Ngày 21-08-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lối hẹp, lối tình yêu
Lm. Minh Anh
00:09 21/08/2022

LỐI HẸP, LỐI TÌNH YÊU

“Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”; Chúa Giêsu bảo, “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”.

Harry Ironside nói, “Sự cứu rỗi tựa hồ việc Nôe mời một người ngoại giáo thời của ông, đặt niềm tin vào Lời Chúa, đến và lên tàu. Một số người xem sự cứu rỗi như việc Nôe treo một tấm bảng bên ngoài con tàu, “Chỉ cần vượt qua cơn bão, bạn sẽ được cứu!”. Vậy mà, sự cứu rỗi không phụ thuộc vào việc chúng ta bám vào Chúa, nhưng tuỳ vào việc chúng ta ‘được nắm lấy’ một cách an toàn bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Được nắm lấy’ một cách an toàn bởi Chúa Kitô và trong Chúa Kitô!”. Ý tưởng về sự cứu rỗi của Ironside được gặp lại qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay! Với câu hỏi số người được cứu hẳn là ít lắm? Chúa Giêsu trả lời, không phải là vấn đề số lượng; thiên đàng không giới hạn số lượng! Đúng hơn, là hãy đi đúng hướng, đúng cách, và đúng đường ngay từ bây giờ; lối đi này dành cho mọi người, nhưng nó hẹp! Vậy lối hẹp đó là lối nào? Lối Giêsu, ‘lối hẹp, lối tình yêu!’.

Chúa Giêsu không ‘chào hàng’ với những hy vọng hão huyền bằng cách nói, “Vâng, đừng lo! Cứu rỗi? Điều đó thật dễ dàng, một xa lộ đẹp với cánh cổng rộng ở cuối chân trời!”. Ngài không nói thế! Ngài nói đúng như thực tế của chúng, “lối hẹp!”. Theo nghĩa nào? Theo nghĩa, để tự cứu mình, người ta phải ‘được nắm lấy’ bởi Giêsu, ‘đi vào lối Giêsu’, một ‘lối hẹp, lối tình yêu’; đó là kính mến Chúa, và yêu thương người. Yêu thương người, điều này thật khó chịu! Đó là một ‘lối rất hẹp’ bởi nó đòi hỏi. Tình yêu luôn đòi hỏi! Nó đòi hỏi cam kết, “chiến đấu”; tức là luôn kiên định và bền bỉ để sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô gọi đó là “cuộc chiến đấu tốt đẹp của đức tin”, mà mỗi người nỗ lực để yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em mình!

Nói về lối hẹp, Chúa Giêsu chỉ ra rằng, cứu rỗi không phải là chuyện thừa kế hay một bảo đảm nào đó như “đã có bảo hiểm!”; đúng hơn, nó phụ thuộc vào sự hợp tác tích cực của mỗi người với ân sủng; đó là nỗ lực thực sự để yêu mến Chúa và làm theo thánh ý Ngài. Chúa Giêsu từng nói, “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ các giới răn của Thầy”; Ngài cũng cảnh báo, “Không phải những ai thưa với Thầy, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa…’ là được vào Nước Trời, nhưng là những ai làm theo ý muốn của Cha Trên Trời”. Làm theo ý Cha Trên Trời là bảo đảm tốt nhất mà chúng ta có thể chuẩn bị trước cho sự cứu rỗi của mình. Ý muốn đó là gì? Là tin vào Đấng Ngài đã sai đến! Là gì nữa? Là làm cho Danh Chúa được nhận biết!

Thánh Vịnh đáp ca nhắc lại điều này với mệnh lệnh của Chúa Giêsu, “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian!”. Isaia, ở bài đọc thứ nhất, cũng tuyên sấm về việc loan truyền này, “Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta”. Đúng thế, trong việc yêu thương tha nhân, ý nghĩa nhất vẫn là làm cho họ nhận biết vinh quang Chúa; vì lẽ, không biết Chúa, con người không biết mình đi đâu, cuộc sống họ vô vọng và vô nghĩa. Với bài đọc hai, tác giả thư Do Thái cũng giục giã, “Anh em hãy nâng đỡ những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời!”.

Anh Chị em,

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!”, nghĩa là hãy chiến đấu để được cứu rỗi. Chiến đấu bằng cách bước vào ‘tàu Giêsu’, ‘được nắm lấy’ bởi Ngài, đi vào ‘lối hẹp, lối tình yêu’ Ngài đi. Nếu không đạt được cuộc sống vĩnh cửu, những gì chúng ta đạt được trong cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì; nói cách khác, không đạt được cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta trắng tay! Vì thế, Phaolô nói, “Hãy lo cho sự cứu rỗi của anh em trong sợ hãi và run rẩy”. Đó là điều chúng ta cần thực hiện với sự nghiêm túc tối đa; mỗi ngày, hãy cầu xin cho được ơn bền đỗ đến cùng; sống mỗi ngày với ý thức, đây có thể là ngày cuối cùng. Hãy trở lại mỗi ngày với truyền thống cầu nguyện đáng kính, là “xin ơn chết lành”, một cái chết bình an và hạnh phúc trong Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dẫn con đi vào lối hẹp Giêsu, ‘lối hẹp, lối tình yêu’ mỗi ngày. Có như thế, đến giờ Chúa gọi, con sẽ không ngỡ ngàng, choáng ngợp; vì đó là giờ cứu rỗi, giờ hân hoan!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 22/08: Đức Maria Nữ Vương – Lm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
03:13 21/08/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 21/08/2022

38. Ai tự nguyện yêu Đức Chúa Giê-su và hy sinh vì tình yêu, càng yếu đuối đáng thương thì càng dễ dàng được tình yêu này đốt cháy biến đổi.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:37 21/08/2022
76. CHÓ CƯỚI CÔNG CHÚA

Có một quyển tiểu thuyết viết:

- “Ngày xưa có một hoàng đế toàn thân đầy mụn nhọt, đau đớn vô cùng, các thầy thuốc đều bó tay hết cách. Triều đình bèn bố cáo khắp nơi: “Ai có thể chữa được bệnh nặng của hoàng đế, thì gả công chúa cho người ấy”.

Người trong nước không ai dám đến thử chữa bệnh, cho dù có chữa trị thì cũng không có hiệu quả.

Nhưng trong cung có nuôi một con chó, vì hoàng đế mà liếm mụn nhọt, bệnh nặng lập tức biến mất, từ đó mỗi ngày đều để cho chó liếm mụn nhọt, bệnh nặng tự nhiên khỏe hẳn. Chó bèn đổi qua phòng của công chúa và không muốn ra ngoài, đuổi nó đánh nó, nó chỉ kêu ăng ẳng mà không chịu ra.

Hoàng đế thở dài nói: “Mệnh lệnh của ta đã truyền xuống không thể thất tín, nhưng để chó kết hôn với công chúa thì làm nhục quốc gia cách nghiêm trọng”. Thế là ra lệnh cho công nhân làm một chiếc thuyền lớn, dự trử rất nhiều lương thực, áo quần và các thứ khác, rồi để công chúa và chó lên thuyền ra biển.

Thuyền trôi đến một hoang đảo, công chúa và chó ngụ ở đó giống như vợ chồng vậy”.

Lương Thiếu Mai coi xong câu truyện này, thì cầm bút viết như sau:

- “Từ đó họ sinh ra con cháu một số người, lớn lên thì để chúng nó phối hợp nhau, cho nên người trên đảo đời này đời nọ sinh sôi nảy nở mãi. Cho đến hôm nay chúng nó bất luận là già trẻ lớn bé, đều rất thích chó, thậm chí có người ngủ với chó, bởi vì chúng nó không quên đức tính trước đây của tổ tiên”.


(Yết hậu ngữ)

Suy tư 76:

Có những c
âu chuyện kể đã chấm dứt trên giấy, nhưng có người lại muốn viết thêm cho ly kỳ rùng rợn để “câu” khách; có những cuộc đời lầm lạc đã và đang làm lại từ đầu, nhưng có những người ác ý kể thêm để phần kết không có hậu.

Câu chuyện chó lấy công chúa là bịa đặt, là chuyện cổ tích không có thật, nhưng thời nay người ta ngủ với chó, ôm chó đi giữa đường để khoe chó đẹp, nâng niu chó, “mi” chó và chăm sóc chó hơn cả con cái là chuyện có thật trăm phần trăm. Không phải vì họ nhớ đến đức tính trước đây của tổ tiên là loài chó, mà là vì họ đang trở thành giàu có học làm sang, chơi ngông để được gọi là đại gia ăn chơi sảnh điệu của thời đại văn minh này. Trong số những đại gia, này cũng có một vài người Ki-tô hữu bỏ ra cả bạc triệu để mua chó làm kiểng chơi, nhưng lại keo kiết bủn xỉn với người ăn mày ngồi bên vệ đường; họ đem tiền mua thức ăn cho chó kiểng trong một tuần, có thể giúp cho trẻ em nghèo học phí được một năm, họ không phân biệt được giá trị giữa con người và con chó kiểng.

Những người này trước sau gì cũng bị...chó cắn.

Ai hiểu sao thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khiêm tốn, con đường dẫn tới sự cao cả
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:03 21/08/2022

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
KHIÊM TỐN, CON ĐƯỜNG DẪN TỚI SỰ CAO CẢ
Hc 3,17-18.20.28-29; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật này, mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề khiêm nhường như là con đường dẫn tới sự cao cả. Trong thời đại hôm nay, có nhiều người muốn trở thành người tốt, người vĩ đại, người nổi tiếng, được mọi người biết đến và ca tụng. Tuy nhiên, có rất nhiều người hiểu sai về sự cao cả. Vậy sự cao cả đích thực của con người là gì? Đâu là con đường dẫn tới sự cao cả đích thực? Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giải thích cho chúng ta hiểu thế nào là một người cao cả nhờ sống khiêm nhường.

1- Càng làm lớn, càng tự hạ

Trong bài đọc I, trích sách Huấn Ca (3,17-18.20.28-29) dạy chúng ta rằng: khiêm nhường là con đường dẫn tới sự cao cả. Người khiêm nhường đích thực là người cao cả đích thực: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”

Thật vậy, khiêm nhường là nhân đức nền tảng cho đời sống con người. Khiêm nhường trong tiếng La Tinh là từ humilis, phát xuất từ humus, có nghĩa là đất. Theo nghĩa đen, người khiêm nhường là người cúi xuống sát mặt đất và là người hạ mình xuống thấp. Đối với Thiên Chúa, người khiêm nhường là người ý thức về sự nhỏ bé của mình, chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng giòn. Người khiêm nhường là người hiểu rõ khoảng cách giới hạn giữa mình với Đấng Tạo Hóa.

Đối với tha nhân, người khiêm nhường cũng là người biết tôn trọng người khác, đón nhận những khác biệt và những khả năng của họ. Người khiêm nhường cũng là người có thái độ thân thiện và lịch sự, tế nhị với người khác; người biết lắng nghe và học hỏi từ người khác. Bởi lẽ, không ai tự mình là đầy đủ, mỗi người cần được người khác bổ túc và giúp đỡ. Người khiêm nhường là người biết giúp đỡ người khác, đặc biệt là đối với những người nghèo. Vì họ ý thức rằng những gì họ có là do được lãnh nhận từ chính Thiên Chúa, nên họ cảm thấy cần phải chia sẻ với người khác.

2- Sự cao cả Thiên Chúa trong sự tự hạ của Chúa Giêsu

Trong bài đọc II, trích thư Do Thái (Dt 12,18-19.22-24a) sự cao cả và vinh quang của Thiên Chúa được bày tỏ qua “Đấng Trung Gian của giao ước mới là Đức Giêsu.” Nếu trong Cựu Ước, nhiều lần sự cao cả của Thiên Chúa được diễn tả trong sự khác biệt và tách biệt khỏi thế giới phàm tục, thì trong Tân Ước, sự vĩ đại của Thiên Chúa được bày tỏ trong sự gần gũi và trong hạ mình nơi Đức Giêsu. Bởi lẽ, Con Thiên Chúa trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi; Người trở thành con của một người thợ mộc nghèo hèn; Người cũng bị cám dỗ và gặp những khó khăn như chúng ta. Người đã hạ mình chịu chết trên thập giá vì ơn cứu độ loài người. Người được Thiên Chúa siêu tôn, trở thành Đấng Trung Gian và Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Như thế, đối với Thiên Chúa, khiêm nhường và tự hạ là con đường dẫn tới sự cao cả và vinh quang. Đó là con đường mà Thiên Chúa đã chọn để cứu độ chúng ta.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gửi tới chúng ta những giáo huấn quý báu về đức khiêm nhường trong một hoàn cảnh rất cụ thể, đó là khi đi dự tiệc. Chúa Giêsu nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, nên Người nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,12-14).

Như thế, theo Chúa Giêsu, khiêm nhường là không tự đề cao mình, nhưng để người khác đánh giá mình cách khách quan, hay nói cách khác, hãy để Thiên Chúa đề cao chúng ta, chứ đừng tự đề cao mình.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy: khi nào chúng ta đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ta, như thế, ta được đền đáp rồi. Đây cũng là một hình thức của khiêm nhường, nghĩa là người biết đi ra khỏi khung cảnh gia đình, bạn bè, và người thân, để mở rộng và quan tâm đến những người ngoài, nhất là những người bị bỏ rơi, người nghèo khổ. Khiêm nhường cũng là cố gắng làm một việc tốt cho người khác, mà không cần được trả công và đền ơn đáp nghĩa.

3- Những mẫu gương về khiêm nhường

Trong Giáo Hội, chúng ta có rất nhiều mẫu gương về đức khiêm nhường. Trong số đó, chúng ta có thể kể tên một số nhân vật nổi bật: Trước hết, đó là thánh Augustinô, một giáo phụ nổi tiếng, có sự hiểu biết uyên thâm, nhưng trong cuốn Tự Thuật, ngài khiêm tốn cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Ngài luôn ý thức về sự yếu đuối và giới hạn của mình, chỉ có nhờ ơn Chúa giúp, mới có thể vượt qua những thử thách gian truân.

Thánh Tôma Aquinô là một nhà thần học nổi tiếng thời Trung Cổ, ngài được mệnh danh là “tiến sĩ Thiên Thần.” Ngài viết rất nhiều sách triết học và thần học mà ngày nay vẫn còn rất giá trị. Nhưng trong một lần thị kiến nhìn thấy Thiên Chúa, ngài nhìn nhận rằng những gì ngài đã viết chẳng là gì hết so với thị kiến về Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một người rất uyên thâm về thần học từ cổ chí kim, nhưng trong một cuộc hội thảo về đối thoại liên tôn, trước một câu hỏi lớn, ngài vẫn thừa nhận rằng “đây là một câu hỏi khó, tôi không tìm ra câu trả lời.” Đó là thái độ của người khiêm tốn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi viếng thăm mục vụ tại Manila, Philipines, một em bé hỏi ngài, tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ xảy ra? Ngài chân thành trả lời rằng: “Trước mầu nhiệm sự dữ, cha cũng không có câu trả lời.”

