Ngày 05-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/09: Cầu Nguyện để tìm Thánh Ý Thiên Chúa – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:44 05/09/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Đó là lời Chúa
 
Niềm vui hoán cải
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:14 05/09/2022

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
NIỀM VUI HOÁN CẢI
Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta chương 15 của Tin Mừng Luca, được coi là chương của lòng thương xót. Trong đó, bài Tin Mừng là sưu tập ba dụ ngôn mà Chúa dùng để trả lời cho sự phàn nàn của những người Biệt Phái và Luật Sĩ đã phê phán hành vi của Người, khi họ nói rằng: “Con người này đón tiếp những người tội lỗi và ngồi ăn với họ” (Lc 15,2).

Với ba câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa Cha là người đầu tiên đã có thái độ đón tiếp và thương xót đối với các tội nhân. Thiên Chúa hành xử như thế trong thái độ của Người.

1. Thiên Chúa đến tìm kiếm

Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được trình bày như là một người chăn chiên có một trăm con chiên mà bị mất một con, ông đã để 99 con chiên kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị lạc mất.

Trong dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví như một người phụ nữ có mười quan tiền, mà chẳng may đánh mất một đồng, bà thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc cho kỳ được.

Trong dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được hình dung như một người cha luôn trông chờ đứa con hoang đàng, ông vui mừng đón tiếp khi nó trở về. Hình ảnh người cha mạc khải trái tim thương xót của Thiên Chúa, được bày tỏ qua dung mạo của Chúa Giêsu.

Cả ba dụ ngôn đều có một điểm chung là diễn tả niềm vui mừng khi tìm được những gì đã mất. Cả ba dụ ngôn không nói đến nỗi buồn, mà chỉ nhấn mạnh đến niềm vui và lúc phải vui mừng. Người chăn chiên gọi các bạn hữu, những người hàng xóm và nói: “Hãy chung vui với tôi vì tôi đã tìm thấy con chiên bị lạc mất” (câu 6).

Người phụ nữ gọi bạn bè và những người hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất” (câu 9).

Và người cha nói với đứa con cả rằng: “Giờ đây chúng ta phải liên loan và vui mừng, bởi vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (câu 32).

Trong hai dụ ngôn đầu, điểm nhấn là niềm vui quá lớn lao không thể diễn tả được nên phải chia sẻ với “bạn bè và hàng xóm.” Trong dụ ngôn thứ ba, điểm nhấn là niềm vui trào dâng từ trái tim của người cha nhân hậu và cần phải chia sẻ cho mọi người trong gia đình. Thiên Chúa vui mừng khi có một ai đó hoán cải trở về với Người.

2- Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ

Với ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, một Thiên Chúa với vòng tay luôn mở rộng, một vị Thiên Chúa đến với những người tội lỗi bằng sự dịu hiền và cảm thông. Đây là dụ ngôn đánh động mỗi người chúng ta nhất bởi vì nó diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa – là tình yêu của người cha, người đã chạy ra ôm lấy cổ người con và hôn lấy hôn để vì nó mất nay lại tìm thấy. Đây là điều đánh động chúng ta nhất không phải là câu chuyện đáng buồn của một người trẻ bị gặp cảnh khốn cùng, nhưng đúng hơn là những lời đầy kiên quyết này: “Tôi sẽ đứng lên và trở về với Cha tôi” (c. 18).

Con đường trở về nhà Cha là con đường hy vọng cho đời sống mới. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta trở về theo hành trình này. Người kiên nhẫn đợi chờ, chủ động ra đón, rồi ôm lấy chúng ta và Người tha thứ cho chúng ta. Đây là vị Thiên Chúa của Kitô giáo. Người là người Cha nhân hậu của chúng ta. Người xóa bỏ mọi lỗi lầm quá khứ và tái sinh chúng ta trong tình yêu và ân sủng của Người. Thiên Chúa quên quá khứ tội lỗi của chúng ta. Người cứu chữa và đón chúng ta vào nhà Người.

3- Thiên Chúa vui mừng

Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nói rằng: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).

Chúng ta hãy đặt ra câu hỏi: Có bao giờ anh chị em nghĩ đến cả thiên đàng vui mừng như thế nào mỗi lần chúng ta đi xưng tội? Có bao giờ anh chị em nghĩ đến điều đó không? Điều đó thật đẹp đẽ!

Ngoài ra, chúng ta hãy chạy đến với Đức Maria, vì Mẹ là nơi ẩn náu của các tội nhân, để xin Mẹ thắp sáng lên trong lòng chúng ta niềm tin của người con hoang đàng: “Tôi sẽ đứng lên và trở về với cha tôi và tôi sẽ thưa với cha, “thưa Cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha” (c. 18).

Tất cả những suy niệm trên mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao để hoán cải bởi vì lòng thương xót Chúa lớn hơn tội lỗi chúng ta và mọi sự đều có thể với ơn Chúa! Chúng ta hãy bắt đầu lại sau khi đã sa ngã. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:55 05/09/2022

51. Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho vua Giê-su ngự trị trong lòng mọi người.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 05/09/2022
89. THỦY HỎA TRANH CÔNG

Thủy Đức tinh quân cùng Hỏa Đức tinh quân tranh luận không nghỉ.

Thủy Đức tinh quân nói:

- “Đem nước đổ trên lửa, lửa liền tắt ngúm, cho nên tôi mới là đại ca”.

Hỏa Đức tinh quân nói:

- “Dùng lửa nấu nước, nước liền sôi lên, tôi là đại ca mới phải”.

Ngọc hoàng đại đế nói:

- “Hai đảng mới cũ dưới hạ giới (chỉ về phái duy tân và phái bảo thủ), không hòa hợp với nhau như nước với lửa, cùng nhau công kích náo loạn cả thiên hạ bất an. Hôm nay các ngươi lại cùng nhau tranh đấu, lẽ nào các ngươi muốn đem cái bia Đảng Nhân lên lập trên trời sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 89:

Nước và lử
a là hai thế lực mạnh trong vũ trụ đối chọi nhau chẳng bên nào hơn bên nào cả, hể lửa mạnh thì nước thua, mà nước nhiều thì lửa thua, đó là chuyện tự nhiên thôi, vậy mà chúng nó ai cũng muốn mình làm đại ca, mà không biết rằng hể mình làm đại ca thì thế gian hoặc là bị thiêu rụi trong lửa hoặc là bị chết chìm trong nước hết, nhưng nếu chúng nó “nhường nhịn” nhau, tức là hòa hợp với nhau thì con người sẽ rất hạnh phúc...

Lý trí và tình cảm là hai thế lực lớn của con người, chỉ làm theo lý trí thì tình cảm không còn và dễ biến thành thù hận, chỉ đi theo tình cảm thì kỷ cương xổng chuồng dễ trở thành bại hoại, cho nên cần phải biết dung hòa giữa lý trí và con tim, đó chính là người khôn ngoan.

Phân tích sự việc theo lý trí, đoán xét sự việc theo tình cảm và thực hành công việc theo lương tâm, mà lương tâm không phải là tiếng nói của Thiên Chúa sao? Đó là sự dung hòa khôn ngoan của người Ki-tô hữu giữa lý trí và tình cảm, giữa nước và lửa, giữa cấp tiến và bảo thủ vậy.

Thật là hạnh phúc !

Bởi vì lúc đó thì chẳng ai muốn làm đại ca của ai nữa, mà chỉ muốn làm người phục vụ tha nhân mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tìm Kiếm và Vui Mừng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
21:45 05/09/2022

Tìm Kiếm và Vui Mừng
CN 24 C

Tập 2 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về 3 dụ ngôn “Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người con hoang đàng”, với 14 đoản khúc xuyên suốt 152 trang sách từ trang 117 đến trang 269. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích, nhiều ý tưởng mới lạ, nhiều khám phá độc đáo và những suy tư sâu sắc. Xin được trích dẫn và nối kết vài ý tưởng để suy niệm Tin Mừng hôm nay.
- Matthêu viết Phúc Âm như hệ thống sư phạm, như thầy dạy.
- Maccô mệnh danh là Phúc Âm trên đường đi. Những biến cố quan trọng đều xảy ra khi Chúa đi trên đường.
- Luca như thầy thuốc, nhạy cảm với nỗi xót đau của bệnh nhân. Người đọc thấy Phúc Âm này trình bày Chúa bằng văn chương của lòng thương xót.
- Gioan viết Phúc Âm với những điều cao siêu về thiên tính Đức Kitô. Thí dụ, ngay câu mở đầu Gioan đã viết “Lúc khởi đầu đã có Lời”.

Mỗi tác giả Phúc Âm có lối viết riêng. Mỗi tác giả nhằm đến một đối tượng riêng và trình bày theo phương pháp của mình.
Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót.

1. Tìm kiếm

Sau sự kiện Pharisiêu xầm xì, kết án Chúa về việc đón tiếp những người tội lỗi (x.Lc 15,1-2), Đức Giêsu kể ba dụ ngôn: Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đàng.

Con chiên đi lạc, tự nó có trách nhiệm, nó đánh mất giá trị của nó, có khi chết, có khi nó mang thương tích. Đồng bạc tự nó không mất. Người coi sóc đánh mất nó, tự nó không mất giá trị. Kẻ khác tìm được, nó vẫn giá trị một quan tiền. Nó không trở thành miếng sắt. Ở đây sự tự do bắt đấu xuất hiện. Nơi con chiên, nó có tự do lựa chọn đi lạc. Sự tự do này sẽ là vấn đề sâu sắc hơn, nó dẫn đến trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”. Vì người con hoang đàng sẽ hoàn toàn sử dụng tự do của mình. Ba dụ ngôn “đánh mất” này liên hệ chặt chẽ với nhau. Luca trình bày rõ bối cảnh ra đời của ba dụ ngôn là nói với những người Pharisiêu.

Đặt ba dụ ngôn này trước các Pharisiêu, Luca cho thấy lòng thương xót Chúa nổi lên một cách siêu bạo. Chúa dám lấy lòng thương xót của Ngài chống lại một thế lực rất lớn bấy giờ. Họ đối nghịch với Chúa vì: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Vì Pharisiêu mà Chúa kể ba dụ ngôn về thân phận tội lỗi, cần lòng thương xót. Vì biểu lộ lòng xót thương cho chúng ta là chiên lạc, là mất mát được đi tìm, là hoang đàng được bao dung mà Chúa dám đưa ra những dụ ngôn này để Chúa bị kết án cay nghiệt hơn.

Chủ đề cả ba dụ ngôn nói về tìm kiếm. Chúa dám dùng dụ ngôn này ám chỉ các lãnh đạo tôn giáo bấy giờ. Các dụ ngôn đề cao: trách nhiệm tìm kiếm, sự trở về của một người ăn năn, cộng đoàn phải đón nhận bằng mừng vui. Đây là những điều người Pharisiêu đã không làm, họ chống đối. Pharisiêu kết án người tội lỗi. Phúc âm Luca mệnh danh là Phúc Âm của Lòng Thương Xót, thương người tội lỗi, thương kẻ nghèo, thương người bị bệnh tật, nên lời Chúa trách Biệt Phái cũng nặng nề hơn, nhiều hơn. Luca cho nhiều chi tiết về thái độ Biệt phái tìm cách hãm hại Chúa.

Câu chuyện Chúa kể hai nghìn năm trước trong bối cảnh là trả lời Biệt Phái về giá trị cái phải tìm. Trong đời sống, ai mà không có kinh nghiệm một lần đánh mất. Đánh mất của cải, đánh mất tình bạn, đánh mất gia đình. Có nhiều thứ đánh mất lắm. Cay nghiệt nhất là đánh mất loại nào? Có bốn loại đánh mất:

- Mất vật chất như của cải
- Mất giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn
- Mất chính mình
- Mất ơn cứu độ

Đánh mất nào mà muốn có lại cũng phải đi tìm. Có tìm kiếm vất vả. Có tìm kiếm dễ dàng. Có tìm kiếm mà không thấy. Có tìm trong hy vọng. Có tìm trong nỗi lo.

Trong những thứ mất mát này, mất chính mình là điều sợ hãi. Người con thứ đi tìm một chân trời rất xa. Xa gia đình, xa tháp chuông, xa làng mạc, xa thềm nhà ngày xưa. Chiều sâu Luca cho thấy bước chân đi xa của anh ta ở đây là chiều kích tâm linh bắt đầu xuất hiện. Đi xa là muốn xoá nhoà căn tính, gốc gác. Mọi cuộc đỗ vỡ đều như vậy. Tội lỗi làm mờ căn tính là con Thiên Chúa. Bỏ nhà đi là làm mờ căn tính của mẹ cha. Trẩy đi phương xa thì phải có tính toán. Đi đâu? Có lẽ người con thứ đã dự tính. Không ai bỏ nhà đi mà không biết đi đâu. Vùng xa người con này đến phải là vùng người ngoại giáo. Người Do thái giữ Luật không bao giờ đụng đến heo. Sự kiện đi xa này không phải chỉ là địa lý làng mạc xa, mà xa trong tâm linh. Có thể đây mới là điều Luca nhắm tới. Nói cách khác là người con thứ đã bỏ đạo. Sống bên bầy heo. Ao ước được ăn đồ của heo. Chống lại tôn giáo của cha ông. Không đơn giản là bỏ nhà đi, người con thứ đã chích vào tâm linh mình một thứ ma quái đó là heo theo Luật Cựu ước. Đi xa rồi phóng đãng phung phí. Chia gia tài để nuôi một thần linh tối tăm. Bỏ tôn giáo của mình chưa hết, người con thứ thà ăn đồ ăn của heo chứ nhất định không về. Luca cho thấy rõ thêm, nếu được ăn đồ của heo, người con thứ sẽ không về. Tội kinh hoàng của người con thứ nằm ở đấy chứ không hẳn đơn giản là bỏ nhà đi.Thà ăn đồ ăn của heo là thà ăn đồ ăn ô uế của tà thần chứ không về. Không phải chỉ bỏ cha mà bỏ tôn giáo của cha mình, anh ta phạm đến Trời. Thật sự đã phạm đến trời cao bằng dày đạp lên Lề Luật tổ tiên.

