này. Tuy nhiên, nếu không có gì khác, có lẽ nó cũng mang lại một lợi ích nhất định cho sự nghi ngờ vào lần tiếp theo khi các nhà ngoại giao Vatican cố gắng cảnh báo thế giới rằng “Làm theo cách đó thật là một sự điên rồ”.
Source:Crux

3. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tân Tổng giám mục cho thủ đô Belarus

Hôm thứ Ba, Tòa Thánh chi biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một tổng giám mục Công Giáo mới cho thành phố thủ đô Belarus.

Tòa thánh Vatican thông báo vào ngày 14 tháng 9 rằng Đức Giáo Hoàng đã chọn Đức Cha Iosif Staneuski, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Belarus, làm nhà lãnh đạo tổng giáo phận Minsk-Mohilev.

Việc bổ nhiệm diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với Giáo Hội Công Giáo ở Belarus, quốc gia có 9.6 triệu dân giáp với Nga, Ukraine, Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Đất nước đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Alexander Lukashenko được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 năm 2020 với 80% phiếu bầu.

Cùng tháng đó, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng giám mục Minsk-Mohilev, đã bị cấm trở lại Belarus sau khi đi thăm Ba Lan.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz, khi đó là chủ tịch hội đồng giám mục Belarus, đã cầu nguyện bên ngoài một nhà tù nơi những người biểu tình bị giam giữ bị tra tấn và yêu cầu điều tra về các báo cáo theo đó cảnh sát chống bạo động đã chặn cửa của một nhà thờ Công Giáo ở Minsk trong khi bắt bớ những người biểu tình ở một quảng trường gần đó.

Sau các dàn xếp, ngày 22 tháng 12, ngài được cho về nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ngày 3 tháng Giêng, ngài được cho về hưu. Chế độ cũng đã trừng phạt các linh mục đã ủng hộ các cuộc biểu tình, gần đây nhất là vụ lùng bắt Cha Vyacheslav Barok vì phản đối gian lận bầu cử và các hành vi bạo lực của chế độ. Rất may, đầu tháng 7 năm 2021, ngài kịp thời trốn sang nước láng giềng Ba Lan.

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Kazimierz Wielikosielec làm giám quản tông tòa của tổng giáo phận Minsk-Mohilev.

Phát biểu trong thánh lễ chia tay ở Minsk, Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz nói: “Thay đổi một giám mục sau khi ngài bước qua tuổi 75 là một điều bình thường. Tôi ra đi với tư cách là một giám mục bản quyền, nhưng với tư cách là một giám mục, tôi vẫn ở lại”.

“Điều quan trọng là, bất chấp sự thay đổi của các giám mục, Giáo hội vẫn tồn tại, hoạt động và các cánh cổng địa ngục sẽ không thể chống lại nó”.

Đức Cha Iosif Staneuski, 52 tuổi, đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Grodno, miền tây Belarus, kể từ năm 2014.

Ngài sinh ngày 4 tháng 4 năm 1969, tại làng Zanevich, gần Grodno. Ngài được thụ phong linh mục giáo phận Grodno ngày 17 tháng 6 năm 1995.

Năm 1999, ngài nhận được Chứng chỉ Giáo luật tại Đại học Công Giáo Gioan Phaolô II ở Lublin, Ba Lan.

Ngài từng là giảng viên, và cuối cùng là hiệu trưởng của đại chủng viện ở Grodno. Ngài giám sát việc đào tạo mục vụ cho các linh mục trẻ của giáo phận Grodno từ năm 2007 đến năm 2013.