Những con người tầm cỡ và hiểu biết như thế vẫn thừa nhận mình không thể trả lời hết các câu hỏi từ cuộc sống. Các ngài là những mẫu gương cụ thể cho chúng ta về đức khiêm nhường đích thực của Kitô giáo.

Như thế, theo Kinh Thánh, khiêm nhường là hạ mình xuống, nhìn nhận giới hạn của mình, tỏ ra thân thiện, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ người khác, không tự tôn mình lên, nhưng để Chúa nâng mình lên. Khiêm nhường là con đường dẫn tới sự cao cả.

Chúng ta hãy thiết tha cầu xin Chúa giúp chúng ta biết sống đức khiêm nhường này mỗi ngày trong tương quan với Chúa và tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Đóng cửa trời, mở cửa trời
Lm. Minh Anh
22:09 21/08/2022

ĐÓNG CỬA TRỜI, MỞ CỬA TRỜI
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”.

Một nhà tu đức nói, “Sự trung thực như một con đường mòn; một khi bước ra khỏi nó, bạn mới nhận ra mình đã lạc lối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự tương phản của hai nhóm lãnh đạo tôn giáo! Những người đã bước ra khỏi đường mòn trung thực, các luật sĩ và biệt phái; Chúa Giêsu gọi họ là những kẻ “dẫn đường đui mù” ‘đóng cửa trời!’. Một số khác đi trên đường mòn trung thực; tông đồ Phaolô, Silva, Timôthê sống bằng cả trái tim điều họ rao giảng; họ là những con người ‘mở cửa trời!’.

Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu thẳng thắn tố cáo giới kinh sư biệt phái, “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”. Với trái tim của người mục tử, Ngài dùng những lời lẽ tuy khó nghe nhưng thực sự, đó là những lời đầy xót thương, vốn hy vọng giúp họ chấn chỉnh đời sống, biến đổi nó tận bên trong, hầu nhiều người được cứu độ và chính họ cũng được cứu độ. Chúa Giêsu cáo buộc họ đã ‘đóng cửa trời’ trước mặt mọi người; Ngài nói rất mạnh và rất thật, “Các ngươi không vào, mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào”. Bởi lẽ, không chỉ từ chối thông điệp Chúa Giêsu mang đến, họ còn làm cho nhiều người không tiếp cận được nó.

Chúa Giêsu rất khắt khe với những người dẫn đường đui mù lầm lạc này, vì không chỉ họ lạc đường, nhưng những ai được trao cho họ rồi cũng lạc lối. Đó là một tội lỗi nghiêm trọng! Bên cạnh đó, họ còn tạo ra tai tiếng. Có những người được giao phó để giảng dạy nhân danh Giáo Hội nhưng thay vào đó, họ nói lời của mình; thông thường, họ là những người rối loạn nội tâm, bản thân họ đã mất phương hướng. Từ đó, họ dẫn dắt cộng đoàn một cách sai lạc, cư xử với kẻ dưới một cách thô lỗ, khi họ đã quên mất căn tính của mình! Đặc biệt, khi đối tượng của họ là những người trẻ vốn ít phân định, dễ gây ấn tượng nhưng lại rất dễ tổn thương. Vì thế, chúng ta cần giúp nhau trên đường nên thánh bằng cả trái tim; và đừng quên, những người khác có quyền đòi hỏi gương lành gương sáng của chúng ta, cũng như được nghe sự thật từ chúng ta.

Tương phản với các biệt phái và luật sĩ, bài đọc thứ nhất cung cấp cho chúng ta hình ảnh của những con người ‘mở cửa trời!’; Phaolô đại diện cho nhóm tông đồ nhiệt huyết viết thư cho giáo đoàn Thessalônica. Vì không thể trở lại để trực tiếp dạy dỗ, Phaolô đã gửi đến họ những lời cầu chúc bình an, truyền cảm hứng, đầy khích lệ và động viên; cũng là những lời thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Đó là những lời lẽ chân tình, đầy yêu thương của một mục tử. Nhờ đó, giáo đoàn non trẻ này giữ cho đức tin của họ kiên cường và sống tuyệt vời đức ái trọn hảo. Với ngòi bút tinh tế, Phaolô ‘mở cửa trời’ để các tín hữu Thessalônica và những lương dân ở đó có thể bước vào. Thánh Vịnh đáp ca thật ý tứ, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!”.

Anh Chị em,

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù!”. Là thầy dạy sự hiền lành, bỗng dưng, Chúa Giêsu nói những lời thật khó nghe! Đúng thế, có những lúc chúng ta cần lắng nghe những lời khó nghe này. Để một khi được Lời Chúa biến đổi, chúng ta mới thật sự trở thành những người bạn nghĩa thiết, nhiệt tâm, nhiệt tình của Ngài và của anh chị em mình. Và như thế, chúng ta cũng là những Phaolô khác, tông đồ khác, những con người ‘mở cửa trời’ cho tha nhân bằng những lời yêu thương, khích lệ, động viên và thực hành bác ái bằng cả trái tim mình. Quý biết bao, một lương tâm trong sáng chỉ huy mọi hành vi của chúng ta trước mặt Chúa trong mọi sự! Được như thế, lời nói của chúng ta sẽ có trọng lượng; điều đó có nghĩa là, nó phát xuất từ ‘một nội tâm đầy Chúa’. Thật tuyệt vời khi được dạy dỗ bởi những con người đơn giản mà trong suốt; nơi họ, không có gian dối, tính toán, hoặc thiếu chân thành dưới bất cứ hình thức nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con nói sự thật; và quan trọng hơn, sống sự thật với lửa yêu mến thanh sạch của Thánh Thần. Được như thế, con đang thực sự ‘mở cửa trời’ cho anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Muà khai giảng: Rất bất ngờ, bên Hoa Kỳ học sinh ồ ạt ghi danh vào các trường Công Giáo.
Trần Mạnh Trác
10:13 21/08/2022

ở các quốc gia cho phép hệ thống trường tư và có các trường Công Giáo hoạt động, thì những năm Covid đã ảnh hưởng một cách mạnh mẽ.

Trong muà tựu trường năm nay, khi dữ liệu ở Anh quốc và Canada còn đang được đúc kết nhưng có vẻ chiều hướng cuả những năm trước không thay đổi bao nhiêu, thì dữ liệu cuả Philippines và Hoa Kỳ cho thấy hai hoàn cảnh trái ngược nhau.

Xin trở lại trường hợp đáng buồn cuả Philippines trong một bài sau, bây giờ là tin vui ở Hoa Kỳ.

Tin đáng khích lệ ở Hoa Kỳ:

Trong muà Hè vừa qua, nếu bậc phụ huynh nào có con muốn ghi tên vào học một trường Công Giáo ở HK thì đã biết, nếu mà bắt đầu ghi tên vào khoảng tháng 6, thì có thể là muộn!

Theo số liệu của Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia cuả HK (NCEA), sau một năm 2020-2021 khó khăn đối với nhiều trường Công Giáo, thì số lượng tuyển sinh đã bùng nổ.

Nhìn chung, tỷ lệ ghi danh vào các trường Công Giáo ở Mỹ đã tăng từ 1,63 triệu năm ngoái lên 1,69 triệu năm nay, tức là tăng hơn 3,5%.

Xin ghi nhớ là số liệu này chưa kể những nơi lớn như Los Angeles, New York, New Orleans và Chicago vì thống kê chưa kết thúc vào lúc này.

Đặc biệt nhất, tổng giáo phận Miami (FL) chứng kiến ​​một tỷ lệ gia tăng lớn nhất, là tăng 5,4%, và số học sinh lên đến 34.892 cho năm nay.

Riêng trường trung học Archbishop Coleman Carroll nằm ở phía tây Miami, thì họ đã phải tăng số lớp lên gấp ba lần năm ngoái.

Giáo phận Cleveland (OH) có số tăng tuy ít, chỉ là 1,2%, nhưng số học sinh trước tuổi mẫu giáo (Pre-K) thì tăng tới 30% so với năm học 2019-2020.

Khởi đầu của một chiều hướng mới: sự tín nhiệm của phụ huynh

Theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia (NCEA), qua những dữ liệu đã thu thập từ năm 1920, thì câu chuyện kể lại là rất đơn giản: đó là sự trỗi dậy của nền giáo dục Công Giáo sau nhiều năm suy thoái: Nền giáo dục Công Giáo đạt đỉnh vào năm 1960, nhưng sau đó đã sụt giảm qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu năm nay - xuất phát từ sự thay đổi về nhu cầu lựa chọn của phụ huynh - có thể là sự khởi đầu của một chiều hướng mới.

Dữ liệu NCEA cung cấp một cái nhìn vô giá cho thấy bối cảnh giáo dục Hoa Kỳ đã thay đổi trong hai năm qua khi phải đối phó với sự gián đoạn ở trường học liên quan đến Covid-19. Từ năm 2020 đến năm 2022, là một thời kỳ lo lắng về sức khỏe và an toàn, và bởi những cuộc tranh luận sôi nổi về việc các trường học nên dạy giỗ học sinh như thế nào. Các trường Công Giáo đã nhanh chóng tiến bước trước mọi người nhờ ở việc họ đặt "nhu cầu giáo dục cấp thiết của trẻ em" lên trên hết.

Vào đầu mùa xuân năm 2020, nhiều trường Công Giáo đã đóng cửa trước tất cả mọi người, phản ứng với một mối đe dọa mà người ta chưa hiểu rõ. Nhưng sau đó, vào mùa thu năm đó (2020,) các trường Công Giáo lại đi trước các trường công lập và bán công, là tìm cách mở cửa với những biện pháp an toàn để dạy học trực tiếp.

Riêng về các trường tiểu học và trung học Công Giáo (không kể Mẫu Giáo), thì mức tăng là lịch sử, 3,8%, là “mức tăng lớn nhất được ghi nhận bởi NCEA.”

Sự gia tăng này là đáng chú ý không chỉ vì đây là sự gia tăng số học sinh Công Giáo đầu tiên trong 25 năm, mà còn bởi vì, đối ngược lại, các trường công lập trên toàn quốc đồng thời báo cáo số ghi danh đã suy giảm đáng kể từ những năm đại dịch. Phân tích gần đây cho thấy không chỉ tỷ lệ nhập học cuả các trường công giảm đi mà thôi, mà một "sự cố" khác nữa là ở các khu vực học chính ở "vùng sâu vùng xa" hoặc "cổ kính lâu đời", số lượng ghi danh vào trường công còn giảm mạnh hơn.

Theo một số ý kiến cuả NCEA, thì có người đã cho rằng nếu Covid chưa bao giờ xảy ra, và các trường Công Giáo đã không phản ứng hợp thời, và nếu tỷ lệ ghi danh cuả các trường Công Giáo vẫn theo cùng một tốc độ sụt giảm như những năm trước đại dịch, thì các trường Công Giáo Hoa Kỳ sẽ mất đi nhiều chục nghìn học sinh ngày hôm nay.

Điều hy vọng là sự phục hồi năm nay sẽ không chỉ là một cú va chạm một lần, mà là một sự thay đổi quan trọng và lâu dài trong việc tuyển sinh ở các trường Công Giáo.

(Xin đón đọc: Phân tích những lý do cuả sự gia tăng ghi danh tại trường Công Giáo ở HK)
 
Muà khai giảng: Kinh tế suy thoái và Covid đang chôn vùi các trường Công Giáo ở Philippines
Trần Mạnh Trác
10:24 21/08/2022


Theo asianews thì tại Philippines, một tin rất xấu từ các dữ liệu cuả Bộ Giáo dục cho thấy trên toàn quốc có 865 trường tư thục phải đóng cửa, trong số đó thì hơn 85 phần trăm (khoảng 700) là trường Công Giáo.

Việc đóng cửa ảnh hưởng đến 58.327 học sinh và 4.488 giáo viên, đồng thời gây xáo trộn nặng nề đến các trường công lập vì phải hấp thụ thêm số học sinh trên.

Lý do là kinh tế, vì phụ huynh không còn đủ khả năng cho con theo học trường tư, và cũng vì các trường Công Giáo không gây quĩ đủ để cấp học bổng cho con em nghèo.

Thí dụ taị Quezon, trường Colegio De San Lorenzo, sau 30 năm hoạt động, đã thông báo đình chỉ vĩnh viễn mọi hoạt động vì cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng hơn mà trường phải đối mặt.

"Với một tấm lòng đau xót," ban quản lý giải thích trong một thông cáo, "chúng tôi thông báo với quí vị rằng do sự bất ổn kinh tế và không có triển vọng tài trợ, ban quản trị đã phải thực hiện một quyết định khắc nghiệt là đóng cửa vĩnh viễn."

Các quan chức giải thích rằng số lượng tuyển sinh ít ỏi cho năm học 2022-23 là "khó có thể tiếp tục hoạt động", những người đã nộp học phí sẽ được hoàn lại đầy đủ.
 
Đức Hồng Y thăm giám mục bị bắt cóc bởi chế độ độc tài Nicaragua: Tinh thần của ngài rất mạnh mẽ
Đặng Tự Do
17:12 21/08/2022


Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục của Managua, Nicaragua, đã được gặp vị giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, vài giờ sau khi chế độ độc tài Daniel Ortega bắt cóc ngài vào đầu giờ ngày 19 tháng 8.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều ngày 19 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục báo cáo rằng “tình trạng thể chất” của Đức Cha Álvarez “đã xấu đi,” nhưng “tâm trí và tinh thần của ngài rất mạnh mẽ.”

Trong tuyên bố cùng ngày, tổng giáo phận Managua bày tỏ “sự đoàn kết và gần gũi của mình với giáo phận chị em Matagalpa, trước sự kiện đau buồn đã trải qua sáng nay.”

Tổng giáo phận cho biết: “Đức Hồng Y Tổng Giám mục Leopoldo Brenes đã có cơ hội đến thăm và nói chuyện với Đức Cha Álvarez tại một ngôi nhà của những người thân của ngài, thể hiện lòng quý trọng huynh đệ nhân danh Giáo Hội Nicaragua của chúng ta”.

Đức Cha Rolando Álvarez đang bị quản thúc ở đó.

“Đức Cha Álvarez đã bày tỏ sự tin tưởng vào lời cầu nguyện của mọi người khi đối mặt với tình huống khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua trong sự hiệp thông của Giáo hội,” tuyên bố cho biết.

Tổng giáo phận Managua nhấn mạnh rằng “cầu nguyện là sức mạnh của Kitô hữu”, vì vậy “chúng tôi mời anh chị em tiếp tục cầu xin Chúa Kitô quan phòng và trông nom đàn chiên nhỏ bé này của Ngài.”

“Chúng tôi hy vọng lý do đó, cũng như sự hiểu biết tôn trọng, sẽ mở ra hướng giải quyết cho tình huống nguy cấp và phức tạp này cho tất cả mọi người,” thông điệp kết luận.

Theo cảnh sát, các linh mục và chủng sinh bị giam giữ ở Managua đang bị giam giữ “trong Tổng cục Hỗ trợ Tư pháp”, trong một nhà tù được gọi là “El Chipote,” khét tiếng về tra tấn đối với những người chống đối chế độ độc tài Ortega.