Luca cho người cha tìm lại được con, với bước chân con không về trong hân hoan, nhưng như đống củi mục cháy không thành lửa, toả khói mù âm ỉ ray rứt. Trong văn chương Luca luôn là tương phản giữa tình yêu thật đẹp của người cha và dang dở của người con trên đường về. Nắng lên đó mà tê lòng. Gió có thổi mà hồn không mát. Luca vẽ chân dung người con thứ bỏ nhà đi bằng nhiều bóng màu kỳ diệu. Lúc ẩn, lúc hiện. Trong ánh nắng chiều tà có dáng bình minh. Trong niềm vui có ngại ngùng. Trong tiếng đàn ca bữa tiệc có lo âu bấp bênh của người cha không biết người con cả có vào nhà chung vui hay không. Lối về của người con thứ đem nỗi vui cho cha, nhưng Luca lại pha gam màu nỗi vui bằng dang dở của người anh, bằng thái độ không tha thiết trên đường về của đứa con đi hoang. Luca cho nhân vật trở về bằng cái đói. Một động lực trong mầu sắc đó không có gì cao sang. Một gam màu khá ảm đạm. Tại sao người con thứ không về bằng gam màu rực rỡ như tiếng khóc thảm thiết sám hối của Phêrô? Tại sao Luca không viết rằng người con cả ùa chạy vào nhà ôm em? Những cái kết có hậu như thế thì câu chuyện có đẹp hơn không? Lối về vì đói của người con thứ không lý tưởng trong ánh mắt của những nhà đạo đức. Nhưng trong con mắt các tội nhân, thì cách về của anh ta thật dễ. Nó thành đẹp và hy vọng cho một người tội lỗi yếu đuối. Cái về vì hồi tâm chỉ vì thấy mình đói mà nhà cha thì cơm dư, gạo thừa. Trong anh, ít nhiều vẫn có hình bóng cha. Anh tự đánh mất quyền làm con, nay anh không tự xin lại. Anh chỉ xin làm công, dựa vào ân huệ của cha. Nếu không hy vọng cho cho mình làm công thì anh về làm chi. Anh tìm về vì vẫn còn chút lòng cậy trông. Ai ngờ cha đã chuẩn bị nuôi bê từ lâu rồi. Không cần nói, đừng toan tính, đừng nghĩ công mình làm. Trong một chút cậy trông, áng màu nhẹ thôi mà Luca đưa người đọc vào thế giới bao la tình thương của Chúa “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10).

2. Lòng Xót Thương.

Ba dụ ngôn đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.

Chúa Giêsu bày tỏ niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi hối cải. Ở dụ ngôn thứ nhất, "trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải"; ở dụ ngôn thứ hai "các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải"; và ở dụ ngôn thứ ba "phải ăn mừng, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy".

Tội nhân hối cải, không những được tha thứ, nhưng còn được chờ đợi, được đón tiếp. Niềm vui của Thiên Chúa thật lớn lao khi người tội lỗi biết từ bỏ con đường xấu xa, trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa.

“Người cha nhân hậu” là dung mạo Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Khi chia gia tài cho con lòng cha đau đớn. Vì tôn trọng tự do của con chứ không phải cha nhu nhược. Ngày nhìn con ra đi, bóng nó nhạt dần cuối chân trời như cánh chim bay, lòng cha thấy trống trải, muộn phiền vì thiếu vắng hình bóng con. Ngày ngày cha ngóng trông đợi con trở về. Thế rồi một ngày kia, đứa con trở về thật. Nó về trong dáng vẻ thất bại thảm hại, thất thểu rách nát. Thua cuộc đời nó về làm dấy lên những lời bình phẩm của làng xóm. Giả như nó không về, người ta sẽ lãng quên. Nay nó trở về nhắc cho bà con làng xóm thấy sự thất bại của gia đình ông. Con ông về trong thất bại chua cay là câu chuyện đám tiếu đầu làng cuối xóm. Vậy mà ông mở tiệc ăn mừng. Thật lạ lùng!

Ở đời, khi con thi đậu đại học, khi con công thành danh toại vinh quy bái tổ, khi con là Việt kiều về thăm, cha mẹ mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến chia vui. Người ta thường dấu kín chuyện thất bại của con cái, người ta mắc cở không dám kể về đứa con bất hiếu, ngổ nghịch, ăn chơi đàng điếm. Người ta chỉ khoe đứa con ngoan, tự hào đứa con học hành thành đạt, vui mừng khi con có việc làm có sự nghiệp. Thế mà, người cha lại mở tiệc lớn. Mừng đứa con trở về thất bại tả tơi. Khách mời ngỡ ngàng khi chủ nhà giới thiệu con ông về nhà sau những ngày chăn heo đói khổ. Thế nhưng, người hiểu tình yêu là gì, tình phụ tử là gì thì thông cảm và chia vui với người cha. Cha đã tha thứ cho con trước khi con tự thú. Cha vui vì đứa con đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.

Dung mạo người cha đó, chính là Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thái độ người cha đối với hai đứa con là thái độ của Thiên Chúa đối với con người. Trong trái tim Thiên Chúa chỉ có tình thương. Người không có trí nhớ về tội lỗi con người.

Cha yêu con dù con hư hỏng, bất trung. Cha yêu con không vì con ngoan được việc, cha yêu con chỉ vì con là con. Cha không muốn mất một đứa con nào. Thiên Chúa của Đức Giêsu mạc khải là người cha nhân hậu, hiền từ, bao dung, hay tha thứ.

Hành trình thiêng liêng của cuộc đời, cả hai người con trong dụ ngôn đều có mặt trong mỗi con người chúng ta. Nhiều lần ta nghe theo cơn cám dỗ của thế gian xác thịt mà nên hoang đàng, hoang phí, gặp thất bại đau khổ mới hối hận trở về với Chúa. Nhiều lần ta là con cả tưởng mình đạo đức mà lên án tẩy chay người khác. Cần trở về với Cha, về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

3. Vui Mừng

- Niềm vui trong dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc tìm thấy là niềm vui trọn vẹn. Không ai chống đối.
- Niềm vui người con thứ trở về là niềm vui dang dở. Người con cả chống đối.
- Cả hai niềm vui trong “con chiên bị mất và đồng bạc bị đánh mất” dẫn đến một kết luận là nếu “một người tội lỗi ăn năm sám sối thì cả thiên đàng vui mừng”. Chữ “nếu” này nằm trong dụ ngôn thứ ba là “nếu” người con cả vào dự tiệc, “nếu” người con cả ăn năn sám hối thì cả bữa tiệc đều vui. Cả ba dụ ngôn sẽ thành trọn vẹn là những dụ ngôn của niềm vui.
- Dụ ngôn thứ ba là niềm vui ngay dưới đất. Ta thấy rõ trong gia đình, trong giáo xứ, một cộng đoàn, niềm vui hay bất hạnh xảy ra đều có liên hệ chung. Con người có khả năng tạo niềm vui hay bất hạnh. Tuỳ con người sử dụng tự do và ơn thánh. Niềm vui dưới đất này dẫn đến niềm vui thiên đàng mai sau.
- Người con thứ bỏ nhà đi sống với dân ngoại, giống như hình ảnh những người thu thuế đi với ngoại bang Roma, giống như những người tội lỗi mà Tin Mừng kêu gọi sám hối. Dọc theo Phúc Âm, hình ảnh người con cả dấp dáng trong cách đi, cách đứng của các Biêt phái, Kinh dư, Thông luật. Người con cả ở trong nhà mà xa cha. Như Biệt phái trong đền thờ mà xa Thiên Chúa. Họ kết án người khác. Họ xa lánh người có tội. Người con cả ở đây cũng kết án người em. Biệt phái dựa vào nhân đức của mình, như người con cả cậy vào công việc của nó. Giống người con cả là luôn nghĩ đến mình, anh ta không có niềm vui, những Biệt phái cũng vậy. Chủ đề sống thực của dụ ngôn là lời mời gọi trước niềm vui hay đổ vỡ là ta quyết định trong gia đình của ta hôm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, niềm vui chính là vẻ đẹp của Tin Mừng: “Niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai tiếp nhận đề xuất cứu rỗi của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng và cô đơn nội tâm. Với Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn trổ sinh như mới”. (x.Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng).

Hạnh phúc là niềm vui, khi người ta vui thì hạnh phúc, khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ và rất dễ hiểu. Niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng. Niềm vui chỉ thực sự có khi yêu thương. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự.

Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.

“Hãy chia vui với tôi”, Thiên Chúa vui mừng khi con người sống thân mật với Ngài trong tình cha con.

“Hãy chia vui với tôi”, đó cũng là lời mời gọi mỗi kitô hữu chia sẻ niềm vui đức tin với anh em mình trong cuộc sống hàng ngày.


 
Khuôn mặt của Giáo hội
Lm. Minh Anh
21:51 05/09/2022

KHUÔN MẪU CỦA GIÁO HỘI
“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện”; “Ngài đi xuống cùng với các ông”.

John Bunyan nói, “Ai không lên ‘núi thánh’ của Thiên Chúa vào buổi sáng, sẽ hiếm khi tìm thấy Ngài dưới ‘đồng bằng’ suốt thời gian còn lại!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng thú vị của John Bunyan được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay; ở đó, chúng ta khám phá ra hình ảnh của người Kitô hữu, của Giáo Hội, một Giáo Hội lên ‘núi thánh’ và xuống ‘đồng bằng’; một Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động như Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội!’.

Trước hết, Luca nói, “Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Hơn các thánh sử khác, Luca miêu tả Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện! Cũng thế, Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện. Mỗi ngày Giáo Hội không ngừng lên những ‘núi thánh’ là các bàn thờ của mình để cùng Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện. Giáo Hội cầu nguyện với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu; và tuyệt vời nhất, Giáo Hội được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trước nhan thánh Cha Trên Trời!

Luca ghi nhận, “Sáng ngày, Ngài gọi các môn đệ, chọn mười hai vị mà Ngài gọi là tông đồ”. Suốt hai ngàn năm, Giáo Hội đang tiếp tục công việc của Chúa Giêsu. Chính nhờ Ngài, với Ngài, và trong Ngài; nhất là với Thánh Thần của Ngài, Giáo Hội tiếp tục ‘xuống núi’, chọn gọi, và sai con cái của mình ra đi. Đúng thế, từ khắp năm châu, các thừa tác viên có chức thánh hoặc không có chức thánh, bao tâm hồn tận hiến không ngừng được chọn, gọi, và được sai đi.

Luca mô tả, “Ngài đi xuống…, có nhóm môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp các xứ… đến nghe Ngài giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật”. Quyền giáo huấn là đặc quyền các Tông Đồ, tức các Giám Mục nhận từ Chúa Giêsu; và như thế, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội là rao giảng Chúa Kitô, rao giảng Nước Thiên Chúa và mở rộng Vương Quốc Ngài. Bên cạnh đó, như Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, Giáo Hội không ngừng tiếp tục chữa lành hồn xác cho con cái mình và tất cả những ai đến với mình. Quả vậy, cùng Chúa Kitô và ân sủng Thánh Thần, qua các Bí Tích, Giáo Hội đang tiếp tục tìm kiếm, chữa lành, băng bó những con chiên lạc, những ai yếu nhược hẩm hiu khắp cùng thế giới.

Như vậy, ‘núi thánh’ và ‘đồng bằng’ hình thành khuôn mẫu cuộc sống của Chúa Giêsu; cũng là ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, của các cộng đoàn. Thật xót xa, cộng đoàn Côrintô trong bài đọc hôm nay xem ra thiếu ‘lên núi’, họ kiện tụng nhau ngoài toà đời, khiến Phaolô phải lên tiếng.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện”; “Ngài đi xuống cùng với các ông”. Đó không chỉ là khuôn mẫu của Chúa Giêsu, của Giáo Hội, nhưng còn là khuôn mẫu của mỗi người chúng ta; vì lẽ, Giáo Hội là bạn và tôi! Giáo Hội không ở đâu xa tận Rôma, nhưng “Giáo Hội là tôi!”. Nhịp sống của Chúa Giêsu, của Giáo Hội, nhất định là nhịp sống của bạn và tôi. Buổi sáng, chúng ta lên núi gặp Chúa, ở lại với Ngài; để thời gian còn lại, chúng ta tìm gặp khuôn mặt trìu mến của Ngài nơi những người thân yêu trong gia đình, thân ái trong công sở, thân thiết trong học đường. Nhờ việc lên ‘núi thánh’, chúng ta vui lòng đón nhận những biến cố mừng vui, và cả nước mắt, lao nhọc của bản thân, của tha nhân và của cả thế giới. Mô hình của hai nhịp sống này là đặc điểm của từng ngày sống và cả cuộc sống của người Kitô hữu.

Chúng ta lên ‘núi thánh’ qua Bí Tích Thánh Thể mà chóp đỉnh là Thánh Lễ, hay các hình thức cầu nguyện công khai khác; hoặc cầu nguyện thầm lặng và cá nhân hơn; sau đó, chúng ta xuống ‘đồng bằng’, đến với tha nhân, mang theo một điều gì đó từ ‘núi thánh’ Chúa; một nhịp sống tốt lành như thế, hẳn sẽ chứng tỏ điều Thánh Vịnh đáp ca nói đến, “Chúa yêu thương dân Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, ‘khuôn mẫu của Giáo Hội’, của mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình và mỗi người chúng con. Xin ban cho con một trái tim khát khao Chúa, cũng là trái tim khát khao Chúa cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi thăm phó tổng thống Cristina Kirchner sau vụ mưu sát
Đặng Tự Do
05:10 05/09/2022


Sau một nỗ lực mưu sát thất bại nhắm vào Cristina Kirchner, phó tổng thống Á Căn Đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết và “sự gần gũi trong thời điểm tế nhị này” trong một bức điện được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố vào ngày 2 tháng 9 năm 2022. Một ngày trước đó, chính trị gia vừa tròn 69 tuổi, người từng là tổng thống Á Căn Đình từ năm 2007 đến 2015, đã bị một tay súng chĩa súng vào trán trên đường phố Buenos Aires, nhưng súng có lẽ bị kẹt đạn và không ai bị thương trong vụ tấn công.

Trong một thông điệp ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài cầu nguyện cho “sự hòa hợp xã hội và tôn trọng các giá trị dân chủ có thể luôn tồn tại ở Á Căn Đình thân yêu, chống lại mọi hình thức bạo lực và gây hấn”.

Vụ ám sát do một công dân Brazil thực hiện ngay lập tức bị bắt giữ và không rõ động cơ, xảy ra vào ngày thứ 11 của phiên tòa xét xử Cristina Kirchner vì tội tham nhũng, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.

“Cristina còn sống bởi vì một lý do chưa được xác nhận về mặt kỹ thuật, khẩu súng chứa 5 viên đạn đã không bắn ra, mặc dù hung thủ đã bóp cò”, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết trong một bài phát biểu, vài giờ sau sự kiện.

Trong một diễn biến khiến nhiều thị trưởng và phe đối lập khó hiểu, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez đã ban bố một ngày lễ nghỉ đặc biệt trên toàn quốc, mà trong thực tế là một hình thức giới nghiêm trên toàn quốc, hạn chế việc mở cửa hàng và các cuộc thi đấu thể thao bị bãi bỏ.

