Ngày 14-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thập Giá
Trầm Thiên Thu
07:06 14/09/2011
Thập giá – đau khổ và nhục nhã

Thập giá là dụng cụ nhục hình dành cho các tội nhân thời đó. Thập giá là biểu tượng của sự thử thách, của nỗi khổ đau. Trong cuộc sống, dù muốn dù không, chúng ta vẫn gặp và chịu đựng nhiều thứ trái ý. Thật vậy, bị áp bức hoặc không làm gì được người kia thì đành phải chịu thua. Đó là “bị” vác thập giá, bị nhục nhã. Người Việt có câu: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Nhưng người ta thường “nói đùa” là “một sự nhịn, chín sự… nhục”.

Tuy nhiên, Thập giá cũng chính là dụng cụ nhục hình mà Chúa Kitô đã chịu đóng đinh vào, và Ngài đã chết trên đó để cứu chuộc nhân lọai. Ngài đã bị nhục nhã ê chề, vì hình phạt đóng đinh vào Thập giá chỉ dành cho những tên tội phạm “khét tiếng”. Không chỉ là bị đóng đinh vào Thập giá mà Ngài còn bị lột trần. Vô cùng nhục nhã. Thậm chí các môn đệ chí thiết cũng tìm cách rời xa Ngài vì sợ bị liên lụy. Chúa Giêsu đã bị liệt ngang hàng với cỡ tội phạm nguy hiểm như Baraba. Có lẽ không còn sự nhục nhã nào hơn nữa!

Thập giá – hy vọng và quang vinh

Thập giá còn có nghĩa là bất cứ thử thách đau khổ nào mà Kitô hữu phải chịu, và tự nguyện chấp nhận, để được kết hợp với Chúa và cộng tác với Ngài trong việc cứu rỗi chính mình và các linh hồn. Như thế, Thập giá không còn là nhục hình mà lại trở thành một mầu nhiệm được mặc khải, được Chúa dạy khi Ngài nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc 14:26-27). Mầu nhiệm Thập giá là một trong các chủ đề chính yếu của các thư thánh Phaolô (Rm 5:8; I Cr 1:17; Gl 4:16 và Pl 2:6-11).

Trên Cây Thánh Giá, Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công chính nhưng đã bị kết án, là Đấng chí thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua trời đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị chà đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng vô cùng cao sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chịu chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng là Sự Sống Lại.

Thánh Gioan Kim khẩu suy niệm: “Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.

Thập giá là chìa-khóa-Nước-Trời, là chìa-khóa-vạn-năng giúp chúng ta xử lý bất kỳ trường hợp nào trong cuộc sống. Khi cô đơn, đau khổ, vất vả, thất vọng, lo sợ, tủi nhục,… cứ ngước nhìn Thập giá Đức Kitô thì người ta sẽ tìm được ủi an, nâng đỡ và bình an. Thánh Jean Chrysostome nói: “Hiểu đau khổ, đón nhận đau khổ, tiến dâng đau khổ, đó là nguồn sống hạnh phúc hoan lạc. Chiến đấu với tội lỗi là chiến đấu với đau khổ”. Với Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: “Có Chúa, tất cả đau khổ thế trần là thần lương bổ dưỡng, và tất cả an ủi thế trần trở nên cay đắng”.

LM Anton Torès viết: “Vác Thánh giá mà không có gì an ủi, đó là lúc ta đang bay bổng trên đường trọn lành; khi cầu nguyện mà không nghe động tình vui thú an ủi, đó là cách cầu nguyện rất hữu ích cho linh hồn”. Một Saolê hung hãn bắt đạo đã trở nên một Phaolô hăng say rao giảng về Thập giá: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (I Cr 1:18, 25).

Cứ ngỡ Thập giá là nhục nhã nhưng lại là niềm hy vọng và vinh quang. Bác học Voltaire đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã chiến đấu 60 năm vì vinh quang Ngài” (Mon Dieu, j’ai combattu soixante ans pour Ta gloire). Chiến đấu thì phải đau khổ, có đau khổ mới có vinh quang. Trong một chương trình phát thanh, đài Nguồn Sống xác định: “Chúa không cần người có tài, nhưng Ngài cần người mà Ngài có thể dùng”. Đó là những người xả thân vì Đức Kitô, không có tài sẽ được Ngài hỗ trợ – như Samuel, thánh nữ Faustina,… Có tài thì vẫn tốt, nhưng Chúa cần có đức trước, như người Việt thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” vậy. Chúa Giêsu có những cái “ngược đời”, nhưng đó lại là những điều tối cần thiết để sống hữu ích cho chính mình, cho tha nhân, cho Giáo hội, cho tổ quốc, cho xã hội – hôm nay và ngày mai. Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và Ngài kéo chúng ta lên. Ngài lên cao và vinh quang qua con đường Thập giá thì chúng ta cũng nhờ Thập giá mà hy vọng được lên cao và chung hưởng vinh quang với Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thật lòng yêu mến và say mê Thập giá để khả dĩ là khí cụ của Ngài, dám sống “ngược đời” như Ngài, và như mong muốn “không giống ai” của Thánh Phaolô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14).
 
Ghen
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
07:21 14/09/2011
Chúa Nhật 25 thường niên A

Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? (Mt 20,15).

Tạo hóa trao ban cho mỗi thụ tạo một qùa tặng riêng, không ai giống ai. Sự hơn kém và khác biệt phẩm chất làm cho thế giới con người và các loài thụ tạo có muôn mầu, muôn sắc và sống động. Quan sát dòng đời, chúng ta nhận thấy rằng trên đời có kẻ đến trước, người đến sau. Có kẻ già người trẻ, có người sang kẻ hèn và có kẻ giầu người nghèo. Có kẻ sướng người khổ, có kẻ ăn trắng mặc trơn và có kẻ cả đời lam lũ. Có kẻ thông minh tài giỏi, có kẻ khờ khạo chậm chạp và có người lành kẻ dữ. Mỗi người dù sang hay hèn đều có một kiếp sống. Tuy cuộc đời và đời người không ai giống ai, nhưng ai ai cũng mong muốn có một cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc.

Chúng ta không cần phải ngồi đó so sánh hơn thiệt. Mỗi người chúng ta có một định mệnh và căn tính riêng biệt. Chúng ta không thể trở nên giống người này, người nọ. Cho dù thay gan, thay tim, thay máu, thay các cơ phận và cả đổi giống, chúng ta vẫn giữ căn tính của mình. Ước muốn của mỗi người giống như các chiếc ly, chiếc chén, cần dung lượng đủ cho ước mơ của mình. Chén của tôi nhỏ, tôi mong ước đong đầy là vui rồi. Chén của bạn to hơn, bạn cần nhiều nhu cầu hơn. Mỗi người có một số phận, ước sao cho số mệnh mình được may mắn xuông sẻ là hạnh phúc rồi. Mọi người được sinh ra và sống đời dài hay vắn tùy theo số mệnh. Có một điểm chung cho tất cả mọi người là đồng hành đi về một hướng. Cuối con đường là sự chết.

Sự so sánh, ghen tị sẽ đưa đến tranh dành, chia rẽ và phá đổ. Ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất, lòng ham muốn đã xô đẩy con người vào đường lầm. Ông bà nguyên tổ ước muốn được biết mọi sự như Thiên Chúa, đã sa phạm vào bẫy của ma qủy. Con cái của ông bà đã chành cạnh, so sánh hơn thiệt đã gây ra thảm cảnh: A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Thiên Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt (Stk 4,5-6). Không cầm lòng được sự giân dữ và ghen tương, Cain đã giết em của mình: Ca-in nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi! " Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình (Stk 4,8).

Con người cứ luẩn quẩn trong vòng ghen tương thù oán. Lòng tự ái bị chạm nên đã gây gỗ, xua đuổi và thù ghét. Bà Sara cho phép chồng được ở với đứa tớ gái, khi người tớ gái có con, bà lại nẩy sinh ra sự ghen tị và so sánh hơn thua. Bà mang tâm thức một chủ nhân nhưng thiếu lòng rộng lượng: Ông Áp-ram nói với bà Xa-rai: "Nữ tỳ của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm! " Bà Xa-rai hành hạ Ha-ga khiến nàng phải trốn bà (Stk 16,6). Truyện của Rachel cũng giống như truyện đời của nhiều người. Không chịu đựng được những lời dèm pha hoặc những cử chỉ trái trai gai mắt. Bà muốn vin vào sự chết để than phiền, dọa nạt hay đòi hỏi: Khi bà Ra-khen thấy mình không sinh con cho ông Gia-cóp, thì ghen với chị và nói với ông Gia-cóp: "Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!(Stk 30,1).

Anh em con cái của ông Giacob cũng rơi vào những sự thù oán ghen tương. Họ toa rập với nhau để bán người em của mình. Họ ghen ghét người em nhỏ vì em có những khả năng trổi vượt hơn họ. Họ tìm cách tiêu diệt vì ghen: Các anh ghen với cậu, còn cha cậu thì ghi nhớ điều ấy (Stk 37,11). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cũng ghi chép lại câu truyện không đẹp này của các anh em tổ phụ ông Giuse: Các tổ phụ ghen ông Giuse nên đã bán ông cho người ta đưa sang Ai-cập. Nhưng Thiên Chúa vẫn ở với ông (Tđcv 7,9). Trong thời gian Dân Do-thái lữ hành trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, có nhiều bô lão cũng đã tỏ lòng ghen tương với những người được lãnh nhận thần khí của Chúa: Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! " Vì Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ (Ds 11,29).

Những thói hư tật xấu cũng len lỏi vào đời sống cộng đồng của các môn đệ Chúa Giêsu. Khi bà mẹ của Gioan và Giacôbê xin Chúa cho hai đứa con được ngồi bên tả hữu của Chúa thì các môn đệ khác đã cảm thấy khó chịu và ghen tức: Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan (Mc 10.41). Mọi người mong chờ ơn cứu độ và cố gắng tu thân tích đức, nhưng rồi cũng cứ nhìn qua nhìn lại và so sánh hơn thua. Các môn đệ của ông Gioan cũng đã phải lên tiếng: Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: "Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? "(Mc 2,18). Rồi tới những vị lãnh đạo tôn giáo cũng tìm lông bới vết, bắt bẻ và phê bình: Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? "(Mt 9.11).

Kìa, xem thái độ tự mãn và khoe khoang của người Pharisêu. Họ cầu nguyện với Chúa nhưng ánh mắt và cõi lòng lại dèm pha những người khác. Vì thế lời cầu của họ không được Chúa nhậm lời: Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia (Lc 18,11). Cũng như những người Do-thái, họ nghĩ họ là con trưởng, chỉ dân tộc Do-thái mới được thừa hưởng ơn cứu độ. Họ khinh thường kẻ khác và phản đối tẩy chay cả những vị tông đồ được sai đến: Thấy những đám đông như vậy, người Do-thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phao-lô nói và nhục mạ ông (Tđcv 13,45)

Với lời lẽ chân thành, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu ở Corintô: Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao? (1Cor 3,3). Ghen tương cãi cọ là thói xấu ở đời. Đứng núi này trông núi nọ rồi ngỏ lòng ham muốn của cải hay chức vị của người khác. Không biết hài lòng về chính mình là một nỗi khổ. Cuộc sống cứ thế phải chạy đua và tranh dành để gây ảnh hưởng, tìm uy tín. Càng tìm thì càng mất vì nó ngoài khả năng và tầm tay của mình. Có nhiều người không chiếm đoạt được theo ý mình thì đạp đổ và phá hoãng.

Suy về thái độ của những người vào làm vườn nho cho chủ. Kẻ đến sớm, người đến trễ đều được trả tiền công đồng đều. Càm ràm hay trách móc ông chủ cũng là câu truyện thường tình. Chúng ta thông cảm cho những khó chịu của những kẻ giãi nắng dầm sương từ sáng sớm. Chủ và thợ cũng đã thỏa thuận từ sớm, thuận mua vừa bán. Không có sự bất công. Dù sao, ông chủ có tự quyền quyết định, miễn là không vi phạm luật đã thỏa thuận. Thưởng công hay ban phát ân huệ là do ý muốn của chủ. Chúng ta không có quyền quyết định phần thưởng cho mình: “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết"(Mt 20.16). Hình ảnh những người làm vườn nho trong bài Phúc âm, giúp chúng ta suy gẫm về chính đời sống người tín hữu. Chúng ta được mời vào làm vườn nho Nhà Chúa, chúng ta vẫn tự hào mình là đạo gốc đã ba bốn đời. Giữ đạo cha truyền con nối mà. Chúng ta hãnh diện đã được nhận Bí Tích Rửa Tội từ tuổi bé thơ. Trong khi có biết bao người biết Chúa muộn màng. Họ phải ra công tìm kiếm, chờ đợi và học hỏi mới được sinh ra làm con Chúa. Họ bị xem là bổn đạo mới hay tân tòng.

Qua Bí Tích Rửa Tội, Chúa hứa ban Nước Trời cho mọi con cái làm sản nghiệp. Dù sớm hay muộn màng, các tín hữu được hưởng mọi quyền lợi làm con Chúa và được gia nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Đôi khi, có người nói rằng: Ông bà đó xướng thật vì mới được Rửa Tội và nay được chết lành trong tình nghĩa Chúa. Đúng vậy, họ thật hạnh phúc được biết Chúa khi đời xế bóng. Chúng ta không nên ghen tị về phần thưởng. Còn chúng ta sống đạo thế nào đây? Chúng ta biết Chúa rất sớm. Được học biết về Chúa và sống hiệp thông trong Chúa qua các Bí tích. Chúng ta có nhiều cơ hội chúc tụng, ca ngợi, tôn thờ, tạ ơn và cầu nguyện với Chúa. Chúng ta được lãnh nhận tràn trề ân sủng trong suốt dọc cuộc đời. Cả đời được ngụp lặn trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta được nuôi dưỡng qua bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc thánh thể mỗi ngày và mỗi tuần. Chúng ta có gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội chở che. Thật là hạnh phúc biết bao!

Trong đời sống đạo, chúng ta hãy cùng khuyến khích nhau nên trọn lành. Đừng ghen tương hay dèm pha khi người khác làm được việc tốt. Đôi khi vì quá nhiệt thành, chúng ta dễ bị rơi vào ý hướng chủ quan hay chủ nghĩa cá nhân thời đại. Cứ nhìn qủa sẽ biết cây. Nếu hoa qủa ung nhọt, thì cây ắt phải cắt tỉa chăm bón lại. Mọi sinh hoạt trong đạo đều phải dẫn đến sự hiệp nhất, cảm thông và yêu thương. Nếu trong cộng đoàn giáo xứ có nhen nhúm sự chia rẽ, gây bè kéo cánh và lập dị, chúng ta phải tìm lại căn cội để sửa chữa. Hãy luôn gắn bó với Giáo Hội là Mẹ để tìm nguồn sống và sự chân thật. Chúa Giêsu đã trao quyền cho thánh Phêrô cai quản Giáo Hội. Vâng lời và lắng nghe giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta không sợ lạc đường. Lạy Chúa, xin dẫn dắt chúng con về nguồn chân, thiện, mỹ.
 
Lòng quảng đại của Thiên Chúa
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
08:15 14/09/2011
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A
+++

A. DẪN NHẬP

Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta :”Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8). Đúng vậy, có bao giờ chúng ta ngạc nhiên và sửng sốt bởi cách hàng động của Chúa không ? Những hành động đó không đúng với tính toán và dự liệu của chúng ta, và có khi đi ngược lại các dự tính của chúng ta.

Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác hẳn con người, khác nhau như trời cao đất thấp. Con người thì thấp hèn nhỏ nhen, hay so đo ghen tị, chỉ thích giữ công bằng mà quên đi Tình yêu. Còn Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài không thích chúng ta chỉ sống như người làm thuê, tính toán sòng phẳng như kẻ mua người bán, mà Ngài chỉ muốn là người Cha yêu thương hằng săn sóc đến con cái, cung cấp cho nó những cái gì cần thiết và tốt đẹp nhất.

Vì thế dụ ngôn những người thợ được thuê vào giờ thứ 11 mà phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta sẽ va chạm đến ý niệm của chúng ta về công bằng trong phân phát. Đấy là vì Chúa Kitô đặt công lý của Nước Trời trên một bình diện khác hẳn bình diện của chúng ta dưới thế gian, đến độ mà “đường lối và tư tưởng của chúng ta” bị xáo dộng và sửng sốt.

Chúng ta hãy cố gắng sống với Chúa như người con thảo, muốn làm đẹp lòng Cha yêu thương. Đừng bao giờ sống như người làm thuê trong nhà Cha mà so đo tính toán với Chúa. Hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, đừng kiêu ngạo, đừng phân bì với tha nhân. Hãy sống trong tình anh em con một Cha trên trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 55,6-9

Kẻ có tội thường sợ Thiên Chúa trừng phạt nên trốn tránh Ngài. Tiên tri Isaia hối thúc dân Israel từ chốn lưu đầy trở về, phải sám hối và hãy tìm đến Chúa. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa bởi vì những dự định và cách hành xử của Ngài không giống với tư tưởng của ta. Ngài không nghĩ đến trừng phạt mà chỉ nghĩ đến cứu vớt, Ngài không bắt tội mà chỉ thứ tha.

Nếu đem so sánh tư tưởng và cách cư xử của loài người và của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra một khoảng cách rất xa, rất cách biệt :”Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy”

+ Bài đọc 2 : Pl 1,21-24,27

Thánh Phaolô viết thư này ở trong tù vào khoảng năm 63 gửi cho tín hữu Philipphê biết : Ngài không biết số phận của Ngài sẽ ra sao, được tha hay bị kết án, nhưng Ngài sẵn sàng đương đầu với tất cả :
- Nếu được thả tự do, Ngài sẽ tiếp tục rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô, và Đức Kitô sẽ được vẻ vang.
- Nếu bị giết chết, Ngài sẵn sàng hy sinh vì Chúa. Vì cái chết của Ngài cũng làm vẻ vang cho Đức Kitô.
Và Ngài kết luận : Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang nơi tôi.

+ Bài Tin mừng : Mt 20,1-16a

Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cư xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.

