Ngày 12-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 13/09: Đức Ki-tô chạnh lòng thương - Lm. Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD
Giáo Hội Năm Châu
03:23 12/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Đó là lời Chúa
 
Sức mạnh của đồng tiền
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:14 12/09/2022

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
SỨC MẠNH CỦA ĐỒNG TIỀN
Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13

Có lẽ, trong cuộc sống, tiền là từ mà mỗi ngày chúng ta nói nhiều nhất. Ngày nào chúng ta cũng nói đến tiền. Vì thế, có người định nghĩa: “Con người là con vật miệng luôn kêu tiền tiền.”

Sự kiện này cho thấy tiền bạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, người ta nói rằng: “Có tiền mua tiên cũng được.” Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về thói đời: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.”

Quả thế, tiền bạc có một sức mạnh kinh khủng và là một trong những phương tiện giúp chúng ta sống xứng đáng với nhân phẩm, sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Tuy nhiên, tiền bạc cũng có thể là thứ cám dỗ lớn nhất khiến nhiều người làm mọi cách, bằng mọi giá để sao có nhiều tiền, bất chấp luân thường đạo lý.

Để hướng dẫn chúng ta có một thái độ đúng đắn đối với tiền của, Chúa Giêsu hôm nay kể dụ ngôn về viên quản lý bất trung. Đây là một dụ ngôn hay nhưng lại khó giải thích. Có lẽ cái hay là cái khó, mà cái khó mới ló cái khôn. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng dụ ngôn này là một “crux interpretum” – thập giá để giải thích. Chúng ta cố gắng giải thích dụ ngôn về viên quản lý để hiểu sứ điệp Lời Chúa hôm nay.

Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?” Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua.” Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả.” Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.” Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.”

Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ. Câu chuyện này giúp ta hiểu dụ ngôn trong Tin Mừng.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu văn hóa của Do Thái về việc quản lý. Người quản lý thời đó không được trả lương, nhưng được chủ giao quyền để quản lý tài sản. Nếu ông không quản lý cách ngay thẳng hoặc thua lỗ, thì chủ có thể sa thải ông.

Chúa Giêsu nói đến trường hợp này, người quản lý có vấn đề nên chủ tính sẽ truất phế ông. Ông bắt đầu gọi con nợ đến viết lại biên lai, để sau này người ta rước ông về.

Chúa Giêsu không khuyên chúng ta học sự lưu manh và lừa lọc của ông ta, nhưng học nơi ông là biết khôn ngoan tận dụng mọi hoàn cảnh, biết dùng tiền của để xây dựng các mối tương quan bạn bè và nhất là để tìm kiếm hạnh phúc đời đời.

Qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học phải biết sử dụng của cải. Việc sử dụng của cải có ba mức độ:

1- Biết sinh lợi

Mức độ thứ nhất là biết sinh lợi những gì Chúa ban. Của cải Chúa ban là một hồng ân. Nếu Chúa ban cho chúng ta có của cải thì chúng ta phải biết sinh lời nó. Dụ ngôn về những nén bạc Chúa giao cũng ám chỉ điều đó. Phải làm sinh lời của cải để có thể làm giàu cho gia đình, xã hội. Dùng tiền bạc để tạo nên việc làm, phát triển nghề nghiệp, mang lại lợi tức cho đời. Chúng ta hãy làm giàu cách công chính trước mặt Thiên Chúa.

2- Biết xây dựng

Mức độ thứ hai là biết dùng tiền của để xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn. Bởi lẽ, người ta nói: có tiền là chuyện kinh tế, nhưng tiêu tiền là chuyện của văn hóa. Nghĩa là biết dùng tiền của để sống cho có tình có nghĩa.

Có người tiền nhiều nhưng chỉ bỏ trong ngân hàng, trong khi cha mẹ già bệnh tật đau yếu mà không bao giờ giúp đỡ.

Có người túi tiền đầy, nhưng tấm lòng thì hẹp và đóng lại trước những nỗi đau của người khác.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết dùng tiền của để đầu tư cho con cái, đào tạo thế hệ trẻ và phát triển các tài năng.

3- Để vào Nước Trời

Mức độ thứ ba cao hơn là dùng tiền của mua Nước Trời. Triết gia Gariel Marcel phân biệt hai phạm trù: có và là. Chữ “có” bao gồm của cải, sức khỏe và tài năng. Tất cả những điều này là phương tiện để giúp chúng ta sống chữ “là,” nên người hơn, nên thánh thiện hơn. Nghĩa là dùng tiền của để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không tôn thờ tiền bạc, vì nó là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu chúng ta coi tiền bạc là trên hết, khi đó bậc thang giá trị bị đảo lộn, các giá trị đạo đức, luân lý và nhân phẩm trở thành thứ yếu. Chúng ta có thể đánh đổi tất cả để có tiền. Khi đó, tiền bạc trở thành thảm họa cho chúng ta. Chúa Giêsu cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Khi có tiền của, chúng ta biết chia sẻ với người nghèo khổ, giúp đỡ những ai gặp khó khăn túng thiếu. Sống bác ái và chia sẻ những gì mình có với người khác là con đường dẫn chúng ta vào Nước Trời. Như Chúa dạy, khi Ta đói các người cho ăn, khi Ta khát các ngươi cho uống... Hãy vào mà hưởng niềm vui với chủ ngươi (Mt 25,25-30).

Cho nên, hãy dùng của cải để sống cho có tình nghĩa, nhân ái và tìm kiếm hạnh phúc thiên đàng mai sau. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 12/09/2022

58. Khi ái tình bay lên cao, thì những việc của thế tục không thể lôi kéo được nó.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:34 12/09/2022
96. CON MỌT CHẤP CHÁNH

Trong thế giới loại sâu bọ cũng có triều đình, có quận huyện, có quan lại, và cũng có bang giao với các chủng loại khác.

Hoàng đế sâu bọ thoạt đầu mệnh lệnh cho giòi bọ trong hố phân chấp chánh. Lâu dần quốc gia mất chủ quyền, thế lực quốc gia không phát triển được.

Hoàng đế sâu bọ rất sợ hãi bèn ra chiếu thư truyền đạt cấp dưới chiêu mộ người hiền, nhưng sau khi giòi bọ chấp chánh thì bổ nhiệm tất cả người tài đều là cùng chủng loại, hoàng đế hết cách, chỉ có thể phá lệ cất nhắc con mọt sách (loại sâu có đuôi) chấp chánh, bãi miễn chức quan của giòi bọ.

Lâu dần, quốc gia lại hủ bại như trước, quốc sự vẫn y như trước không tiến triển.

Hoàng đế thở một hơi dài nói:

- “Mới đầu ta nhìn thấy con mọt, thì cho rằng nó xuất thân từ trong sách thì nhất định là no đầy học vấn, nhưng nào ngờ ta đem chính sự ủy thác cho nó, thế mà nó cùng với thứ ăn phân kia là mặt hàng giống nhau !”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 96:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thì các loài sống từng bầy đàn đều có tổ chức của nó, chẳng hạn như loài ong, có ong chúa, ong thợ, ong đực.v.v...như thế mới thấy tính sáng tạo của Thiên Chúa là quyền năng.

Sống thành cộng đoàn là một ân huệ Thiên Chúa ban cho, nhờ đời sống cộng đoàn mà người tín hữu có ơn đoàn sủng, và nhờ đời sống cộng đoàn mà nhân loại biết thế nào là tình liên đới huynh đệ yêu thương. Cộng đoàn gia đình, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì, giáo phận, Hội Thánh địa phương, Hội Thánh toàn cầu.v.v...tất cả đều cùng liên kết với những vị giám mục chủ chăn địa phương của mình, hiệp thông với vị giám mục Rô Ma- Đức giáo hoàng.

Thiên Chúa chọn mục tử cho dân Ngài không phải là thiên thần, nhưng là những con người tội lỗi và khiếm khuyết, cho nên người mục tử phải luôn suy tư đến điều ấy, để sống làm sao xứng đáng với lòng thương yêu của Thiên Chúa đã chọn mình.

Cộng đoàn sa sút, cộng đoàn chia rẻ, phần lớn là vì người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm, và chưa sống như ý của Đức Chúa Giê-su: quên mình để phục vụ.

Một quốc gia sa sút yếu nhược là một quốc gia có những người làm quan to là sâu mọt đục khoét của công, có những quan nhỏ là giòi bọ rúc rĩa tiền bạc vất chất tài sản của người dân mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khôi phục những gì đã mất
Lm. Minh Anh
22:17 12/09/2022

KHÔI PHỤC NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
“Đừng khóc nữa!”.

Hai giọt nước mắt nhỏ xuống, cùng trôi ra dòng sông cuộc đời. Giọt này nói với giọt kia, “Bạn là ai?”. Giọt kia nói, “Tôi là giọt nước mắt của một cô gái đang yêu một người đàn ông và mất anh ta! Còn bạn, bạn là ai?”. “Ôi, tôi là giọt nước mắt của cô gái đã lấy được anh ấy!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay cũng nói đến những giọt nước mắt, không phải của những cô gái đang yêu, nhưng của một bà mẹ mất con; qua đó, tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ! Đó là một tình yêu lớn hơn sự chết! Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ trên từng khuôn mặt; vì Ngài là tình yêu, luôn ‘khôi phục những gì đã mất’, và luôn làm cho sống!

Như quả phụ Nain mất đứa con duy nhất của mình, con người có nhiều “lý do” để tuyệt vọng, bởi nó vô phương giải quyết muôn vàn khó khăn, nhất là những lúc đối diện với cái chết; lúc ấy, nó bất lực thật sự trong việc giúp đỡ người khác. Vậy mà, Chúa Giêsu vẫn trấn an, “Đừng khóc nữa!”. Quyền năng vô hạn của Ngài giải phóng chúng ta khỏi những giới hạn bi thảm của con người; hơn nữa, “Chúng ta biết rằng, mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.

Với tư cách Đấng Cứu Chuộc, Ngài hành động! Vì thế, “Đừng khóc nữa!” mang trọng lượng của một mệnh lệnh hơn là một ủi an. Như ngày tận thế, khi đau khổ và cái chết có thể xuất hiện, thì cuối cùng, Thiên Chúa bày tỏ một tình yêu luôn làm cho sống; sách Khải Huyền viết, “Ngài sẽ lau mọi giọt lệ trên mắt họ, và sẽ không còn chết chóc, than khóc hay đau đớn nữa”. Quả phụ Nain sắp nhận được một ân sủng khôn lường, không thể tưởng tượng so với nỗi buồn của cô; vì rằng, con cô sống lại. Bạn và tôi cũng hãy hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa Kitô, Đấng ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi chúng ta và nơi cả những người thân yêu của chúng ta.

“Hỡi thanh niên, Tôi truyền cho anh hãy chỗi dậy!”. Chúa Giêsu không an ủi tôi chỉ đơn giản bằng cách loại bỏ cảm xúc hoặc để tôi tưởng tượng rằng, mọi thứ khác với thực tế. Thay vào đó, Ngài hành động để loại bỏ nguyên nhân gây ra đau khổ và buồn phiền; sách Xuất Hành viết, “Vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành các ngươi!”. Khi nói với quả phụ Nain, “Đừng khóc nữa!”, Ngài không kết tội cô là một phụ nữ dễ xúc động và làm quan trọng mọi việc; ngược lại, Chúa Giêsu xót thương cô vì sự mất mát con trai yêu quý. Vì vậy, với tất cả trái tim và linh hồn, tôi phải tin để hy vọng rằng, cuộc sống của tôi nằm trong tay Chúa; cuộc sống của những người thân yêu của tôi nằm trong tay Chúa. Như Phaolô, bạn và tôi cần mạnh mẽ tuyên xưng, “Chúng ta sống, là sống cho Chúa; và chúng ta chết, là chết cho Chúa!”.