Ngài được bầu làm tổng thư ký Hội đồng Giám mục Belarus vào năm 2015 và lần thứ hai vào tháng 4 năm nay.
Source:Catholic News Agency
 
Kỷ yếu Đại Hội Thánh Thể Budapest, niềm hy vọng giữa những khốn khó của đại dịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:46 18/09/2021
 
Thụy Sĩ rộ lên tin sắp có Nữ Ngự Lâm Quân tại Vatican. Vị Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay là ai?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:23 18/09/2021


1. Dấu chỉ của hy vọng từ Budapest

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest đã diễn ra từ 5 đến 12 tháng 9 vừa qua, đã kết thúc với thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại quảng trường Anh Hùng. Giáo sư Gladden J. Pappin của Đại Học Dallas Texas đã tham gia Đại hội Thánh Thể này. Ông có một bài nhận định đăng trên tờ First Things số ra ngày 15 tháng 9.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nếu bạn giống như tôi, Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm nay ở Budapest đã không nằm trong tầm ngắm của bạn. Nhưng thật tình cờ, khi tôi đến Budapest tuần trước để làm việc cho một dự án kéo dài một năm, đại hội mới bắt đầu. Tôi đã không chuẩn bị cho một tuần thật đáng khích lệ.

Trong những tháng gần đây, các phương tiện truyền thông đã chú ý đến Đại hội Thánh Thể Quốc tế, gọi tắt là IEC, với một câu hỏi duy nhất: Liệu chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Budapest để dự đại hội có bao gồm một cuộc gặp chính thức với Viktor Orbán, thủ tướng Hung Gia Lợi hay không. Chuyện đó đã xảy ra. Ngoại trừ chuyện đó, IEC, được tổ chức từ ngày 5 tháng 9 đến 12 tháng 9 không mấy khi được đưa tin — ngoại trừ từ các phương tiện truyền thông địa phương và EWTN. Do đó, ít ai biết rằng IEC của Budapest là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng tham dự trong suốt 21 năm qua. Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào ngày Chúa Nhật đã được cử hành bằng tiếng Latinh kèm theo các bài thánh ca Grêgoriô. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã khiến đám đông thích thú khi đọc thuộc lòng một vài cụm từ bằng tiếng Hung Gia Lợi, là ngôn ngữ nổi tiếng khó học. Andrassy Avenue, đại lộ lớn dẫn đến Quảng trường Anh hùng, chật ních, ngút ngàn người là người, đến mức mắt thường khó có thể nhìn thấy hết được.

Tuy nhiên, đại hội cũng đầy những ấn tượng vì một số lý do khác. Khi hàng trăm nghìn người xếp hàng trên đường phố để tham dự các thánh lễ và đám rước, khẩu trang y tế hiếm khi xuất hiện, và sự kiện này không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đang gây ra các tranh cãi hàng ngày ở Mỹ và các nơi khác.

Và sự khác biệt của Công Giáo Hung Gia Lợi đã được thể hiện rõ ràng, bắt đầu từ Thánh lễ khai mạc của Đức Hồng Y Angelo Bagnasco vào ngày 5 tháng 9. Tại buổi lễ này, một dòng các áo chùng thâm của các linh mục kéo dài vô tận dọc theo vỉa hè của Quảng trường Anh hùng. Các vũ công trong trang phục truyền thống của Hung Gia Lợi biểu diễn trên sân khấu — nhưng chỉ trước, chứ không phải trong Thánh lễ. Thánh lễ tôn vinh những yếu tố đẹp đẽ nhất của truyền thống dân tộc, nhưng không có bất kỳ hoạt động vui nhộn nào thường được tổ chức trong các nghi lễ với quy mô lớn như thế này. Trên bàn thờ có một hình thánh giá tuyệt đẹp. Nhìn từ xa, nó trông hơi nhăn nhó, nhưng khi kiểm tra thì lý do rất rõ ràng: Đồ kim loại đặc biệt đã gói các thánh tích quý giá của mọi vị thánh Hung Gia Lợi vào cây thánh giá để công chúng tôn kính.

Trong suốt tuần, toàn thành phố đã lưu ý đến IEC. Các biểu tượng của Bí tích Thánh Thể có thể nhìn thấy bên ngoài mọi nhà thờ, và nhiều trưng bày, cũng như chính các nghi lễ, đã thu hút sự chú ý đến Vương miện của Thánh Stêphanô tượng trưng cho nhà nước Hung Gia Lợi. Các buổi biểu diễn âm nhạc rải rác trong tuần và các cuộc nói chuyện đóng vai trò như những buổi đưa ra các chứng tá. Tại một buổi nói chuyện, tổng thống Hung Gia Lợi János Áder đã nói về tầm quan trọng của Công Giáo trong cuộc đời ông. Mọi người Công Giáo mà tôi gặp bằng cách nào đó đều tham gia vào việc lập kế hoạch của IEC. Thật vậy, người Công Giáo Hung Gia Lợi từ lâu đã cầu nguyện sau mỗi Thánh lễ cho sự thành công của đại hội.