Dụ ngôn này gợi cho ta hai cách suy nghĩ :

a) Suy nghĩ của loài người : theo cách cư xử thông thường thì người thợ làm nhiều sẽ được lãnh nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương ít. Như thế mới công bằng và hợp lý.
b) Suy nghĩ của Thiên Chúa : ông chủ vẫn trả lương cho người làm nhiều giờ như đã hợp đồng. Nhưng ở đây, ông chủ có lòng quảng đại, muốn trả cho người thợ làm có một giờ cũng được lãnh một quan tiền mà không có hợp đồng , hoàn toàn do lòng tốt của ông chủ. Như vậy, người làm thợ giờ cuối cùng được ông chủ thương cách riêng, không có lỗi đức công bằng.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Tất cả là hồng ân

I. TÌM HIỂU DỤ NGÔN

1. Tình trạng thất nghiệp

Mọi người phải có công ăn việc làm để nuôi sống mình và gia đình. Ai cũng phải có một việc làm hoặc bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Không có việc làm là thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia vì phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân. Ngay như nước Mỹ vẫn còn 9.500.000 người thất nghiệp, hơn 4 triệu người ăn xin, hơn 300.000 người tự tử hằng năm (theo đài Hà nội đưa tin hồi 07g15 sáng ngày 21.09.1987) . Ngày nay, những người thất nghiệp được nhận vào làm việc trong các nhà máy là một niềm vui và hy vọng. Ngày xưa cũng không thiếu gì người thất nghiệp cả ngày ngồi ở chợ, chờ đợi mà không có chủ thuê, nếu được gọi vào làm công cho người ta thì là một sự may mắn.

2. Cách thuê thợ ở Palestine

Ở Palestine, mùa hái nho chính vào đầu tháng 10. Sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ.

Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hạng ăn không ngồi rồi. Ở Palestine, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào.

Thời giờ trong dụ ngôn cũng là thời giờ bình thường của người Do thái. Giờ của người Do thái bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.

3. Ý nghĩa dụ ngôn

Để hiểu dụ ngôn này, chúng ta phải chú ý tới tâm trạng của người Do thái lúc bấy giờ. Họ quan niệm rằng : Nước Trời chỉ dành cho họ những con cái Abraham, còn người ngoại bang, dân ngoại bị loại trừ hoàn toàn. Người Do thái chiếm được Nước Trời là vì sự trung thành của họ đối với Lề luật Maisen, được thể diện ở giao ước Sinai giữa Israel và Giavê. Để đả phá quan niệm sai lầm này, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn “Thợ vườn nho” đây, vì Nước Trời không phải là món tiền lương, hay một đặc ân, nhưng là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại.

Dụ ngôn này là lời cảnh cáo đối với người Do thái. Người Do thái biết họ là dân được chọn, và không bao giờ quên được sự tuyển trạch đó. Kết quả là họ khinh người ngoại bang, chỉ muốn cho người ngoại bang bị hủy diệt. Thái độ này có nguy cơ được đem vào Hội thánh Chúa. Nếu người ngoại bang được cho vào thân hữu của Hội thánh thì phải vào như những kẻ thấp kém hơn.

Trong đạo Chúa không có quan niệm ưu đãi một dân tộc nào. Chính những người tin Chúa lâu năm có thể học hỏi được nhiều nơi những người tân tòng, những người mới bước vào cộng đồng đức tin.

Ông chủ trong Tin mừng hôm nay thật là siêu việt, ông đã thực thi và đề ra chính sách công bằng, bác ái vượt thời gian và không gian. Ông chủ đó chính là Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Đấng cứu thế đã đặt ra giải pháp cứu con người và truyền dạy con người phải biết sống công bằng và bác ái, như thế mới mong xây dựng được một xã hội tuyệt hảo.

Thế nhưng, con người từ bao nhiêu ngàn năm vẫn đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau.”Họ lẩm bẩm kêu trách chủ rằng : bọn sau chỉ làm một giờ mà ông trả bằng chúng tôi sao” ? Ông buộc lòng phải sửa trị thói ghen tị đó bằng cách vạch ra cho họ thấy lòng bác ái cao cả của ông :”Chẳng lẽ tôi không có quyền cho của cải của tôi sao ? Hay vì bạn thấy lòng tốt của tôi, mà bạn ghen tức ư” ?

Truyện : Với Chúa không có mặc cả so đo.
Một người công giáo thấy mình chết phải đến tòa phán xét. Vừa bước chân vào pháp đình, một tòa nhà nguy nga đồ sộ, liền thấy một quang cảnh vừa uy nghiêm vừa im lặng đáng sợ. Trên ngai cao rực rỡ, Chúa Giêsu ngồi oai nghi xử án, có các Thiên thần mặc toàn trắng chầu chực giúp việc. Bên hữu Chúa có một cánh cửa rộng mở một lối đi tràn ngập ánh sáng. Còn bên tả cũng có một cánh cửa, nhưng lớn hơn và nhìn vào chỉ thấy đen thăm thẳm. Trước mắt Chúa đặt một chiếc bục để con người đến đứng trình diện . Cả một biển người đủ mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc, sang hèn cao thấp chen chúc nhau, hồi hộp chờ đợi.

Và một hồi chuông rung lên, một Thiên thần cầm một quyển sổ đọc tên thì thấy một đứa bé da đen khoảng 10 tuổi đi đến đứng trên bục. Rồi Thiên thần trình cho Chúa một tờ giấy , thấy Chúa mỉm cười và giơ tay chúc lành cho em. Lập tức các Thiên thần xúm lại dẫn em vào cửa có ánh sáng giữa tiếng đàn đón chào tưng bừng.

Tiếp đến là một thanh niên da trắng và Thiên thần cũng làm như lần đầu, nhưng thấy mặt Chúa phẫn nộ giơ tay xua đuổi. Tức khắc, mấy thằng qủi nhảy tới chộp ngay lấy chàng thanh niên và lôi tuột vào cửa đen ngòm giữa tiếng la hét chửi rủa. Cứ như thế cuộc phán xét tiếp tục khi thì vui mừng khi thì đau thương.

Bỗng người công giáo thấy bà già bên luơng bước lên bục phán xét và bà ta được Chúa cho lên thiên đàng. Thấy thế, ông công giáo mừng thầm trong bụng. Đến lượt một người mà ông biết rất rõ và tin chắc thế nào cũng bị phạt vì đời sống của người ấy quá bê tha tội lỗi. Nhưng kìa Chúa mỉm cười và được các Thiên thần an ủi dẫn vào luyện ngục.

Đến đây người công giáo chắc mẩm mình sẽ được Chúa thương vì dù sao mình cũng đã theo Chúa bấy lâu nay. Do đó, khi được gọi lên toà phán xét, ông ta tỏ vẻ hiên ngang vui sướng, nhưng khi nghe Thiên thần báo cáo với Chúa về những gì đã sống thì ông ta xanh mặt run rẩy. Chúa phẫn nộ xua đuổi, lập tức ba thằng quỉ lôi tuột ông ta vào hỏa ngục. Ông ta thét lên đau đớn và tỉnh dậy. Té ra ông ta nằm mơ. Một giấc mơ hãi hùng khủng khiếp khiến ông lạnh toát cả người, suy nghĩ đặt lại vấn đề sống xưa nay. Vậy Chúa đã tỏ cho biết sai chỗ nào nghiêm trọng đến nỗi bị sa hoả ngục (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 117).

Đọc câu truyện trên, chúng ta thấy Chúa muốn chúng ta sống với Chúa như tình con thảo chứ không muốn chúng ta sống như một người làm thuê, tính toán sòng phẳng. Thực ra, những gì chúng ta có là do hồng ân Chúa ban, là món quà Chúa ban nhưng không.

Suy đi nghĩ lại, chúng ta thấy đó là sai lầm của ông công giáo kia đã hành xử suốt đời mình khi đặt mối liên hệ giữa ông ta với Chúa trên cơ sở trao đổi mặc cả giống như những người làm thuê từ sáng sớm đã lẩm bẩm kêu trách Ông Chủ trong dụ ngôn của Tin mừng hôm nay. Và phải chăng đây cũng là lối suy nghĩ và cung cách sống đạo của chúng ta thường mắc phải và cứ cho là đúng, nhưng thực tế lại sai lầm trầm trọng.

II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

1. Tư tưởng của Chúa và của ta

Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán : món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào ? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai ?

Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa : tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.

Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có yêu thương và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Đối với từng đứa con, Ngài không xem xét nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất.

Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên lối suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông chủ đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm người buôn bán vô tình (Lm Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm A, tr 478).

2. Hai bài học cho ta

a) Bài học thứ nhất : Như đã nói : mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.

b) Bài học thứ hai : Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.

3. Thái độ chúng ta phải có

Chúng ta phải chấp nhận như một người con khiêm nhường những hành động của Chúa vì chúng ta biết rằng động cơ duy nhất thúc đẩy người ta trong sự lựa chọn là tình yêu. Chúng ta hãy khôn ngoan chấp nhận những quyết định của Người với sự mau mắn và biết ơn.

Chúng ta phải hành động như Chúa đối với tha nhân : không ganh tị, không nghiêm khắc, không phán xét xấu, không lên án chung thẩm, nhưng phải thông cảm, ưu ái với “một nụ cười của tâm hồn”.

Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế chúng ta còng đang sống theo tinh thần Cựu ước vì Cựu ước chưa được hoàn hảo.. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc cho chúng ta là phải chú trọng đến Tình yêu đối với Chúa và với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng bao giờ phân bì với nhau mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.

Truyện : Cha Sở và Cha Phó.
Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia mến Cha phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài :
- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời :
- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
- Cha Phó.
Cha Sở chậm rải nói tiếp :
- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế :
- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp :
- Và tôi cũng đã từng được người ta qúi mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá ! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.
(Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 175-177).

Chúng ta hãy nhớ : ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác.

Người ta ghen tị về đủ mọi mặt : của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thỏa mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn.

Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong một hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá... ghen tị nhau.

Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều :

1. Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Ta hãy nói như thánh Phaolô :”Tất cả là hồng ân”.

2. Mỗi nguời hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.

“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn vì muôn ơn phúc Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời.
“Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho trổ hoa kết trái ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc”.

Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng :
Khi hoàn tất việc phải làm
Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng :
Này con vô dụng muôn phần,
Phần con, con đã thi hành mà thôi.
(Mt 5,16)



 
Thiên Chúa quảng đại bao dung
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:04 14/09/2011
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 20, 1-16a

Ghen tỵ luôn là cái gì thật đáng ghét đối với con người. Dù nói thế nhưng con người thường có khuynh hướng ghen tỵ và một cách nào đó không thích ai hơn mình. Đối với Thiên Chúa thật là khác, Ngài mời con người nhìn sâu vào cõi lòng của Ngài. Người không chỉ là một Thiên Chúa công bình, thẳng ngay. Luôn một mực phán xét con người theo đường chính trực, nhưng Ngài là một người Cha từ ái, hay chạnh lòng thương xót. Ngài là Thiên Chúa tình yêu.

Dụ ngôn người thợ làm vườn nói lên tình thương bao la của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Dụ ngôn này cho thấy người làm từ sáng sớm đã ghen tỵ với người chỉ làm có một giờ mà vẫn được Ông Chủ trả một đồng. Nếu Ông Chủ trả người làm một tiếng ít tiền hơn người làm từ sáng sớm hay người làm từ giờ thứ 8, thứ 9, thì quả không hề có vấn đề gì ! Những người làm nhiều giờ hơn đã phàn nàn :” Chúng tôi đã làm suốt ngày dưới cái nóng gay gắt “. Ông Chủ quả thực có lý khi Ông trả lời :” Không phải tôi được tự do sử dụng tiền theo ý tôi sao ?” Và Ông Chủ còn nói thêm một câu tỏ lộ điều cốt yếu của dụ ngôn này :” Hay vì anh ghen tỵ vì tôi quảng đại chăng ? “. Thực tế, dụ ngôn này Chúa dùng để cảnh cáo mọi người đừng tính toán, đừng so đo với Thiên Chúa vì những công phúc mình làm, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con người, cho mỗi người chúng ta vì tất cả chúng ta đều là tội nhân cần có ơn tha thứ của Chúa. Công lao của con người làm sao có thể sánh với tình thương và lòng bao dung, tha thứ, quảng đại của Thiên Chúa được. Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn này để cảnh cáo người Do Thái đừng phân bì với những kẻ tội lỗi và những người ngoại giáo được ơn trở lại và thừa hưởng Nước Trời vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không Thiên Chúa trao ban cho con người, chứ không do công phúc của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu quả đã nói lên tất cả :” Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao: cầm lấy phần của bạn mà đi đi…”. Thiên Chúa luôn nhân từ, luôn tha thứ tội lỗi cho con người chỉ vì lòng quảng đại, thương xót của Ngài mà thôi. Con người luôn có khuynh hướng, có óc hẹp hòi muốn giới hạn thình thương của Thiên Chúa.

Thiên Chúa luôn luôn công bình, nhưng điều quan trọng hơn hết là Ngài luôn luôn quảng đại. Thiên Chúa quảng đại với hết mọi người. Dụ ngôn nói tới người cùng vào làm vườn nho ám chỉ tất cả mọi người chúng ta. Thiên Chúa ban phát ân sủng cho con người chúng ta : Ngài ban cho chúng ta vũ trụ, vạn vật, xã hội, đời sống, gia đình, thế giới xinh đẹp với biết bao nhiêu con người đang cùng chúng ta sinh sống. Thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin, lòng mến, lòng cậy trông và điều đặc biệt hơn là chúng ta được làm con Thiên Chúa, làm con của Giáo Hội. Tất cả đều là hồng ân.Tất cả đều là ân sủng Thiên Chúa tặng ban cho con người, cho mỗi người.
Thiên Chúa là tình yêu như thánh Gioan đã nói. Chính vì không cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, muốn ganh ghét, ghen tỵ mà Ađam và Eva đã phạm tội, Cain đã giết em mình là Aben, người anh cả đã ghen tương, không chấp nhận người em lầm lỡ trở về nhà Cha của mình, những người Pharisêu ghanh tỵ với những người tội lỗi ăn năn sám hối trở về vv…Viên bách quản ngoại giáo đã có lòng tin vững mạnh, nên đã được Chúa thương, làm phép lạ cho người đầy tớ của ông đang đau nặng được khỏi. Thiên Chúa giầu tình thương và luôn luôn tha thứ. Ai tư tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Những kẻ đứng chót sẽ được nâng lên ( Mt 20, 16 ).

Nước Trời là phần thưởng nhưng không Thiên Chúa quảng đại tặng ban cho con người. Bí Tich Thánh Thể là lương thực nuôi sống con người, nuôi sống chúng ta. Chúa luôn dùng Mình và Máu của Người để dưỡng nuôi chúng ta. Thật sự, chúng ta không ai xứng đáng với ơn cao cả của Chúa. Chúng ta thú nhận sự bất xứng, tội lỗi của chúng ta :” Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con lành sạch “.

Con người, đặc biệt chúng ta đừng bao giờ tính toán, so đo, hơn thiệt với Thiên Chúa. Công phúc chúng ta làm có đáng là bao so với ân sủng vô biên và nhưng không của Thiên Chúa.

Chúa nói :” Tôi chính là mục tử nhân lành.Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi “ ( Ga 10, 14 ). Ca nhập lễ chúng ta đọc hôm nay, Chúa phán :” Ta là Đấng cứu độ dân Ta.Trong mọi cơn gian nan thử thách. Nếu chúng kêu cầu Ta, Ta sẽ thương nhận lời. Và cho đến muôn đời muôn thuở.Ta sẽ là Chúa Trời của chúng “.

Lạy Chúa, Chúa là Cha đầy tình yêu thương, luôn mở rộng vòng tay để chờ đón con người tội lỗi biết ăn năn sám hối trở về. Xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết tha thứ mọi lỗi lầm cho anh em và cùng anh em vui mừng tiến vào Nước Trời. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ông Chủ trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay là ai ?
2.Nước Trời là phần thưởng gì ?
3.Tại sao người làm từ sáng sớm đều lãnh được một quan tiền như những người làm trễ ?
4.Người ghen tỵ là người thế nào ?
5.Công phúc của chung ta có bằng lòng quảng đại của Thiên Chúa không ?

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ nghĩa nhân vị và cuộc chiến chống khủng bố (2)
Vũ Văn An
04:47 14/09/2011
Không tương cảm với “những tên chiến đấu bất hợp pháp”

Sau khi hiểu rõ mối liên hệ giữa tương cảm và liên đới, ta hãy xét xem chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng hạn từ người chiến đấu không hợp pháp và khủng bố ra sao trong chiều hướng bất lợi cho tương cảm và liên đới.

Ngay sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9, chính phủ Bush đã phải đối diện với câu hỏi phải xử lý ra sao với những người Taliban và al Quaeda bị giam giữ. Đầu năm 2002, các viên chức chính phủ tranh luận việc Công Ước Genève có áp dụng cho những người bị giam giữ này hay không. Tất cả mọi người từ Bộ Trưởng Tư Pháp John Ashcroft, các luật sư của Bộ Tư Pháp, đến Alberto Gonzales (lúc đó là cố vấn của tổng thống) đều chủ trương rằng Công Ước Genève không bảo vệ những người này. Sau khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Colin Powell mạnh mẽ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải áp dụng Công Ước Genève cho những người Taliban, Tổng Thống Bush đã kết luận: Công Ước Genève có bảo vệ những người này nhưng không bảo vệ các phần tử al Quaeda. Ông thêm rằng dù Công Ước Genève không che chở al Quaeda, nhưng “như một vấn đề chính sách, Quân Lực Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục đối xử nhân đạo với những người bị giam giữ, và đến một qui mô thích đáng và nhất quán với nhu cầu quân sự, theo cách thế nhất quán với các nguyên tắc của Genève” (22). Rõ ràng ông muốn nói: Hoa Kỳ sẽ tuân giữ tinh thần của Công Ước Genève chỉ khi nào việc đó không mâu thuẫn với nhu cầu quân sự. Tổng Thống Bush cũng mô tả Taliban là những người chiến đấu bất hợp pháp. Nhãn hiệu này ít khi xuất hiện trong luật quốc tế; Hoa Kỳ lấy nó từ luật quốc nội của mình (23).

