Ngày 01-09-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Câm và điếc
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:03 01/09/2018
Chúa Nhật XIII Thường Niên , năm B
Mc 7, 31-37

Câm và điếc là con người bị tước đoạt cả hai cơ quan truyền thông.Câm là không nói được, lưỡi hầu như bị thụt lại, cứng đờ.Điếc là không nghe được gì khi người khác nói, người khác truyền đạt. Người câm và điếc là người không hiểu ai nói và người khác cũng không hiểu được họ muốn diễn tả gì ! Đoạn Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay cho thấy Đức Giêsu chữa lành cho một người bị câm và điếc với chỉ một lời truyền đầy quyền năng :” Ép-pha-ta “, nghĩa là “ Hãy mở ra “. Người câm và điếc liền nghe được và nói được ( Mc 6, 34-35 ).

Con người sở dĩ thấy được nhờ có đôi mắt sáng, nghe được nhờ đôi tai thính, nói thông suốt nhờ miệng lưỡi bình thường. Nên, chẳng ai muốn câm, bởi vì câm con người chẳng diễn tả được gì, không nói được, trình bày những gì mình muốn nói. Câm giống như lưỡi bị trói lại, cột lại. Điếc cũng chẳng ai muốn, tuy nhiên con người nhiều khi lại mắc chứng bệnh này vì điếc là khi con người nghe nhưng lại gio61ngf như con người mất khả năng nghe. Điếc là khi nghe người khác chúng ta lại hiểu khác ý của người nói. Con người hoặc chinh chúng ta khi nghe người khác nói mà cố tình hiểu theo ý của mình, do đó, chúng ta không biết phân biệt đâu là đúng, đâu là dở, không biết phân định cái đúng cái sai. Người ta thường nói cái cốt lõi không phải người nói mà là người nghe biết suy nghĩ và quyết định đâu là việc phải làm và đâu là điều không nên làm.

Chính vì thế, nghe bằng đôi tai, nói bằng miệng không chưa đủ mà phải nói bằng tâm hồn và nghe bằng con tim. Chúng ta chỉ có thể hiểu người khác được bằng con tim chân thành, tâm tình yêu thương và tấm lòng đạo đức, quảng đại, thánh thiện của chúng ta khi người khác muốn truyền đạt những thông điệp, ý tưởng tốt của họ đối với chúng ta. Đồng thời không phải cái gì người khác nói truyền đạt cũng phải nghe, nhưng chúng ta phải biết chọn lọc thông tin nào, sứ điệp nào là hay, là tốt, là hữu ích, hữu dụng, không gây xáo trộn, vẩn đục, phương hại cho tâm hồn của chúng ta. Con người ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào cũng không thể tin được những gì họ nghe bằng đôi tai, nhưng thường luôn tin vào những gì thấy bằng con tim của mình.

Vâng, câm và điếc là nỗi khổ của con người. Chính vì thế, chẳng ai muốn câm, cũng chẳng ai muốn điếc. Điếc thể xác, câm thể lý đã là đau khổ, nhưng câm và điếc về phần hồn còn đau khổ biết chừng nào. Ai cũng vậy, một lần nào đó trong đời, cũng đã chứng kiến người câm và người điếc. Chúng ta xót xa vì thấy họ bị kém may mắn và khổ đau.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu : Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia mà dân Israen đã mong đợi từ lâu, Ngài là Đấng mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo, sẽ làm cho người điếc được nghe, người câm nói được, kẻ mù thấy được, kẻ què đi được vv…Đức Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Người đưa người câm và điếc ra khỏi đám đông để chữa lành người ấy. Người không biến người này trở thành trò cười cho thiên hạ mà muốn thân mật, tiếp xúc với người đau khổ này, đồng thời đem họ trở lại đời sống bình thường, hòa nhập với xã hội, với những người khác. Điều cuối cùng mà Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy là phương pháp để giải quyết vấn nạn con người trong thế giới hôm nay đang gặp là họ không còn cầu nguyện được nữa, không còn tâm sự với Chúa, không còn lắng nghe lời Ngài tromg tấm lòng, như thế về mặt thiêng liêng quả thực họ và cả chúng ta đang bị câm điếc.

Và để giải quyết vấn đề này, chúng ta giống như người câm điếc đi tìm gặp Chúa Giêsu xin Người cứu chữa chúng ta. Cụ thể và thực tế hơn, mỗi ngày chúng ta hãy dành riêng cho Chúa một thời gian nào đó để tâm sự, trò chuyện và cầu nguyện với Ngài để xin Ngài cứu chữa và ban cho chúng ta được khỏe mạnh hồn xác.

Lạy Chúa Giêsu,xin đẩy xa chúng con bức tường thành ngăn cách để chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Chúa trong đời sống của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Người câm điếc là người thế nào ?
2. ÔBACE đã gặp người câm điếc bao giờ chưa ? Họ ra sao ?
3. Người câm điếc đã làm gì để được cứu chữa khỏi bệnh ?
4. Chúa Giêsu đã làm gì cho người câm điếc ?
5. Êphata có nghĩa là gì ?
 
Thánh lễ Chúa Nhật 22 Quanh Năm 2/9/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
04:00 01/09/2018
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt'. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?"

"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)

Xướng:

1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính,

và trong lòng suy nghĩ điều ngay,

và lưỡi không bịa lời vu khống.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu,

cũng không làm nhục cho ai lân cận.

Người coi rẻ đứa bất nhân,

nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa.

3) Người dẫu thề điều chi bất lợi,

cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời,

cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương.

Người thực thi những điều kể đó,

thì muôn đời chẳng có lung lay.

Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

"Anh em hãy thực thi lời đã nghe".

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".

Ðó là lời Chúa.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 22 Mùa Quanh Năm B 2.9.2018
Lm Francis Lý văn Ca
06:28 01/09/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến, Lời Chúa ngày Chúa Nhật hôm nay mời gọi người tín hữu chúng ta sống đích thực Tin Mừng trong việc phụng thờ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã chỉ trích những người biệt phái và luật sĩ giả hình…. Chúa muốn mời gọi chúng ta sống tinh thần Tin Mừng bằng việc áp dụng Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày.

Đừng bao giờ nghĩ rằng đi lễ, cầu nguyện, thực thi đức ái tự hào là thánh thiện. Hãy để Chúa Thánh Thần biến đổi những việc làm thánh thiện của chúng ta trở nên thánh.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây cùng với ca đoàn chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây.

TRƯỚC BÀI I: Giới răn của Thiên Chúa không phải trói buộc con người nhưng giới luậ giúp con nguời sống cương kỹ và đắn đo lựa chọn điều hay điều tốt cho chính mình.

TRƯỚC BÀI II: Trong bài đọc thứ hai, thánh Giacôbê diễn giải cho chúng ta: Thiên Chúa trao ban chúng ta Lời Chân Lý, Lời đem lại nguồn sống và ơn cứu độ. Chúng ta hãy khiêm tốn đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Những người Biệt Phái và Luật Sĩ chỉ trích các tông đồ không rửa tay trước khi ăn… Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết: chính những gì từ trong con người xuất ra mới làm cho ra ô uế, như tà dâm, trộm cắp… Ðó là điểm chính yếu của bài Tin Mừng mà chúng ta sắp nghe sau đây.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Giới răn của Chúa bồi bổ đời sống thiêng liêng, Nếu chúng ta tuân giữ giới răn của Chúa truyền chúng ta được hưởng ơn cứu độ. Với lòng yêu mến giới răn của Chúa, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin.

1. Mẹ Thánh Giáo Hội có sứ mạng giáo dục con cái mình tuân giữ giới răn của Thiên Chúa. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Giáo Hội chu toàn sứ mạng rao truyền giới răn của Chúa bằng chính đời sống bác ái yêu thương và gương tốt của các ngài. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chính những gì từ bên trong con người phát ra làm cho ra ô uế. Xin Chúa tẩy uế những ích kỷ, oán thù, ghen ghét và những thói hư tật xấu tiềm ẩn trong chúng ta để chúng ta được trở nên trong sạch từ trong tâm hồn mà hân hoan làm chứng cho sự thánh thiện của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người Kitô Hữu luôn sống xứng đáng là những chứng nhân của đức Kitô trong lời nói, việc làm để những người sống chung quanh nhận ra chúng ta là những môn đệ của Đức kitô. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho Cộng Đoàn-Xứ Đạo của chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và áp dụng Lời Chúa trong giao tế không những giữa anh chị em Công Giáo mà còn cho chính những người chưa biết Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu xin cho các tin hữu của Chúa đã qua đời, những người chưa nhận biết Chúa nhưng trong cuộc sống trần thế, họ sống ngay lành, qua lòng nhân hậu của Chúa họ cũng đuợc an nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con sống yêu thương theo gương Chúa. Xin cho chúng con tuân giữ và sống trọn hảo giới răn của CHúa và Giáo Hội Mẹ Thánh Tông Truyền để trong ngày sau hết chúng con đuợc đoàn tụ cùng các thánh trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Chúa Nhật 22 B TN: Sạch – Dơ
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:23 01/09/2018
Người ta thường nói : Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng cũng nhiều khi chiếc áo giúp người ta nên thầy tu hơn, bởi lẽ khi mặc chiếc áo vào thì cử chỉ đi đứng, lời ăn tiếng nói phải đắn đo hơn. Ra đường mà mặc áo tu thì mắt đâu được ngó liên ngó láo. Lại có những nơi mà chiếc áo tu không được bén mảng tới. Quả chiếc áo tu cũng giúp người ta nên thầy tu hơn. Nhưng đó là đối với những người đã có một chút gốc tu, thì chiếc áo sẽ gia tăng hoa trái tu hành, còn nếu không, thì như người ta nói : Chiếc áo không thể làm nên thầy tu – bởi nếu làm được, thì các minh tinh màn bạc, các kịch sĩ khi đóng vai nữ tu đã thành ma sæur hết, và các kẻ giả dạng thầy tu với chiếc áo dòng đi lừa đây đó, là những tu sĩ đàng hoàng !

Chính vì chiếc áo (bề ngoài) không làm nên thầy tu (thực chất bên trong) mà hôm nay Chúa Giêsu dẫn chứng thêm cho chân lý ấy qua đoạn thoại về Sạch – Dơ. Giữ sạch bề ngoài (= chiếc áo) không làm cho người ta sạch bề trong đâu (= nên thầy tu).

1) Thử phác vài nét về sạch-dơ của người Do-thái

Quả thật trong Do-Thái giáo có những điều khoản rõ ràng về sạch, dơ. Sách Lêvi, 5 chương liền, từ chương 11-15 trình bày về (1) con vật nào là dơ, vật trên cạn, vật dưới nước ; (2) con người nào là dơ : hoặc bị bệnh, phong, lác, đốm, ung nhọt ; hoặc do đến thời kỳ nào đó thì mắc nhơ : cả đàn ông lẫn đàn bà. Luật còn ghi thêm, do đâu thì bị dơ, dơ bao lâu, làm sao thì hết dơ (*).

Nhưng luật Chúa trong Cựu Ước không qui định phải rửa tay trước khi ăn, phải rửa chén dĩa trước khi dùng. Đây hoàn toàn là tập tục của tiền nhân, mà các người biệt phái và luật sĩ lại tuân giữ tỉ mỉ tập tục đó và bắt các người Do Thái phải giữ. Họ xem đây như một nghi thức chứ không chỉ là vì vệ sinh. Vệ sinh là rửa cho sạch tay kẻo ăn uống nuốt vi trùng ; hoặc rửa để ăn cho ngon : Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon. Không. Dù tay sạch, cũng phải rửa. Và phải rửa đúng bài bản :

Nước rửa: phải đựng trong bình đồng, hoặc bình sành.

Cách rửa : phải rửa từ khuỷu tay trở xuống, chứ không chỉ 2 đầu ngón tay trong nghi thức Thánh lễ mà linh mục làm.