Khi một tuần trôi qua, ảnh hưởng của ký ức lịch sử Hung Gia Lợi đã được thể hiện rõ ràng. Vào tối thứ Ba, Nhà thờ Thánh Matthêu có từ thế kỷ 14 tổ chức Thánh lễ cầu xin cho tiến trình tuyên chân phước cho Hoàng hậu Zita của Bourbon-Parma được thuận lợi. Bà là vị Hoàng hậu cuối cùng của Áo Hung, và đã qua đời vào năm 1989. Sau đó, những buổi Kinh chiều được tổ chức để tưởng nhớ từng nhà dòng — Đa-minh, Xitô, và những dòng khác - đã bị tàn sát trong thời kỳ Liên Sô chiếm đóng quốc gia này.

Đức Hồng Y Péter Erdő đã dâng thánh lễ vào Tối Thứ Bảy tại Quảng trường Kossuth Lajos — một quảng trường rộng lớn. Tòa nhà Quốc hội Hung Gia Lợi mọc lên như một cây đại thụ khổng lồ phía sau bàn thờ. Để đánh dấu sự kiện này, di vật quý giá của Thánh Stêphanô đã được đưa từ Vương cung thánh đường Thánh Stêphanô đến Tòa nhà Quốc hội. Do đó, thánh tích, có chứa cánh tay phải của Thánh Stêphanô, đứng bên cạnh Vương miện của ngài trong tòa nhà ngay phía sau nơi vị Hồng Y cử hành Thánh lễ. Trong bản sửa đổi hiến pháp năm 2011, Vương miện của ngài đã được phục hồi và được gọi trở lại là một biểu tượng của nhà nước.

Sau đó, đám đông tham gia cuộc rước Thánh Thể dài hàng dặm từ Quốc hội đến Quảng trường Anh hùng. Chúng tôi đi ngang qua Tòa Nhà Kinh Hoàng, đó là tòa nhà thẩm vấn của Liên Sô cũ được chính phủ Orbán chuyển đổi thành bảo tàng viện để lưu giữ ký ức về những nỗi kinh hoàng trước đây trong thời kỳ cộng sản. Đang nhìn chằm chằm vào tòa nhà, người đàn ông bên trái tôi - một người Hung Gia Lợi sinh tại Mỹ, đã trở về nước vào những năm 1990 - kể cho tôi nghe chuyện ông nội của anh đã bị giam ở đó trong cuộc Cách mạng Hung Gia Lợi năm 1956. Trong khi bà của anh bị giữ bên ngoài, thì ông nội của anh ấy đã được những kẻ bắt ông bảo cho biết rằng những tiếng la hét phát ra từ phòng bên cạnh là của vợ ông. Đó là một cách để hù dọa tâm lý người bị bắt để người ấy phải khai báo.

Do đó, Đại hội Thánh Thể Quốc tế là một tuyên bố về sự tái sinh của Hung Gia Lợi và sự bền vững của đức tin. Đại hội thánh thể cuối cùng của Budapest đã được tổ chức vào năm 1938 - khi những người Công Giáo Đức bị Đức Quốc Xã cấm tham dự. Tám mươi ba năm sau, người Công Giáo Hung Gia Lợi dồn hết tâm trí vào việc làm cho công chúng nhận ra rằng Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của đời sống quốc gia của họ — và chào đón Đức Thánh Cha.