Dù sử dụng hạn từ “người chiến đấu bất hợp pháp”, nhưng chính phủ Bush cũng bắt đầu sử dụng các nhãn hiệu khác để mô tả những người bị giam giữ. Họ thường thay thế nó bằng các nhãn hiệu “những gã xấu xa” (bad guy) hay “quân khủng bố”. Thí dụ, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Meet the Press” của Đài NBC, ít ngày sau cuộc tấn công 11 tháng 9, Phó Tổng Thống Cheney phát biểu rằng “nếu bạn chỉ đi làm việc với những người tốt, được chính thức thừa nhận, chứng thực, thì bạn không thể hiểu được những gã xấu này làm điều gì”. Ông nói tiếp: “bạn sẽ phải trả lương cho những gã rất ghê tởm. Đây là một thứ làm ăn đê tiện, xấu xa, nguy hiểm, dơ dáy. Chúng ta đang phải hành động trong vũ trường ấy” (24). Tháng 11 năm 2003, khi thảo luận việc làm cách nào Hoa Kỳ có thể khai triển được một lực lượng an ninh Iraq, Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld tuyên bố rằng “một khi người ta thấy người trong cảnh sát v.v…, sẽ có người tới và cho biết, ‘coi kìa, các ông nhận lầm người rồi. Thằng đó là một trong những gã xấu xa’. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ xem sét điều ấy và đưa ra hành động” (25). Rumsfeld, Cheney, và các viên chức dân sự cũng như quân sự kém vai vế hơn thường vẫn có thói quen gọi những người nổi dậy của al Quaeda và Iraq là “những gã xấu xa”. Họ thường dùng hạn từ này lẫn lộn với hạn từ “quân khủng bố”, để củng cố quyết định của chính phủ mở “cuộc chiến chống khủng bố” (26). Trong các cuộc tranh luận công cộng, “quân khủng bố” trở thành cách thông thường nhất để gắn nhãn hiệu cho cả các thành viên al Quaeda lẫn những người nổi dậy tại Iraq. Cùng với đà tiếp tục của trận chiến chống khủng bố, chính phủ Bush sử dụng các nhãn hiệu này để biện minh cho các đối xử bạo hành đối với các người giam giữ. Ta có thể thấy diễn trình này rõ ràng hơn cả trong điều tự gọi là “thông tư tra tấn” (torture memos). Giữa năm 2002, Alberto Gonzales yêu cầu các luật sư Bộ Tư Pháp cho ý kiến về việc phải thẩm vấn các người bị giam giữ ra sao. Phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp là Jay S. Bybee viết hai thông tư góp ý kiến trong đó, ông định nghĩa lại chữ tra tấn, phần lớn đi ra ngoài luật quốc tế và nhân quyền của thế kỷ 20. Ông cho rằng: tra tấn xẩy ra không phải lúc ta giáng đau đớn hay đau khổ trầm trọng lên một ai đó để lấy tư liệu nhưng chỉ là lúc ta chuyên biệt cố ý cho nạn nhân phải “kinh qua cơn đau đớn hay đau khổ cùng cực thuộc loại tương đương với cái đau thường được liên kết với thương tích thể lý nghiêm trọng, nghiêm trọng đến độ có thể xẩy ra cái chết, cơ quan cơ thể hết hoạt động, hay bị thiệt hại vĩnh viễn do mất một chức năng quan yếu của cơ thể” (27). Bybee thận trọng soạn thảo từng thành tố của câu định nghĩa này, bằng cách trích dẫn luật Hoa Kỳ và nhiều nguồn khác. Ông kết luận rằng tra tấn sẽ không xẩy ra nếu thiếu một trong các thành tố đó.

Khi tài liệu này bị tiết lộ, những người quen thuộc với luật quốc tế và nhân quyền nhanh chóng nhận ra những gì nó cho phép. Thứ nhất, nếu một thẩm vấn viên chuyên biệt chỉ có ý thu lượm tư liệu chứ không nhằm gây đau đớn hay đau khổ dài hạn cho tâm trí, thì người này không phạm tội tra tấn. Thứ hai, nếu người này chỉ cố ý gây thiệt hại ngắn hạn, họ cũng không phạm tội tra tấn. Thứ ba, ngay cả người này có ý gây thiệt hại dài hạn, nhưng nếu hậu quả không phải là mất một chức năng quan yếu của cơ thể, họ không phạm tội tra tấn. Chỉ cần một chút tưởng tượng cũng thấy loại hành vi nào được thông tư của Bybee hợp pháp hóa. Thí dụ, một thẩm vấn viên có thể nhận chìm đầu một người bị giam giữ xuống nước mà không gây thiệt hại dài hạn như một cơ phận nào đó hết hoạt động chẳng hạn. Người này cũng có thể dùng kìm rút một cách có hệ thống các móng tay của nạn nhân. Hay anh ta có thể nhổ những chiếc răng hư của nạn nhân mà không dùng thuốc mê. Những người quen thuộc với việc tra tấn dễ dàng cung cấp nhiều điển hình khác về những hành động khủng khiếp được thông tư của Bybee cho phép.

Bị đối chất về thông tư gây bối rối này trong cuộc điều trần để được bổ nhiệm vào chức Bộ Trưởng Tư Pháp, Alberto Gonzales nhất mực cho rằng thông tư của Bybee chỉ là ý kiến pháp lý rất ít tác động trên chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, rõ ràng ông bị thông tri sai này ảnh hưởng, vì trên thực tế, thông tư này tác động sâu đậm đối với chính sách của chính phủ.

Mùa thu năm 2002, Bộ Quốc Phòng bị áp lực nặng nề phải làm sao lấy được tư liệu quan yếu từ các người bị giam giữ tại Guantánamo Bay và các nơi khác. Các tư lệnh quân sự yêu cầu được Bộ Quốc Phòng cho phép sử dụng cách thẩm vấn nhiều cưỡng ép hơn. Họ đề nghị một loạt các kỹ thuật thẩm vấn, trong đó có việc duy trì những người bị giam giữ trong các thế bị căng thẳng kéo dài, tháo bỏ các món đồ thuộc tôn giáo (được định nghĩa là “các món đồ để ủi an”), và lợi dụng những nỗi sợ của cá nhân để gia tăng căng thẳng. Họ khuyến cáo 4 kỹ thuật cưỡng ép mới: “sử dụng các viễn cảnh nhằm thuyết phục người bị giam giữ rằng cái chết hay các hậu quả đau đớn khủng khiếp sẽ xẩy ra tức khắc cho họ và gia đình họ”; “cho nạn nhân ra thời tiết lạnh hay bắt họ xuống nước lạnh” (có dụng cụ y khoa thích hợp để theo dõi); “sử dụng khăn ướt hay nhiễu nước để tạo cảm tưởng giả bị ngộp”; và “sử dụng những tiếp xúc thể lý nhẹ không gây thương tích như nắm bắt, lấy ngón tay thọc vào ngực, và đẩy nhẹ” (28). Trung tá Diane Beaver thuộc Văn Phòng Luật Sư Công Tố (judge advocate) của Liên Toán Đặc Nhiệm 170 tại Guantánamo cho rằng không có luật quốc tế hay quốc nội nào ngăn cấm việc sử dụng các kỹ thuật này. Bà phản ảnh định nghĩa của Bybee về tra tấn khi cho rằng tạo ra cảm giác bị ngộp không hề là hành động tra tấn nếu thẩm vấn viên chỉ có ý gây hại ngắn hạn (29). Bằng một giọng lạnh lùng, tính toán kiểu bàn giấy, bà khuyến cáo “nên chấp thuận các phương pháp thẩm vấn được đề nghị và nên huấn luyện các thẩm vấn viên một cách thích đáng để họ biết sử dụng các phương pháp thẩm vấn đã được nhìn nhận” (30).

Tháng 12 năm 2002, khi trả lời các khuyến cáo của Trung Tá Beaver, Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld chấp thuận các kỹ thuật do bà đề nghị, trừ 3 kỹ thuật đầu. Ông cho rằng ba kỹ thuật đó chưa thích hợp vào lúc này, nhưng gợi ý là ông có thể chấp thuận chúng sau này (31). Tuy nhiên, ít tuần lễ sau, người ta cho rằng vì có những quan tâm từ phía các luật sư quân đội, Rumsfeld đã rút lại thông tư hồi tháng 12 năm 2002. Ông cho phép các thẩm vấn viên đề nghị các kỹ thuật có tính cưỡng ép hơn miễn là cung cấp được một “biện minh thấu đáo” và một” kế hoạch chi tiết” để triển khai chúng (32). Sau đó, ông ủy nhiệm cho một nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng khảo sát các kỹ thuật thẩm vấn.

Điều đáng buồn là thay vì bác bỏ các kỹ thuật cưỡng ép tại Guantánamo, nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng phần lớn đã lặp lại các kết luận của Bybee. Nhóm này phân tích luật quốc tế và luật quốc nội và đã không de dặt chấp nhận định nghĩa của Bybe về tra tấn. Sau khi mô tả những người bị giam giữ là những người chiến đấu bất hợp pháp, nhóm làm việc chủ trương rằng họ không được Công Ước Genève bảo vệ (33). Khi đánh giá các kỹ thuật thẩm vấn của Bộ Quốc Phòng, nhóm làm việc đề nghị rằng “bất cứ quyết định có nên cho phép một kỹ thuật nào đó hay không chủ yếu là một phân tích về rủi ro và ích lợi (risk benefit analysis), một phân tích có tính tới tính hữu dụng mong chờ nơi kỹ thuật đó, khả thể có thể vi phạm luật quốc tế và luật quốc nội, và nhiều xem sét về chính sách khác” (“Working Group Report,” 343). Nhóm này cung cấp một phân tích chi tiết về rủi ro và ích lợi của các kỹ thuật thẩm vấn, gồm cả kỹ thuật bắt người ta đứng lâu, mất ngủ, đe dọa đày sang một nước khác, và lột quần áo. Nhóm làm việc cũng chủ trương rằng trong những trường hợp ngoại lệ, Hoa Kỳ có thể sử dụng các kỹ thuật bất hợp pháp. Các viên chức công sử dụng chúng có thể dựa vào “nhu cầu quốc phòng” để đòi cho được sự nhất thiết phải dùng tra tấn. Hay họ có thể cho rằng mình chỉ bảo vệ quyền lợi quốc gia. Xét chung lời phân tích của họ, nhóm này không bao giờ loại bỏ việc sử dụng các kỹ thuật dữ dằn hơn, tuy có cho biết họ rất thận trọng khảo sát các kỹ thuật này (“Working Group Report,” 354).

Rumsfeld chấp thuận các khuyến cáo của nhóm làm việc, với rất ít sửa đổi. Chủ yếu, ông quan tâm tới việc các quốc gia khác nghĩ gì về Hoa Kỳ và luôn cảnh giác về các phản ứng tiêu cực có thể có đối với quốc gia mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng phải đối xử “nhân đạo” với các người bị giam giữ, nhưng cũng như Tổng Thống Bush, ông bảo việc đối xử nhân đạo này phải phù hợp với “nhu cầu quân sự” (34). Sau cùng, ông tuyên bố rằng ông sẽ xem xét việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn khác không có trong bản liệt kê của nhóm làm việc: “nếu, theo ý các bạn, các bạn cần có thêm các kỹ thuật thẩm vấn đối với một người bị giam giữ cá biệt nào đó, thì các bạn có thể, qua Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân, cung cấp cho tôi lời yêu cầu bằng giấy bút mô tả rõ kỹ thuật được đề nghị, các hạn chế được khuyến cáo, và lý lẽ áp dụng kỹ thuật này vào người bị giam giữ cá biệt đó” (35). Thay vì kết án các kỹ thuật dữ dằn hơn, Rumsfeld đã cho phép các thẩm vấn viên đề nghị ra các kỹ thuật ấy.

Rõ ràng, việc tái định nghĩa tra tấn của nhóm làm việc và của Bybee vẫn không bị thách thức ở bình diện cao nhất trong chính phủ Bush hơn 1 năm trời. Thực vậy, sau khi vụ tai tiếng ở nhà tù Abu Ghraib nổ ra, ta thấy một số viên chức trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Văn Phòng Phó Tổng Thống Cheney đã xem sét kỹ thông tư của Bybee (36). Khi thông tư này trở thành công khai, thì chính phủ tìm cách tránh xa nó. Tổng Thống Bush bác bỏ tra tấn nhưng không bao giờ giải thích một cách chính xác ông muốn nói gì (37). Tháng 12 năm 2004, chính phủ âm thầm rút lại thông tư Bybee, bác bỏ lý luận của nó về tra tấn và quyền hành của tổng thống (38). Tuy nhiên, chính phủ không bác bỏ các kết luận của nhóm làm việc, để người ta mù mờ về điều chính phủ coi là các hình thức thẩm vấn hợp pháp.

Để tóm tắt, bất kể điều được Alberto Gonzales chủ trương về chủ thuyết nhân vị và cuộc chiến chống khủng bố tại cuộc điều trần bổ nhiệm, thông tư Bybee đã gây ảnh hưởng quan trọng cho chính sách của chính phủ về thẩm vấn. Việc thông tư này định nghĩa lại tra tấn đã trở thành một phần trong lý lẽ của Bộ Quốc Phòng (39). Không đơn thuần chỉ là ý kiến cố vấn, thông tư của Bybee thực sự đã lên khuôn cho chính sách công mà chính phủ Bush chỉ thoái lui khi Quốc Hội và công chúng tỏ phản ứng bất bình.

Thẩm vấn và sự mù quáng luân lý

Các nối kết phức tạp có tính nhân quả quả có hiện hữu giữa các thông tư của Bybee và của nhóm làm việc cũng như cáo bạo hành người bị giam giữ tại Guantánamo, Abu Ghraib, và nhiều nơi khác. Những tài liệu này có thể đã hợp pháp hóa các kỹ thuật thẩm vấn dữ dằn của C.I.A., trong đó, có việc giả vờ làm chết đuối và nhiều bạo hành khác (40). Phúc trình Schlesinger, do Bộ Quốc Phòng ủy nhiệm sau vụ tai tiếng ở Abu Ghraib, chủ trương rằng các kỹ thuật độc hiểm do Bộ Trưởng Quốc Phòng chấp thuận đối với Guantánamo đã được đem qua Iraq, góp phần tạo ra các biến cố tại Abu Ghraib. Các binh lính ở đó bị đặt vào một tình thế họ hoàn toàn không được chuẩn bị để đương đầu với số lượng tù binh quá lớn.

Trong môi trường ấy, các thẩm vấn viên tại Iraq đã sử dụng các kỹ thuật cưỡng chế chỉ được dự trù cho Guantánamo mà thôi (41). Tháng 2 năm 2004, Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế tường trình nhiều vụ bạo hành người bị giam giữ tại Iraq. Phúc trình này mô tả các binh sĩ Hoa Kỳ đã cách ly người ta khỏi gia đình rồi giam giữ họ mà không cho thân nhân họ hay. Phúc trình cũng mô tả chi tiết các hành động nhục mạ, đánh đập và trùm đầu một thời gian lâu. Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế kết luận rằng các “phương pháp cưỡng chế thể lý và tâm lý này được cơ quan tình báo quân đội sử dụng một cách có hệ thống để thu lượm những lời thú tội và tư liệu hay các hình thức hợp tác khác từ những người bị bắt vì hồ nghi có liên quan tới các tội phạm an ninh hay suy đoán là có “giá trị tình báo” (42).

Sau cùng, sử dụng Đạo Luật Tự Do Thông Tri, Hiệp Hội Dân Quyền Hoa Kỳ đã vào được hàng chục nghìn trang tài liệu phúc trình về các bạo hành tù nhân tại Iraq và Guantánamo Bay. Trong số này, có các tài liệu quân sự và của cơ quan FBI. Các tài liệu này xác nhận rằng các bạo hành quả có diễn ra (43). Xét về phương diện đạo đức, các thông tư tra tấn đã hoàn toàn làm ngơ tư cách làm người của những người chiến đấu bất hợp pháp. Một khi chính phủ kết luận rằng các nghi phạm al Quaeda không được Qui Ước Genève bảo vệ, thì việc lạnh lùng thảo luận làm cách nào gây cho họ đau đớn và khổ sở trở thành chấp nhận được về luân lý. Ta hãy xét nhiệm vụ của Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp tại Bộ Tư Pháp, cơ quan từng đưa ra các thông tư tra tấn: “trợ giúp Bộ Trưởng trong chức năng cố vấn luật pháp của ông cho tổng thống và mọi cơ quan hành pháp khác” và mọi “lệnh và công bố của hành pháp được đề nghị để Tổng Thống ban bố đều được duyệt xét về hình thức và tính hợp pháp bởi Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp, cũng như các vấn đề khác nhau khác cần được tổng thống chính thức chấp thuận” (44).

Xét nhiệm vụ chính này, người ta thật ngỡ ngàng khi Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp bất cần lưu ý tới giá trị của một con người. Bybee chỉ nhắc đến chiều kích luân lý khi tìm cách bảo vệ các viên chức chính phủ khỏi bị truy tố về tội tra tấn (45). Ông không bao giờ xem xét tới tư cách làm người của những người bị giam giữ kia và tra tấn có nghĩa gì với họ. Ngược lại, ông giữ khoảng cách đối những con người này bằng cách sử dụng nhãn hiệu người chiến đấu bất hợp pháp, một nhãn hiệu tước bỏ hết liên hệ liên đới và tương cảm với những người bị giam giữ.

Tuy nhiên, có lẽ Văn Phòng Cố Vấn Luật Pháp nên tránh việc đưa ra các phán đoán luân lý. Một số người cho rằng Bybee và các viên chức khác đã hành động một cách hoàn toàn thích đáng vì luật sư nên cung cấp cho thân chủ mình ý kiến luật pháp và tránh đưa ra lượng định luân lý. Tuy nhiên việc bênh vực cho thông tư của Bybee này đã ủng hộ một cách đáng lo ngại sâu xa sự tách biệt giữa luân lý tính và hợp pháp tính. Nó hàm nghĩa rằng một cơ quan trung ương bên trong Bộ Tư Pháp, có trách nhiệm cố vấn cho tổng thống Hoa Kỳ, nên hoàn toàn làm ngơ việc lý luận luân lý. Những người bênh vực luận điểm đạo đức học luật pháp này cũng đã làm ngơ đặc tính luân lý của thông tư Bybee. Ông ta đâu có trung lập về phương diện luân lý nhưng đã khởi đi từ những quan tâm tới quyền lợi lâu đời của con người vốn được luật quốc tế tuyên dương. Trong suốt thông tư của mình, ông giả thiết rằng ngoại trừ Hoa Kỳ nhất trí với các qui phạm luân lý quốc tế, những qui phạm này không có ảnh hưởng gì tới chính sách ngoại giao của mình. Luận điểm này làm ngơ các qui phạm luân lý phổ quát vốn nhìn nhận phẩm giá con người và khẳng định tình liên đới giữa mọi người. Luận điểm này bác bỏ khả thể trong đó các nhân quyền phổ quát hay luật tự nhiên có thể được dùng làm qui phạm cho luật thực định (positive law). Tóm lại, Bybee không trung lập về luân lý nhưng bị mù về luân lý, do đó, những người bênh vực ông ta không thể bào chữa cho ý niệm ông ta chỉ cung cấp cho tổng thống một ý kiến trung lập về luân lý.