Anh Chị em,

“Đừng khóc nữa!”. Đó là lời một thanh niên có tên Giêsu nói với bà mẹ Nain đi ra từ trong thành; thứ Sáu tuần thánh, Giêsu ấy cũng ra khỏi thành, Mẹ anh cũng khóc. Ô hay! Anh không an ủi bà, anh không tự cứu mình mà đã chết thật; để rồi, nhờ cái chết của mình, Giêsu ấy đã kéo toàn thể nhân loại vào Giêrusalem thiên quốc, thành thánh trên trời. Luca viết, “Đoạn tiến lại gần, Ngài chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại”. Lòng từ bi vĩ đại đã hướng dẫn hành động của Chúa Giêsu! Ngài quyết định đương đầu với cái chết, có thể nói là mặt đối mặt; và sẽ đối đầu với nó cách dứt khoát, trực diện, trên Núi Sọ! Với thanh niên Nain đã chết, Ngài nói lớn tiếng cho mọi người nghe, “Hãy chỗi dậy!”; với mỗi người chúng ta, Ngài cũng nói, “Hãy chỗi dậy!”. Giêsu muốn bạn và tôi chỗi dậy, đứng thẳng; Ngài tạo ra chúng ta để đứng thẳng và đứng vững trên đôi chân mình. Vì lý do này, lòng từ bi vĩ đại của Ngài cũng sẽ chữa lành bạn và tôi; điều quan trọng là “Hãy chỗi dậy! Đứng lên!”, và để Ngài ‘khôi phục những gì đã mất!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong dòng sông cuộc đời của con, xin gạt bỏ những gì trở ngại cho sự mới mẻ của cuộc sống mà Chúa gọi con chỗi dậy để sống. Xin ‘khôi phục những gì đã mất’ nơi con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô: nền văn hóa triệt tiêu chỉ là dị bản của chủ nghĩa thực dân mà nó muốn nhổ tận gốc
Vũ Văn An
14:56 12/09/2022

Nhà viết tiểu luận Jean Duchesne trên tờ Aleteia ấn bản tiếng Pháp, ngày 30/08/22, có bài ca ngợi lòng can đảm của Đức Phanxicô trong việc vạnh bộ mặt thật của nền văn hóa triệt tiêu đang tung hoành trên thế giới, kể cả ở Canada, nhân chuyến viếng thăm nước này vào cuối tháng 7 vừa qua.



Thực vậy, trong “chuyến hành hương tạ tội” ở Canada, Đức Phanxicô đã chỉ trích mạnh mẽ nền văn hóa triệt tiêu. Các phương tiện truyền thông đã đề cập đến nó một cách phải lẽ, nhưng không hề ngạc nhiên. Tuy nhiên, có lý do để tự hỏi liệu cuộc tấn công chống lại một phong trào đương thời chuyên tố cáo mọi loại áp bức có làm mờ nhạt mục tiêu của chuyến đi này: trình bày lời xin lỗi và cầu xin tha thứ cho việc tham gia của các Kitô hữu vào nền chính trị thảm khốc chủ trương Đồng hóa cưỡng bức Người bản địa ở Canada trong Thế kỷ 19 và 20 hay không.

Giải đáp cho câu hỏi trên có thể được tóm gọn trong một chữ duy nhất: thực dân hóa. Điều này ngày nay bị lên án là thực hiện một cách khuyển nho sự thống trị kinh tế-kỹ thuật, một nền thống trị cho phép người phương Tây da trắng khai thác phần còn lại của thế giới bằng cách coi thường và đàn áp truyền thống, văn hóa và bản sắc của toàn bộ các quốc gia, bị tuyên bố là thấp kém. Đức Giáo Hoàng táo bạo lập luận rằng chủ nghĩa thực dân vẫn chưa biến mất, và những người duy trì nó là những người chống chủ nghĩa thực dân quyết liệt nhất. Tất nhiên, tinh thần chiến đấu này không nhằm kiểm soát các quốc gia về mặt quân sự để áp đặt luật pháp của mình ở đó và tận dụng nguồn nhân lực và vật lực của họ. Chủ nghĩa thực dân mới này có tính ý thức hệ. Ngay trong tông huấn Querida Amazonia năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết rằng “việc thực dân hóa không dừng lại, thậm chí nó còn tự biến đổi ở một số nơi, tự ngụy trang và ẩn mình”.

Điều trên có nghĩa là nó đàn áp một cách tàn nhẫn bất cứ ý kiến nào khác với ý kiến của nó. Do đó, nó là một loài khủng bố trí thức và luân lý. Nó không khoan dung nghĩa là, trong khuôn viên Đại Học, trong giới nghệ thuật và trên các phương tiện truyền thông, nó ngăn cản, không cho lên tiếng bất cứ ai bị nghi ngờ không những phân biệt chủng tộc, mà còn kỳ thị đồng tính, kỳ thị chuyển giới hoặc đơn giản thiếu nhiệt tình vô điều kiện đối với hôn nhân đồng tính, hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ, phá thai, hỗ trợ tự tử, an tử, v.v. Đây là điều mà nữ triết gia Sylviane Agacinski, trong số những người khác, đã trở thành nạn nhân ở Pháp và trong thế giới Anglo-Saxon, là J.K. Rowling, người tạo ra Harry Potter.

Mâu thuẫn

Có một mâu thuẫn ở đây tương tự như mâu thuẫn của những người thực dân của "thời hiện đại" trong hai thế kỷ trước: họ muốn xuất khẩu những nguyên tắc của họ, những nguyên tắc mà họ tuyên bố là phổ quát, và họ chà đạp các "giá trị" vốn tạo ra ưu thế của họ: nhân quyền, tự do, dân chủ - chưa kể đến đức ái Kitô giáo… Việc nói ngược nói xuôi trong cùng một trật tự có nghĩa là ngày nay, như Đức Phanxicô đã chỉ ra trong bài phát biểu của ngài tại thành cổ Québec vào ngày 27 tháng 7, chính "nhân danh bảo vệ sự đa dạng" mà người ta " kết cục ở chỗ xóa bỏ mọi cảm thức về bất cứ bản sắc nào, với nguy cơ làm im lặng các lập trường bảo vệ ý niệm tôn trọng và quân bằng các mẫn cảm khác nhau".

Chính trong chiều hướng này, “suy nghĩ tốt” từng cổ vũ một cách dữ tợn tính hợp pháp của mọi sự khác biệt đến nỗi đã đi đến chỗ phủ nhận chính nó. Nó "áp đặt các mô hình văn hóa đã thiết lập sẵn" vốn "làm ngơ đời sống cụ thể của con người" và "bóp nghẹt sự gắn bó tự nhiên với các giá trị của các dân tộc, bằng cách cố gắng nhổ bỏ truyền thống, lịch sử và các ràng buộc tôn giáo của họ". Nói trắng ra, hầu hết những người "bị thực dân hóa" thuở xưa cảm thấy khó khăn trong việc đứng chung hàng với chủ nghĩa tự do (một cách đặc biệt có tính sắc dục nhưng không chỉ có tính sắc dục) hiện đang thịnh hành ở phương Tây: hãy xem sự phản kháng của những người Châu Phi trong hiệp thông Anh giáo đối với các vụ kết hợp đồng tính luyến ái và đối với các giáo sĩ đồng tính, đặc biệt khi việc này đi xa tới các nữ giám mục đồng tính.

Anh Cả luôn ở đó

Đức Giáo Hoàng từng nói rằng ở đó có “một phong thái văn hóa nhằm độc dạng hóa trên cơ sở độc hữu các “quyền và nhu cầu của một số cá nhân”. Điều này có nghĩa là ngăn chặn bất cứ sự nhạy cảm nào khác và “nhổ tận gốc các truyền thống, lịch sử và dây nối kết tôn giáo” của các nhóm dân cư, mà còn “đánh giá quá khứ chỉ dựa trên cơ sở một số phạm trù hiện tại”. Đó chính là nền văn hóa triệt tiêu, “nền văn hóa hủy bỏ” này dẫn đến việc loại trừ mọi dấu vết lịch sử của những gì bị chỉ trích ngày nay.

Đức Thánh Cha thậm chí còn minh nhiên hơn nữa trong bài phát biểu trước phái đoàn ngoại giao vào tháng Giêng năm ngoái: "Người ta đang giúp khai triển một tư tưởng độc đáo - nguy hiểm - buộc phải phủ nhận lịch sử, hoặc thậm chí tệ hơn, viết lại lịch sử trên cơ sở các phạm trù đương thời, trong khi bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải được giải thích theo thông diễn học của thời đó chứ không phải theo thông diễn học hiện nay. George Orwell đã chứng minh rất tốt hơn bẩy mươi năm trước- vào năm 1984, rằng nền độc tài của Anh Cả (Big Brother) dựa trên việc loại bỏ vĩnh viễn tất cả những gì trong quá khứ không phù hợp với “sự chính thống” của thời điểm hiện tại.

Tính Công Giáo chống các ý thức hệ

Ngược lại, đối với Đức Phanxicô, “cần phải khám phá lại cảm thức về bản sắc chung của chúng ta như một gia đình nhân loại”, một cách “thực sự hòa nhập”, không coi thường bất cứ “sự nhạy cảm” nào và cũng không quên “các giá trị vĩnh viễn, [… ] đặc biệt là quyền được sống, từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, và quyền tự do tôn giáo ”. Bài phát biểu ở Québec do đó không phải là một đối trọng để chỉnh sửa các tuyên bố tạ tội về những sai trái đã gây ra cho "các quốc gia đầu tiên" của Mỹ. Sợi dây xuyên suốt là việc tố cáo chủ nghĩa thực dân qua các đổi thay của nó theo thời gian. Và một cách tích cực, lý tưởng được đề xuất là công ích, hiệp thông hoặc tình huynh đệ - có thể được tóm gọn trong một hạn từ duy nhất: tính Công Giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng là người đầu tiên bảo vệ nó, hay khi ngài không nghiêng ngã giữa “phe hữu” hay “phe tả”.
 
Dân biểu Utah gặp rắc rối to vì đã nói với chức sắc Mormon đừng báo cáo cho chính quyền các vụ lạm dụng
Đặng Tự Do
17:13 12/09/2022


Một nhà lập pháp Utah và là một luật sư nổi tiếng của giáo phái Mormon đã khuyên các chức sắc trong giáo phái này không nên báo cáo những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em cho chính quyền, một quyết định đã dẫn đến tình trạng lạm dụng tiếp tục trong nhiều năm.

Hồ sơ gồm hai trang từ nhật ký các cuộc gọi do một công ty luật đại diện cho giáo phái và một quan chức giáo phái bị phế truất - cho thấy rằng Dân biểu Merrill F. Nelson đã nhận cuộc gọi ban đầu từ một chức sắc báo cáo rằng thành viên Paul Adams của giáo phái này đã lạm dụng tình dục con gái của mình. Nelson cũng đã có nhiều cuộc trò chuyện trong khoảng thời gian hai năm với hai chức sắc biết về vụ lạm dụng này.

Nelson là một nhà lập pháp bảo thủ, người được bầu vào Hạ viện Utah năm 2013 và tuyên bố nghỉ hưu vào đầu năm nay. Ông cũng là một luật sư của công ty Salt Lake City Kirton McConkie, đại diện cho giáo phái. Ông lấy bằng đại học và luật tại Đại học Brigham Young thuộc sở hữu của giáo phái.