Khi tôi rời Quảng trường Anh hùng vào tối thứ Bảy, một cặp vợ chồng trung niên người Hung Gia Lợi hỏi tôi quê ở đâu. Nghe nói rằng tôi đến từ Hoa Kỳ và hiện đang sống ở Budapest, người phụ nữ chào đón tôi và nói: “Hung Gia Lợi là một nơi yên bình”. Những người phương Tây hãy cầu nguyện để quốc gia này vẫn như vậy.
Source:First Things

2. Liệu Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ có cho phép nữ vệ binh trong tương lai hay không?

Khi Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ của Đức Giáo Hoàng đang tiếp tục với kế hoạch đại tu doanh trại ở Vatican, đã có báo cáo rằng thiết kế mới có thể phù hợp với các nữ vệ binh. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu đội quân 515 tuổi có thể sẵn sàng thực hiện một thay đổi đáng kể đối với các yêu cầu nhập ngũ của họ hay không..

“Trước hết, hãy để tôi nói rằng phản ứng của báo chí Thụy Sĩ về phát biểu của tôi đã quá nhiều”, Jean-Pierre Roth, chủ tịch quỹ từ thiện tài trợ việc xây dựng mới các doanh trại của Thụy Sĩ, nói với CNA qua email.

Roth nói với tờ báo Thụy Sĩ Tages-Anzeiger vào đầu tuần này rằng “ngay từ đầu, điều quan trọng đối với chúng tôi là tòa nhà mới cung cấp không gian cho phụ nữ”.

Dự án xây dựng trị giá khoảng 60 triệu Mỹ Kim bao gồm kế hoạch mở rộng khu vực sinh sống cho các vệ binh, một số người hiện đang ngủ trong các phòng chung hoặc trong cá gôi nhà ở bên ngoài Vatican. Doanh trại mới sẽ cho phép mỗi lính canh có một phòng riêng với phòng tắm riêng.

Tờ The Telegraph của Anh dẫn lời Trung úy Urs Breitenmoser, phát ngôn viên của Lực lượng vệ binh Thụy Sĩ, cho biết rằng các phòng riêng có nghĩa là “trong tương lai, nếu quyết định được đưa ra, chúng tôi cũng có thể có nơi cho phụ nữ”.

Roth giải thích với CNA rằng nền tảng của tòa nhà là “quy hoạch doanh trại đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vệ binh Thụy Sĩ trong những thập kỷ tới. Ai biết được liệu những người phụ nữ có thể được nhận vào đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ trong tương lai hay không? “

“Quyết định thuộc về Đức Thánh Cha. Quỹ của chúng tôi không có thông tin về một quyết định khả thi”, ông nói.

Để gia nhập Lực lượng Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, ứng cử viên phải là một nam giới Công Giáo độc thân có quốc tịch Thụy Sĩ trong độ tuổi từ 19 đến 30, cao ít nhất 5 feet, 8 inch.

Các lính canh được phép kết hôn khi đang tại ngũ, và một số lính canh sống trong gia đình với vợ và con của họ.

“Mục tiêu chính của dự án là cung cấp nhiều căn hộ hơn cho những vệ binh đã lập gia đình. Doanh trại sẽ có 25 căn hộ cho các gia đình”, Roth nói.

Việc cải tạo, đang trong giai đoạn lập kế hoạch từ năm 2016, vẫn chưa có ngày bắt đầu xây dựng, mặc dù một số báo cáo đã trích dẫn việc khởi công sẽ xảy ra năm 2023. Roth nói rằng dự án đang được thảo luận bởi Ủy ban Bất động sản của Vatican và sau đó phải được sự chấp thuận của UNESCO. Công việc dự kiến sẽ mất vài năm.

Roth lưu ý rằng nhiều quốc gia có nữ binh sĩ và cảnh sát, vì vậy “có thể Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ cũng sẽ có nữ vệ binh”.

“Là những nhà lập kế hoạch cẩn thận, chúng tôi phải xem xét sự phát triển đó như một phương án khả thi”, ông nói thêm. “Do đó, chúng tôi đã dự kiến các phòng đơn dành cho tất cả những người bảo vệ không kết hôn và cấu trúc bên trong linh hoạt của tòa nhà cho phép tạo ra một khu vực phụ nữ. Đó chỉ là ý thức tốt và lập kế hoạch cẩn thận”.

Doanh trại mới cũng cần thiết để thích ứng với sự phát triển, vì Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã mở rộng từ 110 lên 135 lính canh vài năm trước.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay là ai?

