Ngày 29-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/8: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình – Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:57 29/08/2021


PHÚC ÂM: Lc 4, 16-30

“Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày Sabbat, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”

Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình’; ‘điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’ “. Người nói tiếp: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Êlia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Êlia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Êlisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Đó là lời Chúa.
 
Con Đường Của Tình Yêu, Tự Do Và Giải Thoát
LM. Giuse Trương Đình Hiềnt
08:54 29/08/2021
Chúa Nhật 22 TNB 2021

Trong Thánh Kinh Cựu Ước có tác phẩm mang tên “Sách Gióp”; trong đó có đoạn Chúa nói với ông Gióp rằng: “Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng cho quả đất? Nếu ngươi thông hiểu thì cứ nói đi ! Ai đã định kích thước cho quả đất, ai đã chăng dây đo, ngươi biết mà !...” (G 38,1-5).

Phải chăng, những lời mạc khải đơn sơ đó muốn dạy rằng: vũ trụ nầy, vạn vật nầy đều được chi phối bởi những định luật do Chúa thiết lập. Riêng con người, vì là tạo vật mang ảnh hình Thiên Chúa, nên Ngài đã đặt để một qui luật tối thượng, thầm kín từ trong sâu thẳm cõi lòng, gắn với tự do, đó chính là “Lương Tâm”, để con người bước đi và vận hành sự sống theo con đường hướng thiện.

Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu, con người, qua mẫu hình Ađam-Eva, đã thích chọn “trái cấm” hơn là phải cúi mình lụy phục “thánh ý Tối Cao” (St 3,1-7); và với thái độ “bất tuân ban đầu đó”, nhân loại đã rơi vào một vũng lầy đen tối: gia đạo “nồi da xáo thịt” như Cain tàn bạo giết chết em ruột Abel bên cánh đồng (St 4,1-16); xã hội “chia rẽ điêu linh” như một “công trường xây tháp Baben” thất bại vì bất đồng ngôn ngữ (St 11,1-9)…

Trong thế kỷ 21 nầy, người ta nói nhiều đến những thiên tai khủng khiếp mà nguyên nhân phần lớn do loài người, như cách diễn tả của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp về môi trường Laudato Sí: “Người chị này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý. Bạo lực trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi gây nên cũng phản chiếu trong những triệu chứng của bệnh tật nơi đất đai, nguồn nước, trong không khí và mọi dạng thức của sự sống” (số 2).

Phải chăng đó là những biểu hiện của một nhân loại phá vỡ các quy luật nền tảng, những trật tự luân lý, những qui luật thiêng liêng, tháo bỏ những giềng mối và qui ước của nền văn minh sự sống, bất chấp những hiến pháp và hiến chương tích tụ bao đời do muôn thế hệ trải nghiệm… Một xã hội đánh mất thói quen khép mình dưới lề luật sẽ là một xã hội què quặt, yến hèn và băng hoại.

Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và dẫn đưa lịch sử, đã không muốn công trình của Ngài, đặc biệt, loài người mang hình ảnh Ngài phải dẫn tới diệt vong, nên ngay từ xa xưa, Ngài đã trao ban Thập Điều trên núi Sinai qua trung gian dân ưu tuyển Israel mà hôm nay chúng ta vẫn còn nghe vang vọng với lời công bố uy hùng của Nhà lãnh đạo Môsê: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân…” (Bđ 1)

Và đây, có thể nói được, chính là “la bàn”, là “kim chỉ nam”, hướng dẫn nhân loại suốt bao ngàn năm qua để nhân loại kiện toàn chính mình, phát triển thế giới và bước đi trên con đường tiến về vĩnh cửu. Mà còn hơn thế nữa, “Thập điều” mà Thiên Chúa trao ban cũng chính là “điều khoản của một Giao Ước”, giao ước của tình yêu, giao ước của một sự đồng hành, hiện diện của Đấng giàu lòng thương xót luôn “ở giữa Dân Ngài”: “Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?” (Bđ 1).

Nhưng như chúng ta đã biết và vẫn biết: con người, cả như dân đặc tuyển là Israel, vẫn luôn là một thứ “ngựa chứng”. Cho nên, chưa yên tâm đủ với “Thập Điều”, bằng trí óc thông minh trời cho, con người cứ thêm lần thêm lần hàng trăm ngàn những luật lệ mới để qui định mọi giềng mối và câu thúc cái tôi buông tuồng mất nết. Và xem ra, các người tai to mặt lớn, các đấng có vị thế “ăn trên ngồi trước” thích “độ chế” ra nhiều khoản luật để một đàng dễ bề bóc lột dân đen, một đàng được bảo vệ che chắn để tha hồ tác oai tác quái.

Các Ngôn sứ trong cựu ước đã bao nhiêu lần qua bao nhiêu thế hệ đứng lên tố cáo thái độ nô lệ cho lề luật và giả hình trong việc thực thi thánh chỉ, như chính Đức Kitô nhắc lại hôm nay trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe công bố: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Đức Kitô đã nhất quyết “kiện toàn Lề luật” và “làm sống lại sứ điệp của các ngôn sứ”; Ngài gọi mời và cương quyết hướng con người sống Lề Luật bằng con tim, một “con tim mới trong một thần khí mới” (Ed 36,26), chứ không là một con tim chai đá, một cõi lòng chất chứa toàn gian ác, dục vọng đê hèn: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Để “kiện toàn Lề Luật” và để thiết lập một “Dân Tộc mới”, một “Dân thánh”, một dân “nhiệt thành làm việc thiện”, Đức Kitô đã trả giá bằng chính cái chết tủi nhục trên thập giá. Nhưng cũng kể từ đó, kể từ lúc Ngài chiến thắng tử thần để chỗi dậy trong vinh quang phục sinh, “Luật mới của Tin Mừng”, vị muối, chất men của “Thập Điều Sinai”, của “Tám mối phúc thật”, của “Luật Yêu thương”…, nói chung là “lời”, bắt đầu được các môn đệ của Ngài gieo vào giữa lòng thế giới, như minh xác của chính Thánh Tông Đồ Giacôbê: “Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình…” (Bđ 2).

Và từ đó, những ai tin vào Đức Kitô, những ai quảng đại tiếp bước theo Ngài và thực sự yêu mến Ngài, sẽ nhận ra rằng: tất cả lề luật của Thiên Chúa sẽ là “ách êm ái’, “gánh nhẹ nhàng”; và cứ như thế, họ tiến bước về quê hương hằng sống mà môi miệng vẫn không ngừng ca hát: “Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt…” (Tv 18, 8-9).

Như vậy, qua trung gian của một “Môsê mới”, một Đấng đến để “Kiện toàn lề luật”, “Thập điều Sinai” hay “luật mới của Tin Mừng” đã trở thành con đường của Tình yêu, Tự do và Giải thoát; con đường để những người phung cùi không còn bị ném ra ngoài hoang mạc, những chàng thu thuế không bị chết dí giữa những bờ tường đố kỵ, những cô gái điếm không còn nằm lì trong bóng tối tội lỗi… nhưng tất cả đều có đủ cơ hội để ngẩng đầu lên…, để được “ôm vào lòng”, được “vác lên vai”; và để hân hoan đi vào “dự tiệc của Cha mình” trong “Nước Trời” vĩnh cửu.

Dĩ nhiên, trong số đó có cả chúng ta; những người mà ngay hôm nay, giờ này, đang được lắng nghe Lời và tham dự bàn Tiệc Thánh Thể, dấu chỉ tiên trưng của bàn Tiệc Nước Trời trong buổi cánh chung. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Đừng Thêm Thắt Và Cũng Đừng Nhập Nhằng
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:03 29/08/2021
Đừng Thêm Thắt Và Cũng Đừng Nhập Nhằng

Chúa Nhật XXII TN B

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa Chúa” (Đnl 4,2). Trong Cựu Ước, người ta đếm được có những 248 điều truyền và 365 điều cấm, một pho luật xem ra khá đồ sộ nhưng đâu thấm gì so với các luật lệ của con nguời trong các xã hội dân sự hiện nay trên thế giới và với cả luật Giáo Hội Công Giáo (Bộ Giáo Luật chung năm 1983 của Giáo Hội Công Giáo gồm 1752 điều khoản). Thế mà đã có ngài tiến sĩ luật cảm thấy oải trước khối lề luật ấy, nên đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Và Chúa Giêsu đã trả lời cách long trọng rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy” (Mt 22,36-40).

Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật dữ kiện này và Tin Mừng Maccô và Luca lại thêm kết luận rằng người ta đã “tâm phục, khẩu phục” trước câu trả lời của Chúa Giêsu (x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Như thế, chắc hẳn đoàn dân Chúa xưa ít nhiều cũng nhận thức được điều này. Thế mà chước cám dỗ muốn thêm bớt vẫn có đó khiến cho Môsê đã cảnh báo dân, đúng hơn là cảnh báo những người lãnh đạo, vốn là những người thường có quyền ra lề luật. Ở đây, xin được đề cập đến chước cám dỗ thêm thắt luật lệ và nhập nhằng, kiểu đánh lận con đen trong việc thực thi lề luật.

1.Cám dỗ thêm thắt luật lệ: Theo nhãn quan của thần học luân lý, xét về nguồn gốc của lề luật, thì có luật của Thiên Chúa (thiên luật), và luật của con người (nhân luật). Dù rằng luật của Thiên Chúa chỉ có hai luật chính là mến Chúa và yêu người, nhưng để triển khai và áp dụng hai lề luật ấy theo từng hoàn cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì cần có những khoản luật thích ứng. Tuy nhiên, những người làm luật rất có thể bị cám dỗ thêm thắt nhiều khoản luật đi lệch trọng tâm và hướng nhắm của hai giới răn chính ở trên. Đã là luật của Thiên Chúa thì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền ra luật. Khi chúng ta thêm thắt nhiều luật lệ đi lệch với ý Chúa hoặc sai trọng tâm mà gọi đó là luật của Thiên Chúa thì vô tình chúng ta tự đặt mình như Thiên Chúa. Các sứ ngôn đã từng nhiều lần nói thay Thiên Chúa rằng: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ; Ta chán ngấy mỡ dê bò các ngươi dâng tiến, hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi… (x.Mt 12,7; Ge 2,13).

2.Cám dỗ làm nhập nhằng kiểu đánh lận con đen: Luật lệ của con người thì rất cần được bổ túc hoặc thêm bớt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Một trong những mục đích của lề luật là nhằm phục vụ ích chung, gìn giữ sự công bằng và trật tự trong đời sống xã hội, đặc biệt bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi cảnh “cá lớn nuốt cá bé, mạnh được-yếu thua”. Xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể ngày càng phong phú và đa dạng, do đó cần có thêm nhiều luật lệ để gìn giữ các mối quan hệ ấy trong sự bình đẳng và hài hòa. Hình thái xã hội đã thay đổi thì các luật lệ cũng phải được đổi thay. Chính vì thế mà luật lệ không ngừng được chỉnh sửa, thậm chí phải thay đổi. Việc có thể đổi thay cho ta thấy luật con người mang tính bất cập và bất toàn. Nhiều chuyên gia về ngành Luật đã nói rằng một trong những tính chất của luật là “tính bất công”. Với lối nói “ngoa ngữ”, họ chỉ muốn nhấn mạnh đến sự bất cập của lề luật con người. Luật của con người không thể và không bao giờ có thể đáp ứng hết mọi tình huống, hoàn cảnh của con người và xã hội, do đó nhân luật không thể đem lại sự công bằng cho mọi người cách đúng nghĩa, cũng như áp dụng một cách đồng đều cho mọi người.

Khi hiểu được điều này, ắt hẳn chúng ta sẽ tránh được thái độ thượng tôn và tuyệt đối hóa lề luật mà trả nó về lại vị trí của nó là một trong những phương tiện để phục vụ con người chứ không phải con người có ra vì lề luật (x.Mc 2,27). Sự thường, lề luật được lập nên do những người đang nắm quyền lực trong các thể chế, tổ chức xã hội lẫn tôn giáo. Và người làm luật khó tránh được chước cám dỗ làm luật có lợi cho mình. Khi thượng tôn lề luật, biến lề luật do mình làm ra trở thành thiên ý thì vô tình hay hữu ý, lợi ích của người làm luật được bảo vệ và hợp pháp hóa, cho dù nhiều khi các lợi ích ấy là bất chính. Đây là trường hợp mà Chúa Giêsu đã cực lực phê phán khi nói rằng “các ông đã gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà”(Mt 23,24). Đâu chỉ có việc rửa tiền của các tổ chức tội phạm mới là hợp pháp hóa điều bất chính, vẫn có đó nhiều người dùng một số tiền nhỏ để dâng cúng cho nhà Chúa hay để làm việc từ thiện hầu an tâm sử dụng số tiền kếch xù có được bằng cách thế gian dối, phi nghĩa. Vẫn có đó nhiều cá nhân và tập thể tìm cách ra một luật lệ nào đó, vốn dễ được xem là khách quan, để cho tài sản của mình được bảo vệ cách hợp pháp.

Trở lại với nguồn lề luật của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng luật Chúa thì bất biến và có tính bó buộc tuyệt đối. Tuy nhiên tính bó buộc tuyệt đối và bất biến này chủ yếu ở hai luật chính là tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nghĩa là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi Thiên Chúa trao ban và mình chỉ có thể sống, tồn tại, phát triển trong hạnh phúc viên mãn khi gắn bó với Thiên Chúa và thực thi huấn lệnh của Người.

Cầu nguyện là một hình thức căn bản để bày tỏ sự gắn bó với Thiên Chúa, thờ phượng, thần phục Người. Anh em Hồi giáo đặt việc này lên hàng đầu. Kitô hữu Công Giáo chúng ta còn nhấn mạnh đến việc tham dự Thánh lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, vì đó là đỉnh cao của hành vi thờ phượng. Và để tỏ bày lòng mến yêu đối với Thiên Chúa, thì không gì hơn là thực thi giới luật của Người. Anh chị em yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau là cách thế tốt nhất để tỏ bày lòng thảo hiếu đối với mẹ cha. Tương tự như thế, khi chúng ta biết yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy là chúng đang mến yêu Thiên Chúa (x.Ga 15,12).

Yêu thương cũng có nhiều đường, nhiều cách. Với kiểu, với cách nào đi nữa, khi sống yêu thương, phải đặt nền tảng trên đức công bình và đức ái. Xin được muợn lời của Đức Khổng Tử và lời của sách Tobia để giữ đức công bình: Đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình (x.Tb 4,16). Và xin được nhắc lại lời của Chúa Giêsu để sống đức ái: Tất cả lề luật và lời ngôn sứ đều tóm ở điều này: Hãy làm cho tha nhân những gì mà anh em muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12; Lc 6,31).

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:29 29/08/2021

18. Ai thi hành thánh ý của Thiên Chúa mà từ bỏ những ước muốn riêng tư của mình, thì mới là người bác học đa tài đa năng.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:32 29/08/2021
42. DANH SĨ LÀ CÁI GIỐNG GÌ

Có một kỹ nữ tên là Lưu Nguyên, cũng không trẻ lắm, nhưng hình thái thì thon thả, khóe thu ba đầy đặn, và đã có một vị danh sĩ ngủ với cô ta, cô ta quay mặt vào phía bên trong màn không cho danh sĩ động phòng, danh sĩ đập đập trên vai cô ta và nói:

- “Nàng có biết ta là danh sĩ không?”

Lưu Nguyên quay mặt lại hỏi:

- “Danh sĩ là cái giống gì, được vài xu không?”

Chuyện này lập tức truyền ra bên ngoài, ai nghe cũng phải cười ha ha.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 42:

Thời nay báo chí thường đăng tải ông quan này ông quan nọ đi ngủ với gái điếm, đó là một sự nhục nhã cho họ, bởi vì đó là một hành vi mà xã hội đang lên án.

“Danh sĩ” khi vào thanh lâu thì cũng chỉ là một khách làng chơi mà thôi, khoe khoang làm gì cho thêm bỉ mặt cái “danh sĩ”, danh sĩ là người tài cao học rộng, nổi tiếng và có hành vi quân tử đạo đức, chứ danh sĩ không thể khoe mình trong nhà điếm...

Danh “Ki-tô hữu” cao quý hơn danh sĩ nhiều lắm, cho nên người Ki-tô hữu đừng làm việc gì có phương hại đến tên gọi cao quý ấy của mình, như: mưu mô xảo quyệt, mèo mả gà đồng, đâm cha chém chú, trác táng trụy lạc, cho vay nặng lãi, lừa thầy phản bạn.v.v...

Gái điếm hỏi danh sĩ là gì, có đáng vài xu không, thì quả là tội nghiệp cho danh sĩ quá chừng chừng, bởi vì danh sĩ đã bán danh mình trong thanh lâu rồi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh kinh của đạo Sikh cũng được di tản khỏi Kabul
Đặng Tự Do
04:59 29/08/2021


Ngoài các tín hữu, ba cuốn sách thiêng liêng có giá trị tinh thần lớn đã được sơ tán khỏi Afghanistan theo một nghi lễ long trọng.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, một cảnh bi hùng vừa diễn ra trên các đường băng của sân bay quốc tế Kabul. Giữa những cảnh người dân chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi nó rơi vào tay Taliban, giữa những tiếng súng nổ đinh tai nhức óc, nổi bật nhất là cảnh 3 người theo đạo Sikh Ấn Độ đi chân trần trên đường băng của sân bay Kabul với 3 chiếc vali trên đầu chứa nhiều bản sao của Kinh Granth Sahib, mà đối với người theo đạo Sikh là linh thiêng nhất. Đó là thánh kinh của đạo này.

Những cuốn sách quý đã được cất cánh hôm qua trên một chiếc máy bay của Không quân Ấn Độ cùng với những người Afghanistan theo Ấn Giáo và theo đạo Sikh. Máy bay đã hạ cánh xuống New Delhi, và được một bộ trưởng chính phủ chào đón long trọng.

Guru Granth Sahib là một bộ sưu tập các bài thánh ca được viết bởi mười đạo sư của đạo Sikh; Nó gồm khoảng 1,430 trang được chia thành 31 chương, gọi là ragas. Theo niềm tin của người Sikh, mỗi bản sao của cuốn sách thánh này đều chứa một vị thần sống động.

Vì lý do này, kinh thánh của người Sikh được tôn kính trong các ngôi đền và được cất đi trong các thùng chứa đặc biệt vào buổi tối. Việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác phải tuân theo một nghi thức nhất định: Kinh phải được đội trên đầu và người khiêng phải đi chân trần.

Kinh Granth Sahib ra đời vào năm 1708, và thường được sao chép bằng tay, cho đến khi việc in ấn được giới thiệu dưới thời thuộc địa của Anh.

Các bản sao cũ nát phải được đưa đến Goindwal Sahib, một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Punjab, nơi chúng được hỏa táng. Vì lý do này, người ta đặc biệt chú ý đến khía cạnh này khi di tản người Sikh khỏi Afghanistan.

Afghanistan từng là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người theo đạo Sikh, nhưng cộng đồng của họ đã bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh Afghanistan. Chỉ một vài trăm người được cho là vẫn còn trong nước.

Cho đến gần đây, Afghanistan đã có 12 bản sao của Kinh Granth Sahib, sáu cuốn đã được chuyển đến Ấn Độ trong những tuần gần đây, ba cuốn đến vào ngày hôm qua và ba cuốn còn lại sẽ đến trong một chuyến bay nhân đạo sắp tới.

Số phận của các văn bản thiêng liêng của đạo Sikh phản ánh thảm kịch mới nhất của Afghanistan, làm dấy lên lo ngại về di sản văn hóa và tôn giáo của đất nước, hiện nằm trong tay Taliban.

Lần cuối cùng nắm quyền, Taliban đã phá hủy những bức tượng khổng lồ của Đức Phật ở Bamiyan, vào ngày 12 tháng 3 năm 2001.
Source:Asia News
 
Công Giáo Indonesia vui mừng sau khi quân đội hủy bỏ luật kiểm tra trinh tiết đầy nhục nhã đối với phụ nữ
Đặng Tự Do
05:00 29/08/2021


Quân đội Indonesia sẽ không tiến hành kiểm tra trinh tiết đối với các nữ tân binh nữa. Tướng Andika Perkasa, người đứng đầu quân đội Indonesia, cho biết luật kiểm tra được giới thiệu vào năm 1965 đã bị bãi bỏ trong các quân binh chủng Indonesia. Từ nay, nam giới và phụ nữ sẽ trải qua quá trình tuyển chọn giống nhau.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết ở Indonesia, phụ nữ muốn gia nhập quân đội phải trải qua “bài kiểm tra bằng hai ngón tay”, đó là cách các bác sĩ kiểm tra màng trinh còn nguyên vẹn hay không. Theo quân đội Indonesia, nó được sử dụng để xác định đạo đức của các tân binh, và được các chính quyền liên tiếp bảo vệ như một kỳ thi để đánh giá sức khỏe thể chất của phụ nữ.

Trên thực tế, đó là một hình thức bạo lực nhục nhã và đau thương mà các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Human Rights Watch đã tố cáo trong nhiều thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nhắc lại rằng loại kỳ thi này không có giá trị khoa học để xác định trinh tiết của một người. Cảnh sát Indonesia đã bãi bỏ cuộc kiểm tra này vào năm 2015.

Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Công Giáo Indonesia, Justina Rostiawati, bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này với AsiaNews, “Trong nhiều năm, chúng tôi đã phản đối thực hành bạo lực này đối với phụ nữ”. Rostiawati là cựu ủy viên nhân quyền phụ nữ và hiện là chủ tịch hiệp hội Công Giáo lâu đời nhất ở Indonesia. “Khi thông lệ này có hiệu lực, những tân binh không thể phản đối nó. Chúng ta cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng phụ nữ ở tất cả các nơi làm việc”.
Source:Asia News
 
Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell là sự nhục nhã cho tư pháp Úc Đại Lợi
Đặng Tự Do
05:00 29/08/2021


Linh mục Dòng Tên Frank Brennan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne, Úc nhận định rằng hệ thống trị an và tư pháp hình sự của Victoria đã sai lầm nghiêm trọng khi cáo gian Đức Hồng Y George Pell đến mức nó cho thấy rằng chưa nói đến những người bị vu cáo như Đức Hồng Y Pell, ngay cả những nạn nhân của tội lỗi lạm dụng, và những người khiếu nại thành thực cũng không thể dựa vào họ.

Cha Frank Brennan là giáo sư luật và là hiệu trưởng của Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne đã tham dự các phần quan trọng của các phiên tòa và kháng cáo của Đức Hồng Y Pell và có quyền truy cập vào các bản ghi âm những lời đối thoại của tòa án.

Ngài tin chắc rằng vị Hồng Y vô tội đối với những cáo buộc lạm dụng tình dục lịch sử chống lại ngài và lẽ ra ngài không bao giờ phải đối mặt với chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Catholic Weekly, tờ báo của Tổng giáo phận Sydney, Cha Brennan đã rất gay gắt khi đánh giá về công việc cảnh sát được tiến hành dưới thời cựu Ủy viên Cảnh sát Victoria Graham Ashton và những thất bại sau đó khiến Đức Hồng Y Pell bị giam 13 tháng cho đến khi được trả tự do thông qua quyết định nhất trí của Tòa án Tối cao Australia vào tháng 4 năm 2020.

Cuốn sách mới nhất của Cha Brennan có tựa đề “Observations on the Pell Proceedings”, nghĩa là “Những quan sát trên trình tự tố tụng Đức Hồng Y Pell”, đã được xuất bản vào tháng Tư. Bài phân tích tám trang độc quyền của ngài về toàn bộ vụ án sẽ xuất hiện trong ấn bản ngày 5 tháng 9 của tờ The Catholic Weekly.

Cha Brennan cho biết ngài “không thể tha thứ” cho các hành động của Cảnh sát Victoria và giám đốc công tố Victoria trong vụ truy tố Đức Hồng Y và tin rằng các hành động này là kết quả của một hành động chính trị chống lại Đức Hồng Y.

Những điều này đã gây ra cho Đức Hồng Y nhiều tháng đau khổ không cần thiết và gây ra hậu quả cho những người khiếu nại thực sự và nạn nhân của sự lạm dụng.

“Tất cả chúng ta, bao gồm cả những người trong Giáo Hội, cũng như những nạn nhân và những người khiếu nại chân chính, cần được bảo đảm rằng hệ thống pháp luật đang thực hiện công việc của nó”, vị linh mục nói.

Cha Brennan, một giáo sư luật tại Trường Luật Thomas More tại Australian Catholic University, cho biết Ủy ban Hoàng gia về cách thức các thể chế đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục đã làm công việc cần thiết của họ khi làm sáng tỏ những “thiếu sót” trong cơ chế quản lý của Giáo Hội khiến trẻ em có nguy cơ. Nhưng họ đã sai lầm khi thúc đẩy một cuộc điều tra riêng biệt của quốc hội Victoria, nhằm dẫn đến một tình huống trong đó Đức Hồng Y trở thành vật tế thần.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Melbourne vào năm 1996, Đức Hồng Y Pell đã thành lập Melbourne Response với sự tham vấn của Cảnh sát Victoria và các cơ quan pháp luật của bang Victoria. Bất kể điều này, người ta vẫn cố đưa ra ý kiến cho rằng ngài đã không thực hiện những thay đổi cần thiết vì quyền lợi của trẻ em trong Giáo Hội.

“Vào thời điểm xét xử Đức Hồng Y, không nghi ngờ gì rằng rất nhiều người ở Úc, đặc biệt là trên một số phương tiện truyền thông, và cách riêng là Cảnh sát Victoria, đang tìm kiếm cả vật tế thần và nạn nhân”, Cha Brennan nói.

“Đáng buồn thay, hai thẩm phán cao cấp nhất của Victoria, chánh án và chủ tịch của Tòa phúc thẩm, tôi nghĩ đã bị nhiễm cùng một loại tâm lý mà các bồi thẩm đoàn đã có khi họ xét xử vụ án này”.

“Họ không đủ can đảm để xem xét các bằng chứng và nói rằng không có cách nào để một bồi thẩm đoàn có thể bị thuyết phục về điều này”.

Linh mục Brennan đã được Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc ủy nhiệm để quan sát các thủ tục của tòa án và báo cáo về các phiên tòa sau khi lệnh buộc im lặng của tòa án được dỡ bỏ.
Source:The Tablet
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 29 tháng 8, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
06:59 29/08/2021


Chúa Nhật 29 tháng Tám, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 22 Mùa Quanh Năm. Bài Tin Mừng thuật lại với chúng ta lời Chúa Giêsu quở trách những người biệt phái và các luật sĩ: “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay cho thấy một số luật sĩ và biệt phái ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ bị tai tiếng vì các môn đệ của Ngài dùng bữa mà không thực hiện các nghi lễ truyền thống trước. Họ tự nghĩ: “Làm thế là trái với các thực hành tôn giáo” (xem Mc 7: 2-5).

Chúng ta cũng có thể tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của ngài bỏ qua những truyền thống này? Xét cho cùng chúng không phải là những điều xấu, mà là thói quen lễ nghi tốt, đơn giản là rửa ráy sạch sẽ trước khi dùng bữa. Tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến nó? Thưa: Bởi vì điều quan trọng là Ngài phải đưa niềm tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy điều đó lặp đi lặp lại: Chúa luôn muốn đưa đức tin trở lại trung tâm. Và để tránh cho những luật sĩ đó, cũng như cho chúng ta, nguy cơ chỉ tuân theo các hình thức bề ngoài, Chúa Giêsu đặt cả trái tim và đức tin vào nền tảng. Nhiều khi chúng ta cũng “đánh phấn thoa son” cho tâm hồn mình. Nghĩa là, chúng ta chỉ chú ý đến hình thức bề ngoài chứ không phải trung tâm của đức tin: đây là một nguy cơ. Đó là nguy cơ của một vẻ ngoài tôn giáo: chỉ cốt làm cho bề ngoài trông đẹp đẽ, mà không hề thanh lọc tâm hồn. Chúng ta luôn có cám dỗ là “đặt để Chúa” trong giới hạn của một số lòng sùng kính bề ngoài, nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thờ phượng này. Chúa Giêsu không muốn những hình thức bề ngoài, Ngài muốn một đức tin chạm đến trái tim.

Thật vậy, ngay sau đó, Ngài kêu gọi mọi người trở lại để nói về một chân lý tuyệt vời: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế.” (c. 15) Đúng hơn, chính là “từ bên trong, từ trong lòng” (c. 21) mà những điều xấu xa được sinh ra. Những từ này mang tính cách mạng, bởi vì trong tư duy thời đó, người ta cho rằng một số loại thực phẩm hoặc các tiếp xúc bên ngoài sẽ làm cho họ không trong sạch. Chúa Giêsu đảo ngược quan điểm: những gì đến từ bên ngoài không gây hại, nhưng đúng hơn, chính là những gì phát sinh ra từ bên trong.

Anh chị em thân mến, điều này cũng liên quan đến chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng cái xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ hành vi của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, đã gây ra tất cả những gì xảy ra cho chúng ta! Đó luôn là lỗi của “những người khác”: đó là lỗi của con người, của những người cai trị, của bất hạnh, v.v. Có vẻ như các vấn đề luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Chúng ta càng trở nên tức giận, càng trở nên cay đắng thì càng khiến Chúa xa rời lòng mình. Giống như những người trong bài Tin Mừng, những người phàn nàn, những người bị tai tiếng, những người gây tranh cãi và không chấp nhận Chúa Giêsu. Người ta không thể thực sự ngoan đạo khi phàn nàn: phàn nàn là chất độc, nó dẫn anh chị em đến tức giận, phẫn uất và buồn bã, và trái tim anh chị em đóng chặt cánh cửa lại với Chúa.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác như những đứa trẻ con: “Không, đó không phải lỗi của tôi! của người này kia, người kia”. Chúng ta hãy cầu xin ơn đừng lãng phí thời gian để làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đó không phải là thái độ của Kitô Hữu. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới bắt đầu từ trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy gần như tất cả những gì bên ngoài mà chúng ta vẫn thường khinh miệt. Và khi chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy trái tim mình, thì đó là lúc chúng ta bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để đánh bại cái ác: đó là bằng cách bắt đầu chinh phục nó trong chính anh chị em. Các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội, các tu sĩ, khi được hỏi: “Con đường nên thánh là gì?”, Bước đầu tiên, họ thường nói, là tự trách mình: hãy tự trách mình. Tự trách mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, trong ngày, vào một thời điểm nào đó trong ngày hoặc một thời điểm nào đó trong tuần, có thể tự trách mình ở một mức độ nào đó không? “Vâng, điều này, điều kia, điều nọ đã gây ra cho tôi, đó là sự man rợ”. Nhưng còn tôi thì sao? Tôi cũng làm điều tương tự, hoặc tôi làm thế này, thế kia…. Đó là sự khôn ngoan: anh chị em hãy học cách tự trách mình. Hãy cố gắng làm điều đó, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn. Nó làm cho tôi tốt hơn, khi tôi làm được như vậy, nhưng khi đó nó cũng tốt cho chúng ta, cho tất cả mọi người.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã thay đổi lịch sử nhờ sự trong sạch của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, bằng cách vượt qua trước hết và quan trọng hơn hết là thái độ đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, tôi đang hết sức quan tâm theo dõi tình hình ở Afghanistan, và tôi hiệp nhất trong nỗi đau khổ với những người đang đau buồn cho những người đã mất mạng trong các vụ tấn công tự sát xảy ra vào thứ Năm tuần trước, và với những người đang tìm kiếm giúp đỡ và bảo vệ. Tôi giao phó những người đã khuất cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn năng và tôi cảm ơn những người đang cố gắng giúp đỡ dân chúng ở đó, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tôi yêu cầu mọi người tiếp tục giúp đỡ những người khó khăn và cầu nguyện để đối thoại và đoàn kết có thể dẫn đến việc thiết lập một nền tảng chung sống hòa bình và huynh đệ, đồng thời mang lại hy vọng cho tương lai của đất nước. Trong những thời khắc lịch sử như thế này, chúng ta không thể thờ ơ; lịch sử của Giáo hội dạy chúng ta điều này. Là Kitô Hữu, tình huống này thúc bách chúng ta. Vì lý do này, tôi gửi một lời kêu gọi, đến tất cả mọi người, hãy tăng cường lời cầu nguyện của anh chị em và thực hành chay tịnh. Hãy cầu nguyện và ăn chay, cầu nguyện và sám hối. Đây là thời điểm chúng ta phải làm như vậy. Tôi đang nói một cách nghiêm túc: hãy tăng cường cầu nguyện và thực hành việc chay tịnh, hãy cầu xin Chúa thương xót và tha thứ.

Tôi cũng gần gũi người dân bang Mérida của Venezuela, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và lở đất trong những ngày gần đây. Tôi cầu nguyện cho những người đã khuất và các thành viên trong gia đình của họ và cho những người đang đau khổ vì thảm họa này.

Tôi gửi lời chào thân ái tới các thành viên của Phong trào Laudato Si '. Cảm ơn vì sự dấn thân của anh chị em đối với ngôi nhà chung của chúng ta, đặc biệt là vào Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Sáng tạo và Thời gian sau sáng tạo. Tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo đang trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn bao giờ hết, và những tiếng kêu ấy mời gọi một hành động quyết định và khẩn cấp để biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội.

Tôi chào tất cả anh chị em, những tín hữu Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào nhóm các tập sinh Salêdiêng và cộng đoàn Chủng viện Caltanissetta. Tôi chào các tín hữu từ Zagabria và những người đến từ Veneto; đoàn học sinh, phụ huynh và giáo viên đến từ Litva; các ứng viên Thêm Sức từ Osio Sotto; những người trẻ đến từ Malta đang thực hiện một cuộc hành trình hướng nghiệp, những người đã thực hiện chuyến leo núi của dòng Phanxicô từ Gubbio đến Rôma và những người đang bắt đầu Con đường Ánh sáng với người nghèo trong các ga đường sắt.

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới các tín hữu tập trung tại Thánh địa Oropa để cử hành lễ đăng quang và hình nộm của Đức Mẹ Đen. Xin Đức Mẹ đồng hành với hành trình của dân Chúa trên con đường nên thánh.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Cập nhật tình trạng sức khoẻ của Đức Hồng Y Raymond Burke
Đặng Tự Do
14:43 29/08/2021


Tối thứ Bảy 28 tháng 8, theo giờ địa phương, tức là sáng Chúa Nhật 29 tháng 8 theo giờ Việt Nam, Đức Hồng Y Raymond Burke đã đưa ra một tuyên bố cá nhân trên Twitter, trong đó ngài cảm ơn các bác sĩ, tất cả những người đã cầu nguyện cho ngài, và đặc biệt là cám ơn Chúa “Đấng đã đưa tôi đến thời điểm lành bệnh và phục hồi này.”

Tweet của Đức Hồng Y được đưa ra một tuần sau thông tin cập nhật cuối cùng về tình hình sức khỏe của ngài. Dòng tweet của Đức Hồng Y Burke đã cung cấp một dấu hiệu tích cực khác cho thấy tình trạng của ngài đã được cải thiện kể từ khi ngài phải thở bằng máy thở vào hôm 14 tháng 8 do các biến chứng từ COVID-19. Đức Hồng Y cho biết giờ đây ngài đang trải qua một thời gian “phục hồi tích cực.”

“Tôi đã được chuyển khỏi Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt và được đưa trở lại một phòng bệnh, nơi các bác sĩ, y tá và nhiều nhân viên bệnh viện đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thận trọng, tuyệt vời và tận tụy”, vị Hồng Y 73 tuổi người Mỹ đã tweet như trên.

“Đối với những chuyên gia tận tụy này, tôi xin chân thành cảm ơn, cũng như các linh mục đã mang đến cho tôi các bí tích. Đối với những người đã dâng vô số các chuỗi Mân Côi và cầu nguyện, thắp nến, và dâng Thánh Lễ, tôi xin chân thành cảm tạ, và tôi cầu xin Chúa và Mẹ Ngài ban phước lành cho tất cả anh chị em. Tôi cũng cám ơn các giám mục và linh mục anh em của tôi, những người đã dâng thánh lễ cho tôi hoặc cầu nguyện cho tôi tại bàn thờ.”

“Sự tuôn trào hào phóng của ân sủng này đã gắn kết tôi với anh chị em một cách đặc biệt, vì tôi cũng hiệp nhất cách riêng với tất cả các nạn nhân đang chịu ảnh hưởng của virus COVID-19”

Là một giám mục hàng đầu trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, và được biết đến với việc thẳng thắn bảo vệ đạo lý Công Giáo truyền thống, Đức Hồng Y Burke là cựu lãnh đạo của Tổng giáo phận St. Louis và Giáo phận La Crosse ở bang Wisconsin, quê hương của ngài.

Đức Hồng Y Burke, hiện thường trú tại Rôma, đã nhiễm coronavirus khi đến thăm Wisconsin và được chuyển đến một bệnh viện khi tình trạng của ngài trở nên tồi tệ hơn.

Trong một bản cập nhật trước đó vào ngày 21 tháng 8, Đền thờ Đức Mẹ Gaudalupe ở La Crosse tiết lộ rằng ngài đã nói chuyện với em gái mình qua điện thoại và “bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về nhiều lời cầu nguyện cho ngài.”

Trong dòng tweet của mình hôm thứ Bảy, Đức Hồng Y Burke đã phản ánh về ý nghĩa của phương châm mà ngài đã chọn khi được tấn phong giám mục: “Secundum Cor Tuum” (“Vâng theo Trái tim của Chúa”).

Ngài nói: “Tất cả mọi thứ được sắp đặt trong và qua Thánh ý Chúa đều có nguồn gốc nơi Thánh Tâm Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Động lực cơ bản của Ngài là Tình Yêu Vĩnh Cửu Ngài dành cho Cha Ngài và các con cái của Ngài”.

“Vì Sự Quan Phòng của Thiên Chúa đã quyết định rằng tôi vẫn phải nằm viện cho đến nay, giờ đây tôi tái khẳng định cùng một niềm xác tín khi được tấn phong giám mục: đó là việc sẵn lòng và hết lòng kết hiệp đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô thực sự có hiệu quả trong kế hoạch thánh thiêng của Ngài cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Thánh Phaolô, dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, dạy chúng ta ý nghĩa của sự đau khổ: ‘Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh’(Cl 1:24)”

Đức Hồng Y Burke cho biết trong tweet của mình rằng ngài rất tiếc vì không thể trả lời cá nhân cho từng lá thư, các cú điện thoại và các biểu hiện hỗ trợ khác mà ngài đã nhận được trong thời gian bị bệnh. Ngài cho biết Đền thờ Đức Mẹ Gaudalupe sẽ tiếp tục thay mặt ngài giải quyết các thông tin liên lạc trong quá trình hồi phục của ngài.
Source:Catholic News Agency
 
Căng thẳng giữa Anh Giáo và Công Giáo sau cái chết bi thảm của một linh mục
Đặng Tự Do
20:11 29/08/2021


Giáo hội Anh Giáo đã thừa nhận họ đã mắc sai lầm trong việc giải quyết các cáo buộc không có cơ sở về tội lỗi lạm dụng trẻ em đối với một cựu linh mục Anh giáo, khiến vị này uất ức đến mức đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby bày tỏ “sự hối tiếc và đau buồn sâu sắc” trước cái chết của Cha Alan Griffin và nói rằng Anh Giáo phải chịu trách nhiệm về những thất bại đã “dẫn đến những áp lực vô lý” đối với vị linh mục.

Sau các áp lực của tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, cuối cùng, Cung điện Lambeth, trụ sở của tổng giám mục Canterbury, và giáo phận London của Anh Giáo đã nhìn nhận sai lầm của họ trước báo cáo của các nhân viên điều tra cảnh sát được đưa ra vào tháng trước về cái chết của Cha Griffin. Vị linh mục đã tự tử hồi tháng 11 năm 2020.

Báo cáo của cảnh sát nói rằng Cha Griffin, 76 tuổi, đã tự sát “vì không thể đương đầu với cuộc điều tra về các hành vi của mình, khi mà ngài không hề hay biết gì về các chi tiết và nguồn gốc của những lời tố cáo”.

Báo cáo của cảnh sát nhấn mạnh rằng: “Cha Griffin không lạm dụng trẻ em, không quan hệ tình dục với thanh niên dưới 18 tuổi, không lang chạ với gái mại dâm. Ngài không gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác bằng cách quan hệ tình dục trong khi có nguy cơ lây nhiễm HIV. Và không có bằng chứng cho thấy anh ta đã làm bất kỳ điều gì trong số này. Ngài là một linh mục đồng tính nam dương tính với HIV”.

Nhân viên điều tra, Mary Hassell, cũng cảnh báo rằng nhiều giáo sĩ Anh Giáo sẽ tử vong trừ khi Giáo Hội này có các hành động được thực hiện để cải thiện các quy trình bảo vệ trẻ em.

Cha Griffin đã từng là linh mục Giáo Hội Anh Giáo trước khi bỏ sang Công Giáo vào năm 2012. Các linh mục Anh Giáo quen biết cho rằng Cha Griffin đã quyết định từ bỏ Anh Giáo sau khi phát hiện mình nhiễm HIV, và chuyển sang Công Giáo trong một cố gắng để thoát khỏi một mạng lưới đồng tính đã khiến ngài nhiễm HIV. Tưởng cũng nên nói thêm rằng Anh Giáo chấp nhận các giáo sĩ có quan hệ đồng tính, còn Công Giáo thì không. Giám Mục Gene Robinson của giáo phận Anh Giáo New Hampshire, là một trường hợp điển hình. Ông ta có vợ con đàng hoàng nhưng sau đó ly dị vợ, và công khai sống đồng tính, “làm vợ” cho anh chồng Mark Andrew từ tháng 2 năm 1988. Tháng 6, 2003 ông ta được bầu làm Giám Mục giáo phận Anh Giáo New Hampshire, Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, đã cho Cha Griffin trở lại chức linh mục sau 2 năm thử thách.

Một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng trẻ em đã được giáo phận Anh giáo ở London bắt đầu vào năm 2019 và các khiếu nại đã được chuyển cho các cơ quan bảo vệ trẻ em của Công Giáo.

Trong phản hồi của mình, Cung điện Lambeth của Anh Giáo cho biết: “Chúng tôi chấp nhận rằng những lo ngại được nêu ra đối với Cha Griffin là không có cơ sở, việc thu thập các bằng chứng, xác minh và đánh giá thông tin trước khi có hành động cụ thể đã không xảy ra. Chúng tôi cũng không tìm kiếm các lời khuyên pháp lý nào cả”.

Giáo phận Anh Giáo London nói thêm rằng “Cách thức thông tin được ghi lại và chuyển đến Giáo Hội Công Giáo là một vấn đề gây tiếc nuối sâu sắc cho giáo phận London”.
Source:The Guardian
 
Dhaka: Nữ tu bị tấn công và cướp bóc
Đặng Tự Do
20:11 29/08/2021


Một nữ tu của Dòng Nữ Tu Giáo Lý Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ đã bị một tên trộm tấn công và làm bị thương. Vụ tấn công diễn ra ở Sreeghonti, thuộc giáo phận Rajshahi. Nữ tu Scholastica Jopomala Gomes, đang dạy tại Đại học St. Joseph's Haigh ở Bonpara, chỉ cách tu viện nơi sơ sáu km. Khi sơ bước ra khỏi xe kéo của mình và đang đi bộ dọc đường thì bị một người đàn ông giật túi xách. Sơ cố gắng giằng lại túi xách thì tên trộm đã đấm sơ và bỏ trốn. Trong túi xách có điện thoại di động, đồng hồ và một số tiền.

Cha Joseph Mistri, một linh mục Dòng Tên và là Cha Sở giáo xứ Bhabanipur, báo cáo rằng nữ tu bị thương nặng ở một bên mắt, vì vậy sau khi báo cáo vụ việc với cảnh sát địa phương, sơ đã được chuyển đến Dhaka.

Đức Cha Gervas Rozario, giám mục giáo phận Rajshahi, nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng ngài rất tiếc là vụ việc đã diễn ra: “Tôi nghĩ những gì đã xảy ra rất đáng buồn. Tôi yêu cầu cảnh sát bắt kẻ tấn công để đưa ra trước công lý”.

Có vô số cuộc tấn công chống lại các tín hữu Kitô ở Bangladesh, đặc biệt là chống lại các nhà truyền giáo và các linh mục và nữ tu. Năm 1998, một trường truyền giáo ở thành phố cổ Dhaka đã bị tấn công bởi một nhóm người Hồi giáo muốn chiếm lấy khuôn viên nhà thờ. Năm 2001, ít nhất 10 người Công Giáo thiệt mạng và hơn 50 người bị thương khi một quả bom phát nổ ở giáo xứ Goplagonj.

Vào năm 2015 tại Dinajpur, các thành viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bắn chết nhà truyền giáo PIME người Ý, Cha Piero Parolari, một bác sĩ, là người đã may mắn bình phục. Năm 2018, Sơ Madeline, một nữ tu của hội Dòng Thừa sai Bác ái, đã bị đâm khi đang trở về từ ngân hàng ở Moulovibazar.
Source:Asia News
 
Tokyo: 1,63 triệu liều vắc xin chống Covid của Moderna bị đình chỉ
Đặng Tự Do
20:12 29/08/2021


Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Nhật Bản đã đình chỉ việc tiêm 1.63 triệu liều Moderna sau khi phát hiện có tạp chất trong một số lô thuốc. Bộ Y tế Nhật Bản đã cho biết như trên. Công ty dược phẩm Takeda, chịu trách nhiệm bán và phân phối vắc-xin ở Nhật Bản, không nêu rõ tạp chất này là gì và cho biết họ không nhận được báo cáo nào về vấn đề sức khỏe liên quan đến các lô vắc-xin bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Y tế cho biết ông sẽ làm việc với Takeda để tránh gây ra sự chậm trễ cho kế hoạch vắc xin. Bốn mươi ba phần trăm dân số Nhật Bản đã hoàn thành cả hai liều vắc xin, nhưng các ca bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng do sự lây lan của các biến thể coronavirus.

Ở phần còn lại của châu Á, chỉ có Singapore, Bhutan và Maldives có tỷ lệ cao hơn với 76%, 63% và 55% dân số được tiêm hai liều vắc xin.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến có thể quay trở lại xuất khẩu vắc xin vào năm tới, sau khi đã tiêm chủng cho dân số trưởng thành. “Gần 60 quốc gia hầu như không được tiếp cận với vắc xin và Ấn Độ sẽ có thể cung cấp một phần đáng kể vào năm 2022,” NK Arora, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêm chủng tại Ấn Độ, cho biết hôm 26 tháng 8.

Một bác sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết loại virus này ở Ấn Độ dường như đã đạt đến mức độ bão hòa, tiếng Anh là endemicity. Một căn bệnh trở thành bão hòa khi nó lây lan trên một khu vực mà phần lớn dân số đã miễn dịch với nó. Trong trường hợp này, các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục xảy ra nhưng với tốc độ chậm hơn. Trên thực tế, mức độ lây truyền của coronavirus ở Ấn Độ đã giảm xuống: số ca hàng ngày lên đến 400 nghìn trong tháng 4 đã giảm xuống còn khoảng 25 nghìn trong tuần này.

Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng xuất hiện đợt thứ ba. Với khả năng xuất hiện các biến thể mới, cuộc tranh luận về thời điểm thực sự có thể đạt được giai đoạn bão hòa vẫn còn bỏ ngỏ.
Source:Asia News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phim tàl lìệu giáo xứ Cồn Thoi, giáo phận Phát Diệm
Giáo xứ Cồn Thoi
17:56 29/08/2021
 
Tâm Thư Của Sơ Maria Trần Ngọc Thảo Linh Viết Cho Các Sơ Cùng Lớp Sau Khi Biết Mình Bị Nhiễm Bệnh!
Sr. Maria Thảo Linh
21:48 29/08/2021
Các chị rất thương mến !

Sr Maria Thảo Linh
Có chị từng hỏi em: "Đây là một căn bệnh hiếm, tại sao trong bao nhiêu người, lại là chị?"

Em đã suy nghĩ về câu hỏi này và thấy rằng: Ồ, có lẽ em là người được chọn nhỉ. Như thế thì thật là tốt phải không? Là em thì không phải là những người còn lại: không phải là các chị, không phải là ai đó trong gia đình em, hay là một người nào khác.

Nhìn theo hướng khác, thì căn bệnh này là thánh giá Chúa đã chọn và dành riêng cho em.

Với em, đây là cơ hội để sống ơn gọi Mến Thánh Giá triệt để hơn. Có thánh giá thì mình sẽ dễ dàng "tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Giêsu" hơn, dễ mang lấy tâm tình và ý hướng của Chúa Giêsu khi Ngài chịu thương khó hơn, phải không các chị?



Chưa biết tương lai thế nào, nhưng hiện tại em vẫn tạ ơn Chúa vì bệnh của em chẳng làm em mệt mỏi hay đau đớn gì cả.

Suy nghĩ về sự sống và cái chết, em thấy nó chỉ là tên gọi của hai hình thái sống khác nhau mà thôi. Thực tế thì, chúng ta có bao giờ chết đâu.

Vậy đó, nên em cũng chẳng năn nỉ Chúa cho mình được khỏi bệnh hay được sống lâu.

Nếu bước đi trên một cuộc hành trình, điều người lữ hành mong mỏi nhất là có thể đến đích sớm bao nhiêu có thể. Thì cũng vậy, nếu cái chết đến sớm có lẽ là điều đáng mừng phải không? Tuy cái chết không phải là đích chúng ta nhắm tới, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã gần đích lắm rồi.

Thế nên, em đã nói với Bà Ngân thế này: "Con với Bà cùng chạy nhé, không chừng con sẽ đến đích trước Bà đấy!"

Các chị biết đấy, bây giờ em là một loại cây không ưa ánh nắng mặt trời và có thể chỉ là một loại cây ngắn ngày. Không biết nhà thiết kế cảnh quan của Hội dòng có thể tìm được chỗ nào thích hợp cho loại cây đặc biệt này không nhỉ?

Sr. Maria Thảo Linh

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/
 
Tiễn Bạn Lên Đường
Nt. Maria Goretti Thùy Linh, Dòng Đaminh Tam Hiệp
21:54 29/08/2021
Tiễn Bạn Lên Đường


Bước lên nguyện đường buổi sáng nay
Thấy tà áo phép gió bay bay
Lòng mãi lâng lâng niềm cảm mến
Tiễn bạn lên đường thấy vui thay

Hôm nay bạn lên đường đăng ký vào khóa thiện nguyện đợt 3, tiếp tay với bộ y tế trong tuyến đầu chống dịch. Mình nhớ lại lá thư của một người chị đã gửi cho lớp mình hôm tuyên khấn, trong thư chị viết: “Chị cảm tưởng như thể các Em đang thao luyện để chuẩn bị lên đường “nhập ngũ”. Vì từ nay, các Em chính thức là “người hùng” của Chúa…. Tràn đầy tình yêu, sức mạnh nội tâm và chí khí kiên cường để dám lên đường phục vụ ở bất cứ nơi đâu Chúa và Hội Dòng muốn”[1]

Vậy là bạn đã chính thức “nhập ngũ”, bước đầu tiên trở thành “người hùng” của Chúa. Bạn đã không còn đứng ngoài cuộc nhưng đã nhập cuộc[2]. Bạn lên đường theo tiếng gọi của con tim, thao thức trước nỗi đau của anh chị em đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid và mau mắn đáp lại lời mời của Đức cha Giáo phận Xuân Lộc. Có thể xem đây là chuyến đi hưởng tuần trăng mật của bạn sau hồng ân vĩnh khấn, bởi đi chuyến này bạn sẽ là thời gian bạn trắc nghiệm tình yêu của bạn với Chúa và hiểu thế nào là yêu cho đến cùng, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu nhưng không. Chuyến đi này cũng là dịp để bạn hiểu và cảm được mình là người được yêu.

Suốt một năm hồi tâm vừa qua, chị em mình được bao bọc trong pháo đài an toàn của tu viện, có lẽ bạn cũng như tôi, không thấy được sự tàn phá nặng nề của con virus bé nhỏ này. Nhưng gần đây thôi, khi các thông tin được đăng tải trên mạng truyền thông, chị em mình mới thấy được những nguy hiểm, những mất mát mà con virus vô hình kia mang lại.

Đêm trước ngày lên đường tôi hỏi bạn:

- Đã sẵn sàng chưa, đã cầu nguyện kỹ chưa?

- Rất sẵn sàng, nhiều người đã làm được, mình cũng làm được, nhiều người đã vượt qua, mình cũng sẽ vượt qua, mình không thể ngồi yên được, có cái gì đó cứ thôi thúc mình. Không biết mình có làm được gì không, nhưng mình sẽ cố gắng, ít ra sự hiện diện của mình sẽ giảm bớt nỗi bất an trong lòng anh chị em bệnh.

Thấy tôi còn chút hồ nghi, bạn dõng dạc:

- F1 cần chiến sĩ, F0 cần bác sĩ, F0 +F1 =F10. F10 cần tu sĩ và tu sĩ cần Chúa, có Chúa mình không sợ. Nếu một ngày nào đó mình bị nhiễm thì có lẽ đó là ý Chúa, mình sẽ đón nhận và có cơ hội trải nghiệm và hiểu được một chút đớn đau của Chúa trên đồi Golgotha

Nếu một ngày nào đó… ước mong sẽ không có ngày đó… mong sao lòng can đảm của bạn được Chúa chúc lành, ý thức sự hiện diện của Chúa mỗi phút giây như là điểm tựa cho đức tin của bạn, bạn nhé. Bạn hãy giang tay ra để nắm lấy bàn tay của Chúa và từ đó chuyển trao hơi ấm cũng như sức mạnh từ đôi bàn tay đó đến cho những người đang cần đến bạn. Hãy luôn bám tựa vào Đức Giêsu, Ngài luôn là sức mạnh, là động lực và là nguồn tình yêu cho bạn.

Đêm nay, mây đưa trăng trôi len lỏi vào những kẽ lá xuyên qua đám cây. Ánh trăng dịu dàng soi rõ bóng dáng của hai tâm hồn trước tượng đài Thánh Cả Giuse. Tiếng đọc kinh khe khẽ hòa cùng tiếng gió xào xạc: Cầu cho chuyến đi của bạn được bình an.

Tu viện vắng lặng đưa 2 nữ tu trẻ chìm sâu vào giấc ngủ muộn. Bạn ở tuyền tuyến, mình ở hậu phương, mình sẽ tiếp sức cho bạn bằng lời cầu nguyện, bằng chuỗi Mân côi và những hy sinh nhỏ bé từng ngày. Bạn hãy ra đi để cống hiến cho mọi người sự sống của Đức Kitô[3]. Mong cho cơn dịch mau qua để bạn trở về với cuộc sống bình thường. “Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô…..cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Chúa chọn[4]” Bạn nhé.

Chúc Bạn lên đường bình an. Nguyện xin Chúa, Mẹ Maria, Thánh cả Giuse, Thánh Đa Minh và các Thánh Dòng luôn đồng hành, chở che, nâng đỡ và gìn giữ bạn. Hãy bước đi với những bước thật vững vì nguồn sức mạnh của Bạn đặt ở nơi Chúa.

Nt. Maria Goretti Thùy Linh, Dòng Đaminh Tam Hiệp

Nguồn: daminhtamhiep.net (28.8.2021)
 
Văn Hóa
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo, Con đường Dẫn đến Tự do, tiếp theo
Vũ Văn An
18:52 29/08/2021

Nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa nói đến những ràng buộc mạnh mẽ nhất, tức những ràng buộc do chính tính cách của một con người áp đặt.

Trước hết, có những đặc điểm tâm lý chung cho mọi con người, chẳng hạn như các đam mê, và các khuynh hướng ý chí. Chỉ khi nào chúng ta có thể quan niệm nhận thức như các hoạt vụ thuần luận lý của một chủ thể thuần luận lý, như một loại cơ chế tri thức, luôn hoạt động trơn tru, và có thể được khởi động ngay lập tức trong bất cứ điều kiện nào, thì ta mới có thể coi nó là không bị ảnh hưởng bởi các chức năng tâm lý khác. Nhưng chủ thể của tư tưởng không phải là một chủ thể trừu tượng, luận lý, mà là một con người sống động; tư tưởng là mối liên hệ thực chất một cách quan yếu giữa con người và đối tượng của tư tưởng. Tất cả các hoạt động và trạng thái khác của họ đều tham gia vào chức năng suy nghĩ, chẳng hạn như sự mệt mỏi và năng lực kết hợp đến mức căng thẳng nhất, niềm vui và sự chán nản, thành công và thất bại. Trải nghiệm hàng ngày chứng tỏ rằng năng suất tri thức, hướng suy nghĩ và bản chất kết luận của chúng ta, đều bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày. Các trạng thái tâm lý của chúng ta có thể hỗ trợ, cản trở hoặc ngăn chặn hoàn toàn các hành vi nhận thức, củng cố hoặc làm suy yếu tính thuyết phục của các lập luận. Ham muốn, tình yêu, sự tức giận, khao khát trả thù, lòng biết ơn - bất cứ ai thành thật với bản thân đều phải thừa nhận sức mạnh của một lập luận, bề ngoài có vẻ như hoàn toàn hợp luận lý, nhưng dao động to lớn xiết bao theo tâm trạng trổi vượt lúc ấy của họ hoặc của người đưa ra nó. Ngay cả tuyệt đỉnh của diễn trình nhận thức - bằng chứng, sự chắc chắn chủ quan của một phán đoán, một kết luận, một cấu trúc lý luận - như các bạn có thể thấy, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi ảnh hưởng của các trạng thái tâm lý và môi trường bên ngoài. Đó là một chương kỳ lạ trong nhận thức luận thực tiễn.

Cho đến nay chúng ta chỉ nói về tư duy suy lý. Vẫn còn cả một toàn bộ trật tự các giá trị, phán đoán, tuyên bố về sự thiện và sự ác, hợp pháp và bất hợp pháp, danh dự và bất danh dự, có giá trị, kém giá trị và vô giá trị. Các phán đoán này phụ thuộc lớn lao xiết bao vào sự kiện này là con người hình thành ra các thừa nhận, quý trọng và yêu thích giá trị được đề cập, hoặc bác bỏ, ghét và khinh thường, và vào thái độ chung của họ đối với con người và sự vật; bất kể họ là người dễ tiếp thu hay sống khép kín, đáng tin cậy hay nghi ngờ, có đôi mắt sắc bén hơn đối với điều thiện hay điều ác.

Khi suy nghĩ về tất cả những điều trên, các bạn hẳn sẽ thừa nhận rằng suy nghĩ và cách đánh giá của chúng ta được thấm nhuần một cách sâu sắc bởi ảnh hưởng của các đặc điểm bản thân của một con người, giai đoạn phát triển và kinh nghiệm của họ.

Về điều trên, tôi không có ý nói rằng suy nghĩ và các phán đoán của chúng ta chỉ là sản phẩm của các điều kiện bên trong và bên ngoài của chúng ta; không có ý nói đến việc giản lược suy nghĩ và đánh giá vào các diễn trình tâm lý và xã hội học. Cái nhân của chúng có tính tri thức, nhưng nó lại được gắn chặt vào các diễn trình này. Tư tưởng có một tham chiếu khách quan, và luôn nỗ lực để nhận ra nó một cách tinh ròng hơn, nghĩa là nắm vững sự thật khách quan một cách hoàn hảo hơn. Nó có một nội dung khách quan, là chính sự thật này - và trở nên hoàn hảo hơn khi nội dung này trở nên phong phú và khác biệt hơn. Tuy nhiên, bất chấp điều này, tư tưởng là cuộc sống, và đánh giá là cuộc sống - một mối liên hệ có thực chất sinh tử giữa con người và vật thể. Và mọi sự ảnh hưởng đến con người hoặc đối tượng đó đều có vai trò của nó trong diễn trình này.



Điều gì sẽ giải thoát chúng ta khỏi cảnh giam cầm trên? Chắc chắn nhất không phải là triết học; không phải việc tự đào tạo, không phải văn hóa. Con người chỉ có thể được giải phóng bởi một sức mạnh có thể mở mắt để họ nhìn thấy sự lệ thuộc nội tâm của chính họ và nâng họ lên trên nó, một sức mạnh có thể nói từ cõi vĩnh cửu, ở ngay trung tâm của nó, độc lập đối với tất cả các trở ngại này. Nó phải nhất quyết đề cao để con người thấy các chân lý tối hậu, bức tranh hoàn hảo cuối cùng, và các tiêu chuẩn giá trị sâu sắc nhất, và không được để bản thân nó bị dẫn lạc đường bởi bất cứ đam mê nào, bất cứ biến động nào của tình cảm, hoặc bởi bất cứ sự lừa dối nào của việc tìm kiếm bản thân.

Quyền lực đó chính là Giáo hội. Trái ngược với linh hồn cá nhân, Giáo hội có thể dễ dàng tạo ấn tượng lạnh lùng và cứng ngắc. Nhưng với con người đã nắm bắt được bản chất của Giáo hội, Giáo hội trở thành sự sống tinh ròng. Chắc chắn đó là một sự sống quá dư dả đến nỗi con người yếu đuối, dễ nổi giận ngày nay không thể dễ dàng trải nghiệm được. Giáo hội khai quang con đường dẫn đến tự do thông qua các trở ngại của môi trường và tâm lý cá nhân. Bất chấp tất cả những khuyết điểm của mình, Giáo hội chỉ cho con người thấy sự thật được nhìn trong chính yếu tính của nó, và một hình ảnh thuần khiết của sự hoàn hảo được thích ứng với bản chất của họ.

Do đó họ có thể thoát khỏi sự trói buộc bản thân của họ.

* * * * *

Một lần nữa chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn, và cuối cùng chúng ta sẽ đi đến kết luận của chúng ta.

Chúng ta đã nói đến khuôn mẫu bên trong chứa đựng trong mỗi nhân cách cá nhân quyết định ra tính chất độc đáo của nó. Cá nhân không phải là một hữu thể nhân bản nói chung, nhưng mang một dấu ấn đặc biệt đối với chính họ. Họ là hiện thân của một hình thức nhân đức khác biệt nhờ đó họ thể hiện một bản chất con người theo một cách đặc biệt. Đó là lý tưởng hữu cơ và quy luật căn bản của toàn bộ hữu thể và hoạt động của họ. Nó được phát biểu trong tất cả mọi điều họ đang là hoặc đang làm; nó xác định tư thái và thái độ bên ngoài của họ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cá nhân - chúng ta sẽ trở lại điểm này sau – là thừa nhận hình thức cá nhân này, đem nó ra, thấy những hạn chế của nó, và đặt nó vào mối liên hệ phải có đối với thế giới nói chung. Sức mạnh của cá nhân hệ ở phẩm chất độc đáo này. Nó đại diện cho những gì Thiên Chúa muốn họ trở thành, tức sứ mệnh và nhiệm vụ của họ. Nhưng đồng thời nó cũng là nguồn gốc các yếu đuối của họ.

Trước tiên, các bạn hãy xem xét các kiểu tinh thần tổng quát hơn vốn phân loại con người thành các nhóm khác biệt, nghĩa là, những kiểu cá tính căn bản. Tư tưởng được chúng xác định, cách trong đó sự vật được quan sát, ý chí và cảm xúc, và thái độ đối với bản thân, con người, thế giới và Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ phác thảo một điển hình của các loại tính cách này, mặc dù chỉ trong nét phác thảo tổng quát. Chúng ta sẽ gọi nó là loại tổng hợp. Người thuộc loại này quan tâm đến sự tương đồng và kết hợp. Điều này đã hiển hiện trong bản chất của chính họ. Ở đó, tư tưởng, ý chí, hoạt động và cảm xúc có xu hướng nghiêng mạnh về sự thống nhất và tạo ra một sự hài hòa toàn diện. Một người như vậy nhanh chóng tiếp xúc với mọi sự vật, và có thể dễ dàng chuyển từ sự vật này sang sự vật nọ. Trong các đối tượng, họ nhìn thấy trước hết các tương đồng của chúng, các dây liên kết và nhiều hoán chuyển giữa chúng với nhau. Họ ý thức rõ ràng sự thống nhất của chúng, và nếu họ tự kiềm chế đuợc tính khí bẩm sinh của mình, họ sẽ đạt tới một tính nhất nguyên nào đó, nghĩa là, một quan niệm về vũ trụ hoàn toàn dựa trên xu hướng tương đồng và thống nhất vốn bao trùm thực tại. Tất nhiên, họ nhận thức được các khác biệt giữa các sự vật, nhưng coi chúng có tầm quan trọng thứ yếu và sẵn sàng đẩy chúng ngày càng sâu vào hậu trường và giải thích chúng chỉ như các giai đoạn phát triển, các hình thức chuyển tiếp và các cách thế của một sự thống nhất vĩ đại. Thậm chí, từ từ, họ còn biến đổi mối liên hệ giữa Thiên Chúa và vũ trụ thành một thể thống nhất, và coi Người đơn giản là Năng lực đang hoạt động trong mọi sự vật, duy trì và làm chúng sinh động. Và sự thực hành của họ sẽ tương ứng với suy nghĩ của họ. Thái độ căn bản của họ sẽ là thái độ hòa giải trừ khi, thực vậy, do kết quả của quy luật tâm lý nước đôi [ambivalence], họ khai triển một sự đối kháng cuồng nhiệt đối với các đối tượng bên ngoài, một đối kháng, tuy nhiên, về căn bản được xác định bởi cảm thức quen thuộc với chúng. Trong mọi lĩnh vực, họ đều tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Họ giải thích cái ác là do những điều không hoàn hảo ngẫu nhiên, hoặc là một bước cần thiết trong sự phát triển của cái thiện. Vì vậy, trong thực hành và lý thuyết, họ là một người theo chủ nghĩa nhất nguyên [monism], mặc dù chủ nghĩa nhất nguyên của họ có thể mang màu sắc duy lý, bất kể là thẩm mỹ hoặc tôn giáo.

Một người thuộc loại trên chứng minh và bác bỏ, mà không ý thức được mức độ họ nằm trong sức mạnh của thiên hướng[disposition] nơi chính mình. Họ kiên trì lựa chọn từ thực tế những đặc điểm phù hợp với bản chất của mình, và bỏ qua hoặc bóp méo những đặc điểm trái ngược với nó. Cuối cùng, toàn bộ quan điểm của họ về thế giới là một nỗ lực để thiết lập sở thích bản thân của họ bằng các bằng chứng thuần lý.

Tính khí trái ngược có thể tự phát biểu tương tự như thế. Nó phát sinh ra thái độ phê phán một cách căn bản mà trong bất cứ lĩnh vực nào cũng lưu ý những điểm không giống nhau trong quá khứ và hiện tại, những gì phân biệt đối tượng này với đối tượng nọ, các giới hạn và ranh giới phân chia của chúng. Đối với những người thuộc loại này, thế giới bị phân hủy thành các đơn vị cô lập. Các đặc tính khác biệt của các đối tượng nổi bật cạnh nhau; các cách phân loại do suy nghĩ thực hiện không được nối kết với cảm giác và ham muốn. Sự phân biệt giữa những gì hiện là và những gì phải là, giữa bổn phận và quyền lợi, và các lựa chọn luân lý nổi bật là cứng ngắc và không lay chuyển được. Các xung đột, việc quyết định giữa các lựa chọn thay thế, có tính phổ quát.

Nếu loại người trên theo xu hướng của họ đến cùng, họ sẽ trở thành nô dịch. Họ cũng lựa chọn, đánh giá và đo lường phù hợp với "tâm trí riêng của mình" và xác tín rằng kết quả là sự thật khách quan. Khi các diễn trình tri thức của một tâm trí bị chi phối bởi giai đoạn của nó được liệt kê dưới ánh sáng các tiền đề tâm lý của chúng, thì hậu quả sẽ tàn hại một cách đặc biệt. Một loạt các khẳng định, chuỗi lý luận và hệ thống đánh giá, bề ngoài hoàn toàn hợp lý, có chứng minh nhưng là biểu thức khá che đậy của một tính khí tâm lý đặc thù. Một trong những điển hình nổi bật nhất của điều này là Kant. Các trước tác của ông khai triển một hệ thống tư tưởng, mới nhìn, hoàn toàn khách quan đúng như quan niệm. Nhưng cùng một lúc chúng bộc lộ nhân cách thân thiết nhất của tác giả. Đối với chúng ta, những người có não trạng hoàn toàn khác, khía cạnh vừa nói này nổi bật rõ ràng, giống như trước tác nguyên bản của một bản da cừu [palimpsest] đã được phục hồi, và chúng ta không thể hiểu làm thế nào một nền triết học phần lớn là việc tự phát biểu về mình của một thiên tài lại có thể bị hiểu lầm với việc khám phá ra bản chất căn bản của thực tại khách quan. Nhưng trừ khi một số nguồn chân lý cao hơn bảo vệ chúng ta trước mối nguy hiểm, chúng ta chắc chắn sẽ phải tin tưởng vào một bậc thầy nào khác, người công bố như sự thật khách quan điều chỉ là biểu thức của tâm trí ông, hoặc công thức hóa như một sự thật nghiêm túc, và với một màn lý luận tuyệt vời, các vấn đề mà chúng ta đã nghĩ ra để nói lên thái độ bản thân của chúng ta đối với cuộc sống.

Quay lại hai loại chúng ta đã mô tả ở trên - không loại nào tự do cả. Đầu tiên và quan trọng nhất, cả hai đều là các nô lệ như những con người, như một loại hình nhân bản. Vì trong mỗi hữu thể nhân bản, song song với não trạng chủ yếu của họ, hiện hữu một não trạng đối lập với nó. Do đó, loại tâm trí tổng hợp cũng có khả năng phê phán, và loại tâm trí phê phán không thiếu khả năng tổng hợp. Nhưng trong mỗi trường hợp, thiên hướng bổ sung yếu hơn; não trạng có được đặc tính của nó từ khuynh hướng chủ yếu. Nhưng mọi sinh vật đều phải tuân theo một quy luật mà chúng ta có thể gọi là cơ cấu tổ chức [economy] vũ lực. Nó có xu hướng sử dụng những cơ quan được phát triển đặc biệt, đến nỗi, phần còn lại ngày càng bị hao mòn đi. Mỗi loại, do đó, nên phát triển khía cạnh bổ sung của nó với tối đa tiềm năng của nó. Chỉ bằng cách cân bằng lẫn nhau này, nó sẽ đạt được sự phát triển hoàn chỉnh và hài hòa. Nhưng người nào loay hoay với chính mình sẽ chỉ phát triển một chiều. Đặc điểm nổi bật của cơ cấu tâm lý bên trong của họ ngày càng tự khẳng định và đẩy phần còn lại vào hậu trường. Quá phát triển theo một hướng, họ sẽ bị còi cọc theo hướng khác. Tuy nhiên, một bản chất như vậy là một bản chất nô lệ, vì chỉ hữu thể nào đã phát triển mọi khả năng bẩm sinh của nó một cách tự do và hài hòa, mới tự do thực sự.

Hơn nữa, một người mà sự phát triển của họ chỉ có một chiều thì không tự do trong mối liên hệ với môi trường của họ. Đối với sự phong phú dư dật của thực tại cụ thể của nó, họ chỉ có thể nhìn thấy một khía cạnh - khía cạnh được thích ứng với tính khí đặc thù của họ, và đối với khía cạnh này, các sức mạnh mà họ đã phát huy một cách đặc biệt đã mang lại cho họ một tầm nhìn và sự hiểu biết sắc bén đặc biệt. Do đó, họ bị nó giam hãm, và không còn khả năng nhìn toàn diện thực tại.

Những người như vậy không sống với bản chất trọn vẹn của họ, cũng không phù hợp với ý niệm nhân cách của họ, một ý niệm bất kể điểm nhấn đặc thù của nó là gì, luôn là một toàn diện, mà chỉ đơn thuần phù hợp với một mảnh bản ngã đích thực của họ mà thôi. Và cuộc sống của họ không tiếp xúc với các vật thể như những toàn diện cụ thể, mà chỉ đơn thuần tiếp xúc với các chọn lọc giả tạo từ chúng mà thôi. Tuy nhiên, mỗi người, do một ảo tưởng độc đáo, vẫn cho rằng mình hoàn toàn và thái độ của mình là đúng đắn, thế giới nghèo nàn và bị cắt xén của họ là thế giới tự do đầy thực tại của Thiên Chúa.

Có những kiểu và những cách tương ứng khác để nhìn thế giới. Mỗi người là một sức mạnh, mỗi người mỗi cách dẫn đến một quan điểm khác biệt. Nhưng mỗi người cũng là một cái lưới làm rối rắm người thả nó. Các loại người khác nhau trộn lẫn và mức độ kết hợp của họ cũng khác nhau. Năng lực, sự ấm áp và sự phong phú của họ khác nhau. Phải thêm vào các đặc điểm này các đặc điểm quốc gia, địa phương và nghề nghiệp, và các đặc điểm bắt nguồn từ di truyền hoặc môi trường. Và cuối cùng, có những tính chất bí ẩn có thể nói đã tạo nên màu sắc, phong cách riêng hoặc cách cư xử của cá nhân, một điều hoàn toàn độc đáo chỉ thuộc về một cá nhân duy nhất mà thôi. Tất cả những điều này hòa quyện với kiểu căn bản của họ và cổ vũ sự phát triển độc lập của nó.

Ngoài ra, các bạn hãy nhớ rằng bản năng tự bảo tồn, tự yêu bản thân và cảm thức danh dự, nuôi dưỡng thiên hướng chủ yếu của một con người, mọi trải nghiệm bản thân của họ đều được nhìn dưới ánh sáng của nó và được điều chỉnh theo nó. Bây giờ các bạn sẽ có thể đo lường sức mạnh của nó.

Vậy thì làm thế nào để một con người bị giam hãm trong thiên hướng của họ như thế có thể được tự do?

Họ phải thừa nhận, và trong cốt lõi hữu thể của họ, rằng thực tại bao gồm tất cả các khía cạnh có thể có của nó, nó toàn diện. Họ phải nhận ra rằng thực tại này chỉ có thể được nắm bắt bởi một chủ thể toàn diện ngang nhau trong nhận thức của họ, trong các đánh giá và hành động của họ; và chính họ không sở hữu tính toàn diện này, mà là rời rạc, chỉ nhận ra một khả thể của bản chất con người trong số rất nhiều khả thể khác. Họ phải thừa nhận các sai sót mà tính một chiều này tạo ra, và chúng thu hẹp tầm nhìn và bóp méo sự phán đoán ra sao.

Họ thực sự phải hoàn toàn chấp nhận thiên hướng đặc biệt của mình, vì bản chất của họ và công việc của họ dựa vào đó. Nhưng họ cũng phải làm cho nó phù hợp với toàn bộ sơ đồ của sự vật. Họ phải điều chỉnh tầm nhìn của họ về thế giới bằng nhận thức của người khác, bổ túc các hiểu biết thông sáng của mình bằng những hiểu biết thông sáng của những người khác, và do đó vượt qua chính mình vươn tới toàn bộ thực tại; và điều này không chỉ trong nhận thức của họ, mà còn trong các phán đoán của họ về giá trị và ứng xử thực tế.

Điều đó có nghĩa là, họ không nên xóa bỏ cá tính [character] đặc biệt của mình và cố gắng biến cuộc sống của mình thành một thứ chắp vá chỉ được khâu ở bên ngoài mà thôi. Cá tính đặc biệt của họ luôn phải là nền tảng. Nhưng cá tính phải trở thành ơn gọi, một sứ mệnh phải hoàn thành một công việc đặc thù, nhưng trong một toàn thể hữu cơ và trong mối liên hệ sống còn với nó. Khi đó, tính cách một chiều sẽ trở thành sự phân biệt sinh ích, sự trói buộc được thay thế bằng sứ mệnh tự do và có ý thức, sự tự khẳng định cố chấp bằng sự khẳng định kiên định trong toàn thể mà họ thừa nhận là nơi chốn họ được chỉ định.

Bất cứ ai thành thật thực hiện nhiệm vụ này đều nhanh chóng nhận ra rằng họ không thể tự mình hoàn thành nó. Đó là thời điểm quyết định. Liệu họ có từ bỏ nỗ lực không? Liệu họ có thuận theo điều bất khả không? Liệu họ có trở thành một kẻ hoài nghi? Hay họ sẽ cao ngạo cố gắng làm cho sự bất lực bên trong của họ trở thành có thể dung túng được bằng cách tuyên bố đó là thái độ đúng đắn duy nhất? Trong cả hai trường hợp, họ vẫn là nô lệ của những ràng buộc bên trong của chính họ, là một người Philistine theo nghĩa sâu xa nhất, dù ngôn ngữ mà họ tuyên bố về thân phận mình có hùng hồn bao nhiêu đi chăng nữa. Hoặc cách khác, quyết tâm của họ trong việc chiếm hữu chân lý, thực tại, toàn thể, sẵn sàng chấp nhận hy sinh mà chỉ có nó mới mở đường, sẵn sàng "mất linh hồn mình để cứu lấy nó". Nếu đây là thiên hướng của họ, họ sẽ cảm nghiệm được Giáo hội như con đường dẫn đến tự do.

Về bản chất của mình, Giáo hội vượt ra ngoài và vượt trên những ràng buộc này, và ai "phó thác linh hồn mình cho Giáo hội, sẽ giành lại nó trong Giáo hội", nhưng được tự do, giải thoát khỏi sự chật hẹp nguyên thủy, được tự do đối với thực tại như một toàn thể.



Giáo Hội là toàn bộ thực tại, được toàn thể con người nhìn, đánh giá và cảm nghiệm. Giáo hội cùng chiếm một không gian [co-extensive] với hữu thể như một toàn thể, và bao gồm cả điều lớn lẫn điều nhỏ, chiều sâu lẫn bề mặt, điều cao siêu lẫn điều tầm thường, sức mạnh lẫn bất lực, điều phi thường lẫn điều thông thường, hòa hợp lẫn bất hòa. Tất cả các giá trị của nó đều được biết, được thừa nhận, được đánh giá cao và được cảm nghiệm theo mức độ của chúng và điều này không phải từ quan điểm về bất cứ loại hình hoặc nhóm đặc thù nào, mà là về nhân loại như một toàn thể.

Toàn bộ thực tại, được cảm nghiệm và quán triệt bởi toàn thể nhân loại - mà, theo quan điểm hiện tại của chúng ta, là chính Giáo hội.

Các vấn đề mà chúng ta đang phải đối đầu ở đây liên quan đến cảm nghiệm nói chung. Không một phần nào của nó có thể bị tách rời khỏi toàn bộ. Mọi câu hỏi từng phần chỉ có thể được hình dung một cách chính xác từ quan điểm về toàn bộ, và toàn bộ chỉ có thể hình dung dưới ánh sáng kinh nghiệm bản thân trọn vẹn. Tuy nhiên, đối với điều này, cần phải có một chủ thể vốn là một toàn thể, và đó là Giáo hội. Giáo hội là sinh vật sống động duy nhất không phải một chiều trong bản chất yếu tính của nó. Lịch sử lâu đời của Giáo Hội đã khiến Giáo Hội trở thành kho lưu trữ toàn bộ kinh nghiệm của nhân loại. Bởi vì Giáo hội quá vĩ đại đến không thể chỉ có tính quốc gia, đời sống của Giáo hội bao trùm toàn bộ nhân loại. Trong Giáo Hội, người của các chủng tộc, lứa tuổi và cá tính khác nhau suy nghĩ và sống. Mọi giai cấp xã hội, mọi ngành nghề và mọi tài năng bản thân đều góp phần vào viễn kiến của Giáo hội đối với toàn bộ sự thật, đối với cái hiểu biết đúng đắn của Giáo hội đối với cơ cấu của cuộc sống con người. Mọi giai đoạn của sự hoàn thiện luân lý và tôn giáo đều được thể hiện trong Giáo hội tới chóp đỉnh thánh thiện. Và tất cả cuộc sống viên mãn này đã được hun đúc thành truyền thống, trở thành một thể thống nhất hữu cơ. Các điểm hời hợt phải phụ thuộc vào những thực tại sâu sắc hơn; các giá trị trung gian được coi trọng hơn các giá trị nhỏ nhặt và phụ thuộc. Các vấn đề căn bản thuộc thái độ của con người đối với cuộc sống vốn là sự suy gẫm từ nhiều thế kỷ nay; đến nỗi toàn bộ lĩnh vực trải nghiệm của con người đã được bàn tới và giải pháp cho các vấn đề của nó đã được cân nhắc cẩn thận. Các định chế hẳn phải đã được duy trì qua những thăng trầm của thời gian và nền văn minh, nên đã đạt đến sự hoàn thiện cổ điển. Do đó, từ ngay một quan điểm hoàn toàn tự nhiên, Giáo hội đã đại diện cho một cơ cấu hữu cơ biết nhận thức, đánh giá và sống, mạnh mẽ nhất. Vào điều này, chúng ta phải thêm khía cạnh siêu nhiên của Giáo hội nữa. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội, luôn nâng cao Giáo Hội lên trên các giới hạn của con người đơn thuần. Người ta nói về Người rằng Người "tìm tòi mọi sự." Chỉ có mình Người là Thần trí kỷ luật và sự sống dồi dào. "Mọi sự đã được ban” cho Người. Người là sự soi sáng và Tình yêu. Người đánh thức tình yêu, và chỉ có tình yêu mới nhìn mọi sự như chúng vốn là. Người "sắp đặt đức ái cách trật tự" và làm cho nó trở thành sự thật với tầm nhìn rõ ràng về Chúa Kitô và Vương quốc của Người. Người làm cho chúng ta "nói sự thật trong tình yêu". Do đó, Giáo hội có quyền tối thượng trên con người và trên thế giới, và có thể thực thi công lý trọn vẹn cho cả hai.

Tín điều được mạc khải và sự thật siêu nhiên ràng buộc sự thuận ý của chúng ta, là biểu thức sống động của cơ thể sống này. Toàn bộ chân lý tôn giáo mà nó ghi lại được một người trọn vẹn xem xét. Và nó xác định ra thái độ đối với chân lý của người Công Giáo cá thể.

Và hình thức tôn giáo trong đó toàn bộ con người bước vào cuộc hiệp thông siêu nhiên với Thiên Chúa – tức phụng vụ - là một biểu thức sống động khác của cơ thể sống này. Nó xác định ra thái độ Công Giáo đối với tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ hơn.

Cuối cùng, kỷ luật và hiến pháp của Giáo hội - luật luân lý và lý tưởng hoàn thiện của Giáo hội – cũng là một biểu thức sống động khác của cơ thể này. Chúng xác định ra thái độ Công Giáo đối với đạo đức.

Giáo hội đề cao cho con người chân lý này, thang giá trị này, và lý tưởng hoàn thiện này; và không chỉ đơn thuần là khả hữu hoặc đáng khuyến khích, mà là bắt buộc. Giáo Hội kêu gọi con người vượt lên trên sự hẹp hòi của họ và lớn lên tới sự thật hoàn chỉnh, lý tưởng toàn diện và quy luật phổ quát này của cuộc sống. Giáo hội ra lệnh điều này, và không vâng lời là tội lỗi. Chỉ như vậy, lời yêu cầu mới có đủ sức nặng để cân bằng với lòng ích kỷ của con người, với việc tự khẳng định cường điệu và gan lì của nó.

Nếu con người vâng theo và chấp nhận sự hy sinh căn bản là phó thác bản thân và tín thác vào Giáo hội; nếu họ mở rộng ý nghĩ của họ tới phạm vi phổ quát của tín điều Công Giáo, làm phong phú thêm tình cảm và đời sống tôn giáo của họ bằng lời cầu nguyện phong phú của Giáo hội, cố gắng làm cho hành vi của họ phù hợp với khuôn mẫu hoàn hảo cao cả, một khuôn mẫu, hơn nữa, lên khuôn đời sống tinh thần riêng tư được trình bày bởi cuộc sống chung và hiến pháp của Giáo hội, lúc ấy, họ lớn lên trong tự do. Họ lớn lên thành toàn thể, tuy không từ bỏ những gì riêng biệt của riêng họ. Ngược lại, lần đầu tiên, họ thấy rõ cá tính của mình khi nó đối diện với mọi khả thể khác của con người được tìm thấy trong Giáo hội. Họ thấy ý nghĩa đích thực của việc làm một thành viên của toàn thể. Họ tri nhận việc đó như là một ơn gọi, một nhiệm vụ do Thiên Chúa ban bố, một sự đóng góp được làm cho khả hữu nhờ tính cách độc đáo của họ như một cá nhân, điều mà họ phải thực hiện hướng tới nhiệm vụ chung vĩ đại là sống và sản xuất.

Như thế, con người phát triển thành một nhân cách. Nó bắt nguồn từ tính cá nhân của họ, nhưng về căn bản liên quan đến toàn thể. Nó bao gồm một quan điểm cá nhân, hệ quả của tính độc đáo của nó, nhưng quan điểm cá nhân này hài hòa ở mọi điểm với quan điểm của những người khác vì nó không bao giờ xa rời toàn thể. Nó cũng bao gồm một quyết tâm hân hoan thể hiện chính bản chất của nó, nhưng trong khuôn khổ của toàn bộ cơ thể. Như thế, quan điểm của nhân cách chân chính có tính toàn diện và thừa nhận các quan điểm của người khác. Họ trực quan hiểu ý nghĩa của chúng, và xem ơn gọi của mình trong mối liên hệ với toàn thể. Một người như vậy sẽ không tỏ bầy sự thù hận ngay lập tức đối với một nhân cách thuộc loại khác với loại của mình, như một loài động vật này thù địch với một loài động vật kia. Ngược lại, họ sẽ phối hợp cả hai trong sự thống nhất cao hơn mà cả hai đều thuộc về, trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, trong đó mỗi người bổ túc cho người kia. Họ chứng tỏ sức mạnh chấp nhận lớn lao là biết dành chỗ cho những loại khác, và do đó có khả năng chia sẻ cuộc sống của họ. Như thế, sự phong phú của họ tăng lên, vì những gì thuộc về người khác cũng là của họ.

Tôi chú ý đến một câu nói của Thánh Phaolô, trong đó ý thức của người Kitô hữu về sự tự do tối cao này của toàn thể con người mình tìm được một cách phát biểu nổi bật: "Con người tâm linh phán xét mọi sự; và bản thân họ không bị ai phán xét" (1 Cr 2: 15.) Kitô hữu chân chính có quyền tự chủ tối cao. Họ sở hữu một sự uy nghi và một sự tự do giúp họ không bị lệ thuộc bất cứ quyền tài phán nào của người không tin. Về nguyên tắc, họ không thể chịu sự phán xét của người không tin, vì người không tin không thể buộc Kitô hữu tập chú vào lãnh vực viễn kiến của mình. Ngược lại, tầm nhìn của Kitô hữu bao trùm "vạn vật", và tiêu chuẩn của họ là tuyệt đối. Ý thức nghèo nàn về tính Công Giáo của chúng ta xa vời biết bao so với thái độ của Thánh Phaolô, trong đó sự khiêm nhường hoàn hảo - tất cả các Thư tín của ngài đều tiết lộ điều đó - được kết hợp với kiến thức mà ngài sở hữu, không phải là một quan điểm giữa những quan điểm khác, nhưng là quan điểm độc đáo và tuyệt đối; lòng khiêm tốn chân chính kết hợp với ý thức cao siêu về ưu thế tuyệt đối và hoàn hảo.

Đó là ý nghĩa của câu "sentire cum Ecclesia" [cảm thức với Giáo Hội] - con đường từ một chiều đến hoàn thiện, từ trói buộc đến tự do, từ cá tính đơn thuần trở thành nhân cách.

Con người thực sự tự do theo tỷ lệ thuận với việc là người Công Giáo. Nhưng họ là Công Giáo bao lâu họ sống, không phải trong giới hạn chật hẹp của hiện hữu hoàn toàn cá nhân và tách biệt của họ, nhưng trong sự viên mãn và toàn diện của Giáo hội, nghĩa là, bao lâu họ trở nên đồng nhất với "Giáo Hội".

Ghi chú

1. Tôi không nghĩ rằng tôi đang cường điệu vụ việc. Khi hướng về Giáo Hội ngày nay, những người đàn ông đàn bà đông đảo đang tìm kiếm điều gì khác trong Giáo Hội? Chắc chắn, một số người có thể bị ảnh hưởng bởi tính đài các lãng mạn, những người khác, bởi lòng mong muốn tìm được một điều gì đó vững chắc ở một nơi nào đó, mà không có bất cứ xác tín chân chính nào rằng ở đây, và chỉ ở đây, mới tìm thấy sự thật; và thời thượng cũng đóng một phần của nó, giống như mối quan tâm đối với Phật giáo hoặc các nền văn hóa bán khai. Không thể phủ nhận điều này. Nhưng không phải chỉ có thế. Chúng ta có thể phát hiện ra kỳ vọng cho rằng trong đạo Công Giáo, thể Thiết yếu – thể Vĩnh cửu, thể Tuyệt đối – sẽ được công nhận đúng mức. Con người thời nay mong đợi tìm thấy một lòng đạo đức đáng kể trong Giáo hội, không phụ thuộc vào thời gian, nơi chốn hay thời thượng, thực tại – kể cả hiện hữu lẫn hành vi - trong mọi bộ phận của cuộc sống. Và sẽ là một sự thất vọng cay đắng mà tất cả chúng ta sẽ cùng chịu trách nhiệm, nếu sự kỳ vọng này không được thể hiện, không phải bởi Giáo hội, mà bởi các thành viên của Giáo hội.

2. Julius Langbehn, 1851-1907. Ông trở nên nổi tiếng nhờ cuốn sách "Rembrandt als Erzieher" xuất bản năm 1890. Tác phẩm này là một tác phẩm phê phán nền văn hóa trước chiến tranh của Đức, mà Langbehn cho là đang hướng tới thảm họa. Đồng thời, nó trình bầy niềm tin của ông về sự quá độ từ "thời đại giấy" qua "thời đại nghệ thuật" mới, sẽ được tạo ra nhờ các lực lượng chính vốn có trong dân tộc Đức. Langbehn được tiếp nhận vào Giáo Hội năm 1900 (Ghi chú của người dịch).

Kỳ tới: Cộng đồng
 
Có Bao Giờ Chết Đâu
Sơn Ca Linh
21:14 29/08/2021
Chút cảm nhận về “Bức Tâm Thư” của sr. Maria Thảo Linh; trong đó có câu “Chúng ta có bao giờ chết đâu”
sr. Thảo Linh đã chết vì tình nguyện đi phục vụ người bệnh Covid


Sr. Maria Thảo Linh
Trong những ngày nầy ai cũng sợ chết,
Ai cũng thẫn thờ, héo hắt, hoang mang…
Người ta chẳng cần lo,
Chẳng cần biết địa ngục hay thiên đàng,
Chỉ mong sao,
Đừng có tên trong danh sách “Tử thần vẫy gọi” !

Em liều thật !
Chỉ riêng em, “bẻ nạng chống trời” khi dám nói:
“Thực tế mà, chúng ta có bao giờ chết đâu !”.
Và rồi ra đi, để thương, để nhớ, để u sầu,
Nhưng trên hết,
Để lại chứng từ của một người “không sợ chết” !

Em liều thật,
Thánh Phaolô nói: “mọi người đều phải chết” (Rm 5,15),
Thánh Gióp xin: “được chết ngay khi mở mắt chào đời…” (G 3,15);
Cụ già Simêon: “xin bây giờ được ra đi thảnh thơi” (Lc 2,29)…
Chỉ có em: “Chết, sống: hai hình thức của cùng một cuộc sống” (Tâm thư).

Em đâu phải triết gia lạnh lùng ảo vọng,
Em đâu là thần học gia bay lượn trên mây.
Em chỉ là nữ tu,
Với 32 xuân xanh mộng ước vơi đầy,
Một thiếu nữ hồn nhiên đang căng tràn nhựa sống !

Thì ra với em,
Sống hay chết, trong một mối tình yêu cao rộng,
Trong vòng tay Cha hay trong rạng rỡ Thần Linh.
Khi bước vào đời
là bắt đầu cuộc hành lữ tiến về cõi vô biên,
mà đích điểm:
là “Nhà Cha” hay “Vương quốc Nước trời vĩnh cửu”.

Phải chăng,
Vì em đã tin một “Con Người kỳ diệu” !
Vì em đã chọn theo,
Một “Đấng đã sống đã chết, đã sống lại, vì tình yêu”.
Đã vác thập giá, bị đóng đinh, trút hơi thở… một chiều,
Đã sống lại, vinh quang và bây giờ đang hiện diện !

Chỉ có con đường đó,
Đường thập giá em đi hay cuộc đời dâng hiến,
Dẫu chông gai, sỏi đá… vẫn toả ngát hương thơm.
Dẫu buồn đau, bệnh hoạn, vất vả, cô đơn…
Vẫn xác tin: “Chúng ta có bao giờ chết đâu”,
Cảm ơn em, người nữ tu,
Đã để lại một “di chúc tinh thần” tuyệt mỹ !

Sơn Ca Linh (30.8.2021)
 
VietCatholic TV
Bi hùng: Đội Sách Thánh chạy trốn Taliban. GH lên án trò khám trinh tiết phụ nữ của Quân đội Indo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:57 29/08/2021


1. Thánh kinh của đạo Sikh cũng được di tản khỏi Kabul

Ngoài các tín hữu, ba cuốn sách thiêng liêng có giá trị tinh thần lớn đã được sơ tán khỏi Afghanistan theo một nghi lễ long trọng.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, một cảnh bi hùng vừa diễn ra trên các đường băng của sân bay quốc tế Kabul. Giữa những cảnh người dân chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi nó rơi vào tay Taliban, giữa những tiếng súng nổ đinh tai nhức óc, nổi bật nhất là cảnh 3 người theo đạo Sikh Ấn Độ đi chân trần trên đường băng của sân bay Kabul với 3 chiếc vali trên đầu chứa nhiều bản sao của Kinh Granth Sahib, mà đối với người theo đạo Sikh là linh thiêng nhất. Đó là thánh kinh của đạo này.

Những cuốn sách quý đã được cất cánh hôm qua trên một chiếc máy bay của Không quân Ấn Độ cùng với những người Afghanistan theo Ấn Giáo và theo đạo Sikh. Máy bay đã hạ cánh xuống New Delhi, và được một bộ trưởng chính phủ chào đón long trọng.

Guru Granth Sahib là một bộ sưu tập các bài thánh ca được viết bởi mười đạo sư của đạo Sikh; Nó gồm khoảng 1,430 trang được chia thành 31 chương, gọi là ragas. Theo niềm tin của người Sikh, mỗi bản sao của cuốn sách thánh này đều chứa một vị thần sống động.

Vì lý do này, kinh thánh của người Sikh được tôn kính trong các ngôi đền và được cất đi trong các thùng chứa đặc biệt vào buổi tối. Việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác phải tuân theo một nghi thức nhất định: Kinh phải được đội trên đầu và người khiêng phải đi chân trần.

Kinh Granth Sahib ra đời vào năm 1708, và thường được sao chép bằng tay, cho đến khi việc in ấn được giới thiệu dưới thời thuộc địa của Anh.

Các bản sao cũ nát phải được đưa đến Goindwal Sahib, một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Punjab, nơi chúng được hỏa táng. Vì lý do này, người ta đặc biệt chú ý đến khía cạnh này khi di tản người Sikh khỏi Afghanistan.

Afghanistan từng là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người theo đạo Sikh, nhưng cộng đồng của họ đã bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh Afghanistan. Chỉ một vài trăm người được cho là vẫn còn trong nước.

Cho đến gần đây, Afghanistan đã có 12 bản sao của Kinh Granth Sahib, sáu cuốn đã được chuyển đến Ấn Độ trong những tuần gần đây, ba cuốn đến vào ngày hôm qua và ba cuốn còn lại sẽ đến trong một chuyến bay nhân đạo sắp tới.

Số phận của các văn bản thiêng liêng của đạo Sikh phản ánh thảm kịch mới nhất của Afghanistan, làm dấy lên lo ngại về di sản văn hóa và tôn giáo của đất nước, hiện nằm trong tay Taliban.

Lần cuối cùng nắm quyền, Taliban đã phá hủy những bức tượng khổng lồ của Đức Phật ở Bamiyan, vào ngày 12 tháng 3 năm 2001.
Source:Asia News

2. Công Giáo Indonesia vui mừng sau khi quân đội hủy bỏ luật kiểm tra trinh tiết đầy nhục nhã đối với phụ nữ

Quân đội Indonesia sẽ không tiến hành kiểm tra trinh tiết đối với các nữ tân binh nữa. Tướng Andika Perkasa, người đứng đầu quân đội Indonesia, cho biết luật kiểm tra được giới thiệu vào năm 1965 đã bị bãi bỏ trong các quân binh chủng Indonesia. Từ nay, nam giới và phụ nữ sẽ trải qua quá trình tuyển chọn giống nhau.

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết ở Indonesia, phụ nữ muốn gia nhập quân đội phải trải qua “bài kiểm tra bằng hai ngón tay”, đó là cách các bác sĩ kiểm tra màng trinh còn nguyên vẹn hay không. Theo quân đội Indonesia, nó được sử dụng để xác định đạo đức của các tân binh, và được các chính quyền liên tiếp bảo vệ như một kỳ thi để đánh giá sức khỏe thể chất của phụ nữ.

Trên thực tế, đó là một hình thức bạo lực nhục nhã và đau thương mà các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Human Rights Watch đã tố cáo trong nhiều thập kỷ qua. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã nhắc lại rằng loại kỳ thi này không có giá trị khoa học để xác định trinh tiết của một người. Cảnh sát Indonesia đã bãi bỏ cuộc kiểm tra này vào năm 2015.

Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Công Giáo Indonesia, Justina Rostiawati, bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này với AsiaNews, “Trong nhiều năm, chúng tôi đã phản đối thực hành bạo lực này đối với phụ nữ”. Rostiawati là cựu ủy viên nhân quyền phụ nữ và hiện là chủ tịch hiệp hội Công Giáo lâu đời nhất ở Indonesia. “Khi thông lệ này có hiệu lực, những tân binh không thể phản đối nó. Chúng ta cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng phụ nữ ở tất cả các nơi làm việc”.
Source:Asia News

3. Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell là sự nhục nhã cho tư pháp Úc Đại Lợi

Linh mục Dòng Tên Frank Brennan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne, Úc nhận định rằng hệ thống trị an và tư pháp hình sự của Victoria đã sai lầm nghiêm trọng khi cáo gian Đức Hồng Y George Pell đến mức nó cho thấy rằng chưa nói đến những người bị vu cáo như Đức Hồng Y Pell, ngay cả những nạn nhân của tội lỗi lạm dụng, và những người khiếu nại thành thực cũng không thể dựa vào họ.

Cha Frank Brennan là giáo sư luật và là hiệu trưởng của Cao đẳng Newman thuộc Đại học Melbourne đã tham dự các phần quan trọng của các phiên tòa và kháng cáo của Đức Hồng Y Pell và có quyền truy cập vào các bản ghi âm những lời đối thoại của tòa án.

Ngài tin chắc rằng vị Hồng Y vô tội đối với những cáo buộc lạm dụng tình dục lịch sử chống lại ngài và lẽ ra ngài không bao giờ phải đối mặt với chúng.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Catholic Weekly, tờ báo của Tổng giáo phận Sydney, Cha Brennan đã rất gay gắt khi đánh giá về công việc cảnh sát được tiến hành dưới thời cựu Ủy viên Cảnh sát Victoria Graham Ashton và những thất bại sau đó khiến Đức Hồng Y Pell bị giam 13 tháng cho đến khi được trả tự do thông qua quyết định nhất trí của Tòa án Tối cao Australia vào tháng 4 năm 2020.

Cuốn sách mới nhất của Cha Brennan có tựa đề “Observations on the Pell Proceedings”, nghĩa là “Những quan sát trên trình tự tố tụng Đức Hồng Y Pell”, đã được xuất bản vào tháng Tư. Bài phân tích tám trang độc quyền của ngài về toàn bộ vụ án sẽ xuất hiện trong ấn bản ngày 5 tháng 9 của tờ The Catholic Weekly.

Cha Brennan cho biết ngài “không thể tha thứ” cho các hành động của Cảnh sát Victoria và giám đốc công tố Victoria trong vụ truy tố Đức Hồng Y và tin rằng các hành động này là kết quả của một hành động chính trị chống lại Đức Hồng Y.

Những điều này đã gây ra cho Đức Hồng Y nhiều tháng đau khổ không cần thiết và gây ra hậu quả cho những người khiếu nại thực sự và nạn nhân của sự lạm dụng.

“Tất cả chúng ta, bao gồm cả những người trong Giáo Hội, cũng như những nạn nhân và những người khiếu nại chân chính, cần được bảo đảm rằng hệ thống pháp luật đang thực hiện công việc của nó”, vị linh mục nói.

Cha Brennan, một giáo sư luật tại Trường Luật Thomas More tại Australian Catholic University, cho biết Ủy ban Hoàng gia về cách thức các thể chế đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục đã làm công việc cần thiết của họ khi làm sáng tỏ những “thiếu sót” trong cơ chế quản lý của Giáo Hội khiến trẻ em có nguy cơ. Nhưng họ đã sai lầm khi thúc đẩy một cuộc điều tra riêng biệt của quốc hội Victoria, nhằm dẫn đến một tình huống trong đó Đức Hồng Y trở thành vật tế thần.

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Melbourne vào năm 1996, Đức Hồng Y Pell đã thành lập Melbourne Response với sự tham vấn của Cảnh sát Victoria và các cơ quan pháp luật của bang Victoria. Bất kể điều này, người ta vẫn cố đưa ra ý kiến cho rằng ngài đã không thực hiện những thay đổi cần thiết vì quyền lợi của trẻ em trong Giáo Hội.

“Vào thời điểm xét xử Đức Hồng Y, không nghi ngờ gì rằng rất nhiều người ở Úc, đặc biệt là trên một số phương tiện truyền thông, và cách riêng là Cảnh sát Victoria, đang tìm kiếm cả vật tế thần và nạn nhân”, Cha Brennan nói.

“Đáng buồn thay, hai thẩm phán cao cấp nhất của Victoria, chánh án và chủ tịch của Tòa phúc thẩm, tôi nghĩ đã bị nhiễm cùng một loại tâm lý mà các bồi thẩm đoàn đã có khi họ xét xử vụ án này”.

“Họ không đủ can đảm để xem xét các bằng chứng và nói rằng không có cách nào để một bồi thẩm đoàn có thể bị thuyết phục về điều này”.

Linh mục Brennan đã được Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc ủy nhiệm để quan sát các thủ tục của tòa án và báo cáo về các phiên tòa sau khi lệnh buộc im lặng của tòa án được dỡ bỏ.
Source:The Tablet
 
Linh mục ở London tự tử gây căng thẳng Công Giáo – Anh Giáo. Nhật Bản đổ đi 1.63 triệu liều vắc xin
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:10 29/08/2021


1. Căng thẳng giữa Anh Giáo và Công Giáo sau cái chết bi thảm của một linh mục

Giáo hội Anh Giáo đã thừa nhận họ đã mắc sai lầm trong việc giải quyết các cáo buộc không có cơ sở về tội lỗi lạm dụng trẻ em đối với một cựu linh mục Anh giáo, khiến vị này uất ức đến mức đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby bày tỏ “sự hối tiếc và đau buồn sâu sắc” trước cái chết của Cha Alan Griffin và nói rằng Anh Giáo phải chịu trách nhiệm về những thất bại đã “dẫn đến những áp lực vô lý” đối với vị linh mục.

Sau các áp lực của tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, cuối cùng, Cung điện Lambeth, trụ sở của tổng giám mục Canterbury, và giáo phận London của Anh Giáo đã nhìn nhận sai lầm của họ trước báo cáo của các nhân viên điều tra cảnh sát được đưa ra vào tháng trước về cái chết của Cha Griffin. Vị linh mục đã tự tử hồi tháng 11 năm 2020.

Báo cáo của cảnh sát nói rằng Cha Griffin, 76 tuổi, đã tự sát “vì không thể đương đầu với cuộc điều tra về các hành vi của mình, khi mà ngài không hề hay biết gì về các chi tiết và nguồn gốc của những lời tố cáo”.

Báo cáo của cảnh sát nhấn mạnh rằng: “Cha Griffin không lạm dụng trẻ em, không quan hệ tình dục với thanh niên dưới 18 tuổi, không lang chạ với gái mại dâm. Ngài không gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác bằng cách quan hệ tình dục trong khi có nguy cơ lây nhiễm HIV. Và không có bằng chứng cho thấy anh ta đã làm bất kỳ điều gì trong số này. Ngài là một linh mục đồng tính nam dương tính với HIV”.

Nhân viên điều tra, Mary Hassell, cũng cảnh báo rằng nhiều giáo sĩ Anh Giáo sẽ tử vong trừ khi Giáo Hội này có các hành động được thực hiện để cải thiện các quy trình bảo vệ trẻ em.

Cha Griffin đã từng là linh mục Giáo Hội Anh Giáo trước khi bỏ sang Công Giáo vào năm 2012. Các linh mục Anh Giáo quen biết cho rằng Cha Griffin đã quyết định từ bỏ Anh Giáo sau khi phát hiện mình nhiễm HIV, và chuyển sang Công Giáo trong một cố gắng để thoát khỏi một mạng lưới đồng tính đã khiến ngài nhiễm HIV. Tưởng cũng nên nói thêm rằng Anh Giáo chấp nhận các giáo sĩ có quan hệ đồng tính, còn Công Giáo thì không. Giám Mục Gene Robinson của giáo phận Anh Giáo New Hampshire, là một trường hợp điển hình. Ông ta có vợ con đàng hoàng nhưng sau đó ly dị vợ, và công khai sống đồng tính, “làm vợ” cho anh chồng Mark Andrew từ tháng 2 năm 1988. Tháng 6, 2003 ông ta được bầu làm Giám Mục giáo phận Anh Giáo New Hampshire, Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, đã cho Cha Griffin trở lại chức linh mục sau 2 năm thử thách.

Một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng trẻ em đã được giáo phận Anh giáo ở London bắt đầu vào năm 2019 và các khiếu nại đã được chuyển cho các cơ quan bảo vệ trẻ em của Công Giáo.

Trong phản hồi của mình, Cung điện Lambeth của Anh Giáo cho biết: “Chúng tôi chấp nhận rằng những lo ngại được nêu ra đối với Cha Griffin là không có cơ sở, việc thu thập các bằng chứng, xác minh và đánh giá thông tin trước khi có hành động cụ thể đã không xảy ra. Chúng tôi cũng không tìm kiếm các lời khuyên pháp lý nào cả”.

Giáo phận Anh Giáo London nói thêm rằng “Cách thức thông tin được ghi lại và chuyển đến Giáo Hội Công Giáo là một vấn đề gây tiếc nuối sâu sắc cho giáo phận London”.
Source:The Guardian

2. Dhaka: Nữ tu bị tấn công và cướp bóc

Một nữ tu của Dòng Nữ Tu Giáo Lý Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ đã bị một tên trộm tấn công và làm bị thương. Vụ tấn công diễn ra ở Sreeghonti, thuộc giáo phận Rajshahi. Nữ tu Scholastica Jopomala Gomes, đang dạy tại Đại học St. Joseph's Haigh ở Bonpara, chỉ cách tu viện nơi sơ sáu km. Khi sơ bước ra khỏi xe kéo của mình và đang đi bộ dọc đường thì bị một người đàn ông giật túi xách. Sơ cố gắng giằng lại túi xách thì tên trộm đã đấm sơ và bỏ trốn. Trong túi xách có điện thoại di động, đồng hồ và một số tiền.

Cha Joseph Mistri, một linh mục Dòng Tên và là Cha Sở giáo xứ Bhabanipur, báo cáo rằng nữ tu bị thương nặng ở một bên mắt, vì vậy sau khi báo cáo vụ việc với cảnh sát địa phương, sơ đã được chuyển đến Dhaka.

Đức Cha Gervas Rozario, giám mục giáo phận Rajshahi, nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng ngài rất tiếc là vụ việc đã diễn ra: “Tôi nghĩ những gì đã xảy ra rất đáng buồn. Tôi yêu cầu cảnh sát bắt kẻ tấn công để đưa ra trước công lý”.

Có vô số cuộc tấn công chống lại các tín hữu Kitô ở Bangladesh, đặc biệt là chống lại các nhà truyền giáo và các linh mục và nữ tu. Năm 1998, một trường truyền giáo ở thành phố cổ Dhaka đã bị tấn công bởi một nhóm người Hồi giáo muốn chiếm lấy khuôn viên nhà thờ. Năm 2001, ít nhất 10 người Công Giáo thiệt mạng và hơn 50 người bị thương khi một quả bom phát nổ ở giáo xứ Goplagonj.

Vào năm 2015 tại Dinajpur, các thành viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bắn chết nhà truyền giáo PIME người Ý, Cha Piero Parolari, một bác sĩ, là người đã may mắn bình phục. Năm 2018, Sơ Madeline, một nữ tu của hội Dòng Thừa sai Bác ái, đã bị đâm khi đang trở về từ ngân hàng ở Moulovibazar.
Source:Asia News

3. Tokyo: 1,63 triệu liều vắc xin chống Covid của Moderna bị đình chỉ

Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Nhật Bản đã đình chỉ việc tiêm 1.63 triệu liều Moderna sau khi phát hiện có tạp chất trong một số lô thuốc. Bộ Y tế Nhật Bản đã cho biết như trên. Công ty dược phẩm Takeda, chịu trách nhiệm bán và phân phối vắc-xin ở Nhật Bản, không nêu rõ tạp chất này là gì và cho biết họ không nhận được báo cáo nào về vấn đề sức khỏe liên quan đến các lô vắc-xin bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Y tế cho biết ông sẽ làm việc với Takeda để tránh gây ra sự chậm trễ cho kế hoạch vắc xin. Bốn mươi ba phần trăm dân số Nhật Bản đã hoàn thành cả hai liều vắc xin, nhưng các ca bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng do sự lây lan của các biến thể coronavirus.

Ở phần còn lại của châu Á, chỉ có Singapore, Bhutan và Maldives có tỷ lệ cao hơn với 76%, 63% và 55% dân số được tiêm hai liều vắc xin.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến có thể quay trở lại xuất khẩu vắc xin vào năm tới, sau khi đã tiêm chủng cho dân số trưởng thành. “Gần 60 quốc gia hầu như không được tiếp cận với vắc xin và Ấn Độ sẽ có thể cung cấp một phần đáng kể vào năm 2022,” NK Arora, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêm chủng tại Ấn Độ, cho biết hôm 26 tháng 8.

Một bác sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết loại virus này ở Ấn Độ dường như đã đạt đến mức độ bão hòa, tiếng Anh là endemicity. Một căn bệnh trở thành bão hòa khi nó lây lan trên một khu vực mà phần lớn dân số đã miễn dịch với nó. Trong trường hợp này, các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục xảy ra nhưng với tốc độ chậm hơn. Trên thực tế, mức độ lây truyền của coronavirus ở Ấn Độ đã giảm xuống: số ca hàng ngày lên đến 400 nghìn trong tháng 4 đã giảm xuống còn khoảng 25 nghìn trong tuần này.

Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng xuất hiện đợt thứ ba. Với khả năng xuất hiện các biến thể mới, cuộc tranh luận về thời điểm thực sự có thể đạt được giai đoạn bão hòa vẫn còn bỏ ngỏ.
Source:Asia News