Nhịp rửa: phải rửa 2 lần. Một lần vì “tay dơ,” một lần là để rửa cho sạch hết nước dơ dính ở tay. Vì thế lượng nước phải dùng không ít đâu. Do đó mới có chuyện một Rabbi Abiga Do Thái bị tù, mỗi ngày chỉ được cung cấp một lượng nước tối thiểu để uống. Ông không uống, lấy nước đó để rửa tay trước khi ăn, và rồi ông thà chết khát còn hơn là không giữ tập tục rửa tay trước khi ăn.

Trong bài Tin Mừng còn nói thêm cho ta vài tập tục về sạch dơ nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng : không phải là rửa cho sạch, nhưng phải rửa trước khi dùng, dù đã sạch (như chúng ta mời bà con dùng trà, cũng phải tráng qua một lượt mới rót trà). Năm 2006, khi còn ở Saigon, một hôm có cặp vợ chồng cựu Phan Sinh ở Đức về, chúng tôi mời dùng cơm trưa. Khi vào bàn, chị vợ xin một chén nước nóng, tưởng chị uống thuốc. Không ! Chị dùng nước đó để nhúng đũa và tráng đĩa … cho sạch, chẳng khác gì người Do Thái thủa xưa ! Người Do thái khi đi nơi công cộng về, họ cũng sẽ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Có lẽ tắm rửa cho bảo đảm, vì khi đi nơi công cộng, thế nào mà chẳng có những vật gì dơ, những người dơ mình đụng vào hoặc không đụng thì ở trong khoảng cách đủ để lây dơ, ta về ta tắm cho bảo đảm sạch sẽ trước khi ăn.

Trong sách “Gương Phúc” cũng có một câu bi quan kiểu đó : Mỗi lần tôi tiếp xúc với người đời, trở về nhà tôi thấy tôi bớt là người hơn (mất tinh tuyền), nên người Do Thái đi chợ về là… tắm mình để tẩy dơ.

2) Nhưng rồi rửa như vậy, tẩy như thế, có làm cho con người sạch ra không ?

Chúa Giêsu trả lởi cho ta thật rõ ràng : “Xin mọi người nghe tôi nói đây mà hiểu cho rõ : không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ô nhơ được, mà cái gì từ con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế”. Và rồi Chúa Giêsu liệt kê 12 tội phạm từ trong lòng người mà ra : “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” Vì chính những cái đó từ trong xuất ra mới làm cho người ta ra dơ bẩn, ô uế. Chứ nếu chỉ cần rửa bên ngoài là trong cũng sạch thì dễ quá.

Ở dưới dốc, nước nhiều, chắc sẽ trong sạch hơn ở trên đồi cao, vì hiếm nước.

Chỉ cần khoác áo cà sa là thành sãi, khoác áo dòng nâu là nên thầy tu Phan-xi-cậu. Ai làm cũng được !

Chính vì rửa bên ngoài, bên trong không sạch, mà ta thấy ngay những người biệt phái và kinh sư trách cứ môn đệ Chúa. Nếu họ rửa tay hằng ngày, họ sạch sẽ, tâm hồn họ cũng sạch sẽ, tức là thanh thản, thì họ đâu còn ganh tị, bẩn (sic) tâm dòm ngó để ý đến người khác không rửa hầu bắt bẻ, hạch sách !

Ta thấy Chúa Giêsu trách người biệt phái, ta mỉm cười sung sướng, vì ta không như họ. Ta có thể lầm và lầm to đó.

Có nhiều người Công Giáo không nghĩ rằng họ sẽ tổ chức một bữa ăn mời khách đến mà trên bàn có vết dơ, trên chén đĩa có vết bẩn và trên quần áo họ dính bụi bậm. Họ phải tẩy đi chứ. Đúng. Nhưng tẩy bề ngoài thôi. Còn khi họ phát ngôn trong bữa ăn thì không phải là sự dơ bẩn nữa mà là sự thô bỉ : họ hạ người này, nói xấu người kia, chửi bới người nọ. Nhưng họ còn khá hơn hạng người, biết làm sạch cả lời nói nữa chứ không chỉ quần áo tay chân. “Ngoài thì thơn thớt nói cười, mà trong thâm hiểm giết người không dao”. Chính cõi lòng với 12 con quỉ mà Chúa Giêsu cảnh cáo làm dơ bẩn con người họ.

Rửa tay không phải là xấu. Rửa tay là tốt nếu trong lòng cũng được rửa. Chiếc áo không phải vô ích, nhưng sẽ có ích rất nhiều nếu người mặc cũng xứng với chiếc áo. Đọc kinh đi lễ là tốt, rất tốt nếu trong lòng cũng có tình mến Chúa yêu người.

Lạy Chúa xin cho con đừng giả hình : Ngoài thì đi lễ đọc kinh mà trong thâm hiểm rình mò anh em…

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

________________________________________________

(*) Lv 11,1-15,32 :

11,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron và bảo các ông rằng :

2 "Hãy nói với con cái Ít-ra-en : Trong tất cả các loài vật sống trên đất, đây là những loài các ngươi được ăn :

3 Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được ăn. 4 Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, các ngươi không được ăn các con này : con lạc đà, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là loài ô uế ; 5 con ngân thử, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là loài ô uế ; 6 con thỏ rừng, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là ô uế ; 7 con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại : các ngươi phải coi nó là loài ô uế. 8 Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến ; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế.

9 Trong tất cả các loài sống dưới nước, đây là những loài các ngươi được ăn:

Tất cả những loài sống dưới nước, ở sông hay ở biển, có vây và có vảy, thì các ngươi được ăn. 10 Còn tất cả những loài không có vây, không có vảy, ở sông hay ở biển, trong số mọi vật nhỏ sống dưới nước và mọi sinh vật sống dưới nước, thì các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm. 11 Các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm : thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi phải coi là vật kinh tởm. 12 Tất cả những loài sống dưới nước mà không có vây, không có vảy, các ngươi phải coi là loài kinh tởm.

13 Trong các loài chim, đây là những loài các ngươi phải coi là kinh tởm : người ta không được ăn, vì là loài kinh tởm : đại bàng, diều hâu, ó biển, 14 diều hâu đen, mọi thứ kền kền, 15 mọi thứ quạ, 16 đà điểu, cú, mòng biển, mọi thứ bồ cắt, 17 cú vọ, cóc, cú mèo, 18 chim lợn, bồ nông, ó, 19 cò, mọi thứ diệc, chim đầu rìu và dơi.

20 Mọi loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn chân, các ngươi phải coi là loài kinh tởm. 21 Trong các loài vật nhỏ có cánh đi bằng bốn chân, các ngươi chỉ được ăn những thứ sau đây : những con ngoài chân ra có thêm càng để nhảy trên đất. 22 Trong số những loài đó, đây là những loài các ngươi được ăn : mọi thứ cào cào, mọi thứ châu chấu, mọi thứ muỗm, mọi thứ dế. 23 Nhưng mọi vật nhỏ có cánh mà có bốn chân, các ngươi phải coi là loài kinh tởm.

24 Vì các vật ấy, các ngươi sẽ ra ô uế : ai đụng vào xác chết của chúng, sẽ ra ô uế cho đến chiều, 25 bất cứ ai mang xác chết của chúng, thì phải giặt quần áo và sẽ ra ô uế cho đến chiều. 26 Mọi con vật không có chân chẻ làm hai móng và không nhai lại, các ngươi phải coi là loài ô uế : bất cứ ai đụng vào chúng, sẽ ra ô uế. 27 Trong số các loài vật đi bằng bốn chân, tất cả các con đi bằng bàn chân, các ngươi phải coi là loài ô uế ; bất cứ ai đụng vào chúng, sẽ ra ô uế cho đến chiều. 28 Bất cứ ai mang xác chết của chúng, thì phải giặt quần áo và sẽ ra ô uế cho đến chiều ; các ngươi phải coi chúng là vật ô uế.

29 Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế : chuột chũi, chuột nhắt, mọi thứ thằn lằn, 30 tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng.

31 Trong số mọi loài vật nhỏ, các ngươi phải coi những loài trên là ô uế. Bất cứ ai đụng đến chúng khi chúng đã chết, thì sẽ ra ô uế cho đến chiều.

32 Trong những con vật đó, con nào chết mà rơi trên bất cứ vật gì, thì vật ấy sẽ ra ô uế, dù là đồ dùng bằng gỗ, quần áo, da, bị, mọi đồ dùng để làm một công việc gì ; phải nhúng vật ấy vào nước, nó sẽ ra ô uế cho đến chiều, rồi sẽ được thanh sạch. 33 Nếu một con vật rơi vào trong bất cứ bình sành nào, thì tất cả những gì trong đó sẽ ra ô uế, và các ngươi phải đập vỡ bình ấy. 34 Mọi thứ người ta ăn, nếu bị nước bình ấy đổ lên trên, thì sẽ ra ô uế ; mọi thứ người ta uống, đựng trong bất cứ bình nào nói trên, sẽ ra ô uế. 35 Một xác chết của chúng mà rơi trên bất cứ vật gì, thì vật ấy sẽ ra ô uế ; lò và bếp sẽ phải phá đi : các vật ấy là ô uế và các ngươi phải coi là những vật ô uế. 36 Tuy nhiên suối và hầm nước thì khối nước vẫn thanh sạch, nhưng ai đụng đến xác chết của chúng, sẽ ra ô uế. 37 Nếu một xác chết của chúng rơi trên hạt giống để gieo, thì hạt giống vẫn thanh sạch ; 38 nhưng nếu đã đổ nước vào hạt giống, mà một xác chết của chúng rơi trên đó, thì các ngươi phải coi hạt giống đó là ô uế.

39 Nếu một con vật làm đồ ăn cho các ngươi mà chết, thì ai đụng vào xác chết của nó, sẽ ra ô uế cho đến chiều ; 40 ai ăn thịt xác chết của nó, sẽ phải giặt quần áo và sẽ ra ô uế cho đến chiều ; ai mang xác chết của nó, sẽ phải giặt quần áo và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

41 Mọi loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất là vật kinh tởm, không được ăn. 42 Mọi con vật bò bằng bụng, mọi thứ đi bằng bốn chân hay nhiều chân hơn, tóm lại mọi loài vật lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi không được ăn, vì chúng là vật kinh tởm. 43 Các ngươi đừng làm cho chính mình ra kinh tởm vì mọi loài vật nhỏ lúc nhúc, các ngươi đừng làm cho mình ra ô uế vì chúng : các ngươi sẽ ra ô uế vì chúng. 44 Thật vậy, Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi ; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh ; các ngươi đừng làm cho chính mình ra ô uế vì mọi loài vật nhỏ bò trên đất. 45 Thật vậy, Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng đã đưa các ngươi từ đất Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các ngươi ; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh."

46 Đó là luật về loài vật, chim chóc, mọi sinh vật vẫy vùng dưới nước và mọi sinh vật lúc nhúc trên mặt đất, 47 để phân biệt vật ô uế với vật thanh sạch, loài vật được ăn với loài vật không được ăn.

12,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng :

2 "Hãy nói với con cái Ít-ra-en : Khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, nó sẽ ra ô uế như những ngày bị khó ở vì kinh nguyệt. 3 Đến ngày thứ tám, đứa trẻ sẽ được cắt bì nơi da quy đầu. 4 Rồi người đàn bà phải đợi ba mươi ba ngày cho máu được thanh tẩy ; nó không được đụng đến vật thánh nào và không được vào thánh điện, cho đến khi mãn thời gian thanh tẩy của mình.

5 Nếu sinh con gái, thì người đàn bà sẽ ra ô uế trong vòng hai tuần, như khi có kinh ; rồi nó phải đợi sáu mươi sáu ngày cho máu được thanh tẩy.

6 Khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. 7 Tư tế sẽ tiến dâng chúng trước nhan ĐỨC CHÚA và cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết.

Đó là luật về người đàn bà sinh con trai hay con gái. 8 Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch."