Một bản ghi lời khai và các đoạn trích của nhật ký cuộc gọi đã được đính kèm vào hồ sơ pháp lý tại Tòa phúc thẩm Arizona do các luật sư thực hiện cho các nguyên đơn. Ba trong số những người con của Adams đang kiện tụng ông ta và chiến đấu với giáo phái để tiếp cận các hồ sơ mà giáo phái khẳng định là bí mật. Giáo phái đã đưa vụ việc lên Tòa phúc thẩm sau khi một thẩm phán hạt Cochise ra phán quyết có lợi cho các nạn nhân.
Source:AP
 
ĐTGM Scicluna, Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng Malta phải có lập trường chống lại cuộc xâm lược ở Ukraine
Đặng Tự Do
17:14 12/09/2022


Mặc dù giữ vị trí trung lập, Malta phải có lập trường chống lại cuộc xâm lược của Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đã thúc giục các chính trị gia vào hôm thứ Tư. Từ ngày 13 tháng 11, 2018, ngài là Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh.

Đức Cha Scicluna đã chủ sự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Lôrensô ở Vittoriosa vào đêm trước Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria và Ngày Chiến thắng.

Tổng thống George Vella và thủ tướng Robert Abela là những người có mặt trong Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói rằng người ta không thể giữ trung lập trong thời điểm bất công, nhấn mạnh rằng khi kỷ niệm các chiến thắng của Malta, đất nước không thể quên Ukraine.

Đức Cha Scicluna nói rằng người ta không thể ngồi trên hàng rào để giữ thái độ trung lập.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Thiên Chúa cấm sự trung lập của chúng ta khi chúng ta không góp phần của mình cho những gì tốt đẹp, nhân danh tự do và nhân danh công lý,” Đức Tổng Giám Mục nói và nói thêm: “Xâm lược và xung đột vũ trang là hình thức chính trị tồi tệ nhất, và thật đáng buồn, đó là một ngôn ngữ người ta vẫn sử dụng với nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta không thể sống an toàn trừ khi những người khác được an toàn”.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cũng kêu gọi Malta, vì nước này hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hãy gửi một thông điệp rằng mỗi quốc gia có quyền tự quyết và quyền được sống trong hòa bình, không bị xâm lược bất chính.

Ngài nói: “Ukraine vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các chính trị gia đã lựa chọn gây hấn và xung đột vũ trang”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người tiền nhiệm của Malta đã vượt qua những giai đoạn đau thương và chiến thắng trong các cuộc chiến với sự giúp đỡ và hỗ trợ của nước ngoài: “chúng ta đang ăn mừng chiến thắng vì sự can thiệp và đoàn kết của những người khác”.
Source:newsbook.com.mt
 
Các cuộc gặp gỡ của Nữ hoàng Elizabeth II với các Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:15 12/09/2022


Trong 70 năm làm quốc vương, Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp gỡ nhiều vị giáo hoàng khác nhau.

Năm 1951, cô đã triều yết Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 khi cô vẫn còn là công chúa. Sau đó, mười năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan 23. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gặp bà hai lần tại Vatican và một lần ở Anh.

Năm 2010, Nữ hoàng Elizabeth có cuộc triều yết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tại Cung điện Holyrood ở Edinburgh, Tô Cách Lan.

Nữ hoàng đã quay trở lại Rôma vào năm 2014 khi trở lại Vatican và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong dịp đó, cô được tháp tùng bởi chồng mình, Công tước xứ Edinburgh, là người đã qua đời vào năm 2021.

Họ đến trễ 20 phút, nhưng cô ấy có thể giải thích sự chậm trễ của họ một cách duyên dáng.

Tôi xin lỗi vì đã để Đức Thánh Cha chờ đợi. Chúng tôi đang ăn trưa với tổng thống.

Nữ hoàng Elizabeth II - vị quân vương cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Anh - đã cống hiến triều đại của mình cho người dân của mình, đi du lịch nhiều hơn bất kỳ quốc vương Anh nào khác.
Source:Rome Reports
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm hội Trăng Rằm 2022
Văn Minh
08:06 12/09/2022
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Đêm hội Trăng Rằm 2022

“Trung Thu Bên Chúa” là chủ đề lễ Hội Trung thu của giáo xứ Vĩnh Hòa, được các anh chị huynh trưởng GLV tổ chức cho các em thiếu nhi trong giáo xứ diễn ra lúc 19g Chúa nhật ngày 11-9-2022.

Đến tham dự lễ Hội, có khoảng 400 em thiếu nhi trong và ngoài giáo xứ cùng các vị phụ huynh bế các em nhỏ trên tay ngồi chật kín sân nhà thờ. Nhìn nét mặt vui tươi phấn khởi của các em cùng với những chiếc lồng đèn trên tay đủ kiểu lấp lánh ánh đèn mầu, xen lẫn tiếng cười nói rộn rã làm cho bầu khí của đêm Hội Trăng Rằm trở nên tưng bừng và náo nhiệt hơn thường ngày.

Xem Hình

Để có một lễ Hội Trung thu mang đến cho các em thiếu nhi nhiều ý nghĩa và được cùng nhau trải nghiệm thú vị. Sau Thánh lễ ban sáng lúc 9g, các anh chị huynh trưởng GLV đã hướng dẫn cho các em vẽ và lắp ráp từng chiếc cánh ngôi sao và những chiếc lồng đèn để làm sao cho đẹp mắt nhất.

Trước giờ khai mạc, các anh chị huynh trưởng GLV cùng các em thiếu nhi đi rước lồng đèn qua các ngõ xóm xung quanh nhà thờ trong tiếng trống Lân nhộn nhịp của các em Ban Lễ sinh.

Đúng 19g, linh mục Chánh xứ Martinô Đoàn Văn Hoàng Thanh Đạm lên khai mạc đêm lễ Hội và chúc cho tất cả các em thiếu nhi có một đêm Trung thu thật nhiều niềm vui và ý nghĩa trong sự bình an.

Mở đầu, là tiết mục múa Lân do các em trong Ban Lễ sinh thể hiện diễn ra rất sôi động và ấn tượng. Tiếp theo, là vở kịch ngắn do một anh huynh trưởng và một chị trong ca đoàn Thiên Thần trình diễn với chủ đề “Sự tích chú Cuội”. Qua tiết mục văn nghệ, người dẫn chương trình (MC) đọc câu đố vui có thưởng, và em nào trả lời đúng và nhanh nhất thì được các anh chị huynh trưởng trao cho một phần quà.

Các em vừa coi văn nghệ vừa thưởng thức bữa tiệc buffer đã được các anh chị huynh trưởng GLV và Ban Trợ tá chuẩn bị sẵn tại sân nhà thờ. Như món bắp xào, cá viên chiên, cơm dương châu, súp cua, há cảo và nước ngọt.

Nhìn các em hồn nhiên vui tươi, phần nào đó cũng gợi nên hồi ức quen thuộc trong tâm trí người lớn của chúng ta. Qua đây, ước mong sẽ có nhiều người hơn nữa cũng biết quan tâm giúp cho các em về vật chất cũng như tinh thần. Như Lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai đón tiếp một em nhỏ vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy” (Mt 18-5).

Đêm Hội Trăng Rằm khép lại lúc 20g30 cùng ngày trong niềm vui tươi, phấn khởi của tất cả các em.
 
Ngày Picnic Dã Ngoại Của Cộng Đoàn Thánh Gia, North Carolina
Giuse Khổng Hữu Nguồn
15:33 12/09/2022
Ngày Picnic Dã Ngoại Của Cộng Đoàn Thánh Gia, North Carolina

Chúa nhật ngày 11/9/2022, các thành phần trong cộng đoàn Thánh Gia thuộc Giáo xứ St.Mary’s Thành phố Greensboro, Bang North Carolina Hoa Kỳ đã tham gia ngày picnic dã ngoại tại Công viên High Point City Lake Park – 602 W Main St. Jamestown, NC 27282.

Xem Hình

Tuy bầu trời sáng Chúa nhật hôm nay có mưa nhẹ, nhưng Cha Linh phó xứ, Cha Mạnh cùng qúy chức và các thành phần trong cộng đoàn đã đến nơi thật đông vui.

Để ngày Picnic dã ngoại trở nên ý nghĩa, mọi người nhiệt tình tham gia các trò chơi như: thi đấu bóng chuyền dành cho các thanh thiếu niên trai tráng mạnh khỏe, cuộc chơi này không kém phần vui nhộn tranh tài; còn các vị lão niên thì ngồi đánh cờ tướng, chơi lô tô nhằm giúp cho các vị có được tinh thần vui vẻ, xả strees, tăng cường sự tập trung, khả năng “nhanh tay lẹ mắt” và cùng chia sẻ cầu nguyện nhiều hơn cho nhau trong lúc tuổi già sức yếu; ngoài ra, còn nhiều các trò chơi khác tùy theo nhóm, theo gia đình như: đi câu cá, bơi lội, đi bộ, ca hát,v.v…tất cả là sự hứng khởi và niềm vui được tỏ rõ trên khuôn mặt của từng người khi thỏa thích vui chơi trong ngày picnic dã ngoại.

Chiều đến, mọi người tập trung vào trong khuôn viên nhà tiền chế để chuẩn bị thánh lễ ngày Chúa nhật.

Trước lễ, hai Cha và Ban tổ chức trao giải cho các cuộc chơi; ra câu hỏi Kinh thánh và Giáo lý để đố vui cùng bốc thăm trúng giải xổ số.

Tuy Lễ Thánh được diễn ra trong giữa khung cảnh vui nhộn nơi mọi người, mọi thành phần trong công viên; nhưng tiếng kinh nguyện của Cộng đoàn phụng vụ và những lời ca tiếng hát của Ca đoàn đã giúp mọi người cảm nghiệm được một sự tĩnh lặng, nghiêm trang, sốt mến đến với nhau trong Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trước khi đọc lời nguyện kết lễ, Cha Linh phó xứ đã nói lời cảm ơn đến mọi người trong ngày hành trình Picnic dã ngoại hôm nay. “Là dịp giúp cho mỗi người có được những giây phút thư giãn, giải trí, bồi bổ sức khỏe, và nhất là qua ngày dã ngoại, tất cả chúng ta được khơi dậy lòng mến Chúa và yêu người, kết nối với nhau hơn, hâm nóng tình huynh đệ và sống gần gũi với thiên nhiên.”

Tạ ơn Chúa! Chúa đã thương ban gìn giữ mọi người chúng con và ban cho thời tiết thuận hòa để cộng đoàn chúng con có được ngày picnic dã ngoại thành công. Xin cảm ơn hai Cha, cảm ơn Qúy chức Ban hành giáo, và tất cả những ai đã góp công sức cũng như tài chính, cùng các phần ăn của gia đình đem đến để chung chia cho ngày picnic dã ngoại của cộng đoàn được diễn ra tốt đẹp.

Kết thúc Thánh Lễ, mọi người cùng chào chúc nhau bằng một tràng pháo tay và ra xe trở về với ngôi nhà thân yêu của mình trong niềm vui thánh thiện ngập tràn tình Chúa tình người.

Giuse Khổng Hữu Nguồn

Ban Truyền Thông Giáo Xứ
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Video Hành Trình Emmaus IX: Phỏng vấn trưởng ban tổ chức LM Phaolô Nguyễn Tất Hải CSsR
Trần Mạnh Trác
11:51 12/09/2022


Chỉ còn 1 tháng nữa là tới ngày khai mạc đại hội Hành Trình Emmaus lần thứ 9.

Đây là một đại hội qui tụ hầu hết các linh mục VN đang phục vụ tại Hoa Kỳ, được LIÊN ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM tổ chức 2 năm 1 lần.

Vì nạn dịch Covid cho nên đại hội 9 đã không tổ chức được vào năm 2021 và phải rời tới năm nay, 2022.

Lm Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo VN, Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu, đã chỉ định địa điểm là vùng Ft Worth-Dallas, là một trong những nơi qui tụ nhiều giáo xứ VN nhất (8 Gx) và rất sinh động.