Cristina Kirchner kế nhiệm chồng là Nestor Kirchner làm tổng thống Á Căn Đình vào năm 2007, và được bầu lại vào năm 2011. Mối quan hệ của cô với Đức Giáo Hoàng tương lai, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, ban đầu tỏ ra lạnh nhạt và xa cách, nhưng sau đó đã được cải thiện nhân cái chết và tang lễ của Nestor Kirchner vào năm 2010, được Đức Hồng Y Jorge Bergoglio cử hành tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Á Căn Đình.

Tuy nhiên, trong cùng năm đó, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã gây ra căng thẳng lớn giữa Giáo hội và chính phủ cánh tả. Sự phản đối của Đức Hồng Y Bergoglio đã khiến báo chí Công Giáo chú ý đến ngài.

Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, quan hệ với tổng thống của đất nước quê hương của ngài đã chuyển sang nồng ấm, gây ra một số ngạc nhiên trong những người ủng hộ. Trong khi Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ trở lại Á Căn Đình, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma cũng như ở Brazil, bên lề Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013 và ở Paraguay năm 2015.

Sau khi rời nhiệm sở vào năm 2015, Cristina Kirchner trở lại nổi bật vào năm 2019, trở thành phó tổng thống của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, Alberto Fernandez. Cuộc tranh luận chính trị chia rẽ cao độ và những nỗ lực của các phe phái khác nhau nhằm khai thác sự nổi tiếng của Giáo hoàng Phanxicô, vào lúc này, dường như đã khiến Đức Giáo Hoàng không thể tổ chức một chuyến tông du về quê hương của mình.
Source:Aleteia
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình về vụ mưu sát phó tổng thống
Đặng Tự Do
05:11 05/09/2022


Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, Đức Cha Oscar Vicente Ojea, đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với phó tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, và chuyển tải cam kết nhiệt thành cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp trong đất nước.

Các giám mục Á Căn Đình khác của đã lên tiếng tương tự sau vụ mưu sát khi một người đàn ông chĩa súng vào trán nữ phó tổng thống và từng là tổng thống hai nhiệm kỳ. Nòng súng chỉ cách trán bà có vài cm. Hung thủ được tường trình đã bóp cò nhưng viên đạn không bắn ra, mặc dù khẩu súng đã được lắp đến 5 viên đạn. Nhưng cũng có những người chứng kiến tại chỗ cho rằng hung thủ không bóp cò. Đó là một vụ mưu sát gây chấn động người Á Căn Đình.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình viết:

Đức Cha Carlos José Tissera, Giám mục giáo phận Quilmes, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, cùng với Ủy ban Công lý và Hòa bình và Ban Thường Trực Hội Đồng Giám Mục, bày tỏ sự “kinh hoàng” trước những gì đã diễn ra tại khu phố Recoleta của Buenos Aires và bày tỏ “sự phản đối kiên quyết nhất đối với cuộc tấn công chống lại phó tổng thống Quốc gia, Cristina Fernández de Kirchner.”

“Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với cô ấy và dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho sự toàn vẹn về thể chất và tình cảm của cô ấy. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng tình tiết đáng buồn này sẽ được làm sáng tỏ và công lý nhanh chóng được phục hồi. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngôn từ kích động thù địch, cũng như những hành động bạo lực như thế này; và mong mỏi nền dân chủ của chúng ta được xây dựng bằng những cuộc tranh luận cao cả làm rạng rỡ đời sống xã hội và chính trị của đất nước chúng ta”.

Đức Cha Dante Braida, Giám mục giáo phận La Rioja, nhận định rằng:

“Thời kỳ khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua và cuộc tấn công này là lý do mạnh mẽ để dấn thân nhiều hơn vào đối thoại và stìm kiếm thực sự những điểm chung của tất cả các thành phần xã hội và chính trị để giải quyết các vấn đề của chúng ta dựa trên sự thật và công lý, do đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tất cả mọi người vì hòa bình xã hội. Cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta và Đức Mẹ Luján của chúng ta bảo vệ chúng ta và dẫn dắt chúng ta đi theo con đường của Hòa bình".
Source:AICA
 
Phó tổng thống Á Căn Đình và kinh nghiệm cận tử
Đặng Tự Do
05:11 05/09/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cuộc điện đàm với phó tổng thống Cristina Fernández de Kirchner sau khi bà ấy bị một người chĩa súng vào trán. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên nhưng không nêu chi tiết. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, quan hệ của ngài với bà Kirchner được mô tả là lạnh nhạt, nhưng sau khi ngài cử hành thánh lễ an táng cho chồng bà là ông Nestor Kirchner in 2010, tình hình đã khá hơn, đặc biệt là sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Trong khi đó, văn phòng phó tổng thống cho biết ngắn gọn là bà Kirchner đã nói với Đức Thánh Cha về kinh nghiệm cận tử của mình.

Một người đàn ông đã bị bắt sau khi một khẩu súng ngắn nhắm vào phó tổng thống Á Căn Đình, Cristina Fernández de Kirchner, trong một vụ ám sát rõ ràng.

Fernández de Kirchner chỉ sống sót vì khẩu súng lục - được nạp 5 viên đạn - không bắn ra, Tổng thống Alberto Fernández nói.

Vụ việc, trong đó Fernández de Kirchner không hề hấn gì, diễn ra khi cô đang chào hỏi những người ủng hộ bên ngoài nhà của mình ở khu phố Recoleta của Buenos Aires vào lúc 9 giờ tối theo giờ địa phương vào hôm thứ Năm.

“Một người đàn ông chĩa súng vào đầu cô ấy và bóp cò”, tổng thống nói trong một chương trình phát thanh quốc gia.” Cristina vẫn còn sống bởi vì một lý do nào đó vẫn chưa được xác nhận, khẩu súng... không bắn.”

Ông gọi đây là “sự việc nghiêm trọng nhất kể từ khi chúng ta khôi phục nền dân chủ” vào năm 1983 và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội nói chung lên án hành động này.

Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm mà họ nêu danh tính là Fernando Andrés Sabag Montiel, một người đàn ông Brazil 35 tuổi, sống ở Á Căn Đình từ năm 1993. Các nhà điều tra sau đó cho biết đã tìm thấy khoảng 100 viên đạn trong nhà của anh ta ở Buenos Aires.

Hàng nghìn người ủng hộ Fernández dự kiến đã tập trung tại Plaza de Mayo của thành phố vào chiều thứ Sáu để thể hiện tình đoàn kết của họ với phó tổng thống.

Các sự kiện kịch tính đã được ghi lại bằng máy quay truyền hình bên ngoài nhà của Fernández de Kirchner, nơi những người ủng hộ đã tụ tập trong nhiều ngày để phản đối các cáo buộc tham nhũng được đệ trình lên tòa án.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông xô đẩy qua những người ủng hộ, giơ súng vào mặt Fernández de Kirchner và dường như đang cố gắng bắn bằng khẩu súng lục. Một số báo cáo cho biết người đàn ông chĩa súng vào Fernández de Kirchner nhưng không bắn. Có thể thấy, cựu tổng thống hai nhiệm kỳ phản ứng bằng cách che mặt và cúi xuống. Cô ấy được cho là không hề hấn gì.

Bộ trưởng An ninh Aníbal Fernández cho biết khẩu súng có năm viên đạn “và đạn không bắn ra mặc dù đã bóp cò”. Tuy nhiên, một số người đứng gần đó cho rằng hung thủ Mức độ bạo lực bằng lời nói đã gia tăng một cách đáng báo động trong các chính trị gia đối lập ở Á Căn Đình trong năm nay, chủ yếu tập trung vào các cáo buộc tham nhũng được đệ trình lên tòa án chống lại Fernández de Kirchner. Một số chính trị gia đối lập cực đoan đã kêu gọi áp dụng lại bản án tử hình cho phó tổng thống.

Sau vụ việc, một tuyên bố từ đảng Frente de Todos của Fernández de Kirchner cho biết: “Sự kích động thù hận xuất phát từ các lĩnh vực khác nhau của quyền lực chính trị, truyền thông và tư pháp chống lại cựu tổng thống, chỉ dẫn đến một bầu không khí bạo lực cực độ”.

Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa gọi vụ việc là một “âm mưu ám sát”.
Source:The Guardian
 
Vụ nổ nhà thờ Hồi giáo ở Afghanistan giết chết 18 người, bao gồm cả giáo sĩ ủng hộ Taliban
Đặng Tự Do
16:37 05/09/2022


Một vụ nổ xé nát một nhà thờ Hồi giáo đông đúc ở miền tây Afghanistan đã xảy ra vào hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, bao gồm một giáo sĩ nổi tiếng thân cận với Taliban, các quan chức Taliban và một viên chức y tế địa phương cho biết. Ít nhất 23 người bị thương.

Video từ hiện trường cho thấy: Vụ nổ ở thành phố Herat khiến sân của Nhà thờ Hồi giáo Guzargah ngổn ngang xác người, mặt đất bê bết máu,. Những người đàn ông hét lên, “Chúa vĩ đại”, trong cơn sốc và kinh hoàng.

Quả bom đã nổ trong buổi cầu nguyện trưa thứ Sáu, khi các nhà thờ Hồi giáo đầy người thờ phượng.

Trong số những người thiệt mạng có Mujib-ul Rahman Ansari, một giáo sĩ nổi tiếng trên khắp Afghanistan vì những lời chỉ trích của ông đối với các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn trong hai thập kỷ qua. Ansari được coi là thân cận với Taliban, kẻ đã giành quyền kiểm soát Afghanistan một năm trước khi các lực lượng nước ngoài rút đi.

Phát ngôn nhân chính của Taliban, Zabihullah Mujahid, xác nhận cái chết của giáo sĩ này. Ngay trước khi xảy ra vụ đánh bom, Ansari đã gặp gỡ ở một khu vực khác của thành phố với phó thủ tướng của chính phủ Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đang có chuyến thăm tới Herat. Ansari đã vội vã từ cuộc họp đến nhà thờ Hồi giáo để đến chủ trì buổi cầu nguyện buổi trưa, một phụ tá của Baradar cho biết trong một tweet thương tiếc giáo sĩ.
Source:AP
 
Đức Giáo Hoàng giải tán hàng lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, ban hành hiến pháp mới
Đặng Tự Do
16:38 05/09/2022


Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải tán hàng lãnh đạo của dòng Hiệp sĩ Malta, là một Dòng Tu và một nhóm nhân đạo Công Giáo toàn cầu, đồng thời thành lập một hàng lãnh đạo lâm thời trước cuộc bầu cử một nhà lãnh đạo mới.

Sự thay đổi, mà Đức Giáo Hoàng ban hành trong một sắc lệnh, diễn ra sau 5 năm tranh luận gay gắt trong nhà dòng và giữa một số thành viên hàng đầu của hàng lãnh đạo cũ và Vatican về một hiến pháp mới mà một số người lo ngại sẽ làm suy yếu chủ quyền của nhà dòng.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.

Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.

Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.

Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.

Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.
Source:Reuters
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lối sống mới ở Á Châu thời hậu Covit? Người dân Seoul ồ ạt di chuyển về nông thôn
Trần Mạnh Trác
12:02 05/09/2022

Seoul (AsiaNews 09/05/2022) - Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Với tỷ lệ 0,8 con / phụ nữ, họ xếp hạng sau cả Nhật Bản, mà tỷ lệ là 1,3.

Khoảng một nửa dân số Hàn Quốc dồn nhau về sống ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận còn vùng nông thôn thì bị suy giảm.

Tuy nhiên mới đây, xu hướng ngược lại dường như đang phát triển, làm dấy lên một hy vọng cho vùng nông thôn ảm đạm.

Cái thực tại là ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc rời thành phố về nông thôn. Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Các vấn đề Nông thôn vừa công bố dữ liệu vào mùa hè này cho thấy 515.000 người (378.000 hộ gia đình) rời thành phố về nông thôn vào năm 2021, tăng 5,6% so với năm trước.

Kể từ khi chính phủ bắt đầu giữ thống kê, đây là mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ. Theo dữ liệu, ngoài việc những người cao tuổi chuyển ra ngoài thành phố sau khi nghỉ hưu, thì ngày càng nhiều người trẻ tuổi từ bỏ cuộc sống đô thị bận rộn của Hàn Quốc.

Xu hướng đã trở nên cực kỳ quan trọng. Như tờ báo The Economist nhận xét, gần một nửa số gia đình di dời là các cặp vợ chồng trẻ dưới 40 tuổi.

Phong trào trở về làng, gọi là 'kwichon' trong tiếng Hàn, được thúc đẩy bởi một số yếu tố.

Một là giá nhà ở các thành phố thì cao; Ví dụ, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2017.

Một yếu tố khác là mô hình làm việc (ngoài văn phòng) được áp dụng trong thời kỳ đại dịch được áp dụng và thúc đẩy mạnh mẽ nhờ việc xử dụng kỹ thuật điện toán, khiến hàng trăm nghìn người trẻ có thể tìm một ngôi nhà mới để tránh xa sự hỗn loạn trong thành phố.

Có những người khác, thất vọng với thị trường lao động tàn nhẫn của Hàn Quốc, đã từ bỏ những công việc văn phòng trả lương cao và chuyển sang làm nông nghiệp, đang được chính phủ giúp đỡ để đảo ngược tình trạng giảm dân số ở nông thôn.

Thêm vào đó là nhiều sáng kiến ​​dựa theo xu hướng này và một số những sáng kiến đó đã tỏ ra đặc biệt thông minh.

Thay vì dùng tiền làm mồi nhử (thường không thành công) người dân tái định cư, các chương trình mới được thiết kế để thiết lập các mối quan hệ mới giữa người thành thị và nông thôn.

Ví dụ như ở tỉnh Gyeongsang-nam, một dự án dạy người trẻ thành thị cách chế biến các món ăn lành mạnh đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc, đã đưa những nhóm trẻ đi du lịch đến vùng nông thôn huyện Hamyang, để cho những phụ nữ già trong làng truyền lại kiến ​​thức của họ.

Sức mạnh tổng hợp như vậy là một cách để tạo ra cuộc sống mới ở các vùng nông thôn.
 
Văn Hóa
Jacques Maritain viết về Con người và Nhà nước
Vũ Văn An
19:11 05/09/2022

Trong đoạn trích sau đây, nhà triết học Công Giáo người Pháp Jacques Maritain không chỉ trích bản chất nhà nước mà là sự kiện này: nhà nước đã tự biến mình trở thành chủ quyền tuyệt đối của cơ chế chính trị (xã hội). Làm như vậy, nó đã đảo lộn mối liên hệ giữa con người và nhà nước, biến con người thành công cụ phục vụ nhà nước.