13,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron :

2 "Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế A-ha-ron hoặc với một trong các tư tế, con của A-ha-ron. 3 Tư tế sẽ khám vết thương trên da thịt nó : nếu lông ở vết thương đã chuyển sang màu trắng và vết thương xem ra lõm vào da thịt, thì đó là vết thương phong hủi ; sau khi khám, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. 4 Nếu là đốm trắng trên da thịt, mà xem ra không lõm vào da, và lông không chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ cô lập người mắc vết thương trong vòng bảy ngày. 5 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám nó : nếu chính mắt tư tế thấy là vết thương vẫn y nguyên, không lan ra trên da, thì tư tế sẽ lại cô lập nó trong vòng bảy ngày nữa. 6 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ tái khám nó : nếu vết thương đã mờ đi và không lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch : đó là lác ; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch.

7 Nhưng nếu lác cứ lan ra trên da, sau khi người ấy đã được tư tế khám để được tuyên bố là thanh sạch, thì nó phải được tư tế tái khám. 8 Tư tế sẽ khám : nếu lác đã lan ra trên da, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là bệnh phong hủi.

9 Khi trên người nào có vết thương phong hủi, thì phải đưa nó đến với tư tế. 10 Tư tế sẽ khám : nếu ở trên da có nhọt trắng, và nhọt ấy làm cho lông chuyển sang màu trắng, và trong nhọt có thịt đỏ lòm sùi ra, 11 thì đó là bệnh phong hủi kinh niên ở da thịt nó. Tư tế sẽ tuyên bố nó là ô uế ; tư tế sẽ không cô lập nó, vì nó là ô uế.

12 Nhưng nếu phong hủi ấy cứ loang ra trên da và phủ tất cả da của người bệnh, từ đầu đến chân, bất kỳ đâu đâu mắt tư tế nhìn thấy, 13 thì tư tế sẽ khám : nếu phong hủi phủ tất cả da, thì tư tế sẽ tuyên bố người bệnh là thanh sạch : nó đã chuyển tất cả ra màu trắng, nó thanh sạch. 14 Nhưng ngày nào thấy người ấy có chỗ thịt đỏ lòm, thì nó sẽ ra ô uế ; 15 tư tế sẽ khám chỗ thịt đỏ lòm và sẽ tuyên bố người ấy là ô uế ; thịt đỏ lòm là ô uế : đó là bệnh phong hủi. 16 Hoặc khi thịt đỏ lòm lại chuyển sang màu trắng, thì nó sẽ đến với tư tế ; 17 tư tế sẽ khám nó : nếu vết thương đã chuyển sang màu trắng, tư tế sẽ tuyên bố vết thương là thanh sạch : người ấy thanh sạch.

18 Khi người nào có ung ở da mà đã khỏi, 19 nhưng ở chỗ cái ung lại có một nhọt trắng hay một đốm trắng đỏ nhạt, thì nó phải để cho tư tế khám. 20 Tư tế sẽ khám : nếu đốm ấy xem ra ăn sâu vào da và lông đã chuyển sang màu trắng, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là một vết thương phong hủi đã loang ra chỗ cái ung. 21 Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy ở đó không có lông trắng, cái ung không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập nó trong vòng bảy ngày. 22 Nếu vết đốm cứ loang ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là một vết thương. 23 Nhưng nếu vết đốm vẫn y nguyên, không lan ra, thì đó là sẹo của cái ung : tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.

24 Trường hợp khác : khi người nào có chỗ phỏng lửa trên da và ở chỗ phỏng có đốm trắng đỏ nhạt hoặc trắng, 25 thì tư tế sẽ khám chỗ ấy : nếu lông ở đốm đã chuyển sang màu trắng, và vết đốm xem ra lõm vào da, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ phỏng ; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là vết thương phong hủi. 26 Nhưng nếu khi tư tế khám mà thấy vết đốm không có lông trắng, không ăn sâu vào da và đã mờ đi, thì tư tế sẽ cô lập người ấy trong vòng bảy ngày. 27 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám người ấy : nếu vết đốm cứ lan ra trên da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là vết thương phong hủi. 28 Nhưng nếu vết đốm cứ y nguyên, không lan ra trên da, và đã mờ đi, thì đó là một cái nhọt do phỏng gây ra ; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch, vì đó là sẹo của chỗ phỏng.

29 Khi một người đàn ông hay một người đàn bà có vết thương ở đầu hoặc cằm, 30 thì tư tế sẽ khám vết thương : nếu nó xem ra lõm vào da, có lông vàng và nhỏ, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế : đó là chốc, tức là phong hủi ở đầu hay ở cằm. 31 Nhưng nếu khi tư tế khám vết thương chốc, mà nó xem ra không lõm vào da và không có lông đen, thì tư tế sẽ cô lập người có vết thương chốc trong vòng bảy ngày. 32 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám vết thương : nếu chốc không lan ra, không có lông vàng và chốc xem ra không lõm vào da, 33 thì người ấy phải cạo đầu cạo cằm nhưng không cạo chỗ chốc, rồi tư tế sẽ lại cô lập người bị chốc trong vòng bảy ngày nữa. 34 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám chỗ chốc : nếu chỗ chốc không lan ra trên da và xem ra không lõm vào da, thì tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch ; nó sẽ giặt áo và sẽ ra thanh sạch. 35 Nhưng nếu chỗ chốc cứ lan ra trên da, sau khi người ấy được tuyên bố là thanh sạch, 36 thì tư tế sẽ khám người ấy : nếu chỗ chốc đã lan ra trên da, thì tư tế sẽ không phải tìm xem có lông vàng không ; người ấy ô uế. 37 Nhưng nếu chính mắt tư tế thấy là chỗ chốc vẫn y nguyên và có lông đen mọc ở đó, thì chỗ chốc đã khỏi và người ấy là thanh sạch ; tư tế sẽ tuyên bố người ấy là thanh sạch.

38 Khi trên da thịt một người đàn ông hay một người đàn bà phát ra những đốm, những đốm trắng, 39 thì tư tế sẽ khám : nếu những đốm trên da thịt họ trắng đục, thì đó là lang ben đã loang ra trên da : họ thanh sạch.

40 Người rụng tóc ở đầu là người sói đầu : người ấy thanh sạch. 41 Người rụng tóc phía trước là người sói trán : người ấy thanh sạch. 42 Nhưng nếu chỗ sói đầu hoặc sói trán có vết thương trắng đỏ nhạt, thì đó là phong hủi loang ra ở chỗ sói đầu hoặc sói trán. 43 Tư tế sẽ khám người ấy : nếu nhọt ở vết thương có màu trắng đỏ nhạt ở chỗ sói đầu hoặc sói trán, trông giống như phong hủi da thịt, 44 thì người ấy bị phong hủi : người ấy ô uế. Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế ; nó bị vết thương ở đầu.

45 Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên : "Ô uế ! Ô uế !" 46 Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế ; nó ô uế : nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại. Phong hủi ở quần áo

47 Khi áo có vết phong hủi, áo len hay áo gai, 48 áo dệt hay áo đan bằng gai hoặc bằng len, hoặc da hay bất cứ đồ vật gì bằng da, 49 nếu vết ấy xanh hay đỏ nhạt trên áo, trên da, trên áo dệt hoặc đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là vết phong hủi : phải đưa cho tư tế khám. 50 Tư tế sẽ khám vết ấy và để riêng đồ vật có vết ra, trong vòng bảy ngày. 51 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ khám vết ấy : nếu vết đã lan ra trên áo, áo dệt hay áo đan, trên da, trên bất cứ đồ vật gì làm bằng da, thì đó là phong hủi dễ lây : vật đó là ô uế. 52 Người ta phải đốt áo dệt hay áo đan bằng len hay bằng gai, hay bất cứ đồ vật gì bằng da có vết, vì đó là phong hủi dễ lây ; đồ vật ấy phải bỏ vào lửa mà thiêu.

53 Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy không lan ra trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, 54 thì tư tế sẽ truyền giặt đồ vật có vết, rồi lại để riêng nó ra, trong vòng bảy ngày nữa. 55 Sau khi vết đã được gột rửa, tư tế sẽ khám : nếu vết ấy không thay đổi hình dạng và không lan ra, thì đồ vật ấy là ô uế, các ngươi phải bỏ vào lửa mà thiêu : đó là đồ vật bị ăn thủng mặt phải hay mặt trái.

56 Nhưng nếu khi tư tế khám, vết ấy đã mờ đi sau khi gột rửa, thì tư tế sẽ xé chỗ đó ra khỏi áo hay khỏi da, khỏi áo dệt hoặc áo đan. 57 Nếu nó lại xuất hiện trên áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là phong hủi đã loang ra : ngươi phải bỏ đồ vật có vết vào lửa mà thiêu. 58 Áo, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, các ngươi đã giặt mà vết đã biến đi, thì sẽ được giặt một lần thứ hai, và sẽ thanh sạch."

59 Đó là luật về vết phong hủi trên áo bằng len hoặc bằng gai, áo dệt hoặc áo đan, hay bất cứ đồ vật gì bằng da, để dựa vào đó mà tuyên bố đồ vật ấy thanh sạch hay ô uế.

14,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng :

2 "Đây là luật về người phong hủi, trong ngày nó được thanh tẩy. Nó sẽ được đưa đến với tư tế ; 3 tư tế sẽ ra khỏi trại. Tư tế sẽ khám : nếu người phong hủi đã khỏi vết thương phong hủi, 4 thì tư tế sẽ truyền lấy cho người được thanh tẩy hai con chim còn sống và thanh sạch, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo. 5 Tư tế sẽ truyền sát tế một con chim trên một bình sành đựng nước mạch. 6 Con chim còn sống, thì tư tế sẽ lấy nó, cùng với gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo, và nhúng hết, kể cả con chim còn sống, vào máu con chim đã bị sát tế trên nước mạch. 7 Tư tế sẽ rảy bảy lần trên người đang được thanh tẩy khỏi phong hủi, tuyên bố nó thanh sạch, rồi thả con chim còn sống ra ngoài đồng. 8 Người được thanh tẩy sẽ cạo hết lông, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra thanh sạch. Sau đó nó sẽ trở về trại, nhưng phải ở bên ngoài lều của mình trong vòng bảy ngày. 9 Đến ngày thứ bảy, nó sẽ cạo hết lông, cạo đầu, râu và lông mày ; nó sẽ cạo hết lông, sẽ giặt áo, lấy nước tắm rửa thân thể, và sẽ ra thanh sạch.

10 Ngày thứ tám, nó sẽ lấy hai con chiên đực toàn vẹn, một con chiên cái toàn vẹn, một tuổi, mười ba lít rưỡi tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm, và nửa lít dầu. 11 Tư tế cử hành lễ thanh tẩy sẽ đặt người được thanh tẩy cùng với các lễ vật trước nhan ĐỨC CHÚA, ở cửa Lều Hội Ngộ. 12 Tư tế sẽ bắt một con chiên, tiến dâng làm lễ đền tội cùng với nửa lít dầu, và tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng những thứ ấy trước nhan ĐỨC CHÚA. 13 Tư tế sẽ sát tế con chiên ở nơi sát tế lễ vật tạ tội và lễ vật toàn thiêu, trong nơi thánh ; -vì lễ vật đền tội thuộc về tư tế, cũng như lễ vật tạ tội : đó là của rất thánh-. 14 Tư tế sẽ lấy máu lễ vật đền tội bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải nó. 15 Tư tế sẽ lấy nửa lít dầu, đổ một ít vào lòng bàn tay trái ; 16 Tư tế sẽ nhúng một ngón tay phải vào dầu ở trong lòng bàn tay trái và lấy ngón tay rảy dầu bảy lần trước nhan ĐỨC CHÚA. 17 Tư tế sẽ lấy dầu còn lại trong lòng bàn tay bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải nó, bên trên máu lễ vật đền tội. 18 Chỗ dầu còn lại trong lòng bàn tay, tư tế sẽ bôi lên đầu người được thanh tẩy. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó trước nhan ĐỨC CHÚA.

19 Tư tế sẽ làm lễ tạ tội và sẽ cử hành lễ xá tội cho người đang được thanh tẩy khỏi sự ô uế, sau đó sẽ sát tế lễ vật toàn thiêu. 20 Tư tế sẽ dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm trên bàn thờ ; tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ thanh sạch.