Nói chuyện với ACI Prensa ngày 19 tháng 8, luật sư Martha Patricia Molina Montenegro nói rằng đối với vị giám mục bị bắt cóc “có hai kết quả”, đó là “lưu đày hoặc ngồi tù.”

Tuy nhiên, cô nói, Álvarez “sẽ không bao giờ khoan nhượng” và sẽ không rời khỏi Nicaragua, “và càng quyết tâm nói không hơn khi ngài biết rằng các linh mục và chủng sinh đi chung với ngài đã bị đưa đến nhà tù tra tấn được gọi là El Chipote.”
Source:Catholic News Agency
 
Phân tích những lý do cuả sự gia tăng ghi danh tại các trường Công Giáo Hoa Kỳ
Trần Mạnh Trác
17:51 21/08/2022

(Dựa theo Issue Brief: Catholic School Enrollment Boomed During Covid. Let’s Make It More Than a One-Time Bump, cuả Manhattan Institude, do Kathleen Porter-Magee Annie Smith Matt Klausmeier, June 23, 2022)

Theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia (NCEA), qua những dữ liệu đã thu thập từ năm 1920, thì câu chuyện kể lại từ các dữ liệu đó là rất đơn giản: đó là sự trỗi dậy của nền giáo dục Công Giáo sau nhiều năm suy thoái: Nền giáo dục Công Giáo đạt đỉnh vào năm 1960, nhưng sau đó đã sụt giảm qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu năm nay - xuất phát từ sự thay đổi về nhu cầu lựa chọn của phụ huynh - có thể là sự khởi đầu của một chiều hướng mới.

Để hiểu về sự phục hồi số ghi danh cuả các trường Công Giáo, điều quan trọng là phải đi sâu hơn để hiểu được cái cốt lõi của mức tăng và chúng ta có thể học hỏi gì thêm.

Yếu tố phụ huynh:

Phân tích các con số theo cấp lớp, người ta thấy rằng sự gia tăng cuả bậc Pre-K chiếm tới 40% (44.584 học sinh) trong khi đó tỷ lệ nhập học của các lớp K-8 chỉ tăng có 2,4% (23.100 học sinh), và tỷ lệ trung học thì lại giảm 0,4% (2.164 học sinh).

Những con số này cho thấy có một tia hy vọng thực sự cho tương lai của khu vực trường học Công Giáo, bởi vì nó gợi ý rằng các bậc cha mẹ là những người đưa ra quyết định đi học cho con cái họ, và là những người sẽ thúc đẩy xu hướng cho các thế hệ học sinh tiếp theo.

Sự gia tăng lịch sử năm 2021–22 diễn ra trong bối cảnh công chúng tranh luận gay gắt về việc giảm nhẹ Covid và các chính sách liên quan đến việc đóng cửa trường học và học tập trên mạng.

Trong khi hầu như tất cả các trường học chuyển từ học trực tiếp sang học tập trên mạng vào tháng 3 năm 2020, thì các nhà lãnh đạo trường Công Giáo đã dẫn đường cho việc trường mở cửa trở lại vào tháng 9 năm 2020.

Điều các trường học công lập tiếp tục đóng cửa gây ra một thất vọng dữ dội trong giới phụ huynh, và họ đã bỏ phiếu bằng chân của họ bằng cách chuyển con cái vào các trường vẫn mở cửa: là các trường Công Giáo địa phương.

Các trường công lập không có khả năng thích ứng với nhu cầu trực tiếp cuả học sinh trong thời kỳ Covid dường như đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa phụ huynh và các khu học chánh (công lập) địa phương. Dữ liệu ghi danh từ năm 2020–21 cho thấy tỷ lệ đăng ký tại trường công lập trên toàn quốc giảm 3%. Một số thành phố lớn, như New York, báo cáo số lượng học sinh bỏ trường công mà chọn trường tư là kỷ lục đáng lo ngại.

Có lẽ không nơi nào việc tranh cãi về mở cửa trở trường học lại lớn hơn là ở Virginia, nơi phụ huynh ở Loudoun, Fairfax và Arlington County gây xôn xao khi họ phản đối chính sách đóng cửa trường công của tiểu bang và địa phương. Các khu học chánh ở Bắc Virginia là một trong những khu cuối cùng trên toàn quốc mở cửa trường học để giảng dạy trực tiếp.

Do việc Virginia giữ các trường công lập đóng cửa lâu hơn các tiểu bang khác trên toàn quốc, nên hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng đăng ký vào các trường Công Giáo ở đây là gia tăng lớn nhất.


Kinh nghiệm đau thương cuả việc đóng cửa trường học vì lý do lợi nhuận:

Sự sụt giảm ghi danh trong quá khứ cuả các trường Công Giáo Hoa Kỳ không chỉ vì lý do đại dịch mà thôi, mà trước đó đã có một làn sóng đóng cửa các trường học Công Giáo lớn nhất kể từ năm 2006.

Việc đóng cửa đó tập trung ở hai khu vực: New England, đóng cửa 32 trường học (8,9% tổng số trường học) và Mideast (bao gồm Pennsylvania, New York, New Jersey, Delaware, Maryland và Washington, DC), đóng cửa 99 trường học (7,6% tổng số trường học).

May mắn thay, tất cả các khu vực có trường đóng cửa ở Hoa Kỳ (6 khu vực), trong đó có New England và (một phần nào) miền Mideast đã nhìn thấy một sự phục hồi trong năm 2021–22.

Miền New England chứng kiến ​​5,6% phục hồi, gần như bù đắp cho khoản thụt lùi 6,4% cuả năm 2020–21 (đưa tổng số học sinh lên ngang ngửa với năm 2020 trước đó.)

Tuy nhiên khu vực Mideast — bao gồm Pennsylvania, New York, New Jersey, Delaware, Maryland và Washington, DC — là khu vực chịu thiệt hại nhất trong suốt thời gian đại dịch, đã đóng cửa 99 trường học, nhưng mức phục hồi năm 2022 là nhỏ nhất trên toàn quốc, chỉ tăng có 2,1% mà thôi.

Điều đáng lo ngại về xu hướng cuả miền Mideast là, về mặt lịch sử, việc đóng cửa trường học dường như đã gia tăng tốc độ suy giảm hơn là được ổn định. Đi sâu hơn vào những gì đã xảy ra ở sáu giáo phận lớn (Philadelphia, New York, Brooklyn, Chicago, Buffalo và Camden) trong vòng ba năm trước đó và năm năm sau khi trường học đóng cửa, cho thấy rằng không có giáo phận nào đã ổn định hoặc phục hồi lại việc ghi danh sau khi đóng cửa. Thật vậy, tại mỗi trong số sáu giáo phận, số lượng ghi danh vẫn tiếp tục giảm năm này qua năm khác.

Chắc chắn, có thể hiểu được rằng các nhà lãnh đạo giáo phận, đặc biệt là ở các giáo phận thành thị lớn, đã làm việc để “bình thường hóa” số lượng giáo xứ và trường học cần thiết để phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học có nguy cơ làm cho toàn bộ hệ thống yếu đi.

Vẫn bị ảnh hưởng vào chính sách cuả chính quyền:

Nói chung, so sánh những tiểu bang có chương trình cho phép 'chọn trường' mạnh mẽ — như có các chương trình tài trợ học phí, tín dụng thuế cho học phí, hoặc Tài khoản Tiết kiệm Giáo dục (ESA) — so với những tiểu bang không có các chương trình ấy, thì rõ ráng có một mối liên hệ với việc lựa chọn và ghi danh vào các trường Công Giáo.

Sáu tiểu bang cho phép 'chọn trường' — Idaho, New Hampshire, Nevada, North Dakota, South Carolina và Colorado — có ​​sự gia tăng ghi danh vào các trường Công Giáo dù ngay cả lúc đại dịch, 14 tiểu bang khác (cũng cho phép chọn trường) thì sự phục hồi là đủ để bù đắp vào sự sụt giảm lúc ban đầu. Tổng hợp lại, điều đó có nghĩa là gần một nửa số tiểu bang (20) cuà nước Mỹ ngày nay có nhiều học sinh Công Giáo hơn so với thời trước đại dịch.

Điểm mấu chốt là khi cha mẹ có quyền kiểm soát đối với số tiền chi tiêu cho việc học của con cái, thì họ sẽ sử dụng số tiền đó để chọn các trường Công Giáo.

Kết luận và đề nghị cuả Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia (NCEA)

Sự phục hồi số học sinh của các trường Công Giáo là tin đáng mừng, và chắc chắn là phần thưởng cho vai trò quan trọng của các trường Công Giáo trong việc hỗ trợ học sinh và cộng đồng qua sự lựa chọn dạy học trực tiếp trong suốt những năm đại dịch. Nó cũng có thể là một tín hiệu cho thấy việc đóng cửa trường học do Covid gây ra đã thúc đẩy nhu cầu lựa chọn trường học của phụ huynh và nó có thể là một điềm báo cho một tương lai sáng suả hơn.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ căn cứ vào dữ liệu cuả hai năm. Covid được chứng minh là một cơn động đất chôn vùi nhiều khu học chánh cấp trung học của Mỹ, nhưng thói quen và điều kiện kinh tế vẫn có thể lôi kéo các bậc phụ huynh trở về các trường công lập trở lại.

Đối với những người lo lắng cho nền giáo dục Công Giáo, thì đó là một lời nhắc nhở rằng nếu chúng ta muốn biến sự phục hồi của giai đoạn 2021–22 thành một sự thay đổi lâu bền, chúng ta phải nắm bắt cơ hội bằng cách làm nhiều hơn nữa để duy trì những kết quả này.

Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia cuả HK (NCEA) đề xuất ra bốn điều:

Nhận mặt những cơ hội cải tiến :

Đầu tiên, các nhà lãnh đạo trường Công giá ở mọi cấp cần nhận ra cơ hội thực sự mà họ có để thúc đẩy sự thay đổi là gì.

Từ rất lâu, ngay cả những người trong NCEA đã chỉ biết than phiền về những thách thức mà các trường Công Giáo phải đối mặt — như những hạn chế tài chính, sự cạnh tranh gia tăng, không có tài trợ của tiểu bang và liên bang, v.v. — và đã chấp nhận số phận như là một cái gì đó xảy ra với chúng ta hơn là một cái gì đó mà chúng ta có thể kiểm soát. Những thách thức mà các trường Công Giáo phải đối mặt là có thật, và ở một số nơi, chúng là một mối đe dọa hiện hữu. Nhưng sự hiện diện của các mối đe dọa và thách thức khiến chúng ta càng phải cam kết tận dụng thời điểm này để xem lại những cách làm cũ và thúc đẩy sự thay đổi trở thành lâu dài.

Ví dụ, khi nói đến tuyển sinh, chúng ta thường tự dựng lên các rào cản về việc ghi danh khiến cho sự phát triển trở nên khó khăn hơn. Quy trình tuyển sinh của các trường Công Giáo thường phức tạp đến nỗi phụ huynh không muốn tham gia. Thủ tục giấy tờ học bổng có thể rườm rà khiến các gia đình không thể đáp ứng nhu cầu đăng ký. Các chính sách và thủ tục học phí không rõ ràng đến mức các bậc cha mẹ phải lắc đầu trước khi họ thăm dò.

Những rào cản này nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta; loại bỏ hoặc giản lược chúng có thể mang đến những tác động tức thì.

ưu tiên việc giữ chân các học sinh mới

Thứ hai, các trường Công Giáo nên cảnh giác ngay từ bây giờ đến một nguy cơ là có thể bị sụt giảm trong năm tới. Thực tế là trong những trường hợp ghi danh cho niên học kế tiếp, những học sinh khó giữ lại nhất là những học sinh mới. Điều này có nghĩa là, học sinh đã học ở trường càng lâu thì mối liên kết với cộng đồng càng mạnh mẽ. Nhưng nó cũng có nghĩa là vào năm sau sẽ có một thay đổi đáng kể. Các nhà lãnh đạo nên tập trung nhiều hơn vào việc giữ chân các gia đình mới và họ thu hút thêm học sinh mới.

Thực tế là tỷ lệ tăng trưởng đã tập trung ở các lớp mầm non. Trong giai đoạn chuyển từ mầm non sang mẫu giáo, cha mẹ thường nghiên cứu và tìm tòi thêm những lựa chọn mới. Và do nhiều bậc cha mẹ tuy có đủ tiền trả cho lớp mẫu giáo, nhưng không đủ cho các lớp cao hơn, cho nên sự cám dỗ ở các trường công lập miễn phí sẽ là rất cao. Bây giờ là lúc để tập trung vào việc giữ chân học sinh từ trước tuổi K cũng như thu hút càng nhiều học sinh mẫu giáo càng tốt. Trên thực tế ngày nay, mỗi trường Công Giáo thường chỉ có một phòng học cho mỗi lớp, các nhà lãnh đạo nên xem xét khả năng mở thêm một lớp mẫu giáo thứ hai, ngay cả khi biết rằng sẽ không thể duy trì lớp đó cho đến hết cấp 8, bởi vì việc ấy sẽ thiết lập một nền móng rộng, đủ để bảo đảm cho những năm sau.

Thay đổi cách quản lý và điều hành trường Công Giáo ở đô thị

Thứ ba, các nhà lãnh đạo giáo phận cần phải suy nghĩ khác về việc quản lý và điều hành trường Công Giáo ở đô thị. Quá nhiều giáo xứ bị kéo mỏng - đến mức đột phá - và trường học là một gánh nặng phức tạp nhất trong công việc mục vụ của giáo xứ. Đã đến lúc giáo phận nên xem xét lại mô hình quản trị mới là giao quyền tự quản và giám sát cho các nhà lãnh đạo giáo dân. Các mô hình như Independence Mission Schools, the Cristo Rey Network, and Partnership Schools (Trường Truyền giáo Độc lập, Mạng lưới Cristo Rey và Trường Hợp tác) cho thấy cách kết hợp giữa quyền tự trị, sự lãnh đạo của giáo dân và sự giám sát của Giáo hội có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.


Cần áp lực với chính quyền về quyền được hổ trợ

Cuối cùng, đã qua thời gian mà các quan chức công quyền có thể 'đối xử khác biệt' với các trường Công Giáo. Tòa án Tối cao đã giải quyết nhiều trở ngại pháp lý bị cho là ' phân biệt đối xử' với cách sử dụng công quĩ cho các trường tôn giáo trong vụ án năm 2020 Espinoza kiện Sở Thuế Montana, và nó có thể làm rõ vấn đề hơn nữa trong quyết định Carson kiện Makin đang chờ xử lý, tập trung vào vấn đề liệu tiểu bang có thể từ chối một học sinh được hỗ trợ tài chính từ một chương trình cuả nhà nước bảo trợ hay không? khi học sinh đó sử dụng nó cho một trường tôn giáo tư nhân. Đã đến lúc người Công Giáo cần yêu cầu các thống đốc và quan chức nhà nước phải công nhận quyền tự do tôn giáo và quyền của phụ huynh trong việc lựa chọn trường học phù hợp với ưu tiên của họ và được hỗ trợ bằng công quỹ để thực hiện các quyền đó.