Theo Maritain, điều này đã xảy ra, trong cuộc Cách mạng Pháp khi quyền lực chuyển từ Nhà vua sang Quốc gia và Quốc gia được xem như một thẩm quyền cao hơn được gọi là Nhà nước Quốc gia.

Đoạn trích ngắn ngủi sau đây là một phần của cuốn sách nhằm hệ thống hóa sáu bài giảng do Maritain trình bầy vào tháng 12 năm 1949 tại Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của Qũi Charles R. Walgreen Foundation dành cho các Cơ chế Nghiên cứu Hoa kỳ
.



NHÂN DÂN VÀ NHÀ NƯỚC

Nhà nước không phải là hiện thân tối cao của Ý niệm, như Hegel vốn tin tưởng; Nhà nước không phải là một loại siêu nhân tập thể; Nhà nước chỉ là một cơ quan được quyền sử dụng quyền lực và cưỡng chế, và bao gồm các chuyên gia hoặc các nhà chuyên môn về trật tự và phúc lợi công cộng, một công cụ phục vụ con người. Đặt con người vào thế phục vụ công cụ đó là hành vi đồi bại chính trị. Nhân vị như một cá nhân là dành cho cơ chế chính trị và cơ chế chính trị là dành cho nhân vị như một ngôi vị. Nhưng con người không hề dành cho Nhà nước. Nhà nước là dành cho con người.

Khi chúng ta nói rằng Nhà nước là bộ phận cao cấp trong cơ chế chính trị, điều này có nghĩa là nó ưu việt hơn các cơ quan khác hoặc các bộ phận tập thể của cơ chế này, nhưng không có nghĩa là nó ưu việt hơn chính cơ chế chính trị. Như thế, thành phần thấp hơn so với toàn thể. Nhà nước thấp hơn cơ chế chính trị như một toàn thể, và phục vụ cơ chế chính trị như một toàn thể. Nhà nước thậm chí có là người đứng đầu cơ chế chính trị không? Ít khi lắm, vì trong hữu thể nhân bản, đầu là một công cụ của những sức mạnh tinh thần như trí tuệ và ý chí, mà toàn bộ cơ thể phải phục vụ; trong khi các chức năng do Nhà nước thực hiện là dành cho cơ chế chính trị, chứ không phải cơ chế chính trị dành cho chúng.

Lý thuyết mà tôi vừa tóm tắt, và là lý thuyết coi Nhà nước là một bộ phận hoặc một công cụ của cơ chế chính trị, phụ thuộc vào nó và được trao cho thẩm quyền cao nhất không phải bởi quyền lợi riêng và lợi ích riêng của nó, mà chỉ bởi và tới mức các đòi hỏi của lợi ích chung, có thể được mô tả như một lý thuyết "duy công cụ", làm cơ cở cho khái niệm thực sự có tính chính trị về Nhà nước. Nhưng chúng ta đang đương đầu với một khái niệm hoàn toàn khác, khái niệm chuyên chế về Nhà nước, dựa trên lý thuyết "duy bản thể" hoặc "duy tuyệt đối". Theo lý thuyết này, Nhà nước là một chủ thể có quyền lợi, tức là một ngôi vị tinh thần, và do đó là một toàn thể; kết quả là nó được đặt lên trên cơ chế chính trị hoặc được tạo ra để hấp thụ hoàn toàn cơ chế chính trị, và nó được hưởng quyền lực tối cao do quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm và vì cùng đích của chính nó.

Tất nhiên, mọi thứ vĩ đại và quyền thế đều có xu hướng như từ bản năng - và một cơn cám dỗ đặc biệt – muốn phát triển quá giới hạn của chính nó. Quyền lực có xu hướng gia tăng quyền lực, cỗ máy quyền lực có xu hướng không ngừng tự mở rộng nó; bộ máy pháp lý và hành chính tối cao có xu hướng tự mãn quan liêu; nó thích tự coi mình là cứu cánh, chứ không phải là phương tiện. Những người chuyên lo các công việc của toàn thể có khuynh hướng tự cho mình là toàn thể; các vị tham mưu tự coi mình là toàn quân, các thẩm quyền Giáo hội có khuynh hướng tự coi mình là toàn thể Giáo hội; Nhà nước có khuynh hướng tự coi mình là là toàn bộ cơ chế chính trị. Đồng thời, Nhà nước có xu hướng tự gán cho mình một ích chung đặc biệt – việc tự bảo tồn và phát triển chính mình - khác biệt với cả trật tự và phúc lợi công cộng vốn là mục đích cận kề của nó, lẫn với công ích là mục đích cuối cùng của nó. Tất cả những điều bất hạnh này chỉ là những trường hợp của việc vượt quá hoặc lạm dụng “tự nhiên”.

Nhưng còn có một điều gì đó cụ thể và trầm trọng hơn nhiều trong việc phát triển của lý thuyết duy bản thể hoặc duy tuyệt đối về Nhà nước. Sự phát triển này chỉ có thể hiểu theo quan điểm của lịch sử hiện đại và là cái hậu của các cấu trúc và quan niệm đặc biệt đối với Đế chế Trung cổ, đối với chế độ quân chủ tuyệt đối của thời cổ điển Pháp, và chính quyền tuyệt đối của các vị vua nhà Stuart ở Anh. Một cách đáng chú ý, chính từ ngữ Nhà nước cũng chỉ xuất hiện trong diễn trình lịch sử hiện đại; khái niệm Nhà nước mặc nhiên có liên hệ với khái niệm cổ xưa về thành phố (polis, civitas), trong yếu tính, vốn là cơ chế chính trị, và càng có nghĩa như thế hơn nữa trong khái niệm của người La Mã về Đế chế: nó chưa bao giờ được đưa ra một cách minh nhiên thời cổ xưa. Theo một khuôn khổ lịch sử, đáng tiếc là hay được lặp đi lặp lại, cả sự phát triển bình thường của Nhà nước - tự nó là một tiến bộ lành mạnh và chân chính – lẫn sự phát triển của quan niệm giả mạo-duy tuyệt đối-pháp lý và triết học về Nhà nước đã diễn ra cùng một lúc.

Một lời giải thích thỏa đáng về diễn trình lịch sử đó có lẽ đòi hỏi một cuộc phân tích lâu dài và kỹ lưỡng. Ở đây, tôi chỉ gợi ý rằng vào thời Trung cổ, thẩm quyền của Hoàng đế, và trong buổi đầu thời hiện đại, thẩm quyền tuyệt đối của nhà Vua, từ trên đưa xuống cơ chế chính trị, được áp đặt lên cơ chế chính trị. Trong nhiều thế kỷ, thẩm quyền chính trị là đặc quyền của một "chủng tộc xã hội" cao cấp, một chủng tộc có quyền được hưởng quyền lực tối cao và sự lãnh đạo cũng như hướng dẫn đạo đức trên cơ chế chính trị - mà theo giả thiết vốn bao gồm những người dưới tuổi có thể đòi hỏi, phản kháng, hoặc bạo loạn, không tự quản trị được; và người ta tin đây là quyền bẩm sinh hoặc trực tiếp do Thượng đế ban tặng và không thể chuyển nhượng. Vì vậy, trong "thời đại baroque," trong khi thực tại Nhà nước và cảm thức Nhà nước dần dần thành hình như những thành tựu pháp lý vĩ đại, khái niệm Nhà nước ít nhiều xuất hiện một cách mơ hồ như là khái niệm toàn thể - đôi khi được đồng nhất với con người của nhà vua - được áp đặt lên trên hoặc bao trùm cơ chế chính trị và được hưởng quyền lực từ trên nhờ quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của nó, - nghĩa là có chủ quyền. Vì theo nghĩa chân thực của chữ này – một nghĩa vốn lệ thuộc vào sự thành hình lịch sử của khái niệm chủ quyền, trước các định nghĩa khác nhau của các nhà luật học - chủ quyền không chỉ bao hàm việc chiếm hữu thực sự quyền lực tối cao và quyền đối với nó, mà còn là một quyền tự nhiên và không thể chuyển nhượng, quyền được hưởng một quyền lực tối cao vốn là quyền tách biệt khỏi và đứng trên các thần dân của nó.



Vào thời Cách mạng Pháp, khái niệm Nhà nước được coi như một toàn thể tự thân vẫn được bảo tồn, nhưng nó chuyển từ Nhà vua qua Quốc gia, bị đồng nhất một cách nhầm lẫn với cơ chế chính trị; do đó Quốc gia, Cơ chế Chính trị và Nhà nước đã được đồng nhất hóa. Và chính khái niệm chủ quyền - như một quyền tự nhiên hoặc bẩm sinh và bất khả chuyển nhượng được hưởng quyền lực siêu việt tối cao - đã được bảo tồn, nhưng đã chuyển từ Vua sang Quốc gia. Đồng thời, dựa trên lý thuyết duy chí (voluntarist) về pháp luật và xã hội chính trị, vốn đạt tới cao điểm trong triết học thế kỷ thứ mười tám, Nhà nước được biến thành một ngôi vị (điều được gọi là ngôi vị tinh thần) và một chủ thể có quyền lợi, một cách mà thuộc tính chủ quyền tuyệt đối, khi được quy cho Quốc gia, trên thực tế, tất yếu phải được Nhà nước đòi hỏi và thực thi.

Do đó, trong thời hiện đại, khái niệm chuyên chế hoặc duy tuyệt đối về Nhà nước đã được các nhà lý thuyết về dân chủ chấp nhận như các nguyên lý dân chủ - cho đến khi Hegel, nhà tiên tri và nhà thần học của Nhà nước toàn trị, thần thánh hóa, xuất hiện. Ở Anh, các lý thuyết của John Austin chỉ có xu hướng chế ngự và văn minh hóa phần nào con thủy quái Leviathan cũ của Hobbes. Diễn trình chấp nhận này được ủng hộ nhờ một thuộc tính tượng trưng vốn thực sự thuộc về Nhà nước, tức sự kiện này là, như chúng ta nói hai mươi đầu gia súc nghĩa là hai mươi con vật thế nào, thì phần trên cùng của cơ chế chính trị tự nhiên đại diện cho toàn bộ chính trị như vậy. Không, hơn thế nữa, ý niệm về điều vừa kể còn được nâng lên một mức độ trừu tượng và tượng trưng cao hơn, và ý thức của xã hội chính trị được nâng lên thành một ý tưởng hoàn toàn cá nhân hóa hơn về chính nó trong ý niệm Nhà nước. Trong khái niệm duy tuyệt đối về Nhà nước, biểu tượng đã được biến thành thực tại, nó đã được ngôi vị hóa (hypostasized). Theo quan niệm này, Nhà nước là một đơn tử siêu hình, một ngôi vị; nó là một toàn thể đối với chính nó, là toàn thể chính trị duy nhất trong mức độ thống nhất và cá nhân tính cao nhất của nó. Vì vậy, nó thu hút vào nó trọn cơ chế chính trị mà từ đó nó vốn phát xuất, cũng như mọi ý chí cá nhân hoặc đặc thù mà, theo Jean-Jacques Rousseau, từng tạo ra Ý chí Chung để chết và sống lại một cách huyền bí trong tính thống nhất của nó. Và nó được hưởng chủ quyền tuyệt đối như một đặc tính và quyền theo yếu tính.

Khái niệm Nhà nước, được thực thi trong lịch sử nhân loại, đã buộc các nền dân chủ rơi vào những mâu thuẫn không thể dung thứ được với chính mình, trong sinh hoạt quốc nội và nhất là trong sinh hoạt quốc tế. Vì khái niệm này không phải là thành phần của các nguyên lý dân chủ chân chính, nó không thuộc về cảm hứng và triết lý dân chủ thực sự, nó thuộc về một di sản ý thức hệ giả mạo vốn rình mồi nền dân chủ như một ký sinh trùng. Trong thời kỳ thống trị của nền dân chủ cá nhân chủ nghĩa hay "tự do", Nhà nước, được biến thành tuyệt đối, biểu lộ xu hướng tư coi mình thay thế cho nhân dân, và do đó khiến nhân dân ra xa lạ đối với sinh hoạt chính trị đến một mức độ nào đó; nó cũng có thể phát động các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia làm xáo trộn Thế kỷ XIX. Tuy nhiên, sau thời đại Napoléon, các hệ luận tồi tệ nhất của diễn trình tuyệt đối hóa Nhà nước này đã được kiềm chế bởi triết lý dân chủ và các thực hành chính trị đang thịnh hành lúc đó. Chính với sự ra đời của các chế độ và triết lý toàn trị mà những hệ luận tồi tệ nhất đó đã được xổ lồng. Nhà nước biến thành tuyệt đối lộ rõ bộ mặt thật của nó. Kỷ nguyên của chúng ta đã có đặc ân được chiêm ngưỡng chủ nghĩa toàn trị Nhà nước của Chủng tộc với Chủ nghĩa Quốc xã Đức, của Quốc gia với Chủ nghĩa Phát xít Ý, của Cộng đồng Kinh tế với Chủ nghĩa Cộng sản Nga.

Điểm cần nhấn mạnh là điều trên. Đối với các nền dân chủ ngày nay, nỗ lực cấp bách nhất là phát triển công bằng xã hội và cải thiện việc quản lý kinh tế thế giới, và tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa toàn trị từ bên ngoài và sự bành trướng toàn trị trên thế giới; nhưng việc theo đuổi các mục tiêu này chắc chắn sẽ kéo theo sự rủi ro có quá nhiều chức năng của đời sống xã hội do Nhà nước kiểm soát từ trên cao, và chúng ta chắc chắn sẽ phải chấp nhận rủi ro này, bao lâu ý niệm của chúng ta về Nhà nước chưa được phục hồi trên nền tảng dân chủ đích thực và chân chính, và chừng nào cơ chế chính trị chưa đổi mới cơ cấu và ý thức của chính nó, để người dân được trang bị hữu hiệu hơn cho việc thực thi tự do, và Nhà nước có thể trở thành một công cụ thực sự cho lợi ích chung của mọi người. Chỉ khi đó, cơ quan cao nhất, được nền văn minh hiện đại làm cho ngày càng trở nên cần thiết hơn đối với nhân vị trong tiến bộ chính trị, xã hội, đạo đức, thậm chí trí thức và khoa học của họ, mới ngưng cùng một lúc là mối đe dọa đối với các quyền tự do của nhân vị cũng như trí hiểu và khoa học. Chỉ lúc đó, các chức năng cao nhất của Nhà nước – bảo đảm luật pháp và tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của cơ chế chính trị - mới được khôi phục, và cảm thức về Nhà nước của công dân mới được khôi phục. Chỉ khi đó, Nhà nước mới đạt được phẩm giá thực sự của mình, một phẩm giá không phát xuất từ quyền lực và thanh thế, mà là từ việc thực thi công lý.
 