21 Nếu nó nghèo không thể kiếm được những thứ ấy, thì nó sẽ chỉ bắt một con chiên đực dùng làm lễ đền tội, người ta sẽ làm nghi thức tiến dâng con chiên ấy để cử hành lễ xá tội cho nó ; nó cũng sẽ lấy bốn lít tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm, một nửa lít dầu, 22 và một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, là những thứ nó có thể kiếm được, một con sẽ dùng làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu. 23 Đến ngày thứ tám, nó sẽ mang những thứ ấy đến cho tư tế, ở cửa lều Hội Ngộ, trước nhan ĐỨC CHÚA, để được thanh tẩy. 24 Tư tế sẽ lấy con chiên dâng làm lễ đền tội và nửa lít dầu mà làm nghi thức tiến dâng trước nhan ĐỨC CHÚA. 25 Tư tế sẽ sát tế con chiên làm lễ đền tội, rồi lấy máu lễ vật đền tội bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải nó. 26 Tư tế sẽ đổ một ít dầu vào lòng bàn tay trái ; 27 tư tế sẽ dùng một ngón tay phải lấy dầu ở trong lòng bàn tay trái rảy bảy lần trước nhan ĐỨC CHÚA. 28 Tư tế sẽ lấy dầu trong lòng bàn tay bôi vào trái tai phải người được thanh tẩy, vào ngón cái tay phải và ngón cái chân phải nó, ở chỗ đã bôi máu lễ vật đền tội. 29 Chỗ dầu còn lại trong lòng bàn tay, tư tế sẽ bôi lên đầu người được thanh tẩy, để cử hành lễ xá tội cho nó trước nhan ĐỨC CHÚA. 30 Còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu non, là những thứ người ấy có thể kiếm được, 31 thì trong những con chim nó đã có thể kiếm được, tư tế sẽ dâng một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu kèm với lễ phẩm. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho người được thanh tẩy, trước nhan ĐỨC CHÚA."

32 Đó là luật về người có vết thương phong hủi mà không thể kiếm được cái cần thiết cho lễ nghi thanh tẩy của mình.

33 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron rằng :

34 "Khi các ngươi vào đất Ca-na-an mà Ta ban cho các ngươi làm sở hữu, nếu Ta đặt một vết phong hủi vào một nhà trong đất là sở hữu các ngươi, 35 thì chủ nhà sẽ đến báo cho tư tế rằng : "Tôi thấy trong nhà tôi có cái gì như vết phong hủi." 36 Trước khi vào khám vết đó, tư tế sẽ truyền dọn trống nhà, để không có vật gì trong nhà ra ô uế ; sau đó tư tế sẽ vào khám nhà. 37 Tư tế sẽ khám vết : nếu vết ở các tường nhà làm thành những chỗ lõm xanh xanh hoặc đỏ đỏ xem ra như ăn sâu vào tường, 38 thì tư tế sẽ ra khỏi nhà, đến tận cửa, và cô lập căn nhà trong vòng bảy ngày. 39 Đến ngày thứ bảy, tư tế sẽ trở lại khám : nếu vết đã lan ra các tường nhà, 40 thì tư tế sẽ truyền gỡ những viên đá có vết và ném ra ngoài thành, vào một nơi ô uế ; 41 rồi tư tế sẽ cho cạo tất cả bên trong nhà và đổ vữa đã cạo ra ngoài thành, vào một nơi ô uế. 42 Người ta sẽ lấy những viên đá khác thay vào các viên đá trước, và lấy vữa khác mà trát nhà.

43 Nếu vết lại loang ra trong nhà, sau khi đã gỡ đá ra, sau khi đã cạo và trát nhà, 44 thì tư tế sẽ đến khám : nếu vết đã lan ra trong nhà, thì đó là phong hủi dễ lây trong nhà, nhà đó ô uế. 45 Người ta sẽ phá nhà đi : đá, gỗ, tất cả vữa của nhà ấy, người ta sẽ đưa ra ngoài thành, vào một nơi ô uế.

46 Ai vào nhà trong suốt thời gian nhà bị cô lập, sẽ ra ô uế cho đến chiều. 47 Ai ngủ trong nhà sẽ phải giặt áo, ai ăn trong nhà sẽ phải giặt áo. 48 Nhưng nếu khi tư tế vào khám, vết đã không lan ra trong nhà sau khi trát lại nhà, thì tư tế sẽ tuyên bố nhà ấy là thanh sạch, vì vết phong hủi đã lành.

49 Để xoá tội cho nhà ấy, tư tế sẽ lấy hai con chim, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo. 50 Tư tế sẽ sát tế một con chim trên một bình sành đựng nước mạch. 51 Tư tế sẽ lấy gỗ bá hương, cành hương thảo, phẩm cánh kiến và con chim còn sống, nhúng vào máu con chim đã bị sát tế và vào nước mạch, và rảy vào nhà bảy lần ; 52 sau khi đã dùng máu con chim, dùng nước mạch, con chim còn sống, gỗ bá hương, cành hương thảo và phẩm cánh kiến mà xoá tội cho căn nhà, 53 tư tế sẽ thả con chim còn sống ra ngoài đồng, ở ngoài thành. Tư tế sẽ cử hành nghi thức xá tội cho căn nhà, và nhà ấy sẽ thanh sạch."

54 Đó là luật về mọi vết phong hủi, về chốc, 55 về phong hủi nơi áo và nhà cửa, 56 về nhọt, lác, đốm, 57 để xác định khi nào một vật ô uế, khi nào thanh sạch. Đó là luật về phong hủi.

15,1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron rằng :

2 "Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Khi bất cứ một người đàn ông nào mắc bệnh lậu trong thân thể, thì bệnh lậu đó làm nó ra ô uế. 3 Sự ô uế của nó khi có bệnh lậu là thế này :

Dù thân thể nó tiết ra hay giữ lại mủ lậu, thì nó cũng mắc phải ô uế.

4 Mọi giường người bị lậu nằm, sẽ ra ô uế, mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế.

5 Người nào đụng vào giường của nó, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

6 Ai ngồi lên đồ vật người bị lậu đã ngồi lên, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

7 Ai đụng đến thân thể người bị lậu, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

8 Nếu người bị lậu nhổ vào một người thanh sạch, người này sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

9 Mọi cái yên người bị lậu cưỡi lên sẽ ra ô uế.

10 Bất cứ ai đụng vào một đồ vật nào mà người ấy nằm hay ngồi lên, sẽ ra ô uế cho đến chiều.

Ai mang một đồ vật như thế, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

11 Người bị lậu chưa rửa tay mà đụng vào bất cứ người nào, thì người ấy sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

12 Bình sành người bị lậu đụng vào, sẽ phải đập vỡ, còn mọi bình gỗ sẽ được rửa bằng nước.

13 Khi người bị lậu được lành bệnh, nó phải tính bảy ngày mới được thanh tẩy ; nó phải giặt áo, lấy nước tắm rửa thân thể, và nó sẽ ra thanh sạch. 14 Ngày thứ tám, nó sẽ bắt một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non, đến trước nhan ĐỨC CHÚA, ở cửa Lều Hội Ngộ, mà đưa cho tư tế. 15 Tư tế sẽ dâng một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu ; tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, trước nhan ĐỨC CHÚA, vì nó đã bị lậu.

16 Khi một người đàn ông xuất tinh, thì phải lấy nước tắm rửa thân thể, và sẽ ra ô uế cho đến chiều, 17 khi có xuất tinh mà giây ra bất cứ áo hay đồ da nào, thì sẽ phải lấy nước mà giặt rửa, và những thứ ấy sẽ ra ô uế cho đến chiều.

18 Khi một người đàn bà giao hợp với một người đàn ông, thì cả hai phải lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

19 Khi một người đàn bà ra huyết, huyết từ thân thể chảy ra, thì nó sẽ ra ô uế bảy ngày vì có kinh. Bất cứ ai đụng vào nó, sẽ ra ô uế cho đến chiều.

20 Mọi cái gì nó nằm khi có kinh, sẽ ra ô uế, mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế. 21 Bất cứ ai đụng vào giường của nó, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều. 22 Bất cứ ai đụng vào đồ vật nó đã ngồi lên, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều. 23 Nếu có cái gì trên giường hoặc trên đồ vật nó đã ngồi lên, thì ai đụng đến cái đó, sẽ ra ô uế cho đến chiều.

24 Nếu một người đàn ông cứ nằm với nó, thì sự ô uế của kinh nguyệt của nó sẽ truyền sang người ấy : người ấy sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày, và bất cứ giường nào người ấy nằm, sẽ ra ô uế.

25 Khi một người đàn bà bị rong huyết trong vòng nhiều ngày, ngoài thời kỳ kinh nguyệt, hoặc rong huyết quá thời kỳ kinh nguyệt, thì sự ô uế sẽ kéo dài suốt thời gian bị rong huyết ; nó sẽ ra ô uế như trong thời gian có kinh. 26 Mọi giường nó nằm trong suốt thời gian rong huyết, sẽ ra ô uế như cái giường trong thời gian nó có kinh ; mọi đồ vật nó ngồi lên, sẽ ra ô uế, như bị ô uế trong thời gian nó có kinh. 27 Bất cứ ai đụng vào những thứ đó, sẽ ra ô uế ; nó sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều.

28 Nếu nó không còn rong huyết, nó phải tính bảy ngày, sau đó sẽ được thanh sạch. 29 Ngày thứ tám, nó sẽ bắt một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non và đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ. 30 Tư tế sẽ dâng một con làm lễ tạ tội, một con làm lễ toàn thiêu. Trước nhan ĐỨC CHÚA, tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, khỏi chứng rong huyết làm cho nó ra ô uế.

31 Các ngươi hãy bảo con cái Ít-ra-en kiêng cữ khi bị ô uế, như vậy chúng sẽ không phải chết vì sự ô uế của chúng, khi chúng làm cho Nhà Tạm của Ta ở giữa chúng ra ô uế."

32 Đó là luật về người bị bệnh lậu và người xuất tinh và bởi vậy ra ô uế, 33 về người khó ở vì kinh nguyệt, về người đàn ông bị lậu hay người đàn bà bị rong huyết, cũng như về người đàn ông nằm với người đàn bà bị ô uế.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo Hội Công Giáo Úc trả lời các khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia Bảo Vệ Trẻ Em
Vũ Văn An
00:55 01/09/2018
Theo tin của tạp chí Crux (bản tin 31-08-2018), Giáo Hội Công Giáo Úc tuyên bố sẽ đồng ý làm theo 98 phần trăm các khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Các Đáp Ứng Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, tuy nhiên, cương quyết bác bỏ lời kêu gọi của Ủy Ban nhằm bãi bỏ ấn tín tòa giải tội.



Thực vậy, lời tuyên bố trên đã được đưa ra tại cuộc họp báo ở Sydney hôm thứ Sáu, 31 tháng Tám, trong đó, Đức Tổng Giám Mục Coleridge, đại diện Hội Đồng Giám Mục Úc (ACBC) và Nữ Tu Cavanagh, đại diện Các Tu Sĩ Công Giáo Úc (CRA) đã cho công bố phúc trình dài 57 trang gồm các câu trả lời cho các khuyến cáo của Ủy Ban.

Phúc trình cho thấy Giáo Hội Úc sẵn sàng nghiên cứu việc thay đổi luật độc thân của linh mục cũng như tu chính giáo luật để bỏ điều khoản tiêu hủy tài liệu sau khi một giáo sĩ qua đời 10 năm hoặc sau 10 năm kết án.

Phúc trình nói rằng việc làm của Ủy Ban phục vụ cả Giáo Hội lẫn đất nước và các câu trả lời của mình là phù hợp với lá thư gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi toàn thể dân Chúa, trong đó, ngài nhìn nhận các thiếu sót của Giáo Hội trong việc bảo vệ trẻ em cũng như việc che đậy lạm dụng và đoan hứa sẽ cải tổ khắp thế giới.

Phúc trình viết: “Câu trả lời của chúng tôi ở Úc tạo hình dáng cho hành động cần có để giải quyết sự thiếu sót đó và việc cần có sự thay đổi văn hóa”.

Trong số 189 khuyến cáo của Ủy Ban, hết 80 khuyến cáo được ngỏ cùng Giáo Hội Công Giáo Úc. Phúc trình trả lời các khuyến cáo này bằng các thuật ngữ “chấp thuận”, “không chấp thuận” hoặc “ghi nhận, Hội Đồng Giám Mục Úc đã thông tri cho Toà Thánh”

Phúc trình thuật lại chi tiết từng khuyến cáo, mô tả các đề nghị và hành động của Hội Đồng Giám Mục Úc.

Về khuyến cáo bãi bỏ ấn tín tòa giải tội, phúc trình gọi khuyến cáo này là “thù nghịch đối với tự do tôn giáo”, không những đối với Giáo Hội Công Giáo mà đối với các tôn giáo khác nữa.

Tuy nhiên, Giáo Hội đoan hứa tòa giải tội sẽ là nơi an toàn cho trẻ em và Giáo Họi sẽ huấn luyện kỹ hơn các vị giải tội cũng như các chủng sinh về thực hành này.

Phúc trình nhận định rằng “Trẻ em sẽ ít được an toàn chứ không được an toàn hơn nếu việc bắt buộc phải phúc trình các vụ giải tội trở thành luật lệ. Trường hợp hiếm hoi trong đó một kẻ phạm tội hay nạn nhân có thể nêu việc này trong Lúc Xưng Tội sẽ ít có xác suất diễn ra nếu sự tin tưởng vào ấn tín bí tích bị phá hoại; và do đó, ta sẽ mất cơ hội khuyến khích kẻ phạm tội tự đi tường trình cho các nhà cầm quyền dân sự hay các nạn nhân tìm sự an toàn”.

Còn về việc độc thân của linh mục, Giáo Hội thoả thuận, với sự tham khảo với Tòa Thánh, sẽ khảo sát việc luật buộc phải độc thân phù hợp với Giáo Luật và các cố vấn thần học.

Tuy nhiên, phúc trình nhận định rằng “Ủy Ban Hoàng Gia không tìm được một nối kết có tính nguyên cớ nào giữa luật độc thân và việc lạm dụng tình dục trẻ em” dù phúc trình viết thêm rằng “việc độc thân nhiệm ý là một thực hành đã có từ lâu và rất tích cực của Giáo Hội cả ở Đông Phương lẫn ở Tây Phương, nhất là đối với các giám mục và đời sống tu trì”.

Phúc trình viết tiếp: “việc đào tạo khởi đầu và tiếp diễn không thỏa đáng các linh mục và tu sĩ để sống độc thân có thể đã góp phần vào nguy cơ gia tăng lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không phải chính việc độc thân như một bậc sống xét trong nó và từ chính nó”.

Dưới đây, xin trích nguyên văn các câu trả lời liên quan đến hai khuyến cáo của Ủy Ban Hoàng Gia về luật độc thân linh mục và ấn tín tòa giải tội:

1.Khuyến cáo 16.18: Hội Đồng Giám Mục Úc nên yêu cầu Tòa Thánh xem xét việc đưa ra luật độc thân nhiệm ý cho các giáo sĩ giáo phận.

Trả lời khuyến cáo: Ghi nhận; Hội Đồng Giám Mục Úc đã thông tri cho Tòa Thánh.

Ý kiến của Hội Đồng Chân Lý Công Lý và Hàn Gắn (1): Trong phần dẫn nhập, Hội Đồng thảo luận ý niệm tổng quát của việc Hội Đồng Giám Mục Úc tiếp cận Tòa Thánh về các thay đổi giáo luật và các sắp xếp hiện có giữa hai bộ phận đối với việc truyền đạt các vấn đề liên quan đến Ủy Ban Hoàng Gia.

Vấn đề này nên được trình bầy để nhóm làm việc của Tòa Thánh lưu ý, nhất là yêu cầu tổ chức một cuộc nghiên cứu về tác động của luật buộc độc thân đối với tác phong những người phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em và đối với ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo sĩ trị trong đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng bởi Giáo Hội (Vol. 2, p. 220).

Hành động: Hội Đồng Giám Mục Úc đang tìm kiếm ý kiến chuyên môn về thần học và giáo luật và đang tham khảo với Tòa Thánh. Hội Đồng Giám Mục Úc nhận định rằng Ủy Ban Hoàng Gia không tìm được nối kết có tính nguyên cớ nào giữa việc độc thân và việc lạm dụng tình dục trẻ em; Hội đồng cũng nhận định rằng độc thân nhiệm ý là một thực hành đã có từ lâu đời và rất tích cực của Giáo Hội ở cả Đông Phương lẫn Tây Phương, nhất là đối với các giám mục và đời sống tu trì; và việc đào tạo khởi đầu và tiếp diễn không thỏa đáng các linh mục và tu sĩ để sống độc thân có thể đã góp phần vào nguy cơ gia tăng lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không phải chính việc độc thân như một bậc sống xét trong nó và từ chính nó.

2.Khuyến cáo 7.4: Các luật lệ liên quan đến việc buộc phải tường trình cho các nhà chức trách bảo vệ trẻ em không nên miễn chước các người trong các thừa tác vụ tôn giáo khỏi buộc phải tường trình việc mình biết các nghi ngờ được hình thành, trọn vẹn hay từng phần, dựa vào các thông tin tiết lộ trong hay liên quan với việc xưng thú tội lỗi tôn giáo.

Trả lời khuyến cáo: Không chấp thuận.

Ý kiến của Hội Đồng Chân Lý Công Lý và Hàn Gắn:

Ấn tín

Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi, có thể cùng với Hội Giáo Luật của Úc và Tân Tây Lan, liên quan đến:

a) Nền tảng thần học và các thực hành liên quan đến việc ban bí tích, đặc biệt lưu ý đến ấn tín tòa giải tội và phạm vi có thể làm theo nghĩa vụ phải tường trình và cùng với tìm tòi này, là nền thần học về trẻ em.

b) Các cải thiện trong việc đào tạo và huấn luyện các giáo sĩ về các vấn đề này và các chương trình giáo dục tín hữu về bí tích.

c) Các cách và phương thế trong đó các quan ngại do Ủy Ban Hoàng Gia nhận diện về các nguy cơ đối với trẻ em vốn cố hữu trong cung cách thực hành bí tích hiện nay và liên quan đến việc Ủy Ban này nói đến việc xưng tội của những kẻ vi phạm và việc trẻ em tiết lộ bị lạm dụng.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành cũng nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi, kể cả ý kiến của một luật sư cao cấp, về phạm vi luật lệ thuộc loại được đề nghị trong Khuyến Cáo 7.4 có thể thù nghịch đối với tự do tôn giáo. Hội Đồng Giám Mục Úc nên thiết lập một ủy ban hay nhóm làm việc để khai triển các chiến lược để nói rõ lập trường của Giáo Hội liên quan đến ấn tín và để đương đầu với các chính phủ nếu (khi) luật lệ được đề ra.

Hồ đồ về bí tích

Ngoài các truyền đạt do Đức TGM Wilson khởi diễn và phái đoàn tháng Mười năm 2017 qua Tòa Thánh, mọi khuyến cáo này nên đệ trình để nhóm làm việc của Tòa Thánh lưu ý với gợi để chúng được sự tham khảo của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên và nhiều cơ quan khác.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành cũng nên ủy nhiệm việc nghiên cứu cải tiến cách giáo huấn các chủng sinh và phát triển chuyên nghiệp cho các giáo sĩ về các nền tảng thần học và các yếu tố mục vụ và thực tiễn. Cũng sẽ có một vai trò cho Nhóm Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp Công Giáo [Catholic Professional Standards Limited (2)] trong phương diện này khi xét đến các khía cạnh rộng lớn hơn của việc đào tạo và học trình của chủng viện.

Môi trường thể lý của tòa giải tội

Nhiều giáo phận đã công bố các chỉ dẫn hoặc chỉ thị phù hợp với Khuyến Cáo 16.48 (3). Một lần nữa, Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên khuyến khích các giáo phận khác theo gương đó và để một phương thức nhất quán được chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều việc sẽ cần phải làm về khía cạnh thực tiễn để bảo đảm ‘đường nhìn’ và sự hiện diện của một người lớn độc lập tại các buổi tham dự bí tích thường lệ của giáo xứ (cũng như do các trường khởi diễn).

Các chế độ buộc phải tường trình

Các vấn đề liên quan đến các khuyến cáo 33, 35 và 36 (4) phần lớn tùy thuộc các tiểu bang và lãnh thổ. Tuy nhiên, có những vấn đề nguyên tắc được áp dụng chung. Nhóm Cố Vấn Thi Hành nên ủy nhiệm một cuộc tìm tòi về các vấn đề này vì lợi ích của từng giáo phận cá thể (hay giáo tỉnh) nếu (khi) vấn đề được nêu ra.

Như đã đề cập, Hội Đồng ủng hộ, và tiếp tục ủng hộ, việc duy trì sự che chở của dân luật đối với ấn tín tòa giải tội. Về việc buộc phải tường trình, Hội Đồng đã ủng hộ, và còn ủng hộ, việc đạt được sự nhất quán của mọi quyền tài phán và, tùy thuộc việc bảo vệ ấn tín tòa giải tội, việc bao gồm các người trong các thừa tác vụ tôn giáo vào loại những người bắt buộc phải tường trình.

Các lập trường liên quan đến chính sách được Hội Đồng cổ vũ đã được mô tả trong chương dẫn nhập tựa là “Bí Tích Xưng Tội” (Vol. 2, pp. 76-77).

Hành động: Giáo Hội Công Giáo cam kết rằng, trong mọi việc làm của mình với trẻ em và những người lớn dễ bị tổ thương, mọi nơi và dịp thờ phượng và sinh hoạt bí tích sẽ phản ảnh các nguyên tắc giữ an toàn do Ủy Ban Hoàng Gia nhận diện và khai triển qua các tiêu chuẩn của Nhóm Tiêu Chuẩn Chuyên Nghiệp Công Giáo.

Giáo Hội Công Giáo cam kết bảo đảm rằng các tòa giải tội và mọi noi khác nơi bí tích Thống Hối được ban bố sẽ là các nơi an toàn cho trẻ em.

Các giáo phận sẽ khảo sát các nơi chốn và các thực hành xưng tội và cung cấp việc giáo dục cho các cha giải tội và các chủng sinh về việc thực hành xưng tội tốt đẹp nhất.

Các thẩm quyền Giáo Hội sẽ cố gắng nhằm bảo đảm việc các lo ngại của Liên Bang, Các Tiểu Bang và Lãnh Thổ được giải quyết bao nhiêu có thể liên quan đến các nguyên tắc an toàn trong lúc xưng tội. Tuy nhiên, ‘ấn tín tòa giải tội’ là điều không thể bị vi phạm đối với cha giải tội.

Trẻ em sẽ ít được an toàn chứ không phải được an toàn hơn nếu việc bắt buộc phải phúc trình các vụ giải tội trở thành luật lệ. Trường hợp hiếm hoi trong đó một kẻ phạm tội hay nạn nhân có thể nêu việc này trong Lúc Xưng Tội sẽ ít có xác suất diễn ra nếu sự tin tưởng vào ấn tín bí tích bị phá hoại; và do đó, ta sẽ mất cơ hội khuyến khích kẻ phạm tội tự đi tường trình cho các nhà cầm quyền dân sự hay các nạn nhân tìm sự an toàn.

Việc buộc phải tường trình các cuộc xưng tội cũng là một sự vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo và thờ phượng.

Nhóm Cố Vấn Thi Hành sẽ tham khảo Ủy Ban Giám Mục cạnh Nhóm Tham Chiếu Giáo Luật và sẽ cung cấp ý kiến thêm về các khuyến cáo liên quan đến giáo luật (tham chiếu Khuyến Cáo 7.3, 16.26 và 16.48)
___________________________________________________________________________________________________________

Chú thích

(1) Là ủy ban phối trí các đáp ứng của Giáo Hội Công Giáo đối với Ủy Ban Hoàng Gia Điều Tra Các Đáp Ứng Định Chế Đối Với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em, do Hội Đồng Giám Mục và Các Tu Sĩ Công Giáo Úc thành lập.

(2) Là cơ quan cổ vũ nền văn hóa an toàn và chăm sóc trẻ em cùng người lớn dễ bị tổn thương bằng cách khai triển các Tiêu Chuẩn Duy Trì An Toàn Công Giáo Toàn Quốc. Được 2 định chế trên thành lập để đáp ứng các khám phá của Ủy Ban Hoàng Gia.

(3) Khuyến cáo này nói: “các định chế tôn giáo lo nghi thức xưng tội tôn giáo cho trẻ em nên thi hành một chính sách đòi nghi thức chỉ được tiến hành ở một nơi công khai bên trong đường nhìn rõ ràng của một người lớn khác. Nếu không có người lớn này, thì không được tiến hành nghi thức.

(4) Các khuyến cáo liên quan đến việc thi hành nhất quán Mười Tiêu Chuẩn An Toàn Trẻ Em của Ủy Ban Hoàng Gia.
 
Thực hư câu chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Kim Davis theo lời kể của Đức Tổng Giám Mục Viganò
Anthony Nguyễn
08:29 01/09/2018
Bài báo trên tờ New York Times ngày 28 tháng 8, 2018

Trong bài “The Man Who Took On Pope Francis: The Story Behind the Viganò Letter” (Kẻ chống Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Câu chuyện đằng sau lá thư của Viganò) đăng trên tờ New York Times ngày 28 tháng 8, 2018, Jason Horowitz viết như sau:

“Sau đó, vào năm 2015, ông ta [Đức Tổng Giám Mục Viganò] trực tiếp đụng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Quyết định của ông ta mời một kẻ chỉ trích quyết liệt quyền của người đồng tính đến gặp Đức Giáo Hoàng ở Washington trong chuyến thăm Hoa Kỳ đã trực tiếp gây hại cho thông điệp bao dung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và thúc đẩy một cuộc tranh cãi gần như làm lu mờ chuyến đi.

Juan Carlos Cruz, một người bị lạm dụng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện rất lâu với anh ta, cho biết Đức Giáo Hoàng gần đây đã nói với anh ta rằng Tổng Giám mục Viganò suýt chút nữa đã phá hoại chuyến tông du này bằng cách mời một kẻ chống báng quyền của người đồng tính, là Kim Davis, một nhân viên thư ký quận Kentucky, là một kẻ bảo thủ gây sóng gió khi bà ta từ chối cấp giấy phép kết hôn cho các cặp đồng tính.

‘Tôi không biết người phụ nữ đó là ai, nhưng ông ta đã kéo cô ta đến chào tôi - và tất nhiên họ đã công cáo chuyện đó ra’ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như thế, theo lời Cruz.

‘Tôi đã rất kinh hoàng và tôi đã sa thải ông Sứ Thần đó rồi’, Cruz nhớ lại giáo hoàng đã nói như thế với anh ta.”

Kim Davis là ai?

Kimberly Jean Davis (nhũ danh Bailey; sinh ngày 17 tháng 9 năm 1965) là thư ký quận hạt Rowan County, Kentucky. Davis đã giành được sự chú ý của quốc tế vào tháng 8 năm 2015 khi cô bất chấp lệnh tòa của liên bang Hoa Kỳ không cấp giấy phép kết hôn cho các cặp đồng giới tính. Cô bị tù 5 ngày vì tội khinh mạn tòa án. Hành động của Davis đã thu hút các phản ứng mạnh mẽ, người bênh, kẻ chống từ các chính trị gia nổi tiếng, các chuyên gia pháp lý và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Tuy nhiên, trong lòng đa số các tín hữu Kitô Hoa Kỳ, Kim Davis là một biểu tượng anh hùng, một chứng nhân đức tin dám sống chết với niềm tin Kitô của mình.

Câu chuyện trên tờ New York Times khiến nhiều Kitô hữu cảm thấy đau buồn và xao xuyến. Tiếc rằng Tòa Thánh cho đến nay vẫn không một lời xác minh thực hư câu chuyện như thế nào.

Để làm rõ thực hư câu chuyện này, ngày 30 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã ra tuyên bố sau. Chúng tôi dịch ra Việt Ngữ toàn văn tuyên bố của ngài.

Bản chính bằng tiếng Ý có thể xem ở đây: https://www.documentcloud.org/documents/4807535-CasoKimDavis.html

Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem ở đây: https://www.lifesitenews.com/news/exclusive-vigano-reveals-what-really-happened-when-pope-francis-met-private

Thực hư câu chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Kim Davis theo lời kể của Đức Tổng Giám Mục Viganò

Vào ngày 28 tháng 8 năm 2018, tờ New York Times đã đăng một phần cuộc trò chuyện được cho là giữa Đức Giáo Hoàng và Juan Carlos Cruz, nạn nhân lạm dụng tình dục Chí Lợi rất nổi tiếng của Cha Karadima. Thật lạ lùng, Cruz nói rằng trong cuộc trò chuyện với ngài, Đức Giáo Hoàng đã nói về cuộc gặp gỡ của ngài với Kim Davis trong chuyến thăm Washington vào ngày 24 tháng 9 năm 2015, và đã nói rằng ngài không biết gì về vụ việc trước cuộc họp.

Đối mặt với tuyên bố được cho là của Đức Giáo Hoàng, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải kể lại các sự kiện như khi chúng thực sự xảy ra.

Vào cuối bữa ăn tối, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, vào tối ngày 23 tháng 9 năm 2015, tôi đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng tôi cần ngài ban cho tôi nửa giờ, vì tôi muốn thu hút sự chú ý của ngài, nếu như được chấp thuận, đến một sáng kiến tế nhị và có thể thực hiện được; là một cuộc tiếp kiến riêng và hoàn toàn bí mật, ngoài sự chú ý của giới truyền thông, với Kim Davis, một thư ký ở Rowan County, Kentucky, là công dân Mỹ đầu tiên bị kết án và bỏ tù trong một tuần vì đã thực hiện quyền phản đối lương tâm của mình.

Khi bắt đầu cuộc họp, vào tối ngày 23 tháng 9, tôi đã đưa cho Đức Giáo Hoàng một bản ghi nhớ gồm một trang tóm tắt vụ án Davis (được đính kèm nơi đây bằng tiếng Ýtiếng Anh). Đức Giáo Hoàng ngay lập tức tỏ ra ủng hộ sáng kiến này, nhưng nói thêm rằng cuộc họp sẽ có những hệ quả chính trị, và nói thêm, “Tôi không hiểu những điều này, vì vậy tốt hơn là anh hãy nghe ý kiến của Đức Hồng Y Parolin.”

Lúc đó là 9:30 tối, vì vậy tôi đã đích thân đi cùng với hai viên tham tán của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh (một người Ý và một người Lithuania) đến khách sạn không xa bao nhiêu, nơi đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng nghỉ ngơi. Vì tôi đã gọi điện để thông báo trước về việc tôi đến, nên Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu (lúc ấy là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh) và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher (Bộ trưởng Bộ Quan Hệ với các dân nước, và Trưởng ban Chính trị của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh) đang đợi tôi ở phòng khách của khách sạn. Họ ngay lập tức báo cho tôi biết rằng Đức Hồng Y Parolin đã về nghỉ trong phòng của ngài, và các vị nghĩ rằng không thích hợp để làm phiền ngài, vì các vị có thể dễ dàng báo cho ngài biết về cuộc gặp gỡ của chúng tôi vào sáng hôm sau.

Sau đó chúng tôi gặp nhau trong một phòng khách nhỏ của khách sạn. Như tôi đã nói, có năm người chúng tôi. Tôi đã đưa cho các vị một bản ghi nhớ tương tự bản mà tôi đã trao cho Đức Giáo Hoàng, đề cập thẳng nội dung của nó và giải thích lý do tôi đến gặp các vị là thể theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng. Sau khi xem xét qua trường hợp này, Đức Tổng Giám Mục Becciu đã ngay lập tức ủng hộ việc Đức Giáo Hoàng đón tiếp Davis một cách riêng tư trước khi ngài rời Washington đi New York.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher, trong khi ủng hộ ý tưởng này vì tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền phản đối lương tâm, cũng nói rằng cần phải xác minh vấn đề từ quan điểm của luật tổng quát xem liệu có bất kỳ lý do nào khiến cho cuộc gặp gỡ này có thể có những hậu quả ngoài ý muốn không; cụ thể là, liệu các tiến trình pháp lý chống lại Davis đã hoàn tất hay vẫn còn đang trong vòng tranh tụng. Do đó, tôi đã nhờ ngài nói chuyện qua điện thoại với chuyên viên giáo luật của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, là người trước khi trở thành một linh mục đã là một thẩm phán trong các tòa án quân sự Mỹ và là một giáo sư luật khoa. Sau cuộc trò chuyện với chuyên viên giáo luật để làm sáng tỏ vấn đề - ngài nói không có trở ngại về mặt thủ tục - Đức Tổng Giám Mục Gallagher ủng hộ vô điều kiện một cách thuận lợi rằng Đức Giáo Hoàng nên tiếp Davis.

Sáng hôm sau, sau Thánh lễ mà Đức Thánh Cha đồng tế với chúng tôi trong Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, tôi đã thông báo cho Đức Giáo Hoàng về ý kiến tích cực của hai cộng tác viên chính của ngài, và các vị đã nói với Đức Hồng Y Parolin về cuộc gặp gỡ này. Đức Giáo Hoàng sau đó đã đồng ý, và tôi đã tổ chức để đưa Davis đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh mà không ai để ý, bằng cách để cô ấy ngồi trong một căn phòng riêng biệt. Mọi thứ đã được thực hiện dễ dàng hơn nhiều bởi thực tế là Davis đã ở Washington, nơi cô được mời nhận giải thưởng Cost of Discipleship (Giá phải trả của người môn đệ) do Hội đồng nghiên cứu về gia đình trao tặng.

Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đã báo cho nhiếp ảnh gia của tờ Quan Sát Viên Rôma rằng ông không nên tiết lộ những bức ảnh của cuộc gặp gỡ mà không có sự cho phép của cấp trên. Tất nhiên, anh ta đã tuân thủ lệnh này, nhưng đã chụp rất nhiều bức ảnh mà chưa bao giờ được công bố và hiện đang được lưu giữ trong văn khố của tờ Quan Sát Viên Rôma. Tôi cũng đã nhận được lời hứa của Davis trước đó rằng cô sẽ không đưa bất cứ tin tức nào cho giới truyền thông cho đến sau khi Đức Giáo Hoàng trở về Rôma, vào cuối chuyến tông du của ngài tới Hoa Kỳ. Davis đã trung tín giữ lời hứa của mình.

Vào đầu buổi trưa ngày 24 tháng 9, trước khi lên đường đến thành phố New York, Đức Giáo Hoàng như kế hoạch đã định bước vào phòng khách nơi Davis và chồng cô đang đợi ngài. Ngài ôm cô trìu mến, cảm ơn cô vì lòng can đảm của cô, và khích lệ cô hãy bền đỗ. Davis rất xúc động và bắt đầu khóc. Sau đó, cô được đưa trở về khách sạn của mình trong một chiếc xe do một hiến binh Vatican lái, cùng với một người Đức và một nhân viên của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Khi Đức Giáo Hoàng trở về Rôma sau Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia, tin tức về cuộc gặp gỡ giữa ngài với Davis nổ ra trên các phương tiện truyền thông. Một loạt các cú điện thoại, fax và email đã được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington và Phòng Báo Chí Tòa Thánh, nhiều người buông ra những lời lăng mạ và phản đối, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Davis. Trong một bài báo ngày 30 tháng 9 năm 2015, tờ New York Times đã tường thuật rằng “Các quan chức Vatican ban đầu không xác nhận rằng cuộc họp đã xảy ra, nhưng cuối cùng đã nhìn nhận vào chiều thứ Tư, trong khi từ chối thảo luận bất kỳ chi tiết nào.” – Phòng Báo Chí Tòa Thánh liền ra một tuyên bố - mà không có cấp trên nào của họ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hỏi ý kiến tôi. Tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ tiếp kiến riêng Davis, và rằng cùng lắm là ngài có thể đã chào cô trong số nhiều người khác trước khi khởi hành đến New York. Cha Rosica và Cha Lombardi đã thêm vào những lời nói dối khác như được trích dẫn trong bản tin của New York Times ngày 2 tháng 10 năm 2015: “Nhưng cha Thomas Rosica, một phát ngôn viên của Vatican, cho biết hôm thứ Sáu rằng văn phòng Tổng Giám mục Viganò đã mở rộng lời mời đến cô Davis và Đức Giáo Hoàng có lẽ đã không được thông báo về trường hợp của cô. Còn cha Federico Lombardi, người phát ngôn chính của Vatican, đã mô tả cuộc họp như một cuộc gặp gỡ và chào hỏi giữa nhiều người.” Đây là sự minh bạch của Toà Thánh dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô!

Sáng hôm sau, vào khoảng 6 giờ sáng ở Washington - tôi nhớ rất rõ vì tôi vừa mới vào nhà nguyện ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh - tôi nhận được một cú điện thoại rất nóng giận của Đức Hồng Y Parolin. Ngài nói với tôi “Ông phải bay ngay lập tức sang Rôma vì Đức Giáo Hoàng rất giận dữ với ông đấy!” Tôi lên đường sớm hết sức có thể và được Đức Giáo Hoàng tiếp tại nhà trọ Sanctae Marthae, khoảng 7 giờ tối vào ngày 9 tháng 10, sau khi kết thúc một phiên họp ban chiều của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ hai về Gia Đình.

Đức Giáo Hoàng đã tiếp tôi trong gần một giờ đồng hồ, và rất trìu mến như một người cha. Ngài ngay lập tức xin lỗi tôi vì đã làm phiền tôi phải đến Rôma, và ngài không ngừng khen ngợi tôi về cách tôi tổ chức chuyến tông du Hoa Kỳ của ngài, cũng như việc tiếp đón đáng kinh ngạc ngài nhận được ở Mỹ. Ngài không bao giờ mong đợi một sự chào đón nồng hậu như vậy.

Trước sự ngạc nhiên lớn lao của tôi, trong cuộc gặp gỡ dài này, Đức Giáo Hoàng đã không hề đề cập một lần nào đến cuộc tiếp kiến dành cho Davis!

Ngay khi cuộc triều yết của tôi với Đức Giáo Hoàng kết thúc, tôi lập tức gọi điện cho Đức Hồng Y Parolin, và nói với ngài, “Đức Giáo Hoàng rất niềm nở với tôi. Không có một lời trách móc nào, chỉ khen ngợi cho sự thành công của chuyến thăm của ngài tới Hoa Kỳ.” Lúc đó, Đức Hồng Y Parolin trả lời “Không thể nào, bởi vì khi gặp tôi ngài rất giận dữ về ông.”

Đây là tóm tắt các diễn biến.

Như tôi nói ban đầu, vào ngày 28 tháng 8, 2018, tờ New York Times đã tường thuật về một cuộc phỏng vấn với Juan Carlos Cruz, trong đó Cruz cho rằng trong cuộc gặp gỡ giữa anh ta và Đức Giáo Hoàng vào tháng Tư 2018, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến trường hợp của Davis. Theo lời Cruz, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng:

“Tôi không biết người phụ nữ đó là ai, nhưng ông ta đã kéo cô ta đến chào tôi - và tất nhiên họ đã công cáo chuyện đó ra. Tôi đã rất kinh hoàng và tôi đã sa thải ông Sứ Thần đó rồi”.

Một trong hai người đã không trung thực: Cruz hoặc là Đức Giáo Hoàng? Điều chắc chắn là Đức Giáo Hoàng biết rất rõ Davis là ai, đồng thời ngài và các cộng sự viên thân cận của ngài đã phê chuẩn cuộc tiếp kiến này. Các ký giả luôn luôn có thể kiểm tra, bằng cách hỏi Đức Hồng Y Becciu, Đức Tổng Giám Mục Gallagher, và Đức Hồng Y Parolin, cũng như hỏi chính Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn che giấu buổi tiếp kiến riêng dành cho người công dân Mỹ đầu tiên bị kết án và cầm tù vì phản đối theo lương tâm.

+ Carlo Maria Viganò

Tổng Giám mục hiệu tòa Ulpiana

Ngày 30 tháng 8 năm 2018

Lễ Thánh Jeanne Jugan và Chân phước Alfredo Ildefonso Schuster
 
Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình bày tỏ sự ủng hộ đối với Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:06 01/09/2018
Các Giám Mục Á Căn Đình đã tham gia cùng các Giám Mục Tây Ban Nha và Peru trong việc bày tỏ sự ủng hộ của các ngài đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, sau các cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò theo đó Vatican đã biết về những cáo buộc lạm dụng liên quan đến Tổng Giám mục McCarrick.

Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình (CEA) cho biết tuyên bố của các ngài, được công bố vào ngày 30 tháng 8 trên trang tin tức của các giám mục Á Căn Đình, AICA, là để phản ứng lại những cuộc tấn công “tàn nhẫn” chống lại Đức Giáo Hoàng.

“Chúng con chia sẻ nỗi đau và hy vọng của Đức Thánh Cha,” bức thư nói, và giải thích rằng các ngài viết thư này để thể hiện sự gần gũi “thân thiết và hiếu thảo” với Đức Giáo Hoàng.

“Chúng con biết những gì ngài có thể nói với Thánh Phaolô: Chính vì lý do ấy mà tôi phải chịu những đau khổ này; nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó.’(2 Tim 1:12).”

Bức thư được ký bởi Đức Cha Oscar Vicente Ojea, giám mục San Isidro và là chủ tịch CEA, cùng với Đức Cha Carlos Humberto Malfa, giám mục Chascomús và là tổng thư ký CEA.

“Hôm nay, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Rosa de Lima, đấng bảo trợ của Mỹ Latinh, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện phó dâng, chúng con cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ngài ơn khôn ngoan và sức mạnh để, trong tư cách người kế nhiệm Phêrô, ngài tiếp tục củng cố chúng con trong đức tin của Giáo Hội” , bức thư kết luận.

Trước đó, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha cũng đã ban hành một tuyên bố, trích một phần trong bức thư đã được gửi đến Đức Giáo Hoàng, nói rằng “Thưa Đức Thánh Cha, ngài không cô đơn”.

“Chúng con cầu xin Chúa tiếp tục hỗ trợ ngài trong những truân chuyên hàng ngày”, Đức Hồng Y Ricardo Blazquez của tổng giáo phận Valladolid, chủ tịch Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đại diện cho các giám mục của đất nước, đã viết.

Đức Hồng Y Blazquez nói một phần trong việc công bố Tin Mừng là tố cáo, với lòng dũng cảm, những gì Thiên Chúa không hài lòng. Ngài nói điều quan trọng là phải cầu xin với lòng khiêm nhường sự tha thứ tội lỗi của các thành viên Giáo Hội, cả hàng giáo sĩ và giáo dân.

Các Giám Mục Peru, trong một lá thư đề ngày 29 tháng 8, nói rằng “khi đối mặt với nỗ lực làm mất ổn định Giáo Hội,” các ngài bày tỏ sự ủng hộ cho cách thức dũng cảm và kiên định mà Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra trong việc lèo lái “con thuyền của Chúa Kitô”, nghĩa là Giáo Hội.

Chúa Giêsu nâng đỡ tảng đá mà ngài đã xây dựng Giáo Hội của mình, bức thư nói.

“Chúng con chắc chắn rằng Chúa Kitô Phục Sinh sẽ tiếp tục thúc đẩy Giáo Hội chúng ta tiến lên không sợ hãi và tràn đầy hy vọng, chúng con sẽ tiếp tục làm việc với nhiều năng lượng hơn phục vụ dân Chúa”.


Source: Catholic Herald - Argentine bishops declare support for Pope Francis
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Gia Đình 2018 Giáo Xứ Thánh Tâm – TGP Sydney
Khanh Lai
01:37 01/09/2018
 
Gx. Vĩnh Hòa: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo mừng bổn mạng
Văn Minh
08:31 01/09/2018
“Người phụ nữ không chỉ đẹp ở hình dáng bên ngoài, mà còn phải đẹp ở bên trong tâm hồnmình nữa”.

Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục TGP Sài Gòn,đã nhắn nhủnhư thế cho Các Bà Mẹ Công Giáo nhân dịp ngài về thăm mục vụ và dâng Thánh lễmừng kính Thánh nữ Mônica – bổn mạng của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (CBMCG) giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, diễn ra lúc 17g00 thứ Sáu ngày 31.08.2018, do ngài chủ tế. Đồng tế cùng ngài có cha Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, chánh xứ Tân Định, kiêm Tổng linh hướng Hội CBMCG/ TGP Sài Gòn, cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa, cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh, phó xứ Chợ Đũi, và cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, SCJ Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Xem Hình

Đến tham dự Thánh lễ, ngoài quý hội viên trong giáo xứ Vĩnh Hòa còn có quý vị đại diện Hội CBMCG/ TGP Sài Gòn, đại diện BCH giáo hạt Phú Thọ, quý vị khách mời, cùng đông đảo các em thiếu nhi và cộng đoàn trong giáo xứ.

Trước Thánh lễ, đại diện CBMCG, các em Ban Lễ sinh rước quý Đức cha, quý cha, từ trước sân nhà thờ vào trong ngôi thánh đường hòa trong bài hát “Mừng Kính Thánh Mônica” do ca đoàn Thiên Thần hợp xướng.

Đầu lễ, vị đại diện HĐMVGX thay mặt lên ngỏ lời chào mừng Đức cha Louis, quý cha, quý khách, đã qui tụ về ngôi Nhà thờ đá Vĩnh Hòa thân thương nhỏ bé hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn bằng một tràng pháo tay của cộng đoàn. Nhân đây, vị đại diện cũng giới thiệu đôi nét về giáo xứ Vĩnh Hòa cho Đức cha cùng cộng đoàn.

Giáo xứ được thành lập vào tháng 06 năm 1991, có 4 giáo họ, 12 hội đoàn tông đồ, và 6 ca đoàn, với tổng số giáo dân là 3.820 nhân khẩu.

Sau bài Tin Mừng, Đức cha Louis chia sẻ: Theo con người, thường thì người ta hay chú trọng đến vẻ đẹp và hình dáng bên ngoài.Nhờ đó, sẽ thu hút được nhiều người chú ý đến bản thân mình. Tuy nhiên, hình thức bên ngoài không thể nói lênđược phẩm chất nội tâm ở bên trong. Có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”.“Người phụ nữ không chỉ đẹp ở hình dáng bên ngoài, mà còn phải đẹp ở bên trong tâm hồn mình nữa”. Thật vậy, Đức Maria là Mẹ của Đấng cứu thế, Mẹ không chỉ đẹp ở hình dáng bên ngoài, mà còn đẹp trong tâm hồn và trongđức tin. Quả thật, Thánh nữ Mônica được sống trong một gia đình đạo hạnh và có lòng yêu thương hết thảy mọi người, cả một đời hy sinh vì chồng con, cho dù có gặp phải rất nhiều khó khăn và đau khổ. Nhưng với một niềm cậy trông phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa, Thánh Nhân đã âm thầm cầu nguyện liên lỉ không biết mệt mỏi cùng những giọt nước mắt trong suốt 18 năm trời. Chính nhờ lời cầu nguyện ấy mà Thiên Chúa đã nhận lời: người chồng và người con đã xin trở lại đạo Chúa và lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, về sau, người con Augustinô là vị Thánh của Giáo hội. Qua đây, ước mong CBMCG trong giáo xứ chúng ta luôn ý thức bổn phận của mình, để hướng dẫn và dạy dỗ con cái luôn biết trông cậy vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và noi gương vị Thánh nhân bổn mạng, trở nên những hiền mẫu thực sự trong gia đình của mình, thành một gia đình ấm êm thuận hòa, làm gương cho con cháu, và mang lại hạnh phúc cho gia đình và vẻ vang cho giáo xứ.

Tiếp đó, Tân Ban Chấp hành BCH tiến lên cung thánh quỳ xuống long trọng tuyên hứa, và Đức cha đã trao Ủy Nhiệm thư như là lời chính thức được sai đi làm chứng nhân cho Đức Kitô trong nhiệm kỳ (2018-2022).

Sau lời nguyện hiệp lễ, thay mặt hội viên, chị Tân Hội trưởng lên ngỏ lời cảm ơn quý Đức cha, quý cha, đại diện BCH CBMCG TGPSG, giáo hạt Phú Thọ và các giáo xứ trong giáo hạt, cùng cộng đoàn dân Chúa. Đồng thời, vị đại diện dâng lên Đức cha, quý cha, bó hoa tươi thắm gói ghém tâm tình cảm mến và tri ân. Đáp từ,Đức cha Louis rất vui khi về thăm mục vụ tại giáo xứ. Nhân đây, ngài cũng chia sẻ thêm: ước mong các gia đình hãy duy trì bữa ăn tối trong gia đình. Đồng thời, trong bữa ăn, không xem ti vi và sử điện thoại, không ăn những thức ăn nhanh, không chỉ trích nói xấu nhau. Ngoài ra, còn phải cùng nhau đọc kinh tối trong gia đình nữa.

Thánh lễ khép lại lúc 18g45, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ Đức cha và cùng nhau hát vang bài “Hành khúc mừng Mẹ Công Giáo”.
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương : Ông tổ báo chí Việt Nam : Nguyễn Văn Vĩnh
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
11:45 01/09/2018

Phổ biến chữ quốc ngữ :



Toàn dân con nước Việt đều sung sướng hãnh diện với chữ Quốc ngữ. Trước tiên họ ghi ơn cha Đắc Lộ cùng với một số thừa sai Âu Châu đã dày công tìm tòi và sáng chế ra loại chữ tân kỳ này cho dân tộc ta, dựa theo các mẫu tự La Tinh. Nhưng kế đó là chuyện nhớ ơn các nhà tiền phong đã phổ biến và cải thiện loại chữ thực dụng này. Người được kể tới hàng đầu chính là ông Nguyễn văn Vĩnh.

Công lao ông này nhiều lắm : Là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật và cũng là nhà chính trị nữa. Nhưng nếu ông không hết lòng phổ biến chữ này, thì các cố gắng khác khó mà thành tựu. Tiên vàn ông học nhiều ngoại ngữ để mở rộng kiến thức. Ý tưởng đầu tiên là thử dịch một số tác phẩm Pháp ngữ cho dân ta đọc. Rồi ông xin mở trường, dạy cả tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Thiên hạ tấm tắc khen ngợi và biết ơn. Chúng ta sẽ đề cập tới chuyện ông ra mắt tờ báo đầu tiên tại Việt Nam, năm 1912, lấy tên là ‘Đông dương tạp chí’, hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ.

Ai ai cũng công nhận ông là một trong những người có công lớn nhất cho cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ thời kỳ này có rất ít người chấp nhận sử dụng, trong khi đó chữ Hán, chữ Nôm đã tồn tại lâu đời và được tất cả mọi người chấp nhận nó như là một thứ chữ truyền thống. Bên cạnh việc vận động mọi người cùng tham gia cổ động và viết chữ Quốc ngữ, vấn đề ngữ pháp tiếng Việt cũng được ông đưa ra bàn luận, để đi đến thống nhất trong toàn quốc, về cách đặt câu, cách viết, chấm phẩy, cách nói, viết cho cả 3 miền và cần phải có một thể lệ chung .

Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học, đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các dân tộc trên thế giới. Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải với đồng bào mình về giá trị của chữ Quốc ngữ như sau: “Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”!

Nhờ nhận thức này, Nguyễn Văn Vĩnh lập tức nghĩ đến việc chuyển tải tác phẩm bất hủ Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ . Rồi ông cũng là người đầu tiên dịch toàn bộ tập truyện Ngụ ngôn của Lafontaine từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Những việc làm này Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện khi ở độ tuổi ngoài 20 ! Để làm gì? Ông muốn chứng minh với toàn xã hội và đồng bào mình, rằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, chữ Việt của chúng ta đầy đủ sức lực để chuyển tải những tinh hoa văn hóa trong ngôn ngữ của các nền văn hóa và các dân tộc khác.

Một trong những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc phát triển báo chí tiếng Việt, là ở chỗ ông là một trong những người đi tiên phong trong việc viết phóng sự. Qua hai phóng sự Từ triều đình Huế trở về và Một tháng với những người đi tìm vàng (đang viết dở thì ông chết) được đăng trên tờ L’Annam nouveau. Tuy chưa hẳn đã là những hình mẫu chuẩn mực của phóng sự, nhưng rõ ràng đây là những bài đầu tiên mang đậm dấu ấn thể loại phóng sự, mà nhiều nhà báo sau này đã vận dụng và tiếp tục sáng tạo trong nền báo chí tiếng Việt.

Thêm vào đó, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các bạn đồng chí hướng, lần lượt làm đơn xin thành lập Hội Trí Tri (Hà Nội), Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học, Đông Kinh nghĩa thục… Được dịp qua Pháp, tận mắt chứng kiến nền văn minh phương Tây, ông trở về nước với quyết tâm phát triển nền công nghiệp xuất bản, mà đầu tiên là phát hành báo chí, để qua đó truyền bá chữ Quốc ngữ, và bài bác các hủ tục phong kiến lạc hậu, nhằm canh tân đất nước, vì vậy ông đã xin thôi làm công chức và trở thành nhà báo tự do.

Ông tổ ngành báo chí :



Năm 1908, ông làm chủ tờ báo ‘Đại Nam Đồng văn nhật báo’, in bằng chữ Hán và quốc ngữ. Sau đổi tên là ‘Đăng cổ tùng báo’. Năm 1912, mới xuất hiện tờ ‘Đông dương tạp chí’ hoàn toàn bằng quốc ngữ.

Mãi tới năm 1917, dân mình mới thấy có tờ Nhật Báo tiên khởi, tên là ‘Trung Bắc tân văn’, do ông làm chủ bút. Năm 1919, tờ Đông dương tạp chí đổi tên là ‘Học báo’. Có sự cộng tác của hoạc giả Trần trọng Kim (sau này là thủ tướng.

Giáo sư Dương quảng Hàm có viết về Nguyễn văn Vĩnh thế này :

“--Về tư tưởng : Ông là người học rộng, biết nhiều, rành rõ tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa...

--Về văn từ : Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mẽ, để diễn đạt ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu Tây), thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Việt Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp”.

Để khen ông, ta có thể nói rằng Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công lớn với quốc văn. Nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch hay sáng tác, mà còn là vì ông đã đứng chủ trương những tờ tạp chí, ở vào buổi mà đối với văn chương, mọi người hãy còn bỡ ngỡ. Ông đã hội họp được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn, nhất là trong giới thanh niên trí thức đương thời . Nhà văn Vũ Bằng có viết rằng : "Thú thực cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người giỏi, nhưng chưa sợ như sợ cái tài viết báo của ông. Đem so sánh, tôi vẫn nghiêng về Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn, và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy ai viết báo, viết văn,qua nhiều loại khác nhau một cách nghĩa lý và tài tình như ông Vĩnh. Ông viết đủ mọi thứ, dịch đủ các loại, viết tin, viết xã luận, khảo cứu, phóng sự”.

Ngàn đời ghi ơn :



Danh nhân Nguyễn văn Vĩnh nằm xuống, để lại một di sản to lớn giá trị vô song. Có vài người thiển cận chỉ trích ông thân Pháp hại người Việt, nhưng họ quên rằng ông thực sự rất yêu nước, chỉ muốn dựa vào văn minh Pháp để cải tiến đời sống dân tộc mình. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất cùng với bốn người Pháp đồng ký tên đòi trả tự do cho Phan Chu Trinh (lien quan trường ‘yêu nước’ Đông kinh ghĩa thục. Việc làm này cùng với việc ông đã dịch toàn bộ bài viết "Đầu Pháp chính phủ thư" của Phan Chu Trinh từ Hán văn ra Pháp văn. Bài này còn còn được gọi là "Thư trước tác hậu bổ" (Lettre de Phan Chu Trinh au gouverneur général en 1906), khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị chính quyền thực dân gọi lên đe dọa gay gắt. Thực dân Pháp còn đã đóng cửa Đăng cổ tùng báo, đồng thời cấm Nguyễn Văn Vĩnh diễn thuyết, lưu hành và tàng trữ các ấn phẩm của Phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1932, ông đi dự họp Đại hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương tại Sài Gòn. Trong một buổi họp, ông đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, vì điều đó chỉ có lợi cho ngân hàng Pháp, nhưng lại có hại cho nền kinh tế Đông Dương.

Khi đang họp thì Nguyễn Văn Vĩnh nhận được trát của tòa án, đòi tịch biên toàn bộ gia sản, vì sau nhiều lần "mặc cả" giữa Chính quyền và Nguyễn Văn Vĩnh, nhà cầm quyền đòi Nguyễn Văn Vĩnh phải chấp nhận 3 điều kiện sau : Chấm dứt việc đả phá Triều đình Huế và quan Thượng thư Phạm Quỳnh. Đồng ý vào Huế làm quan. Dừng toàn bộ việc viết báo.

Năm 1935, Chính quyền đổi ba điều kiện nêu trên với Nguyễn Văn Vĩnh còn tệ hại hơn và bắt buộc phải chọn một điều kiện, đó là : Chấm dứt toàn bộ việc viết. Chấp nhận đi tù (dù chỉ một ngày). Sang Lào tìm vàng để trả nợ.

Tháng 3 năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định đi tìm vàng để trả nợ, ông sang Sê Pôn (Lào). Ngày 1 tháng 5 năm ấy (1936), người ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh một mình Bất tỉnh trên con thuyền độc mộc, một tay vẫn cầm bút, và tay kia cầm quyển sổ, trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng (tên một nhánh của sông Sê Pôn). Ngưòi dân địa phương đưa con thuyền cập vào chân cầu Sê Pôn để chuyển lên trạm y tế Sê Pôn cứu chữa, nhưng đã quá muộn. Nhà cầm quyền loan báo : Nguyễn Văn Vĩnh chết ngày 2 tháng 5 năm 1936 vì sốt rét và kiết lỵ (lúc ấy ông mới 54 tuổi). Sau đó, thi hài Nguyễn Văn Vĩnh đã được đưa về Hà Nội để cử hành tang lễ trong 3 ngày, từ 6 đến 8 tháng 5 năm 1936. Tại buổi lễ tang, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông dưới dòng chữ ‘Kính viếng Ông tổ của nghề báo’.

Thế là ông một đời lo cho nền văn học quốc ngữ, nhất là qua việc làm báo dân cao trình độ dân trí. Mà rõ ràng ông có lòng yêu nước, không khuất phục thực dân Pháp và chống đối những kẻ nịnh bợ kẻ chiếm đóng đất nước.

Ông làm gương khác thường trong công tác dịch thuật, sáng tác và viết báo, dẫn lối đi cho nền văn học quốc ngữ. Nếu đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc ông là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ quốc ngữ, và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn cũng là đóng góp lớn nhất ở ông chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính cách khai sáng. Ông cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để thấm sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trái Tim Đức Mẹ
Dominic Đức Nguyễn
07:25 01/09/2018
TRÁI TIM Đức Mẹ

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Trái tim Mẹ mãi trị vì

Giữa lòng Hội Thánh cùng đi song hành

Giúp con biết sống chân thành

Yêu người mến Chúa nhân lành tình Cha

(Trích thơ của BCT)