Nhóm làm việc của Bộ Quốc Phòng cũng cho thấy một sự mù lòa sâu xa về luân lý. Theo sự biện phân của ta, nhóm làm việc này có sự tham gia của các nhân viên quân sự mang đồng phục, các viên chức dân sự Quốc Phòng và cả các luật sư nữa. Trong khi tranh luận bàn cãi, tất cả đều đã có một âm sắc lạnh lùng và sử dụng các tiêu chuẩn đạo đức hoàn toàn có tính thực dụng. Đối với nhóm này, nên đánh giá các phương pháp thẩm vấn không phải bằng cách xét xem chúng ảnh hưởng ra sao đối với người ta mà là bằng cách sử dụng lối phân tích căn cứ vào phí tổn và lợi ích (cost-benefit). Nhóm không bao giờ nhìn nhận rằng những người bị giam giữ có một cuộc sống bên trong, có lịch sử và hoài mong. Trong lối phân tích dựa vào phí tổn và lợi ích, nhóm này không bao giờ tính đến phí tổn của việc gây hại cho người ta. Lặp lại các quan tâm trong thông tư của Bybee về tính cấp thiết và việc tự vệ, nhóm này coi luân lý tính chỉ là phương tiện để phát huy quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ (46).

Theo ta, trong các cuộc thảo luận của Bộ Quốc Phòng, người ta nghĩ không nên dành một vai trò nào cho các xem sét về luân lý. Tuy nhiên, một tầm nhìn như thế đã võ đoán loại quân đội ra khỏi đời sống luân lý. Tại sao các sĩ quan quân đội và các viên chức dân sự của Bộ Quốc Phòng lại nghĩ là nên loại tất cả các xem sét luân lý ra khỏi các cuộc bàn định của họ? Tại sao họ có thể quên đi nhân tính của những người bị người Hoa Kỳ giam giữ, chỉ coi họ như những kẻ chiến đấu bất hợp pháp vô danh vô tính? Tất nhiên, nhóm làm việc tại Bộ Quốc Phòng có nhiệm vụ phải cố vấn cho Tổng Thống Bush về phí tổn và lợi ích của các kỹ thuật thẩm vấn hay lấy cung. Tuy nhiên, họ đâu có buộc phải bỏ qua mọi giá trị của những người này, hay mặc tình miễn chước cho Hiệp Chúng Quốc thoát khỏi các qui phạm luân lý phổ quát.

Thật đáng buồn, sự mù lòa về luân lý này cũng đang gây phiền phức cho một số câu trả lời đối với vụ tai tiếng ở nhà tù Abu Ghraib. Thí dụ, ngay sau khi vụ tai tiếng nổ ra, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger và nhiều người khác bèn đưa ra Phúc Trình Schlesinger, một tài liệu soạn thảo công phu, lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Bush (47). Phúc trình này cho thấy: các nhà quân sự đã không được chuẩn bị chu đáo đối với việc giam giữ và thẩm vấn các số lượng lớn tù binh Iraq. Phúc trình này chỉ trích chính phủ Bush thiếu kế hoạch đối với thời gian sau những cuộc hành quân lớn tại Iraq. Nó cũng lên án các nhà chỉ huy quân sự tại Iraq đã đáp ứng một cách nghèo nàn các lời tố cáo vụ tai tiếng này. Tuy nhiên, điều làm ta bối rối chính là việc Phúc Trình Schlesinger không nhận ra đặc tính có vấn đề về luân lý trong các thông tư tra tấn. Phúc trình này ghi nhận rằng nhiều nhân viên quân sự mặc đồng phục có bất đồng với quan điểm của Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật về tra tấn và có gợi ý rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld có thể được lợi điểm hơn nếu có được một cuộc tranh luận vững mạnh hơn về các kỹ thuật thẩm vấn. Phúc trình cũng bao gồm một phần đáng lưu ý, nói về các nguyên nhân xã hội và tâm lý của việc bạo hành các tù nhân, cùng với một phần khác chuyên nói về các vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, phúc trình Schlesinger không hề phê phán luận điểm méo mó của Bybee. Phúc trình này tuyệt đối không nói gì về câu tái định nghĩa tra tấn, không thể nào chấp nhận được về phương diện luân lý. Sự im lặng của nó quả là một dấu chỉ sự mù loà về luân lý hết sức đáng lo ngại.

Ở Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật và nhóm làm việc tại Bộ Quốc Phòng, và ở một mức độ kém hơn, cả Phúc Trình Schlesinger nữa, ta thấy hiện tượng đáng lo ngại này là những con người thông minh, thành đạt đã đánh mất khả năng tương cảm với người khác. Khi nghĩ cách phải thẩm vấn các tình nghi khủng bố ra sao, họ cho thấy họ không hề ý thức chút nào về viễn tượng hỗ tương, vốn cần cho sự tương cảm. Chỉ có một viễn tượng trước mắt họ, đó là viễn tượng của chính phủ Hoa Kỳ và các quyền lợi do họ đề ra. Các người bị giam giữ không còn là những hữu thể không thể hoán đổi được với ý chí tự do và các giá trị tinh thần riêng. Thay vào đó, họ chỉ là những đối tượng để ta thao túng hòng lấy được tín liệu cho an ninh quốc gia. Bước ra khỏi nhân phẩm và tình liên đới, ta chỉ còn thấy một thế giới hãi hùng của những phân tích hẹp hòi về phí tổn và lợi ích.

Ghi chú

22. “Humane Treatment of al-Qaeda and Taliban Detainees,” 7 tháng 2, 2002, trong Karen J. Greenberg và Joshua L. Dratel, eds., The Torture Papers: The Road to Abu Ghraib (Cambridge: Cambridge University Press, 2005), 134–35.

23. Xem Michael H. Hoffman, “Terrorists are Unlawful Belligerents, Not Unlawful Combatants: A Distinction with Implications for the Future of International Humanitarian Law,” Case Western Reserve Journal of International Law 34, số 2 (Xuân 2002), 227–31.

24. Xem NBC Meet the Press with Tim Russert, 16 tháng 9, 2001, có tại http:// www.whitehouse.gov/vicepresident/news-speeches/speeches/vp20010916.html.

25. Có tại http://usinfo.state.gov/xarchives/display.html?p=washfile-english&y=2003&m=November&x=20031102202110aegi0.4442713&t=usinfo/wf-latest.html.

26. Có thể định nghĩa đầy đủ về chủ nghĩa khủng bố, nhưng không phải là chủ đề ở đây.

27. “Standards of Conduct for Interrogation under 18 U.S.C., 2340–2340A,” trong The Torture Papers, 183.

28. Lieutenant Colonel Jerald Phifer, “Memorandum for Commander, Joint Task Force 170,” 11 tháng 10, 2002, trong The Torture Papers, 227–28.

29. Lieutenant Colonel Diane E. Beaver, “Memorandum for Commander, Joint Task Force 170,” 11 tháng 10, 2002, trong The Torture Papers, 235.

30. Ibid.

31. “Memorandum for the Secretary of Defense,” 27 tháng 11, 2002, trong The Torture Papers, 237.

32. “Memorandum for Commander USSOUTHCOM,” 15 tháng 1, 2003, trong The Torture Papers, 239.

33. “Working Group Report on Detainee Interrogations in the Global War on Terrorism: Assessment of Legal, Historical, Policy, and Operational Considerations,” 6 tháng 3, 2003, trong The Torture Papers, 288.

34. “Memorandum for the Commander, US Southern Command,” 16 tháng 4, 2003, trong The Torture Papers, 360.

35. Ibid.

36. “CIA puts harsh tactics on hold,” The Washington Post, 24 tháng 6, 2004.

37. “Statement by the President, United Nations International Day in Support of Victims of Torture,” 26 tháng 6, 2003, có tại http://www.whitehouse.gov/news/releases/2003/06/20030626–3.html.

38. United States Department of Justice, Office of Legal Counsel, “Memorandum for James B. Comey,” 30 tháng 12, 2004, có tại http://www.usdoj.gov/olc/dagmemo.pdf.

39. Michael Isikoff, Daniel Klaidman, và Michael Hirsh, “Torture’s Path,” Newsweek, 27 tháng 12, 2004, có tại http://www.msnbc.msn.com/id/6733213/site/newsweek; “Human Rights Watch Opposes Gonzales Nomination,” Human Rights News, 24 tháng 1, 2005, có tại http://hrw.org/english/docs/2005/01/24/usdom10064.htm.

40. “Human Rights News,” 24 tháng 1, 2005, có tại http://hrw.org/english/docs/2005/01/24/usdom10064.htm

41. “The Schlesinger Report,” trong The Torture Papers, 941.

42. “Report of the International Committee of the Red Cross (ICRC) on the Treatment of Coalition Forces of Prisoners of War and Other Protected Persons by the Geneva Conventions in Iraq during Arrest, Internment and Interrogation,” Tháng 2, 2004, trong The Torture Papers, 393.

43. Thí dụ, xem các tài liệu trên trang mạng của American Civil Liberties tháng 3 năm 2005, http://www.aclu.org/torturefoia/.

44. Xem trang mạng của Văn Phòng Cố Vấn Pháp Luật http://www.usdoj.gov/olc/.

45. “Standards of Conduct for Interrogation under 18 U.S.C., 2340–2340A,” 1 tháng 8, 2002, trong The Torture Papers, 209.

46. Xem Jane Mayer, “The Memo: How an internal effort to ban the abuse and torture of detainees was thwarted,” The New Yorker 27 tháng 2, 2006, có tại http://www.newyorker.com/fact/content/articles/060227fa_fact.

47. “The Schlesinger Report,” trong The Torture Papers, 909–76.
 
Tự do tư tưởng
Jos. Tú Nạc, NMS
07:07 14/09/2011
Đó là một ngày nắng nóng gần Kolkata, Ấn Độ. Những đứa trẻ đang ở tại trường học. Chúng đang học những bài thơ và những bài hát. Nhưng không phải chúng ở trong một tòa nhà. Những học sinh này đang ngồi ngoài trời dưới những tàn cây lớn.

Đây có phải là cách học tốt không? Rabindranath Tagore, nhà văn và là nhà hoạt động xã hội, đã tin rằng đó là một phương thức học tốt.

Tagore sinh năm 1861 tại Kolkata, Ấn Độ. Ông được sinh ra trong một gia đình giàu có và một nền giáo dục tốt. Tagore đã thực hiện nhiều điều vĩ đại trong lúc đương thời. Ông đi khắp thế giới. Ông là bạn của nhiều nhân vật tên tuổi. Ông đã viết quốc ca cho hai quốc gia Ấn Độ và Bangladesh. Hàng triệu người yêu thơ và nhạc của ông. Hơn một trăm năm sau, công trình của ông vẫn còn ảnh hưởng nền văn hóa Ấn Độ.

Tuy nhiên, khi còn nhỏ ông không thích trường học. Ông không muốn ngồi trong một ngôi trường. Vì vậy, những người anh của ông đã dạy ông nhiều điều ở nhà. Ông đã học âm nhạc và hội họa. Nhưng ông thích viết văn trên hết tất cả. Tagore đã viết bài thơ đầu tiên khi ông bẩy tuổi. Tập thơ thứ nhất được xuất bản khi ông chỉ mới mười bẩy tuổi. Thơ của ông nội dung phong phú bao gồm tình yêu, cuộc sống, những vấn đề tâm linh và chính trị.

Tagore cũng viết về giáo dục. Ông tin rằng có nhiều cách để học, và mỗi đứa trẻ phải học theo cách riêng của nó. Trong một bài thơ của mình, ông đã nói:

“Đừng giới hạn con trẻ lối học riêng của nó, vì nó được sinh ra mỗi thời khắc khác nhau.”

Vào đầu thập niên 1900, chính phủ Anh đã cai trị đất nước Ấn Độ. Trong thời gian này, rất ít trẻ em Ấn Độ được cắp sách đến trường. Tất cả mọi trường học đều giống như những trường học ở Anh. Những đứa trẻ phải mong đợi được ngồi trong một phòng học. Chúng phải lắng nghe thầy giáo suốt một ngày dài. Rồi, chúng lại phải kiểm tra xem chúng nhớ được bao nhiêu.

Tagore đã nhớ lại rằng ông đã không học giỏi được theo cái kiểu nhà trường này. Nên ông đã quyết định tạo lập trường riêng của ông. Ông muốn trường của ông phải là một vị trí khác cho việc học tập. Trường của Tagore đã khai giảng vào năm 1901. Ông đặt tên trường của mình là Santiniketan. Từ này có nghĩa là “ngôi nhà hòa bình” theo ngôn ngữ Bengali.

Santiniketan bắt đầu chỉ với năm học sinh. Nó cũng có năm thầy giáo! Mục đích của Tagore là để có một ngôi trường nơi mà trẻ em thích thú việc học của chúng.

Rabindranath Tagore tin rằng trẻ em sẽ cảm thấy mình được liên kết với thiên nhiên. Học sinh được khuyến khích vui chơi và dành thời gian sống với thiên nhiên. Những lớp học của chúng gặp gỡ với bên ngoài. Bằng cách này, chúng học được nhiều thông tin đúng đắn hơn. Chúng biết sống hòa bình với thế giới này.

Tagore cũng muốn những học sinh này gắn bó với văn hóa địa phương của chúng. Hầu hết nhưng trường khác ở Ấn Độ phải dạy bắng Anh ngữ. Tại trường Santiniketan, giáo viên dùng tiếng địa phương Bengali. Học sinh cũng được học những bài hát và những điệu múa từ những địa phương của chúng. Chúng học những kỹ năng nghệ thuật và thủ công chẳng hạn như đóng giày và nhộm vải. Nhưng Tagore cũng muốn cho học sinh của ông hiểu biết về thế giới. Chúng được học hỏi nhiều nền văn hóa khác. Thậm chí ngôi trường này đã có những giáo viên thuộc những quốc gia khác.

Học sinh Santiniketan được cổ vũ dành thời gian suy xét những vấn đề về tâm linh và tôn giáo. Ấn Độ là một quốc gia với nhiều tôn giáo, Tagore tin vào sự tôn trọng tất cả mọi tôn giáo. Ông nghĩ tâm linh là một phần quan trọng của việc truy tìm chân lý. Trong một bài diễn văn ở Hoa Kỳ, ông nói:

“Mục tiêu của giáo dục là đem cho con người sự hiệp nhất chân lý. Tôi tin rằng trong một thế giới tâm linh ở đó không bị chia cắt khỏi thế giới này. Chân lý quan trọng nhất. Với hơi thở của sự sống, chúng ta luôn phải cảm nhận rằng chúng ta đang sống trong Thiên Chúa.”

Tagore muốn những trẻ tại trường học của ông có cùng chung một mục đích. Ông không quan tâm đến những bài khảo sát và những kết quả. Ông tin rằng điều quan trọng hơn đối với trẻ em là hiểu biết về thế giới xung quanh chúng. Ông tin rằng trẻ em cần phải được tự do suy nghĩ và tìm tòi.

Trường của Tagore là một thành công. Những học sinh ở đó không luôn nhận được những kết quả xuất sắc về những bài kiểm tra. Nhưng chúng nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau. Chúng lĩnh hội được nhiều kỹ năng quan trọng. Và ngôi trường này đã tạo cho chúng khả năng sáng tạo tuyệt đối.

Nhiều học sinh xuất thân từ ngôi trường của Tagore đã nổi tiếng khi trưởng thành. Nguyên Thủ tướng Ấn Độ Indhira Gandhi đã theo học tại trường của Tagore. Cũng vậy, nhà kinh tế và nhà văn Amartya Sen. Sen đã nhận Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1998.

Nhà làm phim Ấn Độ nổi tiếng, Satyajit Ray cũng đã theo học trường của Tagore. Thậm chí Ray đã dựng một bộ phim về Rabindranath Tagore. Ông cho rằng trường học của Tagore đã có một ảnh hưởng lớn đối với thành công của ông. Ông đã nói với nhật báo Guardian:

“Những năm tôi theo học tại trường Santiniketan thật hữu ích cho đời tôi. Đó là nơi mà lần đầu tiên tôi đã thấy nghệ thuật Ấn Độ tuyệt vời làm sao! Cho đến khi tôi duy nhất chịu ảnh hưởng của nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa Tây phương. Santikitan hun đúc tôi sản phẩm kết hợp giữa Đông và Tây đó là tôi.”

Năm 1913, Rabindranath Tagore đoạt Giải Nobel về văn chương. Ông nhận phần thường này bởi tập thơ Gitanjali. Ông là người không phải Âu châu đầu tiên được nhận Giải thưởng Nobel. Sự thành tựu này rất quan trọng đối với Tagore. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất.

Điều quan trọng nhất đối với Tagore là tư tưởng. Ông tin tất cả mọi trẻ em nên có sự tự do suy nghĩ. Ý tưởng này rất xa lạ và mới mẻ vào thời kỳ đó. Thậm chí ngày nay, trường của Tagore vẫn rất khác. Một trong những bài thơ được trích từ Gitanjali, Tagore đã giải thích những ý tưởng của ông về giáo dục. Ông mong ước những điều này được dành cho người dân của đất nước ông:

“Nơi mà tâm trí không có bóng dáng sợ hãi và đầu được ngẩng cao; nơi mà nhận thức được tự do; nơi mà thế giới không bị đập ra từng mảnh bởi những bức tường hạn hẹp … nơi mà dòng chảy của lý trí thanh thản không mất lối xuôi vào sa mạc; vào thiên đàng của tự do, Lạy Chúa tôi, hãy cho quê hương tôi tỉnh giấc.”
 
Đức ông Georg Ratzinger giới thiệu sách: ''Bào đệ của tôi, Đức Giáo Hoàng''
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
07:35 14/09/2011
Regensburg - Thứ hai, 12.9.2011, nhà xuất bản Herbig Verlag đã tổ chức cuộc họp báo giữa nhà sử học Michael Hesemann và Đức ông Georg Ratzinger nói về sách mới xuất bản hôm nay tại Đức: "Mein Bruder, der Papst - Bào đệ của tôi, Đức Giáo Hoàng''.

Sách ấn bản lần nhất, năm 2011, 272 trang với 47 hình ảnh minh họa. Giá 19,99 Euro.