VietCatholic TV
TT Zelenskiy loan tin chiến thắng. Ukraine chào Vysokopillia giải phóng. Cờ Liên Xô bị giật xuống
VietCatholic Media
03:03 05/09/2022


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố chiến thắng tại thị trấn chiến lược Vysokopillia trong vùng Kherson. Cờ máu Liên Xô bị giật xuống.

Ukraine đã giành lại được thị trấn chiến lược Vysokopillia ở Kherson vào hôm Chúa Nhật 04 tháng 9 và giương cao lá cờ của mình trước một bệnh viện sau những thành công ngoạn mục trong một khu vực quan yếu đã rơi vào tay Nga từ ngày 3 tháng 3, một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine. Đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy loan báo tin chiến thắng trước quốc dân đồng bào.

Vào lúc 2 giờ chiều ngày Chúa Nhật, theo giờ địa phương, Yuriy Sobolevskyi, phó chủ tịch thứ nhất của Hội đồng miền Kherson, thông báo rằng Vysokopillia đã được hoàn toàn giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga. Khu vực này rất quan trọng bởi vì nó là một vị trí chiến lược nơi sông Dnepro đổ ra Hắc Hải. Chiếm được thị trấn này, quân Ukraine ngăn chặn được mọi nỗ lực tiếp tế bằng đường thủy của quân Nga.

Kyiv Independent đưa tin rằng các cuộc giao tranh đã diễn ra vào sáng sớm ngày Chúa Nhật. Quân Nga quyết liệt không để mất thị trấn này. Bộ binh Nga được Hải quân Nga tiếp viện đã chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, đến trưa tình hình của quân Nga trở nên tuyệt vọng. Họ bắt đầu rút lui bỏ lại nhiều xác đồng đội. Ít nhất một BTG, tức là một Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Các lực lượng Kyiv đã kéo cờ Ukraine trên khắp thị trấn Vysokopillia, nằm ở phía bắc vùng Kherson trên biên giới hành chính với vùng Dnipropetrovsk. Yuriy Sobolevskyi cho biết lá cờ máu của Liên Xô đã bị giật xuống và bị quân Ukraine chà đạp dưới chân.

Samuel Ramani, một thành viên cộng sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Hoàng gia Anh, cho biết trên Twitter rằng lá cờ được kéo lên trên một mái nhà của bệnh viện trong thị trấn.

“Lá cờ tung bay trên mái nhà bệnh viện ở Vysokopillya, Kherson,” Ramani đã tweet. “Nga đã thẳng tay đàn áp mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc Ukraine bên trong Kherson và được cho là đã giương cao lá cờ chiến thắng của Liên Xô ở Kherson sau khi nước này chiếm đóng”.

Các lực lượng Nga đã buộc nhiều dân làng phải chạy trốn khỏi nhà của họ, khi quân Nga chiếm giữ hàng chục thị trấn và làng mạc kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24 tháng 2. Một số người chạy trốn khỏi các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng đã tuyệt vọng tìm kiếm sự an toàn khi họ trốn thoát bằng cách đi bộ, đi xe đạp và bằng xe lăn, NPR đưa tin vào tháng Bảy.

Ông Sobolevskyi gần đây nói rằng các lực lượng Ukraine đã đạt được thành công một số mục tiêu ở khu vực Kherson trong bối cảnh cuộc phản công mà họ đã phát động hôm thứ Hai.

Quân đội Ukraine đã không tiết lộ thông tin về cuộc tấn công ở miền nam đất nước, nhưng văn phòng tổng thống đã báo cáo về “những vụ nổ mạnh” và “những trận chiến cam go” trong khu vực, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Ukraine đã phá hủy các kho đạn và những cây cầu lớn bắc qua sông Dnepro mà quân Nga cần đến để gửi tiếp tế cho các lực lượng Nga.

Các lực lượng Ukraine gần đây cũng đạt được nhiều thắng lợi khi lợi dụng sự lãnh đạo, điều hành và hậu cần kém cỏi của Nga, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy. Ngoài ra, lực lượng không quân Ukraine đã hạ gục một máy bay không người lái trinh sát của Nga có tên “Kartograf” ở khu vực Mykolaiv.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

2. Ukraine bắn hạ 50 đến 70 phần trăm số hỏa tiễn của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Shoots Down 50 to 70 Percent of Russia's Missiles, General Says”, nghĩa là “Vị tướng nói Ukraine bắn hạ 50 đến 70 phần trăm số hỏa tiễn của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một vị Tướng Ukraine nói rằng lực lượng phòng không của quốc gia ông có thể bắn hạ từ 50% đến 70% hỏa tiễn của Nga trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy.

Thiếu tướng Mykola Zhirnov, lãnh đạo Cục Quản lý quân sự thành phố Kyiv, đã được phóng viên của tờ ArmyInform của Ukraine hỏi liệu thành phố thủ đô có “được bảo vệ một cách đáng tin cậy bởi hệ thống phòng không” và “sẽ không còn bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hay không”.

Zhirnov trả lời: “Chừng nào kẻ thù còn có vũ khí hỏa tiễn và không quân, thì vẫn sẽ có mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn”. Tuy nhiên, vị tướng nói thêm rằng 50% đến 70% hỏa tiễn của Nga bị bắn hạ “bởi máy bay và bởi các đơn vị hỏa tiễn phòng không.”

“Nhưng, thật không may, ngày nay chúng ta không thể bảo đảm 100% hiệu quả của các hoạt động phòng không, điều này là do nguyên nhân khách quan - như không đủ số lượng phương tiện trinh sát, hàng không và hệ thống hỏa tiễn phòng không. Về cơ bản, đây là những hệ thống của Liên Xô, không có hiệu quả và độ tin cậy như thiết bị phòng không của các nước đối tác NATO”, ông nói.

Ukraine đánh trả

Trong một sự việc hồi tháng trước, Không quân Ukraine nói rằng họ đã bắn hạ 7 hỏa tiễn của Nga. Ukraine cáo buộc Mạc Tư Khoa đã bắn chúng từ một nơi nào đó gần Biển Caspi, và lực lượng hỏa tiễn phòng không và một máy bay chiến đấu đã có thể loại bỏ bảy trong số tám hỏa tiễn trong số đó.

Hôm thứ Sáu, Ukraine nói rằng họ đã bắn hạ một máy bay không người lái do thám của Nga có tên “Kartograf”. Các quan chức Ukraine cho biết máy bay không người lái được sử dụng để điều chỉnh hoặc tổ chức các cuộc tấn công bằng pháo hoặc hỏa tiễn.

“Vào khoảng 09 giờ sáng ngày 2 tháng 9, máy bay không người lái 'Kartograf' của Nga đã bị đơn vị hỏa tiễn phòng không của Không quân loại bỏ trên bầu trời Mykolaiv. Máy bay không người lái là một phần của dòng hệ thống không người lái đa năng Ptero”, Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết như trên.

Cuối tháng trước, quân đội Ukraine cho biết họ đã tiêu diệt gần 160 lính Nga sau khi tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo binh trong khuôn khổ cuộc phản công ở miền Nam Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

Cuộc chiến giành Kherson

Ukraine hiện đang cố gắng chiếm lại thành phố Kherson, thành phố đã bị Nga chiếm đóng kể từ khi nước này bắt đầu xâm lược vào cuối tháng Hai.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Bảy trên tờ Wall Street Journal, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Oleksiy Arestovyc, cho biết “không có gì vội vàng” để chiếm lại thành phố và khi nhắm vào người Nga, các lực lượng Ukraine đang tìm cách “khám phá hệ thống cung cấp hậu cần đang hoạt động của họ và phá hủy nó bằng pháo binh và HIMARS.”

HIMAR, hay Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, đã được Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine trong những tháng gần đây như một công cụ để chống lại Điện Cẩm Linh trên chiến trường. Tuần này, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết HIMAR đã khiến quân đội Nga sa sút tinh thần.

Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Ukraine Ihor Reiterovych nói với Đài The New Voice of Ukraine tháng trước rằng việc tái chiếm Kherson của Ukraine sẽ là một tổn thất đáng kể đối với Điện Cẩm Linh.

Theo The New Voice of Ukraine, “Đó thực sự sẽ là một đòn giáng mạnh đối với họ, liên quan đến triển vọng chung của họ trong cuộc chiến này mà họ đang tiến hành chống lại Ukraine và liên quan đến khả năng chiến thắng của Nga”

3. Zelenskiyy cho biết Ukraine đã tái chiếm được ba khu định cư ở phía nam, phía đông

Zelenskiyy cho biết trong ngày Chúa Nhật, các lực lượng của ông đã chiếm được hai khu định cư ở miền nam Ukraine, khu định cư thứ ba ở phía đông và thêm lãnh thổ ở phía đông đất nước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đã nhận được “báo cáo tốt lành” tại một cuộc họp vào chiều Chúa Nhật từ các chỉ huy quân sự và người đứng đầu cơ quan tình báo của mình.

Trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, Zelenskiyy cảm ơn các lực lượng của mình đã giải phóng một khu định cư ở khu vực phía đông Donetsk, cũng ở khu vực phía đông ở hướng Lysychansk-Siversk và giải phóng hai khu định cư phía nam.

Nga đã tập trung một lực lượng đông đảo ở vùng Donetsk và mở các cuộc tấn công rất quyết liệt. Họ đã không chiếm thêm được vùng đất nào mà đang ngày càng mất thêm.

Trong bài tường trình có nhan đề “Putin Gives Army September Deadline to Take More Ukraine Land: Official”, nghĩa là “Quan chức cho biết: Putin cho quân đội thời hạn giữa tháng 9 để chiếm thêm đất Ukraine”, Tờ Newsweek cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho quân đội của ông ta thời hạn cuối cùng là vào ngày 15 tháng 9 để tiến tới biên giới hành chính của khu vực phía đông Donetsk trong cuộc chiến đang diễn ra.

Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay mơ ước của Putin xem ra khó thành sự thật. Giữ được những vùng đã chiếm được đã là một cố gắng phi thường, nói chi đến việc chiếm thêm. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga đang “cố tình” làm chậm tốc độ của cuộc tấn công ở Ukraine để giảm thiểu thương vong cho dân thường, một lời giải thích bị Bộ Quốc phòng Ukraine chế nhạo.

Sau khi Shoigu tuyên bố cố tình làm chậm tốc độ của Nga vào tuần trước, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ,, gọi tắt là ISW, cho biết trong đánh giá ngày 24/8 rằng tuyên bố của ông có thể là một nỗ lực để bào chữa cho “những lợi ích không đáng kể” mà quân đội của Putin đã đạt được trong sáu tuần trước đó. ISW đánh giá rằng sau khi quân đội Nga nối lại các hoạt động sau thời gian tạm dừng hồi tháng 7, lực lượng này mới chỉ chiếm được khoảng 450 km vuông trên lãnh thổ mới. Trong khi đó, Nga đã mất tới 45.000 km vuông lãnh thổ kể từ ngày 21/3.

4. Bức tranh tường về những người lính Ukraine và Nga bùng lên cơn thịnh nộ: 'Sự xúc phạm cao độ'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Mural of Ukrainian and Russian Soldiers Sparks Fury: 'Highly Offensive'“, nghĩa là “Bức tranh tường về những người lính Ukraine và Nga bùng lên cơn thịnh nộ: 'Sự xúc phạm cao độ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Một bức tranh tường được trưng bày ở thành phố Melbourne của Úc đã bị lên án là một nỗ lực bóp méo thực tế về cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine.

Bức tranh trên mặt của một tòa nhà ở Kings Way thuộc tiểu bang Victoria, thủ phủ của bang Victoria cho thấy một người lính Nga và một quân nhân Ukraine đang ôm nhau.

Hình ảnh được chia sẻ trên tài khoản Instagram của nghệ sĩ Peter Seaton, trong đó một đoạn video ngắn cho thấy một tiếng nổ và một đám mây hình nấm đang hình thành. Bên cạnh clip là thông điệp “Yêu mến người dân Ukraine. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm thấy hòa bình và chấm dứt cuộc đổ máu không cần thiết này”.

Nhưng Liên đoàn các tổ chức Ukraine của Úc, gọi tắt là AFUO, cho biết hình ảnh này đã tạo ra một sự tương đương sai lầm về mặt đạo đức giữa kẻ xâm lược và nạn nhân, thúc đẩy thông tin sai lệch của Nga và buộc Ukraine phải chấp nhận các nỗ lực tiêu diệt căn tính của mình.

Stefan Romaniw, đồng chủ tịch AFUO, nói rằng bức tranh hàm ý rằng các binh sĩ Nga và Ukraine chỉ cần làm hòa với nhau là có thể ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Theo ông bức tranh này là “rất xúc phạm.”

Ông nói với Newsweek: “Thực tế là, quân Nga chính là những người lính đang sát hại người Ukraine”.

“Những gì anh ấy đang cố gắng nói là, 'chúng ta hãy cùng nhau làm lành'. Chà, điều đó sẽ không xảy ra trong khi người Nga đang là kẻ xâm lược,” ông nói.

Romaniw cho biết AFUO đã tiếp cận Seaton trước đây để thực hiện một số bức tranh tường ở Ukraine nhưng anh đã từ chối.

Sau khi biết công việc vào thứ Sáu, Romaniw cho biết AFUO đã viết thư cho Seaton và nói với anh ấy “chúng tôi ghê tởm những gì anh đã làm”.

Romaniw hy vọng sẽ có một phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người Ukraine địa phương, những người sẽ vận động chính quyền thành phố Melbourne loại bỏ bức tranh tường này.

Newsweek đã liên hệ với hội đồng thành phố Melbourne và Seaton để đưa ra bình luận.

Tin tức mới nhất xảy ra vào chiều Chúa Nhật: nghệ sĩ Peter Seaton tuyên bố sáng thứ Hai 5 tháng 9, anh sẽ khởi sự loại bỏ bức tranh này sau các chỉ trích và những lời đe dọa sẽ có các cuộc biểu tình.

5. Ukraine, chứ không phải Ukraina. Và người Ukraine muốn bạn nói cho đúng.

Cũng liên quan đến những gì có thể gây xúc phạm đến người Ukraine, chúng tôi xin trình bày một vấn đề nhạy cảm khác: Ukraine, chứ không phải Ukraina. Và người Ukraine muốn bạn nói cho đúng.