Các trường học Công Giáo đã phản ứng một cách chủ động và hiệu quả với đại dịch Covid-19, và các bậc cha mẹ đã khen thưởng họ bằng cách ghi danh con cái của họ. Để duy trì sự tin tưởng của các bậc cha mẹ và gia đình đó, các nhà lãnh đạo trường Công Giáo không thể đơn giản cho rằng đợt tuyển sinh này sẽ tiếp tục mà không có sự cải cách và tư duy sáng tạo.
 
Thần học xét lại hạ thấp tiêu chuẩn học thuyết Tôma
Vũ Văn An
19:29 21/08/2022

Trong khi đó, trên Catholic World Report ngày 12 tháng 8, Tiến sĩ Larry Chapp, giáo sư triết học hưu trí của Đại Học DeSales gần Allentown, Pennsylvania, lên tiếng phê phán các nhà thần học xét lại đã hạ giá học thuyết Tôma khi ve vãn hệ tư tưởng hiện đại và dùng những bài thuốc lang băm (nostrums) của nó chống lại Giáo Hội nhất là trong nền thần học luân lý.



Thực ra, tác giả không đề cập chi tới học thuyết của Thánh Tôma nhưng nhấn mạnh tới nhận định của Henry de Lubac khi đọc The Church: Paradox and Mystery [Giáo Hội: Nghịch lý và Mầu nhiệm] của học giả này. Nhận định đó như sau: cuộc cải cách thực sự duy nhất của Giáo hội xảy ra khi Thiên Chúa cho xuất hiện các vị thánh phù hợp với thời đại. De Lubac cho rằng không thể đoán trước những loại thánh nào được Chúa Thánh Thần cho xuất hiện trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, de Lubac nói rằng có một số điều chúng ta có thể nói một cách dứt khoát về thế nào là thánh và thế nào không phải là thánh, trong mọi thời đại.

Theo ngài, một vị thánh không phải là một “thiên tài tôn giáo” cầm chịch một loại “óc sáng tạo” của phái Montanist tìm cách “vượt qua Tin Mừng” bằng những công trình xây dựng mới đầy canh tân phản ảnh các khẩu hiệu của thời nay và hạ giá tất cả những gì trước đây như chỉ là sự chuẩn bị cho một thời đại khai sáng mới. Và, như de Lubac nói, "Nếu họ đạt được những điều lớn lao, thì không phải là nhờ những khảo luận về lòng dũng cảm dám làm." (174). Không khó để nhận ra trong những lời này, một sự chế giễu được che đậy mỏng manh đối với tất cả những trò láo khoét nhằm được khen ngợi, cho rằng “Thiên Chúa đang làm một điều mới mẻ” trong khi thực tế những gì được họ đề xuất chẳng có gì mới mẻ cả, nhưng chỉ là những khu vườn tạp nham được trang điểm thành "lối sống giác ngộ".

Ở đây, chúng ta hãy nói thẳng: trong cả thời của de Lubac lẫn thời của chúng ta, luôn có cảnh cao ngạo của nhà thần học hoặc tu sĩ Công Giáo cấp tiến, những người phản đối công khai các giáo huấn của Giáo hội về bất cứ vấn đề nóng hổi nào, và là những người được coi như “những anh hùng” gan dạ và “can đảm” dám đứng lên chống lại Giáo hội “lạc hậu”. Điều này được de Lubac nói rõ rằng không có gì giống như Chúa Kitô, hoặc can đảm, hoặc có dấu thánh giá và được thánh hóa khi cố gắng giành cho được sự ca ngợi của thế gian bằng cách nhắc lại như vẹt các bài thuốc lang băm của hệ tư tưởng thời đại và sử dụng chúng chống lại Giáo hội. Những kẻ phản bội văn hóa không phải là các thánh và Giáo hội đã có đủ những thứ này rồi. Xin cám ơn qúy vị!

Tương tự như vậy, loại can đảm giả tạo này cũng được tìm thấy trong một số loại người theo phái duy truyền thống, như de Lubac nói, “nhượng bộ nhu cầu con nít muốn có an toàn bằng cách bám vào truyền thống của Giáo hội” theo những cách không thực sự trung thành với nó nhưng thay vào đó sử dụng nó như một cấu trúc ngẫu thần của trí tưởng tượng riêng mình. Vị thánh ngày nay không bao giờ được nhượng bộ trước cơn cám dỗ bè phái để chạy theo một kiểu hợp chất truyền thống (tradition-compound) với các phụng vụ chống đối bí mật (underground liturgies) riêng của nó và “các linh mục anh hùng”, những người được miêu tả một cách sai lầm như những người tử vì đạo.

Thí dụ, tôi từng chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì đã tăng sức một lần nữa cho những người trong Giáo hội tìm kiếm một cuộc cách mạng trong thần học luân lý của Giáo hội. Tôi cũng đã chỉ trích phương thức mục vụ của Traditionis Custodes. Nhưng chúng ta không thể đơn giản để một quyết định mục vụ bị coi là tồi của Đức Giáo Hoàng về vấn đề các nghi thức phụng vụ được phép làm chúng ta phát điên. Đức tin của chúng ta là vào Chúa Kitô và Giáo hội của Người, chứ không phải trong một hình thức đặc thù của phụng vụ. Và khi một hình thức đặc thù nào đó của phụng vụ được đề cao phần nào trên huấn quyền của Giáo hội, thì chúng ta cần phải gọi nó đúng như nó là: một ý thức hệ giáo hội thụt lùi gần như thờ ngẫu tượng.

Do đó, chủ nghĩa duy truyền thống không chỉ ra bất cứ con đường nào dẫn đến sự thánh thiện mà tôi có thể xác định ngoài sự kiện này là bất cứ nền phụng vụ tốt nào cũng có thể tạo ra các vị thánh khi nó là một phụng vụ được sinh động hóa bởi một đời sống đức tin cộng đồng sâu sắc trong một giáo xứ sôi động.

Sự can đảm thực sự của một sự thánh thiện chân chính phải bước theo con đường của Thập giá. De Lubac mượn một phép loại suy từ một số Giáo phụ, những vị đã ví sự thánh thiện của Giáo hội với độ sáng của mặt trăng, độ sáng của nó chỉ đơn giản phản chiếu sự vinh quang của ánh sáng chói lọi của Mặt trời. Tuy nhiên, đôi khi, độ sáng của mặt trăng suy yếu và thậm chí có thể bị che khuất hoàn toàn. Đối với Giáo Hội cũng vậy, vì Giáo Hội trải qua toàn bộ ác thời kỳ tối tăm trước khi ánh sáng của Chúa Kitô một lần nữa trở lại nhờ lòng nhiệt thành canh tân của các thánh. Ngài lưu ý, “Vào một số thời điểm nhất định, chứng tá của Giáo Hội có thể bị che khuất nhiều… nhưng chúng ta có sự bảo đảm rằng 'các vị thánh sẽ luôn xuất hiện.'” (30) Tuy nhiên, de Lubac than thở, “… trong thế kỷ này, Giáo hội là một Giáo hội trong cơn giẫy chết và chính trong cách này, Giáo hội được đổi mới, nhờ ngày càng đến gần hơn với Chúa Kitô, Người phối ngẫu của mình. Sau đó, Giáo Hội trở nên đồng nhất với Người đến nỗi Giáo Hội biến mất, có thể nói như thế, trong sự rực rỡ của mình. Rất gần với Mặt trời của mình, tức Chúa bị đóng đinh, chính trong bóng tối của Khổ Nạn mà Giáo Hội bắt đầu phát triển trở lại.” (30-31)

Nói cách khác, Giáo hội ngày nay đang trải qua một via crucis (đàng thánh giá) thanh tẩy qua các thập giá với những chiều kích chưa từng có và do đó cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là điều chúng ta nên thu mình lại vì sợ hãi mà là điều chúng ta nên nắm lấy như một cơ hội cho các thánh mới xuất hiện. Và việc theo đuổi sự thánh thiện này, bất luận có thất thường và không nhất quán và khó chịu đến đâu, phải liên hệ đến mỗi người trong chúng ta, hoặc ít nhất là hầu hết chúng ta. Trong một nền văn hóa tự do, phóng túng, dân chủ và — ta hãy đối mặt với nó — nền văn hóa đề phòng Giáo hội, giáo dân phải dẫn đầu vào lúc này. Bây giờ là thời điểm của giáo dân, thời điểm quan trọng của nó, “thời cấp cứu” [Ernstfall] của nó, và do đó loại thánh mà Giáo hội cần nhất ngày nay là các thánh giáo dân đang hoạt động trong thế giới.

Nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng không phải vậy. Đó là yếu tính của Tin Mừng và nếu chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe nói tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, và nếu có vẻ chỉ là “chuyện chán phè” và “là bất cứ điều gì”, thì đã đến lúc phải thừa nhận rằng tẻ lạnh quả đã chiếm trọn Giáo hội ngày nay và khiến chính Tin Mừng trở thành nhàm chán, nếu không muốn nói là lười biếng.

Bây giờ không phải là lúc để chúc phúc cho chủ nghĩa hư vô tiềm ẩn ở tâm điểm nền văn hóa luận chiến đầy trống rỗng và tuyệt vọng kiểu buông thả của chúng ta, nhưng phải thách thức nó bằng cách bước vào nó trong tư cách những tay chơi tích cực không khuất phục trước nó... Trái lại, cố gắng chinh phục nó và trong diễn trình này, làm chứng công khai cho sự hiện diện của mầu nhiệm siêu nhiên và cánh chung vốn làm cho khả năng chống lại sự đồng hóa văn hóa của chúng ta trở nên khả hữu — và chỉ riêng điều này có thể khiến chúng ta thành “đáng lưu ý” như một sự khiêu khích hấp dẫn và to lớn.

Do đó, điều chúng ta đặc biệt không cần đến nhất ngày nay là “Chủ nghĩa Tôma tiêu chuẩn thấp” của nhóm các nhà thần học luân lý theo chủ nghĩa xét lại hiện nay, những người đã giản lược lời kêu gọi nên thánh như chỉ được ngỏ cùng một số ít người, đơn giản chỉ dành cho một nhóm ưu tú nào đó. Vì thế, đối với “hầu hết những con người bình thường”, họ mô tả con đường nên thánh như một cuộc đấu tranh cam go thậm chí chỉ để tuân theo những mệnh lệnh căn bản của luật luân lý, nên chúng ta phải dành đủ thứ “thông cảm mục vụ” khi “đồng hành” với họ trên "con đường biện phân" của họ. Tất cả điều này nghe có vẻ khá hay và biết quan tâm sâu sắc, nhưng trên thực tế, đó là một món rau trộn gồm các từ ngữ thông dụng vô nghĩa, tất cả đều được thiết kế để quảng bá một ý tưởng đơn giản: sự thánh thiện không dành cho những người bình thường...

Tôi nghĩ đến câu chuyện về “một thủ lãnh” trong Tin Mừng hỏi Chúa Giêsu: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 18:18). Và lúc đó, Chúa Giêsu gợi ý rằng đối với người này, chỉ tuân theo chủ nghĩa tối giản là sống các giới răn luân lý mà thôi không đủ - họ phải vượt quá điều này và, “hãy cho người nghèo tất cả những gì bạn có và sau đó theo tôi.” Nhưng người thanh niên trở nên rất buồn bã và từ chối lời đề nghị theo Chúa vì quá gắn bó với của cải. Lúc đó, Chúa Giêsu nói với người thanh niên (và như Luca nói thêm, trong khi “nhìn anh ta”) rằng người giàu có vào Nước Thiên Chúa là điều vô cùng khó khăn. Thực thế, Chúa Giêsu nói lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu tìm được sự sống vĩnh cửu. Đó là một cảnh nghiệt ngã mà hầu hết các Kitô hữu Hoa Kỳ đã tâm linh hóa một cách thái quá vì nó cắt quá sát xương cốt giàu có của chúng ta.

Nhưng hãy lưu ý những gì Chúa Giêsu không nói hoặc không làm. Người không nói với người thanh niên, “Này anh bạn, không sao đâu. Đừng lo. Không sao đâu. Chỉ cần cố gắng hết sức có thể trong những hoàn cảnh phức tạp của cuộc đời, dâng hiến cho Chúa những gì bạn có thể một cách quảng đại nhất ở thời điểm hiện tại trong giới hạn của những hoàn cảnh đó, và Thiên Chúa sẽ chấp nhận điều đó. Và bạn có thể có một lương tâm thanh thản về tất cả những chuyện đó." Nếu Chúa Giêsu nói một điều như vậy, thì hẳn đó là một thứ lòng nhân hậu hạ cố “tiêu chuẩn thấp” với giọng chú bác khoan dung trước sự dại dột của tuổi trẻ, chứ không phải là một kiểu nói khích lệ của lòng Chúa nhân hậu. Và cũng hãy lưu ý điều này Chúa Giêsu đã không đuổi theo người thanh niên để khuyên can thêm với anh ta. Người để anh ta đi sau khi nói thẳng vào mặt anh ta rằng sự giàu có của anh ta sẽ là thứ làm mất tinh thần của anh ta.

Đây cũng là trường hợp duy nhất trong các sách Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu đặc biệt kêu gọi ai đó đi theo Người và họ từ chối. Và điều đáng lưu ý, vì nó thường bị làm ngơ, là sự phân biệt giữa các điều răn và lời khuyên — rất quan trọng đối với Giáo hội sau này của sự thánh thiện đã bị giáo sĩ hóa — hầu như không tồn tại trong câu chuyện này. Chúa Giêsu liên kết sự cứu rỗi của người đàn này một cách rất trực tiếp vào lời kêu gọi theo đuổi con đường nên thánh vượt quá việc chỉ sống các giới răn đạo đức. Và đó là bởi vì, nếu chúng ta đọc câu chuyện này dưới ánh sáng của Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói rằng nếu bạn hiểu đúng những gì các điều răn đòi hỏi nơi chúng ta theo cách tối đa chứ không tối thiểu, thì bạn sẽ hiểu rằng luận lý bên trong của chúng đòi phải lao vào việc theo đuổi một sự thánh thiện cao hơn, để có thể chu toàn chúng một cách sâu sắc nhất.

Thật vậy, Người nhấn mạnh rằng lối sống duy tối thiểu tuân theo các điều răn, không có sự hoán cải bên trong của cõi lòng, thực sự không phải là sống các điều răn đích thực.

Tất nhiên, có chỗ dành cho lòng nhân hậu, sự kiên nhẫn, sự sáng suốt và sự đồng hành. Nhưng những đức tính này là những khoảnh khắc nằm trong nhiệm cục rộng lớn hơn của lòng tốt luân lý và thiêng liêng chứ không thay thế nó. Sự thật và lòng thương xót không thể mâu thuẫn nhau, và mô tả chúng như những cú đòn trong phép biện chứng “Luật-Tin Mừng” chỉ là thứ nhị nguyên thuyết của Marcion. Chúa Giêsu Kitô đã đặt tiêu chuẩn cao, nhưng sau đó Người cũng truyền lệnh cho chúng ta phải tha thứ bảy mươi lần bảy và mở rộng lòng thương xót ngay cả với kẻ thù của chúng ta.