Tất cả các Gx tại đây đều đã tham gia vào tổ chức đại hội này, một thí dụ là vị chánh xứ Gx DMHCG ở vùng Dallas làm trưởng ban thì vị Chánh Xứ Gx CTTD VN ở vùng Ft-Worth làm phụ tá...

Địa điểm sinh hoạt được ban tổ chức chọn là Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Garland, Texas.

Khai mạc vào chiều thứ Hai, ngày 17/10/2022

Và bế mạc trưa thứ Năm, ngày 20/10/2022

Đối với phần đông giáo dân, thì đại hội này còn là một xa lạ vì đó chỉ là cơ hội gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm cuả các linh mục. Tuy nhiên tầm quan trọng cuả nó thì rất sâu rộng và sẽ ảnh hưởng tới tất cả đời sống cuả mọi giáo xứ VN tại Hoa Kỳ.

Trong chương trình cuả đại hội, dù là chật ních, cũng có dành ra một buổi thao tác với thành phần giáo dân.

Cho nên chúng tôi thực hiện video này không chỉ để mô tả cuộc Hành Trình mà các Lm VN ở Hoa Kỳ sẽ trải qua, nhưng còn để giúp cho mọi người hiểu thêm về một đại hội quan trọng như thế này, và giúp lời cầu nguyện cho đại hội được thành công.

 
VietCatholic TV
Những cảnh kinh hoàng khi quân Nga tháo chạy, bỏ lại hầu hết xe pháo, cướp xe dân Ukraine bỏ trốn
VietCatholic Media
03:20 12/09/2022


1. Quân đội Ukraine: Người Nga chạy trốn khỏi một thị trấn chiến lược ở Luhansk

Trong bản báo cáo hôm Chúa Nhật 11 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã bỏ thị trấn Svatove ở vùng Luhansk, một thị trấn mà cho đến hôm thứ Bảy, vẫn còn cách tiền tuyến đến 40 km.

Svatove đã là một trung tâm quan trọng trên các tuyến đường tiếp tế của Nga tới tiền tuyến xa hơn về phía nam - dọc theo biên giới của các vùng Donetsk và Luhansk.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết: “Quân xâm lược Nga đã tháo chạy khỏi Svatove ở vùng Luhansk. Họ lao đi trong bốn chiếc xe tải Kamaz, hai mươi chiếc thiết giáp Tigr AV và đánh cắp hơn 20 chiếc xe hơi của cư dân địa phương.”

Bộ Tổng Tham Mưu cũng tuyên bố rằng “do kết quả của cuộc phản công thành công của quân đội chúng ta trên hướng Kharkiv, quân Nga đã hối hả rời bỏ vị trí của mình và bỏ chạy cùng với những thứ cướp được của dân chúng tiến sâu vào các vùng lãnh thổ khác đang bị chiếm đóng tạm thời hoặc vào lãnh thổ của Liên bang Nga. “

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng đề cập đến một tình tiết khác là “150 quân nhân của lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã bỏ chạy khỏi Borshchova và Artemivka của vùng Kharkiv trên hai xe buýt, một xe tải và 19 xe hơi đánh cắp của dân thường.”

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine lưu ý rằng, trong các vùng nằm trong tầm bắn của HIMARS, quân Nga có xu hướng bỏ lại các xe tăng, thiết giáp và các phương tiện giao thông quân sự của họ vì sợ bị tấn công. Trong những trường hợp như thế họ thường cướp các xe hơi của dân chúng để tẩu thoát. Vì vậy, phát ngôn nhân yêu cầu dần chúng chủ động rút hết xăng, và xì bánh xe hơi; đặc biệt không lái xe ra đường khi không cần thiết.

Borshchova nằm về phía bắc của thành phố Kharkiv, chỉ cách biên giới của Ukraine với Nga vài km.

2. NGA TRÊN ĐƯỜNG RÚT CHẠY: Lực lượng Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng sau khi tung ra đòn phản công gây sững sờ

Ký giả Nick Parker của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “RUSSIANS ON THE RUN Ukrainian forces grab back swathes of Russian-occupied territory after launching stunning counter-attack”, nghĩa là “NGA TRÊN ĐƯỜNG RÚT CHẠY: Lực lượng Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng sau khi tung ra đòn phản công gây sững sờ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Lực lượng Ukraine đã giành lại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng sau khi phát động một cuộc phản công gây sững sờ.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội của ông đã chiếm lại 1.150 dặm vuông của vùng Kharkiv phía đông bắc.

Và người Nga đang cố gắng tháo chạy để mạng sống của họ khi Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với thất bại nhục nhã nhất trong chiến dịch quân sự thảm khốc của ông.

Thành tựu đáng kể của quân Ukraine xảy ra sau khi các tướng lĩnh Nga bị lừa để tin rằng kẻ thù của họ đang tập trung vào việc chiếm lại thành phố Kherson ở phía nam.

Họ đã di chuyển hàng nghìn người và vũ khí đến mặt trận phía nam để chống lại cuộc tấn công giả - khiến cánh cửa vào vùng Kharkiv rộng mở.

Phát ngôn nhân lực lượng đặc biệt Ukraine Tara Berezovets cho biết: “Đó là một hoạt động thông tin sai lệch quy mô rất lớn”.

“Nga nghĩ rằng họ sẽ ở phía nam và di chuyển thiết bị của họ.

“Sau đó, thay vì phía nam, cuộc tấn công đã xảy ra ở nơi họ ít mong đợi nhất, và điều này khiến họ hoảng sợ và bỏ chạy.”

Hàng nghìn người và vũ khí khác của Nga cũng được đưa vào vùng Donetsk để thực hiện hạn chót 15 tháng 9 của Putin nhằm chiếm toàn vùng này.

Thành công của Ukraine có nghĩa là lực lượng của ông Zelenskiy đã được nhân lên gấp ba lần quân số bình thường trong những tuần gần đây ở khu vực này, chỉ trong 24 giờ.

Trong cuộc tiến công chớp nhoáng hôm thứ Bảy, quân đội Ukraine đã tiến vào các thị trấn quan trọng là Kupiansk và Izium - nơi mà Nga đã phải mất một tháng để chiếm được vào tháng Ba.

Hôm Chúa Nhật, các trận chiến vẫn diễn ra dữ dội đối với các khu định cư xung quanh Izium sau khi hơn 30 thị trấn và làng mạc được giải phóng trong vùng Kharkiv.

Trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh những người dân thường cổ vũ xếp hàng dài trên các đường phố để chào đón những người giải phóng của họ và hét lên: “Cảm ơn, các chàng trai!”

Các cảnh này diễn ra khi các đơn vị Nga bỏ lại trên đường rút lui những chiếc xe bị cháy trong mang biểu tượng “Z” của cuộc xâm lược.

Các bức ảnh cũng cho thấy quân đội Ukraine đang giương cao lá cờ của Ukraine trên Kupiansk - một trung tâm đường sắt được xem là một trong những tuyến đường cung cấp chính của Nga ở phía đông.

Sự thất bại của Nga đã làm dấy lên các cuộc tấn công công khai chưa từng có nhằm vào ông Putin ở Mạc Tư Khoa ngày hôm qua - cả các đồng minh thân cận của ông ta cũng tham gia vào cuộc tấn công này.

Ramzan Kadyrov của Chechnya, người đã cung cấp hàng nghìn quân cho Putin, nói: “Sai lầm đã mắc phải.”

“Khi sự thật được nói thẳng vào mặt của bạn, bạn có thể không thích nó. Nhưng rõ ràng là mọi người đã không chuẩn bị cho điều này”.

Ông trùm ủng hộ chiến tranh Igor Girkin đã ca ngợi một cách mỉa mai “hoạt động tuyệt vời để chuyển các thành phố Izium, Balakliya và Kupyansk cho các đối tác Ukraine đáng kính của chúng ta”.

Cựu tư lệnh quân đội Anh, Tướng Sir Richard Barrons nhận xét rằng: “Người Ukraine đã nhìn thấy cơ hội và đã làm rất tốt để nắm bắt nó. Nhưng Nga vẫn chiếm khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Trận chiến giành Kherson là điều thực sự quan trọng về mặt chiến lược. Điều này sẽ tiếp diễn trong một thời gian.”

3. Các quan chức Ukraine cho biết: Lính Nga chạy trốn 'Quá nhanh’ đến mức bỏ lại một nửa trang thiết bị

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldiers Fleeing 'So Fast They Left Half Their Equipment': Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Lính Nga chạy trốn 'Quá nhanh’ bỏ lại một nửa trang thiết bị”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các binh sĩ Nga đang bỏ chạy quá nhanh trước một cuộc phản công của Ukraine để giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn. Theo một quan chức Ukraine, họ bỏ chạy hoảng hốt đến mức bỏ lại “một nửa trang thiết bị của mình”.

Khi cuộc chiến đánh dấu 200 ngày vào hôm Chúa Nhật, những tiến bộ đáng kể của lực lượng Ukraine ở phía đông của đất nước đã buộc Nga phải rút quân khỏi khu vực để tránh bị bao vây.

Theo Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, các binh sĩ Nga đã rút lui quá vội vàng nên họ đã bỏ lại một lượng vũ khí đáng kể.

Gerashchenko đã tweet một đoạn video với mục đích cho thấy một chiếc xe tăng Nga bị bỏ lại ở Izyum, một căn cứ chính của lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv.

“Hôm nay quân đội của chúng ta đã chấp nhận việc cho mượn vật tư cho thuê đầu tiên từ Nga ở Izyum. Tất nhiên đó là một câu nói đùa. Tôi sẽ thỉnh thoảng thêm vào những câu nói đùa như thế trong câu chuyện của mình. Các binh sĩ Nga bỏ chạy quá nhanh, họ bỏ lại một nửa số trang thiết bị của mình.”

Các lực lượng Ukraine đã chiếm lại hơn 3.000 km vuông lãnh thổ kể từ ngày 6 tháng 9, theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Mỹ hôm thứ Bảy.

Các lực lượng Nga đang “vội vã chạy trốn” khỏi khu vực để tránh bị bao vây tại thành phố Izyum, nơi mà các lực lượng Ukraine vừa giải phóng.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy thông báo họ sẽ rút quân khỏi các khu vực Balakliya và Izyum nhưng cho biết những binh sĩ này sẽ được gửi đến khu vực Donbas, miền đông Ukraine, nơi hai khu vực ly khai đã được Nga tuyên bố chủ quyền, “để đạt được mục tiêu đã nêu các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt để giải phóng Donbas.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã khen ngợi quân đội Ukraine trong một thông điệp video được chia sẻ trên nền tảng Telegram.

Zelenskiy cũng chế nhạo Nga về việc rút quân, nói rằng quân đội Nga đang làm những gì họ làm tốt nhất bằng cách “vạch áo cho người xem lưng”.

“Cuối cùng, việc họ chạy trốn là một lựa chọn tốt. Sẽ không có và sẽ không có chỗ cho quân xâm lược Nga ở Ukraine,” ông nói.

Hôm Chúa Nhật, Zelenskiy đã chia sẻ một đoạn video quay cảnh các binh sĩ Ukraine treo cờ Tổ quốc trên Chkalovske, một thị trấn khác giành lại từ tay người Nga trong cuộc phản công.

“ Chúng tôi sẽ trục xuất quân xâm lược Nga khỏi mọi thị trấn và làng mạc của Ukraine,” Zelenskiy viết. “Cảm ơn tất cả các anh hùng của chúng ta!”

Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ca ngợi những thành quả đạt được là “rất hứa hẹn” và ghi nhận số lượng lớn vũ khí mà các quốc gia NATO tài trợ cho Ukraine, bao gồm cả Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động cao M142, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ sản xuất.

Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine đã được Newsweek liên hệ để đưa ra bình luận.