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, trong số ra ngày 15 tháng 9, có một bài nghiên cứu khá thú vị của Daniel Esparza nhan đề “The first pope who traveled by plane”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trước Công đồng Vatican II, các Đức Giáo Hoàng hiếm khi đi ra ngoài thành phố Rôma.

Đức Innocent 12 là vị giáo hoàng có râu cuối cùng, Đức Clement thứ 8 là người đầu tiên thử cà phê, và Đức Leo 10 là người đầu tiên và cuối cùng nuôi voi làm thú cưng. Còn Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, được gọi là “Giáo hoàng hành hương” là người đầu tiên đi du lịch bằng máy bay. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên rời Ý kể từ năm 1809, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm tất cả các lục địa.

Ngài đã có những chuyến thăm mục vụ đến Uganda, và do đó trở thành vị Giáo Hoàng tại vị đầu tiên trong lịch sử đến Phi Châu và Phi Luật Tân, tham dự các đại hội thánh thể ở Bombay, Ấn Độ và Bogotá, Colombia, và phát biểu trước Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York ở Tháng 10 năm 1965.

Thời nay, chúng ta có thể quen nhìn thấy các vị Giáo Hoàng đi tông du khắp thế giới, nhưng trong các thế kỷ trước, việc một vị Giáo Hoàng đi du lịch bên ngoài Rôma là một điều ngoại thường. Trong 500 năm đầu tiên của Kitô Giáo, các vị Giáo Hoàng chỉ rời khỏi Rôma nếu bị buộc phải làm như thế, thường là do bị chính quyền đế quốc đưa đi lưu vong. Trên thực tế, lưu đày dường như là quy luật trong những ngày đầu của Kitô Giáo. Đức Giáo Hoàng Clement Đệ Nhất, tức là vị giáo hoàng thứ tư, ngay sau Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Linus và Đức Giáo Hoàng Cletus, đã bị hoàng đế Trajan lưu đày, và sau đó tử vì đạo tại Biển Đen vào khoảng năm 99. Đức Giáo Hoàng Pontian trị vì từ năm 230 đến năm 235 đã chết trong thời gian lưu vong ở Sardinia. Đức Giáo Hoàng Cornelius trị vì từ năm 251 đến năm 253 cũng qua đời sau một năm lưu đày ở Civitavecchia, chỉ cách Rôma 80 cây số. Đức Giáo Hoàng Liberius trị vì từ năm 352 đến năm 366 bị hoàng đế Constantius Đệ Nhị đày đến Beroea. Nhưng lưu đày không thể được coi là “đi du lịch”.

Từ thế kỷ thứ sáu trở đi, chúng ta thấy có ít nhất ba vị Giáo Hoàng đi từ Rôma đến Constantinople: Đức Vigilius năm 547, Đức Agatho năm 680, và Đức Giáo Hoàng Constantine năm 710. Đức Giáo Hoàng Stêphanô Đệ Nhị trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên vượt qua dãy Alps vào năm 752 để trao vương miện cho Pepin the Short, và Đức Piô Đệ Thất đã làm điều tương tự khoảng một nghìn năm sau trong lễ đăng quang của Napoléon. Nhưng, tất nhiên, không ai trong số các vị đi bằng máy bay.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả những vị tiền nhiệm của ngài cộng lại: ngài đã đi khoảng 721,052 dặm, trong 31 chuyến tông du khắp thế giới. Nhưng Đức Phaolô VI vẫn giữ danh hiệu không chỉ là vị Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, mà còn là vị đầu tiên tông du bên ngoài Âu Châu. Chuyến đi của ngài đã nêu gương cho các vị Giáo Hoàng tiếp theo, và được tiếp tục bởi các vị kế vị của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chuyến đi đầu tiên của Đức Phaolô Đệ Lục bên ngoài Âu Châu là chuyến hành hương đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Thánh Địa trong lịch sử. Ngài thăm cả Jordan và Israel vào tháng Giêng năm 1964. Vào tháng 12 cùng năm đó, ngài đã đi đến Li Băng và Ấn Độ. Vào tháng 10 năm 1965, ngài đến thành phố New York và gặp Tổng thống Lyndon B. Johnson, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Yankee.


Source:Aleteia