Chúng ta không thể làm cho Chúa Kitô đáng tin một lần nữa và chúng ta không thể phá vỡ xiềng xích bá quyền của cái “khung nội tại” đang nô dịch chúng ta nếu chúng ta biến mọi lựa chọn khó khăn mà chúng ta phải đối diện - những lựa chọn do Tin Mừng đòi hỏi - thành một “vùng xám” của “các hoàn cảnh phức tạp” nài van một kỳ vọng bị hạ thấp tiêu chuẩn. Rất dễ trở thành “bao gồm” khi bạn nghĩ rằng đã có bao giờ có chuyện “độc quyền” đâu.

Và chúng ta không thể làm cho sự vinh hiển siêu nhiên của Chúa Kitô hiện diện một lần nữa nếu chúng ta dâng hương thơm cho những vương quốc và quyền lực đã tạo ra tất cả những “hoàn cảnh phức tạp” đó ngay từ đầu. Sự “bao gồm” mà Chúa Kitô mang lại là sự bao gồm từ bên trên, chứ không phải từ bên dưới. Nó phá vỡ xiềng xích nội tại của chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy rằng tính thế giới đích thực duy nhất là thế giới được làm mới trong Chúa Kitô.

Và vì vậy, nhiệm vụ vui mừng của người tìm kiếm sự thánh thiện hiện đại là làm cho rõ ràng và đáng tin cậy một lần nữa những lời của Chúa chúng ta: “Này, Ta làm cho mọi sự nên mới mẻ”.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 21 tháng 8
Đặng Tự Do
19:41 21/08/2022
Chúa Nhật 21 tháng 8, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 21 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu rỗi thì ít, có phải thế không?” Người bảo họ:

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ!

Trong đoạn Phúc âm Luca cho phụng vụ Chúa nhật này, có người hỏi Chúa Giêsu, “những người được cứu rỗi thì ít, có phải thế không?” Và Chúa đáp lại: “Hãy cố gắng mà vào bằng cửa hẹp” (Lc 13,24). Cánh cửa hẹp… đây là một hình ảnh có thể khiến chúng ta sợ hãi, như thể sự cứu rỗi chỉ dành cho một số ít người được tuyển chọn, hoặc những người hoàn hảo. Nhưng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong nhiều dịp khác. Và, thực tế là, ngay sau đó, ngài xác nhận, “Mọi người từ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (câu 29). Vì vậy, cánh cửa này tuy hẹp, nhưng vẫn rộng mở cho tất cả mọi người! Đừng quên điều này. Cánh cửa rộng mở cho tất cả mọi người!

Nhưng để hiểu rõ hơn, cánh cửa hẹp này là gì, chúng ta cần hỏi nó là gì. Chúa Giêsu đang sử dụng một hình ảnh từ cuộc sống đương đại, rất có thể ám chỉ sự thật rằng, khi buổi tối buông xuống, các cánh cửa của thành phố sẽ đóng lại và chỉ một cửa nhỏ nhất và hẹp nhất vẫn mở. Để trở về nhà, ai đó chỉ có thể đi qua đó.

Bây giờ chúng ta hãy nghĩ về thời điểm Chúa Giêsu nói, “Ta là cửa. Nếu ai nhờ Ta mà vào, thì sẽ được cứu độ “(Ga 10: 9). Ngài muốn nói với chúng ta rằng để đi vào sự sống của Thiên Chúa, vào sự cứu rỗi, chúng ta cần phải đi qua Ngài, chứ không phải qua người khác, qua Ngài; chào đón Ngài và Lời của Ngài. Cũng như để vào thành phố, ai đó phải “đo lường” cho vừa vì đó là cánh cửa hẹp duy nhất còn lại đang mở, vì vậy cánh cửa Kitô giáo cũng là một cuộc sống mà “thước đo là Chúa Kitô”, được thiết lập và làm mẫu cho mọi người. Điều này có nghĩa là quy tắc đo lường là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài - không phải những gì chúng ta nghĩ, mà là những gì Ngài nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta đang nói về một cánh cửa hẹp không phải vì chỉ một số ít người được định sẵn để đi qua nó, không, nhưng vì thuộc về Chúa Kitô có nghĩa là theo Ngài, sống đời mình trong tình yêu, sự phục vụ và hiến thân như Ngài, nghĩa là đi qua cửa hẹp của thập tự giá. Bước vào dự án mà Thiên Chúa đề ra cho cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải hạn chế không gian của chủ nghĩa vị kỷ, giảm bớt sự tự phụ, hạ thấp đỉnh cao của sự kiêu ngạo và tự phụ, và chúng ta phải vượt qua sự lười biếng, để chấp nhận gánh lấy rủi ro của tình yêu, thậm chí khi điều đó liên quan đến thập tự giá.

Nói một cách cụ thể, chúng ta hãy nghĩ về những hành động yêu thương hàng ngày mà chúng ta phải đấu tranh để thực hiện: chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ dành hết mình cho con cái, hy sinh và bỏ thời gian của chính mình; những người quan tâm đến người khác chứ không chỉ về lợi ích của bản thân (có bao nhiêu người tốt như thế này); chúng ta hãy nghĩ đến những người dành bản thân mình để phục vụ người già, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất; chúng ta hãy nghĩ về những người tiếp tục làm việc tận tâm, bất kể những khó chịu và có lẽ có cả những hiểu lầm; chúng ta hãy nghĩ đến những người đau khổ vì đức tin của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; Chúng ta hãy nghĩ đến những người, thay vì làm theo bản năng của mình, đã đáp lại điều ác bằng điều thiện, tìm thấy sức mạnh để tha thứ và can đảm để bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài ví dụ về những người không chọn cửa rộng thuận tiện cho mình, nhưng chọn cửa hẹp của Chúa Giêsu, của một đời sống yêu thương. Chúa phán hôm nay rằng Chúa Cha sẽ nhận ra họ hơn nhiều so với những người tin rằng họ đã được cứu nhưng thực sự là “kẻ làm việc cho sự dữ” (Lc 13:27) trong cuộc sống.

Thưa anh chị em, chúng ta muốn đứng về phía nào? Chúng ta thích lối sống dễ dãi chỉ nghĩ về bản thân, hay chúng ta chọn cánh cửa hẹp của Tin Mừng khiến lòng ích kỷ của chúng ta rơi vào khủng hoảng, nhưng lại khiến chúng ta có thể đón nhận sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta hạnh phúc? Chúng ta đang đứng về phía nào? Xin Đức Mẹ, Đấng đã theo Chúa Giêsu suốt con đường thập giá, giúp chúng con đo lường sự sống của chúng con với Người để đi vào cuộc sống vĩnh cửu viên mãn.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi đang theo dõi sát sao, với sự lo lắng và buồn bã, hoàn cảnh được tạo ra ở Nicaragua liên quan đến con người và các tổ chức. Tôi muốn bày tỏ niềm tin và hy vọng rằng, thông qua một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành, cơ sở cho một sự chung sống hòa bình và tôn trọng vẫn có thể được tìm thấy. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Thánh Purísima, khơi dậy lòng mọi người bằng ý chí cụ thể này.

Anh chị em thân mến, tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau - các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội. Đặc biệt, tôi chào cộng đoàn từ Trường Đại Học Giáo hoàng Bắc Mỹ, đặc biệt là các đại chủng sinh mới đến, và tôi khích lệ họ trong việc dấn thân tâm linh, và thúc giục họ trung thành với Tin Mừng và với Giáo Hội. Tôi chào mừng những người phụ nữ được thánh hiến đó trong nghi thức Khấn Giữ Mình Đồng Trinh, và tôi khuyến khích họ làm chứng cho niềm vui tình yêu của Chúa Kitô.

Tôi chào các tín hữu từ Verona, Trevignano, Pratissolo, những người trẻ tuổi từ Paternò, Lequile và những người tham gia Via lucis, những người, được truyền cảm hứng bởi gương của các vị Thánh “bên cạnh”, sẽ gặp gỡ những người nghèo sống gần nhà ga. Và một lời chào đến những người trẻ của phong trào Immaculata.

Chúng ta hãy kiên trì gần gũi và cầu nguyện cho những người dân Ukraine thân yêu đang trải qua sự tàn ác vô nhân đạo.

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney Mừng Kính Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:43 21/08/2022
Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney Mừng Kính Bổn Mạng

Chiều Chúa Nhật 21/08/2022 vào lúc 2 giờ chiều các Hội Đoàn Đoàn Thể, quý Quan Khách và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta mừng kính Lễ Bổn Mạng Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta - Sydney.

Xem Hình

Sau 3 hồi chiêng trống truyền thống Việt Nam, ban Tây Nhạc Cecilia thổi bài Kính Mừng Nữ Vương. Cha Remy Bùi Sơn Lâm Tuyên uý Trưởng Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney ngỏ lời chào mừng mọi người đã đến Giáo đoàn tham dự Lễ Bổn Mạng đồng thời xông hương kiệu Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đặt bên đài Đức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ và bắt đầu kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang rước vào nhà thờ. Cuộc kiệu rất trang nghiêm và long trọng, mọi người cùng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Vui nguyện cầu xin Mẹ chúc lành cho Gia Đình, cho Giáo Đoàn và cho Cộng Đồng.

Khi kiệu Thánh tượng Đức Mẹ vào trong nhà thờ và an vị trên cung thánh. Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm Đặc trách Giáo Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta Sydney ngỏ lời chào tất cả mọi người đồng thời giới thiệu quý Cha. Father Moses Tamale Phó xứ Cabramatta, Cha Trần Văn Trợ, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Lê Đình Trác (Dòng Chúa Cứu Thế) và Cha Nguyễn Văn Hùng (Đài Loan) cùng hiệp dânh Thánh lễ.

Đặc biệt trong Thánh lễ các em Thiếu Nhi Thánh Thể của Xứ đoàn Thánh Mẫu La Vang với nghi thức trang trọng cung nghinh Lời Chúa, rước từ cuối Thánh đường và tất cả mọi người cùng hướng về sách Phúc m để đón nhận Lời Chúa là Lời Hằng Sống.

Trong bài giảng Cha Tuyên úy Trưởng Bủi Sơn Lâm nói về nhà của Chúa như một bữa tiệc vĩnh cửu hoan lạc, từ Đông sang Tây mọi người tới dự bữa tiệc vĩnh cửu ấy và hơn nữa tình yêu của Chúa không có giới hạn, đó là điều cốt lõi trong đức tin. Thiên Chúa chính là chủ nhà, Ngài có quyền mở cửa và đóng cửa nước trời…Hôm nay mừng kính Đức Mẹ La vang bổn mạng của Giáo đoàn, chúng ta đến với Đức Mẹ xin Mẹ bầu cử cho chúng ta về phần hồn và được đến với Chúa, gần gũi Chúa nhiều hơn, xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày giống như Chúa…

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Nguyễn Ngọc Khiêm Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney thay mặt Cộng Đồng cũng ngỏ lời chúc mừng Lễ Quan Thầy của Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Xứ Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau đó ông Hà Pi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn và cũng xin cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang, quý anh em trong Ban Mục Vụ Giáo Đoàn và quý ân đã đóng góp trợ giúp công và của để Giáo đoàn mừng kính Bổn Mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp.



Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan trong hội trường và thưởng lãm văn nghệ do Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách với những tiết mục vui tươi.



Diệp Hải Dung

Sau đó ông Hà Pi Liến Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ Bổn Mạng của Giáo Đoàn và cũng xin cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang, quý anh em trong Ban Mục Vụ Giáo Đoàn và quý ân đã đóng góp trợ giúp công và của để Giáo đoàn mừng kính Bổn Mạng hôm nay được mọi sự tốt đẹp.



Thánh lễ kết thúc mọi người cùng ở lại tham dự tiệc liên hoan trong hội trường và thưởng lãm văn nghệ do Ca đoàn và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách với những tiết mục vui tươi.



Diệp Hải Dung
 
Hình ảnh lễ quan thày và 20 năm thành lập chi hội Têrêsa Calcuta - Arlington.
Trần Mạnh Trác
13:17 21/08/2022
Xem hình ảnh và video

Thứ bảy ngày 20 tháng 8 năm 2022 vừa qua, Chi hội Bảo Trợ ơn Thiên Triệu cuả Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chuá có tên là Chi Hội Têrêsa Calcuta - Arlington đã tổ chức mừng lễ quan thày và đồng thời ăn mừng ngày sinh nhật 20 năm cuả chi hội.

Chương trình bắt đầu với giờ Chầu Thánh Thể tại nhà thờ Gx Th. Giuse ở Grd Paririe TX, sau đó là thánh lễ và một tiệc mừng tại hội trường Gx.

Được biết chi hội Têrêsa Calcuta - Arlington, với trên 500 hội viên, là chi hội lớn thứ 2 trong 40 chi hội bảo trợ ơn Thiên Triệu cuả Tu Đoàn Nhà Chuá.
 
VietCatholic TV
Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù Nga ở Kherson bị san bằng. Nga đẩy thế giới đến ranh giới thảm họa hạt nhân
VietCatholic Media
03:17 21/08/2022


1. Quân Ukraine tấn công quân Nga ở Chornobaivka, Vùng Kherson.

Trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 21 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong đêm thứ Bẩy, rạng sáng Chúa Nhật, quân Ukraine đã tấn công vào quân Nga tại Chornobaivka, Vùng Kherson. Thiệt hại của đối phương vẫn đang được làm rõ.

Tuy nhiên, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trước đó lực lượng vũ trang Ukraine đã san bằng hai sở chỉ huy của Sư đoàn Dù số 76 và Tập đoàn quân số 49 của Nga tại Chornobaivka.

Quân đội Ukraine đã phá hủy các kho đạn của đối phương gần Beryslav và Chornobaivka. Theo nhận định của Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, quân Nga trong vùng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng vì không được tiếp tế. Họ cũng cạn kiệt đạn dược vì các kho đạn đã bị phá hủy trong khi các con đường tiếp tế đã bị cắt đứt.

Trong bản báo cáo chiều thứ Bẩy 20 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng của Ukraine đã tấn công một cây cầu có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga ngay sau khi quân đội của Putin cố gắng vá lại mặt cầu để có thể chuyển quân.

Chỉ huy Tác chiến phía Nam của Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã cố gắng vá lại mặt cầu để có thể di tản các loại xe từ bờ phía Bắc sang bờ phía Nam để chuẩn bị rút lui khỏi khu vực Kherson. Các lực lượng Ukraine đã kiên nhẫn chờ đợi cho quân Nga sửa chữa xong mới pháo kích vào đúng chỗ quân xâm lược vừa vá “phá hủy kế hoạch sửa chữa và sử dụng” cây cầu của quân Nga.

2. Zelenskiy cảnh báo về những hành vi 'đặc biệt khó chịu' của Nga trong ngày lễ độc lập

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng Nga có thể làm điều gì đó “đặc biệt tồi tệ” trong tuần tới, khi Ukraine chuẩn bị kỷ niệm Ngày Độc lập của mình.

Ngày Độc lập hàng năm của Ukraine diễn ra sau nhiều tháng chiến đấu chống lại quân đội Nga để giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Ngày lễ được tổ chức vào ngày 24 tháng 8, đúng sáu tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược Ukraine. Putin đã tiến hành cuộc xâm lược dưới chiêu bài giải phóng vùng Donbas ly khai và đánh bật chính phủ Quốc xã Ukraine, mặc dù tổng thống Zelenskiy là người Do Thái.