Những cặp nổi tiếng của anh em ruột tại Đức không phải là hiếm: hai anh em nhà đánh bốc Quyền Anh vô địch hạng nặng Vitali và Wladimir Klitschko (người Ukraina)

và hai anh em nhà chính trị Hans-Jochen và Bernhard Vogel, nhưng Joseph và Georg Ratzinger đang nổi bật so với tất cả mọi người. Một vị là đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, vị khác đã phục vụ 30 năm liền với chức vụ giám đốc ca trưởng của Ca Đoàn Nam Regensburg nổi tiếng thế giới, cả hai anh em đều là linh mục Công Giáo. Giờ đây người anh trai đã 87 tuổi viết một cuốn sách viết về em mình: ''Bào đệ của tôi, Đức Giáo Hoàng'' với nhiều hình ảnh minh họa.

Hôm nay người anh, Đức ông Georg Ratzinger giới thiệu tại thành phố Regensburg về sách mới của mình.

Trong gia đình của dòng họ Ratzinger chỉ còn lại hai anh em ruột Georg và Joseph (người chị cả tên Maria sinh năm 1921 đã qua đời năm 1991 sau nhiều năm làm nội trợ cho em mình là HY Joseph Ratzinger), thế nên không ai biết về Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI rõ ràng bằng người anh, không ai gần gũi ĐGH bằng bào huynh cao niên này.

Trong cuộc nói chuyện với sử gia Michael Hesemann, Đức ông Georg Ratzinger cho biết rõ ràng về cuộc sống cá nhân của người đứng đầu Giáo Hội: ví dụ như người em Joseph sống thời thơ ấu và tìm thấy niềm tin nơi Thiên Chúa, như mọi gia đình khác họ phải trải qua cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa Đức quốc xã và chiến tranh tàn phá đã qua, vì sao trong Joseph ước mong lớn lên để phục vụ Giáo Hội, và sau đó tiếp tục suốt cuộc đời nghiêm túc đón nhận những thử thách trong các chức vụ và cuối cùng chấp nhận xin vâng cuộc bầu Giáo Hoàng cho dù tuỗi đã già yếu sức.

Hai anh em Ratzinger cùng nhau trải qua tuổi thơ rất thân thiết của họ với nhau, cùng nhau vào chủng viện, người mẹ lúc ấy đã dặn dò người anh khi vào chủng viện phải nhớ chăm sóc đứa em trai của mình. Hai anh em đã được thụ phong linh mục cùng ngày tại München-Freising, bây giờ về già thay vì như mộng ước sống chung với nhau để người viết sách kẻ chơi đàn, thì hai anh em xa cách và chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại hàng tuần hoặc nghỉ hè chung với nhau. Nói chung Đức ông Georg Ratzinger là người thân tín nhất của ĐGH Bênêđictô XVI: vừa là người bạn và vừa là người anh trai.

Một người bạn thâm niên của hai anh em Ratzinger, Đức Ông Heinrich Wachter, 78 tuổi, nhận định mối quan hệ như sau: "Tình nghĩa anh em giữa Georg và Joseph Ratzinger rất quân bình, họ rất tôn trọng lẫn nhau, nhưng lại rất keo sơn gắn bó với nhau, hơn cả hai anh em song sinh".

Đức ông Georg Ratzinger hôm nay đã cho biết lúc đầu ngài đã không tin cho dự án viết cuốn sách: "Tôi đã không đồng ý để làm việc vào lúc ban đầu, nhưng ông Hesemann có tài năng làm cho tôi mở miệng". Nhà báo Michael Hesemann đã ghi lại những kỷ niệm do Đức ông Georg Ratzinger kể ra.

Trong 5 cuộc gặp gỡ vào Mùa Xuân 2011, trong đó mỗi lần kéo dài tới hai tiếng đồng hồ, Đức ông Georg Ratzinger, một cụ già đã 87 tuổi nhẫn nại kể chuyện cho tác giả, ông Michael Hesemann ở độ tuổi 40 nghe để ghi lại.

Người đồng tác giả, ông Hesemann giới hạn chủ yếu về lời dẫn nhập và bổ sung, những lời này được chỉ định bởi chữ in nghiêng. Còn tất cả lời tự thuật của Đức ông Georg Ratzinger được ghi bằng chữ bình thường. Các phong cách kể chuyện bằng miệng sinh động bởi Đức ông Georg Ratzinger dường như được ghi trọn lại qua bản văn, tác giả chủ yếu giữ lại những giai điệu đàm thoại. Ngoài ra, cuốn sách chứa khoảng 47 hình ảnh minh họa, bao gồm cả những bức ảnh chưa được công bố trước đây từ kho lưu trữ cá nhân.

Nhiều không gian được dành trong cuốn sách 272 trang kể về cuộc sống trong thời đại của Đức Quốc xã. Nhiều lần người kể nhấn mạnh về sự "ghê tởm" của cha mẹ mình chống lại Hitler và Đức Quốc Xã. Sau Chiến tranh Thế Giới II, hai anh em cùng nhau vào chủng viện học thần học tại Freising: "Để phân biệt mình với nhau, giới sinh viên đặt cho chúng tôi biệt hiệu: 'Bücher-Ratz' (mọt sách) dành cho Joseph và 'Orgel-Ratz' (mọt đàn) dành cho tôi vì tôi thích âm nhạc" (cách chơi chữ của người Đức đọc trại đi để lấy tên gốc của dòng tộc RATZinger). Georg cống hiến mình cho thánh nhạc còn Joseph đam mê trong các nghiên cứu thần học. Tác giả dành một chương riêng nói về với cuộc sống của người em trai trong chức vụ Giáo Hoàng và kể về những mối quan hệ anh em.

Đức ông Georg Ratzinger cho biết, mặc dù sự thăng tiến rất nhanh trong việc học và trở thành vị giáo sư đại học trẻ tuổi nhất của Đức lúc bấy giờ, cũng như sự tiến thân trong Giáo Hội nhưng em trai của mình "vẫn không thay đổi con người". Georg nhìn thấy người em "luôn luôn được tự nhiên", ngay cả khi đã là một cụ già lên ngôi vị Giáo Hoàng.

Trước khi bắt đầu làm việc cho cuốn sách này, Đức ông Georg Ratzinger đã xin ý kiến của người em và đã được chấp nhận. Tác giả Hesemann cho biết: "Đức ông Georg Ratzinger đã rõ ràng nói chuyện với em trai của mình về điều đó".

Và trước khi cuốn sách được mang đi in thì vị thư ký riêng của ĐGH, Đức ông Georg Gänswein đã đọc qua bản thảo. Sử gia Hesemann mô tả sách này như là một "Nhân chứng của thời thơ ấu, thành niên và sự nghiệp của ĐGH Bênêđictô XVI được nhìn từ quan điểm của một người thân thiết nhất mà không ai có thể sánh bằng".

Sử gia Hesemann cho biết "rất ấn tượng với cách diễn tả rõ ràng và súc tích" từ những kỷ niệm do Đức ông Georg Ratzinger kể ra.

"Bất kể những khó khăn sức khỏe về thể lý nhưng Đức ông Georg Ratzinger có một tinh thần rất minh mẫn để nhận ra đây là một công việc mang lại niềm vui thật sự cho người kể chuyện lẫn người ghi chép lại".

Kết quả đạt được là "một tài liệu lịch sử, mà tương lai ai viết về tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đều phải nhắc đến".

Trong cuộc sống gia đình người đọc được biết về người mẹ hiền đạo đức của anh em Georg và Joseph. Bà thường hát trong lúc rửa chén bát những bài hát về Đức Mẹ Maria.

Bào huynh của ĐGH cho biết các giai thoại trong cuộc sống gia đình của dòng tộc Ratzinger - chẳng hạn như bột yến mạch đã cứu cuộc đời của Joseph: Lúc còn là đứa trẻ sơ sinh, Joseph không nuốt được gì, mẹ đút gì đều nhả ra. Cho đến khi một nữ tu thử cho Joseph ăn bột yến mạch thì Joseph đã ăn được và thích ăn loại thực phẩm này. Khi còn bé học trong trường mẫu giáo Joseph đã một lần suýt bị chết đuối trong một ao nuôi cá. Lúc 4 tuổi Joseph đã nói rằng: "Em sẽ làm hồng y".



Tiếp theo, người đọc biết được theo lời kể của người anh Georg cho biết đứa em Joseph của mình rất ghét môn thể thao trong trường học. Người bố chống đối lại việc kết nạp hai đứa con trai vào phong trào thanh niên của Hitler và không thích cho con gia nhập quân đội. Qua sự trải nghiệm khốc liệt của chiến tranh đã làm cho hai anh em quyết tâm muốn trở thành linh mục.

Trong sách cũng cho biết vào buổi tối ĐGH thích xem phim tập "Kommissar Rex" trên truyền hình (phim nói về vị cảnh sát trưởng với con chó thám tử), bởi vì cả "hai chúng tôi cũng yêu thích chó".

Đối với người anh Georg phải chấp nhận thay đổi cuộc sống từ năm 2005 quả là một việc khó khăn cho một cụ già lúc ấy 81 tuổi: hai anh em Ratzinger đã thực hiện kế hoạch riêng của họ cho việc nghỉ hưu bằng cách sống chung chăm sóc cho nhau ở miền Nam nước Đức. Một bất ngờ khó chịu ban đầu, nhưng với sự khiêm tốn và tin tưởng hai anh em Ratzinger vâng phục ý muốn của Thiên Chúa.



Khi ấy người em Joseph được cả thế giới chúc mừng vào ngôi vị Giáo Hoàng thì người anh Georg ở phương xa đã bị sốc: "Tôi thành thật phải nói rằng lúc ấy tôi đã bị ngã quỵ" Nhưng người anh Georg Ratzinger đã quen dần với tình huống mới một cách nhanh chóng: đó là người em trai đang là lãnh đạo của tất cả các người Công Giáo trên thế giới. Và Đức ông Georg Ratzinger cũng chấp nhận vai trò mới của chính mình: trở thành bào huynh của Đức Giáo Hoàng.

Thông điệp của cuốn sách, người anh của ĐGH cho biết: "Tôi hy vọng rằng sự quan tâm qua cuốn sách sẽ dành thiện cảm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội nhiều hơn". Cuộc viếng thăm cố hương, nước Đức của ĐGH Bênêđictô XVI vào tháng 9.2011 theo nhận định của Đức ông Georg Ratzinger sẽ mang lại niềm tin đến cho nhiều người. "Tại cuộc viếng thăm lần trước ở Đức (2006) đã có rất nhiều kiểu vẽ tối tăm cho khuôn mặt Giáo Hội. Kết quả sau đó ngược lại rất tích cực. Tôi hy vọng lần này cũng thế, và sẽ có nhiều người tìm lại đức tin và trở về với Giáo Hội".

Khi được hỏi Đức ông Georg Ratzinger mong muốn gì người người bào đệ thân yêu của mình, ngài nói rằng: "Ước muốn đầu tiên, như tất cả mọi người đều muốn là sức khỏe ít có vấn đề và ĐGH có thể có một kết quả tốt đẹp về cuộc đời của Ngài".

ĐGH Bênêđictô XVI đã một lần tri ân nói về người anh trai thân yêu của mình vào năm 2008: "Kể từ đầu cuộc đời của tôi, anh tôi đã luôn luôn đối với tôi hơn một người bạn, và còn như một người hướng dẫn đáng tin cậy. Anh là một điểm định hướng và qui chiếu bởi tính rõ ràng và quyết tâm trong các quyết định của anh. Anh tôi luôn chỉ đường cho tôi đi, cả trong những tình huống khó khăn".
 
Gặp gỡ giữa Bộ Giáo lý Đức tin và Huynh đoàn Thánh Piô X
LM Trần Đức Anh OP
11:31 14/09/2011
VATICAN - Hôm 14-9-2011, ĐHY William Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã gặp ĐGM Bernard Fellay, Bề trên tổng quyền Huynh đoàn thánh Piô 10 để kiểm điểm tình hình đối thoại giữa hai bên nhắm đến sự hòa giải.

Thông cáo cho biết hiện diện trong cuộc gặp gỡ tại Bộ giáo lý đức tin còn có các cộng sự viên của ĐHY Levada là Đức TGM Luis Ladaria SJ, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin, và Đức Ông Guido Pozzo, Tổng thư ký Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa; ngoài ra có hai LM tổng cố vấn của Huynh Đoàn.

”Sau khi ĐTC Biển Đức 16 quyết định giải vạ tuyệt thông cho 4 GM thuộc huynh đoàn thánh Piô 10 và cho mở cuộc đối thoại về tín lý với huynh đoàn, một Ủy ban hỗn hợp gồm các chuyên gia của Bộ và của Huynh đoàn đã được thành lập và đã nhóm họp 8 lần tại Roma trong thời gian từ tháng 10-2009 đến tháng 4 năm 2011. Các cuộc đối thoại này có mục đích trình bày và đào sâu những khó khăn lớn về đạo lý liên hệ tới những vấn đề tranh luận. Các cuộc hội thảo đó đã đạt mục đích là làm sáng tỏ lập trường và lý lẽ của hai bên.

Thông cáo cũng nói rằng: ”Để ý đến những quan tâm và thỉnh cầu do Huynh đoàn thánh Piô 10 trình bày liên quan đến sự tôn trọng trọn vẹn đức tin Công giáo đứng trước lối giải thích về sự gián đoạn của Công đồng chung Vatican 2 đối với truyền thống (..), Bộ giáo lý đức tin coi là căn bản cho hòa giải hoàn toàn với Tòa Thánh việc Huynh Đoàn chấp nhận Tiền đề đạo lý được trao cho ngày 14-9-2011. Tiền đề này chứa đựng một số nguyên tắc đạo lý và những tiêu chuẩn giải thích đạo lý Công Giáo cần thiết để bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia), đồng thời mở ngỏ cho sự thảo luận hợp pháp những nghiên cứu và giải thích thần học liên quan tới các kiểu diễn tả và công thức đặc thù trong các văn bản Công đồng chung Vatican 2 và Giáo huấn tiếp theo đó của Hội Thánh.

Sau cùng, thông cáo cho biết trong khóa họp, có một số yếu tố đã được đề nghị để giải quyết tình trạng giáo luật của Huynh đoàn thánh Piô 10, tiếp theo sự hòa giải nếu có và vẫn được mong đợi”.

Huynh Đoàn thánh Piô 10 do Đức Cố TGM Marcel Lefebvre người Pháp thành lập vì không chấp nhận nhiều giáo huấn của Công đồng chung Vatican 2. Vị TGM này đã bị vạ tuyệt thông vì đã truyền chức 4 GM không có phép của ĐTC hồi cuối tháng 6 năm 1988.

Theo thông cáo trên đây, vấn đề bây giờ là nếu Huynh Đoàn chấp nhận tuyên ngôn về đạo lý thì có thể bắt đầu nói về vấn đề cơ cấu pháp lý để hội nhập Huynh đoàn này vào Giáo Hội Công Giáo. Theo cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, giải pháp cho vấn đề cơ cấu và pháp lý, có thể là ĐTC sẽ thành lập một Giám hạt tòng nhân và quốc tế, tựa như Giám hạt Opus Dei. Các tín hữu của Huynh Đoàn thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để trả lời chấp nhận hay không ”Tiền đề đạo lý” đã nói trên đây (SD 14-9-2011)
 
Giải đáp thắc mắc về Thánh giá đảo ngược
Phạm Kim An
14:58 14/09/2011
ROMA - Giải đáp của Linh mục Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại đại học Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ (Regina Apostolorum).

Hỏi: Mới đây một chú giúp lễ nói với tôi rằng chú đã nhìn thấy là cây thánh giá trên ghế ngồi của Đức Thánh Cha bị đảo ngược. Đó đúng vậy không? Nếu có, tại sao? Phần tôi, tôi chưa hề nhìn thấy thánh giá nào như vậy. - D.K., Accra, Ghana

Đáp: Nếu tôi không lầm, chắc là chú giúp lễ ấy đã nhìn thấy một thánh giá Phêrô, chứ không phải thánh giá mà chúng ta thường thấy.

Việc sử dụng biểu tượng của cây thánh giá Latinh đảo ngược bắt nguồn từ một truyền thống cổ xưa, cho rằng Thánh Phêrô đã yêu cầu được đóng đinh ngược trên cây thánh giá, vì Ngài cảm thấy không xứng đáng chết theo cách giống như Chúa của mình. Có bằng chứng viết tay về truyền thống này từ trước năm 200.

Một truyền thống tương tự là anh trai của Thánh Phêrô, Thánh Anrê, cũng yêu cầu được đóng đinh một cách đặc biệt khác. Từ cái chết của Ngài, phát sinh Thánh Giá hình chéo (X) của thánh Anrê. Thánh giá này được vẽ lên cờ nước Jamaica và nước Scotland, và các Thánh giá Thánh George và Thánh Patrick trên lá cờ của Vương quốc Anh.

Bởi vì Đức Giáo Hoàng là người kế vị của thánh Phêrô, thánh giá đảo ngược là một biểu tượng tương đối thường xuyên của Dinh tòa Phêrô, cùng với biểu tượng khác như chùm chìa khóa và mũ ba tầng. Ví dụ, một thánh giá như thế được tìm thấy trong Đền thờ thánh Phêrô trên bức tường gạch, vốn đóng Cửa Thánh cho đến Năm Thánh kế tiếp. Ngoài ra, khi ĐTC Gioan Phaolô II đến thăm Israel, Ngài đã sử dụng một ghế ngồi với hình một cây thánh giá Phêrô ở phía sau. Do đó có thể là các ghế khác của Đức Giáo Hoàng lặp lại kiểu thức này.

Theo như tôi biết, khi thánh giá này được sử dụng như một biểu tượng, nó không bao giờ có ảnh chịu đóng đinh của thánh Phêrô. Đúng là Vatican có nhiều ảnh vẽ cảnh thánh Phêrô, chẳng hạn ảnh được tìm thấy trên cánh cửa trung tâm bằng đồng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, được Filarete đúc năm 1445. Tuy nhiên, đây là các hình vẽ lịch sử hơn là biểu tượng tôn giáo.

Việc sử dụng một cây thánh giá đảo ngược với hình ảnh của Chúa Kitô lại là chuyện hoàn toàn khác. Ít nhất, đó là sự thiếu tôn trọng và thường được coi như một biểu tượng ma quỷ hoặc biểu tượng chống Kitô giáo. Chắc chắn là một số người của giới nghệ thuật đã sử dụng hình ảnh này trong các bộ phim, video âm nhạc, vỏ bao đĩa nhạc và trang phục sân khấu để trình bày Satan hoặc Phản Kitô.