Oksana Markarova, Đại sứ của Ukraine tại Hoa Kỳ vừa cho biết Tòa Đại Sứ muốn nhắc lại một thông báo vào năm 2014 rằng quốc gia của cô là Ukraine, không phải “Ukraina”

“Hãy để chúng tôi vui lòng giúp bạn sử dụng các từ liên quan đến quốc gia chúng tôi một cách chính xác. Quốc gia của chúng tôi là Ukraine, không phải Ukraina. Và thành phố thủ đô, của chúng tôi được đánh vần là Kyiv, không phải Kiev.”

“Đây là những từ ngữ chính trị thể hiện sự tôn trọng đối với đất nước và quốc gia của chúng tôi. Hãy thông minh và tránh những lời nói sáo rỗng theo phong cách Liên Xô.”

Đối với người Ukraine, từ “Ukraina” hàm ý xúc phạm, gợi nhớ lại thời kỳ khi nước này là một phần lãnh thổ của Nga chứ không phải là một quốc gia độc lập.

Serhii Plokhii, một giáo sư lịch sử Ukraine tại Đại học Harvard, cho biết: “Trong tiếng Nga, Ukraina có nghĩa là ‘vùng biên giới’, vì vậy không thể dùng từ Ukraina để gọi đất nước Ukraine với ý nghĩa là một đất nước, đã độc lập từ năm 1991”.

Nina Jankowicz, một thành viên tại Trung tâm Wilson, giải thích với Washington Post.

“Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào năm 2014, sáp nhập Crimea, làm dấy lên sự phẫn nộ và các lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc gọi Ukraine là Ukraina càng làm người Ukraine cảm thấy cay đắng. Khi Tổng thống Barack Obama thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra, ông ấy cũng đã vô tình mắc sai lầm và gọi quốc gia này là Ukraina”.

Jankowicz nói: “Ukraine cảm thấy mệt mỏi với việc sửa sai những người vô tình xúc phạm đến đất nước này”.

Jankowicz nhấn mạnh rằng “Tuyên bố độc lập của chính Ukraine đề cập đến quốc gia này là Ukraine, không phải Ukraina. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các bài phát biểu hàng đêm với quốc dân đồng bào của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.”

Giáo sư Serhii Plokhii cũng cho biết người Ukraine đề cập đến tên quốc gia của mình mà không có mạo từ “The”. Cụ thể, Ukraine chứ không phải “The Ukraine”.

Các quốc gia khác như Sudan và Congo đã phản kháng những ai dùng mạo từ “the” trước tên của họ, vì âm điệu này gợi nhớ đến thời kỳ họ còn là thuộc địa và mang hàm ý các quốc gia này chỉ là các khu vực hơn là các quốc gia độc lập.

Plokhii nói: “Mạo từ The được dùng để chỉ các khu vực trên thế giới là các miền của một quốc gia chứ không phải các quốc gia độc lập.”

“Đối với các quốc gia như Hà Lan, Philippines và Hoa Kỳ, mạo từ The hoạt động như một cách để chỉ một nhóm các tiểu bang hoặc các hòn đảo, hoặc các miền được quản lý bởi trung ương.”

Theo CIA World Factbook, Bahamas và Gambia là những quốc gia duy nhất chính thức có chữ “The” trong tên của họ. Tuy nhiên, sau này Gambia thường gọi mình là Gambia thay vì The Gambia.

Đại sứ quán Ukraine cũng nhắc lại rằng thủ đô của họ là Kyiv, không phải Kiev. Kiev là cách viết của người Nga, trong khi Kyiv là cách viết của người Ukraine.

Việc kêu gọi Kyiv thay vì Kiev đã trở nên nổi bật hơn trong những năm gần đây sau khi Ngoại trưởng Ukraine phát động chiến dịch mang tên #KyivNotKiev nhằm thúc đẩy các phương tiện truyền thông nước ngoài thay đổi cách họ đánh vần thủ đô Ukraine.

Tháng 6, 2014, Ủy ban Tên địa lý Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã thay đổi cách viết tiếng Anh của Kiev thành Kyiv.

Trong tuyên bố ngày 14 tháng 8, 2014 hãng tin AP thông báo họ đã thay đổi phong cách từ Kiev sang Kyiv. Tuyên bố viết: “Mặc dù AP thích cách viết tiếng Anh truyền thống cho nhiều thành phố, bao gồm Rome, Moscow và Warsaw, chứ không phải Roma, Moskva và Warszawa, chúng tôi coi cách viết tiếng Ukraine của thủ đô Kyiv là một sự thích nghi quan trọng vì nó có liên quan đến tình trạng hiện tại của Ukraine”.

6. Tổng thống Zelenskiy nói Nga đang cố gắng 'phá hủy cuộc sống bình thường của mọi người Âu Châu'

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng Nga đang sử dụng “nghèo đói và hỗn loạn chính trị” để tấn công cuộc sống của tất cả người dân Âu Châu.

Trong bài phát biểu trước quốc dân đồng bào, tổng thống Zelenskiy nói rằng bằng cách ngừng đường ống Nord Stream 1, Nga muốn “phá hủy cuộc sống bình thường của mọi người Âu Châu”.

Công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga hôm thứ Bảy cho biết đường ống dẫn dầu có thể bị đóng cửa vô thời hạn.

Zelenskiy nói:

Nga đang cố gắng gia tăng áp lực năng lượng lên Âu Châu hơn nữa - hoạt động bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Tại sao họ lại làm việc này? Thưa: Nga muốn phá hủy cuộc sống bình thường của mọi người Âu Châu - ở tất cả các quốc gia trên lục địa của chúng ta. Nó muốn làm suy yếu và đe dọa toàn bộ Âu Châu, mọi quốc gia.

Trường hợp Nga không thể làm điều đó bằng vũ khí thông thường, thì nước này có thể làm được điều đó bằng vũ khí năng lượng. Nó đang cố gắng tấn công bằng nghèo đói và hỗn loạn chính trị, nơi nó chưa thể tấn công bằng hỏa tiễn.

Và để chống lại điều này, tất cả chúng ta ở Âu Châu cần đoàn kết hơn nữa, phối hợp nhiều hơn nữa, giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn nữa.

Mùa đông này, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công năng lượng mang tính quyết định đối với tất cả người dân Âu Châu. Và câu trả lời chính cho điều này phải là hai điều: thứ nhất, sự đoàn kết của chúng ta - đoàn kết trong việc bảo vệ chống lại nhà nước khủng bố, và thứ hai - Tăng sức ép của chính chúng ta đối với Nga - điều này bao gồm việc gia tăng các biện pháp trừng phạt ở tất cả các cấp và hạn chế nguồn thu từ dầu khí của Nga.
 
Hung thủ dí súng vào trán nữ phó tổng thống, bóp cò. Nghe tin dữ, Đức Thánh Cha gọi về quê hương hỏi thăm
VietCatholic Media
05:09 05/09/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô hỏi thăm phó tổng thống Cristina Kirchner sau vụ mưu sát

Sau một nỗ lực mưu sát thất bại nhắm vào Cristina Kirchner, phó tổng thống Á Căn Đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết và “sự gần gũi trong thời điểm tế nhị này” trong một bức điện được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố vào ngày 2 tháng 9 năm 2022. Một ngày trước đó, chính trị gia vừa tròn 69 tuổi, người từng là tổng thống Á Căn Đình từ năm 2007 đến 2015, đã bị một tay súng chĩa súng vào trán trên đường phố Buenos Aires, nhưng súng có lẽ bị kẹt đạn và không ai bị thương trong vụ tấn công.

Trong một thông điệp ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài cầu nguyện cho “sự hòa hợp xã hội và tôn trọng các giá trị dân chủ có thể luôn tồn tại ở Á Căn Đình thân yêu, chống lại mọi hình thức bạo lực và gây hấn”.

Vụ ám sát do một công dân Brazil thực hiện ngay lập tức bị bắt giữ và không rõ động cơ, xảy ra vào ngày thứ 11 của phiên tòa xét xử Cristina Kirchner vì tội tham nhũng, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.

“Cristina còn sống bởi vì một lý do chưa được xác nhận về mặt kỹ thuật, khẩu súng chứa 5 viên đạn đã không bắn ra, mặc dù hung thủ đã bóp cò”, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez cho biết trong một bài phát biểu, vài giờ sau sự kiện.

Trong một diễn biến khiến nhiều thị trưởng và phe đối lập khó hiểu, Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernandez đã ban bố một ngày lễ nghỉ đặc biệt trên toàn quốc, mà trong thực tế là một hình thức giới nghiêm trên toàn quốc, hạn chế việc mở cửa hàng và các cuộc thi đấu thể thao bị bãi bỏ.

Cristina Kirchner kế nhiệm chồng là Nestor Kirchner làm tổng thống Á Căn Đình vào năm 2007, và được bầu lại vào năm 2011. Mối quan hệ của cô với Đức Giáo Hoàng tương lai, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, ban đầu tỏ ra lạnh nhạt và xa cách, nhưng sau đó đã được cải thiện nhân cái chết và tang lễ của Nestor Kirchner vào năm 2010, được Đức Hồng Y Jorge Bergoglio cử hành tại nhà thờ chính tòa của thủ đô Á Căn Đình.

Tuy nhiên, trong cùng năm đó, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã gây ra căng thẳng lớn giữa Giáo hội và chính phủ cánh tả. Sự phản đối của Đức Hồng Y Bergoglio đã khiến báo chí Công Giáo chú ý đến ngài.

Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, quan hệ với tổng thống của đất nước quê hương của ngài đã chuyển sang nồng ấm, gây ra một số ngạc nhiên trong những người ủng hộ. Trong khi Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ trở lại Á Căn Đình, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma cũng như ở Brazil, bên lề Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013 và ở Paraguay năm 2015.

Sau khi rời nhiệm sở vào năm 2015, Cristina Kirchner trở lại nổi bật vào năm 2019, trở thành phó tổng thống của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, Alberto Fernandez. Cuộc tranh luận chính trị chia rẽ cao độ và những nỗ lực của các phe phái khác nhau nhằm khai thác sự nổi tiếng của Giáo hoàng Phanxicô, vào lúc này, dường như đã khiến Đức Giáo Hoàng không thể tổ chức một chuyến tông du về quê hương của mình.
Source:Aleteia

2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình về vụ mưu sát phó tổng thống

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, Đức Cha Oscar Vicente Ojea, đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với phó tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, và chuyển tải cam kết nhiệt thành cầu nguyện cho hòa bình và hòa hợp trong đất nước.

Các giám mục Á Căn Đình khác của đã lên tiếng tương tự sau vụ mưu sát khi một người đàn ông chĩa súng vào trán nữ phó tổng thống và từng là tổng thống hai nhiệm kỳ. Nòng súng chỉ cách trán bà có vài cm. Hung thủ được tường trình đã bóp cò nhưng viên đạn không bắn ra, mặc dù khẩu súng đã được lắp đến 5 viên đạn. Nhưng cũng có những người chứng kiến tại chỗ cho rằng hung thủ không bóp cò. Đó là một vụ mưu sát gây chấn động người Á Căn Đình.

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình viết:

Đức Cha Carlos José Tissera, Giám mục giáo phận Quilmes, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình, cùng với Ủy ban Công lý và Hòa bình và Ban Thường Trực Hội Đồng Giám Mục, bày tỏ sự “kinh hoàng” trước những gì đã diễn ra tại khu phố Recoleta của Buenos Aires và bày tỏ “sự phản đối kiên quyết nhất đối với cuộc tấn công chống lại phó tổng thống Quốc gia, Cristina Fernández de Kirchner.”

“Chúng tôi bày tỏ sự đoàn kết với cô ấy và dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho sự toàn vẹn về thể chất và tình cảm của cô ấy. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng tình tiết đáng buồn này sẽ được làm sáng tỏ và công lý nhanh chóng được phục hồi. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngôn từ kích động thù địch, cũng như những hành động bạo lực như thế này; và mong mỏi nền dân chủ của chúng ta được xây dựng bằng những cuộc tranh luận cao cả làm rạng rỡ đời sống xã hội và chính trị của đất nước chúng ta”.

Đức Cha Dante Braida, Giám mục giáo phận La Rioja, nhận định rằng:

“Thời kỳ khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua và cuộc tấn công này là lý do mạnh mẽ để dấn thân nhiều hơn vào đối thoại và stìm kiếm thực sự những điểm chung của tất cả các thành phần xã hội và chính trị để giải quyết các vấn đề của chúng ta dựa trên sự thật và công lý, do đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tất cả mọi người vì hòa bình xã hội. Cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta và Đức Mẹ Luján của chúng ta bảo vệ chúng ta và dẫn dắt chúng ta đi theo con đường của Hòa bình".
Source:AICA

3. Phó tổng thống Á Căn Đình và kinh nghiệm cận tử

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cuộc điện đàm với phó tổng thống Cristina Fernández de Kirchner sau khi bà ấy bị một người chĩa súng vào trán. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên nhưng không nêu chi tiết. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, quan hệ của ngài với bà Kirchner được mô tả là lạnh nhạt, nhưng sau khi ngài cử hành thánh lễ an táng cho chồng bà là ông Nestor Kirchner in 2010, tình hình đã khá hơn, đặc biệt là sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Trong khi đó, văn phòng phó tổng thống cho biết ngắn gọn là bà Kirchner đã nói với Đức Thánh Cha về kinh nghiệm cận tử của mình.

Một người đàn ông đã bị bắt sau khi một khẩu súng ngắn nhắm vào phó tổng thống Á Căn Đình, Cristina Fernández de Kirchner, trong một vụ ám sát rõ ràng.

Fernández de Kirchner chỉ sống sót vì khẩu súng lục - được nạp 5 viên đạn - không bắn ra, Tổng thống Alberto Fernández nói.

Vụ việc, trong đó Fernández de Kirchner không hề hấn gì, diễn ra khi cô đang chào hỏi những người ủng hộ bên ngoài nhà của mình ở khu phố Recoleta của Buenos Aires vào lúc 9 giờ tối theo giờ địa phương vào hôm thứ Năm.

“Một người đàn ông chĩa súng vào đầu cô ấy và bóp cò”, tổng thống nói trong một chương trình phát thanh quốc gia.” Cristina vẫn còn sống bởi vì một lý do nào đó vẫn chưa được xác nhận, khẩu súng... không bắn.”

Ông gọi đây là “sự việc nghiêm trọng nhất kể từ khi chúng ta khôi phục nền dân chủ” vào năm 1983 và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội nói chung lên án hành động này.

Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm mà họ nêu danh tính là Fernando Andrés Sabag Montiel, một người đàn ông Brazil 35 tuổi, sống ở Á Căn Đình từ năm 1993. Các nhà điều tra sau đó cho biết đã tìm thấy khoảng 100 viên đạn trong nhà của anh ta ở Buenos Aires.