Khi cuộc chiến tiếp diễn, giao tranh tập trung ở khu vực cực đông của Ukraine khi Kyiv, được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, tiếp tục kìm hãm lực lượng Nga. Nhưng trước ngày lễ kỷ niệm ngày Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, một số người đang cảnh báo rằng Nga có thể tăng cường các cuộc tấn công trong bối cảnh đang có những bất mãn sâu xa tại Nga vì tiến độ chậm chạp của cuộc xâm lược, tình hình kinh tế khó khăn và con số thương vong quá cao của quân Nga.

Trong một bài phát biểu trên toàn quốc vào thứ Bảy, tổng thống Zelenskiy nói rằng ông lo ngại Nga sẽ làm điều gì đó “đặc biệt tàn nhẫn” vào kỳ nghỉ hoặc những ngày xung quanh nó.

“Chúng ta nên biết rằng trong tuần này, Nga có thể cố gắng làm một điều gì đó đặc biệt tồi tệ, một điều gì đó đặc biệt tàn nhẫn. Họ là kẻ thù của chúng ta. Vào mọi tuần trong sáu tháng qua, Nga đã làm những điều tương tự mọi lúc - kinh tởm và tàn nhẫn. “

Bất chấp lời cảnh báo, Zelenskiy cũng lưu ý tầm quan trọng của kỳ nghỉ năm nay đối với người Ukraine, đặc biệt là ở Crimea - một lãnh thổ Ukraine bị quân đội Nga sáp nhập vào năm 2014, nơi đã trở thành địa điểm giao tranh khi Ukraine mở các cuộc tấn công nhằm mục đích chấm dứt những gì họ coi là sự chiếm đóng bất hợp pháp.

Tổng thống Ukraine nói thêm: “Năm nay, theo đúng nghĩa đen, người ta cảm thấy sự chiếm đóng ở đó là tạm thời, và Ukraine đang quay trở lại”.

Bình luận của Zelenskiy được đưa ra sau một cảnh báo của tình báo Ukraine hôm thứ Năm cho biết Nga đang có kế hoạch tấn công Ukraine trong một sự kiện “pháo kích lớn” trong những ngày tới.

“Mối đe dọa từ các cuộc pháo kích lớn vào lãnh thổ Ukraine bằng hỏa tiễn S-300 là rõ ràng. Xem xét sự xuất hiện của một số chuyến tàu từ Nga trước ngày 20 tháng 8, rõ ràng là người Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 8”, Trung tâm Truyền thông Chiến lược (StratCom), một tổ chức phi chính phủ Ukraine, viết trên trang web của mình.

Tình báo Ukraine cũng cho biết, Nga có kế hoạch trưng bày những binh lính Ukraine bị bắt trong cũi sắt để “xét xử” ở Mariupol, một thành phố do Nga chiếm đóng đã bị tàn phá bởi cuộc xâm lược. Những người lính được trưng bày dự kiến là những người đã bị bắt trong khi bảo vệ nhà máy thép Azovstal vào đầu năm nay.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

3. Đô đốc Hải quân Mỹ nhận định Nga đẩy thế giới đến 'ranh giới' của thảm họa hạt nhân ở Ukraine

Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis cho biết Nga đang đẩy thế giới đến “bờ vực” của một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng với việc họ đang chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Zaporizhzhia của Ukraine.

Cơ sở hạt nhân của Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 3, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược bị quốc tế lên án vào ngày 24 tháng 2. Trong những tuần gần đây, các chuyên gia và nhà phân tích hạt nhân đã lên tiếng báo động khi các vụ nổ làm rung chuyển nhà máy.

Ukraine đổ lỗi cho Nga về “các hành động khiêu khích”, nói rằng hành động của Mạc Tư Khoa có thể dẫn đến “thảm họa”. Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho các vụ nổ là do Ukraine pháo kích, và cả hai quốc gia đều cáo buộc nhau lên kế hoạch cho các hoạt động được gọi là “vu khống” nhằm đổ lỗi cho một thảm họa hạt nhân.

Nga “muốn kéo lưới điện của Ukraine xuống càng nhiều càng tốt”, Stavridis, cựu chỉ huy các hoạt động của Bộ Chỉ huy Đồng minh NATO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC. Ông nói thêm rằng Mạc Tư Khoa nhằm mục đích “khiến người Âu Châu sợ hãi” và “khiến Hoa Kỳ lo âu” cảm thấy “như thể chúng ta đang sống ở rìa của Đảo Three Mile hoặc Chernobyl”.

Stavridis nói: “Đây là tin xấu. Điều này hoàn toàn cần phải kêu gọi sự tham gia quốc tế.”

Năm 1979, đã xảy ra một vụ hỗn loạn cục bộ tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania, đây vẫn là sự việc quan trọng nhất tại một cơ sở thương mại của Hoa Kỳ. Thảm họa Chernobyl diễn ra ở Ukraine năm 1986, là một trong những tai nạn hạt nhân quan trọng nhất trong lịch sử.

Stavridis ca ngợi những nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết tình hình tại Zaporizhzhia. Ông chỉ ra thành công trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đàm phán một thỏa thuận mở các cảng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine. Vị đô đốc đã nghỉ hưu cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên ưu tiên giải quyết nhà máy điện hạt nhân.

“Các hành vi tống tiền của Nga trong và xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải bị ngăn chặn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên khi cáo buộc Mạc Tư Khoa “pháo kích khiêu khích”.

“Dưới vỏ bọc của nhà máy, quân xâm lược Nga đang pháo kích vào các thành phố và cộng đồng lân cận. Quân đội Nga cất giấu đạn dược và thiết bị ngay trong các cơ sở của nhà máy”, Ông Zelenskiy nói.

Hôm thứ Sáu, Putin nói rằng Ukraine đã bắn pháo gần nhà máy, điều này “gây ra nguy cơ xảy ra thảm họa quy mô lớn có thể dẫn đến ô nhiễm phóng xạ trên các vùng lãnh thổ rộng lớn”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi rút toàn bộ thiết bị quân sự khỏi Zaporizhzhia.

“Thiết bị quân sự và nhân viên nên được rút khỏi nhà máy. Phải tránh triển khai thêm lực lượng hoặc thiết bị đến địa điểm. Khu vực này cần được phi quân sự hóa”, ông Guterres nói trong chuyến thăm Ukraine hôm thứ Năm. “Chúng ta phải nói rõ rằng bất kỳ thiệt hại tiềm năng nào đối với Zaporizhzhia đều là tự sát.”

Sau cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Putin được cho là đã đồng ý cho phép một nhóm chuyên gia độc lập kiểm tra cơ sở hạt nhân, Al Jazeera đưa tin hôm thứ Sáu. Trước đó, Putin đã yêu cầu bất kỳ nhóm chuyên gia nào phải đi qua Nga để đến nhà máy ở Ukraine, nhưng văn phòng của Macron cho biết hôm thứ Sáu rằng yêu cầu này đã bị bãi bỏ.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

Putin và các quan chức Nga khác cố gắng biện minh cho cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine bằng cách tuyên bố một cách kỳ quái rằng Ukraine do “tân Quốc xã” lãnh đạo và cần phải được “phi Quốc Xã hóa”. Họ cũng tuyên bố rằng có một “cuộc diệt chủng” đối với những người nói tiếng Nga bản địa ở quốc gia Đông Âu này.

Trên thực tế, Zelenskiy là một người nói tiếng Nga bản địa và là người Do Thái, người đã có các thành viên trong gia đình thiệt mạng trong cuộc tàn sát do Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến thứ hai. Ông được bầu với khoảng 3/4 số phiếu bầu vào năm 2019, khi thủ tướng Ukraine cũng là người Do Thái, điều này sẽ phản bác lại những tuyên bố của Nga rằng người Ukraine đã áp dụng hệ tư tưởng “Đức Quốc xã”.

Putin cũng đề cập đến Đế quốc Nga trước đây và Liên bang Xô viết, cho thấy rằng Mạc Tư Khoa có quyền đối với Ukraine và các vùng lãnh thổ khác trước đây là một phần lãnh thổ lịch sử của nước này. Trong khi đó, Ukraine chuẩn bị kỷ niệm ngày độc lập vào ngày 24 tháng 8, đánh dấu 21 năm kể từ khi nước này tuyên bố tự do khỏi Liên bang Xô viết, một cơ chế hiện không còn tồn tại.

4. Tướng Mỹ nhận xét rằng Nga hiện 'Phòng thủ', Ukraine có thể 'Chọn nơi họ muốn tấn công'

Hôm thứ Bảy, Tướng quân đội Mỹ Mark Hertling cho biết Nga hiện đang “phòng thủ” trong khi Ukraine có thể “chọn nơi họ tấn công” khi cuộc chiến giữa hai bên tiếp tục diễn ra gay gắt.

“Các mục tiêu ban đầu của Nga vượt quá khả năng của họ. Giảm mục tiêu không giúp được gì. Giờ đây, Nga đang ở thế phòng thủ ở nhiều nơi trước mối đe dọa của Ukraine trong chiến tranh truyền thống ngày càng tăng và một cuộc chiến tranh du kích mở rộng. Ukraine đã chuyển sang hành vi tấn công và có thể chọn nơi họ muốn tấn công; Nga hiện đang phòng thủ.”

Tướng Hertling nói thêm rằng quân đội Nga trên mặt đất đã được chứng minh là “lãnh đạo kém, huấn luyện kém và tinh thần thấp” và họ không thể thực hiện các hoạt động vũ khí kết hợp CAO /si ây ô/ ở Ukraine. CAO /si ây ô/ là sự kết hợp của bộ binh, xe tăng, hỏa lực tấn công và phòng thủ, không quân và thông tin tình báo.

Quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải hứng chịu một số lượng lớn thương vong trong cuộc chiến. Colin Kahl, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ước tính hồi đầu tháng rằng Mạc Tư Khoa đã chứng kiến 80.000 thương vong trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh tuần này cho biết việc Nga không “thực thi kỷ luật chiến đấu cấp thấp” đã dẫn đến “hoạt động kém hiệu quả của lực lượng Nga gần đây”, đồng thời cho biết thêm rằng những thất bại của các kíp xe tăng Nga đã gây ra “sự tiêu hao nặng nề” trong chiến đấu.

“Nga tham gia cuộc chiến này với suy nghĩ rằng họ có thể thực hiện một 'cuộc tấn công giống như Bão táp sa mạc' sẽ hoàn thành trong vài ngày tới. Điều này thật ảo tưởng,” Tướng Hertling nói. “Họ thiếu sự lãnh đạo, đào tạo, thiết bị để làm điều đó. Với văn hóa và hệ thống Nga, họ không có khả năng khắc phục điều này.”

Theo Hertling, Ukraine hiện không được đào tạo về loại hình tổ chức hoặc thiết bị để thực hiện CAO /si ây ô/ quy mô lớn, mặc dù quân đội được đào tạo “tương đối” tốt và có tinh thần cao khi họ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và công dân của họ.

Tuy nhiên, Hertling nói rõ: “Đừng hiểu lầm tôi, quân Ukraine có thể thực hiện các hoạt động phòng thủ, phản công, tấn công nhanh với quy mô nhỏ hơn của CAO/si ây ô/. Họ chưa có khả năng CAO /si ây ô/quy mô lớn trên các khu vực rộng lớn. NHƯNG, họ đang thích nghi, học hỏi từ các đồng minh, kết hợp thiết bị mới và làm như vậy rất nhanh chóng.”

Vị tướng đã nghỉ hưu nói thêm rằng Ukraine biết một điều mà Nga không biết, đó là “bạn không thể CHIẾN THẮNG trong các cuộc chiến tranh chỉ với pháo binh hoặc không quân. Những điều đó có thể ảnh hưởng đến kết quả, hoặc thậm chí chuẩn bị chiến trường cho các cuộc chiến trong tương lai, nhưng một lực lượng không thể giành lại vị trí chỉ bằng 'hỏa lực'. Bạn phải làm điều đó với một lực lượng cơ động phối hợp cao.”

Tháng trước, Hertling nói rằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HMARS, được cung cấp cho Ukraine là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, đồng thời nói thêm rằng các lực lượng Nga hiện đang “ở trong tình trạng thảm khốc”.

HIMARS được cung cấp như một phần của gói viện trợ an ninh trị giá 270 triệu USD mà Tòa Bạch Ốc cho biết sẽ được gửi tới quốc gia Đông Âu, và đã là một sự trợ giúp to lớn cho các lực lượng Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Chương trình Công Nghị Tấn Phong 20 Hồng Y mới. Các nạn nhân khủng bố tại Sri Lanka cám ơn ĐTC
VietCatholic Media
05:44 21/08/2022


1. Công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới

Đức ông Diego Ravelli, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo: Lúc 4 giờ chiều thứ Bảy, ngày 27 tháng Tám tới đây, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Công nghị Hồng Y tại Đền thờ thánh Phêrô để tấn phong 20 Hồng Y mới, với nghi thức đội mũ, trao nhẫn và chỉ định nhà thờ hiệu tòa.

Đồng thời, ngài cũng chủ tọa Công nghị về việc tôn phong hai vị chân phước lên bậc hiển thánh, đó là:

Chân phước Giovanni Battista Scalabrini, Giám mục giáo phận Piacenza, bắc Ý. sáng lập dòng các Thừa sai thánh Carlo và dòng các nữ tu Thừa sai thánh Carlo Borromeo.

Tiếp đến là chân phước Artemide Zatti, trợ sĩ dòng Salésien Don Bosco người Argentina.

Các Hồng Y tham dự Công nghị này được yêu cầu hiện diện lúc 3 giờ 30 chiều, trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin, tức là bàn thờ chính của Đền thờ trong phẩm phục đại lễ.

Các vị Hồng Y tân cử cũng có mặt cùng giờ.

Sau đó, từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối, sẽ diễn ra cuộc viếng thăm chúc mừng các Hồng Y mới.

Tiếp đến, thứ Ba, ngày 30 tháng Tám, cũng tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ với các Hồng Y mới và Hồng Y đoàn, lúc 5 giờ 30 chiều.

Sở dĩ Đức Thánh Cha không chủ sự thánh lễ với các Hồng Y mới hôm sau Công nghị tấn phong, vì sáng Chúa nhật ngày 28 tháng Tám, ngài sẽ viếng thăm Tổng giáo phận L’Aquila trung Ý, cách Roma 90 cây số, nhân lễ Tha thứ.

Lễ Tha Thứ ở L’Aquila bắt nguồn từ thánh Giáo hoàng Celestino V, tục danh là Pietro Angeleri. Ngài vốn là một ẩn sĩ, được các Hồng Y bầu làm Giáo hoàng ngày 29 tháng Tám năm 1294, kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Nicolo IV, qua đời hai năm trước đó.