Trong một số nhóm người ngoại giáo, một hình thức đặc biệt của thập giá đảo ngược có thể trình bày biểu tượng của người Iceland và Bắc Âu về cái búa của thần Thor. (ZENIT.org 13-9-2011
 
Ngày di sản châu Âu ở Vatican
Phạm Kim An
14:59 14/09/2011
Tham quan miễn phí các hang toại đạo

ROMA – Cũng như mọi năm, năm nay Tòa Thánh tham gia ngày Ngày Di sản châu Âu, do Hội đồng châu Âu cổ vũ, vào ngày 25-9: một cuộc triển lãm lớn liên quan đến khoảng 50 quốc gia.

Cuộc triển lãm có chủ đề "Cuộc sống bên kia cuộc sống". Nó được phối hợp tổ chức bởi Ủy ban Giáo hoàng về tài sản văn hóa của Giáo Hội, Viện Bảo tàng Vatican và Ủy ban Giáo hoàng về Khảo cổ học Kitô giáo.

Việc tham quan các hang toại đạo Kitô giáo, như hang thánh Calixte, hang thánh Domitilla, hang thánh Prisca, hang thánh Agnes và hang thánh Sebastian, sẽ được miễn phí trong ngày 25-9. Việc tham quan các Viện bảo tàng Vatican cũng miễn phí trong ngày ấy. (ZENIT.org 13-9-2011)
 
Triển lãm đặc biệt các tác phẩm của Joseph Ratzinger - ĐTC Biển Đức XVI
Nguyễn Trọng Đa
15:00 14/09/2011
600 cuốn sách của 30 quốc gia

ROMA - Một cuộc triển lãm 600 cuốn sách từ 30 quốc gia qui tụ lần đầu tiên các tác phẩm của Joseph Ratzinger - ĐTC Biển Đức XVI, các sách dịch và tiểu sử của Ngài, theo tin từ Thư viện Vatican: đây là một sáng kiến của LEV và nhà xuất bản Đức Herder, nhân chuyến thăm sắp tới của ĐTC Biển Đức XVI tại Đức.

Trong số các bản dịch đáng chú ý, có bản dịch tiếng Romania của cuốn "Muối đất", và bản dịch tiếng Hoa cuốn “Thiên Chúa trong thế giới".

Sự kiện đặc biệt này được tổ chức một cách riêng tư ở Castel Gandolfo. Triển lãm sẽ được khánh thành tại "Campo Santo Teutonico" của Tòa Thánh Vatican vào ngày 16-9.

Sau đó, triển lãm sẽ được chuyển đến Freiburg en Brisgau, nơi có trụ sở của nhà xuất bản Herder, từ ngày 24-9: nó sẽ cung cấp khuôn khổ cho một cuộc gặp gỡ với giới truyền thông. (ZENIT.org 13-9-2011)
 
Hong Kong: Chương trình mới trên điện thoại di động để đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh
Nguyễn Trọng Đa
15:02 14/09/2011
Hong Kong - Cha Phaolô Leung, tu sĩ Dòng Don Bosco (SDB) ở Hong Kong, đã phát minh ra một chương trình cho điện thoại di động, với tên gọi là iBreviarium, nhằm khuyến khích các tín hữu tham gia trong việc đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh đầy đủ mỗi ngày.

Theo tin của Kong Ko Bao (phiên bản tiếng Hoa của bản tin giáo phận), từ ngày 1-8, khi chương trình iBreviarium được tung ra cùng với iPhone, cho đến ngày 19-8, đã có 600 người tải chương trình về, với tiếng Hoa phồn thể, từ địa chỉ http://itunes.apple.com/hk/app/id452205871? mt = 8.

Trong tương lai, linh mục Dòng Don Bosco này dự trù tung ra phiên bản tiếng Hoa giản thể, và phiên bản cho người sử dụng Android, cũng như cung cấp lịch phụng vụ và hạnh các thánh của Giáo hội nữa.

Cha Leung đã phục vụ tại Nhà Mẹ của Dòng Don Bosco (Dòng Salêdiêng) ở Roma trong hơn 20 năm, nơi ngài đã có thể đánh giá cao việc đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh thay mặt cho các tín hữu từ Roma.

Vì vậy, khi ngài trở về Hong Kong ba năm trước đây, ngài nghĩ ngay việc cổ vũ sáng kiến nơi các tín hữu địa phương, lập ra trang web, và ngày nay dùng phương tiện điện thoại di động nữa. (Agenzia Fides 13-9-2011)
 
ĐTC: Thiên Chúa xót thương cứu thoát người vô tội bị bách hại
Linh Tiến Khải
15:07 14/09/2011
Xem ra Thiên Chúa nín lặng và không hiện diện trước cảnh người vô tội bị bách hại. Nhưng Thiên Chúa hiện diện, gần gũi, lắng nghe và và can thiệp giải thoát họ. Đó là chiến thắng của đức tin có thể biến cái chết thành ơn sự sống và vực thẳm khổ đau thành suối nguồn hy vọng.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 8.000 tín hữu và du khàch hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolo VI sáng thứ tư 14-9-2011. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ cũng có các đoàn hành hương đến từ Á châu, Phi châu và nhất là châu Mỹ Latinh như Mêhicô, Venezuela, Colombia, Chile và Argentina.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa thánh vịnh 22, là một lời cầu cảm động sâu xa phong phú về chiều kích nhân bản và thần học, và là một trong các thánh vịnh được tìm hiểu nhiều nhất trong sách Thánh Vịnh. Nó có các hiệu qủa kitô học và liên tục đụng chạm tới hai chiều kích nhục nhã và vinh quang, cái chết và sự sống trong các trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Ngài nói: Thánh vịnh này giới thiệu gương mặt của một người vô tội bị các kẻ thù muốn sát hại bắt bớ và bao vây; và người đó chạy tới với Thiên Chúa trong một lời than van khổ đau, nhưng trong xác tín của lòng tin một cách nhiệm mầu nó lại rộng mở cho lời chúc tụng. Trong lời cầu của ông thực tại âu lo của hiện tại và ký ức ủi an của qúa khứ nối tiếp nhau, trong một ý thức đớn đau về tình trạng tuyệt vọng của mình, nhưng vẫn không muốn khước từ hy vọng: ”Lậy Chúa con thờ, muôn lậy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (cc. 2-3).

Thiên Chúa nín lặng và sự nín lặng đó xé nát tâm hồn của người cầu nguyện, không ngừng kêu than nhưng không tìm thấy câu trả lời. Ngày đêm tiếp nối nhau, nhưng trong sự kiếm tìm không mệt mỏi một lời nói, một sự trợ giúp không tới. Thiên Chúa xem ra qúa xa vời, qúa lãng quên, và không hiện diện.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Nhưng nếu Thiên Chúa không trả lời, tiếng kêu cứu mất đi trong hư vô và sự cô đơn trở thành không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên người cầu nguyện trong thánh vịnh ba lần gọi ”lậy Thiên Chúa của con” trong một cử chỉ tín thác và tin tưởng tuyệt đối. Ông không tin rằng Thiên Chúa đã hoàn toàn bẻ gẫy mọi liên hệ với mình, và tuy hỏi Người tại sao lại bỏ rơi ông, ông khẳng định rằng Thiên Chúa không thể bỏ rơi ông.

Tiếng kêu than mở đầu thánh vịnh: ”Lậy Thiên Chúa của con, lậy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa bỏ rơi con?” đã được các Phúc Âm Mátthêu và Marco kể lại như tiếng kêu của Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá (x. Mt 27,46; Ma 15,34). Nó diễn tả tất cả sự thê lương của Đấng Messia, Con Thiên Chúa đang đương đầu với thảm cảnh của cái chết, một thực tại hoàn toàn trái nghịch với Chúa của sự sống. Bị bỏ rơi bời hầu hết các người của Ngài, bị các môn đệ phản bội và chối bỏ, bị người ta xỉ vả bao vây, Đức Giêsu ở dưới sức nặng nghiền nát của một sứ mệnh phải trải qua hổ nhục và sự hủy diệt thành hư vô. Vì thế Ngài mới kêu lên Thiên Chúa Cha và sự khổ đau của Ngài lấy lại các lời đớn đau của Thánh Vịnh. Nhưng tiếng kêu của Ngài không phải là một tiếng kêu thất vọng, như tiếng kêu của tác giả thánh vịnh, bước theo một con đường bị hành khổ nhưng sau cùng đổ vào trong một viễn tượng chúc tụng và tin tưởng nơi chiến thắng của Thiên Chúa. Cũng thế, mặc dù đầy khổ đau không diển tả nổi, lời cầu xé lòng của Chúa Giêsu cũng mở ra cho vinh quang chắc chắn. Và Chúa phục sinh sẽ nói với các môn đệ làng Emmaus: ”Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 224,26). Trong cuộc khổ nạn của Người vì vâng phục Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu trải qua sự bỏ rơi và cái chết, để đạt tới sự sống và trao ban nó cho tất cả mọi tín hữu.

Đối chọi với nỗi khổ đau đó là kỷ niệm qủa khứ: ”Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì, van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài” (cc.5-6). Đức Thánh Cha giải thích như sau: Tuy nhiên, vì Thiên Chúa mà giờ đây xem ra xa vời đối với tác giả thánh vịnh, vẫn là Chúa xót thương mà Israel đã luôn luôn kinh nghiệm trong lịch sử của mình. Dân tộc, mà người cầu nguyện là thành phần, đã là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa và có thể làm chứng cho sự trung tín của Người. Bắt đầu từ các Tổ Phụ, rồi bên Ai Cập và trong cuộc lữ hành trong sa mạc, trong việc lưu lại trong đất hứa và tiếp xúc với các dân tộc hiếu chiến và thù địch, cho tới đêm đen của đầy ải, toàn lịch sử kinh thánh đã là một lịch sử của lời kêu cứu từ phía dân Israel và các lời đáp trả từ phía Thiên Chúa. Và tác giả thánh vịnh nhăc tới lòng tin không thể sụp đổ của cha ông. Nhưng giờ đây, xem ra chuỗi lời cầu và đáp trả đó đã bị bẻ gẫy rồi. Tình trạng của tác giá thánh vịnh xem ra phản bác lai toàn lịch sử cứu độ, khiến cho thực tại hiện nay càng đau đớn hơn.

Tác giả lại miêu tả tình cảnh khốn khó của mình để xin Chúa thương xót và can thiệp cứu vớt ông. Ông tự định nghĩa mình là ”sâu bọ chứ không phải người, bị người đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ buông lời mỉa mai: Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” (c. 7-9). Xem ra ông mất hết những đặc thái là người, giống như Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 52,14; 53,2b-43). Ông giống như người công chính bị áp bức trong Sách Khôn Ngoan (x. Kn 2,12-20), như Đức giêsu trên Núi Sọ (x. Mt 27,39-43). Tương quan của ông với Thiên Chúa bị đặt vấn nạn, vì Thiên Chúa nín lăng và không hiện diện. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của người cầu nguyện với một sự gần gũi và hiền dịu không thể nào phản bác được. Và tác giá thánh vịnh nhớ lại những điều ấy: ”Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (cc.10-11a). Thiên Chúa là Chúa của sự sống, Đấng cho sinh ra và tiếp nhận trẻ sơ sinh. và lo lắng chăm nom nó với tình yêu thương của một người cha. Trước đây tác giả nhắc tới lòng tín trung của Thiên Chúa trong lịch sử dân Người, giờ đây ông nhăc tới lịch sử đời ông và tương quan của nó với Thiên Chúa kể từ lúc khởi đầu cuộc sống. Và tác giả thánh vịnh nhận ra sự gần gũi và tình yêu thương tuyệt đối của Thiên Chúa đối với mình nên có thể tuyên xưng đức tin và kêu lên ”Ngay từ lòng mẹ Ngài đã là Thiện Chúa của con” (c. 11b).

Nhưng lời nài van giờ đây trở thành cấp thiết hơn: ”Xin đừng đứng xa con, vì âu lo gần kề và không ai giúp con ” (c.12). Cái gần gũi duy nhất, mà tác giả thánh vịnh có, là sự gần gũi bủa vây của các địch thù: ”Quanh con cả đàn bò bao kín, thú Basan ùa đến bủa vây: Há mồm đe dọa gớm thay, khác nào sư tử xé thây vang gầm” (cc. 13-14). Nỗi lo âu làm sai lạc nhận thức và khiến cho ông phóng đại nguy hiểm. Các hình ảnh này cũng nói lên rằng khi con người trở thành tàn bạo và tấn công người anh em, thì có cái gì là thú vật nổi lên trong họ khiến cho họ mất dáng vẻ con người và trở thành dã thú, và chỉ có sự can thiệp cứu trợ của Thiên Chúa mới trả lại nhân tính cho con người mà thôi. Đối với tác giả thánh vịnh bị tấn công một cách tàn bạo như vậy, xem ra không còn có lối thoát nữa và cái chết đã bắt đầu chiếm hữu ông: ”Tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời, con tim đau đớn bồi hồi, mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan. Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại gần nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào, quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (15-19). Các hình ảnh thê thảm này được tìm thấy trong các trình thuật cuộc khổ nạn của Chúa Kitô miêu tả cái tàn tạ của thân xác tội nhân, cái nóng bỏng không thể chịu đựng nổi hành ha kẻ hấp hối, và vang vọng trong tiếng kêu ”Ta khát” (x. Ga 19,28) để kết thúc với cử chỉ vĩnh viễn của các lý hình như binh lính dưới chân thập giá chia nhau áo sống của nạn nhân coi như đã chết (x. Mt 27,35; Mc 15,24; Lc 23,34; Ga 19,23-24).

Tác giả thánh vịnh lại kêu van Chúa cứu ”Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau lậy Chúa, xin đừng đứng xa. xin cứu mạng con khỏi lưỡi kiếm, gỡ thân con cho thoát miệng chó rừng, khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (cc. 20-22) Đó là một tiếng kêu mở trời, vì nó tuyên xưng một niềm tin vượt qua mọi nghi ngờ, mọi tăm tối và buồn sầu. Và tiếng kêu than biến thành lời chúc tụng... Rồi Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Thiên Chúa chạy tới cứu nười nghèo khỏ và tỏ cho thấy gương mặt xót thương của Người. Cái chết và sự sống giao thoa nhau trong một mầu nhiệm không thể phân chia được, và sự sống đã chiền thắng... mọi biên giới trái đất sẽ chúc tụng Ngài và mọi gia đình dân nước sẽ phủ phục trước Ngài. Đó là chiến thắng của đức tin có thể biến cái chết thành ơn sự sống, vực thẳm khổ đau thành suối nguồn hy vọng.

Sau khi tóm tắt nội dung bài huấn từ và chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Ấn Độ: Lãnh đạo đảng BJP cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ
Phạm Kim An
15:17 14/09/2011
Mumbai – Ông Shri L.K. Advani, cựu lãnh đạo của Đảng Janata Bharatiya (BJP), một đảng Ấn giáo dân tộc, viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Núi Đức Mẹ ở Bandra Mumbai.

Ông đã đặt một vòng hoa màu đỏ và hai ngọn nến dưới chân bàn thờ chính, bên dưới bức tượng Đức Mẹ. Trong sự tôn kính và sùng mộ, ông đã cầu nguyện một vài phút. Cùng với linh mục Aniceto Pereira, phó quản đốc Vương Cung Thánh Đường, ông đọc kinh Hãy Nhớ. Cha Pereira tặng ông một món quà kỷ niệm là một cuốn sách về lịch sử của đền thánh, do Đức Cha Francis Correia viết.

Chuyến thăm đã làm ngạc nhiên nhiều người, bởi sự việc rằng Đảng BJP thường được xem là gây bạo động chống Kitô giáo. Phát biểu với báo chí địa phương, Ông Shri LK Advani nói rằng các nhà lãnh đạo địa phương BJP đã mời ông tới thăm đền thánh. Ông cũng cho biết rằng ông là một cựu sinh viên của trường Trung học thánh Patrick ở Karachi, do các Sư Huynh Công giáo Ireland điều hành. Ông nói: “Kể từ khi tôi có liên kết với cộng đồng, tôi cảm thấy hạnh phúc khi đến đây, gặp gỡ các linh mục ở đây, tham gia vào việc đọc kinh và nhận lãnh phép lành”.

Linh mục Aniceto Pereira nói với hãng tin AsiaNews: "Ông LK Advani cho thấy sự tôn trọng lớn lao cho đền thánh và tôn giáo của chúng tôi. Việc một nhà lãnh đạo chính trị, đến cầu xin Chúa ban ơn và trợ giúp, có ý nghĩa rất nhiều cho chúng tôi".

Cha phó quản đốc nói: “Tôi cầu nguyện với Chúa, xin Chúa hướng dẫn và ban phước cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi. Tôi biết rằng các Kitô hữu ở các bang khác phải đối mặt với một mối đe dọa an ninh, nhưng nhà lãnh đạo BJP đến đây như một người hành hương, tràn đầy niềm tin để cầu xin Đức Mẹ chúc lành và ban ơn”.

Đền Thánh Đức Mẹ ở Bandra là một nơi của sự hòa hợp và đối thoại liên tôn, bởi vì Đức Trinh Nữ thu hút người của mọi tôn giáo đến.

Cha nói: “Kể từ khi tuần cửu nhật bắt đầu vào ngày 2-9 (cho đến lễ Sinh Nhật Đức Maria), hơn 15.000 người đã đến viếng đền thánh mỗi ngày. Chỉ khoảng 30% trong số họ là Kitô hữu, phần còn lại là tín hữu các tôn giáo khác".

Cha giải thích: "Nhờ lời cầu bầu của Đức Maria và vai trò làm mẹ của Ngài, mọi người ăn mừng cho tính nhân loại được chia sẻ của họ: người Hồi giáo, người Ấn giáo, Phật tử, người Parsee, người đạo Sikh và những người đạo khác. Tất cả họ đều chia sẻ với tôi về các phép lạ do Đức Mẹ mang lại cho cuộc sống của họ. Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria vượt qua biên giới tôn giáo".

Tại Bandra, lễ mừng Đức Mẹ Maria đã được gắn mạnh mẽ với bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria, tại Vương Cung Thánh Đường Núi Đức Mẹ, trong nhiều trăm năm qua. (AsiaNews 12-9-2011)
 
Nepal: Ngày 11-9 truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại giữa người Ấn giáo, người Hồi giáo, và Kitô hữu
Nguyễn Trọng Đa
15:20 14/09/2011
Kathmandu - Đối với các lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo và đạo Ba'hai ở Nepal, ngày tưởng niệm 11-9 là một cơ hội để thúc đẩy hòa bình và hòa hợp, giữa các tôn giáo khác nhau và chống lại tất cả các hình thức của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Vào ngày tưởng niệm lần thứ 10 của cuộc tấn công chống lại Tòa Tháp Đôi, các lãnh đạo tôn giáo kêu gọi chính quyền và người dân Nepal hãy làm việc với nhau, để biến Nepal thành một nhà nước thế tục, nơi mà tất cả các tôn giáo được tôn trọng.