Hàng nghìn người ủng hộ Fernández dự kiến đã tập trung tại Plaza de Mayo của thành phố vào chiều thứ Sáu để thể hiện tình đoàn kết của họ với phó tổng thống.

Các sự kiện kịch tính đã được ghi lại bằng máy quay truyền hình bên ngoài nhà của Fernández de Kirchner, nơi những người ủng hộ đã tụ tập trong nhiều ngày để phản đối các cáo buộc tham nhũng được đệ trình lên tòa án.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông xô đẩy qua những người ủng hộ, giơ súng vào mặt Fernández de Kirchner và dường như đang cố gắng bắn bằng khẩu súng lục. Một số báo cáo cho biết người đàn ông chĩa súng vào Fernández de Kirchner nhưng không bắn. Có thể thấy, cựu tổng thống hai nhiệm kỳ phản ứng bằng cách che mặt và cúi xuống. Cô ấy được cho là không hề hấn gì.

Bộ trưởng An ninh Aníbal Fernández cho biết khẩu súng có năm viên đạn “và đạn không bắn ra mặc dù đã bóp cò”. Tuy nhiên, một số người đứng gần đó cho rằng hung thủ Mức độ bạo lực bằng lời nói đã gia tăng một cách đáng báo động trong các chính trị gia đối lập ở Á Căn Đình trong năm nay, chủ yếu tập trung vào các cáo buộc tham nhũng được đệ trình lên tòa án chống lại Fernández de Kirchner. Một số chính trị gia đối lập cực đoan đã kêu gọi áp dụng lại bản án tử hình cho phó tổng thống.

Sau vụ việc, một tuyên bố từ đảng Frente de Todos của Fernández de Kirchner cho biết: “Sự kích động thù hận xuất phát từ các lĩnh vực khác nhau của quyền lực chính trị, truyền thông và tư pháp chống lại cựu tổng thống, chỉ dẫn đến một bầu không khí bạo lực cực độ”.

Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa gọi vụ việc là một “âm mưu ám sát”.
Source:The Guardian
 
Tin vui cho Ukraine: Nữ thần báo oán của Putin trở thành Thủ tướng Anh. Cờ Ukraine quay về chốn xưa
VietCatholic Media
16:34 05/09/2022
00:00:00 Đài Hiệu

1. Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến Kherson phá hủy 7 kho đạn, 9 xe tăng trong tuần qua

Như chúng tôi đã loan tin Ukraine đã giành lại được thị trấn chiến lược Vysokopillia ở Kherson vào hôm Chúa Nhật 04 tháng 9 và giương cao lá cờ của mình trước một bệnh viện sau những thành công ngoạn mục trong một khu vực quan yếu đã rơi vào tay Nga từ ngày 3 tháng 3, một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Cho đến nay, phía Ukraine chưa công bố chính thức thiệt hại của quân Nga sau cuộc giao tranh dữ dội để chiếm lại thị trấn chiến lược này. Tuy nhiên, phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Kherson, là một trong các đơn vị tham gia vào cuộc tấn công này cho biết họ đã loại khỏi vòng chiến hơn 260 binh sĩ Nga và phá hủy 9 xe tăng địch, 17 pháo tự hành, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và 25 xe thiết giáp. Trong trong tuần qua, đơn vị này đã làm nổ tung 7 kho đạn của đối phương.

Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 4 tháng 9, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 49.500 quân nhân Nga, trong đó có 450 người vào ngày 3 tháng 9.

2. Ukraine lên kế hoạch 'nghiền nát một cách có hệ thống' quân đội của Putin để chiếm Kherson

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Plans 'Systemic Grinding' of Putin's Army to Take Kherson: Official”, nghĩa là “Quan chức Ukraine cho rằng nước này lên kế hoạch 'nghiền nát một cách có hệ thống' quân đội của Putin để chiếm Kherson”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Khi Ukraine tìm cách giành lại Kherson - một thành phố mà Nga đã chiếm đóng kể từ khi bắt đầu xâm lược - thì chiến lược Ukraine áp dụng hiện nay liên quan đến “sự nghiền nát có hệ thống quân đội Putin”, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal xuất bản hôm thứ Bảy, Oleksiy Arestovych cho biết “không có gì vội vàng” để chiếm lại thành phố và rằng khi nhắm vào người Nga, các lực lượng Ukraine đang tìm cách “khám phá hệ thống cung cấp hậu cần hoạt động của họ và phá hủy nó bằng pháo và HIMARS”.

HIMAR, hay Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, đã được Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine trong những tháng gần đây như một công cụ để chống lại Nga trên chiến trường. Tuần này, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết HIMAR đã khiến quân đội Nga sa sút tinh thần.

Justin Conelli, một thành viên cấp cao của Không quân Hoa Kỳ tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm từ hội đồng này rằng ông mong đợi chiến lược của Ukraine ở Kherson sẽ liên quan đến “các hoạt động nhằm tiếp tục làm suy yếu các tuyến phòng thủ và đường tiếp tế của Nga hơn là hơn là một cuộc tập kích thông thường quy mô đầy đủ để chiếm lại địa hình”.

Conelli nói thêm rằng một chiến dịch thành công ở Ukraine “có nghĩa là các lực lượng Ukraine đạt được hiệu quả lâu dài trong việc làm tê liệt khả năng cung cấp lực lượng của Nga ở Kherson”.

Ông nói: “Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp đã đạt hiệu quả cao trong việc phá hủy các cây cầu, cắt đứt hiệu quả các lực lượng Nga ở gần đường liên lạc và cho phép Ukraine tiến hành cuộc phản công thực sự”.

Kherson là thành phố lớn đầu tiên nằm dưới sự chiếm đóng của Nga sau khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào cuối tháng Hai.

Peter Rutland, giáo sư nghiên cứu về Nga, Đông Âu và Á-Âu, tại Đại học Wesleyan, nói với Newsweek vào cuối tháng trước: “Việc giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở Kherson trên bờ tây của Dnepro sẽ là một chiến thắng lớn về tâm lý và chính trị đối với Kyiv. Ông nói thêm rằng việc giành lại lãnh thổ “sẽ là một chiến thắng lớn về tâm lý và chính trị đối với Kyiv.”

Nhà khoa học chính trị Ukraine Ihor Reiterovych nói với Đài The New Voice of Ukraine tháng trước rằng việc tái chiếm Kherson của Ukraine sẽ là một tổn thất đáng kể đối với Điện Cẩm Linh.

Theo The New Voice of Ukraine, hay Tiếng Nói Mới Của Ukraine, “Đó thực sự sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Nga, đối với triển vọng chung của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến này mà họ đang tiến hành chống lại Ukraine và đập tankhả năng chiến thắng của Nga”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.

3. Cô Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh, người Ukraine mừng rỡ

Sáng thứ Hai 5 tháng 9, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh thay thế cho Ông Boris Johnson.

Tờ Newsweek đã mô tả cô Liz Truss là nữ thần báo oán của nước Nga. Cho đến nay, cô ấy đã ủng hộ những người Anh chiến đấu bên cạnh các lực lượng Ukraine và nói rằng việc Nga có thể bị đẩy ra khỏi Crimea là một “thực tế”.

Mark Almond, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khủng hoảng, ở Oxford, Anh, cho biết: “Liz Truss là một nhân vật khinh thường giới truyền thông của Điện Cẩm Linh kể từ cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay trước chiến tranh”.

Stewart McDonald, phát ngôn nhân quốc phòng của Đảng Quốc gia Tô Cách Lan đối lập, nhận định rằng “Đối với Nga, cô ấy là một thảm họa với tư cách là Ngoại trưởng và sẽ còn tồi tệ hơn với tư cách là Thủ tướng.”

Cô Liz Truss từng nói với BBC vào tháng 7 rằng “tất cả các phần lãnh thổ của Ukraine bị Nga xâm chiếm đều là bị chiếm đóng trái phép”. Cô đã đưa ra lập trường trên chỉ vài ngày sau khi cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng bất kỳ sự xâm phạm nào vào lãnh thổ mà nước này đã chiếm được vào năm 2014 đều có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.

Với sự chiến thắng của Liz Truss, người Ukraine tin rằng sự hỗ trợ quân sự của Vương quốc Anh đối với Ukraine, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của Johnson tới Tổng thống Volodymr Zelenskiy ở Kyiv, sẽ được tiếp tục với một tốc độ tương tự.

Mark Leonard, đồng sáng lập và giám đốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại Âu Châu cho biết: “Tôi tưởng tượng sẽ có rất nhiều sự tiếp tục trong lập trường hiện tại là hỗ trợ Ukraine trang bị quân sự và áp dụng một giọng điệu diều hâu về triển vọng của bất kỳ cuộc đàm phán nào”

Ông nói với Newsweek: “Tôi không nghĩ rằng chiến thắng của Truss sẽ tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với mối quan hệ của Vương quốc Anh với Nga vốn đã bị rối loạn kể từ sau vụ sát hại Alexander Litvinenko trên đất Anh”, khi đề cập đến cái chết của Litvinenko, được tường trình là gián điệp của Điện Cẩm Linh.

Vương quốc Anh duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Nga so với các nước Âu Châu khác như Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron, đã làm dấy lên sự tức giận của Kyiv vì nói rằng Putin không nên bị sỉ nhục, để tạo điều kiện cho việc ngừng bắn và đàm phán trở nên dễ dàng hơn.

Cô Liz Truss chắc chắn sẽ tiếp tục gây áp lực chống lại Nga khi một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông sắp xảy ra trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt đối với Mạc Tư Khoa có thể cám dỗ các quốc gia Âu Châu khác đi theo đường lối mềm mỏng hơn.

Nick Kitchen, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về Cạnh tranh quyền lực toàn cầu, gọi tắt là CGPC, tại Đại học Surrey cho biết: “Anh có lẽ đã đưa ra lập trường diều hâu nhất đối với Nga liên quan đến Ukraine, một phần vì cơ sở an ninh quốc gia của Anh từ lâu đã kết luận rằng Nga dưới thời Putin không thể bị thuyết phục để hoạt động trong hệ thống dựa trên trật tự quốc tế.

Ngay trước khi được đề cử vào chức Thủ tướng, cô Liz Truss nói rằng chuyến công du hải ngoại đầu tiên của cô sẽ là đến Kyiv để chứng tỏ cho người Ukraine thấy rằng cô sẽ tiếp tục sứ mệnh của cựu Thủ tướng Boris Johnson.

4. Thủ tướng Ukraine cầu xin thêm vũ khí từ các đồng minh

Thủ tướng Denys Shmygal đã nói với Đức rằng Ukraine cần thêm vũ khí để chống lại những bước tiến của Nga.

Thủ tướng Ukraine đã thăm Đức lần đầu tiên sau nhiều tháng, đây được cho là một dấu hiệu cho thấy các quốc gia đang tăng cường quan hệ.

Shmygal đã gặp Thủ tướng Olaf Scholz, để cảm ơn Đức “vì sự đoàn kết và hỗ trợ cho người Ukraine”.

Thủ tướng Ukraine đã cảm ơn Đức vì sự đoàn kết của họ khi đối mặt với cuộc xâm lược của Nga, đồng thời kêu gọi thêm vũ khí, trong một dấu hiệu giảm căng thẳng giữa Berlin và Kyiv.

Denys Shmyhal, người được Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, chào đón bằng hàng quân danh dự tại Berlin hôm Chúa Nhật, là quan chức Ukraine cấp cao nhất đến thăm thủ đô Đức trong nhiều tháng, kể từ khi Kyiv cáo buộc nền kinh tế lớn nhất Liên Hiệp Âu Châu làm quá ít.

Bắt đầu chuyến đi Berlin của mình, Shmyhal đã gặp tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, người đã không được mời đến thăm Kyiv vào tháng 4 vì quá khứ ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ giữa Đức và Nga. Steinmeier, một cựu ngoại trưởng Đức, người đã thừa nhận vào tháng 4 rằng đường lối của ông với Mạc Tư Khoa là sai lầm, đã đề nghị đến thủ đô của Ukraine trong những tuần đầu của cuộc chiến để thể hiện tình đoàn kết nhưng được cho biết chuyến thăm của ông là “không được mong muốn ở Kyiv”.

Trong một dòng tweet sau cuộc gặp với Steinmeier, Shmyhal cho biết họ đã thảo luận về tình hình quân sự, tăng cường các biện pháp trừng phạt và nhu cầu cung cấp vũ khí cho Ukraine. “Cảm ơn vì tình đoàn kết với người dân Ukraine và sự ủng hộ mạnh mẽ”.

“Đức đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí”, Shmyhal nói với truyền thông Đức trước chuyến đi của mình, theo Agence France-Presse. Tuy nhiên, Thủ tướng nói thêm rằng Kyiv cần nhiều hơn từ Berlin, bao gồm cả “xe tăng chiến đấu hiện đại” như Leopard 2.

5. Zelenskiy: Cờ Ukraine đang quay trở lại chốn xưa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp khác của Bộ tham mưu của Tổng tư lệnh tối cao.

“Không có ngày cuối tuần trong chiến tranh. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với những người ở tuyến đầu. Tôi sẽ không cho bạn biết chi tiết, nhưng những lá cờ Ukraine đang quay trở lại những nơi mà lẽ ra chúng phải tung bay. Và không có chỗ cho quân xâm lược Nga trên đất của chúng ta” tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói sau cuộc họp.

Theo dịch vụ báo chí của Tổng thống, cuộc họp có sự tham dự của: Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Oleksiy Reznikov và Thứ trưởng Rostyslav Zamlynskyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhny, Tổng tư lệnh của Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine Serhiy Shaptala, Tư lệnh Vệ binh quốc gia Yuriy Lebid, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denys Moosystemrskyi, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov, cũng như Phó Văn phòng Tổng thống Roman Mashovets.

Cục trưởng Cục Tình báo Chính Kyrylo Budanov, Tư lệnh Lực lượng Bộ binh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi, Chỉ huy các Lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến Nam Andriy Kovalchuk và Chỉ huy Lực lượng Bộ Chỉ huy Tác chiến Tây Serhiy Litvinov đã tham gia cuộc họp thông qua liên kết video.

Tại cuộc họp, Bộ Tổng tư lệnh và chỉ huy các vùng tác chiến, thủ trưởng cơ quan tình báo đã báo cáo tình hình trên tiền tuyến.

Theo nhận định chung được ghi nhận tại cuộc họp, thời điểm này là lúc thuận tiện nhất để giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã bị chiếm, bao gồm cả bán đảo Crimea. Bây giờ hay không bao giờ.

6. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị ngắt kết nối với lưới điện, hoạt động qua đường dây dự trữ

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, cho biết, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine đã bị ngắt kết nối khỏi đường dây điện chính và đang hoạt động thông qua đường dây dự trữ.

IAEA cho biết như trên trong một tuyên bố được công bố vào ngày 3 tháng 9; và đánh giá điều này là nguy hiểm vì khi trường hợp mất điện xảy ra, hệ thống làm mát ngưng hoạt động sẽ xảy ra các bức xạ hạt nhân, có thể ảnh hưởng đến 13 quốc gia trong vùng.

Trích dẫn các báo cáo từ các đại diện của mình tại địa điểm, IAEA báo cáo rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia “một lần nữa mất kết nối với đường dây điện chính bên ngoài cuối cùng của mình, nhưng cơ sở đang tiếp tục cung cấp điện cho lưới điện thông qua đường dây dự phòng.”

Thông cáo của IAEA phàn nàn rằng: “Chưa đầy 48 giờ sau khi Tổng giám đốc Rafael Mariano Grossi thiết lập sự hiện diện của Phái đoàn hỗ trợ của IAEA tới Zaporizhzhia tại cơ sở ở miền nam Ukraine, các chuyên gia của Cơ quan đã được các nhân viên cấp cao của Ukraine cho biết rằng hoạt động của đường dây điện 750 Kilovolt thứ tư có vấn đề. Ba đường dây khác đã mất trước đó”.

Ngoài ra, ban quản lý nhà máy đã thông báo với nhóm IAEA rằng một trong hai tổ máy vận hành của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị ngắt kết nối vào chiều thứ Bẩy do hạn chế về lưới điện. Tổ máy số 5 tương tự cũng bị ngắt kết nối vào ngày 1 tháng 9 - ngày Tổng giám đốc Grossi đến hiện trường - do các vấn đề về điện bên trong nhưng nó đã được kết nối lại vào ngày hôm sau.

IAEA cho biết một lò phản ứng vẫn đang hoạt động và sản xuất điện để làm mát và các chức năng an toàn thiết yếu khác tại địa điểm và cho các hộ gia đình, nhà máy và những lò khác thông qua lưới điện.
 
ĐTC giải tán lãnh đạo của một nhà dòng độc đáo, có hộ chiếu riêng, và được quốc tế công nhận
VietCatholic Media
16:36 05/09/2022


1. Vụ nổ nhà thờ Hồi giáo ở Afghanistan giết chết 18 người, bao gồm cả giáo sĩ ủng hộ Taliban

Một vụ nổ xé nát một nhà thờ Hồi giáo đông đúc ở miền tây Afghanistan đã xảy ra vào hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, bao gồm một giáo sĩ nổi tiếng thân cận với Taliban, các quan chức Taliban và một viên chức y tế địa phương cho biết. Ít nhất 23 người bị thương.

Video từ hiện trường cho thấy: Vụ nổ ở thành phố Herat khiến sân của Nhà thờ Hồi giáo Guzargah ngổn ngang xác người, mặt đất bê bết máu,. Những người đàn ông hét lên, “Chúa vĩ đại”, trong cơn sốc và kinh hoàng.

Quả bom đã nổ trong buổi cầu nguyện trưa thứ Sáu, khi các nhà thờ Hồi giáo đầy người thờ phượng.

Trong số những người thiệt mạng có Mujib-ul Rahman Ansari, một giáo sĩ nổi tiếng trên khắp Afghanistan vì những lời chỉ trích của ông đối với các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn trong hai thập kỷ qua. Ansari được coi là thân cận với Taliban, kẻ đã giành quyền kiểm soát Afghanistan một năm trước khi các lực lượng nước ngoài rút đi.

Phát ngôn nhân chính của Taliban, Zabihullah Mujahid, xác nhận cái chết của giáo sĩ này. Ngay trước khi xảy ra vụ đánh bom, Ansari đã gặp gỡ ở một khu vực khác của thành phố với phó thủ tướng của chính phủ Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đang có chuyến thăm tới Herat. Ansari đã vội vã từ cuộc họp đến nhà thờ Hồi giáo để đến chủ trì buổi cầu nguyện buổi trưa, một phụ tá của Baradar cho biết trong một tweet thương tiếc giáo sĩ.
Source:AP

2. Đức Giáo Hoàng giải tán hàng lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta, ban hành hiến pháp mới

Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải tán hàng lãnh đạo của dòng Hiệp sĩ Malta, là một Dòng Tu và một nhóm nhân đạo Công Giáo toàn cầu, đồng thời thành lập một hàng lãnh đạo lâm thời trước cuộc bầu cử một nhà lãnh đạo mới.

Sự thay đổi, mà Đức Giáo Hoàng ban hành trong một sắc lệnh, diễn ra sau 5 năm tranh luận gay gắt trong nhà dòng và giữa một số thành viên hàng đầu của hàng lãnh đạo cũ và Vatican về một hiến pháp mới mà một số người lo ngại sẽ làm suy yếu chủ quyền của nhà dòng.

Dòng Hiệp sĩ Malta là một dòng tu Công Giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ Âu Châu lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi chinh phục được Giêrusalem vào năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Thánh Địa Giêrusalem. Sau khi các vùng lãnh thổ ở Thánh Địa rơi vào tay người Hồi giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798). Năm 1798, Napoléon Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn được nhìn nhận tư cách một quốc gia có chủ quyền. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước.

Dòng hiện có khoảng 13,000 thành viên, 80,000 tình nguyện viên thường trực và 20,000 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, y tá, trợ tá) hiện diện tại hơn 120 quốc gia.

Nhà Dòng hiện có ngân sách nhiều triệu đô la, 13.500 thành viên, 95.000 tình nguyện viên và 52.000 nhân viên y tế đang điều hành các trại tị nạn, trung tâm điều trị ma túy, các chương trình cứu trợ thảm họa và phòng khám trên khắp thế giới.

Nhà Dòng đã rất tích cực trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine và các nạn nhân chiến tranh.

Nhà Dòng không có lãnh thổ thực sự ngoài cung điện và các văn phòng ở Rome và pháo đài ở Malta, nhưng được công nhận là một thực thể có chủ quyền với hộ chiếu và biển số xe riêng.

Nhà Dòng có quan hệ ngoại giao với 110 quốc gia và quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, cho phép hoạt động như một bên trung lập trong các nỗ lực cứu trợ ở các vùng chiến sự.

Ngay khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra, Dòng Malta đã cung cấp ngay cho 275,000 người Ukraine dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ hậu cần hoặc phân phối lương thực tại các biên giới của đất nước. Ngoài ra, 47 xe tải chở đầy thiết bị y tế, thực phẩm, thuốc men và bộ dụng cụ sinh tồn đã được thuê. Các đoàn xe bổ sung đang được chuẩn bị. 69,000 tình nguyện viên sống ở Đông Âu cam kết hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.
Source:Reuters

3. Tổng Giáo Phận Chicago không đi đúng hướng đồng nghị

Linh mục Louis J. Cameli, đặc trách phối hợp diễn trình tham khảo “đồng nghị” của tổng giáo phận Chicago, Hoa Kỳ, trên tạp chí America ngày 18 tháng 8, cho hay: ngài đã xem xét tất cả các câu trả lời về Thượng hội đồng của giáo phận ngài và ngài khám phá ra ba thiếu sót hết sức căn bản đối với diễn trình này. Theo ngài giải quyết được 3 thiếu sót này sẽ là bước tiến tới cho cả Giáo Hội. Vì ngài nhận định chúng ta có nhiệm vụ đào tạo to lớn giúp Giáo Hội khôi phục thực tại của mình như dân Chúa đang cùng nhau lữ hành, bén rễ sâu vào Tin Mừng và được linh hứng đem Tin Mừng vào thế gian.

Ba thiếu sót đó là:

Một thao tác cầu nguyện

Trong cuộc tham khảo của chúng tôi, hầu hết mọi người đã không hiểu chính xác hoặc đầy đủ về con đường đồng nghị như Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày. Đối với rất nhiều người trả lời, cuộc tham khảo về Thượng hội đồng là về việc hình dung ra mọi sự hoặc chia sẻ ý kiến cá nhân về cách mọi sự phải nên như thế nào, hoặc một số hình thức lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Niềm hy vọng của Đức Thánh Cha đối với tiến trình thượng hội đồng đã sắp xếp mọi sự một cách rất khác.

Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, mọi sự về con đường đồng nghị đều bắt đầu trong việc cầu nguyện. Từ việc cầu nguyện của họ, các tín hữu gặp gỡ nhau. Trong những cuộc gặp gỡ của họ, họ được triệu tập để lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Và cuối cùng, khi lắng nghe, họ khám phá ra Chúa Thánh Thần có thể thúc đẩy họ di chuyển tới đâu. Các yếu tố thiết yếu là cầu nguyện, gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Diễn trình này phản ảnh rõ ràng cách thức Giáo Hội sơ khai hội họp và tự tổ chức, như chúng ta biết từ Tông đồ Công vụ, và những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời sống Giáo Hội trong suốt lịch sử của mình.

Nhưng bằng nhiều cách, tiến trình đồng nghị từng ăn sâu vào lịch sử của chúng ta cũng đã trở nên xa lạ đối với chúng ta. Lực hấp dẫn dường như hướng đến việc tự hình dung ra mọi sự, chia sẻ ý kiến hoặc lập kế hoạch dựa trên nhu cầu. Rõ ràng, nhiệm vụ đào tạo là giúp Giáo Hội phục hồi tinh thần đồng nghị từng đánh dấu những buổi đầu sớm nhất và những khoảnh khắc đẹp nhất của Giáo Hội.

Từ Giáo Hội, chứ không phải là với Giáo Hội

Khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng hội đồng, cha Cameli cũng phát hiện ra một điều bất thường khác mà việc đào tạo tính đồng nghị trong tương lai sẽ cần phải giải quyết. Khi người ta đưa ra nhận xét của họ một cách chân thành thực sự và, đôi khi, với niềm đam mê lớn, cách nói của họ khiến cha phải dừng lại. Tại một thời điểm nào đó, cha nhận ra rằng rất nhiều người trả lời nói với Giáo Hội nhiều hơn là nói từ Giáo Hội. Nói cách khác, họ nhận định về Giáo Hội như thể nó là một đối tượng ở bên ngoài họ.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến. Chúng ta là chủ thể, là tác nhân và - theo lời ngài - là nhân vật chính trong diễn trình này. Nói cách khác, chúng ta là Giáo Hội. Và trong bối cảnh đồng nghị, chúng ta nói từ Giáo Hội. Tất cả những điều này có ý nghĩa nhiều hơn là việc phân biệt các giới từ. Từ góc độ đào tạo, nó liên quan đến việc trau dồi một cách cẩn thận cảm thức đồng nhất nội tại với Giáo Hội.

Hướng ngoại

Sự thiếu sót thứ ba và cuối cùng mà Cha Cameli tìm thấy trong các câu trả lời là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “một Giáo Hội thu mình vào bên trong” [ecclesial introversion] chỉ tập chú vào sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội và việc tổ chức cơ cấu-thể chế của nó. Toàn bộ trọng điểm của tính đồng nghị là “cùng nhau lên đường” đi vào sứ mệnh, ra bên ngoài chính chúng ta. Quá nhiều nhận định trong các câu trả lời nói về những đề nghị thay đổi đời sống Giáo Hội hoặc chính xác hơn bên trong đời sống Giáo Hội. Cảm thức về sứ mệnh đi ra bên ngoài nói chung khá mờ nhạt. Việc đào tạo cho sứ mệnh, một cảm thức ngày càng mở rộng về mục đích của chúng ta trong thế giới, cần phải bén rễ trong các cộng đồng đức tin của chúng ta.

Sau khi xem xét ba hướng đi trên cho việc đào tạo tính đồng nghị — tìm lại động lực thực sự của tính đồng nghị, lấy lại tính tác nhân của chúng ta trong Giáo Hội và làm sống lại cảm thức về sứ mệnh đi ra ngoài — cha Cameli cũng nhận ra rằng chính những hướng đi này cũng áp dụng theo cách riêng của chúng vào việc phục hưng thánh thể mà chúng ta hy vọng sẽ cổ vũ tại Hoa Kỳ. Phong trào cầu nguyện-gặp gỡ-lắng nghe-phân định xảy ra khi chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong Lời Chúa và Bí tích. Cảm thức là chủ thể và tác nhân tích cực của Giáo Hội là chìa khóa để tham gia đầy đủ và tích cực vào các mầu nhiệm bí tích. Ý thức về sứ mệnh trong bối cảnh phụng vụ là lời kêu gọi thiên niên hòa nhập việc thờ phượng và đời sống ở bên ngoài đền thờ. Như thế, việc đào tạo đồng nghị chính là việc đào tạo thánh thể; mặc dù cần nhiều suy ngẫm hơn để tìm ra phương thức tích hợp này.

Như thế, tất cả những điều này dẫn chúng ta đến đâu? Sau khi nghiên cứu các câu trả lời về Thượng Hội Đồng và suy gẫm về chúng, Cha Cameli thấy rõ hơn nhu cầu của dân Chúa đối với việc đào tạo tính đồng nghị. Cha nhận ra rằng việc đào tạo đồng nghị cũng có thể phục hồi mạnh mẽ trong việc phục hưng Thánh Thể đang rất được mong đợi. Tất cả điều này rất rõ ràng. Điều chưa rõ ràng là làm thế nào để thúc đẩy chính xác việc đào tạo tính đồng nghị.

Rõ ràng, không thể giản lược nó thành những lời huấn giáo từ bục giảng, các chương trình làm sẵn hoặc một loạt các tài liệu viết. Nếu phải diễn ra kiểu đào tạo này, Cha Cameli cho rằng nó phải là một loại lên men lấy cảm hứng từ Tin Mừng. Một số người sẽ hiểu được trọng điểm của tính đồng nghị và cách nó bộc lộ một cách xác thực. Họ có thể là số ít, nhưng họ đã ở giữa chúng ta. Họ cần được khuyến khích để hỗ trợ lẫn nhau và làm sâu sắc thêm cảm thức của họ về Giáo Hội. Ở một thời điểm nào đó, họ sẽ đạt tới một khối lượng có tính quyết định và sau đó có thể mở rộng năng lực và xác tín của họ cho người khác.

Thực vậy, sự đào tạo đang phát triển và khai diễn này mô phỏng buổi khởi đầu của Giáo Hội như được ghi lại trong Tông đồ Công vụ. Sách Thánh này nói với chúng ta rằng điều đó có thể xảy ra hôm nay, vì nó đã xảy ra trước đây. Đó thực sự là một tin mừng. Nó cũng gợi ý rằng lời hứa của Công đồng Vatican II về một Lễ Hiện xuống mới có thể nằm trong tầm tay.