Đức Thánh Cha sẽ tới Vương cung thánh đường Đức Mẹ ở Collemaggio, L’Aquila để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại Quảng trường trước nhà thờ, kèm theo nghi thức mở Cửa Thánh. Kết thúc buổi lễ, Đức Thánh Cha đáp trực thăng trở về Vatican, dự kiến vào lúc 1 giờ 15 trưa.

Ngoài ra, trong hai ngày 29 và 30 tháng Tám, Hồng Y đoàn sẽ họp bàn về việc áp dụng Tông hiến mới về Giáo triều Roma, do Đức Thánh Cha ban hành, ngày 19 tháng Ba năm nay và bắt đầu có hiệu lực từ ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 05 tháng Sáu vừa qua.

2. Các nạn nhân khủng bố tại Sri Lanka cám ơn Đức Thánh Cha

Trong dịp tiếp kiến mới đây dành cho Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng giám mục Colombo, tại Vatican, Đức Thánh Cha đã trao cho Đức Hồng Y ngân khoản 100.000 đôla, tương đương với 36 triệu Rupees, để góp phần giúp đỡ thân nhân của các nạn nhân các vụ khủng bố.

Số tiền này được trao cho các gia đình liên hệ, hôm 14 tháng Tám vừa qua, tại Đền thánh Antôn ở Kochchikade, trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Brian Udaigwe, người Cameroon, Sứ thần Tòa Thánh tại Sri Lanka, và Đức Hồng Y Malcolm Ranjith.

Đền thánh này là một trong những thánh đường và khách sạn bị khủng bố bằng bom ngày 21 tháng Tư năm 2019, làm cho 267 người chết và 500 người bị thương.

Cha Jude Chrisantha, Giám đốc truyền thông Công Giáo Sri Lanka, cho biết món quà cứu trợ của Đức Thánh Cha được trao cho gia đình của những người bị nạn ở Đền thánh Antôn, và tại nhà thờ thánh Sebastiano ở Katuwapitiya. Có 380 gia đình liên hệ ở hai nơi nói trên. Caritas Sri Lanka cũng đã trợ giúp mỗi gia đình 100.000 Rupees (279 US), và mỗi người bị thương nặng được giúp 75.000 Rupees.

Lên tiếng tại buổi trao tặng cứu trợ, hôm 14 tháng Tám, Đức Hồng Y Ranjit cho biết Giáo hội sẽ tiếp tục tranh đấu để yêu cầu chính quyền thực thi công lý cho các nạn nhân, và ngài kêu gọi Tổng thống Sri Lanka điều tra về những tin nói là có những mưu mô chính trị đằng sau những vụ tấn công khủng bố này. Đức Hồng Y nói: “Tôi thỉnh cầu Tổng thống đừng do dự giải thích điều mà ủy ban cho Tổng thống bổ nhiệm đã nói trong những phần kết luận”.
 
Chấn động: Giữa Moscow, ám sát quân sư chiến tranh của Putin. Xe hơi nổ tan nát. Con gái đi thay cha
VietCatholic Media
15:40 21/08/2022


1. Truyền thông nhà nước Nga loan tin vụ đặt bom ở Mạc Tư Khoa nổ tung xe hơi của con gái của nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong một diễn biến đang gây choáng váng cho người Nga, một vụ đặt bom xe hơi đã diễn ra ngay tại thủ đô Mạc Tư Khoa nhằm giết chết một nhân vật hàng đầu trong guồng máy chiến tranh của Putin. Ông ta được tin là kiến trúc sư cuộc chiến tại Ukraine.

Tờ Newsweek vừa có bài nhan đề “Mạc Tư Khoa Car Blast Kills Daughter of Putin's Top Propagandist: State Media” nghĩa là “Truyền thông nhà nước loan tin vụ đặt bom ở Mạc Tư Khoa nổ tung xe hơi của con gái của nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Con gái của một “nhà tuyên truyền” người Nga có quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin được tường trình đã thiệt mạng trong một vụ nổ xe hơi vào tối thứ Bảy ở Mạc Tư Khoa. Vụ nổ có lẽ là dành cho cha cô. Một số hãng truyền thông quốc tế và tờ Washington Post đã đưa tin về vụ việc, trong đó các đoạn video cho thấy một chiếc xe hoàn toàn chìm trong biển lửa.

Daria Dugin, con gái của Aleksandr Dugin, được cho là đã ở trong chiếc xe khi chiếc xe phát nổ vào tối thứ Bảy.

Thông tấn xã TASS của nhà nước Nga đưa tin, và được Washington Post trích dẫn rằng “Một chiếc Toyota Land Cruiser Prado đã phát nổ gần Velyki Vyazomy ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, hậu quả là người lái xe đã tử vong, các cơ quan thực thi pháp luật đã thông báo như trên”.

Washington Post đã báo cáo thêm như sau.

“Aleksandr Dugin là cố vấn chủ chốt của Putin. Con gái ông ta, cô Daria Dugina, đã thiệt mạng trong một vụ nổ xe hơi ở khu vực Mạc Tư Khoa, theo hãng truyền thông nhà nước Tass của Nga. Một người bạn của Dugin nói với thông tấn xã TASS rằng Daria Dugina và cha cô ta tham dự một lễ hội, và cô ta đã lái xe về trước. Vụ nổ xảy ra đã nhấn chìm chiếc xe trong biển lửa.”

Hãng truyền thông Ukraine Pravda nói rằng Aleksandr Dugin là động lực tuyên truyền của Nga kể từ cuộc xâm lược Crimea năm 2014 và là một trong những kiến trúc sư của cuộc xâm lược Ukraine năm 2022.

“Dugin nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ đối với những người có liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine. Dugin là người sáng lập phong trào tư tưởng ‘Chủ nghĩa Tân Á Âu’ và hoạt động chính trị của ông là nhằm tạo ra một siêu cường Á-Âu thông qua sự hợp nhất của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ để hình thành một Liên minh Á-Âu mới. Dugin được tường trình là một người theo ý thức hệ phân biệt chủng tộc, và được gọi là tên đồ tể người Ukraine. Báo chí quốc tế gọi Dugin là ‘Rasputin của Putin’ hay ‘bộ não của Putin’, người đã giúp hình thành quan điểm của Putin về nước Nga. Dugin cũng từng là tổng biên tập của kênh truyền hình Nga Tsargrad TV nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Tân Á-Âu”.

Hồi cuối tháng 4, Aleksandr Dugin nói rằng bất kỳ quốc gia nào cung cấp vũ khí để viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga đều nên chuẩn bị cho tình thế là Nga đến lượt mình, sẽ cung cấp vũ khí cho bất kỳ kẻ xâm lược nào của họ.

“Nếu Hoa Kỳ và các nước Âu Châu đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, lẽ nào Nga lại không cung cấp các hệ thống vũ khí khác nhau cho các đối tác và những ủy nhiệm của mình”, Dugin viết vào thời điểm đó.

Điều đó có nghĩa là Nga sẽ cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho Cuba, Venezuela hoặc bất kỳ quốc gia nào khác đang có căng thẳng với Mỹ

Cuộc chiến Nga-Ukraine đang bước vào mốc nửa năm trong tuần này, với ngày thứ Tư là trung điểm.

Nga bắt đầu xây dựng quân đội dọc theo biên giới phía bắc và phía tây của Ukraine vào cuối tháng Giêng, và họ bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kể từ đó, đã có thương vong nặng nề cho cả hai bên, bao gồm dân thường Ukraine, chiến binh nước ngoài, quân đội Ukraine và hơn 44.000 người Nga.

Nga không chiếm được Kyiv, Lviv và Odesa, nhưng họ đã chiếm đóng nhiều vùng ở phía đông Ukraine. Nga đã chiếm phần lớn vùng Donbas, bao gồm Luhansk, Severodonetsk, Donetsk và Mariupol. Họ đã chiếm bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nga cũng đã chiếm đóng các thành phố lớn phía nam Kherson và Melitopol, tiến dần về phía Odesa và khu vực tây nam Transnistria gần biên giới Moldova.

Ukraine đang trong tình trạng báo động đặc biệt cao vào tuần tới khi nước này sắp kỷ niệm Ngày Độc lập. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng Nga có thể làm điều gì đó “đặc biệt tồi tệ” trong lễ kỷ niệm ngày độc lập của Ukraine.

Theo BBC, bản thân cô Daria Dugin, năm nay 30 tuổi cũng là một nhà tuyên truyền cho cuộc chiến của Putin tại Ukraine. Cô ta cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Anh và Canada.

2. Nhà lập pháp Nga từ con, tố cáo con gái là 'kẻ phản bội' quê hương với những lời tố cáo khiến cô ta có thể ở tù rục xương

Hôm thứ Bẩy, chính trị gia người Nga Eduard Isakov đã lên tiếng tố cáo con gái mình là cô Diana Isakova sau khi cô lên tiếng phản đối việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine.

Putin phát động cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2, với mục tiêu đã nêu là “giải phóng” khu vực ly khai Donbas và loại bỏ chính phủ Ukraine của Đức Quốc xã, mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là người Do Thái. Kể từ khi xung đột bắt đầu, Mạc Tư Khoa đã thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến, nhưng một số nhân vật quyền lực trong nước vẫn phản đối cuộc xâm lược.

Diana Isakova, 25 tuổi, con gái của ông Eduard Isakov, là thượng nghị sĩ của Okrug tự trị Khanty-Mansiysk – đã trở thành người Nga mới nhất lên án chiến tranh trong một cuộc phỏng vấn với BBC được công bố hôm thứ Sáu.

Trong cuộc phỏng vấn, Isakova nói:

“Làm thế nào điều này có thể chấp nhận được? Người này giết người kia, và đây là Nga, tôi sống ở một đất nước đã làm ra chuyện này. Và tôi đã khóc rất nhiều trong những ngày đầu tiên, cảm giác rất tang tóc, như thể ai đó đã chết, như thể một người thân nào đó đã chết”.

Cô nói thêm, những bất đồng của cô với cha mình đã gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa hai người. Những căng thẳng này đã được công khai khi Isakov tố cáo con gái mình là “kẻ phản bội” quê hương. Ông Thượng nghị sĩ tán tận lương tâm đến mức cáo buộc con gái ruột của mình nhận tiền của nước ngoài để tố cáo chiến tranh, và cho rằng cô ấy “đã bán cha, gia đình, quê hương để có thể rời bỏ nước Nga”. Nhiều quan sát viên cho rằng dù ông Thượng nghị sĩ có sợ Putin đến đâu, ông ta cũng không nên kết án con gái mình là nhận tiền của nước ngoài. Một tuyên bố như thế có thể khiến con gái ông phải vào rơi vào vòng lao lý. Trên mạng xã hội, nhiều người đi xa đến mức cho rằng sau những cuộc tấn công man rợ đối với người Ukraine, chuyện này cho thấy người Nga khốn nạn ngay cả với con cái mình.

“Nhưng, thật không may, con gái tôi chỉ muốn cường điệu về một chủ đề nghiêm túc như vậy, vì vậy cô ấy đã quay sang giới truyền thông, nói về quan điểm của mình, không quên đề cập rằng cô ấy là con gái của một thượng nghị sĩ,” ông cho biết và nói thêm rằng mình ngừng liên lạc với cô ấy “từ thời điểm tôi phát hiện ra rằng nó có quan điểm chống Nga.”

“Tôi không chu cấp cho nó, tôi đuổi nó ra khỏi nhà. Tôi nghĩ rằng nó sẽ phải đi làm, bắt đầu một cuộc sống trưởng thành, phải suy nghĩ như một người trưởng thành”.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói về cuộc triển lãm xe tăng Nga trên đường phố Kyiv

Nhà nước xâm lược có kế hoạch chiếm thủ đô của Ukraine trong ba ngày và tổ chức một cuộc duyệt binh trên phố Khreshchatyk. Nhưng thay vào đó, hàng tấn kim loại phế liệu, từng là thiết bị quân sự của Nga, hiện được trưng bày ở trung tâm thành phố Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cho biết như trên khi bình luận về cuộc triển lãm các thiết bị quân sự bị phá hủy của Nga trên phố Khreshchatyk.

“Nga đã xâm lược Ukraine một cách ngạo mạn. Tôi đã tận mắt chứng kiến những bộ đồng phục nghi lễ trong xe tăng của họ. Những kẻ xâm lược mơ ước chiếm được Kyiv trong 3 ngày. Quân xâm lược Nga dự định tổ chức một cuộc duyệt binh ở thủ đô của chúng tôi. Ok, họ ở đây. Hàng tấn sắt vụn,” Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov nói.

Ông Reznikov lưu ý rằng khoảng 80 thiết bị quân sự của Nga, đã bị phá hủy và được chuyển về từ các khu vực khác nhau của Ukraine, được trưng bày trên phố Khreshchatyk, cụ thể là các xe tăng T90, T80 và T72, hệ thống pháo tự hành, pháo hỏa tiễn, thiết giáp, cáchệ thống hỏa tiễn Pantsir-S1, TOS-1A Solntsepyok, pháo tự hành Hosta, v.v.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các mảnh vỡ hỏa tiễn S-300 và đạn MLRS mà quân xâm lược Nga sử dụng chống lại Kharkiv.

“Thật không may, những mảnh vỡ như vậy có thể được thu thập ở nhiều thành phố của Ukraine. Mykolaiv, Nikopol, nhiều khu định cư ở Vùng Donetsk, các cộng đồng ở Vùng Chernihiv và Vùng Sumy đang liên tục hứng chịu các đợt pháo kích.”

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov, cuộc triển lãm này được sắp xếp theo hướng dẫn của chính phủ Ukraine. Đây là một dự án chung của Bộ Quốc phòng Ukraine, Bộ Nội vụ Ukraine và các cơ quan hành chính quân sự.

“Cuộc triển lãm này nhằm chứng minh rõ ràng, những thiết bị chiến tranh, mang đến cái chết, đã bị chặn lại bởi những người Ukraine. Để nhắc nhở mọi người rằng chiến tranh vẫn tiếp tục và những người lính của chúng ta cần được hỗ trợ. Chúng ta phải giữ sự đoàn kết và sẵn sàng đánh địch. Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể làm được điều này một cách xuất sắc.”

Theo lời của ông, trong hơn sáu tháng, Quân đội Ukraine đã loại bỏ khoảng 45.000 quân xâm lược Nga và phá hủy hơn 10.000 thiết bị và phương tiện quân sự hạng nặng, bao gồm cả tàu tuần dương Mạc Tư Khoa của Hải quân Nga.

“Cuộc duyệt binh” này chứng tỏ rằng người Ukraine đã làm được điều mà không ai tin tưởng - họ đã ngăn chặn đội quân từng là 'thứ hai thế giới'. Vẫn còn rất nhiều thử thách và những trận chiến khó khăn ở phía trước. Đáng buồn thay, có những mất mát ở phía trước. Nhưng, càng ngày càng có nhiều người tin rằng chiến thắng của Ukraine là không thể tránh khỏi”, ông Reznikov nhấn mạnh.

4. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn Phòng Không Nga bị loại khỏi vòng chiến

Trong bản báo cáo chiều Chúa Nhật 21 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết giao tranh đã bùng lên ở miền Nam Ukraine khi quân Nga tìm cách cải thiện vị trí chiến thuật và khai thông con đường tiếp tế cho Kherson. Trong buổi sáng ngày Chúa Nhật, Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn Phòng Không Nga bị loại khỏi vòng chiến sau một cuộc giao tranh bằng pháo binh với quân Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:

“Tình hình địa bàn hoạt động của chúng tôi rất phức tạp và căng thẳng, nhưng đã được lực lượng phòng thủ khống chế. Quân Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động thù địch dọc tuyến phòng thủ. Không có thay đổi đáng kể nào về thành phần và vị trí”

Đối phương đã cố gắng tấn công vào Tavriysky từ Oleksandrivka với lực lượng của một đại đội súng trường cơ giới và được hỗ trợ bởi ba xe tăng nhưng không thành công.

Ngoài ra, người Nga đã 9 lần tấn công các vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine dọc theo đường giới tuyến bằng máy bay cường kích và trực thăng.

“Quân Nga đã tấn công bằng hỏa tiễn Kalibr ngay giữa ban ngày vào Voznesensk. Mười bốn thường dân bị thương, bao gồm cả trẻ em. Tất cả các nạn nhân đều bị thương vừa và nặng”.

Lực lượng không quân của Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành 5 cuộc tấn công vào các cụm nhân lực, vũ khí và thiết bị của đối phương.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện hơn 230 vụ pháo kích, đánh trúng sở chỉ huy của trung đoàn cường kích phòng không số 247 thuộc sư đoàn tấn công miền núi số 7 của Nga và phá hủy kho đạn của đối phương ở Chornobayivka và Starytsi.

Quân xâm lược mất 75 binh sĩ, hệ thống Giatsint-S, hai xe tăng T-72 và sáu xe bọc thép.

5. Sau vụ tấn công Crimea lần thứ ba, thế giới Hồi Giáo yêu cầu Nga trả tự do cho những người Hồi Giáo bị bắt oan

Hôm thứ Tư, theo người đứng đầu Crimea do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, là Ông Sergey Aksyonov cho biết sáu phần tử Hồi giáo cực đoan bị cáo buộc có liên quan đến các vụ nổ ở bán đảo này đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Kamikaze vào Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải của Nga ở Crimea, báo chí tại thủ đô Cairo của Ai Cập cho rằng 6 người Hồi Giáo này đã bị bắt oan vì sau khi họ bị bắt các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.

Các phương tiện truyền thông của Ai Cập cho rằng việc bắt 6 người Hồi Giáo này chỉ là nhằm trấn an dư luận và chỉ là một trò tuyên truyền nhằm giảm thanh thế của quân đội Ukraine. Họ là những người vô tội và phải được sớm trả tự do.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuộc tấn công lần thứ ba đã diễn ra vào lúc 8:20 sáng thứ Bẩy 20 tháng 8, theo giờ địa phương; và đã gây ra một cảnh nhốn nháo kinh hoàng chưa từng có. Những tiếng súng nổ như bất tận, tiếng quát tháo, tiếng chân chạy rầm rập xen kẽ với những tiếng nổ, khiến người ta có cảm tưởng như giao tranh đang diễn ra trong thành phố. Ông Refat Chubarov, chủ tịch của cộng đồng Mejlis của người Tarta ở Crimea đã cho biết như trên.

Lúc 8:56 sáng thứ Bẩy, các chương trình truyền hình thường lệ đã ngưng ngang để tường thuật tuyên bố của Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm, là ông Mikhail Razvozhaev. Ông ta nói: “Thật không may, những chiếc máy bay không người lái đã không bị bắn hạ, mặc dù chúng hoạt động ở tầm bay thấp và hạ xuống dần. Không có nạn nhân.”

Tuy Mikhail Razvozhaev khẳng định “Không có nạn nhân” nhưng các nhân chứng có mặt tại hiện trường ghi nhận nhiều xe cứu thương đã hối hả lao đến Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải. Nga luôn tìm cách che giấu thương vong nên không có cách nào biết chính xác tổn thất của phía Nga trong vụ này. Dù vậy, khả năng của quân Ukraine đánh sâu đến 160km trong hậu phương của quân Nga đã gây ra một chấn động tâm lý rất lớn.
 
GH Nicaragua kêu gọi thế giới Công Giáo cầu nguyện cho vị GM, các LM bị độc tài bắt lúc 3 giờ sáng
VietCatholic Media
17:09 21/08/2022


1. Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Cuba về vụ bắt giữ Đức Cha Rolando Alvarez

Từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Cuba, gọi tắt là COCC, chúng tôi muốn công bố thông điệp đoàn kết do Đức Cha Emilio Aranguren Echeverría, chủ tịch COCC và là Giám mục của Giáo phận Holguín - Las Tunas gởi đến Đức Cha Carlos Enrique Herrera Gutiérrez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua và là Giám mục Jinotega, sau sự gia tăng các sự kiện đau thương mà Giáo hội lữ hành hương ở đất nước này đang phải trải qua.

Havana, ngày 19 tháng 8 năm 2022

Trọng Kính Hiền Huynh

Carlos Enrique Herrera Gutiérrez

Giám mục của Jinotega

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua


Hiền huynh thân mến:

Trong vài tuần qua, chúng tôi đã biết thông qua các mạng xã hội và các thông điệp do CELAM và các Hội đồng Giám mục khác công bố, về sự gia tăng liên tục các giai đoạn đau thương đã gây ra đau buồn và thống khổ cho Dân Thánh trung thành của Thiên Chúa tại Quốc gia thân yêu của hiền huynh.

Các Giám mục Công Giáo Cuba, cùng với các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ và tín hữu của chúng tôi, cầu nguyện và đồng hành với Hội thánh Chúa tại Nicaragua với tất cả tình cảm huynh đệ.

Chúng tôi cám ơn Giáo Hội Nicaragua về chứng từ trung thành với Chúa Kitô và sự khiêm nhường mà họ đang dâng hiến, sự hiệp thông mà họ đã duy trì giữa những thử thách và lòng tin tưởng thanh thản nơi Chúa Phục Sinh mà họ đang rao truyền trong những giờ này trên Thập Giá.

Hướng về Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm được người dân Nicaragua vô cùng yêu mến, chúng tôi cầu xin Đức Mẹ để sự khôn ngoan và ý thức về công ích chiếm ưu thế trong tâm trí những người chịu trách nhiệm ngõ hầu có thể bảo đảm một bầu không khí hòa bình và thanh thản cho người dân Nicaragua. Và xin cho đoàn chiên của Chúa tại Nicaragua có thể bình an và tự do tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng và yêu thương phục vụ mọi người, là sứ mệnh chủ yếu của Giáo Hội

Xin hiền huynh và anh chị em Nicaragua đón nhận vòng tay huynh đệ của các Giám mục Công Giáo Cuba anh em. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ hiền huynh và anh chị em.

Emilio Aranguren Echeverría

Giám mục của Holguin

Chủ tịch COCC

Source:Sismografo

2. Chế độ Nicaragua bắt giữ vị giám mục trong cuộc đột kích trước rạng đông

Inés San Martín, trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma, có bài tường trình nhan đề “Nicaraguan regime arrests bishop in overnight raid”, nghĩa là “Chế độ Nicaragua bắt giữ vị giám mục trong cuộc đột kích đêm khuya”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Theo các báo cáo địa phương, sau hai tuần bị quản thúc tại Tòa Giám Mục, Đức Cha Rolando Alvarez, Giám Mục của Matagalpa, Nicaragua, đã bị cảnh sát bắt đi trong một đoàn xe gồm ít nhất tám xe tuần tra vào khoảng 3 giờ sáng.

100% Noticias, một hãng tin của Nicaragua, báo cáo rằng các nhân chứng đã nhìn thấy vị giám mục, cùng với 8 người trong số những người bị buộc phải ở trong Tòa Giám Mục, bị đưa ra khỏi thành phố.

Boletin Ecologico, một hãng thông tấn địa phương khác, có video về tiếng chuông nhà thờ vang lên để cảnh báo người dân Matagalpa rằng cảnh sát đã bắt giữ vị giám mục, vào sáng sớm ngày thứ Sáu, ngày 19 tháng 8.

Trong số những người đã xác nhận rằng cảnh sát đã “bắt cóc” Đức Cha có Cha Edwin Roman, là người bị buộc phải lưu vong vào năm ngoái. Ngài đang sống ở Miami, cùng với Đức Cha Silvio Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, là người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu rời khỏi đất nước.

Một số nguồn tin đã nói với Crux trong những ngày gần đây rằng chính phủ Ortega muốn bịt miệng Đức Cha Alvarez “bằng bất cứ giá nào” và vị giám mục này đã được đề nghị rời khỏi đất nước hoặc đối mặt với nhà tù. Đức Cha Alvarez, đã từng bị lưu vong vào những năm 1980 bởi cuộc cách mạng Sandinista lần đầu tiên đưa Ortega lên nắm quyền, đã kiên quyết từ chối rời Nicaragua.

Nếu chế độ của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, vẫn giữ nguyên ý định, vị giám mục và những người đi cùng với ngài sẽ bị đưa đến nhà tù khét tiếng El Chipote ở Managua, nơi giam giữ hơn 190 tù nhân chính trị.

Đức Cha Alvarez, cùng với năm linh mục và sáu giáo dân, đã bị mắc kẹt trong Tòa Giám Mục kể từ ngày 3 tháng 8. Ngày hôm sau, cảnh sát đưa ra một thông báo cho biết vị giám mục đang bị điều tra. Ba giáo dân đã được phép rời khỏi Tòa Giám Mục trước cuộc đột kích của cảnh sát.

Tuyên bố của cảnh sát cáo buộc vị giám mục “tổ chức các nhóm bạo lực, xúi giục họ thực hiện các hành vi thù hận chống lại người dân,” với mục đích “gây bất ổn cho Nhà nước”.

“Chính thức họ đã nói rằng nhà của chúng tôi là nhà tù của chúng tôi,” vị giám mục nói vào thời điểm đó, khi giải thích tuyên bố của cảnh sát.

Kể từ khi bị quản thúc tại gia, Đức Cha Alvarez tiếp tục dâng Thánh lễ - được phát trực tuyến - với các thông điệp tập trung vào sự tha thứ và một Thiên Chúa “nhìn thấy tất cả, và trong Bí tích Thánh Thể chiến thắng bóng tối và bất bình đẳng, mà trong mỗi Thánh lễ đều khiến các địa ngục run sợ”.

Ngài cũng nói rằng ngài và những người bị giam giữ với ngài đang đặt niềm tin vào Chúa, “vui mừng vì Ngài ở cùng chúng ta, bởi vì sức mạnh và niềm hy vọng nội tại của chúng ta đến từ Ngài, niềm vui thanh thản của chúng ta, niềm hy vọng vững chắc và niềm tin rằng Chúa không bao giờ làm ta thất vọng, rằng Thiên Chúa luôn luôn có lời cuối cùng trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử của chúng ta.”

Vatican vẫn chưa đưa ra bình luận nào về những gì đang xảy ra ở Nicaragua, thậm chí không có quan chức cấp cao nào đề cập đến việc bọn cầm quyền quản thúc Đức Cha Alvarez tại gia.

Hôm thứ Tư, 26 vị là cựu Nguyên thủ Quốc gia Mỹ Latinh và Tây Ban Nha bày tỏ quan ngại về “cuộc đàn áp tôn giáo do chế độ độc tài gây ra” và yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng để bảo vệ người dân Nicaragua và tự do tôn giáo.

Chế độ Ortega-Murillo từ lâu đã coi hàng giáo phẩm Công Giáo là kẻ thù của họ, và liên tục tấn công Đức Cha Baez, Đức Cha Alvarez và Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua.

Một số hội đồng giám mục cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Giáo Hội ở Nicaragua, bao gồm CELAM, ủy ban giám mục khu vực Mỹ Latinh và Caribê.

Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras tuần này nói rằng “cuộc chiến âm thầm mà họ đang thực hiện để bách hại Chúa Giêsu trong Giáo hội của Ngài ở quốc gia chị em Nicaragua, không phải là ngọn lửa mà Chúa Giêsu đến mang theo”.

Tại El Salvador, Hồng Y Gregorio Rosa Chavez, nói rằng cuộc đàn áp người Công Giáo ở Nicaragua là “trường hợp tử đạo kinh hoàng nhất” trong khu vực.
Source:Crux

3. Đức Hồng Y thăm giám mục bị bắt cóc bởi chế độ độc tài Nicaragua: Tinh thần của ngài rất mạnh mẽ

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục của Managua, Nicaragua, đã được gặp vị giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, vài giờ sau khi chế độ độc tài Daniel Ortega bắt cóc ngài vào đầu giờ ngày 19 tháng 8.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều ngày 19 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục báo cáo rằng “tình trạng thể chất” của Đức Cha Álvarez “đã xấu đi,” nhưng “tâm trí và tinh thần của ngài rất mạnh mẽ.”

Trong tuyên bố cùng ngày, tổng giáo phận Managua bày tỏ “sự đoàn kết và gần gũi của mình với giáo phận chị em Matagalpa, trước sự kiện đau buồn đã trải qua sáng nay.”

Tổng giáo phận cho biết: “Đức Hồng Y Tổng Giám mục Leopoldo Brenes đã có cơ hội đến thăm và nói chuyện với Đức Cha Álvarez tại một ngôi nhà của những người thân của ngài, thể hiện lòng quý trọng huynh đệ nhân danh Giáo Hội Nicaragua của chúng ta”.

Đức Cha Rolando Álvarez đang bị quản thúc ở đó.

“Đức Cha Álvarez đã bày tỏ sự tin tưởng vào lời cầu nguyện của mọi người khi đối mặt với tình huống khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua trong sự hiệp thông của Giáo hội,” tuyên bố cho biết.

Tổng giáo phận Managua nhấn mạnh rằng “cầu nguyện là sức mạnh của Kitô hữu”, vì vậy “chúng tôi mời anh chị em tiếp tục cầu xin Chúa Kitô quan phòng và trông nom đàn chiên nhỏ bé này của Ngài.”

“Chúng tôi hy vọng lý do đó, cũng như sự hiểu biết tôn trọng, sẽ mở ra hướng giải quyết cho tình huống nguy cấp và phức tạp này cho tất cả mọi người,” thông điệp kết luận.

Theo cảnh sát, các linh mục và chủng sinh bị giam giữ ở Managua đang bị giam giữ “trong Tổng cục Hỗ trợ Tư pháp”, trong một nhà tù được gọi là “El Chipote,” khét tiếng về tra tấn đối với những người chống đối chế độ độc tài Ortega.

Nói chuyện với ACI Prensa ngày 19 tháng 8, luật sư Martha Patricia Molina Montenegro nói rằng đối với vị giám mục bị bắt cóc “có hai kết quả”, đó là “lưu đày hoặc ngồi tù.”

Tuy nhiên, cô nói, Álvarez “sẽ không bao giờ khoan nhượng” và sẽ không rời khỏi Nicaragua, “và càng quyết tâm nói không hơn khi ngài biết rằng các linh mục và chủng sinh đi chung với ngài đã bị đưa đến nhà tù tra tấn được gọi là El Chipote.”
Source:Catholic News Agency