Shamin Ahamad, một người Hồi giáo, nói rằng đối với tất cả người Hồi giáo tin vào hòa bình và đối thoại, ngày 11-9 tượng trưng cho một sự sỉ nhục. Ông phát biểu: “Trong ít năm qua, một nhóm thiểu số cực đoan nhỏ đã phổ biến một ý tưởng sai lầm về đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo của Nepal đã luôn luôn chống khủng bố".

Theo ông Nazrul Hussein, Tổng thư ký của Hội đồng liên tôn Nepal, cuộc tấn công bi thảm chống Tòa Tháp Đôi đã làm cho các tôn giáo khác nhau của Nepal xích lại gần nhau hơn. Trích dẫn bài phát biểu ngày hôm qua của Đức giáo hoàng tại Ancona, ông nói rằng thách thức ngày hôm nay "là tạo ra sự đoàn kết tôn giáo", để duy trì sự gần gũi ấy, thông qua giáo dục hòa bình và đối thoại liên tôn.

Damordar Pandey, một lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ giáo, đồng ý như thế. Đối với ông, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau là con đường duy nhất cho sự hòa hợp giữa người Hồi giáo, Kitô hữu và người Ấn giáo.

Isu Jung Karki, một Kitô hữu và điều phối viên của Phong trào Bảo vệ thế tục liên tôn, lưu ý rằng, với tư cách là một quốc gia, Nepal được chúc phúc nhiều. Ông giải thích, trái với các quốc gia châu Á khác, bị xâu xé bởi hận thù cộng đồng, ở Nepal "mọi người cởi mở hơn và chấp nhận các tôn giáo khác. Chúng ta phải chăm sóc các hạt giống hiện có của lòng khoan dung và chống lại các túi của chủ nghĩa cực đoan, nhằm thúc đẩy một nhà nước thế tục."

Người Ấn giáo, người Hồi giáo, Kitô hữu, Phật tử và người đạo Ba'hais đã sống cạnh nhau trong nhiều thế kỷ. Sự sụp đổ của chế độ quân chủ vào năm 2006 và sự thành lập một nhà nước thế tục đã củng cố mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, đất nước đã phải đối phó với mối đe dọa của khủng bố kể từ sau đó, đặc biệt là từ người Ấn giáo.

Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2009, một nhóm Ấn giáo cực đoan tự xưng là Quân đội phòng vệ Nepal đã kêu gọi Nhà vua trở lại cầm quyền. Nhóm cũng đã thực hiện các cuộc tấn công chống lại các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. Các vụ tấn công tồi tệ nhất là những cuộc tấn công năm 2008, chống lại đền thờ Hồi giáo Birantnagar, và cuộc tấn công năm 2009, chống lại Nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Công giáo ở Kathmandu. (AsiaNews 12-9-2011)
 
Diễn đàn Caritas tại Singapore: Xây dựng một xã hội hỗ trợ người nghèo
Nguyễn Trọng Đa
15:22 14/09/2011
Singapore - Giáo Hội phải xây dựng một xã hội mới bao gồm và hỗ trợ người nghèo, - ông, tân Tổng thư ký của Caritas Quốc tế (Internationalis), nói như vậy tại Diễn đàn nhân đạo và Hội chợ đầu tiên của Singapore, với sự tham dự của khoảng 600 người.

Ngày 10-9, ông Michel Roy phát biểu và nhắc đến thông điệp Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức XVI: “Chúng ta phải phát minh các cách thức mới để xây dựng một xã hội, mà trong đó tất cả mọi người sẽ sống đúng phẩm giá của mình. Chúng ta cần tham gia việc này. Các bạn không thể xây dựng các giải pháp mà không có những người đang sống các vấn đề ấy".

Tổng thư ký mới được bổ nhiệm của Caritas nói rằng "chúng ta không phải là các tổ chức, chúng ta là những người cùng đến với nhau để giúp đỡ người nghèo, và cổ vũ công lý". Ông Michel Roy kế nhiệm cô Leslie-Ann Knight cách đây vài tháng tại trụ sở của Caritas, mà vị Chủ tịch là Đức Hồng Y Oscar Maradiaga.

Diễn đàn, được tổ chức bởi Charis Singapore, qui tụ 30 tổ chức tham gia các hoạt động nhân đạo trên khắp thế giới. Diễn đàn nhằm mục đích là một cuộc gặp mặt để tiếp xúc, tạo mối hợp tác với nhau, và thu hút các người tình nguyện mới cho nhiều dự án khác nhau. Khách mời danh dự, Đức Tổng Giám mục Nicholas Chia, đã kêu gọi các tình nguyện viên hãy cống hiến thêm thời giờ của mình cho người nghèo ở nhiều nước khác.

Tổng Giám mục nói: “Thật là tốt khi các bạn muốn tìm hiểu về các khó khăn, mà các anh chị em đồng nghiệp của chúng ta gặp phải ở các khu vực khác của thế giới, và học hỏi lẫn nhau cách thức chúng ta có thể là các người phục vụ hiệu quả hơn của Chúa Kitô, trong việc đáp ứng các nhu cầu nhân đạo, cho dù họ đó là trường hợp khẩn cấp, sự biến đổi khí hậu, di cư, y tế, giáo dục, an ninh lương thực hoặc xây dựng hòa bình".

Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng mặc dù các tổ chức nhân đạo có thể thúc đẩy, phối hợp và huy động, công tác thực sự cần được thực hiện bởi các cá nhân.

Ngài nói tiếp: "Trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu, Chúa Giêsu đã nêu ra rằng một người hoàn toàn xa lạ cũng là hàng xóm của chúng ta. Chúng ta thật là may mắn tại Singapore vì được chúc phúc với nhiều của cải, mặc dù vẫn có xung quanh ta một số người nghèo”. Ngài nói: “Mỗi người Công Giáo đã rửa tội phải sống sứ mạng xã hội của mình. Tôi khuyến khích các bạn hãy có các bước tích cực, để mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho anh chị em chúng ta trên khắp thế giới".

Trong số các tham dự viên tại Diễn đàn nhân đạo và Hội chợ có nhiều người trẻ, những người rất thích các bài thuyết trình, và có cơ hội để tương tác với các tổ chức khác nhau tại các gian hàng của mình.

Anh Sheril Amilia, một sinh viên tổ chức hoạt động tình nguyện ở nước ngoài, nói: “Diễn đàn là một giới thiệu tốt cho rất nhiều tổ chức. Chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn, nhiều tổ chức mà chúng tôi có thể bắt tay cộng tác làm việc với họ. Đây là một cơ hội tuyệt vời để làm quen các đối tác và làm việc chung với nhau”.

Lucian Lee, 16 tuổi, điều anh cần là nhu cầu tác động mọi người, nói: “Kiếm được các tình nguyện viên và nguồn nhân lực là một điều khá khó khăn. Còn việc kiếm tặng vật thì dễ dàng hơn, vì có rất nhiều người giàu có và quảng đại tại Singapore".

Về phần mình, chị Catherina Goenadi, 23 tuổi, phát biểu: “Diễn đàn giới thiệu tôi làm công tác nhân đạo trong bối cảnh của Giáo hội Công giáo, dựa trên Kinh Thánh và đức tin của chúng tôi". (AsiaNews 12-9-2011)
 
Top Stories
Vietnam: Les Etats-Unis critiquent la situation religieuse au Vietnam mais ne font pas figurer le nom de ce pays sur la liste des pays préoccupants en ce domaine
Eglises d'Asie
07:22 14/09/2011
Mardi 13 septembre, le département d’Etat américain a fait paraître son rapport annuel sur la liberté religieuse dans le monde et publié la liste des pays « particulièrement préoccupants en matière de liberté religieuse ». Bien que le nom du Vietnam ne figure pas sur cette liste, le rapport des Affaires étrangères ne comporte pas moins de vingt pages sur la situation religieuse dans ce pays (1).

Michael Posner, assistant au secrétaire d’Etat, a ainsi résumé la partie du rapport consacré au Vietnam : « Selon ce rapport, le Vietnam a accompli un certain nombre de progrès, mais on doit aussi noter des reculs sur plusieurs points. Le gouvernement a autorisé la construction d’une centaine de lieux de culte. Mais il subsiste encore des violations graves, surtout de la part des autorités locales. Il faut signaler, entre autres, la non-reconnaissance d’un certain nombre de groupes religieux, tels que des communautés protestantes sur les Hauts Plateaux ou encore les bouddhistes Hoa Hao. Le présent rapport dénonce également les arrestations et la persécution des paroissiens de Con Dâu. En outre, les autorités viennent de ramener le P. Thaddée Nguyên Van Ly en prison après l’avoir relâché durant seize mois pour soigner les suites de plusieurs attaques cérébrales, dues aux très sévères conditions de son incarcération » (2).

En ce qui concerne l’Eglise catholique, le rapport passe en revue un certain nombre d’affaires qui se sont déroulées au cours de l’année 2010. Comme le signale Michael Posner, la libération provisoire du P. Thaddée Nguyên Van Ly est largement évoquée (3). Il est également question de la paroisse de Dông Chiêm où, au mois de janvier 2010, la police a abattu une croix monumentale et très sévèrement réprimé les protestations des paroissiens (4). Un long paragraphe détaillé est consacré à la paroisse de Côn Dâu, et aux divers épisodes de cette tragédie (5). Il est également question de l’interdiction faite à l’évêque de Kontum de rendre visite à certaines communautés catholiques du diocèse (6). Le rapport signale aussi certains développements positifs de la politique religieuse de l’Etat vietnamien, comme par exemple l’aide qu’il a apportée à la célébration de l’Année sainte 2010 par l’Eglise catholique.

En 2004, le Vietnam avait été placé sur la liste des pays préoccupants en matière religieuse, parce qu’il n’avait pas satisfait aux exigences des Etats-Unis concernant l’exercice de la liberté religieuse, à savoir la libération de personnes emprisonnées à cause de leurs croyances religieuses et un certain nombre d’autres demandes. A la fin de l’année 2006, avant la venue de Georges Bush à Hanoi pour participer au congrès de l’APEC, les Etats-Unis avaient retiré le nom du Vietnam de la liste en question, considérant que ce pays avait accompli des progrès en matière de liberté religieuse. Cependant, depuis lors, à plusieurs reprises, des propositions ont été faites, notamment, la Commission américaine pour la liberté religieuse dans le monde, afin de faire figurer à nouveau le Vietnam sur la liste, en compagnie de cinq autres nations, mais ces proposition n’ont pas été retenues et seuls huit pays sont citées sur la liste présentée, le 13 septembre dernier : l’Arabie Saoudite, la Birmanie, la Chine, la Corée du Nord, l’Erythrée, l’Iran, l’Ouzbékistan et le Soudan.

(1) On peut trouver la partie du rapport concernant le Vietnam à l’adresse suivante : http://www.state.gov/g/drl/rls/irf/2010_5/168382.htm
(2) Cité par Radio Free Asia, émissions en vietnamien, 13 septembre 2011.
(3) Depuis, le P. Ly a été reconduit en prison. Voir dépêche EDA du 28 juillet 2011 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/vietnam/apres-un-an-et-quatre-mois-d2019interruption-de-peine-le-p.-nguyen-van-ly-est-interne-de-nouveau
(4) Voir EDA 522
(5) On trouvera le premier article sur l’affaire de Con Dâu dans EDA 523.
(6) Voir EDA 539

(Source: Eglises d'Asie, 14 septembre 2011)
 
Vatican lists core teachings that breakaway traditionalists must accept to return to fold
Nicole Winfield /AP
15:28 14/09/2011
VATICAN CITY - The Vatican told a breakaway traditional Catholic group on Wednesday that its members must accept some core church teachings if they want to be brought back into the Roman Catholic fold.

The Vatican didn't say what the disputed teachings were, but a top official of the group recently made clear it remains opposed to the church's decades-long outreach to Jews, Muslims and members of other faiths.

The Vatican's chief doctrinal official, Cardinal William Levada, met with Bishop Bernard Fellay, head of the Society of St. Pius X, for over two hours to discuss the conditions under which the society could be welcomed back into the church. It was the latest in Pope Benedict XVI's efforts to reconcile with the group opposed to the liberalizing reforms of the Second Vatican Council.

The Vatican said it handed over a two-page note listing core principles of church teaching and interpretation that must be accepted by the society's members. But it said specific issues about Vatican II could be left to "legitimate discussion" and study.

If the society accepts the Vatican terms, the "most plausible solution" would be for it to become a personal prelature within the church, Vatican spokesman the Rev. Federico Lombardi said. In practical terms, that means that Fellay wouldn't answer to any diocese, but to the Holy See — a unique church structure currently assigned only to the conservative movement Opus Dei.

The Society of St. Pius X was founded by the late ultraconservative Archbishop Marcel Lefebvre in 1969 and split from Rome over the interpretation of Vatican II's reforms, particularly those that revolutionized the church's relations with Jews and allowed for the celebration of Mass in languages other than Latin.

In 1988, the Vatican excommunicated Lefebvre and four of his bishops after he consecrated them without papal consent.

Despite concerns from liberal Catholics, Benedict has worked for two decades, as pope and as cardinal, to bring the group back into the Vatican's fold, eager to prevent further schism and the expansion of a parallel church.

The society, which is based in Menzingen, Switzerland, has six seminaries, three universities and 70 primary and secondary schools around the globe. Aside from the four bishops, it boasts more than 550 priests and 200 seminarians.

Benedict's outreach to the society is one of many initiatives he has taken in favour of conservative and traditionalist Catholics, while he has punished progressive clerics and silenced debate about priestly celibacy and women priests.

In 2007, Benedict answered one of Fellay's key demands by relaxing restrictions on celebrating the Latin Mass. Two years later, he answered another demand and lifted the excommunication of the four bishops, including that of a Holocaust denier whose rehabilitation sparked outrage among Jews and Catholics alike.

In the two years since, the Vatican and the society met eight times to try to work out the theological and doctrinal differences that separated them in a bid to fully reconcile the society's members with the church. Those talks led to Wednesday's set of minimal requirements issued by the Vatican.

Lombardi said he expected the society would respond within a few months, though there is no deadline.

Fellay said he would take time to study the document and consult with the society's membership.

In an interview with the society's affiliated Dici news agency, Fellay insisted after the meeting that the society's members were in full agreement with core church dogma. He said the Vatican, in issuing its conditions, is clearly making a distinction between dogma that is essential to the faith and "pastoral" issues stemming from Vatican II that can be subject to discussion.

The Holy See had previously insisted that the society's members must "fully recognize" Vatican II as well as the teachings of all the popes who came after it, if they want to be fully reintegrated into the Church. Wednesday's statement seemed to provide some wiggle room: it said there could be further discussion, study and explanation of elements of Vatican II documents.

Lombardi was asked if, in the minimum requirements, the society would be required to accept the Vatican II document "Nostra Aetate," which revolutionized the church's relations with Jews by saying Christ's death could not be attributed to Jews as a whole.

Lombardi said he didn't know. It is clear, however, from recent public statements by some of the society's members, that they still hold Jews responsible for Christ's death and reject Vatican II's interrelgious and ecumenical outreach.

"How can anyone entertain the thought that God will be pleased with the Jews, who are faithful to their fathers, who crucified the son of God?" said society's French superior, the Rev. Regis de Cacqueray, in a Sept. 12 speech. "How could he give ear to prayers addressed to Allah, whose disciples relentlessly persecute Christians?"

The society says it is upholding true Catholic tradition by rejecting elements of Vatican II's teachings, and says the Church's current problems, including a shortage of priests, are a direct result of the 1962-65 Vatican II meetings.

(source: http://ca.news.yahoo.com/vatican-lists-core-teachings-schismatic-traditionalists-must-accept-113016746.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vui Trung Thu dưới Mưa
FX. Trần Kim Ngọc, OP
07:11 14/09/2011
Ban Mục vụ Di dân thuộc Tu viện thánh Martin tổ chức Đêm hội Trung thu đầu tiên cho Thiếu nhi Di dân tại hai địa điểm (đểm 1 và điểm 2) với sự tham gia của 450 em thiếu nhi di dân không Công giáo chưa kể người lớn.

Đêm hội diễn ra dưới bầu trời mưa. Mặc dù trời mưa, thiếu nhi cùng các bậc phụ huynh di dân vẫn vui vẻ tích cực tham gia. Đêm hội Trung thu được tổ chức tại hai địa điểm với sự cộng tác và hỗ trợ của Giáo xứ Lộ Đức qua Caritas, bên cạnh đó còn có các màn biểu diễn múa lân của hai đội lân thuộc Nhóm Vui Trong Giêsu (nhóm trực thuộc Ban Mục vVụ Di dân) và một đội lân của Giáo lý viên Giáo xứ Lộ Đức. Chương trình có hai phần: phần dành cho thiếu nhi và phần dành cho người lớn. Nội dung chương trình gồm: cầu nguyện, các trò chơi, sinh hoạt vòng tròn, băng reo, vũ điệu, múa lân, lôtô… Tất cả những người tham gia lễ hội đều tích cực, vui vẻ và cũng có ý thức giữ trật tự.

Thay mặt cho bà con và các em thiếu nhi di dân, chúng tôi xin cảm ơn những sự đóng góp và hỗ trợ từ Giáo xứ Lộ Đức, các bạn trẻ, những người thiện nguyện và các cộng tác viên. Ước gì những đóng góp và nỗ lực của quý vị sẽ làm vơi đi những vất vả lầm than của anh chị em di dân nghèo.
 
Caritas Hải Phòng phát quà cho thiếu nhi dịp Trung Thu
Nguyễn Liên
07:44 14/09/2011
HẢI PHÒNG - Năm nào cũng vậy cứ đến tết Trung Thu là Cha giám đốc Caritas Hải Phòng cùng với nhân viên lại tới thăm và tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt tại trường khiếm thính, năm nay có thêm Mái Ấm Thanh Xuân đây là mái ấm nuôi dạy trẻ em HIV.

Xem hình ảnh

Sự quan tâm của Ban bác ái Caritas hải phòng để các em luôn cảm nhận được dù có bệnh tật nhưng các em vẫn được yêu thương và chăm sóc như bao trẻ khác.