4. Giới thiệu thành phố Lysychansk của Ukraine

Lysychansk là một thành phố ở khu vực Sievierodonetsk thuộc miền Luhansk của Ukraine. Nó nằm ở hữu ngạn của sông Donets về phía Bắc, cách thủ phủ Luhansk khoảng 115 km. Thành phố này đối diện với Sievierodonetsk bên kia sông. Dân số của Lysychansk vào khoảng 95.031 người theo ước tính năm 2021.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Lysychansk đã bị quân đội Nga pháo kích dữ dội. Các cuộc tấn công dữ dội nhất xảy ra vào cuối tháng 3 năm 2022, đã phá hủy hàng chục tòa nhà và gây ra thương vong cho dân thường. Vào ngày 9 tháng 5 năm 2022, quân đội Nga đã cố gắng vượt sông Seversky Donets bằng một cầu phao gần Bilohorivka. Các lực lượng Ukraine đã đoán trước được điều này, theo dõi việc xây dựng cầu, sau đó pháo kích dữ dội vào cây cầu và các phương tiện của Nga đang băng qua, dẫn đến tổn thất nghiêm trọng của Nga. Nga đã thực hiện một số nỗ lực như vậy, và đa số đã bị quân đội Ukraine vô hiệu hóa. Ít nhất hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị chết chìm dưới dòng nước khi cố gắng vượt qua con sông bằng cầu phao. Có các nguồn tin cho rằng có thể lên đến cả Trung đoàn Nga tử trận trên con sông này.

Sau khi Nga chiếm được Sievierodenetsk, Lysychansk trở thành thành phố lớn cuối cùng trong vùng Luhansk vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Vào ngày 26 tháng 6, thông tấn xã TASS báo cáo rằng các lực lượng Nga đã tiến vào thành phố từ năm hướng. Vào ngày 27 tháng 6, CNN đưa tin rằng thường dân ở Lysychansk đã được yêu cầu rời đi ngay lập tức, khi lực lượng Nga giành được vị trí trong thành phố.

Vào ngày 2 tháng 7 năm 2022, các báo cáo về việc quân đội Ukraine rút khỏi thành phố và các lực lượng Nga chiếm được thành phố này đã được hỗ trợ bởi nhiều video từ Trung đoàn cơ giới đặc biệt 141 của Kadirov tuyên bố chiến thắng trước Hội đồng thành phố Lysychansk.

Bộ tổng tham mưu quân đội cho biết: “Sau khi giao tranh ác liệt để giành Lysychansk, các lực lượng phòng thủ của Ukraine đã buộc phải rút khỏi các vị trí và phòng tuyến của họ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng của ông đã chiếm được Lysychansk và kiểm soát hoàn toàn khu vực Luhansk. Tuyên bố của Sergei Shoigu không đúng sự thật vì chính Vladimir Putin đã phải ra thời hạn chót là 15 tháng 9 cho quân Nga phải chiếm cho được toàn vùng Luhansk.

Vào ngày 10 tháng 9, Serhiy Haidai nói với Suspilne rằng quân đội Ukraine đã tiến vào ngoại ô Lyschansk. Hayday nói rằng người dân địa phương ở thành phố Lysychansk đã báo cáo về việc các quan chức Nga vội vã rời thành phố.

Nói với CNN qua điện thoại, Hayday nói rằng theo cư dân, “quân xâm lược Nga, bao gồm cả cộng tác viên và quân đội, đang chạy trốn một cách vội vàng.”

“Người dân địa phương có video và hình ảnh chứng minh điều đó”

Hayday cũng gợi ý rằng có một cuộc di cư của các quan chức và cộng tác viên thân Nga ở Luhansk về phía Nga. “Những người từ Svatove, Starobilsk, Novopskov đang cố gắng bỏ chạy, không phải đến Luhansk, mà đến biên giới với Nga tại Milove.”

Các không ảnh từ vệ tinh cho thấy dòng phương tiện hình thành theo hướng này.

5. Quân Nga nhảy khỏi xe tăng trước khi nó đâm vào một cái cây trong cuộc rút lui nhục nhã ở Ukraine

Ký giả Ethan Singh của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “FLEEING LIKE RATS Watch ‘panicking’ Russians fall off tank before it crashes into a tree during humiliating retreat in Ukraine”, nghĩa là “Chạy như chuột. Hãy xem lính Nga nhảy khỏi xe tăng trước khi nó đâm vào một cái cây” mô tả những người lính Nga quyết định bỏ xe tăng chạy bộ để tránh bị giết vì hỏa tiễn của quân Ukraine. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Đây là khoảnh khắc kinh hoàng khi quân Nga nhảy khỏi một chiếc xe tăng đang chạy rất nhanh trước khi nó đâm vào một cái cây trong một cuộc rút lui nhục nhã ở Ukraine.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái cho thấy nhiều binh sĩ Điện Cẩm Linh nhảy khỏi chiếc xe tăng đang phóng nhanh ra khỏi khu vực Kharkiv khi Ukraine tiếp tục cuộc tiến công sâu đến hơn 30 dặm vào các khu vực bị Nga chiếm đóng.

Một khoảnh khắc sau khi quân của Vladimir Putin nhảy khỏi chiếc xe tăng đang bỏ trốn, người ta đã thấy lạng qua lạng lại ngoằn nghèo trên đường.

Và chiếc xe tăng cuối cùng cũng dừng lại bằng cách đâm vào một cái cây làm văng xuống đất những người lính còn lại trên chiếc xe tăng.

Các lực lượng vũ trang Ukraine - những người phát hành đoạn phim - dường như chế nhạo người Nga về lời thề của họ: “Chúng tôi không bỏ rơi người dân của mình”.

Biến cố này xảy ra sau khi các báo cáo rằng lực lượng của Putin đã bị tổn thất nghiêm trọng ở Kharkiv – là điều có khả năng xoay chuyển cục diện cuộc chiến hiện nay.

Các binh sĩ Nga được tường trình đã giương cờ trắng khi họ chạy trốn cuộc tiến công chớp nhoáng của Ukraine nhằm giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn.

Các cuộc tấn công đã phá hủy các phòng tuyến của Điện Cẩm Linh và cho phép binh sĩ Ukraine chiếm lại 30 thị trấn ở một phần quan trọng của đất nước họ.

Nó cho phép các anh hùng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tiến xa cách Kharkiv 30 dặm về phía nam.

Tổng thống Ukraine cho biết trong một bài phát biểu trong video: “Quân đội, các đơn vị tình báo và các cơ quan an ninh của chúng ta đang tiến hành các cuộc giao tranh tích cực trong một số khu vực hoạt động. Họ đang làm rất thành công.”

“Chúng ta đang dần nắm quyền kiểm soát các khu định cư mới. Chúng tôi đang trả lại lá cờ Ukraine và sự bảo vệ cho công dân của chúng ta ở khắp mọi nơi”.

Trong nỗi nhục nhã lớn đối với Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận quân đội của họ đã buộc phải rút khỏi thành phố trọng điểm Izium khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội.

Tối thứ Bẩy, Nga cho biết quân đội đã “tập hợp lại” từ các khu vực Balakliya và Izium và sẽ được gửi đến để tăng cường các hoạt động ở những nơi khác.

Thành phố này là một pháo đài lớn của Nga ở khu vực đông bắc Ukraine và sự thất thủ của nó có thể đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến.

Đã có các báo cáo của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận rằng quân đội của họ đã tái chiếm Izium.

Quân đội Ukraine cũng đã chiếm được thành phố Kupiansk xa hơn về phía bắc, là trung tâm đường sắt duy nhất cung cấp cho toàn bộ chiến tuyến của Nga qua phía đông bắc đất nước.

Sáng thứ Bẩy, các quan chức Ukraine đăng ảnh quân đội của họ giương cao lá cờ xanh và vàng của đất nước trước tòa thị chính ở Kupiansk vào lúc rạng sáng.

Quân đội của tổng thống Zelenskiy đã chiếm lại hàng chục thị trấn và làng mạc do Nga nắm giữ trong nhiều tháng, kể từ khi mở cuộc phản công hồi đầu tuần.

6. Tuyên bố của Phủ Tổng Thống Ukraine về vụ Nga phóng hỏa tiễn hành trình tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kharkiv

Hai hỏa tiễn hành trình đã bắn trúng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kharkiv và các nhân viên cứu hỏa hiện đang có mặt tại hiện trường, theo Kyrylo Tymoshenko, Phụ tá Chánh Văn Phòng Tổng thống Ukraine.

Tymoshenko cho biết các kỹ sư đang làm việc để khôi phục nguồn điện và điện sẽ sớm trở lại ở các cơ sở quan trọng như bệnh viện.

Tymoshenko xác nhận rằng Kharkiv, Poltava, Dnipropetrovsk và một phần của vùng Donetsk đang bị mất điện.

Tymoshenko cho biết điện đã được khôi phục 100% ở vùng Sumy, kế bên Kharkiv, và điện ở vùng Poltova cũng đã được khôi phục trở lại.

“Người Nga muốn ra đi mà không dập tắt ánh sáng, nước và nhiệt của chúng tôi.”

Lực lượng Nga đã phóng tổng cộng 11 hỏa tiễn về phía các khu vực phía đông của Ukraine, 9 trong số đó đã bị đánh chặn. Lực lượng Không quân Ukraine đã bắn hạ 7 hỏa tiễn hành trình ở khu vực Dnipropetrovsk và 2 hỏa tiễn nữa bị phá hủy ở khu vực Poltava.

Trong bản tin cập nhật vào hôm Chúa Nhật, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói rằng máy bay Nga đang tấn công vào quân Ukraine trong các cuộc giao tranh tại Kharkiv. Tuy nhiên, Tymoshenko cho biết có 3 máy bay cường kích của Nga đã tham gia vào vụ tấn công. Phòng không của quân Ukraine đã bắn rớt một chiếc Sukhoi 35, trị giá 85 triệu USD, và một chiếc Sukhoi 24 trị giá 25 triệu USD. Chiếc còn lại bỏ chạy.

7. Các quan chức địa phương cho biết cờ Ukraine được kéo lên ở các khu vực gần với biên giới Nga

Các quan chức địa phương ở khu vực Kharkiv cho biết lá cờ Ukraine đã được kéo lên tại các khu định cư gần biên giới Nga, trong khi khẳng định quân Nga đang tiếp tục rút lui một cách hối hả trong khu vực.

Oleksandr Kulik, một quan chức ở Derhachi, phía đông bắc thành phố Kharkiv, nói rằng lá cờ Ukraine đã được người dân địa phương ở thị trấn Kozacha Lopan kéo lên.

Kozacha Lopan đã bị người Nga chiếm đóng từ tháng 3 và là trung tâm hành chính cho chính quyền chiếm đóng. Nó cách biên giới Nga 5 km và đã bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc xung đột.

Video trên mạng xã hội do hội đồng thành phố Derhachi cung cấp cũng cho thấy cư dân của một khu định cư khác - Tokarivka - đang giương cao lá cờ Ukraine ở đó. Tokarivka cũng gần biên giới Nga.

Viktoriya Kolodochka, người đứng đầu huyện Tokarivka, cho biết hôm Chúa Nhật: “Ngôi làng đã được giải phóng sáng nay. Mọi người nghe thấy tiếng gầm rú của các khí tài quân sự của Nga. Người Nga bắt đầu tập trung vào buổi sáng và bỏ chạy”.

Kolodochka nói với CNN qua điện thoại rằng người Nga đã bỏ lại rất nhiều đạn dược.

Cô ấy cũng nói về những tháng bị chiếm đóng, mà cô ấy mô tả là “rất đáng sợ.” Cô cho biết quân chiếm đóng là từ lực lượng dân quân của Nhân dân Luhansk, những người mà cô nói đã cư xử như những tên xã hội đen. Họ tìm kiếm những người đã từng hoạt động trong lực lượng an ninh, bắt giữ, tịch thu điện thoại và lục soát nhà cửa. Cô cáo buộc họ cũng đánh đập và đe dọa cư dân địa phương.

“Họ đưa mọi người xuống tầng hầm của trường học, đánh đập, cho điện giật, bắt họ cung cấp thông tin về những người làm việc trong các cơ quan nhà nước Ukraine. Họ bắt đào người dân đào các huyệt mộ như thể họ sắp chôn sống họ để khủng bố tinh thần người dân. Nhưng họ không giết ai cả”cô nói với CNN.

“Có những người còn lại ở Tokarivka đang rất, rất chờ đợi quân đội của chúng ta,” cô nói. “Mọi người thực sự cần giúp đỡ. Có mười bà già bị liệt. Có những người bị tiểu đường và hen suyễn. Thuốc rất cần thiết “.
 
Dân Ukraine tạ ơn Chúa, cám ơn những người lính giải phóng họ. Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Ukraine
VietCatholic Media
05:02 12/09/2022


1. Người dân Ukraine tạ ơn Chúa, cám ơn những người lính giải phóng họ

Khoảnh khắc mỉm cười, rạng rỡ nhẹ nhõm của người Ukraine khi họ ôm những người lính đã đẩy lùi lực lượng Nga gần Kharkiv khiến cả thế giới xúc động

Đoạn phim vui vẻ cho thấy những người phụ nữ giơ tay lên trời reo hò “Lạy Chúa tôim Lạy Chúa tôi”, trước khi nhào đến ôm hôn các binh sĩ Ukraine ở Kharkiv đã được chia sẻ trực tuyến khi cuộc phản công tiếp tục diễn ra.

Trong clip, đã được xem cả triệu lần, có thể thấy một phụ nữ mặc áo sơ mi xanh giơ hai tay lên trời dâng lời chúc tụng. Người phụ nữ thứ hai đến gần một người lính ngồi trên tường mặc đồng phục, áo vest đen và đội mũ bảo hiểm, ôm anh ta trước khi cô quay lại và tiếp cận một người lính khác.

Khi cuộc chiến ở Ukraine đánh dấu 200 ngày, quốc gia này đã giành lại các vùng rộng lớn ở phía nam và phía đông trong một cuộc phản công được mong đợi từ lâu đã giáng một đòn nặng nề vào Nga.

Được quay cách đây khoảng hai ngày, những người phụ nữ vui vẻ ôm hôn các chiến binh một cách nồng nhiệt ở Balakliia, một thành phố ở quận Izium, thuộc tỉnh Kharkiv.

Đoạn clip được chia sẻ bởi Walter Report, nơi phát trực tiếp các thông tin cập nhật về Ukraine.

Quân đội Ukraine đã chiếm được Kupiansk, một trung tâm đường sắt chính và cực kỳ quan trọng, và giờ cũng đã chiếm được thị trấn ngay phía bắc Kupiansk.

Cuộc phản công bắt đầu vào ngày 29 tháng 8 và lúc đầu tập trung vào khu vực phía nam Kherson, nơi bị quân Nga đã chiếm được trong những ngày đầu của cuộc xâm lược.

Tuy nhiên, ngay khi Mạc Tư Khoa đưa binh lính từ vùng Kharkiv đến tiếp viện cho Kherson, và chuyển quân sang Donetsk theo yêu cầu của Putin, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công khác, có hiệu quả cao ở khu vực phía đông bắc Kharkiv.

Đối mặt với viễn cảnh một nhóm lớn lực lượng của mình bị bao vây, Mạc Tư Khoa đã ra lệnh rút quân khỏi Kharkiv, trong một sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược, đặt ra thách thức lớn nhất đối với Điện Cẩm Linh kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2.
Source:Daily Mail

2. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11/9

Chúa Nhật 11 tháng 9, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 24 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’ Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.

Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta ba dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15:4-32); Những dụ ngôn này được gọi như thế vì thể hiện tấm lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này nhằm đáp lại những lời càu nhàu của những người Pharisêu và các kinh sư, họ nói: “Người này tiếp đón những người tội lỗi và dùng bữa với chúng” (c.2). Họ bị tai tiếng vì Chúa Giêsu ở giữa những người tội lỗi. Nếu đối với họ điều này gây tai tiếng về mặt tôn giáo, thì Chúa Giêsu, bằng cách tiếp đón những người tội lỗi và dùng bữa với họ, đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa chính là như thế: Thiên Chúa không loại trừ ai, Người muốn mọi người tham gia trong bữa tiệc của Người, vì Người yêu mọi người như con của Người: mọi người, không ai bị loại trừ, tất cả mọi người. Sau đó, ba dụ ngôn tóm tắt trọng tâm của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha và đến tìm kiếm chúng ta bất cứ khi nào chúng ta lạc lối.

Thật vậy, nhân vật chính của các câu chuyện ngụ ngôn, đại diện cho Thiên Chúa, là một mục tử đi tìm con chiên bị mất, một người phụ nữ tìm thấy đồng xu bị mất, và cha của đứa con hoang đàng. Chúng ta hãy xem xét một khía cạnh mà cả ba nhân vật chính này đều có điểm chung. Về cơ bản, cả ba đều có điểm chung, mà chúng ta có thể định nghĩa như thế này: bồn chồn vì thiếu thứ gì đó - cho dù là đang nhớ một con chiên, đang nhớ một đồng xu, đang nhớ một đứa con trai - cảm giác khó chịu khi thiếu một thứ gì đó, cả ba nhân vật chính của những câu chuyện ngụ ngôn này không thoải mái vì họ đang thiếu một cái gì đó. Rốt cuộc, cả ba người, nếu họ biết tính toán, có thể yên tâm: người chăn cừu đang bỏ lỡ một con cừu, nhưng anh ta vẫn còn tới chín mươi chín con khác - “lạc mất một con thì đã sao”; người phụ nữ thiếu một đồng xu, nhưng có chín đồng khác; và ngay cả người cha vẫn có một đứa con trai khác, ngoan ngoãn, cống hiến hết mình - tại sao lại nghĩ về người đã ra đi sống một cuộc đời phóng đãng? Tuy nhiên, có một sự lo lắng trong lòng họ - trong lòng người chăn chiên, người phụ nữ và người cha - về những gì còn thiếu: con chiên, đồng tiền, đứa con trai đã ra đi. Một người yêu thương quan tâm đến người mất tích, mong mỏi người vắng mặt, tìm kiếm người đã mất, chờ đợi người đã đi lạc. Vì Ngài muốn không ai bị lạc mất.

Thưa anh chị em, Thiên Chúa là như thế này: Ngài không “yên tâm” nếu chúng ta đi lạc khỏi Ngài, Ngài đau buồn, Ngài run rẩy trong bản thể sâu thẳm nhất của mình; và Ngài bắt đầu tìm kiếm chúng ta, cho đến khi Ngài đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Ngài. Chúa không tính toán thiệt hại và rủi ro; Ngài có trái tim của một người cha và một người mẹ, và đau khổ vì thiếu những đứa con thân yêu của mình. “Nhưng tại sao Ngài lại đau khổ nếu đứa con trai này là một tên vô lại, nếu anh ta đã ra đi?” Ngài đau khổ, Ngài rất khổ đau. Chúa đau khổ vì khoảng cách của chúng ta với Ngài và khi chúng ta lạc lối, Ngài chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn mở rộng vòng tay chờ đợi chúng ta, dù chúng ta có thể bị lạc mất trong bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Như một Thánh Vịnh đã nói, Ngài sẽ “không chợp mắt ngủ yên cho đàng”, Ngài luôn dõi theo chúng ta (xem 121: 4-5).

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi: chúng ta có noi gương Chúa trong điều này, tức là chúng ta có lo lắng về những gì còn thiếu không? Chúng ta có hoài niệm về những người đang mất tích, những người đã trôi dạt khỏi đời sống Kitô hữu không? Chúng ta mang trong mình sự bồn chồn nội tâm này, hay chúng ta đang thanh thản và không bị xáo trộn giữa chính mình? Nói cách khác, chúng ta có thực sự nhớ những người đang mất tích trong cộng đồng của chúng ta, hay chúng ta giả vờ và không để điều đó chạm đến trái tim của chúng ta? Tôi có thực sự nhớ những người đang thiếu trong cuộc sống của tôi không? Hay là chúng ta thoải mái với nhau, bình tĩnh và hạnh phúc trong nhóm của mình - “Tôi tham gia một nhóm tông đồ rất tốt…” - mà không có lòng trắc ẩn với những người ở xa? Đó không phải là một câu hỏi liên quan đơn thuần đến việc “cởi mở với người khác”, đó là Tin Mừng! Người chăn chiên của câu chuyện ngụ ngôn không nói, “Tôi có chín mươi chín con chiên khác, tại sao tôi phải lãng phí thời gian để đi tìm con chiên đi lạc?” Thay vào đó, anh ấy đã đi tìm. Sau đó, chúng ta hãy suy ngẫm về các mối quan hệ của chúng ta: tôi có cầu nguyện cho những người không tin, những người đã trôi dạt, những người cay đắng không? Chúng ta có thu hút những người xa cách qua phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng không? Chúa Cha yêu cầu chúng ta phải quan tâm đến những đứa con mà Ngài nhớ nhất. Chúng ta hãy nghĩ về một người nào đó mà chúng ta biết, người gần gũi với chúng ta và có lẽ chưa bao giờ nghe ai nói rằng: “Bạn biết đấy, bạn quan trọng đối với Thiên Chúa”. “Nhưng tôi đang ở trong một tình huống bất thường, tôi đã làm điều tồi tệ này, điều kia…”. “Bạn là người quan trọng đối với Thiên Chúa”, hãy nói với anh ấy. “Bạn không tìm kiếm Người, nhưng Người đang tìm kiếm bạn”.

Chúng ta - những người nam nữ có trái tim bồn chồn - hãy bối rối trước những câu hỏi này, và cầu nguyện với Đức Mẹ, người mẹ không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm và chăm sóc chúng ta, là những con cái của Mẹ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Ngày mốt, tôi sẽ lên đường thực hiện chuyến hành trình ba ngày ở Kazakhstan, nơi tôi sẽ tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Đây sẽ là cơ hội để gặp gỡ nhiều đại diện tôn giáo và tham gia đối thoại với tư cách là anh em, là những người được truyền cảm hứng từ khát vọng hòa bình chung, hòa bình mà thế giới chúng ta đang khao khát. Tôi muốn gửi lời chào thân ái tới những người tham gia, cũng như các cơ quan chức năng, các cộng đồng Kitô giáo và toàn thể người dân của đất nước rộng lớn đó. Tôi cảm ơn vì sự chuẩn bị và công việc đã được thực hiện trong chuyến thăm của tôi. Tôi xin tất cả anh chị em đồng hành với lời cầu nguyện cho tôi trong chuyến hành hương đối thoại và hòa bình này.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho người dân Ukraine, để Chúa có thể ban cho họ niềm an ủi và hy vọng. Trong những ngày này, Đức Hồng Y Krajewski, tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái, đang ở Ukraine để thăm các cộng đồng khác nhau và làm chứng cụ thể về sự gần gũi của Giáo hoàng và Giáo hội.

Trong giờ phút cầu nguyện này, đối với tôi, thật thân thương khi nhớ đến Sơ Maria de Coppi, nhà truyền giáo dòng Comboni, bị giết ở Chipene, Mozambique, nơi sơ đã phục vụ với tình yêu thương trong gần sáu mươi năm. Cầu mong chứng tá của sơ ấy mang lại sức mạnh và lòng can đảm cho các Kitô hữu và tất cả người dân Mozambique.

Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt tới những người dân Ethiopia thân yêu, những người hôm nay đón Tết cổ truyền của họ: Tôi xin cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện của tôi và cầu chúc mọi gia đình cũng như toàn dân tộc món quà hòa bình và hòa giải.

Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các học sinh, những người sẽ trở lại trường học vào ngày mai hoặc ngày kia.

Và bây giờ tôi xin chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các binh sĩ đến từ Colombia, nhóm đến từ Costa Rica và đại diện phụ nữ Á Căn Đình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tôi chào những người trẻ tuyên xưng đức tin từ Cantù, các tín hữu từ Musile di Piave, Ponte a Tressa và Vimercate, và các thành viên của Phong trào Bất bạo động và những người trẻ của phong trào Immacolata.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tướng Nga kêu gọi lật đổ Putin sau những thất bại kinh hoàng. Putin cách chức Trung Tướng Tư Lệnh
VietCatholic Media
15:46 12/09/2022


1. Putin sa thải một Tướng Tư Lệnh, mới được bổ nhiệm có 16 ngày, để xoa dịu các chống đối.

Putin 'sa thải' tướng cấp cao nhất mới nhậm chức chỉ có sau '16 ngày' sau thất bại tan nát ở miền đông Ukraine, nơi đã chứng kiến các lực lượng Ukraine tiến đến sát biên giới Nga - và quân đội hoảng sợ bỏ xe tăng, vũ khí và các khí tài chiến tranh.

Các phương tiện truyền thông Nga loan tin Vladimir Putin đã sa thải một vị tướng cấp cao nhất chỉ 16 ngày sau khi bổ nhiệm ông này. Diễn biến này xảy ra sau các thất bại tan nát ở miền đông Ukraine.

Hôm thứ Hai 12 tháng 9, Tổng thống Nga đã miễn nhiệm Trung tướng Roman Berdnikov vì những thất bại của quân đội Nga trong việc nắm giữ những vùng đất rộng lớn trên lãnh thổ Ukraine trong vài ngày qua.

Cuộc phản công của các lực lượng Ukraine từ tối thứ Ba 6 tháng 9 đã dẫn đến cuộc tháo chạy hoảng loạn của quân đội Nga bỏ cả xe tăng, vũ khí và các khí tài chiến tranh.

Một số nguồn tin cho rằng binh lính Nga đã 'chạy khỏi vị trí của họ theo đúng nghĩa đen', thậm chí bỏ lại cả quần áo khi hối hả chạy khỏi quân đội Ukraine đang tiến quân ở khu vực Kharkiv ở phía đông bắc đất nước.

Binh sĩ Ukraine tràn vào miền đông đất nước và họ đã giải phóng được hơn 1.000 dặm vuông lãnh thổ chỉ trong vài ngày qua, một khoảng thời gian có thể chứng minh là một bước ngoặt của cuộc chiến.

Nó diễn ra sau một 'chiến dịch thông tin sai lệch' liên tục của Ukraine về một cuộc phản công ở phía nam, chiến dịch này đã thành công trong việc chuyển hướng quân Nga về hướng đó và khiến vùng đông bắc dễ bị tấn công. Chính bản thân Vladimir Putin cũng bị kết tội là góp phần vào thất bại cay đắng này. Ông ta đã ra thời hạn chót cho quân đội Nga phải chiếm cho bằng được toàn vùng Donetsk trước ngày 15 tháng 9, khiến một lực lượng đáng kể của quân Nga ở Kharkiv phải tăng cường cho vùng Donetsk.

Cuộc tiến công chính trong khu vực đã bắt đầu cách đây 6 ngày và đã buộc Mạc Tư Khoa phải rút quân để tránh bị bao vây.

Theo Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Berdnikov, sinh ngày 31 tháng 8 năm 1974, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tập đoàn quân phía Tây vào ngày 26 tháng 8 vừa qua thay thế cho Trung tướng Andrei Sychevoi.

Trung tướng Andrei Sychevoi sinh ngày 16 tháng 5, 1969 được Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu bổ nhiệm làm Tư lệnh Tập đoàn quân phía Tây vào ngày 20 tháng 7 thay cho Đại Tướng Alexander Zhuravlyov vì ông này thất bại trong giai đoạn 1 của cuộc xâm lược Ukraine. Trung tướng Andrei Sychevoi được tin đã bị bắt vào ngày 6 tháng 9 trong cuộc phản công Kharkiv. Cho đến nay, mặc dù các phương tiện truyền thông địa phương khẳng định ông ta đã nằm trong tay Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine. Tuy nhiên, các giới chức quân đội Ukraine chưa chính thức xác nhận điều này.

Việc sa thải Trung tướng Berdnikov diễn ra trong bối cảnh sự thất bại của Nga đã làm dấy lên các cuộc tấn công công khai chưa từng có nhằm vào ông Putin ở Mạc Tư Khoa. Cả các đồng minh thân cận của ông ta cũng tham gia vào cuộc tấn công này. Trung tướng Berdnikov có thể đã được chọn làm con dê tế thần để giảm bớt các chỉ trích.

2. Tướng Nga kêu gọi lật đổ Vladimir Putin vì những thất bại trong cuộc xâm lược ở Ukraine

Một cựu sĩ quan tình báo Nga, người đã giúp phát động cuộc chiến năm 2014 ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, và là tổng chỉ huy các lực lượng Nga trong vùng này, đã so sánh sự sụp đổ của Nga tại Kharkiv trong cuộc xâm lược hiện nay với thất bại thảm khốc trong cuộc chiến Nga-Nhật, dẫn đến cuộc Cách mạng năm 1905 tại Nga.

Igor Girkin nói rằng trận Kharkiv giống như Trận chiến Mukden năm 1905, kết thúc hai ngày sau khi cuộc cách mạng bắt đầu.

Ukraine đã ca ngợi bước tiến nhanh chóng của mình, trong đó chứng kiến hàng nghìn binh sĩ Nga bỏ chạy, bỏ lại kho đạn và thiết bị, và coi đây là một bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng.

Girkin, người đã không ngừng chỉ trích nhân vật quân sự hàng đầu của đất nước, là Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, gọi ông này là “thống soái làm bằng các tông”. Theo Reuters, Girkin đã nhiều lần nói rằng Nga sẽ bị đánh bại ở Ukraine nếu nước này không tuyên bố tổng động viên toàn quốc.

Sự tức giận của những người theo chủ nghĩa dân tộc trước thất bại quân sự có thể là một vấn đề lớn hơn nhiều đối với Điện Cẩm Linh so với những lời chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa tự do thân phương Tây đối với Putin vì cuộc xâm lược đã dẫn đến các lệnh trừng phạt ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế Nga.

Khi thủ đô kỷ niệm Ngày Mạc Tư Khoa với các bữa tiệc đường phố và các buổi hòa nhạc vào hôm thứ Bảy, những tiếng ồn ào của sự bất bình thậm chí còn lan sang cả quốc hội thường cúc cung vâng lệnh Putin.

Sergei Mironov, lãnh đạo của phe đối lập trên danh nghĩa nhưng thực tế trung thành với Putin, nói trên Twitter rằng màn bắn pháo hoa để tôn vinh ngày lễ nên bị hủy bỏ, vì tình hình quân sự.

Một thông điệp đăng lại trên Telegram của phóng viên chiến trường nổi tiếng Semyon Pegov gọi các lễ kỷ niệm ở Mạc Tư Khoa là “báng bổ” và việc chính quyền Nga từ chối tuyên bố cuộc chiến toàn diện là “tâm thần phân liệt”.

Igor Girkin cho rằng: “Hoặc Nga sẽ trở thành chính nó thông qua sự ra đời của một tầng lớp chính trị mới... hoặc nó sẽ không còn tồn tại”. Một câu nói như thế rõ ràng hàm ý lật đổ chính quyền đương đại. Một người Nga nào khác, không phải Igor Girkin, nói ra câu này ở tù rục xương là cái chắc.

Ban lãnh đạo Mạc Tư Khoa vẫn “im lặng” về thất bại ở Ukraine, cả Vladmir Putin hay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào kể từ trưa Chúa Nhật.

Khi các lực lượng Nga bỏ hết thị trấn này đến thị trấn khác vào hôm thứ Bảy, ông Putin đang khánh thành một vòng đu quay lớn nhất Âu Châu trong một công viên ở Mạc Tư Khoa, trong khi pháo hoa thắp sáng bầu trời Quảng trường Đỏ để kỷ niệm ngày thành lập thành phố vào năm 1147.

Sự im lặng gần như hoàn toàn của Mạc Tư Khoa về thất bại - hoặc bất kỳ lời giải thích nào cho những gì đã diễn ra ở đông bắc Ukraine - đã gây ra sự tức giận đáng kể của một số nhà bình luận ủng hộ chiến tranh và những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga trên mạng xã hội.

Trong thông điệp của Putin nhân ngày thành lập thành phố Mạc Tư Khoa, Putin không hề đề cập đến cuộc chiến. Tổng thống Nga nói với người dân Mạc Tư Khoa rằng: “Chúng ta tự hào về Mạc Tư Khoa, và yêu thành phố này với sự cổ kính hùng vĩ và nhịp sống hiện đại, năng động, sự quyến rũ của những công viên, những làn đường và đường phố ấm cúng cũng như sự phong phú của các sự kiện kinh doanh và văn hóa”.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, Putin đã mô tả cú sốc của mình khi phát biểu với tư cách là một điệp viên KGB ở Đông Đức rằng “Mạc Tư Khoa đã im lặng”.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

3. Lực lượng Ukraine phát động 130 cuộc tấn công vào quân đội Nga ở miền Nam

Trong bản báo cáo hôm thứ Hai 12 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong đêm 10 rạng sáng 11 tháng 9, Quân đội Ukraine ở khu vực phía nam đã 130 lần tấn công vào các vị trí của quân Nga. Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam cho biết các thiết bị quân sự, kho đạn dược và cây cầu do lực lượng Nga xây dựng bắc qua Dnipro gần Nova Kakhovka đã bị phá hủy.

Nga được tin đã gởi 1,300 lính Chechnya vào mặt trận phía Nam. Những chiến binh này được tường trình đã bị tấn công dữ dội và gánh chịu các thương vong kinh hoàng đến mức không chắc lực lượng cứu viện cho Kherson này còn tồn tại. Ramzan Kadyrov, chủ tịch của Chechnya, người đã cung cấp hàng nghìn quân cho Putin, rất phẫn nộ và tuyên bố: “Sai lầm đã mắc phải.”

“Khi sự thật được nói thẳng vào mặt của bạn, bạn có thể không thích nó. Nhưng rõ ràng là mọi người đã không chuẩn bị cho điều này”.

4. Giới thiệu thành phố Izium của Ukraine

Izium, có nghĩa là Nho Khô, là một thành phố trên sông Donets ở vùng của miền đông Ukraine. Izium cách thủ đô Kharkiv khoảng 120 km về phía đông nam. Izium có dân số 45.884 người vào năm 2021.

Trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, thành phố này nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nga cho đến khi các lực lượng Ukraine tái chiếm nó vào tháng 9 như một phần của cuộc phản công Kharkiv.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế vào ngày 16 tháng 3 năm 2022, thị trấn đã hứng chịu liên tục hỏa lực hỏa tiễn của Nga từ ngày 3 tháng 3 năm 2022 trong cuộc tấn công vùng đông bắc Ukraine trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Người dân bị mắc kẹt trong các tầng hầm hầu như không có thức ăn hoặc nước uống, và hầu hết các khu dân cư bị cắt điện, khí đốt, hệ thống sưởi và thông tin liên lạc di động. Theo nhà chức trách Ukraine, trong các cuộc pháo kích này 8 dân thường, trong đó có 2 trẻ em, đã thiệt mạng.

Trong những tuần tiếp theo, có những tuyên bố mâu thuẫn về việc liệu Nga có nắm quyền kiểm soát thành phố hay không. Vào ngày 1 tháng 4, quân đội Ukraine xác nhận rằng Izium đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Vào tháng 5 năm 2022, các lực lượng Nga đã cố gắng vượt qua sông Seversky Donets và tiến về phía nam. Ít nhất hai Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị chết chìm dưới dòng nước khi cố gắng vượt qua con sông bằng cầu phao. Có các nguồn tin cho rằng có thể lên đến cả Trung đoàn Nga tử trận trên con sông này.

Ukraine bắt đầu phản công ở khu vực Kharkiv vào ngày 6 tháng 9. Vào ngày 9 tháng 9, các vùng ngoại ô của Oskil và Kapytolivka được giải phóng trong cuộc phản công Kharkiv của Ukraine. Đến sáng ngày 10 tháng 9, có thông tin cho rằng các lực lượng Nga đã chạy khỏi thành phố, bỏ lại thiết bị của họ và đến chiều các nguồn tin truyền thông cho biết thành phố đã được hoàn toàn giải phóng.

5. Những người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tranh cãi về cuộc phản công của Ukraine liên quan đến tầm quan trọng của các thành phố vừa bị tái chiếm

Trong một diễn biến chưa từng có, những người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga đã đưa ra các bình luận liên quan đến các chiến thắng dồn dập gần đây của quân Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Hosts Clash Over Counteroffensive: 'Very High Importance'“, nghĩa là “Những người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tranh cãi về cuộc phản công của Ukraine liên quan đến tầm quan trọng của các thành phố vừa bị tái chiếm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Các nhà tuyên truyền trên kênh truyền hình nhà nước Nga đã không đồng ý về tầm quan trọng của một thành phố Ukraine đã rơi vào tay các lực lượng tiến công của Kyiv.

Các lực lượng vũ trang Ukraine đã tái chiếm được thành phố Kupiansk là trung tâm tiếp tế và hậu cần quan trọng ở khu vực phía đông Kharkiv khi họ tiếp tục đạt được thành tích trong cuộc phản công.

Chỉ huy sư đoàn Chechnya Akhmat của Nga, Aptu Alaudinov, đã hạ thấp ý nghĩa chiến lược của thành phố này, và nói một cách mỉa mai trong chương trình 60 Minutes trên kênh Russia-1 rằng ông “không biết” thành phố này đã được “biến thành thủ đô của Nga” từ hồi nào.

“Ai biết được họ đang ăn mừng cái gì ở đó,” Alaudinov nói, khi anh ta cũng nhắc đến Balakliya, một thị trấn ở Kharkiv mà người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực, Oleh Synyehubov, cho biết hôm thứ Bảy là đã bị chiếm lại.

Video đã lan truyền với cảnh người dân rơi nước mắt chào những người lính Ukraine tại thị trấn nơi những lá cờ Ukraine đã tung bay phất phới.

Nhưng quan điểm của Alaudinov trái ngược với quan điểm của chuyên gia quân sự Mikhail Khodaryonok, người khẳng định rằng thành phố này sẽ là một giải pháp quan trọng cho Ukraine vì vị trí của nó như một căn cứ cung cấp hậu cần cho quân đội Nga.

Hồi tháng 5, Khodaryonok, đã gây chú ý trên các phương tiện truyền thông Nga khi nhận định rằng “nguy hiểm là rất cao” khi đánh giá bi quan về nỗ lực chiến tranh của Nga trong một chương trình thường tự hào về sức mạnh quân sự của Nga.

Tuần này, Khodaryonok cho biết “không hoàn toàn đúng” khi coi việc thất thủ Kupiansk là một vấn đề tầm thường, và mô tả thành phố có một “tầm quan trọng đặc biệt cao đối với việc cung cấp cho tất cả quân đội của chúng ta trong khu vực đó”. Người phụ trách chương trình Olga Skabaeeva đáp lại rằng “Rất rắc rối, mọi người đều căng thẳng kinh khủng.”

Thúy Nga cũng xin mở ngoặc để nói thêm rằng Olga Skabaeeva là một người rất cực đoan và hiếu chiến. Viện dẫn các phóng sự chiến trường, cô tả bày tỏ lo ngại về số lượng máy bay bất ngờ đông đảo của Không Quân Ukraine. “Ở đâu họ có một số lớn chiến đấu cơ như thế? Tôi cho rằng chính bọn Slovakia, Tiệp và Ba Lan đã lén lút giao cho bọn Zelenskiy để đánh chúng ta.” Rồi cô ta hô hào mở cuộc tấn công vào các quốc gia này.

Thật ra, các quốc gia này không lén lút. Họ công khai tuyên bố giao các chuyến đấu cơ cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Mở cuộc tấn công vào các quốc gia này cũng là hoang đường. Đánh một vùng Donbas đã không xong, nói chi đến việc đánh các quốc gia này. Hơn thế nữa, họ đều là thành viên của NATO.

Trở lại với bài báo trên tờ NewsWeek. Tờ báo viết tiếp rằng:

Những lo ngại đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước trước những lợi ích mà các lực lượng Ukraine đã đạt được trong cuộc phản công của họ với một sự thay đổi rõ rệt giọng điệu so với những lời hùng biện khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Thay vì khoác lác về các chiến thắng chóng vánh của Nga trước quân đội Ukraine áp đảo như họ thường làm khi bắt đầu cuộc chiến, các chuyên gia và người dẫn chương trình đã mô tả các tiến bộ của Kyiv ở khu vực Kharkiv, đồng thời phàn nàn về sự đóng góp của vũ khí và chuyên môn phương Tây vào nỗ lực chiến tranh của Ukraine.

Người đồng dẫn chương trình 60 Minutes, Evgeny Popov, chồng của Skabaeeva, đã mô tả cách quân đội Nga “chống lại một đám đông khổng lồ đã được huấn luyện ở phương Tây”. Trong khi đó, Vladimir Solovyov, một nhà báo có liên hệ với Vladimir Putin, cho biết trong chương trình của mình, “mọi thứ đều khó khăn”.

“Nhưng điều đó không thể dễ dàng”, Solovyov nói trong đoạn clip do nhà báo kiêm người theo dõi các diễn biến ở Nga Julia Davis tổng hợp, rằng, “mọi người đang chết dần… đây là một tình huống nghiêm trọng, và khó khăn”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận về cuộc phản công của Ukraine.
 
ĐTGM Scicluna, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói Malta phải chống lại cuộc xâm lược ở Ukraine
VietCatholic Media
17:12 12/09/2022


1. Dân biểu Utah gặp rắc rối to vì đã nói với chức sắc Mormon đừng báo cáo cho chính quyền các vụ lạm dụng

Một nhà lập pháp Utah và là một luật sư nổi tiếng của giáo phái Mormon đã khuyên các chức sắc trong giáo phái này không nên báo cáo những trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em cho chính quyền, một quyết định đã dẫn đến tình trạng lạm dụng tiếp tục trong nhiều năm.

Hồ sơ gồm hai trang từ nhật ký các cuộc gọi do một công ty luật đại diện cho giáo phái và một quan chức giáo phái bị phế truất - cho thấy rằng Dân biểu Merrill F. Nelson đã nhận cuộc gọi ban đầu từ một chức sắc báo cáo rằng thành viên Paul Adams của giáo phái này đã lạm dụng tình dục con gái của mình. Nelson cũng đã có nhiều cuộc trò chuyện trong khoảng thời gian hai năm với hai chức sắc biết về vụ lạm dụng này.

Nelson là một nhà lập pháp bảo thủ, người được bầu vào Hạ viện Utah năm 2013 và tuyên bố nghỉ hưu vào đầu năm nay. Ông cũng là một luật sư của công ty Salt Lake City Kirton McConkie, đại diện cho giáo phái. Ông lấy bằng đại học và luật tại Đại học Brigham Young thuộc sở hữu của giáo phái.

Một bản ghi lời khai và các đoạn trích của nhật ký cuộc gọi đã được đính kèm vào hồ sơ pháp lý tại Tòa phúc thẩm Arizona do các luật sư thực hiện cho các nguyên đơn. Ba trong số những người con của Adams đang kiện tụng ông ta và chiến đấu với giáo phái để tiếp cận các hồ sơ mà giáo phái khẳng định là bí mật. Giáo phái đã đưa vụ việc lên Tòa phúc thẩm sau khi một thẩm phán hạt Cochise ra phán quyết có lợi cho các nạn nhân.
Source:AP

2. Đức Tổng Giám Mục Scicluna, Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng Malta phải có lập trường chống lại cuộc xâm lược ở Ukraine

Mặc dù giữ vị trí trung lập, Malta phải có lập trường chống lại cuộc xâm lược của Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna đã thúc giục các chính trị gia vào hôm thứ Tư. Từ ngày 13 tháng 11, 2018, ngài là Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh.

Đức Cha Scicluna đã chủ sự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Lôrensô ở Vittoriosa vào đêm trước Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria và Ngày Chiến thắng.

Tổng thống George Vella và thủ tướng Robert Abela là những người có mặt trong Thánh lễ.

Trong bài giảng của mình, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nói rằng người ta không thể giữ trung lập trong thời điểm bất công, nhấn mạnh rằng khi kỷ niệm các chiến thắng của Malta, đất nước không thể quên Ukraine.

Đức Cha Scicluna nói rằng người ta không thể ngồi trên hàng rào để giữ thái độ trung lập.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Thiên Chúa cấm sự trung lập của chúng ta khi chúng ta không góp phần của mình cho những gì tốt đẹp, nhân danh tự do và nhân danh công lý,” Đức Tổng Giám Mục nói và nói thêm: “Xâm lược và xung đột vũ trang là hình thức chính trị tồi tệ nhất, và thật đáng buồn, đó là một ngôn ngữ người ta vẫn sử dụng với nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng chúng ta không thể sống an toàn trừ khi những người khác được an toàn”.

Đức Tổng Giám Mục Scicluna cũng kêu gọi Malta, vì nước này hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hãy gửi một thông điệp rằng mỗi quốc gia có quyền tự quyết và quyền được sống trong hòa bình, không bị xâm lược bất chính.

Ngài nói: “Ukraine vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các chính trị gia đã lựa chọn gây hấn và xung đột vũ trang”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người tiền nhiệm của Malta đã vượt qua những giai đoạn đau thương và chiến thắng trong các cuộc chiến với sự giúp đỡ và hỗ trợ của nước ngoài: “chúng ta đang ăn mừng chiến thắng vì sự can thiệp và đoàn kết của những người khác”.
Source:newsbook.com.mt

3. Các cuộc gặp gỡ của Nữ hoàng Elizabeth II với các Đức Giáo Hoàng

Trong 70 năm làm quốc vương, Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp gỡ nhiều vị giáo hoàng khác nhau.

Năm 1951, cô đã triều yết Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 khi cô vẫn còn là công chúa. Sau đó, mười năm sau, Đức Giáo Hoàng Gioan 23. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gặp bà hai lần tại Vatican và một lần ở Anh.

Năm 2010, Nữ hoàng Elizabeth có cuộc triều yết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tại Cung điện Holyrood ở Edinburgh, Tô Cách Lan.

Nữ hoàng đã quay trở lại Rôma vào năm 2014 khi trở lại Vatican và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong dịp đó, cô được tháp tùng bởi chồng mình, Công tước xứ Edinburgh, là người đã qua đời vào năm 2021.

Họ đến trễ 20 phút, nhưng cô ấy có thể giải thích sự chậm trễ của họ một cách duyên dáng.

Tôi xin lỗi vì đã để Đức Thánh Cha chờ đợi. Chúng tôi đang ăn trưa với tổng thống.

Nữ hoàng Elizabeth II - vị quân vương cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Anh - đã cống hiến triều đại của mình cho người dân của mình, đi du lịch nhiều hơn bất kỳ quốc vương Anh nào khác.
Source:Rome Reports