Ngày 11.08.2011 Chúng tôi đến với trường khiếm thính của Hải Phòng là một đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng, trường được thành lập từ năm 1976 với tên gọi trường dạy chữ và dạy nghề cho trẻ điếc Hải Phòng độ tuổi từ 6 đến 20 tuổi, đối tượng học sinh là các em câm điếc chậm phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, trẻ tự kỷ và đa tật.

Với chức năng là dạy văn hóa, dạy nghề, phục hồi chức năng cho trẻ điếc trên toàn thành phố và các tỉnh lân cận, để phù hợp với nhu cầu học tập của các em, nhà trường đã tổ chức đa dạng hóa các loại hình giáo dục; giáo dục can thiệp sớm, giáo dục hội nhập, giáo dục chuyên biệt và hướng nghiệp dạy nghề, tổng số lớp học của trường gồm 17 lớp, trong đó có 12 lớp học văn hóa ( từ lớp 1 đến lớp 8) và 5 lớp học nghề: may, mộc, dệt len, tin học, được biết trong những năm qua đã có nhiều em trưởng thành có thể làm việc tự nuôi sống bản thân, giảm bớt nỗi lo của gia đình và xã hội.

Năm nay trường đón nhận 190 em học sinh câm điếc trong đó có 60 em nội trú và 120 bán trú học hai buổi một ngày, ở đây các em được chăm lo chu đáo, để có được điều này là nhờ vào sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, sự nhiệt tình của thầy cô giáo đặc biệt là Linh mục Vũ Văn Kiện người bạn đồng hành của các em, năm 2009 Ngài đã tặng cho 100 em máy trợ thính mỗi cái trị giá 1 triệu đồng, giúp các em rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày.

Ngày hôm nay khi thấy Linh mục đến thăm, các em đã nở nụ cười thật tươi làm dấu thánh giá ra hiệu với các bạn mới vào trường rằng đó là một vị Cha Đạo ở nhà thờ tôi hiểu rằng em đang giải thích đó là một vị Linh mục của nhà thờ, định nói chuyện với các em mà không biết làm hiệu để các em hiểu, nhìn những hình ảnh đó của các em mà lòng tôi không khỏi xót xa, những gương mặt ngây thơ đáng yêu ấy, đang cố gắng muốn thể hiện niềm vui lòng biết ơn của mình đối với vị Linh mục và các thầy cô đã tổ chức cho các em có cuộc sống và buổi tết trung thu vui vẻ.

12.08.2011 chúng tôi đến với các trẻ em Mái Ấm Thanh Xuân, tại đây có 20 trẻ, em nhỏ nhất là 6 tháng tuổi, lớn nhất 12 tuổi, trong số này 12 trẻ đang học tiểu học còn lại các em đang theo học mẫu giáo. Tuy bị HIV nhưng các em được yêu thương và chăm sóc rất tốt, nhờ sự tận tình của các Mẹ và các nhà hảo tâm mà những trẻ trước đây chúng tôi chăm sóc tại cộng đồng gầy gò ốm yếu thì hôm nay nếu không có mối thân tình từ trước có lẽ chúng tôi sẽ không còn nhận ra các em, em Nguyễn Thi Tuyết Mai ở Kiến An trước đây tại cộng đồng em bị kỳ thị phân biệt đối xử không được chăm sóc tốt cha mẹ em đã chết vì AIDS những người nuôi dưỡng thì không đủ kinh tế cũng như kiến thức và tình yêu thương vượt thắng sự kỳ thị của những người xung quanh để nuôi dạy các em tốt, hay có những em chúng tôi sợ rằng không sống được cho đến ngày hôm nay, nhưng thật vui mừng biết bao nhiêu khi liên hệ được với ban lãnh đạo Mái Ấm Thanh Xuân để gửi các em vào đây được yêu thương vào chăm sóc bởi các mẹ ( người chăm sóc các em) những nhà hảo tâm, trong đó có tình nguyện viên và Ban bác ái Caritas Hải Phòng tới với các em hàng tháng.

Lòng bình an khi nhìn thấy các em vui cười hạnh phúc trước những tiết mục văn nghệ đơn sơ mà các anh chị tình nguyện viên và của chính các em biểu diễn cùng với những món quà mà quý ân nhân gửi tặng.

Xin cảm ơn tất cả những người có tấm lòng bác ái yêu thương đã quan tâm và chăm sóc các em với cả tấm lòng của những người làm cha làm mẹ, nguyện chúc cho quý ân nhân luôn được bình an và hạnh phúc.
 
Giới Trẻ thăm viếng Mùa Trung Thu ''Những mảnh trăng cuộc đời''
Ban Liên Lạc
15:51 14/09/2011
CỦ CHI - “Những mảnh trăng cuộc đời” là tên chương trình tình nguyện mùa trung thu của nhóm Giới trẻ Phát Diệm tại miền Nam. Anh chị em đã tới thăm nhà dưỡng lão ngay sau khi đặt chân xuống huyện Củ Chi.

Xem hình ảnh

Mọi người bắt đầu bằng việc hỏi thăm các cụ, hầu hết các cụ nhà dưỡng lão đã yếu lắm… Được nói chuyện, chia sẻ, được trêu đùa, được hỏi thăm ân cần, được bóp chân bóp tay cho các cụ hay đôi lúc còn bón cơm cho các cụ nữa để rồi mỗi lần chia tay mọi người cảm thấy lòng mình thật thoải mái và bình yên

Một trong những phần quan trọng trong chương trình là Thánh lễ do Cha linh hướng Giuse chủ sự. Bằng những hình ảnh, những câu chuyện sinh động, cha đã hướng các em nhỏ và các bạn trẻ đến với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - những mảnh trăng khuyết cuộc đời … Cha nhấn mạnh, qua những hoạt động, không chỉ là sự sẻ chia của nhóm Giới trẻ Công giáo với hoàn cảnh mồ côi, mất mát, khó khăn của các em, mà còn chính là dịp nhân lên tình cảm thương yêu ở nơi mỗi người trẻ, đùm bọc lẫn nhau trong mỗi tâm hồn, thắp lên ngọn lửa đầm ấm tình của tình yêu Thiên Chúa.

Cha noí: Mỗi ngày qua đi trong cuộc sống của các em mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, luôn hiện hữu những phần quà tinh thần để mỗi người cùng có thêm nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tình yêu thương con người với con người và trên tất cả là tình yêu thương của Thiên Chúa.

Cuối cùng Cha nhấn mạnh, trên hết, chương trình là dịp để chính các em tự nhóm lên và tự nuôi dưỡng trong mình cái nhìn yêu thương, trong sáng đối với cuộc sống, với cộng đồng trên con đường hình thành và phát triển tâm lý và nhân cách. Bởi, đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, dù ít hay nhiều cũng không thể có một con đường bằng phẳng để các em đi lên trong cuộc đời, như bao trẻ em khác..

Trong cuộc viếng thăm này, các cuộc nói chuyện ân cần và cử chỉ trìu mến của các anh chị Giớ trẻ đã tạo ra bầu không khí cởi mở và thân thiện như trong một đại gia đình.

Sau bữa ăn thân mật và thật vui vẻ là đến giờ khai mạc chương trình văn nghệ và đốt lửa trại của Cha Giuse.

Tiết mục văn nghệ mà các em dành tặng cho các anh chị Giới trẻ có ý nghĩa thật đặc biệt.Những phần quà tuy không lớn nhưng mang tới hạnh phúc và niềm vui không nhỏ cho các em.

Niềm vui trung thu của Giới trẻ vươn cao và tiết mục múa Lân chào đón của các em hội dòng Thiên Phúc.

Sau bao chờ đợi, phải vượt qua một chặng đường dài, cuối cùng thì ngọn lửa yêu thương cũng đã tới và người mang đến không ai khác chính là ông thần lửa vui nhộn.

Trước khi có cuộc thăm viếng anh chị em Giới Trẻ Phát Diệm đã có cuộc họp tĩnh tâm
vào ngày Chủ nhật 04/09/2011 tại An Dưỡng Viện Phát Diệm (212 Đường Lê Đức Thọ, Phường 15, Quận Gò Vấp.

Chương trình chi tiết như sau:

14h45 – 15h00: ĐÓN TIẾP.
15h00 – 15h30: KHỞI ĐỘNG.
15h30 – 15h45: TỔNG KẾT NHỮNG HOẠT ĐỘNG THÁNG TRƯỚC:
- Cảm ơn Cha linh hướng, quý ân nhân, và toàn thể các bạn trẻ.
- Báo cáo tổng thu và chi cho chuyến hành hương 07 - 08.08.2011.
- Đúc kết và rút kinh nghiệm.

15h45 – 16h00: THÁNH QUAN THẦY & NGÀY LỄ MỪNG BỔN MẠNG CỦA NHÓM:
- Câu chủ để của Nhóm:“Hãy bùng cháy lên!” (Lấy ý từ câu Kinh Thánh được trích trongLc 12, 49:

“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”)
- Thánh Bổn Mạng và ngày mừng: Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II

16h00’ – 16h30’: HỌP BÀN VỀ CHUYẾN ĐI CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀO DỊP TRUNG THU:
· Địa điểm: Củ Chi
· Đối tượng tình nguyện: Các em mồ côi (50 em, có 30 nam và 20 nữ) & các cụ già trong nhà dưỡng lão.
· Nội dung tình nguyện: Vui chơi, thăm hỏi và tặng quà.
· Đối tượng TNV: Các thành viên trong GTCGPD – Miền Nam đều tham gia.

16h30 – 17h15: GẶP GỠ & TRAO ĐỔI VỚI BAC SĨ – TIẾN SĨ TÂM LÝ:
1. Giới thiệu và làm quen với bác sĩ tâm lí Phạm Ngọc Thanh - chuyên viên tâm lý đào tạo và thực hành tại trường tâm Tâm Lí Paris
2. Chia thành các nhóm nhỏ để trao đổi và thảo luận các câu hỏi.
3. Lời đúc kết của Ts. Thanh
4. Cảm ơn Ts. Thanh đã tới để chia sẻ những khúc mắc trong tâm lí của anh chị em.

17h15 – 17h30: GIẢI LAO & TẬP HÁT
- Làm quen các thành viên mới và chúc mừng sinh nhật, bổn mạng trong nhóm,
- Tập hát chuẩn bị lễ: Anh Phê-rô Nguyễn Văn Ngọc (Trưởng ban thánh nhạc) sẽ tập hát cho nhóm.

17h30 – 18h20: THÁNH LỄ TẠ ƠN:
- Thánh lễ tạ ơn & cầu nguyện cho nhóm: Cha Linh hướng Giuse sẽ dâng Thánh Lễ.

18h20 – 18h40: VIẾNG PHẦN MỘ CHA NGUYÊN GIÁM ĐỐC TRỤ SỞ PHÁT DIỆM TẠI VƯỜN THÁNH:

18h40’ – 19h00: CHIA TAY VÀ HỌP BLL ĐỂ RÚT KINH NGHIỆM
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phúc trình Thường niên về tự do Tôn giáo Quốc tế
Quỳnh Như / RFA
10:22 14/09/2011
WASHINGTON DC - Hôm thứ ba 13 tháng 9, Bộ Ngoại giao Hoà kỳ vừa công bố bản Phúc trình Thường niên về tự do Tôn giáo Quốc tế và công bố tên các nước nằm trong danh sách CPC (các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo).

Bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng

Hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều công bố bản Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo tại các nước trên thế giới. Phúc trình này phản ánh tình trạng thực thi tín ngưỡng của người dân, đồng thời cũng cho thấy mức độ tôn trọng quyền tự do tính ngưỡng của chính phủ các nước.

Phát biểu trong buổi lễ nhân dịp công bố Phúc trình về Tự do Tôn giáo Quốc tế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton nhấn mạnh:

“Bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của người dân ở các nơi trên thế giới luôn là mối quan tâm cơ bản của Hoa Kỳ; mối quan tâm này xuất phát từ những ngày đầu tiên Hợp Chủng quốc được thành lập và nó vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.Khi nhìn ra thế giới, chúng ta thấy ở một số nước chính phủ không tôn trọng hoặc không thừa nhận quyền tự do cơ bản nhất của con người; đó là quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Người dân tại các quốc gia này không được tự do cử hành các nghi thức tín ngưỡng mà mình đã chọn, hoặc giáo dục con cái theo tín ngưỡng truyền thống của gia đình, và cũng không được tự do bày tỏ niềm tin về tôn giáo của mình. Ngược lại, nếu theo một tôn giáo không được chính phủ công nhận, họ còn bị đặt trước nguy cơ bị kỳ thị, bị ngược đãi bằng bạo lực, và có khi còn bị bắt bớ.”

Đồng thời với việc công bố Phúc trình về Tự do Tôn giáo. Hàng năm Bộ Ngoại giao cũng thông qua danh sách một số nước cần được quan tâm, theo dõi trong vấn đề tôn trọng quyền tự do tính ngưỡng của người dân nước họ, gọi tắt là CPC. Danh sách CPC mới công bố năm nay gồm 8 nước trong đó có: Trung Quốc, Miến điện, Bắc Hàn, Iran, Ả-rập Xê-út, Sudan, Eritrea, và Uzbekistan.

Từ đầu năm nay, ngoài 8 quốc gia được nêu trong danh sách CPC kỳ này, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế còn đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa thêm vào danh sách CPC 6 nước gồm: Ai- cập, Nigeria, Iraq, Turkmenistan, Pakistan, và Việt Nam. Lý do là chính phủ của tất cả những nước này đều vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người dân một cách nghiêm trọng. Do vậy việc đưa tên các nước này vào danh sách CPC, kết hợp với những biện pháp “trừng phạt” trong quan hệ song phương sẽ khiến họ phải thay đổi thái độ đối với người dân và cải thiện tình hình nhân quyền, trong đó có vấn đề tự do tôn giáo. Khi Bộ Ngoại giao chính thức công bố danh sách CPC, chính quyền Mỹ thường có kèm các khoản chế tài về tài chính hay quân sự đối với những nước này.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam

Mặc dù Việt Nam không nằm trong danh sách CPC năm nay, phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dành 20 trang nói về tình hình tự do tôn giáo trong nước. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, ông Michael Posner nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam như sau:

“Theo báo cáo này Việt Nam có vài cải tiến, những vẫn còn một số thụt lùi. Chính phủ cho phép xây dựng mới hàng trăm nơi thờ phượng, tín ngưỡng. Nhưng những vấn đề vi phạm nghiêm trọng vẫn còn tồn tại, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là việc không thừa nhận một số tôn giáo như các nhóm Tin Lành ở các vùng cao hay Phật giáo Hoà Hảo. Báo cáo này cũng nêu rõ việc bắt bớ, đàn áp giáo dân Cồn Dầu. Ngoài ra, chính quyền cũng vừa đưa cha Nguyễn Văn Lý trở vào tù sau 16 tháng được trả tự do sau khi trải qua các cơn đột quỵ do bị giam giữ trong điều kiện nhà tù khắc nghiệt.”

Trước đây Việt Nam đã bị đưa vào danh sách CPC vào năm 2004, vì không đáp ứng đề nghị của Mỹ trong việc trả tự do cho một số người bị giam vì tín ngưỡng và một số yêu cầu khác. Cuối năm 2006, trước khi Tổng thống George W. Bush tới Hà Nội dự Hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam khỏi danh sách CPC vì cho rằng Việt Nam đã có những tiến bộ về tôn giáo. Nhưng liên tiếp từ năm 2006 cho đến nay các tổ chức nhân quyền và một số vị dân cử Hoa Kỳ yêu cầu đưa tên Việt Nam trở lại danh sách CPC, sau khi xảy ra các vụ khủng bố đàn áp tôn giáo trong nước.

Cũng xin được nhắc lại hồi tháng Mười năm ngoái, khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2009 tại 198 quốc gia trên thế giới, trong đó ghi rằng, Việt Nam tiếp tục có tiến bộ tuy còn nhiều vấn đề. Và ngay sau đó Việt Nam phản đối, cho rằng báo cáo này "vẫn còn có những đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam."
 
Văn Hóa
Đối diện
Jos. Tú Nạc, NMS
07:28 14/09/2011
Ngày lại ngày, ôi lạy Chúa đời tôi,
Trước dung nhan Người tôi hằng đối diện.
Chắp đôi tay, ôi lạy Chúa muôn loài,
Trước dung nhan Người tôi hằng đối diện.
Dưới trời cao quạnh hiu và thầm lặng,
Với trái tìm khiêm nhường
trước dung nhan Người hằng tôi đối diện.
Trong thế giới bao vất vả của Người,
Đầy rẫy khó khăn, tranh đấu không nguôi.
Trong số những đám đông đầy vội vã
Trước dung nhan Người tôi hằng đối diện.
Việc thế gian khi tôi đã hoàn thành,
Ôi,
Vua của những vua, cô đơn lặng tiếng
Trước dung nhan Người tôi hằng đối diện.
 
Đức Mẹ Sầu Bi
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:48 14/09/2011
ĐỨC MẸ SẦU BI

Chiều nay tang tóc u mờ
Can-vê tim Mẹ gươm vừa đâm sâu.
Đồi cao Thập Giá cắm sâu
Giêsu, con Mẹ gục đầu tắt hơi!

*

Bóng ai in giữa khung trời
Dưới chân Thập Giá treo người con yêu.
Tiếng ai nấc nghẹn bóng chiều
Lệ nhoà theo cảnh tiêu điều hoàng hôn.
Vâng từ chính cảnh u buồn
Con nhìn thấy Mẹ ngàn muôn dịu dàng,
Ánh lên muôn vẻ Thiên đàng
Toả ra muôn vẻ hiên ngang tuyệt vời !

*

Chiều nay nối đất với trời
Sầu Bi, Thánh Giá sáng ngời tình thương.
Lời cầu con quyện trầm hương
Dâng lên kính Mẹ lưỡi gươm thấu lòng !

Lm Phêrô Hồng Phúc

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Cò Lặn Lội
Richard Drysdale
10:33 14/09/2011
CÁI CÒ LẶN LỘI

Ảnh của Richard Drysdale

Cái cò lặn lội bờ sông

Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Bãi xa sông rộng sóng to

Vì lo cái bụng đi mò cái ăn

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Non.
Đặng Đức Cương
22:02 14/09/2011
TRĂNG NON
Ảnh của Đặng Đức Cương
Mùng ba, mùng bốn trăng non
Nửa cong câu bạc, nửa tròn cánh cung.
(Trích thơ của sư Trung Hoa)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền